Hôm 11.10.2013, ông Cao Xuân Vỹ, một nhân chứng lịch sử của VNCH đã qua đời tại tư gia ở Orange County, California, hưởng thọ 93 tuổi.

Trước khi ông Ngô Đình Diệm về chấp chánh và trong khi ông Diệm cầm quyền, có rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã tham gia chính quyền của ông Điệm hay Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Chúng tôi xin kể tên một số nhân vật cốt cán:

Trong chính quyền: Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Văn Đỗ, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thông, Trần Trung Dung, Bùi Văn Thinh, Phạm Xuân Thái, Trần Hữu Phương, Trần Chánh Thành, Nguyễn Hữu Châu, Lương Trọng Tường, Nguyễn Dương Đôn, Trần Ngọc Liễn, Phạm Duy Khiêm, Hồ Thông Minh, Bùi Kiện Tín, Huỳnh Văn Nhiệm, v.v.

Trong ban lãnh đạo Đảng Cần Lao có trụ sở ở số 23 đường Phùng Khắc Khoan, Quận 1, Sài Gòn: Trần Văn Trai, Phạm Văn Nhu, Lý Trung Dung, Trần Kim Tuyến, Võ Như Nguyện, Lương Như Ủy, Lê Văn Đồng, Thái Mạnh Tiến, Huỳnh Văn Lang, Bùi Kiện Thành, Cao Xuân Vỹ, Đỗ La Lam, v.v.

Nhưng sau khi ông Điệm và ông Nhu bị giết, người ta chỉ thấy còn một người duy nhất tự nhận mình là đảng viên Đảng Cần Lao, tiếp tục công khai đứng ra tuyên dương không mệt mỏi những công trạng mà ông Diệm đã làm cho đất nước nhưng bị Mỹ giết vì không đồng ý để cho Mỹ đem quân vào miền Nam Việt Nam, người đó là ông Cao Xuân Vỹ. Vậy ông Cao Xuân Vỹ là ai?

VÀI NÉT VỀ ÔNG CAO XUÂN VỸ

Ông Cao Xuân Vỹ sinh ngày 1.2.1920 tại làng Thịnh Mỹ, xã Cao Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông thuộc dòng dõi của ông Cao Xuân Dục (1843 – 1923) vốn là Thượng Thư Bộ Học (1905) dưới thời vua Thành Thái và Cơ Mật Viện Đại Thần - Phụ Chính Đại Thần dưới thời vua Duy Tân. Theo gia phả, ông Cao Xuân Dục sinh ông Cao Xuân Tiếu, ông Tiếu sinh ông Cao Xuân Tảo và ông Tảo sinh ông Cao Xuân Vỹ.

Lúc nhỏ ông Vỹ học trung học tại Nghệ An và đại học tại Hà Nội, nhưng học chưa xong thì năm 1945 Việt Minh cướp chính quyền, ông phải nghỉ học. Năm 1946, khi thương lượng với Pháp bất thành, ngày 18.12.1946 Việt Minh ra lệnh tản cư, rút khỏi thành phố Hà Nội. Ông Cao Xuân Vỹ đã cùng với 36 trí thức, sinh viên và thanh niên tản cư về Liên Khu IV gồm các tỉnh Thanh Hòa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông Vỹ cho biết những người cùng đi với ông lúc đó có các ông Trần Chánh Thành, Trần Hữu Dương, Hồ Đắc Điềm, Phạm Thành Vinh, Nguyễn Duy Quang, Phan Huy Xương (anh của bác sĩ Phan Huy Đán tức Phan Quang Đán), Tôn Thất Trạch v.v...

Đầu năm 1953, theo lệnh của Stalin và Mao Trạch Đông, Việt Minh bắt đầu thi hành chế độ giảm tô và cải cách ruộng đất, nhiều địa chủ và trí thức bị giết nên ông và nhiều người phải tìm cách trốn khỏi Liên Khu IV. Nhờ có người chú họ ở trong tổ chức Việt Minh cấp cho một giấy thông hành, ông trốn qua Phú Nhạc, Phát Diệm, nơi có khu an toàn của người Công Giáo. Từ đó ông ra Hà Nội và gặp lại các ông Đặng Văn Sung, Phan Huy Quát… là những người đã từng hoạt động chung với ông thời 1945.

Cuối năm 1953 ông vào Sài Gòn gặp lại ông Trần Chánh Thành. Lúc đó ông Thành đang tập sự hành nghề luật sư với Luật Sư Trương Đình Du, làm tờ báo Xã Hội với ông Ngô Đình Nhu và tham gia Phong Trào Đoàn Kết Quốc Gia vì Hòa Bình do ông Nhu thành lập. Ông Thành đã giới thiệu ông với ông Nhu.

