Ngày 19-12-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chối bỏ
Lm Vũđình Tường
06:21 19/12/2013
Khi lớn lên nhận biết trước khi mình được sinh ra thì cha mẹ đã không muốn thấy mặt mình là một nỗi sầu lớn trong đời. Cha mẹ có thể vì áp lực xã hội, phong tục địa phương không dám nhận em bé sinh ra ngoài hôn nhân. Dù lí luận thế nào đi nữa cũng không thể thay đổi được thực tế phũ phàng của việc từ bỏ đứa con chưa ra đời. Đứa nhỏ là một bào thai, vô tội, chưa từng gây điều trái trở thành nạn nhân của xã hội đương thời hoặc nạn nhân của í riêng. Đức Kitô là đứa trẻ bị chối bỏ trước khi sinh ra nhưng Ngài lớn lên mà không hề mang mặc cảm, không hằn thù, tự ti, mặc cảm, cũng chẳn hề nửa lời trách cha mẹ mình.

Phúc Âm tường thuật trước khi về chung sống với nhau cậu Giuse biết cô Maria đã có thai nên cậu âm thầm định từ hôn một cách kín đáo. Í định từ hôn vì sợ tiếng đời và sợ liên luỵ đến an nguy của cô Maria và bào thai trong cô Mat 1,19.

Về phần cô Maria cũng không hơn gì. Sứ thần đến báo tin cho biết cô sẽ mang thai và sẽ sanh một bé trai. Để chuẩn bị đưa tin sứ thần đã chuẩn bị tâm tình cô thông báo
‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở củng bà’ Lc 1,28

Sau đó sứ thần loan tin. Bằng đó câu khuyến khích chúc mừng giúp cô Maria bớt lo lắng bồn chồn khi nhận tin cô sẽ thụ thai. Cô Maria bối rối, lo lắng nhưng vẫn muốn hỏi cho rõ: việc đó xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng Lc 1,34.

Mặc dù không hề có chữ nào nói là cô Maria không muốn có con nhưng thái độ của cô Maria cho thấy cô không sẵn sàng đón nhận em bé đó.

Từ chối đón nhận tin vui Đấng Cứu Thế sinh ra cách đây hai ngàn năm dường như được lập đi, lập lại nhiều lần trong lịch sử cứu độ. Mỗi một thế hệ người sinh ra lại có người chấp nhận tin vui và cũng có người từ chối tin vui. Người ta mong đợi Đấng Cứu Thế đến nhưng khi Ngài đến người ta từ chối đón nhận. Người ta đi tìm ánh sáng chân lí nhưng khi ánh sáng đó lan tràn người ta lại chạy núp trong bóng tôi, ưa bóng tối hơn ánh sáng chân lí. Người ta khát khao tình yêu chân thật từ Thượng đế nhưng khi tình yêu đó đến người ta làm ngơ tình yêu từ thiên giới và chờn vờn với tình yêu tạo vật. Người ta đi tìm sự sống nhưng khi sự sống trường sinh đến người ta lại đóng đinh sự sống đó.
Thiên Chúa đến trong thế gian một cách bình thường đến độ con người làm ngơ, coi việc Ngài đến như là sự sống bình thường của một con người bình thường. Có lẽ còn đơn sơ, hèn mọn hơn cuộc sống của một con người bình thường. Sinh ra nơi đồng hoang, trong cảnh nghèo, giữa kẻ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Ngài đến rao giảng tin vui nhưng kẻ đón nhận, người từ chối, chê bai. Ngài đến không kèn, trống. Có tiền hô, hộ ủng đấy. Tiền hô là một chàng trai trẻ, mặc áo lạc đà, ăn châu chấu, uống nước sông. Hậu ủng là nhóm mươi người lang thang, thất thế, không nhà cửa. Đường lối Thiên Chúa khác hẳn đường lối xã hội. Con đường Ngài đi là con đường tình yêu mà tình yêu chân chính gắn liền với khiêm nhu, đơn sơ và khó nghèo. Ba đặc điểm trên thể hiện ngày Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Ba đặc điểm trên cũng thể hiện ngày Ngài tử nạn trên thập tự. Trên đồi Calvê có bạo động, có tiếng búa chói tai, có hò hét, la ó. Ai gây ra tiếng đó thưa là những nhà lãnh đạo trong dân. Thưa là đám lí hình hành hung người tù và cuối cùng là tiếng của đám đông chứng kiến. Đấng Cứu Thế im lìm đón nhận tất cả vì tình yêu Ngài dành cho nhân loại.

Cậu Giuse và cô Maria đón nhận Đấng Cứu Thế do sự can thiệp kì diệu của Thiên Chúa. Mùa Giáng Sinh chúng ta xin ơn bình an và ơn cam đảm đón Chúa tái sinh trong cõi lòng mỗi người.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Giá trị của Kinh Mân Côi
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:58 19/12/2013
Thứ Sáu, 20/12 Mùa Vọng

« Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ » (Lc 1, 28).

Lời chào đặc biệt này của sứ thần Gabriel dành cho Trinh Nữ Maria được lặp đi lặp lại bởi các tín hữu không biết bao nhiêu lần mỗi ngày. Nó đã trở nên lời kinh thông dụng của Giáo Hội giúp mọi người dễ dàng cầu nguyện vì ai ai cũng dễ dàng học thuộc. Phương pháp cầu nguyện này quen thuộc đến nỗi một số người coi đây là việc đạo đức bình dân. Ngay bản thân mỗi người, vì lời kinh này quá quen thuộc và thật dễ dàng áp dụng, nên chúng ta đôi khi bỏ qua việc đào sâu ý nghĩa tiềm tàng trong đó. Mỗi khi trở về tìm hiểu ngọn nguồn, chúng ta mới thấy được màu nhiệm cao siêu của Kinh Mân Côi.

Kinh Mân Côi chính là cuốn Tin Mừng rút gọn. Nó bao hàm hết mọi màu nhiệm của Đức Giêsu từ nhập thể, giáng sinh, khổ nạn và phục sinh. Nhờ đó, chúng ta khám phá ra tình yêu vô bờ của Thiên Chúa dành cho nhân loại như thánh Gioan đã khẳng định : « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ » (Ga 3, 16-17).

Mỗi khi suy niệm Kinh Mân Côi cùng với các màu nhiệm Vui Thương Mừng, chúng ta cùng với Đức Maria chiêm ngắm Đức Giêsu từ lúc ra đời sinh làm hài nhi bé bỏng trong máng chiên lừa tanh hôi, đến những năm tháng dài sống âm thầm trong lao động và cầu nguyện nơi trường học Nazareth, rồi những năm tháng rong ruổi khắp đó đây để rao giảng Tin Mừng, và đặc biệt là cuộc thương khó bi thương cùng cái chết nhục nhã trên thập giá, và đỉnh cao là sự phục sinh vinh hiển để mở ra con đường dẫn đưa nhân loại vào cõi trường sinh.

Làm sao lại không gọi Đức Trinh Nữ Maria là người đầy ơn phúc ? Làm sao lại không công nhận Mẹ là người được chúc phúc giữa muôn vàn phụ nữ ? Không có một lý do gì để phủ nhận lời chào trên đây của sứ thần Gabriel dành cho Đức Maria. Hơn ai hết, Mẹ đã được cưu mang nơi mình Đấng Cứu Thế, đã vất vả trong việc nuôi dưỡng và dạy dỗ. Mẹ đã đồng hành cùng con mình trên nẻo đường rao giảng, bước đi cùng Ngài trên con đường thập giá, đặc biệt là thông phần mình vào chính hiến tế mà Đức Giêsu dâng trên thánh giá để giao hòa thế gian với Thiên Chúa, để mở ra cho nhân loại một chân trời mới. Ngoài Mẹ ra, có ai trên đời này lại có được diễm phúc như vậy ?

