Ngày 19-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trao tặng chính mình
Lm. Minh Anh
01:50 19/12/2021

TRAO TẶNG CHÍNH MÌNH
“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”.

Trong cuốn “Closer Walk!”, tạm dịch, “Bước Tới Gần Hơn!”, tác giả viết, “Cuộc sống thật bi thảm đối với một người có quá nhiều thứ để sống, nhưng không biết sống cho ai, sống cho cái gì! Nói cách khác, người ấy không biết ‘trao tặng chính mình!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng cho thấy, Đấng mà chúng ta cần “Bước Tới Gần Hơn” đó chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa luôn thành tín với giao ước; một Thiên Chúa luôn ‘trao tặng chính mình!’. Những ngày còn lại, Hội Thánh mời gọi chúng ta noi gương Mẹ Maria, ra đi và ‘trao tặng chính mình’ như Thiên Chúa đã trao tặng!

Với ngôn sứ Mikha, Thiên Chúa hứa ban cho dân Ngài một mục tử, “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel”; bên cạnh đó, Mikha còn nói đến một phụ nữ, “Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”. Người con được báo trước ấy là Giêsu Cứu Thế, Ngài sẽ là mục tử thực hiện những lời hứa cổ xưa, mở ra một thời đại hoà bình. Ngài là tư tế sẽ ‘trao tặng chính mình’ làm lễ dâng của giao ước mới như tác giả thư Do Thái, bài đọc hai nói đến, “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa!”; Ngài sẽ thi hành thánh ý đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá!

Tin Mừng hôm nay nói đến cuộc ra đi của Đức Maria, một phụ nữ, lòng đầy Chúa đi đến với gia đình Zacharia. Cuộc gặp gỡ của hai người mẹ, ‘một già, đại diện cho giao ước cũ; một trẻ, đại diện cho giao ước mới’ đưa chúng ta về các giao ước mà Thiên Chúa cam kết thực hiện. Mẹ Maria, biểu tượng cho giao ước mới, ‘trao tặng chính mình’ khi đến phục vụ người chị họ; qua đó, Mẹ trao tặng Giêsu. Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm những bước chân thật đẹp của tình người, nhưng cũng là những bước chân thật đẹp đầy tình Chúa.

Mô tả của Luca cho thấy cả hai phụ nữ này đều được chúc phúc rất nhiều khi họ đến với nhau. Mỗi người là nguồn ân phúc cho người kia! Elizabeth và Gioan, con bà, đã được chúc phúc bởi lời chào của Mẹ Maria; ngược lại, Elizabeth cũng là nguồn ân phúc cho Mẹ Chúa Giêsu. Khung cảnh cuộc gặp gỡ nhắc nhở chúng ta rằng, sự hiện diện của chúng ta cho nhau vào thời điểm dịch bệnh này thật quan trọng; và nó có một ý nghĩa sâu sắc hơn trong những ngày áp lễ Giáng Sinh. Những cuộc gặp gỡ của chúng ta không phải lúc nào cũng có chất lượng như cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và người chị họ. Tuy nhiên, thật tốt khi lưu ý về sự khác biệt mà chúng ta có thể tạo ra cho nhau bằng cách hiện diện với nhau; chúng ta đều có thể là người trao tặng Giêsu cho người khác khi mỗi người biết ‘trao tặng chính mình’.

“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”. Ước gì mỗi người chúng ta sẽ là “Mẹ Chúa” cho người khác! Chúa có thể hoạt động mạnh mẽ qua mỗi người chúng ta để chúc phúc và ban ân sủng cho người khác. Nhờ phép Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở thành nguồn phúc lành của Thiên Chúa cho người khác, trở thành máng thông chuyển ân sủng Chúa cho người khác. Chúng ta làm điều đó với chất lượng hiện diện của Mẹ Maria; một sự hiện diện chu đáo, yêu thương, chấp nhận, kiên nhẫn và quan tâm.

Anh Chị em,

Mẹ Maria ra đi để hiện diện, đem niềm vui, và nhất là để phục vụ. Đây cũng là mục đích và cách thức Con Thiên Chúa đến với nhân loại. Ngài đến để ở cùng chúng ta, mang cho chúng ta niềm vui ơn cứu độ và phúc lộc từ trời. Mẹ Maria ra đi, mang theo Giêsu, khác nào một “Nhà Tạm” lưu động đầu tiên có mặt trên trần gian. Ngày nay, Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể tiếp tục ‘trao tặng chính mình’ cho chúng ta; Ngài không chỉ đến viếng thăm mà đã huỷ mình để nên máu huyết của chúng ta, hoà nhập với chúng ta, đến độ không còn là Ngài; ngõ hầu qua chúng ta, Chúa Giêsu tiếp tục trao tặng cho nhân loại này muôn ân phúc bởi trời. Điều này có nghĩa là, chúng ta phải trở nên những “Mẹ Chúa”, quà tặng cho tha nhân, cho những người gần gũi chúng ta nhất.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, lễ Giáng Sinh, lễ Chúa trao tặng phẩm vị thần linh cho nhân loại, xin dạy con trao tặng chính Chúa cho tha nhân khi con ‘trao tặng chính mình’ qua việc yêu thương và phục vụ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 20/12: Xin Vâng! Thay đổi lịch sử. Suy Niệm: Linh mục Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
04:21 19/12/2021

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

“Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.

Ðó là lời Chúa.
 
Xin Vâng Là Xin Dâng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –
09:01 19/12/2021
Xin Vâng Là Xin Dâng

(Thứ Hai sau Chúa Nhật IV Mùa Vọng – 20/12 – Is 7,10-14; Lc 1,26-38)

Trong tuần bát nhật chuẩn bị gần đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm chân dung một tạo vật tuyệt hảo nhất trong các loài thụ tạo hữu hình đó là Mẹ Maria. Để thực thi chương trình cứu độ Thiên Chúa muốn có một thụ tạo tuyệt hảo cộng tác trong vai trò trung gian để Chúa Con nhập thể làm người. Chúng ta cùng chiêm ngắm sự tuyệt hảo của Mẹ Maria xét như là tạo vật và xét như là hình ảnh và là họa ảnh của Đấng Sáng Tạo: Cộng đoàn Thiên Chúa Tình Yêu.

Thực sự là tạo vật đúng nghĩa khi hiện hữu và vận hành đúng theo ý Đấng dựng nên mình. Chiếc bình sành chỉ là nó khi hiện hữu và thể hiện đúng theo ý người thợ gốm. Qua lời thưa xin vâng, Mẹ Maria đã xin dâng cho Thiên Chúa chương trình ý định của mình, dù đó là tốt đẹp theo cái nhìn của Mẹ. Cũng như nhiều người Do Thái giáo thời bấy giờ, Mẹ khát khao Đấng Thiên Sai mau đến cứu đời, cách riêng là cứu thoát dân tộc ra khỏi ách nô lệ của ngoại bang Rôma. Tự nguyện chọn đời khiết tịnh son sẻ, chấp nhận sự nhuốc hổ trước mắt người đời là một cách thế dâng lễ hy sinh. Thời bấy giờ cũng có nhiều nam nhân như phái Essênêô đã chọn đời cô tịch trong hoang mạc làm lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa.

Tuy nhiên khi sứ thần truyền tin cho Mẹ rằng sẽ thụ thai và sinh con do bởi quyền năng của Thánh Thần thì Mẹ đã tự nguyện hy sinh ý riêng của mình để thực hiện chương trình Thiên Chúa muốn. Nắm đất sét uốn mình theo bàn tay người thợ gốm cách thụ động. Mẹ Maria thì chọn lựa vâng theo thánh ý Thiên Chúa cách ý thức và tự do. Đây là nét cao cả của loài thụ tạo được Thiên Chúa chọn làm hình ảnh và họa ảnh của Người.

Sự tuyệt hảo nơi Mẹ Maria lên đến đỉnh cao khi Mẹ không chỉ qua lời xin vâng hiến dâng ý chí tự do của mình mà còn hiến dâng cả toàn thân và sự sống của mình. Xét về khía cạnh tiêu cực thì Mẹ sẵn sàng đối diện với án hình ném đá theo luật của Do Thái giáo thời bấy giờ. Theo chiều kích tích cực thì Mẹ hiến dâng thân xác của Mẹ để Con Thiên Chúa nhập thể thực thi công trình cứu độ.

Lời xin vâng của Mẹ chính là động thái xin dâng trọn vẹn con người của mình để tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ trên dương gian. Với thân xác đón nhận từ Mẹ Maria, Con Thiên Chúa làm người ban lời chân lý, ban lời thứ tha. Với thân xác ấy Người tiếp xúc liên đới với các mảnh đời bất hạnh, gánh lấy hậu quả của tội lỗi con người và nhất là thông ban sự sống thần linh, sự sống trường sinh, hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân trần. Xin tạ ơn Chúa. Xin cám ơn Mẹ.

Là đoàn con cái, mong sao chúng ta biết sống tình con thảo là noi gương Mẹ, trong sự ý thức và tự do, tự nguyện xin dâng những gì mình có và mình là để cho tình yêu cứu độ Thiên Chúa kết trái, đơm hoa. Ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh đã gần kề, bạn và tôi, chúng ta đã sẵn sàng được những gì để xin dâng đây?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Viếng Thăm Hóa Thành Gặp Gỡ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:36 19/12/2021
Viếng Thăm Hóa Thành Gặp Gỡ

Thứ Ba sau chúa Nhật IV Mùa Vọng – 21/12 – Dc 2,8-14; Lc 1,39-45

Một vài chuyện thật đời thường: “Sao cái mặt hôm nay bị xị như “mất sổ gạo” thế?”. “Hôm qua kẻ trộm viếng nhà!”. “A lô, mầy khỏe không?”. “Khỏe cái con khỉ. Phải cách ly đây nè. “Sao thế?”. “Hôm kia F0 ghé thăm nhà”. “Sao cha xứ đến thăm nhà mà mẹ mày có vẻ lo âu thế?”. “Anh nghĩ xem, không lẽ tự dưng không không ngài ghé thăm mình?”.

Chỉ còn ba ngày nữa là đại lễ mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Hôm nay ngày 21/12 Giáo hội cho chúng ta nghe bài Tin mừng tường thuật chuyện Mẹ Maria đi thăm viếng bà chị họ Isave Không như những kiểu viếng thăm mà người được thăm viếng chẳng hề mong hoặ đâm ra phân vân như các chuyện kể ở trên, sự thăm viếng của Mẹ Maria được Giáo hội nhìn nhận là cuộc hội ngộ của những người yêu nhau: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (Dc 2,8).

Tin mừng Luca tường thuật: “Trong những ngày ấy, Maria vội vã lên đường…”. Thánh sử Luca dù có dùng hạn từ vội vả nhưng lại dùng cụm từ “trong những ngày ấy” nghĩa là Mẹ Maria không lên đường ngay sau khi được thiên sứ truyền tin. Chắc chắn có một thời gian ngắn nào đó để chuẩn bị cho cuộc thăm viếng bà chị họ Isave. Chúng ta dễ dàng nhận ra mục đích chính cuộc thăm viếng của Mẹ không phải là để kiểm tra tin của thiên sứ nói về bà chị họ đã thụ thai con trai trong lúc tuổi đã già. Thánh Luca ghi rõ là Mẹ Maria đã ở lại với bà Isave độ ba tháng rồi mới trở về nhà mình (x.Lc 1,56).

Có thể luận suy rằng việc Mẹ Maria ở lại nhà ông bà Giacaria - Isave thời gian khá dài là ba tháng không gì hơn là để phụ giúp, đỡ đần bà chị họ trong thời gian trước khi sinh, trong khi sinh và có lẽ là đến khi con trẻ là Gioan Tẩy Giả đã đầy tháng. Việc sinh con đầu lòng quả là lắm nhiêu khê đối với nhiều bà mẹ. Sự vất vả nhiêu khê này với các bà mẹ trẻ là một thì với các bà mẹ tuổi cao phải là hai, là ba. Chính Mẹ Maria đã chuẩn bị trước để chia sẻ nỗi vất vả này cùa bà chị họ.

Để cuộc viếng thăm hóa thành gặp gỡ thì cần có thiện ý, tâm thành của cả hai phía. Phần phía Mẹ Maria thì đã rõ. Phần nhà Giacaria Tin Mừng miêu tả họ thuộc dòng tộc tư tế Aaron, đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn của Chúa, không ai chê trách được điều gì, nhưng lại không có con, vì Isave là người hiếm muộn và cả hai đã già (x.Lc 1,5-7). Chúng ta đừng quên, luật Do Thái cho phép có thể ly hôn vì những lý do nào đó. Lý do hiếm muộn không thể có con xem ra thật chính đáng. Vậy mà hai ông bà vẫn tín trung với nhau trong nghĩa phu phụ. Dù như bị Thiên Chúa chúc dữ thế mà ông Giacaria vẫn vuông tròn phận vụ hàng tư tế, không bỏ bê bổn phận (x.Lc 1,8-22). Cuộc thăm viếng của Mẹ Maria đã trổ sinh hoa trái ngọt ngào. Bà Isave, dĩ nhiên cả ông Giacaria nữa đều hân hoan vui mừng trong tình nghĩa dòng tộc tự nhiên và trong ân sủng của Thánh Thần. Hài nhi Gioan Tẩy giả trong dạ bà Isave cũng nhảy mừng vui sướng.

Một chiều kích của mầu nhiệm Giáng Sinh là Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người nói riêng và nhân loại nói chung. Tấm lòng của Đấng tự nguyện tự hủy thân phận Thiên Chúa quyền uy khôn ví để mặc lấy thân phận tôi đòi, thực thi công trình cứu độ thì như minh nhiên với Kitô hữu có niềm tin (x.Pl 2,6-11). Tuy nhiên để cho cuộc viếng thăm của Đấng giáng trần sinh hoa, kết trái tốt đẹp, thiển nghĩ rằng phần phía chúng ta dẫu cho chưa được “công chính” như ông bà Giacaria – Isave thì cũng cần phải có chút tấm lòng, chút thành tâm và thiện ý để đáp đền.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:03 19/12/2021

18. Càng kềm chế xác thịt thì linh hồn càng hy vọng và hân hoan về hạnh phúc thiên đàng.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:06 19/12/2021
43. KHÔNG LẠNH MÀ RUN

Hoàng Học Kiền sống hoang phí vô độ, mà lại không hiểu nhân tình thế thái.

Mùa đông, ngày nọ nhìn thấy người ăn mày mặc cái áo mỏng, bèn hỏi những người làm công trong nhà:

- “Thân thể của nó tại sao cứ run rẩy không ngừng vậy?”

Các đầy tớ trả lời:

- “Vì lạnh nên nó mơi run như thế”.

Hoàng Học Kiền lại hỏi:

- “Run rẩy tức là không lạnh phải không?”

Các đầy tớ bụm miệng cười không ra tiếng.

(Minh Tề Tiểu Thức)

Suy tư 43:

Con người ta có khi ít sợ hãi trước bất công, ít run rẫy trước thời tiết, nhưng con người ta thường sợ hãi và run sợ trước một người độc ác vô lương tâm.

Ki-tô hữu cũng là con người, nên khi lạnh thì cũng run và khi sợ hãi cũng run. Lạnh mà run thì họ tìm cách làm cho thân thể ấm, sợ hãi mà run thì họ nương náu vào tình thương của Thiên Chúa, và nhờ đức tin họ không run sợ trước tù đày bắt bớ, vì tình yêu Thiên Chúa họ không run sợ trước những bất công của xã hội.

Nhưng điều quan trọng nhất mà người Ki-tô hữu phải biết và thực hành là: làm sao để được vui mừng hoan hỉ trước tôn nhan Thiên Chúa, chứ không phải run rẫy sợ như một tội nhân trước pháp đình trong ngày phán xét !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Gọi riêng từng người
Lm. Minh Anh
23:29 19/12/2021

GỌI RIÊNG TỪNG NGƯỜI
“Này tôi là tôi tớ Chúa!”.

William Wilberforce, một chính khách, từng nói, “Tôi phải dành nhiều thời gian hơn cho Chúa. Tôi đã sống quá nhiều vì uy tín chính trị. Việc rút ngắn giờ cầu nguyện riêng tư sẽ làm chết đói linh hồn; nó phát triển còm cõi và mờ nhạt”. Sau một thất bại trong Quốc Hội, ông nhìn nhận, vấn đề là do ông ngày càng bủn xỉn thời gian với Chúa, Đấng ‘gọi riêng từng người’; trong đó, lẽ ra, ông có thể tha thiết tìm kiếm ý muốn của Ngài. Và ông kết luận, “Chúa cho phép tôi được vấp ngã!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa cho phép tôi được vấp ngã!”, một kinh nghiệm xót xa trong một trạng thái đầy tri ân trên đây của William Wilberforce thật đáng cho chúng ta suy nghĩ. Bởi lẽ không gì nằm ngoài kế hoạch của Thiên Chúa, kể cả sự thất bại. Đó là một trải nghiệm ‘rất người!’. Và thật thú vị, những chi tiết của mầu nhiệm Truyền Tin qua Lời Chúa hôm nay cũng ‘rất người’. Rõ ràng, Thiên Chúa không kêu gọi hàng loạt, nhưng ‘gọi riêng từng người’, bởi Ngài yêu mỗi người như con trai, con gái duy nhất!

Biến cố truyền tin cho Đức Maria đã xảy ra ở một nơi cụ thể, với một con người cụ thể; cũng như lời hứa về ‘ái nữ tinh tuyền’ này cũng đã xảy ra cụ thể, với một con người cụ thể. Bài đọc Isaia hôm nay cho biết, chính Thiên Chúa đích thân hứa ban Đấng Cứu Độ, cụ thể với một vị vua, Achaz, vào một thời điểm cụ thể, “Chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel”. Đức tin Công Giáo là mối quan hệ cá nhân của mỗi người với Chúa. Có bao giờ tôi cảm thấy điều ngược lại không? Có bao giờ tôi cảm thấy mình chỉ là một con số? Đó không phải là cách Thiên Chúa dự định cho đức tin của tôi. Ơn gọi của tôi là cá nhân! Và quan trọng hơn, tôi có đáp lại theo cách cá nhân như vậy không?

Đã từ lâu, dân Chúa ngóng đợi Đấng Thiên Sai, Maria cũng mong chờ một Đấng Cứu Rỗi; tuy nhiên, có lẽ sẽ không bao giờ Maria nghĩ rằng, mình sẽ có thể là mẹ của Chúa Cứu Thế! Sẽ rất lý thú, nếu chúng ta có thể đặt một câu hỏi tương tự, ‘Vậy thì khi nào Thiên Chúa mới phái một ai đó đến để cứu lấy thế giới ngày nay?’. Kìa, Ngài phái rồi! Trên thực tế, Ngài đã cố làm điều đó ngang qua mỗi người chúng ta! Mỗi người chúng ta đều có thể là một vị thánh; với sức mạnh và ân điển của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều có thể cứu lấy thế giới. Tại sao không? Tương tự như thế, mỗi người chúng ta được mời gọi thực hiện một ơn gọi cao cả và duy nhất, dù tôi có chức thánh, hay là người thánh hiến, hoặc tôi là giáo dân! Thiên Chúa đã kêu gọi tôi cho một sứ mệnh lớn lao, Ngài ‘gọi riêng từng người’, trao cho mỗi người một sứ mệnh. Vấn đề là tôi có nhận ra cuộc sống của tôi có thể tuyệt vời, nếu nó được sống với một tình yêu tuyệt vời và tràn đầy không!

“Này tôi là tôi tớ Chúa!”. Câu trả lời mang lại niềm vui cho cả triều thần thánh trên trời. Ôi! Một cô bé, tuổi 14, 15… nhờ sự cởi mở với kế hoạch của Thiên Chúa, sẽ tạo nên một sự khác biệt cho tiến trình lịch sử, kỷ nguyên cứu độ mở ra! Cũng vậy, chúng ta được mời thưa “Vâng” với Chúa để cũng có thể tạo nên một sự khác biệt khi xây dựng những nền văn minh tình thương dù khá nhỏ bé; mỗi thế hệ, ai cũng đều có thể góp phần xây dựng Vương Quốc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra bao tiềm năng nơi những người trẻ trong cuộc đời mình, tôn trọng họ như những người được Thiên Chúa gọi, đến với những điều cao cả. Và bạn bè của chúng ta nữa; chúng ta cũng hãy nhìn họ theo cách tương tự; tất cả đều được Thiên Chúa ‘gọi riêng từng người!’.

