Ngày 22-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư 23/12: Danh xưng và ơn gọi - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
02:22 22/12/2020


TIN MỪNG Lc 1:57-66

Ông Gio-an Tẩy Giả chào đời.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-amà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an". Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả". Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an". Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?" Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em.

Đó là lời Chúa.
 
Tình yêu Thiên Chúa bao la như đại dương
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
03:18 22/12/2020


Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa, vô cùng cao cả và đầy quyền năng. Để hiểu phần nào quyền năng của Chúa, chúng ta hãy nhìn ngắm công trình do Ngài tác tạo.

Ngài đã hiện hữu từ trước muôn đời, trước khi có vũ trụ càn khôn. Ngài cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tác tạo nên trời đất, muôn loài muôn vật trong vũ trụ vô biên vô tận này.

Với tầm nhìn hạn hẹp, chúng ta tưởng Trái đất này to lớn lắm. Thật ra, các nhà khoa học cho biết Trái đất chỉ là một quả cầu rất bé nhỏ nằm trong số hàng tỷ, hàng tỷ quả cầu khác lớn hơn rất nhiều.

Với tầm nhìn hạn hẹp, chúng ta tưởng Mặt trời đang tỏa sáng trên đầu chúng ta to lớn nhất, thật ra, Mặt trời của chúng ta chỉ là một ngôi sao trong vô vàn ngôi sao lớn lao trong vũ trụ. Các ngôi sao trong vũ trụ này này nhiều hơn cả số lượng cây cối trên rừng, nhiều hơn số cá bơi lội dưới nước.

Nhìn ngắm vũ trụ bao la vô biên vô tận với vô vàn điều kỳ diệu trong đó thì chúng ta mới biết Đấng sáng tạo nên nó là Chúa Giê-su, là Ngôi Hai Thiên Chúa, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cao cả biết chừng nào, quyền năng của Ngài lớn lao không tưởng được…

Về phần loài người chúng ta, nếu đem con người so sánh với muôn vàn trăng sao trong vũ trụ, thì con người chỉ là một hạt bụi li ti, vô cùng nhỏ bé, chẳng đáng là gì.

Thế mà vì yêu thương loài người thấp hèn, nhỏ bé, Ngôi Hai Thiên Chúa vô cùng cao cả và quyền năng, đã hóa thân làm người phàm, đầu thai trong lòng một trinh nữ miền quê Na-da-rét, trở thành con của loài người, trở thành cháu chắt của những người tội lỗi… Lạ lùng thay!

Tại sao Chúa tể trời đất, Đấng dựng nên vũ trụ càn khôn vô biên vô tận, lại hạ mình xuống thế làm người thấp hèn như thế?

Thưa vì hai mục tiêu chính:

Mục tiêu thứ nhất là để cứu độ loài người, để mang tội lỗi của họ vào thân, để đền tội thay và chết thay cho họ… Nhờ đó, nhân loại được thoát khỏi hình phạt trong hỏa ngục đời đời; nhờ đó, nhiều người được lên thiên đàng hưởng phúc trường sinh.

Mục tiêu thứ hai là, khi xuống thế cứu chuộc loài người, Ngôi Hai Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân vô giá mà trí khôn con người khó hiểu được. Đó là nâng con người lên hàng con Thiên Chúa, và không chỉ là con Thiên Chúa mà thôi, mà còn là chi thể của Chúa Giê-su, được hoàn toàn nên một với Ngài.

Hình ảnh sau đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự thật này:

Thiên Chúa như một đại dương bao la vô tận, hết sức trong lành thanh khiết; còn loài người như một ao nước nhỏ bé, đen ngòm, chứa đầy rác rến dơ bẩn… nằm bên bờ đại dương. Có một giải phân cách tách biệt đôi bên. Qua biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, giải phân cách giữa Thiên Chúa và loài người được phá bỏ, để Thiên Chúa hòa nhập với con người và để cho con người được nên một với Thiên Chúa, như ao nước hòa nên một với đại dương. Đây là một hồng ân vô cùng cao quý.[1]

Lạy Chúa Giê-su,

Tình Chúa yêu thương chúng con bao la như đại dương không bờ, không đáy.

Xin giúp chúng con biết cố sức đền đáp tình yêu của Chúa và luôn làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự. Amen.

[1] GLHTCG số 460
 
Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
11:15 22/12/2020
Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh

(Mt 1, 1-25)

Phụng vụ Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh dìu chúng ta về với gia phả của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, và gẫm suy sự giáng sinh của Con Một Chúa.

Gia phả của Đức Giêsu Kitô

Đã làm người là có cố có ông, có cha có mẹ có ông có bà, tức là có một gia phả. Đức Giêsu dù là Thiên Chúa, nhưng làm người, nên cũng không nằm ngoài qui luật tự nhiên ấy. Gia phả của Đức Giêsu Kitô được Thánh sử Matthêu viết thật là dài cả thảy 42 đời, không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử, nhưng mang nặng ý nghĩa thần học. Gia phả này nhắc nhớ chúng ta rằng, sau khi tổ tông loài người phạm tội trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã đi tìm Ađam và Evà và đồng hành với con người. Thiên Chúa đã gọi Abraham người đầu tiên trong gia phả, thứ đến là các tổ phụ khác. Thiên Chúa đã muốn làm lịch sử với chúng ta, một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, như trong gia phả chúng ta thấy có những thánh nhân vĩ đại nhưng cũng có những tội nhân cao độ. Đó chính là sự kiên nhẫn, khiêm tốn của Thiên Chúa và tình thương của Ngài đối với chúng ta.

Theo thánh Mátthêu, Đức Giêsu xuất thân từ dòng dõi Abraham, và cuộc đời Người gắn kết với dân tộc Israen, một dân được tuyển chọn trong tình thương. Đức Giêsu cũng là Con của vua Đavít, nên Người có cơ sở để là Đấng Kitô như lời hứa.

Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa làm người, sinh ra trong một gia đình, sống trong xã hội, nên Ngài chịu chi phối bởi xã hội trong dòng lịch sử một dân tộc với tất cả những thăng trầm và biến động của nó. Là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (x. Mt 1,16-17). Tất cả lịch sử của dân tộc Israen cũng là lịch sử cứu độ. Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tuyệt đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành tựu.



Như chúng ta đã nói ở trên, Con Thiên Chúa đi vào một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, một gia phả khác thường đối với Do thái giáo. Bởi lẽ, trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ, đó là chuyện lạ, vì người Do Thái thường chỉ để tên người cha. Trừ Đức Maria ra, còn bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại. Tama và Rakháp gốc Canaan, Rút gốc Môáp, vợ Urigia người Híttít. Mỗi bà lại có hoàn cảnh khác thường không ai giống ai. Tama giả làm điếm để ngủ với cha chồng là Giuđa, hầu sinh con cho nhà chồng (St 38). Rakháp là một cô điếm ở Giêricô, đã giúp Giosuê chiếm Canaan (Gs 2). Bétsabê, vợ của Urigia, đã ngoại tình và lấy vua Đavít (x. 2Sm 11-12). Rút đã lấy ông Bôát là người bà con gần, để nối dõi cho chồng (x. R 1-4). Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này, nên cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại nếu tính theo gia phả, dẫn đến cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường.

Sự giáng sinh của Con Một Chúa

Thiên Chúa muốn cứu độ con người bằng cách sai Con Một Chúa xuống thế gian, nhập thể làm người. Cách làm người của Con Thiên Chúa vừa bình thường lại vừa tuyệt đối khác thường. Bình thường vì Người được sinh ra bởi một người nữ (x. Gl 4, 4). Khác thường vì Người không được sinh ra bởi người nam (cha ruột), nhưng do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1, 18. 20). Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (c. 16). Có thể nói, Đức Giêsu có dược “nhập khẩu” vào dòng dõi vua Đavít hay không đều tùy thuộc vào lời đáp trả của thánh nhân. Nên Thánh Mátthêu đã làm nổi bật dung mạo vị cha nuôi của Chúa Giêsu, vừa nhấn mạnh rằng, nhờ qua thánh nhân, Con Trẻ được đưa vào trong dòng dõi vua Ðavít một cách hợp pháp, và như thế thực hiện những Lời Kinh Thánh, trong đó Ðấng Thiên Sai được các tiên tri loan báo như là “Con của Vua Ðavid ”. Như thế Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người. Ngài có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít với một gia phả. Có một gia đình cần thiết để sống và lớn lên.

Trong giờ vọng lễ Mừng Chúa giáng sinh đêm nay, chúng ta hướng nhìn về Thánh Giuse, vị hôn phu của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, cha nuôi Đức Giêsu, mẫu gương của người “công chính” (Mt 1,19). Vai trò của Thánh Giuse với nhân đức trổi vượt không thể nào bị rút gọn về khía cạnh luật pháp mà thôi. Ngài được Thiên Chúa tín nhiệm trao ban quyền làm “Người gìn giữ Ðấng cứu thế”, trong gia đoạn đầu của công trình cứu chuộc, khi hoà hợp hoàn toàn với vị hôn thê của mình, tiếp rước Con Thiên Chúa làm người và canh chừng cho sự tăng trưởng nhân bản của Con Thiên Chúa. Vì thế, thật xứng hợp biết bao hướng về ngài, cầu xin ngài trợ giúp chúng ta sống trọn vẹn mầu nhiệm Ðức Tin cao cả này.

Noi gương ngài, chúng ta mở rộng lòng mình ra, chuẩn bị nội tâm để đón nhận và gìn giữ Chúa Giêsu trong đời sống chúng ta. Uớc chi Chúa có thể gặp thấy trong chúng ta lòng quảng đại sẵn sàng đón Chúa đến, như đã xảy ra như vậy tại Belem trong Ðêm Cực Thánh Chúa Sinh Ra. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Lễ Đêm Giáng Sinh
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
11:18 22/12/2020
Suy Niệm Lễ Đêm Giáng Sinh

(Lc 2,1-14)

Giáng Sinh là lễ ánh sáng. Nào là đèn Giáng sinh, đèn lồng, và đèn nến. Từ Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, ánh sáng cứ nhân lên. Ngay cả những nụ cười cũng đem lại ánh sáng. Bài đọc I đọc trong Thánh Lễ Nửa Đêm, tiên tri Isaia nói rằng : “Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết” (x. Is 9,2-7).

– Đêm Ánh Sáng

Dân tộc bước đi trong u tối ư? Phải, dân Israel sống trong cảnh lầm than của thân phận lưu đày, trước mắt họ chỉ là một màn đen dày đặc mà họ đang quằn quại mò mẫm tìm cho mình lối thoát. Họ mòn mỏi mong chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa, nay bỗng thấy: “Sự sáng chứa chan”. Ánh sáng ấy không phải là thứ ánh sáng nhấp nháy hay không nhấp nháy, mà là ánh sáng mang tên Giêsu. Người là Ánh Sáng cho thế giới, Ánh Sáng chiếu soi trong bóng tối như Thánh sử Gioan viết : “Sự sáng chiếu soi trong u tối” (Ga 1, 4-5).

Thời đại chúng ta có rất nhiều bóng tối. Chúa Giêsu giáng sinh trong đêm đen cho thấy Ánh Sáng đã đến trong thế gian. Chúa là Ánh Sáng, thế gian là bóng tối. Một trận chiến chống lại bóng tối. Thế giới của chúng ta đang cần những chứng nhân cho Ánh Sáng. Ở những thế kỷ đầu của Giáo hội, những người chịu phép Rửa tội được gọi là “ánh sáng” chiếu tỏa ánh sáng Thần Linh. Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã nói: “Người ta muốn thấy Chúa Giêsu qua anh em”. Nơi mỗi người đã chịu phép Rửa tội, bởi vì họ là nhà của “ánh sáng từ ánh sáng” phải được chiếu soi rạng ngời. Ánh sáng của chúng ta trong mùa Giáng sinh này là Chúa Giêsu, chúng ta hãy giới thiệu Ngài cho người khác. Và chúng ta hãy trao ban ánh sáng ấy.

– Đêm trời đất giao hòa

Đêm nay trời đất giao hòa, Ngôi Hai xuống thế, bao là hồng ân. Đêm nay là đêm linh thiêng nhất, đêm vui nhất trong Giáo Hội Công Giáo chúng ta. Vì đêm nay Giáo hội loan báo tin vui cho toàn thể nhân loại : “Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta” (đáp ca).

Nghe lại những lời trên của Thiên Thần báo cho các mục đồng tuy xa xưa những vẫn luôn mới mẻ trong đêm nay, làm chúng ta sống lại bầu khí linh thiêng của Ðêm Thánh, Ðêm mà cách đây 2020 năm tại Bêlem. Con Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã thân hành xuống thế, giáng sinh làm người, gần gũi với con người, trở nên trẻ thơ nằm trong máng cỏ là Thiên Chúa thật và là người thật, cư ngụ giữa chúng ta, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Đây là cuộc hòa mình của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại. Trong đêm cực thánh này, Chúa Kitô đã từ trời cao sinh xuống giữa chúng ta. Ngôi Lời nằm khóc trong máng cỏ, được gọi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ “bởi vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1,21).

Tình yêu tha thứ và nhập thế cứu chuộc của Thiên Chúa là chung kết và tối thượng, nghĩa là ở ngay từ một Hài Nhi bé bỏng đã mang đến cho chúng ta một tình yêu không bao giờ vơi cạn, tình yêu đó chấp nhận bước vào trái đất này trong một thân phận không thể thấp hèn hơn được nữa, để những ai trong Đêm Giáng Sinh dù không có một mái nhà, dù tội lỗi, dù đang đau khổ vì tình yêu bị phản bội, bị bỏ rơi, khinh miệt, khổ đau vì bị con cái hắt hủi, thì nhìn vào mái ấm gia đình ở nơi hang đá vẫn cảm thấy trong cuộc đời này có ai đó đồng cảm và thông cảm được với mình. Tội lỗi làm cho con người mất đi tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa. Nay con Thiên Chúa giáng trần, đúng là : “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống từ trời cao” (Tv 84, 11-12). Lễ Giáng Sinh là món quà Trời Cao trao ban cho toàn thể nhân loại. Món quà đó chính là Hài Nhi Giêsu, Vị Cứu Tinh loài người. Thật là một hình ảnh đẹp nối kết, đất với trời, Thiên Chúa và con người trần thế với nhau. Há chẳng phải là đêm trời đất giao hòa đó hay sao.

– Đêm bình an cho dương thế

Hằng ngày, báo chí và truyền thông đăng tải rất nhiều tin tức tiêu cực dễ khiến con người lo âu, sợ hãi. Có nhiều nỗi sợ khác như: sợ thất bại, sợ mất danh dự, sợ đau khổ, sợ cô đơn v.v.

Tin Mừng thánh Luca (2, 1-14) mô tả, trong đêm Chúa giáng sinh, những người canh giữ vật thấy có Thiên Thần hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quan của Thiên Chúa bao tỏa chung quanh họ, khiền họ hết sực kinh sợ. Nhưng Thiên Thần Chúa đã bảo họ rằng : “Các ngươi đừng sợ”… rồi một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng : “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”(Lc 2,14).

Bình an là điều rất cần thiết và thực tế. Theo Kinh Thánh, sự bình an đi đôi với hạnh phúc mà Chúa ban cho loài người. Ai trong chúng ta không khao khát hạnh phúc cho mình và tha nhân? Ai trong chúng ta không ước muốn được bình an? Thiếu sự bình an, thì không thể có hạnh phúc. Hạnh phúc trước hết và trên hết là niềm vui “được yêu”, được Thiên Chúa yêu thương, được loài người yêu thương.

Sự bình an là một ân sủng, là “quà tặng Giáng Sinh” của Thiên Chúa Cha tặng ban cho con người nhân ngày mừng sinh nhật Con Chúa. Để có được quà tặng ấy, chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này, tức là sống thiện tâm (x. Tt 2,12).

Nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa Cha ở cùng tất cả chúng ta trong Đêm cực thánh này. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Giáng Sinh Lễ Ban Ngày
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
11:23 22/12/2020
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh Ban Ngày

(Ga 1, 1-18)

Trong Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh chúng ta được nghe đọc : Khi Chúa Giêsu giáng sinh có Thiên Thần báo tin cho các mục đồng : “Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt… Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Vua Ðavít” (Lc 2,10-11).

Câu “Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi “, gợi lên cho chúng ta những câu hỏi: Con người là gì và làm sao mà phải cứu độ? Tại sao Thiên Chúa làm người? Tại sao Thiên Chúa làm điều đó? Tôi nhớ đến câu bổn, hỏi vì lẽ nào mà Ngôi Thứ Hai ra đời? (Sách bổn Địa Phận Hà Nội tr. 13)

Con người là gì?

Có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng : Con người là con vật thượng đẳng đã đạt tới chặng cuối cùng trong quá trình tiến hóa ( Đác- Uyn). Có ý kiến khác cho rằng: Con người là cây sậy biết suy tư. Trước sự bao la của vụ trụ, sức mạnh của thiên nhiên, thân phận con người chỉ như một cây sậy, nhưng là một cây sậy có lý trí. Thiên nhiên có thể đè bẹp con người, nhưng không biết mình thắng, ngược lại con người bị thiên nhiên quật ngã, nhưng con người ý thức được mình thua. Những ý kiến đó không nói lên đầy đủ về phẩm giá và định mệnh con người theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo con người giống hình ảnh Chúa (St 1, 26).



Vì không biết đầy đủ về giá trị con người nên nhiều kẻ sống không xứng đáng với phẩm giá của mình, và xúc phạm đến phẩm giá người khác một cách bất công và tàn bạo, quyền con người bị tước đoạt, kể cả quyền sống, người nô lệ trở thành con vật trong tay chủ nhân ông. Ngày nay chế độ nô lệ được bãi bỏ, nhưng cảnh người bóc lột người vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau, mà nạn nhân luôn là kẻ yếu người thua. Mãi đến năm 1948, Liên Hiệp Quốc mới công bố bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, trong đó nói : “Mọi người sinh ra đều bình đẳng có quyền bất khả xâm pham: như quyền sống, quyền cư trú, quyền làm việc, quyền đi lại, quyền tự do tôn giáo…” Tuyên ngôn thì như thế, nhưng trong thực tế thì nhân phẩm và nhân quyền luôn bị chà đạp ở nhiều nơi và dưới nhiều hình thức.

Con người cần được cứu độ

Để cứu con người ra khỏi tình trạng đó, Thiên Chúa đã thân hành xuống thế làm người nơi Đức Giêsu mà hôm nay cả thế giới kỷ niệm ngày sinh nhật của Người. Nhất là vì tôi lỗi loài người đã mất lòng Đức Chúa Trời, cho nên Ngôi thứ Hai đã ra đời mà lập công chuộc tội (Sách bổn Địa Phận Hà Nội tr. 13).

Trẻ Giêsu nằm trong máng cỏ chưa biết đi biết nói, nhưng đã mang cho loài người một bài học nhân sinh quan đầy đủ và sâu sắc nhất đúng theo kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hóa, kế hoạch mà tội lỗi con người đã làm sai lệch đi.

Noel, Thiên Chúa làm người, đã đảm nhận lấy nơi mình thân phận con người với mọi chi tiết đặc thù của nó để bất kỳ ai dù ở địa vị nào, gặp hoàn cảnh nào cũng tìm được nơi Chúa một người bạn đồng hành và một tấm gương sống cho xứng đáng với phẩm giá con người.

Chúa đã giáng sinh làm con trẻ và sống đời thơ ấu để dạy cho ta biết con trẻ dù còn là thai nhi trong dạ mẹ, cũng có một nhân phẩm như người lớn cần được tôn trọng và kẻ nào làm hư hỏng một trẻ em đó thì đáng chúc dữ và buộc cối đá vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn.