Ngoài ra, trước mỗi lần ca ngợi Mẹ bằng cách lặp lại lời chào ấy, chúng ta cùng với Đức Giêsu dâng lên Thiên Chúa lời kinh Lạy Cha mà Người Con Một Yêu Dấu đã dậy chúng ta cầu nguyện với những lời thân thưa của những người con thảo đầy niềm tin tưởng nơi người Cha đầy quyền năng và yêu thương.

Do đó, còn lời kinh nào cao đẹp và ý nghĩa bằng Kinh Mân Côi ? Chúng ta còn chần chừ gì nữa mà không thực hành và khám phá ra kho tàng quý báu của lời kinh này ?

Xin Mẹ Maria đầy ơn phúc, người môn đệ luôn biết lắng nghe, suy đi gẫm lại trong lòng Lời Chúa trước khi đem ra thực hành, giúp chúng ta đào sâu các màu nhiệm nơi Người Con của Mẹ, ngõ hầu chúng ta đáng được hưởng nhờ công ơn Chúa đã chịu nạn chịu chết.
 
Giáng Sinh gây ngạc nhiên
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
10:00 19/12/2013
Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ xảy ra làm chúng ta phải ngạc nhiên. Có những ngạc nhiên làm chúng ta bối rối thắc mắc. Có những ngạc nhiên làm chúng ta thất vọng. Nhưng cũng có những ngạc nhiên đưa chúng ta tới một chân trời mới để khám phá những điều mới mẻ và kỳ diệu. Kinh nghiệm đó giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố và mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người để cứu nhân độ thế.

1. Ngạc nhiên từ biến cố Truyền Tin

Biến cố Truyền Tin là một sự bất ngờ và không thể hiểu được đối với suy nghĩ của con người. Thánh Luca kể lại: “Khi ấy, Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galiê, gọi là Nazarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-38).

Điều làm chúng ta bất ngờ đó là Thiên Chúa không sai Thiên Thần đến với một công chúa trong cung điện cao sang, cũng không đến với một cô hoa hậu hay một thiên tài nổi tiếng, nhưng đến với một trinh nữ miền quê, rất bình thường chân chất tại một làng nhỏ với vài trăm người sinh sống, cách xa Giêrusalem khoảng 150 km. Từ làng Nazaréth làm sao có gì hay được (x. Ga 1,45-46). Cô gái đó lại được chính Thiên Chúa chọn để làm Mẹ Con Thiên Chúa, là một trinh nữ đã đính hôn với một người đàn ông khác tên là Giuse.

Chính Đức Maria cũng ngạc nhiên khi nghe lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Maria thắc mắc lời chào đó có ý nghĩa gì? Thiên Thần không nói: “Chào cô Maria”, mà nói: “Hỡi Đấng đầy ơn phúc”. Đức Maria được Thiên Thần đặt cho một tên gọi mới “Đấng đầy ơn phúc”. Tên gọi đó gắn liền với một sứ mạng: Người được Thiên Chúa ban cho đầy ơn phúc để cưu mang và sinh hạ Con Đức Chúa Trời cho loài người. Theo Luca, một Israel mới không những đã khởi đầu, mà Maria chính là sự khởi đầu đó. Maria là “Nữ Tử Sion” tinh tuyền, là nơi Thiên Chúa đặt định một khởi đầu mới. Maria là Eva mới và là hình ảnh của nhân loại mới, một nhân loại được Thiên Chúa chúc phúc và cứu độ.

Trong bài Ave Maria nhà thơ Hàn Mặc Tử được gợi hứng từ đoạn Kinh Thánh này, đã ca ngợi Đức Mẹ:

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn,
Giầu nhân đức, giầu muôn lộc từ bi...
Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú ?
Người có nghe náo động cả muôn trời ?


2. Ngạc nhiên về việc Con Thiên Chúa làm người

Biến cố Nhập Thể đưa chúng ta từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Đây là sự ngạc nhiên lớn nhất xảy ra trong lịch sự nhân loại: “Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,30-33).

Khi nghe lời truyền tin đó, Đức Maria càng bối rối và thắc mắc: “Việc đó làm sao xảy ra được, vì tôi không biết đến người nam”?(Lc 1,34).

Làm sao không thể không gây ngạc nhiên và hoang mang khi một Thiên Chúa vô hình mà Cựu Ước diễn tả nếu ai nhìn thấy Ngài đều phải chết (x. Xh 33,20), lại trở thành Thiên Chúa hữu hình, có thể nhìn thấy, có thể tới gần, nắm bắt và đụng chạm được như chạm đến bất cứ con người nào khác; một Thiên Chúa được tuyên xưng là Đấng bất biến, là Vua, là Chúa tể trời đất, lại trở thành hữu hạn, bị lệ thuộc, bị giới hạn bởi không gian, thời gian và hoàn cảnh sống của con người; một Thiên Chúa đầy quyền năng, đầy sức mạnh và đầy vinh quang lại trở thành một em bé Giêsu yếu ớt, khó nghèo và mặc lấy “thân phận tôi đòi” (Pl 2,7) mà con người có thể làm nhục, xúc phạm và có thể giết chết được Ngài.

Quả thế, Thiên Chúa làm người là điều gây ngạc nhiên đối với con người qua mọi thời! Biến cố này trở thành cớ vấp phạm cho suy tư và niềm tin tôn giáo của con người nhưng lại là điểm độc đáo của Kitô giáo. Kitô giáo không phải là một học thuyết tư tưởng, cũng không phải là một hệ thống luân lý. Xét cho cùng Kitô giáo là một biến cố, biến cố độc nhất vô nhị: Thiên Chúa đã đến trong lịch sử, một Thiên Chúa làm người. Thế nên, Đức tin căn bản là cuộc gặp gỡ, gắn bó và bước theo một Con Người cụ thể –là Giêsu Nazaréth.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong cuốn sách nổi tiếng Đức Tin Kitô Giáo – Hôm Qua Và Hôm Nay đã diễn tả rất ý nghĩa về điều này như sau:

“Thiên Chúa đã đến quá gần đến nổi chúng ta có thể giết chết được Ngài, và vì thế, Ngài dường như không còn là Thiên Chúa của chúng ta. Trước một mạc khải theo đức tin Kitô như thế chúng ta quả hết sức bối rối và hoang mang, nhất là khi đứng trước lòng đạo đức của người Á Đông. Chúng ta tự nhủ: Hay cứ tin tưởng, ngưỡng vọng và phó thác vào một Đấng Đời Đời Ẩn Dấu như người Châu Á có phải đơn giản hơn không? Thiên Chúa cứ ở cách xa chúng ta muôn trùng có phải hơn không? Hãy nếu ta cứ ở trần thế mà an tâm ngước lên Đấng đời đời huyền nhiệm không thể thấu hiểu thì có phải đỡ phức tạp hơn là tin vào tính hiện thực của niềm tin Kitô, phó thác mình cho một khuôn mặt duy nhất, và như thế có thể nói là treo sự cứu rỗi của con người và thế giới vào một điểm tình cờ duy nhất? Một Thiên Chúa bị bó rọ trong một điểm nhỏ nhoi như thế có khác nào là tự chuốc lấy hủy diệt, nhất là khi con người ngày càng ý thức được tính chất tương đối của mình cũng như của lịch sử nhân loại, tất cả chỉ là hạt cát trong Toàn Thể mênh mông?” (1)

Tóm lại, câu trả lời cho sự liều mạng của Thiên Chúa chính là tình yêu cứu độ dành cho con người. Phúc Âm Thánh Gioan mô tả tình yêu này trong những từ sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì... được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tình yêu luôn hàm ẩn sự rủi ro và mất mát. Tình yêu tìm kiếm sự ngạc nhiên cho người mình yêu.

3. Thay lời kết

Lễ Giáng Sinh đang đến gần. Đêm Con Chúa sinh là Đêm thánh vô cùng, Đêm Đất - Trời xe duyên, Đêm gây bao ngạc nhiên. Bên Hang Đá Bêthlem, suy ngắm Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa ở với chúng ta, người Kitô hữu được mời gọi học biết để ngạc nhiên và có khả năng ngạc nhiên trước biến cố này để khám phá tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Sự ngạc nhiên đức tin đó cũng cần như “sự ngạc nhiên triết học” mà Platon cho rằng mỗi người phải có trong cuộc sống hằng ngày.

