Ngày 16-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 17/09: Một vị Tiên Tri cao cả xuất hiện giữa chúng ta – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:00 16/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Đức Giê-su đến gần cửa thành, đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:14 16/09/2024

36. Sự tiến triển của thánh đức là hoàn toàn do sự cầu nguyện.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:16 16/09/2024
61. TIẾC CHO NHÂN PHẨM

Có một ông quan tư khấu giảng dạy giỏi, tiếng đồn vang xa.

Một hôm, ông ta nhận được một lá thư từ phương xa gởi đến, sau khi đọc xong thì bi thương chảy nước mắt.

Có một học sinh trẻ tuổi hỏi nguyên nhân, tư khấu trả lời:

- “Ông thầy giáo già nọ đã chết rồi, không phài ta đau buồn cho cái chức quan của ông ta, nhưng ta chỉ tiếc là nhân phẩm của ông ta rất tốt”.

Anh học sinh trẻ nói:

- “Không phải đâu, xưa nay hể làm quan lớn thì nhân phẩm tự nhiên là phải tốt thôi”.

Tư khấu câm miệng không đáp lại được.

(Hài sử)

Suy tư 61:

Ở đời không có gì quý cho bằng nhân phẩm, nhân phẩm tức là phẩm chất của một con người, mà phẩm chất chính là cái đạo đức nhân bản làm người của chúng ta vậy. Người sống có nhân phẩm dù có chết đi thì tiếng tốt vẫn còn lưu danh mãi, cho nên nhân phẩm chính là cái bất diệt của con người nếu chúng ta biết quý trọng nó.

Không tiếc cái chức vụ của người chết mà chỉ tiếc cái nhâm phẩm của họ là chuyện hiếm có của người đời, bởi vì rất ít người để ý đến nhân phẩm của người khác sau khi họ chết, mà chỉ nghĩ đến cái chức vụ, cái quyền uy rồi tiếc cho họ mà thôi.

Người Ki-tô hữu cũng như những người khác luôn coi trọng nhân phẩm của mình, nhưng nhân phẩm càng được quý giá hơn khi chúng ta đem ánh sáng Tin Mừng áp dụng vào trong cuộc sống của mình, bởi vì nhân phẩm vốn là những đức tính nhân bản phải có của con người, mà nếu không đem lời của Đức Chúa Giê-su áp dụng vào, thì nhân bản sẽ dần dần mai một hoặc chỉ là chuyện khách sáo bên ngoài cho đến khi không còn nhân phẩm nữa mà thôi.

Hổ chết để da, còn người Ki-tô hữu chết thì để lại đức hạnh và tiếc thương trong lòng mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Lý tưởng phục vụ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:44 16/09/2024
CHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
LÝ TƯỞNG PHỤC VỤ

Một hành vi nhân linh có thể được thúc đẩy bởi nhiều động lực khác nhau. Cũng thế, việc đi theo Chúa Giêsu cũng được thúc đẩy bởi những động lực khác nhau, có khi có những động lực ngay lành, thánh thiện, nhưng có khi cũng hàm chứa những động lực rất trần tục. Đó là điều được phản ánh trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay.

1. Tinh thần thế gian

Thánh Máccô cho chúng ta biết trong khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai về việc Người sẽ bị bắt, bị giết chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại, thì các môn đệ chỉ nghĩ đến quyền lợi, địa vị mình và cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Chúa (x. Mc 9,30-34).

Rõ ràng các môn đệ đã theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ trái mùa,” các ông ước mơ sẽ được thăng quan tiến chức, có chức vụ và quyền lực theo kiểu trần thế trong Nước Chúa. Quả thật, các ông theo Chúa nhưng vẫn còn hành xử theo tinh thần thế gian, chưa đi vào đường lối của Chúa, đó là đường tiến về Giêrusalem, đường thập giá, đường hiến thân phục vụ; các ông vẫn chưa thể hiểu hay đúng hơn là không muốn hiểu điều Chúa đang loan báo.

Về điểm này, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại bản thân. Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta có thể bị cám dỗ coi việc bước theo Chúa chỉ là để thăng tiến bản thân với những động lực bên trong rất trần tục. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thanh lọc động lực theo Chúa để có thể bước đi và phụng sự Chúa với ý hướng ngay lành và động lực trong sáng.

Cũng như các môn đệ xưa, tinh thần thế gian có thể xâm nhập vào trong chúng ta, nên nhiều lúc chúng ta giảm thiểu các chức vụ trong Giáo Hội như là một thứ địa vị, chức tước, hay một dạng nghề nghiệp để xây dựng sự nghiệp riêng hơn là để phục vụ tha nhân. Vì thế, trong cộng đoàn đã xảy ra những chuyện ganh tỵ, thủ đoạn, chiến tranh và hạ bệ lẫn nhau. Đó là điều mà thánh Giacôbê nói rất chí lý ở bài đọc II:
“Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 3,16.4,2).

Chúng ta được mời gọi chống lại tinh thần thế gian. Vì nó sẽ làm cho cộng đoàn tan nát.

Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta có thể bước theo Chúa nhưng lại không muốn đi vào đường lối của Chúa, thích giữ một nền “linh đạo thoải mái,” không có hy sinh và khổ luyện, thích một Chúa Kitô không có thập giá.

2. Tinh thần Chúa Giêsu

Nhân dịp này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và cả chúng ta bước vào con đường mới, con đường hiến thân phục vụ. Người nói:
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

Thật vậy, câu nói này tóm tắt đạo lý của Chúa Giêsu về lý tưởng phục vụ. Theo Chúa không phải để tìm kiếm địa vị, chức tước hay để xây dựng sự nghiệp riêng, nhưng là để trở thành người loan báo Tin Mừng và phục vụ Giáo Hội. Người làm lớn phải trở thành người tôi tớ phục vụ người khác. Trong Giáo Hội, các chức vụ và địa vị chỉ là phương tiện để phục vụ, để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, chứ không phải là mục đích, hay để thống trị và bắt người khác phục vụ mình. Như thế, Đức Giêsu đã khai mở một con đường lãnh đạo mới bằng sự khiêm hạ và phục vụ mà sau này Robert Greenleaf gọi đó là “servent leadership – lối lãnh đạo phục vụ.”

Nếu trong một quốc gia, những người lãnh đạo là những người phục vụ người dân thì đất nước đó sẽ phát triển và sẽ tiến nhanh, tiến mạnh. Trong một xã hội, nếu mọi người biết phục vụ nhau, thì xã hội đó sẽ bình an và thịnh vượng. Trong một cộng đoàn, ai cũng có tinh thần phục vụ, thì cộng đoàn đó sẽ sống động và đầy niềm vui. Cũng thế trong một gia đình, vợ chồng, con cái biết phục vụ lẫn nhau, thì gia đình đó sẽ rất tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

3. Tinh thần Giáo Hội

Giáo Hội chọn lý tưởng phục vụ do Chúa Giêsu đề ra làm con đường phải đi. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết rằng: “Con người là con đường của Giáo Hội.” Điều này có nghĩa là Giáo Hội được thiết lập là để phục vụ con người. Vì con người là trung tâm điểm của sứ mạng Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi bước theo mẫu gương phục vụ của Chúa Kitô. Bởi lẽ, chính Người là mẫu gương tuyệt hảo về lý tưởng phục vụ: Người là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên người phàm hèn và bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá để cứu độ chúng ta (x. Pl 2,6-8). Người đến để phục vụ như Người đã nói:
“Con người đến không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,28).

Như thế, Đức Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta bước vào con đường của Chúa, đó là con đường khiêm hạ, hy sinh và phục vụ người khác. Đây là con đường giúp chúng ta trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô và cũng là con đường giúp chúng ta tìm lại hạnh phúc cho bản thân. Đó cũng là điều mà đại thi hào Tagor nói đến trong bài thơ phục vụ:
“Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy niềm vui,
Khi tôi thức, tôi thấy đời phục vụ,
Khi tôi phục vụ, tôi gặp được niềm vui.”

