Ngày 24-04-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:34 24/04/2024

26. Thánh sủng chỉ bảo đảm vĩnh viễn chứ không bảo đảm tạm thời.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:38 24/04/2024
38. GIÀY, BÍT TẤT (VỚ) TỐ TỤNG

Người nọ có đôi giày và đôi bít tất bị hư, đôi giày đổ tội cho bít tất, bít tất đổ tội cho đôi giày, tranh chấp rất lâu mà cũng không xong, bèn cùng nhau đi cáo quan.

Quan không thể xét xử nên sai gót chân coi tìm chứng cớ.

Gót chân nói:

- “Kẻ hèn này trước nay vốn bị đày bên ngoài (tức là bị lòi ra ngoài bí tất) làm sao biết được ai đúng ai sai chứ?”

(Tiếu lâm)

Suy tư 38:

Mang giày thì phải mang bít tất (vớ), nếu không thì bàn chân sẽ bị đau, đó là chuyện của người...văn minh, nhưng có những lúc người văn minh khi mang giày thì cũng chẳng thèm mang bít tất vì không quen hoặc vì muốn...đi bụi. Giày và bít tất như hai người bạn thân gian khổ có nhau, cho nên nếu cả hai cùng bị hư thì không đổ lỗi cho nhau nhưng phải cùng nhau gánh vác và chia sẻ cho nhau, đó mới đúng là đạo bạn hữu.

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng tương tự như giày và bít tất, đó là cầu nguyện và hy sinh.

Có hy sinh thì phải có cầu nguyện, cầu nguyện và hy sinh phải đi đôi với nhau thì lời cầu nguyện của chúng ta mới có thế giá trước mặt Thiên Chúa. Cầu nguyện thì phải có hy sinh và hy sinh thì cũng phải kèm thêm lời cầu nguyện, bởi vì mang giày mà có mang bít tất thì tăng thêm vẻ đẹp hài hoà cho đôi giày và cho cả người mang nó, cũng vậy, cầu nguyện mà có hy sinh thì làm cho Thiên Chúa vui thích hơn là cầu nguyện mà không hy sinh. Tại sao vậy?

Thưa là vì Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, cũng như khi bị đóng đinh chết trên thập giá: Ngài cầu nguyện xin Chúa Cha tha tội cho nhân loại và hy sinh mạng sống để cúư chuộc nhân loại.

Còn chúng ta thì sao, chúng ta có dám hy sinh và cầu nguyện không?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 25/04: Tiếng lạ trong đời – Kính Thánh Mác-cô, Thánh Sử - Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, CP.
Giáo Hội Năm Châu
01:45 24/04/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Đó là lời Chúa
 
An lòng về một sự hiện diện
Lm. Minh Anh
15:06 24/04/2024
AN LÒNG VỀ MỘT SỰ HIỆN DIỆN

" Các tông đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông”.

“Đứng trên đỉnh đồi, tôi nhìn thung lũng này đến thung lũng khác; từ ánh nắng đến sương mù, từ bóng tối của đêm. Bước theo Ngài trên đường đời quanh co, bằng niềm tin nhiều hơn bằng thị giác. Ngài hiện diện như tia chớp, tiếng Ngài như sấm ran; nhưng Ngài lại dẫn tôi trong yên ắng thì thầm của Thánh Thần. Và tôi ruổi theo! Mạnh mẽ hay dịu dàng, tình yêu Ngài vẫn lênh láng. Tôi an lòng về một sự hiện diện liên lỉ!” - William Cowper.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi ‘an lòng về một sự hiện diện’ liên lỉ!”. Cùng với William Cowper, Lời Chúa lễ kính thánh Marcô cho thấy sự hiện diện liên lỉ của Chúa Phục Sinh nơi những kẻ Ngài sai đi!

Marcô, tác giả cuốn Phúc Âm ra đời sớm nhất, cũng là cuốn ngắn nhất, ghi lại mệnh lệnh “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”. Đó là một lệnh truyền cho một sứ mệnh có tên “Vô Biên!”. Vô biên vì không biên giới, vô thời gian và quá sức người! Giao cho một nhóm nhỏ quá đỗi bình thường, sứ mệnh đó xem ra không tưởng! Tuy nhiên, các môn đệ vẫn ra đi làm chứng về một Giêsu Vô Hình, sống chết cho Đấng ấy, bởi lẽ họ ‘an lòng về một sự hiện diện’ tràn đầy của “Đấng cùng hoạt động với họ” khắp hang cùng ngõ hẻm cho đến mút cùng thế giới. Và đó là một sự thật!

Sứ mệnh “Vô Biên” không dành riêng cho nhóm nhỏ đầu tiên, nhưng còn cho bạn và tôi! Trong “Memoirs of St. Peter”, “Hồi Ký Của Thánh Phêrô”, Michael Pakaluk có một cái nhìn khá sâu sắc, “Việc loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo ngụ ý rằng, sự khéo léo cũng như sự chăm chỉ của chúng ta cần được Tin Mừng thắm đượm; từ đó, ngang qua các nền văn hoá khác nhau - với một sự chủ động tốt - Kitô hữu chỉnh đốn lại những gì hỏng hóc, tái thiết những nơi Satan từng ở, cũng là nơi nó bị trục xuất. Theo một nghĩa nào đó, sứ mệnh vô biên này bao gồm mọi hình thức và cách cư xử ‘có thể có’ của mọi tín hữu. Bất kể nghề nghiệp, đấng bậc, tuổi tác… họ được sai đi rao truyền tình yêu và lẽ thật của Thiên Chúa cho thế giới. Và ở đó, họ ‘an lòng về một sự hiện diện’ quyền năng của một Đấng Vô Hình đang đồng hành!”.

Trong thư của mình hôm nay, Phêrô bảo đảm với các Hội Thánh rằng, mặc dù họ đang đau khổ, nhưng “Chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường”. Hãy ‘an lòng về một sự hiện diện’ của “Đấng chăm sóc”, Đấng mà tình yêu Ngài được ngợi khen miên viễn, “Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng!” - Thánh Vịnh đáp ca.



Anh Chị em,

“Có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Nhờ Đấng ‘cùng hoạt động’ đó, bao con người kế tiếp nhau đã ra đi hơn hai thiên niên kỷ qua. Họ sống và chết cho Ngài. Bạn và tôi thì sao? Đừng quên, đây là công việc của Đấng dẫn dắt “bằng tiếng thì thầm của Thánh Thần”. Vì vậy, dẫu khó khăn đến đâu, bạn cứ “ruổi theo Ngài”; gian nan đến mấy, cứ ‘an lòng về một sự hiện diện’ liên lỉ của Ngài “bằng niềm tin nhiều hơn bằng thị giác!”. Vấn đề là bạn và tôi “phải được Tin Mừng thắm đượm”, hầu “chỉnh đốn lại những gì hỏng hóc, tái thiết những nơi Satan từng ở”. Và như thế, chúng ta đang tạo một sự khác biệt cho thế giới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì con - như Marcô - là một dụng cụ sắc bén của Lời, một vũ khí lợi hại trong tay Chúa mà Satan phải run khiếp!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Cành với cây
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
15:43 24/04/2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH - B
( Ga 15, 1 - 8 )
Cành với cây

Cây với cành nho được Chúa Giêsu dùng để ám chỉ chẳng những kết hợp chặt chẽ giữa Thiên Chúa với Dân Người, mà còn thông truyền sự sống, cành sống nhờ cây, cây truyền nhựa cho cành, cả cây lẫn cành ngoài tùy thuộc vào đất, nước, khí trời, còn phụ thuộc vào người trồng nho nữa.

Khi Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái…” (x. Ga 15,4-8). Chúa nhấn mạnh đến sự « ở trong ». « Ở trong » là động từ chìa khóa của Tin Mừng Gioan, nghĩa là thiết định một chỗ ở. Ở nói lên sự ổn định ‘an cư lạc nghiệp’. Đây là kế hoạch đầy tình thương của Thiên Chúa: chúng ta là những thụ tạo bất xứng, tội lỗi, thế mà Chúa mời gọi chúng ta ở với Chúa.

Không ở trong Chúa Giêsu không thể không sinh trái được. Ai ở trong Chúa sẽ sinh nhiều hoa trái, là những trái tình yêu, tình yêu nảy sinh niềm vui. Chúng ta có thể nói mà không sợ lầm rằng niềm vui là hoa quả đích thực, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ cây nho chế ra rượu nho, rược làm hoan hỉ lòng người, dấu chỉ của niềm vui.

Cây nho thật sinh nhiều trái tốt. Và đương nhiên, cây nho “xấu” không có trái, có đi chăng nữa thì cũng chỉ là trái chat, trái chua.

Vậy nếu chúng ta ở kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có sự sống nơi Người, và chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái. Khi ở và kết hiệp với Người chúng ta tiếp tục công việc của người là trao ban sự sống và tình yêu cho tha nhân; khi tách lìa Người chúng ta phá hủy công việc của người và sinh ra hoa trái sự chết.

Vậy thì, ở trong Người như thế nào, gắn bó và kết hiệp với Người ra làm sao? Trước hết hãy cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta có thể “ở trong Người”, thiết lập tương quan Tình Yêu đối với Người. Nếu chúng ta không nài xin Tình Yêu, chúng ta không thể lãnh nhận được ân sủng và Tình Yêu.

Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết :”Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc “ở lại” cách thâm sâu và trung tín với Chúa” (Gesù di Nazaret, Milano 2007, 305). Ðiều quan trọng là luôn gắn kết với Chúa Giêsu, phụ thuộc vào Người bởi vì “nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho” (Ga 15,4). Chúa Giêsu nói rõ ràng, “các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy” (Ga 15,5).

Chúng ta là kitô hữu, nghĩa là người có Đức Kitô, sinh nhiều hoa trái chứng tỏ chúng ta là môn đệ, là chi thể đích thực của Chúa Kitô. Chúa đã từng lên án những cây vả cằn cỗi chỉ có lá không có quả.

Hoa quả mà Chúa Cha hy vọng nơi chúng ta, là những việc lành phúc đức, là những công việc tốt chúng ta làm. Mang lại hoa trái không có nghĩa là làm những điều phi thường, nhưng là những điều bình thường. Hoa quả ấy là những việc lành phúc đức, là những việc tốt chúng ta làm.

Mang lại hoa trái là đưa ban tay ra giúp người ốm đau bệnh tật, thăm người già sống cảnh cô đơn, giúp đỡ những người khổ đau nghèo đói, an ủi và biết cách lắng nghe cũng như khuyến khích và tha thứ cho những người xúc phạm chúng ta, tích cực tham gia vào đời sống của giáo xứ, chia sẻ với mọi người.

Để có được nhiều hoa trái, chúng ta phải là những nhành cây duy trì mối quan hệ thường xuyên với Thầy Chí Thánh Giêsu là thân cây. Nếu các môn đệ gắn kết với Thầy cách thâm sâu, họ trở thành những nhành nho sai trái, làm cho vụ mùa bội thu. Thánh Phanxicô de Sale viết: “Cành liên kết với thân và sinh trái không bởi tự chính nó nhưng là nhờ thây cây: hiện nay chúng ta được gắn kết trong tình mến với Đấng Cứu Thế như chi thể với đầu. Vì thế, những việc lành phúc đức hưởng nhờ từ Người đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu” (Trattato dell’amore di Dio, XI, 6, Roma 2011, 601).

Thiên Chúa cần chúng ta để tái tạo một thế giới tốt hơn, một thế giới của sự tôn trọng, huynh đệ và yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết luôn gắn bó và kết hiệp với Chúa cho đến trọn đời ngõ hầu sinh được nhiều hoa thơm trái tốt như lòng Chúa mong ước. Amen.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 16. Đời sống ơn thánh trong Chúa Thánh Thần
Vũ Văn An
14:09 24/04/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Thứ tư, 24 tháng 4 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về Đời sống ơn thánh trong Chúa Thánh Thần.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong những tuần gần đây, chúng ta đã suy tư về các nhân đức căn bản: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ. Đó là bốn đức tính cốt yếu. Như chúng ta đã nhấn mạnh nhiều lần, bốn đức tính này thuộc về một túi khôn rất cổ xưa có trước cả Ki-tô giáo. Ngay cả trước Chúa Ki-tô, lòng trung thực đã được rao giảng như một nghĩa vụ công dân, sự khôn ngoan là quy tắc hành động, lòng can đảm là thành phần cơ bản cho một cuộc sống hướng tới điều tốt đẹp và sự điều độ là biện pháp cần thiết để không bị lấn át bởi những thái quá. Gia sản quá cổ xưa này, gia sản của nhân loại đã không bị Ki-tô giáo thay thế, nhưng được tập trung vào, nâng cao, thanh lọc và hội nhập vào đức tin.

Vì thế, trong trái tim mỗi người nam nữ đều có khả năng tìm kiếm điều thiện. Chúa Thánh Thần được ban để những ai nhận lãnh có thể phân biệt rõ ràng điều thiện và điều ác, có sức mạnh để gắn bó với điều thiện bằng cách tránh xa điều ác, và khi làm như vậy, họ đạt được sự tự thể hiện mình trọn vẹn.

