Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên đã dừng chân tại đại học Johns Hopkins, Washington. Ông và đoàn Việt Nam tham dự hội thảo về quan hệ Việt-Mỹ ngày 2-10.

Về phía Mỹ có trợ lý ngoại trưởng, James Kelly, các học giả Mỹ và một số trí thức Việt Kiều, bao gồm giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason), giáo sư Lê Xuân Khoa (từng dạy ở ĐH Johns Hopskins) và ông Kiên Phạm (Vietnam Education Foundation).

Giáo sư Frederick Brown, khoa Nghiên cứu quốc tế, đại học Johns Hopkins, là thành viên ban tổ chức Hội thảo. Ông cho đài BBC viết về nội dung bài nói chuyện mà bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên đọc tại hội thảo:

Đó là bài diễn văn khai mạc hội thảo dài hai ngày tại Washington giữa phái đoàn Việt Nam gồm 14 quan chức và học giả cùng số lượng tương ứng từ phía Mỹ, cũng gồm quan chức và các nhà nghiên cứu. Hội thảo đã được chuẩn bị từ sáu tháng trước và được trù định diễn ra cùng lúc bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên đi thăm Mỹ.

Bài diễn văn của ông Niên rất tích cực, thể hiện qua một số trích đoạn:

“Chẳng có gì mới khi nói hai nước chúng ta có những điểm khác biệt. Điều mới là chúng ta có một mối quan hệ đang phát triển đáp ứng những lợi ích chung của hai nước. Sự hội tụ trong quan điểm hai nước cần được đẩy mạnh, trong lúc những bất đồng cần được thu hẹp.

“Một quan hệ song phương vững bền sẽ không chỉ phục vụ những lợi ích chung mà còn giúp giải quyết các khác biệt theo cách xây dựng."

BBC:“Sự hội tụ trong quan điểm hai nước” có thể nhìn thấy trong những lĩnh vực nào, theo ông?

Đã có hợp tác tốt đẹp trong vấn đề lâu dài về người Mỹ mất tích. Khía cạnh quan trọng thứ hai là hiệp định thương mại Việt-Mỹ, hoàn tất tháng 12-2001. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam theo nghĩa Hoa Kỳ nhập hàng xuất khẩu của Việt Nam nhiều hơn mọi nước khác. Mỹ đã ký thỏa thuận bán bốn máy bay Boeing 777 mà chiếc đầu tiên được giao hồi tuần này.

BBC: Còn những bất đồng mà đã được thảo luận tại hội thảo?

Có những bất đồng liên quan vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam. Những câu hỏi đó được thảo luận tại hội thảo và tôi nghĩ các bên đều nói thẳng quan điểm của mình. Phía Việt Nam nói rất rõ rằng với họ, nhân quyền cũng là vấn đề tiến bộ kinh tế. Giờ đây người dân Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn với một thị trường tương đối tự do, số doanh nghiệp tư nhân tăng lên. Những điểm này, nhìn từ phía Việt Nam, là thành phần quan trọng tạo nên “nhân quyền.” Vậy là có những khác biệt trong cách nhìn nhận nhân quyền bao gồm những gì, và chúng được thảo luận thẳng thắn tại hội thảo.

BBC:Từ bài diễn văn khai mạc mà theo ông là tích cực cho đến cuộc thảo luận thẳng thắn, xin ông cho biết những người Mỹ tham dự có phản ứng thế nào?

Theo tôi không khí từ phía Mỹ rất tích cực. Xin nhắc đây không phải cuộc gặp mở rộng cho công chúng, mà là hội thảo dành cho những nhà nghiên cứu, người của chính phủ và thành viên quốc hội. Hội thảo diễn ra theo tinh thần như vậy. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, James Kelly, là người đọc bài diễn văn thứ hai, sau ông Niên. Có thể trích đoạn bài nói chuyện này như sau:

“Quan hệ hai nước đã đi một bước dài trong ba thập niên qua. Hai mươi năm sau chiến tranh, chúng ta chính thức thiết lập quan hệ và kể từ đó chúng ta đã hợp tác trong một loạt lĩnh vực từ thương mại đến khoa học-kỹ thuật và quân sự.”