Trước mầu nhiệm Giáng Sinh mà lý trí loài người không tìm được lời lý giải, thì câu hát của bài Thánh Ca Giáng Sinh diễn tả thật ý vị: “Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính, Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa”!

(1) ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI, Đức Tin Kitô Giáo – Hôm Qua Và Hôm Nay (Lm Athanasi ô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Lam Hồng dịch), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2009, 54-55.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chiến thắng nữa cho GHCG Hoa Kỳ: Chống lại chỉ thị của Bộ Sức Khoẻ và Nhân Dụng
Nguyễn Kim Ngân
10:05 19/12/2013
Chống Lại Chỉ Thị của Bộ Sức Khỏe và Nhân Dụng (SKND)

Theo tường trình của Ed Whelan trên www.nationalreview.com, ngày 17 tháng 12 năm 2013, thì thẩm phán liên bang Brian M. Cogan thuộc khu vực vùng Đông New York đã ra phán quyết rằng nhiều cơ sở Công Giáo bất vụ lợi trong khu vực này được vĩnh viễn giải toả theo lệnh toà khỏi sự cưỡng chế của chỉ thị do Bô SKND ban hành. Vụ kiện này mang tên: “Roman Catholic Archdiocese of New York v. Sebelius.”

Đây là lần thứ hai có vụ xử kiện cho thấy chỉ thị của Bộ SKND không phù hợp với “Đạo Luật Liên Bang Phục Hồi Tự Do Tôn Giáo.” Chưa hề có toà án nào đã ra phán quyết khác với trường hợp này. Điều này cho thấy sẽ còn nhiều vấn đề pháp lý nẩy sinh từ chị thị của Bộ SKND nói riêng và từ Obamacare nói chung.

Các nguyên đơn trong vụ kiện này là hai tổng giáo phận Công Giáo, là New York và Rockville Center, và một số cơ sở Công Giáo khác như Cardinal Spellman High School, Monsignor Farrell High School, Catholic Health Care System, cùng với các chi nhánh liên hệ dưới tên gọi là ArchCare, và Catholic Health Services of Long Island. Dĩ nhiên chính quyền Obama vẫn có quyền kháng án.

Tưởng cũng nên biết rằng nếu không tuân thủ chỉ thị của Bộ SKND, các cơ sở sẽ lãnh mức phạt $100 mỗi ngày cho từng thân chủ. Nếu tìm cách ngưng không cung cấp bảo hiểm sức khỏe thì mức phạt hàng năm sẽ lên đến $2000 một năm cho mỗi nhân viên làm việc toàn thời gian. Như vậy muốn tránh mức hình phạt trên thì chỉ còn có nước là…vi phạm niềm tin tôn giáo và dập tắt tiếng lương tâm.

Xin bấm vào link dưới để đọc toàn bản phán quyết.

http://c9.nrostatic.com/sites/default/files/20131216_EDNY_%20opinion.pdf

Nguyễn Kim Ngân

12/18/13
 
Nhìn lại “Mục tiêu Thiên Niên Kỷ”
Lữ Giang
16:46 19/12/2013
Đầu thế kỷ 21, từ ngày 6 đến 8.9.2000, 189 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã họp Đại Hội Đồng LHQ tại New York và đưa ra bản Tuyên Ngôn Thiên Niên Kỷ của LHQ, tuyên bố “Mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ” (Millennium Development Goals) là phải phấn đấu để đạt tới 8 mục tiêu sau đây vào năm 2015:

1.- Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn
2.- Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học
3.- Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ
4.- Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em
5.- Cải thiện sức khỏe bà mẹ
6.- Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác
7.- Đảm bảo sự bền vững của môi trường
8.- Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển

Nay đã 13 năm, những mục tiêu đó đã đạt tới đâu? Chúng tôi đã có Bản Phúc Trình Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ 2013 (The Millennium Development Goals Report 2013), nhưng chúng tôi thấy mục tiêu thứ nhất là quan trọng nhất, không đạt được mục tiêu đó, các mục tiêu khác đều khó đạt được. Đói nghéo làm phát sinh ra mọi thứ tệ nạn. Người đói không cần dân chủ tự do hay nhân quyền, người đói chỉ cần miếng ăn và khi cùng cực sẵn sàng bán nhân phẩm của mình để có miếng ăn. Do đó, hôm nay chúng ta thử tìm hiểu qua tình trạng nghèo đói trên thế giới hiện nay và kế hoạch của LHQ đang đi tới đâu.

NHÌN QUA CẢNH NGHÈO TRÊN THẾ GIỚI

Theo thông điệp của Tổng Thư ký LHQ nhân Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo 17.10.2013, trên toàn thế giới vẫn còn tới hơn 1,2 tỷ người sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, thách thức còn lớn hơn rất nhiều: Có 2 tỉ người đang gặp các vấn đề về suy dinh dưỡng. Ông Jim Yong Kim, Giám Đốc Ngân Hàng Thế Giới cho biết trong số 1,2 tỷ người sống trong nghèo đói, có đến 480 triệu là trẻ em.

Theo báo cáo của Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế (FAO), 30% người nghèo sống ở Á Châu Thái Bình Dương, tức từ 739 triệu đến 563 triệu. Vùng Nam Á Châu là nơi tập trung nhiều người nghèo nhất. Ở Phi Châu cứ 4 người có 1 người nghèo. Số người nghèo ở đây được ước lượng từ 175 đến 239 triệu. Trong khi số số người nghèo ở Mỹ Châu Latin đã giảm từ 14,6% xuống còn 8,3%, tức còn chỉ khoảng 49 triệu.

Báo cáo “Tình trạng người nghèo” cho biết trên thế giới hiện nay có 35 nước có số thu nhập thấp trên thế giới, trong đó có 26 nước ở Châu Phi. Tại những nước này có đến 100 triệu người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khó.

Khoảng cách giàu nghèo trên thế giới hiện nay cũng rất xa. Người ta khám phá ra có ba người giàu nhất thế giới giàu hơn 48 nước nghèo nhất thế giới, đó là Carlos Slim Helu & family, Bill Gates và Amancio Ortega. 225 người giàu nhất sở hữu khối lượng tài sản tương đương với thu nhập cá nhân của 47% người nghèo trên thế giới, tức là hơn 3 tỷ người. 4% tài sản của 225 người giàu nhất này có khả năng giải quyết các nhu cầu tối thiểu như ăn uống, sức khỏe, giáo dục… cho những người nghèo khổ trên toàn thế giới.

ẤN ĐỘ NGHÈO HƠN PHI CHÂU!

Tài liệu thống kê cho biết 1/4 dân số đói nghèo trên toàn thế giới tập trung tại Phi Châu. Nhưng “Dự án giảm đói nghèo và phát triển nhân lực Oxford” (Oxford Poverty and Human Development Project) của Liên Hiệp Quốc phát hiện số người nghèo ở 8 bang Ấn Độ cộng lại còn nhiều hơn cả số người nghèo của 26 nước nghèo nhất tại Phi Châu, mặc dầu Ấn Độ được công nhận là một nước tự do dân chủ, ở đó có chế độ đa đảng, có tự do bầu cử, có tự do ngôn luận, có hỏa tiễn liên lục địa, có cả bom nguyên tử!

