Ngày 03-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dọn đường chờ Chúa đến
Lm. Jude Siciliano, OP
06:53 03/12/2009
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG (C)

Br 5: 1-9; Tv 126; Pl 1: 4-6, 8-11; Lc 3: 1-6

Bài Tin mừng của thánh Luca hôm nay nghe như một thầy dạy môn lịch sử. “Năm thứ mười năm dưới triều hoàng đế Tibêriô…” Chúng ta không quen với một tác giả Tin mừng dành nhiều thời gian cho dữ kiện mang tính lịch sử và địa lý này. Chúng ta vẫn đang ở những chương đầu của bản Tin mừng này và chúng ta đón nhận từ thánh Luca ấn tượng về những gì sẽ xảy ra trong suốt bản tường thuật này sẽ diễn ra tại một thời điểm cụ thể và một nơi nhất định. Theo thánh Luca, ơn cứu độ không phải là câu chuyện cổ tích của trẻ con, nhưng đó là một biến cố hết sức cụ thể trong lịch sử nhân loại.

Gioan Tẩy giả là tiếng vang loan báo sự khởi đầu của một triều đại mới; triều đại của Chúa Giêsu và sứ vụ của Người. Luca nối kết chúng ta với lời hứa được thiết lập trong quá khứ qua các ngôn sứ và giờ đây đang được hoàn thành trong hiện tại. Thời đại mà thánh Gioan loan báo sẽ kết thúc với việc Chúa Giêsu lên trời. Tiếp đó, sách Công vụ Tông đồ (tác phẩm thứ hai của thánh Luca) sẽ bắt đầu mô tả giai đoạn thứ ba khi Giáo hội mở rộng sứ vụ của Chúa Giêsu trong tương lai và cho đến thời sau hết.

Thánh Gioan Tẩy giả là một nhân vật rất quan trọng trong tất cả các sách Tin mừng, và mỗi sách đều mở đầu với việc kể về sứ vụ của ông. Ông Gioan dọn đường cho Đấng sẽ đến. Theo cách kể của thánh Luca thì thánh Gioan là một ngôn sứ như những ngôn sứ thời cựu ước. Như Chúa đã phán Lời qua các ngôn sứ xưa, thì nay Chúa cũng đang một lần nữa nói Lời qua ngôn sứ Gioan. Với sự xuất hiện của Gioan, chúng ta đi từ lời hứa trong Cựu Ước đến việc hoàn tất những lời hứa này trong Tin mừng. Ơn cứu độ mà Israel mòn mỏi chờ mong nay đã thành xác phàm và Gioan loan báo việc Người đến.

Không có sự lảng tránh hay giảm nhẹ những gì Gioan yêu cầu: “một phép rửa sám hối xin ơn tha tội…” Ông kêu gọi mọi người thay đổi đường lối nhưng không chỉ thay đổi những thứ bên ngoài, mà là hoàn toàn quay trở về (“metanoia”). Ông muốn mọi người không đi theo đường lối của riêng mình nữa, nhưng hướng về Thiên Chúa và mở lòng ra với những gì Thiên Chúa sắp thực hiện cho họ. Quay trở về như thế đòi hỏi một sự thay đổi sâu xa trong lối nghĩ và hành động của họ.

Thực ra, hầu hết nhân loại không cần ai phải nói cho biết mình là tội nhân, nhiều người trong chúng ta mang trên mình nặng trĩu những sai lầm trong quá khứ trong cuộc sống của mình. Tội lỗi đó ảnh hưởng đến việc chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa, về chính mình và cách thức chúng ta đối xử với người khác. Thánh Gioan Tẩy giả thường được mô tả bằng những hạn từ mộc mạc, một ngôn sứ gây kinh hãi. Nhưng thực ra thông điệp của ngài là một thứ giảm nhẹ và hoàn thành: Thiên Chúa đang đến gần cùng với sự tha thứ và sẽ làm cho chúng ta những gì mà chúng ta không thể tự thực hiện cho chính chúng ta.

Chúng ta vẫn chưa mừng sinh nhật của Hài nhi Giêsu. Thay vào đó, chúng ta đang chuẩn bị để đón một Giêsu trưởng thành, như ngôn sứ Isaia đã hứa, Người tẩy sạch tội lỗi, “…mọi xác phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Cũng tuyệt vời như đại lễ Giáng sinh, thánh Gioan không chỉ cho chúng ta thấy một Hài nhi Giêsu, nhưng là Đức Kitô đang đến, mà cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người cứu độ chúng ta. Một trong những thông điệp chủ chốt của Tin mừng thánh Luca là Thiên Chúa không đến chỉ để chọn những người đạo đức mà thôi nhưng là tất cả mọi người (“mọi người phàm”); như Phép Rửa nhắc nhở chúng ta rằng ơn cứu độ của Chúa dành cho tất cả mọi người, không trừ một ai.

Vào thời của đế chế Babylon, bất cứ khi nào quốc vương du hành thì những công nhân phải đi trước để san cho bằng và lấp cho đầy những ổ gà để mặt đường bằng phẳng cho xe ngựa vua qua. Bằng cách trích dẫn Isaia: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi,” thánh Gioan đã hướng tầm nhìn của chúng ta lên tấm địa đồ của cuộc đời chính chúng ta: đâu là “hố sâu,” lỗ hổng mà Đức Kitô sắp đến có thể lấp đầy? Cái gì là “núi cao” mà sức mạnh và pháo đài của nó che khuất và khiến chúng ta cảm thấy bất lực: những thói quen yếu nhược, tội lỗi, nghiện ngập, áp lực xã hội, …? Ai trong chúng ta trông chờ Đức Kitô đến với chúng ta một lần nữa trong Mùa Vọng này phải thừa nhận rằng chúng ta chưa đáp trả trọn vẹn lời công bố của Gioan tẩy Giả (và của Isaia) để dọ đường cho Chúa đến.

Vẫn còn đó những khúc quanh co riêng và chung, một “khúc đường quanh co, làm trệch hướng chúng ta khỏi lối đi thẳng mở lòng chúng ta cho Đấng Cứu Độ đi vào cuộc đời mình. Có những hố sâu của chán nản và tuyệt vọng, cũng như những núi cao của sự chống đối quan niệm của Baruc về cộng đoàn công chính. Chúng ta cần giúp đỡ, cần một gương mặt khác của Đức Kitô đến trong cuộc đời chúng ta hầu chúng ta có thể tiếp tục làm việc để hoàn tất sứ vụ của Nười trong thế giới của chúng ta. Nhưng không phải chỉ nhờ sức mạnh của chúng ta! Thánh Luca công bố sự khởi đầu của một thời đại mới với việc Đức Kitô ngự đến. Sau khi Đức Kitô hoàn tất sứ vụ của mình, cộng đoàn của Người sẽ được trao ban Thánh Thần ngõ hầu chúng ta có thể uốn thẳng “đoạn đường quanh”; lấp đầy hố sâu và bạt thấp núi cao để đón chờ Đức Kitô đến lần cuối.

Chúng ta, những người nghe bài Tin Mừng hôm nay thì đang sống trong giai đoạn thứ ba của lịch sử, thời của Giáo Hội. Và ai trong chúng ta mà chẳng thấy rằng đây là thời của căng thẳng, hoang mang, lo lắng, và đối với một số người là thời khủng bố. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta đây cũng là thời gian để rèn luyện lòng kiên nhẫn và hy vọng vào lời hứa của Tin Mừng: vương quốc của Chúa sẽ đến trọng sự viên mãn của chính nó.

Xin đừng bỏ qua bài đọc thứ nhất, trích từ sách ngôn sứ Baruc, đó đơn thuần là một áng thơ! Nhưng Giêrusalem cần nhiều hơn một hình ảnh thi ca và ngôn từ đẹp đẽ ngay lúc này, vì thành bị phá hủy và con cái bị đày sang Babylon. Những người Do Thái nhiệt thành trông ngóng để được về Giêrusalem, được mô tả như thành lý tưởng trong Kinh Thánh. Baruc hình dung ra một thời gian mà dân Do Thái tản mác sẽ trở về quê hương đích thực của mình. Đó sẽ là cuộc vượt qua mới được thực hiện nhờ mệnh lệnh của Thiên Chúa. Làm sao một kẻ thất bại được phục sinh nếu không nhờ vào việc trao ban sự sống Lời của Chúa?

Những người được phục hồi sẽ được giấu mình trong “áo choàng công chính từ Chúa.” Tấm áo họ sẽ mặc gợi nên đời sống mà họ sẽ có cùng nhau chung chia trong thành đô Giêrusalem mới. Công chính không đơn thuần là một nhân đức giữa muôn vàn nhân đức trong Kinh Thánh, nhưng là cho cộng đoàn dân Chúa, đó là nhân đức chính yếu. Nó phản ảnh chính cách thức Thiên Chúa đối xử với chúng ta. Trong một cộng đoàn được hướng dẫn bởi sự công chính thì mọi người được đối xử bình đẳng; tất cả cùng chia sẻ tài nguyên của cộng đoàn; không ai bị đói hay bị ngược đãi. Những bản tin hàng ngày nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta còn lâu mới trở thành người được khoác trên mình “áo choàng công chính.”

Thông điệp của ngôn sứ Baruc là một tin vui thực sự cho những ai đau khổ và bị bỏ rơi. Mặc cho quá khứ tội lỗi và bất trung của họ, Thiên Chúa không để họ bị diệt vong, nhưng hứa khôi phục lại đất nước và thành của họ. Chúa sẽ quy tụ con cái rải rác ở khắp bốn phương trời. Bài thánh vịnh đáp ca hôm nay ca tụng ngày trở về của dân lưu đày: “Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta những điều vĩ đại; ta thấy mình chan chứa niềm vui.”

Giêrusalem chưa bao giờ khôi phục trọn vẹn và vì thế dân tộc bắt đầu hy vọng vào một sự khôi phục kiểu khác. Mong ước của họ xoay qua việc mong chờ một Đấng Messia đến công bố vương quốc của Thiên Chúa cho thế giới. Baruc là một ngôn sứ Mùa Vọng đã chạm đến những cảm xúc sâu xa nhất nơi chúng ta cũng như sự trông chờ của chúng ta về sự viên mãn nơi Thiên Chúa. Con người tiếp tục kinh nghiệm những áp bức, sự chia rẽ, thống trị, và sự chờ mong. Hãy hình dung họ háo hức thế nào khi nghe Gioan Tẩy giả trích lại lời Isaia về Đấng Messia khi loan báo việc ngự đến của Đấng mang đến “ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Amen

Chuyển ngữ Hoàng Vinh, OP
 
Năm Thánh Linh Mục - Lời thú lỗi
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:37 03/12/2009
NĂM THÁNH LINH MỤC - LỜI THÚ LỖI

“Không có Bí Tích Truyền Chức Thánh, chúng ta không có Chúa hiện diện bên. Ai đã đặt Mình Thánh Chúa nơi Nhà Tạm? Linh mục. Ai đã đón nhận linh hồn bạn ngay từ khởi đầu sự sống? Linh mục. Ai đã nuôi dưỡng linh hồn bạn và cho bạn sức mạnh trong cuộc lữ hành? Linh mục. Ai chuẩn bị cho bạn khi xuất hiện trước tòa Thiên Chúa, tắm gội lần cuối trong Máu Châu Báu của Chúa Kitô? Linh mục, luôn luôn là linh mục. Và nếu linh hồn của bạn chết như là hậu qủa của tội, ai sẽ nâng bạn dậy, ai sẽ chữa lành trong lặng yên và an bình? Lần nữa, linh mục. Sau Thiên Chúa, linh mục là mọi sự? Chỉ trên trời, các ngài sẽ nhận ra thực sự các ngài là ai” (Curé of Ars). Lời của cha sở họ Ars thánh thiêng quá. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã chọn Ngài như mẫu gương sáng ngời trong Năm Thánh Linh Mục.

Trong Năm Thánh Linh Mục, chúng ta đã đọc rất nhiều bài ca ngợi Chức Linh Mục và có rất nhiều mẫu gương kiên trung và đạo đức của các đấng bậc tiền nhân. Giáo Hội đã trải qua gần 2000 năm lịch sử, các chứng nhân anh hùng đức tin không thiếu. Có biết bao linh mục đạo hạnh, thánh thiện đã hiến mình cho đoàn chiên và dám thí mạng vì đoàn chiên của mình. Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ cho các linh mục.

Là linh mục, chúng con thật sự là ai? Càng đọc lời dậy của thánh Gioan Maria Vianney, tôi càng cảm thấy bất xứng. Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa Toàn Năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu xót. Thiếu xót thì vô vàn trong cuộc sống chứng nhân. Tội lỗi thì vấn vương suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ lời một linh mục khi ngài mừng Lễ Ngân Khánh, ngài viết cho tôi những dòng rất chân tình như sau: “Sau 25 năm làm linh mục, tôi thấy mình già đi, sức khỏe thì yếu kém và đời sống đạo đức cũng không hơn gì.”

Phạm Lỗi

Phạm lỗi và thiếu xót trong bổn phận hằng ngày là như cơm bữa. Ngày nào mà linh mục không có phạm lỗi. Lỗi trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Thất tình vẫn chìm sâu trong lòng con người linh mục. Linh mục có đầy đủ cả “Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố và dục”. Rồi “Tham, Sân, Si” cứ đeo đuổi mọi nơi mọi lúc, chẳng khi nào chịu ngưng. Có mắt đó, rồi cứ phải nhìn. Có tai đó, cũng cứ được nghe đủ mọi truyện. Có miệng lưỡi, ngôn từ nào cũng có thể phát biểu. Đôi khi dùng tòa giảng để khai chiến, chửi bới hay nói bóng, nói gió những người không cùng quan điểm với mình.

Lỗi phạm cá nhân như tham lam danh vọng và chức quyền. Có những linh mục muốn đến để được phục vụ chứ không phải để phục vụ. Nhiều khi linh mục còn bòn chắt chút tiền bạc cho riêng mình. Ngày xưa, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh các Luật Sĩ và Biệt Phái như nối dài tua áo, thẻ kinh, cầu nguyện lâu giờ để nuốt hết những tài sản của các bà góa. Ngày nay cũng không thiếu linh mục đi vào con đường lầm lạc đó. Rồi những lạm dụng chức vụ và phạm những lỗi lầm gây tổn thương cho bộ mặt của Giáo Hội. Trong thời gian qua, Giáo Hội và giáo dân đã chịu khổ vì những oan khiên của một số linh mục lạm dụng tình dục trẻ em và sống đời hai mặt. Một số các linh mục đã gây gương mù và gương xấu về những liên hệ tình dục không đúng đắn.Ôi kể sao cho hết! Lầm lỗi của con người linh mục cũng chẳng thua kém gì lỗi lầm của mọi người giáo dân.

Biết Lỗi

Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan. Đôi lúc, ta tự biết mình một cách chủ quan khi dựa vào những phán đoán và khuynh hướng của riêng mình. Có khi chúng ta dựa vào dự luận của quần chúng hoặc những suy nghĩ của người khác nghĩ về mình. Cách tốt nhất là biết mình qua sự xét mình hằng ngày dựa vào giới răn của Chúa. Biết mình yếu đuối nhưng sự thúc bách nên hoàn thiện vẫn là mối bận tâm hằng đầu. Có nhiều đòi hỏi và thúc đẩy khách quan giúp các linh mục chúng ta nên hoàn thiện hơn.

Những điều giáo dân mong ước nơi linh mục thì nhiều lắm.Giáo dân mong muốn linh mục có đời sống thánh thiện, siêng năng ngồi tòa giải tội, không lạm dụng các Bí Tích Thánh để chiêu dụ và khống chế giáo dân. Mong các linh mục đến phục vụ chứ không để cai trị, không thiên tư trong phân xử giữa người giầu và người nghèo, sống đơn sơ và khó nghèo, tôn trọng kẻ cộng tác và làm việc với mình. Linh mục nên trau dồi kiến thức thời đại, sống tình hiệp thông với anh em linh mục đoàn và quân bình trong cách giao tế nhất là với người khác phái. Linh mục phải kính trọng người già nua tuổi tác, đừng ảo tưởng nhưng biết nhu cầu thiết thực, vâng lời các đấng bậc bề trên và tìm thực thi ý Chúa, làm vinh danh Chúa hơn là vinh danh chính mình.

Nhìn vào cuộc sống hiện tại, anh em linh mục còn thiếu xót rất nhiều trong bổn phận làm tôi Chúa. Ước muốn của giáo dân thật là chính đáng và phải đạo. Vì sự yếu đuối, linh mục đôi khi chối từ và phủ nhận thực tại. Nhiều anh em linh mục mang “Tâm Thức Thầy Cả”, làm thầy cả mọi sự. Có linh mục nghĩ rằng mình học nhiều, hiểu rộng, kiến thức cao siêu nhưng thực ra chẳng có là gì. Linh mục được người ta kính trọng chỉ vì Chức Thánh Linh Mục và các linh mục dám hy sinh sống đời độc thân phục vụ mà thôi.

Nhận Lỗi

Trong cuộc sống, các linh mục chúng con cũng đã có nhiều lỗi lầm sai sót. Xúc phạm đến Chúa và đến anh chị em. Vì thế, trong Năm Thánh Linh Mục, các linh mục hãy ăn năn sám hối và sửa chữa qua việc hòa giải. Linh mục lỗi về đức bác ái và cả về đức công bằng. Nhiều khi các linh mục cũng tham quyền cố vị. Muốn dành gây ảnh hưởng, nắm quyền và hành xử như một ông chủ. Thường thì chúng ta nhìn thấy cái rác trong mắt người khác hơn là cái đà trong mắt mình. Người giáo dân trong bậc sống gia đình là mẫu gương của sự chịu đựng và lắng nghe. Các linh mục sống đời độc thân đã không thường bị những cái nhìn giận hờn hay cái lườm nguýt để nhận ra lỗi lầm mình.

Một trong những cách cư xử điển hình mà linh mục khó nhận ra lỗi lầm trong các sinh hoạt mục vụ của Giáo Xứ. Thí dụ: Cùng đồng hành trong sứ vụ chứng nhân nhưng đôi khi các linh mục đã không đối xử công bằng với các Dì Phước. Các Dì đã làm việc tự nguyện, không có lương bổng nhưng không được tôn trọng đủ. Những qúy vị cộng tác trong các Nhóm Hội, các vị trong Hội Đồng Mục Vụ, Ca Đoàn,… làm việc nhà, vác ngà voi để giúp đỡ các linh mục và cộng đoàn nhưng đôi khi cũng bị cằn nhằn và sai khiến. Các cụ ông và cụ bà, xin tha thứ cho các linh mục trẻ chúng con. Nhiều khi chúng con thiếu kính trọng tuổi già đáng tuổi ông bà và cha mẹ của chúng con. Quý cụ gọi chúng con là cha và xưng là con, nhưng chúng con đã không tôn kính qúy cụ cho đủ. Còn qúy ông bà anh chị em giáo dân, các linh mục có bổn phận phục vụ như người mục tử dẫn dắt mọi người tới nguồn suối mát trong tình Chúa. Nhiều khi các linh mục lại chối từ, lười biếng và ngại ngùng trau dồi thêm kiến thức, thiếu học hỏi, thiếu suy gẫm và không dọn bài cẩn thận và hơn nữa thiếu sự cầu nguyện. Đôi khi các linh mục chúng con cử hành các Nghi Thức Phụng Vụ như chiếu lệ qua lần cho xong việc.

Sửa Lỗi

“Thuốc đắng giã tật”. Có biết sai mới có thể sửa sai. Muốn sửa thì phải mổ xẻ, mà mổ xẻ thì sẽ bị đau đớn. Chúng ta ít khi muốn làm đau lòng mình. Biết sửa lỗi là bắt đầu biết bước lên con đường hoàn thiện. Sửa lỗi là điều khó khăn nhất. Vì người ta nói: “Ngựa thường đi theo đường cũ hay chứng nào tật đó”. Đã trở thành tật thì rất khó uốn lại. Chúng ta sinh ra là người nhưng cần phải học để làm người. Học ăn, học nói, học gói, học mở, cái gì cũng phải học. Học để bớt đi cái thú tính trong người. Con người có khuynh hướng trở về với thú tính nên ngay từ thơ bé, người ta đã phải đến trường học để học tập, huấn luyện và thực hành. Huấn luyện để mỗi ngày chúng ta trở nên người hơn. Người ta nói rằng: “Ba năm trồng cây, trăm năm trồng người” là thế. Muốn là người phải học làm người. Muốn học thì cần phải uốn, phải nắn, cắt tỉa và chăm bón từng ngày.

Các linh mục cũng cần lắng nghe và sửa lỗi mỗi ngày để nên tốt hơn. Những năm tháng nơi chủng viện cũng chẳng là bao so với đời sống phục vụ của linh mục. Người linh mục phải là linh mục trước khi làm linh mục. Là linh mục thật khó vì là người trung gian giữa thần thiêng và thế trần. Muốn trở thành linh mục thánh thiện và tốt lành, linh mục phải thâm tín về ý nghĩa của ơn gọi mình. Nếu các linh mục cứ luẩn quẩn làm linh mục qua các công việc mục vụ hằng ngày mà quên đi sứ mệnh là linh mục, thì khác gì thực hành một cái nghề. Làm linh mục là một cuộc đổi đời cho tới khi là linh mục của Chúa Kitô.

Thú Lỗi

Thú tội với Chúa và với anh chị em. Chúng ta không ra trước công chúng để công khai chuyện riêng xấu xa của mình. Có người lại nói: Tại sao vạch áo cho người xem lưng? Cần có sự khiêm hạ, chân nhận đúng thân phận hèn yếu và tội lỗi của mình. Ngày xưa thánh Augustinô đã viết nguyên một cuốn sách “Tự Thú”. Ngài đã nói thật và nói hết những lỗi phạm trong đời tư của Ngài. Cuốn sách đã trở thành sách gối đầu giường cho biết bao nhiêu người muốn noi gương để nên trọn lành. Chúng ta là con cháu của Adong và Evà, thường khi chúng ta không muốn nhận và thú tội của mình. Chúng ta có khuynh hướng tìm cách chối tội trước và nại đến muôn vàn lý do để biện minh. Như khi Chúa hỏi tội Adong, ông đã đổ thừa cho bà Evà. Chúa hỏi tội bà Evà, bà đã đổ tội cho con rắn. Chúa là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không? "Con người thưa: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: "Ngươi đã làm gì thế? " Người đàn bà thưa: "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn." (Stk 3:11-13).

Năm Thánh Linh Mục là một cơ hội rất tốt để anh em linh mục nhìn lại mình và xác định ơn gọi của mình. Được gọi là cha, là mục tử và là linh mục là một ơn trọng đại. Chúng ta đã được lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không. Lời xin vâng của ngày lễ truyền chức mời gọi chúng ta chia sẻ sứ vụ của Chúa trong Giáo Hội. Tuy dù được thánh hiến, linh mục vẫn là người. Một con người thật người và rất bình thường. Linh mục vẫn còn những ước muốn, những yếu đuối, những sa ngã, những buồn chán và cô đơn trống vắng. Linh mục được mời gọi cử hành các việc thánh nhưng vẫn phải mang tất cả những khổ lụy ở đời. Linh mục là Chúa Kitô khác (Alter Christus). Linh mục được kêu gọi vươn lên từng ngày nên giống Chúa Kitô.

Xin Lỗi

Xin lỗi là lời đẹp nhất. Xin tha bỏ những lỗi lầm mà mình đã gây ra cho người khác qua những việc mình đã thực hiện. Hằng ngày khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta xin Cha tha nợ cho chúng ta như chúng ta cũng tha nợ cho anh em. Xin tha, chúng ta sẽ được tha. Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." (Mt 18:20-21). Nhiều lần mỗi ngày, chúng ta xin Chúa tha thứ, đặc biệt trong Thánh Lễ, chúng ta có nghi thức sám hối và đền tội, rồi có nghi thức giao hòa và chúc bình an. Chúng ta giao hòa với Chúa và với nhau để tìm sự bình an đích thực trong tâm hồn.

Các linh mục chúng con cũng xin lỗi đến tất cả quý cụ ông, cụ bà và toàn thể giáo dân qua những lỗi lầm chúng con đã sai phạm trong khi thi hành chức vụ thánh. Xin lỗi về tất cả những việc làm vì vô tình hay hữu ý đã gây sự bất hòa và mất đoàn kết giữa cộng đoàn hay giáo xứ. Xin lỗi về những sự hướng dẫn không theo qui cách của Giáo Hội. Xin lỗi vì những thiếu xót trong việc bổn phận hằng ngày của một mục tử. Xin lỗi về những lạm dụng chức thánh vào những phần việc trần thế để gây ảnh hưởng hay lợi lộc riêng tư. Xin lỗi vì những gương mù và gương xấu đã gây nên trong cộng đồng dân Chúa. Trong Năm Thánh Linh Mục, xin quý ông bà anh chị em tha thứ và bỏ qua cho nhau những đố kị, thù hành và ghét bỏ. Xin thương tha thứ.

Tránh Lỗi

Con đường nên thánh còn dài. Đời còn lắm chông gai. Cạm bẫy còn giăng giăng khắp lối. Con người vẫn thường chứng nào tật đó. Ước muốn điều tốt thì nhiều mà thực hành chẳng được bao nhiêu. Nhìn lỗi người khác thì rõ rành rành. Nhìn lại lỗi lầm của mình thì mờ mờ ảo ảo. Chúng ta ngại đi vào tận thâm tâm của mình. Chúng ta muốn người khác nên tốt, khuyên dạy người khác nên thánh, còn chính mình thì muốn đứng ngoài vòng. Chúng ta ngại bỏ đi những thói xấu. Biết rằng tội lỗi thì xấu. Dù xấu vẫn dễ thương. Tội lỗi cứ luẩn quẩn bên mình. Nó làm cho chúng ta thấy dễ chịu và khoái cảm. Gọi là ghét tội nhưng chúng ta cứ phạm tội. Cũng như chúng ta có thói quen tắm rửa hằng ngày, tắm rồi lại dơ, dơ rồi lại tắm. Chúng ta sống mỗi giây phút trong đời, đều là giây phút mới hoàn toàn. Chúng ta luôn có thể sống ngày hôm nay tốt hơn.

Chúa Giêsu đã ưu ái ban cho Giáo Hội Công Giáo một món qùa trên cả tuyệt vời, đó là Bí Tích Hòa Giải. Qua Bí Tích này, chúng ta được giao hòa với Chúa và anh em. Các anh em linh mục chúng ta cũng nên thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, vì đây là nguồn thiêng liêng độc nhất giúp chúng ta tìm lại sự tinh tuyền. Tránh phạm lỗi lầm là một sự cố gắng liên lỉ không ngừng. Các linh mục cần tỉnh thức và cần được sự nâng đỡ. Tỉnh thức như người đang lái xe. Lúc nào người lái xe cũng phải tỉnh để ngó trước, ngó sau, ngó phải, ngó trái và sẵn sàng chân thắng, chân ga. Cuộc lữ hành trần thế là cuộc lữ hành đi về nhà Cha. Chúng ta cùng đồng hành với nhau trên mọi nẻo đường. Chúng ta cần nâng đỡ nhau và dựa vào nhau mà sống, để cùng dìu dắt nhau tiến lên con đường trọn lành.

Lời kết, chúng ta đang cử hành Năm Thánh Linh Mục trùng vào Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam. Những tháng ngày còn lại trong Năm Thánh, anh em linh mục chúng con xin tất cả quý ông bà và anh chị em cầu nguyện nhiều thêm, để giúp chúng con kiện toàn hơn trong sứ vụ mà chúng con đã lãnh nhận. Thưa quý ông bà và anh chị em: Nếu chúng ta có mục tử tốt lành, chúng ta sẽ được dẫn đến nguồn suối mát, nếu chúng ta có mục tử đạo đức, chúng ta sẽ có giáo dân tốt và nếu chúng ta có linh mục thánh thiện, giáo dân cũng sẽ thánh thiện. Xin Chúa dủ lòng thương xót chúng con.

Bronx, New York, ngày 3.12.2009
 
Tình yêu soi sáng nẻo đi
Jos. Tú Nạc, NMS
09:52 03/12/2009
Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C (Baruch 5: 1-9; Palm 126; Philippians 1: 3-6, 8-11; Luke 3: 1-6)

Quần áo tạo con người – hoặc chăng câu cổ ngôn mang ý nghĩa hình thức. Nhưng nguyên lý rất trần tục này thường được dùng trong Kinh Thánh để ngụ ý điều gì đó uyên thâm hơn. Quần áo trong ý nghĩa Kinh Thánh là những dấu chỉ của trạng thái tâm hồn và tâm lý con người – những phương thức tư duy, thế giới quan, những giá trị và nhận dạng cá nhân.

Thánh Phao-lô và những môn đồ của ông dùng ẩn dụ này một cách rộng rãi để miêu tả sinh động sự thoái thác của người xưa và sự giả định một cá tính mới và lối sống mới. Trong cùng một phong cách, Baruch muốn dân Do Thái bị lưu đày để đặt quá khứ đằng sau họ. Sự cứu chuộc và phục hồi thực sự sẽ không thể xảy ra miễn là họ tiếp tục tự giấu giếm trong hổ thẹn, khuất phục, tức giận, bất mãn và tự ty. Ngoài cái vỏ của phiền muộn, đau khổ, Baruch ra lệnh và hướng về vẻ đẹp vinh quang từ Thiên Chúa.

Nhưng thậm chí có nhiều hơn: sự công chính, hòa bình và vinh danh Thiên Chúa. Không là một chiếc tủ quần áo tồi tệ! Họ sẽ về quê nhà trên mảnh đất của riêng mình, nhưng trí tưởng tượng về tôn giáo của họ phải được làm tươi mới với những hình ảnh của một Chúa yêu thương và che chở. Những từ ngữ như hân hoan, nhân từ, vinh quang và chính trực phải bảo đảm rằng quốc gia bị giam giữ này sẽ có thể thoát khỏi cảnh tối tăm, cảm giác thất vọng và cảm nhận ân sủng một cách chân thành bởi Thiên Chúa. Điều này rất khó đối với hầu hết mọi người để tỏ ra trách nhiệm về sự lo buồn và khổ đau của họ. Vết thương không dễ dàng lành lặn, và nhiều lúc, thậm chí chúng ta có thể trở nên gắn liền với chúng. Tội lỗi, xấu hổ và cảm giác của một nạn nhân có thể chìm sâu tận gốc rễ của họ trong trái tim và linh hồn con người. Đối với những thân phận lưu đày, thông điệp này là một tin mừng mà Thiên Chúa đã không buông xuôi họ. Ngược lại, họ được trân trọng trong tầm nhìn của Thiên Chúa. Điều đó cũng áp dụng đối với chúng ta – cùng với việc đảm bảo rằng thiên Chúa luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta bắt đầu trở lại. Nhưng có thể không có một cuộc đời mới mà không có một phương thức tư duy mới.

Thánh Phao-lô có rất nhiều điều phải được tri ân. Cộng đồng tại Philippi đã không bao giờ gây cho ông bất cứ một phiền toái nào vì nó được biết đến vì tâm linh và tính trung thực sâu sắc của nó. Nhưng ông đã bổ sung thêm một vài ngôn từ bí ẩn về tình yêu tràn trề với kiến thức và tri thức ngày càng nhiều. tình yêu phải gắn liền với tri thức là gì? Mọi thứ! Trong sự cổ vũ của mình đối với cộng đồng để tiếp tục trên con đường phát triển tâm linh, Thánh Phao-lô đã làm cho nó rất rõ rang rằng tình yêu sẽ soi sáng nẻo đi. Tình yêu tự nó là một hình thức hiểu biết và khôn ngoan không giống như sự tính toán của con người. Đưa ra những quyết định không phải là một vấn đề chỉ nặng về ưu khuyết điểm – tuy nhiên điều đó có thể bổ ích – nhưng cho phép một trái tim chan chứa yêu thương để hướng dẫn người ta một cách nhẹ nhàng đường ngay nẻo chính.

Có một sự tương phản thú vị trong đoạn trích Tin Mừng. Một mặt những người thống trị của hành tinh Trái Đất – những người La Mã cùng với các vị vua thân chủ và người hầu linh mục – uốn cong sức mạnh tập thể của họ và tác động mạnh đến ý chí trên vùng đất và dân chúng Judea. Nhưng đồng thời, một người mà có lẽ gợi lên sự chế giễu hoặc ghê tởm những kẻ thống trị - Gio-an Tẩy gỉa – bắt đầu tư thế chuẩn bị của mình. Theo Isaiah 40, thánh Gio-an tự xác định như là tiếng than khóc nơi hoang dã và công việc của ông chuẩn bị đường cho ngày Chúa đến. Lại một lần nữa dân chúng được hô hào cổ vũ không tự xem mình là nạn nhân vô vọng ngay cả khi họ chịu đau khổ dưới sự áp bức của người La Mã. Thiên Chúa là người thầy duy nhất của hành tinh Trái Đất và Người có những kế hoạch khác đối với quyền lực.

