Ngày 08-12-2013
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói về tình trạng sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
Đặng Tự Do
00:31 08/12/2013
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 “vẫn minh mẫn và thỉnh thoảng vẫn tiếp khách”, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đã cho biết như trên hôm thứ Bẩy 7 tháng 12.

Đức Cha Georg Gänswein đóng một vai trò rất đặc biệt. Ngài hợp tác chặt chẽ với cả hai vị Giáo Hoàng. Ngài là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, và đồng thời là thư ký riêng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và sống chung với ngài tại tu viện Mater Ecclesiae. Đức Cha là một trong rất ít người có cơ hội tiếp xúc với cả hai vị hàng ngày.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein cho biết:

"Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 có tiếp khách. Tuy nhiên, với một số lượng lành mạnh, nghĩa là không quá nhiều. Việc tiếp khách là niềm vui của ngài, và không phải là một gánh nặng. "

Cụ thể nhất là sau lễ Giáng Sinh, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ tiếp một vị khách đặc biệt là Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh của ngài.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói thêm:

"Bào huynh của ngài sẽ đến sau lễ Giáng sinh, và sẽ ở đây cho đến cuối tháng Giêng năm tới. Chúng tôi biết Đức Ông sẽ mừng sinh nhật thứ 90 vào tháng Giêng, và Đức Ông sẽ ở đây với chúng tôi."

Đức Cha Georg Gänswein cũng cho biết Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 có sức khỏe tốt và tinh thần vẫn sáng suốt.

"Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 khoẻ mạnh. Dù lớn tuổi, nhưng ngài có một tinh thần minh mẫn, rất sáng suốt. Mùa Vọng đối với người Đức là rất đẹp vì chúng tôi có lòng sùng kính đặc biệt, rất rõ ràng biến cố này và điều này cũng áp dụng với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16."

Ngày 27 tháng Tư năm tới, 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phong thánh cho Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 sẽ hiện diện trong buổi lễ hay không, Đức Cha Georg Gänswein nói khả năng ấy có thể xảy ra.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã phong Chân Phước cho vị tiền nhiệm của ngài ngày 1 tháng Năm năm 2011.
 
50 ngàn tín hữu đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 8-12-2013
Lm. Trần Đức Anh OP
12:53 08/12/2013
VATICAN. ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 8-12-2013 với 50 ngàn tín hữu và đến cầu nguyện trước cột đài Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội ở Roma.

Theo lịch chung của Giáo Hội hoàn vũ, 8-12-2013 là Chúa Nhật thứ 2 mùa vọng, nên lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm được dời sang ngày thứ hai hôm sau, 9-12. Nhưng Bộ Phụng Tự đã đặc biệt cho phép tất cả các giáo phận tại Italia được mừng kính Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm vào ngày Chúa Nhật 8-12 này.

Bài huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa mầu nhiệm Đức Mẹ được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, dựa trên bài Tin Mừng của ngày lễ. Ngài nói:

Anh chị em thân mền, chào Anh Chị em!

Chúa Nhật thứ hai mùa vọng này, trùng vào lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và vì thế, cái nhìn của chúng ta bị thu hút vì vẻ đẹp của Mẹ Chúa Giêsu, là Mẹ chúng ta! Giáo Hội rất vui mừng chiêm ngắm Mẹ là ”Người đầy ơn phúc” (Lc 1,28), và khi bắt đầu bằng những lời này, tất cả chúng ta hãy kinh chào Mẹ: ”Đầy ơn phúc”. Chúng ta hãy nói ba lần: ”Đầy ơn phúc!”. Tất cả: ”Đầy ơn phúc... Thiên Chúa đã nhìn Mẹ ngay từ lúc đầu tiên trong kế hoạch yêu thương của Chúa. Mẹ Maria nâng đỡ chúng ta trong hành trình hướng về Lễ Giáng Sinh, vì Mẹ dạy chúng ta cách sống Mùa Vọng này trong sự chờ đợi Chúa.

Tin Mừng theo thánh Luca trình bày cho chúng ta một thiếu nữ ở thành Nazareth, một thị trấn nhỏ bé của miền Galilea, ở vùng biên cương của đế quốc Roma và ở ngoài lề của Israel. Vậy mà Mẹ đã được Thiên Chúa đoái nhìn đến, đã chọn Mẹ làm mẹ của Chúa. Do chức phận làm mẹ ấy, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mắc tội tổ tông truyền, nghĩa là khỏi sự rạn nứt trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với thiên nhiên, vốn làm thương tổn sâu xa cho mỗi người. Nhưng sự rạn nứt ấy đã được chữa lành trước nơi Mẹ của Đấng đã đến để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội đã được ghi trong kế hoạch của Thiên Chúa; là kết quả của tình yêu Thiên Chúa Đấng cứu độ thế giới.

Và Đức Mẹ không bao giờ xa lìa tình yêu ấy; trọn cuộc sống, trọn con người của Mẹ là một lời ”xin vâng” đối với Thiên Chúa. Nhưng thực ra điều ấy không dễ dàng đối với Mẹ! Khi Sứ thần gọi Mẹ là “Người đầy ơn phúc” (Lc 1,28), Mẹ rất ”sao xuyến”, vì trong sự khiêm hạ, Mẹ cảm thấy mình không là gì cả trước Thiên Chúa. Sứ thần Chúa trấn an Mẹ: ”Hỡi Maria, xin đừng sợ, vì Trinh Nữ đã được ân phúc nơi Thiên Chúa. Và này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai một con trai.. và sẽ gọi Người là Giêsu” (v.30). Lời loan báo này càng làm cho Mẹ Maria giao động hơn nữa, vì Mẹ chưa thành hôn với Giuse; nhưng Sứ thần nói thêm: ”Thánh Linh sẽ ngự xuống trên Trinh Nữ.. vì thế hài nhi sinh ra sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa” (v.35). Mẹ Maria lắng nghe, trong tâm hồn vâng phục và thưa lại: ”Này tôi là nữ tỳ Chúa: xin xảy đến cho tôi theo lời ngài” (v.38).

