Sự có mặt của khoảng hai trăm lính thủy Mỹ của USS Vandegrift sẽ là hình ảnh dễ đập vào mắt mọi người, nói lên triển vọng bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai quốc gia.

Một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng có một quan hệ hợp tác quốc phòng phi chính thức với Hoa Kỳ ở một mức độ mà không làm Trung Quốc lo ngại.

Arthur Waldron, từng dạy tại đại học Thủy quân Mỹ và hiện là giáo sư môn quan hệ quốc tế tại đại học Pennsylvania, cho rằng chuyến thăm của tàu Vandegrift là một phần trong nỗ lực thăm dò của cả hai bên.

"Mấu chốt của vấn đề là liệu Việt Nam có thể tạo nên một mối quan hệ với Mỹ giúp Việt Nam lập lại thế cân bằng trước các thách thức mà Hà Nội gặp trên biển và trên bộ."

Ông Waldron nói hai nước có tiến được thêm nữa hay không phụ thuộc vào Việt Nam, một nước mà vì nhiều lý do dễ hiểu, vẫn còn rất nghi ngờ Mỹ.

"Bên cạnh đó, hiện nay theo tôi Hà Nội đang phân rẽ giữa hai khuynh hướng. Một bên mà đa số là người thuộc giới dân sự trong đảng, thân Trung Quốc miễn là quyền lợi được bảo đảm, và một bên có khuynh hướng quốc gia."

Ông Waldron cho rằng nhóm thứ hai yếu thế và cần tìm đồng minh bên ngoài, nhưng theo một cách mà không làm Trung Quốc lo ngại.

Nỗi lo về Trung Quốc

Theo một báo cáo gần đây của RAND Corporation, một trung tâm nghiên cứu quốc phòng có thế lực tại Mỹ, thì các quốc gia trong khối ASEAN chia sẻ quan ngại của Mỹ về Trung Quốc và muốn thắt chặt quan hệ quân sự với Washington.

Nhìn từ góc cạnh này, quan hệ Việt-Mỹ cho phép Việt Nam trở thành đồng minh ở dạng tiềm năng của Mỹ trong khu vực.

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây lại xuất hiện tin đồn không được Washington xác nhận rằng Hoa Kỳ muốn có thể đóng lực lượng thủy quân tại cảng của Việt Nam.

Nhưng mặt khác, một số nhà phân tích cho rằng mỗi nước trong khối ASEAN lại có chiến lược riêng với Trung Quốc.

Các nước ASEAN không tin cả Bắc Kinh và Washington và muốn có những định chế đa phương nhằm ngăn khu vực Đông Nam Á trở thành một mặt trận giữa hai cường quốc.

Ramses Amer là chuyên gia về Việt Nam thuộc đại học Uppsala, Thụy Điển, nói rằng cũng dễ hiểu khi sự kiện tàu chiến Mỹ đến Việt Nam có thể dẫn tới các đồn đoán rằng hai nước đang xích lại gần nhau.

"Nhưng tôi nghĩ cần xem sự việc này trong một khung cảnh rộng hơn. Ví dụ, như cuộc tập trận chung trên biển vừa diễn ra của Trung Quốc và Ấn Độ."

"Nó cho thấy tất cả các nước hiện nay đều cố gắng đa dạng hóa các quan hệ đa phương."

Ông Amer nói Việt Nam muốn cho thấy họ có quan hệ tốt với nhiều nước bên ngoài khu vực bất chấp các vấn đề về chính trị, như vậy chứng tỏ họ không bị cô lập.

"Theo tôi, giờ đây không có nước nào lại chỉ muốn có một quan hệ chiến lược phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất. Đó là cái nhìn từ Việt Nam."

"Còn về phía Mỹ, họ thấy Việt Nam có một vị trí chiến lược khá quan trọng trong khu vực, và vì vậy, Mỹ không thể cứ mãi đình hoãn việc bình thường hóa quan hệ quân sự."

Những giá trị của Hoa Kỳ

Một quan hệ tốt giữa Mỹ và Việt Nam sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Nhưng người ta không quên rằng đây là mối quan hệ giữa hai nước với hai ý thức hệ khác hẳn nhau.

Herbert Schandler, giáo sư thuộc đại học Quốc phòng Hoa Kỳ (National Defence University), một trong các trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy trong quân đội Mỹ, nói châu Á là khu vực nơi mà quyền lợi của Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ trùng với nhau.

"Điều quan trọng cho Hoa Kỳ là bảo đảm tự do trên biển, và ủng hộ các quốc gia tự do ở châu Á muốn duy trì tự do và nhân quyền của họ."

Theo ông Schandler những đòi hỏi của Hoa Kỳ về dân chủ, nhân quyền có là một trở ngại cho quan hệ Việt-Mỹ, trong đó có quan hệ quân sự, hay không?

"Chiến lược của Hoa Kỳ là thân thiện với mọi nước. Chúng tôi không muốn lật đổ ai mà muốn đưa tất cả đi theo hướng đi về tự do, nhân quyền và sự dung thứ – đó là nguồn gốc cho sức mạnh của chúng tôi."

"Chúng tôi hi vọng các nước Đông Nam Á sẽ đi theo hướng đó. Và như vậy, một mặt chúng tôi tôn trọng quan điểm của Việt Nam, mặt khác chúng tôi hi vọng khi Việt Nam phát triển kinh tế, Việt Nam cũng sẽ hướng về một xã hội dân chủ và tôn trọng nhân quyền hơn."

Đó hẳn không phải là quan điểm làm các nhà lãnh đạo tại Hà Nội an tâm. Nhưng dù sao chuyến thăm của chiến hạm Mỹ lần này chứng tỏ Việt Nam có thể để mối quan hệ quân sự đi ở mức chấp nhận được cho cả hai phía và cho các nước khu vực.

Đó là một khởi đầu và để đi xa hơn sẽ còn cần thời gian, như lời giáo sư Ramses Amer, đại học Uppsala, Thụy Điển.

"Có lẽ ở cả hai phía, vẫn còn quá nhiều người thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam. Và người ta sẽ còn phải chờ đợi lâu hơn trước khi có những sự thay đổi toàn diện. Nhưng sớm hay muộn, tôi cho là sự thay đổi đó vẫn sẽ diễn ra." (BBC)