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đi vào con đường của Chúa, đó là con đường yêu thương và phục vụ. Vì chỉ con đường đó dẫn chúng con tới niềm vui, bình an và hoan lạc trong tâm hồn. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Ở đâu có ghen tỵ, ở đó có đủ thứ tệ đoan
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:49 16/09/2024
CHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
Ở ĐÂU CÓ GHEN TỴ, Ở ĐÓ CÓ ĐỦ THỨ TỆ ĐOAN!

Lời Chúa hôm nay nói nhiều về tính ghen tương hay là ghen tỵ nhau. Ghen tương là một trong bảy mối tội đầu, nghĩa là tật xấu này sinh ra nhiều nhiều tội khác. Tính ghen tương có thể xuất hiện ở bất người nào và bất cứ hoàn cảnh nào.

Bài đọc I từ sách Khôn Ngoan đề cập đến việc người xấu ghen tỵ với người tốt, phường vô đạo ghen tỵ với người công chính, họ tìm cách gài bẫy và làm hại người công chính. Bởi vì sự hiện diện của người công chính làm cho họ cảm thấy chướng tai gai mắt và chống lại những việc làm xấu xa họ làm. Dưới ánh sáng Tân Ước, những điều này được ứng nghiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Như một người công chính, Người lên án thái độ giả hình và tham vọng của các Biệt Phái và Luật Sĩ, nên họ đã chống lại Người, bách hại và đóng đinh Người trên thập giá vì sự ghen ty và thù ghét Người.

Bài đọc này cũng được ứng nghiệm trong đời sống của tất cả những ai phải chịu đau khổ bởi sự bách hại bất công vì đã sống công chính và ngay thẳng. Giống như Đức Kitô, nhiều lúc, chúng ta bị bách hại bởi những kẻ thù bên ngoài và nhiều lúc bởi chính cả bạn bè, người thân nữa vì chúng ta làm điều gì đó tốt đẹp. Họ có thái độ thù địch và ghen ghét chúng ta. Nhưng chúng ta phải can đảm và bền lòng, vì Thiên Chúa chắc chắn sẽ minh oan cho chúng ta như Người đã làm cho Đức Kitô.

Bài đọc II nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc tập trung sống những điều tốt lành vốn chúng mang lại sự hiệp nhất với nhau hơn là chạy theo những điều làm chia rẽ chúng ta. Đó là anh em hãy “trở nên thanh khiết, hiếu hòa, bao dung, mềm dẻo, đầy lòng từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,17).

Tất cả chúng ta đều ước ao một cuộc sống hòa hợp, bởi vì nhiều cộng đoàn Kitô hữu, nhiều gia đình thường xuyên sống trong cảnh chiến tranh, xung đột và xáo trộn.

Những tranh chấp như thế nhiều lúc không thể tránh khỏi trong đời sống, nhưng chúng ta không được phép để cho chúng chia rẽ chúng ta. Thật đáng buồn, gốc rễ của hầu hết các cuộc tranh chấp như thế là do tham vọng ích kỷ. Vì thế, thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta đừng để cho những tham vọng ích kỷ phá hủy những tương quan, gia đình và cộng đoàn chúng ta. Thánh nhân quả quyết:
“Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 3,16.4,2).”

Dĩ nhiên, nhiều gia đình, nhiều vợ chồng, nhiều cộng đoàn và nhiều quốc gia đã bị phá hủy vì những tham vọng và ước muốn ích kỷ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu loan báo về việc Người sẽ bị bắt, bị giết chết và ngày thứ ba, Người sẽ sống lại, thì các môn đệ chỉ có nghĩ đến quyền lợi, địa vị và tranh dành nhau ai lớn hơn ai trong Nước Chúa. Rõ ràng các môn đệ theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ trái mùa” mà họ nghĩ rằng Chúa đến để thiết lập, họ sẽ được thăng quan tiến chức theo kiểu thế gian hơn là đi theo Chúa để phục vụ tha nhân. Như thế, giống như cộng đoàn mà thánh Giacôbê viết thư khuyên bảo, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã kinh nghiệm về sự tranh dành quyền lực và ganh tỵ nhau.

Đây cũng là điều mà chúng ta thường thấy trong xã hội, Giáo Hội, gia đình và bất cứ nơi đâu mà sự tham vọng cá nhân được xem là quan trọng hơn bất cứ điều gì. Khi đó, chúng ta thấy xuất hiện chiến tranh, ngồi lê đôi mách, dửng dưng, gây hấn, đe dọa mạng sống và tài sản, hiềm thù, và mọi tật xấu tệ đoan. Tất cả những điều này phá hủy hết mọi thiện ích chung và sự sống chung hòa bình.

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một con đường để vượt thắng sự ghen tỵ. Đó là không nhìn người khác như là đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Tha nhân là đối tượng để chúng ta thăng tiến và phục vụ.

Vì thế, khi Chúa Giêsu bồng một em bé lên như là một mẫu gương cho chúng ta hôm nay, Người đơn giản muốn dạy chúng ta rằng chúng ta phải trở nên giống như trẻ thơ để trở nên người lớn nhất. Dĩ nhiên, đây không có nghĩa là trở nên “ấu trĩ.” Đúng hơn, nó có nghĩa là trở nên giống tinh thần trẻ thơ. Nghĩa là sống cách đơn giản, trong sáng, với tinh thần khiêm tốn, phục vụ Chúa và tha nhân.

Cuối cùng, để trở nên người lớn nhất có nghĩa là người biết tập trung vào người khác chứ không phải tập trung vào chính mình, người biết dùng khả năng mình để phục vụ, đón tiếp, và cộng tác với người khác như các trẻ thơ thường làm. Nó cũng có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận sự thật, tôn trọng sự khác biệt của người khác và hợp tác với nhau một cách tích cực.

Để kết thúc, chúng ta nghe lại câu chuyện dân gian Việt Nam về sự nguy hại của sự ghen tỵ, câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương.

Cô là một người phụ nữ có tên là Nguyễn Thị Thiết, lấy chồng họ Chương, sống ở tỉnh Hà Nam. Hai vợ chồng đang yêu thương và chung thủy với nhau, nhưng vì nước, chàng phải đi lính theo lời hiệu triệu của nhà vua. Trước khi ra trận, hai người có con mà không biết. Khi sinh con, mỗi buổi tối, người mẹ ru con ngủ, đứa con trai hỏi mẹ: “Bố con ở đâu?” Người mẹ chỉ vào cái bóng mình in trên vách nhà và nói: “Bố con đó.” Sau ba năm anh trở về, hai mẹ con đi ra đón chồng. Khi anh tới ôm đứa bé, nó liền bảo: “Ông không phải là bố tôi, bố tôi tối mới về kìa.” Nghe vậy chàng Chương bừng bừng nổi giận máu ghen với vợ mình. Đau lòng quá và không thể làm cách gì để giải thích cho chồng hiểu, nàng đành ra sông tự tử. Sau đó, cứ mỗi tối thấy bóng người trên vách nhà, đứa con lại kêu lên: “Bố con đã về kìa!” Hiểu ra vấn đề, chàng Chương ân hận, thương tiếc vợ mình, nhưng mọi sự đã quá muộn. Anh và đứa con liền ra sông lập miếu để thờ nàng.

Câu chuyện trên minh chứng lời này: có yêu thì mới ghen, nhưng quá ghen thì giết chết tình yêu!
Xin Chúa giúp chúng ta biết giệt trừ tính ghen tỵ trong lòng chúng ta. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Chiếc lồng đèn và bánh Trung Thu
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
05:44 16/09/2024
Hình ảnh Chiếc lồng đèn và bánh Trung Thu

Hằng năm vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch (15.Tháng Tám) - trong khoảng tháng Chín Dương lịch - theo tập tục văn hóa Việt Nam, là ngày Tết Trung Thu, hay còn gọi là Tết của trẻ em.

Vào dịp này trẻ em có tập tục cùng nhau đi rước lồng đèn dưới ánh trăng và ca hát, cùng được ăn bánh trung thu.

Chiếc lồng đèn các em cầm trong tay đi ca hát có nhiều hình thù khác nhau.

