CỘNG ĐOÀN KHÔI BÌNH GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT MỪNG LỄ THÁNH GIUSE THỢ

Giáo Phận Đà Lạt - Hòa cùng niềm vui linh thánh của Giáo Hội hoàn vũ nhân ngày mừng kính lễ thánh Giuse Thợ; và cũng nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho anh chị em Khôi Bình Giáo phận Đà Lạt về ý nghĩa, giá trị của lao động theo quan điểm của Giáo Hội; đồng thời tạo điều kiện cho mọi thành viên Khôi Bình có dịp gặp gỡ nhau để chia sẻ tâm tư, củng cố tình cảm yêu thương gắn bó với nhau hơn; toàn thể thành viên Khôi Bình Giáo Phận Đà Lạt đã quy tụ về nhà thờ Giáo xứ Đức Thanh (xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) để hợp dâng Thánh lễ mừng kính thánh Giuse Thợ.

Bắt đầu 9 giờ sáng, chúng tôi tề tựu trong nhà thờ, trước di ảnh của cha thánh Khôi Bình. Anh Gia trưởng Antôn Phạm Ngọc Thiên thay mặt cộng đoàn thắp hương tưởng nhớ công ơn Cha – Người đã khai sáng con đường nên thánh mà ngày nay nhiều người - trong đó có anh chị em Khôi Bình Giáo phận – được hưởng nhờ.

Dẫn vào Thánh lễ, cha Giuse Phạm Văn Thống, Linh mục Đồng hành Khôi Bình Giáo phận, đã có đôi điều nhắn nhủ. Cha chia sẻ: “Cha Khôi Bình xuất thân trong một gia đình bần nông, ngay thuở thiếu thời đã chịu nhiều gian nan, lận đận trong cuộc sống, phải lao khổ với cơm áo gạo tiền. Để có thể theo đuổi học hành, ngài đã phải vừa đi học vừa cật lực lao động trong nhiều năm trời. Bởi thế mà sau này, khi thi hành chức vụ linh mục, ngài luôn quan tâm chăm lo cho giới cần lao về phần hồn cũng như phần xác. Do đó, ngài đã thành lập những nhóm thợ bạn - tiền thân của Cộng đoàn Khôi Bình ngày nay. Thật vậy, linh đạo Khôi Bình đã luôn gắn liền với thực tại đời sống, tới lao động sản xuất. Cũng bởi thế mà Khôi Bình đã nhận thánh Giuse Thợ là Bổn mạng Khôi Bình toàn thế giới,...”

Với cương vị Đồng hành Khôi Bình Giáo phận, cha mời gọi anh chị em Khôi Bình cùng sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ. Cầu xin Chúa, qua Thánh Giuse và Chân phước Khôi Bình, ban nhiều ơn lành cho mọi thành viên; xin cho người được Chúa gọi về trước mau được hưởng Thánh nhan; người còn sống biết chu toàn phận vụ trong công ăn việc làm theo thánh ý Chúa.

Trong bài giảng, cha đã sơ lược về lịch sử ngày Quốc tế Lao động (01/05). Vào cuối thế kỷ XIX, giới công nhân bị áp bức bóc lột thậm tệ. Họ đã nổi dậy đấu tranh cho quyền lợi của mình. Bắt đầu từ nước Mỹ, phong trào đấu tranh lan tràn khắp Châu Âu, và sau này giới chủ đã phải nhượng bộ. Và ngày nay, để kỷ niệm thắng lợi này, người ta chọn ngày 01 tháng 05 là ngày Quốc tế Lao động.

Về phần mình, Giáo Hội hằng quan tâm đến con cái của mình, nhất là những người lao động. Thế nên Đức Giáo Hoàng Pio XII đã chọn Thánh Giuse làm bổn mạng cho giới cần lao.

