HỘI NHẬP VĂN HÓA: MỘT CHỌN LỰA CĂN BẢN CỦA CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC

Dẫn nhập:

“Phát Diệm”, không chỉ là tên gọi của một vùng dân cư thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, mà còn, là tên gọi thân thương của một cộng đoàn Công Giáo địa phương: “Giáo xứ Phát Diệm”, đặc biệt, còn được đồng hóa với quần thể kiến trúc “nhà thờ Phát Diệm”, do cha Phêrô Trần Lục xây dựng từ năm 1875 – 1899.

Nói đến Phát Diệm, là nói đến “nhà thờ lớn” và dĩ nhiên, là phải nói tới Cụ Sáu, Tác giả của công trình kiến trúc độc nhất vô nhị này tại Việt Nam.

Bộ ba: Phát Diệm, nhà thờ đá, “Cụ Sáu”, đã hòa quyện trong ký ức của người Phát Diệm xưa và nay, tạo thành một dòng chảy “Ân nghĩa” không ngơi nghỉ bồi đắp nên một Phát Diệm: Đẹp về nhân cách, đẹp về địa danh. Thật vậy, “Bộ ba” ấy đã làm nên chất người Phát Diệm thế nào, thì cũng đã thấm nhập vào máu thịt Cụ Sáu như vậy: Phát Diệm và Cụ Sáu đồng hóa với nhau: “Quả thế, tên Phát Diệm và tên linh mục Trần Lục ngay từ ban đầu đã được Thiên định gắn liền với nhau, để rồi sẽ không bao giờ ly tán”, đến nỗi Lyautey, Nguyên Soái và thành viên Hàn Lâm Viện Pháp, đến thăm Phát Diệm, năm 1896, đã viết lại cảm tưởng của mình: “Phát Diệm, tức là Cha Sáu, là một linh mục Việt Nam đã cao niên, một trong những vị anh hùng khiêm tốn, một trong những con người khát khao hoạt động, có khả năng thành công trong bất cứ sự nghiệp nào, bởi vì xuất thân để đóng những vai trò quan trọng, và nếu không gặp vai trò quan trọng, thì chính những cái nhỏ bé của ngài đã là sự nghiệp vĩ đại rồi”.

Bởi đâu Cụ Sáu trở thành nhân vật thời danh và vĩ đại như thế? Câu trả lời đó là: Cụ Sáu, điểm hẹn hò giữa đức tin và văn hóa Việt Nam. Ngài đã chọn cho mình một lối đặc thù “hội nhập văn hóa” để chu toàn nhiệm vụ “thầy dạy đức tin”.

Trong “Năm Đức Tin” này, mọi thành phần dân Chúa được mời gọi đào sâu đức tin đã lãnh nhận bằng việc tuyên xưng, cử hành và loan báo. Thật cần thiết và hữu ích tổ chức một buổi tọa đàm về cha Phêrô Trần Lục – Chứng nhân đức tin tại Phát Diệm. Nói rằng cần thiết, vì không thể bỏ qua một gương chứng nhân đức tin, đã bước những bước thật dài, thật vững vàng trong tiến trình hội nhập văn hóa (rao giảng Tin Mừng theo phong cách Việt Nam); nói rằng hữu ích, vì ngài nên tấm gương và thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn nữa trong việc hội nhập văn hóa, để cộng đoàn Kitô giáo Việt Nam không còn bị coi là “một đạo” ngoại lai trong não trạng đồng bào của mình.

Trong bài tham luận: “Hội nhập văn hóa: một chọn lựa căn bản của cha Phêrô Trần Lục”, chúng ta đề cập đến mấy điểm sau Nền tảng thần học của hội nhập văn hóa (I); Cha Phêrô Trần Lục: Điểm hẹn hò của đức tin và văn hóa Việt Nam (II); Cha Phêrô Trần Lục: Công trình hội nhập văn hóa (III); Tiếp bước cha anh trong hành trình hội nhập văn hóa (IV).

• NỀN TẢNG VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA HỘI NHẬP VĂN HÓA

• Nền tảng thần học của hội nhập văn hóa

Mạc khải là sự Thiên Chúa, trong tình yêu thương chan hòa, thân hành đến gặp gỡ, ngỏ lời với loài người như với bạn hữu, chấp nhận đến sống với họ, để hướng dẫn họ đi vào cuộc sống của chính Ngài. Các động từ: đến gặp, ngỏ lời, sống với họ [...] diễn tả hoạt động nhập thể của Lời Chúa trong lịch sử và trong môi trường văn hóa của con người thời đại, mà đỉnh điểm là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.

Trong hiến chế: “Lời Thiên Chúa” (DV. 4), công đồng Vatican II trình bày một kitô học theo chiều đi xuống (christologie descendante): “Ngài (Chúa Cha) đã sai Con của Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng soi sáng mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ biết những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa”, để nhấn mạnh chiều kích nhập thể của Ngôi Lời. Từ nay, trong Đức Giêsu Nazareth, Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ con người, hoạt động theo phong cách con người. Nên biết, ngôn ngữ và hoạt động nhân sinh tạo ra văn hóa, đồng thời cũng là loại hình sinh hoạt văn hóa để làm cho kho tàng văn hóa ngày càng phong phú thêm. Bởi vậy, khi vào trần gian, Đức Giêsu đã tiếp nhận truyền thống văn hóa tổ tiên và với một thái độ kính trọng, Ngài tận dụng những nét đẹp của truyền thống để loan báo Tin Mừng Chúa Cha theo phong cách của các nhóm thính giả, khiến họ thích thú, thán phục và tin theo; nhưng đồng thời, Ngài cũng chữa trị những thương tích và bất toàn tiềm ẩn trong truyền thống văn hóa ấy: “Các thánh giáo phụ luôn quả quyết rằng, sự gì không được Chúa Kitô tiếp nhận vào Người thì không được chữa lành”.

