Ngày 24-12-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người đã đến và “sẽ” không ra đi !
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
00:14 24/12/2011
Người đã đến và “sẽ” không ra đi !

BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2011

Dẫn nhập đầu lễ :

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,

Đặc biệt, kính thưa tất cả quý vị không có chung niềm tin Công Giáo, đang hiện diện trong khuôn viên thánh đường nầy,

Hôm nay Giáng Sinh lại về. Giáng sinh 2011.

Trong thời điểm sắp sửa giã từ năm cũ 2011 và chuẩn bị đón chào năm mới 2012, chúng ta lại một lần nữa cùng hiệp thông trong cử hành long trọng Ngày Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế, ngày mà thế giới muôn nơi từ hơn 2000 năm nay đã đón nhận được một sứ điệp an vui và bình an như lời Ca Nhập Lễ từ ngàn xưa các Kitô hữu đã hát lên : “Tất cả chúng ta hãy vui mừng trong Chúa, vì Đấng Cứu Độ chúng ta đã sinh xuống gian trần. Hôm nay từ cõi trời cao thẳm, bình an đích thực đến giữa chúng ta”.

Vâng, “Giáng sinh hoan vui và Năm Mới Hạnh phúc” đó chính là lời chúc mừng thân thương và ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau trong Đêm Thánh nầy. Merry Christmas and Happy New Year !

Giờ đây, trong tâm tình hiệp thông cảm tạ tình yêu Thiên Chúa và nguyện cầu Chúa Giáng Sinh ban muôn ân lộc xác hồn cho mọi người đang hiện diện nơi đây và cả những người còn xa cách, xa cách bằng không gian vật lý hay tâm linh, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm sám hối tội lỗi để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Giảng Lời Chúa :

Kính thưa Ông Bà Anh Chị em giáo dân, Kính thưa Quý Vị và các bạn ngoài Kitô giáo,

Trước hết, thay mặt cho bà con giáo dân giáo xứ Tuy Hòa, giáo hạt Phú Yên, tôi xin được trân trọng gởi đến quý vị không có chung niềm tin Kitô đang có mặt ở-đây-giờ-nầy lời cám ơn chân tình và lời chúc mừng Giáng Sinh tốt đẹp và trân trọng nhất.

Tôi muốn dành những lời đầu tiên nầy để chia sẻ với quý anh chị em không cùng niềm tin với chúng tôi,những người ngoài Kitô giáo.

Kính thưa quý vị. Có một khúc hát của cố ns. Trần Thiện Thanh mang tựa đề : “Lạy Chúa con là người ngoại đạo” mà trong đó có những ca từ trất dễ thương :

Lạy Chúa tôi con người không đạo

Nhưng tin có Chúa ở trên cao…

Tôi tin rằng, tự sâu thẳm cõi lòng quý vị hôm nay và giờ nầy cũng đang thưa với Thiên Chúa của người Kitô hữu những lời chân tình như thế : “Lạy Chúa con là người ngoại đạo, nhưng con tin có Chúa ngự trên cao”.

Mà nào Thiên Chúa có ở trên cao đâu nào ! Quý vị đang thấy đó.

- Ngài đã giáng sinh làm người trong thân phận của một em bé nghèo hèn trong hang lừa máng cỏ, giữa cha mẹ nghèo khổ Giuse-Maria và giữa những chú mục đồng tiểu tốt vô danh.

- Cũng như bao vạn sinh linh khác, Ngài cần sự sống được chuyển thông từ dòng sửa mẹ, để đi ra cuộc đời bằng xác thân mỏng manh yếu đuối của một bé thơ.

- Để chung chia số phận lầm than của những người lao công vất vả, Ngài đã chọn nghề thợ mộc âm thầm suốt 30 năm trong xưởng thợ Na-da-rét, bằng mồ hôi mệt nhọc nuôi sống bản thân và phụng dưỡng cha mẹ.

- Chính tình yêu thương đã khiến Ngài không cầm lòng khi nhìn thấy người chị Matta, Maria phải mất em, khi chứng kiến mẹ già thành Naim vĩnh biệt con trai yêu dấu, ông Giairô mất đứa con gái rượu, nên đã Ngài đã quyết định thi thố quyền năng “hoàn sanh cải tử”.

- Và Ngài đã biểu lộ tình yêu thương cách đặc biệt đối với những thân phận tật nguyền, bệnh hoạn cả thể xác lẫn tinh thần khi sẵn sàng dùng các phép lạ như dấu chỉ tình thương cứu độ của Thiên Chúa tình yêu : Ngài tiếp xúc với những người phong cùi họ được chữa lành, đụng chạm đến đôi mắt cho người mù thấy được, Ngài nâng dậy đôi chân cho kẻ què đi được, ngài gần gũi tiếp cận với những người câm, điếc, quỷ ám, bại liệt…để trả lại cho họ cuộc sống con người hồn an xác mạnh.

Ánh mắt yêu thương của Ngài không chỉ dừng lại trên những nổi đau thể xác mà còn đi đến tận những nổi đau tinh thần : Ngài đã đem niềm tin yêu hy vọng để làm lại cuộc đời cho cô gái làng chơi Mai-đệ-liên, Ngài đã xóa đi nổi hổ thẹn ê chề của người phụ nữ ngoại tình bị loài người kết án để không phải làm quan tòa xét xử, lên án mà trao ban một lời an ủi, khuyến thiện đầy tin yêu : “Tôi không kết án chị đâu. Hãy đi và đừng phạm tội nữa”.

Và sau cùng, Ngài đã kết thúc cuộc đời yêu thương và loan báo chân lý bằng cái chết tũi nhục trên thập giá ở giữa 2 người kẻ trộm.

Nhạc sĩ linh mục Hoàng Đức đã diễn tả mầu nhiệm “làm người” của Thiên Chúa bằng những ca từ thật đẹp trong ca khúc “Bước Người đi qua” :

Đã có một lần Người sinh ra nơi trần thế,

đã có một lần Người sinh ra trong khó nghèo.

Đã có một lần, đã có một lần Người xuống thế để cùng chia kiếp làm người…

Đã có một lần Người đi qua trong cuộc sống,

đã có một lần Người đi qua trên nẻo đường.

Đã có một lần, đã có một lần, Người sống chết trên trần gian thân làm người…

Vâng, Thiên Chúa không ở trên cao đâu quý vị. Tin Mừng Thánh GIoan đã khẳng định : “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14) với một lý do cốt yếu duy nhất : “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nổi đã ban Người Con Một, để ai tin nhận Người Con đó thì sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16)

Chúng tôi cám ơn quý vị đặc biệt đêm nay đã biểu lộ tâm tình trân trọng, kính tôn đối với Chúa Giêsu, một Đấng mà chắc chắn quý vị còn rất mù mờ, có khi được hiểu cách lệch lạc và rất nhiều khi được thông tin với một ý đồ không mấy thiện chí, nếu không muốn nói là xuyên tạc và thù nghịch.

Với sự hiện diện đông đảo và thân tình của Quý vị trong giờ phút linh thiêng nầy, chúng tôi tin rằng “ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu”, niềm vui Noel, đã nối kết tất cả chúng ta, để chúng ta có thể mạnh mẽ tuyên bố rằng : cho dù có khác biệt về niềm tin, về ý thức hệ, về quan niệm sống, về truyền thống văn hoá…, thì chúng ta vẫn có thể nói chung một ngôn ngữ - ngôn ngữ của tình bạn, tình người ; vẫn có thể để cùng đọng lại một tâm tình - tâm tình yêu thương, nhân ái ; và vẫn có thể chung xây một ước nguyện - ước nguyện cho hòa bình, hiệp nhất, tự do và huynh đệ.

Đó cũng chính là cùng đích của cuộc Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế cách đây hơn 2000 năm, như chính Đức Giêsu trong cuộc đời công khai sau đó đã mạnh mẽ tuyên bố : “Ta đến để chiên Ta được sống và được sống dồi dào”, “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Từ ý nghĩa của mầu nhiệm “Emmanuel” – “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đó, và từ cuộc cử hành Phụng vụ lễ Giáng Sinh đêm nay, chúng tôi ước mong và xác tín rằng : không phải quý vị đến đây tham quan Noel rồi ra về với một cõi lòng trống vắng và một ý thức vô nghĩa ; nhưng từ đêm nay, từ ngôi thánh đường nầy, từ hang đá Bêlem, từ những bài thánh ca, từ những ánh mắt rạng ngời niềm vui và đôi môi mĩm cười thân thiện…quý vị sẽ mang theo cuộc đời một niềm vui mới, niềm tin mới, như cách diễn tả của lời ca cuối trong bài hát “Lạy Chúa con là người ngoài đạo” !

Chúa ơi Chúa ơi con người không đạo

Nhưng tin Chúa giúp đời thương đau

Như con tin trong một lần đã lâu

Những hờn đau thu ngắn

Để đám mây hồng âu yếm giăng ngang

Ước mong rằng “đám mây hồng Giáng Sinh 2011” sẽ giăng ngang cuộc đời của quý vị.

Giờ đây, xin quý vị cho phép tôi được ngỏ lời với anh chị em của chúng tôi, cộng đoàn giáo dân thuộc giáo xứ Tuy Hòa.

Anh chị em, chiều hôm nay Mùa Vọng của chuẩn bị đợi chờ kết thúc để nhường chỗ cho Mùa Giáng Sinh của rạng rỡ hân hoan chợt đến. Vâng, giờ nầy Phụng Vụ đang hiện thực hóa chính lời thiên sứ báo tin cho các mục đồng Bêlem năm xưa :

“hôm nay, trong thành vua Đa-vít, Đấng Cứu thế đã giáng sinh…”

Nếu ngày xưa “trong thành vua Đa-vít, Đấng Cứu thế đã giáng sinh…”, thì hôm nay, trong giáo xứ Tuy Hoà, trong khuôn viên thánh đường rực rỡ uy nghi nầy, Đấng Cứu thế cũng lại đã giáng sinh. Ngài tiếp tục giáng sinh qua mầu nhiệm Phụng vụ được cử hành trang nghiêm sốt sắng ; ngài giáng sinh qua những cõi lòng trong trắng, đơn sơ của những em thiếu nhi, các bạn trẻ không quản gió mưa mệt nhọc từng đêm tập múa cho đêm nay canh thức ; Ngài giáng sinh trong từng đôi tay cần cù, chịu khó của những anh chị em trong các chuyên ban mục vụ, đặc biệt, như gia đình của anh Dư : cả vợ chồng, con cái kéo hết xuống nhà thờ làm trang trí Giáng Sinh, như họa sĩ nghiệp dư Trương Quang Tuấn với những bức phông hang đá từ trong ra ngoài thật sâu lắng, ấn tượng ; Ngài giáng sinh qua các anh em trong ban Truyền thông-văn hóa, trật tự, các chức việc, các hội viên các hội đoàn…, ngày đêm tất bật để có được không gian Giáng Sinh sao cho rạng rỡ, mỹ quan ; Ngài giáng sinh trong trái tim nhiệt tình của các bạn sinh viên, của các ca viên trong các ca đoàn không phải chỉ một ngày mà nhiều ngày trong mưa lạnh cố gắng sao để Giáng Sinh có được những lời ca hay hơn, những hạng mục đẹp hơn…

Và chắc chắn, Chúa đã thực sự giáng sinh trong tất cả tâm hồn chúng ta, khi chúng ta thành tâm sám hối quỳ xuống nơi tòa giải tội lãnh ơn giao hòa, để có được một “hang đá tâm hồn” sạch sẽ, thánh thiện đón mừng Chúa đến.

Vâng, Mùa Vọng đã qua rồi, nhọc mệt đã tan rồi, tội lỗi đã bị xoá hết rồi. Thật thích hợp để cùng đọc lại một lần nữa sứ điệp lời Chúa của Isaia trong bài đọc 1 thánh lễ hôm nay :

“Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi làm mồi nuôi lửa. Vì Một Hài đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta”.

Và từ đêm nay, chúng ta phải cùng nói được với nhau rằng : “Chúng ta đã thấy Chúa”, “Chúa đang ở cùng chúng ta”. Chúng ta phải là những chứng nhân thật sự của mầu nhiệm “Emmanuel”, như ngày xưa, các mục đồng thành Bêlem cũng đã làm chứng như thế sau khi đã diện kiến Hài Nhi Giêsu như Tin Mừng Luca thuật lại :

“Đến nơi, họ gặp bà Mara, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi nầy. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên”.

Trong một thế giới mà sự lãnh đạm, thờ ơ, vô tâm đã trở thành quy tắc ứng xử, chủ nghĩa vụ lợi, cá nhân và ích kỷ đang lên ngôi, nạn tàn sát sự sống thai nhi đã đến hồi nghiêm trọng cảnh báo, một thế giới mà nạn chiến tranh, khủng bố, bạo lực xã hội và trong gia đình lan tràn khắp chốn, thì Sứ điệp Giáng Sinh hôm nay quả thật cần thiết biết bao ! Cần thiết biết bao cuộc nhập thể giáng sinh của Ngôi Lời trong mọi cơ cấu của xã hội để hoán cải , để chữa lành, để phục sinh.

Và mỗi người Kitô hữu chúng ta có trách nhiệm để làm cho Mầu Nhiệm Giáng Sinh hiện thực trong cuộc sống nầy, cuộc đời nầy, để Chúa Giêsu một lần nữa đến và ở lại trong cuộc đời mỗi người chúng ta, chứ không phải “Người đã đến và Người phải ra đi” như cách cảm nhận của linh mục Hoàng Đức trong ca khúc “Bước Người đi qua” :

“Thế có lần nào bạn mong nghe bước Người đến, thế có lần nào bạn mong xem bóng dáng Người. Thế có lần nào thế có lần nào, ngàn năm qua, bẫng ngàn năm, Người đã đến nhưng Người phải ra đi, Người đã đến nhưng Người phải ra đi.” (Trích ca khúc “BƯỚC NGƯỜI ĐI QUA” của lm.ns. Hoàng Đức)

Và đó cũng chính là tiêu đích mà huyền nhiệm Giáng Sinh nhắm tới để công cuộc “vào đời” của Thiên Chúa mãi mãi hiện thực và tiếp nối nơi chính chúng ta, những người được cứu chuộc bằng dòng nước thánh tẩy để trở nên con cái Thiên Chúa, đồ đệ của Đức Kitô, như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư gởi cho Titô mà chúng ta vừa nghe trong Bđ 2 hôm nay :

“Ngài đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (BĐ 2).

Kính chúc anh chị em có được một mùa Giáng Sinh như thế. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Lễ Chúa Giáng Sinh đầu tiên được mừng thế nào?
Lm Trần Bình Trọng
12:34 24/12/2011
Lễ Rạng Ðông Sinh Nhật, Năm B (Is 62:11-12; Tt 3:4-7; Lc 2:15:20)

Thánh lễ rạng đông của ngày Giáng sinh quen gọi là lễ mục đồng. Phúc âm hôm nay kể lại: Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xẩy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết (Lc2:15). Tại sao các mục đồng lại nhanh chóng đáp lại sứ điệp của các thiên thần như vậy? Theo Thánh kinh thuật lại, thì các mục đồng là những người canh thức để trông giữ đàn chiên.

Nếu họ ngủ thì đã không nhận ra các thiên thần, không nghe được tiếng các thiên thần, và đã không thấy ánh sáng từ trời toả xuống. Các mục đồng là những người sống gần gũi với thiên nhiên, nên dễ nhận ra những dấu vết, những kỳ công của Ðấng tạo hoá. Họ có được cảm giác kính sợ, lạ lùng trước những quyền lực thiên nhiên của tạo hoá như bão tố, sấm sét.. Ðó chính là điều mà Phúc âm đã ghi lại: Vinh quang của Thiên Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ sợ hãi, kinh hoàng (Lc 2:9).

Không phải gắn bó với những ràng buộc vật chất nên khi nghe thấy có hiện tượng lạ, các mục đồng có thể nhẹ gánh ra đi cùng với đàn chiên, không cần phải giàn xếp công việc nhà. Làm sao mục đồng có thể nhận ra hài nhi mới sinh trong máng cỏ là Ðấng cứu thế? Mỗi người có thể tìm ra những câu trả lời khác nhau. Ðể giúp ta dễ dàng trả lời, ta có thể đặt câu hỏi cách khác. Ai là những người dễ nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống? Ai là những người dễ nhận ra những dấu vết, những kỳ công của Thiên Chúa? Người ta phải có tâm hồn hay tạo ra tâm hồn như thế nào để dễ nhận ra sự hiện diện của Chúa. Hàng ngày xung quanh ta vẫn có những dấu vết của việc Thiên Chúa hiện diện. Ta chỉ cần mở mắt tâm hồn là có thể nhận ra được.

Các mục đồng là những người đơn sơ chất phác. Do đó họ dễ đặt tin tưởng vào lời các thiên thần mà làm quyết định đi thăm hiện tượng lạ ở Bê-lem. Ðể có thể đi tìm Chúa, người ta cần có tâm hồn đơn sơ và phó thác của người mục đồng. Ðơn sơ không có liên hệ tích cực với tuổi tác, của cải và học vấn. Như vậy mặc dù một người đã cao niên, mà vẫn có thể đặt tin tưởng vào Chúa. Mặc dầu một người có học thức cao rộng mà vẫn có thế sống đơn sơ trước mặt Thiên Chúa. Vậy chỉ với tinh thần đơn sơ và tin tưởng, ta mới có thể mở rộng tâm hồn đón mừng Chúa Cứu thế. Phúc âm hôm nay ghi lại: Các mục đồng trở về vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, về mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo (Lc 2:20). Ước chi hôm nay ta cũng trở về ca tụng Thiên Chúa về những việc lạ lùng Người đã thực hiện, về mọi sự Người đã ban phát, về món quà cao qúi là việc ban chính Con Một Người.

Trong đêm Giáng sinh đầu tiên chỉ có ít nhân vật được chứng kiến cảnh hang đá Bê-lem: Ðó là Mẹ Maria, thánh Giuse, các thiên thần, mấy người mục đồng và đàn chiên bò lừa. Lễ Sinh nhật đầu tiên được mừng nơi hang đá máng cỏ của chiên bò lừa, chứ không phải trong nhà, cũng không ở trong khách sạn, hay tại nhà thương. Ngày nay người ta thường làm những cảnh hang đá máng có trông thật đẹp mắt. Tuy nhiên chính nơi Chúa Cứu thế sinh ra chỉ là cái hang mục đồng, có thể là dơ bẩn, hôi hám. Vậy mẹ Maria mừng lễ sinh nhật đầu tiên ra sao? Thánh kinh nói rất ít về việc mẹ mừng lễ Sinh nhật đầu tiên. Thánh kinh chỉ ghi lại: Còn bà Maria hằng ghi nhớ những sự việc đó và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2:19).

Mừng lễ Sinh nhật trong lòng có nghĩa là mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa cứu thế. Tai ta có thể nghe câu chuyện giáng sinh, nhưng chỉ có tâm hồn mới có thể rung động trước Màu nhiệm Giáng sinh. Vậy sau những ngày giờ bận rộn, sửa soạn mừng lễ Sinh nhật như làm hang đá máng cỏ, trang hoàng nhà cửa, gửi thiệp sinh nhật và quà sinh nhật, ta cần tìm thời giờ thinh lặng để suy niệm về Màu nhiệm Giáng sinh. Chỉ trong thinh lặng, người ta mới dễ dàng cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa và mầu nhiệm Giáng sinh. Một lần khi đọc kinh Truyền tin trước Giáng sinh, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi người tín hữu hãy sống lại biến cố Giáng sinh trong bầu khí thinh lặng và tinh thần khiêm tốn. Ðức thánh Cha nói: Mẹ Maria kêu gọi ta sống khiêm tốn để Chúa có thể tìm thấy chỗ ở trong tâm hồn ta. Mẹ còn chỉ cho ta giá trị của sự thinh lặng để ta có thể nghe tiếng hát các thiên thần và tiếng khóc con trẻ Giêsu.

Là người công giáo trưởng thành, ta không được coi Sinh nhật như một biến cố xa xưa không ăn nhập tới nếp sống hiện tại. Người công giáo trưởng thành phải tìm cho ra ý nghĩa đích thực của việc mừng lễ Sinh nhật.

Lời cầu nguyện xin cho được một tâm hồn siêu thoát đi tìm Chúa:

Lạy Chúa hài nhi Giáng sinh!
Trong ngày Sinh Nhật đầu tiên của Chúa
chỉ có Mẹ, Cha nuôi và mấy người mục đồng
cùng với chiên cừu lừa hiện diện mừng Chúa.
Xin ban cho con một tâm hồn đơn sơ siêu thoát
khỏi những bận tâm vướng mắc
để như các mục đồng,
con có thể dễ dàng đến với Chúa. Amen.

(Nguồn http://www.chuanoitadap.net)
 
Chuyện Phiếm Đạo Đời: Suy Tư Lời Chúa qua cuộc sống
Trần Ngọc Mười Hai
17:15 24/12/2011
Chuyện Phiếm Đạo Đời: Suy Tư Lời Chúa qua cuộc sống

“Và có tiếng ca âm vang,

“Muôn thiên thần hò reo, hân hoan câu bình an.”

(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – Quê Huơng Thượng Đế)

(Rm 12: 18)

Có “tiếng ca vang.” Hát “câu bình an”. Phải chăng đó là tinh thần của ngày Giáng Hạ “có mấy anh dân nghèo tới nghiêng nhìn trẻ thơ”? Hỏi đây, gồm cả câu trả lời gói gọn ở trong đó chứ?

Vừa rồi, bần đạo được hân hạnh dự buổi “Hát cho nhau” rất bỏ túi có chủ đề “Thương Hoài Ngàn Năm” ở Sydney hôm tháng 11/2011. Ở buổi này, nhiều hát sĩ đua nhau đăng ký hát bài “Quê Hương Thượng Đế” của các linh mục Thành Tâm, Sĩ Tín, Khởi Phụng, cùng sáng tác. Nhạc bản này, là nhạc Giáng Sinh, nhưng sao nhiều vị lại thích nghe và thích hát đến thế? Tìm về nguyên do, bần đạo nhặt nhạnh được đôi ba ý/lời tâm đắc, rất như sau:



-Có bạn quả quyết với bần đạo: “Thú thật với bác: Cháu chỉ thích nhạc của Thành Tâm thôi. Vì nhạc của ông Cha này: lời thì rất Đạo, tiết tấu và nhịp điệu lại na ná giống nhạc đời, rất hay…”:

-Một bạn khác, những bảo: “Đấy bác coi! Có loại nhạc đạo nào một lúc qui tụ 3 ông cha sáng tác mà lại là cha Dòng Chúa Cứu …Chuộc nổi tiếng mới là điều tuyệt diệu!”