Nhưng trong cuộc hành trình mà tất cả chúng ta đang thực hiện hướng tới sự sống viên mãn, vốn thuộc về định mệnh của mỗi người – định mệnh của mỗi người là sự viên mãn, là sự sống tràn đầy – người Kitô hữu được hưởng sự trợ giúp đặc biệt từ Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của Chúa Giêsu. Nó được thực hiện thông qua việc ban tặng ba nhân đức khác, đặc trưng của Kitô giáo, thường được đề cập cùng với nhau trong các trước tác Tân Ước. Những thuộc tính cơ bản này, đặc trưng cho đời sống của người Kitô hữu, là ba nhân đức mà chúng ta thường nói đến với nhau: đức tin, đức cậy và đức mến.

Chúng ta hãy nói với nhau: [cùng nhau] đức tin, đức cậy… Tôi không nghe thấy gì cả! To hơn nữa! [cùng nhau] Đức tin, đức cậy và đức mến! Làm tốt lắm!

Các tác giả Kitô giáo đã sớm gọi chúng là những nhân đức “đối thần”, trong chừng mực chúng được tiếp nhận và sống trong mối tương quan với Thiên Chúa, để phân biệt chúng với bốn nhân đức còn lại, được gọi là “nhân đức chính” theo nghĩa chúng tạo thành “bản lề” [Tiếng Ý, “cardine” ] của một cuộc sống tốt đẹp. Ba điều này được lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội và phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Các nhân đức này và các nhân đức kia, cả đối thần lẫn nhân đức chính, tập hợp lại với nhau trong rất nhiều suy tư có hệ thống, do đó đã tạo thành một nhóm bảy nhân đức tuyệt vời, thường tương phản với danh sách bảy tội lỗi chết người. Đây là cách Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo định nghĩa hoạt động của các nhân đức đối thần: “các nhân đức đối thần là nền tảng của hoạt động luân lý Kitô giáo; chúng làm sinh động nó và tạo cho nó nét đặc biệt. Chúng thông tin và ban sức sống cho mọi nhân đức luân lý. Chúng được Thiên Chúa truyền vào linh hồn các tín hữu để làm cho họ có khả năng hành động như con cái của Người và xứng đáng được sống đời đời. Chúng là bảo chứng cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các khả năng của con người” (số 1813).

Trong khi nguy cơ của các nhân đức chính là tạo ra những người nam nữ anh hùng trong việc làm điều tốt, nhưng hoàn toàn đơn độc, cô lập, thì hồng ân lớn lao của các nhân đức đối thần là cuộc sống được sống trong Chúa Thánh Thần. Người Kitô hữu không bao giờ cô đơn. Họ làm điều tốt không phải vì nỗ lực to lớn của sự cam kết bản thân, mà bởi vì, trong tư cách một môn đệ khiêm nhường, họ bước theo bước chân của Chúa Giêsu, vị Thầy. Họ đi về phía trước trên con đường. Người Kitô hữu có những nhân đức đối thần, là liều thuốc giải độc tuyệt vời cho sự tự mãn. Biết bao lần những người đàn ông và đàn bà không chê trách vào đâu được rơi vào nguy cơ trở nên tự phụ và kiêu ngạo trong mắt những người quen biết họ! Đó là một mối nguy hiểm mà Tin Mừng cảnh cáo chúng ta một cách đúng đắn, khi Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Các con cũng vậy, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: ‘Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng’. Chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm’” (Lc 17:10). Kiêu ngạo là một chất độc, một chất độc cực mạnh: một giọt của nó cũng đủ làm hỏng cả cuộc đời được đánh dấu bằng sự tốt lành. Một người có thể đã làm cả núi việc tốt, có thể được nhiều lời khen ngợi, nhưng nếu họ làm tất cả những điều đó chỉ vì bản thân mình, để đề cao bản thân, thì liệu họ có còn gọi mình là người có đức hạnh không? KHÔNG!

Điều tốt không chỉ là mục đích mà còn là phương tiện. Lòng tốt cần rất nhiều sự thận trọng, rất nhiều lòng tốt. Trên hết, lòng tốt cần phải được loại bỏ khỏi sự hiện diện đôi khi quá cồng kềnh đó là cái tôi của chúng ta. Khi cái “tôi” của chúng ta là trung tâm của mọi thứ thì mọi thứ đều bị hủy hoại. Nếu chúng ta thực hiện mọi hành động trong cuộc sống chỉ vì bản thân mình thì động lực này có thực sự quan trọng đến thế không? Cái “tôi” tội nghiệp nắm giữ mọi thứ và từ đó sinh ra niềm kiêu hãnh.

Để sửa chữa tất cả những tình huống này, đôi khi trở nên đau đớn, các nhân đức đối thần sẽ giúp ích rất nhiều. Đặc biệt là những lúc sa ngã, bởi vì ngay cả những người có ý hướng đạo đức tốt cũng đôi khi sa ngã. Tất cả chúng ta đều sa ngã trong cuộc sống, bởi vì tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội. Cũng như những người thực hành đức hạnh hàng ngày đôi khi mắc sai lầm; tất cả chúng ta đều mắc sai lầm trong cuộc sống: trí hiểu không phải lúc nào cũng sáng suốt, ý chí không phải lúc nào cũng vững vàng, đam mê không phải lúc nào cũng bị khống chế, lòng dũng cảm không phải lúc nào cũng vượt qua được nỗi sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần – Thầy của đời sống nội tâm – Người phục hồi các nhân đức đối thần trong chúng ta: lúc đó, nếu chúng ta mất niềm tin tưởng, Thiên Chúa sẽ mở lại đức tin cho chúng ta; với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta mất niềm tin tưởng, Thiên Chúa sẽ mở lại đức tin cho chúng ta; nếu chúng ta nản lòng, Thiên Chúa đánh thức niềm hy vọng trong chúng ta; và nếu tấm lòng chúng ta cứng cỏi, Thiên Chúa sẽ làm nó mềm mại bằng tình yêu của Người. Cảm ơn anh chị em.

_____________________________

Lời chào đặc biệt

Tôi chào tất cả những người hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi triều kiến hôm nay, đặc biệt là những người đến từ Anh, Phần Lan, Ấn Độ, Indonesia, Tanzania và Hoa Kỳ. Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi cầu xin lòng thương xót yêu thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta trên anh chị em và gia đình anh chị em. Xin Chúa ban phước lành cho tất cả anh chị em!

Và sau đó, người ta nghĩ đến Ukraine, Palestine, Israel, Myanmar, những nước đang trong chiến tranh, và rất nhiều quốc gia khác đang bị dày vò. Chiến tranh luôn là sự thất bại và người được lợi nhiều nhất là các nhà sản xuất vũ khí. Xin chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình; chúng ta hãy cầu nguyện cho Ukraine đang bị dày vò: nó đang đau khổ rất nhiều. Những người lính trẻ sắp chết... Chúng ta hãy cầu nguyện. Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Trung Đông, cho Gaza: nơi đây đang phải chịu đựng quá nhiều đau khổ trong chiến tranh. Vì hòa bình giữa Palestine và Israel, để họ có thể trở thành hai quốc gia, tự do và có quan hệ tốt đẹp. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình.
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương bốn 3
Vũ Văn An
15:09 24/04/2024

Chương Bốn: Màn chen quan trọng: Công đồng Vatican II, tiếp theo



Gaudium et Spes

Hầu hết các văn kiện của Giáo hội đều do các ủy ban viết và, ngoài bản chất chuyên biệt và khó hiểu của phần lớn chất liệu, chúng còn mang những nhược điểm về văn phong của nhóm tác giả như vậy. (20) Nhà thơ vĩ đại Ái Nhĩ Lan hiện đại William Butler Yeats từng lập luận rằng văn phong tẻ nhạt cho thấy sự thiếu niềm tin chân thực: “'Chúa Thánh Thần là suối nguồn trí thức', và các Giám mục có tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ tự biểu lộ trong trang trí và kiến trúc, trong cách cư xử hàng ngày và văn phong viết không? Người mộ đạo nào có thể đọc các thư mục vụ của phẩm trật chúng ta mà không kinh hãi trước một văn phong thiu thỉu, thô thiển và mơ hồ, giống như văn phong của các tờ báo hàng ngày?” (21) Một cách nào đó, lời chỉ trích ấy công bằng, nhưng không đúng đồng đều cho mọi sản phẩm của phẩm trật. Chẳng hạn, một ngoại lệ đáng chú ý từ Công đồng Vatican II là bản văn thường đầy sinh lực và sáng suốt về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại, Gaudium et Spes.

Henri de Lubac đã đóng một vai trò trong việc soạn thảo nhiều tài liệu công đồng khác nhau, nhưng có thể tinh thần của ngài hiển hiện nhất qua những cách Gaudium et Spes hình dung ra những mối liên hệ gần gũi hơn theo kiểu mới giữa Giáo hội và thế giới và tham gia vào một loạt vấn đề —không những gia đình và đạo đức, như trong các tài liệu tương tự, mà còn cả chủ nghĩa vô thần, kỹ thuật, kinh tế và bản chất đặc thù của nền văn hóa hoàn cầu hóa hiện đại. Nếu Lumen Gentium, một cách nào đó, có thể được cho là đánh dấu sự kết thúc của phong trào Phản Cải cách, thì Gaudium et Spes tìm cách giải quyết một số chủ đề hiện đại về tự do và phẩm giá con người mà phần lớn người Công Giáo vốn chống đối, một phần vì bạo lực đã làm cho Giáo hội sau Cách mạng Pháp. Tất cả những phát triển này dường như ủng hộ lập luận của de Lubac rằng sự tách biệt giữa các vấn đề trần thế và tâm linh, đặc trưng của thế giới hiện đại, có nguồn gốc sâu xa nhất từ sự tách biệt thần học giữa “tự nhiên thuần túy” và ân sủng, điều mà de Lubac cho rằng đó là cách hiểu sai lệch về truyền thống Công Giáo.

Nhưng không phải chỉ có bản chất thần học sâu sắc, mà cả sự cởi mở và tự tin về quan điểm, trong cam kết đổi mới với các chân lý của đức tin, đã phản ảnh de Lubac rõ nhất:

“Niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo lắng của con người thời đại này, đặc biệt là những người nghèo hoặc bất cứ người nào đau khổ, đó là niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo lắng của những người theo Chúa Kitô. Thật vậy, không có gì chân chính của con người lại không gây được tiếng vang trong lòng họ. Vì cộng đồng của họ là một cộng đồng bao gồm những con người. Hiệp nhất trong Chúa Kitô, họ được Chúa Thánh Thần dẫn dắt trong cuộc hành trình của họ tiến về Vương quốc của Chúa Cha họ và họ chào đón tin mừng cứu độ dành cho mọi con người. Đó là lý do tại sao cộng đồng này nhận ra rằng nó thực sự được liên kết với nhân loại và lịch sử của nó bằng những mối liên kết sâu sắc nhất”. (GS 1)

Đây là những lời mở đầu chân thành và cân chỉnh của văn bản, và khó có thể tìm được cách diễn đạt nào tốt hơn về cảm thức của đạo Công Giáo—luôn cổ kính, luôn mới mẻ—ở bất cứ đâu. Những tình cảm lớn như vậy đã có nhiều tác động tốt và, theo cách mà Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã nỗ lực để rút ra một phiên bản trung thành hơn của tầm nhìn từ tình trạng hỗn loạn xảy ra sau đó, vẫn mang lại nhiều hứa hẹn.

Nhưng đối với tiềm năng đó, cũng phải nói rằng những ảnh hưởng tổng hợp của các năng lực được thả lỏng tại Công đồng và phong trào tranh đấu cấp tiến của các thập niên 1960 và 1970 bên trong và bên ngoài Giáo hội, cùng với một số yếu tố khác, đã dẫn đến những kết quả khá lẫn lộn. Như thường xảy ra khi một sự điều chỉnh mạnh mẽ được áp dụng vào một vấn đề lâu đời – trong trường hợp này, là việc Giáo Hội sợ hãi và đôi khi vắng mặt đối với thế giới hiện đại – thì quả lắc xoay theo Công đồng sang một thái cực ngược lại. Không phải ngẫu nhiên mà không ít dòng tu bắt đầu thấy những cam kết đức tin của họ không khác mấy so với những cam kết của những người hoạt động xã hội và hoạt động chính trị và coi những vấn đề của xã hội là những vấn đề dễ giải quyết nếu chỉ cần có thiện chí. (Điều này bất chấp việc bị mất uy tín cách chung của quan điểm lạc quan về “sự tiến bộ” sau những nỗi kinh hoàng của Thế chiến I và II.) Phần lớn khía cạnh thiêng liêng của đức tin và việc đánh thực tiễn hơn đối với tội lỗi và tình trạng hỗn loạn dai dẳng của thế giới đã không còn nơi nhiều giới Công Giáo trong những năm ngay sau Công đồng.

