Ngày 22-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Câu chuyện Giáng Sinh: Gia Phả Chúa Giêsu
Trần Hiếu
01:45 22/12/2010
Biến cố Đức Giêsu giáng sinh mang một ý nghĩa đức tin sâu xa nhưng cũng rất thiết thân với con người, vì diễn tả một Thiên Chúa toàn năng trong hình thái hết sức đơn sơ: một trẻ thơ nằm trong máng cỏ. Phúc Âm thánh Mátthêu gọi con trẻ đó là “Em-ma-nu-el” nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Trên khía cạnh nhân loại, Chúa Giêsu được sinh ra trong một gia đình. Thánh sử Mátthêu kể lai lịch Chúa từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít là mười bốn đời, từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon là mười bốn đời, và từ thời lưu đày đến Đức Kitô cũng là mười bốn đời (cf. Mt1:1-17).

Trong suốt chiều dài lịch sử đó, chúng ta thấy Thiên Chúa có một cách thức đặc biệt tuyển chọn gia tộc cho Người.

Tổ phụ Ápraham đã không chọn trưởng tử Isramel, sinh bởi bà vợ thứ Haga, mà chọn Isaác, con của lời hứa, sinh bởi bà vợ chánh Sarah. Bà Sarah ghen dữ dội với Haga và đã ép chồng mình, ông Ápraham, nhằm đuổi hai mẹ con Haga ra đi nơi đồng hoang. Isramel về sau trở thành ông tổ của những người Hồi Giáo.

Rồi đến lượt Isaác, đáng lẽ ông đã chúc lành cho Assau là con trưởng, nhưng bà mẹ lập mưu để Jacop là em được chúc lành.

Jacob có mười hai người con trai. Nhưng chính Jacob lại cũng không chọn trưởng nam Rưuvên nối dòng mà chọn người con thứ tư là Giuđa. Ông Giuđa đã phạm tội cùng các anh em bán em là Giuse qua Ai-Cập. Cuộc đời ông Giuse là một câu chuyện dài và cảm động, bị các anh bán nhưng rồi trở thành vị cứu tinh của họ. Đó là một cách Thiên Chúa quan phòng để cứu cả đại gia đình Jacob khỏi chết đói.

Giuđa, khi vợ qua đời và vừa mãn tang, trên đường đi đến cánh đồng để gặp các thợ xén lông chiên, ông nhìn thấy cô Tama—con dâu trưởng của mình bị goá chồng mà ông tưởng cô là một gái điếm—rồi ăn ở và có con với cô. Tama sinh đôi, đứa đầu khi vừa lọt cánh tay khỏi lòng mẹ được thắt một sợi chỉ đỏ nhưng lại vội rút cánh tay vào. Đứa sau liền lọt ra, được đặt tên là Perét, chính thức nối dòng.

Tama, người xứ Canaan, là một trong bốn phụ nữ ngoại nhân được thánh Matthêu nhắc đến trong gia phả của Chúa Giêsu. Ba vị khác là các bà Rakháp, Rút, và Bétseva, vợ của Urigia.

Rakháp, người dân thành Jêrichô, nhà ở cạnh tường thành, là một gái điếm đã đón tiếp các thám binh Do Thái. Bà làm điều nầy vì bà tin Đức Chúa của họ. Đến khi thành thất thủ vào tay người Do Thái, bà và gia đình đã được cứu sống trước khi thành bị thiêu hủy. Rakháp kết hôn với Xanmôn, sinh ra Bôát, ông nội của vua Đavít. Truyền thống Do Thái giáo nhìn nhận bà là tổ tiên của vua Đavít.

Bà Rút, một người ngoại kiều thuộc dòng Moáp, là bà nội vị vua danh tiếng lẫy lừng Đavít. Bà đã có một đời chồng, và khi chồng chết bà không chịu trở về bản quán mà đã theo mẹ chồng, là bà Naomi, về Bêlem. Bà nói những lời làm mủi lòng bà mẹ chồng, và cũng làm chúng ta xúc động:

“Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì

mẹ đi đâu, con đi đó,

mẹ ở đâu, con ở đó,

dân của mẹ là dân của con,

Thiên Chúa của mẹ

Là Thiên Chúa của con.

Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó,

Và nơi đó con sẽ được chôn cất” (Rút 1:16-17)

Bà tái hôn với ông Bôát, rồi sanh Jiesê, cha của Đavít. Kinh Thánh có một cuốn sách ngắn kể chuyện bà, gọi là Sách Rút.

Lúc còn là vì vua trẻ, Đavít đã phạm tội ngoại tình với bà Bétsơva, một phụ nữ kiều diễm, vợ của tướng Urigia, người Khết. Vào một buổi chiều xuân, khi đi bách bộ trên sân thượng đền vua, Đavít thấy Bétsơva đang tắm lộ thiên, vua bèn cho vời nàng về dinh và ăn ở với nàng. Về sau, vua lập mưu để tướng Urigia tử trận, và lấy Bétsơva làm vợ.

Hành động bất chính nầy của vua đã bị tiên tri Nathan trách móc nặng lời. Đavít khiêm tốn nhận tội và chấp nhận các hậu qủa. Trong suốt cuộc đời còn lại, ngài đã viết lên nhiều đoạn thi ca thống hối tội lỗi mình:

“Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm…” (Thánh Vịnh 50:5).

Nhờ lòng sám hối chân thành, Đức Chúa đã bỏ qua tội của ngài.

Sau Đavít là Salômôn, một vì vua nổi tiếng khôn ngoan. Khi Salômôn băng hà vương quốc bị phân chia và suy thoái, thành Giêrusalem cũng như đền thờ bị phá hủy và đi đến thảm trạng cả dân tộc bị lưu đày ở Babylon. Trong thời nầy, và cả sau thời lưu đày, thánh sử Matthew tiếp tục nêu danh dòng dõi của Chúa trong gia phả nhưng họ đều không có gì nổi bật.

Điều đáng được chúng ta ngưỡng mộ là khi viết lại lai lịch, dân Do Thái không hề dấu diếm tội lỗi của tổ tiên mình, cũng như các yếu kém của họ.

Hình ảnh bốn phụ nữ được Kinh Thánh nói đến như là một tiên báo cách kín đáo về Đức Kitô, đấng sẽ đến để cứu độ những người tội lỗi, và đón nhận mọi dân mọi nước vào vương quốc của Người. Việc tuyển chọn những nhân vật nầy cho dòng dõi Người gây xúc động cho chúng ta, vì lai lịch của họ không phải là điều đáng tự hào. Nhưng tiêu chuẩn của Thiên Chúa khác với tiêu chuẩn của con người. Người chọn sự yếu kém trong muôn vàn để nói lên lượng từ bi của Người.

Suốt chiều dài danh sách các vị tổ tiên trong gia phả của Đức Kitô, thánh Mátthêu thường dùng cụm từ “cha sinh con”, nhưng khi đến thánh Giuse, ngài không dùng từ đó nữa, mà viết, “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1:16). Điều nầy để dẫn đến đoạn văn sau khi ngài nói đến gốc tích Chúa Giêsu được Đức Maria cưu mang “là do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Mt 1:20). Như vậy, thánh Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu, Người được thừa hưởng danh hiệu “con cháu của vua Đavít”.

Kể từ đây một kỷ nguyên mới được mở ra, gọi là Tân Ước. Lúc Đức Maria đáp lời sứ thần Chúa với hai chữ “Xin Vâng”, Thiên Chúa đã nhập thể và trở nên người phàm:

“Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Ngưòi sẽ vô cùng vô tận” (Lc1:31-33).

Gia phả của Chúa Giêsu, vì vậy, không chỉ nổi bật ở Ápraham hoặc vua Đavít nhưng nơi cả những con người ngoại tộc, mà qua họ về sau hình ảnh Giáo Hội Thiên Chúa Giáo được phản ảnh. Giáo Hội, vì vậy, không chỉ bao gồm “Dân Riêng”, tức dân Do Thái, mà mở ra cho mọi dân tộc, thuộc mọi ngôn ngữ. Gia phả của Người, vì vậy, nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Beneđíctô thứ XVI, là “gia phả của đức tin và ân sủng”.-
 
Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Lm. Phêrô Hồng Phúc
09:42 22/12/2010
EMMANUEL – THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Mỗi khi Giáng Sinh về, chúng ta nhìn thấy những chữ Noel khắp nơi dán trên từng ngôi sao và treo trên những điểm cao.Chữ Noel có nghĩa là gì? Đó là chữ tắt của từ Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14; Mt 1,23). Xuất xứ của danh từ này được tiên tri Isaia đã nói đến, để chỉ về Đấng Messia – Đấng Cứu Thế. Khi Đấng Messia đến trong trần gian này, Ngài không hiện đến như thiên thần Gabriel trong phút chốc để báo tin cho Đức Mẹ. Ngài cũng không hiện xuống như Chúa Thánh Thần, bằng lửa hiện xuống trên các tông đồ hay bằng gió mạnh lùa vào nhà các ông đang ở. Nhưng Đấng Messia – Đấng Cứu Thế đã ở cùng chúng ta. Danh từ đó không chỉ là một mỹ từ để chúng ta nhắc đến như là một lễ nghi trang trọng, nhưng danh từ “Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” là một ân huệ, là một quà tặng vô giá. Thiên Chúa không hiện xuống rồi lại về trời; Thiên Chúa không hiện diện rồi lại biến đi, nhưng Thiên Chúa đã làm người và ở cùng chúng ta. Không những Ngài ở cùng chúng ta, mà Chúa Giêsu còn phán với các tông đồ trước khi. Ngài lên trời, rằng: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Vì vậy, Emmanuel hiểu một nghĩa trọn vẹn phải là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Emmanuel là một ân huệ thiêng liêng, một quà tặng vô giá. Tiên tri Isaia đã báo trước về ngày đó và về sứ mệnh của Đấng Mesia. Điều quan trọng là người ta có nhận ra sứ mệnh ấy, người ta có nhận ra món quà vô giá ấy hay không. Những người Do Thái là dân tộc riêng của Thiên Chúa đã được tuyển chọn và đã được báo trước. Họ phải là những người vui mừng vì được đón Chúa và là người thấy được lời tiên tri Isaia chứng nghiệm. Thế nhưng, trên thực tế, chính những người Do Thái lại là những người đã không nhận ra Chúa, đã vậy còn giết Chúa nữa. Một sự ngộ nhận sai lầm mà không bao giờ có cơ hội để chữa lại được. Một sự quá khích đến nỗi từ chối chân lý và quay lưng lại với chính Đấng mình mong đợi. Những gì mà người Do Thái làm, vẫn có thể tái diễn trong thời đại của chúng ta, khi mà người ta vẫn còn giữ ý riêng, xây dựng cho mình tháp đài của ích kỷ; khi mà người ta còn thực hiện cho mình, như là một số các nhà tư tưởng cũng như tu đức học đã nhận xét về thời đại của chúng ta rằng “Ngày xưa Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Còn ngày nay con người dựng nên Thiên Chúa giống hình ảnh mình”. Đúng là thời đại của chúng ta, người ta dựng nên một Thiên Chúa duy vật chất; người ta dựng nên một Thiên Chúa mà bản quyền sự sống của Ngài chỉ là tác phẩm cho người ta biến đổi và người ta có quyền tự tung tự tác. Nói tóm lại, con người ngày nay sinh ra một Thiên Chúa trong đầu óc của mình, trong định kiến của mình, trong ý riêng của mình và vì thế, khi Đấng Cứu Thế đến khác với chính kiến của họ, họ không chấp nhận. Những người Do Thái ngày xưa đã giết một Đấng Messia mà không nằm trong hoài bão của họ, không nằm trong ý tưởng mà họ đã tưởng tượng, cho nên họ đã tẩy chay và giết chết Ngài. Nếu hôm nay người ta vẫn tiếp tục định kiến, vẫn tiếp tục những ốc đảo ích kỷ như vậy, họ vẫn tiếp tục giết Chúa, tẩy chay Chúa.

Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta là một điệp khúc, điệp khúc của tình yêu thương vang lên trong mọi thời đại, trong mọi nơi, mọi lúc. Tại sao người ta dán chữ Noel trên các ngôi sao để phân phát thông điệp “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đi khắp nơi, người ta đóng vai ông già Noel còn sống động hơn nữa để có thể mang quà cho những người nghèo và cho các trẻ em thì tại sao Thiên Chúa ở cùng chúng ta lại không phải là món quà vô giá để phân phát cho tất cả mọi người mọi thời đại, bởi vì ai cũng nghèo túng vì tình yêu thương, vì ai cũng là người nghèo khó vì thiếu ơn Chúa, thậm chí ai cũng là người nghèo hèn vì ham ăn mầu đất. Hãy nhớ lời thánh Phaolô khuyên, và đây chính là điểm mà người Kitô hữu nên ngẩng cao đầu thực hiện: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”(Cl 3,2). Người ta hướng về những sự dưới đất cho nên người ta tẩy chay Emmanuel. Còn người nào đón nhận những sự trên trời thì người đó đón nhận Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Sự đón nhận phải xuất phát từ trong đáy lòng mình trước, khi mà chúng ta khát khao mong đợi một Thiên Chúa làm người, và Thiên Chúa làm người lại ban bố cho chúng ta hiến chương Nước Trời, mà ngay từ hiến chương thứ nhất đã nhắc đến “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”(Mt 5,3). Nghèo khó không phải là người nghèo hèn, người đi ăn xin. Tinh thần nghèo khó là tinh thần tận thoát. Chúa ban cho của cải, Chúa ban cho văn minh, Chúa ban cho điều kiện, người ta lãnh nhận với lòng biết ơn và người ta còn phân phát như Chúa là Đấng đã ban ơn. Như vậy, tinh thần tận thoát ấy, tinh thần nghèo khó ấy là một sự dấn thân, là một sự cho đi hơn là nhận lãnh: “Là hiến thân thì được nhận lãnh. Quên mình gặp lại bản thân”(Thánh Phanxico Assisi). Emmanuel là một điệp khúc của tình yêu thương vang lên để nhắc nhở chúng ta. Hãy từ bỏ ý riêng của mình, hãy ra khỏi con người vật chất của mình để sống như Thiên Chúa là yêu thương, là phục vụ, là hiến trao đến tận cùng.

Ngày hôm nay, điệp khúc Emmanuel lại tiếp tục vang lên. Xin đừng để điệp khúc chỉ trong trí óc của chúng ta, hãy đọng lại trong con tim. Đừng chỉ vang lên trong thánh đường này nhưng đi về gia đình, đi vào môi trường xã hội mình đang sống. Đừng sợ Emmanuel, bởi vì người ta đã hiểu sai khá nhiều. Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta – thực sự tố cáo những người tội lỗi, lên án những người ngồi trong bóng tối vì đó là ánh sáng sẽ xua tan bóng tối. Nhưng Emmanuel là hạnh phúc, là tình yêu, là sự sống, là sự trao ban cho tất cả những ai đang khát mong đợi chờ và xây dựng trong lòng mình một ý tưởng về một Thiên Chúa làm người ở cùng chúng ta khi người ta biết sẵn sàng xin vâng như Đức Mẹ Maria. Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng trong những hang dẫu là hang dành cho bò lừa và hôi tanh, nhưng hang ấy trống rỗng chứ không phải là chật chội với đầy ắp những tiền của, tham vọng ích kỷ chen chúc nhau khiến cho Chúa không còn chỗ trọ. Emmanuel đi vào những hang cùng ngõ hẻm của những tâm hồn mà suốt đời đã không được hưởng quyền lợi. Giờ đây chính Thiên Chúa đã đến và đi vào hang cùng ngõ hẻm ấy, những nơi hôi hám và xa lạ đó trở nên thân thuộc bởi vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Lạy Đấng Emmanuel,

Xin đừng để ai trong chúng con
lại rơi vào tình trạng như những người Do Thái
đón chờ rồi lại tảy chay để giết chết,
khát khao lên án rồi lại quay lưng lại
với chính Đấng mà mình mong đợi.
Nhưng xin cho chúng con mở rộng lòng ngay từ hôm nay
để khi Chúa đến
chúng con nhận ra món quà vô giá
được tặng ban cho thế trần.
Tình yêu thương vô cùng được hóa thành nhục thể
bằng xương bằng thịt, bằng Lời Hằng Sống
để có thể đi vào từng gia đình,
từng tế bào của mỗi cá nhân chúng con. Amen.
 
Suy niệm về Gia Đình
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
11:13 22/12/2010
Người biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh, vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được? (1 Tm 3:4-5).1. Tổ Ấm Tình Yêu

Gia đình là một tổ ấm của tình yêu. Gia đình là nơi chia sẻ và hun đúc tình yêu. Tình yêu sẽ triển nở khi mọi thành viên trong gia đình biết yêu thương nhau. Thiên Chúa từ đời đời đã liên kết với nhau trong tình yêu gia đình là Ba Ngôi Thiên Chúa: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ngôi Con xuống thế làm người cũng chọn gia đình để làm nơi náu thân. Biết rằng Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, nhưng Thiên Chúa vẫn còn chọn cho Con của Ngài một người cha, đó là thánh Giuse. Thánh Giuse cùng Đức Maria và Chúa Giêsu đã xây dựng một gia đình thánh ở trần gian.

Gia đình đã xuất hiện ngay từ thuở ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ và Thiên Chúa trao phó cho con người nhiệm vụ sinh sôi nẩy nở cho đầy mặt đất. Thánh Phaolô viết thơ gởi cho giáo đoàn Ephêsô rằng: Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất (Eph. 3:14-15). Từ đó gia đình này nối tiếp gia đình kia tạo thành một xã hội con người. Nói đến gia đình là nói đến sự kết hợp nhiệm mầu giữa cha, mẹ và con cái. Gia đình tạo thành một nền tảng vững chắc, như chiếc kiềng ba chân hoặc như một hình tam giác cân đều. Cả ba thành phần trong gia đình hỗ trợ và nâng đỡ nhau. Cha mẹ yêu thương nhau qua con cái. Con cái yêu thương cả cha lẫn mẹ. Nếu gia đình thiếu đi một cột trụ, gia đình sẽ chịu thiệt thòi và mất mát. Ca dao nói: Con có cha như nhà có nóc.

2. Quan Tâm Cho Nhau

Từ xa xưa, gia đình được coi là đơn vị nhỏ nhất trong xã hội. Gia đình chính là nền tảng của xã hội. Trong lịch sử Cứu độ, dân Do- thái sau khi đến vùng đất hứa, người lãnh đạo đã phân phối đồng đều theo đơn vị gia đình. Sách Joshua ghi rõ: Sáng mai, các ngươi sẽ tiến đến theo từng chi tộc. Thị tộc nào Chúa đã dùng thăm mà chỉ định, sẽ tiến đến theo từng gia đình. Gia đình nào Chúa đã dùng thăm mà chỉ định, sẽ tiến đến từng người một (Joshua 7:14). Ai thành công trong cuộc sống gia đình ắt sẽ thành công trong xã hội. Nơi gia đình là vườn ươm mầm đời sống và nơi tôi luyện các nhân đức của con người. Gia đình là trường học đầu tiên cho cả vợ chồng và con cái. Nơi đó mỗi người học biết quên mình đi cho người khác. Vợ hay chồng không còn sống cảnh độc thân, mà là cuộc sống chia sẻ, mỗi người bỏ đi một nửa cái của mình và chấp nhận một nửa khác. Để hòa đồng được với nhau, mỗi người hãy hạn chế những ý riêng, những sở thích và suy nghĩ của mình. Chấp nhận nhau với lòng thành và kiên nhẫn dắt dìu nhau bước tới.

Không phải tự nhiên mà chúng ta có được những gia đình gương mẫu sống trong an vui, hạnh phúc. Mỗi người trong gia đình đều phải cố gắng chu toàn bổn phận mình và tôn trọng người khác. Truyện kể: Một Hoàng đế Trung Hoa đi thăm đất nước và con dân của mình. Màn đêm buông xuống bắt buộc ông phải trú ẩn tại một nhà nông dân. Trong gia đình có 20 người. Tất cả đều sống chung trong hòa thuận và thương yêu nhau. Vua ngạc nhiên hỏi: Xin cho trẫm biết các ngươi làm cách nào mà giữ được hòa khí với số đông người và khác biệt nhau như vậy? Chủ gia đình điềm tĩnh trả lời: Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn.

3. Nghĩ Đến Nhau

Quan niệm của người Á Đông là rất trọng truyền thống gia đình. Người ta nói: Cây có cội, nước có nguồn. Con người có tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Cho nên trong các tư gia, thường có bàn thờ tôn kính tổ tiên ở nơi trung tâm. Con cái cháu chắt nhớ ơn và hàng tháng, hàng năm, gia đình có lễ cúng bái tổ tiên ông bà. Gia đình là nhà và là nơi đại gia xum họp quây quần vào mỗi dịp cúng bái hay tết nhất. Gia đình là cái nôi, nơi đã cung cấp cho xã hội những người con ưu tú. Người ta còn nói: Tu đâu cho bằng tu nhà. Tại nhà, nơi gia đình, vợ chồng nâng đỡ nhau, con cái thảo kính và phụng dưỡng cha mẹ và anh chị em tỏ tình huynh đệ. Hai ngàn năm trước, khi Chúa Giêsu mời gọi một người đi theo, anh ta đã xin phép được về từ giã bà con. Thánh Luca ghi lại: Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã."(Lc 8:61). Đi đâu chúng ta cũng mong về nhà. Về nhà chúng ta sẽ cảm thấy ấm cúng, thoải mái và đầy ắp tình yêu mến. Dù ở xa vạn dặm chúng ta vẫn mong ước được về nhà. Vì sao thế? Vì nhà đây có thể là nơi chôn nhau cắt rốn, có thể là nơi cha mẹ, anh chị em sinh sống và có thể là kỷ niệm của thời thơ ấu. Mọi người, mọi cảnh đều thân thương và qúi mến. Nơi đó có tình yêu chia sẻ và quan tâm đùm bọc lẫn nhau.

Truyện kể có một bà mẹ sau khi đi dự tiệc, người ta trao bà trái cam để ăn tráng miệng. Bà nghĩ đến đứa con ở nhà, nên bà bỏ trái cam vào túi để dành cho con. Đứa con thấy mẹ về, nó hớn hở chạy ra đón và bà liền đưa trái cam cho con. Em bé mừng quýnh và cám ơn mẹ. Em định bóc vỏ ăn ngay cho đỡ thèm. Nhưng em chợt nghĩ đến bố đang vất vả đạp xe xích lô ngoài đường. Em cất trái cam vào túi đợi bố về để tặng bố. Khi ông bố vừa về đến nhà, em bé cầm trái cam chạy đến và nói: Thưa bố, chắc bố mệt lắm, con có cái này biếu bố ăn cho đỡ mệt nè. Ông bố vô cùng cảm động trước cử chỉ của con. Nhận lấy trái cam, ông cám ơn con. Cầm trái cam vào nhà, ông định bóc cam cho cả hai bố con ăn. Nhưng ông tự nghĩ con mình còn bé mà biết làm cho cha mẹ vui, sao mình không biết nghĩ đến vợ đang vất vả trong bếp. Thế là ông cầm ngay trái cam vào bếp tươi cười và nói: Anh tặng em trái cam nè. Cử chỉ thật đẹp! Chỉ một trái cam làm cả gia đình vui vẻ và thông cảm. Vì ở đâu có tình yêu, ở đấy có qùa tặng. Thánh Gioan mời gọi: ”Đừng ai yêu bằng đầu lưỡi nhưng yêu bằng việc làm thực sự” (1Ga 3:18)

4. Nâng Đỡ Nhau

Trong bất cứ nền văn hóa nào, xã hội cũng có những ngày đặc biệt dành riêng để gia đình xum họp và gặp gỡ nhau. Bên các nước Tây Phương có ngày Lễ Tạ Ơn hoặc ngày Đầu Năm, những ai đi xa nhà như đi làm, đi học đều tìm về mái ấm gia đình. Ở các nước Á Châu, ngày Tết Nguyên Đán là ngày xum họp để chúc tuổi và chúc Tết nhau. Chúng ta thường thấy vào các dịp tết nhất, các phương tiện giao thông ứ nghẹt vì ai cũng muốn một chút hơi ấm của mẹ của cha và bà con họ hàng. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, dù có vất vả hay hao tốn tiền bạc, tình yêu réo gọi tình yêu xum vầy. Trừ những trường hợp bất khả kháng, chúng ta đành chịu, nhưng rồi mỗi người cũng tìm đủ mọi cách để nghe được những lời êm dịu ngọt ngào và ấm cúng của nhau qua điện đàm hay tham thông dự niềm vui cùng gia đình cách hàm thụ. Tình yêu gia đình thật nhiệm mầu và thân thương. Tục ngữ Việt Nam nói rằng: Một giọt máu đào, còn hơn ao nước lã là thế.

Gia đình đầm ấm là do vợ chồng biết thương yêu nhau. Họ tìm biết được những ý thích của nhau và thỏa mãn những điều mong ước đó. Đôi khi không phải những thứ sa xỉ phẩm như kim cương hột xoàn hoặc vàng bạc châu báu mới làm vui lòng nhau. Nhưng là chính những sự quan tâm nhỏ nhỏ, một nụ cười, một ly cà phê pha sẵn và một sự giúp đỡ nhỏ trong công việc thường ngày. Chính những việc nhỏ này sẽ làm nên ấn tượng khó quên. Câu truyện thật: Ông bà cụ John và Amelia Rocchio nói cho chúng ta bí quyết của cuộc hôn nhân gia đình kéo dài 82 năm. Khi John 19 tuổi và Amelia 17 tuổi, họ đã cưới nhau trong nhà thờ Công Giáo tại thành phố Providence, thuộc tiểu bang Rhode Island, USA. Vợ chồng có với nhau 2 cô con gái. Cụ nói: “Sự kiên nhẫn và hiểu biết lẫn nhau và dành thời giờ cho nhau, sẽ giúp cuộc sống hôn nhân gia đình bền chặt lâu. Sách Kỷ Lục Thế Giới Guinness ghi danh Ông bà cụ John và Amelia Rocchio kéo dài nhất suốt 82 năm.

5. Kiện Toàn Nhau.

Thiên Chúa trao ban cho mỗi người một khả năng. Khả năng được dùng để sinh lợi ích cho gia đình và xã hội. Không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống cùng, sống với và sống nhờ người khác. Như trong một thân thể, có nhiều chi thể, mỗi chi thể chịu trách nhiệm riêng nhưng liên kết với nhau để bảo toàn sự sống. Trong đời sống gia đình cũng thế, mỗi thành viên trong gia đình không những lo chu toàn bổn phận của mình nhưng cần quan tâm và nâng đỡ người khác. Chúng ta không thể sống còn, nếu không có những động viên, nâng đỡ và phụ giúp từ người khác. Ca dao nói rằng: Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn.

Sự cộng tác và hỗ tương nhau sẽ giúp chúng ta đạt kết quả trong công ăn việc làm. Chúng ta hãy nghe câu truyện: Một nhà du lịch quanh thế giới dừng chân tại một quán trọ trên đỉnh đồi trông xuống một nông trại của người cùi. Ông lấy viễn vọng kính ra xem những người cùi sinh họat ra sao? Ông thấy quang cảnh thật cảm động trước ống kính. Ông thấy họ đang gieo hạt, một người cùi mất tay cõng một người cùi mất chân.Thế là họ gieo từ luống này qua luống khác. Người này gieo và người kia lấp đất. Ông Henny Ford nói rằng: Ngồi lại với nhau, mới chỉ là bắt đầu, đoàn kết với nhau sẽ có tiến bộ nhưng làm việc với nhau mới chắc chắn thành công.

6. Khủng Hoảng Gia Đình.

Mặt trái của đời sống xã hội dần dần được công khai hóa trong đời sống gia đình. Quan niệm truyền thống gia đình có ba thành phần: cha, mẹ và con cái. Theo trào lưu văn minh tiến bộ khoa học và văn hóa hưởng thụ, đã dẫn đời sống con người đi con đường tắt. Nhiều người đã bắt đầu chọn con đường cá nhân chủ nghĩa và độc lập. Họ không muốn bị ràng buộc trong đời sống gia đình, không muốn hy sinh và sống chết với nhau trong môi trường hôn nhân gia đình. Từ ngữ “gia đình” đã được hiểu một cách rộng rãi và có khi bị lạm dụng cho sự ích kỷ cá nhân và thỏa mãn những đòi hỏi bản năng thú tính của con người. Ngày nay cuộc sống gia đình bị đe dọa vì vợ chồng ly thân và ly dị nhau quá dễ dàng qua thủ tục của luật pháp. Tình yêu đôi lứa rất hời hợt, họ tìm thỏa mãn nhau và khai phá những bí mật của nhau, sau đó truất ngựa truy phong. Có rất nhiều bạn trẻ đang chung sống thử với nhau như vợ chồng nhưng không có Hôn Phối. Họ gọi là sống thử, sống thử với nhau rồi sinh con cái. Con cái được sinh ra trong một bầu khí gia đình còn đang sống thử. Sống thử là tạm thời cho nên thì cái gì cũng có thể xảy ra. Sống đời hai, ba mặt, ngoại tình cũng có và bất trung cũng không thể tránh. Rồi cuộc sống lang chạ đổi thay. Con cái sống bấp bênh như bèo trôi sông.

Thời đại hôm nay có nhiều hoàn cảnh rất éo le. Gia đình con cái không có cha hoặc không có mẹ. Gia đình có cha ghẻ hoặc mẹ ghẻ, con cái cùng cha khác mẹ và cùng mẹ khác cha hai ba đời. Con trẻ lớn lên trong bầu khí gia đình bất thường và thiếu tình yêu. Làm thế nào để có những đứa trẻ lành mạnh về tâm, sinh, lý được. Ngay từ nhỏ đã phải tranh dành để kiếm sống và tranh thủ tình yêu. Thiếu tình yêu, trẻ sẽ đi tìm nơi nào đó để khỏa lấp sự khao khát tình yêu và sự luyến ái tiếp tục nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hơn nữa, xã hội bệnh họan nẩy sinh những con người trung tính bệnh hoạn. Phái tính thay đổi, nửa trai nửa gái, hoặc đồng tình luyến ái. Họ đòi quyền bình đẳng, đòi được cưới nhau hợp pháp và chung sống với nhau như một gia đình. Đàn ông cưới và sống chung với đàn ông. Đàn bà cưới nhau và chung sống với đàn bà. Họ bước thêm một bước nữa là nhận con nuôi. Thế là tạo thành một kiểu gia đình mới. Gia đình có 2 người cha hoặc hai người mẹ chung sống. Con cái sẽ đi về đâu? Đây là một vài suy tư về những thực tại cụ thể trong xã hội. Chúng ta có thể làm gi? Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình.

7. Gương Hoàn Thiện

Thánh Phaolô gởi thơ cho giáo đoàn Galata, Ngài viết: Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin (Gal. 6:10). Mọi nơi, mọi thời cần có những mẫu gương gia đình sống động. Vì chúng ta biết rằng: Lời nói mây bay, gương bày lôi kéo. Trong Năm Quốc Tế Gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phong chân phước cho bà Êlizabeth Calnorimora. Bà Calnorimora sinh năm 1774 tại Rôma, bà là người đạo hạnh, được cha mẹ giáo dục đức tin chu đáo. Năm 22 tuổi, bà lập gia đình với một luật sư và đã có hai con gái. Sống với nhau được ít năm, bà phát hiện chồng bà ngọai tình. Bà khuyên lơn nhiều nhưng bù lại, chỉ là sự đánh đập dã man và tàn nhẫn. Bà phải cần cù làm việc và nuôi con. Năm 1801, bà mắc bệnh hiểm nghèo nhưng Chúa đã cho bà bình phục. Sau đó bà gia nhập Tu Hội Dòng Chúa Ba Ngôi. Nhà bà biến thành nơi cầu nguyện cho những người đau khổ. Bà tha thiết xin mọi người cầu nguyện cho chồng của bà. Năm 51 tuổi, Chúa đã cất bà về. Ông chồng cảm nhận tình thương và ông đã sám hối ăn năn, trở về phục tang vợ. Ông bị người đời chế nhạo: Nước mắt cá sấu. Ông cam chịu đựng để phần nào đền bù tội lỗi. Sau khi an táng vợ, ông trù liệu tiền bạc chăm sóc các con, con chung và con riêng. Rồi ông xin gia nhập Dòng Chúa Ba Ngôi và trở thành linh mục rất gương mẫu. Chúa đã nhậm lời cầu của bà Calnorimora và Chúa đã thương dẫn chồng bà về làm việc phục vụ cho Chúa và tha nhân.

8. Gia Đình ThánhĐẹp biết bao đôi vợ chồng tín hữu, kết hợp với nhau bởi cùng một niềm hy vọng và cùng một đức tin. Chúa dậy chúng ta hãy luôn cầu nguyện. Thánh Luca ghi lại: Hãy cầu nguyện luôn, đừng chán nản (Lc. 18:1). Chúng ta biết rằng khi gia đình tốt thì nhân loại tốt. Gia đình là nhân tố góp phần xây dựng xã hội. Gia đình là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình tốt là nhờ gắn bó mật thiết với Chúa Kitô là Đầu. Gia đình Kitô hữu là Giáo Hội thu nhỏ hay là Giáo Hội tại gia. Nơi đó, mọi người có thể cầu nguyện, sống đức tin, đức cậy và đức mến. Cơ hội nên thánh ở trong tầm tay mỗi người. Chúng ta chu toàn bổn phận trong vui vẻ, tin tưởng và phó thác nơi tình yêu thương và quan phòng của Chúa. Chúng ta không phải tìm đâu xa, hạnh phúc ngay trong tầm tay và cơ hội nên hoàn thiện ngay trong những công việc nhỏ hằng ngày.Người ta kể rằng trong đời Thánh Antôn tu rừng có một lần ngài xin tá túc ở trong một ngôi nhà của anh thợ đóng giầy theo ý của Chúa. Hai vợ chồng dọn một bữa ăn và chuẩn bị chỗ ngủ cho thánh nhân. Ngài tá túc ở đó ba ngày, hỏi thăm về đời sống và công việc làm ăn. Nhờ những câu truyện qua lại họ đã trở thành bạn thân với nhau. Sau đó, thánh Antôn từ giã họ trở về nhà, Chúa mới hỏi ngài: Con thấy vợ chồng người thợ giầy như thế nào? Thánh nhân thưa: Ông bà là một người đơn sơ, vợ ông có thai và sắp sinh con, họ có vẻ yêu nhau lắm. Ông ta có một cửa tiệm nhỏ để đóng và sửa giầy, ông làm việc hăng say. Gia đình ông sống đạm bạc với số tiền kiếm được nhưng luôn biết chia sẻ tiền bạc lương thực cho những người kém may mắn hơn ông. Ông và vợ ông tin tưởng mãnh liệt vào Chúa và cầu nguyện luôn. Họ có nhiều bạn thân và ông thợ giầy thì kể truyện khôi hài liên miệng. Chúa lắng nghe thánh Antôn và cuối cùng Ngài nói: Antôn, con là vị thánh sống và người đóng giầy và vợ ông cũng là những vị thánh sống.

Tâm Niệm

Lạy Chúa, gia đình là nơi chúng con vui hưởng hạnh phúc. Chúng con được sinh ra, lớn lên, được đùm bọc và ngụp lặn trong tình yêu gia đình. Gia đình là tổ ấm và là nơi chúng ta nhận ra được tình yêu thương của Chúa. Chúng con có mẹ, có cha, có anh chị em và họ hàng, chúng con có người thân đồng hành trong cuộc sống đức tin. Chúng con cùng tôn thờ, ca khen và cảm tạ muôn hồng ân Chúa đã tràn đổ trên đời sống chúng con. Chúng con luôn được ấp ủ trong tình yêu Chúa và tình yêu gia đình. Xin thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu thánh hóa và gìn giữ chúng con trong vòng tay yêu thương của Chúa đến muôn đời.
 
Hang Đá Ngày Xưa Và Hôm Nay
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
15:24 22/12/2010
Cảm nghiệm Sống # 76:

HANG ĐÁ NGÀY XƯA VÀ HÔM NAY

“HANG ĐÁ TRONG TÔI VÀ GIA ĐÌNH”

Tôi còn nhớ cách đây sáu chục năm, thầy quản coi Nghĩa binh trong giáo xứ tập cho chúng tôi bài hát: “Vào trong hang đá” để viếng hang đá sáng và tối như sau:

- Vào trong hang đá, tôi thấy con bò với con lừa, nằm yên thở hơi, đôi con mắt trông hiền từ.

- Và Giuse đang suy ngắm nơi cao sang xa vời, Maria trông con dưới ngôi sao vàng ánh tơ.

- Lòng tôi bùi ngùi khôn tả, quỳ đây lòng tôi lạnh giá, nhớ xưa ngày này Chúa con sinh ra giữa nơi đồng xa.

Hang đá ngày xưa gợi cho tôi thấy lòng Chúa thương xót nhân loại và tôi thật cụ thể, vô bến bờ, bằng cách Ngài xuống thế làm người ở chuồng bò lừa, nghèo hèn lạnh gía vì tôi, để tôi học sống noi gương Ngài. Hôm nay Ngài vẫn tiếp tục sống trong tôi, cùng tôi trong gia đình và xã hội với biết bao ơn huệ không kể hết.

1- Hang đá trong tôi: Chúa Giêsu vẫn ở trong tôi qua Chúa Thánh Linh để nhắc nhở, có Mẹ Maria dịu dàng, khiêm tốn đi cùng tôi trong cuộc sống qua công việc gia đình. Có thánh Giuse là mẫu mực, giúp tôi quán xuyến cuộc sống, vui vẻ để phục vụ cho người chung quanh. Khi thành công hay thất bại, tôi đều thấy Chúa đi cùng.

2- Hang đá trong Gia đình: Mỗi ngày, tôi được nhìn và sống cùng Thánh Gia qua cha mẹ, vợ chồng và con cháu sinh hoạt, làm việc, ăn uống, nói năng, vui cười, trò truyện, ăn ngủ, đi phố… Với những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên đầy trìu mến ấy, làm tôi luôn thốt lên kinh Mangificat cùng với Đức Mẹ: Linh hồn tôi ngơi khen Chúa, và lòng tôi hớn hở mừng rỡ trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi…”

3- Hang đá trong cuộc đời: Hôm nay tôi vẫn thấy Chúa Giêsu nhỏ bé qua những người nghèo hèn trên các nẻo đường, Đức Maria trong những căn nhà lụp xụp, thiếu thốn đủ phương tiện, thánh Giuse tất tưởi làm lụng vất vả trong các xưởng thợ để lo cho gia đình có cơm cháo ăn qua ngày. Những nhân vật này chính là hình ảnh Hang đá sống động trong xã hội hiện tại, Chúa cần đến tôi quan tâm giúp đỡ.

4- Hang đá đang ở đây: Tới đây, tôi sực nhớ Lời Chúa nói qua ông Gia-cóp khi tỉnh giấc: “Qủa thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết !!” (St 28, 16). Chúa ở với tôi mọi lúc, Ngài đang hiện diện trong chỗ tầm thường, dù tôi có biết hay không. Có thể tôi không biết Ngài, có thể tôi cảm thấy cô đơn và buồn, có thể ngày của tôi dường như thê lương và ảm đạm, không chút hy vọng; nhưng Chúa vẫn hiện diện lắng nghe và nâng đỡ tôi.(Ga 8, 29)

Sống thực hiện tinh thần của các hang đá trên, là tôi lúc nào cũng có Bình an và Hạnh phúc thật sự, như lời Chúa đã nói và tôi vẫn thường ca hát trên môi miệng hàng ngày:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm. (Lc 2, 14)

Lạy Cha, Đức Giêsu đã dạy cho con một bài học khiêm nhường. Xin Mẹ Maria giúp con trở nên nhỏ bé như Đức Giêsu, để lúc nào con cũng là một hang đá cho Chúa..

Phó tế: JB. Maria Định Nguyễn * johndvn@yahoo.com
 
Một gia đình tuyệt vời
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
17:26 22/12/2010
LỄ THÁNH GIA A

+++

A. DẪN NHẬP

Các gia đình trên thế giới nói chung và các gia đình công giáo nói riêng đang gặp khủng hoảng, nạn ly dị xẩy ra làn tràn làm cho nền tảng gia đình bị lung lay và có thể làm cho xã hội sụp đổ, vì gia đình là nền tảng của xã hội. Giáo hội không khỏi lo âu trước tình trạng này, nên mới lập ra lễ kính Thánh Gia Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse hàng năm sau lễ Giáng Sinh, nhằm đưa ra một mẫu gương sáng ngời cho các gia đình bắt chước.

Các bài đọc hôm nay nhằm củng cố các gia đình. Lời sách Huấn ca như bài quảng diễn giới luật thứ 4 là thảo kính cha mẹ. Thiên Chúa sẽ ban nhiều ơn cho những người con hiếu thảo. Trong bài đọc 2, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Colôssê đề cập đến một số đức tính cần có trong gia đình, đặc biệt là sự tha thứ: ”Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau”. Cùng là con cái Thiên Chúa, con người phải tha thứ cho nhau vì Thiên Chúa đã luôn tha thứ cho biết bao xúc phạm của chúng ta. Còn bài Tin mừng nhắc đến một giai đọan thăng trầm của Thánh giá để nói lên đức tin vững mạnh vào thánh ý Thiên Chúa và sự phục tùng lẫn nhau.

Còn trong đời sống gia đình chúng ta, mọi người phải giữ tôn tri trật tự như người ta nói: ”Kim chỉ phải có đầu”, chính trật tự đem lại hòa bình và hạnh phúc. Do đó, cần có sự phân nhiệm trong gia đình theo như chương trình giáo dục của Đức Khổng Tử: ”Quân, thần, phụ, tử” và thuyết “Chính danh”. Nếu mỗi người sống theo đúng cương vị của mình thì sẽ không có tranh chấp, không có lộn xộn, mọi người sẽ sống thuận hòa để cùng nhau xây một gia đình hạnh phúc.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Hc 3,3-7.14-17a

Đọan sách Huấn ca hôm nay dạy con cái phải thảo kính cha mẹ. Thảo kính cha mẹ không phải là một tình cảm tự nhiên mà là ý muốn của Thiên Chúa: Đó là điều răn thứ bốn trong Mười điều răn Đức Chúa Trời. Việc thảo kính cha mẹ đem lại nhiều lợi ích:

- Đền bù các tội lỗi đã phạm.

- Khi cầu xin sẽ được Thiên Chúa nhận lời.

- Nếu ai hiếu thảo với cha mẹ thì sau này sẽ được con cháu thảo hiếu lại như người ta nói: ”Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”.

+ Bài đọc 2: Cl 3,12-21

Trong thư mục vụ gửi cho tín hữu Colossê và Ephêsô, thánh Phaolô rất chú trọng đến đời sống gia đình. Theo đó, trong đời sống gia đình phải có những đức tính như: từ bi, nhân hậu, khiêm nhường, ôn hòa, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.

Trong các đức tính ấy, thánh Phaolô đặc biệt chú trọng đến sự tha thứ. Ngài khuyên:”Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”.

Nhưng muốn thực hiện được các đức tính trên, cần phải có một nhân đức nền tảng: đó là đức Bác ái yêu thương.

+ Bài Tin mừng: Mt 2,13-15.19-23

Thánh Phaolô làm nổi bật vai trò của thánh Giuse trong gia đình Nazareth, với tư cách là gia trưởng. Thiên Chúa hướng dẫn và điều khiển gia đình thánh gia qua vai trò của thánh Giuse.Vì thế, thiên thần Chúa báo mộng cho thánh Giuse phải đem hài nhi Giêsu và Mẹ Ngài phải trốn sang Ai cập vì vua Hêrôđê đang tìm giết con trẻ Giêsu. Khi vua Hêrôđê băng hà, thiên thần Chúa lại báo mộng bảo thánh Giuse phải đem con trẻ và Mẹ Ngài trở về quê hương. Giuse đã mau mắn đem gia đình trở về định cư tại Nazareth.

Trong mọi bước đường gian nan trong buổi đầu, thánh Giuse hòan tòan theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa, còn Đức Maria và Chúa Giêsu hòan tòan sống theo sự hướng dẫn của thánh Giuse. Do đó, đây là một gia đình trên thuận dưới hòa, trong ấm ngòai êm. Đây là một mô hình tuyệt vời đáng mọi người bắt chước.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Gia đình gương mẫu của chúng ta

I. NGÀY LỄ KÍNH THÁNH GIA

Phong trào gia đình công giáo đã có từ thế kỷ 16, nhưng đến cuối thế kỷ 19, Đức Giáo hòang Lêô XIII cỗ vũ mạnh và đặt ra lễ Thánh gia nhằm thúc giục mọi người theo gương Thánh gia thất mà sống trên thuận dưới hòa để tạo lập những gia đình hạnh phúc.

Năm 1994 Liên hiệp quốc cũng như Giáo hội đã chọn làm năm quốc tế về gia đình. Ngày nay, gia đình đang gặp cơn khủng hỏang trầm trọng, đang trên đà xuống dốc. Gia đình là nền tảng của xã hội mà nền tảng đã lung lay thì xã hội cũng sụp đổ. Do đó, Giáo hội muốn cho chúng ta tổ chức lễ Thánh gia là để đề cao vai trò của gia đình và đưa ra một tấm gương tuyệt hảo cho mọi người bắt chước, hầu củng cố lại gia đình và giúp cho xã hội thêm vững chắc.

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết Thánh gia sống phó thác cho Thiên Chúa như thế nào trong cảnh trốn sang Ai cập theo lệnh thiên sứ truyền. Tại sao Thánh gia phải trốn sang Ai cập ? Thưa, ngòai lý do lệnh truyền của thiên sứ thì Ai cập còn là nơi lánh nạn thường xuyên của các người Do thái bị bách hại. Theo tác giả Ricciotti, để bảo vệ Hài nhi Giêsu khỏi sa vào nanh vuốt Hêrôđê, Thánh Giuse và Đức Maria đã phải vượt con đường hiểm trở dài gần 500 cây số xuyên qua sa mạc El-Arish đến Ai cập, một sa mạc trải dài hơn 200 cây số tòan cát trắng như biển cả mênh mông, không một bóng cây, một cọng cỏ, một giếng nước. Đòan lữ hành phải đeo dủ đồ ăn, nước uống để chịu đựng cả nửa tháng rất kham khổ… Ngày ngày các Ngài phải lê gót từng buớc trên cát lầy, vượt qua các đồi cát dưới ánh mặt trời thiêu đốt, giữa biển cát nóng hừng hực, vẫn phải tiết kiệm từng giọt nước, và những cơn bão cát kinh khủng như muốn chôn sống các Ngài (Vũ khắc Nghiêm).

Thời gian Thánh gia tá túc ở Ai cập dài bao nhiêu chúng ta không biết rõ, nhưng không quá 4 năm. Việc Giuse đi theo sự hướng dẫn của thiên thần báo trong giấc mộng đã nói lên rằng Giuse hòan tòan quyết định theo sự hướng dẫn của thần linh qua thiên sứ. Vì vậy, khi rời Ai cập trở về quê hương, Giuse bỏ Giuđa, vùng đất Do thái cứng lòng tin, mà về Galilê, vùng đất dân ngọai sẽ tin vào Đức Giêsu, để định cư tại Nazareth, một thành vô danh tiểu tốt trong Cựu ước, hơn nữa còn bị khinh bỉ là khác(Ga 1,46).

II. GIA ĐÌNH THÁNH GIA

1. Gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa

Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì có thể nói: gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa sống đơn độc, mà là một Thiên Chúa mang tính gia đình, trong đó Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng yêu thương nhau, sống chung, làm việc chung, và kết hợp với nhau thắm thiết như trong một gia đình, tới mức độ tuy Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì “Tập Thể Ba Ngôi” là một môi trường để Ba Ngôi Thiên Chúa thể hiện tình yêu của mình với nhau. Vì Ba Ngôi yêu thương nhau vô cùng, nên sự hiệp nhất của Ba Ngôi đạt được mức độ tối đa là trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Tình yêu và sự hiệp nhất ấy tạo nên thiên đàng và hạnh phúc của Ba Ngôi.

Cũng vậy, nếu gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi, thì mọi thành viên trong đó phải yêu thương nhau, hòa hợp với nhau đến mức độ hiệp nhất với nhau làm một gia đình. Nhờ đó gia đình trở nên một thiên đàng tại thế. Như vậy, mọi thành viên của gia đình đã được hưởng nếm trước phần nào của hạnh phúc thiên đàng mai sau (JKN).

2. Gia đình sống dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa

Không ai có thể cản trở ý định của Thiên Chúa. Vua Pharao đã tính diệt trừ mọi trẻ em Do thái. Chương trình thất bại vì Maisen được công chúa con Pharao cứu. Thiên Chúa đã giải phóng dân Ngài và đã đưa dân về miền Đất Hứa. Hôm nay, lại một nghịch lý nữa, Đấng Cứu thế tị nạn sang Ai cập ! Điều đó chứng tỏ rằng Thiên Chúa vẫn tự mình hướng dẫn các biến cố, như những lời Kinh Thánh được Matthêu trưng dẫn đã chứng tỏ. Đấng Cứu Thế xuất hiện như một Maisen mới, như sự nhập thể của Israel mới khi vượt qua sa mạc Sinai, cũng như xưa, dân được tuyển chọn đã đi dưới sự hướng dẫn của Maisen.

Cuộc lưu đầy này chỉ là tạm bợ. Thiên Chúa gọi Ngài trở lại Israel. Người ta tưởng Đấng Cứu Thế sẽ định cư ở Giuđê, nơi Ngài sinh ra, hoặc ở Giêrusalem. Nhưng con trai Hêrôđê, vua Archelaus, cũng tàn ác như cha. Nên Thiên Chúa sai Giuse đem gia đình đến định cư tại làng Nazareth trong miền Galilê.

Như vậy, ta thấy thánh Giuse hòan tòan sống trong đức tin, sống phó thác cho Chúa trong đêm tối của giác quan, hòan tòan sống dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Lời Chúa đã giúp thánh Giuse thấy những dấu chỉ hy vọng trong những hòan cảnh vô vọng đối với lòai người. Lời Chúa dạy ta biết sống như Giuse với sự mau mắn và thấu hiểu xuyên qua tấm màn các biến cố. Chỉ đọc thóang qua,ánh sáng Lời Chúa giống như “một giấc mơ”, một không tưởng. Tuy nhiên, đó chính là khải thị lớn nhất, khải thị của con mắt đức tin. Lúc đó bóng tối đức tin biến thành ánh sáng rực rỡ, sự vâng lời của đức tin trở thành con đường tự do.

3. Gia đình sống trên thuận dưới hòa

Gia đình Nazareth là gia đình có tôn ti trật tự và ở đâu có trật tự thì ở đấy có hạnh phúc. Thánh Giuse là gia trưởng điều khiển mọi việc trong gia đình, Đức Maria là nội trợ và vâng phục thánh Giuse, còn Đức Giêsu là con thì giúp đỡ và vâng phục cha mẹ. Gia đình Thánh gia đã thực hiện câu tục ngữ: ”Kim chỉ phải có đầu”.

Ngày nay, chúng ta thấy nhiều gia đình xuống dốc vì thiếu trật tự mà Chúa đã đặt để an bài. Trong gia dình không có trên dưới, không có quyền bính, đường ai nấy đi, hay thì ở mà dở thì đi, thì gia đình đó sẽ dễ tan vỡ. Vậy muốn có hạnh phúc, trước tiên mỗi người phải biết ở trong địa vị của mình là chồng, là vợ, là con cái, ngày nào cái trật tự ấy bị đảo lộn, bị lấn át thì gia đình sẽ bị lung lạc tan rã.

Ở Luân đôn, Anh quốc, đã mở cuộc điều tra nơi các ông chồng và xin các độc giả mày râu trả lời câu hỏi sau đây: ”Trong gia đình bạn ai làm chủ thật sự “? Kết quả là có 80% trả lời là vợ tôi làm chủ, 20% trả lời: mẹ vợ tôi làm chủ. Chỉ có một số ít trả lời: chính tôi làm chủ, vì tôi đã chết vợ ! Không lạ gì mà ngày nay nhiều gia đình tan vỡ, nạn ly dị làn tràn…

III. GIA ĐÌNH CỦA CHÚNG TA

1. Gia đình là nền tảng của xã hội

Xã hội là một tổ chức do nhiều gia đình làm nên. Do đó, gia đình là yếu tố tạo thành xã hội và được gọi là nền tảng của xã hội, ví như ngôi nhà và nền móng, nếu nền móng mà không vững thì ngôi nhà sẽ bị sụp đổ. Cũng vậy, nếu các gia đình là yếu tố làm nên xã hội mà sụp đổ thì xã hội cũng sụp đổ theo.

Ngòai ra, liên hệ giữa gia đình và Hội thánh rất sâu sắc và nhiều đến nỗi có thể gọi gia đình công giáo là “Hội thánh tại gia”(L.G. 11). Vì thế công đồng Vatican II nói: ”Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội tự nhiên và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đòan hôn nhân và gia đình”(MV số 47).

Trong tông huấn về gia đình “Familiaris consortio” Đức Giáo hòang Gioan Phaolô II dạy: ”Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không đòan thể nào có thể vượt qua”(GĐ số 3).

2. Gia đình là trường giáo dục đầu tiên

Gia đình là môi trường thuận lợi để dạy dỗ cho con cái những bài học căn bản để làm người theo đúng nghĩa là “linh ư vạn vật”. Vì thế người ta nói:

Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.

Như vậy cha mẹ là những thầy cô đầu tiên dạy cho đứa trẻ những bài học vỡ lòng, những bài học đầu tiên này sẽ in sâu vào trí óc đứa trẻ và có ảnh hưởng đến cuộc đời tương lai của chúng, vì trí khôn của chúng giống như một tờ giấy trắng, đã in cái gì vào thì vẫn còn mãi ở trong đó.

Giáo dục là hướng dẫn và giúp đỡ chúng phát triển tòan diện con người về đức, trí, thể dục. Giúp đỡ không có nghĩa là làm thay mà là hướng dẫn. Đa số cha mẹ ngày nay xác tín rằng: đứa trẻ sau này có nên người hay không, phần lớn là do ảnh hưởng gia đình.

Giáo huấn của công đồng Vatican II dạy: ”Cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân. Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính. Cha mẹ Kitô hữu phải dạy con cái ngay từ thuở nhỏ để chúng nhận biết và kính thờ Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo như đức tin đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội”(GĐ số 3).

Người ta thường nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Cha mẹ phải giúp cho con cái “nên người”. Từ ngữ “nên người” đây là trở nên một con người tòan diện xứng đáng với “nhân linh ư vạn vật”. Con người xứng đáng với con người không phải “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi”.

Một gã côn đồ đến hỏi một vị tu sĩ: “Con heo, con chó, con gà có phải học để nên con heo, con chó, con gà đâu ? Các ông bầy đặt: phải học cho nên người” ?

Vị tu sĩ đã trả lời thế nào ? Chúng ta thử nghĩ xem.

Vì thế, ông Blaise Pascal nói:”Con người không phải là một thiên thần, cũng không phải là một con vật, và kẻ nào muốn làm thiên thần, lại làm con vật”. Đức Khổng Tử cũng nói: ”Vi nhân nan”: làm người khó lắm.

Nên người đây phải hiểu là con người tòan diện, cả xác, cả hồn, trở nên:

- Con người xứng đáng con người.

- Con người tôn giáo: Kitô hữu chính danh.

3. Gia đình vườn ươm các đức tính tốt

Gia đình là một vườn ươm thuận lợi để làm phát triển các đức tính tốt cho con trẻ như yêu thương,vâng lời, phục vụ, hiền hòa, hy sinh, nhịn nhục, tha thứ… Đức Giáo hòang Gioan Phalô II cho rằng gia đình là vườn ươm chân lý và tình yêu. Quả vậy, nếu tuổi trẻ không được săn sóc trong một gia đình ấm cúng thì mai sau lớn lên, chúng khó thể hiện được điều mà chính chúng không có cảm nghiệm gì cả.

Một trong những yêu tố quan trọng để làm cho gia đình được hạnh phúc là mỗi phần tử trong gia đình phải có một tình yêu vô vị lợi, tránh tình yêu vị ky, chỉ biết co cụm vào bản thân mình. Chúng ta thấy thánh Giuse và Đức Maria không bao giờ bận tâm về tư lợi của mình mà bỏ quên ích lợi của Chúa Giêsu. Trái lại, chúng ta chỉ thấy các ngài hòan tòan quên mình, coi nhẹ sở thích riêng tư. Tâm trí và ánh mắt các ngài luôn để ý đến những nhu cầu bé nhỏ, những mong ước đơn sơ của người khác, vì hạnh phúc là gì nếu không phải là làm cho người khác được hạnh phúc ?

Hạnh phúc gia đình luôn luôn đòi hỏi phải có một ai đó trong nhà biết quên mình, biết quên cái tôi của mình đi, để quan trọng hóa cái tôi của người khác lên. Thái độ ấy như một cái ngòi khởi động, làm cho những người khác trong nhà cũng hành động như vậy, và nhờ đó, hạnh phúc gia đình mới bùng lên. Thái độ khởi động ấy phải được lặp lại hằng ngày hằng giờ trong đời sống gia đình. Ai sẽ khởi sự thái độ quan trọng ấy nếu không phải là chính bạn, là người ý thức được bí quyết hạnh phúc đó, bất kể bạn là vợ hay chồng ? Thật vô phúc cho gia đình nào không có ai tự nguyện làm cái ngòi khởi động tình yêu thương ấy hằng ngày trong cuộc sống.

Câu chuyện minh họa về thiên đàng và hỏa ngục sau đây thật phù hợp với thiên đàng hoặc hỏa ngục của gia đình.

Truyện: Một bữa cơm

Cả thiên đàng và hỏa ngục đều dùng bữa với những thức ăn y như nhau, trong khung cảnh giống y hệt nhau, trong đó mỗi người phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. Thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau ở chỗi này: trên thiên đàng, mọi người không ai tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn, vì thế, ai cũng được ăn no. Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai gắp cho mình được gì cả, thế rồi chẳng ai được no, hết giờ ăn mà đói vẫn hòan đói, từ đó họ trở nên căm thù nhau.

Cũng vậy, trong gia đình, không ai tự tạo hạnh phúc cho mình được mà không cần đến người khác, nên nếu ai cũng chỉ biết lo hạnh phúc cho mình, thì chẳng ai hạnh phúc cả, và rồi sẽ phát sinh đủ thứ đau khổ. Tuy nhiên trong gia đình, người ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác, vì thế, nếu mọi người trong nhà đều biết lo cho nhau, tạo hạnh phúc cho nhau, thì ai nấy đều được hạnh phúc.

4. Gia đình là trường dạy cầu nguyện

Cha mẹ còn phải dạy cho con cái biết cầu nguyện. Dạy con cái cầu nguyện không phải là nói về sự cao quí, sự cần thíết, sự ích lợi hay phương pháp cầu nguyện, nhưng đây là những buổi cầu nguyện được tổ chức trong gia đình với sự hiện của đầy đủ các thành viên. Những buổi cầu nguyện đó rất có ảnh hưởng đến đời sống đạo đức của con cái, tập cho chúng có thói quen cầu nguyện.

Trong tông huấn về gia đình, Đức Giáo hòang Gioan Phaolo II khuyên nhủ:

“Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là cuộc sống gia đình… Những vui mừng và cực nhọc, hy vọng và u buồn, ngày sinh, ngày kỷ niệm chu niên (ngày kính thánh bổn mạng), kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, những ngày ra đi, vắng nhà và trở lại. Những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, cái chết của những người thân yêu… đều là những dấu hiệu của sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong lịch sử gia đình. Và những biến cố ấy cũng phải trở thành những lúc thuận tiện cho việc tạ ơn, khẩn nguyện cho sự tin tưởng phó thác của gia đình trong tay Người Cha Chung ở trên trời”(GĐ số 61 bc).

Truyện: Nhà không có mái che.

Một thanh niên Scotland tìm được một chân làm vườn trong một gia đình giầu có. Nhưng chỉ hai tuần sau, anh xin thôi việc. Một người bạn hỏi:

- Có phải công việc quá cực nhọc không ?

- Không, công việc rất nhàn.

- Có phải lương quá ít không ?

- Không, lương khá lắm.

- Hay anh không thích đồ ăn ở đó ?

- Cũng không phải. Đồ ăn rất ngon.

- Vậy tại sai anh thôi việc ?

- Vì nhà đó không có mái che.

Đối với người Scotland, thành ngữ “nhà không có mái che” nghĩa là gia đình không biết cầu nguyện (Tonne).

IV. PHÂN NHIỆM TRONG GIA ĐÌNH

Gia đình Thánh gia là một gia đình tuyệt vời trong sự phân nhiệm cho các thành viên trong gia đình, trong đó có lớp lang thứ tự, hợp tình hợp lý để tạo ra sự hài hòa của các thành phần. Các Ngài đã thực hiện được chữ “thuận”, thuận trên thuận dưới, thuận ngang thuận dọc:

Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn.

Trong việc giáo dục gia đình, Đức Khổng Tử đã đưa ra một công thức giáo dục rất hay, đó là quân – thần – phụ – tử: nghĩa là vua phải sống cho ra vua, tôi phải sống ra tôi, cha phải sống xứng đáng là cha và con xứng phận làm con, bậc nào phải sống theo bậc ấy, đừng bao giờ đảo lộn. Trong gia đình có ba cấp thành viên, mỗi thành viên có những nhiệm vụ và quyền lợi riêng:

1. Người cha trong gia đình

Người ta nói: ”Kim chỉ phải có đầu””, vậy ai nên làm chủ gia đình ? Đương nhiên là người cha và cũng là người chồng và người mẹ cũng là người vợ là hai vai trò quan trọng nhất. Còn nếu so sánh người cha với người mẹ thì có lẽ vai trò người cha quan trọng hơn. Tại sao vậy ? Vì người cha có khả năng điều hành tốt hơn, có cái nhìn bao quát hơn cả trong gia đình lẫn ngòai xã hội, có uy tín hơn để hướng dẫn các con. Gia đình nào có người cha tốt thì hầu như mọi người trong nhà đều trở nên tốt, vì người cha là cột trụ cho cả nhà dựa vào, là vị chỉ huy điều khiển mọi người, là người cầm lái đưa cả gia đình theo một hướng. Nếu ngược lại thì người ta bảo: ”Nhà dột từ nóc”, gia đình bị hư hỏng từ đầu: ”Cá thối từ đầu”(Piscis e capite vivit et a capite faetet), nên người ta mới nói:

Người trên ở chẳng chính ngôi

Làm cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào.