Thử đi vào một vài nơi ở Ấn Độ, chúng ta sẽ thấy rõ tình hình hơn. Đến khu Nerhu Place, một khu mua bán máy điện toán và các linh kiện điện toán nổi tiếng ở thủ đô New Delhi, chúng ta thấy những rạp chiếu bóng lớn, các khách sạn 5 sao, các trung tâm thương mại đồ sộ, các khu biệt thự sang trọng…, nhưng bên cạnh đó là những túp lều lụp xụp do những người nghèo khó dựng lên để tạm làm nơi cư ngụ. Đến khu Old Delhi, cảnh nghèo khổ hiện lên rõ nét hơn. Nhiều người nằm vật vã ở vỉa hè, trên người chỉ có bộ quần áo rách tả tơi. Mỗi lần dừng xe ở ngã tư đều có những em bé mặc rách rưới đến xin tiền. Vòng quanh khuôn viên Đại học Jawaharlal Nerhu, người ta thấy một khu đất trống bên ngoài trường đại học đã được những người vô gia cư biến thành “làng” của họ, ở đó mọc lên những “căn nhà” chỉ cao hơn 1 thước, được tô trét bằng đất. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy mỗi buổi sáng các xe xúc rác đi lượm những xác chết nằm lăn lóc đó đây để đem đi chôn, gióng như họ đi xúc rác vậy!

Đi về những tiểu bang xa xôi, nhất là những nơi những người được gọi là “cùng đinh” đang sinh sống, cuộc sống còn bi thảm hơi nữa.

Tại sao một nước có một nền dân chủ lớn như Ấn Độ lại không thể đem lại cuộc sống no ấm cho người dân? Tại vì tàn dư của một nền văn hóa và tôn giáo cũ vẫn còn được duy trì. Vì thế xã hội Ấn đang sống trong thời đại “homo homini lupus est” (người là lang sói đối với người), không phải chỉ giữa nhà cầm quyền với dân mà cả giữa các đảng cấp trong xã hội. Với một xã hội như thế, tự do dân chủ không giúp gì trong việc giải phóng con người mà phải có một cuộc cách mạng theo kiểu cộng sản ở Trung Quốc mới có thể xoá sạch các hủ tục được. Nếu chỉ cải cách thì phải mất vài thế kỷ nữa.

Khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ hiện nay cũng rất lớn. Tổng số tỉ phú ở nước này có thể nhiều hơn tổng số tỉ phú ở Anh và Canada cộng lại.

HƯỚNG VỀ NGƯỜI NGHÈO

Theo các nhà nghiên cứu của tổ chức PNUD, cần phải có khoảng 40 tỷ USD mỗi năm để giải quyết vấn đề nghèo đói, nước sạch, phòng chống những căn bệnh nguy hiểm như lao, bạch cầu, sốt rét. Khoản ngân sách này được cho là khổng lồ, nhưng nó còn ít hơn rất nhiều so với khoản chi 50 tỷ USD cho việc hút thuốc lá hàng năm, 105 tỷ USD cho bia rượu hay 400 tỷ USD cho thuốc phiện. Đó là chưa nói đến những khoản chi tiêu khổng lồ vào chiến tranh và súng đạn.

Nhờ sự đóng góp của nhiều quốc gia và nhiều tổ chức trên thế giới, số người nghèo đói đang giảm dần. Từ những năm 1990 đến nay, số lượng người nghèo đói trên thế giới đã giảm 132 triệu người, tức giảm từ 19% dân số thế giới xuống còn 12%. Tuy nhiên, ông Jose Graziano da Silva, Tổng Giám đốc của Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế, cho biết thành quả này hầu hết là từ trước năm 2007.

Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ thứ nhất của LHQ sắp được kết thúc vào năm 2015 với những kết quả chưa khả quan lắm. LHQ đang soạn thảo Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ thứ hai từ 2015 đến 2030.

SỰ GÓP PHẦN CỦA Giáo Hội

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình “Nơi Thiên Chúa khóc” do tổ chức Miserior tài trợ, Đức Giám Mục Kieran O’Reilly đã nói đến tình hình Giáo Hội tại Phi Châu và vai trò của Giáo Hội này đối với Giáo Hội hoàn vũ. Giáo Hội tại Phi Châu đã tăng quá nhanh: năm 1900, trên toàn lục địa Phi Châu chỉ có khoảng 1.200.000 tín hữu, nay con số đó đã lên trên 140 triệu. Vì thế, Giáo Hội phải góp phần tích cực vào việc thăng tiến Phi Châu.

Giáo Hội đã tham dự vào nhiều công trình bác ái, y tế, giáo dục và nhiều sáng kiến khác nhằm thăng tiến đời sống của con người, kể cả các công trình giúp đỡ nạn nhân bệnh AIDS, qua sự phối hợp của Caritas và Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình. Hiện nay, Giáo Hội Công Giáo Phi Châu đang hiện diện tại 1,074 bệnh viện, 5.373 bệnh xá, 186 trại phong cùi, 753 nhà dành cho người già và khuyết tật, 979 viện mồ côi, 1.997 trung tâm giữ trẻ ban ngày, 1.590 trung tâm huấn đạo về hôn nhân, 2.947 trung tâm phục hồi và 1.279 các cơ sở chăm lo sức khỏe khác.

Theo các dữ liệu của cơ quan UNAIDS, 26% các cơ sở trực tiếp can dự vào việc điều trị AIDS trên thế giới là do các cơ quan Công Giáo điều khiển.

Về giáo dục, Giáo Hội hiện có 12.496 trường mầm non (pre-school) với 1.266.444 học sinh; 33.263 trường tiểu học với 14.061.806 học sinh; 9.838 trường trung học với 3.738.238 học sinh. Về bậc cao đẳng Công Giáo, hiện có 54.362 sinh viên ghi danh; ngoài ra còn có 76.432 sinh viên theo học các môn khác nhau do các Đại Học Công Giáo bảo trợ.

Ít nhất có 4 nghị phụ đã lớn tiếng yêu cầu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu lên tiếng phản kháng các lạm dụng của các công ty đa quốc gia trong việc bóc lột các tài nguyên khoáng sản và rừng của Phi Châu cũng như làm độc nguồn nước, gây thiệt hại lớn lao cho dân chúng địa phương.

Đức Hồng Y Turkson nói rằng sự thật là Phi Châu đã bị truyền thông quốc tế làm méo mó quá lâu rồi với đủ mọi thứ rác rưởi của nhân loại, nay đã đến giờ phải “sang số” đòi lại công đạo cho Phi Châu, phải lấy tình yêu nói lên sự thật về Phi Châu, cổ vũ sự phát triển cho lục địa này để đem lại phồn vinh cho nó, và nhờ thế góp phần vào phúc lợi cho toàn thế giới. Các quốc gia G-8 và nói chung mọi quốc gia trên thế giới nên yêu thương Phi Châu trong sự thật.

Tại Ấn Độ, một nơi có nhiều kẻ nghèo khó hơn cả Phi Châu, Giáo Hội cũng muốn góp phần tích cực trong việc thăng tiến cuộc sống của những người nghèo khó. Nhưng ở đây Giáo Hội đã gặp một trở ngại rất lớn là các đảng cấp có quyền lực muốn duy trì “đảng cấp ti tiện” và sự nghèo đói để tiếp tục bóc lột như họ đã làm trong nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, Đức Giám Mục George Palliparampil cho biết nhiều bộ lạc đang đến với Giáo Hội, vì họ nhận thấy rằng trong Giáo Hội ít ra họ tìm được một ai đó đồng hành với họ và yêu thương họ.

Ngày 19.12.2013
 
Món quà sinh nhật bất ngờ cho Đức Phanxicô: Lời chúc mừng của người theo Mao và người Cộng Sản Nepal
Vũ Văn An
16:51 19/12/2013
Theo tin AsiaNews ngày 18 tháng 12, các lãnh tụ của các đảng theo Mao, Mác-Lênin và bảo thủ của Nepal vừa gửi điện văn chúc mừng sinh nhật Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Họ cũng công bố ý định thắng vượt các đố kị và dị biệt từng làm xã hội Nepal điêu đứng mấy năm qua.

Tin trên xẩy ra một tháng sau cuộc bầu cử ngày 19 tháng 11 trong đó Đảng Quốc Đại Nepal (NC) thắng đa số với nhiệm vụ canh tân Quốc Hội Lập Hiến. Kể từ khi nền quân chủ cáo chung vào năm 2008, nước này không có hiến pháp.