Đơn sơ và ý nghĩa hơn cả là chiếc lồng đèn làm bằng vật liệu đơn giản như tre trúc, rồi có giấy mầu dán chung quanh. Bên trong có đốt một cây nến nhỏ tỏa ánh sáng yếu ớt mà lại lung linh. Chiếc lồng đèn như thế không có gì là lộng lẫy sang trọng. N hưng lại biểu hiện tính sáng tạo theo tầm mức trí óc của trẻ em.

Nhìn chiếc lồng đèn trung thu như thế làm nhớ lại ánh sáng cây nến Rửa Tội ngày xưa lúc còn thơ bé đã lãnh nhận ngày nhận Bí Tích làn nước Rửa Tội. Ngọn lửa cây nến Rửa tội được đốt thắp lên từ ngọn lửa cây nến Chúa Kito phục sinh. Ánh sáng ngọn lửa cây nến Rửa tội, nếu so sánh với ánh sáng đèn điện, thì thật là mờ nhạt yếu kém. Nhưng đủ soi sáng cho tâm hồn đức tin, nhất là trong những khi gặp hoang mang chao đảo.

Ngày xưa Martin Luthero, cha đẻ khai sinh ra đạo Tin Lành, trong lúc hoài nghi bối rối, đã nhớ lại cây nến rửa tội của mình và đã viết thành chữ „ Tôi là người đã được rửa tội.“.

Ánh sáng yếu mờ nhạt phát tỏa ra từ chiếc lồng đèn trung thu em bé cầm trên tay làm nổi bật hình thù chiếc đèn, và những hình cắt vẽ dán chung quanh đèn.

Đời sống người tín hữu Chúa Kito có trong tâm hồn mình ánh sáng đức tin vào Chúa, cũng chiếu tỏa ra bên ngoài qua lời nói, cung cách thái độ sống cư xử với mọi người cùng chung sống, ánh sáng tình yêu của Chúa ra bên ngoài.

Ánh sáng chiếc lồng đèn trung thu của em bé nói lên niềm vui hạnh phúc của em ngày Tết Trung Thu, cùng mời gọi cùng tham gia vào niềm vui ngày Trung Thu dưới ánh trăng.

Một đời sống thấm nhuần đức tin vào Chúa tình yêu cũng qua cung cách sống chiếu toả ánh sáng ngọn lửa phục sinh của Chúa, Đấng mang niềm vui ơn cứu chuộc cho con người.

Không phải chỉ có chiếc lồng đèn ngày Tết Trung Thu, nhưng các em còn được ăn bánh trung thu nữa.

Bánh Trung Thu xưa nay có hai hình thức tròn hoặc vuông, hoặc là bánh nướng mầu nâu hay bánh dẻo mầu trắng. Nhân bánh có đậu xanh, với trái trứng muối, hay có bánh với nhân thập cẩm hạt sen, mứt bí, lạp xưởng. Bên trên mặt bánh có in hình mặt trăng, hay cành hoa lá...Và bánh thường mang vị ngọt nhiều.

Chiếc bánh trung thu để ăn, nhưng cũng nói lên một vài tâm tình cho suy nghĩ. Bánh trung thu nướng hay bánh dẻo đều nói lên qúa trình bột cần phải được nhồi pha chế cho dậy nổi. Rồi sau đó mới cho vào khuôn đúc thành hình và đem vào lò nướng, hay ủ hấp cho thành dẻo.

Đời sống con người từ khi lọt lòng mẹ mở mắt chào đời, người nào cũng phải sống trải qua những giai đoạn thời kỳ cần phải được chỉ dậy, tập luyện thi cử, trải qua những lúc gặp thử thách, những khi phải chịu đựng, những hoàn cảnh gặp khó khăn, gặp thất bại, phải hồi hộp lo lắng chờ đợi...Những giai đoạn thời kỳ như thế giúp cho trở thành người trưởng thành chín mùi.

Rồi lòng nhân bánh có nào là đậu xanh, trứng vịt muối, lạp xưởng, mứt bí, hạt sen...cùng đủ mọi hương mùi vị...Nhân bánh đem lại hương vị ngon miệng cho người ăn, không bị ngán, nếu chỉ có toàn bột nướng hay bột dẻo bọc bên ngoài.

Điều này cũng là hình ảnh đời sống con người chúng ta cũng có nhiều cái phải thâu nhận, phải học hỏi, phải thay đổi, mới tạo nên ngon, hấp dẫn cùng hữu ích cho người khác được.

Rồi vị mặn nồng của trứng vịt muối cùng phối hợp với vị ngọt của đường pha trộn lẫn trong bột hoặc các loại mứt trong nhân bánh, làm cho bánh thêm hương vị thơm ngon.

Đời sống con người cũng thế, nếu toàn dễ dãi, toàn cái có sẵn, toàn vị đường ngọt không giúp gì cho đời sống đi lên, nhiều khi lại làm cho đời sống đi xuống nữa.

Vị mặn là những cay đắng đau khổ, những chiến đấu thúc đẩy giúp vận dụng tâm trí sáng tạo cùng cố gắng vươn lên. Như thế cuộc sống không thành nhàm chán một chiều, cùng có ý nghĩa tích cực. Và thật ra ở đời có ai là không phải sống trải qua vị mặn, vị đắng cay đau khổ trong đời sống đâu?

Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa, cũng đã phải sống đau khổ, chịu bị xỉ nhục và sau cùng chết trên thập gía, để mang ơn cứu chuộc cho con người khỏi hình phạt tội lỗi.

„Trung thu Trăng sáng ta rước đèn đùa vui ca hát.
Trăng sáng trên cao, chiếu soi trời đất.
Lung linh ánh nến tô thắm màu đèn sao muôn sắc.
Vai sánh bên nhau, hát ca vang trời.
Hát lên em ơi!
Hát vang bạn hỡi!
Ánh trăng lung linh;
Trăng sáng trong ta, sáng trong muôn người.“

Mùa Trăng Trung Thu
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
FBI lên tiếng sau vụ ám sát Cựu TT Trump lần 2. Ukraine tiến vũ bão: Hàng loạt thị trấn Nga thất thủ
VietCatholic Media
03:15 16/09/2024


1. FBI hiện đang điều tra vụ việc ở Florida là 'một nỗ lực ám sát cựu Tổng thống Trump”

Chính quyền liên bang đang điều tra một vụ việc xảy ra tại câu lạc bộ chơi golf của cựu Tổng thống Trump ở Florida vào hôm Chúa Nhật, 15 Tháng Chín, “có vẻ như là một vụ ám sát bất thành”, một nỗ lực ám sát cựu tổng thống lần thứ hai trong vòng hai tháng.

Phát ngôn nhân của cơ quan này cho biết trong một cuộc họp báo rằng các đặc vụ Mật vụ đã “nổ súng vào một tay súng ở gần ranh giới tài sản” của Câu lạc bộ Golf Quốc tế Trump ở West Palm Beach, đồng thời nói thêm rằng họ “không chắc liệu cá nhân đang bị giam giữ có thể đã nổ súng vào các đặc vụ của chúng tôi hay không”.

Cựu Tổng thống Trump, người đang chơi golf tại câu lạc bộ vào thời điểm đó, không hề hấn gì.

Theo Cảnh sát trưởng Quận Palm Beach Ric Bradshaw, một mật vụ đã phát hiện nghi phạm với một khẩu súng trường nhô ra khỏi hàng rào sân golf và ngay lập tức bắn vào người đàn ông trước khi anh ta bỏ trốn khỏi hiện trường. Ông Trump cách nghi phạm khoảng 270 đến 460 mét.

Trong bụi rậm sau đó, lực lượng thực thi pháp luật đã tìm thấy một “súng trường kiểu AK-47” có ống ngắm. Họ cũng tìm thấy hai chiếc ba lô treo trên hàng rào mắt cáo và một camera GoPro. Bradshaw cho biết nghi phạm “có ý định quay phim những gì đang diễn ra”.

Bradshaw cho biết một nhân chứng phát hiện nghi phạm bỏ trốn trên một chiếc Nissan màu đen và chụp ảnh chiếc xe cùng biển số xe. Sau đó, nghi phạm đã bị chặn lại và bị chính quyền bắt giữ trên Xa lộ Liên tiểu bang 95 ở Quận Martin lân cận.

