TIN MỪNG Lc 1:46-56
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Ngày ấy, bà Ma-ri-a nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời".
Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Đó là lời Chúa.
12. Khi con dụng tâm để xét mình thì gọi là lương tâm trong sạch nhưng con vẫn còn phải đối chiếu với sức lực của chính mình để thật lòng thống hối, cần phải nói thật lòng để gạt bỏ những độc hại trong lương tâm của con.
(sách Gương Chúa Giê-su)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Hòa thượng, đạo sĩ và thầy thuốc cùng ngồi thuyền du lịch, trên đường đi thì gặp gió lớn, thuyền lớn lắc lư rất là nguy hiểm. Phu thuyền vội vàng mời hòa thượng, đạo sĩ và thầy thuốc đọc thần chú cầu cứu thần tiên giúp chận gió lại.
Hòa thượng bèn niệm chú:
- “Niệm lực quan âm (quan âm bồ tát), sóng gió liền ngưng”.
Đạo sĩ niệm chú:
- “Phong bá vũ soái (vị thần quản lý việc gió mưa), các an phương vị, cấp cấp như luật lệnh”.
Thầy thuốc cũng góp thêm câu thần chú:
- “Kinh giới, bạc hà, kim ngân hoa, khổ luyện tử”.
Phu thuyền nói:
- “Mấy câu đó là gì?”
Trả lời:
- “Mầy mùi vị thuốc ấy của tôi đều là thuốc ngăn chặn khi bị gió đó mà”.
Hê, lang băm chữa bệnh, thường thường là như thế !
(Tuyết Đào Hài Sử)
Suy tư 15:
Hòa thượng thì có kinh tụng để ngăn sóng gió, đạo sĩ thì có thần chú để ngăn sóng gió, thầy thuốc cũng có bửu bối của mình là tên các vị thuốc để ngăn chặn sóng gió, vị nào cũng có bí quyết chặn sóng gió riêng của mình, nhưng sóng vẫn to và gió vẫn lớn.
Người Ki-tô hữu không có thần chú cũng không có niệm bùa để ngăn chặn sóng gió, nhưng họ kêu danh thánh Đức Chúa Giê-su để bảo vệ cho họ khỏi mọi tai ương do thần dữ mang đến, cũng như những sóng to gió lớn trong cuộc đời của họ, vì Đức Chúa Giê-su đã làm cho sóng yên và gió lặng như tờ để cứu giúp các môn đệ trên biển hồ.
Trong cuộc sống hằng ngày, với dấu Thánh Giá, người Ki-tô hữu sẽ xua đuổi được quỷ ma và những cám dỗ của nó, nhưng vẫn có rất nhiều Ki-tô hữu làm dấu Thánh Giá như xua tay đuổi ruồi nhặng, làm cho người khác cứ tưởng họ đang vẽ bùa, và chế nhạo người Ki-tô hữu cũng tin dị đoan như ai vậy...
Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ muôn loài, nên Ngài cũng là Đấng ra lệnh cho gió im sóng lặng, ngoài Thiên Chúa ra thì ai là người làm được những kỳ công như thế chứ !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Thánh Giuse là một người rất ít nói và cũng ít được nói đến. Ngay cả trong Mùa Vọng, chúng ta nói nhiều đến những nhân vật khác Isaia, Gioan Tẩy Giả, Đức Maria, nhưng hình như chúng ta thường ít chú ý đến vai trò của thánh Giuse. May mắn năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở năm thánh Giuse để nói về Ngài và để học hỏi nơi Ngài.
Xét về phía con người, nếu không có sự cộng tác khôn ngoan của thánh Giuse thì có lẽ biến cố Con Chúa nhập thể làm người sẽ không thành, nếu không muốn nói là “bể chuyện.”
Quả thật, trước khi về chung sống với nhau, thánh Giuse phải đối diện với một tình huống hết sức tế nhị và khó khăn: Đức Maria mang thai mà không phải do mình. Nếu bản năng ghen tuông của một người đàn ông nổi lên, Giuse có quyền được nổi giận, làm ầm lên, đập phá nhà cửa, đòi li dị… và như thế cả làng xôn xao,rồi chuyện sẽ sẻ xảy ra? Đức Maria chắc chắn sẽ bị ném đá theo luật Do Thái (x. Đnl 22,22-23).
Nhưng ở đây, bản lĩnh của một đấng nam nhi đã lên tiếng, không phải bằng sự to tiếng, nhưng bằng sự điềm đạm và khôn ngoan. Thánh Giuseđã giải quyết vấn đề nàymột cách rất khôn ngoan để không làm hại đến thanh danh của người bạn đời, là “đào vi thượng sách” trong âm thầm.
Trong lúc định tâm làm như thế, Thiên Chúa sai thiên thần đến trong giấc mơ, giải thích cho Giuse biết về Hài Nhi là Con Đấng Tối Cao và việc Đức Maria mang thai là do bởi phép Chúa Thánh Thần (x. Mt 2,20),Giuse đã mau mắn lắng nghe và làm theo lời thiên thần truyền.
Ở đây, Giuse là biểu tượng của một người đàn ông bản lĩnh đối với phụ nữ. Ông rất tôn trọng, nhạy bén và quan tâm đến họ hơn mình. Ông không dùng truyền thông để giải thích vấn đề, nhưng triết lý của ông là đón nhận và phân định để quyết định sao cho đẹp ý Chúa.
Chưa hết, khi gia đình Thánh Gia gặp khó khăn, Hài Nhi Giêsu bị các bạo chúa lùng bắt, thánh Giuse đã mau mắn vâng theo lời thiên thần hướng dẫn, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Sau khi vua Hêrôđê băng hà, ông lại đưa các ngài về Nadarét.
Hơn nữa, trong gia đình Thánh Gia, Giuse đã đóng tròn vai là một người cha và người chồng bằng việc chăm chỉ lao động để kiếm cơm áo nuôi sống gia đình. Với nghề thợ mộc, Giuse đã tích cực làm việc mỗi ngày để có tiền trang trải trong gia đình, nuôi con, cho con ăn học. Giuse là hình ảnh của biết bao người bố, người chồng ngày ngày đập đá, cuốc đất, chân lấm tay bùn hay khuân vác, cày cấy, lái xe, lên rừng xuống biển, đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm vài trăm bạc về nuôi gia đình, để lo cho vợ con có miếng cơm manh áo, con cái được học hành nên người.
Đó là bản lĩnh của một người đàn ông. Đó là vẽ đẹp đích thực của người đàn ông. Đó cũng là bí quyết của thành công. Bởi lẽ, trên con đường thành công không có chỗ cho những người lười biếng. Để có của cải, để có kiến thức, để có chuyên môn, chúng ta phải tích cực lao động. Không có vất vả không có vinh quang. Không có khó nhọc không có gặt hái (no pain no gain). Giuse là biểu tượng của một người đàn ông bản lĩnh.
Như thế, nếu không có sự cộng tác khôn ngoan của Giuse, chương trình cứu độ sẽ khác đi, hoặc bị vỡ kế hoạch. Thánh Giuse để lại cho chúng ta một triết lý sống: đàn ông cần nói ít nhưng suy nghĩ nhiều để hành động mà không làm cho người khác bị tổn thương hay thiệt hại. Ngàithực sự xứng đáng với danh hiệu “homo justus” với trọn vẹn ý nghĩa của từ ngữ này: Người Công Chính!
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì đã yêu thương loài người và đã giáng trần cứu nhân độ thế, chúng ta cũng hãy biết ơn thánh Giuse vì những đóng góp quý báu của Ngài, đồng thời chúng ta cũng được mời gọi noi gương thánh nhân để lại mà cố gắng trở nên người công chính như Ngài. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Đứng trước hoàn cảnh kinh hoàng, khó khăn đó, Kitô hữu vẫn không mất lòng cậy trông, trái lại nơi họ toả ra niềm hy vọng. Khi vấn đề cấm di chuyển được nới lỏng, nhiều cá nhân đứng dưới tượng Đức Trinh Nữ, bên ngoài thánh đường, âm thầm cầu nguyện. Người ta thắp nên ngọn nến nhỏ- Biểu tượng ánh sáng xoá tan bóng tối-. Người khác mang đến bông hoa tươi- biểu tượng của tươi mát-. Người khác nữa mang đến chậu cảnh- biểu tượng của sức sống mãnh liệt, âm thầm vươn lên- Có lẽ họ âm thầm cầu nguyện cho mọi sinh hoạt sớm trở lại bình thường. Khi phải đương đầu, đối phó với khó khăn thử thách, người ta chú trọng và tin tưởng vào tài trí của các nhà chuyên môn. Kitô hữu cũng trông mong nơi họ.
Quan trọng hơn thế nữa, Kitô hữu đặt niềm tin, hy vọng, phó thác vào Thiên Chúa nhiều hơn trí khôn loài người. Họ cầu nguyện tạ ơn cho các các người đứng đầu sóng được an lành, bao gồm cảnh sát, bác sĩ, i tá, các người làm việc trong phòng thí nghiệm, các chuyên gia thử nghiệm, khoa học gia nghiên cứu thuốc chữa bệnh. Họ cầu xin Thiên Chúa soi sáng, hướng dẫn cho các nhà nghiêm cứu sớm tìm ra cách chữa dịch.
Trước dây tôi vẫn tin tưởng khoa học đóng vai trò hướng dẫn, đi đầu, làm hướng dẫn viên. Bệnh dịch cho thấy, khoa học không dẫn đầu, không lãnh đạo như đã tưởng. Khoa học lẽo đẽo chạy sau bệnh dịch. Dịch xảy ra rồi, khoa học gia mới biết để tìm hiểu, nghiên cứu, vận dụng trí hiểu để tìm tòi.
Thiên Chúa làm việc qua sự cộng tác của con người. Đức Trinh Nữ Maria thưa 'xin Vâng' mở đường cho Con Thiên Chúa xuống thế trở thành một thành viên của cộng đồng nhân loại. Thánh Giuse vâng lời Thiên Chúa bảo vệ gia đình thánh. Thánh Gioan Tiền Hô đi trước mở đường cho Chúa Cứu Thế. Thiên Chúa dùng bàn tay, khối óc, tài trí con người làm việc cho Ngài vì thế Kitô hữu cầu cho mọi người, đặc biệt cho người có trách nhiệm để họ chung tài trong việc giúp đỡ cộng đồng nhân loại.
Chân thành cám ơn niềm tin của cộng đoàn và Chúa Mừng Giáng Sinh, năm mới an lành.
TiengChuong.org
Tough Year
The Covid- 19 made twenty- twenty a tough year for the entire world. It was a rough ride for all business during the lockdown. It was tough for both the powerful and the powerless. It filled all hospital beds; it forced medical doctors and nurses to work long hours; it made scientists to scratch their heads in trying to find a vaccine for the virus; it crippled the world economy; it emptied busy roads; it grounded all international planes; it closed the hospitality industry; it shut down cathedral and local churches alike; it put masks on people's faces. Masses were on line and essential meetings were on screen. Through its roughness, there were rays of hope. I saw individuals who prayed quietly, outside of the Church building, at the Shrine of Our Lady. Some lit a tea light candle- light dispels darkness; others placed a bouquet of flowers- symbol of freshness. Others again placed a pot plant under the feet of Our Lady- symbol of life and growth. They were signs of hope of returning to normality. In this time of difficulty, we placed our hope not in science alone, but we turned to God in faith, and hope. Ever since the restriction of movement began relaxing, parishioners gathered in Church, they were spacing from each other, and yet there was a real sense of solidarity and closeness. The spirit of unity was strong amongst them. The spirit of joy was obvious on the faces of the people. From a distance they smiled and threw their hands up in the air to express their joy. When people prayed in private we don't know what they prayed, but from the communal perspective, they were grateful for the frontline workers, such as police, medical testing people, doctors and nurses. They prayed for scientists for the wisdom to find medicine curing the virus.
I once thought science took a leading role in our world. The pandemic showed that instead of taking a leading role, science was chasing, using human wisdom to try to find a vaccine.
Through Mary, Jesus became a member of our human community; God asked Joseph to look after the Holy Family. John the Baptist went before, paving the way for Jesus. The world looks for human knowledge. We, Christians place our hope in God through human wisdom.
Thanh You for Your Faith And Happy New Year.
Ý nghĩa của hang đá Giáng sinh.
Lúc 15g15 ngày Chúa Nhật, 1 tháng 12 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô khởi hành từ sân bay trực thăng của Vatican để bay đến Greccio cách Vatican 96km về phía Bắc. Đến nơi lúc 15g45, ngài được Đức Cha Domenico Pompili, Giám Mục giáo phận Rieti và Cha Francesco Rossi, bề trên dòng Phanxicô quản thủ đền thờ Giáng Sinh tại Greccio ra đón. Tại đền thờ này, Đức Thánh Cha đã ký Tông thư “Admirabile Signum” – Dấu chỉ tuyệt vời, giải thích về ý nghĩa của hang đá Giáng sinh.
Trong số 2, Đức Thánh Cha nhắc lại nguồn gốc Tin Mừng của hang đá Giáng sinh của Chúa Giêsu như được trình bày trong các Phúc âm. Từ nguyên ngữ Latin "Praesepium" có nghĩa là máng cỏ, Đức Thánh Cha trích dẫn lời của thánh Augustinô, người cảm thấy ấn tượng với biểu tượng của máng cỏ: Chúa Giêsu "nằm trong máng cỏ, trở thành lương thực cho chúng ta". Và Đức Thánh Cha đã nhắc lại nguồn gốc làm hang đá giáng sinh của chúng ta ngày nay.
Tháng 12/1223, trên đường từ Roma trở về, thánh Phanxicô đã dừng chân tại Greccio, một thị trấn nhỏ của Ý. Các hang động ở Greccio gợi lại trong tâm trí thánh nhân miền quê Bêlem mà ngài đã thăm viếng trước đó. 15 ngày trước lễ Giáng sinh năm 1223, thánh nhân đã yêu cầu một người địa phương tên là Gioan giúp ngài thực hiện mong ước “tái hiện ký ức về hài nhi được sinh ra ở Bêlem, để có thể thấy với chính đôi mắt của tôi, sự nghèo khó thiếu thốn của hài nhi, cách Người nằm trong máng cỏ, và cách Người được đặt nằm trên một chiếc giường đệm cỏ với các con bò lừa đứng bên cạnh. Ngày 25/12 các tu sĩ từ nhiều nơi và dân chúng trong vùng kéo đến Greccio và trang trí nơi này với những bông hoa và những ngọn đuốc chiếu sáng đêm đen. Mọi người hiện diện vui mừng hân hoan với hang đá đầu tiên. Thánh Phanxicô đã cử hành Thánh lễ trên mang cỏ, chứng tỏ sự liên kết giữa mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa và bí tích Thánh Thể.
Trong số 3, Đức Thánh Cha nhận định: “Thánh Phanxicô, bằng sự đơn giản của dấu hiệu đó, đã thực hiện một công việc truyền giáo tuyệt vời. Giáo huấn của ngài đã đi vào trái tim của các Kitô hữu và vẫn tồn tại cho đến thời đại của chúng ta như một hình thức chân chính để tái tạo vẻ đẹp đức tin của chúng ta bằng sự đơn giản.”
Tại sao hang đá Giáng sinh khơi dậy sự ngạc nhiên và xúc động nơi chúng ta? Đức Thánh Cha giải thích: “Hang đá khơi dậy rất nhiều điều kỳ diệu và khiến chúng ta cảm động bởi vì nó biểu lộ sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng hạ mình đến với sự nhỏ bé của chúng ta, Đấng trở nên nghèo khó để mời gọi chúng ta đi theo con đường khiêm nhường để gặp và phục vụ Người với lòng thương xót dành cho những anh chị em nghèo khổ nhất". (Hồng Thủy – Vatican).
Bên Hang Đá, thinh lặng chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu giang đôi tay chúc lành; Máng Cỏ Bêlem tỏ bày nhiều ý nghĩa.
1. Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa yếu đuối
Trong máng cỏ có Chúa Giêsu bé nhỏ. Đức Thánh Cha nhận xét: Việc làm của Thiên Chúa thì không thể đoán trước được, nằm ngoài kế hoạch của chúng ta và “Người tỏ mình ra như một đứa trẻ, để chúng ta ôm nhận Người trong vòng tay của mình. Bên dưới sự yếu đuối và mong manh, Người che giấu sức mạnh của mình, sức mạnh tạo ra và biến đổi mọi thứ bằng tình yêu. Hang đá làm cho chúng ta thấy, khiến chúng ta chạm vào sự kiện độc đáo và phi thường này, đã thay đổi tiến trình lịch sử".
Hài nhi nằm trong máng cỏ biểu thị sự yếu đuối của Thiên Chúa. Một sự yếu đuối mà Người đã tự ý chọn lựa. Thiên Chúa trong hình hài một bé thơ. Một Thiên Chúa yếu đuối. Trí khôn con người không thể nào hiểu và chấp nhận nổi. Mọi lý luận đều bất lực trước nghịch lý thần linh này. Thiên Chúa Đấng khôn tả của triết học bỗng dưng trở thành diễn tả được.Thiên Chúa Đấng vô hình của tôn giáo đã chọn cho mình một thể thức xuất hiện hữu hình. Thiên Chúa Đấng cứu độ đã mạc khải qua các ngôn sứ giờ đây ngỏ lời trực tiếp với con người qua Hài Nhi bé bỏng nắm trong Máng Cỏ. Chúng ta hãy từ bỏ ngôn ngữ của lý tính ở đây và thinh lặng để cho con tim thán phục. May chi ngôn ngữ tình yêu có thể bập bẹ đuợc điều gì đó chăng? Quả thực, sự yếu đuối của Thiên Chúa là sự yếu đuối của tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ dưới những hình thức khác nhau, như lòng thương xót, lòng trắc ẩn và sự âu yếm. Một Thiên Chúa uy quyền trong sự yếu đuối của tình thương…Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ lên ngôi trên thập giá.Thành công cuối cùng của Chúa Cứu Thế là sự phục sinh nằm bên kia cái chết, và con đường dẫn tới đó phải khởi đi từ Máng Cỏ đến Núi Sọ.
2. Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa Tình Yêu
Cảnh Giáng sinh còn có các quang cảnh, các mục đồng, các thiên thần, ngôi sao chỉ đường, những người nghèo. Cũng thường có những cảnh quan với những ngôi nhà và tòa nhà cổ đổ. Đức Thánh Cha giải thích, đó là "một dấu hiệu hữu hình của nhân loại sa ngã" mà Chúa Giêsu đã đến "để chữa lành và xây dựng lại". Có những ngọn núi, dòng suối, chiên cừu, đại diện cho tất cả công trình sáng tạo tham gia vào ngày hội Đấng Thiên Sai đến. Các thiên thần và sao chổi là dấu hiệu cho thấy "chúng ta cũng được kêu gọi lên đường đến hang đá và thờ lạy Chúa".
Trong đêm Giáng Sinh, Sứ thần loan báo cho các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa“ (Lc 2, 11). Khung cảnh thật đơn sơ, thanh bạch, nghèo hèn: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,12).
