Ngày 21-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình yêu gia đình
Lm. Anphong Trần Đức Phương
07:22 21/12/2009
TÌNH YÊU GIA ĐÌNH

(LỄ THÁNH GIA, NĂM C)

Các Bài Đọc Sách Thánh Chúa Nhật hôm nay đặc biệt hướng chúng ta về “Tình Yêu Gia Đình”. Bài Đọc I (Sách Huấn Ca 3: 3-7, 14-17) đặc biệt nhấn mạnh về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ: “Ai kính sợ Chúa thì phải thảo kính cha mẹ”. Bài Đọc II ( Côlôxê 3: 12-21) nói về Tình Yêu Gia Đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em hãy luôn luôn có lòng nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau; hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có điều gì phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau…” Bài Phúc Âm (Luca 2: 41-52) ghi lại chuyện Thánh Giuse và Mẹ Maria phải vất vả suốt 3 ngày đường đi tìm “trẻ Giêsu” (12 tuổi) trong dịp gia đình lên Đền Thánh Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua. Sau Lễ Vượt

Qua, “Trẻ Giêsu” đã cùng Thánh Giuse và Mẹ Maria trở về Nagiaret và luôn vâng phục Ông Bà. “Trẻ Giêsu” ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.

Có câu “chuyện vui” kể rằng: có một ông chết bất ưng trong một tai nạn, không được chịu Phép Bí Tích cuối cùng. Khi ông lên trước tòa Thánh Phêrô thì ông rất lo sợ sẽ bị phạt xuống hỏa ngục đời đời. Ông năn nỉ Thánh Phêrô thương tình cho ông xuống luyện tội để thanh tẩy mong có ngày lên Thiên Đàng hưởng Phúc Nước Chúa. Thánh Phêrô khi mở sổ về đời ông, Ngài cũng cau mặt có vẻ không hài lòng. Thấy vậy, ông càng lo sợ hơn và run rẩy van xin. Bỗng Thánh Giuse ngẩng mặt lên nhìn ông và hỏi: “Như vậy là con có lập gia đình và vẫn đang sống với vợ phải không?... Được bao lâu rồi?...” Dạ thưa cũng được gần 20 năm rồi!” ông trả lời. Thánh Phêrô liền tỏ vẻ hài lòng và an ủi ông: “Vậy, kể như con đã đền tội đủ rồi!”

Đời sống gia đình thật là êm ấm, hạnh phúc, nhưng cũng không thiếu những thử thách, đau khổ vợ chồng phải hy sinh chịu đựng để có thể lập được nhiều công phúc. Thực vậy, gia đình nào cũng có những lúc gặp khó khăn, những khủng hoảng, nhiều khi rất trầm trọng. Lúc đó, vợ chồng cần phải thông cảm và nâng đỡ nhau vượt qua những khó khăn ấy để giữ vững sự hiệp nhất và hạnh phúc gia đình, nhất là vì tương lai con cái.

Trừ những trường hợp đặc biệt nào đó mà phải sống trong viện mồ côi, còn thường ra, ai cũng xuất thân từ một gia đình. Gia đình là nền tảng của xã hội và cũng là nơi chúng ta sinh ra, lớn lên và được ấp ủ trong tình thương của cha mẹ, anh chị em ruột thịt, và được hưởng nền giáo dục căn bản.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, vì nhiều điều đáng tiếc xảy ra, nên giá trị gia đình bị sa sút. Thời chế độ Cộng sản còn thông trị nhiều nước, người Cộng sản chủ trương “Thế giới Đại đồng” và cổ võ chủ trương “Tam Vô”: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Trong cuộc ‘đấu tố’ ở miền Bắc Việt Nam giữa thập niên 1950, con cái bị xúi dục đứng lên ‘đấu tố’ cha mẹ ruột của chính mình giữa “tòa án nhân dân”. Còn ngày nay, những phong trào tự do luyến ái, tự do ly dị, tự do phá thai, đồng tình luyến ái, làm cho tình yêu gia đình bị tan nát. Nhiều em nhỏ lớn lên không được sống chung cùng với cả cha mẹ trong một mái ấm gia đình. Đó là một trong những thảm hoạ của thời đại ngày nay.

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng kính Lễ Thánh Gia để đề cao giá trị của hôn nhân theo lề luật của Chúa, và xây dựng cũng như bảo vệ giá trị và sự quan trọng của gia đình trong việc giáo dục giới trẻ là tương lai của gia đình, của Giáo Hội và xã hội. Hôm nay, có thể nói là ngày Lễ Bổn Mạng của mỗi gia đình chúng ta. Chúng ta hãy cùng đi dâng Thánh Lễ, và khi trở về cùng tụ họp nhau trước bàn Thờ Chúa trong gia đình để tạ ơn Thánh Gia và cầu nguyện cho nhau.

Xin cho giới trẻ lớn lên, dù học rộng, dù bằng cấp cao, nhưng vẫn biết noi gương Chúa Giêsu: luôn luôn thảo kính cha mẹ, và vâng phục các ngài trong những hướng dẫn đạo đức và luân lý trong hoàn cảnh xã hội ngày nay. Khi sắp lập gia đình, các bạn trẻ luôn biết chuẩn bị chu đáo cho cuộc sống hôn nhân tương lai được bền vững, bằng cách theo những hướng dẫn khôn ngoan lành thánh của cha mẹ, những điều căn bản đạo đức trong giáo lý hôn nhân đã học được trong những lớp “Dự Bị Hôn Nhân”. Khi đã thành hôn rồi, vợ chồng phải luôn biết tương kính nhau (tương kính như tân) trong cách cư xử cũng như trong lời ăn tiếng nói để làm gương sáng cho con cái. Lại phải cố gắng vượt qua mọi cám dỗ để chung thủy với nhau, hy sinh cho nhau, giữ vững tình yêu gia đình để cùng xây dựng và duy trì hạnh phúc theo gương mẫu của Thánh Gia.

Xin cho các người cha biết noi gương Thánh Giuse: luôn biết cầu nguyện để nhân ra thánh ý Chúa và vâng theo, như khi Thánh Giuse thấy Đức Maria có thai, dù rất đỗi kinh ngạc, nhưng nhờ bình tĩnh cầu nguyện, nên đã được Chúa soi sáng cho biết “Maria đã chịu thai bởi quyền phép của Chúa Thánh Thần”, nên đã vui nừng rước Đức Mẹ về làm vợ theo luật pháp. Thánh Giuse cũng kiên nhẫn vâng theo ý Chúa khi cùng Đức Maria về Bêlem khai sổ kiểm tra, và đúng lúc Đức Maria đã đến ngày sinh con, mà phải sinh con nơi hang bò lừa; sau đó lại phải vâng lời Chúa đưa Đức Maria và Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập, nơi đất khách quê người, không thông thạo tiếng nói, không ai thân thuộc, mà vẫn cứ vâng lời Chúa lên đường, không nóng nảy, than vãn!

Xin cho các bà mẹ biết noi gương Mẹ Maria, biết thưa lời “Xin Vâng” trong mọi hoàn cảnh, sau khi đã nhận ra thánh ý Chúa. Dù được diễm phúc vô cùng cao cả là cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế, nhưng Mẹ luôn sống khiêm tốn, đồng lao cộng khổ với Thánh Giuse; vất vả đi cùng Thánh Giuse về Bêlem; sinh con trong cảnh cùng cực bần hàn nơi hang bò lừa; chấp nhận cùng Thánh Giuse đưa Chúa Hài Nhi trốn sang Ai Cập. Trong mọi hoàn cảnh, Mẹ luôn can đảm chấp nhận mọi đau khổ hàng ngày theo thánh ý Chúa như khi phải chứng kiến ‘Chúa Con chịu chết đớn đau trên Thập Giá.’

Xin Chúa thương chúc lành cho mỗi gia đình chúng con, gìn giữ chúng con bền vững trong tình thương yêu nhau, nâng đỡ nhau trong những nghịch cảnh của cuộc sống hàng ngày, và luôn gìn giữ Đức Tin, lòng đạo đức truyền thống của các gia đình Công Giáo Việt Nam, dù phải sống giữa bao thác loạn của xã hội ngày nay.
 
Suy niệm Giáng Sinh: Con Trẻ đang gõ cửa!
Lm Nguyễn Hữu Thy
11:22 21/12/2009
Suy niệm Giáng Sinh: Con Trẻ đang gõ cửa!

(Is 9,1-6; Lc 2,1-14)

Hôm nay Ðấng Cứu Thế, Ðấng Giải Phóng muôn dân đã được sinh ra. Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân và đang ở giữa chúng ta!

Ðó không chỉ là một biến cố vô cùng vĩ đại cho cả vũ trụ, nhưng còn là một điều rất gần gũi và rất nhân bản: Thiên Chúa toàn năng vô biên đã trở nên một hài nhi yếu đuối đang cần đến một bà mẹ. Vâng, Thiên Chúa đã trở nên một hài nhi, một con trẻ, một con người, đã bước vào đời với tiếng khóc và nước mắt, đang cất tiếng cầu cứu, đang giơ đôi tay nhỏ bé về hướng mẹ để tìm được ấp ủ và chở che!

Quả vậy, Thiên Chúa đã trở nên một hài nhi đang cần đến tình yêu chở che của con người: Từ việc đi tì m k iếm một chỗ nghỉ chân cách vô vọng, cho tới việc phải lén lút chạy trốn trước lưỡi gươm tàn ác của Hê-rô-đê, v.v…! Nhưng phải chăng con trẻ Giêsu nếu được sinh ra trong thời đại văn minh tân tiến của chúng ta ngày nay sẽ gặp được nhiều may mắn hơn chăng? Ai sẽ bảo đảm được điều đó? Tôi thiết tưởng rằng số phận của Người vẫn không được may mắn và sáng sủa hơn, nếu không nói là rất có thể còn tồi tệ và nguy hiểm hơn!

Nhìn vào cuộc sống xã hội ngày nay, người ta phải nhận định rằng tuy phương diện vật chất đã được cải tiến rất nhiều, nhưng lòng ích kỷ của con người vẫn không thay đổi, nếu không nói là còn trở nên thâm hiểm hơn. Do đó, họ đã giết chết hàng triệu đứa trẻ ngay trong bụng mẹ chúng, vì họ coi chúng như những đối thủ cạnh tranh với đời sống hưởng thụ ích kỷ của họ. Nhiều nơi trên thế giới, các trẻ con đã bị coi như những thành phần thừa thải và tốn kém cho xã hội và gia đình. Người ta từ chối trao trả cho chúng những quyền lợi thuộc về chúng. Vâng, các trẻ em ngày nay thường bị chèn ép, bị đối xử tàn tệ và thiếu đi các điều kiện cũng như không gian để phát triển cuộc sống của chúng trong sự tự do và trong sự hồn nhiên vui vẻ.

Con trẻ đang gõ cửa! Ngày nay tiếng gõ cửa tìm một nơi nghỉ chân như thế, càng khẩn thiết hơn bao giờ hết. Vì bầu không khí của xã hội nhân loại ngày nay thường tỏ ra thù nghịch với trẻ con, đến nỗi nhiều khi người ta có cảm tưởng: Xã hội ngày nay là một xã hội của người lớn, của người trưởng thành, chứ không phải là của trẻ con. Trẻ con không có chỗ đứng trong đó. Chẳng những thế, nhiều nơi trong thế giới hôm nay, trẻ con còn bị coi như một hình thức nguy hiểm hay như một tai họa mà người ta cần phải tránh. Một ví dụ điển hình: Nhiều người khi đi thuê nhà hay thuê phòng ở đã không dám nói mình có con nhỏ, vì nếu chủ nhà biết họ có con nhỏ thì sẽ bị từ chối ngay lập tức. Thật là một hiện tượng phản nhân bản. Cũng vì thế, việc bóp chết, việc tiêu diệt sự sống bất khả tự vệ, sự sống vô sinh, việc phá thai, không những chỉ được coi như một rủi ro đáng tiếc mà thôi, nhưng còn được coi như một cái “mốt” của sự tiến bộ thức thời, một kiểu thoát ly tân tiến!

Trong tư duy của một số lớn những người hôm nay, đứa trẻ được coi như một cạnh tranh đối với sự tự do của họ, đối với tương lai thoải mái và sự yên tĩnh của họ, và như một đe dọa chiếm mất chỗ của họ! Vâng, chúng ta đã chất lên cuộc sống của mình đầy đủ thứ đồ vật, đủ thứ sản phẩm và chúng ta vẫn chưa hài lòng với những thứ mà chúng ta chiếm hữu và rồi sẽ vất bỏ. Tiếp đến, chúng ta vẫn luôn có chỗ cho con vật này hay con vật nọ trong nhà mình, và lấy chúng làm bạn, làm nguồn vui. Nhưng đối với một con người mới, một đứa trẻ, thuộc về chúng ta và đang đi vào cuộc sống chúng ta để chia sẻ với chúng ta, thì chúng ta lại không còn chỗ nữa, vì đứa trẻ bị coi như một gánh nặng bất khả kham cho chúng ta.

Con trẻ đang gõ cửa! Nếu chúng ta chấp nhận đứa trẻ, chúng ta phải kiểm tra lại một cách toàn diện thái độ của chúng ta đối với cuộc sống; chúng ta phải sẵn sàng coi cuộc sống như một món quà được dành cho những kẻ khác nữa, chứ không chỉ thu vén nó cho chính mình mà thôi. Chúng ta cần phải sửa sai tư duy và định kiến của mình về sự sống, hãy tập nhìn vào đứa trẻ không phải như một đe dọa đối với sự tự do của chúng ta, nhưng là một may mắn cho cuộc sống; không phải như một đối thủ cạnh tranh, sẽ giành giật lấy phần đất sống của chúng ta, nhưng là sức mạnh sáng tạo cho tương lai nhân loại.

Ði kiếm chỗ trọ! Ðó không phải chỉ là thảm cảnh của hàng ngàn hàng vạn trẻ con vô sinh, nhưng của cả hàng triệu người vô gia cư. Vâng, khắp nơi trên thế giới, hàng triệu người di cư đã phải bỏ lại quê hương, bỏ lại nhà cửa và mọi sự, để đi tìm sự sống còn, sự tự do và một cuộc sống có nhân phẩm. Giờ đây tất cả họ đang phải sống trong cảnh bất an, đầy đe dọa và nguy hiểm, đang phải sống nheo nhóc đói rét và không có tương lai. Tiếng kêu cứu của hàng triệu người đó đã vang thấu tới trời: Họ đang cần được cứu trợ! Nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự và hy vọng cũng nhờ đó mà cảm thông được phần nào thảm cảnh đau thương của những người đồng loại hôm nay. Vâng, tất cả chúng ta đều thông cảm cho sự bất hạnh đó!

Nhưng nếu sự thể bất hạnh đó xảy ra trước cửa nhà chúng ta, liệu chúng ta có cảm thấy khó xử không? Chắc chắn rằng những người dân cư ở Bê-lem xưa cũng đã có những lý dó hợp lý để từ chối không tiếp nhận đôi vợ chồng nghèo, đến từ Na-da-rét, với những lời thoái thác: Thật đáng tiếc, nhà chúng tôi không còn giường trống nữa! Hay: mọi phòng trong nhà đều có người ở cả rồi, ông bà sang nhà bên cạnh hỏi xem sao! Tương tự như vậy, chắc chắn chúng ta cũng tìm ra được những ly do rất hợp lý, để từ chối thực thi đức bác ái với những người vô gia cư đang hy vọng chờ trước cửa nhà và cửa lòng chúng ta!

Cuối cùng, đi kiếm chỗ trọ: Cũng có nghĩa là những chương trình lạc quyên cho các nạn nhân của những thiên tai, lụt lội, v.v… đặc biệt trong mùa Giáng Sinh đang chờ đợi sự góp phần của chúng ta. Tất cả mọi nạn nhân của đủ thứ tai ương đang gõ vào cửa lòng chúng ta và cầu xin chúng ta cho phép họ được dự phần vào các của cải vật chất đã được Thiên Chúa dựng nên cho hết mọi người và hiện Người đang trao phó cho chúng ta quản lý. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người. Còn những ai đón nhận Người, tức những ai tin vào danh Người, thì Người ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa!» (Ga 1,11-12).

Trong giờ phút linh thiêng này, chúng ta cầu xin Người giúp chúng ta biết mở rộng lòng mình để có thể nghe được tiếng gõ cửa của Người, tin tưởng mở rộng mọi cửa ngõ để đón tiếp Người trong những trẻ vô sinh, trong những người vô gia cư, trong những người nghèo đói, v.v…, hầu chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa, những đứa con của Người Con, mà qua Người ánh sáng chân thật đã được chiếu vào thế gian trong đêm nay!
 
Đêm Giáng Sinh – Đêm Tình Thương, Công Lý
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
13:05 21/12/2009
Đêm Giáng Sinh – Đêm Tình Thương, Công Lý

Giáng Sinh đã trở thành lễ hội chung cho hết mọi người. Ý nghĩa thâm sâu nhất của lễ Giáng Sinh không chỉ biểu hiện ở giá trị văn hoá, mà đặc biệt hơn, nó chứa đựng chiều kích tâm linh cao cả mà Ngôi Hai Thiên Chúa đem đến trần gian. Sự kiện Giáng Sinh nguyên khởi nói cho chúng ta về nét đặc trưng nhất của Đêm Hồng Ân mà muôn người nô nức mong chờ.

1. Đêm tình thương, công lý ngự trị

Giữa đêm Bê-lem hiu quạnh năm xưa, chính Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, được “đặt nằm trong máng cỏ” khiến cho nhiều người thời nay khó lòng tin nổi. Nhưng đó là sự kiện có thực, nói lên hoàn cảnh mà Đấng Cứu Độ đã hạ mình sinh xuống trần gian để cảm thông với nỗi khó khăn bần cùng của con người. Ngài muốn đồng cảm với nhân loại ngay từ tiếng khóc đầu tiên, với muôn ngàn nỗi éo le đặt ra cho một đời người.

Tuy nhiên, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Ngôi Hai thể hiện rõ chiều hướng lạc quan ngay từ thời khắc Hài Nhi Giêsu chào đời. Chính những con người “bần cùng áo rách” là đối tượng đầu tiên được nhận biết “vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng”. Trong nỗi bất thần sợ hãi ấy, sứ thần Chúa đã trấn an và báo cho họ tin vui:

“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 9-12).

Như vậy, chính trong cái lạnh lẽo u tối của không gian và ngay trong chính lòng người, ánh sáng tình thương từ Trời cao đã xuất hiện, chiếu giãi, lan toả trên những con người bần hàn, cơ cực và trên toàn dân. Ánh sáng ấy không còn giới hạn trong phạm vi Bê-lem nhỏ bé, mà phổ quát trên hết thảy “đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9, 1). Chính do bởi tình thương, mà Con Thiên Chúa đã không ngại sinh xuống làm người, hầu cứu nhân loại khỏi “vùng bóng tối” tội lỗi và sự chết; làm cho họ “ tăng thêm nỗi vui mừng” (Is 9, 2) về ngày được giải thoát nhờ cuộc tận hiến diệu kỳ của Đức Kitô trên thánh giá.

Đêm Bê-lem năm xưa đã mở ra triều đại của Công Lý ngự trị đến muôn đời.

“Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-di-an” (Is 9, 3).

“Thủ Lãnh hoà bình” được Isaia loan báo đã được tỏ hiện nơi Hài Nhi Giêsu. Nền công lý mà Ngài thiết lập không phải là thứ ‘công lý” của kẻ mạnh dùng để trấn áp những người thấp cổ, bé họng; nhưng đây là công lý của “Người gánh vác quyền bính trên vai”, công lý dựa “trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9, 5 – 6).

Như vậy, đêm Giáng Sinh không còn là đêm lễ hội bình thường như bao lễ hội văn hoá khác. Tham dự thời khắc trọng đại mừng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người, chúng ta cảm nghiệm được tình thương của Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Chính Ngài sẽ đồng hành cùng chúng ta trên nẻo đường truân chuyên cuộc sống với bao đắng cay, thử thách đang đặt ra. Trong đêm hồng phúc Giáng Sinh, mỗi người có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn nhờ Tin Mừng tình thương và công lý của Con Thiên Chúa Nhập Thể đem đến trần gian.

2. Đêm tình thương, công lý nối dài

Đến nay, đã hơn hai ngàn năm kể từ đêm đầu tiên thiêng liêng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần “nằm trong máng cỏ” nghèo hèn, đơn sơ, bé nhỏ. Tình thương và công lý của Đấng Nhập Thể “đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2, 11). Chúng ta không đón nhận ân sủng ấy một cách thụ động, mà phải thể hiện thái độ tiếp nhận bằng nỗ lực sống sứ điệp Giáng Sinh.

Tình thương của Thiên Chúa làm người hướng chúng ta tới việc đồng cảm, sẻ chia với những phận người bần cùng, nhỏ bé quanh ta. Đêm Giáng Sinh sẽ nối dài vô tận khi mỗi người tự hoá thân thành những “Hài Nhi Giê Su”, biết nhìn tha nhân với ánh mắt thương cảm, và sẵn sàng cho đi phần đang có riêng mình, vì sự sống và nhân phẩm của anh em.

Hơn thế nữa, sứ điệp tình thương từ đêm Giáng sinh mà chúng ta kín múc được sẽ thật sinh động khi chúng ta biết vận dụng nó như nền tảng cho việc thực thi sự thật và công lý. Vì không thể có một nền công lý đích thực khi nền “công lý” ấy thiếu vắng tình thương.

Một xã hội mà người ta còn chủ ý không tôn trọng quyền lợi chính đáng của đồng bào mình, của những người theo tôn giáo thì đừng vội nói đến “công bằng” hay “hoà nhập” trong dịp Giáng Sinh.

Đêm Giáng Sinh thực sự là đêm tình thương - công lý nối dài, khi mỗi người biết đem sứ điệp Giáng Sinh vào trong cuộc sống đời thường để kiến tạo hạnh phúc cho bản thân và mọi người xung quanh. Điều này đòi hỏi nơi chúng ta một tinh thần hy sinh, dấn thân cao độ theo gương Đấng đã vì yêu thương mà chấp nhận sinh làm một trẻ nhỏ nơi máng cỏ đơn nghèo năm xưa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:54 21/12/2009
GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN

N2T


Một bà lão đến bên quầy đổi tiền của ngân hàng, và xin nhân viên ngân hàng đổi tiền mặt thay cho tấm chi phiếu.

Nhân viên nói, theo quy định thì bà phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân.

Bà lão không biết sao mà trả lời, bà nghĩ rất lâu rồi cuối cùng nói: “Nhưng, Gio-na, mẹ chính là mẹ của con mà.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Mẹ già thì luôn suy nghĩ rất đơn giản với con cái, dù con cái có làm chức tước gì trong Giáo Hội hay ngoài xã hội, thì mẹ già vẫn cứ coi đó là thằng cu con tí của mình, cho nên đơn giản là: mẹ là mẹ của con mà. Vì là mẹ của con nên không cần giấy chứng minh nhân dân để đối chiếu, bởi vì con là con của mẹ, mẹ chứng nhận là được rồi, cần gì giấy chứng minh nhân dân !

Đức Mẹ Maria cũng sẽ nói với chúng ta như thế: Mẹ là mẹ của con mà.

Đơn giản là vì chúng ta là môn đệ của Chúa Giê-su và thực hành lời dạy của Ngài trong cuộc sống, cho nên Mẹ không cần giấy chứng nhận con đã tốt nghiệp khóa giáo lý, Mẹ cũng không cần giấy chứng nhận con có hai ba cái bằng tiến sĩ thần học và triết học, để bênh vực con trước tòa Thiên Chúa hoặc đưa con vào nước thiên đàng.

Đến với Đức Mẹ Maria thì không cần giấy chứng minh nhân dân hay bất cứ giấy tờ chứng nhận nào khác, chỉ cần chúng ta có một tâm hồn khiêm tốn đón nhận và thực hành lời của Chúa Giê-su –Con Mẹ- mà thôi.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Giáng Sinh (thánh lễ đêm)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:56 21/12/2009
LỄ GIÁNG SINH

(Lễ vọng)

Tin Mừng: Lc 2, 1-14

“Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”


Bạn thân mến,

Hôm nay, toàn thể nhân loại vui mừng hân hoan mừng lễ giáng sinh của Chúa Giê-su Ki-tô –vị cứu tinh nhân loại- ngày nhân loại đợi chờ đã đến, Ngài đã đến trong hang đá Bê-lem nghèo nàn, với những con người nghèo nàn chất phác là các mục đồng chăn chiên...

Hôm nay, tất cả mọi dân nước trên địa cầu cất tiếng hoan ca mừng ngày Con Thiên Chúa giáng trần, với những cung điệu vang vang vui tai và thánh thiện...

Hôm nay, trên mọi nẻo đường trong thành phố nhộn nhịp hơn mọi khi, người người tuôn đến nơi những thánh đường để hát mừng Con Thiên Chúa làm người, với tất cả tâm tình hân hoan, hạnh phúc trong tâm hồn...

Hôm nay, trong thành phố có những con đường không ánh điện, không nhạc mừng, không hoan ca, bởi vì nơi đó còn có rất nhiều người bất hạnh đang co ro trong cái rét của mùa đông của trời đất, mùa đông của xã hội và mùa đông của tâm hồn...

Hôm nay, bên cạnh những mâm cỗ thịnh soạn được chuẩn bị cho ngày Chúa giáng sinh trong gia đình, thì bên ngoài đường vẫn còn có những Hài Nhi Giê-su nho nhỏ đang đứng nhìn người qua lại, bụng đói meo và hi vọng nơi lòng bố thí của mọi người đang tuôn đến nhà thờ...