Mặc dù lời giao rảng của Thánh Gio-an tiên đoán khá nóng bỏng, đã có một dấu hiệu mạnh mẽ rằng sự thăm viếng của Thiên Chúa không phải là sự kiện đáng sợ và tàn phá như bởi quá nhiều tưởng tượng. Ông khẳng định rằng “tất cả mọi thân xác sẽ thấy sự cứu rỗi của Thiên Chúa” là một yếu tố thiết yếu theo thần học của Thánh Lu-ca: bản chất phổ quát về ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Nó sẽ có ý nghĩa những thay đổi to lớn bằng cách để mọi người cảm nhận Thiên Chúa. Người sẽ không còn là sở hữu của một số ít và sẽ không tỏ ra bất kỳ sự thiên vị hoặc sự lựa chọn nào. Nó là một thông điệp mà chúng ta vẫn không hợp nhất hoàn toàn vào ý thức tinh thần và đạo đức chung. Nhiều người sợ ngày gần đến của Chúa, nhưng việc Chúa đến hầu như không sợ như tưởng tượng. Nhưng những ngạc nhiên và thử thách mà Chúa mang đến xáo trộn hơn mà hầu hết chúng ta tính đến. Con đường thênh thang nhất hay thung lũng cho Chúa chúng ta là một tâm trí và tâm hồn rộng mở.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta sự cứu rỗi đang đến gần
Jos. Tú Nạc, NMS
09:53 03/12/2009
Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C (Jeremiah 33: 14-16; Psalm 25; 1 Thessalonians 3: 12-4: 2; Luke 21: 25-28, 34-36)

Để rao giảng hy vọng và sự cứu rỗi trong giữa những bất trắc và khổ đau điều đó đòi hỏi lòng can đảm thực sự và kết tội nơi pháp đình. Bất kỳ chính trị gia nào thực hiện như vậy sẽ gặp nguy hiểm nghiêm trọng và bị ném ra khỏi chức vụ sau khi bị buộc tội của sự lãnh cảm, khước từ, chủ nghĩa cơ hội chính trị và một loạt các hành vi chính trị và xã hội.

Và điều này vẫn hoàn toàn chính xác với những gì mà tiên tri Jeremiah đã thực hiện. Ông đã dành trọn vẹn “nghiệp vụ” tiên tri thuyết giảng và làm tan biến trong một nỗ lực thức tỉnh tinh thần dân chúng của mình – nhất là đối với những ai ở vùng cao. Đáng tiếc là họ thích ngoảnh tai mình để nghe một nhóm những tiên tri tranh thủ tình cảm “ru ngủ” êm ái ngọt ngào, những người đã tạo ra những người lãnh đạo có hiệu quả sự sống của họ những gì họ muốn nghe.

Jeremiah đã không hài lòng thông điệp ấy và ông đã phát biểu – những lời ông cảm thấy bắt buộc phải rao giảng mà tan nát tim mình. Vì rằng những thảm họa đã vượt qua những quốc gia không có cái nhìn thèm muốn hoặc “tôi đã bảo các bạn như vậy” với thái độ về phần mình. Ông chỉ tự mình hòa hợp với phần khác về thông điệp của Thiên Chúa: hy vọng và cứu chuộc. Những đau khổ và hủy diệt chỉ là nhất thời. Kế hoạch của Thiên Chúa có thể đánh lạc hướng trong hiện tại nhưng trong thời gian dài thần thánh sẽ chiếm ưu thế. Thiên Chúa hứa với một người cầm quyền từ ngôi nhà của David để cai trị phục hồi đất nước – không phải là một Đấng Cứu Thế trong ý nghĩa của thuật ngữ chúng ta sử dụng mà hiển nhiên là một con người với sứ vụ thiêng liêng cao cả. Dân Israel có một tương lai; dân chúng không nên tuyệt vọng ngay cả khi họ trải qua những đau khổ của sự sống bị nhổ rễ và lưu đày nơi vùng đất xứ lạ quê người. Trong những cuộc chiến văn hóa và tranh luận đạo đức của thời đại chính chúng ta, chúng ta không được phép lãng quên cả hai lòng thương cảm và ý nghĩa của sự hy vọng và cứu chuộc. Nếu không có hai từ tố này – thậm chí những ngôn từ chân thực – sự thoái hóa độc hại cá nhân tấn công những lời tiên đoán về sự chết bị giảm sút.

Và chúng ta phải thực hiện những gì trong thời gian chờ đợi? Thánh Phao-lô đã có câu trả lời: sống một cách làm đẹp lòng Chúa và cho phép tình yêu của chúng ta đối với nhau tha thiết mặn mà. Nghe nó có vẻ đơn giản – và nó tương đối đơn giản trong khả năng nhận thức về sự sống không gì phức tạp – nhưng nó cung cấp câu trả lời cho khả năng nhận thức về sự suy yếu và thất vọng mà vượt qua rất nhiều người. Những nỗ lực của chúng ta để tu bổ và thay đổi thế giới là quan trọng. Thiên Chúa sẽ không cứu vớt chúng ta khỏi những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội hoặc môi trường, Thiên Chúa cũng không tác động đến công lý và hòa bình trên một đặc tính nhân loại không tự nguyện. Những điều này là trách nhiệm của chúng ta nhưng ý nghĩa của nó sẽ bị giảm sút nghiêm trọng không có một sự nhấn mạnh về việc tăng cường những mối quan hệ cá nhân với nhau và đời sống cộng đồng. Có lẽ sự đóng góp lớn lao nhất của chúng ta đối với những vấn đề và những mối quan tâm mà chúng ta duy trì thân ái là tạo ra các cộng đồng tương thân tương ái để đưa ra bằng chứng trước mối giao hòa với Thiên Chúa.

Sự miêu tả này ở cuối đoạn trích của Thánh Lu-ca rất phù hợp với một cuốn phim thiên tai – nhất là đối với điều gì đó mang tầm vóc tôn giáo hay biến cố tiên đoán. Bộ phim mà đã khắc họa những sự cố thiên tai vào năm 2000 và cuốn phim hiện đang trình chiếu về sự kết liễu của trái đất dự đoán vào năm 2012 là những điển hình nghiệt ngã về thể loại thời gian tiên đoán này. Thật không may, chúng cỏ thể gây hoảng sợ cho nhiều người và để lại trong họ một cảm giác thất vọng về bất kỳ điều gì đã được thực hiện và dựng xây trên thế giới. Mối quan yếu là bảo tồn sự sống của chính con người. Những miêu tả trong đoạn trích của Thánh Lu-ca là bố cục những biến cố dự đoán – có lẽ không bắt nguồn từ Chúa Giê-su – và được dự kiến trước dấu hiệu về bản tính quan trọng sự trở lại của Chúa Ki-tô và thực tế mà thế giới sẽ được thay đổi một cách triệt để. Những hiểm họa thực sự đang được chú ý tất cả tự bản chất, bị áp chế trong tiêu cực hoặc bị vướng vào mối quan tâm hàng ngày mà chúng ta không nhận ra trước những dấu hiệu về bản tính quan trọng sự trở lại của Chúa Trời. thiên Chúa có một lịch sử lâu dài về sự hoạt động trong những đường lối tinh tế và đáng ngạc nhiên. Điều gì nếu sự trở lại của Người là khá êm đềm được chú ý bởi chỉ những ai thức tỉnh và cảnh giác? Sự hiện diện của Thiên Chúa được báo hiệu bằng những dấu hiệu nhạy cảm nhưng không thể nhần lẫn: ngôn từ và hành động phản ánh tính duy nhất của nhân loại, công bình, bác ái, bất bạo động, chia sẻ và thứ tha. Đọc những dấu hiệu này sẽ cho phép chúng ta nhận biết sự hiện diện của Đức Ki-tô bằng thần trí thậm chí những hiệu ứng đặc biệt ấn tượng.

Nhưng qua Tin Mừng, đoạn trích bổ sung thêm một điều gì đó quan trọng. Ngay cả giữa đau khổ và đấu tranh, chúng ta hãy đứng cao và ngẩng đầu: sự cứu chuộc của chúng ta đang đến gần nên chúng ta hãy hành động với tất cả lòng can đảm và nhân phẩm. Mùa vọng bắt đầu với bóng tối và một sự trông chờ ơn cứu độ cùng một thế giới lành mạnh. Nó sẽ được phúc đáp bằng ánh sáng của vì sao Bethlehem. Nhưng chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Nhiều người chưa thấy ơn cứu độ của Chúa
Pm. Cao Huy Hoàng
14:13 03/12/2009
Theo Thánh sử Luca, ông Gioan, con của Ông Giacaria được chọn trong hoang địa để loan báo Chúa sắp đến. Ông hô lớn:

“Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa”.

Có lẽ nào ông Gioan nói sai?. Bởi, Chúa Giáng Sinh đã hơn hai ngàn năm rồi, mà vẫn còn nhiều người chưa “thấy ơn cứu độ của Chúa”. Cụ thể, ở Việt Nam, sắp đến 400 năm Tin Mừng đến Nước Mặn (Đàng Trong), 350 năm thành lập 2 giáo phận tông tòa, 50 năm thành lập hàng giáo phẩm, hơn 130.000 vị tử đạo…. mà chỉ có hơn chục triệu người được rửa tội, trong số 80 triệu chưa được rửa tội. Và đó là con số được rửa tội. Còn con số được “thấy ơn cứu độ của Chúa” thì không ai có thể làm một bản thống kê!

Ông Gioan nói sai rồi sao?

Ông nói là “Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa” mà!

Thiết tưởng, không nên cắt xén Lời Chúa để rồi thách thức Thiên Chúa, hoặc tự hào cách vô lối rằng “chỉ cần được rửa tội là được nhìn thấy ơn cứu độ”, nhưng hãy bình tĩnh xem lại cho rõ, cho đầy đủ lời Ông Gioan nói: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

Thánh Luca không dùng điều kiện cách: “nếu… thì”, nhưng dùng cách câu đề nghị, khuyên bảo: “hãy… sẽ…”, cho thấy mức độ tôn trọng đối với người đón nhận ơn cứu độ. Như vậy, Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người, để tự do ấy thực sự có giá trị khi con người biết dùng tự do mà chọn lựa cho mình phần tốt nhất. Phần tốt nhất phải ngộ cho ra, đó là ơn cứu độ.

Vì không cần đến ơn cứu độ

Nhiều người chưa thấy ơn cứu độ, cách riêng ở Việt Nam, trước tiên là do bị satan đầu độc tâm trí con người không cần đến ơn cứu độ, hoặc sử dụng tự do lệch lạc theo cách “tin hay không tin”. Như thế là tự do! Tự do theo vô thần thuyết. Suy nghĩ ấy đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết đời đời, chấp nhận một cuộc sống không có niềm hy vọng! Cũng đồng nghĩa với việc chỉ sống cho đời nầy, vì chỉ có đời nầy, nên có thể làm bất cứ điều gì miễn là có được một cuộc sống đời nầy trọn vẹn! Không cần đến ơn cứu độ cũng được hiểu là xác nhận không có một hữu thể nào siêu phàm thượng trí bằng con khỉ đột, ông tổ của loài người! Những con người nầy đang sống trong thế giới ảo, hạnh phúc ảo, sự sống ảo. Và khi hạnh phúc thật, sự sống thật, chắc chắn sẽ xuất hiện cách cá vị qua cái chết, họ vẫn ngoan cố không nhìn ra sự thật, liều mình chết đời đời!

Đây vẫn là chuyện thường gặp trong đời sống các tín hữu Việt Nam. Chung quanh chúng ta, không thiếu những lời thách thức để từ chối Thiên Chúa: “Chúa đến đem hòa bình, sao vẫn còn chiến tranh?! Chúa đến xóa bất công, sao bất công vẫn còn nhan nhãn! Chúa đến đem sự thật, sao giả dối vẫn lan tràn!? Chúa đến đem tình yêu, sao vẫn còn tỵ hiềm, ghét ghen thù hận!?” Ngay cả miền đất Chúa sinh ra kìa, có khi nào được yên ổn đâu?

Vì chưa làm chứng đủ cho ơn cứu độ

Thứ đến, chưa thấy ơn cứu độ là do không có người làm chứng, hoặc chứng tá “đời sống trong ơn cứu độ” chưa thực sự thuyết phục. Chứng từ hùng hồn của các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã trổ sinh muôn ngàn bông hạt đức tin trên quê hương Việt nam. Rõ ràng là cho đến nay, chúng ta vẫn đang là người thừa hưởng gia sản của các Thánh Tử Đạo Việt nam để lại. Các thánh tử đạo, có thể nói, là những người đã “nhìn thấy ơn cứu độ” ngay khi còn sống trên trần gian nầy, nên các Ngài đã dám “lấy chính giọt máu của mình mà gieo trồng Hội Thánh Chúa”. Còn chúng ta, có dám hy sinh không? Con số những người mới theo đạo, mới được rửa tội tại Việt Nam những năm sau 1975 chưa hẳn đã nói lên điều gì, mà nếu có nói được điều gì, thì điều ấy vẫn chưa gọi được là xứng đáng với các bậc tiền nhân anh dũng. Một cơ hội để chúng ta tự vấn về việc chúng ta đang để lại cái gì cho thế hệ hậu duệ?

Sự băng hoại trầm trọng của xã hội không Thiên Chúa có ảnh hưởng đến con cái Chúa không? Những lời thách thức từ chối Thiên Chúa càng có lý do để tiếp tục nhũng nhiễu các tín hữu hơn khi họ không nhìn thấy chứng tá đời sống ơn cứu độ nơi mọi thành phần dân Chúa. Bất kể thành phần nào, khi vướng vào một chút bất chính, cũng đủ trở thành nguy cơ che khuất ánh sáng, hồng ân của ơn cứu độ.

Đã thế, lại còn, cảnh “nồi da xáo thịt” trong các thành phần giáo hội chỉ làm cho “ngư ông đắc lợi” mà thôi, chẳng sinh ích gì cho công cuộc “mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ”. Có khi “ngư ông” lại viết sẳn kịch bản cho chúng ta “nồi da xáo thịt” để ông được đắc lợi vui mừng, vỗ tay hoan hỉ mà chúng ta không hay biết!

Năm thánh của Hồng ân Cứu Độ

Chúa nhật thứ hai mùa vọng trong thời điểm Giáo Hội Việt Nam bước vào Năm Thánh 2010, cùng với lời mời gọi: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa, thật sự là một cơ hội vàng cho Dân Chúa Việt Nam.

Lời ông Gioan Tiền-Hô vẫn còn đó! Để được nhìn thấy ơn cứu độ, và để mọi người nhìn thấy ơn cứu độ, phải sám hối, phải đổi mới canh tân. Lấp mọi hố sâu ích kỷ, tham lam, dục vọng; bạt mọi núi đồi chủ quan, kiêu ngạo, trịch thượng, quyền hành; sống công chính, ngay thẳng giữa những bất chính, gian dối, lọc lừa…. Canh tân không chỉ trong sâu thẳm tâm hồn mà còn phải biểu lộ để trở thành chứng tá. Vì sự biểu lộ ấy có sức tác động rõ nét, khơi lên Mầu nhiệm – Hiệp Thông- và Sứ Vụ.

Nếu từ ngày khai mạc Năm Thánh Hóa các Linh Mục, đã có nhiều Linh Mục biểu lộ sự canh tân mới mẻ, làm thay đổi nếp nghĩ của giáo dân, làm sức thôi thúc họ trở về với Giáo Hội, đến với Chúa; thì từ ngày khai mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam đã mở ra niềm hy vọng lớn lao cho dân Chúa về một công cuộc canh tân có tích cách toàn diện cho mọi thành phần dân Chúa. Hình ảnh của một Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, nhân chứng kiên vững cho công lý của Chúa, như một tiếng nói hùng hồn cho niềm hy vọng dân Chúa thái bình, nước Chúa thịnh trị. Tiếng nói của các vị chủ chăn trong ngày Khai mạc Năm Thánh không phải là dư âm, nhưng luôn là một lời hiệu triệu cấp bách cho toàn dân Chúa đi vào Mùa Vọng Mới, mùa “công chính” để “thấy ơn cứu độ”.

Lời Đức Hồng Y Gioan Baotixita, Tổng Giám Mục Sài Gòn trong buổi Khai Mạc Năm Thánh, vẫn còn đó: “Sống sao cho mọi người nhận biết Đạo Công Giáo là Đạo Yêu Thương”.

Cha ông ta nói “Thương nhau chín bỏ làm mười”, “thương nhau quả ấu cũng tròn ….”. Như vậy là mù quáng sao? Thiết tưởng đó là một nét đẹp của văn hóa Việt thấm nhuần Đức Ái Kitô Giáo ngay từ những ngày Tin Mừng mới đến, ngay từ lúc có Tiếng Việt! Chỉ sợ là vì ích kỷ mà không muốn thương nhau. Còn đã có lòng thương nhau thì ắt biết phải làm gì. “Yêu đi rồi hãy làm”.

Lời của Đức Cha Nguyễn Chí Linh trong phần Sám Hối vẫn còn đó: “Chiều hôm nay, khơi lại ngọn lửa đức tin như hồng ân quý giá nhất mà Chúa đã ban, đốt lên nén hương lòng tưởng nhớ tiền nhân đã để lại gương sống tuyệt vời, chúng ta tri ân cảm tạ và nguyện hết lòng trung kiên làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam.

Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận, rằng với tư cách là Kitô hữu đang mang trong mình dòng máu Adam-Evà, chúng ta đã phạm tội, đã vấp phải nhiều lỗi lầm thiếu sót. Chúa Kitô là “Ánh sáng đã đến thế gian” nhưng chúng ta “đã ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 3, 18).

Hãy xin lỗi Chúa. Hãy xin lỗi nhau. Và hãy xin lỗi mọi người lương dân vì lỗi chưa thực sự làm chứng cho ơn cứu độ. Việc xin lỗi ấy đồng nghĩa với quyết tâm theo lời mời gọi của Ông Gioan trong Tin Mừng hôm nay, và cụ thể là -Khâu lại tấm áo hiệp nhất - Làm đẹp dung nhan Thánh Thiện của Chúa Kitô - Nhiệt tình truyền giáo - Tin tưởng truyền thống Giáo Hội; sống yêu thương nhau, và hòa mình với những nỗi đau của những người đau khổ bất hạnh – bạn hữu chí thiết của Chúa Kitô.

Vẫn còn đó, lời gọi lửa thiêng, Đoàn Nghi Thức Thắp Ngọn Đuốc Đức Tin Năm Thánh 2010 của GP. Hải Phòng đã múa hát:

“Nhìn về tương lai, ai nào biết ra sao ngày mai,

Nhưng nhìn đời hôm nay nghe thổn thức trong tim dâng đầy

Tuổi trẻ của chúng con phải làm gì cho chính chúng con

Tuổi trẻ của chúng con phải làm gì cho thế giới này

Ánh sáng Chúa hãy chiếu dọi chúng con

Ánh sáng Chúa hãy chiếu dọi thế trần

Đi trên đường công chính về với suối ơn trường sinh

Thôi những ngày điêu linh vui sống trong ơn an bình”

Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng ở Việt Nam đang tràn đầy niềm hy vọng, như Tiên Tri Baruc đã nói:

“Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người” (Baruc 5,9);

và như lòng Thánh Phaolô mong ước:

“Tôi cầu xin cho anh em được nên tinh tuyền, không gì đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô lại đến. Như thế, anh em có thể mang lại hoa trái dồi dào là sống một đời sống công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.” (Philipphê 1, 10-11)

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng nầy, trong năm thánh nầy, nguyện xin Ánh Sáng Lời Chúa, Ánh Sáng Tình Yêu của Chúa chiếu dọi chúng con, chiếu dọi thế trần, để mọi người đi trên đường công chính, về với suối ơn trường sinh, về với Hồng Ân Cứu Độ.
 
Đón chờ Đấng Cứu Thế
Tuyết Mai
14:23 03/12/2009
Có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa. Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: "Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa". (Lc 3, 1-6).

Tôi không tin rằng trong cuộc đời của chúng ta, không ai lại không hiểu cái sự chờ đón hay trông đợi ai đó, dù người ấy là trong gia đình thân thuộc của chúng ta, người bạn cũ bao nhiêu chục năm nay được có dịp gặp lại, đón cha mẹ từ VN qua chơi với con cái, anh chị em cả năm nay có dịp được đoàn tụ thân thiết, vợ đợi chồng ở tù nay được thả ra, chồng đợi vợ từ nhà thương trở về nhà sau một cơn bạo bịnh tưởng không có thể thoát nổi, đón anh chị em từ nhà dòng trở về sau bao nhiêu năm không được gặp,..... hoặc bất cứ một sự chờ đợi gì mà lòng chúng ta thật sự mong mỏi để được gặp!??

Có phải sự trông đợi ấy làm cho lòng chúng ta vui hớn hở lên, làm việc thì hăng say lên, ca hát suốt ngày đêm, như cô dâu sắp sửa được về nhà chồng, như ai đó chờ đợi để lấy được tấm bằng sau bao nhiêu năm dài miệt mài kinh sử, như cha mẹ lần đầu tiên háo hức nôn nao trông cho đến ngày sanh nở để thấy được khuôn mặt dễ thương bụ bẫm của con trẻ suốt thời gian 9 tháng 10 ngày, như ngày lễ ra trường đại học của các con, và còn rất nhiều sự trông đợi như thế nữa!

Có phải tất cả mọi người đều chuẩn bị bằng cách là trước tiên phải đi sắm sửa!? Ồ sắm sửa nhiều thứ lắm thưa anh chị em! Nào là quần áo này! Nhà nghèo thì đi mướn quần áo thưa có phải không!? Nhà cửa thì cho tươm tất gọn ghẽ kẻo sợ khách chê cười. Không có tiền thì ráng đi chạy qua hàng xóm mà mượn sẵn đồ để trang trí trong nhà như ấm trà, chén bát, ly cốc, màn cửa, ghế, bàn, nhiều khi cả tiền nữa để mà mua thức ăn cho gọi là trọng thể và cho thấy rằng sự đón tiếp của gia chủ có chuẩn bị thật chu đáo và nồng hậu. Người đi xa trở về cảm thấy được sự đón tiếp ấy cũng cảm thấy thật hạnh phúc và thật cảm động. Còn khách đến nhà thì nhìn thấy được sự đón tiếp mình quá mức như thế sẽ hiểu ngay được tấm lòng của gia chủ!? Nói chung thì sự đón tiếp nào cũng nói lên được tấm lòng của người đang trông đợi, mà có phải cả hai bên có sự chờ đợi như nhau. Vợ chờ chồng thì đêm ngày thấp thỏm, nôn nóng đứng ngồi không yên. Cha mẹ chờ con được thả về trong tự do như nhận được một kho tàng vô giá. Ôi! Cái sự chờ đợi có đôi khi như mỏi mòn, phải không thưa anh chị em, vì ngày ấy không bao giờ tới, vì anh đã bỏ xác trên chiến trường, vì anh đã bị bạo bệnh trong lao tù, vì anh hay chị em đã chết đắm trên con đường tìm tự do, vì đứa con không còn bao giờ thấy. ... vì. ... và vì. ...

Nhưng thưa anh chị em, còn Con Người mà chúng ta đang chờ đợi, tôi muốn nói đây, là Đấng Cứu Thế, đang sắp đến và sẽ hiện diện giữa chúng ta không ai khác là Chúa của chúng ta. Cho nên chúng ta phải chờ đợi để chào đón Ngài như thế nào cho phải phép đây?? Anh chị em nên nhớ rằng Ngài là Con Thiên Chúa nhé! Đấng có đầy uy quyền trên Thiên Quốc, bỏ ngai vàng, xuống trần gian làm con người phàm. Giáng thế trong một hang đá của bò lừa? Nằm trong máng cỏ được lót rơm làm nệm cho êm lưng? Súc vật thở lên Ngài để Ngài được ấm? Cha Mẹ Ngài bị người đời từ chối không nơi tạm trú? Vài chú mục đồng là đến thờ phượng Ngài? Ba Vua cũng đã được thiên thần cho biết mà đến bái lậy Ngài? Ngoài ra mọi con người nào ai biết có một Thiên Chúa đã đến trần gian để đem an bình và hạnh phúc cho nhân loại chúng ta? Cho nên Ngài Giêsu Hài Đồng, là Thiên Chúa của chúng ta, Ngài từ Trời cao mà đến, nên Ngài không đòi hỏi chúng ta điều chi ngoài tấm lòng khiêm cung, thành thật, và yêu mến Ngài, bằng cách: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng". Đó là chúng ta hãy dọn tấm lòng của chúng ta mà chuẩn bị đón Chúa đến thì mọi người chúng ta sẽ tất cả thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa dậy chúng ta chỉ hai điều thiết yếu, ấy là Trước kính mến Một Thiên Chúa trên hết mọi sự; sau lại yêu người như mình ta vậy! Vâng, ai yêu kính Thiên Chúa cũng rất dễ dàng vì Ngài luôn tha thứ và yêu thương chúng ta, và quả thật là vậy!. Nhưng yêu người như mình ta vậy thì quả rất khó khăn. Làm sao yêu người được khi họ hơn mình đủ thứ và mặt cứ hất lên và nhìn xuống mình chê bai và khinh dể? Làm sao yêu người được khi người ta luôn chửi bới mình không một lời tiếc rẻ và coi mình như con vật? Làm sao yêu được người khi mà họ giáng lên mình những trận đòn không ngưng tay? Làm sao yêu người được khi họ đá đổ chén cơm của mình và của cả gia đình? Làm sao yêu được người khi mà cơn đau nghẹn như chực trào ứa ra trên khoé mắt và nghẹn ngào nức nở trong trái tim? Làm sao yêu được người khi con của mình bị họ làm ra nhơ nhuốc? Làm sao yêu được người khi họ đang tâm giết con của mình? Làm sao và làm sao??

Thì có phải Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, của chúng ta sẽ đến để trả lời cho chúng ta tất cả những gì mà thù hận sẽ không còn trên trái đất, khi mà chúng ta hiểu được rằng, Con Người là Thiên Chúa phải xuống trần gian, tất cả chỉ vì yêu thương chúng ta hay không????

Ngài không cần lễ vật, Ngài không cần quà cáp giá trị, Ngài không cần lễ nghi, Ngài không cần. ... và không cần, mà Ngài chỉ cần tấm lòng thành của chúng ta mà thôi, thưa anh chị em! Hãy dâng lên Ngài tất cả con người chân thật là những tấm lòng rách nát, là những sự nghèo nàn, là những bệnh tật của chúng ta, là những sự yếu hèn, là những đam mê khó chừa cải, là những sự cố gắng hằng ngày, là những công việc hèn mọn, là những thiếu xót, là những tội lỗi của chúng ta, là những ăn năn sám hối, là những sự đau đớn vì chúng ta không chừa được tội, là còn rất nhiều điều không thể sửa đổi được, nhưng chúng ta có cố gắng.

Thưa có phải Ngài Giêsu của chúng ta lại không biết con người của chúng ta ư!? Chẳng những Ngài biết mà Ngài còn biết rất rõ từng con người tội lỗi của chúng ta nữa! Nhưng có phải vì thế mà Ngài đã chọn để xuống thế làm người vì tội lỗi của chúng ta hay không???? Nơi hang đá chúng ta chứng kiến cảnh gia đình Thánh Gia như thế nào? Xin hãy lột bỏ tất cả mà đến thờ phượng bái lậy Ngài, vì Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, mà trên thân thể ngọc ngà của Ngài chỉ có miếng vải để che thân. Amen.
 
Sống Tỉnh Thức # 47: Các Anh Hãy Sinh Hoa Trái
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
15:19 03/12/2009
Sống Tỉnh thức # 47

CÁC ANH HÃY SINH NHỮNG HOA QUẢ

“Tỏ Lòng Sám Hối”

Chuyện kể rằng: Một hôm Nhím và sói gặp nhau bên bờ suối, Sói bị đói đã mấy ngày nay. Nó nhìn Nhím một các thèm thuồng và tức tối. Nó nói: “Nhìm này, mày chẳng hay ho gì cả…mày kém xa thỏ về mặt sắc đẹp. Mày có biết cái gì làm cho mày xấu đi không?” Nhím hỏi: “Cái gì nào?” - “Chính những cái lông nhọn của mày đấy! Nếu muốn đẹp thì bỏ mày phải bỏ những chiếc lông nhọn ấy đi.” Nhím lắc đầu, dựng đứng những chiếc lông của mình lên đáp: “Thật ra vì hàm răng nhọn của mi mà ta phải mọc những “mũi tên” trên người như thế này đây !”

* Một phút hồi tâm: Ma quỉ giống như con sói trong câu chuyện trên, và tạm ví bạn như con nhím. Chúa muốn bạn hãy trang bị cho mình những khí giới cho, để chống lại sự thèm thuồng của quỉ dữ như Ngài đã ban cho loài nhím một bộ lông thật đặc biệt để tự vệ.

Nếu bạn nghe theo lời đường mật của ma quỉ, ngoan ngoãn bỏ qua một bên những khí giới mà Chúa khuyên trang bị cho bạn là: “Hãy đứng vững, lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giầy là lòng hăng hái loan báo Tin Mừng. Luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ, và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. (Ep 6,14-17)

Vũ khí kể trên đây là những hoa quả sẽ do Chúa Thánh Linh giúp bạn quyết thực hiện mỗi ngày, để trang bị sẵn sàng và xứng đúng với lòng thực tâm tìm Chúa là yếu tố quyết định sau cùng cho bạn để giành thắng lợi, đừng để ông Gioan Tiền hô trách một cách nặng nề là: “…Đám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa, ông nói với họ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả xứng đáng với lòng sám hối. Và đừng nghĩ bụng rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Ap-ra-ham”… (x. Lc 3, 4-8)

Những hoa quả của bạn và tôi hôm nay để Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể là yêu thương, như tấm bánh bẻ cho người khác qua đồng tiền, bát gạo, manh áo, lời nói, nụ cười, nhịn nhục, tha thứ…

Phó tế: Gioan B. Maria Nguyễn văn Định
 
Dọn đường, dọn lòng
Anmai, CSsR
16:02 03/12/2009
Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (Br 5, 1-9; Pl 1,4-6.8; Lc 3, 1-6)

Hơn bao giờ hết, người Việt Nam đang phải đối diện với “văn hoá giao thông” vì lẽ mở mắt bước chân ra đường lúc nào thì đều ngán ngẫm với cảnh kẹt xe. Nguyên nhân kẹt xe do lòng đường thu hẹp bởi các công trình đang thi công. Thế nhưng, nguyên nhân chính vẫn không phải là nguyên nhân ấy nhưng lại là nguyên nhân do lòng con người bị thu hẹp lại. Khi ra đường, ai cũng giành đi trước thì ai sẽ nhường cho ai để rồi kẹt xe là chuyện dĩ nhiên. Người ta càng gào càng thét nhưng lòng người ta không lay chuyển, không biến đổi thì muôn đời vẫn bị kẹt xe.

Để đi đến một nơi nào đó thì cần lắm một cái lòng đường thông thoáng cộng với lòng người vui tươi hớn hở. Đối diện với cái cảnh kẹt xe thì chẳng tìm thấy một nụ cười trên môi được. Có chăng là những tiếng xì xầm khó chịu. Lòng đường và lòng người có cái gì đó đi đôi với nhau thì phải. Lòng người đủ lớn thì lòng đường mới lớn lên được. Lòng đường lớn lên thì người đi trên đường cảm thấy thoải mái và vui tươi.

Để đón một ai nào đó đến chơi nhà, điều hết sức tự nhiên là ta phải dọn con đường dẫn vào nhà ta được thông thoáng cũng như lòng ta phải rộng mở. Đơn giản thế thôi.

Để đón Chúa vào nha thì ta cũng cần có một lòng đường đủ lớn và lòng ta cũng đủ rộng.

Thánh Luca có nét đặc biệt hơn các thánh sử khác đó chính là khai mở sứ vụ rao giảng của Gioan. Sứ vụ rao giảng ấy được Luca mô tả trong một bối cảnh lịch sử khá chi tiết của thế giới ngoại giáo và của thế giới dân thánh. Mục đích của thánh sử nhằm đánh dấu thời gian bắt đầu sứ mệnh của Chúa Giêsu mà Gioan chỉ là kẻ dọn đường.

+ Hoàng đế Cêsarê Tibêriô kế nghiệp Augustô lên ngôi trị vì ngày 19 tháng 8 năm 14 sau Công nguyên. Như vậy năm thứ 15 của vua này là khoảng tháng 8 năm 28 hay năm 29. Nhưng hầu chắc Thánh Luca sử dụng niên lịch của người Syriên: theo lịch Syriên, năm mới bắt đầu ở đầu tháng 10. Vì thế từ tháng 9 trở về trước, được kể như là thuộc năm trước. Như vậy năm thứ 15 ở vào khoảng ngày 1 tháng 10 năm 27 hay 30 tháng 9 năm 28: lời rao giảng của Gioan cũng như khởi đầu sứ mệnh của Chúa Giêsu xảy ra khoảng năm 27 hay 28 (sau Công nguyên).

+ Philatô cai quản xứ Giuđêa với tước hiệu tổng trấn (thái thú), vào năm 26 đến 36 (sau Công nguyên). Ông thuộc quyền quan toàn quyền xứ Syria. Lãnh thổ của ông còn bao gồm cả Samaria và Idumêa.

+ Hêrôđê Antipa con của Hêrôđê Đại đế và của Malthakê. Đây là kẻ mà sau này Chúa Giêsu gọi là "con cáo già" (Lc 13,32). Arkêlaô cũng là con của Hêrôđê Đại đế và Malthakê song bị truất phế vào năm 6 (trước Công nguyên). Hêrôđê Antipa làm quận vương xứ Galilêa và Pêrêô vào năm thứ 4 (trước Công nguyên). Ông cai trị cho đến năm 39 (sau Công nguyên). Tước hiệu quận vương chỉ một thứ phó vua cai quản một phần lãnh thổ của Hoàng đế Thánh sử Maccô (6,14) gọi Hêrôđê là Vua theo cách xưng hô bình dân.

+ Philip cũng là con của Hêrôđê Đại đế và Clêopâtre (không phải hoàng hậu Ai Cập), tức là anh em cùng cha khác mẹ với Hêrôđê Antipas. Làm quận vương xứ Iturê và Trakhônitô, cũng như gồm cả Auranitô, Batanêa, Gaulinitô. Philip cai quản năm 4 trước Công nguyên cho đến chết vào năm 34 sau Công nguyên. Vì không có con nối ngôi, vua Tibêriô sáp nhập phần đất này vào miền Syria.

+ Lysania, không thuộc về gia đình Hêrôđê. Làm quận vương xứ Abilênê. Vùng này Chúa Giêsu ít qua lại.

+ Anna và Caipha: vị thượng tế chính thức là Giuse tên gọi Caipha. Ông làm thượng tế từ năm 18 đến năm 36 (sau Công nguyên). Anna là cha vợ của Caipha, làm thượng tế trước đó, từ năm 6 (trước Công nguyên) đến năm 15 thì bị hoàng đế Gratô bãi chức. Tuy thế, uy tín của ông vẫn còn lớn đối với dân Do Thái.

Các ngôn sứ trước hoạt động trong khung lịch sử của Guđêa hay Israel (x. Is 1,1; Gr 1,2; Ed 1,2; Hs 1,1; Am 1,1 v.v…). Chắc hẳn Thánh Luca có dụng ý khi nới rộng khung cảnh lịch sử trong toàn đế quốc Rôma nhắm đến sự phổ quát của ơn cứu độ. Đấng Cứu thế sẽ đem ơn cứu độ đến cho mọi dân không trừ ai, trong mọi lãnh thổ và dưới mọi sinh hoạt xã hội khác nhau.

Để được cứu độ thì con người phải thay đổi con người cũ của mình, phải ăn năn thống hối như Gioan mời gọi.

Gioan, con của Giacaria (câu 2b): Thánh Luca quy chiếu vào Gr 1,1: "Xảy đến lời của Thiên Chúa cho Giêrêmia, con của kelkiel…". Thánh sử đặc biệt lưu ý tới sứ mệnh của Gioan tiếp tục vai trò ngôn sứ của Giêrêmia. Được thánh hiến từ trong dạ mẹ (Gr 1,1; Lc 1,13) vị ngôn sứ loan báo cuộc phán xét cánh chung (Gr 1,10; Lc 3,9t) công bố vinh quang Đấng Thiên Sai (Gr 31; Lc 1,14; 3,15t) và giao ước mới của Thiên Chúa ký kết với mọi người dù họ là kẻ thấp hèn nhất (Gr 31,31-34; Lc 7,18-23).

Mọi xác phàm sẽ thấy sự cứu thoát của Thiên Chúa (câu 6): Đối với Thánh Luca, điều quan hệ không phải là những niên biểu chi tiết của lịch sử trần tục mà Thánh sử nêu ra. Ngài sử dụng khung cảnh đó để trình bày lịch sử cứu độ.

Khi trích dẫn lời ngôn sứ Isaia 40,3-5 Thánh Luca minh chứng rằng nơi những sự việc này đã hoàn tất lời tiên báo của Cựu ước. Thánh sử cho thấy tầm vóc chính xác: sứ mệnh của Gioan chính là loan báo lần cuối về ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Và sứ mệnh của Chúa Giêsu: Người là "Con Thiên Chúa đến ban ơn cứu rỗi cho mọi xác phàm".

Qua những lời tiên báo trên của Isaia, độc giả Tin mừng, nhờ ánh sáng phục sinh chiếu dọi, có thể nhận ra thiên tính của Chúa Giêsu cũng như ơn cứu rỗi Người mang đến cho mọi người.

Bởi vì ơn cứu rỗi được mời gọi đón nhận một cách phổ quát, nên Thánh Luca đặt nó vào trong bối cảnh lịch sử dân Chúa (ở Giuđêa, Galilê khắp vùng quanh sông Gardan dưới thời thượng tế Caipha v.v…) cũng như trong lịch sử dân ngoại (ở Iturê, Abilênê, dưới thời hoàng đế Tibêriô Gêdarê v.v…)

Tất cả những ai nghe lời hối cải, "hạ thấp đồi cao, lấp hố sâu", thì sẽ nhìn thấy Đấng Thiên Sai. Hay nói cách khác, điều kiện ắt có của ơn cứu độ là phải thay đổi tâm hồn. Gioan Tẩy giả cũng như các ngôn sứ Cựu ước đều rao giảng sứ điệp đó.

Ngôn sứ Baruc trong bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe cũng thấp thoáng tâm tình hạ đồi lấp hố hay đơn giản là dọn đường và dọn lòng để Chúa đến:

Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao
và gò nổng có tự lâu đời,
phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu,
để Ít-ra-en tiến bước an toàn
dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.
Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm
sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en,
vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc,
dưới ánh sáng vinh quang của Chúa,
cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người. (Br 5, 7-9)

Sứ điệp, tâm tình của Baruc và của Gioan Tẩy giả gửi đến chúng ta hết sức rõ ràng. Chúa thật sự đã đến trong cuộc đời này rồi, Chúa đã vào nhà của Người nhưng hình như người nhà không đón tiếp.

Dừng lại một chặng đường để nhìn lại cuộc đời, đôi lần đôi lúc chúng ta đã để những hố thật sâu, những núi thật cao của tiền tài và danh vọng trong cuộc đời của ta che lấp lối đi cũng như chỗ của Chúa trong lòng chúng ta. Chúa thì đã sẵn, phần còn lại lại của chúng ta. Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết thay đổi lòng dạ chúng ta, biến dọn đường trong cuộc đời chúng ta để Chúa đến và ở lại trong cuộ đời chúng ta. Chỉ có Chúa mới là nguồn bình an đích thực và là Chúa của cuộc đời chúng ta mà thôi.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:06 03/12/2009
CẦU NGUYỆN VÀ CẦU KHẤN (2)

N2T


Chiến tranh kết thúc, bà cụ thành kính cầu nguyện như sau:

- “Lạy Chúa, Chúa đối với chúng con rất tốt, vì chúng con không ngừng cầu nguyện nên tất cả các loại bom đạn đều rơi ra bên ngoài thị trấn.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Thiên Chúa rất công bằng và nhân từ, Ngài ban cho người này được điều này mà người nọ mất cái kia, là bởi vì lợi ích cho linh hồn của họ mà thôi, là bởi vì Ngài biết điều này thì có ích cho linh hồn người này, và điều kia thì không có ích cho linh hồn người nọ...

Cầu nguyện chính là ca ngợi, chúc tụng, tạ ơn rồi cuối cùng mới là lời cầu khẩn xin ơn, xin phúc.

Có rất nhiều người Ki-tô hữu thường chỉ biết cầu khẩn mà không biết tạ ơn, chỉ biết vì mình mà xin ơn chứ không biết (hoặc rất ít) vì tha nhân mà cầu xin cho họ, chỉ biết nhận chứ không biết cho, chỉ biết khóc lóc chứ không biết hoan ca vui mừng khi cầu nguyện...

Cầu nguyện cũng là cầu khẩn cầu xin, nhưng tất cả đều phải nhắm đến lợi ích cho linh hồn của mình cũng như của người khác.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:07 03/12/2009
N2T


29. Nhẫn nại có thể giành được tất cả.

(Thánh nữ Terese of Avila)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:08 03/12/2009
N2T


307. Học vấn phải tự mình cầu, nghịch cảnh phải tự mình giải quyết.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đợi chờ ngày về của một thời niên thiếu vẫn còn kéo dài nơi nghệ thuật
Phụng Nghi
09:52 03/12/2009
Nhận định của Elizabeth Lev

ROME (Zenit.org).- Ào ạt những tin tức và phẩm bình được in ra trên báo chí chung quanh cuộc gặp gỡ của Đức giáo hoàng Benedict XVI với giới nghệ thuật vào thứ Bẩy tuần trước. Một số báo chí khen ngợi âm nhạc và các minh tinh điện ảnh nuớc Ý; những tờ báo khác lại chú trọng đến nguy cơ về chính trị khi Tòa thánh mời các nhà đạo diễn Israel hoặc các kiến trúc sư người Iraq. Nhưng điều mà mỗi nhà bình luận hình như cùng đồng thuận là đã có một cuộc “ly dị” giữa nghệ thuật và Giáo hội.

Điều đó nghe có vẻ kỳ lạ đối với tôi là một người chuyên về lịch sử nghệ thuật. Tôi tự hỏi: nghệ thuật đã kết hôn với Giáo hội bao giờ vậy? Vào lúc nào hai bên như hai nửa không thể tách rời và bình đẳng đã ghép lại chung thành một? Chẳng phải chính xác hơn chăng khi coi cuộc ly gián hiện nay giữa các nghệ sĩ và văn hóa Kitô giáo là biểu hiện một thời niên thiếu của nghệ thuật vẫn còn kéo dài không chịu trưởng thành?

Suốt trên một ngàn năm Giáo hội đã là người bảo trợ lớn lao nhất cho nghệ thuật, làm sống dậy nghệ thuật cổ đại đang hấp hối, cứu vớt các nghệ sĩ và công trình của họ thoát khỏi chứng điên cuồng của chủ nghĩa bài thánh tượng, cung ứng cho các nhà họa sĩ và điêu khắc gia thời Phục hưng một cơ hội vượt lên trên trạng thái thợ thủ công để trở thành “nghệ sĩ”, những người đã miệt mài cả bàn tay và khối óc trong các tác phẩm của mình.

Trong chiều hướng đó, Giáo hội hành động như một người cha nuôi dưỡng, cung cấp giáo dục và đưa ra những giới hạn, ngoài ra cũng còn cổ vũ các nhà nghệ sĩ rèn luyện tài năng của họ, học hỏi, thử nghiệm và trưởng thành trong tài năng đó.

Từ ngữ bảo trợ (patronage), biến thể từ tiếng Latinh có nghĩa là người cha, đã khơi nguồn cho bản năng sáng tạo của con người và thách thức nó đạt đến những mục tiêu cao nhất; trình bầy lịch sử nhân loại và ơn cứu độ, khuyến khích các anh chị em mình khao khát vẻ đẹp trong cuộc sống của họ.

Các họa sĩ, các nhà điêu khắc, được Giáo hội bảo trợ, đã phát triển, đạt tới tuyệt đỉnh trong các thành tựu nghệ thuật, và được danh hiệu từng mơ ước là trở thành nghệ sĩ. Thời Phục hưng đã chứng kiến những bậc thầy về kỹ thuật tạo hình, trong các bức bích họa, điêu khắc đá, hội họa theo luật phối cảnh và rút gọn; họ được chấp nhận như những nhà tư tưởng, được ghi danh vào lớp người làm nghệ thuật tự do có thế giá, đứng ngang hàng với các nhà thần học, triết gia và toán học.

Với thành tựu này, các nghệ sĩ thời kỳ Baroque vội vã cùng nhau bảo vệ Giáo hội chống lại chủ nghĩa bài trừ thánh tượng của thời Cải cách. Tiếng gọi nên thánh uy dũng của Caravaggio và thuần phục siêu nhiên bằng nghệ thuật và kiến trúc của Bernini, đã minh họa một tâm tình trung thành yêu thương của con cái đối với Giáo hội.

Nhưng khi các nghệ sĩ khám phá ra tiềm năng lớn lao của mình để xác định cũng như được ban tặng tình trạng xã hội rồi, thì họ lại không ngừng cảm thấy môi trường nuôi dưỡng của Giáo hội như là một sự kiềm chế. Những thách thức biến thành gò bó, những truyện tích thánh thiêng trở nên ngột ngạt. Thế là các nghệ sĩ rời bỏ những tiện nghi trong nhà để đi ra ngoài tìm những đề tài mới. Thiên nhiên, chính trị và khoái lạc lên tiếng kêu gọi và các nghệ sĩ dùng những tài nghệ đã được mài dũa tốt đẹp để thám hiểm một cách sinh động thế giới chung quanh họ. Họ cố nhìn thấy trong mọi cảnh trí của thiên nhiên và con người cùng một sự lớn lao vĩ đại như họ đã tìm được ở nhà, tức là trong Giáo hội.

Vào khúc quanh của thế kỷ 19, các nghệ sĩ tìm thấy được một đề tài mới làm họ say mê và nô lệ: đó là chính họ. Khi Freud cho con người lấy ngay tâm linh của mình làm tấm khung tham chiếu chính yếu, thì nghệ sĩ, như Narcissus chẳng hạn, thấy chính mình như bị lạc lối ngay trong những suy tư của mình. Chẳng bao lâu ông rời bỏ những điều đã được chính thức học hỏi, đặt mọi chú tâm vào những cảm giác và nhận thức của riêng mình. Từ đó, các nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện, Siêu thực, Hiện đại trở thành hồn thơ của chính họ.

Và thế là xảy ra thời niên thiếu của nghệ thuật thời nay -- giận dữ, ảm đạm, hướng vể bản thân – đã chọn lựa khiêu khích chứ không thuyết phục, kích động chứ không gợi hứng, và cuồng nộ thay cho lý trí.

Và giống như nhiều đứa trẻ trong lớp tuổi “teens” đi trước, họ đánh dấu bước đường trưởng thành bằng hành động chối bỏ những người cha của mình. Đóng đinh một con cóc trên cây thập giá, hay vấy phân trâu trên hình ảnh Đức Mẹ, và gọi đó là “nghệ thuật”. Họ nhạo báng, khinh thị và phàm tục hóa ngôi nhà tổ tiên, nhân danh một “sự tự do” không xác định rõ rệt.

Và cũng như trường hợp đối với lớp thanh thiếu niên như thế, người ta ngưng không chú ý tới họ nữa.

Đức thánh cha đã đứng ở ngưỡng cửa – Phaolô VI năm 1964, Gioan Phaolô II năm 1999 và nay Giáo hoàng Benedict vào ngày thứ Bẩy tuần trước – kêu gọi những đứa con đi lạc và giang đôi tay mở rộng đợi họ trở về.

Câu hỏi thực sự là, khi nào thì những đứa con hoang đàng quyết định xem họ đã sống quá đủ ở các chuồng heo?

* * *

Ánh sáng và bóng tối

Cũng giống như câu truyện sử thi về việc ủy thác cho Michelangelo vẽ những bích họa trên vòm nguyện đường Sistine, nỗ lực dũng cảm để tái lập cuộc đối thoại giữa nghệ thuật và Giáo hội cuối tuần qua đã có những phút vừa đớn đau vừa sung sướng.

Các nghệ sĩ thấy sáng kiến mời gặp Đức thánh cha mang lại một tinh thần cộng tác, một sự cởi mở về phía họ để nhìn Giáo hội bằng đôi mắt trưởng thành và cảm kích.

Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa đáp ứng bằng cách mời các nghệ sĩ thuộc mọi ngành: các kiến trúc sư, nhạc sĩ, tác giả, nhà sản xuất phim ảnh, cũng như các họa sĩ và nhà điêu khắc. Những nhà sử học về nghệ thuật biết rõ chúng ta có một lãnh vực bao gồm nhiều ngành học thuật; văn chương, âm nhạc và không gian đóng vai trò lớn trong nhiều công trình nghệ thuật. Cơ hội để những người nam nữ đó từ nhiều ngành hợp nhất lại dưới vòm nghệ thuật của Michelangelo cũng giống như gieo vãi hạt giống trên mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ nhất để thấy được những gì sẽ mọc lên.

Hơn thế nữa, các nghệ sĩ đã có cơ hội được coi bộ sưu tập lớn lao về Nghệ thuật Hiện đại ở Viện bảo tàng Vatican. Hàng trăm và hàng trăm các tác phẩm chứng tỏ mối quan tâm tiếp nối trong các nỗ lực của các vị giáo hoàng, trong khi đó có một số ít những viên ngọc quý của Van Gogh, Matisse và Chagall chứng tỏ rằng các nghệ sĩ, những người đã xếp xó danh vọng và tiền tài trong trần thế này, đã có lúc đối diện với di sản lớn lao của nghệ thuật linh thánh.

Bài diễn từ của ĐGH Benedict XVI gợi lại tinh thần bảo trợ xưa. Đúc thánh cha khen ngợi sự đóng góp của nghệ thuật vào “sứ điệp bất biến về cứu độ” của Giáo hội. Nhấn mạnh đến truyền thống và tính siêu việt, Đức giáo hoàng mô tả bản chất đích thực của “nghệ thuật tạo nên khích động, làm mở ra đôi mắt mới mẻ của tâm hồn và trí óc, cho con người đôi cánh và nâng con người lên cao.” Dưới vòm nguyện đường Sistine làm say mê và bức danh họa Thánh Têrêxa xuất thần của Bernini làm choáng ngợp, người thưởng ngoạn có thể thoáng nhìn thấy được vẻ cao cả của những gì là siêu nhiên, ẩn dấu ngay bên kia đôi mắt trần tục của họ.

Trái lại, thứ nghệ thuật làm cho con người choáng váng, chẳng hạn như cái đầu bò thối rữa (của Damian Hirst) hay tượng bằng sứ Michael Jackson và vật cưng của ông là con khỉ Bubbles (của Jeff Koons), chẳng đưa lại được cái gì để đem con người ra khỏi chính bản thân mình.

Đức giáo hoàng Benedict đã cảnh giác về “vẻ đẹp quyến rũ nhưng giả dối, khơi dậy ham muốn, uy lực, chiếm hữu và thống trị.” Không sử dụng những từ ngữ hào nhoáng, hoặc thông thường đúng theo chính trị, Đức thánh cha đã khiển trách một thứ nghệ thuật “mang hình thức đồi bại, vi phạm đạo đức hoặc khích động những điều vu vơ.”

Nhưng giữa lúc hy vọng bắt đầu bừng sáng qua những biến động của nghệ thuật đương đại, một ít những đám mây đen vẫn còn đè nặng ở chân trời.

Đối với một số người thì việc tuyển chọn các nghệ sĩ tham dự đã đặt nặng quá nhiều vào những vị từ nước Ý. Tuy nước Ý quả thực đã sản sinh ra Michelangelo và Raphael, nhưng cũng nên nhớ rằng họ là những người ngoại quốc cũng đã cần phải có giấy thông hành mới vào được Kinh thành Vĩnh cửu Roma.

Việc thiếu phiên dịch và quá chú trọng đến những gì là Ý đại lợi đã làm cho buổi gặp gỡ có phong vị tỉnh lẻ một cách kỳ lạ. Một trong những nghệ sĩ hiện diện chú ý thấy 6 gian phòng đầu tiên trong khu trưng bầy nghệ thuật hiện đại là dành cho nước Ý, mà đúng ra người Ý không phải là những kẻ tiền phong của nghệ thuật đương đại.

Các nghệ sĩ không có được cơ hội để tương tác. Không có những cuộc hội thảo hay các phiên nhóm mở đường dành cho các kiến trúc sư để giao dịch hay các nhà sản xuất phim ảnh trao đổi ý kiến, nên cuộc trao đổi sinh động đã làm hứng khởi Danta và Giotto trong thời gian họ ở Padua đã có rất ít cơ hội được tái lặp.

Bất mãn đặc biệt là sự vắng mặt to tát của thế giới nói tiếng Anh. Tuy John David Mooney, tác giả những công trình điêu khắc lớn lao bằng ánh sáng, đã làm rực rỡ mọi cảnh quan từ những ngôi nhà chọc trời ở Chicago cho đến Biệt thự Giáo hoàng tại Castel Gandolfo, và thiên tài về video là Bill Viola, cả hai đã được mời, nhưng nhiều người khác đã không được chú ý tới.

Đáng chú ý là sự vắng mặt của những nhà sản xuất và diễn viên phim Passion of the Christ (Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô), một trong những công trình nghệ thuật Công giáo thành tựu nhất ở thời đại chúng ta, cũng như ông Duncan Stroik là kiến trúc sư hàng đầu những công trình linh thánh tại Hoa kỳ. Nước Mỹ đã tài trợ nghệ thuật và thành cột trụ cho các nhà bảo trợ nghệ thuật tại Viện bảo tàng Vatican, đã chi trả cho công trình hồi phục và bảo tồn các bộ sưu tập. Mặc dầu với những sáng kiến lớn lao và năng lực về kinh tế mà thế giới nói tiếng Anh truyền vào nghệ thuật, người Mỹ và người Anh rõ rệt là một thiểu số trong buổi gặp gỡ này.

Khía cạnh chói tai nhất trong biến cố này đối với đôi tai của một nhà chép sử nghệ thuật như tôi đây, đó là việc lặp lại câu thần chú cổ xưa nghe đã nhàm chán: “nghệ thuật phải được tự do.” Caravaggio đã không được tự do muốn làm gì tuỳ thích, và khi ông làm thế, tác phẩm của ông đã bị loại bỏ. Bernini, Velasquez hoặc Jan Van Eyck đã không tự do thực hiện bất cứ sở thích thoáng qua nào. Cái ý tưởng cho rằng có thể đưa cuốn Tin Mừng cho một nghệ sĩ và để trí tưởng tượng của ông ta đi phiêu lưu tùy thích thì cũng rất giống trường hợp để cho một nhà thần học giải thích Thánh kinh theo bất cứ đường lối nào ông ta cho là hay nhất.

Nhưng một niềm nao nức đợi chờ đã không hoàn toàn bị lấy mất đi khỏi nghệ thuật. Trong một tinh thần dấn thân sáng suốt, Tòa thánh Vatican đã đề nghị dựng một khu tại cuộc triển lãm tổ chức mỗi hai năm tại Venice (Venice Biennale), một trong những cuộc trưng bầy nghệ thuật đương đại quan trọng nhất trên thế giới. Dự án đã đề nghị gồm có các cảnh tượng lấy từ sách Khởi nguyên, được giao cho các nghệ sĩ khác nhau thực hiện không chỉ dựa theo văn bản Thánh kinh mà còn theo những chủ đề lớn lao nhất mà con người có thể xét tới: công trình sáng thế, sự ác đi vào trần gian, tội ám sát đầu tiên, nguyên uỷ của tình thương v.v…

Uỷ nhiệm đầy thử thách này, mời gọi các nghệ sĩ nhìn ra bên ngoài kinh nghiệm riêng của họ và suy tư trong tầm mức vũ trụ, là một bước đầu và quan trọng hướng đến sự hòa giải giữa nghệ thuật và Giáo hội.

Nguồn: Elizabeth Lev/Zenit.org

Bà Elizabeth Lev dạy môn nghệ thuật và kiến trúc Kitô giáo tại trường Đại học Duquesne (khuôn viên Ý) và chương trình nghiên cứu Công giáo của trường Đại học Thánh Tôma.
 
Kỷ niệm 100 năm thành lập Học Viện Thánh Kinh Roma
Linh Tiến Khải
10:15 03/12/2009
Phỏng vấn Linh Mục José Maria Abrego de Lacy, Viện trưởng Học Viện Thánh Kinh Roma nhân kỷ niệm 100 năm thành lập

Cách đây 100 năm ngày 5-11-1909 Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh Roma đã bắt đầu niên khóa đầu tiên trong lịch sử của mình. Học viện đã được Thánh Giáo Hoàng Pio X thành lập ngày 9-5-1909 và ủy thác cho Dòng Tên điều khiển.

Sáng ngày 26-10-2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến 400 người gồm các giáo sư, sinh viên và nhân viên của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh. Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng trưởng Bộ Giáo Dục Công Giáo, trong tư cách là Đại Chưởng Ấn của Học Viện Thánh Kinh, và Cha Bề trên Tổng quyền dòng Tên, Adolfo Nicolas, Phó Chưởng Ấn.

Ngỏ lời trong dịp này Đức Thánh Cha đặc biệt cám ơn dòng Tên đã hy sinh nhân lực và tài lực cho công trình giáo dục tại Học Viện Thánh Kinh. Trong một thế kỷ qua đã có hơn 7.000 giáo sư và những người thăng tiến các nhóm Kinh Thánh xuất thân từ học viện này, cũng như nhiều chuyên gia khác về Kinh Thánh, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu cũng như giảng dậy các môn học Kinh Thánh và ấn hành nhiều nghiên cứu có gía trị.

Đức Thánh Cha đặc biệt đề cao việc nghiên cứu và đọc Kinh Thánh trong sự gắn bó với niềm tin của Giáo Hội, là một hình thức đồng cảm. Qua các cơ chế của mình Giáo Hội được ủy thác nhiệm vụ giải thích chính thức Lời Chúa, được viết ra và thông truyền, và thi hành quyền bính nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (DV 10). Trong thế giới bị tục hóa ngày nay Đức Thánh Cha cầu mong Kinh Thánh là linh hồn của Thần Học và nguồn mạch linh đạo và năng lực đức tin của tất cả mọi Kitô hữu.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục José Maria Abrego de Lacy, Viện trưởng Học Viện Thánh Kinh Roma nhân kỷ niệm 100 năm thành lập.

Hỏi: Thưa cha, Học viện Thánh Kinh Roma tròn 100 tuổi. Sức khỏe của Học Viện hiện ra sao?

Đáp: Đối với một Học viện 100 năm giống như một hơi thở, nhưng cũng là một thời gian đủ để học từ lịch sử và có thể nói rằng mình có một kinh nghiệm. Khi nhìn vào viễn tượng tương lai, tôi thành thật tin rằng sức khỏe của Học viện còn tốt.

Hỏi: Có nhiều sinh viên ghi danh theo học không thưa cha, và họ đến từ đâu?

Đáp: Chương trình học của Học Viện là chương trình chuyên môn, nên số sinh viên không nhiều lắm. Nhưng trong 40 năm qua nó khá ổn định, vào khoảng 300 sinh viên.

Các sinh viên đã luôn luôn là một nhóm quốc tế, cả khi hiện nay có ít sinh viên đến từ Tây Âu, trong khi số sinh viên Á châu, Ấn Độ và Phi châu gia tăng. Các sinh viên Italia vẫn luôn luôn là một nhóm tương đối đông.

Hỏi: Các tương quan cộng tác của Học Viện Thánh Kinh Roma với giới chức do thái tại Giêrusalem và với Trường Thánh Kinh của các cha dòng Đa minh như thế nào thưa cha?

Đáp: Học viện duy trì các tương quan ổn định với các cơ cấu đại học Giêrsualem như Đại học do thái, Trường Thánh Kinh của các tu sĩ Đa Minh và Trường nghiên cứu Thánh Kinh và Khảo cổ của các tu sĩ dòng Phanxicô.

Các sinh viên của chúng tôi có thể theo các lớp học trong các trường này. Đối với một người nghiên cứu Thánh Kinh một chuyến viếng thăm nghiêm túc học hỏi và cầu nguyện tại Thánh Địa là điều hữu ích và quan trọng. Chúng tôi rất vui vì các tương quan này, một vài tương quan đã kéo dài từ hơn 35 năm nay, và chúng tôi muốn phát triển chúng kể cả với các cơ quan nghiên cứu khác trên thế giới.

Hỏi: Cuộc khủng hoảng ơn gọi có tạo ra khó khăn cho việc kiếm ra các giáo sư bên trong dòng Tên không thưa cha?

Đáp: Chắc chắn là chúng tôi có khó khăn trong việc kiếm ra các giáo sư. Tuy nhiên, tôi xin nói thêm rằng tôi đã luôn luôn nghe nói là các vị hữu trách của dòng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm các giáo sư dòng Tên cho Học viên Thánh Kinh. Đây là vấn đề đã có ngay từ thời hậu công đồng chung Vaticăng II, khi tại các phân khoa thần học việc học hỏi Kinh Thánh trở thành nghiêm chỉnh, và các lãnh vực khác cũng cần có các giáo sư được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đàng khác trong các năm qua dòng Tên đã học biết rằng công việc phục vụ Giáo Hội của mình, các sứ mệnh đã được ủy thác cho mình cần phải được phát triển với người khác. Vì thế nên ban giáo sư của Học Viện Thánh Kinh tìm các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân khác để làm cho mình được phong phú hơn.

Hỏi: Thỉnh thoảng cũng nảy sinh ra các tranh luận trong thế giới các nhà chú giải kinh thánh. Chúng có liên lụy gì tới Học Viện không thưa cha?

Đáp: Tôi còn là người mới trong Học Viện, vì thế tôi không thể nói rằng mình có kinh nghiệm về một cuộc tranh luận chú giải quan trọng. Nhưng Học Viện không phải là không dính líu tới các cuộc tranh luận, vì tất cả những gì liên quan tới việc chú giải kinh thánh đều liên lụy tới chúng tôi và đều khiến cho chúng tôi chú ý.

Tôi tưởng tượng là giữa các giáo sư sẽ có các ý kiến khác nhau, như đã luôn luôn xảy ra như vậy. Không cần phải sợ hãi các tranh luận, khi áp dụng các nguyên tắc chú giải bởi vì sau cùng thì sự thật sẽ thắng, và trong lãnh vực chú giái kinh thánh thì sự thật liên quan tới ý nghĩa giáo hội và việc hiểu biết Chúa Kitô sâu xa.

Hỏi: Học Viện dậy cho các sinh viên phương pháp chú giải nào thưa cha?

Đáp: Không thể nói là chỉ có một phương pháp duy nhất đặc thù của Học viện. Các sinh viên ca ngợi các phương pháp và các kiểu tìm hiểu văn bản khác nhau được sử dụng. Chúng tôi tìm dậy phương pháp chú giải, chứ không dậy một phương pháp giải thích duy nhất.

Hỏi: Trong bài viết về dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Học viện đăng trên nguyệt san Văn Minh Kitô, cha khẳng định rằng ”vấn đề hiện nay là thảo luận việc ”chú giải khoa học”, nhưng mà trong nghĩa nào thưa cha?

Đáp: Không có nhiều tiếng nói phản đối, nhưng kể cả trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa, người ta cũng nghe thấy có người tỏ ra không tin tưởng nơi việc ”chú giải khoa học”. Có thể nói rằng có các khó khăn, và đôi khi một vài kiểu trình bày của các nhà chú giải xem ra có thể ít chu đáo hay ít thích hợp để phát triển đức tin. Chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã trình bầy với Ủy Ban Kinh Thánh các lo ngại của ngài liên quan tới công việc của một vài nhà chú giải nghi ngờ không coi sự sống lại là một sự kiện lịch sử. Một kiểu đọc hiểu Kinh Thánh với óc phê bình, có khoa học, không qúa khích, cần rất nhiều nghiên cứu, và các khảo cứu chuyên môn lại không dễ đối với đa số dân chúng. Và như thế xem ra các nghiên cứu đó không đáng kể đối với đức tin. Một khi phong trào lớn tìm hiểu Kinh Thánh thời hậu công đồng mất đi sức mạnh ban đầu của nó, thì sẽ khó mà tìm ra các kích thích đối với việc học hỏi nghiên cứu Kinh Thánh. Các nhu cầu mục vụ thì rất cấp bách và rất nhiều, nhưng các công việc chú giải lại đòi hỏi nhiều dấn thân và công phu, cho nên rất dễ tưởng tượng được rằng thỉnh thoảng người ta có cảm tưởng các nghiên cứu tìm tòi chú giải đó thật là vô ích.

Hỏi: Có thật là kiểu chú giải của Học Viện xa cách với truyền thống của Giáo Hội như có người than phiền hay không thưa cha?

Đáp: Tôi muốn biết nền tảng của lời ta thán này một sách sâu xa hơn. Nếu nó có nghĩa là người ta không áp dụng nhiều truyền thống chú giải của các Giáo Phụ, thì tôi có thể đồng ý, cả khi có các sách và khảo luận được phát hành trong nghĩa này. Cả tín lý cũng không sử dụng nhiều gia tài phong phú của các Giáo Phụ. Tuy nhiên có một điều mà chúng ta phải thú nhận đó là khoa chú giải kinh thánh và tín lý không đối thoại với nhau đủ, trong khi đáng lý ra chúng phải đồng hành với nhau tay trong tay. Chúng tôi là các nhà chú giải kinh thánh chúng tôi không biết rõ các phát triển của thần hoc tín lý, mà cả từ phía các chuyên viên của thần học tín lý người ta cũng chờ đợi nhiều chú ý hơn đối với các phát triển của khoa chú giải kinh thánh. (Avvenire 6-11-2009)
 
Căn tính Kitô và sự nghèo nàn tinh thần tại các quốc gia Trung Âu châu sau 20 năm tường Berlin sụp đổ
Linh Tiến Khải
10:21 03/12/2009
Phỏng vấn bà Catherine Horel về tình hình các quốc gia miền Trung Âu châu, 20 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ

Cách đây đúng 20 năm ngày 9-11-1989, bức tường Berlin đã sụp đổ chấm dứt cảnh chia cắt Đông Tây.

Bình luận về biến cố này Đức Hồng Y Angelo Sodano nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho rằng thật là điều đúng đắn khi kỷ niệm biến cố ấy. Hồi ấy một biểu tượng chia rẽ Âu châu sụp đổ, nhưng tại vùng Trung Âu châu cũng bắt đầu sụp đổ chế độ cộng sản đã được áp đặt bằng vũ lực trên các dân tộc vùng này. Đó đã là chiến thắng của sự tự do của các dân tộc. Và đó đã là điều Đức Gioan Phaolô II nói lên khi viếng thăm Berlin hồi năm 1996. Đứng trước bức tường Berlin và cổng Brandenburg ngài đã nói: ”Cửa Brandenburg đã trở thành cửa của sự tự do”.

Nhiều người đã thừa nhận sự đóng góp không nhỏ của Đức Gioan Phaolô II cho việc tìm lại được sự tự do ấy. Hồi năm 1992 tổng thống Gorbaciov đã nói như sau: “Ngày nay chúng ta có thể nói rằng tất cả những gì đã xảy ra tại Đông Âu trong các năm qua đã không thể xảy ra được, nếu không có sự hiện diện của vị Giáo Hoàng này, nếu không có vai trò kể cả vai trò chính trị mà người đã biết nắm giữ trên trường quốc tế”.

Đức Hồng Y Sodano khẳng định rằng biến cố xảy ra cách đây 20 năm đã mở ra một Âu châu mới cần được xây dựng trên các giá trị tinh thần với sự cộng tác của tất cả mọi Kitô hữu để xây dựng một Âu châu tinh thần. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cầm lấy ngọn cờ của các giá trị tinh thần mà vị tiền nhiệm đã giơ cao trên Âu châu và tiếp tục sứ mệnh của người là nhắc nhớ cho các Kitô hữu Âu châu và mọi người thiện chí biết sự cần thiết trao ban cho sự hiệp nhất Âu châu một nền tảng vững chắc.

Tuy con đường hiệp nhất Âu châu còn dài, nhưng nhờ ơn Chúa chúng ta có thể bước đi nhanh hơn trong bầu khí tự do hiện nay cũng như trong ý chí cộng tác. Nhưng rất tiếc tảng đá duy đời đã rơi trên con đường ấy. Cần phải cấp bách di rời nó đi để mọi dân tộc Âu châu có thể tiến bước tới sự hòa hợp.

Việc tách biệt lãnh vực chính trị và tôn giáo là nguyên tắc có giá trị nhưng nó không gồm việc không biết đến sự kiện tôn giáo và ngăn cản mọi hình thức công cộng đáng kể của lòng tin. Hôm qua tại Đông Âu đã có một chủ nghĩa chính quyền vô thần được thiết lập. Ngày nay Đông Âu có nguy cơ hướng tới một chủ nghĩa chính quyền duy đời. Trong cả hai trường hợp nhà nước đều hướng tới chỗ không biết các quyền căn bản của các công dân của mình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Catherine Horel giảng sư tại các đại học Paris, Vienne và Louvain về các quốc gia vùng Trung Âu châu. Bà mới cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Âu châu này mà người ta gọi là miền Trung” để đánh tan biết bao nhiêu hiểu lầm liên quan tới 7 quốc gia trong vùng là Ba Lan, Cộng hòa Tchèques, Slovacchia, Áo, Hungaria, Slovenia và Croatia.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư nghĩ gì về sự kiện trong 50 năm trời thế giới Tây phương gọi các nước thuộc khối cộng sản là Đông Âu?

Đáp: Vâng, trong 50 năm các nước Tây phương vẫn quen gọi các quốc gia thuộc khối cộng sản là Đông Âu. Nhưng trong cái Đông Âu mơ hồ đó thì vùng Trung Âu bị chết chìm. Chỉ hiện nay mới có thể tái khám phá ra một cách toàn vẹn tất cả các tương đồng không phải chỉ trên bình diện văn hóa nối liền các quốc gia đã làm thành đế quốc Hasburgo với nhau. Với việc sát nhập vào Liên Hiệp Âu châu chúng thật sự trở thành miền Trung Âu châu, cho dù vẫn còn có bức tường thờ ơ của dân chúng Tây phương.

Hỏi: Thưa giáo sư, có thể nói rằng ách thống trị của Liên Xô đã là một mưu sát toàn vùng này hay không?

Đáp: Vâng, đúng thế, vì sự toàn cầu hóa liên xô đã tìm phá hủy miền Trung Âu châu. Tất cả các yếu tố trong căn tính của nó đã bị các chế độ cộng sản chối bỏ, lấy cớ là các chuyên biệt văn hóa là phản cách mạng, trưởng giả và tôn giáo. Ý thức hệ cộng sản cho rằng đa số các nét chuyên biệt ấy phát xuất từ đế quốc Hasburgo và là điều tuyệt đối xấu xa. Các liên lạc với chính quyền Áo và chính quyền Đức đều đã bị cắt đứt.

Hỏi: Thưa giáo sư Đông Âu có sống còn trong tưởng tượng của người dân Tây phương hay không?

Đáp: Phong trào du lịch đông đảo đã đặc biệt tràn vào thủ đô Praha và thủ đô Budapest, và nó cũng đang thay đổi tâm thức của người dân, mặc dù có sự đồng nhất trong các đề nghị lưu hành bên trong các xã hội này. Nhưng không phải mọi người dân Tây phương đều đi du lịch. Nhưng cũng đúng thật là bên cạnh các mẫu cố định của một Đông Âu như là một vùng xa lạ với Âu châu, cũng có các mẫu cố định mới xuất hiện. Đặc biệt là mẫu cố định tự động coi tất cả các nước Trung Âu như là các nước tội phạm mafia, buôn bán ma túy, mại dâm, và là sắc tộc Rom.

Hỏi: Trong các nền văn chương của vùng này người ta hay gặp đề tài ”tử đạo”. Nó có thật sự là một nét nổi bật thuộc căn tính của miền Trung Âu châu không thưa giáo sư?

Đáp: Thật ra tử đạo là một đề tài cổ điển của vùng Trung Âu châu, là vùng đã luôn luôn bị bao vây bởi các cường quốc lớn. Vì không thể cử hành các chiến thắng, kết cục là nhiều quốc gia đã cử hành các chiến bại. Nỗi bất hạnh và các danh sách tử đạo đã được sát nhập vào căn tính quốc gia. Đây là một vấn đề thực sự, vì cho tới nay các xã hội này đã gặp khó khăn trong việc tưởng tượng ra cho mình một vai trò tích cực và thành công.

Trong một nghĩa nào đó đây là phản đề tuyệt đối so với các quốc gia như Pháp chẳng hạn. Từ năm 1989 đã có một sự biến chuyển khổng lồ, nhất là tại Ba Lan, Hungaria và Cộng Hòa Tchèques. Các giới lãnh đạo mới đã vượt qua sự tưởng tượng truyền thống tiêu cực, và tìm cách trở thành những người chiến thắng sự chuyển tiếp dân chủ.

Hỏi: Như thế 20 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ việc tìm kiếm một căn tính mới vẫn tiếp tục, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Sức nặng của lịch sử vẫn còn đó. Nhưng có một thế hệ mới đang chuẩn bị xây dựng tương lai. Những người đang trưởng thành đều sinh ra sau năm 1989. Một phần của hàng lãnh đạo muốn sang trang, cả khi có các nhóm lãnh đạo cũ tìm cách bám víu vào quyền bính. Đồng thời cũng không thiếu các người chủ trương khuynh hướng duy quốc gia. Chính vì thế nên có lẽ còn qúa sớm để có thể nói tới sự chín mùi của nền dân chủ.

Hỏi: Thưa giáo sư, tại Praha Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc nhớ rằng khuôn mẫu lịch sử chung của vùng này là khuôn mẫu Kitô. Gia tài này hiện nay ra sao rồi?

Đáp: Các người dân của đế quốc Hasburgo đã có thói quen đối chọi các tôn giáo với nhau. Vì thế đây là một truyền thống Kitô có tính cách khoan nhượng. Tín hữu công giáo chiếm đa số sống chung với các tín hữu tin lành, chính thống hy lạp, và các anh chị em đã trở về hiệp nhất với Giáo Hội công giáo, cũng như tín hữu do thái theo nhiều hệ phái khác nhau. Ý thức về tôn giáo đã rất là mạnh. Và không phải vô tình mà các thống kê duy nhất đáng tin cậy là các thống kê tôn giáo. Trong khi các thống kê có tính cách quốc gia và ngôn ngữ thì thường không đúng. Sau năm 1918 với một sự đồng nhất hóa quốc gia, sự khoan nhượng biến thành sự thờ ơ đối với các người khác. Thế rồi chế độ cộng sản đã vô thần hóa hay vô Kitô hóa một phần rộng lớn của vùng Trung Âu châu này.

Hỏi: Ngày nay người ta có thừa nhận sự nghèo nàn tinh thần đó hay không thưa giáo sư?

Đáp: Càng ngày người ta càng thừa nhận sự nghèo nàn tinh thần này. Người ta thừa nhận rằng sự đô hộ của Liên Xô đã san bằng và khiến cho tất cả đi xuống thấp, nhất là trong lương tâm con người hơn là trong lãnh vực kinh tế. Nếu Công giáo Ba Lan đã có thể chống trả được, thì tại các nơi khác các hậu qủa tàn hại hơn nhiều.

Hỏi: Sau nỗi vui mừng hồi năm 1989 khi bức tường Berlin sup đổ và người đân Đông Âu tìm lại được sự tự do, sự tự do có là gía trị hướng dẫn cuộc sống của các quốc gia vùng Trung Âu châu không thưa giáo sư?

Đáp: Nó vẫn là một giá trị rất quan trọng, đặc biệt đối với những người biết các chế độ độc tài cộng sản. Cả khi người ta không muốn nhắc đến qúa khứ đó nữa. Giới trẻ ngày nay nhậy cảm đối với sự tự do quyết tâm làm ăn và du hành.

Hỏi: ”Sự thật sẽ thắng” đó là câu viết trên lâu đài Praha. Khẩu hiệu này có còn thời sự không thưa giáo sư?

Đáp: Đà tiến của sự thật hồi năm 1989 đã tập trung nơi các gương mặt lớn của chính quyền. Nhưng rồi khi việc tìm kiếm sự thật gõ cửa nhà của các công dân đơn sơ, thì nó đã tạo ra các xung khắc bất tận và đã tàn phá nhiều gia đình. Cũng vì thế mặc dù có thể tra cứu các văn khố, nhưng có một tâm tình hai mặt thống trị: Người ta muốn biết sự thật, nhưng lại sợ hãi khám phá nó.

(Avvenire 6-11-2009 RG 9-11-2009)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà thần học khiêm tốn
LM Trần Đức Anh, OP
10:22 03/12/2009
VATICAN -. Sáng 1-12-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ với Ủy ban thần học quốc tế. Ngài mời gọi các nhà thần học hãy khiêm tốn chấp nhận sự bé nhỏ của mình để có thể đạt tới chân lý.

30 thành viên Ủy ban thần học quốc tế đang nhóm khóa họp thường niên tại Vatican trong tuần này, từ 30-11 đến 5-12-2009.

Trong bài giảng ứng khẩu sau bài Phúc Âm ghi lại lời Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha đã mạc khải những sự bí nhiệm cho những người bé nhỏ, nhưng lại giấu những nhà thông thái, ĐTC đã trưng dẫn nhiều ví dụ về sự kiện này: từ biến cố giáng sinh của Đức Messia ở Bethlehem được các mục đồng nhìn nhận, cho đến các luật sĩ thông thái phủ nhận Con Thiên Chúa. Cả trong 200 năm lịch sử thần học gần đây, nhiều nhà đại thần học không nhận ra trọng tâm mầu nhiệm, nhưng những người bé mọn như thánh Bernadette Soubirous, Têrêsa Lisieux, thánh nữ Bakhita, Mẹ Têrêsa Calcutta, thánh Damien de Veuster đã nhận thức được các mầu nhiệm Thiên Chúa.

Tuy nhiên, cũng có những nhà thần học thông thái đã trở nên 'bé nhỏ' và đã thấy sự điên rồ của Thiên Chúa lại là sự khôn ngoan cao cả hơn mọi sự thông thái của loài người.

Từ những nhận xét trên đây, ĐTC nói đến hai thứ sử dụng lý trí: có người sử dụng lý trí một cách biệt lập, đặt mình lên trên Thiên Chúa, và trong các khoa học của họ không có Thiên Chúa. Trong thần học, những người này giản lược mầu nhiệm cao cả về Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người, thành một Đức Giêsu lịch sử, một nhân vật bi thảm, một bóng ma không có xương thịt, một người nằm lại trong mồ và bị hư nát. Phương pháp này biết bắt vài con cá nhưng lại loại bỏ mầu nhiệm cao cả, vì con người trở thành mẫu mực cho chính mình và kiêu ngạo, sự kiêu ngạo này là một thứ điên rồ trầm trọng, tuyệt đối hóa một số phương pháp không thích hợp với những thực tại lớn lao”.

Phương pháp thứ hai trong việc sử dụng lý trí, đó là trường hợp những người chấp nhận sự bé nhỏ của mình, trở nên bé nhỏ và đi tới chân lý. Nhờ đó, lý trí nhận được tất cả những khả thể của mình, không bị bót nghẹt, nhưng đi sâu rộng hơn.

ĐTC mời gọi các nhà thần học hãy cầu xin Chúa ban ơn khiêm tốn đích thực, ơn trở nên bé nhỏ để có thể thực sự là người khôn ngoan, và xin Chúa soi sáng, trở thành những nhà thần học chân chính có thể loan báo mầu nhiệm của Chúa.

Trong tuần này, Ủy ban thần học xác định các đề tài cần đào sâu trong 5 năm tới đây, đặc biệt là tiếp tục bàn về phương pháp thần học (SD 1-12-2009)
 
Nhà thờ Đức Bà Alençon trở thành vương cung thánh đường
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
12:07 03/12/2009
Trang tin HĐGM Pháp, 02/12/2009- Có khoảng 900 người đang chờ đợi một buổi cử hành chính thức để nâng Nhà thờ Đức Bà Alençon lên hàng vương cung thánh đường vào Chúa Nhật, ngày 6 tháng 12 tới đây. Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard, Tổng giám mục Bordeaux sẽ chủ sự thánh lễ cùng với đức cha Jean-Claude Boulanger, giám mục giáo phận Séez. Ngôi nhà thờ này đã được đức giáo hoàng Bênêdicto XVI nâng lên hàng tiểu vương cung thánh đường vào tháng sáu năm ngoái.

Đại diện của nhiều hội đoàn thuộc những địa danh gắn liền với gia đình chân phước Martin sẽ có mặt trong nghi lễ này. Cũng cần kể đến sự hiện diện của các quan khách trong ba phái đoàn đến từ ba vương cung thánh đường khác trong giáo phận, đó là vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhà thờ chính tòa Séez và nguyện đường Montligeon. Ngoài ra, còn có các vị đại diện của hội hành hương Lisieux và các giáo dân thuộc giáo xứ Đức Bà Chiến Thắng thuộc giáo phận Paris cũng tham dự trong nghi thức này. Người sáng lập hiệp hội đạo đức Đức Bà Chiến Thắng là cha xứ Charles Dufriche-Desgenettes, sinh tại Alençon. Năm 1839, một trong những giáo xứ tại Alençon là thành viên thứ tư gia nhập hiệp hội đạo đức này.

Giáo xứ thánh Eulalie Bordeaux, nơi mà chân phước Louis Martin, thân sinh của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, được rửa tội cũng sẽ tham dự.

Vào tối thứ bảy hôm trước, sẽ có một buổi canh thức do đức cha Boulanger chủ sự tại vương cung thánh đường Đức Bà Alençon. Thánh lễ đại triều diễn ra vào Chúa Nhật lúc 10h30 và được phát trên làn sóng của đài RCF. Sau đó có chiễu đãi tiệc rượu và khoảng 15h00 sẽ có chuyến thăm các địa danh mà gia đình chân phước Martin đã từng sống. Các địa danh bao gồm ngôi nhà mà tại đây thánh Têrêsa được sinh ra, vương cung thánh đường, cửa hiệu đồng hồ nằm trên đường phố Pont-Neuf, mà trước đây là ngôi nhà đầu tiên của gia đình, túp lều giải trí của gia đình, nhà thờ thánh Phêrô tại Montsort vốn là giáo xứ đầu tiên của gia đình chân phước Martin và cũng chính tại ngôi nhà thờ này tám người con đầu tiên được rửa tội, và cuối cùng là thăm « chiếc cầu gặp gỡ » vì tại đây đôi trai gái Louis và Zélie Martin gặp nhau lần đầu tiên.
 
Sứ điệp Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân lần thứ 13 - 2010
Nguyễn Hoàng Thương
14:19 03/12/2009
Vatican (AsiaNews) - Trong nền văn hóa ngày nay "thật cần thiết cho sự hiện diện chu đáo và bao quát của Giáo Hội đối với bệnh nhân, cũng như sự hiện diện trong xã hội với khả năng truyền tải một cách hiệu quả các giá trị Tin Mừng để bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn cuộc đời, từ lúc thụ thai cho đến khi nhắm mắt lìa đời theo cách tự nhiên" là mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với huấn từ này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI giải thích tầm quan trọng của sự hiện diện của Kitô hữu bên cạnh những người đau khổ. Sự hiện diện đó, trong Năm Linh Mục, mời gọi các linh mục gần gũi cách đặc biệt với các bệnh nhân.

Trong sứ điệp công bố hôm 03/12 nhân Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân lần thứ 18, sẽ được tổ chức vào ngày 11 tháng 2 năm 2010, Ngày Lễ trọng kính Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Thánh Cha nhắc rằng ngày này trùng với dịp kỷ niệm lần thứ 25 của Hội đồng Giáo Hoàng Mục Vụ Chăm Sóc Y Tế. Ngài viết trong sứ điệp: "Tôi chân thành hy vọng rằng sự kiện này có thể là một cơ hội cho nhiệt huyết tông đồ quảng đại hơn để phục vụ các bệnh nhân và những người chăm sóc họ. Với Ngày Thế Giới Bệnh Nhân hàng năm, Giáo Hội có ý định nâng cao nhận thức trong cộng đoàn giáo hội về tầm quan trọng của mục vụ phục vụ y tế trong thế giới rộng lớn vốn là một phần trong sứ mạng của Giáo Hội, vì nó đại diện cho việc tiếp tục sứ mạng cứu độ của Chúa Kitô".

Đức Thánh Cha viết thêm: "Theo gương Chúa, tất cả các Kitô hữu được mời gọi, trong những hoàn cảnh khác nhau và luôn thay đổi, hãy làm hồi sinh dụ ngôn Người Samaria nhân hậu, khi ông đi ngang qua chỗ người bị cướp dở sống dở chết, ông cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc" (Lc 10, 33-35)". Vào cuối dụ ngôn, Chúa Giêsu nói: 'Hãy đi và làm như vậy' (Lc 10,37). Những huấn giáo này cũng được nhắm đến chúng ta. Ngài thúc giục chúng ta hãy xoa dịu những vết thương thể xác và tinh thần của những anh chị em mà chúng ta gặp phải trên những nẻo đường của trần thế, nó sẽ giúp chúng ta hiểu rằng, bằng ân sủng của Thiên Chúa, chấp nhận và sống đời sống thường nhật, trải nghiệm của bệnh tật và đau khổ có thể trở thành trường học của hy vọng".

Nhắc lại những nỗ lực to lớn mà các cộng đoàn giáo hội luôn dành cho bệnh nhân, cũng như được đánh dấu bằng việc thiết lập Hội đồng Giáo Hoàng Chăm sóc Mục Vụ cho các Nhân Viên Y Tế, Đức Thánh Cha nhấn mạnh và kêu gọi các linh mục, trong năm dành riêng cho họ, hãy là: "những người tôi tớ của các bệnh nhân ", hãy là "dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót của Chúa Kitô, vốn dĩ phải đến với tất cả mọi người đau khổ. Anh em linh mục thân mến, cha mời gọi anh em hãy dành nỗ lực để mang đến cho họ sự chăm sóc và an ủi. Hãy dành thời gian gần gũi với những người đang bị thử thách để chứng tỏ thành quả trong ân huệ đối với tất cả những chiều kích khác nhau của chăm sóc mục vụ. Cuối cùng, trở lại với các bệnh nhân, anh chị em bệnh nhân thân mến, cha yêu cầu anh chị em hãy cầu nguyện và và hãy mang những đau khổ của anh chị em đến với các linh mục để họ vẫn có thể trung thành với ơn gọi và thừa tác vụ của mình để mang lại thành quả cho lợi ích tinh thần của toàn thể Giáo Hội".
 
Vấn đề Tín Lý và Nhiệm Vụ Dân Cử
Trần Mạnh Trác
15:36 03/12/2009
Gần đây cuộc tranh luận trên diễn đàn quốc gia trở nên sôi nổi về vấn đề “một Giáo Hội có quyền đòi hỏi tín hữu cuả mình là Đại Diện Dân Cử phải tuân theo Tín Điều khi thi hành nghĩa vụ cho thành phần dân số đa dạng không?”

Sau đây là ý kiến cuả cựu Thượng Nghị Sĩ Rick Santorum, Cộng Hòa Pennsylvania, Công Giáo:

Cuộc tranh luận về Cải Tổ Y Tế đã cung cấp những khoảnh khắc đáng suy nghĩ trong đó có cả những lúc không liên hệ gì tới vấn đề Y Tế cả.

Cái mồi lửa là, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ hỗ trợ việc chính phủ bảo đảm chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên, với điều kiện là cấm phá thai dùng nguồn tài trợ của chính phủ.

Lập trường cuả các giám mục làm dân biểu Patrick Kennedy (D., RI) nổi giận. "Bạn muốn nói cho tôi biết là Giáo hội Công giáo từ chối chăm sóc sức khỏe để cứu những người đó ư? Tôi nghĩ rằng họ là phò sự sống chứ," ông nói với Catholic News Service.

Giám mục Thomas Tobin của Providence, RI, cho biết rằng các giám mục hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người - bao gồm cà những người chưa sinh ra. Kennedy cãi ngược lại rằng việc ông ủng hộ phá thai hợp pháp không làm cho ông ta " ít Công giáo đi," bởi vì đức tin Công giáo "thừa nhận sự tồn tại của một nhân loại bất toàn."

Tobin nhận ra rằng Kennedy đã không còn tranh cãi về chính sách y tế, mà là về ý nghĩa làm người Công giáo. Không giống như một số giám mục trước, vị giám mục học trò ruột cuả Hồng Y Anthony Bevilacqua đã không để cho Kennedy's bóp méo sự thật mà không bác bỏ.

"Nếu bạn không chấp nhận những lời dạy của giáo hội, sự hiệp thông của bạn với giáo hội là thiếu sót", vị GM đã viết trong bức thư ngỏ cho Kennedy hồi tháng trước, "hoặc, nói theo ngôn ngữ của bạn, làm cho bạn 'ít Công giáo đi.’ "

Tobin sau đó quay sang vấn đề thực tế: Điều gì làm nên một người Công giáo? Rửa tội? Gia đình? Văn hóa?

Hơn thế nữa, GM Tobin nói, là một người Công giáo "có nghĩa là bạn tin tưởng và chấp nhận những lời dạy của giáo hội, đặc biệt là về các vấn đề thiết yếu của đức tin và đạo đức; rằng bạn thuộc về một cộng đồng Công Giáo địa phương, một giáo xứ; rằng bạn tham dự Thánh lễ ngày chủ nhật và nhận các bí tích thường xuyên; rằng bạn hỗ trợ giáo hội với tư cách cá nhân cũng như công khai, từ tinh thần tới tài chính. "

Nói một cách đơn giản, giáo hội có những đòi hỏi tất yếu trên tư cách hội viên. Kennedy có tự do để từ chối chúng. Nhưng ông không có tự do định nghiã lại những đòi hỏi đó theo ý riêng và lên án giáo hội đã không chấp nhận định nghĩa của ông.

Nhưng điều Kennedy gọi là "nhân loại bất toàn của chúng ta" có cho phép người Công giáo hỗ trợ phá thai hợp pháp không? GM đã cắt gọn cái triết lý đầy mùi chính trị này: Quan niệm "Nhân loại bất toàn của chúng ta " đề cập đến cuộc đấu tranh chung của chúng ta với tội lỗi như: giận dữ, kiêu căng, tham lam, dâm ô, hoặc bất lương, vị giám mục nói. "Việc bạn từ chối giáo huấn của giáo hội về phá thai rơi vào một thể loại khác. Đó là một hành động cố ý và ương ngạnh của ý chí. Một quyết định ý thức mà bạn đã tái khẳng định rất nhiều dịp."

Các chính trị gia có trách nhiệm phải xem xét bất kỳ xung đột nào với giáo huấn của giáo hội với các giám mục của họ và xác định xem việc ấy có đủ trầm trọng đến nỗi họ phải từ chức hoặc phải bỏ đạo. Trong một lá thư GM Tobin viết cho Kennedy trong năm 2007 cho biết vị giám mục đã cảm thấy vấn đề là trầm trọng đủ, và rằng ông không nên rước lễ.

Trong cuộc phỏng vấn với MSNBC's Hardball, GM Tobin cũng nhấn mạnh thêm: "Điểm thiết yếu là bất kỳ người Công giáo nào đang giữ vai trò công cộng – thì cam kết đầu tiên vẫn là với đức tin của mình.. . bởi vì nó liên quan đến mối quan hệ của bạn với Thiên Chúa," GM Tobin nói với Chris Matthews. "Và nếu.. . công việc của bạn đi ngược với đức tin của bạn,.. . bạn cần phải bỏ công việc của bạn mà cứu lấy linh hồn mình. Không có gì quan trọng hơn là mối quan hệ của bạn với Thiên Chúa."

Trong một nỗ lực gần đây để ủng hộ Kennedy, dân biểu Dân chủ Patrick Murphy của Bucks County cho biết: "Chúng tôi không làm luật theo đơn đặt hàng của Vatican, chúng tôi làm luật theo lương tâm của chúng tôi và những gì chúng tôi nghĩ là tốt cho đất nước của chúng tôi."

Tôi đồng ý. Nhưng trong 16 năm là một người Công giáo giữ vai trò công cộng, tôi không bao giờ nhận được một đơn đặt hàng từ Vatican hay từ bất kỳ linh mục nào.

Tôi cũng đồng ý với Murphy - cũng như với sách giáo lý - là người Công giáo phải thật sự sống theo lương tâm. Nhưng lương tâm ở đây không phải là một vật trôi nổi vật vờ mà chúng ta có thể định nghĩa theo ý riêng. Một người Công giáo cần thiết là phải hình thành lương tâm của mình theo lời dạy của giáo hội về đức tin và lý trí, và hành động một cách chặt chẽ và nhất quán về mặt đạo đức, ở nơi riêng tư cũng như nơi công cộng.

Sau cùng, giáo hội duy trì rằng có một quy luật tự nhiên làm nên cơ bản đạo đức cuả xã hội và có thể nhận thức được qua lý trí. Do đó, một người Công Giáo khi đã có một lương tâm được hình thành tốt, thì trong khi giữ vai trò công cộng vẫn có thể đi đến những kết luận chính xác hợp đạo đức, không chỉ thông qua tín điều mà thôi, nhưng có thể thông qua lý trí nữa.
 
Nga sô: Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp kiến Tổng Thống Medvedev
Bùi Hữu Thư
16:41 03/12/2009
Chuẩn bị cho quan hệ ngoại giao toàn vẹn

Rôma, Ngày Thứ Năm 3 tháng 12, 2009 (Le Monde vu de Rome) – Toà Thánh và Liên Bang Sô Viết sắp sửa thiết lập quan hệ ngoại giao toàn vẹn

Chiều hôm nay tại Vatican Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tiếp kiến ông Dimitri Anatolievich Medvedev, Tổng Thống Liên Bang Sô Viết, và phái đoàn; ngài cho hay Vatican xác định tổng thống Nga đã tiếp xúc trước với Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone và Đức Giám Mục Dominique Mamberti, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao.

Cũng theo cùng một nguồn tin, các cuộc đàm thoại đã cho phép bầy tỏ “sự hài lòng của cả hai bên về các mối liên hệ thân hữu đã có, và hai bên đã thỏa thuận thiết lập các quan hệ ngoại giao toàn vẹn giữa Tòa Thánh và Liên Bang Sô Viết.”

Các cuộc tiếp xúc này cũng cho phép “trao đổi ý kiến về tình hình kinh tế và chính trị quốc tế, kể cả ý nghiã của Thông Điệp 'Caritas in Veritate', mà Đức Thánh Cha đã trao cho tổng thống Nga một bản dịch bằng tiếng Nga.”

Hai bên cũng nhắc đến “các thách đố hiện thời đối với nền an ninh và hòa bình trên thế giới.”

Cuối cùng, bản tin cho hay cuộc đàm thoại đã kết thúc bằng “các đề tài văn hóa và xã hội có lợi ích chung, như giá trị của gia đình, sự đóng góp của các tín hữu cho đời sống tại Nga.”

Về phần Điện Kremlin, cũng tuyên bố sau khi Đức Thánh Cha và Tổng Thống Nga gặp gỡ, là Nước Nga đã quyết định thiết lập các quan hệ ngoại giao toàn vẹn với Tòa Thánh: vị Đại diện của Nga được nâng lên hàng Đại Sứ.

Bà Natalia Timakova, phát ngôn viên của tổng thống Nga, cũng cho hay là Tổng Thống Medvedev đã trình với Đức Thánh Cha Benedict XVI là ông đã ký một nghị định về việc này.
 
Nga và Tòa Thánh Vatican đã thiết lập quan hệ ngoại giao một cách đầy đủ
Nguyện Long Thao
18:04 03/12/2009
VATICAN 3/12/09 – Cơ quan truyền thông BBC loan báo là Tổng thống Dmitri Medvedev đã ký một sắc lệnh thiết lập quan hệ ngoại giao một cách đầy đủ giữa Nga và Tòa thánh Vatican.

Sau khi chế độ Nga Sô Viết sụp đổ, Vatican và Moscow chỉ có quan hệ ngoại giao ở cấp phái đoàn thường trực. Nay thông tấn xã Itar-Tass cho biết là với sắc lệnh này phái bộ thường trực của Nga tại Vatican sẽ được nâng lên hàng đại sứ quán.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga cho biết là ông Medvedev loan báo sự kiện này trong cuộc họp với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô tại Rome hôm thứ Năm. Bà cũng cho biết diễn biến này là kết quả theo sau mối liên hệ giữa Chính Thống Nga và Công Giáo Roma đã được cải thiện trong những năm gần đây.

Trước khi gặp Đức Thánh Cha, Tổng thống Nga đã gặp Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi.

Việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Nga và Vatican chấm dứt nhiều năm căng thẳng giữa đôi bên.
 
Thần học kiểu luật sĩ xưa
Vũ Văn An
18:45 03/12/2009
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế hiện đang họp phiên họp toàn thể hàng năm tại Vatican. Trong bài giảng tại thánh lễ khai mạc hội nghị, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói rằng nhà thần học đích danh là người ý thức được các giới hạn của mình và không để mình bị cám dỗ rơi vào việc cố gắng bắt Thiên Chúa phải chịu các giới hạn của trí khôn con người.

Theo Đức Thánh Cha, ta có thể so sánh các nhà thần học quá tự tin đang nghiên cứu Thánh Kinh và một số khoa học gia đang nghiên cứu thiên nhiên như những luật sĩ xưa từng chỉ cách cho Ba Vua tới được Bê-lem.

Ngài nói: họ là “những khoa học gia vĩ đại, có thể nói Đấng Kitô sinh ra ở đâu” nhưng “không hề cảm thấy chính họ phải đi [để gặp Người]”. Theo Đức Thánh Cha, tin Đấng Kitô sinh ra “không đụng chạm gì tới cuộc sống họ; họ giữ một khoảng cách đối với biến cố ấy. Họ có thể cung cấp thông tin nhưng thông tin ấy không trở thành nguồn đào tạo cuộc sống họ”.

Đức Bênêđíctô XVI cho rằng ngày nay cũng đang xẩy ra một điều giống như thế: “Trong 200 năm nay, chúng ta cũng thấy cùng một điều như thế. Có những con người hết sức tài năng, những nhà chuyên môn vĩ đại, các thần học gia và thầy dạy đức tin chói sáng từng dạy chúng ta nhiều điều. Họ lục lọi mọi chi tiết của Sách Thánh và lịch sử cứu rỗi, nhưng họ lại không thể nhìn ra chính mầu nhiệm, chính cái tâm điểm chân thực: rằng Chúa Giêsu thực là Con Thiên Chúa. Người ta dễ dàng nhắc tới nhiều tên tuổi vĩ đại trong lịch sử thần học của 200 năm vừa qua, những con người dạy dỗ chúng ta nhiều điều nhưng không chịu mở lòng mình cho mầu nhiệm”.

Theo ngài, làm thần học kiểu ấy là “đặt mình lên trên Thiên Chúa… Nó giống như đánh cá tại sông nước Thánh Kinh với chiếc lưới chỉ cho phép một cỡ cá nào đó lọt vào mà thôi, còn tất cả những loại cá nào lớn hơn cỡ đó thì không lọt vào được và do đó không hề hiện hữu”. Ngài buồn mà cho rằng “như thế, mầu nhiệm cao cả về Chúa Giêsu, về Chúa Con làm người, đã bị giản lược chỉ còn là Chúa Giêsu lịch sử, một nhân vật thật thảm hại, một bóng ma không thịt không xương, một ai đó vẫn còn nằm trong mồ, đang rữa nát, chết thật rồi”.

Sự khôn ngoan của Thiên Chúa

Mặt khác, Đức Thánh Cha quả quyết, lịch sử Giáo Hội đầy rẫy những người đàn ông và đàn bà có khả năng nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước sự cao cả của Thiên Chúa, có khả năng khiêm hạ và do đó vươn tới chân lý. Ngài nhận định rằng lịch sử ấy diễn tiến từ “Thánh Bernadette Soubirous tới Thánh Têrêxa thành Lisieux, những vị thánh có lối đọc Sách Thánh không có tính khoa học, nhưng tìm đến tận trái tim Sách Thánh, tới các thánh và các chân phúc thời đại ta: Nữ Tu Bakhita, Mẹ Têrêxa, Cha Đamiêng thành Veuster". Những tâm hồn khiêm hạ này chính là những khuôn thước tiêu chuẩn để trở thành những nhà thần học đích thực, tức những nhà thần học biết tuyên xưng mầu nhiệm của Thiên Chúa vì họ đã vươn tới cõi thâm sâu trong trái tim của Người. Đức Thánh Cha cho hay: trong số này, ta phải kể cả viên bách quản đứng dưới chân thánh giá, và Thánh Phaolô, người “trong thư thứ nhất gửi Timôtê đã nói rằng ngài dốt nát dù có kiến thức, nhưng Đấng Phục Sinh đã đụng đến ngài, ngài bị mù và sau đó trở thành người đúng là biết nhìn.

Đức Bênêđíctô XVI nghĩ rằng: “học giả vĩ đại phải trở nên khiêm hạ, và chỉ cách đó mới nhìn ra sự rồ dại của Thiên Chúa, sự rồ dại thực ra là khôn ngoan, một sự khôn ngoan cao cả hơn bất cứ sự khôn ngoan nào của con người”

Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đang làm việc dưới sự điều hướng của Đức Hồng Y William Levada, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Hội nghị tiếp tục làm việc qua ngày Thứ Sáu này. Ủy Ban có nhiệm vụ quyết định các đề tài sẽ được nghiên cứu trong 5 năm tới. Đức Hồng Y Levada yêu cầu Ủy Ban nghiên cứu một lần nữa vấn đề phương pháp thần học, một đề tài từng được xem sét trong 5 năm vừa qua.
 
Top Stories
VIETNAM: Les points de vue de l’Eglise catholique et de l’État se sont-ils rapprochés à l’occasion des fêtes d’ouverture de l’année sainte?
Eglises d'Asie
07:49 03/12/2009
Les cérémonies d’ouverture de l’année sainte, qui se sont déroulées dans la province du Ha Nam, à So Kiên, le 23 et le 24 novembre 2009, ont-elles marqué une évolution dans les relations de l’Eglise et de l’État au Vietnam ? C’est une question qui a été soulevée dans la plupart des commentaires relatifs à ce vaste rassemblement de plus de 100 000 chrétiens venus commémorer ensemble leur histoire commune. La question se pose avec d’autant plus d’acuité que ce rassemblement de l’année sainte faisait suite à deux années émaillées de conflits concernant des propriétés d’Eglise confisquées par l’État. Après les affaires de la Délégation apostolique et de la paroisse rédemptoriste de Thai Ha, qui ont éclaté à Hanoi dès le mois de décembre 2007, plusieurs autres ont ensuite défrayé la chronique aussi bien dans le centre du pays, à Tam Toa, à Loan Ly, que dans le sud, chez les sœurs de Saint Paul de Chartres à Vinh Long, pour ne parler que des plus connues.

Des réponses directes ou indirectes ont été données à cette interrogation, aussi bien dans la presse officielle directement placée sous le patronage de l’État que dans ce qui est devenu pratiquement aujourd’hui l’organe d’expression officiel de l’Eglise catholique au Vietnam, à savoir le site Internet de la Conférence épiscopale. Mais au-delà des réactions des instances responsables de l’État et de l’Eglise, la question de savoir s’il existait une volonté de rapprochement du côté gouvernemental ou du côté ecclésial a reçu divers types de réponses, quelquefois contradictoires, que ce soit dans les divers organes d’expression de la diaspora vietnamienne - sites Internet, blogs, revues écrites - ou encore dans quelques agences de presse ou grands journaux internationaux s’intéressant à l’actualité religieuse du Vietnam.

Tout en soulignant le rôle de l’Etat, les autorités et les médias officiels se sont efforcés de garder une certaine objectivité dans leurs commentaires sur l’événement du 24 novembre dernier. Trois jours avant la fête d’ouverture de l’année sainte, le 20 novembre, un responsable des Affaires religieuses, Nguyên Tân Xuân, l’avait annoncée au cours d’une conférence de presse et avait présenté succinctement la signification et les objectifs de l’année sainte pour les catholiques (1). Une dépêche de l’Agence d’information nationale (AVI) avait insisté sur l’intervention de Ha Van Nui, présenté comme le « représentant de l’État, du parti et du Front patriotique » (2). Celui-ci s’était exprimé avant la messe du 24 novembre. On peut conclure de ses déclarations qu’il n’y a pas eu de rapprochement entre l’État et le catholicisme à l’occasion de l’ouverture de l’année sainte, puisque, selon l’expression utilisée dans les communiqués sur la question religieuse (Truoc sau nhu môt…), la politique de l’État ne change jamais en ce domaine. L’État a toujours préconisé et développé une politique de liberté religieuse, a dit le représentant de l’État… Dans l’article publié le 25 novembre 2009 dans le Nhân Dân, organe du parti communiste vietnamien, l’auteur ne se contente pas de déclarations théoriques sur la liberté religieuse, mais passe en revue les contributions concrètes des autorités à la réussite du rassemblement des 23 et 24 novembre. L’article énumère les aides apportées à la communauté catholique par les services municipaux: électricité, santé, hygiène et secours d’urgence, contrôle de la circulation, etc. « L’ensemble des aides apportées, déclare l’article, visent à renforcer la solidarité et à témoigner de l’attention que le parti et l’État portent à leurs compatriotes catholiques…» (3). Cependant, l’État n’a pas changé d’attitude à l’occasion de l’année sainte. Même s’ils rendent compte dans le détail de l’assistance que les autorités locales ont apportée à la réussite de la fête de l’inauguration, les médias officiels soulignent que l’État ne n’accorde pas une faveur particulière au catholicisme. Il ne fait qu’appliquer une politique valable pour toutes les religions…

Pour l’Eglise, y a-t-il eu une volonté de rapprochement avec l’Etat ? En fait, l’initiative de l’année sainte a été dictée à la hiérarchie vietnamienne davantage par le calendrier, à savoir la coïncidence du 350e anniversaire de la création des vicariats apostoliques et du 50e anniversaire de l’établissement de la hiérarchie catholique au Vietnam. II s’agit avant tout d’un temps de prière plus intense pour l’Eglise. S’il fallait trouver une autre motivation, il faudrait peut-être invoquer le désir de permettre au peuple de Dieu, à travers ce pèlerinage dans le passé, d’acquérir une conscience plus claire de sa propre identité spirituelle, du rôle qu’il peut et doit jouer dans la nation et, sans doute aussi, de sa force. Une telle prise de conscience est devenue possible et nécessaire après la période très difficile que vient de traverser l’Eglise au Vietnam. Les déclarations de la Conférence épiscopale montrent que son intention est de faire de cette année sainte un temps de formation et d’études pour l’ensemble du peuple de Dieu au Vietnam. L’étendue du programme de travail et la densité des documents d’études publiés par le comité d’organisation témoignent éloquemment de cette ambition. Il est donc peu probable que cette volonté de rapprochement soit pour beaucoup dans la proclamation d’une année sainte. La preuve en est encore que le président de la Conférence épiscopale, au lendemain du grand rassemblement, n’a pas hésité à élever la voix pour protester contre les travaux entrepris sur la propriété de l’Institut pontifical Saint Pie X à Dalat et à réclamer leur arrêt immédiat (4). Il faut dire que les autorités de la province de Lâm Dông n’avaient pas hésité à entamer ces travaux en pleine préparation de l’année sainte.

Il faut noter cependant que l’un des objectifs visés à travers l’année sainte est, non pas un rapprochement à n’importe quel prix, mais la mise en place d’un type de relation proprement évangélique avec la nation vietnamienne, sa société comme son Etat. A plusieurs reprises, avant et après les fêtes d’ouverture, les évêques ont déclaré que le dialogue était l’instrument privilégié des rapports de l’Eglise et de la nation. Le 28 juin dernier, s’adressant aux évêques du Vietnam venus à Rome en visite ad limina, le pape Benoît XVI avait ainsi défini le rôle de l’Eglise: «Elle n'entend nullement se substituer aux responsables gouvernementaux, souhaitant seulement pouvoir, dans un esprit de dialogue et de collaboration respectueuse, prendre une juste part à la vie de la nation, au service de tout le peuple» (5). Les évêques ont retenu ces deux volets de la contribution de l’Eglise au développement du pays: « dialogue et collaboration ». Ils leur ont même donné une ampleur qu’ils n’avaient pas précédemment. « Dialogue et collaboration » sont, pour eux, les vrais canaux des relations entre la communauté catholique et son pays.

Quelques jours avant l’ouverture de l’année sainte, le président de la Conférence des évêques du Vietnam, Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, s’était exprimé sur ce sujet dans une interview. Ce dialogue auquel est appelé l’ensemble du peuple de Dieu a pour partenaire la société tout entière et non seulement les autorités. Par ailleurs l’évêque a souligné que ce dialogue est obligatoirement accompagné par le respect mutuel et la collaboration. Si l’un des partenaires n’est pas respecté et reconnu dans les valeurs qu’il défend et dans le rôle qu’il tient, le dialogue se transformera en « monologue » stérile (6). Il importe aussi que dans ce dialogue, les propos d’un partenaire soient communiqués à l’autre sans être tronqués ni déformés.

Tout récemment encore, Mgr Paul Bui Van Dôc est revenu sur ce mode privilégié des relations des catholiques avec leur pays, à savoir le dialogue, dans une conférence prononcée au club Nguyên Van Binh à Saïgon (7). Avec le pape Benoît XVI, L’évêque replace le dialogue et la collaboration dans leur contexte, à savoir « le service du développement intégral de l’homme et de la société ». Il s’applique ensuite à montrer la profonde concordance existant entre le dialogue et les valeurs évangéliques. Malgré le pessimisme ambiant, Mgr Dôc affiche un grand optimisme et croit à la possibilité de faire exister un tel dialogue et une telle collaboration.

On ne peut nier en effet que le dialogue et la collaboration soient les moyens les plus évangéliques pour entrer en rapport avec la nation et son Etat. Mais l’observateur de l’histoire religieuse récente du Vietnam doit avouer que ce type de relations reste en grande partie, aujourd’hui, un projet qui jusqu’à présent n’a été efficient que dans un certain nombre de situations. Lors des conflits portant sur les terrains, on peut citer, entre autres, les solutions heureuses données au problème du Centre de pèlerinage marial de La Vang ou encore à celui de l’ancien petit séminaire de Saigon, devenu un Centre pastoral. En beaucoup d’autres cas, et en particulier dans les affaires récentes, le dialogue a été carrément refusé par les autorités locales qui ont tranché le débat en imposant des solutions arbitraires.

L’ouverture de l’année sainte au Vietnam n’a sans doute pas été dictée par une volonté délibérée de rapprochement avec l’État. Mais il est certain qu’à travers elle, l’Eglise catholique au Vietnam tient à se présenter à l’État comme le partenaire d’un possible dialogue, dans le respect mutuel et la vérité, au service du développement du pays.

(1) Journal de la province de Ha Nam, 23 novembre 2009
(2) Dépêches mis en ligne sur: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Gio-Thu-25/Giao-Hoi-Cong-Giao-Vn-Khai-Mac-Nam-Thanh-2010.html
(3) http://www.nhandan.org.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=162187
(4) Voir le texte intégral de l’interview de Mgr Nguyen Van Nhon dans la dépêche EDA du 27 novembre 2009.
(5) Le texte du discours a été diffusé par Zenit, 28 juin 2009.
(6) Voir EDA 517
(7) Le texte a été mis en ligne sur le site de la Conférence épiscopale du Vietnam: http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=8&Act=Detail&ID=1115&CateID=63

(Source: Eglises d'Asie, 3 décembre 2009)

 
VIETNAM: Les services d’information du Vietnam annoncent une visite du chef de l’État vietnamien au Vatican
Eglises d'Asie
12:08 03/12/2009
Dans la journée du 3 décembre 2009, la porte-parole des Affaires étrangères vietnamiennes, Mme Nguyen Phuong Nga, a annoncé que le chef de l’État de son pays, Nguyen Minh Triêt, se rendrait en visite officielle au Vatican, le 11 décembre prochain, en vue d’accélérer la normalisation des relations bilatérales. Le chef de l’État vietnamien devrait rencontrer le pape Benoît XVI et s’entretenir avec lui. La porte-parole a ajouté que les discussions porteraient sur « les mesures visant à renforcer les relations entre le Vietnam et le Vatican ». Cette visite du chef de l’État vietnamien au Vatican avait déjà été annoncée par les services d’information du Vietnam il y a quelques mois sans qu’il y ait eu, à cette époque, de confirmation de la part du Saint-Siège.

Aucune information supplémentaire n’a été donnée sur le contenu de cette prochaine rencontre. On ne sait pas avec précision, à quelle étape en sont les négociations concernant l’établissement éventuel de relations diplomatiques entre les deux Etats. Au début de l’année 2007, le Premier ministre Nguyen Tiên Dung avait déjà rendu visite au plus haut responsable de l’Eglise catholique. Au début de cette année, au Vietnam, une délégation romaine avait rencontré des responsables du pays. Les deux parties avaient débattu pendant plusieurs jours des futures relations entre les deux pays.

(Source: Eglises d'Asie, 3 décembre 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ CTTĐVN Arlington, VA kỷ niệm 30 năm thành lập
Bùi Hữu Thư
07:52 03/12/2009
Nhân dịp Lễ Tạ Ơn, giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, VA đã tổ chức ba bữa tiệc để mừng ngày kỷ niệm giáo xứ được thành lập 30 năm về trước. Đây là giáo xứ thể nhân đầu tiên của người Việt Nam được thành lập trên đất Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 8, năm 1979. Đức Cha Thomas J. Welsh, Đức Cha tiên khởi của Giáo Phận Arlington đã ký nghị định vào ngày kể trên vào lúc giáo xứ còn tọa lạc tại Annandale, một cơ sở đã bán lại cho một nhà thờ Tin Lành Đại Hàn.

Sau đây là một Video do đài truyền hình SBTN thực hiện sẽ được chiếu trên đài SBTN lúc 10:30AM Sáng thứ bẩy 05/12/2009 và trên MhZ network chiều chủ nhật lúc 2:00PM ngày 06/12/2009.



Ngay từ khi làn sóng người Việt di cư đầu tiên đến Hoa Kỳ qua các trại tị nạn Arkansas, và Indian Town Gap, là hai trại tị nạn gần thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã có khoảng 40,000 người định cư tại vùng Maryland, DC và Virginia. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam giáo phận Arlington đã được thành lập ngay từ tháng 7 năm 1975 với cha Đa Minh Trần Duy Nhất làm tuyên úy. Lúc đó chỉ có chừng 25 gia đình tụ họp để đi lễ hàng tuần tại nhiều nhà thờ khác nhau trong giáo phận. Vì không có phương tiện, không biết đường xá, nhiều khi cha làm lễ xong thì giáo dân mới tới. Năm 1976, giáo phận cho phép dâng thánh lễ tại hội trường giáo xứ St. James, nhưng chỉ được sử dụng nơi này đúng 1 giờ đồng hồ là phải ra khỏi bãi đậu xe. Do đó không có cách nào để có sinh hoạt các đoàn thể cũng như cho ca đoàn có chỗ học hát.

Năm 1979 giáo xứ mua được cơ sở của Salvation Army trước đó là Grange Hall, và sau nhiều tháng sữa chữa đã sẵn sang để đón tiếp đức giám mục đến làm lễ cung hiến. Cha Trần Duy Nhất được bổ nhiệm làm chánh xứ tiên khởi. Sáu năm sau, khi đã trả hết món nợ, giáo xứ di chuyển về điạ điểm hiện thời tại Arlington, VA vào năm 1985. Con số các gia đình ngày càng gia tăng, hiện nay có trên 2200 gia đình và khoảng 9.000 giáo dân.

Để đáp ứng nhu cầu về cơ sở phòng ốc, giáo xứ đang được xây cất thêm để bành trướng. Công trình được khởi sự từ ngày 25 tháng 3 đến nay đã hoàn tất được phân nửa. Hy vọng tháng Tư năm 2010 sẽ hoàn tất.

Nhờ sự chúc lành của Thiên Chúa qua sự bầu cử của Mẹ Maria và các Thánh Tử Đạo Việt Nam bổn mạng giáo xứ, nhờ sự cố gắng của các cha xứ Trần Duy Nhất, Trần Đình Nhi, Trần Bình Trọng, Đinh Minh Tiên và cha xứ đương nhiệm Nguyễn Đức Vượng, và lòng quảng đại hy sinh của giáo dân, những thành quả gặt hái được trong 30 năm qua thật đáng kể: giáo xứ hiện có 3 linh mục phục vụ, với 9 ca đoàn, 10 hội đoàn, 2 thánh lễ hàng ngày và 8 thánh lễ cuối tuần. Giáo xứ cũng có một họ lẻ tại Reston: Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang với 500 giáo dân.

Để tạ ơn Thiên Chúa, giáo xứ đã tổ chức ba bữa tiệc tại nhà hàng Harvest Moon, Falls Church, Virginia vào dịp Lễ Thanksgiving, ngày thứ sáu 27, thứ bẩy 28, và chủ nhật 29 tháng 11, 2009 và để mừng sinh nhật thứ 30 của giáo xứ. Con số thực khách trong ba ngày lên đến 2000 người. Đây là lần đầu tiên giáo xứ tổ chức ba bữa tiệc liên tiếp vào một cuối tuần không bán vé, không xổ số, và không bán đấu giá, nhưng nhờ lòng hảo tâm của quý khách, giáo xứ cũng đã gây qũy được một số tiến khả quan.

Ban nhạc The Red Sun cung với các nghệ sĩ giúp vui gồm có: ngày thứ sáu: MC Nguyễn Ngọc Ngạn, Ca sĩ Minh Tuyết và Lương Tùng Quang; ngày thứ bẩy: Cặp dan hhài Kiều Oanh và Lê Huỳnh, ca sĩ Thiên Kim và Quốc Khanh; ngày chủ nhật: Danh hài Bảo Liêm và Bảo Vi, và các ca sĩ Lâm Thúy Vân và Don Hồ, cung hai con lân của Đoàn Tjiếu Nhi ThánhThể Thánh Tâm, Đoàn vũ Văn Lang, Ban đồng ca các em hiệp sĩ Da Nights thuộc giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chương trình văn nghệ rất hấp dẫn khiến mọi người được hưởng một đêm vui nhộn với các món ăn ngon miệng của nhà hang Harvest Moon.

Nhân dịp này, cha xứ Nguyễn Đức vượng Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ kiêm Trưởng Ban Thánh Nhạc Liên Đoàn đã sáng tác bản nhạc “30 Năm Qua Tạ Ơn Cha.” Bản nhạc này đã được ca đoàn tổng hợp giáo xứ hát vào lúc khai mạc ba bữa tiệc kể trên dưới sự điều khiển của cha Vượng.

Hai con lân của Đoàn TNTT Thánh Tâm
Cha Vượng và ca đoàn tổng hợp
Cha Vượng đang điều khiển ca đoàn hát bài 30 năm tạ ơn
Đoàn Vũ Văn Lang TNTT Thánh Tâm
Các HS TNTT Thánh Tâm trong Ban Da Nights
MC Nguyễn Ngọc Ngạn và một cặp kỷ niệm 50 năm hôn phối
Ca Sĩ Minh Tuyết và Ban Nhạc The Red Sun
Các em thiếu nhi mê say xem trình diễn
 
Đức TGM Hà Nội thăm công trình tái thiết thánh đường Phủ Lý và viếng mộ Cố Emmanuel Thi
Giuse Văn Nam
08:00 03/12/2009
PHỦ LÝ - Hôm 2 tháng 12 năm 2009, bầu trời Phủ Lý ấm áp lạ thường làm cho lòng người hân hoan phấn chấn. Niềm vui tăng thêm gấp bội khi giáo xứ Phủ Lý được đón chào Đức Tổng Giám mục Giuse - Vị cha chung của TGP Hà Nội đến thăm công trình xây dựng nhà thờ Phủ Lý và viếng mộ Cố Emmanuel Thi - cha xứ tiền nhiệm của giáo xứ đồng thời là người xây dựng ngôi nhà thờ cũ của giáo xứ đã bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá năm 1967.

Cùng đi với Đức Tổng có cha Giuse Nguyễn Văn Diễm - Phó giám đốc ĐCV Thánh Giuse Hà Nội, cha Giuse Vũ Quang Học - văn phòng TGM Hà Nội.

Đón tiếp Đức Tổng là cha xứ Phêrô Bùi Ngọc Tuấn, Ban Trùm giáo xứ và đại diện một số bà con giáo dân.

Đức Tổng thăm một cố Thi
Sau khi cầu nguyện ít phút trong ngôi nhà thờ tạm của giáo xứ, Đức Tổng đã đi thăm quan công trình xây dựng nhà thờ mới. Sau đó, ngài cùng với đoàn đã đi viếng mộ Cố Emmanuel Thi.

Tưởng cũng nên biết; năm 1893, sau khi cha Sinh mất, Cố Thi (LM Souvignet) người Pháp về coi sóc giáo xứ và đã chuyển vị trí khu đất nhà thờ từ ga Phủ Lý về địa chỉ như hiện nay: Đ. Biên Hòa - Tp Phủ Lý - Hà Nam. Khu đất rộng trên 4 mẫu nhà thờ và nhà xứ được xây dựng và hoàn thành vào năm 1907. Năm 1940 Cố Thi ốm yếu và mất vào năm 1942. Ngài đã được an táng và chôn cất tại mảnh đất phía sau nhà thờ Phủ Lý.

Cũng nên nói thêm công trình nhà thờ mới giáo xứ Phủ Lý đã được chính Đức Tổng Giuse về dâng thánh lễ khởi công ngày 22/2/2008.

Thật vui mừng khi hôm nay đây, giáo xứ lại được đón tiếp Đức tổng về thăm. Một niềm hy vọng mới chan chứa tình yêu Thiên Chúa và sự quan tâm của các Đấng Bậc trong Giáo Phận đã ngày càng làm cho giáo xứ biến đổi và phục sinh từng ngày.
 
Giáo Phận Vinh long trọng Khai mạc Năm Thánh 2010
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
08:15 03/12/2009
VINH - Sáng ngày 3/12/2009, tại quảng trường Toà Giám mục Vinh, đoàn con cái Giáo phận Vinh khoảng trên 20.000 người từ khắp mọi miền đã quỵ tụ về bên Đức Cha Phaolô cùng đông đủ quý Cha trong Giáo phận, hiệp thông cử hành lễ khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam.

Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo phận Vinh được tổ chức nhằm lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, vị thánh vĩ đại trong công cuộc truyền giáo tại Á Châu, cũng là quan thầy Đại Chủng viện Vinh Thanh. Đây là dấu chỉ thật ý nghĩa đối với mọi thành phần dân Chúa thuộc giáo đoàn Vinh: Năm Thánh chỉ có thể được thực thi cách hiệu quả, đúng với mục tiêu đã đề ra, khi mỗi người biết sống mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông trên cở phát huy, chu toàn sứ vụ làm chứng, dấn thân cho lợi ích các linh hồn.

Trong phần khai lễ, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã nói lời khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận nhà. “…Cùng với Giáo hội Việt Nam, hôm nay Giáo phận Vinh chúng ta cử hành thánh lễ khai mạc Năm Thánh, với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và anh chị em, để mỗi chúng ta thêm phấn chấn nhận lấy trách nhiệm của mình, sống đời nhân chứng, loan báo Tin Mừng trên quê hương thân yêu này…, với những tâm tình trên, chúng ta cùng nhau khai mạc Năm Thánh theo ý hướng của Giáo hội tại Việt Nam và sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi cho dân Chúa tại Việt Nam trong dịp trọng đại này”.

Có thể nhận thấy tinh thần hiệp thông bền chặt của Giáo đoàn Vinh khi sống trong lòng Giáo hội và tổ quốc Việt Nam, được thể hiện rõ qua một số nghi thức đầy ý nghĩa văn hoá, tôn giáo như đã được cử hành tại Sở Kiện ngày 24/11/2009. Trong nghi thức tri ân tổ tiên, Đức Cha, Cha Tổng đại diện, Cha phó chủ tịch Hội Đồng Linh Mục, đại diện các tu sỹ, chủng sinh và giáo dân đã dâng hương trước bàn thờ các thánh tử đạo, nói lên lòng biết ơn vô hạn trước chứng từ cao quý của các ngài. “Chính mồ hôi, nước mắt của các ngài đổ ra đã làm trổ sinh hoa trái dồi dào trên mảnh đất Việt nam hôm nay. Đồng thời khi nhớ về gương sáng của các ngài, chúng ta thêm phấn chấn trong đức mến, gia tăng đức cậy và củng cố đức tin trong hoàn cảnh đôi khi chúng ta đang vượt qua những thử thách đầy cam go”.

Trong phần sám hối - tạ lỗi, đại diện đoàn linh mục, đại diện tu sỹ và giáo dân đã bày tỏ tâm thành sám hối và nói lời tạ lỗi “vì lắm lúc đã làm cho khuôn mặt thánh thiện của Giáo hội bị hoen ố, hay đã làm cản trở công cuộc rao giảng Tin Mừng trên quê hương Việt Nam”.

Đức Cha Phaolô tiếp tục khẳng định và kêu mời cộng đồng dân Chúa tại Vinh hãy phát huy vai trò chứng nhân khi sống mầu nhiệm hiệp thông, như các ý hướng đã vạch ra trong Thư Hội Đồng Giám mục Việt nam gửi cộng đồng dân Chúa Công Bố Năm Thánh 2010: “…Khi xây dựng đời sống trên nền tảng những giá trị Tin Mừng như bác ái, liêm chính và quý trọng công ích, Anh Chị Em chính là những công dân tốt, tích cực tham gia vào việc xây dựng một xã hôi công bằng, liên đới và bình đẳng. Qua Anh Chị Em, Giáo hội đóng góp phần mình vào việc phát triển con người và xã hội cách toàn diện, trong tinh thần đối thoại chân thành, hợp tác lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau”.

Cộng đoàn tham dự lễ khai mạc Năm Thánh 2010 đã hiệp thông trong lời “cầu xin cho toàn thể cộng đồng dân Chúa Việt Nam biết phấn chấn đức mến, gia tăng đức cậy, và củng cố đức tin trong năm hồng ân này…cầu xin Chúa ân thưởng bội hậu cho các nhà thừa sai, những người đã không quản hy sinh, để hạt giống đức tin được gieo vào và triển nở trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này. Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn biết quý trọng gia sản đức tin và ra sức cộng tác với đấng bậc trong Hội Thánh, thể hiện đời sống chứng nhân cho đồng bào chung quanh”

Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại Giáo phận Vinh kết thúc trong âm hưởng hùng tráng của bản nhạc kèn “Lên Đường” do đội kèn hơi Giáo hạt Thuận Nghĩa hợp tấu. Cùng với Thánh Phanxicô Xaviê, giáo đoàn Vinh hôm nay cũng đang nô nức lên đường, trở nên chứng nhân trung thành cho tình yêu Thập giá trong “Mùa Hồng Ân” của Giáo hội Việt Nam.
 
Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên nhà thờ họ Đầu Lâm Hải Phòng
Tôma Nguyễn Văn Nhật
08:22 03/12/2009
HẢI PHÒNG - Hoà cùng niềm vui hân hoan của toàn thể giáo hội Công giáo Việt Nam vừa bước vào Năm thánh kỉ niệm 350 năm Toà Thánh thiết lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam Đàng Ngoài và Đàng Trong, và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, hôm nay bà con tín hữu giáo họ Đầu Lâm dường như niềm vui năm thánh được tăng lên gấp bội khi được đón Đức Giám mục giáo phận về dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ giáo họ.

Ngày 2 tháng 12 năm 2009 Đức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng về giáo họ Đầu Lâm, giáo xứ Thuý Lâm dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên cho nhà thờ mới của giáo họ. Hoà cùng niềm vui hân hoan của toàn thể giáo hội Công giáo Việt Nam vừa bước vào Năm thánh kỉ niệm 350 năm Toà Thánh thiết lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam Đàng Ngoài và Đàng Trong, và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, hôm nay bà con tín hữu giáo họ Đầu Lâm dường như niềm vui năm thánh được tăng lên gấp bội khi được đón Đức Giám mục giáo phận về dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ giáo họ. Mặc dù bận rộn trăm công nghìn việc của những ngày đầu Năm Thánh, đưa tiễn một số cha đi nhận nhiệm sở mới nhưng Đức Cha đã ưu ái dành cho giáo họ Đầu Lâm sự quan tâm ưu ái đặc biệt, Ngài đã về giáo họ để đặt viên đá đầu tiên cho công trình nhà thờ mới của giáo họ.

