Những vấn đề của APEC được không ít giới doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đặc biệt là nghị trình của Việt Nam về giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vậy nghị trình đó được giới doanh nghiệp phân tích hay mong chờ như thế nào ?

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương, tức là APEC, thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã đem theo các nghị trình riêng của Việt Nam, mà ông Phạm Quốc Trụ, vụ phó vụ Kinh tế đa biên, bộ ngoại giao Việt Nam cho biết 2 điểm chính:

"Cái đề xuất thứ nhất mà Việt Nam đưa ra APEC lần này là thúc đẩy đầu tư. Việt Nam đề nghị APEC xây dựng một khuôn khổ chung để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các thành viên APEC. Việt Nam cũng đưa ra đề nghị thứ hai liên quan đến sự phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và đặc biệt là siêu nhỏ. Việt Nam đề xuất APEC lập quĩ hỗ trợ cho việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ."

Phản ứng từ giới kinh doanh rất khác nhau trước cách đặt vấn đề như vừa rồi. Ông Trương Quí Cư là giám đốc của một công ty cung cấp thiết bị đường ống cho đủ mọi loại hạng mục công trình, từ dầu khí cho đến hóa chất lỏng và khí gaz, nhập hàng từ 20 nước khác nhau, cho biết rất quan tâm đến những diễn biến từ hội nghị APEC, đặc biệt là chính sách mà Việt Nam đặt ra trong nghị trình APEC lần này:

"Chủ trương đó là rất đúng đấy. Bởi vì muốn huy động lực lượng sản xuất, phát huy tiềm năng lao động của nhân dân, của quốc gia hay không là phải phát xuất từ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân cùng các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh. Tuy nhiên hiện tại chính sách nhà nước bị vướng các cấp thừa hành, người ta còn nặng về doanh nghiệp nhà nước."

Vấn đề thông tin và mối quan hệ trực tiếp thông qua một cơ quan giúp đỡ hoạt động thực sự có hiệu quả cũng là mối bức xúc của ông Phạm Hồng Trung, giám đốc công ty thiết bị điện Linh Trung, cũng là một doanh nghiệp có nhiều đối tác nước ngoài và đang cần mở rộng thêm đối tác từ các nước thuộc khối APEC.

"Như đợt vừa rồi công ty này đang qua Kocha – công ty xúc tiến thương mại của Hàn Quốc, để tìm hiểu một số đối tác sắt thép, nhưng mà hiện tại không thể tìm ra được. Liên hệ mấy công ty nhưng cứ fax đi fax lại, nhưng mà có thể họ chưa biết tiềm năng của công ty này cho nên họ chưa chú ý."

Và có lẽ đó cũng là lý do chính khiến giám đốc Phạm Hồng Trung thực sự không quan tâm lắm đến nghị trình hội nghị thượng đỉnh APEC lần này. Một giải pháp thường gặp trong các kỳ hội nghị là nguyên thủ quốc gia đi kèm các đoàn doanh nhân cũng không thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp như Linh Trung

Có không ít các ít kiến cho rằng chính sách cần phải được thành lập từ những tầng thấp nhất trong cơ cấu kinh tế mới mong thực sự có hiệu quả ứng dụng. Giám đốc Trương Quí Cư từ công ty Minh Hòa nhận định:

"Nếu tôi được tham gia vào xây dựng chính sách giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ thì phải nghiên cứu rất cụ thể cho từng ngành hàng, lĩnh vực một, đề ra các chính sách rất cụ thể, có chính sách đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin, hỗ trợ công nghệ. Các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tham gia các khóa đào tạo hoặc trả tiền nhận biết thông tin, mua bán thông tin, hay trao đổi với các đoàn tham quan, học hỏi lẫn nhau."

Không ít ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng các vấn đề vừa nêu, tức là chính sách giúp đỡ thiết thực cho các doanh nghiệp nhỏ, và trợ giúp thông tin kinh doanh, chắc chắn không chỉ là nghị trình để giới lãnh đạo Việt Nam đem ra thế giới, mà còn đang là những đòi hỏi rất mạnh từ nền kinh tế doanh nghiệp đang rất cần phát triển của Việt Nam. (BBC)