Nữ tài tử Shirley Temple vừa qua đời ở tuổi 85. Cuộc đời của cô được nhiều người nhắc đến với một lòng ngưỡng mộ sâu xa. Chuyện bất ngờ là chính cô đã thúc đẩy văn hào Công Giáo Graham Greene lên tới tuyệt đỉnh sự nghiệp.

Oái oăm thay vũ khí cô dùng cho việc thúc đẩy ấy lại là một vụ kiện khiến Graham Greene xất bất xang bang, phải bỏ xứ ra đi và chính vì thế từ một phóng viên còm trở thành văn hào, đến độ, cả những người Việt Nam xa xôi cũng biết tới tên tuổi ông với cuốn Người Mỹ Thầm Lặng.

Mùa thu 1937, tạp chí Anh Night and Day cho công bố bài điểm cuốn phim Wee Willie Winkie của Shirley Temple. Tác giả bài điểm cuốn phim này là Graham Greene, lúc ấy là một tiểu thuyết gia và bỉnh bút văn chương chưa được ai biết đến.

Greene tỏ ra ghét cuốn phim này, một phóng tác khá giở câu truyện của Rudyard Kipling về thời cực thịnh của chế độ Anh tại Ấn Độ. Nhưng ông dành mối ác cảm đặc biệt cho các người ái mộ Temple, những người bị ông mô tả là “những người đàn ông và giáo sĩ trung niên” phóng đãng. Lúc ấy mới có 9 tuổi, Temple được các nhà sản xuất giàn dựng trông giống như một “người nóng bỏng hoàn toàn” (a “complete totsy”). Greene gợi ý: nên chú ý tới lối “tìm kiếm đỏm dáng bóng gió” nơi con mắt của cô hay nơi cách “uốn éo chiếc mông đã rõ nét và phát triển đầy đủ của cô trong điệu nhẩy gõ chân mang giầy (tap-dance)”.

Chỉ mấy tuần sau, Greene và Night and Day bị kiện về tội bôi lọ, đòi bồi thường thiệt hại cho Temple và phim trường Twentieth Century Fox. Ngày ấy, Greene viết cho người anh trai: Temple “sẽ khiến em tốn 250 bảng nếu em gặp hên”. Nhưng thực ra, cô làm ông tốn hơn thế: Night and Day, vốn đã mang nợ nần nhiều, nay gặp nạn này đành đóng cửa, khiến Greene hết việc làm. Tháng Ba, toà xử vụ án. Gọi vụ bôi lọ của Greene là “một xúc phạm trắng trợn”, chánh án Gordon Hewart cho Twentieth Century Fox hưởng 3,500 bảng thiệt hại, trong đó, 3,000 bảng do Night and Day trả, còn lại là phần của Greene.

Uy Lực và Vinh Quang

Nhưng Greene không có mặt để nghe phán quyết của tòa. Mấy tuần trước đó, tức ngày 29 tháng Giêng, ông đã cùng vợ là Vivien cao chạy xa bay trong chuyến tầu du lịch Normandie. Chuyến tầu này đưa ông từ Manhattan đi New Orleans, San Antonio, rồi rừng già Mễ Tây Cơ và sau cùng, sau nhiều đau khổ gian nan, đã cung cấp cho ông đủ chất liệu cần thiết để viết tuyệt tác The Power and the Glory.



Đối với nhiều độc giả của Greene, điều làm họ ngạc nhiên là nhà văn bị ám ảnh bởi Đạo Công Giáo này thực sự là một người mới trở lại đạo. Ông được dưỡng dục trong Anh Giáo tại Berkhamsted, một thị trấn có tường bao vây ở miền đông nước Anh. Ở tuổi đầu 20, khi viết báo tại Nottingham, Greene gặp Vivien Dayrell-Browning, một thi sĩ ít nổi tiếng. Để làm vui lòng vợ, năm 1926, Greene đồng ý chịu rửa tội tại Nhà Thờ Chính Tòa Nottingham.