Giáo hội và Văn hóa

Một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất xuất hiện trong tài liệu Gaudium et Spes là cách đối xử với văn hóa đương thời. Để phù hợp với định hướng chung của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, văn hóa hiện đại được nói đến ở hầu hết mọi nơi dưới dạng ca ngợi và hầu như là ngưỡng mộ, chỉ với một vài lời cảnh cáo rằng, với tất cả sự phong phú của nó, nó không nên tự thu mình lại và do đó, đóng cửa với Thiên Chúa. Nhưng thậm chí còn hơn cả những phán đoán của mình về các trào lưu chính trị và xã hội, Gaudium et Spes khá lạc quan rằng Giáo hội có thể rút tỉa cách hữu hiệu từ nền văn hóa hiện đại như đã từng làm với nền văn hóa Hy Lạp-La Mã cổ xưa mà từ đó đã trở thành một yếu tố trung tâm trong việc đạo Công Giáo tự hiểu mình. Tuy nhiên, như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, nền văn hóa cổ thời cởi mở với Thiên Chúa và tiền Kitô giáo. Do đó, nó có thể được thích ứng và tái định hướng bởi một đức tin Kitô giáo năng động. Trong khi, nền văn hóa hiện đại phần lớn được phát triển theo giả định rằng văn hóa có thể tự trị đối với các xem xét thần học, điều này nhất thiết có nghĩa là các nguyên tắc của nó, hậu Kitô giáo, cũng phản Kitô giáo. Biến những nguyên tắc đó thành việc sử dụng của Kitô giáo không những chỉ hoàn toàn khó khăn, mà còn gặp một nguy cơ, trên thực tế, đã xảy ra: việc tái cấu trúc các ý niệm và thực hành Kitô giáo cho phù hợp với những phê phán gay gắt của nền văn hóa hiện đại. (22)

Mặc dù Công đồng muốn hợp tác với nền văn hóa hiện đại và thế giới nói chung như một cách truyền giảng Tin Mừng đáng lẽ đã phải làm từ lâu, nhưng cách tiếp cận mà Công đồng đưa ra không thể không gặp rắc rối một cách mau chóng. Vào đầu những năm 1960, chủ nghĩa cấp tiến hiện đại tự coi mình và thường được những người khác coi là trung lập về mặt văn hóa. Nó dường như là một loại thị trường bỏ ngỏ của các ý tưởng, trong đó tất cả đều được tự do đưa ra quan điểm của mình và thuyết phục người khác về sức mạnh của nó. Nếu điều này đúng, thì một kiểu đối thoại giữa chủ nghĩa cấp tiến và đạo Công Giáo - đối thoại là một thuật ngữ được sử dụng nhiều trong Gaudium et Spes – đáng lẽ đã có thể thực hiện được rồi. Trên thực tế, quyền tự chủ và các quyền như thường được quan niệm trong chủ nghĩa cấp tiến hiện đại là một sự đi trệch triệt để khỏi quan điểm của Kitô giáo. Điều đó hiển nhiên trong cách, chẳng hạn như Cách mạng Pháp từng dẫn đến việc đàn áp Công Giáo và sau đó loại trừ Công Giáo và tất cả các ý niệm tôn giáo khác khỏi các vấn đề công cộng, và phần lớn là khỏi văn hóa công cộng. Kết quả, tốt nhất, là Đạo Công Giáo sẽ đưa ra yêu sách đối với một số cá nhân nào đó, nhưng các niềm tin hướng dẫn phổ biến là các niềm tin không công nhận yêu sách thần linh nào đối với nhà nước hoặc cá nhân, và các quyền chính trị và bản thân bị chặn rào như thế chỉ bị hạn chế bởi các ý niệm cấp tiến về điều gì cấu thành tội gây hại cho người khác. Trong khi các giá trị Kitô giáo vẫn còn hiện diện như một tàn dư, điều này có nghĩa là những thực hành như tà dâm, phá thai, ly dị, v.v., được thực hành nhưng bị coi khinh. Và những yêu sách lớn hơn về công lý liên kết với tình liên đới Kitô giáo phải hiện hữu một cách mờ ảo.

Nhưng tồi tệ hơn, với sự cấp tiến hóa xảy ra vào cuối những năm 1960, rõ ràng là truyền thống cấp tiến cũ không có gì người ta có thể dùng để chống lại việc tự khẳng định [self-assertion] kiểu Nietzsche sẽ xuất hiện sau này. (23) Trong tương lai, nhiều hạn chế truyền thống về tác phong riêng tư hoặc tác phong công cộng bị coi là những áp đặt “tôn giáo” không thích đáng và không thể biện minh đối với những người triệt để tự trị. Ở một số quốc gia, khu vực riêng tư - khu vực được bảo vệ mà nhà nước không thể xâm nhập - phát triển mạnh mẽ trong các vấn đề tình dục, trong khi các hạn chế đối với hoạt động kinh tế và các hoạt động được coi là có hại cho môi trường và sức khỏe ngày càng trở nên phiền hà. Nơi mà các quyền cũ hơn dường như bắt nguồn từ tự nhiên và Thiên Chúa của tự nhiên—hoặc, trong bối cảnh Mỹ, từ “Đấng Tạo dựng”—các quyền mới hơn trở thành vấn đề của ý chí thuần túy, và một nhiệm vụ khó khăn đối với nhà nước—và không kém đối với Giáo hội— là lập luận rằng có bất cứ điều gì trong trật tự sự vật tạo tiêu chuẩn có thẩm quyền để đánh giá được mọi con người.

Khi những trào lưu văn hóa này bắt đầu xuất hiện, điều dễ hiểu là các người ủng hộ chúng đã xem những đoạn trong Gaudium et Spes như một loại giấy phép để hoạt động ngay bên trong Giáo Hội Công Giáo. Mục 59 của Hiến chế thoạt nhìn có vẻ ôn hòa, nhưng nó mở ra những khó khăn lớn lao một cách tiềm ẩn:

“Vì những lý do trên, Giáo hội nhắc nhở mọi người rằng văn hóa phải lệ thuộc vào sự hoàn thiện toàn diện của con người, vì lợi ích của cộng đồng và của toàn xã hội. Do đó, cần phải phát triển các khả năng của con người theo cách sao cho kết quả là sự lớn mạnh của khả năng ngưỡng mộ, trực giác, chiêm niệm, đưa ra phán đoán bản thân, phát triển cảm thức tôn giáo, đạo đức và xã hội.

“Văn hóa, vì nó bắt nguồn trực tiếp từ đặc tính thiêng liêng và xã hội của con người, nên thường xuyên cần một quyền tự do chính đáng để phát triển; nó cũng cần khả thể hợp pháp để thực hiện quyền tự chủ của mình theo các nguyên tắc riêng của nó. Do đó, nó đòi hỏi việc tôn trọng một cách đúng đắn và được hưởng một tính chất bất khả xâm phạm trong các giới hạn của lợi ích chung, tất nhiên, miễn là nó duy trì các quyền của cá nhân và cộng đồng, dù là cá biệt hay phổ quát.

“Do đó, Công đồng thánh thiêng này, khi nhắc lại giáo huấn của Công đồng Vatican I, tuyên bố rằng có “hai trật tự nhận thức” khác biệt, đó là đức tin và lý trí; và Giáo hội không cấm 'các nghệ thuật và kỷ luật của con người sử dụng các nguyên tắc và phương pháp riêng của chúng, mỗi nguyên tắc trong lĩnh vực riêng của chúng'; do đó 'khi thừa nhận quyền tự do chính đáng này,' Thánh Công đồng này khẳng định quyền tự trị hợp pháp của nền văn hóa nhân loại và đặc biệt là của các ngành khoa học.

“Tất cả điều này giả định rằng, trong giới hạn của đạo đức và lợi ích chung, con người có thể tự do tìm kiếm sự thật, bày tỏ ý kiến của mình và công bố nó; họ có thể thực hành bất cứ nghệ thuật nào họ chọn; cuối cùng, họ có thể tận dụng thông tin thực sự liên quan đến các sự kiện có tính chất công cộng.

“Đối với thẩm quyền công cộng, chức năng của nó không phải là xác định đặc điểm của nền văn minh, mà đúng hơn là thiết lập các điều kiện và sử dụng các phương tiện có khả năng phát huy đời sống văn hóa giữa mọi người, kể cả trong các nhóm thiểu số của quốc gia. Cần phải làm mọi sự có thể để ngăn chặn văn hóa bị quay lưng lại với mục đích đúng đắn của nó và bị biến thành công cụ của quyền lực chính trị hoặc kinh tế”.

“Những lý do trên” ở đầu đoạn văn này đề cập đến Tin Mừng của Chúa Kitô trong phần trước, nhưng những đoạn văn này đã hơi lo lắng bật đèn xanh cho một loại quyền tự chủ mà các Nghị phụ Công đồng dường như vừa muốn khẳng định vừa muốn hạn định. Các ngành khoa học mà các ngài khẳng định ở những nơi khác là tâm lý học và xã hội học - một cách chuyên biệt, trong thực hành, là lý thuyết Freud và các lý thuyết tâm lý khác một bên, và bên kia là chủ nghĩa Mác – vốn có nhiều tác động tai hại trong Giáo hội đối với sự tự hiểu tôn giáo và nhiều phần trong giáo huấn xã hội Công Giáo, đặc biệt là thần học giải phóng. (24)

Nhưng vấn đề đối với người Công Giáo còn đi sâu hơn. Nếu de Lubac đúng khi cho rằng một việc lên khái niệm sai lầm cho mối tương quan giữa tự nhiên và ân sủng sẽ dẫn đến một “thuyết ngoại tại” [extrinsicism] khiến tự nhiên hoàn toàn tách rời khỏi Thiên Chúa và do đó, có thể tạo ra điều mà ngài gọi là “bi kịch của chủ nghĩa nhân bản vô thần”, thì có thể nói gì về một văn kiện Giáo hội hiện đại dường như muốn nghĩ rằng có nhiều hoạt động tự trị nơi con người? Đây không những chỉ là vấn đề bảo đảm chẳng hạn rằng, những khám phá khoa học hiện đại được sử dụng cho các mục đích đạo đức—tất nhiên, điều đó cũng quan trọng không kém. Nó liên quan nhiều đến việc có bao nhiêu câu hỏi cá nhân và xã hội của con người được lên khuôn khổ. Không có khuôn khổ “khoa học” trung lập nào cho niềm tin tôn giáo, tập tục tình dục hay thực hành xã hội, và điều này đã trở nên rõ ràng ngay cả đối với các nhà tư tưởng thế tục hậu hiện đại chỉ trong vòng vài năm sau Công đồng. Trên thực tế, những gì có vẻ trung lập lại chứa đầy những giá trị và quy điển diễn giải, nhiều điều trong số này chống lại Kitô giáo. Hơn nữa, khi người Công Giáo nhảy qua nhóm của Freud và Jung, Marx và Dewey, trong một thời gian ngắn, các nhà tư tưởng thế tục nào chuyển sang hướng hậu hiện đại sẽ phủ nhận rằng “các bậc thầy đáng ngờ” của thuyết duy hiện đại cũ là những nhà phân tích khách quan và khoa học.

Ẩn phía sau hậu cảnh của văn kiện là một quan điểm gần như kiểu Kant về loài người cuối cùng đã “đến tuổi trưởng thành” và đạt đến “sự chín mùi” hoàn toàn, một đề xuất rất đáng nghi ngờ trong nửa thế kỷ kể từ đó, khi loài người tự chứng tỏ vẫn ở cùng một bình diện như họ đã luôn luôn ở. Tuy nhiên, Công đồng đã thấy một điều khác có thể xảy ra:

“Càng ngày càng có nhiều người, nam cũng như nữ, thuộc bất cứ tập thể hay quốc gia nào, ý thức được chính họ và những người xây dựng và sáng tạo văn hóa của cộng đoàn mình. Trên toàn thế giới, ngày càng gia tăng ý thức tự trị cũng như trách nhiệm. Ðó là điều rất cần để nhân loại trưởng thành trên bình diện tinh thần và luân lý. Ðó là điều sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, nếu chúng ta quan tâm đến sự thống nhất thế giới và đến bổn phận chúng ta là phải kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn trong chân lý và công bằng. Do đó, chúng ta là chứng nhân của sự hình thành một nền nhân bản mới trong đó con người được định nghĩa trước hết tùy theo trách nhiệm của mình đối với anh em và đối với lịch sử.” (GS 55)

Một chủ nghĩa nhân bản “được xác định trước hết bởi trách nhiệm này đối với anh em của mình và với lịch sử” khác xa với điều được Jacques Maritain gọi là “chủ nghĩa nhân bản chân chính” và gây ra sự hiểu lầm. Nhìn bề ngoài, khẳng định con người hiện đang sống là “tác giả” của văn hóa là bỏ qua tính liên tục của con người và sự phụ thuộc vào quá khứ. Và trong bối cảnh hiện đại, một lần nữa có lẽ không cố ý, nó khuyến khích một quan niệm nông cạn về phẩm giá con người bao gồm quyền tự chủ và sự lựa chọn theo chủ nghĩa cá nhân triệt để. Hơn nữa, Công đồng dường như muốn xuất hiện một nền văn hóa phổ quát và đồng thời lo lắng rằng một nền văn hóa như vậy có thể sẽ xóa sổ các nền văn hóa truyền thống - thường có tính tôn giáo -, điều này trên thực tế đã xảy ra ở một mức độ nào đó khi các tổ chức quốc tế chà đạp lên các tập tục văn hóa địa phương. Và đối với những câu hỏi thực tế, có những đoạn dường như đã được viết một cách hết sức vội vàng: “Trong các lãnh vực kinh tế và xã hội cũng vậy, phẩm giá và ơn gọi trọn vẹn của con người cũng như phúc lợi của toàn xã hội phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là nguồn, là trung tâm và là mục đích của mọi đời sống kinh tế và xã hội” (GS 63). Con người là nguồn gốc của mọi đời sống kinh tế, xã hội? Phải chăng Thiên Chúa không có tiếng nói nào trong những lĩnh vực này và các lĩnh vực được cho là tự trị khác? Không ngạc nhiên gì khi các Kitô hữu và những người Mácxít dường như lờ mờ trong tâm trí của một số người trong những thập niên tới.

