Ngày 22-12-2019
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đáng buồn: Sẽ không có lễ Đêm Giáng Sinh tại nơi dân chúng vẫn nói tiếng Aramaic mà Chúa Giêsu nói
Đặng Tự Do
00:33 22/12/2019
Trên toàn lãnh thổ Iraq không có lễ Vọng Giáng Sinh vào lúc Nửa Đêm

Theo các khuyến cáo của các cơ quan an ninh, Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê đã yêu cầu các nhà thờ không cử hành lễ Vọng Giáng Sinh vào lúc Nửa Đêm.

Diễn biến này cho thấy tình an ninh tại Iraq đang xấu đi một cách quá nhanh chóng. Ngày 20 tháng Bẩy năm 2017, bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị quét sạch khỏi Mosul và các lãnh thổ bị chúng chiếm đóng đã được giành lại.

Người Công Giáo Iraq đã cử hành lễ Giáng Sinh trong hai năm 2017 và 2018 rất long trọng.

Tuy nhiên, các nguồn tin của các cơ quan an ninh Iraq lo ngại sẽ có các cuộc tấn công trả thù cho tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi.

Hôm 30 tháng 10, Hoa Kỳ đã công bố các bức không ảnh và video về cuộc tấn công vào một công sự phòng thủ của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, và trước đó tổng thống Donald Trump đã chính thức loan báo về cái chết của kẻ đã gây ra bao đau thương tang tóc nặng nề đến mức đe dọa sự tồn tại của các tín hữu Kitô tại Iraq và Syria.

Tổng thống Trump nói:

Đêm qua, Hoa Kỳ đã đưa tên lãnh đạo khủng bố số một thế giới ra trước công lý. Abu Bakr al-Baghdadi đã chết. Hắn là tên sáng lập và lãnh đạo ISIS, tổ chức khủng bố tàn nhẫn và bạo lực nhất trên thế giới này.

Sau cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi, Iraq lại rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Đức Hồng Y Louis Sako, Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm 6 tháng 12 rằng:

“Sẽ không có cây Giáng sinh được trang trí trong các nhà thờ hoặc trên đường phố, không có tiệc mừng hay tiếp tân tại Tòa Thượng Phụ.” Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc như trên.

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Chanđê của Iraq tuyên bố rằng cộng đồng sẽ không tổ chức lễ Giáng Sinh một cách tưng bừng như năm ngoái, sau khi quân khủng bố Hồi Giáo ISIS bị đánh bại tại thành phố Mosul. Quyết định này đã được đưa ra để thể hiện sự tôn trọng đối với những người thiệt mạng và bị thương trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây. Hàng trăm người đã bị giết trên khắp đất nước, và những cuộc đàn áp vẫn tiếp tục xảy ra ngay cả sau khi Thủ tướng Adel Abdel Mahdi đã từ chức.

Đặc biệt, các buổi tiếp tân truyền thống khi các chính trị gia và đại diện các tôn giáo bạn đến chúc mừng Giáng Sinh Đức Hồng Y tại trụ sở của Tòa Thượng Phụ đã bị hủy bỏ. Thay vào đó sẽ có các buổi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an và cầu cho linh hồn các nạn nhân.

Đức Thượng Phụ cũng mời gọi chuyển các nguồn tài chính thu được cho việc tổ chức lễ Giáng Sinh thành các khoản đóng góp cho các trại trẻ mồ côi và bệnh viện.

Trong những ngày gần đây, trong một văn bản cũng được phát hành bởi Tòa Thượng Phụ nghi lễ Chanđê, Đức Thượng Phụ Sako cũng đã cố gắng đưa ra một “diễn giải thần học” về các cuộc biểu tình làm rung chuyển một số quốc gia Trung Đông, trong ánh sáng của các tài liệu lịch sử về thần học giải phóng ở Mỹ Châu Latinh.

Văn bản có chữ ký của Đức Hồng Y Raphael Louis Sako có đoạn viết: “Thần học giải phóng phát sinh từ nỗi đau và nỗi thống khổ của các nước Mỹ Latinh, do tham nhũng chính trị, và sự băng hoại về mặt hành chính và tài chính ở hầu hết các quốc gia đó”.

“Cũng thế, lý do của những cuộc biểu tình đã và đang diễn ra trong gần hai tháng qua ở Iraq và Li Băng, trong đó, đậm nét nhất là hình ảnh của những người trẻ cả nam lẫn nữ, và lòng yêu mến quê hương, chính là mong muốn được nhìn thấy quyền con người hợp pháp được bảo đảm và chấm dứt sự thao túng của chủ nghĩa bè phái, của thái độ loại trừ trong xã hội và tình trạng tham nhũng đã thống trị đất nước này kể từ năm 2003.” Năm 2003 là năm mà chế độ Saddam Hussein bị lật đổ bởi một liên minh quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo.


Source:Whig Standard
 
Nguyên văn Bài Diễn văn của Đức Phanxicô với Giáo triều nhân Lễ Giáng Sinh 2019
Vũ Văn An
04:33 22/12/2019
Theo hãng tin Zenit, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có hai sứ điệp rõ ràng cho Giáo Triều Rôma vào ngày 21 tháng 12, 2019, khi ngài tiếp các vị Hồng Y và Bề trên tại Đại Sảnh Clementine ở Tông Điện để ngỏ lời chúc mừng Lễ Giáng Sinh.

Sứ điệp thứ nhất là lời chúc Lễ Giáng Sinh hân hoan và biết ơn. Sứ điệp thứ hai là sự cần thiết phải thay đổi sự việc trong Giáo Hội, nhất là tại Vatican.

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng:

“Và Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14)

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi tất cả anh chị em lời chào đón chân tình. Tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi tới Đức Hồng Y Angelo Sodano vì những lời nói nhân từ của ngài và một cách đặc biệt tôi cũng cảm ơn ngài, nhân danh các thành viên của Hồng Y đoàn, vì sự phục vụ rất giá trị mà ngài đã cống hiến từ lâu, trong tư cách Niên trưởng, bằng tinh thần giúp đỡ , cống hiến và hiệu năng, và với kỹ năng tuyệt vời trong tổ chức và phối hợp. Theo cách “La rassa nostrana” (1), như nhà văn người Piemonte Nino Costa hay nói. Bây giờ các Hồng Y Giám mục phải bầu một tân niên trưởng. Tôi hy vọng các ngài sẽ bầu một người có thể thi hành trách nhiệm quan trọng này toàn thời gian. Cảm ơn anh chị em.

Với mỗi anh chị ở đây, với các đồng nghiệp của anh chị em và tất cả những người phục vụ ở Giáo Triều, và cả các Đại diện Giáo hoàng và nhân viên của họ, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho một Lễ Giáng sinh thánh thiện và vui vẻ. Và tôi xin nói thêm sự đánh giá cao của tôi đối với sự tận tụy mà anh chị em mang lại hàng ngày để phục vụ Giáo hội. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Một lần nữa trong năm nay, Chúa cho chúng ta cơ hội tụ tập nhau vào thời khắc hiệp thông này, một thời khắc củng cố tình huynh đệ của chúng ta và được đặt cơ sở trong việc suy ngẫm tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ vào dịp Lễ Giáng sinh. Một nhà huyền nhiệm đương thời đã viết rằng, “sự ra đời của Chúa Kitô là chứng tá vĩ đại nhất và hùng hồn nhất về việc Thiên Chúa yêu thương con người đến mức nào. Người yêu họ bằng một tình yêu bản vị. Đó là lý do tại sao Người tiếp nhận một cơ thể con người, hợp nhất nó với chính Người và biến nó thành của riêng Người mãi mãi. Sự ra đời của Chúa Kitô tự nó là ‘một giao ước tình yêu’, được niêm ấn cho mọi thời đại giữa Thiên Chúa và con người” [1]. Như Thánh Clêmentê thành Alexandria đã viết, “Chúa Kitô đã xuống thế và mặc lấy nhân tính của chúng ta, sẵn lòng chia sẻ các đau khổ nhân bản chúng ta, vì lý do này: để, sau khi đã trải nghiệm sự mỏng dòn của những kẻ Người yêu thương, Người có thể khiến chúng ta trải nghiệm được sức mạnh vĩ đại của Người” [2].

Trong ánh sáng của lòng nhân từ và tình yêu vô biên này, việc chúng ta trao đổi các lời chúc mừng Lễ Giáng sinh lại là một cơ hội nữa để đáp ứng điều răn mới của Chúa Kitô: “Các con cũng phải yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con. Qua việc này, mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con có tình yêu dành cho nhau” (Ga 13: 34-35). Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta yêu mến Người để đáp lại tình yêu của Người dành cho chúng ta; đúng hơn, Người yêu cầu chúng ta yêu nhau như Người đã yêu chúng ta. Nói cách khác, Người yêu cầu chúng ta trở nên giống Người, vì Người đã trở nên giống chúng ta. Như Thánh John Henry Newman đã cầu nguyện: “Uớc mong mỗi Lễ Giáng sinh, khi nó đến, đều thấy chúng ta ngày càng giống như Người, Đấng vào lúc này trở nên một trẻ nhỏ vì chúng ta, đơn sơ hơn, khiêm tốn hơn, thánh thiện hơn, âu yếm hơn, cam chịu hơn, hạnh phúc hơn, tràn đầy Thiên Chúa hơn” [3]. Và ngài nói tiếp: “[Lễ Giáng sinh] là thời khắc cho sự ngây thơ, và trong trắng, dịu dàng, và hiền từ và hài lòng, cùng bình an” [4].

Việc đề cập đến Thánh Newman này gợi nhớ các từ ngữ nổi tiếng trong Tiểu luận của ngài về Sự Phát triển của Học thuyết Kitô giáo, một cuốn sách trùng hợp về thứ tự thời gian và tâm linh với việc ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo: “ở đây ở dưới thế này, sống là thay đổi, và muốn trở nên hoàn hảo sẽ phải thay đổi thường xuyên” [5]. Đương nhiên, ngài không nói đến việc thay đổi để thay đổi, hay theo mọi mốt mới, mà đúng hơn, là vì xác tín rằng sự phát triển và tăng trưởng là một phần bình thường của cuộc sống con người, cho dù là các tín hữu, chúng ta vốn biết rằng Thiên Chúa mãi là trung tâm không thay đổi của mọi sự [6].

Đối với Newman, nói cách khác, thay đổi là sự biến đổi bên trong [7]. Đời sống Kitô hữu là một hành trình, một cuộc hành hương. Lịch sử Kinh Thánh là một hành trình, được đánh dấu bằng những khởi đầu không ngừng mới mẻ. Nó đã như thế với Áp-ra-ham. Nó cũng đã như thế với những người Galilê mà hai ngàn năm trước đã bắt đầu bước chân theo Chúa Giêsu: “Khi họ đã đưa thuyền vào bờ, họ đã bỏ lại tất cả và đi theo Người” (Lc 5: 11). Từ thời gian đó trở đi, lịch sử của Dân Thiên Chúa - lịch sử của Giáo hội - luôn được đánh dấu bằng những khởi đầu, những rời chỗ và thay đổi mới mẻ. Hành trình này, tất nhiên, không chỉ có tính địa dư, mà trước hết có tính biểu tượng: nó là một kêu gọi khám phá ra chuyển động của trái tim, một điều, nghịch lý thay, là lên đường để ở lại, là thay đổi để trung thành [ số 8].
Tất cả những điều trên có tầm quan trọng đặc biệt đối với thời đại chúng ta, vì điều chúng ta đang trải nghiệm không chỉ đơn giản là một kỷ nguyên của các thay đổi, mà là một sự thay đổi mang tính thời đại. Chúng ta thấy mình đang sống ở một thời điểm khi sự thay đổi không còn có tính tuyến tính nữa mà có tính thời đại. Nó bao hàm các quyết định có thể thay đổi nhanh chóng cách sống của chúng ta, cách chúng ta liên quan đến nhau, cách truyền thông và suy nghĩ, cách các thế hệ khác nhau liên quan đến nhau và cách chúng ta hiểu và trải nghiệm đức tin và khoa học. Thông thường chúng ta tiếp cận sự thay đổi như thể chỉ là vấn đề mặc quần áo mới, nhưng bản thân thì vẫn y như trước đây. Tôi nghĩ đến biểu thức khó hiểu tìm thấy trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Ý: “Nếu chúng ta muốn mọi thứ y như nguyên, thì mọi thứ phải thay đổi” (The Leopard của Giuseppe Tomasi di Lampedusa).

Cách tiếp cận lành mạnh hơn là để cho bản thân được thách thức bởi những vấn đề của thời đại và tiếp cận chúng bằng các nhân đức biện phân, dũng cảm (parrhesía), và kiên định (hypomoné). Nhìn dưới ánh sáng này, thay đổi mang một khía cạnh rất khác: từ một điều ở bên lề, ngẫu nhiên hoặc chỉ đơn thuần ở bên ngoài, nó trở thành một điều nhân bản và Kitô giáo nhiều hơn. Thay đổi vẫn diễn ra, nhưng bắt đầu với con người như trung tâm của nó: một chuyển đổi có tính nhân học [9].

Chúng ta cần khởi xướng các diễn trình chứ không chỉ lo chiếm giữ không gian: “Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong mặc khải lịch sử, bên trong lịch sử. Thời gian khởi xướng các diễn trình trong khi không gian biến chúng thành phalê. Thiên Chúa luôn ở trong lịch sử, ở trong các diễn trình. Chúng ta không nên tập chú vào việc chiếm hữu các không gian nơi người ta thi hành quyền lực, mà đúng hơn bắt đầu các diễn trình lịch sử lâu dài. Chúng ta phải khởi xướng các diễn trình chứ không phải chiếm hữu không gian. Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thời gian và hiện diện trong các diễn trình của lịch sử. Điều này dành ưu tiên cho các hành động tạo ra động lực lịch sử mới. Và nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, chờ đợi” [10]. Theo nghĩa này, chúng ta được thúc giục đọc các dấu chỉ thời đại bằng con mắt đức tin, để hướng thay đổi này nên “nêu ra những câu hỏi mới và cũ mà chúng ta nên đương đầu với” [11].

Khi thảo luận sự thay đổi chủ yếu dựa trên lòng trung thành với kho tàng Đức tin và Thánh truyền, hôm nay tôi muốn một lần nữa nói đến việc thi hành cuộc cải cách Giáo triều Rôma và tái khẳng định rằng cuộc cải cách này chưa bao giờ được giả thiết phải hành động như thể không có gì đã đi trước nó. Trái lại, một cố gắng đã được thực hiện để tăng cường các yếu tố tốt đẹp bắt nguồn từ lịch sử phức tạp của Giáo triều. Cần phải tôn trọng lịch sử để xây dựng một tương lai có nguồn gốc vững chắc và do đó có thể chứng minh là có kết quả. Nại tới ký ức không y hệt như níu bám vào việc tự bảo quản, nhưng thay vào đó, gợi lên sự sống và sinh khí của một diễn trình đang diễn ra. Ký ức không tĩnh tụ, mà đầy động năng. Bởi chính bản chất của nó, nó ngụ hàm chuyển động. Cả truyền thống cũng không tĩnh tụ; nó cũng rất năng động, như vĩ nhân [Gustav Mahler] quen nói: truyền thống là sự bảo đảm cho tương lai và không phải là hũ chứa tro cốt.

Anh chị em thân mến,

Trong các cuộc họp mặt nhân Lễ Giáng sinh trước đây của chúng ta, tôi đã nói về các tiêu chuẩn vốn gây cảm hứng cho công cuộc cải cách này. Tôi cũng đã giải thích một số thay đổi đã được thực thi, bất kể là dứt khoát hay để thử nghiệm [12]. Năm 2017, tôi đã nhấn mạnh một số yếu tố mới trong việc tổ chức Giáo triều. Tôi đã đưa ra các thí dụ: Bộ phận thứ ba của Phủ Quốc Vụ Khanh, một bộ phận đang hoạt động rất tốt; mối liên hệ giữa Giáo triều Rôma và các Giáo hội đặc thù, với việc cũng nhắc đến thực hành cổ xưa tức các chuyến viếng thăm ad limina Apostolorum (mộ các Tông đồ); và cơ cấu của một số Thánh bộ, đặc biệt là Thánh bộ các Giáo hội phương Đông và các Thánh bộ đối thoại đại kết và liên tôn, đặc biệt là với Do Thái giáo.

Trong cuộc họp mặt hôm nay, tôi muốn suy ngẫm về một số thánh bộ khác, bắt đầu từ trung tâm của cuộc cải cách, đó là, với nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Giáo hội, đó là truyền giảng Tin mừng. Như Thánh Phaolô VI đã tuyên bố: “Truyền giảng Tin mừng trên thực tế là ân sủng và ơn gọi riêng của Giáo hội, là bản sắc sâu sắc nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để truyền giảng Tin Mừng” [13]. Ngày nay cũng vậy, Evangelii Nuntiandi tiếp tục là tài liệu mục vụ quan trọng nhất của thời kỳ hậu công đồng. Thật vậy, mục đích của cuộc cải cách hiện nay là “các phong tục của Giáo hội, cách thức thi hành sự việc, thời gian và lịch trình, ngôn ngữ và cơ cấu có thể được tổng hợp thích đáng cho việc truyền giảng Tin mừng cho thế giới ngày nay thay vì cho việc tự bảo tồn. Việc đổi mới các cơ cấu được việc hoán cải mục vụ yêu cầu chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng này: như là một phần của nỗ lực làm chúng hướng về việc truyền giáo nhiều hơn” (Evangelii Gaudium, 27). Do đó, lấy cảm hứng từ huấn quyền của các vị kế nhiệm Thánh Phêrô từ thời Công đồng Vatican II cho đến nay, đã phát sinh quyết định dành tiêu đề Praedicate Evangelium (Hãy Rao giảng Tin mừng) cho Tông Hiến mới đang được soạn thảo về cuộc cải cách Giáo triều Rôma. Một quan điểm truyền giáo.

Vì lý do đó, hôm nay tôi muốn thảo luận về một số thánh bộ của Giáo triều Rôma có tên rõ ràng đề cập đến việc này: Thánh bộ Giáo lý Đức tin và Thánh bộ truyền giảng Tin mừng cho các Dân tộc. Tôi cũng nghĩ đến Thánh bộ Truyền thông và Thánh bộ Cổ vũ Phát triển Con người Toàn diện.

Hai Thánh bộ đầu được đề cập đến đã được thành lập trong một thời đại dễ phân biệt giữa hai thực tại đã được xác định khá rõ ràng: một thế giới Kitô giáo và một thế giới cần được truyền giảng Tin mừng. Tình thế đó, đến ngày nay, không còn hiện hữu nữa. Những người chưa nhận được sứ điệp Tin Mừng không chỉ sống ở các lục địa ngoài phương Tây; họ sống ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở các đô thị rộng lớn đòi hỏi một chương trình nối vòng tay lớn mục vụ chuyên biệt. Ở các thành phố lớn, chúng ta cần “các bản đồ” khác, các mô hình khác, có thể giúp chúng ta tái định vị cách suy nghĩ và thái độ của chúng ta. Anh chị em thân mến, Thế giới Kitô giáo không còn hiện hữu nữa!
Ngày nay chúng ta không còn là những người duy nhất tạo ra văn hóa, chúng ta cũng không ở tuyến đầu hoặc là những người được lắng nghe nhiều nhất nữa [14]. Chúng ta cần một sự thay đổi trong khung suy nghĩ mục vụ của chúng ta, một điều không có nghĩa là tiến tới một việc chăm sóc mục vụ duy tương đối. Chúng ta không còn sống trong một Thế giới Kitô giáo, vì đức tin – nhất là ở châu Âu, mà cả ở một phần lớn của phương Tây - không còn là một tiền giả định hiển nhiên của đời sống xã hội; thật vậy, đức tin thường bị bác bỏ, cười nhạo, bị gạt ra ngoài lề và nhạo báng.

Điểm trên được Đức Bênêđíctô XVI làm rõ khi ngài công bố Năm Đức tin 2012: “Trong khi trước đây, ta có thể nhận ra một môi trường văn hóa đơn nhất, được chấp nhận rộng rãi trong việc nó nại tới nội dung đức tin và các giá trị được đức tin này linh hứng, thì ngày nay điều này dường như không còn là trường hợp nữa trong các khu vực rộng lớn của xã hội, vì cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa đã ảnh hưởng đến nhiều người” [15]. Điều này cũng dẫn đến việc năm 2010, thành lập ra Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ việc Truyền giảng Tin mừng mới nhằm mục đích cổ vũ “ việc truyền giảng Tin mừng đổi mới ở các quốc gia nơi việc công bố đức tin đầu tiên vốn đã tái vang dội và nơi các Giáo hội có nền tảng cổ xưa còn hiện hữu nhưng đang trải nghiệm diễn trình thế tục hóa xã hội tiệm tiến và một loại 'nhật thực về ý nghĩa Thiên Chúa', một cuộc nhật thực đang đặt ra một thách thức phải tìm cho được các phương tiện thích hợp để đề xuất một lần nữa sự thật muôn thuở của Tin mừng Chúa Kitô” [16]. Có lần tôi đã nói về điều này với một số anh chị em... tôi nghĩ đến năm quốc gia đã từng gửi đi khắp thế giới nhiều nhà truyền giáo - tôi đã nói với anh chị em họ là ai - nhưng ngày nay đang thiếu nguồn lực ơn gọi để tiến bước. Đó là thế giới ngày hôm nay.

Việc hiểu ra rằng sự thay đổi có tính thời đại nêu ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng về bản sắc đức tin của chúng ta đã không đột ngột xuất hiện ở hiện trường [17]. Nó đã làm nảy sinh thuật ngữ “Truyền giảng Tin mừng mới” (tân phúc âm hóa), sau đó, được Thánh Gioan Phaolô II tiếp nối, người từng viết trong Thông điệp Redemptoris Missio: “Hôm nay, Giáo hội phải đối đầu với những thách thức khác và tiến tới các biên giới mới, cả trong việc truyền giáo ad gentes có tính khởi đầu lẫn trong việc truyền giảng Tin mừng mới cho các dân tộc từng đã nghe công bố về Chúa Kitô” (số 30). Điều cần là truyền giảng Tin mừng mới hoặc tái truyền giảng Tin mừng (xem số 33).

Tất cả các điều trên nhất thiết bao hàm các thay đổi và hoán đổi tập chú, cả trong các Thánh bộ đã đề cập ở trên và trong toàn bộ Giáo triều [18].

Tôi cũng sẽ thêm một đôi lời về Thánh bộ mới được thành lập gần đây là Thánh bộ Truyền thông. Cả ở đây, chúng ta đang nói tới việc thay đổi có tính thời đại, theo nghĩa “nhiều nhóm rộng lớn trong nhân loại đang chìm đắm trong [thế giới kỹ thuật số] một cách bình thường và liên tục. Nay không còn đơn thuần là vấn đề 'sử dụng' các công cụ truyền thông, mà là sống trong một nền văn hóa bị kỹ thuật số hóa cao độ, vốn gây tác động sâu xa đến các ý niệm thời gian và không gian, đến việc tự hiểu chính chúng ta, đến việc chúng ta hiểu biết người khác và thế giới, và đến khả năng của chúng ta trong việc truyền thông, học hỏi, được thông tri và bước vào mối liên hệ với người khác. Một cách tiếp cận với thực tại ưa thích hình ảnh hơn là lắng nghe và đọc đã ảnh hưởng đến cách người ta học hỏi và việc phát triển của ý thức phê phán của họ” (Christus Vivit, 86).

Thánh bộ Truyền thông đã được giao trách nhiệm kết hợp trong một định chế mới, chín cơ quan trước đây đã xử lý việc truyền thông, theo nhiều cách khác nhau và với các nhiệm vụ khác nhau. Đó là Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Nhà in Vatican, Nhà xuất bản Vatican, Tờ L’Osservatore Romano, Đài phát thanh Vatican, Trung tâm Truyền hình Vatican, Dịch vụ Internet Vatican và Dịch vụ Chụp hình. Việc củng cố này, như tôi đã nói, không chỉ đơn giản là để phối hợp tốt hơn, mà còn để tái cấu hình các thành phần khác nhau nhằm cung cấp một sản phẩm tốt hơn và duy trì một đường hướng biên tập nhất quán.

Văn hóa truyền thông mới, trong sự đa dạng và phức tạp của nó, kêu gọi sự hiện diện thích đáng của Tòa Thánh trong lĩnh vực truyền thông. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều phương tiện truyền thông và điều này ảnh hưởng đến cách chúng ta quan niệm, thiết kế và cung cấp các dịch vụ truyền thông. Tất cả những điều này đòi hỏi không chỉ là sự thay đổi văn hóa mà cả việc hoán cải định chế và bản thân nữa, để chuyển từ việc hoạt động trong các đơn vị tự lập – những đơn vị cùng lắm chỉ có một mức độ phối hợp nhất định nào đó - để làm việc trong sự hiệp lực, một cách liên kết quan lại từ trong nội tại.

Anh chị em thân mến,

Phần lớn những gì tôi vừa nói cũng có thể áp dụng vào Thánh bộ Cổ vũ Việc Phát triển Con người Toàn diện. Nó cũng được thành lập gần đây để đáp ứng các thay đổi diễn ra ở bình diện hoàn cầu, và hợp nhất bốn Hội đồng Giáo hoàng trước đây: Công lý và Hòa bình, Cor Unum, và Chăm sóc Mục vụ cho các Di dân, và Các Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe. Sự thống nhất tổng thể các nhiệm vụ được giao cho Thánh bộ này được tóm tắt trong những chữ đầu tiên của Tự sắc Humanam Progressionem, tự sắc đã thiết lập ra nó: “Trong trọn hữu thể và hành động của mình, Giáo hội được kêu gọi cổ vũ việc phát triển toàn diện con người dưới ánh sáng Tin Mừng. Việc phát triển này diễn ra bằng cách lưu tâm tới các thiện ích vô giá công lý, hòa bình và việc chăm sóc sáng thế”. Nó diễn ra bằng cách phục vụ những người dễ bị tổn thương và bị hắt hủi nhất, nhất là những người bị buộc phải di cư, những người ngay lúc này đang đại diện cho tiếng kêu trong hoang địa của nhân loại chúng ta. Do đó, Giáo hội được kêu gọi nhắc nhở mọi người rằng đây không chỉ đơn giản là vấn đề xã hội hay di dân mà là của những con người nhân bản, của anh chị em chúng ta, những người ngày nay là biểu tượng của tất cả những ai bị xã hội hoàn cầu hóa vứt bỏ. Giáo Hội được kêu gọi làm chứng rằng đối với Chúa, không ai là “người xa lạ” hay “người bị ruồng bỏ”. Giáo Hội được kêu gọi đánh thức lương tâm đang ngủ mê trong sự thờ ơ với thực tại Địa Trung Hải, nơi, đối với nhiều người, quá nhiều người, đã trở thành một nghĩa địa.

Tôi muốn nhắc nhớ điều này: điều quan trọng là việc phát triển đó phải có tính toàn diện. Thánh Phaolô VI vốn nhận định rằng, “để được chân thực, sự phát triển phải toàn diện; nó phải cổ vũ sự phát triển của mọi người và toàn bộ người đó” (Populorum Progressio, 14). Tóm lại, dựa trên truyền thống đức tin của mình và việc, trong những thập niên gần đây, nại tới giáo huấn của Công đồng Vatican II, Giáo hội luôn khẳng định sự cao cả trong ơn gọi của mọi con người nhân bản, những người Thiên Chúa đã tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh của Người để tạo thành một gia đình duy nhất. Đồng thời, Giáo Hội cố gắng ôm lấy nhân loại trong tất cả các chiều kích của họ.

Ngày nay, chính khía cạnh toàn diện này khiến chúng ta nhìn nhận rằng nhân tính chung của chúng ta hợp nhất chúng ta như con cái của một Cha duy nhất. “Trong toàn bộ hữu thể và hành động của mình, Giáo hội được kêu gọi cổ vũ sự phát triển toàn diện con người dưới ánh sáng Tin Mừng (Humanam Progressionem). Tin Mừng luôn đưa Giáo hội trở lại với luận lý mầu nhiệm của việc nhập thể, với Chúa Kitô, Đấng đã tự mình gánh lấy lịch sử của chúng ta, lịch sử của mỗi người chúng ta. Đó là sứ điệp của Lễ Giáng sinh. Như thế, nhân tính là chìa khóa để giải thích cuộc cải cách. Nhân tính kêu gọi và thách thức chúng ta; tóm lại, nó kêu gọi chúng ta ra đi và không sợ thay đổi.

Chúng ta đừng quên rằng Em bé đang nằm trong máng cỏ có khuôn mặt của anh chị em đang thiếu thốn nhất, của những người nghèo “vốn là phần ưu tuyển của mầu nhiệm này; họ thường là những người đầu tiên nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta” (Admirabile Signum, 6).

Anh chị em thân mến,

Sau đó, chúng ta nói về những thách thức lớn và những sự cân bằng cần thiết thường khó đạt được, vì thực tế đơn giản là, nằm giữa một quá khứ huy hoàng và một tương lai thay đổi, đầy tính sáng tạo, chúng ta đang sống trong hiện tại. Ở đây có những người nhất thiết cần thời gian để lớn mạnh; có những tình huống lịch sử cần được xử lý hàng ngày, vì trong diễn trình cải cách thế giới và lịch sử không dừng lại; có những vấn đề pháp lý và định chế cần được giải quyết dần dần, không có công thức hoặc đường tắt ma thuật.

Cuối cùng, có chiều kích thời gian và có sai lầm nhân bản, một sai lầm phải được xem xét một cách đúng đắn. Đây là một phần của lịch sử mỗi người chúng ta. Không lưu ý đến chúng là đi làm những điều trừu tượng, xa rời lịch sử con người. Liên kết với diễn trình lịch sử khó khăn này luôn có cơn cám dỗ muốn quay trở lại quá khứ (cũng bằng cách sử dụng các công thức mới), bởi vì nó làm ta yên tâm hơn, quen thuộc hơn và, chắc chắn, ít xung đột hơn. Đây cũng là một phần của diễn trình và rủi ro khích động các thay đổi đáng kể [19].

Ở đây, cần phải cảnh giác đối với cơn cám dỗ cứng ngắc. Một sự cứng ngắc phát sinh từ nỗi sợ thay đổi, một nỗi sợ kết cuộc sẽ dựng lên các hàng rào và chướng ngại lên mảnh đất lợi ích chung, biến nó thành một bãi mìn không hiểu nhau và hận thù. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng đằng sau mọi hình thức cứng ngắc là một sự mất cân bằng nào đó. Sự cứng ngắc và mất cân bằng nuôi dưỡng lẫn nhau trong một vòng luẩn quẩn. Và ngày nay cơn cám dỗ bước vào sự cứng ngắc này đã trở nên rất thật.

Anh chị em thân mến,

Giáo triều Rôma không phải là một cơ chế tách rời khỏi thực tại, mặc dù nguy cơ này luôn luôn hiện diện. Thay vào đó, nên suy nghĩ và trải nghiệm về nó trong bối cảnh cuộc hành trình của những người đàn ông và đàn bà ngày nay, và trong bức phông thay đổi có tính thời đại này. Giáo triều Rôma không phải là một cung điện hay một tủ quần áo đầy quần áo để thay đổi. Giáo triều Rôma là một cơ thể sống động, và càng như thế hơn nữa đến mức nó sống Tin Mừng trong sự toàn vẹn của nó.

Đức Hồng Y Martini, trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của ngài, vài ngày trước khi qua đời, đã nói một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Giáo Hội là hai trăm năm lùi lại phía sau thời đại. Tại sao Giáo Hội không bị lay động? Có phải chúng ta sợ không? Sợ hãi, thay vì can đảm? Tuy nhiên, đức tin là nền tảng của Giáo hội. Niềm tin, niềm tin tưởng, lòng can đảm... Chỉ có tình yêu mới chinh phục sự mệt mỏi”. [20].

Giáng sinh là ngày lễ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu thần thiêng linh hứng, hướng dẫn và điều chỉnh sự thay đổi, và vượt qua nỗi sợ hãi của con người phải bỏ lại phía sau “sự an toàn” để một lần nữa dấn thân vào “mầu nhiệm”.

Một Giáng sinh hạnh phúc cho mọi người!

Để chuẩn bị cho Giáng sinh, chúng ta đã lắng nghe bài giảng về Thánh Mẫu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hướng về ngài trước khi ban phước.
[Kính mừng Maria và ban phép lành].

Bây giờ tôi muốn tặng anh chị em một món quà nhỏ gồm hai cuốn sách. Đầu tiên là “tài liệu” mà tôi muốn phát hành cho Tháng truyền giáo đặc biệt [tháng 10 năm 2019], và đã thực hiện dưới hình thức một cuộc phỏng vấn; Senza di Lui non possiamo fare nulla
- Không có Người Chúng ta Không thể Làm Được gì
. Tôi lấy cảm hứng từ một câu nói, tôi không biết là của ai, rằng khi các nhà truyền giáo đến một nơi náo đó, Chúa Thánh Thần đã ở đó để chờ họ rồi. Đó là nguồn cảm hứng cho tài liệu này. Món quà thứ hai là một cuộc tĩnh tâm được giảng cho các linh mục gần đây bởi Cha Luigi Maria Epicoco, Qualcuno a cui Guardare – Một ai đó mà chúng ta có thể nhìn lên. Tôi dành cho anh chị em những món quà này từ trái tim để chúng có thể được sử dụng cho cả cộng đồng. Cảm ơn anh chị em!
_______________________________________________________________________
[1] MATTA EL MESKEEN, L’Umanità di Dio, Qiqajon-Bose, Magnano 2015, 170-171.

[2] Quis dives salvetur 37, 1-6.

[3] Bài giảng 7,“The Mystery of Godliness”, Parochial and Plain Sermons, V.

[4] Ibid.

[5] Chương 1, Mục 1, Phần 7.

[6] Trong một trong những lời cầu nguyện của ngài, Thánh Newman viết: “Lạy Chúa, không có gì vững ổn ngoài Chúa! Và Chúa là trung tâm và sự sống của tất cả những người thay đổi, những người tin cậy Chúa như Cha của họ, những người trông lên Ngài, và những người hài lòng phó mình trong tay Ngài. Lạy Chúa, con biết, con phải thay đổi, nếu con muốn được nhìn thấy mặt Ngài!” (Meditations and Devotions, XI, “God Alone Unchangeable”).

[7] Newman mô tả nó như thế này: “Lúc tôi trở lại, tôi không ý thức về bản thân mình, về bất cứ thay đổi nào, tri thức hay luân lý, có trong tâm trí tôi ... nó giống như vào được bến cảng sau một vùng biển sóng gió; và niềm hạnh phúc của tôi về phương diện đó vẫn còn cho đến ngày nay mà không bị gián đoạn” (Apologia Pro Vita Sua, 1865, Chương 5, 238. Cf. J. HONORÉ, Gliaforismi di Newman, LEV, 2010, 167).

[8] J. M. BERGOGLIO, “Thông điệp Mùa chay cho các linh mục và tu sĩ”, ngày 21 tháng 2 năm 2007, trong Trong Mắt Anh chị em, Tôi thấy những Lời nói của tôi: Các bài giảng và bài phát biểu từ Buenos Aires, Tập 2: 2005-2008, Nhà xuất bản Đại học Fordham, 2020.

[9] Xem Tông Hiến Veritatis Gaudium (27 tháng 12 năm 2017), 3: “Nói tóm lại, điều này kêu gọi việc thay đổi các mô hình phát triển hoàn cầu và xác định lại ý niệm tiến bộ của chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta vẫn thiếu nền văn hóa cần thiết để đương đầu với cuộc khủng hoảng này. Chúng ta thiếu tài lãnh đạo có khả năng khởi đầu các nẻo đường mới”.

[10] Cuộc phỏng vấn dành cho Cha Antonio Spadaro, Civiltà Cattolica, ngày 19 tháng 9 năm 2013, tr.468.

[11] Schreiben an das Pilgernde Volk Gottes in Deutschland , ngày 29 tháng 6 năm 2019.

[12] Xem Diễn văn trước Giáo Triều, ngày 22 tháng 12 năm 2016.

[13] Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8 tháng 12 năm 1975), 14. Thánh Gioan Phaolô II đã viết rằng truyền giảng Tin mừng truyền giáo “là việc phục vụ hàng đầu mà Giáo hội có thể cung ứng cho mọi cá nhân và toàn thể nhân loại trong thế giới hiện đại, một thế giới đã trải qua những thành tựu kỳ diệu nhưng dường như đã mất đi cảm giác về thực tại tối hậu và chính sự hiện hữu” (Thông điệp Redempdoris Missio, 7 tháng 12 năm 1990, 2).

[14] Xem Diễn văn với những Người tham dự Đại hội Mục vụ Quốc tế về Thành phố lớn Thế giới”, Consistory Hall, 27 tháng 11 năm 2014.

[15] Tự sắc Porta Fidei, 2.

[16] Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng, 28 tháng 6 năm 2010; xem Tự sắc Ubicumque et Semper, 17 tháng 10 năm 2010.

[17] Một sự thay đổi có tính thời đại đã được ghi nhận ở Pháp bởi Đức Hồng Y Suhard (chúng ta có thể nghĩ đến thư mục vụ của ngài Essor ou déclin de l’Église, 1947) và bởi Đức Tổng Giám Mục Milan lúc đó là Giovanni Battista Montini. Vị sau cũng đặt câu hỏi liệu Ý có còn là một quốc gia Công Giáo hay không (xem Diễn văn Khai mạc tại Tuần Lễ Tòan quốc Lần thứ VIII Cập nhật Mục vụ, 22 tháng Chín, 1958, trong Discorsi e Scritti milanesi 1954-1963, vol. II, Brescia-Roma 1997, 2328).

[18] Thánh Phaolô VI, khoảng năm mươi năm trước đây, khi trình bày Sách lễ Rôma mới cho các tín hữu, đã nhắc lại sự tương ứng giữa luật cầu nguyện (lex orandi) và luật đức tin (lex credendi), và mô tả Sách lễ như “một việc chứng tỏ lòng trung thành và sức sống”. Ngài kết luận bằng cách nói: “Vì vậy, chúng ta đừng nói về một ‘Thánh lễ mới’, mà đúng hơn là ‘một thời đại mới trong đời sống Giáo Hội” (Triều kiến Chung, 19 tháng 11 năm 1969). Tương tự, chúng ta cũng có thể nói trong trường hợp này: không phải là một Giáo triều Rôma mới, mà đúng hơn một thời đại mới.

[19] Evangelii Gaudium tuyên bố quy tắc: “ Dành Ưu tiên cho các hành động nào tạo ra các diễn trình mới trong xã hội và vận động những người và nhóm khác để có thể phát triển họ đến mức họ sinh hoa trái trong các biến cố lịch sử quan trọng. Không lo lắng, nhưng với các xác tín rõ ràng và sự kiên trì” (số 223).

[20] Cuộc Phỏng vấn Georg Sporschill, S.J. và Federica Radice Fossati Confalonieri: Corriere della Sera, ngày 1 tháng 9 năm 2012.
________________________________________________________________________________________________________
Chú thích của người dịch

1. Rassa Nostrana là bài thơ của Thi sĩ Á Căn Đình , Nino Costa, tác phẩm mà Đức Phanxicô học thuộc nhờ bà nội. Mấy câu đầu của tác phẩm này như sau:

Drit et sincer, cosa ch’a sun, a smijp:
teste quadre, puls ferm e fidic san
e parlo poc ma a san cosa ch’a diso
bele ch’a marcio adasi, a va luntan.

(Thẳng thắn và thành thực, điều họ là cũng là điều họ dường như là:
Ương ngạnh, với một mạch máu vững vàng và lá gan lành mạnh.
Họ nói ít nhưng biết điều họ nói;
Mặc dù họ bước chậm chạp, nhưng họ đi rất xa).

(Dựa theo cuốn Francis: Pope of a New World của Andrea Tornielli)
 
Trào lưu đòi phong chức cho phụ nữ lại bùng lên tại Đức làm lu mờ bầu khí Giáng Sinh
Đặng Tự Do
19:01 22/12/2019

Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định đây là vấn đề đã được quyết định một cách chung cuộc, miễn bàn cãi

Hôm 5 tháng 12, tại thủ đô của Đức đã có cuộc thảo luận chủ đề về “Tính dục của con người - Ta nên thảo luận điều này về mặt khoa học và thần học và đánh giá nó về mặt giáo hội học như thế nào?”. Tham dự cuộc họp này có Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch, cùng với các giám mục Franz-Josef Bode của giáo phận Osnabrück, Wolfgang Ipolt của Görlitz, Peter Kohlgraf của Mainz, và một vài Giám Mục Phụ Tá từ ủy ban Đức tin và Gia đình của Hội Đồng Giám Mục Đức, cùng các chuyên gia, các nhà thần học và các luật sư về giáo luật.

Kêu gọi một “cuộc thảo luận vững chắc được hỗ trợ bởi khoa học và thần học về con người”, các vị đã đưa ra ba đề xuất chính. Thứ nhất, các ngài xem đồng tính luyến ái là một “hình thái bình thường” của căn tính tình dục con người. Thứ hai các ngài cho rằng quan hệ tình dục của các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn không thể bị đánh giá là tội lỗi nghiêm trọng, và do đó, việc loại trừ “khỏi việc tiếp nhận Bí tích Thánh Thể” đối với những cặp vợ chồng như thế không thể biện minh được. Cuối cùng, các ngài cũng đề nghị xét lại việc phong chức linh mục cho phụ nữ.

Tờ National Catholic Register ghi nhận rằng tuyên bố của các vị này đã làm dấy lên một cao trào mới trong chiến dịch đòi phong chức linh mục cho phụ nữ tại Đức.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng: Một phong trào phụ nữ Công Giáo tại Đức chịu ảnh hưởng bởi các ý thức hệ cực đoan đã khởi xướng một cuộc biểu tình kéo dài trong một tuần từ ngày 11 đến 18 tháng Năm. Họ từ chối không bước vào nhà thờ và không tham dự các Thánh lễ trong suốt thời gian biểu tình phản đối. Phong trào cực đoan này đang gây xôn xao trong Giáo Hội tại Đức.

Tự gọi mình là nhóm “Maria 2.0”, nhóm này đã gửi một bức thư ngỏ tới Đức Thánh Cha Phanxicô, kêu gọi phong chức cho phụ nữ, và tuyên bố rằng ngoài Đức Mẹ ra, những người nam trong Giáo hội không đánh giá đúng mức bất cứ một người phụ nữ nào khác.

Trong các cuộc biểu tình, họ mang theo một bức ảnh của Đức Mẹ bị bịt miệng.

Những đòi hỏi cực đoan và thái độ thiếu tôn kính với Đức Mẹ đã vấp phải những chỉ trích đáng kể từ người Công Giáo Đức. Một số người Đức đã ra mắt một trang web lấy tên “Maria 1.0”, nói rằng Mẹ của Thiên Chúa không cần bất kỳ cập nhật nào và không nên bị sử dụng như một công cụ đấu tranh cho các yêu sách mang đầy mầu sắc ý thức hệ.

Các cuộc biểu tình của nhóm phụ nữ Công Giáo Đức này đã gây chia rẽ trong Giáo Hội tại Đức. Hầu hết, các giáo dân người Đức chống đối lại các cuộc biểu tình quá khích này. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo Giáo hội tại Đức lại công khai ủng hộ nhóm này.

Trang Web chính thức của Giáo Hội Công Giáo ở Đức đăng tải các tin tức sâu rộng về hoạt động và những lời kêu gọi biểu tình của họ, và tường thuật rằng Đức Cha Franz-Josef Bode của Osnabrück hỗ trợ chiến dịch.

Đi xa hơn nữa, sáng Chúa Nhật 22 tháng Chín, 800 phụ nữ đã biểu tình trước nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Köln để chống báng Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki. Ngài là một trong số 8 Giám Mục tại Đức kiên quyết chống lại cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” nhằm tiến đến việc phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, và chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Hãng thông tấn Đức DPA đưa tin rằng những người biểu tình, chủ yếu là từ nhóm Maria 2.0, đã nắm tay nhau tạo thành một chuỗi người xung quanh nhà thờ chính tòa thành phố Köln.

Theo như thường lệ, những người biểu tình của nhóm Maria 2.0 đã nêu vấn đề cần giải quyết minh bạch các vụ lạm dụng tình dục trẻ em liên quan đến giáo sĩ. Đó chỉ là tấm bình phong che đậy một nghị trình đòi thay đổi hàng loạt các giáo huấn và kỷ luật truyền thống của Giáo Hội.

Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy các phụ nữ ăn mặc phẩm phục khi dâng lễ của các linh mục. Đó mới chính là điều họ muốn nhắm đến.

Đoạn video sau đây ghi được từ một buổi lễ phong chức linh mục tại giáo phận Regenburg của Đức Cha Rudolf Voderholzer, một đồng minh thân cận của Đức Hồng Y Woelki. Nhiều phụ nữ giơ cao các biểu ngữ gạch chéo chữ Vatikan như một hình thức chống báng các chỉ trích gần đây của Tòa Thánh đối với cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” tại Đức.

Như thế, để đạt được mục đích của mình, nhiều người xưng mình là “Công Giáo” nhưng không ngại phá vỡ sự hiệp nhất của Giáo Hội và cổ vũ cho một cảm thức sai lầm rằng các giáo huấn về luân lý và thần học, cũng như các kỷ luật của Giáo Hội có thể được thay đổi dưới các áp lực chính trị của các cuộc biểu tình.

Những người chủ trương tiến trình công nghị này đang lật tung mọi thứ như thể các giáo huấn lịch sử và chính thống của Giáo Hội phải luôn luôn bị chất vấn trong bối cảnh của các “nhu cầu mục vụ” mới. Các giáo huấn lịch sử và chính thống bị chỉ trích là “lạc hậu” so với những thực tế mới đầy chông gai. Họ cho rằng giáo huấn của Giáo Hội luôn luôn là một điều gì đó có thể “thương lượng” khi đưa vào cuộc đối thoại với các xu hướng văn hóa đang ở thế thượng phong.

Trong khi đó, Đức Hồng Y Woelki nhấn mạnh rằng đức tin, và tín lý theo Kinh Thánh và Tông Truyền không thể bị thay đổi. Cả các bí tích và kỷ luật của Giáo Hội cũng không thể bị đổi thay. Chẳng hạn, chức tư tế dành cho phụ nữ là điều không thể được vì điều đó không thuộc về thẩm quyền của Giáo Hội. Đức Hồng Y Woelki nhắc nhớ rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra “quyết định chung cuộc cho vấn đề này” với tất cả hiệu lực ràng buộc trên toàn thể Giáo Hội vào năm 1994 - và nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khẳng định như thế.

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Một Giáo Hội tìm cách thích nghi đức tin của mình cho phù hợp với thế giới, thì công việc điều chỉnh ấy không phải là hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhưng đơn thuần là do tinh thần con người của chúng ta mà ra xuất phát từ nỗi sợ hãi không được thế giới đó nhận.”

Về phản ứng chính thức của Tòa Thánh đối với việc phong chức linh mục cho phụ nữ, chúng tôi xin lặp lại ở đây rằng Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin là Đức Hồng Y Luis Ladaria đã khẳng định nhiều lần là Giáo Hội không thể phong chức linh mục cho phụ nữ. Đó là chung cuộc, miễn bàn cãi.

Chỉ có người nam mới có thể được lãnh nhận chức tư tế là một sự thật, và là một phần của đức tin Công Giáo và điều này sẽ không bao giờ có thể thay đổi được, Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã khẳng định như trên.

“Ngày càng có những mối lo nghiêm trọng khi chứng kiến ở một số nước vẫn có những tiếng nói nghi ngờ bản chất chung cuộc của giáo huấn này”, Đức Hồng Y viết như trên hôm 29 tháng 5 trên tờ Quan Sát Viên Rôma.

Thánh Gioan Phaolô II, khi xác nhận giáo huấn và thực hành liên tục của Giáo Hội, đã chính thức tuyên bố vào năm 1994 rằng “Giáo Hội không có thẩm quyền để phong chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này được tất cả tín hữu của Giáo Hội tuân giữ một cách chung cuộc.”

Đức Hồng Y Ladaria cho biết một số người tiếp tục đặt vấn đề về tính bất khả ngộ trong lời tuyên bố của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được nêu trong tài liệu “Ordatio Sacerdotalis” vì “văn kiện này không được xác định là ‘ex cathedra’ nghĩa là chưa chính thức, và long trọng tuyên bố là không thể sai lầm được. Lập luận này nói rằng “một quyết định sau đó của một giáo hoàng hoặc một công đồng trong tương lai có thể phủ nhận văn kiện đó.”

Nhưng, Đức Hồng Y cảnh cáo rằng: “gieo những nghi ngờ này là tạo ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa các tín hữu không chỉ về bí tích truyền chức thánh như một phần của hiến chế thánh thiện của Giáo Hội, nhưng còn làm cho người ta hoang mang về cách thức mà các thẩm quyền huấn giáo có thể dạy các giáo huấn Công Giáo một cách không thể sai lầm được.”

Đức Hồng Y giải thích như sau:

Giáo huấn của Giáo Hội không thể sai lầm khi được tuyên bố long trọng bởi một công đồng hay bởi một giáo hoàng khi tuyên bố “ex cathedra”. Đó là trường hợp của các học thuyết mới. Một giáo huấn cũng được công nhận là không thể sai lầm khi đã từng được “thẩm quyền giáo huấn địa phương và hoàn vũ của các giám mục loan truyền khắp thế giới, trong sự hiệp thông giữa các ngài với nhau và với Đức Giáo Hoàng, các giáo huấn Công Giáo được công bố như thế được tuân giữ một cách chung cuộc.”

Đó là những gì Thánh Giáo Hoàng đã làm, Đức Hồng Y Ladaria viết. “Ngài không tuyên bố giáo điều mới, nhưng với thẩm quyền ban cho ngài trong tư cách là người kế nhiệm của Thánh Phêrô, ngài chính thức xác nhận và xác quyết rõ ràng - để đánh tan bất kỳ nghi ngờ nào – về điều mà thẩm quyền giáo huấn địa phương và hoàn vũ của các giám mục đã coi là thuộc về kho tàng đức tin trong suốt lịch sử của Giáo Hội.”

“Chúa Kitô đã có ý ban bí tích này cho 12 Tông Đồ - tất cả đều là nam giới – là những vị đến lượt mình truyền lại cho những người nam khác. Giáo hội luôn thấy mình phải ràng buộc với quyết định này của Chúa, trong đó loại trừ khả năng chức tư tế có thể được ban một cách hợp lệ cho phụ nữ.”

Đức Hồng Y Ladaria nhấn mạnh rằng để đáp lại những câu hỏi liên quan đến chủ đề này Bộ Giáo Lý Đức Tin “đã liên tục lặp lại rằng đây là một sự thật thuộc về kho tàng đức tin.”

Ứng viên cho chức tư tế phải là một người nam. Điều này thuộc về “bản chất của bí tích này” và không thể thay đổi vì bí tích truyền chức thánh được thiết định bởi chính Chúa Kitô.

Sự kiện phụ nữ không thể được thụ phong linh mục, không ngụ ý “tùng phục, nhưng nên hiểu là một sự phong phú hóa lẫn nhau.”

Vai trò cao quý của Đức Maria trong Giáo Hội, mặc dù Mẹ không phải là một trong 12 tông đồ, cho thấy tầm quan trọng của cả nữ tính lẫn nam tính trong Giáo Hội. Một thách thức đối với văn hóa hiện đại là phải “cố gắng hiểu được ý nghĩa và sự tốt lành trong sự khác biệt giữa nam và nữ.”

Đức Hồng Y Ladaria ghi nhận rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tái khẳng định giáo huấn theo đó chức tư tế chỉ dành cho người nam.

Trong tông huấn “Niềm vui của Phúc Âm” được công bố vào năm 2013, Đức Thánh Cha viết: “Việc dành riêng chức tư tế cho nam giới, như một dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến trong bí tích Thánh Thể, không phải là một vấn đề mở ngỏ cho các cuộc thảo luận.”

Và, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên trong chuyến đi Thụy Điển vào năm 2016, Đức Thánh Cha đã nói: “Về khả thể phong chức cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, lời cuối cùng, rõ ràng đã được đưa ra bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và điều này vẫn còn hiệu lực.”

Đức Hồng Y Brandmüller, người Đức, nguyên là chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Lịch sử, nói những ai kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ là “lạc giáo” và “tuyệt thông” với Giáo Hội

Những người thúc đẩy việc phong chức linh mục cho phụ nữ “có đủ các yếu tố của tội lạc giáo” và đương nhiên tuyệt thông với Giáo Hội, Đức Hồng Y Walter Brandmüller đã nói như trên khi bình luận về những nhận xét gần đây của một chính trị gia người Đức.

Đức Hồng Y Brandmüller, một trong bốn vị Hồng Y “dubia”, đã chỉ trích mạnh mẽ Annegret Kramp-Karrenbauer, Tổng thư ký Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức, sau khi bà này kêu gọi Giáo Hội Công Giáo phong chức linh mục cho phụ nữ.

Kramp-Karrenbauer, là người được coi là dẫn đầu trong danh sách các ứng viên thay thế cho thủ tướng Angela Merkel, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Die Zeit rằng: “Điều rất rõ ràng: phụ nữ phải nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội.”

Bà nói thêm rằng bà muốn thấy có các nữ linh mục, nhưng hiện tại Giáo hội nên tập trung vào “mục tiêu thực tế hơn, là phong chức phó tế cho phụ nữ”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Brandmüller cho biết ý tưởng phong chức thánh cho nữ giới đã bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II loại trừ một cách dứt khoát, và vì thế bất cứ ai khăng khăng thúc đẩy ý tưởng này đã “rời bỏ nền tảng của đức tin Công Giáo” và “có đủ các yếu tố lạc giáo, và hệ quả là, tuyệt thông với Giáo Hội”

Đức Hồng Y nói thêm rằng Giáo hội không phải là một “tổ chức trần thế”, nhưng sống theo “các hình thức, cấu trúc và luật lệ được trao ban cho mình bởi người Sáng lập Chí thánh mà không ai có quyền lực để thay đổi – cả các giáo hoàng lẫn các công đồng cũng không thể thay đổi.”

Đức Hồng Y nhận xét rằng thật “đáng kinh ngạc” khi thấy tại Đức người ta vẫn cứ nằng nặc tranh cãi về các chủ đề nhất định “luôn luôn giống nhau: nữ linh mục, tình trạng độc thân cuả các linh mục, cho người Tin Lành được rước lễ, cho người ly dị và tái hôn được rước lễ. Mới gần đây lại có thêm chuyện ‘đồng ý’ với cái gọi là hôn nhân đồng tính”

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng tham gia vào cuộc tranh luận về giáo lý, kêu gọi Giáo Hội Công Giáo “chia sẻ” việc rước lễ với người Tin Lành.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Adelaide: Đêm Ca Nguyện Giáng Sinh tại ngôi nhà thờ Việt Nam đầu tiên trên đất Úc
Ban Thông Tin CĐCGVN Nam Úc
05:33 22/12/2019
Đêm Ca Nguyện Giáng Sinh được diễn ra vào lúc 7 giờ 15, sau Thánh Lễ tối Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2019 tại Thánh Đường Đức Mẹ Thuyền Nhân Pooraka, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc, với sự hiện diện của Đức Ông Quản Nhiệm Phaolô Nguyễn Minh-Tâm, hai Sơ Phụ Tá là Sơ Cecilia Nguyễn Thị Mạnh Đễ OP, Sơ Maria Trần Thị Thu Trang RSM cùng sự tham dự của Ban Mục Vụ, các hội đoàn, đoàn thể và đông đảo giáo dân.

Sau lời chào mừng và cám ơn đến Đức Ông Quản Nhiệm, quý Sơ Phụ Tá Mục Vụ, Ban Mục Vụ và tất cả mọi người có mặt trong Đêm Ca Nguyện của Anh Nguyễn Chu Thy, Ủy Viên Thánh Nhạc, Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm, Quản Nhiệm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc đã có đôi lời nói về ý nghĩa đêm ca nguyện và dâng lời nguyện lên Thiên Chúa: “Trong thời điểm mọi người cùng hân hoan và tụ họp với nhau để mừng đón Giáng Sinh, cùng ăn uống vui vẻ và chẳng những thế, chúng ta còn quy tụ nơi đây với chiều kích đức tin của người Công Giáo, đó là mừng đón thời khắc Thiên Chúa giáng trần để mang đến ơn cứu độ loài người và chia sẻ cuộc sống với chúng ta. Qua các bài thánh ca, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn và cầu xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta. Mỗi người là một tập hợp của những lời nguyện cầu và tâm tình dâng lên Chúa. Thánh Augustinô đã nói ‘Hát là cầu nguyện hai lần’. Khi chúng ta nối kết với Chúa cũng là lúc chúng ta nối kết với nhau. Mọi tín hữu chuẩn bị tâm hồn trong tâm tình hiệp thông với Chúa và với nhau, để lãnh nhận ơn sủng Chúa ban, để Chúa mang đến cho mọi người chúng ta niềm vui thánh thiện. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con để biết sống với đức tin và loan báo Tin Mừng”.

Các tín hữu hợp với các ca đoàn, đoàn thể đã cùng hát và dâng những lời nguyện của mình qua những bài thánh ca với điệu nhạc trầm bổng, du dương lên Thiên Chúa, để chúc tụng và vinh danh Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại qua mầu nhiệm Giáng Sinh.

Mở đầu chương trình là hoạt cảnh không lời để mọi người cùng suy ngẫm về ảnh hưởng của kỹ thuật số trên đời sống tâm linh của tín hữu. Vì thế, để chuẩn bị tâm hồn đón Giáng Sinh, hoạt cảnh đã nhắc nhở mọi người cần có một không gian thánh thiện nơi Thánh Đường, cần khoảng thời gian lắng đọng, thinh lặng, và sống trọn vẹn giây phút hiện tại kết hợp với Chúa cũng như không bị chia trí vì những chiếc máy điện thoại cầm tay.

Ca Đoàn Việt Linh đã tiếp nối chương trình ca nguyện Giáng Sinh bằng bài hát “Lễ Vật Dâng Chúa Hài Nhi” …“Xin tận hiến tấm thân hòa bình và xin cho con thành tín sống luôn hòa bình giữa người anh em”… Tiếp theo là bài hát “Tiếng Muôn Thiên Thần” (Joy to the World) do Ca Đoàn Thiếu Nhi trình bày để nói lên muôn thiên thần đã hát vang và tung hô mừng đón Chúa Giáng Sinh với lời nguyện …“Xin Chúa giúp chúng con biết mở lòng, biết đón nhận hồng ân Thiên Chúa để đời sống chúng con dạt dào niềm hạnh phúc thiêng liêng”….. Bài hát quen thuộc “Đêm Thánh Vô Cùng” do Hội Các Bà Mẹ Công Giáo trình bày tạo nhiều cảm xúc lắng đọng cho mọi người vì “Cuộc sống vốn tràn ngập quá nhiều âm thanh và chỉ trong thinh lặng, chúng con mới hiểu được ý Chúa”…. Hai bài hát “Lời Ru Thánh” và “Đêm Nay Tầng Xanh” do Ca Đoàn Phaolô Lộc trình bày, thể hiện sự tôn vinh Chúa qua niềm vui - mừng đón thời khắc giáng sinh của Chúa Hài Đồng. Chính qua hình ảnh thường tình của người mẹ ôm ấp đứa con thơ, Thiên Chúa đã gửi gấm tình yêu của Chúa cho con người… “Xin Chúa giúp chúng con nhận biết được tình yêu của Thiên Chúa dù là qua những biến cố nhỏ nhặt, để chúng con biết thay đổi chính mình…và cũng xin Chúa cho chúng con biết nhận ra sự huyền nhiệm cao cả của Thiên Chúa qua thân phận làm người của Chúa Giêsu”….

Bài hát “Mùa Đông Năm Ấy” do Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình trình bày đã đưa mọi người về với khung cảnh của một đêm đông lạnh lẽo, nơi Chúa Giêsu đã sinh ra đời trong máng cỏ nghèo hèn để cứu chuộc nhân loại. Chính vì thế, “Con người hãy hướng lòng trí để hiểu được tình yêu cao vời của Thiên Chúa đối với con người”.

Tiếp nối chương trình là hai bài hát “Oh, Come All Ye Faithful” và bài “Mary, Did You Know” do Ca Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Teresa trình bày thật điêu luyện, mang rất nhiều ý nghĩa về đức tin của người Công Giáo và ca ngợi Đức Mẹ Maria với thông điệp: “Chúng ta hãy quên đi những bận rộn trong cuộc sống để đến chiêm ngắm và thờ lạy Thiên Chúa. Và xin Chúa giúp chúng con biết trung kiên, theo Chúa đến cùng, cho dù không biết được con đường Chúa định sẵn cho chúng con”.

Màn hợp ca “Kìa Trời Bừng Vui” với tiếng hát du dương của Ca Đoàn Việt Linh, qua điệu nhạc vui tươi đã làm bừng lên niềm vui rộn ràng khôn tả của mọi người, vì “Chúa yêu ta nên đã sinh ra đời, đem ơn cứu độ đến cho muôn người …Xin cho chúng con đón nhận Chúa Giêsu vào mỗi gia đình chúng con trong đêm đất trời và muôn người mừng đón Chúa Hài Đồng”…

Bài Thánh Ca “Cao Cung Lên” do tốp ca của Phong Trào Cursillo trình bày thật tâm tình, ngọt ngào, như đưa con người về với khung cảnh trời đêm vắng lặng, trong tuyết sương bao phủ và “Giữa băng giá của lòng người, xin Chúa cho chúng con biết chuẩn bị, tỉnh thức để đón Chúa đến trong ngày quang lâm”…

Bài hát “Hội Nhạc Thiên Quốc” do Ca Đoàn Việt Linh diễn đạt đã đem đến cho người nghe những giai điệu trầm bổng với nhiều cảm xúc dâng trào khó tả. “Đón mừng Giáng Sinh không phải là sống với quá khứ mà là sống lại một biến cố thật quan trọng, đem đến mối tương quan giữa Chúa và con người. Vì vậy, xin Chúa cho chúng con biết thay đổi cuộc sống của mình để xứng đáng là con cái Chúa.”

Chương trình Đêm Ca Nguyện được tiếp tục bằng hai bài hát “Tiếng Hát Đêm Thanh” và “Đêm Nay Noel Về” thật nhẹ nhàng và êm dịu, do Nhóm Thánh Ca Cộng Đồng trình bày, gợi cho ta thời điểm mừng đón Noel, cũng là lúc người Kitô hữu chuẩn bị tâm hồn để chào đón giây phút Chúa đến với nhân loại. “Hãy dâng tâm hồn ta với tiếng hát trong đêm đón mừng Chúa Giáng Sinh... Chúa giáng trần để cứu độ thế gian, để ban yêu thương, bình an đến cho con người...Ôi! Đêm linh thiêng! Chúa Trời làm người và ở cùng ta. Chúng ta nên chuẩn bị tâm hồn thế nào để chào đón Chúa? Đêm nay Noel về, hãy mau cất bước, tìm về ánh huy hoàng. Xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa cùng nhận biết ý Chúa trong đời sống của chúng con...”

Kế đến, Sơ Maria Trần Thị Thu Trang, RSM Phụ Tá Mục Vụ đã dâng lời nguyện kết thúc: “Lạy Chúa! Thiên Chúa yêu con người đến nỗi đã ban Con Một...(Ga 3,6). Hồng ân này của Thiên Chúa quá cao quý, nhiệm mầu. Chúng con chỉ biết cúi đầu đón nhận trong niềm cảm mến và tri ân tự đáy lòng. Xin cho chúng con luôn biết nhiệt thành trong mọi bổn phận và công việc, với tình yêu thương, thông cảm, tha thứ và biết thay đổi con người của mình, để chuẩn bị tâm hồn, dọn máng cỏ tâm linh, để trở nên những Hang Bêlem thánh thiện, ngỏ hầu xứng đáng đón nhận Chúa Hài Đồng Giêsu ngự vào.”

Cuối cùng, Đêm Ca Nguyện Giáng Sinh được kết thúc khi Cộng Đoàn đứng lên cùng cất vang tiếng hát qua bài hát kinh điển “Hang Bêlem”, trong niềm vui hân hoan, thánh thiện cùng tâm tình nối kết, hiệp thông với Chúa và với nhau.

Tham dự Đêm Ca Nguyện Giáng Sinh của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc, mọi người như cảm thấy tâm hồn mình lắng đọng theo từng lời thánh ca quyện vào nhau, trong một không gian sâu lắng, đem đến một cảm xúc thật tuyệt vời theo từng bài hát, từng lời diễn nguyện thấm đậm ý nghĩa mà các ca đoàn, đoàn thể, họ đạo đã trình bày một cách thật xuất sắc. Các bài thánh ca vang vọng tạo nên những khoảnh khắc thiêng liêng, đem lại sự an bình và thánh thiện, giúp cho đời sống đức tin của mỗi giáo dân thêm triển nở, để đón nhận ánh sáng Thiên Chúa chiếu rọi vào tâm hồn mình trong tình yêu thương của Chúa Hài Đồng Giêsu.

Đêm Ca Nguyện Giáng Sinh 2019 của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc có thể xem như một buổi ‘tĩnh tâm Mùa Giáng Sinh rút ngắn’ nhưng cô đọng và đầy tràn ơn Chúa. Đây cũng là sự kiện thể hiện tinh thần hăng say, tích cực dấn thân của thật nhiều thành viên thuộc các ca đoàn, họ đạo và đoàn thể trong Cộng Đồng, để ca ngợi mầu nhiệm Giáng Sinh cũng như tuyên xưng đức tin thật mạnh mẽ của các tín hữu, nhằm vinh danh Chúa và mang đến cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc một mùa Giáng Sinh vui tươi và tràn đầy ý nghĩa.

Ban Thông Tin Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc
 
Xuân Lộc : Chương trình mừng Giáng Sinh dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt.
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
22:14 22/12/2019
Để các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt cơ hội hưởng niềm vui Giáng Sinh trong yêu thương, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận đã cùng Ban BAXH- Caritas Giáo phận tổ chức mừng Giáng Sinh sớm cho các em vào buổi sáng thứ Bảy 21/12/2019 tại Giáo xứ Lai Ổn, Hạt Hòa Thanh. Trong ngày đặc biệt này, có khoảng 700 em đến từ 13 các cơ sở bác ái, mái ấm, nuôi dưỡng – dạy các em khuyết tật, trong Giáo phận, đã tham dự ngày mừng Chúa Giáng Sinh sớm dành riêng cho các em.

Xem Hình

Dù bi khiếm khuyết chức năng hoạt động nơi những phần cơ thể, hay mắc những hội chứng bệnh khiến trí các em chậm phát triển, và cả trong phận mồ côi, nhưnghôm nay, các em có hoàn cảnh đặc biệt này như đón lấy một điều gì khác hơn mọi ngày, khi được tiếp cận không gian vui, rực rỡ, khi được vui chơi, được lãnh quà, được yêu thương. Vì thế, sự hào hứng nơi các em là điều có thể thấy trên những khuôn mặt, cử chỉ và những lời nói chưa tròn âm …Bên cạnh đó, những trò chơi tại các gian hàng không đòi hỏi độ khó đối với người chơi là các em, nên tất cả các bé tham gia chơi đều được quà, và có thể lựa chọn món quà mình ưa thích. Tình tương thân, trợ giúp cho những em không thể tham gia trò chơi, các dì, các thầy, hoặc bạn bè trong mái ấm cũng có quyền trợ giúp để em nào cũng có món quà vui giáng sinh. Không chỉ chơi, lãnh quà, các em còn được thưởng thức văn nghệ vui, những bài hát, điệu múa Giáng Sinh sôi động, hay ảo thuật mà diễn viên trên sân khấu đa phần là chính các em.

Sau những giờ các em tham gia trò chơi, lãnh quà, xem văn nghệ, là thời gian mà Đức Cha Giáo phận dành cho các em giữa bao bề bộn công việc của ngài. Bởi Đức Cha luôn quan tâm, yêu thương những con người, đặc biệt là các em với những mảnh đời kém may mắn, nên Đức Cha đã đến để đem phúc lành và hiện thực hóa tình yêu của Chúa dành cho những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này. Phần chào đón Đức Cha Giuse của các em hôm nay thật đặc biệt bởi những cành hoa đa dạng sắc màu hoa trên tay các em cứ tung tăng vẫy chào, khiến hình ảnh giữa Đức Cha và các bé hôm nay thật đẹp, dễ thương, và đáng yêu.

“Hôm nay Cha gặp các con, cha vui lắm! Vậy các con có vui không? Dạ có!” Đáp lại những câu hỏi ngắn của Đức Cha là những câu trả lời thật dễ thương của các em nhưng khá tạp âm: từ ngọng nghẹo vì đang tập nói do câm, của những em mắc hội chứng Down, hay tiếng thưa rõ lời của các em khiếm thính nhờ sự trợ giúp bằng ngôn ngữ ký hiệu từ quý dì, hay của những em nói sõi, hiểu rõ nhưng chỉ chịu phận mồ côi…

Với ngôn từ đơn giản cùng với cách nói chuyện bằng câu hỏi để gợi câu trả lời ngắn phù hợp vớitrí hiểu những trẻ đặc biệt này, Đức Cha gợi cho các em nhận ra các em đang được rất nhiều người– Đức Cha, quý Cha, quý thầy, quý dì, những người đang phục vụ các em- yêu thương, đem lại cho các em niềm vui Giáng Sinh. Và đó chính là tình yêu của Chúa dành cho các em.

Tình yêu thương của Đức Cha và quý cha dành cho các em được trao ban cách đặc biệt, cụ thể và quý giá nhất khi Đức Cha và quý cha đã cử hành Thánh Lễ dâng các em lên Thiên Chúa, xin Chúa ban nhiều ơn lành, niềm vui, cũng như xin Chúa ban thêmnhiều tâm hồn quảng đại chăm sóc, yêu thương các em.

Vì luôn mong các em được vui, hạnh phúc, nên trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Cha gợi ý, nhắc lại cho các em nhận ra mọi người đang rất thương yêu các em. “Các con có biết vì sao mọi người yêu thương các con không? Là vì Chúa Giêsu đã thúc đẩy mọi người thương yêu các con thay cho Chúa. Vì thế, các con phải vui lên!” Đồng thời, Đức Cha giải thích cho các em biết Chúa xuống thế làm người là vì yêu thương con người, yêu chính các em, và được hiện thực qua tình thương yêu của các cha, các thầy, các dì, của nhiều người đang chăm sóc phục vụ các em. Không chỉ giúp các em nhận ra tình yêu thương các em được nhận lãnh, nhưng Đức Cha còn mong muốn các em hãy chia sẻ lại niềm vui, tình yêu mà các em nhận được đến cho người khác là bạn bè, anh chị trong lớp học, mái ấm, cơ sở…

Thánh Lễ hôm nay thật đặc biệt, và chắc chắn sẽ được Chúa thương ban nhiều ơn lành,bởi chính các em khuyết tật đã tham dự vào các phần phụng vụ Thánh Lễ. Dù khiếm thị, nhưng với đôi tay lướt trên bảng chữ nổi, các em đã đọc thật rõ ràng và sốt sắng; dù còn đang rất ngọng ngheo tập nói do bị khiếm thính, khiến khó mà hiểu được, nhưng chắc chắn lời cầu các em thay cộng đoàn thưa lên Chúa vẫn là lời cầu xin chân thành nhất, được Chúa thương ban ơn, và chấp nhận như chính của lễ đời các em dâng lên trong phần tiến dâng lễ vật.

Sau Thánh Lễ, các em cũng đã hòa chung cười vui trong bữa tiệc trưa- văn nghệ vui mừng Giáng Sinh sớm đến từ phúc lành của Thiên Chúa, tình yêu thương của Đức Cha Giáo Phận, cũng như sự lo lắng tổ chức, thiết đãi, phục vụ các em của Cha Đặc Trách Ban BAXH- Caritas và của mọi người.

Quả là một ngày vui với các em vì nhận được bao phúc lành của Chúa, nhận được rất nhiều tình yêu thương từ Đức Cha Giáo phận, quý cha, quý thầy, quý dì và của mọi người. Vì thế, khi ra về các em đã mang theo mình bao nụ cười, niềm vui và thật nhiều quà. Quả là Chúa đến để đem niềm vui Giáng Sinh cho mọi người, đặc biệt cho những ai đang bất hạnh, nhất là cho các em thiếu nhi đau bệnh, khuyết tật, mồ côi của Ngài.

Để các em có hoàn cảnh đặc biệt có nhiều cơ hội để cảm nhận niềm vui, hạnh phúc như hôm nay, Đức Cha Giáo phận cần đến sự nhiệt thành, cộng tác của Cha Giuse Nguyễn Văn Uy, Đặc Trách Ban BAXH- Caritas cùng Cha Phó Đặc Trách, quý cha, quý dì, quý thầy, quý cộng tác viên của ban Caritas, vì thế, Đức Cha đã gửilời cám ơn đến quý Cha và mọi người vì đã, đang cố gắng lo lắng, yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ các em. Đồng thời, Đức Cha cũng động viên tinh thần của mọi người bằng chính lời Chúa để họ nhận ra họ đang phục vụ chính Chúa qua các em. Cùng với lời nhắc, khích lệ, Đức Cha Giáo phận cũng đã có món quà nhỏ biểu tỏ sự quan tâm của ngài đến quý dì, quý thầy và mọi người đang phục vụ các em.

Tin, ảnh: Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Văn Hóa
Bước Chân Của Đấng Emmanuel
Sơn Ca Linh
10:12 22/12/2019
“Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng,
lúc đêm trường chừng như điểm canh ba,
thì từ cao thẳm,
lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngai báu” (Kn 18,14-15)



Trong cái cõi mênh mông vô tận,
Và xuyên qua miên viễn của thời gian,
Bước chân Ngài,
Cứ nhè nhẹ, lặng lẽ, thênh thang
Như giọt sương nhẹ nhàng chạm lên lá cỏ,
Cơn gió heo may khẽ khàng lay trăng tỏ,
Lặng lẽ vừa rơi mấy tiếng vạc kêu sương…

Khi thiên sứ Gabriel vội vã lên đường,
Đố ai biết, ai nghe một Tin Mừng vĩ đại ?
Chỉ mỗi mình cô thôn nữ Maria thuở ấy,
Nhận ra “Bước Chân Ngài” đã trở thành “Emmanuel”.

Hay chỉ mỗi chàng trai thợ mộc Giuse,
Trong giấc mơ âm thầm đã nhận được ân hồng Nhập Thể.
Hoạ chăng cỏ dại bên đường và mấy con chim sẻ
Mới reo vui theo nhịp “Thăm viếng” của Mẹ Maria !

Không dàn nhạc, chẳng ca đoàn,
vẫn vang lên một tuyệt tác thánh ca,
Mẹ đã hát với chị Isave bài Magnificat.
Chỉ có hai người đàn bà,
Nghe biết “bước chân Ngài” đang khua lên trong dạ…
Nhờ nỗi vui tràn trào của hai đứa con mới chỉ là bào thai.

Và rồi,
Hàng quán, nhà trọ Bêlem cửa đóng then cài,
Bước chân Ngài lại âm thầm tìm ra nơi đồng vắng.
Có ai qua giờ nầy đêm mùa đông giá lạnh,
Mẹ đã sinh Ngôi Lời trên máng cỏ làm nôi.

Thế giới ngủ yên,
Còn thức chăng mấy nụ sao trời,
Ngài mở mắt chào đời giữa lặng im của dòng sông sinh diệt.
Nếu không nhờ thiên sứ đưa tin,
Mấy chú mục đồng cũng chẳng hề hay biết,
Gần đây thôi, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh…

Thì ra,
Bước chân Ngài, Bước chân của Đấng Emmanuel,
Lặng lẽ, khẽ khàng, diệu huyền, sâu lắng…
Làm sao nhận ra khi cuộc đời bon chen, xô bồ, bụi bặm,
Cũng chẳng nghe được khi con tim đầy ắp tham vọng mánh mung.
Dẫu bước Ngài,
Đã, đang và sẽ mãi mãi vẫn còn đi qua đến tận vô cùng,
Chỉ ở lại, chỉ giáng sinh
Vâng, Đấng Emmanuel,
Ngài sẽ ở lại, ở giữa, những cõi lòng đích thực là “Máng Cỏ” !

Sơn Ca Linh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ánh Sao Giáng Sinh
Joseph Ngọc Phạm
23:48 22/12/2019
ÁNH SAO GIÁNG SINH
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Xin cho con quì xuống trước Hài Nhi
Và chiêm ngắm Một Vì Sao xuất hiện
Vì Sao của Đạo Yêu và Dâng Hiến
Yêu và hiến cho người-chẳng-được-ai-yêu
(Trích thơ của Hương Nam)
 
VietCatholic TV
Đức Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa khi nào, và tại sao? Bài tĩnh tâm cuối Mùa Vọng của giáo triều Rôma
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:30 22/12/2019
Bài tĩnh tâm Mùa Vọng 2019 cuối cùng của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma

Sáng thứ Sáu 20 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm cuối cùng trong Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, và là giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây: “She Gave Birth To Her First Born Son” - Mary, the Mother of God - “Bà đã hạ sinh con trai đầu lòng” - Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Dưới đây là bản dịch toàn văn phần I bàn về ý nghĩa và lịch sử hình thành tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” sang Việt Ngữ.


Các bước chúng ta đang thực hiện liên quan đến nhận thức của Đức Maria tương ứng với sự phát triển lịch sử trong cuộc đời Mẹ như chúng ta biết từ các sách Phúc Âm. Suy tư về đức tin của Đức Maria đã đưa chúng ta trở lại thời điểm Truyền tin, thời điểm Mẹ thốt lên bài ca Magnificat, thời điểm Mẹ đi thăm người chị họ mình; và bây giờ, là thời điểm Giáng Sinh, là thời khắc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chính là vào thời khắc Giáng sinh, chính tại thời điểm “sinh con trai đầu lòng” (Lc 2: 7), mà Đức Maria thực sự và hoàn toàn trở thành Mẹ Thiên Chúa.

Khi nói về Đức Maria, Kinh Thánh liên tục nhấn mạnh hai hành vi căn bản, hay đúng hơn là hai khoảnh khắc, tương ứng với những gì kinh nghiệm thông thường của con người cho là cần thiết cho một tình mẫu tử thực sự và đầy đủ có thể diễn ra – đó là thụ thai và sinh con. Thiên thần nói với Đức Maria: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.” (Lc 1:31). Hai khoảnh khắc này cũng tồn tại trong trình thuật của Thánh Matthêu: “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần và bà sẽ sinh con trai” (x Mt 1:20 f.) Lời tiên tri của Isaia trong đó tất cả những điều này đã được báo trước cũng sử dụng cùng một biểu đạt: Một “thiếu nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai “(Is 7:14). Bây giờ anh chị em có thể thấy lý do tại sao tôi nói rằng chỉ trong biến cố Giáng sinh, khi Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu, Mẹ mới trở nên Mẹ Thiên Chúa trong nghĩa đầy đủ nhất.

Tiêu đề “Mẹ Thiên Chúa” (Dei Genitrix), được sử dụng bởi các Giáo Hội Latinh, nhấn mạnh nhiều hơn vào khoảng khắc thứ nhất trong hai khoảnh khắc này, tức là vào thời điểm thụ thai; trong khi danh xưng Theotokos, được sử dụng bởi các Giáo Hội Hy Lạp, nhấn mạnh đến khoảng khắc thứ hai, tức là khi Đức Mẹ sinh hạ [Chúa Hài Đồng] (tikto trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hạ sinh”). Khoảnh khắc thứ nhất, sự thụ thai, là chung cho cả cha lẫn mẹ, trong khi khoảng khắc thứ hai, là việc sinh nở, chỉ thuộc về người mẹ.

Mẹ của Thiên Chúa: một danh hiệu thể hiện một trong những mầu nhiệm trọng đại nhất và, đối với lý trí con người, đó là một trong những nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo. Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” là tước hiệu cổ xưa nhất của Đức Maria và là một tín điều quan trọng nhất về Đức Maria, từ khi Giáo Hội qua Công Đồng Êphêsô năm 431 xác định như một chân lý đức tin mà tất cả các Kitô hữu phải tin tưởng. Đó là nền tảng của tất cả sự vĩ đại của Đức Maria. Đó là nguyên tắc của Thánh Mẫu Học. Vì điều đó, Đức Maria không chỉ là một đối tượng được tôn kính trong Kitô giáo mà còn là một đối tượng của thần học, và điều đó có nghĩa là Mẹ là một phần trong cuộc đàm luận về chính Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa liên quan trực tiếp trong tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria.

Một cái nhìn lịch sử về việc hình thành nên tín điều [Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa]

Trong Tân Ước Đức Maria chưa từng bao giờ được trao một cách minh nhiên tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Tuy nhiên, có một số khẳng định, mà trong ánh sáng của những suy tư cẩn thận của Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sau đó chứng minh điều này là sự thật. Như chúng ta đã thấy, Đức Maria đã thụ thai, sinh hạ một con trai, là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Thánh và là Con Thiên Chúa (xem Lc 1: 31-32, 35). Do đó, hệ quả từ các Phúc Âm là Đức Maria là mẹ của một người con trai mà chúng ta biết là Con Thiên Chúa. Trong các sách Phúc Âm, Đức Maria thường được gọi là mẹ của Chúa Giêsu, mẹ của Chúa (xem Lc 1:43), hoặc đơn giản là mẹ, hoặc là mẹ Ngài (xem Ga 2: 1-3).

Trong sự phát triển của đức tin, chính Giáo Hội phải rõ ràng về Chúa Giêsu là ai trước khi biết Đức Maria là mẹ của ai. Đức Maria chắc chắn đã không trở thành Mẹ Thiên Chúa tại Công Đồng Êphêsô năm 431, như Chúa Giêsu đã không trở thành Thiên Chúa tại Công Đồng Nicê năm 325, là Công Đồng đã long trọng khẳng định như vậy. Ngài là Chúa trước đó. Năm 325 chỉ là một thời điểm khi Giáo Hội, trong quá trình phát triển và công bố đức tin của mình dưới áp lực dị giáo, đã nhận thức đầy đủ về sự thật này và bảo vệ điều đó. Nó giống như những gì xảy ra khi một ngôi sao mới được phát hiện: ngôi sao ấy không chỉ mới được sinh ra khi ánh sáng của nó lần đầu tiên chạm tới trái đất và được quan sát bởi một ai đó. Tinh tú này có lẽ đã tồn tại hàng ngàn năm. Một định nghĩa của Công Đồng chỉ là thời điểm khi ngọn nến được đặt trên chân đèn, là công thức tuyên xưng đức tin của Giáo Hội.

Trong tiến trình dẫn đến lời tuyên bố long trọng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, có ba giai đoạn lớn mà tôi sẽ đề cập bây giờ đây. Lúc đầu và trong cuộc chiến chống lại sự hoành hành của thuyết Ngộ đạo (Gnosticism ) và thuyết Huyễn Ảnh [Docetism – cho rằng Chúa Kitô không mặc lấy xác phàm, chỉ có thiên tính chứ không có nhân tính, và vì thế các đau khổ Ngài phải chịu chỉ là bề ngoài – chú thích của người dịch], trong đó tình mẫu tử của Đức Maria hầu như chỉ được nhìn ở khía cạnh thể lý mà thôi. Những kẻ dị giáo này cho rằng Chúa Kitô không hề thực sự mặc lấy xác loài người, hoặc nếu Ngài có mặc lấy xác loài người đi chăng nữa, thì thân xác con người ấy được sinh ra bởi một người phụ nữ, cho nên, nó thực sự chỉ là một phần máu thịt của người phụ nữ này. Thành ra, điều cần thiết là phải mạnh mẽ khẳng định rằng Chúa Giêsu là con trai của Đức Maria và là “hoa trái từ cung lòng Mẹ” (Lc 1:42) và Đức Maria là người mẹ thật sự và tự nhiên của Chúa Giêsu.

Trong giai đoạn cổ xưa nhất này, tình mẫu tử của Đức Maria được dùng để chứng minh nhân tính thực sự của Chúa Giêsu hơn bất cứ điều gì khác. Chính vào thời điểm đó và trong một môi trường như vậy mà điều này được hình thành trong Kinh Tin Kính “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”. Lúc ban đầu, điều này chỉ đơn giản có nghĩa là Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người: là Thiên Chúa vì bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, và là con người vì được sinh ra theo xác thịt, nghĩa là, bởi Đức Maria.

Trong giai đoạn cổ xưa nhất, danh hiệu Theotokos đã được sử dụng để nói về Đức Maria, như Origen đã dùng vào thế kỷ thứ ba. Từ đó trở đi, chính việc sử dụng tước hiệu này đã đưa Giáo Hội đến việc khám phá sâu xa hơn về tình mẫu tử thánh thiêng, mà chúng ta có thể gọi “metaphysical maternity” - “tình mẫu tử siêu hình”. Đó là thời điểm của những cuộc tranh luận lớn về Kitô học trong thế kỷ thứ năm, khi vấn đề chính liên quan đến Chúa Giêsu Kitô đã không còn là về tính nhân loại thật sự của Ngài nhưng là sự hiệp nhất trong ngôi vị của Ngài. Tình mẫu tử của Đức Maria không còn được nhìn thấy trong tương quan với bản tính nhân loại của Chúa Kitô, nhưng, đúng hơn, liên quan đến một bản thể duy nhất là Ngôi Lời đã làm người. Và vì Đức Kitô duy nhất này, được sinh ra bởi Đức Maria theo xác thịt, không ai khác chính là Ngôi Hai Con Thiên Chúa, do đó, Đức Maria được xem là Mẹ Thiên Chúa đích thực.

Không chỉ có mối quan hệ thể lý giữa Đức Maria và Chúa Giêsu, nhưng, ngoài ra còn có một mối quan hệ siêu hình, và điều này đặt Mẹ lên một tầm cao, tạo ra một mối quan hệ độc đáo giữa Mẹ và Chúa Cha. Tại Công đồng Êphêsô, điều này đã trở thành một thành tựu vĩnh viễn của Giáo Hội.

Văn bản của Công Đồng viết:

“Bất cứ ai không tuyên xưng Thiên Chúa thực sự là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và, do đó, Đức Trinh Nữ Đầy Ơn Phúc, là người đã tạo ra xác thịt cho Ngôi Lời của Thiên Chúa hóa thánh nhục thể, là Theotokos – Mẹ Thiên Chúa, thì người ấy là người bị chúc dữ.”[1]

Đó là một thời gian hân hoan tưng bừng cho người dân Êphêsô, những người đã chờ đợi các Nghị Phụ bên ngoài phòng họp Công Đồng và đi cùng các ngài đến những nơi cư ngụ của họ với đèn đuốc và thánh ca. Một loan báo như vậy gây ra một sự bùng nổ lòng tôn kính dành cho Mẹ Thiên Chúa chưa bao giờ suy giảm, cả ở Tây phương lẫn Đông phương, được thể hiện trong các lễ nghi phụng vụ, các tượng ảnh, thánh ca, và trong rất nhiều các nhà thờ dành riêng để tôn kính Đức Mẹ, bao gồm “Santa Maria Maggiore” – “Đền Thờ Đức Bà Cả” - ở Rôma.

Vẫn còn một chiều sâu khác cần được khám phá trong tình mẫu tử thánh thiêng của Đức Maria bên cạnh hai chiều kích thể lý và siêu hình. Trong các cuộc tranh luận về Kitô học, danh hiệu Theotokos được chú trọng nhiều hơn đến bản tính loài người của Chúa Kitô hơn là của Đức Maria, ngay cả khi đó là một danh hiệu của Đức Mẹ. Những hệ quả logic liên quan đến con người của Đức Maria và đặc biệt là sự thánh thiện cá nhân của Mẹ vẫn còn phải được rút ra. Theotokos có nguy cơ trở thành một điều gây xung đột giữa các khuynh hướng thần học đối nghịch thay vì là một biểu hiện của đức tin và lòng sùng kính của Giáo Hội đối với Đức Maria.

Các tác giả Latinh và đặc biệt là Thánh Augustinô đã có những đóng góp lớn về điều này. Tình mẫu tử của Đức Maria được coi là một tình mẫu tử trong đức tin, đó cũng là một tình mẫu tử thiêng liêng. Đó là một thiên sử thi về đức tin của Đức Maria. Bàn về câu hỏi của Chúa Giêsu “Ai là mẹ tôi?” Câu trả lời của Thánh Augustinô đã gán cho Đức Maria mức độ cao nhất trong tình mẫu tử thiêng liêng xuất phát từ việc làm theo thánh ý Chúa Cha:

“Lẽ nào Đức Trinh Nữ Maria lại không làm thánh ý Chúa Cha, khi Mẹ là người đã tin trong đức tin của mình, và trong đức tin đã thụ thai, là người đã được lựa chọn để hạ sinh Đấng cứu rỗi loài người, và là người đã được tạo ra bởi Chúa Kitô trước khi Chúa Kitô được tạo ra bởi Mẹ? Chắc chắn, Đức Maria đã làm theo thánh ý Chúa Cha và do đó, đối với Đức Maria trở thành môn đệ của Chúa Kitô là điều còn cao trọng hơn là trở thành Mẹ của Chúa Kitô.”[2]

Tình mẫu tử về thể lý và siêu nhiên của Đức Maria giờ đây đã lên ngôi nhờ sự thừa nhận một tình mẫu tử thiêng liêng, hay một tình mẫu tử trong đức tin, khiến Đức Maria trở thành đứa con đầu tiên và thánh thiêng nhất của Thiên Chúa, là môn đệ đầu tiên và ngoan ngoãn nhất của Chúa Kitô, là tạo vật, mà Thánh Augustinô nói tiếp rằng “vì danh dự dành cho Chúa không hề mắc tội lỗi nào”[3]. Từ một quan điểm khách quan, tình mẫu tử về thể lý hay “thực sự” của Đức Maria, vì mối quan hệ ngoại thường và độc đáo nó tạo ra giữa Mẹ và Chúa Giêsu, và giữa Mẹ và cả Ba Ngôi, đã và sẽ tiếp tục là vinh dự lớn nhất và là một đặc ân không có gì sánh bằng, nhưng điều này chính là vì nó tìm thấy một đối tác chủ quan trong đức tin khiêm nhường của Đức Maria. Đối với bà Êvà, chắc chắn là một đặc ân độc đáo, khi được là “mẹ của tất cả các loài thọ sinh” nhưng vì thiếu đức tin, điều đó chẳng có ích gì với bà, và thay vì được chúc phúc, bà đã trở nên bất hạnh.

Đức Maria là người duy nhất trong thế giới loài người có thể nói với Chúa Giêsu những gì Chúa Cha trên trời nói với Ngài: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.” (x Tv 2: 7; Dt 1: 5). Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, trong tất cả sự đơn sơ và hầu như không nhận thức được chân giá trị to lớn ông đã đưa ra cho loài người, nói rằng Chúa Giêsu là “của Thiên Chúa và của Mẹ Maria.”[4] Nó giống như nói rằng một người là con của một người đàn ông và một người phụ nữ cụ thể. Dante Alighieri cố gắng bao gồm các nghịch lý kép (trinh nữ và mẹ; mẹ và con gái) trong một câu: “Lạy Mẹ Ðồng Trinh, là con gái của Con Mẹ!”[5]

Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” tự nó là đủ để thiết lập sự vĩ đại của Đức Maria và để biện minh cho danh dự dành cho Mẹ. Người Công Giáo đôi khi bị khiển trách vì đã phóng đại danh dự và tầm quan trọng mà họ dành cho Đức Maria, và, chúng ta phải thừa nhận rằng những lời trách móc như thế đôi khi có thể biện minh được, ít nhất là đối với cách Mẹ được tôn vinh. Nhưng chúng ta không bao giờ nghĩ về những gì Thiên Chúa đã làm. Khi biến Mẹ thành Mẹ Thiên Chúa, Chúa Cha đã tôn vinh Mẹ đến nỗi không ai có thể tôn vinh Mẹ hơn, ngay cả khi người ấy có nhiều lưỡi như những ngọn cỏ, theo cách nói của Luther.[6]

Đối với tất cả các Kitô hữu, cho đến nay tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” vẫn là điểm gặp gỡ hay cơ sở chung để từ đó bắt đầu tìm ra một sự đồng thuận về vị thế của Đức Maria trong đức tin. Đó là danh hiệu đại kết duy nhất theo nghĩa là nó được công nhận bởi tất cả các Giáo Hội. Luther đã viết: “Tín điều khẳng định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã có hiệu lực trong Giáo Hội ngay từ đầu và Công Đồng Êphêsô không định nghĩa điều này như một điều mới mẻ vì đó là một niềm tin đã được khẳng định trong Phúc Âm và Thánh Truyền. Những lời này (Lc 1:32; Gal 4: 4) khẳng định mạnh mẽ rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.”[7] Zwingli đã viết: “Theo tôi, Đức Maria thật sự đáng được gọi là Genitrix của Thiên Chúa, Theotokos,” và ở một chỗ khác Zwingli cũng gọi Đức Maria là “Theotokos của Thiên Chúa, được lựa chọn ngay cả trước khi Mẹ có đức tin.”[8] Calvin, đến lượt mình, đã viết, “Kinh Thánh bảo cho chúng ta một cách rõ ràng rằng Đấng được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1:32) và Đức Trinh Nữ ấy cũng là Mẹ của Chúa chúng ta.”[9]

Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, Theotokos, do đó, là tước hiệu chúng ta phải luôn luôn quay trở lại, và như các tín hữu Chính Thống vẫn làm, chúng ta phải phân biệt tước hiệu này với vô số những danh xưng và tước hiệu khác được gán cho Đức Maria. Nếu điều đó được tất cả các Giáo Hội thực hiện nghiêm túc và tận dụng tối đa, bên cạnh việc thừa nhận về mặt lý thuyết, nó sẽ đủ để tạo ra một sự hiệp nhất cơ bản xung quanh Đức Maria, Đấng thay vì là nguyên nhân chia rẽ giữa các Kitô hữu sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự hiệp nhất Kitô giáo, một sự phù trợ từ mẫu “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11:52).

1. Denzinger-Schoenmetzer, En­chiridion Symbolorum, Số. 252.
2.Thánh Augustinô, Các bài giảng, 72 A (Denis 25), 7 {Miscellanea Agostiniana I, tr. 162).
3. Thánh Augustinô, Về Thiên Nhiên và Ân Sủng, 36, 42 (CSEL 60, trang 263).
4. Thánh Ignatiô thành Antiôkia, Thư gửi Êphêsô, 7, 2.
5. Dante Alighieri, Paradiso XXXIII, 1.
6. Luther, Bài ca Magnificat (ed. Weimar 7, trang 572 f.).
7. Luther, Về các Công Đồng và Giáo Hội (ed. Weimar 50, trang 591 f.).
8. H. Zwingli, Trình bày đức tin Kitô giáo, Zwingli, Hauptschriften der Theologie III, Zurich, 1948, tr. 319; Trình thuật Đức tin (Fidei ratio), 6.
9.Calvin, Các định chế Kitô giáo, II, 14, 4 (London, SCM Press, 1961, I, trang 486 f.).


Source:Raniero Cantalamessa
 
Video:Diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ chúc mừng Giáng Sinh với giáo triều Rôma
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:37 22/12/2019
Sáng 21 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với giáo triều Rôma để trao đổi lời chúc mừng lễ Giáng Sinh.

Trong diễn từ tại cuộc gặp gỡ này Đức Thánh Cha nói: (Bản dịch của Vũ Văn An)

“Và Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14)

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi tất cả anh chị em lời chào đón chân tình. Tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi tới Đức Hồng Y Angelo Sodano vì những lời nói nhân từ của ngài và một cách đặc biệt tôi cũng cảm ơn ngài, nhân danh các thành viên của Hồng Y đoàn, vì sự phục vụ rất giá trị mà ngài đã cống hiến từ lâu, trong tư cách Niên trưởng, bằng tinh thần giúp đỡ, cống hiến và hiệu năng, và với kỹ năng tuyệt vời trong tổ chức và phối hợp. Theo cách “La rassa nostrana” (1), như nhà văn người Piemonte Nino Costa hay nói. Bây giờ các Hồng Y Giám mục phải bầu một tân niên trưởng. Tôi hy vọng các ngài sẽ bầu một người có thể thi hành trách nhiệm quan trọng này toàn thời gian. Cảm ơn anh chị em.

Với mỗi anh chị ở đây, với các đồng nghiệp của anh chị em và tất cả những người phục vụ ở Giáo Triều, và cả các Đại diện Giáo hoàng và nhân viên của họ, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho một Lễ Giáng sinh thánh thiện và vui vẻ. Và tôi xin nói thêm sự đánh giá cao của tôi đối với sự tận tụy mà anh chị em mang lại hàng ngày để phục vụ Giáo hội. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Một lần nữa trong năm nay, Chúa cho chúng ta cơ hội tụ tập nhau vào thời khắc hiệp thông này, một thời khắc củng cố tình huynh đệ của chúng ta và được đặt cơ sở trong việc suy ngẫm tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ vào dịp Lễ Giáng sinh. Một nhà huyền nhiệm đương thời đã viết rằng, “sự ra đời của Chúa Kitô là chứng tá vĩ đại nhất và hùng hồn nhất về việc Thiên Chúa yêu thương con người đến mức nào. Người yêu họ bằng một tình yêu bản vị. Đó là lý do tại sao Người tiếp nhận một cơ thể con người, hợp nhất nó với chính Người và biến nó thành của riêng Người mãi mãi. Sự ra đời của Chúa Kitô tự nó là ‘một giao ước tình yêu’, được niêm ấn cho mọi thời đại giữa Thiên Chúa và con người” [1]. Như Thánh Clêmentê thành Alexandria đã viết, “Chúa Kitô đã xuống thế và mặc lấy nhân tính của chúng ta, sẵn lòng chia sẻ các đau khổ nhân bản chúng ta, vì lý do này: để, sau khi đã trải nghiệm sự mỏng dòn của những kẻ Người yêu thương, Người có thể khiến chúng ta trải nghiệm được sức mạnh vĩ đại của Người” [2].

Trong ánh sáng của lòng nhân từ và tình yêu vô biên này, việc chúng ta trao đổi các lời chúc mừng Lễ Giáng sinh lại là một cơ hội nữa để đáp ứng điều răn mới của Chúa Kitô: “Các con cũng phải yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con. Qua việc này, mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con có tình yêu dành cho nhau” (Ga 13: 34-35). Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta yêu mến Người để đáp lại tình yêu của Người dành cho chúng ta; đúng hơn, Người yêu cầu chúng ta yêu nhau như Người đã yêu chúng ta. Nói cách khác, Người yêu cầu chúng ta trở nên giống Người, vì Người đã trở nên giống chúng ta. Như Thánh John Henry Newman đã cầu nguyện: “Uớc mong mỗi Lễ Giáng sinh, khi nó đến, đều thấy chúng ta ngày càng giống như Người, Đấng vào lúc này trở nên một trẻ nhỏ vì chúng ta, đơn sơ hơn, khiêm tốn hơn, thánh thiện hơn, âu yếm hơn, cam chịu hơn, hạnh phúc hơn, tràn đầy Thiên Chúa hơn” [3]. Và ngài nói tiếp: “[Lễ Giáng sinh] là thời khắc cho sự ngây thơ, và trong trắng, dịu dàng, và hiền từ và hài lòng, cùng bình an” [4].

Việc đề cập đến Thánh Newman này gợi nhớ các từ ngữ nổi tiếng trong Tiểu luận của ngài về Sự Phát triển của Học thuyết Kitô giáo, một cuốn sách trùng hợp về thứ tự thời gian và tâm linh với việc ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo: “ở đây ở dưới thế này, sống là thay đổi, và muốn trở nên hoàn hảo sẽ phải thay đổi thường xuyên” [5]. Đương nhiên, ngài không nói đến việc thay đổi để thay đổi, hay theo mọi mốt mới, mà đúng hơn, là vì xác tín rằng sự phát triển và tăng trưởng là một phần bình thường của cuộc sống con người, cho dù là các tín hữu, chúng ta vốn biết rằng Thiên Chúa mãi là trung tâm không thay đổi của mọi sự [6].

Đối với Newman, nói cách khác, thay đổi là sự biến đổi bên trong [7]. Đời sống Kitô hữu là một hành trình, một cuộc hành hương. Lịch sử Kinh Thánh là một hành trình, được đánh dấu bằng những khởi đầu không ngừng mới mẻ. Nó đã như thế với Áp-ra-ham. Nó cũng đã như thế với những người Galilê mà hai ngàn năm trước đã bắt đầu bước chân theo Chúa Giêsu: “Khi họ đã đưa thuyền vào bờ, họ đã bỏ lại tất cả và đi theo Người” (Lc 5: 11). Từ thời gian đó trở đi, lịch sử của Dân Thiên Chúa - lịch sử của Giáo hội - luôn được đánh dấu bằng những khởi đầu, những rời chỗ và thay đổi mới mẻ. Hành trình này, tất nhiên, không chỉ có tính địa dư, mà trước hết có tính biểu tượng: nó là một kêu gọi khám phá ra chuyển động của trái tim, một điều, nghịch lý thay, là lên đường để ở lại, là thay đổi để trung thành [ số 8].

Tất cả những điều trên có tầm quan trọng đặc biệt đối với thời đại chúng ta, vì điều chúng ta đang trải nghiệm không chỉ đơn giản là một kỷ nguyên của các thay đổi, mà là một sự thay đổi mang tính thời đại. Chúng ta thấy mình đang sống ở một thời điểm khi sự thay đổi không còn có tính tuyến tính nữa mà có tính thời đại. Nó bao hàm các quyết định có thể thay đổi nhanh chóng cách sống của chúng ta, cách chúng ta liên quan đến nhau, cách truyền thông và suy nghĩ, cách các thế hệ khác nhau liên quan đến nhau và cách chúng ta hiểu và trải nghiệm đức tin và khoa học. Thông thường chúng ta tiếp cận sự thay đổi như thể chỉ là vấn đề mặc quần áo mới, nhưng bản thân thì vẫn y như trước đây. Tôi nghĩ đến biểu thức khó hiểu tìm thấy trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Ý: “Nếu chúng ta muốn mọi thứ y như nguyên, thì mọi thứ phải thay đổi” (The Leopard của Giuseppe Tomasi di Lampedusa).

Cách tiếp cận lành mạnh hơn là để cho bản thân được thách thức bởi những vấn đề của thời đại và tiếp cận chúng bằng các nhân đức biện phân, dũng cảm (parrhesía), và kiên định (hypomoné). Nhìn dưới ánh sáng này, thay đổi mang một khía cạnh rất khác: từ một điều ở bên lề, ngẫu nhiên hoặc chỉ đơn thuần ở bên ngoài, nó trở thành một điều nhân bản và Kitô giáo nhiều hơn. Thay đổi vẫn diễn ra, nhưng bắt đầu với con người như trung tâm của nó: một chuyển đổi có tính nhân học [9].

Chúng ta cần khởi xướng các diễn trình chứ không chỉ lo chiếm giữ không gian: “Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong mặc khải lịch sử, bên trong lịch sử. Thời gian khởi xướng các diễn trình trong khi không gian biến chúng thành phalê. Thiên Chúa luôn ở trong lịch sử, ở trong các diễn trình. Chúng ta không nên tập chú vào việc chiếm hữu các không gian nơi người ta thi hành quyền lực, mà đúng hơn bắt đầu các diễn trình lịch sử lâu dài. Chúng ta phải khởi xướng các diễn trình chứ không phải chiếm hữu không gian. Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thời gian và hiện diện trong các diễn trình của lịch sử. Điều này dành ưu tiên cho các hành động tạo ra động lực lịch sử mới. Và nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, chờ đợi” [10]. Theo nghĩa này, chúng ta được thúc giục đọc các dấu chỉ thời đại bằng con mắt đức tin, để hướng thay đổi này nên “nêu ra những câu hỏi mới và cũ mà chúng ta nên đương đầu với” [11].

Khi thảo luận sự thay đổi chủ yếu dựa trên lòng trung thành với kho tàng Đức tin và Thánh truyền, hôm nay tôi muốn một lần nữa nói đến việc thi hành cuộc cải cách Giáo triều Rôma và tái khẳng định rằng cuộc cải cách này chưa bao giờ được giả thiết phải hành động như thể không có gì đã đi trước nó. Trái lại, một cố gắng đã được thực hiện để tăng cường các yếu tố tốt đẹp bắt nguồn từ lịch sử phức tạp của Giáo triều. Cần phải tôn trọng lịch sử để xây dựng một tương lai có nguồn gốc vững chắc và do đó có thể chứng minh là có kết quả. Nại tới ký ức không y hệt như níu bám vào việc tự bảo quản, nhưng thay vào đó, gợi lên sự sống và sinh khí của một diễn trình đang diễn ra. Ký ức không tĩnh tụ, mà đầy động năng. Bởi chính bản chất của nó, nó ngụ hàm chuyển động. Cả truyền thống cũng không tĩnh tụ; nó cũng rất năng động, như vĩ nhân [Gustav Mahler] quen nói: truyền thống là sự bảo đảm cho tương lai và không phải là hũ chứa tro cốt.

Anh chị em thân mến,

Trong các cuộc họp mặt nhân Lễ Giáng sinh trước đây của chúng ta, tôi đã nói về các tiêu chuẩn vốn gây cảm hứng cho công cuộc cải cách này. Tôi cũng đã giải thích một số thay đổi đã được thực thi, bất kể là dứt khoát hay để thử nghiệm [12]. Năm 2017, tôi đã nhấn mạnh một số yếu tố mới trong việc tổ chức Giáo triều. Tôi đã đưa ra các thí dụ: Bộ phận thứ ba của Phủ Quốc Vụ Khanh, một bộ phận đang hoạt động rất tốt; mối liên hệ giữa Giáo triều Rôma và các Giáo hội đặc thù, với việc cũng nhắc đến thực hành cổ xưa tức các chuyến viếng thăm ad limina Apostolorum (mộ các Tông đồ); và cơ cấu của một số Thánh bộ, đặc biệt là Thánh bộ các Giáo hội phương Đông và các Thánh bộ đối thoại đại kết và liên tôn, đặc biệt là với Do Thái giáo.

Trong cuộc họp mặt hôm nay, tôi muốn suy ngẫm về một số thánh bộ khác, bắt đầu từ trung tâm của cuộc cải cách, đó là, với nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Giáo hội, đó là truyền giảng Tin mừng. Như Thánh Phaolô VI đã tuyên bố: “Truyền giảng Tin mừng trên thực tế là ân sủng và ơn gọi riêng của Giáo hội, là bản sắc sâu sắc nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để truyền giảng Tin Mừng” [13]. Ngày nay cũng vậy, Evangelii Nuntiandi tiếp tục là tài liệu mục vụ quan trọng nhất của thời kỳ hậu công đồng. Thật vậy, mục đích của cuộc cải cách hiện nay là “các phong tục của Giáo hội, cách thức thi hành sự việc, thời gian và lịch trình, ngôn ngữ và cơ cấu có thể được tổng hợp thích đáng cho việc truyền giảng Tin mừng cho thế giới ngày nay thay vì cho việc tự bảo tồn. Việc đổi mới các cơ cấu được việc hoán cải mục vụ yêu cầu chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng này: như là một phần của nỗ lực làm chúng hướng về việc truyền giáo nhiều hơn” (Evangelii Gaudium, 27). Do đó, lấy cảm hứng từ huấn quyền của các vị kế nhiệm Thánh Phêrô từ thời Công đồng Vatican II cho đến nay, đã phát sinh quyết định dành tiêu đề Praedicate Evangelium (Hãy Rao giảng Tin mừng) cho Tông Hiến mới đang được soạn thảo về cuộc cải cách Giáo triều Rôma. Một quan điểm truyền giáo.

Vì lý do đó, hôm nay tôi muốn thảo luận về một số thánh bộ của Giáo triều Rôma có tên rõ ràng đề cập đến việc này: Thánh bộ Giáo lý Đức tin và Thánh bộ truyền giảng Tin mừng cho các Dân tộc. Tôi cũng nghĩ đến Thánh bộ Truyền thông và Thánh bộ Cổ vũ Phát triển Con người Toàn diện.

Hai Thánh bộ đầu được đề cập đến đã được thành lập trong một thời đại dễ phân biệt giữa hai thực tại đã được xác định khá rõ ràng: một thế giới Kitô giáo và một thế giới cần được truyền giảng Tin mừng. Tình thế đó, đến ngày nay, không còn hiện hữu nữa. Những người chưa nhận được sứ điệp Tin Mừng không chỉ sống ở các lục địa ngoài phương Tây; họ sống ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở các đô thị rộng lớn đòi hỏi một chương trình nối vòng tay lớn mục vụ chuyên biệt. Ở các thành phố lớn, chúng ta cần “các bản đồ” khác, các mô hình khác, có thể giúp chúng ta tái định vị cách suy nghĩ và thái độ của chúng ta. Anh chị em thân mến, Thế giới Kitô giáo không còn hiện hữu nữa!

Ngày nay chúng ta không còn là những người duy nhất tạo ra văn hóa, chúng ta cũng không ở tuyến đầu hoặc là những người được lắng nghe nhiều nhất nữa [14]. Chúng ta cần một sự thay đổi trong khung suy nghĩ mục vụ của chúng ta, một điều không có nghĩa là tiến tới một việc chăm sóc mục vụ duy tương đối. Chúng ta không còn sống trong một Thế giới Kitô giáo, vì đức tin – nhất là ở châu Âu, mà cả ở một phần lớn của phương Tây - không còn là một tiền giả định hiển nhiên của đời sống xã hội; thật vậy, đức tin thường bị bác bỏ, cười nhạo, bị gạt ra ngoài lề và nhạo báng.

Điểm trên được Đức Bênêđíctô XVI làm rõ khi ngài công bố Năm Đức tin 2012: “Trong khi trước đây, ta có thể nhận ra một môi trường văn hóa đơn nhất, được chấp nhận rộng rãi trong việc nó nại tới nội dung đức tin và các giá trị được đức tin này linh hứng, thì ngày nay điều này dường như không còn là trường hợp nữa trong các khu vực rộng lớn của xã hội, vì cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa đã ảnh hưởng đến nhiều người” [15]. Điều này cũng dẫn đến việc năm 2010, thành lập ra Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ việc Truyền giảng Tin mừng mới nhằm mục đích cổ vũ “ việc truyền giảng Tin mừng đổi mới ở các quốc gia nơi việc công bố đức tin đầu tiên vốn đã tái vang dội và nơi các Giáo hội có nền tảng cổ xưa còn hiện hữu nhưng đang trải nghiệm diễn trình thế tục hóa xã hội tiệm tiến và một loại 'nhật thực về ý nghĩa Thiên Chúa', một cuộc nhật thực đang đặt ra một thách thức phải tìm cho được các phương tiện thích hợp để đề xuất một lần nữa sự thật muôn thuở của Tin mừng Chúa Kitô” [16]. Có lần tôi đã nói về điều này với một số anh chị em... tôi nghĩ đến năm quốc gia đã từng gửi đi khắp thế giới nhiều nhà truyền giáo - tôi đã nói với anh chị em họ là ai - nhưng ngày nay đang thiếu nguồn lực ơn gọi để tiến bước. Đó là thế giới ngày hôm nay.

Việc hiểu ra rằng sự thay đổi có tính thời đại nêu ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng về bản sắc đức tin của chúng ta đã không đột ngột xuất hiện ở hiện trường [17]. Nó đã làm nảy sinh thuật ngữ “Truyền giảng Tin mừng mới” (tân phúc âm hóa), sau đó, được Thánh Gioan Phaolô II tiếp nối, người từng viết trong Thông điệp Redemptoris Missio: “Hôm nay, Giáo hội phải đối đầu với những thách thức khác và tiến tới các biên giới mới, cả trong việc truyền giáo ad gentes có tính khởi đầu lẫn trong việc truyền giảng Tin mừng mới cho các dân tộc từng đã nghe công bố về Chúa Kitô” (số 30). Điều cần là truyền giảng Tin mừng mới hoặc tái truyền giảng Tin mừng (xem số 33).

Tất cả các điều trên nhất thiết bao hàm các thay đổi và hoán đổi tập chú, cả trong các Thánh bộ đã đề cập ở trên và trong toàn bộ Giáo triều [18].

Tôi cũng sẽ thêm một đôi lời về Thánh bộ mới được thành lập gần đây là Thánh bộ Truyền thông. Cả ở đây, chúng ta đang nói tới việc thay đổi có tính thời đại, theo nghĩa “nhiều nhóm rộng lớn trong nhân loại đang chìm đắm trong [thế giới kỹ thuật số] một cách bình thường và liên tục. Nay không còn đơn thuần là vấn đề 'sử dụng' các công cụ truyền thông, mà là sống trong một nền văn hóa bị kỹ thuật số hóa cao độ, vốn gây tác động sâu xa đến các ý niệm thời gian và không gian, đến việc tự hiểu chính chúng ta, đến việc chúng ta hiểu biết người khác và thế giới, và đến khả năng của chúng ta trong việc truyền thông, học hỏi, được thông tri và bước vào mối liên hệ với người khác. Một cách tiếp cận với thực tại ưa thích hình ảnh hơn là lắng nghe và đọc đã ảnh hưởng đến cách người ta học hỏi và việc phát triển của ý thức phê phán của họ” (Christus Vivit, 86).

Thánh bộ Truyền thông đã được giao trách nhiệm kết hợp trong một định chế mới, chín cơ quan trước đây đã xử lý việc truyền thông, theo nhiều cách khác nhau và với các nhiệm vụ khác nhau. Đó là Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Nhà in Vatican, Nhà xuất bản Vatican, Tờ Quan Sát Viên Rôma, Đài phát thanh Vatican, Trung tâm Truyền hình Vatican, Dịch vụ Internet Vatican và Dịch vụ Chụp hình. Việc củng cố này, như tôi đã nói, không chỉ đơn giản là để phối hợp tốt hơn, mà còn để tái cấu hình các thành phần khác nhau nhằm cung cấp một sản phẩm tốt hơn và duy trì một đường hướng biên tập nhất quán.

Văn hóa truyền thông mới, trong sự đa dạng và phức tạp của nó, kêu gọi sự hiện diện thích đáng của Tòa Thánh trong lĩnh vực truyền thông. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều phương tiện truyền thông và điều này ảnh hưởng đến cách chúng ta quan niệm, thiết kế và cung cấp các dịch vụ truyền thông. Tất cả những điều này đòi hỏi không chỉ là sự thay đổi văn hóa mà cả việc hoán cải định chế và bản thân nữa, để chuyển từ việc hoạt động trong các đơn vị tự lập – những đơn vị cùng lắm chỉ có một mức độ phối hợp nhất định nào đó - để làm việc trong sự hiệp lực, một cách liên kết quan lại từ trong nội tại.

Anh chị em thân mến,

Phần lớn những gì tôi vừa nói cũng có thể áp dụng vào Thánh bộ Cổ vũ Việc Phát triển Con người Toàn diện. Nó cũng được thành lập gần đây để đáp ứng các thay đổi diễn ra ở bình diện hoàn cầu, và hợp nhất bốn Hội đồng Giáo hoàng trước đây: Công lý và Hòa bình, Cor Unum, và Chăm sóc Mục vụ cho các Di dân, và Các Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe. Sự thống nhất tổng thể các nhiệm vụ được giao cho Thánh bộ này được tóm tắt trong những chữ đầu tiên của Tự sắc Humanam Progressionem, tự sắc đã thiết lập ra nó: “Trong trọn hữu thể và hành động của mình, Giáo hội được kêu gọi cổ vũ việc phát triển toàn diện con người dưới ánh sáng Tin Mừng. Việc phát triển này diễn ra bằng cách lưu tâm tới các thiện ích vô giá công lý, hòa bình và việc chăm sóc sáng thế”. Nó diễn ra bằng cách phục vụ những người dễ bị tổn thương và bị hắt hủi nhất, nhất là những người bị buộc phải di cư, những người ngay lúc này đang đại diện cho tiếng kêu trong hoang địa của nhân loại chúng ta. Do đó, Giáo hội được kêu gọi nhắc nhở mọi người rằng đây không chỉ đơn giản là vấn đề xã hội hay di dân mà là của những con người nhân bản, của anh chị em chúng ta, những người ngày nay là biểu tượng của tất cả những ai bị xã hội hoàn cầu hóa vứt bỏ. Giáo Hội được kêu gọi làm chứng rằng đối với Chúa, không ai là “người xa lạ” hay “người bị ruồng bỏ”. Giáo Hội được kêu gọi đánh thức lương tâm đang ngủ mê trong sự thờ ơ với thực tại Địa Trung Hải, nơi, đối với nhiều người, quá nhiều người, đã trở thành một nghĩa địa.

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn nhắc nhớ điều này: điều quan trọng là việc phát triển đó phải có tính toàn diện. Thánh Phaolô VI vốn nhận định rằng, “để được chân thực, sự phát triển phải toàn diện; nó phải cổ vũ sự phát triển của mọi người và toàn bộ người đó” (Populorum Progressio, 14). Tóm lại, dựa trên truyền thống đức tin của mình và việc, trong những thập niên gần đây, nại tới giáo huấn của Công đồng Vatican II, Giáo hội luôn khẳng định sự cao cả trong ơn gọi của mọi con người nhân bản, những người Thiên Chúa đã tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh của Người để tạo thành một gia đình duy nhất. Đồng thời, Giáo Hội cố gắng ôm lấy nhân loại trong tất cả các chiều kích của họ.

Ngày nay, chính khía cạnh toàn diện này khiến chúng ta nhìn nhận rằng nhân tính chung của chúng ta hợp nhất chúng ta như con cái của một Cha duy nhất. “Trong toàn bộ hữu thể và hành động của mình, Giáo hội được kêu gọi cổ vũ sự phát triển toàn diện con người dưới ánh sáng Tin Mừng (Humanam Progressionem). Tin Mừng luôn đưa Giáo hội trở lại với luận lý mầu nhiệm của việc nhập thể, với Chúa Kitô, Đấng đã tự mình gánh lấy lịch sử của chúng ta, lịch sử của mỗi người chúng ta. Đó là sứ điệp của Lễ Giáng sinh. Như thế, nhân tính là chìa khóa để giải thích cuộc cải cách. Nhân tính kêu gọi và thách thức chúng ta; tóm lại, nó kêu gọi chúng ta ra đi và không sợ thay đổi.

Chúng ta đừng quên rằng hài nhi đang nằm trong máng cỏ có khuôn mặt của anh chị em đang thiếu thốn nhất, của những người nghèo “vốn là phần ưu tuyển của mầu nhiệm này; họ thường là những người đầu tiên nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta” (Admirabile Signum, 6).

Anh chị em thân mến,

Sau đó, chúng ta nói về những thách thức lớn và những sự cân bằng cần thiết thường khó đạt được, vì thực tế đơn giản là, nằm giữa một quá khứ huy hoàng và một tương lai thay đổi, đầy tính sáng tạo, chúng ta đang sống trong hiện tại. Ở đây có những người nhất thiết cần thời gian để lớn mạnh; có những tình huống lịch sử cần được xử lý hàng ngày, vì trong diễn trình cải cách thế giới và lịch sử không dừng lại; có những vấn đề pháp lý và định chế cần được giải quyết dần dần, không có công thức hoặc đường tắt ma thuật.

Cuối cùng, có chiều kích thời gian và có sai lầm nhân bản, một sai lầm phải được xem xét một cách đúng đắn. Đây là một phần của lịch sử mỗi người chúng ta. Không lưu ý đến chúng là đi làm những điều trừu tượng, xa rời lịch sử con người. Liên kết với diễn trình lịch sử khó khăn này luôn có cơn cám dỗ muốn quay trở lại quá khứ (cũng bằng cách sử dụng các công thức mới), bởi vì nó làm ta yên tâm hơn, quen thuộc hơn và, chắc chắn, ít xung đột hơn. Đây cũng là một phần của diễn trình và rủi ro khích động các thay đổi đáng kể [19].

Ở đây, cần phải cảnh giác đối với cơn cám dỗ cứng ngắc. Một sự cứng ngắc phát sinh từ nỗi sợ thay đổi, một nỗi sợ kết cuộc sẽ dựng lên các hàng rào và chướng ngại lên mảnh đất lợi ích chung, biến nó thành một bãi mìn không hiểu nhau và hận thù. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng đằng sau mọi hình thức cứng ngắc là một sự mất cân bằng nào đó. Sự cứng ngắc và mất cân bằng nuôi dưỡng lẫn nhau trong một vòng luẩn quẩn. Và ngày nay cơn cám dỗ bước vào sự cứng ngắc này đã trở nên rất thật.

Anh chị em thân mến,

Giáo triều Rôma không phải là một cơ chế tách rời khỏi thực tại, mặc dù nguy cơ này luôn luôn hiện diện. Thay vào đó, nên suy nghĩ và trải nghiệm về nó trong bối cảnh cuộc hành trình của những người đàn ông và đàn bà ngày nay, và trong bức phông thay đổi có tính thời đại này. Giáo triều Rôma không phải là một cung điện hay một tủ quần áo đầy quần áo để thay đổi. Giáo triều Rôma là một cơ thể sống động, và càng như thế hơn nữa đến mức nó sống Tin Mừng trong sự toàn vẹn của nó.

Đức Hồng Y Martini, trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của ngài, vài ngày trước khi qua đời, đã nói một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Giáo Hội là hai trăm năm lùi lại phía sau thời đại. Tại sao Giáo Hội không bị lay động? Có phải chúng ta sợ không? Sợ hãi, thay vì can đảm? Tuy nhiên, đức tin là nền tảng của Giáo hội. Niềm tin, niềm tin tưởng, lòng can đảm... Chỉ có tình yêu mới chinh phục sự mệt mỏi”. [20].

Giáng sinh là ngày lễ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu thần thiêng linh hứng, hướng dẫn và điều chỉnh sự thay đổi, và vượt qua nỗi sợ hãi của con người phải bỏ lại phía sau “sự an toàn” để một lần nữa dấn thân vào “mầu nhiệm”.

Một Giáng sinh hạnh phúc cho mọi người!

Để chuẩn bị cho Giáng sinh, chúng ta đã lắng nghe bài giảng về Thánh Mẫu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hướng về ngài trước khi ban phước.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành.

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha nói:

Bây giờ tôi muốn tặng anh chị em một món quà nhỏ gồm hai cuốn sách. Đầu tiên là “tài liệu” mà tôi muốn phát hành cho Tháng truyền giáo đặc biệt [tháng 10 năm 2019], và đã thực hiện dưới hình thức một cuộc phỏng vấn; Senza di Lui non possiamo fare nulla

- Không có Người Chúng ta Không thể Làm Được gì. Tôi lấy cảm hứng từ một câu nói, tôi không biết là của ai, rằng khi các nhà truyền giáo đến một nơi náo đó, Chúa Thánh Thần đã ở đó để chờ họ rồi. Đó là nguồn cảm hứng cho tài liệu này. Món quà thứ hai là một cuộc tĩnh tâm được giảng cho các linh mục gần đây bởi Cha Luigi Maria Epicoco, Qualcuno a cui Guardare – Một ai đó mà chúng ta có thể nhìn lên. Tôi dành cho anh chị em những món quà này từ trái tim để chúng có thể được sử dụng cho cả cộng đồng. Cảm ơn anh chị em