Quyết định du hành Mễ Tây Cơ vào năm 1938 của Greene không hẳn là chuyện tình cờ, mà cũng không phải là chuyện bột phát. Miền Tây vốn làm Greene thích thú từ nhiều năm qua, nhất là hai tiểu bang của cao nguyên Mễ Tây Cơ,Tabasco và Chiapas, nơi chiến dịch phản giáo sĩ lâu dài đã sát hại hàng trăm linh mục, nhưng vẫn không nhổ được tận gốc bất cứ dấu vết Công Giáo nào. Greene muốn ghi lại từng sự kiện của điều ông gọi là “cuộc bách hại tôn giáo dữ dằn nhất tại bất cứ nơi nào kể từ triều đại Elizabeth”.

Việc đóng cửa tờ Night and Day và vụ kiện bôi lọ đều là những thúc đẩy cần thiết đối với ông. Ông thuyết phục được nhà xuất bản chịu ứng trước một số tiền nhỏ để ông thực hiện một phóng sự đường dài, sau đó, đặt kế hoạch cho chuyến đi. Ông dự tính ở lại Mexico City mấy ngày rồi đi vòng du lịch Tabasco và Chiapas, kết thúc tại thị trấn miền núi San Cristobal de las Casas, nơi ông nghe tin Đạo Công Giáo được thực hành trong bí mật. Một vài tuần sau, ông sẽ trở lại Luân Đôn, nơi ông sẽ cho xuất bản cuốn ký sự của mình.

Đoạn đầu của cuộc hành trình rất êm xuôi. Greene để vợ ở lại New Orleans và vượt biên giới gần Laredo, Texas. Ông lưu lại Mexico City ít ngày, đủ để chiêm ngưỡng “những cặp đùi vạm vỡ” của các vũ nữ địa phương, trước khi đáp tầu tới Villahermosa, thủ phủ của Tabasco.

Greene không chịu nổi bụi bặm và sức nóng của Villahermosa. Khắp nơi, ông bị trông chừng bởi những viên cảnh sát đi lại ủ rũ trong cái nóng khủng khiếp, quần để hở. Ông ví những khủng khiếp này như việc thiếu vắng đức tin. Ông viết: “Người ta cảm thấy như đang tiến gần tới tâm điểm một điều gì, hóa ra chỉ là bóng đêm và bị bỏ rơi”.

Với sự giúp đỡ của một vài thân hữu ở địa phương, Greene thuê được chiếc máy bay để bay tới Salto de Agua, thuộc Chiapas. Ông vẫn còn có ý định tới San Cristobal de las Casas. Nhưng khi đáp xuống Salto de Agua, ông thấy toàn là rừng bát ngát, với một đường mòn duy nhất đầy vết lún và cỏ mọc. Chỉ còn mỗi cách là thuê một con lừa và một người hướng dẫn và cỡi lừa suốt 100 dặm về hướng bắc để tới San Cristobal.

Chuyến đi thật cực nhọc. Người hướng dẫn rất ít nói lại có thói quen phóng lên trước thật xa bỏ cả người thuê mình phía sau. Greene nhiều lần năn nỉ anh ta ngừng lại, nhưng anh ta “lễ phép” từ chối. Đến lúc tới San Crstobal vào mấy ngày sau, toàn thân ông rã rời, chân tay xưng tếu, bắp vế và lưng đau điếng, lại thêm chứng đau bụng nữa. Tuy nhiên, ông rất vui khi gặp và được sống cạnh các tín hữu. Ngày đầu tiên ở đó, ông tham dự thánh lễ trong một căn nhà trệt ở bìa thị trấn. Vị linh mục mặc áo khóac kiểu đi môtô, đầu đội mũ lưỡi trai bằng vải tuýt, mang kính nhuộm mầu hổ phách.

Greene ghi lại: “Thánh Lễ không rung chuông lúc đọc Sanctus (Thánh, thánh, thánh). Im lặng là chứng tích của thời kỳ tù tội tồi tệ nhất lúc mà nếu bị phát hiện chỉ có nghĩa là tử hình”. Nay thì Đạo Công Giáo đã được thực hành gần như công khai, dù đút lót vẫn là chuyện bình thường nếu muốn cảnh sát để cho mình yên ổn. Sau Thánh Lễ, Greene tha thẩn tại công trường một lúc rồi nhanh chân chui vào nhà thờ chánh tòa Santo Domingo. Một cặp vợ chồng thổ dân đang quì trước bàn thờ, họ hát một bản song ca chậm rãi bằng một ngôn ngữ ông không hiểu gì.



Sau này, ông viết: “Tôi tự hỏi không biết họ đọc lời kinh gì và họ hy vọng được đáp ứng ra sao trong cái thế giới đồi núi, đói khát và vô trách nhiệm này”. Vấn nạn này vẫn còn trong tâm trí ông cả một năm sau khi ngồi tại bàn giấy ở Luân Đôn viết cuốn tiểu thuyết ghi lại những gì ông đã chứng kiến.

The Power and the Glory là cuốn tiểu thuyết Công Giáo sâu sắc và cũng là cuốn tiểu thuyết ly kỳ hơn cả của ông. Bề mặt, nó là cuốn tiểu thuyết của những tương phản đơn thuần. Vai chính là một linh mục vô danh lang thang trên lưng lừa khắp các cánh rừng của miền đông nam Mễ Tây Cơ, bị săn đuổi bởi một viên trung úy cũng vô danh và tên sát nhân của ông ta. Viên trung úy hiếu động, một người xã hội chủ nghĩa, vốn cho rằng ý niệm Thiên Chúa là một ý niệm đáng tởm. Ông ta “hoàn toàn biết chắc sự hiện hữu của một thế giới đang chết, đang nguội dần, sự hiện hữu của những con người nhân bản vốn biến hòa từ giống vật chẳng vì một mục đích nào cả”.

Vị linh mục, trái lại, tin rằng chẳng có gì ngoài Thiên Chúa: “Thiên Chúa là người cha, nhưng Người cũng là viên cảnh sát, là phạm nhân, là linh mục, là người điên, và là ông chánh án”. Vị linh mục biết mình nói gì. Chính ngài cũng là phạm nhân: một chàng nghiện ngập, là cha một đứa con bất hợp pháp, một thằng hèn, đang sợ bị bắt và cũng đang sợ phải tiến lên phía trước. Ngài cầu nguyện “Xin để cho con bị bắt nay mai”.

Phúng dụ kẻ sa ngã nhưng vững tin đối đầu với người vô thần xấu xa này được duy trì cho tới những trang cuối cùng, khi vị linh mục bị bắn chết trong sân nhà tù. Ngài bị ném vào “đống rác tầm thường bên cạnh bức tường, một điều chẳng quan trọng chi và dù sao cũng sẽ được hốt đổ đi”.

Nhưng cuốn sách cũng gợi ý cho thấy không có chi tầm thường trong cái chết của ngài. Một phụ nữ địa phương khi thấy ngài ngã qụy đã lớn tiếng tuyên xưng: “Ngài là một trong các tử đạo của Giáo Hội”. Thực vậy, dù hơi thở còn đầy mùi rượu, ngài vẫn là đấng “anh hùng của đức tin”. Bản thân của Greene chắc chắn cũng tin như thế. Trong một tiểu luận viết sau đó nhiều năm, ông cho rằng: “những vị thánh vĩ đại nhất đều là những người có nhiều khả năng phạm tội ác hơn bình thường”.

Phần lớn các văn sỹ, có may mắn đến đâu, cũng chỉ viết được một cuốn sách hay trong đời mình. Riêng Graham Greene, chỉ trong vòng hai năm ngắn ngủi, đã hoàn thành ba tác phẩm như thế. Cuốn đầu tiên, tức cuốn để thanh toán khế ước, viết về cuộc du hành Mễ Tây Cơ, có lẽ là cuốn dễ viết nhất. Tựa là The Lawless Roads, Greene hoàn thành nó chỉ trong vài tháng. Bản in thử được nhà xuất bản gửi tới vào dịp Lễ Giáng Sinh năm 1938 và tháng Ba năm sau được gửi trả lại, đúng lúc Âu Châu chìm ngập trong chiến tranh. Luân Đôn bỗng giống một trại quân. Hầm hố được đào ngay trong các công viên và súng phòng không được đặt ngay tại các quảng trường.

Greene tỏ ra lo ngại. Ông phải trả đủ 500 bảng cho vụ sai lầm về Shirley Temple, một món nợ không đủ làm ông phá sản nhưng đủ làm gia đình ông sống khó khăn. Để kiếm thêm tiền, Greene dự tính cho xuất bản cuốn truyện ly kỳ, The Confidential Agent, nhưng vẫn không từ bỏ dự án viết cuốn tiểu thuyết thứ hai mà ông vốn đã đặt tên là The Power and the Glory. Tựa này dựa vào lời kinh sau Kinh Lạy Cha “vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời”. Ông quyết định viết cả hai cuốn cùng một lúc.

Ông tuyên bố: “Với mười hai tháng sắp tới, tôi sẽ không còn thấy gì ngoài việc làm mửa mật”. Để được đôi chút thanh thản, ông thuê một phòng làm việc tại Mecklenburgh Square, xa hẳn vợ và hai con nhỏ. Tuy nhiên, ông vẫn bị phân tâm. Mà lớn hơn cả là Dorothy, con gái bà chủ nhà. Nàng là người con gái vạm vỡ và hơi tầm thường. Một người bạn của Greene mô tả nàng một cách độc ác là người tuyệt đối không thể nào quyến rũ ai được. Nhưng Greene lại đâm say mê và chẳng bao lâu ăn nằm với nàng. Vụ lăng nhăng này kéo dài suốt 7 năm trời, sau cùng đã phá hủy cuộc hôn nhân của Greene. Đó là tội nặng nhất của Greene, “cái điểm hư thối” của chính ông.

Mỗi tối, ông đều tới với Dorothy. Ban ngày, ông khai triển hai cuốn sách của mình: The Confidential Agent được viết vào buổi sáng, mỗi buổi chừng 2,000 chữ, còn cuốn The Power and the Glory thì được viết vào buổi chiều. Để giữ đúng nhịp điệu, ông sử dụng nhiều liều lượng rất lớn chất Benzedrine, một hình thức tác động nhanh của amphetamine. Ông hoàn tất cuốn The Confidential Agent trong vòng chỉ có 6 tuần lễ. Nhưng cuốn The Power and the Glory, xuất bản năm 1940, mới tạo danh cho ông, đem ông tới vinh quang ông hằng mong chờ. Nhiều năm sau, John Updike cho rằng đây là “cuốn tiểu thuyết tinh tế nhất của ông, đầy nghị lực và cao cả cũng như cảm thương”. Cuốn tiểu thuyết này được giải thưởng Hawthornden Prize năm 1941, và sau này được John Ford phóng tác cho màn bạc.

Chính Greene cũng yêu tác phẩm này cao độ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Paris Review, ông đặt nó ngang hàng với các cuốn Brighton Rock, The Heart of the Matter, và The End of the Affair, tức nhóm tác phẩm, theo ông, có chung một quan tâm Công Giáo. Ông nói với người phỏng vấn rằng bốn cuốn này “cuối cùng đều đã được hiểu đúng”. Xét về một phương diện nào đó, chúng đều đã được cứu vớt.

Nhưng một số người trong Giáo Hội Công Giáo không nghĩ vậy. Thoạt đầu, Giáo Hội kết án tác phẩm của Greene. Đức Hồng Y Griffin thuộc Văn Phòng Thánh (Bộ Giáo Lý Đức Tin sau này) viết rằng: “Những cuốn tiểu thuyết ngụ ý chuyên chở tín lý Công Giáo mà lại thường xuyên chứa đựng các đoạn mô tả tác phong vô luân một cách không tự chế quả là nguồn gây cám dỗ cho nhiều độc giả của chúng”.