Lãnh tụ NC là Ram Chandra Poudel tuyên bố rằng “trong năm nay, Đức Giáo Hoàng nhiều lần nói tới hòa giải giữa các nhà lãnh đạo các tôn giáo, các ý thức hệ và các nhóm. Chúng tôi sẵn sàng tiến hành các bước để dẹp bỏ các phân cách trong xã hội chúng tôi, thành lập một tân chính phủ và soạn một hiến pháp đem lại ổn định lâu dài cho xứ sở. Đây là lời cầu chúc và tôn kính chúng tôi ngỏ cùng Đức Giáo Hoàng, người mà chúng tôi đoan hứa sẽ hoàn thành các kết quả trước Lễ Giáng Sinh”.

Đảng Cộng Sản Đoàn Kết theo Mao của Nepal (UCPN-M) và Đảng Cộng Sản Nepal Đoàn Kết theo Mác và Lênin (CPN-UML) cũng hoan nghinh lời kêu gọi hòa bình và hòa giải của Đức Giáo Hoàng trong mấy tháng qua.

Mặc dù đảng của ông chịu một cú hơi đau trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, lãnh tụ của UCPN-M là Posta Bahadur Bogati vẫn nhấn mạnh nhu cầu phải “chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp của xứ sở bằng cách thắng vượt các dị biệt giữa các đảng với nhau”. Ông nói thêm “Ta nên tận dụng ngày sinh nhật của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để nhất trí làm việc với nhau trong diễn trình hoà giải”.

Nhân danh Đảng Cộng Sản Nepal (Đoàn Kết Mác-Lênin), phó tổng bí thư Bam Dev Gautam hôm nay tuyên bố rằng đảng của ông sẽ gửi thông điệp chúc mừng tới Đức Giáo Hoàng và mọi Kitô hữu ở trong nước cũng như ở ngoại quốc. Ông nhận định “Sinh nhật Đức Phanxicô đã đem mọi đảng phái lại với nhau quanh mục tiêu chung là đem lại cho đất nước một tân hiến pháp thế quyền”.

Cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức ngày 19 tháng 11, năm năm sau các hỗn loạn chính trị với 4 chính phủ liên minh. Năm 2006, Nepal thoát được cảnh nội chiến kéo dài cả một thập niên, một cuộc chiến đã lật đổ chế độ quân chủ theo Ấn Giáo. Tuy nhiên, việc lật đổ nhà vua không chấm dứt các chia rẽ trong xã hội Nepal.

Trong những năm gần đây, nước này bị xâu xé bởi nhiều cuộc đụng độ giữa các cựu du kích quân theo Mao, là đảng chiến thắng trong cuộc tuyển cử Quốc Hội Lập Hiến năm 2008, và các đảng bảo thủ, khiến xứ sở lâm vào thế liều mình gây ra cuộc nội chiến mới.

Sau cuộc tổng tuyển cử vừa rồi, đảng theo Mao từ chối không tham gia Quốc Hội mới, tố cáo Quốc Đại và chính phủ có âm mưu chống lại họ. Hy vọng với hình ảnh hòa giải và yêu hòa bình của Đức Phanxicô, thái độ của họ sẽ thực sự thay đổi như lời lãnh tụ của họ hứa hẹn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thi Giáo Lý tại giáo xứ Thanh Xuân
Thanh Xuân
11:16 19/12/2013
GP PHAN THIẾT - Hằng năm, Giáo xứ Thanh Xuân tổ chức việc học hỏi giáo lý cho mọi thành phần giáo dân trong Giáo xứ vào Mùa vọng và Mùa Chay, sau đó sẽ tổ chức Hội thi vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ (Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ). Năm nay, vì để bắc nhịp cầu giữa hai năm: Năm Đức (vừa kết thúc) và Năm Tân Phúc âm hóa Gia đình mà Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi; Giáo xứ tổ chức Hội thi Giáo lý dành riêng cho các gia đình trẻ nhằm thúc giục sống chứng tá đức tin trong môi trường gia đình.

Hình ảnh

Hội thi năm quy tụ các gia đình trẻ mà bố mẹ sinh từ 1975 trở lại. Cuộc thi gồm bốn phần: rà soát đức tin, đào sâu đức tin, làm chứng đức tin, và sống đạo trong gia đình. Phần sống đạo trong gia đình được thể hiện qua việc thi đua học thuộc các kinh Ngày thường và Chúa Nhật.

Hội thi được diễn ra trong bầu khí vui tươi phấn khởi, nhưng cũng không thiếu sự phấn đấu nổ lực thi đua giữa 4 Giáo Họ: Fatima, Tàpao, La Vang và Lộ Đức.

Sự hiện diện của Cha Chính xứ, Cha Phó xứ, quí Nữ tu, Hội đồng Mục vụ và các ban ngành đoàn thể … như thể hiện khát mong các gia đình trẻ trong Giáo xứ mãi thắp sáng ngọn đuốc đức tin trong gia đình mình, hầu có thể kiến tạo bầu khí yêu thương hạnh phúc nơi gia đình, xứ đạo và làm chứng cho Tin mừng trong cuộc sống hằng ngày.
 
Đoàn Phương Lâm kỷ niệm 14 năm hiện diện bên Mẹ Tapao
Gioan Trần Chính Trọng
11:12 19/12/2013
Lúc 15h30, ngày 13-12-2013, Cha Giuse Tạ Duy Tuyền, chánh xứ Bình Lâm, Hạt Phương Lâm, Giáo Phận Xuân Lộc, đồng thời cũng là cha tuyên úy của đoàn, đã cử hành thánh lễ kỷ niệm 14 năm cho Đoàn Phương Lâm hiện diện bên Mẹ Tàpao. Trong thánh lễ còn có sự hiện diện của cha phó xứ Phương Lâm Mátthêu Nguyễn Đại Tài, Quý Thầy, Quý Dì Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, Dòng Trợ Thế, Dòng Thiên Phúc, đặc biệt có sự hiện diện của ban điều hành đoàn: Đaminh Nguyễn Văn Vĩnh (trưởng đoàn), Phêrô Nguyễn Văn Lâm (thư ký) v.v. và hơn 1500 khách hành của nhiều giáo xứ thuộc giáo phận Xuân Lộc cùng nhau tham dự thánh lễ mừng kỷ niệm ngày thành lập.

Hình ảnh

Theo cuốn Lược Sử Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tàpao được được ấn ký bởi Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên giám mục giáo phận Phan Thiết vào ngày 10-12-2008 của Ban Nghiên Cứu Lược Sử Giáo Phận Phan Thiết, chủ biên Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung thì Tượng Đức Mẹ Tàpao được chính cố Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm chỉ thị cho đặt làm và đặt tại vị trí lưng chừng ngọn đồi Tàpao cao khoảng 100 mét so với mặt nước biển, khoảng 430 bậc từ chân đồi lên tượng Mẹ. Tượng Mẹ được Đức Cha Marcel Piquet, nguyên cố giám mục giáo phận Nha Trang làm phép và khánh thành ngày 8-12-1959.

Trong thời kỳ chiến tranh, Tượng Đức Mẹ Tàpao bị bom đạn và con người tàn phá loan lỗ cho nên sau biến cố lịch sử năm 1975, theo sự hướng dẫn của các Đấng Bản Quyền Giáo Phận Phan Thiết, một số anh chị em giáo dân đã âm thầm lặn lội đi tìm kiếm lại Tượng Mẹ và trùng tu lại gần như toàn bộ. Nhưng mãi đến ngày 1-8-1991 thì ThánhTượng Mẹ mới được lộ trắng, đứng sừng sững trên sườn đồi nhưng phần nữa thân trên tượng Mẹ đã được làm mới do điêu khắc gia Lê Phát thực hiện.

