Ngày 19-12-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:54 19/12/2016
86. TẤM BIA KHÔNG CÓ CHỮ.
Năm Thiệu Hưng thứ chín thời Nam Tống, những người buôn bán đổ về Hà Nam tăng thêm nhiều. Có rất nhiều thương nhân mang những tấm bia khắc giữa năm Tần Hán từ Trường An đến bán cho Sĩ Đại Phu để được giá cao.
Có một người họ Vương ở Đông Bình, một hôm, cầm một cặp bia đến nói với người Hà Nam rằng:
- “Gần đây tôi được một tấm bia rất là kỳ lạ.”
Người ta nhìn thấy tấm bia đá chưa điêu khắc, một chữ cũng không, nhưng thấy họ Vương cứ khen lấy khen để, thì cho rằng nó không giống với các loại bia khác, liền hỏi ông ta:
- “Tấm bia này thuộc thời đại nào thế nhỉ ?”
Họ Vương úp úp mở mở rất lâu mà cũng không trả lời được, người nọ bèn nói:
- “Nhưng tôi biết tên của tấm bia này, nó gọi là “bia vô danh”, rất hợp với sự khen ngợi của ông.”
Những người đứng chung quanh đều cười lớn và giải tán.
(Phủ Chưởng lục)

Suy tư 86:
Khen ngợi là việc phải có trong giao tiếp, nhưng không phải lúc nào cũng khen người khác, bởi vì như thế thì lời khen sẽ mất dần giá trị của nó.
Ở đời có rất nhiều kiểu khen: khen để động viên người khác, khen để nịnh cấp trên, khen để lấy lòng ông chủ, khen để ra vẻ ta đây cũng biết thưởng thức cái đẹp (nhưng thật ra chỉ a dua theo lời khen của người khác), khen để tâng bốc mà chúng ta thường nói là cho “đi tàu bay giấy”...
Con người ta cũng có nhiều cách khen: có người thích khen người khác trước mặt, có người thích khen sau lưng, có người thích mua quà tặng để khen, có người chửi trước khen sau...
Đức Chúa Giê-su dạy cho chúng ta một cách khen người khác, mà người được khen rất phấn khởi và người khen cũng không áy náy khi khen, đó là: “Có thì nói có, không thì nói không”, bởi vì lời khen chỉ có giá trị của nó khi người khen có tâm hồn thành thật biết nhận ra cái đúng cái sai của tha nhân để khen và để góp ý, bởi vì “người chê ta mà chê đúng chính là bạn của ta, còn người khen ta mà khen không đúng là kẻ thù của ta” vậy, bởi vì khi khen ngợi mà không trung thực thì chẳng khác gì tấm bia không có khắc chữ vậy.
Ai hiểu thì hiểu !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:56 19/12/2016

33. Linh hồn không có ân sủng của đức ái thì giống như than đá không đốt cháy, như trong đêm tối không thấy ánh sáng.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video buổi đọc Kinh Truyền Tin với ĐTC ngày 18/12/2016: Tiếp nhận Chúa Giêsu là cộng tác vào công trình cứu chuộc
VietCatholic Network
16:42 19/12/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18 tháng 12 năm 2016, ĐTC Phanxicô đã nói với hàng chục ngàn tín hữu và các du khách hành hương, mở đầu bài huấn dụ, ngài nói: Khi tiếp nhận Chúa Giêsu và tìm theo Ngài mỗi ngày như Mẹ Maria, chúng ta có thể cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Chúa đối với chúng ta và thế giới. Cử chỉ vâng lời và khiêm tốn của thánh Giuse dậy cho chúng ta biết luôn luôn tín thác nơi Thiên Chúa và để cho Chúa hướng dẫn cuộc sống. Chúng ta hãy tìm bước vào lễ Giáng Sinh đích thật của Chúa Giêsu để đón nhân ơn thánh của ngày lễ là ân huệ của tình yêu, lòng khiêm tốn và sự hiền dịu. Sau đây là bài Huấn dụ của ĐTC:

Phụng vụ của Chúa Nhật thứ tư và cuối cùng của mùa Vọng có đề tài là Thiên Chúa đến gần trong khiêm nhường. Đoạn Tin Mừng của thánh sử Mátthêu cho chúng ta thấy hai người đã bị liên lụy hơn mọi người khác trong mầu nhiệm tình yêu này: đó là Đức Trinh Nữ Maria và chồng là Giuse. Mầu nhiệm của tình yêu, mầu nhiệm sự gần gũi của Thiên Chúa với nhân loại.

Đức Maria được giới thiệu dưới ánh sáng lời tiên tri nói rằng: “Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai và cho chào đời một con trai”(c. 23). Thánh sử Mátthêu thừa nhận rằng điều đã xảy ra nơi Đức Maria, là Đấng đã thụ thai Chúa Giêsu do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Con Thiên Chúa “đến” trong cung lòng Mẹ để trở thành người và Mẹ tiếp nhận Chúa. Như vậy, trong một cách thức duy nhất, Thiên Chúa đã đến gần con người, bằng cách nhận lấy thịt xác của một phụ nữ. Thiên Chúa đến gần chúng ta và đã nhận lấy thịt xác của một phụ nữ. Ngài cũng đến gần chúng ta, trong cách thức khác nhau, với ơn thánh của Ngài để bước vào trong cuộc sống chúng ta và cống hiến cho chúng ta món quà là Con của Ngài. Và chúng ta làm gì? Chúng ta có tiếp đón Ngài, có để cho Ngài đến gần hay khước từ Ngài, hay đuổi Ngài đi? ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Như Mẹ Maria, khi dâng hiến chình mình cho Chúa của lịch sử đã cho phép Ngài thay đổi số phận khiêm hạ, cũng thế khi tiếp đón Chúa Giêsu và tìm theo Ngài mỗi ngày, chúng ta có thể cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài đối với chúng ta và thế giới. Như vậy, Mẹ Maria xuất hiện như mẫu gương cần noi theo, và như sự nâng đỡ có thể cậy nhờ trong việc kiếm tìm Thiên Chúa, trong sự gần gũi của chúng ta với Chúa, trong việc để cho Ngài đến gần chúng ta, và trong dấn thân xây dựng một nền văn minh tình thương.

Nhân vật khác của Tin Mừng hôm nay là thánh Giuse. Thánh sử minh nhiên sự kiện một mình thánh Giuse không thế giải thích biến cố ngài trông thấy trước mắt, nghĩa là việc Đức Maria mang thai. Tuy nhiên, chính khi đó, chính trong lúc nghi ngờ và cả trong sự âu lo ấy Thiên Chúa cũng tới gần thánh nhân với một sứ giả của Ngài, và soi sáng cho thánh nhân biết bản chất của chức làm mẹ ấy: “con trẻ được sinh ra nơi Mẹ là do Chúa Thánh Thần” c. 20). Như thế, đứng trước biến cố ngoại thường, chắc chắn nổi lên trong con tim người biết bao nhiêu câu hỏi, người hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng tới gần thánh nhân,và theo lời Chúa mời gọi không rẫy người vợ đã được hứa hôn, nhưng đem về với mình và cuới Đức Maria. ĐTC giải thích ý nghĩa thái độ của thánh Giuse như sau:

Khi tiếp nhận Đức Maria thánh Giuse ý thức tiếp nhận với tình yêu Đấng đã được thụ thai nơi Mẹ do công trình đáng khâm phục của Thiên Chúa, là Đấng làm được mọi sự. Thánh Giuse con người khiêm tốn và công chính (c. 19) dậy chúng ta luôn luôn tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng đến gần chúng ta: khi Thiên Chúa tới gần chúng ta, chúng ta phải tín thác. Thánh Giuse dậy chúng ta để cho Chúa hướng dẫn với lòng vâng lời tự nguyện.

Hai gương mặt này, Đức Maria và thánh Giuse, là những người đầu tiên tiếp đón Chúa Giêsu qua đức tin, dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm lễ Giáng Sinh. Mẹ Maria giúp chúng ta đặt mình trong thái độ sẵn sàng tiếp đón Con Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể, trong thịt xác chúng ta. Thánh Giuse thúc giục chúng ta luôn luôn tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa và đi theo với lòng tin tưởng tràn đầy. Cả hai vị đã để cho Thiên Chúa tới gần.

“Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai: Người sẽ được đặt tên là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Thiên thần nói như thế: “Con trẻ sẽ được gọi là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, có nghĩa là Thiên Chúa gần gũi chúng ta. Và tôi mở cửa cho Thiên Chúa đến gần – mở cửa cho Chúa – khi tôi cảm nhận một linh hứng nội tâm, khi tôi cảm nhận rằng Ngài xin tôi làm một điều gì hơn nữa cho tha nhân, khi Ngài mời gọi tôi cầu nguyện. Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa tới gần. Ước chi lời loan báo hy vọng này thành toàn trong lễ Giáng Sinh, cũng hoàn tất sự chờ đợi Thiên Chúa nơi từng người trong chúng ta, trong toàn Giáo Hội, và trong biết bao nhiêu người bé nhỏ, mà thế giới khinh rẻ, nhưng Thiên Chúa yêu thương và Thiên Chúa đến gần họ.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho cuộc đối thoại tại Cộng hoà dân chủ Congo được diễn ra trong an bình tránh mọi loại bạo lực và cho thiện ích của toàn quốc gia này.

ĐTC đã đặc biệt chào nhóm UNITALSI là liên hiệp Italia chuyên chở các bệnh nhân đi hành hương Lộ Đức. Ngài ca ngợi công việc làm tốt lành của họ. Liên hiệp đã tổ chức một hang đá sống với sụ tham dự của các người tàn tật. ĐTC cám ơn mọi nguời và mọi tổ chức đã gửi lời chúc mừng thượng thọ 80 của ngài hôm thứ bẩy vừa qua. Ngài nói:

Chúa Nhật tới là lễ Giáng Sinh. Trong tuần này, tôi xin anh chị em, chúng ta hãy tìm ra vài lúc để dừng lại, thinh lặng và tưởng tượng ra Đức Mẹ và thánh Giuse đang đi về Bétlêhem. Tưởng tượng ra các ngài như thế nào: đi đường xa mệt nhọc, nhưng cũng tươi vui, sự cảm động, nỗi lo lắng tìm một chỗ trọ, sự âu lo… v..v. Hang đá máng cỏ trợ giúp chúng ta làm điều ấy. Chúng ta hãy tìm bước vào trong lễ Giáng Sinh đích thật, lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu, là Đấng đến gần, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, để nhận ân sủng của ngày lễ này, là một ơn thánh của sự gần gũi, của tình yêu, lòng khiêm tốn và sự hiền dịu. Và trong những lúc ấy xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi nữa.
 
20 tín hữu Công giáo Ấn độ bị đánh dã man khi hát Thánh ca Giáng sinh
Hồng Thủy
13:04 19/12/2016
Banswara, Ấn độ - Một nhóm tín hữu Công Giáo đã bị đánh đập dã man và bị cáo buộc thực hành các cuộc cưỡng bức cải đạo vì hát Thánh ca Giáng sinh tại tư gia.

Sự việc xảy ra tại làng Tikariya, gần thành phố Banswara thuộc bang Rajasthan, Ấn độ. Các giáo dân thuộc giáo xứ thánh Phêrô và Phaolô, giáo phận Udaipur. Trong số nạn nhân cũng có cha sở của giáo xứ là cha Stephen Rawat. Cha Rawat cho biết là cha không có thù oán với ai.

Như hàng năm, giáo xứ tổ chức hánh thánh ca Giáng sinh tại các gia đình Công Giáo. Năm nay nhóm có 20 người, gồm 3 nữ tu, các phụ nữ và trẻ em. Họ bắt đầu hoạt động này từ hôm 11/12, nhưng đến ngày 14/12 thì xảy ra vụ đánh đập này. Khoảng 30 kẻ vũ trang với gậy gộc đã xông vào nhóm khi các tín hữu đang đi về xe của họ sau buổi cử hành. 3 nữ tu may mắn thoát nạn vì họ vẫn còn ở trong nhà; các trẻ em cũng trốn thoát được.

8 tín hữu bị đánh đập nặng nề bởi những kẻ tấn công hô to khẩu hiệu “Chiến thắng cho Mẹ Ấn độ”. (Asia News 15/12/2016)
 
Đức Thánh Cha tiếp các thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia
Lm. Trần Đức Anh OP
13:05 19/12/2016
VATICAN. Sáng ngày 19-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến 70 thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia và ngài trao cho các em nhiệm vụ 'nói và nghe các ông bà nội ngoại của các em'.

70 thiếu nhi đại diện cho phong trào Công Giáo tiến hành Italia thuộc các giáo phận toàn quốc, đến chúc mừng ĐTC nhân dịp lễ giáng sinh, theo một thông lệ hằng năm.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến niềm vui mà mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh mang lại cho nhân loại. Ngài nói: ”Đó thực là một điều tuyệt diệu! Khi chúng ta cảm thấy buồn, có cảm tưởng mọi sự đều không ổn, khi một người bạn làm chúng ta thấy vọng, hay đúng hơn, khi chúng ta thất vọng về chính mình, chúng ta hãy nghĩ: ”Thiên Chúa yêu thương tôi, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi!”. Đúng vậy, Chúa là Cha chúng ta luôn luôn trung tín với chúng ta và không có giây phút nào mà Ngài không yêu thương chúng ta, theo các bước chân và Ngài còn chạy đuổi theo khi chúng ta xa lìa Ngài”.

ĐTC cũng nhận xét rằng niềm vui gia tăng khi ta chia sẻ niềm vui ấy. Và ngài ”ra bài tập” cho các em khi trở về nhà: ”Niềm vui hay lây này cần phải được chia sẻ với mọi người, đặc biệt là với các ông bà nội ngoại. Các con hãy thường xuyên nói chuyện với các ông bà, các ngài cũng có niềm vui hay lây ấy. Các con hãy hỏi các ông bà nhiều điều và lắng nghe các ngài. Các ông bà có ký ức về lịch sử, có kinh nghiệm về cuộc sống, và đó là một món quà lớn giúp các con trên đường đời. Cả các ông bà cũng cần nghe các con, hiểu những khát mong và hy vọng của các con”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Cả sự dấn thân của các con cho hòa bình cũng hay lây. Năm nay các con đã muốn liên kết từ ”hòa bình” với từ liên đới, qua một sáng kiến trợ giúp các bạn trẻ đồng lứa ở một khu phố nghèo tại thành Napoli. Đó là một cử chỉ tốt đẹp, cho thấy đường lối các con muốn dùng để loan báo tôn nhan của Thiên Chúa là tình thương. Xin Chúa chúc lành cho dự án làm điều thiện ấy của các con”.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có các vị thuộc ban giáo dục, linh hướng và các vị lãnh đạo toàn quốc của Phong trào Công Giáo tiến hành Italia. ĐTC cám ơn họ vì sự dấn thân tận tụy giáo dục các em theo tinh thần Kitô”.

Công Giáo tiến hành Italia là hội đoàn giáo dân kỳ cựu và rộng lớn nhất tại nước này, được thành lập năm 1867 và hiện có hơn 400 ngàn thành viên, thuộc các ngành khác nhau. Và mỗi năm có hơn 1 triệu người tín hữu Công Giáo tham gia các hoạt động của hiệp hội này (SD 19-12-2016)
 
Tổng thống tham quyền cố vị: Cộng hòa Dân chủ Congo rơi vào hỗn loạn
Đặng Tự Do
16:35 19/12/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi hòa bình và hòa giải tại Cộng hòa Dân chủ Congo hôm Chúa Nhật 18 tháng 12.

Quốc gia tại miền Trung châu Phi đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng chính trị vì tổng thống nước này tham quyền cố vị. Tổng thống Joseph Kabila hết nhiệm kỳ vào ngày thứ Hai 19 tháng 12 nhưng ông tuyên bố sẽ tiếp tục nắm chính quyền và một cuộc bầu cử lại không thể được tiến hành ít nhất là cho đến sau năm 2018.

Tình trạng bất ổn - bao gồm các cuộc biểu tình và bạo động, đã diễn ra sau các cuộc buộc là tổng thống Joseph Kabila âm mưu duy trì quyền lực vô thời hạn.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18 tháng 12, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi xin tất cả anh chị em hãy cầu nguyện để cuộc đối thoại tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo có thể mở ra trong sự thanh thản để tất cả các hình thức bạo lực có thể tránh được vì lợi ích của quốc gia này.”