Nhiều năm sau đó, trong một buổi triều kiến với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Greene có nhắc lại lời lẽ của Đức HY Griffin. Đức Phaolô VI, từng đã đọc The Power and the Glory, chỉ mỉm cười nói: “Ông Greene ạ, một số phần trong các sách ông chắc chắn gây xúc phạm tới một số người Công Giáo, nhưng xin ông đừng lưu ý tới chuyện đó”.

Đối với Greene, lời Đức Phaolô VI quả là phép lành tối hậu của ông.

Thắng vượt sự nghiền nát của hiện tượng siêu sao tí hon

Nói về Shirley Temple, ký giả Rebecca Hamilton cho rằng cô là một tài năng hiếm có. Nhưng điều đáng nói về cô là: gần như chỉ có cô mới thoát được số phần nghiệt ngã xem ra là của chung các siêu sao tí hon. Hầu như tất cả các siêu sao này lớn lên đều đi vào con đường “không giống ai” và mai một một cách đáng thương. Miley Cyrus hình như là điển hình mới đây nhất đang tự hủy hoại mình? Nhiều người khác tự sát, phí phạm đời mình trong ma túy, không làm sao lập được những mối liên hệ có ý nghĩa với người khác phái.

Còn Shirley thì từ một tài tử tí hon đã lớn lên, trở thành một thiếu phụ có khả năng gầy dựng một gia đình ổn định và đảm nhiệm nhiều việc làm cấp cao hết sức hữu ích trong giới ngoại giao. Điều gì tạo ra sự khác biệt này?

Hamilton cho rằng phần lớn nhờ Cha Mẹ. Mẹ Shirley lúc nào cũng hiện diện bên con khi cô trình diễn và không để đạo diễn dùng những thủ thuật lừa đảo để dụ cô đóng những màn họ muốn. Biết như thế, có lần họ đã nhờ bà đi lo một vài việc vặt, trong khi đó, họ cố ý tạo sợ hãi để cô khóc trong một màn họ muốn. Từ đó, bà thề không bao giở để con một mình với đạo diễn nữa.

Jackie Cooper thì bị đạo diễn nói dối là con chó cưng của cậu bị giết khiến cậu than khóc đến không ai dỗ nổi, quá cả mong ước của đạo diễn. Chỉ khác là người bà của Cooper lại cười hô hố trước sự thành công của dối trá. Sau này, Cooper cho hay: “người ta cố gắng lý giải với tôi rằng tôi được nhiều hơn là mất khi làm một siêu sao con nít. Họ nói với tôi về món tiền kiếm được. Họ trưng dẫn những điều thích thú tôi đã thủ diễn, những người tôi đã gặp, việc huấn luyện nghề nghiệp tôi đã lãnh nhận, tất cả và còn nhiều điều nữa… Nhưng không một lượng lý giải nào, không một bào chữa nào, có thể đền bù cho điều mất mát của đứa trẻ, những gì tôi đã đánh mất, khi tuổi thơ bình thường đã bị hy sinh cho cái nghề điện ảnh quá sớm”.

Sự lạm dụng xúc cảm nơi Jackie Cooper, tuy thế, không thể so sánh với những gì Corey Feldman từng chịu đựng. Cậu cho rằng vấn đề lớn nhất của các tài tử con nít là ấu dâm, và ấu dâm là chuyện của nhiều ông lớn trong kỹ nghệ giải trí.

Tuy nhiên, biết đâu “duyên kỳ ngộ” với Graham Greene không đóng một vai trò nào đó, dù rất mơ hồ, tinh tế, trong việc giữ cho Shirley mãi mãi là cô đào tí hon duyên dáng và một thiếu phụ phẩm hạnh cả trong đời tư lẫn đời công.