Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 03/04: Tình Yêu đáp trả Tình Yêu – Lm. Antôn Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
01:50 02/04/2023
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan
Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.
Đó là lời Chúa
VietCatholic TV
Tĩnh tâm Mùa Chay 2023 cùng Giáo triều Rôma. Bài thứ Năm: Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian
VietCatholic Media
02:17 02/04/2023
Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 31 tháng Ba, tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, vị thuyết giảng Phủ Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã trình bày bài giảng thứ năm và cũng là bài giảng cuối cùng của Mùa Chay.
Chủ đề của các bài suy niệm Mùa Chay này là: “Ai có tai thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Giáo hội – một đóng góp nhỏ cho công việc của Thượng Hội đồng".
Mở đầu bài giảng, Đức Hồng Y nói:
“Ở thế gian, anh em sẽ gặp khó khăn, nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33). Thưa quý Cha đáng kính, thưa anh chị em, đây là một trong những lời cuối cùng Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi từ giã các ngài. Đó không phải là câu “can đảm lên” thông thường được gửi cho những người ở lại, bởi một người sắp ra đi. Thực vậy, Người nói thêm: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14:18).
“Thầy đến cùng anh em” có nghĩa là gì nếu Ngài sắp ra đi? Làm thế nào và trong khả năng nào Ngài sẽ lại đến và ở lại với họ? Nếu không hiểu câu trả lời cho câu hỏi này, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được bản chất thực sự của Giáo hội. Câu trả lời được đưa ra – như một loại chủ đề lặp đi lặp lại – trong các diễn từ chia tay của Tin Mừng Gioan; và sẽ thật tốt nếu ít nhất một lần chúng ta nghe lần lượt từng câu, mà qua đó nó trở thành nốt chủ đạo. Hãy làm điều đó với sự chú ý và lo lắng của những đứa con khi lắng nghe di chúc của cha họ về tài sản quý giá nhất mà ông sắp để lại cho họ.
Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em (Ga 14:16-17).
Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.(Ga 14:26).
Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. (Ga 15:26-27).
Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em (Ga 16:7).
Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em (Ga 16:12-14).
Nhưng Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu hứa là gì, hay đúng hơn, là ai? Là Ngài, hay là ai khác? Nếu là chính Ngài, tại sao Ngài lại nói ở ngôi thứ ba, “khi nào Đấng Bảo Trợ đến…”; nếu là người khác, tại sao Ngài lại nói ở ngôi thứ nhất, “Thầy đến cùng anh em?” Chúng ta chạm tới mầu nhiệm tương quan giữa Đấng Phục Sinh và Thần Khí của Người. Đó là một mối quan hệ gần gũi và nhiệm mầu đến nỗi đôi khi Thánh Phaolô dường như đồng nhất chúng. Ngài viết, “Chúa là Thần Khí,” nhưng rồi ngài nhanh chóng thêm vào, “và ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đó có tự do” (2 Cr 3:17). Nếu đó là Thần Khí của Chúa, thì đó không thể thuần túy và đơn giản là Chúa.
Câu trả lời của Kinh Thánh là Chúa Thánh Thần, qua sự cứu chuộc, đã trở thành “Thần Khí của Chúa;” đó là cách thức mà Đấng Phục Sinh – “đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng theo Thần Khí thánh hóa, nhờ việc sống lại từ cõi chết” (Rm 1:4) – giờ đây hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới. Đây là lý do tại sao Ngài có thể nói với các môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em,” và nói thêm, “nhưng Thầy không để anh em mồ côi đâu”.
Chúng ta phải loại bỏ một tầm nhìn về Giáo hội đã trở nên thống trị trong ý thức của nhiều tín hữu. Tôi gọi nó là hình ảnh về thần linh hay hình ảnh của Descartes, bởi vì nó có mối quan hệ gần gũi với tầm nhìn của Descartes về thần thánh. Mối quan hệ giữa Thiên Chúa và thế giới được hình thành như thế nào trong tầm nhìn này? Thưa: Đại loại nó như thế này: Đầu tiên, Chúa tạo ra thế giới và sau đó rút lui, để nó phát triển theo những quy luật mà Ngài đã ban cho nó – giống như một chiếc đồng hồ đã được lên giây thiều để tự chạy vô thời hạn. Bất kỳ sự can thiệp mới nào của Chúa sẽ làm xáo trộn trật tự này, đó là lý do tại sao phép lạ được coi là không thể chấp nhận được. Chúa, khi tạo ra thế giới, sẽ hành động giống như một người xoay một quả bóng nhẹ và đẩy nó lên không trung, trong khi Ngài vẫn ở trên mặt đất.
Tầm nhìn này có ý nghĩa gì khi áp dụng cho Giáo hội? Thưa: Tầm nhìn ấy cho rằng Chúa Kitô đã thành lập Giáo hội, ban cho Giáo hội tất cả các cơ cấu phẩm trật và bí tích cần thiết để Giáo hội hoạt động, rồi rời bỏ Giáo hội, lui về thiên đàng của Người vào thời điểm Thăng thiên. Giống như ai đó đẩy một chiếc thuyền nhỏ xuống biển rồi bỏ đi xa bờ.
Nhưng không phải như thế đâu! Chúa Giêsu đã lên thuyền và ở trong đó. Những lời cuối cùng của Người trong Tin Mừng Mátthêu phải được coi trọng: “Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Với mỗi cơn bão mới, bao gồm cả những cơn bão hiện tại, Ngài lặp lại điều Ngài đã nói với các môn đệ khi làm gió bão lặng yên: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!?” (Mt 8:26). Thầy không ở đây với anh em sao? Ta có thể chìm không? Người đã tạo ra biển có thể chìm xuống biển không?
Tôi vui mừng ghi nhận rằng, trong Niên giám Tòa Thánh, dưới tên của Đức Giáo Hoàng, chỉ có danh hiệu “Giám mục Rôma;” tất cả các danh hiệu khác - Đại diện của Chúa Giêsu Kitô, Giáo hoàng tối cao của Giáo hội hoàn vũ, Giáo chủ của Ý, v.v. - được liệt kê là “những danh hiệu lịch sử” trên trang tiếp theo. Điều đó có vẻ đúng đối với tôi, đặc biệt liên quan đến danh xưng “Đại diện của Chúa Giêsu Kitô”. Đại diện là người thế chỗ cho ông chủ khi ông vắng mặt, nhưng Chúa Giêsu Kitô không bao giờ vắng mặt và sẽ không bao giờ vắng mặt trong Giáo hội của Người. Với cái chết và sự phục sinh của mình, Người đã trở thành “đầu của thân thể là Giáo hội” (Cl 1:18) và sẽ tiếp tục như vậy cho đến tận thế, là Chúa thật và duy nhất của Giáo hội.
Sự hiện diện của Ngài không phải về mặt đạo đức và ý hướng, có thể nói như thế. Đó không phải là quyền chủ tể được ủy quyền. Khi không thể đích thân có mặt tại một sự kiện nào đó, chúng ta thường nói: “Tôi sẽ có mặt trong tinh thần,” điều này không an ủi và giúp ích nhiều cho những người đã mời chúng ta. Khi chúng ta nói về Chúa Giêsu rằng Ngài hiện diện “tinh thần”, thì sự hiện diện tinh thần này không phải là một hình thức kém mạnh mẽ hơn hình thức thể lý, nhưng thực tế và hiệu quả hơn rất nhiều. Đó là sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, Đấng hoạt động trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, trong mọi lúc và mọi nơi, và là Đấng hành động trong chúng ta.
Nếu trong tình hình khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng như hiện nay, người ta phát hiện ra sự tồn tại của một nguồn năng lượng mới, vô tận; nếu cuối cùng chúng ta khám phá ra cách sử dụng năng lượng mặt trời theo ý muốn và không có tác động tiêu cực, thì cả nhân loại sẽ nhẹ nhõm biết bao! Trong lĩnh vực của mình, Giáo hội cũng có một nguồn năng lượng vô tận tương tự – đó là “sức mạnh từ trên cao”, là Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu có thể nói về Ngài: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” (Ga 16:24).
Có một thời điểm trong lịch sử cứu độ gợi lại rất gần gũi những lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Đó là lời tiên tri của nhà tiên tri Khácgai. Chúng ta hãy lắng nghe:
Tháng bảy ngày hai mươi mốt, có lời Thiên Chúa phán qua trung gian ngôn sứ Khácgai rằng: “Ngươi hãy nói với tổng đốc xứ Giuđa là Dơrúpbaven, con ông Santiên, nói với thượng tế Giêsua, con ông Giơhôxađắc và nói với những người còn sót lại trong dân rằng: Ai trong các ngươi trong số người còn sót lại đã từng được chứng kiến cảnh rực rỡ vinh quang của Đền Thờ ban sơ? Và bây giờ các ngươi thấy Đền Thờ như thế nào? Trước mắt các ngươi, nó chẳng còn là gì nữa đó sao? Vậy bây giờ, hỡi Dơrúpbaven, hãy mạnh bạo lên! Này thượng tế Giêsua, con ông Giơhôxađắc, mạnh bạo lên nào! Toàn dân trong xứ hãy mạnh bạo lên! Sấm ngôn của Thiên Chúa. Hãy bắt tay vào việc, vì chính Ta ở với các ngươi. Sấm ngôn của Thiên Chúa các đạo binh. Chiếu theo lời Ta kết ước với các ngươi lúc các ngươi ra khỏi Ai cập, thần khí Ta ở giữa các ngươi; các ngươi đừng sợ”(Kg 2:1-5).
Đây là một trong số rất ít văn bản của Cựu Ước có thể được xác định niên đại với độ chính xác cao – ngày 17 tháng 10 năm 520 trước Công nguyên. Chẳng lẽ chúng ta không thấy rằng những lời của Khácgai đang mô tả tình hình hiện tại của Giáo Hội Công Giáo và trong nhiều khía cạnh là tình hình của toàn bộ Kitô giáo sao? Những người trong chúng ta, những người đã có tuổi đều nhớ với một nỗi hoài niệm nhất định về thời điểm ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Các nhà thờ đầy người vào Chúa Nhật; đám cưới và lễ rửa tội diễn ra tại các giáo xứ; chúng ta có thể nói như Khácgai: “Nhưng bây giờ chúng ta thấy nó trong những tình trạng nào?”. Thật không đáng để dành thời gian lặp lại danh sách những tệ nạn hiện tại, những thứ mà đối với một số người chỉ xuất hiện như những tàn tích, không khác gì hơn những tàn tích của Rôma cổ đại mà chúng ta có xung quanh thành phố này.
Không phải mọi thứ đã từng lấp lánh, và bây giờ chúng ta đang hối tiếc, đều là vàng. Nếu tất cả đều là vàng ròng, nếu những chủng viện đông nghẹt đó đã rèn giũa nên những mục tử thánh thiện, và nền đào tạo truyền thống đã truyền đạt cho họ sự vững chắc và chân chính, thì chúng ta đã không phải than khóc vì nhiều vụ tai tiếng như ngày nay… Nhưng đây không phải là điều chúng ta cần nói đến ở đây, và tôi chắc chắn không phải là người đủ điều kiện nhất để làm việc đó. Điều tôi nóng lòng muốn giữ lại là lời khuyên mà vị tiên tri đã nói với dân Israel thời bấy giờ. Ông không khuyến khích họ cảm thấy tiếc cho bản thân, cam chịu và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Không. Ông nói, giống như Chúa Giêsu, “Hãy can đảm và làm việc vì Thầy ở bên anh em – sấm ngôn của Chúa – Thần Khi của Thầy sẽ ở bên anh em!
Nhưng hãy cẩn thận! Một lần nữa, đây không phải là một câu nói “hãy can đảm lên” mơ hồ và trống rỗng. Trước đó, nhà tiên tri đã cho biết “công việc” mà họ sẽ phải làm là gì. Và vì nó rất liên quan đến chúng ta, nên chúng ta cũng hãy lắng nghe lời tiên tri trước đây của Khácgai với người dân và các nhà lãnh đạo của họ:
Thiên Chúa các đạo binh phán thế này: Dân đó dám nói: “Bây giờ chưa phải là lúc tái thiết Đền Thờ kính Thiên Chúa.” Nhưng có lời Thiên Chúa phán, qua trung gian ngôn sứ Khácgai, rằng: “Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Đền Thờ thì lại hoang tàn đổ nát không? Vậy giờ đây, Thiên Chúa các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm. Đồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng. Thiên Chúa các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ cho Ta. Ta sẽ vui thích và tỏ vinh quang Ta ở đó, Thiên Chúa phán (Kg 1:2-8).
Một khi được công bố, lời Chúa trở nên linh hoạt và sống động trở lại mỗi khi được công bố. Lời Chúa không phải là một trích dẫn Kinh Thánh đơn giản. Bây giờ chúng ta là “dân này” mà lời của Thiên Chúa hướng đến. Đối với chúng ta ngày nay, “những ngôi nhà được lát ván đẹp đẽ” là gì để chúng ta muốn ở yên trong đó? Tôi thấy ba ngôi nhà đồng tâm, ngôi nhà này nằm trong ngôi nhà kia, từ đó chúng ta phải đi ra ngoài để leo lên núi và xây dựng lại ngôi nhà của Chúa.
Ngôi nhà đầu tiên, được ốp gỗ cẩn thận, được chăm sóc và trang bị nội thất, là “cái tôi” của tôi – là sự an khang của tôi, vinh quang của tôi, địa vị của tôi trong xã hội hoặc trong Giáo hội. Đó là bức tường khó phá vỡ nhất. Thật dễ nhầm danh dự của tôi với danh dự của Chúa và Giáo hội, cũng như sự gắn bó với những ý tưởng của tôi và sự gắn bó với sự thật thuần khiết và đơn giản. Tôi đây, người đang nói với anh chị em, không nghĩ mình là ngoại lệ. Chúng ta ở trong lớp vỏ này của mình giống như con tằm trong vỏ của nó: xung quanh nó là tơ, nhưng nếu con tằm không phá vỡ lớp vỏ, nó sẽ vẫn là một con sâu bướm và sẽ không bao giờ trở thành một con bướm bay lượn tự do.
Nhưng hãy để chủ đề này sang một bên, có rất nhiều cơ hội để nghe về điều đó. Ngôi nhà thứ hai được trang bị cẩn thận để từ đó ra đi làm việc trong “ngôi nhà của Chúa” là giáo xứ của tôi, dòng tu của tôi, phong trào hoặc hiệp hội của Giáo Hội, Giáo Hội địa phương của tôi, giáo phận của tôi… Chúng ta không được nhầm lẫn. Khốn thay cho chúng ta nếu chúng ta không có tình yêu và sự gắn bó với những thực tại cụ thể này mà Chúa đã đặt chúng ta vào đó, và có lẽ chúng ta phải chịu trách nhiệm về những thực tại đó. Cái ác nằm ở chỗ biến chúng thành tuyệt đối, không coi bất cứ thứ gì ngoài nó, không quan tâm đến bất cứ thứ gì khác, chỉ trích và coi thường những người không chia sẻ thực tại của chúng ta. Tóm lại, đánh mất tính Công Giáo của Giáo hội, quên mất điều mà Đức Thánh Cha thường nói, rằng “toàn thể lớn hơn một phần.” Chúng ta là một thân thể, thân thể của Chúa Kitô, và, như Thánh Phaolô nói, trong thân thể “nếu một chi thể đau thì cả thân thể cùng đau” (1 Cr 12:26). Thượng hội đồng cũng nên phục vụ điều này: đó là làm cho chúng ta ý thức và chia sẻ những vấn đề và niềm vui của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.
Nhưng chúng ta hãy đến ngôi nhà thứ ba được trang bị tốt. Việc thoát ra khỏi nó trở nên đặc biệt khó khăn bởi thực tế là trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã được dạy rằng chỉ cần nhìn ra bên ngoài thôi cũng đã là tội lỗi và phản bội. Gần đây tôi đang đọc, nhân dịp Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô hữu, chứng từ của một phụ nữ Công Giáo đến từ một quốc gia đa tôn giáo. Linh mục giáo xứ của cô ấy từng dạy cộng đoàn rằng chỉ cần bước vào một nhà thờ Tin lành thôi cũng đã là một tội trọng. Và tôi cho rằng, ở phía bên kia hàng rào, điều tương tự cũng đã được nói về việc bước vào một nhà thờ Công Giáo.
Tất nhiên, tôi nói về ngôi nhà được ốp gỗ cẩn thận, là hệ phái Kitô đặc biệt mà chúng ta thuộc về. Tôi làm như vậy khi trong ký ức vẫn còn mới mẻ về sự kiện phi thường và mang tính tiên tri của cuộc gặp gỡ đại kết ở Nam Sudan vào tháng 2 vừa qua. Tất cả chúng ta đều xác tín rằng một phần gây ra sự yếu kém trong việc loan báo Tin Mừng và hành động của chúng ta trên thế giới là do sự chia rẽ và đấu tranh lẫn nhau giữa các Kitô hữu. Điều Thiên Chúa phán trong sách tiên tri Khácgai vẫn đang xảy ra:
Các ngươi mong đợi nhiều, nhưng mùa màng chẳng được bao nhiêu. Các ngươi có đem được những thứ đó về nhà, Ta cũng sẽ thổi bay đi hết. Vì sao vậy? Sấm ngôn của Thiên Chúa các đạo binh - vì Nhà của Ta vẫn còn tan hoang, trong khi đó các ngươi ai nấy bận rộn lo cho nhà riêng của mình. (Kg 1:9)
Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Ngài không nói, “Thầy sẽ xây dựng NHỮNG Hội Thánh của Thầy.” Phải có một cảm thức theo đó điều mà Chúa Giêsu gọi là “Hội Thánh của Thầy” bao trùm tất cả những người tin vào Người và tất cả những người đã chịu phép rửa. Thánh Phaolô có một công thức có thể hoàn thành nhiệm vụ ôm lấy tất cả những ai tin vào Chúa Kitô. Mở đầu Thư Thứ Nhất gửi tín hữu thành Côrintô, ngài gửi lời chào đến “tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta” (1 Cr 1:2).
Tất nhiên, chúng ta không thể hài lòng với sự thống nhất rất rộng lớn nhưng lại quá mơ hồ này. Và điều này biện minh cho sự cam kết và thảo luận, ngay cả về giáo lý, giữa các Giáo hội. Nhưng chúng ta cũng không thể khinh chê và coi thường sự hiệp nhất căn bản hệ tại ở việc kêu cầu cùng một Chúa Giêsu Kitô. Ai tin vào Con Thiên Chúa thì cũng tin vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Điều đã được lặp đi lặp lại nhiều lần là rất đúng: “điều hợp nhất chúng ta quan trọng hơn điều chia rẽ chúng ta.”
Có những trường hợp chúng ta nhất thiết phải phản đối việc lạm dụng danh Chúa Giêsu và cách thức sai trái trong đó Tin Mừng được loan báo. Trong những trường hợp như vậy, điều mà Thánh Phaolô đã viết về một số người vào thời của ngài đã loan báo Tin Mừng “với tinh thần ganh đua và với ý định bất chính” có thể giúp chúng ta vượt qua sự phủ nhận: “Nhưng điều đó có quan trọng gì?” Ngài viết cho các tín hữu Philipphê: “Miễn là cách nào, hoặc vì thuận tiện hay vì lòng thành, mà Đức Kitô được rao giảng, thì tôi vui mừng” (Pl 1,16-18). Đó là chưa kể đến việc các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác cũng tìm thấy những điều ở người Công Giáo chúng ta mà họ không thể chấp nhận.
Lời tiên tri của Khácgai về ngôi đền mới được xây lại kết thúc với một lời hứa rạng rỡ: “Vinh quang của Đền Thờ lúc này sẽ rạng ngời hơn khi trước, Thiên Chúa các đạo binh phán; tại nơi này Ta sẽ ban tặng bình an - sấm ngôn của Thiên Chúa các đạo binh”(Kg 2:9). Chúng ta không dám nói rằng lời tiên tri này cũng sẽ trở thành sự thật đối với chúng ta và rằng ngôi nhà của Thiên Chúa là Giáo hội của tương lai sẽ huy hoàng hơn ngôi nhà của quá khứ mà chúng ta hiện đang hối tiếc; tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng vào điều đó và cầu xin Chúa ban cho chúng ta điều đó với tinh thần khiêm nhường và ăn năn.
Chúng ta chứng kiến một số dấu hiệu đáng khích lệ về phương diện này, một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất chính là việc tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Trong cuộc phỏng vấn với một nhà báo Công Giáo trên hành trình trở về từ Nam Sudan, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby cho biết: “Khi các Giáo hội làm việc cùng nhau, – mà trong quá khứ đã từng là đối phương của nhau, tấn công nhau, thiêu sống linh mục của nhau, và đã lên án nhau. nhau theo cách mạnh mẽ nhất – thì trong trường hợp đó, có một điều gì đó thuộc về tâm linh đã xảy ra. Có một sự giải phóng của Thánh Linh Thiên Chúa, và điều này mang lại cho tôi niềm hy vọng lớn.”
Thưa các Cha đáng kính, thưa anh chị em, lời tiên tri của Khácgai mà tôi đã bình luận có liên quan đến một ký ức cá nhân và tôi xin lỗi nếu tôi dám nhắc lại ở đây sau khi một số anh chị em có thể đã nghe tôi kể lại. Tôi làm như vậy với niềm tin chắc rằng lời tiên tri làm bùng phát niềm tin cậy và hy vọng mỗi khi nó được công bố và lắng nghe với đức tin.