Bạn thân mến,

Lời của các thiên thần loan báo cho các mục đồng mà chúng ta vừa đang nghe trong bài Tin mừng hôm nay: “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” vẫn mãi mãi là điệp khúc nhắc nhở chúng ta rằng: Đấng Cứu Độ đã đến, đang đứng ngoài cửa nhà co ro vì lạnh đang chờ chúng ta mời vào nhà, cùng chia vui với niềm vui chung của nhân loại trong đêm huyền nhiệm này.

Đấng Cứu Thế đã sinh ra để chúng ta cùng đến chiêm ngưỡng và phục vụ Ngài, Ngài đang hóa thân làm em bé mồ côi đang nằm bên hiên nhà bên vệ đường, Ngài đang hóa thân làm người hành khất, âm thầm trong đêm tối trở về căn nhà vắng lặng vì không đủ tiền để trả tiền điện, Ngài đến rồi, đang đứng đó bên cổng nhà thờ, bên gốc cây tủi nhục, nơi xó chợ hôi tanh...

Nhìn vào hang đá, chúng ta thấy nổi bật lên những ánh đèn điện chớp nháy vui mắt đẹp đẽ, những cây thông thật và giả với muôn vẻ màu sắc của dây kim tuyến lấp lánh, lòng chúng ta rộn lên niềm vui ngày Chúa giáng trần. Nhưng niềm vui ấy sẽ dâng đầy nếu đêm nay chúng ta tự nguyện trở thành một thiên thần, đem vật chất và tinh thần đến phân phát cho những Giê-su Hài Nhi mồ côi, những Ma-ri-a và Giu-se nghèo khổ bên cạnh chúng ta...

Xin Chúa Hài Nhi ban muôn phúc lành cho chúng ta trong đêm thánh này...

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 21/12/2009
N2T


6. Những người hiền lành đều biết Thiên Chúa gia tăng ân sủng cho mỗi người đều phù hợp với vinh quang của Thiên Chúa, đều phù hợp với linh hồn của người ấy, cũng là có ích cho người khác. Nếu không muốn đón nhận sự an bài của Thiên Chúa, thì đó chính là sự ngu xuẩn của chúng ta vậy.

(Thánh nữ Terese of Avila)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:59 21/12/2009
N2T


322. Tri thức thì tích lủy lại mà có, chứ không phải đột nhiên mà rót vào.

 
Mẫu gương sáng ngời
Đinh Lập Liễm
20:02 21/12/2009
LỄ THÁNH GIA

MẪU GƯƠNG SÁNG NGỜI

+++

A. DẪN NHẬP

Hằng năm, lễ Thánh gia được tổ chức vào Chúa nhật sau lễ Giáng sinh để nêu lên một tấm gương sáng chói cho các gia đình noi theo. Sách Tin mừng thuật lại rất ít sự kiện có liên quan đến lễ này. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp thấy những gương nhân đức của từng thành phần trong gia đình thánh gia như: các nhân đức âm thầm của Đức Maria, đức tin phó thác của thánh Giuse và sự vâng phục của Đức Giêsu.

Đấy là những mẫu gương sán lạn, những bài học quí giá cho chúng ta. Nếu mỗi thành phần trong gia đình thực hành được những nhân đức ấy thì gia đình sẽ trở nên một cộng đoàn yêu thương, sống đùm bọc lẫn nhau, trong cảnh trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm.

Ngày nay các gia đình trên thế giới nói chung, và gia đình Công giáo nói riêng, đang trên đã xuống dốc: ly dị lan tràn khắp nơi, gia đình tan vỡ ly tán, gây ra cho xã hội biết bao cảnh thương tâm. Nếu mỗi thành phần trong gia đình biết noi gương Thánh gia mà xây dựng gia đình, cố gắng trung thành thi hành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo thì gia đình sẽ thành một cộng đoàn hạnh phúc, một “Giáo hội tại gia” đúng nghĩa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Hc 3,3-7.14-17a

Sách Huấn ca hôm nay dạy con cái phải thảo kính cha mẹ. Thảo kính cha mẹ không phải chỉ là một tình cảm tự nhiên mà còn là ý muốn của Thiên Chúa: ”Thứ bốn thảo kính cha mẹ”. Việc thảo kính cha mẹ sẽ đem lại nhiều ơn ích:

- Đền bù các tội lỗi đã phạm.

- Khi cầu xin, sẽ được Thiên Chúa nhận lời.

- Nếu ai hiếu thảo với cha mẹ thì sau này sẽ dược con cháu thảo hiếu lại vì như người ta nói: ” sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”.

+ Bài đọc 2: Cl 3,12-21

Trong thư mục vụ gửi cho tín hữu Colossê và Ephêsô, thánh Phaolô rất chú trọng đến đời sống gia đình. Theo đó, trong đời sống gia đình phải có những đức tính như: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.

Trong các đức tính ấy, thánh Phaolô đặc biệt chú trọng đến việc tha thứ. Ngài khuyên: ”Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em hãy tha thứ cho nhau”. Nhưng muốn thực hiện được các đức tính trên, cần phải có một nhân đức nền tảng: đó là đức bác ái yêu thương.

+ Bài Tin mừng

Năm A: Mt 2,13-15.19-23

Thánh Matthêu làm nổi bật vai trò của thánh Giuse trong gia đình Nazareth, với tư cách là gia trưởng, Thiên Chúa hướng dẫn và điều khiển gia đình Thánh gia qua vai trò của thánh Giuse. Vì thế, thiên thần Chúa báo mộng cho thánh Giuse phải đem hài nhi Giêsu và mẹ Người trốn sang Ai cập vì vua Hêrôđê đang tìm giết con trẻ Giêsu. Khi vua Hêrôđê băng hà, thiên thần Chúa lại báo mộng cho Giuse phải đem con trẻ và Mẹ Người trở về quê hương. Giuse đã mau mắn đem gia đình trở về và định cư tại Nazareth. Trong mọi bước đường gian nay buổi ban đầu, thánh Giuse hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa, còn Đức Maria và Đức Giêsu hoàn toàn sống theo sự hướng dẫn của thánh Giuse. Do đó, đây là một gia đình trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm.

Năm B: Lc 2,22-40

Thánh Luca tường thuật cho chúng ta việc Đức Maria và thánh Giuse lên đền thờ dâng con trẻ Giêsu cho Thiên Chúa theo Lề Luật. Và trong dịp này có hai người là ông già Simêon và cụ bà Anna nói tiên tri về tương lai của con trẻ. Qua sự kiện này, chúng ta cần lưu ý đến mấy điểm:

a) Thánh gia là những người giữ Luật rất chín chắn. Thi hành đầy đủ mọi luật: như luật thanh tẩy người mẹ sau khi sinh con, luật cắt bì cho con trẻ, luật dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa, mặc dầu các Ngài không bị buộc phải giữ những luật này.

b) Gia đình Thánh gia rất hiệp thông: lúc nào mọi thành phần trong gia đình cũng cùng chung nhau thi hành Luật. Lúc nào cũng có sự hiện diện của nhau.

c) Cha mẹ rất kinh ngạc về tương lai của con trẻ Giêsu khi ông già Simêon và bà Anna tiên báo vận mệnh vừa bi thương vừa vinh quang của con. Tuy Đức Maria và thánh Giuse chưa hiểu hết mầu nhiệm con mình, nhưng các Ngài vẫn sẵn sàng tuân theo sự chỉ dẫn và sắp xếp của Thiên Chúa.

Năm C: Lc 2,41-52

Theo lối giải thích của các thầy rabbi thì dường như luật buộc phải đi hành hương Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hằng năm chỉ bắt đầu áp dụng lúc 13 tuổi và chỉ bắt buộc các nam nhân. Lễ Vượt qua kéo dài 7 ngày, nhưng luật buộc chỉ phải dự 3 ngày đầu thôi. Tuy thế, Đức Maria và thánh Giuse tham dự cho đến cuối: ”Khi lễ đã chấm dứt…”. Như vậy, Thánh gia đã giữ luật rất chín chắn hơn cả mức đòi hỏi của luật.

Sau kỳ lễ chấm dứt, các Ngài ra về nhưng Đức Giêsu còn ở lại Giêrusalem. Sau ba ngày đi tìm Đức Giêsu thì cha mẹ Ngài mới tìm thấy Con và các ngài hết sức bỡ ngỡ khi thấy Con mình đàng ngồi đàm đạo với các tiến sĩ luật. Được hỏi lý do thì Đức Giêsu chỉ trả lời với cha mẹ: ”Con có bổn phận ở nhà của Cha Con”. Câu trả lời như thế khiến hai ông bà chưa hiểu hết ý nghĩa của nó.

Dù là người con ngoan, vào lúc 12 tuổi, Đức Giêsu đã làm một cuộc “thoát ly gia đình” để ưu tiên sống cho một Đấng mà Ngài gọi là “Cha” bằng một giọng thân thương nhất. Qua thái độ và lời nói này, Đức Giêsu muốn chuẩn bị cho cha mẹ Ngài biết và chấp nhận rằng Ngài còn có bổn phận đối với Chúa Cha. Tuy thế, Ngài luôn là người con có hiếu với cha mẹ: ”Sau đó, Ngài cùng cha mẹ trở về Nazareth và hằng vâng phục các Ngài”(Lc 2,52).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Xây dựng gia đình hạnh phúc

I. LÝ DO CỦA NGÀY LỄ THÁNH GIA

Phong trào “gia đình Công giáo” đã có từ thế kỷ 16, nhưng đến cuối thế kỷ 19, Đức Giáo hoàng Lêô XIII cổ vũ mạnh và đặt ra “Lễ Thánh Gia” nhằm thúc giục mọi người theo gương thánh gia thất mà sống trên thuận dưới hòa để tạo lập những gia đình hạnh phúc.

Năm 1994 Liên hiệp quốc cũng như Giáo hội chọn làm năm quốc tế về gia đình. Gia đình đang gặp cơn khủng hoảng, đang trên đà xuống dốc một cách trầm trọng. Gia đình là nền tảng của xã hội, mà nền tảng hư hỏng thì xã hội cũng sụp đổ.

Do đó, Giáo hội muốn cho ta tổ chức lễ kính Thánh gia là để đề cao vai trò của gia đình và đưa ra mật mẫu gương tuyệt vời cho mọi người bắt chước, hầu củng cố lại gia đình và giúp cho xã hội thêm vững chắc.

II. SỰ QUAN TRỌNG CỦA GIA ĐÌNH

Chúng ta thấy mối liên hệ giữa gia đình và Hội thánh rất sâu sắc và nhiều đến nỗi có thể gọi gia đình công giáo là “Giáo hội tại gia” (Lumen gentium, số 11). Vì thế, công đồng Vatican II nói: ”Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội tự nhiên và Kitô giáo liên kết chặt chẽ

với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình” (MV số 47).

Trong tông huấn về gia đình “Familiaris Consortio”, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã khẳng định:”Gia đình là “trường học đầu tiên” dạy các đức tính xã hội mà không đoàn thể nào khác có thể vượt qua”(Gđ số 3).

III. PHÂN NHIỆM TRONG GIA ĐÌNH

1. Gia đình Thánh gia

Nhìn vào gia đình Thánh gia, theo bài Tin mừng hôm nay, ta thấy Đức Maria và Đức Giêsu không làm gì cả. Nói đúng ra, hai Đấng không làm gì khác ngoài việc làm theo sự chỉ đạo của thánh Giuse; còn thánh Giuse thì không làm gì khác ngoài việc làm theo sứ thần Thiên Chúa. Đúng như người ta nói: ”Kim chỉ phải có đầu” (Tục ngữ).

Có sự thuận ý từ trên xuống: Thiên Chúa điều khiển thánh Giuse, thánh Giuse lại điều khiển Đức Maria và Đức Giêsu mà không có điều gì trục trặc, các ngài đã thực hiện chữ “thuận” vì người ta thường nói:

“Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” (Tục ngữ).

Theo đó, các Ngài đã thuận vợ, thuận chồng và cả con cũng thuận nữa. Tất cả đều hài hòa để qui hướng về một mối là “Thuận Thiên”như người ta nói: ”Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, nhờ đó, gia đình có thể vượt qua được mọi sự khó khăn chủ quan cũng như khách quan.

2. Gia đình chúng ta

Gia đình Thánh gia là một mô hình tuyệt vời trong sự phân công các thành viên trong gia đình cho có lớp lang thứ tự, hợp tình hợp lý để tạo nên sự hài hòa trong các thành phần.

Trong việc giáo dục gia đình, Đức Khổng Tử đã đưa ra một công thức giáo dục rất hay, đó là: quân, thần, phụ, tử, nghĩa là vua phải sống cho ra vua, tôi phải sống ra tôi, cha phải sống xứng với vai trò của cha, và con phải sống theo bậc làm con; bậc nào phải sống theo bậc ấy, đừng bao giờ đảo lộn. Trong gia đình có ba cấp thành viên: cha, mẹ và con cái. Chúng ta sẽ phân tích từng thành viên.

a) Người cha trong gia đình

Người ta nói: “Kim chỉ phải có đầu”. Vậy ai nên làm chủ gia đình ? Đương nhiên là người cha và người mẹ là hai vai trò quan trọng nhất. Còn nếu so sánh người cha với người mẹ thì có lẽ vai trò người cha quan trọng hơn vì người cha đồng thời cũng là người chồng; và theo thánh Phaolô thì “Người chồng là đầu của người vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội thánh”(Ep 5,23). Tại sao vậy ? Vì người cha có khả năng tốt hơn, có cái nhìn bao quát hơn, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội, có uy tín hơn để hướng dẫn các con. Gia đình nào có người cha tốt thì hầu như mọi sự trong nhà đều dễ trở nên tốt, vì người cha là cột trụ cho cả nhà dựa vào, là vị chỉ huy điều khiển mọi người, là người cầm lái đưa cả gia đình theo một hướng. Nếu ngược lại, thì người ta bảo: ”nhà dột từ nóc”, gia đình bị hư hỏng từ đầu: ”cá thối từ đầu”(Piscis a capite vivit et a capite faetet”. Hậu quả sẽ xẩy ra như người ta nói:

Người trên ở chẳng chính ngôi,

Làm cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào.

(Ca dao)

Nói thế không phải là một mình người cha điều khiển gia đình, vẫn có sự tham gia của người mẹ một cách rất nhẹ nhàng mà người ta không ngờ. Đôi lúc vì người cha thiếu khả năng nên người mẹ đã lấn át vai trò của người cha.

Truyện vui: Hư danh.

Con chạy về hỏi cha:

- Ba ơi, Ba giảng cho con thế nào là “hư danh”.

Người cha trả lời:

- Hư danh hả ? Ví dụ như má con giới thiệu Ba là chủ gia đình !!!

Hoặc truyện khác:

Đôi tân hôn chưa sống với nhau được bao lâu, người chồng hiền lành, điệu bộ có vẻ cù lần, nhưng vợ tinh anh sắc xảo, cần phải có tác phong bảo vệ quyền bính, nhất là con nhà có đạo phải dựa vào Kinh Bổn mới có nền tảng vững chắc, kẻo người nội trợ lấn át quyền gia trưởng.

- Thứ nhất dựa vào Kinh:

Một hôm gặp cơ hội bị chị vợ lấn át, anh ta mới dõng dạc tuyên bố: Mày phải biết ngày chịu phép Hôn phối, cha giảng: chồng là gia trưởng, là chủ, chồng giữ địa vị thánh Giuse trong nhà Nazareth. Mày không nhớ trong kinh cầu ông thánh Giuse: thánh Giuse làm đầu thánh gia. Thế tao là đầu trong nhà, thay địa vị thánh Giuse, mày phải nhận điều đó mới được.

- Thứ hai, sách Bổn dạy làm sao ?

Sách bổn dạy: ”Cha mẹ phải săn sóc con cái, chồng phải coi sóc vợ, chúa nhà phải coi sóc đầy tớ: bấy nhiêu “Đấng ấy” phải coi sóc kẻ thuộc về mình, hầu bằng cha mẹ phải săn sóc con cái vậy, chả gì tao cũng vào số “các đấng”. Đừng có mà khinh tao”.

(Nguyễn duy Phượng, Thực chuộng vâng phục, 1969, tr 241-242)

b) Người mẹ trong gia đình

Thiên Chúa đã dựng nên người nam nữ có bản chất riêng, khác nhau mà không dẫm chân lên nhau. Dường như trong gia đình đã vốn sẵn có một sự phân nhiệm tự nhiên cho hai người:

- Nếu người chồng là rường cột chống đỡ gia đình, thì người vợ là sợi dây thân ái ràng buộc mọi người trong yêu thương hạnh phúc.

- Nếu người chồng là người đứng mũi chịu sào, đặt kế hoạch, tạo điều kiện kinh tế cho gia đình, thì người vợ lại là người quản lý tốt, quán xuyến sắp xếp mọi công việc trong nhà và bảo vệ tổ ấm gia đình hơn mọi người khác.

- Nếu người chồng là lý trí, là khối óc sáng suốt để chỉ huy, hướng dẫn gia đình như một ông thuyền trưởng chỉ huy con tầu, thì người vợ chính là người tài công khéo léo điều động con tầu đến mục tiêu đã định.

- Nếu người chồng là biểu tượng của quyền uy, nghiêm nghị và cứng cỏi, là khuôn mẫu, là kỷ luật, thì người vợ là sự dịu dàng, mềm mỏng cởi mở để con cái được thoải mái, dễ chịu trong khuôn khổ gia đình.

- Và sau cùng, nếu cần phải đối phó với một xã hội, một cuộc sống đa đoan, phức tạp, muôn mặt, khi sự cứng rắn và sức mạnh của người chồng không đủ đáp ứng, thì đã có sự khôn ngoan, tế nhị, mềm mỏng của người vợ bổ sung vào để đạt được kết quả.

Quan niệm “Phu xướng phụ tùy” của xã hội ta ngày xưa không còn phù hợp nữa. Nếu chồng là giám đốc thì vợ phải là quản lý hay phụ tá giám đốc chứ không phải là tôi tớ: ”Cha đã đặt người nữ làm trợ tá bất khả phân ly của người nam… Xin cho anh biết trọn niềm tin tưởng ở chị, nhìn nhận chị là người bình đẳng và cùng được thừa hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban”(Lời cầu lễ Hôn phối).

Truyện: Tài tử Galicopter và người vợ

Một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất trong thập niên 50 là nam tài tử Galicopter. Ông nổi tiếng không những vì tài nghệ diễn xuất mà còn vì cuộc sống hôn nhân mẫu mực của ông. Vào khoảng cuối đời, quằn quại trong thể xác, ông đã nói về Rochi người vợ đã chung sống với ông trong gần 30 năm như sau:

“Rochi là một người đàn bà tuyệt vời. Nàng là một người vợ đã biết thích nghi với tính

khí và công việc của tôi. Nàng cũng biết cảm thông với những lỗi lầm của tôi. Nhất là

nàng đã biết ở cạnh tôi khi nàng có thể, mỗi khi tôi cần đến nàng. Nàng là người vợ đích

thực”.

Những lời khen tặng trên đây của tài tử Galicopter là một khẳng định rằng: người nắm giữ hạnh phúc gia đình, người nắm vai chủ động trong việc xây dựng hạnh phúc hôn nhân chính là người vợ. Dĩ nhiên sự thành công của hôn nhân là do sự hợp tác của hai vợ chồng. Nhưng người vợ vẫn giữ vai trò chủ yếu: “Đàn ông dựng nhà, đàn bà xây tổ ấm”(Tục ngữ).

c) Con cái trong gia đình

Còn Đức Giêsu trong gia đình Nazareth đã được thánh Luca mô tả vài nét trong Tin mừng:”Và Ngài đã xuống với ông bà về Nazareth. Và Ngài hằng tùng phục hai ông bà. Còn Mẹ Ngài thì giữ kỹ hết các điều trong lòng bà. Và Đức Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta”(Lc 2,51-52).

Đức Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng với cương vị làm con, Ngài vẫn phải vâng phục thánh Giuse và Đức Maria với tâm tình con thảo. Sách Huấn ca hôm nay dạy ta: ”Ai kính sợ Thiên Chúa thì hiếu thảo với cha mẹ, ai thờ cha kính mẹ thì sẽ bù đắp lỗi lầm và sẽ được đền bù tội lỗi”.

Hiếu thảo đối với cha mẹ không phải là một tình cảm tự nhiên mà còn là một điều luật của Chúa:”Ngươi phải hiếu thảo với cha mẹ, như Thiên Chúa ngươi đã truyền dạy, để được sống lâu và được hạnh phúc trên phần đất Thiên Chúa dành cho ngươi”(Đnl 5,16).

Ngày xưa khi cắp sách đi học, các em nhỏ đã được đọc trong sách Quốc văn giáo khoa thư một bài học căn bản về đạo làm con:

Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho trọn chữ hiếu mới là ĐẠO CON.

Không thiếu gì những bậc danh nhân trên thế giới đã làm gương cho chúng ta về lòng thảo hiếu đối với cha mẹ, ngay khi các ngài còn ở bậc cao trong danh vọng.

Truyện: Nhà bác học Louis Pasteur

Ngày 14.07.1883, hội đồng thành phố Dole quyết định đặt tấm đồng ghi danh trên cửa nhà mà Pasteur đã sinh ra. Hôm ấy, trong bài đáp từ cao thượng, nhà bác học trứ danh đã để lòng trào ra trên nỗi biết ơn cha mẹ:

Ôi ! hỡi cha con, mẹ con ! Ôi, hỡi những người thân yêu đã chết ! Các ngài đã sống bình dị quá trong căn nhà nhỏ bé này, con đã chịu ơn tất cả bởi các ngài. Những nhiệt tình của người, hỡi mẹ can đảm của con, mẹ đã chuyển nó cho con. Nếu con bao giờ cũng đã nối kết vinh quang khoa học vào vinh quang tổ quốc, chính là vì con đã thấm nhuần những cảm tình mà mẹ phấn khích ở trong con. Và còn người, hỡi cha thân yêu, mà đời sống cũng nặng nhọc như nghề nghiệp, cha đã tỏ cho con biết đức kiên nhẫn trong cố gắng lâu dài có thể làm được những gì… Con chúc tụng cả hai, hỡi cha mẹ thân yêu, cho cuộc sống con người, và xin để cho con hướng về các ngài cái vinh hạnh mà người ta hiến lên căn nhà này ngày hôm nay”( Bùi Đức, Vinh quang bà mẹ, 1959, tr 59-60).

IV. TRUNG THÀNH TRONG HÔN NHÂN

Còn một vấn đề rất quan trọng trong hạnh phúc hôn nhân mà ngày nay người ta đã coi thường, đó là trung thành trong đời sống hôn nhân. Ngày xưa người ta chỉ chú trọng vào sự chung thủy của người phụ nữ mà không đề cập đến đàn ông. Người ta đã có một cái nhìn thiên lệch về phụ nữ với quan niệm “chồng chúa vợ tôi”. Người đàn bà trong lễ giáo Khổng Mạnh phải tuyệt đối chung thủy với chồng mình. Họ phải giữ cái đạo “Tam tòng”:

Tại gia tòng phụ

Xuất giá tòng phu.

Phu tử tòng tử

Nghĩa là: người con gái ở nhà thì theo cha, đi lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con.

Chữ “chung thủy” của người xưa thật đáng ca tụng, nhưng tôi thấy nó rất thiên lệch và không công bằng. Lễ giáo của Khổng Mạnh đã áp đặt chặt chẽ trên người đàn bà, trong khi đó thì người đàn ông được thả lỏng:

Trai thì năm thê bảy thiếp.

Trong khi đó thì:

Gái chính chuyên chỉ có một chồng.

Và nếu có một vợ một chồng thì theo sự diễn tả một cách châm biếm, đó là:

Nhất phu nhất phụ

Mỗi mụ mỗi nơi.

Còn thời nay thì sao ? Đối với xã hội Tây phương thì chữ “chung thủy” thời nay đã biến mất. Người ta thay vợ đổi chồng như thay áo theo phương châm “Hay thì ở, dở thì đi”. Có nơi số đôi hôn phối ly dị lên tới 50% hay hơn nữa. Các hôn ước không còn giá trị nữa. Chính vì thế mà gia đình bị lung lay tận nền tảng, tận gốc rễ để rồi đi đến chỗ đổ vỡ vì những lý do không đâu.

Truyện: Trên chuyến xe đò

Có một lần trên chuyến xe đò đi Sàigòn, tôi được nghe mẩu tâm sự vụn giữa mấy bà mấy cô với nhau. Bà thì than rằng chồng của mình bê bối. Bà thì bực tức thấy ông nhà đèo bòng mà chẳng làm gì được. Nói ra thì xấu thiếp hổ chàng, còn để vậy thì ấm ức trong lòng. Sau cùng, có một bà kết luận: chỉ có mấy bà công giáo là sướng. Đạo của họ cấm chỉ việc lang bang. Dù sao chăng nữa, thì họ cũng vẫn một lòng một dạ với nhau.

Nghe mẩu tâm sự ấy, tôi cũng thấy mừng vì từ xưa và cho đến nay, sự chung thủy, một vợ một chồng vốn dĩ đã là nét son của hôn nhân công giáo. Vì ai cũng biết hôn nhân công giáo là một khế ước song phương được ký kết giữa hai người nam và nữ. Do đó, hôn nhân của công giáo có hai đặc tính là “đơn nhất và vĩnh viễn”. Không ai có thể hủy bỏ hôn ước khi cả hai người còn sống vì “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mc 10,9).

