(Một số lãnh tụ thế giới tham dự hội nghị APEC tại Bangkok)

Ngoại Trưởng Thai Lan Dr Surakiat đại diện cho nước chủ nhà đã có cuộc họp báo nhân kết thúc hai ngày họp dọn đường cho cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của APEC.

"Tôi cho rằng các nền kinh tế của khối APEC bao gồm tất cả tôn giáo trên thế giới như đạo Phật, đạo Hồi, Thiên chúa, vân vân. Kinh tế của 21 quốc gia này lại bao gồm cả những yếu tố khác nhau về văn hóa, sắc tộc."

"Tuy nhiên, mặc dù có sự đa dạng như vừa đề cập thì chúng ta thấy có rất nhiều cơ hội để làm việc cùng nhau. Do vậy thay vì nói về sự khác biệt thì chúng ta phải học cách làm thế nào để sống với những khác biệt đó và quan trọng hơn là phải làm việc với nhau đối với những sự khác biệt đó."

Thủ tướng Thái Lan tin rằng các nước thành viên khối APEC sẽ có thêm sức mạnh với sự đa dạng và khác biệt và điều đó có nghĩa là các nước sẽ có thể tìm thấy điều ông gọi là sự hợp tác giữa các đối tác.

Và nếu 21 nước thuộc khối APEC là đối tác của nhau thì mục tiêu của APEC đó là sự ổn định và thịnh vượng.

Cũng trong hai ngày họp của các quan chức cao cấp của APEC thì họ đã đặt nền móng cho những vấn đề gì để bàn thảo trong các cuộc họp thượng đỉnh sau.

Dr Makarim Wibisono, lãnh đạo phái đoàn quan chức cao cấp của Indonesia và cũng là chủ tịch ban chống khủng bố của APEC tiết lộ với BBC những chủ đề gì chính sẽ được đem ra bàn thảo tại các phiên họp cấp bộ trưởng và lãnh đạo APEC trong những ngày tới đây.

Dr Makarim Wibisono: Trước hết phải nói tới Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bangkok sẽ là nơi để cộng đồng quốc tế giám sát xem các nước thành viên phản ứng ra sao đối với thất bại đối với các cuộc hội đàm của WTO tại Cancun Mêhicô mới đây.

Do đó mọi người hy vọng sẽ có những kết quả đáng kể nào đó sẽ đạt được tại hội nghị lần này. Một trong những lý do là một số nước có vai trò chính trong kinh tế thế giới sẽ có mặt tại đây như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Singapore, vân vân.

Tức là nếu các nước này đạt được thỏa thuận nào đó thì nó sẽ đóng vai trò quan trọng cho các vòng đàm phán tới của WTO. Và lịch sử đã chứng minh rằng hội nghị thượng đỉnh APEC luôn đóng vai trò đòn bẩy cho thành công của WTO.

Là người đóng vai trò xúc tác trong các cuộc thảo luận chống khủng bố của khối APEC, ông nghĩ vấn đề khủng bố nên được nói tới bất kỳ ở đâu và lúc nào hay chúng ta nên tìm bố cảnh thích hợp để bàn về vấn đề này?

Dr Makarim Wibisono: Trong khi có những tiến bộ trong hoạt động chống khủng bố của khối APEC thì cũng nên giới hạn để không khai thác vấn đề này một cách quá mức.

Nói cách khác đi là chúng ta cần phải tìm được một sự cân bằng theo đó chúng ta phải duy trì và nuôi dưỡng các mục tiêu ban đầu của APEC là hợp tác kinh tế và tự do hóa mậu dịch và đầu tư trong khi không thể không nói tới vấn đề khủng bố.

Nhưng đó cũng là thách thức vì cộng đồng quốc tế sẽ theo dõi những điều nói ra và những điều làm trên thực tế có đi đôi với nhau hay không. Tức là những gì mà các lãnh đạo khối APEC nhất trí thì cũng sẽ phải được thực hiện trên thực tế.

Một số người chỉ trích rằng vấn đề khủng bố bị nhấn mạnh quá đáng và mối liên hệ giữa siêu cường Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố có phần làm gây ảnh hưởng quá trội đối với các nước khác. Vậy quan điểm của ông thế nào?

Dr Makarim Wibisono: Trước sự kiện 11/09 thì khủng bố đã xảy ra tại nhiều nước rồi. Khi chúng tôi mang vấn đề này ra bàn tại LHQ hồi năm 1998 thì một số nước lớn cảm thấy miễn cưỡng khi bàn chủ đề này bởi họ không trực tiếp bị ảnh hưởng.

Nhưng những nước như Indonesia hay Philippines đã thỉnh thoảng chứng kiến khủng bố. Khủng bố không chỉ là vấn đề Hoa Kỳ phải đối diện, mà còn cả Nga, ở Trung Đông, etc. đó là lý do vì sao việc chống khủng bố phải được hợp tác ở nhiều nơi trên thế giới. (BBC)