Jacques Maritain, người mà công trình trong việc ủng hộ nền dân chủ hiện đại và các ý niệm đương thời về nhân quyền đã ảnh hưởng đến những người soạn thảo Gaudium et Spes, tuy nhiên, đã có một số lời chỉ trích gay gắt về cách nhiều Kitô hữu giải thích văn kiện theo hai phạm trù lớn: “trần tục hóa [temporalization] Kitô giáo” và “quỳ gối trước thế giới”. Ở điều thứ nhất, Ông muốn nói rằng mọi người đã nhầm lẫn, một mặt, sự phục hồi đúng đắn của việc đánh giá thế giới như là sáng thế của Thiên Chúa, một điều tái nối kết chúng ta với sách Sáng thế và mặt khác, toàn bộ hành động của Thiên Chúa trong thời gian, với việc để mặc số phận siêu việt của loài người cho các dự án trần tục. Maritain nói, công lý, tự do, xóa đói giảm nghèo, giáo dục và các mục tiêu khác của con người tất nhiên là những điều tốt lành thực sự, và người Công Giáo buộc phải tìm kiếm chúng và đánh giá cao thế giới này, chứ không phải trốn tránh nó theo kiểu của phái Manikêô. Nhưng nơi những bộ óc và trái tim kém thông sáng, hoạt động xã hội phần nào đã trở thành mục tiêu hàng đầu và duy nhất và thậm chí biến thành một kiểu quỳ gối trước thế giới.

Điều mà Maritain muốn nói qua cụm từ thứ hai là những người Công Giáo, giờ đây không chắc chắn về tầm nhìn Kitô giáo của chính họ, bắt đầu tuân theo các giá trị trần tục, như thể những giá trị đó, ít nhất, không thể bị tranh cãi trong nền văn hóa hiện đại. Ông nói, trớ trêu thay, bạn không thấy người trong thế giới — các nhà khoa học, “kỹ thuật viên, nhà sản xuất, đoàn viên công đoàn, chính khách” — cúi đầu trước “thế giới”; bạn thấy họ theo đuổi tầm nhìn của riêng họ về những điều tốt đẹp. Ngược lại, ngay cả trên bục giảng (Maritain viết năm 1966), tội lỗi, ăn chay, mục đích siêu việt, thế giới bên kia, Thập giá và sự thánh thiện hầu như đã bị loại bỏ khỏi cách nói của Kitô hữu. (25) Ông lập luận, biện pháp khắc phục duy nhất cho việc từ bỏ sứ mệnh này của Giáo hội là việc nên thánh, và các vị thánh. Chúng ta cần được giải cứu khỏi “lỗi lầm điên rồ” tin rằng không hề có vương quốc nào của Thiên Chúa mà lại khác biệt với thế gian. Tất nhiên, chúng ta tìm cách làm điều đúng đắn cho thế giới này, nhưng, theo chính lời của Chúa Kitô, “Ai yêu thế gian, thì tình yêu của Chúa Cha không ở trong người ấy.”

Sự kiện một trong những nhân vật từng giúp thay đổi các thái độ Công Giáo theo hướng ủng hộ dân chủ và ý niệm đúng đắn về quyền tự do của con người đã có phản ứng như vậy, và ngay sau Công đồng, lẽ ra phải là một lời cảnh báo cho thấy có điều gì đó không ổn một cách nghiêm trọng. Một số học giả sau đó đã lập luận rằng một phần chính sự lạc quan của Maritain về văn hóa hiện đại và lời nói của ông về các quyền đã dẫn đến sự thất bại. Và quả có một số sự thật trong lời buộc tội ấy: Maritain đã giúp soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, một văn kiện rất hữu ích theo cách của nó, nhưng cũng bị rầy rà bởi sự kiện được chính Maritain nhìn nhận nhận, là: các nguyên tắc căn bản cho các quyền mới của nó khác nhau giữa các nhóm khác nhau—và nhanh chóng dẫn đến những diễn giải trái ngược nhau về ý nghĩa của những quyền đó trong thực tế. Ví dụ, các nguyên tắc về tự do và quyền lợi đã quay trở lại chống chính Giáo hội. Và mặc dù có một số chỗ, phần nào hơi yếu, trong Gaudium et Spes nơi các dự án nhân bản được đặt trong một viễn cảnh thần học đúng đắn, thậm chí cấp tiến hơn là cách một số lời khen ngợi thiếu thận trọng về nền văn hóa hiện đại đã bị sử dụng như một đòn tấn công chống lại Lumen Gentium.

Như chúng ta đã thấy, Hiến chế về Giáo hội có một số phát triển về hàng ngũ giáo dân và quan điểm về Giáo hội như dân Chúa. Nhưng các đặc quyền của các giám mục và giáo hoàng trong tư cách người cai quản và thừa kế nhất thiết của đức tin tông truyền cũng được tái khẳng định một cách rõ ràng. Một số nhà giải thích Công đồng, những người có ảnh hưởng khá lớn đến đời sống của Giáo hội trong những năm tới, coi tất cả những điều đó chỉ là sự sống còn có tính định chế đơn thuần của một quá khứ cần phải loại bỏ - những ý niệm niệm lỗi thời cần được đưa vào các văn kiện đang được khai triển để đạt được đủ số phiếu thông qua. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trái ngược với Lumen Gentium và thậm chí cả nhiều phần của chính Gaudium et Spes, những ý kiến chưa bao giờ là thành phần của đạo Công Giáo lịch sử về thẩm quyền, sự vâng lời, kỷ luật, phong chức cho phụ nữ, sự độc thân của linh mục, phụng vụ, các bí tích và nhiều vấn đề về định chế và luân lý đã được đưa ra như thể được Công đồng dạy dỗ. Trên thực tế, chúng được dạy dỗ bởi những cách giải thích về Công đồng được Maritain gọi đúng là “việc trần tục hóa Kitô giáo”.

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Gọng kềm khép lại: Vũ khí, F-16 lũ lượt đến Kyiv. NATO bố trí hạt nhân ở Ba Lan. Hung thần Chechnya
VietCatholic Media
03:01 24/04/2024


1. Đồng minh NATO xác nhận những chiếc F-16 cung cấp cho Ukraine là 'toàn bộ phi đội' đã ngừng hoạt động

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Ally Confirms F-16 to Ukraine as 'Entire Fleet' Decommissioned”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đại sứ Đan Mạch tại Ukraine cho biết Kyiv sẽ nhận được chiến đấu cơ F-16 từ Đan Mạch vào mùa hè này như đã hứa.

“Đừng lo lắng; chắc chắn sẽ có máy bay cho Ukraine”, Đại sứ Ole Egberg Mikkelsen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Ukraine Mi-Ukraine hôm Chúa Nhật.

Ông nói thêm rằng toàn bộ phi đội F-16 của Đan Mạch đang chuẩn bị ngừng hoạt động và một số phi công sẽ tới Á Căn Đình.

Chính phủ Đan Mạch có kế hoạch tặng 19 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, Bộ Quốc phòng Đan Mạch nói với Newsweek vào tháng Giêng.

Các máy bay F-16 của Đan Mạch sẽ bổ sung vào phi đội chiến đấu cơ ngày càng tăng mà các đồng minh chủ chốt của nước này đã hứa cung cấp cho Ukraine, và Kyiv hy vọng sẽ triển khai chúng ra tiền tuyến sớm nhất là trong năm nay.

Vào Tháng Giêng năm 2024, Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Ukraine, xác nhận rằng việc chuẩn bị giao lô máy bay phản lực mà Đan Mạch hứa hẹn đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Tình cảm này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen lặp lại vào tháng Hai.

Năm ngoái, một số quốc gia cùng với Đan Mạch, bao gồm Hà Lan, Na Uy và Bỉ, đã cam kết cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine, mặc dù thời gian chính xác cho việc chuyển giao các máy bay này có thể thay đổi.

Và ngày 9 Tháng Tư, một đồng minh khác là Hy Lạp cho biết có thể chuyển tới 32 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, đồng thời ám chỉ rằng Kyiv cũng có thể nhận được 24 chiến đấu cơ Mirage 2000-5 do Pháp sản xuất.

Hôm thứ Bảy, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua khoản viện trợ hơn 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine sau khi khoản hỗ trợ có khả năng thay đổi cục diện cuộc chơi dành cho Kyiv bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội do vướng vào đấu đá chính trị nội bộ.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng các cam kết hiện tại về F-16 từ các đối tác có thể là quá ít, quá muộn đối với Kyiv.

Đầu tháng 4 này, một sĩ quan quân sự cao cấp giấu tên của Ukraine nói với Politico rằng “Cần có F-16 vào năm 2023; chúng sẽ không phù hợp cho năm 2024,” trong khi các chuyên gia nói với Newsweek rằng con số đã hứa có thể quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt chiến lược trên toàn bộ chiến tuyến.

“Một hệ thống duy nhất không thể thay đổi tình hình trên chiến trường”, nhà lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg nói với tờ Bild của Đức hồi đầu tháng này. “Đây không phải là viên đạn bạc có thể thay đổi cục diện cuộc chiến.”

Nhưng khi tình trạng thiếu pháo binh của Ukraine ngày càng gia tăng, cho phép các lực lượng cơ giới hóa của Nga tăng cường lợi ích chiến thuật, trong khi khả năng phòng không suy giảm cho phép hàng không Nga xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine nắm giữ, thì F-16 có thể cung cấp cứu trợ rất cần thiết.

ISW đánh giá trong bản cập nhật hàng ngày ngày 19 Tháng Tư: “Các quan chức Ukraine đã nhấn mạnh chiến đấu cơ F-16 được hứa hẹn là một yếu tố quan trọng của hệ thống phòng không kết hợp có thể ngăn chặn nhiều cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga cũng như hạn chế các hoạt động hàng không chiến thuật của Nga”.

2. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển không loại trừ việc gửi Patriot tới Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Sweden's defense minister doesn't rule out sending Patriots to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson không loại trừ việc gửi hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, tờ Guardian đưa tin ngày 22 Tháng Tư.

Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hệ thống phòng không trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga vào các trung tâm dân cư và cơ sở hạ tầng năng lượng ngày càng gia tăng. Hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất có hiệu quả cao trong việc đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo và hành trình của Nga.

Theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, Ukraine cần 25 chiếc Patriot để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công của Nga, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba cho biết ông hiện đang tập trung vào việc bảo đảm 7 chiếc để bảo vệ các thành phố lớn nhất Ukraine.

Khi được hỏi liệu Thụy Điển có gửi hệ thống Patriot tới Kyiv hay không, Jonson cho biết ông không loại trừ khả năng này.

Ông nói thêm: “Nhưng hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào đóng góp tài chính nhưng cũng có thể thêm RBS 70, là hệ thống phòng không cầm tay, vì điều đó có thể giảm bớt một số áp lực lên Patriots”.

Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bùng nổ, Stockholm đã cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ quân sự trị giá khoảng 30 tỷ krona Thụy Điển hay 2,88 tỷ Mỹ Kim. Gói viện trợ quốc phòng mới nhất được công bố vào tháng 2 bao gồm 10 tàu chiến CB 90, 20 tàu nhóm và vũ khí dưới nước.

Sau cuộc họp hội đồng NATO-Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các đồng minh đã cam kết cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không bổ sung.

Đức là một trong những nước đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Ukraine và cam kết bổ sung hệ thống phòng không Patriot cùng với đạn dược.

3. Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của NATO

Tổng thống Ba Lan cho biết đất nước của ông sẽ sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của các thành viên NATO khác để đáp trả việc Nga chuyển vũ khí hạt nhân sang nước láng giềng Belarus.

Theo cơ chế chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO, Mỹ đã cung cấp vũ khí hạt nhân cho Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ triển khai và cất giữ.

Tại Mạc Tư Khoa, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh cho biết bất kỳ việc triển khai vũ khí hạt nhân nào của Mỹ ở Ba Lan sẽ phải tuân theo các bước cần thiết để bảo đảm an ninh của Nga.

“Tất nhiên, quân đội sẽ phân tích tình hình nếu những kế hoạch như vậy được thực hiện và trong mọi trường hợp sẽ làm mọi thứ cần thiết, tất cả các bước trả đũa để bảo đảm an toàn của chúng tôi”, ông Dmitry Peskov nói trong cuộc họp báo hàng ngày.

4. Chẩn đoán về tình trạng của Kadyrov khiến người thân bị sốc: 'Sẽ không còn như xưa'

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kadyrov's Diagnosis Shocks Relatives: 'Won't Be The Same'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov được chẩn đoán mắc bệnh viêm tụy hoại tử 5 năm trước và những diễn biến gần đây về tình trạng của ông đã khiến người thân của ông rơi vào “trạng thái trầm cảm”, một tờ báo điều tra độc lập của Nga đưa tin hôm thứ Ba.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều tin đồn xoay quanh sức khỏe của nhà lãnh đạo nước cộng hòa Chechnya ở miền nam nước Nga có đa số người Hồi giáo sinh sống. Tờ Novaya Gazeta có trụ sở tại Latvia, do cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đồng sáng lập, cho biết Kadyrov được chẩn đoán mắc bệnh này vào Tháng Giêng năm 2019 và một chiến dịch cấp liên bang đã được triển khai để thuyết phục công chúng rằng ông có sức khỏe tốt..

Viêm tụy hoại tử là một biến chứng nặng nề của viêm tụy cấp tính—viêm tuyến tụy—khiến một phần cơ quan bị chết. Các biến chứng có thể bao gồm suy nội tạng và thậm chí tử vong.

Năm ngoái, có tin đồn rằng Kadyrov, người cai trị Chechnya từ năm 2007 và là đồng minh của Putin, đang bị bệnh thận nghiêm trọng.

Suy đoán về sức khỏe của nhà lãnh đạo Chechnya càng gia tăng vào tháng 9 khi phát ngôn nhân tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov cho biết Kadyrov đã không khỏe trong một thời gian dài và có vấn đề về sức khỏe toàn thân. Trên mạng xã hội cũng có tin đồn rằng Kadyrov đã chết hoặc hôn mê.

Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo GUR, nói với cơ quan truyền thông Ukraine Ukrainska Pravda: “Ông ấy có vấn đề về sức khỏe, đó là sự thật…Ông ấy thực sự bị bệnh nhưng đã bình phục”. “Chúng ta cũng phải thừa nhận điều này, dù muốn hay không.”

Budanov nói thêm: “Anh ta có vấn đề về thận. Có một mối đe dọa đến tính mạng của anh ta, nhưng anh ta đã vượt qua nó.”

Dẫn nguồn tin tại một bệnh viện và Ban Giám đốc FSB ở Cộng hòa Chechen, Novaya Gazeta đưa tin, vào thời điểm đó, Kadyrov phải vào bệnh viện vì suy phổi cấp. Anh ta được nối với máy thở và được cho là rơi vào trạng thái hôn mê về mặt y tế.

“Thực ra, đây chính là nơi xuất phát những tin đồn về tình trạng hôn mê của thủ lĩnh Chechnya”, cơ quan truyền thông đưa tin.

Tờ báo cho biết một số chính trị gia hàng đầu của Nga, trong đó có ông Putin, đã tham gia vào chiến dịch thông tin tuyên truyền nhằm thuyết phục dư luận rằng Kadyrov vẫn khỏe mạnh.

Trích dẫn một nguồn tin tại Bệnh viện Lâm sàng Trung ương Mạc Tư Khoa, nơi Kadyrov vào bệnh viện, cơ quan truyền thông này cho biết kết quả chụp MRI não của nhà lãnh đạo Chechnya “khiến người thân của Kadyrov rơi vào trạng thái trầm cảm”.

“Sẽ không còn người lãnh đạo như trước nữa, những biến chứng mới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ông ta. Ngay cả khi ông ta bình phục bây giờ, ông ta sẽ không còn sống như trước đây”, người thân của ông ta cho biết.

Điện Cẩm Linh trước đó từ chối bình luận về sức khỏe của Kadyrov, nói rằng đó không phải là vấn đề của Tổng thống Nga.

5. Các bộ trưởng Liên Hiệp Âu Châu sẽ viện trợ số tiền lớn nhưng chưa cam kết hệ thống Patriot cho Ukraine tại cuộc họp quan trọng

Các bộ trưởng Âu Châu hôm thứ Hai cho biết họ đang khẩn trương xem xét cách cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine nhưng chưa đưa ra những cam kết cụ thể về hệ thống Patriot mà Kyiv coi trọng nhất, Reuters đưa tin.

Trong cuộc họp tại Luxembourg, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng từ Liên Hiệp Âu Châu cho biết việc Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua gói hỗ trợ Ukraine trị giá 60 tỷ Mỹ Kim vào cuối tuần sẽ không dẫn đến bất kỳ sự ỷ y nào từ phía họ. Trái lại, nó càng củng cố quyết tâm chiến thắng cuộc xâm lược của Putin.

“Chúng ta có thể vui mừng trong một ngày nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho trận chiến sắp tới vào ngày mai. Vì vậy, không thể có sự ỷ y”, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói với các phóng viên khi ông đến cuộc họp.

Với việc Nga tăng cường các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố của Ukraine, các chính phủ Liên Hiệp Âu Châu đang chịu áp lực phải cung cấp thêm hệ thống bảo vệ cho Kyiv.

Tuy nhiên, các quốc gia sở hữu hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất - loại mà Ukraine đã sử dụng và đánh giá cao về khả năng bắn hạ hỏa tiễn đạn đạo di chuyển nhanh – chưa đưa ra cam kết cụ thể nào vào hôm thứ Hai.

Kể từ khi Kyiv bắt đầu thúc đẩy mua thêm Patriot trong những tuần gần đây, Đức là quốc gia Liên Hiệp Âu Châu duy nhất cam kết bổ sung thêm một hệ thống Patriot.

Berlin cũng đang dẫn đầu nỗ lực mua thêm hệ thống phòng không từ các nước khác cho Ukraine, thông qua việc quyên góp thiết bị và đóng góp tài chính.

Các nước Âu Châu khác bao gồm Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan, Rumani, Tây Ban Nha và Thụy Điển cũng có hệ thống Patriot.

Các quan chức cho rằng rất khó để các nước từ bỏ Patriot vì chúng là một phần không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ quốc gia.

Các quan chức Ukraine phản bác rằng nguy cơ các nước Liên Hiệp Âu Châu bị tấn công bằng các cuộc không kích là cực kỳ thấp, trong khi Ukraine thường xuyên phải đối mặt với những cuộc tấn công như vậy.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết Stockholm đã đồng ý cung cấp vũ khí phòng không cho Ukraine, bao gồm cả hệ thống di động RBS 70.

Khi được hỏi liệu Thụy Điển có cung cấp Patriots hay không, ông nói: “Tôi không loại trừ khả năng đó nhưng hiện tại chúng tôi đang tập trung vào đóng góp tài chính nhưng cũng có thể thêm RBS 70 vì điều đó có thể giảm bớt một số áp lực lên Patriots. “

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết: “Chúng tôi nhận thức rõ nhu cầu phòng không của Ukraine và đặc biệt là Patriots và Tây Ban Nha luôn làm bất cứ điều gì có thể”.

Ông nói thêm: “Vì đây là một cuộc chiến thực sự nên tôi không thực sự ủng hộ ý tưởng tiết lộ quá nhiều về những gì chúng tôi đưa ra, khi nào và từ đâu”.

Theo một báo cáo, tại cuộc họp của các Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu chi tiêu quân sự toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục 2440 tỷ Mỹ Kim.

Mức tăng 6,8% hàng năm sau khi Putin xâm lược Ukraine vào năm 2022 là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009, đẩy chi tiêu quân sự lên mức cao kinh hoàng được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ghi nhận trong lịch sử 60 năm của viện.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu cho rằng chi ra vài trăm tỷ cho Ukraine để sớm giải trừ chế độ hiếu chiến của Ukraine là một khoản đầu tư thích đáng.

6. Tusk loại trừ việc gửi Patriot tới Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Tusk rules out sending Patriots to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Donald Tusk nói với các phóng viên hôm 22 Tháng Tư rằng Ba Lan không thể chuyển bất kỳ hệ thống Patriot nào cho Ukraine vì nước này thiếu nguồn dự trữ, nhưng sẽ cung cấp các hình thức hỗ trợ khác về mặt phòng không.

Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hệ thống phòng không trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga vào các trung tâm dân cư và cơ sở hạ tầng năng lượng ngày càng gia tăng. Hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất có hiệu quả cao trong việc đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo và hành trình của Nga.

Ba Lan có hệ thống Patriot được lắp đặt tại phi trường Rzeszow ở phía đông nam Ba Lan, một trung tâm hậu cần quan trọng để chuyển hàng viện trợ quốc phòng vào Ukraine.

Thủ tướng Tusk cho biết, việc gửi hệ thống này tới Ukraine không phải là một lựa chọn vì nó được quân đội Mỹ lắp đặt để bảo vệ phi trường.

Thủ tướng Tusk nói: “Khi nói đến Patriots, chúng tôi không có khoản dự trữ nào”.

Ông cho biết Ba Lan có thể cung cấp các loại vũ khí khác giúp bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Đức tuyên bố vào ngày 13 Tháng Tư rằng họ sẽ cung cấp cho Kyiv một hệ thống Patriot bổ sung, hệ thống Patriot thứ ba mà Berlin đã cung cấp. Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau đó đã kêu gọi các đồng minh NATO khác cũng làm như vậy.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cho đến nay, Ba Lan đã cam kết hỗ trợ 4,3 tỷ euro cho Ukraine, trong đó 3 tỷ euro là viện trợ quân sự.

7. Nga tuyên án vắng mặt phát ngôn nhân của Meta vì 'biện minh cho khủng bố'

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia sentences Meta spokesperson in absentia for 'justifying terrorism'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga là quốc gia siêu khủng bố khi xâm lược Ukraine. Nga cũng áp dụng chính sách khủng bố để bịt miệng đối lập. Tuy nhiên, oái oăm là Nga thường xuyên cáo buộc các nạn nhân của họ là “khủng bố”.

Theo thói quen đó, Nga đã kết án vắng mặt phát ngôn nhân của Meta, Andy Stone, sáu năm tù với tội danh “biện minh cho khủng bố”, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin hôm 22 Tháng Tư.

Nga đã tuyên bố Meta, gã khổng lồ công nghệ đứng sau Facebook, Instagram, Threads và WhatsApp, là một “tổ chức cực đoan” vào năm 2022.

Vụ kiện chống lại Stone được đệ trình ngay sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, vì Nga tuyên bố Meta “quyết định không ngăn chặn các lời kêu gọi bạo lực chống lại quân đội Nga trên mạng xã hội của mình”, hãng truyền thông độc lập Meduza của Nga cho biết.

Theo Meduza, các công tố viên Liên Bang Nga yêu cầu Stone bị kết án bảy năm trong một nhà tù an ninh tối đa, mức án tối đa có thể có cho tội “biện minh cho khủng bố”.

Ngoài sáu năm tù, tòa án còn ra phán quyết rằng Stone nên “bị cấm quản lý các trang web trong bốn năm,” Meduza nói. Vì Stone sống ở Washington, DC nên không rõ Nga dự định thực thi phán quyết này như thế nào.

Hãng truyền thông độc lập của Nga Mediazona đưa tin vào tháng 11 năm 2023 rằng Stone đã xuất hiện trong danh sách truy nã của Bộ Nội vụ Nga.

Những người nước ngoài khác trong danh sách truy nã liên bang bao gồm Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người chiến thắng Eurovision người Ukraine Jamala, nhà lãnh đạo Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, và Trung Tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine.

8. Vừa bị Ukraine tấn công, vừa bị mưa lũ, sản lượng lọc dầu hàng tuần của Nga chạm mức thấp gần 11 tháng

Bloomberg News đưa tin, hoạt động lọc dầu hàng tuần của Nga đã đạt mức thấp gần 11 tháng qua do lũ lụt và việc sửa chữa các nhà máy bị chậm lại sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.

“Nga đã sản xuất được 5,22 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ ngày 11 đến ngày 17 tháng 4,” báo cáo cho biết, trích dẫn một người có kiến thức về dữ liệu ngành. Nó nói thêm rằng đó là khoảng 10.000 thùng mỗi ngày, tương đương 0,2%, dưới mức trung bình của bảy ngày trước đó.

Các nhà máy lọc dầu của Nga đã hứng chịu các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine gây ra các trở ngại kỹ thuật. Trong khi đó, Mạc Tư Khoa đã tấn công hệ thống năng lượng và các thành phố của Ukraine trong một chiến dịch không kích trong những tuần gần đây.

Một nguồn tin tình báo ở Kyiv nói với Reuters rằng Ukraine đã tấn công 8 khu vực của Nga bằng hàng chục máy bay không người lái tấn công tầm xa, đốt cháy một kho nhiên liệu và tấn công 3 trạm biến áp điện trong một cuộc tấn công lớn vào sáng sớm thứ Bảy.

9. Làm thế nào Johnson lại cho phép bỏ phiếu về viện trợ Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “How Johnson came to allow a vote on Ukraine aid after months of delays”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Sau hơn sáu tháng chần chừ, rút lui và những lời hứa không được thực hiện, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cuối cùng đã cho phép bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine và được thông qua vào ngày 20 Tháng Tư.

Tổng thống Joe Biden đã đưa ra yêu cầu lên Quốc hội vào tháng 10 năm 2023 về khoản viện trợ 61 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine. Sau cuộc chiến mệt mỏi để được bổ nhiệm chủ tịch mới của Hạ viện, Johnson nhấn mạnh rằng các yêu cầu viện trợ cho Ukraine nên được tách biệt khỏi yêu cầu dành cho Israel và các ưu tiên khác, dẫn đến sự chậm trễ kéo dài trong việc nhận viện trợ cho Ukraine và các đồng minh.

Sau khi gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ Mỹ Kim được Thượng viện thông qua vào tháng 2, Johnson một lần nữa kiên quyết rằng ông sẽ không cho phép bỏ phiếu về viện trợ cho đến khi tình hình ở biên giới phía nam Hoa Kỳ được giải quyết.

Sáu tháng sau yêu cầu của Tổng thống Biden, Hạ viện đã chấp thuận áp đảo khoản viện trợ 60,84 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine. Ngũ Giác Đài cho biết trước cuộc bỏ phiếu rằng dòng vũ khí có thể tiếp tục trong vòng vài ngày kể từ khi dự luật được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua và được Tổng thống Biden ký.

Bất chấp cuộc bỏ phiếu đã được thông qua, các vấn đề cải cách biên giới và nhập cư vốn gây khó khăn cho nền chính trị Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ vẫn chưa được giải quyết. Các thành viên cực hữu trong chính đảng của Johnson cũng đe dọa rằng việc tổ chức bỏ phiếu có thể khiến ông mất chức Chủ tịch Hạ Viện.

Điều gì đã khiến Johnson đột ngột thay đổi quan điểm?

Johnson nói với các phóng viên rằng ông đã nhận được những đánh giá tình báo giúp ông hiểu đầy đủ về sự cần thiết của việc thông qua dự luật viện trợ.

“Tôi thực sự tin vào thông tin đó,” Johnson nói. “Tôi nghĩ rằng Vladimir Putin sẽ tiếp tục tuần hành khắp Âu Châu nếu ông ấy được phép. Tôi nghĩ lần tiếp theo ông ta có thể tới vùng Baltic. Tôi nghĩ ông ta có thể sẽ có một cuộc đối đầu với Ba Lan hoặc một trong những đồng minh NATO của chúng ta.”

Johnson dường như cuối cùng đã nắm bắt được thời điểm quan trọng mà ông ta đang ở và vai trò cá nhân của ông ta trong việc đáp ứng thời điểm đó.

Ông nói: “Lịch sử đánh giá chúng ta về những gì chúng ta làm. Tôi nghĩ việc cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine ngay lúc này là cực kỳ quan trọng.”

Nhưng Johnson đã giữ bí mật về các cuộc họp báo tình báo; và trước đó các cuộc nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Biden đã không thành công.

Tờ New York Times dẫn các nguồn tin cho biết, một trong những khoảnh khắc thuyết phục nhất là khi Johnson tham dự cuộc họp tại Phòng Bầu dục vào tháng 2 cùng với các lãnh đạo quốc hội khác.

Giám đốc CIA William Burns và các quan chức quốc phòng khác nói với Johnson rằng Ukraine đang nhanh chóng cạn kiệt đạn dược, bao gồm cả hỏa tiễn đánh chặn phòng không, đồng thời cảnh báo rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, đã hơn hai tháng trôi qua sau cuộc họp đó, và có vô số khoảnh khắc trong thời gian ở giữa mà Johnson có thể đưa cuộc bỏ phiếu ra sàn.

Một yếu tố quan trọng khác là tuyên bố của cựu Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 4 sau khi Johnson đến dinh thự Mar-a-Lago của ông ở Florida, trong đó ông nói rằng Johnson đang “làm rất tốt công việc”.

Trong một bình luận bằng văn bản gửi cho Kyiv Independent, Rajan Menon, một học giả nghiên cứu cao cấp tại Đại học Columbia, nói rằng cựu Tổng thống Trump “đã tạo cơ hội cho Johnson tiến hành chuyển dự luật sang bỏ phiếu”.

Doug Klain, nhà phân tích chính sách tại Razom cho Ukraine, cho biết có thể không phải một khoảnh khắc hay thông tin tình báo nào đã thay đổi suy nghĩ của Johnson.

Thay vào đó, đó là “mọi thứ chồng chất theo thời gian” khi Johnson và “các thành viên Đảng Cộng hòa khác đang cố gắng tìm cách định hình lại chính sách đối với Ukraine”.

Johnson trở thành Chủ tịch Hạ Viện sau cuộc chiến đầy biến động để thay thế Kevin McCarthy, người bị lật đổ bởi các thành phần cực đoan kiên quyết phản đối viện trợ cho Ukraine. Thành ra, Johnson lúng túng trong việc giải quyết vấn đề hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine, là điều đã khiến người tiền nhiệm của ông phải đau khổ.

Khi Johnson né tránh và lảng tránh Ukraine trong những tháng tiếp theo, các thành viên cực hữu đã lật đổ McCarthy cũng đe dọa rằng Johnson sẽ là người tiếp theo nếu ông cho phép một cuộc bỏ phiếu diễn ra.

Phong trào lật đổ Johnson, do nữ Dân biểu cực hữu Marjorie Taylor Greene lãnh đạo, đã được được khởi động trước khi ông quyết định tổ chức bỏ phiếu. Kể từ đó, ít nhất hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác đã tham gia nỗ lực lật đổ Johnson, nhưng Greene cuối cùng cho biết cô sẽ đợi trước khi tiến hành kiến nghị bãi chức Johnson.

Johnson nói rằng nỗ lực loại bỏ ông khỏi vị trí của mình không làm ông bận tâm.

“Tôi không đi bộ quanh tòa nhà này và lo lắng về việc phải từ chức. Tôi phải làm công việc của mình,” ông nói.

“Bạn phải làm điều đúng đắn và bạn phó thác cho số phận.”

Tuy nhiên, có rất nhiều cơ hội để Johnson thực hiện đường lối nguyên tắc của mình trong những tháng trước.

“Johnson đã tuyên bố vào tuần trước rằng tôi không quan tâm đến việc tôi bị mất việc hay không, việc chuyển viện trợ cho Ukraine là điều đúng đắn,” Klain nói.

“Nhưng nếu ông ta thực sự nghĩ như thế thì ông ta đã làm việc này từ hai tháng trước.”

Những rủi ro chính trị tiềm ẩn đối với Johnson có thể cũng đã bị phóng đại quá mức kể từ tháng Giêng, một số đảng viên Đảng Dân chủ đã báo hiệu rằng họ sẽ ủng hộ Johnson trong trường hợp động thái bãi chức được tiến hành. Với đa số mỏng manh mà đảng Cộng hòa có trong Quốc hội, có thể sẽ chỉ cần một vài phiếu bầu từ đảng Dân chủ để đánh bại động thái này.

Quyết định cho phép bỏ phiếu và thông qua sau đó đã được Ukraine và những người ủng hộ nước này ca ngợi.

Tuy nhiên, các bài báo ca ngợi Johnson, chẳng hạn như bài viết của Stephen Collinson của CNN so sánh ông với Winston Churchill, đã khiến một số người tức giận về sự chậm trễ kéo dài.

Công việc chính của Johnson với tư cách là Chủ tịch Hạ Viện là thúc đẩy việc xây dựng luật thông qua Hạ viện, cũng như thúc đẩy các thành viên trong đảng của ông ủng hộ luật đó.

Mặc dù viện trợ không nhận được sự ủng hộ của đa số đảng viên Cộng hòa nhưng cuối cùng hơn 100 người đã bỏ phiếu cho nó. Người ta có thể đoán trước được đa số nếu không muốn nói là tất cả các đảng viên Đảng Dân chủ sẽ bỏ phiếu cho dự luật và nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa đã công khai nói rằng họ sẽ ủng hộ nó, nên việc giành được đủ số phiếu thực sự không còn là vấn đề nữa.

Thay vào đó, việc thực sự cho phép cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ đơn giản là tùy thuộc vào Johnson.

Klain nói với Kyiv Independent: “Khá rõ ràng nếu điều này được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện thì nó sẽ được thông qua và chúng tôi biết điều đó ngay khi Thượng viện thông qua phiên bản dự luật vào tháng 2”.

“Ngay cả những thành viên Quốc hội có quan điểm chống Ukraine cứng rắn nhất, (chẳng hạn như) Andy Biggs, cũng nói rằng nếu viện trợ của Ukraine được đưa ra sàn, chúng tôi biết nó sẽ được thông qua, đó là lý do tại sao chúng tôi phải dừng nó lại.”

Hậu quả của sự chậm trễ

Trong sáu tháng kể từ khi Johnson trở thành Chủ tịch Hạ Viện và viện trợ vẫn rơi vào bế tắc, vị thế chiến trường của Ukraine tiếp tục xấu đi, bao gồm cả việc mất thành phố tiền tuyến quan trọng Avdiivka. Tổng thống Biden cho rằng việc Quốc hội không thông qua viện trợ đã khiến quân đội Ukraine phải rút khỏi thành phố.

Con số thực sự về những tổn thất của Ukraine do sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ rất khó để định lượng và rất khó để kết nối một cách rõ ràng những thất bại trên chiến trường với tình trạng bế tắc, nhưng có một vài ví dụ minh họa.

Kateryna Stepanenko, nhà phân tích Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết kể từ tháng 10, Ukraine đã mất 583 km2 lãnh thổ vào tay Nga. Stepanenko nói thêm rằng tổn thất chủ yếu là do Ukraine thiếu đạn pháo.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 21 Tháng Tư cho biết sự chậm trễ này “đã gây ra hậu quả thực sự”.

“Trong nhiều tháng, người Ukraine đã bị áp đảo về vũ khí, khoảng 1 đến 5, 1 đến 10, tùy thuộc vào phần nào của chiến tuyến mà bạn đang nói đến.”

Sau khi Nhà máy nhiệt điện Trypillia ở Kyiv bị phá hủy bởi cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào tháng 4, Zelenskiy nói rằng hệ thống phòng thủ của nhà máy đã thất bại vì đơn giản là không còn đủ hỏa tiễn phòng không.

Ngoài những tổn thất đối với Ukraine, sự chậm trễ còn gây ra “thiệt hại to lớn... cho uy tín của Mỹ” và “niềm tin mà các đồng minh dành cho chúng tôi”, Klain nói.

Một khi dự luật được Thượng viện thông qua và được Tổng thống Biden ký thành luật, điều này hoàn toàn được bảo đảm, viện trợ sẽ nhanh chóng tiếp tục chảy vào Ukraine. Zelenskiy và các quan chức Ukraine khác bày tỏ lòng biết ơn về cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, và Stoltenberg nói rằng “vẫn chưa quá muộn” để viện trợ tạo nên sự khác biệt, nhưng rõ ràng là vị thế chiến trường của Ukraine đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng qua.

Klain nói: “Khá nhiều thiệt hại do sự chậm trễ gây ra là không thể khắc phục được.
 
Hàng loạt nhà máy lọc dầu Nga nổ long trời. Nga dội bom Nga. Thứ trưởng Quốc phòng Nga bị bắt giam
VietCatholic Media
17:10 24/04/2024


1. Ukraine tấn công nhiều nhà máy lọc dầu của Nga trong đêm bất chấp cảnh báo của Mỹ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Hits Multiple Russian Refineries Overnight Despite US Warnings”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Bất chấp sự phản đối từ Washington thúc giục Kyiv đừng tấn công các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga, Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một số nhà máy lọc dầu của Nga vào rạng sáng hôm Thứ Tư, 24 Tháng Tư. Các nguồn tin của Nga cho biết hôm thứ Tư.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết lực lượng phòng không của họ đã chặn hai máy bay không người lái của Ukraine trên vùng Voronezh giáp đông bắc Ukraine, một chiếc khác trên vùng Smolensk phía tây nam Mạc Tư Khoa và hai chiếc nữa trên vùng biên giới Belgorod gần Ukraine.

Thống đốc Smolensk Vasily Anokhin cho biết: “Khu vực của chúng tôi lại bị tấn công bởi các máy bay không người lái của Ukraine vào sáng sớm thứ Tư.” Anokhin cho biết hỏa hoạn bùng phát dữ dội xung quanh thành phố Smolensk và tại một thị trấn ở phía đông thành phố “do một cuộc tấn công của đối phương vào các cơ sở năng lượng và nhiên liệu dân sự”. Ông nhấn mạnh trong một tuyên bố sau đó rằng không có thương vong.

Aleksandr Gusev, nhà lãnh đạo vùng Voronezh, cho biết bốn máy bay không người lái đã bị chặn trên khu vực, và báo cáo thiệt hại cho ít nhất hai tòa nhà tư nhân. Igor Artamonov, nhà lãnh đạo vùng Lipetsk, cho biết Ukraine “đã cố gắng tấn công cơ sở hạ tầng ở khu công nghiệp Lipetsk”.

Hãng tin độc lập Astra của Nga đã chia sẻ đoạn phim có nội dung cho thấy đám cháy bùng phát tại các nhà máy lọc dầu ở Voronezh và Smolensk, đồng thời cho biết thêm rằng người dân địa phương đã báo cáo về một cuộc tấn công vào một trong những nhà máy thép lớn nhất của Nga ở thành phố Lipetsk. Ukraine đã nhắm tới nhà máy này vào đầu năm nay.

Kyiv đã liên tục tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga bằng máy bay không người lái tầm xa, làm giảm khả năng xuất khẩu dầu của Nga với hy vọng cắt đứt các nguồn tài nguyên mà Mạc Tư Khoa có thể sử dụng cho nỗ lực chiến tranh của mình. Ngành dầu mỏ của Nga đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng vẫn giữ vị trí quan trọng trên thị trường toàn cầu.

Nga cũng nhiều lần tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine, bao gồm cả việc phá hủy một nhà máy điện lớn gần thủ đô Ukraine hồi đầu tháng này.

Hồi tháng 3, tờ Financial Times đưa tin Mỹ đã thúc đẩy Ukraine ngừng tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga vì lo ngại giá dầu toàn cầu tăng đột biến và nguy cơ bị Nga trả đũa.

Các cuộc tấn công của Ukraine bên trong lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận có thể là điểm khúc mắc giữa Kyiv và các đồng minh. Ukraine thường sẽ không chịu trách nhiệm chính thức về các cuộc tấn công qua biên giới.

Nhưng Olha Stefanishyna, phó thủ tướng Ukraine, hồi tháng trước cho biết các nhà máy lọc dầu của Nga là mục tiêu quân sự hợp pháp của Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm Thứ Tư, 24 Tháng Tư, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Matthew Miller nói: “Chúng tôi không khuyến khích hoặc kích hoạt các cuộc tấn công bên trong nước Nga”

2. Nga ném bom Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia bombs Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một phương tiện truyền thông độc lập, lực lượng không quân Nga đã thả một hỏa tiễn cỡ lớn xuống lãnh thổ của mình hồi đầu tháng này.

Quân đội của Putin thường xuyên ném bom Ukraine từ bầu trời phía trên các khu vực biên giới của nước này, chẳng hạn như Belgorod, dẫn đến các vụ hỏa hoạn thân thiện.

Tuần trước, lực lượng không quân Nga đã “thả” một hỏa tiễn X-59 xuống vùng Belgorod, cách biên giới với Ukraine 92 km, phương tiện truyền thông độc lập Astra của Nga đưa tin trên Telegram vào cuối ngày thứ Ba, dẫn nguồn tin của họ.

“Quân đội đã phải cho nổ nó ngay tại chỗ. Không có nạn nhân”, Astra nói.

Nhìn chung, chỉ riêng trong tháng 3 và tháng 4, ít nhất 21 quả bom đã rơi từ máy bay Nga xuống Nga hoặc các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine, Astra đưa tin.

Các nhà báo viết: “Không có câu trả lời chính xác tại sao điều này vẫn tiếp tục xảy ra”.

Vào ngày 2 tháng 4, một máy bay ném bom của Nga đã thả chất nổ gần ga xe lửa ở Rubizhne, một thị trấn thuộc khu vực bị tạm chiếm của vùng Luhansk. Artem Lysohor, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự Ukraine tại khu vực Luhansk cho biết trong một tuyên bố: “Số nạn nhân không được báo cáo, những người sống sót đã được di tản”.

Vào ngày 20 tháng 4 năm ngoái, một quả bom trên không của Nga đã rơi xuống trung tâm Belgorod, tạo ra một miệng núi lửa khổng lồ. Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng “trong chuyến bay của máy bay Su-34 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ qua thành phố Belgorod, một vụ rơi đạn hàng không bất thường đã xảy ra”.

3. Thứ trưởng Quốc phòng Nga bị bắt vì nghi nhận hối lộ

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's deputy defense minister detained on suspicions of bribery”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Timur Ivanov bị bắt giữ hôm 23 Tháng Tư vì tình nghi nhận hối lộ. Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, cho biết như trên hôm Thứ Tư, 24 Tháng Tư.

Ivanov, quan chức hàng đầu của Nga phụ trách xây dựng các cơ sở quân sự của đất nước, đã bị giam giữ theo phần sáu của Điều 290 Bộ luật Hình sự Nga. Theo hãng truyền thông nhà nước Nga TASS, điều khoản cụ thể trong Bộ luật Hình sự liên quan đến hối lộ hơn 1 triệu rúp.

Ủy ban Điều tra Nga lưu ý rằng cuộc điều tra đang diễn ra và không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về các cáo buộc.

Tướng Krasnov cho biết Ủy ban điều tra Nga đã kiến nghị bắt khẩn cấp Ivanov. Nếu bị kết án, Ivanov sẽ phải đối mặt với án tù 15 năm.

Ivanov, người đã bị nhiều nước phương Tây trừng phạt do vai trò của ông ta trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, trước đây là mục tiêu của cuộc điều tra vào tháng 12 năm 2022 của Tổ chức Chống Tham nhũng, do lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny thành lập. Cuộc điều tra cáo buộc Ivanov đã thu lợi từ các dự án xây dựng ở Mariupol bị tạm chiếm.

Là người phản đối mạnh mẽ nạn tham nhũng và là đối thủ của Putin, Navalny qua đời vào ngày 16 tháng 2 năm 2024 sau khi bị giam giữ tại một khu cải tạo hình sự ở Khu tự trị Yamal-Nenets xa về phía bắc của Nga. Navalny bị kết án tại tòa án Nga với tội danh cực đoan - vốn đã được quốc tế công nhận là có động cơ chính trị.

Chính thức, Ivanov bị bắt vì tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, tờ Moscow Times đặt ra một thách thức: Hãy chỉ cho chúng tôi một tướng Nga nào không ăn hối lộ. Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu được tin là những kẻ ăn hối lộ hạng gộc. Cho nên, tờ Moscow Times nhận định rằng vụ bắt giữ Ivanov chẳng liên quan gì đến tội nhận hối lộ. Đúng hơn, nó tiên báo một cuộc thanh trừng mới của Putin để buộc mọi người phải tích cực hơn trước nguy cơ ngày càng tăng khi Hoa Kỳ tái tục viện trợ cho Ukraine.

4. Storm Shadows tiến tới Ukraine khi đồng minh cam kết 1.600 hỏa tiễn trong viện trợ mới

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Storm Shadows Head to Ukraine as Ally Commits 1,600 Missiles in New Aid”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vương quốc Anh sẽ cung cấp thêm cho Ukraine hỏa tiễn Storm Shadow tầm xa khi các nước phương Tây cam kết viện trợ quân sự mới cho Kyiv trước cuộc tấn công dự đoán vào mùa hè của Nga.

Chính phủ Anh hôm thứ Ba cho biết họ sẽ cam kết khoản viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine, trị giá 500 triệu bảng Anh hay 622 triệu Mỹ Kim. Bộ Quốc phòng Anh cho biết gói viện trợ này bao gồm hơn 1.600 hỏa tiễn tấn công và phòng không, cũng như việc cung cấp thêm hỏa tiễn, và phương tiện dẫn đường chính xác phóng từ trên không Storm Shadow.

Khoản viện trợ mới, được công bố ngay sau khi Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu ủng hộ gói hỗ trợ quân sự quan trọng cho Ukraine, diễn ra chỉ vài tuần trước nỗ lực dự kiến của Nga nhằm vào các vị trí đang khan hiếm tài nguyên của Ukraine.

“Storm Shadow và các hỏa tiễn khác, hàng trăm xe thiết giáp và tàu thủy, đạn dược – tất cả những thứ này đều cần thiết trên chiến trường”, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói

Vương quốc Anh cho biết vào tháng 5 năm 2023 rằng họ sẽ gửi hỏa tiễn Storm Shadow của Anh-Pháp tới Ukraine. Paris sau đó cam kết gửi phiên bản hỏa tiễn của mình, được gọi là SCALP, tới Kyiv.

Được sản xuất bởi nhà sản xuất hỏa tiễn Âu Châu MBDA, hỏa tiễn có tầm bắn chính thức vượt quá 255 dặm, mặc dù các chuyên gia cho rằng chúng có thể tấn công ở khoảng cách xa hơn. Các hỏa tiễn tầm xa mang lại cho Ukraine khả năng tấn công các tài sản quan trọng của Nga, như trụ sở quân sự, boongke và hậu cần, ở xa chiến tuyến.

“Các cuộc tấn công sâu, giống như những cuộc tấn công sử dụng Storm Shadow, sẽ không giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng khoản quyên góp này sẽ nhằm mục đích như một tín hiệu khác cho các nước khác, với việc Vương quốc Anh sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn đối với khả năng thông thường của mình để hỗ trợ Ukraine,” Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho biết.

Hỏa tiễn Storm Shadow được cho là đã thực hiện một số cuộc tấn công của Ukraine khiến Mạc Tư Khoa phải xấu hổ. Kyiv đã sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow để tấn công tàu chiến Nga và tàu ngầm Rostov-on-Don, đóng tại thành phố Sevastopol của Crimea, vào tháng 9/2023.

Sky News đưa tin Ukraine cũng đã sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow để tấn công một trung tâm chỉ huy quân sự của Nga ở thành phố Luhansk phía đông Ukraine do Nga kiểm soát vào giữa tháng 4 năm 2024.

Gói viện trợ của Anh bao gồm 60 tàu thuyền các loại, hơn 400 phương tiện và gần 4 triệu viên đạn vũ khí hạng nhẹ.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: “Gói hỗ trợ hôm nay sẽ giúp bảo đảm Ukraine có những gì họ cần để chiến đấu với Nga”.

Hôm thứ Bảy, Hạ viện Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho gói viện trợ quân sự mới trị giá hơn 60 tỷ Mỹ Kim. Mỹ là nhà cung cấp hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine.

Khoản viện trợ mới đã bị mắc kẹt trong nhiều tháng tại Quốc hội, bị sa lầy bởi đấu đá chính trị nội bộ. Gói hàng này sẽ được chuyển đến Thượng viện và được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua trong những ngày tới.

Hôm thứ Hai, Zelenskiy cho biết việc bảo đảm vũ khí tầm xa là ưu tiên hàng đầu của Kyiv, bên cạnh các hệ thống phòng không, pháo binh hiện đại và “bảo đảm rằng các gói hỗ trợ của Mỹ đến nhanh nhất có thể”.

“Mọi thứ đã được quyết định trong các cuộc đàm phán ATACMS dành cho Ukraine,” ông Zelenskiy cho biết hôm thứ Hai, đề cập đến Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân đất đối đất tầm xa của Hoa Kỳ. Kyiv sử dụng ATACMS lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2023.

Cùng với Storm Shadow, ATACMS “sẽ cho phép Ukraine hỗ trợ bất kỳ hoạt động nào ở tiền tuyến, gây áp lực lên các căn cứ không quân của Nga và các kho tiếp tế ở xa hơn”, Savill của RUSI cho biết.

5. Vương quốc Anh công bố tăng cường quốc phòng trị giá 75 tỷ bảng - và thách thức Âu Châu làm theo

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “UK announces £75B defense boost — and challenges Europe to follow suit”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Động thái này sẽ khiến Anh chi 93,45 tỷ Mỹ Kim hay 2,5% GDP cho quốc phòng vào cuối thập niên này khi Phố Downing kêu gọi 'các nền kinh tế NATO lớn khác ở Âu Châu làm theo'.

Vương quốc Anh hứa sẽ bơm thêm 75 tỷ bảng vào ngân sách quốc phòng của mình trong sáu năm tới trong một động thái sẽ khiến mức chi tiêu của nước này vượt xa mục tiêu quan trọng của NATO và gây áp lực buộc các đồng minh Âu Châu phải chạy theo.

Thủ tướng Rishi Sunak cho biết trong chuyến đi tới Ba Lan hôm thứ Ba rằng gói mới này là “sự tăng cường lớn nhất cho nền quốc phòng của chúng tôi trong một thế hệ”, trong khi văn phòng của ông lập luận rằng nó “đặt ra tiêu chuẩn mới cho các nền kinh tế lớn khác của NATO ở Âu Châu tuân theo”.

Động thái này sẽ chứng kiến Vương quốc Anh chi tiêu tương đương 2,5% GDP mỗi năm cho quốc phòng vào cuối thập niên này - điều mà trước đây chỉ là tham vọng mơ hồ của đất nước khi nguồn lực cho phép.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng với nhà lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg vào chiều thứ Ba, Sunak cho biết bây giờ không phải là “thời điểm để tự mãn”.

Ông nói: “Chúng ta không thể tiếp tục nghĩ rằng nước Mỹ sẽ phải trả bất kỳ giá nào hoặc chịu bất kỳ gánh nặng nào nếu chúng ta không sẵn sàng hy sinh vì an ninh của chính mình”.

Cam kết mà Sunak khẳng định sẽ không yêu cầu cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế, sẽ đưa chi tiêu quốc phòng hàng năm của Vương quốc Anh lên 87 tỷ bảng Anh vào năm 2030-2031.

Nó diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh luận gay gắt xuyên Đại Tây Dương về chi tiêu quốc phòng ở Âu Châu. Các nước NATO dự kiến sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng, với 18 thành viên hiện đang trên đà thực hiện điều này. Đức đã đạt được mục tiêu đó lần đầu tiên trong năm nay.

Nhưng cựu tổng thống Mỹ và ứng cử viên hiện tại Donald Trump đã gợi ý rằng ông sẽ không bảo vệ các quốc gia không đạt được mục tiêu đó nếu họ bị tấn công.

Trong một tuyên bố kèm theo thông báo của Sunak, số 10 Phố Downing cho biết: “Nếu tất cả các nước NATO cam kết dành ít nhất 2,5% GDP cho quốc phòng, ngân sách chung của chúng ta sẽ tăng hơn 140 tỷ bảng Anh”.

Chính phủ Anh cho biết gói mới này sẽ bao gồm khoản đầu tư thêm 10 tỷ bảng Anh trong thập niên tới vào việc sản xuất đạn dược và cải cách “căn bản” các thủ tục mua sắm quốc phòng của Anh. Họ cũng tuyên bố thành lập “Cơ quan Đổi mới Quốc phòng” mới để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển quân sự.

Sunak nói: “Hôm nay là một bước ngoặt đối với an ninh Âu Châu và là một thời điểm mang tính bước ngoặt trong việc bảo vệ Vương quốc Anh”.

Thông báo này được đưa ra sau khi POLITICO đưa tin rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang chuẩn bị yêu cầu Sunak tăng chi tiêu quốc phòng của Anh trong cuộc gặp song phương vào ngày mai.

Ngôn ngữ của Sunak hôm thứ Ba phản ánh ngôn ngữ của Scholz sau cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2022, khi thủ tướng Đức gọi việc tăng cường đầu tư quốc phòng của đất nước ông là “zeitenzwende” - tiếng Đức có nghĩa là “bước ngoặt”.

Đảng Lao động đối lập chính của Anh - đang trong quá trình tranh cử chính phủ trong cuộc bỏ phiếu hiện tại - cho biết họ muốn tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP, nhưng chưa cam kết về khung thời gian để thực hiện điều đó.

Thay vào đó, họ hứa hẹn sẽ có một cuộc đánh giá quốc phòng lớn trong năm đầu tiên nắm quyền nếu thắng cử.

Phản ứng trước động thái của Sunak hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng đối lập của Đảng Lao Động John Healey cho biết đảng đối lập “muốn thấy một kế hoạch được tài trợ đầy đủ để đạt 2,5%, nhưng Đảng Bảo Thủ đã nhiều lần cho thấy rằng họ không thể được tin cậy về mặt quốc phòng và chúng tôi sẽ xem xét chi tiết về thông báo của họ một cách chặt chẽ.”

6. Cựu Tổng thống Trump khen ngợi Chủ tịch Hạ viện sau cuộc bỏ phiếu về viện trợ Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Trump praises House speaker after vote on Ukraine aid”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu Tổng thống Mỹ và ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã lên tiếng ủng hộ Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người đã cho phép bỏ phiếu về viện trợ quân sự cho Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn, tờ Guardian đưa tin ngày 23 Tháng Tư.

Hạ viện đã thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine vào ngày 20 Tháng Tư. Thượng viện cũng đã thông qua vào ngày 23 Tháng Tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký thành luật.

Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Cộng hòa, cùng với Tổng thống Biden, trong nhiều tháng đã thúc giục Johnson đưa dự luật tới Hạ viện để bỏ phiếu trong khi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn phản đối việc hỗ trợ thêm cho Kyiv, được cho là gây áp lực buộc Chủ tịch Hạ viện không được đưa ra bỏ phiếu.

Trong cuộc gặp với Johnson ở Florida hôm 12 Tháng Tư, Trump nói rằng viện trợ cho Kyiv có thể được cung cấp dưới dạng một khoản vay.

Quyết định tổ chức bỏ phiếu của Johnson đã gây ra phản ứng dữ dội từ cánh hữu của Đảng Cộng hòa, với việc nhà lập pháp Marjorie Taylor Greene đe dọa sẽ đưa ra động thái loại bỏ Johnson khỏi vị trí Chủ tịch Hạ Viện của ông ta.

Trump đưa ra lời bảo vệ cho Johnson, nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào ngày 22 tháng 4 rằng đảng Cộng hòa hiện có đa số phiếu tại Hạ viện, điều này “không giống như Johnson có thể đi và làm bất cứ điều gì anh ta muốn làm.”

“Tôi nghĩ anh ta là một người rất tốt. Bạn biết đấy, anh ta đã ủng hộ tôi rất mạnh mẽ về NATO khi tôi nói NATO phải trả tiền… Tôi nghĩ anh ta là một người đàn ông rất tốt. Tôi nghĩ anh ấy đang cố gắng rất nhiều”, tờ Guardian dẫn lời ông Trump.

Ông cũng ca ngợi Johnson vì đã chuyển 9 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Ukraine thành một “khoản vay có thể được tha thứ”. Số tiền này sẽ được phân bổ cho đất nước bị chiến tranh tàn phá dưới dạng hỗ trợ kinh tế dưới hình thức các khoản vay có thể được tổng thống xóa nợ với sự chấp thuận của Quốc hội.

101 thành viên Hạ viện Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật viện trợ Ukraine, 112 người bỏ phiếu chống và một người bỏ phiếu có mặt. Trong khi đó, trong số các đảng viên Đảng Dân chủ, 210 thành viên Hạ viện đã bỏ phiếu đồng ý và không có ai phản đối dự luật.

Reuters đưa tin, dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên, rằng Mỹ đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 1 tỷ Mỹ Kim.

Một số viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Kyiv được cho là đã được chuyển đến Đức và Ba Lan, cắt giảm thời gian cần thiết để vũ khí và thiết bị đến tiền tuyến.

7. Nhận xét từ nhà ngoại giao trưởng của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, về việc hỗ trợ Ukraine

Khi được hỏi về khoảng thời gian cần thiết để các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu “tăng cường và làm điều gì đó nhiều hơn cho Ukraine”, ông nói: “Hãy nhìn xem, chúng tôi đang làm việc cho Ukraine mỗi ngày, không chỉ ngày có hội đồng. Chúng tôi chuẩn bị các quyết định, chúng tôi thông báo cho các quốc gia thành viên, chúng tôi phân tích tình hình, chúng tôi đưa ra các yêu cầu, chúng tôi xem họ có thể làm gì. Để hỗ trợ Ukraine, chúng tôi làm việc hàng ngày.”

“Và hôm nay là ngày để các quốc gia thành viên xem họ có thể làm gì, nhu cầu là gì và liệu họ có thể đưa ra đề xuất một cách chắc chắn hay không. Nhưng tôi không thể nói trước được, tôi sẽ nói với bạn sau cuộc họp.”

Ông cũng bình luận về “khả năng tăng cường hỗ trợ cho Ukraine” của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

“Bạn biết rằng chúng tôi đã đưa ra rất nhiều cảnh báo, thư từ, yêu cầu họ xem chúng ta có thể làm gì. Chúng ta cần thêm đạn dược. Chúng ta cần nhiều bệ phóng hơn, nhưng bệ phóng không có thiết bị đánh chặn thì không khác gì một khẩu đại bác hoặc giống như một khẩu súng không có đạn. Chúng ta cần cả hai.”

“Chúng tôi cần cung cấp thiết bị đánh chặn cho số lượng bệ phóng mà họ đã có và tăng số lượng bệ phóng. Và hãy xem các quốc gia thành viên có thể cung cấp những gì, bởi vì ở Brussels chúng tôi không có mà chỉ các quốc gia thành viên mới có.”

8. Phân tích tầm quan trọng của gói viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Mỹ cho Ukraine

Hãng tin AP đã phân tích tầm quan trọng của gói viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Mỹ cho Ukraine và đưa tin về việc sự hỗ trợ rất cần thiết của Mỹ có thể ảnh hưởng như thế nào đến tình hình trên chiến trường khi Nga tiếp tục giành được lãnh thổ mới.

Ngũ Giác Đài cho biết họ có thể chuyển vũ khí tới Ukraine trong vòng vài ngày nếu Thượng viện và Tổng thống Joe Biden đưa ra phê duyệt cuối cùng đối với gói viện trợ.

Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà lập pháp Ukraine cho biết có thể mất vài tuần để sự hỗ trợ đến được với quân đội, điều này giúp Nga có thêm thời gian để làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Nỗ lực kéo dài bảy tháng để thông qua gói này đã khiến Ukraine trở thành con tin cho chính trị nội bộ của đồng minh lớn nhất của nước này.

Nó cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc nền chính trị Mỹ đang thay đổi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc hỗ trợ quân sự trong tương lai.

Các đối tác Âu Châu không thể sánh được với số lượng và phạm vi hỗ trợ của Mỹ, là điều vẫn là hy vọng chính của Kyiv để giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Nhưng sự hỗ trợ đó đi kèm với những ranh giới đỏ, bao gồm các quy định cấm sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công bên trong Liên bang Nga. Một số quan chức Ukraine cho rằng những giới hạn như vậy sẽ cản trở khả năng làm tê liệt những khả năng mạnh mẽ hơn của đối phương.

Giả định hiện nay là sự hỗ trợ sẽ đến trong hai tháng tới, để đối phó với các kế hoạch của Nga đang được tiến hành cho một cuộc tấn công tiềm năng vào cuối mùa hè.

Các nhà phân tích lập luận rằng sự hỗ trợ trong tương lai không nên dựa vào một trận chiến quyết định lớn mà là một chiến lược bền vững trong nhiều năm.

Nhưng trước tiên, Ukraine phải ngăn chặn nỗ lực của Nga nhằm phá vỡ các tuyến phòng thủ và các vị trí cố thủ.

9. Điện Cẩm Linh phản ứng trước quyết định tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga giao cho Ukraine

Hạ Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Bẩy, 20 Tháng Tư, đã thông qua dự luật tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga giao cho Ukraine.

Đáp lại, hôm Thứ Ba, 23 Tháng Tư, Điện Cẩm Linh tuyên bố bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm chiếm giữ tài sản bị phong tỏa của Nga đều là bất hợp pháp, tạo tiền lệ nguy hiểm và sẽ bị thách thức trước tòa, Reuters đưa tin.

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết một động thái như vậy sẽ cấu thành hành vi xâm phạm tài sản cá nhân và nhà nước, đồng thời sẽ dẫn đến hành động trả đũa và hành động pháp lý.

Điện Cẩm Linh, khi bình luận về gói trừng phạt thứ 14 của Liên Hiệp Âu Châu đối với Nga, cũng cho biết hôm thứ Hai rằng họ hiểu rằng các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục mở rộng.

Nó được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Thụy Điển cho biết gói trừng phạt đối với Nga tiếp theo của Liên Hiệp Âu Châu liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine nên bao gồm việc tấn công vào một đội tàu chở dầu đen đang vận chuyển dầu của Nga để lách các lệnh trừng phạt.

10. Một số Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa ủng hộ việc thông qua viện trợ nước ngoài sau sự phản đối trước đó

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “The Senate Republicans who backed moving foreign aid forward after earlier opposition”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một số thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã đảo ngược quan điểm phản đối trước đây của họ đối với gói viện trợ nước ngoài quy mô lớn - để quay lại ủng hộ biện pháp được Hạ viện thông qua nhằm cung cấp viện trợ quân sự cho Israel, Ukraine và Đài Loan.

Trong số những vị đã quay sang ủng hộ viện trợ quân sự có Katie Britt, Tom Cotton, Deb Fischer, Lindsey Graham, Cindy Hyde-Smith, James Lankford, Markwayne Mullin, Pete Ricketts và Tim Scott.

Nhìn chung, cuộc bỏ phiếu theo thủ tục đã được thông qua dễ dàng, 80-19.

Graham nói trong một cuộc phỏng vấn: “Đây là một gói tốt hơn nhiều. Nó mạnh mẽ hơn cho Israel và Ukraine”

Thượng nghị sĩ Peter Welch của đảng Dân Chủ, người phản đối dự luật vào tháng Hai trước đó, đã bỏ phiếu ủng hộ gói viện trợ nước ngoài này, trong khi Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis, người vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tháng Hai, hôm Thứ Ba, đã phản đối dự luật này. Thượng nghị sĩ Rand Paul, người đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận vào tháng 2, đã vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Ba.

11. Na Uy sẽ cung cấp cho Ukraine những khoản đóng góp mới để cải thiện khả năng phòng không của Kyiv

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre nói với hãng truyền thông TV2 rằng Na Uy sẽ cung cấp cho Ukraine những khoản đóng góp mới, bao gồm cả tài chính, để cải thiện khả năng phòng không của nước này.

Støre cho biết có “khoản tiền đáng kể” sẽ được chuyển tới lực lượng phòng không Ukraine nhưng không nêu rõ số tiền chính xác hoặc phần đóng góp của Oslo sẽ là tài chính hoặc dưới dạng thiết bị quân sự.

Với việc Nga tăng cường các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố của Ukraine, các chính phủ Liên Hiệp Âu Châu đang chịu áp lực phải cung cấp thêm hệ thống bảo vệ cho Kyiv.

Støre được dẫn lời nói: “Chúng tôi sẽ quay lại vấn đề đó khi trình bày ngân sách sửa đổi.

“Nó đắt tiền, nhưng bảo vệ hòa bình và tự do thì tốn tiền. Những người phải trả giá cao nhất là Ukraine và người Ukraine”.

“Cần có thời gian để sản xuất hệ thống phòng không. Điều này có nghĩa là bạn phải gửi lực lượng phòng không từ kho của chính mình.”