Tuy nhiên, Đức Giêsu chẳng hoạt động một cách đơn lẻ, Ngài luôn hoạt động trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần. Kinh tin kính, trong phần tuyên xưng về Chúa Con, quả quyết: “... Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria Đồng Trinh, chịu nạn thời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng...”.

Qua những điều tín biểu vừa tuyên xưng, chúng ta kết luận: chính Chúa Thánh Thần đã làm cho Ngôi Lời nhập thể, đã đưa Thiên Chúa đến với loài người và đưa loài người hội nhập vào trong Thiên Chúa. Đức Giêsu, nhờ Thánh Thần, là người “Thứ Nhất” thực hiện việc loan báo Tin Mừng Chúa Cha bằng con đường hội nhập văn hóa một cách sâu rộng và triệt để nhất.

Chúng ta vững tin rằng: Chúa Thánh Thần đã làm cho Ngôi Lời nhập thể thế nào, thì cũng sẽ làm cho Tin Mừng hội nhập vào các nền văn hóa như vậy. Trong Tông Huấn về Giáo Hội tại Á châu, Đức Thánh Cha Gio-an Phaolô II viết: “Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của sự hội nhập văn hóa của đức tin Kitô giáo tại Á châu” và “Thánh Linh tác động trên châu Á vào thời các tổ phụ và các tiên tri, và còn tác động mạnh mẽ hơn trong thời Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội sơ khai. Hôm nay, Ngài đang hoạt động giữa các Kitô hữu Á châu, củng cố chứng từ về đức tin của họ giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo tại lục địa này. Đúng như cuộc đối thoại tình yêu giữa Thiên Chúa và con người được Chúa Thánh Linh chuẩn bị và được hoàn tất trên mảnh đất Á châu trong mầu nhiệm của Đức Kitô. Như thế, cuộc đối thoại giữa Đấng Cứu độ và các dân tộc trên lục địa này hôm nay tiếp tục trong cũng một quyền năng Thánh Linh tác động trong Giáo Hội”.

Với nội dung vừa trình bày, chúng ta có thể tìm đến một định nghĩa cho việc hội nhập văn hóa, để từ đó quy chiếu những nghiên cứu, khám phá, lượng giá cho công trình hội nhập rất tinh tế và phức tạp này.

• Một định nghĩa mô tả

Trong tông huấn “Redemptoris Missio” (Sứ vụ Đấng Cứu Thế), Đức Gio-an Phaolô II diễn tả việc hội nhập văn hóa theo mô hình của Ngôi Lời nhập thể: Giáo Hội làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa khác nhau, và đồng thời Giáo Hội dẫn đưa các dân tộc cũng như các nền văn hóa riêng của họ vào trong chính cộng đoàn Giáo Hội.

Hội nghị truyền giáo năm 1979 tại Manila của liên hội đồng các giám mục Á châu (FABC) cũng đã đưa ra một định nghĩa về hội nhập văn hóa tương tự như định nghĩa trong tông huấn “Redemptoris Missio”: “Hội nhập văn hóa không chỉ là thích ứng Kitô giáo có sẵn vào một tình thế nào đó, nhưng đúng hơn là làm cho Ngôi Lời hiện thân một cách sáng tạo trong Giáo Hội địa phương”.

• Tầm quan trọng của việc hội nhập văn hóa

Tất cả mọi người, cách riêng Dân Chúa tại Việt Nam đều nhận ra cuộc hội nhập văn hóa của đức tin Kitô giáo là sứ vụ đặc thù và cũng là một dấn thân mục vụ đối với Hội Thánh tại Việt Nam.

• Về mặt tích cực

Người Á châu nói chung và người Việt nam chúng ta nói riêng có truyền thống văn hóa riêng, nên cũng muốn diễn tả đặc tính riêng của mình trong cách suy tư, cầu nguyện, cách sống, cách chia sẻ kinh nghiệm Kitô hữu của riêng mình với các anh chị em, vì nếu Kitô hữu không khám ra căn tính của riêng mình, họ sẽ đánh mất tương lai.

Liên hội đồng các giám mục Á châu nhấn mạnh chiều kích đối thoại trong việc hội nhập văn hóa: “đào sâu đối thoại tại Á châu giữa Tin Mừng và văn hóa, để đức tin được hội nhập văn hóa và văn hóa được Phúc Âm hóa”.

Chúng ta xác tín rằng: loan báo Tin Mừng bằng con đường hội nhập văn hóa chính là đang cùng với Chúa Thánh Thần thực hiện một lễ “hiện xuống mới” trong thời hiện tại hôm nay và trên chính quê hương này, để trong ngôn ngữ và gia sản văn hóa đặc thù, họ dâng lời ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa.