Nếu chúng ta đòi buộc người bạn đời phải tuyệt đối trung thành với mình, thì chúng ta cũng phải có bổn phận phải tuyệt đối trung thành với người bạn đời như thế. Chúng ta không thể nào chấp nhận những chia sẻ trộm vụng của người bạn đời thì chúng ta cũng không được chia sẻ tình yêu một cách thầm lén cho kẻ khác không phải là bạn đời của mình. Nếu như hành vi thầm lén vụng trộm của chúng ta bị đổ bể, bởi vì “đi đêm lắm có ngày gặp ma”… thì lúc bấy giờ chắc chắn dư luận sẽ không buông tha chúng ta và gia đình ta chắc chắn sẽ gặp nhiều sóng gió.

Để kết luận, chúng ta hãy dâng lên Thánh Gia lời cầu xin cho các gia đình:

Lạy Chúa Giêsu,/ chúng con xác tín rằng: / Hôn nhân và gia đình là công trình sáng tạo của Thiên Chúa,/ công trình của yêu thương,/ khôn ngoan và thanh thiện./ Chúng con tin rằng,/ Chúa muốn và Chúa luôn ban ơn,/ để hôn nhân được hạnh phúc,/ trong sự duy nhất và bền bỉ,/ trong việc truyền sinh và phát huy sự sống.

Lạy Chúa,/ Chúa đã yêu thương mà nâng hôn nhân lên hàng Bí tích./ Xin Chúa cho các đôi vợ chồng sống trung thành với nhau,/ cho cha mẹ biết ý thức trách nhiệm giáo dục con cái,/ cho con cái biết vâng phục và yêu mến cha mẹ./ Xin Chúa làm cho các thế hệ trẻ,/ tìm được nơi gia đình sự nâng đỡ chắc chắn cho giá trị làm người của ho,/ và được trưởng thành trong Chân lý và Tình thương.

Lạy Thánh gia Nazareth,/ là gương mẫu của đời sống thánh thiện,/ công bình và yêu thương./ Xin cho gia đình chúng con,/ trở nên nơi đào tạo nhân đức,/ trong hiền hòa,/ phục vụ và cầu nguyện./ Xin cho chúng con xây dựng gia đình thành mối an ủi cho cuộc đời đầy thử thách./ Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình,/ đều được thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã hội,/ và cộng tác trong việc xây dựng Giáo hội.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Giáng sinh, lễ của tình thương
Đinh Lập Liễm
20:06 21/12/2009
GIÁNG SINH, LỄ CỦA TÌNH THƯƠNG

+++

A. DẪN NHẬP

Chúng ta có thể gọi Giáng sinh là lễ của Tình thương. Sở dĩ chúng ta có thể nói được như vậy là vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Thiên Chúa là Chúa Cả muôn loài lại hạ mình xuống mặc lấy thân xác yếu hèn của con người, bởi vì Nhập thể là một trong ba mầu nhiệm lớn nhất trong Đạo. Chúng ta có thể đưa ra nhiều lý do nhưng không có lý do nào thuyết phục hơn là Thiên Chúa yêu thương con người. Thánh Gioan Tông đồ đã nói lên lý do ấy: ”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16).

Như vậy, vì yêu thương Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu cho nhân loại như một quà tặng. Tặng quà là một nghĩa cử cao đẹp của người tặng cho người được trao tặng, nó nói lên tình yêu của người trao tặng đối với người được trao tặng. Đức Giêsu là quà tặng vô cùng quí giá nói lên tình Chúa thương yêu nhân loại đến mức nào ! Chúng ta hãy tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa trong dịp Giáng sinh này, vì Ngài đã không tiếc gì đối với thế gian đến nỗi đã hy sinh Con Một của Ngài để cứu chuộc nhận loại.

Đáp lại tình yêu bao la của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải trở nên quà tặng cho tha nhân vì “đã lành nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không”(Mt 10,8). Cuộc sống sẽ luôn thi vị nếu còn mãi những nghĩa cử tặng quà. Không ai nghèo nàn đến nỗi không có gì để trao ban, trái lại, ai cũng có gì để trao tặng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Lễ Giáng sinh là dịp để chúng ta thể hiện tinh thần hy sinh và dâng hiến: ”Mình vì mọi người”.

II. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 9,1-6

Dân Do thái đã bị quân Assyri đến xâm chiếm và đặt ách thống trị bạo tàn trên họ. Với tư thế là một dân tộc bị trị, dân chúng chỉ còn biết rên siết dưới gông cùm của ngọai bang: ”Dân tộc bước đi trong u tối”.

Nhưng giữa đau khổ, hãi hùng và thất vọng của dân chúng, Isaia tiên báo một thời tươi sáng sẽ tới. Hãy tin tưởng vì Chúa sẽ đến đập tan gông cùm của kẻ thù, sẽ giải thóat cho dân: Bởi vì một Hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi và một người con sẽ được ban tặng cho chúng tôi”.

Lời tiên báo đầy phấn khởi ấy đã được ứng nghiệm khi Israel được thóat khỏi ách thống trị của Assyria. Nhưng ơn cứu độ mà Isaia loan báo đó không phải chỉ hạn hẹp trong dân tộc Israel mà nó còn có một chiều kích rộng rãi hơn, nghĩa là ơn cứu thóat ấy chỉ được thực hiện một cách trọn vẹn với Đấng Messia.

+ Bài đọc 2: Tt 2,11-14

Thánh Phaolô nói cho Titô và cho chúng ta biết: Đức Giêsu là ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ và ban cho ta trong ngày giáng sinh, và ân sủng ấy vẫn còn khi Đức Giêsu lại xuất hiện trong vinh quang ngày Ngài trở lại trần gian. Chúng ta hãy sống xứng đáng với ân sủng bằng cách: ”Từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức”.

+ Bài Tin mừng: Lc 2,1-14

Sau bao ngàn năm trông đợi, giây phút quan trọng đã đến. Thánh Luca đã giới thiệu cho chúng ta: Đấng Cứu Thế đã đến trong thân phận một bé thơ nơi hang đá Be lem. Bà Maria đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa nên đã sinh ra con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Tuy Chúa Cứu Thế sinh ra trong cảnh cô đơn lạnh lẽo ấy, không ai biết tới nhưng trên không trung các thiên thần vẫn ca hát:

Vinh danh Chúa Cả trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Các thiên thần cho biết đây là Tin mừng cho cả nhân lọai, nhưng Tin mừng này trước tiên được loan báo cho những người chăn chiên nghèo khổ. Chính những người nghèo khổ này đã được hân hạnh thay cho loài người đến triều bái Chúa Hài Nhi.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Giáng sinh, Lễ của Tình thương

Lễ Giáng sinh với cái tên phổ biến là Noel, ngày nay đã trở thành một ngày lễ của nhân loại, vì hầu như mọi người: tín hữu hay không, bằng cách này hay cách khác, đều có thể mừng lễ Noel, nhưng có một điều quan trọng rất cần được chú ý, đó là không phải bất cứ ai mừng lễ Noel đều đạt được mục đích chân chính của nó là gặp được Chúa Kitô, “Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi”(Lc 2,11).

Nhìn lại lịch sử đã hơn 2000 năm từ ngày Chúa giáng sinh có biết bao người đã từng mừng lễ Noel, nhưng họ đã không một lần gặp được Chúa Hài Đồng, dường như họ coi lễ Noel là dịp để được nghỉ ngơi, vui chơi, mua sắm… còn mầu nhiệm Giáng sinh không liên quan gì đến họ cả. Hôm nay chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm Chúa Hài Đồng và tìm ra ý nghĩa của ngày lễ: Giáng sinh là lễ của Tình thương, Chúa giáng trần không có lý do nào khác ngoài việc Chúa thương yêu nhân loại.

I. NGÔI HAI GIÁNG TRẦN VÌ YÊU THƯƠNG

1. Tội nguyên tổ và lời hứa

Nhìn ngược dòng lịch sử của con người, Thiên Chúa đã dựng nên những con người đầu tiên là Adong và Evà. Thiên Chúa đã ban cho ông bà được làm con Thiên Chúa, sống trong vườn địa đàng, được hưởng một hạnh phúc tràn đầy cả hồn lẫn xác. Tuy con người được Chúa thương như thế, nhưng cũng phải chịu thử thách để biết lòng trung thành.

Thiên Chúa cho ông bà được thoải mái hưởng dùng tất cả những gì Ngài đã dựng nên, chỉ trừ quả cây biết lành biết dữ, nếu ăn vào sẽ phải chết. Nhưng ông bà đã nghe theo lười khuyên nhủ đường mật của con rắn là ma quỉ đã cố tình ăn quả cấm đó. Ông bà đã bị phạt: mất quyền làm con Chúa, mất mọi đặc ân và sau cùng phải chết.

Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã tuyên án ông bà phải chết trong tội, nhưng đồng thời Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế đến để cứu họ, khi lên án Satan: ”Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).

Trước Thiên Chúa Giáng sinh 700 năm, tiên tri Isaia đã loan báo Tin mừng: ”Nghe đây hỡi nhà Đavít: các người làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa ? Vì vậy, chính Chúa thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu lạ, này đây, người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel”(Is 7,13-14).

Lời hứa của Thiên Chúa được lặp đi lặp lại và sau mỗi lần lặp lại lời hứa, hình ảnh Đấng Cứu Thế lại rõ nét hơn.

Trong lời hứa với vua Đavít, khi vua muốn xây đền thờ cho Chúa, Chúa cho biết Đấng Cứu Thế thuộc dòng họ Đavít: ”Khi ngày đời ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Đối với nó, Ta sẽ là Cha, đối với Ta nó sẽ là con”(2Sm 7,12-14).

Và trong lời hứa với vua Akhaz, Chúa đã cho biết Đấng Cứu Thế, con vua Đavít được gọi là Emmanuel, nghĩa là: ”Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thật vậy, vào năm 735 trước công nguyên, khi thấy đất nước Giuđa bị lân bang đe dọa, vua Akhaz đã cầu viện đế quốc Assyri chứ không tin vào sự hỗ trợ của Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh này, Thiên Chúa vẫn tỏ ra là Đấng trung tín, luôn giữ lời hứa, khi cho vua Akhaz một dấu chỉ: ”Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

2. Thiên Chúa thực hiện lời hứa

Sau 4000 năm dân Do thái sống trong đau khổ, trong khóc lóc than van, kêu xin Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Ngài: ”Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa đấng cứu đời”. Dân chúng vẫn sống trong hy vọng và chờ đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa.

Dấu chỉ Thiên Chúa ban cho vua Akhaz vào thế kỷ thứ 8 trước công nguyên được thực hiện khi thời gian tới hồi viên mãn. Hy vọng mấy ngàn năm của người Do thái đã trở thành hiện thực qua sắc lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô: theo sắc lệnh ấy, toàn dân phải về quê mình khai hộ khẩu. Ông Giuse và bà Maria đang mang thai vội vàng về Be lem thi hành sắc lệnh. Vì về muộn lại không có tiền, nên hai ông bà phải qua đêm ngoài thành trong một hang chứa súc vật, và tại nơi đây “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”(Lc 2,7).

Như vậy, Hài nhi bé bỏng do Đức trinh nữ Maria sinh hạ, được cuốn tã, đặt nằm trong máng cỏ, được gọi là Emmanuel (Mt 1,23), là Con Thiên Chúa (Gl 1,4) mà hôm nay chúng ta tôn thờ, chính là Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã có từ đời đời, luôn ở với Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành và ở giữa chúng ta, để làm cho ta nên con Thiên Chúa.

Như thế, Đức Giêsu không phải là tiên tri nhân danh Thiên Chúa mà đến với chúng ta, nhưng chính là Thiên Chúa đích thân nói và cứu độ chúng ta. Nhìn vào cuộc đời Đức Giêsu, chúng nhận thấy Thiên Chúa ở rất gần con người để gặp gỡ, thiết lập quan hệ ngay tại nơi con người đang sinh sống. Thiên Chúa tạo quan hệ để con người có thể trao đổi với Người. Thiên Chúa tự liên đới với con người, tự ràng buộc vào số phận con người, nhờ đó Thiên Chúa cứu được con người.

3. Lý do việc Thiên Chúa giang trần: Tình thương

Chúng ta thắc mắc đặt câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại giáng trần trong hoàn cảnh bi đát như vậy ? Chắc chúng ta cũng kiếm ra được một số lý do, nhưng lý do có sức thuết phục nhất là vì Chúa yêu thương nhân loại.

Công đồng Vatican II, trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã cho chúng ta biết: ”Thiên Chúa nhập thể và nhập thế là vì Ngài muốn sống cuộc sống nhân loại, để hành động với bàn tay nhân loại, để suy tư với một trí óc nhân loại, để yêu thương với một trái tim nhân loại”(Gaudium et Spes, số 22). Như vậy, Chúa nhập thể và nhập thế chỉ vì Chúa yêu thương con người

Nói đến tình yêu là nói đến gặp gỡ và chia sẻ. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã xuống thế để gặp gỡ con người hầu cho đất trời gặp nhau, để Thiên Chúa làm người và con người trở nên Thiên Chúa ! Ngài đến để cùng chia sẻ kiếp sống với con người để Ngài cùng vui cùng buồn, cùng sướng cùng khổ với chúng ta để đem lại cho cuộc sống chúng ta một ý nghĩa.

Chúng ta hãy nghe thánh Augustinô nói về mầu nhiệm tình yêu này: ”Vì các bạn mà Thiên Chúa đã làm người. Các bạn sẽ phải chết muôn đời, nếu Ngài đã không sinh ra trong thời gian. Các bạn sẽ chẳng bao giờ được giải thoát khỏi xác thịt tội lỗi, nếu Ngài không chấp nhận mang xác thịt tội lỗi của các bạn. Các bạn sẽ chẳng tìm được sự sống, nếu Ngài đã chẳng chết như các bạn. Các bạn sẽ phải tiêu vong, nếu như Ngài không đến”.

Nói tóm lại, Thiên Chúa yêu thương con người nên đã làm người. Đấng làm người ấy mang tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đã đến để gặp gỡ, để chung sống, để đồng hành, để chia sẻ cuộc đời với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành anh em với nhân loại, không những để cùng suy tư, hành động với con người, nhưng còn để hướng dẫn những suy tư và hành động của con người tới sự hoàn thiện của Thiên Chúa.

II. ĐỨC GIÊSU, QUÀ TẶNG CHO NHÂN LOẠI

Lễ Giáng sinh là ngày mừng biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Nhưng Giáng sinh cũng là ngày lễ của quà tặng. Đây là dịp cuối năm người ta thường tặng cho nhau những cánh thiệp, những món quà. Kèm theo những món quà người ta còn gửi đến cho nhau những thông điệp chúc mừng. Quà tặng chuyên chở tấm lòng yêu thương của người tặng. Có những món quà đơn sơ nhỏ bé. Có những món quà mà người ta phải tốn một số tiền lớn để mua nó. Một quà tặng được chuyển đi là dấu hiệu người ta còn nhớ đến nhau. Bạn bè tặng quà cho nhau, những người yêu tặng quà cho nhau, cha mẹ tặng quà cho con cái, món quà sẽ vô nghĩa nếu không có người tặng.

Trong lễ Giáng sinh hôm nay, chúng ta nói đến một món quà tặng khác giá trị hơn. Quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Thật vậy, Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại: ”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16). Ngài đem đến cho chúng ta một thông điệp vàng từ Thiên Chúa, là Thiên Chúa mãi trung thành yêu thương con người, cho dù con người có từ khước Ngài.

Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa đến cho mọi người để Ngài trở nên Emmanuel, để Ngài luôn hiện diện mà chia sẻ thân phận con người với chúng ta. Từ ngữ Present tiếng Anh có nghĩa là “quà tặng”, lại có nghĩa là “sự hiện diện”. Mỗi người bằng sự có mặt của mình ở nơi cần đến, đã là món quà giản dị dành tặng cho nhau.

Nhân vật trung tâm của lễ Giáng sinh hôm nay là một trẻ thơ vừa mới sinh. Một trẻ thơ như bao trẻ thơ khác trên trần thế. Một trẻ thơ bình thường sinh trong một gia đình êm ấm hạnh phúc, có cha mẹ, bà con gia tộc và quê hương đất nước. Phần lớn trong số họ chỉ là nghững người nghèo nhất trong xã hội. Thế mà họ được đón nhận một Tin mừng lớn lao của toàn thể nhân loại. Họ vinh dự đón nhận quà tặng của Thiên Chúa: ”Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em, trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô là Đức Chúa”(Lc 2,11).

Nhân loại hãy nhìn vào Tình yêu trong mầu nhiệm Nhập thể để học lấy cho mình bài học quí giá: Thiên Chúa đã phó mình cho trần gian. Vì nơi Thiên Chúa, yêu là tự hiến, là hủy mình. Có hiểu hết sự tự hiến và hủy mình vì yêu thương trong mầu nhiệm Nhập thể, chúng ta mới có thể hiểu được làm sao một vì Thiên Chúa cao sang là thế, uy quyền là thế, mạnh mẽ và lớn lao khôn cùng, lại có thể hóa nên một con người bé nhỏ, yếu ớt, mong manh như vậy. Có hiểu được một tình yêu tự hiến đến mức hủy mình, ta mới hiểu được làm sao Thiên Chúa lại trở nên trần trụi và nghèo nàn đến thế. Và Hài nhi Giêsu này sẽ tiếp tục hy sinh trên thập giá để cứu rỗi nhân loại.

Truyện: Xin vì đứa trẻ vô tội nay.

Lịch sử truyền giáo viễn đông có kể rằng: Khi đề đốc Magellan dẫn một đạo thuyền đi về viễn đông thì gặp nạn. Một trận cuồng phong đánh chìm tất cả đạo thuyền, chỉ còn lại con thuyền của đề đốc đang bồng bềnh chống chọi với ba đào sóng gió. Trên thuyền mọi người thủy thủ và hành khách đã họp lại tất cả trên cầu tầu để chờ chết.

Đứng giữa đoàn người thất vọng, đề đốc Magellan như có một ơn soi sáng, ông nhìn thấy bên cạnh có một bà mẹ ẵm một đứa con thơ ấp ủ trên lòng. Đề đốc xin bà mẹ cho mình đứa con. Rồi ông cầm đứa bé trong tay giơ lên, mắt ngước về trời và nói: ”Lạy Chúa, con và đoàn người đây đều là kẻ tội lỗi đang chết chìm trong vực thẳm này. Nhưng xin Chúa vì đứa trẻ vô tội này mà tha thứ cho chúng con”. Lịch sử kể lại rằng, khi cầu nguyện xong câu đó thì gió yên và biển lặng.

III. CHÚNG TA LÀ QUÀ TẶNG CHO THA NHÂN

Mầu nhiệm nhập thể chỉ có thể hiểu được qua Tình yêu. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã làm người. Ngài thấu hiểu nỗi khao khát một Đấng Cúu thế của dân tộc Israel. Bao nhiêu năm trời mong đợi, hôm nay Đấng Cứu thế đã giáng sinh. Đức Giêsu là quà tặng vô giá của tình yêu Thiên Chúa gửi đến cho con người. Quà tặng mang tên Giêsu trải qua hơn 2000 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đức Giêsu đang đến với con người hằng ngày từng giây từng phút của đời sống vượt qua không gian và thời gian.

Đón nhận quà tặng vô giá là chính Chúa Giêsu, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa đích thực của quà tặng. Theo gương Chúa Giêsu chúng ta cũng phải là quà tặng cho anh em mình.

Trong dịp lễ Giáng sinh chúng ta thường mua những món quà đắt tiền để tặng nhau, tuy nhiên giá trị của quà tặng lại tùy thuộc vào tấm lòng của người tặng quà. Người ta thường nói: ”Vật khinh nhưng hình trọng” hoặc “Của một đồng công một nén”(Tục ngữ). Chân phước Têrêsa Calcutta nói: ”Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.

Trong kho tàng văn chương Việt nam, người ta đã nói lên ý tưởng trao ban trong Ca dao:

Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.

Tình yêu không phải là một cuộc trao đổi có tính toán sòng phẳng, sao cho đôi bên cùng có lợi, mà là một sự chia sẻ vô vị lợi; hay nói đúng hơn, là một sự trao tặng, dâng hiến.

Ông Lézard nói: ”Yêu… Bạn có biết từ ấy có nghĩa gì không ? Có bao nhiêu cách yêu, nhưng duy chỉ có một là tốt. Đó là trao ban, và trao mãi, mà không lấy lại gì, không chờ đợi gì, không xin xỏ gì. Đó là cách phải yêu”.

Ông Roger Godel cũng nói: ”Tình yêu đích thực sở dĩ nhận được là nhờ nơi dấu hiệu không bao giờ sai lầm này: nó dâng tặng mà không hề mong nhận được cái gì cả”.

Cuộc sống sẽ luôn thi vị nếu còn mãi những nghĩa cử tặng quà. Cũng như cuộc sống không thể vắng bóng tinh thần trao ban. Đó có thể là chúng ta biết dành thời giờ để thăm hỏi, gặp gỡ bà con thân thuộc, người cùng khu xóm và bạn bè. Khi chúng ta biết rộng lòng giúp đỡ vật chất cho những người nghèo, những nạn nhân của thiên tai lũ lụt. Khi chúng ta biết tặng cho những người mình yêu như cha mẹ, anh em, bạn bè, người yêu những món quà bất ngờ thắm thiết tình người.

Truyện: Món quà giáng sinh

Một đôi vợ chồng trẻ, Gim và Đêla, tuy nghèo tiền của nhưng giầu tình thương đối với nhau.

Giáng sinh sắp tới, Đêla tự hỏi phải tặng Gim món quà gì đây. Nàng muốn tặng chàng sợi dây cho chiếc đồng hồ của chàng, nhưng nàng không có đủ tiền để mua. Vì thế nàng nảy sinh một sáng kiến. Nàng có một bộ tóc dài rất đẹp, nàng rất quí nó và rất hãnh diện về nó. Nàng quyết định cắt ngắn bộ tóc và đem bán để mua cho Gim sợi dây đồng hồ.

Hôm áp lễ Giáng sinh, từ phố về nàng cầm trong tay một chiếc hộp rất đẹp đựng sợi dây đồng hồ mạ vàng mà nàng vừa sắm được bằng mái tóc của mình. Bỗng nhiên Đêla cảm thấy lo lắng. Nàng biết Gim rất quí bộ tóc dài của nàng. Nàng tự hỏi không biết Gim có buồn vì nàng cắt và bán nó đi không ?

Về tới nhà, Đêla mở cửa và thấy Gim đang đợi nàng. Tay chàng cầm một cái hộp thật đẹp đựng món quà chàng mới mua cho nàng. Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của vợ, Gim như muốn khóc, nhưng chàng không nói gì cả. Cố trấn tĩnh, chàng trao tặng nàng chiếc hộp xinh xắn. Mở hộp ra, Đêla rất đỗi bàng hoàng. Trong hộp là một bộ lược chải tóc bằng xà cừ rất đẹp. Còn chàng, khi mở món quà vừa nhận được từ tay vợ, Gim cũng ngỡ ngàng không kém.

Chính lúc đó, Đêla mới nhận ra rằng Gim đã bán chiếc đồng hồ vàng, món đồ quí nhất của anh, để mua lược chải tóc cho nàng. Phút chốc cả hai đều hiểu rằng họ đã tặng nhau những gì quí giá nhất, họ đã hy sinh tất cả cho nhau (Wahrreit, Món quà Giáng sinh, tr 9-10).

Chúng ta có thể nói: Giáng sinh là lễ của tình thương. Thánh Anphonsô cũng nói: ”Lễ Giáng sinh là lễ của Tình thương”. Và thánh nhân cả tuần ngồi ăn cơm dưới đất. Còn thánh Phanxicô Khó khăn thì trong một lễ Giáng sinh đã quì trước hang đá cầu nguyện. Ngài cảm thấy tâm hồn tràn ngập tình yêu mến. Không chịu được, ngài chạy ra các đường phố Assisi và kêu lên: ”Anh chị em hãy yêu mến Chúa Hài Đồng, hãy yêu mến Chúa Hài Đồng”.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng ! Đêm nay Chúa sinh ra làm người là một tin mừng trọng đại cho toàn nhân loại. Đứng trước Mầu nhiệm Nhập thể chúng con chỉ biết cảm tạ ngợi khen và chúc tụng Chúa. Vì tình Chúa yêu thương nhân loại là vô bờ bến thì làm sao chúng con có thể diễn tả bằng lời. Xin Chúa dạy chúng con biết trao ban cuộc sống cho tha nhân theo gương Chúa, để suốt cuộc đời chúng con biết sống mình vì mọi người và vì ích chung, ngõ hầu xứng đáng là những người được Chúa cứu chuộc.. Amen.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Yêu thương và đón nhận Thiên Chúa nơi anh chị em mình
LM Inhaxiô Trần Ngà
21:51 21/12/2009
Bài chia sẻ Giáng sinh 2009

Hôm ấy, một người đàn ông trạc độ bốn mươi, lòng trĩu nặng ưu phiền, kéo lê những bước chân nặng nhọc lên ngọn đồi đan viện để tìm gặp Cha Tu Viện Trưởng.

Anh nhớ lại thời gian mới thành hôn mười lăm năm về trước. Hồi ấy, gia đình anh lúc nào cũng vang rộn tiếng cười, ngập tràn hạnh phúc. Thế nhưng bầu trời hạnh phúc đó đã tan đi như sương sớm dưới sức nóng mặt trời.

