VINH – Ngày 13 tháng 04 năm 2013 trở thành một mốc son mới trong lịch sử giáo xứ Tân Hội (Quảng Bình, hạt Minh Cầm). Đó là ngày giáo xứ định cư tại một cơ sở mới và cử hành Thánh lễ đặt viên đá góc xây dựng Thánh đường giáo xứ. Trong ngày đó, giáo dân Tân Hội đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho quý quan khách đến đây tham dự. Đó là tinh thần đoàn kết và tấm lòng đầy nhiệt huyết trong công việc xây dựng nhà Chúa.

Xem hình ảnh

Mỗi lần đến Tân Hội làm chúng ta nhớ đến một câu nói của cha Fx. Võ Thanh Tâm trong ngày ngài đến đây để trao quyết định thành lập giáo xứ và đón cha Giuse Phan Văn Hiệu về quản xứ (ngày 06 tháng 05 năm 2009). Ngài nói: “Về đây tôi mới thấu hiểu nổi vất vả của giáo dân nơi đây, cảm thông và thương cha Hiệu nhiều hơn”. Bốn năm một thời gian chưa đủ dài để một giáo lớn mạnh. Đặc biệt, nơi mảnh đất Tân Hội thì chừng đó thời gian là quá ngắn để xây dựng một giáo xứ đi lên từ những con số không: không nhà thờ, không nhà xứ, không cơ sở sinh hoạt, ….

Nằm cạnh Sông Gianh, lọt giữa hai ngọn núi đá, chìm sâu giữa cảnh rừng núi chốn thâm sơn cùng cốc tỉnh Quảng Bình. Kể từ ngày thành lập giáo xứ non trẻ này đã trải qua nhiều thách thức. Giáo xứ không nhà thờ, không nhà xứ, nằm trên vùng núi khô cằn giáo dân di tản khắp nơi để mưu sinh. Sau đó, cha quản xứ đã xây dựng được một ngôi nhà thờ bằng gỗ lợp ngói phibrô xi măng và ngôi nhà xứ bằng gỗ nứa tạm bợ. Vùng đất giáo xứ tọa lạc chịu nhiều ảnh hưởng của các trận lũ lụt trên sông Gianh. Nếu ai đến Tân Hội lúc đó nhìn cảnh giáo xứ với một ngôi nhà nguyện nhỏ tạm bợ nằm cạnh Sông Gianh, lợp bằng ngói xi-măng, xung quanh được bao bởi những tấm gỗ ván ghép lại làm thành bức tường, không biết có chịu nổi với cái nắng nóng như đổ lửa về mùa hạ và những trận mưa như trút nước về mùa mưa lũ của miền Trung không? Và không lâu sau đó trận lũ lịch sử năm 2010, đã nhấn chìm toàn bộ nhà cửa của bà con trên địa bàn giáo xứ. Nhà thờ và nhà xứ tạm bợ cũng bị nước cuốn trôi. Giáo xứ lại lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Sau đó, Đức Giám Mục giáo phận Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã tiến hành khảo sát giáo xứ và những vùng lân cận. Cuối cùng đã đi đến quyết định di chuyển giáo xứ đến vùng đất thuộc xã Mai Hóa, cách giáo xứ chừng 10 km để tránh sự khắc nghiệt của thiên tai bão lũ. Đã có hơn 30 gia đình chuyển về vùng đất canh tác mới, số hộ còn lại cũng đang tìm kiếm cơ sở để định cư. Riêng Thánh đường và khuôn viên giáo xứ cũng đã được định hình tại cơ sở mới

Với những khó khăn chồng chất, công cuộc di dời giáo xứ có lúc tưởng chừng như không thể thực hiện. Nhưng với tinh thần đoàn kết, hơn 2.800 giáo dân Tân Hội đã di chuyển giáo xứ đến cơ sở mới. Giáo xứ đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng nhà nguyện và nhà sinh hoạt giáo xứ. Đặc biệt cuối năm 2012, giáo xứ đã khởi công xây nền móng cho ngôi Thánh đường mới.

Sau gần một năm chuyển đến cơ sở mới, giáo xứ đã có khuôn viên rộng rãi, tựa mình vào một ngọn núi đá vôi. Như lời phát biểu của Cha Giuse Nguyễn Văn Hiệu đầu lễ: “Mặc dù còn nhiều ngổn ngang, còn nhiều việc phải làm nhưng có được kết quả như ngày hôm nay đã là niềm vui, niềm tự hào của chúng con lắm rồi …”.

Sáng thứ bảy ngày 13 tháng 04 năm 2012, giáo xứ Tân Hội đã long trọng tổ chức Thánh lễ đặt viên đá góc xây dựng ngôi thánh đường giáo xứ. Thánh lễ do Đức Giám Mục giáo phận Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ tế. Đồng tế với ngài, có 12 linh mục, đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ tham dự.