Ông James Kelly nhắc lại trị giá hàng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đã ở mức 2.4 tỉ đôla vào năm 2002, và tăng 129% trong chưa đầy 12 tháng. Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam cũng tăng đáng kể trong cùng kỳ. Hơn hai ngàn sinh viên Việt Nam đang học tại Mỹ.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng nói Mỹ trông đợi chuyến thăm sắp tới của bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà tháng Mười một này. Và có thể trong năm tới một chiến hạm Mỹ sẽ cập cảng TP. HCM. Những sự kiện này chứng tỏ Việt Nam và Hoa Kỳ đang tập trung vào tương lai, chứ không phải quá khứ.

BBC:Ông có nghĩ là chính phủ Việt Nam rất muốn cải thiện quan hệ với Washington một phần vì họ không thể làm điều tương tự trong quan hệ với cộng đồng người Việt ở Mỹ, mà nhiều người trong đó có quan điểm “chống cộng”?

Tôi không đồng ý với tiền đề của anh. Tôi nghĩ phía Mỹ tại hội thảo nói rất rõ là một khía cạnh quan trọng cho một quan hệ tốt hơn giữa hai nước là nhu cầu đưa cộng đồng Việt kiều trở thành một phần không thể thiếu của tiến trình đó. Thực tế Việt kiều mỗi năm gửi về Việt Nam hai tỉ đôla. Việt kiều ở Mỹ cũng chiếm hơn một nửa trong số du khách vào Việt Nam. Vì thế tôi không nghĩ là chính phủ Việt Nam lại đã không thể cải thiện quan hệ với cộng đồng người Việt ở Mỹ.

BBC:Ông đánh giá quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai gần sẽ đi theo hướng nào?

Quan hệ với Việt Nam sẽ luôn đi một cách chậm chạp. Vẫn sẽ luôn có di chứng từ điều mà chúng tôi gọi là cuộc chiến Việt Nam, và người Việt Nam thì gọi là kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù 28 năm đã qua, nhưng sẽ phải mất thêm một thế hệ để đạt được một quan hệ thật đầm ấm. Nhưng hiện tại, chúng tôi đang đi chậm và xây dựng từng chút một. Tôi nghĩ nó đang tốt đẹp, mà hội thảo là một minh chứng.

Năm năm trước, tôi đến một hội thảo tương tự, nơi có hai người Việt Nam tham dự. Hôm nay, trong hội thảo không chỉ có 14 đại biểu từ Việt Nam mà còn cả số người Việt từ sứ quán và những người liên quan việc chuẩn bị hội thảo. Nó cho thấy Việt Nam đã cởi mở hơn trong quan hệ, và tôi nghĩ Hoa Kỳ sẵn sàng đi chậm rãi và xây dựng một nền tảng vững chắc.

BBC:Liệu Hoa Kỳ có áp dụng một hình thức đối thoại đồng thời gây sức ép trong mối quan hệ với Việt Nam không?

Chúng tôi sử dụng kiểu sức ép đó trong quan hệ với mọi nước, bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, và nhiều nước khác nơi mà nhân quyền chiếm một vị trí quan trọng. Dĩ nhiên, có cả Việt Nam bởi vì quá khứ, bởi vì cộng đồng người Mỹ gốc Việt to lớn tại đây. Dĩ nhiên, nhân quyền và tự do tôn giáo là những vấn đề quan trọng. Nhưng đó chỉ là một phần trong mối quan hệ.

Về phía Mỹ, điều người Mỹ đang làm là cải thiện, một cách chậm chạp nhưng chắc chắn, mối quan hệ. Chúng tôi không có ảo tưởng về tình hình tại Việt Nam, và phải tính đến điểm nhìn của đảng và chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cố gắng tiến thật nhanh trong khả năng của mình, đối thoại và nhấn mạnh đến những tiến bộ đạt được. Mười năm trước không có một hoaṭ động thương mại song phương nào, Việt Nam vẫn bị xem như một nước khá là khó chịu trong quan hệ. Giờ đây có nhiều tiến bộ. Nhưng theo tôi, sẽ không thực tế nếu tin là sự cải thiện trong mối quan hệ sẽ đến nhanh. Nó sẽ tiến chậm nhưng chắc chắn. Theo tôi đó là cách nhìn của phía Mỹ. (BBC)