Ngày mà Bề trên Tổng quyền của tôi cho phép tôi rời vị trí giảng dạy tại Đại học Công Giáo Milan, để dành trọn thời gian cho việc rao giảng, chính xác là có lời tiên tri của Khácgai trong Các Giờ Kinh Phụng vụ. Sau khi tham dự Phụng Vụ Giờ Kinh, tôi đến đây trước tượng Thánh Phêrô này. Tôi muốn xin Thánh Tông Đồ chúc lành cho chức vụ mới của tôi. Vào một thời điểm nào đó, khi tôi đang ở quảng trường, lời của Thiên Chúa mạnh mẽ hiện về trong tâm trí tôi. Tôi quay về phía cửa sổ của Đức Giáo Hoàng trong Điện Tông tòa và bắt đầu lớn tiếng tuyên bố: “Hãy can đảm lên, Đức Gioan Phaolô II, hãy can đảm lên, các Hồng Y, giám mục, và tất cả mọi người trong Giáo hội, và hãy làm việc vì Thầy ở cùng anh em, Chúa phán.” Việc đó rất dễ thực hiện vì trời đang mưa và không có ai đứng xung quanh.
Tuy nhiên, vài tháng sau, vào năm 1980, tôi được bổ nhiệm làm Giảng viên Phủ Giáo hoàng và được diện kiến Đức Thánh Cha để bắt đầu Mùa Chay đầu tiên của mình. Từ đó lại vang vọng trong tôi, không phải như một trích dẫn và một kỷ niệm, mà như một lời sống động cho thời điểm đó. Tôi đã chia sẻ những gì tôi đã làm ngày hôm đó tại quảng trường Thánh Phêrô. Sau đó, tôi quay sang Đức Giáo Hoàng, người lúc đó đang theo dõi bài giảng từ một nhà nguyện bên cạnh, và mạnh mẽ lặp lại những lời của Khácgai: “Hãy can đảm lên, Đức Gioan Phaolô II, hãy can đảm lên các Hồng Y, giám mục và dân Chúa, và bắt tay vào việc, bởi vì Thầy ở với anh em, Chúa phán. Thần Khí của Thầy sẽ ở cùng anh em.” Và từ phản ứng, đối với tôi, dường như những lời nói đó đã đem lại những gì đã hứa hẹn: đó là lòng can đảm (ngay cả khi Đức Gioan Phaolô II là người cuối cùng trên thế giới cần được khuyến khích để có lòng can đảm!).
Hôm nay tôi dám công bố lại lời đó, vì biết rằng đó không chỉ là một câu trích dẫn, mà là một lời hằng sống luôn thực hiện những gì nó hứa. Vì thế, hãy can đảm lên, thưa Đức Thánh Cha Phanxicô! Chúa phán: Hãy can đảm lên, hỡi các Hồng Y, giám mục, linh mục và tín hữu của Giáo Hội Công Giáo, và hãy làm việc, vì Thầy ở cùng anh em. Thần Khí của Thầy sẽ ở bên anh em!
Source:Raniero Cantalamessa
Putin tê tái: Dàn radar phản pháo tan nát. Ukraine tràn qua biên giới, lính Nga bỏ chạy bị 10 năm tù
VietCatholic Media
03:06 02/04/2023
1. Quân Ukraine tấn công xuyên biên giới, lính Nga bỏ chạy bị phạt 10 năm tù
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldier Faces 10 Years in Prison for Failing to Stop Ukraine Strike”, nghĩa là “Lính Nga đối mặt với 10 năm tù vì không ngăn chặn cuộc tấn công ở Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Theo một hãng tin địa phương, một binh sĩ Nga đã bị cáo buộc không ngăn chặn được cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Belgorod của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Trích dẫn các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra, nhật báo Kommersant của Nga đưa tin rằng các nhà điều tra nói rằng người lính đã vi phạm nghĩa vụ chiến đấu khi anh ta không ngăn chặn một cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine vào lãnh thổ Nga vào mùa xuân năm 2022, dẫn đến nhiều thương vong và các thiết bị quân sự bị phá hủy.
Người đàn ông này có thể phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm nếu bị kết tội.
Đã có báo cáo về các cuộc tấn công ở Belgorod của Nga, nằm gần biên giới với Ukraine, trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào quốc gia láng giềng. Vào tháng 12, quân đội Nga bắt đầu đào hệ thống chiến hào phức tạp ở Belgorod và thống đốc khu vực cho biết ông đang thành lập “các đơn vị tự vệ” địa phương.
Các vụ nổ không rõ nguyên nhân đã tấn công Belgorod và Kursk, cũng gần biên giới. Các kho nhiên liệu và đạn dược đã trở thành mục tiêu trong các cuộc không kích, mặc dù Ukraine không trực tiếp nhận trách nhiệm về bất kỳ cuộc tấn công nào trên lãnh thổ Nga.
Theo Kommersant, kể từ tháng 5 năm 2022, người lính Nga đã bị nhốt tại một trung tâm giam giữ trước khi xét xử. Anh ta đã được chuyển đến một trung tâm giam giữ ở St. Petersburg vào tháng 12.
Tờ báo cho biết, hậu quả của cuộc tấn công ở khu vực Belgorod là 7 quân nhân thiệt mạng và 43 người bị thương, trong khi 15 đơn vị thiết bị quân sự bị phá hủy và 30 đơn vị bị hư hại. Tổng chi phí thiệt hại lên tới 89 triệu rúp hay 1,1 triệu Mỹ Kim.
Các nhà điều tra nói rằng anh ta đã để cho khả năng phòng thủ của Nga bị tổn hại nghiêm trọng, mặc dù có cơ hội ngăn chặn cuộc tấn công.
Các nguồn tin của tờ báo nói rằng anh ta không chỉ phạm sai lầm cá nhân mà còn có “những tính toán sai lầm nghiêm trọng” khi không ngăn chặn được cuộc tấn công.
Kommersant lưu ý rằng người lính Nga đã nói rằng anh ta không có lỗi. Một mình anh ta không thể cầm cự được cả một tiểu đội biệt kích Ukraine, nên anh ta bỏ chạy. Anh ta có lẽ bị đưa ra xử làm gương trước tình trạng quân Nga liên tục tháo chạy trên chiến trường.
Những lo ngại dường như đang gia tăng ở Nga về các cuộc tấn công của Ukraine trên đất Nga. Vào Tháng Giêng, các hệ thống phòng không đã được lắp đặt trên nóc một số tòa nhà hành chính và quốc phòng ở thủ đô Mạc Tư Khoa, bao gồm cả trên nóc tòa nhà do Bộ Quốc phòng Nga sử dụng.
Và vào ngày 4 tháng 3, Andrey Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, đã khuyến nghị các công ty Nga xây dựng hệ thống phòng không của riêng họ, nói rằng ngân sách của Bộ Quốc phòng “tập trung vào việc phòng thủ cho các cơ sở quân sự và nhà nước quan trọng”.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.
2. Biden yêu cầu Nga thả nhà báo Mỹ bị bắt
Tổng thống Biden đã được CNN hỏi về thông điệp của ông gửi tới Nga sau vụ bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal.
“Hãy trả tự do cho anh ta,” tổng thống nói khi rời Tòa Bạch Ốc sáng nay.
Đây là lần đầu tiên Biden bình luận công khai về vấn đề này kể từ khi Gershkovich bị chính quyền Nga cáo buộc làm gián điệp hôm thứ Năm.
Sau đó, khi được một phóng viên khác hỏi liệu Hoa Kỳ có trục xuất các nhà ngoại giao hoặc nhà báo Nga về việc giam giữ Gershkovich hay không, Biden nói. “Đó không phải là kế hoạch ngay bây giờ.”
Cuối ngày thứ Sáu, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cho biết bà “quan ngại sâu sắc” về tình trạng của Gershkovich.
“ Tôi sẽ tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta sẽ không tha thứ và lên án, việc đàn áp trên thực tế các nhà báo và rằng chúng tôi hoàn toàn lo ngại về bất kỳ nỗ lực nào nhằm bóp nghẹt quyền tự do báo chí theo bất kỳ cách nào,” Harris nói trong một cuộc họp báo với Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema ở Lusaka.
3. Mạc Tư Khoa bác bỏ đề xuất ngừng bắn của Lukashenko
Điện Cẩm Linh bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đề xuất hôm thứ Sáu.
“Trong bối cảnh Ukraine, không có gì thay đổi. Hoạt động quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục bởi vì vào thời điểm hiện tại, đó là cách duy nhất để đạt được các mục tiêu mà đất nước chúng ta phải đối mặt”, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết trong cuộc gọi thường xuyên với các nhà báo.
Peskov cho biết Mạc Tư Khoa biết về lời khuyên của Lukashenko và cho biết điều này “chắc chắn sẽ được thảo luận” vào tuần tới, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Lukashenko phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Tối cao của Nhà nước Liên minh.
Trước đó vào thứ Sáu, Lukashenko đã kêu gọi đóng băng “các hành động thù địch” ở Ukraine.
Ông Lukashenko nói. “Cần phải chấm dứt các hành động thù địch và tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn cấm cả hai bên di chuyển các nhóm quân và chuyển giao vũ khí, đạn dược, nhân lực và thiết bị. Tất cả dừng lại, đóng băng.”
Đáp lại đề xuất của nhà độc tài Lukashenko, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov, cho biết đề xuất của Lukashenko có thể chấp nhận được với điều kiện là Vladimir Putin phải bị bắt giữ giao nộp cho Tòa án Hình sự Quốc tế The Hague.
4. Vương quốc Anh nhận định rằng Nga sẽ vật lộn để thay thế các radar 'Zoopark' bị phá hủy trong các cuộc tấn công
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Will Struggle to Replace 'Zoopark' Radars Obliterated in Strikes: UK”, nghĩa là “Vương quốc Anh nhận định rằng Nga sẽ vật lộn để thay thế các radar 'Zoopark' bị phá hủy trong các cuộc tấn công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Theo tình báo Anh, quân đội Nga có thể chỉ còn lại “số lượng hạn chế” các radar “Zoopark” và có thể gặp khó khăn trong việc tái tạo thêm các hệ thống phản công đóng vai trò quan trọng đối với cả hai bên trong cuộc chiến.
Tuần trước, Bộ Tư lệnh Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã công bố một đoạn video quay cảnh các lực lượng của họ phá hủy hệ thống radar Zoopark-2 của Nga gần khu vực Donetsk. Các hệ thống Zoopark có thể theo dõi nguồn gốc của pháo binh địch để chỉ đạo phản công.
Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết: “Sau khi nó truyền đi tọa độ của vị trí đặt tổ hợp phản pháo, một trong các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ của chúng ta đã bị trúng đạn”.
Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã đánh giá trong bản cập nhật tình báo mới nhất vào hôm thứ Sáu 31 tháng Ba cho biết như sau:
Hôm 23 tháng 3 năm 2023, Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Ukraine đã công bố đoạn phim về một radar phản pháo ZOOPARK-1M của Nga bị phá hủy ở khu vực Donetsk.
Những nỗ lực của cả hai bên nhằm vô hiệu hóa các radar phản pháo của đối phương là một yếu tố thường xuyên của cuộc xung đột. Các hệ thống này tương đối ít về số lượng nhưng là một bội số đáng kể về sức mạnh quân sự. Chúng cho phép các chỉ huy nhanh chóng xác định vị trí và tấn công pháo binh địch.
Tuy nhiên, vì chúng có tín hiệu điện từ hoạt động nên chúng dễ bị phát hiện và tiêu diệt. Nga đã mất ít nhất 6 chiếc ZOOPARK-1M và có khả năng chỉ còn lại một số lượng rất hạn chế ở Ukraine.
Tái tạo các đội radar phản pháo có thể là ưu tiên chính của cả hai bên, nhưng Nga có thể sẽ gặp khó khăn vì các hệ thống này phụ thuộc vào nguồn cung cấp thiết bị điện tử công nghệ cao đã bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt.
Nền kinh tế Nga ban đầu cho thấy một số khả năng phục hồi trước danh sách dài các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt khi bắt đầu chiến tranh, nhưng các lệnh cấm đã hạn chế khả năng của Điện Cẩm Linh trong việc nhanh chóng tái tạo nguồn cung cấp quân sự ngày càng giảm.
Vào tháng 2, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 22 cá nhân và 83 tổ chức, tấn công cụ thể vào “lĩnh vực khai thác và kim loại” ở Nga. Một thông cáo từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết cần phải đưa ra thêm các nỗ lực bổ sung nhằm “cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế quốc tế và cản trở khả năng của Nga trong việc có được vốn, vật liệu, công nghệ và sự hỗ trợ để duy trì cuộc chiến chống lại Ukraine, là cuộc chiến đã giết chết hàng ngàn người và khiến hàng triệu người phải di tản,”
Điện Cẩm Linh đã có thể thoát khỏi một số lệnh trừng phạt, nhờ vào một số đồng minh của mình. Iran chuẩn bị gửi thêm máy bay không người lái Shahed-131 và -136 do nước này sản xuất tới Mạc Tư Khoa sau khi hai nước gặp nhau trong tuần này và máy bay không người lái “kamikaze” do Trung Quốc sản xuất có thể đến Bộ Quốc phòng Nga vào tháng tới.
Có hai biến thể của hệ thống radar Zoopark được quân đội Nga sử dụng. Mạng tích hợp dữ liệu, gọi tắt là ODIN, mô tả Zoopark-1M, ban đầu được phát triển cho quân đội Nga vào năm 1989, là một hệ thống pháo di động có thể phát hiện các nguồn súng cối và lựu pháo, cũng như hỏa tiễn đạn đạo chiến thuật.
Một hệ thống khác, là hệ thống Zoopark-2 có thể phát hiện súng cối, pháo đại bác, hỏa tiễn và các khẩu đội hỏa tiễn chiến thuật, lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1999.
“Zoopark-2 về cơ bản là nhằm giải quyết các vấn đề về độ chính xác với Zoopark-1 thông qua phần các nhu liệu điện toán và phần cứng mới giúp việc khảo sát địa hình hiệu quả hơn,” Jordan Cohen, nhà phân tích chính sách tại Viện Cato, trước đây đã nói với Newsweek qua email.
Tình báo Anh hôm thứ Sáu báo cáo rằng Ukraine đã phá hủy một trong các hệ thống Zoopark-1M của Nga vào tuần trước, Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết trên Twitter rằng họ cũng đã phá hủy một Zoopark-2.
Lực lượng Ukraine đã và đang sử dụng hệ thống radar AN/TPQ-37 “Firefinder” do Mỹ cung cấp cho các cuộc tấn công phản công, một hệ thống được phát triển đầy đủ vào năm 1980, theo ODIN. Điện Cẩm Linh tuần trước tuyên bố rằng các lực lượng của họ đã phá hủy ba trong số các hệ thống này trong khoảng thời gian 24 giờ, khoảng hai ngày trước khi Ukraine thông báo phá hủy một Zoopark-2. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của Nga.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.
5. Lãnh đạo hơn 30 hãng tin yêu cầu Nga thả phóng viên Wall Street Journal
Các nhà lãnh đạo của hơn 30 tổ chức tin tức trên khắp thế giới đã ký một lá thư hôm thứ Năm tới Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, Anatoly Antonov, yêu cầu trả tự do cho phóng viên Wall Street Journal Evan Gershkovich đang bị cầm tù.
“Gershkovich là một nhà báo, không phải gián điệp, và nên được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện,” bức thư do Ủy ban Bảo vệ Nhà báo khởi xướng, được công bố hôm thứ Sáu, cho biết.
Bức thư được ký bởi các nhà lãnh đạo của Associated Press, The New York Times, The Washington Post, BBC, TIME, Euronews, Bloomberg News, Sky News, The New Yorker và The Economist, cùng nhiều người khác.
“Việc bắt giữ vô cớ và bất công Gershkovich là một bước leo thang đáng kể trong các hành động chống báo chí của chính phủ các bạn,” bức thư viết. “Nga đang gửi đi thông điệp rằng hoạt động báo chí trong biên giới của các bạn bị coi là tội phạm và các phóng viên nước ngoài đang tìm cách đưa tin từ Nga không được hưởng những lợi ích của pháp quyền”.
Một đại diện của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo nói với CNN rằng nhóm chưa nhận được phản hồi vào chiều thứ Sáu theo giờ miền Đông Hoa Kỳ.
Gershkovich bị bắt ở Nga vì tình nghi làm gián điệp, theo nhà chức trách Nga, đây là lần đầu tiên một nhà báo Mỹ bị Mạc Tư Khoa giam giữ vì cáo buộc làm gián điệp kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Wall Street Journal cho biết họ “kịch liệt bác bỏ các cáo buộc từ cơ quan mật vụ Nga FSB và tìm cách trả tự do ngay lập tức cho phóng viên đáng tin cậy và tận tụy của chúng tôi.”
Almar Latour, Giám đốc điều hành của Dow Jones, nhà xuất bản của Wall Street Journal, đã lên án việc Nga bắt giữ Gershkovich trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên hôm thứ Năm, nói rằng công ty đang làm việc “suốt ngày đêm” để bảo đảm việc trả tự do cho ông.
“Đây là một sự phát triển cực kỳ đáng lo ngại,” Latour nói trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên mà CNN có được.
6. Nguồn tin tổng thống Pháp. Trung Quốc có thể là quốc gia duy nhất có “tác động thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến ở Ukraine
Với mối quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa, Trung Quốc có thể là một trong những quốc gia duy nhất có thể có “tác động thay đổi cuộc chơi” đối với cuộc chiến ở Ukraine, một nguồn tin từ phủ tổng thống Pháp nói với các nhà báo trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu.
Nguồn tin nói với điều kiện giấu tên, trích dẫn các tiêu chuẩn nghề nghiệp, trước chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Trung Quốc.
“Rõ ràng Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên Trái đất — có thể là quốc gia duy nhất trên thế giới — có tác động 'làm thay đổi cuộc chơi' đối với cuộc xung đột, đối với cả hai bên”.
Theo nguồn tin này, chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của ông Macron sẽ là cơ hội quan trọng để Pháp và Trung Quốc tái kết nối ở cấp cao nhất sau 3 năm Trung Quốc tự phong tỏa do chính sách nghiêm ngặt không có Covid.
Macron sẽ đến Bắc Kinh vào hôm thứ Tư để bắt đầu chuyến thăm, muộn hơn một ngày so với thông báo trước đó, đồng thời sẽ thăm thành phố Quảng Châu phía nam trước khi rời Trung Quốc vào ngày 8/4.
Với các cuộc gặp đã được lên lịch với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường, Macron đặt mục tiêu “tìm một không gian để chúng ta có thể thử các sáng kiến hữu ích cho người dân Ukraine và sau đó tìm cách xác định các giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến này trong trung hạn.
Ông cũng được kỳ vọng sẽ đề cập đến sự hợp tác giữa Liên minh Âu Châu và Trung Quốc, khi Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen sẽ tháp tùng ông trong chuyến thăm.
Von der Leyen sẽ đến Paris vào thứ Hai để gặp Macron và chuẩn bị cho chuyến thăm, theo nguồn tin của Élysée.
7. Belarus tuyên bố sẽ tự bảo vệ mình bằng vũ khí hạt nhân nếu phương Tây xâm lược qua ngã Ba Lan
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cáo buộc phương Tây “chuẩn bị xâm lược” Belarus từ Ba Lan, đồng thời hoan nghênh động thái của Mạc Tư Khoa đặt các đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus, nói rằng vũ khí này cần thiết để bảo vệ đất nước ông.
Trong một bài phát biểu trước quốc gia hôm thứ Sáu, Lukashenko cho biết ông đã tăng cường đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc triển khai cả vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược - mạnh hơn - để đối phó với các mối đe dọa từ các đồng minh phương Tây của Ukraine, những người mà ông tuyên bố đang lên kế hoạch đảo chính chống lại ông.
“Nếu cần thiết, không chỉ vũ khí hạt nhân chiến thuật mà cả vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ được đưa vào Belarus,” ông được truyền thông nhà nước BELGA trích dẫn trong những bình luận đầu tiên kể từ khi Putin công bố kế hoạch hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ đặc biệt cho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào đầu tháng Bảy.
Ông xác nhận rằng Mạc Tư Khoa đã chuyển giao hệ thống hỏa tiễn tầm ngắn Iskander, một thiết bị có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, cho Belarus.
“Máy bay chuyển đổi của chúng ta cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân. Các bạn đã nghe từ Tổng thống Nga về các kế hoạch chung để tạo ra cơ sở hạ tầng phù hợp trên lãnh thổ Belarus. Tôi chỉ muốn làm rõ. toàn bộ cơ sở hạ tầng đã được tạo ra và sẵn sàng,” ông nói.
Lukashenko nhấn mạnh rằng Minsk và Mạc Tư Khoa sẽ thực hiện “mọi nỗ lực và sử dụng các phương tiện để bảo đảm chủ quyền và độc lập của họ,” chống lại Ba Lan và các nước láng giềng phương Tây “sốt sắng” mà ông cáo buộc đã xây dựng “sự hình thành của một số trung đoàn, biểu ngữ, quân đoàn” cho một “cuộc đảo chính tiếp theo ở Belarus.”