Ngày 16.6.1954 Quốc Trưởng Bảo Đại ký Sắc Lệnh cử ông Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng thay ông Bửu Lộc. Ngày 25.6.1954 ông Diệm về nước chấp chánh. Ngày 6.7.1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ và ngày 7.7.1954 bắt đầu nhận chức.

Tháng 8 năm 1954, Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng được chính thức thành lập. Ông Cao Xuân Vỹ gia nhập tổ chức này. Ban lãnh đạo Đảng có 5 phòng. Ông Vỹ tham gia vào Phòng 4 đặc trách về kinh tài. Phòng 4 có 5 người là các ông Huỳnh Văn Lang, Bùi Kiện Thành, Cao Xuân Vỹ và Đỗ La Lam.

Trước năm 1945, ông Cao Xuân Vỹ có dự một khóa huấn luyện về thể dục và thể thao ở Phan Thiết do Tổng Cục Thể Dục, Thể Thao và Thanh Niên tổ chức. Đây là tổ chức thuộc quyền điều hành của Thiếu Tá Maurice Ducoroy, Tổng Ủy Viên Thể Thao và Thanh Niên tại Đông Dương của Pháp. Do đó, năm 1958 ông Diệm đã cử ông Vỹ đi làm Tổng Giám Đốc Thanh Niên và Thể Thao trực thuộc Bộ Lao Động và Thanh Niên do ông Nguyễn Tăng Nguyên làm Tổng Trưởng. Khi ông Nhu thành lập Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, ông Nhu làm Thủ Lãnh, còn ông Cao Xuân Vỹ làm Phó Thủ Lãnh kiêm Trưởng Đoàn. Trong thực tế, việc tổ chức và điều hành Thanh Niên Cộng Hòa đều do ông Vỹ.

MỘT NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ

Thời ông Ngô Đình Diệm cầm quyền, tôi còn là một sinh viên nên không biết được chính xác những chuyện gì đã thật sự xảy ra bên trong chính quyền. Nhưng phương pháp luật học và kinh nghiệm trong ngành luật đã chỉ cho tôi cách thức truy tầm và đánh giá các tài liệu lịch sử.

Bộ “Foreign Relations of the United States” (FRUS) do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lần lượt ấn hành gồm mấy chục cuốn, công bố hầu hết các văn kiện liên hệ đến cuộc chiến Việt Nam từ 1945 đến 1967 là những tài liệu chính đã giúp chúng ta nắm vững chính sách từng giai đoạn của Hoa Kỳ và các sự việc đã xảy ra. Hàng chục ngàn trang tài liệu được giải mã tiếp theo đã giúp làm sáng tỏ hơn nhiều bí ấn của lịch sử.

Căn cứ vào các tài liệu này, chúng tôi bắt đầu phỏng vấn các nhân chứng xem những điều mô tả trong sử liệu có thật sự đúng như vậy không, những chuyện gì sử liệu chưa nói hết hay nói không đúng, v.v. Ông Cao Xuân Vỹ là một trong những người giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu các biến cố dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Ròng rã trong 15 năm, tôi phải lui tới gặp ông nhiều lần để làm sáng tỏ một số vấn đề. Có những vấn đề ông không nắm vững, ông đã giới thiệu các nhân chứng khác cho tôi phỏng vấn.

Từ việc ông Điệm được Bảo Đại đưa về chấp chánh, đến việc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ quyết định Pháp phải rời khỏi miền Nam, truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp, thành lập một chế độ độc đảng như Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Đài Loan ở miền Nam Việt Nam để chống Cộng Sản… đến việc giết ông Diệm để đổ quân vào miền Nam, đều được đem ra thảo luận. Rất nhiều sự kiện do sử liệu tiết lộ hoàn hoán khác với những gì thường được viết trên báo chí hay sách vở.

Có hai câu chuyện do ông Vỹ tiết lộ đã gây nhiều tranh luận, đó là việc ông Ngô Đình Nhu đi gặp Phạm Hùng ở Bình Tuy và việc ông Ngô Đình Diệm rời khỏi Dinh Gia Long tối 1.11.1963. Chúng tôi xin nói qua hai vấn đề này.