Về chung sống với nhau chưa đầy bốn năm, hai vợ chồng đâm ra xích mích kình cãi nhau liên tục. Vợ anh không còn đối xử với anh ngọt ngào như trước, còn anh thì hay bẳn gắt với vợ con, hai cháu trong nhà trước đây ngoan ngoản bao nhiêu thì giờ đây đâm ra lười biếng, hỗn hào vô lễ bấy nhiêu. Từ bấy lâu nay, trong gia đình chẳng mấy khi có tiếng cười, chẳng ai muốn nói với ai những lời thân ái, chẳng mấy khi cơm lành canh ngọt. Cuộc sống gia đình đầm ấm và hạnh phúc như thiên đàng trong những năm đầu kết hôn bỗng nhiên biến thành như địa ngục.

Để cứu vãn tình thế, anh đã tìm đến những bậc thầy chuyên về phong thủy. Người ta khuyên anh dời cổng nhà sang vị trí khác vì cổng nhà người hàng xóm nhòm thẳng vào cổng nhà anh. Có người đề nghị anh thay đổi hướng nhà, thay đổi vị trí bếp nấu ăn, thay đổi vị trí giường nằm sao cho hợp với phong thủy… Anh đã làm đúng theo những lời khuyên của họ mà tình hình cũng chẳng cải thiện được gì nếu không nói là còn tệ hơn.

Anh cũng tìm đến những nhà chuyên môn về cảm xạ học. Họ khuyên anh đào sâu xuống nền nhà để di dời những bộ hài cốt mà họ cho rằng còn đang bị vùi lấp bên dưới. Anh tin và làm theo ý họ nhưng chẳng thấy gì và cũng chẳng có gì đổi thay.

Anh chạy đến với các Pháp Sư và họ khuyên anh phải cải táng mồ mả ông bà vì vị trí hiện thời không tốt cho con cháu. Anh nhẹ dạ làm theo mà chẳng được tích sự gì.

Cuối cùng, anh tìm đến với Cha tu viện trưởng nổi tiếng thánh thiện đạo đức và được những người dân quanh vùng xem như một vị thánh sống, được ơn thông biết nhiều sự việc nhiệm mầu.

Sau khi nghe anh kể lể sự tình và nêu lên câu hỏi: kẻ nào trong gia đình anh đã mắc phải tội ác tầy trời đến nỗi gia đình phải chịu cảnh bất hòa triền miên như thế, Cha Tu Viện Trưởng thong thả trả lời:

“Mỗi người trong gia đình anh đều mang một tội lớn. Đó là tội vô tình, vô minh. Từ bao lâu nay, Chúa Cứu Thế đã cải trang làm một người trong gia đình anh mà chẳng ai trong gia đình nhận ra Người nên mới sinh ra những sự cố đau buồn như thế.”

Nghe vậy, anh bàng hoàng sửng sốt: “Thật thế ư? Quả là điều quá bất ngờ! Ta phải thông báo nguồn tin trọng đại nầy cho cho vợ con biết ngay mới được.”

Anh cấp tốc trở về nhà, vồn vã tươi vui chưa từng thấy. Anh gọi vợ con lại và thông báo cho họ biết một bí mật tuyệt vời đã xảy đến với gia đình, đó là Chúa Cứu Thế đang cải trang thành một người trong gia đình anh.”

Bấy giờ mọi người trố mắt nhìn nhau kinh ngạc. Đấng Cứu Thế cải trang khéo thật! Khéo đến nỗi dù được chung sống với Người bấy lâu nay nhưng không ai nhận ra Người và vì thế đã xúc phạm đến Người nhiều lần không kể xiết.

Thế là từ hôm nó, người chồng tránh bất cứ lời nói hay cử chỉ nào làm phiền lòng vợ con vì sợ phạm đến Đấng Cứu Thế; trái lại còn tỏ ra hết sức tử tế và hi sinh tất cả vì vợ vì con, với hy vọng là mình đang phục vụ và làm vui lòng Người.

Cũng từ hôm đó, người vợ không còn chanh chua đanh đá với chồng, không còn mắng chửi thậm tệ mấy đứa con; trái lại, luôn tận tụy phục vụ và hết lòng yêu thương chồng con vì rất có thể là Chúa Cứu Thế đang cải trang thành người chồng, người con của chị. Còn con cái thì không còn dám hỗn hào với cha mẹ như trước, nhưng luôn tỏ ra ngoan ngoản vâng lời và tôn trọng cha mẹ vì có thể người cha hay mẹ của mình chính là Đấng Cứu Thế cải trang.

Thế là từ đây, bầu khí yêu thương đầm ấm trở lại với gia đình và còn đậm đà hơn bao giờ hết.

Hôm nay, trong ngày đại lễ giáng sinh, chúng ta đang chiêm ngắm một Đấng Cứu Thế đang “cải trang” làm một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ, trong chuồng bò. Rồi sau đó, Đấng Cứu Thế tiếp tục “cải trang” thành “bác thợ” (Mc 6,3) làng Na-da-rét phiêu bạt đây đó loan báo Tin Mừng.

Người cải trang khéo quá đến nỗi phần đông người Do-thái đã không nhận ra Người nên cuối cùng đã đóng đinh Người vào thập giá.

Hôm nay, Đấng Cứu Thế tiếp tục “cải trang” thành người nhà của chúng ta, thành người hàng xóm của chúng ta. Người thật sự hoá thân thành mỗi người chúng ta.

Trong “Tâm Thư gửi các gia đình” Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II viết: “Thiên Chúa tự đồng hóa với người cha, người mẹ, người con trong gia đình.” Nói khác đi, mỗi thành viên trong gia đình cũng là thiên chúa vì được “thông phần vào bản tính Thiên Chúa”. (II Pr 1, 4)

Công Đồng Vatican II dạy: “Bằng đường lối nhập thể, Con Thiên Chúa đã đến làm cho loài người thông phần vào bản tính Thiên Chúa (xem Công Đồng Vat II: Sắc lệnh về truyền giáo, chương I số 3).

Chúa Giê-su luôn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng Người đang hiện diện trong các anh chị em chung quanh và những gì chúng ta làm cho những người chung quanh là làm cho chính Người (Mt 25, 31-46)

Hôm xưa, đang khi Phao-lô đi tìm bắt, không phải là bắt Chúa Giê-su, nhưng là bắt bớ những ai tin vào Người. Ông bị Chúa Giê-su quật ngã trên đường Đa-mát và Người cảnh cáo ông: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta? Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ!” (Công Vụ Tông Đồ 9, 4-5)

Thế là từ đây, chúng ta phải nhìn nhận và yêu mến Thiên Chúa bằng xương bằng thịt đang chung sống với ta mỗi ngày.

Với niềm tin nầy, người chồng trong gia đình sẽ nhận ra Chúa Giê-su nơi vợ và con cái mình. Ông sẽ tận tình yêu thương và phục vụ vợ con vì xác tín rằng đó là làm cho chính Chúa.

Với niềm tin nầy, người vợ trong gia đình sẽ nhận ra Chúa Giê-su nơi chồng và con mình; bà sẽ hết lòng phục vụ và chăm sóc chồng con vì xác tín rằng đó là làm cho chính Chúa Giê-su.

Và cũng với niềm tin đó, con cái trong gia đình sẽ nhận ra Chúa Giê-su nơi ông bà cha mẹ và họ sẽ hết lòng phụng dưỡng các ngài như phụng dưỡng Chúa Giê-su.

Và rồi mọi người chúng ta sẽ nhận ra Chúa Giê-su cải trang thành những người hàng xóm láng giềng để rồi tận tình hy sinh giúp đỡ họ, dành những gì tốt đẹp cho họ như là làm cho chính Chúa Giê-su.

Bấy giờ, gia đình chúng ta sẽ là một tổ ấm hạnh phúc, làng xóm của chúng ta sẽ là một đại gia đình huynh đệ và đất nước chúng ta sẽ là nơi thắm đậm tình người.

Bấy giờ, trái đất nầy sẽ không còn khói lửa chiến tranh nhưng trở thành một trời mới đất mới, nơi hòa bình, công lý và yêu thương ngự trị.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ảnh Thánh giá ở Ý và tháp Hồi giáo ở Thụy sĩ
Phụng Nghi
10:42 21/12/2009
Nhận định của Joseph Wood

Quả là một tháng khó khăn đối với châu Âu khi phải giải quyết những vấn đề về biểu tượng tôn giáo nơi công cộng. Hồi đầu tháng 11, Tòa án Âu châu về Nhân quyền từ cấp cao tại Strasbourg ra phán quyết rằng ảnh Thánh giá không được treo tại các trường học ở nước Ý, chiều theo ý muốn của những kẻ không theo Kitô giáo có thể cảm thấy bị khống chế khi phải lên bảng đen đặt dưới cây Thánh giá (thật mừng là bảng đen vẫn còn được dùng ở Ý).

Quyết định này đã đoàn kết những người Ý trong chính giới, khi mà có lẽ không phán quyết nào đã có thể làm được, để ủng hộ việc bảo vệ một căn tính quốc gia Ý đại lợi đã liên hệ với Kitô giáo trong giòng lịch sử.

Mariastella Gelmini, hiện là Bộ trưởng Giáo dục nước Ý, nói rằng phán quyết này là “một sự tấn công vào các truyền thống của chúng ta. Việc treo ảnh Thánh giá trong lớp học không có nghĩa là gắn bó theo đạo Công giáo Roma, mà là một biểu tượng trong truyền thống chúng ta.”

Bà nói rõ: “Lịch sử của nước Ý được ghi dấu bằng những biểu tượng, và nếu chúng ta xóa bỏ các biểu tượng là chúng ta xóa bỏ một phần của chính mình. Không ai, và chắc chắn là không phải một tòa án Âu châu về ý thức hệ, sẽ thành công trong việc xóa bỏ căn tính của chúng ta. Không phải vì triệt hạ các truyền thống của những quốc gia cá biệt mà có thể xây dựng được một Âu châu hiệp nhất.”

Thôi thì hãy đặt ra một bên vấn nạn về một cây Thánh giá, với hình ảnh Chúa chúng ta chịu khổ hình trên thập tự, có ý nghĩa thế nào đối với những kẻ mà Kitô giáo không có liên hệ thích đáng nào. Hãy mừng vì rằng Thánh giá dù sao cũng vẫn còn ý nghĩa nào đó trong công luận ở châu Âu, dù không còn trên ghế toà án ở Strasbourg. Thế nào chăng nữa, nay đang là Mùa Vọng, và chúng ta có thể đợi chờ một điều gì đó tốt đẹp hơn.

Một khời khắc khác nữa trong một châu Âu hậu lịch sử, hậu-Khai Minh (post-Enlightenment), hậu Kitô giáo. Thế là, vào ngày 29 tháng 11, trong một quốc gia dường như đã từ lâu quên mất ý nghĩa của hình thập tự trên quốc kỳ của mình, các cử tri người Thụy sĩ đã làm sửng sốt giới tinh hoa chính trị của họ bằng việc chấp thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý cấm không được xây các minaret, đó là những tháp tròn (thường là đẹp đẽ) tô điểm trên nhiều đền thờ Hồi giáo. Nay thì, hình thức biểu lộ nền dân chủ trực tiếp nhỏ nhoi như thế đã gây ra báo động thực sự khắp các đàm trường trí thức của châu Âu.

Một số người trong chính giới Thụy sĩ vội vã kết án bản năng ấu trĩ của khối cử tri, là những người, mà theo đúng lý thuyết, họ phải có trách nhiệm.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Bernard Kouchner, người sáng lập tổ chức Các Bác sĩ không Biên giới, và là người ủng hộ mạnh mẽ quyền con người trong phạm vi thế tục, cho rằng chính mình đã bị “tai tiếng một chút” bởi cuộc bỏ thăm này (người ta tự hỏi không biết ông ấy có ý nghĩ thế nào về ý nghĩa nguyên thủy của chữ “tai tiếng”, hoặc là có điều gì khác trong xã hội châu Âu hiện thời có thể gây ra tai tiếng.)

Những người ủng hộ quyền tự do tôn giáo liền nhập bọn vào ban hợp xướng, và với lý do chính đáng, cho rằng sự loại bỏ các biểu tượng tôn giáo là điều đáng xấu hổ, cả ở nơi chỗ mà những biểu tượng này cũng còn mang ý nghĩa chính trị nữa.

Nhưng chủ nhân của bộ trưởng ngoại giao Kouchner, là tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, lại đi theo một đường lối khác và viết trên tờ báo Guardian của Anh về quyết định của Thụy sĩ như sau:

Cuộc bỏ thăm của Thụy sĩ chẳng ăn nhập gì hết với tự do tôn giáo hay tự do lương tâm. Chẳng ai, ở Thụy sĩ hay nơi nào khác, có vấn nạn về những quyền tự do căn bản này cả. Người Âu châu hiếu khách và bao dung: điều đó có trong bản tính và trong văn hóa của họ. Nhưng họ không muốn lối sống của họ bị hư hoại, và cái cảm giác rằng căn tính của người ta đang bị mất đi có thể gây ra nỗi bất hạnh sâu xa. Thế giới càng cởi mở - có nhiều thêm những giòng tư tưởng, con người, vốn và hàng hóa – thì chúng ta càng cần những nơi nương tựa, những tiêu chuẩn, và chúng ta càng cần phải cảm thấy là chúng ta không đơn độc. Căn tính quốc gia là liều thuốc giải trừ khỏi chủ nghĩa bộ tộc, chủ nghĩa bè phái.

Sarkozy đã đánh trúng cái vấn nạn trung tâm trong thời đại này đối với châu Âu: đó là căn tính. Đối với người Mỹ, những chiếc tháp tròn minaret (với tỷ lệ vừa phải) trên một giáo đường Hồi giáo mới xây cất, có thể làm cho người ta nhíu mày và gợi lên những thắc mắc. Nhưng chúng không tức khắc đánh vào ý thức về căn tính của người Mỹ.

Căn tính Mỹ chưa phải mỏng manh dễ vỡ như là căn tính của châu Âu hậu Kitô giáo, đang nhìn lại chính mình trước đây qua miếng vải che mắt của chủ thuyết tương đối, chủ nghĩa thực nghiệm và chủ nghĩa duy vật chất của thời Hậu Khai minh.

Ngỡ ngàng và ý thức có điều gì đó thiết yếu đã bị mất mát đi, người châu Âu mờ ảo nhận thức được một quá khứ trong đó cây Thánh giá có thể thường được hiểu không chỉ như một biểu tượng văn hóa nhưng còn có ý nghĩa nhiệm tích siêu việt.

Sarkozy biết có điều gì đó sai lạc. Số 57 phần trăm cử tri Thụy sĩ ủng hộ việc cấm xây các tháp minaret biết có điều gì đó sai quấy. Người theo Hồi giáo ở châu Âu biết có nhiều điều sai lạc. Nhưng đối với lúc này đây, chỉ có nhóm sau này là đang cung ứng một giải pháp gợi lên sức mạnh và lòng kiên trì nơi tổ chức mà đã có thời được biết đến là thế giới Kitô giáo.

Tòa thánh Vatican lên án việc cấm treo Thánh giá trong các trường học ở Ý và ủng hộ lời trách cứ của các giám mục Thụy sĩ về cuộc trưng cầu dân ý đối với các tháp minaret.

Tòa thánh đã rất đúng khi không ngừng ủng hộ quyền tự do tôn giáo, và chúng ta nên hy vọng đến ngày nào đó căn tính châu Âu mạnh mẽ đủ để, không chút sợ sệt, đón chào biểu tượng của những niềm tin, của các nền văn hóa khác.

Nhưng nay thì, châu Âu đang lẩn quẩn trong vùng biển không niềm tin đượm mầu thế tục, bị mất định hướng bởi quyết đoán của những người theo tôn giáo khác và, còn hơn thế, bởi sự mất mát đức tin và niềm cậy trông của chính mình vào lý trí. Tháng vừa qua đã đem lại những điều lộn xộn hiện ra ngay phía trước mặt và không thấy có con đường nào đi tới.

Vì thế, đối với lúc này đây, chúng ta đang chờ đợi.

Nguồn: Joseph Wood/The Catholic Thing

Joseph Wood là một cựu viên chức tòa Bạch ốc, phụ trách về chính sách ngoại giao, gồm cả sự vụ đối với Tòa thánh.


 
Nét đẹp của Giáng Sinh trong truyền thống văn hóa tại trời Âu
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
12:02 21/12/2009
Nét đẹp của Giáng Sinh trong truyền thống văn hóa tại trời Âu

Pháp Quốc- Sắp gần đến Giáng Sinh, không khí chuẩn bị cho dịp lễ này cứ ấm dần lên như muốn xóa tan sự ảm đạm và đìu hiu của tiết đông lạnh giá. Những loại đèn trang trí với đủ màu sắc và hình ảnh trên những con phố và mặt tiền của những dãy nhà mang lại một bộ mặt duyên dáng góp phần điểm tô nét xinh tươi cho thành phố khi màn đêm buông rơi. Các ngôi nhà được mỗi gia đình trang điểm chu đáo đến từng chi tiết như muốn mở tung cõi lòng ra để hòa mình vào bầu khí lễ hội. Hình ảnh những ông già Noel lưng đeo chiếc túi cồng kềnh đấy ắp những món quà hấp dẫn đang cố leo lên chiếc thang dây tiến về phía ống khói trên mái nhà để đưa những món quà bất ngờ cho những trẻ em sau một đêm an giấc với những giấc mơ thật đẹp. Trên các ngã tư và bùng binh, các tòa lâu đài sừng sững mọc lên bên cạnh những cây thông xanh tươi bất chấp giá lạnh được trang trí bằng những gói quà xinh xắn lấp lánh ánh đèn để giúp các em thiếu nhi với óc tưởng tượng nhạy cảm bước vào một thế giới thần tiên của những kỳ tích thật thú vị.

Thiên nhiên cũng muốn nhập cuộc trong việc giúp con người điểm tô khung trời vạn vật để có được nét đặc thù không thể thiếu của Giáng Sinh. Những bông tuyết nhẹ trắng tinh thản nhiên bay lơ lửng trên bầu trời di chuyển khắp đâu đó để tìm điểm đến. Hoa tuyết đậu trên cành cây trơ trọi để khỏa lấp những khiếm khuyết của mùa đông tàn phai. Tuyết nằm bất động trên những mái nhà để biến chúng thành một tòa lâu đài của một thế giới thần kỳ. Tuyết phơi mình trắng xóa trên bãi cỏ rộng mênh mông và trên những mảnh vườn xinh đẹp. Tuyết rải dọc khắp hai bên đường đi muốn trở nên bạn đồng hành cùng với những người lữ hành. Tuyết bao bọc con đường mòn và ghi lại dấu chân của người bộ hành như muốn nhắc nhở họ hãy luôn bước đi trên con đường chân chính của những tâm hồn không tì vết. Tuyết uyển chuyển len lỏi khắp nơi nơi trên mặt đất giống như một tấm gương soi khổng lồ ra sức hấp thụ hơi ấm và những tia sáng vàng nhạt của mặt trời để rồi phản chiếu lại ánh sáng chan hòa cho vạn vật.

Học sinh nghỉ học, người lao động nghỉ làm, hàng quán và siêu thị rộn ràng những tiếng chân đua nhau bước tới để sắm sửa những thứ cần thiết cho ngày lễ. Những hộp sôcôla bắt mắt khi ngắm nhìn, hương vị đậm đà khi nhâm nhi được bày bố rất hấp dẫn trên những gian hàng. Các món ăn đặc trưng không thể thiếu trong dịp lễ, những đồ uống hảo hạng được mọi người đua nhau mua sắm. Giáng sinh cũng là ngày họp mặt gia đình. Những người con học hành hay làm việc xa nhà và những cháu chắt không mấy khi có dịp ở gần ông bà nội ngoại đều tính đến việc quây quần bên nhau để chung vui và trao cho nhau những lời tốt đẹp cũng như những món quà đầy ý nghĩa. Nhân viên bưu điện miệt mài thoăn thoắt như những con thoi trong khung dệt để kịp thời giao quà và thiệp chúc mừng cho những người nhận. Các món quà bất ngờ và những lời chúc ngọt ngào làm hài lòng người trao và ấm lòng người nhận.

Các bữa ăn do các hội đoàn đảm nhiệm dành cho những người cao tuổi và đơn côi được tổ chức khắp các làng mạc và nhà hưu. Ai nấy đều hài lòng và không giấu nổi nét mặt rạng rỡ. Được ăn, được hát, được nhảy, được nói, được gói mang về. Sự quan tâm đầy tình người ấy đã làm cho họ quên đi những gánh nặng của tuổi tác với thử thách của bệnh tật cũng như những tháng ngày quạnh hiu. Giá mà tất cả những ngày khác còn lại trong năm đều được như vậy thì quả là tuyệt vời biết bao. Nỗi cô quạnh sẽ không còn đất sống, thay vào đó là niềm vui bất tận không ngớt tuôn trào.

Hơn hai ngàn năm trước, không một tiếng ồn ào, Vị Hoàng Tử của nền Hòa Bình viên mãn lặng lẽ bước vào thế giới con người trong một đêm đông lạnh giá. Ngài mang đến cho nhân loại món quà của Bình An và Tình Yêu. Các mục đồng canh giữ chiên cừu trong đêm ấy đã tràn ngập niềm vui vì được là khách mời đầu tiên của triều đại Người. Các nhà đạo sỹ bỏ lại quê hương xứ sở bước đi trong đêm tối dưới ánh sao chỉ đường dẫn lối đã đến được bến bờ hạnh phúc. Cả chúng ta nữa nào hãy mau chân bước tới và cùng nhau tận hưởng vị ngọt ngào từ món quà quý giá nhất của ngày Giáng Sinh mà nhân loại đã được nhận lãnh.
 
Đức Thánh Cha cầu chúc cho giáo triều của ngài “luôn được trở nên bạn hữu của Chúa Kitô nhiều hơn.”
Bùi Hữu Thư
21:35 21/12/2009
Nói Về Năm Linh Mục

Rôma, Thứ hai 21 tháng 12, (Le Monde vu de Rome) – “Chớ gì chúng ta ngày càng trở nên những bạn hữu của Chúa Kitô nhiều hơn,” đây là lời cầu chúc Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Benedict XVI sáng nay, dành cho các thành viên trong giáo triều của ngài, khi ngài nhắc đến Năm Linh Mục.

Đức Thánh Cha Benedict XVI nhấn mạnh việc chuyển tiếp từ Năm Thánh Phaolô sang Năm Linh Mục vào cuối niên lịch, khi ngài tóm lược các thời điểm quan trọng trong đời sống GIáo Hội và giáo triều trong năm qua.

Đức Thánh Cha giải thích ý nghiã của đoạn này: “Từ Năm Thánh Phaolô sang Năm Linh Mục. Từ hình ảnh oai nghi của vị Tông Đồ các Dân Ngoại, đã bị ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh làm cho lòa mắt và được Người kêu gọi, ngài đã mang Phúc Âm đến với các dân nước trên thế giới, chúng ta chuyển sang hình ảnh khiêm nhường của cha sở thành Ars, một người trong suốt cuộc đời, luôn ở trong ngôi làng nhỏ bé được trao phó cho ngài, tuy nhiên, chính trong sự khiêm tốn của việc phục vụ đã làm thể hiện rõ ràng cho thế giới, lòng nhân ái hoà giải của Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha đã ngợi khen sự khiêm nhường này: “Từ hai hình ảnh này xuất hiện tầm quan trọng của sứ vụ linh mục và làm cho hiển nhiên những gì to tát nhất lại là những gì nhỏ bé nhất, và tại sao, qua sự phục vụ tầm thường của một con người, Thiên Chúa có thể làm được những việc vĩ đại, thanh tẩy và canh tân thế gian từ bên trong.”

Vào cuối bài diễn từ, Đức Thánh Cha đã suy niệm về ý nghiã của linh mục khi ngài nói: “Là linh mục, chúng ta phải phục vụ tất cả mọi người: những ai biết Chúa mật thiết và những ai không nhận biết Chúa. Tất cả chúng ta đều phải luôn luôn biết Chúa nhiều hơn nữa, và phải tìm kiếm không ngừng để thực sự trở nên những bạn hữu của Thiên Chúa.”

Một tình bạn Đức Thánh Cha thường khuyên bảo các giới trẻ, và qua đó cũng là một sự mời gọi đặc biệt cho đời linh mục tận hiến: “Làm sao chúng ta biết được Thiên Chúa, nếu không phải là qua những người bạn hữu của Thiên Chúa? Trọng tâm sâu thẳm nhất của thiên chức linh mục là chúng ta phải là những bạn hữu của Chúa Kitô (Ga 15,15). Những bạn hữu của Thiên Chúa, để qua chúng ta, người khác cũng có thể tìm được sự gần gũi với Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha kết luận: “Đây là lời cầu chúc của tôi nhân dịp Giáng Sinh: chúc cho chúng ta luôn luôn trở nên những bạn hữu của Chúa Kitô nhiều hơn, và do đó là những bạn hữu của Thiên Chúa, và bằng cách này, chúng ta có thể là muối cho đất và ánh sáng cho thế gian.”
 
Top Stories
Efforts for Inter-religious dialogue and cooperation of Saigon Archdiocese
J.B. An Dang
06:07 21/12/2009
Cardinal J.B. Pham talking to representatives of faiths
Exchanging gift
In the spirit of the Holy Jubilee 2010 and the oncoming Christmas celebration, a vegetarian dinner was held on Dec 19, 2009 at the archdiocese of Saigon to promote Inter-religious dialogue and cooperation.