Với thánh Giuse, thánh kinh không đề cập nhiều về Ngài, như là Ngài đã nói gì, chế tạo món hàng đặc biệt nào,... Chỉ có danh xưng là một bác thợ mộc, mà nghề mộc lúc đó là một công việc quá tầm thường, chỉ ai thấp kém, ít vốn, không có điều kiện làm nghề khác mới chọn làm mà thôi. Tuy vậy, Thánh Giuse rất yêu mến nghề nghiệp của mình, lao động tận tụy, bảo đảm kinh tế cho gia đình và cũng đã truyền nghề lại cho Chúa Giê-su.

Quả thực, thánh Giuse đã không sợ sự khen chê của người đời, mà chỉ chú tâm vâng theo ý Thiên Chúa trong công việc mà Chúa muốn ngài làm để chu toàn chương trình cứu độ của Người.

Trong xã hội ngày nay, người ta đa phần thích hưởng thụ, thích nhàn nhã mà thu lợi nhuận cao,… Nên từ đó sinh ra nếp sống gian dối, mánh lới, mua gian bán lận,... Nhiều người bị mù tối lương tâm, nên chỉ muốn thoát khỏi nghèo túng bằng mọi cách mà không cần giữ công bằng.

Chúng ta, anh chị em thành viên Khôi Bình, nên học sống và làm việc theo gương thánh Giuse, cũng như cha Khôi Bình, nên biết lấy chính sức lực của mình, cố gắng, tận tụy, hy sinh trong công việc chuyên chính - mà có khi xã hội cho là không giá trị. Tuy thế, những công việc chuyên chính đó lại trở thành nguồn ơn cứu độ.

Xin Thiên Chúa toàn năng, qua Cha Khôi Bình, ban cho chúng ta biết học gương sống của thánh Giuse - là tuân phục ý Chúa trong công ăn việc làm giúp cải thiện kinh tế gia đình, giúp thăng tiến xã hội, và làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Sau Thánh lễ là buổi họp mặt. Anh Anton Thiên, Gia trưởng Khôi Bình Giáo Phận Đà Lạt, đã điểm sơ lược tình hình sinh hoạt Khôi Bình Giáo phận. Cụ thể, số lượng thành viên hiện có trong 7 gia đình Khôi Bình là 128 người; sinh hoạt của các gia đình khá đều đặn, với tần số 2-4 lần/tuần tùy theo gia đình, chủ yếu tập trung Chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ tâm tư tình cảm với nhau,... Tuy nhiên, Khôi Bình Giáo Phận Đà Lạt cũng có không ít hạn chế, như chưa có điều kiện thực hiện những công tác xã hội, chưa lên được kế hoạch phát triển số lượng thành viên,...

Nhân buổi họp mặt, Cha Đồng hành có nhận xét, đây là lần đầu tiên Khôi Bình Giáo phận tổ chức mừng lễ Quan Thầy cách quy mô. Thật vậy, mấy năm trước, vì nhiều lý do trở ngại khách quan, nên dầu muốn cũng không tổ chức được. Chúng ta vô cùng cám ơn Chúa đã từng bước dẫn dắt Khôi Bình Giáo phận tiến lên. Cha tiếp tục nhắn nhủ anh chị em luôn noi gương thánh Giuse, không được mặc cả với Thiên Chúa về công ăn việc làm, không chê nghề mình đang làm là thấp hèn, luôn nỗ lực làm việc để xây dựng kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Đó cũng chính là cách thăng tiến bản thân, gia đình, xã hội, mà Chân phước Khôi Bình mong đợi ở mỗi thành viên chúng ta.

Sau đó, chúng tôi cùng chia sẻ với nhau qua bữa cơm trưa đạm bạc. Bữa cơm diễn ra trong bầu khí đơn sơ nhưng thật đầm ấm, vui tươi theo đúng tinh thần “Gia đình Khôi Bình hòa hợp chung sống tình thương”. Buổi họp mặt giao lưu kéo dài tới 14 giờ cùng ngày, mãi đến khi trời sắp mưa mà đường đất bị lầy lội nên chúng tôi đành phải chia tay nhau trong tình thân ái và rất mong còn được nhiều dịp tái ngộ.

Đà Lạt, ngày 30/04/2014

Giuse Phạm Ngọc Năm