Nói như thế không phải là một mình người cha điều khiển gia đình, vẫn có sự tham gia của người mẹ một cách rất nhẹ nhàng mà người ta không ngờ. Nhưng cũng có lúc vì người cha thiếu khả năng nên người mẹ đã lấn át vai trò người cha.

Truyện vui: Tao là các “Đấng” ấy.

Đôi tân hôn sống với nhau chưa được bao lâu, người chồng hiền lành, điệu bộ có vẻ “cù lần”, nhưng người vợ lại tinh anh sắc xảo, có vẻ lấn át. Người chồng nghĩ rằng mình cần phải có tác phong bảo vệ quyền bính, nhất là con nhà có đạo phải dựa vào “Kinh bổn” mới có nền tảng vững chắc mà dạy dỗ, kẻo người vợ lấn át quyền gia trưởng:

* Thứ nhất dựa vào “Kinh bổn”.

Một hôm gặp cơ hội bị bà vợ lấn át, anh ta mới dõng dạc tuyên bố: ”Mày phải biết ngày chịu phép Hôn phối, cha giảng chồng là gia trưởng, là chủ: chồng giữ địa vị thánh Giuse trong nhà Nazareth. Mày không nhớ trong kinh cầu ông thánh Giuse: Thánh Giuse làm đầu Thánh gia. Thế tao là đầu trong nhà, thay địa vị thánh Giuse, mày phải nhận điều đó mới được”.

* Thứ hai Sách bổn dạy sao ?

Dạy “cha mẹ phải săn sóc con cái, chồng phải coi sóc vợ, chúa nhà phải coi sóc đầy tớ: bấy nhiêu “ĐẤNG ẤY” phải coi sóc kẻ thuộc về mình, hầu bằng cha mẹ phải săn sóc con cái vậy, chả gì tao cũng vào số “các đấng”. Đừng có mà khinh tao.

(Nguyễn duy Phượng, Thực hiện vâng phục, 1969, tr 241-242).

2. Người mẹ trong gia đình

Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ có bản chất riêng, khác nhau mà không dẫm chân lên nhau. Dường như trong gia đình đã vốn sẵn có một sự phân nhiệm tự nhiên cho hai người:

- Nếu người chồng là rường cột chống đỡ gia đình, thì người vợ là sợi dây thân ái ràng buộc mọi người trong yêu thương hạnh phúc.

- Nếu người chồng là người đứng mũi chịu sào, đặt kế họach, tạo điều kiện kinh tế chính cho gia đình, thì người vợ lại là một quản lý tốt, quán xuyến, sắp xếp mọi công việc trong nhà và bảo vệ tổ ấm gia đình hơn mọi người khác.

- Nếu người chồng là lý trí, là khối óc sáng suốt để chỉ huy, hướng dẫn gia đình như một ông thuyền trưởng chỉ huy con tầu, thì người vợ chính là người tài công khéo léo điều động con tầu đến mục tiêu đã định.

- Nếu người chồng là biểu tượng của quyền uy, nghiêm nghị và cứng cỏi, là khuôn mẫu, là kỷ luật thì người vợ là sự dịu dàng, mềm mỏng, cởi mở để con cái được thỏai mái, dễ chịu trong khuôn khổ gia đình.

- Và sau cùng, nếu cần phải đối phó với một xã hội, một cuộc sống đa đoan, phức tạp, muôn mặt, khi sự cứng rắn và sức mạnh của người chồng không đủ đáp ứng, thì đã có sự khôn ngoan, tế nhị, mềm mỏng của người vợ bổ sung vào để đạt được kết quả.

Quan niệm “Phu xướng phụ tùy” của xã hội ta ngày xưa không còn phù hợp nữa. Ngày nay nếu chồng là giám đốc thì vợ phải là quản lý hay phụ tá giám đốc chứ không phải là tôi tớ. Trong lời hôn chúc lễ Hôn phối Linh mục đọc: ”Cha đã đặt người nữ làm trợ tá bất khả phân ly của người nam… Xin cho anh biết trọn niềm tin tưởng ở chị, nhìn nhận chị là người bình đẳng và cùng được thừa hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban”.

Truyện: Tài tử Galicopter và người vợ

Một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất thập niên 50 là nam tài tử Galicopter. Ông nổi tiếng không những vì tài nghệ diễn xuất mà còn vì cuộc sống hôn nhân mẫu mực của ông. Vào khỏang cuối đời, quằn quại trong thể xác, ông đã nói về Rochi, người vợ đã chung sống với ông gần 30 năm như sau:

“Rochi là một người đàn bà tuyệt vời. Nàng là một người vợ đã biết thích nghi với tính khí và công việc của tôi. Nàng cũng biết cảm thông với những lỗi lầm của tôi. Nhất là nàng đã biết ở cạnh tôi khi nàng có thể, mỗi khi tôi cần đến nàng. Nàng là người vợ đích thực”.

Những lời khen tặng trên đây của tài tử Galicopter là một khẳng định rằng: người nắm giữ hạnh phúc gia đình, người nắm vai chủ động trong việc xây dựng hạnh phúc hôn nhân chính là người vợ. Dĩ nhiên, sự thành công của hôn nhân là do sự hợp tác của hai vợ chồng. Nhưng người vợ vẫn giữ vai trò chủ yếu: “Đàn ông dựng nhà, đàn bà xây tổ ấm”(Tục ngữ).

3. Con cái trong gia đình

Còn Chúa Giêsu trong gia đình Nazareth đã được thánh Luca mô tả vài nét trong Tin mừng: ”Và Ngài đã xuống với ông bà về Nazareth. Và Ngài hằng tùng phục hai ông bà. Còn Mẹ Ngài thì giữ kỹ hết các điều trong lòng Bà. Và Đức Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dáng, và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người Ta”(Lc 2,51-52).

Trên tường một nhà thờ cổ ở Đức có một bức tranh được vẽ cách nay khỏang 500 năm, diễn tả trẻ Giêsu đang đi học. Họa sĩ vẽ Ngài là một cậu bé 6 tuổi đang một tay nắm tay bà ngọai Anna va tay kia cầm cặp. Trẻ Giêsu cũng giống như các bé trai, bé gái cùng thời đến trường để thêm kinh nhgiệm, như Thánh Kinh nói: ”Con trẻ ngày càng khôn lớn”.

Đức Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng với cương vị là con, Ngài vẫn phải vâng phục thánh Giuse và Đức Maria với tâm tình con thảo. Sách Huấn ca hôm nay dạy ta: ”Ai kính sợ Thiên Chúa thì hiếu thảo với cha mẹ, ai thờ cha kính mẹ thì sẽ bù đắp lỗi lầm và sẽ được đền bù tội lỗi”.

Hiếu thảo đối với cha mẹ không phải là một tình cảm tự nhiên mà còn là một điều luật của Chúa: ”Ngươi phải hiếu thảo với cha mẹ như Thiên Chúa đã truyền dạy, để được sống lâu và hạnh phúc trên phần đất Chúa dành cho ngươi”(Đnl 5,16).

Ngày xưa khi cắp sách đi học, các em nhỏ đã được đọc trong sách “Quốc văn giáo khoa thư” một bài học căn bản về đạo làm con:

Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con.

Không thiếu gì những bậc danh nhân trên thế giới đã làm gương cho chúng ta về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ngay khi các ngài ở bậc cao trong danh vọng.

Truyện: Nhà bác học Louis Pasteur.

Ngày 14.07.1883, hội đồng thành phố Dole quyết định đặt tấm đồng ghi danh trên cửa nhà mà Pasteur đã sinh ra. Hôm ấy, trong bài đáp từ cao thượng, nhà bác học trứ danh đã để lòng trào ra trên nỗi biết ơn cha mẹ “:

“Ôi, hỡi cha con, mẹ con ! Ôi, hỡi những người thân yêu đã chết ! Các ngài đã sống bình dị quá trong căn nhà nhỏ bé này, con đã chịu ơn tất cả bởi các ngài. Những nhiệt tình của người, hỡi mẹ can đảm của con, mẹ đã chuyển nó cho con. Nếu con bao giờ cũng đã nối kết vinh quang khoa học vào vinh quang tổ quốc, chính là vì con đã thấm nhuần những cảm tình mà mẹ phấn khích ở trong con. Và còn người, hỡi cha thân yêu, mà đời sống cũng nặng nhọc như nghề nghiệp, cha đã tỏ cho con biết đức kiên nhẫn trong cố gắng lâu dài có thể làm được những gì… Con chúc tụng cả hai, hỡi cha mẹ thân yêu, cho cuộc sống các người, và xin để cho con huớng về các ngài cái vinh hạnh mà người ta hiến lên căn nhà này ngày hôm nay”.

(Bùi Đức, Vinh quang bà mẹ, 1959, tr 59-60).
 
Thiên Chúa đã làm người
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
17:28 22/12/2010
LỄ GIÁNG SINH A

+++

A. DẪN NHẬP

Sau bốn tuần lễ Mùa Vọng chờ đợi, hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Giáng Sinh trong niềm hân hoan phấn khởi. Lễ Giáng Sinh trở nên rất phổ biến với cái tên là Noel, vì hầu như mọi người: tín hữu hay không, bằng cách này hay cách khác, đều có thể mừng lễ Noel. Nhưng có một đều quan trọng cần rất được chú ý, đó là không phải bất cứ ai mừng lễ Noel đều đạt được mục đích chân chính của nó là gặp được Đức Kitô,” Đấng Cứu Độ đã giáng sinh cho các ngươi”(Lc 2,11).

Cách đây 2000 năm, Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh trong hang bò lừa tại Belem. Đây là một biến cố lịch sử quan trọng có liên quan đến cả thế giới. Thiên Chúa đã nhập thể và nhập thế để ở cùng chúng ta. Ngài là Đấng Emmanuel bao đời mong đợi. Hôm nay là ngày Trời Đất gặp nhau: Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa. Nếu hỏi tại sao Thiên Chúa đã hành động như vậy, thì không còn câu trả lời nào đúng hơn là vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài đã yêu chúng ta trước. Vậy chúng ta phải đáp trả lại tình yêu của Chúa đối với chúng ta bằng cách chúng ta phải yêu Chúa và tha nhân, vì chỉ có tình yêu mới đáp trả được tình yêu. Chúng ta tỏ lòng yêu Chúa bằng cách tuân theo thánh ý Ngài và chúng ta yêu tha nhân bằng những việc làm cụ thể bằng cách chia sẻ tinh thần và vật chất, và biết thông cảm với nhau: ”Vui với người, khóc cùng kẻ khóc”.

Tâm tình ngày lễ Giáng Sinh của chúng ta phải có tính cách tích cực, bởi vì nhìn lại 2000 năm từ ngày Chúa Giáng sinh, đã có biết bao nhiêu người mừng lễ Noel, nhưng họ đã không một lần gặp được Chúa Hài đồng, dường như họ coi lễ Noel là dịp để vui chơi, giải trí, được dịp chưng diện, mà không biết phóng con mắt tâm hồn qua không gian và thời gian về hang Belem mà chiêm ngắm Chúa Hài Nhi, để hòa nhịp với các nhân vật bé mọn nghèo hèn đang thờ lạy Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người. Còn đối với chúng ta, giờ đây hãy sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ để cảm tạ Chúa vì hồng ân giáng sinh này và đáp trả lại bằng một đời sống chứng nhân đượm tình bác ái đối với tha nhân.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 9,1-6

Dân Do thái đã bị quân Assyri đến xâm chiếm và đặt ách thống trị bạo tàn trên họ. Với tư thế là một dân tộc bị trị, dân chúng chỉ còn biết rên siết dưới gông cùm của ngoại bang: ”Dân tộc bước đi trong u tối”.

Nhưng giữa đau khổ, hãi hùng và thất vọng của dân chúng, Isaia tiên báo một thời tươi sáng sẽ tới. Hãy tin tưởng vì Chúa sẽ đến đập tan gông cùm của kẻ thù, sẽ giải thóat cho dân: Bởi vì một Hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi và một người con sẽ được ban tặng cho chúng tôi”.

Lời tiên báo đầy phấn khởi ấy đã được ứng nghiệm khi Israel được thóat khỏi ách thống trị của Assyria. Nhưng ơn cứu độ mà Isaia loan báo đó không phải chỉ hạn hẹp trong dân tộc Israel mà nó còn có một chiều kích rộng rãi hơn, nghĩa là ơn cứu thóat ấy chỉ được thực hiện một cách trọn vẹn với Đấng Messia.

+ Bài đọc 2: Tt 2,11-14

Thánh Phaolô nói cho Titô và cho chúng ta biết: Đức Giêsu là ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ và ban cho ta trong ngày giáng sinh, và ân sủng ấy vẫn còn khi Đức Giêsu lại xuất hiện trong vinh quang ngày Ngài trở lại trần gian. Chúng ta hãy sống xứng đáng với ân sủng bằng cách: ”Từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức”.

+ Bài Tin mừng: Lc 2,1-14

Sau bao ngàn năm trông đợi, giây phút quan trọng đã đến. Thánh Luca đã giới thiệu cho chúng ta: Đấng Cứu Thế đã đến trong thân phận một bé thơ nơi hang đá Be lem. Bà Maria đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa nên đã sinh ra con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Tuy Chúa Cứu Thế sinh ra trong cảnh cô đơn lạnh lẽo ấy, không ai biết tới nhưng trên không trung các thiên thần vẫn ca hát:

Vinh danh Chúa Cả trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Các thiên thần cho biết đây là Tin mừng cho cả nhân lọai, nhưng Tin mừng này trước tiên được loan báo cho những người chăn chiên nghèo khổ. Chính những người nghèo khổ này đã được hân hạnh thay cho loài người đến triều bái Chúa Hài Nhi.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Tình yêu trao ban và đáp trả

I. MỖI NĂM LỄ GIÁNG SINH VỀ

Mỗi năm lễ Giáng sinh về, mọi người đều nô nức đón mừng từ trong tâm hồn ra đến cảnh trí bên ngoài. Sau bốn tuần lễ Mùa Vọng, bầu khí có vẻ âm u trầm lặng, mong đợi, hôm nay bầu khí trở nên tưng bừng nhộn nhịp, cảnh trí trở nên sáng sủa. Người Công giáo mừng kỷ niệm Chúa Giêsu giáng trần làm người vào đêm 24 sang ngày 25 tháng 12 hằng năm. Đêm mừng kỷ niệm đó là đêm thánh. Tại sao gọi là đêm thánh ? Phải chăng đêm này khác hẳn mọi đêm ? Đêm nay đã trở nên đêm thánh, vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa sinh ra xuống thế làm người trong đêm nay. Đấng Thánh sinh ra trong đêm nay đã biến nó thành đêm thánh.

Đối với đa số người Công giáo cũng như không Công giáo thì Giáng sinh là một mùa hân hoan vui mừng, với khung cảnh trang hòang lộng lẫy trong nhà, cũng như bên ngòai: những hang đá máng cỏ, những cây sinh nhật trông đẹp mắt, cũng như nhạc Giáng sinh vui làm rộn lòng người. Tới mùa Giáng sinh, các tiệm đua nhau trang hòang để thu hút khách hàng. Người ta nô nức gửi thiệp Giáng sinh, quà Giáng sinh và chúc mừng nhau bằng những lời lẽ tốt đẹp. Trong những nước có chiến tranh, thì mỗi mùa Giáng sinh đến, các phe nhóm giao chiến thường đồng ý buông súng để mừng lễ Giáng sinh.

Hôm nay, cùng với Giáo hội, và tòan thế giới, chúng ta hân hoan mừng lễ Sinh nhật của Chúa Giêsu, một Hài Nhi sinh ra trong máng cỏ của súc vật cách đây 2000 năm. Nếu ngồi lại suy nghĩ theo tự nhiên, có lẽ nhiều người có thể đặt câu hỏi: Tại sao muôn người trên thế giới lại đi mừng lễ Sinh nhật của một con người bé nhỏ như thế ? Câu trả lời cũng thật đơn giản: Bởi vì Hài nhi Giêsu bé nhỏ nằm trong máng cỏ nghèo hèn trước mặt chúng ta đây chính là Thiên Chúa thật. Với việc nhập thể của Ngôi Hai, Con Thiên Chúa đã làm người để đưa từng người chúng ta lên địa vị con Thiên Chúa.

Hài nhi Giêsu đích thực là Thiên Chúa, cũng chính là điều mà Giáo hội muốn từng người chúng ta xác tín qua phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay.

II. CHÚNG TA MỪNG LỄ GIÁNG SINH

1. Một biến cố vĩ đại

a) Lời tiên tri báo trước

Hài nhi sinh ra trong hang đá Belem không phải là một sự tình cờ mà đã được loan báo trước từ lâu và mọi người đang mong đợi. Hài nhi là Đấng mà các Tổ phụ dân Israel lâu nay vẫn mong đợi. Ngài là Đấng Thiên Chúa hứa ban ngay sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Ngài chính là “dòng dõi của người nữ sẽ đạp giập đầu rắn”(St 3,15). Bảy trăm năm trước khi Ngài sinh ra thì Isaia đã tiên báo:”Dân đi trong tối tăm đã thấy ánh sáng chói lọi… Chính Chúa sẽ ban cho các ngươi một điềm lạ: một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, đặt tên là Emmanuel: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”(Is 7,14; 95,6) Và tiên tri Mikêa, sống đồng thời với Isaia, đã thốt lên những lời đầy an ủi:”Hỡi Belem, nhỏ bé trong đất Giuđa, song từ nơi ngươi sẽ xuất hiện Đấng cai trị Israel, nguồn gốc Ngài có từ xa xưa, từ trước muôn đời, Ngài sẽ cai trị với sức mạnh của Chúa Giavê… Chính Ngài sẽ đem lại cảnh thái bình”(Mk 5,1-4)

Tin mừng này cũng được báo trước cho Giuse:”Maria sẽ sinh con trai, hãy đặt tên là Giêsu vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi”(Mt 1,21). Tin mừng này có nghĩa là Thiên Chúa tòan năng, Đấng chủ tể vũ trụ đã sai Đức Giêsu giáng trần là Đấng cứu chuộc tội lòai người.

b) Đức Giêsu sinh ra

* Việc kiểm tra dân số

Kiểm tra dân số khắp thiên hạ là kiểm tra dân số trong tòan lãnh thổ của đế quốc Rôma thời bấy giờ. Đối với hòang đế Augustô xưa cũng như đối với các nhà cầm quyền các quốc gia ngày nay, kiểm tra dân số là một việc bình thường, mang tính kiểm kê thực tế để biết nhu cầu và khả năng của đất nước, dân tộc, đế quốc mình trước khi toan tính một kế họach hay chương trình gì đó, ví dụ đem quân xâm chiếm các nước khác hay lên kế họach thu thuế cho ngân sách. Bình thường thì dân số càng đông thì nguồn thu từ các sắc thuế càng lớn. Và cũng tùy thuộc vào dân số mà nhà cầm quyền ấn định mức độ thuế cho phù hợp.

Nhưng đối với thánh Giuse và Đức Maria thì việc kiểm tra dân số của vua Augustô là biến cố khiến các ngài phải từ Nazareth (xứ Galilê) đi lên thành Belem (xứ Giuđê) là thành của Đavít, vì Giuse là người thuộc dòng dõi Đavít. Belem chỉ là một thị trấn nhỏ. Ông Giuse không tìm ra chỗ trọ cho hai người, có thể vì ông bà đến trễ, nên không còn chỗ; cũng có thể ông bà không có nhiều tiền để thuê một phòng, một chỗ trọ trong nhà, nên đành phải “tạm náu” trong nơi trú nắng trú mưa của chiên bò ngòai cánh đồng Belem.

* Trong hang đá Belem

Chúng ta thử tưởng tượng xem một vị hòang đế trần gian nếu biết trước đứa con của mình sinh ra sẽ là vị cứu tinh của trần gian, thì hòang đế sẽ chuẩn bị cho người con ấy chào đời như thế nào ? Chắc chắn ông sẽ chuẩn bị cho con mình một nơi thật xứng đáng, với quần áo, tã lót, chăn mền… thật sang trọng. Và cũng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người mẹ sinh ra con mình. Chính vì tưởng rằng Thiên Chúa trên trời cũng suy nghĩ như mình, nên người Do thái thời Đức Giêsu đã tưởng Đấng Cứu Thế sẽ phải sinh ra trong cung vàng điện ngọc. Nhưng họ không ngờ Thiên Chúa suy nghĩ khác hẳn với cách nghĩ của họ.

Theo Tin mừng, Đức Giêsu đã sinh ra trong hang bò lừa. Đã là chỗ nuôi và chứa súc vật đương nhiên phải là hôi tanh và bẩn thỉu. Chắc chắn Giuse và Maria phải hết sức ngỡ ngàng khi thấy Thiên Chúa đối xử với mình, nhất là với Đấng Cứu Thế hài nhi như vậy ! Nhục nhã thay cho Đấng Cứu Thế ! Bất kỳ ai biết mình chào đời trong một chỗ tối tăm và nhục nhã cũng như thế. Tuy thế, trên không trung các thiên thần ca hát vang lừng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Còn ở dưới đất chẳng có ai đến kính viếng, chỉ có mấy con bò lừa thở hơi ấm cho Chúa Hài nhi. Thiên thần Chúa đến báo tin cho các mục đồng trong vùng: ”Ta báo cho các ngươi Tin mừng trọng đại, cũng là Tin mừng cho tòan dân: Hôm nay, một Đấng Cứu thế đã sinh ra cho các ngươi trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa…”

Sau khi được đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa, các mục đồng đã không ngồi lại. Sứ điệp đó đòi họ phải hành động, phải ra đi và tìm kiếm con trẻ. Vì thế, họ đã làm một cuộc hành trình đến Belem, và đã được nhìn thấy đúng như lời loan báo của các sứ thần. Bằng con mắt hướng ra bên ngòai, tất cả các mục đồng đã nhìn thấy một con trẻ “quấn khăn nằm trong máng cỏ”. Nhưng với con mắt hướng vào bên trong – con mắt đức tin – họ đã nhận ra con trẻ này là Đấng Cứu Độ, đã được Thiên Chúa sai đến.

2. Đây là mầu nhiệm nhập thể

a) Ý nghĩa lễ Giáng Sinh

Giáng Sinh là biến cố nhập thể. Nhập thể có nghĩa là Con Thiên Chúa xuống thế, mang thân phận con người chúng ta, để ban cho chúng ta tư cách làm con Thiên Chúa. Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm của tình yêu. “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14); hoặc như Luca diễn tả:”Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”(Lc 2,11). Chính vì thế, khi nhập thể, Ngôi Lời đã có một tên gọi mới: Emmanuel = Thiên – Chúa –ở –cùng –chúng-ta. Như vậy, chính qua Thánh Kinh mà chúng ta tìm được ý nghĩa và mục đích của biến cố giáng sinh. Cho nên, chúng ta không thể mừng biến cố Giáng sinh mà lại không có mặt Đấng Emmanuel, không thể gọi là lễ Giáng Sinh mà lại vắng Chúa Hài đồng.

Với những người không tin vào Đấng Cứu Độ, lễ Giáng Sinh có thể chỉ là dịp để mua sắm, tặng quà, ăn uống, vui chơi. Và họ cho thế là đủ. Nhưng với chúng ta, những người tin vào Đấng Emmanuel, điều quan trọng nhất là gặp được Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa đã cư ngụ giữa chúng ta. Thật vậy, biến cố Giáng Sinh chính là cuộc gặp gỡ giữa Đất-Trời, giữa con người với Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ ấy cần sự có mặt của hai bên. Về phía Thiên Chúa, Ngài đã hòan tất một chặng đường dài qua việc nhập thể và đi vào thế giới con người để tìm gặp con người. Về phía nhân lọai, con người chỉ cần bước đi một quãng đường ngắn như các em mục đồng tại Belem, hay một quãng đường dài hơn một chút như các đạo sĩ Đông phương, là chắc chắn sẽ gặp được Đấng Emmanuel. Đó chính là ý nghĩa và mục đích của lễ Giáng Sinh.

Việc Ngôi Hai nhập thể là một mầu nhiệm, một trong ba mầu nhiệm vĩ đại nhất trong Đạo là Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai xuống thế làm người và chịu chết chuộc tội cho lòai người. Xem ra với con mắt lòai người, việc nhập thể ấy không thể thực hiện được, nhưng đã trở thành hiện thực trong Lễ Giáng sinh hôm nay.

Truyện: Đàn ngỗng tìm chỗ trú.

Vào một mùa Giáng Sinh nọ, trước giờ đi lễ, vị chủ nông trại đang thưởng thức nhạc Giáng Sinh, bỗng đâu cả đàn ngỗng của ông tụ lại trước sân nháo nhác tìm chỗ trú. Chúng vừa đói, vừa lạnh, lông cánh rối bời. Tất cả người làm đều đã nghỉ cả, người chủ cũng đều sắp đóng cửa về Thành phố dự Thánh Lễ. Bởi vậy ông bèn ra lùa đàn ngỗng vào chuồng, nhưng chúng không biết ông nên dù gào thét khản cả tiếng, chạy ngược chạy xuôi, đã rời cả đôi chân mà vẫn không đem được một con nào vào chuồng. Thấy vậy ông thầm ước với mình:”Ước gì tôi được làm ngỗng trong chốc lát, để tôi có thể dùng tiếng lòai ngỗng mà nói cho chúng hiểu ước muốn của tôi và cho chúng biết đâu là chốn hiểm nguy, đâu là nơi an tòan”. Bỗng chốc, ông đã trở thành một con ngỗng đứng giữa bầy như ước nguyện.

Có thể chúng ta sẽ coi là vô lý khi thấy người biến thành ngỗng. Thế nhưng, có một điều khác còn phi lý hơn mà Giáo hội đang mời gọi chúng ta chiêm ngắm, đó là hang đá Belem, nơi Thiên Chúa Vua Cả trời đất giành lấy thân phận làm người, sinh ra trong hang bò lừa máng cỏ. Ngài làm người để rồi sẽ dùng ngôn ngữ của lòai người mà chỉ dạy cho con người lối về quê thật

(Đ.Ô Nguyễn văn Tài).

b) Tại sao Thiên Chúa lại giáng sinh ?

Khi hỏi tại sao Thiên Chúa giáng sinh làm người, chúng ta chỉ có thể trả lời là Thiên Chúa yêu thương lòai người. Theo cha Cantalamessa, vị giảng thuyết của phủ Giáo hoàng, thì không phải Thiên Chúa nhập thể để có một người bên ngòai Ngài để yêu thương Ngài trong một cách thế cao nhất, một cách xứng đáng với Thiên Chúa (như Duns Scott chủ trương) nhưng là Thiên Chúa “yêu” và “yêu trước” (x.1Ga 4,10,19). Thiên Chúa muốn có sự nhập thể của Ngôi Con không phải để có một người bên ngòai Ba Ngôi yêu mến Ngài cách xứng đáng nhưng để có người cho Ngài yêu một cách xứng đáng với Ngài, nghĩa là yêu vô hạn.

Trong ngày Giáng Sinh, khi Hài nhi Giêsu giáng trần, Chúa Cha có người để yêu trong một cách thế vô hạn bởi vì Chúa Giêsu gồm cả con người và Thiên Chúa. Nhưng không chỉ Chúa Giêsu mà thôi, nhưng là tất cả chúng ta cùng với Ngài. Chúng ta được bao gồm trong tình yêu này, khi trở thành những thành viên của nhiệm thể Chúa Kitô, “con trong Con”. Lời tựa trong sách Phúc âm của thánh Gioan nhắc nhở chúng ta:”Những ai đón nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền trở nên con cái Thiên Chúa”.

Do đó, Đức Kitô thực đã từ trời xuống thế “để cứu rỗi” chúng ta, nhưng điều khiến Ngài bỏ trời mà xuống thế gian để cứu rỗi chúng ta là tình yêu, không gì khác hơn là tình yêu.

Truyện: Hòang tử Alexis.

Truyện cổ nước Nga thuật lại rằng vào thời Trung cổ, Hòang tử Alexis của Nga cũng như bao vua chúa khác sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, trong khi đó dân chúng chung quanh phải sống trong những khu xóm nghèo nàn tồi tệ. Thế nhưng Alexis không phải là người không biết trắc ẩn trước cảnh cơ cực của thần dân. Để cải tiến cuộc sống của họ, ông bỏ ra mỗi ngày ít thời giờ để thăm viếng họ. Tuy nhiên, dù cố gắng đến đâu, Alexis vẫn không thu phục được lòng tín nhiệm và yêu mến của thần dân. Vì thế, sau mỗi lần thăm viếng, ông trở về Hòang cung, lòng không bao giờ cảm thấy vui.

Một ngày nọ, dân chúng bỗng phát hiện được một người lạ mặt đi vào khu xóm của họ. Trong cách ăn mặc đơn sơ, anh tự xưng là bác sĩ, anh muốn săn sóc những người già cả và mọi bệnh nhân, anh thuê một túp lều trong ngõ hẻm và bắt đầu đi khám bệnh cho những người nghèo. Điều đặc biệt là viên bác sĩ này không lấy tiền thù lao, và còn phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân.

Không bao lâu, anh đã chinh phục được lòng quí mến của đám dân nghèo, đó là điều mà trước đây hòang tử không bao giờ đạt được. Người Bác sĩ ấy trở thành một người của xóm nghèo, và dần dần anh biến đổi bầu khí tinh thần của xóm này. Ngày ngày anh dàn xếp các cuộc cãi vã, tranh giành, anh hòa giải những người thù óan nhau và giúp đỡ mọi người sống xứng với phẩm giá con người hơn.

Thật ra, người Bác sĩ trẻ đó chính là Hòang tử Alexis – người đã bỏ cung điện giầu sang đến sống với các thần dân nghèo và trở nên một người trong họ (Wahrheit, Tìm về cõi phúc, tr 134-135).

c) Ngày Đất-Trời gặp nhau

Giáng Sinh là giây phút Đất Trời gặp nhau, qua đó cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người được thực hiện. Đây là giây phút Thiên Chúa làm người, đây là giây phút Con Thiên Chúa nhận lấy bản tính lòai người để giao hòa nó với Đấng tạo dựng nên nó. Trong bài thánh ca “Đêm thánh vô cùng” chúng ta hát: ”Đất với trời se chữ đồng”. Đúng như vậy, trời đất gặp nhau bởi vì Thiên Chúa xuống thế làm người để chúng ta làm Thiên Chúa. Ngài muốn chia sẻ với chúng ta thân phận con người để ở với chúng ta, gần gũi chúng ta, để chúng ta thế nào Ngài cũng trở nên thể ấy. Thật là một cuộc gặp gỡ kỳ diệu không thể tưởng tượng nổi.

Truyện: Muốn đồng thân phận.

Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng nước bùn. Những khách khác thấy vậy cười nhạo ông. Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là quần áo của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó vị quan lớn cầm tay cụ già đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ nữa (Góp nhặt).

d) Đức Giêsu trở nên “Đấng Chí Trung Hòa”

Đức Giêsu đã sinh ra trở thành Đấng Emmanuel: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Ngài ở với lòai người, Ngài sẽ chết trên thập giá và sống lại vinh quang để trở nên Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và lòai người.

Theo Đông phương, Đức Giêsu Kitô là Đấng “Chí Trung Hòa”. Chữ Trung: O gồm nét sổ thẳng chính giữa tâm hình tròn. Hình tròn biểu tượng thái cực là trời, là Thiên Chúa. Hình tròn viết thành chữ thì biến thành hình vuông, vuông chỉ đất là người. Nét sổ thẳng chính trung tâm vuông tròn không xê dịch, đó là Chí Trung, dấu chỉ Đức Giêsu Kitô là trung tâm trời đất. Còn Chí Hòa, chữ Hòa gồm chữ Hòa là lúa và chữ Khẩu là miệng: *P* cơm bánh là thực phẩm hợp khẩu vị nhất, là đồ ăn hòa đến cùng cực để trở nên sự sống của lòai người. Đức Kitô đã biến bánh miến và rượu nho trở nên Thịt Máu mình để trở nên của ăn của uống ban cho chúng ta sự sống muôn đời. Một sự hòa đồng cùng cực: ”Chí Hòa”. Thật Người là Đấng Chí Trung Hòa để cho tất cả nên một. Thiên Chúa và con người không còn xa cách, không còn khỏang không gian nào phân ly nữa…

Đức Giêsu Kitô sinh là Đấng Chí Trung Hòa đem niềm vui trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho nhân lọai trong tình yêu hợp nhất, một sự sống vô tận. Không còn niềm vui nào lớn lao hơn nữa (Vũ khắc Nghiêm).

III.TÂM TÌNH NGÀY LỄ GIÁNG SINH

1. Ý tưởng về ngày lễ Giáng sinh

Hôm nay mọi người đều nô nức đi dự lễ, kể cả những người ngòai Công giáo. Tuy mừng lễ nhưng mỗi người có một cái nhìn về ngày lễ: họ cũng mừng lễ, chúng ta cũng mừng lễ, nhưng tâm tình về ngày lễ thì khác nhau. Vậy chúng ta có tâm tình nào ? Với ý tưởng gì ? Ta có những ý tưởng tốt đẹp và cao quí của ngày lễ Giáng sinh không ? Hay chỉ nghĩ rằng hôm nay là ngày lễ để vui chơi, để có dịp gặp nhau hoặc có dịp khoe thời trang ?

Truyện: Ý tưởng về Lễ Giáng sinh.

Một giáo tư tâm lý của một trường đại học tại Hoa kỳ ra một bài thi để dò xem ý tưởng của 40 sinh viên trong lớp của mình. Trước hết ông bảo họ lấy giấy bút ra viết chữ “Lễ Giáng Sinh”, rồi ông nói: ”Bây giờ các anh chị hãy viết vào sau chữ ấy cái ý nghĩ đầu tiên mà các anh chị liên tưởng đến về ngày lễ ấy.

Khi họ nộp quyển, ông coi lại thì thấy có những chữ sau đây: cây giáng sinh, dây kim tuyến, tặng phẩm, gà tây, bài ca giáng sinh và ông già Noel, không có một ai viết “Ngày Chúa Giêsu ra đời”.

Ngày lễ Giáng sinh không còn ý nghĩa cao quí của nó nữa, người ta đã tục hóa lễ Giáng Sinh, người ta chỉ coi lễ Giáng Sinh là một ngày vui chơi cho mọi người, thậm chí có người lợi dụng lễ Giáng Sinh để kinh doanh.

Hôm nay chúng ta nghĩ gì về lễ Giáng Sinh ? Nếu chúng ta quên hay không biết thì chúng ta hãy nhớ lại rằng: Chúng ta mừng lễ Giáng Sinh là có ý kỷ niệm ngày Thiên Chúa giáng trần, ngày Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào chữ Emmanuel hay chữ Noel để nhớ đến ý nghĩa của ngày lễ.

2. Chỉ có tình yêu đáp trả tình yêu

Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Đức Giêsu Kitô, người Con yêu duy nhất của Ngài xuống thế làm người, chung sống với lòai người, để cứu độ lòai người. Cách thức Thiên Chúa dùng để biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta cũng phải trở nên mẫu mực của tình yêu mà chúng ta dành cho Chúa và dành cho nhau. Nghĩa là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và dành cho nhau cũng cần một hình thù cụ thể nào đó, kẻo người ta sẽ bảo tình yêu đó chỉ ở trên đầu môi chót lưỡi:

Thương thương, nhớ nhớ, thương thương,

Nước kia muốn chảy mà mương không đào.

Đối với Chúa, chúng ta chỉ có thể đáp trả lại tình yêu của Ngài bằng cách thi hành trọn vẹn thánh ý Ngài như một đứa con thơ dễ bảo. Còn đối với tha nhân thì chúng ta phải có những việc làm cụ thể hơn. Trong dịp lễ Giáng Sinh chúng ta thường mua những món quà đắt tiền để tặng nhau, tuy nhiên giá trị của quà tặng lại tùy thuộc vào tấm lòng của người tặng quà. Cuộc sống sẽ luôn thi vị nếu còn mãi những nghĩa cử tặng quà. Cũng như cuộc sống không thể vắng bóng tinh thần trao ban. Ai trong chúng ta cũng có cái để trao ban. Đó có thể là chúng ta biết để thời giờ để hỏi thăm, gặp gỡ bà con thân thuộc, người cùng khu xóm. Khi chúng ta biết rộng lòng giúp đỡ vật chất cho những người nghèo, những nạn nhân của thiên tai lũ lụt. Khi chúng ta biết tặng cho những người mình yêu mến như cha mẹ, anh em, bạn bè, người yêu những món quà bất ngờ thắm thiết tình người.

Tóm lại, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Việc Ngôi Hai xuống thế là dấu chỉ lòng yêu thương của Chúa đối với chúng ta không bờ bến. Chỉ có tình yêu mới đáp trả được tình yêu.

Chúng ta phải yêu Chúa và yêu tha nhân thì mới đáp trả được tình yêu của Chúa đối với ta, với một tình yêu quảng đại, tha thiết và hy sinh. Câu truyện cảm động dưới đây giúp chúng ta suy niệm về tình yêu của Chúa đối với chúng ta và tình yêu của chúng ta đối với Chúa.

Truyện: Hòang tử và cô gái.

Hòang tử của một vương quốc rất giầu có, lại đem lòng yêu thương một cô gái xinh đẹp là con một người làm bánh mì. Tuy bị hòang gia phản đối nhưng hòang tử nhất mực cưới nàng làm vợ. Lễ thành hôn được tổ chức kín đáo và đơn giản trong đền vua, không có khách quí nào tham dự, không có đại diện các nước lân bang.

Nhiều năm trôi qua, hòang tử và cô gái xinh đẹp sống những ngày rất êm đềm hạnh phúc. Đến ngày vua cha băng hà, hòang tử được lên ngôi vua thay cha cai trị dân nước. Bấy giờ các quan triều đình mới cho hòang tử hay biết, vì hạnh phúc của dân nước, ngài phải chọn một trong hai điều: hoặc là khước từ ngai vàng, hoặc phải rẫy bỏ người vợ đẹp để chính thức thành hôn với công chúa của nước láng giềng.

Hòang tử phân vân giữa hạnh phúc cá nhân và an ninh trật tự của dân tộc. Trong khi đó, các quan cận thần thuyết phục hòang tử rằng cô vợ đẹp ấy cũng chỉ là cô con gái nhà nghèo.

Cuối cùng, hòang tử xiêu lòng và phải ngậm ngùi tâm sự với vợ: ”Vì an bình và hạnh phúc của cả dân nước, anh đành phải từ bỏ em, em hãy trở về gia đình và có thể đem theo cái gì quí nhất đối với em”.

Tối hôm ấy, hòang tử và người đẹp dùng bữa cơm cuối cùng tại hòang cung. Bữa cơm chia ly sao mà buồn thế ? Hòang tử ăn trong nước mắt, lòng buồn rười rượi không nói lên lời. Tuy nhiên, người vợ vẫn thản nhiên chuốc rượu cho chồng, cạn ly này rồi lại đầy ly khác, trong khi hòang tử lại cố uống cho quên sầu.

Sau bữa ăn thì hòang tử đã quá say không còn biết gì nữa. Lúc ấy, nàng lấy chăn trùm kín hòang tử rồi vác lên vai, kín đáo đi lối sau ra khỏi hòang cung về nhà cha mẹ.

Sáng hôm sau, khi đã tỉnh rượu, hòang tử mở mắt ra thấy mình trong căn nhà nghèo nàn của người làm bánh mì. Hòang tử ngạc nhiên hỏi:

- Làm sao thế này ? Anh đang ở đâu ?

Cô vợ mỉm cười đáp:

- Không phải là anh đã nói là em phải trở về nhà cha mẹ và có thể đem cái gì quí nhất đối với em sao ? Thật vậy, điều quí nhất đối với em không phải là gì khác hơn chính là hòang đế của lòng em.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:48 22/12/2010
NGƯ NHẠN

N2T


Người xưa, khi viết thư thì phần nhiều viết trên tấm lụa, và thường xếp lá thư (tấm lụa) lại thành hình hai con cá chép, hoặc dùng lụa làm bao thư thành hình con cá, cho nên cá biến thành biểu tượng của lá thư.

Ngoài ra, Tô Vũ thời nhà Hán khi đi sứ ở Hung Nô thì bị người Hung Nô bắt giữ, mười chín năm sau khi Hán triều và Hung Nô kết giao thì yêu cầu Hung Nô thả cho Tô Vũ về nước, nhưng người Hung Nô nói dối là Tô Vũ đã chết, sứ giả của Hán triều chỉ còn cách nói với người Hung Nô là khi thiên tử của Hán triều đi săn thì bắn trúng một con chim nhạn lớn, trên chân nhạn có cột một lá thư đẫm máu của Tô Vũ nói ông ta đang chịu khổ nhục ở nước Hung Nô, người Hung Nô chỉ có cách là thả cho Tô Vũ về nước.

Do đó, người đời sau thường đem lá thư gọi là “ngư nhạn”.

(Hán thư, Tô Vũ truyện)

Suy tư:

Viết thư là đem tin tức cuộc sống vui buồn của mình mà báo tin cho gia đình và người thân được biết, để họ được an tâm; viết thư còn là cách để kết chặt mối liên kết tình cảm giữa hai người với nhau; viết thư còn là cách để dạy dỗ học trò, khuyên bảo con cái đang ở xa...

Thánh Phao-lô tông đồ viết nhiều thư nhất trong các tông đồ, ngài khuyên bảo các tín hữu của các cộng đoàn phải tuân theo luật Chúa, phải biết yêu thương và phục vụ nhau, phải làm sáng danh Chúa trong mọi sự.v.v...tất cả những lá thư của ngài viết đều mang tính giáo dục và ơn mặc khải của Thiên Chúa, nhờ những lá thư mục vụ ấy của ngài mà Giáo Hội có một kho tàng mặc khải phong phú.

Các giám mục giáo phận cũng có những bức thư luân lưu trong những dịp đặc biệt, hoặc định kỳ mỗi tháng, để dạy dỗ và định hướng đi cho các tín hữu của mình.

Thời nay, phần nhiều người ta viết thư bằng máy vi tính, gọi là e-mail, tức là hộp thư điện tử, vừa nhanh vừa tiện lại vừa tiết kiệm được thời gian, lại còn có thể gởi kèm theo rất nhiều tư liệu, hình ảnh và những điều muốn nói khác.

Đó cũng là cách truyền giáo hay nhất trong thời đại của chúng ta hôm nay vậy.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:50 22/12/2010
N2T


7. Ai có thể trung thực kiểm thảo bản thân mình, đối với những trách cứ của người khác thì rất dễ im hơi lặng tiếng.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Hạnh Phúc Gia Đình Thánh Gia
Tuyết Mai
21:57 22/12/2010
Cả toàn thể nhân loại trên địa cầu, không biết được mấy ai là trầm trồ khen ngợi, khi thấy một gia đình Thánh Gia, sống trong hạnh phúc bên hang đá hôi tanh của Bêlem năm nào!??. Có ai cảm thông được hạnh phúc đích thực là tình gia đình chỉ cần có bấy nhiêu?. Có phải chúng ta thường nghe bài hát “yêu nhau thì mấy sông cũng lội, mấy núi cũng trèo, mấy đèo cũng qua”. Thì hạnh phúc đích thực mà Thiên Chúa Cha muốn ban cho nhân loại trần gian là thế đấy, là chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu!. Yêu nhau trong ơn Chúa thì chúng ta phải mạnh mẽ tin rằng mọi sự việc nếu chúng ta tất cả phó thác cho Chúa, thì không việc gì mà chúng ta không qua khỏi, mà không thực hiện cho được; theo thánh ý Chúa. Đó là hành trình cực khổ của gia đình Thánh Gia đã phải vượt qua, khi mà Đức Mẹ Maria gần đến lúc sanh đẻ. Mọi người đã từ chối các Ngài, không cho trú ngụ qua đêm, không chứa chấp, và xua đuổi các Ngài. Vì được ơn Chúa mà các Ngài rất bình tĩnh tiếp tục đi trong đêm tối, dưới trời bão tuyết, và lạnh giá. Đức Mẹ thì vã cả mồ hôi trong cơn chuyển bụng, tuy dù ngoài trời lạnh se cắt da người. Thánh Cả Giuse thì quýnh quáng cả lên, như bao nhiêu người chồng khác, chẳng hiểu gì về sự chuyển bụng của các bà, Ngài cũng vã cả mồ hôi hột. Nhưng có phải cả hai đều phải có đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, chờ xem Thiên Chúa sẽ dẫn dắt hai ông bà đến đâu, để sanh cho nhân loại một Đấng vô cùng Thánh; một Đấng sẽ thống trị địa cầu; và một Đấng sẽ Cứu Chuộc nhân loại.

Nếu quả tình con người nhân loại chúng ta có ơn Chúa, sẽ hiểu được tỏ tường, cảnh khổ của Gia Đình Thánh Gia, và hiểu được cái giá trị đích thực, của một gia đình nó sẽ quý trọng và thiết yếu như thế nào!. Gương của gia đình Thánh Gia cho chúng ta thấy rằng các Ngài chẳng có tiền của gì hết!. Đi bộ hết từ làng mạc này đến làng mạc kia; chỉ dẫn theo có một con lừa. Con lừa ấy dùng để chở Mẹ Maria và Con trong bụng của Ngài. Còn Thánh Cả Giuse thì chúng ta hiểu rồi, Ngài phải đi bộ và lo lắng cho Hai Mẹ Con. Thế mà các Ngài cảm thấy rất là hạnh phúc. Một hạnh phúc thật vô bờ. Một hạnh phúc thật Thánh Thiêng. Một hạnh phúc mà không một ai trên nhân loại có thể cảm nhận được giống như các Ngài. Vâng, hạnh phúc nào có thể so sánh cho bằng là hai ông bà đã lãnh một trọng trách rất là cao trọng; được trao phó từ Trời Cao; được trao phó từ Thiên Chúa Cha và Thánh Thần. Quả con người khi có tình yêu, thì có thể vượt cả đại dương mà tìm đến nhau!. Vượt qua mọi thành vách nguy hiểm cỡ nào để nhìn thấy nhau. Vượt qua mọi hiểm trở gian nguy, để về lại cùng xây tổ ấm bên nhau. Vượt qua mọi phong tục tập quán, để có được nhau. Và tình yêu ấy không bao giờ có sự kỳ thị nào cả!. Khi nói đến tình yêu thì không một con người nào có thể cắt nghĩa cho được, bởi tình yêu ấy chúng không có lý trí; bởi tình yêu ấy không một ai có thể cướp đi được cho dù quyền thế và giầu sang cỡ nào, cũng là con số không (0). Nhưng thường thì con người ta trên đời hay lẫn lộn cái hạnh phúc gia đình với tiền bạc. Hai cái ít có thể xảy ra cùng một lúc. Một là có tình thì không có tiền, hai có tiền mà không có tình. Chỉ có hai thứ ấy mà con người cả bao nhiêu thế kỷ cứ phải chọn lựa. Có nhiều ông vua có cả bao nhiêu lầu đài điện ngọc và cung nữ, luôn phục dịch ông ngày đêm, nhưng trong trái tim ông vẫn cảm thấy trống vắng vì chưa tìm được người cho ông gởi gắm tất cả con người của ông và những gì ông sở hữu. Nhưng khi ông đã tìm gặp thì cung điện ấy, điền đài ấy, đối với ông cũng trở thành số không, mà không mau mau bỏ tất cả để có được một tình yêu mà bấy lâu nay ông thèm khát và đợi chờ. Tại sao ông lại bỏ tất cả như thế? Vì ông hiểu được rằng chỉ có tình yêu mới đem lại cho ông hạnh phúc đích thực, còn mọi thứ kia chỉ mang cho ông phiền phức và chúng là những thứ rất bội bạc cho con người.

Cuộc đời của chúng ta cũng vậy!. Những ai đã trải qua bể dâu; những ai đã trải qua cái cảnh 5 chìm, 7 nổi, 9 cái lênh đênh; lên voi xuống chó; hai bàn tay trắng trong những cuộc di tản của năm 54, 75; trắng tay trong những cơn biến loạn của thời cuộc; thiên tai; kinh tế; và v.v……. Mới thấm thía cuộc đời làm sao, khi chúng ta đã lỡ đánh đổi tình yêu để cố gắng vói lấy công danh, sự nghiệp, và tiền tài. Một người khi không còn thấy gia đình là niềm hạnh phúc và là niềm vui nữa, mà chỉ biết chạy theo đồng tiền và vật chất, thì thật khốn đốn và thật tội nghiệp cho con người đó!?. Bỏ gia đình để đi tìm ảo ảnh; giống như họ là những người đã chết rồi mà chỉ biết sống và tiêu xài, qua những tờ giấy bạc giả và tất cả mọi thứ giả, của con người đang sống gởi cho những con người đã chết ở âm phủ, mà lương giáo họ tin làm vậy!. Làm sao có được hạnh phúc thật ngoài kia cơ chứ!?. Chỉ có những ai muốn làm con chiên lạc; từ bỏ hạnh phúc của mình là đồng xanh có suối mát trong; muốn sống trong lạc thú; không muốn bị kềm kẹp trong Luật Lệ và Giới Răn của Chúa; mới ra nông nỗi. Mà không biết rằng thần chết sẽ đến bất cứ lúc nào để lấy cả linh hồn của người đó?. Thật là tội nghiệp thay và thật đáng tiếc thay!.

Nhưng hình như cuộc đời là thế thưa anh chị em!. Có sống qua, có từng trải, thì mới hiểu ra đâu là hạnh phúc đích thực. Đâu mới là niềm vui và là sẽ sống. Đâu mới là thiên đàng hạ giới. Đâu mới là Nhà hạnh phúc đích thực. Vì thế cho nên, có phải thế mà Thiên Chúa của chúng ta vẫn luôn nhắc nhở chúng ta sự Trở Về hằng năm. Chúa vẫn luôn nhắc nhở chúng ta hằng ngày trong Lời Chúa. Chúa vẫn luôn nhắc nhở chúng ta qua tất cả những anh chị em biết sống hòa thuận, vui vẻ, thông cảm, chia sẻ, an ủi, và tha thứ, hằng ngày chung quanh chúng ta đấy không. Chúa luôn luôn cho chúng ta muôn vàn cơ hội để liên kết với Chúa. Chúa cho chúng ta có cơ hội hàn gắn với Chúa, để được Chúa an ủi và đỡ nâng; để Chúa gánh bớt cho chúng ta những nỗi đau khổ chồng chất trên đôi vai thật nặng nề. Nhưng có phải con người thì luôn ngoan cố và luôn kiêu ngạo?. Tự hào, tự mãn, và tự hống hách. Luôn khoác trên mình một áo giáp (áo giấy) mà tin rằng chính mình sẽ làm được tất cả mà không cần Thiên Chúa trợ giúp.

Hỡi những ai còn nhẹ dạ, nông nổi, u mê! Còn sống lạc loài ngoài khơi của tội lỗi của đam mê kia. Xin hãy quay về với gia đình để tìm về Hang Đá, Nơi Chúa Giêsu được sinh hạ, bên tình yêu thật ngọt ngào của Mẹ Maria, và tình yêu thật cao cả hy sinh của Thánh Cả Giuse. Vì chỉ có gương của Gia Đình Thánh Gia mới thực sự mang lại Hạnh Phúc đích thực cho toàn thể nhân loại chúng ta mà thôi!. Amen.
 
Chút tâm tình nhỏ trào dâng trong một mùa lễ lớn
Nguyễn Kim Ngân
22:44 22/12/2010
CHÚT TÂM TÌNH NHỎ TRÀO DÂNG TRONG MỘT MÙA LỄ LỚN

Chúa Giáng Sinh: một hiện diện tuyệt cùng

Cuộc giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa là một biến cố lịch sử vô tiền khoáng hậu bởi vì “Ngôi Lời đã mặc xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Phải, Chúa giáng trần làm người như ta, sống với ta, đồng hành với ta, ở gần bên ta hơn ta nghĩ tưởng. Việc Ngài giáng trần đã được mạc khải, loan báo, chuẩn bị, và thực sự đã xẩy ra. Thì ra thế: dù là cả một rừng những phương tiện truyền thông trong thời đại ‘Facebook’ và ‘Twitter,’ hình ảnh, truyền hình, truyền thanh, hồi ký, thư từ, e-mail, gửi điện văn, điện thoại cầm tay…nhưng vẫn không đủ, vẫn không thể thay thế được sự hiện diện, sự có mặt nhãn tiền, hữu hình, cụ thể, sờ được, cảm nhận được. Thiên Chúa không hề yêu thương con người từ trên thăm thẳm tầng trời cao xa, biền biệt, theo kiểu viễn liên, viễn thông, điều khiển từ xa. Không, Ngài đã đích thân đến với chúng ta, trong thế giới này, trong khu phố ta ở, ngay trong nhà ta, lẫn trong đời ta, và nhất là ở giữa lòng ta. Cũng theo kiểu cách này, dẫu ở xa xôi cách trở và bận rộn đến đâu, những kẻ vắng mặt xa nhà cũng đều thu xếp để có thể có mặt cùng với gia đinh trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh. “I’ll be home for Christmas.” Sự hiện diện--dẫu chỉ là một có mặt suông sẻ--vẫn tự nó nói lên thật nhiều nếu không là tất cả. Huống chi một hiện diện ân cần, một hiện diện chất ngất yêu thương, một hiện diện cứu độ. Chúng ta hãy cùng chiêm bái và thờ kính Ngôi Lời giáng thế! (xem Fr. Thomas Rosic, CSB, In Jesus, the Medium is indeed the Message, www.zenit.org, ngày 12/21/10).

Chúa giáng sinh từ trong một mái gia đình

Thiên hạ đang đấu tranh nhằm đánh đổ cơ cấu truyền thống và căn cơ của xã hội: hôn nhân và gia đình. Phải, người ta đang tìm đủ cách đủ kiểu để tái định nghĩa về hôn nhân: đó không còn là sự kết hợp của một người nam và một người nữ, mà là của một người với một người (không được phân biệt đối xử!). Thế nhưng mới đây nhất, Giáo Sư Robert George thuộc khoa chính trị Viện Đại Học Princeton, cùng với hai vị dự bị tiến sĩ đã hợp tác trong một bài báo đăng trên Tạp Chí ‘Luật và Chính Sách Công Cộng Harvard’ để lên tiếng bảo vệ cho hôn nhân truyền thống. Họ viết rằng: những ai muốn tái định nghĩa hôn nhân dân sự bằng cách loại bỏ tính cách bổ túc của tính dục xét như một yếu tố căn cốt thì sẽ không thể trả lời được ba câu hỏi sau đây: (1) Tại sao hôn nhân lại là một việc nhập hội mang tính cách dục tính đối kháng lại một thứ nhập hội mang tính độc đáo phân cách hẳn với các sinh hoạt khác (bao gồm các tương quan phi-tính-dục, tỉ như việc bè bạn chung sống với nhau?); (2) Tại sao hôn nhân lại là một sự kết hợp độc nhất vô nhị của chỉ hai người (chứ không phải là ba người hoặc nhiều hơn nữa trong chế độ đa thê đa phụ?); (3) Tại sao hôn nhân, trước tiên và trên hết, lại là một tương quan được nhìn nhận và được điều hướng một cách hợp pháp (bởi lẽ ta không hề nhìn nhận một cách hợp pháp và cũng không hề điều hướng chặt chẽ các mốt tương quan bằng hữu khác?) (xem “Harvard Law Journal Article Defends Marriage,” www.ewtn.com, ngày 12/17/10)

Tình yêu chân thật--chứ không phải tình yêu lãng mạn—thì mong điều thiện hảo cho người phối ngẫu. Thử hỏi trong những mối quan hệ ngoài vòng hôn nhân, những kẻ nhập cuộc có thực sự tự trao hiến cho người khác chăng? Liệu họ có thực sự yêu người khác hay chỉ yêu thích những cảm xúc mà họ tạo được cho nhau? Khoái lạc không hề là một thiện hảo chân thực của con người, bởi lẽ các hành động tác hại có thể cũng đưa đến khoái lạc Ngược lại, đau khổ chưa hẳn là một sự ác; nó có thể chỉ là một cảnh báo mà thôi. Hai kẻ yêu nhau theo kiểu lãng mạn thì chỉ cho nhau mượn đỡ thân xác mà thôi. Đó chính là điểm khác biệt giữa hôn nhân và lăng loàn. Hôn nhân là một ràng buộc mà không một chọn lựa nào có thể tiêu diệt được. Bản chất hôn nhân là người nam và người nữ cam kết chia sẻ cuộc sống với nhau về mọi phương diện: từ thể xác, cảm xúc, cho đến tinh thần, trong một kiểu kết hợp sẽ đưa đến kết quả là thụ thai, cưu mang, và nuôi dậy con cái. Bất kỳ một cuộc kết hợp nào--ngoại trừ hôn nhân mà son sẻ--nếu không đưa đến thụ thai, sinh nở và nuôi dậy con cái thì không hội đủ điều kiện để được gọi là hôn nhân (xem “Panel Defines, Defends Traditional Sexual Morality,” www.franciscan.edu/InstituteofBioethics, ngày 10/20/10).

ĐGH Biển Đức XVI đã bắt đúng mạch căn bệnh thời đại và thế giới hôm nay, một thế giới sa đọa tột cùng, chỉ tôn thờ khoái lạc và dục vọng, những tội tầy trời của Babylon mà Sách Khải Huyền nói tới (18:13). Ngài nêu lên một vài tiêu biểu: thị trường tranh ảnh khỏa thân trẻ em ngày càng trở nên “bình thường” trong xã hội. Dấu chỉ hãi hùng của thời đại hôm nay là giảm hạ con người xuống thành món hàng thương mại, trao đổi. Du lịch tình dục trở thành một dịch vụ ăn khách và đắt giá. Vấn đề ma túy và chất kích thích, vốn là một thứ dịch vụ hái ra tiền, đang vươn vòi bạch tuộc đến mọi ngõ ngách của xã hội trên toàn thế giới. Bao nhiêu khoái lạc mới làm thỏa mãn dục vọng vô đáy của nhân loại hôm nay? Tất cả đều nhân danh một thứ tự do, tuy giả hiệu nhưng chết người. Cứ theo đà này, tự do của con người sẽ dần dần băng hoại để rồi sẽ hoàn toàn bị huỷ diệt. Ở đáy sâu là chủ nghĩa duy tương đối thấm đậm độc dược: không có sự ác tự thân, cũng chẳng có thiện hảo tự thân. Chỉ có cái “tốt hơn” hay “tệ hơn” mà thôi. Làm gì có cái tự nó là tốt, hay tự nó là xấu! Mọi cái xấu tốt đều do hoàn cảnh và mục tiêu nhắm tới. Cái gì cũng có thể là tốt hay xấu, tùy vào mục đích và hoàn cảnh. Luân thường đạo lý được thay thế bằng bài tính về các hậu quả. Rồi ra, luân lý sẽ phải chấm hết. (xem ĐGH Biển Đức XVI, “Christmas Address to the Roman Curia,” www.catholicculture.org, ngày 12/21/10)

Chúa đã giáng sinh, thế còn các thai nhi?

Bác sĩ Carlo Bellieni, chuyên ngành sơ sinh học tại Siena, Ý Đại Lợi, đang cố công tìm tòi và làm việc không mỏi mệt hầu làm thay đổi cái nhìn của thế giới về thai nhi. Hơn hai mươi năm trời ròng rã nghiên cứu và làm việc, ông đã phát huy những phương tiện nhằm tìm hiểu thai nhi và trẻ sơ sinh, cũng như các phương pháp trợ giúp chúng về mặt y tế. Ông đặc biệt nghiên cứu việc các thai nhi và trẻ sơ sinh cảm nhận sự đau đớn như thế nào, và tìm cách làm vơi nhẹ nỗi đớn đau này bằng các phương pháp y học không dùng đến dược phẩm. Theo ông, các thai nhi có các cảm nhận về thú vui, vị giác, thính giác và đau đớn. Chỉ sau hai mươi tuần đầu thai là bộ não thai nhi đã phát triển đến độ có thể phản ứng lại những kích thích của đau đớn. Mười năm trước đây, nếu sinh non trễ nhất là vào tuần lễ thứ 25, trẻ sơ sinh mới mong sống sót. Nay thì khoa học có thể cứu sống hài nhi sinh non vào tuần lễ thứ 22. Chính vì thế, ông ca ngợi dự luật vừa được thông qua tại Nebraska nhằm bảo vệ thai nhi 20 tuần tuổi không bị phá bỏ. Lý do là thai nhi lúc đó đã cảm nghiệm được sự đớn đau rồi. Càng tìm hiểu nhiều về thế giới thai nhi và trẻ sơ sinh mà ông cho là tuyệt vời, tuyệt mỹ--bellissimo—bác sĩ càng phải thốt lên rằng: “Không một ai có thể phi lý đến độ phủ nhận rằng mình chưa bao giờ là một phôi thai cả.” Một khi đã trở thành phôi thai thì tôi cũng đương nhiên trở nên một con người. Chưa hề có một khoảnh khắc nào tôi không là tôi. Ấy thế mà có người cứ khăng khăng bảo rằng trong kiếp người, có một thời đoạn nào đó không có giá trị bằng một thời đoạn khác. Không có một lý do nào để phân biệt đối xử dựa trên quan niệm cho rằng một hình thái con người nào đó thì kém phẩm giá so với một hình thái con người khác.

Thực ra, theo bác sĩ, việc nhìn nhận phôi thai là con người không hề là một vấn đề của tôn giáo, mà là của khoa học và sinh học. Sinh viên nào nói ngược lại thì khó mà được giáo sư cho điểm đậu. Ấy thế mà người ta vẫn tiếp tục dựng lên những bờ tường ngăn cách, cũng có nghĩa là tạo ra những phân biệt đối xử ngay giữa những nhân vị bình đẳng. Và giáo sư kết luận: khoa học luôn luôn là đồng minh của lý trí khi nó nói ‘có’ đối với sự sống. (xem “A Beautiful Thing: Dr. Carlo Bellieni’s Mission To The Unborn,” www.ewtn.com, ngày 12/20/10)

Chúa giáng sinh: món quà sự sống

“Mầu nhiệm Nhập Thể mạc khải cho chúng ta—trong ánh sáng chói loà và một cách đầy kinh ngạc--rằng mỗi một kiếp người đều mang một phẩm giá rất cao sang và khôn sánh.” Đây là lời ĐGH Biển Đức XVI trong đêm canh thức cầu nguyện cho các thai nhi ngày 12/11/10 vừa qua. Nền văn hóa sự chết đang phủ trùm trên thế giới hôm nay đã đánh một liều thuốc gây mê cực mạnh vào lương tâm thế nhân thời đại. Con người bất chấp sự kiện là chính khoa học đã chứng minh rằng thai nhi, dẫu còn đang trong bụng mẹ, đã có nét tự chủ riêng, có khả năng thông đạt và đáp ứng với người mẹ, có được những phối hợp sinh học nhịp nhàng, liên tục tăng triển với các cơ năng ngày càng trở nên phức biệt. Đó không hề là một đống bầy nhầy, mà là một sinh vật mới, sinh động và tuân thủ một thứ trật tự hết sức kỳ diệu: đó đích thực là một cá thể của nòi giống con người. Chúa Giêsu nằm trong cung lòng Mẹ Maria cũng y hệt như thế; mỗi người chúng ta đây cũng đã đều là như thế trong lòng dạ mẫu thân. Nói như Tertullian, một học giả Kitô giáo thời cổ thì: “cái mà sẽ trở thành một con người thì đã thành như thế trong bụng mẹ rồi.” Thật không còn lý do gì để không nhìn nhận thai nhi như là một con người sau lúc đầu thai. ĐGH còn tuyên bố thêm: “Thiên Chúa yêu thương đắm đuối từng con người như thể chỉ có một mình người đó trên đời.” (Diễn văn đọc ngày 02/13/2010 trước Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống). Thế nhưng vẫn nhan nhản trước mắt chúng ta những cảnh tượng bất công, khi biết bao thai nhi bị bức tử, có khi nhân danh chương trình “kế hoạch hóa gia đình,” có khi nhân danh luật “đào thải tự nhiên” khi thai nhi được xác nhận là có khuyết tật, dị dạng, hay chậm phát triển, có khi lại được chính vị “hiền mẫu” của mình, nhân danh nữ quyền, quyết định cho thai nhi “đi tầu suốt.” Càng quái gở hơn, như tại Bỉ Quốc mới đây, một tòa án đã phán “một cách xanh rờn” rằng: chính thai nhi cũng có quyền được BỊ phá bỏ (xem “Human Life as a Consumer Product” trong www.ewtn.com ngày 12/19/10). Nhưng đâu đã yên, khi mạng sống của biết bao trẻ em, dù đã thoát chết (hay ‘thoát thai?’), lọt được khỏi lòng mẹ, vẫn tiếp tục chịu cảnh ngược đãi, bỏ bê, trong nghèo đói, bệnh tật, lạm dụng, bạo hành và bóc lột. Nỗ lực không mỏi mệt của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cần được tiếp nối, ngõ hầu mỗi một cá nhân con người phải được “tôn trọng, bảo vệ, yêu thương và chăm sóc, bởi vì chỉ trong chiều hướng đó công lý, phát triển, tự do chân chính, hoà bình và hạnh phúc mới có cơ hội triển nở. (xem ĐGH Biển Đức XVI, “Promoting a Culture Respectful of Life” www.catholicculture.org, ngày 12/11/10)

Chúa giáng sinh: Món Quà từ Chúa Cha

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một..” (Gioan 3:16). Chúa giáng sinh vì thế là món quà tuyệt vời nhất mà Chúa Cha có thể tặng ban cho loài người. Lễ Giáng Sinh hàng năm là để tưởng niệm cuộc hạ sinh tiên khởi này (The First Noel), không có nó, thì cũng chẳng bao giờ có ngày Christmas cả. Không có Món Quà Tuyệt Luân là Chúa Cứu Thế giáng sinh đến từ Chúa Cha thì tất cả các món quà chúng ta trao tặng cho nhau trong mùa lễ này sẽ chẳng có ý nghĩa gì, cho dù có thể những món quà đó đã được đánh đổi bởi nhiều hy sinh gian khổ: tỉ như thức trắng đêm xếp hàng chờ Black Friday, tìm tòi chạy chọt trên mạng trong Cyber Monday… Ấy thế mà người ta lại đang hùa nhau loại bỏ Chúa ra ngoài, để chỉ tập trung và ngóng rước ông già Noel từ ống khói chui ra. Người ta nhân danh khoa học để bảo rằng cuộc giáng sinh của Chúa cũng chỉ là một huyền thoại như những cuộc hạ sinh huyền thoại khác. Mới đây thôi, Renato Lauro, Viện Trưởng Đại Học Roma, đã đại diện hơn năm ngàn sinh viên và giáo sư từ các Đại Học tại Roma đến triều yết ĐGH và đã chào mừng ĐGH với những lời sau đây: “Tin không hề đi ngược lại suy nghĩ và cũng không đối kháng với cam kết trí thức. Trái lại, tin đòi hỏi và sử dụng lý trí một cách mới mẻ cùng với các động lực khác, như đã được minh chứng suốt hai ngàn năm trong dòng lịch sử phương Tây, qua các triết gia, thần học gia, nghệ sĩ và khoa học gia, vốn là những tín hữu có lòng tin sâu xa (xem ‘Benedict XVI Calls for New Class of Intellectuals,’ trong www.ewtn.com ngày 12/19/10). Loại bỏ Chúa ra khỏi mùa Giáng Sinh thật là một thói thậm vô ơn bội bạc, thậm duy tục, duy vật, và duy lý (xin đọc loạt bài giảng Mùa Vọng của LM Cantalamessa, giảng viên Phủ Giáo Hoàng và Hội Đồng Tư Vấn Roma, trong www.zenit.org, từ ngày 12/04/10). Chính cái thói đời này đã thúc bách chúng ta thực hiện cấp bách một cuộc tái phúc âm hóa thế giới, ngõ hầu công bố cho thế nhân hôm nay biết rằng khi con người tự cô lập mình trong cái thế cô độc giữa vũ trụ này, vốn từ đó nó đã thoát ra một cách ngẫu nhiên, không định mệnh, không cứu cánh, hoàn toàn phi lý, thì con người theo nhãn quan khoa học ấy cũng sẽ tất nhiên loại trừ Chúa Kitô ra khỏi vũ trụ và lịch sử. Phải, lễ Chúa Giáng Sinh chính là phản đề căn bản nhất của chủ trương duy khoa học: bởi vì “moị sự nhờ Ngài mà được tạo thành; không có Ngài thì không loài gì hiện hữu được dựng nên” (Gioan 1:3). Chúa đã nhập thể làm người là để cho loài người chúng ta cũng có khả năng trở thành giống như Chúa. Biến Cố Giáng Sinh quả đúng là một tạo dựng mới, xác nhận hùng hồn việc “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Stk 1:27). Với phẩm giá này, cho dù sống tại thế và có những bổn phận quan trọng nơi trần thế, trong tương quan với đồng loại và vũ trụ, định mệnh và cứu cánh con người không hề dừng lại nơi trần thế, mà vươn đến vĩnh cửu. Bởi lẽ, qua biến cố Nhập Thể của Chúa Kitô, vĩnh cửu đã đi vào thời gian, được tỏ hiện trong xác thịt. Đúng như Thánh Gioan đã khẳng định: “…chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha, và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi” (1Jn 1:2). Niềm tin vào vĩnh cửu này sẽ giúp ta hăng hái bước tới trên con đường thánh thiện, bất chấp mọi thử thách và chướng ngại của cuộc đời này, bởi lẽ chúng thấm thía gì so với vĩnh cửu (“quid hoc ad aeternitatem?) như thánh Bênađô và thánh Inhaxiô Loyala vẫn hằng tâm niệm.

Đón Chúa giáng sinh: cứ noi theo gương Mẹ Maria

Giáng Sinh đang về, nhưng ta vẫn như hoang mang không biết phải chuẩn bị như thế nào. Có gì đâu: cứ nhìn vào Mẹ Maria, người phụ nữ của Mùa Vọng. “Chỉ có người phụ nữ, chỉ có các bà mẹ mới biết thế nào là đợi chờ. Như thể nó đã khắc ghi sẵn trong thân xác của họ. Họ cho ta biết rằng chờ đợi không phải vì một khiếm diện nào đó cần được đong đầy, mà là bởi vì sự tràn ứ của mạch sống, đang thôi thúc tự mãi bên trong. Chờ đợi để sinh nở.” Đó là lời công bố của Đức TGM Vincenzo Pelvi, Tổng Tuyên Úy quân đội Ý, nhân dịp cử hành lễ Đức Mẹ Loreto, được Không Lực Ý nhận làm Quan Thầy suốt 90 năm qua (xem ‘Bishop of Italian Military Reflects on Our Lady of Loreto,’ www.zenit.org, ngày 12/20/10). Ngài nói tiếp: “Nơi Mẹ Maria, thế gian nhìn thấy một tạo vật chỉ được đan dệt bằng sự thiện hảo, một cánh tay không hề biết đến bạo hành, một lời nói không thể làm thương tổn, một thứ vô tội tuy có bị đe dọa nhưng rốt cuộc vẫn chiến thắng, một cử chỉ không mang vết tích hàm hồ, một ánh nhìn không hề mất vẻ trong sáng vô tội; một trái tim không phân chia, một nét đồng trinh không nuối tiếc; một mẫu tính không hề mang phong cách chiếm hữu; một người phối ngẫu chỉ biết yêu thương trong toàn hiến và nhân ái.” Thật là những lời khen ngợi khôn tả dâng lên vị Hiền Mẫu chân chính, hằng trìu mến nhìn đến từng người trong chúng ta để thỏ thẻ rằng: Con đang được yêu thương đấy! Chúa đã chọn con từ trước khi tạo thành vũ trụ. Và nay, Ngài đang ở với con; Ngài đang đổ đầy ân sủng trên con; và Ngài yêu con mãi mãi.

Năm nay, mùa đông như đến hơi vội vàng, đem theo giá lạnh và bão tố đầy trời. Mấy ngày hôm nay, mây xám che khuất cả chân trời, không cho ánh mặt trời tươi sáng chiếu xuống duơng gian. Tất cả đều gợi nhớ bầu trời thế sự hôm nay, khi mà từng ngày, qua làn sóng truyền thông, sự ác được nhắc đi nhắc lại, nói tới nói lui, chưa kể được khuyếch đại tràn lan, bắt ta phải làm quen với những thói đời ghê tởm, cưỡng ép ta trở thành vô cảm, và có khi còn đầu độc ta nữa; và những tiêu cực cứ mỗi ngày rỉ rả, chất thành từng đống…”Đừng sợ!” đó là lời sứ thần trấn an Mẹ Maria và mỗi người chúng ta. Đức TGM còn nói: “Đừng sợ khi buông ra những lời thứ tha đang được chờ đợi; đừng sợ khi phải đối mặt với vẻ dửng dưng trước cả tình yêu…đừng sợ, bởi vì Chúa đang ở với ta và không gì có thể tách rời ta ra khỏi bàn tay của Ngài. Hãy cứ mở rộng cõi lòng đón nhận tác động của Chúa; hãy có ánh nhìn trìu mến như Mẹ, nhất là đối với những ai đang cô đơn, đang bị ruồng rẫy và bị hành hạ. Trước mặt Chúa, điều duy nhất có giá trị là tình yêu, sự khiêm nhường, và lòng sẵn sàng để được bàn tay Ngài uốn nắn. Với Mẹ, chúng ta cùng vui tươi chào đón Ngôi Lời Tình Yêu giáng sinh!

Mùa Giáng Sinh 2010

Nguyễn Kim Ngân
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông cáo của Bộ giáo lý đức tin: ĐTC không thay đổi đạo lý Giáo Hội về ngừa thai và tính dục
LM Trần Đức Anh OP
08:09 22/12/2010
VATICAN- ĐTC Biển Đức 16 không thay đổi đạo lý của Giáo Hội về vấn đề ngừa thai.

Hôm 21-12-2010, Bộ giáo lý đức tin đã công bố một thông cáo bác bỏ những giải thích sai lầm lập trường của ĐTC Biển Đức 16 trong cuốn sách ”Ánh sáng thế gian” về tính dục. Nguyên văn thông cáo viết:

”Nhân dịp xuất bản cuốn sách phỏng vấn ĐTC Biển Đức 16 ”Ánh sáng thế gian”, đã có nhiều giải thích sai trái được phổ biến, gây hoang mang về lập trường của Giáo Hội Công Giáo đối với một số vấn đề liên quan tới luân lý tính dục. Tư tưởng của ĐGH thường bị lợi dụng vào những mục tiêu và ý đồ không liên hệ gì tới ý nghĩa những lời của ngài, mặc dù người ta hiểu được thật rõ ràng tư tưởng ấy nếu đọc trong toàn bộ các chương nói về tính dục con người. Chủ ý của ĐTC thật rõ ràng: đó là tìm lại sự cao cả trong chủ đích Thiên Chúa về tính dục, tránh sự tầm thường hóa tính dục như đang thấy ngày nay. Một số giải thích đã trình bày những lời của ĐGH như những lời khẳng định trái ngược với truyền thống luân lý của Giáo Hội; giả thuyết này được một số người chào mừng như một khúc quanh tích cực; trái lại, một số khác thì bày tỏ lo âu, như thể đó là một sự đoạn tuyệt với đạo lý về việc ngừa thai và với thái độ của Giáo Hội trong cuộc chiến chống Sida.

”Trong thực tế, những lời của ĐGH đặc biệt ám chỉ tới một thái độ tháo thứ trầm trọng là việc mại dâm (Xc Ánh sáng thế gian, ấn bản tiếng Ý thứ I, tháng 11-2010, tr. 170-171), không hề thay đổi luân lý cũng như việc mục vụ của Giáo Hội. Như ta thấy khi đọc đoạn sách vừa nói, ĐTC không nói về luân lý hôn nhân, và cũng không nói tới qui luật luân lý về việc ngừa thai. Quy luật này, vốn là truyền thống trong Giáo Hội, đã được Đức Phaolô 6 lấy lại bằng những từ ngữ thật rõ ràng khi ngài viết trong đoạn số 14 của Thông Điệp ”Humanae vitae”, Sự sống con người, rằng: ”Cũng bị loại bỏ tất cả những hành động, hoặc khi dự trù hành động vợ chồng, hoặc trong khi diễn ra hành động này, hay trong sự phát triển những hậu quả tự nhiên của nó, nhắm như mục đích hoặc như phương tiện, làm cho việc sinh sản không thể xảy ra được”. Thật là một điều hoàn toàn võ đoán và không tương ứng với những lời nói và tư tưởng của ĐTC khi nói rằng người ta có thể rút ra từ những lời của ĐTC Biển Đức 16 ý tưởng theo đó, trong một số trường hợp, được phép dùng bao cao su để tránh những cuộc thụ thai ngoài ý muốn. Trái lại, về vấn đề này, ĐGH đề nghị những con đường có thể thi hành được về phương diện nhân bản và luân lý, trên đó các vị mục tử được kêu gọi ”hơn nữa và tốt đẹp hơn” (Ánh sáng thế gian, tr. 206), nghĩa là những con đường tôn trọng hoàn toàn mối liên hệ không thể tách rời giữa ý nghĩa kết hợp với ý nghĩa sinh sản của mỗi hành vi vợ chồng, nhờ sử dụng những phương pháp điều hòa sinh sản tự nhiên, nhắm sinh sản trong tinh thần trách nhiệm.”

”Về đoạn sách nói trên, ĐTC nói đến một trường hợp hoàn toàn khác biệt trong việc mại dâm, một thái độ mà luân lý Công Giáo vẫn luôn coi là một hành vi vô luân nặng nề (Xc Công đồng chung Vatican 2, Gaudium et Spes, 27; Sách Giáo Lý của Hội thánh Công Giáo, 2355). Về việc mại dâm, khuyến nghị của toàn thể truyền thống Công Giáo - chứ không phải của ĐGH mà thôi - có thể tóm tắt trong những lời của thánh Phaolô: ”Anh chị em hãy xa tránh dâm ô” (1 Cr 6,18). Vì thế, phải bài trừ việc mại dâm, và những tổ chức từ thiện của Giáo Hội, xã hội dân sự và Quốc gia, phải hoạt động để giải thoát những người bị liên hệ.

“Về vấn đề này, cần nói rằng tình trạng xảy ra, do sự lan tràn bệnh Sida hiện nay tại nhiều nơi trên thế giới, khiến cho vấn đề mại dâm càng bi thảm hơn. Người bị nhiễm vi trùng HIV và do đó có thể làm lây bệnh, không những phạm tội trọng lỗi giới răn thứ sáu, nhưng còn phạm tội lỗi giới răn thứ năm, khi cố tình làm cho sinh mạng người khác bị nguy hiểm, điều này cũng ảnh hưởng với sức khỏe công cộng. Về vấn đề này, ĐTC khẳng định rõ ràng rằng bao cao su không phải là ”giải pháp đích thực và hợp luân lý” cho vấn đề Sida và ngài còn nói: ”chỉ chú ý tới vấn đề bao cao su có nghĩa là tầm thường hóa tính dục”, vì người ta không muốn trực diện với sự lầm lạc của con người vốn là căn cội sự thông truyền bệnh dịch này. Đàng khác, không thể phủ nhận điều này là người sử dụng bao cao su với mục đích giảm bớt nguy hiểm cho sinh mạng của người khác, họ muốn giảm bớt sự ác gắn liền với một thái độ tháo thứ. Theo nghĩa đó, ĐTC nhận xét rằng việc dùng bao cao su, ”trong ý hướng giảm bớt nguy cơ làm lây bệnh, có thể là một bước đầu tiên trên con đường tính dục được sống một cách khác, một thứ tính dục nhân bản hơn”. Nhận xét này hoàn toàn dung hợp với một lời khẳng định khác của ĐTC: ”Đây (việc sử dụng bao cao su) không phải là một cách thức đích thực để đương đầu với sự ác là sự nhiễm vi trùng HIV”.

Một số người giải thích những lời của ĐTC Biển Đức 16 bằng cách nại tới lý thuyết được gọi là ”sự ác nhỏ hơn”. Nhưng lý thuyết này có thể đưa tới những giải thích sai trái về tích cách tương ứng (Xc Gioan Phaolô 2, Thông điệp Ánh quang chân lý, nn.75-77). Một hành động là xấu do đối tượng của nó, dù đó là một sự ác nhỏ hơn, cũng không thể muốn nó một cách hợp pháp. ĐTC không nói rằng việc mại dâm với việc sử dụng bao cao su có thể được thực hiện một cách hợp pháp như một sự ác nhỏ hơn, như một vài người đã chủ trương. Giáo Hội dạy rằng mại dâm là vô luân và phải bài trừ nó. Tuy nhiên người thực hành mại dâm, mà bị nhiễm HIV, cố gắng giảm bớt nguy cơ làm lây bệnh, kể cả bằng cách sử dụng bao cao su, hành động này có thể một bước đầu tiên tiến tới sự tôn trọng sinh mạng của người khác, cho dù sự ác của việc mại dâm vẫn còn nguyên với mức độ trầm trọng của nó. Những phán đoán này phù hợp với tất cả những gì truyền thống thần học luân lý của Giáo Hội đã chủ trương.

Kết luận: trong cuộc chiến đấu chống Sida, các phần tử và tổ chức của Giáo Hội Công Giáo biết rằng họ phải gần gũi với con người qua việc săn sóc các bệnh nhân; họ cũng biết rằng phải huấn luyện tất cả mọi người sống sự tiết dục trước hôn nhân và chung thủy trong hôn nhân. Về vấn đề này, cũng phải tố giác những thái độ tầm thường hóa tính dục, vì như ĐGH đã nói, những thái độ ấy là nguyên nhân gây ra một hiện tượng nguy hiểm: nhiều người không còn nhận thấy trong tính dục một sự biểu lộ tình yêu của họ nữa. ”Vì thế việc chống lại sự tầm thường hóa tính dục cũng là thành phần của tranh đấu để tính dục được nhìn một cách tích cực, và để nó có thể tạo nên hậu quả phúc lợi trên con người toàn diện” (Ánh sáng thế gian, p.170)
 
Đức Thánh Cha nói: Giáo hội phải đền bù những thiệt hại do các linh mục lạm dụng gây nên
Bùi Hữu Thư
11:44 22/12/2010
VATICAN (CNS) – Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Để đáp lại tai tiếng “không thể tưởng tuợng được” về vụ các linh mục lạm dụng tính dục các trẻ vị thành niên, Giáo Hội phải suy ngẫm, sám hối, và làm tất cả mọi sự có thể để chỉnh đốn những bất công do các nạn nhân phải gánh chịu, trong khi hoạt động để ngăn cản các vụ lạm dụng như vậy không bao giờ còn xẩy ra nữa.

Đức Thánh Cha nói ngài và các vị khác hết sức “bất mãn” khi, trong một năm được dành để tôn vinh các linh mục trên thế giới, lại có nhiều trường hợp linh mục lạm dụng tính dục được phơi bầy ra ánh sáng “đến một mức độ chúng ta không thể tưởng tượng nổi.”

Đức Thánh Cha nói ngày 20 tháng 12 trong bài diễn từ hàng năm trước Giáng Sinh cho giáo triều Rôma và cho các hồng y đang cư ngụ tại Rôma: “Chúng ta phải chấp nhận sự xấu hổ này như một lời khuyên nhủ phải nói lên sự thật và một lời kêu gọi phải canh tân. Chỉ có sự thật mới có thể cứu thoát chúng ta.”

Trong bài suy tư dài 7 trang về năm dương lịch vừa qua, Đức Thánh Cha dành phần lớn diễn từ của ngài cho hậu qủa của sự lạm dụng tính dục bởi các linh mục.

Ngài nói: Những linh mục vị phạm “đã làm đảo lộn” bí tích truyền chức thánh thành “một sự tương phản” khi họ, “dưới danh nghiã của sự lành thánh, gây tổn thương trầm trọng cho những con người khi còn thơ ấu, và gây tai hại cho họ trong suốt cuộc đời.”

Đức Thánh Cha nói: Bộ mặt của Giáo Hội bị nhơ bẩn và áo ngoài bị xé rách tả tơi “vì tội lỗi của các linh mục. Ngài đề cập đến những bài viết của một vị thần bí người Đức thuộc thế kỷ 12, là Thánh Hildegard thành Bingen, một người có viễn tượng về một Giáo Hội bị tổn thương và ô uế vì sự lạm dụng hiển nhiên của các giáo sĩ trong thời đại của ngài.
 
''Thánh Nữ Ismeria: Bà Cố Ngoại nơi trần thế của Đức Chúa Giêsu KiTô ?
Dominic David Trần
14:24 22/12/2010
"Thánh Nữ Ismeria: Bà Cố Ngoại nơi trần thế của Đức Chúa Giêsu Kitô ?

Truyền thuyết và văn bản về lai lịch thực sự của Ismeria"


Lời dẫn nhập: Xin được gởi đến qúy Đấng Bậc và Độc giả của VietCatholic câu chuyện này để làm quà tặng thứ 1 trong đêm Giáng Sinh 2010)

ISMERIA có lẽ là tên của Bà Cố Ngoại nơi trần thế của Đức Chúa Giêu Kitô: Đó là kết luận theo công trình nghiên cứu về văn bản học thời Trung Cổ của Tiến Sĩ Catherine Lawless, Giáo Sư Viện Đại Học Limerick- Aí Nhĩ Lan. Tiến Sĩ Lawless đã khám phá ra điều trọng đại này khi nghiên cứu kho tàng các văn bản và thư tịch thời Trung Cổ thuộc thế kỷ thứ 14-15 ở vùng Florentine. Bà cho biết là hầu hết các học giả hầu như đã không biết đến các văn bản qúy giá này.

Trong điện thư gởi cho giới truyền thông báo chí Tiến Sĩ Lawless nhấn mạnh rằng: " Ismeria được đề cập và nêu danh như là Bà Ngoại của Đức Trinh Nữ Maria - theo như sự hiểu biết thực tế của cá nhân tôi - chỉ được tìm thấy trong 2 văn bản di cảo..." và "Truyền thuyết nói rằng bà Ismeria là Bà Dì của Đức Trinh Nữ Maria thì đầy rẫy ở khắp nơi và thường được nghe nói đến nhiều hơn - thí dụ như trong tập truyện phổ thông Truyền thuyết bằng Vàng (Golden Legend) được Jacobus de Voragine, một tu sĩ Dòng Đa-Minh ghi chép và biên soạn trong thế kỷ thứ 13.

Trong Thánh Kinh - phần Tân Ước- chỉ nói về gia phả gốc tích bên họ Nội của Đức Bà Maria. Ngược lại, trong các văn bản thời Trung Cổ này thì các thư tịch di cảo này chỉ soi sáng và đề cập đến gốc tích gia phả họ hàng bên Ngoại của Đức Bà Maria.

Trước kia, người ta cho rằng bà Ismeria là chị của Bà Thánh Anna và bà Ismeria là Bà Nội của Thánh Gioan Tẩy Giả (*John Baptist); thế nhưng trong các văn bản vừa được Tiến Sĩ Lawless khám phá và phân tích thì bà Ismeria được nêu danh là Mẹ của Bà Thánh Anna: và điều đó cũng có nghĩa là Bà Thánh Ismeria là Bà Ngoại của Đức Trinh Nữ Maria và Bà Thánh Ismeria do đó chính là Bà Cố Ngoại nơi thế trần của Đức Chúa Giêsu KiTô.

(Ghi chú: Mọi người đã được biết bà Elizabeth; bà con Việt Nam đã quen gọi là bà thánh Isave; là bà chị họ của Đức Trinh Nữ Maria. Bà Isave sanh ra thánh Gioan Tẩy Giả, là người đã làm phép Rửa Tội cho Đức Chúa Giêsu KiTô trên sông Jordan - như vậy, thánh Gioan Tẩy Giả chính là anh họ của Đức Chúa Giêsu KiTô. - Ngắm thứ 2 Năm Sự Vui và Ngắm thứ 1 Năm Sự Sáng. Sự kiện Đức Bà đi viếng thăm Bà Thánh Isave là một sự kiện thánh thiêng vĩ đại về ý nghĩa của Ơn Cứu Độ và Phụng Tự. Lời Xướng của Kinh Kính Mừng một phần chính là lời chào mừng Đức Bà Maria từ miệng của Bà Isave:

"Trích từ Tin Mừng Phúc Âm theo Thánh Luca các chương đầu tiên;

----Kính Mừng Maria đầy ơn phúc; Đức Chúa Trời ở cùng Bà: <Đây là Lời truyền tin của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel cho Đức Bà Maria; "Mừng vui lên ! Hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà > Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ Sau đó Đức Bà Maria đã cất cao bài hát ca ngợi Thiên Chúa: Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa "Magnificat". Một tuyệt tác về Thánh Ca Tin Mừng của Giáo Hội Công Giáo.)

Trong công trình đăng trên Đặc san Nghiên Cứu Khoa học Lịch Sử thời Trung Cổ (Journal of Medieval History) Tiến Sĩ Lawless đã tường trình là: Căn cứ theo các truyền thuyết thì bà Ismeria là con gái của ông Nabon người xứ Judea -và thuộc chi tộc của Vua Thánh David. Bà kết hôn với ông Santo Liseo, một tộc trưởng giàu có - và bà sanh ra 1 người con gái duy nhất tên là Anna. Ông Liseo qua đời khi Anna được 12 tuổi. Vì nghèo qúa nên bà Ismeria đã đem con đến ở trong một bệnh viện. Chính ở nơi đây người ta nói rằng bà Ismeria đã làm phép lạ: lấp đầy một vỏ sò lớn bằng nhiều con cá. Và bà qủa thực là một mẫu hình lý tưởng cho nữ giới trong thời kỳ Hậu Trung Cổ (Post Medieval) và thời Phục Hưng (Renaissance) ở Florence.

"Điều đáng khích lệ và ngạc nhiên về Thánh Nữ Ismeria vì bà là một gương mẫu cho các phụ nữ lớn tuổi và cả cho các bà góa cao niên nữa ! " Tiến Sĩ Carolyn Muessig, Chuyên gia về Thời Trung Cổ thuộc Khoa Thần Học và Nghiên Cứu Tôn Giáo Học của Viện Đại Học Bristol đã tuyên bố như vậy và còn bổ sung thêm; " Hãy đối diện với thực tế, vai trò gương mẫu của các bậc nữ giới và các bà góa già rất hiếm thấy trong bất kỳ nền văn hóa hay trong nền văn học nào. Thế nhưng sự kiện thực tế đã cho thấy là bà thánh Ismeria đã đi vào văn học và truyền khẩu dân gian (folklore) cũng như trong thư tịch văn bản của thời kỳ Hậu Trung Cổ vùng Florence (*). Đồng thời đã cho thấy những thái độ tích cực và có ý nghĩa hơn là trong văn hóa thời Trung Cổ đã dành vị trí xứng đáng cũng như đã hướng đến vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội: bà Ismeria đã được tuyên thánh sau khi qua đời.

Tiến sĩ Lawless đã nhanh chóng khẳng định là các di cảo và văn bản liên quan đến truyền thuyết này đã được phân tích và trình bày trên đây luôn ở trong tình trạng minh bạch và bảo quản thật tốt nhưng chưa bao giờ đạt đến mức phổ thông như được mọi người biết đến, tin tưởng và tôn sùng.

"Đó là một truyền thuyết- một câu truyện về một thời đã qua - câu truyện này không có các nguồn gốc về mặt văn bản học hay bất cứ xuất xứ nào kèm theo mang tính chất học thuyết và cũng không biết chính xác ai là người đã chấp bút hay ghi lại được được các truyền thuyết về bà Ismeria. Một số các bản thảo và di cảo thuộc loại này đã được viết ra hay sao chép lại trong các văn khố lưu trữ hay trong các thư viện của các Đan Tu Viện; một số được lưu truyền như của gia bảo trong các dòng họ hoặc được chuyền tay cho mượn sao chép lại giữa các gia đình. Vì thế Tiến sĩ Lawless đã kết luận: cho đến nay chúng ta không biết rõ về tác giả hay người đầu tiên hiểu biết và viết về truyền thuyết này.

Vậy truyền thuyết về thánh nữ Ismeria qua các bản thảo tìm được ra sao và đã được ghi chép lại như thế nào?

" Đó là một thiếu nữ rất đạo đức, sau cùng được tuyên thánh - Thánh Nữ Ismeria - là bà ngoại của Đức Trinh Nữ Maria và như thế thánh nữ chính là Bà Cố Ngoại nơi trần thế của Đức Chúa Giêsu KiTô trong kiếp phàm nhân; theo như một truyền thuyết của thời Trung Cổ kể lại.

Ngày nay, sau khi khảo sát kỹ lưỡng 2 bản thảo được xác định có niên đại từ thế kỷ 14-15 (*) ở Florence, Ý; đã cho thấy rõ và chính xác nhân vật theo truyền thuyết này là bà cố ngoại nơi trần thế của Đức Chúa Giêsu KiTô - như là người phụ nữ đã sanh ra bà thánh Anna- mẹ ruột của Đức Trinh Nữ Maria."

Câu truyện về cuộc đời của thánh nữ Ismeria đã phản ánh những ước vọng của nhân dân vùng Florence vào thời Trung Cổ. Đó là kết luận của Tiến Sĩ Lawless trong bài viết mới đăng có tựa đề; " Đức Chúa Giêsu KiTô ở nơi trần thế, Ngài là Ai? " Cũng trong bài viết này; Tiến sĩ Lawless cũng kể lại cho người đọc trong truyền thuyết đã dành vị trí xứng đáng cũng như đã hướng đến vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội: bà Ismeria đã được tuyên thánh sau khi qua đời.

Tiến sĩ Lawless đã nhanh chóng khẳng định là các di cảo và văn bản liên quan đến truyền thuyết này đã được phân tích và trình bày trên đây luôn ở trong tình trạng minh bạch và bảo quản thật tốt nhưng chưa bao giờ đạt đến mức phổ thông như được mọi người biết đến, tin tưởng và tôn sùng.

"Đó là một truyền thuyết- một câu truyện về một thời đã qua - câu truyện này không có các nguồn gốc về mặt văn bản học hay bất cứ xuất xứ nào kèm theo mang tính chất học thuyết và cũng không biết chính xác ai là người đã chấp bút hay ghi lại được được các truyền thuyết về bà Ismeria. Một số các bản thảo và di cảo thuộc loại này đã được viết ra hay sao chép lại trong các văn khố lưu trữ hay trong các thư viện của các Đan Tu Viện; một số được lưu truyền như của gia bảo trong các dòng họ hoặc được chuyền tay cho mượn sao chép lại giữa các gia đình. Vì thế Tiến sĩ Lawless đã kết luận: cho đến nay chúng ta không biết rõ về tác giả hay người đầu tiên hiểu biết và viết về truyền thuyết này.

Vậy truyền thuyết về thánh nữ Ismeria qua các bản thảo tìm được ra sao và đã được ghi chép lại như thế nào?

" Đó là một thiếu nữ rất đạo đức, sau cùng được tuyên thánh - Thánh Nữ Ismeria - là bà ngoại của Đức Trinh Nữ Maria và như thế thánh nữ chính là Bà Cố Ngoại nơi trần thế của Đức Chúa Giêsu KiTô trong kiếp phàm nhân; theo như một truyền thuyết của thời Trung Cổ kể lại.

Ngày nay, sau khi khảo sát kỹ lưỡng 2 bản thảo được xác định có niên đại từ thế kỷ 14-15 ở Florence, Ý; đã cho thấy rõ và chính xác nhân vật theo truyền thuyết này là bà cố ngoại nơi trần thế của Đức Chúa Giêsu KiTô - như là người phụ nữ đã sanh ra bà thánh Anna- mẹ ruột của Đức Trinh Nữ Maria."

Câu truyện về cuộc đời của thánh nữ Ismeria đã phản ánh những ước vọng của nhân dân vùng Florence sống trong thời Trung Cổ. Đó là kết luận của Tiến Sĩ Lawless trong bài viết mới đăng có tựa đề; " Đức Chúa Giêsu KiTô ở nơi trần thế, Ngài là Ai? " Cũng trong bài viết này; Tiến sĩ Lawless cũng kể lại cho người đọc được biết nhiều điều về sự tuyên tín, thực hành các tín ngưỡng và Đức Tin Công giáo tại vùng Florence trong thế kỷ thứ 14 - nhưng lại không nói bất cứ điều gì về tình trạng "gia đình đi vào lịch sử thế giới" của Đức Chúa KiTô. (* Tiến Sĩ Lawless đã viết như thế trong một điện thư mới đây gởi cho trang mạng LiveScience).

Câu truyện về cuộc đời của thánh nữ Ismeria là một tuyệt tác phong phú thông tin về cách thế mà một phụ nữ đức hạnh và sùng đạo đã sống một cuộc sống hôn nhân và một cuộc đời góa bụa trọn vẹn ra sao để cuối cùng trở nên thánh; như ghi trong bài đăng trên Đặc San Nghiên Cứu Khoa Học Lịch Sử thời Trung Cổ (Journal of Medieval History) vào ngày 06/10/2010.

Cũng theo như truyền thuyết được phân tích và lý giải trong các bản thảo vừa được khám phá đã mô tả: Ismeria là một thiếu nữ rất xinh đẹp và đạo hạnh. Sau đó Ismeria kết duyên với ông Santo Liseo, một vị tộc trưởng. Ngay trong ngày cưới - Ismeria và Liseo đã lập giao ước để hoà giải và kết hợp giữa cuộc sống hôn nhân gia đình với những yêu cầu đòi buộc của một đời sống đạo hạnh.

Ismeria đã yêu cầu Liseo; người sắp là chồng của nàng; phải thuận lòng cho nàng được sống một cuộc sống chiêm niệm thánh thiện (the holy comtemplative life); trong cuộc sống vợ chồng với ông. Điều này có nghĩa là - phải kiêng cữ chuyện vợ chồng trong những tháng tuần thánh buộc ăn chay - và... mỗi tháng hai người sẽ chỉ ở bên nhau... một đêm... như đôi vợ chồng.

Liseo đồng ý.... với yêu cầu của Ismeria và trân trọng giữ giao ước đó. Kết qủa là mãi cho đến... 12 năm sau ngày thành hôn... hai người mới có được một bé gái. Cô con gái duy nhất đó được đặt tên là Anna. ( *Theo Thánh Sử, Anna sau này kết hôn với ông Joachim; và được biết hai ngài cũng chỉ có mỗi một cô con gái tên là Mary, tức là Đức Trinh Nữ Maria ngày sau, chứ không nghe nói về các người con nào khác.)

Và... 12 năm sau nữa, khi bé gái Anna được 12 tuổi thì ông Liseo qua đời; bà Ismeria đã luôn cầu nguyện; xin Thiên Chúa cho bà được đoàn tụ với ông chồng Liseo trên Nước Trời.

Nhưng tình đời, lòng tham của người đời thường và ước nguyện của người chân chính không bao giờ tương hợp với nhau được: lợi dụng nỗi đau buồn của người goá phụ trẻ đẹp và cuộc sống luôn đắm chìm trong chiêm niệm của bà Ismeria -những người họ hàng thân thuộc của bà đã chiếm đoạt hết tài sản kếch xù của bà và của ông Liseo để lại và đẩy mẹ con bà vào cảnh nghèo khó. Sau cùng, khi tỉnh trí lại thì bà Ismeria chẳng còn một xu dính túi. Bà Ismeria đã đem Anna vào ở trong một bệnh viện (hospital *). Chính tại nơi đây: người ta kể lại rằng bà Ismeria đã thực hiện được 2 phép lạ như sau;

... Một ngày nọ, có một người đàn ông vừa câm vừa điếc đến bệnh viện để xin chữa bệnh. Bà Ismeria nói với người đàn ông câm điếc ấy rằng; " Nhân danh Thiên Chúa, ông hãy nói cho tôi biết- ông đau bệnh nơi nào?" Lập tức người đàn ông này hết bị điếc và mở miệng tạ ơn Thiên Chúa và nói trước mặt mọi người là ông ta đã được Thiên Chúa chữa lành khỏi bệnh câm điếc. Vì cả bà Ismeria lẫn người đàn ông vừa được chữa lành bệnh ấy không có một xu dính túi để mua thức ăn, nên bà Ismeria đã yêu cầu ông ta hãy đi tìm một vỏ sò thật lớn và đổ đầy nước vào đó sau đó đem đến cho bà.

Khi người đàn ông đem vỏ sò lớn đựng đầy nước đến trước mặt bà, bà Ismeria đã cầu nguyện xin Thiên Chúa ban ân sủng. Lập tức từ trong vỏ sò bỗng tuôn ra một đàn cá, và số lượng cá (*) đủ để làm thức ăn cho tất cả người bệnh trong bệnh viện này. Và điều kỳ diệu như là phép lạ thứ 2 đã xảy ra: tất cả các bệnh nhân ở trong bệnh viện đó - sau khi ăn cá xong thì liền được chữa lành bệnh. Sau đó bà Ismeria trở về phòng riêng của bà để tiếp tục cầu nguyện và chiêm niệm thì Thiên Chúa gọi bà vào Nước Thiên Đàng; nguyên văn của Tiến Sĩ Lawles chuyển ý từ bản thảo: God called her to Paradise.

Sau khi Thánh Nữ Ismeria được Chúa gọi về Nước Trời, thì ngày sau truyền thuyết kể lại rằng Đức Trinh Nữ Maria (cháu ngoại của Thánh Nữ Ismeria), Đức Chúa Giêsu KiTô (chắt ngoại nơi trần thế của thánh nữ Ismeria) cùng 12 Tông Đồ của ngài và nhiều người khác đã đến thăm viếng bệnh viện này để vinh danh Thánh Nữ Ismeria (*).

Cho đến nay vẫn chưa tìm ra được dấu chỉ chủ yếu về nguồn gốc của truyền thuyết này, thế nhưng rõ ràng là hậu thế đã tiếp thụ và thưởng thức về truyền thuyết này ở mức vượt hẳn tầm vóc một câu truyện của một cá nhân thuộc về một thời đã qua - còn hơn thế nữa - truyền thuyết này là một văn bản giáo dục về Hạnh Thánh Nữ Ismeria. Khi tách riêng 2 phép lạ được diễn ra ở cuối câu truyện truyền khẩu nói trên, rõ ràng chủ điểm nhấn mạnh của truyền thuyết này chính là Sự Ăn Năn Thống Hối và Con đường chính dẫn đưa đến một Đời sống trọn lành trong Cuộc Sống Hôn nhân Gia Đình," Tiến Sĩ Lawless đã kết luận như vậy.

Courtesy of the Journal of Medieval History issued October 2010; and LiveScience.
 
ĐTC: Đức Giêsu Kitô xuống thế để tập cho con người nhận biết Thiên Chúa và trở nên giống Người
Linh Tiến Khải
19:46 22/12/2010
Đức Giêsu Kitô xuống thế để tập cho con người nhận biết Thiên Chúa và trở nên giống Người. Ngài đến trần gian để dậy cho chúng ta biết trông thấy và yêu mến các biến cố, thế giới và tất cả những gì bao quanh chúng ta, với chính đôi mắt của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với khoảng 5.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại đại thính đường Phaolô VI trong nội thành Vaticăng sáng thứ tư 22-12-2010.

Vì lễ Giáng Sinh gần kề trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của ngày lễ này: đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian, qua ánh sáng bé nhỏ bắt đầu từ hang đá Bếtlêhem tỏa rạng ra trên toàn thế giới. Lộ trình phụng vụ mùa Vọng đã mời gọi tín hữu sống, tiếp đón, nhận ra và chiêm ngưỡng biến cố Chúa Cứu Thế bước vào trần gian. Đức Thánh Cha nói về sự chờ đợi tươi vui của tín hữu như sau: Sự chờ đợi tươi vui như nét đặc thù của các ngày trước lễ Giáng Sinh thánh chắc chắn là thái độ nền tảng của kitô hữu, ước mong sống cuộc gặp gỡ canh tân này với Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên chúa làm người sống giữa chúng ta. Chúng ta hãy tìm lại sự sẵn sàng này của những người đầu tiên đã tiếp đón Đấng Messia đến như thầy cả Dakharia và bà Elidabét, các mục đồng, thường dân, đặc biệt là Mẹ Maria và Cha thánh Giuse, là những người đầu tiên đã cảm thấy sự run rẩy và nhất là niềm vui đối với mầu nhiệm giáng sinh. Toàn Kinh Thánh Cựu Ước đã làm thành một lời hứa lớn lao duy nhất được thành toàn với biến cố một vị cứu tinh quyền năng đến trần gian. Sách ngôn sứ Isaia là một chứng tá đặc biệt liên quan tới biến cố đó... Như thế bên cạnh sự chờ mong của các nhân vật của Thánh Kinh cũng có sự chờ mong của chúng ta nữa...

Thật thế, toàn cuộc sống nhân loại được linh hoạt bởi tâm tình sâu xa ấy, bởi ước mong những gì thật nhất, đẹp nhất và cao cả nhất, mà chúng ta đã hé thấy và trực giác được với tri tuệ và con tim, có thể đến gặp gỡ chúng ta, trở thành cụ thể trước mắt chúng ta và nâng chúng ta dậy. ”Này đây, Chúa toàn năng đến: Người sẽ được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”. Đó là các lời chúng ta thường lặp lại trong các ngày này... Đang ở trước cửa rồi Đấng đến cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết, Đấng sau khi Adam và Eva phạm tội, đã tái ôm hôn chúng ta và mở toang cho chúng ta cánh cửa dẫn tới sự sống thật.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: trong tác phẩm ”Chống các lạc giáo”, thánh Ireneo giải thích rằng ”Chính Con Thiên Chúa đã xuống trong một xác phàm giống xác phàm của tội lỗi” (Rm 8,3) để lên án tội lỗi và sau khi đã lên án nó, Ngài hoàn toàn loại trừ nó khỏi loài người. Ngài kêu gọi con người giống chính mình, Ngài làm cho nó bắt chước Thiên Chúa, và dẫn nó đi trên con đường Thiên Chúa Cha đã chỉ, để nó có thể trông thấy Thiên Chúa và ban tặng chính Thiên Chúa Cha cho nó” III, 20,2-3). Thánh Ireneo khẳng định rằng: với Chúa Giêsu Hài Nhi, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên giống Người. Chúng ta thấy Thiên Chúa như Người là. Và như thế Người nhắc nhở cho chúng ta biết chúng ta phải giống Thiên Chúa, và phải bắt chước Người. Thiên Chúa đã tự hiến cho chúng ta, trong tay chúng ta. Chúng ta phải bắt chước Người. Con người không thể trông thấy Thiên Chúa và vì thế nó ở trong bóng tối liên quan tới sự thật, liên quan tới chính mình. Nhưng con người không thể trông thấy Thiên Chúa có thể trông thấy Chúa Giêsu. Và như thế nó trông thấy Thiên Chúa, bắt đầu trông thấy sự thật và bắt đầu sống.

Đức Thánh Cha minh giải mục đích biến cố Chúa Cứu Thế đến như sau: Như vậy, Đấng Cứu Thế đến để khiến cho công việc của sự dữ và tất cả những gì còn giữ chúng ta xa Chúa, trở thành bất lực, để trả chúng ta lại cho sự rạng ngời ban đầu và chức làm cha ban đầu của Thiên Chúa. Khi đến giữa chúng ta, Thiên Chúa chỉ cho chúng ta thấy và cũng dậy cho chúng ta một nhiệm vụ: đó là nhiệm vụ giống Người và hướng tới cuộc sống thật, đi đến chỗ trông thấy Thiên Chúa nơi gương mặt của Chúa Kitô. Thánh Ireneo còn khẳng định như sau: ”Ngôi Lời của Thiên Chúa đến ở giữa loài người và làm Con của loài người, để tập cho con người nhận biết Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa quen sống trong con người theo ý Thiên Chúa Cha. Vì thế, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như ”dấu chỉ” ơn cứu rỗi của chúng ta, Đấng được sinh ra từ Đức Trinh Nữ, là Emmanuel” (ibidem).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: ở đây, chúng ta cũng tìm thấy một tư tưởng nòng cốt rất đẹp của thánh Ireneo: chúng ta phải tập quen nhận biết Thiên Chúa. Bình thường Thiên Chúa xa cách cuộc sống, các tư tưởng và hành động của chúng ta. Nhưng Người đã đến gần chúng ta và chúng ta phải tập quen ở với Thiên Chúa. Và thánh Ireneo còn tào bạo nói rằng cả Thiên Chúa cũng phải tập quen ở với chúng ta và ở trong chúng ta. Và có lẽ Thiên Chúa phải tháp tùng chúng ta tới với lễ Giáng Sinh, tập cho chúng ta làm quen với Thiên Chúa, như Thiên Chúa phải làm quen với chúng ta, với sự nghèo nàn và giòn mỏng của chúng ta. Do đó, việc Chúa đến không thể có mục đích nào khác hơn là dậy cho chúng ta biết trông thấy và yêu mến các biến cố, thế giới và tất cả những gì bao quanh chúng ta, với chính con mắt của Thiên Chúa. Ngôi Lời trở thành bé thơ giúp chúng ta hiểu kiểu hành động của Thiên Chúa, để chúng ta có khả năng để cho mình được biến đổi bởi lòng lành và lòng xót thương vô biên của Người.

Trong đêm đen của thế giới này chúng ta hãy để cho hành động hoàn toàn bất ngờ này của Thiên Chúa gây kinh ngạc và soi sáng: Thiên Chúa trở thành trẻ thơ. Chúng ta hãy để cho Ngôi Sao khiến cho vũ trụ tràn ngập niềm vui gây kinh ngạc và soi sáng. Ước gì Chúa Giêsu Hài Đồng khi đến với chúng ta, thấy chúng ta được chuẩn bị, và không chỉ dấn thân làm cho thực tại bên ngoài đẹp đẽ hơn mà thôi. Sự chăm lo mà chúng ta dùng để khiến cho đường xá và nhà cửa rạng rỡ hơn thúc đẩy chúng ta càng phải chuẩn bị tâm hồn hơn nữa để gặp gỡ Đấng sẽ đến viếng thăm chúng ta là vẻ đẹp và là ánh sáng thật.

Rồi Đức Thánh Cha khích lệ mọi người như sau: Như thế chúng ta hãy thanh tẩy lương tâm và cuộc sống khỏi những gì trái nghịch với biến cố Chúa đến: các tư tưởng, lời nói, thái độ và hành động, bằng cách khích lệ nhau làm việc thiện, và góp phần thực hiện hòa bình và công lý trên thế giới này cho từng người, và như thế là bước tới gặp gỡ Chúa. Dấu chỉ đặc thù của mùa giáng sinh là hang đá. Cả tại quảng trường thánh Phêrô theo thói quen hang đã cũng đã hầu như sẵn sàng quay mặt ra thành phố Roma và toàn thế giới. Nó diễn tả vẻ đẹp của Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người và cắm lều ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Hang đá diễn tả sự chờ mong của chúng ta, Thiên Chúa đến gần chúng ta, Chúa Giêsu đến gần chúng ta, nhưng nó cũng diễn tả lời tạ ơn Đấng đã quyết định chia sẻ điều kiện là người của chúng ta trong sự khó nghèo và đơn sơ.

Tôi vui mừng vì thấy truyền thống chuẩn bị hang đá trong các gia đình, tại các nơi làm việc, tại các nơi gặp gỡ vẫn sống động, còn hơn thế nữa người ta tái khám phá ra truyền thống ấy. Chứng tá đức tin kitô thần khiết này có thể cống hiến cho tất cả mọi người thiện chí ngày nay một hình ảnh gợi hứng tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha đối với tất cả chúng ta. Con tim của các trẻ em và của người lớn còn có thể kinh ngạc trước hang đá.

Anh chị em thân mến, xin Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse giúp chúng ta sống Mầu Nhiệm Giáng Sinh với lòng biết ơn được canh tân. Giữa sinh hoạt cuồng nhiệt ngày nay, ước chi mùa giáng sinh đem lại cho chúng ta một chút yên tĩnh và tươi vui và khiến cho chúng ta sờ mó được lòng lành của Thiên Chúa, đã trở thành trẻ thơ để cứu rỗi chúng ta, trao ban can đảm và ánh sáng mới cho con đường của chúng ta. Và đó là lời cầu chúc của tôi: chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh thánh thiện và hạnh phúc. Tôi xin thân ái gửi lời cầu chúc này tới anh chị em hiện diện nơi đây và gia đình của anh chị em, đặc biệt là những người bệnh tật và khổ đau, cũng như mọi cộng đoàn của anh chị em và mọi người thân yêu của anh chị em.

Sau khi chào và mừng lễ tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Top Stories
Rep. Smith urges President Obama to help persecuted Catholics in Vietnam
Catholic News Agency
01:40 22/12/2010
Washington D.C., Dec 21, 2010 / 06:14 am (CNA).- As violence against Catholics by the Vietnamese government continues, Rep. Chris Smith appealed to President Obama for a resolution designating Vietnam as a Country of Particular Concern (CPC).

Beatings, Church raids, arrests – and even deaths – are some of the violent incidents inflicted on Catholics by authorities in Vietnam over increased conflict on property rights. Throughout the last several decades, in provinces throughout the country, tensions have mounted between the Communist government and local parishioners as officials have repeatedly attempted to claim land where Catholic churches and facilities are situated.

One of the latest violent outbreaks involved a funeral procession earlier this year, where government agents clashed with 500 Catholics at the parish cemetery of Con Dau. Police arrested 59 people as part of the incident.

On May 4, Catholics had conducted a funeral procession for an 82-year-old woman and tried to bury her in the cemetery, which had been seized by the local government to build a tourist resort.

Police broke up the procession, “beating over 100 mourners, arresting dozens and deliberately beating two pregnant women so as to kill their unborn babies,” Rep. Chris Smith (R-N.J.) said in a Dec. 15 congressional hearing.

Rep. Smith said a pall bearer at the funeral by the name of Nam Nguyen was later kicked and bludgeoned to death by police in July while his wife knelt in front of the them, begging them to stop.

“The reign of terror on this 85 year-old Catholic community continues to this day,” he said, “and shows no sign of abating.”

Vietnam journalist Joseph Dang provided CNA with a report on how police recently raided the Church of Our Lady of Perpetual Help in Ho Chi Minh city, belonging to the Redemptorist order.

On Dec. 8, local officials interrupted scheduled liturgical celebrations and ongoing Christmas preparations. Fr. Vincent Pham Trung Thanh, the provincial superior, was taken in for questioning where the Redemptorists were accused of preaching anti-government sentiment, instigating disorder, inciting riots and violating social media codes.

The government has allegedly threatened more raids in days to come.

Rep. Smith said in his remarks to Congress that although Vietnam was listed as a CPC in 2004 and 2005 – with demonstrable progress for Catholics in the area – the country has since been removed. He claimed that the Vietnam government promising concrete actions as well as a major trade agreement with the U.S. led to Vietnam being taken off of the CPC list.

After this, he said, many “religious believers who expected a thaw and reform and openness were arrested or rearrested and sent to prison.”

He added that the CPC – and the penalties described by the International Religious Freedom Act – has in the past and “can be again a useful tool in performing reform in Vietnam.”

“Congress, the president, and all those who espouse fundamental human rights ought to be outraged at Vietnams's turn for the worse,” he added. “We should stand with the oppressed, not the oppressor.”

“President Obama should re-designate Vietnam as a Country of Particular Concern for its egregious violations of religious freedom.”
 
I “patriottici” vietnamiti mandano auguri di Natale, firmando a nome della Chiesa
Asia-News
06:39 22/12/2010
Pubblicato dalla stampa governativa, il messaggio, nella cultura locale, indica la maggiore importanza dei cattolici filo-governaitvi rispetto alla Chiesa. Il vicepresidente del “Comitato vietnamita per la solidarietà dei cattolici”, è un parroco con due figli e una donna. I redentoristi protestano contro le autorità che si appropriano di un monastero a Dalat.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) - Sono arrivati a firmare a nome della Chiesa cattolica vietnamita una lettera di auguri per Natale, prontamente pubblicata dalla stampa governativa. E’ la più recente iniziativa del “Comitato vietnamita per la solidarietà dei cattolici” (nella foto), copia vietnamita dei cattolici patriottici cinesi, che dal 1955 - in verità con risultati assai scarsi - tenta di creare una Chiesa “nazionale”.

Anche stavolta, seguendo l’onda dell’ottava Assemblea dei rappresentanti cattolici cinesi, Hanoi tenta una nuova mossa per ottenere il controllo sulla Chiesa. La lettera, firmata “Il Comitato vietnamita per la solidarietà dei cattolici e la Chiesa cattolica in Vietnam” è riuscita a creare grande preoccupazione tra i cattolici. Nella cultura vietnamita, infatti, c’è una particolare sensibilità nei confronti dell’ordine nel quale persone o entità sono citate in una frase, come se esso riflettesse esattamente i loro rispettivi livelli o importanza o rispetto all’interno della comunità. In alcuni casi può anche essere visto come un riflesso del rapporto “padrone-servo”. Per questo, per gli attivisti cattolici più attenti, il testo della lettera e il fatto che essa sia stata pubblicata per primo, il 19 dicembre, da An Ninh Thu Do, giornale della polizia, indica una nuova ondata del tentativo del governo di Hanoi di realizzare il suo perenne, ardente desiderio di controllare la Chiesa cattolica.

Ciò avviene mentre non cessano gli attacchi contro le comunità religiose. Una lettera di protesta di padre Joseph Dinh Huu Thoai, capo del Segretariato della provincia redentorista, pubblicata il 20 dicembre, denuncia che il loro monastero di Dalat, negli Altipiani centrali, è stato preso dalle autorità della provincia di Lam Dong per essere trasformato in istituto di ricerche biologiche. Ciò, evidenzia il religioso, viola la sezione 5 dell’articolo 25 dell’attuale legge sul terreni e viola i nostri diritti.

Preso ormai da decenni dalle autorità governative, il monastero, come altri beni della Chiesa la cui proprietà è in contestazione, era stato mantenuto senza cambiamenti. La decisione di abbatterlo è arrivata inaspettata. Alla sua origine, con ogni probabilità, c’è l’attiva partecipazione dei redentoristi alla campagna contro la decisione governativa di sfruttamento della bauxite degli Altipiani centrali. Sottoscritta da oltre duemila intellettuali, la contestazione del progetto evidenzia come nel mondo non c’è alcun tipo di miniere di tale tipo che garantisca contro i danni ambientali e le erosioni acide.

“In tutto il mondo - scrive padre Huu Thoai - la gente si prepara a celebrare il Natale, qui in Vietnam noi siamo ancora nel Venerdì Santo, davanti alla Passione”.

Stride di più, quindi il trattamento “straordinariamente buono” che viene riservato ai membri del Comitato “patriottico”. E anche le autorità ecclesiastiche appaiono tolleranti verso comportamenti che violano l’unità della Chiesa, prima ancora della legge canonica.

Così è per padre Phan Khac Tu, vicepresidente del Comitato di solidarietà e editore di “Cattolici e popolo”, una rivista nata sotto impulso del governo nel 1975, famosa per i suoi duri e frequenti attacchi contro Giovanni Paolo II e il Vaticano. Padre Tu, membro del Partito comunista, è il pastore della chiesa dei Martiri vietnamiti a Vuon Xoai, una delle più grandi di Ho Chi Minh City, è padre di due figli e ha una donna che, a quanto si dice, ha pubblicamente confermato la loro relazione.

Alcuni hanno spiegato questa “esenzione” dal celibato come “un prezzo che la Chiesa deve pagare per poter avere un ‘dialogo’ positivo con il governo”, altri vi vedono un tipico esempio del controllo del Partito sulla Chiesa. Questi ultimi ricordano una frase del cardinale Zen: “tutti sappiamo che i comunisti schiacciano coloro che sono deboli, mentre a volte cambiano atteggiamento di fronte a coloro che sono risoluti”.
 
“Patriotic” Vietnamese send Christmas cards, signing on behalf of the Church
Asia-News
07:07 22/12/2010
Published by the government press, the message, in local culture, indicates the supremacy of pro-government Catholics over the Church. The deputy chairman of the "Vietnam Committee for Catholic Solidarity", is a priest with a partner and two children. The Redemptorists protest against the authorities taking possession of a monastery in Dalat.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – Christmas cards, printed by government press, but signed on behalf of the Catholic Church, is the latest initiative of the " Vietnam Committee for Catholic Solidarity " (pictured), a Vietnamese copy of the Chinese patriotic Catholics, who since 1955 - indeed with very poor results – have been trying to build a “national” church.

Again, in the footsteps of the Eighth Assembly of the representatives of Chinese Catholics, Hanoi is trying a new move to gain control over the Church. The letter, signed "The Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics and the Catholic Church in Vietnam" has succeeded in creating great concern among Catholics. In Vietnamese culture, in fact, there is a particular sensitivity to the order in which persons or entities are mentioned in a sentence, as if it accurately reflects their respective levels or importance or respect within the community. In some cases it can also be seen as a reflection of the "master-servant" relationship. For this reason, for attentive Catholic activists, the text of the letter and the fact that it was first published on 19 December, by An Ninh Thu Do the police newspaper, indicates a new wave of attempts by the government of Hanoi to realize its everlasting burning desire to control the Catholic Church.

In the meantime, attacks against religious communities continue relentlessly. A protest letter by Father Joseph Dinh Huu Thoai, head of the Secretariat of the Redemptorist province, published December 20, complains that their monastery of Dalat in the Central Highlands, was taken by the authorities of the province of Lam Dong to be transformed in an institution for biological studies. This, points out the religious, violates Section 5 of Article 25 of the law on land and violates our rights.

Taken decades ago by government authorities, the monastery, like other church property whose ownership is in dispute, had been maintained without alterations being carried out. The decision to knock it was unexpected. At its origin, in all likelihood, there is active participation of the Redemptorists in the campaign against the government's decision to the exploit bauxite deposits in the Central Highlands. Signed by over two thousand intellectuals, their challenge to the project shows that there exists no mine in the world that can ensure against environmental damage and acid erosion.

"All over the world - writes father Huu Thoai - people preparing to celebrate Christmas, here in Vietnam we are still on Good Friday, before the Passion."

The "extraordinarily good" treatment reserved for "patriotic" Catholics further underlines government policy. And the ecclesiastical authorities appear tolerant of behaviour that violates the unity of the Church, even before canon law.

So it is with father Phan Khac Tu, vice chairman of the Solidarity Committee and editor of "Catholics and People", a magazine founded in 1975 under the impetus of the government, known for its harsh and frequent attacks against John Paul II and the Vatican. Father Tu, a member of the Communist Party, is the pastor of the Vietnamese Martyrs Church of Vuon Xoai, one of the largest in Ho Chi Minh City, he is the father of two children and has a female companion who, it is said, has publicly confirmed the their relationship.

Some have explained this "exemption" from celibacy as "a price that the Church must pay to have a positive 'dialogue' with government", others as a typical example of Party control over the Church. The latter is reminiscent of a phrase of Cardinal Zen: "we all know that the Communists crush those who are weak, while they sometimes change their attitude towards those who are steadfast”.
 
Hanoi: La police disperse avec brutalité un rassemblement pacifique de fidèles protestants
Eglises d'Asie
08:43 22/12/2010
Eglises d'Asie, 22 décembre 2010- Malgré l’approche de Noël, les conflits entre les autorités civiles et les communautés religieuses tendent à se multiplier. Dimanche 19 décembre, la police a réprimé avec violence une foule d’environ 2 000 chrétiens protestants, rassemblés pour prier et chanter devant le Centre national des congrès de Hanoi.

Les vidéos filmées par les participants à la manifestation (1) donnent à entendre des cris d’accusation lancés par la foule contre les agents de sécurité et laissent entrevoir certaines brutalités policières sur les fidèles qui essaient de résister à la pression des forces de l’ordre tout en chantant des cantiques. Les vidéos en question étaient déjà visibles sur le site Internet YouTube avant même la dispersion de la manifestation.

Le Rév. Dich a donné un certain nombre de précisions sur la manifestation à des reporters de Radio Free Asia, devant le poste de police où ont été emmenés plusieurs manifestants, fidèles comme pasteurs (2). Selon ses dires, un accord avait été passé entre le comité d’organisation et le Centre des congrès, stipulant qu'une salle serait réservée à la communauté protestante pour l’après-midi du dimanche 19 décembre. Elle devait accueillir certains de ses membres vivant et travaillant en Russie, revenus au pays à l’occasion de Noël, ainsi que des protestants de Hanoi. Mais à la veille du rassemblement, alors que près de 4000 personnes avaient été invitées, le Centre des congrès avait envoyé une note annulant purement et simplement la rencontre. Cette note, datée du 17 décembre, n’est parvenue à ses destinataires que la veille de la date prévue pour le rassemblement de Noël.

Après cette rupture de contrat tardive, le comité d’organisation n’eut pas d’autre solution que de donner rendez-vous aux milliers de personnes invitées, devant le Centre national des congrès. Alors que plusieurs milliers de fidèles protestants avaient répondu à l’appel, des centaines d’agents de la sécurité sont alors arrivés pour disperser la foule. De nombreuses personnes ont été frappées à coups de poing, à coups de pied et à coups de matraque. Six participants ont été arrêtés et amenés au siège de la police.

Vers 9 heures du soir, une dizaine de participants de la manifestation, surtout les pasteurs, se tenaient encore devant le poste de police, attendant que soient libérés leurs amis encore retenus par les forces de l’ordre.

(1) http://www.youtube.com/watch?v=E6eisOKsFNc; http://www.youtube.com/watch?v=Go7rSuBIF7A; http://www.youtube.com/watch?v=NtINoewqtvs(2) Radio Free Asia, 19 décembre 2010

(Source: Eglises d'Asie, 22 décembre 2010)
 
Indian Priest Beaten; Christians Afraid This Christmas
Zenit
19:33 22/12/2010
Bishop Urges Faithful to Withstand "Acts of Terror"

JABALPUR, India, DEC. 22, 2010 (Zenit.org).- A group of unidentified attackers badly beat a priest in central India last Friday, sparking Christians of Madhya Pradesh state to appeal to authorities for protection.

Father Thomas Chirattavayalil, who works in a mission station of the Diocese of Satna in Madhya Pradesh, was attacked in the early hours of the morning by as many as a dozen assailants who arrived to his house around 2 A.M..

“As soon as I opened the door, one person hit me with a stick and I fell down,” the priest told UCANews.

Father Chirattavayalil managed to escape and took refuge in a neighboring home. He was admitted to a Church-run hospital for stitches on his head and bruising all over his body.

Bishop Matthew Vaniakizhakel of Satna condemned the attack as “most inhuman.” He told UCANews that the diocese has sought protection for Christians during Christmas.

He also urged Catholics to maintain peace. “We need to pray more to withstand such acts of terror and temptation during this Christmas specially,” the bishop said.

Since 2007, Christmas is a particular time of fear for Christians because of the death in Orissa state of Khageswar Mallick, a Hindu tribal, on Christmas day that year. Christians were blamed for the death.

A Hindu extremist group has announced that it will hold commemorative rallies this year, UCANews reported.

India has been a hotbed of religious tensions -- primarily Hindu-Christian conflict -- that heightened in 2008, when the murder of a Hindu politician was attributed to Christians. That event set off underlying tension that has existed in India for generations.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tường trình vể buổi hát thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh tại đền Thánh Tử Đạo Việt Nam San Jose
Têrêsa Đinh
01:13 22/12/2010
Tiếng hát Thiên thần

San Jose,California- Hàng năm,khi dân chúng bắt đầu chăng đèn kết hoa trang hoàng nhà cửa để dọn đường đón mừng Chúa Cứu Thế giáng trần thì các ca đoàn trong xứ đạo của chúng tôi cũng bắt đầu tập dượt những bài Thánh ca Giáng sinh để thực hiện chương trình Hát Thánh Ca mừng Chúa Giáng sinh được tổ chức hàng năm tại Nguyện đường Các Thánh Tử Đạo VN, một ngôi Thánh đường nhỏ bé ấm cúng đầu tiên của giáo dân Việt tỵ nạn tại San Jose.

Đã hơn 30 năm qua, truyền thống “hát mừng con Chúa ra đời” vẫn được tiếp diễn. Theo thời gian, những người muôn năm cũ đã ra đi, nhưng cảnh cũ vẫn còn đây. Vẫn túp lều với máng cỏ được các ông trong đoàn Liên minh Thánh tâm xây dựng mỗi năm một kiểu mới hơn, đẹp hơn với đèn hoa rực rỡ, vẫn những đèn ngôi sao lấp lánh treo trên nóc nhà nguyện, vẫn những giáo dân tấp nập ra vào khuôn viên nhà nguyện để tham dự ngày hợp tấu “Tiếng hát Thiên Thần” như moị năm.

Ca đoàn Monica và ca trưởng Bùi

Ban Thánh ca Monica của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo mấy tuần nay cũng ráo riết tập dượt cùng Ca trưởng Bùi. Ngày đầu tiên tập hát, ca trưởng Bùi đã khôn khéo ca tụng các bà rằng:

_Nhất định là các bà sẽ ca rất hay vì tên Monica có chữ “ca” …

Thế là các” mợ ca sĩ “phấn khởi ra mặt, các mợ vẫn thích hát mỗi khi thu dọn nhà cửa, hát khi nấu cơm và hát rất to ở trong nhà tắm, thế cho nên các mợ mới được mệnh danh là “ca sĩ phòng tắm” chứ không hát ở phòng trà bao giờ. Các mợ vui vẻ thu xếp công việc nhà để có thì giờ cùng nhau tập hát, lại còn phải lo phần ẩm thực cho các ca viên sau giờ trình diễn nữa.

Hôm nay Nguyện đường CTTĐ thật là náo nhiệt vì các ca đoàn đều đến sớm để tổng dượt trước giờ khai mạc chương trình. San Jose tuần này ngày nào cũng mưa nên trời đất ảm đạm, thật đúng với lời ca “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”…Nhưng trời mưa thì mặc trời mưa, giáo dân đã đến ngồi chật cả nhà nguyện, và các ca đoàn cũng đã sẵn sàng cho phận sự của mình.



Ca đoàn Mông Triệu

Mỗi ban Thánh ca đều có đồng phục riêng rất trang trọng và lịch sự. Riêng ban Monica thì vì mới được thành lập nên chưa có đồng phục, các mợ đều đồng ý mặc đồng phục của Hội CBMCG trong lần ra mắt đầu tiên. Áo dài trắng làm các mợ trông trẻ trung thánh thiện như hồi còn cắp sách đến trường, lại quàng khăn thiên thanh màu áo Đức Mẹ rất thánh thiện như các… Thiên thần, thật đúng với đề tài của chương trình Thánh ca Giáng sinh “Tiếng hát Thiên Thần” đêm nay.



Hoạt cảnh của Đoàn Thiếu nhi Vinh sơn Liêm

Các em thiếu nhi Vinh sơn Liêm của giáo xứ St Maria Goretti cả ngày hôm nay đã đi hát Thánh ca ở các nursing homes trong vùng để giúp vui và an ủi những bô lão đang sống cô đơn buồn bã vì xa con cháu. Sự thăm viếng đông vui và hồn nhiên của các em thiếu nhi làm các cụ vui và cảm động, nên năm nào các em cũng phải thực hiện công tác hữu ích này dù trời nắng hay trời mưa tầm tã như hôm nay.

Ca đoàn Ngọc Đồng

Tuy bận đi công tác thiện nguyện nhưng các em thiếu nhi cũng đã về Đền Thánh Tử Đạo đúng giờ để thực hiện hoạt cảnh Thánh kinh từ thuở sơ khai với ông Adong và bà Eva trong vườn Địa Đàng,phạm tội và đưa tới hậu quả là Thiên Chúa đã phải xuống thế để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại.Hoạt cảnh Giáng sinh với Chúa Hài Đồng là em bé thật rất linh động làm cả Hội trường vỗ tay hoan hô không dứt. Xin cám ơn sơ Thanh Trang đã dày công huấn luyện rất thành công hoạt cảnh này.

Ca đoàn Thánh Tâm

Các ca đoàn Thánh Tâm, Chứng Nhân, Ngọc Đồng, Mông Triệu đều là những ca đoàn chủ lực của mỗi Thánh lễ nên có khen họ hát hay cũng là …huề vốn. Chỉ có ca đoàn Monica thuộc Hội Các Bà Mẹ Công giáo là đáng khen nhất vì sự can đảm dấn thân của các bà, các bà ca rất hay, hát rất tới, đúng với lời nhận xét cuả ca trưởng Bùi.

Trước giờ khai mạc, các bà Monica đã ở trong bếp của hội trường để chuẩn bị phần ẩm thực cho tất cả các ca viên và quan khách, và sau khi làm tròn phần vụ của mình trên sân khấu, các bà lại tất bật xuống hội trường để tiếp đãi các thực khách.

Ngòai trời vẫn mưa rả rích và lạnh lẽo, nhưng trong hội trường Đền Thánh thật là ấm cúng với các ca viên cùng các thân hữu cùng nhau thưởng thức cháo gà nóng hổi, được “chữa lửa” bằng gỏi gà, bánh mì thịt nguội và bánh” Khúc gỗ Noel” do các bà Monica phụ trách.
 
Giáo xứ Tam Hà đón mừng lễ Noel
Nguyễn Sang
08:24 22/12/2010
SAIGÒN - Tam Hà, vùng đất “lành”, người dân tính tình hiền hòa, mến khách. Tam Hà ngày xưa nổi tiếng với nghành dệt vải, không thua kém vùng Bảy Hiền (Tân Bình). Đa số người dân nơi đây theo đạo Thiên Chúa và sống tập trung với nhau theo từng cộng đoàn giáo xứ, như: Gx. Thánh Nguyễn Duy Khang, Gx. Tam Hà, Gx. Châu Bình, Gx. Tam Hải, xa hơn một chút có Gx. Khiết Tâm. Tam Hà, vùng đất yên lành. Vào những năm chiến tranh diễn ra khốc liệt (1968, 1975) người dân từ các vùng Đồng Nai, Long Khánh đã về ẩn cư tại đây để tránh bom đạn, coi đây như là một nơi an toàn.

Xem hình ảnh

Ngày nay người ta biết đến vùng Tam Hà là nhờ có nghành dệt dây các loại. Vùng đất Tam Hà đúng nghĩa là “Đất lành chim đậu” vì có nhiều nhà Dòng trong khu vực như: Dòng Đồng Công, Dòng Tên, Tu xá Đaminh, Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, Dòng Biển Đức (trước còn có cơ sở Dòng Phanxicô của Cha Ngọc, nay dời về Gx. Bình Triệu). Ngoài ra, vùng đất Tam Hà còn được nhiều người biết tới vì có trường THPT, THCS, hai trường Tiểu học, (1 trường Mẫu giáo kiểu mẫu, sắp hoàn thành). Bệnh viện trung tâm của Quận Thủ Đức cũng nằm trong khu vực này.

Khoảng hơn 10 năm trước, từ Giáng Sinh năm 1999, khi toàn thể thế giới chuẩn bị bước vào chào mừng Thiên Niên Kỷ mới và Năm Thánh 2000 của Giáo Hội toàn cầu. Đa số các con đường làng, ngõ hẻm ở Tam Hà lại được nâng cấp nhựa hóa, nhà cửa khang trang. Được sự khích lệ của các vị lãnh đạo tinh thần, các gia đình trong các giáo xứ thay vì làm hang đá, trang trí đèn điện trong từng nhà thì đem ra bên ngoài thiết kế để mọi người cùng chiêm ngắm và suy niệm.

Vì thế, từng trong các khu xóm đã hợp nhau lại cùng giăng dây đèn khắp các con đường trong khu xóm của mình cư ngụ, các hang đá máng cỏ cũng đã được thiết kế theo từng phong cách riêng của mỗi khu xóm, nhưng cùng thể hiện một ý chung là giới thiệu Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ trời cao chấp nhận xuống Nhập Thể làm con người thấp hèn như chúng ta (EMMANUEN) để cứu rỗi nhân loại. “Ai tin thì được cứu rỗi”.

Khách thập phương từ các nơi nghe giới thiệu về vùng Tam Hà vào dịp Noel có hang đá máng cỏ đẹp, đèn điện sáng lung linh như vùng Bình An (Q.8) đã nườm nượp đổ về Tam Hà vào những ngày gần lễ, nhất là hai đêm 23 & 24, đoạn đường Tô Ngọc Vân (TĐ) dẫn vào vùng Tam Hà như hẹp lại, với số lượng người quá đông, vào lúc cao điểm khách tham quan phải nhích đi từng bước. Công An giao thông Quận Thủ Đức và Anh em dân phòng địa phương đã phải vào cuộc để phân luồng, phân tuyến, không cho các loại xe vào khu vực trung tâm, giải tỏa được nạn kẹt xe, gìn giữ trật tự an ninh giúp cho khách tham quan được hưởng trọn vẹn niềm vui.

Giáng sinh năm nay cũng vậy, đang dần dần đến gần. Những ngày cuối năm trời nắng nhè nhẹ, tiết trời se se lạnh, thật dễ chịu. Chiều ngày 21.12 một cơn mưa bất chợt đổ xuống kéo dài cho đến chập tối. Mọi người buồn buồn một chút! Mặc dù vào những tháng cuối năm, cơn bão giá đã làm cho mọi thứ đều tăng giá. Đời sống các gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhưng không vì thế mà không khí chuẩn bị đón mừng lễ Noel năm nay giảm sút, mà đôi khi còn có vẻ tăng lên (theo nhận xét của người viết), vì đa số các dây đèn sơ-ri, bóng đèn tròn nhỏ của các dây đèn đã dùng vào những năm trước nay được thay thế bằng các bóng đèn compact an toàn đắt tiền, các dây cờ song song với các dây điện cũng mới toanh. Ngay tại nhà thờ giáo xứ Tam Hà một cây thông bạc trắng lung linh, cao 10 mét lừng lững trước tiền đường nhà thờ…

Khoảng 2 tuần trước, tại các giáo xứ trong khu vực, giáo dân từng tốp, từng tốp đã bỏ công sức, thời gian để cùng nhau giăng đèn cờ nơi từng xóm ngõ, những hang đá máng cỏ cũng được thiết kế trang hoàng đẹp đẽ đủ mọi mầu sắc và kiểu cách. Nhiều người trong cộng đoàn (kể cả những người lương) được tham gia đóng góp công sức của mình, thật là vui!

Hai bên các con đường chính, các hàng quán, tụ điểm bán hàng Noel, như: quần áo Ông già Nole cho trẻ con, bong bóng, các đồ chơi điện tử… cũng mọc lên ăn theo. Đặc biệt kiếm tiền dễ nhất trong dịp này là các bác “phó nhòm”, đóng đô tại các hang đá để chụp ảnh cho khách tham quan. Mặc dù bây giờ máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động có chụp ảnh độ nét cao rất nhiều, nhưng chụp một vài kiểu ảnh đẹp có kỹ thuật trong dịp đặc biệt này thì nhiều người vẫn thích nhờ các bác phó nhòm chuyên nghiệp hơn. Hình chụp đêm hôm trước, hôm sau là có liền. Thích thật!

Để chuẩn bị đón mừng Đại lễ Giáng Sinh, một Huyền Nhiệm tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại, không chỉ có những quang cảnh hình thức bề ngoài chóng qua, mà mọi Kitô hữu cũng luôn ý thức việc chuẩn bị một màng cỏ trong sáng nơi tâm hồn mỗi người là quan trọng nhất. Đó mới là những màng cỏ ấm áp đích thức mà Chúa Hài Đồng ưng ý nhất. Vì thế, ngay từ đầu Mùa Vọng, theo lời mời gọi của các vị Chủ chăn trong các giáo xứ, cộng đoàn giáo dân đã lắng mình qua những buổi hồi tâm Mùa Vọng, nhìn lại thân phận yếu đuối mỏng dòn của mình để sám hối và hy vọng vào Tin Mừng, ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Hầu như mọi người trong cộng đoàn từ giới thiếu nhi, giới trẻ, giới trung niên cho đến các cụ ông, cụ bà đã đến các tòa giải tội để giao hòa với Thiên Chúa. Qua bí tích này xin Chúa nâng đỡ, thêm sức để mỗi người mỗi ngày có cuộc sống tốt hơn, góp phần làm cho đời thêm tươi đẹp.

Niềm vui và háo hức mừng Noel hằng năm, bây giờ không còn là của riêng người có đạo, mà lan tràn cho hết mọi người, vì Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người không chỉ mang Ơn Cứu Rỗi, sự Bình An đích thực cho một nhóm người nào, mà là cho toàn thể nhân loại. Trừ phi, người được đón nhận khước từ.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người lòng ngay”.
 
Khóa tập huấn nhân sự cho thành viên Caritas Hải Phòng
Hải Phòng
08:37 22/12/2010
HẢI PHÒNG - Từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 12 vừa qua, Caritas Hải Phòng đã tổ chức khóa tập huấn” Quản lý dự án” cho 38 tình nguyện viên Caritas giáo xứ trong giáo phận Hải Phòng do Tiến sĩ Vũ Nhi Công giảng dạy.

Xem hình ảnh

Đây là khóa tập huấn lần thứ 4 Caritas Hải Phòng đã tổ chức trong năm 2010, nhằm mục đích nâng cao năng lực cho các tình nguyện viên Caritas các giáo xứ; giúp các tình nguyện viên có kiến thức kỹ năng làm việc tại cộng đồng, một cách khoa học và có hệ thống, đặc biệt là các tình nguyện viên Caritas giáo xứ trong giáo phận có mối liên kết chặt chẽ với nhau.

Nhờ những khóa tập huấn trước, mà trong lần tập huấn này, các học viên đã thể hiện được cách làm việc chung với nhau, có khả năng xây dựng và quản lý tốt những dự án nhỏ hoặc vừa của giáo xứ, để có thể giúp đỡ được những người khó khăn tại các giáo xứ, giáo họ. Điều hết sức quan trọng là mọi người biết lập kế hoạch làm công tác bác ái xã hội trong giáo xứ, giáo họ như lời Cha giám đốc nói, “một người lo bằng cả kho người làm” đây là điều Cha giám đốc gửi gắm trong từng học viên khi trở về giáo xứ làm việc.

Tối đến các tình nguyện viên đã chia sẻ kinh nghiệm làm việc ở tại cộng đồng các giáo xứ, giáo họ và công tác bác ái xã hội của giáo xứ đã dần trở thành bác ái xã hội chứ không chỉ đơn thuần là công tác từ thiện và tự phát như trước nữa. Tình nguyện viên đã xây dựng được những kế hoạch làm việc của từng giáo hạt, mang tính bền vững và phát triển cộng đồng, để có nguồn quỹ làm công tác từ thiện giúp những nơi khẩn cấp như đồng bào lũ lụt, hay các bệnh nhân phong, người già neo đơn không nơi lương tựa….

Kết thúc khoá tập huấn, với sự quan tâm một cách đặc biệt của Đức Cha Giuse, mặc dù rất bận nhưng Ngài cũng đã dành hơn một tiếng đồng hồ với các tình nguyện viên để trao đổi về “Đai hội dân Chúa” đã diễn ra trong tháng 11 vừa qua. Một lần nữa Ngài nhấn mạnh đến sứ mạng của người ki tô hữu ở thời đại ngày hôm nay là phải tham gia vào công tác truyền giáo của Giáo Hội bằng cách làm công tác bác ái xã hôi “tình bác ái Đức Kitô thúc bách chúng tôi” chúng ta làm thế nào để thể hiện được con người của Chúa Giêsu nơi chúng ta, đây mới là cách truyền giáo có hiện quả nhất, và nói về Chúa Giê su đó là nghĩa vụ của mỗi người làm con cái Chúa và Ngài cũng tin tưởng các tình nguyện viên Caritas giáo phận hiểu được điều đó hiểu được đức công bằng và sống bác ái yêu thương.

Nhân dịp này Ngài đã gửi mỗi tình nguyện viên hơn 200 chiếc chăn để các tình nguyện viên chuyển tới người nghèo tại các giáo xứ, giáo họ một món quà Noel nho nhỏ.

Qua khóa tập huấn, lại một lần nữa tiếp tục hâm nóng tinh thần của các tình nguyện viên để sang năm mới các tình nguyện viên làm việc có chất lượng hơn thấm đượm tình yêu của Thiên Chúa, hứa hẹn nhiều sự đổi mới trong công tác bác ái xã hội của giáo phận Hải Phòng.
 
“Đêm Thánh Ân” cầu nguyện đón mừng Giáng Sinh tại Giáo xứ Hàng Xanh
Nguyễn Bình Phương Tứ
08:41 22/12/2010
SAIGÒN - Trong niềm vui của một mùa Giáng Sinh đang đến, niềm khắc khoải mong chờ Đấng Cứu Tinh giáng thế, Cộng đoàn Giáo xứ Hàng Xanh đã tổ chức đêm Thánh ca cầu nguyện với chủ đề: “Đêm Thánh Ân”.

Xem hình ảnh

Hơn một tuần lễ nay, Giáo xứ đã tất bật tiến hành nhiều công tác để chuẩn bị cho đại Lễ Giáng Sinh, nào là thăm viếng và tặng quà cho các bệnh nhân, các gia đình nghèo để thể hiện sự quan tâm lẫn nhau trong cùng một đại gia đình Giáo xứ, cử hành các Thánh Lễ tĩnh tâm, vệ sinh làm sạch nhà Chúa, trang hoàng Nhà Thờ, làm hang đá và cao trào của sự chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh là chương trình “Đêm Thánh Ân”.

Ngay từ chiều, sân Nhà thờ đã nhộn nhịp và vang tiếng cười nói hòa lẫn với tiếng nhạc Giáng Sinh vui tươi. Đúng 19h30 tối ngày 21 tháng 12 năm 2010, chương trình đã được bắt đầu với sự tham dự của Cha chánh xứ Giuse Maria Phạm Hồng Thái, Cha phụ tá Giuse Trần Đình Phương, quý tu sĩ nam nữ, ca viên của các ca đoàn và đông đảo bà con giáo dân.

Chương trình được long trọng bắt đầu bằng nghi thức Rước sách Thánh và công bố Lời Chúa. Cha Phụ Tá Giuse và đoàn giúp lễ tiến lên cung Thánh trong lời ca vang vọng của cộng đoàn với nhạc phẩm “Trời cao”.

Mùa vọng là mùa đợi trông, mùa hy vọng đối với anh chị em Kitô Hữu, tất cả đều sống trong niềm thao thức, chời đợi Đấng Cứu Thế. Niềm thao thức ấy được ví như vùng đất khô cằn đang mong chờ cơn mưa đầu mùa, và cơn mưa ấy chính là cơn mưa Đấng Cứu Tinh. Với niềm tâm tình như thế, ca đoàn Thánh Mẫu đã diễn tả cảm xúc qua nhạc phẩm “Hạt mưa Thánh Ân” một sáng tác của nhạc sĩ Thế Thông. Ngay sau phần trình diễn của ca đoàn Thánh Mẫu, Công đoàn Mến Thánh Giá Vinh đã “khẳng định” sự xuất hiện của Thiên Chúa qua vũ khúc “Chúa sẽ đến Cứu Độ” một ca khúc của Sr. Trầm Hương. Chỉ với những động tác vũ đạo đơn giản, nhưng khán giả đã hiểu và nhìn thấy được thông điệp của các diễn viên muốn gởi gấm, đó chính là “Chúa sẽ đến Cứu Độ”. Không gian bất chợt tưng bừng hơn vì sự xuất hiện của nữ ca sĩ Đông Nghi với nhạc phẩm “Bình an mùa Giáng sinh”, một nhạc phẩm vui nhộn và không mang “phong cách nhà Đạo” đã phá vỡ ý nghĩa phần I của chương trình: “Mong chờ Đấng Cứu Thế”. Tuy nhiên, phần tình diễn này cũng làm cho không khí thêm phần vui nhộn, và đáp ứng được sự “đi show” của nữ ca sĩ (ca sĩ xin hát trước, đây là vấn đề muôn thưở của BTC).

Liền ngay sau đó, không khí đã phần nào trở lại ý nghĩa ban đầu với phần hợp xướng tâm tình của Ca đoàn Giới Trẻ qua tuyệt phẩm “Mong chờ Giêsu”, một nhạc phẩm ngoại quốc, với lời Việt của Lm. Vũ Khởi Phụng.

Sau đó, lần lượt là các tiết mục:

- Vũ khúc “Vui lên Sion” do ca đoàn Teresa trình bày, một sáng tác của Lm. Thành Tâm
- Ca sĩ Thùy Giang với nhạc phẩm của Lm. Nguyễn Duy “Xanh trời Noel”
- Vũ khúc “Một lời xin vâng” của Lm. Nhạc sĩ Cao Thăng
- “Cao cung lên” của cố Lm. Hoài Đức, qua phần trình bày của ca sĩ Khắc Thiệu.

Đỉnh điểm của phần “Mong chờ Đấng Cứu Thế”, chính là việc hai MC Đăng Vinh và Hồng Trang mời cộng đoàn cùng quỳ, lắng đọng tâm hồn, cầu nguyện và mong chờ Chúa đến qua phần hòa ca của tất cả mọi người với nhạc phẩm bất hủ “Đêm Thánh vô cùng”.

Và rồi, không gian như bừng tỉnh, khán giả chăm chú lắng nghe hơn khi các em nhỏ thuộc ca đoàn MariaGoretty cất lên liên khúc “Tiếng hát Thiên thần và Đêm Đông”. Với giọng ca trong trẻo, không hề vướng lụy bụi trần gian, các em đã đưa cộng đoàn vào cõi đê mê, cõi hạnh phúc của sự Thánh Thiêng, ca tụng con Thiên Chúa đã hóa thân làm người. Công đoàn lại một phen thích thú khi một em nhỏ khoảng 3 tuổi lĩnh xướng: “Gloria in excelsis Deo! Gloria in excelsis Deo!”. Vũ khúc “Cao cung lên” của cộng đoàn Tu hội Tận Hiến đã nối tiếp chương trình, lần lượt sau đó là sự tưng bừng của vũ khúc “Noel Ánh Sáng” – Cộng đoàn Mến Thánh Giá Đà Lạt, sự trẻ trung của ca đoàn Emmanuel với nhạc phẩn “Đi tìm Chúa tôi” một nhạc phẩm kinh điển của Boney M. Sự phấn khởi càng tăng lên vì “Giáng sinh xanh” của Cộng đoàn Đức Maria, một vũ khúc vui nhộn.

Một lần nữa, cộng đoàn đã phải thay đổi cảm xúc vì những gì ca sĩ Thủy Tiên, một con chiên thuộc Giáo xứ (nhà của cô ở ngay bên hông Nhà Thờ) đã đem đến qua nhạc phẩm “Mùa đông năm ấy” của cố Lm. Hoài Đức. “Mùa đông năm ấy, sao sáng soi cuối trời. Mùa đông năm ấy con Chúa sinh xuống đời, nhịp ca véo von, bao thiên thần vang hát, tôn thờ Ngôi Hai, giáng sinh trần ai…” Từng lời ca như rót vào lòng mỗi người, không khí thật Thánh Thiêng xúc động, những tràng pháo tay thổ lộ cảm xúc không ngừng vang lên và ít nhất hai lần người hát phải thốt lên: “Con thật hạnh phúc, xin cảm ơn cộng đoàn”. Đáp lại tấm thịnh tình ấy, ca sĩ Thủy Tiên đã cống hiến cho cộng đoàn Giáo xứ thêm một nhạc phẩn khác, đó là ca khúc “Tình Chúa”. Xin cảm ơn Chị đã mang đến cho cộng đoàn những tâm tình sâu lắng qua những ca khúc du dương, mượt mà.

Ca sĩ Thủy Tiên vừa rời sân khấu, lập tức một nhóm “Ông già Noel” do các anh ở Tu hội Thánh Gia thủ vai “ùa” lên sân khấu đã làm cho khán giả phải vang lên những tràng pháo tay giòn giã, tán thưởng cho vũ khúc “Chúc mừng noel”.

Để khép lại chương trình, ca đoàn Junior đã gửi tặng cộng đoàn nhạc phẩm “Đêm Bình An” của Lm. Ngô Duy Linh. Thật sự, đêm Thánh Ca này là một “Đêm Thánh Ân”, “Đêm Bình An” khi mà mọi người tràn ngập tình thương, niềm vui, sự an lành, sự quan tâm lẫn nhau. Đặc biệt hơn nữa khi chương trình đã chủ động kêu gọi Giáo dân trong Giáo xứ mời gọi những người hàng xóm không cùng tôn giáo, đến tham dự đêm Thánh Ca này. Nhờ đó, chương trình ít nhiều đã mang Chúa Giáng Sinh đến với mọi người. Chúa Giáng Sinh là cho muôn dân, muôn người chứ không phải cho những người đã biết Chúa.

Như lời Cha xứ Giuse Maria đã nói: “Chúng ta phải kết hợp sự vui tươi, trẻ trung của đêm văn nghệ với những buổi tĩnh tâm, xưng tội, làm việc bác ái để xứng đáng đón đến với chúng ta.” Nguyện xin Chúa, cho cộng đoàn Giáo xứ của chúng con luôn phát triển tốt trong sự quan phòng của Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy được những điều cần thiết phải làm trong tâm hồn của chúng, chứ không phải chỉ là hình thức bên ngoài thật hoành tráng, vui tươi. Để từ đó, tâm hồn chúng con thật sự xứng đáng đón Chúa đến trong đêm Giáng Sinh và trong suốt cuộc đời.
 
Thư Mục Vụ Giáng Sinh của Giám mục Kontum
+GM Micae Hoàng Đức Oanh
08:47 22/12/2010

MỪNG ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2010

Kính gửi: Quý Cha
và Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Kon Tum.

Anh chị em rất thân mến,

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Đây là sứ điệp Giáng Sinh. Đây là lời chúc thân thương chúng ta gửi cho nhau. Chúc cho nhau trở thành những hang đá Bethléem sống, trở thành những con người sống đẹp lòng Chúa và thương yêu anh em.

Trong bầu khí hân hoan mừng Ngày Chúa giáng trần, tôi xin có đôi lời với một số thành viên trong Giáo phận.

1. Với thiếu nhi, với người trẻ

Các con thân mến,

Các con là những thành viên cha nhớ tới trước hết, vì lễ Giáng Sinh trước tiên là lễ của các hài nhi, của thiếu nhi, của người trẻ. Năm nay cha vẫn nghe có tiếng “càm ràm” về chuyện thi học kỳ vào chính ngày đại lễ. Có ghi nhận năm nay nhiều nơi không còn thi vào ngày lễ nữa. Còn những nơi vẫn còn thi thì sao? Chúng ta đã nói với nhau: hãy nhìn “cái chuyện đó” là “chuyện nhỏ!” Cần thấy xa hơn. Nhìn vượt cao hơn. Với tâm hồn cao thượng hơn. Vì hạnh phúc của tha nhân. Hãy coi những chuyện đó như một sứ điệp của biến cố Thiên Chúa thương dân Người, các con sẽ cảm nghiệm hạnh phúc của Mầu nhiệm Giáng Sinh.

2. Với các nhà giáo

Các thầy cô thân mến,

Tôi biết có nhiều thầy cô lương cũng như giáo “không ưa” cái kiểu tổ chức thi cử vào chính ngày lễ Giáng Sinh. Dẫu vậy, xin quý thầy cô quan tâm giúp các con em biết đón nhận như “một thứ hồng ân Giáng Sinh”. Gẫm nhìn hang đá Bethléem, chúng ta đều thấy: có ai lại ra đồng vắng giữa đêm đông mà sinh nở đâu! Thế mà chuyện đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm và đã trở thành ngày vui lớn của toàn thể nhân loại. Thiên Chúa viết chữ thẳng trên đường cong! Xin quý thầy cô giúp các cháu học sinh sinh viên Công giáo có được tầm nhìn lòng tin này để khắp các trường đều được hưởng niềm vui Giáng sinh theo kiểu mới!

Ngày Nhà giáo của Giáo phận cũng sắp tới. Năm nay, chúng ta sẽ gặp nhau vào chính ngày 31.01.2011 tại Tòa Giám Mục để hun đúc lòng tin của những kỹ sư tâm hồn trong môi trường học đường. Chúng ta sẽ có dịp trao đổi nhiều trong ngày truyền thống này.

3. Các y bác sĩ

Anh chị em đang phục vụ trong ngành y thân mến,

Làm sao quên anh chị em trong những giờ phút linh thiêng của Mùa Giáng Sinh và Năm Mới sắp tới! Hiện có hiện tượng một số y bác sĩ bắt đầu xin về hưu sớm để hành nghề riêng. Sao vậy? Phải chăng để có thể phục vụ bệnh nhân tự do hơn, thoải mái hơn và hữu hiện hơn? Đây có phải là điểm khởi đầu Nhà nước chấp nhận xã hội hóa rộng rãi ngành y tế phục vụ dân sinh? Với anh chị em trong ngành, tôi mong ước cũng có dịp gặp nhau đông đảo để động viên nhau làm tốt công việc phục vụ của một chuyên viên có niềm tin vào nhân phẩm và sự sống của con người, dù ở tình trạng thai nhi. Hãy tránh và giúp các đồng nghiệp tránh tham dự vào việc phá thai. Tội lắm! Cầu chúc anh chị em tiếp cận với các bệnh nhân như thể tiếp đón chính Thiên Chúa đến với anh chị em.

4. Với linh mục, tu sĩ và quý yao phu cùng quý chức

Cám ơn anh chị em quảng đại hăng say cộng tác với giám mục và chấp nhận các giới hạn của giám mục. Anh chị em là những người cộng tác cận kề của giám mục. Món quà quý giá nhất anh chị em đã dành cho giám mục của anh chị em chính là lời cầu nguyện mỗi ngày. Không có ơn Chúa, chúng ta chẳng là gì. Với ơn Chúa, chúng ta làm được tất cả. Xin cám ơn anh chị em.

Đặc biệt năm nay, nhiều anh chị em băn khoăn hỏi xem tôi đi dâng lễ Giáng Sinh ở đâu? Có ở mấy vùng nói tới trong những ngày qua không? Chúng tôi đã trao đổi với Chính quyền trung ương và địa phương về vấn đề này khi các vị đến chúc Giáng Sinh Tòa Giám Mục mấy ngày qua. Các vị đều xác nhận giám mục có quyền đi phục vụ và không có ai cấm cản. Nếu có thì do cán bộ địa phương chưa thông suốt. Do đó, tôi đã gửi các cấp chương trình dâng lễ Giáng sinh năm nay: (1) tại An Trung, huyện Kon Chro vào lúc 19g00 tối 24.12.2010; (2) tại Yang Trung, huyện Kon Chro, lúc 05g00 sáng ngày 25.12.2010; (3) tại Sơn Lang, huyện K’Bang, lúc 10g00 sáng ngày 25.12.2010 và (4) tại Ia Lâu, huyện Chư Prông hồi 17g00 chiều ngày 25.12.2010. Xem ra “có vẻ” chạy nhiều lắm không? Chưa thấm gì so với nhiều anh em linh mục khác trong Giáo phận. Các vị phải chạy nhiều hơn nữa. Không chỉ đêm hay ngày Giáng sinh, mà cả tuần 8 ngày sau Giáng sinh mới mong đáp ứng phần nào nhu cầu. Hy vọng sau lễ, Chính quyền sẽ cho phép xây dựng tại mỗi địa điểm vùng sâu vùng xa một ngôi nhà nguyện đơn sơ để có nơi thờ phượng tránh tình trạng “chui” gây nhiều hiểu lầm và vất vả cho quý cán bộ. Quà Giáng sinh năm nay dành cho chúng tôi ở các vùng này thật to lớn! Nhưng nghĩ tới còn nhiều nơi xa xôi hẻo lánh khác, vẫn chưa hạnh phúc có Thánh lễ tại chỗ! Cũng thương lắm!

5. Những ngày lễ sắp tới

Anh chị em rất thân mến,

Trong niềm vui chung Mừng Chúa Giáng Sinh và Năm mới, tôi xin anh chị em lưu ý chuẩn bị thật tốt cho mấy ngày lễ sắp tới.

5.1- Lễ bế mạc Năm Thánh 2010 cấp Giáo phận

Lễ này sẽ được tổ chức vào lúc 05g30 ngày 04.01.2011 tại Nhà thờ chính tòa Kon Tum.

5.2- Ngày họp mặt cuối năm cũ

Theo truyền thống, đại diện các thành viên trong gia đình Giáo phận sẽ quy tụ về Tòa Giám Mục để dâng lễ tạ ơn Năm cũ và cầu Chúa chúc phúc cho Năm Mới chan hòa ơn trời. Năm nay sẽ được tổ chức tại Tòa Giám Mục lúc 09g00 ngày 24.01.2011.

5.3- Ngày nhà giáo

Ngày Nhà giáo trong Giáo phận năm nay được tổ chức tại Tòa Giám Mục vào lúc 09g00 sáng ngày 31.01.2011. Xin quý Cha hạt trưởng trách nhiệm nhắc nhở mời gọi quý Thầy cô trong hạt về tham dự đông đủ.

5.4- Ngày sinh viên công giáo

Năm nay vẫn tổ chức ngày họp mặt này vào Mồng 4 Tết Nguyên Đán, tức ngày 06.02.2011. Tổ chức theo 2 miền: Miền Kon Tum tại Toà Giám Mục, Miền Pleiku tại nhà thờ Thăng Thiên. Bắt đầu lúc 8giờ sáng.

Anh chị em thân mến,

Xin thân chúc anh chị em Mùa Giáng Sinh và Năm Mới chan hòa ân thánh của Chúa Hài Đồng. Cầu cho nhau thực sự trở thành những hang đá sống chuyển tải niềm vui to lớn cho mọi người qua đời sống hài hoà thống nhất “Mến Chúa (vinh danh Thiên Chúa) yêu người (bình an dưới thế)”.

Hiệp thông tâm tình tôn vinh cảm tạ.

+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục Giáo phận Kon Tum.
 
La Vang đang chuẩn bị cho Đại lễ bế mạc Năm Thánh
Trương Trí
09:10 22/12/2010
LAVANG - Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đã đến ngày Đại lễ Bế mạc Năm Thánh Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cùng với việc chuẩn bị lễ Giáng sinh, Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang đang tất bật với bao công việc. Ghi nhận của phóng viên sáng ngày 22.12.2010.

Xem hình ảnh

Con đường từ quốc lộ 1 vào đến La Vang chừng 2 km, đang được nhiều đội thi công tích cực san ủi. Theo dự kiến sẽ kịp hoàn thành vào dịp diễn ra Đại lễ. Khi hoàn tất, con đường này sẽ lưu thông được 4 làn xe, như vậy giải quyết được tình trạng ách tắc giao thông.

Tại Trung tâm, nhiều nhóm giáo dân thuộc giáo xứ La Vang rất nhiệt tình tham gia chuẩn bị cho ngày đại lễ. Nhóm nữ lo dọn vệ sinh và nạo vét các đường mương thoát nước. Nam thì lo dựng lều trại cho khách hành hương trú ngụ. Thợ thuyền lo việc lát bê tông quãng trường.

Hai bên quãng trường Mân Côi, hai hồ Tịnh Tâm được thiết kế hài hòa và trang nhã. Bên phải là được đặt bức tượng Đức Mẹ ban ơn và bên trái là bức tượng Lòng Chúa thương xót. Quang cảnh của hai hồ Tịnh Tâm tăng phần thơ mộng nhưng cũng đầy trang nghiêm cho Trung Tâm Hành hương.

Lễ đài uy nghiêm và rộng rãi, dự kiến sẽ đủ chỗ cho khoảng 1500 vị Giám mục và Linh mục đồng tế thánh lễ. Nền đài khá cao để cộng đoàn từ xa có thể nhìn lên. Quãng trường rộng trên 4 hecta được san đầm sạch sẽ và được rãi cát, nơi đây có thể dành cho chừng 150 ngàn người là tu sĩ nam nữ và các hội đoàn tham dự thánh lễ. Ngoài ra, theo dự kiến sẽ có những màn hình rộng truyền trực tiếp những thánh lễ được bố trí đều khắp Trung tâm.

Vấn đề vệ sinh cũng là mối ưu tư hàng đầu của Ban tổ chức nay đã hoàn thiện, 500 nhà vệ sinh khép kín được xây dựng dọc theo hai bờ tường thành bao quanh Trung tâm. Hệ thống nước rửa đã được lắp đặt xong.

Ngoài việc chuẩn bị tại Trung tâm Hành hương, các Ban nghành cũng đã tiến hành họp bàn công việc. Nhất là Ban Trật tự, sẽ đảm nhận trọng trách giữ gìn an ninh trật tự trong những ngày diễn ra đại lễ. Trong buổi họp Ban Điều hành, cha Đôminicô Phan Phước, trưởng ban đã nhắc nhở: Chúng ta chuẩn bị phục vụ cho sự kiện quan trọng của Giáo hội Việt Nam. Sẽ có nhiều phái đoàn quốc tế và trong nước, sẽ có đại diện lãnh đạo nhà nước và chính phủ tham dự. Anh em phải nắm bắt được công việc để giữ gìn an ninh và trật tự. Là những anh em nòng cốt của các giáo xứ, trước đây anh em đã góp mặt trong các lễ lớn, nhưng lần này có tính chất quan trọng và lớn lao, nên cần có sự chuẩn bị chu đáo. Ngài còn nhắc nhở anh em: Đức Tổng Giám mục và Đức Giám mục phụ tá rất lo lắng về sự binh an của cộng đoàn dân Chúa về dự Đại lễ.

Trong buổi họp Ban điều hành trật tự, mỗi anh em được trang bị một sơ đồ của Trung tâm hành hương, để tiện việc phân công và bố trí các nhóm. Với 1000 thành viên được chia thành 22 đội phụ trách 5 khu vực. Mỗi khu vực có một người điều hành trực tiếp và chịu trách nhiệm. Lực lượng trật tự này lo việc giữ gìn an ninh. Ngoài ra còn có 800 thành viên thuộc các hội đoàn Thiếu nhi Thánh thể và Hướng đạo sinh lo việc giữ trật tự các thánh lễ và các cuộc rước kiệu.

Thời tiết hiện nay tại Huế và Quảng Trị đang nắng ấm. Tuy nhiên, sau lễ Giáng sinh thường hay có mưa và rét đậm. Do đó khi về tham dự Đại lễ Bế mạc Năm Thánh, cần phải mang theo áo mưa và áo ấm. Ngoài ra, dự kiến sẽ có rất đông người tham dự, quý khách cũng nên phòng xa là không nên mang theo đồ trang sức và tiền bạc nhiều để tránh việc kẻ lợi dụng thời cơ này móc túi cũng như cướp giật.
 
Nhịp cầu Sơn Thủy nối liền hai bờ nỗi nhớ!
Lm. Antôn Lâm Văn Hân
09:31 22/12/2010
Tri Bản, Hà Tĩnh - Hằng năm cứ sau mỗi trận lũ bà con nơi xóm Sơn Thuỷ (xóm12, xã Hoà Hải – Hương Khê – Hà Tĩnh) lại bị ngăn cách với thế giới bên ngoài. Dòng sông của nỗi nhớ chỉ được nối liền bằng “mấy nhịp cầu tre”. Những nhịp cầu nỗi nhớ ấy không bao giờ chịu được sức mạnh của “thuỷ triều”.

Xin xem hình

Năm nay cũng không ngoại lệ. Từ sau hai trận lũ tháng mười, bà con nơi đây phải chèo thuyền, lội suối để sang “đất liền”. Nhìn cảnh các em học sinh đi học, quần dài trên vai lội sông mới thấy được cái khổ của miền sông nước. Những ngày nắng ấm, lội sông là một thú vui, những ngày mưa lạnh lại là một nỗi khổ khôn xiết. Những em nhỏ lại có một thú vui riêng, được bố mẹ cõng qua sông???

Nhìn thấy cảnh vất vả với sông nước, Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Châu dòng Chúa Cứu Thế, trong một chuyến làm việc bác ái, cùng với nhóm VC (ve chai), do ngài làm trưởng đoàn, đã có ý tưởng làm cầu phao, và ngài đã “thổi” vào ý tưởng đó 30 triệu đồng. Chiếc cầu phao dài 65m rộng 1,2m (mặt cầu) được hình thành từ đó.

Sau một thời gian thi công, mấy cha con chúng tôi vừa xin thêm tài trợ vừa nghĩ ra cách làm, đến nay đã hoàn thành được tác phẩm của mình.

Chiếc cầu phao, tuy kinh phí không phải quá lớn so với một chiếc cầu qua sông, chỉ với 55 triệu đồng, nhưng so với mười bốn hộ gia đình nơi Sơn Thuỷ hữu tình này quả là quá sức với họ.

Cầu phao nối hai bờ nỗi nhớ được khánh thành khi mọi người đang nô nức chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh. Năm nay, bà con Sơn Thuỷ mừng Lễ Giáng Sinh với niềm vui mới: đi dự lễ không phải lội nước trong lạnh giá. Để có niềm vui, niềm hạnh phúc như hôm nay, chúng con xin ghi ân Cha Phaolô, nhóm VC và quý vị ân nhân đã giúp đỡ cha con chúng con hoàn thành “công trình ngàn năm” này. Xin Chúa trả công bội hậu cho Cha cùng quý vị.
 
Từ Đại Hội Dân Chúa đến những Ngày Vui Lớn -- CGVN tại Nhật bản hiệp thông
LM Cao Sơn Thân, S.J
09:37 22/12/2010
Tôi may mắn được “xách cặp” cho Đức cha Matsuura Goro, Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Osaka, là vị khách chính thức được mời trong chức vụ đặc trách mục vụ di dân và tỵ nạn của Hội đồng Giám mục Nhật, về tham dự Đại Hội Dân Chúa của Giáo Hội Việt Nam vừa được tổ chức từ ngày 21 đến 25 tháng 11 tại Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội Việt Nam có được một đại hội với tầm vóc quy mô và đông đủ sự hiện diện của mọi thành phần, từ hàng ngũ các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân cùng tề tựu tham dự.

Thực tình thì tôi được nghe biết và đã chuẩn bị tinh thần để về tham dự Đại Hội Dân Chúa từ hơn một năm qua. Thế nhưng, càng gần đến ngày khai mạc, càng vắng tin và rồi tự nhủ mình rằng ở Nhật có được mấy ai đâu để mà đại diện cho ai, hoặc giả làm sao có được vinh hạnh tham dự cơ hội ngàn năm một thuở này. Cuối cùng, nhờ “sức mạnh của Chúa Thánh Thần” can thiệp, nên tôi cũng được tham gia chương trình trong hai ngày 24 và 25, cùng với một số anh em linh mục và giáo dân từ hải ngoại về.

Như mọi thành phần dân Chúa đều được nhắc nhở về ý nghĩa của Năm Thánh và tầm quan trọng của Đại Hội, Giáo Hội Mẹ Việt Nam đã đưa ra 3 đề cương là: Mầu Nhiệm - Hiệp Thông và Sứ Mạng. Với các tài liệu về Năm Thánh đã được phổ biến, bản thân tôi cũng đọc qua vài lần để biết mà hướng dẫn cho các cộng đoàn chuẩn bị mừng Năm Thánh tại Nhật. Thế nhưng, chính tôi cũng chẳng nắm vững hoặc hiểu rõ thế nào về 3 mục tiêu cần thực hiện này. Ý nghĩa “Mầu Nhiệm” được nêu ra ở đây là gì? Làm sao có được sự “Hiệp Thông” với nhau giữa mọi thành phần Dân Chúa đã phải trải qua quá nhiều tang thương và bị chia cắt theo giòng lịch sử? Và rồi Giáo Hội Việt Nam có thể thi hành “Sứ Mạng” gì cho tiền đồ dân tộc trong một thể chế chính trị đầy lũng đoạn và hoang tưởng chưa từng có như hiện tại?

Những vô tri và bất cập của tôi đã được hoá giải từ từ, nhờ sự “mắt thấy tai nghe” và đặc biệt có thể gọi là qua cảm nhận “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, để ứng nghiệm câu nói: “một lần thấy còn hơn trăm lần nghe”, hay phải hiểu đúng hơn là “một lần cảm nghiệm hơn ngàn lần thấy!

1- Mầu Nhiệm

Đại Hội Dân Chúa đã được bắt đầu qua việc cử hành Bí Tích Thánh Thể của ngày lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, với lời tuyên xưng: “chúng tôi đây là cốt nhục của ngài” (2 Sam. 5) để khi các đại biểu cùng đấm ngực ăn năn thú tội đối với Thiên Chúa, với dân tộc và lịch sử, thì toàn Giáo Hội xứng đáng được hưởng mầu nhiệm: “hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc. 23. 35).

Phải nói là chính lịch sử và sự hiện diện của Giáo Hội Phổ Quát cũng như của Giáo Hội Mẹ Việt Nam đã nêu rõ ý nghĩa hai chữ Mầu Nhiệm này. Với lời bảo đảm của Đức Kitô khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài đã minh định với các môn đệ khi tuyên bố: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” qua nghi thức bẻ bánh và trao bánh. Các đại biểu đã nhờ bí tích Thánh Thể để dâng chính mình, dâng Giáo Hội Việt Nam và tất cả mọi sự trong những ngày Đại Hội để mong được kết hợp vào Mầu Nhiệm Cứu Độ mà Đức Kitô đã lấy chính mạng sống mình để thực hiện.

Tất cả những ai tham dự vào việc Bẻ Bánh này đều được mời gọi trao ban sứ mệnh Ban Bánh, là dấu chỉ sự gắn bó và tương giao, cùng “đồng sanh đồng tử” và để cùng được sống muôn đời.

2- Hiệp Thông

Hình ảnh của 32 vị giám mục, các đại diện linh mục và tu sĩ, giáo dân cùng cầu nguyện, phát biểu, chia sẻ, giao lưu văn nghệ và ẩm thực trong những ngày Đại Hội thật là nồng ấm và thân tình. Đã có nhiều bạn trẻ thì thầm: “chưa bao giờ có được những giây phút đầy tình người và thánh thiện, giữa tâm tình của cha với con, giữa sự gần gũi của linh mục và giáo dân, với đầy thiện cảm của mọi thành phần đại biểu từ khắp các nẻo đường quê hương tụ tập về…”

Chính Mầu Nhiệm cùng ở trong một thân thể Đức Kitô này đã làm cho mọi người xích lại gần nhau để cùng có thể Hiệp Thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là như vậy. Tình Yêu của Thiên Chúa đã khiến mọi người quên hẳn cá thể riêng biệt để trở nên một thân thể trong yêu thương và đầy lòng tương kính, hòa hợp.

Ai nấy đều cùng một tâm tình, một thao thức, một khát vọng mong sao cho Giáo Hội Mẹ Việt Nam “xứng đáng chung hưởng phần gia nhiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng” (Col. 1. 12) và chân thật, khiêm nhường và sẵn lòng đón nhận sự khác biệt và đa dạng của nhau.

3- Sứ Mạng

Trong số hơn 300 đại biểu, thành phần giáo dân tham dự là đông đảo và đa dạng nhất. Những bài phát biểu, những thao thức và ưu tư, những vấn nạn, đề nghị mong được nghiên cứu, tổ chức xây dựng hầu hết đã được các đại biểu giáo dân nêu lên trong những ngày Đại Hội. Đây chính là Sứ Mạng của Giáo Hội Việt Nam cần quan tâm và cần thực thi cách khẩn thiết nhất, ngay từ bây giờ.

Lời mời gọi: “đây không phải là lúc để nói về nhau mà là nói với nhau”, không phải là để đối đầu mà là đối thoại, mở đầu cho sứ mạng cần thiết của Giáo Hội Việt Nam đứng trước sự suy đồi về luân lý và đạo đức, sự phân hoá và sa đọa trong mọi lãnh vực xã hội hiện thời, cần được mọi thành phần dân Chúa nỗ lực góp phần hàn gắn và xây dựng lại. Việc Giáo hội cần khởi đi từ “một người công giáo tốt cũng là người công dân tốt” nói lên tính cách phổ quát của Giáo Hội, vượt trên mọi thể chế chính trị và mọi chủ thuyết thế tục, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc, không riêng gì trong nước hay tại môi trường hải ngoại. Sứ mạng là chất xúc tác, là nền tảng công lý dựa trên đức ái hầu có thể phục vụ cho nền văn minh sự sống và văn minh tình thương, vừa là một đòi hỏi của Phúc Âm, vừa là một Sứ Mạng chính yếu cần tái xác nhận, cần quyết tâm và mau mắn đem ra thực hành...

Mang tâm thức của kẻ vừa được sưởi ấm và đầy phấn khởi nhờ cuộc Phục Sinh của Giáo Hội Mẹ, tôi hớn hở vui mừng trở về với cuộc sống hiện thực nơi hải ngoại, lòng đầy khát mong sao có thể chia sẻ thật nhiều những ơn ích vừa nhận được với mọi người trong Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật. Quả thật, trong suốt Năm Thánh vừa qua, rất nhiều giáo dân Việt Nam tại hải ngoại đã được hâm nóng và được củng cố Đức Tin nhờ việc chuẩn bị và cùng mừng vui với Năm Thánh, cụ thể như qua việc hồi tâm thống hối, tuyên xứng đức tin, cải thiện đời sống và tham dự các bí tích.

Tất cả mọi người cùng được mời gọi sống và thực thi Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Mạng chung với mọi thành phần trong Giáo Hội Mẹ Việt Nam. Chúng tôi hy vọng có thể cùng nhau tổ chức nhiều mô hình sống đạo cách thực tiễn, như là việc củng cố các cộng đoàn, canh tân đời sống đạo trong gia đình, việc làm chứng nhân Tin Mừng giữa lòng đời cũng như là việc cổ vũ ơn gọi.

Đây có thể gọi là Những Niềm Vui Lớn mà chúng tôi hy vọng sẽ được đón nhận để cùng thông công, cùng chia sẻ và cùng góp sức chung xây với Giáo Hội Mẹ Việt Nam, nhờ lời bầu cử của Mẹ La Vang, nhờ công nghiệp của 117 Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, với những cuộc canh tân và nỗ lực sống chứng tá Tin Mừng của hơn bảy triệu giáo dân giữa lòng dân tộc đang đồng hành với hơn 80 triệu đồng bào ở trong nước.

Xa quê hương nhớ về nguồn cội, chúng tôi rất mong được hiệp thông và đồng hành với mọi con dân của Giáo Hội Mẹ Việt Nam, khao khát được chia sẻ niềm vui ngập tràn như hai môn đệ trên đường Emau vừa nhận ra được dung mạo của Đức Kitô Phục Sinh khi Người Bẻ Bánh. Chính Mầu Nhiệm này nhắc nhở và khích lệ chúng tôi để có thể sống Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, Hiệp Thông cùng Giáo Hội Phổ Quát, và can đảm mạnh mẽ sống và thực thi Sứ Mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ.

Dẫu biết rằng “thế gian luôn chê ghét ánh sáng và sự thật”, dẫu đang phải trực diện với muôn vàn khó khăn và thử thách, kể cả con đường thập giá khiến phải hy sinh chính sự sống mình. Ý thức rõ rằng “Nước của mình không thuộc về trần gian này”, và mặc dầu là Giáo Hội của Thiên Chúa đang sống giữa lòng các dân tộc, nhưng luôn cảnh giác và khôn ngoan không thể cho phép mình trở thành một thế lực cạnh tranh hoặc đối đầu, cũng không là những biển quảng cáo, là công cụ để bôi trơn cho bất cứ một tổ chức, một thể chế chính trị trần gian, một khi nhẹ dạ đồng lòng thoả hiệp với sự dữ, hoặc nhắm mắt làm ngơ trước các nền văn minh phi nhân, bất công, bạo lực và hận thù chỉ đưa dẫn đến tang thương, chết chóc và hủy diệt.

Chúng tôi tha thiết cầu xin cho hơn 300 vị đại biểu được tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, biết mạnh dạn chia sẻ những ân sủng cao quý vừa nhận được qua Đại Hội, cùng đồng lòng với dân tộc để có thể can đảm sẵn sàng chấp nhận “vượt qua mọi gian khổ để vào vinh quang” Nước Chúa, cương quyết không dựng lều hoặc để cho hào quang trên núi Tabo làm chói lòa. Như thế mọi người mọi nơi sẽ cùng có được Những Niềm Vui Lớn, sống lại niềm vui mà Các Tông Đồ xưa, sau khi đã được tràn đầy sức mạnh của Thánh Thần, đã hiên ngang ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, can đảm sống đời chứng nhân để nhờ đó khai sinh ra Giáo Hội Tiên Khởi.

Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (Kh. 22. 20), vừa là lời cầu xin vừa diễn tả niềm khát khao và hy vọng của Đại Hội.

Xin Chúa Thánh Thần ngự đến và nên Niềm Vui Lớn cho tất cả mọi người trong Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam chúng con tại Nhật và cho mọi con dân Việt Nam trên toàn thế giới. Amen.
 
Giáo xứ Cửa Bắc Hà Nội chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh
Teresa Avila Phạm Thùy Chi
10:52 22/12/2010
GIÁO XỨ CỬA BẮC CHUẨN BỊ MỪNG ĐẠI LỄ GIÁNG SINH

HÀ NỘI – Tối ngày 22.12.2010 – Sau thánh lễ tối nay, tại sân nhà thờ Cửa Bắc đã có đông đủ các diễn viên nhí, các nghệ sĩ không chuyên đều là những giáo dân trong các hội đoàn của giáo xứ, tập trung trước sân khấu để chuẩn bị cho chương trình Đêm Ca nhạc mừng Đại Lễ Giáng Sinh.

Được sự quan tâm và động viên của cha giám quản giáo xứ Giuse Nguyễn văn Liên (kể từ ngày 9 tháng 12 năm 2010 cha Giuse đã vâng lệnh Đức cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, nhận sứ vụ giáo quản hai giáo xứ Cửa Bắc và xứ Thượng Thụy, cha Giuse đã về nhận xứ vào ngày 18 tháng 12 năm 2010) và dưới sự hướng dẫn rất nhiệt tình của hai nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội và các chị giáo lý viên của giáo xứ, các em thiếu nhi cùng các anh chị diễn viên nghệ sĩ không chuyên đang háo hức mong đến tiết mục của mình để tập tành vì chỉ còn hai ngày là đến Đêm Lễ Giáng Sinh. Mặc dù sân khấu vẫn chưa được trang trí xong nhưng âm thanh và ánh sáng đã được chuẩn bị trước tiên để phục vụ cho việc tập dượt các tiết mục. Hang đá Đức Mẹ Lourdes đã được giăng đèn, những dây dèn nhấp nháy sắc vàng không chỉ làm đẹp cho sân nhà thờ mà còn thêm lung linh cho một góc phố Phan Đình Phùng.

Trong nhà thờ, phía bên ngoài bàn thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, một hang đá nhỏ được làm bằng carton phun sơn nhũ ánh bạc từ những bàn tay khéo léo của các anh chị em giới trẻ trong giáo xứ đã tạo thành núi, hang, hốc và có cả cây cảnh, cỏ nhựa chen trong hang đá nhìn trông rất đẹp mắt, rất ấn tượng. Bộ tượng Chúa Giêsu Giáng Sinh được đặt trang trọng trong hang đá càng làm cảnh vật thêm ý nghĩa của mùa Giáng Sinh.

Chính vì thế mà Giáng Sinh năm nay với giáo xứ Cửa Bắc có được niềm vui nhân đôi. Niềm vui hân hoan đón Chúa Giáng Sinh và niềm vui mừng có cha giám quản mới của giáo xứ.
 
Giáo xứ Cửa Bắc Hà Nội chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh
Teresa Avila Phạm Thùy Chi
11:10 22/12/2010
HÀ NỘI – Tối ngày 22.12.2010 – Sau thánh lễ tối nay, tại sân nhà thờ Cửa Bắc đã có đông đủ các diễn viên nhí, các nghệ sĩ không chuyên đều là những giáo dân trong các hội đoàn của giáo xứ, tập trung trước sân khấu để chuẩn bị cho chương trình Đêm Ca nhạc mừng Đại Lễ Giáng Sinh.

Được sự quan tâm và động viên của cha giám quản giáo xứ Giuse Nguyễn văn Liên (kể từ ngày 9 tháng 12 năm 2010 cha Giuse đã vâng lệnh Đức cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, nhận sứ vụ giáo quản hai giáo xứ Cửa Bắc và xứ Thượng Thụy, cha Giuse đã về nhận xứ vào ngày 18 tháng 12 năm 2010) và dưới sự hướng dẫn rất nhiệt tình của hai nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội và các chị giáo lý viên của giáo xứ, các em thiếu nhi cùng các anh chị diễn viên nghệ sĩ không chuyên đang háo hức mong đến tiết mục của mình để tập tành vì chỉ còn hai ngày là đến Đêm Lễ Giáng Sinh. Mặc dù sân khấu vẫn chưa được trang trí xong nhưng âm thanh và ánh sáng đã được chuẩn bị trước tiên để phục vụ cho việc tập dượt các tiết mục. Hang đá Đức Mẹ Lourdes đã được giăng đèn, những dây dèn nhấp nháy sắc vàng không chỉ làm đẹp cho sân nhà thờ mà còn thêm lung linh cho một góc phố Phan Đình Phùng.

Trong nhà thờ, phía bên ngoài bàn thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, một hang đá nhỏ được làm bằng carton phun sơn nhũ ánh bạc từ những bàn tay khéo léo của các anh chị em giới trẻ trong giáo xứ đã tạo thành núi, hang, hốc và có cả cây cảnh, cỏ nhựa chen trong hang đá nhìn trông rất đẹp mắt, rất ấn tượng. Bộ tượng Chúa Giêsu Giáng Sinh được đặt trang trọng trong hang đá càng làm cảnh vật thêm ý nghĩa của mùa Giáng Sinh.

Chính vì thế mà Giáng Sinh năm nay với giáo xứ Cửa Bắc có được niềm vui nhân đôi. Niềm vui hân hoan đón Chúa Giáng Sinh và niềm vui mừng có cha giám quản mới của giáo xứ.
 
Nhạc chủ đề Đại Hội La Vang: Ra khơi với Mẹ
FMI, tiếng hát Thùy Dương
13:08 22/12/2010
Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 tại La Vang mở cánh cửa tương lai cho toàn thể Giáo Hội Việt Nam trong viễn cảnh truyền giáo mới; mở ra những chân trời mới cho một Giáo Hội đã trưởng thành và lớn mạnh với 350 năm thiết lập. Bế mạc Năm Thánh vào ngày Lễ Hiển Linh 6.1.2011 nói lên quyết tâm của Giáo Hội trong việc thi hành sứ mạng truyền giáo, chia sẻ niềm vui đức tin cho anh chị em đồng bào của mình, lấy ánh sáng đức tin soi chiếu các thực tại trần thế, hăng say góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng ". Hãy cùng “Ra khơi” với Mẹ, rất xa và rất xa để có thể đánh bắt nhiều cá, chấp nhận gian nan thử thách với bao sóng gió phủ vây! Hãy cùng Mẹ chúng con ra đi loan báo Tin Mừng trong niềm tin yêu và hy vọng một tương lai sẽ sáng ngời của một trời mới đất mới! VietCatholic hân hạnh giới thiệu bài hát:

Ra khơi với Mẹ
Sáng tác của: FMI
Trình bầy: Thùy Dương
trích từ CD Nhạc Cùng Mẹ Ra Khơi
CD Thánh Ca chính thức của Đại Hội bế mạc Năm Thánh và Hành Hương La Vang lần 29
do LM Minh Anh biên tập và phát hành dịp Đại Hội tại La Vang Việt Nam
và do VietCatholic được phép sắp phát hành tại Hoa Kỳ