Cho tới nay 61 tỉnh và thành phố trên toàn quốc đang chứng kiến ra tăng số ca nhiễm và tử vong tăng ở mức báo động.

Số liệu của Bộ Y Tế cho thấy tới cuối tháng Mười năm 2003 đã có hơn 73.660 ca HIV-AIDS, 11.254 ca AIDS và 6325 ca tử vong.

Nhìn lại, Việt Nam phát hiện ca nhiễm HIV/Aids đầu tiên ở Tp.HCM vào năm 1990.

Thế nhưng nhà chức trách lấy năm 1993 làm mốc khi dịch bệnh bùng phát tại Tp.HCM vào năm 1993.

Giới chức y tế và các nhà hoạch định chính sách phòng chống căn bệnh này tại Việt Nam cho rằng có ca nhiễm thống kê được vẫn là con số gây nhiều tranh cãi bởi số người nhiễm trên thực tế do không ghi chép được hoặc bị nhiễm mà chưa xét nghiệm có thể còn gấp nhiều lần.

Thống kê cho thấy một thực tế là ma túy và mại dâm vẫn đóng tỷ lệ cao nhất trong nhóm đối tượng bị nhiễm và đang làm lây lan sang các đối tượng khác của xã hội từ trường học tới công sở, từ nhà máy cho tới các quán bar và nay người ta bắt đầu nói tới việc lây nhiễm từ chồng sang vợ, mẹ sang con…

Một trong những thách thức đối với các nước trong đó có Việt Nam đối với HIV-AIDS là việc kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người không may lây nhiễm HIV-AIDS.

Thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp người bị nhiễm đã bị chính người nhà của họ ruồng bỏ.

Thân nhân người mắc HIV-AIDS thậm chí không dám tiếp xúc và phân biệt đối xử với người có HIV.

Đa số những người bị nhiễm HIV-AIDS đều có cảm giác chung là suy sụp về tinh thần và đó là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng rất nhanh tới thể trạng người bị nhiễm.

Việc giúp đỡ những người nhiễm bệnh, đặc biệt là những người trong giai đoạn cuối hiện đang nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của một số tổ chức tôn giáo, xã hội, những người tình nguyện và cả những người đang nhiễm HIV-AIDS.

Ông Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở y tế Tp.HCM và là phó chủ tịch Ban phòng chống HIV-AIDS Tp.HCM cho rằng một trong những thách thức lớn là Việt Nam chưa có các biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn nguy cơ trong những năm tới.

Ông Giang cũng nói rằng không nên y tế hóa công cuộc phòng chống dịch bệnh này.

Hiện Tp.HCM mặc dù không giáp các tỉnh biên giới nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng đang đứng đầu danh sách toàn quốc với 13066 ca nhiễm HIV.

Tiếp theo Tp.HCM là Quảng Ninh với 6131 ca và Hải Phòng với 6163 ca.

Sau Hà Nội với 5120 ca thì An Giang, giáp ranh với Campuchia đang đứng thứ 5 với tổng số 3.914 ca và nhà chức trách coi đây là "một trong các địa bàn nóng".

“Ma túy, mại dâm là mầm Sida” là khẩu hiệu có tại nhiều ngả đường, trong trường học.

Mặc dù nhận thức trong dân chúng về hiểm họa dịch bệnh dường như không ít, thế nhưng vấn đề là hành vi của mỗi người đối với nguy cơ mắc nhiễm lại chưa có biểu hiện thật tích cực.

HIV-AIDS nay không chỉ tồn tại ở những khu vực được mô tả là tệ nạn xã hội, mà nó còn đang thâm nhập vào từng gia đình và nơi công sở.

Trong khi công cuộc phòng chống AIDS của Việt Nam chưa có tính chiến lược hay mới trong giai đoạn thí điểm thì hàng ngày đang chứng kiến cái chết của không ít người không may lây nhiễm bệnh căn bệnh thế kỷ này.(bbc)