Giảng trong Thánh lễ, Đức Cha Phaolô đã đề cập đến ý nghĩa của ngôi thánh đường trong đời sống của người Tín Hữu. Thánh đường vừa là biếu tượng của Giáo Hội hữu hình vừa là biểu tượng chân lý của Thiên Chúa. Thánh đường là điểm hẹn cho công cuộc cứu độ. Tuy ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa bất cứ nơi đâu nhưng điểm gặp gỡ lý tưởng nhất là thánh đường. Vì nơi đây có cử hành Thánh lễ, có ban phát các Bí tích cứu độ và là nơi con người được giao hòa với Thiên Chúa. Đồng thời, ngài cũng nhắc nhớ các Tín Hữu phải chăm lo xây dựng đền thờ trong tâm hồn. Đền thờ nơi tâm hồn là đền thờ mà Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ lúc con người xuất hiện. Với cuộc sống chạy theo dục vọng đền thờ đó đã bị xuống cấp cần được xây dựng lại để trở thành nơi Thiên Chúa ngự cách xứng đáng.

Thánh lễ kết thúc với việc làm phép và đặt viên đá góc vào móng nền nhà thờ mới. Đức Cha Phaolô đã rảy nước phép, xông hương và đặt viên đá. Với một giáo xứ như Tân Hội, để có kinh phí để xây dựng ngôi thánh đường mới là điều rất khó khăn. Ngay sau khi Đức Cha Phaolô đặt viên đá đầu tiên, giáo xứ đã tổ chức huy động, quyên góp bằng hình thức mỗi gia đình, mối cá nhân mua cho mình một viên đá để đặt vào móng nhà thờ tùy theo khả năng và điều kiện kinh tế của từng người.

Nhiều doanh nhân, tổ chức, hội đoàn, cá nhân tham Thánh lễ đặt viên đá tại Tân Hội đã góp phần mình vào công việc nhà Chúa. Trong số những người lên đặt đá, có chị Lan một lương dân sống trong vùng. Khi thấy các gia đình Công Giáo đóng góp để xây nhà thờ, chị Lan cũng đã ủng hộ 10 triệu đồng. Tinh thần đó của gia đình chị đã được cộng đoàn hiện diện tán thưởng. Hay một em bé là học sinh tiểu học cầm trong tay chỉ 20.000 đồng đứng lên xin mua một viên gạch đặt vào móng để xây nhà thờ. Sau đó, em đã nói số tiền là có được nhờ tiết kiệm những bữa ăn quà vặt mà bố mẹ cho.

Nhưng hình ảnh của bà cụ Maria Đệ đã để lại nhiều dấu ấn hơn cả cho cộng đoàn Tân Hội và những người hiện diện. Một bà cụ già năm nay đã hơn 80 sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ bên sườn núi. Hằng ngày cụ trồng rau trong vườn và nuôi gà. Khi nghe tin giáo xứ sắp xây dựng nhà thờ cụ đã bán hết số gà mình có được với số tiền là 500.000 đồng cụ đem tới đóng góp. Hình ảnh Đức Giám Mục giáo phận đứng lên nhận lấy tấm lòng đầy nhân ái của bà cụ làm mọi người nhớ đến một hình ảnh trong Kinh Thánh khi Chúa Giêsu chứng kiến một bà góa bỏ tiền vào đền thờ và Chúa đá nói: Chính bà là người bỏ nhiều hơn ai hết (Mc 12, 41-44). Sau khi đã đón nhận số tiền của cụ Đệ bỏ vào nhà thờ, Đức Cha Phaolô đã tặng cụ một món quà với giá trị vật chất nhiều hơn số tiền mà cụ đã góp được từ việc bán đàn gà. Hình ảnh đó thật ý nghĩa và để lại những dấu ấn tốt đẹp cho những người tham dự.

Để ngôi thánh đường,trung tâm sinh hoạt, mục vụ như mong ước của những giáo dân Tân Hội được hoàn thành, có lẽ phải mất một quãng đường rất dài phía trước. Thiết nghĩ, những sẻ chia, giúp đỡ từ những tấm lòng quảng đại là rất cần cho những giáo dân nơi miền đại ngàn heo hút này.

Buổi chiều cùng ngày, Đức cha Phaolô đã cử hành Thánh lễ đặt viên đá góc xây dựng thánh đường giáo họ Rú Voi xứ Gia Hưng. Đồng tế với ngài có quý cha trong hạt Nguồn Son cùng đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài xứ Gia Hưng tham dự.

Xem hình ảnh

Lễ đặt viên đá tại Rú Voi cũng đã ghi nhận những tấm lòng hy sinh đóng góp cho công trình xây dựng nhà Chúa. Tọa lạc trên một ngọn núi, đời sống kinh tế xã hội của người dân Rú Voi đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ nhiều năm nay do không có thánh đường làm nơi sinh hoạt tâm linh, cộng đoàn Rú Voi đã dựng một nhà nguyện tạm bợ để đọc kinh sớm tối. Quyết định khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới được sự đồng thuận của đông đảo bà con giáo dân. Nhiều gia đình đã dâng cúng phần đất, tài sản của gia đình mình cho công cuộc xây dựng nhà Chúa.