Trong một tuyên bố, FBI cho biết họ đang “điều tra những gì có vẻ là một vụ ám sát cựu Tổng thống Trump”. Theo Bradshaw, vụ việc xảy ra vào khoảng 1:30 chiều giờ địa phương, tức là 0:30 sáng Thứ Hai, 16 Tháng Chín theo giờ Việt Nam. Luật sư quận Palm Beach cho biết các công tố viên đang lập lệnh bắt giữ nghi phạm.

Giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của Ông Trump, Steven Cheung, cho biết trong một tuyên bố chưa đầy một giờ sau vụ việc rằng cựu tổng thống “an toàn sau vụ nổ súng gần đó”. Ông Trump đã được đưa vào bên trong câu lạc bộ chơi golf của mình.

Khi được hỏi về cách thức vi phạm an ninh xảy ra, Bradshaw lưu ý rằng Ông Trump “hiện không phải là tổng thống đương nhiệm” và cho biết các biện pháp an ninh không nghiêm ngặt như đối với một tổng thống đang tại nhiệm.

“Nếu ông ấy là Tổng thống, chúng tôi đã bao vây toàn bộ sân golf nghiêm nhặt hơn”, Bradshaw nói. “Nhưng vì ông ấy không phải như vậy, nên an ninh chỉ giới hạn ở những khu vực mà Mật vụ cho là có thể xảy ra vấn đề”.

Cảnh sát trưởng Quận Palm Beach Ric Bradshaw đã cầm bức ảnh chụp một khẩu súng trường và các vật dụng khác trong cuộc họp báo cho các phóng viên báo chí xem.

Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, đối thủ của Ông Trump trong cuộc tổng tuyển cử, đã được “báo cáo về sự việc an ninh tại Sân golf Quốc tế Ông Trump, nơi cựu Tổng thống Trump đang chơi golf”, một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố.

“Như tôi đã nói nhiều lần, không có chỗ cho bạo lực chính trị hay bất kỳ bạo lực nào ở đất nước chúng ta”, Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố trong đó ông nói thêm rằng ông “nhẹ nhõm” vì Ông Trump không bị tổn hại. “Tôi đã chỉ đạo nhóm của mình tiếp tục bảo đảm rằng Cơ quan Mật vụ có mọi nguồn lực, khả năng và biện pháp bảo vệ cần thiết để bảo đảm sự an toàn liên tục của cựu tổng thống”.

Theo một người giấu tên để thảo luận về tình hình, chiến dịch tranh cử của Ông Trump, cũng có trụ sở tại West Palm Beach, đã bị phong tỏa. Câu lạc bộ golf quốc tế Ông Trump cũng đã bị phong tỏa sau vụ việc.

Trong email gửi cho các nhân viên chiến dịch, cố vấn cao cấp của chiến dịch Ông Trump là Chris LaCivita và Susie Wiles đã thúc giục họ “duy trì cảnh giác” trong “những hoạt động đi lại hàng ngày”.

“Cựu Tổng thống Trump và mọi người đi cùng ông đều an toàn nhờ vào sự làm việc tuyệt vời của Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ”, email nêu rõ.

Vụ nổ súng xảy ra chỉ 64 ngày sau khi Ông Trump sống sót sau một vụ ám sát khi đang tham gia một cuộc vận động ngoài trời ở Butler, Pennsylvania.

Trước sự việc này, những người thân cận với cựu tổng thống đã bày tỏ mối lo ngại riêng tư về sự an toàn của ông khi ông ở sân golf. Mặc dù các câu lạc bộ đồng quê của ông ở Florida và New Jersey không mở cửa cho công chúng, một số ranh giới của sân golf của ông vẫn có thể nhìn thấy từ xa.

Các nhân viên mật vụ cho biết cựu tổng thống đang ở lỗ thứ năm của sân golf. Ông Trump đang chơi golf với Steve Witkoff, một nhà tài trợ và là bạn của cựu tổng thống.

“Chúng tôi nghe thấy, 'Pop-pop, pop-pop' trong vòng vài giây, chúng tôi đã lao vào cựu tổng thống, bảo vệ ông ấy. Chúng tôi có cả những nhân viên bắn tỉa — chúng tôi biết hướng các phát súng đã được bắn, và chúng tôi có các camera theo dõi vị trí các phát súng đã được bắn.”

Các nhân viên xác nhận rằng một khẩu AK-47 đã được tìm thấy, và một cá nhân đã lên xe sau khi quăng khẩu súng. Cựu tổng thống sau đó được đưa đến câu lạc bộ, tiếp theo là tất cả những người khác có mặt trên sân golf cùng ông.

“Tôi thực sự muốn hoàn thành buổi chơi golf. Tôi đã đạt điểm cao, và tôi đã có một cú gạt bóng ghi điểm birdie,” Ông Trump nói đùa sau đó.

JD Vance, ứng cử viên phó tổng thống của Ông Trump, cho biết trên X rằng ông đã nói chuyện với Ông Trump trước khi tin tức được công khai và rằng cựu tổng thống “thật đáng kinh ngạc là vẫn rất vui vẻ” và “vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết ông đã nói chuyện với Ông Trump và ông ấy “có tinh thần tốt và quyết tâm hơn bao giờ hết để cứu đất nước chúng ta”.

Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều phản ứng trước vụ việc bằng cách lên án mạnh mẽ bạo lực chính trị.

“Tôi không thể tin rằng tôi phải nói điều này một lần nữa trong chu kỳ bầu cử này: hoàn toàn không có chỗ cho bạo lực trong chính trị,” Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steve Scalise phát biểu. “Tôi biết ơn tất cả các lực lượng thực thi pháp luật đã tham gia ngăn chặn những gì có thể trở thành thảm họa.”

Dân biểu Adam Schiff, một đối thủ của cựu tổng thống, người đã dẫn đầu phiên luận tội đầu tiên chống lại ông Trump, cho biết: “Sự điên rồ này phải chấm dứt. Bạo lực không phải là câu trả lời cho những khác biệt chính trị của chúng ta.”

[Politico: FBI now investigating Florida incident as ‘an attempted assassination’ on Trump]

2. Ukraine chiếm được nhiều thị trấn khi cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk tiến triển

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, trong báo cáo hôm Chúa Nhật, 15 Tháng Chín, cho biết lực lượng Ukraine đã đạt được nhiều thành quả tại Tỉnh Kursk của Nga, và chiếm được hàng loạt thị trấn sau khi mở một mũi tấn công xuyên biên giới mới vào phía Tây của tỉnh Kursk.

Báo cáo cho biết quân đội Ukraine đã tiến vào quận Glushkovo vào hôm Thứ Bẩy, 14 Tháng Chín, sau khi hàng loạt các thị trấn trên đường tiến công của họ lần lượt thất thủ.

Đoạn phim được ghi hình vào hôm Thứ Bẩy, 14 Tháng Chín, và được xác minh thông qua định vị địa lý cho thấy quân đội Ukraine hiện đang hoạt động ở Veseloye, phía tây nam Glushkovo.

Cho đến sáng Chúa Nhật, 15 Tháng Chín, các blogger quân sự Nga thừa nhận rằng quân đội Ukraine đã hoàn toàn kiểm soát được Veseloye.

Trước đó, các báo cáo từ nguồn tin quân sự Nga cho biết quân đội Ukraine đã tiếp tục các hoạt động tấn công ở một số khu vực, bao gồm Obukhovka và Novy Put.

Các quan chức Ukraine tuyên bố rằng, sức tiến công vũ bão của quân Ukraine đã buộc Mạc Tư Khoa phải tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực bằng cách rút quân khỏi miền Đông Ukraine để cứu viện.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 15 Tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết Nga đã tăng cường triển khai quân tại Tỉnh Kursk từ 11.000 quân trước cuộc tấn công vào tháng 8 lên con số ước tính từ 30.000 đến 45.000 quân hiện nay.

Vào ngày 6 tháng 8, Kyiv bắt đầu chiến dịch dường như đã khiến Putin và các đồng minh của Ukraine bất ngờ. Lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh không nhận được bất kỳ cảnh báo nào về ý định tấn công của Ukraine.