• Về mặt tiêu cực

Cùng với các dân tộc Á châu, chúng ta chia sẻ những thách thức và cam go giữa Giáo Hội và vấn đề thuộc địa. Giáo Hội bị coi như thành phần ngoại lai (đạo ngoại quốc...). Giáo Hội tại nhiều nơi còn bị coi là vật cản hay mối đe dọa cho cuộc hội nhập quốc gia và căn tính tôn giáo, văn hóa...

Đàng khác, Giáo Hội vẫn là ngoại quốc trong lối sống, cơ chế tổ chức, lối thờ phượng, trong cách lãnh đạo được đào luyện theo Tây phương và trong thần học của Giáo Hội. Những lễ nghi tôn giáo thường vẫn quy củ, không tự phát, cũng không mang đậm nét Á châu... (FAPA, II, 195-196).

Vấn đề sống còn của Giáo Hội tại Việt Nam, không phải là tự vệ, hộ giáo..., mà phải là việc hội nhập văn hóa, để trong sự hiện diện của mình, mọi người đều nhận thấy có mình ở trong đó “một Giáo Hội nhập thân nơi dân chúng, một Giáo Hội bản xứ và hội nhập văn hóa” (FAPA, I, 14).

Tại Việt Nam, khởi đầu công cuộc truyền giáo, các vị thừa sai đã cố gắng thực hiện công trình hội nhập văn hóa trong nhiều lãnh vực khác nhau và đã đem lại nhiều hiệu quả khả quan. Tại Phát Diệm, linh mục Phêrô Trần Lục là một điển hình. Công trình kiến trúc đồ sộ “quần thể nhà thờ Phát Diệm” được nhìn nhận như một công trình hội nhập văn hóa tại Việt Nam.

• CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC: ĐIỂM HẸN HÒ CỦA ĐỨC TIN VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Qua tác phẩm, người ta biết được khả năng của tác giả. Dường như có một tỷ lệ thuận giữa tác phẩm và tác giả: tác phẩm càng tinh xảo, càng hoàn hảo về phương diện nghệ thuật, thì chủ nhân của nó lại càng tài khéo, tinh thông và khôn ngoan gấp bội. Quần thể nhà thờ Phát Diệm tự minh chứng cách hùng hồn trí thông minh, sự uyên bác về phương diện nhân bản, văn hóa Việt Nam, cũng như kiến thức thần học, kinh thánh, phụng vụ của Cụ Sáu. Cả hai đã được kết tinh nên một cách hài hòa nơi con người đáng kính của Cụ. Ngài là điểm hẹn hò giữa đức tin và văn hóa Việt Nam.

• Cụ Sáu: mẫu mực về nhân bản và văn hóa Việt Nam

Trong phạm vi bài thuyết trình này, chúng ta không đề cập đến thân thế và sự nghiệp của cha Phêrô Trần Lục, mà chỉ chú nhắm đến phương diện nhân bản, văn hóa của ngài xuyên qua bút tích (Ca vè Cụ Sáu) và công trình kiến trúc quần thể nhà thờ Phát Diệm.

Đọc “Ca vè Cụ Sáu”, độc giả bị cuốn hút vào những lời răn dạy đầy ắp tính nhân văn: đức hiếu thảo của kẻ làm con phải có đối với cha mẹ:

“Mấy lời hiếu tự nói qua,

Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn

Làm người sống ở thế gian

Ai không đội đức cao san (sơn) nặng đầy”.

Ngài dạy dỗ một cách chi tiết, tỷ mỷ, kỹ càng, những kẻ làm con về: cung cách hành xử, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, cho tròn chữ hiếu đối với cha mẹ.

Trong phần “Nữ tắc thường lễ”, tác giả liệt kê những đức tính phải có của người phụ nữ, đồng thời cũng phê phán các nết xấu cần phải loại trừ đối với người phụ nữ. Những lời răn dạy trong nữ tắc thường lễ là phương pháp đào tạo nhân cách người phụ nữ theo tiêu chuẩn “Tứ đức” (Công – Dung – Ngôn – Hạnh) của Nho giáo.

Còn trong “Nịch ái vong ân”, Cụ Sáu đề cập đến tư cách phải có của người đàn ông, bậc tu mi quân tử. Được xem như cột trụ trong gia đình, người đàn ông phải biết “tề gia”, nghĩa là điều khiển gia đình mình cho đúng lễ nghĩa gia phong, có sự kính trên nhường dưới, biết răn dạy những người thuộc quyền, cụ thể ở đây là “dạy vợ”. Chúng ta phải đặt mình trong bối cảnh văn hóa Việt Nam cách đây hơn 100 năm để thấy những lời răn dạy của ngài là cần thiết và hữu ích. Đối với Cụ Sáu, người đàn ông không biết “tề gia” thì không thể hy vọng thành công trên lãnh vực “trị quốc” và “bình thiên hạ” được.

“Ca vè Cụ Sáu” được giáo dân Phát Diệm xưa và nay đón nhận rất chân thành và phổ cập. Bằng chứng là tập sách này được in ấn và tái bản nhiều lần, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử Phát Diệm. Nhiều người cho tới ngày nay vẫn còn thuộc lòng “Ca vè Cụ Sáu”.