“Đồng thời, việc chuyển quân của NATO sang phía đông đang diễn ra với tốc độ nhanh. Chỉ riêng nhóm của khối ở Ba Lan và các nước Baltic ngày nay đã có hơn 21.000 quân nhân, 250 xe tăng, gần 500 xe bọc thép, khoảng 150 máy bay và trực thăng. Và toàn bộ các đơn vị này đang huấn luyện một cách thách thức gần biên giới Belarus và Nga. Câu hỏi giống nhau: tại sao?” nhà độc tài nói.
Đáp lại, quân đội Belarus đã được chỉ thị “khôi phục ngay lập tức các địa điểm” ở Belarus, nơi trước đây đã đặt các hệ thống hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa với đầu đạn hạt nhân. Nếu cần, tôi và Putin sẽ quyết định và giới thiệu vũ khí hạt nhân chiến lược tại đây. Và họ phải hiểu điều này, những người đang cố gắng thổi bay chúng ta ra nước ngoài ngày nay từ bên trong và bên ngoài. Chúng ta sẽ không dừng lại, bảo vệ các quốc gia, các thành phố của chúng ta và người dân của chúng ta”, nhà lãnh đạo Belarus nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông “tin tưởng rằng những biện pháp này” sẽ ngăn chặn “những kẻ diều hâu ở nước ngoài và các vệ tinh của chúng trong một thời gian dài”.
8. Lukashenko cảnh báo phương Tây về hậu quả của việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giả định ở Ukraine
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko kêu gọi đóng băng “các hành động thù địch” ở Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng Nga sẽ phải sử dụng toàn bộ lực lượng quân sự của mình nếu phương Tây cố gắng sử dụng thời gian tạm dừng chiến tranh do ông ta đề xuất để xâm phạm lãnh thổ của nước này.
“Cần phải chấm dứt các hành động thù địch và tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn cấm cả hai bên di chuyển các nhóm quân và chuyển giao vũ khí, đạn dược, nhân lực và thiết bị, Lukashenko nói trong một bài phát biểu trước toàn quốc hôm thứ Sáu. “Tất cả dừng lại, đóng băng.”
Nhưng ông cảnh báo Mạc Tư Khoa sẽ có nghĩa vụ sử dụng “toàn bộ sức mạnh của tổ hợp công nghiệp quân sự và quân đội để ngăn chặn sự leo thang của cuộc xung đột – đạn phốt pho, uranium không nghèo và uranium làm giàu – mọi thứ phải hành động nếu có sự lừa dối và ngay cả những chuyển động nhỏ nhất qua biên giới Ukraine cũng bị chú ý.”
Lukashenko là đồng minh chủ chốt của Tổng thống Nga Vladimir Putin và những bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, với việc Nga tập trung quân dọc biên giới Belarus-Ukraine trong những tuần gần đây.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã bày tỏ lo ngại về khả năng leo thang hơn nữa trong cuộc xung đột.
9. Các lực lượng vũ trang Nga cho biết họ không có kế hoạch huy động đợt thứ hai
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho rằng các lực lượng vũ trang của Nga không có kế hoạch cho đợt huy động thứ hai và một cuộc tuyển quân sắp tới là một phần của chương trình nhập ngũ thông thường.
“Tôi muốn bảo đảm với tất cả các bạn rằng các kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu không bao gồm đợt huy động thứ hai”
Ông nói thêm rằng Bộ Quốc phòng có “đủ” binh sĩ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao và những người lính nghĩa vụ sẽ chỉ được gửi đến các điểm triển khai thường trực ở Nga.
Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên bắt buộc nam giới thực hiện nghĩa vụ quân sự hai lần mỗi năm, vào mùa xuân và mùa thu.
Nghĩa vụ quân sự liên quan đến việc lựa chọn và nhập ngũ của nam thanh niên vào quân đội, trong khi động viên đề cập đến quá trình gọi quân dự bị và các quân nhân khác trên quy mô lớn hơn trong trường hợp khẩn cấp hoặc chiến tranh.
Theo một tài liệu chính thức được chính phủ công bố, lệnh nhập ngũ mùa xuân đã được Vladimir Putin ký có hiệu lực vào thứ Năm, sẽ áp dụng cho 147.000 công dân trong độ tuổi 18 đến 27 và sẽ diễn ra từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7.
Điện Cẩm Linh đã liên tục bác bỏ những tin đồn về khả năng xảy ra làn sóng huy động thứ hai ở Nga.
10. Điện Cẩm Linh cho biết các nhà báo nước ngoài được công nhận có thể tiếp tục làm việc tại Nga
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Sáu, sau vụ bắt giữ Evan Gershkovich, phóng viên của tờ Wall Street Journal, các nhà báo nước ngoài được công nhận có thể tiếp tục làm việc tại Nga.
Bình luận của ông ta được đưa ra để trả lời câu hỏi liên quan đến một bài báo hôm thứ Năm từ Ban biên tập của Wall Street Journal, trong đó nói. “Chính quyền Biden sẽ phải xem xét leo thang chính trị và ngoại giao.”
“Trục xuất đại sứ Nga tại Mỹ, cũng như tất cả các nhà báo Nga làm việc tại đây, sẽ là điều tối thiểu có thể xảy ra. Nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ Hoa Kỳ là bảo vệ công dân của mình và hiện nay có quá nhiều chính phủ tin rằng họ có thể bắt giữ và bỏ tù người Mỹ mà không bị trừng phạt,” bài báo viết.
Peskov được hỏi “khả năng” là các nhà báo Nga và đại sứ Nga sẽ bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ như thế nào.
“Tất cả các nhà báo nước ngoài có giấy phép hợp lệ ở đây đều có thể và tiếp tục các hoạt động báo chí của họ ở đất nước chúng tôi. Họ không gặp phải bất kỳ hạn chế nào và hoạt động tốt,” Peskov trả lời.
“Trong trường hợp này, chúng ta đang nói về hoạt động gián điệp dưới chiêu bài hoạt động báo chí. Vì nhà báo này đã bị bắt quả tang nên tình huống này là hiển nhiên”, ông nói thêm.
Wall Street Journal đã dứt khoát bác bỏ những cáo buộc đó, nói trong một tuyên bố hôm thứ Năm rằng họ “kịch liệt phủ nhận các cáo buộc từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, và tìm cách trả tự do ngay lập tức cho phóng viên đáng tin cậy và tận tụy của chúng ta.”
Peskov nói tiếp. “Về vấn đề này, yêu cầu trục xuất tất cả các nhà báo Nga... Chà, tờ báo có thể làm được, nhưng không nên như vậy. Đơn giản là không có lý do gì cho việc này. Nếu có vi phạm pháp luật, vượt quá phạm vi hoạt động mà pháp luật quy định thì có. Nhưng sẽ là vô lý và sai trái nếu hạn chế quyền của các nhà báo có lương tâm.”
Peskov một lần nữa nhắc lại rằng ông ta không thể mở rộng lời buộc tội “bị bắt quả tang” của mình, nói rằng. “Chúng tôi không có thông tin chi tiết, nó được bảo mật. FSB đang giải quyết việc này.”