CHUYỆN ÔNG NHU GẶP PHẠM HÙNG

Chuyện ông Ngô Đình Nhu gặp Phạm Hùng tại Bình Tuy được Tướng Trần Văn Đôn viết trong cuốn “Việt Nam nhân chứng” xuất bản năm 1989. Nhưng Tướng Đôn viết sai cả ngày tháng lẫn sự kiện vì ông chỉ “nghe nói”. Chuyện này được ông Cao Xuân Vỹ kể lại cho ông Minh Võ nghe trong cuộc phỏng vấn ngày 14.6.2012 khi đầu óc ông không còn minh mẫn vì tuổi già.

Cuối năm 1962, Hà Nội được tin Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào Việt Nam nên tìm cách thỏa hiệp với chính phủ Ngô Đình Diệm để ngăn chận sự can thiệp này. Diễn biến của cuộc vận động này đã được nói rất rõ trong cuốn “The War of The Vanquished” của Mieczyslaw Maneli và cuốn “A Death in November. The Struggle for Indochina” của bà Ellen J. Hammer, nhất là trong phúc trình ngày 26.9.1963 của CIA. Căn cứ vào các tài liệu đó, chúng tôi có phỏng vấn ông Cao Xuân Vỹ về việc ông tháp tùng ông Nhu đi gặp Phạm Hùng ở Bình Tuy. Câu chuyện ông kể lại không gióng những gì đang được nhóm Giao Điểm lưu truyền.

Chính ông Mieczyslaw Maneli, Trưởng Đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến là người làm trung gian giữa hai bên. Người đứng ra thúc đẩy chuyện này là Tổng Thống De Gaule qua Đại Sứ Lalouette của Pháp ở Sài Gòn. Nhưng ông Nhu biết rõ âm mưu của Hà Nội, nên cuối cùng ông nói rằng “Người Mỹ là người duy nhất trên trái đất dám giúp Nam Việt Nam” (The Americam are the only people on the earth who dare to help South Vietnam) và ông từ chối đề nghị của Tổng Thống De Gaule.

Đại Sứ Lalouette rất thất vọng khi nghe tin này. Vì đoán chắc Mỹ sắp loại bỏ ông Diệm và ông Nhu, ông đã nói với ông Maneli:

Nếu ông ta (ông Nhu) không từ bỏ những ảo ảnh này, ông ta sẽ mất. Đó là một sai lầm thê thảm.”

(If he does not rid himself of these illusions, he will be lost. It is a tragic mistake.)

Đại Sứ Lalouette đã tiên đoán rất chính xác. Ông Ngô Đình Nhu vì không còn con đường nào khác là bám theo Mỹ nhưng lại muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia nên đã bị giết.

CHUYỆN RỜI KHỎI DINH GIA LONG

Ông Vỹ kể lại khi cuộc giao tranh bắt đầu, ông Nhu khuyên ông Diệm nên rời khỏi Dinh Gia Long một thời gian, nhưng ông Diệm nói: “Tổng Thống không có đi trốn”. Bổng ông Cabot Lodge gọi đến nói với ông Diệm rằng ông lo cho sự an toàn của Tổng Thống và nói nếu ông có thể làm gì xin cứ gọi ông. Ông Diệm liền trả lời: “Tôi đang cố gắng tái lập trật tự”.

Sau khi nói chuyện với ông Cabot Lodge, ông Diệm cho gọi ông Nhu vào và bảo: “Đi thì đi!”

Chuyện xẩy ra quá bất ngờ nên ông Cao Xuân Vỹ trở tay không kịp. Ông liền gọi điện thoại cho Trung Tá Nguyễn Hữu Phước, Phó Đô Trưởng Nội An, bảo đem đến Tòa Đô Chánh ngay một chiếc xe. Trung Tá Phước tưởng ông Vỹ cần xe chờ đồ nên cho Đại Úy Trang Khánh Hưng lái một chiếc xe fourgonnette đến. Ông Vỹ bảo tắt máy xe rồi cùng Đại Úy Hưng đẩy băng qua đường Pasteur, vào cửa bên hông của Dinh Gia Long để tránh sự chú ý của các binh sĩ trong dinh.

Ông Diệm bảo ông già Ẩn lên lấy chiếc cặp cho ông. Khi đi ra xe, ông Diệm còn lầu bầu: “ĐI NHƯ RI LÀ MẤT NƯỚC!”. Không ngờ lời nói đó đã trở thành một lời tiên tri!

Ông Vỹ bàn với Trung Tá Phước về nơi đầu tiên ông Diệm và ông Nhu sẽ đến là Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên Quận 5 (khu Đại Thế Giới cũ) ở Chợ Lớn. Trung Tá Phước liền báo tin cho ông Vũ Tiến Tuân, Đô Trưởng Sài Gòn biết. Nhưng ông Tuân thấy ông Diệm không thể ở lâu nơi đó được nên gọi ông Mã Tuyên, Phó Thủ Lãnh Thanh Niên Cộng Hoà Quận 5 và đề nghị cho ông Diệm và ông Nhu tạm ở nhà ông Mã Tuyên. Ông Tuyên đồng ý ngay.

Đại Úy Thọ cho biết: Tổng Thống Diệm, ông Nhu, Đại Úy Bằng, ông Cao Xuân Vỹ và anh ta chui ra khỏi hầm. Theo sau còn có Đại Úy Lê Châu Lộc và Đại Úy Lê Công Hoàn. Tất cả đi ra mặt tiền đường Gia Long. Một chiếc xe “deux cheveaux” loại fourgonnette đã đậu sẵn. Đại Úy Thọ lên ngồi ghế cạnh tài xế. Ông Cao Xuân Vỹ mở cửa sau. Tổng Thống Diệm lên xe trước, ngồi xuống sàn phía bên tài xế, ông Nhu lên sau và ngồi xuống sàn phía bên Đại Úy Thọ.

Ông Cao Xuân Vỹ cho biết vì thấy xe không có ghế ngồi, ông đã vội chạy vào Dinh lấy cái nệm, nhưng khi ông trở ra thì xe đã chạy mất rồi. Lúc đó là khoảng 7 giờ 30 tối. Như vậy trên xe chỉ có 4 người: Ông Diệm, ông Nhu, tài xế và Đại Úy Thọ.

Xe ra ngả đường Pasteur, nhưng vì đường Pasteur một chiều không thể chạy ngược xuống đường Lê Lợi được, nên những người đi theo sau xe phải đẩy xe ngang qua đường Pasteur để vào Toà Đô Chánh bằng cửa bên hông, rồi từ đó tài xế lái xe ra cửa trước ở đường Lê Thánh Tôn và quẹo vào đường Nguyễn Huệ phía trước rạp Cinéma Rex, sau đó quẹo phải vào đường Lê Lợi. Xe chạy về phía đường Trần Hưng Đạo, đến đường Đồng Khánh rồi vào Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên Quận 5, nơi đang đặt bộ tư lệnh tiền phương của Trung Tá Phước. Theo sau xe Tổng Thống là một chiếc xe Dodge 4x4, chở các dụng cụ truyền tin để Thổng Thông có thể liên lạc với những nơi khác.

Câu chuyện còn dài, chúng tôi sẽ kể vào một dịp khác.

NGUYỆN VỌNG CHƯA THÀNH

Ông Vỹ cho biết sau khi ông Diệm bị giết, Tướng Mai Hữu Xuân đã ra lệnh bắt ông và những người khác có liên hệ đến chế độ Ngô Đình Diêm. Ông bị tra tấn rất dã man, nhưng họ không hỏi gì về những công việc đã làm, mà chỉ hỏi tiền bạc đang được cất giữ ở đâu. Họ cho ông biết muốn được thả ra phải nộp 20 triệu. Ông không có tiền nộp nên bị giam đến năm 1967, khi cuộc bạo loạn của Phật Giáo bị dẹp tan, ông và nhiều người khác mới được thả. Hầu hết những người khác cũng bị như ông, ngoại trừ những người chạy tiến như Nguyễn Cao Thăng, Bùi Kiện Tín, v.v.

Ra hải ngoại, ông Vỹ lập Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại và làm Chủ Tịch cho đến ngày ông qua đời. Năm nào vào đầu tháng 11, ông cũng tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các chiến sĩ quốc gia vị quốc vong thân.

Mặc dầu là “cận thần” của nhà Ngô, ông Cao Xuân Vỹ đồng ý với chúng tôi rằng bây giờ những tài liệu lịch sử đã được công bố hết rồi nên những chiến dịch chống Ngô hay bênh Ngô đều trở thành vô nghĩa. Công việc bây giờ là phải làm sáng tỏ lịch sử: Tìm hiểu xem người Mỹ đã xây dựng rồi phá sập chề độ Ngô Đình Diệm như thế nào để rút kinh nghiệm lịch sử. Ông mong tôi xuất bản một tập sách viết theo đường lối đó. Nhưng rất tiếc tập sách chưa ra mắt thì ông đã ra đi.

“Chân thật nghĩ là chân thật, phi chân biết là phi chân, cứ tư duy một cách đứng đắn, người như thế mau đạt đến chân thật.”

Xin dùng lời kinh Pháp Cú này để tiễn đưa ông.

Ngày 17.10.2013