VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, hy vọng nơi thành quả cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Thánh Địa.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thánh Địa từ ngày 24 đến 26-5-2014, ĐHY Parolin nói: ”Tôi thực sự hy vọng rằng thành quả cuộc viếng thăm này là giúp tất cả các vị hữu trách và mọi người thiện chí đề ra những quyết định quan trọng trên con đường hòa bình”.

ĐHY tái bày tỏ lập trường của Tòa Thánh về vấn đề tại Thánh Địa, đó là ”quyền của Israel được hiện hữu, được hòa bình và an ninh trong ranh giới được quốc tế nhìn nhận; quyền của dân tộc Palestine có một tổ quốc có chủ quyền và độc lập, quyền được tự do đi lại, quyền được sống trong phẩm giá. Tiếp đến là sự nhìn nhận tính chất thánh thiêng và phổ quát của thành Jerusalem, gia sản văn hóa và tôn giáo của thành này như một nơi hành hương của các tín hữu thuộc 3 tôn giáo độc thần. Đó là những điểm cố hữu theo chính sách của Tòa Thánh đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine”.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Parolin cũng nhấn mạnh tới tính chất đại kết Kitô trong cuộc viếng thăm của ĐTC và nói rằng: ”Tôi cầu mong cuộc gặp gỡ giữa ĐGH Phanxicô và Đức Thượng Phụ Bartolomaios sẽ khơi dậy ngọn lửa đại kết, vì lòng hăng say tiến bước trên hành trình đại kết phải linh hoạt toàn thể các sáng kiến trong lãnh vực này. Cần phải có lòng hăng hái và sự say mê đối với chính nghĩa hiệp nhất như lời nguyện nồng nhiệt của Chúa Giêsu trong Nhà Tiệc Ly trước khi ra đi chịu khổ nạn và chịu chết”.

Cũng liên quan đến Thánh Địa, hôm 22-5 vừa qua, 20 LM Palestine thuộc Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem, đã viết thư xin ĐTC Phanxicô can thiệp với Nhà cầm quyền Israel để các vị được tự do đi lại, đặc biệt là đến Jerusalem.
Lá thư có đoạn viết: ”Theo Nhà Nước Israel là một quyền lực chiếm đóng bất hợp pháp theo công pháp quốc tế, chúng con không có quyền đến Jerusalem nếu không có giấy phép do chính quyền quân sự Israel cung cấp, và càng ngày chúng con càng không thể xin được giấy phép đó, và điều này thực là một chướng ngại cản trợ việc mục vụ của chúng con”.

Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Jerusalem sẵn sàng cung cấp cho các LM ấy giấy thông hành (laissez-passer), nhưng không có thị thực vì Israel từ chối không đóng dấu trên giấy của Tòa Thánh, vì thế các LM không được tự do di chuyển. Các vị viết: ”Nếu những hạn chế này tiếp tục và gia tăng như hiện nay, thì đời sống Giáo Hội tại Jerusalem càng bị đe dọa và trở nên bấp bênh hơn nữa. Thành Jerusalem ngày càng bị khép kín đối với các tín hữu Kitô ở miền Cisjordani”.

Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem đảm trách 17 giáo xứ với 17.800 tín hữu Công Giáo la tinh tại miền Cisjordani. Tại lãnh thổ này cũng có 22.500 tín hữu Chính Thống (Apic 22-5-2014)