A group of representatives of other religions gathered at the archbishopric of Saigon for a dinner with Cardinal JB Pham Minh Man on Dec 19, 2009. Coming from various Protestant denominations, Buddhism, Caodaism, Islam, Hoa Hao Buddhism, and Baha’ism, all was warmly welcomed to the table of plenty by the Cardinal and his auxiliary bishop Peter Nguyen Van Kham, and priests and religious of the Archdiocese’s Committee for Interfaith Relations.

Stressing the need to learn how one can live his/her faith with integrity while respecting and accepting each other, the Cardinal went to great lengths to discuss on the duty to “honour your father and mother”. The Cardinal chose the topic apparently to disperse a myth about Catholicism among general public in Vietnam.

During the 16th and 17th centuries, a few foreign missionaries in Vietnam strongly condemned rites and offerings to ancestors, considering them idolatry. They considered the custom of veneration of departed ancestors religious in nature and therefore incompatible with Catholicism. In the period of 261 years, from 1625 to 1886, 53 "Edicts of Persecution of Christians" were signed by the Trinh, the Nguyen Lords and the Kings of Nguyen dynasty. They all criticised the foreign missionaries’ ban of venerating departed ancestors, and used it as one of the reasons justifying for the forbiddance of Catholicism in Vietnam.

The Cardinal stressed that honouring ancestors is “not only a sacred dogma for all religions but also a cultural nobleness of the Oriental societies.”

He went on to publicly apologize on behalf of the Vietnamese Catholic Church to people of other faiths for all the suspicions or conflicts in the past asking for a new chapter of history to be started with knowledge and mutual understanding in preparation for the celebration of Christmas as a day known for bringing meaningful harmony and peace on earth.

On various occasions, Cardinal Jean Baptiste Pham has emphasized that in our increasingly pluralistic societies, more inter-religious dialogue and cooperation are needed if conflict fuelled by religion is to be constructively addressed. In that spirit, a Committee for Interfaith Relations was setup last month. Fr. Ha Thien Truc is a key member of the committee. His father is a practicing Cao Daist, and his mother a Buddhist. The priest is now acting as liaison for the Church in reaching out to other religions.

Inter-religious dialogue remains a challenging task for the Church in Vietnam due, in good part, to misconceptions against Catholicism which has been nurtured by the state policy of anti-Catholicism. Education in Vietnam has been very hostile toward Catholic belief and state media have been flooded with negative sentiments against the Church.

Also, attempts to promote Inter-religious cooperation are often seen with scrutiny by authorities who suspect that such a cooperation may generate a force capable of challenging the rule of the government and therefore present a serious “national security threat”.

Moreover, the regime has successfully copied the Chinese masterpiece of establishment of “patriotic” churches in Vietnam. Typically, between the outlawed Unified Buddhist Church of Vietnam (UBCV), and the state-sponsored Buddhist Church of Vietnam (VBC), which one the Church should conduct dialogues with, while avoiding unnecessary conflicts with the government, remains a tough question.

To the friendship dinner at Saigon Archdiocese, only representatives of the state-sponsored Buddhist Church of Vietnam were invited, a gesture could trigger angers from the UBCV which claims for 80% of Buddhists in Vietnam.
 
PHILIPPINES: Les congrégations religieuses proposent d’assurer la protection du juge et des témoins dans l’affaire du massacre de Maguindanao.
Eglises d'Asie
12:06 21/12/2009
PHILIPPINES: Les congrégations religieuses proposent d’assurer la protection du juge et des témoins dans l’affaire du massacre de Maguindanao.

Alors que se prépare le procès des responsables du massacre perpétré en novembre dernier à Maguindanao, province du sud philippin, les congrégations religieuses ont offert de se charger de la protection du juge ainsi que des témoins cités dans l’affaire si cela s’avérait nécessaire.

Pour des raisons de sécurité, le procès se tiendra à Quezon City, au nord-est de Manille, et non pas à Maguindanao, fief de la puissante famille Ampatuan, considérée dès à présent comme le commanditaire des meurtres. Depuis le 23 novembre, date à laquelle 57 personnes soutenant la candidature de Datu Ismail Mangudadatu au poste de gouverneur de la province de Maguindanao étaient assassinées dans une embuscade par une centaine d’hommes armés, les preuves se sont en effet accumulées pour désigner comme responsable de la tuerie, le clan politique rival, la famille d’Andal Ampatuan Sr, dont un fils, Zaldy, est l’actuel gouverneur de la Région autonome musulmane de Mindanao (1).

Le ministère public a déclaré qu’il produirait des témoins pouvant affirmer qu’Andal Ampatuan Jr, un des fils du chef du clan des Ampatuan, avait participé et donné l’ordre de la tuerie du 23 novembre. Avec lui, une centaine de personnes sont inculpées de meurtres.

En dépit de la loi martiale instaurée le 4 décembre – puis relevée le 12 décembre – dans la province par la présidente philippine Gloria Arroyo afin d’éviter l’escalade de la violence, les juges comme les personnes appelées à témoigner au procès savent qu’ils risquent leur vie. Le 17 décembre dernier, la Haute Cour a désigné le juge Jocelyn Solis Reyes, après le désistement du juge Luisito Cortez qui craignait pour la sécurité de sa famille. A la suite de cette nomination, Jesus Malit, religieux spiritain, co-président de la branche masculine de la Conférence des supérieurs majeurs des Philippines (AMRSP), a déclaré que les congrégations religieuses étaient prêtes à offrir leur protection au juge et aux témoins dans l’affaire du massacre de Maguindanao.

Sr Estrella Castalone, salésienne, secrétaire exécutive de la branche féminine de l’AMRSP, a confirmé également qu’une personne qui pensait qu’elle ou sa famille était en danger, pouvait demander asile en contactant n’importe quel membre de l’AMRSP. Elle a expliqué que, dans certains cas, les demandes pouvaient être redirigées vers la Task Force Detainees of the Philippines, une ONG locale qui milite pour les droits de l’homme, mais qu’une décision serait toujours prise dans la journée. Il faut auparavant « nous démontrer la nécessité d’une protection pour eux ou leurs proches », a-t-elle précisé. « Ensuite, nous cherchons parmi nos 330 membres, celui qui serait le plus à même de leur offrir l’asile » (2). L’AMRSP dispose pour ces cas particuliers d’une trésorerie d’environ deux millions de pesos (soit 30 460 euros).

L’année dernière, les Frères des Ecoles Chrétienne ont accueilli la femme et les enfants de Rodolfo Lozada Jr, ex-président de la Philippines Forestry Corporation. Ce dernier détenait des informations essentielles dans le cadre d’une enquête du Sénat sur des suspicions de malversations financières touchant un projet national à grande échelle. Il savait que des pots-de-vin avaient été versés aux responsables du gouvernement et proches de la présidente Gloria Arroyo. Ici encore, dans l’affaire du massacre de Maguindanao, les liens du gouvernement avec les accusés sont montrés du doigt. Le clan des Ampatuan est en effet connu pour être l’un des plus fidèles alliés politiques de la présidente philippine.

A l’annonce de la tuerie du 23 novembre, la Conférence des supérieurs majeurs des Philippines avait immédiatement fait part de son indignation par une déclaration où elle réclamait justice et dénonçait une « culture de l’impunité » aux Philippines (3).

(1) Voir EDA 518, 519

(2) Ucanews, 18 décembre 2009.

(3) Ucanews, 26 novembre 2009.
 
INDONESIE: Java-Ouest: une foule a saccagé une église catholique
Eglises d'Asie
12:07 21/12/2009
INDONESIE: Java-Ouest: une foule a saccagé une église catholique

Dans la soirée du 17 décembre dernier, une foule de plusieurs centaines de personnes a attaqué une église catholique située dans une ville proche de la capitale Djakarta. L’incident n’a pas fait de victime mais le lieu de culte, dont la construction avait commencé en mai 2008 et devait s’achever prochainement, a été amplement saccagé.

Dédiée à saint Albert, installée dans un quartier résidentiel, l’église saccagée est une chapelle de la paroisse Saint-Arnold, située à Bekasi, agglomération proche de Djakarta, dans la province de Java-Ouest. Selon Christina Maria Rantetana, présidente du comité de construction de l’église Saint-Albert et, par ailleurs, conseillère auprès du ministre-coordinateur de la Politique, du Droit et de la Sécurité dans le gouvernement indonésien, « une foule d’un millier de personnes est arrivée aux abords de l’église aux environs de 22h45 (le jeudi 17 décembre) et s’est mise à caillasser l’édifice. Certains sont entrés à l’intérieur et ont tenté d’y mettre le feu ». La police ayant été immédiatement prévenue par Christina Maria Rantetana, plusieurs agents ont rapidement été dépêchés sur les lieux mais ils n’ont pas réussi calmer la foule, parmi laquelle se trouvaient des femmes et des enfants. Le calme n’est revenu qu’aux alentours de minuit lorsque des forces de police supplémentaires, plusieurs centaines de policiers selon le Jakarta Post (1), ont finalement été envoyées sur place depuis le poste principal de Bekasi.

Toujours selon Christina Maria Rantetana, la communauté catholique locale compte bien célébrer Noël dans son église, malgré les dégradations commises. « Nous continuerons à utiliser notre église même si elle n’a plus de murs et si nous devons nous asseoir sur des chaises en plastique », a-t-elle commenté. Elle a aussi démenti les accusations selon lesquelles le lieu de culte aurait été construit sans avoir les autorisations nécessaires. « Toutes les procédures administratives et légales ont été observées pour l’obtention du permis de construire », a-t-elle précisé. En Indonésie, la construction des lieux de culte est très étroitement encadrée par la loi, un permis de construire ne pouvant être délivré que si, à l’issue de procédures complexes, le voisinage a explicitement donné son accord à cette construction; la procédure est si lourde que, concrètement, il s’avère très difficile pour les communautés chrétiennes d’édifier de nouveaux lieux de culte, les islamistes n’hésitant pas à agiter le spectre d’une « christianisation » du pays pour mobiliser le voisinage des terrains choisis par les chrétiens pour y construire une église ou un temple (2).

Selon Imam Sugianto, chef de la police à Bekasi, dont les propos sont rapportés par le site indonésien tempointeraktif.com, l’attaque de l’église Saint-Albert n’a pas été préméditée. « La foule s’était rassemblée pour célébrer le premier jour du Nouvel An islamique, le début du mois de Muharram. Lorsqu’elle est passée devant l’église, elle a été provoquée et a riposté », a-t-il déclaré après avoir interrogé des acteurs de l’attaque. Le policier a ajouté que, le 18 au soir, une seule personne était encore maintenue en garde à vue.

Selon les observateurs, si l’incident de Bekasi met une nouvelle fois en évidence la difficulté, pour les Eglises chrétiennes, de bâtir les lieux de culte nécessaires à la vie des communautés de fidèles, il intervient quelques jours avant Noël, une période sensible, notamment depuis les attentats de la nuit de Noël 2000 perpétrés dans des églises chrétiennes et qui avaient fait dix-neuf morts. Depuis, le pouvoir indonésien a mis en place un très important dispositif de sécurité aux entrées des lieux de culte chrétiens (3). La nuit de Noël, la mobilisation des forces de l’ordre est comparable à celle déployée pour Idul Fitri, les célébrations de la fin du ramadan.

(1) Jakarta Post, 19 décembre 2009.

(2) Voir EDA 306, 405, 408, 420, 424

(3) Voir EDA 431
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video Clip phần trình bầy của GP Hải Phòng ''Hãy Vững Tin'' trong Đêm Diễn Nguyện khai mạc Năm Thánh
VietCatholic
07:15 21/12/2009


118 nữ tu cầm trong tay nến và cành thiên tuế đã gợi cho mọi người cảnh tượng ngày khải hoàn vinh thắng của các bậc tiền nhân anh linh, đã can trường giữ vững đức Tin.

Bản trường ca lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam được giáo phận Hải Phòng góp phần bằng màn trình diễn vở kịch "Hãy Vững Tin" nói lên giáo lý chân thật của Đức Giêsu Kitô là mang tình yêu, hòa bình và chân lý tới cho mọi người. Nó phản biện lại biện thuyết vô thần không tin có Thiên Chúa... Video clip này trích một đoạn rất ngắn trong vở kịch của Hải Phòng.

Muốn có Bộ DVD giá trị và lịch sử này, xin theo thủ tục được trình bầy ở đây


Đêm diễn nguyện đã gửi đến mọi người tham dự một hàm ẩn bức thông điệp về Sứ Vụ truyền giáo của mọi người tín hữu qua 130.000 lời Chúa và lời các Thánh Tử đạo được tung lên trời, bay trong không gian đêm lạnh đầu đông của Sở Kiện và đến tay mọi người như một lời nhắn nhủ của các bậc tiền nhân từ trời cao. Đêm Diễn Nguyện khép lại để lại trong lòng người tham dự một xác quyết xin được mãi kiên vững như những vị tiền bối năm xưa ở Sở Kiện và ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam.
 
Dòng Lasan và Dòng Thánh Tâm chia sẽ tâm tình “Ca Vọng Mừng Chúa Giáng Sinh và Tặng Quà Cho Trẻ Em Lương – Giáo” tại giáo xứ Bình Điền và Sơn Thủy-A Lưới
Joseph Phan Tấn Hồ
11:17 21/12/2009
Dòng Lasan và Dòng Thánh Tâm chia sẽ tâm tình “Ca Vọng Mừng Chúa Giáng Sinh và Tặng Quà Cho Trẻ Em Lương – Giáo” tại giáo xứ Bình Điền và Sơn Thủy-A Lưới

Huế - Hướng về các trẻ em Lương – Giáo trên hai giáo xứ Bình Điền và Sơn Thủy – A Lưới, sáng ngày 20.12.2009, quí Frères Victor Trần Văn Bữu, Frère Vinh, tại Huế, Frère Võ Liêm và quí Cô giáo Ly, Huyền, Bình, Vy và Miss Jennifer trong Nhóm Thiện Nguyện Úc gốc Việt, cùng quí Cha quí Thầy Dòng Thánh Tâm đã thân hành đến chung chia tâm tình Ca Vọng Mừng Chúa Giáng Sinh và tặng 600 phần quà Sinh Nhật cho các trẻ em khi Lễ Giáng Sinh về.

Xem hình bấm vào đây

Giáo xứ Bình Điền hiện do Tu sĩ Linh mục Phêrô Nguyễn Thái Công coi sóc. Trước khi tổ chức chương trình Ca Vọng Giáng Sinh, ngay từ chiều hôm trước, Cha giáo Anphong Nguyễn Hữu Long đã vượt đường xa lên gặp gỡ, giải tội cho trẻ em và bà con giáo dân, cũng như hướng dẫn công tác mục vụ cho Hội đồng Giáo xứ và các Ban ngành.

Về gặp nhau trong buổi Ca Vọng Giáng Sinh tại Bình Điền lần này, anh em Dòng Lasan và Dòng Thánh Tâm cũng đã chuẩn bị nhiều tiết mục ưng ý, nhưng phải đành giảm lại, vì dưới sự dàn dựng của quí Chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, các em trong giáo xứ Bình Điền cũng đã đủ tài để trình diễn cho mọi người hiện diện trong buổi “Ca Vọng” nhiều tiết mục hào hứng sinh động nồng ấm tình người.

Liền sau chương trình Ca Vọng Giáng Sinh, cũng là lúc các thùng quà được đem ra để quí Frères, quí Cha, quí Thầy, quí Cô giáo cùng các anh chị Giáo Lý Viên trao tận tay cho các trẻ em trong giáo xứ và trẻ em lương dân hiện diện.

Cảm kích trước sự quan tâm của quí Frères, quí Cha, quí Thầy, quí Cô giáo, ông Phan Ngọc Bảy-Chủ tịch Hội đồng giáo xứ phát biểu: “ Thương nhau chẳng ngại đường xa, một ngày không đến thì ba bốn ngày. Quí Frères, quí Cha, quí Cô giáo đã không ngại đường xa, lại còn đem theo Quà Sinh Nhật chia vui với con em trong giáo xứ nhà; thay mặt cho Cộng đồng giáo xứ, con chân thành cám ơn ”.

Chia tay giáo xứ Bình Điền lúc 10 giờ 50, đoàn chúng tôi lên xe tiếp tục vượt qua đoạn đường 50 km với bao đèo cao hiểm trở để đến giáo xứ Sơn thủy - A Lưới. Dưới bóng đại ngàn của núi rừng Trường Sơn, công trình nhà thờ Sơn Thủy – ALưới dỡ dang cũng dần xuất hiện. Đón chúng tôi, cha Tổng Phụ Trách Dòng Thánh Tâm Antôn Huỳnh Đầy, cha chánh xứ G.E. Đỗ Minh Liên, cha phó xứ Giuse Dương Bảo Tịnh vui vẽ nói cười, nhưng không dấu được nỗi lo khi công trình Nhà Chúa bao năm rồi vẫn mãi phơi mình trong mưa nắng.

Sau giờ cơm trưa, lúc 2giờ chiều, cũng là lúc chuẩn bị đi vào Thánh lễ Chúa Nhật IV Mùa Vọng của giáo xứ. Trước khi vào thánh lễ, Cha phó Giuse Dương Bảo Tịnh trân trọng giới thiệu Quí Cha, Quí Frères và Quí Cô giáo đến với cộng đồng dân Chúa Sơn Thủy-ALưới.

Giảng trong thánh lễ Chúa Nhật IV Mùa Vọng, cha Chủ tế Đỗ Minh Liên cũng đã khen ngợi tinh thần sống theo gương Mẹ - biết đem Chúa đến với tha nhân của mọi người, đặc biệt là Fr Võ Liêm và quí cô giáo trong Nhóm Thiện Nguyện đến từ Australia.

Kết thúc thánh lễ, mọi người cùng nhau chuyển loa đài bàn ghế lên nền công trình nhà thờ để khai mạc chương trình Ca Vọng Mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng vừa khi chuyển đồ đoàn lên xong cũng là lúc “Trời cao đổ mưa xuống” trở lại, nên mọi người cùng nhau về lại Hội trường (đang tạm làm nhà thờ) để tổ chức buổi Ca Vọng Giáng Sinh cho các em.

Những tưởng các em nơi đây mãi lo chuyện cuốc cày trên nương rẫy, ai ngờ dưới bàn tay uốn nắn của Quí Soeurs Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, các em cũng đã tạo nên sự ngạc nhiên cho bao vị khách quí phương xa qua các tiết mục tuyệt vời của mình.

Chung tâm tình Ca Vọng với các em, quí Soeurs Mến Thánh Giá Vinh, quí Frères La San và Đệ tử Dòng Thánh Tâm cũng hợp lực hòa ca.

Qua lời cám ơn của Cha Giuse Dương Bảo Tịnh nói trước thánh lễ về những công khó của Frère đã trực tiếp lên ALưới để phát quà mì tôm trước đây, nay lại lặn lội cùng với mọi người đem Quà Sinh Nhật đến với A Lưới, nên trong lời phát biểu trước khi phát Quà Sinh Nhật lần này, Frère Victor Trần văn Bữu nói: “Đây không phải là lần đầu, và cũng không phải là lần cuối cùng...”; chưa dứt lời thì cộng đồng dân Chúa Sơn Thủy – A Lưới đã nồng nhiệt vỗ tay tri ân, hy vọng.

Chia sẽ với bà con giáo dân và các trẻ em, Fr Liêm nói: “ Ông Già Noel đến với các cháu lần này với một sứ mạng: đem Quà Tình Thương của các trẻ em bên Úc về cho các con; đây là những hy sinh gom góp bao ngày của các trẻ em Úc gốc Việt; chúng ta tuy xa nhưng vẫn gần nhau chung dòng máu Việt, chung niềm tin khi mừng đón Chúa Hài Đồng”.

Ngoài những món quà tình thương của quí Frères, còn có sự đóng góp của quí ân nhân: ông Luyện, ông Toàn, và gia đình Lisa Nguyen đã làm nên điều kì diệu cho bà con và trẻ em trên hai giáo xứ Bình Điền và Sơn Thủy-A Lưới nần này.

Ngưỡng mộ tinh thần dấn thân của quí Frères, quí Cha, quí Chị, quí Thầy và nhất là sự hy sinh của quí Cô giáo trong Nhóm Thiện Nguyện tại Úc, ông Ximong Nguyễn Láng, Phó Chủ Tịch Hội đồng giáo xứ nói: “Của một đồng, công một lượng. Quí vị đã không ngại nguy hiểm vượt đèo cao vực thẳm trong trời mưa gió để đến với giáo xứ nghèo của chúng con nơi vùng biên giới Việt - Lào này; công ơn đó chúng tôi xin muôn đời nhớ mãi”.

Tạm biệt giáo xứ Sơn Thủy - ALưới, đoàn chúng tôi xuôi đường về lại thành phố Huế; thoáng trong heo may, bóng quí Cha quí Thầy Dòng Thánh Tâm và bà con giáo dân Sơn Thủy-ALưới mờ khuất dần trên đỉnh núi Trường Sơn, trước ngôi thánh đường giang dở của mình.

Joseph Phan Tấn Hồ
 
Đôi Nét về Chương Trình Họp Mặt của Nhóm Tu Sĩ Việt Nam Du Học Tại Hoa Kỳ
Nhóm tu sĩ du học
11:41 21/12/2009
Đôi Nét về Chương Trình Họp Mặt của Nhóm Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ

Khép lại những bộn bề lo lắng thường nhật của đời sinh viên, chúng tôi lên đường trở về Thành Phố Houston thuộc Tiểu Bang Texas, nơi được chọn làm “điểm hẹn” hằng năm của nhóm Tu Sĩ Du Học chúng tôi, với một niềm hứng khởi dạt dào. Lần gặp gỡ thứ hai, từ ngày 20-23/12/2009 tại Cirle Lake, của nhóm mang nhiều hứa hẹn tốt đẹp không những cho thời gian sống và học tập trên đất Hoa Kỳ, mà còn là cơ hội để chúng tôi cùng nhau chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm bổ ích cho việc thi hành sứ vụ sau này.

Khác với những ngày mưa lạnh trước đó, thời tiết ở Houston mấy ngày hôm nay thật nhẹ nhàng dễ chịu với nắng ấm và những làn gió dịu mát, tạo thêm bầu khí ấm cúng cho các buổi găp gỡ của nhóm tu sĩ chúng tôi. Về với cuộc họp mặt năm nay có 80 thành viên là Quý Cha, Quý Tu Sĩ, và Quý Chủng Sinh thuộc nhiều giáo phận và hội dòng ở Việt Nam đang học tập trên đất Hoa Kỳ. Mặc dù khác nhau về địa danh nơi chúng tôi đến, nơi sống và học tập hiện thời, về linh
đạo của hội dòng, và về thời gian chúng tôi đã “dùi mài kinh sử” trên đất Mỹ, song đến với cuộc họp mặt này các thành viên đều mang chung một tâm tình tạ ơn và những sẻ chia huynh đệ, hầu giúp nhau đạt tới những thành quả tốt nhất trong quãng thời gian quý báu được sống và học tập tại đây. Đó cũng là những tâm tình mà Cha Phaolô, trưởng nhóm, đã chia sẻ trong buổi khai mạc.

Mặc dù không thể hiện diện trong buổi khai mạc của nhóm, nhưng Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương và Đức Ông Giuse Phạm Xuân Thắng, cựu Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, cũng nhắn gửi những ưu tư, trăn trở về tình hình giáo hội nơi quê nhà và niềm tin tưởng về sự cố gắng của các thành viên trong nhóm vì một tương lai tốt đẹp hơn cho quê hương và cho Giáo Hội. Quý ngài sẽ hiện diện và đồng hành cùng nhóm từ Thứ Hai ngày 21 cho tới ngày kết thúc cuộc họp mặt Thứ Tư ngày 23/12. Nhóm chúng tôi cũng rất vinh hạnh có được sự đồng hành quý giá của Cha Mark Lewis, S.J Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Tên, Tỉnh Dòng New Orleans trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp.
Đồng thời nhóm cũng rất vui mừng về sự hiện diện của Tiến Sĩ Lê Xuân Hy, giáo sư Tâm Lý Học tại Seattle University, tiểu bang Washington; Sơ Mai Oánh, Bề Trên Giám Tỉnh, và Sơ Kim Hồng Đặc Trách Kinh Viện Dòng Đa Minh Houston. Bên cạnh đó, những người đã âm thầm giúp đỡ và đồng hành cùng nhóm trong suốt thời gian qua và hiện hiện trong kỳ họp lần này, đó là Cha Uông Quang Lượng, Dòng Chúa Cứu Thế Mỹ tại Houston - Cha tuyên úy của nhóm, và Cha Antôn Nguyễn Quốc Dũng, Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Việt Namm tại Houston.

Chương trình họp mặt sẽ bao gồm các buổi thảo luận, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm theo nhóm; các buổi thuyết trình do Đức Cha Mai Thanh Lương với đề tài về tình hình Giáo Hội Hoa Kỳ; Cha Mark Lewis chia sẻ về Sứ Mạng Giáo Dục và Viễn Cảnh Giáo Hội.

Trong ngày cuối cùng của kỳ họp mặt năm nay, nhóm sẽ tổ chức “Đêm Hát Thánh Ca Mừng Chúa Giáng Sinh” vào lúc 7h tối tại Nhà Hàng Kim Sơn, Houston với mục đích trước là mời gọi bà con hướng tâm hồn chào đón Chúa Giáng Sinh, sau là kêu gọi sự hảo tâm đóng góp cứu trợ các nạn nhân bão lụt trong mùa mưa lũ vừa qua tại quê nhà. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhóm nói lên tâm tình tri ân đối với tất cả các ân nhân đã cách này cách khác ủng hộ, giúp đỡ về nhiều mặt trong đời sống, sinh hoạt, và học tập cho các thành viên của nhóm trong thời gian sống và học tập tại Mỹ.