Noel, Thiên Chúa làm người, đồng hóa mình với tất cả mọi người, để cứu độ con người. Nhưng con người chỉ được cứu độ với điều kiện là có thiện tâm, như lời Thiên Thần hát mừng đêm Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14). Thiện tâm là tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và hăng say thực hiện những điều Chúa truyền dạy tóm lại: Kính mến Thiên Chúa như Cha, yêu thương nhau như là anh em. Ngày nào con người thực hiện được hai điểm đó, cảnh thái bình sẽ xuất hiện trên mặt đất như lời các thiên thần cầu chúc đêm Chúa Giáng Sinh.

Thiên Chúa đã làm người vì yêu

Để trả lời cho câu hỏi tiếp theo được đặt ra xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử kitô giáo : Tại sao Thiên Chúa đã làm người? Tại sao Thiên Chúa đã làm như vậy?

Thưa vì yêu thương con người, tất cả vì yêu, tình yêu là lý do cuối cùng Thiên Chúa Nhập Thể. Về điểm này, H.U. von Balthasar đã sau: “Thiên Chúa, trước hết, không phải là một quyền lực tuyệt đối, nhưng là tình yêu tuyệt đối, mà chóp đỉnh của tình yêu đó không được thể hiện trong việc giữ lại cho mình những gì thuộc về mình, mà trong việc từ bỏ những điều đó” (Trích Mầu nhiệm Vượt Qua I,4). Thiên Chúa mà các mục đồng gặp thấy nằm trong máng cỏ, có Mẹ Maria và thánh Giuse ấy là Thiên Chúa Tình Yêu (x. Lc 2, 16). Vì yêu thương nhân loại : “Người đã đến nhà các gia nhân Người” (Ga 1,11).

Trong Mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa đã đến sống giữa chúng ta; Người đến và ở lại với chúng ta, vì yêu chúng ta như Kinh Tin Kính chúng ta vẫn đọc “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta “; “ Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14) ban cho những ai tiếp nhận Người “quyền trở nên con cái Thiên Chúa“(Ga 1,12).

Hiện nay, con người đã lên tới Mặt Trăng và Sao Hoả, sẵn sàng chinh phục vũ trụ. Con người đang không ngừng khám phá những bí mật của thiên nhiên và giải mã thành công cả những điều kỳ diệu nơi tế bào “gen”, đi vào trong đại dương ảo của internet, nhờ những kỹ thuật truyền thông tân tiến, biến trái đất, ngôi nhà chung to lớn thành một làng nhỏ toàn cầu, Thử hỏi Ðấng Cứu Thế có còn cần thiết cho con người nữa hay không?

Chúng ta phải khẳng định rằng: trong thời đại hiện hôm nay, thời hậu tân tiến, con người có lẽ cần đến Ðấng Cứu Thế hơn bao giờ hết, bởi vì xã hội trong đó con người sinh sống đã trở thành phức tạp hơn, và những hăm dọa xúc phạm đến sự toàn vẹn bản thân và luân lý. Ai có thể bênh vực con người, nếu không phải Ðấng yêu thương con người cho đến mức độ trao ban chính Con Một làm giá chuộc muôn người.

Thiên Chúa đã làm người trong Chúa Giêsu Kitô, sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ Maria, mang đến cho chúng ta tình yêu, bình an và hạnh phúc của Chúa Cha trên trời gửi tặng nhân loại nhân ngày mừng Sinh nhật Con Chúa. Chính Người là Ðấng cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng con tim để Chúa ngự vào, và hãy đón tiếp Người, ngõ hầu Vương Quốc tình yêu và an bình của Người ngự trị trên toàn thế giới.

Xin chúc tất cả Giáng Sinh an lành!

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hai vị Hồng Y thân cận với Đức Thánh Cha nhiễm coronavirus
Đặng Tự Do
15:02 22/12/2020
Hai vị Hồng Y hàng đầu của Vatican, trong đó có một vị được nhìn thấy nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và đang ở bệnh viện, chống chọi với triệu chứng viêm phổi.

Hôm thứ Hai 21 tháng 12, Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski, 57 tuổi, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng ở thành phố Rôma, đã đến trung tâm y tế của Vatican với các triệu chứng của bệnh viêm phổi. Ngài được đưa ngay đến bệnh viện Gemelli ở Rôma.

Đức Hồng Y người Ý Giuseppe Bertello, 78 tuổi, thống đốc quốc gia thành Vatican, cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Những diễn biến này gây âu lo cho nhiều người vì hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với đông đảo các vị trong Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma nhân dịp chúc mừng Giáng Sinh vào lúc 10g30. Sau đó, lúc 12 giờ, ngài có một cuộc gặp gỡ khác với đông đảo các nhân viên làm việc tại quốc gia thành Vatican.

Hôm thứ Ba 22 tháng 12, Vatican thông báo rằng tất cả những ai tiếp xúc với Đức Hồng Y Krajewski trong vài ngày qua đang được kiểm tra, nhưng chưa rõ liệu việc kiểm tra này có bao gồm cả Đức Thánh Cha Phanxicô hay không. Hai vị đã nói chuyện với nhau trong buổi suy niệm Mùa Vọng cuối cùng, hôm thứ Sáu ngày 18 tháng 12. Dịp này, nhân danh những người vô gia cư ở Rome, vị Hồng Y người Ba Lan đã gửi tặng Đức Giáo Hoàng những bông hoa hướng dương nhân ngày sinh nhật của ngài.

Cùng ngày, Đức Hồng Y thay mặt Đức Thánh Cha đã phân phát khẩu trang và các vật dụng y tế cơ bản cho những người nghèo trong thành phố.

Đức Hồng Y Krajewski - được biết đến ở Vatican với cái tên “Don Corrado” - là quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, một chức vụ có niên đại ít nhất 800 năm, phụ trách các hoạt động bác ái ở thành phố Rôma thay mặt cho Giáo hoàng.

Đức Hồng Y Krajewski được nhiều người xem là một trong những cộng tác viên thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng.

Đại dịch coronavirus đã gây ảnh hưởng nặng nề đến Ý: Gần 70,000 người đã chết trong cuộc khủng hoảng, và đường cong lây nhiễm một lần nữa đang tăng lên, do đó chính phủ phải áp dụng lệnh giới nghiêm ngay cả đối với Đêm Giáng sinh và Đêm Giao thừa.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, vị Hồng Y không chỉ được giao nhiệm vụ giúp đỡ người vô gia cư và người nghèo ở Ý, mà còn trên khắp thế giới, cung cấp khẩu trang y tế có huy hiệu của Đức Giáo Hoàng ở những nơi cần nhất, bao gồm cả ở Syria, Brazil và Venezuela.

Hồi tháng ba, Đức Hồng Y đã lái xe hàng trăm km mỗi ngày để cung cấp thực phẩm quyên góp bởi các công ty, xí nghiệp cho người nghèo ở Rôma. Trong công việc này ngài đã được thử nghiệm COVID-19 thường xuyên và kết quả luôn là âm tính.

Giải thích về việc liên tục thử nghiệm COVID-19, vị Hồng Y giải thích:

“Tôi làm điều đó vì lợi ích của người nghèo và những người làm việc với tôi - họ cần được an toàn”.

Bác sĩ Andrea Arcangeli, người đứng đầu văn phòng Vệ sinh và Y tế của Vatican, đã thông báo vào tuần trước rằng Vatican có kế hoạch tiêm phòng cho nhân viên của mình và công dân của thành phố, cũng như gia đình của các nhân viên giáo dân. Mặc dù Vatican vẫn chưa xác nhận liệu Đức Giáo Hoàng có tiêm vắc xin hay không, nhưng mọi người đều hiểu rằng ngài sẽ cần được tiêm phòng trước chuyến đi dự kiến từ ngày 5 đến 8 tháng 3 tới Iraq.


Source:Crux
 
Vị thẩm phán người Ý bị Mafia giết được tuyên Chân Phước tử đạo
Đặng Tự Do
15:26 22/12/2020
Trong cuộc tiếp kiến hôm 21 tháng 12 với Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, Đức Thánh Cha đã chuẩn y sắc lệnh công nhận sự tử đạo của thẩm phán Rosario Livatino, là người đã bị bốn thành viên của tổ chức Mafia, thường được gọi là Cosa Nostra, sát hại hồi tháng Chín, năm 1990.

Quyết định này của Đức Thánh Cha đã được Bộ Tuyên Thánh công bố hôm thứ Ba 22 tháng 12.

Ba mươi năm trước, Thẩm phán Rosario Livatino đã bị mafia giết hại dã man trên đường đến làm việc tại một tòa án ở Sicily. Ngày nay, trong Giáo Hội Công Giáo, ngài đã được công nhận là một vị Tôi tớ Chúa và với sắc lệnh này án tuyên thánh cho ngài đã được nâng lên một bậc mới là Chân Phước tử đạo..

Trước khi bị giết vào ngày 21 tháng 9 năm 1990, ở tuổi 37, Livatino đã nói với tư cách là một luật sư trẻ về sự giao thoa giữa luật pháp và đức tin như sau:

“Nhiệm vụ của thẩm phán là quyết định; tuy nhiên, quyết định cũng là lựa chọn... Và chính trong việc lựa chọn để quyết định này, trong việc quyết định sao cho mọi thứ được sắp xếp theo trật tự, mà thẩm phán tin tưởng có thể tìm thấy mối quan hệ với Thiên Chúa. Đó là một mối quan hệ trực tiếp, bởi vì cầm cân nảy mực công lý là nhận thức chính mình, cầu nguyện, và hiến mình cho Thiên Chúa. Đó là một mối quan hệ gián tiếp, được trung gian bởi tình yêu đối với người bị phán xét,” Livatino nói tại một hội nghị năm 1986.

“Tuy nhiên, người tin và người không tin, trong giờ phút phán xét, phải gạt bỏ mọi sự phù phiếm và trên hết là sự kiêu ngạo; họ phải cảm thấy toàn bộ sức nặng của quyền lực được giao phó vào tay họ, một sức nặng lớn hơn tất cả vì quyền lực này đang được thực hiện trong quyền tự do và tự chủ. Và nhiệm vụ này sẽ nhẹ hơn khi thẩm phán khiêm tốn nhận ra điểm yếu của chính mình,” ông nói.

Niềm tin của Livatino về thiên chức của mình trong nghề luật sư và sự dấn thân cho công lý đã được thử thách vào thời điểm mafia tìm cách làm suy yếu nền tư pháp yếu kém ở Sicily.

Trong suốt một thập kỷ, ông làm công tố viên giải quyết hoạt động tội phạm của mafia trong những năm 1980 và đối mặt với cái mà người Ý sau này gọi là “Tangentopoli”, hay hệ thống hối lộ và thảm sát nếu không nhận hối lộ của Mafia.

Livatino đã làm thẩm phán tại Tòa án Agrigento trong suốt thập niên 1989. Ngày 21 tháng 9 năm 1990, anh ta đang lái xe về phía tòa án Agrigento thì bị một chiếc xe khác tông vào, khiến xe anh ta văng vào lề đường. Anh mở cửa xe tháo chạy vào một cánh đồng, nhưng bị các tay sát thủ bắn vào lưng và sau đó bị bắn thêm nhiều nhát nữa khi đã ngã quỵ.

Sau khi anh qua đời, người ta tìm thấy một cuốn Kinh thánh với đầy ký hiệu trên bàn làm việc của anh, nơi anh luôn giữ một cây thánh giá.

Trong chuyến thăm mục vụ đến Sicily vào năm 1993, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi Livatino là “vị tử đạo vì công lý và gián tiếp vì đức tin”.

Đức Hồng Y Francesco Montenegro, Tổng Giám Mục đương nhiệm của Agrigento, nói với truyền thông Ý nhân kỷ niệm 30 năm ngày Livatino qua đời rằng vị thẩm phán đã cống hiến “không chỉ cho sự nghiệp công lý của con người, mà còn cho đức tin Kitô giáo.”

“Sức mạnh của đức tin này là nền tảng của cuộc đời ngài với tư cách là một người cầm cân nảy mực công lý,” vị Hồng Y nói với hãng tin SIR của Ý vào ngày 21 tháng 9.

“Livatino bị giết bởi vì anh ta đang truy tố các băng đảng mafia bằng cách ngăn chặn hoạt động tội phạm của chúng. Anh ấy đã thực hiện sứ vụ của mình với tinh thần công lý mạnh mẽ xuất phát từ đức tin.”

Cùng ngày, Đức Thánh Cha đã chuẩn y các sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của 7 vị khác trong đó có một phụ nữ. Trong số 6 người nam có cha Antonio Seghezzi, người Ý, giúp đỡ các kháng chiến quân chống Đức Quốc Xã. Ngài bị bắt và chết trong trại tập trung Dachau vào năm 1945, chỉ vài tháng trước khi Âu Châu được giải phóng.


Source:Catholic News Agency
 
Một Linh mục Argentina bị đình chỉ chức vụ vì đánh Giám mục chỉ vì ngài quyết định đóng cửa chủng viện
Thanh Quảng sdb
17:46 22/12/2020
Một Linh mục Argentina bị đình chỉ chức vụ vì đánh Giám mục chỉ vì ngài quyết định đóng cửa chủng viện

(Tin CNA)

Giáo phận thánh Rafael ở Argentina, ngày 22 tháng 12 năm 2020 cho hay một linh mục của Giáo phận đã bị đình chỉ chức vụ, khi linh mục này tấn công Đức cha Eduardo María Taussig trong một cuộc tranh cãi về việc đóng cửa chủng viện của giáo phận.

Cha Camilo Dib, một linh mục từ Malargue, hơn 110 dặm về phía tây nam của thành phố Rafael, được mời đến văn phòng chưởng ấn của Giáo phận để trao đổi về “vai trò của cha ấy trong sự kiện xảy ra ở giáo xứ Malargue 21 tháng 11” theo một tuyên bố của giáo phận vào ngày 22 tháng 12.

Trong ngày đó, Đức Giám Mục Taussig đã viếng thăm mục vụ ở thị trấn để giải thích về việc đóng cửa chủng viện của giáo phận, một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi từ tháng 7 năm 2020, điều này đã làm dấy lên một loạt các cuộc phản đối từ các giáo xứ địa phương.

Một nhóm người biểu tình, bao gồm cả linh mục và giáo dân, đã làm gián đoạn thánh lễ do Đức cha Taussig đang cử hành, và một người biểu tình đã rạch lốp xe của Đức cha, khiến ngài phải nhờ một xe khác chở về, trong khi ngài chờ đợi, ngài phải đối đầu với những người biểu tình.

Theo tuyên bố của giáo phận, “Cha Dib đã mất bình tĩnh và bất thần tấn công Đức cha một cách thô bạo. Hậu quả của cuộc tấn công này là chiếc ghế mà vị Đức cha đang ngồi bị gãy. Những người có mặt đã cố gắng ngăn cản vị linh mục này, nhưng bất chấp mọi sự, một lần nữa vị linh mục này lại gắng tấn công Đức cha, nhưng tạ ơn Chúa, một trong những người hiện diện đã đưa Đức cha rời hiện trường an toàn!"

Tuyên bố của giáo phận cho hay "Khi mọi sự đã lắng dịu, linh mục Camilo Dib lại nóng giận và ngoài vòng kiểm soát, lại tấn công Đức cha một lần nữa, cho tới khi Đức cha được đưa về Tòa Giám mục. Những người có mặt đã cố ngăn cản cha Dib từ việc lớn tiếng với Đức Cha, nhưng sự kiện càng lúc càng tồi tệ! May thay, cha xứ Nuestra Señora del Carmen của Malargue, cha Alejandro Casado, đã can thiệp và kéo cha Dib ra khỏi nhà văn phòng Giáo phận, đưa ngài lên xe của cha ấy và rút lui."

Giáo phận cho hay việc đình chỉ mọi hoạt động mục vụ của cha Dib dựa trên Giáo luật số 1370, trong đó cho hay "Người nào xử dụng vũ lực chống lại Đức Thánh Cha, sẽ bị vạ tuyệt thông, tội dành cho Tòa thánh; nếu người đó là giáo sĩ thì sẽ bị ngưng chức vụ dù không bị loại trừ ra khỏi hàng ngũ giáo sĩ, mức độ trầm trọng còn tùy thuộc vào tình trạng sáng suốt của đơn sự lúc đó! Cũng vậy một người bạo động chống lại Giám mục sở tại sẽ bị hậu quả của luật “latae sententiae” và nếu người đó là giáo sĩ, thì sẽ bị đình chỉ chức vụ."

Tuyên cáo của giáo phận kết thúc: “Đối diện với tình trạng đáng tiếc này, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy đón nhận hồng ân Chúa Hài Đồng, giáng sinh, đặt nằm trong máng cỏ, đem lại bình an cho mọi người chúng ta…”

Tags: Tin tức Công Giáo, Argentina, Giám mục Eduardo Maria Taussig, Giáo phận San Rafael
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đọc Như Tây ký của Bồi sứ Ngụy Khắc Đản
Nguyễn Văn Nghệ
21:41 22/12/2020
Mừng Chúa Giáng Sinh: Đọc “Như Tây ký” của Bồi sứ Ngụy Khắc Đản

Cụ Ngụy Khắc Đản( 1817- 1873) người xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tĩnh Hà Tĩnh. Thi đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (1841) và đỗ Thám hoa khoa Bính Dần (1856). Sau đó được bổ làm Tri phủ phủ Thăng Bình (Quảng Nam), rồi thăng Án sát tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian làm Án sát Quảng Nam, cụ nhận thấy việc dùng uy vũ bắt ép những giáo dân theo đạo Da tô bỏ đạo không có kết quả. Đối với những giáo dân trung kiên cho dù dùng hình phạt gì đi nữa họ vẫn không sờn lòng: “Liều mình trấn nước cớ chi/Gông cùm lòi tói đeo trì cũng mang”. Nên cụ Ngụy Khắc Đản đã làm bài “Hoán mê khúc” kêu những người theo đạo Da tô: “Tin chi Tây giáo truyền qua/Can vào quốc pháp, can ra tội người”. Trong bài Hoán mê khúc, cụ Ngụy Khắc Đản dẫn chứng một số chuyện mà theo cụ cho là hoang đường trong đạo Da tô: “Ai nấy thử nghe lời giải thích/Đạo Tây kia đích đáng vào đâu?/Phép truyền ba sự nhiệm mầu/Nghĩ ra nào có thông đầu suốt đuôi?/Một rằng: Thiên Chúa Ba Ngôi/Trời sao mà lại một Trời chia ba?/Hai rằng: sự tích Đức Bà/Đồng trinh mà đẻ ấy là có mô?/Ba rằng: sự Chúa Da tô/Tội mình chưa khỏi mà mua tội người!/Điều chi điều chẳng nực cười/Thế mà thiên hạ dưới đời cũng tin”.

Xem ra cụ Ngụy Khắc Đản có tư tưởng tiến bộ hơn các quan lại cùng thời. Những quan lại bất tài chỉ biết khuyên giáo dân theo đạo Da tô bỏ đạo bằng cái thứ lý luận của bọn vũ phu thất học: “Đứa nào cứng cổ cượng co/Dây roi có đó, nọc vồ có đây”. Cụ Ngụy Khắc Đản đã dùng lý luận đạo đức, văn hóa để khuyên nhủ giáo dân theo đạo Da tô mau tỉnh ngộ lại. Bởi cụ Ngụy Khắc Đản hiểu rõ: uy vũ không thắng nỗi đạo giáo bao giờ! Đó là lý do thúc đẩy cụ Ngụy Khắc Đản sáng tác bài “Hoán mê khúc”[1].

