TOẠ ĐÀM VỀ CÔNG TRÌNH CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC

LINH MỤC PHÊ RÔ TRẦN LỤC (1825-1899)
DANH NHÂN VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM


Nói về Cụ Sáu, một vĩ nhân của lịch sử cận đại, tên tuổi ngài gắn liền với Phát Diệm cũng như Nguyễn Công Trứ gắn liền với Kim Sơn. Ngài không chỉ là một giáo sĩ đạo đức nhiệt thành việc tông đồ, mà còn là một danh nhân văn hóa, có tài kinh bang tế thế.

Đức Cha Nguyễn Bá Tòng giám mục tiên khởi Việt Nam, nổi tiếng thông thái và hùng biện, được mời đi diễn thuyết nhiều nơi ở trời Âu đã ca tụng Cụ Sáu như sau: Tôi quyết rằng không có người Việt Nam nào như Cụ Sáu, và ngài nhắc đến lời Thánh ca khen ngợi Đức Maria là “Vẻ vang của Giêrusalem, là vui mừng của Israel và danh dự của dân tộc” để liên hệ đến Cụ Sáu rằng: Cụ là vẻ vang của Hội Thánh Bắc kỳ này, là vui mừng của con cái Phát Diệm, là danh dự của cả dân tộc Đông Dương chúng tôi. Bàn về một con người vĩ đại như thế thì phải cả một pho sách dầy, bởi vì Cụ Sáu là nhà truyền giáo, nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà kiến trúc, nhà giáo dục, nhà thơ, nhưng trên hết là một cha xứ đạo đức thánh thiện, hết lòng với con chiên, để lại cho hậu thế một cuộc đời xuất chúng, một sự nghiệp phi thường vượt không gian và thời gian. Đã có rất nhiều bài viết về Ngài, ở đây tôi chỉ xin nói đến một lĩnh vực: Cụ Sáu – danh nhân văn hóa dân gian Việt Nam.

Cha Phêrô Trần Lục sinh 1825 ở làng Mỹ Quan Nga Sơn Thanh Hóa, thụ phong linh mục năm 1860 rồi lên truyền giáo ở Lạng Sơn. Nguyễn Công Trứ khai khẩn Kim Sơn 1829. Cha Tôma Kỳ mở xứ Phát Diệm được tách ra từ xứ Hảo Nho năm 1850, cha Kỳ tử đạo tháng 12/1861. Cha Anrê Dũng kế thừa cũng tử đạo chết rũ tù ở Ninh Bình tháng 5/1863. Sau 2 năm vắng cha xứ, đến năm 1865, Đức Cha Chiêu Theurel sai cha Phêrô Trần Lục về coi xứ Phát Diệm, năm đó Ngài 40 tuổi, 5 năm linh mục.

34 năm làm cha xứ, Cụ Sáu đã để lại cho Phát Diệm một quần thể kiến trúc nhà thờ vĩ đại với phong cách Á Đông tuyệt mĩ, những đường nét tinh sảo được khắc chạm trên gỗ, trên đá với văn hóa dân tộc: Tứ Linh – Tứ Quý – Lá Lật, những chủ đề Kinh thánh được phác họa với khuôn mặt Á Đông, những vầng mây, đài sen gần gũi với Phật giáo và văn hóa dân gian. Bốn Thánh sử trên nóc bốn lầu phụ của Phương đình được đắp với tư thế ngồi thiền, một cảnh chưa từng có vì tượng thánh của đạo Công Giáo khắp nơi đều tượng đứng, trừ tượng Pietà của Michelange. Vị trí đặt cũng mang một ý nghĩa từ Kinh Thánh: “Những điều anh em nghe rỉ tai thì hãy công bố trên nóc nhà”. Tôi đang nói về những nét văn hóa dân gian của Cụ Sáu trong kiến trúc xây dựng, mảng đề tài này đã nhiều người khảo sát bàn đến.

Ở đây tôi muốn nói đến văn hóa giáo dục của Ngài trong lãnh vực thơ văn, ai cũng biết đến ca vè Cụ Sáu giáo dục ở đây có cả dạy Đạo và dạy Đời. Dạy đời có 2.544 câu thơ, nội dung giáo dục nhân bản gồm: Hiếu tự ca 1088 câu, dạy đạo làm con đối với cha mẹ, bề dưới với bề trên.