Xin Chúa ban Thánh Thần giúp chúng con có những ngày họp mặt bổ ích và đầy ý nghĩa vì long yêu mến Ngài. Và cũng xin kính chúc các thành viên tham gia cuộc họp mặt và các vị thuyết trình viên một mùa Giáng Sinh An Bình và năm mới tràn đầy ơn Chúa nhờ lời chuyển cầu của Gia Đình Thánh Gia, các Thánh Tử Đạo Việt Nam cùng Chư Thánh.

Nhóm tu sĩ du học
 
Hội diễn Thánh Ca Giáng Sinh tại GP Thanh Hóa
Vân Sơn
12:40 21/12/2009
HỘI DIỄN THÁNH CA TẠI GIÁO PHẬN THANH HOÁ

Thanh Hoá – Trong niềm vui mừng đại lễ Giáng sinh 2009, được sự khuyến khích từ Đức Cha giáo phận cũng như quyết định đưa ngày Thánh Ca Giáo Phận vào lịch sinh hoạt thường kỳ hằng năm, tối 21/12/2009 tại khuôn viên nhà thờ chính toà giáo phận Thanh Hoá đã diễn ra Hội Diễn Thánh Ca toàn giáo phận. Tham gia Hội diễn có 11 ca đoàn đến từ các giáo xứ trong giáo phận và một số bài đơn ca của các bạn trẻ đang theo học tại các trường văn hoá nghệ thuật trong thành phố Thanh hoá. Cách đặc biệt hơn, trong dịp này có các bạn trẻ đến từ các bản làng H Mông xa xôi của vùng núi Tây Bắc Thanh Hoá cũng đến tham gia tiết mục hát mừng Giáng sinh bằng tiếng H Mông.

Hình ảnh Hội Diễn Thánh Ca

Hội diễn thánh ca đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các khán giả tham dự, các tiết mục đồng ca, có thể nói là những nét văn hoá đặc sắc của giới Công giáo còn lưu giữ lại được trong xã hội Việt Nam hiện tại, nên khi nghe các ca đoàn hát đồng ca các bài hát Giáng sinh nhiều bạn trẻ tỏ ra ngạc nhiên và vô cùng thích thú vì lần đầu tiên nhiều bạn trẻ không cùng tôn giáo được nghe hát thánh ca tập thể.

Mỗi tiết mục hát của các giáo xứ đều mang một nét độc đáo và đặc sắc riêng, nhưng nổi bật nhất trong các tiết mục có lẽ là tiết mục của ca đoàn dân tộc Mường đến từ giáo xứ Bằng Phú với trang phục, nhạc công, nhạc cụ mang nét văn hoá riêng của người dân bản địa, với trống và cồng chiên làm nhạc nền cho bài hát. Tiết mục hát Giáng sinh bằng tiếng H Mông của các em H Mông nhận được nhiều tiếng vỗ tay khích lệ từ khán giả, dù các em hát mọi người không hiểu gì, nhưng qua âm điệu có thể hiểu được đó là bài “Hát khen mừng Chúa Giáng Sinh”, không những hát, các em còn có các vũ công là các cô gái H Mông múa phụ hoạ bằng quạt thật ấn tượng.

Buổi Hội diễn thánh ca khép lại, mọi người còn lưu luyến đến chúc mừng các ca đoàn, bắt tay, chụp hình với các em dân tộc. Qua hành động thân thiện này thể hiện tình liên đới và hiệp thông rộng lớn trong giáo hội Cônh giáo. Ước mong dư âm ngày Giáng sinh luôn ở mãi trong tâm thức mỗi bạn trẻ như là một lỷ niệm khó phai trong ngày mừng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần.

Theo chương trình GIÁNG SINH TRONG GIÁO PHẬN

- Ngày 20/12/2009, là ngày TRẠI PHONG CẨM THUỶ, và vào lúc 19g00 là NGÀY THIẾU NHI MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

- Ngày 21/12/2009 vào lúc 19g00: HỘI DIỄN THÁNH CA

- Ngày 22/12/2009 là ngày: CA VŨ NHẠC KỊCH NOEL do các ca sỹ đến từ Hải Phòng trình diến.

- Tối ngày 23/12/2009 là ngày: XE HOA CHÚA HÀI ĐỒNG toàn giáo phận

- Tối ngày 24/12/2009 là ngày: ĐẠI LỄ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

- Tối ngày 25/12/2009 là ngày: ÔNG GIÀ NOEL ĐI PHÁT QUÀ CHO CÁC GIÁO HỌ
 
Các em nhỏ dân tộc Hmong về Toà Giám Mục Thanh Hoá chúc mừng Giáng sinh Đức cha giáo phận
Vân Sơn
12:53 21/12/2009
Trong niềm hân hoan mừng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, các em nhỏ dân tộc Hmong ngồi xe từ tận bản làng xa xôi về Toà Giám Mục chúc mừng Giáng sinh Đức cha giáo phận. Một cử chỉ hiệp thông cảm động! Xin gửi đến mọi người hình ảnh các em Hmong như những bông hoa rừng giữa đại ngàn mừng Chúa Hài Nhi

Xem hình bấm vào đây
 
Niềm vui Giáng Sinh đến với các em khuyết tật tại Thái Bình
Trường Giang
13:02 21/12/2009
NIỀM VUI GIÁNG SINH ĐẾN VỚI CÁC EM KHUYẾT TẬT MIỀN BẮC

Để chuẩn bị đón mừng Ngôi Hai giáng sinh, trong hai ngày 19 và 20/12/2009 vừa qua, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình và cha Augustinô Nguyễn Quang Huy, chánh xứ Bác Trạch, đã quy tụ khoảng 500 em khuyết tật từ các tỉnh Vinh, Hà Nội, Nam Định và Thái Bình về giao lưu tại giáo xứ Bác Trạch.

Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa và đã để lại trong lòng các em kém may mắn một niềm vui không thể diễn tả hết thành lời được, đồng thời cũng để lại ấn tượng sâu sắc và kỷ niệm đẹp trong lòng người giáo dân Bác Trạch, vốn giàu tình cảm.

12h00 trưa ngày 19/12, các em khuyết tật ở các nhóm thuộc các tỉnh Vinh, Hà Nội, Nam Định và Thái Bình được Đức cha Đệ, cha Hoàng (phụ trách các em khuyết tật Hà Nội), các thày Tòa Giám mục Thái Bình và các anh chị tình nguyện viên Donbosco Bùi Chu hiện đang học, công tác ở Hà Nội và Nam Định, kết hợp với nhóm tình nguyện viên Donbosco Thái Bình đón tiếp và cùng ăn cơm trưa tại trường Đại học công nghiệp Tân Bình, Thái Bình. Sau bữa cơm
trưa cả đoàn lên đường tiến về giáo xứ Bác Trạch. Tại đây các em được cha Augustinô Nguyễn Quang Huy, chánh xứ Bác Trạch tiếp đón rất nồng hậu và chu đáo, nghỉ ngơi ít phút, tại linh đài Mẹ La Vang Đức cha Đệ chủ sự thánh lễ cùng với các cha giáo hạt Bác Trạch. Mặc dù trong đoàn khuyết tật đó có rất nhiều em không theo đạo Công giáo nhưng đều tham dự thánh lễ cách sốt sáng và nghiêm trang. Sau thánh lễ Đức cha Đệ được ban tổ chức mời lên sân khấu đánh hồi trống “sấm” khai mạc chương trình giao lưu văn nghệ, giữa các em khuyết tật với giáo xứ Bác Trạch, chương trình diễn ra trong khoảng hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng các em vẫn không muốn rời sân khấu. Thật đặc sắc ở các tiết mục do chính các em khuyết tật trình diễn, nhiều người cảm động đến rơi nước mắt khi nghe các em hát “Chúa ơi xin cho con nhìn thấy!” các bạn trẻ giáo xứ Bác Trạch cũng đáp lại bằng những vũ khúc và điệu nhảy khá điêu luyện. Các anh chị tình nguyện viên luôn luôn làm cho sân kháu nóng lên trong cái rét căm căm của trời mùa đông, như những làn hơi ấm sưởi lòng các em cho bớt đi cái lạnh giá. Chương trình văn nghệ được khép lại với tiết mục múa “từ lúc Mẹ nói lời xin vâng”, qua sự thể hiện rất thành công của các chị trong hội hiền mẫu giáo xứ Bác Trạch.

5h30 sáng ngày 20/12, Đức cha và quý cha cử hành thánh lễ Chúa Nhật IV Mùa Vọng, tại nhà thờ Bác Trạch, đây là thánh lễ đầu tiên trên ngôi thánh đường mới, một ngôi thánh đường lớn nhất giáo phận Thái Bình, vẫn đang thi công giai đoạn cuối.

8h00, chương trình hội chợ diễn ra rất sôi nổi, các em khuyết tật được phát vé để tham gia chương trình “vui chơi có thưởng”. Các em lần lượt tham gia 14 gian hàng được đặt ở xung quanh khuôn viên thánh đường, các em vui chơi rất nhiệt tình, những bạn may mắn hơn thì tự mình tìm đến gian hàng nào mình ưa thích, những em không tự mình đi được, cũng được các anh chị tình nguyện viên đẩy xe, dắt đi hoặc cõng đến các quầy hàng để tham gia. Đến gần giữa trưa, các gian hàng đóng cửa, các bạn được quy tụ trước linh đài Mẹ La Vang để được Đức Giám mục và cha xứ Bác Trạch trao phần thưởng; sau đó “đại gia đình mái ấm” cùng ăn bữa cơm thân mật ngay tại linh đài này. Trong bữa cơm các bạn tình nguyện viên, cùng các anh chị ca đoàn Têrêxa Bác Trạch mang hết nhiệt tâm của mình để tạo bầu không khí vui tươi làm cho các em khuyết tật không muốn rời mảnh đất Bác Trạch hiếu khách và giàu tình người. Nhưng cuộc vui nào cũng có lúc chia tay, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chia sẻ, cám ơn, tặng quà và cầu chúc lễ Chúa Giáng Sinh an lành đến cha xứ, cộng đồng giáo xứ Bác Trạch và tất cả những ai thiện chí làm nên buổi giao lưu thật ý nghĩa và thành công này.

 
Giáo đoàn Bankstown mừng lễ bổn mạng
Diệp Hải Dung
13:20 21/12/2009
Chiều Chúa Nhật 20/12/2009 các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Giáo Đoàn và Quan Khách đã đến nhà thờ St. Brendan Bankstown Sydney tham dự Lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa Quan Thầy của Giáo Đoàn, Ca đoàn, Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. (Hình ảnh Bổn Mạng)

Xem hình bấm vào đây

Sau 3 hồi chiêng trống truyền thống dân tộc, kiệu cung nghinh Hài Cốt các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh nơi đặt bàn thờ Thánh Simon Phan Đắc Hòa. Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn Đặc trách Giáo Đoàn Bankstown đốt nén hương trầm kính dâng lên các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Cha ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn đồng thời Cha giới thiệu hôm nay có sự hiện diện của quý Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Mai Đào Hiền, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Thụ và Thầy Phó tế Đặng Đình Nên. Sau đó quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ. Trong bài giảng Cha Tuyên úy Trưởng nói về gương anh dũng bất khuất của Thánh Phan Đắc Hòa, dù Ngài có chịu bao nhiêu sự sỉ nhục và cực hình, Ngài vẫn một lòng một dạ trung kiên sống vì Chúa chết vì Chúa. Hơn nữa Ngài không lo cho Ngài mà lo cho thân quyến của Ngài phải sống vì danh Chúa cho đến trọn đời. Đặc biệt trong Thánh lễ ngoài phần phụng vụ cung nghinh Phúc Âm, các em Thiếu Nhi với màn Thánh Vũ “Dâng Lên Ngài” rất đặc sắc và long trọng. Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Giang Hoan Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mang Giáo Đoàn. Ông khen ngợi Giáo Đoàn đã phát triển và đóng góp tích cực cho Cộng Đồng gần 3 thập niên, ông chúc mừng Giáo Đoàn hưởng mùa Giáng Sinh an lành trong Chúa Hài Nhi. Kế tiếp ông Trần Thanh Tịnh TrưởngBan Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý quan khách Giáo Đoàn bạn và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn Bankstown. Ông cũng ngỏ lời cáo lỗi cùng với tất cả mọi người, sau Thánh lễ không có tiệc liên hoan như mọi năm vì Hall bên trường học của nhà thờ đang trong công trình sửa chữa và xây cất. Sau cùng Cha Tuyên úy Trưởng ngỏ lời chúc mừng Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đã quy tụ về mừng Bổn Mạng và Cha hết lòng khen ngợi hai Ca đoàn Thứ Bảy và Chúa Nhật đã phối hợp chung với nhau hát mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo ở công viên Paul Keating Park tháng 11 vừa qua rất thành công tốt đẹp và ngày hôm nay cùng chung hát mừng Bổn Mạng. Sau đó Thánh lễ kết thúc vào lúc 8.30pm Diệp Hải Dung
 
Tình Người Giáng Sinh Cho Người Di Dân
Fx. Trần Kim Ngọc, OP.
13:42 21/12/2009
Tình Người Giáng Sinh Cho Người Di Dân

Chúa Nhật ngày 20.12.2009, 51 bạn sinh viên và bạn trẻ thuộc các giáo xứ Bùi Hiệp, Bùi Đức, Bùi Thái, Quảng Biên và giáo họ Gioan đã cộng tác với Ban Mục Vụ Di Dân - Sinh Viên thuộc Tu Viện - Đền Thánh Martin đến với anh chị em nghèo trong giới di dân ở khu vực Suối Sao - Hố Nai để chia sẻ niềm vui Chúa Giáng Sinh với chương trình sinh hoạt, hát Thánh Ca mừng Chúa Giáng Sinh, phát quà và thăm hỏi các khu nhà trọ.

Thật xúc động khi các bạn trẻ đã dành những đồng tiền do mồ hôi của mình làm ra để chia sẻ yêu thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong giới di dân. Các bạn không những đến với những người di dân, mà còn đến với những người mang căn bệnh tinh thần (tâm thần) để an ủi họ và trao cho họ món quà của Chúa Giêsu là niềm vui và sự hỏi thăm ân cần. Các bạn trẻ này cũng sẵn sàng cộng tác với Ban Mục Vụ Di Dân - Sinh Viên trong các sinh hoạt
dành cho công nhân và sinh viên, đó là một dấu hiệu đáng mừng và đáng hoan nghênh. Ban Mục Vụ Di Dân - Sinh Viên hết lòng cảm ơn tấm thịnh tình của các bạn, và mong các bạn tiếp tục cộng tác để làm cho tình yêu của Chúa Giêsu đến với nhiều người hơn nữa.

Sau khi sinh hoạt, hát Thánh Ca mừng Chúa Giáng Sinh, thăm hỏi và phát quà cho người di dân, các bạn lại trở về tập trung trong khuôn viên Đền Thánh sinh hoạt và chia sẻ với nhau bữa cơm huynh đệ yêu thương và hiệp nhất trong Đức Giêsu, Đấng là Bạn Thân Nhất của Giới Trẻ. Buổi chiều các bạn tiếp tục hành trình đến với anh chị em mang bệnh tâm thần ở Biên Hoà.

Kết thúc một chuyến đi, hỏi thăm các bạn thì được trả lời là ai cũng thấy vui khi đến với anh chị em có hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật. Tình người Giáng Sinh được sưởi ấm và tiếp tục lan toả nhờ Đấng là Thiên Chúa làm người để chung chia thân phận lầm than của con người và để mang lại yêu thương, bình an và vui mừng cho họ.

 
Cộng Đồng CGVN Tiểu Bang Oregon tổ chức Đêm Diễn Nguyện Thánh Ca Giáng Sinh
Phan Hoàng Phú Quý
13:44 21/12/2009
PORTLAND,Oregon -- Trong bầu không khí tưng bừng đón mừng kỳ niệm ngày Thiên Chúa Giáng Sinh, Ban Chấp Hành Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, tiểu bang Oregon đã cùng với quý linh mục tổ chức tuần lễ tĩnh tâm và đêm Diễn Nguyên Giáng Sinh, linh mục NGuyễn Van Thường đã giảng phòng từ ngày 12/12/09 và kết thúc bằng một đêm Diễn Nguyện với sự hiện diện của tất cả các ca đoàn trong tiểu bang Oregon.

Hình ảnh Đêm Thánh Ca

Linh mục quản nhiệm Bartôlômêô Phạm Hữu Đạt đã ngõ lời chào mừng quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn giáo dân, đồng thời cũng cầu chúc bình an của Chúa Giáng Sinh đến mọi người hiện diện cũng như mọi gia đình và cộng đoàn trong giáo xứ.

Linh mục phụ tá Phaolô Cao Thế Bình cũng là trưởng ban tổ chức Đêm Diễn Nguyện Thánh Ca Giáng Sinh đã mời mọi người đứng lên cùng nhau hát bài TrờI Cao Hãy Đổ Sương Xuống như là một khát vọng mong chờ Chúa đến để bắt đầu cho chương trình.

Trời ao hãy đổ sương xuống,
Và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội
TrờI cao hãy đổ sương xuống
Và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời.

Ca Đoàn Abba của Cộng Đoàn Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ đã trình bày bài Thánh ca: Hãy Vùng Đứng.

Khi nhân loại đang sống trong tối tăm, bổng nhìn thấy ánh sáng bừng lên. Giêrusalem ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa tỏa rạng, muôn dân vui mừng hớn hở, bởi Thìên Chúa viếng thăm và cứu độ dân người.

Ca Đoàn Têrêsa của Cộng Đoàn Aloha đã trình bày bài thánh ca: Từ Lúc Mẹ Nói Lời Xin Vâng.

Với lời thưa Xin Vâng của Mẹ Maria, Ngôi Hai đã xuống thế làm người, và đã đưa nhân loại bước qua một kỷ nguyên mới, nhờ hai tiếng Xin Vâng ấy mà Thiên Chúa và loài người nên duyên phận.

Ca Doàn La Vang của giáo xứ Đức Mẹ La Vang đã trình bày bài thánh ca; Thương Dâng Thơ Nhi.

Tinh thương Thiên Chúa đối với nhân loại ai hiểu thấu. Một Thiên Chúa làm người qua Hài Nhi Giêsu sinh ra đặt trong máng cỏ. Ôi hỡI trần gian, ai suy cho thấu nỗI buồn của Đức Mẹ và Thánh cả Giuse, trong cảnh nghèo nàn, giá buốt đêm xưa. Chiêm ngắm cảnh tượng ấy ai lại không ngậm ngùi? Biết lấy gì để tiến dâng Chúa đây ?

Ca Đoàn KiTô Vua của Cộng Đoàn Salem đã trỉnh bày vũ điệu Đêm Thánh Vô Cùng.

Ngô Hai Thiên Chúa làm người, sinh ra nơi nghèo nàn tanh hôi, nhưng trong đêm ấy các Thiên thần ca hát vui mừng Con Thiên Chúa ra đời, Đêm ấy chính là Đêm Thánh Vô Cùng.

Ca Đoàn Cêcilia của Cộng Đoàn Andrê Dũng Lạc Beaverton trình bày bài thánh ca: Mùa Đông Năm Ấy

Một mùa đông đã đi vào lịch sử nhân loại, đấu ấn không bao giờ phai nhạt qua muôn thế hệ. Mùa Đông mà chính Con Thiên Chúa đã sinh ra, làm mốc điểm nối kết Trời và Đất.

Đoàn Thiếu Nhì Thánh Thể của Giáo xứ Đức Mẹ La Vang với hoạt cảnh Đi Tìm Ngài.

Ôi thân phận người sao quá long đong, mãi kiếm tìm hoài hạnh phúc mong manh, cố gắng tìm hoài toan tính hôm nay, nhưng mai này về vẫn trắng đôi tay, tương lai mịt mù tựa áng mây bay, Ngài ở nơi đâu, Ngài ở nơi đâu? Sao để con mãi đi tìm Ngài !

Ca Đoàn Hồng Ân của Gíáo xứ Đức Mẹ La Vang trình bày bài thánh ca: Tiếng Muôn Thiên Thần.

Chuá ra đời người người dạt dào niềm vui, đất trời tràn ngập hạnh phúc. Hỡi nhân thế, ngươi thật diễm phúc, vì được Thiên Chúa đến với ngươi.

Quý Soeurs Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland cũng trình bày hoạt cảnh: Ôi Đêm Linh Thiêng

Ôi đêm linh thiêng, tràn đầy thánh đức, hỡi muôn vì sao hãy chiếu sáng, đêm thánh Đấng cứu tinh ra đời, niềm hy vọng của bao sinh linh.

Ca Đoàn Thiếu Nhi thuộc giáo xứ Đức Mẹ La Vang trinh bày bài thánh ca: Noel Về

Noel về, Noel về nhạc yêu thương vang reo rắc trời mơ
Noel về, Noel về vạn ý thơ vang lên khắp trần ai
Noel về, Noel về nguồn bình an dạt dào trên dương thế
Chúa xuống trần, đem an lành, niềm ước mơ muôn dân đang đợi trông
Nào cùng hát lên bài ca mừng giáng sinh trong đêm say hồng ân
Ôi yêu thương tràn lan Chúa đến trong trần gian.

Nhóm Trẻ Chúa Ba Ngôi thuộc giáo xứ Đức Mẹ La Vang trình bày bài thánh ca: O Holly Night

Ca Đoàn Thanh Niên của Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang vớI bài thánh ca; Nơi BêLem.

Hướng về BêLem nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra nằm trong máng cỏ lạnh lung giá băng. Sao con Chúa lại sinh ra trong cảnh khồn cùng như thế? nếu không phải là vì yêu thương nhân loại đó sao ?

Và cuốI cùng trong với Ca Đoàn tổng Hợp hợp vời mọi người hiện diên và cùng hòa mình với bao con tim trên toàn thế giới ngân vang lên bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng.

Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Đất vớI Trời, se chữ đồng
Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền.
 
Cộng đoàn giáo xứ Bổ Sơn mừng đại lễ chầu lượt
GX Bố Sơn
13:53 21/12/2009
Vinh - 8h sáng ngày 20/12/2009 Cộng đoàn giáo xứ Bổ Sơn mừng đại lễ chầu lượt. Thánh lễ do Linh Mục tổng đại diện Gp Vinh Fx Võ Thanh Tâm chủ tế cùng chín linh mục đồng tế.

Khác với những năm trước, năm nay thánh lễ được cử hành ở quảng trường tượng dài Đức Mẹ nên số lượng giáo dân về tham dự rất đông.

Trước đó ngày 18/12/2009 ngày lễ khai mạc tuần chầu lượt ĐGM Gp đã ban bí tich thêm sức cho 232 em trong toàn giáo xứ.

Xem hình chầu lượt bấm và đây
 
Video Clip Ca kịch ''Mẹ La Vang'' do giáo phận Bùi Chu trình bầy trong Đêm Diễn Nguyện khai mạc Năm Thánh
Chứng từ ơn gọi: Hành trình của một ơn gọi
Trần Văn Cảnh
17:26 21/12/2009
CHỨNG TỪ ƠN GỌI, bài 11

HÀNH TRÌNH CỦA MỘT ƠN GỌI

Paris- chủ nhật 20 tháng 12 năm 2009, Giáo xứ Việt Nam Paris đã kết thúc « Năm Ơn Gọi » mở ra từ chủ nhật 14 tháng 12 năm 2008. Cha Vincent Mai Văn Bảo, làm linh mục từ năm 2007, hiện phục vụ tại giáo xứ Pháp Notre-Dame de la Gare, Quận 13 Paris, đã cho chứng từ về ơn gọi về đề tài: « Hành trình của một ơn gọi ». Đây là bài chứng từ cuối cùng về Ơn gọi Tận Hiến. (Người viết đã lầm lẫn mà loan báo ở bài thứ 10 vào chủ nhật 08.11.2009 của luật sư Lê Đình Thông là bài cuối cùng. Người viết xin thành thật tạ lỗi).

A. Năm Ơn Gọi

Cha Vincent Mai Văn Bảo
Trong Đại Hội Mục Vụ lần thứ 51 ngày chủ nhật 14 tháng 12 năm 2008, Đức Ông Mai Đức Vinh đã giới thiệu hướng đi mục vụ của Giáo Xứ cho năm 2008-2009, đã được Ban Giám Đốc chấp nhận và Ban Thường Vụ thông qua. Hướng đi này gồm hai chương trình chính: Năm thánh Phaolô của toàn Giáo Hội và Năm Ơn gọi của Tổng Giáo Phận Paris.

Về Năm Thánh Phao-lô, với Giáo hội hoàn vũ, và theo chương trình Tòa thánh, GX bắt đầu năm Thánh Phao-lô từ 29-06-2008 đến 29-06-2009. Mục đích Giáo hội mời gọi chúng ta tìm hiểu con người của thánh nhân, học hỏi giáo lý của ngài qua sách Tông đồ Công vụ (từ chương 9) và trong 12 thư ngài viết, để từ đó chúng ta sống vững niềm tin vào Chúa Kitô và dấn thân truyền giáo theo gương thánh Phao-lô. GX đã khởi sự từ đầu tháng 9-2008. Việc làm cơ bản của mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi hội đoàn, Ban, Nhóm, tùy theo hoàn cảnh,học hỏi, chia sẻ về cách sống và giáo huấn của Thánh nhân.