Tháng 5 năm Quý Hợi (1863) “Sai Hiệp biện Đại học sĩ là Phan Thanh Giản, Lại bộ Tả Tham tri Phạm Phú Thứ, Án sát Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản đi sang sứ Tây dương (Thanh Giản sung làm Chánh sứ,Phú Thứ sung làm Phó sứ, Khắc Đản sung làm Bồi sứ)”[2] để thương lượng chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường). Phái đoàn đi sứ sang Pháp và Y pha nho đến tháng 2 năm Giáp Tý (1864) thì về đến Huế: “Sứ bộ sang Tây về tới Kinh, vua cho Phan Thanh Giản lãnh Thượng thư bộ Lại, Phạm Phú Thứ làm Tả Tham tri bộ Lại, Ngụy Khắc Đản lấy hàm Quang lộc tự khanh Biện lý bộ Binh”[3]. Trong chuyến hành trình đi sứ sang Tây, cụ Phạm Phú Thứ thuật lại trong “Tây hành nhật ký”. Riêng cụ Bồi sứ Ngụy Khắc Đản cũng viết về chuyến đi trong tập “Như Tây ký”[4]. Như Tây ký của cụ tường thuật những điều mắt thấy tai nghe về tôn giáo, văn hóa, chính trị, quân sự, thương nghiệp, y tế, âm nhạc…của nước Pháp và các vùng lân cận.

Riêng lãnh vực tôn giáo, cụ Bồi sứ Ngụy Khắc Đản viết về Do Thái giáo, Da tô giáo (Công Giáo), Tin lành, Hồi giáo. Cụ Bồi sứ Ngụy Khắc Đản sau khi nghe kể về cuộc đời của Chúa Giêsu, cụ thuật lại trong Như Tây ký (trong sách xuất bản chỉ có nguyên văn chữ Hán và bản dịch không có bản phiên âm): “Da tô[5] tắc Xu diêu quốc[6] nhân dã. Xu diêu nguyên tại hải trung đông ngạn, kim thuộc Tu du ki quốc[7], nhi kỳ di tán xứ Tây phương chư quốc” (Da tô [Jésus] là người nước Xu [Judea]. Xu diêu [Judea] nằm ở bờ đông của biển, nay thuộc nước Tu du ky [Turquie/ Thổ Nhĩ Kỳ]. Dân xứ này sống tản mác trong các nước phương Tây”[8]

Viết về Đức Maria: “Da tô chi mẫu Ma di a giả, Biết lê hem hương nhân[9]. Sơ dĩ xử nữ thỉ nguyện vi đồng trinh, mộng thần nhân cáo chi viết: Cứu Thế Chúa đang thác kỳ hoài dĩ sinh, nãi hữu thần (thử ngữ Anh cát lợi nhân bất chi tín). Hương trung hữu mộc tượng nhân, danh Du de lão nhi bần, diệc mộng thần nhân cáo chi viết: Cứu Thế Chúa đang thác Ma di a dĩ sinh, nghi hộ dưỡng chi. Ký nhi Da tô sinh ư kỳ hương chi lư cứu trung. Cái vị giai Da tô tự trạch kỳ tân khổ xứ dã” (Mẹ của Da tô[Jésus] là Ma di a [Maria] người làng Biết lê hem [Bethlehem]. Thuở ban đầu giữ phận xử nữ phát nguyện làm đồng trinh, trong mộng được thần nhân cho hay rằng: vị Chúa Cứu Thế đang thác trong bào thai để chào đời, thế là bà có thai (câu chuyện này người Anh cát lợi nay không cho là đáng tin[10]). Trong làng có người thợ mộc tên là Du de [Giuse/Joseph], già lại nghèo, cũng được thần báo mộng rằng: Chúa Cứu Thế đương thác sinh bởi Ma di a[ Maria], hãy nên che chở nuôi dưỡng đứa bé ấy. Đến khi Da tô [Jésus] được sinh ra trong chuồng lừa ở trong làng, thiên hạ đều bảo Da tô [Jésus] tự chọn nơi gian khó).

Đặt tên cho hài nhi: “Thời Du de tựu dĩ mộng cáo Ma di a, huề Da tô giai quy, nhi danh chi viết: Du nhi Cơ di si tô (Du nhi vị Cứu Thế dã, Cơ di si tô vị tằng thụ pháp du dã danh chi viết: Da tô viết Cơ đốc giai kỳ cận âm dã” (Thuở ấy Du de[Giuse] đem lời mộng triệu ấy kể cho Ma di a[Maria] biết, rồi mang Da tô[ Jésus] về cùng chăm nuôi, đặt tên là Du nhi Cơ di si tô [Jésus Christus/ Giêsu Kitô] (Du nhi [Jésus] là vị Cứu Thế; Cơ di si tô[Christus/Kitô] đã từng chịu phép xức dầu. Các tên gọi Da tô, Cơ Đốc đều gần âm này[11]).

Ba vị đạo sĩ đến chiêm bái hài nhi Giêsu: “ Ư thị dạ hữu dị tinh, hiện Xu diêu chi đông, hữu Phê dơ xe quốc giả, kỳ nhân tinh ư chiêm hậu chi thuật, nhi bất năng đoán. Thời hữu tù trưởng tam nhân phương kỳ nghị chi, hữu thần nhân ngữ chi viết: Cứu Thế Chúa ư sanh hỹ? Thị dĩ thử tinh báo ứng, nghi cầu nhi sự chi, ư thị tam nhân, cụ hương hoa thứ phẩm, hướng tinh dĩ hành, tinh diệc tùy chi. Nhược đạo dẫn nhiên, cập chí Da tô xứ, nhi dị tinh hốt ẩn. tam nhân giả kiến Da tô dĩ quy. Quá Xu diêu tù ngôn kỳ dị. Xu diêu tù nghi chi. Nhiên bất tri kỳ nhân. Lệnh Xu diêu dân, phàm ư thị thời sơ sanh trưởng nam vô đắc cử giả”(Đêm hôm ấy có sao lạ hiện ở phía đông xứ Xu diêu [Judea]. Có người nước Phê dơ xe [Perse, Ba Tư, tức Iran] tinh thông thuật chiêm tinh nhưng cũng không đoán được. Khi ấy ba vị tộc trưởng[12] đang cùng nghị luận thì có thần nhân nói rằng: Chúa Cứu Thế đã chào đời, vậy vì sao này là báo ứng, hãy nên cầu [kiến] mà phụng sự Chúa. Thế là ba vị tộc trưởng soạn đầy đủ lễ nghi vật phẩm, theo hướng vì sao mà đi theo. Vì sao cũng thuận theo tựa như dẫn lối, cho đến nơi ở của Da tô [Jésus] thì sao lạ bỗng nhiên ẩn đi. Ba vị tộc trưởng gặp được Da tô [Jésus] rồi mới trở về, qua xứ Xu diêu[Judea] gặp tộc trưởng thuật lại sự kỳ lạ[13]. Tộc trưởng Xu diêu [Judea] ngờ vực nhưng không biết người, bèn lệnh cho dân Xu diêu [Judea], hết thảy trẻ sơ sinh nào vào thời điểm ấy khi trưởng thành đều không được tiến cử[14])

Gia đình Thánh gia trốn sang nước Ai Cập: “Thần hựu dĩ cáo Du de noa chi dĩ đào, vãng cư ư Ê dịch quốc[15] (kim Kê thành ngoại đích sổ lý hứa sở hữu cổ thụ vân Da tô mẫu tử hành gian sở khế dã. Kim Tây phương giáo nhân đa nhân chi quảng vi ba viên lai quan giả, đa chí kỳ danh dĩ vi vận sự). Thập dư niên phục hồi Xu diêu” (Thần lại báo cho Du de [Giuse] biết mà bế Da tô [Jésus], chạy tới cư ngụ ở nước Ê dịch [Egypte/Ai Cập]( nay ngoài thành Kê [Caire, tức Cairo] khoảng vài dặm có gốc cổ thụ là nơi mẹ con Da tô [Jésus] nghỉ chân. Ngày nay giáo dân phương Tây tới tham quan vườn chuối, ghi lại tên tuổi để làm kỷ niệm đẹp[16]). Mười mấy năm sau trở lại Xu diêu [Judea]).

Trước khi đi sứ sang Tây, cụ Ngụy Khắc Đản đã mang nặng thành kiến không tốt về đạo Da tô: “ u hẳn bởi mê man Tả đạo/Nghe Tây dương dạy bảo lẽ sai”. Khi sang Tây, cụ đã tiếp cận với lịch sử của đạo Da tô, nên cụ cố gắng thuật lại một cách rõ ràng về đạo Da tô. Do hành trình đi sứ cả đi lẫn về chỉ có 7 tháng và bận rộn với nhiều công việc của sứ bộ và chỉ nghe qua một đôi lần cho nên việc ghi chép của cụ không thể tránh nhầm lẫn, sai sót. Tuy vậy Như Tây ký là văn bản để vua Tự Đức và các quan trong triều đình Huế tiếp cận về đạo Da tô một cách thấu đáo bởi một vị quan trong triều ghi chép lại..

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

Chú thích:

[1]- Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, In lần thứ nhất. Tác giả tự xuất bản, 1970, tr.271- 272, 274-275, 278, 280.

[2]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 812

[3]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 839

[4]- Như Tây ký là văn bản viết tay, dày 180 trang, khổ sách 29x30cm. Có tất cả 2239 từ (chủ yếu là chữ Hán có xen lẫn đôi chữ Nôm) mang ký hiệu A.764, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

[5]- Da tô là âm Hán Việt tên Jésus được phiên âm sang chữ Hán. Lâu nay nhầm lẫn được viết là “Gia tô”.

[6]- Xu diêu quốc: Nước Xu diêu tức là xứ Judea. Sách Kinh Mục lục của Địa phận Qui Nhơn ghi là “nước Giu dêu”. Cụ Ngụy Khắc Đản khi phiên âm các địa danh, nhân danh của phương Tây, không tuân theo một quy tắc nào cả, Chỉ nghe âm đọc lên rồi phiên âm sang chữ Hán Nôm theo ý riêng của cụ.

[7]- Thời điểm cụ Ngụy Khắc Đản đi sứ Tây dương năm 1863-1864, thì vùng Palestine (bao gồm xứ Judea) bị Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) xâm chiếm

[8]- Ngụy Khắc Đản, Như Tây ký (1863-1864) (Phiên dịch và khảo cứu: Cao Việt Anh), Nxb Đại học Sư phạm (bài viết sử dụng bản dịch của Cao Việt Anh).

[9]- Maria và Giuse không phải người làng Bethlehem, mà là Nazareth. Bethlehem là tổ quán (quê quán của tổ tiên) của Giuse. Giuse đã đem Maria về thành Bethlehem để khai dân số và sinh hạ Đức Giêsu tại Bethlehem.

[10]- Chi tiết này, cụ Ngụy Khắc Đản chú thích sai. Tín điều Đức Maria sinh con mà vẫn còn đồng trinh chỉ có tín hữu Tin lành không công nhận mà thôi. Dân Anh cát lợi theo Anh giáo vẫn tin Đức Maria đồng trinh.

[11]- Du nhi Cơ di si tô: phiên âm tên Jesus Christus. Trước đây người Công Giáo Việt Nam đọc “Giêsu Ki ri xi tô”, nay đọc là Giêsu Kitô. Chỗ này cụ Ngụy Khắc Đản không phiên âm Jesus thành Da tô mà lại phiên âm thành “Du nhi”. Thế kỷ XIX người Việt Nam phiên âm tên Jesus bằng nhiều cách. Trong bài Sát Tả bình Tây hịch bằng chữ Hán phiên âm là “Chi thu”: “Chúa Trời, Chi thu chi thuyết, phục uế thính văn” (Tin nhảm, tin xằng, bịa đặt Chúa Trời, Giêsu). Trong bài “Vè đánh đạo” cụ Tú Quỳ(1828- 1926) lại phiên âm là “Du di”: “Bắt Chúa Du di/Nhà phước đá đi/Nhà chung quét sạch”.

[12]- Bản chữ Hán ghi: “Tù trưởng tam nhân”, dịch giả Cao Việt Anh dịch là “ba vị tộc trưởng”. Trước đây người Công Giáo Việt Nam gọi là “Ba ông vua” và gọi tắt là Ba Vua. Nay gọi là Ba nhà Đạo sĩ.

[13]- Chi tiết này cụ Ngụy Khắc Đản thuật lại sai. Ba vị “tộc trưởng” ấy gặp vua Herode trước rồi mới đến chiêm bái hài nhi Giêsu(x.Mt 2,1-12).

[14]- Chi tiết này cùng thuật lại sai. Sau khi ba vị “tộc trưởng” đi đường khác mà về, thì vua Herode tức giận giết tất cả trẻ em nam thành Bê lem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống “tính theo thời gian ông đã hỏi kỹ nơi các đạo sĩ” (x. Mt 2, 16-18)

[15]- Ê dịch quốc nay gọi là Ai Cập. Người Công Giáo Việt Nam xưa gọi là nước Ê giếp tô.

[16]- Đoạn nói đến vườn chuối không thấy ghi trong Kinh Thánh.
 
Văn Hóa
Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa, Chương Mười Một
Vũ Văn An
21:37 22/12/2020

Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





CHƯƠNG MƯỜI MỘT: MÔ HÌNH THẦN THIÊNG VÀ NHÂN BẢN

Hãy mang ách của Thầy và học với Thầy

Nếu một cuộc thăm dò công luận đi hỏi một nhóm đại diện gồm những người có hiểu biết và chịu suy tư “nhân vật lịch sử nào trong quá khứ hai ngàn năm hiện thân trọn vẹn nhất cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô?”, thì người thường được nhắc đến nhiều nhất hẳn phải là Thánh Phanxicô thành Assisi (1). Câu trả lời, thậm chí, còn thường xuyên hơn nữa nếu người được thăm dò không thống thuộc bất cứ Giáo Hội nào. Và có lẽ đó cũng là câu trả lời mà nhiều người cùng thời với ngài hay, dù sao, những người sống cùng một thế kỷ hay gần như thế sau ngài, đáp lại một câu hỏi như thế. Vì nơi Thánh Phanxicô thành Assisi, việc mô phỏng cuộc đời Chúa Giêsu và vâng theo giáo huấn của Người (một giáo huấn, ít nhất trên nguyên tắc, có tính trói buộc đối với mọi tín hữu) đạt tới một trình độ trung thành đến nỗi đã đem lại cho ngài một danh hiệu, cuối cùng được Đức Giáo Hoàng Piô XI chính thức công bố: “Chúa Kitô thứ hai [alter Christus) (2).

Rất ít điều trong cuộc sống đầu đời cho thấy Giovanni di Bernardone sẽ chiếm lãnh bất cứ vị trí nào như thế trong lịch sử. Sinh năm 1181 hay 1182 trong gia đình thương gia ở Assisi, ngài hoài mong trở thành một hiệp sĩ và một sự nghiệp nghĩa hiệp. Thay vào đó, ngài đã hoán cải để trở thanh hiệp sĩ của thập giá Chúa Kitô và là “sứ giả của Đại Vương” (3). Các lý do của bất cứ cuộc hoán cải nào cũng thường phức tạp hơn các giải thích về sau của chính người hoán cải hoặc đệ tử của họ. Quả là như thế với Thánh Phaolô và Thánh Augustinô, và cũng quả như thế với Thánh Phanxicô.

Từ các tài liệu về cuộc đời Thánh Phanxicô, những tài liệu từng được nghiên cứu tỉ mỉ, điều hiển nhiên là cuộc biến đổi của ngài không hề là một giây phút lóe sáng lóa mắt đơn nhất, nhưng là một chuyển dịch tiệm tiến từ lối sống cũ sang cái hiểu mới mẻ vế chính ngài và sứ mệnh ở trên đời của ngài. Cũng không kém hiển nhiên là ở tâm điểm cuộc biến đổi này có con người của Chúa Giêsu lịch sử như là Mô Hình Thần Thiêng và Nhân Bản. Một ngày kia, khi đang cầu nguyện, Thánh Phanxicô bỗng thấy khuôn mặt Chúa Kitô chịu đóng đinh, và thị kiến này ở lại mãi với ngài suốt đời. Ngài hiểu thị kiến này có nghĩa Chúa Kitô kêu gọi chính bản thân ngài bằng lời lẽ của các sách Tin Mừng, vốn trở nên quá quen thuộc suốt trong các thế kỷ của lịch sử đơn tu “Ai muốn theo Thầy, người ấy hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16:24) (4).

Đó là điều Thánh Phanxicô đã thực hiện. Tiểu sử chính thức của ngài tường trình rằng “từ lúc đó trở đi, ngài khai triển một tinh thần khó nghèo, bằng một cảm thức khiêm tốn, và một thái độ cảm thương sâu xa” (5). Lời mời gọi vác thập giá và theo Người của Chúa Kitô bao gồm chỉ thị chuyên biệt “hãy đi sửa lại căn nhà [Giáo Hội] đang hư nát của Thầy”. Thoạt đầu, Thánh Phanxicô giải thích lệnh truyền này theo nghĩa đen, tức đảm nhiệm việc sửa lại một số ngôi nhà thờ ở vùng chung quanh cần được phục hồi. Nhưng dần dà ngài mới hiểu ra rằng “căn nhà” mà Chúa Kitô kêu gọi ngài tái thiết không phải là đền thánh này hay nhà thờ xứ nọ, mà là chính Giáo Hội của Chúa Kitô trên trái đất. Nội dung chính của sứ mệnh này được tỏ lộ cho Thánh Phanxicô vào ngày 24 tháng Hai năm 1209, một ngày được các đệ tử của ngài đánh dấu hàng năm, cùng với các lễ kỷ niệm khác về cuộc đời của ngài. Vào ngày đó, Thánh Phanxicô tri nhận lời lẽ Chúa Giêsu nói khi lần đầu tiên sai 12 tông đồ ra đi lúc còn thừa tác trên trần gian (khác với việc sai đi sau khi Người đã sống lại như được tường trình trong Mt 28:19-20) như cũng nói với chính ngài “khi đi, các con hãy nói ‘Nước Trời đã đến gần’. Đừng mang vàng, cũng đừng mang bạc, hoặc đồng trong dây lưng các con” (Mt 10:7, 9) (6). Bất chấp tính khắc khổ của đòi hỏi này, hay, nói cho đúng hơn, chính vì tính khắc khổ này, mà Thánh Phanxicô lập tức lôi cuốn được người theo, sẵn sàng chia sẻ lối sống triệt để theo Tin Mừng này: thoạt đầu chỉ có 5, rồi 12 người; nhưng tới năm 1221, ít nhất có 3 ngàn người. Ngôi nhà thờ nhỏ bé Thánh Maria Các Thiên Thần (Santa Maria degli Angeli), bình dân có tên là Portiuncula gần Assisi, là một trong các ngôi nhà thờ được Thánh Phanxicô trùng tu. Đến lúc đó, theo lời Thánh Bonaventura, nó trở nên “nơi Thánh Phanxicô lập Dòng Anh Em Hèn Mọn do linh hứng Thiên Chúa” (7). (Nó cũng là nơi Thánh Phanxicô qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1226).