Tại thủ đô Kinshasa, cảnh sát đã thiết lập các trạm kiểm soát, trong khi binh sĩ trong những xe bọc thép đã được triển khai đến các điểm chiến lược trên khắp thành phố 12 triệu dân này.

Các chuyến bay đến Cộng hòa Dân chủ Congo đã trống rỗng, trong khi các chuyến bay từ nước này ra hải ngoại đầy ắp các thành viên của tầng lớp thượng lưu đang bỏ trốn ra nước ngoài.

Source: Vatican Radio: Pope Francis: Angelus appeal for peace in DRC
 
Đức Tổng Giám Mục Colombia bị dọa giết bởi các thành phần chống đối hiệp ước hòa bình
Đặng Tự Do
16:34 19/12/2016
Đức Tổng Giám mục Dario de Jesus Monsalve Meijia của tổng giáo phận Cali, Colombia, tiết lộ rằng ngài bị dọa giết vì đã tham gia làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và phiến quân cộng sản gọi tắt là FARC.

Đức Tổng Giám Mục nói với các phóng viên rằng nhiều tờ rơi đã được quăng vào nơi cư trú của ngài, đe dọa rằng “bọn FARC” và “các giáo sĩ cộng sản” sẽ phải chết. Ngài nói rằng nếu những mối đe dọa như thế giành được cảm tình của dân chúng thì sẽ không thể nói đến hai chữ “hòa bình”, chưa kể đến các nỗ lực tiếp cận với các nhóm bất đồng tại quốc gia này để tiếp tục con đường đối thoại.

Đức Tổng Giám Mục cho biết mặc dù ngài đã báo cáo mối đe dọa này với cảnh sát, ngài không hề lo sợ cho cuộc sống của mình. Ngài nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo chính trị phải vượt qua những mối đe dọa để hoàn tất hiệp ước hòa bình này.

Source: Catholic World News: Colombian archbishop threatened by opponents of peace agreement
 
Máu Thánh Januarius không hóa lỏng khiến người dân Naples lo sợ là điềm xấu
Đặng Tự Do
17:57 19/12/2016
Một phép lạ diễn ra liên tục trong nhiều thế kỷ qua, là bửu huyết của Thánh Januarius hóa lỏng vào ngày 16 tháng 12, đã không xảy ra trong năm nay như dự kiến vào tuần trước, gây lo lắng cho các tín hữu.

Thánh Januarius (hay còn được gọi là Gennariô) là giám mục thành Benevento, nước Ý và được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Ngài chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diocletian vào ngày 19 tháng 9 năm 305.

Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sossus, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.

Tuy nhiên, máu đã không hóa lỏng vào ngày 16 tháng 12 năm nay. Mặc dù, sự kiện kỳ lạ này đã xảy ra, như mong đợi, một vài tháng trước đó, vào ngày 19 tháng 9.

Nhiều cư dân của Naples tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

Source: Catholic World News: Blood of St. Januarius does not liquefy; Naples residents see bad omen
 
Đức Thánh Cha sẽ thực hiện cuộc hành hương đến Fatima nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra
Đặng Tự Do
18:24 19/12/2016
Hôm thứ Bẩy 17 tháng 12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện một cuộc hành hương đến Đền Thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha vào ngày 12 và 13 tháng Năm năm tới 2017.

Cuộc hành hương này là để đáp lại một lời mời Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa, cũng như của các giám mục Bồ Đào Nha.

Ngày 13 Tháng 5, 2017 là ngày đánh dấu kỷ niệm lần thứ 100 Đức Trinh Nữ Maria hiện ra lần đầu tiên với ba trẻ em: Thánh Francisco Marto (1908-1919), Chân phước Jacinta Marto (1910-1920), và Lucia Santos (1907-2005), là người đã trở thành một nữ tu.

Source: Catholic World News: Pope to make pilgrimage to Fátima
 
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 ca ngợi người sáng lập Mạng Công Giáo toàn cầu EWTN
Đặng Tự Do
18:46 19/12/2016
“Mẹ Angelica là một phụ nữ tuyệt vời, rất dũng cảm”. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đưa ra nhận xét trên hôm 15 tháng 12 khi ngài chào đón các biên tập viên của ACI Stampa, một thông tấn xã tiếng Ý, chi nhánh của EWTN. Các biên tập viên đã gặp Đức Bênêđíctô thứ 16 để trao cho ngài một tấm thiệp Giáng sinh.

Mẹ Angelica đã qua đời vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 2016 ở tuổi 92.

Tháng Ba vừa qua, phản ứng trước tin mẹ Angelica qua đời, Đức Bênêđíctô thứ 16 nói mẹ Angelica là “một ân sủng” Chúa ban cho Giáo Hội.Thư ký riêng của ngài là Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein nói với thông tấn xã CNA.

Các biên tập viên của ACI Stampa đã có cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđíctô thứ 16 sau buổi lần chuỗi Mân Côi vào buổi trưa của ngài hôm 15 tháng 12 tại hang đá Lộ Đức ở Vườn Vatican. Họ trình bày cho Đức Bênêđíctô thứ 16 một bộ sưu tập tất cả các bài viết dành riêng cho ngài kể từ ACI Stampa bắt đầu tháng 3 năm 2014.

Đức Bênêđíctô thứ 16 đã rất thích thú được đọc lướt qua bộ sưu tập.

Source: Catholic News Angency: Benedict XVI: Mother Angelica was 'a great woman'
 
Khủng bố hay tại nạn dịp lễ Giáng Sinh tại Đức ?
Nguyễn Long Thao
19:38 19/12/2016
BERLIN - Một tài xế lái xe vận tải 18 bánh, mang bảng số của Ba Lan đã đâm vào chợ bán đồ Giáng sinh tại quảng trường thành phố Berlin, làm ít nhất 9 người chết 50 người khác bị thương.

Theo báo cáo của cảnh sát người tài xế đã bỏ trốn nhưng sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ và cảnh sát cũng chưa công bố danh tính của nguời tài xế.

Cho tới chiều ngày thứ Hai 19 tháng 12 năm 2016, giới chức chính quyền Đức chưa xác nhận đây có phải là vụ khủng bố hay là tai nạn. Nhưng Bộ Trưởng Nội Vụ Đức nói có nhiều bằng chứng cho thấy đây là vụ khủng bố

Vụ đâm xe tại Đức làm người ta liên tưởng tới vụ tấn công của nhóm Hồi Giáo quá khích vào đám đông đang kỷ niệm ngày phá ngục Bastille ở thành phố Nice bên Pháp vào tháng Bảy vừa qua làm 80 người chết.

Sau vụ đâm xe ở Đức, các thành phố lớn tại Âu Châu như ở Pháp, Hung Gia Lợi, Ý, Bỉ và ngay tại Hoa Kỳ chính quyền đã gia tăng các biện an ninh để đề phòng các vụ khủng bố của người Hồi giáo quá khích nhân dịp lễ Giáng Sinh của Kitô Giáo

Sau vụ đâm xe ở Đức,Tổng Thống đắc cử Donald Trump phát biểu trên Tweeter rằng ngày nay khủng bố tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ,Thuỵ Sĩ, Đức Bỉ, Pháp. Thế giới văn minh phải thay đổi đường lối suy nghĩ.
 
Các Giám mục Venezuela tố cáo các hành động của chính phủ đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế
Đặng Tự Do
18:59 19/12/2016
Các giám mục Công Giáo Venezuela đã công bố một tuyên ngôn khiếu nại rằng các “hành động khẩn cấp” được thực hiện bởi chính phủ đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước.

Tuyên bố của các giám mục nhận xét rằng:

“Họ đã làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng đang làm thương tổn đất nước và tất cả các công dân chúng ta.” Các ngài đặc biệt lưu ý rằng “những người bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương là những người đau khổ nhất.” Các giám mục kêu gọi sự chú ý đến tình trạng thiếu một cách trầm trọng các nhu yếu phẩm, các hàng dài những người phải xếp hàng chờ đợi mua bánh mì và sữa, và một tương lai bất định gây ra bởi hiện trạng siêu lạm phát tiền tệ Venezuela.

Tuyên ngôn của các giám mục, được công bố hôm ngày 17 Tháng 12, kêu gọi chính phủ công nhận những vấn đề hiện nay của đất nước và thừa nhận ý chí của người dân muốn được sống trong một quốc gia dân chủ. Các Giám Mục cũng yêu cầu tất cả người Công Giáo thể hiện sự đoàn kết với những người túng thiếu trong việc chia sẻ lương thực và các nhu yếu phẩm khác.

Source: Catholic World News: Venezuelan bishops: government actions aggravate economic crisis
 
Giáng Sinh tại Honduras diễn ra trong âu lo vì sự tăng vọt tỷ lệ tội phạm
Đặng Tự Do
19:08 19/12/2016
Một tỷ lệ tăng vọt các hình thức tội phạm bạo lực ở Honduras đã làm cho đất nước này không an toàn cho những người trẻ tuổi, khiến nhiều người phải tìm cách di dân sang Hoa Kỳ và các nước khác.

Ủy ban tị nạn Norvegian ước tính rằng chỉ có một phần ba trẻ em ở Honduras cảm thấy được an toàn trong trường học. Nhiều gia đình khuyến khích con cái của họ rời khỏi đất nước, kể cả phải đi một mình về phía bắc để tìm kiếm một tương lai an toàn hơn. Trong năm qua, các quan chức Mỹ đã ghi nhận hơn 10,000 trường hợp các trẻ em đến Mỹ mà không có người lớn đi kèm.

Đối với những trẻ em vẫn còn ở Honduras, các băng nhóm tội phạm là một mối đe dọa hàng ngày. Trong số các thanh thiếu niên, tỷ lệ bị giết là hơn 1 phần 1000: cao hơn so với tỷ lệ ở những thành phố bạo lực nhất tại Mỹ gấp nhiều lần.
 
Khủng bố bằng xe truck ở Berlin: 12 người chểt, thủ phạm là người di dân Parkistan.
Biển Đức Phan Anh
21:34 19/12/2016

Tờ báo Die Welt loan tin kẻ thủ phạm lái xe truck đâm chết 12 người ở một chớ bán hàng Noel ớ Berlin là một người từ Parkistan và đã bị cảnh sát bắt giữ.

Tờ báo nói thêm thủ phạm di cư tới Đức ngày 16 tháng 2 năm 2016, nhưng không cho biết nguồn tin họ thu thập được là từ đâu.

Những tin trước cho rẵng thủ phạm là người Ba Lan thực ra không chính xảc. Có một người Ba Lan chết trên xe, và quả thật đó là viên tài xế đăng ký cuả chiếc xe, nhưng đã bị giết khi chiếc xe bị đánh cắp.

Nhóm Hồi giáo ISIS chưa chính thức công nhận cuộc khủng bố là cuả họ, tuy nhiên những tháng vừa qua thì họ thường hô hào dùng xe làm vũ khí tấn công.

Nhắc lại cuộc tấn công ở Nice bên Pháp vào ngày Lễ Độc Lập (14/7/2016) cũng bằng xe truck.
 
Nhìn lại Công Giáo Mỹ năm 2016
Vũ Văn An
22:21 19/12/2016
Cuối năm, ký giả Inés San Martín của tập san trực tuyến Crux muốn nhìn lại Công Giáo Mỹ qua các biến cố lớn trong năm 2016. Đó là cuộc chạy đua giữa Trump và Clinton dưới mắt người Công Giáo, cuộc bầu cử ban lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cái nhìn của người Công Giáo về tệ nạn súng ống giết người tại Mỹ và cuộc đấu tranh của Dòng Tiểu Muội Người Nghèo chống Chính Phủ Obama.

Cuộc bầu cử năm 2016

Mặc dù các người ủng hộ ông vốn tin, hay đúng hơn, vốn mơ ước ông sẽ chiến thắng ngay từ lúc ông tuyên bố ra tranh cử, nhưng mọi cơ may dường như đều chồng chất chống lại Donald Trump. Trước ngày bầu cử 8 tháng Mười Một, mọi cuộc thăm dò đều cho thấy Hilarry Clinton đang nắm chắc phần thắng.

Ấy thế nhưng, bất chấp mọi mẩu khôn ngoan chính trị hợp qui ước nào, Trump đã làm kinh ngạc thế giới qua việc thắng chức tổng thống Hoa Kỳ.

Dù người Công Giáo vốn có tiếng chia rẽ, Trump vẫn đã tìm cách chiếm được đa số phiếu của họ, 52 phần trăm chọi với 45 phần trăm, một khuynh hướng bỗng trở nên hiển nhiên trong mấy ngày trước cuộc bầu cử. Người Tin Lành và Mormons cũng ủng hộ Trump, khiến các quan sát viên tin rằng tôn giáo, một lần nữa, đã tự chứng tỏ là một nhân tố quyết định trong nền chính trị Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, về số phiếu Công Giáo, kết quả tổng quát cho thấy sự phân rẽ rõ rệt về sắc dân: người Công Giáo Da Trắng ủng hộ Trump với bách phân 60 so với 30, trong khi người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha bỏ phiếu cho Clinton với bách phân 67 so với 26.

Dù nhiều người có thể hoài nghi ý hướng của ông ta, Trump đã đưa ra một số hứa hẹn phù hợp với giáo huấn Công Giáo, nhất là về phá thai, tự do tôn giáo, và phản đối lương tâm, cũng như hứa sẽ bổ nhiệm thẩm phán tối cao phò sự sống.

Ấy thế nhưng, một phần cương lĩnh của ông ta khá khó nhá đối với giáo huấn Công Giáo, đặc biệt là các vấn đề thuộc học thuyết xã hội, từ án tử hình tới di dân.

Liên quan tới cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ về việc cải cách di dân, thời điểm gây tranh cãi đối với Trump là hồi tháng Hai khi Đức Phanxicô thăm Mễ Tây Cơ, trong đó, ngài có dừng lại tại biên giới Mỹ Mễ như một lời nhắn rõ rệt nhằm ủng hộ quyền di dân. Trên chuyến máy bay trở về Rôma, được hỏi cảm nghĩ về việc ứng cử viên Trump muốn xây tường dọc biên giới, Đức Phanxicô đã trả lời rằng một người như thế “không phải là người Kitô hữu”.

Thực ra, Đức Phanxicô muốn nói tới đề xuất xây tường, chứ không hẳn người đưa ra đề xuất này, nhưng dù sao, đây cũng là một khoảnh khắc gây bối rối cho người Công Giáo.

Cũng thế, sự lôi cuốn của Bà Clinton đối với cử tri Công Giáo gặp trở ngại lớn vì vụ tai tiếng hồi giữa tháng Mười liên quan tới việc rì rỏ điện thư của các nhân viên và cố vấn tranh cử của bà; các điện thư này cho thấy họ chế nhạo các người Công Giáo bảo thủ về xã hội và cho rằng Giáo Hội cực kỳ chậm tiến trong các liên hệ phái tính.

Một số người coi các điện thư trên là xúc phạm và chống Công Giáo, một số người khác coi chúng như những trao đổi quan điểm hợp pháp về Giáo Hội giữa các nhân viên của bà, nhưng đối với những người bảo thủ, các điện thư này làm tăng thêm cảm tưởng: Clinton và đội ngũ của bà khinh bỉ các cử tri tôn giáo nghiêm túc.



Bầu cử ban lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Tuy không có tính rầm rộ bằng, nhưng cuộc bầu cử Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Tổng Giáo Phận Galveston-Houston và Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Tổng Giáo Phân Los Angeles làm chủ tịch và phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chỉ sau cuộc bầu cử Ông Trump làm Tổng Thống Hoa Kỳ có 10 ngày cũng rất đáng lưu ý.

Đức Hồng Y DiNardo đương nhiên được bầu làm chủ tịch vì ngài vốn là phó chủ tịch dưới thời Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville.

Ấy thế nhưng, Đức Tổng Giám Mục gốc Mễ Tây Cơ Gomez thì không đương nhiên như thế, đến nỗi đến vòng phiếu thứ ba, ngài mới được bầu làm phó chủ tịch. Tiếp ngay sau đắc thắng của Trump, việc bầu một vị giáo phẩm hết lòng say mê tranh đấu cho quyền di dân được mọi người coi là một tuyên bố chính trị hết sức mạnh mẽ về các ưu tiên của giới lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, người ta đã lầm lúc ấy và vẫn còn lầm lúc này khi coi việc bầu Đức Tổng Giám Mục Gomez hoàn toàn như một lời tuyên bố chống Trump.

Được coi như một người có quan điểm mạnh mẽ nhưng không có tính ý thức hệ, vị giáo phẩm của Los Angeles được nhiều vị trong hàng giáo phẩm Hoa Kỳ ưa chuộng; nhiều vị coi ngài rất xứng đáng lãnh nhận mũ Hồng Y.

Điều cũng có tính quyết định là người nói tiếng Tây Ban Nha hiện chiếm tới 1 phần 3 số giáo dân của ngài (nếu nói về những người dưới 18 tuổi, thì họ chiếm tới 1 nửa), và Đức Tổng Giám Mục Gomez, một người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ, là cách để các giám mục nhìn nhận tầm quan trọng mỗi ngày một tăng của nhóm người này.

Nói thì nói thế thôi, nhưng danh tiếng của Đức Tổng Giám Mục Gomez tăng lên rõ rệt sau ngày 9 tháng Mười Một, lúc ngài chứng tỏ rất nhiều lần rằng ngài là người ủng hộ cuộc cải tổ di dân toàn diện, một cuộc cải tổ có xem xét tới sự kiện “hệ thống của chúng ta đã sụp đổ từ lâu, các chính khách của chúng ta đã thất bại, không hành động đã quá lâu, đến nỗi những người mà chúng ta đang trừng phạt đã trở thành láng giềng của chúng ta”.

Các giám mục đáp ứng bạo lực súng đạn

Các nhà lãnh đạo Công Giáo lên án vụ thảm sát ngày 12 tháng Sáu tại quán ba Pulse dành cho người đồng tính ở Orlando, nơi 49 người bị giết và 53 người khác bị thương trong một cuộc bắn súng chết người hàng loạt của một tay súng duy nhất.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz, lúc ấy là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong một tuyên bố tại một cuộc họp báo, đã nói rằng “Thức tỉnh sau vụ bạo động không bút nào tả xiết ở Orlando nhắc ta nhớ rằng sinh mạng con người thật qúy giá xiết bao”.

“Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân, các gia đình của họ và mọi người chịu ảnh hưởng bởi hành vi tàn bạo này. Tình yêu thương xót của Chúa Kitô mời gọi chúng ta liên đới với những người đau khổ và quyết tâm hơn nữa để bảo vệ sự sống và phẩm giá mọi người”.

Nhưng một số giám mục còn công bố lời tuyên bố riêng của mình trong những ngày giờ sau đó. Tất cả đều kết án bạo lực và ngỏ lời chia buồn với các gia đình nạn nhân, và một số vị cũng nhìn nhận rằng biến cố đầy kinh hoàng này nhắm vào vào những người đồng tính hay đổi giống (LGBT).

Chẳng hạn, Đức Cha Robert Lynch của St. Petersburg, Florida, gián tiếp liên kết vụ nổ sung này với các lời dạy và tuyên bố của các nhà lãnh đạo Công Giáo. Ngài viết: “Đáng buồn thay, chính tôn giáo, trong đó, có chúng ta, đã nhắm, phần lớn bằng lời, và còn thường nuôi dưỡng việc khinh mạn người đồng tính nam nữ và người đổi giống. Các vụ tấn công hôm nay vào người LGBT nam nữ thường gieo các hạt giống khinh miệt, rồi kỳ thị, mà sau cùng sẽ dẫn tới bạo lực”.

Nhưng không phải ai ai cũng nhất trí như thế.

Đức Cha Thomas Wenski, Tổng Giám Mục giáo khu Lynch, trong bài giảng của ngài để khai mạc chiến dịch Hai Tuần Lễ cho Tự Do Tôn Giáo, đã cảnh cáo người ta không được đổ lỗi cho “một tôn giáo đặc thù nào hay tôn giáo nói chung phải chịu trách nhiệm về sự tàn bạo này”. Ngài cho rằng nếu làm thế, sự thật sẽ trở thành “một thương vong khác sau cuộc tấn công khủng bố do một con sói duy nhất thực hiện”.

Suốt năm và trên khắp nước, các giám mục Công Giáo đã lên tiếng chống lại bạo lực súng đạn; trong nhiều trường hợp, các ngài đã kêu gọi phải kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn.

Đức Hồng Y Blaise Cupich, lúc ấy còn là Tổng Giám Mục, hồi tháng Sáu, đã tuyên bố rằng: “tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ bắt đầu cuộc thảo luận công cộng trong gia đình, trong khu phố, trong các nhà thờ, nơi làm việc của chúng ta về điều ta thực sự cần trong tư cách một xã hội”.

“Chúng ta không thể tiếp tục lối sống có quá nhiều cuộc nổ sung và giết người trên các đường phố của ta… nhất là các loại vũ khí tự động có hỏa lực cao, những loại vũ khí quét đường như người ta quen gọi này đã làm nhiều người ngã gục. Chúng ta không cần điều này ở các đường phố của chúng ta và nay là lúc để chúng ta nói lên điều đó và nắm tay nhau để hành động”.

Hồi tháng Bẩy, sau vụ nổ súng giết người nữa, lần này ở Dallas, khiến 5 cảnh sát viên chết và 6 người nữa bị thương, Đức Cha Kevin Farrell – nay là Hồng Y, bộ trưởng thánh bộ Gia Đình, Giáo Dân và Sự Sống, đã bày tỏ sự an ủi đối với các nạn nhân và kêu gọi chấm dứt bạo lực súng đạn.

Đầu năm nay, để trả lời các quy định của chính phủ Obama liên quan tới việc kiểm soát súng đạn gắt gao hơn và luật lệ của tiểu bang Texas cho phép các chủ nhân có phép giữ súng được trưng bầy súng ống một cách công khai, Đức Cha Farrell đã cho công bố một tuyên bố ngỏ lời cám ơn Thiên Chúa về sự can đảm của Tổng Thống Obama “dám trám các lỗ hổng trong luật lệ kiểm soát súng ống đáng trách nhằm giảm thiểu con số các vụ nổ súng hàng loạt, giết người và tự tử, vốn đã trở thành một cơn dịch tại xứ sở ta”.

Đức Cha Farrell cũng tuyên bố rằng súng đạn phải được ngăn cấm tại các cơ sở của Giáo Phận: “chính sách này bắt nguồn từ niềm tin này: các nhà thờ, trường học và các nơi thờ phượng khác của chúng ta nhằm làm nơi cung thánh, địa điểm thánh, nơi người ta tới để cầu nguyện và tham dự thừa tác vụ của Giáo Hội”.

Hồi tháng Tám, mọi giám mục của Missouri đã ký một bản tuyên bố khuyến khích các công dân có thiện chí “đừng trở thành mồi cho quan niệm này: chúng ta được an toàn hơn trong tư cách cá nhân và xã hội nếu mọi người luôn được trang bị ở khắp nơi”.

Tự do tôn giáo và các Tiểu Muội Người Nghèo

Năm năm trước đây, các giám mục Hoa Kỳ có phát động sáng kiến “Hai Tuần cho Tự Do”, một chiến dịch kéo dài hai tuần, được tổ chức khoảng ngày 4 tháng Bẩy, Ngày Độc Lập, nhằm đáp ứng điều các vị coi như xâm thực quyền tự do của các nhóm tôn giáo được sống thực các niềm tin tôn giáo của họ và tích cực tham dự vào đời sống quốc gia.

Cố gắng trên đặc biệt có ý nghĩa vào năm 2016, khi có cuộc đấu tranh trước Tối Cao Pháp Viện giữa Nhà Trắng và các Tiểu Muội Người Nghèo về chỉ thị phải mua bảo hiểm ngừa thai do chính phủ Obama áp đặt.



Kết quả, Tối Cao Pháp Viện, đến lúc đó không còn chánh án Antonin Scala, đã quyết định không phán quyết, nên đã yêu cầu hai bên cung cấp thêm dữ liệu, một yêu cầu được nhiều người coi như lời thúc đầy hai bên tìm giải pháp tương nhượng.

Những yêu cầu như thế khá hiếm, và có thể cho thấy ý muốn của các thẩm phán không muốn có phán quyết 4-4. Nhưng trong khi ấy, Tòa đã ngưng không cho thi hành việc phạt vạ và các chế tài khác đối với việc không thi hành chỉ thị.



Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Tám với Crux, Nữ Tu Constance Veit, phát ngôn viên của các Tiểu Muội Người Nghèo, nhìn nhận rằng đã có những lúc kể từ lúc bắt đầu cuộc đấu tranh lâu dài chống chỉ thị, bà tự hỏi liệu di sản của dòng có buộc các bà phải tiếp tục tranh đấu mãi không.

Bà nói: “chúng tôi có lịch sử từ hồi bắt đầu dòng của mình phải xử lý với các hoàn cảnh bất khoan dung tôn giáo. Trong các cộng đồng dòng nữ tại Hoa Kỳ, chúng tôi có một lịch sử lâu dài hơn nhiều dòng khác, một lịch sử sâu sắc và có tính quốc tế nhiều hơn, và điều này đã nằm sẵn trong DNA của chúng tôi”.

Từ ngày Ông Trump hứa sẽ thu hồi một phần, nếu không tất cả, Đạo Luật Chăm Sóc Vừa Túi Tiền (Affordable Care Act), và tôn trọng tự do tôn giáo, các luật sư của Dòng Tiểu Muội Người Nghèo lạc quan về viễn ảnh vấn đề của họ sẽ được giải quyết nhanh chóng sau khi tân chính phủ nhậm chức.

Dòng Tiểu Muội Người Nghèo chỉ là một nhóm liên quan tới vụ Zubik v. Burwell. Vụ này còn liên quan tới Các Linh Mục Phò Sự Sống, các giáo phận Pittsburgh và Erie ở Pensylvania, và tổng giáo phận Washington cũng như nhiều nhóm tôn giáo khác không được hưởng quyền đặc miễn của các Giáo Hội.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tấu khúc Belem 2016 - Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, San Jose, California
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
10:08 19/12/2016
Lần đầu tiên đón Giáng Sinh ở Hoa Kỳ, tôi được đến dự đêm “ Tấu khúc Belem 2016” với chủ đề Giáng Sinh trong gia đình do Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, San Jose, California trình bày. Cha Andrew Nguyễn Thông, phó xứ cho biết: đây là lần thứ 15 chương trình được tổ chức.

Cô Mộng Điệp, liên ca trưởng của Giáo xứ cho hay giáo xứ có 19 ca đoàn. Các ca đoàn thay nhau phục vụ các thánh lễ. Ca đoàn nhiều ca viên nhất là 50 người và ít nhất 4 người. Độ tuổi các ca đoàn chênh lệch khá xa. Ba mươi năm và bốn năm. Từ đây ta có thể thấy, giáo xứ có một độ dày thánh lễ và sự thủy chung phục vụ của các ca viên.

Chắc nên phải nói đến điều này hai ca đoàn Fatima và Mẹ Thiên Chúa có các ca viên thuộc lứa tuổi ông bà. Ca viên mở sách hát nhưng không nhìn bài hát, chỉ chăm chú nhìn ca trưởng. Lý do: Mắt không còn nhìn thấy chữ! Đây là điều mà MC. Cường và chị Bích Liên nhận xét sau phần trình bày của hai ca đoàn và được sự đồng tình của khán giả với những tràng pháo tay thật dài.

Các bài thánh ca bất hủ vượt thời gian là Halleluia, Ave Maria, Do you hear what I hear, Về Belem ( transeamus usque Betlehem), Đêm Noel, Đêm yêu thương, Go tell it on the mountain, Đêm thánh vô cùng, Say Noel, Một đêm Belem, O holy night, The little drummer boy, Cùng đi Belem, Vinh danh Thiên Chúa, Hang Belem được 19 ca đoàn trình bày.

Nếu chấm điểm theo giọng hát thì tác phẩm Halleluia lay động lòng người nhất. nhưng chấm điểm theo sự đóng góp của mọi người thì sự dày công tập luyện của các ca viên để làm nên ngày Tấu Khúc Belem được xếp hạng cao nhất. Tuy vậy sự hy sinh của các chị ca viên vẫn được điểm nhiều hơn. Vì trời lạnh 35 độ F (1,66 độ C) mà các chị vẫn mặc áo dài !!!

Chương trình được khởi đầu bằng vũ khúc hoạt cảnh Giáng sinh của đoàn văn nghệ dân tộc giới trẻ Lasan. Đức Mẹ mặc áo tứ thân, thánh Giuse mặc áo dài khăn đóng, các mục đồng và những nhân vật đến với hang đá Belem mặc áo bà ba, áo dân tộc miền núi, áo dài…thấm đẫm văn hóa Việt. Nếu không mặc áo khoác và không run lên vì lạnh thì tôi cứ ngỡ mình đang thưởng thức đêm diễn nguyện ở một giáo xứ nào đó tại Việt Nam. Đằng sau tôi, có tiếng thì thầm nho nhỏ của ai đó: mình chưa bao giờ thấy Đức Mẹ và thánh Giuse nhảy. Quả thực lúc đó tôi đang dán mắt vào các em múa mà không nhìn kỹ hai nhân vật này. Và quả đúng vậy, cả hai bế Chúa Hài Đồng nhún nhảy theo các em múa điệu dân tộc. Quả là dễ thương !

Chương trình cũng được xen kẽ bằng đơn ca, song ca và gia đình ca. Tất cả đều hài hòa từ âm thanh, ánh sáng cho đến thời gian.

Cha chánh xứ Phê-rô Huỳnh Lợi là người khởi đầu và kết thúc chương trình bằng lời cầu nguyện.

Đêm đang dần buông xuống, nhưng đáp lại lời mời gọi của cha xứ, mọi người nán lại dọn dẹp. Lúc đó, tôi chẳng phân biệt được cha xứ, cha phó, ca trưởng, ca viên vì mọi người đều lúi húi dẹp dọn.

Khoảng ba ngàn người hiện diện trong đêm Tấu Khúc Belem, tôi nghĩ đây là sự tưởng thưởng lớn nhất cho ban tổ chức và nhất là cho các anh chị ca viên đã dày công luyện tập.

Xin Chúa Hài Đồng tiếp tục chúc lành cho Giáo xứ đang trong tiến trình bắt đầu xây nhà thờ. Nguyện Mẹ La vang nhìn đến những hy sinh và đóng góp của mọi người và chúc lành cho giáo xứ.

San Jose 18 tháng 12/2016
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
 
Giáo xứ Lam Điển TGP Hà Nội : Đêm Thánh Ca Giáng Sinh 2016
Giáo xứ Lam Điền
10:27 19/12/2016
Giáo xứ Lam Điển TGP Hà Nội: Đêm Thánh Ca Giáng Sinh 2016

Nhân dịp mừng Đại Lễ Giáng Sinh 2016, khởi đi từ Tông Thư Misericordiae Vultus của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Mầu nhiệm này chính là nguồn cội của niềm vui, của sự thanh thản và bình an” (Misericordiae Vultus số 2)

Giáo xứ Lam Điền Tổng Giáo Phận Hà Nội, tổ chức Đêm Hát Khen Mừng Chúa với chủ đề “Vui Vì Có Chúa Ở Cùng”, với thể loại: Hợp ca, tốp ca, ca ngợi Mầu nhiệm Nhập thể, công cuộc tạo dựng vào cứu độ của Thiên Chúa.

Xem Hình

Đêm (18/12/2016), thời tiết ở Hà Nội với cái lạnh của đêm Đông, khi Mùa Giáng sinh về, bằng mọi cách bài hát « Đêm Đông » lại được cất lên thật hợp cảnh hợp tình làm lòng người phấn khởi.

Đúng 19 giờ 30, giờ đã điểm, tiếng chuông nhà thờ cất lên, hòa cùng tiếng kèn Tây Nhạc. Giáo xứ Lam Điền, ngoại ô Thành phố, vùng đất của một thời tòng giáo, MC Đức Thế và Công Bằng với giọng nói ấm áp và linh hoạt cùng với những lời dẫn nhẹ nhàng đưa mọi người đi vào từng bài thánh ca trong buổi Hát Khen Mừng Chúa.

Thánh Augustô nói: « Hát bằng hai lần cầu nguyện ». Xin cho lời nguyện cầu bằng hơi thở, bằng lời ca tiếng hát của chúng ta bay lên trước tòa Chúa và được Chúa thương chúc phúc.

Thay mặt ban tổ chức đêm hát thánh ca mừng vui vì Chúa ra đời, Cha Antôn Nguyễn Văn Độ trân trọng gửi đến quý Ban Hành giáo, quí ca viên thuộc ca đoàn các xứ họ, quí ban Kim nhạc, quí cụ, quí ông bà anh chị em lời chào trân trọng, cùng với lời chúc mừng tốt đẹp nhất của giáo xứ Lam Điền. Nguyên xin Chúa là nguồn mọi ơn phúc, ban cho mọi người muôn phúc lộc chan hòa.

Với ước muốn rằng buổi hát thánh ca tối nay mang lại cho chúng ta niềm vui, ơn thánh, giúp nhau làm việc tông đồ, chiếu tỏa tình yêu và lòng bác ái của Thiên Chúa nơi con người trong thế giới hôm nay.

Sau lời khai mạc của Cha Antôn là màn múa trống mở đầu, tiếp đến là các cung điệu cao sang trầm bổng của 7 ca đoàn hợp xướng, xen lẫn với 2 đội kim nhạc làm cho tâm hồn mọi người ngất ngây chiêm ngưỡng cảnh tượng Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh làm người.

BTT. Giáo xứ Lam Điền
 
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam thuộc GP San Diego, California, lần đầu tiên tổ chức chung TC Mừng Chúa Giáng Sinh
Nguyễn Phước
16:48 19/12/2016


San Diego, 17/12/2016: Được biết năm nay, sáu cộng đoàn Công Giáo Việt Nam sống tại Giáo phận San Diego lần đầu tiên tổ chức chung với nhau đêm thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh, với chủ đề: “Đêm Thánh Nhạc Giao Hòa 2016”.

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam thuộc Giáo phận San Diego, Miền Nam California, Hoa Kỳ, lần đầu tiên tổ chức chung Thánh Ca Mừng Chúa Giáng Sinh.

Các ca đoàn của sáu cộng đoàn đã lần lượt thay nhau trình diễn, thêm vào đó có Hội Bảo Trợ ơn Thiên Triệu đã đóng góp hai vũ khúc do các em thiếu niên và thiếu nhi trình bày. Để có được Đêm diễn này, các Cha quản nhiệm đã thôi thúc và khuyến khích cũng như hiện diện, đã làm tăng thêm tinh thần cho Các ca đoàn trình diễn.

Những ca khúc Đêm Thánh Nhạc hôm nay đã để lại trong lòng người xem những tâm tình hân hoan và hơi ấm của Hài Nhi Giê-su. Ngài đã giáng sinh hơn hai ngàn năm qua vẫn còn đó âm vang tình yêu của Con Chúa Trời ra đời cứu độ thế nhân.

Bart. Nguyễn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thiên Thần Truyền Tin
Tấn Đạt
19:15 19/12/2016
THIÊN THẦN TRUYỀN TIN
Ảnh của Tấn Đạt
Hỡi người dương thế lặng nghe
cung đàn
Mau tìm cho tới thờ kính
Vua giáng trần.
(Trích ca khúc của Hoài Đức & Nguyễn K. Xuyên)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 13– 20/12/2016: Câu chuyện Ông Già Noel
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:06 19/12/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Người mục tử nói lên sự thật

Các mục tử cần nói lên sự thật, đó là bước đầu, phần còn lại Chúa sẽ lo. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 15 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta. Bài giảng của ngài đã tập trung vào Thánh Gioan Tẩy Giả.

Thánh Gioan rao giảng rất mạnh mẽ. Ngài đề cập đến những tật xấu của người Pharisêu, của các luật sĩ, các kinh sư. Ngài không nói: “Anh em thân mến, hãy cư xử tử tế!” Nhưng ngài chỉ thẳng vào mặt họ mà nói: “Nòi rắn độc kia!” Thánh Gioan nói cách rất đơn giản và thẳng thắn, không có chút gì là úp mở. Ngài phải nói thế, bởi vì họ đến để kiểm tra, để thách đố, để đứng nhìn, chứ không bao giờ mở lòng ra sám hối. Họ mang dáng dấp lươn lẹo của loài rắn. Khi nói như thế, Gioan mạo hiểm với cuộc sống, nhưng ngài vẫn trung thành sống lối sống ấy. Sau đó, khi gặp vua Hêrôđê, Thánh Gioan cũng nói thẳng vào mặt vị quân vương đầy quyền thế: “Vua là kẻ ngoại tình, vua không được phép sống ngoại tình như thế!”

Phải đối mặt! Để cụ thể hơn, ví dụ trong bài giảng lễ Chúa Nhật, vị linh mục nói: “Giữa anh chị em có một số người là nòi rắn độc, có nhiều người sống ngoại tình”. Chắc chắn sau đó, Đức Giám Mục giáo phận sẽ nhận được những lá đơn nói rằng: “Cha ấy đã xúc phạm chúng con.” Đó là thật là chuyện xúc phạm nhưng người mục tử phải trung thành với sứ mạng nói lên sự thật.

Mặc dù Thánh Gioan rất mạnh mẽ và kiên vững trong ơn gọi mà Thiên Chúa ủy thác, nhưng ngài cũng có những giây phút đêm tối, có những lúc nghi ngờ. Ngay cả sau khi làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt toàn dân, rằng Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian. Vậy mà, khi ở trong tù, ngài nghi ngờ, ngài sai các môn đệ đi hỏi Chúa Giêsu xem có đúng Người là Đấng Kitô không, là Đấng phải đến không.

Những con người vĩ đại như ông vẫn có những lúc nghi ngờ, và điều ấy thật đẹp. Họ chắc chắn về ơn gọi, nhưng mỗi khi Chúa tỏ cho họ thấy con đường mới, thì họ bước vào con đường ấy với những nghi ngờ. Nghi ngờ ví như “điều ấy hình như không mang tính chính thống, hình như có gì đó sai lạc, hình như đây không phải là Đấng Mesia mà tôi mong đợi.” Có khả năng nghi ngờ như thế, chúng ta càng thấy rõ sự vĩ đại của Gioan.

Chúng ta hãy xin thánh Gioan Tiền Hô chuyển cầu cùng Chúa, để ban cho chúng ta ơn can đảm khi thực thi sứ mạng mục tử, để chúng ta luôn luôn nói sự thật với tình thương của người mục tử, để chúng ta đón nhận mọi người và những gì nhỏ bé mà mọi người trao tặng. Đó là bước khởi đầu. Phần còn lại, chính Chúa sẽ làm. Thậm chí, chúng ta cũng xin ơn nghi ngờ như Gioan đã nghi ngờ. Điều gì làm cho Gioan vĩ đại! Gioan là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời, và vì thế mà ông vĩ đại, ông trợ giúp chúng ta trên con đường theo bước chân của Chúa.

2. Câu chuyện Ông Già Noel

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tháng 9 năm 1897, một bé gái 8 tuổi tên là Virginia đã viết cho tờ báo Công Giáo Hoa Kỳ để hỏi về ông già Noel. Câu hỏi của cô bé là: Ông già Noel có thật không?

Vài ngày sau, trên mục quan điểm của tờ báo, người ta đọc được câu trả lời của ông chủ nhiệm kiêm chủ bút như sau “Virginia yêu dấu của bác. Ðiều trước tiên bác muốn nói với cháu là: các bạn của cháu thật là sai lầm khi bảo rằng không có ông già Noel. Các bạn của cháu bị tiêm nhiễm bởi trào lưu hoài nghi. Họ nghĩ rằng chỉ có thể tin được những gì họ thấy tận mắt. Họ nghĩ rằng không gì có thể có được nếu trí khôn nhỏ bé của họ không hiểu được.

Virginia yêu dấu, tất cả mọi trí khôn của loài người, dù là của trẻ em, dù là của người lớn, tất cả đều nhỏ bé. Trong cái vũ trụ bao la này, con người chỉ là một con kiến nhỏ bé.

Virginia ạ, ông già Noel có thực. Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại nhờ đó cuộc sống của cháu trở thành vui tươi và xinh đẹp. Bé ơi, nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không có những tâm hồn ngây thơ trong trắng của những trẻ thơ như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không có một niềm tin của trẻ thơ như cháu thì không có một áng văn, một dòng thơ nào có thể làm cho cuộc sống của chúng ta đáng sống nữa. Không có một niềm tin của trẻ thơ thì ánh sáng vĩnh cửu đang lấp đầy thế giới cũng sẽ tắt dần.

Virginia, nếu cháu không còn tin ở ông già Noel nữa, thì cháu cũng chẳng còn tin ở chuyện thần tiên nữa. Có thể cháu sẽ yêu cầu bố cho người ngồi canh ở lò sưởi, ở cuối giường để bắt cho được ông già Noel... Nhưng dù cháu không bắt được ông già Noel đi nữa, điều đó có ý nghĩa gì? Chưa có ai thấy ông già Noel, nhưng cũng không ai chứng minh được là không có ông già Noel. Những điều có thực nhất trong thế giới của chúng ta đó là những điều mà trẻ con và ngay cả người lớn cũng chưa từng thấy.

Cháu đã bao giờ thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa? Dĩ nhiên là chưa. Nhưng có ai chứng thực được các nàng tiên không có không? Không ai có thể có khái niệm hay tưởng tượng được bao điều kỳ diệu chưa thấy hoặc không thể thấy được trong thế giới của chúng ta.

Chỉ có Ðức Tin, chỉ có tình yêu mới có thể vén mở được bức màn bí mật của thế giới chúng ta.

Nhờ ơn Chúa, ông già Noel vẫn sống và tiếp tục sống, cháu Virginia ạ. Ông già Noel sẽ tiếp tục làm cho tâm hồn trẻ thơ được tràn đầy hoan lạc”.

3. Người Kitô hữu mở đường cho Chúa Giêsu bằng đời sống chứng tá

Người Kitô hữu nhận thấy thánh Gioan Tẩy Giả là chứng tá khiêm nhường cho Chúa Giêsu. Thánh nhân đã trở nên nhỏ đi, để cho Chúa lớn lên, để giới thiệu Con Thiên Chúa cho mọi người. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 16 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta

Trong những ngày này, Tin Mừng giúp chúng ta tập trung vào chân dung của Gioan Tẩy Giả. Ông là chứng nhân cho Chúa Giêsu. Ơn gọi của ông là làm chứng cho Chúa, là giới thiệu Chúa cho mọi người, là ngọn đèn cháy sáng.

Ngọn đèn chiếu tỏa ánh sáng, làm chứng cho ánh sáng. Ông là tiếng kêu. Chính ông nói: Tôi là tiếng kêu trong hoang địa. Ông là tiếng kêu, là tiếng nói làm chứng cho Lời của Thiên Chúa, cho Ngôi Lời Thiên Chúa. Ông chỉ là tiếng kêu. Ông rao giảng về ơn sám hối và làm phép rửa để giúp mọi người sám hối. Ông nói cách rõ ràng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng mạnh hơn tôi, và tôi không đáng để cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa.”

Gioan thật vĩ đại, vĩ đại vì ông rất khiêm tốn. Ông cho thấy Người quan trọng là Chúa Giêsu chứ không phải ông. Khi dân chúng và các luật sĩ hỏi: Ông có phải là Đấng Cứu Thế không? Ông trả lời rõ ràng: Tôi không phải.

Lời chứng của ông rất mạnh mẽ và xác quyết, không có chút gì là hư danh. Tiếng nói của ông dập tắt sức mạnh của kiêu hãnh. Tiếng nói ấy mở cánh cửa cho lời chứng khác. Đó là lời chứng từ chính Chúa Cha. Hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ta có lời chứng còn mạnh hơn cả lời chứng của Gioan, đó là lời chứng từ Chúa Cha.” Và Gioan đã mở cánh cửa cho lời chứng này. Ông Gioan đã nghe thấy tiếng nói từ Chúa Cha về Chúa Giêsu rằng: “Này là Con của Ta”. Thật tuyệt vời là sau khi mở cánh cửa, Gioan đã luôn lùi sang một bên. Đó là con đường khiêm tốn của ông. Cuối đời, ông chết trong tù, bị Hêrôđê chặt đầu chỉ vì vua chiều theo ý thích của bà mẹ dâm đãng xúi giục đứa con gái.

Hôm nay thật là một ngày đẹp để chúng ta tự hỏi về đời sống Kitô của chính mình. Đời sống chúng ta có mở đường cho Chúa Giêsu không. Nếu đời sống có đầy những cử chỉ tốt đẹp ấy, chúng ta hãy dâng lên Chúa. Chúng ta hãy tiếp bước để làm chứng cho Chúa Giêsu, giống như thánh Gioan đã làm. Thánh nhân đã làm chứng tuyệt vời và ngài trợ giúp chúng ta trên bước đường chứng tá.

4. Người giáo sĩ trở nên tệ hại khi xa cách dân Chúa

Tinh thần “giáo sĩ trị” là điều xấu nhưng tiếp tục có mặt trong Giáo Hội ngày nay. Và hậu quả là: dân Chúa trở thành nạn nhân, dân Chúa cảm thấy bị chối từ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 13 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các mục tử rằng, đừng trở thành những nhà trí thức tôn giáo theo kiểu rời xa Mặc khải của Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các thượng tế và kỳ lão trong dân. Ngài tập trung những suy tư vào vai trò của họ. Họ có thẩm quyền về luật pháp, về luân lý, về tôn giáo. Họ quyết định mọi sự. Anna và Caipha đã xét xử Chúa Giêsu. Các thượng tế và giới lãnh đạo quyết định giết anh Lazarô. Họ cũng thương lượng với Giuđa về giá cả để bán Chúa Giêsu. Họ cho thấy sự kiêu ngạo, độc tài của họ và hậu quả là người dân phải chịu đựng.

Họ khai thác luật lệ. Các điều luật lên tới con số 500. Họ thiết lập mọi sự, mọi thứ! Họ làm nên luật lệ một cách rất khoa học, bởi vị họ là những nhà thông thái, vì họ hiểu biết rất nhiều. Nhưng họ có thực thi những điều luật ấy, hay là không? Có một luật mà họ không nhớ. Họ quên mất điều răn đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho tổ phụ Abraham: “Hãy bước đi trong sự hiện diện của Chúa, không chê trách được điều gì.” Họ không bước đi, mà luôn khẳng định ý kiến của mình dù họ thật đáng trách!

Thực thế, họ quên đi Mười điều răn Chúa trao cho Môsê. Họ chỉ biết luật do họ làm ra một cách tỉ mỉ tinh tế với những nghiên cứu kỹ lưỡng. Họ hủy bỏ luật pháp của Thiên Chúa. Nạn nhân của họ chính là người dân, những người nghèo, người bé nhỏ, người tin tưởng nơi Thiên Chúa, những người bị loại trừ. Ngay cả, những người ăn năn sám hối vì chưa thực thi những điều luật một cách hoàn hảo, cũng bị đau khổ bởi những bất công.

Giuđa là kẻ phản bội. Ông phạm trọng tội! Đúng thế. Nhưng sau đó Tin Mừng nói: ông hối hận, ông trả lại những đồng bạc cho các thượng tế và kỳ mục. Còn họ, họ đã làm gì? Có thể họ nói: “Nhưng anh là bạn của chúng tôi. Đừng lo… Chúng tôi có quyền tha thứ tất cả cho anh!” Không! Họ nói thẳng với Giuđa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” Giuđa bị bỏ lại một mình và ông bỏ đi! Giuđa nghèo hèn khốn khổ, đã sám hối, nhưng không được các mục tử là chính các thượng tế và kỳ mục chấp nhận. Họ đã quên mất vai trò mục tử. Họ là những trí thức tôn giáo, là những người cầm quyền, là những người dạy giáo lý cho dân chúng bằng sự học thức của họ, chứ không bằng mặc khải của Thiên Chúa.

Ngay cả ngày nay, trong Giáo Hội, vẫn còn tinh thần “giáo sĩ trị”. Những vị giáo sĩ ấy luôn cảm thấy mình hơn người và xa lánh người dân. Các vị ấy không còn giờ để lắng nghe người nghèo, lắng nghe người đau khổ, người bị tù đày, người bệnh tật.

Điều tệ hại của thứ gọi là “giáo sĩ trị” vẫn tồn tại và xuất hiện những phiên bản mới. Nhưng những con người phải chịu đựng điều ấy thì luôn là những người nghèo, những người bé nhỏ và những người chờ đợi ngày Chúa đến. Thiên Chúa là Cha luôn tìm mọi cách để đến với chúng ta: Ngài đã sai Con của Ngài đến. Chúng ta đang mong chờ trong niềm vui hoan hỉ. Chúa Con đến với những người đau bệnh, người nghèo khó, người bị loại trừ, những người thu thuế và kẻ tội lỗi, ngay cả những cô gái điếm. Ngày nay, Chúa Giêsu tiếp tục nói với những người đang bị quyến rũ bởi tinh thần “giáo sĩ trị”, giống như Chúa đã nói với các thượng tế và kỹ lão rằng: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”