Anh Chị em,

Chúng ta được sinh ra trong gia đình cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể cho một kế hoạch vĩ đại cụ thể của Thiên Chúa. Vì thế, Ngài ‘gọi riêng từng người’, ban cho chúng ta hơi thở, sự sống và tính khí; để với những đặc tính rất riêng ấy, chúng ta hoàn tất chương trình của Ngài. Với ân sủng thiêng liêng, Thiên Chúa ban ơn trợ giúp để chúng ta chu toàn sứ mệnh của mình. Thế nhưng, đừng quên kinh nghiệm của William Wilberforce! Thiên Chúa đang uốn nắn chúng ta ngang qua những đớn đau vấp ngã. Như vậy, vấn đề là chúng ta phải biết uốn mình theo chương trình của Ngài với sự cộng tác hết mình trong ân sủng. Như Adler nói, “Bản chất của con người là kiến trúc sư xây dựng chính cuộc đời của mình!”. Không ai khác thực thi sứ mạng ấy cho tôi. Chính chúng ta phải làm hoàn thành ơn gọi riêng đời mình trong sự khiêm tốn, tin tưởng và phó thác.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin dạy con học biết sự cởi mở của Mẹ, cho con sẵn sàng thưa “Vâng” như Mẹ với tất cả những gì Chúa muốn; và như thế, con cũng đang cứu thế giới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19/12/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
16:23 19/12/2021


Chúa Nhật 19 tháng 12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng, là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng trước Lễ Giáng Sinh. Bài Tin Mừng tường thuật với chúng ta câu chuyện Đức Mẹ đi thăm bà Thánh Isave.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tin Mừng Phụng Vụ hôm nay, Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng, kể về cuộc viếng thăm của Đức Maria với bà Isave (x. Lc 1,39-45). Sau khi nhận được sứ thần Chúa truyền tin, Đức Trinh Nữ không ở nhà, suy nghĩ về những gì đã xảy ra và xem xét các vấn đề và những hiểm nguy trước mặt, là những điều chắc chắn không thiếu: bởi vì, cô gái tội nghiệp không biết phải làm gì với tin này, với nền văn hóa trong thời đại đó… Mẹ không hiểu… Nhưng trái lại, thay vì đắm chìm trong những vấn đề của riêng mình, trước hết Mẹ nghĩ đến một ai đó đang cần; Mẹ nghĩ về ai đó đang gặp khó khăn, Mẹ nghĩ đến Isave, người thân của Mẹ, người đã cao tuổi và đang có một đứa trẻ trong bụng, việc thụ thai này một điều gì đó kỳ lạ và kỳ diệu. Đức Maria lên đường với lòng quảng đại, không để cho mình bị ảnh hưởng bởi những khó chịu của cuộc hành trình, để đáp lại một sự thôi thúc bên trong kêu gọi Mẹ phải gần gũi và giúp đỡ. Một đoạn đường dài, hết cây số này đến cây số khác và không có một chuyến xe nào đi tới đó: Mẹ đi bộ. Mẹ đã ra ngoài để giúp đỡ. Giúp cách nào? Thưa: Bằng cách chia sẻ niềm vui của Mẹ. Mẹ Maria mang đến cho bà Isave niềm vui của Chúa Giêsu, niềm vui mà Mẹ mang trong tâm hồn và trong bụng Mẹ. Mẹ đến với bà ấy và công bố cảm xúc của mình, và lời tuyên bố cảm xúc này sau đó đã trở thành một lời cầu nguyện, là kinh Magnificat, mà tất cả chúng ta đều biết. Và bản văn nói rằng Đức Mẹ “trỗi dậy và ra đi một cách vội vã” (câu 39).

Mẹ đứng dậy và ra đi. Trong đoạn cuối cùng của hành trình Mùa Vọng, chúng ta hãy được hướng dẫn bởi hai động từ này. Trỗi dậy và vội vã ra đi: đây là hai chuyển động mà Mẹ Maria đã thực hiện và Mẹ cũng mời gọi chúng ta thực hiện khi Giáng sinh đến gần. Trước hết là trỗi dậy. Sau lời loan báo của thiên thần, một giai đoạn khó khăn đang hiện ra trước mắt Đức Trinh nữ: việc mang thai ngoài ý muốn khiến Mẹ bị hiểu lầm và có thể bị trừng phạt một cách nghiêm khắc, trong văn hóa thời đó thậm chí Mẹ có thể bị ném đá. Hãy tưởng tượng Mẹ xiết bao băn khoăn và lo lắng! Tuy nhiên, Mẹ không nản lòng, Mẹ không thất vọng: Mẹ đã trỗi dậy. Mẹ không xem thường những vấn đề của mình, mà hướng đến Chúa. Và Mẹ không nghĩ đến việc phải nhờ ai giúp đỡ mà lại nghĩ đến ai đó đang cần đến sự giúp đỡ của mình. Mẹ luôn nghĩ về người khác: đó là tính cách của Đức Maria, luôn nghĩ đến nhu cầu của người khác. Mẹ cũng sẽ làm như vậy sau đó, trong đám cưới ở Cana, khi Mẹ nhận ra rằng chủ nhà không còn rượu nữa. Đó là một vấn đề đối với người khác, nhưng Mẹ nghĩ về điều này và tìm kiếm một giải pháp. Đức Maria luôn nghĩ về người khác. Mẹ cũng nghĩ về chúng ta.

Chúng ta hãy học nơi Đức Mẹ cách phản ứng này: trỗi dậy, nhất là khi những khó khăn đang đe dọa đè bẹp chúng ta. Để trỗi dậy, để không sa lầy vào những vấn đề, không chìm đắm trong sự tủi thân hay rơi vào một nỗi buồn khiến chúng ta tê liệt. Nhưng tại sao phải trỗi dậy? Thưa: Vì Thiên Chúa cao cả và sẵn sàng nâng chúng ta lên nếu chúng ta tìm đến Ngài. Vì vậy, chúng ta hãy loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, những nỗi sợ hãi ngăn cản mọi thôi thúc và cản trở chúng ta tiến lên phía trước. Và sau đó chúng ta hãy làm như Đức Maria đã làm: chúng ta hãy nhìn xung quanh và tìm kiếm ai đó mà chúng ta có thể giúp đỡ! Có người lớn tuổi nào mà tôi biết đang cần giúp đỡ hay cần được đồng hành không? Tất cả mọi người chúng ta hãy nghĩ đến điều đó. Hãy nghĩ đến việc phục vụ cho ai đó, một sự tử tế, một cú điện thoại. Nếu có ai đang cần tôi giúp thì tôi trỗi dậy và tôi giúp người ấy ngay. Bằng cách giúp đỡ người khác, chúng ta tự giúp mình vươn lên từ khó khăn.

Động tác thứ hai là vội vã lên đường. Điều này không có nghĩa là tiến hành một cách kích động, một cách hấp tấp. Không, nó không có nghĩa như thế. Thay vào đó, nó có nghĩa là tiến hành công việc hàng ngày của chúng ta với một bước đi vui vẻ, nhìn về phía trước với sự tự tin, không lê đôi chân của chúng ta, không hành xử như kẻ nô lệ của những lời phàn nàn - những lời phàn nàn này hủy hoại rất nhiều cuộc sống, bởi vì trong khi ta bắt đầu phàn nàn và cứ tiếp tục than thở như thế, thì cuộc sống đang trôi đi. Phàn nàn khiến anh chị em luôn tìm kiếm ai đó để đổ lỗi. Trên đường đến nhà bà Isave, Đức Maria tiến bước nhanh chóng theo cung cách của một người có tâm hồn và sự sống thuộc về Thiên Chúa, tràn đầy niềm vui của Ngài. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình, vì thiện ích của chúng ta: “bước đi” của tôi như thế nào? Tôi là người chủ động hay tôi nán lại trong u uất, trong buồn phiền? Tôi tiến về phía trước với hy vọng hay tôi dừng lại và cảm thấy có lỗi với chính bản thân? Nếu chúng ta tiến bước mệt mỏi vì cằn nhằn và than thở, chúng ta sẽ không mang Chúa đến cho ai cả, chúng ta sẽ chỉ mang lại những điều cay đắng và u sầu. Trái lại, chúng ta cần trau dồi khiếu hài hước lành mạnh, chẳng hạn như Thánh Thomas More hay Thánh Philip Neri, là các vị đã làm rất tốt. Chúng ta cũng có thể cầu xin ân sủng này, ân sủng của một khiếu hài hước lành mạnh: nó mang đến rất nhiều điều tốt đẹp. Chúng ta đừng quên rằng hành động bác ái đầu tiên mà chúng ta có thể làm cho người hàng xóm của mình là mang đến cho người ấy một khuôn mặt thanh thản và tươi cười. Đó là mang lại cho họ niềm vui của Chúa Giêsu, như Mẹ Maria đã làm với bà Isave.

Xin Mẹ Thiên Chúa cầm tay chúng ta, và xin Mẹ giúp chúng ta trỗi dậy và nhanh chóng tiến tới Lễ Giáng Sinh!

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến

Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân Phi Luật Tân bị ảnh hưởng bởi một cơn bão mạnh, đã phá hủy nhiều ngôi nhà. Cầu mong Santo Niño, nghĩa là Chúa Hài Đồng, mang lại niềm an ủi và hy vọng cho những gia đình đang gặp khó khăn nhất; và mong Người truyền cảm hứng giúp đỡ thiết thực cho tất cả chúng ta! Sự giúp đỡ thực sự đầu tiên là lời cầu nguyện.

Tôi xin chào tất cả anh chị em, những người hành hương từ Ý và từ các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào cộng đồng Peru ở Rôma và nhóm dân ca của họ đã tụ họp tại đây để tổ chức lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh “Niño Jesús Andino” của Chopcca, nơi xuất xứ của cảnh Chúa giáng sinh được thiết lập tại Quảng trường này. Cảm ơn anh chị em! Tôi chào Ban nhạc Soriano al Cimino. Tôi muốn nghe họ sau này. Họ chơi tốt, những bản nhạc này! Tôi chào các tín hữu từ Terni, các hướng đạo sinh của Marigliano và những người trẻ của Cingoli, Macerata.

Và tôi cầu chúc cho tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành và một hành trình tốt đẹp trong giai đoạn cuối cùng của Mùa Vọng này để chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng ta có một thời gian mong đợi và cộng tác: hy vọng, hy vọng và cầu nguyện, trong sự đồng hành của Đức Trinh Nữ Maria, người phụ nữ của sự mong đợi. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt. Và bây giờ ban nhạc ơi, anh chị em có thể sẽ chơi bài gì đó thật hay nhé!

Đáp lại lời Đức Thánh Cha, ban nhạc đã chơi bài “Happy Birthday” để chúc mừng sinh nhật 85 của ngài.
Source:Holy See Press Office
 
Truyền thông Ý xuyên tạc một Giám Mục gây ra phản ứng dữ dội về những bình luận của ngài
Đặng Tự Do
16:30 19/12/2021


Grinch là một nhân vật hư cấu do nhà văn Seuss tạo ra như nhân vật chính của cuốn sách thiếu nhi xuất bản năm 1957 “How the Grinch Stole Christmas!”, nghĩa là “Tên Grinch đã đánh cắp Lễ Giáng Sinh như thế nào.”

Grinch được miêu tả là một sinh vật bụng bầu, hình quả lê, mũi hếch với khuôn mặt giống mèo và tính cách hay giễu cợt. Grinch đã dành 53 năm để sống ẩn dật trên một vách đá, nhìn ra làng Who.

Trái ngược với người dân làng Who vui vẻ, Grinch là người cáu gắt và xấu tính. Hắn ta đặc biệt ghét mùa Giáng Sinh, và ghét cay ghét đắng những tiếng ồn khác nhau trong thời gian Giáng Sinh, đặc biệt là tiếng hát mừng Giáng Sinh của dân làng. Không thể chịu đựng thêm một Mùa Giáng Sinh nữa, hắn ta quyết định phá hủy ngày lễ này một lần và mãi mãi.

Được sự trợ giúp của chú chó cưng Max, hắn cải trang thành ông già Noel và đột nhập vào các nhà trong làng Who để ăn cắp mọi thứ và vứt xuống một ngọn núi gần đó. Dù đã thực hiện hành vi trộm cắp thành công, nhưng vào buổi sáng Giáng Sinh, hắn bàng hoàng khi nghe người làng Who vẫn hát hò vui vẻ, hạnh phúc vì đơn giản là họ vẫn còn có nhau.

Từ đó, anh ta nhận ra rằng lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa sâu sắc hơn mà anh ta chưa bao giờ nghĩ đến. Anh ta đã tìm cách ngăn không cho đồ đạc của dân làng Who rơi khỏi mép núi, và khi làm như thế, trái tim của anh ta lớn lên gấp ba lần. Anh ta trả lại tất cả những món mà anh ta đã đánh cắp và vui vẻ tham gia vào lễ Giáng Sinh của người làng Who.

Dù cuối cùng chính Grinch đã tham gia tích cực vào lễ Giáng Sinh, trong văn học Tây Phương từ Grinch thường được dùng để chỉ những kẻ không thích hội hè và tìm cách phá đám. Đặc biệt cụm từ “Grinch của ngày 25 tháng 12” được dùng để chỉ những kẻ không thích Lễ Giáng Sinh.

Trong một diễn biến gây căng thẳng tại Ý, Giáo phận Noto trên đảo Sicily của Ý, đã phải đưa ra một đính chính sau khi các phương tiện truyền thông nói Đức Giám Mục bản quyền là “Tên Grinch mới nhất của ngày 25 tháng 12”, người “từ bục giảng,” đã xóa bỏ “những giấc mơ và điều kỳ diệu trong trái tim của biết bao trẻ thơ.”

Đó là cách truyền thông Ý mô tả Đức Cha Antonio Staglianò sau khi ngài nói với một nhóm trẻ em rằng ông già Noel không tồn tại, gây ra phản ứng dữ dội trong hơn một tuần từ các bậc phụ huynh đến các phương tiện truyền thông quốc tế.

Nhận xét của ngài về ông già Noel, tiếng Ý gọi là “Babbo Natale”, đã được gửi đến các gia đình ở nhà thờ chính tòa Santissimo Salvatore vào ngày 6 tháng 12, ngày lễ của Thánh Nicholas thành Myra, hay ông già Noel.

Sau khi bình luận của Đức Cha Staglianò về nhân vật Giáng Sinh được yêu mến gây ra tranh cãi trên mạng xã hội, phát ngôn viên của giáo phận cho biết vị giám mục không muốn “phá vỡ sự quyến rũ của Giáng Sinh đối với các em nhỏ, nhưng muốn giúp các em suy tư sâu sắc hơn.”

Trong nhiều cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông vào cuối tuần này, vị giám mục nói rằng “ngài không nói với họ rằng ông già Noel không tồn tại, nhưng chúng tôi đã nói về sự cần thiết phải phân biệt điều gì là thật và điều gì không có thật. Vì vậy, tôi đã nêu gương của Thánh Nicholas thành Myra, một vị thánh mang quà đến cho người nghèo”.

Đức Cha Staglianò cho biết ngài đang cố gắng giúp các em phân biệt giữa hình ảnh đích thật của Thánh Nicholas thành Myra, và hình ảnh ông già Noel bị thương mại hóa với mầu đỏ tiêu biểu của Coca-Cola. Ngài hy vọng rằng sự phân biệt này sẽ loại bỏ “văn hóa quà tặng”, làm nền tảng cho thông điệp thực sự về Giáng Sinh: đó là “Hài nhi Giêsu được sinh ra để hiến thân cho toàn thể nhân loại.”

Người quản lý truyền thông của Giáo phận Noto đã viết trong một tuyên bố đăng trên Facebook vào ngày 9 tháng 12 rằng, “thay mặt cho Đức Giám Mục, tôi bày tỏ sự đau buồn vì tuyên bố này đã gây thất vọng cho những trẻ nhỏ.”

“Ý của Đức Cha là mong mỏi rằng từ hình tượng Ông già Noel, có nguồn gốc từ Thánh Giám mục Nicholas, chúng ta có thể rút ra một bài học – cho tất cả mọi người, già hay trẻ - là càng ít quà để cho và tiêu dùng thì càng có nhiều món quà để chia sẻ.”

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Ý phản ứng mạnh mẽ với việc phủ nhận ông già Noel của các giáo sĩ Công Giáo.

Vào năm 2015, một nhóm phụ huynh ăn mặc như yêu tinh đã biểu tình ở quảng trường bên ngoài nhà thờ sau khi một linh mục quản xứ và một giáo lý viên nói với con cái của họ rằng ông già Noel vui tính trong bộ đồ màu đỏ là không có thật.

Các bậc cha mẹ, đến từ thị trấn Antey-Saint-André trên dãy núi Alps của Ý, đã thu thập chữ ký cho một bản kiến nghị yêu cầu Đức Cha giáo phận “đánh giá” hành vi của linh mục.
Source:Catholic News Agency
 
Nhân vật ủng hộ dân chủ Công Giáo Jimmy Lai phải ngồi tù vì dính líu tới lễ tưởng niệm Quảng trường Thiên An Môn ở Hương Cảng
Đặng Tự Do
16:31 19/12/2021


Jimmy Lai, một nhân vật Công Giáo nổi bật trong phong trào ủng hộ dân chủ đang diễn ra ở Hương Cảng, đã bị kết án 13 tháng tù giam vì tham gia vào một buổi cầu nguyện năm 2020 kỷ niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Lai, cùng với các nhà hoạt động Hà Quế Lam (Gwyneth Ho, 何桂藍) và Châu Hạnh Đồng (Chow Hang Tung, 鄒幸彤) đã phải nhận các bản án nặng nề vào ngày 9 tháng 12 vì tội “kích động” và tham gia vào một “cuộc hội họp bất hợp pháp”.

Lai đã viết trong một tuyên bố do luật sư của anh ta đọc: “Cứ để tôi chịu hình phạt này, vì như thế tôi có thể chia sẻ gánh nặng và vinh quang của những người nam nữ trẻ đã đổ máu của họ trong cuộc thảm sát năm 1989 để công bố sự thật, công lý và điều thiện.”

Lai nằm trong nhóm hàng nghìn người bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc đã tham dự một buổi cầu nguyện dưới ánh nến vào giữa năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 32 năm vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn. Lễ cầu nguyện hàng năm để ghi nhớ sự kiện này đã được tổ chức hàng năm ở Hương Cảng cho đến thời điểm đó. Buổi Canh thức hàng năm tại Hương Cảng là một sự kiện lớn, lôi cuốn đông đảo người tham dự. Tuy nhiên, buổi canh thức năm 2020 đã bị hủy bỏ do lo ngại về COVID-19.

Trong cuộc đụng độ năm 1989 giữa những người biểu tình và quân đội Trung Quốc, xe tăng đã lao vào Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh và các lực lượng quân sự đã nổ súng vào sinh viên đại học và những công dân khác kêu gọi cải cách dân chủ. Theo một báo cáo, có tới 10,000 người chết. Thông tin về vụ thảm sát bị dập tắt ở Trung Quốc.

Năm 2021 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp chính quyền cấm tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện này.

Trong phiên tòa của mình, Lai đã lập luận rằng anh ta đã thắp nến trong lễ canh thức với tư cách cá nhân, và không “xúi giục” người khác tham gia cuộc biểu tình trái phép. Lai hiện đang thụ án tù vì tội danh khác trước đó và sẽ đồng thời chấp hành bản án mới nhất của mình.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Gomez không ngần ngại vạch mặt thứ tôn giáo giả của thời đại ta
Vũ Văn An
22:42 19/12/2021

Ai cũng rõ đa số các Giám mục Hoa Kỳ thuộc khuynh hướng bảo thủ, nhưng những vị can đảm như Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, đương kim Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, thì khá hiếm. Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống của Joe Biden, ngài đã không ngần ngại lên tiếng cho ông hay chính sách phò phá thai của ông đi ngược tín lý Công Giáo. Và từ ngày đó, ngài luôn lên tiếng tố cáo các khuynh hướng nhằm triệt tiêu tôn giáo nói chung và Kitô giáo, nhất là Công Giáo, nói riêng. Gần đây nhất ngài đã ngỏ lời với Hội Nghị Người Công Giáo và Đời Sống Công Cộng của Tây Ban Nha, tố cáo các hình thức tôn giáo giả mạo đang xuất hiện trong thời đại ta. Nhận thấy các nhận định của ngài rất thông sáng, nhưng chưa được giới truyền thông Công Giáo lưu ý thỏa đáng, Paul Kengor, giáo sư Khoa học Chính trị tại Cao đẳng Grove City, trên tạp chí Crisis (https://www.crisismagazine.com/2021/archbishop-gomez-reveals-the-pseudo-religions-of-our-time) đã lược trình lại chúng như sau:



Trong thời đại độc hại chia rẽ văn hóa gay gắt này, hiếm có điều gì chia rẽ mọi người một cách cay đắng như Lý thuyết Phê phán Chủng tộc (Critical Race Theory [tắt là CTR]), một điều không có gì phải ngạc nhiên vì CRT là phân chia. Nó phân chia người ta thành các nhóm chống đối nhau, thành các phạm trù người bị áp bức và người áp bức. Nhóm của bạn xác định bạn. Đó là một ý thức hệ rập khuôn và phân biệt dựa trên chủng tộc — trớ trêu thay, lại nhân danh chống phân biệt chủng tộc. Về phương diện này, nó thoáng mùi nhiều ý kiến xấu của Cánh tả chính trị, chẳng hạn như phong trào “khoan dung” nhưng lại bất khoan dung cứng ngắc đối với những người dám không đồng ý, hoặc phong trào “đa dạng” nhưng lại thiếu đa dạng đối với những người có quan điểm khác.

Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB), đã cảnh cáo trong hai tuyên bố tuyệt vời gần đây rằng CRT có thể biến thành một thứ gì đó thậm chí còn nguy hiểm hơn. Đức Tổng Giám Mục Gomez cảnh cáo về “các phong trào công bằng xã hội” đã trở thành “tôn giáo giả”. Thay vào đó, ngài thúc giục “cần phải mạnh dạn công bố Chúa Giêsu Kitô”. Ngoại trừ một bài báo tuyệt vời được đăng trên tờ National Catholic Register của Lauretta Brown, một bài báo đã ca ngợi và ghép nối cả hai tuyên bố một cách sâu sắc, nói chung các nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Gomez đã không thu hút được sự chú ý mà chúng xứng đáng được nhận.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã đưa ra hai phát biểu bổ sung cho nhau. Đầu tiên là một bài diễn văn ảo ngày 4 tháng 11 ngỏ với Đại hội Người Công Giáo và Đời sống Công cộng ở Madrid. Nó xứng đáng được đọc toàn bộ. Bài báo này sẽ trích dẫn một vài đoạn chính ở đây.