Sở dĩ tác phẩm của ngài được đón nhận trên diện rộng như vậy vì nhiều lý do, có thể do thể loại thơ văn bình dân hợp với tâm thức người Việt Nam..., nhưng có một lý do khác quan trọng hơn, đó là cung cách sống nhân bản của ngài đã có ảnh hưởng trên giáo dân, khiến họ yêu mến mà tìm đến với ca vè của Cụ để học làm người. Cụ Sáu dạy dỗ giáo dân bằng chính đời sống và gương sáng của mình: “Lời nói như gió lung lay, gương lành như tay lôi kéo” (ca dao), đúng như nhận định của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “Con người ngày nay thích nghe chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy thì trước hết những thầy dạy đó đã là chứng nhân rồi”.

Còn về phương diện kiến trúc, quần thể nhà thờ Phát Diệm là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam:

• Đặc tính phong thủy được Cụ lưu tâm cách đặc biệt: “Tiền thủy, hậu sơn” tạo nên một cảnh quan hài hòa, tôn thêm vẻ hùng vĩ cho quần thể, đồng thời cũng tạo nên một không gian trầm tĩnh dễ đưa hồn vào cầu nguyện, gẫm suy.

• Kiến trúc với những vòm cuốn, mái cong cao vút trên nền trời trong xanh tạo đường nét mềm mại, thanh cao, duyên dáng: quần thể to lớn, vĩ đại, nhưng không thô kệch. Đi sâu vào chi tiết một chút, chúng ta thấy các biểu tượng rất cao quý Việt Nam được ngài sử dụng vào những vị trí thích hợp nhằm thông truyền một sứ điệp Tin Mừng phù hợp với tâm thức Việt Nam... Tựu trung, khi đến với nhà thờ đá Phát Diệm, người Việt Nam dễ nhận thấy mình ở trong đó và cũng cảm thấy có cái gì đó là của riêng mình.

• Cụ Sáu: một đức tin được nhập thể

Trong dụ ngôn người gieo giống (Mt 13, 3 – 9), Chúa Giêsu nói đến mảnh đất tốt mà trong đó hạt giống Lời Chúa được gieo vào sẽ sinh hoa kết trái phong phú dồi dào. Mảnh đất ấy không gì khác hơn là tâm hồn con người và truyền thống văn hóa, tôn giáo của một cộng đoàn. Nơi tâm hồn con người là nét nhân văn được thể hiện qua đời sống nhân bản và văn hóa.

Cụ Sáu: mảnh đất tốt được tuyển chọn. Khẳng định đó hoàn toàn có lý vì hai lý do:

• “Ca vè Cụ Sáu” nhấn mạnh đạo đức gia đình như là yếu tố nền tảng mà trên đó mọi nhân đức nhân bản, kể cả đức tin được xây lên. Thiếu yếu tố cơ bản này, con người chỉ là mảnh đất sỏi đá, gai góc, không thích hợp để hạt giống Tin Mừng mọc lên. Cụ Sáu ý thức sâu xa mối dây liên kết bất khả phân ly giữa nhân đức nhân bản và đức tin, nên khi giáo dục đức tin cho giáo dân, ngài dạy họ các đức tính nhân bản. Đọc “Ca vè Cụ Sáu”, độc giả nhận thấy một sự liên kết hài hòa gần như đồng hóa giữa đức tính nhân bản và đức tin: Trong nhân bản có đức tin và trong đức tin có nhân bản.

• Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm là lời tuyên xưng đức tin sống động của Cụ vào Thiên Chúa và vào các chân lý cứu độ Kitô giáo. Những bức phù điêu, chạm bong trên các tường và các bàn thờ là cuốn Phúc Âm rút gọn diễn tả các “mầu nhiệm cả” trong đạo. Chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô về Cụ Sáu: “Tôi biết tôi đã tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới ngày Ngài đến” (2Tm 1, 12 ). Đức tin của Cụ quả là sâu sắc, thế nên, không còn lời nào phù hợp hơn để diễn tả ngoài khẳng định này “Cụ Sáu: một đức tin đã được nhập thể”.

• CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC: CÔNG TRÌNH HỘI NHẬP VĂN HÓA

Trong 34 năm làm cha xứ Phát Diệm, Cụ Sáu đã lo giáo dục nhân bản qua những ca vè, cũng như đời sống đạo đức cho giáo dân. Đặc biệt xây dựng quần thể nhà thờ Phát Diệm. Cả hai công trình này đều thể hiện sâu sắc đặc tính hội nhập văn hóa Việt Nam.

• Ca vè Cụ Sáu chứa đựng những nét hội nhập văn hóa

“Ca vè” là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian Việt Nam, rất phổ thông và thịnh hành trong giai đoạn từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Người dân thường dùng câu ca dao, dân ca, bài vè để chuyển tải ý muốn của mình, nhằm giáo dục, phê phán hiện tình con người và xã hội. Ngôn ngữ Việt Nam tự thân đã có thanh trắc, thanh bằng, âm điệu trầm bổng, nên khi nói người ta có cảm tưởng như một bài ca. Với đặc điểm về cung điệu như thế, người nghe rất dễ lọt tai với thể loại văn vần, thơ ca, vè. Loại hình văn hóa này đã ăn sâu vào ký ức của người dân Việt Nam, từ thuở còn nằm nôi nghe lời ru của mẹ, đến khi nằm yên trong “quan tài” vẫn còn được nghe những bài ca theo thể thơ ca, vè như thế.

Cụ Sáu sử dụng ca vè vào mục đích giáo dục nhân bản và cũng uyển chuyển, tinh tế nhắc nhở đời sống đức tin, bổn phận giáo dục đức tin cho con cái:

“Việc phần hồn trước dạy làm dấu,

Kêu Giêsu, Thánh mẫu quan thầy

Kinh hàng ngày sự cần phải học

Mẹ dạy con trằn trọc hôm mai”.

Đọc Hiếu tự ca, độc giả nhận thấy Cụ Sáu không dừng lại trong việc giáo dục nhân bản, nhưng trên nền tảng nhân bản, Cụ muốn gieo trồng đời sống đức tin như là cùng đích của một đời sống nhân bản phải đạt tới. Phần kết của Hiếu tự ca, Cụ Sáu nhấn mạnh đạo hiếu không chỉ là bổn phận tự nhiên, mà hơn thế, do chính Chúa truyền ban, nên khi thực hành đạo hiếu là thực thi Lời Chúa, nhờ đó kẻ thực hành sẽ được hạnh phúc đời này và đời sau:

“Hãy lắng tai nghe lời Chúa hứa,

Ai hết lòng thảo hiếu mẹ cha,

Sẽ ban phần thưởng này là

Sống lâu dưới thế để mà trả công

Về sau phúc trọng muôn phần

Chúa còn trả lại vô cùng hẹp chi

Mấy lời hiếu tự phải ghi

Chôn lòng mà giữ chớ khi nào rời. Amen”.

Do đi đúng vào căn tính người Việt, Ca vè Cụ Sáu đã được đón nhận nồng hậu nơi giáo dân Phát Diệm: người ta đọc, học, thực hành Ca vè Cụ Sáu, mãi cho tới ngày nay, nhiều cụ vẫn còn thuộc lòng. Việc đưa lời Chúa, nhắc nhở sống và thực hành đức tin vào ca vè chính là cách thức hội nhập văn hóa đúng nghĩa.

Cho tới nay, Phát Diệm vẫn còn giữ được truyền thống đạo đức, nề nếp gia phong, tinh thần đoàn kết, trọng chữ hiếu cũng là nhờ sự kiên trì giáo hóa, miệt mài gieo trồng đức tin của vị linh mục đáng kính, cha Phêrô Trần Lục.

• Quần thể nhà thờ Phát Diệm: công trình hội nhập văn hóa

Khu quần thể nhà thờ Phát Diệm là công trình hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa, tôn giáo Việt Nam, trong tổng thể, cũng như từng chi tiết. Trong khuân khổ của bài thuyết trình, chúng ta chỉ đề cập tới 3 điểm nền tảng sau đây:

• Hội nhập Tin mừng trong nghệ thuật kiến trúc xây dựng

Khi nói về kiến trúc cổ Việt Nam, nhiều người lầm tưởng là bản sao của kiến trúc Trung Hoa, nhưng thật ra, kiến trúc cổ truyền Việt Nam khác nhiều so với lối kiến trúc Trung Hoa, nhất là về phần cấu tạo mái cong. Kiến trúc phần mái của người Trung Hoa dùng phương pháp “chồng đấu, tiếp rui”, trong khi người việt dùng “tàu đao, lá mái” để cấu tạo mái cong”.

Cụ Sáu xây dựng khu quần thể theo đúng phong cách bản địa Việt Nam: mềm mại, thanh cao, trầm tĩnh, nhờ đó hồn Tin Mừng đã được thổi vào nghệ thuật kiến trúc dân tộc. Trong công trình nhà thờ Phát Diệm, Cụ đóng vai trò trung gian, “mai mối” để cho Tin Mừng và nghệ thuật kiến trúc bản địa thực hiện cuộc đối thoại “vô ngôn” sâu sắc và hiệu quả: “Đây không phải lời, cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai, nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất và lời chúng truyền rao khắp cả địa cầu” (Tv 18, 4 – 5).

Do vậy, người Việt Nam đến với Phát Diệm là nhận ra chúng mình khi cùng nhau quy tụ dưới mái của công trình kiến trúc, và hơn nữa, nhận ra nguồn cội thiêng thánh của mình khi tịnh ngôn, tịnh tâm lắng nghe “quần thể nhà thờ Phát Diệm” tâm sự về Tin Mừng cứu độ đã nhập thể trong nghệ thuật kiến trúc thuần túy Việt Nam.