Tòa Bạch Ốc đã gọi cáo buộc gián điệp của Nga là “lố bịch” và “trơ trẽn”.
11. Nga coi Mỹ là mối đe dọa an ninh chính trong học thuyết chính sách đối ngoại mới
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu đã ký một sắc lệnh về một phiên bản mới của Khái niệm chính sách đối ngoại của Nga, trong đó liệt kê Mỹ là mối đe dọa an ninh chính đối với Nga và “sự phát triển công bằng của nhân loại”.
“Mạc Tư Khoa coi đường lối của Washington là nguồn rủi ro chính đối với an ninh của chính họ và quốc tế, vì hòa bình và sự phát triển công bằng của nhân loại nói chung,” tài liệu viết.
“Khái niệm mới về chính sách đối ngoại cung cấp khả năng thực hiện các biện pháp đối xứng và bất đối xứng nhằm đáp trả các hành động không thân thiện chống lại Liên bang Nga”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết sau khi trình bày học thuyết cập nhật với Tổng thống Putin.
Tài liệu dài 42 trang phác thảo các mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Mạc Tư Khoa, trong đó có việc tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh và loại bỏ sự thống trị của Mỹ trong các vấn đề thế giới.
Tài liệu không đề cập trực tiếp đến Ukraine ngay cả khi Nga tiếp tục cuộc xâm lược toàn diện vào nước này, nhưng có nói rằng “Mạc Tư Khoa đang đẩy mạnh quá trình ghi danh trong khuôn khổ luật pháp quốc tế về biên giới quốc gia và quyền tài phán đối với các vùng lãnh thổ của mình.”
“Mục tiêu chính ở nước ngoài gần đây là biến khu vực thành một khu vực hòa bình, láng giềng tốt và thịnh vượng”.
Theo tài liệu, Mạc Tư Khoa cũng nhận thấy “nguy cơ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột liên quan đến các nước lớn, cũng như sự leo thang của họ thành một cuộc chiến tranh cục bộ hoặc toàn cầu. Yếu tố sức mạnh ngày càng quyết định quan hệ giữa các quốc gia”.
Nga cũng sẽ tập trung vào việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc cũng như tăng cường hợp tác với các nước Mỹ Latinh.
Moscow tìm cách lôi kéo Đức Giáo Hoàng vào cuộc tranh chấp Tu Viện Hang Động Lavra. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk
VietCatholic Media
05:10 02/04/2023
1. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk về phản ứng của chính quyền đối với ý định của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương muốn cầu nguyện ở Nhà thờ Đức Mẹ Yên Giấc Lavra
Chính quyền đã phản ứng rất ngoại giao đối với việc Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương muốn cử hành thánh lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Yên Giấc trong Tu Viện Hang Động Lavra. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết như trên trong một chương trình truyền hình của United News.
“Phản ứng của chính quyền rất ngoại giao. Mọi người đều chăm chú lắng nghe, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phản hồi nào”, vị Tổng Giám Mục nói.
“Điều rất quan trọng là chính quyền đã công nhận Tu Viện Hang Động Lavra có liên quan về mặt lịch sử với Giáo Hội của chúng ta. Bức tranh tuyệt đẹp của Đức Trinh Nữ Maria Pochayiv được đội vương miện của Đức Giáo Hoàng. Và năm nay đánh dấu kỷ niệm ngày đăng quang này. Do đó, những người Công Giáo Đông phương cũng nên có vị trí của họ ở đó cùng với những người anh em Chính thống giáo của họ.”
Trước đó, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav đã tuyên bố rằng Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương không yêu cầu tài sản của Pochayiv Lavra nhưng muốn có thể cầu nguyện ở đó, vì Pochayiv Lavra có mối quan hệ lịch sử với Giáo Hội.
Source:UGCC
2. Mạc Tư Khoa tìm cách lôi kéo Đức Giáo Hoàng vào cuộc tranh chấp ở Tu Viện Hang Động Lavra
Trong bản tin đánh đi hôm 28 tháng Ba, thông tấn xã TASS của Nga cho rằng: “Tòa thánh theo đuổi quan điểm cho rằng nhà cầm quyền không nên can thiệp vào đời sống của các tổ chức tôn giáo và Đức Thánh Cha Phanxicô đang theo dõi sự phát triển của tình hình với mối quan tâm đối với việc trục xuất các tu sĩ khỏi tu viện Kyiv-Pechersk Lavra.”
Thông tấn xã TASS của Nga đã cho biết như trên, trích dẫn lời của một “nguồn tin ở Vatican” không xác định là ai đã nói với một phóng viên. “Đức Thánh Cha Phanxicô đang theo dõi sự phát triển của các sự kiện với sự quan tâm và lo lắng lớn. Ngài đã công khai bày tỏ sự không đồng tình với các hành động nhắm vào các tu viện và linh mục”, nguồn tin ẩn danh cho biết.
Vào ngày 10 tháng 3, ban quản lý khu phức hợp Kyiv-Pechersk Lavra đã thông báo chấm dứt hợp đồng thuê Tu Viện Hang Động Lavra đối với Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và các nam tu sĩ phải rời tu viện trước ngày 29 tháng 3.
Tổng Giám Mục Pavel, của UOC, có trụ sở ở Tu Viện Hang Động Lavra, gọi những hành động này là bất hợp pháp và tuyên bố sẽ cấm các anh em của ông rời khỏi tu viện. Vào ngày 20 tháng 3, các thành viên của Thượng hội đồng của UOC, do Đức Tổng Giám Mục Onufry, dẫn đầu, đã đứng trước văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy để yêu cầu được tiếp để làm rõ quan điểm của họ, nhưng ông từ chối gặp họ. Vào ngày 23 tháng 3, Thượng hội đồng của UOC đã công bố lời kêu gọi tới các nhà lãnh đạo cao nhất,
Thượng phụ Mạc Tư Khoa và toàn nước Nga Kirill cũng đã phát biểu trước các nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống địa phương, Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác cũng như đại diện của các tổ chức quốc tế với các thông điệp kêu gọi họ “thực hiện mọi nỗ lực có thể” để ngăn chặn việc trục xuất các tu sĩ UOC khỏi Kyiv-Pechersk Lavra và buộc phải đóng cửa tu viện.
Liên quan đến lời của Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi không can thiệp vào công việc nội bộ của Giáo hội Chính thống Nga
Vào ngày 15 tháng 3, trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư theo thông lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô, khi bình luận về tình hình liên quan đến Tu Viện Hang Động Lavra, và đáp ứng yêu cầu của Thượng phụ Kirill, đã can thiệp bằng cách nói: “Tôi đang nghĩ đến các nữ tu Chính thống giáo của Kyiv Lavra: Tôi yêu cầu các bên trong chiến tranh tôn trọng các địa điểm tôn giáo. Các nữ tu thánh hiến, những người tận hiến cho việc cầu nguyện – dù họ thuộc bất kỳ giáo phái nào – đều ủng hộ dân Chúa”.
Đó là một sự can thiệp bất ngờ và đáng ngạc nhiên vì trước hết Đức Thánh Cha nói đến các “nữ tu” của Đan viện khi mọi người đều biết rõ những người bị trục xuất là các nam tu sĩ, ở đó chẳng có “nữ tu” nào cả.
Source:Sismografo