Đức Tổng Giám Mục Gomez nêu rõ "một giai cấp lãnh đạo ưu tú" đã xuất hiện, một giai cấp "ít quan tâm đến tôn giáo" hoặc các truyền thống hoặc văn hóa địa phương. Nhóm ưu tú này điều hành các tập đoàn, chính phủ, trường đại học, cơ quan truyền thông và các cơ sở văn hóa và nghề nghiệp khác nhau — những cơ sở mà nhà lý thuyết Mácxít Antonio Gramsci vốn mô tả như băng chuyền văn hóa (Gomez không nêu tên Gramsci). Đối với nhóm này và “thế giới quan ưu tú của họ, không cần đến các hệ thống tín ngưỡng và tôn giáo lỗi thời. Trên thực tế, như họ thấy, tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, chỉ cản trở xã hội mà họ hy vọng sẽ xây dựng”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez lưu ý rằng đây là một diễn trình tục hóa, có nghĩa là “phi hóa Kitô giáo”, một diễn trình mà các vị giáo hoàng của chúng ta đã cảnh cáo nhiều năm nay; "Một nỗ lực có chủ ý ở Châu Âu và Châu Mỹ nhằm xóa bỏ cội nguồn Kitô giáo của xã hội và ngăn chặn bất cứ ảnh hưởng Kitô giáo nào còn sót lại". Đức Tổng Giám Mục Gomez lưu ý rằng ngay cả khán giả Madrid của ngài trong chương trình hội nghị của họ cũng sử dụng các thuật ngữ Mỹ như “nền văn hóa triệt tiêu” và “tính chính xác chính trị”, những nhãn hiệu độc hại được giới tinh hoa tiến bộ xuất khẩu một cách hữu hiệu. Ngài nói: "Và chúng tôi nhận ra rằng những điều bị hủy bỏ và sửa chữa thường là các quan điểm bắt nguồn từ niềm tin Kitô giáo - về sự sống con người và nhân vị, về hôn nhân, gia đình, và nhiều điều nữa".

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã vào sâu hơn trong việc liên kết những thực tại mới và đau đớn này với “các phong trào xã hội và ý thức hệ mới” vốn được “gieo mầm và chuẩn bị trong nhiều năm trong các trường đại học và các tổ chức văn hóa của chúng ta”.

Một trong số đó rõ ràng là lý thuyết chủng tộc phê phán và các nhóm như Black Lives Matter, mà Đức Tổng Giám Mục Gomez không gọi đích danh. Nhưng không phải là không có thiện cảm, ngài đã lưu ý điều này: “Nhưng với sự căng thẳng và sợ hãi do đại dịch và sự cô lập xã hội, và với việc giết một người da đen không vũ trang bởi một cảnh sát da trắng và các cuộc biểu tình diễn ra sau đó ở các thành phố của chúng ta, những phong trào này đã hoàn toàn được tự do hành động trong xã hội của chúng ta”.

Ở đây, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã nói về George Floyd, người mà ngài không ngần ngại lên án tình huống của anh ta như là một thảm kịch cho mọi người, bao gồm cả bản thân anh ta; "Một lời nhắc nhở rõ ràng" rằng bất bình đẳng chủng tộc "vẫn còn ăn sâu trong xã hội của chúng ta". Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh rằng "Chúng ta cần ghi nhớ thực tại bất bình đẳng này". Tuy nhiên, những bất bình đẳng như vậy không có nghĩa là các Kitô hữu nên lao đầu vào các lý thuyết và phong trào thế tục hoặc vô thần để tìm các câu trả lời của họ, đặc biệt là khi khá nhiều phong trào này tìm cách thay thế suy nghĩ và hành động truyền thống của Kitô giáo. Đức Tổng Giám Mục Gomez nói:

Đây là luận án của tôi. Tôi tin rằng cách tốt nhất để Giáo hội hiểu các phong trào công bằng xã hội mới là hiểu họ như các tôn giáo giả mạo, và thậm chí là sự thay thế và đối thủ của các tín ngưỡng Kitô giáo truyền thống.

Với sự tan vỡ thế giới quan Do Thái – Kitô giáo và sự trỗi dậy của chủ nghĩa thế tục, các hệ thống tín ngưỡng chính trị dựa trên công bằng xã hội hoặc bản sắc bản thân đã tới lấp đầy khoảng trống mà niềm tin và thực hành Kitô giáo từng chiếm giữ.

Dù chúng ta gọi những phong trào này là gì - “công bằng xã hội”, “sự tỉnh thức” [wokeness], “chính trị bản sắc”, “tính liên giới” [intersectionality], “ý thức hệ kế thừa” [successor ideology] —họ đều cho mình cung ứng những gì tôn giáo vốn cung ứng. Họ cung ứng cho người ta lời giải thích các sự kiện và điều kiện trên thế giới. Họ cung ứng cảm thức ý nghĩa, mục đích sống và cảm giác thuộc về một cộng đồng.

Thậm chí còn hơn thế nữa, giống như Kitô giáo, các phong trào mới này kể “câu chuyện cứu rỗi” của chính họ.


Kẻo những người phò tỉnh thức ở Cánh tả tôn giáo lên tiếng phẫn nộ, phản đối rằng họ không biết Đức Tổng Giám Mục Gomez đang muốn nói gì (một nhóm Kitô hữu cánh tả đã làm điều đó, nhắm vào ngài với một bản kiến nghị), ngài đã trình bày với họ:

Ngày nay, có một câu chuyện khác ở ngoài kia - một trình thuật "cứu rỗi ” đối thủ mà chúng ta được nghe kể trên các phương tiện truyền thông và trong các định chế của chúng ta bởi các phong trào công bằng xã hội mới. Điều mà chúng ta có thể gọi là câu chuyện “tỉnh thức” diễn ra như thế này:

Chúng ta không thể biết mình từ đâu đến, nhưng chúng ta biết chúng ta có những mối quan tâm chung với những người có cùng màu da hoặc địa vị của chúng ta trong xã hội. Chúng ta cũng đau đớn ý thức được rằng nhóm của chúng ta đang đau khổ và bị xa lánh, không phải do lỗi của chúng ta. Nguyên nhân sự bất hạnh của chúng ta là chúng ta là nạn nhân của áp bức bởi các nhóm khác trong xã hội. Chúng ta được giải phóng và tìm thấy sự cứu chuộc qua cuộc đấu tranh không ngừng chống lại những kẻ áp bức chúng ta, bằng cách tiến hành một cuộc chiến giành quyền lực chính trị và văn hóa nhân danh việc tạo ra một xã hội công bằng.

Một cách rõ ràng, đó là một câu chuyện mạnh mẽ và hấp dẫn đối với hàng triệu người trong xã hội Mỹ và các xã hội khắp phương Tây. Thực thế, nhiều tập đoàn, trường đại học và thậm chí cả các trường công lập hàng đầu của Hoa Kỳ đang tích cực thúc đẩy và giảng dạy viễn kiến này.

Câu chuyện trên thu hút sức mạnh từ tính đơn giản trong cách giải thích của nó— thế giới được phân chia thành những người vô tội và nạn nhân, đồng minh và kẻ thù.


Đức Tổng Giám Mục Gomez chắc chắn thừa nhận rằng “người ta đang bị tổn thương” và có “những nhu cầu và đau khổ thực sự của con người”, bao gồm cả những người “cảm thấy bị kỳ thị…. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này”. Nhưng cách tốt nhất để tìm kiếm sự hòa giải chân chính không phải qua các ý thức hệ thế tục hiện đại này mà là qua trình thuật của Kitô giáo: “Chúng ta chỉ có thể xây dựng một xã hội công bằng trên nền tảng của sự thật về Thiên Chúa và bản chất con người. Điều này vốn là giáo huấn liên tục của Giáo hội chúng ta và các vị Giáo hoàng của Giáo hội trong gần hai thế kỷ nay”. Chúng ta phải “nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi người lân cận của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez trích dẫn Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Fratelli Tutti: trừ khi chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta, thì chúng ta không có lý do gì để đối xử với người khác như anh chị em của mình. "Đó chính là vấn đề ở đây".

Đức Tổng Giám Mục Gomez nói đó chính là vấn đề bởi vì “các lý thuyết và ý thức hệ phê phán ngày nay là vô thần một cách sâu xa”. Chúng phủ nhận linh hồn, tâm linh, chiều kích thiêng liêng và siêu việt của bản chất con người, thay vào đó, chúng giản lược ý nghĩa của con người vào các phẩm tính thể chất như màu da, sắc tộc, khuynh hướng tình dục hoặc quan niệm của chúng ta về phái tính. Giống như chủ nghĩa Mácxít, chúng giản lược yếu tính con người hoàn toàn vào vật chất.

Ở đây, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã khôn khéo dừng lại để chỉ rõ không những ảnh hưởng của chủ nghĩa Mácxít trong các lý thuyết hiện đại này mà còn để nhắc nhở người Công Giáo biết yếu tố Mácxít trong các lý thuyết tương tự mà người Công Giáo mới biết gần đây: “Không nghi ngờ gì khi chúng ta có thể nhận ra trong các phong trào này một số yếu tố của thần học giải phóng, chúng dường như phát sinh từ cùng một viễn kiến văn hóa mácxít ”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã kết luận bằng cách nhấn mạnh những yếu tố không tưởng đầy nguy hiểm của những lý thuyết chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mácxít này:

Và như điểm cuối cùng, tôi xin lưu ý rằng các phong trào này đều có tính không tưởng. chúng dường như thực sự tin rằng chúng ta có thể tạo ra một loại “thiên đường trên trái đất”, một xã hội hoàn toàn công bằng, nhờ các nỗ lực chính trị của chính chúng ta.

Một lần nữa, thưa các bạn, trọng điểm của tôi là: Tôi tin rằng điều quan trọng là Giáo hội phải hiểu và lưu ý các phong trào mới này - không phải về các khía cạnh xã hội hoặc chính trị, mà như những thứ thay thế cho tôn giáo chân chính đầy nguy hiểm.

Khi phủ nhận Thiên Chúa, những phong trào mới này đã làm mất đi sự thật về con người. Điều này giải thích chủ nghĩa cực đoan và cách tiếp cận chính trị hà khắc, không khoan nhượng và không dung tha của họ.


Đó là lý do tại sao họ triệt tiêu một cách tàn nhẫn những người họ không đồng ý với. Chúa Giêsu không triệt tiêu người ta. Kitô giáo không triệt tiêu người ta. Đạo Công Giáo không triệt tiêu người ta. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô mang lại sự tha thứ, lòng thương xót, sự hòa giải. Những niềm tin sai lầm này thì không. Chúng không tha thứ, hoàn toàn thiếu lòng thương xót và đức ái. Họ không tìm cách cứu chuộc “tội nhân” nhưng tiêu diệt họ. Họ không làm những gì Chúa Giêsu từng làm.

Và vì vậy, Đức Tổng Giám Mục Gomez hỏi, phải làm gì? Giáo hội nên phản ứng thế nào trước những phong trào thế tục mới này? Đây là câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục:

Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Chúng ta cần phải công bố Chúa Giêsu Kitô. Một cách mạnh dạn, sáng tạo. Chúng ta cần kể câu chuyện cứu rỗi của mình theo cách mới mẻ. Với lòng bác ái và sự tự tin, không sợ hãi. Đây là sứ mệnh của Giáo hội trong mọi thời đại và mọi thời điểm văn hóa.

Chúng ta không nên bị đe dọa bởi những tôn giáo mới này về công bằng xã hội và bản sắc chính trị. Tin Mừng vẫn là động lực mạnh mẽ nhất cho sự thay đổi xã hội mà thế giới chưa từng thấy. Và Giáo hội vốn "chống kỳ thị chủng tộc" ngay từ đầu. Mọi người đều được bao gồm trong sứ điệp cứu rỗi của Giáo Hội.


Quả Giáo hội vốn thực sự chống kỳ thị chủng tộc ngay từ đầu. Giáo Hội không cần phải rao giảng Ibram Kendi, mà là Chúa Giêsu Kitô. Kengor đã viết trên Crisis hồi tháng 7 năm 2020 về việc Giáo Hội Công Giáo đã lên án chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc như thế nào trong các thông điệp có niên đại ít nhất từ năm 1435, và tất nhiên, trước đó nữa, với chính thông điệp của Chúa Giêsu và các Tông đồ cách đây 2,000 năm. Đức Tổng Giám Mục Gomez nói: “Chúa Giêsu Kitô đã đến để loan báo sáng thế mới, người nam và người nữ mới, được ban cho quyền năng để trở thành con cái Thiên Chúa, được đổi mới theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa của họ…. Đó là ý của Thánh Phaolô khi ngài nói rằng trong Chúa Kitô không có người Do Thái hay người Hy Lạp, nam hay nữ, nô lệ hay tự do”.

Đức Tổng Giám Mục công khai thừa nhận rằng Giáo hội “không phải lúc nào cũng sống đúng theo các nguyên tắc cao đẹp của chúng ta”. Tuy nhiên, “thế giới không cần một tôn giáo thế tục mới để thay thế Kitô giáo. Nó cần các bạn và tôi trở thành những nhân chứng tốt hơn. Kitô hữu tốt hơn. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tha thứ, yêu thương, hy sinh cho người khác, bỏ đi những chất độc tinh thần như oán hận và đố kỵ”. Không giống như những ý thức hệ thế tục gần đây.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám Mục Gomez lưu ý rằng ngài tìm được cảm hứng không những trong thông điệp của Giáo hội định chế, mà cả “cảm hứng của các vị thánh và các nhân vật thánh thiện trong lịch sử của đất nước tôi”. Đức Tổng Giám Mục Gomez đã trưng dẫn một trong những điển hình yêu thích, cựu nô lệ trở thành linh mục, Đấng đáng kinh Augustus Tolton:

Câu truyện của ngài là một câu truyện tuyệt vời và thực sự có tính Hoa Kỳ. Ngài sinh ra trong cảnh nô lệ, cùng mẹ vượt ngục và trở thành người da đen đầu tiên được thụ phong linh mục ở đất nước tôi.

Cha Tolton đã từng nói, “Giáo Hội Công Giáo phản đối một chế độ nô lệ kép - tinh thần và thể xác. Giáo Hội cố gắng giải thoát chúng tôi khỏi cả hai”.


Đức Tổng Giám Mục Gomez nói, nếu chúng ta chọn hoạt động mà không có những nhân vật như Tolton, chúng ta có nguy cơ sa vào một “chủ nghĩa bộ lạc” mới, tức là “một ý tưởng tiền Kitô giáo về loài người như được chia thành các nhóm và phe phái cạnh tranh nhau”.

Đó chính là những điều chúng ta đang phải đối diện với các ý thức hệ hệ và phong trào mới này dựa trên bản sắc mới.

Đó quả là một bài phát biểu mạnh mẽ và đúng lúc của Đức Tổng Giám Mục Gomez.

Đáng chú ý không kém, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã chọn những chủ đề này trong bài phát biểu của mình với các giám mục đồng nghiệp vào ngày 16 tháng 11, khởi động phiên họp mùa thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nhân dịp đó, ngài đã nhắc tới Martin Luther King Jr. và những người khác về “kinh tin kính của Mỹ”, mà ngài đã định nghĩa một cách đúng đắn là “niềm tin được phát biểu trong các văn kiện sáng lập của chúng ta, đó là tất cả mọi người nam nữ đều được tạo dựng bình đẳng và được phú bẩm phẩm giá thánh thiêng, một vận mạng siêu việt".

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã nói tới một bước ngoặt trong lịch sử, một bước ngoặt mà ngài lo sợ có thể trở thành tồi tệ hơn:

Trong phần lớn lịch sử của chúng ta, câu chuyện đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta bắt nguồn từ một thế giới quan trong Kinh thánh và các giá trị của di sản Do thái – Kitô giáo của chúng ta. Đó là câu chuyện về con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa…. Những gì chúng ta thấy xung quanh mình bây giờ là những dấu hiệu cho thấy trình thuật này có thể tan vỡ. Đây là một trong những hệ quả của việc sống trong một xã hội thế tục. Tất cả chúng ta đều cần đến Thiên Chúa để giúp làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa, nên khi chúng ta cố gắng sống mà không có Thiên Chúa, chúng ta có thể trở nên bối rối. Nhiều người hàng xóm của chúng ta đang tìm kiếm.

Và những gì những người hàng xóm đó thường bám vào, tiếp nhận từ bài diễn văn ngày 4 tháng 11 của Đức Tổng Giám Mục Gomez, là các phong trào tôn giáo giả mạo, đặc biệt những người, ngài nói với các giám mục trong diễn văn này, những người lớn lên không có tôn giáo và nghe Lời Chúa lần đầu tiên. Họ đang tìm kiếm và thường tìm ra câu trả lời sai trong các lý thuyết ý thức hệ tàn hại.

Các giám mục của chúng ta thường bị chỉ trích đã không đứng vững trước những ý tưởng và phong trào phá hoại khác nhau. Ở đây, người đứng đầu các giám mục đã chọn dấn thân, và ngài đã làm điều này một cách chu đáo, với lòng cảm thương và giọng nói tiên tri.

Hiển nhiên, tất cả chúng ta phải chống lại sự kỳ thị chủng tộc. Giáo hội đã làm như vậy trong nhiều thế kỷ mà không ủng hộ những ý thức hệ mới độc hại như lý thuyết chủng tộc phê phán, vốn gây chia rẽ hơn là hợp nhất. Giáo Hội đã làm được như vậy trong việc chống lại chủ nghĩa Mácxít kể từ thế kỷ 19, với sự phân tích thấu đáo và lời cảnh cáo mang tính tiên tri từ các vị giáo hoàng từ đức Piô IX, Lêô XIII đến Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI. Người đứng đầu các giám mục Hoa Kỳ đang tiếp tục truyền thống đó một cách thấm thía.
 
Đức Thánh Cha chia sẻ trong giờ triều yết: Giáng sinh mời gọi chúng ta giúp đỡ lẫn nhau và trao cho nhau niềm vui.
Thanh Quảng sdb
23:03 19/12/2021
Đức Thánh Cha chia sẻ trong giờ triều yết: Giáng sinh mời gọi chúng ta giúp đỡ lẫn nhau và trao cho nhau niềm vui.

Trong giờ kinh “Truyền Tin” trưa Chúa Nhật Tuần thứ Tư Mùa Vọng (19/12/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại việc Mẹ Maria “trỗi dậy vội vã ra đi” thăm viếng và giúp đỡ cho người chị họ Elizabeth... Theo cách tương tự, ĐTC nói chúng ta cũng có thể rộng lượng tiếp xúc với người khác và mang lại Chúa Giêsu là niềm vui cho tha nhân, như Đức Maria đã làm với bà Ê-li-sa-bét.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón khác hành hương quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật Thứ Tư của Mùa Vọng, Ngài khuyến khích họ "hãy sửa soạn và mừng Lễ Chúa Giáng Sinh." ĐTC suy niệm về bài Tin Mừng trong ngày kể lại chuyến viếng thăm của Đức Maria đến bà Êlisabét, đang mang thai trong lúc tuổi già để săn xóc và giúp đỡ bà. ĐTC nói theo cách này, Đức Maria đã đem lại cho bà Elizabeth “niềm vui của Chúa Giêsu, niềm vui mà Mẹ đang cưu mang trong lòng”, được biểu tỏ qua bài Magnificat của Mẹ.

Mẹ trỗi dậy và đi vội vàng đi đến bà chị họ

Sau đó, Đức Thánh Cha đã quảng diễn về hai chiều kích của ơn gọi này: "tự phát" và "hành động ngay". Động từ "tự phát" phản ánh cách Mẹ Maria đã chủ động tiến tới mà không sợ những lo lắng xung quanh việc có thai ngoài ý muốn, có thể dẫn tới nguy cơ khiến Mẹ bị hiểu lầm hoặc thậm chí bị ném đá, hoặc cả những khó khăn tương lai làm sao để giảng giải sự kiện mầu nhiệm này! ĐGH nhận xét những thử thách này đã vượt quá sức Mẹ, nhưng Mẹ đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa và mạnh dạn đi thăm người chị họ Elizabeth để đồng hành và giúp đỡ bà.

Tiếp cận với người khác

Đức Thánh Cha nói chúng ta cũng phải cố gắng bước ra khỏi phạm cuộc sống mình bất chấp thử thách, nguy nan, tiêu cực để tìm đến người khác để giúp đỡ họ như Mẹ Maria đã làm. Chúng ta có thể đến thăm một người già cả neo đơn, gọi điện thoại cho ai đó, hoặc thực hiện bất kỳ hành động yêu thương nào... ĐTC lưu ý, Thiên Chúa rất vĩ đại, luôn ở đó để giúp đỡ chúng ta nếu “chúng ta tìm đến Ngài”.

Sống và thể hiện niềm vui

ĐGH nói cụm từ thứ hai, "đi trong sự vội vàng" có nghĩa là sống cuộc sống hàng ngày của chúng ta với niềm vui, "nhìn về phía trước với sự tự tin," bất chấp cám dỗ làm chùn bước chúng ta. Đức Thánh Cha lưu ý Đức Maria đã bước một "bước" của một người "có trái tim và sự sống tràn đầy của Thiên Chúa, tràn đầy niềm vui của Người", và vì vậy chúng ta cũng nên tự hỏi mình xem "sự cất bước" của mình như thế nào, và liệu chúng ta có tiến tới hay không với niềm hy vọng, nghị lực và sự kiên trì. ĐTC chỉ ra rằng nếu chúng ta bị những u sầu trùm phủ, chúng ta sẽ không thể mang Chúa đến cho bất cứ ai. Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người hãy sống tích cực, bất chấp những khó khăn hàng ngày, và thậm chí trau dồi niềm vui hài hước lành mạnh, vì hành động bác ái đầu tiên mà chúng ta có thể làm là "một khuôn mặt thanh thản và tươi vui", để mang lại "niềm vui của Chúa Giêsu như Mẹ Maria đã làm với bà Elizabeth. "

Cuối cùng, ĐTC nguyện xin với Đức Mẹ giúp chúng ta "trỗi dậy và đón mừng lễ Giáng sinh!"
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phải Chăng Ngôi Sao Giáng Sinh Là Một Vinh Quang Shekinah?
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng
09:26 19/12/2021
Phải Chăng Ngôi Sao Giáng Sinh Là Một “Vinh Quang Shekinah”?

Phúc Âm theo thánh Mát-thêu kể rằng:

“Ðức Giêsu đã sinh ra tại Bê-lem xứ Giuđêa, thời vua Hêrôđê, thì này: những đạo sĩ tự phương Ðông đến Giêrusalem hỏi rằng: "Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên trời Ðông và chúng tôi đến bái yết Ngài." Nghe vậy, vua Hêrôđê trở nên hoảng hốt và cả dân thành Yêsusalem cũng vậy. Ông cho triệu tập các thượng tế và ký lục của dân mà hỏi họ cho biết: Ðức Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ thưa: "Tại Bêlem xứ Giuđêa, vì đã được tiên tri chép thế này: "Và ngươi, Bêlem, đất thuộc Giuđa, hẳn ngươi không phải là nhỏ nhất trong hàng bộ lạc Giuđa, vì tự ngươi: sẽ xuất hiện vị thủ lĩnh, Đấng sẽ chăn dắt Israel dân Ta". Bấy giờ Hêrôđê bí mật cho mời các đạo sĩ mà hỏi kỹ về thời gian ngôi sao xuất hiện, rồi sai họ đi Bêlem và bảo: "Các ông hãy đi dò hỏi tường tận về Hài-nhi; và khi đã tìm thấy, thì hãy báo lại cho trẫm, để trẫm cùng đi bái yết Ngài". Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi, và này ngôi sao họ đã thấy bên trời Ðông đi trước họ cho đến khi dừng lại trên nơi có Hài nhi. Thấy ngôi sao, họ rất mừng rỡ, hân hoan. Và vào nhà, họ thấy Hài-nhi cùng Maria mẹ Ngài, và họ phục mình xuống bái yết Ngài; đoạn mở tráp báu họ dâng Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.” (Mát-thêu 2:1-11).

Đã có nhiều cố gắng giải thích, cách khoa học, về ngôi sao Giáng Sinh, có ba tư tưởng sẽ được thảo luận ở đây. Thứ nhất: Một vài học giả cho rằng “ngôi sao” này là một sao chổi, một vật thể có truyền thống đi liền với những điều quan trọng đã xảy ra trong lịch sử, như sự sinh ra của các ông vua. Tuy nhiên, các tài liệu thiên văn về sao chổi đã không ghi nhận có ngôi “sao tua” nào xuất hiện vào khoảng thời gian của Chúa giáng sinh. Sao chổi Halley đã xuất hiện vào năm 11 BC, nhưng mãi đến khoảng giữa các năm 6 BC và 4 BC Chúa Giêsu mới giáng trần. Tính theo sự chính xác của lịch sử, vì đã có sự lầm lẫn về thời gian của sự kiện Chúa giáng trần trong lịch Gregorian, hiện đang được hầu hết nhân loại sử dụng.

Thứ hai: Một số học giả khác lại tin rằng ngôi sao Giáng Sinh là sự hội tụ của các hành tinh trong bầu trời đêm. Vì các hành tinh xoay quanh mặt trời với những khoảng cách và tốc độ khác biệt nên thỉnh thoảng dường như chúng đến gần nhau hơn. Tuy nhiên, sự hội tụ của nhiều hành tinh trông không giống một nguồn ánh sáng như đã được diễn tả trong Kinh Thánh. Hơn nữa, việc hội tụ của các hành tinh đã xảy ra khá thông thường và không có gì đặc biệt. Đã có sự đến gần nhau giữa sao Thổ và sao Mộc (Jupiter and Saturn) vào năm 6 BC, nhưng một hội tụ gần hơn nữa của hai ngôi sao này đã xảy ra vào năm 66 BC, quá xa đối với năm Chúa giáng sinh.

Trong lễ Noel năm 2020, người ta đã nói về cuộc hội tụ của hai sao Thổ và Mộc, và gọi đó là “ngôi sao Giáng Sinh”. Sự hội tụ giữa sai sao này xảy ra cứ khoảng mỗi 20 năm, lần trước đây đã xảy ra vào năm 2000. Tuy nhiên, sự hội tụ này đã không đồng đều, năm 2020, hai sao đã đến gần với nhau nhất kể từ năm 1623.

Thứ ba, có người cho rằng ngôi sao giáng sinh là kết quả của một vụ bùng nổ của một ngôi sao (Supernova). Một số ngôi sao trong vũ trụ đã mất quân bình và phát nổ, điều này tạo nên một vùng ánh sáng lớn. Nhưng các tài liệu thiên văn đã không ghi nhận có cuộc sao bùng nổ nào vào khoảng thời gian sinh nhật của Chúa. Cả ba lời giải thích kể trên về ngôi sao giáng sinh đều không phù hợp với truyện Chúa Cứu Thế giáng trần đã được tiên tri trong sách Dân Số (24:17) hay ghi nhận trong Mát-thêu (2:1-11).

Có hai chi tiết đáng chú ý trong đoạn Phúc Âm theo thánh Mát-thêu: Thánh sử kể rằng chỉ có các Vua (Magi) nhìn thấy ngôi sao mà thôi. Tuy nhiên, nếu có sao chổi, sao hội tụ hay sao bùng nổ thì tất cả mọi người trên trái đất đều có thể nhìn thấy. Kế đến, ngôi sao Giáng Sinh đã đi trước các Magi và trực tiếp dẫn họ từ Đông sang Tây, để vào đất Do Thái. Rồi từ Giêrusalem đến Bêlem (Bethlehem), đó là một quãng đường dài khoảng 10 km, theo trục Bắc-Nam. Nhưng, tất cả những vật thể tự nhiên trong vũ trụ, được nhìn thấy từ trái đất, đều di chuyển từ Đông sang Tây, do ảnh hưởng chiều quay của địa cầu, vậy tại sao ngôi sao Giáng Sinh lại đi từ Bắc xuống Nam? Cũng khó mà tưởng tượng một nguồn sáng tự nhiên lại có thể dẫn con người đến một ngôi nhà đặc biệt nào đó.

Như vậy, người ta chỉ có thể kết luận rằng, sự xuất hiện của ngôi sao Giáng Sinh không thể giải thích bởi khoa học (trong tầm hiểu biết giới hạn của con người). Đó là một nguồn sáng SIÊU NHIÊN VÀ NHẤT THỜI. Dù sao, cuộc giáng trần lần thứ nhất của Chúa Cứu Thế đã là một thời của các phép lạ. Chúa đã thường dùng những nguồn sáng thiêng liêng và đặc biệt để hướng dẫn dân của Ngài, như “vinh quang của Chúa” đã tràn ngập “Nhà Chầu” (Tabernacle) trong sách Xuất Hành (40:34-38), như “vinh quang của Chúa” trong đền thờ (1 Các Vua 8:11). Ánh sáng “lạ” cũng chiếu soi trên thánh Phaolô khiến ngài ngã xuống đất (Tông Đồ Công Vụ 9:3).

Những dấu chỉ hữu hình minh chứng sự hiện diện của Chúa, như đã nói ở trên, được gọi là “Shekinah Glory” (Vinh quang Shekinah) hay “Nơi Chúa ngự”. Nguồn sáng đặc biệt này là một biểu hiện hữu hình của Đấng Thánh Vương trên các tầng trời.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)
 
Sách Viết Về Đức Giáo Hoàng Phanxicô . Pt. Phạm Bá Nha
Phó tế Phạm Bá Nha
19:19 19/12/2021
Sách Viết Về Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Phạm Bá Nha sưu tầm

Có đủ loại tác phẩm được tác giả viết về ĐGH Phanxicô : Tiểu sử, nếp sống, những bài giảng, diễn văn, thông điệp, công du, triều yết, phỏng vấn, các vấn đề nóng bỏng, thời sự…

Trong đó một số sách viết về ĐGH Phanxicô và được giới truyền thông VN chuyển ngữ và phổ biến. Ở đây nhân dịp sinh nhật 85 của ĐGH, chúng tôi xin lược qua một số tác phẩm để tìm hiểu con người đang được ngưỡng mộ khắp nơi. Thiết nghĩ đây cũng là ‘’tỏa mùi chiên’’, dễ gì có trong thời nay. Một di sản to lớn của triều đại Phanxicô cho hậu thế.

1. ĐỨC JORGE MAEIO BERGOLIO, Một Tiểu Sử Trí Thức

Tác giả Massimo Borghesi, nxb Jaca Book. 9.11.2017

Tưởng nhớ Alberto Methol Ferré, tư tưởng gia người Urugay (+ 2009)

Sau đây là nhận xét của Guzman Carriquy, thư ký Ủy Ban Giao Hoàng về châu Mỹ Latinh: Tư tưởng viết trong sách là đào tạo trí thức của Đức Jorge Mario Bergolio, bắt nguồn từ :

- Đức Phanxico xuất thân từ Argentina, tu học, nhập Dòng Tên … Mục vụ chuẩn bị cho cộng đoàn nhỏ hơn là rộng lớn.

- Được chọn thay thế Thánh Phêrô, Đức Phanxicô hành xử với ơn Chúa Thánh Thần.

2. FRANçOIS LE RéFORMAEUT. De Buenos Aires à Rome

(Phanxicô người cải cách, từ Buenos Aires đến Roma)

Tác giả : Sử gia người Anh, Austen Ivereigh, nxb Emmanuel 2017

Sách dày 590 trang. Là tác phẩm trổi vượt hơn tìm hiểu về trí tuệ, văn hóa, thiêng liêng con người tu sỹ của Đức Phanxicô. Tác giả qua tận nơi hỏi tại chỗ viết :

Phần I: Tu sỹ trẻ 21 tuổi, 1958, của Dòng Tên tại Argentina, từ tu sỹ nhanh chóng lần lượt làm giám đốc nhà Tập, 1972, Bề trên Giám Tỉnh, 30 tuổi. Cha đã “cải cách” Dòng Tên tại Argentina, được khen và cũng bị chống đối. Roma vẫn tín nhiệm bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá, rồi kế vị HY Quarracino tại Buenos Aires.

Phần II : Sáng kiến mục vụ chưa ai làm, của :

- Giám Mục mang mùi chiên

- Người sống cho người khác

- Hồng Y

3. KÍNH THƯA Đức Thánh Cha

Hàng ngày có hàng trăm thư, tin nhắn của các em gửi đến ĐGH. Tất cả gom lại, cho vào thư mục, ngay cả những tờ giấy nhỏ ném lên xe Giáo Hoàng, trong lần gặp giáo dân. Các thư lần lượt nhà xuất bản Gallucci ấn hành. Trong tập sách nhỏ đầu tiên gồm 30 lá thư được chọn và hình vẽ của đại diện khắp nơi gửi cho ĐGH Phanxicô. Tiền thu được cho vào qũy từ thiện ‘‘Nhi Đồng của Giáo Hoàng’’. Lần đầu, sách phát hành 3.2016. Có tựa đề ‘’Kính Thưa Đức Thánh Cha’’: Thư Giáo Hoàng trả lời cho trẻ em trên thế giới (Dear Pope Francis: The Pope Answers Letters from Cildren Around the World).

Sách này được ĐC Phêrô Nguyễn Văn Viên Gm Giáo phận Vinh, kiêm Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Giới trẻ và Thiếu Nhi thuộc HĐ GM VN giới thiệu, 21.7.2018.

Đức cha viết : Trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu dành nhiều thời giờ huấn luyện các Môn Đệ, tiếp tục sứ mệnh Người. Giáo huấn Chúa Giêsu luôn mới mẻ. Chẳng hạn: Nếu anh em không trở nên như em nhỏ, thì chẳng được vào nước Trời (Mt 18,3). ĐGH Phanxicô luôn quan tâm đến giới trẻ nhất là thiếu nhi. Cuốn sách này là thể hiện điều đó…

Nội dung sách gồm những câu hỏi và trả lời đơn sơ của các em và ĐGH giúp các em và độc giả cảm nghiệm được sự gặp gỡ mật thiết của nhữn trái tim trẻ thơ với trái tim người cha khả kính. Những trái tim xa nhau về tuổi tác nhưng gần nhau về quan tâm và sứ mệnh quan tâm và sứ mệnh cần thiết, biến đổi trên bình diện cá nhân và cộng đoàn.

Những câu trả lời của ĐGH mở ra cho các em và độc giả viễn ảnh mới, tương lai tốt đẹp hơn. Đòi hỏi luôn trở về, tìm hiểu, biến đổi dưới ánh sáng Chúa Kitô trong lịch sử nhân loại.

Chúc các em thiếu nhi và độc giả luôn bình an

Ngày 15.7. 2018.

Phêrô NGUYỄN VĂN VIÊN

Chủ Tịch UB Mục Vụ Giới Trẻ và Thiếu Nhi

(vietcatholic 21.7.2018)

Xin trích một vài đoạn trong tuyển tập ‘’Thư gửi Giáo Hoàng Phanxicô’’ (Letterine a Papa Fracesco) của mấy em. Các thư này trao nhà Vatican Alessandra Buzzetti do sáng kiến của ông Tom McGrath và sẽ được nxb Gallucci từ từ ấn hành.

- Mauro, 9 tuổi : Con muốn nói với cha về hòa bình, để cha cầu nguyện và cha làm những gì cha có thể làm để tránh chiến tranh.

- Giulia, 10 tuổi: Con không tin ai, chỉ tin cha mẹ con. Con muốn mình luôn dễ thương, tươi cười và mạnh mẽ ngay cả giây phút khó khăn.

- Concetta, 9 tuổi: Giáo Hoàng Phaxicô thân mến, Thay vì viết cho ông già Noel, con viết cho Cha

- Luziza ở Tây Ban Nha: Con muốn nói với cha là con muốn làm maxơ. Con không dám nói cha mẹ con. Con có ý định này năm 10 tuổi…Cha cho con lời khuyên về ơn gọi của con. Con gửi cha 15 euros trường hợp trả lời. Nếu không, thì cha cho người nghèo. (phanxicovn. 17.1.2016)

4. ‘SỨC MẠNH CỦA ƠN GỌi, ĐỜi SỐNG HIẾN DÂNG NGÀY NAY’ (La Force de la Vocation. La Vie Consacrée Aujourd’hui), 120 trang, xuất bản 3.12.2019, bằng 12 thứ tiếng, bản tiếng Việt, do LM Giuse Lê Công Đức dịch, ghi lại cuộc trao đổi, hồi 8.2018, của ĐGH với LM Fernando Prado, CMF, giáo sư Thần Học đại học Salamanca, Tây Ban Nha. ĐGH viết ngay trang đầu : Không say mê Đức Giêsu, không có tương lai cho đời sống thánh hiến. Sách có 3 chương :

- Nhìn về quá khứ để biết ơn

- Sống hiện tại với đam mê

- Hướng về tương lai với hy vọng

Trong tác phẩm, ĐGH kể đã gặp nữ tu 80 tuổi đem đến em bé 3 tuổi, làm việc tại Trung Phi, Sr đến từ Congo, là nữ tu rất quyết đoán, dồi dào năng lực. Mỗi tuần một lần đến bằng xuồng máy để mua thực phẩm. Bên Congo, Sr làm mụ đỡ đẻ, được 3.000 trẻ sơ sinh, trong 60 năm. Bé lên 3 này do mẹ khó sinh, đã chết. Sr nuôi đứa bé và bé gọi sr là mẹ.

ĐGH nói vô số những tu sỹ, linh mục mẫu mực quên mình cho đời tu trì, sống triệt để tiếng gọi của Chúa. Vào nghĩa trang vùng Amazon, mới nhìn thấy đầy các tu sỹ, còn trẻ, bỏ thân xác tại đây vì con chiên. Thật đáng kính phục. Các ngài cần được tuyên thánh. Chúng ta có những vị Thánh kế bên.

Mặt khác, ĐGH cho rằng đời sống thánh hiến không luôn xuôi chèo mát mái trên đường thích nghi đứng đắn với hoàn cảnh mới tron cuộc sống. Như Công Đồng lưu ý. (Vietcatholic News. 1.12. 2019)

5. NÓI VỚI CON TIM (Speaks to Our Hearts)

Nguyên tác là ‘‘Speaks to Our Hearts’’ do nxb Bayard, 13.5.2018, Tiến sỹ Trần Mỹ Duyệt chuyển ngữ, phát hành tại VN. Sách gồm 12 trích đoạn từ bài giảng, huấn từ của ĐGH Phanxico. 12 chủ đề xoay quanh đời sống đức tin.

Nguyên TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đề tựa :

Đức Thánh Cha Phanxico là một ân huệ của Chúa Thánh Thần không chỉ cho Giáo Hội Công Giáo, nhưng cho toàn thế giới. Đó là nhận định của Đức TGM Anh giáo Justin Welby.

Tôi đặc biệt ấn tượng với biện chứng RA-VÀO nơi ĐTC Phanxicô.

Khi ngài đi ra vùng ngoại ô để giúp đỡ người nghèo khổ, tù đày, tỵ nạn vô gia cư, thất nghiệp, bất hạnh bị bỏ rơi, ngài đi vào lòng thế giới.

Khi ngài từ bỏ dinh tông tòa thâm cung kín cổng cao tường, ra ở nhà khách Martha bình dị giữa mọi người, ngài đi vào lòng nhân loại.

Khi ngài từ bỏ những bài diễn văn soạn thảo công phu, uyên bác, để nói những lời đơn sơ mộc mạc, ngài đi vào trái tim con người

Đó là cuộc gặp gỡ giữa con người với con người. Đó là cuộc đối thoại lòng với lòng. Đó là ngôn ngữ của trái tim nói với trái tim.

Thái độ đó, cử chỉ đó, lời nói đó không chỉ thắp lên niềm vui tươi ấm áp của Tin Mừng, mà còn khơi dậy tâm tình cao thượng, quảng đại, dấn thân nơi con người.

Thấy được hiệu quả kỳ diệu đó, The Word among US Press đã trích dẫn và xuất bản những lời nói của ngài trong các dịp đặc biệt. Tiến sỹ Trần Mỹ Duyệt đã dày công chuyển sang Việt ngữ để người VN nghe được tiếng vị chủ chăn nhân hiền

Tôi trân trọng giới thiệu tập sách ‘‘NÓI VỚI CON TIM’’. Tôi tin rằng quyển sách sẽ được mọi người đón nhận, yêu thích. Nhưng tôi còn kỳ vọng quyển sách sẽ khơi lên động lực sống đạo và truyền đạo cho Giáo Hội VN và người VN trên toàn thế giới.

Châu Sơn, ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 2017

Giuse NGÔ QUANG KIỆT

Nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội

6. TIN MỪNG MÁ KỀ MÁ

Sách mỏng, do nhà báo Paola Bergamini thuật lại Cha Stefano Pernet, sáng lập dòng Các Nữ tu bé nhỏ của Đức Mẹ Lên Trời. Sách được ĐGH đề tựa, do nxb Piemme ấn hành, 6.3. 2018. ĐGH nhấn mạnh: Việc loan báo Tin Mừng thực hiện các chứng tá của sự gần gũi và bác ái. Loan báo Tin Mừng khiến chúng ta má kề má, áp má chúng ta lên má những người đau khổ. Cử chỉ rao giảng Chúa Giêsu Kitô tốt hơn bất cứ bài giảng nào. Chúng chạm đến con tim của ngay người ở xa. Sức mạnh duy nhất không thể cưỡng lại sự ngọt ngào Lòng Thương Xót Chúa.

Trong sách có nhiều chuyện từ cuộc sống, viết từ gương mặt, sự cống hiến, cử chỉ bác ái. ĐGH kể kinh nghiệm riêng về hai người : 1) sơ Anna Antonia, ‘’khi tôi chào đời được một ngày, sơ đang ở nhà tập Dòng Đức Mẹ Lên Trời đến nhà bế tôi. Chúng tôi còn giữ liên lạc tới khi sơ qua đời. 2) Một đàn ông, bạn đồng nghiệp của bố ngài, biết được gương mặt mẫu tử của Giáo Hội, đã bảo vệ các nữ tu của Đức Mẹ, sau khi được mẹ Bề Trên chăm sóc.

Tác giả viết về cha Stefano Pernet : Cha sinh tại Pháp sau cách mạng Pháp, khoảng 1800, đã cống hiến đời giúp đỡ các gia đình khu phố xuống cấp tại Paris. Cha để lại di sản cho các Nữ Tu Đức Mẹ Lên Trời trên khắp thế giới. Cha được Thánh GH Gioan Phaolo6 II công nhận là Đấng Đáng Kính, 1983. (Vatican News 5.3.2018)

7. PHANXICÔ, NGƯỜI ARGENTINA (François l’Argentine)

Tác giả : Ký giả Arnaud Bédat, nxb Flammarion, 2014. Sách được tác giả trao tặng ĐGH trên máy bay viếng thăm Georgia và Azerbaidja. Chuyển ngữ : Marta An Nguyễn.

- Người này có thể làm thay đổi cuộc đời bạn. (Greg Burke, Cố vấn Truyền Thông Vatican)

- Điều đẹp nhất nơi Phanxico, vẫn tiếp tục là Jorge (bà Maria Elena Bergoglio, em gái ĐGH)

Tác giả đến Argentina, đi Buenos Aires gặp nhiều người thân quen, đến tận nơi xem, thở không khí trong lành, hòa với bầu khí ngài đã sống, tiếp xúc những người gần, làm việc với ngài suốt thời gian qua. Để họ nói tiếng nói của họ, lắng nghe lời chứng của họ. Đức TGM Jorge Mario Bergolio về Roma, đầu tiên là kính viếng Đức Mẹ tại đề thờ Đức Bà Cả. Bình thản bước vào Mật Nghị Hồng Y…Mỗi lúc càng hồi hộp khi được chọn làm Giáo Hoàng và chọn tên Phanxicô. (vietcatholic 16.12. 2018)

Sách dịch thành 14 chương:

1) Tôi muốn có một GH Châu Mỹ Latinh

2) Nguồn gốc phát sinh một Giáo Hoàng

3) Jorge Mario, Anh tôi

4) Tu sỹ Dòng Tên

5) Ông biết không, tôi điên rồi

6) Định mệnh hay quan phòng

7) Mồ côi Tổng Giám Mục

8) Nhà ảo thuật với những cây kim

9) Người đi rong ở Buenos Aires

10) Với các chiến hữu nhiệt thành của Chúa

11) Chương trình truyền hình Bergoglio

12) Người bạn Do Thái

13) ‘’Bà Phù Thủy’’

14) Chúng ta đã có Giáo Hoàng

8. KHIÊM TỐN CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI THIÊN CHÚA

và GIỮA NHỮNG CĂN BỆNH THAM NHŨNG

Hai cuốn này được ĐGH viết 2006, Vatican phát hành 2013, sau khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng

9. DANH CHÚA LÀ LÒNG THƯƠNG XÓT (The Name of God is Mercy)

Phát hành năm Thánh Lòng Thương Xót. Từ 8.12.2915 đến 20.11.2016. 150 trang. Sách viết theo hỏi-trả lời. Sách đầu tiên trong triều đại Phanxicô

ĐGH viết tác phẩm về LTX phát hành năm Thánh Lòng Thương Xót. Từ 8.12.2915 đến 20.11.2016. 150 trang. Sách mang tên ‘DANH CHÚA LÀ LÒNG THƯƠNG XÓT’ (The Name of God is Mercy). Sách viết theo hỏi-trả lời. Sách đầu tiên trong triều đại Phanxicô :

Qua nói chuyện thoải mái tự nhiên không gò bó, với nhà báo kỳ cựu Andrea Tornielli, ĐGH trình bày:

- ĐGH nhắc lại : ‘’Tôi là ai mà phán xét’’ người khác (2013). Nói về người đồng tính, người ta không nên chỉ xác định do căn dạng tính dục của họ. Giáo Hội không lên án con người nhưng mang lại cuộc gặp gỡ với tình yêu hối cải nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nhân loại đang bị thương trầm trọng. Giáo Hội cần thể hiện lòng nhân từ với người đồng tính, ly dị, tái hôn ngoài Giáo Hội, cấm rước lễ.

- Muốn phê bình người bảo thủ trong Giáo Hội, đang kìm hãm lòng Thương Xót với danh nghĩa giáo điều. Dường như ĐGH gặp phản ứng gay gắt từ những người bảo thủ, lo ngại ngài đang phá hoại giáo huấn truyền thống đạo đức. Mỗi cá nhân vẹn toàn phẩm giá. Không cho là tốt hay xấu. Đừng quên Thiên Chúa yêu thương, chúng ta được sinh ra để đón nhận tình yêu vô biên của Ngài.

- Kêu gọi : Hãy tiếp cận nhiều với những người sống bên lề xã hội, người đau khổ, nạn nhân bất công. Chúng ta cần liên lạc với họ cho họ cảm thấy gần gũi mà không để bị bóp nghẹt và tha hóa.

- Cảnh báo chống lại sự kiêu hãnh, đạo đức giả và tự mãn trong Giáo Hội. Lãnh đạo Giáo Hội coi chừng ‘‘chước cám dỗ’’ cho mình công chính hay hoàn hảo. (vietcatholic 1.12.2016). Sách có chuyền ngữ do cha Dòng Tên Tadeo Nguyễn Văn Yên, nxb Tôn Giáo. VN 2011

Trong tác phẩm của ĐGH xuất bản tại 86 quÓc gia, 12.01. 2016. Trong đó ĐTC cho thấy tầm nhìn cùa ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc phỏng vấn với phóng viên atican Andrea Tormielli. ĐTC kể thởi nhỏ, 17 tuổi, nghĩ về cha Carlos Duarte Ibarra, là cha giải tội đã gặp tại giáo xứ Buenos Aires. Khi xưng tội, tôi cảm thấy Lòng Thương Xót Chúa được chào đón. ĐTC đã dự đám táng ngài, qua đời 1953. Về nhà, ĐTC khóc cả đêm, vì mất đi người giúp cảm nhận lòng thương xót Chúa. Vì thế, ĐTC chọn khẩu hiệu giám møc ‘‘Miserando Atque Eligendo’’. Mô tä tầm nhìn của Thiên Chúa, Đấng trao ban hồng ân và lựa chọn và dẫn theo Ngài, như chọn Matthêu, Chúa Giêsu thấy người thu thuế có lòng thương xót và lựa chọn, dẫn theo Ngài.

10.“HÃY ĐÀNH THỨC THẾ GIỚI’’ (Wake Up The World !) tác giả LM. Samuel H. Canilang, CMF. Nxb ICLA, Phi Luật Tân, 2015. Chuyển ngữ : Nt Maria Vũ Thị Thu Thủy, Dòng MTG Tân Lập.

Sách dịch 10 chương :

1) Năm đời sống thánh hiến

2) Tri ân vì ân huệ của đời sống thánh hiến

3) Niềm vui của đời sống thánh hiến

4) Đánh thức thế giới

5) Đời sống tu trì : Lời ngôn sứ

6) Hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kito

7) Truyền giáo cho và từ những vùng ngoại biên

8) Hiệp thông

9) Đánh giá, hoán cải, nhiệm vụ

10) Đào tạo

Kết luận

11. 33 CHÌA KHÓA CỦA ĐỨC PHANXICÔ

Tác giả Juan Vicente Boo, nhà báo và kinh tế, vừa xuất bản cuốn sách ‘’33 CHÌA KHÓA CỦA ĐỨC PHANXICÔ’’. Theo tác giả, theo ĐGH không phải muốn cải tổ mà hoán cải con tim. Sách in lại 33 bài báo, mô tả triều đại của ĐGH (2017-2019), tác giả viết cho Europa Press, của tòa GM Madrid, Tây Ban Nha. Các bài báo có nội dung :

- Khó khăn lớn nhất của triều đại là lạm dụng tình dục thanh thiếu niên. Con số nhỏ, nhưng Ngài cũng bị chỉ trích.

- Giáo dân vì lợi ích kinh tế và chính trị mà ‘‘bất động của nhiều cấu trúc Giáo Hội’’. Vì thế các mục tử đẩy ‘’xe hơi, hay con tàu’’ không nhúc nhích và di chuyển được.

- Trong 6 năm đầu, ĐGH đã chú trọng tới người nghèo. Dẫn đến bản chất của Giáo Hội. Sẽ có biện pháp hữu hiệu giúp đỡ hơn.

- Có nhiều Giáo Sỹ sống thoải mái mà không lắng nghe giáo dân cho đủ. Các vị từ cao nhìn giáo dân, khi đến. Sẽ có thay đổi, kiểm soát Giám Mục.

- Cần nhiều phụ nữ và giáo dân trong sinh hoạt chung của GH. Việc ‘‘Quốc tế hóa là chậm’’. (phanxico vn/ 2019. 20.8.2019)

12. ĐTC viết Lời Tựa cho cuốn sách mới : MOVIMIENTOS POPULAIRES, do nxb Vatican (LEVI), Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ Latinh chuẩn bị. Nội dung ghi lại các phiên họp thế giới Công Giáo được tổ chức tại Mỹ Châu từ 2014. Với sự tham gia của hàng ngàn đại diện các phong trào quen biết. Nội dung bài viết 3 phần:

- Biến đổi xã hội: Những người sống ngoại vi bên lề xã hội không chỉ đơn thuần mà Giáo Hội tìm đến mà họ còn là mầm mống như hạt cải trổ sinh hoa trái. Họ không thụ động tích cực làm cho tương lai. Các phong trào đang làm cho xã hội thay đổi thâm sâu, hồi sinh nền dân chủ. Không còn chủ nhân ông bóc lột dân nghèo. Một hy vọng cho tương lại.

- Hồi sinh nền dân chủ: Loài người đang phải đối mặt thay đổi mang tính cách thời đại, lo âu, bài ngoại và phân biệt chủng tộc. Các phong trào phổ biến có thể chống lại những xu hướng này và làm hồi sinh nền dân chủ. Chủ nghĩa duy dân tộc nằm sẵn trong nỗ lực và cảm nghiệm của những người họ tôn sùng bản thân

- Quyền lao động của con người : Đây là quyền thiêng liêng cần được bảo vệ cho phù hợp với học thuyết xã hội Công Giáo. ĐGH kêu gọi một chủ nghĩa nhân bản mới cho Kitô hữu, khắc phục những tấm lòng phũ phàng thiếu trắc ẩn, chỉ quan tâm lợi ích thời đại đang sống. (Vietchatholic 19.8.19)

13. ‘L’LECTION du PAPE FRANçOIS’, L’HISTOIRE SECRÈETE DU CONGCLAVE

QUI A CHANGÉ L’HISTOIRE

Nhà báo Gerrard O’Connneil, tùy tại Roma, báo America của Dòng Tên viết trong sách ‘L’Élection du Pape François’, L’Histoire secrète du Conclave qui a changé l’histoire), 2020 (Bầu Chọn Giáo Hoàng, Bí mật mật nghị, ai thay đổi lịch sử). Ghi chép từng ngày, từ 13.3.2013 đến 19.3.2013. Một tháng sau khi ĐGH Benedictô XVI bất ngờ từ nhiệm, 28.2.2013. Cuộc bầu cử diễn ra thế nào? Tác giả ghi lại các cuộc gặp gỡ các vị trong mật viện. Như biên niên. Ra khỏi tầm nhìn của giáo triều. ĐHY Bergoglio là bạn, từng đến nhà tác giả ăn cơm khi có dịp về Roma.

14. ‘LA SOLITUDE DE FRANçOIS’’

Tác giả Marco Politi cuốn ‘La Solitude de François’’ (Sự cô đơn của Đức Phanxico). 2020.

Kể lại các phản ứng của giáo triều làm Giáo Hoàng ‘mất ổn định’ và ‘định hướng’’, không những giáo triều và cả Giáo Hội. Tác giả mô tả sự ‘gẫy đổ’, đánh dấu bởi ‘tê liệt của mặt trận bảo thủ nghiêm ngặt’ và được lực lực lượng truyền thông ủng hộ. Và tác giả ghi nhận : Đứng trước áp lực này ĐGH đi đàng trước không tử bỏ quyết tâm cải cách.

15 ‘‘DANH THIÊN CHÚA LÀ LÒNG THƯƠNG XÓT’’,

Trong tác phẩm mới của ĐGH vùa xuất bản tại 86 quốc gia, 12.01. 2016, mang tên ‘‘Danh Thiên Chúa là Lòng Thương Xót’’, trong đó ĐTC cho thấy tầm nhìn của ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuợc phỏng vấn với phóng viên Vatican Andrea Tormielli. ĐTC kể thời nhõ, 17 tuổi, nghï về cha Carlos Duarte Ibarra, là cha giải tội đã gặp tại giáo xứ Buenos Aires. Khi xưng tội, tôi cảm thấy Lòng Thương Xót Chúa được chào đón. ĐTC đã dự đám táng ngài, qua đời năm 1953. Về nhà, ĐTC khóc cả đêm, vì mất đi người giúp cảm nhận lòng thương xót Chúa. Vì thế ĐTC chọn khẫu hiệu giám møc ‘‘Miserando atque eligendo’’. Mô tả tầm nhìn củûa Thiên Chúa, Đấng trao ban hồng ân và lựa chọn và dẫn theo Ngài, như chọn Matthêu, Chúa Giêsu thấy người thu thuế có lòng thương xót và lựa chọn, dẫn theo Ngài.

15. “È MIA MADRE

ĐGH cắt nghĩa tại sao Ngài yêu mến Đức Mẹ, trong cuốn sách “È Mia Madre” (C’est Ma Mère, Người Là Mẹ Tôi), nxb Citta Nuova 2018, do cha Fr. Alexandre Awi Mello, Thư Ký Thh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Đời Sống, phỏng vấn (17.10. 2018) ĐGH Phanxicô. Sách đề tựa của nhà thần học Carlos Maria Galli. Cha viết theo phỏng vấn, 4 ý tưởng chính, ảnh hưởng tới đời sống thiêng liêng:

- ĐTC nói Lòng sùng kính Đức Mẹ xuất phát từ dân chúng. Tôi tin rằng mọi người dạy Ngài yêu mến Mẹ chúng ta. Khi Ngài thực hiện các chuyến hành hương với tư cách mục tử, tham gia với giới trẻ và khám phá ra rằng chúng ta càng yêu người và cách họ cầu nguyện.

- Linh mục linh hướng gia đình, là cha Enrique Pozzoli, dòng Salêsien, do bà dẫn về hay đến thăm và dạy đọc kinh “Sub Tuum Praesidium” (Chúng con chạy đến sự trợ giúp của Ngài)

- Thấm nhuần sâu sắc là gia đình. Bà nội dạy cầu nguyện, lần chuỗi, thực tế là một phần lịch sử đời Giáo Hoàng. Tình yêu dành cho Đức Mẹ nảy nở tự nhiên trong quan hệ gia đình.

- ĐGH nói câu trả lời cuối : Đức Mẹ là Mẹ duy nhất của tôi, tôi có thể dám khóc với Mẹ tôi.

Cha Alexandre, từ ngày 31. 5. 2017 là Tham Tán Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Đời Sống, rất gần gũi, qua cuốn sách này giúp đi sâu vào cuộc đời Ngài. (Vietcatholic 13.5.2020),

17. “SỨC MẠNH CỦA ƠN GỌI”

ĐGH Phanxicô giải thích về “Đời sống thánh hiến ngày nay” qua tập sách “Sức mạnh của ơn gọi” do trò chuyện với Fernando Prado (Papa Francisco. Una Conversacion con Fernando Prado (2018). ĐGH nói : Không say mê Đức Kitô, không có tương lai cho đời sống thánh hiến. Đời sống thánh hiến khiến người ta suy nghĩ:

-Các vị đã thánh hiến đời sống làm việc không tự phụ, vênh vang ồn ào. Làm việc mà không coi mình là quan trọng. Làm việc mà sống và cầu nguyện,

- Nhiều tu sỹ hoàn toàn bỏ mình, sống tận lực với ơn gọi cách mẫu mực

- Vào các nghĩa trang, thật nhiều ngôi mộ ghi tên những vị thánh hiến ngã gục rất trẻ

- Những người ấy thánh hiến mỗi ngày, họ là các vị “thánh kế bên”

(Lm Lê Công Đức dịch)

18. ‘HiỆP THÔNG và HY VỌNG’

ĐGH đề tựa cuốn sách ‘Hiệp Thông và Hy Vọng’ trong cơn dịch Cavid-19

Ngày 28.7.2020, ĐGH viết tựa cuốn sách ‘Hiệp Thông và Hy Vọng’ trong cơn dịch Cavid-19. Sách do ĐHY Walter Kasper, nguyên chủ tịch Thánh Bộ Cổ Súy Tình Hiệp Nhất Kitô Gíao và LM George Augustin là thành viên Thánh Bộ Cổ súy tình hiệp nhất Kitô gíao, viết. Nxb Vatican LEV in, nguyên bản bằng tiếng Đức. 6. 2920, dịch ra tiếng Ý. Khuyến khích tái khám phá tình đoàn kết giữa cơn đại dịch Coronavirus. Đây là những suy tư thần học của ĐGH và những bài học mà Kitô hữu rút ra từ ngày phát hiện đại dịch Covid 19. Những bài học là :

- Nguồn gốc hạnh phúc. Đại dịch dễ bị tổn thương, nhưng cũng khám phá ra kho tàng đức tin. Nhắc nhở những gì quên

- Kêu gọi giúp định hướng cuộc với Chúa và với tình đoàn kết tha nhân. Nhận ra sự bất công toàn cầu, lắng nghe tiếng than khóc những ai cần đến

- Không tham gia công khai thánh lễ và rước Chúa được. Thì làm sao chuyển tình yêu cho người khác (RV )

19. Cuốn ‘TERRA FUTURA’ (Trái Đất Tương Lai) ghi lại cuộc đối thoại với ông Carlo Petrini, 71 tuổi, ký giả sáng lập tổ chức tên ‘Slow Food’ (Thực Phẩm Chậm), I989 của Fao. Nội dung ủng hộ sinh thái toàn diện, chăm sóc trái đất, bảo tồn thiên nhiên. Sách xuất bản 9.2020.

20. Cuốn ‘LET US DREAM, THE PATH FOR A BETTER FUTURE’ (Chúng Tôi Mơ Ước. Con Đường Dẫn Đến Tương Lai Tốt Đẹp Hơn). Sách dành cho cuộc phỏng vấn của ký giả Công Giáo Austen Ivereigh, 54 tuổi, người Anh. Thông điệp Fratelli Tutti là tiếng nói chính thức và quan trọng múc từ linh đạo thánh Phanxico Assisi. Tình huynh đệ là keo nối các giáo huấn của ĐGH, để: xây dựng hệ thống kinh tế, săn sóc thiên nhiên, giúp đỡ những người ngoài lề xã hội, tầm quan trọng của tôn giáo về bất bạo động. ĐGH tâm sự viết có ba thời đen tối trong đời như khoảnh khắc bị nhiễm covids cá nhân: 1) Năm 21 tuổi bị bệnh tưởng chết vì nhiễm trùng phổi. 2) Thời gian ở Đức năm 1986, mất quân bình vì cô đơn, thiếu hòa hợp. 3) Từ 1990-1992, sống ở Cordoba, Argentina trong Dòng Tên, để thanh luyện tâm linh. ĐTC nói cả ba đã dạy Ngài tôi luyện và xác tín rằng sự đau khổ biến đổi con người nên tốt đẹp hơn, nếu bạn cho phép chúng tôi luyện bạn. Sách xuất bản 1.12. 2020. (ns Diễn Đàn Giáo Dân. số 227, 10. 2020. Tr. 13)

21. ‘NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ ĐÓNG ĐINH’

Ngày 9.7.2019, trước ngày Chống Nạn Buôn Người, ĐGH Phanxicô đã viết tựa cho cuốn sách ‘Những Người Đàn Bà Bị ĐóngĐinh’ (Donne Crocifisse-La vergogna della tratta Raccontata dalla strada) nxb Rubettino: Nhấn mạnh và mời gọi hãy đấu tranh hữu hiệu chống việc khai thác và xỉ nhục những mảnh đời trong trắng. Bất cứ hình thức mại dâm nào cũng là hành vi tội ác, tật xấu ghê tởm lẫn lộn làm thỏa mãn thú tính hành hạ phụ nữ yếu đuối. Sách do cha Aldo Buronaiuto, Giáo xứ Gioan XXIII, viết. Xứ của cha chuyên nâng đỡ các chị em hoàn lương. (RV 9.7.2019. Mai Khôi dịch)

22 ‘TRỜI Ở TRÊN MẶT ĐẤT. YÊU THƯƠNG và PHỤC VỤ ĐỂ BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI’

Ngày 24.11.2020, nhà xuất bản Vatican ấn hành cuốn sách của Đức Thánh Cha, mang tên : ‘Trời ở trên mặt đất. Yêu thương và phục vụ để biến đổi thế giới’ (Il Cielo Sulla Terra). Nội dung gồm những bản văn chưa ấn hành. Mục sư Martin Junge, Tổng Thư Ký Giáo Hội Tin Lành thế giới đề tựa. Các bài ĐTC phát biểu đức tin biến thành bác ái với tha nhân.

23 STRONG IN THE FACE OF TRIBUTION

Cuối 2020, Librairia Editia Vaticana xuất bản sách của DGH Phanxicô tựa đề : Strong in the Face of Tribution (Sức mạnh khi đối mặt với đau khổ), gồm:

- Những lời cầu nguyện trong thời đại dịch Corovirus

- Cách thức mọi người sống Bí Tích

- Các bài chia sẻ trong Thánh Lễ tại Santa Marta và kinh Truyền Tin trong bối cảnh dịch bệnh.

Sách được bộ Truyền Thông sửa, phát hành dưới dạng PDF

24 “PAPAST FRANZIKUS. WAGE ZU TRAUMEN! MIT ZUVERSICHT AUS

DER KRISE

Ngày 27.1.2021, nxb Munchen, Vatican cho xuất bản những bài ĐGH Phanxicô đề ra những ý kiến cụ thể trong đại dịch Covid-19. Thành tác phẩm tựa đề: “Papst Franziskus. Wage zu traumen! Mit Zuversicht aus der Krise (Giáo Hoàng Phanxicô. Hãy dám Ước Mơ, tự tin vượt qua khủng hoảng). Nội dung, có 3 chìa khóa :

-Đối thoại nhiều khi là cơ hội và mâu thuẫn, cần duy trì thẳng thắn. (Fratelli Tutti, tr. 200)

-Điều mơ ước là ‘đoàn kết’ sẽ vượt qua, tạo ra mỗi người có chỗ ngồi trong bàn ăn. (tr.142)

Duy trì tự tin bất chấp nghịch cảnh là động cơ là hy vọng nhìn chân trời xa với thoải mái cá nhân, những bù đắp thu hẹp làm cho cuộc sống đẹp hơn (Tr. 174) Tr.55)

25 ‘CÁC NẾT XẤU và ‘CÁC NHÂN ĐỨC’.

Ngày 2.3.2021, Vatican ấn hành sách mới của ĐGH Phanxicô. Đây là cuốn sách được Lm Marca Pozza, tuyên úy nhà tù ở Bắc Ý, phỏng vấn ĐGH, có tựa đề ‘Các Nết Xấu và ‘Các Nhân Đức’. Những suy tư của ĐGH về 7 nết xấu và 7 nhân đức, đối nghịch nhau: công bình/ bất công; dũng cảm/không kiên định; tiết độ/nóng giận; thận trọng/ ngớ ngẩn; trung tín/ bất trung; hy vọng/thất vọng; bác ái/ghen tuông. Trong sách ĐTC giải thích: có những người nhân đức, có những người xấu tính, nhưng phần lớn là pha trộn giữa nhân đức và tật xấu. (Vtican News 1.3

26 “THIÊN CHÚA LÀ LÒNG THƯƠNG XÓT’’

Ngày 12.3.2021, Vatican xuất bản cuốn “Thiên Chúa là Lòng Thương Xót (The Name of God is Mercy): Cuộc trao đổi giữa ĐGH với phóng viên Vatican Andrea Tornielli, gổm loạt bài về Lòng Thương Xót Chúa

27. “THIÊN CHÚA và THẾ GIỚI SẼ ĐẾN”:

Ngày 15. 3, 2021 nhà sách Vatican xuất bản cuốn sách viết về ĐGH Phanxicô “Thiên Chúa và Thế Giới Sẽ Đến”: Cuộc phỏng vấn của chuyên gia báo chí Vatican, Domenico Agasso, bao gồm các đề tài: Đại dịch, Môi trường, Vũ khí, Lãnh đạo, Phụ nữ và Giới trẻ

28. JORGE MARIO BERGOLIO GÍAO HOÀNG PHANXICO, TĨNH TÂM (Retraite Spirituelle)

Nxb Parole et Silence, Paris, 2016. Loại Bỏ Túi 169 trang. Viết cho cuộc Tĩnh Tâm về Bộ Mặt Lòng Thương Xót Chúa. Gồm 3 phần suy gẫm có 8 bài

29. ‘SỨC KHỎE CỦA CÁC GÍAO HOẢNG’ (La salute dei Papi) nxb Piemme) tác giả Nelson Castro bác sỹ kiêm nhà báo người Argentina. Viết từ Đức Leo XIII đến Đức Phanxicô. Ông đã ra mắt sách tại Roma 28.10. 2021. Trước khi viết sách, ông đã phỏng vấn ĐGH 10. 2017. ĐGH nói với ông : Tôi nên viết về sức khỏe của các Đức GH. Tôi sẽ kể cho ông về chứng bệnh tâm lý của tôi

30. QUARDARE VERSO l’ALTO QUARDARE VERSO l’ALTO

Ngày 9.12.2021, nxb Vatican ấn hành cuốn ‘Quardare verso l’Alto Quardare verso l’Alto’ (Ngước nhìn lên những người khác). Là những bài suy tư về Tin Mừng thánh Luca hàng tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nội dung sách như lời tựa sách, Ngài viết : Suy tư và hành động là yếu tố quan trọng khi đọc Tin Mừng. Tin Mừng nhắc nhở chúng ta, sự khôn ngoan của tâm hồn là yếu tố suy tư và hoạt động bác ái.

31. Hơn 150 ấn phẩm của ĐTC trong 8 năm qua

Ngày 20. 5.2021, tạp chí trực tuyến Vida Nueva (Đời Sống Mới) đã thâu thập lập trường, giáo huấn, thông điệp, diễn văn qua nhiều bút tích và ấn phẩm về nhiều đề tài khác nhau, thành hơn 150 ấn phẩm của ĐTC trong 8 năm qua. Hồi tháng Giêng 2021, ĐGH đề tựa cuốn sách ‘Rime a sorpresa’ của thi sỹ Ý, tên là Luca Milance (GXVN P số 372, Juin 2021)

32. Phim ‘Francesco’ được trình chiếu tại Roma

Ngày 24.5.2021, tại hội trường Phaolô VI, bộ phim ‘Francesco’ do đạo diễn Evgeny Afineeysky và qũi Laudato Si thực hiện, được trình chiếu tại hội trường Phaolô VI, cho người vô gia cư và tỵ nạn xem. Ban tổ chức tặng mỗi người xem một hộp cơm. Sau buổi chiếu, ĐTC Phanxicô đến thăm những người tham dự.(GXVN P số 372, Juin 2021)

(Còn tiếp)

MƯỜI QUYỂN SÁCH ĐƯỢC ĐGH YÊU CHUỘNG

Ban biên tập Aleteia đề nghị 10 quyển sách được ĐGH Phanxicô yêu chuộng. ĐGH là giáo sư văn chương. Năm 2015, ngài tiết lộ với báo Argentina, La Voz del Pueblo, từ 15.7.1990, mình không coi TV, để giờ cho thú vui đọc sách. Nhật báo Ý Corriere della Seerra đăng danh sách các sách được ĐGH thích:

1. Le Maitre de la terre (Thầy của quả đất) của Robert Hugh Benson. Đây là cuốn tiểu thuyết kỳ thú, xuất bản 1907. Trang sách đầy thông tin về ‘’ý thức hệ thực dân’’ và ‘’toàn cầu hóa đồng loạt bá chủ’’. Chuyện kể những bách hại Kitô hữu. Có những đối kháng tâm linh Bài- Kitô và ý thức hệ hiện đại gặp nhau. Tiểu thuyết nói lên suy nghĩ sâu đậm lệch lạc về tư duy và bình an mà không

2. Vous qui êtes ma vie (Bạn là đời sống của tôi) của Ethel Mannin. Tư tưởng viết trong sách diễn tả cuộc trở lại, sự thay đổi hiện sinh dẫn đến Chúa và kết quả cuộc gặp gỡ này không gì khác là niềm vui nội tâm lấp đầy tâm trí.

3. Các sổ tay tầng hầm và Anh Em nhà Karamazov của văn hào Nga Fiodor Dostoievski. ĐGH Phanxicô hay nhắc và trích dẫn trong diễn lời của Văn hào Fiodor Dostoievski.

4. Bài tập Linh Thao của Thánh Ignace. ĐGH Phanxicô là tu sỹ Dòng Tên, nên luôn trung thành với linh đạo và tư tưởng của Thánh Tổ Phụ Ignace.

5. Le Seigneur (Thiên Chúa) của Linh Mục Romano Guardini. Giống như Đức Benedicto XVI, Đức Phanxico mộ mến nhà thần học Romano Guardini và công nhận Lm Romano là tư tưởng gia có nhiều điều nói với chúng ta. Năm 1980, Cha Jorge Bergoglio chọn và viết luận án về nhà thần học Rmano Guardini.

6. Người con hoang đàng trở về của Linh Mục Henri J.M. Nouwen. Sau khi xem bức họa của Rembrandt, Linh Mục Henri Nouwen suy tư về dụ ngôn này : mình là vai trò người con cả : ghen với em vì lòng khoan dung của cha. Tác giả cũng đóng vai trò người cha rộng lượng đón nhận con trở về, không phê phán. Linh Mục tác giả đề cao cả ba nhân vật trong dụ ngôn.

7. Méditation sur l’Église (Suy gẫm về Giáo Hội) của nhà thần học Henri de Lubac. Khi còn là HY Bergoglio, Đức Phanxicô hay nhắc Henri de Lubac là người ảnh hưởng lớn đối với ngài. Có dịp hai người chung chủ đề thảo luận phê bình trào lưu: ‘’Thói thời thượng thiêng liêng’’. Henri de Lubac nói, nó là mối nguy hại tệ hại lan rộng trong giáo dân.

8. Ký ức của Thánh linh mục Dòng Tên, Pierre Favre (hay Faber, Ý, 1505-1546). Năm 2013, dịp phong thánh cho linh mục này, ĐGH tuyên bố mình và kêu gọi ngưỡng mộ tinh thần đối thoại của vị thánh mới. Ký ức ghi lại tiến trình nội tâm của Thánh Pierre Favre, 1542-1543.

9. L’autre, le même (Người kia, cùng một người) tuyển tập thơ của văn hào Jorge Luis Borges. Khi dạy văn chương bên Argentina, Đức Phanxico đã mời thi sỹ Luis, lúc 66 tuổi đến lớp ngâm thơ ‘tuổi trẻ quên mình cho người khác’’.

10. Les fiancés (Các người đính hôn) của Alessandro Manzoni do nxb Piemme. Tiểu thuyết lịch sử bán chạy nhất ở Ý. Chính ĐGH đã đọc 3 lần nếu có sẵn trên bàn, Ngài sẽ đọc lần nữa. Bài học cho độc gỉa trai gái : Chỉ có tình yêu trong Chúa mới bất tận và ý nghĩa. (vietcatholic 4.5.2018)

 
Văn Hóa
Ngôi Sao Lạ, Một Thoáng Bắt Gặp Trong Nền Văn Chương Công Giáo.
Nguyễn Đức Cung
19:25 19/12/2021
Ngôi Sao Lạ, Một Thoáng Bắt Gặp Trong Nền Văn Chương Công Giáo

“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Vidimus stellam ejus in oriente et venimus adorare Eum” Mát-thêu 2: 1-2).

Khi định nghĩa về văn chương, học giả Phan Kế Bính đã cho biết : “văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng”, vậy thì thiên văn 天 文 sau những danh từ kép như thiên nhiên, thiên tượng, thiên thể, thiên quốc, thiên mệnh v.v… sẽ phải được định nghĩa như là vẻ đẹp của trời đất, mà đẹp nhất trong mùa giáng sinh đối với người Kitô Hữu đó là hiện tượng ngôi sao lạ được Thánh sử Mát-thêu nói tới trong sách Tin Mừng của ngài.

Ngôi sao lạ là một hiện tượng phổ biến trong nền văn chương Ki-Tô Giáo nhất là từ khi Thánh Phanxicô Khó Khăn có sáng kiến làm hang đá vào dịp Lễ Giáng Sinh từ thế kỷ XII và sau đó lan tràn khắp thế giới.

Tại Giáo Phận Huế có Linh Mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978) là người có nhiều tài năng, nhất là làm thơ. Trong tập thơ Sảng Đình Thi Tập của Ngài có bài thi “Ngôi sao lạ” nhưng cũng hát được theo điệu Đăng đàn cung vốn là phần nhạc khi cử quốc thiều của Triều Nguyễn (Thanh Tịnh xb, California, USA, 2001, trang 112-114).

Trong cuốn ĐỨC GIÊ-SU, CUỘC ĐỜI VÀ THỜI ĐẠI, viết bằng tiếng Anh (Jesus and His times) của sáu tác giả người Mỹ, Charles Bricker, Lionel Casson, Charles Flowers, Wendy Murphy, Bryce Walker, Bernard Weisberger do Nguyễn Ước dịch, có viết rằng: “Khi Đức Giê-su ra đời, chúng ta được kể về Các Nhà Chiêm Tinh – (còn gọi là nhà thông thái, đạo sĩ, hoặc theo truyền khẩu, ‘các vua’) – “từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: ‘Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt. 2:1-2) Mát-thêu không diễn tả đầy đủ ngôi sao mà Các Nhà Chiêm Tinh đi theo, ngoài việc mô tả nó là một hiện tượng lạ lùng. Nó là ngôi sao chuyển động thẳng phía trước Các Nhà Chiêm Tinh và dừng lại ngay trên ngôi nhà Đức Giê-su ở. Những nhà khảo cứu bằng chứng lịch sử thấy chẳng có gì ăn khớp. Không có chỉ dấu nào về một ngôi sao chỗi lớn xuất hiện cách tự nhiên vào thời Đức Giê-su ra đời, dù người ta có thể thấy sao chỗi nổi tiếng Ha-lây vào năm 12 trước C.N. Nhiều sao chỗi xuất hiện suốt lịch sử theo chu kỳ đều đặn đáng tin nhưng hiếm khi xảy ra chuyện chúng có vẻ báo điềm lạ hoặc điềm xấu.” (Nhà xb. Văn hóa Thông tin, 2003, trang 45). Đọc tiếp đoạn dưới, các tác giả này viết tiếp: “Một số người suy đoán Mát-thêu, vốn không phải chiêm tinh gia, đã có thể dễ dãi diễn tả hiện tượng đặc biệt đó cách giản dị là “một ngôi sao”. (trang 46).

Quả thật, các tác giả người Mỹ trên đây đã hời hợt không biết Mát-thêu đưa ra tín hiệu nào về “một ngôi sao”, nhưng các nhà chú giải Kinh Thánh của Công Giáo, Chính Thống Giáo hay Tin Lành chắc chắn là phải biết ý nghĩa của ba chữ “một ngôi sao” là muốn nói điều gì.

Trong sách The Catholic Study Bible, các nhà chú giải Kinh Thánh đã viết: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của ngài: đây là một niềm tin cũ mang tính phổ quát là một ngôi sao mới đã xuất hiện vào thời có một đấng thống trị sinh ra. Mát-thêu cũng trích dẫn câu chuyện của Balaam trong Cựu Ước, người đã nói tiên tri rằng “một ngôi sao sẽ xuất hiện từ Gia-cóp” (Dân số, 24, 17), mặc dầu ở đó ngôi sao không có nghĩa là một hiện tượng thiên văn mà chỉ một ông vua.” (Oxford University, 2006,trang 1254).

Trong cuốn The Orthodox Study Bible, các học giả Kinh Thánh đã viết về “ngôi sao lạ” như sau: “Ngôi sao nói lên ý nghĩa quan trọng khác thường của việc hạ sinh Chúa Cứu Thế Hài Nhi. Trong thời cổ đại ngôi sao tượng trưng cho một vị thần, một quân vương được thần hóa (Dân số 24:17). Ngôi sao này là dấu hiệu của chính Đấng Messia, có nghĩa là ánh sáng Người sẽ soi chiếu trên thế gian.” (Nhà xb. Thomas Nelson Publishers, Nashville, Tennessee, 1993, trang 6).

Balaam là một tiên tri ngoại giáo mà cũng nói trước về sự sinh hạ của Đấng Cứu Chuộc qua “ngôi sao lạ”, thì việc ba nhà chiêm, đạo sĩ hay ba vua ở phương Đông nhờ ánh sao chỉ đường mà có thể tìm tới thờ lạy Hài Nhi Giê-su quả là một biến cố mang ý nghĩa trọng đại.

Theo từ nguyên, Magi là tiếng Hy lạp có nghĩa là các nhà thông thái, các đạo sĩ hay ba vua theo truyền thống của Hòa Lan, Đức và kể cả Việt Nam. Tại các quốc gia Âu châu lễ ba vua được tổ chức rất lớn. Các nhà thông thái này là những người có thể xuất phát từ Ba Tư, Babylon hay Ả-rập đến bái lạy trẻ Giê-su là Đấng Thiên Sai. Tiếng Hy lạp dùng trong Mát-thêu chỉ các nhà thông thái được dịch ra tiếng Anh là các nhà chiêm tinh. Dõi theo một ngôi sao, họ từ phương Đông tìm đến Bethlehem với các lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược. Tại sao họ đến từ phương Đông? Đọc trong Cựu Ước chúng ta thấy Abraham là tổ phụ dân Do Thái, được Thiên Chúa gọi từ miền Ur tức phía đông đất nước Do Thái hiện nay, rồi đi tới một miền đất mới. Khi tổ phụ Abraham ra đi khoảng thế kỷ 18 trước C.N, bà con của ông còn lại ở vùng Ur rất nhiều cho nên các nhà chiêm tinh có thể là hậu duệ của Abraham trong nhiều sắc dân ở phương Đông. Tổ phụ Abraham từ Ur tiến lên phía bắc dọc theo sông Euphrates qua Larsa, Erech hoặc Nippur tới Babylon lên Sippar… rồi hướng về phía tây đi tới đất Canaan. Một vài câu chuyện truyền thống cũ đã nối kết các nhà chiêm tinh này với Zoroaster và truyền thống này còn tồn tại khi khoảng năm 614 quân đội xâm lăng Ba Tư chừa lại Thánh đường Giáng sinh của Giáo đoàn Thánh Justinian mà không triệt phá vì ở đó có một thánh tích là trang phục Ba Tư của một trong ba nhà chiêm tinh được cất giữ ở đó. Nhà thần học Tertullian của thế kỷ thứ hai nhắc nhở các nhà chiêm tinh như là những vị vua và đến thế kỷ thứ sáu thì truyền thống này được phổ biến rộng rãi. Nhà thần học Origen trong thế kỷ thứ ba cho rằng các vị vua đó là những nhà thông thái, cho đến thế kỷ thứ sáu họ được gắn cho các tên là Caspar, Melchior, và Balthasar. Trong thời Trung Cổ, các nhà chiêm tinh này được coi như là các vị thánh và các thánh tích của họ được Frederick Barbarossa đưa về Giáo đường Cologne năm 1162 (Theo Who’s Who In The Bible của Joan Comay và Ronald Brownrigg, 1971, trang 262).

Ý nghĩa của ba lễ vật vàng (gold), nhũ hương (frankincense) và mộc dược (myrrh) được các nhà chiêm tinh dâng lên Chúa Hài Nhi mang nhiều yếu tố cao cả đặc biệt: vàng, tượng trưng cho uy quyền của vị quân vương, nhũ hương chỉ sự thánh thiêng thơm ngát chốn cung điện và mộc dược tượng trưng phẩm liệu ướp xác người quyền quý khi họ mất. Nhưng đây là những lời tôi giải thích theo một số kiến thức đọc được trong sách vở trước đây. Một lối giải thích khác có chỗ hay hơn và thấm nhuần mùi đạo vị hơn sẽ được gặp thấy ở sau.

Trong một bộ sách của Maria Valtorta nhan đề tiếng Ý là Il Poema Dell’ Uomo-Dio, bản tiếng Anh đề là The Poem Of The Man-God, và bản tiếng Pháp có tên L’Évangile tel qu’il m’a été révélé, Linh mục Nguyễn Phương (1921-1997) trong thời gian ở tại nhà hưu dưỡng Dòng Đồng Công (Missouri) dịch bộ sách đồ sộ này ra tiếng Việt có tên Người Thần Truyện Thánh, và Nt. Phạm Thị Hùng, CMR cũng có dịch ra tiếng Việt dựa trên bản tiếng Pháp và đã được in ở Việt Nam năm 2007 với cái tên Tin Mừng như đã mặc khải cho tôi (in năm 2008).

Trước hết xin lưu ý quý độc giả rằng bộ sách Người Thần Truyện Thánh của Maria Valtorta mà Linh mục Nguyễn Phương dịch là Maria Vân Tước Tử được viết do chính Chúa Giê-su, Mẹ Maria và một thiên thần đọc cho Chị ấy viết, cho nên những đoạn chúng tôi trích dẫn dưới đây rút ra từ bộ sách đã được mặc khải, đã đưa Maria Valtorta trở thành một nhà nhiệm khải nổi danh khắp nơi. Sau đây là một vài nét sơ lược về tiểu sử của Chị.

Maria Valtorta (1897-1973) là một nhà mạc khải tư có tiếng trên thế giới trong thế kỷ 20. Chị sinh ngày 14-3-1897 tại Caserta, nước Ý, chỗ thân phụ là một đội trưởng kị binh đang phục vụ, và mất ngày 12-10-1961. Học lực của Valtorta bình thường, từ 1917 đến mùa hè 1920 làm nữ y tá trong các bệnh viện. Năm 1929 gia nhập phong trào Công Giáo tiến hành. Ngày 01 tháng 7 năm 1930, Valtorta dâng mình làm nạn nhân cho phép công thẳng Chúa và được Chúa nhậm lời nên chị bị đau đớn triền miên. Từ năm 1934 đến 1961 chị bị liệt giường cho đến khi chết. “Từ năm 1943 đến 1951, Maria Valtorta đã viết tay hơn 15,000 trang giấy (120 tập vở). Chị ta viết một mách (không chuẩn bị, không phác thảo, không hề sửa chữa, và cũng không đọc lại xem mình đã viết gì. Tác phẩm của chị ta gồm những bức tranh mô tả cảnh vật (tả như Chị ta thấy và nghe được) và những bản văn viết theo lối viết chính tả (theo lời đọc của Chúa Giê-su, Đức Trinh-nữ, và một vị thiên thần). Thể văn trong các chỗ mô tả và các bài chính tả khác nhau một cách rõ rệt. Tại đây chúng ta chứng kiến được sự kiện này, là kết quả, tức là tác phẩm, dường như vượt quá khả năng của nguyên nhân, tức là Maria Vân-tước-tử” (Gabriel M. Roschini, La Vierge Marie dans l’oeuvre de Maria Valtorta, Linh mục Nguyễn Phương dịch Đức Trinh-Nữ trong di bút của Maria Vân-tước-tử, bản dịch tiếng Việt của Vân-Tước Thư-Xá, 1994, trang 6). Đây là một bộ sách đồ sộ về lượng cũng như về phẩm, và trước khi chưa được phổ biến, các vị có liên hệ đến bộ sách như Cha Andrea M. Cecchin, Tu-viện Trưởng Dòng Phụ tá Đức Mẹ, Corrado Berti và Romualdo M. Megliorini, thần học gia, trong buổi hội kiến riêng ngày 26 tháng 2, 1948, đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII khuyến khích: “ Hãy xuất bản sách này ra, đã viết làm sao in ra làm vậy. Ai đọc vào sẽ hiểu”. Ngày nay bộ sách của Maria Valtorta được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Sau đây chúng tôi sẽ sử dụng bản in của Nữ tu Phạm Thị Hùng vì đã được in dựa trên bản tiếng Pháp để nói về các sự kiện liên quan đến “ngôi sao lạ”, “ba vị đạo sĩ”, cùng các “lễ vật” đã được đề cập ở trên.

“Tôi thấy gia tăng ánh sáng ban đêm chiếu xuống từ bầu trời đầy sao lấp lánh và rất đẹp ở phía đông. Ánh sáng rất mạnh và rất lớn đến nỗi nó như ở rất gần, giống như những bông hoa trên bầu trời bằng nhung mà người ta có thể đến rờ vào nó. Tôi ngước mắt lên để tìm cái nguồn làm gia tăng ánh sáng này. Tôi thấy một ngôi sao lớn khác thường, giống như một vầng trăng nhỏ, đang tiến đi trên bầu trời của Bétlem. Những ngôi sao khác như mờ đi để nhường lối cho nó, giống như những kẻ theo hầu một bà hoàng, vì ánh sáng của nó trổi vượt, tựa như làm chúng biến mất. Từ quả cầu giống như một viên lam ngọc khổng lồ, được soi sáng ở trong ruột bởi một mặt trời, phát ra những luồng sáng, trong đó trổi vượt là ánh sáng lam ngọc, hòa tan với mầu vàng của hoàng ngọc, mầu xanh của bích ngọc, mầu sáng của miêu ngọc, ánh đỏ máu của hồng ngọc, và các lấp lánh êm dịu của tử ngọc. Tất cả các đá quí của trái đất đều ở trong giải sáng đang di chuyển mau lẹ trên trời, dợn sóng giống như nó sống động. Nhưng mầu sắc trội hơn cả là mầu lam ngọc lạt và sáng của Thiên Đàng. Trông như nó mưa xuống từ trái cầu của vì sao, nó chiếu xuống và phủ mầu xanh biếc cho các nhà cửa, đường phố, đất đai Bétlem, cái nôi của Vị Cứu Tinh.” (Maria Valtorta, Tin Mừng như đã mặc khải cho tôi, Nt. Phạm Thị Hùng dịch, Quyển thứ nhất, Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, trang 246).

Tiếp đây là chân dung và phong thái của các nhà chiêm tinh chuẩn bị trước khi bước vào kính bái Chúa Hài Nhi, theo lời tường thuật của Maria Valtorta (viết theo lời đọc của Chúa Giê-su) mà trong bản dịch này dịch giả viết là nhà đạo sĩ:

“Trong khi các đầy tớ tiến lại chỗ dành cho các đoàn du mục và các con vật, ba Đại Nhân Vật xuống khỏi các con vật dành riêng của họ mà một người đầy tớ dắt tới một nơi khác, họ đi bộ về phía căn nhà. Ở đó, họ quỳ gối, trán chạm đất và hôn cát bụi. Đó la ba nhân vật quyền thế, theo như y phục của họ chỉ cho biết. Một người nước da rất sậm, vừa xuống khỏi con lạc đà, ông liền bao phủ toàn thân trong một chiếc áo lụa trắng tuyệt vời. Trên trán ông có một vòng đai bằng kim quí. Ở thắt lưng ông là chiếc giây lưng đắt tiền, ở đó có dắt một con dao hay cái kiếm mà bao có trang trí các hạt ngọc. Hai người kia cũng xuống khỏi con ngựa tuyệt trần. Một ông mặc vải sọc rất đẹp mà mầu vàng nổi bật. Y phục này được làm giống như một loại áo dài, có một chiếc nón và một sợi giây, hình như tất cả là một mảnh liền bằng sợi vàng, vì nó trang trí bằng các đường thêu chỉ vàng. Người thứ ba mặc một chiếc áo lụa thùng thình, để ló ra chiếc quần rộng và dài túm lại ở cổ chân. Ông khoác một chiếc khăn rất mỏng, giống như một mảnh vườn đầy hoa, vì nó được trang trí toàn bộ bằng những mầu sắc rất tươi. Trên đầu ông cuốn khăn, được giữ bằng một sợi giây xích bằng miêu ngọc và kim cương.

Sau khi đã tôn kính căn nhà, nơi Vị Cứu Tinh cư ngụ, họ đứng dậy và đi tới nhà dành cho đoàn du mục, nơi các đầy tớ đã gõ cửa để xin mở.

(Thị kiến dừng lại ở đây, rồi sau ba tiếng đồng hồ, lại tiếp tục với cảnh các nhà đạo sĩ thờ lạy Chúa Giêsu).

Đây là lúc ban ngày. Mặt trời rực rỡ trên trời vào lúc sau trưa. Một người đầy tớ của các Đạo Sĩ băng qua công trường và đi lên chiếc cầu thang nhỏ của căn nhà nhỏ. Anh ta vào. Anh ta ra. Anh ta trở về quán trọ.

Ba nhà Đạo Sĩ ra, mỗi người có người đầy tớ riêng theo sau. Họ băng qua công trường. Số người ít oi qua lại quay mặt nhìn các nhân vật oai vệ đi qua rất từ từ và trang trọng. Từ lúc người đầy tớ vào tới lúc ba nhà Đạo Sĩ vào, có khoảng thời gian độ một khắc đồng hồ. Điều đó cho phép các người trong nhà chuẩn bị đón khách.

Những người này bây giờ ăn vận còn sang trọng hơn là đêm hôm trước: Lụa là rực rỡ, vàng ngọc sáng chói. Một chòm lông đắt giá lốm đốm những vảy quí lấp lánh trên đầu của ông có quấn khăn. Một trong những người đầy tớ mang một chiếc rương có cẩn khắp chung quanh, mà các đồ trang điểm bằng kim loại đều là vàng cẩn. Người thứ hai mang một chiếc cúp được làm cách rất tinh tế, được đậy bằng một cái nắp hoàn toàn bằng vàng chạm trổ. Người thứ ba mang một thứ bình rộng và thấp, cũng bằng vàng, có nắp đậy hình kim tự tháp mà ở trên đỉnh có một viên kim cương. Những vật này hẳn là nặng, vì các người đầy tớ mang cách khó lòng, nhất là người mang chiếc rương. Ba người lên cầu thang và vào. Họ vào trong một phòng mà từ ngoài đường, người ta phải đi ra lối sau nhà để vào. Người ta nhận thấy mảnh vườn nhỏ qua chiếc cửa sổ mở ra phía sau cho mặt trời. Các người chủ nhà đang đứng đó để nhìn: Một người đàn ông, một người đàn bà, và ba hay bốn đứa trẻ trong khoảng giữa tuổi của hai người trên.

Maria ngồi ôm con trong lòng, Giuse đứng bên cạnh. Nhưng cô đứng dậy ngay và cúi mình khi thấy ba nhà Đạo Sĩ vào. Cô mặc toàn trắng. Cô rất đẹp trong y phục trắng đơn giản, bao phủ từ cổ tới bàn chân, từ vai tới cổ tay tinh tế. Rất đẹp với đầu tóc quấn các bím vàng vòng quanh như triều thiên, với khuôn mặt mà sự cảm động phủ cho một lớp mầu hồng rõ hơn, với đôi mắt mỉm cười dịu dàng, với chiếc miệng mở ra để nói: “Thiên Chúa ở với các ngài”. Ba nhà Đạo Sĩ ngây ra một lát, rồi họ tiến lên, họ quì phục dưới chân cô và xin cô ngồi.

Họ thì không, họ không ngồi, dù Maria mời. Họ vẫn quì gối và ngồi trên gót chân. Ba người đầy tớ ở đàng sau và cũng quì gối. Tất cả họ đều ở ngay sau cửa. Họ để ba vật mà họ mang theo ở trước mặt và họ chờ.

Ba nhà Đạo Sĩ nhìn ngắm chú bé. Tôi thấy chú có vẻ độ từ chín tháng tới một năm, vì chú rất tỉnh táo và phốp pháp. Chú ngồi tựa vào ngực mẹ. Chú mỉm cười và nói líu lo với giọng chim nhỏ. Chú cũng mặc toàn trắng như má, với đôi xăng-đan tí xíu ở chân. Y phục đơn giản: một áo dài nhỏ, từ đó lú ra các bàn chân lúc lắc, đôi bàn tay mũm mĩm muốn rờ vào tất cả, và nhất là khuôn mặt nhỏ rất đẹp với đôi mắt mầu xanh dương đậm trong sáng; cái miệng núm đồng tiền ở hai bên khi chú cười nhe ra mấy chiếc răng nhỏ. Các lọn tóc giống như bụi vàng, vì chúng bóng và mịn như tơ.

Người Đạo Sĩ lớn tuổi nhất nói nhân danh tất cả. Ông giải thích cho Maria rằng họ đã thấy, vào một đêm của tháng mười hai trước, một vì sao đã thắp sáng lên trên trời với vẻ rực rỡ khác thường. Các bản đồ trời không hề bao giờ có vì sao này hay báo hiệu nó. Tên nó không được biết tới. Nó không có tên. Được sinh ra từ lòng Thiên Chúa, nó đã nở hoa để nói cho loài người một sự thật có phước, một bí mật của Thiên Chúa. Nhưng loài người không lưu tâm, vì linh hồn họ chìm trong bùn. Họ không nhìn lên Thiên Chúa và không biết đọc những lời Người viết ra - Nguyện chúc Người muôn đời – bằng những thiên thể bằng lửa trên bầu trời.

Họ đã thấy ngôi sao và đã cố gắng để hiểu tiếng nói của nó.

Tự nguyện từ bỏ một ít giấc ngủ mà trước đây họ đã chấp nhận cho cơ thể họ. Họ quên ăn để vùi đầu vào việc nghiên cứu hoàng đới, sự giao hội của các hành tinh; thời gian, các mùa, các tính toán về thời gian cổ xưa và các phối hợp về thiên văn, đã nói cho họ tên và sự bí mật của ngôi sao. Tên của nó là “Messi”. Bí mật của nó là: “Đấng Messi đến trong thế giới”. Và họ đã ra đi để thờ lạy Người. Người nọ không hề biết gì về những người kia. Băng qua núi, sa mạc, thung lũng, sông ngòi, đi trong đêm, họ đã đi về phía Palestin, vì ngôi sao đi về hướng này. Mỗi người, từ ba điểm khác nhau trên trái đất, đều đi về hướng này. Rồi họ gặp nhau ở phía bên kia biển Chết. Ý Thiên Chúa đã hội tụ họ ở đó, và cùng nhau, họ tiến lên phía trước. Họ hiểu nhau, mặc dù mỗi người vẫn nói tiếng của mình. Họ hiểu và có thể nói những ngôn ngữ của các nước mà họ đi qua, bởi phép lạ của Thiên Chúa.

Cùng nhau họ đi về Jêrusalem, vì Đấng Messi là Vua của Jêrusalem, vua của người Do-Thái. Nhưng ngôi sao biến mất ở trên trời của thành phố này. Họ cảm thấy con tim họ vỡ ra vì đau đớn. Họ tự xét mình xem có phải vì họ bất xứng với Thiên Chúa. Nhưng lương tâm của họ bảo đảm cho họ. Họ liền tìm đến vua Hêrôđê để hỏi xem Vua Do-Thái sinh ra trong lâu đài nào để họ đến thờ lạy Người. Nhà vua liền tụ họp các thủ lãnh của các thầy cả, các luật sĩ để hỏi xem Đấng Messi sinh ra ở đâu, và họ trả lời ông: “Tại Bétlem xứ Juđa”.

Họ đi về phía Bétlem và ngôi sao lại hiện ra trước mắt họ. Nó đã rời Thành Thánh, và tối hôm qua, nó đã gia tăng vẻ rực rỡ của nó. Tất cả bầu trời đều được đốt cháy. Rồi ngôi sao dừng lại, thu thập ánh sáng của các ngôi sao khác vào các luồng sáng của nó và chiếu xuống trên căn nhà này. Họ liền hiểu là trẻ Thiên Chúa sinh ra ở đây. Bây giờ họ thờ lạy Người, dâng cho Người các tặng phẩm hèn mọn của họ, và hơn tất cả, họ dâng cho Người quả tim của họ, sẽ không bao giờ ngừng chúc tụng Thiên Chúa vì ơn Người đã ban cho họ, và họ yêu mến Con của Người mà họ được nhìn thấy trong một nhân tính thánh thiện. Rồi họ trở về cho Hêrôđê biết, vì ông cũng muốn thờ lạy Người.

“Đây cùng một trật: Vàng là thứ thích hợp với một vị Vua, đây là Nhũ hương, thích hợp với Thiên Chúa; và đây, ôi Mẹ, đây là mộc dược, vì con Mẹ sinh ra là Thiên Chúa nhưng cũng là người, trong thân xác của Người và trong cuộc sống làm người, Người sẽ biết cái cay đắng của định luật không thể tránh được của sự chết. Tình yêu của chúng con không muốn nói những lời này, và nghĩ rằng thân xác Người sẽ muôn đời giống như Thần Trí Người. Nhưng ôi Bà! Nếu sự nghiên cứu của chúng con, nhất là nếu tâm hồn chúng con không lầm, thì con Bà là Vị Cứu Tinh, là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, và vì thế, để cứu thế giới, Người phải mang trên mình Người mọi khốn nạn của thế gian, mà một trong các hình phạt là sự chết. Chất nhựa này để cho giờ đó, để xác thịt thánh của Người không phải biết tới sự hư thối, và bảo trì nó nguyên vẹn tới giờ sống lại. Chớ gì do những của này, Người nhớ đến chúng con và cứu các tôi tớ của Người, bằng cách ban Nước của Người cho chúng. Lúc này, để được thánh hóa, xin Mẹ là Mẹ Người, ban con nhỏ của Mẹ cho tình yêu của chúng con, để nhờ được hôn chân Người, phúc lành của Trời xuống trên chúng con”. (Maria Valtorta, Tin Mừng như đã mặc khải cho tôi, (bản dịch đã dẫn, trang 245-248).

Đoạn cuối của chương 56 của bộ sách của Maria Valtorta miêu tả sự giã từ của ba nhà đạo sĩ và Thánh gia như sau: “Bây giờ chủ cũng như đầy tớ, tất cả đều ở trên yên. Họ ra lệnh khởi hành. Ba người cúi xuống tới sát cổ con vật của họ để chào lần chót. Giuse cũng cúi mình, Maria cũng vậy. Và Mẹ lại cầm tay Giêsu để vẽ một cử điệu từ biệt và chúc lành.”

Nguyễn Đức Cung



Philadelphia 19-12-2020

Houston 19-12-2021

(Trích từ tác phẩm Sử Trung Tùy Bút sắp xuất bản)

 
VietCatholic TV
Ngoạn mục: Chiêm ngắm 100 cảnh Giáng Sinh thật ý nghĩa đang trưng bày tại Vatican
Giáo Hội Năm Châu
04:25 19/12/2021
 
Nữ tu MTG Hà Nội, 105 tuổi, chứng nhân đức tin trước những thăng trầm lịch sử vừa tạm biệt chúng ta
Giáo Hội Năm Châu
04:28 19/12/2021


1. Chứng nhân Đức tin – Nữ tu 105 tuổi Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội

Vào hồi 17h15 thứ Bảy, ngày 11 tháng 12 năm 2021, khi hồi chuông giờ Kinh chiều Một của ngày Chúa Nhật tuần III mùa Vọng, Chúa Nhật của niềm vui, vang lên cũng là lúc Nữ tu Mátta Nguyễn Thị Khiêm, vị chứng nhân lịch sử cuối cùng kể từ giai đoạn tiền bán thế kỷ 20, cây đại thụ của Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đã ngả bóng. Người nữ tu ấy dừng chân tạm nghỉ trong cuộc hành trình dài trên dương thế, an nghỉ lành thánh trong Chúa, hân hoan bước vào chặng đường mới với 105 tuổi đời– 88 năm Khấn Dòng, tại Cộng đoàn Mến Thánh Giá Kẻ Non thuộc giáo xứ Cẩm Sơn, Tổng Giáo phận Hà Nội.

Thật đúng như tên gọi của mình, Nữ tu Mátta cả một cuộc đời luôn sống khiêm hạ. Dù ở cương vị nào thì người nữ tu ấy vẫn luôn là người dễ gần, dễ mến, nhỏ bé, đơn sơ nhưng kiên trung trước mọi nghịch cảnh, với nụ cười luôn tươi nở trên môi. Bởi thế mà nhiều Đấng Bậc, chị em toàn dòng và bà con giáo dân dành cho Nữ tu ấy một tình cảm thật đặc biệt, một cách gọi gần gũi thật trìu mến, thân thương “Mẹ Khiêm” hay “Mẹ Mátta”

Mẹ Khiêm sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Đạo Truyền, Bình Lục, Hà Nam, trong một gia đình đạo đức có bốn anh chị em. Mẹ Mátta ước ao dâng mình cho Chúa ngay từ khi còn rất nhỏ. Sau nhiều năm tìm hiểu, lui tới với nhà dòng, mặc dù lúc đó rất khó khăn, tới năm 15 tuổi Mẹ được chính thức gia nhập Dòng Mến Thánh Giá Cộng đoàn Kẻ Non và được Tuyên khấn lần đầu với lời khấn tư vào năm 1932.

Năm 1954, xảy ra cuộc di cư lớn, dòng người từ miền Bắc vào miền Nam, hầu hết các dòng tu trong Địa phận Hà Nội thời đó đã di cư hay buộc phải rời khỏi Việt Nam. Nhiều cơ sở tôn giáo cũng như các Tu viện vườn không nhà trống không người hiện diện. Mẹ Mátta là một trong số ít những nữ tu Mến Thánh Giá đáp lại lời kêu gọi của Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê: không di cư nhưng ở lại song hành cùng Địa Phận Hà Nội trong giai đoạn đầy gian nan, khó khăn và thử thách này.

Số các chị em Mến Thánh Giá còn sót lại ấy được Đức Cha Giuse Maria sai đi tản ra trong các tu viện Mến Thánh Giá hoặc các cơ sở của Giáo hội không còn người ở như Nhà Kín 72 Nguyễn Thái Học Hà Nội, trường Thánh Mẫu 29-31 Nhà Chung để giữ đất, giữ nhà. Khó khăn do hoàn cảnh của thời cuộc chất chồng, nhiều hoạt động tông đồ của chị em Mến Thánh Giá thời đó chỉ là âm thầm hiện diện như men trong đấu bột giữa những xứ đạo cùng bà con giáo dân. Sự thiếu hụt linh mục trầm trọng, đi lại khó khăn, các chị phụ trách việc Rửa tội cho trẻ nhỏ, trao Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt và các Đấng Bậc bị quản thúc hay cầm tù, chép sách kinh bổn để gìn giữ Đức tin, đồng hành và hiện diện cùng bà con giáo dân trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống.

Mẹ Mátta được Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê tin tưởng trao phó những chức vụ như Phụ trách Tu viện Kẻ Non kiêm phụ trách Tập Viện giai đoạn 1955 – 1961. Mẹ cũng là một trong bảy chị đầu tiên của Ban Điều Hành Dòng được khấn công khai theo giáo luật dưới thời Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Bà Mẹ nhì khóa I và II toàn dòng (1983 – 1991). Cùng với Bà Mẹ nhất Mátta Nguyễn Thị Nhục, Mẹ đã trở thành hai trụ cột vững chắc của Hội dòng, nâng đỡ và duy trì ơn gọi trẻ trong giai đoạn “Chính sách ngầm” đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của miền Bắc lúc bấy giờ với mục đích “Xóa sổ các cơ sở Tôn giáo và Tu viện.” Nhiều ơn gọi trẻ đến xin gia nhập Dòng muốn xin tạm trú hay nhập hộ khẩu đều không được, nên chị em đành phải chịu cảnh “tu chui”. Ban ngày các Chị phục vụ trong tư cách người giúp việc Nhà dòng, nhiều đêm phải chạy trốn vì bị kiểm tra hộ khẩu bất thường do cư trú bất hợp pháp theo luật bấy giờ.

Có những chị em khổ quá định bỏ tu về lại gia đình, được Mẹ kịp thời an ủi động viên nâng đỡ để tiếp tục ơn gọi. Những chị em mới gia nhập Tu viện, chập chững những bước đi đầu tiên trong ơn gọi đầy bỡ ngỡ, được Mẹ dạy bảo ân cần, tập sống khó nghèo và các nhân đức để thánh hóa từng giây phút hiện tại trong ngày sống. Không chỉ chị em trong Dòng, nhưng cả bà con giáo dân cũng tìm đến với Mẹ khi gia đình có những biến cố vui buồn, để được Mẹ chuyển cầu trong lời kinh nguyện hoặc là nhận lấy những lời khuyên dạy chân thành, nâng đỡ nhằm giúp các gia đình vượt qua thử thách.

Thế rồi những giai đoạn khó khăn gian khổ đầy nước mắt và đau thương đó qua đi cũng là lúc Mẹ Mátta được nghỉ ngơi và hưu dưỡng tại Cộng đoàn Kẻ Non kể từ năm 1991 cho đến nay.

“Tôi đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững Đức tin” giờ đây Mẹ Mátta trở về cùng Thiên Chúa là Cha yêu thương, sau khi đã hoàn tất hành trình dương thế, trung kiên sống Đức tin trong giai đoạn khó khăn gian khổ nhất của thời cuộc, trung thành gìn giữ bảo vệ tinh thần và gia sản của Hội dòng… Để hôm nay đây chúng tôi, thế hệ cháu con được thừa hưởng thành quả mà Mẹ và các bậc tiền nhân để lại… sẽ tiếp nối tâm nguyện của Mẹ để song hành với mọi biến cố vui buồn của Tổng Giáo phận, cùng ghi tiếp những trang sử thiêng của Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, với khát vọng giới thiệu cho muôn người về Tình yêu và Lòng thương xót của Đấng-Chịu-Đóng-Đinh, Đấng đã yêu cho đến cùng, Đấng đã chết vì yêu, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Nữ tu Maria Phạm Thị Thu Trang

Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội


2. Đức Tổng Giám Mục bày tỏ lòng biết ơn vì đức tin gia tăng tại Singapore

Đức Tổng Giám Mục giáo phận Singapore hay còn gọi là Tân Gia Ba, William Ngô Thành Tài, đã bày tỏ lòng biết ơn vì đức tin tăng trưởng tại lãnh thổ này.

Ngài biểu lộ lập trường này, trong thánh lễ hôm 11 tháng Mười Hai vừa qua, tại Nhà thờ chính tòa Singapore, nhân dịp kết thúc năm kỷ niệm 200 năm thánh lễ đầu tiên được cử hành tại đây, ngày 11 tháng Mười Hai năm 1821, do linh mục Laurent Imbert, thuộc Hội thừa sai Paris, đến hoạt động tại Singapore, khu vực ở miền cực nam của bán đảo Mã Lai Á, được người Anh thành lập hai năm trước đó như một trung tâm thương mại và giao dịch. Để đánh dấu kỷ niệm 200 năm biến cố này, 32 giáo xứ trên toàn Singapore đã đánh chuông, hồi cuối tuần ngày 11 và 12 tháng Mười Hai vừa qua.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Ngô Thành Tài nhận định rằng: “Mặc dù xu hướng sa sút tại nhiều nước, nơi mà dân chúng đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, thì tại Singapore, các cuộc kiểm kê dân số gần đây cho thấy chúng ta tăng trưởng trong 5 năm qua”.

Đức Tổng Giám Mục cũng nhận xét rằng mặc dù là thế tục, nhưng chính phủ Singapore vẫn duy trì sự trung lập về tôn giáo và khuyến khích sự cộng tác giữa các tôn giáo trong việc phát triển các giá trị xã hội, luân lý và tinh thần của dân chúng. “Các tôn giáo tại đây tôn trọng và hỗ trợ nhau... tín ngưỡng khác nhau tại quốc gia đảo này có sự hòa hợp liên tôn rất mạnh. Đó là điều đã được xây dựng công phu qua nhiều thế hệ”.

Đức Tổng Giám Mục Ngô Thành Tài cũng nói rằng Giáo hội đã tăng trưởng “trong nội bộ” tám năm qua về phương diện các Ủy ban, củng cố và có thêm các phong trào mới và sự mở rộng các phong trào đã có”.

Trong thánh lễ kết thúc năm kỷ niệm, hôm 11 tháng Mười Hai cũng có sự hiện diện của Thủ tướng Lý Hiền Lương (Lee Hsien Loong), một tín đồ Phật giáo, và các vị lãnh đạo chính quyền và tôn giáo khác.

Trong một Video, Thủ tướng nói rằng ông được biết về những đóng góp của Giáo Hội Công Giáo tại Singapore trong hai thế kỷ qua, với “các hoạt động giáo dục, săn sóc sức khỏe và phục vụ xã hội”.

Ngày nay, Tổng giáo phận Singapore có khoảng 300,000 tín hữu Công Giáo, với nhiều hoạt động tại địa phương. Đức Tổng Giám Mục cũng bày tỏ hài lòng vì năm kỷ niệm, từ tháng Mười Hai năm ngoái đã làm cho các tín hữu Công Giáo xích lại gần nhau trong tinh thần sáng tạo. Các sinh hoạt trực tuyến và Video được hơn một triệu người xem, trong khi lễ hội Công Giáo, từ ngày 04 đến 11 tháng Mười Hai vừa qua có 12,000 tín hữu Công Giáo tham dự với nhiều sinh hoạt. 6.000 người tham dự các thánh lễ bế mạc tại các nhà thờ.

3. Tuyên Bố Của Các Thượng Phụ Và Các Vị Đứng Đầu Các Giáo Hội Tại Giêrusalem

Các Vị Thượng Phụ và Các Vị Đứng Đầu các Giáo Hội tại Giêrusalem đã công bố bản tuyên bố sau đây. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Hiền Hòa

“Khắp Đất thánh, các Kitô hữu đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công thường xuyên và liên tục của các nhóm cực đoan ngoại vi. Kể từ năm 2012, đã có rất nhiều vụ tấn công bằng lời nói và thể lý nhắm vào các linh mục và các giáo sĩ khác, các cuộc tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo, với các thánh địa thường xuyên bị phá hoại và xúc phạm, và liên tục đe dọa các Kitô hữu địa phương, những người chỉ đơn giản tìm cách được tự do thờ phượng và sống cuộc sống hàng ngày của họ. Các chiến thuật này đang được sử dụng bởi những nhóm cực đoan như vậy trong một nỗ lực có hệ thống nhằm xua đuổi cộng đồng Kitô giáo ra khỏi Giêrusalem và các khu vực khác của Đất Thánh.

Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với cam kết đã tuyên bố của chính phủ Israel trong việc duy trì một nơi yên ổn và an ninh cho các Kitô hữu ở Đất Thánh và bảo tồn cộng đồng Kitô giáo như một phần không thể thiếu trong tấm thảm cộng đồng địa phương. Chúng tôi thấy bằng chứng của cam kết này ở việc chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc viếng thăm của hàng triệu tín đồ Kitô giáo đến các địa điểm linh thiêng của Đất Thánh. Do đó, quả là một vấn đề đáng lo ngại khi cam kết quốc gia này bị phản bội bởi sự thất bại của các chính trị gia, viên chức và cơ quan thực thi pháp luật địa phương trong việc kiềm chế hoạt động của các nhóm cực đoan, những người thường xuyên đe dọa các Kitô hữu địa phương, hành hung các linh mục và giáo sĩ, và xúc phạm Thánh địa và nhà thờ.

Nguyên tắc định rằng đặc điểm văn hóa và tâm linh của các khu lịch sử và khác biệt của Giêrusalem cần được bảo vệ đã được công nhận trong luật của Israel đối với Khu Do Thái. Tuy nhiên, các nhóm cực đoan vẫn tiếp tục sở đắc tài sản chiến lược trong Khu phố Kitô giáo, với mục đích làm giảm sự hiện diện của người Kitô giáo, bằng cách thường xuyên sử dụng các giao dịch ám muội và chiến thuật đe dọa để đuổi cư dân ra khỏi nhà của họ, làm giảm đáng kể sự hiện diện của người Kitô giáo, và tiếp tục làm gián đoạn các tuyến đường hành hương lịch sử giữa Bêlem và Giêrusalem.

Hành hương Kitô giáo, ngoài việc là quyền của tất cả những người Kitô giáo trên toàn thế giới, còn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế và xã hội của Israel. Trong một báo cáo gần đây của Đại học Birmingham, người ta nhấn mạnh rằng du lịch và hành hương của Kitô giáo đóng góp 3 tỷ đô la cho nền kinh tế Israel. Cộng đồng Kitô giáo địa phương, tuy nhỏ và đang giảm về số lượng, nhưng vẫn cung cấp một lượng rất đáng kể các dịch vụ giáo dục, y tế và nhân đạo trong các cộng đồng khắp Israel, Palestine và Jordan.

Phù hợp với cam kết đã được tuyên bố về việc bảo vệ tự do tôn giáo của các nhà chức trách chính trị địa phương của Israel, Palestine và Jordan, chúng tôi yêu cầu một cuộc đối thoại khẩn cấp với chúng tôi các Nhà lãnh đạo Giáo hội, để:

- Đối phó với những thách thức do các nhóm cực đoan ở Giêrusalem gây ra cho cả cộng đồng Kitô giáo lẫn nền pháp trị, để đảm bảo sẽ không có công dân hoặc tổ chức nào phải sống dưới nguy cơ bạo lực hoặc đe dọa.

- Bắt đầu đối thoại về việc thành lập một khu vực văn hóa và di sản Kitô giáo đặc biệt để bảo vệ sự toàn vẹn của Khu Kitô giáo ở Thành phố Cổ Giêrusalem và để bảo đảm rằng đặc điểm và di sản độc đáo của nó được bảo tồn vì phúc lợi của cộng đồng địa phương, của cuộc sống quốc gia của chúng ta, và thế giới rộng lớn hơn”.

Các Giáo Hội có trụ sở ở Hoa Kỳ vì Hòa bình Trung Đông, gọi tắt là CMEP, đã đưa ra tuyên bố của riêng họ vào hôm nay ủng hộ các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Giêrusalem.

Họ nói: “Các Giáo Hội có trụ sở ở Hoa Kỳ vì Hòa bình Trung Đông (CMEP) luôn cam kết hỗ trợ tính bền vững của Kitô giáo ở Trung Đông nói chung, và đặc biệt là cổ vũ một Giêrusalem chung của người Palestine và người Israel.

CMEP ghi nhận và phản đối các mưu toan đang diễn ra nhằm giảm thiểu sự hiện diện của Kitô hữu ở Israel / Palestine. Các cộng đồng Kitô giáo là nguồn quan yếu của nền văn hóa của vùng đất này cũng như là những người quản lý các địa điểm được người Kitô giáo trên khắp thế giới gọi là thánh địa. Khi các Kitô hữu chuẩn bị cử hành lễ Giáng sinh, chúng tôi luôn nhớ đến anh chị em của mình ở Đất Thánh, những người tiếp tục duy trì các truyền thống tại nơi mà đức tin của chúng ta đã bắt đầu.

Do đó, CMEP đứng chung hàng ngũ với các Thượng phụ và Các Vị đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi một cuộc đối thoại khẩn cấp với các cơ quan chính quyền ở Israel, Palestine và Jordan. Chúng tôi cực lực phản đối sự chống đối của các nhóm cực đoan đối với các cộng đồng Kitô giáo, một sự chống đối hiện đang bộc lộ rõ ràng ở Giêrusalem. CMEP cổ vũ và vận động cho việc bảo tồn các di sản Kitô giáo, đặc biệt là trong Khu phố Kitô giáo ở Cổ Thành”.

Giám đốc Điều hành CMEP Mae Elise Cannon nhận xét: “Chúng tôi vô cùng đau buồn trước những cuộc đấu tranh đang diễn ra của các cộng đồng theo Chúa Kitô ở Đất Thánh. Sự hiện diện của họ đang bị đe dọa và chúng ta phải làm mọi chuyện có thể để bảo tồn sự hiện diện của Kitô hữu ở Giêrusalem, Israel, và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”.

CMEP mời các Kitô hữu Hoa Kỳ ủng hộ tuyên bố gần đây của các Thượng phụ và Các Vị đứng đầu các Giáo hội bằng cách chia sẻ nó trong cộng đồng của họ. CMEP luôn cam kết nêu tình hình mà các cộng đồng Kitô giáo ở Đất Thánh phải đối đầu với các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ khi chúng tôi vận động cho quyền tự do tôn giáo của tất cả mọi người trong khu vực.
 
Chú ý: Đón nhận Ơn Toàn Xá Mùa Giáng Sinh. Truyền thông xuyên tạc một Giám Mục gây phản ứng mạnh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:28 19/12/2021


1. Vatican công bố lịch trình các buổi lễ Giáng sinh của Đức Giáo Hoàng

Mặc dù Ý không còn lệnh giới nghiêm 10 giờ tối như một phần trong các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành “Thánh lễ Vọng Giáng sinh” vào lúc 7:30 tối, như ngài đã làm vào năm 2020.

Tòa thánh Vatican vẫn kiểm tra nhiệt độ của mọi người khi họ bước vào Đền Thờ Thánh Phêrô, yêu cầu mọi người đeo khẩu trang và bố trí chỗ ngồi để giữ khoảng cách xã hội.

Hôm 13 tháng 12, Tòa Thánh đã công bố danh sách các lễ nghi phụng vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong mùa Giáng sinh.

Lịch trình bắt đầu với “Thánh lễ lúc nửa đêm” mặc dù Thánh lễ đã không được cử hành lúc nửa đêm tại Vatican kể từ năm 2009 khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chuyển thánh lễ này sang 10 giờ tối. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuyển thánh lễ này sang 9:30 tối vào năm 2013 trong Lễ Giáng sinh đầu tiên với tư cách là giáo hoàng; và dời sang 7:30 tối vào năm 2020 để cho phép mọi người trở về nhà trước khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực.

Cũng trên lịch của giáo hoàng:

- Vào trưa ngày 25 tháng 12, ngài sẽ gửi lời chúc Giáng sinh truyền thống của mình “urbi et orbi” cho thành phố và thế giới; và ban phép lành kèm ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

- Vào lúc 5 giờ chiều ngày 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì một buổi cầu nguyện buổi tối vọng lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Sau giờ kinh chiều sẽ là giờ chầu thánh thể, làm phép lành và hát bài “Te Deum” để tạ ơn Chúa vì những hồng ân Chúa ban trong một năm sắp kết thúc.

- Vào lúc 10 giờ sáng ngày 1 tháng 1, lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Ngày Hòa bình Thế giới, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

- 10 giờ sáng ngày 6 tháng Giêng, lễ Hiển Linh, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Mặc dù không được đề cập trong thông báo được công bố ngày 13 tháng 12, trang web của Văn phòng Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng cũng liệt kê một thánh lễ 9:30 sáng và lễ rửa tội trẻ sơ sinh trong nhà nguyện Sistina vào ngày 9 tháng Giêng, lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa.

2. Truyền thông Ý xuyên tạc một Giám Mục gây ra phản ứng dữ dội về những bình luận của ngài

Grinch là một nhân vật hư cấu do nhà văn Seuss tạo ra như nhân vật chính của cuốn sách thiếu nhi xuất bản năm 1957 “How the Grinch Stole Christmas!”, nghĩa là “Tên Grinch đã đánh cắp Lễ Giáng Sinh như thế nào.”

Grinch được miêu tả là một sinh vật bụng bầu, hình quả lê, mũi hếch với khuôn mặt giống mèo và tính cách hay giễu cợt. Grinch đã dành 53 năm để sống ẩn dật trên một vách đá, nhìn ra làng Who.

Trái ngược với người dân làng Who vui vẻ, Grinch là người cáu gắt và xấu tính. Hắn ta đặc biệt ghét mùa Giáng Sinh, và ghét cay ghét đắng những tiếng ồn khác nhau trong thời gian Giáng Sinh, đặc biệt là tiếng hát mừng Giáng Sinh của dân làng. Không thể chịu đựng thêm một Mùa Giáng Sinh nữa, hắn ta quyết định phá hủy ngày lễ này một lần và mãi mãi.

Được sự trợ giúp của chú chó cưng Max, hắn cải trang thành ông già Noel và đột nhập vào các nhà trong làng Who để ăn cắp mọi thứ và vứt xuống một ngọn núi gần đó. Dù đã thực hiện hành vi trộm cắp thành công, nhưng vào buổi sáng Giáng Sinh, hắn bàng hoàng khi nghe người làng Who vẫn hát hò vui vẻ, hạnh phúc vì đơn giản là họ vẫn còn có nhau.

Từ đó, anh ta nhận ra rằng lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa sâu sắc hơn mà anh ta chưa bao giờ nghĩ đến. Anh ta đã tìm cách ngăn không cho đồ đạc của dân làng Who rơi khỏi mép núi, và khi làm như thế, trái tim của anh ta lớn lên gấp ba lần. Anh ta trả lại tất cả những món mà anh ta đã đánh cắp và vui vẻ tham gia vào lễ Giáng Sinh của người làng Who.

Dù cuối cùng chính Grinch đã tham gia tích cực vào lễ Giáng Sinh, trong văn học Tây Phương từ Grinch thường được dùng để chỉ những kẻ không thích hội hè và tìm cách phá đám. Đặc biệt cụm từ “Grinch của ngày 25 tháng 12” được dùng để chỉ những kẻ không thích Lễ Giáng Sinh.

Trong một diễn biến gây căng thẳng tại Ý, Giáo phận Noto trên đảo Sicily của Ý, đã phải đưa ra một đính chính sau khi các phương tiện truyền thông nói Đức Giám Mục bản quyền là “Tên Grinch mới nhất của ngày 25 tháng 12”, người “từ bục giảng,” đã xóa bỏ “những giấc mơ và điều kỳ diệu trong trái tim của biết bao trẻ thơ.”

Đó là cách truyền thông Ý mô tả Đức Cha Antonio Staglianò sau khi ngài nói với một nhóm trẻ em rằng ông già Noel không tồn tại, gây ra phản ứng dữ dội trong hơn một tuần từ các bậc phụ huynh đến các phương tiện truyền thông quốc tế.

Nhận xét của ngài về ông già Noel, tiếng Ý gọi là “Babbo Natale”, đã được gửi đến các gia đình ở nhà thờ chính tòa Santissimo Salvatore vào ngày 6 tháng 12, ngày lễ của Thánh Nicholas thành Myra, hay ông già Noel.

Sau khi bình luận của Đức Cha Staglianò về nhân vật Giáng Sinh được yêu mến gây ra tranh cãi trên mạng xã hội, phát ngôn viên của giáo phận cho biết vị giám mục không muốn “phá vỡ sự quyến rũ của Giáng Sinh đối với các em nhỏ, nhưng muốn giúp các em suy tư sâu sắc hơn.”

Trong nhiều cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông vào cuối tuần này, vị giám mục nói rằng “ngài không nói với họ rằng ông già Noel không tồn tại, nhưng chúng tôi đã nói về sự cần thiết phải phân biệt điều gì là thật và điều gì không có thật. Vì vậy, tôi đã nêu gương của Thánh Nicholas thành Myra, một vị thánh mang quà đến cho người nghèo”.

Đức Cha Staglianò cho biết ngài đang cố gắng giúp các em phân biệt giữa hình ảnh đích thật của Thánh Nicholas thành Myra, và hình ảnh ông già Noel bị thương mại hóa với mầu đỏ tiêu biểu của Coca-Cola. Ngài hy vọng rằng sự phân biệt này sẽ loại bỏ “văn hóa quà tặng”, làm nền tảng cho thông điệp thực sự về Giáng Sinh: đó là “Hài nhi Giêsu được sinh ra để hiến thân cho toàn thể nhân loại.”

Người quản lý truyền thông của Giáo phận Noto đã viết trong một tuyên bố đăng trên Facebook vào ngày 9 tháng 12 rằng, “thay mặt cho Đức Giám Mục, tôi bày tỏ sự đau buồn vì tuyên bố này đã gây thất vọng cho những trẻ nhỏ.”

“Ý của Đức Cha là mong mỏi rằng từ hình tượng Ông già Noel, có nguồn gốc từ Thánh Giám mục Nicholas, chúng ta có thể rút ra một bài học – cho tất cả mọi người, già hay trẻ - là càng ít quà để cho và tiêu dùng thì càng có nhiều món quà để chia sẻ.”

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Ý phản ứng mạnh mẽ với việc phủ nhận ông già Noel của các giáo sĩ Công Giáo.

Vào năm 2015, một nhóm phụ huynh ăn mặc như yêu tinh đã biểu tình ở quảng trường bên ngoài nhà thờ sau khi một linh mục quản xứ và một giáo lý viên nói với con cái của họ rằng ông già Noel vui tính trong bộ đồ màu đỏ là không có thật.

Các bậc cha mẹ, đến từ thị trấn Antey-Saint-André trên dãy núi Alps của Ý, đã thu thập chữ ký cho một bản kiến nghị yêu cầu Đức Cha giáo phận “đánh giá” hành vi của linh mục.


Source:Catholic News Agency

3. Nhân vật ủng hộ dân chủ Công Giáo Jimmy Lai phải ngồi tù vì dính líu tới lễ tưởng niệm Quảng trường Thiên An Môn ở Hương Cảng

Jimmy Lai, một nhân vật Công Giáo nổi bật trong phong trào ủng hộ dân chủ đang diễn ra ở Hương Cảng, đã bị kết án 13 tháng tù giam vì tham gia vào một buổi cầu nguyện năm 2020 kỷ niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Lai, cùng với các nhà hoạt động Hà Quế Lam (Gwyneth Ho, 何桂藍) và Châu Hạnh Đồng (Chow Hang Tung, 鄒幸彤) đã phải nhận các bản án nặng nề vào ngày 9 tháng 12 vì tội “kích động” và tham gia vào một “cuộc hội họp bất hợp pháp”.

Lai đã viết trong một tuyên bố do luật sư của anh ta đọc: “Cứ để tôi chịu hình phạt này, vì như thế tôi có thể chia sẻ gánh nặng và vinh quang của những người nam nữ trẻ đã đổ máu của họ trong cuộc thảm sát năm 1989 để công bố sự thật, công lý và điều thiện.”

Lai nằm trong nhóm hàng nghìn người bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc đã tham dự một buổi cầu nguyện dưới ánh nến vào giữa năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 32 năm vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn. Lễ cầu nguyện hàng năm để ghi nhớ sự kiện này đã được tổ chức hàng năm ở Hương Cảng cho đến thời điểm đó. Buổi Canh thức hàng năm tại Hương Cảng là một sự kiện lớn, lôi cuốn đông đảo người tham dự. Tuy nhiên, buổi canh thức năm 2020 đã bị hủy bỏ do lo ngại về COVID-19.

Trong cuộc đụng độ năm 1989 giữa những người biểu tình và quân đội Trung Quốc, xe tăng đã lao vào Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh và các lực lượng quân sự đã nổ súng vào sinh viên đại học và những công dân khác kêu gọi cải cách dân chủ. Theo một báo cáo, có tới 10,000 người chết. Thông tin về vụ thảm sát bị dập tắt ở Trung Quốc.

Năm 2021 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp chính quyền cấm tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện này.

Trong phiên tòa của mình, Lai đã lập luận rằng anh ta đã thắp nến trong lễ canh thức với tư cách cá nhân, và không “xúi giục” người khác tham gia cuộc biểu tình trái phép. Lai hiện đang thụ án tù vì tội danh khác trước đó và sẽ đồng thời chấp hành bản án mới nhất của mình.
Source:Catholic News Agency