Về Năm Ơn gọi, với chủ đề “ Tất cả cho ơn gọi “, dưới tiêu đề “ Năm của Linh mục, văn phòng về ơn gọi củaTổng Giáo phận Paris muốn mỗi họ đạo thể hiện một sinh hoạt nào đó nhằm 4 mục đích: 1-Gây ý thức về ơn gọi nơi các em nhỏ; 2-Cổ võ ơn gọi nơi giới trẻ; 3- Giúp các phụ huynh nhận ra bổn phận hướng dẫn con cái về việc lựa chọn ơn gọi; 4- Liên kết mọi người trong lời cầu nguyện cho ơn gọi.

Giáo Xứ chúng ta dành năm 2009 để hòa nhịp vào sinh hoạt mục vụ ơn gọi của Tổng Giáo phận qua những thể hiện cụ thể:

1. Xin mỗi vị giảng lể cố hướng về ơn gọi.
2. Nhắc nhở và tổ chức các chiến dịch cầu nguyện cho ơn gọi
3. Thứ bảy và chủ nhật II mỗi tháng sẽ mời một linh mục, thầy sáu, tu sĩ hay giáo dân giảng lễ và cho chứng từ về ơn gọi.
4. Chỉnh đốn lại “ nhóm các em giúp lể “: đi đều đặn, học biết về cách giúp lể, học hiểu về ý nghỉa và các cử chỉ phụng vụ trong việc giúp lễ.
5. Chỉnh đốn lại Hội Yểm trợ Ơn gọi: Nên có thư liên lạc để nhắc nhở các hội viên cầu nguyên, góp tiền niên liễm. và cổ động hội viên mới.
6. Cần mở rộng quan điểm về ơn gọi: Ơn gọi linh mục, ơn gọi tu sĩ, ơn gọi giáo dân tận hiến, ơn gọi phó tế vĩnh viễn, ơn gọi lập gia đình.
7. Cổ động cho các địa điểm mục vụ, các hội đoàn tham gia chương trình của năm ơn gọi: dâng lể, giờ thánh, trao đổi về ơn gọi…
8. Mỗi tháng báo GX dành 1-2 ” trang về ơn gọi “.
9. Mở ” Trang Ơn gọi “ trên site Internet của GX.
10. Dành bảng lớn để trình bày hình ảnh, tin tức về ơn gọi.

B. Chứng từ ơn gọi.

Cứ chủ nhật thứ hai mỗi tháng, giáo xứ sẽ mời một linh mục, thầy sáu, tu sĩ hay giáo dân giảng lễ hoặc cho chứng từ về ơn gọi. Kể từ ngày khai mạc, 14/12/2008 đến ngày kết thúc, 20/12/2009, mười một bài chia sẻ đa được chia sẻ. 4 bài do 4 linh mục, 5 bài do 5 tu sĩ nam nữ và 2 bài do 2 giáo dân, một là giáo lý viên và một là cựu chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ. 11 bài chia sẻ về ơn gọi đã được chia sẻ về những khía cạnh khác nhau của « Ơn Gọi » như sau:

• Bài 1, «Làm sao biết Chúa gọi mình» ? đã được cha Nguyễn Bình chia sẻ vào chủ nhật 14.12.08.
• Bài 2, « Tự do trong đời sống tận hiến », đã được cha Phan Tấn Khánh chia sẻ vào chủ nhật 11.01.2009.
• Bài 3, «Đời sống siêu nhiên của người tận hiến ». đã được chị Maria Vũ Thị Minh chia sẻ vào chủ nhật 08.02.2009.
• Bài 4, « Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến », đã được thầy Nguyễn Quốc Tuấn, Dòng Tên, chia sẻ vào chủ nhật 15.0302009.
• Bài 5, « Đời sống độc thân trong ơn gọi tận hiến », đã được chị Marie Đào Kim Phượng, giáo dân tận hiến « Nữ Trợ tá tông đổ », chia sẻ vào chủ nhật 19.04.2009.
• Bài 6, « Đời sống huynh đệ của người tận hiến », đã được cha Hổng Kim Linh, Hội Xuân Bích, làm mục vụ tại giáo xứ Pháp Notre Dame ở Boulogne, cựu chủ tịch Hội Tu sĩ Việt Nam tại Pháp trong nhiều nhiệm kỳ 1976-1980, 1999-2003, chia sẻ vào chủ nhật 10.05.2009.
• Bài 7, « Những đức tính tự nhiên của người tận hiến », đã được chị Têrêsa Phương Mai, Trinh Nữ Tận Hiến, chia sẻ vào chủ nhật 14.06.2009.
• Bài 8, « Gia đình là vườn ươm nuôi ơn gọi », đã được chị chị Nguyễn Công Thương, giáo lý viên các lớp thêm sức chia sẻ vào chủ nhật 13.09.
• Bài 9, « Đời sống thiêng liêng và phục vụ của người tận hiến », đã được tân phó tế Gioan Nguyễn Sơn chia sè vào chủ nhật 11.10.2009.
• Bài 10, « Cộng đoàn là vườm ươm ơn gọi tận hiến » đã được luật sư Lê Đình Thông, cựu chủ tịch HĐMV, chia sẻ vào chủ nhật 08.11.2009.
• Bài 11, « Hành trình của một ơn gọi » đã được cha Vincent Mai Văn Bảo,, chia sẻ vào chủ nhật 20/12/2009

C. Hành trình của một ơn gọi

Sau phúc âm theo thánh Lucas (Lc 1, 39-45) của chủ nhật thứ IV Mùa Vọng năm C, cha Vincent Mai Văn Bảo đã bước tới tòa giảng và cho chứng từ về ơn gọi tận hiến của ngài với cộng đoàn.

Cảm thấy lo lắng vì thiếu kinh nghiệm. Nhưng vâng lời Đức Ông và vinh hạnh được chia sẻ với cộng đoàn, cha Vincent, sau khi đã bày tỏ lý do trên, đã rất khiêm nhượng, nhưng không thiếu phần rõ rệt giới thiệu đề tài mình sẽ chia sẻ. Đó là đề tài về « Hành trình của một ơn gọi ». Đè tài này sẽ được Cha Vincent chia sẻ theo giới hạn « một vài suy nghĩ cá nhân » của mình. Cha Vincent không nói rõ mỉnh sẽ trình bày đề tài qua những ý tưởng chính nào. Nhưng cách diễn giải trong sáng, rõ rệt cha Vincent đã trình bày với cộng đoàn hai ý tưởng chính: 1- Mỗi ơn gọi là một hành trình cụ thể và cá biệt; 2- Hành trình làm linh mục của bản thân cha Vincent.

Sau lời mở tổng quát như vậy, cha Vincent đã trình bày hai phần của bài chia sẻ của ngài, và thêm một Lời Kết. Sau đây là nguyên văn lời chia sẻ của cha Vincent Mai Văn Bảo.

C1. Mỗi ơn gọi là một hành trình cụ thể và cá biệt

Vào thời đại nào cũng vậy, TC mời gọi và tuyển chọn một số người đi theo Ngài một cách đặc biệt. Chính Thiên Chúa gọi và trao cho người đó một sứ vụ rất cụ thể. Dù rằng mỗi người sống trong những thời đại khác nhau và có hoàn cảnh sống khác nhau.

Chúng ta có thể nhớ lại trong Kinh Thánh Cựu Ước: Chúa gọi Môsê nơi bụi gai bốc cháy (Xh 3,1-6), Chúa gọi Isaia trong đền thờ (Is 6,1-8), Chúa gọi Giêrêmia qua cuộc đối thoại thân tình (Gr 1,1-10), và Chúa gọi Samuel giữa đêm khuya (Sm 3,1-20). Còn trong Tân Ước, Chúa Giêsu, Ngài gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan khi các ông ngồi vá lưới trên bãi biển (Mc 1,16-20, Mt 9,9-13); Ngài gọi Matthêu khi đang làm việc tại phòng thu thuế (Lc 5,27-28); Ngài gọi Phaolô khi đang phóng ngựa lùng bắt các kitô hữu ở thành Damas (Cv 9,1-8; 22,6-16; 26,12-18). Đến lượt Mẹ Têrêsa Calcutta, Mẹ tìm thấy ơn gọi của mình khi chứng kiến những người Ấn Độ nằm chết trên vệ đường; Và nữ tu Emmanulle lại nhận ra tiếng Chúa khi tiếp xúc với những người nghèo sống trên bãi rác tại ngoại ô thành phố Caire nước Ai Cập.

Nhìn vào những ơn gọi trên đây, chúng ta phải chân nhận một điều đó là những người đi theo Chúa, chắc chắn trăm phần trăm không phải vì để ở nhà cao cửa rộng, được ăn sung mặc sướng, được vinh hoa phú quý…vì Chúa đã nói trong Tin Mừng khi hai môn đệ của ông Gioan Tẩy giả hỏi « Thầy ở đâu, chúng con sẽ đến ? » Chúa trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20; Lc 9, 58). Họ cũng không phải là những người tài ba lỗi lạc, thông minh xuất chúng…vì họ là những người chài lưới, và những phụ nữ chân yếu tay mềm. Nhưng tựu trung lại, họ là những người có một lòng tin tuyệt đối, dám đặt cả cuộc đời của mình trong tay Thiên Chúa. Mặc dù chẳng biết cuộc sống ra sao, tương lai sẽ đi đâu về đâu, nhưng tài sản lớn nhất và duy nhất của họ là lòng tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa tình yêu.

Nhưng hành trình theo Chúa của các Tông đồ không hề êm đềm. Sau khi đã quyết định đi theo Thầy, được nghe những lời chỉ dạy, được chứng kiến những việc làm đầy quyền uy của Thầy mình như chữa lành các bệnh tật, cho người mù được thấy, người điếc được nghe…. để rồi một ngày đẹp trời kia chính các ông, qua miệng của Phê-rô, đã nhận ra được căn tính của Chúa GS ‘Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’ (Mt 16, 16).

Hành trình đi theo Chúa của các Tông đồ tưởng chừng như êm xuôi, không một gợn sóng. Nhưng hành trình đó không hề dễ dàng đối với họ. Phê-rô ngày nào tuyên bố rất hùng hồn rằng ‘Thầy là Đức Kitô Con TC hằng sống’ và « bỏ Thầy chúng con biết theo ai »… Thì nay, trong cuộc khổ nạn của Chúa GS, Phêrô đã từ chối chính người Thầy của mình 3 lần rằng ‘Tôi không biết người đó là ai’ (Lc 22, 57.58.60). Tưởng chừng như Phêrô và các môn đệ đã quỵ ngã hoàn toàn, nhưng Chúa GS đã không chấp những sự yếu đuối mỏng giòn của Phêrô. Đổi lại Ngài đã dành cho Phêro bằng ‘cái nhìn’ của người Thầy đầy yêu thương trìu mến. Chính cái nhìn đó đã giúp cho Phêrô nhìn nhận ra con người yếu đuối, mỏng giòn của mình (cf. Lc 22, 61).

Người Thầy chí Thánh là Đức Kitô đã nhận ra được sự yếu đuối, những thách đố của các Tông đồ, nên Ngài không những đã chỉ dạy họ mà còn cầu nguyện cho họ, để họ vững bước trên con đường theo Ngài (Jn 17). Chính những lời cầu nguyện đó và chính sự tác động của Chúa Thánh Thần mà các Tông đồ đã đi ra khỏi chính mình, ra khỏi sự sợ hãi để loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Và các ông đã lấy chính mạng sống mình để làm chứng cho Tin Mừng cứu độ. Tin mừng đó được loan truyền cho chúng ta ngày hôm nay.

C2. Hành trình làm linh mục của bản thân con

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Như con đã nói ban đầu « hành trình của một ơn gọi » là một đề tài rất bao la và cũng có khi rất cá nhân. Nhân tiện đây con cũng xin phép được nói đôi điều về hành trình ơn gọi làm linh mục của chính bản thân con. Tuy nhiên, con không dám so sánh mình với các bậc lão thành, những sư phụ trong đời sống tận hiến.

Con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo tại một ngôi làng quê nhỏ, thuộc giáo phận Bùi Chu. Cũng như bao cha mẹ công giáo khác, con được đón nhận bí tích rửa tội và được giáo dục trong đời sống kitô giáo. Với sự đơn sơ và mộc mạc của làng quê, con chỉ được học những câu kinh như làm “dấu thánh giá”, kinh “laỵ cha” và kinh “kính mừng ” từ cha mẹ khi còn tấm bé. Vào thời đó, giáo phận Bùi chu không có nhiều linh mục. Giáo xứ của con chỉ có một lễ Chúa nhật trong tháng. Nhưng hàng tuần và có thể nói là hàng ngày, rất nhiều bà con trong làng đã tới nhà thờ để cầu nguyện chung với nhau. Và con cũng đã được đi theo mẹ để đến nhà thờ, mặc dù chẳng biết và cũng chẳng hiểu cầu nguyện là như thế nào, chỉ biết khi mọi người đứng thì mình cũng đứng và mọi người ngồi thì con cũng làm theo.

Cuộc sống nơi thôn quê tuy nghèo nàn nhưng lại bình yên. Các cha mẹ với công việc đồng áng và nội trợ. Một số các trẻ em trong làng có may mắn được tới trường và con cũng nằm trong số đó. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, con ghi danh theo học ở một trường đại học tại Hà nội. Những năm đầu tại chốn thị thành, con có cơ hội ở chung với các anh em sinh viên Công giáo, đều có nguồn gốc Bùi Chu, trong đó có cha phó của giáo xứ chúng ta (cha Điển) và một số cha khác đang làm việc và theo học trên đất Pháp này. Sau một thời gian ngắn tại Hà nội, qua sự giới thiệu của một người thân, con đã biết đến DCCT tại Thái Hà. Và rồi con được cha bề trên Joseph Trịnh Ngọc Hiên cho ở chung với một số anh em sinh viên khác để tìm hiểu về ơn gọi của mình và của DCCT. Thú thực là trong vòng 2 năm chung sống và tìm hiểu ơn gọi, trong con không có câu hỏi về ơn gọi làm linh mục. Nhưng một ngày kia, câu hỏi đó đã đến trong tâm trí của con qua bài giảng rất hay của cha bề trên về Tình Yêu: “Tình yêu bao la của TC đối với nhân loại. Và tình yêu ấy được chứng thực bởi chính Con Thiên Chúa là Đức Giê Su Kitô xuống thế làm người và Con Thiên Chúa đã chết trên Thập giá để chứng minh tình yêu cao độ đó. Tình yêu cao vời của TC đã thấm nhập vào con người chúng ta. Mỗi khi chúng ta đón nhận tình yêu từ người khác như cha mẹ, anh chị em… thì tình yêu đó là biểu hiện của tình yêu TC đối với con người”.

Những lời chia sẻ của cha Bề Trên đã thực sự đánh động con. Từ đó, con cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa qua sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Và để đáp lại tình yêu cao vời của TC qua sự yêu thương của người khác, con đã đặt câu hỏi về ơn gọi làm linh mục của mình. Sau một thời gian suy nghĩ và cầu nguyện, con đã trình bày với cha Bề trên ước muốn làm linh mục của Chúa và cho Chúa qua con đường phục vụ (vào năm 1998).

Và trong một dịp về thăm gia đình, con đã nói điều này với mẹ, với một sự lo âu. Nhưng mẹ con đã trả lời một cách rất vui tươi “Con à, mẹ đã cầu nguyện rất nhiều cho các con, đặc biệt là mẹ cầu nguyện cho con được làm linh mục của Chúa”. Những lời mộc mạc đầy tình mẫu tử và niềm tin của người mẹ chân quê, nhưng chứa đầy sức mạnh đã làm con rung động và cảm thấy vững tin hơn rất nhiều.

Từ đó, ước vọng, khao khát được dâng mình cho Chúa luôn thúc đẩy trong con. Nhưng than ôi, ngọn lửa cháy càng nhanh thì càng mau tàn. Những khao khát làm linh mục ngày nào đã không còn mạnh mẽ, không còn thôi thúc, không còn hấp dẫn lôi cuốn một chàng thanh niên mới ra trường, chập chững bước vào đời như con. Thay vào đó là những cám dỗ về tình yêu, về danh vọng, về tiền tài là mối bận tâm hang đầu. Không thể sống trong sự giằng co giữa hai con đường, cũng như lời Chúa nói, “không thể làm tôi hai chủ”. Con quyết định xin ra khỏi sự hướng dẫn của cha bề trên DCCT để lao đầu vào kiếm tiền, con muốn kiếm thật nhiều tiền, để trở thành người giàu có, để rạng danh với thiên hạ, để có cơ hội đi chơi cùng với nhóm bạn bè. Nhưng TC đã kiên trì chờ đợi và lôi kéo con về với Ngài. Bằng chứng là, sau khi đã có tiền, có bạn, thì con lại cảm thấy mình không hạnh phúc, vẫn cảm thấy thiếu một điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn. Sau đó con có cuộc gặp gỡ với cha linh hướng trong giáo phận. Và chính ngài đã giúp con tìm lại hướng đi cho đời mình. Đúng là mọi sự do Chúa sắp xếp. Sau hơn một năm, con đã được giáo phận gửi đi du học tại chủng viện Paris vào tháng 5 năm 2001. Sau quãng thời gian học tập tại chủng viện, con đã được Đức cha André Vingt-Trois truyền chức linh mục vào tháng 6/2007, với một tâm tình cảm tạ Hồng ân TC bao la như lời Thánh vịnh đã nói:

“Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ,
vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?
Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa”

(Tv 115, 12-13)

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Nhìn lại kinh nghiệm của những ơn gọi trên đây và của riêng con nữa, con cảm nhận rằng Ơn Gọi là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa yêu thương trao ban cho con người.

Con biết rất rõ có những người đang làm bác sĩ, giáo sư, thẩm phán, kiến trúc sư, kỹ sư…, nghĩa là họ có quyền mơ và xây dựng cho mình một cuộc sống tiện nghi, giàu có. Nhưng các bạn đã dám từ chối tất cả để chỉ đạt được một điều duy nhất mà thôi: theo Chúa Kitô trong ơn gọi tu trì. Phải hy sinh nhiều bao nhiêu, phải vượt qua khó khăn nhiều bao nhiêu, thì khi thực hiện được lý tưởng đời mình, niềm vui càng lớn, hạnh phúc càng trào dâng bấy nhiêu.

Huyền nhiệm của ơn gọi thật lạ lùng quá đỗi. Nó là một hấp lực lớn, không phải chỉ có hôm nay, nhưng là hàng ngàn năm lịch sử, đã làm rung động triệu triệu con tim của biết bao nhiêu người trẻ. Và Chúa Kitô muôn đời vẫn là lý tưởng mà lớp lớp người đã chọn để theo và sống.

Vẫn biết rằng, ơn gọi đến từ Thiên Chúa, và chúng ta có quyền tự do đáp trả, nhưng chỉ một khi vâng theo thánh ý của Người, và phó thác vận mạng đời mình cho Người, thì lòng ta sẽ bình an, sẽ cảm nhận hạnh phúc.

Ðiều quan trọng không thể không nói đến đó là tầm quan trọng của lời cầu nguyện. Vâng, chính lời cầu nguyện của quý ông bà và anh chị em, sẽ là nguồn sức mạnh nâng đỡ đời sống của các LM Tu sĩ…và các ơn gọi cũng sẽ được nảy sinh từ đây.

Con nhớ rất rõ rằng, khi con tiến chức Linh Mục tại nhà thờ Notre Dame de Paris, sau khi nghi thức phong chức kết thúc, một số Bề Trên các Hội Dòng trao cho Ðức Hồng Y bản danh sách cầu nguyện cho các chủng sinh đồng thời nhận thêm một số tên mới. Chính lúc đó con mới biết rằng, trong suốt thời gian sống và học tập tại chủng viện, con được bảo trợ và nâng đỡ đặc biệt bởi lời cầu nguyện của các soeurs. Đó là những người mà con nhìn thấy. Nhưng còn biết bao nhiêu người khác vẫn âm thầm cầu nguyện cho ơn gọi. Vâng, hành động đó đã giúp con ý thức giá trị và sự quan trọng của lời cầu nguyện cho ơn gọi và cho những người sống trong bậc tu trì.

Trong hoàn cảnh xã hội ngày hôm nay, ơn gọi càng ngày càng giảm sút, những ai dám hy sinh bước theo ơn gọi, là những người quá đỗi can đảm và giàu có. Họ nghèo tiền của, không có địa vị xã hội, nhưng họ mới chính là những người giàu có. Trước hết họ giàu ơn Chúa, giàu nghị lực, giàu lòng quả cảm, giàu đời sống nội tâm, và giàu trên mọi thứ giàu: đó là đạt tới con đường Chúa Kitô đã đi. Một khi đạt tới sự giàu sang như thế, phải chăng họ không dừng lại bằng cách đáp trả lời “Xin vâng” trên môi miệng, nhưng đã làm cho tiếng “Xin vâng” thành lời của sự sống mà họ đã và đang sống từng giây phút của cuộc đời mình!!


LỜI KẾT

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Mỗi chúng ta đều có một hành trình ơn gọi riêng của mình. Hành trình của ơn gọi sống trong bậc gia đình, trong đời sống thánh hiến và trong việc tận hiến phục vụ giữa đời. Nhưng dù ở địa vị nào, chúng ta đều được gọi để làm chứng nhân bằng lời cầu nguyện, gương sáng, bằng việc bác ái phục vụ theo khả năng mỗi người.

Đặc biệt năm nay, Giáo hội muốn dành trọn quãng thời gian này để nhấn mạnh đến đời sống tận hiến, linh mục. Mục đích không phải để tôn vinh các linh mục, nhưng là thời gian để các linh mục nhìn lại đời sống của mình trong đời sống với Chúa qua việc phục vụ anh chị em. Và qua đó họ trở nên hoàn thiện hơn và trở nên thánh.

Đời sống linh mục của chúng con không có đẹp như ngày lãnh nhận sứ vụ. Cũng là những con người bé nhỏ và yếu đuối đó mà Chúa đã giơ tay đón nhận và tuyển chọn. Và để giúp cho các đồ đệ của Chúa và những người đi theo Chúa trên con đường phục vụ, chính Chúa GS đã và đang cầu nguyện cho họ (Ga 17), để họ luôn vững niềm tin để rao truyền Lời Chúa, và làm chứng cho Chúa.

Đó cũng là điều Chúa mời gọi chúng ta. Qua một vài chứng nhân, Chúa muốn nói với chúng ta về vai trò và tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho những người tận hiến, cho những người trẻ. Để rồi cùng với tất cả, chúng ta đều trở nên thánh. Chúng ta cần nêu gương trong việc cầu nguyện cho những người trẻ để họ biết tìm ra thánh ý của Chúa, để rồi Lời Chúa được thực thi « Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy cầu nguyện xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về » (Mt 9, 12-13). Ước chi được như vậy. Amen.

Lời cuối cùng trong bài chia sẻ của cha Vincent Mai Văn Bảo vừa khép lại loạt bài chia sẻ về ơn gọi tận hiến tại Giáo Xứ trong năm 2009, vừa mở ra ý lực của năm linh mục trên toàn thể Giáo Hội Hoàn Vũ và Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Tông toà đầu tiên tại Việt Nam và 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam: « Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy cầu nguyện xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về » (Mt 9, 12-13). Ước chi được như vậy.

Paris, ngày 21/12/2009

Trần Văn Cảnh
 
Video Clip: Vở Chèo ''Đức Mẹ thăm viếng bà Elizabeth" do giáo phận Thái Bình trình diễn
VietCatholic
19:05 21/12/2009
Cuộc thăm viếng kì diệu giữa hai người phụ nữ rất thời danh trong Kinh Thánh: đó là Mẹ Maria đang mang thai Chúa Giêsu đi thăm bà chị họ Elizabeth đang mang thai Gioan Baotixita. Khi Maria tới nhà bà Elizabeth thì đứa con trong lòng Elizabeth cũng được vui lây và nhảy mừng trong lòng mẹ. Một bài ca tôn vinh kì công tuyệt vời Chúa làm đã được Elizabeth cất tiếng hát lên... Niềm hân hoan và nỗi hứng khởi này đã được các diễn viên của giáo phận Thái Bình trình bầy qua một vở chèo rất sống động và lôi cuốn.

Muốn có Bộ DVD giá trị và lịch sử này, xin theo thủ tục được trình bầy ở đây


Câu chuyện này được thánh sử Luca viết như sau: “Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Elizabeth” (Lc 1,39-40). Đây là cuộc viếng thăm hết sức quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ, Mẹ Maria đã dành cơ hội rất đặt biệt để viếng thăm, chia sẻ niềm vui về sự hiện diện của Chúa Giêsu, con Thiên Chúa mà Mẹ vừa mới cưu mang Ngài bởi phép Chúa Thánh Thần và bà chị họ cũng đang thai nghén thánh Gioan Tẩy Giả trong cung lòng của minh. Sự vội vã của Mẹ Maria khi lên đường, thăm hỏi, cảm thông và chia sẻ niềm hạnh phúc của ơn cứu độ nói lên niềm vui khôn tả khiến Gioan Tẩy giả nhảy mừng trong lòng bà Elizabeth, còn bà Elizabeth cảm nghiệm sâu xa Chúa đang hiện diện qua con người của Mẹ Maria (Lc 1,41-44). Bà Elizabeth khen ngợi Mẹ Maria qua tác động của Chúa Thánh Thần (Lc 1,45). Và như thế, sự có mặt của Mẹ Maria lúc này và ở đây khi mang Chúa trong lòng diễn tả niềm vui phục vụ. Một niềm hân hoan, chan chứa ơn cứu độ của một người Mẹ luôn muốn chia sẻ cho mọi người, chứ không giữ riêng cho mình. Điều này chỉ ra rằng Mẹ Maria rất can đảm, rất quả cảm, Mẹ luôn từ bỏ, quên mình để người khác được vui, được hạnh phúc. Mẹ ca ngợi Thiên Chúa vì lòng Mẹ quả luôn thuộc về Ngài, lời kinh Magnificat là lời tạ ơn sâu thẩm và không bao giờ nguôi ngoai của Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã ý thức thân phận đơn mọn, yếu hèn của mình, sự khiêm nhượng và đơn sơ của Mẹ đã khiến Mẹ được lòng Thiên Chúa và được Chúa đoái thương (Lc 1,46-55).