”Mầu nhiệm về thiếu nữ thành Nazareth ấy là người ở trong con tim của Thiên Chúa, không phải là điều xa lạ đối với chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa yêu thương đoái nhìn mỗi người nam nữ! Thánh Phaolô Tông đồ quả quyết rằng Thiên Chúa ”đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ để chúng ta được nên thánh thiện và không tỳ ố” (Ep 1,4). Cả chúng ta, từ đời đời, đã được Thiên Chúa chọn để sống một cuộc đời thánh thiện, được giải thoát khỏi tội lỗi. Đó là một dự phóng yêu thương mà Thiên Chúa lập lại mỗi khi chúng ta đến cùng Ngài, nhất là qua các bí tích.

Vì thế, trong đại lễ này, khi chiêm ngắm Đức Mẹ vô nhiễm của chúng ta, chúng ta cũng nhìn nhận vận mệnh đích thực nhất của chúng ta, ơn gọi sâu xa nhất của chúng ta, đó là: được yêu mến, được tình thương biến đổi. Chúng ta hãy nhìn Mẹ, và để cho Mẹ nhìn ngắm chúng ta; để học cách trở nên khiêm nhường hơn, can đảm hơn trong việc sống theo Lời Chúa; để đón nhận vòng tay dịu dàng của Chúa Giêsu, Con của Người, vòng tay ban cho chúng ta sự sống, hy vọng và an bình.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC chào thăm mọi người, ngài nêu tên nhiều phái đoàn ở Italia, và nói thêm rằng:

”Chúng ta hiệp ý với Giáo Hội sinh sống ở Bắc Mỹ, ngày hôm nay đang kỷ niệm 350 năm thành lập giáo xứ đầu tiên, đó là Giáo Xứ Đức Bà Québec. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hành trình đã trải qua từ đó, nhất là các vị thánh và các vị tử đạo đã làm cho những lãnh thổ ấy được phong phú. Tôi thành tâm chúc lành cho tất cả các tín hữu đang cử hành lễ kỷ niệm này.”

ĐTC đặc biệt chào thăm các thành viên Phong trào Công Giáo tiến hành Italia, hôm nay lập lại quyết tâm gắn bó theo Phong trào. Ngài cầu chúc họ mọi sự tốt lành cho nỗ lực dấn thân huấn luyện và làm tông đồ.
Đức Thánh Cha cũng loan báo chương trình hoạt động ban chiều của ngài với mục đích cầu nguyện dưới chân tượng đài Đức Mẹ Vô nhiễm, như một hành vi sùng mộ con thảo đối với Đức Mẹ Maria, để phó thác cho Mẹ thành Roma, Giáo Hội và toàn thể nhân loại.

Kính viếng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm

Và thực vậy, lúc 4 giờ chiều cùng ngày 8-12-2013, tiếp nối một truyền thống từ lâu đời, ĐTC Phanxicô đã đến đặt vòng hoa tôn kính và cầu nguyện trước cột đài Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Quảng trường Tây Ban Nha và trước trụ sở của Bộ truyền giáo. Cột đài này được Đức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9 khánh thành ngày 8-9 năm 1857, tức là 3 năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cột cao 11,81 mét trên đó có tượng Đức Mẹ đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.

Khi ĐTC tiến vào con đường Condotti, đã có đông đảo các tín hữu chờ hai bên đường để chào đón ngài. Ngài đừng lại trước Nhà thờ Chúa Ba Ngôi của các cha dòng Đa Minh người Tây Ban Nha, để nhận sự chào đón của Hiệp hội các thương gia tại khu vực có những cửa tiệm nổi tiếng nhất của thành Roma.

Tại Quảng trường Tây Ban Nha, ĐTC đã được ĐHY Vallini, Giám quản Roma và ông đô trưởng Roma, Ignazio Marino, và ông chủ tịch miền Lazio, Nicola Zingaretti đón tiếp. Đặc biệt tại đây có sự hiện diện của 150 anh chị em bệnh nhân ngồi trên xe lăn, do tổ chức từ thiện Unitalsi giúp đưa từ đảo Sardegna tới đây, cùng với hàng ngàn tín hữu. Ngoài ra cũng có sự hiện diện của ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và hai vị TGM Tổng thư ký của Bộ là Savio Hàn Đại Huy và Protase Rugambwa.

Sau lời nguyện mở đầu và đoạn sách Tông Đồ công vụ (12,1-6a), ĐTC đã đọc kinh nguyện dâng lên Mẹ Thiên Chúa:

”Lạy Đức Trinh Nữ thánh và vô nhiễm, với lòng tín thác và yêu mến, chúng con hướng về Mẹ, Mẹ là vinh dự của dân tộc chúng con và là người ân cần bảo vệ thành thị của chúng con.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Đấng tuyệt đẹp, chẳng có tội lỗi nơi Mẹ. Xin khơi dậy trong chúng con được một ước muốn mới được nên thánh: xin cho ánh quang chân lý rạng ngời trong lời nói của chúng con, cho bài ca bác ái vang dội trong các hoạt động của chúng con, và sự tinh tuyền và khiết tịnh ngự trị trong thân xác và tâm hồn chúng con, cho trọn vẹn vẻ đẹp của Tin Mừng hiện diện trong đời sống chúng con.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Đấng tuyệt đẹp! Lời của Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong Mẹ.

Xin làm cho chúng con đừng đánh mất ý nghĩa hành trình trần thế của chúng con: xin cho ánh sáng dịu dàng của đức tin chiếu sáng những ngày đời của chúng con, cho sức mạnh an ủi của hy vọng hướng dẫn bước chân của chúng con, cho sức nóng lan tỏa của tình yêu linh hoạt con tim của chúng con, cho mắt của tất cả chúng con hướng nhìn về nơi Thiên Chúa, nơi có niềm vui đích thực.

Lạy Mẹ Maria là Đấng tuyệt đẹp, xin lắng nghe lời nguyện của chúng con, nghe lời khẩn cầu của chúng con: xin Mẹ là vẻ đẹp của tình yêu thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu trong chúng con, xin Mẹ là vẻ đẹp thần linh đến cứu thoát chúng con, thành thị của chúng con và toàn thế giới. Amen

Rồi ĐTC đã dâng vòng hoa tôn kính Đức Mẹ, trong khi cộng đoàn hát kinh cầu Đức Bà, rồi bài ca Ave Maria, trước khi ngài ban phép lành cho mọi người. Ngài chào thăm một số bệnh nhân ngồi trên xe lăn.

Rời đài Đức Mẹ, trên đường về, ĐTC còn đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của Dân Roma. Thói quen này đã được Đức Gioan 23 khởi sự, rồi được Đức Gioan Phaolô 2 tiếp nối cho đến năm 1995, rồi Đức Giáo Hoàng Biển Đức năm 2006.

Đối với ĐTC Phanxicô, ngài đến kính viếng và cầu nguyện trước Ảnh Đức Mẹ tại đây ngay sáng hôm 14-3-2013 sau khi được bầu làm Giáo Hoàng.
 
Nhận định của Vatican về lời Đức Giáo Hoàng nói về lạm dụng tình dục
Vũ Văn An
17:51 08/12/2013
Theo bản tin Zenit ngày 3 tháng Mười Hai, phát ngôn viên Tòa Thánh là cha Thomas Rosica đã viết tuyên bố sau với giám đốc phòng báo chí Vatican, Cha Federico Lombardi, để trả lời một số người thắc mắc về lời Đức GH Phanxicô nói về việc lạm dụng tình dục trong cuộc gặp gỡ các giám mục Hòa Lan ngày 2 tháng Mười Hai vừa qua. Sau đây là nguyên văn bản tuyên bố:

Hôm qua, Đức GH Phanxicô đã gặp các giám mục Hòa Lan trong một buổi yết kiến riêng lâu 90 phút tại thư viện của Phủ Giáo Hoàng trong Tông Điện. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong tinh thần cởi mở, thân ái, huynh đệ bao gồm việc đàm đạo, đặt câu hỏi và trả lời. Lúc kết thúc, Đức Giáo Hoàng đã trao cho các giám mục một bài diễn văn đã in sẵn trong đó chắc chắn có chứa một số tư tưởng đã được trao đổi giữa các giám mục trong cuộc gặp gỡ lâu dài và riêng tư với Đức Giáo Hoàng.

Mục đích của bài diễn văn soạn sẵn nhằm cho thấy sự hiểu biết sâu xa của Đức Giáo Hoàng đối với tình hình mục vụ đang diễn ra tại Hoà Lan trong lúc này. Bản văn này để làm hồ sơ lưu giữ công khai cho Giáo Hội tại một quốc gia đặc thù. Mục tiêu của cuộc đàm đạo lâu dài, huynh đệ là để phát huy tình huynh đệ, tình hợp đoàn, sự cởi mở và tín thác giữa các giám mục với nhau. Nhiều giám mục Hòa Lan, sau cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng, đã cho biết các ngài được tăng cường, khuyến khích, thêm can đảm, được an ủi và thách thức trong thừa tác vụ của mình. Các ngài nói tới tình huynh đệ sâu xa và hiểu biết lẫn nhau giữa các ngài và Đức Giáo Hoàng.

Trong các vấn đề đang đối diện với Giáo Hội Hòa Lan có cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục hết sức trầm trọng tại quốc gia này. Trong một đoạn của bản văn in sẵn trao cho các giám mục Hòa Lan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Một cách hết sức đặc biệt, tôi muốn bày tỏ lòng cảm thương của tôi và hứa chắc sẽ cầu nguyện cho mỗi nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục và gia đình họ. Tôi xin chư huynh tiếp tục hỗ trợ họ trong hành trình hàn gắn đầy đau đớn của họ, hành trình mà họ đã can đảm lên đường".

Cho rằng đây là lần đầu Đức Giáo Hoàng đề cập tới cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục là điều không đúng. Chúng ta đã thấy Đức Giáo Hoàng tiếp xúc tự do và cởi mở ra sao với người ta, lên tiếng một cách cởi mở và can đảm và không hề sợ phải nói tới những vấn đề hết sức khó khăn cũng như các vấn đề của thời ta như thế nào. Một số các vấn đề này được bàn tới dưới thể thức công khai như trong các bài diễn văn “Ad Limina”, các văn kiện, các thư từ công khai. Tuy nhiên, phần lớn các vấn đề này được xử lý trong muôn vàn khung cảnh mục vụ và các cuộc gặp gỡ với các vị đứng đầu các bộ trong Giáo Triều, các giám mục và các Hồng Y, là những người có trách nhiệm giải quyết các vấn đề lạm dụng tình dục đầy đau lòng khắp trên thế giới, và với các cá nhân từng chịu tác hại sâu xa bởi cuộc khủng hoảng này.

Ngay từ những ngày đầu của triều giáo hoàng của ngài hồi tháng Ba, Đức Phanxicô đã rõ ràng theo đường lối của vị tiền nhiệm của ngài là Đức GH Bênêđíctô XVI trong việc trực diện đương đầu với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, tiếp xúc với các nạn nhân, đề nghị cách chữa lành cho họ, làm dễ các đáp ứng của Tòa Thánh đối với cuộc khủng hoảng qua cơ quan chuyên biệt là Bộ Giáo Lý Đức Tin. Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn toàn ý thức được ưu tiên cao của Đức GH Bênêđíctô trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, và ngài cũng đã biến ưu tiên đó thành của ngài.

Khi Đức Giáo Hoàng và toàn thể Giáo Hội đang tiếp tục giải đáp cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, chữa lành các nạn nhân, xử lý người phạm tội, đưa ra các biện pháp hợp động (proactive) và các môi trường lành mạnh để che chở và bảo vệ các vị thành niên và mọi người yếu thế, điều cần thiết là những ai tường thuật các câu truyện như thế không nên rơi vào phương pháp “nằm chờ”, chỉ đơn giản tính toán những câu minh nhiên nhắc tới cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục hay bất cứ vấn đề chính nào khác. Điều cũng quan trọng không kém là đánh giá sự thay đổi lớn lao đang diễn ra cả ở hạ tầng lẫn ở các bình diện cao nhất của Giáo Hội trong việc giải quyết sự ác, các hành động phạm pháp lạm dụng tình dục đã xẩy ra. Sa vào thế nằm chờ Đức Giáo Hoàng nói điều gì đó hay chỉ cung cấp các danh sách và các lời nói minh nhiên, mà không xem sét rất nhiều cách Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong tư cách mục tử của Giáo Hội hoàn vũ, xử lý với thực tại, và đem lại sự thay đổi về não trạng và tác phong, là không xử lý công bằng vấn đề này, và do đó, nhiều vấn đề chủ yếu khác mà Giáo Hội đang phải đương đầu ngày nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một mục tử phi thường hết sức lưu tâm tới các hoàn cảnh sống của người ta khắp trên thế giới. Trong 9 tháng qua, cả thế giới đã tận mắt chứng kiến sự quan tâm của ngài đối với những người đau khổ bất cứ cách nào. Trong số các ưu tiên của ngài, cao nhất chắc chắn là những người phải chịu lạm dụng tình dục trong đời họ. Ngài sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này một cách rõ ràng, trong sáng, cương quyết, công bình, có định hướng và đầy cảm thương.

Bài diễn văn in sẵn của Đức Phanxicô

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn in sẵn được Đức Phanxicô đích thân trao cho các giám mục Hòa Lan cuối buổi tiếp kiến riêng các ngài vào ngày 2 tháng Mười Hai qua:

Chư huynh qúy yêu trong hàng giám mục

Trong những ngày chư huynh thực hiện chuyến Viếng Mộ Các Tông Đồ này, tôi chào kính từng mỗi chư huynh một cách âu yếm trong Chúa và bảo đảm với chư huynh lời cầu nguyện của tôi để cuộc hành hương này được dồi dào ơn thánh và đầy hoa trái đối với Giáo Hội tại Hòa Lan. Thưa Đức Hồng Y Willem Jacobus Eijk, xin cám ơn Đức Hồng Y về những lời Đức Hồng Y thưa với tôi nhân danh mọi người!

Xin cho phép tôi trước nhất được bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với việc phục vụ Chúa Kitô và Tin Mừng mà chư huynh chu toàn đối với những người được ủy thác cho chư huynh, đôi khi trong những hoàn cảnh gay go. Không dễ gì duy trì được lòng hy vọng trong những khó khăn chư huynh đang đối diện! Việc thi hành có tính hợp đoàn thừa tác vụ giám mục của chư huynh, trong hiệp thông với Giám Mục Rôma, là điều cần thiết làm cho lòng hy vọng này lớn lên, trong đối thoại thực sự và hợp tác hữu hiệu. Sẽ là điều tốt đẹp cho chư huynh khi tin tưởng nhìn vào các dấu hiệu sinh động đang tự tỏ hiện trong các cộng đồng Kitô hữu của các giáo phận của chư huynh. Chúng là các dấu hiệu cho thấy sự hiện diện đầy hoạt động của Chúa giữa mọi người nam nữ của đất nước chư huynh, đang mong đợi các chứng tá hy vọng chân chính xuất phát từ Chúa Kitô làm cho chư huynh sống.

Với một lòng kiên nhẫn mẫu thân, Giáo Hội tiếp tục các cố gắng của mình nhằm đáp ứng các lo âu của nhiều người nam nữ đang kinh qua khổ não và thất vọng trước tương lai. Với các linh mục của chư huynh, những cộng tác viên trực tiếp của chư huynh, chư huynh muốn gần gũi những người đang đau khổ vì sự trống rỗng tâm linh và đang đi tìm ý nghĩa cho đời họ, dù họ không luôn biết cách phát biểu nó ra. Ta nên đồng hành với họ ra sao trong việc tìm kiếm này, nếu không là lắng nghe họ để chia sẻ với họ niềm hy vọng, niềm vui, khả năng tiến lên phía trước mà chính Chúa Kitô đã ban cho ta?

Đó là lý do khiến Giáo Hội tìm cách đề xuất đức tin một cách chân chính, dễ hiểu và trong tinh thần mục vụ. Năm Đức Tin là dịp vui để biểu lộ cách nội dung đức tin vươn tới mọi người ra sao. Nền nhân học Kitô Giáo và học thuyết xã hội của Giáo Hội là một phần trong gia tài kinh nghiệm và tình người trên đó nền văn minh Âu Châu đã đặt nền tảng và chúng có thể giúp ta tái khẳng định một cách cụ thể tính ưu việt của con người trên kỹ thuật và cơ cấu. Và tính ưu việt của con người này giả thiết phải có sự cởi mở đối với siêu việt. Nếu không, nếu loại bỏ chiều kích siêu việt đi, văn hóa sẽ ra nghèo nàn, trong khi đáng lý ra nó nên cho ta thấy khả thể nối kết giữa đức tin và lý trí, khả thể chân lý và tự do luôn hoà hợp với nhau. Như thế, Giáo Hội không những chỉ đề xuất các chân lý luân lý bất biến, và các thái độ ngược dòng đối với thế gian, mà còn đề xuất chúng làm bí quyết cho phúc lợi con người và sự phát triển xã hội. Các Kitô hữu có sứ mệnh riêng phải đón lấy thách thức này. Do đó, việc giáo dục lương tâm trở thành một ưu tiên, nhất là đào luyện việc phán đoán có phê phán, cũng như việc phải tiếp cận các thực tại xã hội một cách tích cực, tức là tránh các phán đoán hời hợt và việc nhẫn nhục dửng dưng. Điều này đòi người Công Giáo, các linh mục, các người tận hiến và giáo dân phải có được một cuộc huấn luyện vững chắc và có phẩm lượng. Tôi hết lòng khuyến khích chư huynh nối kết các cố gắng của chư huynh vào việc đáp ứng nhu cầu này và làm cho việc công bố Tin Mừng tốt hơn có thể thực hiện được. Trong ngữ cảnh này, chứng tá và sự dấn thân của hàng ngũ giáo dân trong Giáo Hội và trong xã hội đóng một vai trò quan trọng và phải được hỗ trợ một cách mạnh mẽ. Mọi người đã chịu phép rửa chúng ta đều được mời gọi làm môn đệ truyền giáo, đó là nơi chúng ta hiện diện!

Trong xã hội của chư huynh, một xã hội mạnh mẽ có dấu ấn duy tục hóa, tôi cũng khuyến khích chư huynh hiện diện trong các tranh luận công cộng, ở mọi môi trường trong đó con người là vấn đề, để làm hiển thị lòng thương xót của Chúa, lòng âu yếm của Người đối với mọi tạo vật. Trong thế giới ngày nay, Giáo Hội có trách vụ không mệt mỏi nhắc đi nhắc lại lời Chúa Giêsu dạy “Hãy đến với tôi, tất cả những ai lao nhọc và nặng gánh, tôi sẽ cho các bạn được nghỉ ngơi” (Mt 11:28). Tuy nhiên, ta phải tự hỏi: liệu người gặp ta, người gặp một Kitô hữu, có nhận ra một điều gì về lòng nhân hậu của Thiên Chúa không, một điều gì về niềm vui vì đã được gặp Chúa Kitô không? Như tôi vẫn thường tuyên bố, bắt đầu từ lúc thực sự trải nghiệm thừa tác vụ giám mục, Giáo Hội được mở rộng không phải nhờ việc bắt người ta cải đạo (proselytism) mà nhờ việc lôi cuốn. Giáo Hội được sai đi khắp nơi để thức tỉnh, để tái thức tỉnh, để duy trì niềm hy vọng! Do đó, điều quan trọng là khuyến khích tín hữu của chư huynh biết đáp ứng các dịp may đối thoại, làm cho những cuộc đối thoại này hiện hữu tại những nơi trong đó tương lai được quyết định, nhờ thế chúng sẽ có khả năng góp phần vào các cuộc tranh luận về các vấn đề xã hội lớn liên quan, chẳng hạn, tới gia đình, hôn nhân, cuối đời.

Hơn bao giờ hết, ngày nay, người ta cảm thấy có nhu cầu phải tiến hơn nữa trên con đường đại kết, mời gọi bước vào đối thoại thực sự để tìm kiếm các yếu tố chân lý và sự thiện và đưa ra các giải đáp được Tin Mừng linh hứng. Chúa Thánh Thần thúc giục ta ra khỏi mình đi đến với người khác!

Trong một đất nước giầu có về nhiều phương diện như thế, nghèo đói vẫn tác động lên một số người càng ngày càng đông. Chư huynh hãy biết đánh giá lòng độ lượng của các tín hữu trong việc đem ánh sáng và lòng cảm thương của Chúa Kitô đến những nơi đang chờ mong chúng, đến những người đang bị cho ra rià nhiều hơn! Hơn nữa, các trường Công Giáo, những định chế đang cung cấp cho giới trẻ một nền giáo dục vững chắc, sẽ tiếp tục phát huy việc đào tạo của họ về nhân bản và tâm linh, trong tinh thần đối thoại và huynh đệ với những người không cùng đức tin với họ. Cho nên, điều quan trọng là giới trẻ Công Giáo phải tiếp nhận được một nền giáo lý có phẩm chất, một nền giáo lý nâng đỡ được đức tin của họ và dẫn dắt họ tới gặp gỡ Chúa Kitô. Một việc đào tạo vững chắc và một tình thần cởi mở! Đó là cách Tin Mừng tiếp tục được loan truyền.

Chư huynh biết rõ rằng tương lai và sinh khí của Giáo Hội tại Hòa Lan cũng còn tùy thuộc ơn gọi làm linh mục và tu sĩ nữa! Điều cấp thiết là tạo ra một nền mục vụ mạnh mẽ và quyến rũ về ơn gọi, cũng như cùng nhau tìm ra phương cách để hỗ trợ việc làm cho các chủng sinh trưởng thành về nhân bản và tâm linh, để họ sống mối liên hệ bản thân với Chúa, một liên hệ sẽ là nền tảng cho cuộc đời linh mục của họ! Chúng ta có thể cũng cảm thấy sự cấp thiết phải cầu nguyện với Chủ mùa gặt! Việc tái khám phá ra cách cầu nguyện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là việc Thờ Lạy Thánh Thể, là lý do hy vọng làm cho Giáo Hội lớn lên và đâm rễ. Quan trọng và thiết yếu xiết bao việc phải gần gũi hàng linh mục của chư huynh, sẵn sàng có mặt đối với mỗi linh mục của chư huynh để hỗ trợ họ và hướng dẫn họ khi họ cần đến! Là những người cha, chư huynh hãy dành thì giờ cần thiết để tiếp đón họ và lắng nghe họ, mỗi lần họ yêu cầu việc này. Và cũng đừng quên đi gặp những người không đến gần chư huynh. Bất hạnh thay, một số những người này thiếu sót trong các dấn thân của họ. Một cách hết sức đặc biệt, tôi muốn bày tỏ lòng cảm thương của tôi và hứa chắc sẽ cầu nguyện cho mỗi nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục và gia đình họ. Tôi xin chư huynh tiếp tục hỗ trợ họ trong hành trình hàn gắn đầy đau đớn của họ, hành trình mà họ đã can đảm lên đường. Lưu tâm tới việc đáp ứng ý muốn của Chúa Kitô, Đấng Chăn Chiên Nhân Lành, chư huynh hãy nhập tâm việc bảo vệ và tăng tiến hợp nhất trong mọi sự và giữa mọi người.

Để kết luận, với chư huynh, tôi muốn dâng lời cảm tạ một lần nữa vì những dấu hiệu sinh khí mà Chúa đã dùng để chúc phúc cho Giáo Hội tại Hòa Lan, trong một bối cảnh không luôn dễ dàng. Xin Người khuyến khích và củng cố chư huynh trong sứ vụ tế nhị là hướng dẫn các cộng đoàn của chư huynh trên nẻo đường đức tin và hợp nhất, chân lý và bác ái. Trong khi phó thác chư huynh, các linh mục, các người tận hiến và tín hữu giáo dân trong các giáo phận của chư huynh cho sự che chở của Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, tôi ban Phép Lành Tòa Thánh, lời bảo đảm hòa bình và hân hoan tâm linh, tự đáy lòng tôi, cho chư huynh; tôi xin chư huynh, vì tình anh em, đừng quên cầu nguyện cho tôi!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney tĩnh tâm Mùa Giáng Sinh.
Diệp Hải Dung
12:35 08/12/2013
Sáng thứ Bảy 07/12/2013 các Hội viên Legio Mariae hoạt động cũng như tán trợ thuộc các Giáo Đoàn đã đến Hội Trường nhà thờ St. Luke Revesby tham dự ngày Tổng Hội Thường Niên và Tĩnh Tâm nhân dịp cuối năm với chủ đề “Hành Trình Đức Ái Trong Đức Tin”

Hình ảnh

9 giờ tất cả các hội viên tập trung trong khuônn viên sân trường cùng cầu nguyện trước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ qua sự điều hợp của Cha Linh hướng Paul Văn Chi và sau mọi người cùng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Vui đồng thời khởi hành cuộc cung nghinh kiệu Thánh tượng Đức Mẹ rước vào hội trường và an vị, và mọi người cùng sốt sắng dâng lên Mẹ lời Kinh Catena. Sau đó Chị Vũ Thị Vi, Ban Chấp Hành Curia Sydney giới thiệu chào mừng Cha Linh Hướng Paul Văn Chi và Cha Phêrô Dương Liêm đến tham dự buổi Tĩnh Tâm của Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney.

Khai mạc buổi Tĩnh Tâm, Cha Phêrô Dương Thanh Liêm thuyết giảng đề tài: “Đức Maria, mẫu gương của Tình Yêu” Kế tiếp Cha mời gọi mọi người cùng thảo luận và chia sẻ những cảm nghĩ về đề tài nói trên.

Sau giờ nghỉ dùng cơm trưa tại hội trường. Cha Linh hướng Paul Văn Chi thuyết giảng đề tài “ Hội viên Legio Thực Hành Đức Mến Trong Công Tác Tông Đồ” Cha cũng nêu ra những câu hỏi để mọi người cùng chia sẻ với nhau và Cha cũng trả lời giải đáp những ý kiến thắc mắc của các hội viên nêu ra. Có một hội viên chia sẻ rất xúc tích: “Con là người Tàu, không biết tiếng Việt và cũng không có Đạo. Nhưng đã được một Sơ giúp dạy cho biết tiếng Việt và hướng dẫn biết đến Chúa. Con ngỏ ý muốn theo Đạo nhưng Ba Má con không thích con theo đạo Chúa. Con cám ơn bà Sơ đã yêu mến con và đem tình yêu của Chúa đến cho con và con đã cảm nhận được nên con đã theo Đạo. Con cũng cám ơn Đức Mẹ đã dìu dắt con đến với Chúa.. Sự chia sẻ của một hội viên mới gia nhập vào Giáo Hội đã nói lên đức Mến rất là tuyệt vời…



Chấm dứt giờ thuyết giảng mọi người cùng cung nghinh kiệu Thánh tượng Đức Mẹ qua nhà thờ tham dự Thánh lễ tạ ơn do Cha Paul Văn Chi và Cha Cựu Linh Giám Canut Nguyễn Thái Hoạch cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Lý Ngọc Thuyên Hội Trưởng Curia Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, Sơ Trợ úy và tất cả mọi người đã đến tham dự buổi Tĩnh Tâm của Curia Sydney, ông đặc biệt ngỏ lời cám ơn đến quý ân nhân đã giúp phần ẩm thực và những ân nhân đã đóng góp trợ giúp cho Curia Sydney tổ chức ngày Tĩnh Tâm thường niên được tốt đẹp gặt hái nhiều kết quả. Cha Paul Văn Chi cũng cám ơn tất cả mọi người và ca đoàn La Vang Cabramatta.
 
Tĩnh tâm Ban trị sự các giáo xứ GP Xuân Lộc
Nt. T. Ngọc Lễ
12:49 08/12/2013
Trong bầu khí phụng vụ của Mùa Vọng, sáng Chúa Nhật, 08/12/2013, đã có khoảng hơn 500 anh chị GLV trong ban Trị sự của các giáo xứ đã tập trung về Giáo xứ Thái Hòa để tham dự ngày tĩnh tâm với chủ đề “GLV sống và loan báo Tin Mừng”.

Hình ảnh

Tham dự ngày hôm nay, các anh chị GLV đã được nghe cha Giuse Đỗ Đức Trí, đặc trách Ban Giáo dục của Giáo phận chia sẻ đề tài tâm tình chờ đón Chúa trong Mùa Vọng: GLV cần làm gì và sống thế nào để chuẩn bị đón Chúa. Bên cạnh đó, cha Giuse cũng đã khai triển rõ nét nội dung năm mục vụ “Gia đình, sống và loan báo Tin Mừng”, để người GLV ý thức rằng: họ cần phải là những thành viên nòng cốt cho công cuộc Phúc-Âm- hóa này nơi gia đình của mình. Tiếp đến, cha Đặc trách đã giới thiệu tài liệu học hỏi theo chủ đề của năm mục vụ đến cho anh chị GLV.

Trong ngày tĩnh tâm này, quý Anh Chị GLV còn được sự quan tâm và yêu thương của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Phụ Tá Giáo phận Xuân Lộc đến gặp gỡ và nói chuyện với các anh chị GLV qua chủ đề này. Ngài nhấn đến công tác truyền giáo, loan báo Tin Mừng của mọi Kitô hữu, của người GLV. Cách sống và loan báo Tin Mừng của mỗi người GLV phải làm sao được tỏa lan, để giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, để thông truyền đức tin của mình cho người khác. Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Cha Giuse một lần nữa kêu mời và nhắc nhớ các anh chị hãy sống trong đời bằng một lương tâm, tâm hồn ngay chính để đồng cảm, để chia sẻ với người khác. Lắng nghe bài nói chuyện của Vị chủ chăn Giáo phận, có lẽ, các anh chị GLV như khơi lại được ngọn lửa sống cho Tin Mừng và biết cách sống thế nào để loan báo Tin Mừng trong chính vai trò của mình. Như một món quà trong lần gặp gỡ con cái mình, với lời nhắn gởi cuối lễ, khi đáp lại tâm tình tri ân của cha Đặc trách Giuse và từng anh chị GLV gởi đến ngài, Đức Cha Giuse đã chúc các anh chị luôn giữ mãi được ngọn lửa nhiệt huyết để hăng say cho sứ vụ mà các anh chị GLV đã nhận lãnh, luôn sống chứng nhân của Tin Mừng.

Với một khoảng lặng tiếp nối có ý nghĩa, phần sám hối theo chương trình đã giúp mọi anh chị GLV cùng sám hối những thiếu sót của mình trước Chúa và anh chị em. Từng chiếc mặt nạ được khoác lên, là biểu tượng cho sự gian dối, là lối sống không thật, là lầm lỗi của mỗi người. Sám hối vì đã không cố gắng để trưởng thành về tâm linh, đời cầu nguyện, gắn kết với Chúa; sám hối vì đã không trưởng thành về tri thức và nhân bản; sám hối vì đã không hăng say, nhiệt huyết loan báo Tin Mừng. Sám hối để gạt bỏ những chiếc mặt nạ đó, và để Chúa biến đổi cuộc đời, để được thắp lên ngọn lửa đời GLV trong sứ vụ huấn giáo và loan báo Tin Mừng.

Sau nghi thức sám hối, các anh chị GLV cầm nến sáng trong tay, biểu tượng lòng nhiệt huyết trong sứ vụ, đã cùng tiến rước vào nguyện đường cùng dâng Thánh Lễ, để từ đỉnh cao phụng vụ, từng người trong anh chị kín múc được ân sủng và nguồn sống thiêng liêng đời mình qua Lời Chúa và Thánh Thể.

Bữa cơm trưa thân tình, sẻ chia, nhẹ nhàng, thật vui khi có sự hiện diện của Đức Cha Giuse, Giám Mục Phụ Tá Giáo phận Xuân Lộc, cha Đặc trách Ban Giáo dục, quý cha, quý dì và quý anh chị GLV. Để rồi, bữa cơm tình thân càng trở nên ngon hơn khi mọi người được giao lưu, trò chuyện trong giờ cơm đầm ấm này.

Vì muốn lắng nghe các suy tư, ý kiến của các anh chị GLV, chương trình buổi chiều đã được ban tổ chức thiết kế, đưa ra các câu hỏi gợi ý để quý anh chị thảo luận xoay quanh nội dung: Người GLV làm thế nào để xây dựng, sống đời cầu nguyện; cách sống thế nào để thể hiện một gia đình hiệp nhất, yêu thương, chung thủy, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng. Phần trình bày đúc kết theo hạt.

Chương trình kết thúc vào buổi chiều cùng ngày trong ơn thánh Chúa, trong lời kinh Lạy Cha và phép lành của cha Đặc Trách. Sau đó, các anh chị GLV đã hát vang bài“ Lên đường” và cùng chia tay nhau sau một ngày gặp gỡ thật ý nghĩa.
 
Tin Đáng Chú Ý
Không tiếc nuối cộng sản: Dân Ukraine giật sập tượng lãnh tụ Vladimir Lenin
Nguyễn Long Thao
12:55 08/12/2013
Dân Ukraine giập sập tượng lãnh tụ cộng sản Vladimir Lenin

KIEV, Ukraine Theo tin của AP, đám đông khổng lồ người biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Ukraine đã giật sập tưởng lãnh tụ Cộng Sản Vladimir Lenin

Vào buổi chiều Chúa Nhật,8 tháng 12 năm 2013, những người biểu tình đã kéo sập và đập vỡ đầu tượng ông trùm cộng sản Liên Sô đặt tại trung tâm thành phố Kiev, trong khi đó hàng trăm ngàn người diễu hành trên đường phố thủ đô Kiev đã đảo chính phủ đã hướng về Nga mà không hướng về khối Liên Hiệp Âu Châu.

Các người biểu tình đã thay nhau lấy búa đập vỡ tượng Lenin trong khi các người khác ca bài “ Vinh Quang Ukaine”.

Tình hình tại Ukraine ngày càng căng thẳng.
 
Văn Hóa
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lm Vũđình Tường
06:19 08/12/2013
Trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội chúng ta đi tìm một vài câu trả lời cho giả thuyết nếu Đức Mẹ từ chối làm mẹ Thiên Chúa thì lịch sử cứu độ nhân loại có thay đổi khác chăng. Đây là một giả thuyết do một số thần học gia ‘địa phương’ đưa ra để nêu cao tầm mức quan trọng của hai tiếng xin vâng của Mẹ. Tôi cho giả thuyết trên thiếu căn cứ thần học hay đúng ra giả thuyết trên không mang tầm vóc lớn đủ để đi đến bàn thảo sôi nổi trong số các thần học gia danh tiếng trên thế giới. Việc Đức Mẹ từ chối nhận làm mẹ Thiên Chúa không thể nào xảy ra được vì ba nguyên do.

Thứ nhất Thiên Chúa luôn chuẩn bị thật kĩ càng công việc Ngài sắp thực hiện. Lịch sử cho thấy chưa có công việc nào Thiên Chúa làm mà thiếu chuẩn bị kĩ càng. Ngay khi con người phạm tội Thiên Chúa đã hứa cứu con người điều này được ghi lại trong các chương đầu tiên của sách Sáng Thế Kí. Thiên Chúa cứu con người qua một người nữ. Người nữ đó đạp đầu con rắn hiện thân của ma quỷ. Lúc đó không ai biết người nữ đó là ai. Bây giờ chúng ta biết là Mẹ Thiên Chúa. Ai sống trong mong đợi mới hiểu tâm trạng trông chờ và vì mong đợi thiết tha nên cơ hội đến ít ai có cơ may từ chối bởi vì người đó biết là họ không làm cho chính họ nhưng làm công việc chung lợi ích cho mọi người. Người có lòng yêu mến anh chị em không bỏ lỡ cơ hội, từ chối khi thấy chính mình và anh em mình mòn mỏi, thiết tha mong đợi. Lịch sử cứu độ cho biết dân Israel phải trông chờ hàng nhiều thế kỉ đủ biết Thiên Chúa chuẩn bị chương trình cứu độ dân Chúa kĩ đến mức nào, ngoài mức tưởng tượng của con người, vượt khỏi lòng mong đợi của các tiên tri. Vượt xa tầm hiểu biết của tổ phụ chúng ta. Chúa Giêsu nói với các môn đệ Chúa là các ông đã được nghe điều mà các tổ phụ hàng mong đợi mà không được nghe. Thiên Chúa chuẩn bị chương trình cứu độ chu đáo, lĩ lưỡng vô song. Chúa Kitô có lần dậy các môn đệ qua dụ ngôn xây nhà và lãnh đạo. Về xây nhà ai xây nhà mà không chuẩn bị để công trình được hoàn thành tốt đẹp, tránh tiếng chê cười của thiên hạ. Về lãnh đạo vua nào chuẩn bị đánh giặc mà không chuẩn bị kĩ càng và đo lường sức mình. Nếu đánh được thì đánh còn không thì liệu lo điều đình giảng hòa trước đi. Chương trình cứu độ quan trọng ngoài tiên đoán của khối con người vì đây là trận chiến không biên giới giữa sống và chết, giữa sự sáng và tối tăm. Thiên Chúa ra tay cứu con người chiến thắng sự chết, bắt ma quỷ phủ phục quỳ lậy Thiên Chúa. Trận chiến trên Thiên Chúa sai chính Con một Ngài xuống thế mang chiến thắng lại cho nhân loại.

Thiên Chúa chuẩn bị thật kĩ lưỡng chương trình của Chúa trước khi Chúa thực hiện. Việc Mẹ Maria ra đời vào kỉ nguyên đó cũng nằm trong chương trình chuẩn bị của Chúa. Tất cả mọi việc được chuẩn bị kĩ, xảy ra đứng lúc, đúng thời, để lời kinh thánh được thực hiện.

Thứ hai con người chúng ta, ngoại trừ việc làm cầu may thì khác, bàn thảo công việc có chủ đích và quan trọng chúng ta có tính toán cẩn thận. Thí dụ trước khi muốn hỏi hay nhờ ai chuyện gì chúng ta cũng nhắm trước xem điều mình hỏi có được hay không. Nếu độ chừng việc hỏi không thành công chúng ta sẽ không hỏi. Nếu mức độ thành công trên 50% lúc đó chúng ta mới thực hiện. Thiên Chúa là Đấng toàn năng vô song Ngài cũng tiên đoán trước mức độ thành công Ngài sắp thực hiện. Trước khi sai Thiên thần Chúa đến cùng Mẹ, Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn sàng nơi con người Đức trinh nữ. Điều này thể hiện qua việc hai lần thiên thần xác tín. Bà là người có phúc lạ hơn mọi người nữ. Lần thứ hai thiên thần nhắc đến việc bà là người có Thiên Chúa ở cùng. Được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa, có phúc lạ, có Thiên Chúa ở cùng có nghĩa là Mẹ đã nhiều lần đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, thực hành thánh ý Chúa. Phúc âm không ghi rõ các lần trước đây nhưng chỉ nhắc nhẹ nhàng Mẹ là người có phúc lạ, được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa. Như thế chúng ta hiểu đây không phải là lần đầu tiên Thiên Chúa trao trọng trách cho Mẹ. Thiên Chúa đã trao nhiều lần trước đây và Mẹ luôn hoàn thành tốt đẹp trọn vẹn. Lần này phúc âm nhắc đến rõ ràng mạch lạc vì tầm mức quan trọng của sứ điệp tin mừng Chúa trao đến trong đời Mẹ, sứ điệp làm Mẹ Thiên Chúa. Việc chọn người làm Mẹ Thiên Chúa không phải là chuyện ngẫu nhiên. Chắc chắn phải là một chọn lựa có tính toán, chuẩn bị, kĩ càng trong chương trình cứu độ. Thiên Chúa đi làm mai cho con mình trong cung lòng một trinh nữ với trọng trách cứu dân Chúa.

Thứ ba Mẹ được đầy ơn phúc có nghĩa là Mẹ được đong đầy ân sủng Chúa. Chính cá nhân Mẹ có đầy ân sủng Chúa thì liệu Mẹ có thể từ chối sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa không. Chắc chắn là không bởi vì đầy ân sủng Chúa có nghĩa là sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Mẹ Maria được đầy ân sủng Chúa, có Thiên Chúa ở cùng. Chính cá nhân Mẹ đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa nơi cuộc sống mẹ, không phải là ân sủng bình thường mà là đặc sủng, đầy tràn dạt dào, lan tỏa, đến độ khi đi thăm viếng người khác con trẻ Gioan trong lòng mẹ còn cảm nhận được ân sủng đã nhảy nhót hát mừng. Bà Elizabeth đã lên tiếng ca tụng mừng vui ca vang bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Với đặc sủng tình yêu như thế Mẹ cảm nghiệm nên hai tiếng đáp trả của Mẹ chính là tiếng đáp lại tình yêu Thiên Chúa mời gọi Mẹ. Tình yêu đáp lại tình yêu nên hai tiếng xin vâng trên chính là tiếng nói đến từ con tim yêu mến của Mẹ dành một cách đặc biệt cho Thiên Chúa. Tình yêu đáp trả không cần thông hiểu cũng không đắn đo hơn thiệt nhưng chỉ nghe theo tiếng nói của con tim để hành động.

Vì những lí do trên tôi cho là giả thuyết nếu Mẹ Maria thưa không trong lời mời gọi của Chúa là giả thuyết không tưởng, không thể nào có được và cũng không đáng để đặt vấn đề bàn thảo sâu hơn.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Nhau
Đặng Đức Cương
22:29 08/12/2013
BÊN NHAU
Ảnh của Đặng Đức Cương
Nắng mưa phai lạt má hồng
Nắng mưa đừng nhé... nhạt lòng thương nhau.
(Trích thơ của Kim Giang)