CANBERRA - Bộ Ngoại Giao Việt Nam gần đây xác nhận chuyến đi sắp tới của Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phạm Văn Trà sang Hoa Kỳ gặp người tương nhiệm là ông Donald Rumsfeld.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài Raymond Burghardt, trong bài diễn văn mới đây nói một tàu chiến của Hoa Kỳ sẽ sớm ghé cảng Sài Gòn.

Chuyến công du của tướng Phạm Văn Trà, Ủy Viên Bộ Chính Trị, là chuyến đi đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Việt Nam sang Hoa Kỳ kể từ khi cuộc chiến kết thúc sẽ có ý nghĩa thế nào?

Giáo sư Carl Thayer từ Học Viện Quốc Phòng Úc và là người theo dõi tình hình Việt Nam lâu năm trả lời phỏng vấn của BBC:

- Chuyến đi của ông Phạm Văn Trà sang Washington có thể xem vượt quá cả tầm quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước. Theo tôi được biết, chuyến đi này là kết quả của sự hối thúc của Hoa Kỳ.

Trong chuyến đi, ngoài Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumsfeld, tướng Trà cũng sẽ gặp cả Ngoại Trưởng Powell và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Rice. Điều này nên được xem ở góc độ chiến lược lớn của Hoa Kỳ tại Đông Á, theo đó Hoa Kỳ tìm kiếm sự tiếp cận một số nơi tại Việt Nam trong tương lai.

BBC: Xét về thời điểm của chuyến đi thì có gì đáng lưu ý thưa ông?

- Đây là thời điểm dường như Hoa Kỳ đang sa vào thế khó khăn tại Iraq. Một mặt, các nước chỉ trích Hoa Kỳ trong cuộc chiến Iraq, trong đó có Việt Nam, không muốn bị xem là nước gần gũi với Hoa Kỳ.

Thế nhưng điều ngược lại cũng xảy ra là Washington có thể cho thế giới thấy, họ đang đón tiếp một nước chỉ trích chính sách của Mỹ và sẽ lấy cơ hội này để phần nào đối trọng lại các lập luận về hội chứng chiến tranh Việt Nam tại Iraq.

Nhưng theo tôi, đây không phải là chuyến đi mang tính chất tượng trưng.

Tướng Trà có thể khởi đầu cho việc ký kết các thỏa thuận với Hoa Kỳ theo đó thúc đẩy quá trình đào tạo và huấn luyện quân sự và trong một thời điểm nào đó có thể nói tới cả việc mua thiết bị quân sự nữa.

BBC: Ông đánh giá thế nào về diễn biến mới đây của phía Việt Nam tạo điều kiện cho Hoa Kỳ tiếp cận hồ sơ mật để tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích? Và đó có phải là quyết định đơn lẻ hay nó nằm trong kế hoạch lớn hơn của hai phía trong hợp tác?

- Tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ và tù binh Mỹ mất tích (MIA, POWs) trong cuộc chiến Việt Nam vẫn là cái nợ để lại từ thời chính quyền Clinton và luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Quyết định mới đây của giới quốc phòng Việt Nam cho tiếp cận hồ sơ mật cho thấy cả hai phía tăng độ tin cậy để có thể đi tới cách thức hợp tác có tính chuyên nghiệp.

Về hình thức mà nói thì đây là bước có ý nghĩa quan trọng, thế nhưng về mặt chiến lược thì tôi cho rằng hai bên đã có các bước đi còn quan trọng hơn.

Dựa vào các nguồn quân sự Hoa Kỳ tôi đã trao đổi, có thể xem có động lực Hoa Kỳ muốn có sự tiếp cận và hiện diện quân sự tại Việt Nam, có thể không lâu dài, cho mục đích dự phòng mặc dù chưa được cụ thể hóa.

Hoa Kỳ muốn tạo tư thế sẵn sàng can thiệp quân sự nếu cần thiết trong khu vực Đông Nam Á và điều này chỉ có thể thực hiện nếu có thỏa thuận trước với các nước trong vùng, và Việt Nam và Phillipines nằm trong các cân nhắc này.

BBC: Người ta có nên xem chuyến đi này của tướng Trà là chỉ dấu cho thấy Việt Nam quyết định có quan hệ quân sự gần gũi với Hoa Kỳ, và đó có phải là một bước đi tính toán thật kỹ lưỡng cốt để tránh làm mất lòng các cường quốc khác?

- Việt Nam học được hai bài học trong lịch sử. Một là nếu như phụ thuộc vào cường quốc nào đó thì đều phải gánh lấy hậu quả đắt giá.

Hai là họ cần giữ độ cân bằng, chẳng hạn họ sẽ không chuyển hướng quá nhiều với Hoa Kỳ mà Việt Nam sẽ vẫn cần duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc nữa. Thế nào Việt Nam cũng cử các quan chức sang Trung Quốc để giải thích về lý do của chuyến đi của Tướng Trà.

BBC: Có thể kết luận rằng chuyến đi này có lợi cho Việt Nam không?

- Chắc chắn là có lợi. Cho tới thời điểm này, quan hệ Mỹ Việt chưa được toàn diện. Chúng ta thấy là liên hệ kinh tế thì mạnh. Về chính trị thì không gần gũi lắm và hợp tác song phương về quân sự thì yếu.

Chuyến đi của tướng Trà sẽ cho Việt Nam một đại lộ để đi đến ảnh hưởng tới Hoa Kỳ và chuyển hướng theo cách nhìn của những người Mỹ có quan ngại về nhân quyền hay các vấn đề khác tại Việt Nam.

Tức là những người này phải tìm cách cân bằng các vấn đề vừa kể khi tiếp cận và gây sức ép đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam sẵn lòng, mặc dù với tốc độ chậm, hợp tác với Hoa Kỳ trong mặt trận chống khủng bố, hay ngưng buôn lậu vũ khí thông thường và buôn lậu ma túy xuyên biên giới, hay trao đổi thông tin tình báo. Đó là các vấn đề sẽ có trong chuyến công du này của tướng Trà.

Các bước đi này giúp gây dựng lòng tin giữa hai bên và đó sẽ là đại lộ để Việt Nam gây ảnh hưởng với Hoa Kỳ thông qua Bộ Quốc Phòng và điều này sẽ làm thay đổi về bản chất trong quan hệ và gây khó khăn hơn cho cho các quan chức Hoa Kỳ chỉ nhắm vào vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.(bbc)