-Một thính giả khá trọng tuổi đến thưởng thức buổi nhạc hôm ấy, có nói: “Tôi thì tôi thấy nhạc của Thành Tâm có cái gì đó nó bắt mình cứ nghe đi rồi nghe lại mà không biết chán. Nghe chán, xong rồi còn ngâm nga hát tiếp đoạn nào ăn ý nhất. Nhạc có hay, mới được thế chứ…!”



Nghe phản hồi, bần đạo bèn vào “Google” thử đánh chữ “Quê Hương Thượng Đế” để xem sao, thì bắt gặp giòng chữ mô tả loại nhạc ấy như sau: Thể loại: Nhạc trữ tình, chất lượng! Đây là loại nhạc trẻ “hip hop”, Rock. Ca đoàn nhà thờ, thì gọi đó là thánh ca và coi giòng nhạc của tác giả này như giòng chảy mượt mà, nhè nhẹ tuy nhiều lúc cũng hơi “giựt”. Nghe vậy, bần đạo bèn vào “youtube” nghe thử nhạc bản ấy, đã thấy ca từ như sau:



“Nửa đêm chốn hoang vu, Chúa ra đời

Đồi khô đá chơ vơ trời băng giá

Nhân gian, có tin vui phận bèo chốn quê nghèo:

Hãy đi tìm xem trẻ thơ…”

(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – bđd)



Nghe, là nghe như thế chứ nhìn thì nhìn ra sao? Thấy những gì?

Bần đạo, quả là chả bao giờ có được kinh nghiệm của bậc trưởng thượng thuộc trung tâm nghe nhìn thành thị, nhưng cũng lượm lặt được đôi ba chuyện về Giáng Sinh, nay gom lại để “phiếm”. Nay có yêu cầu, nên mời bạn và mời tôi, ta nghe qua vào ngày lễ lớn.

Thật ra thì, gọi là lượm lặt đôi ba ý tưởng ở đây đó, cũng chỉ là những “chuyện nhỏ” rất vụn vặt, để rồi bạn và tôi bỏ chút thì giờ mà thưởng lãm. Thưởng lãm, là thưởng thức một cách lịch lãm ý/lời chuyện Giáng sinh ở đời nhiều tình tiết. Nhiều tình tiết, cũng chan chứa tâm tình như vẫn được các bậc vị vọng ghi vào bộ nhớ để rồi vào một ngày đẹp trời nào đó có bổn đạo hỏi đến là “phán” ngay thôi.

Đấng bậc ở Sydney từng “phán” rất nhiều nhưng chả biết được bao nhiêu người, đặc biệt là người nhà Đạo giống giòng A-na-mít, biết đến. Thành thử, bần đạo nay xin làm chân thư ký, quảng diễn với quảng bá, vài ba ý. Trước hết, là ý của một người sống ở Sydney, đã từng hỏi:



“Dạo trước con có xem một cuốn phim nói về cuộc đời Chúa Cứu Thế, trong đó nữ tài tử thủ vai Đức Mẹ khi sinh ra Chúa, bà lại diễn tả cơn đau cồn chuyển cữ, thấy cũng lạ. Lâu nay, con vẫn được dạy: Đức Mẹ là thánh nữ đồng trinh, đâu nào biết đến đau đẻ bao giờ! Về chuyện này, Hội thánh mình có khuyên dạy điều gì chăng? Xin cho biết.”



Hễ có người kêu vời “xin cho biết”, là cha cố nhà mình bèn phán ngay lập tức. Không chậm trễ. Bởi thế nên, độc giả ở Úc và các vị nào còn thắc mắc chuyện Đức Mẹ “Đồng Trinh” sạch sẽ, hẳn cũng nên nghe những khẳng định của đấng bậc học giả xuất thân từ phân khoa Thần học của Havard, như sau:



“Theo Truyền thống Giáo hội, thì: Đức Maria là Thánh Nữ Đồng Trinh rất vẹn tuyền. Vẹn tuyền, là: trước khi Mẹ sanh Chúa Hài Đồng, đang lúc sanh hạ và cả sau khi sanh nữa, Mẹ vẫn Đồng Trinh tinh tuyền. Vì thế nên, Mẹ chẳng thể nào biết đau đẻ bao giờ hết, cả khi Mẹ sanh ra Chúa, cũng thế.



Và hơn nữa, Đức Mẹ Đồng Trinh Sạch Sẽ, là tín điều mà mọi người chúng ta đều phải tin. Ngay như Công Đồng Đại Kết Công-Stăng-Ti-Nô-Pô-Li nhóm vào năm 553 đã tặng Mẹ tước hiệu rất đúng là “Trọn Đời Đồng Trinh”. Tước hiệu ấy đã được Công Đồng Latêranô lặp lại lần nữa vào năm 649 và sau này chính Đức Giáo Hoàng Phaolô IV cũng nói đến hồi năm 1555. Trong quá khứ, điều này cũng được nhiều thánh Tổ phụ Hội thánh xác nhận và giáo huấn, trong đó có: thánh Ambrôsiô, thánh Giêrônimô, thánh Âu Tinh, thánh Êpiphanô, thánh Basil và nhiều thánh cả khác…



Lời tuyên xưng Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh khi sanh đẻ, có nghĩa là: sự toàn vẹn cơ thể của Mẹ không bị sụp đổ cả khi Mẹ sanh ra Chúa Cứu Thế. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từng nói rõ điểm này. Khi trích thuật lời ghi trong Hiến Chế rất Giáo điều mang tựa đề “Ánh Sáng Muôn Dân” rút từ bản văn chính thức của Công Đồng Vatican II, trong đó nói: “Niềm tin sâu sắc về tính đồng trinh của Mẹ đã đưa dẫn Hội thánh tuyên tín về sự đồng trinh đích thực và muôn đời của Mẹ, cả khi Mẹ sanh ra Con Chúa làm người. Quả thế, việc Chúa Giáng sinh ‘ vẫn không làm giảm đi tính đồng trinh trọn vẹn của Mẹ nhưng đã thánh hoá bản chất ấy.” (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân đoạn 57, sách GLHTCG đoạn 499)



Mẹ vốn đồng trinh vẹn tuyền khi sanh Chúa, điều đó chứng tỏ Mẹ không biết đến đớn đau/sầu buồn gì hết. Việc này, sách Khởi Nguyên cũng đề cập đến sự khác biệt nơi bản chất của “Eva Mới”, chân Mẹ đạp đầu con rắn mà Eva khi xưa từng được Giavê Thiên Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi." (STK 3: 16)



Sự trái nghịch giữa hai người nữ lớn lao đến độ không thể quan niệm rằng Eva mới là Mẹ Maria lại phải đớn đau khi sanh Chúa. Sách Phần La Mã, còn gọi là Giáo Lý Công Đồng Tri-đen-ti-nô cũng minh định lời Giavê nói với Eva: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.” (STK 3: 16). Và Đức Maria được miễn chuẩn khỏi luật này vì, có như thế Mẹ mới bảo tồn tính đồng trinh trọn vẹn không tì vết nên mới sanh ra Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, như ta đã biết, Mẹ không hề từng trải kinh nghiệm đớn đau nào hết.” (Sách Phần La Mã đoạn #50)



Vào thế kỷ thứ IX, tác giả thần học là Haymo Halberstadt (năm 853) nói rất rõ, rằng: “Chính vì khi Mẹ cưu mang Con của Mẹ không vương vấn khoái lạc nào, nên khi sanh ra Chúa, Mẹ cũng chẳng thấy đớn đau chút nào.” (x. Chú Giải Sách Khải Huyền 3, #12; câu 117)



Dĩ nhiên ta bàn về sự hạ sinh rất lạ kỳ, vào lúc thánh sử đầy dẫy những chuyện lạ, cả ở Cựu Ước cũng như Tân Ước, mãi đến nay. Hệt như ta không có can đảm bảo rằng Sách thánh nói rõ việc này; nhưng tối thiểu cũng nên hiểu là Mẹ sanh ra Chúa mà chẳng hề biết đớn đau. Đặc biệt, Truyền thống Giáo hội luôn dạy ta biết rằng: Mẹ luôn là Đức Nữ Đồng Trinh rất vẹn tuyền, cả khi Mẹ sanh ra Chúa. Và, Hội thánh đã xác quyết chuyện này qua giáo huấn của thánh hội.



Các thánh Giáo phụ trong Hội thánh từng cắt nghĩa cho ta hiểu mầu nhiệm thánh thiêng này bằng cách dùng các ví dụ cụ thể như ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua lớp kính pha-lê trong suốt mà chẳng gây nên mảnh vỡ nào hết. Như, việc Chúa trỗi dậy khỏi mộ vắng bịt rất kín khó mà thoát khỏi nơi đó; về sau, Chúa lại đã hiện đến với môn đồ khi mọi cửa ngõ đều đóng kín, vv. Và, cuối thế kỷ thứ II, tác giả Tertulianô đã tóm tắt mọi chuyện như sau: “Đối với Mẹ là Đấng sanh ra Chúa Hài Đồng theo kiểu khác thường và mới mẻ thì Chúa phải được sanh ra cùng một kiểu mới mẻ như thế.” (x. Đức Kitô mặc lấy xác thịt loài người đoạn #17). Nói tóm lại, ta có thể gặp rất nhiều bản văn giống như thế trong Truyền Thống Hội thánh, thời tiên khởi.



Các thánh Giáo Phụ còn thấy nơi hình ảnh Chúa Giêsu sanh ra từ cung lòng Mẹ Đồng Trinh qua lời tiên tri Edêkiel khi nói về cửa Đền thờ (Êz 44: 2) và nơi bài ca Salômôn: “Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, em là khu vườn cấm, là dòng suối canh phòng nghiêm mật, là giếng nước niêm phong.” (Dc 4: 12)



Nói tóm lại, Truyền thống Giáo hội vẫn nhất mực công nhận Mẹ không hề đau đớn khi sanh Chúa.” (x.Lm John Flader, Question Time, Connorcourt, 2008 tr. 13-14)



Nói theo đấng bậc ở Sydney, là nói theo cung cách rất bài bản, chính mạch. Kiểu, của Hội thánh. Nói, là nói rất công nhiên. Chắc nịch. Không sai chạy. Nhưng, vấn đề là: nói như thế vẫn như thể người của Giáo hội thời tiên tổ, chẳng mấy hấp dẫn người thời đại. Chỉ thuyết phục người đi Đạo có lòng Đạo, mà thôi.

Nói về Chúa Giáng sinh cho người thời đại. Hoặc, nói với giới trẻ ngày nay, chắc cũng nên nói sao cho mượt mà, êm ả như giòng nhạc trích ở trên. Nói ở trên đây, không là nói bằng lời cho bằng ý nhạc. Nói như thế, thì người nghe mãi thấy thấm vào người rất nhiều điều, như sau:



“Một đêm Chúa sinh ra, bên rìa làng,

Cỏ rơm giấu cơn gầy ngăn cơn gió.

Đêm khuya, giữa canh thâu, rạng ngời giữa đêm dài.

Ánh sao bình an đã lâu …”

(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – bđd)





Nói về Chúa sinh ra, đâu chỉ tà tà nói những điều mà các thánh Giáo phụ từng nói rất chuẩn về tính đồng trinh vẹn tuyền của Đức Mẹ. Nói về Giáng sinh cho người trẻ hôm nay, có lẽ nên nói về niềm vui xum vầy, ngày lễ hội. Về, tinh thần thương yêu giùm giúp “mấy anh dân nghèo nghiêng nhìn trẻ Thơ…” rất nên thơ. Nhiều nhạc tính.

Và, nói về Giáng sinh hôm nay, còn là nói về truyện kể cũng rất vui, êm, nhè nhẹ như câu truyện ở bên dưới:



“Một hôm, người sinh viên trẻ nọ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "Người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học trò.



Trên đường đi, hai người bắt gặp đôi giày cũ nằm ở giữa đường.Thầy trò đoán chừng đôi giày này là của nông dân nghèo nào đó đang làm việc ở cánh đồng gần đó, có lẽ ông đang chuẩn bị kết thúc một ngày quần quật của mình.



Người sinh viên quay sang nói với giáo sư: "Thầy à, hay ta thử trêu ghẹo người nông dân một chút, chắc sẽ vui. Nghĩa là: em sẽ giấu đôi giày của ông ta rồi thầy và em ta cùng trốn đằng sau bụi cây kia xem thái độ ông ta ra sao khi không thấy đôi giày của mình."



Vị giáo sư nghe vậy bèn cản ngăn: "Khoan đã, anh bạn ạ, ta đừng bao giờ đem người nghèo ra mà trêu chọc mua vui cho bản thân mình. Bởi, em vốn là sinh viên con nhà khá giả, có thể tìm cho mình niềm vui nào khác lớn hơn nhiều qua nông dân này. Em hãy thử đặt đồng tiền cắc vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem ông phản ứng ra sao."



Người sinh viên làm theo lời thầy chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn sau bụi cây gần đó.

Chẳng mấy chốc, người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi để giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì thấy có vật gì cưng cứng bên trong, ông cúi xem đó là vật gì và thấy một đồng tiền. Nét kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông chăm chú nhìn đồng tiền cắc ở trong giày, lật qua lật lại hai mặt của đồng tiền rồi ngắm thật kỹ. Sau đó, ông đảo mắt nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy một ai. Bấy giờ ông bỏ đồng tiền cắc vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Nỗi ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông thấy đồng tiền cắc thứ hai bên trong chiếc giày khác. Cảm xúc tràn ngập lòng mình, người nông dân quì xuống, ngước mắt lên trời và đọc lớn tiếng lời cảm tạ chân thành của mình lên Thượng Đế. Ông bày tỏ sự cảm tạ bàn tay vô hình hào phóng đã đúng lúc đem mòn quà giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn do người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.



Anh sinh viên lặng người vì xúc động, nước mắt giàn giụa chảy. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em thấy vui hơn lúc em có ý định em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên đáp: "Thưa thầy, đã dạy cho em một bài học đích đáng em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa đích thật của câu nói mà trước đây em không tài nào hiểu nổi: "Cho đi tốt hơn nhận vào!"



Truyện kể trên vẫn lao xao, gọn nhẹ, nhưng đầy ý nghĩa, nhân ngày lễ hội. Lễ hội, của những ân tình dành cho dân nghèo. Cho người thiếu thốn về nhiều cách hơn là chỉ vật chất. Truyện kể vào ngày lễ hội, phải là truyện vui rất nhộn, đầy ý nghĩa. Ý nghĩa ấy, đâu cần lý luận, biện giải. Chỉ cần vui. Vui, không vì ngoài cảnh những ồn ào, náo động. Nhưng, vui vì thấy được vào ngày của Chúa, rất Giáng sinh, bao giờ người người cũng nhận nhiều đặc sủng, từ Đức Chúa.

Đặc sủng Chúa ban, ngày lễ hội, vẫn được thánh nhân hiền lành, từng khẳng định ở nhiều thư, như sau:



“Chúng ta có những đặc sủng khác nhau,

tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.

Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin.

Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ.

Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo.

Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn.

Ai phân phát, thì phải chân thành.

Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm.

Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.”

(Rm 12: 6-8)



Đặc sủng hôm nay, phải chăng gọi được là “Quê Hương Thượng Đế”. Quê hương hôm nay, không chỉ là “chùm khế ngọt”, hoặc con đê hiền từ, anh từng bước vội. Quê hương Thượng đế hôm nay, vẫn là và phải là niềm vui bất tận có Chúa Giáng Hạ làm người, để ta vui. Vui vì được cứu. Vui, vì được vào chốn Nước Trời, rất nhân ái, êm đềm. Giùm giúp.

Vui, như như ý lời nhạc bản của nhóm bộ ba linh mục Dòng, lâu nay vẫn hát. Hát rất mạnh. Hát rất vui. Hát, những câu ca chừng như là:



“Và có mấy anh dân nghèo,

tới nghiêng nhìn trẻ thơ trong khăn đặt trên máng.

Và, có tiếng ca âm vang,

muôn thiên thần hò reo,

hân hoan câu bình an.”

(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – bđd)



Tiếng vang. Muôn thiên thần, hoà vang. Ngay ở đây. Bây giờ.



Trần Ngọc Mười Hai

Nay đã nhận ra rằng

Quê Hượng Thượng Đế

không chỉ là bài ca an hoà

ngày lễ hội rất Giáng sinh.

Những phải là lời ca ta vẫn hát

hết mọi ngày. Trong đời.

Suy niệm Lễ Chúa Giáng Sinh năm B 25.12.2011



“Của trời đất, của muôn ngàn ý nhị,”

“và tình ta sáng láng như trăng thanh.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ga 1: 1-18

Trời ý nhị. Tình sáng láng. Là, để đón chào Đức-Chúa-Niềm-Vui nay giáng hạ làm người. Đón và chào, để nói lên tình tự tươi vui “của trời đất”. Tình tự đây, là tình thể hiện nơi “máng cỏ” cho muôn loài. Niềm-Vui-Đức-Chúa giáng hạ, là truyền thống có từ thời thánh Phanxicô Át-xi-di, nhân chuyến thăm thế giới Hồi giáo trở về, thánh nhân đã thiết lập ở Ý, lễ hội sinh động cho mọi người, ở muôn nơi.

Hội lễ Niềm-Vui-Đức-Chúa nay giáng hạ làm người, là mừng sự kiện Chúa trở thành Người-Phàm sống sẻ san Niềm-Vui vẫn có ở Nước Trời. Có sứ điệp của máng cỏ nay nhắn nhủ người người hãy sống vui ở bên nhau, và với nhau. Sứ điệp, còn bảo cho mọi người biết yêu thương mà vui hưởng đời người có Chúa-làm-người. Có anh em quần tụ nơi máng-thế-giới. Sứ điệp, cũng tỏ bày cho người người biết Đức-Chúa-Niềm-Vui nay đến khoả-lấp mọi đớn đau/sầu buồn của mọi người. Sứ điệp, cuối cùng còn cho thấy Đức-Chúa-Niềm-Vui muốn dân con mình đừng nên nhìn mọi người như nỗi khó để đối phó. Mà như Niềm-Vui-Đức-Chúa đã giáng-hạ sẽ giúp mọi người thắng vượt nỗi khổ ta trực diện.

Về với máng cỏ của Đức-Chúa-Niềm-Vui giáng-hạ, ta hãy cứ tưởng tượng và thay thế các chú bò/ lừa hôm đó, bằng khủng long to đùng dù loài này biến mất đã 65 triệu năm. Khủng long đây, có là loài thú “hoành tráng” mấy đi nữa, dù đã biến mất đi, chúng vẫn có thể xuất hiện trở lại, để ta biết rằng: chúng cũng đâu thấy được đảm bảo tương lai mai ngày, nói gì đến loài người. Tức, loài nào rồi cũng biến mất như khủng long to đùng, nay tuyệt chủng. Nay, Hài-Nhi-Đức-Chúa xuất hiện trở về lại, mang đến cho muôn người niềm yêu thương đằm thắm đến với dân gian.

Cứ tưởng tượng thêm, ta sẽ không còn thấy mục đồng hiện diện bên máng cỏ nữa, mà chỉ là kẻ bàng quan tượng trưng cho vua quan lãnh chúa có ở đó, để Hài Nhi Thánh Ái vui vẻ mà cười nhẹ. Tưởng tượng nhiều hơn nữa, ta sẽ liên tưởng đến kịch bản nọ trong đó có chàng Jimmy Chăn Bò rất lãng tử chẳng quan tâm/chăn dắt bất cứ ai. Thêm vào đó, là Fred StarGazer, tay chiêm-tinh-gia chuyên ngắm nghía sao trời lãng đãng có biệt danh là Chàng Mag (chữ tắt của Đạo Sĩ rất “Ba Vua”). Còn lại là người thứ ba tên Fatso đồng nghĩa với Phát Phì ở tiếng Việt. Hài Nhi Thánh Ái hôm ấy đã trỗi dậy cười đùa với ba bốn vị trong bối cảnh đời thực. Ai cũng tự do thả hồn theo bước thăng trầm sầu/vui nơi đời sống. Và Hài-Nhi Thánh Ái đã hoà nhập với họ để cùng vui như thế.

Suy về máng cỏ đời người, người đời sẽ thấy loài khủng long to đùng và kẻ bàng quan cùng nhau tung tăng múa nhảy. Nhảy múa với khủng long ư? Phải chăng đó là màn múa/nhảy ở xứ miền động đất có núi lửa nổ bùng? Liên tưởng nhiều thêm nữa, người người sẽ thấy kẻ bàng quan nay tham gia múa/nhảy với cuộc đời, không còn hãi sợ bất cứ thứ gì, nhưng đã biết cười đùa lớn tiếng, nói to lên. Liên tưởng thêm, người bàng quan tham gia cuộc nhảy/múa rồi cũng sẽ phục sức đầy sắc mầu của vui tươi, an hoà. Chừng như họ là những vị chuyên tấu hài hay sao đó, chính vì thế tay chân họ vừa tung tăng múa và nhảy vừa tung lên cao rất nhiều thứ/đủ mọi thứ, như: banh quần vợt đầy sắc mầu hoan hỷ. Đôi lúc có vị hụt hẫng chẳng chụp được banh nỉ, nhưng cũng chẳng lấy đó làm điều, bởi hầu hết mọi tung ném đều đạt mục tiêu, rất đúng cách.

Trong số các nhân vật ấy, duy nhất chỉ thấy có một vị bắt chụp được hết mọi thứ dù banh nỉ có tung cao lên cao tít, ở cõi không. Bởi, Anh đứng đó trên máng cỏ, hầu có thể bắt chụp mọi thứ của mọi người. Anh ở trên đó, khi mọi sự đã chứng tỏ mọi sự nay theo đúng ý của Anh. Anh chẳng hề rời bước khi mọi sự cứ từ từ diễn tiến rồi xảy đến. Anh chính là thành phần của mọi sự và trong mọi sự. Giống bất cứ ai và những loài hiện có ở nơi đó. Anh chính là Hài Nhi Chí Ái luôn ưa thích mọi sự, cả những thăng trầm cuộc đời, nơi con người. Và, Anh mãi mãi sẽ thế. Tên Anh là Giêsu, đích thị làng Nadarét, chốn nhân gian.

Về với máng cỏ, ắt hẳn có người sẽ liên tưởng đến cảnh trí thật vui hết ý về trò chơi nơi cuộc đời giống như thế, nên sẽ hỏi: sao Chúa lại giáng hạ làm người ở với người. Và, câu trả lời chắc chắn là: Ngài làm thế, để được vui nhiều hơn chốn vĩnh cửu miền nào đó!

Cử hành Tuần Thánh và hội lễ Phục Sinh, dân con người mình hẳn suy nghĩ nhiều về nỗi chết cũng như sự sống lại của Chúa. Khi ấy, người người hẳn sẽ nghiêm trang những suy và tưởng về chính mình. Bởi, Chúa có chết đi và sống lại chốn miên trường, chính là để ban niềm an vui vĩnh cửu cho mỗi người và mọi người. Để, ơn cứu độ Ngài đến với con người. Và, nhiệm tích Vượt Qua –tức nhiệm tích thánh thiêng Ngài lướt vượt mọi thứ qua cái chết để rồi Ngài lại về với sự sống có trỗi dậy. Đó, là giải pháp cuối cho mọi dự tính của riêng ta.

Hội lễ Đức-Chúa-Niềm-Vui nay giáng hạ lại không như thế. Theo cung cách nào đó, có thể nói: đây là tưởng thưởng trội vượt nhu cầu thiết yếu để qua đó Chúa cứu độ trần gian là ta đây. Nhằm cứu rỗi chúng ta, hết mọi nhà, Ngài còn làm nhiều hơn thế. Làm nhiều, để ban cho ta Niềm-An-Vui lớn hơn cả nhận thức biết rằng mình được cứu thoát. Vui đây, là vui niềm trở nên một với Chúa ở đây. Bây giờ. Niềm vui có Đức-Chúa-là-Niềm-Vui luôn ở lại với ta, bây giờ và ngay đây. Đó chính là an vui niềm phúc hạnh gửi đến cho ta. Đó lại là Niềm-Vui-Có-Chúa giúp ta lướt vượt được nhiều thứ, chí ít là khốn khó.

Lễ hội Chúa Giáng hạ, nay là mạc khải Chúa xác định thêm một lần nữa cho ta. Xác định, để ta vui với Niềm-Vui Chúa giáng hạ ở với cuộc đời, là thế giới. Sự thể này, còn to lớn hơn sự sống. Bởi, nó không bị ràng buộc hoặc kiểm soát bởi bất cứ quá trình nào từ cuộc sống hoặc do bởi nhu cầu sống ở nơi ta. Và, cũng chẳng còn gì để nghi ngờ nữa về tương lai mai ngày của chính ta, và mọi người. Lễ hội Chúa-giáng-hạ-làm-người nay tiêu dùng cả và thế giới ta đang sống. Nhưng chính ta lại không bị thế giới tiêu dùng làm tan đi chính con người mình. Đức-Chúa-là-Niềm-Vui đang vui hưởng ngoạn sự kiện làm người ở với ta đến độ Ngài yêu cầu ta hãy đạt lấy niềm vui thần thánh có Đức Chúa. Vui như thế, để ta không cần phải chờ đợi gì nữa, vì đã đạt chốn thiên đường ở đây, ngay bây giờ. Thiên đường thực tế là đây. Ở lễ hội Giáng hạ này. Lễ hội, có máng cỏ. Có thiên đường là đây, chốn đời người.

Sự việc, xem ra có vẻ khác thường. Đúng thế. Đức-Chúa-là-Niềm-Vui nay giáng lạ, là việc rất khác lạ. Chúa hiện diện ở với ta, dù ta lại không trông chờ hoặc ngóng đợi, đó vẫn là sự thật rất hiện thực của Niềm-Vui nhập thể và nhập thế. Niềm-Vui-Đức-Chúa xuống thể làm người, là Ngài mạc khải tỏ lộ chính Niềm-Vui bằng xương thịt như ta; nhưng, chừng như ta không nghĩ Chúa như thế.

Chắc cũng cần đến đấng bậc lành thánh như bậc hiển thánh Phanxicô thành Atxidi dạy cho ta biết điều ấy. Cần dạy để ta thấy được rằng người người ở trần thế, vẫn rất vui. Vui, với Niềm-Vui-của-Đức-Chúa để ta hoà lẫn với mùa lễ rất Giáng hạ. Chắc chắn bậc hiển thánh Phanxicô sẽ không về tay không khi ngài đặt chân viếng máng cỏ và để giờ nguyện cầu. Chắc chắn bậc hiển thánh sẽ ra đi vui hưởng cuộc đời lành thánh với chúng nhân cùng bạn bè người thân. Ta vẫn rất cần bậc lành thánh dạy ta thêm lần nữa, Đức-Chúa-là-Niềm-Vui nay giáng hạ.

Lễ hội Niềm-Vui-Chúa giáng hạ, khiến tất cả được mời gọi vui hưởng thế giới của niềm vui, như trẻ bé. Hội lễ Chúa Giáng Hạ ta mừng kính hôm nay đều có nghĩa Đức-Chúa-là-Niềm-Vui đến với thế giới gian trần, nơi máng cỏ cuộc đời hoặc ngay trong nhà. Đức-Chúa-Niềm-Vui là thế đó, rất vui. Hôm nay.

Trong niềm an vui phấn khởi của mọi người, tưởng cũng nên về với lời thơ vui mà ngâm tiếp:



“Chúng ta tiến, em ơi, thành thanh khí.

Cho tan ra hoà hợp với tinh anh.

Của trời đất, của muôn ngàn ý nhị,

Và tình ta, sáng láng tự trăng thanh.”

(Hàn Mặc Tử - Sáng Láng)



Sáng láng ấy. Tinh anh này. Vẫn là Niềm-Vui-Chúa-giáng-hạ để ta tiến. Tiến cho tan, ngõ hầu hoà hợp với niềm vui chung của thế giới, của muôn ngàn ý nhị. Như trăng thanh. Tâm tình. Đầy ý tứ.



Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.

Mai Tá phỏng dịch.
 
Mầu Nhiệm Tình Yêu Từ Hang Đá Bethlem
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
21:12 24/12/2011
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU TỪ HANG ĐÁ BETHLEM

Trong hành trình dương thế của mỗi người chúng ta, không thiếu những đoạn đường xa khiến chúng ta mồ hôi vã trên trán. Chúng ta mong có một bóng mát để dừng chân. Khi đi trên những chặng đường dài, chúng ta mong có quán trọ nghỉ qua đêm. Trong cuộc đời, có những lúc vất vả, vì gồng gánh, chúng ta muốn được nghỉ ngơi. Trong những nỗi đau biệt ly, chúng ta mong có người bạn để an ủi. Khi gia đình có những chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, chúng ta mong có bạn tâm giao để chia sẻ và thổ lộ những tâm tình. Có rất nhiều, rất nhiều những tình huống và những gia cảnh khác nhau. Nhưng cách chung, trong những đêm đen thì người ta luôn mong ngày mới mau tới. Khi đi trong bóng tối, người ta ước mong có tia sáng chiếu rọi.

Hôm nay, ánh sáng từ trời đã đến cho những người đang đi trong bóng tối. Hoàng tử Bình An, Ông Vua Thái Bình đã đến với những người gồng gánh nặng nề được nghỉ ngơi. Những người cô đơn, những gia đình cảm thấy chao đảo. Những tâm hồn đang đi trên những bến bờ của thất vọng đều gặp thấy ở nơi hang đá Bethlem một cảnh ấm áp của gia đình. Đó là gia đình Thánh Gia. Người con hạnh phúc ấy là Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người. Tình yêu lớn đến nỗi bao trùm cả một không gian đen tối. Tình yêu ấm áp đến nỗi phá tan giá lạnh của đêm đông. Gia đình Nazareth hạnh phúc đến nỗi không ai nhìn thấy cô đơn, dẫu đó chỉ là hang đá của bò lừa. Hang Đá Bethlem là điểm giao hòa giữa trời và đất. Là điểm qui tụ từ những mục đồng chăn chiên đơn sơ bé nhỏ đến những nhà chiêm tinh mãi tận phương Đông. Về sau này, Hang Đá Bethlem là đề tài muôn thủơ cho những đề tài của thi ca. Hang Đá Bethlem là nơi rạng rỡ những nụ cười và xóa đi những dòng nước mắt. Hang Đá Bethlem là nơi không định vị trên những bản đồ có những biên giới ngăn cách, kể cả không gian và thời gian. Người ta gặp nơi đây những con người không phân biệt tôn giáo, địa vị, giai cấp, thành phần. Tất cả đều đến với Hang Đá Bethlem ; Đêm đông nhưng ấm áp, cô đơn nhưng lại thấm đẫm tình người. Ở nơi đây người ta không cần phải nói nhiều: “Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính. Chúa nay ra đời trong máng cỏ hang lừa”. Hang Đá Bethlem là một đề tài không cần phải diễn tả, nhưng người ta có thể nói rằng, sự thật thì không cần phải phân trần, tình yêu không cần phải diêm dúa. Một hình ảnh Bethlem chan hòa tình Chúa, tình người và là biểu tượng của hòa bình như vậy đó.

Hôm nay, Chúa đến với chúng ta là vì Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Sứ điệp của đêm Noel đến cho toàn thế giới của mọi thời đại, đó là “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Không có nghĩa Thiên Chúa tìm sự vinh danh, mà là vinh quang của Chúa hôm nay tỏ cho thế giới. Những ai đón nhận được những ánh vinh quang này. Giống như ba nhà chiêm tinh dõi theo ánh sao, họ được nhận biết Thiên Chúa và đã hạnh phúc vì được thờ lạy. Đó là vinh quang tỏ ra cho ba vị. Cũng vậy, hôm nay những ai ngồi trong bóng tối sẽ được tiếp nhận ánh sáng, họ đi từ đêm sang ngày. Khi ánh bình minh ló rạng là lúc hình ảnh của hy vọng bừng lên. Những người ngồi trong bóng tối đến với bình minh là đến với ngày mới, khác với những người đi từ ban ngày vào bóng tối, đó là hoàng hôn. Hình ảnh của Giáng Sinh hôm nay là để đưa con người từ bóng tối ra ánh sáng, để những ai đến với Hang Đá Bethlem học được yêu thương dịu dàng, học của tình yêu phục vụ, học được ở nơi đây một bản nhạc không lời nhưng là lời ca của vũ trụ; học được ở nơi đây hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ để đi vào trong các gia đình ấm áp tình người và đáp lại mái ấm của tình thương.

Một trẻ thơ vừa ra đời, đâu đã nói được. Một trẻ thơ vừa chào đời, đâu đã có thể dạy ai. Nhưng từ Hang Đá Bethlem, đó là bài học của khôn ngoan, bài học của hòa bình. Người ta về đây để cởi bỏ hận thù. Người ta về đây để nắm tay nhau cùng ca lên lời ca của hòa bình. Người ta về đây để chia sẻ một ngọn lửa ấm áp của tình thương. Người ta về đây trong đêm đông để nói lên rằng, ánh sáng chiếu soi sẽ phá đi màn đêm đen tối. Như vậy, người Kitô hữu hôm nay đến với hang đá Bethlem, đến với Chúa Hài Đồng Giêsu Giáng Sinh trong đêm đông giá lạnh chính là để vinh quang của Nước Trời chiếu rọi trong tâm hồn họ. Điều mà họ vẫn đọc kinh Lạy Cha hàng ngày, “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”. Những gia đình mà vì chưa có Nước Cha trị đến nên hiểu lầm nhau, nên kết án lẫn nhau và không thiếu những gia đình đổ vỡ vì đau thương, vì những oán hờn ghen ghét. Hôm nay, Nước Cha trị đến làm cho gia đình đó hạnh phúc và tràn đầy tình yêu. Hôm nay, Nước Cha trị đến trong những tâm hồn của nhiều người đang thất vọng tìm lại được niềm hy vọng đem ánh sáng để xóa nhòa đi những vực thẳm u ám của tử thần mà nhiều bạn trẻ ngày nay đang mon men đi tới.

Từ nơi Hang Đá Bethlem, chúng ta còn gặp thấy ở đây hình ảnh của một gia đình mà gia đình đó là gia đình thánh. Bởi vậy, ngoài những khung cảnh tình yêu thương, sứ điệp của hòa bình, chúng ta còn thấy chất thánh thiện bừng lên từ nơi hang đá nghèo hèn để thấy được rằng, nghèo hèn không phải là điều người ta khinh bỉ, nhưng “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Người ta gặp thấy sự thánh thiện khi bị ruồng bỏ nhưng gia đình Thánh Gia đã đón nhận một cách bình thản ở giữa hang đá lạnh lẽo trên cánh đồng hoang vu, để học được ở đây sự thứ tha, sự đón nhận vâng theo thánh ý Chúa. Bài học thánh thiện để cho mỗi người ứng xử với nhau, trong tinh thần quảng đại, đón nhận nhau, chia sẻ với nhau.

Ít hôm trước, có một du khách đến Nhà thờ Phát Diệm trong những ngày chúng ta đang chuẩn bị náo nức đón Chúa Giáng Sinh, họ nhìn thấy dòng chữ lớn trên Phương Đình: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”, du khách ngoại quốc này chắc là một sinh viên Công Giáo nên đã hỏi xem “Ngôi Lời nghĩa là gì?”. Chúng tôi giải thích một cách giản dị: “Ngôi Lời là tư tưởng. Người ta muốn diễn tả tư tưởng thì phải dùng lời”. Thiên Chúa là thiêng liêng muốn diễn tả tư tưởng, tình yêu thương của Ngài với nhân loại thì hôm nay Ngài diễn tả qua việc Nhập Thể làm người để Ngôi Lời hóa thành nhục thể dưới hình hài một trẻ thơ, nói cho chúng ta biết ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa là Cứu độ muôn dân là yêu thương hết mọi người.

Vâng!. Một trẻ thơ vừa sinh ra đã dạy cho chúng ta biết bao nhiêu điều. Trẻ thơ đó là Chúa Hài Nhi Giêsu được gọi là Hoàng Tử Bình An, Ông Vua Thái Bình. Hoàng Tử Bình An đêm nay sinh ra cho mỗi người chúng ta và Ngài cũng đang mong tái nhập thể trong lòng chúng ta nữa. Người Kitô hữu hãy đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể trong chính cung lòng của mình. Hãy mở rộng lòng như Hang Đá Bethlem để hôm nay Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Xin cho ngày lễ Giáng Sinh này là sứ điệp của tình yêu, hạnh phúc, của hòa bình đến với tất cả mọi người mà đã bắt đầu khởi đi từ chính cõi lòng của mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu,
Xin Chúa ban bình an cho thế giới.
Xin Chúa cho lòng chúng con được cảm nhận
một triều đại của Nước Chúa đã đến gần.
Triều đại thịnh trị của hòa bình và của sự thật,
Triều đại của bác ái và ơn Cứu Độ,
để chúng con loan truyền Tin Mừng:
Hôm nay Chúa Cứu Thế đã Giáng Sinh
cho mỗi người chúng con được hưởng ơn cứu độ tràn đầy.
Xin Chúa cho chúng con một lễ Giáng Sinh thánh thiện,
một Mùa Giáng Sinh an lành
và một cuộc đời được nên giống Chúa Hài Đồng Giêsu,
an bình, hạnh phúc, yêu thương
và Nước Trời ở trong chính những người được Chúa chúc phúc. Amen.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Pakistan: Cảnh sát bảo vệ các nhà thờ trong đêm Giáng sinh
Nguyễn Trọng Đa
09:03 24/12/2011
Pakistan: Cảnh sát bảo vệ các nhà thờ trong đêm Giáng sinh

Lahore - Hơn 2.500 cảnh sát được huy động để bảo vệ các nhà thờ Kitô giáo tại Pakistan trong dịp lễ Giáng sinh, nhằm tránh các cuộc tấn công do các nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện.

Theo nguồn địa phương của Fides báo cáo, khoảng 430 nhà thờ Kitô giáo hiện nay ở Pakistan sẽ có "các biện pháp an ninh đặc biệt", để tránh cho các nhóm thiểu số Kitô giáo bị tấn công, và để đảm bảo rằng người dân có thể mừng lễ Giáng sinh trong an bình và thanh thản.

"Có khoảng 2.500 cảnh sát, bao gồm cả nhiều tay súng bắn tỉa, để bảo vệ các Kitô hữu vào dịp lễ Giáng sinh", một phát ngôn viên cảnh sát ở Lahore, Punjab, quê hương của phần lớn các Kitô hữu và nơi thờ phượng của họ, cho biết. Ông nói thêm: “Chúng tôi ưu tiên bảo vệ 38 nhà thờ, trong đó có 20 nhà thờ thường có nhiều người nước ngoài đến dự lễ Giáng Sinh".

Kitô hữu, chiếm khoảng 3% dân số Pakistan, bị phân biệt đối xử nghiêm trọng, và chịu sự lạm dụng và bạo lực ở Pakistan. Theo nguồn tin chính thức nói với hãng tin Fides, trong vòng năm năm qua, gần 5.000 người đã là nạn nhân của các cuộc tấn công do các nhóm cực đoan ở Pakistan thực hiện: 1 / 4 của số nạn nhân này là các Kitô hữu. (Agenzia Fides 23-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Một Giáng Sinh hòa bình trong một năm bị bách hại
Lã Thụ Nhân
09:04 24/12/2011
Một Giáng Sinh hòa bình trong một năm bị bách hại

Mumbai (AsiaNews) - "Hội đồng Toàn cầu các Kitô hữu Ấn Độ (GCIC) cầu mong rằng kỷ niệm sự ra đời của Chúa Kitô có thể mang lại hòa bình ở Karnataka, Orissa, Madhya Pradesh và các nơi khác ở Ấn Độ, những nơi mà các Kitô hữu bị bách hại vì đức tin của họ". Đây là niềm hy vọng của ông Sajan K George, Chủ tịch GCIC, theo sau một tuyên bố của các phần tử Ấn giáo cực đoan ở Kandhamal (Orissa), với ý định gây áp lực đóng cửa huyện này từ nay đến 27 tháng Mười Hai, để ngăn chặn việc cử hành Lễ Giáng Sinh cho các Kitô hữu địa phương.

Trong phạm vi tự do tôn giáo, cán cân năm nay đầy kịch tính: năm 2011, người thiểu số Kitô giáo đã phải chịu 170 cuộc tấn công bởi bàn tay của các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ấn giáo. Karnataka là bang có số lượng cao nhất với 45 vụ. Tiếp theo là Orissa, 25 vụ, Madhya Pradesh, 15 vụ, Kerala 10 vụ, Tamil Nadu, Chhattisgarh, Uttar Pradesh, Andhra Pradesh và Maharastra, mỗi nơi 6 vụ. Cũng có những vụ, những cuộc tấn công bị cô lập và không được báo cáo.

Theo dữ liệu do GCIC thu thập, các cuộc tấn công là có hệ thống và đủ loại: ám sát, làm tàn tật, làm tổn thương đôi mắt và đôi tai, thường là tổn thương vĩnh viễn; nhà thờ, Thánh Kinh, thánh giá và các vật dụng tôn giáo khác bị phá hủy hoặc báng bổ; đốt cháy xe hơi, xe máy và xe đạp; bị tước đoạt quyền sở hữu đất và nhà.

Chủ tịch Sajan George nói rõ: "Các cuộc tấn công đều dựa trên tôn giáo và không tôn trọng ngay cả các giáo huấn triết học Bhagavad Gita (văn bản thiêng liêng của Ấn Độ giáo), trong đó dạy mọi người Ấn Độ yêu thương và tôn trọng các tín hữu của mọi tôn giáo".

Chủ tịch của GCIC cũng nhấn mạnh đến "thông điệp xã hội mạnh mẽ của Giáng Sinh, vì nó xuất hiện nơi máng cỏ". Theo ông, máng cỏ nơi Chúa Giêsu sinh ra, là nhà của tất cả những người "bị phá hoại hoặc bị phá hủy bởi các lực lượng dân tộc quá khích, được hưởng sự bảo vệ của các chính trị gia và cảnh sát".

Ông nói thêm: "Hang đá Giáng Sinh gợi lên hình ảnh mạnh mẽ: nó dạy chúng ta rằng tầng lớp xã hội và giáo dục là không đáng kể và tất cả mọi người là anh em. Gia đình, nền tảng của xã hội đang đổ nát, và tính dễ bị tổn thương của nó cho thấy hang đá Giáng Sinh là lý tưởng của các gia đình Kitô hữu cần khao khát: một người mẹ và một người cha cầu nguyện, dõi theo con mình, trong sự vô tội của Ngài. Thánh Giuse, người cam kết bảo vệ Ngài, Đức Maria, hết sức yêu mến ngài. Nhưng ở Karnataka, các phần tử cực đoan Ấn giáo phá vỡ sự mật thiết của những gia đình Kitô giáo, họ phá hủy những gì tìm thấy, tấn công và thậm chí đánh đập các nữ tín hữu. Các lực lượng Ấn giáo này không chỉ phá hủy sự thiêng liêng của gia đình, mà còn phá hủy cấu trúc luân lý của chính xã hội".

Lã Thụ Nhân
 
Tòa Thánh tổ chức ca nguyện hoạt cảnh Giáng Sinh
Lã Thụ Nhân
09:07 24/12/2011
Tòa Thánh tổ chức ca nguyện hoạt cảnh Giáng Sinh

Vatican City (AsiaNews) - Lần đầu tiên trong lịch sử của Lễ Giáng Sinh ở Vatican, hoạt cảnh Giáng Sinh khổng lồ tại Quảng trường Thánh Phêrô sẽ được chào mừng bằng "bài ca nguyện": một dàn hợp xướng gồm 100 người lớn và trẻ em, với nhạc cụ là kèn túi và những nhạc cụ truyền thống, sẽ hát những giai điệu của hầu hết những bài hát mừng Giáng Sinh nổi tiếng từ Ý quốc và khắp thế giới.

Buổi lễ diễn ra vào lúc 16 giờ 45 ngày 24/12 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngay dưới cửa sổ phòng Đức Giáo Hoàng, nơi mà vào lúc 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha xuất hiện và thắp sáng ngọn nến, biểu tượng của hòa bình.

Món quà âm nhạc với tựa đề "Chiarastella" sẽ được trình diễn bởi dàn nhạc nổi tiếng từ Auditorium Parco della Musica ở Rôma, do Ambrogio Sparagna chỉ huy, xen kẽ là những giới thiệu ngắn gọn của nhà thơ Rondoni Davide.

Trong danh sách dài các bài hát, có thể thấy chủ yếu là những bài đã được loan truyền khắp thế giới của Thánh Anphongsô Maria de Liguori. Theo sau là một số bài hát bằng tiếng Đức, nhằm thể hiện sự kính trọng Đức Giáo Hoàng, các bài hát bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha và một bài tiếng Somali, nhằm tưởng nhớ những người dân ở vùng Sừng Phi Châu đang đau đớn vì đói khát.

Đức Cha Giuseppe Bertelli, Thống Đốc thành phố Vatican, sẽ chủ trì buổi lễ thay mặt cho tất cả các công nhân chuẩn bị hang đá, và Đức Hồng y Angelo Comastri, vị đại diện Giáo Hoàng ở thành phố Vatican, sẽ kết thúc cuộc gặp bằng việc dẫn dắt cầu nguyện.

Cuối cùng, như mọi năm, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ nhìn xuống từ cửa sổ phòng đọc của ngài để thắp sáng ngọn nến Giáng Sinh.

Lã Thụ Nhân
 
Giáng Sinh, dấu hiệu của hòa bình nơi một Libya vẫn còn chiến tranh
Lã Thụ Nhân
09:08 24/12/2011
Giáng Sinh, dấu hiệu của hòa bình nơi một Libya vẫn còn chiến tranh

Tripoli (AsiaNews) - "Giáng Sinh là cơ hội để mang lại sứ điệp hòa bình cho vùng đất bị đau khổ dày vò này, một nền hòa bình phải chứng kiến đời sống hàng ngày của chúng ta, qua hành động và cầu nguyện", Đức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli, Đại diện Tông Tòa của Tripoli cho hãng tin AsiaNews hay. Đức Tổng Giám Mục sẽ đến thăm cộng đoàn Công Giáo người Philippines của Misurata vào ngày 24/12, gồm chủ yếu là các y tá và bác sĩ. Họ nằm trong số ít những người nước ngoài vẫn lưu lại Libya trong toàn bộ thời gian chiến tranh.

Đức Tổng Giám Mục Martinelli cho hay sau cái chết của Gaddafi, tình hình đã được cải thiện, nhưng đất nước vẫn còn là nạn nhân của các cuộc tấn công trả thù giữa lực lượng nổi dậy và các bộ tộc vẫn trung thành với gia đình Gaddafi. Ngài cho biết: "Giáo Hội phục vụ các cộng đoàn Kitô hữu và người Libya, các linh mục chúng tôi đang cố gắng hoạt động trong sự tự do nhất định, mà không bị các rủi ro và lo lắng cản bước". Ngài giải thích rằng vì lý do an toàn, Lễ Giáng Sinh sẽ diễn ra vào cuối buổi chiều: "Trong suốt Mùa Vọng, nhiều Kitô hữu đã tham gia vào các cử hành, mặc dù có lo sợ".

Đối với Đức Cha Martinelli, "Libya sẽ biết bình tĩnh trở lại chỉ khi hòa bình quay về, nhưng người dân Libya có vẻ sẵn sàng để đưa đất nước trở lại bình thường".

Lã Thụ Nhân
 
Đón xem Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh trực tuyến từ Đền thờ Thánh Phêrô.
Tiền Hô
09:10 24/12/2011
Đón xem Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh trực tuyến từ Đền thờ Thánh Phêrô.

Các hoạt động mừng Lễ Giáng Sinh của Đức Thánh Cha sẽ bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều (giờ Vatican) ngày 24 tháng 12 với việc khai màn hoạt cảnh Giáng Sinh tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha sẽ xuất hiện trên cửa sổ căn phòng của ngài để ban phép lành. Đến 10 giờ tối, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ Vọng truyền thống tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Ngày 25 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ chúc mừng Lễ Giáng Sinh cho muôn dân bằng khoảng 65 ngôn ngữ và ban phép lành "Urbi et Orbi" từ ban công của vương cung thánh đường.

Khán thính giả khắp nơi trên thế giới có thể theo dõi trực tiếp hai sự kiện này thông qua mạng internet qua các trang web sau đây:

- Trang chủ Tòa Thánh: http://www.vatican.va/video/index.html

- Trang tin tức Tòa Thánh: http://www.news.va/es

- Trang web Đài phát thanh Vatican: http://www.radiovaticana.org


Ước tính có hàng triệu người trên toàn thế giới sẽ theo dõi Thánh Lễ Giáng Sinh do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cử hành thông qua các đài phát thanh, truyền hình và internet. (Rome Reports, 24 Tháng Mười Hai 2011)

Tiền Hô
 
ĐTC: giây phút trọng đại Lễ Giáng Sinh
Jos. Tú Nạc, NMS
09:13 24/12/2011
ĐTC: giây phút trọng đại Lễ Giáng Sinh

VATICAN – Thứ Sáu tĩnh lặng dành cho Đức Thánh Cha Benedict XVI trước khi diễn ra những nghi thức phụng vụ kỷ niệm Đại lễ Giáng Sinh. Cùng với những thành viên Curia, Đức Thánh Cha sẽ tập trung sự chú ý vào lời suy niệm thứ Sáu Mùa Vọng cuối cùng tại Dinh thự Giáo Hoàng trước khi cử hành những nghi thức tôn giáo diễn ra liên tục ở đây tại Vatican cho Đại Lễ Giáng Sinh Chúa Giê-su.

Vào hoàng hôn thứ Bẩy 24/12, khi Màn hình Giáng Sinh phóng đại ở Công trường Thánh Phê-rô được truyền đi trực tiếp. Lần lượt hình ảnh này sẽ được phát trong đêm canh thức cầu nguyện mà sẽ đạt đến cực điểm bằng bài thánh ca của Kalenda, một truyền thống được tái lập bởi ĐTC Benedict XVI. Lời công bố ngự đến của Đức Ki-tô được rút ra từ sự hành hình Roma, công bố bắt đầu trước lúc Lễ Giáng Sinh.

Vào lúc 20:00 giờ (giờ Roma), Đức Thánh Cha sẽ dẫn những nghi thức Lễ Giáng Sinh nửa đêm. Thứ Bẩy từ trung tâm ban công Nhà thờ Basilica, Vatican ngài sẽ đọc thông điệp “Urbi et Orbi” (gửi đến toàn thế giới).

Vào ngày 1 tháng Một, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ vào lúc 9:30 tại Công trường Thánh Phê-rô nhân Ngày Hòa bình Thế giới, mà năm nay, được đặt dưới tựa đề: “Educate Youngster in Justice and Peace”

Jos. Tú Nạc, NMS
 
Ki-tô hữu Iraq cầu nguyện cho hòa bình vào Lễ Giáng Sinh
Jos. Tú Nạc, NMS
11:23 24/12/2011
Ki-tô hữu Iraq cầu nguyện cho hòa bình vào Lễ Giáng Sinh

Những viên chức Công Giáo Chaldea đã hủy bỏ truyền thống Thánh lễ nửa đêm Vọng Giáng Sinh ở Iraq vì những rủi ro an ninh. Họ nói Ki-tô hữu Iraq sẽ dành Lễ Giáng Sinh trong “vô cùng sợ hãi” bởi nguy cơ của những cuộc tấn công mới.

“Chúng tôi có nhiều vấn đề trở lực bởi bối cảnh không có hòa bình và biện pháp an ninh, rủi ro thường trực,” Giám mục Mar Shelmon Warduni đã nói, phụ tá Giám mục của Patricarchate Babylon, Iraq, Giáo hội Công Giáo Chaldea. “Vì vậy những ngày Giáng Sinh và Năm Mới, chúng tôi hy vọng cử hành lễ, nhưng không phải là (Thánh Lễ) Nửa đêm, bởi vì có nhiểu trở lực.” Giám mục Warduni nói rằng, dù nhiều rủi ro, đối với những Ki-tô hữu ở Iraq, “Bổn phận của chúng tôi là cầu nguyện cho hòa bình.” Ngài nói về lời cầu nguyện của ngài cho mùa thiêng liêng này: “Và vì thế tôi xin Chúa Hài Đồng Bethlehem cho chúng tôi được an toàn và hòa bình, cho chúng tôi hân hoan và hòa bình, và chúng tôi kêu than với các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế. Chúng tôi xin Người duy nhất điều này, và không chỉ cho người dân Iraq, cho những Ki-tô hữu Iraq, mà cho mọi người ở Trung Đông.”
 
Ngọn nến hòa bình tại Vatican
Jos. Tú Nạc, NMS
15:32 24/12/2011
VATICAN – đầu giờ chiều thứ Bẩy này tại Vatican Cảnh Gáng Sinh Chúa Giê-su được phát trong Công trường Thánh Phê-rô. Năm nay hình ảnh được cống hiến là Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, để tỏ lòng tôn kính Đức John Paul II, sự hiến dâng của Ngài cho Đức Mẹ Đồng Trinh Maria nổi tiếng và niềm hanh phúc của ngài diễn ra vào tháng Năm vừa qua. Chỉ cách đây vài giờ, ĐTC Benedict XVI đã thắp ngọn nến cho hòa bình tại cửa sổ Dinh thự Giáo hoàng.

Một trong những bí mật được tiết lộ khi Cảnh Giáng Sinh Chúa Giê-su được phát trong Công trường Thánh Phê-rô. Hình ảnh máng cỏ lớn nhất thế giới cao hơn 25 mét và rộng 7 mét được Đức John Paul II người đẩu tiên yêu cầu một máng cỏ Giáng Sinh được đặt tại Công trường này năm 1982.

Điểm nổi bật nhất của sự kiện này là khi ĐTC Benedct XVI tại cửa sổ thư phòng thắp “Ngọn nến Hoa bình”. Trong lúc những khách hành hương và khach viếng tiếp tục đổ vào Công trường Thánh Phe-rô và Vương Cung Thánh đường trước lúc Đức Thánh Cha Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh, đã được lên thời biểu bắt đầu vào lúc 10 giờ tối giờ Roma.
 
Qùa tặng Giáng Sinh đặc biệt cho ĐGH Bênêđictô 16: cộng sản Cuba trả tự do cho gần 3.000 tù nhân
Hà Long
15:40 24/12/2011
Tin tức đặc biệt đã được phát đi từ thủ đô La Habana vào tối thứ sáu, 23/12/2011 khi chủ tịch Raúl Castro của cộng sản Cuba tuyên bố sẽ trả tự do cho gần 3.000 tù nhân trong dịp Giáng Sinh. Đây là số tù nhân được ân xá lớn nhất chưa từng có trong lịch sử cộng sản Cuba. Giới báo chí quốc tế nhận định đó là một món quà đặc biệt dành cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16, sẽ là người khách quan trọng sẽ đến viếng thăm Cuba vào năm 2012 trước lễ Phục Sinh vào tháng 3.

Vị tiền nhiệm, cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Cuba vào năm 1998 và lúc đó chủ tịch Fidel Castro đã phóng thích 299 tù nhân.

Tình hình chính trị tại Cuba kể từ khi được nối ngôi của người anh là Fidel Castro vào tháng 6/2006, ông Raúl Castro lên cầm quyền đảng cộng sản Cuba đã bắt đầu đưa đất nước vào con đường đổi mới, nhưng diễn tiến một cách rất thận trọng.

Điển hình việc ân xá dịp Giáng Sinh là một sự nhượng bộ cho việc đòi hỏi phóng thích tù nhân từ phía giáo hội công giáo Cuba như lời ông Raúl Castro phát biểu. Vì thế việc phóng thích mang một vai trò nổi bật cho chuyến tông du của ĐGH Bênêđictô 16 sắp tới.

Khoảng hơn 2.900 tù nhân được phóng thích, trong đó có 86 người nước ngoài từ 25 quốc gia - đó là những tù nhân đã bị kết án về tội chống lại an ninh nhà nước. Đây là một "cử chỉ nhân đạo mang tính cách chủ quyền quốc gia", ông Castro cho biết vào tối thứ sáu 23/12/2011 (giờ địa phương) lúc bế mạc cuộc họp thường niên thứ hai trong năm của Quốc hội Cuba.

Cùng lúc chủ tịch Raúl Castro cũng cho biết chính phủ của ông sẵn sàng cải tổ luật di trú để giảm bớt những hạn chế về việc xuất ngoại cho người dân Cuba mà họ đã bị bị nghiêm ngặt xuất ngoại từ 50 năm nay.

Hơn 2.900 tù nhân theo diện, ưu tiên trên 60 tuổi và là phụ nữ, các tù nhân bị bệnh, người già và trẻ có những cơ hội tốt trở về đời sống dân sự. Việc ân xá lần này cũng cho tù nhân chính trị, những người bị kết án về chống lại "an ninh quốc gia". Họ đã bị giam từ lâu và có qúa trình cải tạo tốt.

Với vài ngoại lệ, các ân xá sẽ không áp dụng đối với các tù nhân bị kết án về tội ác nghiêm trọng như tội gián điệp, khủng bố, giết người hay buôn bán ma túy.

86 tù nhân nước ngoài từ 25 quốc gia cũng được ân xá. Một tù nhân quốc tịch Mỹ bị kết án làm gián điệp, ông Alan Gross đã không có trong danh sách ân xá, Bộ Ngoại Giao Cuba cho biết.

Alan Gross đã bị bắt vào tháng 12 năm 2009 khi ông theo Cơ quan phát triển Hoa Kỳ USAID đi phân phát máy điện thoại di động và máy tính Computer. Các thiết bị truyền thông này theo quan điểm của Mỹ giao cho người Do Thái ở Cuba để nối kết với giáo hội Do Thái trên thế giới. Bộ Tư pháp Cuba lên án Alan Gross qua hành động này đã muốn hỗ trợ các nhóm đối lập làm gián điệp cho Hoa Kỳ. Trong tháng 3/2011, ông Alan Gross đã bị kết tội gây "nguy hiểm cho an ninh và độc lập" của Cuba với bản án 15 năm tù giam.

Việc thả hơn 2.900 tù nhân vào dịp lễ Giáng Sinh của cộng sản Cuba biểu hiệu một nhân nhượng lớn với các đòi hỏi từ phía giáo hội công giáo Cuba, đứng đầu là Đức Hồng Y Jaime Ortega, người luôn hỗ trợ cho nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" là những người vợ, người mẹ của của 75 nhà bất đồng chính kiến đã bị bắt từ năm 2003. Nhờ sự can thiệp của Giáo Hội Công Giáo và chính phủ Tây Ban Nha 52 người trong số họ đã được trả tự do vào năm 2010.

Nhà nước cộng sản Cuba xem nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" như những cây gai trong mắt và gia tăng khủng bố nhóm này. Tháng 9/2011 tổ chức Ân xá quốc tế đã kêu gọi chính phủ cộng sản Cuba chấm dứt việc đe dọa nhóm người bất đồng chính kiến và những người ủng hộ nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng".

Giáo hội công giáo Cuba luôn can đảm bênh vực tù nhân và đó là sức mạnh làm cho nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" vẫn thỉnh thoảng xuống đường biểu tình phản đối việc bắt giam trái phép những người bất đồng chính kiến tại Cuba.

"Phụ nữ chúng tôi sẽ tiếp tục xuống đường tuần hành, cho đến khi các tù nhân cuối cùng được trả tự do. Chúng tôi không phải chính trị gia, chúng tôi là những phụ nữ muốn bảo vệ quyền con người", phát ngôn viên của "Blancas Damas" (Phụ nữ áo trắng), bà Laura Pollancho biết vào tháng 7/2010. Từ năm 2003, mỗi chủ nhật những người phụ nữ này mặc quần áo trắng này kiên trì xuống đường tuần hành để phản đối chính quyền cộng sản Cuba cho tới khi bị cấm ngày 11/4/2010. Như thế đúng 7 năm trời ròng rã và kiên trì những người vợ, người mẹ của nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" đã xuống đường biểu tình chống lại việc bắt giam những nhà bất đồng chính kiến tại Cuba.

Chưa bao giờ có được trong lịch sử Cuba về việc phóng thích hơn 2.900 tù nhân, vả lại được ân xá vào thời điểm Giáng Sinh trong một đất nước cộng sản. Giới truyền thông đã không quá đáng khi nhận định đó là một quà tặng Giáng Sinh đặc biệt dành cho ĐGH Bênêđictô 16.
 
Top Stories
Renewed faith needed for reform, Pope says in 'State of the Church' speech
CNA
11:56 24/12/2011
Vatican City, Dec 22, 2011 / 02:07 pm (CNA/EWTN News).- A renewal of the faith is the only basis for true Church reform, Pope Benedict XVI told members of the Roman Curia in his pre-Christmas “State of the Church” address on Dec. 22.

Along with his Christmas greetings, the Pope offered the Curia his thoughts on the year's events and the demands of the future.

In this year's speech, the Pope said that the proclamation of the Gospel to the modern world would be the “key theme” of the coming years. The full text of the speech follows:

Brother Bishops and Priests,
Dear Brothers and Sisters,

The occasion that brings us together today is always particularly moving. The holy feast of Christmas is almost upon us and it prompts the great family of the Roman Curia to come together for a gracious exchange of greetings, as we wish one another a joyful and spiritually fruitful celebration of this feast of the God who became flesh and established his dwelling in our midst (cf. Jn 1:14). For me, this is an occasion not only to offer you my personal good wishes, but also to express my gratitude and that of the Church to each one of you for your generous service; I ask you to convey this to all the co-workers of our extended family. I offer particular thanks to the Dean of the College, Cardinal Angelo Sodano, who has given voice to the sentiments of all present and of all who work in the various offices of the Curia and the Governorate, including those whose apostolate is carried out in the Pontifical Representations throughout the world. All of us are committed to spreading throughout the world the resounding message that the angels proclaimed that night in Bethlehem, "Glory to God in the highest and on earth peace to people of good will" (Lk 2:14), so as to bring joy and hope to our world.

As this year draws to a close, Europe is undergoing an economic and financial crisis, which is ultimately based on the ethical crisis looming over the Old Continent. Even if such values as solidarity, commitment to one’s neighbour and responsibility towards the poor and suffering are largely uncontroversial, still the motivation is often lacking for individuals and large sectors of society to practise renunciation and make sacrifices. Perception and will do not necessarily go hand in hand. In defending personal interests, the will obscures perception, and perception thus weakened is unable to stiffen the will. In this sense, some quite fundamental questions emerge from this crisis: where is the light that is capable of illuminating our perception not merely with general ideas, but with concrete imperatives? Where is the force that draws the will upwards? These are questions that must be answered by our proclamation of the Gospel, by the new evangelization, so that message may become event, so that proclamation may lead to life.

The key theme of this year, and of the years ahead, is this: how do we proclaim the Gospel today? How can faith as a living force become a reality today? The ecclesial events of the outgoing year were all ultimately related to this theme. There were the journeys to Croatia, to the World Youth Day in Spain, to my home country of Germany, and finally to Africa – Benin – for the consignment of the Post-Synodal document on justice, peace and reconciliation, which should now lead to concrete results in the various local churches. Equally memorable were the journeys to Venice, to San Marino, to the Eucharistic Congress in Ancona, and to Calabria. And finally there was the important day of encounter in Assisi for religions and for people who in whatever way are searching for truth and peace, representing a new step forward in the pilgrimage towards truth and peace. The establishment of the Pontifical Council for the New Evangelization is at the same time a pointer towards next year’s Synod on the same theme. The Year of Faith, commemorating the beginning of the Council fifty years ago, also belongs in this context. Each of these events had its own particular characteristics. In Germany, where the Reformation began, the ecumenical question, with all its trials and hopes, naturally assumed particular importance. Intimately linked to this, at the focal point of the debate, the question that arises repeatedly is this: what is reform of the Church? How does it take place? What are its paths and its goals? Not only faithful believers but also outside observers are noticing with concern that regular churchgoers are growing older all the time and that their number is constantly diminishing; that recruitment of priests is stagnating; that scepticism and unbelief are growing. What, then, are we to do? There are endless debates over what must be done in order to reverse the trend. There is no doubt that a variety of things need to be done. But action alone fails to resolve the matter. The essence of the crisis of the Church in Europe is the crisis of faith. If we find no answer to this, if faith does not take on new life, deep conviction and real strength from the encounter with Jesus Christ, then all other reforms will remain ineffective.

On this point, the encounter with Africa’s joyful passion for faith brought great encouragement. None of the faith fatigue that is so prevalent here, none of the oft-encountered sense of having had enough of Christianity was detectable there. Amid all the problems, sufferings and trials that Africa clearly experiences, one could still sense the people’s joy in being Christian, buoyed up by inner happiness at knowing Christ and belonging to his Church. From this joy comes also the strength to serve Christ in hard-pressed situations of human suffering, the strength to put oneself at his disposal, without looking round for one’s own advantage. Encountering this faith that is so ready to sacrifice and so full of happiness is a powerful remedy against fatigue with Christianity such as we are experiencing in Europe today.

A further remedy against faith fatigue was the wonderful experience of World Youth Day in Madrid. This was new evangelization put into practice. Again and again at World Youth Days, a new, more youthful form of Christianity can be seen, something I would describe under five headings.

1. Firstly, there is a new experience of catholicity, of the Church’s universality. This is what struck the young people and all the participants quite directly: we come from every continent, but although we have never met one another, we know one another. We speak different languages, we have different ways of life and different cultural backgrounds, yet we are immediately united as one great family. Outward separation and difference is relativized. We are all moved by the one Lord Jesus Christ, in whom true humanity and at the same time the face of God himself is revealed to us. We pray in the same way. The same inner encounter with Jesus Christ has stamped us deep within with the same structure of intellect, will and heart. And finally, our common liturgy speaks to our hearts and unites us in a vast family. In this setting, to say that all humanity are brothers and sisters is not merely an idea: it becomes a real shared experience, generating joy. And so we have also understood quite concretely: despite all trials and times of darkness, it is a wonderful thing to belong to the worldwide Church, to the Catholic Church, that the Lord has given to us.

2. From this derives a new way of living our humanity, our Christianity. For me, one of the most important experiences of those days was the meeting with the World Youth Day volunteers: about 20,000 young people, all of whom devoted weeks or months of their lives to working on the technical, organizational and material preparations for World Youth Day, and thus made it possible for the whole event to run smoothly. Those who give their time always give a part of their lives. At the end of the day, these young people were visibly and tangibly filled with a great sense of happiness: the time that they gave up had meaning; in giving of their time and labour, they had found time, they had found life. And here something fundamental became clear to me: these young people had given a part of their lives in faith, not because it was asked of them, not in order to attain Heaven, nor in order to escape the danger of Hell. They did not do it in order to find fulfilment. They were not looking round for themselves. There came into my mind the image of Lot’s wife, who by looking round was turned into a pillar of salt. How often the life of Christians is determined by the fact that first and foremost they look out for themselves, they do good, so to speak, for themselves. And how great is the temptation of all people to be concerned primarily for themselves; to look round for themselves and in the process to become inwardly empty, to become "pillars of salt". But here it was not a matter of seeking fulfilment or wanting to live one’s life for oneself. These young people did good, even at a cost, even if it demanded sacrifice, simply because it is a wonderful thing to do good, to be there for others. All it needs is the courage to make the leap. Prior to all of this is the encounter with Jesus Christ, inflaming us with love for God and for others, and freeing us from seeking our own ego. In the words of a prayer attributed to Saint Francis Xavier: I do good, not that I may come to Heaven thereby and not because otherwise you could cast me into Hell. I do it because of you, my King and my Lord. I came across this same attitude in Africa too, for example among the Sisters of Mother Teresa, who devote themselves to abandoned, sick, poor and suffering children, without asking anything for themselves, thus becoming inwardly rich and free. This is the genuinely Christian attitude. Equally unforgettable for me was the encounter with handicapped young people in the Saint Joseph Centre in Madrid, where I encountered the same readiness to put oneself at the disposal of others – a readiness to give oneself that is ultimately derived from encounter with Christ, who gave himself for us.

3. A third element, that has an increasingly natural and central place in World Youth Days and in the spirituality that arises from them, is adoration. I still look back to that unforgettable moment during my visit to the United Kingdom, when tens of thousands of predominantly young people in Hyde Park responded in eloquent silence to the Lord’s sacramental presence, in adoration. The same thing happened again on a smaller scale in Zagreb and then again in Madrid, after the thunderstorm which almost ruined the whole night vigil through the failure of the microphones. God is indeed ever-present. But again, the physical presence of the risen Christ is something different, something new. The risen Lord enters into our midst. And then we can do no other than say, with Saint Thomas: my Lord and my God! Adoration is primarily an act of faith – the act of faith as such. God is not just some possible or impossible hypothesis concerning the origin of all things. He is present. And if he is present, then I bow down before him. Then my intellect and will and heart open up towards him and from him. In the risen Christ, the incarnate God is present, who suffered for us because he loves us. We enter this certainty of God’s tangible love for us with love in our own hearts. This is adoration, and this then determines my life. Only thus can I celebrate the Eucharist correctly and receive the body of the Lord rightly.

4. A further important element of the World Youth Days is the sacrament of Confession, which is increasingly coming to be seen as an integral part of the experience. Here we recognize that we need forgiveness over and over again, and that forgiveness brings responsibility. Openness to love is present in man, implanted in him by the Creator, together with the capacity to respond to God in faith. But also present, in consequence of man’s sinful history (Church teaching speaks of original sin) is the tendency that is opposed to love – the tendency towards selfishness, towards becoming closed in on oneself, in fact towards evil. Again and again my soul is tarnished by this downward gravitational pull that is present within me. Therefore we need the humility that constantly asks God for forgiveness, that seeks purification and awakens in us the counterforce, the positive force of the Creator, to draw us upwards.

5. Finally, I would like to speak of one last feature, not to be overlooked, of the spirituality of World Youth Days, namely joy. Where does it come from? How is it to be explained? Certainly, there are many factors at work here. But in my view, the crucial one is this certainty, based on faith: I am wanted; I have a task in history; I am accepted, I am loved. Josef Pieper, in his book on love, has shown that man can only accept himself if he is accepted by another. He needs the other’s presence, saying to him, with more than words: it is good that you exist. Only from the You can the I come into itself. Only if it is accepted, can it accept itself. Those who are unloved cannot even love themselves. This sense of being accepted comes in the first instance from other human beings. But all human acceptance is fragile. Ultimately we need a sense of being accepted unconditionally. Only if God accepts me, and I become convinced of this, do I know definitively: it is good that I exist. It is good to be a human being. If ever man’s sense of being accepted and loved by God is lost, then there is no longer any answer to the question whether to be a human being is good at all. Doubt concerning human existence becomes more and more insurmountable. Where doubt over God becomes prevalent, then doubt over humanity follows inevitably. We see today how widely this doubt is spreading. We see it in the joylessness, in the inner sadness, that can be read on so many human faces today. Only faith gives me the conviction: it is good that I exist. It is good to be a human being, even in hard times. Faith makes one happy from deep within. That is one of the wonderful experiences of World Youth Days.

It would take too long now to go into detail concerning the encounter in Assisi, as the significance of the event would warrant. Let us simply thank God, that as representatives of the world’s religions and as representatives of thinking in search of truth, we were able to meet that day in a climate of friendship and mutual respect, in love for the truth and in shared responsibility for peace. So let us hope that, from this encounter, a new willingness to serve peace, reconciliation and justice has emerged.

As I conclude, I would like to thank all of you from my heart for shouldering the common mission that the Lord has given us as witnesses to his truth, and I wish all of you the joy that God wanted to bestow upon us through the incarnation of his Son. A blessed Christmas to you all! Thank you.
 
Pope Benedict XVI's Christmas Eve homily
VietCatholic Network
16:18 24/12/2011
The Vatican's official English-language translation of Pope Benedict XVI's homily, to be delivered in Italian, during Christmas Eve Mass in St. Peter's Basilica (December 24, 2011).

Dear Brothers and Sisters!

The reading from Saint Paul's Letter to Titus that we have just heard begins solemnly with the word "apparuit," which then comes back again in the reading at the Dawn Mass: apparuit "there has appeared". This is a programmatic word, by which the Church seeks to express synthetically the essence of Christmas.

Formerly, people had spoken of God and formed human images of him in all sorts of different ways. God himself had spoken in many and various ways to mankind (cf. Heb 1:1 Mass during the Day). But now something new has happened: he has appeared. He has revealed himself. He has emerged from the inaccessible light in which he dwells. He himself has come into our midst. This was the great joy of Christmas for the early Church: God has appeared. No longer is he merely an idea, no longer do we have to form a picture of him on the basis of mere words. He has "appeared". But now we ask: how has he appeared? Who is he in reality?

The reading at the Dawn Mass goes on to say: "the kindness and love of God our Savior for mankind were revealed" (Tit 3:4). For the people of pre-Christian times, whose response to the terrors and contradictions of the world was to fear that God himself might not be good either, that he too might well be cruel and arbitrary, this was a real "epiphany," the great light that has appeared to us: God is pure goodness.

Today too, people who are no longer able to recognize God through faith are asking whether the ultimate power that underpins and sustains the world is truly good, or whether evil is just as powerful and primordial as the good and the beautiful which we encounter in radiant moments in our world. "The kindness and love of God our Savior for mankind were revealed:" this is the new, consoling certainty that is granted to us at Christmas.

In all three Christmas Masses, the liturgy quotes a passage from the Prophet Isaiah, which describes the epiphany that took place at Christmas in greater detail: "A child is born for us, a son given to us and dominion is laid on his shoulders; and this is the name they give him: Wonder-Counsellor, Mighty-God, Eternal-Father, Prince-of-Peace. Wide is his dominion in a peace that has no end" (Is 9:5f.). Whether the prophet had a particular child in mind, born during his own period of history, we do not know. But it seems impossible. This is the only text in the Old Testament in which it is said of a child, of a human being: his name will be Mighty-God, Eternal-Father. We are presented with a vision that extends far beyond the historical moment into the mysterious, into the future. A child, in all its weakness, is Mighty God. A child, in all its neediness and dependence, is Eternal Father. And his peace "has no end." The prophet had previously described the child as "a great light" and had said of the peace he would usher in that the rod of the oppressor, the footgear of battle, every cloak rolled in blood would be burned (Is 9:1, 3-4).

God has appeared as a child. It is in this guise that he pits himself against all violence and brings a message that is peace. At this hour, when the world is continually threatened by violence in so many places and in so many different ways, when over and over again there are oppressors' rods and bloodstained cloaks, we cry out to the Lord: O mighty God, you have appeared as a child and you have revealed yourself to us as the One who loves us, the One through whom love will triumph. And you have shown us that we must be peacemakers with you. We love your childish estate, your powerlessness, but we suffer from the continuing presence of violence in the world, and so we also ask you: manifest your power, O God. In this time of ours, in this world of ours, cause the oppressors' rods, the cloaks rolled in blood and the footgear of battle to be burned, so that your peace may triumph in this world of ours.

Christmas is an epiphany the appearing of God and of his great light in a child that is born for us. Born in a stable in Bethlehem, not in the palaces of kings. In 1223, when Saint Francis of Assisi celebrated Christmas in Greccio with an ox and an ass and a manger full of hay, a new dimension of the mystery of Christmas came to light. Saint Francis of Assisi called Christmas "the feast o f feasts" above all other feasts and he celebrated it with "unutterable devotion" (2 Celano 199; Fonti Francescane, 787). He kissed images of the Christ-child with great devotion and he stammered tender words such as children say, so Thomas of Celano tells us (ibid.).

For the early Church, the feast of feasts was Easter: in the Resurrection Christ had flung open the doors of death and in so doing had radically changed the world: he had made a place for man in God himself. Now, Francis neither changed nor intended to change this objective order of precedence among the feasts, the inner structure of the faith centered on the Paschal Mystery. And yet through him and the character of his faith, something new took place: Francis discovered Jesus' humanity in an entirely new depth. This human existence of God became most visible to him at the moment when God's Son, born of the Virgin Mary, was wrapped in swaddling clothes and laid in a manger. The Resurrection presupposes the Incarnation. For God's Son to take the form of a child, a truly human child, made a profound impression on the heart of the Saint of Assisi, transforming faith into love. "The kindness and love of God our Savior for mankind were revealed" this phrase of Saint Paul now acquired an entirely new depth.

In the child born in the stable at Bethlehem, we can as it were touch and caress God. And so the liturgical year acquired a second focus in a feast that is above all a feast of the heart. This has nothing to do with sentimentality. It is right here, in this new experience of the reality of Jesus' humanity that the great mystery of faith is revealed. Francis loved the child Jesus, because for him it was in this childish estate that God's humility shone forth. God became poor. His Son was born in the poverty of the stable. In the child Jesus, God made himself dependent, in need of human love, he put himself in the position of asking for human love our love. Today Christmas has become a commercial celebration, whose bright lights hide the mystery o f God's humility, which in turn calls us to humility and simplicity.

Let us ask the Lord to help us see through the superficial glitter of this season, and to discover behind it the child in the stable in Bethlehem, so as to find true joy and true light. Francis arranged for Mass to be celebrated on the manger that stood between the ox and the ass (cf. 1 Celano 85; Fonti 469). Later, an altar was built over this manger, so that where animals had once fed on hay, men could now receive the flesh of the spotless lamb Jesus Christ, for the salvation of soul and body, as Thomas of Celano tells us (cf. 1 Celano 87; Fonti 471). Francis himself, as a deacon, had sung the Christmas Gospel on the holy night in Greccio with resounding voice. Through the friars' radiant Christmas singing, the whole celebration seemed to be a great outburst of joy (1 Celano 85.86; Fonti 469, 470). It was the encounter with God's humility that caused this joy his goodness creates the true feast.

Today, anyone wishing to enter the Church of Jesus' Nativity in Bethlehem will find that the doorway five and a half meters high, through which emperors and caliphs used to enter the building, is now largely walled up. Only a low opening of one and a half meters has remained. The intention was probably to provide the church with better protection from attack, but above all to prevent people from entering God's house on horseback. Anyone wishing to enter the place of Jesus' birth has to bend down. It seems to me that a deeper truth is revealed here, which should touch our hearts on this holy night: if we want to find the God who appeared as a child, then we must dismount from the high horse of our "enlightened" reason.

We must set aside our false certainties, our intellectual pride, which prevents us from recognizing God's closeness. We must follow the interior path of Saint Francis the path leading to that ultimate outward and inward simplicity which enables the heart to see. We must bend down, spiritually we must as it were go on foot, in order to pass through the portal of faith and encounter the God who is so different from our prejudices and opinions the God who conceals himself in the humility of a newborn baby.

In this spirit let us celebrate the liturgy of the holy night, let us strip away our fixation on what is material, on what can be measured and grasped. Let us allow ourselves to be made simple by the God who reveals himself to the simple of heart. And let us also pray especially at this hour for all who have to celebrate Christmas in poverty, in suffering, as migrants, that a ray of God's kindness may shine upon them, that they and we may be touched by the kindness that God chose to bring into the world through the birth of his Son in a stable. Amen.

Copyright Vatican Publishing House
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư Chúc Mừng Giáng Sinh của ĐGM Kontum
+GM. Micae Hoàng Đức Oanh
00:11 24/12/2011
Kontum,ngày 24 tháng 12 năm 2011

MỪNG ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2011

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”


(Lc2,14).

Anh chị em thân mến,

Niềm vui Mừng Ngày Đấng Cứu Thế giáng trần đang bao trùm khắp vũ hoàn. Nơi nơi đã thấy trưng hang đá và giăng mắc đèn màu. Nhà nhà đã vang dậy tiếng nhạc mừng Chúa Giáng Sinh. Vui có, không vui cũng có đang xen lẫn trong con người chúng tôi. Xin chia sẻ với anh chị em kèm những lời cầu chúc tốt đẹp nhất, thánh đức nhất của Mùa Giáng Sinh 2011 và Năm Mới 2012.

Xin chia vui với nhiều người đang vui. Vui trước tiên với các cháu học sinh sinh viên. Thấy Giáng Sinh năm nay các cháu vui hẳn. Được nghe biết các cháu đã thi xong học kỳ trước lễ thay vì trong chính ngày lễ như các năm trước. Cầu chúc các cháu biết chia sẻ niềm vui này cách thiết thực nhất qua việc sống quan tâm yêu thương bạn bè, thầy cô và chăm ngoan học thật tốt để càng lớn càng thêm khôn ngoan như Hài Nhi Giêsu.

Vui với anh chị em ở nhiều nơi có phép tổ chức mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhiều năm không được phép, năm nay được phép, tự nhiên anh chị em vui, vui lớn là chuyện bình thường. Nhưng cũng có những nơi giờ này xem ra buồn thiu vì không có cái phép đó. Tại sao? Nhiều lý do. Nào là vì an ninh không đảm bảo! Hay chưa có nơi thờ tự như nhà thờ, nhà nguyện! Hoặc là vùng cấm hay vùng biên giới! Thay vì “tổ chức lễ có linh mục chủ sự”, bà con được đề nghị gợi ý“tổ chức mừng lễ tại gia”. Một ý tưởng vừa nghe tự nhiên thấy “lạ lùng” và dễ nổi nóng”, nhưng suy đi nghĩ lại “thật nhiều lần”, chúng tôi lại thấy “rất sâu sắc”, nhất là đặt dưới ánh sáng Mầu nhiệm hang đá Bethléem, dưới ánh sáng chân lý “Chúa là chủ lịch sử”.

Cứ nghĩ mà coi: sao Chúa lại sinh ra tại hang bò lừa thay vì cung điện nguy nga? Giả như Ngài sinh trong cung điện của Vua Chúa, lịch sử nhân loại hôm nay sẽ sao? Lúc đó có mấy ai “nhận được thiệp mời” đến chiêm bái?Cứ nhìn vào hang đá Bethléem, đâu có thấy Vua Hêrôđê hay các nhà thông luật,các đại gia đến chiêm bái mà là các mục đồng và dân ngoại! Trong khi các nhà thông luật và các kinh sư bận tra cứu sách vở, bận tranh luận thực hư hay Vua Hêrôđô mưu kế bắt trọn hoặc tiêu diệt Hài Nhi, thì người nghèo người ngoại lại tìm đến với Hài Nhi Giêsu. Huyền nhiệm thế đó!

Như thế, chính những nơi xem ra “không có tổ chức long trọng lễ mừng Hài Nhi Giêsu” lại là những nơi dễ gặp Giêsu Hài Nhi đó! Điều quan trọng là ta khao khát đi tìm kiếm để chiêm bái thay vì lo âu tìm cách bảo vệ quyền lợi và thủ tiêu Đấng Thiên Sai. Do đó “mừng Chúa Giáng Sinh tại gia”lại là một dịp đặc biệt chúng ta dễ gặp được Chúa trong khi chờ được có phép thờ cách công khai, long trọng cùng với nhiều người trong tương lai. Nghĩ thế,tự nhiên thấy “bớt-không-vui” và cảm nhận ra bình an của chính Hài Nhi Giêsu,vì “Chúa là chủ lịch sử, Chúa hiện diện khắp nơi”. Chắc chắn Chúa có mặt tại chính những nơi “bị coi thường hoặc nghèo khó” như thế. Xin anh chị em hãy vui lên. Hãy mừng Ngày Chúa Giáng Sinh với tất cả lòng yêu mến, óc sáng tạo trong giới hạn cho phép.

Anh chị em thân mến,

Một lần nữa, chúng tôi xin mượn lời các sứ thần xưa đã ca vang trên bầu trời Bethléem mà gửi tới anh chị em. Chúng ta quyết tâm, nhờ ơn Chúa, với đời sống đạo hài hòa giữa “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” (mến Chúa)và “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (yêu người) (x.Lc 2,14), mỗi chúng ta thực sự trở thành những “hang-đá-sống-động” di chuyển khắp nơi, để người người nhận biết và bái thờ Thiên Chúa, qua đời sống yêu thương phục vụ.

Xin kính chúc các Đấng Bậc, quý Cha cùng toàn thể anh chị em một MÙA GIÁNG SINH 2011 và NĂM MỚI 2012 CHAN HOÀ ANBÌNH của CHÚA HÀI ĐỒNG.

+ Micae Hoàng Đức Oanh

Giám Mục Giáo Phận Kontum.
 
Giáo Xứ Vinh Tân Hân Hoan Mừng Đêm Thánh Ca “Truyền Giáo”
Maria Đinh Loan
00:08 24/12/2011
Giáo Xứ Vinh Tân Hân Hoan Mừng Đêm Thánh Ca “Truyền Giáo”

Hoà cùng niềm vui chung của toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, tối ngày 23/12/2011, Giáo xứ Vinh Tân đã tổ chức chương trình Thánh ca Giáng Sinh với chủ đề “Mầu nhiệm Giáo hội và Truyền giáo”. Đây cũng chính là chủ điểm của lá thư mà HĐGMVN mời gọi Dân Chúa hướng về trong năm 2012.

Xem hình

Đến với đêm Thánh ca này không chỉ có các thành phần lớn nhỏ trong Giáo xứ tham dự, mà đặc biệt có rất nhiều vị khách quý. Đó là: đại diện các cấp chính quyền Thị xã Lagi, các cán bộ lãnh đạo phường Phước Hội, anh em tôn giáo bạn và đông đảo bà con lương dân quanh khu phố.

Sau bài múa trống sôi động, Cha Tổng Đại Diện Giáo phận Phan Thiết – GB. Hoàng Văn Khanh - cũng là Cha chánh xứ Giáo xứ Vinh Tân lên chào quý vị quan khách và tuyên bố khai mạc “Đêm Thánh ca Giáng Sinh 2011 – hướng về việc Truyền giáo”.

Trong phần đầu tiên, “Mầu nhiệm Giáo hội và sống Mầu nhiệm Giáo hội” là nền chủ đạo cho các bài hợp ca, đơn ca, tiểu phẩm và thánh vũ mà các hội đoàn trong giáo xứ luân phiên biểu diễn. Lời bản hợp ca “Trần hoàn ơi” mời gọi mọi người hướng về điều kỳ diệu nhất trong lịch sử nhân loại đó là việc “Thiên Chúa làm người để cho con người được làm Con Thiên Chúa” (Thánh Irênê). Câu chuyện Con Thiên Chúa làm người là một niềm xác tín đích thực và là một chân lý vĩnh cửu đối với người Kitô hữu, nhưng với một số người đây là điều không thể tin nổi như các em bé cũng từng thắc mắc với mẹ “Mẹ ơi! Làm sao Con Thiên Chúa ở trời cao lại có thể làm người như con hở mẹ?”. Và mẹ đã trả lời cho bé qua tiết mục thánh vũ “Chuyện xưa mẹ kể”.

Có một tiết mục đặc biệt không thể không nhắc đến của chương trình khi diễn tả về việc sống Mầu nhiệm Giáo hội, đó là tiểu phẩm “Vòng tay yêu thương”. Tiểu phẩm kể về câu chuyện rất thường của cuộc sống “có một nữ sinh học lớp 12, nhà nghèo, mồ côi cha, khi phát hiện mẹ bệnh nặng em phải nghỉ học nhưng nhờ sự động viên của bạn bè và sự giúp đỡ của bà con trong giáo xứ mà em đã thành tài…”. Câu chuyện diễn tả sứ điệp “nếu mỗi người chúng ta đều biết yêu thương, hiệp thông và sẻ chia cho nhau thì nỗi khổ đau của đồng loại sẽ được vơi đi phần nào”.

Phần thứ hai của đêm Thánh ca hướng về việc Truyền giáo. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21 ), đó là lời truyền dạy mà Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể đã để lại cho các môn đồ thân tín cũng như cho tất cả chúng ta. Thực hiện sứ mạng này, có bao bậc tiền nhân đã anh dũng ra đi loan Tin Mừng cứu độ khắp thế giới. Trên quê hương Việt Nam hôm nay, hạt giống Tin Mừng cũng đã được gieo trồng và ngày càng sinh sôi, triển nở. Trong tâm tình ấy, các tiết mục vũ “Cùng Mẹ ra khơi”, “Điệu hò ra khơi”, “Những bước chân truyền giáo”… mời gọi cộng đoàn hoà mình vào việc ra đi tung gieo hạt giống Lời Chúa trên cánh đồng truyền giáo, để mong ngày về hò reo hớn hở trong gánh lúa vàng nặng trĩu.

Khép lại chương trình đêm Thánh ca, tiểu phẩm “Bắc một nhịp cầu” như một điểm nhấn mời gọi người Kitô hữu xác tín sâu xa hơn về cách sống đúng bản chất của Tin Mừng và Truyền giáo. Câu chuyện kể cuộc sống hằng ngày: rượu chè làm mất hết lý trí, xích mích của con trẻ làm cho gia đình anh em ruột thịt phải bất hoà, chia rẽ, không nhìn mặt nhau. Ai cũng vì tự ái bản thân mà không thể tha thứ, đến độ phải đào mương sâu, kêu thợ xây rào … Cũng may, bác thợ được mời đến đã có sáng kiến rất hay: thay vì xây tường rào ngăn cách, thì bác ta lại làm một cây cầu để đi qua đi lại và giúp họ hàn gắn tình yêu thương. Thông điệp “Yêu thương và tha thứ” là lời chứng sống động nhất cho việc truyền giáo; là việc mà mỗi ngày người Kitô hữu cần ghi nhớ, thực thi để việc ra đi loan Tin Mừng Cứu Độ được sinh hoa, kết trái.

Maria Đinh Loan
 
Hoạt động của Caritas Hải Phòng trong tháng 12
Hương Liên
09:20 24/12/2011
Hoạt động của Caritas Hải Phòng trong tháng 12

Mùa đông mùa của lạnh giá và khô khanh khiến cho mỗi người phải gắng gồng mình để chống chọi với sự khắc nhiệt của thời tiết. Thế nhưng bên cạnh sự khắc nhiệt ấy thì mùa đông lại là dịp đem con người ta đến gần nhau hơn, để trao tặng cho nhau những niềm vui, niềm hạnh phúc mà không ngòi bút nào diễn tả hết được, chúng ta thấy các nhà tạo mẫu tạo ra những chiếc áo ấm với nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau, những chiếc khăn quàng cổ ấm áp và xinh tươi, những đôi găng tay thật ngộ nghĩnh và đáng yêu…. đây là cơ hội để cho những người thân tặng quà cho nhau mỗi dịp đông về để thể hiện sự quan tâm lẫn nhau.

Xem hình

Thật đơn giản đối với những người có điều kiện và khả năng mua tặng nhau những món quà đắt giá, rồi có những người được nhận rất nhiều mà không dùng đến.

Nhưng nếu để ý một chút xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, ăn không đủ no, áo không đủ mặc, như vậy không biết trong mùa đông lạnh lẽo này họ có được ăn lo và mặc ấm không?

Tháng 12 vừa qua, Caritas Hải Phòng đã có những hoạt động như khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo, thăm và tặng quà cho các bệnh nhân phong và HIV/AIDS, tặng xe lăn cho người khuyết tật, tặng chăn ấm cho người nghèo …. Và trong đêm Giáng sinh nhiệm màu này Nhóm ve chai nhân ái Hải Phòng sẽ trao tặng 200 phần quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, khiếm tính, khiếm thị, trẻ SOS, nhà tình thương, trẻ ảnh hưởng bởi HIV.

Những món quà vật chất ấy tuy nhỏ, nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của Đức Cha, Cha giám đốc, các tình nguyện viên và quý vị ân nhân dành tặng những anh chị em kém may mắn của chúng ta, để họ cảm nhận được mình vẫn còn được cảm thông chia sẻ và yêu thương, san sẻ cho nhau chút hơi ấm trong mùa đông lạnh giá này.

Mùa đông, mùa Giáng sinh đã trở thành mùa của sự yêu thương và hy vọng cho mỗi người. Mùa đông ngày hôm nay không còn là mùa đông lạnh giá nữa mà đã trở thành mùa ấm áp yêu thương mà mỗi người đều mong chờ.

Hương Liên
 
Trường khuyết tật Phan Thiết vui đón Giáng Sinh
Paul. Nguyễn-văn-Sự
09:26 24/12/2011
TRƯỜNG KHUYẾT TẬT “TỔ ẤM HUYNH ĐỆ” VUI ĐÓN GIÁNG SINH 2011

Trong không khí tưng bừng trên khắp hoàn vũ đón mừng kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, chiều ngày 23/12/2011 Trường khuyết tật “Tổ ấm Huynh đệ” Tòa Giám mục Phan Thiết đã hân hoan vui đón ngày đại lễ Giáng Sinh.

“Tổ ấm Huynh đệ” là cơ sở nuôi dạy các em có hoàn cảnh đặc biệt gồm 4 chứng bệnh nan y: Down, bại não, tự kỷ và chậm phát triển do Đức Cha Nicolas Huỳnh-văn-Nghi, nguyên Giám-mục Giáo phận Phan-Thiết sáng lập và bảo trợ, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 05 tháng 9 năm 2004, được các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang đảm trách dưới sự điều hành của Sr. M.Goretty Hoàng-thị-Liên, với số học viên ban đầu là 15 em. Sau 7 năm hoạt động, hiện nay số các em đã lên tới 96 em đa số là con em lương dân. Tuy số học viên của trường chỉ có 3 em (chưa đầy 3%) người Công Giáo nhưng hằng năm trước lễ Giáng sinh, ban điều hành “Tổ ấm” cũng đã tổ chức cho các em được vui chơi văn nghệ, nhận quà Giáng sinh . . .

Xem hình

Cũng như mọi năm, năm nay các em được quy tụ về trước nhà khách Tòa Giám Mục, dưới bóng mát cây me “xanh” là rợp bóng “đỏ” của hơn 100 bộ đồng phục ông già Noel gồm các cô giáo và các em, còn có sự hiện diện của hơn 100 phụ huynh, qúy tu sĩ nam nữ Tòa Giám Mục.

15giờ30 mọi người hân hoan chào đón vị Cha chung sáng lập Đức Cha Nicolas, Đức Ông GioanB. Lê-xuân-Hoa, Cha Thư ký TGM Jos. Hồ-sĩ-Hữu, Cha quản lý TGM Pet. Nguyễn-đình-Sáng (đặc trách Tổ ấm).

Sau lời chào mừng và trình bày ý nghĩa ngày đại lễ Giáng sinh của Sr. Kim Phượng (phụ tá điều hành), Phát biểu của vị đại diên phụ huynh, là lời chúc mừng Giáng sinh và nhắn nhủ của Cha đặc trách Tổ ấm. Các tiết mục văn nghệ như múa, tiểu phẩm được các em và quý cô giáo lần lượt thể hiện. Những động tác đơn sơ, ngờ nghệch của các em làm cho Đức Cha, quý Cha, quan khách và phụ huynh cảm động, có những “diễn viên” chậm phát triển đang múa theo cô giáo bỗng bỏ chạy ra khỏi hàng ngũ để tìm Cha mẹ không những không làm cho “khán giả” khó chịu, trái lại còn thấy sự mến phục và cảm thông sâu sắc đối với các cô giáo đã vất vả khi hướng dẫn những trẻ không bình thường.

Ông già Noel xuất hiện với xe quà, vui chơi nhảy múa cùng các em và kết thúc niềm vui Giáng sinh qua việc Đức Cha, quý Cha và Ông già Noel trao quà cho từng em.

Giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt vui chơi trong ngày đại lễ Giáng sinh, không những xóa đi những mặc cảm của các em và gia đình còn mang lại hiệu quả lớn trong công cuộc truyền giáo.

Nguyện xin Hồng ân Chúa Hài Nhi thêm nghị lực cho Quý Soeurs và các Cô giáo để họ hoàn thành trách nhiệm và sứ vụ cao cả.

Paul. Nguyễn-văn-Sự
 
Nam Úc - Mừng Chúa Giáng Sinh
Jos. Vĩnh SA
10:40 24/12/2011
Lúc 8 giờ 00 tối thứ Bảy, ngày 24 tháng 12 năm 2012 - Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson TGM giáo phận Adelaide, kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu đã đến Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc dâng Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh, cùng đồng tế với ĐTGM có Đức Ông Phaolô Nguyển Minh Tâm quản nhiệm CĐ, Lm. GB. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản CĐ, Lm. Phêrô Trần Quang Tòng phó xứ, giáo xứ Salisbury.

Bài giảng trong Thánh Lễ, ĐTGM đã chia sẻ về cuộc đời gian khổ của Chúa Giêsu ngay từ lúc mới sinh ra. Chúa sinh ra trong cảnh cơ hàn, Chúa cũng là một người tỵ nạn phải trốn sang Ai Cập khi còn bé thơ, nhưng Chúa đã sinh xuống gian trần như thân phận của một con người để cứu nhân loại, đem bình an cho dương thế.

Sau Thánh Lễ ĐTGM đã ở lại dùng trà nước, cà phê, đàm luận với Cộng Đồng trước khi trở về nhà thờ chính toà Saint Francis Xavier dâng Thánh Lễ Giáng Sinh lúc nửa đêm.

Vào lúc 7 giờ chiều, trước khi cử hành Thánh Lễ, hai ca đoàn Việt Linh và Phaolô Lộc đã trình diễn những bài thánh ca, để cộng đoàn nâng tâm hồn lên, cầu nguyện xin Thiên Chúa mưa đấng cứu độ xuống trần gian và chuẩn bị tâm hồn đón Mừng Chúa Giáng Sinh.

Xem Hình Nơi Đây

Ước chừng có trên 2,000 giáo dân từ các nơi tụ tập về trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân tham dự Thánh Lễ Giáng Sinh, nhận thấy có nhiều khuôn mặt từ các tiểu bang xa về Nam Úc nghỉ lễ, cũng đến tham dự. Phía trong hội trường không còn chỗ trống, nhiều người phải ra đứng phía ngoài chung quanh hội trường, hướng vào bên trong để hiệp ý tham dự Thánh Lễ.

Hàng năm các Đức Tổng Giám Mục tiền nhiệm cũng như đương nhiệm đều đến Cộng Đồng dâng Thánh Lễ Giáng Sinh và Lễ Giao Thừa Tết Ta. Đây là một niềm ưu ái đặc biệt và thân thương dành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Nam Úc.

 
CĐCGVN TGP Sydney Mừng Đại Lễ Vọng Giáng Sinh 2011
Diệp Hải Dung
10:25 24/12/2011
CĐCGVN TGP Sydney Mừng Đại Lễ Vọng Giáng Sinh 2011

Tối Thứ Bảy 24/12/2011 trên 6000 người đã đến công viên Paul Keating Park Sydney tham dự buổi Thánh Ca Giáng Sinh do 3 Liên Đoàn Trẻ: Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình và Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo cùng phối hợp với Ban Nhạc Trẻ trình diễn với những tiết mục Đơn Ca, Song Ca, Hợp Ca, Vũ, Hoạt Cảnh với những bài Thánh ca bất hủ Tiếng Hát Thiên Thần, Đêm Thánh Vô Cùng, Cao Cung Lên, Đêm Ân Tình, Lời Con Xin Chúa v..v..

Xem hình

Lồng vào phần văn nghệ Thánh ca Giáng Sinh, có thêm ông Già Noel đi phát kẹo cho mọi người tạo bầu khí vui tươi trong ngày Giáng Sinh. Sau khi kết thúc chương trình Thánh Ca Giáng Sinh. Nghi thức Vọng Giáng Sinh rất long trọng, quý Cha và đoàn Phụng Vụ từ cuối công viên rước Chúa Hài Nhi tiến lên Lễ đài. (Đặc biệt có sự hiện diện của Đức Giám Myục Terry Brady) tất cả mọi người cùng thắp lên ngọn Nến giơ cao hợp với Ca đoàn Thánh Tử Đạo Anrê Phú Yên Giáo Đoàn Revesby đồng hát bài Trời Cao Hãy Đổ Sương Xuống… mừng kính Chúa Giáng Trần.

Khi Đức Giám Mục, quý Cha và đoàn phụng vụ lên đến Lễ đài, Chúa Hài Nhi, Đức Mẹ, Thánh Giuse, các Thiên Thần và các Mục Đồng an vị trong hang đá. Đức Giám Mục Terry Brady xông hương máng cỏ và sau đó Cha Tuyên uý Trưỏng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời chào mừng quý Cha, quý Tu Sĩ và Cha giới thiệu với tất cả mọi người, hôm nay mừng Đại lễ Vọng Giáng Sinh có sự hiện diện của Đức Giám Terry Brady Phụ tá TGP Sydney đến tham dự với Cộng Đồng, và Cha ngỏ lời chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người, kế tiếp quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Nguyễn Văn Tuyết nói “Trong khi nói đến Hài Nhi ở Belem, chúng ta hãy nghĩ đến Việt nam, vùng đất mà chúng ta đã từng sinh sống và yêu mến. Chúng ta hãy cầu nguyện để hoà bình và công lý được thiết lập ở đó. Trước máng cỏ chúng ta cầu xin cho mỗi chúng ta trở thành ánh sáng cho tha nhân bằng cách loại bỏ tính ích kỷ, Xin ánh sáng của Hài Nhi Giêsu soi sáng để chúng ta biết hướng đến Thiên Chúa trong hình dáng của Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Đấng không bao giờ quên chúng ta nhưng Người cũng muốn chúng ta đừng bao giờ quên Người.”

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức Giám Mục Terry Brady ngỏ lới chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới đến Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney. ĐGM nói “Chỉ còn độ 2 tiếng nữa tôi phải về nhà thờ Chính toà dâng Thánh lễ nửa đêm, nhưng có lẽ Chúa sẽ không có ở đó. Tôi biết Chúa Giệsu Hài Nhi hiện diện ở những nơi khó khăn như trại tị nạn, những gia đình nghèo khổ… Chúng ta hãy mở tâm hồn đón nhận những người kém may mắn hơn chúng ta, chính là chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Hài Nhi…

Kế tiếp ông Giang Hoan Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Giáng Sinh đến quý Cha và toàn thể mọi người đồng thời ông kêu gọi mọi người Giáng Sinh năm nay hãy dâng cho Chúa Hài Đồng món qùa Sinh Nhật là hãy rộng tay đóng góp trợ giúp những người bị bệnh phong cùi ở Việt Nam và ông cám ơn Ca đoàn Thánh Anrê Phú Yên Giáo Đoàn Revesby hát rất hay và rất ấn tượng với đồng phục mới của Ca đoàn.

Thánh lễ kết thúc bế mạc với màn bắn Pháo Bông chào mừng Chúa Giáng Sinh rất đẹp mắt và ngoạn mục. CĐCGVN TGP Sydney chân thành cám ơn Nha Sĩ Mai Phước Thành ân nhân bảo trợ màn bắn Pháo Bông tạo cho đêm Vọng Giáng Sinh 2011 tại Paul Keating Park Bankstown thêm sắc thái mới mẻ.

Diệp Hải Dung
 
Giáng Sinh tại Perth, Tây Úc
Đồng Văn Vượng
19:44 24/12/2011
 
Giáng Sinh với những người có hoàn cảnh đặc biệt
Anmai, CSsR
21:26 24/12/2011
SAIGÒN - Chợp mắt được một chút cho buổi trưa, tôi vội lên đường như đã hẹn. Cùng mấy thầy trực chỉ hướng Củ Chi thẳng tiến để dâng Lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Đi mãi, đi mãi một hồi cũng đến nơi cần đến. Căn nhà nằm khiêm tốn đàng sau bờ rào kẽm và hàng cây xanh ngắt. Vào đây mới biết đây là mái ấm hay nói đúng hơn là nơi nương tựa của những con người sa bước một thời.

Xem hình ảnh

Nơi đây cưu mang những anh chị em bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Được biết mái ấm này được dựng nên bởi thiện ý của tu hội N đang dần lớn lên trên mảnh đất yêu thương hình chữ S này.

Mở đầu Thánh Lễ, cha chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng lắng đọng tâm hồn để đón mừng Chúa Giáng Sinh. Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng suy tư về Thánh Lễ này :

- Có lẽ Thánh Lễ này là Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh sớm nhất trên dải đất hình chữ S này trong hoàn cảnh đặc biệt

- Thánh Lễ này dành cho những người có hoàn cảnh hết sức đặc biệt.

- Nơi đây, Chúa Giáng Sinh hết sức đặc biệt trong khung cảnh nhỏ bé và nơi đây, không có hang đá to, không có ánh đèn màu xanh đỏ như nhiều nơi khác.

- Mảnh đất nhỏ bé nghèo hèn ngoại ô Sài Thành này đang chuẩn bị mừng Chúa ra đời một cách nghèo thật …

Thánh Lễ hôm nay hết sức đặc biệt vì trong phần chia sẻ Lời Chúa, Cha chủ tế mời cộng đoàn chia sẻ tâm tư, cảm nghiệm của đời mình, cách riêng trong bầu khí mừng Chúa Giáng Sinh hôm nay. Ban đầu, vẫn còn e ngại với lời mời gọi thế nhưng cảm nhận tình yêu Chúa nhiều người trong mái ấm đã không ngần ngại sẻ chia :

- Lúc nảy, khi chuẩn bị Thánh Lễ, con buồn lắm vì ở đây sao mà chán quá, sao mà buồn quá ! Ở các nhà thờ, ở những nơi khác vui lắm … Nhưng khi nghe Cha gợi ý Thánh Lễ, con thấy ấm cúng quá ! Giờ đây con cảm nhận được niềm vui trong mái ấm này, cảm thấy Chúa thương con nhiều ...

- Năm nay con 66 tuổi, con cảm thấy Chúa yêu thương con nhiều quá … Tạ ơn Chúa ...

- Chúng con vừa làm hang đá xong. Khi hang đá hoàn thành, chúng con cảm thấy tình thân, tình thương trong anh em chúng con tăng lên. Có lẽ không có nơi nào hang đá đơn sơ nhỏ bé như hang đá trong mái ấm này.

- Lần đầu tiên con tham dự một Thánh Lễ Giáng Sinh như thế này. Cảm thấy ấm cúng quá !

- Những người có hoàn cảnh đặc biệt vào đây, xin mọi người hãy bỏ đi cái tôi của mình để đón nhận nhau. Em ước ao mọi người trong nhà này yêu thương nhau hơn …

- Con gặp thầy H cách đây 6 năm. Thầy đồng hành và yêu thương con, chia sẻ cho con từ tinh thần đến vật chất. Nếu không có thầy chắc con đã chết … Con nhớ lời chia sẻ của Cha lắm : “Những người tội lỗi, xì ke ma túy như chúng con đây có thể vào thiên đàng trước những người tự coi mình là đạo đức. Chúng con lầm lỡ nhưng nửa đời sửa sai Chúa thương nhiều”. Tạ ơn Chúa, cảm ơn thầy H nhiều.

- Con tạ ơn Chúa ! Chúa làm phép lạ cho con đi lại được vì cách đây 1 tuần con nằm 1 chỗ. Con xin Chúa cho con được đi đứng được và con đi được, con nhường cây gậy má con mua cho con cho anh bạn ngồi kế con đây …

Còn và còn biết bao nhiêu tâm tình của những người trong mái ấm.

Cha chủ tế mời gọi mọi người nhìn vào Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài chia sẻ rằng vì tình yêu mà ngài hiện diện nơi đây, vì tình yêu mà Chúa chọn ngài làm linh mục … Ngài mời gọi mọi người rằng nếu ai cảm nhận tình yêu của Chúa thì hãy chia sẻ tình yêu đó cho những người sống xung quanh mình, đơn giản ngay trong mái ấm này. Cha xin và mời gọi mọi người cố gắng diễn tả một chút tình yêu của mình trong mái ấm này.

Lễ xong, một chút bánh ngọt và nước ngọt chia sẻ niềm vui Chúa giáng trần.

Và rồi, lại trở về ngôi nhà thân thương mình đang trú ngụ.

Hình ảnh căn nhà, hình ảnh của những anh chị em bị nhiễm H vẫn còn đâu đó quanh đây.

Niềm vui, phải nói là niềm vui thật sự còn đọng mãi trong tôi khi tham dự Thánh Lễ Giáng Sinh với những con người có hoàn cảnh hết sức đặc biệt như thế này. Bầu khí thân thương và ấm cúng đầy tình Chúa tình người đang lan tỏa nơi những ai chung chia với những người lỡ bước xa chân, những người bị xã hội hay cả Giáo Hội chẳng để ý quan tâm.
 
Giáng Sinh tại giáo xứ Vinh Tiến
Anna Duyên
21:40 24/12/2011
BẮC NINH - Không khí Giáng Sinh đã len lỏi khắp đường phố, ngõ xóm. Giáng sinh đến mang theo cái lạnh của mùa đông, nhưng lại mang đến hơi ấm của tình người trao nhau. Khắp đường phố rực rỡ với những cây thông treo lủng lẳng món quà với ánh đèn sáng rực trang trí cho cửa hàng của mình thêm bắt mắt. Luồng khí Giáng Sinh bước tới xứ Vinh Tiến như một cách lặng lẽ.

Xem hình ảnh

Trước mùa Giáng Sinh, ai cũng lo lắng tất bật cho chính mình. Mọi người trong xứ cùng chung tiền, chung sức để trang trí đường đi ngõ xóm của mình cho thật lộng lẫy, thật trang hoàng vào đêm Thánh Diệu huyền này. Nhưng để muốn giáo dân trong xứ không chỉ trang hoàng thật đẹp ngôi nhà, đường làng của mình, mà còn biết làm đẹp ngôi đền thờ linh thiêng, đó chính là tâm hồn của mỗi người, cha xứ đã mời cha Jos Nguyễn Hồng Phước, DCCT đến để tính tâm, giải tội cho giáo dân trong hai xứ Thống Nhất và Vinh Tiến.

Và thế rồi, mùa Giáng Sinh như trở nên ý nghĩa hơn đối với mỗi người. Đến Giáng Sinh, chúng ta không chỉ lo trang trí bên ngoài nhưng hơn hết đó là làm mới bản thân qua bí tích Hòa Giải và làm đẹp con người mình hơn bằng những cử chỉ yêu thương.

Không quản ngại khó khăn, vất vả giữa trời đông xứ Bắc, cha Giuse đến như một bước chân lặng thầm với những buổi họp mặt, chia sẻ của từng giới: Giới Gia Trường, Dòng Ba, Mân Côi và đặc biệt là các em TNTT tại giáo xứ. Những chủ đề khác nhau với những vấn đề bất cập hiện nay của từng giới, cha đã giúp đỡ mọi người trong xứ thay đổi đi dù chỉ là một chút, một ít nhưng lâu dần sẽ thay đổi được chính cả bản thân mình. Những người con tội lỗi biết quay trở về với người Cha nhân ái của mình qua bí tích Hòa Giải. Và để rồi đón chờ niềm vui nơi đêm Thánh, đêm mà Trời hôn Đất, Đêm Thiên Chúa hôn con người, đêm Ngôi Hai xuống thế làm người.

Và rồi, đêm Giáng sinh đến với những tiết mục của những diên viên không chuyên. Đó là những diễn viên từ dàn diễn viên các em Tntt giáo xứ. Qua bao nhiêu ngày không quản ngại khó khăn học tập, chuẩn bị. Các em đã mang đến cho khán giả những bất ngờ này, niềm vui này đến bất ngờ và niềm vui khác. Những điệu múa Ấn Độ đặc sắc, những tiết mục nhảy mang đậm tuổi Teen, những điệu mùa nhẹ nhàng mà tha thiết, hay không thể thiếu những giọng hát trầm bổng từ các anh chị lớn hơn… Tuy đối với nhiều người cho rằng văn nghệ không được đắc sắc, nhưng sau những tiết mục đó là cả những hy sinh của mọi người. Những buổi tối vang vang tiếng nhạc từ nhà này tới nhà khác để luyện tập, những hy sinh của lớp dự trưởng phải chạy đôn chạy đáo lo cho lớp của mình…. Tất cả những điều ấy như góp nhặt làm nên món quá dâng Chúa Giê su Hài Đồng.

Trong đêm Thánh này, xin cho mọi người Ki tô hữu luôn là những ngôi sao rực sáng giữa màn trời đêm tối để dẫn lối đưa đường cho những người không biết Chúa và những người con đang lạc xa người Cha
 
Lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính tòa Banmêthuột
Vũ Đình Bình
21:44 24/12/2011
Lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính tòa Banmêthuột

Đêm Ánh Sáng Cứu Độ

“Người đã xuống thế giữa đêm sương tuyết cơ hàn

Để rồi yêu thương tràn lan trên khắp không gian

Người người cất tiếng chúc tụng hiển danh Thiên Chúa

Đêm phúc lành thánh đức, ôi đêm ân phúc bình an!”

Đêm phúc lành thánh đức, đêm ân phúc bình an, đêm ánh sáng cứu độ. Trong tâm tình đó, đêm nay, 24.12.2011, tại Nhà thờ chính tòa giờ Canh thức bắt đầu vào lúc 9 giờ đêm. Trong nhà thờ không còn một chỗ trống. Cộng đoàn phụng vụ tìm về Bêlem cách đây hơn 2.000 năm. Ở đó, không gian tĩnh mịch, đêm đông giá rét. Ở đó, Con Thiên Chúa đã sinh ra. Ở đó, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Ở đó, “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”. Ở đó, “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Và ở đó bỗng nhiên “Ánh sáng và vinh quang của Chúa chiếu toả”… Và “Muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

9 giờ 30, trong Ánh sáng chan hòa ấy, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, long trọng chủ sự thánh lễ. Ngài nói:

“Anh chị em thân mến,

Đêm nay, trong bầu khí linh thiêng Mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta cùng hiệp lòng với tất cả mọi anh chị em Kitô hữu trên toàn thế giới, hướng lòng về hang đá thờ lạy Ngôi Hai Con Thiên Chúa Làm Người.

Đối với người Kitô hữu chúng ta, đêm nay có một ý nghĩa thật là đặc biệt: Chúng ta hiểu và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với con người qua việc Con Thiên Chúa bỏ trời cao nhập thể trở nên người như chúng ta. Nhờ việc Nhập Thể của Ngài, con người tội lỗi tìm lại được địa vị làm con Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống thần linh.

Nhờ được trở nên con cái của Thiên Chúa, người Kitô hữu luôn nỗ lực sống theo gương Chúa Giêsu, tích cực thánh hóa bản thân và góp phần xây dựng xã hội con người càng ngày càng tốt đẹp hơn.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho mỗi người Kitô hữu trong giáo phận Banmêthuột thân yêu, luôn biết can đảm sống niềm tin một cách mạnh mẽ, biết giới thiệu Chúa Giêsu đến cho mọi người, như các thiên thần đã loan báo Tin Mừng Giáng Sinh trong đêm Chúa xuống thế làm người. Trong thánh lễ đêm nay, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những anh chị em đang đau bệnh, hoặc mắc ngăn trở không thể tham dự lễ Giáng Sinh. Cách riêng, chúng ta cầu nguyện cho những gia đình đang gặp những khó khăn thử thách. Xin Chúa ban cho tất cả mọi người hưởng được niềm vui an bình của đêm Ngôi Hai xuống thế làm người”.

Sau bài Tin Mừng, Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ:

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng của thánh Luca vừa kể cho chúng ta nghe về việc Hài Nhi Giêsu, Đấng Cứu Thế, đã được sinh ra tại Belem như thế nào. Một gia đình đang sống tại miền bắc nước Palestine, Nazareth, do phải về quê khai sổ bộ, đã phải sinh con tại Bethlem, một làng nhỏ bé ở miền nam. Một gia đình trở về quê quán của mình, mà không có được một người thân cho ngụ nhờ, cũng không thể tìm được một chỗ nghỉ trong quán trọ. Có lẽ sự mệt mỏi của người phụ nữ sắp sửa đến ngày sinh nở đã làm cho cửa lòng của những người có điều kiện tiếp đón phải khép lại?

Một người mẹ đến thời mãn nhụy khai hoa không tìm được quán trọ qua đêm, một nơi an toàn cho đứa con đầu lòng chào đời, đã phải sinh con trong máng cỏ hang lừa. Dẫu cho trong hoàn cảnh không thuận tiện, người mẹ vẫn lo lắng chu đáo cho con mình trong điều kiện thật khiêm tốn: “Bà lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ”.

Trong khi Mẹ âm thầm sinh hạ Chúa Giêsu trong hang đá, thì thiên thần đã bày tỏ vinh quang với các vị mục đồng để giới thiệu thân phận cao sang của hài nhi nằm trong máng cỏ: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Davit, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa”.

Loan tin Đấng Cứu Độ sinh ra, nhưng làm sao nhận ra Người? Các thiên thần báo tiếp: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ”. Các mục đồng chưa hết ngạc nhiên, thì đông đảo các thiên thần đã cất tiếng hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Anh chị em thân mến,

Anh chị em có cảm thấy ngạc nhiên vì Đấng Cứu Thế phải sinh ra trong chuồng bò không? Có lẽ chúng ta cảm thấy thương hại cho Ngài, vì nếu Ngài sinh ra trong cung điện, trong nệm gấm chăn êm, thì xứng đáng hơn. Nhưng hoàn cảnh bên ngoài đâu có ảnh hưởng đến sứ mệnh của Ngài. Điều quan trọng là Ngài đã đến trần gian để đem ơn cứu chuộc đến cho tất cả mọi con người thành tâm thiện chí đi tìm ơn giải thoát. Chính sự hiện diện của Ngài trong thế giới giúp cho con người có điều kiện tìm ra được chân lý. Chính việc Ngài nhập thể làm người, giúp con người có cơ may tìm lại sự sống thân mật với Thiên Chúa trước khi tổ tông loài người phạm tội. Việc Ngài đồng hành với mọi hạng người trong xã hội, từ những người pharisêu biệt phái đến những người tội lỗi, giúp cho mỗi người biết khám phá ra ý nghĩa đích thực của lời Thiên Chúa mời gọi mình để quyết tâm có một cuộc sống xứng đáng hơn. Ngài đã quên mình chết trên thập giá, để giúp con người chiến thắng tấm lòng ích kỷ, tội lỗi, và những ai đón nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa.

Trong đời sống của người Kitô hữu, khi chúng ta noi gương Đức Mẹ, biết chấp nhận cộng tác với Chúa trong những khả năng khiêm tốn của mình với tấm lòng yêu mến, Chúa sẽ làm cho những công việc đó trở nên tuyệt vời. Chúng ta có thể làm thay đổi vận mệnh của mình, cũng như vận mệnh của thế giới, nhờ vào việc đón nhận Chúa Giêsu Kitô và tập sống theo gương Ngài mỗi ngày. Khi có Chúa Giêsu sống trong mình, cuộc đời của ta sẽ được biến đổi, biến đổi nên tạo vật mới.

Trước khi Chúa Giêsu được hạ sinh, máng cỏ chỉ là nơi chứa rơm cho súc vật, hang đá chỉ là nơi trú ẩn cho đàn súc vật. Khi Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu trong hang đá, máng cỏ đã trở thành nơi Chúa ngự, hang đá trở nên mái nhà che ấm Chúa Hài Đồng trong đêm đông lạnh lẽo. Hang đá đã được biến đổi nhờ đón tiếp Chúa Hài Đồng.

Trong những ngày Mùa Vọng, chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn qua việc chay tịnh, hãm mình, cải thiện đời sống, dọn lòng xưng tội, để làm cho lòng mình trở nên hang đá bé nhỏ cho Chúa ngự. Và khi Chúa ngự đến trong tấm lòng bé nhỏ của ta, thân xác tầm thường này trở thành đền thờ cho Chúa ngự. Chúa hiện diện trong lòng chúng ta, sẽ trở thành ánh sáng hướng dẫn chúng ta biết sống theo ý Chúa để được trở nên những con người mới, những con người được cứu chuộc.

Lời tiên tri lsaia nói: “Đoàn dân đang bước đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Ánh sáng không phải chỉ có nhiệm vụ điểm tô cho đêm tối, nhưng giúp cho người đang mò mẫm bước đi trong bóng tối thấy rõ con đường mình phải đi, tránh được những chướng ngại trên đường. Chính ánh sáng giúp cho con người thấy rõ việc mình phải làm, thấy được điều phải tránh, vì mình đang bước đi trong ánh sáng.

Chúng ta đừng ngần ngại để cho ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô chiếu soi trên chúng ta. Và chúng ta cũng đừng ngần ngại để Chúa dùng chúng ta như phương tiện mang ánh sáng của Ngài đến cho mọi người.

Khi chúng ta can đảm sống theo lương tâm của mình, biết làm điều lành lánh xa điều ác, biết sống tôn trọng tha nhân, biết sống trong sự công bằng bác ái theo tinh thần mà Chúa Giêsu đã dạy, thì những hy sinh của anh chị em sẽ là ngọn lửa làm cho ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi trong thế gian này.

Đừng nản lòng trước sự dữ, sự bất công đang có vẻ thắng thế trong cuộc sống hiện tại, vì Chúa sẽ can thiệp để bênh vực những con người công chính và những người bị áp bức. Vì khi Mẹ Maria âm thầm đặt người con mới sinh năm trong máng cỏ hang lừa, thì các thiên thần đã ca hát rộn ràng trên không trung loan báo tin vui cho các chú mục đồng.

Trong đêm mừng Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, tôi xin kính chúc tất cả mọi người đang hiện diện trong thánh lễ đêm nay, được tràn đầy sự bình an của Chúa Hài Đồng, được Chúa an ủi vì những hy sinh và những khổ đau mà anh chị em đã phải chịu vì con đường hòa bình mà chúng ta đã chọn. Xin Chúa cho chúng ta biết yêu mến cuộc sống và làm cho cuộc sống của mình và người thân càng ngày càng có ý nghĩa hơn. Qua anh chị em, tôi cũng xin gởi lời chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người thân của anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta”.

Hôm nay, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự bình an đích thực qua Đức Kitô. Ngài ban cho chúng ta Ánh Sáng Cứu Độ là Đức Giêsu. Xin cầu cho hòa bình trên mặt đất, bình an trong lòng người. Xin cho Ánh Sáng đêm nay, Ánh Sáng Cứu Độ chiếu rọi khắp nơi nơi.

Vũ Đình Bình
 
Canh thức và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo xứ Cao Bình
Giuse Trần ngọc Huấn
21:46 24/12/2011
CAO BẰNG, LẠNG SƠN - Hòa cùng niềm hân hoan của toàn thể Giáo hội trong đêm mừng Chúa Giáng Sinh, nơi miền sơn cước xa xôi của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, mọi thành phần Dân Chúa Giáo xứ Cao Bình quy tụ về khuôn viên thánh đường để chia sẻ niềm vui, cùng tham dự những chương trình trong Đêm Thánh Vô Cùng.

Xem hình ảnh

Vào lúc 20 giờ, cha xứ Giuse Trần Văn Hưng long trọng khai mạc chương trình Đêm Canh Thức mừng Chúa Giáng Sinh của Giáo xứ Cao Bình với chủ đề: Đêm Hồng Phúc. Cộng đoàn tham dự vui mừng cất lên lời ca ngợi cầu xin Chúa ngự đến, như mưa rơi tưới gội cánh đồng cằn cỗi, như giọt nước mát lạnh tuôn xuống những tâm hồn khô hạn.

Mở đầu là phần Diễn Nguyện. Các bạn thiếu nhi trong giáo xứ đã thể hiện những màn vũ, những bài ca, những hoạt cảnh để trình bày về lịch sử Cứu Độ, khởi đi từ biến cố Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật và con người, sự sa ngã, niềm trông đợi của Dân Thánh, sứ vụ của Gioan Tẩy Giả, truyền tin cho Đức Maria, và cao điểm là mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Lời Nhập Thể. Chương trình tuy đơn sơ nhưng gói ghém thật nhiều ý nghĩa, như một sự cố gắng để diễn tả sự quan phòng và chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa trong suốt hành trình của lịch sử Dân Chúa.

Sau chương trình diễn nguyện trang trọng, mọi người cùng hòa mình vào không khí vui tươi rộn ràng của phần ca hát mừng Chúa Giáng Sinh. Những bài hát, điệu nhạc vang lên chan chứa niềm hân hoan trong Đêm Thánh.

Cao điểm của chương trình Đêm Canh Thức là Thánh lễ Vọng, mừng Chúa Giáng Sinh, được cử hành trọng thể trong nhà thờ Giáo xứ Cao Bình. Cha xứ Giuse chủ sự Thánh lễ trong sự tham dự của hàng trăm giáo dân và đông đảo anh chị em tôn giáo bạn, đến chia sẻ niềm vui trong đêm Giáng Sinh.

Trong Thánh lễ, cha Giuse đã quảng diễn về mầu nhiệm Giáng Sinh, về ý nghĩa của Đêm Thánh, của biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể làm người Cứu Độ nhân loại. Ngài cũng nói đến những đóng góp của Giáo hội Công Giáo cho văn hóa và đạo đức dân tộc Việt Nam trong suốt hành trình lịch sử mấy trăm năm qua, mà đáng ghi nhận nhất là chữ Quốc ngữ do các linh mục tu sỹ dòng Tên sáng tạo ra. Qua đó cho thấy rằng: biến cố Con Thiên Chúa xuống trần đã thực sự đem lại bình an, khơi lên một luồng ánh sáng mới chiếu soi trần gian. Chính Người là Thiên Chúa Cứu độ. Chính Người là Vua Công chính và Hoàng tử của Hòa Bình.

Kết thúc Thánh lễ, cha xứ cùng toàn thể Cộng đoàn đến trước hang đá Giáng Sinh, được dựng lên trong khuôn viên thánh đường, để kính viếng Ngôi Lời Nhập Thể. Lời ca Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời… được cất lên du dương và cảm động.

Các em thiếu nhi và toàn thể cộng đoàn cùng hòa mình vào bầu khí vui tươi của đêm mừng Chúa Giáng Sinh. Ông già Noel đã trao cho mọi người những món quà thật ý nghĩa, làm cho bầu khí Giáng Sinh càng thêm rộn ràng.

Nơi xứ đạo xa xôi của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, trong đêm nay vẫn vang lên lời ca hát chúc khen Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Ánh sáng bừng lên lan tỏa khắp không gian, len lỏi vào khắp miền đồi núi hiu hắt của miền sơn cước. Cao quý hơn, Ánh sáng Tin Mừng của Hài Nhi Giêsu cũng lan tỏa khắp tâm hồn mọi người, làm nên nét đẹp của Tình Chúa, Tình người, xây dựng tình hiệp thông, liên đới và yêu thương nơi miền đất truyền giáo.

Mừng Chúa Giáng Sinh. Alleluia.
 
Văn Hóa
Tâm Sự Giáng Sinh
Nguyễn Kim Ngân
09:44 24/12/2011
TÂM SỰ GIÁNG SINH

Từ Ngôi Lời Đã Mặc Xác Phàm…

Giáng Sinh năm nay trời có vẻ lạnh hơn cho dù lập đông vừa mới bắt đầu. Tuy vậy, nhờ khô ráo, tiết đông xem chừng lại đẹp đẽ lạ thường trong mầu nắng nhàn nhạt, nhất là khi da trời xanh thẳm không một gợn mây, mường tượng một trời Đà Lạt trong ký ức những mùa Noel xưa.

Một lần nữa, Giáng Sinh lại trở về trong bối cảnh một thế giới tràn đầy biến động, những cuộc cách mạng bùng dậy như vết dầu loang tại một số quốc gia đã tưởng như an phận dưới chế độ độc tài, tham quyền cố vị của giới cầm quyền. Thế giới vẫn còn trong cơn bấp bênh về kinh tế, thậm chí ngay tại nơi “thiên đàng hạ giới” này, người ta đang nói đến con số gia tăng những người thu nhập kém, và cái quãng cách giầu nghèo đang ngoác rộng thêm ra, khiến đã dấy lên cao trào chiếm lĩnh phố này, thị trấn kia...

Dầu sao chăng nữa, cái bất ổn chính trị và cái thế chênh vênh về mặt kinh tế tài chánh vẫn không thể nào khỏa lấp được cái long đong buồn thảm của một thế hệ loài người đang bế tắc về mặt luân lý và chao đảo về mặt đạo đức. Riêng các tín hữu tại Âu Châu thì như đang “mệt mỏi vì niềm tin Kitô giáo.” (xem ĐTC Biển Đức XVI: “We must renew our way of being Christians,” trong catholicculture.org, 12/23/11) Đã hết từ lâu rồi cái thời đại người ta qúy chuộng những gì cao siêu, thuộc về tâm linh huyền nhiệm, với ước vọng “được lên thiên đàng,” để rồi ruồng rẫy thân xác, coi đó là cội nguồn của mọi tật xấu và mọi tội lỗi, đồng thời coi khinh cõi trần gian khổ ải, bởi vì lời Chúa đã quá rõ: “được lời lãi cả và thế gian này mà mất linh hồn thì còn có ích chi?” (x. Matthêu 16:26) Vâng, thời đại trốn chạy thế gian đó đã qua rồi. Hôm nay đây, người ta đã vẫy tay giã từ thiên đàng, như thể nói rằng: “Quý vị nào muốn lên thiên đàng thì tôi đây sẵn sàng nhường bước cho.” Người ta chỉ còn tin vào trần thế, tự hào với những phát minh khoa học và kỹ thuật tân kỳ, và muốn lập cư nơi trần gian này. Quả thật, “Lậy Ngài, chúng con ở đây, hay quá” (x. Matthêu 17:4). Thế là người ta trần tục hóa tất cả, hạ giá và coi khinh những gì linh thánh, coi như chuyện dị đoan, tin nhảm. Chết là hết, chẳng có thế giới bên kia gì đâu! Mà nếu có đề cập đến, thì chỉ để nói cho vui thế thôi, nếu không được dán nhãn là con ngáo ộp. Với thân xác này, cư ngụ ở cõi đời này, người ta chạy theo vật chất, giầu sang và tiền của vì đó là chìa khoá mở tung tất cả. Người ta không còn chỉ ca tụng thân xác, nuông chiều và dung dưỡng xác thịt, mà còn tôn thờ nó, thần tượng hoá nó, coi nó là tất cả, là giá trị cao nhất. Người ta ngưỡng vọng các minh tinh điện ảnh, các tài tử thời danh; người ta đua nhau chăm sóc làn da, sửa sang hình hài. Hoa hậu bỗng nhiên trở thành giấc mơ khôn nguôi của lớp thiếu nữ trẻ vừa lớn, và cũng là nỗi khắc khoải triền miên của các mệnh phụ.

Khi thân xác đã đẹp rồi thì cái đẹp tất phải được khoe ra, phô trương cho mọi người chiêm ngưỡng. Có cái đẹp qua ăn diện chững chạc, lịch thiệp; nhưng cũng có cái đẹp vượt khỏi những che đậy thường tình. Từ cái đẹp khỏa thân đi đến những kỹ nghệ khai thác nhà nghề, con đường không quá xa, nhất là khi lợi danh và tiền bạc trở thành mục tiêu nhắm đến. Thế là người ta tìm đến với nhau vì sắc đẹp, vì hấp lực không cưỡng nổi của mái tóc, làn môi, hay của những đường cong tuyệt mỹ. Lúc nào cũng thế, dấu tích nguyên tội từ từ đưa người ta đi xa, thật xa, đến những chân trời vô định.

Oái ăm một nỗi, chiếc quả lắc đồng hồ đang đong đưa từ thái cực mãi xa kia, cũng lại đang trên đường trở về thái cực bên này. Tôn thờ xác thân thế đấy, yêu chiều xác thịt thế vậy, ấy thế mà con người lại đang tâm chà đạp con người hết mức, coi người khác, nhất là phụ nữ, chỉ là phương tiện, hay đồ chơi, hoặc là đối tượng để hưởng thụ mua vui. Cái dã tâm của con người cách đây vài trăm năm là buôn bán bọn nô lệ vai u thịt bắp để làm tôi mọi cho giới chủ nhân ông, cho những hạng điền chủ, và những bọn cường hào. Cái man rợ của loài người hôm nay là buôn bán, trao đổi con người làm nô lệ tình dục, chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu và đòi hỏi lăng loàn của xác thịt, trong đó có những nhu cầu rất xanh xao bệnh hoạn, rất lệch hướng.

Đâu là chỗ chiếc quả lắc đồng hồ kia phải ngừng lại? Câu trả lời rõ ràng, chính xác: Chúa Cứu Thế Giêsu. Hãy nhìn cuộc đời Ngài, khởi sự từ phút đầu thai trong cung lòng vô nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria, cho đến khi Ngài giang rộng đôi tay trên thập tự giá, đem cái chết tức tưởi làm giá cứu chuộc muôn người. Phải, mầu nhiệm cao sâu khôn tả là mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể: Đấng vô hình đã mặc xác phàm; Đấng vô thủy vô chung trở thành bé nhỏ, yếu đuối, trong hình hài thơ nhi run rét; Đấng vĩnh cửu siêu linh bước vào thời gian, tự giam mình trong dòng lịch sử trần thế hữu hạn

Trong tận cùng nỗi thao thức khôn nguôi của kiếp người, thực ra, ta không cần đến một vị thiên chủ nào đó, nói chung chung, không định tính. Con người “cần đến một vị Thiên Chúa sống động và chân thực, có thể mở ra chân trời tương lai của con người hướng ngỏ về một niềm hy vọng vững chắc, một niềm hy vọng đong đầy vĩnh cửu, cho phép ta can đảm đối diện với hiện tại muôn mặt.” (ĐTC Biển Đức XVI: Diễn từ gửi đến các sinh viên đại học, zenit.org, ngày 12/15/11) “Trong máng cỏ Bê Lem, nỗi cô đơn của loài người đã được chinh phục; hiện hữu con người không còn tùy thuộc quyền lực vô ngã của thiên nhiên và lịch sử nữa; căn nhà của ta đã được xây dựng trên nền đá chắc: ta có thể dự trù kế hoạch cho lịch sử, lịch sử loài người, không hề như một hoang tưởng, mà là một sự thực đanh thép: Thiên Chúa của Đức Kitô đang hiện diện và đồng hành với ta.” (cùng bài đã dẫn)

Vâng, Thiên Chúa không còn xa vời nữa, Ngài đã trở thành xác phàm (Gioan 1:14), sống bình dị vô danh ở giữa loài người, trong xóm nhỏ Nazaret điêu tàn. Mầu nhiệm nhập thể là chính là biến cố trọng đại, vô tiền khoáng hậu, là lý do chính đáng nhất khiến trần gian như bùng vỡ trong niềm hân hoan bất tận của ngày Giáng Sinh. Giáng Sinh trở thành một biến cố phi thường (xem Dr. Jeff Mirus: Jesus Christ: The Singularity of Christmas, trong catholicculture.org, ngày 12/19/11)

“Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.” Đây là lời kinh Tin Kính Việt ngữ mà ta thuộc lòng. Nhưng vừa mới đây thôi, bản dịch Anh ngữ rốt cuộc đã khám phá ra cái chút ít vụng về của bản dịch cũ, và đã chuyển nhóm chữ “born of the Virgin Mary—sinh bởi Trinh Nữ Maria” thành nhóm chữ thật sát với bản La ngữ: “incarnate of the Virgin Mary--nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria.” Quả đúng vậy, Nhập Thể là thời khắc đầu thai, chứ không phải lúc sinh ra. Việc Sinh Hạ Đồng Trinh của Chúa Giêsu chính là hậu quả của việc Ngài Nhập Thể.

…Đến Thần Học Xác Thân

“Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.” Và rồi, “Ngôi Lời đã mặc xác phàm, và đang ngự giữa chúng ta.” Với thân xác con người, Chúa Giêsu, vừa là Thiên Chúa thật, cũng lại vừa là một con người thật. Thân xác, do mối liên hệ “nhị tính liên hợp” của hồn và xác, đã trở thành một trong hai phần cốt lõi làm nên con người, đến độ, ta không thể nói “tôi có thân xác,” mà phải nói “tôi là thân xác tôi.”

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như được thần hứng, đã thiết lập một nền thần học chưa bao giờ có: thần học về thân xác, gọi ngắn gọn là Thần Học Xác Thân (THXT). Theo Ngài, thân xác con người chính là tuyệt phẩm của Đệ Nhất Nghệ Sĩ, đó là Thiên Chúa. Chính thân xác—và chỉ thân xác mà thôi--mới có thể biến cái vô hình thành hữu hình, y hệt như trong nghệ thuật hội hoạ và điêu khắc, sử dụng mầu sắc, đường nét, hình ảnh, hoặc trong âm nhạc thì sử dụng âm sắc và thanh âm. Thân xác con người như là đang kể lể cho ta một câu chuyện, một câu chuyện tình. Thế nhưng, câu chuyện này sẽ mất hết ý nghĩa nếu thân xác chỉ được nhìn dưới khía cạnh sinh học thuần túy. Thật vậy, thân xác ta đâu phải chỉ là tập hợp của những nguyên tử. Và dục tính con người, được diễn tả qua thân xác, đâu phải là kết quả sau cùng của một thứ tiến hoá ngẫu nhiên. Thực ra, đó là kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa, đấng Tạo Hoá, đang muốn kể cho ta nghe một câu chuyện. Câu chuyện mà mọi loài thụ tạo đều đang lên tiếng kể lể: đó là câu chuyện về tình yêu trao-ban-sự-sống của Thiên Chúa. Mọi loài thụ tạo mà Thiên Chúa tạo dựng đều nói lên chính công trình sinh sản. Thử nhìn vào một bông hoa thì sẽ thấy: mỗi loài hoa đều là kết tinh của câu chuyện “love is in the air--tình yêu trong không khí.” Chúng ta đang liên tục hít thở những phấn hoa, mà phấn hoa là gì nếu không phải là vật thể cho thấy nỗ lực tự sản tự sinh của muôn loài cỏ cây thảo mộc? Cũng y như thế, nhìn vào cuốn sách của thiên nhiên, đâu đâu ta cũng nhìn thấy những dấu ấn của mầu nhiệm tình yêu vợ chồng. Y như thể muôn loài đang cất lên tiếng hát một khúc tình ca. Đồi núi kia đang trổi lên những giai điệu trữ tình. Nhưng chính con người mới là đỉnh cao của khúc tình ca ấy, bởi vì Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Con người chính là triều thiên của công trình Thiên Chúa tạo dựng muôn loài.

Một khi đã nhìn nhận rằng thân xác ta đang cất tiếng kể lể chuyện tình của Thiên Chúa, thì tất cả những gì mà Hội Thánh dậy về luân lý tính dục sẽ trở thành có ý nghĩa. Bạn đang dùng thân xác mình để kể chuyện tình của Thiên Chúa hay một câu chuyện gì khác? Tất cả chúng ta đều được mời gọi thuật lại chuyện tình của Thiên Chúa. Một cách nào đó, Thiên Chúa muốn kết hôn với ta. Ngài là Tình Yêu, Tình-Yêu-Trao-Ban-Sự-Sống. Chuyện tình của Thiên Chúa khắc ghi trên thân xác ta. Thân xác con người cưu mang trong nó tính cách thần học, và vì thế, ta có thần học về thân xác. (xem thêm: Christopher West, Our Bodies Are Theological, trong zenit.org, 11/29 –11/30/2011)

Thiên Chúa đã mặc xác phàm để cứu rỗi loài người, dẫn đưa ta về với Ngài. Con người được Thiên Chúa cứu độ trong toàn thể hữu thể của nó, cả hồn lẫn xác. “Tôi tin xác loài người sẽ sống lại.” Khi chối từ linh hồn để chỉ sống trong xác thể thì con người trở thành vong thân và từ khước ơn cứu độ của Thiên Chúa. Con người được cứu độ qua cuộc sống tại thế, với những giá trị khách quan của nó. Nhưng trần thế này không tồn tại miên viễn, nó “sẽ phải qua đi” (x. Luca 21:33). Chính trần thế cũng phải được cứu độ. Và vì thế, “tôi tin sự sống đời sau.”

Xin thờ kính Ngôi Lời Thiên Chúa giáng sinh. Ngài đến cứu độ trần gian, và cứu rỗi muôn người!

Giáng Sinh 2011

Nguyễn Kim Ngân
 
Ánh Sáng Ngôi Lời''
Thanh Sơn
09:30 24/12/2011
Ánh Sáng Ngôi Lời"

CNLCGS. (Ga.1,1-5)


THIÊN Thần ca hát vang lừng
THẦN dân bừng tỉnh vui mừng hân hoan
LOAN ra khắp cả trần gian
BÁO tin Thiên Tử cao sang giáng trần
TIN vui khắp cả xa gần
VUI mừng hợp với thế trần hòa ca

GIỮA tầng Trời-Đất giao hòa
ĐÊM nay vũ trụ giăng hoa kết đèn
NHÂN trần hợp xướng ca khen
LOẠI đi tất cả bóng đen xưa rày
NGỦ vùi mấy triệu năm nay
VÙI sâu đi những tháng ngày tối tăm
TIẾT trời bừng sáng quanh năm
ĐÔNG tàn bởi CHÚA xuống thăm con người

BỪNG lên vũ trụ đẹp tươi
LÊN ngàn "Sự Sống" tiếng cười lòng ngay
TỪ nay "Ánh Sáng" tràn đầy
GIỮA muôn tinh tú ngất ngây kính chầu
THINH không muôn triệu tinh cầu
KHÔNG ngừng nhảy múa khấu đầu tạ ơn

TIẾNG chuông ngân vút cao hơn
CA đoàn hợp xướng cung đờn ngất ngây
NHƯ muôn Thần Thánh về đây
VẠN Thiên Thần đến hợp vây kính chờ
ÁNH Quang THIÊN CHÚA phụng thờ
HỒNG lên khắp cả niềm mơ đời đời
TỎA từ "ÁNH SÁNG NGÔI LỜI"
LAN tràn đến cả muôn đời thế nhân.
 
Một lá thư gửi bạn nhân ngày Giáng Sinh
Lm. Minh Anh
15:42 24/12/2011
Anh Chị em thân mến,

Nhân dịp Giáng Sinh về, Chúa Giêsu có gửi cho Anh Chị em một lá thư, một lá thư không chỉ cho Anh Chị em giáo dân nhưng còn cho cả bà con lương dân chưa nhận biết ngài nữa.
Xin đọc nguyên văn cho Anh chị em,

Anh Chị em bà con lương giáo Giáo xứ… quý mến,

Cũng như mọi năm, hôm nay là ngày sinh nhật của tôi và như thường lệ, người ta dành cho tôi một ngày.

Thế nhưng, như Anh Chị em biết, vào thời buổi này, cứ đầu mỗi tháng 12 hàng năm, khi ngày lễ của tôi gần kề, người ta giăng đèn khắp các phố phường, thiên hạ đổ xô đi mua sắm, truyền thanh truyền hình quảng cáo khuyến mãi đủ mọi mặt hàng, đủ thứ quà tặng và thiệp mừng Giáng Sinh đủ các loại bày bán đâu đâu cũng có. Khắp nơi mọi chốn trên toàn thế giới, ở nước giàu cũng như tại nước nghèo, từ thành thị cho đến thôn quê, ai ai cũng bảo nhau ngày sinh nhật của tôi gần kề và nó được tính từng ngày.

Thật sự, mỗi năm ít là một lần, người ta nhớ đến tôi, điều đó cũng không tệ vì Anh chị em biết, sinh nhật của tôi được mừng từ lâu lắm rồi.

Những năm đầu tiên, xem ra người ta cũng hiểu ý nghĩa của ngày lễ và cũng tỏ lòng biết ơn về những gì tôi đã làm cho họ; nhưng càng ngày, xem ra không ai còn nhớ đến lý do của ngày lễ .

Mỗi lần sinh nhật của tôi, gia đình, bạn bè hẹn gặp nhau. Họ vui chơi trò này đến trò khác, ăn uống món này đến món khác nhưng ý nghĩa của ngày lễ thì hầu như không ai biết.

Tôi nhớ rất rõ, cách đây đúng một năm, tại một gia đình nọ, người ta tổ chức bữa tiệc lớn mừng sinh nhật tôi. Bàn tiệc đầy ắp thức ăn đồ uống, bánh trái đủ các thứ… nào kẹo, nào mứt, nào chocolate. Và này, người ta trang hoàng phòng tiệc thật lộng lẫy, nào cây giáng sinh, nào những trái bóng xinh xắn lủng lẳng trên đó; nào hoa, nào những dây đèn rực rỡ… và ở đó, cũng có rất nhiều hộp quà được gói thật đẹp… Nhưng Anh chị em biết không, hôm đó, tôi không được mời.

Tôi là khách danh dự, thế mà, người ta không nhớ để gửi cho tôi một tấm thiệp.
Bữa tiệc dành cho tôi, nhưng khi ngày trọng đại ấy đến, thì tôi phải đứng ngoài. Họ đóng sầm cánh cửa trước mặt tôi đang khi tôi lại những ước ao được đồng bàn với họ.

Thực ra, điều đó không khiến tôi quá ngạc nhiên, vì trong những năm gần đây, mọi cửa nhà đều đóng lại khi tôi đến. Bởi không được mời, nên tôi đã quyết định lẻn vào mà không gây một tiếng động nào. Tôi nhẹ nhàng đi vào và đứng lớ ngớ trong một góc. Mọi người đều uống, vài người bắt đầu có dấu hiệu say, họ nói năng nghịch ngợm và cái gì cũng có thể khiến họ cười, họ cười mọi chuyện. Họ có một buổi tối thật thú vị.

Vào lúc cao điểm của buổi tiệc, một ông già tròn trĩnh mặc toàn màu đỏ với bộ râu trắng thật dài, ông đi vào phòng tiệc. Ông la lên “Hô, Hô, Hô...”, xem ra ông ta cũng say. Ông ngồi bịch xuống chiếc ghế bành và tất cả trẻ con trong nhà chạy lại chỗ ông, chúng vui mừng kêu lớn, “Ôi Ông Già Noel, Ôi Ông Già Noel...” như thể bữa tiệc hôm ấy là dành cho ông vậy.

Đến nửa đêm, mọi người bắt đầu hôn nhau; tôi cũng giang rộng đôi tay đợi một ai đó đến ôm hôn mình, và Anh Chị em biết, không ai đến hôn tôi cả.

Rồi thì, mọi người bắt đầu trao cho nhau những món quà. Lần lượt, từ món này đến món khác, những gói quà được mở ra và ai ai cũng nô nức muốn biết cái gì bên trong. Khi tất cả quà tặng đã được mở ra, tôi cũng lo lắng không biết liệu mình có nhận được một món nào không. Này Anh Chị em, Anh Chị em nghĩ thế nào nếu như vào ngày sinh nhật của Anh Chị em, khi mọi người trao quà cho nhau đang khi tự bản thân, Anh Chị em không có lấy một món quà nào cả.

Vậy là tôi hiểu, họ không thích sự có mặt của tôi ở đó, nên cuối cùng, tôi lẳng lặng ra đi.

Mỗi năm, sự việc càng trở nên tồi tệ hơn. Ai ai cũng chỉ nhớ đến những món quà, những bánh trái, đồ ăn thức uống và không ai còn nhớ đến tôi.

Năm nay, tôi muốn Anh Chị em cho phép tôi được vào với Anh Chị em, đi vào nhà Anh Chị em, đi vào cuộc đời Anh Chị em. Tôi muốn mỗi người trong Anh Chị em ý thức rằng, đã hơn 2000 năm nay, tôi đã đến trần gian này để trao tặng cho mỗi người quà tặng là chính mạng sống của tôi trên cây thánh giá hầu cứu chuộc Anh Chị em. Hôm nay, tôi chỉ muốn một điều là Anh Chị em hãy tin điều đó, hãy ghi khắc điều đó vào lòng mình.

Còn một chuyện nữa tôi cũng muốn nói nhỏ với Anh Chị em, vì không được mời vào dự tiệc, thì tôi cũng phải liệu tổ chức cho mình một bữa tiệc của tôi, một bữa tiệc lớn lao không ai có thể tưởng tượng được, một bữa tiệc tráng lệ huy hoàng mà chính tôi định đoạt và sắp đặt tất cả.

Hôm nay, tôi gửi đi rất nhiều thiệp mời và mỗi người trong Anh Chị em đều có lấy một tấm thiệp mời của tôi. Tôi muốn biết liệu mỗi người trong Anh Chị em có đến tham dự hay không để giữ chỗ cho Anh Chị em bằng cách ghi danh Anh Chị em với những nét chữ bằng vàng vào sổ các thực khách. Chỉ những ai có tên trong sổ vàng ấy mới được mời vào dự tiệc.

Ai không trả lời thiệp mời, sẽ bị để ra ngoài. Vậy, Anh Chị em hãy chuẩn bị cho mình thật kỹ lưỡng, vì khi mọi sự đã sẵn sàng, Anh Chị em sẽ dự phần vào bữa tiệc huy hoàng của tôi.

Hẹn gặp Anh Chị em,

Hết lòng yêu mến Anh Chị em,

Tôi, Giêsu,

(Lm. Minh Anh, Giáo Phận Huế phỏng dịch từ internet)
 
Hãy nhận lấy con tôi
Thu Cúc sưu tầm
19:14 24/12/2011
Tôi có câu chuyện này rất hay. Xin hãy dành chút thời gian để đọc vì biết đâu nó sẽ đem đến cho quý bạn một ngày đầy ý nghĩa!

Kết thúc của nó bảo đảm sẽ làm quý vị bạn ngạc nhiên.

Hãy nhận lấy con tôi

Một người phú hộ giàu có kia có người con trai thích sưu tầm tác phẩm nghệ thuật quý hiếm. Họ đã có mọi thứ trong bộ sưu tầm của họ, từ những bức danh hoạ của Picasso đến Raphael. Họ thường ngồi bên nhau để chiêm ngưỡng các công trình lớn của nghệ thuật ..

Khi chiến cuộc Việt nam bùng nổ, con trai ông phải đi lính. Anh đã chiến đấu rất dũng cảm và đã chết trong trận chiến trong khi giải cứu một người lính khác. Cha anh đã được thông báo về cái chết, ông đau buồn vô cùng trước cái chết của người con trai duy nhất.

Khoảng một tháng sau đó, ngay trước lễ Giáng sinh,

Có tiếng gõ cửa. Một người đàn ông trẻ đứng ở ngạch cửa với một gói lớn trong tay...

Anh nói, "Thưa bác, bác không biết cháu, nhưng cháu là người lính mà con trai bác đã phải hy sinh mạng sống của anh ấy. Anh đã cứu sống nhiều người ngày hôm đó, và anh đã mang cháu đến nơi an toàn khi một viên đạn bắn vào người anh ngay chỗ trái tim và anh đã chết ngay lập tức ... Hồi còn sống anh ấy thường nói về bác, và niềm đam mê của bác dành cho nghệ thuật. "

Người thanh niên này trao cho ông gói đồ và nói "Cháu biết món quà này không đáng bao nhiêu, cháu thật sự cũng chẳng phải là một nghệ sĩ tài giỏi gì, nhưng cháu nghĩ rằng con trai của bác mà còn sống sẽ muốn dành cho bác món quà này".

Người cha mở gói quà ra xem. Đó là một bức chân dung của con trai mình, được vẽ bởi người thanh niên đứng trước mặt ông. Ông nhìn chăm chú vào bức tranh, kinh ngạc trước khả năng lột tả được tư cách của con trai mình qua bức tranh của người lính. Người cha đã bị đôi mắt trong tranh thu hút đến nỗi mắt ông mờ lệ. Ông cảm ơn người thanh niên và ngỏ ý muốn trả công cho người thanh niên đã vẽ tranh tặng mình .. "Ồ, không đâu bác, cháu chẳng bao giờ có thể trả hết nợ cho những gì con trai của bác đã làm cho cháu đâu. Đây là một món quà cháu dành tặng cho bác đó".

Người cha trang trọng treo bức chân dung trên chỗ lò sưởi của mình. Mỗi lần khách đến nhà, ông đều đưa họ đến xem chân dung của con trai mình trước khi ông đã cho xem bất cứ của các công trình lớn khác mà ông đã thu thập được.

Người cha qua đời vài tháng sau đó. Bức tranh của ông được đem bán đấu giá. Nhiều nhân vật quyền lực đã tụ tập, hăm hở đến xem những bức tranh vẽ tuyệt vời mà họ đã có cơ hội đến mua một bức cho bộ sưu tập của mình.

Bức tranh vẽ người con trai được đặt trên một bục gỗ. Người điều khiển cuộc đấu giá bắt đầu gõ chiếc búa. "Chúng tôi sẽ bắt đầu màn đấu thầu với bức tranh vẽ của người con trai. Ai sẽ trả giá cho bức tranh này trước? '

Chỉ có sự im lặng ...

Bỗng có một giọng nói từ phía sau căn phòng hét lên "Cho chúng tôi xem những bức tranh nổi tiếng đi, bỏ qua bức tranh này đi".

Nhưng người điều khiển cuộc đấu giá cứ kiên trì. 'Ai muốn đấu giá bức tranh này? Ai muốn mở đầu cuộc đấu giá? $ 100, $ 200? "

Một giọng giận dữ vang lên. "Chúng tôi không đến để xem bức tranh này. Chúng tôi đến để xem Van Gogh, Rembrandts. Vào cuộc đấu giá thật sự đi ông ơi! "

Tuy nhiên, người điều khiển cuộc đấu giá cứ tiếp tục. 'Bức tranh người con trai! Người con trai! Ai sẽ mua bức tranh người con trai? "

Cuối cùng, một giọng nói đến từ mặt sau của căn phòng. Đó là người làm vườn lâu năm của người đàn ông và cậu con trai. "Tôi sẽ trả 10 đồng cho bức tranh này... ' Là một người nghèo rớt mồng tơi, ông chỉ có khả năng trả đến thế.

"Chúng tôi có người trả $10 rồi, ai sẽ đấu giá lên đến $20 ?

Đám đông trở nên giận dữ. Họ không muốn thấy bức tranh của người con trai.

"Cứ để cho anh ta mua với giá $10 đi. Hãy cho chúng tôi xem các bức hoạ bậc thầy đi thôi".

Họ chỉ muốn sự đầu tư xứng đáng trong bộ sưu tập của họ.

Người điều khiển cuộc đấu giá đập chiếc búa .. ."gọi một lần, hai lần, xong, bức tranh được bán với giá $10! "

Một người đàn ông ngồi trên hàng thứ hai la lên "Bây giờ cho chúng tôi xem nguyên bộ sưu tập còn lại đi ông!"

Người điều khiển cuộc đấu giá đặt chiếc búa của mình xuống. "Tôi xin lỗi, cuộc đấu giá đã kết thúc.

"Còn những bức tranh thì sao? "

"Tôi xin lỗi. Khi tôi được gọi thực hiện cuộc đấu giá này, tôi đã được cho biết một quy định bí mật đã được ghi rõ trong di chúc ... đó là tôi không được phép tiết lộ quy định đó cho đến khi thời điểm này. Chỉ có bức tranh của con trai sẽ được bán đấu giá. Bất cứ ai đã mua bức tranh này sẽ kế thừa toàn bộ bất động sản, bao gồm cả những bức tranh khác.

Người nào mua bức tranh người con trai được tất cả mọi thứ kia! "

Chúa đã ban người con trai duy nhất của ngài cách đây hơn 2.000 năm để chịu chết trên thập giá. Cũng giống như người bán đấu giá, hôm nay sứ điệp của Ngài là: "Con ta, Con ta, ai sẽ là người đón nhận con trai ta?

Bởi vì, quý bạn thấy đó, bất cứ ai có Chúa Con sẽ được tất cả mọi thứ!

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian quá đỗi, Ngài đã ban cho chúng ta người con duy nhất của mình. Ai tin vào Ngài, sẽ được ban cho sự sống đời đời ... Đó mới gọi là tình yêu.