Bangkok những ngày này có phần sạch sẽ và hoàng nhoáng hơn. Có chừng 3000 chú chó hoang bị bắt và chuyển về vùng nông thôn.

Chính phủ cũng đã đưa 10,000 người vô gia cư, hàng trăm người ăn xin nay vào trại quân đội.

Nửa triệu chậu cây cảnh với các loại hoa hiếm cũng đã được đặt vào các tuyến đường từ sân bay tới trung tâm Bangkok nơi các đại biểu của khối APEC trong đó có 21 nguyên thủ quốc gia sẽ nhóm họp.

Tất cả nhằm biến một thành phố hơn 200 năm tuổi vốn sôi động và khá “bình dân” về ngoại cảnh và sinh hoạt trở thành một điểm sáng của thế giới.

Và câu hỏi đặt ra là điểm sáng đó hội tụ những nét chính gì?

Nghị trình APEC, xưa và nay

Các nhà quan sát cho rằng kể từ khi APEC được thành lập hồi năm 1989 với các mục tiêu mở rộng tự do mậu dịch và đầu tư cho các nước thành viên thì theo thời gian mục tiêu này có phần bị chệch hướng.

Các cuộc hội đàm về an ninh và chống khủng bố theo dự kiến sẽ là chủ đề nổi trội tại APEC lần này với việc Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện đối với các nước thành viên.

Kể từ sự kiện 11/09 tại Hoa Kỳ và tiếp theo là vụ đánh bom Bali và Jakarta gần đây thì quan ngại về khủng bố thậm chí gây sức nặng lên ngay nước chủ nhà Thái Lan, nơi tổ chức hội nghị.

Thủ tướng Thái Lan Thaksin Sinawatra trong buổi họp báo mới đây đã trấn an dư luận về một Bangkok an toàn khi ông nói rằng “Bangkok vốn đã là nơi an toàn nay đang được tăng cường các biện pháp an ninh”

Ông Thaksin Sinawatra nói “khủng bố không chỉ là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ mà còn đối với toàn thế giới, nhân loại và rằng các nước phải làm việc cùng nhau trong cuộc chiến này”.

Thế nhưng Thủ tướng Thái Lan cũng nói về một APEC sẽ quay lại những nghị trình chính đặt ra khi thành lập, đó là hợp tác kinh tế và tự do mậu dịch.

Tại các cuộc họp Thượng Đỉnh từ cấp Bộ trưởng Tài chính tại Phuket, Thái Lan hay cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN mới đây tại Bali, người ta thấy lãnh đạo các nước trong các bài diễn văn luôn nhấn mạnh rằng ổn định an ninh và ổn định kinh tế là các yếu tố quan hệ mật thiết.

Một loạt văn kiện ký kết tại Bali như việc Trung Quốc và Ấn độ tham gia ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với 10 nước Asean cũng thể hiện điều này.

Chuyển dịch về hợp tác

Giới quan sát xem Hội nghị Thượng Đỉnh APEC lần này như một bàn đạp thay thế cho những đổ vỡ trong đàm phán mậu dịch của Tổ chức Mậu Dịch Thế giới (WTO) tại Mexico mới đây.

Người ta bắt đầu nói về khả năng lại hình thành những hiệp định, văn kiện hợp tác kinh tế song phương hoặc cấp vùng mới mà WTO có thể quan ngại rằng nó sẽ cản trở cho điều họ gọi là mậu dịch đa phương.

Đối với các chính khách như Thủ Tướng Thái Lan với vai trò “nhạc trưởng” của cương vị nước chủ nhà thì có lẽ trách nhiệm sẽ có phần nặng nề hơn bởi đảm bảo được vai trò cầu nối để thỏa hiệp giữa các nước phát triển đối với các nước đang phát triển trong một loạt bất đồng là việc không đơn giản.

Giới chỉ trích đang hoài nghi về những gì sẽ đạt được, cũng như trọng tâm chính, tại một cuộc họp thượng đỉnh APEC lần này bởi người ta nói về một nghị trình quá tham vọng bao gồm từ vấn đề Hoa Kỳ bảo hộ mậu dịch, Thị trường Trái phiếu Chung Á châu, dịch bệnh HIV/AIDS.

Một trong những vấn đề có thể sẽ gây nhiều quan tâm và có khả năng nổi bật tại APEC là những diễn biến giữa việc Hoa Kỳ muốn Trung Quốc thả nổi Nhân Dân Tệ. (BBC)