• Hội nhập Tin Mừng trong văn hóa “đình làng”

Khu quần thể nhà thờ Phát Diệm, theo chiều Nam – Bắc, bắt đầu là “ao hồ”, “sân phương đình”, “phương đình”. Cấu trúc này được rập khuân theo mô hình văn hóa nông thôn Việt Nam, văn hóa làng. Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng đã đi vào văn chương và được thi vị hóa. “Đình làng” có thể được xem là địa chỉ riêng của mỗi người, đặc biệt trong những dịp hội làng, hay mỗi khi có việc làng. Bởi vậy, đình làng được xây dựng với những tiêu chí rất đặc biệt như: luật phong thủy, địa điểm, phương hướng. Lý tưởng nhất là đình có địa điểm thoáng đãng nhìn ra sông nước, nếu không có được ao hồ thiên nhiên thì dân làng phải đào ao, đào giếng để có mặt nước phía trước đình cho đúng thế “tụ thủy”, vì họ cho đó là điềm thịnh mãn cho làng. Trong đình, gian giữa, có bàn thờ, thờ vị Thành hoàng của làng, một chiếc trống cái cũng được để trong đình để đánh lên mỗi khi có việc làng, trống đánh theo “nhịp ngũ liên” mời gọi, thúc giục dân chúng về hội làng. Mọi sinh hoạt hành chính, tế tự, hội hè, rước sách, khao vọng, đón người đỗ đạt... đều diễn ra tại đình làng.

Tin Mừng được nhập thể trong văn hóa đình làng:

Trước hết trên nóc đình làng là “lưỡng long chầu nguyệt”, nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh (trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương) thì phải gọi là “lưỡng long chầu mặt trời” (vì vòng tròn có ngọn lửa bốc cháy). Hai con rồng là biểu tượng sức mạnh âm – dương trong vũ trụ. Vòng tròn ở giữa là mặt trời, tượng trưng cho thái cực viên mãn của vũ trụ. Con rồng bên trái là âm, con rồng bên phải là dương”.

Nóc phương đình Phát Diệm được đặt cây thánh giá, chầu hai bên là hoa văn họa tiết hình triện long hóa. Nếu hình tròn bốc lửa là tượng trưng cho cho thái cực viên mãn của vũ trụ, thì Chúa Giêsu chính là mặt trời công chính và việc Ngài nhập thể chính là thánh giá. Cụ Sáu không gạt bỏ “lưỡng long chầu mặt trời”, nhưng chỉ cho mọi người “mặt trời” là Chúa Kitô. Cây thánh giá trên nóc phương đình đích thực là sự nhập thể của Tin Mừng vào quan niệm về vũ trụ của người Việt Nam. Chúng ta có thể so sánh điểm hội nhập văn hóa này với câu truyện mà Thánh Phaolô đã trình bày trong bài giảng cho giới trí thức trên đồi A-rê-ô-pa-gô (cf. Cv 17, 22 – 29).

Nếu cây trống cái trong đình làng mỗi lần gióng lên triệu tập dân làng đến tế lễ trời đất, thành hoàng, lễ hội truyền thống hoặc hội họp bàn việc làng, thì trên gác cao của phương đình chuông nam ngân nga trầm bổng gởi lời tự sự tới mọi người: “Tôi ca tụng Chúa thật, tôi kêu gọi dân chúng, tôi tập hợp các giáo sĩ, tôi khóc người qua đời, tôi đẩy lui dịch tễ, tôi điểm tô ngày lễ”. Cụ Sáu đã trang trí phương đình theo kiểu cách sinh hoạt cung đình: sập đá, bàn thờ (trước đây còn cả hai ghế đá đặt hai bên bàn thờ); trong tâm trí Cụ Sáu, Đức Giêsu là vua vũ trụ và lời Người giảng dạy như Đấng có uy quyền. Tin Mừng nhập thể trong sinh hoạt “đình làng”; không thay thế, nhưng làm cho sinh hoạt ấy được thăng hoa, được thần hóa. Quả thật, Cụ Sáu đã khơi “nguồn nước hằng sống” là Chúa Giêsu cho dân làng Phát Diệm đang thường xuyên tụ họp trong đình làng của mình để tìm “nguồn nước” cho thỏa cơn khát tâm linh.

• Hội nhập Tin Mừng vào văn hóa kể chuyện: đặc điểm của văn hóa Á châu

Á châu ít dùng ngôn ngữ trừu tượng, họ thích dùng hình ảnh, câu chuyện để dạy dỗ, để chuyển tải tư tưởng. Kể chuyện là loại hình sinh hoạt văn hóa Á châu. Tông huấn “Giáo Hội tại Á châu” đề nghị “khoa sư phạm gợi nhớ” sử dụng chuyện kể, dụ ngôn và biểu trưng: “Ai cũng biết kinh nghiệm thực tế của Á châu không chủ yếu là đường thẳng hay ý niệm, nhưng là đường xoáy ốc và biểu trưng, là những gì thuộc về trực giác, hấp dẫn, gợi mở, thẩm mỹ”.

Cụ Sáu am tường cảm thức văn hóa kể chuyện của người dân Việt, nên trên các bức tường của phương đình, mặt tiền Nhà Thờ Lớn, 5 nhà nguyện nhỏ, Cụ cho chạm những bức phù điêu diễn tả những mầu nhiệm Chúa Cứu Thế: từ việc Người giáng sinh, đời thơ ấu ẩn dật, đến đời hoạt động công khai, đặc biệt là biến cố tử nạn, phục sinh và lên trời vinh hiển. Mỗi bức phù điêu là một câu chuyện kể về cuộc đời Đức Giêsu như sách Tin Mừng diễn tả. Hội nhập Tin Mừng vào văn hóa kể chuyện cho người Việt Nam sẽ truyền cho họ cảm xúc ngạc nhiên, thích thú, ấn tượng, để rồi được lôi cuốn và thuyết phục.

• TIẾP BƯỚC CHA ANH TRONG HÀNH TRÌNH HỘI NHẬP VĂN HÓA

Hội nhập văn hóa của đức tin Kitô giáo là sứ vụ đặc thù và cũng là một dấn thân mục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam, bởi vì chúng ta luôn mong muốn: “một Giáo Hội nhập thân nơi dân chúng, một Giáo Hội bản xứ và hội nhập văn hóa”.

Hội nhập đức tin vào văn hóa bản xứ sẽ chạy dài suốt dòng thời gian mãi cho tới ngày Chúa lại đến.

Tiếp bước cha anh trong hành trình hội nhập văn hóa nơi địa phương này gồm hai việc quan yếu sau đây:

• Trân trọng giữ gìn, bảo tồn nguyện vẹn di sản cha ông để lại

Do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, thiên tai và bom đạn chiến tranh, quần thể nhà thờ Phát Diệm bị hư hại nặng nề. Hai lần tu sửa đáng ghi nhớ:

Lần thứ nhất được thực hiện ngay sau trận bom ngày 15-8-1972. Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo quyết định sửa chữa ngay. “Công việc bắt đầu vào tháng Mân côi năm ấy, chúng tôi tra tay vào công việc lấp các hố bom, xẻ gỗ đóng lại 52 cánh cửa chung quanh nhà thờ, đi mua ngói ở các nơi về lợp lại. Không những giáo dân ở Phát Diệm, mà còn cả anh chị em giáo dân bên Bùi Chu, trong Thanh Hóa cũng đóng góp: cho thóc, cho gạo nuôi thợ”. Hàng mấy trăm con người làm việc miệt mài, bất chấp máy bay hàng ngày bay lượn trên đầu, mặc cho súng bắn, họ vẫn cứ làm. Công việc tấp nập như thế hàng hai ba tháng, sau đó còn phải sửa chữa những nhà thờ nhỏ và sân, hai năm trời mới xong. Có được thành quả sửa chữa mỹ mãn như vậy, là vì con cháu ý thức được công lao tổ tiên xây dựng.

Lần thứ hai đại tu toàn bộ quần thể nhà thờ Phát Diệm. Bắt đầu từ thập niên tám mươi của thế kỷ XX, dưới sự chỉ đạo của Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, từng hạng mục được trùng tu. Nguyên tắc làm việc: “tuyệt đối trung thành với nguyên mẫu, chỉ thay những phần không thể giữ lại được, và không được phép thay những cột đã được xức dầu thánh hiến. Cuối tháng 05-2000, công việc trùng tu hoàn thành mỹ mãn”.

Bên cạnh việc bảo tồn nguyên vẹn di sản cha ông để lại, các thế hệ con cháu còn phải tích cực hơn nữa nghiên cứu công trình hội nhập đức tin vào văn hóa dân tộc của tiền nhân, để cảm nhận giá trị vĩnh hằng và tính thời sự của Tin Mừng trong công trình kiến trúc đồ sộ này. Một dấu ấn được ghi để dám “thi gan” cùng tuế nguyệt, đó là lễ cung hiến nhà thờ chính tòa Phát Diệm ngày 06 tháng 10 năm 1991. Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, nhân danh Giáo Hội, đã “đội triều thiên” cho công trình của Cụ Sáu.

• Cam kết, dấn thân rao giảng Tin Mừng bằng việc hội nhập văn hóa

Như đã minh chứng trong bài thuyết trình: khát khao của dân Chúa tại Việt Nam là được nhìn thấy “một Giáo Hội nhập thân nơi dân chúng, một Giáo Hội bản xứ và hội nhập văn hóa”. Viễn tượng này chỉ có thể thành hiện thực khi toàn thể dân Chúa, đặc biệt, các nhà chuyên môn, cam kết, dấn thân trong lãnh vực khó khăn, phức tạp và tế nhị này. Dựa vào những chỉ dẫn của tông huấn: Giáo Hội tại Á châu đoạn 22, chúng ta tập trung vào những điểm quan yếu sau đây:

• Lãnh vực thần học:

Văn hóa thờ “Ông Trời” cũng là một cách thức bày tỏ tự thâm sâu đáy lòng con người về một thượng đế có ngôi vị, thông biết mọi sự, làm chủ muôn loài, thưởng phạt công minh. Phải chân nhận, trong văn hóa, tôn giáo thờ “Trời” rất gần với mạc khải về Thiên Chúa ngôi vị trong Kinh Thánh. Tin Mừng có thể hội nhập trong văn hóa thờ “trời”, hít thở và hấp thụ chất dinh dưỡng từ nền văn hóa ấy.

Hội nhập văn hóa trong lãnh vực kitô học trong nền văn hóa “đình làng” và trong văn hóa kể chuyện Chúa Giêsu rất được đón nhận nơi anh chị em đồng bào của mình (kể chuyện Chúa Giêsu cách sống động bằng chính cuộc đời mình).