Hôm nay nhà thờ mới của giáo họ được khởi sự là do lòng khát khao ấp ủ từ lâu trong kinh nguyện và cố gắng góp nhặt của mọi thành phần dân Chúa giáo họ bấy lâu nay. Nhà thờ trước đây đã nhiều lần xây dựng và trùng tu nhưng với kinh phí hạn hẹp, chất liệu thô sơ, cụ thể gần đây năm 1991 giáo họ đã đại tu được ngôi thánh đường đến nay mới được gần 18 năm nhưng đã xuống cấp trầm trọng, trời mưa to gió lớn trong nhà giống như ngoài sân, tường hư hỏng, móng tường bị lún. Hơn nữa với số tín hữu hiện nay trên 800 nên nhà thờ cũ trở nên chật chội, những dịp lễ lớn phần đông những người tham dự phải ngồi dự lễ ngoài sân. Vì thế, từ năm 2004 giáo họ đã có kế hoặch và thực hiện trong toàn giáo họ tiết kiệm chi tiêu hằng ngày để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng lại ngôi thánh đường đáp ứng với số tín hữu trong giáo họ và bảo đảm chắc chắn bền lâu hơn. Đến nay đa 5 năm giáo họ đã tiết kiệm được số tiền gần tám trăm triệu đồng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Nhưng vì giá trị tiền càng ngày càng mất giá, giá thành nguyên vật liệu xây dựng ngày càng cao, cộng với lãi xuất ngân hàng chẳng đáng bao nhiêu, nếu cứ chờ đợi thì khó có thể tiến hành khởi công xây dựng ngôi nhà thờ được, cho nên toàn thể giáo họ quyết tâm một lòng khởi công xây dựng lại ngôi nhà thờ giáo họ.

Ngày 25.10.2009 vừa qua Đức Giám mục đã có quyết định cho phép xây dựng nhà thờ Đầu Lâm. Thứ Tư ngày 4.11.2009 nhằm ngày kính thánh Giuse cha xứ đã dâng thánh lễ kính thánh Giuse và cầu nguyện xin ngài bảo trợ cho công trình mới. Từ khi công trình cũ bắt đầu được tháo rỡ cho đến hôm nay, Đức Giám mục giáo phận về đặt viên đá đầu tiên với thời gian vừa tròn 28 ngày. Dự tính ngôi nhà thờ mới có 9 gian, với kích thước chiều dài 40 m, rộng 14 m, tháp chuông cao 40 m.

Để chuẩn bị cho ngày trọng đại hôm nay, từ bốn tuần trước, tức Thứ Tư ngày 4 tháng 11 năm 2009 toàn thể bà con giáo họ đã nô nức lao động góp công sức tháo dỡ nhà thờ cũ, xây móng mới và chuẩn bị cho việc đón Đức Giám mục về đặt viên đá đầu tiên. Có những ngày giáo họ phải huy động 99 phần trăm nhân lực đang tuổi lao động trong giáo họ. Mặc dù bận rộn cho chuẩn bị cho công trình xây dựng nhà thờ gấp rút như vậy nhưng cộng đoàn giáo họ không quên chuẩn bị tinh thần đón nhận hồng ân Năm thánh. Một hình ảnh xúc động khi thấy đông đảo bà con giáo dân đặc biệt anh chị em thanh niên nam nữ từ chiều tối hôm trước và sáng sớm hôm nay xếp hàng đợi nhau lãnh nhận bí tích giao hoà và hồng ân năm toàn xá nhân dịp Đức Giám mục về chủ sự thánh lễ. Đứng trước công trình lớn đối với giáo họ hoàn cảnh kinh tế của bà con giáo dân giáo họ hầu hết làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ, mà công trình xây dựng thánh đường lại lớn, nên mọi người không khỏi băn khoăn lo lắng nhưng qua Thánh lễ hôm nay, qua lời động viên khích lệ của vị chủ chăn giáo phận mọi thành phần dân Chúa giáo họ đầy tràn hy vọng, tin tưởng và phó thác nơi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, bởi vì "Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công".

Hôm nay nhân ngày khởi công nhà thờ mới toàn dân trong giáo họ đồng tâm dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và ước nguyện xin Chúa chúc lành cho công trình nhà thờ giáo họ sớm được hoàn thành thoả lòng mong ước của cộng đoàn giáo họ.
 
Thánh lễ cắt băng khánh thành và làm phép nhà thờ Hoàng Thôn – Cổ Nhuế
Jos Luân
08:32 03/12/2009
HÀ NỘI - Sáng ngày 03/12/2009, Đức Cha Phụ tá Lorenso Chu Văn Minh đã dâng thánh lễ cắt băng khánh thành và làm phép nhà thờ Hoàng Thôn – Cổ Nhuế.

Hình ảnh lầm phép nhà thờ Hoàng Thôn

Với sự quan phòng của Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Thánh Cả Giuse quan thày, với tinh thần hiệp nhất và lòng mong muốn có được một ngôi nhà thờ xứng đáng là nơi Chúa ngự. Bà con giáo dân đã tự nguyện góp công sức, vật chất nên chỉ trong vòng chưa đầy một năm (từ 21/12/2008 – 03/12/2009) một ngôi nhà thờ mới khang trang với kiến trúc độc đáo đã được xây dựng trên nền của ngôi nhà thờ cũ. Có thể nói đây là ngôi nhà thờ có kiến trúc khá độc đáo so với các ngôi nhà thờ khác ở Hà nội vì nó không theo lối kiến trúc truyền thống mà nó được xây dựng theo lối kiến trúc khá hiện đại. Nhà thờ có ba tầng, với diện tích tổng cộng khoảng 700m2, hai tầng trên là nơi cử hành thánh lễ, tầng một là nơi thuận tiện cho các hoạt động như việc dạy và học giáo lý và các buổi sinh hoạt của giáo dân.

“ Chúng tôi sung sướng lắm vì chúng tôi chỉ mong có được một ngôi nhà thờ nho nhỏ thôi, nhưng bây giờ chúng tôi đã có một ngôi nhà thờ vượt quá lòng mong ước rồi!” Một cụ bà đã không nén được cảm xúc khi nói về ngôi nhà thờ mới. Đó không chỉ là niềm vui của riêng bà cụ mà đó còn là niềm vui của tất cả bà con giáo dân. Hy vọng niềm vui đó sẽ là động lực để mỗi người giáo dân tích cực xây dựng Hoàng Thôn – Cổ Nhuế ngày càng phát triển.

Trong tâm tình tạ ơn Chúa, hòa với niềm vui của giáo dân Hoàng Thôn – Cổ Nhuế, chúng ta hãy cùng hiệp dâng lên Chúa lời tạ ơn tha thiết. Nguyện xin Chúa, qua lời bầu cử của Thánh quan thày Giuse ban tràn đầy ân phúc xuống cho giáo họ Hoàng Thôn – Cổ Nhuế.
 
Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết sẽ gặp Đức Thánh Cha tại Roma vào tuần tới
Nguyễn Long Thao
09:52 03/12/2009
HANỘI 3/12/09- Bản tin của hãng thông tấn Reuters cho biết Chủ Tịch nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam là Nguyễn Minh Triết sẽ gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại Vatican vào tuần tới để thảo luận về việc cải thiện mối quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam.

Được biết Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết sẽ có mặt tại Italia từ ngày 9 đến 12 tháng 12 năm 2009.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, bà Nguyễn Phương Nga, tuyên bố còn quá sớm để đưa ra kết quả cuộc gặp gỡ, kể cả việc liệu ĐGH có thể viếng thăm Việt Nam vào năm tới hay không.

Theo tin, trong chuyến triều yết Đức Thánh Cha vào tháng 6 vừa qua, các vị Giám Mục Việt Nam đã mời Đức Giáo Hoàng viếng thăm Việt Nam vào năm 2010.

Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng tuyên bố “Mới đây mối bang giao giữa Việt Nam và Vatican đã được cải thiện.”

Quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Vatican đã bị cắt đứt từ giữa thập niên 1950 và Tòa Thánh đã di chuyển tòa khâm sứ vào Sàigon. Đến năm 1975, liên hệ giữa Vatican và Việt Nam hoàn toàn bị cắt đứt.

Từ những năm của thập niên 80 đến nay, Tòa Thánh và Việt Nam đã có hàng chục cuộc thương thảo về vấn đề ngoại giao, kể cả việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp ĐTC taị Vatican vào đầu năm 2007.

Theo thống kê của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, người Công Giáo Việt Nam chiếm từ 8 đến 10% dân số toàn quốc là 86 triệu người.
 
Dòng Mến Thánh Giá Huế tiếp tục đến với đồng bào vùng cao vùng lũ...
Nt. Maria Nguyễn thị Tuyệt
10:11 03/12/2009
1. Bà-Nang, ngày 16/11/2009:

Mãi đến bây giờ, chúng tôi mới có thể đến được với anh chị em dân tộc Bà-Nang thuộc huyện Đakrông. Tuy cơn bão và lũ số 9 đã qua, nhưng để đến đó thì chúng tôi phải chờ đợi cho đến tận hôm nay, sau 3 lần hẹn, vì đường xá hiểm trở, khó khăn.

Số anh em dân tộc ở đây thật đông. Chúng tôi phải vựơt qua lộ trình 36 km đường đèo tính từ cầu Đakrông, mới đến được với anh em Bà-Nang. Qua những cua nhỏ hẹp, đoạn đường quanh co, những cây số đường đèo cao, những chiếc cầu bêtông mà mặt cầu cúi sát dòng sông, nước chảy xiết... Khi chúng tôi đến nơi thì anh em dân tộc đã có mặt đầy đủ. Với 500 gia đình. Trời đã tạnh ráo nên mỗi gia đình đến khoảng 2-3 người, đem theo các trẻ em, nên số người đông hẳn lên, nhiều trẻ em không có lấy một mãnh quần hoặc manh áo... thân trần trụi tự nhiên của thời Adong-Eva... anh em ngồi từ đường vào tận nơi để hàng cứu trợ, trên các lối đi, bên lề đường, dọc bờ thành, nơi có bóng cây che mát, khuôn mặt trầm ngâm, nước da đen sậm, họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ riêng. ..

Bên cạnh Trụ sở xã Bà- Nang là một khu đất rộng, đẹp, người ta đã dành ưu tiên để xây dựng ngôi trường Trung học cơ sở cho con em dân tộc trong xã miền núi nầy. Chúng tôi đem theo hơn 200 bộ áo quần đồng phục cho các em của trường, vì cơn lũ dữ đã mang đi rất nhiều quần áo, sách vở, đồ đạc và cả hoa màu của vùng nầy, người dân đang phải đối mặt với những ngày tháng lạnh giá sắp tới. Trong khi trò chuyện với bà mẹ bên cạnh những đứa con của họ, thân trần truồng, chẳng còn mãnh vải che thân, chúng tôi hỏi: Sao không mặc quần áo cho cháu? - người mẹ trả lời gọn với nụ cười rất ư là đơn sơ: - không có. - Vậy ban đêm ngủ thì sao? " Mế" ấy trả lời: thì đắp lại mà ngủ (thật sự thì chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được họ đắp cho các cháu bé nầy cái gì cho đủ ấm: - chăn ư? hay cũng chỉ là những tấm vải sơ sài, những tấm nilông lạnh ngắt vô cảm ???)

Hôm nay có thể là một ngày vui của họ, vì chúng tôi còn nhận thấy anh em còn được nhận thêm mỗi gia đình một ít dầu thắp, (dầu "zoan"), chứng tỏ rằng, ở đây những ngày vừa qua thiếu cả ánh sáng, vì dây điện đứt, hoặc ở xa quá, đường dây điện chưa có thể tải ánh sáng đến cho căn nhà thiếu thốn của họ. Nhiều thôn trong xã tập trung đến nhận quà (vì đã lâu, sau cơn bảo số 9, có nhiều đường vẫn chưa lưu thông được!. Họ nhận thêm một ít áo quần cứu trợ, ít thực phẩm, cũng như những bao mì tôm mà giấy gói đã ngã màu ...)

Việc phân phối gạo, muối, bột ngọt cũng gần xong, chúng tôi trở lại thăm các cô thầy trường THCS Bà-Nang, những người vất vả đem con chữ lên cho vùng cao nầy. Sau cơn bão lũ, các cô thầy trụ đây với các học sinh, muốn cho các em không bỏ học, các thầy cô phải đi tìm trò, vì các em không còn muốn đến trường sau khi đã bị trôi sách vở và áo quần. Vả lại, việc học Tiếng Việt đối với các em thật khó khăn, các em phải vượt qua từ 3-12km đồi núi để đến trường, là một nỗ lực lớn cần được khích lệ luôn...

Các cô thầy đem ánh sáng văn minh cho vùng nầy, sự nhiệt tình, hy sinh ngày đêm; cái khó cho thầy cô là thiếu cả những nhu cầu vật chất để sinh sống, vì quá xa chợ và phương tiện đi lại thì rất khó khăn và nhiêu khê. Thầy Hiệu Trưởng Song tâm sự: "Con tim của người thầy thì nhiệt tình, nhưng lâu không về xuôi thì nhớ nhà chịu không nỗi, bởi chiều chiều lúc hoàng hôn buông xuống, núi đồi phủ dày một màn sương mờ đục, không khí phả lạnh, yên lặng bao phủ tứ bề, chim rừng thi thoảng vọng lên đâu đó... thì buồn lắm, và nỗi nhớ nhà da diết không diễn tả được!!! Các thầy cô khác đồng tình: "chấp nhận gian nan và kiên nhẫn thì mới có thể ở đây lâu bền được!" Chúng tôi cảm phục những thầy cô còn rất trẻ đầy nghị lực trong việc dấn thân cho đời như thế !

Chúng tôi từ giả các thầy cô và số người về muộn, thấu cảm phần nào những gian khổ, tâm tình những cô thầy đang phục vụ ở đây...Rồi chúng tôi cũng phải vội vàng xuống núi thôi, vì nếu gặp trời mưa, xe chúng tôi có thể bị kẹt phía bên nầy những cây cầu mà dòng nước vẫn vô tình chảy qua... có thể gây chết người khi vừa chỉ một cơn mưa lớn!

2. Tân Long, ngày 24.11.2009

Hôm nay, một ngày thật đáng nhớ. Chúng tôi khởi hành từ Huế lúc 6giờ15, sau Thánh lễ trọng thể kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng tôi ra đi với tâm trạng hân hoan, vui mừng hiệp thông với GHVN tại Sở Kiện ngày Khai mạc Năm Thánh trên miền đất lịch sử thắm máu các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Trên đường tới miền đất Lao Bảo nầy, nơi có nhà tù giam Cha Thánh Francois Jaccard Phan, và Cha thừa sai đáng kính Odôricô cũng chết rũ tù ở đây. Chúng tôi ý thức mình đi trên đoạn đường các Ngài đã đi. Hiệp thông cách sâu xa với toàn thể GHVN tại Sở Kiện, chúng tôi sốt sắng cất lên những bài thánh ca như: " Đây bài ca nghìn trùng, Tiếng nhạc oai hùng, Trên quê hương Việt Nam, Đẹp thay những bước chân; rồi đọc truyện Thánh Tử đạo... thật tràn đầy tâm tình yêu kính biết ơn đối với Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong ngày nầy, trong Năm Thánh hồng phúc nầy.

Vùng đất Tân Long xe dễ đến, vì điểm tập trung ngay tại Trụ Sở xã Tân Long, ngay trên quốc lộ Đồng Hà - Lao Bảo. Khi chúng tôi đến, anh em đã khá đông, gồm người kinh lẫn người dân tộc. Số người nghèo và người bị bão lũ không ít, 358 gia đình, gồm các thôn vừa kinh vừa dân tộc, như: Làng Vay, Tân Hưng, Tân Thành, Tân Lập, Tân Long, Tân Hợp, Hướng Phùng, Xã Húc, Axing...

Quà anh em nhận được là 10kg gạo, muối, bột ngọt và áo quần, chúng tôi vui với niềm vui của họ trong lúc anh em đang khó khăn với cuộc sống!

Để đến đây, có nhiều anh em dân tộc phải đi từ 5-13 km mới đến nơi. Qua câu chuyện trao đổi, có rất nhiều nhà trong cơn bão số 9 đã phải nhịn đói 2,3 ngày, heo gà trôi theo dòng nước và hoa màu thì mất sạch... có những ông mệ già cô đơn trong cảnh nghèo giữa núi rừng bạt ngàn, thật cheo leo! Có một gia đình, Mẹ của Long (nhà Long cách Tân Long nầy khoảng 40 km đường rừng, khó đi., Bản của Long ở là Ta-ry II, Huyện Hướng Hoá. Long vì khuyết tật, chỉ đi bằng 2 tay, hiện đang ở với chị AnnaTrần thị Hiện MTG, tại Trung Tâm Mái Ấm Tình Thương, thị xã Đồng Hà, Quảng Trị, để đi làm và đi học), mẹ Long goá bụa cô thế cô thân, trong nhà không có con trai, đã cơ cực, đơn chiếc, thế mà lại còn bị người ta lợi dụng cơn mưa bão vừa qua, đến bắt đi con trâu cày, con trâu đi chở củi, làm rẫy... làm cho người đàn bà tội nghiệp nầy bỏ ăn và khóc ròng ba ngày! Có tội nghiệp không cơ chứ! Khi gặp lại người mẹ nầy, chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy bà ôm lấy Long mà hôn lấy hôn để vì đã ba năm ròng chưa gặp Long ! Tình mẫu tử luôn tràn trề chan chứa trong trái tim người mẹ dù người ấy là kinh hay dân tộc, hay đang ở tận cùng trái đất! - Tôi phần nào thấm thía trái tim người Cha là Thiên Chúa, và Ngài đã yêu ta bằng trái tim người Mẹ, điều mà ta không thể diễn tả được khi ở trên trần gian nầy !

3. Tại trường Người Mù Đồng Hà, tỉnh Quảng trị, ngày 24.11.2009:

Từ Tân Long về, tuy đường xa, nhưng dễ đi, chúng tôi tranh thủ trở về Đồng Hà dùng cơm trưa lúc 2giờ 30, sau đó, vào lúc 3giờ chúng tôi còn 1 điểm nữa cho người mù tại Phường 5 thị xã Đông Hà. Ngoài những anh chị em đã có trong danh sách, hôm nay có thêm 29 vị là chủ tịch và phó chủ tịch của 14 Hội người mù Tỉnh Quảng Trị (dân tộc và người kinh), các vị ấy đang học vi tính dành cho người mù (sống nội trú 1 tuần) tại ngôi trường dành cho Hội... Chúng tôi đến chia sẻ 60 phần quà cho những anh chị em ở đây... Vì đã nhiều năm thân thiện, tiếp xúc, khám bệnh giúp vốn cho các Hội người mù ở địa bàn tỉnh Quảng Trị, nên chúng tôi dễ dàng tâm sự, chia sẻ những khó khăn tất yếu mà những vị nầy đang gặp và mang lấy trên bản thân của họ. Chúng tôi nói với nhau lời cám ơn rất chân tình và bịn rịn chia tay nhau. Cầu cho họ được ánh sáng chiếu soi trong tâm hồn, để họ có một trái tim sáng ngời khi chính họ cũng đang dùng cái TÂM và TRÍ - ĐỨC để phục vụ anh em cùng cảnh ngộ.

Trên đường trở lại Huế, chúng tôi tranh thủ viếng lăng kỷ niệm cái chết anh dũng của Hai Vị Thánh Tử đạo Jaccard Phan và Tôma Thiện chịu xử giảo taị pháp trường Nhan Biều,QT(năm 1838). Chúng tôi cảm thấy thật là hạnh phúc khi hoàn tất ngày làm việc của mình, được diễm phúc đặt chân lên mãnh đất đã thấm máu các Thánh tử đạo trên quê hương mình. Muôn vàn Tạ ơn Chúa.

Thế nhưng lòng chúng tôi lại vô cùng xót xa vì trước mắt chúng tôi là cả một sự tàn phá kinh khủng của cơn lũ nơi dòng sông Hiếu (sông Quảng Trị), tại thôn TRIỆU THƯỢNG: bải gỗ còn ngổn ngang, số gỗ đã mục nát nên không ai đem về nhà làm gì, cây cối, nhà cửa xiêu vẹo người dân chưa ổn định xong! Quảng trị tôi ơi! Sao quá tiêu điều như thế nầy !

4. Huyện Hướng Hóa, ngày 27.11.2009

Đây là nơi chị em Mến Thánh Giá Huế hay đến hằng tháng để khám bệnh, phát thuốc cho anh em Hội Người Mù, và giúp đỡ những người nghèo. Chúng tôi ưu tiên cho người mù, nhất là anh em dân tộc, vì giữa trăm ngàn nỗi cơ cực, thì nỗi đau của người mù tăng lên gấp bội, khi chung quanh họ chỉ là bóng đen bao phủ cả ngày lẫn đêm, những hố mắt sâu thẳm, những đôi mắt như mở nhưng đó cũng vẫn chỉ là bức tường ngăn cách họ với thế giới của ánh sáng, với màu sắc, và với người thân... Số gạo, áo quần, muối, bột ngọt, chúng tôi trao tận tay 268 phần quà, khám bệnh cấp thuốc cho anh em người mù và người nghèo.

Hôm nay, chúng tôi đến với dân vùng nầy vì số người nghèo ở đây khá đông, được gần gũi anh chị em, chia sẻ chút gì đó làm ấm lòng cho người thiếu thốn, neo đơn, mù loà thì thât hạnh phúc cho chúng tôi; chúng tôi biết ơn những người nghèo, vì qua những thành phần anh em khổ đau nầy, chúng tôi nhận biết thân phận của mình; được may mắn đến gặp gỡ, ân cần thăm hỏi sức khoẻ, điều trị một vài liều thuốc tri bệnh cho anh em, được chan hoà trong tình đồng loại thì thật là hạnh phúc, vì "cho thì phúc hơn là nhận", Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta như thế! Các bác sĩ và y tá khám chữa bệnh, phát thuốc đến chiều. Các nữ tu về đến nhà khi phố thị đã lên đèn.... Chúng tôi vui vì cái vui của anh chị em nghèo hôm nay có thêm cái ăn cái mặc trong hoàn cảnh khó khăn sau cơn lũ.

5. A-Ngo, ngày 28.11.2009:

Hy vọng quí vị độc giả và các ân nhân đã có dịp đọc bài về A-Ngo khi chúng tôi đến với Hội Người Mù sớm nhất sau bão lũ, một xã giáp với A-lưới, Thừa Thiên. Vẫn rất trăn trở và cảm thương cho vùng nầy khi chúng tôi nghe gió lạnh về, chúng tôi quyết định lên một lần nữa để có thể mang đến một chút quà cho tất cả dân ở đây.

Toàn xã nầy có 560 gia đình, trong cơn bão lũ vừa qua, có 121 gia đình bị cuối trôi và đổ sập. Xã bao gồm các thôn: La Lay, Adeng, Arong trên và Arong dưới, A La, A-Ngo, ăng-Công, Kỳ-Ne... dân miền núi ở đây sống, làm nhà gần với dòng sông, để dễ đi lại, gần nguồn nước, có một chút đất quanh nhà để trồng vài loại rau, chuối, cây bí rợ, người lên núi được thì phát rừng, tỉa lúa bắp, họ chỉ sống như thế, với đất trời và rừng cây. Củi, nước là thần, là bạn của họ, khi nước giận dữ gây lũ lụt với họ thì họ đành cam chịu, và lại bắt đầu từ số không, vẫn nhẫn nhịn, vẫn siêng năng, vẫn giơ lưng cho trời giữa lưng chừng núi và để cái nắng đốt cháy da của khí hậu miền Trường sơn khắt nghiệt.

Chúng tôi rất vui đã gặp được ở đây nhiều em bé rất ngoan và thông minh, đang theo học cấp I, chúng tôi múa hát và các em đã cùng múa hát với chúng tôi rất tự nhiên. Chúng tôi gặp được một số anh em kinh lên lập nghiệp, lấy chồng ở đây, nhưng xem ra họ cũng còn rất vất vã trong cuộc sống Nhiều khuôn mặt hớn hở vui cười vì nhận được quà, họ nói: "Có quà như thế nầy thì vui lắm, có cái ăn..." Chúng tôi mong cho họ vượt qua cái khó khăn trong hiện tại, để có đủ sức khoẻ, bình tâm vươn lên, vươn đến tương lai hầu mau thoát cái cảnh: "Gánh cực mà đổ lên non, cong lưng mà chạy cực còn chạy theo" (Ca dao VN)

Trời hôm nay nắng vui, nhưng không phải thế mà không thấm mệt... công việc đã xong, chúng tôi lên đường về xuôi... rừng núi bạt ngàn vẫn trước mắt, con đèo Trường Sơn quanh co dẫn lối chúng tôi về còn khoảng hơn 60 km nữa mới ra đến cầu Đakrông... Từ trên đường đèo, ẩn hiện qua khe đá và rừng cây, chúng tôi thấy các anh em dân tộc đang lội xuôi dòng nước trở về bản, mang trên vai một ít quà vừa nhận được, hình ảnh họ thật bé nhỏ giữa mênh mông đất trời...

Nt. Maria Nguyễn thị Tuyệt (MTG/Huế)

LỜI CẢM TẠ: Toàn thể chị em Mến Thánh Giá Huế xin chân thành cám ơn quý Hội bảo Trợ, quý ân nhân xa gần, quý bạn bè thân hữu, đã mở rộng vòng tay yêu thương gởi về những món quà đáng kể, để nhờ đó chúng tôi có đủ phương tiện cần thiết đến với đồng bào mình, đặc biệt ở nơi xa xôi hẻo lánh, vốn đã nghèo khổ, lại càng khó khăn hơn sau cơn lũ lụt vừa qua. Chị em chúng tôi như là chiếc cầu nối giữa quý ân nhân và anh chị em mình, đã đi đến tận nơi, gặp gỡ, thăm hỏi và trao gởi chút quà thân thương do quý vị gởi về, để một chút nào đó xoa dịu nỗi buồn mất mát của anh chị em mình trong lúc thử thách này. Chúng tôi xin chân thành biết ơn quý vị. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban nhiều ơn phúc xuống trên quý ân nhân và trên gia quyến quý vị. Nt. Anna Trần Thị Hồng Túy, TPT HD MTG/Huế
 
Chân dung Linh Mục Việt Nam: Đức cha Paul Marcel PIQUET LỢI (1888–1966)
GP Nha Trang
10:19 03/12/2009
Đức cha Paul Marcel PIQUET LỢI (1888–1966)

Mục tử nhiệt thành, khó nghèo và nhân hậu

Gia thế và dấu ấn thời gian

Đức cha Paul Raymond Marie Marcel PIQUET LỢI sinh ngày 27-08-1888 tại Notre Dame des Champs, Paris, nước Pháp. Ngài là người con thứ 7 trong gia đình Công giáo đạo đức có 8 người con. Chúa ân ban cho song thân ngài 2 ơn gọi làm linh mục. Thân mẫu qua đời lúc ngài mới sáu tuổi. Sớm mất mẹ, cậu Marcel đặt trọn tình yêu và lòng tín thác vào Người Mẹ trên Trời là Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm.

Năm 1898, Marcel Piquet nhập học tại Tiểu chủng viện Notre Dame des Champs. Và ngày 15-09-1908, ngài gia nhập Đại chủng viện Thừa Sai Bièvres. Thầy Marcel xác quyết ơn gọi truyền giáo của mình trong thỉnh nguyện thư gởi cha Giám đốc Đại chủng ciện Thừa sai Bièvres khi sắp mãn lớp Terminal (tương đương lớp 12) như sau: « Con không có những tài năng lớn lao, cũng không có những nhân đức cao cả. Nhưng con biết rằng Chúa Nhân Lành gọi con trong Ơn gọi Truyền giáo. Hành trang đức hạnh con mang theo không có những phẩm tính cao quí, nhưng những gì con có, con hiến dâng tất cả. Đó là thiện chí của con. Ước muốn quyết liệt của con là sau này trở nên một công cụ hữu dụng trong tay các Bề Trên.”

29-09-1912: Thầy Marcel lãnh chức linh mục và ngày 27-11 lên đường truyền giáo cho địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn), Việt Nam.

29-12-1912: Đặt chân lên miền truyền giáo Qui Nhơn và nhận tên Việt là Lợi.

1913 – 1915: Cha Phó Xứ Đồng Quả.

1915: Nhập ngũ với nghiệp vụ y tá nhưng sớm giải ngũ vì lý do sức khoẻ

09/1916: Giám đốc kiêm giáo sư Triết Đại chủng viện Đại An, Qui Nhơn.

1924 – 1927: Cha sở Dinh Thủy, Ninh Thuận.

1928 – 1943: Cha sở Hộ Diêm, Ninh Thuận.

1941 – 1943: Bề trên Giáo phận Tông tòa Qui Nhơn.

11-11-1943: Được bổ nhiệm Đại diện Tông Tòa Giáo phận Qui Nhơn.

18-01-1944: Được tấn phong Giám mục tại nhà thờ Chính toà Qui Nhơn, do Đức Cha Drapier, Khâm Sứ Toà Thánh

05-07-1957: Tòa Thánh thành lập Giáo Phận Tông Tòa Nha Trang và đặt Đức Cha Marcel Piquet Lợi làm Giám mục tiên khởi

24-11-1960: Toà Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Giáo Phận Nha Trang được nâng lên thành Giáo phận Chính toà

23-06-1961: Nhậm chức Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Nha Trang với phương châm: “Ut in omnibus maxime ametur Deus” (Để trong mọi sự Thiên Chúa được hết lòng yêu mến) và huy hiệu Chiên Con cầm cờ chiến thắng

11-07-1966: Qua đời tại Sài Gòn. Linh cữu Ngài được quàn tại Nhà Thờ Chính Tòa Sài Gòn 3 ngày cho cộng đoàn dân Chúa kính viếng

18-07-1966: Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đalat chủ sự Thánh lễ an táng tại Nhà Thờ Chính Toà Nha Trang.

Mục tử nhiệt thành dựng xây ‘Nhà Chúa’

Khi còn là mục tử trên cánh đồng truyền giáo Ninh Thuận, Cha thừa sai trẻ Marcel Piquet, thường được gọi là Cố Lợi, luôn nhiệt thành, năng nổ dựng xây cơ sở tinh thần và vật chất cho giáo xứ để giúp giáo dân sống đức tin năng động và phong phú hơn.

Là cha sở Hộ Diêm, Cố Lợi xây dựng ngôi Thánh đường Hộ Diêm khang trang lộng lẫy theo kiến trúc gôtic và xúc tiến việc khẩn hoang, xây cất Nhà Chúa cho các họ đạo lân cận như: Cà Đú, Gò Đền, Rừng Lai, Phước An. Ngài thành lập “Hội con Đức Mẹ” và Hội này sau đó nhân rộng trong nhiều giáo xứ khác của giáo phận.

Ngài không chỉ chăm lo đời sống đức tin của các giáo hữu mà quan tâm cải thiện vấn đề dân sinh, tiếp tục công trình của các vị tiền nhiệm như: khai hoang lập ấp, dẫn thủy nhập điền, nâng cao mức sống người nghèo từ mấy trăm mẫu ruộng và rẫy nương thuốc lá… Hầu hết những người đến làm ăn trên vùng đất mới này lần lượt gia nhập cộng đồng dân Chúa, tạo nên những xóm đạo gần như toàn tòng (Cà Đú, Gò Đền, Rừng Lai, Tầm Chưởng).

Khi làm Giám mục Tông toà Giáo Phận Qui Nhơn, trong thời buổi nhiễu nhương, chiến tranh ly loạn, ngài vẫn nhiệt tâm len lỏi thăm viếng mục vụ khắp nơi trong giáo phận. Khi chủng viện Làng Sông – Qui Nhơn không hoạt động được, ngài thành lập tạm thời Chủng viện Tấn Tài (1946-1952), rồi sau đó là Chủng viện Nha Trang tại địa điểm 22 Duy Tân, Nha Trang (1952 -1958) nay là Tòa Giám Mục cho chủng sinh của Nha Trang.

Với lòng yêu mến và tôn sùng đặc biệt Đức Maria, cùng với đặc sủng truyền giáo của mình, chín năm trong cương vị chủ chăn tiên khởi của Giáo phận Nha Trang, Đức Cha Marcel Piquet đã tạo lập được những cơ sở nền tảng cho sự phát triển Giáo phận còn non trẻ. Ngài di chuyển trụ sở Dòng Thánh Giuse về Nha Trang (1954), chọn Đức Maria Vô Nhiễm làm quan thầy Giáo phận, rồi năm 1958, thành lập Tiểu chủng viện Sao Biển (Bổn mạng là Sinh nhật Đức Mẹ) và thành lập Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ (bổn mạng Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ). Đức Cha cũng tạo thuận lợi cho Dòng Chúa Cứu Thế hiện diện trên địa bàn giáo phận (1959), xây dựng Đan viện Cát Minh và mời các đan sĩ về Nha Trang (1960) làm hậu thuẫn cho công cuộc truyền giáo.

Mục tử khó nghèo và nhân hậu

Thời Tiểu chủng viện cũng như Đại Chủng Viện, Ban Giám đốc vẫn nhận xét Thầy Marcel Piquet là một con người khổ chế, sốt sắng, đức hạnh, thông minh, trung thành với bổn phận và nhiệt thành trong mọi phương diện. Trong đời sống linh mục và giám mục thừa sai, ngài đã nên tấm gương sáng cho các linh mục bản xứ về đời sống khó nghèo, khổ chế, lòng khiêm nhường và xả thân quên mình vì đàn chiên.

Giáo dân vùng Ninh Thuận vẫn quen thấy cố sở của họ trên cỗ xe ngựa, thường xuyên thăm viếng bệnh nhân và giáo dân, đều đặn nạo vét kênh mương dẫn nước từ đập về, xắn tay áo hốt lúa khi trời đổ mưa.

Noi gương lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, Thầy chí thánh, ngài luôn sẵn sàng hy sinh, quảng đại phục vụ mọi người bất luận ngày đêm. Khi trong làng có bệnh nhân cấp cứu hay sản phụ sắp sinh nở, ngài mau mắn dùng chiếc xe “cà tàng” Citroen 5 ngựa di chuyển họ đến bệnh viện Phan Rang, khiêng bệnh nhân vào phòng cấp cứu.

Ngài là vị mục tử luôn rộng lượng bao dung với mọi người, nhưng lại khổ chế với chính mình. Ngài luôn rộng rãi đóng góp của cải cho những nhu cầu truyền giáo. Việc đi lại cho công tác mục vụ thật khó khăn trong thời chiến tranh, ngài không bận tâm, vì ngài luôn bằng lòng với cái tối thiểu cần thiết. Đời sống hàng ngày của ngài thì rất bình dị, đạm bạc, đơn sơ.

Khi làm giám mục Nha Trang, người ta vẫn còn thấy ngài trong chiếc áo chùng đen bạc màu, đầu đội nón cối, chân mang dép cao su, đi xe đạp cọc cạch lên Bình Cang (cách Tòa Giám Mục chừng 7 cây số) để thăm viếng con cái ở tu viện Bình Cang.

***

Đức cha Marcel Piquet Lợi đã gắn bó cuộc đời và sứ mạng mục tử của mình với giáo phận Nha Trang cho đến lúc tàn hơi, và gởi lại thân xác giữa miền truyền giáo thân yêu. Mộ phần của ngài toạ lạc bên sườn đồi của Nhà thờ Chính toà Nha Trang, nơi các tín hữu vẫn kính viếng, nguyện cầu; và hằng năm, các chủ chăn kế nhiệm cùng đàn chiên Giáo phận cử hành Thánh lễ giỗ cầu nguyện, tri ân ngài.

Xin Chúa nhân lành ân thưởng cho người tôi tớ tín trung của Chúa sau một đời thừa sai kiên vững, hăng say theo sát dấu chân Vị Mục tử nhân lành là Đức Kitô chí thánh.
 
Theo Đạo Công Giáo nhờ các tu sĩ Hố Nai
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
10:31 03/12/2009
Chúa Nhật lễ Hiện Xuống 22-5-1994, Cha Savio Trần Ngọc Tuyên, tu sĩ Dòng Bệnh Viện Thánh Gioan THIÊN CHÚA ở Hố Nai (Biên Hòa Việt Nam) đã rửa tội cho thanh nữ Maria Nguyễn thị Bé. Cô Bé chào đời năm 1970 tại Điện Bàn, Đà Nẵng.

Một tháng trước khi chính thức gia nhập Giáo Hội Công Giáo, qua bí tích Rửa Tội, cô Bé ghi trong nhật ký mấy hàng sau đây nói lên lý do theo Đạo Công Giáo.

Một sự thật đã đến với con rất thiêng liêng và bất ngờ. Con đã bị bệnh chín năm, từ khi bước vào năm học lớp sáu đến năm thứ chín thì con đã phát bệnh quá nặng. Liệt đến nỗi mà không bước đi được. Đến lúc bệnh của con quá nặng, con mới bắt đầu chữa bệnh. Nhưng con chữa biết bao nhiêu tiền mà vẫn không hết bệnh, bệnh vẫn là bệnh. Lúc đó, con rất buồn cho số phận của con. Khi nằm trên giường bệnh, con chỉ nghĩ đến sự chết mà thôi. Thế rồi hằng đêm, con cũng cầu xin cho mình được khỏi bệnh. Nhưng ngày đó con cũng không biết cầu xin cùng ai và với Đạo nào là Đạo linh thiêng. Tại vì lúc đó con nghĩ trên thế gian có nhiều Đạo. Thế rồi con chỉ cầu xin chung chung vậy thôi. Mặc dầu gia đình con là Đạo Phật, nhưng đối với bản thân con thì lúc đó con cũng chưa tin Đạo nào hết.

Thế mà hằng đêm con vẫn cứ cầu xin cho bằng được. Con chỉ cầu xin một cách vắn tắt là nếu trong các Đạo, Đạo nào chữa bệnh cho con khỏi bệnh, thì con sẽ theo Đạo đó và làm tôi tớ cho Đạo đó đến khi xuôi tay nhắm mắt thì thôi. Nhưng con không ngờ rằng sự cầu nguyện của con đã lại trở thành một sự thật. Thế là Ngài lại đến với con, soi đường dẫn lối cho con đến Dòng Trợ Thế Thánh Gioan THIÊN CHÚA để chữa bệnh.

Trong thời gian trị bệnh, con đã được thầy Sử và quí Thầy mới vào Nhà Tập chữa bệnh cho con trong thời gian đúng ba tháng trời, thì con lại hết bệnh.

Sau khi hết bệnh thì con cũng làm đúng như lời cầu nguyện của con cách đây một năm về trước.

Chính vì ngày hôm nay con được như vậy, là nhờ ơn kêu gọi của Ngài. Chính THIÊN CHÚA đã ban xuống cho con một Hồng Ân vô biên. Mà chính cuộc đời con không bao giờ mơ tới.

Mặc dầu hiện nay con chưa được Rửa Tội. Nhưng đối với bản thân con và tấm lòng của con, thì con sống như một người đã có Đạo từ lâu. Cuộc đời của con giờ đây con sẽ phó thác hết cho Chúa. Chúa đã định bậc nào thì con sẽ đến bậc đó. Dù đến với Chúa có khó khăn và gian khổ bao nhiêu đi nữa, con cũng chịu đựng được tất cả.

Trên đây là những dòng nhật ký của cô Maria Nguyễn Thị Bé, tân tòng được rửa tội vào Chúa Nhật Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 22-5-1994. Cô Bé được hồng ân theo Đạo Công Giáo, một phần là nhờ mẫu gương sống và sự giúp đỡ tận tình của Quý Tu sĩ Dòng Bệnh Viện Thánh Gioan THIÊN CHÚA ở Hố Nai.

... Trường hợp theo Đạo Công Giáo của cụ già gần 70 tuổi, từng làm xã trưởng của một làng trong miền Nam Việt Nam. Cụ đã nằm Bệnh Viện thánh Gioan THIÊN CHÚA ở Hố Nai một tháng. Sau khi quyết định học Đạo và theo Đạo Công giáo, cụ đã xin Cha Savio Trần Ngọc Tuyên ban phép rửa tội cho cụ. Cụ được rửa tội vào Chúa Nhật Phục Sinh 11-4-1993. Trong bữa ăn trưa hôm đó cụ chính thức đứng lên phát biểu:

- Tôi vào Đạo Công giáo là do chính tôi tìm hiểu, chứ không do một ai dụ dỗ tôi. Tôi tin Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Đấng Thánh, Đấng Anh Hùng. Đạo Công Giáo đã qua bao nhiêu thời đại bị bách hại mà vẫn còn tồn tại. Ai theo Đạo này thực lòng thì đều sống tốt.

... Trường hợp theo Đạo Công Giáo của hiền thê một nhà sư Phật giáo. Vị sư trước đó đã lập gia đình và có con cái. Nhưng thầy bỏ gia đình và đi tu chùa được 10 năm. Thầy sư bị đau và phải vào Bệnh Viện Các Thầy dòng Thánh Gioan THIÊN CHÚA ở Hố Nai, Biên Hòa, vào tháng 4 năm 1994. Sau khi thầy sư xuất viện thì đến lượt hiền thê của thầy ở nhà cũng bị đau và được các con đưa vào Bệnh Viện. Trong thời gian ở bệnh viện bà đã học biết Đạo Công Giáo. Thầy sư và các con đều bằng lòng cho bà gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Chính Cha Savio Trần Ngọc Tuyên rửa tội cho bà. Bà qua đời cách tốt lành ngày 4-5-1994.

... ”Chúc tụng THIÊN CHÚA vì Ngài nghe tiếng con khẩn nguyện. Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che con, lòng con đặt tin tưởng nơi Ngài. Con đã được Ngài thương trợ giúp, nên lòng con vui mừng hoan hỷ, cất cao tiếng hát tạ ơn Ngài. Chúa là sức mạnh cho dân Chúa, là thành trì cứu độ cho đấng Ngài đã xức dầu tấn phong. Lạy Chúa, xin cứu độ dân Ngài, trên gia nghiệp này, giáng muôn phúc cả, dẫn dắt nâng niu đến muôn đời” (Thánh Vịnh 28(27) 6-9).
 
Phỏng vấn ĐC Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, nhân dịp Đức cha mừng Kim khánh Linh mục
Lm Đôminicô Mai Xuân Vĩnh
10:41 03/12/2009
NHA TRANG - Nhân dịp Giáo phận Nha Trang tổ chức Lễ mừng Kim khánh Linh mục của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa vào ngày 4/12 sắp tới (1959–2009), và đây cũng là dịp Đức cha Phaolô sẽ từ nhiệm trách vụ Giám mục Chính tòa Giáo phận Nha Trang để trao lại cho Đức cha Phó Giuse Võ Đức Minh, linh mục Trưởng Ban Văn hóa của Giáo phận Nha Trang (TBVH) đã được Đức cha dành cho một cuộc phỏng vấn. Sau đây là toàn bài phỏng vấn:

Hỏi: Kính chào Đức cha. Ngày 4/12 sắp tới Giáo phận Nha Trang sẽ tổ chức lễ mừng Kim khánh Linh mục của Đức cha. Theo chỗ chúng con được biết thì Đức cha chịu chức linh mục vào ngày 20/12/1959. Việc chọn thời điểm tổ chức lễ mừng Kim khánh Linh mục Đức cha vào ngày 4/12 có lý do gì đặc biệt không thưa Đức cha?

Đức cha Hòa: Thật ra thì không có lý do nào đặc biệt mà chỉ là chọn thời điểm thuận tiện để tổ chức mà thôi. Như các cha cũng đã biết, theo sáng kiến của Đức cha Phó Giuse và các linh mục trong giáo phận trong dịp tĩnh tâm thường niên năm ngoái, các ngài muốn tổ chức mừng Kim khánh Linh mục của tôi trong năm 2009 này vào những dịp khác nhau tại các giáo hạt để anh chị em giáo dân có thể chia vui hiệp thông cầu nguyện cho tôi. Vì vậy mà các dịp mừng lễ Kim khánh đã được tổ chức tại giáo xứ Tân Bình vào đầu tháng 2 cho giáo hạt Cam Ranh, tại giáo xứ Bình Cang vào tháng 5 cho giáo hạt Nha Trang và sau đó vào tháng 8 tại giáo xứ Phan Rang cho giáo hạt Ninh Thuận. Cũng thật là trùng hợp, năm mừng Kim khánh Linh mục của tôi lại đúng vào thời điểm mà Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI chọn làm Năm Thánh Linh mục. Do đó, Đức cha Phó và các cha đã chọn ngày 4/12, nằm trong dịp tĩnh tâm thường niên của các linh mục Giáo phận để tổ chức mừng Lễ Kim khánh Linh mục của tôi một cách chính thức. Chính vì nhiều lý do như trên mà dịp lễ Kim khánh Linh mục này tôi cũng xem là một dịp để cầu nguyện cho toàn thể các linh mục.

Hỏi: Thưa Đức cha, 50 năm cuộc đời linh mục quả là một Hồng ân. Xin Đức cha chia sẻ cho chúng con về những hồng ân mà Đức cha đã lãnh nhận được trong cuộc đời tận hiến của Đức cha.

Đức cha Hòa: Như có lần tôi đã chia sẻ với các cha, nay tôi vẫn muốn nhắc lại điều đó: tất cả là ý Chúa, tất cả là hồng ân. Trước hết phải nói rằng chức linh mục là một hồng ân Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Tiếp đến tôi phải cảm tạ Chúa đã thương chọn tôi lên chức vụ cao trọng đó. Còn đối với các công việc đã làm, thì tôi luôn tâm niệm rằng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1). Dù đã trải qua nhiều cương vị khác nhau trong cuộc đời mục tử của mình nhưng tôi luôn thấy rằng ơn Chúa ban trải dài suốt đời linh mục của tôi. Có những lúc chúng ta gặp những công việc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được, nhưng sau một thời gian nhìn lại chúng ta mới thấy luôn được Chúa che chở, và đó là một hồng ân. Từ đó tôi thiết nghĩ cách tốt nhất là mình phải luôn tận tâm với nhiệm vụ mục vụ hiện tại của mình và luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Hỏi: Thưa Đức cha, tính từ lúc Đức cha nhận bổ nhiệm của Tòa Thánh ngày 24/4/1975 cho đến nay thì Đức cha đã giữ trách vụ Giám mục Chính tòa của Giáo phận Nha Trang được 34 năm 8 tháng. Đó quả là một thời gian rất dài nếu không muốn nói là kỷ lục trong chức vụ này. Xin Đức cha cho chúng con biết về những hoàn cảnh mà Đức cha đã trải qua từ khi Đức cha về làm Giám mục tại Giáo phận Nha Trang?

Đức cha Hòa: Nếu nói đến hoàn cảnh thì tôi muốn nhắc lại một việc còn xảy ra trước thời điểm đó nữa. Đó là việc Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm tôi làm Giám mục tiên khởi của giáo phận Phan Thiết vào ngày 30/1/1975. Giáo phận Phan Thiết đã được thành lập với phần địa giới thuộc tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy được cắt ra từ giáo phận Nha Trang. Thế nhưng thời cuộc lúc ấy đưa đến những điều mà không ai ngờ trước. Cho đến ngày 10/3/75 là ngày chiến cuộc xảy ra tại Ban Mê Thuột thì tôi vẫn đang ở đấy. Ngày 5/4/75 tôi được Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai tấn phong rất đơn sơ âm thầm tại nhà nguyện Dòng Nữ Vương Hòa Bình Ban Mê Thuột, với khẩu hiệu mà tôi chọn là “Trong Tinh Thần và Chân Lý.”

Sau khi được tấn phong, tôi thu xếp lên đường để đến Phan Thiết là nhiệm sở mà mình đã được giao. Tuy nhiên, vào ngày 5/5/75, khi tôi bắt xe đò một mình từ Nha Trang để đi Phan Thiết, dọc đường xe hư, tôi đã xuống đứng chờ cùng với mấy hành khách, bất ngờ có một cha đi trên chiếc xe từ hướng Sàigon đến, thấy tôi, ngài dừng lại và báo tin cho tôi rằng Tòa Thánh đã thuyên chuyển tôi không còn làm giám mục Phan Thiết nữa mà về làm giám mục Nha Trang! Dầu vậy, ngay sau đó tôi vẫn tiếp tục đi đến Phan Thiết vì theo chương trình các cha ở Phan Thiết đang chờ tôi. Trong sự chờ đón của các cha khi tôi thông báo lại tin bất ngờ này thì các cha đã không khỏi ngỡ ngàng. Đến lúc tôi nhận được văn thư bổ nhiệm thì biết là văn thư đã được ký ngày 24/4/75.

Về nhận nhiệm sở tại giáo phận Nha Trang trong hoàn cảnh lịch sử của mùa xuân 1975, những khó khăn của giáo phận cũng nằm trong những khó khăn chung của cả đất nước và Giáo Hội.

Thời kỳ đầu, dù gặp nhiều trở ngại nhưng giáo phận cũng làm được một công việc đáng kể để giúp giáo dân sống đạo là hoàn thành bộ Bài Ca Ý Lực Sống cho ba năm Phụng Vụ A- B- C, bằng cách chọn một câu Lời Chúa tiêu biểu trong bài Tin Mừng Chúa Nhật đặt thành bài ca ngắn dễ nhớ, nghe một lần là có thể hát theo được, dùng để hát mỗi ngày trong tuần khi tham dự Thánh lễ cũng như khi đọc kinh, học giáo lý hay sinh hoạt đoàn thể, nhờ đó giúp giáo dân sống Lời Chúa trong hoàn cảnh không thể in sách hát và không có đủ thời giờ.

Qua dòng thời gian phục vụ trong giáo phận, một trong những mối bận tâm hàng đầu của tôi là đào tạo nhân sự cho các công việc trong Giáo Hội. Kết quả là vào năm 1991 giáo phận đã mở lại và xây dựng Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang tại Bình Tân, Phường Phước Long. Tôi muốn nói “mở lại” bởi vì trước đây giáo phận Nha Trang đã có Chủng viện Sao Biển: Năm 1958, Đức Cố Giám mục Marcel Piquet Lợi đã xây dựng Tiểu chủng viện Sao Biển Nha Trang tại Thanh Hải Đồng Đế. Sau năm 1975, các thầy Triết học và Thần học thuộc giáo phận Nha Trang đã được quy tụ về đây làm thành Đại chủng viện Sao Biển. Các lớp học được tiếp tục cho đến năm 1979 thì tất cả phải ngưng hoạt động.

Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang hiện nay đảm trách công việc đào tạo linh mục thường xuyên cho ba giáo phận Quy Nhơn, Ban Mê Thuột và Nha Trang. Ngoài ra, Đại chủng viện Sao Biển cũng đã có những khóa Thần học đặc biệt cho các ứng sinh linh mục của nhiều giáo phận trong cả nước.

Bên cạnh công việc huấn luyện và đào tạo tại chỗ, tôi cũng đã gửi nhiều linh mục, tu sĩ và cả giáo dân đi tu nghiệp chuyên môn ở nước ngoài. Hiện nay cũng có một số đông các linh mục và tu sĩ từ Nha Trang được cử ra nước ngoài làm việc truyền giáo.

Hơn nữa, tôi cũng ưu tư về vấn đề cần nâng cao trình độ nghiên cứu học hỏi của các chủng sinh trong nước, cho nên sau nhiều năm xúc tiến các thủ tục về pháp lý, đến năm 2008, Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang đã có được quy chế affiliatio (liên kết) với Đại học Giáo hoàng Urbaniana tại Rôma, mà trên danh nghĩa thì tôi đang là Viện trưởng.

Còn ngay tại giáo phận, hằng năm đều có các khóa đào tạo cho các tu sĩ liên Dòng. Nhiều khóa đào tạo tông đồ giáo dân, hội đồng giáo xứ, ca đoàn và giáo lý viên cũng được tổ chức hằng năm và vào các thời gian thuận tiện trong năm. Thật ra, việc đào tạo theo các khóa như vậy đã có truyền thống từ thời Đức Giám mục tiền nhiệm của tôi, Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Với nhiều cố gắng và sau nhiều năm, Ban Giáo lý của Giáo phận đã phát hành được một bộ sách Giáo lý Phổ thông gần như đầy đủ cho cả Giáo Lý viên và học viên từ tuổi mầm non cho đến tuổi vào đời, và nhiều sách thần học cho giáo dân. Bộ sách Giáo lý Phổ thông này được phổ biến ở nhiều giáo phận trong cả nước. Song song với giáo lý, Ban Thánh nhạc của giáo phận Nha Trang cũng cho ra đời các bộ sách Thánh Ca theo chủ đề khá đầy đủ của năm Phụng vụ, được nhiều nơi sử dụng.

Hỏi: Thưa Đức cha, với hồng ân quá lớn lao là 50 năm linh mục và gần 35 năm làm giám mục Chính tòa, cùng với nhiều thành quả mà Đức cha đã làm được cho giáo phận Nha Trang cũng như cho Giáo Hội Việt Nam, chúng con nghĩ rằng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của Đức cha vẫn còn có thể đóng góp nhiều cho Giáo Hội Việt Nam?

Đức cha Hòa: Tôi cho rằng Thiên Chúa có những cách thế của Ngài! Như các cha cũng đã biết, theo giáo luật quy định thì các giám mục khi đến tuổi hưu đều phải làm đơn để xin nghỉ. Vào năm 2006, tôi cũng đã làm đơn gửi Tòa Thánh đệ trình việc nghỉ hưu của mình. Thế nhưng thay vì được nghỉ, Tòa Thánh lại chỉ định tôi kiêm nhiệm thêm vai trò Giám quản Giáo phận Ban Mê Thuột vì ở đấy đang trống tòa. Do đó, tôi phải tạm giao cho Đức cha Phó các công việc tại Giáo phận Nha Trang để lên Ban Mê Thuột làm Giám quản cho đến khi Giáo phận này có Giám mục mới coi sóc. Và việc gì đến đã đến, hồi tháng 2 năm nay, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản làm Giám mục Chính tòa Ban Mê Thuột. Cho nên sau khi Đức cha Vinh Sơn về nhận nhiệm sở tại Ban Mê Thuột vào tháng 5 tôi lại trở về Nha Trang. Khi đó tôi có viết thư cho Tòa Thánh, nhắc lại nguyện vọng của mình, và đến tháng 10 vừa qua, Tòa Thánh có thư trả lời cho biết Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi.

Hỏi: Xin Đức cha cho chúng con biết những dự định trong tương lai khi Đức cha đã trao lại chức vụ Giám mục Chính tòa Giáo phận Nha Trang cho Đức cha Phó Giuse.

Đức cha Hòa: Không ai biết được tương lai của chúng ta trừ một mình Thiên Chúa. Chỉ biết là khi một giám mục được tấn phong thì ngài sẽ phải gắn bó với giáo phận và Giáo Hội cho đến hết đời mình. Chính vì vậy mà tôi vẫn nghĩ rằng việc từ nhiệm chỉ là nghỉ trách nhiệm, nhưng tôi sẽ tùy vào mức độ sức khỏe và khả năng của mình để có thể giúp được những việc gì thích hợp. Tuy nhiên, hiện tại thì tôi vẫn đang còn phải tiếp tục trách nhiệm là chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và cũng còn đang giữ chức vụ Viện trưởng của Đại chủng viện liên kết với Đại học Urbaniana. Ngoài ra, tôi cũng đang còn là thành viên tại chức của Ủy ban đặc biệt Á Châu. Dù sao, tôi cũng muốn dùng nhiều thời giờ hơn cho Ủy ban Thánh nhạc, đồng thời hoàn tất một số việc liên quan đến Thánh nhạc mà tôi đang còn để dở dang.

Hỏi: Đức cha còn có điều gì muốn nhắn gửi với chúng con và anh chị em giáo dân trong dịp mừng Kim khánh Linh mục này không?

Đức cha Hòa: Tôi muốn nói rằng tôi yêu mến và gắn bó với giáo phận Nha Trang, vì tôi đã phục vụ ở đây gần 35 năm trong cương vị mục tử của giáo phận. Tôi thích một hình ảnh rất đẹp mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi đến cho tôi trong thư ngài chúc mừng tôi nhân dịp Kim khánh Linh mục này, đó là hình ảnh “Bảy Chùm Hoa Đăng Năm Ngọn, tượng trưng cho Ba Mươi Lăm Năm Giám Mục.” Với thời gian như vậy, tôi có thể nói và tôi muốn nói với anh chị em rằng tôi yêu mến tất cả anh chị em.

Điều sau cùng tôi tha thiết mong muốn là tất cả anh chị em, giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân tiếp tục gắn bó với giáo phận và Giáo Hội của mình, gắn bó và vâng phục Đức cha Giuse, ngài sẽ thay tôi tiếp nối sứ vụ mục tử tại giáo phận Nha Trang trong chính ngày mừng Kim khánh Linh mục của tôi.

(Trưởng ban Văn hóa Giáo phận Nha Trang thực hiện, 30/11/2009)
 
Mừng năm thánh 2010, Xem lịch sử truyền giáo Việt Nam (bài 3)
Trần Văn Cảnh
17:06 03/12/2009
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM

« Năm 2010 ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam: 350 năm thiết lập hai giáo phận tông tòa Ðàng Ngoài và Ðàng Trong (1659-2009), 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010). Ðây là thời điểm cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa ». (Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa công bố Năm Thánh 2010 », ngày 09.10.2009)
Trong chiều hướng nhìn lại quá khứ lịch sử ấy, để MỪNG NĂM THÁNH 2010, mời bạn đọc lùi về dĩ vãng, « XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM », từ năm 1659.


Bài 3:
SẮC CHỈ VENERABILIUM NOSTRORUM NGÀY 24-11-1960
THIẾT LẬP PHẨM TRẬT GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM


300 năm sau ngày thành lập hai Giáo Phận Tông Tòa đầu tiên ở Việt Nam, từ 1659 đến 1960, Giáo Hội Việt Nam đã phát triển và lớn mạnh rõ rệt. Về số tín hữu, từ 100.000 đã tăng lên tới 2.096.540. Về số giáo phận, từ 2 đã tăng lên đến 20.
Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum, do Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban hành ngày 24 tháng 11 năm 1960 đã là một tiếng nói chính thức và oai nghiêm của Giáo Hội để công nhận sự tăng trưởng và lớn mạnh của Giáo Hội tại Việt Nam.

Sắc chỉ đã nâng 17 giáo phận tông tòa hiện hữu lên hàng giáo phận chính tòa và thành lập thêm 3 giáo phận chính tòa mới. Mỗi Giáo Phận Chính Tòa đều có một Nhà Thờ Chính Tòa.
Tất cả 20 giáo phận chính tòa được tổ chức thành 3 Giáo Tỉnh.
GIÁO TỈNH HÀ NỘI qui tụ 10 giáo phận, là Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Vinh.
GIÁO TỈNH HUẾ có 4 giáo phận: Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Kon Tum.
GIÁO TỈNH SÀI GÒN gồm 6 giáo phận: Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ, và 3 giáo phận mới lập là Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên.

Mười lăm Giám Mục Đại Diện Tông Tòa hay Giám Quản Tông Tòa được thăng thành Giám Mục Chính Tòa. Bốn Giám Mục Chính Tòa mới được bổ nhiệm. Mỗi Giám Mục Chính Tòa sẽ là Giám Mục Chính Tòa của một Giáo Phận Chính Tòa. Trừ Đức Giám Mục Phêrô Khuất Văn Tạo, Giám quản Hải Phòng với hiệu tòa Caralliensi từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Hải Phòng đồng thời kiêm Giám quản Địa phận Bắc Ninh. Trên tổng số 19 Giám Mục Chính Tòa, 17 là Giám Mục người việt nam, chỉ có hai là người pháp và thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Đó là Đức cha Marcellô Piquet, Nha Trang và Đức Cha Phaolô Seitz, Kontum.

Ngoài việc thành lập Ba Giáo Tỉnh với 20 Giáo Phận Chính Tòa và việc đặt để 19 Giám Mục Chính Tòa, Sắc Chỉ còn nêu lên 7 điểm liên hệ đến việc điều hành giáo phận của các Giám Mục Chính Tòa:
• Ta cũng ban cho các Địa phận vừa nói và các Địa phận khác đã kể trên, cho các nhà thờ Chính tòa cũng như các Giám mục lãnh đạo được mọi quyền lợi, danh dự, đặc ân thích xứng.
• Đối với các Giám mục lãnh đạo, Ta còn đặt thêm trọng trách và nhiệm vụ.
• Tất cả các Địa phận trên đây sẽ tiếp tục trực thuộc Thánh Bộ Truyền Giáo,
• Trong các Địa phận mới này, thuộc Giám mục Chính tòa cũng như Tổng Giám mục Chính tòa, nếu vì hoàn cảnh sự vụ hay địa phương, chưa thể thành lập Kinh Sĩ Hội, thì phải lựa đặt Ban Cố vấn Địa phận theo Giáo luật, và một khi Kinh Sĩ Hội được thành lập, Ban Cố vấn tức khắc chấm dứt nhiệm vụ.
• Các vị lãnh đạo cũng phải đặc biệt lưu ý việc đào luyện thanh niên có triển vọng lên chức Linh mục: họ là hướng đạo tương lai của giáo dân.
• Ngân quỹ Giám tòa thành bởi của cải Địa phận hiện có, lợi tức Giám tòa, tặng vật người ta tự cúng và tiền Thánh Bộ Truyền Giáo trợ cấp.
• Việc cai quản và điều hành Địa phận, quyền lợi Giáo sĩ và Giáo dân, bổ nhiệm vị đại diện Kinh Sĩ Hội khi trống ngôi và mọi việc khác, thì cứ chiếu Giáo luật mà thi hành

Sắc chỉ đã được viết như sau:

Gioan Giám mục,
Tôi tá các tôi tá Thiên Chúa để ghi nhớ muôn đời.

Chư huynh đáng kính, vị hồng y Giáo hội Roma, phụ trách tại Thánh bộ Truyền giáo, sau khi tham thảo ý kiến hiền tử Mario Brini, Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương, đã nghĩ việc thiết lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam là thích thời và tối lợi cho giáo sự. Ta đây cũng đồng ý, lại tự suy xét chín chắn và thêm ý kiến những người liên hệ, Ta lấy quyền Tông Tòa mà quyết định và truyền thi hành như sau: Tại Việt Nam sẽ thành lập ba Giáo Tỉnh, tức là:

GIÁO TỈNH HÀ NỘI: gồm Tổng giám mục Hà nội, tới nay chỉ là đại diện tông tòa, với nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Giuse, và thêm những giám tòa thuộc hạt từ nay cũng hết là Đại diện Tông tòa, để trở nên địa phận chính tòa, tức là:
• Lạng Sơn với nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Đa Minh hiển tu;
• Hải Phòng và Bắc Ninh với hai nhà thờ chính tòa danh hiệu Nữ Vương rất thánh Văn côi;
• Hưng Hóa với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời;
• Thái Bình với nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu;
• Bùi Chu với nhà thờ chính tòa danh hiệu Nữ Vương rất thánh Văn côi;
• Phát Diệm với nhà thờ chính tòa danh hiệu Nữ Vương rất thánh Văn côi;
• Thanh Hóa với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội;
• Vinh với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời;

GIÁO TỈNH HUẾ: gồm Tổng giám mục Huế, trước đây chỉ là đại diện tông tòa, với nhà thờ chính tòa danh hiệu Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ, và thêm các giám tòa thuộc hạt để được trở thành địa phận chính tòa:
• Qui Nhơn với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời;
• Nha Trang với nhà thờ chính tòa Chúa Giêsu Vua;
• KonTum với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ vô nhiễm Nguyên tội.
Sau cùng,

GIÁO TỈNH SÀIGÒN: gồm Tổng giám mục Sài Gòn, trước đây chỉ là đại diện tông tòa, với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên Tội, và thêm các địa phận thuộc hạt trước kia chỉ là đại diện tông tòa, tức là:
• Vĩnh Long với nhà thờ chính tòa danh hiệu Bà Thánh Anna, thân mẫu Đức Maria;
• Cần Thơ với nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Và các địa phận mới được thành lập:
• Đà Lat với nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Nicola Bari;
• Mỹ Tho với nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
• Long Xuyên với nhà thờ chính tòa sắp được xây dựng.

Ta cũng lệnh cho các địa phận Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Huế, đến nay vẫn do Hội Thừa Sai BaLê và Dòng Đa Minh điều khiển, và các Địa phận mới Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên, tất cả các địa phận kể trên từ nay sẽ trao cho giáo sĩ triều Việt Nam quản nhậm. Ta cũng ban cho các địa phận vừa nói và các địa phận khác đã kể trên, cho các nhà thờ Chính tòa cũng như các Giám mục lãnh đạo được mọi quyền lợi, danh dự, đặc ân thích xứng. Đối với các Giám mục lãnh đạo, Ta còn đặt thêm trọng trách và nhiệm vụ. Tất cả các địa phận trên đây sẽ tiếp tục trực thuộc Thánh bộ Truyền giáo, còn các giám mục lãnh đạo thì ta thuyên chuyển như sau:

• Thân huynh đáng kính Giuse Maria Trịnh Như Khuê, trước đây là Đại diện Tông tòa với hiệu tòa Synaitana, từ nay là Tổng giám mục Hà Nội.
• Thân huynh đáng kính Vicentê Phạm văn Dụ, Giám quản Lạng Sơn với hiệu tòa Bosetana từ nay là Giám mục chính tòa địa phận Lạng Sơn.
• Thân huynh đáng kính Phêrô Khuất Văn Tạo, Giám quản Hải Phòng với hiệu tòa Caralliensi từ nay là Giám mục chính tòa địa phận Hải Phòng đồng thời kiêm Giám quản địa phận Bắc Ninh.
• Thân huynh đáng kính Phêrô Nguyễn Huy Quang, Giám quản Hưng Hóa với hiệu tòa Claudiopolitana xứ Isauria, từ nay là Giám mục chính tòa địa phận Hưng Hóa.
• Thân huynh đáng kính Đaminh Đinh đức Trụ, Giám quản Thái Bình với hiệu tòa Cataquensi, từ nay Giám mục chính tòa Địa phận Thái Bình.
• Thân huynh đáng kính Giuse Phạm Năng Tĩnh, Giám quản Bùi Chu với hiệu tòa Bernicensi, từ nay là Giám mục chính tòa Địa phận Bùi Chu.
• Thân huynh đáng kính Phaolô Bùi Chu Tạo, Giám quản Phát Diệm với hiệu tòa Numida, từ nay là Giám mục chính tòa Địa phận Phát Diệm.
• Thân huynh đáng kính Phêrô Phạm Tần, Giám quản Thanh Hóa với hiệu tòa Justiniapoli bên Galatia, từ nay làm Giám mục chính tòa Địa phận Thanh Hóa.
• Thân huynh đáng kính Gioan Baotixita Trần Hữu Đức, Đại diện Tông Tòa ở Vinh với hiệu tòa Niciotana, từ nay là Giám mục chính tòa Địa phận Vinh.
• Thân huynh đxng kính Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, Đại diện Tông Tòa tại Vĩnh Long với hiệu tòa Saesinensi, từ nay là Tổng Giám mục Địa phận Huế.
• Thân huynh đáng kính Phêrô Phạm Ngọc Chi, Đại diện Tông Tòa tại Bùi chu và Giám quản Tông Tòa ở Qui Nhơn với hiệu tòa Sozopolitana bên Haemimonto, từ nay là Giám mục chính tòa Địa phận Qui nhơn.
• Thân huynh đáng kính Marcellô Piquet, Đại diện Tông Tòa tại Nha Trang với hiệu tòa Erizê, từ nay là Giám mục chính tòa Địa phận Nha Trang.
• Thân huynh đáng kính Phaolô Seitz, Đại diện Tông Tòa tại Kontum với hiệu tòa Catulensi, từ nay là Giám mục Chính tòa tại Địa phận Kontum.
• Thân huynh đáng kính Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đại diện Tông Tòa tại Cần Thơ với hiệu tòa Agnusiensi, từ nay là Tổng giám mục Địa phận Saigon.
• Thân huynh đáng kính Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Đại diện Tông Tòa ở Saigon với hiệu tòa Sagalassê, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Đàlạt.


Và Ta đặt các Hiền tử:

• Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục Chính tòa Địa phận Mỹ Tho;
• Antôn Nguyễn VănThiện làm Giám mục Chính tòa Địa phận Vĩnh Long;
• Philippê Nguyễn Kim Điền làm Giám mục Chính tòa Địa phận Cần Thơ;
• Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Giám mục Chính tòa Địa phận Long Xuyên.

Trong các địa phận mới này, thuộc giám mục chính tòa cũng như tổng giám mục chính tòa, nếu vì hoàn cảnh sự vụ hay địa phương, chưa thể thành lập Kinh Sĩ Hội, thì phải lựa đặt Ban Cố vấn Địa phận theo Giáo luật, và một khi Kinh Sĩ Hội được thành lập, Ban Cố vấn tức khắc chấm dứt nhiệm vụ. Các vị lãnh đạo cũng phải đặc biệt lưu ý việc đào luyện thanh niên có triển vọng lên chức linh mục: họ là hướng đạo tương lai của giáo dân. Ngân quỹ Giám tòa thành bởi của cải địa phận hiện có, lợi tức Giám tòa, tặng vật người ta tự cúng và tiền Thánh Bộ Truyền Giáo trợ cấp. Việc cai quản và điều hành địa phận, quyền lợi giáo sĩ và giáo dân, bổ nhiệm vị đại diện Kinh Sĩ Hội khi trống ngôi và mọi việc khác, thì cứ chiếu Giáo luật mà thi hành.

Sắc chỉ của Ta đây sẽ được niêm ấn chì và Ta truyền cho vị Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương Ta đã nói trên, phải đích thân hay ủy nhiệm người khác thi hành, miễn là người ây có chức vị trong Giáo hội. Nếu trong thời gian thi hành, vị khác sẽ nhậm chức vụ Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương, thì vị ấy sẽ thi hành lệnh của Ta. Vị thi hành phải thận trọng lập biên bản đầy đủ khi việc đã hoàn tất và kíp đệ lên Thánh Bộ Truyền Giáo các văn kiện đã ký nhận chắc chắn. Ý Ta là Sắc chỉ này có hiệu lực tức khắc và mãi về sau, cho nên tất cả những gì được ấn định trong Sắc này phải được những người liên hệ tôn trọng thi hành và như thế là có hiệu lực. Không một luật lệ nào nghịch lại có thể ngăn cản hiệu lực của Sắc Chỉ nầy: chính Sắc Chỉ này hủy bỏ các luật lệ ấy. Vì thế bất kỳ ai, ở chức vị nào, hữu ý hay vô tình nghịch lại những sự Ta vừa nói trên, thì Ta luận phi và kể là vô giá trị.

Lại nữa, không ai được phép xé hủy hay giả mạo Sắc Chỉ này của Ta và nếu công bố hoặc là ấn loát hay viết tay thì những bản đó phải được chức vị trong Giáo Hội đóng ấn và đồng thời phải mang chữ ký của một Vị Chính thức coi giữ văn kiện thì mới đáng tin. Nếu ai dám khinh dễ hay khước từ cách nào toàn Sắc Chỉ này thì hãy biết rằng sẽ bị những hình phạt Giáo luật đã ra cho những người không tuân lệnh các Đức Giáo Hoàng.

Làm tại Roma nơi đền thờ Thánh Phêrô, ngày hai mươi bốn tháng mười một, năm một ngàn chín trăm sáu mươi, cũng là năm thứ ba Triều đại của Ta.

Ký tên

Thay Đức Hồng Y Chưởng Ấn Giáo Hội Roma:
Đôminicô Tardini, Hồng Y Quốc vụ Khanh.
Grêgorio P. Agagianian, Hồng Y và Tổng Trưởng T.B.T.G.
Phanxicô Tinello, Nhiếp chính Chưởng Ấn Tông Tòa.
Phanxicô Annibalê Ferretti, Tổng lục sự Tông Tòa.
Albertô Serafini, Tổng Lục sự Tông Tòa.
Gửi đi ngày 24-11-1960, năm thứ ba Triều đại Giáo Hoàng.
D. Rodomon Galligani, thay người ấn chì.
Ghi tại Chưởng Ấn Tông Tòa, cuốn 105, (col CV) số 31.

[nguồn: Văn Phòng Tổng Thư Ký HĐGMVN; Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên giám 2004; Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2004; tr. 235-239]

Ngày 24/11/2009, trong diễn văn khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện, Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đức cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch HĐGM VN, đã xác nhận rằng: « năm 1960, vào ngày 24-11, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ký Tông sắc thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Chúa Kitô trên đất nước chúng ta”.

Kỷ niệm ngày trọng đại ấy, chúng ta cử hành Năm Thánh 2010 “trong niềm tri ân cảm tạ cùng với quyết tâm xây dựng Giáo Hội như lòng Chúa mong muốn và tin tưởng bước tới tương lai. Ngài đề nghị toàn thể Giáo Hội Việt Nam cùng nhau làm bốn việc:

• chúng ta phải cất cao lời cảm tạ: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).
• chúng ta đã long trọng cử hành nghi thức tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đồng thời, cũng để bày tỏ niềm tri ân đối với các ân nhân, chúng tôi đã mời các vị hồng y, giám mục – đại diện các Giáo hội đã và đang góp phần xây dựng và phát triển Giáo hội tại Việt Nam – đến tham dự Thánh Lễ khai mạc này.
• Cử hành lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Tổng giáo phận Hà Nội nhắc chúng ta nhớ đến cộng đoàn tín hữu đầu tiên trên đất Thăng Long. Các tín hữu thời ấy đã yêu thương gắn bó với nhau đến nỗi người ngoài gọi họ là những người theo “Đạo của Tình yêu”.
• hồng ân đức tin Chúa đã ban cho chúng ta cũng cần được chia sẻ cho người khác, nhất là cho đồng bào của mình, những người cùng sống trong một đất nước, cùng chia sẻ một lịch sử, cùng chung một vận mệnh quê hương.


Paris, ngày 03 tháng 12 năm 2009
Trần Văn Cảnh
 
Giới thiệu website phát hành sách và sản phẩm Công Giáo
Lm. Trăng Thập Tự
22:33 03/12/2009
GIỚI THIỆU WEBSITE PHÁT HÀNH SÁCH VÀ SẢN PHẨM CÔNG GIÁO FATIMACOMPANY.COM

Một trong những điều khiến sách vở Công Giáo Việt Nam bị èo uột là do thiếu mạng lưới phát hành. Trên Bản Tin Hiệp Thông của HĐGMVN (số 45), tôi đã có bài viết về mục vụ sách vở (Bài này được đăng lại trên Vietcatholic và Conggiaovietnam), trong đó có đề nghị thực hiện tại mỗi giáo hạt (hoặc mỗi tỉnh) một đại lý sách Công giáo. Nếu mỗi hạt trong 26 giáo phận Việt Nam có một đại lý sách Công giáo, những sách có giá trị sẽ có thể in vài chục ngàn bản chứ không phải chỉ một hai ngàn, giá thành sẽ giảm xuống đáng kể. Tiếp sau bài viết, tôi có trực tiếp thưa chuyện với một số Bề Trên giáo phận, một đôi vị quan tâm, nhưng cho tới nay vẫn chưa có thực hiện nào cụ thể.

Giữa lúc đó, một giáo dân tại Sài Gòn, từ lâu đã thao thức và mong ước xây dựng một website giới thiệu các đầu sách Công giáo, các sản phẩm Công giáo trực tuyến nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu khắp nơi của Dân Chúa và của cả nhiều người ngoài Công giáo. Nay website www.fatimacompany.com chính thức được xây dựng đó là công ty TNHH MTV Phatima. Mở www.FatimaCompany.com, độc giả sẽ đọc thấy:

FatimaCompany.com giới thiệu đến Quý vị các sản phẩm Công giáo. Tại fatimaCompany.com, Quý vị sẽ tìm thấy bộ sưu tập tổng hợp các đầu sách Công giáo, các sách học làm người và văn hóa phổ thông, các loại Tượng, Lịch, Tràng hạt, Quà lưu niệm, Liễn treo tường, đồ dùng phụng vụ…

Có thể nói, FatimaCompany.com là trang web Việt Nam đầu tiên trực tiếp nhắm mục tiêu cung cấp các sản phẩm Công giáo và dịch vụ trực tuyến phục vụ cộng đồng Dân Chúa Việt Nam trên toàn cầu.

Tại gian hàng “SÁCH TÔN GIÁO”, độc giả có thể ghé thăm các kệ sách: Kinh thánh - Thần học - Suy niệm - Tu đức - Khảo cứu - Bài giảng - Sống đức tin - Phụng vụ - Thánh ca - Giáo lý - Đức Mẹ - Thánh Giuse - Hạnh các thánh - Văn Thơ - Văn học - Từ điển Công giáo - Thiếu nhi - Gia đình công giáo.

Ngoài ra còn có những gian hàng “SÁCH XÃ HỘI” – “TƯỢNG COMPOSITE” – “TƯỢNG GỖ” – “TRÀNG HẠT” – “NẾN” – “ĐỒ DÙNG PHỤNG VỤ” – “LỊCH 2010” – “LIỄN CÂU ĐỐI” – “HÀNG LƯU NIỆM”.


Tôi xin trân trọng giới thiệu trang “sản phẩm Công giáo trực tuyến” đến quý độc giả trong và ngoài nước. Đồng thời nguyện chúc FatimaCompany.com ngày càng phát triển.
 
Tin Đáng Chú Ý
VN xôn xao tin đồn ‘phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng’
Người Việt
13:20 03/12/2009
HÀ NỘI - Thị trường tài chính tại Việt Nam đang chao đảo sau khi ngân hàng nhà nước ban hành lệnh phá giá đồng tiền 5% thì nay có thêm tin đồn ngân hàng nhà nước sẽ phát hành đồng tiền mệnh giá 1 triệu đồng.

Hiện nay, đồng tiền Việt Nam có mệnh giá cao nhất là 500 ngàn đồng và nhỏ nhất là tờ 100 đồng, tuy nhiên sự mất giá của đồng bạc Việt Nam nay rất ít ai xài các loại tiền có mệnh giá dưới 2 ngàn đồng.

Nếu tin đồn này có thật, thì đồng tiền Việt Nam sẽ tiếp tục mất giá so với đồng đô la Mỹ, khi hiện nay 1 đô la Mỹ đổi được tới 20 ngàn đồng Việt Nam trên thị trường chợ đen. Như vậy, nếu có tờ tiền 1 triệu đồng trong thời điểm này thì nó có trị giá ngang với 50 đô la Mỹ.

Tin đồn này ảnh hưởng đến mức, ngân hàng nhà nước Việt Nam phải nhờ đến các phương tiện truyền thông tuyên bố “đây là tin bịa đặt.”

Theo Vnexpress, “ngoài tin sẽ có thêm tiền mệnh giá lớn, giới đầu tư tại Việt Nam còn hoang mang khi nghe tin chính phủ bắt các ngân hàng mua trái phiếu bắt buộc với tỷ lệ lên tới 50% vốn điều lệ, cao gấp 5 lần mức yêu cầu đưa ra hồi khủng hoảng tiền tệ đầu năm 2008; đồng thời tăng tiếp lãi suất cơ bản và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng.”

“Những thông tin đồn thổi này rộ lên vào đầu giờ sáng nay khiến lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, và được xem là một phần nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm sàn cho dù đầu phiên vẫn không đến nỗi xấu.” Vnexpress nói.

Theo báo này, đích thân ông Nguyễn Ngọc Bảo, vụ trưởng Vụ Chính Sách Tiền Tệ Ngân Hàng Nhà Nước nhận được những tin nhắn hỏi về tin tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phát hành tiền mệnh giá 1 triệu vào đầu giờ sáng nay. Phó hiệu trưởng Trường Ðại học Kinh Tế Sài Gòn Trần Hoàng Ngân cũng nhận được tin tương tự và ông đã phải liên lạc với Ngân Hàng Nhà Nước để hỏi cho rõ ràng.

Vẫn theo VNexpress, hôm 1 Tháng Mười Hai, tại Sài Gòn còn xuất hiện tin đồn Việt Nam sẽ đổi tiền. Báo này dẫn lời Phó Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Ðồng Tiến tỏ ra ngạc nhiên. Ông khẳng định, không có chuyện Việt Nam đổi tiền. “Ðó hoàn toàn là tin đồn nhảm của những người có dụng ý xấu.”

Tại Việt Nam sau năm 1975 đã có nhiều lần đổi tiền và thường các tin đồn đều khả tín, đặc biệt là lần đổi tiền vào năm 1986 người dân biết trước từ 2-3 ngày và lần đó đồng tiền Việt Nam mất giá khi đổi 10 đồng chỉ lấy lại được 1 đồng

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104979&z=157)
 
Văn Hóa
Một ngày thế mạt dưới cái nhìn trần tục
Phụng Nghi
09:44 03/12/2009
Bài điểm phim “2012”



1- Sơ lược truyện phim

Năm 2009, nhà địa chất người Mỹ tên Adrian Helmsley gặp bạn là Bác sĩ Satnam Tsurutani ở Ấn độ. Bác sĩ này đã khám phá ra rằng những hạt sơ cấp (neutrinos) từ một khối sáng mặt trời khổng lồ đang hoạt động như những sóng vi ba, gây nhiệt độ trong ruột trái đất tăng cao nhanh chóng. Adrian thông báo cho viên chánh văn phòng tòa Bạch ốc Carl Anheuser và Tổng thống Mỹ Thomas Wilson rằng sự việc này sẽ gây nên một chuỗi những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng. Tại cuộc họp thượng đỉnh các quốc gia trong khối G8 năm 2010 các vị quốc trưởng và thủ tướng chính phủ các nước khác đã được thông báo về tình huống này. Họ bắt đầu một dự án bí mật nhằm bảo đảm cho nhân loại được cứu sống, chọn lựa 400 ngàn người đem lên một loạt những chiếc tầu khổng lồ được đóng trong vùng núi Hy mã lạp sơn. Để tài trợ cho dự án này, có thêm những cá nhân được phép mua vé tầu lên đến 1 tỷ đồng euro mỗi vé.

Vào năm 2012, Jackson Curtis là một nhà văn ở Los Angeles đang làm việc bán thời gian là lái xe limousine cho một thương gia giầu có người Nga tên Yuri Karpov. Vợ cũ của Jackson là Kate cùng hai đứa con Noah, Lily sống với bạn trai tên Gordon Silberman, một nhà giải phẫu thẩm mỹ đồng thời cũng là một phi công nghiệp dư. Jackson đem hai con đi chơi cắm trại tại Công viên quốc gia Yellowstone. Nơi đây anh gặp Charlie Frost, một lý thuyết gia có những âm mưu đang sống ẩn dật, chủ trì một chương trình phát thanh vô tuyến phát từ công viên. Charlie tin vào một giả thuyết nói rằng người Mayans đã tiên đoán là ngày tận thế sẽ xảy ra vào năm 2012, và cho hay đã biết có một dự án “tầu không gian bí mật” cũng như bản đồ ghi địa điểm của các tầu đó. Jacskson cùng hai con trở về nhà giữa lúc có những vết nứt xảy ra trong vùng Đứt gãy địa chất San Andreas (San Andreas Fault) ở California, và động đất ở vùng Vịnh San Francisco. Sau khi được hai đứa con song sanh của thương gia Nga Yuri cho biết rằng chúng có vé đi chuyến tầu đặc biệt, Jackson sinh lòng ngờ vực liền thuê một chiếc máy bay đi cứu gia đình cùng Gordon, giữa khi những vùng rạn vỡ trên trái đất bắt đầu chuyển dịch, rồi sụp đổ xuống Thái bình dương khi gia đình anh thoát ra khỏi Los Angeles.

Lúc hàng triệu người bị chết trong các trận động đất trên thế giới thì nhóm này bay được đến Yellowstone để lấy bản đồ của Charlie. Cả nhóm thoát chết trong gang tấc khi núi lửa trong vùng Yellowstone Caldera phun. Charlie ở lại để truyền thanh về vụ núi lửa phun, đã bị chết do vụ nổ. Được biết tin các chiếc tầu hiện đang ở Trung quốc, nhóm hạ cánh xuống Las Vegas, nơi đây họ gặp Yuri, hai con ông, bạn gái Tamara và phi công Sasha. Bọn này gia nhập nhóm và lên được một chiếc phi cơ chiến lược Antonov An-225, trốn khỏi Las Vegas giữa lúc đô thị này bị tàn phá tan hoang. Cả nhóm bay đi Trung quốc, ngang qua Hawaii khi đảo này bị hủy diệt vì những ngọn núi lửa đang phun.

Cũng trên đường bay tới các tầu là phi cơ Air Force One, trên đó có Anheuser, Adrian, đệ nhất phu nhân Laura Wilson. Tổng thống Wilson chọn ở lại Washingotn D.C. và ngỏ lời với quốc dân lần chót, thông báo cho dân chúng thế giới về những tàn phá sắp xảy đến. Ông bị giết bởi một làn sóng thần khổng lồ xô đẩy chiến hạm USS John F. Kennedy của Hoa kỳ đập vào tòa Bạch ốc. Với tin Phó tổng thống đã chết, chủ tịch Hạ viện mất tích, Anheuser tự bổ nhiệm mình làm quyền tổng thống.

Khi đến được Trung quốc, máy bay hạ cánh bị đụng, giết chết Sasha. Yuri và các con được đưa vào tầu, bỏ lại gia đình Curtin, Gordon và Tamara, là những người không có vé. Sau khi rời khỏi khu vực máy bay đụng, nhóm người này được một nhà sư Phật giáo tên Nima giúp. Cả bọn chui vào được một chiếc tầu qua phòng thuỷ lực, nhờ được em của nhà sư tên Tenzin hướng dẫn. Tenzin làm thợ hàn trong dự án đóng tầu.

Trong khi đó Satnam và gia đình bị lạc ở Ấn độ vì máy bay chở họ không tới đón. Vào những giây phút cuối cùng, Satnam gọi cho Adrian, báo rằng một cơn sóng thần bất ngờ đang nuốt trửng cả nước Ấn và đang hướng về phía các con tầu. Anheuser ra lệnh đóng cửa các tầu lại, làm cho hàng ngàn người bị kẹt ở ngoài không vào được. Adrian thuyết phục các nhà lãnh đạo khối G8 để cho số người còn lại lên tầu. Khi cửa tầu được hạ xuống và rồi nâng lên, Yuri bị té chết sau khi đã đưa được hai con lên tầu. Gordon rơi giữa các bánh răng cưa ở cửa tầu và chết. Một mũi khoan lớn rơi xuống kẹt giữa các trục răng cưa, làm cho cửa tầu không đóng lại được và máy tầu không thể khởi động. Cơn sóng thần bắt đầu tràn nước vào tầu, nó trôi bềnh bồng. Tamari chết trong một căn phòng bị ngập nước, miệng khóc than kêu cứu. Jackson và Noah chuyển được mũi khoan ra khỏi hệ thống máy đóng cửa tầu. Thủy thủ đoàn lấy lại được khả năng điều khiển con tầu, ngăn chận được cuộc đụng chạm tàn khốc vào núi Everest.

Khi nước lụt từ những cơn sóng thần rút xuống, các dữ kiện vệ tinh cho biết châu Phi đã trồi lên trên ngang mặt nước biển, và giờ đây những ngọn núi Drakensberg trong tỉnh KwaZulu Natal là địa điểm cao nhất trên trái đất. Giữa lúc ba chiếc tầu di chuyển về phía Mũi Hảo vọng (Cape of Good Hope), Jacskon hòa giải với gia đình, còn Adrian thì bắt đầu cuộc tình với Laura. Ngày tháng lúc này là 27 tháng giêng năm 0001.

(Thuật theo Wikepidia)

2- Nhận xét của Lm. ROBERT BARRON về cuốn phim

Một vị giáo sư thông tuệ của tôi, Đức ông Robert Sokolowski, đã có lần bình phẩm rằng, cùng với sự phát triển của đạo Tin lành và của thời đại tân tiến, đạo Công giáo thuần khối đã nổ tung và những mảnh vụn nay nằm rải rác cả khung cảnh trí thức thời hiện đại.

Khi tôi thăm dò khung cảnh văn hóa ngày nay, tôi thường nghĩ tới nhận xét đó của Sokolowski: người ta có thể thấy đạo Công giáo ở khắp nơi, nhưng dưới hình thù kỳ quặc và bị biến dạng. Chứng minh rõ rệt cho suy nghĩ này là cuốn phim mới của Roland Emmerich “2012”.

Cốt truyện phim giả thiết rằng những khối lớn nổ ra từ mặt trời đã làm cho ruột trái đất quá nóng, gây nên những trận động đất, thảm họa núi phun lửa, các đại lục chuyển rời: tóm lại, như chúng ta biết, đó là ngày tận cùng của nền văn minh. Một nhóm các nhà khoa học và chính trị gia biết trước được thảm họa sắp tới, đã tổ chức một chiến dịch cứu trợ - đó là một đội gồm những chiếc tầu – để cho phần còn lại của nhân loại, nền văn hóa cao, và thế giới súc vật, có thể được bảo tồn. Như diễn tiến phim cho thấy, thế giới bị nổ tung, trong lúc một gia đình gan dạ cố tìm cách đến được những chiếc tầu.

Ý niệm về thảm họa ngày tận thế, dĩ nhiên, là ở trong Kinh Thánh. Chúng ta nghe điều đó trong truyện kể về chiếc tầu của Noê, cũng đã được tiên đoán trong sách của tiên tri Daniel, và rõ rệt nhất là được thuật trong sách Khải huyền, cuốn sách kết thúc bộ Kinh Thánh. Có hai nguồn gốc lớn về trực giác có tính tôn giáo của ngày thế mạt.

Trước nhất, tất cả chúng ta đều biết rất rõ theo trực giác rằng thế giới này là triệt để bất tất (hay ngẫu nhiên, contingent, nghĩa là không cần hiện diện), và nó không mang trong chính nó lý do để hiện hữu. Sự vật có đó, nhưng chúng không bó buộc phải có; chúng mang trong chính chúng cái di sản bất hữu thể (non-being), và do đó chúng mỏng dòn, dễ bị tàn phá.

Cảm ứng khác đối với ngày tận thế là ý thức rõ rệt về tội lỗi. Chúng ta biết mọi người đều là kẻ có tội và những cung cách xấu xa của chúng ta đã làm ô nhiễm mọi thứ: các định chế, các hệ thống chính trị, gia đình, xã hội và văn hóa. Và vì thế, chúng ta cảm thấy rằng thế giới phải bị xét xử và đợi chờ một cuộc thanh tẩy.

Điều quan trọng phải chú ý là cả hai trực giác đó đều liên quan chặt chẽ với niềm tin vào Thiên Chúa. Chính tính bất tất của vũ trụ chỉ cho ta thấy sự hiện hữu của một thực tại không ngẫu nhiên (non-contingent) nâng đỡ cho thế giới mỏng manh này được tồn tại, và tội lỗi của nhân loại chỉ hiểu được khi tham chiếu với những tiêu chuẩn tuyệt đối về điều thiện hảo.

Những gì chúng ta thấy trong phim của Emmerich là một ngày thế mạt theo nghĩa trần tục, một câu chuyện Kinh Thánh được tái thuật, nhưng không có Thiên Chúa hoặc bất cứ điều gì siêu việt nào được đề cập tới. Quả vậy, Thiên Chúa không những chỉ vắng bóng, mà còn bị loại trừ một cách hung hãn. Khi trái đất vỡ ra từng mảng, một số người trong phim “2012” quay qua Thiên Chúa để cầu xin, nhưng họ, chẳng được miễn trừ, cũng bị tiêu diệt. Một nhà khoa học theo Ấn giáo, nhờ nghiên cứu, được đầu tiên khám phá ra ngày thế mạt sắp tới, chắp đôi tay lại để nguyện cầu, nhưng một làn sóng thủy triều đã dâng cao nuốt trôi ông và cả gia đình.

Tổng thống Hoa kỳ ở lại trong tòa Bạch ốc để kêu cầu Thiên Chúa cứu giúp trong lúc các nhân viên khác trong chính phủ được chuyển ra các tầu. Ông ta lên đài truyền hình để thông báo cho cả nước về tình trạng nguy khốn, và mời gọi mọi người cùng đọc Thánh vịnh 23, nhưng khi ông đọc đến câu “Đức Chúa là đấng chăn dắt tôi, tôi không lạc bước” thì thình lình truyền thông bị cắt đứt.

Các vị hồng y Giáo hội Công giáo quỳ cầu nguyện sốt sắng trong nguyện đường Sistine, và trước khi tòa nhà sụp đổ vùi lấp họ, họ chứng kiến một vết nứt chạy ngang qua trần nhà, đi ngay giữa những ngón tay của Chúa và Adam trên bức bích họa, tách rời Thiên Chúa và nhân loại. Và trong cảnh tượng sẽ được ghi vào biên niên sử những hoạt động phim ảnh chống Công giáo, cho thấy chính Đức giáo hoàng đang hướng dẫn kinh cầu nguyện từ chiếc ban công nhà thờ Thánh Phêrô giữa lúc cả một đoàn người đông đảo nhìn lên. Mái tròn vương cung thánh đường lung lay, nghiêng đổ và lăn rơi xuống hàng ngàn người ở công trường phía dưới! Nếu chúng ta chưa rõ được ý đồ, thì Emmerich còn chỉ cho chúng ta thấy pho tượng lừng danh Chúa Kitô, đứng sừng sững uy nghiêm trên đỉnh đồi nhìn xuống thành phố Rio de Janeiro, sụp đổ tan tành thành những mảnh vụn.

Trong khi đó, chẳng ai trong những kẻ tìm cách đến được những chiếc tầu đả động gì đến Thiên Chúa cả. Họ chuyện trò nhiều về khoa học, về lòng nhân ái, về bảo toàn văn hóa, nhưng không ai trong nhóm cầu nguyện hoặc suy luận về tai họa trải qua bằng ý niệm thần học. (Có một tôn giáo dường như gặp được sự chấp thuận của ông đạo diễn: đó là một nhà sư Phật giáo trẻ tuổi đưa được gia đình lên một trong những chiếc tầu. Nhưng dĩ nhiên, Phật giáo là một tôn giáo không thờ thần linh (non-theistic). Người phật tử cho rằng thực thể tối thượng không phải là một Thượng đế sáng tạo vũ trụ và quan phòng, nhưng là một đồng sáng tạo khởi thuỷ (co-origination) phụ thuộc lẫn nhau của mọi loài mọi vật.

Đúng lúc cảnh tượng xấu xa nhất của cơn khủng hoảng qua đi, chúng ta nhìn thấy những chiếc tầu di chuyển trên vùng biển tĩnh lặng, trên màn ảnh hiện lên một ngày mới: Năm 1 (Year One). Đây là một chuyện ảo tưởng xa vời ít nhất cũng xưa cũ như thời Cách mạng Pháp: một khi thế giới cũ được rửa sạch khỏi dấu vết tôn giáo, người ta có thể được đi ra ngoài hệ thống ghi ngày tháng không còn hợp thời nữa, đó là hệ thống bắt đầu với sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Thế rồi chúng ta được nghe rằng đại lục duy nhất không bị cảnh tàn phá kinh khủng của ngày thế tận là Phi châu; quả thực, các nhà khoa học tuyên bố rằng lục địa này đã trồi lên và dân chúng được bảo tồn.

Về chuyện đó bây giờ bạn muốn gì thì nói, nhưng cái đã làm tôi ngạc nhiên là điều trớ trêu nào đó ngoài ý muốn của họ: đại lục nơi mà Thiên Chúa giáo, đặc biệt là Công giáo, đang phát triển mạnh mẽ nhất hiện nay, không phải là châu Âu hay miền Bắc Mỹ, nhưng là châu Phi. Khi đoàn người thế tục cao quý đó đến được đất hứa, họ sẽ không được đón tiếp bởi những người hoài nghi của châu Âu mà bởi hàng triệu hàng triệu người Kitô hữu!

Thêm nữa, nếu bạn còn có chút hoài nghi nào cho rằng tôi tưởng tượng ra tất cả mọi chuyện về tình cảm bài tôn giáo này, hãy nhìn vào tiểu sử của Roland Emmerich. Tôi xin chỉ cho bạn một tin nhỏ nhưng lý thú: trong nhà ông ta, có một bức tượng lớn bằng người thật, đó là Gioan Phaolô II đang cười cợt khi đọc chính bài điếu văn cho mình.

Vậy thì đừng đi coi phim này. Mà hãy đọc sách Khải huyền. Sách này, dĩ nhiên, phong phú hơn về phương diện thần học, và cũng ít nhàm chán hơn nhiều.

Nguồn: FATHER ROBERT BARRON/Catholic Education Resource Center

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Diễm Ca - The Song Of Songs
Sông Thanh
11:14 03/12/2009

DIỄM CA (The Song of Songs)



Ảnh của Sông Thanh


Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây

Kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi.

Hark! my lover - here he comes,

springing across the mountains, leaping across the hills.

(Kinh Thánh Diễm Ca 2:8, The Song of Songs)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cây Khô Giữa Trời
Lê Ngọc Minh
23:11 03/12/2009

CÂY KHÔ GIỮA TRỜI



Ảnh của Lê Ngọc Minh

Em xoả tóc cho cây khô sầu mộng

Để cây khô mạch suối khóc thương nhau..

(Trích thơ của Tuệ Sỹ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền