Ngày 21-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Loan báo Tin Mừng cho toàn dân
Lm Đan Vinh
05:37 21/12/2019

Lễ Đêm Giáng Sinh ABC
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14.

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 2,1-14.

(1) Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. (3) Ai nấy phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

2. Ý CHÍNH:

Bài tin mừng hôm nay nhằm trình bày việc Chúa Giê-su giáng sinh là một tin vui cho nhân loại. Ta có thể chia làm 2 phần chính như sau:

- Phần thứ nhất (1-7): Cuộc kê khai nhân khẩu là nguyên nhân khiến hai ông bà Giu-se Ma-ri-a phải lên đường trở về Giê-ru-sa-lem là quê hương của vua Đa-vít. Tại đây bà Ma-ri-a tới ngày sinh. Bà đã phải sinh con trong cảnh nghèo khó tột cùng vì hai ông bà quá nghèo không tìm được chỗ nơi nhà trọ.
- Phần thứ hai (c. 8-14): Một sứ thần của Chúa đã hiện đến báo tin vui cho các mục đồng ở ngoại ô Bê-lem. Sứ thần cũng cho biết dấu chỉ để họ nhận ra Đấng Thiên Sai là “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Rồi có rất nhiều thiên thần đến hợp lời ngợi khen Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1 : + Hoàng đế Au-gút-tô: Hoàng đế Rôma cai trị từ năm 29 trước Công nguyên (CN), đến năm 14 sau CN).
- C 2 : + “thành vua Đa-vít”: Khi gán tước hiệu “thành Vua Đa-vít” cho Bêlem (x. Mt 2,6), Tin Mừng dựa vào lời sấm của ngôn sứ Mi-kha về quê hương của Đấng Cứu Thế (x. Mk 5,1).
- C 5 : + “Người đã đính hôn với ông Giu-se là bà Ma-ri-a đang có thai”: Câu này nhắc lại việc sứ thần Gáp-ri-en đến truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Lc 1,27).
- C 7 : + Bà sinh con trai đầu lòng: Sinh “Con đầu lòng” chỉ có nghĩa là sinh “đứa con đầu tiên hay con thứ nhất”, không nhất thiết sẽ phải sinh thêm con kế tiếp. Sở dĩ Luca đề cập đến “con trai đầu lòng” ở đây là muốn nhắc đến điều luật Môsê qui định phải dâng “các con đầu lòng cho Chúa”(x. Xh 13,2), và cách cha mẹ phải làm để chuộc lại con, sắp được hai ông bà Giu-se Ma-ri-a thực hiện cho Hài Nhi Giê-su (x. Lc 2,23). + Không tìm được chỗ trong nhà trọ: Các chủ quán từ chối không cho ở trọ phần vì dáng vẻ quê mùa nghèo khó của hai ông bà Giu-se Ma-ri-a, phần vì họ sợ đón phụ nữ mang bầu vào nhà sẽ mang lại xui xẻo cho việc kinh doanh của họ!
- C 11 : + Đấng Ki-tô Đức Chúa: Đức Giê-su là Đấng Mêsia. Quyền Chúa Tể và Vương Đế của Người được chính Thiên Chúa trao ban (x. Cv 2,36).
- C 14 : + Bình an dưới thế”: Lời của các sứ thần ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa cho thấy sứ mệnh của Hài Nhi Cứu Thế là làm vinh danh cho Thiên Chúa và thiết lập một nền hòa bình vĩnh cửu (x. Is 9,5-6 ; Mk 5,4).

4. HỎI ĐÁP:

HỎI: Phải chăng bà Ma-ri-a chỉ đồng trinh trước khi thụ thai Đấng Cứu Thế (x. Is 7,14), rồi sau khi đã sinh “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,6) thì sống đời vợ chồng bình thường với ông Giu-se, và từ đó đã sinh thêm nhiều con trai con gái khác (x. Mt 13,55-56)?

ĐÁP: Thực ra không phải như vậy. Vấn đề ở đây là ý nghĩa thực sự của từ “cho đến khi” và “anh em và chị em của Đức Giê-su” như thế nào? :

+ “Cho đến khi”: Câu Mt 1,24-25 nên được diễn giải như sau: Khi tỉnh giấc, ông Giu-se đã thi hành 3 lệnh truyền của sứ thần trong giấc mộng: Một là ông “tổ chức lễ cưới chính thức để rước cô dâu Ma-ri-a” về nhà mình; Hai là ông “không ăn ở với Ma-ri-a như vợ chồng” vì Ma-ri-a đã được thánh hiến dâng mình phục vụ Thiên Chúa như một nữ tu khấn trọn; Ba là “cho đến khi” Ma-ri-a sinh con thì ông “đặt tên cho con trẻ là Giê-su” như lời sứ thần truyền để nhìn nhận trẻ Giê-su là con chính thức của mình về luật pháp (x. Lc 3,23). Tin Mừng không viết: hai ông bà đã không ăn ở cho đến khi Ma-ri-a sinh con thì lại ăn ở với nhau, như có người lầm tưởng!
+“anh em và chị em của Chúa Giê-su”: Trong Tin Mừng Mát-thêu, các từ “anh em ông”, “chị em ông” (x. Mt 13,55-56) hay “mẹ và anh em của Người” (x. Mt 12,46-47) chỉ là các anh chị em bà con mà thôi. Vì Chúa Giê-su là “con trai đầu lòng”, là người con thứ nhất, nên nếu Đức Ma-ri-a có thêm các người con khác thì họ phải được gọi là “các em trai” và “các em gái” thay vì được gọi chung chung là “anh em” và “chị em” như ở đây. Hơn nữa, bằng chứng quan trọng nhất cho thấy Đức Ma-ri-a chỉ có một con trai duy nhất là: Chúa Giê-su đã trối Mẹ Người làm mẹ của môn đệ Gio-anvà “Kể từ giờ đó, người môn đệ đã rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27). Chắc Đức Giê-su sẽ không trối Mẹ Ma-ri-a cho môn đệ Gio-anrước về nhà mà phụng dưỡng sau khi Người chết nếu Mẹ Ma-ri-a còn có nhiều người con khác ngoài Người.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHÚA CỨU THẾ ĐÃ GIÁNG SINH CHO CHÚNG TA:
Ở nước Nga thời trung cổ, có một hoàng tử tên là A-lếch-xích (Alexis) rất yêu quí những người nghèo khổ bệnh tật. Mỗi ngày chàng ta bỏ nhiều thời giờ đến nhà thăm họ và sẵn sàng giúp đỡ những ai cần được trợ giúp. Có điều là hoàng tử thấy dân chúng vẫn dửng dưng thờ ơ khi chàng đến với họ. Rồi hoàng tử để tâm tìm hiểu lý do thì được biết sở dĩ dân chúng không mấy phấn khởi khi gặp gỡ chàng vì chàng không đáp ứng được các nhu cầu thực tế của họ. Từ đó hoàng tử A-lếch-xích âm thầm học hỏi chuẩn bị giúp dân một cách thiết thực hơn.

Sau một thời gian, một hôm dân chúng lại thấy một người ăn mặc đơn sơ đến thăm họ. Anh ta thuê một túp lều trong hẻm sâu làm nơi trú ngụ. Hàng ngày anh đến từng nhà và khám bệnh bốc thuốc miễn phí chữa bệnh cho các người nghèo. Chẳng bao lâu sau, anh ta gây được thiện cảm của mọi người chung quanh. Uy tín anh ngày một gia tăng khiến nhiều người nghe tiếng tìm đến nhờ anh giúp đỡ giải quyết những khó khăn họ đang gặp phải. Hôm nay anh dàn xếp được một cuộc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình. Hôm sau, anh lại làm cho một đôi vợ chồng sắp ly hôn làm hòa với nhau và yêu thương nhau như trước. Anh động viên mọi người tương trợ lẫn nhau và nhờ đó ai cũng mến anh vì anh đã hy sinh giúp đỡ cho họ.

Thật ra ông thầy lang ấy chính là hoàng tử A-lếch-xít. Hoàng tử đã rời bỏ cung điện phú quí, đến sống giữa đám dân nghèo đói dốt nát, và sống hòa mình với họ. Về nhau khi biết thầy lang chính là hòang tử A-lếch-xít thì dân chúng càng quý trọng hòang tử hơn rất nhiều.
Hoàng tử A-lếch-xít trong câu chuyện trên là hình ảnh của Đức Giê-su Đấng Cứu Thế. Người đã giáng sinh trong cảnh nghèo hèn để chia sẻ cảnh nghèo khó với lòai người chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta và tình nguyện xuống trần gian để ban cho chúng ta sự sống đời đời.

2) NGƯỜI VỐN DĨ VÔ TỘI NHƯNG ĐÃ TRỞ THÀNH TỘI NHÂN VÌ CHÚNG TA:

Một vị quan lớn gửi thiệp mời các người thân quen đến dự tiệc mừng sinh nhật thất tuần của ông. Tất cả quan khách đến dự buổi liên hoan đều ăn mặc sang trọng và có xe hơi đưa đón. Một vị quan cao tuổi là bạn chí thân của chủ tiệc cũng đến dự. Do già yếu nên khi bước xuống xe, ông bị trượt chân té xuống một vũng nước dơ khiến các gia nhân gần đó cười ồ lên. Trước tình trạng quần áo bị hoen ố nước dơ, vị quan cảm thấy xấu hổ trước trăm con mắt nhạo cười và quyết định lên xe ra về. Các gia nhân hiện diện đã năn hỉ hết cách mà vị quan kia nhất định không vào nhà dự tiệc. Bấy giờ chủ nhà được gia nhân cấp báo liền vội vàng chạy tới. Khi ngang qua vũng nước, ông lại cố tình té ngã vào vũng nước và quần áo ông cũng vấy bẩn không khác vị quan khách kia bao nhiêu. Lần này bọn gia nhân không ai dám cười nữa. Sau đó chủ nhà đã nắm tay vị khách quý kia mời vào phòng dự tiệc, và ông này không còn viện lý do gì để từ chối nữa.

Việc làm của chủ nhà trong câu chuyện trên là một hành động tế nhị và đầy tình người, khiến chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Giê-su vốn là Con Thiên Chúa mà lại hạ mình xuống làm một người phàm. Người muốn trở nên giống như chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta.

3) CHÚA ĐẾN BAN HÒA BÌNH CHO NHÂN LOẠI:

Vào ngày lễ vọng Giáng sinh năm 1914, những quân lính Đức và Anh đối đầu với nhau, tại các hào chứa đầy bùn lầy và chuột cống. Tại các hào của quân Anh, những lá thư và tấm thiệp được gửi đến từ gia đình, và anh em binh lính khá vui vẻ. Đến nửa đêm, một số người trong bọn họ bắt đầu ca hát. Thế rồi đột nhiên, một người lính gác la lên một cách đầy phấn khích : “Anh em hãy lắng nghe đi !”. Họ lắng nghe, và nhận thấy những quân lính Đức cũng đang ca hát. Một lúc sau, hai người lính can đảm, do mỗi phe cử một người, đến gặp nhau tại bãi đất trống. Thêm nhiều quân lính khác đi theo họ. Theo quan điểm quân đội, điều này không có ý nghĩa gì cả. Với tư cách là những người lính, người ta cho rằng họ đến đánh nhau. Đột nhiên ngừng lại và trở nên bạn bè không tạo nên ý nghĩa. Nhưng trong đêm hôm đó, có sức mạnh còn lớn lao hơn cả quân đội tại nơi chiến trường.

Khi ngày lễ Giáng sinh bắt đầu ló rạng, với gương mặt tươi cười, các binh lính đi dạo chung quanh vùng Đất Không Người. Người ta không nhìn thấy một dấu vết nào của sự hận thù. Họ trao đổi với nhau lương thực, đồ kỷ niệm và thuốc lá. Khoảng giữa trưa, khi tình thân thiện đang gia tăng, thì lại có một trận đấu bóng đá giữa hai phe. Nhưng trận đấu này không kéo dài lâu. Tin này đã lan tới tai các vị tướng đôi bên, và họ đã ban bố những mệnh lệnh gay gắt phải chấm dứt ngay mọi chuyện. Các sĩ quan dồn binh lính trở lại vào chiến hào. Tất cả mọi chuyện đều kết thúc. Sau lễ Giáng Sinh, cuộc giao chiến lại bắt đầu trở lại.

Khi Đức Giê-su sinh ra, các thiên sứ hát rằng “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đây là một câu, trong số những lời nói đầy yêu thương nhất ở Tin Mừng. Bạn sẽ làm gì để đem sự bình an cho gia đình và nơi bạn đang sống?

4) THĂM HANG ĐÁ:

Vào một dịp lễ Giáng Sinh, người ta thấy có một đoàn người đến viếng thăm Hang đá trong nhà thờ Đức bà Paris. Đây là một ngôi Nhà thờ cổ kính và rất nổi tiếng tọa lạc ngay giữa thủ đô. Hoà trong đoàn người kính viếng hang đá năm ấy, người ta thấy có nhiều người khôn ngoan tài giỏi cũng cùng đi viếng hang đá.

Đầu tiên là một hoạ sĩ chuyên về mầu sắc: Đứng trước máng cỏ của Chúa Giê-su, ông nhìn ngắm và lắc đầu tỏ ý như những màu sắc trang hoàng trong hang đá không mấy hài hòa theo con mắt thẩm mỹ của ông. Một vài phứt sau, ông đi ra chỗ khác. Tiếp đến là một kiến trúc sư chuyên việc xây dựng. Người ta thấy ông cũng nhìn ngắm rồi ông cũng lại lắc đầu bỏ đi, có lẽ cách kết cấu hang đá đã không theo đúng kỹ thuật khoa kiến trúc. Sau đó ông cũng lặng lẽ đi ra.

Tiếp theo đó là nhà điêu khắc chuyên tạc đắp tượng. Tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse trong hang cũng là do những người làm nghề điêu khắc làm. Nhà điêu khắc này đứng ngắm hang đá lâu hơn hai người trước. Hình như ông thấy các bức tượng nơi hang đá có vấn đề. Sao nó không đúng với thực tế mấy: Chúa thì to mà con bò con chiên thì lại quá nhỏ, thiếu sự cân đối hài hòa. Rồi người ta cũng lại thấy ông lắc đầu bỏ ra chỗ khác.

Sau cùng người ta thấy một bà cụ già dắt theo một em bé gái khoảng 5 tuổi. Em bé mặc bộ đầm trắng toát như tuyết. Vai em còn mang thêm một chiếc khăn quàng cũng màu trắng. Hai bà cháu đứng ngắm nhìn hang đá một hồi lâu. Bỗng người ta thấy em bé mon men tìm đường leo lên hang đá, đến tận chỗ người ta đặt tượng Chúa Giê-su Hài đồng.

Em bé ngắm nhìn Chúa Giê-su và xúc động. Em nghĩ: giữa cảnh đêm đông giá lạnh như thế này mà Hài nhi Giê-su lại không có được một chiếc mền để đắp cho ấm... Rồi em cởi chiếc áo len trắng em đang mặc đắp lên máng cỏ che ấm cho Chúa Hài đồng.

Sau đó hai bà cháu cùng nhau ra về, nhưng họ thấy tràn ngập niềm vui trong tâm hồn vì được gặp gỡ Chúa và đã được Chúa yêu thương.
Trong những ngày này, ước chi mỗi chúng ta cũng có được niềm vui hạnh phúc, nhờ biết cảm thông và sẵn sàng chia sẻ cơm áo cụ thể cho những người nghèo đói noi gương em bé trong câu chuyện trên.

3. SUY NIỆM:

1) ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG:

Vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe những bài hát du dương thánh thót có khả năng đánh động lòng người, nhất là bài SAI-LÂN NAI, HÔ-LI NAI (Silent Night, Holy Night), lời Việt là “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng”. Quả thực, đêm Giáng Sinh thật là một Đêm thiêng liêng, vì là giờ phút thiêng liêng, đất trời hòa hợp nhờ việc Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Mùa Vọng là thời gian trông mong Đấng Cứu Thế mau đến. Hôm nay, Thiên Chúa đã đáp lại sự mong mỏi của lòai người bằng việc sai Con Một Ngài xuống thế làm người, đầu thai trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, trở thành một người giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ không có tội.

Làm sao hiểu được chuyện đó ? Làm sao Thiên Chúa lại trở thành một phàm nhân yếu đuối nghèo nàn ? Làm sao Đấng Vô Cùng lại có thể trở thành một con người hữu hạn ? Làm sao Đấng siêu thời gian lại đi vào trong thời gian và chịu sự chi phối của thời gian ? Làm sao Đấng Tạo Hóa hằng sống lại phải trở thành một loài thụ tạo hay chết ? Tóm lại: Tại sao Thiên Chúa lại giáng sinh làm người ? Chúng ta chỉ có thể trả lời rằng: Tất cả là do TÌNH THƯƠNG.

Vì yêu thương loài người chúng ta và vì muốn cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã xuống thế để ở cùng chúng ta, để dạy loài người chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng nên mình và mở ra cho loài người một con đường sống, để về trời hưởng hạnh phúc với Chúa Cha. Chúa Giê-su đã thể hiện tình thương của Thiên Chúa bằng việc thiết lập một Nước Trời là Hội Thánh, và đã chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho loài người, rồi sống lại để trả lại sự sống cho loài người. Tóm lại đêm nay kỷ niệm “Con Thiên Chúa giáng trần làm con loài người, để con loài người được nên Con Thiên Chúa”.

Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của tình thương. Tin mừng trong ngày lễ Giáng Sinh hôm nay công bố sứ điệp: Thiên Chúa yêu thương loài người nên đã sai Con Một xuống thế để công bố cho loài người biết tình thương bao la của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta đáp lại tình thương của Ngài bằng việc yêu mến Ngài và yêu thương nhau.

2) NGHÈO KHÓ CHÍNH LÀ DẤU CHỈ CỦA ĐẤNG CỨU THẾ:

Chúa Giáng Sinh là một Tin mừng cho mọi người thiện tâm trên trần gian. Các mục đồng sau khi được thiên thần báo tin đã lập tức lên đường tìm kiếm Hài Nhi và cuối cùng đã gặp được Người. Rồi họ lại đi loan Tin mừng cho kẻ khác. Đấng Cứu Thế đã chọn mang thân phận nghèo hèn đến với nhân loại, để chia sớt nỗi khổ đau với những người nghèo. Dấu chỉ giúp các mục đồng nhận ra Người : “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Trước dấu chỉ nghèo khó này, các chủ quán ở Bê-lem đã xua đuổi hai ông bà Giu-se Ma-ri-a khỏi nhà trọ, đang khi các mục đồng nghèo khó lại vui mừng đón nghe Tin mừng về sự giáng sinh của Người.
Ngày nay Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đến với chúng ta qua những dấu chỉ khiêm tốn và nghèo hèn. Người trở thành một tấm bánh với vẻ bề ngoài tầm thường, Người hiện thân trong những kẻ tàn tật què quặt đui mù, Người đến trong những người nghèo khó bị người đời hắt hủi bỏ rơi. Đây là lúc chúng ta phải xác định lập trường, để biết mình thuộc hàng người nào:
- Là chủ quán giàu có khi thiếu lòng từ tâm xua đuổi người nghèo ?
- Hay là các mục đồng tuy nghèo khó, nhưng sẵn sàng đón nhận Tin mừng Chúa Giáng Sinh và quyết tâm đi tìm kiếm Chúa để đón nhận niềm vui ơn cứu độ ?

4. THẢO LUẬN:

1) Giáng Sinh là lễ của tình thương. Vậy bạn đã làm gì để đáp lại tình thương của Thiên Chúa trong những ngày qua ? 2) Tặng quà là một hình thức biểu lộ tình thương cụ thể, vậy trong mùa Giáng Sinh này bạn sẽ tặng gì cho những người thân trong gia đình, những bè bạn, những người làm ơn cho bạn suốt trong năm qua, và hết những ai nghèo khổ cô đơn, những bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang chữa trị… là hiện thân của Chúa Giê-su ?

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU, Hôm nay bắt đầu một mùa Giáng Sinh nữa. Trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, người người nô nức mừng Chúa giáng sinh trong những bữa tiệc vui vẻ sang trọng, rượu thịt ê hề. Nhưng những người lữ hành năm xưa vẫn còn đang lỡ bước và đang tiếp tục bị xua đuổi ra đầu đường xó chợ trong đêm nay, vì các chủ quán ngày này năm xưa vẫn còn đó: Những ai đi xe hơi và ăn mặc bảnh bao sẽ được chủ quán ân cần đón tiếp vào nhà, còn những người nghèo khó cũng lại bị đuổi ra hầm cầu qua đêm ! Xin cho chúng con biết luôn nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó, những cụ già neo đơn không ai chăm sóc, những trẻ em mồ côi bụi đời… để chúng con ân cần thăm hỏi và sẵn sàng khiêm nhường phục vụ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó chúng con sẽ trở nên những môn đệ đích thực của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON


 
Góp phần chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho tha nhân
Lm Đan Vinh
05:42 21/12/2019

Lễ Giáng Sinh ABC – Lễ Rạng Đông
Is 62,11-12; Tt 2,4-7 ; Lc 2,15-20.

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 2,15-20

(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng lễ Rạng Đông nối tiếp Tin Mừng lễ Nửa Đêm mừng Giáng Sinh. Nội dung ghi lại thái độ của các mục đồng sau khi được sứ thần hiện đến loan báo tin vui về sự ra đời của Đấng Cứu Thế. Họ đã tích cực đáp trả bằng cách vội vã rủ nhau lên đường đi sang thành Bê-lem, để coi xem sự việc xảy ra mà Chúa mới cho biết. Theo lời sứ thần hướng dẫn, họ đã sớm tìm thấy Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ và hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đứng bên. Rồi họ thuật lại mọi sự từ khi được sứ thần loan báo tới việc tìm thấy Hài Nhi, đúng với những điều họ đã nghe biết. Cuối cùng họ vui vẻ về nhà, vừa đi vừa ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, đã ban Đấng Cứu Thế cho loài người.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

“Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hai Nhi này” (Lc 2,16-17).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GIÁNG SINH: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA :

Vào thời trung cổ, ở nước Nga thời trung cổ, có một hoàng tử tên là A-lếch-xích (Alexis) hoàng tử có một tình thương rất đặc biệt dành cho những người nghèo khổ. Hầu như ngày nào hoàng tử cũng dành ra buổi chiều để đi đến các xóm nghèo và ân cần thăm hỏi giúp đỡ những ai gặp cảnh khó khăn cơ cực. Tuy vậy, hoàng tử rất ngạc nhiên khi thấy dân chúng tỏ vẻ thờ ơ khi thấy chàng xuất hiện. Một hôm hoàng tử đến gặp một vị ẩn sĩ nổi tiếng khôn ngoan để xin chỉ giáo phương cách chinh phục tình cảm của dân chúng.

Một thời gian khá lâu sau đó người ta không thấy hoàng tử xuất hiện đi thăm người nghèo. Nhưng rồi một ngày kia, dân chúng lại thấy một người tuổi trung niên đến thăm khu xóm nghèo. Khác với hoàng tử trước kia ăn mặc sang trọng, còn người này mặc áo quần màu trắng đơn sơ giống như một thầy thuốc. Ông ta thuê một căn nhà bình thường để ở. Rồi hàng ngày từ sáng sớm đã ra khỏi nhà, tay xách một chiếc cặp đựng các dụng cụ y tế và thuốc men. Ông ta đến thăm các gia đình có người đau nặng để khám bệnh và phát thuốc miễn phí chữa bệnh. Ông thầy thuốc này có tài chữa bệnh, nên rất nhiều bệnh nhân bị những chứng nan y nhưng chỉ được ông chữa vài lần là khỏi hẳn. Không bao lâu, ông ta đã chinh phục được cảm tình quí mến của mọi người lớn trẻ nhỏ trong vùng. Đây là điều mà trước đó hoàng tử A-lếch-xít không sao đạt được. Ông thầy thuốc kia đã dần dần được nhiều người tín nhiệm. Mỗi khi thấy ông là mọi người bu lại chung quanh nhờ cậy. Hôm thì ông dàn hòa được hai người đang tranh cãi ẩu đả. Hôm khác ông lại hòa giải được đôi vợ chồng giận ghét muốn lìa bỏ nhau. Ông cũng hòa mình chơi chung và khuyên dạy các trẻ em ngỗ nghịch dần dần trở nên ngoan ngoãn dễ dạy và học hành tấn tới.

Thật ra người thầy thuốc đó không ai khác hơn là chính hoàng tử A-lếch-xít. Sau khi gặp vị ẩn sĩ, và nghe lời khuyên của vị này, hoàng tử dành thời giờ đi học nơi một thầy thuốc lành nghề khoảng mười năm. Sau khi thành tài, hoàng tử đã rời bỏ cung điện, đến sống hòa mình giữa xóm lao động nghèo khó, trở thành một người như họ và yêu thương phục vụ họ tận tình. Chính tình thương kèm theo sự khiêm hạ và hy sinh mình của hoàng tử, đã đem lại kết quả tốt đẹp: Hoàng tử đã chinh phục được tình cảm yêu mến kính trọng của thần dân, đặc biệt là những người nghèo khổ bất hạnh.

2) “LỄ NO-EN THỜI THƠ ẤU”:

- Trong quyển tự thuật “Đứa Trẻ Duy Nhất”, một nhà văn Ai-len tên là PHĂNG Ô CON-NO (Frank O’ Connor) đã tự thuật câu chuyện về lễ No-en trong đời ông như sau:
Khi còn bé, vào một ngày trước lễ Giáng Sinh, Ô CON-NO được ông già No-en tặng cho một món đồ chơi chạy bằng giây cót. Thế rồi vào chiều ngày lễ hôm ấy, cậu bé Con-no theo mẹ đi đến một tu viện ở gần nhà. Cậu bé mang theo món quà duy nhất mới nhận được để khoe với mấy nữ tu thân thiết với gia đình cậu.
Một nữ tu dẫn cậu đến viếng máng cỏ được dựng trong nhà nguyện của tu viện. Nhì vào hang đá, cậu bé suy nghĩ khi thấy Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ mà không có món quà nào bên cạnh cả. Cậu nghĩ có lẽ bé Giê-su sẽ rất buồn vì không được ai tặng quà cho. Cậu quay lại hỏi vị nữ tu tại sao Chúa Hài Đồng lại không có món quà nào cả ? Bấy giờ nữ tu kia trả lời: “Vì quá nghèo, nên Mẹ Ma-ri-a không có tiền mua quà cho con trẻ mới sinh”. Câu trả lời ấy tuy giải tỏa phần nào thắc mắc của cậu, nhưng cậu vẫn suy nghĩ: “Mẹ của mình cũng nghèo như thế, mà tại sao Mùa Giáng Sinh nào mẹ cũng dành được tiền mua quà tặng cho mình ?” Món quà có khi là một hộp bút chì màu, khi khác là một chiếc cặp da… Rồi lòng quảng đại chợt dâng lên trong lòng, cậu bé liền cầm lấy món đồ chơi mang theo, leo rào vào bên trong hang đá rồi đặt món quà kia vào giữa đôi tay đang mở rộng của trẻ Giê-su. Cậu còn hướng dẫn cách lên giây cót, sợ rằng trẻ Giê-su còn quá nhỏ không biết cách sử dụng thành thạo món quà cậu mới trao tặng.

- Câu chuyện trên cho thấy lễ Giáng Sinh là một cơ hội để mỗi người chúng ta bày tỏ sự quan tâm đối với tha nhân. Đây là điều chính Thiên Chúa đã làm gương bằng cách ban Con Một mình cho nhân loại chúng ta. Con Thiên Chúa không đến trong quyền lực và giàu sang phú quí, nhưng trong sự yếu đuối nghèo khó cùng cực. Người đến trong vẻ yếu đuối để giúp chúng ta thêm tự tin vào các tài năng Chúa ban và sử dụng chúng theo Thánh Ý Chúa muốn. Người đến trong sự nghèo khó để an ủi chúng ta và mời gọi chúng ta quảng đại chia sẻ cho những kẻ nghèo đang sống chung quanh chúng ta.

3. SUY NIỆM:

1) CON THIÊN CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI ĐỂ CON LOÀI NGƯỜI NÊN CON THIÊN CHÚA :

Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế đã yêu thương nhân loại chúng ta và đã từ trời cao xuống thế làm một người phàm. Người được sinh ra trong thân phận nghèo khó, sống một cuộc đời lao động vất vả tại Na-da-rét như bao dân làng. Người đã trở thành EM-MA-NU-EN nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Quả thật: “Con Thiên Chúa đã trở nên loài người, để làm cho con loài người trở nên Con Thiên Chúa”.

2) LỊCH SỬ HANG ĐÁ BE-LEM:

- Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta thường thấy nhiều hang đá tại nhà thờ hay tư gia. Trong hang có Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ, bên cạnh là Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se quì thờ lạy. Cũng có mấy con bò và lừa đang quì gần bên thở hơi ấm cho Hài Nhi mới sinh.
- Việc dựng các hang đá như trên đã có từ thế kỷ thế 13. Vào năm 1223, thánh Phan-xi-cô khó khăn, lúc đó đang là bề trên một tu viện bên Ý.

Ngài cho dọn một hang đá trong vườn cây ở gần Gờ-réc-xi-ô. Bên trong hang đá, ngài đặt tượng Hài Nhi Giê-su nằm trên máng cỏ, bên cạnh là một con bò và một con lừa. Vào đêm khuya hôm lễ Giáng Sinh, thánh Phan-xi-cô cùng các tu sĩ và dân chúng lân cận kéo nhau đến đứng chung quanh hang đá. Bên cạnh hang có đặt một bàn thờ, và thánh lễ đã được cử hành trang nghiêm. Từ đó, việc trưng bày hang đá tại nhà thờ và tư gia càng ngày càng phổ biến trở thành tập tục chung của cả thế giới.

3) GIÁNG SINH LÀ MẦU NHIỆM TÌNH THƯƠNG VÔ CÙNG CỦA THIÊN CHÚA:

Mầu Nhiệm Giáng Sinh là cách Thiên Chúa diễn tả tình thương lớn lao nhất đối với nhân loại. Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm người, trở nên giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không có tội. Người đã yêu thương chúng ta đến cùng, và biểu lộ tình yêu bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, lựa chọn và huấn luyện các tông đồ, lập các Bí Tích và cuối cùng sẵn lòng chịu chết nhục nhã trên cây thập giá để đền tội thay cho chúng ta, và sống lại để ban lại sự sống cho chúng ta.

4) ĐỨC GIÊ-SU LÀ ĐƯỜNG LÊN TRỜI DUY NHẤT:

Đức Giê-su đã mở ra con đường lên trời cho chúng ta. Đó là con đường yêu thương, quên mình và phục vụ, là chấp nhận “Qua đau khổ tử nạn để vào vinh quang phục sinh”. Người mời gọi mọi người muốn được ơn cứu độ thì “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà đi theo Người”. Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ được sống lại với Người, và sau này sẽ cùng được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn trên thiên đàng với Người.

5) CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ VỚI THA NHÂN:

Trong mùa Giáng Sinh tại nhiều nước truyền thống Ki-tô giáo, có thói tục tằng quà cho người thân và cho người nghèo. Chúa sinh ra trong cảnh nghèo hèn để mời gọi các tín hữu chúng ta biết nghĩ đến tha nhân, cảm thông và chia sẻ giúp đỡ những người bất hạnh với hết khả năng của chúng ta. Mỗi chúng ta phải trở thành những ông già No-en đầy lòng nhân ái, sẵn sàng trao tặng cho tha nhân một nụ cười thân ái, một lời nói động viên an ủi, một món quà chứa đựng tình người. Mỗi người chúng ta hãy đi thăm những người bất bạnh để chia sẻ tình thương của Chúa cho họ, là những món quà vật chất, là lời nói chân thành động viên những ai đang bị bệnh tật, đau khổ bất hạnh… phấn đấu vượt qua những khó khăn gặp phải, cùng hợp tác với nhau để biến đổi gia đình, khu phố, nhà thờ, nơi làm việc của mình trở thành mooth thiên đàng trần gian yêu thương hòa bình, vui tươi và hạnh phúc, đúng như những lời chúc mừng luôn được ghi trên các cánh thiệp Giáng Sinh và đầu Năm Mới : “Chúc mừng Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới hạnh phúc”.

4. THẢO LUẬN:

Sau khi được sứ thần loan báo tin vui, các mục đồng đã vội vã lên đường đi Bê-lem để tìm Hài Nhi Cứu Thế. Rồi sau đó họ đã thuật lại những gì mắt thấy tai nghe về Hài Nhi này. Trong Mùa Giáng Sinh, mỗi người chúng ta cần làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Giáng Sinh cho các bạn bè và những anh em lương dân chưa nhận biết Chúa

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay lễ Giáng Sinh lại về, trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, các bài thánh ca vang lên đó đây, người người chia sẻ niềm vui bên nhau. Nhưng còn biết bao người vẫn đang bị cô đơn lạc lõng, đang âm thầm đau khổ và không có niềm hy vọng. Xin Chúa cho chúng con biết nghĩ đến họ và giúp đỡ họ với hết khả năng của chúng con. Xin cho chúng con trở thành những ông già No-en đầy lòng nhân ái, luôn sẵn sàng trao tặng cho tha nhân một nụ cười thân ái, một lời nói động viên an ủi, một món quà chứa đựng tình người. Xin cho chúng con biết đến thăm những người bất bạnh để chia sẻ tình thương của Chúa cho họ. Ước gì niềm vui trong ngày lễ Giáng Sinh không dừng lại ở những của cải vật chất bên ngoài, nhưng ở tình người được nhân lên mãi, được nối lại thành vòng tay lớn, hầu cùng nhau chung lo xây dựng một thế giới mới đầy niềm vui, bình an và hạnh phúc.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

 
Hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương nơi tha nhân
Lm Đan Vinh
05:47 21/12/2019

Lễ Ban Ngày Giáng Sinh
Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 1,1-18

1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành. 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. 5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. 6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. 10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. 15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: "Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi." 16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. 18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

2. CÂU CHUYỆN VÀ SUY NIỆM:

1) TẠI SAO THIÊN CHÚA PHẢI NHẬP THỂ TRỞ THÀNH EM-MA-NU-EN ?

- Xưa kia một ông vua đã chọn một ông quan thông thái và thánh thiện tên là The Vizier để luôn đi theo làm bầu bạn và giải đáp các thắc mắc của nhà vua. Một hôm trên đường đi hành hương thánh địa Palestine, The Vizier đã bị xúc động mãnh liệt khi được nghe biết câu chuyện của Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế: Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương nhân loại tội lỗi, nên đã nhập thể làm người để ban ơn cứu chuộc cho loài người. Sau đó ông ta đã xin theo đạo Công Giáo. Khi trở về triều, nhà vua thắc mắc hỏi quan The Vizier rằng: “Nếu trẫm muốn làm bất cứ điều gì, trẫm sẽ không cần đích thân làm, mà chỉ cần ra lệnh cho quần thần là việc đó sẽ lập tức được thi hành. Vậy tại sao Chúa Giê-su là vua các vua, là Thiên Chúa quyền năng, có thể cứu rỗi nhân loại chỉ bằng một lệnh truyền, nhưng người lại phải nhập thể làm người, trở thành Đấng “Emmanuen - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” như vậy làm chi?” Bấy giờ quan cố vấn The Vizier xin nhà vua cho thời gian suy nghĩ một ngày trước khi trả lời cho nhà vua. Ngay sau đó, ông ta cho người nhờ một người thợ mộc tài giỏi trong nước làm gấp một con búp bê và cho mặc quần áo giống y như hoàng tử một tuổi con trai của nhà vua. Ông cũng căn dặn hôm sau phải mang búp bê đó đến cho ông.
Sáng hôm sau, khi vua và quan cố vấn đang chèo thuyền dong chơi trong hồ lớn bên trong hoàng cung, vua đã yêu cầu quan cố vấn hãy trả lời cho câu hỏi của vua hôm trước. Bấy giờ quan cố vấn ra hiệu cho người thợ mộc đang có mặt ở bờ hồ, trên tay bế con búp bê giống hệt hoàng tử một tuổi con trai của nhà vua. Nhà vua trông thấy hoàng tử con trai của mình trên tay người lạ thì tưởng là thích khách. Nhất là khi thấy tên thích khách kia ném hoàng tử xuống hồ nước, nhà vua liền nhảy xuống hồ bơi nhanh đến để kịp thời cứu hoàng tử sắp bị chết chìm, mà không ra lệnh cho quần thần chung quanh. Sau khi quan quân đưa được nhà vua và hình nộm búp bê hoàng tử kia lên thuyền, quan cố vấn liền hỏi: “Tâu đức vua, thần nghĩ là đức vua không cần phải nhẩy xuống hồ nước, mà chỉ cần ra lệnh cho quần thần làm việc ấy không được hay sao ? Tại sao chính đức vua lại phải nhẩy xuống hồ để cứu hình nộm hoàng tử vậy?” Nhà Vua suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Trẫm nghĩ có lẽ việc trẫm vừa làm là câu trả lời của khanh muốn nói cho trẫm biết lý do tại sao, để cứu nhân loại khỏi chết, Thiên Chúa toàn năng lại phải đích thân nhập thể làm người, thay vì ra lệnh cho ai khác làm điều đó”.

- Hôm nay chúng ta cử hành biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: “Chúa Giê-su là Ngôi Lời Nhập Thể đã xuống thế làm người”. Người là Con Một của Chúa Cha, vì yêu thương nhân loại, đã từ trời cao xuống đầu thai thành một người phàm, “nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không phạm tội” (Dt 4,15). Tin mừng Gio-an đã diễn tả mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể trong lời tựa mở đầu sách Tin Mừng Thứ Tư như sau: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).

Đức Giê-su là Đấng “Em-ma-nu-en - Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Người đã đến cắm lều ở giữa chúng ta để cứu chuộc chúng ta. Tại sao Chúa lại phải đích thân xuống thế làm người như vậy ? Câu chuyện sau đây của Sadhu Sundar Singh, một nhà huyền bí Ki-tô giáo người Ấn độ trả lời cho vấn nạn ấy:

2) THẮP LÊN NGỌN LỬA TIN YÊU NƠI THA NHÂN BẰNG SỰ THĂM VIẾNG VÀ PHỤC VỤ:

Một ngày kia, tại Melbourne nước Úc, mẹ Tê-rê-sa đến thăm một người đàn ông lớn tuổi nghèo khó và cô độc, đang sống dưới tầng hầm của một chung cư. Căn phòng của ông tối tăm và bề bộn, và ít khi ông bước ra khỏi phòng. Thái độ của ông không mấy phấn khởi khi thấy có người đến thăm. Sau mấy lời chào hỏi, mẹ Tê-rê-sa bắt đầu đi thu dọn và sắp xếp lại căn phòng. Lúc đầu, ông ta tỏ ý không muốn qua câu nói: “Bà cứ để mọi sự như cũ cho tôi. Tôi đã quen với cảnh này rồi”. Mặc dù thế, mẹ vẫn cứ xúc tiến công việc của mình. Mẹ vừa dọn dẹp, vừa nói chuyện với ông ta ngồi trên nệm kê ở góc phòng. Dưới một đống rác cạnh tường, mẹ phát hiện ra một cây đèn dầu phủ đầy bụi bặm, liền lấy ra lau chùi. Nhận thấy cây đèn khá đẹp, mẹ liền nói với ông ta: “Ông có một cây đèn dầu rất đẹp, vậy ông có thường thắp sáng nó lên hay không?” Ông ta đáp: “Tôi có hay thắp sáng cây đèn đó lên hay không ư ? Có ai đến thăm tôi đâu !” Mẹ nói: “Thế ông có bằng lòng cho chúng tôi thường xuyên đến thăm ông để có dịp thắp sáng cây đèn này lên hay không?” Ông ta trả lời “Vâng, nếu tôi nghe thấy một giọng nói của người nào, thì tôi sẽ thắp đèn lên”.
Từ ngày đó hai nữ tu dòng của mẹ Têrêxa đã thường xuyên đến thăm viếng ông lão. Mọi sự đã dần dần được cải thiện. Mỗi lần các nữ tu đến thăm, ông ta đều thắp sáng cây đèn lên. Thế rồi một ngày nọ, ông đã nói với các nữ tu: “Thưa các sơ, kể từ bây giờ, tôi đã có thể tự xoay xở mọi việc được rồi. Xin các sơ nói với mẹ bề trên đã đến thăm tôi cách đây ít lâu là: ánh sáng mà bà đã thắp sáng trong tôi từ đó đến nay vẫn đang cháy sáng trong tôi”.
Chính lòng nhân ái thể hiện qua hành động thăm viếng và thái độ đầy tình người của mẹ Têrêxa và các chị em nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đã thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn người đàn ông nghèo khó cô đơn nói trên.

3. LỜI CẦU:

Lạy Chúa. Mầu nhiệm Chúa giáng sinh hôm nay mời gọi mỗi người chúng con biết nghĩ đến những người chung quanh, nhất là những người đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, cô độc và những đôi vợ chồng bất hạnh. Xin cho chúng con ý thức Chúa đang hiện thân nơi họ để mời gọi chúng con thăm viếng, động viên an ủi, sẻ chia tinh thần vật chất, để thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu vẫn đang còn âm ỉ trong tâm hồn họ. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết nhìn thấy Chúa nơi những người thân trong gia đình chúng con như: chồng vợ, cha mẹ, anh chị em trong cùng một mái nhà, để cảm thông, tha thứ và sẵn sàng chia sẻ lời chúc bình an hạnh phúc cho họ. Nhờ đó, Chúa là tình thương sẽ có thể hiện diện nơi bản thân, gia đình, khu xóm và nơi làm việc của chúng con.- AMEN.

 
CN 4A-Vọng : Ba điều Giuse cho Giêsu
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:33 21/12/2019
Tuy dành rất ít đất cho Giuse (*) trong các sách Tin Mừng, nhưng vai trò của thánh Giuse trong chương trình của Thiên-Chúa-làm-người khá quan trọng. Có người mạnh miệng nói, rất quan trọng ! Ta chỉ dùng, quan trọng. Quan trọng vì Giuse cho Giêsu 3 điều : (1) cho Giêsu được sống (2) trong gia đình (3) thuộc hoàng tộc.

1. Cho Giêsu được sống

Nếu không có Giuse, Giêsu không chào đời được. Bởi chẳng cần đợi đến ngày chào đời, khóc một tiếng rồi chết, mà ngay khi còn trong dạ mẹ, Giêsu đã bị ném đá chết cùng với mẹ mình là Maria. Một người nữ chưa về nhà chồng mà có thai với ai đó, Việt Nam ta cạo trọc đầu bôi vôi, nhưng luật Môi-sê là : đem ra ngoài thành ném đá cho đến chết.

Thế kỉ 21 rồi, mà luật Hồi Giáo cũng mạnh tay như vậy, khi tại Nigeria bà kia có thai, cương quyết không khai tác giả, bị toà sơ thẩm kết án tử hình. May sao nhờ sự can thiệp của quốc tế, kể cả của ĐGH, và Tổng Thống sở tại hứa xem xét, nên toà cao hơn đã tha bổng. Tôi có lưu lại mẩu tin cùng với hình của bà ôm đứa nhỏ khóc vì vui, nhưng đêm qua tìm lại mãi không thấy vì bà nấp đâu kỹ quá (trong máy vi tính)

Còn Maria thì không thể nấp kỹ được, nên chỉ còn lãnh đá ném, nếu Giuse không đem Maria về nhà mình. Thế là Giuse đã cho Giêsu sống.

Tại một sa mạc bên Phi Châu, tu sĩ Caretto, Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu, nghe biết có cô gái kia khoảng 14 tuổi mà đã được nhắm để gả cho một chàng trai cách trại bố mẹ cô khá xa. Trong thời gian chờ đợi ngày cưới đến, cô gái vẫn tiếp tục đi kín nước và làm việc nội trợ như thường. Bẵng một thời gian khoảng 2 năm sau, tình cờ tu sĩ Caretto gặp bố cô gái. Tu sĩ hỏi xem con gái của ông đã về nhà chồng chưa. Bố cô gái bối rối không muốn trả lời. Chiều đến khi đi kín nước tại lưu vực cách trại vài trăm mét, tu sĩ Caretto đã gạn hỏi người đầy tớ của bố cô gái. Người đầy tớ này cũng không dám lên tiếng trả lời, mà chỉ ra hiệu cho biết: cô gái ấy đã bị bóp cổ chết (Châu Phi không có tục ném đá). Tại sao vậy ?

Vì người ta đã khám phá ra cô gái ấy có thai trong thời gian chờ ngày về nhà chồng, nên vì danh dự, người ta đòi buộc cô sự hy sinh vừa nói, cô bị bóp cổ chết. Một cái chết giết luôn hai sinh mạng: cô gái và thai nhi trong bụng. Nhưng nếu có một Giuse nào đó đứng ra, chắc cô và con cô không chết.

Nhiều bộ tộc, và cả một số làng bên Ấn Độ hiện nay, người cha sẽ đích thân giết con gái của mình ngay, nếu cô ta có thai trước ngày cưới. Họ xem đó là vì danh dự, vì lệnh, vì luật ! Còn trường hợp Maria nhờ Chúa quan phòng cho có Giuse, nên Giêsu được sống.

2. Cho Giêsu được sống trong gia đình

Nếu thời đó (thời Maria-Giuse) có sự can thiệp của quốc tế, -một chữ "nếu" chẳng bao giờ xảy ra-, mà Maria không bị ném đá, khi Giuse lìa bỏ Maria cách kín đáo, thì thử hỏi Maria có sống nổi không khi nhà cửa chẳng giàu có gì, khi Nazaret quê hương là một thôn làng chẳng ai biết đến, như Natanael : Nazaret nào có chuyện gì lạ hay !

Bởi thế nếu không có Giuse, thôn nữ Maria sinh ra Giêsu, biết lấy ai làm chỗ dựa. Có thể là còn ông bà ngoại Gioakim Anna, nhưng đây là ta đã có một chữ “nếu” to tướng, nếu Maria không bị ném đá, Giêsu được sinh ra. Và sinh ra không có cha. Ông bà ngoại đâu phải là cha. Đi học các bạn cùng lớp hỏi “bố mầy đâu,” về nhà Giêsu hỏi : “mẹ, ba con đâu,” Maria biết trả lời sao. Bởi thế, trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Chúa Cha muốn Con của mình giáng sinh trong một gia đình có cha có mẹ, như chính Ba Ngôi là một gia đình.

Trong gia đình nhân loại, người cha là chỗ dựa cho vợ con. Mà quả Giuse là chỗ dựa thật sự, nhất là khi ấu vương Giêsu trốn chạy qua Ai Cập. Chắc gia đình nào chạy loạn, 68 Mậu Thân, 72 đỏ lửa, 75 loạn ly sẽ thấy được nhà nào có người cha là thấy an tâm hơn. Tôi không nói, nhiều nhà người mẹ đóng vai trò thật xuất sắc khi vắng cha, hay khi người cha không đáng là chỗ tựa. Nhưng bình thường lúc có việc, nơi tựa vững chắc vẫn là người cha.

Thế là vai trò của thánh Giuse đối với Giêsu: cho Giêsu được sống (tuy hơi quá, vì Thiên Chúa mới cho sống !), và cho Giêsu được sống trong gia đình. Và cái “cho” thứ ba là :

3. Cho Giêsu được sống trong gia đình hoàng tộc

Cách đây ít lâu, ta thấy có bài báo đăng tin người cuối cùng của dòng tộc của vua Nguyễn, sống ẩn dật tại Cần Thơ, chứ không phải tại Huế hoàng triều. Giuse coi vậy chứ cũng thuộc dòng dõi vua chúa, và là vua nổi tiếng, Đavit chứ không phải Saulê. (Luca thuật biến cố truyền tin đã nói một trinh nữ thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng tộc vua Đavít. Còn sứ thần nói trong giấc mộng với Giuse của sách Tin Mừng Matthêu thì : Này Giuse, con vua Đavit). Lẽ ra Giuse phải ở tại miền Nam có Giêrusalem là kinh đô, nhưng vì lý do nào đó đã lưu lạc lên phía Bắc, vậy mới đính hôn được với thôn nữ Maria, người Nazaret. Khi kiểm tra dân số, Giuse phải đưa vợ mình là Maria về quê Đavit để khai sổ bộ.

Tại sao lại cần có Giuse để Giêsu nhập hộ hoàng gia. Lý do là lời tiên báo của các ngôn sứ loan rằng Đấng Cứu Thế phải xuất thân từ dòng dõi Đavit, chi tộc Giuđa. Maria nếu bà con gần với Zacaria, chắc thuộc chi tộc Lêvi, còn nếu là bà con gần với Elizabet thì chẳng biết thuộc chi tộc gì. Có người nói, Maria cũng thuộc hoàng tộc Đavit, dẫu vậy, vẫn chưa đủ, vì Israel theo chế độ phụ hệ, quan trọng là người cha. Chính anh sẽ đăt tên con trẻ là Giêsu. Bởi thế cần có một người cha nhân loại, thuộc dòng tộc Đavit, để các lời loan báo về Đấng Thiên Sai (Messia) ứng nghiệm. Cái “cho” thứ ba này nặng kí lắm đối với dân kinh sư và luật sĩ, bị điều họ không chịu nhận ra thôi, chứ nếu Giêsu không thuộc dòng dõi vua Đavit, là họ dễ dàng phi bác cái một. Đây là cái cho về mặt pháp lý, về mặt luật (Kinh Thánh là luật).

Vậy Giuse đã cho Giêsu 3 điều :

-được sống

-được sống trong gia đình

-được sống trong gia đình hoàng tộc.

Ngày nay thánh Giuse cũng cho chúng ta, những người em của anh cả Giêsu nhiều điều. Nhưng đó lại là đề tài của một bài giảng khác. Tuy nhiên những lời xướng trong kinh cầu ông thánh Giuse là một gợi ý đáng giá về những cái cho mà thánh Giuse dành cho chúng ta.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

____________

(*) Trong 4 Chúa Nhật chu kỳ ba năm A, B, C của Mùa Vọng (tức 12 bài Tin Mừng của Mùa Vọng), Phụng vụ chỉ nhắc tới Giuse có một lần : CN IV năm A, Truyền tin cho Giuse ; hai lần cho Đức Mẹ (CN IV : Năm B và C); nhưng 6 lần cho Gioan Tẩy Giả (CN II và III của cả 3 năm A, B, C) !
 
Họ Sẽ Thấy Đấng Emmanuel Trong Con
LM. Giuse Trương Đình Hiền.
09:36 21/12/2019
Chúa Nhật IV Mùa Vọng (A 2019)

Hôm nay, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm vĩ đại của ơn cứu độ, mầu nhiệm “Con Chúa Giáng Trần”, mầu nhiệm “Emmanuel”, Lời Chúa lại một lần nữa trình bày với chúng ta những con người giản đơn, nhỏ bé, khiêm hạ, thuộc “nhóm nhỏ còn lại của Gia-vê” (Anawim), được gọi mời để cọng tác với Thiên Chúa trong chương trình tình yêu vĩ đại của Ngài, chương trình cứu độ.

Nói cách khác: để có “Thiên chúa ở cùng chúng ta”, thì cần phải có những con người “ở cùng Thiên Chúa”, nghĩa là những con người sẵn sàng trải rộng cõi lòng để đón nhận ý định nhiệm mầu và yêu thương của Thiên Chúa.

- I-sa-ia, vị ngôn sứ xuất hiện khoảng 600 năm trước Chúa Kitô đã mạnh dạn loan báo “ngày xuất hiện của một Đấng Em-ma-nu-en và người cọng tác đó lại là một trinh nữ: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Nầy đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en”

- Trong khi đó, trích đoạn Tin mừng Matthêô tường thuật cho chúng ta “cuộc mặc khải cho Thánh Giuse để Ngài đón nhận Đức Đức Maria làm vợ”: Phải chăng Maria, Giuse, những người công chính, đó là những “đại diện cho giai đoạn của “thời gian viên mãn”, “thời của thực hiện dứt khoát, thời của Giao Uớc Mới, thời của Đấng Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Như vậy chúng ta có thể nói được rằng: trọng tâm của sứ điệp phụng vụ hôm nay đó là nhắc lại cho chúng ta chân lý nền tảng nầy: Thiên Chúa đang hiện diện, đang hoạt động trong trần gian nầy, đang thực hiện “giao ước mà Ngài đã ký kết vì yêu thương” ; và Ngài thực hiện qua những biến cố, con người, dụng cụ bé nhỏ khiêm hạ. Và chúng ta chỉ có thể cảm nhận, đón lấy hoạt động đó, hồng ân đó, giao ước đó khi hoán cải trở nên bé nhỏ khiêm hạ, hoán cải nên giống Đức Maria, nên giống Thánh Giuse như những mô hình gương mẫu.

Nhưng, để đi sâu vào những giáo huấn nầy, chúng ta thử tìm hiểu các chỉ dẫn của Lời Chúa được công bố hôm nay.

Từ ngay những trang đầu của Thánh Kinh, mặc khải của Thiên Chúa đã chỉ cho thấy rằng: cái thảm trạng to lớn nhất, kinh khủng nhất của vũ trụ, của thế giới, của loài người là “vắng bóng Thiên Chúa”. Sách Sáng thế đã ngụ ngôn rằng: Sau khi Tổ Tông con người chối từ Thiên Chúa, thì từ độ ấy, không còn nữa những buổi chiều nắng nhạt, Chúa và Người thả bộ hàn huyên nhau trong thân mật ngọt ngào; cánh cửa địa đàng khép lại, con người lủi thủi cô độc dắt nhau “cày sâu cuốc bẫm” trên những luống đất góc gai. Rồi sau đó là anh Cain giết em ruột Abel, là sa đọa và lụt đại hồng thủy, là tháp Baben chia rẽ và kiêu ngạo…

Tiếp theo những trang Thánh Kinh “mang dáng đứng huyền thoại và cổ tích đó”, Cựu ước lại tiếp nối những trang dài kinh nghiệm lịch sử của dân được chọn, Ít-ra-en: khi nào dân chọn Chúa, tin Chúa, có Chúa ở giữa dân, thì lập tức còn an vui sung túc; trái lại khi dân khước từ, chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa để chạy theo những thần tượng ngoại lai ảo ảnh, thì rơi vào những nỗi khốn cùng: nô lệ, lưu đầy, tai ương, hoạn nạn. Nhưng điều mà Lời Chúa khẳng định cách rõ nét nhất đó là: mỗi khi con người sám hối ăn năn, quay đầu trở lại, tìm đến với Thiên Chúa…lập tức Chúa lại xuất hiện, lại trở về cư ngụ giữa dân để gia ân giáng phúc. Đúng như lời Chúa nói với Mai-sen trong hoang mạc Ma-di-an: “Ta đã thấy nỗi khổ của Dân Ta” (Xh 3,5). Kinh nghiệm của 40 năm hành trình về đất hứa là “kinh nghiệm xương máu” của chọn lựa nầy, của đức tin vào sự hiện diện nầy.

Quả thật, Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa sẵn sàng đồng hành hôm sớm như áng mây, như cột lửa dẫn đường, là Thiên Chúa chịu thương chịu khó cư ngụ trong lều tạm, là Thiên Chúa hiện diện nơi “hòm bia giao ước” luôn đi sát và hiện diện cùng dân. Cũng chính với niềm tin vào sự hiện diện oai hùng và thân thương đó mà, khi Đa-Vít, Vị Vua anh minh của thời định cư Đất Hứa, sau khi an định cõi bờ, đã long trọng cung nghinh Hòm Bia Giao ước về đặt tai trung tâm thủ đô Giê-ru-sa-lem để dân sớm hôm phụng thờ và lễ bái.

Tuy nhiên, những gì đã được loan báo trong Cựu ước chỉ là bóng hình và chuẩn bị. Sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa phải đợi cho đến biến cố mà chúng ta sắp sửa cử hành và hôm nay được nhắc tới: Biến cố Ngôi Lời Nhập Thể. Vâng, Thiên Chúa không còn hiện hữu một cách tượng trưng qua áng mây cột lửa, qua hai Bia đá ghi Mười điều Răn, hay là qua “ngọn gió hiu hiu trên đĩnh Ho-reb …Đã đến thời viên mãn. “Một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Đức Mẹ Maria chính là “Hòm Bia Giao ước mới” cưu mang Con Thiên Chúa làm người.

Quả thật, bài Tin mừng Matthêô hôm nay, mô tả “cuộc thị kiến của Giuse về sự mang thai lạ lùng của Đức Maria là một bản tuyên cáo hùng hồn của Thiên Chúa về lòng yêu thương miên viễn của Ngài ; đồng thời cũng nói lên thái độ ngoan ngùy của những tâm hồn công chính khát mong ơn cứu độ. Từ đây Giao ước đã trở thành hiện thực. Tất cả mọi sự đời nầy cho dù quan trọng đến mấy, cũng phải nhường bước cho ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, cho Tin Mừng vĩ đại Con Chúa Giáng Trần. Giuse không còn phải trốn chạy, trăn trở trước một Maria đồng trinh mà bụng mang dạ chữa ; nhưng kể từ đây hân hoan đón nhận Tin Mừng để cùng nhau sát cánh cọng tác để Tin Mừng sớm được vang xa và trở thành hiện thực.

Quả thật Đấng Emmanuel trong cung lòng Trinh Nữ Maria đã làm cho tất cả những ước mơ, hy vọng của con người từ đây được đáp ứng: sự hiện diện của Ngôi Lời Thiên Chúa đã chuyển từ không tới có, từ mất lại được: có ơn cứu độ, có sự tha thứ, có hồng ân tái tạo, có ánh sáng và chân lý dẫn đưa ta vào hạnh phúc vĩnh hằng. Cố linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn đã diễn tả tư tưởng của Thánh Gioan về sự hiện diện của Ngôi Lời bằng những câu thơ đẹp:

Lời hằng sống từ muôn ngàn thế kỷ

Đã vang lên khắp trời đất núi sông

Không có Lời, muôn vật chỉ là không

Không chi hết, toàn mênh mông trống rỗng…

Lời ban xuống trần gian như ngọn lửa

Quét sương mù cho rạng nước non xanh,

Thiêu cây hoang cỏ dại cho đất lành

Tỏa ánh sáng soi đường người muôn thuở…

Vâng, mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể chính là bài thuyết minh rõ nhất về sự hiện diện của Chúa Trời trên dương thế, một sự hiện diện cần thiết, thẳm sâu mà chính Chúa Trời đã khắc ghi trong sâu thẳm cõi lòng mỗi nhân loại, đến nỗi, trước những hoàn cảnh bi đát nhất, tối tăm nhất, thất vọng nhất, đau thương nhất, con người đều thốt lên “Trời ơi”, như một lời kêu cứu, một điểm tựa cuối cùng (như tiếng kêu não nùng của đôi vợ chồng Thức Lạc khi bị chìm ghe trong đêm vớt củi trên sông Hồng mùa nước lũ qua truyện ngắn “ANH PHẢI SỐNG” của Nhất Linh-Khái Hưng).

Đã biết bao nhiêu lần lịch sử của nhân loại đã rơi vào thảm kịch kinh hoàng khi cả gan chối từ Thiên Chúa, muốn gạt phét Ngài ra khỏi cuộc đời, khỏi thế giới. Thừa hưởng chủ trương “giết chết thượng đế” của Nietzsche (1844-1900), chủ nghĩa phát-xít Đức đã tiêu diệt bao nhiêu triệu con người trong thế chiến thứ II. Cũng thế, chính chủ nghĩa vô thần, phủ nhận Thượng Đế của Karl Marx-Engel và các “môn đồ kế tục” như Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pônpốt… đã xô đẩy bao nhiêu sinh linh vào nỗi oan khiên chết chóc !

Mùa Giáng Sinh Kitô giáo chính là một nhắc nhở sống động cho toàn nhân loại về sự hiện diện của Thiên Chúa; và đặc biệt nhắc cho mỗi người tìm lại sự hiện diện của Thiên Chúa cho chính cuộc đời mình, dành một góc cho Thiên Chúa đến viếng thăm mình.

Thế nhưng, chắc cũng không ít người đưa ra vấn nạn: Thiên Chúa hiện diện nơi đâu để tôi tìm thấy?

Tạm bỏ qua những lần “hiển linh” của Thiên Chúa trong thời Cựu ước, chúng ta thử tìm gặp những cách thế hiện diện của Thiên Chúa qua Con Một Ngài nơi Tin Mừng.

Vâng, qua các trình thuật Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm gặp một sự hiện diện lạ lùng của Thiên Chúa mà ngay giây phút bước vào đời Ngôi Hai đã cương quyết chọn lựa: không phải hiện diện oai nghiêm rườm rà của nnững cuộc tế lễ toàn thiêu, tạ tội nơi cung thánh, mà là hiện diện bằng chính một cuộc đời, một thân xác như khẳng định của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đa-vít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần…” (Bđ 2). Thân xác đó, cuộc đời đó đã chấp nhận có mặt, hiện diện trong vũ trụ này, trên trái đất nầy; đó là sự hiện diện thật sự

- Của một bào thai trong cung lòng của một thôn nữ nơi ngôi làng bé nhỏ ở Bê-lem,

- Của một em bé vô gia cư sinh ra trong hang súc vật giá lanh ban đêm,

- Của một chàng thợ mộc nghèo lao công vất vả nơi xưởng thợ Na-da-rét,

- Của một phó thường dân sắp hàng với những người tội lỗi để ông Gioan làm phép rửa.

- Cả một người dạt dào nước mắt trước huyệt mộ của một người bạn mới qua đời,

- Của một thánh nhân sẵn sàng nhận những nụ hôn sám hối của một gái làng chơi,

- Của một khách mời tiệc cưới, hay sẵn sàng với nhóm phần thu chén thù chén tạc,

- Của một tôn sư khố rách áo ôm ở Ga-li-lê, ngủ mê mệt trên chiếc thuyền giữa cơn bão táp,

- Của một tên tội phạm trong nỗi khổ nhục ê chề trước tòa án Phi-la-tô,

- Của một tử tội trần trụi, máu me chết nhục nhã giữa hai tên tội đồ…

Và ngày nay, Đấng là Emmanuel đó đang tiếp tục hiện diện trong tấm bánh đơn trên bàn thờ, trong nhà tạm, trong muôn cõi lòng khi chia sẻ chút máu thịt để làm của ăn cho dương thế…!

Bài học về những “hiện diện của Đấng là Đường, Sự Thật Sự Sống”, bài học của mái trường “Emmanuel” mãi mãi không bao giờ “quá đát” hay vô giá trị đối với những ai đã chọn bước theo Ngài. Và cách riêng, với chúng ta những người Kitô hữu, những người mang tước phẩm cao cả là “con cái Thiên Chúa”, thì liệu trong những ngày đặc biệt nầy, những ngày cuối cùng của Mùa Đợi chờ Chúa đến, Chúa có thật là một “Emmanuel” không, hay như những câu hỏi của một bài thơ mang tên “Có lẽ nào”, xin trích:

Có lẽ nào ta đang vắng Chúa ?

Nên thấy hồn hiu quạnh hoang liêu.

Thấy chung quanh trống vắng tiêu điều,

Và trong lòng “bỗng dưng muốn khóc”…!

Chúa không về hay ta bội bạc ?

Khép kín lòng trong góc tối riêng.

Ta xuyến xao trăn trở triền miên,

Và buông mất bàn tay của Chúa…!

Có lẽ nào lòng ta tắt lửa ?

Chút tro tàn lạnh ngắt tình thân.

Còn đâu tình Chúa lẫn tha nhân,

Hồn câm nín và trái tim cô độc…!

Chúa không còn hay ta khô khốc ?

Mảnh đất hồn gai góc rong rêu.

Sợi chỉ đời ngang dọc sân si,

Che phủ hết mọi đường ánh sáng…!

Như thế, sống mầu nhiệm “Emmanuel” để chuẩn bị cho ngày Đại lễ sắp tới chính là sống “sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa”, đón nhận sự hiện diện của Đấng Emmanuel vào tâm hồn và cuộc sống, và từ đó biểu lộ sự “có mặt của Thiên Chúa” nơi chính cuộc sống và cách ứng xử của đời mình:

- như người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong những vất vả, khổ cực của chồng để sắt son chung thủy, và chồng thấy Đấng Emmanuel trong bao nhiêu hy sinh, tần tảo sớm hôm của vợ để yêu thương chăm sóc, đỡ nâng.

- như con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, vâng lời lễ độ.

- như bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để mà sống tử tế, phục vụ và chia sẻ...

- như mọi người nhìn thấy Đấng Emmanuel trong mỗi giờ kinh nguyện, trong Thánh lễ mỗi ngày, trong nhà tạm với chiếc đèn hiu hắt, trong tòa giải tội để đợi chờ thứ tha…hầu biến Lễ Giáng Sinh không trở thành một lễ hội ăn chơi đua đòi mà là một gặp gỡ đổi đời nên thánh…

Sông được như thế, phải chăng đó cũng chính là con đường đúng và ngắn nhất để “quy phục muôn dân tộc về đức tin”, như Thánh Phaolô đã đoan quyết với cộng đoàn Rôma từ 2000 năm trước (BBĐ2).

Và để sống trọn vẹn mầu nhiệm Emmanuel trong cuộc đời hôm nay, có lẽ lời cầu nguyện sau đây của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta là thích hợp nhất:

Lạy Chúa Giê-su của con,

xin hãy giúp con biểu lộ được

sự hiện diện của Chúa khắp nơi con đi qua…

Xuyên qua con xin hãy làm cho

Ánh sáng của Chúa được lan tỏa

và hãy hết sức ở trong con

đến nổi mọi người con gặp gỡ

đều có thể cảm thấy

sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn con.

Họ cứ ngước mắt lên đi

họ chẳng còn thấy con đâu,

mà thấy Chúa, chính Chúa, Chúa Giê-su của con….

LM. Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:09 21/12/2019

18. Đức nhẫn nại là căn bản vững mạnh của đức tin chúng ta, là cái nôi sinh trưởng đức cậy của chúng ta.

(Thánh Cyprianus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:13 21/12/2019
96. ĐÔNG HÔN HẦU NỬA TỈNH NỬA MÊ

Thích sứ Tiêu Diễn ở Ung Châu lợi dụng nước Tề có nội loạn, bèn khởi binh đánh Tề đế là Đông Hôn Hầu, và bao vây chặt chẻ bên ngoài thành Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh, Trung Quốc) dứt đường cứu viện, tình trạng rất là nguy cấp.

Các mưu sĩ hiến kế cho Đông Hôn Hầu là phải dùng đến hơn một trăm tấm gỗ dày cất giữ phía sau từ đường để làm khí cụ giữ thành. Đông Hôn Hầu vẫn cứ bủn xỉn không thay đổi, nói:

- “Mấy tấm ván đó là để làm vật liệu xây từ đường, không thể dùng được !”

Tướng lãnh tâm phúc cuối cùng đã bỏ đi, Đông Hôn Hầu bị Tiêu Diễn giết chết, nước Tề bị diệt.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 96:

Việc đại sự của ông vua là sự sống còn của đất nước chứ không phải là việc xây nhà từ đường, bởi vì đất nước còn thì tất cả còn, đất nước mất thì mất tất cả…

Việc đại sự của mục tử là đi tìm con chiên lạc trở về và chăm sóc chữa trị các con chiên bị bệnh, bồi dưỡng các con chiên khỏe mạnh, chứ không phải ngồi nhà để “điểm danh” con chiên này tuần này không xin lễ cầu hồn cho ba nó, con chiên kia không thấy đến nhà thờ.v.v…

Việc đại sự của người Ki-tô hữu là làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Chúa Giê-su, tức là sống hiền lành và khiêm tốn với tất cả mọi người, chứ không phải là chỉ trích người này dốt giáo lý, người kia làm biếng đi dâng lễ…

Việc đại sự của Đức Chúa Giê-su là cứu chuộc nhân loại nên Ngài đã hy sinh tất cả kể cả mạng sống của mình, thì người Ki-tô hữu sá chi mấy tấm ván vô tri vô giác là kiêu ngạo ghét ghen mà không nghe lời cha giải tội khuyên bảo, để đến nỗi phải chết mất linh hồn đời này và đời sau chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã khởi động một quỹ dành cho các ký giả Công Giáo ở quê nhà
Đặng Tự Do
05:22 21/12/2019
Trong một diễn biến gây ngạc nhiên cho nhiều người trong giới tinh hoa Công Giáo ở Đức, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã khởi động một quỹ dành cho các ký giả Công Giáo ở quê nhà.

“Tôi muốn tiếng nói Công Giáo được nghe thấy,” Đức Giáo Hoàng đã nghỉ hưu đang cư trú trong một tu viện ở Vatican kể từ khi thoái vị vào năm 2013, nói như trên về quyết định của ngài.

Quỹ “Tagespost cho Báo chí Công Giáo” được đặt theo tên của một tờ tuần báo Công Giáo, có mục tiêu là quyên góp khoảng 500,000 Mỹ Kim trong năm 2020 để đầu tư vào việc đào tạo các nhà báo trẻ và hỗ trợ nhiều dự án, bao gồm các nghiên cứu về đạo đức y học ở Đức.

Trong bối cảnh là các giáo phận rất giàu nhờ tiền thuế và Hội Đồng Giám Mục rất mạnh ở Đức đã tài trợ cho một loạt các dự án truyền thông và cho các cơ quan báo chí nào cung cấp việc đào tạo, bao gồm cả một trường chuyên ngành báo chí Công Giáo có trụ sở tại Munich, sáng kiến của Đức Giáo Hoàng danh dự đã được cả những người ủng hộ lẫn những người chống đối xem là một động thái chiến lược nhằm củng cố báo chí Công Giáo chính thống để có thể tường trình độc lập với hàng giáo phẩm và các thế lực khác.

“Hiệp hội các nhà báo Công Giáo” đã chỉ trích động thái này nêu lên lo ngại về lý do tại sao Đức Giáo Hoàng danh dự đã quyết định thực hiện sáng kiến này mà không mời gọi trường báo chí hiện có tham gia vào.

Với một vài trường hợp ngoại lệ nổi bật - chẳng hạn như ấn bản bằng tiếng Đức của Thông tấn Công Giáo, tức là CNA Deutsch - cơ sở hạ tầng của truyền thông Công Giáo Đức và các cơ quan đại diện của nó tại quốc gia này được cài đặt chặt chẽ vào các cấu trúc tổng thể và các cơ sở của Giáo hội Đức.

Nhờ hệ thống thuế Giáo Hội, thường được gọi là Kirchensteuer, và một số thỏa thuận lịch sử, Giáo Hội Công Giáo, cùng với Giáo Hội Tin Lành Luther, tuyển dụng một lực lượng nhân viên đông đảo thứ hai ở Đức sau nhà nước.

Quyết định của Đức Giáo Hoàng danh dự thành lập một quỹ độc lập với cấu trúc này được công bố vào thời điểm mà tờ báo mang tên của quỹ mới vừa bị chủ tịch của Ủy ban Công Giáo Trung ương Đức, là ông Thomas Sternberg, chỉ trích.

Trong một cuộc phỏng vấn, Thomas Sternberg đã mô tả cả tờ Tagespost, và một trang web tư nhân của Áo như là các phương tiện truyền thông Công Giáo “có tư duy cứng nhắc” và theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Nói chuyện với CNA Deutsch, Giám đốc điều hành và Tổng biên tập của tờ báo, Oliver Maksan, đã bác bỏ một cách thẳng thắn những lời chỉ trích, coi đó như một mưu đồ chính trị trong cố gắng làm câm nín những tiếng nói chỉ trích “Tiến trình Công nghị”, bằng cách chụp mũ tờ báo của ông là “hữu khuynh”.


Source:Catholic News Agency
 
Thay đổi Giáo triều là điều cần thiết để phục vụ nhân loại tốt hơn
Thanh Quảng sdb
19:09 21/12/2019
Thay đổi Giáo triều là điều cần thiết để phục vụ nhân loại tốt hơn

Trong buổi họp mặt truyền thống để mừng Giáng sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến các thay đổi sắp diễn ra tại Giáo triều Roma. Ngài nhấn mạnh về nhu cầu và mục đích cho sự cải tổ và thay đổi của Giáo triều nhằm phục vụ Giáo hội và loan báo Tin mừng cho thế giới ngày nay một cách hiệu quả hơn.
(Alessandro De Carolis – Tin Vatican)
ĐTC cho hay giữa một thế giới không ngừng thay đổi, thì Giáo triều Roma cũng cần đổi mới để bắt kịp những bước tiến của thời đại! Giáo hội sống và tăng trưởng trong Tin mừng của Chúa. Ngay cả Kinh thánh cũng là "một hành trình được đánh dấu bằng việc khởi đầu và luôn bắt đầu lại" như một vị thánh của thời đại chúng ta là Thánh Hồng Y Newman, đề cập đến ý nghĩa đích thực của "thay đổi" là "chuyển đổi".

Thử thách và quán tính
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ cùng các cộng sự viên thân cận nhất của ngài trong Giáo triều Rôma đang hội họp tại Hội trường thánh Clementê ở Vatican để mừng Chúa Giáng sinh. Trong bài diễn văn, ĐTC chia sẻ với họ rằng chúng ta không chỉ sống trong một thời điểm thay đổi, mà là trong một thời điểm không ngừng đổi thay! Theo ĐTC thì điều đó là tốt và lành mạnh, đòi hỏi bản thân chúng ta phải suy xét lại những thách thức của thời đại hiện nay", và với sự biện phân và lòng can đảm, thay vì cứ ngủ yên trong cái nôi êm ả như một điều vẫn thường xảy ra là chúng ta coi sự thay đổi chỉ đơn thuần như thay đổi bộ quần áo mới, còn chúng ta thì vẫn giữ nguyên hình nguyên vẹn như trước. Cha còn nhớ một nhà văn nổi tiếng của Ý có viết: Nếu chúng ta muốn mọi thứ vẫn như cũ, thì mọi thứ cần phải thay đổi. (Trích từ chuyện The Leopard của nhà văn Giuseppe Tomasi di Lampedusa)

Giữa sự mới lạ và ký ức
Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra việc cải tổ Giáo triều La Mã, điều mà chính ngài không bao giờ nghĩ tới, nhưng ý nghĩ cải tổ ấy cứ tăng trưởng trong cha là phải làm sao cho Giáo triều được tốt đẹp hơn.
Đây là trọng trách của tất cả chúng ta để làm sao xây dựng một tương lai tốt đẹp trên những nền tảng bền vững có ngọn nguồn hầu đem lại những thành quả sung mãn. Hấp lực của dĩ vãng không có nghĩa là nhốt mình vào sự tự bảo tồn, mà là mở ra cho cuộc sống một sức sống của một con đường phát triển không ngừng... Dĩ vãng không thể ở trạng thái tĩnh, mà nó phải ở thể động! Bản chất của nó là phóng ra những viễn kiến...

Thay đổi để loan truyền
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ một số thay đổi đã được thực hiện trong Giáo triều La Mã, như việc thành lập Phân bộ thứ ba của Thánh Bộ Ngoại giao (Ủy ban lo về Nhân viên Ngoại giao của Tòa thánh) vào năm 2017. ĐTC nhớ lại những thay đổi trong quan hệ giữa Giáo triều Roma và các Giáo hội cụ thể qua một "một ủy ban chuyên lo cho các Giáo hội Đông phương, và một ủy ban lo việc đối thoại đại kết liên tôn, đặc biệt với Do Thái giáo". Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết các vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và vị nguyên Giáo hoàng Benedict XVI, đã lưu ý rằng thế giới chúng ta đang sống không còn ý thức về Tin Mừng như trước đây. Điều này đòi hỏi phải cải tổ lại Giáo triều và các thánh bộ tại Vatican.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến Thánh bộ Giáo lý Đức tin và Truyền giảng Tin mừng cho các dân tộc, được thành lập vào thời điểm phân biệt rõ ràng giữa hai thế giới: một thế giới Kitô giáo và một thế giới chưa bao giờ được nghe truyền giảng Tin mừng!
Ngày nay tình trạng này không còn nữa. Những người chưa từng nghe loan báo Tin Mừng không chỉ sống ở các lục địa ngoài Châu Âu ở phương Tây mà họ sống rải rác khắp mọi nơi, đặc biệt là trong các đô thị lớn mà bản thân họ cần được chăm sóc mục vụ cụ thể. Ở các thành phố lớn, chúng ta cần các ‘sách lược khác, các mô hình khác, giúp chúng ta định vị lại lối suy nghĩ và thái độ của chúng ta: chúng ta không còn ở vào các thời đại Kitô giáo, những thời đại ấy không còn nữa!

Tin Mừng và văn hóa kỹ thuật số
Sự thao thức cho việc loan báo Tin Mừng mới là điều đã truyền cảm hứng đưa tới việc tái cấu trúc lại các tiểu ban của đài Vatican. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii gaudium), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra thái độ, phong cách, thời biểu và ngôn ngữ cần được chuyển tải trên "một kênh truyền thanh truyền hình thích hợp cho việc truyền giáo cho thế giới ngày nay, thay vì cứ khu khư tự bảo tồn nó". Đức Thánh Cha cho biết, việc hình thành các kênh truyền thanh truyền hình là một thực thể tập hợp nỗ lực của đài Vatican. Đức Thánh Cha cho hay đây không phải chỉ là một "sự phối hợp của các nhóm", mà là một "sự hài hòa" để "tạo ra một dịch vụ tốt hơn" trong một "văn hóa số tuyệt hảo".

Văn hóa mới, được đánh dấu bằng sự đồng qui và đa diện, đòi hỏi phải có một phản ứng thích đáng từ nhiệt tâm Tông đồ trong lĩnh vực truyền thông. Ngày nay, so với các dịch vụ đa dạng thì mô hình đa diện chiếm một vị trí ưu thế và điều này mới đang được thai nén, suy tư hầu đẻ ra những việc thực hành cụ thể. Tất cả điều này bao hàm, quấn quyện với sự đổi thay về văn hóa, về thể chế và cá nhân để chuyển tải những nỗ lực cá nhân, qua sự phối kết biến thành những công cuộc chung.

Một cấu trúc, nhiều dịch vụ
Trường hợp của Thánh bộ phát triển toàn diện con người là một trường hợp tương tự. Thánh bộ này mới được thành lập để phát triển công việc mà Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Cor Unum, và Chăm sóc Mục vụ cho Người di cư và Chăm sóc Y tế đã khởi sự được thăng tiến mạnh mẽ hơn.
Giáo hội được mời gọi để lo các vấn đề xã hội hay di dân mà còn lo cho con người toàn diện, những người bị xã hội toàn cầu hóa này đẩy ra ngoài lề xã hội! Vì tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, không một ai bị loại trừ. Thánh bộ này nỗ lực kêu gọi và đánh thức lương tâm con người đừng thờ ơ trước những thảm trạng chết chóc của những người vượt Biển Địa Trung Hải.

Tình yêu chinh phục sự mệt mỏi
Trong số "những thách thức lớn" và "sự cân bằng cần thiết", điều quan trọng là Giáo hội và Giáo triều La Mã, trước hết và quan trọng nhất là nhìn nhận toàn thể nhân loại là "con cái của Thiên Chúa". Đức Thánh Cha Phanxicô ý thức được những khó khăn khi đối diện với những thay đổi lớn, nó cần được thay đổi tiệm tiến: chúng ta không thể bỏ qua những ảnh hưởng của nó trên người tín hữu, ĐTC nói: "Đứng trước những quá trình lịch sử khó khăn này, chúng ta thường có cám dỗ quay về với quá khứ, bởi vì nó bảo đảm hơn, quen thuộc hơn và chắc chắn ít nhức đầu hơn (thậm chí có sử dụng các ngôn thức mới).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Bác Ái Xã Hội Tổng Giáo Phận Huế Tặng Quà Cho Người Nghèo Dịp Lễ Giáng Sinh
Trương Trí
09:30 21/12/2019
Thiên Chúa xuống thế làm người, loan truyền Tin mừng “Yêu thương”: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Chính thông điệp Tình yêu đó mà Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế thường nhắc nhỡ các linh mục và cộng đoàn mỗi dịp lễ Giáng sinh: “Chúng ta mừng lễ Chúa Giáng sinh, mỗi người chúng ta phải luôn nhớ đến những hoàn cảnh, những con người nghèo khổ đang gặp phải khó khăn, bệnh tật ở chung quanh mình”.

Xem Hình

Dịp lễ Giáng sinh năm nay, theo lời linh mục Anton Nguyễn Ngọc Hà,Giám đốc Caritas, Trưởng ban Bác ái Xã hội Tổng Giáo phận Huế chia sẻ: Đức Tổng Giám Mục Giuse đã thúc đẩy Ban Bác ái Xã hội phải chú trọng đến việc chăm sóc cho người nghèo. Và sáng hôm nay, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế, Ban Bác ái Xã hội đã đón tiếp 500 người già cả, neo đơn, những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để tổ chức cho họ một bữa ăn trong tình yêu thương huynh đệ, đồng thời trao tặng những nhu yếu phẩm và hiện kim để cho họ có thể phần nào đó tạm thời vượt qua một vài khó khăn.

Trong buổi gặp gỡ hôm nay, sự hiện diện của các ban bác ái xã hội thuộc các dòng: Thánh Tâm; Mến Thánh giá; Con Đức Mẹ Đi viếng; Con Đức Mẹ Vô nhiễm và đông đảo anh chị em là những thành viên các ban Bác ái của các giáo xứ hướng dẫn cho bà con ổn định trong những bàn ăn và nhận quà.

Chia sẻ trong buổi gặp mặt hôm nay, hầu hết là những lương dân sống trong phạm vi lân cận thành phố Huế, Đức Tổng Giám Mục Giuse cho bà con biết sở dĩ tại sao gọi là Tòa Tổng Giám mục, vì đạo Công Giáo tại Việt Nam có 27 Giáo phận, mỗi Giáo phận tương đương với 1 hoặc nhiều tỉnh thành. Giáo phận Huế bao gồm 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Tòa Tổng Giám mục Huế là cơ quan hành chính cao nhất của Tổng Giáo phận Huế. Người Công Giáo trên toàn thế giới hiện nay chừng trên 2 tỷ người, chiếm gần 1/3 dân số thế giới. Riêng tại Việt Nam có chừng 7 triệu giáo dân trên 100 triệu dân số cả nước. Đối với Giáo Hội Công Giáo thì đối tượng cần quan tâm nhất là người nghèo, vì vậy không riêng gì Tòa Tổng Giám mục Huế mà hầu hết các Giáo phận và Giáo xứ trên cả nước đều tổ chức tặng quà cho người nghèo dịp lễ Giáng sinh, có là lý do tại sao bà con có mặt ở đây. Mỗi Giáo phận có một Ủy ban gọi là Bác ái Xã hội, hôm nay theo chỉ thị của Ngài tổ chức buổi gặp mặt hôm nay để gặp gỡ và tặng quà, cũng nhờ sự đóng góp từ nhiều phía, trong đó có Ngân hàng Bắc Á và Ngân hàng Vietcombank tại Huế cùng một số cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ. Tuy nhiên món quà hôm nay không phải giúp cho bà con giải quyết được những khó khăn, nhưng mà chỉ là một nghĩa cử tình yêu, sự quan tâm của những người muốn giúp bà con phần nào vượt qua vất vả. Chúng ta đến đây để còn nghe thông điệp của Chúa Giáng sinh xuống thế làm người. Ngài kêu gọi con người hãy nghĩ đến nhau, Ngài xuống thế là chỉ để lo cho cuộc sống con người, và những ai tin vào Ngài thì cũng phải biết yêu thương tha nhân.

Trong dịp này, bà con được thưởng thức những tiết mục van nghệ đặc sắc do ca sĩ nhí Xuân Phương, Á quân Giọng hát Việt nhí toàn quốc năm 2019; tiết mục ca vũ do các Thanh tuyển thuộc Cộng đoàn Mến Thánh giá Khâm Mạng biểu diễn. Ban Bác ái Xã hội còn tổ chức vui xổ số cho bà con gồm những phần thưởng giá trị không cao nhưng đầy niềm vui yêu thương. Các linh mục và nam nữ tu sĩ đến từng bàn ăn giúp cho bà con từng thức ăn một cách ân cần.

Trương Trí
 
Hội Nghị Thường Niên Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam Năm 2019
Lm Giuse Phan Trọng Quang,mf
11:19 21/12/2019
1. Hội nghị thường niên Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam năm 2019 được tổ chức tại Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu La Vang, thuộc Tổng giáo phận Huế, với chủ đề: Định hướng và tầm nhìn để thăng tiến đời sống Thánh hiến. Có 143 Bề trên và Đại diện Bề trên của các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn trên toàn quốc tham dự.

2. Hội nghị vui mừng chào đón Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã đến chủ sự thánh lễ khai mạc Hội nghị và chia sẻ với Hội nghị về những thao thức và mong đợi của Giáo hội, cụ thể là giáo hội tại Việt Nam đối với đời sống Thánh hiến.

Hội nghị cũng vui mừng chào đón Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục giáo phận Bắc Ninh – Chủ tịch Uỷ Ban Tu sĩ thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đến chủ sự Thánh lễ Bế mạc Hội nghị và chia sẻ với Hội nghị về vai trò của đời sống Thánh hiến trong thế giới ngày nay. Tại hội nghị, Đức Cha Chủ tịch Uỷ Ban Tu sĩ thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức bổ nhiệm Cha Giuse Trần Hòa Hưng làm Tổng Thư ký Ủy Ban Tu sĩ thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Hội nghị cũng đã lắng nghe các thuyết trình viên với các đề tài: Cha Giuse Nguyễn Thịnh Phước SDB – Hướng dẫn việc lập kế hoạch phát triển Dòng tu; Cha Giuse Nguyễn Ngọc Vinh SDB – Tông huấn Christus Vivit và Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích C.Ss.R – Cách thức quản trị tài sản theo định hướng của Tòa Thánh.

3. Hội nghị cũng đã lắng nghe cha Giuse Phan Trọng Quang, Tổng thư ký, đại diện Ban Điều Hành Liên Hiệp báo cáo Tổng kết hoạt động và về Quỹ tài chánh của Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam năm 2019.

4. Tại hội nghị, Khối các Dòng Nữ thuộc quyền giáo phận đã đề cử Sr. Anna Phạm Thị Sáng, Tổng Phụ Trách Dòng Mến Thánh giá Gò Vấp thay thế Sr. Maria Nguyễn Thị Ngoan, Tổng Phụ Trách Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm đã hết nhiệm kỳ và Sr. Maria Phạm Thị Kim Sao, Tổng phụ trách Tu hội gia đình Mẹ Maria Thăm viếng thay thế Sr. Maria Nguyễn Thị Kim Quyên, Tổng phụ trách Tu hội gia đình Mẹ Maria Thăm viếng đã qua đời, tham gia Ban Điều Hành Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam.

5. Hội nghị thường niên đã dành nhiều thời gian cho việc thảo luận và đào sâu các đề tài chia sẻ của các thuyết trình viên tại các nhóm và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu về việc tham gia Liên Hiệp của các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn mới; việc đăng ký hoạt động cho các Dòng tu mới; về những hoạt động của Liên Hiệp trong thời gian tới; việc tiếp tục tổ chức các khóa huấn luyện về đời sống thánh hiến cho các Tu sĩ tại các giáo tỉnh; những vấn đề liên quan đến việc đào tạo Tu sĩ, đặc biệt là đối với các Tu sĩ trẻ…

6. Dưới ánh nhìn đầy yêu thương và trìu mến của Đức Mẹ La Vang, hội nghị thường niên LHBTTCVN năm 2019 đã khép lại trong bầu khí hiệp thông huynh đệ đầy tình thân ái của các thành viên tham dự. Hội nghị cũng ước mong các nỗ lực của Liên Hiệp sẽ góp phần thúc đẩy những người sống ơn gọi đời thánh hiến tại Việt Nam, trở thành những chứng nhân sống động về sự hiệp thông, khi sống ơn gọi đời thánh hiến cách triệt để, với ý thức thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Giáo hội, thuộc về Hội dòng, Tu hội, Tu đoàn và thuộc về những người mình phục vụ.

Lm Giuse Phan Trọng Quang,mf

TTK. LHBTTCVN
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Công Giáo Miền Bắc sau 1954 : Truyện ký Nhà Gioan
Lê Đức Long
10:43 21/12/2019
1. -Nhà Gioan

Năm 1954 các chủng viện miền Bắc di cư vào Nam, trừ giáo phận Vinh. Đức cha Khuê Hanoi lo sau này không còn linh mục phục vụ dân Chúa nên ngài mở tiểu chủng viện Hanoi thu tập các chú lớn nhỏ về sô 40 phố Nhà Chung Hanoi để học tập. Nơi đó được lấy tên là Chủng Viện Gioan do cha Phaolo Phạm Đình Tụng làm giám đốc. Các địa phận miền bắc không có trường đều gửi về Hanoi. Sau mấy năm lớp lớn học triết, nhưng cùng ở chung với các chủ tiểu chủng viện, chứ chưa có điều kiện mở đại chủng viện riêng. Năm 1960 chủng viện Gioan bị đóng cửa, chủng sinh tan tác đâu về đấy làm ăn, các anh còn chí tu thì học riêng chui lủi và chịu chức chui. Nhưng hiện nay, tất cả anh em dù là linh mục - tu sĩ - giáo dân vẫn giữ liên lạc với bề trên, với nhau như một gia đình rộng lớn. Nhiều anh em giờ có con làm linh mục - tu sĩ nam nữ khi có dịp vẫn quy tụ về bên nhau dâng lễ - hiệp thông cầu nguyện - chia sẻ tâm tình, thông tin cho nhau, ai còn ai mất, kẻ yếu người khỏe để có thể giúp đỡ nhau. Do đó có tên gọi là Nhà Gioan. Đường hướng đó cũng chính là của cha giám đốc Phaolo Phạm Đình Tụng mà sau này ngài là Hồng Y, Tổng Giám Mục Giáo Phận Hanoi. Ngài mất ngày 22/2/ 2009.

2 - Bố ơi

Đầu năm 2019, Nhà Gioan có nhiều sự kiện đặc biệt từ Nam ra Bắc để tưởng nhớ đức Cố Hông Y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng, người cha thân yêu của chúng ta. Để ghi chép những dòng này, tôi nhắc lại từ Bố ơi. Đó chính là câu nói của Ngài với chúng tôi khi Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Hà Nội và Đức Giáo Hoàng phong tước Hông Y cho Ngài. Một số anh em chúng tôi đến chào Ngài và cứ thưa bẩm Đức Hồng Y. Ngài bảo chúng con cứ gọi là cha, ông thủ tướng chính phủ, ông chủ tịch nước khi đi đâu thì người ta thưa thủ tướng, thưa chủ tịch nhưng về nhà thì con cái cứ gọi bố ơi,chứ không ai thưa thủ tướng thưa chủ tịch. Vì thế chúng con đến đây cứ gọi là Cha cho nó thân tình. Đó là lý do tôi gạch đầu dòng từ Bố ơi.

Để tưởng nhớ 100 năm ngày sinh và 10 năm ngày Ngài mất, tòa Tổng Giám Mục đã cử hành Thánh Lễ trọng thể ở Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Còn anh em nhà Gioan có tổ chức Thánh Lễ tại Giáo Xứ Thạch Bích quận Hà Đông Hà Nội nơi có các anh Khương Gia Vàng Huế v.v.v. Anh em Bùi Chu tổ chức Thánh Lễ và họp mặt ở Giáo Xứ Phú Nhai huyện Xuân Trường, Nam Định quê hương của anh Minh Trang. Bắc Ninh tổ chức ở Giáo Xứ Đạo Ngạn trên sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang nơi nhà chính Hội Dòng Con Đức Mẹ Hiệp Nhất do Đức Hồng Y sáng lập khi Ngài còn làm Giám Mục Bắc Ninh. Đặc biệt miền Nam anh em tổ chức cuộc gặp mặt tại nhà hưu dưỡng các Linh Mục Bắc Ninh ở quận Thủ Đức Sài Gòn nơi có cha Phạm Sĩ An ở đấy. Thánh Lễ có 15 cha đồng tế trong đó có 7 cha miền Bắc vào, cha Vinh chủ tế cha Chí chia sẻ. Hình ảnh anh em tôi nhận được hàng ngũ chống gậy có Đông, Hưởng, Oánh còn các anh như Bích, Côn, Hùng v.v.v. tuy không gậy nhưng đều là những khuôn mặt già lão giúm gió cả. Thế mới biết sự bào mòn của thời gian, những chàng trai rắn rỏi ngày xưa đâu cả rồi, những cặp giò đá bóng giờ thay bằng những chiếc gậy, thậm chí gậy in nốc bốn càng như Sĩ, Đông, nhưng dù sao những khuôn mặt nhăn nheo đó còn được trông thấy vẫn hơn nhiều khuôn mặt không bao giờ gặp lại, năm 2018 vừa qua anh em nhà Gioan đã ra đi khá nhiều. Trịnh Công Sơn nói: Nếu ra đường thấy ai vẫy tay với mình hãy vẫy tay lại với họ, vì không biết là ngày mai họ còn trên đời không, hay mình cũng vậy.

3- Lậy Trái Tim Nhân Lành Chúa Giê Su, xin thương xót và che chở chúng con.

Đó là câu nguyện tắt mà hồi còn ở Bắc Ninh Ngài hô hào con cái toàn giáo phận năng đọc hàng ngày trong suốt thời kỳ khốn khó gian nan. Tôi vẫn đọc đến giờ, nay nghe cha Chí nhắc đến trong bài chia sẻ làm tôi hồi tưởng lại những ngày gian khó. Địa phận Bắc Ninh rộng, Linh Mục không có, ngày lễ trọng dân các nơi xa hàng trăm cây số về Tòa Giám Mục dự lễ nằm la liệt khắp mọi chỗ cả trong nhà thờ. Công an bắt phải báo sổ người ngủ đêm, ai mà ghi chép hết được, đến tối thầy già phụ trách ra đồn báo là mai lễ Chúa Giê Su lên trời có giáo dân về dự lễ. Mấy hôm sau thầy lại ra báo mai lễ Chúa thánh Thần hiện xuống có giáo dân về dự lễ. Công an bảo bảo cái ông này lằng nhằng lễ lậy gì mà Chúa lên lên xuống xuống kỳ cục vậy, thầy già thủng thẳng đáp thấy lịch ghi thế thì tôi báo các ông thế, còn Chúa lên lên xuống xuống lằng nhằng kỳ cục thì các ông hỏi Chúa chứ tôi biết sao được. Truyện hay quá, liệu ông công an có đi hạch Chúa sao lại lên lên xuống xuống lung tung vậy không nhỉ ?.. Còn truyện này nữa, cha Can bị nhốt ở kho hợp tác xã, họ quát: Tôi cách chức linh mục anh, cụ Can thưa: Ông có truyền chức cho tôi đâu mà ông cách chức được tôi, họ bảo: Anh muốn để tôi gọi anh là ông hay là thằng, cụ đáp: Nếu tôi là ông mà ông gọi là thằng thì tôi vẫn là ông, còn nếu tôi là thằng mà ông có gọi tôi là ông thì tôi cũng chỉ là thằng, còn gọi thế nào là văn hóa của người gọi, tuyệt vời, ai là người có văn hóa đây.. . Kể những truyện đó để người sau biết được bối cảnh lúc bấy giờ. Hồi ấy mọi người đói lắm, dân thành thị được đong gạo phiếu mỗi người mấy cân, tùy theo mức lao động của mình. Tòa Giám Mục cũng vậy, họ bán cho nửa gạo nửa bột mì, mì bột đong về đựng trong một cái thùng, người nhà cẩn thận lấy túi ni lông gói một ít vôi bột buộc kĩ lại để lên trên cho nó hút ẩm mì khỏi mốc. Đêm đó trộm vào vét sạch, giờ cơm sáng người nhà báo cáo Đức Cha bột mì đong hôm qua trộm vơ hết rồi cả túi vôi bột nữa. Lậy Chúa tôi, Đức Cha cứ than thở khéo nó không biết đổ vôi bột vào mì mà ăn thì nó chết mất, giá biết ai mà bảo nó không thì khổ thân nó.. . Bữa sáng đó tôi có mặt nghĩ mà thương họ, đói lắm mới phải ăn trộm, rồi tôi thầm đọc lời nguyện tắt: Lậy Trái Tim nhân lành Chúa Giê Su xin thương xót và che chở người ăn trộm bột mì kẻo nó chết mất.. . Ở Phát Diệm cũng có truyện tương tự, năm 1980 Đức Cha Tạo đi Roma về người ta cho một cái đồng hồ đeo tay quý lắm, Ngài thường để trên bàn chứ không đeo, một hôm có cô bé rách rưới vào ăn xin, Đức Cha cho chút tiền lại thấy chân cô bé có cái mụn lở loét Ngài lấy thuốc bôi cho rồi dính bông vào để ruồi khỏi đậu. Chiều nhớ đến đông hồ không thấy nữa, Ngài bảo tôi từ trưa đến giờ chỉ có cô bé ăn xin vào đây thôi, nó không biết mà đi đổi lấy mấy bơ gạo thì thiệt cho nó, ai biết mà bảo nó cái này có giá lắm đấy bán đi ăn được mấy tháng, chứ đổi mấy bơ gạo ăn có mấy ngày thì khổ.. . Các Đấng Thánh của chúng ta như thế đấy. Tôi mà viết Hạnh Các Thánh Tử Vì Gạo đất Bắc Kì thì chắc còn dài dòng.. .

Nghe bài chia sẻ của cha Chí trong thánh lễ ở Thủ Đức dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh dưới đất và 10 năm ngày sinh trên trời của đức cố Hông Y Phaolo Giuse, người cha thân yêu của chúng ta, tôi viết mấy dòng này góp vào những kỷ niệm của anh em nhà Gioan, chia sẻ với anh em còn sống và tưởng nhớ những ai đã qua đời. Xin Trái tim Nhân Lành Chúa đón nhận những người đã mất và che chở những người sắp mất của chúng con. Amen.

Phát Diệm, ngày 6 tháng 3 năm 2019

Lê Đức Long
 
Thông Báo
Chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican xin tri ân quý Đức Ông, quý Cha, và anh chị em
J.B. Đặng Minh An
00:13 21/12/2019
Chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican xin chân thành cám ơn quý Đức Ông, quý Cha, và anh chị em đã giúp chúng con trong thời gian qua để nâng cấp Internet, mua sắm computer mới và các thiết bị quay phim, cũng như mở các khoá huấn luyện kỹ thuật truyền hình tại Melbourne (12/2018) và tại Adelaide (12/2019).

Trong năm qua, chúng con đã nhận được các khoản trợ giúp sau:

A. Tài khóa 2019

Tháng 12/2018: Cha Gioan Trần Công Nghị - Studio VietCatholic Orange County, USA – 500 USD.

Tháng 12/2018: Anh Đào Văn Đồng, Nhà Sách Tự Lực, Orange County, USA – 2,000 USD

Tháng 12/2018: Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng - Studio VietCatholic Melbourne, Australia – 550 AUD.

Tổng cộng: 2,500 USD và 550 AUD.

B. Tài khóa 2020

Tháng 11/2019: Anh Phạm Đức Khiêm – ICA Bayswater Perth, Australia – 100 AUD.

Tháng 12/2019: Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm, Sơ Maria Trần Thị Thu Trang, và Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Nam Úc, Adelaide, Australia – 1,000 AUD.

Tháng 12/2019: Nha sĩ Nguyễn Đức Tài – TN Dental Perth, Australia – 500 AUD.

Tháng 12/2019: Chị Thúy Nga – Delish Patisserie Flinder Square Shopping Centre Perth, Australia – 500 AUD.

Tháng 12/2019: Bác sĩ Nhãn Khoa Nguyễn Phi Hùng – Perth, Australia – 500 AUD.

Tổng cộng: 2,650 AUD.

Nhờ sự giúp đỡ này và các nỗ lực không mệt mỏi của các ký giả, ca sĩ và xướng ngôn viên, VietCatholic News đã được xếp hạng thứ 13 trong 100 kênh Youtube Công Giáo hàng đầu thế giới. Xin chân thành cám ơn quý Đức Ông, quý Cha, và anh chị em.

Nhân Mùa Giáng Sinh và Năm Mới sắp đến, Chương trình Thế giới Nhìn Từ Vatican xin kính chúc quý Đức Ông, quý Cha, và anh chị em và toàn gia quyến một Mùa Giáng Sinh an bình đầy tràn hồng ân Chúa Hài Đồng và một năm mới phúc, lộc, thọ, khang, ninh trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

J.B. Đặng Minh An

Phó Giám Đốc VietCatholic
 
Tin Đáng Chú Ý
Tha hương và mặt trái của nó
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
03:10 21/12/2019
Nhân dịp tròn hai tháng sau vụ "Essex"

Ngày 23.10.2019 cảnh sát Anh quốc phát hiện 39 thi thể người Việt trong container đông lạnh ở Essex, đến nay tròn hai tháng.

Câu chuyện thương tâm mới đi qua chưa đầy một tháng, sau khi các thi thể ấy được chuyển về quê nhà vào hai đợt 27 và 30.11.2019, nhưng giờ đây có vẻ đã chìm xuống như bao nhiêu sự kiện, dù hãi hùng nhất, trong cuộc đời này.

Nhưng tôi tin, không chỉ trên một tháng, từ khi tin tức kinh hoàng đến từ chốn xa xôi nhanh chóng náo động cả một vùng quê miền Trung và nhiều vùng khác của Việt Nam, đến thời điểm những thi thể và tro cốt của người cuối cùng được đưa về quê hương, là thời gian người thân ruột thịt của các nạn nhân, và người quan tâm hết bàng hoàng đến xót xa, tủi buồn, đau đớn... Nhưng biến cố đau thương này vẫn sẽ hằn mãi những vết thương lòng không dễ nhạt nhòa, không dễ phôi phai trong tâm khảm đời họ.

1. Đã là nạn nhân, thì nạn nhân nào cũng đáng thương.

Với tôi, 39 người, có kẻ đang vị thành niên bị đóng băng, chết tức tưởi, chết ngậm ngùi, đáng được dành cho sự thương xót, cảm thông hơn trách móc, luận tội.

Nhất là những ai còn chút lòng trắc ẩn đối với đồng bào, đồng loại mình sẽ khó có thể quên một sự kiện hiếm khi xảy ra, và cũng không đáng phải xảy ra trong cuộc đời này.

Thời điểm đó, đâu chỉ là câu chuyện trên môi miệng của nhiều người Việt Nam khi gặp nhau. 39 cái chết oan uổng còn là những thông tin gây nhiều chú ý trong làng truyền thông quốc tế.

Nó cũng là thời gian tiếng khóc than không dứt từ phía các gia đình những người xấu số. Những bàn thờ vọng được dựng vội. Những niềm hy vọng đó chỉ là thông tin không chính xác, là người nơi khác chứ không phải thân nhân của mình, không phải đồng bào mình dần vụt tắt...

Khó có thể diễn tả hết tâm trạng đau xót, sự gục ngã của nhiều bậc cha mẹ, người thân trong các gia đình khi phải đón nhận tin tức về các nạn nhân trong thảm kịch Essex là chính con cái và thân nhân của mình.

Cảnh sát Essex ban đầu nói, họ tin toàn bộ nạn nhân là công dân Trung Quốc. Họ tưởng rằng, thảm kịch của lần thứ nhất vào năm 2000 lại xảy ra lần thứ hai cho người Trung Quốc.

Nhưng họ vỡ lẽ. 39 nạn nhân lần này được họ công bố vào ngày 7.11.2019, sau khi đã cẩn thận điều tra và nhận diện: Tất cả đều là người Việt Nam.

2. Ngậm ngùi trước tình cảm của những người "xa lạ".

Chúng ta hãy lắng nghe những người không phải đồng bào của chúng ta thốt những lời xót xa:

- Sau khi công bố bảng tin đau xót trên, cũng trong ngày 7.11, Thanh tra cao cấp Tim Smith, không quên đại diện cảnh sát Essex, nói những lời chia buồn đầy thương cảm: "Chúng tôi gửi lời chia buồn với gia đình và bạn bè của những người đã có hành trình bi thảm, kết thúc ở bờ biển của chúng tôi".

- Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward có hai lần phát biểu đề cập đến vụ việc. Lần thứ nhất vào chiều ngày 2.11, ông nói: Trong cuộc đời làm ngoại giao "đây là một trong những tuần lễ khó khăn nhất của tôi".

Lần thứ hai, đúng vào ngày cảnh sát công bố toàn bộ danh tánh các nạn nhân, trong một thông cáo, ông nói: "Thay mặt Vương quốc Anh, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và người thân của những người đã khuất. Bước tiếp theo cần làm là bảo đảm các nạn nhân được trở về nhà và nơi an nghỉ cuối cùng trong thời gian sớm nhất".

Nhà ngoại giao còn thêm: “Là một người cha, người anh, người chồng và người con, tôi không thể tưởng tượng được cảm giác khi phải mất đi những người thân yêu của mình theo cách này và ở một nơi thật xa quê hương như vậy”.

- Chiều 28.10, đích thân Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson cùng Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Priti Patel tới tận hiện trường vào giờ nghỉ trưa để viếng, đặt vòng hoa tưởng niệm 39 người xấu số.

Chia buồn trong sổ tang, ông Boris Johnson viết: "Chúng tôi bày tỏ sự thương tiếc trước những người đã thiệt mạng trong thảm kịch và xin chia buồn với gia đình các nạn nhân đồng thời lên án sự nhẫn tâm của những kẻ dính tới vụ việc.

Vương quốc Anh sẽ làm tất cả những gì có trong khả năng của mình để đưa những thủ phạm thực sự ra trước công lý".

3. Sứ mạng hay gánh nặng của người ra đi.

Thực ra, nhiều năm gần đây, người Việt tìm cách đến châu Âu nói riêng, đến nhiều quốc gia được xem là có nền kinh tế ổn định hơn Việt Nam, để học tập, làm ăn sinh sống và lo bao bộc kinh tế cho cả người thân của mình còn ở quê hương, không phải là ít, không hề là điều lạ lẫm.

Theo một báo cáo của Hội đồng Kinh tế và Xã hội trực thuộc Liên Hiệp Quốc (năm 2017), có khoảng 18.000 người Việt sang châu Âu mỗi năm theo các đường dây đưa người "đi lậu" đang hoạt động mạnh. Chi phí cho mỗi chuyến đi vào khoảng 10.000 đến 50.000 USD.

Những người Việt di cư này đều mong muốn tìm công việc tốt. Tuy nhiên, bên cạnh một số người thành công, số còn lại không phải ai cũng may mắn.

Số không may này rất lớn, đành chấp nhận rong ruổi hết nơi này đến nơi khác, thậm chí vượt qua nhiều biên giới của nhiều quốc gia, hòng tìm lối thoát cho cuộc sống của họ, và của nhiều người thân đang trông chờ họ tại quê nhà.

Họ phải gánh trên vai trọn một sứ mạng, nhưng thực ra là một gánh nặng cả về sự sống và danh dự của chính họ lẫn gia đình của họ. Bằng mọi giá, họ phải được xem là thành công khi về lại quê nhà...

Đó chính là lý do nhiều người vẫn sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, đánh đổi cả tính mạng, để bỏ quê cha đất tổ mà ra đi, bằng bất cứ con đường nào, dẫu chông gai nhất, hiểm nguy nhất, và sẽ làm bất cứ việc gì dẫu phải chấp nhận bị đối xử tàn bạo nhất, miễn là gia đình ở quê nhà có thể "ngẩng mặt" mà tiếp tục sống.

4. Không thể quên.

Tôi vẫn nhớ sự kiện "Essex" không phải vì cái chết tập thể trở thành nổi tiếng. Nhưng qua họ, tôi thấy biết bao nhiêu điều khác làm lòng mình đau, tâm trí rối bời:

- 39 người chỉ là con số đại diện cho nhiều người dân tôi phải mất tích mãi mãi, khi họ vượt biên bằng con đường trốn chui, trốn nhủi qua không biết bao nhiêu hành trình nơi rừng núi, dưới vực thẳm, trên dòng nước, trong những điều kiện hết sức khổ vì lạnh, vì đói, vì bị chà đạp quyền sống, quyền làm người, vì đau ốm, vì quá cực nhọc....

Họ chết đâu đó trên đường vượt biên rồi bị những kẻ dẫn họ đi bất hợp pháp vùi xác vội mà không ai có thể kiểm chứng. Chỉ vì họ là những cá nhân lẻ tẻ, nên không được "nổi tiếng" như 39 người đang "được nổi tiếng".

- Khi phải rời đất nước ra đi sống kiếp tha hương, đã là điều gây xót. Kiếp tha hương ấy lại là chốn vô định, là sự may rủi đầy bất trắc, không thể biết trước hiểm nguy nào, sự đánh đổi nào có thể bổ xuống, và bổ xuống bất kể lúc nào.

- Rời đất nước ra đi mà không có lấy một phút giây thanh thản, nhưng mọi thời khắc đều chứa đầy nỗi sợ hãi, vì sự bất hợp pháp của mình. Bất hợp pháp đến nỗi không có một mãnh giấy tùy thân. Nếu có, cũng chỉ là những thứ giả.

Sự thấp thỏm mang đầy sợ hãi ấy còn do mọi kiểu bạo hành, tra tấn, ức hiếp, hằn thù... từ chính những kẻ môi giới, dẫn đường vượt biên, dù những kẻ này đã thủ lợi vật chất cao từ chính những người vượt biên "chui" trao cho.

- Rời đất nước ra đi, bị buộc phải làm việc chẳng khác gì nô lệ trong những gia đình bỏ tiền mua họ, có khi dưới danh nghĩa cưới vợ, làm thuê...

- Nhiều đồng bào của tôi, trong gian khổ của thân phận vượt biên và tha hương chưa phải là điểm cuối. Ra đi mà mang phận đàn bà con gái, nghĩa là một cuộc đánh cược thảm khốc cùng phẩm hạnh của chính mình.

Họ bị hãm hại trong nỗi bất lực tận cùng. Sự cưỡng bức mà những kẻ man rợ, thú tính dành cho họ, có khi không phải một, nhưng nhiều lần. Thậm chí nỗi đau tê tái tâm hồn này còn diễn ra dai dẵng, diễn ra trong nhiều thời gian liên tiếp...

Nhiều trường hợp còn đau đớn hơn, khi những kẻ bạo tàn lôi chồng hoặc người thân khác của nạn nhân vào cuộc để chứng kiến... Tất cả, dù chính nạn nhân hay người thân bị buộc phải chứng kiến, chất đầy căm hận hòa trong nỗi đau xé lòng không dễ gì nguôi ngoai...

- Ra đi trong một viễn cảnh tương lai chưa rõ ràng, lại phải gánh trên vai cả một "sứ mạng" là chính gánh nặng gia đình và tương lai đời mình như đã nói bên trên, người tha hương theo lối này không có đường lui mà chỉ phải đi tới, dù cuộc đi ấy đầy khổ đau, nhọc nhằn, oán thương...

Bởi họ phải thành công. Họ phải có tiền. Khi có dịp về lại quê hương, họ không thể diện kiến cùng mọi người bằng sự thất bại. Bằng mọi giá, nếu có trở về, con đường trở về ấy phải "vinh quang", chí ít cũng phải là cái võ bộc "vinh quang"...

- Ngay trong hai tiếng "tha hương" đã nói lên thảm cảnh, đã bộc lộ đầy đủ bi kịch, đã cho thấy trọn vẹn nỗi đau. Có ai mong muốn một ngày mình sống trên đất người ta, sống giữa lòng... dân tộc người ta, nương nhờ sự sống của người hoàn toàn xa lạ với mình?

Bởi ở đâu mình sinh ra và lớn lên, ở đó hoàn toàn là sở hữu của ký ức đời mình. Vì thế, rời bỏ quê hương, quê hương sẽ càng khắc sâu trong tâm khảm. Ký ức càng là nỗi day dứt, niềm thổn thức dằn xé tâm hồn.

Nỗi đau mất quê hương càng đòi đoạn trong những dịp đặc biệt như ngày Tết, ngày lễ, ngày giỗ cha mẹ và người thân, ngày tưởng nhớ một biến cố của gia đình…

- Đó là chưa kể, tha hương là điều kiện tốt dẫn đến nhiều hệ lụy xót xa khác: gia đình tan nát, vợ chồng con cái ly tán, hạnh phúc như đang treo trên đầu sợi tóc...

Nói chung, vượt biên là một ván cờ may rủi... Người vượt biên là người dám đem tất cả: từ sự sống, hạnh phúc, tương lai, gia đình đến sự yên bình cho chính bản thân để mà đánh đổi, để mà đặt cược...

Trong ngày tưởng nhớ những anh chị em xấu số tại Essex tròn hai tháng, và mặc niệm tất cả những đồng bào Việt Nam kính yêu đã từng bỏ mạng trong cuộc "tìm sự đổi đời", tôi mong góp thêm chút suy tư cá nhân để vừa sẻ chia những lao tác của mọi anh chị em đồng bào của tôi nơi ngóc ngách nào đó trên thế giới này, vừa muốn nhắn gởi những ai mang "giấc một tha hương" hãy cân nhắc thật kỹ những gì mình cưu mang và ấp ủ...
 
Văn Hóa
Liên Khúc Giáng Sinh
Đinh Văn Tiến Hùng
20:49 21/12/2019
Nguyện xin Chúa Hài Đồng ban bình an cho nhân loại.
“…Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” ( Tc. Is.2: 2-5 )


*Đêm đông :

Đêm đông sương tuyết Be-lem,
Đồng hoang thôn xóm nghèo hèn bơ vơ,
Không gian chìm đắm trong mơ,
Tỏa lan diễm phúc đón chờ hồng ân.

* Hài Nhi :

Hài Nhi sinh xuống gian trần,
Không manh áo mỏng che thân cơ hàn,
Chúa Trời bỏ chốn cao sang,
Xuống nơi máng cỏ trong hang chiên lừa.

*Song Thân :

Giu-se Thân phụ của Người,
Lặng yên tuân phục một đời Bõ Nuôi.
Ma-ri-a Mẹ Chúa Trời,
Nhìn Con suy gẫm một lời Xin vâng.

*Thiên Thần

Không trung vang dậy tiếng ca,
Thiên Thần loan báo gần xa tin mừng,
Dậy mau hỡi các mục đồng,
Cứu Tinh nhân loại đợi trông đến rồi.

*Chiên lừa :

Hãy nhìn gia súc gần đây,
Vây quanh máng cỏ một bày lừa chiên,
Thở hơi cho Chúa ngủ yên,
Âm thầm nhỏ bé nơi miền đồng hoang.

*Mục Đồng :

Mục đồng trỗi dậy bảo nhau,
Tìm đến hang đá qùi chầu Hài Nhi,
Tâm hồn đơn thật nghĩ suy,
Bài học nghèo khó khắc ghi trong lòng.

* Ba Vua :

Ba Vua xa tận phương Đông,
Nhìn ngôi sao lạ trên không sáng ngời,
Hành trình ngàn dặm đến nơi,
Nhũ hương,mộc dược,vàng thời tiến dâng.

* Nhân trần :

Đất trời mở rộng đêm nay,
Nhân loại chờ đón phút giây ngàn đời.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG



 
VietCatholic TV
Tuyên bố chung của Đức Thánh Cha và Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc về tình hình nghiêm trọng của thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:30 21/12/2019
Sáng thứ Sáu 20 tháng 12 tại dinh Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres. Sau cuộc gặp gỡ này, và trước khi ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Bộ Quan hệ với các dân nước của Tòa Thánh, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một thông điệp video nhấn mạnh cam kết của các vị đối với hòa bình thế giới.

Ông António Guterres là một người Công Giáo. Nói thế cũng chưa đủ. Những ai nghiên cứu về tiểu sử của ông phải ghi nhận rằng ông là một người Công Giáo thuần thành, một gương sáng về đức tin.

Dưới đây là bản dịch toàn văn tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bản tiếng Anh của Tòa Thánh có thể xem ở đây.


Thật đáng mừng khi cuộc gặp gỡ này của chúng ta diễn ra vào những ngày trước lễ Giáng sinh. Đây là những ngày mà đôi mắt của chúng ta hướng về thiên đàng để phó dâng cho Thiên Chúa những con người và những tình huống thân thiết nhất trong trái tim chúng ta. Trong cái nhìn này, chúng ta nhận ra mình là con của cùng một Cha, và là anh em chị em với nhau.

Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa vì tất cả những điều tốt lành trên thế giới, vì biết bao người đã trao ban chính mình cách nhưng không, vì những người dành cả cuộc đời phục vụ cho tha nhân, và vì những người không thối chí nhưng tiếp tục xây dựng một xã hội nhân bản và công bằng hơn. Chúng ta biết: chúng ta không thể được cứu rỗi một mình mà thôi.

Chúng ta không thể, và không được đảo mắt nhìn theo hướng khác khi đối mặt với những hình thái bất công, bất bình đẳng, và tai tiếng của nạn đói trên thế giới, của nghèo đói, của những đứa trẻ chết vì thiếu nước uống, thức ăn, và sự chăm sóc cần thiết.

Chúng ta không thể nhìn theo cách khác khi đối mặt với bất kỳ hình thức lạm dụng trẻ em nào. Tất cả chúng ta phải cùng nhau chống lại tai họa này.

Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước nhiều anh chị em của chúng ta, do xung đột và những hành vi bạo lực, nghèo đói cùng cực hoặc biến đổi khí hậu, phải rời khỏi đất nước của họ và thường gặp một số phận đáng buồn.

Chúng ta không được thờ ơ khi nhân phẩm tiếp tục bị chà đạp và bóc lột, khi các tấn kích nhắm vào mạng sống con người vẫn tiếp diễn, dù là mạng sống của những thai nhi chưa chào đời hay mạng sống của những ai đang cần được chăm sóc.

Chúng ta không thể, và không được đảo mắt nhìn theo một hướng khác khi tại nhiều miền trên thế giới các tín đồ của các tôn giáo vẫn đang bị bách hại.

Chúng ta không thể, và không được làm ngơ trước việc lạm dụng tôn giáo để kích động hận thù, bạo lực, áp bức, cực đoan và cuồng tín mù quáng, cũng như buộc mọi người phải lưu vong hay gạt họ ra bên lề xã hội.

Những cuộc chạy đua vũ trang và tái vũ trang hạt nhân cũng kêu thấu đến nhan Chúa. Cả việc sử dụng lẫn việc sở hữu vũ khí hạt nhân đều là vô luân; chúng có sức tàn phá đến mức ngay cả nguy cơ của một vụ tai nạn hạt nhân cũng đã là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhân loại.

Chúng ta không được thờ ơ với nhiều cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra dẫn đến cái chết của rất nhiều nạn nhân vô tội.

Chúng ta hãy tin tưởng vào cuộc đối thoại đa phương giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, vào vai trò của các tổ chức quốc tế, vào ngoại giao như một phương thế để hiểu biết và đánh giá cao, là điều thiết yếu để xây dựng một thế giới hòa bình.

Chúng ta hãy nhận ra mình là thành viên của một nhân loại duy nhất, và chúng ta hãy chăm sóc cho trái đất của chúng ta, mà từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã được Chúa giao phó cho chúng ta chăm sóc, để gìn giữ và để lại cho con cháu chúng ta. Một cam kết giảm những chất thải gây ô nhiễm, và xây dựng một hệ sinh thái tích hợp là rất cấp bách và cần thiết: chúng ta hãy làm gì đó trước khi quá muộn!

Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của nhiều người trẻ, những người giúp chúng ta nhận thức được những gì đang xảy ra trên thế giới ngày nay, và những người đang yêu cầu chúng ta, cùng nhau chứ không phải một mình, trở thành những người hòa giải và kiến tạo cho một nền văn minh nhân bản và công bằng hơn.

Xin cho lễ Giáng sinh, trong sự đơn sơ thực sự của biến cố này, nhắc nhở chúng ta rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là tình yêu

Sau diễn từ của Đức Thánh Cha, ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã có bài phát biểu sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Mở đầu, ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói bằng tiếng Tây Ban Nha

“Muchísimas gracias, Santo Padre, por esta tan calida bienvenida,” nghĩa là: “Con cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều vì sự chào đón rất nồng hậu của ngài.”

Sau đó, theo một protocol của Liên Hợp Quốc, ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói bằng tiếng Anh, là ngôn ngữ chính thức của tổ chức này.

Thưa Đức Thánh Cha,

Đức Thánh Cha là một sứ giả cho hy vọng và tình nhân loại - để giảm bớt những khổ đau của nhân loại và đề cao phẩm giá con người.

Tiếng nói luân lý rõ ràng của ngài tỏa sáng – cho dù ngài đang lên tiếng về cảnh ngộ của những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những người tị nạn và di cư, hay đang đương đầu với nghèo đói và bất bình đẳng, hay đang kêu gọi giải trừ quân bị, hay đang xây dựng những nhịp cầu giữa các cộng đồng, và, tất nhiên, khi ngài nêu bật tình trạng khẩn cấp về khí hậu thông qua của thông điệp lịch sử, “Laudato Si”, và rất nhiều nỗ lực quan trọng khác.

Những thông điệp này hoàn toàn trùng hợp với các giá trị cốt lõi của Hiến chương Liên Hợp Quốc – chẳng hạn như việc tái khẳng định nhân phẩm và giá trị của con người.

Để thúc đẩy tình yêu của mọi người và chăm sóc cho hành tinh của chúng ta, để cổ vũ cho tình nhân loại và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, thế giới của chúng ta cần tiếng nói của ngài hơn bao giờ hết.

Đến Rome từ hội nghị COP25 ở Madrid, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia trên toàn cầu cam kết trung hòa lượng carbon vào năm 2050, phù hợp với những gì cộng đồng khoa học nói với chúng ta là cần thiết để giải cứu hành tinh này.

Thưa Đức Thánh Cha,

Tôi rất biết ơn sự dấn thân toàn cầu đặc biệt của ngài và sự hỗ trợ mạnh mẽ cho công việc của chúng tôi tại Liên Hợp Quốc, bao gồm chuyến thăm đáng nhớ của ngài đến trụ sở Liên Hợp Quốc vào năm 2015, khi thế giới đạt được thỏa thuận về các Mục tiêu Phát triển bền vững, đó là kế hoạch chi tiết cho sự toàn cầu hóa công bằng của chúng tôi.

Và cuộc gặp gỡ của chúng ta đặc biệt có ý nghĩa trong mùa Giáng sinh này.

Đây là thời gian của hòa bình và thiện chí và tôi rất buồn khi chứng kiến các cộng đồng Kitô giáo - bao gồm một số cộng đồng có nguồn gốc xa xưa nhất trên thế giới - không thể tổ chức lễ Giáng sinh trong an ninh.

Thật là một bi kịch, khi chúng ta thấy người Do Thái bị sát hại trong các hội đường, bia mộ của họ bị phá hoại với các hình chữ vạn [của Đức Quốc Xã];

Rồi người Hồi Giáo bị bắn chết trong các đền thờ, các thánh thất của họ bị phá hoại; Kitô hữu bị giết trong khi đang cầu nguyện, và các ngôi nhà thờ của họ bị đốt cháy.

Chúng ta cần phải làm nhiều hơn để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và giải quyết sự thù hận đang ngày gia tăng.

Thưa Đức Thánh Cha,

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi đối với sứ vụ ngoại thường của ngài trong việc thúc đẩy quan hệ liên tôn – bao gồm tuyên bố mang tính bước ngoặt của ngài với Đại Giáo Trưởng của Đại Học Al- Azhar về “tình huynh đệ nhân loại cho nền hòa bình thế giới và việc sống chung với nhau”.

Tuyên bố này hết sức quan trọng khi chúng ta phải chứng kiến những cuộc tấn công bi thảm như vậy vào tự do tôn giáo và cuộc sống của các tín hữu.

Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra Kế hoạch Hành động để Bảo vệ các Địa điểm Tôn giáo và chiến lược chống lại các diễn từ thù hận.

Trong những thời kỳ hỗn loạn và thử thách này, chúng ta phải sát cánh cùng nhau vì hòa bình và sự hòa hợp.

Và đó là tinh thần của mùa Giáng Sinh này, được phản ánh trong tầm nhìn, sự hướng dẫn và gương sáng của ngài.

Tôi chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha, và xin gởi lời chúc tốt đẹp nhất của tôi đến tất cả những người đang cử mừng, một Giáng sinh trong an bình và một năm mới nhiều may lành.


Source:Holy See Press Office
 
Động thái ngoạn mục: Đức Bênêđíctô thứ 16 gây qũy cho báo chí Công Giáo chính thống tại Đức
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:44 21/12/2019
Báo chí Công Giáo tại Đức đang bị lèo lài bởi “Tiến trình Công nghị” để theo đuổi các nghị trình cấp tiến. Trong một động thái ngoạn mục, Đức Bênêđíctô thứ 16 gây qũy cho báo chí Công Giáo chính thống tại Đức.

Trong một diễn biến gây ngạc nhiên cho nhiều người trong giới tinh hoa Công Giáo ở Đức, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã khởi động một quỹ dành cho các ký giả Công Giáo ở quê nhà.

“Tôi muốn tiếng nói Công Giáo được nghe thấy,” Đức Giáo Hoàng đã nghỉ hưu đang cư trú trong một tu viện ở Vatican kể từ khi thoái vị vào năm 2013, nói như trên về quyết định của ngài.

Quỹ “Tagespost cho Báo chí Công Giáo” được đặt theo tên của một tờ tuần báo Công Giáo, có mục tiêu là quyên góp khoảng 500,000 Mỹ Kim trong năm 2020 để đầu tư vào việc đào tạo các nhà báo trẻ và hỗ trợ nhiều dự án, bao gồm các nghiên cứu về đạo đức y học ở Đức.

Trong bối cảnh là các giáo phận rất giàu nhờ tiền thuế và Hội Đồng Giám Mục rất mạnh ở Đức đã tài trợ cho một loạt các dự án truyền thông và cho các cơ quan báo chí nào cung cấp việc đào tạo, bao gồm cả một trường chuyên ngành báo chí Công Giáo có trụ sở tại Munich, sáng kiến của Đức Giáo Hoàng danh dự đã được cả những người ủng hộ lẫn những người chống đối xem là một động thái chiến lược nhằm củng cố báo chí Công Giáo chính thống để có thể tường trình độc lập với hàng giáo phẩm và các thế lực khác.

“Hiệp hội các nhà báo Công Giáo” đã chỉ trích động thái này nêu lên lo ngại về lý do tại sao Đức Giáo Hoàng danh dự đã quyết định thực hiện sáng kiến này mà không mời gọi trường báo chí hiện có tham gia vào.

Với một vài trường hợp ngoại lệ nổi bật - chẳng hạn như ấn bản bằng tiếng Đức của Thông tấn Công Giáo, tức là CNA Deutsch - cơ sở hạ tầng của truyền thông Công Giáo Đức và các cơ quan đại diện của nó tại quốc gia này được cài đặt chặt chẽ vào các cấu trúc tổng thể và các cơ sở của Giáo hội Đức.

Nhờ hệ thống thuế Giáo Hội, thường được gọi là Kirchensteuer, và một số thỏa thuận lịch sử, Giáo Hội Công Giáo, cùng với Giáo Hội Tin Lành Luther, tuyển dụng một lực lượng nhân viên đông đảo thứ hai ở Đức sau nhà nước.

Quyết định của Đức Giáo Hoàng danh dự thành lập một quỹ độc lập với cấu trúc này được công bố vào thời điểm mà tờ báo mang tên của quỹ mới vừa bị chủ tịch của Ủy ban Công Giáo Trung ương Đức, là ông Thomas Sternberg, chỉ trích.

Trong một cuộc phỏng vấn, Thomas Sternberg đã mô tả cả tờ Tagespost, và một trang web tư nhân của Áo như là các phương tiện truyền thông Công Giáo “có tư duy cứng nhắc” và theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Nói chuyện với CNA Deutsch, Giám đốc điều hành và Tổng biên tập của tờ báo, Oliver Maksan, đã bác bỏ một cách thẳng thắn những lời chỉ trích, coi đó như một mưu đồ chính trị trong cố gắng làm câm nín những tiếng nói chỉ trích “Tiến trình Công nghị”, bằng cách chụp mũ tờ báo của ông là “hữu khuynh”.


Source:Catholic News Agency