“Mẹ đứng đó nhìn cách Đồng Kho, mênh mông lúa vàng gợn sóng” thì mãi đến khoảng tháng 10 năm 1999 thì Tượng Mẹ Tàpao trở nên linh thánh, nhiều hiện tượng lạ đã được khách hành hương thấy và ghi lại hình ảnh. Kể từ thời gian này thì “Phong trào hành hương” đến với Mẹ Tàpao trở nên ngày đông hơn và tồn tại cho đến bây giờ. Tại nơi đây, Mẹ Tàpao đã ban nhiều ơn cho con cái của Mẹ, lương dân cũng như giáo dân. Hằng ngày, nơi linh đài Mẹ Tàpao có rất nhiều khách hành hương trong và ngoài giáo phận đến viết ý khấn, cầu xin ơn cùng Mẹ. Đặc biệt những năm gần đây cũng có nhiều khách hàng hương trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia, các nước Châu Âu như: France (Pháp), Italy (Ý) và các nước Châu Mỹ như: United States of America (Mỹ) và Canada cũng đến để khấn cùng Mẹ Tàpao.

Chính trong khoảng thời gian này, ngày 13-12-1999 này thì Đoàn Hành Hương Phương Lâm được hình thành. Lúc mới thành lập thì Đoàn có khoảng 9 người, con số thành viên lúc đầu còn rất khiêm tốn và chỉ hiện diện bên Mẹ vào 2 ngày là 13 và 23 hàng tháng. Nhưng với ơn của Mẹ và với lòng nhiệt thành thì ngày hành hương của Đoàn bây giờ đã lên đến con số hàng ngàn thành viên. Điều này cho thấy các thành viên của Đoàn có lòng yêu mến Đức Mẹ Tàpao một cách đặc biệt.

Mở đầu giờ hành hương của Đoàn Phương Lâm là giờ chầu Thánh Thể để tôn vinh Thiên Chúa, sau đó là giờ Lòng Chúa Thương Xót với một tràng chuỗi Mân Côi dâng lên Mẹ.

Trong không gian của cảnh núi rừng Tàpao tĩnh mịch thì lời kinh tiếng hát lại vang lên như một lời ca dâng lên Mẹ khiến cho lòng người cảm thấy thánh thiêng, ấm áp, vui tươi và gần nhau hơn. Khoảng cách giữa con cái của Mẹ và Mẹ lại như gần nhau, như xóa tan mọi nổi mệt nhọc của nhiều bậc thang cao độ cũng như xoa dịu mọi vất vả của đời thường. Giờ đây chỉ có sự hiện diện của con với Mẹ, mọi ưu tư, lắng lo của con chỉ muốn chia sẽ cùng Mẹ. Chỉ có Mẹ mới hiểu thấu lòng con, chỉ có Mẹ mới cảm thông nỗi thống khổ của đoàn con Mẹ và chỉ có Mẹ giờ đây mới đủ uy quyền cầu cùng Thiên Chúa ban ơn cho đoàn con Mẹ. Bên cạnh đó cũng không ít người con của Mẹ muốn dâng lên Mẹ những niềm vui, muốn dâng lên Mẹ lời tạ ơn vì Mẹ đã biến đau thương thành tiếng cười, biến nỗi niềm cay đắng thành nỗi niềm bình an. Tạ ơn Mẹ chúng con được về bên Mẹ.

Kế đến là thánh lễ kính trọng thể Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố vào năm 1854. Và ngày 25-3-1858, tức 4 năm sau đó, khi hiện ra ở Lộ Đức, nước Pháp, Mẹ với cánh tay giang rộng và mắt ngước lên trời đã phán rằng: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”, nghĩa là ngay từ giây phút đầu tiên hình thai trong lòng mẹ, Mẹ Maria đã được sạch tội tổ tông. Và cũng trong Mùa Vọng, Cha Tuyên mời gọi quý khách hành hương hãy dọn tâm hồn để Chúa đến, hãy sữa lại những lối mòn quá quen thuộc của chúng ta như những đam đêm trần tục, lối mòn ích kỷ của bản thân để mở một con đường yêu thương đến với tha nhân. Chúng ta hãy học nơi Đức Thánh Cha Phanxicô con đường yêu thương bằng cách hãy đến với tha nhân, đến với những người đang đau khổ, họ đang cần sự an ủi, cần lời động viên chia sẽ của chúng ta. Đến với những người nghèo khổ, đến với những người bất hạnh, những người đang bệnh tật, đến với những người thân cận của chúng ta còn đang dằn vặt vì những lỗi lầm mà họ lỡ gây ra, họ đang cần sự tha thứ khoan dung của chúng ta. Hãy làm tất cả những điều tốt lành mà chúng ta có thể làm để phục vụ tha nhân như Chúa Giêsu đã làm. Đó như là những món quà mà chúng ta dâng lên Chúa Hài Nhi trong ngày Con Chúa giáng trần sắp tới.

Nguyện xin Mẹ Tàpao đang hiện diện nơi đây với đoàn con cái Mẹ, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ mà Thiên Chúa tiếp tục ban ơn lành xuống cho mỗi người khách hành hương trong Mùa Giáng Sinh này.
 
Nhóm Bông Hồng Xanh thăm các làng dân tộc Tây Nguyên dịp Noel
Maria Vũ Loan
11:59 19/12/2013
Ông già Noel của nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh đã có mặt sớm ở tỉnh Gia Lai để vui chơi với các em thiếu nhi. Kính mời quí vị đi cùng ông già Noel và theo dõi bước hành trình của chúng tôi tại vùng tây nguyên Việt Nam, thuộc giáo phận Kon Tum. (Vì sứ mạng truyền giáo tại giáo phận Kontum rất đặc biệt nên xin phép không nói rõ tên một số địa danh và điểm đến của chúng tôi).

Ông Già Noel đến làng cùi dân tộc

Hình ảnh

Một buổi chiều ngày Chúa Nhật, ông già Noel đến một làng dân tộc. Từ con đường nhựa quanh co, sâu hút mà xanh thẳm, vắng vẻ một cảnh đẹp tây nguyên. Điểm báo hiệu cho biết đã đến nơi là một cổng làng khá đẹp. Xe vừa dừng lại, chúng tôi đã thấy bên đường làng là một ngôi nhà sàn khá to, cũ kỹ. Nhiều trẻ em và người lớn đang dự thánh lễ bên trong mà từ ngoài nhìn vào, ánh sáng vừa đủ cho một thánh lễ đang được cử hành. Thấy rất thương khi nhiều giáo dân ôm con chịu nắng ngồi bên ngoài hiên nhà sàn. Bước vào gần và đi rảo chung quanh, chúng tôi nghe giọng nói trầm ấm của một linh mục đang diễn giải Tin Mừng. Vòng quanh ra phía sau là một phần khác của nhà sàn mà nhiều thanh niên đang dự lễ. Nhìn bên cánh phải, người dự lễ cũng chẳng nhìn thấy cha chủ tế, song phải cảm động vì bầu khí sốt sắng của giáo dân ở đây; đa phần là người dân tộc, có một số người Kinh. Lời đối đáp trong thánh lễ hoàn toàn là tiếng dân tộc Bahnar, rất nhịp nhàng trang nghiêm nhưng bài giảng cha chỉ nói bằng tiếng Việt. Nhìn dáng vẻ thanh tao của linh mục dòng, đã dâng lễ rồi còn nán lại giải tội cho người lớn, chúng tôi bỗng dâng trào cảm xúc truyền giáo. Còn trẻ em tập trung để ông già Noel tặng quà. Các cháu ngây thơ tập trung thành hàng, có vẻ lạ lẫm khi một Ông già Noel đến đây.

Ông già Noel thay đồ trong một phòng nhỏ của nhà sàn. Các thiếu nhi ở đây không biết tiếng Kinh nên một thanh niên người dân tộc được chọn hóa thân là ông già Noel để trao quà cho các em một cách thân thiện hơn.

Đây là căn nhà sàn của quí Sơ, thuộc một nhà dòng, được dựng theo kiểu truyền thống dân tộc, nhằm phát triển nghề dệt thổ cẩm. Quí Sơ sống ở đây như một gia đình. Sơ coi nơi này tiếp đón chúng tôi bằng một bộ sờ-rông không mới. Sơ nói tiếng dân tộc thành thạo. Khi ông già Noel phát quà xong, chúng tôi gặp già làng để tặng quà thì phát hiện đôi tay của già làng bị “cùi khô” ăn hết các ngón. Hỏi thăm, chúng tôi mới được biết đây là một làng cùi, trẻ em nhận quà của Ông già Noel là thế hệ cháu của một số gia đình bị cùi ba, bốn chục năm về trước đến vùng sâu này sinh sống, có nguy cơ 80% phát bệnh “cùi khô”.

Tất cả diễn ra tốt đẹ p đến bất ngờ. Xong công việc, chúng tôi ra về ngay như sợ bóng tối của miền rừng núi ập xuống.

Thăm điểm truyền giáo Lệ Cần vùng sâu

Hình ảnh

Chiều ngày đầu tuần, từ thành phố Pleiku, chúng tôi và cộng tác viên là một Sơ và hai giáo dân, được một cha chánh xứ dẫn đi thăm hai điểm truyền giáo, nơi mà hằng tuần cha đến dâng lễ cho giáo dân. Con đường đất đi vào làng khá rộng, có đoạn đường hoa Canh Cách nở trắng hai bên đường. Một số người lưng đeo gùi, đi rẫy trên núi về làm cho nơi này bớt vắng vẻ. Cảnh đẹp tây nguyên rất riêng và lạ đối với người Sài Gòn chúng tôi.

Đi được độ 30 km, chúng tôi ghé vào nhà nguyện La Vang. Cũng như bao nhà nguyện của điểm truyền giáo tại Việt Nam: một căn nhà dài hơn bình thường, vách gỗ mái tôn; bên trong là bàn thờ và ghế gỗ dài cho giáo dân. Mấy ông trùm đang trang trí chuẩn bị lễ với vẻ đơn sơ nhiệt thành của giáo dân Việt Nam không lẫn vào đâu được.

Từ nhà nguyện La Vang đi thêm khoảng 20 cây số nữa mới đến điểm vui Noel. Cha cho biết đây là một giáo điểm được manh nha hình thành từ năm 1991 nhưng từ 7 năm nay mới có linh mục đến ở nhà sàn, cùng vùng với giáo dân. Hiện nay nhà nguyện chỉ có mái tôn và nối liền với cái sân rộng này, có thể qui tụ một hai ngàn người đến dự lễ. Riêng cha chánh xứ trẻ Micae hằng tuần phải “chạy show” nhiều điểm truyền giáo, có những nơi một tháng mới dâng một lễ, có vài nơi hai tuần một lần, một số nơi hằng tuần một thánh lễ...vì thế, việc “chạy như bay” để dâng lễ của quí cha ở vùng tây nguyên này là “chuyện thường ngày ở huyện” !

Cha nói đến hết lời thì chúng tôi thấy một “dàn cổng” có cây thánh giá, ở đầu khuôn viên dẫn vào nhà nguyện không vách. Vừa thấy xe của cha, các thiếu nhi đang chờ vội chạy vào sân nhà nguyện. Lòng tôi rộ lên niềm vui. Tôi nói với cha: “Cha và con cố gắng hóa trang thật nhanh để các cháu không phải chờ ạ!”. Cha cười. Đây là lần đầu tiên một linh mục chánh xứ nhận lời làm Ông già Noel cùng với tôi làm “bà Chúa Tuyết”.

Trước khi Ông già Noel xuất hiện, các cháu đã được tập họp và sinh hoạt tập thể. Cha xứ dáng người đậm thấp, có cái bụng hơi tròn nên việc hóa trang cho giống Ông già Noel rất dễ. Và đặc biệt, cha biết tiếng dân tộc nên khi xuất hiện cha nói tiếng dân tộc Giarai, trò chuyện với các cháu rất dễ thương. Bà Chúa Tuyết hỏi các em: “ Đố các con, ông già Noel hôm nay là ai?” Nhiều cái miệng mở to bẽn lẽn: “Là.. ..cha!”. Khi nhạc mở lên, Ông già Noel và cả bà Chúa Tuyết múa hát cùng các em.

Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Trời đã tối, chúng tôi mới giã từ cha ra về. Trở lại thành phố Pleiku mà lòng chúng tôi nhẹ nhõm.

Hành trình trên vùng tây nguyên Gia Lai

Hình ảnh

Chúng tôi đến tỉnh Gia lai mà như người “nhà quê”. Cái gì cũng lạ. Đúng thôi! Khi đi du lịch xuyên Việt, chúng tôi ghé tây nguyên rất ít thời gian nên chẳng hiểu được nhiều vùng đất thuộc giáo phận Kon Tum này. Duyên cớ chúng tôi đến đây là một việc riêng của gia đình, nhân tiện đó chúng tôi làm “show Noel 2013” luôn. Nào ngờ, đây là chuyến đi đem lại nhiều điều thú vị, bổ ích cho nhóm chúng tôi.

Buổi sáng ngày đầu tiên ở Gia Lai, chúng tôi được gặp Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh qua lời giới thiệu của một Sơ. Đức Cha nói chuyện với chúng tôi thân thiện như đã gặp gỡ từ lâu rồi. Sau đó, Đức Cha mời chúng tôi cùng lên xe đi dự lễ khánh thành nhà thờ mới Lệ Cần. Trên đường đi, Đức Cha chia sẻ với chúng tôi khá nhiều về sứ mạng truyền giáo tại GP Kon Tum; những khó khăn và thuận lợi; những quan niệm rất riêng khi thi hành sứ vụ mục tử.

Một số ý cụ thể của Đức Cha như khi đi truyền giáo, các linh mục, tu sĩ phải chú trọng việc đào tạo giáo dân. Xuất hiện ở nơi nào đó là nhằm giúp người ta cứng cáp trong đức tin, việc giữ đạo và tự điều hành một số việc phụng vụ; rồi sau đó lại ra đi đến vùng khác. Đức Cha rất thích hình ảnh một cô gái người dân tộc đứng đánh nhịp cho hàng trăm đứa trẻ hát.

Ý thứ hai; khi biết chúng tôi sẽ làm Ông già Noel đến phát quà tại làng cùi và một điểm truyền giáo, Đức Cha cho rằng đó là việc “không hay” cho bằng lo những việc liên quan đến giáo dục. Cho các cháu học hành thì đưa đến tương lai tốt hơn; hoặc nếu cứ cho quà thì cái làng đó sẽ ỷ lại....Chúng tôi đáp lời rằng, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi khi đi đến nơi nào phát quà là một chuyến “tiền trạm” để rồi quan sát, ghi nhận về vấn đề xã hội nơi đó, sau đó giúp đỡ theo khả năng, giúp từng trường hợp cụ thể; hoặc thông tin để giới thiệu trên truyền thông cho nhiều người biết đến mà quan tâm....

Một ý nữa, Đức Cha không thích xây nhà thờ quá lớn, sang trọng, mà chỉ muốn việc thăng tiến nhân sự trong Giáo Hội và “con người mới” trưởng thành, năng động, tự lập trong xã hội.

Có đến dự lễ khánh thành tại Giáo xứ Lệ Cần, chúng tôi mới hiểu thêm về sinh hoạt tôn giáo tại giáo phận này. Đây là giáo xứ Đức Cha trao cho dòng Phanxicô coi sóc. Chúng tôi ghi nhận, qua hình ảnh đã có thể nói lên nhiều điều. Đặc biệt là tiệc mừng nhà thờ mới là “buffet dân dã”. Mọi người tự lấy thức ăn từ bàn tròn và chỉ có những bình nước suối là nước uống cho bữa tiệc.

Sau lễ, Đức Cha mời chúng tôi đi An Khê với ngài nhưng chúng tôi từ chối vì có việc riêng, đành hẹn thăm Đức Cha tại Tòa Giám Mục.

Trước khi thực hiện “show Noel” thứ hai (đã kể trên), chúng tôi được coi vườn trồng trà; thăm một vườn trồng tiêu, xem công nhân xay vỏ cà phê, được chủ nhà mời uống nước sinh tố quả cóc chín, ngắm cảnh vùng này; được đi rảo quanh Biển Hồ Pleiku - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thành phố. Đến nhà thờ gỗ, lòng chúng tôi mới bớt háo hức về ngôi nhà thờ nổi tiếng này. Sau đó là quang cảnh Tòa Giám Mục thơ mộng với cây lá, cỏ hoa, có hồ cá và là một khuôn viên lý tưởng. Có một chuyện thú vị khi thăm Đức Cha là: chúng tôi biếu Đức Cha quà Noel, Đức Cha tặng lại cộng đoàn của Sơ đi cùng chúng tôi. Một giờ đồng hồ sau, Sơ lại đem tặng linh mục chính xứ hóa thân làm Ông già Noel hôm nay. Chúng tôi có cảm tưởng một tình yêu thương chan hòa như được rải khắp giáo phận này.

Sáng sớm ngày cuối ở Gia Lai, tôi được dự thánh lễ cùng quí Sơ trong nhà dòng do một cha đến dâng lễ. Bữa ăn sáng cùng cha và quí Sơ làm tôi lại hiểu thêm nhiều chuyện ở đây. Cha nói: “Khi ân nhân cho tiền phát quà, nên giữ lại rồi bù thêm tiền vào làm cho người dân tộc một hệ thống nước. Đó là hệ thống giúp cả một làng có nước sạch, an toàn mà chỉ có trên dưới 1.500 Usd... ”. Kết thúc bữa ăn sáng, cái lạnh vùng Gia Lai không làm tôi quan tâm cho bằng câu chuyện kể trong bữa điểm tâm đó.

Trở lại nhà người quen trước khi về Sài Gòn, bữa ăn trưa chiêu đãi chúng tôi có nhiều món lạ: đùi dê hấp cuốn lá mơ, cá lăng nướng với nghệ, cháo chim đa đa nấu với đậu xanh và lá tía tô và gỏi cuốn Gia Lai. Thật ấn tượng trước khi chúng tôi rời nơi này bằng một chuyến bay đêm.

Chương trình Noel 2013 của chúng tôi kết thúc nhưng có một sự nối kết đã len lỏi vào thôn làng của vùng tây nguyên này. Xin kính chúc Cha Giám đốc VietCatholic, quí Ban Biên Tập, Quí linh mục ân nhân và quí ân nhân xa gần MỘT MÙA GIÁNG SINH AN LÀNH VÀ MỘT NĂM MỚI 2014 BÌNH AN.
 
Little Saigon: Giáo dân Việt 'dọn lòng' trước Giáng Sinh
Thiên An/Người Việt
17:20 19/12/2013
ORANGE COUNTY (NV) - Những hàng ghế chật người quỳ gối cầu nguyện, không gian tuy đông kín nhưng yên tĩnh, vọng vang nhè nhẹ một khúc thánh ca từ chiếc loa bên hông thánh đường... Đó là buổi giải tội hôm Thứ Ba tại nhà thờ Thánh Linh, một trong nhiều nơi giáo dân Little Saigon đến “dọn lòng” trước Lễ Giáng Sinh.

Theo truyền thống, người Công Giáo sẽ tĩnh tâm, xưng tội dọn lòng trong tuần lễ trước Giáng Sinh. Cho việc tĩnh tâm, các linh mục sẽ thuyết giảng những đề tài được chọn để giáo dân “dọn mình” trước ngày kỷ niệm Chúa Hài Đồng ra đời. Vào những ngày tiếp theo, giáo dân sẽ có nghi thức “xưng tội” để “thanh tẩy tâm hồn” trước lễ.

Tuy nghi thức Giải Tội Vọng Giáng Sinh không chỉ dành cho giáo dân Việt, hầu hết người tham dự các buổi xưng tội tại các nhà thờ xung quanh khu vực Little Saigon là người Việt Nam.

“Hôm qua là ngày Tiếng Việt, nên đông hơn hôm nay.” Cô Diane Bùi, một nhân viên giúp tại nhà thờ Thánh Linh ở thành phố Fountain Valley, cho biết. “Có khoảng 600, 700 người đến dự trong hơn hai tiếng đồng hồ.”

Nhà thờ Thánh Linh mở buổi xưng tội đầu tiên là vào Thứ Hai, hoàng toàn bằng Tiếng Việt với sự tham dự của 20 linh mục. Hôm Thứ Ba, ngôi nhà thờ với sức chứa vài trăm người này tổ chức buổi xưng tội tiếp theo, bằng cả ba thứ tiếng: Anh, Việt và Tây Ban Nha. Giáo dân được yêu cầu xếp theo hàng để đợi đến phiên mình nhận nghi thức. Trong số số bốn hàng người, đến ba là dành cho giáo dân nói Tiếng Việt.

Tại các nhà thờ lớn hơn trong khu vực, việc có riêng hàng chục linh mục Việt Nam nhưng giáo dân Việt vẫn phải chờ hàng giờ đồng hồ cũng phổ biến. Các linh mục cũng phải liên tục tiếp giáo dân. Có ông ngồi mỏi phải đứng dậy, hay như ông khác thì bận không kịp hớp một ngụm ngước.

“Có hơn 2,000 giáo dân và 15 linh mục trong buổi giải tội hôm qua.” Linh mục Vũ Ngọc Long cho biết giáo xứ St. Barbara ở thành phố Santa Ana cũng có đông đảo giáo dân Việt Nam tham dự. “Nhà thờ đã tổ chức tuần tĩnh tâm, cầu nguyện vọng Giáng Sinh từ lâu rồi. Nay là tuần giải tội. Sau buổi giải tội hôm Thứ Hai, chúng tôi sẽ có một buổi tương tự, với đông linh mục hơn, dự tính 20 người, và chắc cũng sẽ rất đông giáo dân.” Ông nói thêm.

Những giáo dân Việt Nam cuối cùng trong buổi xưng tội hôm Thứ Ba, đang xếp hàng chờ đến phiên mình nhận nghi thức sau hơn hai giờ đồng hồ. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Ở nhà thờ Thánh Linh hay nhà thờ St. Barbara, nhiều linh mục Việt Nam ở xa được mời đến để phục vụ nhu cầu tâm linh của hàng chục ngàn giáo dân sống quanh trung tâm Little Saigon. Các vị đến từ các giáo xứ hoặc các dòng khác cách vài chục phút đến vài tiếng lái xe, như từ Riverside, Bell Flower, Corona...

Mục sinh hoạt cộng đồng trên bản tin Tiếng Việt hằng tuần của Trung Tâm Công Giáo Việt Nam liệt kê một danh sách dài 21 buổi giải tội tại 15 giáo xứ quanh khu vực Little Saigon. Ngoại trừ một ngày giải tội mà giáo xứ Tam Biên tổ chức vào sáng Thứ Sáu, tất cả những buổi trên rơi vào độ 7, 8 giờ tối, tiện lợi cho người đi làm.

Có giáo xứ bắt đầu từ đầu tháng Mười Hai, như Polycarp hay St. Columban, cũng có nơi tổ chức buổi giải tội cuối sát Giáng Sinh, như tại nhà thờ Westminster hay Costa Mesa...

Bên cạnh việc mua sắm, chuẩn bị tiệc tùng cho ngày Giáng Sinh, nhiều giáo dân Việt Nam tại Little Saigon vẫn dành ra một vài giờ đồng hồ cuối ngày để đến nhà thờ, “dọn lòng” trước ngày lễ lớn.

(Nguồn: Người Việt, Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chớm Đông
Joseph Ngọc Phạm
22:38 19/12/2013
CHỚM ĐÔNG
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Bây giờ, giữa tháng Chạp Tây,
mùa Đông vừa đến chưa đầy một gang!
Bây giờ, tuyết dọc tuyết ngang,
tuyết trên núi đổ xuống tràn lũng sâu…
(Trích thơ của Trần Vấn Lệ)