• Lãnh vực phụng vụ

Tâm thức người Việt là say mê thờ phượng, lễ hội tôn giáo và lòng đạo đức bình dân. Tinh thần tôn giáo truyền thống Việt Nam là mảnh đất tốt để đức tin hội nhập trong nghi thức thờ phượng truyền thống vốn có. Tuy nhiên không dừng lại ở những cử chỉ, hình thức giả tạo bề ngoài, nhưng phải làm thế nào để đức tin Kitô giáo được sống trọn vẹn trong môi trường văn hóa và thực tế cuộc sống của người dân. Nhiệm vụ của hội nhập văn hóa trong lãnh vực phụng vụ là tìm kiếm những phương cách hữu hiệu để nuôi dưỡng các hình thái thích hợp biểu lộ đức tin chân chính và đẩy lui mọi hình thức mê tín dị đoan trong việc tế tự, thờ phượng và cầu nguyện.

• Lãnh vực đào tạo

Đào tạo nhân sự theo phong cách Á châu rất được quan tâm. Trong cuốn: Đào tạo linh mục, định hướng và chỉ dẫn của hội đồng giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2012, lưu tâm cách đặc biệt mô hình đào tạo các linh mục theo phong cách Á châu gồm bốn nét đặc trưng:

• Linh mục, con người trưởng thành.

• Linh mục, con người của sự thiêng thánh.

• Linh mục, con người của đối thoại.

• Linh mục, con người khiêm tốn phục vụ

“Như vậy, trong bối cảnh Á châu có nhiều tôn giáo, nhiều nền văn hóa lớn và đa số là dân nghèo, các giám mục Á châu, sau khi trình bày yếu tố nền tảng: con người trưởng thành của linh mục, đã làm đậm nét hình ảnh người linh mục Á châu trong tương quan với Chúa, với người khác, nhất là với các tôn giáo khác và với người nghèo”. Mô hình đào tạo linh mục theo phong cách Á châu sẽ góp phần tạo nên những con người của hội nhập văn hóa và từ nơi họ tiến trình hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa bản xứ sẽ có cơ may phát triển và gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.

Kết luận:

Hội nhập văn hóa là một đòi hỏi cấp bách trong sứ vụ đến với muôn dân của Giáo Hội. Sứ vụ này đã được thực hiện trước tiên nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Ngài trở nên khuân mẫu về hội nhập văn hóa cho Giáo Hội mọi nơi và mọi thời.

Nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thực hiện công trình hội nhập văn hóa theo mô hình Ngôi Lời nhập thể, nghĩa là, làm cho Tin Mừng nhập thể trong một nền văn hóa đặc thù, và giới thiệu nền văn hóa ấy vào trong đời sống Giáo Hội. Con đường hội nhập văn hóa là con đường làm cho Giáo Hội địa phương không còn xa lạ, ngoại lai trước mắt đồng bào của mình, nhất là thể hiện đặc tính Công Giáo và đặc tính “duy nhất trong đa diện” và “đa diện trong duy nhất” của Giáo Hội Chúa Kitô.

Công trình hội nhập văn hóa của Cụ Sáu tại Phát Diệm là một dấu ấn đậm nét, một thành quả lớn lao trên đời sống giáo dân và đồng bào Việt Nam. Một truyền thống đạo đức sâu sắc, bền bỉ và một Giáo Hội mang bản sắc địa phương, đó chính là nhờ công lao Cụ Sáu.

Con đường hội nhập văn hóa chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc. Tiếp bước Cụ Sáu, chúng ta cam kết dấn thân lên đường thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng theo phong cách Việt Nam: hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa Việt Nam. Công việc đầy dẫy thử thách, cam go, phức tạp, tế nhị, nhưng hãy cứ lên đường trong niềm vui và hy vọng vì có Chúa Thánh Thần đang cùng hoạt động.

Nhờ ơn Chúa và sự hăng say nhiệt thành tông đồ, chắc chắn Giáo Hội sẽ đáp ứng được nguyện vọng của con dân Việt Nam là sớm được thấy: “một Giáo Hội nhập thân nơi dân chúng, một Giáo Hội bản xứ và hội nhập văn hóa”. Thật mong ước lắm thay.

Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê

Giám đốc TCV. Phaolô Phát Diệm


TÀI LIỆU THAM KHẢO

• Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Ad gentes).

• Đức Gio-an Phaolô II, Thông điệp sứ vụ Đấng Cứu Độ (Redemptoris Missio, ngày 07.12.1990).

Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia, ngày 06.11.1999).

• Ca vè Cụ Sáu.

• Tòa giám mục Phát Diệm, Nhà thờ Phát Diệm, nxb. Tôn giáo, 2009.

• HĐGMVN, Đào tạo linh mục – Định hướng và chỉ dẫn, nxb. Tôn giáo, 2012.

• HĐGVN, Hiệp thông, số 76 (tháng 5 & 6 năm 2013).

• Vinh-sơn Trần Ngọc Thụ, Lịch sử giáo phận Phát Diệm (1901-2001), Paris, 2001.

• Hoàng Xuân Việt, Thắng cảnh Phát Diệm – Địa linh nhân kiệt và kỳ quan, UBĐKCG, 1991.

• Phạm Ích Khiêm, Văn hóa học và văn hóa thế kỷ XX, Viện thông tin khoa học xã hội, 2001.

• Lê Thanh Đức, Đình làng Miền Bắc, Hà Nội, 2001.

• Kiến thức ngày nay: “khoa học và đời sống”, số xuân 2012.