Giống Thánh Biển Đức và nhiều vị sáng lập đơn tu khác suốt thời Trung Cổ, Thánh Phanxicô soạn thảo luật đơn tu cho nhóm nhỏ những người theo ngài. Nó được Đức Giáo Hoàng Innôcentê III phê chuẩn ngay sau khi được soạn tác, nghĩa là vào năm 1209 hay 1210. Tuy nhiên, việc phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng không hề được viết ra. Đàng khác, chính luật thứ nhất cũng không tồn tại dưới dạng văn bản, và chúng ta phải dựa vào nhiều trình thuật khác nhau (có khi trái ngược nhau) về nội dung của nó. Nhưng từ các trình thuật này, điều rõ ràng là trong nó, Thánh Phanxicô tránh các kê đơn dài dòng về cơ cấu hay tác phong cho Dòng; ngài thích “sử dụng phần lớn các lời lẽ của Tin Mừng thánh thiện” hơn (8). Nhưng lối giải thích này bỏ qua nhân tố có tính quyết định trong cung cách dòng được tổ chức và cai quản: chính nhân cách của Thánh Phanxicô. Các nguồn còn tồn tại đến nay buộc ta phải kết luận rằng sự hiện diện của ngài là một sự hiện diện gần như ma thuật. Chính sự hiện diện này lôi cuốn các đệ tử từ nhiều vùng khác nhau và thuộc nhiều giới khác nhau. Họ đến vì sức lôi kéo như nam châm của Thánh Phanxicô, và họ đến vì thẩm quyền Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, và hai lý do này chỉ là một trong mắt họ. Vì Thánh Phanxicô tôn sùng điều mà người viết tiểu sử đầu tiên của ngài, Thomas thành Celano, gọi là “đức khiêm nhường nhập thể” của Chúa Kitô (9).

Lòng tôn sùng Chúa Kitô đó mang hình thức cố ý sống phù hợp với các chi tiết đời Người “trong mọi sự”. Việc sống phù hợp này theo nghĩa đen và toàn diện đến nỗi các người theo Thánh Phanxicô trong các thế hệ tiếp theo đã khai triển một hình thức văn chương đặc biệt, gọi là tiểu sử kép. Cuốn Các Cuộc Đời Song Song của Plutard được rất nhiều người đọc đã viết về các vĩ nhân của Hy Lạp và La Mã bên cạnh nhau, chẳng hạn, Alexander Đại Đế và Julius Caesar, so sánh và tương phản họ và rút ra một bài học luân lý. Tiểu sử kép về Chúa Giêsu và Thánh Phanxicô đưa phương pháp này tiến thêm một bước. Trong cả hai điển hình, các nguồn hiện có, 4 sách Tin Mừng và các hạnh Thánh Phanxicô, khá vụn vặt và, trong tư cách các tiểu sử, ít thoả mãn đối với một đệ tử muốn biết mọi sự về Thầy mình. Cách để thoả mãn khát mong này là lấy đời sống song song điền vào khoảng trống; vì Thánh Phanxicô là người mô phỏng Chúa Kitô hơn hết mọi người nên có thể biết nhiều hơn về vị này bằng cách nghiên cứu cuộc đời của vị kia.

Chứng cớ cảm kích nhất của sự song hành giữa cuộc đời của Chúa Giêsu và của Thánh Phanxicô hiển nhiên xuất hiện về gần cuối đời Thánh Phanxicô, tức vào tháng 9 năm 1224. Theo thói quen, ngài đi tĩnh tâm tại Alvernia (tiếng Ý là La Vernia), một ngọn núi giữa Arezzo và Florence, nơi ngôi nhà nguyện Kính Thánh Maria Các Thiên Thần đã được xây cho các tu sĩ Phanxicô mấy năm trước. Theo gương Chúa Giêsu trong sa mạc trước khi bị cám dỗ (Mt 4:2), Đấng cũng đã theo gương Môsê (Xh 34:28), Thánh Phanxicô sống 40 ngày trên núi. Vào ngày Lễ Tôn Vinh Thập Giá tức ngày 14 tháng 9, hay gần ngày đó, ngài được một thị kiến. Ngài thấy một thiên thần, một luyến thần (seraph) có 6 cánh (Is 6:1-13), và giữa các cánh của luyến thần, Thánh Phanxicô bỗng phát hiện khuôn dung Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngài bị thị kiến tràn ngập, và rồi, theo lời người viết tiểu sử ngài là Thánh Bonaventura, “Khi thị kiến qua đi, nó để lại trái tim ngài bừng bừng lửa mến và in vào thân thể ngài một hoạ ảnh lạ lùng. Ở đó và lúc đó, các vết đinh bắt đầu xuất hiện ở tay và chân ngài, y hệt như ngài thấy chúng trong thị kiến Đấng bị Đóng Đinh vào Thập Giá. Tay và chân ngài như đâm thâu qua ở giữa bằng đinh... Sườn phải của ngài xem ra như thể bị đâm thâu bằng lưỡi đòng và được đánh dấu bằng một vết thẹo sống động thình thoảng lại rướm máu” (10).

Từ câu phát biểu của Thánh Tông Đồ Phaolô, câu mà các đệ tử của Thánh Phanxicô sẽ nhớ lại, “tôi mang trên thân xác tôi các dấu [tiếng Hy Lạp là stigmata] của Chúa Giêsu” (Gl 6:17), các dấu này được gọi là “stigmata” (11). Trong Paradiso, Dante để Thánh Tôma Aquinô, vốn là một tu sĩ Dòng Đa Minh, chứ không phải Dòng Phanxicô, gọi chúng là “con dấu cuối cùng” (l’ultimo sigillo) (12).

Dường như Thánh Phanxicô là người đầu tiên trong lịch sử được in 5 dấu, nhưng từ đó trở đi, có một số người khác: theo một cuộc kiểm kê (13), có đến 300 người được chứng minh như thế. Ngày nay, chỉ có người hoài nghi đến không trị nổi mới tra vấn tính chính xác lịch sử của các trình thuật cho rằng Thánh Phanxicô thực sự mang các dấu trong cạnh sườn ngài. Ít nhất, một số trường hợp gần đây đã được chứng thực trọn vẹn, đôi khi bởi cả các y sĩ không phải là tín hữu. Tuy nhiên, các trường hợp như thế liệu có thể gán cho một phép lạ hay cho một tự kỷ ám thị thì là một vấn đề khác. Dù sao, có những trường hợp có bút tích đàng hoàng về những người Hồi Giáo dường như cũng có những dấu vết thương mà tiên tri Mohammed vốn có lúc ở chiến trường. Xem ra sẽ võ đoán nếu gán những điều này cho tự kỷ ám thị nhưng lại cho là phép lạ trường hợp các Kitô hữu cùng có một trải nghiệm tương tự. Bất kể câu trả lời đúng đắn cho thế lưỡng nan này có thể ra sao, gần như ai cũng thừa nhận rằng việc in năm dấu của Thánh Phanxicô là một trường hợp đặc biệt, một loại đặc biệt xét theo nhiều cách. Về căn bản, lý do tính độc đáo của nó là tính độc đáo của chính Thánh Phanxicô như “một Kitô thứ hai”: Nếu có ai thích đáng được mang trong mình các dấu đinh của Chúa Kitô chịu đau khổ, thì người đó hẳn phải là Thánh Phanxicô. Rõ ràng Thánh Phanxicô không coi các dấu đinh như một dịp để khoe mình; thực vậy, ngài thậm chí noi gương Chúa Kitô (Mt 16:20) bằng cách giữ cho căn tính của ngài không ai biết đến (14). Đến cả việc coi các dấu đinh như một hình thức hàng đầu của việc noi gương Chúa Kitô ngài cũng không làm. Vị trí vinh dự, hay thiếu vinh dự, đúng hơn thuộc đức khó nghèo.

Đức khó nghèo luôn là nét trổi vượt trong nước Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã tri nhận, đã sống và đã công bố (15). Trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu từng nói “Chồn có hang, chim chóc có tổ, nhưng Con Người không có chỗ đặt đầu” (Mt 8:20). Như ta đã nhận xét trên đây, với việc phát triển của phong trào đơn tu Kitô Giáo, đức khó nghèo trở thành dấu ấn của các lực sĩ của Chúa Kitô cố gắng thực thi một cách trọn vẹn hơn các lời khuyên hoàn thiện vốn vượt quá khả năng của các tín hữu bình thường sống trong thế gian. Cùng với đức khiết tịnh và vâng lời suốt đời, lời khấn khó nghèo được Luật đòi hỏi nơi mọi dòng đơn tu, đòi hỏi nơi các cá nhân, chứ không nhất thiết nơi chính dòng tu. Suốt thời Trung Cổ, việc phân biệt này là nguồn gây ra nhiều khó khăn và thối nát. Các đan viện thu tích rất nhiều đất đai, các thư viện của họ được mở rộng, và các kho vàng và quí kim của họ biến họ thành các địch thủ của các nhà đại quí tộc của Âu Châu. Những nhà châm biếm và luân lý thích tương phản điều này với câu nói của các môn đệ trong Tin Mừng “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !” (Mc 10:28).

Thánh Phanxicô thực hiện một cuộc đánh đổ triệt để các hàm hồ của truyền thống đơn tu trên. Ấn bản viết thứ hai Luật của ngài mô tả các người theo ngài bằng ngôn từ của Tân Ước, như “những lữ khách và những lữ hành trên trần gian”, hoàn toàn tách mình ra khỏi vòng vây bạo chúa mà các của cải vật chất vẫn thường bủa trên những người sở hữu chúng (16). Cơ sở của việc tách mình này là việc noi gương Chúa Kitô theo nghĩa đen và nghiêm ngặt tuân giữ giáo huấn của Người. Đức nghèo khó không phải chỉ là việc không có của cải, nhưng là một sự thiện tích cực, “Nữ Hoàng Các Nhân Đức” vì tính đồng nhất của nó với Chúa Kitô và Đức Mẹ (17). Một trong các dã sử tiên khời về Thánh Phanxicô, được phổ thông hóa trong một số tranh vẽ, mô tả ngài đi tìm nghèo khó trong các khu rừng khi ngài gặp một phụ nữ hỏi ngài đang làm gì ở đấy. Khi nghe ngài giải thích “tôi đi tìm nghèo khó, vì tôi đã vứt bỏ giầu có, và tôi đi tìm và gọi nàng cho tới khi tôi gặp được nàng”, người phụ nữ cho ngài hay tên nàng là Paupertas, Mệnh Phụ Nghèo! Ngài quyết tâm lấy nàng làm cô dâu của mình, và cuộc hôn nhân được chính Chúa Kitô cử hành.

Tuy nhiên, sẽ là một lầm lẫn lớn khi giải thích sự tách mình của người tu sĩ Phanxicô khỏi sự giầu sang vật chất như một biểu thức của việc ghét bỏ thế giới vật chất và tự nhiên. Hoàn toàn trái lại: Thánh Phanxicô thành Assisi là người chịu trách nhiệm tái khám phá thiên nhiên, và ngài du nhập vào Kitô Giáo thời Trung Cổ một sự vui hưởng tích cực lĩnh vực tự nhiên như chưa từng có ai trước đó đã làm như vậy. Chesteron từng nói rằng như thể Âu Châu, lần đầu tiên buộc phải bước qua đường hầm thanh tẩy, trong đó, nó được tẩy sạch việc thờ phượng thiên nhiên đầy hạ phẩm giá mà nó vốn thừa hưởng từ các nguồn vừa cổ điển vừa man rợ, để lúc này đây, nơi Thánh Phanxicô, “con người được tước bỏ khỏi linh hồn mình mảnh rác thờ phượng thiên nhiên cuối cùng, và có thể trở về với thiên nhiên” (18). Trong ca khúc nổi tiếng Anh Mặt Trời của ngài, công trình đầu tiên trong lịch sử văn chương bình dân Ý đại lợi, Thánh Phanxicô ca hát rằng:

Lạy Chúa, xin ngợi ca Chúa ngàn trùng, vì tất cả những gì Chúa đã dựng nên,
Và trước nhất, lạy Chúa, Anh Mặt Trời
Người mang ngày đến
.

Mặt trăng là chị gái của ngài, gió là em trai; và, trong khổ thơ khác nói là được thêm vào ở giờ cuối cùng đời ngài, “Chị Chết” cũng là một quà phúc từ Thiên Chúa (19). Nhiều ca khúc nổi tiếng nhất ca ngợi Thiên Chúa đã ban cho ta thiên nhiên, kể cả ca khúc nổi tiếng “All Things Bright and Beautiful” của Cecil Frances Alexander, đều lấy hứng từ chất liệu của Thánh Phanxicô.

Dưới một hình thức nghịch lý, thái độ coi trọng thế giới tạo dựng nói trên cũng hiện diện trong cách Thánh Phanxicô nghĩ và nói đến thân xác con người. Ở một bình diện, việc nói xấu các khía cạnh thể lý của bản tính con người đi xa đến nỗi gần như ai cũng thấy là quá đáng. Ngài trộn tro vào thức ăn của ngài để làm cho nó đừng quá ngon miệng, và ngài “lao mình xuống chiếc mương đầy nước đá” khi bị cám dỗ về sinh lý chẳng hạn (20). Ấy thế nhưng, ngay những cực đoan trong việc ép xác khổ hạnh này cũng là một phần trong quan điểm toàn diện của ngài về trần gian và cuộc sống. Tất cả đều thuộc cam kết của ngài muốn bước chân theo Chúa Kitô và vác thập giá, vì ngài luôn nhớ lời Thánh Tông đồ Phaolô: “những ai thuộc về Chúa Giêsu Kitô đều đóng đinh xác thịt mình cùng với các đam mê và thèm muốn của nó. Nếu chúng ta sống nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng hãy nhờ Chúa Thánh Thần mà bước đi” (Gl 5:24-25). Mục đích của các hành vi tự ép xác này là để ra kỷ luật cho thân xác nhằm một mục tiêu cao hơn. Có một điều gì đó hơn là những tương tự phiến diện giữa những nhà khổ hạnh như Thánh Phanxicô và các lực sĩ ngày nay, những người có nét mặt dứt khoát, bắt các bắp thịt làm việc quá sức, khuất phục mọi dây thần kinh, và trừng phạt thân xác họ, chỉ để thắng giải. Thánh Phanxicô như thể nói theo Thánh Phaolô “Họ làm thế để nhận được vòng hoa mau hư, nhưng chúng tôi nhận được vòng hoa không hề hư nát. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng” (1Cr 5:25, 27).

Hệ luận trực tiếp của việc khám phá thiên nhiên và đồng hóa nỗi đau khổ trong thân xác mình với các đau khổ của Chúa Kitô là một ý thức mới mẻ và sâu sắc hơn về nhân tính của Chúa Kitô, như đã được tỏ lộ trong việc Người sinh ra và chịu đau khổ. Các người thao chân Thánh Phanxicô tin rằng như thể “Chúa Hài Đồng Giêsu bị lãng quên trong trái tim nhiều người” nhưng “đã được đem trở lại sự sống một lần nữa nhờ Thánh Phanxicô” (21). Nếu nay Chúa Giêsu, sau cùng, cần được coi trọng hết sức, Người hẳn phải có một hình ảnh chân chính ở đây trong lịch sử con người. Cho nên, cả khởi đầu cuộc sống phàm nhân của Chúa Giêsu Kitô lẫn lúc kết thúc nó đều tìm được các hình thức mới để phát biểu qua đời sống và việc làm của Thánh Phanxicô. Việc cử hành Lễ Giáng Sinh đến khá chậm trong việc khai triển lịch Kitô giáo, sau các ngày lễ khác đã được thiết lập từ lâu (22). Tầm quan trọng ngày một tăng của nó có lẽ liên hệ tới việc ngày một nhấn mạnh thêm của các thế kỷ thứ năm và thứ sau về nhân tính đích thực và đầy đủ của Chúa Kitô. Theo Thomas Celano, Thánh Phanxicô “giữ sinh nhật của Chúa Hài Đồng Giêsu một cách say mê không thể nào tả được, hơn hẳn các ngày lễ khác” (23). Như một đóng góp chính của ngài vào việc giữ ngày lễ này, năm 1223, ngài dựng một presepio hay máng cỏ tại làng Greccio vùng Umbria, nơi thánh lễ nửa đêm được cử hành vào Vọng Lễ Giáng Sinh năm đó, với Thánh Phanxicô, trong tư cách phó tế, giảng “về việc sinh hạ của vị Vua nghèo, Đấng ngài gọi là Bé Thơ Bêlem một cách đầy yêu thương dịu dàng” (24).

Dù thể tài đức tin vào Chúa Kitô của Thánh Phanxicô quan trọng bao nhiêu đi nữa đối với lịch sử nghệ thuật và lịch sử sùng kính, ấn tượng lâu dài nhất ngài để lại trong cả hai lãnh vực này phát xuất từ việc ngài tập trung vào Chúa Giêsu của thập giá. Ngài biến thành của ngài quyết tâm của Tân Ước “không biết điều gì khác ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô và là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2:2). Suốt cuộc sống của ngài, Thánh Phanxicô tự đồng hóa mình với các biến cố thống khổ của Chúa Kitô, đến nỗi có lẽ có thể tái dựng gần như toàn bộ lịch sử Tin Mừng về cuộc Khổ Nạn từ các màn cá thể trong đó Thánh Phanxicô từng được mô tả như người tham dự.

Thánh Bonavantura từng viết rằng “Chúa Kitô bị treo trên thập giá, nghèo khó và trần truồng và hết sức đau đớn, và Thánh Phanxicô muốn được giống như Người trong mọi sự” (25). Thánh Phanxicô cố gắng đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và mô phỏng Người cách hoàn hảo cả lúc sống cũng như lúc chết. Mối tương quan giữa tri nhận đương thời về Thánh Phanxicô và hình ảnh Chúa Kitô hỗ tương đến nỗi câu truyện của thầy dòng được in 5 dấu dẫn tới một ý thức sâu sắc hơn về Mô Hình Thần Thiêng và Nhân Bản của ngài. Chúa Kitô của Thánh Phanxicô không phải là Đấng mà ở trong Người sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa đã đánh thuốc mê bản tính nhân loại của Người đến nỗi sự đau đớn của thập giá không ảnh hửơng gì tới Người cả. Đúng hơn, như Tân Ước đã viết “chúng ta không có một vị thượng tế không thể không có thiện cảm với các yếu đuối của chúng ta, nhưng có một vị thượng tế, về mọi phương diện đã bị cám dỗ như ta, tuy không có phạm tội” (Dt 4:15). Trải nghiệm của Thánh Phanxicô như Chúa Kitô thứ hai, và nhất là việc ngài đồng hình đồng dạng với thập giá có giá trị đem lại cho ngành họa và thi ca một tính duy thực mới mẻ khi chúng ráng lên hình dạng cho niềm xác tín căn bản này là trong đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, cả mầu nhiệm sự sống thần thiêng lẫn mầu nhiệm sự sống nhân bản đều trở thành tỏ tường.

Tuy nhiên, không phải việc đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu đóng đinh, mà là việc đồng hình đồng dạng với sự khó nghèo của Người mới là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong nghị trình của Thánh Phanxicô. Qua cả hành động của bản thân ngài trong tương quan với Mệnh Phụ Nghèo và qua ngôn ngữ trong các huấn thị của ngài với các đệ tử, Thánh Phanxicô nói rõ ràng việc ngài hoàn toàn nghiêm túc xây dựng lời khấn khó nghèo (26). Chúa Kitô, Đức Mẹ, và các tông đồ đều đã từ bỏ mọi quyền sở hữu tiền bạc và tài sản; cho nên, tuyệt đối nghèo khó là điều yếu tính của việc hoàn thiện theo Tin Mừng. Sau khi Thánh Phanxicô qua đời, một phái trong các đệ tử, sau này được gọi là phái Tâm Linh (Spirituals), nhấn mạnh rằng chủ trương này là chủ trương duy nhất có thể chấp nhận được, vì Luật Dòng và Chúc Thư của Thánh Phanxicô đều được Thiên Chúa linh hứng. Phối hợp việc nhấn mạnh này với việc tố cáo Giáo Hội và các định chế của Giáo Hội đã thỏa hiệp với tinh thần thế tục, một số người trong phái này tiến tới chỗ tự coi mình như những người tiên phong của một “Giáo Hội tâm linh” mới, trong đó, sự tinh tuyền của Tin Mừng, như được Thánh Phanxicô “vị thiên thần với sách Tin Mừng vĩnh cửu” (Kh 14:6) loan báo, sẽ được phục hồi và đức khó nghèo tuyệt đối sẽ thắng thế. Phái ôn hòa hơn trong các đệ tử của Thánh Phanxicô, đôi khi được gọi là Viện Tu (Conventuals), không chủ trương đặt để một phản đề triệt để như thế giữa Giáo Hội định chế và “Giáo Hội tâm linh”. Họ tìm được người giải thích quân bằng hơn cả nơi Thánh Bonaventura, nhà thần học, nhà triết học, văn sĩ huyền nhiệm học, và vị thánh của Dòng Phanxicô; lối giải thích lại có tính qui phạm của vị này đối với Luật Dòng và Tiểu sử chính thức của Thánh Phanxicô, nhằm thay thế mọi tiểu sử trước đó, đã làm cho phong trào của Thánh Phanxicô được Giáo Hội chấp nhận và làm cho Thánh Bonaventura, như ngài thường được gọi, trờ thành “sáng lập viên thứ hai của Dòng Anh Em Hèn Mọn”.

Cuộc tranh cãi trên về đức khó nghèo đã mang lại nhiều hậu quả chính trị bất ngờ. Không điều gì xem ra phi trần tục và phi chính trị, đúng ra, hoàn toàn duy lý tưởng, hơn lý thuyết cho rằng vì Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Tông đồ đã thực hành đức khó nghèo tuyệt đối, nên bổn phận của Giáo Hội là phải theo gương các ngài mà từ bỏ việc sở hữu bất cứ điều gì. Thế nhưng, do một trong những nghịch lý kỳ lạ mà với nó, lịch sử, nhất là lịch sử Giáo Hội, đã được làm nên, chủ trương phi trần gian này đã tạo nên một liên minh với nhiều giới duy tục triệt để khác nhau của thế kỷ 14, những người lúc ấy đang cố gắng khẳng định quyền bính của nhà nước trên quyền bính của Giáo Hội. Triết gia và thần học gia sáng chói của Dòng Phanxicô, William Ockham tấn công Đức Giáo Hoàng Gioan XXII đã thay đổi các đòi hỏi của Luật Dòng và Chúc Thư của Thánh Phanxicô về đức nghèo khó. Trong tranh chấp sau đó, Ockham tìm được sự che chở chính trị tại triều đình của Hoàng Đế Rôma Thánh Thiện, Louis Bavaria, người lúc đó đang dấn thân vào cuộc tranh chấp với ngôi Giáo Hoàng về các đặc quyền liên hệ của Giáo Hội và Nhà Nước. Tiếp nhận một số luận điểm của Ockham và thích ứng chúng một cách thực ra hoàn toàn không Phanxicô chút nào và là cách chính Ockham, vốn là một giáo phẩm tận tụy và (do đó tự nhận mình là) một người Công Giáo chính thống, vốn không có ý định, hoàng đế và các người ủng hộ ông tự khoác cho mình vai trò giải phóng Giáo Hội chân chính khỏi gánh nặng tài sản và quyền lực. Do đó, trong diễn trình này, hình ảnh về Chúa Giêsu như thế đã góp phần vào việc lên công thức cho các nguyên tắc sáng lập và “các giá trị thế tục” của triết lý chính trị cận đại (27). Điều này quả cách quá xa với Thánh Phanxicô năm dấu và việc ngài tìm cách sống đơn giản theo Tin Mừng.

Ngay trong bầu khí sóng gió chính trị của cuối thời Trung Cổ, việc tìm kiếm tính chân chính của Tin Mừng ấy vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trên tâm hồn và cuộc sống con người. Dù các sử gia đôi khi có xu hướng nhấn mạnh tới các trận chiến chính trị của thời đại đến loại bỏ mọi điều khác, việc Thánh Phanxicô tận hiến cho Chúa Kitô như là Mô Hình Thần Thiêng và Nhân Bản, vẫn là một thể tài, xét theo nhiều cách, có tính phổ quát cũng như lâu bền hơn. Đầu thế kỷ 15, xuất hiện một cuốn sách có tựa đề là Gương Phúc Chúa Kitô, mà nhiều người cho là đạt được số lượng lưu hành hơn bất cứ cuốn sách nào trong lịch sử, chỉ trừ Kinh Thánh. Cuốn sách, trước đây vốn nặc danh, thường được gán cho nhà huyền nhiệm học vùng Sông Rhine, Thomas à Kempis, qua đời năm 1471. Bất kể ai là tác giả của cuốn sách, nhân vật chính của nó nhất định là Chúa Giêsu Kitô. Nó khuyên người ta (trong bản dịch tiếng Anh thế kỷ 16) rằng “con hãy luôn đặt trước mắt con hình chịu đóng đinh”; và nó kêu lớn, hoàn toàn trong tinh thần Phanxicô “Lạy Thiên Chúa, chúng con không còn việc gì khác để làm, ngoại trừ hết lòng ngợi khen Chúa chúng con là Chúa Giêsu Kitô” (28). Ngay ở chương đầu, sách đã công bố “Hãy để việc học hỏi tối cao của chúng ta hướng về cuộc đời Chúa Giêsu Kitô”. Việc học hỏi này là nền tảng cho cả việc tự biết mình cách chính xác lẫn việc chân nhận thực tại Thiên Chúa. Biết đủ các tín lý của Giáo Hội hay các câu nói của Kinh Thánh cũng vẫn không đủ, “vì bất cứ ai hiểu lời lẽ xuông của Chúa Kitô, nếu muốn hưởng trọn được hương vị của chúng, đều cần phải học cách làm cho đời mình đồng hình đồng dạng với đời của Người”. Một lần nữa, việc Thánh Phanxicô tôn vinh Chúa Giêsu như Mô Hình Thần Thiêng và Nhân Bản tự khẳng định như một phương thức thay thế cho tính tự mãn của lòng đạo qui ước.

Và nó cứ thế tiếp diễn. Năm 1926, kỷ niệm ngày qua đời lần thứ 700 của Thánh Phanxicô, 2 triệu khách hành hương đã tới Assisi. Lẽ dĩ nhiên, đa số họ là các chi thể sốt sắng của Giáo Hội, những người, như Thánh Bonaventura và cả chính Thánh Phanxicô nữa, tin rằng lòng trung thành với Giáo Hội định chế và việc noi gương Chúa Kitô không hề bất tương ứng với nhau, nhưng nâng đỡ lẫn nhau và cuối cùng đồng nhất với nhau. Mặt khác, bất kể ý định nguyên thủy của ngài có ra sao, Thánh Phanxicô cũng đã trở nên thánh quan thầy của số đông ngày càng gia tăng trong thế giới hiện đại những người nay trở nên tôn sùng Chúa Giêsu hơn dù mỗi ngày mỗi xa cách Giáo Hội hơn, những người nhìn ra một tranh chấp không thể nào hòa giải giữa Kitô Giáo của giáo hội học và giáo huấn luôn có tính liên quan của Tin Mừng, hay, như họ thường phát biểu, giữa tôn giáo của Chúa Giêsu và tôn giáo về Chúa Giêsu. Những gia hộ trong đó không có hình ảnh hay tượng ảnh tôn giáo nào, không có cả cây thập giá, tuy nhiên vẫn có một tấm lắc (plaque), đôi khi được làm cho đa cảm, với Lời Nguyện Của Thánh Phanxicô rất quen thuộc “Lạy Chúa, xin biến con thành khí cụ bình an của Chúa”. Và lối giải thích về Thánh Phanxicô, một lối giải thích đã và đang gây ảnh hưởng hết sức rộng rãi thời hiện đại, không phải là lối giải thích chính thức của Giáo Hội dựa vào Thánh Bonaventura, mà là lối giải thích của Paul Sabatier, người tin rằng sứ điệp nguyên thủy của Thánh Phanxicô đã bị sàng lọc bởi các đệ từ sau này, nhất là Thánh Bonaventura, nhằm làm cho ngài được Giáo quyền chấp nhận (29). Các học giả ngày nay có thể bớt hoài nghi hơn Sabatier về dịch bản chính thống về Thánh Phanxicô, nhưng cả họ cũng phải dựa nhiều vào các tìm tòi và ấn bản của ông để lập luận chống lại ông.

Tính hàm hồ man mác khắp toàn bộ tiểu sử Thánh Phanxicô và tinh thần Phanxicô. Đó là thể tài của một trong man vàn dã sử lâu đời nhất về Thánh Phanxicô, được cô đọng trong một bức tranh được gán cho Giotto. Sau khi nhận được mặc khải của Chúa Kitô kêu gọi ngài bỏ lối sống cũ bước qua lối sống mới theo Tin Mừng, Thánh Phanxicô tới Rôma để lãnh phép của Đức Giáo Hoàng, một việc cần làm trong bất cứ việc thành lập dòng tu mới nào. Như đã lưu ý trên đây, Thánh Phanxicô nhận được phép này, không phải bằng văn bản, mà bằng lời nói, vào năm 1209 hay 1210. Nhưng ít nhất theo dã sử và bức tranh của Giotto, phép ấy đã diễn ra cách rất đáng lưu ý. Mặc dù hết sức cảm kích trước sự thánh thiện của Thánh Phanxicô và trước sức mạnh của việc ngài dấn thân theo Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Innôcentê III đã hoãn câu trả lời cho đơn xin phép cho tới khi ngài tham khảo ý kiến các hoàng tử của Giáo Hội, tức các vị Hồng Y. Một số vị trong Hồng Y đoàn phát biều không hay về Thánh Phanxicô, nhất là các song hành hiển nhiên giữa các giảng thuyết của một số phong trào lạc giáo ngoại quốc trên lãnh thổ và sứ điệp tuyệt đối nghèo khó của ngài để vâng theo Chúa Kitô, Mô Hình Thần Thiêng và Nhân Bản. Nhiều vị khác tỏ ra tích cực hơn trong các phản ứng của họ.

Dĩ nhiên, cuối cùng, quyết định hoàn toàn tùy thuộc Đức Giáo Hoàng. Đêm sau đó, Đức Giáo Hoàng Innôcentê III có một giấc mơ (đây là lý do tại sao một trong các tên đặt cho bức bích họa của Giotto là Giấc Mơ Của Đức Giáo Hoàng Innôcentê III). Hai nhân vật nổi bật trong bức bích họa, Thánh Phanxicô phía trái và Đức Giáo Hoàng Innôcentê III phía phải. Đức Giáo Hoàng, được hai vệ binh đứng hầu, đang ngủ trên chiếc giường có màn trướng. Dù trong giấc ngủ, ngài vẫn đội mũ tế (miter) biểu hiệu chức vụ Giám Mục của ngài, cũng như một áo choàng sang trọng. Thánh Phanxicô, đối tượng giấc mơ của Đức Giáo Hoàng, trái lại mặc chiếc áo vải thô vốn đã trở thành đặc điểm của ngài, với dây thừng thắt lưng và đi chân đất. Cánh tay trái của ngài chống nạnh, nhưng với cánh tay phải, ngài nâng một tòa nhà, chính là vương cung thánh đường Thánh Gioan ở Latêranô, vốn được hoàng đế Constantinô I dâng cúng cho Giáo Hội và là tòa thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong tư cách Giám Mục Rôma. Ngôi nhà thờ nghiêng một góc nguy hiểm, và, trong giấc mơ của Đức Innôcentê III, có nguy cơ sụp đổ nếu không có người thanh niên này đến cứu. Can cứ vào thị kiến trong giấc mơ, Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đơn xin và chuẩn nhận Luật dòng thứ nhất.

Sự tương phản không thể nào rõ nét hơn được. Ở đây là người quyền thế nhất từng ngự trên Ngai Thánh Phêrô, người mà Tiểu sử đầu tiên của Thánh Phanxicô gọi là “danh tiếng, học rộng, nổi tiếng về tài ăn nói, đầy nhiệt tâm đối với công lý trong những điều mà chính nghĩa đức tin Kitô giáo đòi hỏi” (30). Ngài chỉ mới 37 tuổi khi làm Giáo Hoàng năm 1198, và trong gần 2 thập niên, đã lèo lái Con Thuyền Thánh Phêrô với một bản năng vững chãi chỉ cho những điều cần thiết. Một người với nhân cách không chê trách vào đâu được và rất có tài hùng biện, trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài vốn đã tin rằng Giáo Hoàng, trong tư cách kế vị Thánh Phêrô, là người mà Chúa Kitô đã ngỏ những lời này: “Trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy” (Mt 16:18). Sau khi được bầu, ngài cố gắng sống đúng những gì ngài vốn tin về ngôi Giáo Hoàng, và ngài đã thành công. Ngài tin rằng, Giáo Hoàng “kém hơn Thiên Chúa nhưng lớn hơn con người”, làm trung gian giữa hai chủ thể. Tại Công đồng lớn nhất trong Giáo Hội thời Trung Cổ, được tổ chức năm 1215 tại Latêranô, ngài được chào kính là “chúa thế gian” (dominus mundi). Tính liên tục của Giáo Hội, mà không có nó, xét theo phương diện lịch sử, sẽ không có Tin Mừng, và không có Phanxicô thành Assisi, và sự hiện diện cùng quyền lực của Chúa Kitô trở nên hiển thị, gần như rờ mó được, dưới triều Giáo Hoàng của Đức Innôcentê III. Và ở phía kia bức tranh của Giotto, là khuôn mặt đơn giản của người thanh niên thành Assisi, lúc ấy ở cuối tuổi 20. Mắt chàng hướng lên trời và dường như không cần vận dụng sức, đã một vai đỡ cả sức nặng của Nhà Thờ Latêranô, và thế giới. Bức tranh của Giotto và lịch sử sau đó kết hợp buộc người ta phải đặt câu hỏi, dù không cần phải trả lời:

Ai trong hai vị thực sự là “Đại Diện của Chúa Kitô?”
__________________________________________________________________________________________

Ghi chú

(1) Phần lớn các bản văn liên hệ đều lấy từ St Francis of Assisi: Writings and Early Biographies, ed. Marion Alphonse Habig (Chicago: Franciscan Herald Press 1972).
(2) Đức Pius XI, Thông điệp Rite Expiatis (30-04-1926)
(3) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 7.16, Habig ed. p.242.
(4) Thánh Francis thành Assisi, Rule of 1221 1, Habig ed. p.31.
(5) Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 1.6. Habig ed. p.639.
(6) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 9.22, Habig ed. p.246-47.
(7) Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 2.8. Habig ed. p.645-46.
(8) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 13.32, Habig ed. p.254.
(9) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 30.84, Habig ed. p.299.
(10) Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 13.3. Habig ed. p.731.
(11) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 4.98, Habig ed. p.312.
(12) Dante, Paradiso 11.107.
(13) Dictionnaire de Théologie Catholique, 15 vols (Paris: Libraire Letouzey at Ane, 1903-50) s.v. “stigmatisation”.
(14) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 4.95-96, Habig ed. p.310, 326.
(15) Leander E. Keck, “The Poor among the Saints in Jewish Christianity and Qumran” Zeitschrift fur die neutesyamentliche Wissenschaft 57 (1966) 57-78.
(16) Thánh Francis thành Assisi, Rule of 1223 6, Habig ed. p.61; Dt 11:13; 1Pr 2:11.
(17) Thánh Francis thành Assisi, Rule of 1221 9, Habig ed. p.39; Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 7.1. Habig ed. p.680.
(18) Gilbert Keith Chesterton, Saint Francis of Assisi (Garden City, N.Y.: Doubleday, 1931) p.51.
(19) Thánh Francis, The Canticle of Brother Sun, Habig ed. p.130-31.
(20) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 19.51, 16.42 Habig ed. p.272, 264.
(21) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 30.86, Habig ed. p.301.
(22) Oscar Cullmann, “The Origins of Christmas” trong The Eraly Church, ed. A.J.B. Higgins (Philadelphia: Westminster Press, 1956) p. 17-36.
(23) Thomas thành Celano, Second Life of Saint Francis 151.199, Habig ed. p.521
(24) Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 10.7. Habig ed. p.711.
(25) Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 14.4. Habig ed. p.739.
(26) Thánh Francis thành Assisi, Rule of 1221 8, Rule of 1223 6; Habig ed. p.38, 60.
(27) Alan Gewirth, Marsilius of Padua and Medieval Political Philosophy (New York: Columbia University Press, 1951) pp. 78-85, 295-96.
(28) Thomas à Kempis, Imitation of Christ 1.25 (London: Everyman’s Library, 1910) pp.56-57.
(29) A.g. Little, “Paul Sabatier, Historian of St. Francis” trong Franciscan Papers, Lists and Documents (Manchester:University of Manchester, 1929) pp.179-88.
(30) Thomas of Celano, First Life, 13.33; Habig ed. p. 255.
 
Hơi ấm tình thương mùa Giáng thế
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
22:28 22/12/2020
HƠI ẤM TÌNH THƯƠNG MÙA GIÁNG THẾ

Sài Gòn những ngày gần cuối năm vẫn có những cơn mưa dông chợt đến, ào ào kết hợp với triều cường dâng cao biến những con đường vùng trũng hay ven sông rạch thành những dòng sông cuồn cuộn nước ngay trong lòng phố.

Người ta nói rằng đó là hậu quả của sự biến đổi khí hậu nhưng có thể thấy rằng các nguyên nhân gây ra chủ yếu là do các hoạt động của con người. Nhất là việc phá rừng lấy gỗ, ngăn sông làm thủy điện ồ ạt đã làm cho nền đất bị sạt lở với những lũ quét, lũ ống nhấn chìm cả những ngôi làng dưới hàng trăm tấn bùn đất.

Đến rồi đi, dân thành phố tuy có chút gian nan chống chỏi nhưng vẫn không thấm vào đâu so với những cơn bão lũ miền Trung. Những cơn bão từ biển Đông, những cơn mưa lớn rồi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… đã thay phiên nhau làm cho vùng đất nhỏ hẹp - mặt hướng ra biển Đông, lưng dựa vào dãy Trường Sơn - biến thành những biển nước trắng xóa.

Những con đường, những mái nhà, tháp chuông giáo đường… nhạt nhòa trong khung cảnh ảm đạm của những cơn mưa trắng trời và dòng nước lũ mênh mông thăm thẳm. Hình ảnh những con người đứng trên mái nhà vẫy tay kêu gọi trợ giúp, quan tài người chết được trổ mái đưa lên nóc nhà chờ ghe thuyền chở đi chôn cất, ánh mắt bàng hoàng thất thần của đứa bé được cứu sống từ đám bùn đất còn phủ kín quanh thân … đã làm nao lòng biết bao người.

Truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam và tinh thần bác ái Kitô giáo hơn lúc nào hết đã thôi thúc chúng ta phải có hành động cụ thể để chia sẻ hỗ trợ về vật chất giúp đồng bào của mình sớm khắc phục hậu quả, tái thiết và ổn định đời sống.

Dù có chung niềm tin tín ngưỡng hay không, đồng bào miền Trung vẫn là những người anh em “máu đỏ da vàng” như trong dụ ngôn người Samari nhân hậu. Hơn thế nữa, chính khi thương cảm, quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người chung quanh, ta sẽ thấy được lòng yêu thương vô biên của Thiên Chúa.

Trong Thư kêu gọi cầu nguyện và cộng tác cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung ngày 12/10/2020, Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) Việt Nam đã gọi mọi thành phần dân Chúa, trong nước cũng như ở hải ngoại tích cực cầu nguyện và quảng đại giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua những khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời chia sẻ sự mất mát về người và của với anh chị em tại những khu vực ảnh hưởng do bão và mưa lũ.

Ngay trong những ngày mưa lũ, giáo quyền các cấp cùng giáo dân tại các địa phương lũ lụt cũng ra sức ứng cứu giúp người dân không phân biệt lương giáo vượt qua cơn lũ. Bằng những phương tiện thô sơ, họ đã đi đến từng nhà thăm hỏi và tặng quà cho đồng bào vùng lũ. Những ngôi thánh đường không bị nước ngập đã mở rộng cửa đón nhiều người không phân biệt lương, giáo, trong và ngoài giáo xứ đến tạm cư.

Không chỉ là những lời kêu gọi, sáng 20/10/2020, đoàn đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch HĐGMVN - làm trưởng đoàn cùng các Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn - Giám mục GP. Bà Rịa, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân - Giám mục GP. Đà Nẵng, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Giám mục GP. Hà Tĩnh cùng một số linh mục, tu sĩ, giáo dân, đã đến viếng thăm và trao quà cho những nạn nhân lũ lụt tại các giáo xứ thuộc Tổng Giáo phận Huế và Giáo phận Đà Nẵng.

Các ngài chia sẻ với bà con vùng lũ tâm tình của các Mục tử trong HĐGMVN không chỉ đứng từ xa, hỏi thăm, vẫy tay chào. Mà các ngài còn rất muốn đến tận nơi, rất muốn được đến với hết mọi người từng gia đình để nói Chúa luôn yêu thương họ. Và mọi thành phần dân Chúa đều hướng về họ với những lời cầu nguyện thiết tha và tình bác ái huynh đệ đậm đà.

Lũ lụt rồi cũng sẽ rút nhưng ngoài thiệt hại về người và tài sản, người dân còn phải mất nhiều ngày để khắc phục hậu quả thiên tai: dọn dẹp quang cảnh tan hoang, tái thiết sửa chữa nhà cửa…. Ngoài ra còn là viễn cảnh nghèo đói và nỗi lo dịch bệnh lây lan sau khi nước rút đang đè nặng lên vai những người dân trắng tay vùng lũ.

Vâng, bão lũ không chỉ mang đến khổ đau mà còn mang đến tình thương. Trong cơn bĩ cực, các vị mục tử đã mang đến cho người dân vùng lũ hơi ấm của chủ chăn, hơi ấm về sự sẻ chia của các Kitô hữu ở VN và hải ngoại. Hơi ấm của tình thương mà hơn hai ngàn năm trước hài nhi Giêsu đã mang đến cho trần gian trong đêm giáng thế.

Mùa Giáng Sinh nữa lại sắp trở về, trong mùa lễ mừng Chúa Giáng Sinh chúng ta thường tặng quà cho nhau để bày tỏ lòng yêu thương quý mến nhau. Có lẽ tục lệ này đã bắt nguồn từ mùa Giáng Sinh đầu tiên, khi ba vua phương Đông theo ánh sáng sao dẫn đường tìm gặp Chúa Hài Đồng và dâng cho Ngài những lễ vật đặc biệt.

Để đáp lại tình thương lớn nhất và món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa đã dành tặng cho loài người là chính Ngôi Hai con Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu chúng ta hãy dâng lên Chúa Giêsu Hài Đồng sự chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ tha nhân. Đó chính là món quà ý nghĩa nhất trong mùa tình thương giáng thế.

Ước gì mỗi người chúng ta biết nghĩ về những người đang ăn không đủ no, mặc không đủ ấm… Bớt tiêu xài, vui chơi mua sắm trong mùa Giáng Sinh, để chia sẻ tiền bạc và của cải vật chất cho những người đang tay trắng khắc phục hậu quả của trận lũ lụt khủng khiếp.

Quà tặng Giáng Sinh cho họ không chỉ bằng những hiện kim, hiện vật … mà còn bằng cả sự yêu thương chân thành trong lời kinh nguyện hiệp thông mỗi người trao cho nhau. Đồng cảm, đồng hành cùng những người thiện tâm như những cọng rơm khô bé nhỏ trong máng chiên bò luôn luôn tỏa nồng hơi ấm tình thương mùa giáng thế.
 
VietCatholic TV
Năm 2020 đầy thách đố và chết chóc: Diễn từ trước Giáo triều Rôma của ĐTC về tình trạng của Giáo Hội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:11 22/12/2020


Lúc 10:30 sáng thứ Hai 21 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các thành viên trong Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma tại phòng họp Benedizione (Chúc lành) trong dinh Tông Tòa của Vatican.

Sau lời chúc mừng Giáng Sinh của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ trong đó ngài thúc giục Giáo triều Rôma không nên đánh giá Giáo Hội một cách vội vàng theo khía cạnh những xung đột, nhưng hãy xem “cuộc khủng hoảng giáo hội” hiện nay như một lời kêu gọi đổi mới.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáng Sinh năm nay được đánh dấu bởi một thời kỳ khủng hoảng đối với xã hội và Giáo Hội trước khi phân biệt giữa khủng hoảng và xung đột. Theo Đức Thánh Cha, khủng hoảng thường có một kết quả tích cực, trong khi xung đột luôn tạo ra bất hòa và cạnh tranh, đó là một sự đối kháng dường như không thể hòa giải, chia cách tha nhân thành bạn để yêu, và kẻ thù để chiến đấu.

Ngài bày tỏ lời cầu xin tất cả các vị trong Giáo triều Rôma, những người cùng ngài phục vụ Tin Mừng, một món quà Giáng Sinh là sự cộng tác quảng đại và hết lòng của các vị trong việc loan báo Tin Mừng

Nguyên bản tiếng Ý và các bản dịch sang các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Anh chị em thân mến,

1. Chúa Giêsu thành Nagiarét chào đời là mầu nhiệm Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng “loài người dù phải chết nhưng không phải sinh ra để chết, nhưng là để bắt đầu”, [1] như nhà triết học người Do Thái Hannah Arendt đã quan sát trong một cách thế vừa đánh động vừa linh hứng. Arendt đã đảo ngược suy nghĩ của thầy mình, là Heidegger, theo đó con người sinh ra để bị ném về phía cái chết. Giữa đống đổ nát của các chế độ độc tài trong thế kỷ 20, Arendt thừa nhận sự thật sáng chói này: “Phép lạ cứu được thế giới, cứu được thực tại nhân sinh, khỏi sự huỷ diệt bình thường và ‘tự nhiên’ của nó, chung cuộc chính là mầu nhiệm Giáng Sinh. Đây là niềm tin và hy vọng cho một thế giới tìm thấy biểu hiện có lẽ là huy hoàng nhất và ngắn gọn nhất của mình trong một vài từ mà các sách Phúc âm dùng để công bố ‘tin vui’ của mình: ‘Một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta’”. [2]

2. Khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Nhập thể, trước hài nhi nằm trong máng cỏ (x. Lc 2:16), và mầu nhiệm Vượt Qua, trước sự hiện diện của Đấng bị đóng đinh, chúng ta chỉ tìm được vị thế thích hợp của mình chỉ khi chúng ta không có khả năng tự vệ, khiêm tốn và loại bỏ các thành kiến; chỉ khi chúng ta làm theo, ở bất cứ nơi nào chúng ta sống và làm việc (kể cả ở Giáo triều Rôma), chương trình sống do Thánh Phaolô đề ra: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:31-32); chỉ khi chúng ta “mặc lấy tấm lòng khiêm nhường” (x. 1 Pr 5: 5) và noi gương Chúa Giêsu, Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11:29); chỉ sau khi chúng ta tự đặt mình “vào địa vị thấp hèn nhất” (Lc 14:10) và trở thành “nô lệ của mọi người” (x. Mc 10:44). Về điểm này, Thánh Inhaxiô, trong cuốn Linh Thao của mình, thậm chí còn yêu cầu chúng ta tưởng tượng mình là một phần của quang cảnh trước máng cỏ. Ngài viết: “Tôi sẽ trở thành một người nô lệ nghèo nàn, thấp hèn và bất xứng, và như thể ngay bây giờ, hãy nhìn họ, chiêm ngưỡng họ và phục vụ họ theo nhu cầu của họ” (114, 2).

Tôi thay mặt tất cả cảm ơn Đức Hồng Y Niên Trưởng Hồng Y Đoàn đã gửi lời chúc mừng Giáng Sinh. Xin cảm ơn Đức Hồng Y Re.

3. Đây là lễ Giáng Sinh giữa một cuộc khủng hoảng đã tấn công tràn lan toàn thế giới trên các phương diện đại dịch, sức khỏe, kinh tế, xã hội và thậm chí cả Giáo Hội nữa. Cuộc khủng hoảng này không còn chỉ là một điểm chung trong các cuộc trò chuyện của giới trí thức; nhưng nó đã trở thành một thực tế được cảm nghiệm bởi tất cả mọi người.

Đại dịch là một thời gian thử thách và trắc nghiệm, nhưng cũng là một cơ hội đáng kể để hoán cải và canh tân sự chân thực.

Vào ngày 27 tháng 3 vừa qua, trước tiền đình của Đền Thờ Thánh Phêrô, trước một Quảng trường trống rỗng mà dù thế vẫn đưa chúng ta từ mọi nơi trên thế giới đến với nhau, trong tinh thần, tôi muốn cầu nguyện cho và với tất cả mọi người. Tôi đã nói rõ ràng về tầm quan trọng tiềm tàng của “cơn bão” (xem Mc 4:35-41) đã tấn công thế giới của chúng ta: “Bão tố phơi bày tính dễ bị thương tổn của chúng ta và vạch trần những định tín giả tạo và hời hợt trên đó chúng ta đã xây dựng những dự định, những dự án, các tập quán và ưu tiên của chúng ta. Nó cho thấy chúng ta đã khờ khạo và mù mờ trước những điều căn cơ nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn của chúng ta. Bão tố để lộ tất cả những ý tưởng định kiến và sự lãng quên những gì nuôi dưỡng linh hồn con người; nó làm lộ ra tất cả những toan tính gây mê chúng ta bằng những nếp nghĩ và cách hành xử được cho là “cứu” chúng ta, nhưng thực ra lại cho thấy không có khả năng quy chiếu đến những căn cội và giữ cho sống động ký ức của những người đi trước chúng ta, và vì thế đánh mất các kháng thể cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh.

Trận bão này cũng đánh trôi cái mã bề ngoài của những định kiến chúng ta dùng để ngụy trang “cái tôi” của mình, luôn lo lắng về hình ảnh của mình; và một lần nữa, chúng ta khám phá thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau.”

4. Ơn Chúa quan phòng, chính vào thời điểm khó khăn đó, tôi mới có thể viết Fratelli Tutti, là Thông điệp dành cho chủ đề tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Một bài học mà chúng ta học được từ các trình thuật Tin Mừng về sự ra đời của Chúa Giêsu là tình liên đới liên kết những người hiện diện: Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, các đạo sĩ và tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, đã trao ra tình huynh đệ và tình bạn của mình để giữa bóng tối của lịch sử, Ngôi Lời hóa thành nhục thể (x. Ga 1:14) có thể tìm thấy một sự chào đón. Như tôi đã trình bày ở đầu Thông điệp: “Tôi mong muốn rằng, trong thời đại chúng ta, qua việc thừa nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh một khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. Tình anh em giữa tất cả những người nam nữ. ‘Ở đây chúng ta có một bí mật huy hoàng chỉ cho chúng ta cách ước mơ và biến cuộc sống của chúng ta thành một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Không ai có thể đối mặt với cuộc sống trong tình trạng lẻ loi … Chúng ta cần một cộng đồng hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta, trong đó chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau để tiếp tục nhìn về phía trước. Ước mơ cùng nhau quan trọng biết bao… Tự bản thân chúng ta, chúng ta có nguy cơ nhìn thấy những ảo ảnh, những thứ không có ở đó. Trái lại, những giấc mơ phải được xây dựng cùng nhau’. [3] Vậy, chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại, như những người bạn đồng hành cùng chung một con thuyền, như những người con của cùng một trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta mang theo sự phong phú từ những niềm tin và xác tín của mình, mỗi người chúng ta với tiếng nói của chính mình, tất cả là anh chị em với nhau” (số 8).

5. Cuộc khủng hoảng của đại dịch này là thời điểm thích hợp để suy ngẫm ngắn gọn về ý nghĩa của một cuộc khủng hoảng, là điều xem ra có lợi cho tất cả chúng ta.

Khủng hoảng là điều ảnh hưởng đến mọi người và mọi thứ. Các cuộc khủng hoảng hiện diện ở khắp mọi nơi và trong mọi thời đại của lịch sử, liên quan đến các ý thức hệ, chính trị, kinh tế, công nghệ, sinh thái và tôn giáo. Khủng hoảng là một thời điểm cần thiết trong lịch sử của cá nhân và xã hội. Nó xuất hiện như một sự kiện bất thường, luôn tạo ra cảm giác bối rối, lo lắng, buồn bã và không chắc chắn khi phải đối mặt với các quyết định được đưa ra. Chúng ta thấy điều này trong động từ “krino” là nguyên ngữ của khủng hoảng: khủng hoảng là việc sàng lọc để tách lúa mì ra khỏi trấu sau vụ thu hoạch.

Chính Kinh Thánh cũng chứa đầy những cá nhân bị “sàng lọc”, “những người đang gặp khủng hoảng”, những người trong chính cuộc khủng hoảng đó đã đóng vai trò của mình trong lịch sử ơn cứu độ.

Theo quan điểm thần học, cuộc khủng hoảng của Ápraham, người phải rời quê hương (Stk 21: 1-2) và trải qua thử thách lớn lao khi phải hy sinh cho Thiên Chúa đứa con trai duy nhất của mình (Stk 22: 1-19), đã dẫn đến sự ra đời của một dân tộc mới. Tuy nhiên, điều này không giúp Ápraham thoát khỏi một tình huống gay cấn, trong đó sự bối rối và mất phương hướng đã không chiếm được ưu thế, vì ông có sức mạnh đức tin.

Cuộc khủng hoảng của ông Môisê có thể được nhìn thấy nơi sự thiếu tự tin của ông. Ông nói với Chúa: “Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập?” (Xh 3:11); “Con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi” (Xh 4:10), “người ăn nói không được dễ dàng” (Xh 6, 12,30). Vì lý do này, ông cố trốn tránh sứ mệnh Chúa giao phó: “Lạy Chúa, xin sai người khác đi” (x. Xh 4:13). Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng này, Thiên Chúa đã làm cho ông Môisê trở thành người tôi trung dẫn dắt dân tộc của ông ra khỏi Ai Cập.

Êlia, nhà tiên tri có sức mạnh như lửa (x. 1 V 18: 24), vào một thời điểm cực kỳ khủng hoảng đã khao khát được chết, nhưng sau đó ông cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa, không phải trong một cơn gió dữ dội, một trận động đất hay một ngọn lửa, nhưng qua một “giọng thì thầm” (x1 V 19: 11-12). Tiếng nói của Thiên Chúa không bao giờ là tiếng ồn ào của cuộc khủng hoảng, mà là tiếng nói thầm thì trong cơn khủng hoảng.

Gioan Tẩy Giả băn khoăn không biết Đức Giêsu có phải là Đấng Mêsia hay không (x. Mt 11:2-6) vì Người không đến với tư cách là Đấng minh oan mạnh mẽ cho ông, mà có lẽ Gioan đã mong đợi (x. Mt 3:11-12). Tuy nhiên, việc ông Gioan bị cầm tù đã tạo tiền đề cho việc Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 1:14).

Kế đó chúng ta có là cuộc khủng hoảng về “thần học” mà Phaolô thành Tắcsô phải trải qua. Choáng ngợp trước cuộc gặp gỡ đầy kịch tính của mình với Đức Kitô trên đường đến Đamát (x. Cv 9: 1-19; Gl 1:15-16), ông xúc động bỏ lại tất cả để theo Chúa Giêsu (x. Pl 3: 4-10). Thánh Phaolô thực sự là người sẵn sàng thay đổi bởi một cuộc khủng hoảng. Vì lý do này, ngài sẽ là tác giả của một cuộc khủng hoảng khiến Giáo Hội vượt ra ngoài biên giới Israel và đi đến tận cùng trái đất.

Chúng ta có thể tiếp tục với danh sách dài các nhân vật trong Kinh Thánh như thế, trong đó mỗi người chúng ta có thể tìm thấy hoàn cảnh của chính mình. Có rất nhiều những nhân vật như vậy.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hùng hồn nhất là cuộc khủng hoảng của Chúa Giêsu. Các Phúc Âm Nhất Lãm chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc sống công khai của mình bằng cách trải qua cơn khủng hoảng của những cám dỗ. Có vẻ như nhân vật trung tâm trong tình huống này là ma quỷ với những lời hứa hão huyền, nhưng thực ra nhân vật chính thực sự lại là Chúa Thánh Thần. Vì Ngài đã hướng dẫn Chúa Giêsu trong thời điểm quyết định này của cuộc đời mình: “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu ma quỷ cám dỗ.” (Mt 4: 1).

Các Thánh Sử nhấn mạnh rằng bốn mươi ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc được đánh dấu bằng kinh nghiệm đói khát và yếu đuối (x. Mt 4: 2; Lc 4: 2). Chính từ sâu thẳm của sự đói khát và yếu đuối này, ma quỷ đã tìm cách thực hiện bước cuối cùng của nó, lợi dụng sự mệt mỏi của con người Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nơi con người yếu đuối vì kiêng ăn đó, tên cám dỗ đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng có thể chiến thắng sự cám dỗ bởi lời Chúa, chứ không phải lời của chính mình. Chúa Giêsu không bao giờ bước vào cuộc đối thoại với ma quỷ. Chúng ta cần học hỏi từ điều này. Không thể có cuộc đối thoại với ma quỷ. Chúa Giêsu đuổi nó đi, hay buộc nó phải tiết lộ danh tính của mình. Với ma quỷ, không thể có đối thoại.

Sau đó, Chúa Giêsu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khôn tả tại vườn Giệtsimani: cô độc, sợ hãi, đau khổ, sự phản bội của Giuđa và sự bỏ rơi của các Tông đồ (x. Mt 26:36-50). Cuối cùng, có một cuộc khủng hoảng tột độ trên thập giá: một kinh nghiệm về tình liên đới với những người tội lỗi thậm chí đến mức cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi (x. Mt 27:46). Tuy nhiên, với sự tin tưởng tuyệt đối, Người đã “phó dâng thần khí của mình trong tay Chúa Cha” (x. Lc 23:46). Sự phó thác hoàn toàn và đầy lòng tin tưởng của Ngài đã mở ra con đường phục sinh (x. Dt 5: 7).

6. Thưa anh chị em, suy tư này về ý nghĩa của khủng hoảng cảnh báo chúng ta chống lại việc đánh giá Giáo Hội một cách vội vàng dựa trên những khủng hoảng gây ra bởi các vụ tai tiếng trong quá khứ và hiện tại. Tiên tri Êlia có thể là một ví dụ. Để trút bỏ nỗi thất vọng của mình trước mặt Chúa, Êlia thưa với Chúa về sự vô vọng: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con.” (1 V 19:14). Thông thường, những đánh giá của chúng ta về đời sống Giáo Hội cũng giống như những câu chuyện về sự vô vọng. Tuy nhiên, việc đọc thực tế một cách tuyệt vọng không thể được gọi là thực tế. Hy vọng mang đến cho các đánh giá của chúng ta một khía cạnh mà trong tầm nhìn quá gần của chúng ta, chúng ta thường không thể nhìn thấy. Thiên Chúa đáp lại ông Êlia bằng cách nói với ông rằng thực tế khác với những gì ông nghĩ: “Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước qua sa mạc cho tới Đamát mà về … Nhưng Ta, Ta sẽ dành ra cho Ta bảy nghìn người trong dân Israel: tất cả những kẻ đã không hề bái gối trước Baan, những môi miệng không hề hôn kính nó”. (1 V 19: 15,18). Không phải là Êlia cô đơn; nhưng đúng ra ông đang bị khủng hoảng.

Thiên Chúa tiếp tục làm cho hạt giống Nước Người lớn lên giữa chúng ta. Ở đây trong Giáo triều này, có rất nhiều người làm chứng âm thầm bằng công việc của họ, khiêm tốn và kín đáo, không tán gẫu, không thành kiến, trung thành, trung thực và chuyên nghiệp. Rất nhiều anh chị em như thế, và tôi xin cảm ơn. Thời đại của chúng ta có những vấn đề của nó, nhưng nó cũng là nhân chứng sống động cho sự thật rằng Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài. Sự khác biệt duy nhất là các vấn đề ngay lập tức được đưa lên mặt báo; điều này luôn luôn như vậy, trong khi các dấu chỉ hy vọng, nếu có được lên báo, thì luôn luôn muộn hơn nhiều.

Những ai không đánh giá một cuộc khủng hoảng dưới ánh sáng của Tin Mừng chỉ đơn giản thực hiện một cuộc khám nghiệm tử thi. Họ nhìn thấy cuộc khủng hoảng, nhưng không nhìn thấy hy vọng và ánh sáng do Tin Mừng mang lại. Chúng ta hoang mang trước các cuộc khủng hoảng không chỉ vì chúng ta đã quên cách đánh giá các cuộc khủng hoảng ấy như Tin Mừng bảo với chúng ta, nhưng vì chúng ta đã quên rằng Tin Mừng là điều đầu tiên đưa chúng ta vào khủng hoảng. [4] Nếu chúng ta có thể phục hồi can đảm và khiêm tốn để thừa nhận rằng thời khủng hoảng là thời của Thánh Linh, thì bất cứ khi nào chúng ta phải đối mặt với kinh nghiệm của bóng tối, yếu đuối, dễ bị tổn thương, mâu thuẫn và mất mát, chúng ta sẽ không còn cảm thấy bị choáng ngợp nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ tiếp tục tin tưởng rằng mọi thứ sắp có một hình dạng mới, chỉ xuất hiện từ trải nghiệm của một ân sủng ẩn sâu trong bóng tối. “Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục” (Cn 2: 5).

7. Cuối cùng, tôi mong anh chị em đừng nhầm lẫn giữa khủng hoảng và xung đột. Chúng là hai thứ khác nhau. Khủng hoảng thường có một kết quả tích cực, trong khi xung đột luôn tạo ra bất hòa và cạnh tranh, đó là một sự đối kháng dường như không thể hòa giải, chia cách tha nhân thành bạn để yêu, và kẻ thù để chiến đấu. Trong tình huống như vậy, chỉ có một bên có thể giành được chiến thắng.

Xung đột luôn cố gắng tìm kiếm những phe “có tội” để khinh miệt và bêu xấu, và những phe “công chính” để bảo vệ, như một phương tiện để tạo ra một cảm thức (thường huyền diệu) rằng những tình huống nhất định chẳng có liên quan gì đến chúng ta. Việc đánh mất đi cảm thức chung thuộc về nhau gây ra hoặc củng cố một số thái độ nhất định cho mình là tinh hoa và hình thành nên các “phe phái” thúc đẩy những tư duy hạn hẹp và phiến diện làm suy yếu tính phổ quát trong sứ mệnh của chúng ta. “Ở giữa xung đột, chúng ta đánh mất ý thức về sự hiệp nhất sâu xa của thực tại” (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 226).

Khi Giáo Hội được nhìn nhận dưới góc độ xung đột – hữu khuynh so với tả khuynh, cấp tiến so với truyền thống - thì Giáo Hội trở nên phân tán và phân cực, bóp méo và phản bội thực chất của mình. Mặt khác, Giáo Hội là một thực thể bị khủng hoảng liên tục, chính vì Giáo Hội vẫn sống động. Giáo Hội không bao giờ được trở thành một thực thể đang trong tình trạng xung đột, có kẻ thắng và người thua, vì như thế, Giáo Hội sẽ gieo rắc sự sợ hãi, trở nên cứng ngắc hơn và ít đồng nghị hơn, và áp đặt một sự đồng nhất khác xa với sự phong phú và đa dạng mà Thánh Linh đã ban cho Giáo Hội của Ngài.

Sự mới mẻ sinh ra từ khủng hoảng và theo thánh ý của Thánh Linh không bao giờ là một sự mới mẻ đối lập với cái cũ, nhưng là cái mới nảy sinh từ cái cũ và làm cho nó liên tục sinh hoa kết quả. Chúa Giêsu giải thích quá trình này bằng một hình ảnh đơn giản và rõ ràng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Sự chết của một hạt giống có tính chất mâu thuẫn nội tại: nó vừa là sự kết thúc vừa là sự khởi đầu của một cái gì đó mới. Nó có thể được gọi là cả hai vừa là “chết chóc và suy tàn” lại vừa là “sinh sôi và triển nở”, vì cả hai là một. Chúng ta thấy một sự kết thúc, nhưng đồng thời, trong cái kết thúc ấy, một khởi đầu mới đang hình thành.

Theo nghĩa này, việc chúng ta không muốn rơi vào khủng hoảng và không muốn để cho mình được Thánh Linh dẫn dắt vào những thời khắc thử thách sẽ giữ chặt chúng ta trong tình trạng vô vọng và không sinh hoa kết quả, hoặc thậm chí trong tình trạng xung đột. Khi tìm cách tránh né khủng hoảng, chúng ta cản trở công việc của ân sủng Thiên Chúa, ân sủng này sẽ biểu lộ trong chúng ta và qua chúng ta. Nếu một tầm nhìn hiện thực nào đó khiến chúng ta thấy lịch sử gần đây của mình chỉ là một chuỗi những thảm họa, những tai tiếng và thất bại, những tội lỗi và mâu thuẫn, những hụt hẫng và trở ngại trong chứng tá của chúng ta, thì chúng ta không nên lo sợ. Chúng ta cũng không nên phủ nhận mọi thứ trong bản thân và trong cộng đồng của chúng ta, là những thứ rõ ràng đã bị ô nhiễm bởi cái chết, và đang đòi phải có sự hoán cải. Mọi điều xấu xa, sai trái, yếu đuối và không lành mạnh được đưa ra ánh sáng như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc chúng ta cần phải chết đi đối với một lối sống, một lối suy nghĩ và hành động không phản ánh Phúc Âm. Chỉ khi chết đi đối với một não trạng nào đó, chúng ta mới có thể có chỗ cho sự mới mẻ mà Thánh Thần không ngừng đánh thức trong lòng Giáo Hội. Các Giáo phụ của Giáo Hội nhận thức rõ điều này, và họ gọi nó là “metanoia“.

8. Mọi cuộc khủng hoảng đều chứa đựng một nhu cầu chính đáng phải đổi mới và phải có một bước tiến về phía trước. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự mong muốn đổi mới, chúng ta phải có can đảm để hoàn toàn cởi mở. Chúng ta cần phải ngừng xem việc cải tổ Giáo Hội như việc vá lại một chiếc áo cũ, hay chỉ đơn giản là soạn thảo ra một Hiến chế mới. Sự cải tổ của Giáo Hội là một cái gì đó khác xa như thế.

Không thể là chuyện vá chỗ này chỗ kia, vì Giáo Hội không chỉ là một y phục của Đức Kitô, mà là Nhiệm thể của Người, bao trùm cả lịch sử (x. 1 Cr 12:27). Chúng ta không được kêu gọi để thay đổi hay cải tổ Nhiệm thể Đức Kitô - “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13: 8) - nhưng chúng ta được mời gọi mặc áo mới cho Nhiệm thể ấy sao cho mọi người thấy rõ ràng rằng ân sủng mà chúng ta có không đến từ chính chúng ta nhưng đến từ Thiên Chúa. Thật vậy, “kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4: 7). Giáo Hội luôn là một cái bình sành, quý giá chính vì những gì nó chứa đựng chứ không phải vì dáng vẻ bên ngoài của nó. Lát nữa đây, tôi sẽ hân hạnh được tặng cho anh chị em một cuốn sách, đó là món quà của Cha Ardura, cuốn sách cho thấy cuộc đời của một bình sành làm rạng rỡ sự vĩ đại của Thiên Chúa và những cải cách của Giáo Hội. Ngày nay, dường như rõ ràng là đất sét mà chúng ta được tạo ra bị sứt mẻ, hư hỏng và nứt nẻ. Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, kẻo sự yếu đuối của chúng ta trở thành chướng ngại cho việc rao giảng Tin Mừng hơn là làm chứng cho tình yêu bao la mà Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta (x. Ep 2: 4). Nếu chúng ta loại bỏ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, ra khỏi cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của chúng ta sẽ là một lời nói dối, một sự giả trá.

Trong thời kỳ khủng hoảng, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta chống lại một số nỗ lực nhằm thoát ra khỏi nó đã có thể thấy trước ngay từ đầu là sẽ thất bại. Nếu ai đó “xé áo mới lấy vải vá áo cũ”, thì kết quả có thể đoán trước được: “không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Tương tự, “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.” (Lc 5:36-38).

Trái lại, đường lối đúng đắn là đường lối của “người kinh sư đã được học hỏi về Nước Trời”, là người “cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”(Mt 13: 52). Kho tàng đó là Truyền thống, như Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc lại, “là dòng sông sống động liên kết chúng ta với những cội nguồn, là dòng sông sống động mà những cội nguồn luôn hiện diện, là dòng sông vĩ đại dẫn chúng ta đến những cửa vĩnh cửu” (Bài Giáo lý ngày 26 tháng 4 năm 2006). Tôi nghĩ đến câu nói của một nhạc sĩ vĩ đại người Đức: “Truyền thống là bảo chứng cho tương lai, không phải là một viện bảo tàng, hay một bình tro”. Cái “cũ” là sự thật và ân sủng mà chúng ta đã có. Cái “mới” là những khía cạnh khác nhau của sự thật mà chúng ta dần dần hiểu ra. Không có hình thái sống Phúc Âm nào trong lịch sử có thể làm cạn kiệt sự hiểu biết đầy đủ về Phúc Âm. Ở thế kỷ thứ năm, người ta nói thế này về ý nghĩa của truyền thống và cách thức phát triển của nó: “Ut annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate” [đó là một câu nói của Thánh Vinh Sơn thành Lerins có nghĩa là: truyền thống “được củng cố qua năm tháng, được mở rộng theo thời gian và được tinh luyện theo tuổi tác” – chú thích của người dịch] Nếu chúng ta để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì hàng ngày chúng ta sẽ đến gần hơn với “tất cả chân lý” (Ga 16:13). Trái lại, nếu không có ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta thậm chí có thể bắt đầu hình dung ra một “Thượng Hội Đồng” Giáo Hội trong đó, thay vì được linh hứng từ sự hiệp thông với sự hiện diện của Thánh Linh, chung cuộc chỉ là một thứ nghị viện dân chủ khác được tạo thành bởi các nhóm đa số và các nhóm thiểu số. Chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mới tạo nên được sự khác biệt, nếu không Giáo Hội chỉ như một nghị viện, và đây không phải là tính đồng nghị.

9. Chúng ta nên làm gì trong thời kỳ khủng hoảng? Trước tiên, hãy chấp nhận đó là thời gian ân sủng được ban cho chúng ta để phân định thánh ý Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể Hội Thánh. Chúng ta cần tiến vào một khái niệm xem ra có vẻ nghịch lý là “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10). Chúng ta nên ghi nhớ những lời trấn an của Thánh Phaolô đối với các tín hữu thành Côrinhtô: “Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13).

Điều cần thiết là không được làm gián đoạn cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa, bất kể điều đó có thể khó chứng minh đến đâu. Cầu nguyện không dễ dàng. Chúng ta không được mệt mỏi cầu nguyện liên tục (xem Lc 21:36; 1 Thes 5:17). Ngoài giải pháp là cầu nguyện nhiệt thành hơn và đồng thời làm mọi thứ trong khả năng của mình với đức cậy cao hơn, chúng ta không biết có giải pháp nào khác hơn như thế cho những vấn đề mình đang gặp phải. Cầu nguyện sẽ cho phép chúng ta “trông cậy khi không còn gì để hy vọng” (x. Rm 4:18).

10. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy duy trì sự bình an và thanh thản tuyệt vời, với ý thức đầy đủ rằng tất cả chúng ta, bắt đầu từ chính bản thân tôi, chỉ là những “đầy tớ bất xứng” (Lc 17:10) mà Chúa đã dủ lòng thương xót. Vì lý do này, sẽ rất tốt cho chúng ta khi ngừng sống trong xung đột và một lần nữa cảm thấy rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau, sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng. Hành trình luôn bao gồm các động từ liên quan đến chuyển động. Khủng hoảng tự nó là chuyển động, là một phần của cuộc hành trình của chúng ta. Trái lại, xung đột là một con đường mòn dẫn chúng ta lạc lối, không mục đích, không định hướng và bị mắc kẹt trong một mê cung; đó là một sự lãng phí năng lượng và là cơ hội cho ma quỷ. Điều ác đầu tiên mà xung đột dẫn chúng ta đến, và chúng ta phải cố gắng tránh, là tin đồn. Chúng ta hãy chú ý đến điều này! Tung tin đồn không phải là nỗi ám ảnh của tôi; nhưng nó là lời tố cáo cho thấy ma quỷ đã xâm nhập vào Giáo triều. Ở đây trong Điện Tông Tòa này, có nhiều cửa ra vào và cửa sổ, ma quỷ đi vào và chúng ta quen với điều này. Những lời đàm tiếu khiến chúng ta rơi vào trạng thái quy hướng vào chính mình buồn bã, và ngột ngạt. Nó biến khủng hoảng thành xung đột. Tin Mừng cho chúng ta biết các mục đồng đã tin lời sứ thần truyền và lên đường hướng về Chúa Giêsu (x. Lc 2:15-16). Trái lại, Hêrôđê đã khép lòng mình lại trước câu chuyện do các đạo sĩ kể lại và biến sự khép kín ấy thành gian dối và bạo lực (x. Mt 2:1-16).

Mỗi người trong chúng ta, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội, nên tự hỏi liệu chúng ta muốn theo Chúa Giêsu với sự ngoan ngoãn của những người chăn cừu, hay với thái độ phòng thủ của Hêrôđê; muốn đi theo Người giữa cuộc khủng hoảng hay muốn ngăn chặn Người trong cuộc xung đột.

Cho phép tôi bày tỏ lời cầu xin tất cả anh chị em, những người cùng tôi phục vụ Tin Mừng, món quà Giáng Sinh là sự cộng tác quảng đại và hết lòng của anh chị em trong việc loan báo Tin Mừng trên hết cho người nghèo (x. Mt 11: 5). Chúng ta hãy nhớ rằng chỉ có họ mới thực sự biết Thiên Chúa, Đấng chào đón những người nghèo khó, Đấng từ trời cao ngự xuống trong sự khốn cùng của họ, nhưng chính vì những người như vậy Người đã được sai đến từ trời cao. Chúng ta không thể nhìn thấy Thiên nhan Chúa, nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm được điều đó khi Ngài hướng về chúng ta bất cứ khi nào chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với người lân cận, đối với những người đang kêu gào chúng ta trong cảnh khốn cùng của họ. [5] Đối với người nghèo, những người là trung tâm của Tin Mừng. Tôi nghĩ về điều mà vị Thánh Giám Mục người Brazil đã từng nói: “Khi tôi quan tâm đến người nghèo, họ gọi tôi là một vị thánh; nhưng khi tôi hỏi đi hỏi lại tại sao sự nghèo đói kinh hoàng như thế cứ tồn tại mãi, thì họ gọi tôi là một tên cộng sản”.

Đừng ai cố ý cản trở công việc Chúa đang hoàn thành vào lúc này, và chúng ta hãy xin ơn để phục vụ trong khiêm nhường, để Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi. (x. Ga 3:30).

Tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả anh chị em và gia đình và thân bằng quyến thuộc. Cảm ơn anh chị em, cảm ơn anh chị em đã làm việc, cảm ơn anh chị em rất nhiều. Và xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể can đảm tiếp tục trong cơn khủng hoảng. Chúc Giáng Sinh vui vẻ! Cảm ơn anh chị em.

[Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành cho những người hiện diện. Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, ngài nói thêm]

Tôi quên nói với anh chị em rằng tôi sẽ tặng anh chị em một món quà là hai cuốn sách. Một cuốn là cuộc đời của Charles de Foucauld, một bậc thầy về khủng hoảng, là người đã để lại cho chúng ta một di sản đẹp đẽ. Đó là một món quà mà tôi nhận được từ Cha Ardura, người mà tôi rất biết ơn. Cuốn thứ hai được gọi là “Olotropia: i verbi della familiarità cristiana”, là những từ giúp chúng ta sống cuộc sống của mình. Cuốn sách vừa được xuất bản và được viết bởi một học giả Kinh Thánh và là một đệ tử của Đức Hồng Y Martini; ngài làm việc ở Milan nhưng là linh mục của Giáo phận Albenga-Imperia.

[1] The Human Condition, Chicago, University of Chicago Press, 1958, p. 246. (Tình trạng con người, Chicago, Nhà xuất bản Đại học Chicago)
[2] Thượng dẫn, tr. 247.
[3] Diễn từ tại Cuộc gặp gỡ Đại kết và Liên tôn với Người trẻ, Skopje, Bắc Macedonia (7 tháng 5 năm 2019): Quan Sát Viên Rôma, ngày 9 tháng 5 năm 2019, tr. 9.
[4] “Nghe thế, nhiều môn đệ của Người liền nói: ‘Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?’ Nhưng Đức Giêsu tự biết là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: ‘Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?’”(Ga 6: 60-61). Tuy nhiên, chỉ trên nền tảng của cuộc khủng hoảng đó, một lời tuyên xưng đức tin mới có thể xuất hiện: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).
[5] x. E. LEVINAS, Totalité et infini (Toàn thể và vô hạn), Paris, 2000, 76.


Source:Holy See Press Office
 
Tổng thống Trump ra đòn sấm sét. Cổ phiếu 62 công ty Tầu rơi tự do. HĐGM Hoa Kỳ khen ngợi ông
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:29 22/12/2020


1. Tổng thống Trump ra đòn trả thù nặng tay: giá cổ phiếu của 62 công ty Trung Quốc rơi tự do

Theo lệnh của Tổng thống Trump, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo họ đã đưa Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế, gọi tắt là SMIC, vào danh sách đen. Không chỉ có SMIC, nhà sản xuất thiết bị bay không người lái SZ DJI Technology, và hơn 60 công ty Trung Quốc khác cũng cùng chung số phận. Bộ Thương mại Hoa Kỳ giải thích quyết định này là nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.

Bộ Thương mại cho biết trong một tuyên bố: “Hành động này xuất phát từ những lo ngại liên quan đến học thuyết tổng hợp quân sự-dân sự của Trung Quốc và từ những bằng chứng chúng tôi có được về các hoạt động giữa SMIC và các thực thể đáng quan tâm trong khu liên hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc”.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã xác nhận động thái này trong một cuộc phỏng vấn vào sáng thứ Sáu với Fox Business. Theo các tin tức từ Hương Cảng cổ phiếu của SMIC, nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, đã giảm 5.2% vào trong giờ đầu tiên.

Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này giá cổ phiếu của 62 công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục rơi tự do bất kể Trung Quốc đã tung ra một số tiền lớn mua lại các cổ phiếu đang được hối hả bán ra.

Tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ cho biết thêm: Các thực thể bị ảnh hưởng khác của Trung Quốc bao gồm “những thực thể góp phần vào các vi phạm nhân quyền, những thực thể ủng hộ việc quân sự hóa và tuyên bố chủ quyền hàng hải trái pháp luật ở Biển Đông, những thực thể đã mua các vật phẩm có xuất xứ từ Hoa Kỳ để hỗ trợ các chương trình của Quân đội Giải phóng Nhân dân và các thực thể và cá nhân tham gia trong việc đánh cắp bí mật thương mại của Hoa Kỳ.”

Một quan chức thương mại cấp cao cho biết: “Có rất nhiều thông tin trên báo chí công khai đề cập đến cách thức DJI đã tham gia vào tình trạng giám sát và đàn áp tổng thể ở Trung Quốc”.

62 công ty mới bị cấm của Trung Quốc sẽ tham gia cùng với Huawei Technologies trong danh sách không được mua bán tại Hoa Kỳ và cũng không được tiếp cận với công nghệ của Hoa Kỳ từ các nhu liệu cho đến các mạch điện.

Các đại công ty Trung Quốc như Huawei và SMIC đã bị mắc kẹt trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tồi tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã xung đột về các vấn đề từ thương mại đến đại dịch.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc dính líu vào các âm mưu gian lận bầu cử tại Hoa Kỳ, được nhiều người mong đợi sẽ tung ra thêm các biện pháp trừng phạt Trung Quốc trong những ngày tới.

Trong một video phát biểu trước Hiệp hội Á Châu vào hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gọi việc Hoa Kỳ sử dụng rộng rãi các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Ông kêu gọi Hoa Kỳ ngừng “kéo dài quá mức khái niệm về an ninh quốc gia” và “việc đàn áp tùy tiện các công ty Trung Quốc”.

SMIC, có trụ sở tại Thượng Hải, nằm ở trung tâm của ý định của Bắc Kinh trong việc xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn đẳng cấp thế giới và giúp Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Về phần mình, Washington coi sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc và tham vọng thống trị các lĩnh vực công nghệ là một mối đe dọa địa chính trị với nguy cơ rất cao. Danh sách đen có nguy cơ làm tê liệt tham vọng dài hạn của SMIC bằng cách tước bỏ khả năng thâm nhập vào thị trường Mỹ cũng như mua các thiết bị quan trọng của Mỹ.

Theo một quan chức của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu các mặt hàng cho SMIC của các công ty Hoa Kỳ sẽ “bị từ chối”.

Các công ty xuất khẩu các bộ phận được sản xuất bên ngoài Hoa Kỳ cho SMIC sẽ phải đối mặt với những hạn chế nhất định tùy thuộc vào mức độ công nghệ của họ có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và Washington đang nói chuyện với “các chính phủ cùng chí hướng” về việc hình thành một đường lối thống nhất với nhà sản xuất chip Trung Quốc.


Source:Bloomberg

2. Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ ca ngợi chính quyền Trump bảo vệ quyền tự do lương tâm

Văn phòng Dân quyền của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, gọi tắt là HHS, đã thông báo rằng họ đang thực hiện hành động sửa sai đối với Trung tâm Y tế Đại học Vermont, gọi tắt là UVMMC và tiểu bang California vì vi phạm luật lương tâm của liên bang về phá thai. UVMMC đã vi phạm Tu chính án liên quan đến các Giáo Hội được ban hành vào năm 1973 khi buộc một y tá Công Giáo tham gia vào một phẫu thuật phá thai theo yêu cầu của một phụ nữ. Điều này chống lại niềm tin tôn giáo và niềm tin đạo đức của cô ấy. Tiểu bang California đã vi phạm Tu chính án Weldon qua các luật về mua bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe của tiểu bang này, trong đó bắt buộc các chương trình y tế của những ai sử dụng nhân công lao động phải chi trả cho các trường hợp phá thai tự chọn. Hầu hết những người sử dụng nhân công lao động, kể cả một số Giáo Hội, không thể mua các bảo hiểm đã loại trừ các tiết mục liên quan đến phá thai. Đức Hồng Y Timothy Dolan của tổng giáo phận New York, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, và Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của Thành phố Kansas, chủ tịch Ủy ban Các hoạt động vì Sự sống của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố toàn văn như sau:

“Chúng tôi đặc biệt khen ngợi Văn phòng Dân quyền của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, gọi tắt là OCR, vì đã thực hiện các bước cụ thể để thực thi các luật cơ bản và lâu đời về quyền dân sự. Các luật, đã được lưỡng đảng thông qua, này thừa nhận rằng việc buộc ai đó phải thực hiện, phải trả tiền hay phải tham gia phá thai trái với niềm tin của họ là một hành vi vi phạm đáng ghê tởm đối với quyền lương tâm. Đáng buồn là trong những năm gần đây việc vi phạm những luật này đã gia tăng, vì vậy chúng tôi vô cùng biết ơn OCR đã thực hiện những hành động mạnh mẽ và công bình này để thực thi luật. Quyền tự do lương tâm không thể biến mất khi có sự thay đổi guồng máy chính quyền, chúng tôi hy vọng rằng các hành động ngày nay nhằm thực thi các luật lương tâm quan trọng của liên bang này sẽ được duy trì cho đến khi những người vi phạm chịu tuân thủ”.

Cô y tá là người Công Giáo và làm việc tại UVMMC, đã nói rõ với bệnh viện rằng: Cô không muốn tham gia vào các thủ tục phá thai vì lý do lương tâm. Đến nay danh tính của cô vẫn chưa được tiết lộ vì lý do an ninh. Theo đơn khiếu nại được gửi vào tháng 5 năm 2018 và một cuộc điều tra sau đó, mong muốn của cô đã không được thực hiện. Sau khi được thông báo rằng cô ấy sẽ điều trị cho một bệnh nhân bị sẩy thai, cô ấy phát hiện ra rằng cô ấy bị bắt buộc tham gia vào một phẫu thuật phá thai theo yêu cầu. Theo một chính sách được đưa ra gần đây, UVMMC có thể trừng phạt những nhân viên từ chối tham gia phá thai khi bệnh viện thiếu nhân sự và sếp của y tá sẽ không cho phép cô ấy bước ra khỏi quy trình. Khi cô bước vào phòng thủ thuật, bác sĩ được báo cáo là đã nói với cô rằng: “Đừng ghét tôi.” [1]

Sau các cuộc điều tra của cảnh sát, và các vụ xét xử ngay tại California, UVMMC cho biết hai tòa án quận cấp liên bang đã ra phán quyết chống lại họ và tiểu bang California. Tuy nhiên, tiểu bang California đang kháng cáo và trong trường hợp như thế hai tòa án này sẽ không theo đuổi các hành động pháp lý bổ sung trong khi các kháng nghị này đang diễn ra.

Tuần này, bệnh viện nói rằng họ đã được tống đạt giấy tờ và họ vẫn cảm thấy mạnh mẽ rằng họ không phân biệt đối xử với y tá.

Trong một diễn biến mới nhất, bác sĩ Stephen Leffler, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế UVMMC đã phản đối tuyên bố của văn phòng Dân quyền của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ. Bất chấp việc vi phạm đáng ghê tởm đối với quyền lương tâm của người nữ y tá Công Giáo, ông ta nói:

“Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi rất nhạy cảm với niềm tin tôn giáo và đạo đức của nhân viên và chúng tôi tin rằng chúng tôi rất tự tin rằng chúng tôi có chính sách bảo vệ quyền lợi của nhân viên đồng thời chắc chắn cung cấp tất cả các thủ tục hợp pháp và an toàn cho bệnh nhân.”

Bộ Trưởng Tư Pháp California Xavier Becerra, người vừa được Biden chọn làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ gọi đây là nỗ lực cuối cùng của chính quyền Trump nhằm “xâm phạm quyền của phụ nữ”.

Stephen Leffler cho biết bước tiếp theo là việc OCR sẽ đưa họ ra tòa. Nhưng với thời gian ngắn ngủi còn tại chức, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ rất khó để thúc đẩy vụ án này cũng như bất kỳ vụ án nào.

Trên tờ First Things, luật sư Kenneth Craycraft, và đồng thời là Giáo sư Thần học Luân lý tại Chủng viện và Trường Thần học Mount St. Mary của Los Angeles cho rằng chính quyền do Biden lãnh đạo sẽ là chính quyền Mỹ giết hại các thai nhi hung hăng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Không chỉ bảo vệ cho cái gọi là “quyền phá thai”, Joe Biden còn cố bắt mọi người “phải đồng tâm nhất trí ủng hộ phá thai, không có bất cứ thỏa hiệp nào, không thảo luận gì cả, không có ngoại lệ gì cả”. [2]

Trong bối cảnh như thế, hầu chắc rằng ngày Biden lên ngôi cũng là ngày bọn Stephen Leffler sẽ ký giấy cho người nữ y tá Công Giáo này nghỉ việc. Xin cầu nguyện cho chị ấy và cám ơn chị về chứng tá đức tin anh hùng. Một số nguồn tin cho biết cô sẽ được nhận vào làm việc tại bất cứ bệnh viện Công Giáo nào thuộc tổng giáo phận Los Angeles.

[1] The Trump Administration Sides With Nurses Who Object to Abortion
[2] Why Biden Picked Xavier Becerra

Source:USCCB
 
Cuộc sống đông vui tưng bừng tại Vũ Hán ngày nay: Phải chăng TQ vừa có thuốc độc, vừa có thuốc giải?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:53 22/12/2020


1. Cảnh tượng tại Vũ Hán ngày nay đặt ra những câu hỏi rất lớn cho nhiều người

Những cảnh tượng vui hết biết và đông hết biết mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây không phải xảy ra tại Hoa Kỳ, Âu Châu hay bất cứ nơi nào khác trong thế giới phương Tây. Nó diễn ra tại Vũ Hán, Trung Quốc. Thông tấn xã Reuters /roi-tơ-s/ cho biết như trên.

Ở đây đám đông thanh niên đang vui đùa, đông chật cứng trong các hộp đêm và các quán bar mà không cần phải đeo các khẩu trang y tế. Họ cũng được tự do thưởng thức các món ăn trên đường phố. Tất cả những cảnh tượng này hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra hồi cuối tháng Giêng cho đến tháng Năm vừa qua.

Thành phố miền trung của Trung Quốc này đã là tâm chấn ban đầu của COVID-19, nhưng bảy tháng sau khi thoát ra khỏi một trong những nơi có chốt chặn nghiêm ngặt nhất thế giới. Cuộc sống về đêm của nó đã trở lại sôi động.

Sự hồi sinh lạ lùng của Vũ Hán hoàn toàn khác biệt với một thế giới đang vất vả đối phó với đại dịch coronavirus đợt một và nay là đợt hai. Ở Âu Châu những người lạc quan lắm mới dám tin rằng đến cuối năm 2021, sau khi vắc xin COVID-19 được triển khai toàn cầu, may ra cuộc sống mới bình thường trở lại. Nhưng oái oăm thay, điều đó đã là một thực tại ở Vũ Hán, tâm chấn ban đầu của dịch bệnh kinh hoàng này.

Nhất Nhất (Yi Yi - 一一) là một cư dân Vũ Hán nói:

“Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, Vũ Hán thực sự là một thành phố chết. Nhưng sau khi nó mở cửa trở lại, tôi chưa bao giờ thấy nhiều người như vậy. Bây giờ mọi người đều ra ngoài để ăn uống và vui chơi.”

Vào đầu năm nay, thành phố công nghiệp 11 triệu dân bị cô lập với phần còn lại của đất nước, giao thông đường bộ hoàn toàn bị cắt đứt.

Theo con số do bọn cầm quyền Bắc Kinh báo cáo, gần 3,900 trong số 4,634 trường hợp tử vong vì COVID-19 được ghi nhận là ở Vũ Hán.

Thành phố đã không báo cáo một trường hợp mới lây truyền tại địa phương kể từ đầu tháng Năm, nhưng nền kinh tế của nó vẫn đang phục hồi sau những thiệt hại lớn trong thời gian đóng cửa, đặc biệt là các khách sạn và nhà hàng.

Hiện tại, những người thích tiệc tùng như Trương Quỳnh (Zhang Qiong, 张琼) rất vui khi khám phá lại các điểm nóng về đêm của Vũ Hán:

“Sau khi trải qua đợt đại dịch đầu tiên ở Vũ Hán và sau đó được giải phóng, tôi cảm thấy như mình đang sống một cuộc sống thứ hai. Tôi chỉ thực sự muốn trân trọng khoảng thời gian này, bởi vì trong cuộc sống bạn không bao giờ biết khi nào nó sẽ kết thúc.”

Cố nhiên, chúng ta không mong cho người dân Vũ Hán cứ tiếp tục phải gánh chịu những đau khổ cùng với thế giới. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra tại Vũ Hán khiến cho nhiều người lo ngại rằng bọn cầm quyền Trung Quốc vừa có thuốc độc, vừa có thuốc giải.


Source:Reuters

2. Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng: Đức Thánh Cha đã được cố vấn sai lầm về Trung Quốc

Ông Chris Patten là Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng và là người đứng đầu ủy ban cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cải tổ và hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc của Tòa thánh. Trong cuộc hội thảo do tờ The Tablet tổ chức hôm 18 tháng 12, ông bày tỏ âu lo rằng những người cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong chính sách đối với Trung Quốc đã sai lầm một cách nghiêm trọng.

Sarah MacDonald của Catholic News Service, cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, có bài tường thuật nhan đề: “Last Hong Kong governor: Pope ‘badly advised’ on China bishops’ pact” nghĩa là “Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng cho rằng Đức Giáo Hoàng đã được ‘cố vấn sai lầm’ về hiệp ước giám mục với Trung Quốc”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng đã chỉ trích thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục và nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã được “cố vấn sai lầm nghiêm trọng” khi ký kết hiệp ước.

Tuần báo Công Giáo quốc tế, The Tablet, đã tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến với chủ đề “Trung Quốc và các nền dân chủ tự do - Chúng ta có phải đối mặt với một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không?”. Trong cuộc thảo luận này, ông Chris Patten đã kêu gọi Vatican “cho chúng tôi biết những gì có trong thỏa thuận”.

Các chi tiết của thỏa thuận song phương đến nay vẫn còn bí mật. Thỏa thuận này đã được gia hạn vào tháng 10 bất chấp sự chỉ trích của Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền.

“Theo tôi, ý tưởng rằng đây là thời điểm tốt để thực hiện các thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc thật đáng kinh ngạc,” Patten nói và nhấn mạnh rằng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thế giới đã phải chứng kiến quyền con người và tự do tôn giáo ở Trung Quốc bị tấn công ở mức kinh hoàng.

Ông Patten, người từng là thống đốc Hương Cảng từ năm 1992 đến năm 1997 và giám sát việc bàn giao thuộc địa của Anh này cho Trung Quốc theo nguyên tắc một quốc gia, hai hệ thống, nói rằng thỏa thuận của Vatican sẽ không vượt qua được “trắc nghiệm Dietrich Bonhoeffer”.

Ông Patten nhấn mạnh rằng Bonhoeffer, một mục sư và nhà thần học người Lutheran, đã nói rằng “im lặng khi đối mặt với cái ác tự nó là cái ác. Ông ấy khẳng định rằng không nói là nói, không hành động là hành động, khi người ta đang thực hiện những điều khủng khiếp”.

“Tôi nghĩ đây là một ví dụ về những lời cố vấn quá sức tồi tệ, là những gì sẽ quay trở lại và làm tổn thương Giáo Hội chúng ta”.

Ông Chris Patten nguyên là một chính trị gia của Đảng Bảo thủ, là người đứng đầu ủy ban cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cải tổ và hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc của Tòa thánh, cho biết thỏa thuận này nên được xem xét để xem hoàn cảnh của người Công Giáo có được cải thiện hay không kể từ khi được ký kết hơn hai năm trước. Trước các tin tức về làn sóng bách hại ngày càng tăng tại Hoa Lục và cả tại Hương Cảng ông tin rằng “chính xác điều ngược lại đã xảy ra.”

“Tôi là một người rất ngưỡng mộ, hết sức quý mến Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng tôi nghĩ chính sách này, đã được người ta cố vấn cho ngài, là hoàn toàn sai lầm.”

Cho đến nay, người ta chỉ có thể hiểu lờ mờ rằng thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc nêu ra các thủ tục để bảo đảm rằng các giám mục Công Giáo được cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc, mà trên thực tế là Đảng Cộng sản Trung Quốc, bầu chọn và được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn trước khi tấn phong và bổ nhiệm.

Các quan chức Vatican nói rằng việc từ bỏ toàn quyền đối với việc lựa chọn giám mục sẽ không phải là điều mà Vatican hy vọng, nhưng thỏa thuận này là bước đầu tiên khá tốt để bảo đảm tự do và an ninh hơn cho cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc.

Ông Patten cáo buộc Trung Quốc đã hành xử một “cách tàn bạo và bắt nạt” như đã được minh chứng qua việc họ giết lính Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, đánh chìm tàu đánh cá của các nước khác ở Biển Đông, đe dọa Đài Loan và tranh cãi với Úc Đại Lợi và Canada và sử dụng một thứ ngoại giao cưỡng chế.

Ông cảnh báo: “Họ đã đưa ra luật an ninh quốc gia ở Hương Cảng, có hiệu lực đặt Đảng Cộng sản Bắc Kinh vào vị thế nắm quyền ở Hương Cảng và phá hủy mức độ tự chủ của nó”.

Patten nói rằng ông không chấp nhận rằng những hành động này là kết quả của Chiến tranh Lạnh nhưng ông tin rằng đang “có một cuộc tấn công của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào các giá trị tự do của các xã hội Anh, Mỹ”.

Ông nhấn mạnh rằng: “Những gì chúng ta phải làm khi người Trung Quốc cư xử tồi tệ là tất cả chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để chống lại họ và phải cùng nhau làm điều đó”.

Ông cũng chỉ trích sự im lặng của Vatican đối với sự đàn áp của Trung Quốc đối với Phật tử ở Tây Tạng và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và so sánh cách đối xử này với những gì đã xảy ra khi người Do Thái ở Âu châu bị tấn công trong những năm 1930 và 40.

Cựu chính trị gia Patten cũng chỉ trích mạnh mẽ cách đối xử của Vatican đối với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một nhà phê bình thẳng thắn đối với Trung Quốc. Ông lưu ý rằng trong khi các nhà lãnh đạo Công Giáo vẫn sẵn sáng bắt tay với ngoại trưởng Trung Quốc, thì khi Đức Hồng Y Quân đến Rome, ngài đã không được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến.

“Điều đó thật đáng hổ thẹn,” ông nói.


Source:Catholic News Service