Mẹ Maria và Thánh Giuse vất vả một hành trình xa xôi từ Nadarét về Bêlem để kê khai nhân hộ khẩu. Các quán trọ khinh người nghèo hất hủi. Hài Nhi Giêsu chào đời nơi đồng hoang giá lạnh. Chẳng có ai thân thích. Chỉ có các mục đồng và bò lừa sưởi ấm. Chẳng có gì kỳ diệu, không có gì ngoại thường, không có gì huy hoàng được trưng dẫn như một dấu chỉ cho những mục đồng. Tất cả những gì họ thấy chỉ là một Hài Nhi bọc tã, một hài nhi như bao hài nhi khác, cần sự chăm sóc của người mẹ; một Hài Nhi sinh ra trong chuồng súc vật, và như thế, không nằm trong nôi nhưng là trong máng cỏ. Dấu chỉ của Thiên Chúa là một hài nhi cần sự trợ giúp và đang sống trong nghèo khó. Chỉ bằng con tim, những mục đồng mới có thể thấy nơi hài nhi này sự viên mãn lời hứa của tiên tri Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai” (Is 9,5).
Dấu chỉ của Thiên Chúa thật là đơn sơ. Đó là một Hài Nhi mới sinh. Dấu chỉ của Thiên Chúa là Ngài trở nên bé nhỏ vì chúng ta. Ngài không đến với quyền lực và một bề ngoài xa hoa. Ngài đến như một hài nhi cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ngài không muốn choáng ngợp chúng ta với sức mạnh của Ngài. Vì thế, Ngài đã hóa chính mình thành nhỏ bé. Ngài không muốn điều gì khác nơi ta ngoại trừ tình yêu, qua đó chúng ta phải học biết cách tiếp cận với cảm giác, tư duy và ý chí của Ngài. Chúng ta học biết sống với Ngài và thực hành với Ngài sự khiêm hạ từ bỏ mình là điều tinh túy nhất của tình yêu. Ngài đã hóa thành nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu Ngài, chào đón Ngài, và yêu thương Ngài.
3. Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa Cứu Độ
Trong các số từ 4-9, Đức Thánh Cha giải thích về ý nghĩa của các dấu hiệu và các nhân vật được đặt trong hang đá. Trước hết là bầu trời đầy sao trong bóng tối và trong sự im lặng của màn đêm: đó là đêm đen đôi khi bao quanh cuộc sống của chúng ta. Đức Thánh Cha viết: "Dù vậy, ngay cả trong những khoảnh khắc đó, Thiên Chúa không để chúng ta đơn độc, mà Người hiện diện và mang ánh sáng đến nơi chìm trong bóng tối và chiếu sáng những người vượt qua bóng tối của đau khổ".
Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.
Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Hài Nhi Giêsu đã trở nên một sự tái tạo mới. Tái tạo khởi đi từ tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.Đức Thánh Cha khẳng định: “được sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa bắt đầu cuộc cách mạng thực sự và duy nhất mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người bị khinh miệt, bị gạt ra bên lề: đó là cuộc cách mạng của tình yêu, cuộc cách mạng của sự dịu dàng".
Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên trọng tâm sứ điệp của đức tin Kitô giáo. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Giáo Hội công bố niềm tin ấy dọc dài thời gian giữa những thách đố của thế giới. Giáo Hội uỷ thác cho con cái mình như kho tàng quí giá để gìn giữ và chia sẻ cho người khác. Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.
Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ.Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau.Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau. Máng Cỏ luôn làm cho con người thổn thức bùi ngùi xúc động, vì đối diện với một Tình Yêu khiêm tốn. Máng Cỏ mang ý nghĩa của thập giá và hướng về mầu nhiệm Thánh Thể. Qua Hài Nhi Giêsu trong Máng Cỏ Bêlem, chúng ta hiểu được phần nào tâm tình của Thiên Chúa muốn ngỏ với loài người.Qua Máng Cỏ Bêlem, Thiên Chúa trở nên thật gần gũi và đáng yêu. Từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa “tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).Tình yêu thương ấy là ánh sáng soi đường và là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Niềm vui giáng sinh không nhất thiết phải đến từ những bữa tiệc thịnh soạn hay khung cảnh huy hoàng lộng lẫy bên ngoài. Niềm vui giáng sinh đến từ nội tâm khi chiêm ngắm Máng Cỏ Bêlem.
Đức Thánh Cha kết luận trong số 10, số cuối cùng: “Hang đá là một phần của quá trình quý giá và đòi hỏi của việc loan truyền đức tin": không quan trọng là nó được làm như thế nào, "điều quan trọng là nó nói với cuộc sống của chúng ta", nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, "Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi để nói với chúng ta rằng, Người gần gũi với con người, dù chúng ta ở trong bất cứ hoàn cảnh nào" và nói với chúng ta rằng "hạnh phúc ở nơi chính điều này".
Noel này, bạn hãy dừng lại nơi hang đá máng cỏ, dành thời gian thinh lặng để ngắm nhìn và suy niệm, bạn sẽ khám phá thật nhiều sự kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta.
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,
Thần trí tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu câu hỏi xa xưa, “Cái nào có trước, con gà hay quả trứng?” mà chỉ mình Thiên Chúa mới có câu trả lời về cách thức Người tạo dựng thế giới và muôn loài trong đó, thì một câu hỏi lý thú khác với kinh Magnificat là, “Cái nào có trước, linh hồn tôi ngợi khen Chúa hay thần trí tôi hoan hỷ trong Chúa?”. Có lẽ chưa bao giờ đặt cho mình câu hỏi đó, một câu hỏi sẽ dẫn chúng ta đi sâu vào tâm tình ‘ngợi khen và hoan hỷ’ của người con trước một Thiên Chúa luôn yêu thương.
Câu đầu tiên của Magnificat xác định hai hành động xảy ra nơi Đức Mẹ, Mẹ ‘ngợi khen và hoan hỷ’. Hãy suy nghĩ về hai trải nghiệm nội tâm này. Sẽ dễ hiểu hơn khi nói,‘Có phải vì đã công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa nên Mẹ tràn đầy niềm vui? Hay Mẹ tràn đầy niềm vui vì đã công bố sự vĩ đại của Người?’.Phần nào đó, câu trả lời sẽ là cả hai; nhưng rõ ràng, thứ tự trong Magnificat ngụ ý Đức Mẹ công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa trước, và kết quả là Mẹ ngập tràn niềm vui.
Đây không chỉ là một suy tư triết học hay một suy tư thuần lý; đúng hơn, một điều gì đó rất thực tế vốn sẽ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống hàng ngày của mình. Thông thường trong cuộc sống, chúng ta đợi cho có ‘bằng chứng’ trước, rồi mớingợi khen và cảm tạ; trường hợp bà Anna trong bài đọc thứ nhất hôm nay là một điển hình, bà tạ ơn Chúa vì Người đã ban cho bà cậu bé Samuel; bà nói, “Chúa đã cho tôi được như tôi xin”. Cũng thế, chúng ta thường chờ cho đến khi Thiên Chúa ‘chạm đến’, đáp lời; hoặc ít nhiều, trải nghiệm nỗi hân hoan của mình, sau đó, mới nghĩ đến việc đáp trả Người với lòng biết ơn. Điều này là tốt, nhưng tại sao lại phải đợi đến lúc đó mới ‘ngợi khen và hoan hỷ’ để cao rao sự vĩ đại và tình yêu của Người?
Vậy mà, kỳ diệu thay! Một thú vị đến bất ngờ là ai công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa khi an lành hay cả lúc khó khăn thì trong cả hai trường hợp, họ thường có một trải nghiệm vui mừng trong tâm hồn. Đó cũng là điều thường xuyên xảy ra nơi Đức Mẹ, vì lẽ, Mẹ thường xuyên sống trong tình trạng ân sủng của Thiên Chúa, nên Mẹ thường xuyên ca khen vĩ nghiệp Người; bằng chứng là Mẹ đã kiên cường ‘đứng thẳng’ dưới chân thập giá. Vì thế, trong bối cảnh gặp gỡ người chị họ, hai người mẹ vui mừng, hai đứa con nhảy mừng… thì Magnificat chỉ là sự vỡ oà tất yếu của một niềm vui ‘ngợi khen và hoan hỷ’vốn đã ắp đầy từ bao ngày nơi tâm hồn Đức Mẹ mà chúng ta tưởng như lần đầu tiên Mẹ công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa và thần trí Mẹ nhảy mừng.
Một trong những giai thoại của kiệt tác‘Bữa Tối Cuối Cùng’, của Leonardo Da Vinci, nói đến đôi tay trống trơn của Chúa Giêsu.Sau ba năm lao động miệt mài, trước khi ra mắt bức hoạ, ông xin một người bạn rất uy tín góp ý. Bạn ông khen ngợi hết lời; tuy nhiên, người ấy nói, “Chiếc cốc trong tay Chúa Giêsu tuyệt đẹp”. Thất vọng vô cùng, Da Vinci quyết định vẽ lại Chúa Giêsu với một đôi tay trống trơn. Kinh ngạc, bạn ông yêu cầu một lời giải thích; danh hoạ Da Vinci nói, “Đôi tay trống trơn như muốn nói rằng, không gì có thể phân tâm việc chiêm ngắm Chúa Giêsu; phải tập trung vào Ngài; đôi tay trống trơn đang chúc phúc, đồng thời, mời gọi con người cao rao vĩ nghiệp của Thiên Chúa cả khi không còn gì để mất”.
Anh Chị em,
Thời bà Anna, không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi Samuel chào đời; cũng không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi Đức Mẹ đầu thai. Cũng thế, hôm nay,trước bao biến cố mà chúng ta mù tịt, rối bời, chúng ta vẫn xác tín một điều là, Thiên Chúa đang tiếp tục công cuộc cứu độ của Người; Người cứu độ qua những gì tầm thường nhất,nhỏ bé nhất. Việc của chúng ta là tin nhận Người yêu thương, quyền năng và cứu độ. Vì thế, ‘ngợi khen và hoan hỷ’mãi trong Người là tâm tình đúng đắn nhất của một người con; ngợi khen vĩ nghiệp Người cả khi tay trống trơn, cả khi hơi thở tàn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì đời con thuộc trọn về Chúa, để dù ngày con an vui hay ngày con u sầu, con vẫn liên lỉ ‘ngợi khen và hoan hỷ’ Danh Người như Đức Mẹ, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”, Amen.
(Tgp. Huế)
Trong ngày Chúa Nhật 20 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã hai lần kêu gọi du khách đến xem một cuộc triển lãm 100 cảnh Chúa Giáng Sinh truyền thống ở các hàng cột của quảng trường, nhưng ngài không hề đề cập một lời nào đến cảnh Giáng Sinh bằng đồ gốm với phong cách thời đại không gian, hoàn toàn đoạn tuyệt với cảnh Chúa Giáng Sinh truyền thống mà Đức Thánh Cha rất trân trọng đến mức ngài đã dành hẳn một tông thư để nhấn mạnh. Đó là Tông thư Admirabile Signum - Dấu Chỉ Tuyệt Vời về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cảnh Giáng Sinh,
Ngài nói hôm Chúa Nhật 20 tháng 12: “Chủ nghĩa tiêu dùng đã bắt cóc lễ Giáng Sinh, và nói thêm rằng không có chủ nghĩa tiêu dùng trong máng cỏ ở Bethlehem”.
“Những gì ở đó,” ngài nói, “là thực tế, nghèo đói và tình yêu”.
Vatican sử dụng một cảnh Chúa Giáng Sinh khác nhau mỗi năm, do một chính quyền thành phố nào đó của Ý tặng. Trên thực tế, chính quyền thành phố đó lựa chọn, và việc lựa chọn đó thường do các nghệ sĩ có ảnh hưởng trong thành phố quyết định.
Cảnh Chúa Giáng Sinh năm nay tại quảng trường Thánh Phêrô, đến từ thành phố Castelli, thuộc giáo phận Teramo của tỉnh Abruzzo ở miền trung nước Ý, đã nhận được những lời phê bình gay gắt trên các phương tiện truyền thông và từ những du khách đến thăm quảng trường.
Phản ứng thông thường trước cảnh Chúa Giáng Sinh là một thái độ chiêm ngắm, tôn thờ. Người ta không thấy những thái độ như thế đối với cảnh Chúa Giáng Sinh năm nay tại Vatican. Reuters ghi nhận rằng nhẹ nhàng nhất là người ta bày tỏ sự ngỡ ngàng bối rối trước cảnh này. Nặng hơn thì bày tỏ sự khinh miệt.
Source:Reuters
Bộ Giáo Lý Đức Tin vừa cho công bố bản nhận định về tính hợp luân của việc sử dụng một số vắcxin được chế tạo từ các dòng tế bào của bào thai người bị phá đã lâu, nếu không có các vắxin khác và trong tình huống lây lan cỡ đại dịch. Thánh Bộ, tuy nhiên, nhấn mạnh rằng điều này không hề hàm nghĩa ủng hộ việc phá thai, một sự ác mà ta luôn phải chống đối. Sau đây là nguyên văn Bản Nhận Định:
Vấn đề sử dụng vắc-xin nói chung thường nằm ở tâm điểm tranh cãi trên các diễn đàn công luận. Trong những tháng gần đây, Thánh Bộ này đã nhận được một số yêu cầu xin hướng dẫn về việc sử dụng vắc-xin chống vi-rút SARS-CoV-2 gây ra Covid-19, mà trong diễn trình nghiên cứu và sản xuất, đã sử dụng các dòng tế bào lấy từ các mô thu được từ hai cuộc phá thai diễn ra trong thế kỷ trước. Đồng thời, các tuyên bố đa dạng và đôi khi mâu thuẫn nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng của các giám mục, hiệp hội Công Giáo và các chuyên gia đã nêu ra câu hỏi về tính hợp luân của việc sử dụng các loại vắc xin này.
Đã có một tuyên bố quan trọng của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống về vấn đề này, mang tên “Những suy tư luân lý về vắc-xin được điều chế từ các tế bào lấy từ bào thai người bị phá bỏ” (5 tháng 6 năm 2005). Hơn nữa, Thánh bộ này đã phát biểu về vấn đề này với Huấn thị Dignitas Personae (ngày 8 tháng 9 năm 2008, xem các số 34 và 35). Năm 2017, Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống đã quay trở lại chủ đề này bằng một Nhận Định. Các tài liệu này đã đưa ra một số tiêu chuẩn chỉ đạo tổng quát.
Vì vắc-xin đầu tiên chống lại Covid-19 đã có sẵn để phân phối và quản lý ở nhiều quốc gia khác nhau, Thánh Bộ này mong muốn đưa ra một số chỉ dẫn để làm rõ vấn đề này. Chúng tôi không có ý định đánh giá tính an toàn và hiệu năng của các vắc xin này, mặc dù có liên quan và cần thiết về mặt đạo đức, vì việc đánh giá này là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu y sinh và các cơ quan dược phẩm. Ở đây, mục tiêu của chúng tôi chỉ là xem xét các khía cạnh luân lý của việc sử dụng vắc-xin chống lại Covid-19 vốn được khai triển từ các dòng tế bào có nguồn gốc từ các mô thu được từ hai bào thai không bị phá cách tự nhiên.
1.Như Chỉ Thị Dignitas Personae tuyên bố, trong trường hợp các tế bào từ bào thai bị phá được sử dụng để tạo ra các dòng tế bào dùng trong nghiên cứu khoa học, “có những mức độ trách nhiệm khác nhau” [1] trong việc hợp tác vào sự ác. Thí dụ, “trong các tổ chức nơi các dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp đang được sử dụng, trách nhiệm của những người đưa ra quyết định sử dụng chúng không giống như trách nhiệm của những người không có tiếng nói trong quyết định đó” [2].
2. Theo nghĩa này, khi vắc xin Covid-19 không thể bị khiển trách về mặt đạo đức không có sẵn (thí dụ: ở các quốc gia nơi các vắc xin không có vấn đề về đạo đức không có sẵn cho các bác sĩ và bệnh nhân, hoặc nơi đó, việc phân phối chúng khó khăn hơn do điều kiện bảo quản và vận chuyển chuyên biệt, hoặc khi các loại vắc-xin khác nhau được phân phối trong cùng một quốc gia nhưng cơ quan y tế không cho phép người dân lựa chọn vắc-xin để chủng ngừa) thì việc tiếp nhận vắc-xin Covid-19 đã sử dụng dòng tế bào từ bào thai bị phá trong diễn trình nghiên cứu và sản xuất của họ là điều có thể chấp nhận được về mặt đạo đức.
3. Lý do căn bản để coi việc sử dụng các loại vắc xin này phù hợp về mặt đạo đức là: kiểu hợp tác vào sự ác (hợp tác chất thể thụ động), vào hoạt động phá thai được cung cấp mà từ đó các dòng tế bào này bắt nguồn, khá xa xôi đối với những người sử dụng vắc xin phát xuất từ đó. Nghĩa vụ luân lý phải tránh việc hợp tác chất thể thụ động như vậy là không bắt buộc nếu có nguy cơ nghiêm trọng, chẳng hạn như sự lây lan không thể kiểm soát được cách khác của một tác nhân bệnh lý nghiêm trọng [3] - trong trường hợp này là sự lây lan có tính đại dịch của virút SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra Covid-19. Do đó, cần phải xem xét điều này: trong trường hợp như thế, tất cả các loại vắc xin được công nhận là an toàn và hữu hiệu về mặt lâm sàng đều có thể được sử dụng bởi một lương tâm tốt vì phần nào biết rằng việc sử dụng các loại vắc xin như thế không cấu thành sự hợp tác mô thức vào việc phá thai mà từ đó tế bào đã được sử dụng để sản xuất vắc xin. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng việc sử dụng các loại vắc-xin này một cách hợp luân, trong những điều kiện đặc thù vốn làm nó trở nên như vậy, tự nó không cấu thành việc hợp pháp hóa, dù là gián tiếp, cho việc thực hành phá thai, và nhất thiết phải chống lại thực hành này của những người làm ra việc sử dụng các loại vắc xin này.
4. Thực thế, việc sử dụng hợp lệ các loại vắc-xin như vậy không và không nên hàm nghĩa bất cứ cách nào rằng ở đây, có sự chứng thực về luân lý việc sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá. [4] Do đó, cả các công ty dược phẩm lẫn các cơ quan y tế chính phủ đều được khuyến khích sản xuất, phê chuẩn, phân phối và cung cấp các loại vắc xin được chấp nhận về mặt đạo đức mà không gây ra vấn đề lương tâm cho cả các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lẫn những người được tiêm chủng.
5. Đồng thời, lý do thực tế cho thấy rõ ràng rằng việc tiêm chủng, như một quy luật, không phải là một nghĩa vụ luân lý và do đó, nó phải có tính tự nguyện. Dù sao, theo quan điểm đạo đức, tính hợp luân của việc tiêm chủng không chỉ phụ thuộc vào nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà còn là nghĩa vụ theo đuổi ích chung. Trong trường hợp không có các biện pháp khác để ngăn chặn hoặc thậm chí ngăn ngừa dịch bệnh, ích chung có thể khuyến nghị việc tiêm chủng, đặc biệt là để bảo vệ những người yếu nhất và dễ bị phơi nhiễm nhất. Tuy nhiên, vì lý do lương tâm, những người từ chối loại vắc-xin được sản xuất bằng dòng tế bào từ bào thai bị phá, phải cố gắng hết sức để tránh, bằng các phương tiện dự phòng khác và hành vi thích hợp, trở thành phương tiện lây truyền tác nhân truyền nhiễm. Đặc biệt, họ phải tránh mọi rủi ro cho sức khỏe của những người không thể tiêm chủng vì lý do y tế hoặc các lý do khác, và những người dễ bị tổn thương nhất.
6. Cuối cùng, kỹ nghệ dược phẩm, các chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng có mệnh lệnh luân lý phải bảo đảm rằng các loại vắc xin, hữu hiệu và an toàn theo quan điểm y tế, cũng như được chấp nhận về mặt đạo đức, cũng sẵn sàng có đó nơi các nước nghèo nhất ở một cách không tốn kém cho họ. Nếu không, việc không có sẵn vắc-xin sẽ trở thành một dấu hiệu khác nữa của kỳ thị và bất công khiến các nước nghèo tiếp tục sống trong tình trạng nghèo khó về sức khỏe, kinh tế và xã hội. [5]
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại buổi Tiếp kiến dành cho Bộ trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin ký tên dưới đây, vào ngày 17 tháng 12 năm 2020, đã xem xét Nhận Định này và ra lệnh công bố.
Rôma, từ Văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin, vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, Lễ kính Thánh Peter Canisius.
Luis F. Card. Ladaria, S.I.
Bộ Trưởng
+ S.E. Mons. Giacomo Morandi
Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Cerveteri
Tổng thư ký
____________________________________________________________________________
[1] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chỉ thị Dignitas Personae (8 Tháng 12, 2008), n. 35; AAS (100), 884.
[2] Ibid, 885.
[3] Xem Hàn lâm viện Giáo Hoàng về Sự sống, “Những suy tư luân lý về vắc-xin được điều chế từ các tế bào lấy từ bào thai người bị phá bỏ”, 5, tháng 6, 2005.
[4] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chỉ thị Dignitas Personae , n. 35:
“Khi hành động bất hợp pháp được các luật quy định về chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu khoa chấp thuận, thì cần phải tách mình ra khỏi các khía cạnh xấu xa của hệ thống đó để không tạo ấn tượng mình dung túng cách nào đó hoặc chấp nhận ngầm các hành động vốn bất chính cách nghiêm trọng. Bất cứ vẻ chấp nhận nào, trên thực tế, đều góp phần vào sự thờ ơ ngày càng gia tăng, nếu không phải là sự chấp thuận, đối với các hành động như vậy trong một số giới y tế và chính trị ”.
[5] Xem Đức Phanxicô, Diễn từ với cac thành viên của Quỹ "Banco Farmaceutico", 19 Tháng 9, 2020.
Lúc 10:30 sáng thứ Hai 21 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các thành viên trong Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma tại phòng họp Benedizione (Chúc lành) trong dinh Tông Tòa của Vatican.
Sau lời chúc mừng Giáng Sinh của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ trong đó ngài thúc giục Giáo triều Rôma không nên đánh giá Giáo Hội một cách vội vàng theo khía cạnh những xung đột, nhưng hãy xem “cuộc khủng hoảng giáo hội” hiện nay như một lời kêu gọi đổi mới.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáng Sinh năm nay được đánh dấu bởi một thời kỳ khủng hoảng đối với xã hội và Giáo Hội trước khi phân biệt giữa khủng hoảng và xung đột. Theo Đức Thánh Cha, khủng hoảng thường có một kết quả tích cực, trong khi xung đột luôn tạo ra bất hòa và cạnh tranh, đó là một sự đối kháng dường như không thể hòa giải, chia cách tha nhân thành bạn để yêu, và kẻ thù để chiến đấu.
Ngài bày tỏ lời cầu xin tất cả các vị trong Giáo triều Rôma, những người cùng ngài phục vụ Tin Mừng, một món quà Giáng Sinh là sự cộng tác quảng đại và hết lòng của các vị trong việc loan báo Tin Mừng
Nguyên bản tiếng Ý và các bản dịch sang các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
1. Chúa Giêsu thành Nagiarét chào đời là mầu nhiệm Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng “loài người dù phải chết nhưng không phải sinh ra để chết, nhưng là để bắt đầu”, [1] như nhà triết học người Do Thái Hannah Arendt đã quan sát trong một cách thế vừa đánh động vừa linh hứng. Arendt đã đảo ngược suy nghĩ của thầy mình, là Heidegger, theo đó con người sinh ra để bị ném về phía cái chết. Giữa đống đổ nát của các chế độ độc tài trong thế kỷ 20, Arendt thừa nhận sự thật sáng chói này: “Phép lạ cứu được thế giới, cứu được thực tại nhân sinh, khỏi sự huỷ diệt bình thường và ‘tự nhiên’ của nó, chung cuộc chính là mầu nhiệm Giáng Sinh. Đây là niềm tin và hy vọng cho một thế giới tìm thấy biểu hiện có lẽ là huy hoàng nhất và ngắn gọn nhất của mình trong một vài từ mà các sách Phúc âm dùng để công bố ‘tin vui’ của mình: ‘Một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta’”. [2]
2. Khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Nhập thể, trước hài nhi nằm trong máng cỏ (x. Lc 2:16), và mầu nhiệm Vượt Qua, trước sự hiện diện của Đấng bị đóng đinh, chúng ta chỉ tìm được vị thế thích hợp của mình chỉ khi chúng ta không có khả năng tự vệ, khiêm tốn và loại bỏ các thành kiến; chỉ khi chúng ta làm theo, ở bất cứ nơi nào chúng ta sống và làm việc (kể cả ở Giáo triều Rôma), chương trình sống do Thánh Phaolô đề ra: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:31-32); chỉ khi chúng ta “mặc lấy tấm lòng khiêm nhường” (x. 1 Pr 5: 5) và noi gương Chúa Giêsu, Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11:29); chỉ sau khi chúng ta tự đặt mình “vào địa vị thấp hèn nhất” (Lc 14:10) và trở thành “nô lệ của mọi người” (x. Mc 10:44). Về điểm này, Thánh Inhaxiô, trong cuốn Linh Thao của mình, thậm chí còn yêu cầu chúng ta tưởng tượng mình là một phần của quang cảnh trước máng cỏ. Ngài viết: “Tôi sẽ trở thành một người nô lệ nghèo nàn, thấp hèn và bất xứng, và như thể ngay bây giờ, hãy nhìn họ, chiêm ngưỡng họ và phục vụ họ theo nhu cầu của họ” (114, 2).
Tôi thay mặt tất cả cảm ơn Đức Hồng Y Niên Trưởng Hồng Y Đoàn đã gửi lời chúc mừng Giáng Sinh. Xin cảm ơn Đức Hồng Y Re.
3. Đây là lễ Giáng Sinh giữa một cuộc khủng hoảng đã tấn công tràn lan toàn thế giới trên các phương diện đại dịch, sức khỏe, kinh tế, xã hội và thậm chí cả Giáo Hội nữa. Cuộc khủng hoảng này không còn chỉ là một điểm chung trong các cuộc trò chuyện của giới trí thức; nhưng nó đã trở thành một thực tế được cảm nghiệm bởi tất cả mọi người.
Đại dịch là một thời gian thử thách và trắc nghiệm, nhưng cũng là một cơ hội đáng kể để hoán cải và canh tân sự chân thực.
Vào ngày 27 tháng 3 vừa qua, trước tiền đình của Đền Thờ Thánh Phêrô, trước một Quảng trường trống rỗng mà dù thế vẫn đưa chúng ta từ mọi nơi trên thế giới đến với nhau, trong tinh thần, tôi muốn cầu nguyện cho và với tất cả mọi người. Tôi đã nói rõ ràng về tầm quan trọng tiềm tàng của “cơn bão” (xem Mc 4:35-41) đã tấn công thế giới của chúng ta: “Bão tố phơi bày tính dễ bị thương tổn của chúng ta và vạch trần những định tín giả tạo và hời hợt trên đó chúng ta đã xây dựng những dự định, những dự án, các tập quán và ưu tiên của chúng ta. Nó cho thấy chúng ta đã khờ khạo và mù mờ trước những điều căn cơ nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn của chúng ta. Bão tố để lộ tất cả những ý tưởng định kiến và sự lãng quên những gì nuôi dưỡng linh hồn con người; nó làm lộ ra tất cả những toan tính gây mê chúng ta bằng những nếp nghĩ và cách hành xử được cho là “cứu” chúng ta, nhưng thực ra lại cho thấy không có khả năng quy chiếu đến những căn cội và giữ cho sống động ký ức của những người đi trước chúng ta, và vì thế đánh mất các kháng thể cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh.
Trận bão này cũng đánh trôi cái mã bề ngoài của những định kiến chúng ta dùng để ngụy trang “cái tôi” của mình, luôn lo lắng về hình ảnh của mình; và một lần nữa, chúng ta khám phá thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau.”
4. Ơn Chúa quan phòng, chính vào thời điểm khó khăn đó, tôi mới có thể viết Fratelli Tutti, là Thông điệp dành cho chủ đề tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Một bài học mà chúng ta học được từ các trình thuật Tin Mừng về sự ra đời của Chúa Giêsu là tình liên đới liên kết những người hiện diện: Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, các đạo sĩ và tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, đã trao ra tình huynh đệ và tình bạn của mình để giữa bóng tối của lịch sử, Ngôi Lời hóa thành nhục thể (x. Ga 1:14) có thể tìm thấy một sự chào đón. Như tôi đã trình bày ở đầu Thông điệp: “Tôi mong muốn rằng, trong thời đại chúng ta, qua việc thừa nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh một khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. Tình anh em giữa tất cả những người nam nữ. ‘Ở đây chúng ta có một bí mật huy hoàng chỉ cho chúng ta cách ước mơ và biến cuộc sống của chúng ta thành một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Không ai có thể đối mặt với cuộc sống trong tình trạng lẻ loi … Chúng ta cần một cộng đồng hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta, trong đó chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau để tiếp tục nhìn về phía trước. Ước mơ cùng nhau quan trọng biết bao… Tự bản thân chúng ta, chúng ta có nguy cơ nhìn thấy những ảo ảnh, những thứ không có ở đó. Trái lại, những giấc mơ phải được xây dựng cùng nhau’. [3] Vậy, chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại, như những người bạn đồng hành cùng chung một con thuyền, như những người con của cùng một trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta mang theo sự phong phú từ những niềm tin và xác tín của mình, mỗi người chúng ta với tiếng nói của chính mình, tất cả là anh chị em với nhau” (số 8).
5. Cuộc khủng hoảng của đại dịch này là thời điểm thích hợp để suy ngẫm ngắn gọn về ý nghĩa của một cuộc khủng hoảng, là điều xem ra có lợi cho tất cả chúng ta.
Khủng hoảng là điều ảnh hưởng đến mọi người và mọi thứ. Các cuộc khủng hoảng hiện diện ở khắp mọi nơi và trong mọi thời đại của lịch sử, liên quan đến các ý thức hệ, chính trị, kinh tế, công nghệ, sinh thái và tôn giáo. Khủng hoảng là một thời điểm cần thiết trong lịch sử của cá nhân và xã hội. Nó xuất hiện như một sự kiện bất thường, luôn tạo ra cảm giác bối rối, lo lắng, buồn bã và không chắc chắn khi phải đối mặt với các quyết định được đưa ra. Chúng ta thấy điều này trong động từ “krino” là nguyên ngữ của khủng hoảng: khủng hoảng là việc sàng lọc để tách lúa mì ra khỏi trấu sau vụ thu hoạch.
Chính Kinh Thánh cũng chứa đầy những cá nhân bị “sàng lọc”, “những người đang gặp khủng hoảng”, những người trong chính cuộc khủng hoảng đó đã đóng vai trò của mình trong lịch sử ơn cứu độ.
Theo quan điểm thần học, cuộc khủng hoảng của Ápraham, người phải rời quê hương (Stk 21: 1-2) và trải qua thử thách lớn lao khi phải hy sinh cho Thiên Chúa đứa con trai duy nhất của mình (Stk 22: 1-19), đã dẫn đến sự ra đời của một dân tộc mới. Tuy nhiên, điều này không giúp Ápraham thoát khỏi một tình huống gay cấn, trong đó sự bối rối và mất phương hướng đã không chiếm được ưu thế, vì ông có sức mạnh đức tin.
Cuộc khủng hoảng của ông Môisê có thể được nhìn thấy nơi sự thiếu tự tin của ông. Ông nói với Chúa: “Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập?” (Xh 3:11); “Con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi” (Xh 4:10), “người ăn nói không được dễ dàng” (Xh 6, 12,30). Vì lý do này, ông cố trốn tránh sứ mệnh Chúa giao phó: “Lạy Chúa, xin sai người khác đi” (x. Xh 4:13). Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng này, Thiên Chúa đã làm cho ông Môisê trở thành người tôi trung dẫn dắt dân tộc của ông ra khỏi Ai Cập.
Êlia, nhà tiên tri có sức mạnh như lửa (x. 1 V 18: 24), vào một thời điểm cực kỳ khủng hoảng đã khao khát được chết, nhưng sau đó ông cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa, không phải trong một cơn gió dữ dội, một trận động đất hay một ngọn lửa, nhưng qua một “giọng thì thầm” (x1 V 19: 11-12). Tiếng nói của Thiên Chúa không bao giờ là tiếng ồn ào của cuộc khủng hoảng, mà là tiếng nói thầm thì trong cơn khủng hoảng.
Gioan Tẩy Giả băn khoăn không biết Đức Giêsu có phải là Đấng Mêsia hay không (x. Mt 11:2-6) vì Người không đến với tư cách là Đấng minh oan mạnh mẽ cho ông, mà có lẽ Gioan đã mong đợi (x. Mt 3:11-12). Tuy nhiên, việc ông Gioan bị cầm tù đã tạo tiền đề cho việc Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 1:14).
Kế đó chúng ta có là cuộc khủng hoảng về “thần học” mà Phaolô thành Tắcsô phải trải qua. Choáng ngợp trước cuộc gặp gỡ đầy kịch tính của mình với Đức Kitô trên đường đến Đamát (x. Cv 9: 1-19; Gl 1:15-16), ông xúc động bỏ lại tất cả để theo Chúa Giêsu (x. Pl 3: 4-10). Thánh Phaolô thực sự là người sẵn sàng thay đổi bởi một cuộc khủng hoảng. Vì lý do này, ngài sẽ là tác giả của một cuộc khủng hoảng khiến Giáo Hội vượt ra ngoài biên giới Israel và đi đến tận cùng trái đất.
Chúng ta có thể tiếp tục với danh sách dài các nhân vật trong Kinh Thánh như thế, trong đó mỗi người chúng ta có thể tìm thấy hoàn cảnh của chính mình. Có rất nhiều những nhân vật như vậy.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hùng hồn nhất là cuộc khủng hoảng của Chúa Giêsu. Các Phúc Âm Nhất Lãm chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc sống công khai của mình bằng cách trải qua cơn khủng hoảng của những cám dỗ. Có vẻ như nhân vật trung tâm trong tình huống này là ma quỷ với những lời hứa hão huyền, nhưng thực ra nhân vật chính thực sự lại là Chúa Thánh Thần. Vì Ngài đã hướng dẫn Chúa Giêsu trong thời điểm quyết định này của cuộc đời mình: “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu ma quỷ cám dỗ.” (Mt 4: 1).
Các Thánh Sử nhấn mạnh rằng bốn mươi ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc được đánh dấu bằng kinh nghiệm đói khát và yếu đuối (x. Mt 4: 2; Lc 4: 2). Chính từ sâu thẳm của sự đói khát và yếu đuối này, ma quỷ đã tìm cách thực hiện bước cuối cùng của nó, lợi dụng sự mệt mỏi của con người Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nơi con người yếu đuối vì kiêng ăn đó, tên cám dỗ đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng có thể chiến thắng sự cám dỗ bởi lời Chúa, chứ không phải lời của chính mình. Chúa Giêsu không bao giờ bước vào cuộc đối thoại với ma quỷ. Chúng ta cần học hỏi từ điều này. Không thể có cuộc đối thoại với ma quỷ. Chúa Giêsu đuổi nó đi, hay buộc nó phải tiết lộ danh tính của mình. Với ma quỷ, không thể có đối thoại.
Sau đó, Chúa Giêsu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khôn tả tại vườn Giệtsimani: cô độc, sợ hãi, đau khổ, sự phản bội của Giuđa và sự bỏ rơi của các Tông đồ (x. Mt 26:36-50). Cuối cùng, có một cuộc khủng hoảng tột độ trên thập giá: một kinh nghiệm về tình liên đới với những người tội lỗi thậm chí đến mức cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi (x. Mt 27:46). Tuy nhiên, với sự tin tưởng tuyệt đối, Người đã “phó dâng thần khí của mình trong tay Chúa Cha” (x. Lc 23:46). Sự phó thác hoàn toàn và đầy lòng tin tưởng của Ngài đã mở ra con đường phục sinh (x. Dt 5: 7).
6. Thưa anh chị em, suy tư này về ý nghĩa của khủng hoảng cảnh báo chúng ta chống lại việc đánh giá Giáo Hội một cách vội vàng dựa trên những khủng hoảng gây ra bởi các vụ tai tiếng trong quá khứ và hiện tại. Tiên tri Êlia có thể là một ví dụ. Để trút bỏ nỗi thất vọng của mình trước mặt Chúa, Êlia thưa với Chúa về sự vô vọng: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con.” (1 V 19:14). Thông thường, những đánh giá của chúng ta về đời sống Giáo Hội cũng giống như những câu chuyện về sự vô vọng. Tuy nhiên, việc đọc thực tế một cách tuyệt vọng không thể được gọi là thực tế. Hy vọng mang đến cho các đánh giá của chúng ta một khía cạnh mà trong tầm nhìn quá gần của chúng ta, chúng ta thường không thể nhìn thấy. Thiên Chúa đáp lại ông Êlia bằng cách nói với ông rằng thực tế khác với những gì ông nghĩ: “Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước qua sa mạc cho tới Đamát mà về … Nhưng Ta, Ta sẽ dành ra cho Ta bảy nghìn người trong dân Israel: tất cả những kẻ đã không hề bái gối trước Baan, những môi miệng không hề hôn kính nó”. (1 V 19: 15,18). Không phải là Êlia cô đơn; nhưng đúng ra ông đang bị khủng hoảng.
Thiên Chúa tiếp tục làm cho hạt giống Nước Người lớn lên giữa chúng ta. Ở đây trong Giáo triều này, có rất nhiều người làm chứng âm thầm bằng công việc của họ, khiêm tốn và kín đáo, không tán gẫu, không thành kiến, trung thành, trung thực và chuyên nghiệp. Rất nhiều anh chị em như thế, và tôi xin cảm ơn. Thời đại của chúng ta có những vấn đề của nó, nhưng nó cũng là nhân chứng sống động cho sự thật rằng Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài. Sự khác biệt duy nhất là các vấn đề ngay lập tức được đưa lên mặt báo; điều này luôn luôn như vậy, trong khi các dấu chỉ hy vọng, nếu có được lên báo, thì luôn luôn muộn hơn nhiều.
Những ai không đánh giá một cuộc khủng hoảng dưới ánh sáng của Tin Mừng chỉ đơn giản thực hiện một cuộc khám nghiệm tử thi. Họ nhìn thấy cuộc khủng hoảng, nhưng không nhìn thấy hy vọng và ánh sáng do Tin Mừng mang lại. Chúng ta hoang mang trước các cuộc khủng hoảng không chỉ vì chúng ta đã quên cách đánh giá các cuộc khủng hoảng ấy như Tin Mừng bảo với chúng ta, nhưng vì chúng ta đã quên rằng Tin Mừng là điều đầu tiên đưa chúng ta vào khủng hoảng. [4] Nếu chúng ta có thể phục hồi can đảm và khiêm tốn để thừa nhận rằng thời khủng hoảng là thời của Thánh Linh, thì bất cứ khi nào chúng ta phải đối mặt với kinh nghiệm của bóng tối, yếu đuối, dễ bị tổn thương, mâu thuẫn và mất mát, chúng ta sẽ không còn cảm thấy bị choáng ngợp nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ tiếp tục tin tưởng rằng mọi thứ sắp có một hình dạng mới, chỉ xuất hiện từ trải nghiệm của một ân sủng ẩn sâu trong bóng tối. “Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục” (Cn 2: 5).
