Ngày 28-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 28/12/2020

6. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta, tức là mời gọi chúng ta cải quá tự tân, chứ không phải là sự hy sinh vô nghĩa.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:19 28/12/2020
21. NÓI ĐÙA QUÁ NHẠT

Có một quan chức trong văn võ mạc phủ tên là Vương Tượng ở Toàn Châu tỉnh Quảng Tây, sở trường là nói chuyện tiếu lâm.

Một hôm, các quan võ tập họp lại, xúi Vương Tượng nói chuyện tiếu, lại cố ý hạ thấp ông ta, vì xúi không được nên bình phẩm giá trị của ông ta:

- “Lời nói đùa này quá nhạt”, (ý nói là không có hứng thú.)

Vương Tượng liền nói:

“Sáng nay tôi nhìn thấy nơi cổng thành có một người gánh phân, vì không cẩn thận nên sẩy chân, một gánh phân rơi trên đất”.

Các võ quan nói:

- “Cũng là nhạt”.

Vương Tượng nói tiếp:

- “Các ông đều chưa nếm qua, sao lại biết là nhạt chứ?”

Mọi người cười hô hô.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 21:

Phê bình chỉ trích người khác là bệnh bất trị của con người, nhất là phê bình chỉ trích những người tài giỏi, nếu những người tài giỏi này là những người mà họ có thành kiến thì họ lại phê bình chỉ trích cách bạo hơn, nguyên nhân đơn giản là vì họ không có sự khiêm tốn mà lại có tính ghen ghét.

Bệnh chỉ trích bất trị này không chừa một ai, bởi vì ai cũng là con người nên ai cũng cảm thấy mình bị “xúc phạm” khi cái thằng cha nghèo kiết xác ấy bây giờ có con làm linh mục; càng cảm thấy mình bị “xúc phạm” hơn khi cái gia đình của con mẹ ấy không ra gì mà con cái đều học hành đến nơi đến chốn !? Thiên Chúa là tình yêu, mọi người Ki-tô hữu đều biết điều ấy, nhưng vì không đào sâu tình yêu của Thiên Chúa thể hiện trên mỗi tạo vật, nhất là trên mỗi một con người là hình ảnh của Ngài, nên có những người Ki-tô hữu cảm thấy bị “sốc” khi nghe tin người anh em này thành đạt, người chị em kia trở thành nổi tiếng...

Không ai đi nếm phân để coi nó mặn hay nhạt, thì cũng đừng ai phê bình chỉ trích đánh giá bề ngoài của một con người, vì như thế là bày tỏ chúng ta có một tâm hồn ích kỷ ghét ghen và kiêu ngạo, vì như thế chẳng khác chi là chưa nếm phân sao lại biết phân nhạt !?

Ai có tâm hồn biết phản tỉnh thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần
Lm Minh Anh
22:21 28/12/2020
PHÓ MÌNH CHO NHỮNG CHUYỂN ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN
“Có Thánh Thần ở trong ông”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật ngạc nhiên, chỉ trong trình thuật Dâng Chúa ngắn ngủi hôm nay, có tới ba lần, Luca nói đến tác động của Thánh Thần; không phải tác động trên một Phêrô hay một Phaolô hăng nhiệt, năng nổ thời Công Vụ Tông Đồ, nhưng tác động trên một cụ già. Simêon, con người của Thánh Thần!Với nhân vật độc đáo này, chúng ta nhìn ngắm chân dung của một con người hoàn toàn ‘phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần’.

Tác giả Luca đã nói về cụ Simêon thế này, “Có Thánh Thần ở trong ông”; “Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa”; “Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ”.Để được vậy, hẳn Simêon đã học cách thức lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần mỗi ngày; học cách trò chuyện với Ngài trong tư cách một người con, một người môn đệ và nhất là,tư cách của một người bạn.Nhờ đó, Thánh Thần đã trở nên nguồn cảm hứng thánh thiện nung đốt lòng ông,để ông thực sự khao khát và mong chờ Đấng Cứu Độ. Nhờ Thánh Thần, ông tin chắc Thiên Chúa sẽ thực hiện điều đó ngay trong cuộc đời của ông; và kìa, ước mơ ấy đã thành hiện thực. Thật tuyệt vời, ông được bồng ẵm Đấng Cứu Độ trên tay! Và rồi đây, Ngài cũng sẽ ‘phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần’; sau phép rửa của Gioan, chính Thánh Thần lại ‘dun giúi’ Ngài vào sa mạc như hôm nay, đã ‘dun giúi’ Simêon lên đền thờ.

Nhân vật thứ hai của trình thuật Tin Mừng vốn được Thánh Thần che phủ là Mẹ Maria. Không ai tỏ ra ngoan ngoãn với Thánh Thần hơn Mẹ; Mẹ không gây bất cứmột trở ngại nào cho công việc của Chúa Thánh Thần. Luca viết, “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà”. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mô tả, “Đức Maria đã trung thành đáp lại mọi yêu cầu của Thiên Chúa trước mọi chuyển động của Chúa Thánh Thần”. Vì thế, đứng giữa đền thờ trong ngày dâng con, Mẹ nghe những lời dành riêng chomình qua miệng Simêon, khí cụ của Thánh Thần, thì một lần nữa, Mẹ đồng ý và chấp nhận những khổ đau được Thánh Thần báo trước hôm nay, “Đây, trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều người được biểu lộ”; và như thế, Mẹ đã ‘phó mình những cho chuyển động của Thánh Thần’.

Trong cuốn sách của mình, “Take Another Look at Guidance”, tạm dịch ‘Chọn một cách hướng dẫn khác’, Bob Mumford so sánh việc khám phá ý muốn của Thiên Chúa với tiến trình vào cảng của một con tàu. Ở Ý, một con tàu chỉ có thể vào cảng an toànkhi nó đi vào một con kênh hẹp giữa những bãi đá và bãi cạn nguy hiểm. Để hướng dẫn các con tàu, đã có ba ngọn đèn trên ba chiếc cột lớn trong cảng. Thuyền trưởng phải nhắm làm sao khi ba ngọn đèn được xếp hoàn hảo trên một trục thẳng và chỉ còn là một; chỉ lúc đó,con tàu mới có thể đi vào kênh hẹp một cách an toàn. Nếu thấy hai hoặc ba ngọn đèn, thuyền trưởngbiết mình đang chệch hướng và tai ương sắp xảy ra. Cũng thế, Thiên Chúa đã cho chúng ta ba đèn hiệu để hướng dẫn linh hồn mỗi người; quy tắc cũng tương tự, ba ngọn đèn này phải là một trước khi chúng ta đi tiếp. Đó là Lời Chúa, kim chỉ nam khách quan; Chúa Thánh Thần, Đấng tác động chủ quan; và lòng tín thác, tòng thuộc tuyệt đối vào sự quan phòng của Cha trên trời. Được thế, chúng ta biết mình đang đi đúng đường.

Anh Chị em,

Chúa Thánh Thần là trưởng bến cảng, Đấng dẫn lối, cũng là một trong ba ngọn hải đăng; Ngài là Thầy dạy khát khao của con tim, là khách trọ hiền lương của tâm hồn. Chớ gì mỗi người chúng ta biết nuôi dưỡng cho mình một tình bạn, tình con thảo và tình Thầy trò với Ngài. Để được vậy, hãy cầu xin cho mình sở hữu một sự tĩnh lặng đủ trong tâm hồn;nhờ đó, có thể phân biệt giọng nói của Ngài với những âm thanh ồn ào của bao tiếng động thế gian đang cố lấn át tiếngNgài; điều đó cũng có nghĩa là chúng ta ngoan ngoãn, vâng lời Ngài một khi đã nghe tiếng Ngài; và như thế, chúng ta cũng đã ‘phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần’ vậy.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần; nhờ đó, con không còn sợ gì, ngay cả cái chết; để một mai, con cũng có thể rời khỏi thế giới này trong tin yêu hy vọng như cụ già Simêon,“Lạy Chúa, giờ đây,xin Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an” và như thế, con đã ‘phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng chính thức ban hành luật lệ tước hết quyền kinh tế tài chánh của phủ Quốc Vụ Khanh
Vũ Văn An
19:50 28/12/2020

Theo Nicole Winfield của Hãng tin Associated Press, Đức Phanxicô vừa ra tông thư dưới hình thức tự sắc chính thức tước hết các tài sản tài chánh và các cổ phần bất động sản hiện do Phủ Quốc Vụ Khanh quản trị, sau khi phủ này phạm nhiều sai lầm, để thất thoát nhiều triệu euros trong các khoản tặng dữ và đầu tư hiện đang là mục tiêu của một cuộc điều tra tham nhũng.



Đức Phanxicô ký luật mới vào ngày cuối tuần vừa qua, ra lệnh cho Phủ Quốc Vụ Khanh phải hoàn tất việc chuyển giao mọi tài sản và cổ phần cho Cơ Quan Quản Trị Di Sản (APSA), hạn chót là ngày 4 tháng 1 sắp tới. Luật cũng đòi mọi khoản tặng dữ cho Đức Giáo Hoàng, tức tiền quyên góp vốn gọi là Đồng Xu Thánh Phêrô thu được từ các tín hữu khắp thế giới, và nhiều khoản tặng dữ khác từ trước đến nay do Phủ Quốc Vụ Khanh quản trị, sẽ do Cơ Quan Quản Trị Di Sản từ nay quản lý.

Các thay đổi trên là một đáp ứng đối với cuộc điều tra hình sự về các cáo buộc lâu năm cho rằng có sự quản lý sai các khoản tặng dữ và đầu tư của Phủ Quốc Vụ Khanh giữa lúc Tòa Thánh gặp khủng hoảng về tài chánh.

Theo National Catholic Register, lần đầu tiên, Đức Phanxicô loan báo các thay đổi trên là ngày 25 tháng 8 năm 2020 trong một bức thư gửi cho Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin; bức thư này được công bố ngày 5 tháng 11 cùng năm, sau khi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tràn ngập các tố cáo về quản lý sai lầm.

Nay, Đức Phanxicô chính thức ban hành luật mới dưới dạng tông thư tự sắc, tựa là “Việc Tổ Chức Tốt Hơn” bằng tiếng Ý. Trong đó, ngài cũng đặt để nhiều qui định mới liên quan đến việc giám sát quĩ Đồng Xu Thánh Phêrô, mặc dù, các viên chức Tòa Thánh bác bỏ việc dùng tiền của này để trang trải các khoản thua lỗ do vụ đầu tư bất động sản ở London gây ra.

Văn kiện, ký ngày 26 tháng 12 và có hiệu lực trước khi Vatican bắt đầu năm tài chánh mới, gồm 4 điều. Điều 1 liên quan đến việc chuyển giao các khoản đầu tư và thanh khoản (liquidity) từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh qua Cơ Quan Quản Trị Di Sản. Điều 2 qui định việc quản trị các quĩ Giáo Hoàng. Điều 3 đặt ra “các dự liệu về việc khiểm soát và giám sát kinh tế tài chánh” và điều 4 đề cập đến việc vận hành của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa như một cơ quan hành chánh.

Dưới luật mới, từ 1 tháng 1, 2021, Cơ Quan Quản Trị Di Sản sẽ có quyền sở hữu các quĩ, các trương mục ngân hàng, và các khoản đầu tư, gồm bất động sản, trước đây vốn do Phủ Quốc Vụ Khanh quản trị.

Việc quản trị của Cơ Quan Quản Trị Di Sản sẽ chịu sự “kiểm sóat đặc nhiệm” của Văn Phòng Kinh Tế, thiết lập năm 2014 để giám sát các hoạt động tài chánh của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican. Trong tương lai, Văn Phòng Kinh Tế cũng sẽ phục vụ trong tư cách Văn Phòng Giáo Hoàng đặc trách Các Vấn Đề Kinh Tế và Tài Chánh.

Luật mới đòi Cơ Quan Quản Trị Di Sản tạo một dự khoản ngân sách gọi là “Các Ngân Khoản Giáo Hoàng” trong đó có các tài khoản “Đồng Xu Thánh Phêrô” và “Ngân khoản riêng của Đức Thánh Cha”, vận hành duy nhất theo lệnh của Đức Thánh Cha.