Bộ Quốc Phòng Nga cho rằng lực lượng Nga đã phản công gần Lyubimovka và Daryino, và Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 810 rút từ bán đảo Crimea về đã tiến vào trung tâm Borki, phía đông nam Sudzha.

Tuy nhiên, quân đội Ukraine vẫn tiếp tục tiến về phía bắc Sudzha, với các báo cáo cho thấy quân đội Kyiv đã chiếm được thị trấn Cherkasskoye.

ISW tuyên bố rằng hoạt động xuyên biên giới của Kyiv đã buộc Nga phải điều động quân đội từ tiền tuyến Ukraine tới Kursk.

Trong khi lực lượng Ukraine vẫn duy trì đà tiến quân, Mạc Tư Khoa buộc phải tăng cường tập trung quân đội tại khu vực này. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đặt mục tiêu triển khai tới 70.000 quân tới khu vực này.

Cuộc tấn công đang diễn ra dường như có mục đích chiến lược vượt ra ngoài mục tiêu giành lãnh thổ. Một loạt các cuộc trao đổi tù binh giữa hai nước đã diễn ra sau cuộc xâm lược.

Vào ngày 14 tháng 9, Ukraine và Nga đã tiến hành đợt trao đổi tù nhân thứ ba kể từ khi bắt đầu chiến dịch Kursk, mỗi bên trao đổi 103 tù nhân.

Các quan chức Ukraine cho rằng các cuộc xâm nhập này đã nâng cao vị thế đàm phán của Kyiv trong việc bảo đảm thả tù nhân chiến tranh.

ISW cũng đưa tin về các báo cáo từ các blogger quân sự Nga xuất hiện vào ngày 13 tháng 9 cho biết những người điều khiển máy bay điều khiển từ xa và chuyên gia tác chiến điện tử đã thiệt mạng trong trận chiến sau khi bị điều sang các đơn vị bộ binh để trừng phạt.

Nhóm nghiên cứu cho rằng các chỉ huy Nga đang làm suy yếu lực lượng của mình bằng cách cử lực lượng có chuyên môn tham gia vào các cuộc tấn công trực diện nguy hiểm.

Theo các blogger quân sự Nga, Trung Tá Igor Puzyk, chỉ huy Trung đoàn Súng trường 87, được cho là đã buộc nhóm vận hành UAV của Dmitry Lysakovsky, một sĩ quan Nga giàu kinh nghiệm điều khiển drone, phải giải tán và tham gia tác chiến sau khi Trung đoàn gánh chịu thương vong nặng nề đến mức thất bại không thể hoàn thành nhiệm vụ là chiếm làng Lysivka, cách thành trì Pokrovsk của Ukraine, 6.5km. Lysakovsky biết mình cũng sẽ chết vì không đơn vị nào tấn công vào làng Lysivka có thể sống sót. Anh ta ghi hình một video chửi bới Trung Tá Igor Puzyk, là video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây. Đúng như dự đoán, anh ta và cả nhóm vận hành UAV của Trung đoàn đã tử trận hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Chín.

[Newsweek: Ukraine Captures Multiple Villages As Kursk Incursion Advances]

3. Niềm tin của người Nga vào sự an toàn của đất nước đã bị 'phá vỡ' bởi các cuộc tấn công sâu rộng của Ukraine, Budanov nói

Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov cho biết các cuộc không kích của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga đã “phá vỡ” niềm tin của người dân Nga rằng đất nước họ hùng mạnh và an toàn.

Ông đã đưa ra lập trường trên tại cuộc họp thường niên lần thứ 20 của Chiến lược Âu Châu Yalta, gọi tắt là YES, được tổ chức tại Kyiv. Budanov cho biết các cuộc không kích đã có “ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tâm lý xã hội”, đồng thời nói thêm rằng “niềm tin của người dân Nga rằng họ đang sống trong một đất nước an toàn đã bị phá vỡ. Đó là thành tựu chính của tất cả các cuộc tấn công sâu rộng này.''

Những bình luận này được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh luận gay gắt giữa Ukraine và các đồng minh về vấn đề cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do nước ngoài cung cấp.

Trong nhiều tháng, Ukraine đã yêu cầu được phép sử dụng vũ khí nước ngoài để tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng nhiều đối tác bao gồm Hoa Kỳ và Đức đã từ chối vì lo ngại leo thang căng thẳng.

Thay vào đó, Ukraine đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa sản xuất trong nước để tấn công hàng loạt vào các thành phố của Nga và gia tăng các cuộc tấn công này trong những tuần gần đây.

Vào mùa xuân năm nay, Hoa Kỳ đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, có tầm bắn lên tới 300 km.

Mặc dù những hỏa tiễn này đã được sử dụng ở Crimea bị Nga tạm chiếm, nhưng những hạn chế của Washington không cho phép sử dụng chúng trên đất Nga.

Tuy nhiên, người ta hiểu rằng lập trường của các quốc gia phương Tây đã thay đổi sau khi Iran cung cấp hỏa tiễn đạn đạo cho Nga, với một số báo cáo cho biết Anh đã quyết định cấp phép cho Ukraine sử dụng Storm Shadows để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Budanov cũng bày tỏ quan ngại về việc Bắc Hàn cung cấp hỏa tiễn đạn đạo cho Nga và dự đoán rằng Nga có thể buộc phải tiến hành một đợt tổng động viên khác vào mùa hè năm 2025.

[Kyiv Independent: Russians' faith in their country's safety 'broken' by Ukraine's deep strikes, Budanov says]

4. Tuyên bố từ con trai của Ryan Wesley Routh

Trong một hành động được một số phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đánh giá là cực kỳ nguy hiểm cho nghề làm báo, các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ, bao gồm cả tờ New York Times, đang nêu tên Ryan Wesley Routh là nghi phạm trong một vụ việc rõ ràng là nỗ lực ám sát.

Cảnh sát trưởng Quận Palm Beach Ric Bradshaw cho biết một nhân chứng phát hiện nghi phạm bỏ trốn trên một chiếc Nissan màu đen và chụp ảnh chiếc xe cùng biển số xe. Sau đó, nghi phạm đã bị chặn lại và bị chính quyền bắt giữ trên Xa lộ Liên tiểu bang 95 ở Quận Martin lân cận.

Tuy nhiên, cho đến nay, cảnh sát không nêu đích danh nghi can là Ryan Wesley Routh. Cái tên này là do thông tin bị rò rỉ từ cảnh sát.

Ryan Wesley Routh – người mà giới truyền thông Hoa Kỳ, bao gồm cả tờ New York Times, đang nêu tên là nghi phạm trong vụ ám sát rõ ràng – đã được tờ New York Times phỏng vấn vào năm 2023, “về việc người Mỹ tình nguyện hỗ trợ Ukraine. Routh, người không có kinh nghiệm quân sự, cho biết ông đã đến đó sau cuộc xâm lược của Nga năm 2022”

CNN đã nói chuyện với con trai của nghi phạm bị cáo buộc, người được các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ nêu tên là Ryan Wesley Routh.

Con trai của Routh nói, “Ryan là cha tôi, và tôi không có bình luận nào ngoài việc mô tả tính cách của ông ấy như một người cha yêu thương và chu đáo, và một người đàn ông trung thực, chăm chỉ. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra ở Florida, và tôi hy vọng mọi chuyện có thể đã bị thổi phồng quá mức, bởi vì theo những gì tôi nghe được thì có vẻ như người đàn ông tôi biết không làm bất cứ điều gì điên rồ, càng không phải là bạo lực. Ông ấy là một người cha tốt, một người đàn ông tuyệt vời, và tôi hy vọng bạn có thể miêu tả ông ấy một cách trung thực.”

[The Guardian: Statement from Ryan Wesley Routh’s son]

5. Giáo sư MARK ALMOND: Nếu Nga biến Iran thành một cường quốc hạt nhân, phản ứng dây chuyền có thể nhấn chìm thế giới vượt xa biên giới của nước này

Nếu Putin ngày càng tuyệt vọng và trao cho các giáo sĩ mật mã chiến tranh hạt nhân thì chúng ta đã bước vào kỷ nguyên bất ổn toàn cầu mới.

Chúng ta biết chế độ Tehran đã hỗ trợ Hamas và Hezbollah bằng vũ khí truyền thống với số tiền lên tới hàng trăm triệu đô la.

Ý định giết người của chế độ Ayatollah đã được thể hiện rõ qua các hỏa tiễn nhắm vào Israel vào tháng 4 năm nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ The Sun, Giáo sư Mark Almond của Viện Nghiên Cứu Khủng Hoảng của chính phủ Vương Quốc Anh cảnh báo hôm Chúa Nhật, 15 Tháng Chín, rằng các nhà khoa học Iran, nhiều người trong số họ có thể đã được đào tạo tại các trường đại học hàng đầu của chúng ta, đã dành nhiều năm để làm giàu uranium.

Sự sẵn sàng hợp tác của Nga với các quốc gia bất hảo như Iran khiến nguy cơ Iran sở hữu vũ khí hạt nhân vào đầu năm 2025 tăng lên đáng báo động

Phương Tây lo ngại Iran đang trên bờ vực có được vũ khí hạt nhân khả thi với sự giúp đỡ của Nga. Trong nhiều năm, Iran đã làm giàu uranium. Có vẻ như họ có đủ để chế tạo đầu đạn hạt nhân.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đang tìm cách biến chế độ của mình thành một siêu cường hạt nhân. Nhưng, ông ta cần hai thứ khác để biến uranium thành vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt cực lớn.

Chúng ta biết Iran có hỏa tiễn cần thiết để mang đầu đạn hạt nhân. Chỉ cần một hỏa tiễn hạt nhân là có thể gây ra thảm họa. Nhưng thành phần quan trọng nhất của vũ khí hạt nhân là ngòi nổ trong đầu đạn của hỏa tiễn.

Nó kích hoạt vụ nổ hạt nhân khi chạm đến mục tiêu.

Nếu kíp nổ không hoạt động, họ chỉ được ném một cục đá phóng xạ vào đối phương — gây ô nhiễm chứ không gây tàn phá.

Đây chính là lúc sự giúp đỡ của Nga có thể mang tính quyết định.

Nga đã sản xuất vũ khí hạt nhân từ năm 1949, nhưng Iran vẫn chưa bao giờ thử đầu đạn hạt nhân. Phương Tây và Israel có thể phát hiện ra trận động đất do vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất gây ra.

Nga, giống như Mỹ, đã làm chủ công nghệ thử đầu đạn hạt nhân mà không gây ra vụ nổ khiến thế giới phải cảnh giác.

Nếu Nga chia sẻ bí mật hạt nhân với Iran để đổi lấy hỏa tiễn thông thường cho cuộc tấn công của Putin vào Ukraine, Iran có thể có vũ khí hạt nhân hoạt động chỉ trong vòng vài tháng.

Làm như vậy sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhưng Putin đã thể hiện sự coi thường lệnh trừng phạt này bằng cách ký các thỏa thuận vũ khí với Bắc Hàn.

Sự sẵn lòng hợp tác của Nga với các quốc gia bất hảo như Iran và Bắc Hàn khiến nguy cơ Iran sở hữu vũ khí hạt nhân vào đầu năm 2025 tăng lên đáng báo động.

Trong khi phương Tây còn do dự về việc viện trợ cho Ukraine để tự vệ thì Nga lại đang giúp Iran nhanh chóng sở hữu bom hạt nhân.

Nếu Nga biến Iran thành một cường quốc hạt nhân, phản ứng dây chuyền có thể nhấn chìm thế giới, vượt xa biên giới nước này.

[The Sun: MARK ALMOND If Russia is turning Iran into a nuclear power, the chain reaction could engulf the world far beyond its borders]

6. Sullivan của Hoa Kỳ cho biết kế hoạch hòa bình không nên được áp đặt cho Ukraine từ bên ngoài

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Ukraine cho biết chính phủ Ukraine phải đi đầu trong việc quyết định cách thức chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Sullivan phát biểu qua liên kết video tại hội nghị Chiến lược Âu Châu Yalta, gọi tắt là YES, thường niên ở Kyiv rằng: “Tôi nghĩ bất kỳ kế hoạch hòa bình nào về cơ bản nhằm áp đặt hòa bình cho người dân Ukraine, mà không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ và tự do, đều là không công bằng và cũng chẳng bền vững”.

Nhiều sáng kiến đã được đưa ra để chấm dứt xung đột Ukraine kể từ khi nhà độc tài Nga Vladmir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, bao gồm cả “sứ mệnh hòa bình” tự tuyên bố của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán. Nhưng chỉ có công thức hòa bình do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đề xuất bao gồm việc trả lại tất cả các lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm giữ, là được đánh giá cao và phù hợp với công pháp quốc tế.

Trung Quốc và Brazil đề xuất ngừng bắn và đóng băng tiền tuyến, nhưng họ thậm chí không hỏi ý kiến Kyiv trước khi đưa đề xuất này ra khắp thế giới; mặc dù họ đã tham khảo ý kiến của Điện Cẩm Linh. Putin muốn Kyiv trao cho Mạc Tư Khoa bốn vùng của Ukraine mà họ thậm chí chưa kiểm soát được hoàn toàn và phi quân sự hóa quân đội Kyiv trong khi không đưa ra bất kỳ bảo đảm nào rằng hành động xâm lược sẽ không xảy ra nữa trong tương lai.

Sullivan, trong bài phát biểu của mình tại hội nghị Kyiv vào thứ Bảy, cho biết những gợi ý rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể được giải quyết “trong một ngày từ bên ngoài” là không đúng sự thật.

Sullivan cho biết: “Bất kỳ ai bước ra và nói rằng họ có thể giải quyết cuộc chiến tranh Ukraine trong một ngày từ bên ngoài, bạn thực sự phải tự hỏi họ sẽ giải quyết nó theo phe nào”. “Và tôi nghĩ đó là điều đáng lo ngại thực sự”, ông nói thêm, và nhấn mạnh rằng ông không đề cập cụ thể đến tuyên bố của Ông Trump.

[Kyiv Independent: Peace plan should not be imposed on Ukraine from the outside, US’s Sullivan says]

7. Ukraine đã bắt đầu sản xuất đạn pháo 155 ly, quan chức cho biết

Cựu Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Oleksandr Kamyshin cho biết Ukraine đã tự sản xuất được đạn pháo 155 ly.

Kamishyn, người đã từ chức trong cuộc cải tổ chính phủ lớn nhất thời chiến vào ngày 4 tháng 9, nói với hãng truyền thông Na Uy Nettavisen rằng sản lượng vật liệu quốc phòng của Ukraine đã tăng gấp đôi dưới sự lãnh đạo của ông.

“Đến cuối năm, con số này sẽ tăng gấp ba. Chúng tôi tiếp tục tiến lên,” Kamishyn nói thêm.

Ukraine từ lâu đã cố gắng tăng cường sản xuất đạn dược trong nước để trở nên độc lập hơn với các đối tác phương Tây. Vào mùa hè năm 2023, Ukroboronprom cho biết họ đã thành thạo sản xuất mìn cối 82 ly, đạn pháo 122 ly và 152 ly, cũng như đạn pháo tăng 125 ly.

Các phương tiện truyền thông trước đó đưa tin các quan chức Ukraine hy vọng có thể bắt đầu sản xuất đạn pháo 155 ly theo tiêu chuẩn NATO “cực kỳ cần thiết” sớm nhất là vào “nửa cuối” năm 2024.

“Đây là một quá trình rất phức tạp. Đây là điều mà Ukraine chưa từng làm trước đây”, Kamyshin nói, đồng thời nói thêm rằng ông “không thể nói nhiều” về vấn đề này.

Bất chấp những nỗ lực trong nước, quân đội Ukraine vẫn chủ yếu phụ thuộc vào việc cung cấp đạn pháo 155 ly từ các đối tác, vì các nước Âu Châu liên kết với nhau để mua đạn pháo này bên ngoài Âu Châu.

Hoa Kỳ cũng đã mở một nhà máy mới vào tháng 5 năm ngoái để sản xuất đạn dược 155 ly cho Ukraine và tăng đáng kể sản lượng tại một số nhà máy hiện có.