7. Cuối cùng, tôi mong anh chị em đừng nhầm lẫn giữa khủng hoảng và xung đột. Chúng là hai thứ khác nhau. Khủng hoảng thường có một kết quả tích cực, trong khi xung đột luôn tạo ra bất hòa và cạnh tranh, đó là một sự đối kháng dường như không thể hòa giải, chia cách tha nhân thành bạn để yêu, và kẻ thù để chiến đấu. Trong tình huống như vậy, chỉ có một bên có thể giành được chiến thắng.
Xung đột luôn cố gắng tìm kiếm những phe “có tội” để khinh miệt và bêu xấu, và những phe “công chính” để bảo vệ, như một phương tiện để tạo ra một cảm thức (thường huyền diệu) rằng những tình huống nhất định chẳng có liên quan gì đến chúng ta. Việc đánh mất đi cảm thức chung thuộc về nhau gây ra hoặc củng cố một số thái độ nhất định cho mình là tinh hoa và hình thành nên các “phe phái” thúc đẩy những tư duy hạn hẹp và phiến diện làm suy yếu tính phổ quát trong sứ mệnh của chúng ta. “Ở giữa xung đột, chúng ta đánh mất ý thức về sự hiệp nhất sâu xa của thực tại” (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 226).
Khi Giáo Hội được nhìn nhận dưới góc độ xung đột – hữu khuynh so với tả khuynh, cấp tiến so với truyền thống - thì Giáo Hội trở nên phân tán và phân cực, bóp méo và phản bội thực chất của mình. Mặt khác, Giáo Hội là một thực thể bị khủng hoảng liên tục, chính vì Giáo Hội vẫn sống động. Giáo Hội không bao giờ được trở thành một thực thể đang trong tình trạng xung đột, có kẻ thắng và người thua, vì như thế, Giáo Hội sẽ gieo rắc sự sợ hãi, trở nên cứng ngắc hơn và ít đồng nghị hơn, và áp đặt một sự đồng nhất khác xa với sự phong phú và đa dạng mà Thánh Linh đã ban cho Giáo Hội của Ngài.
Sự mới mẻ sinh ra từ khủng hoảng và theo thánh ý của Thánh Linh không bao giờ là một sự mới mẻ đối lập với cái cũ, nhưng là cái mới nảy sinh từ cái cũ và làm cho nó liên tục sinh hoa kết quả. Chúa Giêsu giải thích quá trình này bằng một hình ảnh đơn giản và rõ ràng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Sự chết của một hạt giống có tính chất mâu thuẫn nội tại: nó vừa là sự kết thúc vừa là sự khởi đầu của một cái gì đó mới. Nó có thể được gọi là cả hai vừa là “chết chóc và suy tàn” lại vừa là “sinh sôi và triển nở”, vì cả hai là một. Chúng ta thấy một sự kết thúc, nhưng đồng thời, trong cái kết thúc ấy, một khởi đầu mới đang hình thành.
Theo nghĩa này, việc chúng ta không muốn rơi vào khủng hoảng và không muốn để cho mình được Thánh Linh dẫn dắt vào những thời khắc thử thách sẽ giữ chặt chúng ta trong tình trạng vô vọng và không sinh hoa kết quả, hoặc thậm chí trong tình trạng xung đột. Khi tìm cách tránh né khủng hoảng, chúng ta cản trở công việc của ân sủng Thiên Chúa, ân sủng này sẽ biểu lộ trong chúng ta và qua chúng ta. Nếu một tầm nhìn hiện thực nào đó khiến chúng ta thấy lịch sử gần đây của mình chỉ là một chuỗi những thảm họa, những tai tiếng và thất bại, những tội lỗi và mâu thuẫn, những hụt hẫng và trở ngại trong chứng tá của chúng ta, thì chúng ta không nên lo sợ. Chúng ta cũng không nên phủ nhận mọi thứ trong bản thân và trong cộng đồng của chúng ta, là những thứ rõ ràng đã bị ô nhiễm bởi cái chết, và đang đòi phải có sự hoán cải. Mọi điều xấu xa, sai trái, yếu đuối và không lành mạnh được đưa ra ánh sáng như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc chúng ta cần phải chết đi đối với một lối sống, một lối suy nghĩ và hành động không phản ánh Phúc Âm. Chỉ khi chết đi đối với một não trạng nào đó, chúng ta mới có thể có chỗ cho sự mới mẻ mà Thánh Thần không ngừng đánh thức trong lòng Giáo Hội. Các Giáo phụ của Giáo Hội nhận thức rõ điều này, và họ gọi nó là “metanoia“.
8. Mọi cuộc khủng hoảng đều chứa đựng một nhu cầu chính đáng phải đổi mới và phải có một bước tiến về phía trước. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự mong muốn đổi mới, chúng ta phải có can đảm để hoàn toàn cởi mở. Chúng ta cần phải ngừng xem việc cải tổ Giáo Hội như việc vá lại một chiếc áo cũ, hay chỉ đơn giản là soạn thảo ra một Hiến chế mới. Sự cải tổ của Giáo Hội là một cái gì đó khác xa như thế.
Không thể là chuyện vá chỗ này chỗ kia, vì Giáo Hội không chỉ là một y phục của Đức Kitô, mà là Nhiệm thể của Người, bao trùm cả lịch sử (x. 1 Cr 12:27). Chúng ta không được kêu gọi để thay đổi hay cải tổ Nhiệm thể Đức Kitô - “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13: 8) - nhưng chúng ta được mời gọi mặc áo mới cho Nhiệm thể ấy sao cho mọi người thấy rõ ràng rằng ân sủng mà chúng ta có không đến từ chính chúng ta nhưng đến từ Thiên Chúa. Thật vậy, “kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4: 7). Giáo Hội luôn là một cái bình sành, quý giá chính vì những gì nó chứa đựng chứ không phải vì dáng vẻ bên ngoài của nó. Lát nữa đây, tôi sẽ hân hạnh được tặng cho anh chị em một cuốn sách, đó là món quà của Cha Ardura, cuốn sách cho thấy cuộc đời của một bình sành làm rạng rỡ sự vĩ đại của Thiên Chúa và những cải cách của Giáo Hội. Ngày nay, dường như rõ ràng là đất sét mà chúng ta được tạo ra bị sứt mẻ, hư hỏng và nứt nẻ. Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, kẻo sự yếu đuối của chúng ta trở thành chướng ngại cho việc rao giảng Tin Mừng hơn là làm chứng cho tình yêu bao la mà Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta (x. Ep 2: 4). Nếu chúng ta loại bỏ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, ra khỏi cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của chúng ta sẽ là một lời nói dối, một sự giả trá.
Trong thời kỳ khủng hoảng, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta chống lại một số nỗ lực nhằm thoát ra khỏi nó đã có thể thấy trước ngay từ đầu là sẽ thất bại. Nếu ai đó “xé áo mới lấy vải vá áo cũ”, thì kết quả có thể đoán trước được: “không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Tương tự, “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.” (Lc 5:36-38).
Trái lại, đường lối đúng đắn là đường lối của “người kinh sư đã được học hỏi về Nước Trời”, là người “cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”(Mt 13: 52). Kho tàng đó là Truyền thống, như Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc lại, “là dòng sông sống động liên kết chúng ta với những cội nguồn, là dòng sông sống động mà những cội nguồn luôn hiện diện, là dòng sông vĩ đại dẫn chúng ta đến những cửa vĩnh cửu” (Bài Giáo lý ngày 26 tháng 4 năm 2006). Tôi nghĩ đến câu nói của một nhạc sĩ vĩ đại người Đức: “Truyền thống là bảo chứng cho tương lai, không phải là một viện bảo tàng, hay một bình tro”. Cái “cũ” là sự thật và ân sủng mà chúng ta đã có. Cái “mới” là những khía cạnh khác nhau của sự thật mà chúng ta dần dần hiểu ra. Không có hình thái sống Phúc Âm nào trong lịch sử có thể làm cạn kiệt sự hiểu biết đầy đủ về Phúc Âm. Ở thế kỷ thứ năm, người ta nói thế này về ý nghĩa của truyền thống và cách thức phát triển của nó: “Ut annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate” [đó là một câu nói của Thánh Vinh Sơn thành Lerins có nghĩa là: truyền thống “được củng cố qua năm tháng, được mở rộng theo thời gian và được tinh luyện theo tuổi tác” – chú thích của người dịch]. Nếu chúng ta để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì hàng ngày chúng ta sẽ đến gần hơn với “tất cả chân lý” (Ga 16:13). Trái lại, nếu không có ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta thậm chí có thể bắt đầu hình dung ra một “Thượng Hội Đồng” Giáo Hội trong đó, thay vì được linh hứng từ sự hiệp thông với sự hiện diện của Thánh Linh, chung cuộc chỉ là một thứ nghị viện dân chủ khác được tạo thành bởi các nhóm đa số và các nhóm thiểu số. Chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mới tạo nên được sự khác biệt, nếu không Giáo Hội chỉ như một nghị viện, và đây không phải là tính đồng nghị.
9. Chúng ta nên làm gì trong thời kỳ khủng hoảng? Trước tiên, hãy chấp nhận đó là thời gian ân sủng được ban cho chúng ta để phân định thánh ý Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể Hội Thánh. Chúng ta cần tiến vào một khái niệm xem ra có vẻ nghịch lý là “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10). Chúng ta nên ghi nhớ những lời trấn an của Thánh Phaolô đối với các tín hữu thành Côrinhtô: “Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13).
Điều cần thiết là không được làm gián đoạn cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa, bất kể điều đó có thể khó chứng minh đến đâu. Cầu nguyện không dễ dàng. Chúng ta không được mệt mỏi cầu nguyện liên tục (xem Lc 21:36; 1 Thes 5:17). Ngoài giải pháp là cầu nguyện nhiệt thành hơn và đồng thời làm mọi thứ trong khả năng của mình với đức cậy cao hơn, chúng ta không biết có giải pháp nào khác hơn như thế cho những vấn đề mình đang gặp phải. Cầu nguyện sẽ cho phép chúng ta “trông cậy khi không còn gì để hy vọng” (x. Rm 4:18).
10. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy duy trì sự bình an và thanh thản tuyệt vời, với ý thức đầy đủ rằng tất cả chúng ta, bắt đầu từ chính bản thân tôi, chỉ là những “đầy tớ bất xứng” (Lc 17:10) mà Chúa đã dủ lòng thương xót. Vì lý do này, sẽ rất tốt cho chúng ta khi ngừng sống trong xung đột và một lần nữa cảm thấy rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau, sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng. Hành trình luôn bao gồm các động từ liên quan đến chuyển động. Khủng hoảng tự nó là chuyển động, là một phần của cuộc hành trình của chúng ta. Trái lại, xung đột là một con đường mòn dẫn chúng ta lạc lối, không mục đích, không định hướng và bị mắc kẹt trong một mê cung; đó là một sự lãng phí năng lượng và là cơ hội cho ma quỷ. Điều ác đầu tiên mà xung đột dẫn chúng ta đến, và chúng ta phải cố gắng tránh, là tin đồn. Chúng ta hãy chú ý đến điều này! Tung tin đồn không phải là nỗi ám ảnh của tôi; nhưng nó là lời tố cáo cho thấy ma quỷ đã xâm nhập vào Giáo triều. Ở đây trong Điện Tông Tòa này, có nhiều cửa ra vào và cửa sổ, ma quỷ đi vào và chúng ta quen với điều này. Những lời đàm tiếu khiến chúng ta rơi vào trạng thái quy hướng vào chính mình buồn bã, và ngột ngạt. Nó biến khủng hoảng thành xung đột. Tin Mừng cho chúng ta biết các mục đồng đã tin lời sứ thần truyền và lên đường hướng về Chúa Giêsu (x. Lc 2:15-16). Trái lại, Hêrôđê đã khép lòng mình lại trước câu chuyện do các đạo sĩ kể lại và biến sự khép kín ấy thành gian dối và bạo lực (x. Mt 2:1-16).
Mỗi người trong chúng ta, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội, nên tự hỏi liệu chúng ta muốn theo Chúa Giêsu với sự ngoan ngoãn của những người chăn cừu, hay với thái độ phòng thủ của Hêrôđê; muốn đi theo Người giữa cuộc khủng hoảng hay muốn ngăn chặn Người trong cuộc xung đột.
Cho phép tôi bày tỏ lời cầu xin tất cả anh chị em, những người cùng tôi phục vụ Tin Mừng, món quà Giáng Sinh là sự cộng tác quảng đại và hết lòng của anh chị em trong việc loan báo Tin Mừng trên hết cho người nghèo (x. Mt 11: 5). Chúng ta hãy nhớ rằng chỉ có họ mới thực sự biết Thiên Chúa, Đấng chào đón những người nghèo khó, Đấng từ trời cao ngự xuống trong sự khốn cùng của họ, nhưng chính vì những người như vậy Người đã được sai đến từ trời cao. Chúng ta không thể nhìn thấy Thiên nhan Chúa, nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm được điều đó khi Ngài hướng về chúng ta bất cứ khi nào chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với người lân cận, đối với những người đang kêu gào chúng ta trong cảnh khốn cùng của họ. [5] Đối với người nghèo, những người là trung tâm của Tin Mừng. Tôi nghĩ về điều mà vị Thánh Giám Mục người Brazil đã từng nói: “Khi tôi quan tâm đến người nghèo, họ gọi tôi là một vị thánh; nhưng khi tôi hỏi đi hỏi lại tại sao sự nghèo đói kinh hoàng như thế cứ tồn tại mãi, thì họ gọi tôi là một tên cộng sản”.
Đừng ai cố ý cản trở công việc Chúa đang hoàn thành vào lúc này, và chúng ta hãy xin ơn để phục vụ trong khiêm nhường, để Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi. (x. Ga 3:30).
Tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả anh chị em và gia đình và thân bằng quyến thuộc. Cảm ơn anh chị em, cảm ơn anh chị em đã làm việc, cảm ơn anh chị em rất nhiều. Và xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể can đảm tiếp tục trong cơn khủng hoảng. Chúc Giáng Sinh vui vẻ! Cảm ơn anh chị em.
[Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành cho những người hiện diện. Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, ngài nói thêm]
Tôi quên nói với anh chị em rằng tôi sẽ tặng anh chị em một món quà là hai cuốn sách. Một cuốn là cuộc đời của Charles de Foucauld, một bậc thầy về khủng hoảng, là người đã để lại cho chúng ta một di sản đẹp đẽ. Đó là một món quà mà tôi nhận được từ Cha Ardura, người mà tôi rất biết ơn. Cuốn thứ hai được gọi là “Olotropia: i verbi della familiarità cristiana”, là những từ giúp chúng ta sống cuộc sống của mình. Cuốn sách vừa được xuất bản và được viết bởi một học giả Kinh Thánh và là một đệ tử của Đức Hồng Y Martini; ngài làm việc ở Milan nhưng là linh mục của Giáo phận Albenga-Imperia.
[1] The Human Condition, Chicago, University of Chicago Press, 1958, p. 246. (Tình trạng con người, Chicago, Nhà xuất bản Đại học Chicago)
[2] Thượng dẫn, tr. 247.
[3] Diễn từ tại Cuộc gặp gỡ Đại kết và Liên tôn với Người trẻ, Skopje, Bắc Macedonia (7 tháng 5 năm 2019): Quan Sát Viên Rôma, ngày 9 tháng 5 năm 2019, tr. 9.
[4] “Nghe thế, nhiều môn đệ của Người liền nói: ‘Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?’ Nhưng Đức Giêsu tự biết là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: ‘Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?’”(Ga 6: 60-61). Tuy nhiên, chỉ trên nền tảng của cuộc khủng hoảng đó, một lời tuyên xưng đức tin mới có thể xuất hiện: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).
[5] x. E. LEVINAS, Totalité et infini (Toàn thể và vô hạn), Paris, 2000, 76.
Source:Holy See Press Office
Trong cuộc họp thường niên với Giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về cuộc khủng hoảng có thể mang lại ích lợi cho chúng ta, nhưng ngài nhấn mạnh, đừng biến nó thành một cuộc xung đột, vì xung đột gây ra bất hòa và hiềm thù...
(Tin Vatican)
Một cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như đại dịch hiện nay, “có thể mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta”, nếu chúng ta biết biến nó thành cơ hội để hoán cải và đổi mới tâm tư, bằng mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn với một tâm lòng can đảm và khiêm nhường. Mặt khác, nếu chúng ta nhìn sự khủng hoảng như là một sự xung đột, thì nó sẽ tạo ra bất hòa, cạnh tranh và hiềm thù!
Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra quan điểm này trong bài phát biểu trước các thành viên của Giáo triều Rôma, các cơ quan khác nhau của Tòa thánh, thánh bộ trung ương của Vatican.
Trong cuộc gặp gỡ truyền thống trước lễ Giáng sinh này, ngài lưu ý rằng khi “chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập thể, trước khi Con trẻ sinh ra, được đặt nằm trong máng cỏ, cũng là khởi đầu Mầu nhiệm Vượt qua, với sự hiện diện của Đấng bị đóng đinh, mà chúng ta có thể tìm thấy vị trí của chính mình nếu chúng ta biết khiêm hạ, rộng mở tâm hồn ra và đón nhận…”
Bài học từ cơn đại dịch và Giáng sinh
Trong buổi lễ cầu nguyện và chúc lành “Urbi et Orbi” vào ngày 27 tháng 3 tại Quảng trường Thánh Phêrô im vắng, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng coronavirus “đã gây ra nhiều tổn thương cho chúng ta và đặt để chúng ta vào một tương lai mù mịt…” nhưng lại giúp chúng ta “khám phá ra một lần nữa “chúng ta là anh chị em một nhà”.
Điều này cũng được ĐTC nhấn mạnh trong Thông điệp “Fratelli tutti”, một Thông điệp nói về tình huynh đệ và tình bạn xã hội. ĐTC nói, một bài học tuyệt vời mà chúng ta học được từ biến cố giáng sinh của Chúa Giêsu là Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, các đạo sĩ và tất cả mọi người đã đến với nhau, bằng cách này hay cách khác, trong tình đoàn kết, huynh đệ và bằng hữu. Đức Thánh Cha nói những giấc mơ không được xây dựng một cách biệt lập mà là cùng nhau, trong một cộng đồng, mang lại sự phong phú về niềm tin và xác tín của chúng ta.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng đại dịch là một thời gian thử thách và thách đố, nhưng cũng là một cơ hội đáng kể để thay đổi và đổi mới tính xác thực con người chúng ta. ĐTC giải thích nguồn gốc tiếng Hy Lạp của từ “khủng hoảng” - “krino” - có nghĩa là “sàng lọc để tách lúa mì ra khỏi cái vỏ, sau khi thu hoạch”. Về vấn đề này, ĐTC nhớ lại những nhân vật trong Kinh thánh, chẳng hạn như Ápraham, Môise, Êli, Gioan Báptít, Phaolô và thậm chí chính Chúa Giêsu, những người đã bị “sàng lọc” bởi các cơn khủng hoảng lại chỉ cho thấy Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
“Suy tư về cơn khủng hoảng này, ĐTC cảnh báo chúng ta không nên phê phán Giáo hội một cách vội vàng trên bình diện những khủng hoảng do các vụ bê bối trong quá khứ và hiện tại gây ra”. Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong Giáo triều, có rất nhiều người đã âm thầm làm các công việc bền bỉ, khiêm tốn, một các trung thành, trung tín và chuyên nghiệp, họ là những nhân chứng sống động cho sự kiện Chúa không hề bỏ rơi dân Người. “Sự khác biệt duy nhất,” ĐTC nói, “là nếu có vấn đề gì “sai sót” thì ngay lập tức bị phơi bày trên báo chí, trong khi nhiều việc làm tạo nên những hy vọng và yêu thương thì chỉ là những tin ngắn và muộn màng!” Do đó, chúng ta phải thành tâm can đảm và khiêm nhường thừa nhận rằng thời kỳ khủng hoảng là thời kỳ của Chúa Thánh Thần, mà chúng ta cần nhìn qua ánh sáng của Tin Mừng.
Cuộc xung đột
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhận định rằng chúng ta không được nhầm lẫn khủng hoảng với xung đột.
“Khủng hoảng nhìn chung có một kết quả tích cực, trong khi xung đột luôn tạo ra bất hòa và cạnh tranh, một sự đối kháng dường như không thể hòa giải, chia cắt tha nhân thành bạn, thành thù để đấu đá! Trong tình huống ấy, một bên chiến thắng và một bên bại trận!”
ĐTC nói, xung đột là “một con đường sai lầm đưa dẫn ta vào những ngõ cụt, không mục đích, không định hướng và bị mê hoặc trong mê cung; đó là một sự lãng phí sức lực và là con đường dẫn tới cái ác”. “Điều xấu xa đầu tiên mà xung đột dẫn chúng ta đến, và điều mà chúng ta phải cố gắng tránh là đàm tiếu, nói hành nói tỏi, đẩy đưa chúng ta rơi vào các cảnh trạng xào xáo nhau, buồn bã và ngột ngạt. Nó biến khủng hoảng thành xung đột”.
Giáo hội khủng hoảng, chứ không xung đột
Đức Thánh Cha nói: “Khi Giáo hội được nhìn nhận dưới góc độ xung đột - phải so sánh sợ hãi với yếu nhược, tiến bộ với truyền thống – làm cho Giáo hội bị phân tán, bị bóp méo và phản lại bản chất thật của mình.” Một cơ thể liên tục đối diện với khủng hoảng vì Giáo hội sống động, nhưng Giáo hội không bao giờ được trở thành một cơ chế xung đột, có kẻ thắng người thua. Điều này sẽ chỉ “gieo rắc sự e ngại, trở nên độc đoán và ít mang tính chất đồng nghị hơn, nghĩa là cùng đồng hành, không áp đặt một tính đồng nhất; mà có sự phong phú và đa dạng mà Thánh Linh hàng ban ơn cho Giáo hội của Ngài”.
Rộng mở tâm hồn cho Chúa Thánh Linh
ĐTC nói sự mới mẻ được phát sinh từ những khủng hoảng và thần khí của Thần Linh Chúa luôn đổi mới, nhưng không đối lập với cái cũ, mà là sự mới mẻ bắt nguồn từ cái cũ và làm cho nó liên tục mang lại hoa trái. Giống như hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi, một cuộc biến đổi có thể được gọi là “chết và thối rữa đi” để “sinh hoa trái”, vì cả hai là một. Cuối cùng, một khởi đầu mới đang được hình thành. Do đó, tự co dúm lại, tự bảo vệ mình khỏi cơn khủng hoảng, chúng ta đâm ra cản trở công việc ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng này được biểu lộ trong chúng ta và qua chúng ta.
Đức Thánh Cha nói, mọi điều xấu xa, sai trái, hèn yếu và không lành mạnh đều được đưa ra ánh sáng như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc chúng ta cần phải chết đi cho lối sống cũ, những suy nghĩ và hành động không phản ánh Tin mừng Phúc Âm. Chỉ bằng cách chết đi phần nào đó, chúng ta mới có chỗ cho sự mới mẻ mà Thánh Linh không ngừng làm sinh động trong lòng Giáo hội.
ĐTC cho biết mọi cuộc khủng hoảng đều chứa đựng một đòi hỏi đổi mới đúng đắn và can đảm vươn lên. “Chúng ta cần phải chấm dứt cái nhìn coi sự cải tổ Giáo hội như việc vá một chiếc áo cũ, hay chỉ đơn thuần là soạn thảo một Tông Hiến mới.” “Chúng ta không được kêu gọi để thay đổi hay cải tổ Thân thể của Đấng Kitô”, như Chúa Giêsu “hôm qua, hôm nay và mãi mãi”, “nhưng chúng ta được kêu gọi mặc lấy tấm áo mới cho Thân thể theo như ân điển Chúa ban cho chúng ta, vì tất cả là hồng ân Chúa chứ chẳng phải do công sức của chúng ta.”
Do đó, Đức Thánh Cha lưu ý rằng khủng hoảng là thời gian mà hồng ân Chúa thương ban cho chúng ta để nhận chân ra thánh ý của Chúa cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể Giáo hội. Điều thiết yếu là đừng làm gián đoạn cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa, dù điều này khó cảm nhận được. Và trong nhãn quan này, Đức Thánh Cha cho hay cầu nguyện giúp chúng ta thấy "hy vọng ngay trong cái tuyệt vọng".
Trong suốt tuần Đại Phúc, quý Cha dòng Chúa Cứu Thế đã thay phiên nhau cử hành Thánh lễ và chủ sự giờ chầu trọng thể. Mỗi ngày một chủ đề, quý Cha giúp cộng đoàn hiểu hơn về Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, Đức Công Bằng, cũng như sứ mạng của người Kitô hữu hôm nay.
Xem Hình
Bên cạnh đó, quý Cha cũng đã dành thời gian đến với các gia đình để cầu nguyện và thăm hỏi. Biết bao người đã được lãnh Bí tích Hòa giải và Xức dầu Bệnh nhân. Người khô khan được khuyên răn, các bạn giới trẻ và thiếu đi được giới thiệu ơn gọi. Đây quả là Tuần Đại Phúc dành cho giáo xứ Tụy Hiền và Vạn Thắng. Phúc vì được nghe Lời Chúa, phúc vì được Chúa thứ tha, phúc vì được Chúa viếng thăm qua sự hiện diện của quý Cha, và đặc biệt là với ơn Toàn Xá được ban trong Thánh lễ bế mạc.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông chủ tịch HĐMV đã đại diện Giáo xứ tỏ lòng biết ơn quý Cha và quý Thầy Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, Nà Phặc (Bắc Ninh), Hải Dương, Thái Bình. Đồng thời dâng lời nguyện chúc xin Chúa Hài Nhi ban cho quí Cha ân sủng và bình an.
Sau Thánh lễ, linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được rước về các tổ để tiếp tục giờ kinh chung với nhau, giúp nhau sống Tuần Đại Phúc cho nên, sống Năm Thánh Giuse, Năm Hiệp Thông của Tổng Giáo phận, nhất là chuẩn bị mừng đại lễ Con Thiên Chúa nhập thể làm người.
Bài viết và hình ảnh: Quốc Huy
Để có được ngày hội ngộ này là do sự quan tâm đặc biệt của Đức Cha Giáo Phận với các anh em tài xế, những người mà công việc của họ xem ra khá nặng nề, với nhiều áp lực mà họ phải đối diện hằng ngày, nhưng lại người dễ bị lãng quên nhất. Điều này được Cha Đa Minh Ngô Công Sứ, Trưởng ban Tổ chức khi thay mặt anh chị em tài xế để thưa chào Đức Cha Giáo phận “Chúng con biết, một trong những quan tâm của Đức Cha là dành cho mọi người, mà trong đó, có một thành phần tưởng chừng như bị quên lãng: đó là những anh em tài xế.”
Xem Hình
Ngày Hội Ngộ dành cho Tài Xế vào Mùa Vọng năm nay đón tiếp được hơn 300 anh chị em đến từ khắp nơi trong Giáo phận. Trong hoàn cảnh chung kinh tế của thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, mà Việt Nam cũng không thể loại trừ, nên việc quy tụ được hơn 300 anh chị em tài xế trong ngày gặp mặt này quả là hồng ân Thiên Chúa và niềm vui cho Đức Cha Giáo phận cũng như quý Cha và mọi người phục vụ. Dù chỉ hơn 300 anh chị em tài xế hiện diện, nhưng đó là hy vọng, là vết dầu loang để tình yêu Thiên Chúa, qua Đức Cha Giáo Phận đến với các anh chị em tài xế sẽ được lan rộng như Cha Trưởng Ban Tổ chức thưa với Đức Cha “Chúng con tin rằng, khi Đức Cha vẫy một anh tài xế, là Đức Cha vẫy được nhiều chuyến xe. Và mỗi chuyến xe mà anh em tài xế làm việc có khi chở hàng chục người, hay cả một xe hàng, tất cả đều chất chứa tình yêu thương của Chúa khi anh em kín múc được từ nơi Hội Thánh một món quà tình yêu và sự sống này.”
Chương trình bắt đầu bằng phần đón tiếp, sinh hoạt- hát ca tạo bầu khí yêu thương, chia sẻ và lắng nghe nhau của những anh em tài xế. Trong những giây phút cùng chia sẻ với đồng nghiệp, Anh Micae Nguyễn Thanh Bình, Giáo xứ Thái Lạc, đã có thâm niên lái xe hàng chục năm kể lại những kinh nghiệm quý giá cho bản thân và rút ra những bài học cho người tài xế: đừng nóng tính, đừng tranh giành đường đi, đừng phớt lờ những tiếng nói lương tâm của chính mình.
Sau phần chia sẻ của các tài xế, các anh em đã đón chào Đức Cha Giáo phận bằng những tâm tình rất chân thành, thể hiện sự gần gũi. Thay lời anh em tài xế, Cha Trưởng ban đã thưa gửi đến Đức Cha Giáo Phận những suy nghĩ, những niềm vui của anh em tài xế khi được Đức Cha mời về căn nhà Giáo Phận để gặp gỡ và nghe Đức Cha huấn từ.
Mở lời với anh em tài xế, ngay những câu đầu tiên, Đức Cha đã thổ lộ ao ước với những anh chị tài xế “Tôi mong được đến thăm nhà, thăm gia đình của các anh chị.” Đức Cha tiếp “Là vì những người tài xế thường xuyên vắng mặt tại gia đình của mình. Chỉ nguyên việc vắng mặt của các anh chị em tại gia đình đã là một hy sinh, có thể nói là một đau khổ, mà vì do nghề nghiệp bó buộc.” Sự vắng mặt của người tài xế trong gia đình của họ, như Đức Cha chia sẻ, không chỉ có người tài xế cảm thấy đau khổ, nhưng còn là chính những người trong gia đình –cha mẹ, vợ con…- bị thiệt thòi vì sự vắng mặt của họ. Bên cạnh đó, Đức Cha thấu hiểu những khó khăn từ công việc của người tài xế mà từ thực tế, Ngài đã bao phen quan sát “Các anh em tài xế luôn gặp những khó khăn, phải xử lý nhanh những tình huống bất ngờ, những nguy hiểm trên đường đi. Với từng pha tình huống căng thẳng như vậy, họ sẽ bị tổn thọ 5 phút. Với những bất lợi như thế này mà người tài xế phải chịu đựng cả năm, hết năm này sang năm khác.” Không chỉ là những khó khăn ngoại tại do người khác gây nên, nhưng như Đức Cha nói, người tài xế còn phải chịu áp lực buộc giao hàng đúng giờ, chạy đủ tuyến.
Từ những gì gợi ra, Đức Cha nói lên mục đích của ngày Hội ngộ “Hôm nay, tôi muốn gặp các anh chị để nói lên sự cảm thông của tôi, thay mặt cho Giáo phận, thay mặt cho các khách hàng, các chủ xe…để nói lên lời cảm thông, mà đôi khi, dù người ta biết những khó khăn của các anh chị, nhưng do nhịp sống đã lôi cuốn họ áp lực lên các anh chị, khiến anh chị không chỉ phải cố gắng về thể lý, nhưng cố gắng tâm lý, phải tạo thần kinh thép để chịu đựng được những khó khăn đó….” Thêm nữa, đây là dịp để “tách anh em ra khỏi những bận rộn, giúp anh em thoát ra khỏi những lao nhọc hằng ngày để có được sự tĩnh lặng, yên tĩnh, để tâm hồn anh em được lắng xuống,” mà Đức Cha truyền đạt đến quý Cha trong ban tổ chức tạo cơ hội.
Không chỉ là bày tỏ sự cảm thông, thấu hiểu và đồng cảm với bao khó khăn của anh em tài xế nhưng Đức Cha còn nhắn gửi đến họ những sứ điệp thiêng liêng, mong họ ghi nhớ và thực hành.
“Đang phục vụ chính Chúa” (x. Mathêu 25, 34-40) là tinh thần thiêng liêng đầu tiên Đức Cha nhắn gửi đến các tài xế. “Xin hãy ý thức rằng, mỗi lần các anh chị chở khách hay chở hàng từ nơi này đến chỗ kia, là các anh chị làm cho chính Chúa, đang phục vụ chính Chúa. Các anh chị chở khách đi bình an, chở hàng đến đúng giờ không gây tai nạn cho ai…là các anh chị đang làm cho chính Chúa.”
“Hãy dành thời gian ở với gia đình và cho Chúa” là sứ điệp thứ hai Đức Cha nói với họ khi ngài đặt vào trong bối cảnh của Mùa Giáng Sinh, mùa của niềm vui và an bình. Cho dẫu công việc thật bận rộn, nhưng Đức Cha Giáo phận khuyên anh em tài xế hãy cố gắng dành thời gian để ở với gia đình của họ, cả về sự hiện diện mang tính vật lý lẫn tinh thần. Dành thời gian cho Chúa được Đức Cha nhấn mạnh bởi đây là thực hành thiêng liêng khởi đi mọi sự bình an và niềm vui “Xin hãy cố gắng giữ ngày Chúa Nhật, đi tham dự Thánh Lễ. Nhờ vậy, lòng của các anh chị an bình hơn, tin tưởng vào Chúa hơn. Nếu giữ được thực hành đạo đức, anh chị sẽ có thêm sức mạnh thực hiện được công việc khó khăn này.”
Không chỉ nhắn gửi những mong ước đến những tài xế, nhưng qua phương tiện truyền thông, Đức Cha Giáo Phận còn gửi những đề nghị của ngài đến hai đối tượng khác, có liên hệ với người tài xế: chủ xe, chủ công ty của người tài xế và người di chuyển trên đường bằng phương tiện xe hai bánh.
Với các người chủ xe, hay chủ công ty, Đức Cha nói “ Xin quý vị hãy cố cố gắng sắp xếp thời gian cho tài xế của quý vị- đặc biệt tài xế Công Giáo- có thời gian ở với gia đình, có thời gian đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật.” Nhờ vậy, như Đức Cha nói “họ sẽ phục vụ, chạy xe tốt hơ khi có sự an bình trong tâm hồn và với Chúa.”
Riêng với những người giao thông trên đường bằng xe hai bánh, Đức Cha mong họ hãy cẩn thận hơn và tuân thủ đúng luật khi giao thông, bởi đã có rất nhiều trường hợp do bất cẩn của người dùng phương tiện này đã khiến cho những tài xế xe tải, xe khách…gây nên những tai nạn đáng tiếc mà chính ra không phải lỗi của họ.
Sau những giây phút gặp gỡ và chia sẻ của Đức Cha Giáo Phận và ít phút giải lao, Đức Cha đã mời mọi anh em tài xế cùng dùng bữa trưa thân tình với Ngài, với ban tổ chức trước khi kết thúc ngày hội ngộ.
Để sự quan tâm của Đức Cha Giáo Phận được cụ thể hóa, để chương trình có thể thực hiện tốt đẹp, là nhờ đến sự vất vả của Cha Quản hạt Xuân Lộc trong vai trò Trưởng ban Tổ chức, Cha Gb Đỗ Ngọc Bảo, Chánh Xứ Bảo Thị kiêm nhiệm Phó ban Tổ chức, Cha Đa Minh Quách Duy Hợp, Quản lý Tòa Giám Mục, và quý Cha, quý Thầy, quý Dì Tòa Giám Mục và quý cộng tác viên đã phục vụ cho ngày hội ngộ này. Cùng đồng phục vụ ngày hội ngộ có nhạc sĩ Võ Văn Thức, người đã sáng tác bài hát, thâu thành CD và video để tặng các anh em tài xế “Có Chúa là bạn.”
Đây là lần thứ hai (2019 và 2020) Giáo phận Xuân Lộc tổ chức “Ngày Hội ngộ Tài xế” cho những giáo dân trong Giáo phận đang làm nghề tài xế. Nếu năm ngoái, các tài xế đều nhận một món quà đặc biệt là ảnh treo Lòng Chúa Thương Xót trên xe của mình, thì năm nay, ngoài những món quà khác, ban tổ chức gửi tặng cho các tài xế logo được thiết kế riêng biệt để họ dán lên kính xe, như dấu chỉ nhận ra “tài xế Giáo Phận Xuân Lộc”, và cũng là để nhắc nhở họ như dòng chữ quanh logo đã hiển thị.
Ý nghĩa của logo:
Dòng chữ chạy quanh vòng tròn: LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT LUÔN ĐỒNG HÀNH TRÊN MỌI NẺO ĐƯỜNG.
Thánh giá ở giữa, và hai chùm tia sáng đỏ và xanh phát xuất từ đỉnh điểm tỏa xuống phía dưới: lòng thương xót của Chúa luôn tràn trào đổ xuống trên con người.
Bàn tay chìa ra, được thiết kế cách điệu: là chính mỗi người khi đón nhận lòng thương xót của Chúa, cũng mở ra để lan tỏa và trao ban cho người khác.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
Xem Hình
Chương trình được bắt đầu thật hứng thú với những gian hàng trò chơi, để tạo bầu khí vui tươi cho các em. Những gian hàng được thiết kế với các trò chơi đơn giản, và phần thưởng luôn thuộc về các em, ứng với số phiếu trên tay, bất kể được hay thua. Thế nên, những gian hàng trò chơi này đã “cháy phần quà”, sạch trơn sau 30 phút khởi động. Vì đa dạng nhiều thành phần với những em khuyết tật do bị khiếm thính, hay khiếm thị, mắc hội chứng down, chậm phát triển trí tuệ, hay là những trẻ mồ côi, nên khi đi tham gia trò chơi, cho đến phần lãnh phần thưởng, nhận bánh, uống nước, các em luôn có sự hướng dẫn, theo dõi, giúp đỡ của các thầy, các dì, những người coi sóc các em có hoàn cảnh đặc biệt này. Và thật vui, khi mái ấm nào cũng có nhiều “chiến lợi phẩm thu về từng núi”, vừa dùng tại chỗ, vừa thu lại để đưa về mái ấm cho các em dùng sau. Quả là ngày hội Giáng Sinh dành cho những trẻ nhở đáng yêu, đơn sơ, của Chúa, dù trong đó, có cả những “trẻ” không còn nhỏ về tuổi tác nhưng do bệnh tật về trí não nên tâm tính, cách hành xử giống như trẻ còn nhỏ dại.
Sau phần vui chơi hội chợ, các em ngồi thật ngoan trong nhà thờ để chờ đón Đức Cha Giáo Phận đến. Cuộc đón chào tặng hoa của các em khá dễ thương, vì viết bao cành hoa của các em tặng, là không chỉ bấy nhiêu trái tim, nhưng còn là cả ngàn con tim yêu thương thật trẻ thơ dành tặng Đức Cha, khi các em tặng hoa nhưng xem ra cứ dúi, cứ đưa vào tay Ngài một cách rất chân tình. Dành thời gian để nói chuyện với các em- với sự trợ giúp phiên dịch cho các em khiếm thích- Đức Cha biểu lộ niềm vui “Cha vui vì được gặp các con, được mừng Lễ Giáng Sinh năm 2020 với các con.” Không chỉ là biểu lộ niềm vui, nhưng bằng những câu hỏi rất đơn giản như “Các con có biết Thiên Chúa/ Đức Cha/ quý cha, quý thầy/quý dì/ mọi người yêu thương các con không?” nhằm gieo nơi các em niềm vui và hạnh phúc trong tâm trí các em, dù đang trong những hoàn cảnh đặc biệt. Để rồi, Đức Cha dạy cho thiếu nhi biết tạ ơn Chúa vì được biết bao người yêu thương, chăm sóc như Đức Cha đã nói với các em trong phần mở đầu Thánh Lễ.
Cũng trong giây phút gặp gỡ này, Đức Cha Giáo Phận cũng nói lời cám ơn đến Cha Đặc trách, Cha Phó Đặc trách cùng mọi cộng tác viên trong Ban BAXH- Caritas Xuân Lộc, quý cha, quý thầy, quý dì, những người cùng cộng tác chăm sóc, giảng dạy cho các em tại các mái ấm, những tấm lòng quảng đại của các ân nhân đã thay Giáo phận để chăm sóc, yêu thương các em có hoàn cảnh đặc biệt tại các mái ấm.
Chương trình được tiếp nối với Hoạt cảnh Giáng Sinh do các em thuộc hai cơ sở trường Khiếm Thính Hoa Lan và Hoa Hồng trình diễn. Trong hoạt cảnh này, các em khiếm thính đã diễn thật xuất sắc, và tâm tình, cùng với những cử điệu khớp với bài hát khiến phần diễn nguyện cho hoạt cảnh cứ thế trôi chảy, tạo ấn tượng.
Ngày Hội Mừng Chúa Giáng Sinh của các em được tiếp tục với Thánh Lễ được Đức Cha Giáo phận cử hành cùng với quý Cha. Trong Thánh Lễ mừng Giáng Sinh sớm này, như nơi bài giảng dành cho các em, Đức Cha Giáo phận đi từ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua việc Con Thiên Chúa sinh xuống làm người. Chính tình yêu tuyệt vời đó nơi Thiên Chúa đã làm rung lên bao nhịp đập yêu thương nơi con người, được cụ thể qua những người đang chăm lo, dạy dỗ và nuôi nấng các em. Nhưng Đức Cha không chỉ dừng lại việc giúp các em nhận ra “được yêu thương”, mà còn khơi gợi và muốn các em hãy đem niềm vui được yêu thương trao lại cho người khác, bằng việc hy sinh, biết chia sẻ với bạn bè dù chỉ là một chút quà nhỏ như cái bánh mà các em có, để niềm vui Giáng Sinh được tỏa lan.
Sau Thánh Lễ, các em được Cha Đặc Trách Ban BAXH- Caritas thiết đãi bữa ăn trưa ngon và chương trình văn nghệ Giáng Sinh, mà các em vừa là diễn viên và cũng là khán giả.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
Thú thật đây là chuyến đi có nhiều “sóng gió” trong lòng chúng tôi. Lúc đầu, chúng tôi muốn đến một giáo họ nghèo cách thành phố Buôn Mê Thuột hơn 80 km, nhưng cứ ngần ngại, vì không biết “con Covid” quái ác, lạnh lùng, ẩn nấp ở đâu đó trong sân bay (mà không làm “show Noel” thì thật là buồn) nên chúng tôi đành ngậm ngùi thuê xe 16 chỗ mà đến giáo họ Bombo của giáo xứ Đăk Nhau ở huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước. Nhóm chúng tôi từng đến giáo xứ này, nhưng chưa chia sẻ ở địa điểm giáo họ có cái tên nổi tiếng trong bài hát “Tiếng chày trên sóc Bombo”.
Xem Hình
Cách đây khoảng gần 20 năm, nói đến huyện Bù Đăng, Bù Đốp ai cũng thấy hình ảnh của sự đói khổ bao quanh vùng rừng núi đất đỏ khá khô cằn, nhưng nay tương đối đỡ hơn. Và khi chuẩn bị 300 phần quà cho trẻ em, 20 phần hỗ trợ học tập cho học sinh hiếu học để vui Noel thì thêm 40 phần quà cho gia đình nghèo vẫn không phải là thừa vì một số người dân tộc ở đây vẫn còn “nét chung” là nhà gỗ, nền đất, thiếu vật dụng sinh hoạt.
Sau thánh lễ, chúng tôi được ăn cháo gà với cha khách và nhắp rượu “tự nấu” với quí ông trùm. Trao đổi với một ông trùm sống ở đây mấy chục năm, chúng tôi biết được nhiều điều. Thí dụ như lúc trước đường xá trong khu vực chỉ là đường mòn thì nay có đường bê-tông đi lại dễ dàng. Người dân tộc cứ bán dần đất rẫy cho người Kinh rồi càng lúc càng lùi sâu vào trong rừng ở. Vùng này trồng tiêu, điều, cà phê, làm nương rẫy; cũng có người bán đất trồng điều rồi san phẳng chia lô làm thành khu dân cư. Quần áo, đồ đạc trong nhà mau cũ vì bụi đất đỏ… Cha dòng Xito trẻ trung, cách nói chuyện vui tươi cởi mở, làm cho bữa tối thêm đậm đà. Cha mời chúng tôi đến thăm cộng đoàn. Cộng đoàn nhà dòng Xito ở cách đó mười km nên quí cha thường đến phụ giúp mục vụ tại giáo họ này.
Nhận phòng xong, chúng tôi cùng các giáo lý viên chia quà ngay. Mọi việc thuận lợi đến bất ngờ; phải chăng Đức Maria đang đồng hành cùng chúng tôi? Sở dĩ chúng tôi trộm nghĩ như thế vì trước các chuyến đi, chúng tôi cầu nguyện thiết tha (nếu xin các Thánh số quà là A thì có A, nhưng xin Đức Mẹ thì bao giờ cũng được A +) thế mới tuyệt vời!
Nghỉ đêm trong khuôn viên giáo họ nên khi có chuông lễ sáng dành riêng cho đồng bào dân tộc, chúng tôi nghe rõ mồn một, có ươn lười cũng chẳng được! Sau thánh lễ sáng, chúng tôi gặp gỡ một vài giáo dân, tặng tiền quà sáng. Nhìn chiếc xe gắn máy của giáo dân cũ xì bám đầy đất đỏ, chúng e ngại trong lòng khi nghĩ đến những con đường ở sâu trong bản thôn vào mùa mưa ở vùng này. Trong bữa điểm tâm buổi sáng, thầy phó tế trẻ cho chúng tôi biết số thiếu nhi dự lễ trong nhà thờ một nửa là người dân tộc, một nửa là người Kinh. Thảo nào, trong thánh lễ thiếu nhi số ghế gỗ đơn sơ trong nhà thờ kín hết chỗ.
Ông già Noel xuất hiện với ánh mắt lạ lẫm của trẻ em. Tiếng reo hò của các cháu thiếu nhi học giáo lý làm chúng tôi xúc động. Chúng tôi chào các em cách nhẹ nhàng còn các anh chị giáo lý viên thì hớn hở phát bong bóng, bưng bê quà ra. Quà của thiếu nhi đợt này là bánh kẹo ngon mà chúng tôi đã chọn lựa trong hai siêu thị. Trước khi chia quà cho các em chúng tôi mời tất cả các giáo lý viên lên cung thánh để tặng áo lạnh và kẹo chocolat. Đơn sơ thôi, thế mà tấm hình như ghi lại được trọn vẹn phút giây đậm đà giữa chúng tôi và các bạn trẻ. Còn các cháu thì vui quá, làm cho tiếng ồn trong ngôi thánh đường nhỏ bé ấy rộ lên êm dịu dĩ nhiên là khác với tiếng ồn chát chúa của một nhà máy! Thật là “hên” khi chúng tôi có được hộp bơm bong bong bằng điện, toàn cảnh trong lòng nhà thờ thật đẹp mắt. Những video clip chúng tôi quay thật rõ nét ghi lại khoảnh khắc phát quà thật đáng yêu. Sau này khi bảy, tám mươi tuổi xem lại những clip này, chắc là chúng tôi bồi hồi biết bao!
Hai mươi phần hỗ trợ học tập cũng được trao ngay sau đó. (Có một hai em, vì quên phiếu, không dám lên nhận, đến lúc thăm mấy gia đình nghèo, chúng tôi mới trao tiếp, xém nữa thì “oan ức”, còn chúng tôi thì không thích đem về!). Ông trưởng ban hành giáo mời chúng tôi lên cung thánh để cảm ơn. Thú thật, chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng, về nhà xem lại video mới biết ông phát biểu sâu sắc. Giáo họ còn tặng chúng tôi bốn phần quà là hạt điều, đặc sản vùng miền của tỉnh Bình Phước.
Rồi các lớp thiếu nhi ra sân chụp hình cùng Ông bà già Noel, lấy phong cảnh chung quanh giáo họ. Nhìn hình ảnh, ai cũng có thể mường tượng được toàn cảnh giáo họ đẹp tự nhiên thế nào! Chụp hình xong các em thong thả ra về vì hôm nay được nghỉ học giáo lý. Còn chúng tôi lại tất bật tặng quà gia đình nghèo. Quà gồm mười kg gạo, nhu yếu phẩm và phong bì nhỏ tiền. Người đại diện gia đình đến nhận được ngồi trên mấy hàng ghế sau lưng hang đá, nề nếp trật tự. Đúng là nét đẹp ở các họ đạo Công Giáo! Vợ con của người đóng vai Ông già Noel cũng đến xin chụp hình chung. Trong ký ức người đàn ông dân tộc ấy chắc là khó quên ngày hôm nay, dù nghèo khổ nhưng trong vai ông già Noel, anh được “giàu có” khi trao tặng quà cho nhiều người.
Trên đường về, chúng tôi ghé thăm một điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung Sóc Bù Glây. Nét tươi trẻ của bà mẹ mới 18 tuổi trong căn nhà nền đất. Đáng thương nhất là ba bố con anh kia, mặt anh buồn thăm thẳm vì vợ vừa được chôn cách đó ba ngày, còn đứa bé gái mới một tuổi đang bế trên tay. Đôi mắt của cháu bé trai bốn tuổi chắc là chưa hiểu được nỗi đau từ đây không có mẹ …
Chúng tôi ghé vào nhà thờ chính đã xây tươm tất từ năm năm trước. Gió thổi rít mạnh quá, lạnh cả người, phải giữ chặt áo gió. Cho đến khi bữa cơm trưa trong một quán ăn bên đường mới làm chúng tôi ấm lại. Về đến Sài Gòn mới 16g30, chúng tôi thấy mấy hạt bụi đỏ của đất vùng tây nguyên còn vương trên áo và niềm vui Noel như quyện cuốn trong gió, vẫn còn nhẹ nhàng vây quanh chúng tôi.
Ngôi sao giáng sinh hay còn được gọi là ngôi sao Bethlehem là ngôi sao gì vậy? Tại sao ngôi sao đó lại đi đôi gắn liền với biến cố Chúa Giêsu sinh ra trên trần gian?
Theo kinh thánh thuật lại, sau khi Chúa Giêsu sinh ra ở Bethlehem, các nhà Đạo sĩ từ bên phương đông tìm đến nơi Chúa sinh ra bái kiến thờ lạy. Vì họ cho rằng hài nhi mới sinh là vị Vua. ( Phúc âm Thánh Mattheo 2, 1-2). Và họ còn qủa quyết đã thấy ngôi sao của vị vua xuất hiện ở phương Đông. Thế là theo ngôi sao chỉ đường cuộc hành trình của họ vượt đường xa trở thành cuộc hành hương tìm đến hài nhi Giêsu, vị Vua mới sinh ra trên trần gian ở cánh đồng Bethlehem..
Ngay từ thế kỷ 2. sau Chúa giáng sinh, bên Đông phương lịch sử các nhà đạo sĩ thiên văn này hay còn gọi là nhà chiêm tinh rất được yêu mến trọng vọng trong xã hội. Những vị này theo truyền tụng trong dân gian nguyên thủy họ là những Vị Tư Tế bên Ba Tư, và cũng là những học giả ngành thiên văn nghiên cứu về ý nghĩa dấu chỉ các ngôi sao trên trời. Họ được cho là những người có khả năng hiểu biết những sự vượt qúa khỏi lãnh vực tự nhiên, khi nhìn sao trời nhận ra tín hiệu sứ điệp gửi phát ra từ đó.
Trong thế giới cổ xưa vì sao Saturn được hiểu là ngôi sao của dân Israel, cũng gọi là sao Sabbat. Trong khi ngôi sao Jupiter là ngôi sao của vị Vua. Theo khảo cứu của khoa học ngành thiên văn, trong năm 7. trước Chúa giáng sinh hai vì sao này cùng xuất hiện gần cạnh nhau sáng tỏ trên nền trời. Phái đạo đức Qumran trước thời Chúa Giêsu sinh ra cũng đã so sánh ví sự xuất hiện của ngôi sao với sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế.: Ngôi sao của ngài chiếu tỏa trên nền trời như một vị vua.
Phúc âm chỉ viết thuật lại không có chi tiết gì về thời điểm, nơi chốn ngôi sao lịch sử Bethlehem. Vì thế xưa nay hằng có những giả thuyết hay những khảo cứu tìm hiểu về Ngôi sao Bethlehem theo phương diện lịch sử cùng thiên văn học.
Các nhà khoa học đã đưa ra suy diễn vào năm 7. sang năm 6. trước Chúa giáng sinh xuất hiện sự gặp gỡ của hai vì sao Saturn và Jupiter. Và thời điểm này có thể là năm Chúa Giêsu giáng sinh.
Ở Roma người ta cho rằng biến cố hai ngôi sao Saturn và Jupiter xuất hiện trùng hợp vào thời điểm đó là hình ảnh dấu chỉ về vị vua mang lại hòa bình trong toàn đế quốc Roma: Hoàng đế Augustus.
Chúa Giêsu giáng sinh lúc đế quốc Roma đang thống trị toàn vùng Trung Đông thời hoàng đế Augustus cai trị ở Roma.( Luca, 2,1-20)
Bên vùng Babylon biến cố hiếm lạ hai ngôi sao Saturn và Jupiter cùng xuất hiện được hiểu là dấu chỉ sự đến của Đấng Cứu Thế mang lại niềm hy vọng. Đó là lời đoan hứa cho Bileams đã được thành hiện thực, và các nhà Chiêm Tinh từ Phương Đông đến:
„ Một vì sao xuất hiện từ nhà Gia-cóp,
một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en“ ( Sách dân số, 24,17)
Các Thánh giáo phụ cũng nhìn nhận Chúa Giêsu là ngôi sao ban mai buổi sáng, ngôi sao hôm ban chiều tối. Thánh Phero trong thư viết cho giáo dân cũng xác nhận hiểu Chúa Giêsu Kitô là vì sao mai xuất hiện soi chiếu ánh sáng trong trái tim tâm hồn ta, khi ngày của Chúa đến. ( 2 Phero 1,19). Ngôi sao Bethlehem xuất hiện dẫn đường cho các nhà Chiêm Tinh đi tìm Chúa Giêsu, trước hết dẫn họ đến Gierusalem nơi cung vua Herode ở. Từ nơi đây họ cần sự chỉ dẫn cụ thể của Kinh Thánh Do Thái, lời Chúa qua các Ngôn sứ thời Cựu ước đã loan báo trước về nơi vua mới, Đấng Cứu Thế sinh ra, là hậu duệ đích thật của dòng dõi Vua David. Theo sự chỉ dẫn cụ thể đó Ngôi sao lại xuất hiện dẫn đường cho họ đi tới Bethlehem, nơi hài nhi, vị Vua mới sinh ra.
Và năm nay vào ngày 21.12.2020, ngày Đông Chí, ngày ngắn nhất trong năm, „ngôi sao Chúa giáng sinh" như các nhà khoa học ngành thiên văn tính toán cho biết, lại xuất hiện trên nền trời vào lúc chiều tối.
Hai ngôi sao ( hành tinh) Jupiter và Saturn không chỉ xuất hiện gần sát nhau cách đây hơn hai ngàn năm lúc Chúa Giêsu sinh ra ở Bethlehem. Nhưng sử sách còn ghi lại vào năm 1226 và năm 1623 chúng cũng đã di chuyển gần nhau xuất hiện trên nền trời.
Và theo tính toán tiên đoán của các nhà khoa học ngành thiên văn, mãi đến năm 2080 hai hành tinh Jupiter và Sturn mới trở lại xuất hiện gần nhau. Và bốn trăm năm sau đó nữa năm 2400 chúng mới lại xuất hiện nữa.
Nói rằng hai ngôi sao xuất hiện gần sát nhau, nhưng thật ra chúng di chuyển còn cách xa nhau hằng trăm triệu cây số.
Hiện tượng hai ngôi sao Jupiter và Sturn xuất hiện cùng lúc gần nhau rất hiếm có trong lịch sử nhân loại. Vì mỗi lần xảy ra như thế cách nhau hàng hơn bốn trăm năm.
Năm nay vào ngày 21.12.2020 trước lễ mừng Chúa giáng sinh, tro;ng lúc nhân loai đang trải qua cơn bệnh đại dịch Covid 19 đe dọa sức khoẻ đời sống con người, „ ngôi sao Chúa giáng sinh“ lại xuất hiện chiếu sáng trên nền trời, theo tính toán tiên đoán của các nhà khoa học.
Ngôi sao „ Chúa giáng sinh" ngày xưa đã chiếu ánh sáng dẫn lối cho các nhà Đạo Sĩ ( Ba Vua) tìm đường đến hành hương thờ lạy hài nhi Giesu. Và qua đó họ có được niềm vui mừng thần thánh cho cuộc đời của họ.
Nhân loại chúng ta ngày hôm nay cũng đang rất trông mong chờ đợi theo dõi nhìn hướng con mắt tâm hồn niềm tin lên „ ngôi sao Chúa giáng sinh“ để xin nhận được ánh sáng sự an ủi chữa lành trong cơn lo âu khủng hoảng, vì sức khoẻ đời sống bị đe dọa gây nên yếu liệt cùng tử vong.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Chút cảm nhận về câu chuyện “Truyền Tin – Nhập Thể”
Rằng:
Từ sau “chuyến lưu đày năm ấy”,
Tấm khăn rồi dệt mãi chưa xong !
Đợi chàng qua bao mùa sóng dậy,
Đàn trên cây niệm khúc hoang tàn !
Rồi !
Một sáng Ba-by-lon thức dậy,
Chợt nghe đồng vọng khúc tiên tri:
“Thiếu nữ Sion rày hoan hỉ,
Nào tươi thắm lại tuổi xuân thì…” (Xp 3,14).
Nhưng !
Mấy đoạn “hồi hương” rồi cũng dứt,
Mấy cuộc “lên đường” cũng pha phôi …
“Trời cao” vẫn bao mùa khô khốc,
“Sương mai” biền biệt vẫn chưa rơi ! (Is 45,8)
Đây !
Gối mỏi, lưng khom, đầu tóc bạc,
Già Si-mê-on giờ đã héo hon,
Giacaria, Isave nửa đời son sẻ…
Bao giờ trăng khuyết lại trăng tròn !
Bỗng !
Một sáng hôm nào nơi thôn vắng,
Bước ai qua như bước sứ thần?
Ngợp áng mây hồng Nadarét,
Nhà Maria gió quyện thiên ân !
Nào:
Tiếng vọng lời chào “…Đầy ơn phúc…,
Rợp bóng Thần Linh chuyện cưu mang…”.
Khiêm hạ, rụt rè câu đáp trả:
Nghìn năm đọng lại tiếng “Xin Vâng” ! (Lc 1,26-38)
Ôi !
“Cổ tích” của ngàn muôn thế kỷ,
Chuyện mùa Cứu Độ, Đấng Thiên Sai…
Một thoáng “Truyền Tin”, nàng thôn nữ,
Ngôi Lời mà ngỡ “Giọt sương mai” !
Giờ !
Chỉ biết lặng thinh mà cảm tạ,
Đây rồi Đấng Em-ma-nu-en.
Theo bước Mẹ ngâm bài Magnificat,
Về Bê-lem nghe vọng khúc Sê-ra-phim !
Sơn Ca Linh (21.12.2020)
Quê hương con những ngày rét đậm
Trắng Sapa sương muối chập chùng
Đỉnh Phanxipăng tuyết phủ trắng ngang trời
Đón Giáng Sinh mùa nữa lại quay về.
Ngày giáng thế năm xưa Chúa đến
Cũng mùa đông sương tuyết lạnh lùng
Trong máng cỏ, rơm hèn thân phận
Kiếp làm người Chúa mặc cứu sinh linh
Theo kế hoạch từ ngàn xưa Chúa định
Thuở hồng hoang khi trái cấm an bài
Tình yêu Chúa cho con người sa ngã
Chính Người Con rất yêu dấu của Ngài
Emmanuel tiếng vọng từ ngàn xưa vang mãi
Mỗi Giáng sinh về: Thiên Chúa ở cùng ta.
Bên hang đá con say sưa chiêm ngắm
Chúa Hài Nhi đang hé môi cười
Để loan báo mùa hồng ân cứu độ
Chúa làm người và ở giữa chúng nhân.
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Trời cao ơi xin mưa Đấng Cứu Tinh,
Giải thoát trần gian, giờ dịch bệnh xích xiềng!
(NTT)
Chúa nhật 20 tháng 12 là Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng, cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng trước khi chúng ta mừng Lễ Giáng Sinh.
Bài Tin Mừng theo Thánh Luca cho chúng ta biết như sau về việc Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ:
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Vào Chúa Nhật thứ tư và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện Truyền Tin. “Hãy vui mừng”, sứ thần nói với Đức Maria: “Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1:28-31). Đó dường như thuần tuý là một lời loan báo về một niềm vui, được định sẵn để làm cho Đức Trinh Nữ hạnh phúc: vì ai trong số những người phụ nữ thời đó lại không mơ trở thành mẹ của Đấng Thiên Sai? Nhưng, cùng với niềm vui, những lời đó báo trước một thử thách rất lớn đối với Đức Maria. Bởi vì sao? Bởi vì lúc đó Đức Maria đã “hứa hôn” (câu 27). Trong tình huống này, Luật Môisê quy định rằng không được có bất cứ quan hệ luyến ái hay chung sống. Vì thế, nếu sinh con, Đức Maria đã phạm lề luật, và những hình phạt dành cho phụ nữ phạm vào tội đó thật khủng khiếp: việc ném đá đã có thể hình dung ra trước (x. Đnl 22: 20-21). Chắc chắn sứ điệp thiêng liêng sẽ tràn ngập ánh sáng và sức mạnh trong trái tim của Đức Maria; tuy nhiên, Mẹ cũng phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: nói “Vâng” với Chúa, tức là mạo hiểm mọi thứ, kể cả mạng sống mình, hoặc từ chối lời mời này và tiếp tục con đường bình thường của mình.
Mẹ đã làm gì? Thưa: Mẹ trả lời như thế này: “tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 1: 38). Nhưng trong ngôn ngữ mà Tin Mừng được viết ra, là tiếng Hy Lạp, nó không chỉ đơn giản là “xin vâng như thế”. Biểu hiện bằng lời nói của Đức Mẹ cho thấy một mong muốn mạnh mẽ, biểu thị ý chí mong muốn một điều gì đó sẽ xảy ra. Nói cách khác, Đức Maria không nói: “Nếu phải xảy ra như thế, thì đành để nó xảy ra…, nếu không thể làm khác hơn được…”. Tiếng xin vâng của Đức Mẹ không phải là một sự cam chịu. Nó không thể hiện một sự chấp nhận yếu ớt và phục tùng, nó thể hiện một khát vọng mạnh mẽ, một khát vọng sống động. Nó không bị động, nó đang chủ động. Mẹ không miễn cưỡng chịu khổ vì Chúa, Mẹ tuân theo lời Người. Mẹ là một người yêu mến Chúa, sẵn sàng phục vụ Chúa của mình trong mọi việc và ngay lập tức. Mẹ có thể xin một thời gian để suy nghĩ về điều đó, hoặc xin được giải thích thêm về những gì sắp xảy ra; và có thể đặt một số điều kiện... Nhưng thay vào đó, Mẹ không làm mất thời gian, Mẹ không khiến Chúa phải chờ đợi, Mẹ không trì hoãn.
Giờ đây, chúng ta hãy nghĩ về chính mình. Đã bao nhiêu lần, biết bao nhiêu lần, cuộc sống của chúng ta được tạo thành từ những sự trì hoãn, ngay cả trong cuộc sống tinh thần! Ví dụ: Tôi biết cầu nguyện là tốt cho tôi, nhưng hôm nay tôi không có thời gian… “ ngày mai nhé, ngày mai vậy, ngày mai, ngày mai…”. Hãy trì hoãn mọi việc: tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Tôi biết việc giúp đỡ ai đó là quan trọng - vâng, tôi nên giúp đỡ họ. Mai nhé. Tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Đó là một chuỗi liên tục những ngày mai… những trì hoãn trong mọi thứ. Hôm nay, trước thềm Lễ Giáng Sinh, Đức Maria mời gọi chúng ta đừng trì hoãn, nhưng hãy nói “xin vâng”: “Tôi có nên cầu nguyện không?” “Vâng, nên lắm”. “Tôi có nên giúp đỡ người khác không? Vâng, nên lắm”. Làm thế nào để thực hiện những điều đó? Tôi làm ngay không chút trì hoãn. Mỗi tiếng “vâng” như thế có giá phải trả của nó. Mỗi tiếng “vâng” như thế có giá phải trả của nó, chắc chắn rồi, nhưng giá phải trả ấy luôn luôn ít hơn những gì tiếng “xin vâng” dũng cảm của Đức Mẹ “tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” phải trả. Đó là tiếng “xin vâng” mang lại cho chúng ta ơn cứu rỗi.
Và chúng ta có thể nói tiếng “xin vâng” nào? Trong thời điểm khó khăn này thay vì phàn nàn về những gì đại dịch cản trở chúng ta làm, chúng ta hãy làm điều gì đó cho những người có ít hơn chúng ta: không phải là một món quà cho chúng ta và cho bạn bè của chúng ta, mà cho một người nghèo khó mà không ai nghĩ đến! Và đây là một lời khuyên khác: để Chúa Giêsu sinh ra trong chúng ta, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn: chúng ta hãy tiến bước và cầu nguyện. Chúng ta đừng để cho mình bị chủ nghĩa tiêu dùng “khiêng đi”: “Tôi phải mua những món quà này, tôi phải làm điều này, điều nọ...” Chúng ta đừng điên cuồng làm nhiều thứ vì chỉ có một điều quan trọng là Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, chủ nghĩa tiêu dùng đã bắt cóc Giáng Sinh của chúng ta. Chủ nghĩa tiêu dùng không có trong máng cỏ Bêlem: nhưng ở đó chỉ có nghèo đói và tình yêu. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn như Mẹ Maria đã làm: xa lánh tội lỗi, và sẵn sàng đón Chúa.
“Tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Đó là câu cuối cùng của Đức Trinh Nữ vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng này, và đó là lời mời gọi thực hiện một bước cụ thể hướng tới Lễ Giáng Sinh. Bởi vì nếu sự ra đời của Chúa Giêsu không chạm đến cuộc sống của chúng ta - của tôi, của anh chị em, của tất cả mọi người - nếu Lễ Giáng Sinh không chạm đến cuộc sống, thì Lễ này sẽ trôi qua vô ích. Trong kinh Truyền Tin chúng ta đọc bây giờ, chúng ta cũng sẽ nói “xin lời Chúa được ứng nghiệm trong tôi”. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta nói điều đó bằng cuộc sống của mình. Bằng thái độ này trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng chúng ta có thể chuẩn bị tốt cho Lễ Giáng Sinh.
Sau khi đọc Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, đại dịch coronavirus đã gây ra sự đau khổ đặc biệt cho những người đi biển. Nhiều người trong số họ - ước tính khoảng 400,000 người trên toàn thế giới - đang bị mắc kẹt trên những con tàu vượt quá thời hạn hợp đồng mà không thể trở về nhà. Tôi cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Sao Biển, an ủi những người này và tất cả những người đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn, và tôi kêu gọi các chính phủ làm mọi thứ có thể để giúp họ trở về với những người thân yêu của mình.Năm nay, những nhà tổ chức có ý tưởng rất hay là thực hiện cuộc triển lãm “100 cảnh Chúa Giáng Sinh” dưới hàng cột của quảng trường Thánh Phêrô. Có nhiều máng cỏ dùng để dạy bảo đức tin cho dân Chúa. Tôi mời anh chị em đến thăm những máng cỏ dưới hàng cột, để hiểu cách mọi người cố gắng trình bày Chúa Giêsu được sinh ra như thế nào. Những máng cỏ dưới hàng cột là một bài giáo lý tuyệt vời về đức tin của chúng ta.
Tôi chào tất cả anh chị em, những tín hữu Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia, các gia đình, các giáo xứ, các hiệp hội và cá nhân. Ước gì Lễ Giáng Sinh, đang đến gần, là một dịp đổi mới nội tâm, cầu nguyện, hoán cải, tiến bước trong đức tin và tình huynh đệ giữa chúng ta. Chúng ta hãy nhìn xung quanh chúng ta, chúng ta hãy nhìn trước hết đến những người nghèo khổ: những người anh em đau khổ, dù đến từ đâu cũng là những người anh em của chúng ta. Đó là Chúa Giêsu trong máng cỏ: người chịu đau khổ là Chúa Giêsu. Hãy suy nghĩ một chút về điều này. Và có thể Giáng Sinh là một sự gần gũi với Chúa Giêsu trong anh chị em này. Nơi đó, nơi người anh em thiếu thốn đó, là cái nôi mà chúng ta phải đi đến với tình liên đới. Đây là cảnh Chúa Giáng Sinh đang sống: cảnh Chúa Giáng Sinh trong đó chúng ta sẽ thực sự gặp Chúa Cứu Thế trong những người trong cảnh quẫn bách. Với ý tưởng đó, chúng ta hãy hướng đến Đêm Thánh và chờ đợi sự hoàn thành mầu nhiệm Cứu độ.
Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Holy See Pres Office
Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã ra một Thông Tư vào hôm thứ Bảy 19 tháng 12, khuyến khích các giáo xứ Công Giáo trên khắp thế giới cử hành Chúa Nhật Lời Chúa với sức sống mới.
Thông Tư đã gợi ý những cách thức mà người Công Giáo nên chuẩn bị cho ngày dành cho Kinh Thánh.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa qua tông thư “Aperuit illis” (Người mở trí cho các ông) vào ngày 30 tháng 9 năm 2019, nhân kỷ niệm 1,600 năm ngày mất của Thánh Giêrônimô.
Chúa Nhật Lời Chúa diễn ra vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Quanh Năm, tức là sẽ rơi vào ngày 24 tháng Giêng năm 2021.
Nguyên bản tiếng Ý và các bản dịch sang một số ngôn ngữ khác có thể xem tại đây.
Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Do đó, Chúa nhật này là cơ hội lý tưởng để đọc lại một số tài liệu của Giáo Hội [3] và đặc biệt là Lời Dẫn Nhập [Praenotanda] của Sách Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ [Ordo Lectionum Missae], trong đó trình bày tổng hợp các nguyên tắc thần học, nghi lễ và mục vụ xung quanh Lời Chúa được công bố trong Thánh lễ nhưng cũng có giá trị trong mọi cử hành Phụng Vụ khác (Bí tích, Á Bí tích, Phụng Vụ Giờ kinh).
1. Qua các bài đọc Kinh Thánh được công bố trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Người và chính Chúa Kitô công bố Tin Mừng của Người; [4] Chúa Kitô là trung tâm và là sự viên mãn của toàn bộ Kinh Thánh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. [5] Lắng nghe Tin Mừng, đỉnh cao của Phụng Vụ Lời Chúa, [6] được đặc trưng bởi một sự tôn kính đặc biệt, [7] được thể hiện không chỉ bằng những cử chỉ và lời tung hô, mà bằng chính Sách Tin Mừng. [8] Một trong những khả năng về mặt nghi lễ thích hợp cho Chúa Nhật này có thể là cuộc rước Sách Tin Mừng vào đầu thánh lễ [9] hoặc đơn giản là đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ trước khi chủ tế tiến lên bàn thờ. [10]
2. Việc sắp xếp các bài đọc Kinh Thánh được Giáo Hội trình bày trong Sách Bài đọc mở ra con đường để hiểu toàn bộ Lời Chúa. [11] Do đó, cần phải tôn trọng các bài đọc được chỉ định, không thay thế hoặc loại bỏ chúng, và chỉ sử dụng các phiên bản Kinh Thánh được chấp thuận để sử dụng trong Phụng Vụ. [12] Việc công bố các bản văn của các Bài Đọc tạo nên một mối dây hiệp nhất giữa tất cả các tín hữu lắng nghe những Bài Đọc ấy. Sự hiểu biết về cấu trúc và mục đích của Phụng Vụ Lời Chúa giúp cộng đoàn đón nhận lời cứu rỗi của Thiên Chúa. [13]
3. Nên hát các Thánh Vịnh Đáp Ca, là lời đáp của Giáo Hội khi cầu nguyện, [14] vì thế chức năng của người hát các Đáp Ca nên được đề cao trong mọi cộng đoàn. [15]
4. Trong bài giảng, bắt đầu bằng các bài đọc Kinh Thánh, các mầu nhiệm đức tin và các chuẩn mực của đời sống Kitô được giải thích trong suốt năm Phụng Vụ. [16] “Các mục tử chịu trách nhiệm chính trong việc giải thích Sách Thánh và giúp mọi người hiểu Kinh Thánh. Kinh Thánh là sách của dân Chúa, cho nên, những người được mời gọi là thừa tác viên Lời Chúa phải cảm thấy nhu cầu cấp thiết làm sao cho cộng đoàn có thể hiểu được Lời Chúa”. [17] Các giám mục, linh mục và phó tế phải phát triển dấn thân thực hiện sứ vụ này với sự tận hiến đặc biệt, trong khi vận dụng tất cả các phương tiện do Giáo Hội đề xuất. [18]
5. Sự thing lặng có một tầm quan trọng đặc biệt, vì nó tạo điều kiện cho việc suy nhiệm, để Lời Chúa được người nghe tiếp nhận vào nội tâm. [19]
6. Hội Thánh luôn quan tâm đặc biệt đến những người công bố Lời Chúa trong cộng đoàn: linh mục, phó tế và những người đọc sách. Thừa tác vụ này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị bên trong và bên ngoài cụ thể, làm quen với văn bản sẽ được công bố và phải có những thực hành cần thiết sao cho có thể công bố rõ ràng, tránh mọi hình thức ứng khẩu. [20] Có thể mở đầu bài đọc bằng những lời giới thiệu ngắn và thích hợp. [21]
7. Vì tầm quan trọng của Lời Chúa, Giáo Hội mời gọi chúng ta đặc biệt chú ý đến bục đọc sách từ đó Lời Chúa được công bố. [22] Bục đọc sách không phải là một vật dụng nội thất, nhưng là một nơi phù hợp với phẩm giá của Lời Chúa, tương ứng với bàn thờ: thật thế, khi nói đến bục đọc sách chúng ta đề cập đến bàn của Lời Chúa, trong khi bàn thờ được đặc biệt tham chiếu đến bàn của Mình Chúa Kitô. [23] Bục đọc sách được dành riêng cho việc công bố các bài đọc, hát các Thánh Vịnh Đáp Ca và Công bố Tin Mừng Phục sinh (Vinh Tụng Ca); Bài giảng và những ý cầu nguyện phổ quát [lời nguyện giáo dân] có thể được đưa ra từ đó, nhưng việc sử dụng nó cho việc đưa ra các bài bình luận, và thông báo, hay cho việc điều khiển các bài thánh ca thì không thích hợp cho lắm. [24]
8. Các sách chứa các bài đọc trong Sách Thánh khơi lên trong những ai lắng nghe sự tôn kính đối với mầu nhiệm Thiên Chúa nói với dân Người. [25] Vì lý do này, chúng tôi yêu cầu phải chăm sóc cẩn thận để bảo đảm rằng những cuốn sách này có phẩm chất cao và được sử dụng đúng cách. Không bao giờ có thể xem là thích hợp để sử dụng các tờ rơi, các bản sao và các hỗ trợ mục vụ khác thay thế cho các sách Phụng Vụ. [26]
9. Thật là thích hợp để xúc tiến, vào trước hoặc trong những ngày tiếp theo Chúa Nhật Lời Chúa, các buổi gặp gỡ huấn luyện để nêu bật tầm quan trọng của Sách Thánh trong các cử hành Phụng Vụ; đây có thể là một cơ hội để tìm hiểu thêm về cách Giáo Hội trong các buổi cầu nguyện đọc Sách Thánh với các bài đọc liên tục, bán liên tục [các bài đọc liên tục: continuous readings: chia các sách Cựu Ước ra thành nhiều bài, đọc liên tục từ ngày này sang ngày khác, hết sách này thì sang sách khác. Khác với cách phân bổ này là semi-continuous readings, bán liên tục, đôi khi nhảy sang một sách Cựu Ước khác. – chú thích của người dịch ] và các bài đọc có quan hệ tiên báo [tiếng Anh: Typological Readings, tiếng Ý: Lettura Tipologica, xuất phát từ tiếng Hy Lạp τύπος, nghĩa là định hình, tiền định. Theo tin tưởng chung trong khoa chú giải Kinh Thánh, các sự kiện trong Cựu Ước là những tiên báo sẽ tìm thấy sự ứng nghiệm trong Tân Ước. Thí dụ: ngày Chúa Nhật Mùa Chay Năm A, chúng ta đọc bài Phúc Âm (Ga 4:5-42) thuật lại biến cố Chúa cho người bạn của Ngài là ông Ladagiô chết chôn 4 ngày sống lại. Cùng ngày ấy chúng ta đọc bài trích sách Êdêkiel (Ed 37:12-14) trong đó Chúa loan báo sẽ mở cửa mồ, sẽ kéo nhà Israel ra khỏi mồ và ban cho một cuộc sống mới. Bài đọc trong Cựu Ước có quan hệ “tiên báo” cho bài Phúc Âm và tìm thấy sự ứng nghiệm trong bài Phúc Âm – chú thích của người dịch]. Đồng thời, các cuộc gặp gỡ này cũng giúp giải thích các tiêu chí được áp dụng trong việc phân bổ các bài đọc Kinh Thánh khác nhau trong năm và trong các mùa, cũng như cấu trúc của các bài đọc cho Thánh lễ theo các chu kỳ Chúa nhật [Năm A, Năm B, Năm C] và ngày thường trong tuần [Năm I, Năm II]. [27]
10. Chúa Nhật Lời Chúa cũng là một dịp thích hợp để làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa Sách Thánh và các Giờ Kinh Phụng Vụ, việc đọc Thánh Vịnh và các Giờ Kinh, cũng như các bài đọc Kinh Thánh. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thúc đẩy cộng đồng cử hành Kinh sáng và Kinh chiều. [28]
Trong số rất nhiều vị Thánh, tất cả đều làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Thánh Giêrônimô có thể được đề xuất như một tấm gương vì tình yêu lớn lao mà ngài dành cho Lời Chúa. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ, ngài là “một học giả, một dịch giả và một nhà chú giải Kinh Thánh không mệt mỏi. [Ngài có một] kiến thức sâu rộng về Kinh Thánh, [và] nhiệt tâm muốn làm cho giáo huấn của Kinh Thánh được biết đến. [...] Khi chăm chú lắng nghe Kinh Thánh, Thánh Giêrônimô đã nhận ra chính mình và tìm thấy khuôn mặt của Thiên Chúa và của các anh chị em của mình. Ngài cũng được khẳng định là người có sức thu hút đối với cuộc sống cộng đồng”. [29]
Mục đích của Thông Tư này là giúp thức tỉnh, dưới ánh sáng của Chúa nhật Lời Chúa, một ý thức về tầm quan trọng của Sách Thánh đối với đời sống tín hữu của chúng ta, bắt đầu bằng sự cộng hưởng của nó trong Phụng Vụ, là điều giúp chúng ta sống và đối thoại thường xuyên với Chúa. “Lời Chúa, khi được lắng nghe và cử hành, trên hết là trong Bí tích Thánh Thể, sẽ nuôi dưỡng và củng cố nội tâm các Kitô hữu, giúp họ có thể làm chứng xác thực cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày”. [30]
Từ Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, ngày 17 tháng 12 năm 2020.
+ Đức Hồng Y Robert Sarah
Tổng trưởng
+ Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche
Thư ký
[1] Xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư dưới dạng tự sắc Aperuit illis, ngày 30 tháng 11 năm 2019.
[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, Aperuit illis, n. số 8; Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Mặc Khải của Thiên Chúa), n. 25: “Vì vậy, tất cả các giáo sĩ phải tôn kính Sách Thánh qua việc siêng năng đọc Sách Thánh và nghiên cứu cẩn thận, đặc biệt là các linh mục của Chúa Kitô và những người khác, chẳng hạn như các phó tế và các giáo lý viên đang thi hành hợp pháp thừa tác vụ Lời Chúa. Điều này phải được thực hiện để không ai trong số họ trở thành ‘người giảng dạy Lời Chúa hời hợt bề ngoài, trong khi bên trong không lắng nghe lời ấy’ vì họ phải chia sẻ sự giàu có dồi dào của Lời Chúa với những tín hữu được trao phó cho họ, đặc biệt là trong phụng vụ thánh. Thánh Công Đồng cũng tha thiết và đặc biệt kêu gọi tất cả các tín hữu Kitô, đặc biệt là các nam nữ tu sĩ, học hỏi bằng cách thường xuyên đọc Kinh Thánh là ‘kho tàng kiến thức tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3: 8). “Vì không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.
[3] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Mặc Khải của Thiên Chúa); Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa).
[4] Xem Thánh Công Đồng, các số. 7, 33; Institutio generalis Missalis Romani (IGMR) – Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số. 29; Ordo lectionum Missae (OLM) - Sách các Bài đọc trong Thánh Lễ, số 12.
[5] Xem OLM, số 5.
[6] Xem IGMR, số 60; OLM, số 13.
[7] Xem OLM, số 17; Caeremoniale Episcoporum, số 74.
[8] Xem OLM, các số 36, 113.
[9] Xem IGMR, các số 120, 133.
[10] Xem IGMR, số 117.
[11] Xem IGMR, số 57; OLM, số 60.
[12] Xem OLM, các số 12, 14, 37, 111.
[13] Xem OLM, số 45.
[14] Xem IGMR, số 61; OLM, số 19-20.
[15] Xem OLM, số 56.
[16] Xem OLM, số 24; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Sắc lệnh Homiletic Directory (HD) về việc giảng Lời Chúa trong Thánh Lễ công bố ngày 29/06/2014, số 16.
[17] Đức Thánh Cha Phanxicô, Aperuit illis, số 5; HD, số 26.
[18] Xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm), các số 135-144; HD
[19] Xem IGMR, số 56; OLM, số 28.
[20] Xem OLM, các số 14, 49.
[21] Xem OLM, các số 15, 42.
[22] Xem IGMR, số 309; OLM, số 16.
[23] Xem OLM, số 32.
[24] Xem OLM, số 33.
[25] Xem OLM, số 35; Caeremoniale Episcoporum (Quy chế cử hành Phụng Vụ dành cho các Giám Mục), số 115.
[26] Xem OLM, số 37.
[27] Xem OLM, các số 58-110; HD, các số 37-156.
[28] Institutio generalis de Liturgia Horarum – Quy chế tổng quát các giờ Kinh Phụng Vụ, số 140: “Theo truyền thống cổ xưa, Sách Thánh được đọc công khai trong phụng vụ không chỉ khi cử hành Thánh Thể mà còn trong các giờ Kinh Phụng Vụ. Việc đọc thánh thư trong phụng vụ có tầm quan trọng lớn nhất đối với tất cả các Kitô hữu vì nó do chính Giáo Hội đưa ra chứ không phải do quyết định hay ý thích của một cá nhân nào. Trong vòng một năm, mầu nhiệm về Chúa Kitô được mở ra bởi Hiền Thê của Ngài […]. Trong các cử hành phụng vụ, lời cầu nguyện luôn đồng hành với việc đọc Sách Thánh”.
[29] Xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư Scripturae sacrae effectus (Lòng quý mến Kinh Thánh), nhân Kỷ niệm 1600 năm Ngày mất của Thánh Giêrônimô, ngày 30 tháng 9 năm 2020.
[30] Xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm Vui Phúc Âm), số 174.
Source:Holy See Press Office
1. Cảnh Chúa Giáng Sinh thật lạ lùng chưa từng thấy trên hồ Venice
Một cảnh máng cỏ Giáng Sinh có lẽ quý vị và anh chị em chưa từng thấy trên đời được ghi lại trong đoạn video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.
Chúa Giêsu Hài Đồng nổi lên mặt nước, được bao quanh bởi Thánh Giuse và Đức Mẹ đang trôi nổi dưới ánh bình minh gần cù lao Burano, trong khu vực hồ phía bắc Venice.
Tác phẩm nghệ thuật này được tạo ra bởi Francesco Orazio, một người trồng rau nhưng có một năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh. Anh đã hoàn thành tác phẩm này vào hôm thứ Ba 15 tháng 12 trong một vùng nước rộng, không cản trở thuyền bè qua lại.
Tác phẩm của anh không chỉ có Chúa Hài Đồng, Thánh Giuse và Đức Mẹ nhưng còn thêm 57 người và vật khác, tổng cộng là 60 hình dạng khác nhau bằng ván ép được cố định bằng những thanh gỗ. Vị trí của các bức tượng gỗ này không thay đổi nhưng lên xuống theo thủy triều.
May mắn cho người nghệ sĩ nông dân này là triều cường sẽ không sớm xảy ra nên tác phẩm của anh có thể bình an vô sự cho đến tận lễ Hiển Linh mùng 6 tháng Giêng.
Source:Reuters
2. Cảnh Giáng Sinh với phong cách hậu hiện đại ở Vatican gây ra làn sóng chỉ trích
Cảnh Giáng Sinh với phong cách hậu hiện đại được dựng ở quảng trường Thánh Phêrô năm nay đã gây ra một làn sóng chỉ trích rất mạnh. Edward Pentin của tờ National Catholic Register có bài tường trình sau.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Edward Pentin
Cảnh Giáng Sinh với phong cách hậu hiện đại ở Vatican gây ra làn sóng chỉ trích
Cảnh Giáng Sinh năm nay đã bị chỉ trích dữ dội vì phong cách nghệ thuật hậu hiện đại của nó, mà các nhà phê bình cho rằng hoàn toàn đoạn tuyệt với các cảnh Giáng Sinh truyền thống, không có tính truyền giáo và cũng chẳng truyền cảm hứng cho người khác về mầu nhiệm Nhập thể.
Khung cảnh Giáng Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô chứa 20 đồ vật bằng gốm hiện đại, bao gồm các nhân vật chính trong câu chuyện Chúa Giáng Sinh nhưng có khuôn mặt giống đồ chơi cùng với sự hiện diện của một phi hành gia và một tên đao phủ trông giống satan – và tuyệt nhiên không có máng cỏ.
Các nhân vật, bao gồm Đức Mẹ được miêu tả với mái tóc vàng, xoăn tít, được đặt cách nhau trên một sân khấu tối giản, không có cảnh quan, hang động, cây cối hay dòng suối đặc trưng cho cảnh Chúa Giáng Sinh thông thường.
Phản ứng trên các phương tiện truyền thông xã hội và các nơi khác đã chủ yếu bao gồm các từ ngữ dao động từ những từ như “ghê tởm”, “kinh hoàng”, “ô nhục”, cho đến các từ như “ma quỷ”, “ngỡ ngàng” và “nhạo báng Chúa Giáng Sinh”. Tim Stanley, một nhà báo nổi tiếng của tờ Daily Telegraph của Anh, gọi cảnh Giáng Sinh này là “hoàn toàn đáng sợ”, trong khi trang Facebook của Vatican News tràn ngập những lời chỉ trích ngay cả khi nó chưa được khánh thành.
Chỉ có một vài người tỏ ra thích nó, với một người trên Facebook gọi cảnh này là “tuyệt đẹp” và một người dùng Twitter nói rằng đó là “nỗ lực tốt nhất của Giáo hội để đưa tôi trở lại đàn chiên” (Một người khác thì nói rằng anh ấy đang cân nhắc việc trở thành Công Giáo nhưng nói rằng anh ấy sẽ vẫn theo đạo Tin lành sau khi nhìn thấy cái cảnh này.)
Kể từ khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu truyền thống này vào năm 1982, đây không phải lần đầu tiên cảnh Giáng Sinh của Vatican đã gây ra các chỉ trích vì rời xa hình ảnh thông thường về một máng cỏ trong đó có những hình tượng có kích thước lớn hơn người thật về Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, các đạo sĩ, và các động vật đi kèm.
Trước đây cảnh Giáng Sinh năm 2017 là cảnh Giáng Sinh gây tranh cãi nhất, gây ra sự phản đối kịch liệt sau khi người ta thêm vào hình ảnh một người đàn ông cởi trần (mà một số người coi là người đồng tính luyến ái), một xác chết và không có cừu hay bò trước một nơi có vẻ như là một nhà thờ bị đánh bom. Cảnh tượng, được gọi là “Giáng Sinh của lòng thương xót”, đến từ một tu viện ở Ý, hóa ra lại là điểm hành hương yêu thích của các nhà hoạt động cho quyền của người LGBT.
Nguồn gốc của các hình tượng
Năm nay, Vatican đã gọi cảnh Chúa Giáng Sinh là “hiện đại và độc đáo”, nhưng nó thực sự chứa những hình tượng ban đầu được thực hiện từ năm 1965 đến năm 1975 tại thị trấn Castelli, thuộc giáo phận Teramo của tỉnh Abruzzo ở miền trung nước Ý - một vùng bị động đất vào năm 2006 và năm 2016.
Nổi tiếng với đồ gốm sứ, ý tưởng cho cảnh Giáng Sinh như thế này được Stefano Mattucci, lúc đó là giám đốc của Viện Nghệ thuật FA Grue của thị trấn, đề ra ý tưởng và được thiết kế bởi hai giáo sư nghệ thuật, Gianfranco Trucchia và Roberto Bentini. Cảnh này được triển lãm lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1965, sau đó được trưng bày tại Chợ Trajan ở Rôma vào năm 1970, và vài năm sau đó ở Giêrusalem, Bethlehem và Tel Aviv. Nhiều nhân vật khác nhau đã được thêm vào, bao gồm một người theo đạo Hồi và một giáo sĩ Do Thái, nâng tổng số lên 54.
Fausto Cheng, một trong những sinh viên vào thời điểm đó, là người đã giúp tạo ra các hình vẽ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 rằng “các khía cạnh mang tính cách mạng” đã đặc trưng cho sự sáng tạo của nó, “từ việc ly khai khỏi các khuôn mẫu cổ điển của nghệ thuật gốm sứ, khỏi cách sử dụng màu sắc, và khỏi cảnh Chúa Giáng Sinh nguyên thủy”. Anh nói thêm rằng khung cảnh đã được “lồng vào những sự kiện đương đại từ những năm gần đây bao gồm việc đặt chân lên mặt trăng, Công đồng Vatican II và việc bãi bỏ án tử hình” (hai chủ đề sau phản ánh những vấn đề rất được Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm).
Theo Marcello Mancini, phó chủ tịch Viện FA Grue, quyết định đưa các hình ảnh này đến Vatican hai năm sau đó là kết quả của các cuộc gặp gỡ giữa Đức Cha Lorenzo Leuzzi, Giám Mục Teramo và một nhóm nghệ sĩ và kỹ thuật viên. Họ muốn mang theo một số nhân vật không chỉ “liên quan đến Kitô Giáo” mà còn “liên quan đến một số chủ đề mà Đức Giáo Hoàng của chúng ta yêu quý”, ông nói. Những chủ đề này bao gồm không chỉ sự kết nối với khoa học mà còn với môi trường, đi kèm với sự bao gồm nhiều loài động vật. Ông nói với đài truyền hình địa phương, đó là một “máng cỏ theo chủ nghĩa tự nhiên”, có chứa “dê, cừu, thiên nga”, tất cả đều là “những vật thể có hình hài tao nhã và một phong cách tiêu biểu không thể so sánh được”.
Gây sốc mạnh
Nhưng nỗ lực của năm nay, diễn ra trong một năm thử thách đối với nhiều gia đình và cá nhân do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra, dường như đã đánh vào một sợi dây thần kinh đặc biệt. “Thật là gây chia rẽ, tôi không nghe thấy mấy ai bảo vệ nó,” nhà nghệ thuật sử học Elizabeth Lev cư trú tại Rôma, đang giảng dạy tại Đại học Duquesne nói. Mọi người đặc biệt tìm đến Vatican “vì truyền thống của cái đẹp”, cô nói thêm. “Chúng tôi lưu giữ những thứ đẹp đẽ trong đó để dù cuộc sống của bạn có tồi tệ đến đâu, bạn vẫn có thể bước vào quảng trường Thánh Phêrô và nghĩ rằng quảng trường ấy là của bạn, là một phần của con người bạn, và nó phản ánh bạn là ai và vinh quang được biết mình là ai”.
“Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại quay lưng lại với điều đó”, Lev nói thêm. “ Nó dường như là một phần của sự thù nghịch kỳ lạ, hiện đại nhưng chối bỏ truyền thống của chúng ta”.
Trong mô tả về cảnh Chúa Giáng Sinh, Vatican cho biết cảnh Giáng Sinh năm nay bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp, Ai Cập và Sumer cổ đại - là điều mà nhà sử học nghệ thuật Andrea Cionci, viết trên nhật báo Libero Quotidiano của Ý, cho là dấu vết của “phương pháp giải thích Kinh thánh theo trào lưu phê bình lịch sử cấp tiến diễn ra sau Công đồng Vatican II”. “Đường lối đó”, ông nói, có “xu hướng làm sáng tỏ mọi thứ siêu nhiên trong đức tin Công Giáo”. Ông giải thích thêm “Các tín điều, phép lạ và sự can thiệp của thần thánh được đồng hóa với tàn dư của các tôn giáo ngoại giáo có trước Kitô Giáo”.
Ottavio Bucarelli, giám đốc bộ phận di sản văn hóa tại Đại học Giáo hoàng Gregoriô ở Rôma, vẫn coi cảnh Chúa Giáng Sinh năm nay là “hoàn toàn hợp pháp” vì nó bắt nguồn từ một viện nghệ thuật nghiên cứu không chỉ “kỹ thuật cổ đại” mà còn cả “các đề xuất sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, những cách thức mới để thử nghiệm mà ngày nay, trong mắt chúng ta, có thể được coi là sự phá vỡ với truyền thống lâu đời về quang cảnh Chúa Giáng Sinh”.
Ông nói với ACI Stampa vào ngày 14 tháng 12 rằng “do đó cần phải đưa tư duy của chúng ta trở lại hiện thực lịch sử - nghệ thuật” và nhìn vào các nhân vật “bằng đôi mắt đó”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bối cảnh hóa các “giai đoạn lịch sử và môi trường từ trong đó nó được tạo ra” - cụ thể là những năm 60 và 70 là những thập kỷ “lên men về chính trị, văn hóa và tôn giáo”.
Đổi mới chỉ vì muốn đổi mới
Lev đồng ý rằng mong muốn mang một khung cảnh Chúa Giáng Sinh như vậy đến Vatican chủ yếu là “vấn đề về sự đổi mới”, mặc dù cô tin rằng điều cuối cùng mọi người muốn trong một năm khó khăn và chia cắt gia đình là “cảm nghiệm với hình ảnh quen thuộc của Thánh Gia”. Một khả năng cảnh Giáng Sinh có thể đem lại là nó gây “sốc cho chúng ta khiến chúng ta khao khát một cảnh Giáng Sinh truyền thống giống như một số người lập luận rằng việc không thể đón nhận các bí tích năm nay do tình trạng bị cô lập vì đại dịch khiến mọi người khao khát các bí tích”.
Nhưng Lev nhớ lại rằng khi Thánh Phanxicô Assisi bắt đầu truyền thống về các hoạt cảnh Giáng Sinh, ngài đã xin phép Đức Giáo Hoàng chính xác vì ngài không muốn một phong tục như vậy “bị hiểu nhầm là đổi mới, chỉ vì mục đích muốn đổi mới” nhưng phải là “một sự khơi gợi nhắc nhớ đến mầu nhiệm Nhập thể”. Cô nói thêm “Vào những năm 1220 khi mọi người giàu có và có tất cả những gì họ cần, Thánh Bonaventura lúc đó đã đưa ra quan điểm rằng ngài mong muốn ‘đánh thức lại đức tin chai lì trong trái tim của các Kitô hữu’”.
“Tôi muốn khẳng định rằng tôi chưa thấy ai nói rằng họ cảm thấy Công Giáo hơn bởi vì họ đã xem cảnh Giáng Sinh năm nay của Vatican,” Lev nói. “Tôi đã thấy mọi người cười nhạo nó, mọi người chửi bới khắp nơi, quá nhiều. Cảnh Giáng Sinh như thế không đánh thức được một đức tin đang dật dờ. Nó chỉ làm được mỗi một điều là đang chôn vùi một niềm tin uể oải, sống dở chết dở dưới một đống chế nhạo - và nó thực sự trông giống như một sự đổi mới chỉ vì muốn có điều gì đó mới mẻ”.
Tờ National Catholic Register đã hỏi Phòng Báo chí Tòa thánh liệu có thể thay thế cảnh Chúa Giáng Sinh trước những lời chỉ trích lan rộng hay không, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Lev không nghĩ rằng nó phải bị loại bỏ, nhưng nói rằng sẽ đáng hoan nghênh nếu có ai đó cảm thấy tiếc và thừa nhận rằng đó là một “sự lựa chọn thiếu cân nhắc” xét vì “những chia rẽ và tổn thương mà nó đã gây ra”, nhưng cô không lạc quan lắm về khả thể có ai đó sẽ làm như thế.
Source:National Catholic Register