Tự sắc ban cho Văn Phòng Kinh Tế, trước đây do Đức Hồng Y George Pell đứng đầu, nay do Cha Dòng Tên Juan Antonio Guerrero Alves, quyền giám sát các cơ quan trước đây do Phủ Quốc Vụ Khanh giám sát. Các cơ quan khác nhau của Tòa Thánh sẽ đệ trình các ngân sách và bảng cân đối thu chi cho Văn Phòng Kinh Tế; cơ quan này sẽ đệ trình chúng cho Hội Đồng Kinh Tế, cũng đã được thiết lập năm 2014.

Về Phủ Quốc Vụ Khanh, luật mới qui định rằng phần vụ của Phủ này chỉ bao gồm “các nguồn nhân lực cần thiết để thi hành các hoạt động liên quan đến việc quản lý nội bộ” và phải chuyển giao các tư liệu văn khố liên hệ cho Cơ Quan Quản Trị Di Sản.

Ngày 28 tháng 12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay “Luật mới giảm thiểu con số quản trị viên kinh tế của Tòa Thánh và tập trung việc hành chánh, việc quản trị, và các quyết định về kinh tế và tài chánh vào các bộ sở tương ứng với mục đích này”.

“Với nó, Đức Thánh Cha muốn tiến tới một tổ chức tốt hơn cho Giáo Triều và cho cả việc vận hành chuyên biệt hơn của Phủ Quốc Vụ Khanh, một phủ từ nay sẽ có nhiều tự do hơn trong việc giúp đỡ ngài và các vị kế nhiệm về các vấn đề có tầm quan trọng lớn hơn đối với thiện ích của Giáo Hội”.

Phòng Báo Chí cũng nhấn mạnh thêm rằng tự sắc “thiết lập một sự kiểm soát lớn hơn và một sự hiển thị tốt hơn đối với Đồng Xu Thánh Phêrô và các ngân khoản phát xuất từ các quyên góp của tín hữu”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thăng Long, Sàigòn mừng bổn mạng
Martinô Lê Hoàng Vũ
11:58 28/12/2020
“Hân hoan muôn lời mừng kính Thánh Gia,phúc âm dư đầy tình yêu thắm tươi chan hòa.Cuộc đời dương thế tuyệt vời gương lành phúc đức để danh thơm thiên thu” Đó là lời ca nhập lễ đưa dẫn vào thánh lễ mừng kính Thánh Gia thất- bổn mạng giáo xứ Thăng Long hạt Phú Thọ, Sài Gòn,chiều nay Chúa nhật 27.12.2020.

Lúc 17g 30 phút, Thánh lễ được bắt đầu thật trang trọng và sốt sắng với cuộc rước,có Linh mục chánh xứ,các em lễ sinh,HĐMVGX,đại diện các Hội đoàn trong giáo xứ.Sau đó,Linh mục chánh xứ Barnaba Trần Cương Quyết chủ tế thánh lễ và ngài ngỏ lời mời gọi cộng đoàn với các ý hướng:

Xem Hình

“Khi thành lập giáo xứ, các bậc tiền nhân đã mong muốn giáo xứ như một gia đình, nên đã nhận Thánh gia làm bổn mạng,nhờ đó mà cộng đoàn giáo xứ luôn noi gương bắt chước theo gia đình thánh gia.Hôm nay, giáo xứ cũng nhớ đến những ân nhân, những chủ chăn đã từng phục vụ tại giáo xứ và tất cả những ai đã góp phần xây dựng giáo xứ, ngay từ buổi mới thành lập cho đến ngày nay.”

Qua phần chia sẻ Tin Mừng,Linh mục chánh xứ Barnaba trình bày hình ảnh Gia đình trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa.Trước tiên,Thiên Chúa chọn gia đình ông Abraham và ban cho ông một dòng dõi đông đúc.Ông Abraham được xem là cha của những kẻ tin.Dù gặp rất nhiều thử thách,nhưng ông vẫn một lòng trung thành với Thiên Chúa.Ngài đã ban cho ông một người con ở tuổi xế chiều- Isaac.Ông có một lòng tin mạnh mẽ mà nhiều khi chúng ta không có,dù không thấy trước điều gì nhưng ông vẫn tin.Thiên Chúa đã thử thách ông Abraham,muốn ông dâng hiến người con duy nhất làm của lễ cho Ngài.Thế nhưng,hình ảnh đó là cái chết của Đức Giêsu,của lễ dâng tiến Chúa Cha với lòng vâng phục và khiêm hạ tận cùng.

Đức Giêsu đã sinh ra trong một gia đình nhân loại ở Nagiaét,Đức Maria và Thánh Giuse, các thành viên gia đình thánh đã luôn chu toàn bổn phận của mình,qua trách nhiệm của người cha,người mẹ và người làm con trong gia đình.Nhất là gia đình Nagiarét đã làm vui lòng Thiên Chúa, luôn thờ phượng Chúa.Một gia đình tuyệt vời cho các gia đình Công Giáo chúng ta noi theo,Thánh Giuse và Đức Maria luôn đặt Thiên Chúa làm trung tâm của đời sống.

Truyền thống gia đình ngày nay đang bị suy thoái,tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, con cái bị bỏ rơi, mất niềm tin vào cuộc sống.Vì thế,chúng ta làm sao để gia đìnhluôn lành mạnh thì xã hội mới tốt đẹp.Gia đình là nền tảng xã hội.Vì chỉ ở nơi gia đình là điểm tựa cho con cái.Điều quan trọng, chúng ta phải làm cho tình yêu hiện diện trong gia đình mình,nhờ đó mà những đứa trẻ được chăm sóc dạy dỗ và lớn lên trong tình yêu thương.Ước gì gia đình luôn là tổ ấm yêu thương, trường dạy đức tin,nơi cha mẹ tận tình yêu thương nhau và con cái ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ.Hơn nữa, chính trong gia đình Công Giáo mà con cái được hướng dẫn về đức tin,qua tấm gương tốt lành của cha mẹ.Cha mẹ là những nhà giáo dục con, để con cái bước vào đời một cách trưởng thành vững vàng hơn.Người cha, người mẹ và con cái,ai cũng có bổn phận lo cho nhau trong đời sống gia đình.

Linh mục chánh xứ kết luận: “Xin cho mỗi gia đình chúng ta biết hướng về Thiên Chúa,để gia đình có được niềm vui và bình an đích thực.Xin cho các gia đình luôn là tổ ấm yêu thương cho con cái”

Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể và kết thúc vào lúc 18g 30.

Xin Chúa cho cộng đoàn giáo xứ Thăng Long luôn là một gia đình yêu thương,hiệp nhất và là cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa,mọi người luôn sống hết lòng cho nhau.

Martinô Lê Hoàng Vũ

 
Xuân Lộc: Thánh Lễ Khai Mạc Năm Kính Thánh Giuse
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
12:07 28/12/2020
Sáng Thứ Bảy, 26/12/2020, tại Nhà Thờ Chánh Tòa, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận đã chủ tế Thánh Lễ Kính Thánh Giuse để Khai Mạc Năm Kính Thánh Giuse của Giáo Phận, như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư Patris Corde ban hành ngày 8/ /12/ /2020.

Cùng đồng tế với Đức Cha Chánh Giáo phận trong Thánh Lễ đặc biệt này, có Đức Cha Phụ Tá Gioan, Đức Cha Cố Đa Minh, quý Cha ban tư vấn, quý Cha quản hạt, và quý Cha. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của quý tu sĩ, quý thầy chủng sinh, và nhiều ông bà, anh chị em giáo dân, đại diện các quý giới, hội đoàn trong Giáo phận.

Xem Hình

Để Thánh Lễ được thêm trang trọng và sốt sắng, cộng đoàn đã cùng hiệp thông với nghi thức rước kiệu Thánh Giuse và đoàn đồng tế từ khuôn viên nhà xứ Chánh Tòa vào trong Nhà thờ. Tham dự nghi thức rước kiệu, có lẽ, mọi người sẽ nhận ra nơi mình một tâm tình kính mến dành cho Thánh Giuse và vui mừng cùng ngài, vì Thánh Giuse có được diễm phúc trở nên “Đấng Gìn giữ Đấng Cứu Thế, Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria.”

Sau nghi thức xông hương bàn thờ và dấu Thánh Giá bắt đầu Thánh Lễ của Đức Cha Chủ Tế, Cha Chưởng Ấn của Giáo phận đã long trọng đọc trích đoạn Tông thư Patris Corde của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân kỷ niệm 150 năm tôn vinh Thánh Giuse là bổn mạng Hội Thánh, cũng như về việc cử hành Năm Kính Thánh Giuse. “…Mục đích của Tông thư này là làm cho chúng ta thêm lòng yêu mến Thánh cả, khuyến khích cầu xin ngài chuyển cầu cho chúng ta và noi gương các nhân đức và lòng nhiệt thành của ngài […] Vậy chúng ta hãy cầu xin với Thánh Giuse ban cho chúng ta ơn của các ơn: đó là ơn hoán cải.”

Ngỏ lời với toàn thể mọi thành phần dân Chúa đang hiện diện trực tiếp và hiệp thông gián tiếp trong Thánh Lễ được phát trực tuyến, Đức Cha Chánh Giáo phận nói lên ý lễ và mời gọi sự hiệp thông của toàn thể gia đình Giáo phận “Hôm nay, chúng ta cùng tụ họp nhau nơi đây để cử hành Thánh Lễ Kính Thánh Giuse, Quan Thầy của Giáo phận chúng ta, và đặc biệt đại diện cho Giáo phận khai mạc Năm Kính Thánh Giuse như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cho toàn thể Giáo Hội Hoàn Vũ. Với niềm vui hân hoan của Lễ Giáng Sinh, chúng ta tôn kính Thánh Giuse và phó dâng vào lời cầu bầu của Ngài: Giáo phận, giáo xứ, các gia đình, các hội dòng và tất cả mọi anh chị em giáo hữu giáo phận chúng ta…”

Đảm nhận bài giảng trong Thánh Lễ, Đức Cha Phụ Tá Gioan đã dựa vào Kinh Thánh, nhất là nơi các sách Tin Mừng, và Tông Thư Patris Corde – Với Trái Tim Người Cha- của Đức Thánh Cha Phanxicô để chia sẻ suy niệm, mời gọi mọi người chiêm ngắm chân dung Thánh Giuse với ba điểm chính: sự vĩ đại của Thánh Giuse: là bạn trăm năm của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu; Thánh Giuse phục vụ toàn thể công trình cứu rỗi khi Ngài phục vụ Chúa Giêsu và Mẹ Người; vững niềm cậy trông nơi Thánh Cả Giuse.

Sự vĩ đại của Thánh Giuse được Đức Cha nói đến rằng “Nếu chúng ta chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, để biết Người là ai, và chiêm ngắm xem Đức Maria là ai, thì chúng ta sẽ nhận biết Thánh Giuse là ai”. Để làm nổi bật ý suy niệm “Hài Nhi Giêsu là ai”, Đức Cha đã dùng các đoạn Tin Mừng hay toàn bộ nội dung của một sách Tin Mừng để dẫn giải điều này. Nếu trong Lời Tựa của Gioan (1, 1-3), Thánh sử Gioan đã xác tín mạnh mẽ: Hài Nhi Giêsu chính là Ngôi Lời, Đấng từ Thiên Chúa đến trần gian, trở thành xác phàm để mạc khải cho con người biết về Thiên Chúa. Còn nơi toàn bộ nội dung của Tin Mừng thứ ba, Thánh sử Luca cho biết “Chúa Giêsu là con của A đam, là Thiên Chúa”. Và nơi Tin Mừng Mathêu, Đức Cha nói rằng, Thánh sử đặt Chúa Giêsu vào lịch sử cứu độ “Chúa Giêsu con của vua Đa vít, con của Abraham […] Chúa Giêsu từ lòng Cha đến trong nhân loại, là Thiên Chúa và là người thật.” Kết luận ý suy niệm đầu tiên, Đức Cha nói “Vì thế, chúng ta hiểu Thánh Giuse là ai bên cạnh Chúa Giêsu và Mẹ Người.” Chia sẻ tiếp ý thứ hai, dựa vào Tông thư Patris Corde, Đức Cha đã nhắc lại ý suy niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói đến bốn giấc mơ của Thánh Giuse, mà trong đó, Thánh Giuse luôn vâng theo và thực hiện những gì Thiên Chúa truyền. Để rồi, Thánh Giuse cũng đang chăm sóc Hội Thánh vì “Hội Thánh là sự tiếp nối Nhiệm Thể Chúa Kitô trong lịch sử, cũng như tư cách làm mẹ của Đức Maria được phản ánh trong tư cách Mẹ của Hội Thánh. Khi tiếp tục bảo vệ Hội Thánh, Thánh Giuse tiếp tục bảo vệ Hài nhi và mẹ Người, và cả chúng ta nữa, khi yêu mến Giáo hội, là chúng ta tiếp tục yêu Hài nhi Giêsu và mẹ Người.” Từ các suy niệm tràn đầy ý nghĩa thần học, Đức Cha chuyển đi tới những gì phải và mời gọi mọi người “vững niềm cậy trông nơi Thánh Cả qua những điều đã suy niệm”. Hành trình sống theo mẫu gương của Thánh Giuse được Đức Cha cụ thể qua ba điều: nỗ lực sống với trái tim người cha như Thánh Giuse; luôn nghe theo tiếng Chúa và chu toàn ý Chúa muốn ngay cả khi bước đi trong đêm tối; và sống ơn gọi một người cha để người thân trong gia đình được lớn lên, để bản thân và gia đình trở thành dấu chỉ của lòng thương xót.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Cha Chánh Giáo phận đã gửi đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa sứ điệp và tâm tình của Ngài trong ngày khai mạc Năm Kính Thánh Giuse của Giáo Phận. “Ngày hôm nay Thứ Bảy, 26/12/2020, chúng ta dâng lễ Kính Thánh Giuse tại Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận với sự hiện diện của quý Đức Cha, quý Cha ban tư vấn, quý cha quản hạt, quý cha, quý bề trên, quý tu sĩ, quý chức ban hành giáo, quý thầy chủng sinh, đại diện các giới, các hội đoàn và nhiều anh chị em giáo hữu. Qua đây, chúng ta muốn thay mặt cho toàn thể Giáo phận để khai mạc Năm Kính Thánh Giuse và bắt đầu sống tinh thần Năm kính Thánh Giuse ngay từ ngày hôm nay.” Giải thích lý do chọn ngày khai mạc Năm Kính Thánh Giuse các giáo xứ, giáo họ và dòng tu vào Lễ Kính Thánh Gia Thất, Đức Cha nói rằng “Từ việc nêu cao gương vai trò làm cha của Thánh Giuse, xin Ngài hướng dẫn các người cha chu toàn trách nhiệm chủ chăn, như sứ mệnh được Thiên Chúa trao phó, nêu gương và hướng dẫn gia đình của mình thay mặt cho Chúa”. Đồng thời, là để “phó thác cho Thánh Gia Thất các gia đình trong Giáo phận, đặc biệt các gia đình đang gặp khó khăn về đời sống đức tin, tinh thần, và vật chất, những gia đình có nguy cơ tan vỡ; phó thác cho Thánh Gia Thất chương trình mục vụ, sống đạo của Giáo phận.” Cũng trong sứ điệp này, ngoài những điều kiện để lãnh ơn Toàn xá, Đức Cha Chánh Giáo phận nhắc nhớ mọi người hãy suy niệm và bắt chước về đời sống thánh thiện của Thánh Giuse “nhằm được gia tăng lòng say mến Chúa Giêsu, thấm nhuần lòng thương xót của Thiên Chúa biến gia đình thành mái ấm của lòng thương xót, giáo xứ và giáo phận trở thành thánh địa của lòng thương xót.” Riêng đối với quý cha, quý tu sĩ, đặc biệt các cha xứ, Đức Cha mong muốn các ngài “sẽ thúc đẩy cộng đoàn dân Chúa trong nỗ lực sống theo tinh thần Năm Kính Thánh Giuse.”

Sau phép lành trọng thể cuối lễ, Đức Cha Chánh và Đức Cha Phụ Tá đã dâng hoa, nến kính Thánh Giuse và cùng với cộng đoàn dâng lời kinh Kính Thánh Giuse.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Bữa Cơm Huynh Đệ Lần Thứ 18 – Mái Ấm Tình Thương Lagi Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
12:53 28/12/2020
Năm nay, lần thứ 18, Mái Ấm Tình Thương Lagi tổ chức “Bữa Cơm Huynh Đệ”, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo phận Phan thiết đến chủ tế Thánh lễ Tạ Ơn nhân ngày lễ các “Thánh Anh Hài” và trao quà cho người nghèo.

Có hơn 700 vị khách quý với hoàn cảnh đặc biệt đã có mặt tại Mái Ấm. Những vị khách quý ấy đến từ các Giáo xứ Võ Đắt, Bưng Riềng,Tân Thắng, Mân Côi, Tin Mừng, Hiệp An, Tân Tiến, Tân Bình, Tân Lý, Khánh Hội, Phước Hội, Tân Lập,Tân An, Tân Tạo, Tân nghĩa, Hiệp Đức, Thánh Tâm. Họ là những người khó khăn, khuyết tật, già yếu, bệnh tật quy tụ về khuôn viên Mái Ấm dưới sự hướng dẫn chu đáo của quý sơ HD MTG Nha Trang, các thành viên mến thánh giá tại thế và những người thiện nguyện.

Xem Hình

Chương trình đón tiếp được bắt đầu từ 7g sáng, nhưng mới 6g, cổng nhà cô nhi viện Mái Ấm Tình Thương đã như một bức tranh sống động. Mỗi “Vị Khách Quý” là một chi tiết họa nên nhiều hình ảnh phong phú với nhiều sắc màu khác nhau, nhưng điềm tĩnh và lắng đọng, bởi họ là những người nghèo rất nghèo và khổ rất khổ.

Từ sáng sớm, quý nữ tu phục vụ tại MATT, quý nữ tu các cộng đoàn MTG Nha Trang vùng Hàm Tân, cùng quý anh chị em Hiệp Hội Mến Thánh Giá Nha Trang đã tươi cười hiện diện tại cổng vào Mái Ấm cùng với những chiếc xe lăn, xe đẩy để di chuyển quý ông bà anh chị em vào. Sự mệt nhọc không đáng là gì so với niềm vui của những người được phục vụ. Hiệp thông trong việc phục vụ này còn có sự hiện diện rất vui vẻ nhiệt tình của Cha quản xứ Giáo xứ Đồng Tiến. Ngài cũng có một chiếc xe đẩy để đưa những “Vị Khách Quý” tiến vào Mái Ấm.

Đúng 9g ngày 28/12, Thánh Lễ kính các Thánh Anh Hài tử đạo bắt đầu. Đức Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết chủ tế, cha Antôn Lê Minh Tuấn, Hạt trưởng hạt Hàm Tân cùng với một số Cha đồng tế.

Đức cha ngỏ lời với cộng đoàn

Kính chào Quý cha Quản hạt, Quý cha Bề trên, Quý cha, Quý Bề Trên, Quý Tu sĩ nam nữ, Quý ông bà anh chị em. Đặc biệt kính chào: Soeur Phụ trách Dòng MTG, Quý soeurs, Quý nhân viên, Quý ân nhân và các em Mái Ấm Tình Thương – Lagi.

Hôm nay, chúng ta họp mặt đông đảo tại Mái Ám Tình Thương - Lagi, thuộc Hội Dòng MTG Nha Trang trong Thánh Lễ Tạ ơn - nhân ngày lễ các “Thánh Anh Hài” và “bữa cơm huynh đệ” của buổi Họp Mặt Huynh Đệ Lần thứ 18.

Khi ca mừng các hài nhi bị vua Hêrôđê sát hại như là những anh hùng tử đạo, phụng vụ Giáo Hội giúp chúng ta thấu hiểu bản chất của chứng tá tột đỉnh này. Đó là“Các em làm chứng cho Thiên Chúa bằng cái chết của mình, các em ca khen Thiên Chúa dù chưa biết nói thành lời.”

Trong thánh lễ hôm nay, nhân dịp Họp Mặt Huynh Đệ Lần thứ 18 tại Mái Ấm Tình Thương - Lagi, chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành của Thiên Chúa đã ban cho Mái Ấm Tình Thương - Lagi trong những năm qua. Chúng ta tạ ơn và cầu bình an cho gia đình Mái Ấm ngày bổn mạng các Thánh Anh Hài, chúng ta cũng cầu bình an cho những người phận nhỏ hiện diện trong ngày hôm nay. Xin Chúa thương đồng hành và nâng đỡ Mái Ấm Tình Thương này, để Mái Ấm luôn là nơi biểu lộ Tình Thương của Thiên Chúa đến cho những con người yếu đuối, cụ thể là những trẻ em, những người thiếu may mắn, đang gặp khó khăn và các em sơ sinh đang gặp khó khăn ngay từ lúc con ở trong lòng mẹ.

Chúng ta cũng không quên tất cả các ân nhân của Mái Ấm, những vị còn sống cũng như nhũng vị đã qua đời.

Giờ đây, chúng ta bắt đầu dâng Thánh Lễ với tâm tình chân thành sám hối, vì những lỗi lầm thiếu sót đối với Chúa, đối với chính bản thân và anh chị em xung quanh.

Đức cha giảng lễ:

1. Ngay trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, với niềm vui còn rất mới, Giáo Hội đã mời gọi chúng ta nhớ đến cái chết của các Thánh Anh Hài.

Đã có người từng cật vấn “Nếu Chúa đến đem bình an qua sự Giáng Sinh của Ngài, thì tại sao bao trẻ thơ bị giết chết?”

Quả là một câu hỏi nhức nhối và đau thấu tận tâm can.

Nếu đêm Giáng Sinh, các mục đồng, Ba Vua đến thờ lạy, các thiên thần hát ca “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”... thì ngay sau đó, bao tiếng khóc của các bà mẹ khóc thương con mình vi chúng bị giết chết “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ui, vì chúng không còn nữa.” (Mt 2,18).

2. Nguyên nhân của những đau thương, than khóc này từ dâu?

Nếu hôm xưa, tại vùng đất Do Thái xưa có một Hêrôđê chỉ vì ích kỷ, tham vọng, chỉ vì bảo vệ ngai vàng của mình... đã trở nên bạo tàn, trở thành kẻ giết người hàng loạt, giết những trẻ thơ, những con người không thể bảo vệ mình.

Thì hôm nay, có biết bao nhiêu “hêrôđê” khác nữa, cũng đang giết hại nhiêu trẻ thơ vì sự ích kỷ của chính mình. Có biết bao “hêrôđê” - cả nam lẫn nữ - đã bị ánh hương bời một “nền vãn hóa vứt bỏ”, săn sàng giet c e con trẻ ngay còn trong lòng mẹ.

“Nền văn hỏa vứt bỏ” này mỗi ngày dường như đang bành trướng trong xã hội, con người hôm nay: họ không chỉ loại bỏ đồ vật... nhưng họ đã loại bỏ con người một cách dã man và tàn bạo.

Thực vậy, thế giới hôm nay vẫn có bao trẻ thơ chết vì bị giết. Có những trẻ thơ chết trong lòng mẹ, chết vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì bệnh tật.

Có những trẻ em phải nghỉ học để đi làm, bị bóc lột bởi chủ nhân. Có những em bị lạm dụng, bị bỏ rơi, tuổi thơ bị cướp mất.

Nơi những em này, ta thấy hình bóng của Các Thánh Anh Hài, và thấy cả khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu ngây thơ vô tội.

3. Chính vì ghen tuông sợ mất địa vị mà vua Hêrôđê năm xưa đã phạm tội nhơ nhớp hiếm có trong lịch sử. Vua đang tâm làm một việc dã man như thế với hy vọng sẽ thủ tiêu được con trẻ Giêsu. Nhưng vua đã nhầm!

Thiên Chúa có cách bảo vệ cho Con của Ngài. Thiên Chúa đã âm thầm mời gọi và có những con người cộng tác lắng nghe. Trước hết là ba vị đạo sĩ, phúc âm kể lại: “họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình”. Trực tiếp nhất là thánh Giuse và Mẹ Maria. Sứ thần báo mộng cho ông. Khi được báo, ông đã trỗi dậy giữa đêm khuya và lên đường để đưa Hài Nhi và Mẹ Maria trốn qua Ai Cập. Cuộc trốn chạy vội vã trong đêm với những lo sợ, thiếu thốn, vất vả. Và tại đất khách quê người bên Ai cập, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã bảo vệ Hài Nhi Giêsu được an toàn lớn lên..

4. Kính thưa cộng đoàn,

Sứ điệp của thiên thần Chúa năm xưa gởi cho các vị đạo sĩ và Thánh Giuse trong giấc ngủ ban đêm vẫn còn vang lên hôm nay, cụ thể tại Mái Ấm Tình Thương Lagi này, nhằm bảo vệ sự sống nơi thai nhi, nơi các trẻ em. Các em có quyền được sống, được giáo dục.

Tôi được biết, tại Mái ấm Tình thương này

- Chôn cất gần 32.000 thai nhi.

- Thuyết phục các thiếu nữ lầm lỡ mang thai, ẩn mình tại Mái Âm để giữ lại cháu bé.

- Nuôi dưỡng các cháu cô nhi (Cứu sống 211 cháu, cho mẹ nhận lại và hòa nhập cộng đồng 112, hiện đang nuôi dưỡng 99 cháu).

5. Kính thưa cộng đoàn,

Ngày hôm nay, toàn thể Giáo Hội kính nhớ lễ các Thánh Anh Hài, qua đó Giáo Hội đang tuyên xưng tình thương của Thiên Chúa đối với trẻ em. Biết bao nhiêu cá nhân, tổ chức, dòng tu, giáo xứ, cụ thể như Mái Ấm Tình Thương – Lagi này đã lắng nghe lời chúa đang ngỏ âm thầm trong cuộc sống, và bao nhiêu người, các ân nhân xa gần, những người đã âm thầm cách này, cách khác nghe được Thiên Chúa qua một cách nào đó xem ra có vẻ mơ hồ như một giấc mơ, một cuộc gặp gỡ, một cuộc trao đổi, thế nhưng tất cả các vị đó bao nhiêu năm qua, như tại Mái Ấm này 24 năm (từ năm 1996 đến nay), đã cộng tác, giúp đỡ để thực hiện được chương trình cứu và giúp đỡ, nuôi dưỡng các thai nhi và các trẻ thơ. Cũng như năm xưa Thiên Chúa đã đồng hành, hướng dẫn và nâng đỡ Thánh Giuse và gia đình nazarét, hôm nay chúng ta hướng dẫn và đồng hành với thế giới ngày hôm nay. Trên thế giới có rất nhiều Mái Ấm như thế này, những Mái Ấm rất nhỏ, gồm những con người, cá nhân, tập thể, cộng đoàn vẫn đang đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để bảo vệ sự sống. Trong Thánh Lễ Năm nay, chúng ta dâng lên Thiên Chúa tất cả lời cảm tạ, vì Chúa đã đến ở với chúng ta qua Hài Nhi Giêsu, chia sẻ cuộc sống vất vả như chúng ta, Chúa Giêsu cũng bị đe dọa giết chết. Nhưng có Đức Mẹ, Thánh Giuse, ba nhà đạo sĩ đã cộng tác bảo vệ Ngài. Xin Thiên Chúa tiếp tục nâng đỡ, bảo vệ các em qua những người quảng đại đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để cộng tác vào việc bảo vệ các em, nuôi dưỡng các em. Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng và Các Thánh Anh Hài, xin chúc lành cho tất cả chúng con. Amen.

Hiệp thông trong Thánh Lễ có những vị khách không cùng tôn giáo cũng trầm ngâm, chú tâm tham dự, đó như là cử chỉ hiệp thông sâu xa trong tình liên đới. Đến phần hiệp lễ, quý cha đem mình Thánh Chúa đến trao tân từng người teo cơ chân, liệt đôi tay, khiếm khuyết thân thể tại bàn ăn. Hình ảnh thật đẹp đong đầy ý nghĩa yêu thương tình Chúa tình người.

Sau thánh lễ là bữa tiệc tròn đầy yêu thương – thịnh soạn được dọn ra cùng với sự phục vụ tận tụy của quý nữ tu và các chị em mến thánh giá tại thế.

Màn trống khai mạc do các em cô nhi biểu diễn kết thúc, Chị Tổng phụ trách dòng MTG Nha trang dâng lời tri ân Đức cha và dâng hoa tươi tỏ lòng hiếu thảo. Đức cha Giuse ban huấn từ và thánh hóa bữa ăn.

Cha Giuse Linh hướng chia sẻ đôi tâm tình và khai mạc chương trình văn nghệ giúp vui.Các tiết mục rộn rã được tiếp tục ngay sau đó. Một chương trình đặc sắc mừng Chúa Giáng Sinh do các cháu cô nhi của Mái Ấm biểu diễn đem nhiều niềm vui ấm áp cho những người bất hạnh.Tất cả tạo nên bầu khí vừa vui nhộn vừa xúc động đến rơi lệ xuyến xang lòng người.

Nữ Tu Maria Nguyễn Thị Thanh Mai thay mặt Mái Ấm Tình Thương gửi lời tâm tình đến quý Cha, quý Ân Nhân, quý khách. Cảm ơn lời cầu nguyện và sự hiện diện dâng thánh lễ của quý cha, sự đồng hành yêu thương, giúp đỡ của quý ân nhân trong suốt chặng đường 23 năm phục vụ, trong đó với 13 năm công việc bảo vệ sự sống. Nhìn lại hoạt động những năm qua của Mái Ấm: Chôn cất giữ thai nhi, cải táng những nấm mồ vô chủ, nhà tình thương, bò tình thương, cứu sống và nuôi dưỡng các cháu cô nhi, nồi cháo tình thương tại bệnh viện Lagi, cấp dưỡng sinh hoạt hàng tháng cho người khuyết tật già cả neo đơn.

Sau tiệc mừng, quý nữ tu cùng với quý ân nhân trao gởi mỗi “Vị Khách Quý” 1 phong thư 600.000đ cùng 1 gói quà gồm có: 1 bộ nồi Inox và mền ấm, sữa và đường. Những phần quà đã được quý nữ tu MATT, cùng với sự giúp sức nhiệt tình của các cháu cô nhi, chuẩn bị sẵn sàng từ nhiều ngày trước đó.

Hôm nay những vị khách quý nghe tin nên “không mời cũng đến”rất đông. Các Nữ tu thương nên đã chia sẻ cho họ thêm 110 phần quà. Ai cũng vui vẻ cám ơn chân thành.

Trong suốt năm qua, nhiều thiên tai, đại dịch Covid -19 hoành hành, rồi những cơn bão lũ lại ập xuống miền Trung để lại nhiều mất mát tang thương. Nhưng quý vị ân nhân dầu gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh vẫn yêu thương quảng đại tài trợ cho bữa tiệc huynh đệ này.



Bữa tiệc kết thúc lúc 12g, mọi người ra về mang theo hơi ấm của tình thương của Chúa Hài Đồng được toả lan từ những con tim biết yêu thương, nhóm lên ngọn lửa của niềm tin và hy vọng thôi thúc những mảnh đời bất hạnh luôn sống mạnh mẽ cho những tháng ngày phía trước.

Tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Tình Yêu của Ngôi Lời Giáng Thế vẫn luôn chiếu sáng và sưởi ấm cho nhân loại. Xin Tri Ân Tình Chúa - Cám Ơn Tình Người khắp muôn nơi.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang: Lễ Giáng Sinh 2020 ấm áp cho người nghèo
Hồng Hương
21:33 28/12/2020
Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang: Lễ Giáng Sinh 2020 ấm áp cho người nghèo

“Kính chúc Bà, kính chúc Ông và Gia đìnhđược An Lành – Thánh Đức trong Tình yêu của Chúa Hài Đồng, của Đức Mẹ Khiết Tâm trong Mùa Giáng Sinh và Năm Mới 2021”. Những cánh thiệp Noel cùng các phần Quà Giáng Sinh được các chị em Khiết Tâm Đức Mẹ trao tận tay tại nhà những người có hoàn cảnh khó khăn. Dù mưa bão vẫn không ngừng, sự thăm viếng của chị em Khiết Tâm trong Lễ Giáng Sinh 2020 mang theo hơi ấm tình Chúa tình người đến với các gia đình.

Xem Hình

Vùng sơn cước Tầm Ngân – Sông Pha: Áo ấm cho con, gạo mùng mền cho mẹ

Đáp lại lời ngỏ của các sơ Khiết Tâm Đức Mẹ tại giáo xứ Tầm Ngân (Ninh Sơn – Ninh Thuận), buôn làng vui mừng được đón tiếp quý ân nhân và thân nhân từ Sài Gòn trên đã đến trao tặng 300 áo ấm cho các cháu thiếu nhi, hàng trăm phần quà là mùng mền và hàng ngàn phần quà là thực phẩm cho các gia đình dân tộc nghèo. Một số ân nhân tại Phan Rang cũng gửi bánh kẹo lên cho các cháu.

Niềm vui đong đầy trong mắt mọi người. Thật sự ấm lòng cho các sơ Khiết Tâm và bà con dân tộc nơi đây khi mà dịch bệnh Covid gây thất nghiệp và mưa bão làm thiệt hại mùa màng.

Núi đồi Khánh Vĩnh đón chị em Khiết Tâm Đức Mẹ “cõng gạo về làng”

Các sơ Khiết Tâm Đức Mẹ cộng đoàn Niềm Tin – Đại Điền và cộng đoàn Khiết Tâm Mẹ Nhân Lành – Khánh Vĩnh đã đến với bà con dân tộc tại một số nơi trong huyện Khánh Vĩnh thăm viếng và trao tặng quà cho bà con nghèo. Vượt qua những chặng đường gập gềnh để đến trao quà cho các cụ già và người bệnh. Các sơ cũng trao cho bà con những lời động viên an ủi, có đôi khi là cái bắt tay thật chặt khi “cả đôi bên chẳng hiểu nhau nói gì” bất đồng ngôn ngữ.

Nhà Mẹ Khiết Tâm - Bình Cang sau lũ vẫn trao đi những chia sẻ yêu thương.

Bà cụ Nhiên 88 tuổi, ông cụ chồng bà cũng 88 tuổi bị liệt giường là “nhà hàng xóm” đâu tiên nhận Quà Giáng Sinh của cộng đoàn nhà Mẹ Khiết Tâm. Bà cụ hai tay run run nhận gói quà mà ngậm ngùi rơi nước mắt nói: “Nhà dòng bị ngập lụt, ruộng lúa không làm được, các sơ và các em thì đông phải lo cái ăn, mà còn cho quà vợ chồng con. Thật chúng con không biết làm sao cảm ơn nhà dòng. Chúng con chỉ biết cầu xin Chúa thương che chở nhà dòng và các sơ”.

Bà cụ Nhành 92 tuổi thì nắm tay các cô Thanh Tuyển Khiết Tâm trò chuyện mãi không thôi. Bà nói: “Các cháu phải theo Chúa theo Đức Mẹ, theo các sơ để đi tu cho trọn. Đi tu để có thể giúp đỡ người già cả, nghèo khổ và bệnh tật như bà đây”.

Bà Xanh, 79 tuổi, theo đạo Phật, thì nhất quyết đến nhà Dòng nhận quà vì “để bà đến nhà dòng xem hang đá của các sơ”. Bà hàng ngay đi nhặt ve chai nuôi 1 con trai tâm thần và 1 cháu trai còn nhỏ đang đi học. Phần quà Giáng Sinh đối với gia đình bà thật cần thiết.

Chị em Khiết Tâm cũng lần lượt đến tặng các phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn khác không phân biệt lương giáo tại địa phương và các vùng lân cận.

Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời

Bình An dưới thế cho người thiện tâm

Dù cho mưa vẫn rơi và không khí lạnh lẽo do ảnh hưởng bão, Lễ Chúa Giáng Sinh 2020 vẫn ấm áp tình Chúa tình người nơi các cộng đoàn Khiết Tâm Đức Mẹ. Dù tất bật với các công việc chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, niềm vui của chị em Khiết Tâm vẫn là các cuộc thăm viếng những người nghèo đang cần được quan tâm giúp đỡ. Và nhất là khi tâm hồn mỗi chi em Khiết Tâm đã chuẩn bị trang hoàng đẹp để đón mừng Chúa đến.

Xin chân thành cảm ơn Quý Ân Nhân và Thân Nhân, Hội Hồng Ân, Quỹ Gạo Người Nghèo đã luôn quảng đại chia sẻ và cộng tác để các nữ tu Khiết Tâm Đức Mẹ có thể đem niềm vui đến với bà con nghèo.

Kính chúc tất cả mọi người Mùa Giáng Sinh và Năm Mới 2021 được An Lành – Thánh Đức và luôn tràn đầy Hồng Ân của Thiên Chúa và Mẹ Khiết Tâm.

Hồng Hương
 
Văn Hóa
Giáng Sinh Đơn Sơ Năm 2020
Lm. Nguyễn Trung Tây
02:28 28/12/2020
Giáng Sinh 2020 về. Trời phố cao nguyên Tagaytay của Philippines như thường lệ vẫn nóng. Nhiều hôm hơi ẩm đọc được trên màn ảnh điện thoại xấp xỉ con số 100. Riêng em, cô sinh viên xứ Quảng bị kẹt lại ở xứ Phi vì đại dịch Covid-19, không về Việt Nam ăn Noel được. Chiều Chúa Nhật thứ Tư mùa Vọng, sau thánh lễ giãn cách và khẩu trang, gặp tôi, em mặt buồn thiu. Em than ngắn thở dài, “Năm nay Giáng Sinh không có gì vui!” Tôi quen lệ, nói ngay, “Vẫn có nhiều niềm vui đấy chứ…” Tôi đang dự tính nói tiếp, “Bố mẹ còn sống sót sau mùa lũ tháng 11 nhé! Mấy con trâu còn nguyên trong chuồng nè! Thôn làng đang từ từ hồi sinh…” Nhưng tôi ngưng ngang những lời an ủi. Tôi biết mình đang sáo mòn ngôn từ. Thật nhanh, tôi nghĩ tới một nét đặc biệt khác của Giáng Sinh để an ủi em và cũng là để an ủi chính mình.

Tháng 12 năm nay đặc biệt quá. Cũng bởi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán. Rồi thật nhanh lan ra khắp thế giới, Nam Hàn, Ý, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, Nga, Việt Nam, Philippines, v.v… Thoạt tiên chỉ riêng Vũ Hán bị “lockdown.” Nhưng rồi Hoa Kỳ, Philippines, Việt Nam kẻ trước người sau, lần lượt đóng cửa đường biên giới. Thế giới “lockdown” hoặc “shelter-in-place" gần như khắp nơi. Không thương xá! Không du lịch! Không thánh lễ! Công trường thánh Phêrô, bình thường rộn ràng người. Thật bất ngờ, trống trơn không còn ai, ngoại trừ Đức Giáo Hoàng Francis một mình một bóng đứng lặng lẽ bên khung cửa. Mùa Chay 2020 quay về, nhưng giáo đường gần như cửa đóng then cài. Tuần Thánh cũng thế! Đến ngày hôm nay, nhiều nơi vẫn còn bị “lockdown” hoặc “stay-at-home” hoặc “quarantine.”

Giáng Sinh Philippines: Đơn Sơ

Bởi đại dịch, mùa Giáng Sinh ở Philippines bị ảnh hưởng nặng nề. Người Philippines đón mùa Noel từ tháng 9 - bởi thế người dân Phi vẫn nửa đùa nửa thật nói với nhau, “Philippines là quốc gia có mùa Giáng Sinh dài nhất thế giới.” Thông thường, ngay từ ngày đầu tiên của tháng 9, nước Phi khởi sắc với không khí Noel. Vô thương xá, thiên hạ bắt đầu được lắng nghe nhạc Noel vang vang, “I’m dreaming of a white Christmas…” Bước ra đường, đèn ngôi sao treo cao trên những cây cột điện dọc theo hai bên đường bật sáng một khoảng trời đêm đen. Tuần chín ngày mừng Giáng Sinh (tiếng Tagalog gọi “Simbang Gabi”), người dân Phi, từ già tới trẻ, từ thanh niên tới thiếu nữ đều thức dậy sớm. Người nghèo đi bộ, dân giàu lái xe; người người kéo tới chật cứng giáo đường lúc 5 giờ sáng tham dự thánh lễ chín ngày. Nhưng rất tiếc, bởi đại dịch Covid-19, tháng 12 năm nay thương xá vẫn hạn chế người ra vô. Philippines có một khoảng thời gian đạt tỷ số người nhiễm Coronavirus cao nhất vùng Đông Nam Á. Bởi tình hình “quarantine” một phần hay toàn phần tại Philippines, tuần chín ngày “Simbang Gabi” trước đại lễ Giáng Sinh được tổ chức “online.” Có nơi thánh lễ Simbang Gabi trong nhà thờ. Nhưng cũng phải hạn chế số người tham dự. Bởi Covid-19, đảo quốc Philippines ăn mừng Giáng Sinh năm nay trong tinh thần đơn sơ.

Giáng Sinh Việt Nam: Đơn Sơ

Đại dịch ghé vào Việt Nam hai đợt, đợt đầu do một ông bố Vũ Hán du lịch vào Việt Nam thăm người con trai đang làm việc. Đợt hai bộc phát tại Đà Nẵng. Đợt ba bùng phát tại Sài Gòn. Việt Nam cũng có một thời gian bị phong tỏa. Nhà thờ cũng đóng cửa. Mùa Chay và Tuần Thánh thánh lễ “online.” Nhưng Việt Nam tương đối ổn định với Covid-19. Con số ca nhiễm và người chết bởi đại dịch được chính quyền đưa ra là một con số thấp. Có lẽ bởi người Việt quen thuộc với khẩu trang, và đeo khẩu trang thường xuyên, vi khuẩn SARS-CoV-2 dường như bị chặn. Hiện nay tại Việt Nam, thánh lễ đã mở lại. Việt Nam nhiều giáo xứ vẫn đón Giáng Sinh với hang đá, thánh ca. Nhưng những trận bão và siêu bão từ biển Đông liên tục kéo về. Người dân miền Trung tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi sống với nước lũ trong vòng một thời gian dài. Thiên tai khiến giáo dân Công Giáo tại những vùng bị nước lụt mất đi bầu không khí tưng bừng đón mừng Giáng Sinh hằng năm. Giáng Sinh Việt Nam năm nay, bởi tình hình đại dịch và thiên tai, nói chung vẫn là một Giáng Sinh đơn sơ.

Giáng Sinh Mỹ: Đơn Giản Tối Đa

Mỹ là một trong những quốc gia bị đại dịch tàn phá. Nhiều người bị nhiễm, nhiều người chết. Nước Mỹ một thời gian dài đứng đầu danh sách quốc gia bị Covid-19 tàn phá và tiếp tục đứng nhất cho tới giây phút hiện tại. Quận Los Angeles bị phong tỏa liên tục. Con số thống kê mới nhất đưa ra, cứ 10 phút có 1 bệnh nhân Covid chết tại Quận Los Angeles. Đầu tháng 12, tất cả các quận của tiểu bang Cali cũng bị phong tỏa. Quận Cam và Quận Santa Clara, nơi có nhiều người Việt định cư, ICU chật kín bệnh nhân Covid-19. Tình hình Cali cũng là tình hình chung của nước Mỹ mùa đại dịch. Bởi đại dịch, tất cả những sinh hoạt của nước Mỹ đều bị ảnh hưởng. Tiệm mở cửa, nhưng hạn chế số người. Thương xá đóng cửa. Quán ăn đóng cửa.

Bởi lệnh ở-yên-một-chỗ, Giáng Sinh năm nay nhà nào đón Giáng Sinh ở nhà đó. Không tụ tập, không ăn uống với người thân ở khác nhà. Chính quyền đề nghị người dân không bay, không thăm viếng nhau trong mùa lễ hội.

Bị phong tỏa, nhưng nhiều giáo phận kháng lệnh. Tòa án Tối Cao Hoa Kỳ cuối cùng đồng ý với quyền tự do tín ngưỡng của người Hoa Kỳ. Bởi thế, nhiều nhà thờ mở “cửa” cho thánh lễ với số người tham dự hạn chế, nhưng chỉ được ngồi ngoài sân. Thánh lễ tháng 11 tháng 12 lạnh buốt. Giáo dân nhiều người lớn tuổi ngồi ngoài sân áo ấm dầy kín. Trong suốt thánh lễ, linh mục chủ tế và giáo dân đều đeo khẩu trang kín mặt. Linh mục chủ tế trên cung thánh rửa tay liên tục trong thánh lễ. Tới giờ rước lễ, từng người từng người đứng yên tại ghế. Người người lại một lần nữa phải rửa tay thật cẩn thận trước khi rước lễ. Linh mục bước tới. Ngài cẩn thận trao Mình Thánh vào lòng bàn tay giáo dân. Thánh lễ mùa dịch cử hành nhanh nhanh tối đa, để bà con nhanh nhanh giải tán. Sau thánh lễ, không ai nói chuyện với ai. Mọi người nhanh nhanh đi ra xe, nhanh nhanh đề máy, nhanh nhanh lái thẳng về nhà. Mặc dầu vẫn mở cửa, nhưng số người chọn ở nhà tham dự thánh lễ “livestream” vẫn khá nhiều. Có lẽ bởi nỗi sợ bị lây nhiễm. Mặc dù đã có vaccine Plizer và Moderna, tình hình dịch bệnh ở Hoa Kỳ vẫn ảm đạm. Lễ Vọng Giáng Sinh nhiều nơi tổ chức sớm, 4 giờ chiều hoặc 6 giờ chiều. Hoa Kỳ năm nay đón một Giáng Sinh thật đơn sơ, rất đơn sơ.

Giáng Sinh Thế Giới: Đơn Sơ

Tháng 11. Một số thành phố lớn của Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Đức tái thiết lập lệnh phong tỏa bởi đại dịch. Tháng 12, đường biên giới với Anh bị đóng cửa, bởi chủng Covid, mới khám phá tại Anh có khả năng lây lan siêu tốc, từ 40 cho tới 50 phần trăm nhanh hơn chủng hiện thời. Úc Châu từ những ngày của tháng 3 vẫn bị Coronavirus đe dọa nặng nề. Phố lớn Melbourne Úc Châu có một khoảng thời gian rất dài đóng cửa. Trước Giáng Sinh mấy ngày, Sydney lại đóng cửa. Nga là quốc gia đứng hàng thứ tư trong danh sách những quốc gia có số người nhiễm Covid-19 cao nhất. Quốc gia Công Giáo Brazil đứng hàng thứ ba sau Ấn Độ xếp hạng hai. Mùa Giáng Sinh năm 2020 nói chung trên toàn thế giới diễn ra với hạn chế ra đường, thương xá đóng cửa, quán xá ngủ yên. Giáng Sinh về, nhưng nhiều nơi vẫn giãn cách, vẫn đeo khẩu trang. Bởi vậy, thế giới đón một mùa Giáng Sinh năm 2020 khác thường, một mùa Giáng Sinh đơn sơ.

Giáng Sinh Đầu Tiên: Đơn Sơ

Giáng Sinh của thế giới đương đại thông thường xuất hiện với hang đá đèn chớp sáng hoặc cây thông đèn màu. Nét rực rỡ của Giáng Sinh của thiên niên kỷ thứ ba đã phần nào làm lu mờ hình ảnh Giáng Sinh đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu độ, đó là một Giáng Sinh thật sự đơn sơ.

Bởi quán trọ của phố Bethlehem không còn phòng trống, tới giờ hạ sinh, Mẹ Maria lấy khăn quàng đầu bọc và đặt Hài Nhi nằm trong máng cỏ (Luke 2:7). Không hiểu thánh sử Luke muốn nhắn gửi điều gì, nhưng ngài nhắc chi tiết “máng cỏ” tới ba lần trong cùng một chương (Luke 2:7, 12, 16). Máng cỏ cho chiên lừa ăn không phải là nơi để bất cứ hài nhi nào sinh ra, nhưng Ngôi Lời đã hạ sinh nơi máng cỏ. Máng cỏ trong xã hội Do Thái vào thời đó là một hình ảnh biểu tượng của nghèo nàn, hoặc đơn sơ. Giáng Sinh đơn sơ nối tiếp với hình ảnh của những mục đồng ghé vào kính viếng Hài Nhi thánh. Mục đồng là những người thuộc giới cùng đinh trong xã hội Do Thái. Mục đồng ghé vào kính viếng Ngôi Lời hạ sinh nơi máng cỏ do đó đã tô thêm đậm nét đơn sơ của mùa Giáng Sinh đầu tiên.

Giáng Sinh Mùa Đại Dịch Covid-19

Không ai ngờ mùa đại dịch thế kỷ đã kéo dài gần một năm. Đến giờ phút này, người tín hữu vẫn đang tự hỏi, “Tại sao đại dịch xuất hiện?” hoặc, “Thiên Chúa đang muốn nói gì với con người qua đại dịch Covid-19?” Để biết Thiên Chúa muốn nói những điều gì với trần gian, Giáo Hội nói chung và chúng ta nói riêng cần một khoảng thời gian để lắng nghe và tìm hiểu. Tuy nhiên, có một thông điệp từ Thiên Chúa mà con người đã đọc được ngay sau khi thế giới bị “lockdown;” đó là, môi trường thiên nhiên đã bớt ô nhiễm hơn, cây rừng vươn cao hơn, thú vật tự do hơn khi con người bị “nhốt” nhiều hơn. Một sự thật khó mà chối cãi!

Em mến,

Chủ quán chia sẻ với em nỗi buồn bởi em không được về với gia đình ăn mừng đại lễ Giáng Sinh. Từ những ngày phố của chủ quán bị đóng cửa, cũng như em, chủ quán cũng buồn bởi bị “nhốt” trong một thời gian rất dài. Đang rộn ràng với mục vụ, đi đó đây; giờ bị khóa chân một chỗ, chủ quán cuồng chân, chán, buồn, và nản lắm! Nhưng bởi bị “nhốt,” trường học đóng cửa, mọi sinh hoạt của học viện đều dừng lại, chủ quán mới dư thừa thì giờ nhìn chăm chú qua khung cửa để nhận ra trời xanh hơn, bầu không khí trong lành hơn, và tiếng chim sẻ hót rộn ràng hơn. Nhờ thế, chủ quán mới nhận ra từ ngày con người của năm châu bị hạn chế ra đường, bầu trời sạch hơn, cây xanh mọc cao hơn, nhiều động vật được tự do đi lại hơn.

Nhìn dưới hệ quả nhà kiếng, đại dịch Covid-19 đánh thẳng vào lòng tham vô đáy của con người. Bởi lòng tham này, con người đã hăm hở tận diệt rừng xanh tàn phá biển bạc “cho một nền văn minh thượng thặng!” Không ai cản được lòng tham của con người. Nhưng vi khuẩn SARS-CoV-2 lại dư thừa khả năng làm được điều tưởng như bất khả thi này. Kể từ ngày Coronavirus xuất hiện, thật nhanh, đường xá vắng bóng xe cộ thải khí độc, trời xanh lác đác những chuyến bay (cứu hộ) ô nhiễm bầu khí quyển, cánh cửa của công xưởng thải khí độc lên trời và nhà máy đổ hóa chất ra biển đóng sập lại. Nói một cách khác, từ khi đại dịch xuất hiện, tất cả mọi sinh hoạt “bình thường” của con người: phá rừng xanh bạt ngàn, xây cao những tòa tháp văn minh thượng thặng Babel đều dừng ngang lại. Bị “nhốt” trong nhà, con người bớt hoặc không còn đi “shopping” mua những thứ không bao giờ sử dụng đến. Trần gian bớt hoặc không còn những bữa tiệc không cần thiết trong ngày hoặc cuối tuần nữa. Con người nói chung sống một đời sống đơn sơ trong mùa đại dịch Covid-19.

Nét đơn sơ mùa Giáng Sinh đại dịch nhắc nhở Giáng Sinh đầu tiên. Nét đơn sơ của máng cỏ Hài Nhi bị nhiều người tín hữu quên mất, nhưng thật bất ngờ lại được nhắc nhở bởi Coronavirus vô hình. Chưa hết, đại dịch tạo ra “lockdown” và những hệ quả xảy ra ngay sau đó (trời xanh hơn, thú vật tự do hơn) còn nhắc nhở con người về tình yêu không biên giới của Thiên Chúa; tình yêu không phân biệt này đã được chính Ngôi Lời mặc khải trong cuộc đối thoại với Nicodemus, “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi ban cho thế gian Người Con của Ngài” (John 3:16). Thế gian này không chỉ có riêng người Do Thái, nhưng bao gồm các sắc tộc khác, Việt Nam, Lào, Philippines, Mexico, Mỹ Phi Châu, v.v... Thế gian này không chỉ riêng có con người, nhưng còn có thú vật, con chó, con khỉ, con kiến, con cá, con rùa, v.v… Thế gian này không chỉ riêng có thú vật, nhưng còn cây đa, cây bàng, cây sồi, cây cỏ, cây rong biển, v.v… Nét yêu thương không biên giới này máng cỏ Tình Yêu Giáng Sinh năm 2020 một lần nữa nhắc nhở người tín hữu. Tình yêu bao la không phân biệt này, em và tu sĩ cũng như tất cả tín hữu Kitô phải có khả năng học hỏi và thực hành, tương tự như thánh Francis Assisi khó khăn đã ngợi ca và thực hành trong cuộc đời hành khất của riêng ngài. Nếu người tín hữu không bước theo bước chân của thánh Francis Assisi, không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau mùa đại dịch Covid-19.

Giáng Sinh 2020 đang về trên mặt địa cầu. Chủ quán kính chúc thân hữu của trang Chuyện TU SĨ Chuyện EM một mùa Giáng Sinh đơn sơ với tình yêu không phân biệt của Thiên Chúa. Nguyện cầu, qua Lòng Chúa Thương Xót, nhân loại vượt qua trận đại dịch với những bài học quý giá về tình liên đới giữa muôn loài thụ tạo: giữa người và người, giữa người và các loài thụ tạo còn lại. Kính chúc độc giả một mùa Giáng Sinh đơn sơ và bình dị nhưng vẫn ấm áp tình người bên nhau!
 
Các Thánh Anh Hài
Lm. Phêrô Hồng Phúc
11:46 28/12/2020
Xưa kia giữa mùa đông giá lạnh
Chốn hang lừa ảm đạm khó khăn,
Ngờ đâu diễm phuc vô song
Nửa đêm đón Chúa Hài đồng Giáng sinh!



Trời đêm ấy thanh bình đẹp lắm
Có muôn ngàn thần thánh hoan ca
Ngợi khen Chúa cả thiên toà
Vì thương nhân thế sinh ra làm người.
Rồi Thiên sứ từ trời hiện xuống
Mang nguồn tin sung sướng tuyệt vời:
Đây Ta đem đến cho đời,
Cho toàn dân biết Chúa Trời Giáng sinh.
Người dòng dõi triều đình Đa-vít
Cứ dấu đây mà biết được Người:
Hài nhi anh tuấn tuyệt vời
Đặt trong máng cỏ, vải thời bọc thân.”
Đoàn Mục tử vô cùng hạnh phúc
Được tin vui ngay lúc đầu tiên
Vội vàng tìm đến Chúa chiên
Họ đồng thờ lạy với niềm hân hoan.
Và như khắp trong toàn trái đất
Tiếng nhạc thiêng cao ngất trời xanh
Muôn ngàn sắc thái âm thanh
Hoà trong bầu khí tốt lành Be-lem.
Đoàn mục tử được xem thấy Chúa
Lòng hân hoan, hớn hở vui tươi
Trở về ca ngợi Chúa Trời
Loan tin Con Chúa cứu đời giáng sinh.
Cùng ngày ấy Thánh soi dẫn
Ba Nhà vua mãi tận phương đông
Hành trình băng núi vượt sông
Đi tìm Thiên Chúa Hài đồng Giáng sinh.
Các Ngài lấy Đức tin son sắt
Theo ngôi sao soi dắt bước đi
Hầu mong gặp Chúa Hài nhi
Vàng, hương, Mộc dược đem đi tiến Người.
Bỗng sao lạ trên trời biến mất
Ba Vua lo đưa mắt nhìn quanh
Bầu trời thăm thẳm mây xanh
Rừng sâu, suối vắng chảy quanh núi đồi.
Màn đêm tối buông rơi lạnh giá
Biết nơi nào Vua Cả sinh ra
Quê nhà thăm thẳm đường xa
Ngôi sao biến mất, đâu là hướng đi?
Nhưng tất cả chỉ vì yêu Chúa
Có ngại gì trắc trở khó khăn
Cậy trông có Chúa từ nhân
Ba vua kiên nhẫn dừng chân ngóng chờ.


Rồi thẳng tới Đền Vua Hê-rốt
Hỏi nơi Vua trời đất mới sinh
Nhà Vua nghe nói thất kinh
Vội vàng triệu tập triều đình hỏi tin.
Các Luật sĩ đứng lên giải đáp:
“”Ở Be-lem miền đất Giu-đa”.”
Nhà Vua nham hiểm lo xa:
“”Nếu sau Vua mới chiếm toà thì sao?
Không thể được lẽ nào chịu thế
Ta phải dùng mưu kế mới xong!
Gươm kia ta cứ giết phăng
Còn ai có thể sánh bằng với Ta?”.”
Vua lập tức tỏ ra nhã nhặn
Điều tra rồi căn dặn Ba Vua:
Các Ngài sớm liệu việc cho
Tìm nơi Con trẻ để lo kính Người,
Rồi trở lại cho tôi được biết
Tôi cũng đi triều yết kính người”.”
Ba vua tin tưởng y lời
Lên đường tìm Đức Chúa Trời Giáng sinh.
Ngôi sao lại thình lình xuất hiện
Dẫn Ba vua thẳng tiến Be-lem
Dừng trên nhà lá thô hèn
Ba Vua mừng rỡ ngợi khen Chúa Trời.
Rồi vội vã vào nơi Chúa ở
Lòng hân hoan khó tả lên lời
Sấp mình kính lạy Chúa Trời
Vàng, hương, Mộc dược nhất thời tiến dâng.

Căn nhà lá ẩn thân Chúa ngự
Cảnh khó hèn bao phủ Chúa Trời
Hôm nay Thiên Chúa tỏ Người
Cho muôn dân biết Chúa Trời Giáng sinh.
Nhưng giây phút ân tình đã hết
Giờ trở về ly biệt đã gần
Ba vua cảm xúc vô ngần
Giã từ Thiên Chúa Hài đồng kính yêu.
Rồi định thẳng tới triều Hêt-rốt
Báo nơi Vua Trời đất ẩn thân
Để vua cũng được hồng ân
Kính thờ chính Đấng muôn dân ngóng chờ.
Lúc này tại Đền Vua Hê-rốt
Cả triều đình nóng ruột chờ mong.
Nhà Vua tính kế đã xong
Gươm mài đã bén đợi trông tời giờ.
Ai có thể nghi ngờ được nữa
Tử thần đang đợi Chúa Hài nhi
Ba Vua không chút hồ nghi
Thương ôi ai hiểu những gì xảy ra.
Nhưng Thiên Chúa quả là quyền phép
Mộng Ba vua được biết mưu gian
Tìm về đường khác an toàn
Uổng công Hê-rốt hung tàn ngóng trông.
Vua chờ mãi biết không hy vọng
Giận Ba vua lật lọng trái lời
Lửa hờn nóng giận sục sôi
Lệnh truyền binh lính nhất thời tuốt gươm !
Nhằm thẳng hướng Be-lem vây bắt
Giết Hài nhi trong khắp cả miền
Tiếng kêu xé ruột nổi lên
Nát lòng hiền mẫu Be-lem thảm tình.
Từ con trẻ mới sinh yếu ớt
Tới hai năm non nớt thơ ngây
Lưỡi gươm tàn ác xé thây
Máu đào vô tội thấm đầy đất thiêng.
Vua Hê-rốt thản nhiên theo dõi
Lòng ác gian mong mỏi một điều:
Cho dù phải giết bao nhiêu
Miễn vua Do thái thủ tiêu được rồi.
Vua đâu hiểu Chúa Trời xuống thế
Là làm Vua ngự trị tâm hồn
Nước Người rộng khắp bốn phương
Phải đâu theo nghĩa tầm thường thế gian.
Dù Vua có bạo tàn điên dại,
Nhưng làm sao chống lại Chúa Trời
Khi Ba vua đã đi rồi
Sứ Thần Thiên Chúa tức thời báo tin.
Giuse kíp nửa đêm trỗi dậy
Đem Hài nhi trốn chạy kịp thời
Nhanh chân cùng với Mẹ Người
Tránh sang Ai-cập qua đời ác vương.
Vua Hê-rôt trăm phương nghìn kế
Giết Hài nhi cốt để hại Người,
Nhưng Vua giết hết trẻ rồi
Chỉ duy Con Đức Chúa Trời là không.
Lại chính Chúa Hài đồng hiển thắng.
Vua băng hà cay đắng thảm thê.
Bệnh tình dằn vặt gớm ghê,
Lương tâm cắn rứt trăm bề đớn đau.
Thiên Thần Chúa ngay sau lúc ấy
Truyền Giuse trỗi dậy trở về
Từ nay yên ổn mọi bề
Kẻ thù giết Chúa Hài nhi chẳng còn.


Giuse lại lên đường về nước
Chúa Hài nhi từng bước khôn ngoan
Hoàn toàn chiến thắng thế gian
Tình thương rộng toả tràn lan muôn đời

Lm. Phêrô Hồng Phúc
 
VietCatholic TV
Muốn gia đình hạnh phúc hãy giữ 3 từ theo bí quyết Đức Thánh Cha đưa ra vào Lễ Thánh Gia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:10 28/12/2020

Chúa nhật 27 tháng 12 là Chúa Nhật Lễ Thánh Gia. Bài Tin Mừng theo Thánh Luca cho chúng ta biết như sau về việc Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi trong kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vài ngày sau lễ Giáng sinh, phụng vụ mời gọi chúng ta hướng mắt nhìn về Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Thật tuyệt khi suy ngẫm về sự thật rằng giống như tất cả trẻ em, Con Thiên Chúa muốn có sự ấm áp của một mái gia đình. Chính vì thế, gia đình của Chúa Giêsu, gia đình Nadarét là mẫu gương của các gia đình, trong đó tất cả các gia đình trên thế giới có thể tìm thấy điểm quy chiếu chắc chắn của họ và là một nguồn cảm hứng chân thật. Cuộc sống phàm nhân của Con Thiên Chúa đã nảy mầm tại Nadarét, vào lúc Người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần trong cung lòng trinh nguyên của Đức Maria. Thời thơ ấu của Chúa Giêsu diễn ra trong niềm vui giữa những bức tường hiếu khách của ngôi nhà Nadarét, được bao quanh bởi lòng từ mẫu của mẹ Maria và sự chăm sóc của thánh Giuse, nơi ngài, Chúa Giêsu có thể nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa (x. 2).

Noi gương Thánh Gia, chúng ta được mời gọi khám phá lại giá trị giáo dục của đơn vị gia đình: gia đình đòi hỏi phải được đặt trên nền tảng của tình yêu luôn tái tạo các mối quan hệ bằng cách mở ra những chân trời hy vọng. Trong gia đình, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiệp thông chân thành khi gia đình là nhà cầu nguyện, khi tình cảm nghiêm túc, sâu sắc và trong sáng, khi sự tha thứ chiếm ưu thế hơn lời nói, khi sự khắc nghiệt hàng ngày của cuộc sống được xoa dịu bằng sự dịu dàng dành cho nhau, và bằng sự thanh thản tuân theo thánh ý Chúa. Bằng cách đó, gia đình mở ra niềm vui mà Thiên Chúa ban cho tất cả những ai biết trao ban với niềm vui. Đồng thời, trong gia đình, chúng ta tìm thấy năng lượng tinh thần khi mở lòng ra với người khác, phục vụ anh em của mình, cộng tác để xây dựng một thế giới ngày càng mới mẻ và tốt đẹp hơn; do đó, có khả năng trở thành người đưa ra các kích thích tích cực. Gia đình truyền giáo bằng gương sống. Đúng vậy, trong mỗi gia đình đều có những vấn đề, và đôi khi có cả những cuộc cãi vã. “Thưa cha, con đã cãi nhau với người này, người kia trong gia đình…” - chúng ta là con người, chúng ta yếu đuối, và tất cả chúng ta đều có lúc đi đến chuyện chiến đấu với nhau trong gia đình. Tôi muốn nói với anh chị em một điều: nếu chúng ta chiến đấu trong gia đình, đừng kết thúc một ngày mà không làm hòa. “Vâng, tôi đã có một cuộc chiến”, nhưng trước khi một ngày kết thúc, hãy làm hòa. Và bạn có biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh kéo dài đến tận ngày hôm sau rất nguy hiểm. Nó không giúp ích gì. Và rồi, trong gia đình có ba chữ, ba chữ mà chúng ta luôn phải giữ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “ xin lỗi”. “Xin phép”, để không xâm phạm cuộc sống của người khác. “Tôi có thể làm điều đó không? Làm như thế có được không?”. Hãy xin phép chứ đừng gây áp lực. “Xin phép” là từ đầu tiên. Từ thứ hai là “cảm ơn” vì rất nhiều sự giúp đỡ, rất nhiều sự phục vụ mà chúng ta thực hiện trong gia đình. Luôn luôn cảm ơn. Lòng biết ơn là máu của một tâm hồn cao thượng. Hãy cảm ơn. Và sau đó, câu khó nói nhất là “Xin lỗi”. Bởi vì chúng ta luôn làm những điều xấu và không ít lần có ai đó cảm thấy bị xúc phạm vì điều chúng ta làm. “Tôi xin lỗi”. Đừng quên ba từ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “xin lỗi”. Nếu trong môi trường gia đình có ba chữ này thì gia đình đó ổn.

Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hướng đến tấm gương truyền giáo trong gia đình, đề xuất cho chúng ta lý tưởng về tình yêu vợ chồng và gia đình, như đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris Laetitia, mà ngày 19 tháng Ba tới đây là kỷ niệm 5 năm công bố. Và sẽ có một năm kéo dài từ 19 tháng Ba, 2021 đến 19 tháng Ba, 2022 để suy ngẫm về Amoris Laetitia và đó sẽ là cơ hội để đào sâu nội dung của tài liệu này.

Những suy tư này sẽ được cung cấp cho các cộng đồng và gia đình trong Giáo hội, để đồng hành với họ. Từ giờ trở đi, tôi mời mọi người tham gia các sáng kiến sẽ được cổ vũ trong năm đó và sẽ được điều phối bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống. Chúng ta giao phó cuộc hành trình này với các gia đình từ khắp nơi trên thế giới cho Thánh Gia Nadarét, đặc biệt là cho Thánh Giuse, người chồng và người cha ân cần.

Cầu xin cho Đức Trinh Nữ Maria, đấng mà chúng ta giờ đây hướng về trong kinh Truyền Tin, xin cho các gia đình trên toàn thế giới ngày càng bị cuốn hút bởi lý tưởng Phúc Âm của Thánh Gia, để trở thành men cho một nhân loại mới, và cho một tình liên đới cụ thể và phổ quát

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm và cá nhân các tín hữu, những người đang theo dõi buổi đọc kinh Truyền Tin qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng đến những gia đình đã mất đi một hay nhiều người thân trong những tháng gần đây hoặc bị thử thách do hậu quả của đại dịch. Tôi cũng đang nghĩ đến các bác sĩ, y tá và tất cả các nhân viên y tế, những người dấn thân rất lớn khi đứng trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của vi rút đã gây ra những hậu quả kinh hoàng đối với cuộc sống gia đình.

Và hôm nay tôi giao phó mọi gia đình cho Chúa, đặc biệt là những gia đình bị thử thách nhiều nhất bởi những khó khăn của cuộc sống và bởi những vết thương của sự thiếu cảm thông và chia rẽ. Nguyện xin Chúa Hài Đồng, giáng sinh tại Bết-lê-hem, ban cho mọi người sự thanh thản và sức mạnh để hiệp nhất bước đi theo đường ngay nẻo chính.

Và đừng quên ba từ này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc sống hiệp nhất trong gia đình: “xin phép” – để tôn trọng người khác chứ không xâm phạm - “cảm ơn” - cảm ơn lẫn nhau trong gia đình - và “xin lỗi” khi chúng ta làm một điều xấu. Và hãy ghi nhớ điều này “xin lỗi” - sau khi anh chị em đã chiến đấu - hãy nói trước khi một ngày kết thúc: hãy làm hòa trước khi trời tối.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ và đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và chào tạm biệt!


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Phép lạ Đêm Giáng Sinh ở Belarus. Oái oăm: Trung Quốc bắt Kinh Thánh làm con tin để áp lực TT Trump
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:47 28/12/2020


1. Phép lạ Đêm Giáng Sinh tại Belarus

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, đối với người Công Giáo ở Belarus là một phép lạ trong Mùa Giáng Sinh.

Hôm thứ Ba, các nhà chức trách Belarus thông báo rằng Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk-Mohilev, người đã bị lưu vong vào tháng 8, sẽ được phép trở về nước vào dịp Giáng sinh.

Trong một thông báo được đưa ra hôm 22 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh tại quốc gia này nói:

“Sứ thần Tòa thánh bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà chức trách Belarus vì đã đáp ứng tích cực yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc cho phép Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz trở về quê hương để cử hành Lễ Giáng sinh của Chúa cùng với các tín hữu mà ngài là mục tử”.

Hộ chiếu của Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã bị vô hiệu hóa và ngài đã bị lực lượng biên phòng ngăn chặn khi trở về Belarus sau chuyến viếng thăm Ba Lan vào ngày 31 tháng 8. Hành động này của nhà cầm quyền Belarus được coi là một đòn trừng phạt Đức Tổng Giám Mục vì ngài đã lên tiếng bảo vệ người dân tham gia các cuộc biểu tình sau một cuộc bầu cử tổng thống đầy gian lận.

Belarus đã chứng kiến các cuộc biểu tình lan rộng kể từ sau cuộc bầu cử đó. Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 9 tháng 8 sau khi tổng thống Alexander Lukashenko được tuyên bố đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cùng ngày với hơn 80% số phiếu bầu.

Lukashenko đã là tổng thống Belarus kể từ năm 1994. Ông ta cho rằng Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz có thể là công dân của nhiều quốc gia, và nhận lệnh của các quốc gia khác nhằm xúi giục các cuộc biểu tình.

Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa thánh tại Vương quốc Anh, đã đóng vai trò là đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ với Lukashenko hôm 17 tháng 12.. Đức Tổng Giám Mục Gugerotti là Sứ thần Tòa thánh tại Belarus từ năm 2011 đến năm 2015. Ngài nói thông thạo tiếng Belarus.

Hôm 22 tháng 12, ông Vladimir Makei, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus, cho biết:

“Vì sự tôn trọng sâu sắc nhất đối với Đức Giáo Hoàng và vì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Đức Tổng Giám Mục Gugerotti, nguyên thủ Belarus cho rằng có thể đáp ứng yêu cầu của Đức Giáo Hoàng và đã đưa ra các chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao tìm ra giải pháp cho vấn đề, có tính đến tất cả các cơ chế pháp lý hiện có,”

“Kỳ nghỉ lễ lớn sắp tới là Giáng sinh và các sự kiện lễ hội là một lý do bổ sung để đưa ra quyết định này đối với thành phố Minsk và Tổng giám mục Tadeusz Kondrusiewicz mặc dù có một số điều tiêu cực về người này,” Makei nói thêm.

Căng thẳng giữa chế độ độc tài Lukaschenko và Ðức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz đã diễn ra sau cuộc bầu cử gian lận hôm Chúa Nhật 9 tháng 8. Biểu tình đã nổ ra và tên độc tài Lukaschenko đã ra tay đàn áp thẳng tay.

Làn sóng phản đối tổng thống Lukaschenko tại Belarus vẫn còn tiếp tục diễn ra, với các cuộc biểu tình cả hơn 200,000 người tham dự, tại thủ đô Minsk để đòi tự do, vì dân chúng tin rằng đã có sự gian lận trong cuộc bỏ phiếu để ông đắc cử tổng thống lần thứ sáu, với hơn 80% số phiếu.

Ðức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Belarus, đã xin gặp Bộ trưởng nội vụ Belarus, ông Yuri Karaev, để nói chuyện về vấn đề những người biểu tình bị bắt trong những ngày qua.

Ðức Tổng Giám Mục cũng xin chính phủ nước này cho các linh mục Công Giáo được viếng thăm những người bị giam giữ vì biểu tình, sau cuộc bầu cử tổng thống Lukaschenko, và trợ giúp họ nhất là về phương diện tinh thần. Ðức Tổng Giám Mục xin chính quyền trả tự ngay cho họ.

Trong khi chờ đợi chính quyền Belarus đáp ứng các yêu cầu của ngài, Đức Tổng Giám Mục đứng lặng lẽ trước các nhà tù lần chuỗi cầu nguyện cho những người bị bắt.

Trong thánh lễ Chúa nhật 16 tháng 8 năm 2020, tại giáo phận Wizebsk ở miền bắc Belarus, Ðức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz nói về “đại dịch gian dối” đất nước này đang trải qua và nói: “Tự do của chúng ta đang bị đe dọa, đất nước chúng ta bị phân rẽ. Chúng ta muốn một nước Belarus mới, một nước dựa trên các giá trị Kitô”.


Source:Catholic News Agency

2. First Things: Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Kinh Thánh

Nina Shea là giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, và là một luật sư quốc tế về nhân quyền.

Trong bài “China’s Threat to the Bible”, nghĩa là “Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Kinh Thánh”, cô cho chúng ta thấy lòng ao ước truyền giảng Tin Mừng của Liên Hiệp Các Hiệp Hội Kinh Thánh Quốc Tế đã bị cộng sản lợi dụng như thế nào, và đâu là những mối đe dọa khi mà ngày nay hầu hết các nhà xuất bản Kinh Thánh, vì muốn giảm giá thành, đã lệ thuộc vào một công ty của Trung Quốc trong việc in sách Kinh Thánh.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

China’s Threat to the Bible

By Nina Shea

Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Kinh Thánh


Kinh Thánh là cuốn sách bán chạy nhất tại Hoa Kỳ. Trong 20 cuốn sách bán chạy nhất trong năm tại Mỹ, số sách Kinh Thánh được bán ra nhiều hơn 19 cuốn sách kia cộng lại. Tuy nhiên, một công ty của Trung Quốc gần như độc quyền về việc in Kinh Thánh, có nghĩa là nếu xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng - chẳng hạn vì các chính sách của chính phủ Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc - thì sự thiếu hụt Kinh Thánh ở Mỹ sẽ lập tức xảy ra. Điều này gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả quyền tự do tôn giáo cơ bản của các Kitô hữu tại Hoa Kỳ cũng như an ninh quốc gia của Mỹ.

Hàng năm, hơn 20 triệu cuốn Kinh Thánh Tin lành và Công Giáo được đưa ra thị trường bởi các công ty xuất bản Kinh Thánh lớn nhất Hoa Kỳ. Nhưng ít ai biết rằng hầu hết những cuốn Kinh Thánh này đều được in tại Trung Quốc, bởi công ty in ấn Hữu Hảo (Amity, 友好) (Các nhà xuất bản Kinh Thánh không in ở Trung Quốc bao gồm InterVarsity Press [IVP], St. Ignatius Press, St. Benedict Press, Cambridge University Press, RL Allan & Son, và Schuyler Bibles.) Do các quyết định của các nhà xuất bản của Mỹ, các Kitô hữu Mỹ rơi vào một tình trạng oái oăm là phải lệ thuộc, về mặt cung ứng Kinh Thánh, vào quốc gia đàn áp Kitô hữu khét tiếng nhất thế giới. Khi Trung Quốc tăng cường đàn áp tôn giáo tại quê nhà và được tình báo Hoa Kỳ coi là “mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay”, chuỗi cung ứng Kinh Thánh này ngày càng bấp bênh. Tuy nhiên, các nhà xuất bản Kinh Thánh không hề có kế hoạch sử dụng một nhà máy in nào khác để thay thế.

Tình trạng của chuỗi cung ứng này đã được thử nghiệm vào năm 2019, khi chính quyền của Tổng thống Trump đề xuất mức thuế thương mại rộng rãi để cân bằng tốt hơn quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Kế hoạch này, cố nhiên, bao gồm thuế quan đối với Kinh Thánh. Các nhà xuất bản Kinh Thánh của Mỹ đã cùng với Bắc Kinh vận động hành lang rầm rộ để chống lại biện pháp này. HarperCollins Christian Publishing, gọi tắt là HCCP, hiện là nhà xuất bản Kinh Thánh lớn nhất thế giới (sau khi mua lại Zondervan và ThomasNelson), sử dụng công ty in ấn Hữu Hảo để in hầu hết các cuốn Kinh Thánh của mình, cũng như Tyndale House, nhà xuất bản Kitô Giáo thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất của Mỹ. Vào năm ngoái, trước Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ, Giám đốc điều hành HCCP là ông Mark Schoenwald đã tố cáo mức thuế đề xuất. Ông ta gọi đó là “thuế Kinh Thánh” và lập luận rằng nó sẽ buộc công ty của ông phải giảm doanh thu và ngừng xuất bản một số ấn bản Kinh Thánh. Phản ứng lại, chính quyền Tổng thống Trump đã nhanh chóng miễn thuế cho Kinh Thánh khỏi mức thuế quan đánh vào Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo có liên quan đến việc xuất bản cũng vận động hành lang, cho rằng thuế quan sẽ hạn chế quyền của Tu chính án thứ nhất. Stan Jantz, chủ tịch của Hiệp hội các nhà xuất bản Tin lành, tuyên bố rằng thuế quan sẽ gây “thiệt hại đáng kể cho khả năng tiếp cận với Kinh Thánh”. Ông tuyên bố trước Ủy ban Thương mại rằng “nhiều người tin rằng thuế quan như vậy sẽ đặt ra một giới hạn thực tế đối với tự do tôn giáo”. Russell Moore, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo & Đạo đức của Công ước Baptist Miền Nam, khẳng định rằng “các mức thuế đề xuất sẽ ảnh hưởng đến khả năng của tất cả các Kitô hữu trong việc thực hiện quyền tự do tôn giáo của họ ở Hoa Kỳ”. Mục sư Ben Mandrell, Giám đốc điều hành của LifeWay Christian Resources, tuyên bố: “ Tôi rất lo lắng rằng Lời Chúa sẽ bị bắt làm con tin trong một cuộc tranh chấp thương mại quốc tế. Những tháng vừa qua đã củng cố quyết tâm của chúng tôi trong việc đưa Kinh Thánh đến những người cần. Nhiệm vụ của chúng tôi được xây dựng dựa trên sự vâng lời Chúa Kitô, bất kể đề xuất chính sách nào từ Washington DC”

Không khó để tưởng tượng rằng nếu chính phủ Trung Quốc gây một chút áp lực lên chuỗi cung ứng, các nhà xuất bản Kinh Thánh của Mỹ sẽ khởi động ngay các cuộc vận động hành lang chống lại các chính sách có các cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc. Và như thế họ tự biến mình thành một thứ quyền lực mềm trong bàn tay thao túng của Bắc Kinh. Mối đe dọa thuế quan đã kết thúc, nhưng Kinh Thánh vẫn tiếp tục gặp rủi ro - hầu hết là từ các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không phải từ Washington. Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe lưu ý rằng nhiều công ty nổi tiếng của Trung Quốc chỉ là một chiêu bài “ngụy trang cho các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Công ty in ấn Hữu Hảo không phải là ngoại lệ. Nó được liên kết với Hội đồng Kitô Giáo Trung Quốc, gọi tắt là CCC, và chịu sự giám sát và hướng dẫn trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2018.

Vào những năm 1980, Giám mục Đinh Quan Huấn (Ding Guangxun, 丁光訓), của Anh giáo Trung Quốc, khi đó là chủ tịch CCC, đã đề xuất thành lập công ty in ấn Hữu Hảo như một liên doanh giữa Quỹ Hữu Hảo mới của ông và Liên Hiệp Các Hiệp Hội Kinh Thánh Quốc Tế, gọi tắt là UBS, để cung cấp Kinh Thánh cho các nhà thờ Trung Quốc. Lòng yêu mến truyền bá Tin Mừng của UBS đã bị lợi dụng. UBS đã đồng ý và chi ra toàn bộ vốn khởi nghiệp, máy in, và giấy in Kinh Thánh, là những thứ mà UBS tiếp tục cung cấp cho Kinh Thánh tiếng Trung. Những cuốn Kinh Thánh được in ra ở đây được xuất khẩu ra nước ngoài đem lại một số tiền khổng lồ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở Trung Quốc không mấy ai được phép giữ Kinh Thánh, đó là một thứ hàng quốc cấm ở một số địa phương. Năm 1988, chủ tịch CCC đã đặt nền móng cho công ty in ấn Hữu Hảo ở Nam Kinh. Ngày nay, nhà máy của công ty in ấn Hữu Hảo ở Nam Kinh rộng 85,000m2, hoạt động liên tục 24 giờ 7 ngày trong tuần và là nhà máy in Kinh Thánh lớn nhất thế giới. Nó tự hào đã in hơn 200 triệu cuốn Kinh Thánh (với 25 triệu cuốn Kinh Thánh bìa cứng hàng năm) bằng hơn 130 ngôn ngữ, cho 147 quốc gia.

Hữu Hảo vừa rẻ vừa hiệu quả với công nghệ in hiện đại và các máy in được mua lại với giá rẻ mạt từ các công ty nước ngoài. Nhưng danh tiếng của Hữu Hảo có thể sẽ sớm bị ảnh hưởng lớn, vì các chỉ thị gần đây của bọn cầm quyền Trung Quốc. Tại quê hương Nam Kinh của Hữu Hảo, vào năm 2018, Bắc Kinh tuyên bố khởi động kế hoạch dịch lại hoặc diễn giải lại Kinh Thánh của Hiệp Hội Kinh Thánh Trung Quốc đáng kính cho phù hợp với các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là một phần trong một kế hoạch 5 năm, mới được phát động nhằm “Trung Quốc hóa” Kitô Giáo. Các chuyên gia Kitô Giáo Trung Quốc có lý do để lo sợ rằng phiên bản sắp ra mắt sẽ loại bỏ sách Khải huyền và bóp méo các bài học đạo đức thông qua các bài bình luận Kinh Thánh mới. Một thí dụ điển hình là câu chuyện Chúa Giêsu tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình trong chương 8 Phúc Âm theo Thánh Gioan. Câu chuyện này đã được sửa đổi trong sách giáo khoa Trung Quốc năm 2020 (được sử dụng trong các trường trung học dạy nghề do bọn cầm quyền điều hành) để xuyên tạc rằng Chúa Giêsu đã ném đá người phụ nữ.

Hữu Hảo đã phản ứng như thế nào trước những chỉ thị đáng báo động này? Nó đã tài trợ cho một sự kiện kỷ niệm, được dành riêng cho “chủ đề Kinh Thánh Trung Quốc và nhu cầu Trung Quốc hóa Kitô Giáo”. Tại đó, các quan chức trong Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, CCC, cùng với UBS, đã chụp ảnh chung đang tham gia trong một điệu nhảy vòng tròn, nâng ly chúc mừng công ty và được chiêu đãi như VIP. Hữu Hảo có kế hoạch in những cuốn Kinh Thánh mới, bị bóp méo. Chúng sẽ là phiên bản Kinh Thánh duy nhất được đảng cộng sản chấp thuận, phủ nhận quyền tự do tôn giáo đối với hàng chục triệu tín đồ Kitô Giáo Trung Quốc. Điều này được đưa ra sau các quy định cách đây hai năm nhằm kiểm duyệt Kinh Thánh trên Internet Trung Quốc, cấm thanh niên tham gia các buổi lễ tại các nhà thờ và các trại học hỏi Kinh Thánh, đồng thời cho phép đốt các quyển Kinh Thánh mà không cần có sự cho phép của nhà nước.

Cho đến nay, không có sự phản đối gay gắt nào từ các nhà xuất bản Mỹ. Họ đã không sử dụng đòn bẩy của mình để ngăn chặn cuộc đàn áp đang diễn ra đối với các nhà thờ tại gia. Họ cũng không dùng nó để đòi trả tự do cho Mục sư Vương Nghị của Giáo hội Giao ước Mưa Sớm (Early Rain Covenant Church - 早雨圣约教堂), và hiện đang thụ án 9 năm tù; người bán sách Kitô Giáo Trần Úc (Chen Yu, 陈郁) bị kết án đến bảy năm tù vào tháng 10 vừa qua; và nhà đấu tranh cho dân chủ Công Giáo Jimmy Lai (Lê Trí Anh, 黎智英), là người có thể phải đối mặt với án tù chung thân ở Hương Cảng.

Mặc dù họ bắt đầu với mục đích tốt, nhưng các nhà xuất bản hiện đang bị ràng buộc. Việc bảo vệ chuỗi cung ứng này sẽ trở nên không thể thực hiện được khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát. Các nhà xuất bản Kinh Thánh Hoa Kỳ có thể bảo vệ tốt nhất quyền của Tu chính án thứ nhất của người Mỹ — và danh tiếng của chính họ — bằng cách chuyển ngay việc in ấn của họ ra khỏi Trung Quốc.


Source:First Things