[Kyiv Independent: Ukraine launched production of 155-ly artillery shells, official says]

8. Nga cho biết đã bị 29 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công trong đêm

Hôm Chúa Nhật, 15 Tháng Chín, Bộ Quốc Phòng Nga cho biết vào rạng sáng cùng ngày họ đã bị 29 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công, nhưng tất cả đều bị bắn hạ.

Tờ Kyiv Independent không thể xác minh độc lập tuyên bố này. Chính phủ Ukraine chưa bình luận về các vụ tấn công bị cáo buộc.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, mười lăm máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ trên vùng Bryansk, năm chiếc trên vùng Kursk, bốn chiếc trên vùng Smolensk, hai chiếc trên vùng Oryol và mỗi vùng Belgorod, Kaluga và Rostov đều bị bắn hạ một chiếc. Tuy nhiên, có phần mâu thuẫn với tuyên bố của Bộ Quốc Phòng Nga, Alexander Bogomaz, Thống đốc khu vực Bryansk của Nga, cho biết hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại một số thị trấn do máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công.

Trong những tháng gần đây, Kyiv đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào các cơ sở hạ tầng và cơ sở quân sự của Nga, với hy vọng làm suy yếu lực lượng xâm lược của Nga tại Ukraine.

Đầu tuần này, Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng Ukraine đã tấn công qua đêm bằng 144 máy bay điều khiển từ xa, khiến cuộc tấn công này có khả năng trở thành một trong những cuộc tấn công lớn nhất trong suốt cuộc chiến.

[Kyiv Independent: Russia says it was attacked by 29 Ukrainian drones overnight]

9. Hy vọng về cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa của Ukraine một lần nữa bị trì hoãn nhưng vẫn còn những dấu hiệu đáng khích lệ

Hy vọng của Ukraine về việc được phép sử dụng hỏa tiễn tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đã một lần nữa bị dập tắt vào ngày 13 tháng 9, sau khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Anh không đưa ra thông báo mà Kyiv mong muốn.

Sự mong đợi rất lớn trước cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington, nhưng Tòa Bạch Ốc đã dập tắt kỳ vọng ngay cả trước khi hai bên kết thúc cuộc hội đàm.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên: “Không có thay đổi nào trong quan điểm của chúng tôi về việc cung cấp khả năng tấn công tầm xa để Ukraine sử dụng bên trong nước Nga”.

Ukraine đang hy vọng nhận được sự cho phép sử dụng hai hỏa tiễn tầm xa do phương Tây cung cấp mà nước này đã có để tấn công các mục tiêu quân sự như phi trường nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Với lệnh cấm được áp dụng, Kyiv cho biết họ không thể bảo vệ hiệu quả các thành phố của Ukraine khỏi các cuộc tấn công trên không ngày càng dữ dội.

Hai loại hỏa tiễn này là ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp, một loại hỏa tiễn đạn đạo chiến thuật siêu thanh tầm ngắn, và Storm Shadow do Anh-Pháp cung cấp.

Cả Storm Shadows và ATACMS ban đầu đều được cung cấp cho Kyiv với điều kiện là chúng chỉ được sử dụng để tấn công các mục tiêu của Nga trong lãnh thổ Ukraine hoặc ở các khu vực bị Nga tạm chiếm.

Nỗi lo sợ leo thang chiến tranh với Nga của phương Tây chính là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này.

Chiều hướng bắt đầu thay đổi sau cuộc tấn công mới của Nga vào Tỉnh Kharkiv vào tháng 5, khi Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khác nới lỏng các hạn chế, cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bằng vũ khí của phương Tây - theo cách phòng thủ - bên trong nước Nga.

Trước cuộc gặp giữa Starmer và Tổng thống Biden vào ngày 13 tháng 9, nhiều báo cáo truyền thông cho rằng cả hai nước có thể đang trên bờ vực cho phép Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Theo Politico, vào ngày 11 tháng 9, Tổng thống Biden được cho là đang hoàn thiện các chi tiết của kế hoạch dỡ bỏ một số hạn chế.

Cùng ngày, tờ Guardian đưa tin rằng Anh đã quyết định riêng tư cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp cho các cuộc tấn công tầm xa, mặc dù không có thông báo công khai nào được đưa ra vào thời điểm đó.

Người ta hy vọng rất nhiều rằng thông báo sẽ được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Starmer.

Phát biểu với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, Starmer cho biết cuộc gặp với Tổng thống Biden là một “cuộc thảo luận rộng rãi về chiến lược” thay vì là quá trình ra quyết định về “một năng lực cụ thể”.

Ông cho biết: “Chúng tôi đã có cuộc thảo luận dài và hiệu quả về một số vấn đề, bao gồm cả Ukraine, như bạn mong đợi, Trung Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thảo luận về các quyết định chiến thuật một cách chiến lược”.

Theo các báo cáo, Anh đã quyết định cấp phép cho Ukraine sử dụng Storm Shadows để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo được triệu tập theo yêu cầu của Vương quốc Anh và theo tờ The New York Times, Anh muốn có sự cho phép rõ ràng từ Tổng thống Biden để có thể trình bày một chiến lược phối hợp.

Trong khi Kirby khẳng định rõ ràng rằng quyết định sẽ không được đưa ra vào ngày 13 tháng 9, ông không loại trừ khả năng quyết định có thể được đưa ra trong tương lai gần.

Theo tờ Guardian, Starmer cho biết kế hoạch này sẽ được thảo luận thêm “với một nhóm cá nhân rộng lớn hơn” tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào cuối tháng này.

Tờ NYT đưa tin rằng có khả năng quyết định về Storm Shadows sẽ được đưa ra trước khi ATACMS được thông qua.

Trong khi Ukraine đã cầu xin sự cho phép trong nhiều tháng, người ta hiểu rằng lập trường của các quốc gia phương Tây đã thay đổi sau khi Iran cung cấp hỏa tiễn đạn đạo cho Nga.

“Chúng ta đã thấy hành động này của Nga khi mua hỏa tiễn đạn đạo từ Iran, điều này sẽ tiếp tục củng cố sự xâm lược của họ ở Ukraine. Vì vậy, nếu có ai đó đang thực hiện hành động leo thang, thì đó có vẻ là Putin và Nga”, Ngoại trưởng Anh David Lammy phát biểu khi đến thăm Kyiv vào đầu tuần này.

Lammy nói thêm rằng việc Iran cung cấp hỏa tiễn đạn đạo cho Nga “rõ ràng đã thay đổi cuộc tranh luận” xung quanh vấn đề này, vì nó cho phép Điện Cẩm Linh “thâm nhập sâu hơn vào Ukraine”.

Putin và các quan chức Nga khác đã phản ứng gay gắt hơn, tuyên bố rằng động thái này có nghĩa là NATO sẽ trực tiếp tham chiến với Nga.

“Tôi không nghĩ nhiều về Vladimir Putin,” Tổng thống Biden nói khi được hỏi vào ngày 13 tháng 9 rằng ông nghĩ gì về phát biểu của tổng thống Nga.

[Kyiv Independent: Ukraine's long-range missile strike hopes on hold once again but encouraging signs remain]

10. Ukraine và Nga trao đổi tù nhân trong bối cảnh căng thẳng về hạn chế hỏa tiễn

Hơn một trăm binh sĩ Ukraine đã được trả tự do khỏi nơi giam cầm ở Nga theo một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, ngay cả khi Mạc Tư Khoa gia tăng các mối đe dọa trước nỗ lực của Kyiv nhằm tấn công các mục tiêu bên trong nước này bằng hỏa tiễn do phương Tây sản xuất.

“Những người lính của chúng ta đã về nhà”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật, 15 Tháng Chín, xác nhận rằng 83 binh lính nhập ngũ và 21 sĩ quan đã được thả. Ông cảm ơn các nhà đàm phán đã bảo đảm “tin tốt lành như vậy cho Ukraine”.

Bộ Quốc phòng Nga đồng thời báo cáo rằng 103 quân nhân Nga đã được Ukraine trao trả và được chuyển bằng xe buýt đến nước láng giềng Belarus.

Cuộc trao đổi này là lần thứ hai chỉ trong hai ngày. Vào hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Chín, 49 tù nhân Ukraine đã được chụp ảnh đang vui mừng sau khi được thả, bao gồm các thành viên của lực lượng vệ binh quốc gia, biên phòng và thường dân. Trong số đó có Leniye Umerova, một người Tatar ở Crimea đã bị lực lượng an ninh Nga bắt giữ trên bán đảo Ukraine bị tạm chiếm vào năm ngoái sau khi trở về thăm người cha đang bị bệnh của mình.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, Điện Cẩm Linh đã leo thang cuộc chiến khẩu chiến giữa kỳ vọng ngày càng tăng rằng Hoa Kỳ có thể bật đèn xanh cho Kyiv tấn công các cơ sở quân sự của Nga qua biên giới bằng vũ khí tầm xa do các đồng minh phương Tây của mình tài trợ. Putin đã tuyên bố động thái này tương đương với việc NATO tham gia trực tiếp vào cuộc chiến — mặc dù đã liên tục tìm cách mô tả cuộc xâm lược của mình là một cuộc chiến chống lại phương Tây.

Khi được hỏi vào hôm Thứ Sáu, về những lời đe dọa của nhà độc tài Nga, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chỉ nói: “Tôi không nghĩ nhiều về Vladimir Putin.”

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nêu vấn đề này trong chuyến thăm Washington cùng ngày, với Luân Đôn từ lâu đã thúc đẩy nới lỏng các quy định về vũ khí. Ukraine muốn sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow do Anh sản xuất để phá hủy các địa điểm hỏa tiễn của Nga, nhưng cần Tòa Bạch Ốc chấp thuận vì một số thành phần nhất định do Mỹ sản xuất.

“Nga là một cường quốc hạt nhân, và sẽ là vô trách nhiệm nếu hoàn toàn phớt lờ điều đó,” Bradley Bowman, giám đốc cao cấp của Trung tâm Quyền lực Quân sự và Chính trị tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ của Washington và là cựu cố vấn Thượng viện của Đảng Cộng hòa, cho biết. “Nhưng Putin đã từng đưa ra những lời đe dọa theo hướng này trước đây và chiến lược nhất quán của ông ta là lợi dụng nỗi sợ leo thang như một phương tiện để tước đoạt vũ khí và sự hỗ trợ mà Kyiv cần.”

“Kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, chúng ta đã chứng kiến hết lần này đến lần khác động thái mà Zelenskiy nói rằng tôi cần hệ thống này hay hệ thống kia và sau đó chúng ta thấy một câu trả lời 'không' từ chính quyền Tổng thống Biden, rồi chúng ta thấy một câu trả lời 'có thể', rồi một câu trả lời 'có', “ Bowman nói. “Và, khi thời gian trôi qua, tất cả những gì xảy ra là người Ukraine chết, Nga tiến lên.”

[Politico: Ukraine and Russia swap prisoners amid standoff over missile restrictions]

11. Đồng minh của Putin đưa ra cảnh báo hạt nhân mới: 'Hậu quả không thể đảo ngược'

Cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, một đồng minh thân cận của Putin, đã đưa ra cảnh báo mới về phản ứng hạt nhân vào hôm Thứ Bẩy, 14 Tháng Chín, nói rằng đó sẽ là một quyết định có “hậu quả không thể đảo ngược”.

Trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra, căng thẳng giữa các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, và Điện Cẩm Linh vẫn tiếp diễn khi các nhà lãnh đạo NATO ngày càng cảnh báo rằng xung đột trực tiếp với Mạc Tư Khoa là mối nguy hiểm thực tế. Điều này diễn ra sau khi Putin và các quan chức cao cấp của Nga liên tục đe dọa leo thang hạt nhân chống lại Kyiv và các đối tác phương Tây của nước này kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Hôm thứ Bảy, Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và cựu tổng thống Nga, đã nói về phản ứng hạt nhân và rằng đó là “một quyết định cực kỳ phức tạp với những hậu quả không thể đảo ngược”, nhưng cảnh báo rằng “bạn chỉ có thể thử thách sự kiên nhẫn của ai đó trong một thời gian nhất định”.

“Tuy nhiên, Nga đã kiên nhẫn. Rõ ràng là phản ứng hạt nhân là một quyết định cực kỳ phức tạp với những hậu quả không thể đảo ngược. Nhưng điều mà những kẻ ngu ngốc kiêu ngạo Anglo-Saxon không thừa nhận là bạn chỉ có thể thử thách sự kiên nhẫn của ai đó trong một thời gian nhất định”, Medvedev nói.

Ông nói thêm: “Cuối cùng, một số nhà phân tích phương Tây ôn hòa đã đúng khi họ cảnh báo: 'Đúng vậy, người Nga không có khả năng sử dụng phản ứng này, mặc dù... nó vẫn có khả năng xảy ra. Bên cạnh đó, họ có thể sử dụng các phương tiện giao hàng mới với tải trọng thông thường.' Và rồi—mọi chuyện kết thúc. Một khối khổng lồ màu xám nóng chảy ở nơi mà 'mẹ của các thành phố Nga' từng đứng. Trời ạ, điều đó là không thể, nhưng nó đã xảy ra...” Thuật ngữ 'mẹ của các thành phố Nga' là tên lịch sử của Kyiv.

Điều này xảy ra khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine để tự vệ trước Nga. Đầu năm nay, Hoa Kỳ đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, có tầm bắn xa hơn.

Ukraine đã gây sức ép mạnh mẽ để Hoa Kỳ và Vương quốc Anh dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng hỏa tiễn ATACMS của Mỹ và hỏa tiễn Storm Shadow của Anh để nhắm vào lãnh thổ Nga, trong bối cảnh lo ngại rằng việc sử dụng chúng sẽ làm leo thang xung đột.

Kyiv cho biết họ cần vũ khí tầm xa để nhắm vào các căn cứ không quân được chiến đấu cơ của Nga sử dụng để phóng bom lượn vào Ukraine, thường là từ sâu bên trong lãnh thổ Nga. Cho đến nay, hỏa tiễn Storm Shadow có tầm bắn khoảng 240 km chỉ được sử dụng để tấn công các mục tiêu của Nga trên lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Khi được hỏi liệu Washington có dỡ bỏ các hạn chế hay không, Tổng thống Joe Biden cho biết hôm thứ Ba rằng chính quyền của ông “đang giải quyết vấn đề đó ngay bây giờ”.

Tuy nhiên, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hôm thứ Tư cho biết “nhiều khả năng, tất cả những quyết định này đã được phương Tây đưa ra” liên quan đến việc bãi bỏ lệnh cấm vũ khí tầm xa, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin.

“Điều này có thể được giả định với xác suất cao,” Peskov nói với truyền thông Nga. “Hiện tại, truyền thông chỉ đang tiến hành một chiến dịch thông tin như vậy để chính thức hóa quyết định đã được đưa ra.”

Peskov cho biết nếu Ukraine được phép sử dụng vũ khí để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, Mạc Tư Khoa sẽ đưa ra “một phản ứng thích hợp”, mặc dù ông nói thêm rằng “không cần phải mong đợi bất kỳ phản ứng nào ở khắp mọi nơi”.

Đây không phải là lần đầu tiên Medvedev cảnh báo về phản ứng hạt nhân vì trước đó, ông đã trở thành tâm điểm chú ý trong suốt cuộc chiến ở Ukraine với những lời chỉ trích thường xuyên trên mạng xã hội, từ lời kêu gọi tấn công hạt nhân vào các thành viên NATO cho đến gợi ý rằng Mạc Tư Khoa không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lật đổ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bác bỏ tính nghiêm trọng trong những tuyên bố khác nhau của Medvedev.

“Chúng tôi biết rằng bây giờ không nên coi Medvedev là nghiêm chỉnh”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết. “Đây là điều vô lý thông thường của Cẩm Linh”.

[Newsweek: Putin Ally Issues New Nuclear Warning: 'Irreversible Consequences']
 
Thánh Ca
TV 53
Lm. Thái Nguyên
05:30 16/09/2024
 
Tâm Tình yêu mến
Lm. Thái Nguyên
05:31 16/09/2024