Nữ tắc thường lễ 1016 câu, dạy người con gái ăn ở nết na, mẹo mực sống.

Nịch ái vong ân 440 câu, dạy người con trai biết sống và ứng xử ở đời.

Về Đạo có ca vè hạnh tích các thánh, về Đức Mẹ, về Chúa Ba Ngôi, về Thánh linh, Thánh Thể, các vãn dâng hoa tháng Đức Mẹ, Dâng hạt mùa thương khó, đặc biệt nhất là bài văn Than mồ “Đứng trước Hiếu Sơn” dài 66 câu thật sâu đậm và linh thiêng, nó mang dáng dấp ca vè trong văn chương bình dân Việt Nam, nhưng lại là lời kinh trong nghi thức phụng vụ. Tóm lược lịch sử cứu độ, kể cuộc đời Chúa cứu thế từ sinh ra, đi giảng đạo, chịu khổ hình chết trên Thánh giá và mai táng trong mồ. Chúng ta thấy gần giống như Kinh Nguyện Thánh Thể IV trong sách lễ Rôma ngày nay. Nhưng kinh nguyện Thánh Thể IV ghi lại lịch sử cứu rỗi để tạ ơn chúc tụng, còn vãn than mồ của Cụ Sáu hướng lòng giáo dân đi sâu vào mầu nhiệm thương khó và sự chết của Chúa Giêsu để sám hối đền tạ.

Còn phải kể đến kinh cầu hồn và kinh Lạy Chúa Ngôi Hai. Hai kinh này chỉ Địa phận Phát Diệm có, các địa phận khác ở Việt Nam không có. Người dân Phát Diệm đi đọc kinh giỗ cho người qua đời, hay tháng các linh hồn không thể bỏ qua kinh cầu hồn, lứa tuổi 60 – 70 trở lên ai cũng thuộc lòng. Còn kinh Lạy Chúa Ngôi Hai rất hay và thảm thiết, nói đến ơn cứu chuộc và diễn tả Tứ Chung: Chết – Phán xét – Thiên Đàng – Hỏa Ngục, giới trẻ bây giờ nghe họ bảo là rất khiếp sợ, cứ suy ngẫm kinh này thì không ai dám phạm tội nữa. Cả 2 kinh này giờ không thấy in trong sách kinh giáo phận Phát Diệm nữa.

Trở lại đề tài tham luận của tôi: Cụ Sáu – nhà văn hóa dân gian – vì Cụ đã khéo trình bày chân lý đạo với tâm thức văn hóa dân gian Việt Nam, vấn đề này Cụ đã đi trước Công đồng Vaticant II 3/4 thế kỷ, một vĩ nhân của lịch sử đóng vai trò tiên tri. Cụm từ Hội nhập văn hóa mới được ứng dụng sau Công đồng Vaticant II 1965, nhưng xa xưa thời Giáo Hội sơ khai Thánh Phaolô đã từng tuyên bố Ngài là Do Thái với người Do Thái, Hy Lạp với người Hy Lạp (1 Cr). Thánh Tôma Aquinô thì có châm ngôn này: “Điều gì được tiếp nhận, thì được tiếp nhận theo cách thế của người tiếp nhận” (quidquid recipitur, ad modum recipientis recipitur).

Để kết thúc tôi muôn nói rằng Phát Diệm có được Cụ Sáu là một ơn huệ, ơn huệ ấy để ca ngợi Chúa, cuộc đời Cụ Sáu ca ngợi Chúa, văn chương Cụ Sáu ca ngợi Chúa, Khu Thánh đường này ca ngợi Chúa, mọi người về đây ca ngợi Chúa, những phiến đá bất động sừng sững nơi Phương đình này ca ngợi Chúa, và cả nền văn hóa dân gian Việt Nam yêu quý của chúng ta cùng với Cụ Sáu cũng đang thầm lặng ca ngợi Chúa. Adorat Te silentium.

Xin trân trọng cảm ơn ./.