Maria đi thăm viếng Bà Elizabeth là lời thúc bách con người. Biến cố Mẹ Maria đi thăm viếng bà chị họ Elizabeth là lời mời gọi con người ý thức thân phận của mình. Được làm con của Chúa, con người đã lãnh nhân biết bao hồng ân của Ngài. Ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho con người không dừng lại ở một dân tộc, một quê hương, một đất nước, một nhóm nguời. Nhưng ơn người được hạnh phúc mang Chúa trong lòng, sứ mạng của con người cũng phải mau mắn chia sẻ hạnh phúc và giới thiệu Chúa Giêsu cho những người khác. Hội thánh lập lễ này để kỷ niệm cuộc hội ngộ đầu tiên của Đấng Cứu Thế và vị ngôn sứ Gioan Tẩy Giả.
 
Giới trẻ Di dân hạt Can Lộc hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh
Fx. Trần Kim Ngọc, OP.
21:56 21/12/2009
GÒ VẤP - Chúa Nhật ngày 20/12/2009, khoảng 1000 Bạn Trẻ Di Dân Hạt Can Lộc – GP Vinh đang làm việc và học tập tại Miền Nam đã họp mặt tĩnh tâm tại Tu Viện Mân Côi trong bầu khí hân hoan đón mừng Ngôi Lời nhập thể làm người với chủ đề “EMMANUEL”.

Xem hình ảnh

Ngày họp mặt lần lần này đã thu hút nhiều bạn trẻ đến tham dự. Với sự nhiệt tình cộng tác của Ban Đại Diện, càng ngày càng có nhiều người di dân cùng quê Hạt Can Lộc đến sinh hoạt và chia sẻ với Hội Đồng Hương Giới Trẻ Hạt Can Lộc. Các bạn ngày càng gắn bó với nhau hơn trong các sinh hoạt để sưởi ấm tình quê giữa nơi đất khách quê người. Điều này cho thấy các bạn trẻ di dân rất khao khát một sân chơi, rất ước mong có những cuộc gặp gỡ, rất tha thiết với Giáo Hội và quê hương, và cũng rất say mê Chúa Giêsu, Người Bạn của Giới Trẻ. Vì nhiều lý do, nên có một số bạn không thể tham dự đầy đủ từ sáng đến chiều, có bạn chỉ đến vào buổi sáng, bạn đến vào buổi chiều nhưng cũng có bạn tranh thủ đến vào ban trưa. Nói chung các bạn rất muốn tham gia hết mình vào các sinh hoạt của Hội Đồng Hương Hạt Can Lộc. Đó là một điều khích lệ cho những người tha thiết với đời sống của người xa quê để tìm kiếm việc làm và học hành.

Chương trình ngày họp mặt tĩnh tâm sinh hoạt gồm: sinh hoạt vòng tròn, thuyết trình đề tài “tình trạng phá thai”, hoan ca Giáng Sinh, trao đổi, giao lưu, văn nghệ sưởi ấm tình quê, sám hối và Thánh Lễ.

Chương trình sinh hoạt thêm phần sinh động với sự có mặt của bốn ca sĩ trong nhóm Lửa Hồng, ngoài ra còn có sự tham gia sinh hoạt của nhóm Lửa Mến. Các bạn trẻ thuộc các giáo xứ trong Hạt đã chuẩn bị những tiết mục “cây nhà lá vườn” rất công phu, chứa chan niềm vui Chúa Giáng Sinh và đậm đà hương vị quê hương.

Tinh thần của Giới Trẻ Di Dân Hạt Can Lộc rất hăng say. Có lẽ cũng cần nêu lên tinh thần đó để khơi lên lửa hiệp nhất và yêu thương nơi giới trẻ nói chung và cho giới trẻ di dân nói riêng. Các bạn Giới Trẻ Di Dân Can Lộc đã làm nhiều việc, tuy chưa lớn lao lắm!, nhưng cũng là một dấu hiệu đáng mừng cho những người ưu tư với tương lai của Đất Nước và Giáo Hội: các bạn đã tranh thủ thời gian đi nhặt những cái ve chai, bán đi góp tiền để mua sách vở, quà tặng cho các trẻ em nghèo vùng quê, cho các mái âm; các bạn thu gom quần áo để chia sẻ cho đồng bào dân tộc; các dịp lễ như 8/3, 20/11 các bạn đi bán bông lấy tiền làm quỹ…; ngoài ra các bạn cũng thành lập những nhóm nhỏ chia sẻ Lời Chúa để nuỗi dưỡng đức tin. Có lẽ còn nhiều việc các bạn đã, đang và sẽ làm. Những điều các Bạn Trẻ Di Dân Can Lộc làm sẽ khơi lên một tí men, dù là một tí men nhưng cũng có thể làm cho khối bột dậy men; đốt lên một ngọn lửa, dù nhỏ nhưng cũng đủ làm ấm lòng nhiều người; một tia sáng, dù nhỏ nhưng cũng có thể xua tan một vùng tối thiếu vắng tình thương…!

Hy vọng những việc các bạn đã và đang làm sẽ tiếp tục nung nấu tinh thần hiệp nhất và yêu thương, trẻ trung và sôi động của các bạn để góp phần làm cho thế giới này thêm một niềm vui, cuộc đời này thêm một chút tin yêu.
 
Hình ảnh ''Đêm Hồng Ân Cứu Độ'' để kỉ niệm 50 năm ca đoàn GX Tam Hà
Tam Hà
22:28 21/12/2009
SAIGÒN - "Hồng ân cứu độ" là chủ đề của đêm diễn nguyện mừng đại lễ chúa giáng sinh của nhân loại tuy nhiên cũng là một dịp trọng đại mừng 50 năm thành lập Ca Đoàn đầu tiên của GX Tam Hà (Ca Đoàn Chúa Hài Đồng) từ năm 1959 – 2009

Hình ảnh Đêm Hồng Ân



Với sự chỉ đạo và cố vấn của Cha GIUSE Chánh Xứ, Cha GB phụ tá quý Ông BTV, BMV các khu cùng với sự cộng tác của các hội đoàn trong khâu tổ chức cho đêm diễn nguyện

Đêm diễn nguyện còn có sự giúp đỡ chuyên sâu về kỹ thuật chuyên môn của NS NGỌC LINH, SR THU Dòng Đa Minh ROSA LIMA đạo diễn, công ty âm thanh anh sáng Việt Thương, sân khấu phông màn do Ông trùm LÊ XUÂN HOA, MC NGỌC OANH, LÊ THỦY

Góp mặt làm sinh động cho đêm diễn nguyện là các ca đoàn trong GX cùng với sự tham dự của các ca đoàn những GX TAM HẢI,TỪ ĐỨC, TÂN ĐỨC các nhóm múa của các Hội Dòng ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO, ĐA MINH gx THÁNH KHANG, Quý Thày DÒNG ĐỨC MẸ ĐỒNG CÔNG Hòa chung niềm vui củ GX còn có sự góp mặt của 4 ca sĩ: TUYẾT MAI LY, GIA ÂN, MAI THẢO, HOÀNG HIỆP và đặc biệt là có sự góp mặt của LM NGUYỄN SANG GP MỸ THO cùng góp phần cho điêm diễn càng thêm sinh động

Để đêm diễn thêm phần lắng đọng chúng ta còn phải kể tới là quý khán giả với hơn 2000 người làm cho buổi diễn thêm không khí náo nức của ngày hội lớn của GH cũng như của GX và của riêng các Ca Đoàn trong GX

Chương trình dẫn mọi người qua 3 phần chính:

Suy niệm LỜI NGUYỆN MÙA VỌNG

Giới thiệu 50 NĂM CHUNG LỜI NGỢI CA

Tri ân HÁT LÊN CẢM TẠ HỒNG ÂN

HẾT RỒI À là lời mọi người thốt lên tiếc nuối khi đêm diễn được khép lại đã dẫn mọi người trải qua và hiểu quá trình hình thành ca đoàn của GX thưở ban đầu

Trong tâm tình năm thánh của GIÁO HỘI VIỆT NAM ý nghĩa của đêm diễn chúng ta có thể tin tưởng rằng Chúa luôn ở cùng, đồng hành với chúng ta, và hằng nâng đỡ qua bao thời gian qua cùng với tương lai ngày càng tốt đẹp
 
Niềm vui Giáng Sinh với các em Thiếu Nhi Giáo Họ Đồng Bằng, Thai Bình
Trường Giang
22:34 21/12/2009
17h00 chiều thứ Hai 21/12/2009, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình chủ sự thánh lễ tại nhà thờ giáo họ Đồng Bằng, thuộc họ kẻ giáo xứ Lai Ổn, Thái Bình. Sau thánh lễ là chương trình văn nghệ mừng Chúa Giáng Sinh và rút số trúng thưởng.



Cùng hiện diện trong thánh lễ có cha Giuse Trần Văn Thực, chánh xứ Lai Ổn, các thày phó tế, nam nữ tu sỹ và khoảng 500 giáo hữu ở các họ thuộc giáo xứ Lai Ổn. Đồng Bằng là một giáo họ ít người, ngôi thánh đường tọa lạc cạnh quốc lộ 10, mới được trùng tu lại rất khang trang, nhưng giáo dân rất sốt sáng, trong thánh lễ cũng như chương trình văn nghệ đón mừng Chúa giáng sinh hôm nay giáo họ chuẩn bị rất chu đáo.



Trong bài giảng Đức cha nói đến đường hướng của giáo phận trong năm 2010, điểm nhấn là “truyền giáo”. Bởi đó cũng là lý do Đức cha đến thăm, dâng thánh lễ cầu nguyện và chi sẻ niềm vui Chúa giáng sinh với giáo họ Đồng Bằng hôm nay. Đức cha kêu gọi người tín hữu Đồng Bằng hãy vui mừng và hân hoan tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời phải có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những anh chị em xung quanh, vì bà con lương dân ở khu vực này rất đông mà Giáo dân lại quá ít.



Kết thúc thánh lễ, các thày Tòa Giám mục trong bộ cánh ông già Noel đi phát phiếu cho cộng đoàn tham gia chương trình rút số trúng thưởng, đây là món quà Giáng Sinh Đức cha muốn gởi đến anh chị em nơi đây, không phân biệt lương giáo. Đúng 19h00, chương trình văn nghệ được bắt đầu, trước tiên quý vị đại diện chính quyền xã, địa phương tặng hoa chúc mừng bà con giáo dân họ Đồng Bằng; tiếp đến cha xứ và giáo dân họ Đồng Bằng tặng hoa Đức cha. Đức cha khai mạc đêm văn nghệ, các tiết mục văn nghệ rất đơn sơ và hồn nhiên của các em thiếu nhi các họ lẻ thuộc giáo xứ Lai Ổn, tân giáo xứ Đại Điền và các em thôn Đồng Bằng cùng góp vui, để lại trong lòng quý vị khán thính giả một ấn tượng đẹp. Những món quà rất khiêm tốn, những tấm áo ấm, những chiếc đồng hồ treo tường và một phần thưởng độc đắc là chiếc xe đạp mini được trao cho những quý vị có con số may mắn làm cho sân khấu nóng lên, xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông, trả lại bằng những nụ cười thật vui vẻ và dòn dã. Đây cũng là dịp tốt để những người ngoại đạo và người Công giáo được giao lưu và được gần gũi, và cũng là để người ngoại đạo biết một phần nào về ý nghĩa ngày Thiên Chúa giáng sinh, ngày Thiên Chúa đến gặp gỡ và cứu độ con người. Đêm giao lưu được khép lại với mục phát quà Giáng Sinh cho tất cả các em thiếu nhi hiện diện trong đêm nay.
 
Hình ảnh Đêm Thánh Ca nguyện cầu mừng Chúa giáng sinh tại Gx Vĩnh Hòa
Vĩnh hòa
22:39 21/12/2009
 
Văn Hóa
Truyện ngắn: Quán trọ Cây Thầu Dầu
Nguyễn Trung Tây, SVD
23:05 21/12/2009
Truyện ngắn: Quán Trọ Cây Thầu Dầu
Quán trọ Cây Thầu Dầu, Ảnh NTTây

Quán trọ Cây Thầu Dầu nói về một ngôi nhà trọ và những sinh hoạt bất thường của một ngôi làng.

Hồi đó người ta đồn rằng, “Thầu dầu mọc giữa tháng Ba, Là điềm ấu chúa sinh ra thái bình”. Cây thầu dầu đã mọc rồi, hơn một năm rồi, nhưng thái bình vẫn chưa xuất hiện. Trong khi đó, những người hồi xưa đã bỏ đi, bây giờ từ bốn phương trời cứ tấp nập kéo về đe dọa tới đời sống vốn đã thanh bình ngàn năm của dân làng. Cách uống rượu như uống nước, đốt tiền như đốt giấy vụn của những người khách không mời mà tới khiến hương chức trong làng lo sợ cho số phận của những thiếu nữ ngây thơ mới lớn, những người đàn bà nhẹ dạ cả tin…


Hơn một tháng rồi, quán trọ Cây Thầu Dầu bỗng dưng rộn ràng bước chân lạ mặt của tứ phương.

Đúng vậy, cứ liên tục như thế, từ sáng tới chiều, từ chiều tới nửa đêm, đếm được bốn tuần rồi, thị trấn Bethlehem bỗng dưng rộn ràng bước chân ngàn khuôn mặt lạ. Những người khách này nguyên gốc Do Thái, nhưng có người nói tiếng Do Thái pha giọng mũi nghèn nghẹt tiếng Hy Lạp hoặc giọng cổ vướng nghẹt tiếng Ba Tư, nhiều người không đọc được bảng tên chỉ đường ngoại trừ ngọng nghịu câu chào: Shalom. Nhưng thật ra, tất cả những người khách lạ mặt này đều có liên hệ mật thiết với Bethlehem, bởi tổ tiên mười mấy đời của họ đang nằm an nghỉ tại những ngôi mộ đá đục sâu trong rặng núi.

Mà lạ lắm, mặc dù xuất hiện với nhiều màu da, khác tiếng nói, ngàn khuôn mặt lạ tứ phương đều chia sẻ chung với nhau hai đặc điểm nổi bật; mặt lúc nào cũng đỏ bởi rượu, và cứ hễ mở miệng ra là chửi tục.

Ngày nào cũng thế, khách nằm ngủ thẳng cẳng cho tới mười hai giờ trưa mới chịu gạt mền sang một bên. Chui ra khỏi giường, khách vốc nước rửa mặt, xúc miệng ồng ộc. Xong xuôi đâu đó, tưởng khách đi đâu, hóa ra lại bước thẳng một mạch tới quán rượu. Nhậu xong, uống xong, khách không về quán trọ, nhưng lại dẫn nhau ra giếng nước đầu làng. Trên đường đi, khách nhổ xoèn xoẹt nước miếng và đờm xanh xuống mặt đường. Có ông khách say quá, xiêu vẹo gục té ngay bên lề, miệng nôn thốc tháo, mùi ói tanh lợm. Có người cất giọng hát, những bài hát lẳng lơ lời ca dâm tục. Âm thanh phát ra từ cuống họng nghe bền bệt bởi hơi thở nặng nề sặc sụa mùi rượu vang.

Thôn Bethlehem đang thanh bình, trên có thầy Rabbie và hội đồng hương chức, dưới là dân làng, người người ai ai cũng một lòng. Nhưng tự dưng bởi những người khách lạ, Bethlehem tự động tách ra hai phe, một phe cổ võ, phe kia chống đối.

Phe cổ võ bao gồm chủ quán rượu, quán ăn, và quán trọ. Gặp khách, ông chủ nào mặt cũng tự nhiên hớn hở hẳn ra, miệng cười toe toét. Mà cũng khó trách, Bethlehem đất chó ăn đá gà ăn muối từ thời tạo thiên lập địa. Người cả nước vẫn đồn miệng, “Cái đất Bethlehem đó, xin lỗi miếng đất chó iả đó, có cho cũng chả thèm”. Cho nên chẳng lạ chi, quán trọ Bethlehem bình thường vắng hoe ngoại trừ ruồi xanh sa mạc bay lăng quăng, giờ này bỗng dưng hóa ra không còn phòng trống. Quán trọ nào cũng treo bảng “Cạn phòng” hoặc “Hết chỗ”. Đặc biệt nhất, quán rượu, ngày cũng như đêm lúc nào cũng nồng nặc mùi người và mùi rượu. Chủ quán Bethlehem, nguyên cả tháng rồi, chục người là đủ cả chục, ông nào cũng hơn hớn vui tươi. Đương nhiên, thì cũng bởi vì tiền. Tiền nở nụ cười. Tiền tươi con mắt. Tiền cất vào kho. Mà đây không phải là tiền kẽm tiền xu đâu nhé. Cái thứ tiền đó giờ có cho không, mười mấy ông chủ của Bethlehem cũng bĩu môi, giơ tay quẳng bỏ dục thẳng vào xó nhà. Mà lạ lắm, những người khách phải quay về Bethlehem theo lệnh kiểm tra dân số không hiểu sao ai cũng giàu có. Tiền đếm mỏi tay. Có người còn xách theo trong mình nguyên cả gói tiền bạc khắc hình hoàng đế Alexander và nhiều đồng tiền vàng Caesar Augustus. Một ngôi nhà xập xệ trong thôn trị giá trăm đồng tiền bạc. Ngôi nhà mắc nhất nằm ở cuối thôn là hội đường Isaiah với hơn năm trăm ghế ngồi trị giá xấp xỉ trên dưới ngàn đồng tiền vàng Caesar. Thế mà khi bước vào quán rượu, khách quẳng ra bàn cả đống tiền vàng. Tiền vàng rớt xuống đất kêu coong coong nghe vui tai, âm vàng ngân vang rung động lòng người. Nếu ưng ý được lòng khách, bồi bàn còn nhận được nguyên một đồng tiền thưởng bằng bạc. Cứ thế, làm chi bồi bàn không cất công phục vụ cúc cung. Muốn gì được nấy. Chủ quán chưa có dịp mở miệng năn nỉ công nhân ở lại làm thêm, bồi bàn đã nhanh nhanh chạy đi gặp chủ, gãi gáy cầu tài, xin làm thêm giờ phụ trội.

Phe chống đối thì chẳng ai xa lạ. Chưa nói, nhiều người đã biết mặt biết tên. Mà cũng khó trách thầy Rabbi Daniel và hội đồng hương chức trong thôn, bởi Bethlehem mặc dầu đất cày lên sỏi đá, nhưng thiếu nữ Bethlehem từ lâu vẫn nổi tiếng công dung ngôn hạnh. Thì đấy vua David đã từng thưởng cho làng bốn chữ khắc vàng, Tiết Hạnh Khả Phong. Cho nên không lạ chi từ bao lâu nay, người làng chưa bao giờ phải nhặt đá ném chết những người con gái một phút nhẹ dạ. Cổng làng, từ bao lâu nay, đất vẫn đen thơm mùi đất lành, đá vẫn sạch không vương mùi máu tanh.

Thế đó, mới chỉ có mắt trước mắt sau, ngay khi bóng dáng khách tứ phương vừa đổ xuống nườm nượp ở cổng làng, những con kên kên phục vụ lính tuần La Mã ở làng bên đã nhấp nhổm ngóng đầu quay về Bethlehem quan sát tình hình. Ba tuần trước, mặc cho những lời cảnh cáo xa gần, cô gái giang hồ khét tiếng trong vùng thản nhiên gõ cửa căn nhà treo bảng cho thuê trong thôn.

Người phụ nữ vừa dọn vào, một tiếng sau khách khứa đã cửa trước ra vào cửa sau tấp nập.

Được đúng hai ngày, nhà thổ bừng bừng phát hỏa!

Nửa đêm về sáng, lửa bốc cháy từ cửa gỗ phòng khách, lửa liếm lem lẻm vách gỗ mặt tiền, rồi theo đà gió bừng sáng bốc ngọn vút lên cao. Nhờ sự can thiệp của bao nhiêu thân chủ đang ngồi uống rượu chờ đợi tới phiên, căn nhà trọ còn đứng vững, mặc dù mặt tiền đã bị cháy đen nham nhở. Mật thám kéo tới lập biên bản điều tra, đặt nghi vấn nhà bị đốt.

Sau vụ hỏa hoạn, người phụ nữ buôn hương không chịu thua. Cô nhờ người sơn phết qua loa mặt tiền rồi lại tiếp tục hành nghề như không hề có chuyện chi xảy ra. Thế là khách khứa lại tấp nập. Tiếng cười ngân vang từ xế chiều cho tới nửa đêm về sáng. Người ra người vô, nhà thổ lại rộn ràng.

Được khoảng một tuần.

Vào một buổi sáng sớm tinh mơ, Bõ già trông coi hội đường Isaiah, ngày nào cũng dậy thật sớm đi tới hội đường mở cửa, đốt nến chuẩn bị cho giờ kinh sáng, bỗng hét to như bị ma rượt khi đi ngang qua nhà thổ. Người trong thôn chạy tới chỉ để kịp nhìn thấy cánh cửa lớn căn nhà mở tung để lộ ra hai xác người đang treo lủng lẳng ngay trên xà ngang, một của cô gái buôn hương, một của người khách.

Bởi hai thây ma treo lủng lẳng, Sở Mật Vụ La Mã lại tấp nập kéo tới. Thầy Rabbi Daniel, hội đồng hương chức, và cả Bõ già lần lượt bị gọi lên thẩm vấn. Nhưng cũng như lần trước, nhân viên mật vụ vẫn không kiếm ra thủ phạm. Rốt cuộc, Sở Mật Vụ đóng hồ sơ, lần lượt leo lên lưng ngựa bỏ đi.

Nhưng bắt đầu từ ngày hôm đó, khoảng nửa đêm về sáng tự nhiên căn nhà bỗng chập chờn những bóng ma. Tối tối có người thấy hai xác người, một của đàn bà một của đàn ông hiện ra treo tòng teng lơ lửng. Có người nửa đêm về sáng nghe thấy tiếng hú nghe rõ mồn một lanh lảnh từ trong căn nhà còn loang lổ vết cháy. Vào đêm sáng trăng, có người còn thấy bẩy hạt máu đỏ từ trên xà ngang nhỏ xuống nền đất viết thành chữ Nhân thật rõ nét trong tiếng Hy Lạp.

Người trong làng xì xào hỏi nhau tại sao lại không là ba hay là bốn nhưng lại là bẩy? Mà tại sao bẩy hạt máu đỏ đó lại hòa với nhau viết nên một chữ Nhân? Chữ Nhân có nghĩa là chi trong trường hợp này? Tại sao lại không viết chữ Nhân trong tiếng Do Thái nhưng lại là chữ Hy Lạp? Nghe vậy, có người quay lại nhắc nhở, “Quên rồi sao? Ông bà mình có câu, ‘Giết bẩy bò mới đủ lễ tế’. Mà, nè, cũng đừng có quên ả này không phải Do Thái, nhưng người Syria. Cô ta nói tiếng Hy Lạp, đâu có biết tiếng Do Thái”.

Thằng Judas mồ côi mười sáu tuổi chăn chiên trong làng phá phách ma chê quỷ hờn. Sểnh ra là ăn cắp. Lơ đãng một chút là mất đồ. Cuối tuần nó tếch sang thôn bên cạnh, đứng đường dẫn mối cho những con kên kên. Chủ bầy chiên có lần mắng nó tật hay ăn cắp vặt. Nó tức, ban đêm gọi bạn bè tới túp lều nằm giữa cánh đồng, cắt cổ một con chiên đực nướng thịt ăn. Thế mà nửa đêm, không biết để làm chi, dám mò tới căn nhà ma. Sáng hôm sau, lại một lần nữa, đi ngang qua, ông bõ thấy nó oặt ẹo nằm trên nền đất hoang của ngôi nhà ma, mặt bầm tím, tay chân như không còn xương. Mang nó về nhà, người ta đổ cháo nóng vào miệng, giật tóc mai hú gọi ba hồn chín vía. Ba ngày sau thằng Judas mới dần dần hồi tỉnh, nhưng tay chân quặt quẹo mềm oặt. Hỏi chi, nó cũng không nói, mặt tái xanh lét. Thế là những người đàn bà trong thôn ồn ào lên. Họ kháo với nhau, “Chết rồi! Vậy là đã ứng nghiệm lời nguyền của bẩy giọt máu viết ra một chữ Nhân. Thằng Judas là nạn nhân đầu tiên. Trong làng mình, ai sẽ là người thứ hai?”.

oOo

Đêm nay tối hai mươi bốn cuối tháng Mười Hai. Đã gần mười một giờ đêm, chỉ còn khoảng một tiếng đồng hồ nữa thôi bầu trời đêm đen của thị trấn Bethlehem sẽ chuyển mình bước vào nửa đêm...

www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mừng Chúa Giáng Sinh
Diệp Hải Dung
23:38 21/12/2009

ĐÓN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH



Ảnh của Diệp Hải Dung (Hình chụp tại Villawood, Sidney, Australia)

Đón mừng Chúa Giáng Sinh từ Sidney, Australia!

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền