Ngày 16-12-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:41 16/12/2008
VỌNG KIẾN

N2T


- “Chuyện đời vốn không tốt không xấu, tốt xấu là vì tư tưởng của chúng ta đem nó ra phân biệt.” đại sư nói như thế.

Các đệ tử yêu cầu sư phụ giải thích rõ hơn chút nữa, đại sư nói: “Một người có thể thành kính vui vẻ lạc quan ăn chay trong bảy ngày, nếu trao đổi người hàng xóm của anh ta ăn cùng một thức ăn như thế, thì sẽ đói chết. ”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có người vui vẻ ăn chay trường mà không thèm nghĩ đến thịt cá, ăn một tuần, một tháng đều được, nhưng nếu nói người hàng xóm ăn chay trường như mình thì họ sẽ chết đói mất, tại sao ? Thưa, tại vì họ không có quan niệm ăn chay để làm gì.

Người hay phê bình chỉ trích người khác thì thường vạch lá tìm sâu, nghĩa là chuyện bình thường thôi, nhưng họ thường đem chuyện bình thường ấy ra phân tích, phân biệt biện luận, thế là chuyện vốn bình thường ấy trở thành bất bình thường, làm đau khổ khó chịu cho người khác. Tại sao vậy ? Tại vì họ không có quan niệm bác ái ngay cả trong lời nói...

Người hay phê bình chỉ trích thì thường có tâm hồn ích kỷ và ghen tương, nên đem chuyện vốn tốt lành của người khác ra bàn luận phân tích, phân tích biện luận cho đến khi bày ra cái xấu theo ý họ mới thôi. Tại sao vậy ? Thưa, tại vì họ không có thói quen yêu thương người thân cận như chính mình...

Vọng kiến chính là nhìn lung tung, nhìn viễn vông, nhìn ngông, nhìn ẩu mà không có cái tâm bác ái yêu thương, nên đem chuyện vốn bình thường biến thành chuyện bất bình thường...

Ai hiểu thì hiểu.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:43 16/12/2008
N2T


37. Nhiệt tâm chân chính là ở nơi việc phụng sự Thiên Chúa, ý nguyện luôn luôn năng nổ dũng cảm.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria chiến thắng ma qủy
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
15:49 16/12/2008
THIÊN CHÚA VÀ ĐỨC MẸ MARIA CHIẾN THẮNG MA QUỶ

Một buổi chiều đầu tháng 5 năm 1920, Cha Pier-Paolo Veronesi, dòng Phanxicô, đang thu xếp vật dụng trong phòng thánh của nhà thờ Santa Maria di Campagna, thì một phụ nữ trẻ tuổi bước vào và xin Cha ban phép lành. Dĩ nhiên Cha mau mắn nhận lời. Nhưng rồi Cha hết sức ngạc nhiên khi nghe bà tỏ ý muốn nói chuyện với Cha mấy phút nơi phòng thánh. Cha để ý thấy bà có nét mặt buồn ảo não. Bà bắt đầu thổ lộ:

- Có nhiều lúc, một sức mạnh vô hình nào đó xâm chiếm con, khiến toàn thân con bị rúng động kích thích. Con múa nhảy hàng giờ, hoặc hát những bản opéra mà con chưa từng nghe và chưa từng hát. Hoặc con lớn tiếng giảng thuyết cho một cử tọa vô hình. Con múa, hát và nói cho đến khi kiệt sức thì ngã quỵ xuống. Đôi khi con muốn dùng răng cắn xé tan tành tất cả vật dụng áo quần mà con thấy trước mắt. Ngoài ra con còn có thể tiết lộ những chuyện xảy ra rất xa xôi trong quá khứ và không ai biết.

Sau cùng, người phụ nữ buồn bã kết thúc:

- Quả thật cuộc sống trở thành hỏa ngục. Con có hai đứa con nhỏ, vậy mà con chỉ mong chết, vì chỉ khi nào chết thì con mới giải thoát khỏi cái sức mạnh vô hình đang chiếm ngự thân xác con!

Với tư cách Linh Mục Tuyên Úy một bệnh viện tâm thần, Cha Pier-Paolo nghĩ ngay:

- Thiếu phụ đang đứng trước mặt mình mắc chứng ”loạn thần kinh”!

Đó cũng là điều các bác sĩ nói với bà. Nhưng không một ai có thể chữa bà khỏi cái chứng bệnh khủng khiếp này. Thất vọng trước các quyền lực của khoa học, bà tìm đến với THIÊN CHÚA. Bà đến cầu nguyện nơi các nhà thờ, mặc dầu trong thâm tâm bà rất ghê tởm, và xin các Linh Mục ban phép lành. Thường thì sau mỗi lần nhận phép lành, bà có thể sống yên hàn trong vài ngày.

Cha Pier-Paolo hiền từ nói:

- Vậy bà cứ đến đây mỗi khi bà muốn. Nếu tôi không có mặt, thì lúc nào cũng có Linh Mục thường trực tại đây.

Được khích lệ, bà trở lại xin Cha Pier-Paolo ban phép lành mấy ngày sau đó. Đang lúc Cha ban phép lành cho bà nơi bàn thờ dâng kính Đức Mẹ MARIA thì bà bỗng lên cơn. Bà thay đổi dáng điệu và khuôn mặt trở nên xấu xí dễ sợ. Bà cất cao giọng hát một bài hát nổi tiếng. Giọng bà mạnh mẽ vang xa đến nỗi lũ trẻ chung quanh kéo đến nghe. Hát xong, bà lại nói một thứ ngôn ngữ xa lạ nhưng với một giọng đanh thép.

Tiếng hát và tiếng nói của bà lôi kéo sự chú ý của Cha Apollinaire, Linh Mục dòng Phanxicô. Có điều khác là Cha Apollinaire thấy ngay phụ nữ này bị quỷ ám.

Chiều đến, Cha đem nhận xét nói với bạn. Dĩ nhiên Cha Pier-Paolo kịch liệt phản đối. Nhưng sau đó vì không an tâm, Cha đem câu chuyện trình bày với Đức Giám Mục giáo phận bấy giờ là Đức Cha Pellizzari. Sau khi nghe Cha Pier-Paolo trình bày, Đức Cha nói ngay:

- Xin Cha làm phép trừ quỷ!

Cha Pier-Paolo hoảng hốt từ chối và thưa:

- Xin Đức Cha chỉ định một người khác. Vì con nghe nói, trong các vụ trừ quỷ, ma quỷ thường chống lại vị Linh Mục trừ quỷ và tuyên bố đủ điều để làm sỉ nhục ngài!

Đức Giám Mục mĩm cười đáp:

- Cha an tâm, đâu có ai thèm tin lời quỷ nói! Cha không biết ma quỷ là tên chủ của dối trá gian ngoa hay sao???

Vì không thể trốn tránh, Cha Pier-Paolo đành vâng lời. Cha bắt đầu cầu nguyện và sống chay tịnh, vì Cha đoán trước cuộc chiến chống lại quỷ dữ sẽ rất cam go.

Buổi trừ quỷ đầu tiên diễn ra lúc 2 giờ chiều ngày 21-5-1920. Dĩ nhiên tên quỷ sau khi bị ép buộc phải xưng thú danh tánh - nói rõ lý do tại sao nó ám vào người đàn bà - đã không chịu rời bỏ bà.

Thì ra tên quỷ nhập vào bà là do một tên phù thủy yểm bà, bằng cách cho bà ăn một miếng thịt heo muối, ướp trong một ly rượu trắng, cách đó 7 năm, vào ngày 23-4-1913.

Sau buổi trừ quỷ đầu tiên, còn thêm 12 buổi trừ quỷ khác nữa. Trận chiến quyết liệt cuối cùng diễn ra vào ngày 23-6-1920, nghĩa là sau hơn 1 tháng áp dụng các nghi thức trừ quỷ của Giáo Hội Công Giáo Roma. Tên quỷ ra khỏi người phụ nữ khi bà mửa ra không biết bao nhiêu là đồ nhơ nhớp, trong đó có miếng thịt heo muối to bằng viên kẹo với bảy cái sừng.

Người đàn bà được giải thoát khỏi sự ám hại của ma quỷ, nhờ quyền lực của THIÊN CHÚA và nhất là nhờ quyền năng của Đức Nữ trinh Rất Thánh MARIA, qua trung gian của vị Linh Mục và nghi thức trừ quỷ của Giáo Hội Công giáo Roma.

... Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh MARIA là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bàu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van, chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ, là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhậm lời con cùng. Amen.

(Mons. Cristiani, ”PRÉSENCE DE SATAN DANS LE MONDE MODERNE”, Editions du Parvis 1992, trang 164-187)
 
Ánh sáng và Bóng tối
Lưu Minh Gian
15:50 16/12/2008
ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Các bạn thân mến,

Chúng ta thường mệt mỏi khi phải đối diện với những xung đột trong chính tâm hồn mình, khi bị đặt giữa những dằng co của ánh sáng và bóng tối. Để diễn tả những xung đột trong tâm hồn con người, người ta hay dùng hình ảnh tương phản của ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng và bóng tối của trời đất là điều mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày, chúng ta có thể gọi tên và phân biệt dễ dàng. Thế nhưng ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn mỗi người thì phức tạp hơn.

Trong tâm hồn mỗi người luôn có những vùng ngập tràn ánh sáng. Đó là ánh của niềm vui, hạnh phúc, của những khát vọng đơn sơ ngay lành. Dẫu vậy, cũng trong chính tâm hồn ấy vẫn có những phần bị phủ đầy bóng tối. Bóng tối của buồn sầu chán nản. Bóng tối của cái tôi ích kỷ tự mãn. Bóng tối của những mưu mô toan tính. Bóng tối của sự gian dối. Bóng tối của lòng thù hận ganh ghét và những điều xấu xa cần phải được che đậy. Bóng tối của những thói quen xấu mà tôi cứ phải kéo lê theo cuộc đời mình vì không đủ can đảm để dứt bỏ.

Ánh sáng và bóng tối gần với tôi như thế, nên tôi có thể chọn sống và để cho ánh sáng bừng lên trong tôi, nhưng cũng có thể chọn sống vùi mình giữa bóng tối. Tin Mừng Gioan ghi lại nhận xét của Đức Giêsu trong cuộc đối thoại với ông Nic-cô-đê-mô: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng”(Ga 3, 19).

Yêu chuộng bóng tối, điều nghe có vẻ lạ lùng ấy lắm lúc lại thật đúng với tôi và với mỗi người. Có những lúc tôi thấy mình cần chút bóng tối để nương náu, nhất là những lúc thất bại ê chề, những lúc buồn sầu chán nản, những lúc sai lầm lỗi phạm… Dường như bóng tối che chở tôi và cho tôi cảm giác an toàn. Tôi thấy dễ chịu hơn khi bước đi trong bóng tối. Có những lúc bóng tối là môi trường thuận lợi để tôi muốn làm gì thì làm, muốn sống sao thì sống.

Điều nguy hiểm khôn lường là tôi dễ bị nghiện bóng tối. Đi mải mê trong bóng tối, tôi dễ trở thành quen. Tôi chôn mình trong mê muội và sai lầm. Sống càng lâu trong bóng tối, tôi càng ngại bước ra ánh sáng. Ánh sáng khiến tôi có cảm giác bị phơi trần, bị dò xét, bị phân xử. Ánh sáng khiến mắt tôi chói lọi.

Phải chăng vì cuộc đời tôi có quá nhiều điều cần che đậy giấu giếm, nên tôi vẫn sợ ánh sáng? Đức Giêsu giải thích thực trạng trên thật rõ ràng: “phàm ai làm điều dữ, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách”(Ga 3, 20). Thật thế, ánh sáng bắt tôi phải đối diện với sự thật. Ánh sáng chất vấn và tinh lọc cuộc đời tôi. Ánh sáng làm bại lộ những điều tôi muốn giữ kín, những điều không mấy đẹp. Thế nên tôi ngại.

Dẫu vậy, có một sự thật hiển nhiên mà người ta không muốn nghĩ tới: không phải không có đe dọa trong bóng tối, nhưng là vì trong bóng tối, tôi không thấy mình bị đe dọa. Dù có bước đi và cảm giác an toàn trong bóng tối, tôi vẫn là một nạn nhân bị chộp giữ. Tôi tưởng mình được tự do, nhưng thực ra, tôi đang nô lệ cho những khuynh chiều không mấy đẹp đẽ trong mình. Vì thế, tôi không dám lộ mặt ra trước ánh sáng. Tôi tưởng mình được an toàn, nhưng thực ra đó chỉ là thứ bình an giả tạo, đang giết chết từng ngày tâm hồn tôi.

Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối luôn là cuộc chiến không khoan nhượng. Hoặc là tôi thuộc về ánh sáng, hoặc là tôi sẽ bị bóng tối chộp giữ. Không thể có thái độ lập lờ.

Trên bước đường đời tôi đi, Chúa vẫn không ngừng chiếu dọi nhiều ánh sáng. Đó có thể là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà một ai đó dành cho tôi, đó có thể là một tấm gương sống thật đẹp mời tôi bước theo. Ánh sáng thật dễ nhận ra, nhưng để có thể bước theo ánh sáng, tôi bị đòi hỏi phải bước ra khỏi vũng trời cũ kỹ và tội lỗi của mình. Như thế, trọn cuộc đời tôi, mỗi ngày, tôi đều được mời gọi hoán cải. Hoán cải đơn giản là bước ra khỏi bóng tối để đi vào vùng ánh sáng, là bỏ đi những đường nẻo quanh co, để bước ngẩng đầu đứng thẳng và bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã nói: “Chính tôi là ánh sáng cho trần gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”(Ga 8, 12). Khi tôi được chọn và được kêu gọi làm con Chúa, làm con của ánh sáng, không phải trong tôi đã hoàn toàn chỉ có những điều thiện hảo. Không phải đến lúc tôi hoàn toàn đẹp đẽ không tì vết thì tôi mới dám bước đi trong ánh sáng của Chúa. Ánh sáng không chỉ dò xét chiếu dọi, nhưng ánh sáng còn chữa lành tôi. Ánh sáng nâng tôi lên để tôi sống đúng phẩm giá đời mình. Ánh sáng rực rỡ khiến tôi được tinh luyện. Ánh sáng đem lại sự sống và làm nên phẩm giá đời tôi. Ánh sáng đẹp đẽ khiến tôi ước ao, bước theo ánh sáng tôi cũng có cơ hội để trở nên đẹp đẽ và cao quý.

Lạy Chúa Giêsu
Chúa gọi chúng con là con cái của sự sáng
dù Chúa biết trong lòng chúng con vẫn còn nhiều góc tối.
làm sao để chúng con có thể sống xứng đáng
với những mong đợi và hy vọng mà Chúa đặt nơi chúng con?

Những lúc con chơi vơi giữa ngã ba chợ đời,
xin Chúa là quy chiếu để con hướng về.
Những lúc con bước đi chênh vênh trên bờ cám dỗ
xin Chúa là điểm tựa để con vượt thoát.
Những lúc con còn mê mải trong bóng tối,
xin chiếu dọi ánh sáng của Chúa vào sâu thẳm hồn con.
Xin cho con đừng ngại ngần e sợ trước ánh sáng của Chúa.
vì ánh sáng ấy là cứu độ đời con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Năm mà Tất Cả Chúng Ta trở thành Thệ Phản
LM JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR
00:21 16/12/2008
Năm mà Tất Cả Chúng Ta trở thành Thệ Phản

Bài của Cha Thomas D. Williams, LC, giáo sư thần học luân lý tại Đại Học Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ tại Rôma, được đăng trên Tuần Báo National Catholic Register số ra ngày Nov. 9, 2008.

Về mọi phương diện, năm 1968 là một năm của những biến cố sôi động. Cùng với một vài dấu hiệu tích cực như việc Đội Tigers của Detroit đã chiến thắng Đội Cardinals của St. Louis cách vẻ vang để đoạt giải quán quân thế giới, là sự khởi đầu của những năm dấy động, bất ổn và nổi loạn. Những thành quả như việc phóng Phi Thuyền Apollo VIII đánh dấu lần đầu tiên con người đặt chân lên mặt trăng đã bị che khuất bởi những cuộc biểu tình và bạo động đấu tranh cho dân quyền, những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh tại Việtnam, và hai cuộc ám sát Dr. Martin Luther King Jr. và Robert F. Kennedy.

Xã hội nói chung có thay đổi nhiều trong năm 1968, tuy nhiên, những hiệu quả này không sâu đậm, kéo dài và lan rộng như những thay đổi đã xảy ra trong Hội Thánh Công Giáo; tất cả đều vì việc phát hành một lá thư của 8,000 chữ của Đức Giáo Hoàng. Giữa sự hỗn loạn về dân sự và xã hội, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cho phát hành thông điệp cuối cùng của ngài-Thông Điệp Humanae Vitae (Sự Sống Con Người), tái xác định giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về việc điều hoà sinh sản. Văn kiện này đã tạo ra một sự thay đổi có tính kiến tạo trong một cách thức mà vô số tín hữu Công Giáo từ đó sẽ đánh giá Giáo Hội và giáo huấn của Hội Thánh.

Với những ai trong số độc giả muốn bài này mang tựa đề thật kêu ‘Thệ Phản hóa Giáo Hội’ là tốt nhất cho dễ nghe hay tệ hơn cả là ‘phản đại kết một cách nguy hiểm’, tôi xin các bạn khoan hồng để tôi giải thích. Ở đây tôi không có ý hạ giá anh em Thệ Phản hoặc làm chậm bước những kết quả đáng phục của phong trào đại kết. Tôi chỉ có ý giúp chiếu sáng vào cuộc cách mạng sâu xa nhất nơi giáo hội trong lịch sự hiện đại.

Suy cho cùng, cái gì là sự khác biệt căn bản nhất giữa những người Thệ Phản và Công Giáo? Đó chắc chắn không phải là tín điều Công Giáo về Luyện Ngục. Đó không phải là Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Đó không phải là Thánh Thể hay Thừa Tác Vụ Linh Mục. Đó không phải ngay cả là câu hỏi ray rức về việc công chính hóa đã từng làm Martin Luther và các môn đệ ông khắc khoải. Sự khác biệt chính yếu giữa những người Thệ Phản và Công Giáo là câu hỏi về thẩm quyền, được hiểu không phải là quyền bính nhưng là nguồn tin cậy của sự thật. Đó là câu hỏi ở đâu ta có thể tin tưởng tỉm đến để gặp được giáo huấn Chúa Kitô được chuyển tải trong tất cả sự ngay chính của nó. Đó là câu hỏi của ngôi giáo hoàng.

Khi Martin Luther tuyên bố rằng chỉ có một nguồn sự thật thánh thiêng gọi là Thánh Kinh, chắc chắn ông ta đã thành thật nói thế. Điều mà ông không nhận ra đó là tín điều sola scriptura (duy Thánh Kinh) là một sự không thể thực hiện đối với con người. Thẩm quyền của Thánh Kinh lập tức được chia thành hai thẩm quyền sinh đôi giữa Thánh Kinh và sự giải thích Thánh Kinh một cách chủ quan. Với những người Thệ Phản, sự giải thích này theo thần học xảy ra ở mức độ cá nhân người tín hữu, nhưng thường cũng cho phép các thẩm quyền song song, như các bút tích của vị sáng lập giáo phái hoặc ngay cả lời dạy của các mục sư hay thừa tác viên địa phương. Thuyết chủ quan này cho phép và thực sự đòi hỏi đa nguyên của những niềm tin giữa các người Thệ Phản về tín điều Kitô giáo và về luật luân lý.

Các tín hữu Công Giáo, mặt khác, luôn tin rằng Chúa Kitô đã có ý gìn giữ sự hiệp nhất trong niềm tin về luân lý và tín lý trong Hội Thánh qua giáo huấn chân thực của những mục tử được xức dầu của Hội Thánh. Khi các nghi vấn được nêu lên-như hiển nhiên sẽ có và đã có-chính huấn quyền sẽ giải đáp những nghi vấn ấy, không phải bằng cách áp đặt một ý kiến hay tìm đến một sự thoả thuận, nhưng bằng cách trình bày sự thật của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy thực tế. Trước hết, tại sao tôi tin có Luyện Ngục? Phải chăng vì tôi nghiền ngẫm Thánh Kinh và sau nhiều năm đã tìm được niềm xác tín rằng Thánh Kinh chứng thực sự hiện hữu của Luyện Ngục? Không phải thế! Chỉ đơn giản là vì Hội Thánh dạy thế, và tôi tin tưởng nơi Hội Thánh. Niềm tin của tôi nơi Hội Thánh Công Giáo là một với niềm tin của tôi nơi Chúa Kitô, vì Hội Thánh là thân mình và người chứa đựng và bảo vệ sự thật cứu độ của Người.

Đây là lý do tại sao các biến cố của năm 1968 đánh phá những tín hữu Công Giáo theo một cách không bao giờ xảy ra với những ngườiThệ Phản-hay đối với xã hội rộng hơn. Những khẩu hiệu hiệu dán sau xe gồm lại thành “Chất Vấn Thẩm Quyền” chỉ làm gia tăng nỗi cảm xúc sẵn có giữa các người Thệ Phản và những công dân tốt, nó đưa ra một sự tu sửa chữa triệt để trong liên hệ của họ đối với Hội Thánh Giảng Dạy.

Câu hỏi về thẩm quyền này được nhập thể trong sự phản kháng có tổ chức và hệ thống đối với giáo huấn của Humanae Vitae ở giữa giáo sân, các nhà thần học và ngay cả các giám mục. Nó xem ra như một sự đơn giản: một câu hỏi đơn giản giữa quá nhiều đề tài quan trọng. Một sự thiếu vâng phục đối với một giáo huấn vầ luân lý chắc chắn không thể thỏa hiệp căn tính hay tính hợp lệ của quá nhiều tín hữu Công Giáo có ý ngay lành. Nhưng, đó là điều đã thực sự xảy ra, và lý do thật đơn giản.

Một khi một thành tố của giáo huấn Công Giáo chính thức (bất kể đó là giáo huấn gì) bị bác bỏ, một điều siêu việt xảy ra. Điểm quy chiếu về sự thật luân lý đã thay đổi. Huấn quyền không còn là nguồn đáng tin cậy của sự thật thần thiêng nữa. Đó là cá nhân. Giờ đây đó là cá nhân (có lẽ được ủng hộ bởi đa số, hoặc ý kiến hay những cuộc nghiên cứu của những nhà tư tưởng hay ‘chuyên gia’ hay không) là người định đoạt sự thật luân lý. Người lọc lựa và phán quyết cuối cùng về sự thật là phán quyết của cá nhân.

Nhưng những điều gì trong tất cả vô vàn những giáo huấn khác, cả về luân lý và tín lý, nơi mà cá nhân vẫn còn gặp gỡ với Hội Thánh? Làm sao một sự tách ly một cách nghiêm trọng có thể hoà hợp liên hệ của một người với Hội Thánh như Thầy Dậy của mình? Bởi vì khi quan điểm của tôi đạp đổ giáo huấn của Hội Thánh trong bất kỳ lãnh vực nào, thì nó đạp đổ Hội Thánh trong mọi lãnh vực. Chỉ còn một lý do khiến tôi chấp nhận những giáo huấn khác của Hội Thánh là vì chúng không đi ngược với các kết luận có lý của tôi (hoặc trong hầu hết trường hợp là vì chúng không thách thức các khuynh hướng của tôi). Nếu chúng đi ngược với tôi, tất nhiên tôi cũng sẽ bác bỏ chúng!

Từ năm 1968 trở đi, một số đông đảo người Công Giáo bắt đầu liên hệ với Hội Thánh theo lối các tín hữu Thệ Phản liên hệ với các giáo phái của họ. Họ cân đo ‘lập trường của Rôma’, lượng giá nó, và tiến hành việc phán quyết cho chính họ điều gì là tốt hay là thật. Không cần giao chiến, nhiều người Công Giáo đã từ bỏ một trong những báu vật quý nhất của họ: lòng tin cậy nơi sự đáng tin của Hội Thánh giảng dạy. Cuộc khủng hoảng luân lý hiện nay của chúng ta không phải là cuộc khủng hoảng về lương tâm; đó là cuộc khủng hoảng về đức tin.

Trong những năm gần đây, Hội Thánh đã có thực hiện những cố gắng hài hòa để chứng tỏ sự hợp lý của những giáo huấn luân lý của mình. Điều này vừa tốt vừa quan trọng. Chúng ta phải nhận thức rằng Chúa chỉ đòi hỏi điều tốt cho chúng ta và Người làm thế vì Người yêu mến chúng ta. Chúng ta cũng phải được trang bị để trình bày giáo huấn luân lý Công Giáo một cách đầy xác tín cho một thế giới không chia sẻ các xác tín của chúng ta. Mặt khác, nếu sự chấp nhận giáo huấn luân lý Công Giáo cũa chúng ta dựa trên sự hiểu biết của chúng ta về giáo huấn ấy, thì chúng ta sẽ thấy chính mình ở trong một thế đứng đáng ngại.

Hồng ân huấn quyền tỏa sáng trong tất cả ánh quang của nó không phải khi sự thật luân lý hiển nhiên với mọi người, nhưng là khi sự hoang mang ngự trị. Chúng ta không cần huấn quyền bảo chúng ta ăn trộm xe là sự dữ hay ngoại tình thì mất lòng Chúa. Chính khi những người tốt lành, thánh thiện và thông minh bất đồng ý kiến về những câu hỏi luân lý, lúc ấy giá trị của huấn quyền giáo hoàng mới bày tỏ chính mình.

Kỷ niệm 40 năm của thông điệp gây tranh luận của ĐứcGiáo Hoàng Phaolô VI cho người Công Giáo chúng ta một cơ may rạng ngời để suy nghĩ lại đức tin của chính chúng ta và liên hệ của chúng ta với Hội Thánh. Một cuộc cách mạng đã xảy ra 40 năm trước. Có lẽ một cuộc cách mạng khác có thể xảy ra hôm nay.
 
Tổng kết 60 năm công bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền: lý thuyết xa rời thực tại
Linh Tiến Khải
14:42 16/12/2008
Tổng kết 60 năm công bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền: lý thuyết xa rời thực tại

Một số nhận định của ông Ugo Draetta, giáo sư môn ”Quyền quốc tế” tại Đại học công giáo Milano, về tổng kết 60 năm cống bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền

Cách đây 60 năm, ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948 Liên Hiệp Quốc đã công bố ”Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền”, khẳng định phẩm giá cao qúy và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã là một chinh phục pháp lý của thế giới tân tiến ngày nay. Nó có gốc rễ trong tư tưởng Kitô và tư tưởng cổ điển, với phần đóng góp của tư tưởng thiên quang luận. Nhưng trên thực tế khát vọng công lý và hòa bình vẫn chưa được đáp ứng tại rất nhiều vùng trên thế giới này. Nghĩa là giữa lý thuyết và thực hành vẫn còn có khoảng cách rất xa.

Ngoài phần dẫn nhập Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền gồm 36 khoản đã được soạn thảo trong vòng 2 năm, và được chấp nhận ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, với nghị quyết 217, được 51 quốc gia thành viên hiện diện thông qua tại Paris. Lá phiếu chấp thuận của năm 1948 này đã là nền tảng cho hiệp định về các quyền con người - được thừa nhận hoàn toàn hay một phần - bởi 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Có thể ví nó như là một bản ”Hiến Pháp Quốc Tế”, nảy sinh từ các tàn phá đổ vỡ chết chóc thê lương của thế chiến thứ II, và nhằm vạch ra các nguyên tắc của một cuộc sống chung dựa trên hòa bình, công lý và sự tôn các quyền tự do và sự sống con người. Ủy ban soạn thảo gồm 18 thành viên do bà Eleanor Roosevelt, góa phụ của tổng thống Franklin Delano Roosevelt, làm chủ tịch. Trong số các thành viên có ông René Cassin, người Pháp, ông Charles Malik, người Libăng và ông Trần Bành Xuân, người Trung Hoa.

Tuy nhiên khi đi ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể ghi nhận nhiều bản tuyên ngôn nhân quyền khác nữa. Chẳng hạn bản tuyên ngôn về các quyền con người, công bố vào năm 1689, sau khi chấm dứt cuộc nội chiến tại Anh quốc, diễn tả khát vọng dân chủ của người dân Anh. Một thế kỷ sau đó cuộc Cách Mạng Pháp đã gợi hứng cho Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên có một số người cho rằng tài liệu về nhân quyền cổ xưa nhất là tài liệu khắc trên ”Ống Đồng” do Ciro, vua Ba Tư, ban hành vào năm 539 trước công nguyên. Tiếp đến là ”Thỏa hiệp của những người đạo đức”, ký kết năm 590 sau công nguyên giữa các bộ lạc A rập, như liên minh đầu tiên giữa các dân tộc, dựa trên việc tôn trọng các nguyên tắc chung.

Năm 1942 triết gia Jacques Maritain khẳng định rằng gia phả dài và phức tạp của các quyền con người ”là một gia tài của tư tưởng Kitô và của tư tưởng cổ điển”, chứ không chỉ là của nền triết lý thiên quang luận mà thôi, là nền triết lý rốt cuộc đã làm cho gia tài đó bị méo mó đi”. Sợi chỉ đỏ dẫn đường gắn liền với Kitô giáo đã xuyên qua cuộc tranh đấu cho quyền của các bộ lạc da đỏ châu Mỹ Latinh, do các tu sĩ Bartolomeo de Las Casas và Francisco de Victoria khởi xướng hồi thế kỷ XVI, chống lại các lực lượng thuộc địa Tây Ban Nha ngược đãi và tàn sát các thổ dân bên châu Mỹ. Sợi chỉ đỏ ấy còn xuyên suốt lên cho tới thánh Toma Aquino, thánh Agostino, các Giáo Phụ, thánh Phaolô và cả triết gia Cicerone, các triết gia khắc kỷ và triết gia Sofocle.

Một cách đặc biệt chính các thảm cảnh, do các thể chế độc tài và thế chiến thứ II gây ra, đã thúc đẩy suy tư và việc định nghĩa các quyền con người trên bình diện quốc tế. Cuộc khủng hoảng của nền văn minh giữa các năm 1940-1945 đã khiến cho các tín hữu công giáo và tin lành, các người theo khuynh hướng tự do và các người dân chủ xã hội xích lại gần nhau và bước vào cuộc đối thoại với các trào lưu tôn giáo khác, cho tới chỗ thắng vượt được các chống đối nhau. Chiến tranh, chế độ Đức quốc xã và chế độ cộng sản cũng nhanh chóng giúp thắng vượt các dè dặt đối với thuyết thiên quang luận vô thần. Chủ thuyết thiên quang luận vô thần đã nhúng tay vào tất cả mọi tuyên ngôn âu châu về nhân quyền, nhưng lại không gây được ảnh hưởng nào trên các tuyên ngôn nhân quyền của Hoa Kỳ lấy Thiên Chúa làm nền tảng. Chính vì thế trong sứ điệp truyền thanh lễ Giáng Sinh năm 1942 Đức Pio XII đã ám chỉ sự kiện này và khẩn cầu ”ngôi sao hòa bình” trao ban trở lại cho con người phẩm giá, mà Thiên Chúa đã ban cho nó ngay từ ban đầu”.

Thật vậy qua Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, các nguyên tắc của cuộc Cách Mạng Pháp và Hoa Kỳ đạt chiều kích đại đồng của chúng. Giáo Hôi Công Giáo cũng góp phần một cách mạnh mẽ với các tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II và các thông điệp, điển hình như thông điệp "Hòa Bình Dưới Thế” của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, cũng như rất nhiều thông điệp và giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II và các chuyến viếng thăm mục vụ của người. Tất cả đều giúp minh giải chiều kích nòng cốt sứ mệnh của Giáo Hội là "bảo vệ phẩm giá siêu việt của con người” như được nêu bật trong Hiến Chế ”Vui Mừng và Hy Vọng” về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Ngày 18-4-2008, nhân kỷ niệm 60 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viếng thăm tổ chức Liên Hiệp Quốc và phát biểu trước đại diện của các quốc gia trên thế giới. Người nhắc lại rằng Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố năm 1948 là kết qủa sự tụ hội của các truyền thống tôn giáo và văn hóa khác nhau, coi hạnh phúc con người là trung tâm mọi hoạt động. Các quyền được ghi trong Bản Tuyên Ngôn dựa trên luật lệ tự nhiên được khắc ghi trong con tim của từng người, và luật lệ tự nhiên đó là điểm tột đỉnh chương trình tạo dựng của Thiên Chúa đối với thế giới và lịch sử. Đức Thánh Cha cũng cảnh cáo chống lại sự thắng thế của một quan niệm duy tương đối, cho rằng ý nghĩa và việc giải thích các quyền con người có thể thay đổi, và vì thế không thừa nhận tính cách đại đồng của chúng nhân danh các bối cảnh văn hóa, chính tri, xã hội và cả tôn giáo khác nhau nữa. Nghĩa là có thể xảy ra nguy cơ chối bỏ nền tảng bản thể học của các giá trị được khẳng định trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, và khiến cho quyền con người tùy thuộc các trào lưu tư tưởng thắng thế trong một xã hội.

Sau đây là một số nhận định của ông Ugo Draetta, giáo sư môn ”Quyền Quốc Tế” tại Đại học công giáo Milano, bắc Italia, về tổng kết 60 năm cống bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền.

Hỏi: Thưa giáo sư Draetta, mùng 10-12-2008 là ngày kỷ niệm Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã được cống bố cách đây 60 năm. Ngoài các lễ nghi kỷ niệm chính thức, có được bao nhiêu trong số 30 điều khoản đã đi vào trong các bộ luật và trong lương tâm của con người thời nay? Nghĩa là chúng ta đã thực hiện được các điều khoản của nó tới đâu rồi?

Đáp: Tuy không có tính cách bắt buộc, nhưng các nguyên tắc của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã trở thành đối tượng của một loạt các tuyên ngôn luật pháp quốc tế bắt buộc trên bình diện quốc tế cũng như vùng miền. Chẳng hạn như các thỏa hiệp quốc tế về các quyền con người năm 1966 và Hiệp định âu châu về các quyền con người. Trên bình diện cụ thể đã có sự chậm trễ giữa các công bố lý thuyết và việc thực hành cụ thể.

Ngoài ra các cuộc Cách Mạng Pháp và Mehicô cũng đã chấp nhận sự bình đẳng giữa tất cả mọi người, nhưng sự thật lịch sử cho thấy nó chỉ liên quan tới người da trắng và nam giới. Đã phải đợi rất lâu mới đạt được một biến cố biểu tượng như biến cố đã xảy ra trong các tuần vừa qua: đó là một người da mầu gốc phi châu được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ. Chúng ta đã luôn luôn sống sự xa cách giữa các lời tuyên bố và thực tế cụ thể. Ngay cả sự kiện Liên Hiệp Quốc, là tổ chức đã công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, mà cũng không đưa ra khoản ước nói rằng một Nhà Nước mà đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do căn bản và các quyền con người, thì sẽ bị loại trừ ra khỏi tổ chức. Chính vì thế mới có chuyện một chính quyền đàn áp dân chủ và các quyền con người như chính quyền Myanmar vẫn ngang nhiên là quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, và một nước như Libia vẫn trở thành thành viên Ban chủ tịch Ủy ban các quyền con người. Nghĩa là các quyền con người được hiểu trong một viễn tượng lịch sử, chứ không phải với bảng tổng kết bé nhỏ cụ thể của nhà làm luật. Chúng ta đã phải đợi biết bao nhiêu năm, và các tuyên ngôn cũng như các dụng cụ pháp luật khác cũng chỉ là các điểm khởi hành, chứ chưa đem lại các kết qủa cụ thể.

Hỏi: Kỷ niệm 60 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền là dịp tổ chức nhiều lễ nghi chính thức, nhưng một cuộc thăm dò mới đây cho thấy rất ít người trẻ Italia tuổi từ 18 đến 35 đã đọc Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này ít là một lần. Như thế thì phải khởi hành từ đâu để giúp người dân hiểu tính cách thời sự của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này thưa giáo sư?

Đáp: Tôi đồng ý với phân tích này của qúy vị, cả khi tôi muốn nhắc lại rằng trong các đại học cũng có các sinh viên nghiên cứu và học hỏi về các vấn đề nhân quyền, chứ không phải là không. Ngày nay vẫn tiếp tục có các vụ vi phạm nhân quyền, nhưng chúng không còn được coi là chuyện nội bộ của các nước riêng rẽ như hồi năm 1945 nữa. Rất tiếc là các quyền con người vẫn tiếp tục bị chà đạp trắng trợn, nhưng chúng bị thế giới lên án mạnh mẽ, một phần cũng là nhờ các phương tiện truyền thông đưa tin tức. Đây đã là một bước tiến rồi: chúng ta tất cả đều phẫn nộ vì các chuyện xảy ra bên Myanmar, bên Sudan vv..., và chúng ta yêu cầu cộng đồng quốc tế phải hoạt động nhiều hơn nữa. Nó là một thành qủa quan trọng của thời đại chúng ta.

Hỏi: Thưa giáo sư, đâu là các thách đố mới mà nhân quyền phải đương đầu hiện nay?

Đáp: Có lẽ tôi khiến cho qúy vị thất vọng, vì không đưa ra các đề tài đặc biệt, nhưng chỉ đưa ra một đòi hỏi hữu hiệu thôi: đó là cộng đoàn quốc tế phải mạnh mẽ phản ứng chống lại các thách đố cũ và các thách đố mới, nhưng lại không có các dụng cụ thích hợp. Liên Hiệp Quốc có một sắp đặt cứng nhắc, tập trung nơi sự đồng ý của 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Đây là điều cần phải thay đổi. Cần phải cải tổ Liên Hiệp Quốc theo việc phân chia mới về quyền bính trên thế giới. Nhưng chính 5 quốc gia thành viên Hội Đống Bảo An Liên Hiệp Quốc này lại ngăn chận mọi chuyện. Và cuối cùng thì chúng ta phải một trả giá rất cao, vì chúng ta không có các phương tiện nào khác. Như thế thách đố lớn ngày nay là tái thành lập Liên Hiệp Quốc, là cải tổ nó. Chỉ sau khi cải tổ hay thành lập trở lại Liên Hiệp Quốc, chúng ta mới có thể đương đầu với các thách đố cụ thể như vấn đề môi sinh và nền kinh tế toàn cầu mà thôi.

Hỏi: Thưa giáo sư Draetta, Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền cũng đề cập tới quyền sống. Một vài lời tuyên bố của Liên Hiệp Quốc xem ra đi ngược lại với quyền này, có đúng thế không?

Đáp: Trong phần dẫn nhập Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đề cập tới ”phẩm giá” chứ không nói tới phẩm chất của sự sống. Từ đó trở đi thì người ta nhấn mạnh phẩm giá của sự sống trong sự toàn vẹn của nó, chứ không phải một cuộc sốmg tốt hay một cuộc sống xấu, một cuộc sống lành mạnh hay một cuộc sống đau yếu. Đây là một tuyên bố nền tảng và rất quan trọng. Nó có nghĩa là phải tôn trọng phẩm giá sự sống con người trong mọi tình trạng của nó.

(Avvenire 9-12-2008)

Linh Tiến Khải
 
Đức hồng y Avery Dulles, nhà thần học sống thọ nhất Hoa Kỳ
Tú Nạc
14:56 16/12/2008
ĐHY Avery Dulles, một nhà thần học lỗi lạc, được thụ phong Hồng Y năm 2001, vừa qua đời ngày 12 tháng 12 tại bệnh xá Jesuit – New York, nguyên nhân chưa biết rõ, nhưng tình trạng sức khỏe của Ngài rất kém. Ở tuổi 90, Ngài là vị Hồng Y sống thọ nhất Hoa Kỳ.

ĐHY Francis George, chủ tịch HDGM Hoa Kỳ nói về sự ra đi của Ngài rằng "Chúa đã đưa một nhà thần học vĩ đại về quê thật, và là một tôi tá đã trọn đời cống hiến cho Hội Thánh."

Trong bài giảng, ĐHY F. George có đoạn: "Tôi vô cùng thương tiếc đã mất đi một người bạn. Nhưng tôi vui mừng trong niềm hy vọng rằng, bây giờ Ngài đã thấy rõ những gì mà Ngài đã khám phá, cũng như những nghiên cứu của Ngài đối với Bề Trên, với bản tính Giáo Hội và đối với Tòa Thánh."

ĐHY Dulles đã đưa ra những lòi phát biểu mà được coi như lời cuối trước khi ra đi trong buổi thuyết trình Laurence J. McGinley tại Đại học Fordham. Ngài một lần nữa khẳng định đức tin của mình, tính chính thống của mình, tâm hồn mình, và cam kết của mình trước Xã Hội của Đức Ki – Tô. Ngài cũng bày tỏ lời cuối chống lại chủ nghĩa duy vật, thuyết tương đối, thuyết chủ quan, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa khoa hoc, chống lại chủ nghĩa duy lý trí mù quáng, thiển cận mà Ngài nói đang thấy trong xã hội hiện đại

Sau cuộc gặp gỡ riêng với DGH Benedict XVI, Vị Cha chung của Giáo hội đến thăm New York một tháng, Dominican Sister Anne – Marie Kirmse, trợ tá điều hành của ngài nói rằng "đó là cuộc gặp gỡ vô vàn yêu thương" vì "DTC bước vào căn phòng với nụ cười niềm nở phấn khỏi trên khuôn mặt".

DGH John Paul II, Nguòi đã bắt đầu chọn lựa những Hồng y thần hoc, đối với những người ngoài 80 tuổi, Dulles là một trong nhóm. Ngài đã được phong sắc Hồng Y năm 2001 dù chưa đủ tiêu chuẩn (Không thông qua sắc Giám mục).

ĐHY Dulles sinh ra và lớn lên trong một dòng dõi quí tộc, với tri thức uyên bác, là con trai của nguyên Ngoại trửong John Foster Dulles, và là cháu của Giám đốc CIA Allen Walsh Dulles, Ngài đã trở nên nổi tiếng độc quyền trong công việc khám phá những Mô hình Hội Thánh năm 1974, một trong 22 cuốn sách xuất bản dưới tên của mình. Trong đó, Ngài đá định nghĩa Giáo hội như một tổ chức giáo dục, sự cảm thông kỳ diệu, bí tích Thánh thể, truyền tin, tôi tá và cộng đồng môn đệ xây dựng, giúp đỡ lẫn nhau.

ĐHY Dulles sinh 24 tháng 8 năm 1918, tham gia Hội thánh Công giáo khi đã trưởng thành sau một thời gian chưa tìm thấy niềm tin.

Năm 2004, Ngài nói: "Khi trở thành một người Công giáo, tôi cảm thấy sự khởi đầu mà tôi được tham gia vào sự cảm thông của các Thánh, tôi nhận thấy rất vui mừng với một cảm xúc thuộc về cơ thể của những tín hữu trải khắp hoàn cầu."

Ngài bước vào Hội thánh Công Giáo vào năm 1941 trong lúc là sinh viên luật của trường Đại học Harvard. Đệ nhị thế chiến, Ngài phục vụ trong binh chủng Hải quân, rồi vào Dòng Jesuits sau khi giải ngũ năm 1946. Ngài được thụ phong Linh mục năm 1956.

ĐHY Dulles trở thành Giáo sư tôn giáo và xã hội Đại học Fordham từ 1988. Ngài cũng giảng dạy ở Washington nguyên là trường Cao đảng Woodstock, hiện giờ sát nhập vào trường Đại học Georgetown từ 1960 đến 1974, Trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ từ 1974 đến 1988. Ngoài ra, Ngài cũng còn là giáo sư thỉnh giảng tại một số trường Cao đảng, Đại học Công giáo và Tin lành.

ĐHY là một nhà thuyết trình thường xuyên về Tôn giáo và Giáo hội cũng như các vấn đề của mình vào tuổi tám mươi.
 
ĐTC: Kinh Truyền tin Chúa nhật ''Hãy vui lên''
Bình Hòa
15:45 16/12/2008
ĐTC: Kinh Truyền tin Chúa nhật "Hãy vui lên"

Mùa Vọng đón chờ Chúa đến. Vào chúa nhật thứ nhất, phụng vụ hướng chúng ta đến cảnh Chúa đến để phán xét thế gian lúc kết thúc lịch sử. Quang cảnh đó dễ gây tâm trạng hãi hùng. Bước sang chúa nhật thứ hai, đề tài Chúa đến được trình bày dưới một quang cảnh khác: Chúa đến để giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi và diệt vong, và như thế để đáp lại niềm khao khát hạnh phúc của con người. Quang cảnh của chúa nhựt thứ ba thay đổi hoàn toàn, khi bài ca nhập lễ mở đầu bằng lời mời gọi “Hãy vui lên vì Chúa đã gần kề”. Dĩ nhiên, trong tâm trí của nhiều người, lời mời gọi này hướng đến lễ Chúa Giáng sinh đã gần kề, chứ không phải là cảnh quang lâm nữa. Tuy nhiên, trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin trưa chúa nhựt hôm qua, đức thánh cha đã giải thích ý nghĩa của đoạn văn mà phụng vụ trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê. Thánh tông đồ không nói đến lễ Giáng sinh đã gần kề, nhưng là cảnh quang lâm đã gần kề, nhưng chuyện “gần kề” ở đây không hiểu về thời gian (lúc nào) hay nơi chốn (ở đâu), cho bằng về tình yêu. Tình yêu đã đưa Thiên Chúa đến gần kề với con người, và cũng mời gọi con người hãy mở rộng cửa lòng đón rước Chúa. Theo thông lệ, vào chúa nhựt thứ ba mùa Vọng, các thiếu nhi Rôma đem tượng Chúa Hài đồng đến để được chúc lành. Lần này Đức thánh cha đã sáng tác một lời nguyện riêng, trong đó nêu bật ý tưởng là bức tượng Chúa Hài đồng tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình. Tưởng cũng nên biết, là từ chiều thứ bảy vừa qua, cây thông Giáng sinh đã được dựng lên bên cạnh hang đá vĩ đại được cất ở giữ quảng trường thánh Phêrô. Hang đá sẽ được khai trương vào trước thánh lễ nửa đêm, nhưng ai ai cũng có thể chiêm ngắm cây thông ngất ngưỏng cao 33 thước và thọ 120 tuổi, được đưa từ nước Áo. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến,

Chúa nhựt thứ ba mùa Vọng được gọi là chúa nhựt Gaudete “Mừng vui lên”, bởi vì ca nhập lễ lấy lại lời của thánh Phaolô gửi các tín hữu Philipphê như sau: “Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi xin lặp lại: anh em hãy vui lên” và liền đó là Người nêu bật động lực: “bởi vì Chúa ở gần kề” (Pl 4,4-5). Đây là lý do của niềm vui. Thế nhưng “Chúa ở gần kề” có nghĩa là gì? Chúng ta phải hiểu sự “gần kề” của Thiên Chúa như thế nào? Khi viết thư cho các tín hữu Philipphê, chắc hẳn là thánh Phaolô nghĩ đến việc Chúa trở lại, và Người mời họ hãy vui lên vì đó là chuyện chắc chắn. Tuy nhiên, trong thư gửi các tín hữu Thêxalonica, cũng chính thánh Phaolô đã nhắn nhủ rằng không ai có thể biết được chắc chắn lúc nào Chúa đến (xc. 1Tx 5,1-2), và đã cảnh báo đề phòng những thứ báo động hoảng hốt, ra như việc Chúa đến đã sắp xảy ra rồi vậy (xc. 2Tx 2,1-2). Kể từ lúc đó, Hội thánh được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã hiểu rằng việc Chúa “gần kề” không hiểu về không gian hay thời gian, nhưng là chuyện của tình yêu. Tình yêu làm xích lại gần. Lễ Giáng sinh sắp đến sẽ nhắc nhở chúng ta chân lý căn bản đó của đức tin, và đứng trước hang đá, chúng ta có thể thưởng thức kiềm vui Kitô giáo khi chiêm ngắm nơi hài nhi Giêsu khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng vì thương ta đã trở nên gần kề với chúng ta.

Trong viễn tượng này, tôi hân hạnh được lặp lại truyền thống chúc lành các tượng Chúa Hài đồng được đặt trong hang đá. Cách riêng cha muốn ngỏ lời với các con, những thiếu nhi của thành phố Rôma, mang tượng Chúa hài đồng đến đây để được chúc lành. Các con hãy hợp ý với cha trong kinh nguyện sau đây:

Lạy Chúa là Cha của chúng con, Cha đã yêu thương loài người đến độ đã phái đến cho chúng con đức Giêsu là Con Một của Cha, sinh bởi Trinh nữ Maria, để cứu vớt chúng con và đưa chúng con về với Cha. Chúng con cầu xin, nhờ sự chúc lành của Cha, để cho các tượng Chúa Giêsu sắp đến ở giữa chúng con, được trở nên dấu chỉ của sự hiện diện và tình thương của Cha trong gia đình của chúng con. Lạy Cha nhân từ, xin cũng chúc lành cho chúng con, cha mẹ, gia đình và bạn hữu của chúng con. Xin mở rộng tâm hồn chúng con để chúng con biết tiếp rước Chúa Giêsu trong niềm vui, và gặp thấy Người nơi những ai đang cần đến tình thương của chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen

Và giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau đọc kinh Truyền tin, xin Đức Mẹ cầu bầu cho chúng ta, ngõ hầu tất cả mọi gia đình tại Rôma và trên khắp thế giới, biết âu yếm đón nhận Chúa Giêsu, Đấng đã đem lại phúc lành của Thiên Chúa cho nhân trần.
 
Nguy cơ của làn sóng bách hại các Kitô hữu Ấn Độ trong dịp lễ Giáng Sinh
Linh Tiến Khải
15:47 16/12/2008
Nguy cơ của làn sóng bách hại các Kitô hữu Ấn Độ trong dịp lễ Giáng Sinh

Phỏng vấn Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục Cuttack-Bhubaneswar về nguy cơ bạo lực chống lại các Kitô hữu có thể tái bùng nổ trong dịp Giáng Sinh tới đây tại bang Orissa

Ngày 25 tháng 12 tới này nhân lễ Giáng Sinh một nhóm ấn giáo cuồng tín trong bang Uttar Pradesh, sẽ tổ chức một buổi lễ tiếp nhận 11.000 Kitô hữu trở lại với Ấn giáo. Họ cho biết muốn tổ chức lễ trở lại Ấn giáo của các tín hữu Kitô nói trên đúng ngày lễ Giáng Sinh, vì các thừa sai Kitô đã dùng lễ này để quyến rũ tín đồ Ấn giáo nghèo bỏ Ấn giáo để theo Kitô giáo.

Các quan sát viên độc lập coi các lời tố cáo này là các vu khống không có nền tảng, và họ cũng nghi ngờ số Kitô hữu trở lại Ấn giáo. Trong khi đó phía Kitô giáo đã tổ chức một chiến dịch hòa bình nhằm củng cố cuộc sống chung hòa bình giữa các tín hữu Kitô và ấn giáo trong bang Orissa.

Chính Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục Cuttack Bhubaneshwar, thủ phủ bang Orissa đã cho biết như trên trong một cuộc điện đàm với tổ chức ”Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ”. Đức Cha cũng cho biết một phái đoàn gồm các vị lãnh đạo cấp cao của chính quyền liên bang New Dehli sẽ đi thăm quận Kandhamal là nơi đã xảy ra các cuộc bách hại bạo lực chống lại Kitô hữu từ ngày 23 tháng 8 cho tới tháng 10 năm nay. Phái đoàn viếng thăm gồm 150 nhân viên và giáo chức.

Mục đích chuyến viếng thăm là để thuyết phục các nhóm ấn giáo cuồng tín có các tương quan chung sống hòa bình với các Kitô hữu. Vì thực ra các Kitô hữu không phải là một đe dọa đối với các tín hữu ấn.

Như đã biết ngày 23-8-2008 ông Swami Laxanananda Saraswati, lãnh tụ của lực lượng Ấn giáo cuồng tín ”Vishwa Hindu Parishad”, đã bị lực lượng du kích quân Mao Trạch Đông sát hại cùng với 5 đồ đệ. Lực lượng này đổ tội cho Kitô hữu, và các vụ bạo lực chống lại các Kitô hữu bắt đầu bùng nổ.

Các người đầu tiên bị tấn công ngay chiều hôm đó là các nữ tu dòng Bửu Huyết Chúa Giêsu. Xe của các chị bị chặn và bị đốt. Sáng hôm sau nhiều nhà thờ và trung tâm mục vụ bác ái bị tấn công. Và thế là ngọn lửa bạo lực lan nhanh trong quận Kandhamal và nhiều nơi khác trong bang Orissa.

Các vụ bạo động và bách hại này đã khiến cho gần 70 người chết, 5.000 căn nhà bị thiêu rụi. 18.000 người bị thương và 50.000 người phải chạy trốn vào rừng, trong đó có cả các linh mục và tu sĩ nam nữ.

Ngoài ra còn có hàng chục nhà thờ và các trung tâm bác ái xã hội bị tàn phá và đốt cháy, trong đó có cả nhà thương do các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Terexa Calcutta trông coi. Một nữ giáo dân thừa sai bị thiêu sống và một nữ tu bị hãm hiếp. Trong số các người chết có cả linh mục và nữ tu.

Trong các tuần sau đó các vụ bách hại cũng lan sang nhiều bang khác như Chattisgharal, Madya Pradesh, Karnataka và cả Kerala là bang có đông tín hữu Kitô nhất Ấn Độ. Bình luận về làn sóng bao lực chống lại các Kitô hữu, Đức Cha Vincent Concessao, Tổng Giám Mục New Dehli nói: ”Đây không chỉ là một vấn đề liên quan tới việc tôn trọng các nhóm thiểu số, mà cũng can hệ tới nền dân chủ của Ấn Độ nữa. Thật là điều đáng buồn, vì Ấn Độ nổi tiếng là một quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới, một quốc gia sinh động, có khả năng quy tụ nhiều chủng tộc, tôn giáo và tiếng nói, mà giờ đây lại có gương mặt lọ lem vì bạo lực và bất bao dung như vậy. Đặc biệt là hiện nay Ấn Độ đang nổi bật trên trường quốc tế như là một cường quốc của thế kỷ XXI, mà bên trong lại có tệ nạn bất khoan nhượng tôn giáo và vi phạm nhân quyền trắng trợn và trầm trọng như thế. Cộng đồng thế giới và các vị lãnh đạo quốc tế tin tưởng nơi nền dân chủ phải mạnh mẽ chống lại và lên án các hành động vi phạm nhân quyền này. Vì đây không phải chỉ là vấn đề bảo vệ các nhóm thiểu số, mà là bảo vệ chính nền dân chủ của Ấn Độ”.

Đức Hồng Y Oswal Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, nói các hành động bạo lực dã man tàn ác chống lại các Kitô hữu thật là một điều hổ nhục cho quê hương đất nước Ấn Độ, và bôi nhọ hình ảnh của Ấn Độ trước dư luận thế giới.

Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục Cuttack-Bhubaneswar thủ phủ bang Orissa, cho biết chính phong trào quốc gia qúa khích ấn giáo đã dấy lên làn sóng bạo lực bách hại các Kitô hữu. Nó thực là một bệnh ung thư khiến cho cuộc sống chung hòa bình, là nền tảng của Ấn Độ, gặp khủng hoảng nặng nề.

Các nhóm tấn công Kitô hữu đa số thuộc phong trào ấn giáo cuồng tín có tên gọi là ”Rashtriya Swayamsevak Sangh”, là tổ chức duy quốc gia thiện nguyện chủ trương áp dụng hệ thống ấn giáo cho mọi thành phần xã hội. Họ có cung cách hành xử như Đức Quốc Xã hồi thế chiến thứ II. Ông Golwakar, một trong các người thành lập phong trào này, là người rất ngưỡng mộ Hitler lãnh tụ Đức Quốc Xã, khước từ ý tưởng Ấn Độ là một nhà nước đời, và muốn áp đặt hệ thống Ấn giáo cho mọi thành phần xã hội. Orissa là bang có tới 94% tổng số dân theo Ấn giáo. Tín hữu Kitô chỉ chiếm 2,4%.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục Cuttack-Bhubaneswar, về nỗi lo sợ của các Kitô hữu bang Orissa trước các bách hại và bạo lực có thể xảy ra trong dịp lễ Giáng Sinh sắp tới.

Hỏi: Thưa Đức Cha Cheenath, Mùa Vọng đã bắt đầu bước sang tuần thứ ba, trong các ngày này tình hình tại bang Orissa như thế nào, vì người ta nghe tin có các vụ bạo lực mới chống lại các tín hữu Kitô?

Đáp: Tình hình trong bang Orissa vẫn rất căng thẳng. Dĩ nhiên người ta không chứng kiến các cảnh bạo lực kỳ thị chống lại chúng tôi như đã xảy ra trong ba tháng 8,9 và 10 vừa qua, nhưng các tín hữu Kitô tiếp tục bị bao vây, và một số đông vẫn chưa có thể trở về nhà. Rất nhiều người ban đầu chạy trốn vào trong rừng, rồi sau đó tìm tới các trại tị nạn. Nhiều người khác trốn sang sống với các thân nhân hay bạn bè thân quen tại các bang khác của Ấn Độ. Tất cả đều lo sợ có các bách hại và bạo lực mới chống lại họ, nếu họ trở về làng quê.

Hỏi: Ai là những người có trách nhiệm đối với tình hình bạo lực này thưa Đức Cha?

Đáp: Các buồn sầu và bất ổn là hậu qủa của bạo lực do các nhóm ấn giáo gắn liền với các nhóm lợi lộc chính trị và kinh tế, gây ra. Họ coi sự dấn thân của các Kitô hữu trong việc thăng tiến công lý và bình đẳng là một nguy hiểm đối với quyền tối thượng của họ. Tuy nhiên sự bất ổn hiện nay không chỉ liên quan tới hoạt động của các nhóm ấn giáo, mà cả các nhóm tội phạm lợi dụng tình hình này để cướp bóc nữa.

Hỏi: Chính quyền địa phương và chính quyền liên bang có tìm cách giải quyết tình trạng này hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Chính quyền địa phương cũng như chính quyền liên bang đã không có các biện pháp cần thiết nào để ngăn chặn làn sóng bạo lực chống lại các Kitô hữu. Quân đội và các lực lượng an ninh khác hiện diện đấy, nhưng họ cũng không dấn thân một cách cụ thể để loại trừ bạo lực. Các người cuồng tín vẫn được tự do đi lại và tổ chức các hoạt động đe dọa tín hữu Kitô cũng như có các hành động tội phạm.

Hỏi: Thưa Đức Cha, tình hình cuộc sống của các người tị nạn và các Kitô hữu trốn chạy khỏi các làng mạc của họ hiện nay ra sao?

Đáp: Theo như tôi được biết, vẫn còn có 11.000 người còn sống trong các trại tị nạn của chính quyền trong quận Kandhamal, và nhiều ngàn người khác trong các thành phố vùng Bhubaneshwar, là thủ phủ bang Orissa và Cuttack. Mọi người đều lo sợ không dám về làng quê của mình, một nhần cũng vì các làng này đã bị tàn phá, nhà cửa của họ bị cướp bóc và đốt cháy không còn gì, một số đất đai bị chiếm đoạt và chia cho người dân địa phương. Dẫu sao đi nữa, hành động của các nhóm ấn cuồng tín nhắm làm cho các nhóm thiểu số là các bộ tộc theo Kitô giáo sống xa đất đai của họ. Đây không phải chỉ là sự sợ hãi. Các bạo lực vẫn tiếp tục, một cách lén lút, thường không gây tiếng vang và không được biết tới. Chẳng hạn trong tuần vừa qua đã có một phụ nữ Kitô trở về làng quê của bà, nhưng không thấy bà ta trở lại trại tị nạn nữa. Trong một làng khác nhà của ba Kitô hữu đã bị đốt.

Hỏi: Hồi Giáng Sinh năm ngoái bách hại và bạo lực đã bùng nổ tại quận Kanhamal chống lại các Kitô hữu, khiến cho hằng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Giáng Sinh năm nay Đức Cha dự đoán như thế nào?

Đáp: Các nhóm chống lại các tín hữu Kitô đã báo trước là trong dịp Giáng Sinh năm nay họ sẽ siết chặt vòng vây và ngăn chặn mọi sinh hoạt của các tín hữu Kitô trong quận Kandhamal, và như thế cũng có nghĩa là ngăn chặn mọi lễ nghi tôn giáo. Chúng tôi đang đối thoại với các anh chị em ấn giáo nhưng không thuộc các nhóm cuồng tín nói trên và cũng không liên lụy tới các quyền lực làm nảy sinh ra các biến cố thê thảm này. Chúng tôi cũng tìm cách có được nhiều an ninh hơn từ phía các lực lượng an ninh trật tự.

Chúng tôi không thể nhượng bộ, là các chủ chăn chúng tôi không thể để cho các anh chị em đồng đạo sống trong cảnh tuyệt vọng hay lại giao họ trở lại cho Ấn giáo mà họ ra rời bỏ, với hy vọng có được sự bình đẳng và tôn trọng. Đối với biết bao nhiêu người đang chờ đợi để có thể trở về làng quê của họ, đối với biết bao nhiêu người ở lại và đang sống trong cảnh bất an, sứ điệp của các người ấn giáo cuồng tín rất là rõ ràng: chỉ có việc trở lại với Ấn giáo là có thể cứu các người được thôi. Chúng tôi cầu nguyện và hoạt động để sự việc không xảy ra như vậy.

(Avvenire 5-12-2008; ASIANEWS 26.27.28.30-8-2008)
 
Các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi Obama đặt ưu tiên và trách nhiệm về hòa bình ở Trung Đông
Phụng Nghi
16:32 16/12/2008
WASHINGTON, D.C. (Zenit.org) - Các nhà lãnh đạo Kitô giáo, Do thái và Hồi giáo đã cùng chấp thuận một lá thư chung hôm 4 tháng 12 gửi tới Tổng thống tân cử Barack Obama, thúc giục ông dùng quyền lãnh đạo của Hoa kỳ để mưu cầu hòa bình giữa các quốc gia Ảrập, Do thái và Palestine.

Đức Hồng y Theodore McCarrick, tổng giám mục hồi hưu của giáo phận Washington, là một trong số các vị lãnh đạo đã ký tên vào lá thư, đại diện cho tất cả thành viên của tổ chức National Interreligious Leadership Initiative for Peace in the Middle East (viết tắt là NILI, Sáng kiến về Hòa bình ở Trung đông của Lãnh đạo Liên tôn Toàn quốc)

Lá thư gửi cho Obama có đoạn viết: “Chúng tôi hoan nghênh lời cam kết rõ rệt và nhất quán của ông muốn đặt sự lãnh đạo tích cực của Hoa kỳ cho nền hòa bình của Ảrập, Do thái, Palestine làm ưu tiên hàng đầu ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông.”

“Chúng tôi tin tưởng điều cần yếu là các nhà lãnh đạo và dân tộc Israel, lãnh địa Palestine và các quốc gia Ảrập được bảo đảm chắc chắn rằng ông có ý hướng thực thi điều ưu tiên này với một ý thức cấp bách ngay sau ngày ông nhậm chức.”

Lá thư nêu lên rằng các dấu hiệu mới đầy hy vọng đã làm cho tổ chức của họ thêm phấn khởi, như “tiến bộ trong các cuộc thương thảo trực tiếp giữa Israel và Palestine, tiến bộ trong các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Syria và Israel, và Sáng kiến Hòa bình lịch sử của Arập do Saudi Arabia chủ trì.”

Tổ chức NILI đã yêu cầu được có một phiên họp theo dõi sự việc với Obama cũng như với ngoại trưởng Hillary Clinton, nhằm tiếp tục tiến trình do Ngoại trưởng Condoleezza Rice khởi xướng; “các cuộc họp cấp cao thường xuyên tại Bộ ngoại giao để được biết những hành động liên hệ của chính quyền và đưa ra những khuyến cáo cũng như hỗ trợ.”

Cũng được công bố trong tháng này kèm theo lá thư là một bản tuyên bố đồng thuận của các nhà lãnh đạo Kitô giáo, Do thái, Hồi giáo và các nhà lãnh đạo của hơn 25 tổ chức toàn quốc. Cùng với đức hồng y McCarrick, đức hồng y Francis George hiện là chủ tịch Hội đồng giám mục Hoa kỳ cũng ký tên trong bản tuyên bố này.

Bản tuyên bố có nhan đề “Một Cửa sổ Hy vọng cho Hòa bình ở Jerusalem” khẳng định “lời cam kết chung cùng phục vụ hòa bình và công lý cho tất cả con cái Thiên Chúa” của ba nhóm tôn giáo.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo tuyên bố rằng mục tiêu của họ là hoạt động nhằm tạo ra một “giải pháp song phương sẽ đem lại hoà bình cho Arập, Israel, Palestine […] cũng như hòa bình cho Jerusalem.” Họ công nhận những trở lực và thách đố đang phải đương đầu, trong đó có việc chuyển giao chính quyền mới tại Hoa kỳ.

Họ khẳng định: “Thời điểm nguy cơ này đòi hỏi phải có sự rõ rệt, trong sáng. […] Chúng tôi tin tưởng rằng sự lãnh đạo có phối hợp và lâu bền của Hoa kỳ để mưu cầu hòa bình là điều cốt yếu.”

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết thêm rằng “vai trò độc nhất và không thể thiếu được” của Hoa kỳ “đặt ra cho quốc gia chúng ta một trách nhiệm đặc biệt là phải theo đuổi hòa bình. Hòa bình giữa Israel và Palestine phải là một ưu tiên khẩn thiết của Tổng thống tân cử Obama ngay sau ngày ông nhậm chức.”

“Quốc gia chúng ta và thế giới sẽ được an toàn hơn khi nền hòa bình của Jerusalem thành đạt được.”
 
Giáo phận Thượng Hải mừng kỷ niệm 400 năm Công Giáo hiện diện
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
17:13 16/12/2008
Thượng Hải, Trung Quốc (AsiaNews / UCAN) - Các nghi thức mừng kỷ niệm 400 năm Công Giáo đến Thượng Hải được kết thúc bằng việc phong chức 2 linh mục hôm 6 tháng Mười Hai ở Nhà thờ Chánh tòa Thánh Inhaxiô thuộc huyện Xujiahui, do Đức Giám mục Phụ tá của Thượng Hải, Đức Cha Joseph Xing Wenzhi chủ tế, cùng với 87 linh mục trong giáo phận và các giáo phận lân cận. Nhưng các nghi thức mừng kỷ niệm này lại được đánh dấu bằng "cuộc chiến" của giới cầm quyền và Hội Công Giáo Yêu nước (PA) nhằm chống lại cuộc hành hương Đến Đền Đức Mẹ Xa Sơn (Sheshan).

Khoảng 2.000 người Công Giáo đã tham dự Thánh Lễ phong chức cho Cha Li Gangyao và Cha Joseph Xu Ruhao, cả hai đều thuộc chủng viện Xa Sơn, ngoại ô của Thượng Hải. Cha Li sẽ ở lại phục vụ cho Giáo phận Thượng Hải, hiện nay có 75 linh mục, trong khi Cha Xu sẽ đến phục vụ cho Giáo phận An Huy.

Đức Cha Xing khuyến khích các linh mục tân chức noi theo mẫu gương của Chúa Giêsu, Mục tử Nhân Lành, người "không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ, và để tìm kiếm chiên lạc". Ngài nhắc lại rằng ngay cả khi kết thúc các cử hành mừng kỷ niệm lần thứ 400 nhưng "sứ mạng của chúng ta không kết thúc hôm nay, nhưng nó đánh dấu sự thúc đẩy mới để chúng ta loan báo Tin Mừng cho những người đã không bao giờ nghe nói về Tin Mừng".

Giáo hội Công giáo bắt đầu ở Thượng Hải vào năm 1608 bằng việc Paul Xu Guangqi, người Công giáo đầu tiên của thành phố, được Cha Dòng Tên người Ý Lazzaro Cattaneo ban Phép Thanh Tẩy. Vị linh mục lưu lại ở đó hai năm, ban Phép Rửa cho khoảng 200 giáo dân và xây dựng nhà thờ đầu tiên gần Xujiahui.

Việc cử hành mừng kỷ niệm đã được bắt đầu vào ngày 01/03 và kéo dài trong chín tháng qua, trong số các sự kiện chính có cuộc hành hương đến Đền Đức Mẹ Xa Sơn. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tuyên bố ngày 24/05 hàng năm là ngày Thế Giới cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Quốc, và mời gọi các tín hữu dâng lời cầu nguyện đặc biệt lên Đức Mẹ Xa Sơn, trọng tâm của cuộc hành hương quen thuộc và phổ biết vào ngày đó. Đức Giám Mục của Thượng Hải, Aloysius Jin Luxian (đang lâm trong bệnh) đã công bố việc cử hành nghi lễ trong thư mục vụ vào tháng Mười Hai năm 2007, kêu gọi tất cả mọi người canh tân tâm linh và hưởng ứng tích cực lời mời gọi của Đức Thánh Cha.

Cũng cần nhắc lại rằng, nhà cầm quyền địa phương và Hội Công Giáo Yêu chỉ cho các linh mục và giáo dân của Giáo phận Thượng Hải được phép hành hương, và ngăn cấm giáo giáo dân của các giáo phận khác. Ý định của họ là nhằm ngăn ngừa cuộc hành hương và các nghi lễ được tiên liệu có khoảng 200.000 tín hữu: hàng tá linh mục chính thức và thầm lặng bị bắt trước ngày 24 tháng Năm, hoặc bị giám sát chặt chẽ hoặc bị ép “làm một chuyến du lịch” với công an hay đơn thuần bị đe dọa. Một số linh mục và giáo dân vẫn còn trong nhà giam vài tháng sau đó. Giáo phận Thượng Hải được ủy thác là nơi người hành hương đến Xa Sơn phải đăng ký. Trong suốt tháng Năm, các con đường xung quanh khu vực hành hương bị chặn lại và các nhà hàng, khách sạn bị cấm nhận người Công Giáo, camera cũng được lắp đặt trên các con đường lân cận.
 
Hồng Kông kỷ niệm 120 năm cung hiến Nhà thờ Chánh Tòa
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
17:15 16/12/2008
Hong Kong (Agenzia Fides) – Trong Thánh Lễ mừng kỷ niệm 120 năm cung hiến Nhà thờ Chính tòa Vô nhiễn Nguyên tội hôm 7/12 ở Hồng Kông, Đức Tổng Giám Mục Robert Sarah, Tổng Trưởng Thánh Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân Tộc, đã bày tỏ cảm xúc trong chuyến đi đầu tiên của ngài đến vùng đất này của Trung Quốc: "Tôi rất hạnh phúc khi có thể tham dự vào nghi lễ mừng kỷ niệm 120 năm cung hiến Nhà thờ Chính tòa này. Và tôi cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc”.

Theo Kong Ko Báo (phiên bản tiếng Hoa của bản tin giáo phận), Đức Giám mục của Hồng Kông, Đức Giám Mục Phụ tá và linh mục Tổng Đại diện cùng đông đảo linh mục, tu sĩ của giáo phận đã cùng đồng tế trong Thánh Lễ với khoảng 1.100 tín hữu. Trong bài giảng, vị chủ tế đã nêu bật sự kiện 120 năm qua nhà thờ Chánh tòa cũng là một phần của lịch sử giáo phận và của các nhà truyền giáo, nhà thờ được xây dựng bởi các nhà truyền giáo Học viện Giáo Hoàng Truyền giáo Hải ngoại (PIME), những người đã tổ chức kỷ niệm 150 truyền giáo tại Hồng Kông vào cuối năm ngoái.

Theo vị Tổng Đại diện cũng là niên trưởng của Nhà thờ Chánh tòa, Đức Ông Dominic Chan thì "làm cho các tín hữu cảm thấy như ở nhà là công tác mục vụ ưu tiên của Nhà thờ Chánh tòa. Chúng tôi cũng khuyến khích sự tham gia của giới trẻ, khi mà đức tin đang giảm sút trong các thế hệ mới. Nhà thờ Chính tòa sẽ cử hành Ơn Thiên Triệu Năm Thánh Phaolô vào năm 2009, để loan truyền nhận thức về tầm quan trọng của ơn gọi trong các tín hữu".

Khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Giám mục của Hồng Kông đã đội vương miện cho bức tượng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên Tội ở nhà nguyện Loan báo Tin Mừng bên trong Nhà thờ Chánh tòa. Vương miện là món quà của các tín hữu và sinh viên tặng vào năm 1954, khi Giáo Hội hoàn vũ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm tín điều Vô nhiễm Nguyên tội. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm cung hiến, Nhà thờ Chính tòa cũng xuất bản một quyển sách mang tựa đề "Đọc lại lịch sử của Giáo Hội, bước vào nhà thờ Chánh tòa" trong đó trình bày những câu chuyện, bước phát triển, kiến trúc, và nghệ thuật của Nhà thờ Chánh tòa.
 
Top Stories
Vietnamese officials reaffirm plans to demolish Catholic monastery
Catholic News Agency
10:38 16/12/2008
Candlelight vigil in Saigon / Photo credit: Fr. J.B. An DangVinh Long, Dec 15, 2008 / 09:36 pm (CNA).- Repeating a government tactic used in disputes with Vietnamese Catholics seeking the return of confiscated property, the People's Committee of Vinh Long on Friday announced that it will demolish the city’s St. Paul Monastery to build a public park.

Prior to the announcement, numerous meetings had been held in Vinh Long to accuse the Sisters of Charity of Saint Vincent de Paul of "taking advantage of religious freedom to inspire protests against the State of the Socialist Republic of Vietnam, and hence damage the united block of the people," J.B. An Dang tells CNA.

In May, the Sisters began protesting government plans to convert their monastery into a five-star hotel.

Thomas Nguyen Van Tan, Bishop of Vinh Long, wrote a May 18 letter to priests, religious, and lay people of the diocese, recounting the history of the dispute.

On "a day of disaster," September 7, 1977, local authorities mobilized armed forces to blockade and raid Holy Cross College, St. Paul Monastery, and the Major Seminary, the bishop wrote.

"Then, they seized all these properties and arrested those who were in charge of the premises. I myself was among the detainees," his letter continued.

He reported that since the confiscation of the property, representatives of the Provincial Superior of the Sisters of Charity of Saint Vincent de Paul and representatives of the Bishop’s office have repeatedly sent petitions to local and central governments.

"However, these petitions have gone unanswered," the bishop added.

Reporting confirmation from local officials, he reported in his May 18 letter that the local government had issued a decree that a hotel should be built on the land of the Sisters, the size of which he reported to be 10,235 square meters or about 2.5 acres.

His letter also reported that town residents had been summoned to government meetings to vow to take "strong actions" against opponents of the construction. The bishop called the loss of their monastery a "great suffering" for the Sisters.

Sister Marie Nguyen from Saigon explained that the Sisters had been in Vinh Long since 1871 and have been "continuously serving" people in the provinces of Vinh Long, Ben Tre, and Tra Vinh.

"Their monastery had also been used as an orphanage, and they just wanted to get it back to run an orphanage. The need for such a charity institution is more urgent than ever as HIV infection and drug addiction keep claiming more and more people's lives in the area," she said, according to J.B. An Dang.

"Obviously, while the Church is seeking innovative ways to serve people, this government chooses to turn its back against them," she commented.

On the evening of Sunday, December 14, more than five thousand Catholics gathered at another disputed site, Redemptorist Monastery in Saigon, to celebrate a thanksgiving Mass after the conclusion of the trial of eight parishioners.

"The Candlelight vigil was an open defiance against a prohibition of the local government for massive vigils," J.B. An Dang tells CNA.

On December 5, eight parishioners of Thai Ha Church were put on trial under what many Catholics considered to be false pretenses. Accusations against them concerned their actions in protests seeking the return of confiscated Church property.

Their trial ended on December 8, but reports that the accused had pled "not guilty" apparently had resonated throughout Hanoi.

"It seems the trial has turned the table around for the eight defendants, whose courage has become symbolic of defiance and grace under fire. They are viewed as heroes in the eyes of their fellow countrymen, while the Vietnam government -the accuser- now becomes the accused for imposing such an unjust, immoral and unconstitutional [process] on its citizens," said Fr. John Nguyen from Hanoi.

"A few months ago, nobody would even know the names of the defendants. Now their names and story have become the talk of the town, the topic in every household and coffee shop, when it comes to [the question of] how can they resist the pressure and say 'enough is enough' to one of the most dictatorial regimes in the world today." he added, J.B. An Dang reports.
 
A rare expression of dissent against the ruling Communist Party
Javno
10:46 16/12/2008
More than 1,000 Vietnamese Catholics arrived to support the defendants, a rare expression of dissent against the ruling Communist Party.

A Vietnamese court on Monday sentenced seven Catholics to suspended prison terms and gave another a warning for destroying property and damaging public order in a simmering land dispute with the government.

The verdict, however, amounted to a slap on the wrist for the Catholics, who say they have been trying for years to get back a large plot next to a church in Hanoi that the government took control of about five decades ago. They have staged several protests around the land in recent months.

Many expected some, if not all, of the defendants to go to jail.

Earlier, hundreds of Vietnamese police sealed off the street in front of the building where the trial took place.

More than 1,000 Vietnamese Catholics arrived to support the defendants, a rare expression of dissent against the ruling Communist Party.

When Monday's trial ended, Catholic supporters and the defendants headed to the Thai Ha church nearby, where they rang the church bell and chanted "One, two, three: Innocent!", "One, Two, Three: Hallelujah!" several times before a special mass to give thanks.

In August, state television showed pictures of people using hoes and hammers to break what it said was a section of the brick wall surrounding the plot, leading to police claims of "causing public disorder" and "intentional destruction of property".

Religion remains under state supervision in the mostly Buddhist country, although Vietnam has the second largest Catholic community in Southeast Asia after the Philippines, with about 6-8 million among the 86.5 million population.

"This result shows that senior government officials want good relations with the Church," said a Western diplomat who was allowed to attend the trial but who declined to be named.

The Hanoi government is working towards establishing formal diplomatic relations with the Vatican, and Prime Minister Nguyen Tan Dung visited the Pope there a year ago.

But even while the eight defendants avoided jail, church leaders felt the verdict was too harsh.

"Emotionally, we are very happy because all the accused are free. But theoretically, we don't think that this is finished because the accused are always considered as having violated the laws, and so we will continue our search for more justice," said Matthew Vu Khoi Phung, senior father at the Thai Ha church.

"We have some soul searching to do about justice in general. I don't know what we'll do, but we'll do something."

Peter Nguyen Van Khai, another priest at the church, maintained that he thought the eight were innocent and should appeal. "I think it is necessary that we appeal," he told Reuters.
 
Bloggers the new rebels in Vietnam
Geoffrey Cain, San Francisco Chronicle
10:51 16/12/2008
With fast, free wireless Internet now available at cybercafes and universities across Vietnam, bloggers are increasingly challenging censorship and the ruling Communist Party.

"We won't go to the street, we won't shout anything. We're sitting before the screen, typing and blogging," said a university student who goes by the Web name Mr. Cold. "That's how we rebel."

Mr. Cold is part of a clique of militant bloggers who write under such aliases as Blacky and Viet+die. They are known for strong anti-government views and they post events that don't appear in the sanitized state media. Official sites such as Vietnam Net and Vietnam News typically cover business, government bureaucracies and state-sponsored development projects.

"They (state media) decide what we will hear, what we will read and what we will see," said Mr. Cold. "They are slaves of the Communists."

Although the Communist Party has loosened restrictions on market forces in recent years, it has failed to relax its grip on most newspapers, television and radio stations, which remain under strict government control.

In June, a court sentenced journalist Nguyen Viet Chien to two years in prison for reporting on a major government corruption scandal in 2006. Four others had their press credentials revoked for criticizing Nguyen's arrest, according to the Associated Press.

Until 2007, political dissent was almost nonexistent in Vietnam, aside from the 2003 government-authorized protest against the U.S. invasion of Iraq. But bloggers and unregistered news Web sites have angered state officials by discussing AIDS, drugs and sex - and, most importantly, for criticizing the government.

As a result, Hanoi opened in October a new office - the Administration Agency for Radio, Television and Electronics Information - to monitor the Internet. The new agency has sparked fears that Communist leaders here will create a Vietnamese version of China's "Great Firewall," a vigorous online censorship program that blocks Web sites critical of the Chinese government. About 17.5 million of Vietnam's 86 million inhabitants use the Internet, according to government figures - a stark increase from just 200,000 users in 2000.

Message to bloggers

"This legislation gives the authorities yet another legal tool to suppress press freedom in Vietnam, which is already among the region's worst in terms of government harassment of writers and journalists," said Shawn Crispin, Southeast Asia representative for the New York-based Committee to Protect Journalists. "Nguyen Van Hai's harsh treatment was meant to send a message to all of the country's bloggers."

In September, Nguyen Van Hai, who blogged under the name Dieu Cay, was sentenced to 30 months in prison for tax evasion. Before his arrest, Hai had called for demonstrations against China's Olympic torch relay when it passed through Ho Chi Minh City in April and had also criticized China for its crackdown in Tibet. Vietnam is wary of offending its mighty neighbor.

"These new censorship regulations are not in accordance with freedom of speech, a right recognized by the Vietnamese constitution and international conventions signed by Vietnam," said Le Minh Phieu, a Vietnamese legal scholar living in France.

However, Do Quay Doan, deputy minister of information and communications, defended the crackdown, telling local reporters that Vietnam "faces a lot of incorrect information" from bloggers. The ministry also says there are about 1.1 million blogs, most of which are unregulated. In the near future, Doan says, he will ask Google and Yahoo to help "regulate" the blogosphere. Both Silicon Valley giants have been heavily criticized for helping the Chinese government repress political dissidents.

Some Vietnamese bloggers think challenging the government does more harm than good and have opted to push for reforms in a milder way.

Nguyen Anh Hung Hung's blog E-Learner 2.0, for example, will teach poor children how to use new technology once up and running. "I want to help people know about what's going on within the tech industry in Vietnam," he said.

The blog site VangAnh pushes for freedom of speech but not an end to the ruling government. The activists behind the popular blog meet weekly in chat rooms, discussing the country's hot topics.

But many bloggers prefer to challenge the Communist government and its biggest neighbor.

Last December, activist bloggers coordinated a major protest in front of the Chinese Embassy in Hanoi after China's Foreign Ministry spokesman Qin Gang renewed his nation's sovereignty over the disputed Spratly islands in the South China Sea, which are also claimed by Vietnam and Taiwan. The demonstrators - mostly students - shouted "Down with China!" and "Long live Vietnam!"

News site hacked

In May, bloggers hacked into Dan Tri, a popular state-regulated news Web site, typing in pro-democracy and nationalist slogans such as "Our citizens, let's demand pluralism!" "Communists gag the press!"

Bloggers have also criticized heavy-handed police treatment of protesting farmers, who claimed the government has refused to give them fair compensation for lands seized by the state.

In the meantime, most bloggers are keeping an eye on their access to Yahoo 360, a blogging platform that is extremely popular with young Vietnamese.

"We are lucky that the government has not censored Yahoo 360, but they will with the new rules," predicted Mr. Cold. "Our government has been slow to respond to blogs."
 
Il sindaco di Hanoi vuole cacciare i Redentoristi dalla città
Asia-News
12:16 16/12/2008
In una lettera Nguyen The Thao ha chiesto ai vescovi ed al superiore provinciale di trasfeerire i religiosi “fuori dall’area” della capitale. Tre mesi fa voleva l’allontanamento dell’arcivescovo. Per la gente, il processo contro i fedeli di Thai Ha ha reso eroi gli imputati e messo sotto accusa le autorità.

Hanoi (AsiaNews) – Sembra non aver fine l’attacco delle autorità vietnamite contro la Chiesa cattolica: dopo essersi impadronite dei terreni della ex delegazione apostolica e della parrocchia di Thai Ha, ad Hanoi e del monastero di San Paolo di Vinh Long, ed aver processato, e condannato, otto fedeli di Thai Ha, ora vogliono cacciare i Redentoristi dalla capitale.

E’ quanto il presidente del Comitato del popolo (il sindaco) di Hanoi, Nguyen The Thao, chiede in una lettera indirizzata al presidente della Conferenza episcopale, mons. Peter Nguyen Van Nhon, ed al superiore provinciale dei Redentoristi, padre Vincent Nguyen Trung Thanh.

I religiosi – che ad Hanoi hanno la cura della parrocchia di Thai Ha (nela foto, una delle veglie di prghiera) – “debbono essere trasferiti fuori dall’area della capitale”, scrive Tho nella lettera, che porta la data del 12 dicembre. Essi, prosegue il documento, hanno “calunniato il sistema giudiziario vietnamita”, “insultando e ridicolizzando il tribunale” che ha giudicato gli otto cattolici “equamente e secondo la legge” e che è stato invece definito dai religiosi “una corte di diavoli”. Minacciando azioni legali, il presidente del Comitato del popolo chiede in particolare l’immediato trasferimento di padre Mathew Vu Khoi Phung, superiore del monastero, di padre Peter Nguyen Van Khai, padre Joseph Nguyen Van That e padre John Nguyen Ngoc Nam Phong.

Non è la prima volta che Thao chiede alle autorità religiose di allontanare qualcuno da Hanoi. Giusto tre mesi fa, il 23 settembre, si rivolse ai vescovi vietnamiti, riuniti per il loro incontro annuale a Xuan Loc, di esaminare e punire adeguatamente secondo le norme ecclesiastiche, “trasferendoli fuori dalla zona di Hanoi”, l’arcivescovo di Hanoi, mons. Ngo Quang Kiet ed i Redentoristi, per ciò che egli definiva “incitamento ai tumulti, false accuse contro il governo, irriverenza verso la nazione, violazione e ridicolizzazione della legge, istigazione ad altri a violarla”.

Allora i vescovi risposero che gli accusati “non avevano fatto alcunché contro l’attuale legge canonica”.

Dietro l’attuale attacco delle autorità, secondo diversi cattolici, c’è il timore della reazione popolare dopo il processo contro gli otto cattolici. Mentre in tutto il Paese i vescovi invitano a pregare per loro, come testimoni della verità e della fede, sembra che l’andamento del processo si sia rivoltato contro i responsabili politici che l’hanno organizzato. L’atteggiamento coraggioso degli accusati li ha resi un simbolo, sono visti come eroi. L’accusatore, il governo, è divenuto l’accusato per aver imposto a suoi cittadini un processo ingiusto, immorale ed illegale.

E c’è chi ci vede l’ombra della corruzione, male endemico del Paese. Tutti e tre i terreni sottratti alla Chiesa sono divenuti parchi pubblici dopo le proteste dei cattolici di fronte alla decisione delle diverse autorità locali – che ora si vendicano - di cederli a privati per svolgervi attività commerciali.
 
Vietnam: La municipalité de Hanoi s’en prend directement aux prêtres rédemptoristes dont elle demande l’expulsion hors de la capitale
Eglises d'Asie
13:26 16/12/2008
Vietnam: Après le procès des huit fidèles de Thai Ha, la municipalité de Hanoi s’en prend directement aux prêtres rédemptoristes dont elle demande l’expulsion hors de la capitale

La pause qui a succédé à la sentence relativement légère prononcée, le 8 décembre 2008, contre les huit fidèles de la paroisse de Thai Ha, aura été de courte durée. Dans une lettre envoyée au président de la Conférence des évêques catholiques du Vietnam et au supérieur provincial des rédemptoristes vietnamiens, le président du Comité populaire de Hanoi prolonge et intensifie son offensive contre la paroisse « rebelle » de Thai Ha. Il s’en prend cette fois aux religieux rédemptoristes responsables de la paroisse et demande le renvoi hors de la communauté de Hanoi d’un certain nombre d’entre eux qu’il énumère.

La lettre, qui est datée du 12 décembre, précise: « Pour améliorer les rapports entre l’église (1) et les autorités et remplir correctement sa fonction à l’égard de la communauté des fidèles, le Comité populaire de la Ville de Hanoi renouvelle sa demande auprès de la Conférence épiscopale du Vietnam et du supérieur provincial de la Congrégation des rédemptoristes du Vietnam: il est nécessaire de faire preuve d’une attitude critique et éducative à l’égard de M. (sic) Nguyên Ngoc Nam Phong et des autres ecclésiastiques de la paroisse de Thai Ha. En même temps, il faudra déplacer le prêtre Vu Khoi Phung et les ecclésiastiques Nguyên Van Khai et Nguyên Ngoc Nam Phong hors du diocèse de Hanoi » (2).

Le président du Comité populaire de Hanoi, Nguyên Thê Thao, précise qu’il s’agit là du renouvellement d’une demande. En effet, le 23 septembre 2008, une lettre avait déjà été envoyée par lui à la Conférence épiscopale demandant des sanctions contre l’archevêque de Hanoi et les religieux rédemptoristes, les mêmes qui sont mentionnés dans l’actuelle lettre. Une réponse brève et sèche des évêques avait informé le président du Comité populaire que les personnalités mises en cause n’avaient commis aucune faute au regard des lois de l’Eglise.

Dans les premières lignes de sa lettre du 12 décembre, Nguyên Thê Thao fait allusion à la sentence prononcée à l’issue du procès du 8 décembre, une sentence destinée, selon lui, à rappeler leur devoir aux huit accusés. Mais les prêtres de la paroisse n’auraient pas été de cet avis. Ils auraient tenu des propos et adopté des attitudes provocatrices. L’un d’eux aurait dit que le procès du 8 décembre était « le procès du diable et des ténèbres ». D’autres prêtres, dans leurs déclarations publiques, leurs réponses aux interviews, auraient également eu des paroles provocatrices, s’opposant à la loi et calomniant le gouvernement. Ces comportements mettent en péril, poursuit la lettre, les rapports entre l’Eglise et l’Etat et ne sont pas conformes à l’idéal religieux de la Conférence épiscopale, qui, selon le président du Comité populaire de Hanoi, se résume ainsi: « Adorer Dieu et aimer sa patrie; accomplir son devoir dans le domaine sacré comme dans le domaine profane ».

On peut noter que, cette fois-ci, Nguyên Thê Thao ne fait aucune allusion à l’archevêque de Hanoi, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, dont il avait réclamé publiquement l’éviction hors du diocèse dans une diatribe prononcée contre lui, le 15 octobre dernier, devant des représentants du corps diplomatique à Hanoi (3). On peut aussi remarquer qu’alors que la précédente lettre ne faisait que proposer des sanctions, l’actuelle en fait une obligation. Il est trop tôt sans doute pour préciser si la lettre du maire de Hanoi est une initiative isolée ou bien le début d’une seconde étape de la répression du mouvement des catholiques de Hanoi, une répression qui, cette fois, irait chercher les responsables au sein même de la hiérarchie.

(1) La lettre emploie le terme nhà tho qui désigne l’église-bâtiment.
(2) La lettre a été publiée sur les sites Dong Chua Cuu Thê et VietCatholic News, le 15 décembre 2008.
(3) Voir EDA 496.

(Source: Eglises d'Asie, 16 décembre 2008)
 
Police prevent rescue efforts to save boat wrecked, priest accuses
J.B. An Dang
14:55 16/12/2008
Police did nothing and even prevented rescue efforts to save the lives of Catholics whose boat sank off east coast of Central Vietnam near Hue.

During the protest on Monday Dec. 15 at An Bang parish of archdiocese of Hue, a great number of police in the area watched indifferently the shipwreck of a boat carrying Catholics. "And they turned their back against those victims who were struggling for their lives," said Fr. Peter Nguyen Huu Giai, the pastor of the parish whose land has been in dispute with local government for months.

Catholics at An Bang parish have protested since September after authorities in Vinh An, Phu Vang of Thua Thien province (Hue diocese) have told them to remove the cross and the altar from their church which was built, or so the government claims, on public land. Parishioners have rejected the order claiming that the land on which the church now stands was owned by a parishioner, a Mr. Le Khinh, who passed away a few years ago.

Parishioners at An Bang, mostly poor peasants and fishermen, had built a small church on the land with the agreement from Mr. Le Khinh and his children. Their "church" actually consists of only an altar and a huge cross. It has nothing else, no roof, no doors, nor windows. Every day, one can see Fr. Peter Nguyen and his flock braving cold rain and hot sun celebrate Mass in the "open church."

During the recent wave of anti-Catholics, local government claimed the ownership of the land and asked the poor parish to move away. An outbreak of protests followed after authorities in Vinh An had announced their plan to build a tourist resort in the area.

On Monday Dec. 15, "when parishioners were gathering at their church to prepare for Christmas, hundreds of police were mobilized to blockade the area," said Fr. Peter Nguyen. They prevented Catholics from any construction on the land. "They told me and my parishioners that we would not be allowed to celebrate Christmas there," added Fr. Peter.

Catholics in the area rushed to the site as they saw the great number of police at their church. "At 12:15pm," during a sit-in protest of parishioners, "a boat carrying 4 Catholics was capsized. Police and local officials saw the entire tragedy but none lift a ginger to save lives. A police man even tried to prevent rescue efforts," Fr. Peter reported.

"Catholics jumped to the water and successfully saved our brothers and sisters. But we were still shocked at the way this government behaved. They often called themselves 'servants of the people'. This incident shows clearly how true the slogan is, " said Fr. Peter.

Like their colleagues in Hanoi, authorities in Vinh An launched a campaign of intimidation and harassment.

"Every morning, at 5:30 am, loudspeakers start repeating state religious policy, saying how this government respects the Catholic Church," Fr. Peter said. Also, "many parishioners have been summoned."

"Furthermore, they have built three police stations right at our church. They film anyone come to attend Mass here", he added.
 
Hanoi mayor wants to drive Redemptorists out of town
Asia-News
15:11 16/12/2008
In a letter to Vietnam’s bishops and the order’s provincial superior Nguyen The Thao demands the Redemptorists be moved “out of the area of the capital.” Three months ago he wanted the archbishop out of the capital. For ordinary people, the trial against Thai Ha parishioners has turned them into heroes, with the authorities now facing the trial of public opinion.

Hanoi (AsiaNews) – Attacks by Vietnamese authorities against the Catholic Church seem to have no end. After seizing the land of the former apostolic delegation, property belonging to Thai Ha parish and to St Paul’s Monastery in Vinh Long and trying eight Thai ha parishioners, the authorities now want to throw the Redemptorists out of the capital.

In a letter to Mgr Peter Nguyen Van Nhon, president of the Vietnam Conference of Catholic Bishops, and to Fr Vincent Nguyen Trung Thanh, Redemptorist provincial superior, Hanoi People’s committee Chairman (mayor) Nguyen The Thao has demanded their removal.

The Redemptorists, who are responsible for Thai Ha parish (pictured a prayer vigil), “must be transferred out of the area of the capital,” the chairman wrote in the letter dated 12 December because they are guilty of “smearing the system of justice in Vietnam” and “insulting and ridiculing the court.” The latter is trying eight Thai Ha parishioners in what he says is a “fair [trial] and conforming to the law”. By contrast, the Redemptorists have called it “a court of devils.”

Threatening legal actions Chairman Thao demanded Bishop Peter Nguyen and Fr Vincent Nguyen immediately transfer out of the area Fr Mathew Vu Khoi Phung, the superior of Hanoi Monastery; Fr Peter Nguyen Van Khai, Fr Joseph Nguyen Van That and Fr. John Nguyen Ngoc Nam Phong.

Chairman Thao is not new to demanding religious authorities remove someone from Hanoi. Three months ago on 23 September, he asked the country’s Catholic bishops during their annual conference at Xuan Loc to consider and duly reprimand, in accordance with the Church’s discipline, Archbishop Ngo Quang Kiet and Hanoi Redemptorists for, in his words, “inciting riots, falsely accusing the government, disrespecting the nation, breaking and ridiculing the law, and instigating others to violate it.”

In their response the bishops said that the religious involved had “not done anything against current Church Canon Law.”

For many Catholics in Hanoi, the mayor’s action is a sign that the local government is concerned over people’s reactions to the trial of the eight Thai Ha parishioners.

It seems the trial is turning against the authorities that instigated it. The courage shown by the defendants has become a symbol of defiance and made them heroes in the eyes of their fellow countrymen.

From being the accuser the government is turning into the accused for imposing on its citizens an unfair, immoral and illegal trial.

For others the problem lies in widespread corruption which has become an ingrained evil in the country. All three pieces of property seized from the Church are slated to become public parks after Catholics protested the decision by various local authorities to sell them to commercial interests; hence the vendetta.
 
Pope Is ''Decisive'' for Communion and Liberation
Innovative Media
18:06 16/12/2008
President Notes Commitment to Faith-Culture Dialogue

VATICAN CITY, DEC. 15, 2008 (Zenit.org).- The current pontificate is decisive for the life and history of the Catholic lay Communion and Liberation movement, says its president.

Father Julián Carrón said this today after he was received in audience by Benedict XVI.

"We are always very attentive to what the Pope tells us to orient us along our way," Father Carrón said. The priest is the successor of Monsignor Luigi Giussani, the founder of Communion and Liberation.

Father Carrón told Vatican Radio that he wanted to meet with the Holy Father to "tell him all that has happened and to share the fruits of the encounter" the group had with him a year ago.

"For our history, the relationship of Monsignor Giussani with then Cardinal Joseph Ratzinger has been very significant," Father Carrón added. "We, above all now, consider his magisterium to be decisive for our life as a movement, for our history.

"We are attentive to everything that the Pope says about the cultural presence of the faith."

The president emphasized that the movement "very much appreciated" the "great discourse at Regensburg [and] the recent address that the [Holy Father] gave in Paris to the men of culture," which was distributed to all movement members.

The fraternity, Father Carrón said, has committed itself to "spreading this perfection of culture that is born from belonging to the Christian experience, which is capable of engendering a humanity with a totally open rationality, as the Pope continually gives us witness."

© Innovative Media, Inc.
 
Hanoi wil van redemptoristen af (tiếng Hòa Lan: Hanoi muốn các cha DCCTcút đi)
Katholiek Nieuwsblad
20:16 16/12/2008
Hanoi wil van redemptoristen af (tiếng Hòa Lan: Hanoi muốn các cha DCCTcút đi)

Geplaatst: dinsdag, 16 december 2008- Na de morele nederlaag van de Vietnamese autoriteiten in de rechtszaak tegen acht katholieken, eist het stadsbestuur van Hanoi het vertrek van de paters redemptoristen.

In een brief aan de voorzitter van de Vietnamese bisschoppenconferentie en de provinciaal overste van de redemptoristen schrijft burgemeester Nguyen The Thao dat de paters moeten vertrekken. De paters, die de parochie van Thai Ha leiden, “moeten uit de regio van de hoofdstad vertrekken”. Zij zijn schuldig aan “het bekladden van het Vietnamese rechtssysteem” en het “beledigen en belachelijk maken van de rechtbank”. De burgemeester verwijst daarbij naar de rechtbank die vorige week acht parochianen van Thai Ha in een “eerlijk en wettig proces” schuldig bevonden heeft aan ‘vernieling van staatseigendom en ordeverstoring’. Door de beklaagden voorwaardelijke straffen op te leggen had de rechtbank verwacht dat dezen dankbaar eieren voor hun geld zouden kiezen. In plaats daarvan verklaarden de acht onschuldig te zijn en net zo lang te zullen procederen tot zij van iedere blaam gezuiverd zijn.

De paters redemptoristen hadden de rechtbank vanwege “duivels” genoemd.

Onder dreiging van juridische stappen eist burgemeester Thao de onmiddellijke overplaatsing van pater Mathew Vu Khoi Phung, de overste van het klooster, en drie confraters. Het is niet de eerste keer dat de burgemeester dreigende taal uitslaat. Drie maanden geleden eiste hij van de bisschoppenconferentie dat deze zowel aartsbisschop Ngo Quang Kiet als de redemptoristen van Hanoi conform het kerkelijk recht stevig zouden disciplineren, Zij zouden zich schuldig hebben gemaakt aan “aanzetten tot rellen, valse beschuldigingen tegen de regering, gebrek aan respect voor de natie, overtreding en belediging van de wet en het aanzetten tot wetsovertreding”.

In hun antwoord lieten de bisschoppen weten dat de genoemde geestelijken op geen enkele wijze de kerkelijke wetten hebben overtreden.

Volgens AsiaNews beschouwen veel katholieken de reactie van de burgemeester als teken van grote zorg bij de autoriteiten over de reactie van de bevolking op de rechtszaak tegen de acht gelovigen.

Het lijkt erop dat het proces, bedoeld om de katholieken publiek een lesje te leren, zich tegen de overheid keert. De ongekende moed waarmee de acht zich tegenover de rechtbank hebben opgesteld is uitgegroeid tot een symbool van verzet tegen het regime. Veel Vietnamezen beschouwen de acht inmiddels als helden.

De bevolking neemt het de autoriteiten zeer kwalijk dat zij haar eigen burgers zo oneerlijk, immoreel en in strijd met de wet behandelen.

Velen beschouwen de kwestie als typerend voorbeeld van de wijdverspreide overheidscorruptie. In elk van de drie omstreden stukken grond gaat het om geconfisceerde katholieke eigendommen die ineens openbaar park moeten worden, nadat ze aanvankelijk voor commerciële doeleinden waren bestemd. (KN)
 
Hanoi official demands transfer of Redemptorist priests
Catholic World News
21:48 16/12/2008
Hanoi, Dec. 16, 2008 (CWNews.com) - Government officials in Hanoi have asked Church leaders to transfer several Redemptorist priests out of their assignments in the city, charging that the priests have been "smearing the system of justice in Vietnam."

In a December 12 message that was directed to both Bishop Peter Nguyen Van Nhon, the president of the Vietnamese bishops' conference; and Father Vincent Nguyen Trung Thanh, the Redemptorist provincial in the country, the city's leading official, Nguyen The Thao, called for the transfer of 5 Redemptorist priests, including the superior of the monastery at which regular public protests have been mounted against the government's confiscated of Church-owned property. The Communist Party leader charged that the clerics were "insulting and ridiculing the court" in which Catholic activists had been tried and convicted on charges of damaging public property during the protests.

Nguyen The Thao had demanded the transfer of several Hanoi priests previously, in September 2008. At that time the Vietnamese bishops indicated their support for the clerics. The same reaction is likely in response to the latest complaint.
 
Vietnam: la corporazione municipale di Hanoi chiede l'espulsione dei redentoristi
Zenit
21:56 16/12/2008
Dopo il processo contro otto fedeli della parrocchia di Thai Há

di Anita S. Bourdin

HANOI, martedì, 16 dicembre 2008 (ZENIT.org).- Dopo il processo contro otto fedeli di Thai Há, la parrocchia espropriata ai fedeli dalle autorità locali, la corporazione municipale di Hanoi ha chiesto direttamente l'espulsione dei sacerdoti redentoristi dalla capitale, secondo quanto rende noto l'agenzia delle Missioni Estere di Parigi, “Églises d'Asie” (EDA).

Dopo la sentenza contro i fedeli di Thai Há, l'8 dicembre scorso, il Comitato popolare di Hanoi ha intensificato l'offensiva contro la “parrocchia ribelle” con una lettera indirizzata al presidente della Conferenza dei Vescovi Cattolici del Vietnam e al superiore provinciale dei Redentoristi, in cui chiede l'espulsione dei religiosi di questa congregazione, responsabili della parrocchia.

La lettera, datata 12 dicembre, esige “prove di un atteggiamento critico ed educativo riguardo a Nguyên Ngoc Nam Phong e altri ecclesiastici della parrocchia di Thai Há” e l'espulsione del parroco e di altri religiosi “dalla Diocesi di Hanoi”, per “migliorare le relazioni tra la Chiesa e le autorità”.

E' la seconda volta che il Comitato avanza una richiesta di questo tipo alla Conferenza Episcopale del Vietnam, dopo la prima del 23 settembre scorso, alla quale i Vescovi hanno risposto che le persone accusate “non avevano commesso alcuna mancanza nei confronti delle leggi della Chiesa”.

Il presidente del Comitato Popolare di Hanoi, Nguyên Thê Thao, accusa i sacerdoti di “atteggiamento provocatore”, “opponendosi alla legge e calunniando il Governo”.

“Questi comportamenti – prosegue la lettera – mettono in pericolo le relazioni tra la Chiesa e lo Stato e non sono conformi all'ideale della Conferenza Episcopale”, che, secondo Thao, si riassume in questo modo: “adorare Dio e amare la patria; compiere il proprio dovere in campo sacro così come in quello profano”.

Anche se in questa occasione, a differenza di quella precedente, il Comitato popolare non ha chiesto l'abbandono della Diocesi da parte dell'Arcivescovo, monsignor José Ngô Quang Kiêt, i cattolici locali temono che questa lettera presupponga l'inizio di una seconda tappa repressiva nei loro confronti, dopo la tensione vissuta a causa delle manifestazioni contro l'espropriazione della parrocchia (cfr. ZENIT, 19 settembre 2008).

Un altro caso a Vinh Long

Dall'altro lato, l'agenzia AsiaNews ha denunciato una seconda espropriazione illegale, questa volta contro il monastero di proprietà delle Suore della Carità di San Vincenzo de' Paoli a Vinh Long, inizialmente per costruire un hotel di lusso, anche se dopo le proteste il progetto è stato modificato in un parco.

Il Vescovo di Vinh Long, monsignor Thomas Nguyên Van Tan, ha protestato pubblicamente contro la distruzione del monastero, mentre il Governo locale, nel corso di una conferenza stampa svoltasi il 12 dicembre, ha accusato i cattolici di sfruttare la libertà religiosa “per ispirare proteste contro lo Stato della Repubblica socialista del Vietnam e di conseguenza danneggiare l’unità del popolo”.
 
河内市长要将赎主会士赶走
Asia-News
23:28 16/12/2008
市长在致主教和赎主会省会长的信中,要求会士迁出首都。三个月前,这位市长还想赶走吴光杰总主教。人们认为,太河堂区事件使被告成为英雄、当局受到指责

河内(亚洲新闻)—继占据首都前宗座大使馆旧址和太河堂区,以及永隆教区修会会院后,越南政府当局针对天主教会的迫害似乎一发而不可止。给八名太河堂区教友定罪后,现在,当局似乎又要将赎主会士赶出首都。

河内市人大主任阮世草致函越南主教团主席阮文仁主教和赎主会会长阮忠诚神父,提出了上述要求。

他在十二月十二日发出的信中表示,负责河内太河堂区牧灵工作的赎主会会士(照片中为一祈祷场面)“应迁出首都”。阮世草主任继续写到,会士们“诬陷了越南的司法体系”、“辱骂和藐视”“根据国家有关法律”对八名天主教徒作出判决的“法庭”。更指会士们是“一群魔鬼”,威胁将采取法律行动,并特别点名要求立即将太河会院院长及另外两名会士调往其它地区。

阮世草已并非第一次要求教会人士离开首都了。三个月前的九月二十三日,他曾经要求当时正在召开年度全体大会的越南主教团,根据教会相关法律和规则认真检查审议河内总主教区总主教吴光杰和赎主会会士的行为,“将他们调离首都”。按照他的说法,上述教会人士“煽动人们捏造对政府的诬告、危害国家、违法乱纪、挑动其他人从事违法活动”。

对此,越南主教团明确作出回答指出,“他们没有作出任何有违现行教会法典的行为”。

一些天主教徒认为,在越南当局攻击教会的背后,实际隐藏着担心民众对八名天主教徒被判刑作出反应的恐惧。越南全国各地的主教都应邀为上述见证真理和信仰的教友祈祷,他们的勇敢行为被人们视为英勇的象征。而指责他们的政府当局,却成了公民指责的对象,抨击当局进行不公正的、不道德的非法审判。

也有人认为,此举也显示出了目前在国内泛滥成灾的腐败的影子。上述三个存在争议的教产,均在天主教徒抗议地方当局将其出让给私企后被改建成了公共公园。
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày họp mặt anh chị em di dân giáo hạt Thuận Nghĩa, giáo phận Vinh tại Saigòn
Têrêsa Vô Thường,O.P
06:57 16/12/2008
SAIGÒN - “Cùng Chuá nhập thể giữa đời” là chủ đề ngày họp mặt các anh chị em di dân Giáo hạt Thuận Nghĩa, Giáo phận Vinh trong ngày Chủ Nhật 14/12/2008 vừa qua.

Được sự cho phép của Cha Phaolô Phạm Trung Dong, chánh xứ giáo xứ Thánh Phaolô, Giáo hạt Tân Sơn Nhì, Giáo phận Saigòn cùng với sự đỡ nâng, trợ giúp của Thầy Gb. Quốc Phong- Dòng Thánh Tâm Pháp; Sr. Têrêsa Ngọc Lễ- Dòng Đaminh Thánh Tâm; Sr. Maria Thu Hằng- Dòng MTG Chợ Quán và Bác Antôn Bích Tân- trưởng ban Loan báo Tin Mừng giáo xứ Thánh Phaolô, gân 300 anh chị em di dân đã có ngày gặp gỡ, nghe và cùng nhau chia sẻ những ý tưởng, tâm tình xoay quanh chủ đề “ Cùng Chúa nhập thể giữa đời” tại giáo xứ Thánh Phaolô. Đặc biệt trong ngày họp mặt này, các anh chị em di dân cảm thấy ấm cúng hơn rất nhiều vì có sự hiện diện của cha Giuse Phạm Ngọc Quang, trưởng ban di dân Giáo hạt Thuận Nghĩa, Giáo phận Vinh đã đến để đồng hành với anh chị em xa quê này.

Trong bài nói chuyện chủ đề của Sr. T. Ngọc Lễ, anh chị em di dân đã lắng nghe và cùng nhìn lại tình yêu nhập thể của Hài nhi Giêsu. Một sự nhập thể trọn vẹn vì tình yêu và cho tình yêu của một vị Thiên Chúa. Sự trọn vẹn đó khi Chuá Giêsu đã sống sự từ bỏ tuyệt đối, khước từ vinh quang, để đón lấy thân phận thấp hèn với bao nỗi đau, nỗi cùng cực của kiếp con người. Trong sự nhập thể đó, món quà đầu tiên của sự nhập thể là sự từ khước lạnh lung của con người trong đêm Hài nhi sắp giáng trần. Không ai tiếp đón, con người thờ ơ, quay lưng lại với tình yêu tự hiến khiến sự nhập thể này phải đón lấy hơi ấm từ những con vật thấp hèn. Ngài phải tha phương chỉ vì sự ganh ghét và lo sợ mất điạ vị của mình nơi Hêrôđê. Và trong suốt hành trình nhập thể ấy, Chuá Giêsu đã nếm trải biết bao sự thờ ơ, vô tâm, phản bội và ghét bỏ của con người dành cho Ngài. Đỉnh cao của một sự xúc phạm, và đau thương nhất mà Chuá Giêsu đón lấy từ nơi con người chính là cái chết trên thập giá. Nhưng sự tuyệt vời của tình yêu nhập thể được toả sang rạng ngời và trọn vẹn trong sự phục sinh. Để từ đó, lien hệ đến những câu chuyện đời thường gần gũi, thời sự và đau lòng nhất, anh chị em đã được khơi gợi để chọn lựa cho mình một con đường nhập thể. Con đường nhập thể của anh chị em sẽ là hành trình nhập thể của chính Chuá Giêsu. Trong những nỗi khổ, nỗi đau, thành công hay thất bại không thể không có trên đường đời, đặc biệt trong những ngày tháng xa quê vì mưu sinh, anh chị em được nhắc nhớ hãy chọn lựa cho mình một con đường nhập thể như Chuá đã đón nhận và đã sống. Anh chị em lựa chọn cách thế nào để hạt giống đức tin Kitô giáo nơi anh chị em có cơ hội để lớn lên, để trưởng thành và làm chứng cho tình yêu, sự thật và công lý nơi môi trường mà anh chị em đang sống.

Sau bài chia sẻ chủ đề, các anh chị em di dân đã thảo luận theo nhóm với các câu hỏi gợi ý nhằm giúp anh chị em tìm cho mình những cách thế nhập thể giữa cuộc đời. Đồng thời, từ những nhóm nhỏ, các ý tưởng chia sẻ đã được đúc kết và lan rộng hơn đến từng người và tất cả mọi người.

Những giây phút sinh hoạt vui tươi và bổ ích đã giúp các anh chị em sảng khoái và vui tươi, đồng thời, qua bài hát, trò chơi, anh chị em đã tự xây dựng cho mình được sự quan tâm lẫn nhau, tình đoàn kết và những kỹ năng sống như sự tự tin, khả năng giao tiếp trong vui chơi, trong bữa ăn huynh đệ.

Thánh lễ Tạ ơn do Cha Giuse Phạm Ngọc Quang chủ tế đã qui tụ tất cả mọi anh chị em xung quanh bàn tiệc Thánh Thể. Với hai ý tưởng chính trong bài giảng, Cha Giuse đã nhắc nhớ anh chị em về tình yêu hiệp thông, về tình thương mà Giáo Hội đã, đang và luôn dành cho anh chị em. Từ Giáo hội điạ phương nơi quê nhà- Giáo phận Vinh, Giáo hạt Thuận Nghĩa- cho đến Giáo hội nơi anh chị em đến- Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo xứ Thánh Phaolô- tất cả mọi người đang rất yêu thương, lo lắng và tìm mọi phương thế để phục vụ anh chị em xa quê, mà vì cuộc sống, anh chị em đã phải bôn ba đến những vùng đất lạ để kiếm sống. Vì thế, mỗi anh chị em cần phải sống sao cho đẹp, cho dễ thương để đáp trả lại tình thương đó của Giáo hội và của mọi người. Thứ đến, như lời Thánh Gioan Tẩy Giả kêu mời “ Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”, anh chị em hãy luôn nhớ rằng, cuộc sống xung quanh ta luôn hàm chứa những bẫy giăng chờ đợi anh chị em. Đừng quá vì chuyện mưu sinh mà đánh mất chính mình. Hãy tỉnh thức để chọn lựa, để nhận ra cái xấu cần tránh và cái tốt cần phải làm. Sức mạnh của tỉnh thức, của việc phân định, chọn lựa một đời sống tin tốt chính là lời cầu nguyện của mỗi anh chị em.

Trước khi kết thúc ngày gặp mặt, dưới sự điều động của Cha Giuse, ban cán sự của anh chị em di dân Giáo hạt Thuận Nghĩa, Giáo phận Vinh đã được hình thành, hứa hẹn những hoạt động ngày càng tốt đẹp hơn trong tình yêu của Thiên Chúa.

Ngày họp mặt của các anh chị em di dân Giáo hạt Thuận Nghĩa, Giáo phận Vinh đã kết thúc trong hân hoan, tin tưởng và hy vọng vào một Tình yêu Nhập thể của Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống cho tất cả mọi anh chị em di dân.
 
Nhóm bác ái Hải Phòng chia sẻ với bệnh nhân trại Phong Chí Linh nhân dịp lễ Giáng Sinh 2008
Thanh Hát
07:04 16/12/2008
HẢI DƯƠNG - Ngày 14 -12 vừa qua, Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện, cùng với Nhóm Ve Chai Nhân Ái Hải Phòng đã theo các mục đồng năm xưa để lên đường thăm bệnh nhân Trại Phong Chí Linh – Hải Dương.

Trại Phong Chí Linh - Hải Dương được toạ lạc nơi một vùng cao, số bệnh nhân hiện nay là 208, số đông nhất vẫn là người già và bệnh nặng. Cuộc sống ở đây cũng có những khó khăn nhất định về kinh tế, nhưng khó khăn nhất vẫn là tình thương, sự cảm thông của xã hội.

Nhóm Bác ái Giáo Phận Hải Phòng có một cuộc giao lưu văn nghệ với các bệnh nhân, mặc dù thời tiết ngoài trời se lạnh, nhưng những tiết mục văn nghệ của nhóm đã làm cho bầu khí trại phong hôm nay thêm vui vẻ gần gũi và ấm áp tình người, Noe 2008l đã đến với anh chị em bệnh nhân sớm hơn mọi năm.

Cha Kiện đã gửi lời thăm hỏi của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên Giám mục Giáo Phận Hải Phòng và trao quà cho các bệnh nhân nhân dịp chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh.

Sau phần giao lưu văn nghệ là Thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân tạ trại phong còn sống cũng như đã qua đời, lời cầu nguyện của các bạn trẻ trong Nhóm Ve Chai Nhân Ai xuất phát từ con tim hoà cùng với làn khói hương trầm bay lên như những lời cầu nguyện đẹp nhất để cầu nguyện cho những anh chị em kém may mắn.

Trong Thánh lễ, Cha Kiện đã trình bày về con đường gặp Chúa, có nhiều con đường gặp Chúa, con đường ngắn nhất gặp được Chúa là con đường gặp và chia sẻ với những người đang sống bên cạnh chúng ta. Hôm nay các bạn đã gặp được Chúa nơi những Anh chị em bệnh phong. Hôm nay các bạn cũng theo các mục đồng năm xưa không phải để đến gặp Hài Nhi Giêsu nơi hang đá Belem, nhưng là những Giêsu đang sống trong trại Phong này. Và hôm nay các bạn lại tiếp tục lên đường mang hơi ấm tình thương cho biết bao nhiêu Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi, đang chết dần vì căn bệnh thế kỷ HIV- AIDS. Chúa Giêsu vẫn đang chờ các bạn đó….Hãy làm một nghĩa cử nào đó thật có ý nghĩa trong đêm Noel.

Cầu chúc cho các bạn trong Nhóm Ve Chai làm được những việc như lòng mình ước nguyện.
 
Dòng Mến Thánh Giá Huế tặng quà Giáng Sinh 2008 cho người Nghèo
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
17:08 16/12/2008
HUẾ - Với bài hát khen mừng Chúa Giáng Sinh ra đời, những người ngoài Công giáo phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, cùng hát chung với các nữ tu trong buổi tặng quà Giáng Sinh cho người nghèo, hôm Chúa nhật 14-12-2008, tại trụ sở hội dòng Mến Thánh Giá An Lăng -Huế

Nữ tu Anna Trần Thị Hồng Tuý, tổng bề trên hội dòng Mến Thánh Giá -Huế, đã tiếp đón, trao tặng hơn 100 phần quà Giáng sinh cho những người nghèo, mất sức lao động, học sinh và Sinh viên nghèo, qua sự giới thiệu của các tổ dân phố địa phương.

Quà Giáng Sinh của Em Lê Thị Tầm Liên, gồm bánh kẹo, sách vở và phong bì 50.000 đồng. Em Liên, học sinh lớp 6, một trong 50 học sinh nghèo của phường Phước Vĩnh, nói rằng em cảm thấy hạnh phúc vì được ông già Noen chia quà. Em Liên cho biết ba của em đi xe thồ, mẹ bị liệt do tai biến mạch não.

Tại buổi phát quà Giáng Sinh 2008, 50 suất quà được trao cho cư dân tại đây, phần lớn làm nghề chằm nón lá, đi xe Thồ, đạp xích lô, bán vé số, mỗi người được nhận 10 gạo và 50.000 đồng. Ngoài ra, trong dịp đại lễ này, hội Trợ giúp Nữ tu thông qua dòng Mến Thánh Giá- Huế, tặng10 suất quà, mỗi suất trị giá 50 Mỹ Kim cho 10 Sinh viên không phân biệt tôn giáo.

Phát biểu tại buổi trao quà Giáng Sinh, ông Nguyễn Văn Thương, chủ tịch hội Chữ thập đỏ, Thừa thiên Huế nói rằng ông rất quý mến và tôn trọng việc làm của các Nữ tu,. Ông Thương, một người ngoài Công giáo, cam kết bằng miệng sẽ ủng hộ và tạo mọi điều kiện, để cùng đồng hành với các nữ tu trong việc giúp đỡ người nghèo khó trong tương lai..

Nữ tu Agnes Phạm Thị Phú, hội viên hội Chữ thập đỏ, hy vọng trong thời gian tới dòng Mến Thánh Giá Huế, sẽ có được một cơ sở để khám chữa bệnh, phát thuốc cho bệnh nhân nghèo tại địa phương vì từ sau năm 1975 đến nay dự án khám chữa bệnh của dòng vẫn chưa được hoạt động tại địa phương.
 
Phan Sinh Tại Thế miền Huế cứu trợ địa sở Kim Đôi
Trương Minh Phượng
17:47 16/12/2008
HUẾ - Địa sở Kim Đôi, một giáo xứ chỉ cách thành phố Huế 15km, một địa sở có 15 họ đạo gồm có 425 người sống giữa trên 25.000 dân của xã Quảng Thành huyện Quảng Điền. So với 15km tuy không xa thành phố nhưng Kim Đôi lại là vùng thấp trũng của mùa lũ. Khi trên Huế lụt thì Kim Đôi ngập đến nóc nhà, Huế mưa thì Kim Đôi lội nước. Người dân quanh năm lam lũ sống chung với nước. Người viết đã nhiều lần theo các đoàn cứu trợ về Kim Đôi, những lúc ở Huế nước rút thì đoàn cứu trợ lập tức thuê đò máy về cập bến tại cổng nhà thờ để đưa hàng vào. Nhiều người khi nhận được mì tôm thì lập tức bóc ra nhai chống đói, trong cảnh nước ngập không có nước sạch để nấu, củi khô cũng không còn.

Sáng ngày 16.12, nhóm Phan Sinh tại thế miền Huế được sự ủy nhiệm của cô Tôn Nữ Quỳnh Giao thuộc Liên Đoàn Công giáo Hoa Kỳ mang 100 suất hàng gồm mì tôm, dầu ăn, bột ngọt và đường về giúp bà con nghèo. Trong số 100 gia đình được nhận quà, chỉ có 36 hộ là gia đình công giáo. Nhiều người cho biết hầu như năm nào cũng nhờ các cha giúp đỡ nhất là về mùa mưa lũ mặc dù họ là lương dân. Nhìn những cụ già lọm khọm, những người tàn tật ngồi trên xe lăn đón nhận những phần quà trong niềm xúc động không khỏi làm xao xuyến những ai chứng kiến được. Mặc dù nghèo khổ nhưng người dân nơi đây rất hiếu học, cha sở Phaolô Hoàng Nhật chỉ mới về nhận quản xứ vài tháng nay nhưng chịu khó mở lớp học ngoại ngữ và dạy cho các em hằng đêm. Vất vả là thế nhưng ngài luôn vui vẻ và nhiệt tình với bà con lương giáo.

Giã từ Kim Đôi lúc 12h trưa, sau khi được cha sở mời ăn cơm, chúng tôi ước mong rằng những phần quà được tăng thêm về số lượng để khỏi áy náy khi còn một số cụ già vẫn chưa có quà nên ra về trong nỗi buồn. Mặc dù cha sở hứa sẽ bỏ tiền ra mua để bù vào những người còn thiếu.
 
Nhà thờ Hải Yến (GP Hải Phòng) dấu ấn đức tin miền biên giới
Giuse Thành Tâm
17:53 16/12/2008
HẢI PHÒNG - Cách Hải Phòng 253km, trên trục đường chính nối liền Cẩm Phả và Móng Cái, cách trung tâm thành phố Móng Cái 2 km, du khách có thể nhìn thấy một ngôi thánh đường mới được xây cất, với tháp chuông vươn cao, như biểu tượng cho tinh thần bất khuất và kiên trung của đức tin Công giáo. Đó là nhà thờ Giáo họ Hải Yên, thuộc phườngHải Yên, Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Trước đây, Hải Yên là nơi có rất nhiều người Hoa cư ngụ. Sau biến cố biên giới năm 1979, những người Hoa đang sinh sống tại đây đã trở về nước, khởi đầu cho phong trào “đi xây dựng kinh tế mới”. Có rất nhiều người từ miền xuôi đến đây lập nghiệp và chọn chốn này làm quê hương mới. Trong số đó có một số tín hữu Công giáo, phần lớn là giáo dân gốc Đồng Chưa, Ninh Bình, thuộc giáo phận Phát Diệm. Ban đầu, những người Công giáo quy tụ cầu nguyện tại một gia đình. Giữa bao khó khăn của vùng đất mới, họ vẫn tiếp tục duy trì đời sống đức tin.

Với nỗ lực cố gắng của Linh mục chính xứ Trà Cổ, Cha Giuse Bùi Quang Cường, cộng đoàn công giáo nhỏ bé này đã dần hình thành từng bước và Đức Giám mục giáo phận đã chính thức thành lập Giáo họ Hải Yên, thuộc xứ Trà Cổ. Số giáo dân hiện nay là 320 nhân danh.

Một Giáo họ cần có nơi thờ tự. Đó là nguyện vọng chính đáng của các tín hữu. Chính quyền Quảng Ninh đã chấp thuận để Giáo họ Hải Yên xây dựng nhà thờ trên một khu đất đồi chừng 500m2.

Sau gần hai năm thi công, thành đường Giáo họ đã được hoàn thành. Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng đã chủ sự lễ khánh thành hồi 10h00 ngày 16-12-2008. Ngỏ lời với cộng đoàn tham dự, Đức Cha đã nhấn mạnh đến sứ mạng truyền giáo của mỗi tín hữu. Sứ mạng này trở nên cần thiết và cấp bách tại nơi mà tỷ lệ người Công giáo còn rất ít. Ngài nói: “ Hình ảnh một ngôi thánh đường được xây cất tại một đô thị miền biên giới cũng là biểu tượng sống động cho công cuộc truyền giáo. Từ nay, tiếng chuông sáng trưa chiều vang lên như nhắc nhở mọi người, công giáo cũng như ngoài công giáo, hãy làm việc thiện, hãy hướng về trời cao để tâm hồn được thanh thoát, hãy cùng xây dựng một cuộc sống thấm đượm tình Chúa tình người. Là một cộng đoàn đức tin nhỏ bé hiện diện ngay cửa ngõ một thành phố đang phát triển, mỗi người chúng ta hãy chia sẻ thao thức chung của Giáo Hội, đó là làm chứng nhân cho Chúa cách cụ thể trong cuộc sống hôm nay”.

Từ khi mở rộng giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc tại biên giới Móng Cái, càng ngày càng có nhiều người từ các tỉnh đến cư ngụ và buôn bán tại đây, trong số đó có nhiều người Công giáo. Việc xây cất thánh đường rất cần thiết để đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của những tín hữu này.

Trước năm 1979, tại trung tâm thành phố Móng Cái đã có một ngôi nhà thờ. Vì những xung đột biên giới, nhà thờ này đã bị tàn phá. Tòa Giám mục đang làm việc với Chính quyền tỉnh Quảng Ninh để tái thiết ngôi thánh đường đã bị phá huỷ. Hy vọng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có một ngôi thánh đường giữa thị xã đang phát triển và phồn thịnh này.

Kết thúc thánh lễ khánh thành nhà thờ, Đức Giám mục ngỏ lời cám tới Cha xứ Trà Cổ và Quý Ân Nhân, nhất là Quý Vị Ân Nhân gốc Trà Cổ đang sinh sống tại miền Nam, tại Úc châu, tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Một thánh đường được xây tại miền biên giới. Đó chính là dấu ấn đức tin của Giáo Hội, đồng thời cũng là ước nguyện cầu mong thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho miền đất thân thương này.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Mùa Giáng Sinh cầu nguyện cho Công Lý - Hòa Bình cho quê Mẹ Việt Nam
LM Augustinô Phạm Sơn Hà, OSB
06:49 16/12/2008
Khắp nơi ai cũng háo hức mong đợi mùa Giáng Sinh. Vào dịp này không chỉ riêng người công giáo và tin lành đón mừng Giáng Sinh, mà cả người đồng hương ngoài công giáo. Dù là phật giáo, hoà hảo và cao đài hay những ai không theo một đạo nào họ cũng háo hức đón chờ. Ai nấy đều đón mừng ngày Giáng sinh bằng những cử chỉ rất thân tình như gởi thiệp Giáng Sinh để chúc nhau, hay trao nhau, tặng nhau những gói quà thật thú vị. Mùa vọng và mùa Giáng Sinh còn nhắc nhở đến việc tỉnh thức và cầu nguyện. Nhiều lớp người đang Khao khát ơn cứu độ, sống về tinh thần và tâm linh qua “phong trào cầu nguyện.”

Mùa Giáng Sinh 2008 đặc biệt, mời gọi mọi người trao nhau món ăn tinh thần với một chiến dịch của toàn dân người Việt Nam không riêng là người công giáo và tin lành. Gồm tất cả các tôn giáo khác như là phật giáo, hòa hảo và cao đài, hồi giáo vvv.

“Ngày 25.12.2008 chúng ta trao cho nhau nụ cười khi gặp nhau như mẹ Têrêsa thành Calcutta nói: “Niềm vui là kết qủa của hoà bình” và toàn dân cùng nhau nắm tay nhau chỗi dậy! Đứng dậy như Phù Đổng Thiên Vương bằng ngọn lửa cầu nguyện cho Công Lý – Hòa Bình, Tự Do Tôn Giáo, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Quê Mẹ Việt Nam.”

Giáng Sinh năm này có dấu chỉ đoàn kết và đối thoại, hợp tác liên tôn giáo vì Công Lý - Hòa Bình, mọi người đã được chứng kiến, đúng là một sự bùng nổ về việc cầu nguyện cho tổng địa phận Hà Nội - Tòa Khâm Sứ Và giáo xứ Thái Hà. Tổng giáo phận Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà và Giáo xứ An bằng ở Huế đã mạnh dạn đứng lên chống bất công và dành quyền làm người. Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt và các Cha dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà thẳng thắng đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam về quyền t ự do tôn giáo. Các Ngài không chấp nhận Xin Cho.

8 anh chị em giáo dân anh dũng ở giáo xứ Thái Hà, bị kết án oan ức, đã đóng góp rất tích cực công lý và sự thật trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta. Người công giáo Việt Nam, chúng ta đều là “con cháu, dòng giống các vị tử đạo. „Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.“

Không riêng chỉ các thánh tử bênh vực giáo hội mà còn có giám mục và các linh mục như: Đức Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền đ ã lên án chủ trương tiêu diệt tôn giáo một cách tinh vi của đảng cộng sản. Đức Cha Điền đã nói: “ Một, tự do tín ngưỡng và hai, quyền công dân bình đẳng.” Ngài là vị giám mục Anh Dũng, có tâm gương sáng chói chống độc tài cộng sản” Ngài đã qủa quyết: “Thiên Chúa đã gọi tôi để chịu tù tội và chết chóc vì bảo vệ nhân quyền và công lý.”

Cha Tađeô Nguyễn văn Lý đã noi gương Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền. Cha Lý là người đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, tiếng nói lương tâm của chính mình để vạch trần sự thật về mọi tội ác của chế độ CSVN đã tròng lên đầu, lên cổ cả dân tộc ta hơn sáu chục năm qua. Ngài đ ã nói: "Mạng sống của tôi đã có Thiên Chúa định đoạt. Nhiệm vụ của tôi là cứu người nghèo khó. Ðạo và đời gắn liền với nhau vì không có đời thì cũng không có đạo."

Nhân ngày kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.Hai Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải và Phêrô Phan Văn Lợi sống ở quốc nội gặp nhiều khó khăn, đ àn áp b ị theo dõi từng ngày từng phút từng giây. Vậy mà Hai Ng ài vẫn can đ ảm mạnh dạn lên tiếng kêu gọi tự do trong mọi lãnh vực: như tự do tôn giáo, tự do dân chủ, tự do nhân quyền, tự do báo chí. Đồng thời các Ngài đã vạch trần các âm mưu của nhà cầm quyền cộng sản VN. Dưới chiêu bài lập nhiều giáo hội quốc doanh cũng như làm thoái hóa lương tâm và lương tri của toàn dân, của mọi tín đồ, đặc biệt của mọi chức sắc, để họ ủng hộ hay chấp nhận ý thức hệ và chế độ cộng sản.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã là một chủ chăn vĩ đại của Giáo Hội vì phần đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo Hội và cho thế giới. Ngài đã kêu gọi, động viên tinh thần nhân dân Ba Lan và nâng đỡ, khuyến khích Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan trong vụ đấu tranh lật đổ chế độ cộng sản Ba Lan. Ngài kêu gọi mọi người: "Tất cả đừng sợ, hãy đứng lên thay đổi tình trạng thế giới hiện nay!" Mọi người trên thế giới đều công nhận Đức Giáo Hoàng Phaolô II, đã góp phần quan trọng vào việc làm sụp đổ chế độ cộng sản khối Đông Âu và Liên Sô.

Ngài là vị Giáo Hoàng được rất nhiều người thương mến, đặc biệt giáo hội công giáo Việt Nam. Ngài đ ến gởi cho HĐGM/VN huấn t ừ vào ngày 22-1-2002, Ngài nói rằng: “Giáo hội mời gọi tất cả các thành viên của mình hãy dấn thân một cách chân thành cho sự tăng trưởng của tất cả mọi người và cho việc xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng…Giáo hội mong đợi nơi chính quyền sự tôn trọng toàn diện nền độc lập và tự chủ của Giáo hội. Của quý giá nhất của sự Tự do Tôn giáo đã được đề cập trong Công Đồng Vatican II, trong những Tuyên ngôn và những Quy ước Quốc tế. Khuyến khích các phong trào cầu nguyện, cộng đoàn cơ bản, nhóm tông đồ cầu nguyện để cầu cho Giáo hội Việt Nam. Balan thay đổi nhờ ở phong trào đạo đức thanh niên và thợ thuyền.”

Ai chúng ta cũng thừa nhận sức mạnh của lời cầu nguyện và hiệp nhất! “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.” (Mc 11:24)

Ngọn lửa cầu nguyện cho Toà Khâm Sứ và cho Thái Hà đã được thế giới biết và ủng hộ nhiệt tình, đặc biệt có nhiều hội đồng giám mục trên thế giới đ ã lên tiếng ủng hộ tự do tôn giáo cho Việt Nam và Việt Nam. Ngày 23.10.2008 Quốc Hội Âu Châu ra nghị quyết nói là nhà cầm quyền VN vi phạm nhân quyền. Nữ Dân biểu Loretta Sanchez cùng với 7 bạn đồng dân biểu liên bang Hoa Kỳ gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi nhà cầm quy ề n cộng s ản VN phải nghiêm túc thực hiện những cam kết về tôn trọng nhân quyền.

Trên thế giới chỉ còn Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Thiên, Cuba vẫn còn ngoan cố vi phạm Tự Do Tôn Giáo và nhân quyền. Riêng về Cuba t ùy rằng vẫn còn là thể chế cộng sản. Nhưng Cuba đã công nhận ngày lễ Giáng Sinh l à ngày lễ truyền thống với toàn cầu.

Hội đồng giám mục Cuba, đặt biệt Đức Hồng Y Ortega y Alamino đã mạnh dạn đòi hỏi tự do tôn giáo cho giáo hội Cuba. Sự đấu tranh nhân quyền và t ự do tín ngượng của giáo hội Cuba đã được nhà cầm quyền chấp nhận và cho phép dòng Biển Đức Truyền Giáo St. Ottilien gần thành phố München miền nước Đức. Nhân ngày 13.12. 2008 mừng lễ thánh Ottilia quan thầy của nhà dòng St. Ottilien, Đức Tổng Đan Viện Phụ Jeremias Schröder OSB của tôi, ban phép lành và sai Cha Emmanuel Löwe OSB đi truyền giáo cùng với năm Đan Sĩ khác từ Đức, Phi luật Tân, Phi Châu sang qua Cuba lập dòng mới ở đia phận Havanna. Giáo Hội và hội đồng giám mục Cuba đã mở đường cho giáo hội công giáo Việt Nam.

Con đường đấu tranh cho tự do tôn giáo và công lý tại quê hương chưa kết thúc. Ước mong ngọn nến của Toà Khâm Sứ và Giáo x ứ Thái Hà không bao giờ được dập tắt. Ngọn nến công lý - hòa bình của Chúa Hài Đồng đã làm người đồng hành với chúng ta vẫn mãi mãi bùng cháy trong lòng của dân tộc Việt Nam không riêng các giáo phận miền bắc mà cả ba miền: Bắc Trung Nam.

Mỗi người công giáo cần được biểu lộ bằng hành động trong đức tin như lời thánh Jacôbê nói: “ Cũng một thể như xác không hồn là thây chết, thì cũng vậy, đức tin không có việc làm là đức tin chết.” (Yc 2, 26)

Để thể hiện trong hành động đức tin, chúng ta hãy noi gương các nước Đông Âu: Như Balan,Tiệp Khắc, Đông Đức và Liên Sô, để nối vòng tay, bắt nhịp cầu hướng về Quê Hương và Giáo Hội Mẹ Việt Nam, cùng đồng lòng với các tôn giáo bạn để tạo nên một s ức mạnh, chống lại chế độ độc tài CSVN, tham nhũng, bạo lực, vô liêm sỉ, vô văn hóa, vô nhân đạo. Hai quần đảo Hoàng sa -Trường sa,Thác bản giốc và Ải Nam quan đã lọt vào tay trung cộng rồi, mà các nhà lãnh đạo của đất nước lại làm ngơ! Không như thuở trước, dưới các triều Đinh, Lê, Lý, rồi Trần, cho đến toàn dân đều một lòng giữ nước: “Vì giữ nước mới có đất nuôi dân.”

Với tư cách một Hồng Y, một Giám Mục, một Linh Mục, một Tín Hữu đã được Thiên Chúa trao phó cho nhiệm vụ Ngôn Sứ của Thiên Chúa, như Môsê đã hiên ngang nói với Vua Pharaô: “Hãy để cho dân tôi được Tự Do đi tế lễ Thiên Chúa” (Xh 5,1)

Lớp người hàng ngàn người hàng vạn con tim từ quốc nội và hải ngoại đang mong đợi nơi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam một Bức Thư Ngỏ chung gửi cho người công giáo toàn quốc, dành riêng một ngày đặc biệt cầu nguyện cho Công Lý - Hòa Bình - Tự Do Tôn Giáo cho quê Mẹ Việt Nam.

“Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Ở đâu có thiện tâm là ở đó có hòa bình. Ai cũng mong nơi quê hương Việt Nam có nhiều người có thiện t âm, sống tâm hồn của mùa Giáng Sinh để đóng g óp v ào trong công cuộc đấu tranh cho công l ý - hoà bình cho Đất Nước Việt Nam nhiều ánh sáng.

Tôi thành thật cảm ơn tất cả Quý Vị. Con kính chúc các Hồng Y, các Giám Mục, các Linh Mục, các Tu Sĩ Nam Nữ, các tín hữu và toàn thể đồng bào trong nước và hải ngoại một mùa Giáng có nhiều niềm vui và đầy tràn hồng ân Chúa Hài Đồng đ ến để cứu nhân loại và năm mới 2009 luôn an bình hồn lành xác mạnh. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho quê Mẹ Việt Nam m ột ngày gần đây sớm có công lý - hoà bình, tự do tôn giáo và nhân quyền.

Mẹ La-Vang ơi, xin Mẹ bảo trợ Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

“Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đ ấng chuộc tội…!”

Đức quốc, St. Ottilien. 14.12.2008 nhân ngày Chúa Nhật thứ ba mùa vọng
 
Thảo luận về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc
Hà Giang, thông tín viên RFA
12:03 16/12/2008
Vào ngày 12 tháng 12 mới đây Tiến Sĩ Hà Văn Hải, nguyên cố vấn Thống Đốc tiểu bang Massachussets, thành viên sáng lập cộng đồng VN tại Hoa Kỳ và đại diện chính phủ Hoa Kỳ về nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc, Geneva, Thụy Sĩ, vào năm 2004 do tổng thống bổ nhiệm, đã hướng dẫn một phái đoàn người Việt vào gặp các Đại Sứ Hoa Kỳ và Gia Nã Đại tại Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước để thảo luận vấn đề nhân quyền cho VN.

Để tìm hiểu rõ thêm về cuộc gặp gỡ này, thông tín viên Hà Giang đã phỏng vấn TS Hà Văn Hải.

Hà Giang: Thưa TS Hà Văn Hải chúng tôi được biết tin là TS vừa hướng dẫn một phái đoàn, đến gặp các Đại Sứ tại Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước, xin TS cho thính giả của đài Á Châu Tự Do được biết lý do và mục đích của cuộc gặp gỡ này được không ạ?

TS Hà Văn Hải: Kính thưa quý thính giả đài Á Châu Tự Do và cô Hà Giang, đặc biệt năm nay, kỷ niệm 60 năm bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ra đời, chúng tôi những người Việt tỵ nạn đã đến Liên Hiệp Quốc để đấu tranh đòi hỏi cho nhân quyền tại VN, vì tại VN nhân quyền vẫn bị chà đạp, 83 triệu dân VN vẫn chưa có tự do, vẫn không có quyền làm người, nhất là quyền tự do tín ngưỡng.

Tường trình về nhân quyền ở Việt Nam tại LHQ

Hà Giang: Cảm ơn TS. Thế thì TS và phái đoàn đã gặp những ai, và diễn tiến của các cuộc thảo luận này như thế nào thưa TS?

TS Hà Văn Hải: Chúng tôi đã được đại sứ Hoa Kỳ là bà Joan Plaisted cùng chúng tôi thảo luận những văn thư chúng tôi đã gửi vào. Chúng tôi cũng được gặp bà Sunderland, người phụ tá đặc biệt của ông đại sứ John McNee của tòa Đại Sứ Gia Nã Đại đặc trách về nhân quyền, bàn thảo với chúng tôi rất nhiều về vấn đề tự do tôn giáo, cũng như nạn buôn bán trẻ em tại VN. Chúng tôi thấy đây là những dịp tốt nhất mà chúng ta cần phải làm, và chúng ta cần phải gặp gỡ nhiều hơn nữa để công cuộc đấu tranh ở trong nước được tốt đẹp hơn, thưa quý vị.

Hà Giang: Thưa TS, sau khi nghe tường trình của TS và phái đoàn về tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN, thì phản ứng của đại sứ Joan Plaisted và đại diện của đại sứ John McNee là bà Sunderland ra sao ạ?

Bà Joan Plaistered đã từng làm đại sứ của nhiều quốc gia, bà rất là kinh nghiệm trong vấn đề làm sao để đem lại tự do dân chủ cho các quốc gia khác, bà rất mừng là bà đã gặp anh em chúng tôi và bà cũng hy vọng rằng là trong thời gian bà còn giữ chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà sẽ cố gắng yểm trợ cho các quốc gia, trong đó có VN sớm có nhân quyền, và các quyền tự do căn bản của con người được tôn trọng.

Sau hơn một giờ thảo luận bà Sunderland đã biết rất nhiều về những tệ trạng xẩy ra tại các quốc gia Á Châu, và bà hứa sẽ chuyển các hồ sơ này về bộ ngoại giao ở Otawa, hy vọng họ sẽ mời chúng ta qua bên đó để nói chuyện với những nhân vật về nhân quyền của bộ ngoại giao tại những vùng Đông Nam Á, và hy vọng rằng cái buổi gặp gỡ đó tiếng nói của những người Canada gốc Việt sẽ được tôn trọng và từ đó cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ có nhiều hy vọng hơn.

Đừng quên hỏi chúng ta đã làm được gì cho quê hương

Hà Giang: Theo nhận định của TS thì các vị đại sứ này có thể làm được gì để giúp cho chúng ta trong việc mang đến nhân quyền cho người dân VN?

Chúng ta nên đặt câu hỏi ngược trở lại là chúng ta đã làm được gì cho quê hương của chúng ta, và chúng ta đã làm được những gì cho dân tộc của chúng ta, trước khi chúng ta hỏi những người này làm được gì cho dân tộc của chúng ta.

Chúng tôi nhìn thấy qua cuộc đấu tranh của Thái Hà, người trong nước đã vùng lên, không sợ hãi, quyết tâm đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi của mình, và ở hải ngoại đã một lòng yểm trợ, đã viết thơ lên những vị dân cử, viết thơ lên Liên Hiệp Quốc, để đòi hỏi cái nguyện vọng của dân tộc chúng ta.

Tuy nhiên nếu chúng ta không có những cái buổi tiếp xúc như ngày hôm nay, họ nhận văn thư của chúng ta họ có thể họ đọc qua, nhưng nếu cái sự gặp gỡ này, mà chúng ta nói với họ đây là những bằng chứng cụ thể, đây là những chứng tích mà đã xẩy ra tại VN.

Những hình ảnh những lời trình bầy của chúng ta, thì chúng ta sẽ được cái sự chú ý nhiều hơn, và họ cảm thông nhiều hơn, và họ sẽ có những cái dữ kiện chính xác, họ nói chúng tôi có những nhân chứng sống đây, đã vào gặp gỡ chúng tôi đây, và họ sẽ lấy cái này để làm áp lực với nhà cầm quyền của những quốc gia vi phạm nhân quyền, và dân chúng của họ như vậy.

Quý vị phải lập lại những điều gì trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, quý vị là thành viên, quý vị phải tôn trọng. thì chúng tôi sẽ có những biện pháp chế tài với quý vị, với những quốc gia, chẳng hạn như là quốc gia bên Phi Châu, nhà cầm quyền đã vi phạm nhân quyền và đã bị một số biện pháp chế tài do liên hiệp quốc.

Hà Giang: Cảm ơn TS. Ngoài ra TS còn điều gì muốn chia xẻ với thính giả của đài Á Châu Tự Do không ạ?

Chúng tôi nghĩ những dữ kiện này, những hình ảnh này, và những tài liệu này, và những công sức của anh em đến gặp họ, là những việc làm cụ thể cần phải làm và nên tiếp tục làm để cho họ nhận thấy trách nhiệm của họ đối với người dân, và họ nhìn thấy là đây này họ có thể dễ dàng nói chuyện với Liên Hiệp Quốc cũng như là áp lực với nhà cầm quyền đương thời và họ có những biện pháp chế tài lập tức.

Hà Giang: Trân trọng Cảm ơn TS đã dành thời giờ cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn này.
 
Những chiêu thức ông Nguyễn Thế Thảo đưa ra nhằm đánh lạc hướng sự sai lầm của Đảng CSVN
Hồng Lĩnh
15:17 16/12/2008
Những chiêu thức ông Nguyễn Thế Thảo đưa ra nhằm đánh lạc hướng sự sai lầm của Đảng CSVN

Nhân dân hỏi tội Nhà nước CSVN

Với các chiêu bài đao to búa lớn lừa đảo để nắm chính quyền, CSVN ngày nay chỉ là cái quái thai cuối đuờng của chủ nghĩa Marxít. Một đảng cướp chuyên sử dụng sự tàn sát và trấn áp tinh thần xuất xứ từ Staline. Họ nắm được quyền hành chỉ nhắm cho tư lợi đảng viên hay vinh thân phì gia. Bất chấp xâm lăng chiếm bờ cõi. Bất kể đồng bào lâm cảnh lầm than. Họ dùng chiêu bài phát triển kinh tế để bóc lột tàn nhẫn qua giá trị thặng dư, mục tiêu của Tư Bản Luận của Marx, hay chuyên nghề bỏ túi các viện trợ và đầu tư phát triển. Một món nợ kinh khủng cho các thế hệ sau nầy !

Từ ý chí tới mục tiêu, CSVN không thể tự biện minh hay biện hộ cho sự tồn tại của nó trên mãnh đất Việt Nam. Ý chí và mục tiêu đã thế, hành động lại mang nặng chắp vá và đầy thủ đoạn và bạo lực đưa tới kết luận khách quan không tránh được: «CSVN không còn lý do để tồn tại trên đất Việt nữa!». Sau vụ án gỉa tạo tại Thái Hà. Trên đường phố, các nhà quan sát đã chứng kiến cảnh trực diện bên lề nầy là nhân dân, còn bên lề kia là bọn đâm thuê chém mướn. Ai là đảng và ai là nhân dân nay đã rõ. Nhân dân đang hỏi tội đảng trên đường phố.

Chính vì biết cuối đường cáo chung sẽ phải tới. Nên CSVN cố vơ vét các bất động sản ăn cướp qua cụm từ lấy từ Liên Xô: «Sở Hữu Nhà Nước». Từ đó hiện tuợng Nguyễn Thế Thảo ra đời là lẽ đuơng nhiên.

Ngụy tạo chiêu bài công viên để không trả lại của bất công

Tại vụ TKS và Thái Hà, ông Nguyễn Thế Thảo ngụy biện và dan dối dùng tham chiếu: «ích lợi chung» làm công viên để tránh trả lại của bất công. Cái tham chiếu phải dùng và cần dùng là « Của bất công phải trả lại cho công bằng ». Trên đời có rất nhiều tham chiếu và các tham chiếu có giai từng. Cái tột đỉnh của các tham chiếu và cũng là cái tham chiếu tuyệt đối là con người. Và cái tham chiếu gần gủi nhất của cái tham chiếu tuyệt đối ấy là công lý và công bằng. Cho nên tham chiếu ích lợi chung nằm dưới tham chiếu công lý và công bằng.

Xét về ích lợi chung trên căn bản các tham chiếu kể trên. Công viên không nhất thiết phải là cái ích lợi chung cao hơn các ích lợi khác như cơ sở đào tạo các vị lãnh đạo tinh thần cho một xã hội, vì CSVN đang đi vào thoái trào và vô luân. Công viên không cứu vãn được một tinh thần bệnh hoạn. Hơn nữa, hai công viên xây vội mang nặng các đặc trưng: «Xây dựng từ bất công, thối thác sữa chữa bất công và vũ lực của đảng cướp CSVN». Vì các lý do như đã nêu trên. Hai công viên chỉ là một ngụy tạo của tà quyền mà ông Nguyễn Thế Thảo là tay sai tán tận lương tâm. Ông cố xuyên tạc và bóp méo đảo lộn giá trị và giai từng của các tham chiếu.

Ông Nguyễn Thế Thảo đã hành xử những điều không thuộc thẩm quyền

Từ cố dùng sai giá trị của các tham chiếu, ông Nguyễn Thế Thảo đi vào chiến thuật tát bùn sang ao. Ông đã ngang nhiên triệu tập ngoại giao đoàn để chơi trò đấu tố TGM Ngô Quang Kiệt. Một trò quê mùa trên phương diện ngoại giao. Nên sấm sét đã tới từ lập pháp Hội Đồng Âu-Châu qua nghị quyết do dân biểu Marco Cappato đệ trình. Không kể các tiếng sấm tới từ các lãnh đạo tôn giáo và chính trị của các dân chủ vửa cảnh cáo vừ kết án và các làn sóng cầu nguyện hiệp thông tới tấp gừi về TKS và Thái Hà. Từ một tên tội đồ lại muốn cố chuyển sang thế tố cáo.

Còn ngang xương hơn nữa. Khi ông Thảo yên cầu HĐGMVN thuyên chuyển TGM Ngô Quang Kiệt và các linh mục DCCT Thài Hà ra khỏi giáo phận Hà Nội vì lý do gây rối trật tự. Ngay khi y thị dẫn côn đồ nghiện ngập về đánh phá và làm ô uế ảnh tuợng! Một màn tát bùn sang ao đầy trắng trơn.

Gian dối nầy tiếp theo gian dối khác. Ông Thảo không ngần ngại bắt 8 giáo dân làm con tin. Tiếp theo một dàn dựng vụ án để chuyển thế tên ăn cuớp thành thế quan tòa. Tuy vô tội nhưng vẫn bị kết án. Kết án treo để có thể chuyển sang thế khoan hồng! Tuy trên đường phố nhân dân đã hô to: «Vô tội! Vô tội và vô tội». Một chiến thuật đánh lạc hướng người dân bằng bưng bít và trấn áp. Bộ máy truyền thông tung ra huyền thoại khoan hồng cho những anh hùng vô tội.

Ngày 12/12/2008, ông Nguyễn Thế Thảo lại nhai lại cái chiêu bài cũ: Yêu cầu HĐGMVN thuyên chuyển các linh mục DCCT Thái Hà ra khỏi giáo phận Hà Nội. Một chiêu thức thật lẩm cẩm và buồn cười. Nhưng gió đã đổi chiều từ lâu và ông Nguyễn Thế Thảo tiếp tục cố đánh lạc hướng vấn đề chính: «CSVN phải trả lại của bất công cho toàn dân".

Qua vụ TKS và Thái Hà, nhân dân không phải là đảng đã biết chân lý đang ở phía nào và thấy rõ được tính cách lừa đảo của Nhà nước CSVN!
 
Lem bèm - lải nhải
Lê Sáng
15:29 16/12/2008
LÈM BÈM - LẢI NHẢI

Lèm bèm: (nói năng) không chững chạc, chỉ chú trọng đến những cái nhỏ nhen, vụn vặt. ăn nói lèm bèm, chửi lèm bèm cả ngày; Lải nhải: Nói đi nói lại mãi chỉ một điều, nghe khó chịu. (Ví dụ: vẫn cứ lải nhải cái luận điệu cũ). Từ điển tiếng Việt năm 1997 trang 538 & 517. Mấy từ này mới chỉ nói lên được một phần về ông Nguyễn Thế Thảo - Uỷ viên trung ương đảng cộng sản Việt nam, chủ tịch UBND T.P Hà Nội.

Trong từ điển tiếng Việt không có một từ mà diễn tả hết được hành vi của Nguyễn Thế Thảo gần đây nhất: Lần này thay vì ra công văn cảnh cáo, ông Thảo lại ra công văn điều chỉnh nơi cư trú của giáo sĩ Công Giáo (Công văn 3990 ngày 12.12.2008). Có lẽ phải dùng kết hợp nhiều từ, cụm từ để mô tả cái hành vi ra công văn bậy bạ, biến quyền năng nhà nước thành trò chơi vô văn hoá này…

Xin quí vị hãy đọc bản văn ngày 12.12.2008 số 3990 này tại đây: Văn thư "về các việc làm sai trái của giáo sỹ Thái Hà".

Tinh thần chung của cái công văn này là xấc xược. Thông thường, trong giao tiếp, dù có không bằng lòng nhau đến đâu, người ta cũng vẫn giữ phép lịch sự, nhất là với câu mở đầu chào hỏi. Mở đầu của bản văn ông Thảo viết rằng: Kính gửi - Chủ tịch… - Giám tỉnh… Theo phép lịch sự tối thiểu, người ta không nói chức vụ lên đầu, mà phải các đại từ lên đầu rồi mới đến chức vụ ( Như Ông chủ tịch, hay Ngài chủ tịch…). Và ngay sau đó, ông Thảo lại viết là: Ông chủ tịch HĐGMVN… Ông giám tỉnh… Lòi cái đuôi dột nát, thiếu văn hoá thâm căn cố đế của đảng viên cộng sản ra. Lại tự mâu thẫn với chính mình.

Sau màn chào hỏi, ông Thảo đi vào nội dung: UBND TP Hà Nội thông báo và kiến nghị… Nhưng sau đó phần cuối công văn, ông Thảo lại sẵng dọng ra lệnh: UBND TP Hà Nội nhắc lại yêu cầu… Theo từ điển tiếng Việt Năm 1997 thì: Thông báo là báo cho mọi người biết tình hình, tin tức… (Trang 918); Kiến nghị là nêu ý kiến, đề nghị về một việc chung để cơ quan có thẩm quyền xét… (Trang 505); Yêu cầu là nêu ra điều gì với người nào đó tỏ ý muốn người ấy phải làm… Yêu cầu cho xem giấy tờ… (Trang 1129). Sao trên thì kiến nghị dưới thì yêu cầu?

Có lẽ ông Thảo không có những kiến thức tối thiểu tương đương một học sinh phổ thông về từ, ngữ, cách dùng trong tiếng Việt chăng? Mà dùng từ lộn xộn đến thế? ông Thảo hoàn toàn có thể hống hách ra lênh ngay từ đầu, có ai cấm được ông Thảo?

Nội dung văn bản, ông Thảo lại tuyên truyền một hồi về "chính sách khoan hồng" của nhà nước và pháp luật đối với giáo dân Thái Hà… Nhưng 8 giáo dân này họ nhất quyết rằng họ không có tội gì cả, họ không cần khoan hồng gì… Thậm chí giáo dân Nguyễn Thị Nhi còn nói rằng: Các vị qui kết tôi khoản 2 tội gây rối tù đến 7 năm, tôi xin các vị cứ kết tôi lên khoản 3 khoản 4 rồi tuyên tử hình cũng vui lòng…

Các "Bị Cáo" không hề "nhận yội" thì cho hưởng chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước là vi phạm chính ngay luật pháp do đảng và nhà nước đặt ra. ông Thảo chắc không có kiến thức gì về luật pháp ? Nên cái cần nói thì không nói lại nói những cái không đâu…

Khi đưa ra lời lẽ qui kết hành vi của "Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, và một số tu sĩ khác" (Trích nguyên văn bản 3990) ông Thảo chỉ nói bằng mồm. Trong khi đó, vụ án tham nhũng PCI hai lăm rõ mười bị toà án Nhật kết án, chỉ tận tay, day tận mặt đồng chí Huỳnh Ngọc Sĩ của ông Thảo… Thì cái đảng ăn cướp của ông Thảo lại đòi phải có thêm bằng chứng, phải chuyển giao bằng chứng, phải "Việt hoá" bằng chứng… Làm rõ được đến đâu sẽ xử lý đến đấy… Sao mà ngu dốt và vụng về đến thế ?

Mặt khác, nếu có sự việc như ông Thảo lu loa, cũng không thuộc thẩm quyền của ông Thảo. Theo qui định pháp luật của đảng nhà nước, phải là cơ quan toà án, hay cảnh sát hỗ trợ tư pháp tại phiên toà đó có trách nhiệm làm việc này.

Chao ôi ! Làm người trong cái xã hội cộng sản này sao mà khó thế ? Cứ chỉ cần nghe chuyện, nghe vè trong xã hội thôi, cũng đã đến bội thực… Một cái công văn, sinh ra bao nhiêu là chuyện… Lại cả vè nữa …

Nói như Tô Huy Rứa
Hứa như Nguyễn Tấn Dũng
Nhũng như Lê Thanh Hải


Vè mới nóng ròn đây:

Lải nhải như Nguyễn Thế Thảo.
 
Thưa ông Nguyễn Thế Thảo
Hoa Cỏ May
15:41 16/12/2008
THƯA ÔNG NGUYỄN THẾ THẢO

Chúng tôi vừa hân hạnh được đọc lá sớ "táo...tầu " của ông đòi đuổi các linh mục ra khỏi Hà Nội vì lí do:
1/ Các ngài đã nói " Phiên tòa ma quỷ, bóng tối "
2/ Hăm dọa người đại diện pháp luật " Họ và gia đình họ sẽ bị trừng trị "
3/ Bộc lộ thái độ chống đối chính quyền và pháp luật.

Thưa ông !
Đất Hà Nội là của dân tộc Viêt Nam, các ngài là người Viêt Nam, không ai có quyền đuổi các ngài đi cả.

Hình như "Cán bộ là đầy tớ của nhân dân", giờ này mà đầy tớ đuổi chủ đi thì đầy tớ sẽ làm gì, và chính ông sẽ làm đầy tớ cho ai đây?
Ông cũng biết đấy !
Sự kiện Thái Hà và Tòa khâm sứ đều xảy ra vào ban đêm, do chính quyền, công an và xã hội đen hành hung, phá rối trật tự tri an vào ban đêm, xây 2 công viên vào ban đêm... có phim, có hình ảnh, có nhân dân Hà Nội chứng kiến và ông cũng thừa biết là con người làm việc chính đáng thì vào ban ngày, chỉ có ma quỷ mới hiện hồn quấy phá ban đêm.
Cho nên
1/ - Các ngài đã nói "Phiên tòa ma quỷ, bóng tối "
Các ngài nói như vậy là đúng đấy ạ !

Thưa ông
Cổ nhân mình có nói
Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác
Ở có đức không sức mà ăn
Gieo gió thì gặt bão
Ông Trời có mắt

Dân Hà Nội bị xử oan ức quá mà !
Cho nên như ông nói
2/-Hăm dọa người đại diện pháp luật "Họ và gia đình họ sẽ bị trừng trị"

Cái này không phải hăm dọa mà là nhắc nhở, cũng như "chủ" dựa vào những lời dạy dỗ của cổ nhân ta mà phải nhắc nhở "đầy tớ" đấy thưa ông Thảo.

Dân oan quá ! Oan thì kêu oan. Tòa xử không công bằng, ai ai cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình sao ông lại CHỤP cho CÁI MŨ chống đối chính quyền và pháp luật, ông cho rằng:
3/ Bộc lộ thái độ chống đối chính quyền và pháp luật
Đúng là:
"Miệng nhà quan có gang có thép "
Vo tròn, đập dẹp, bóp méo… muốn nói sao thì nói.
Cũng may mà chưa "Tiền trảm hậu tấu ! "

Thưa ông
Cái thời điểm mà tâng bốc nhau lên chín tầng mây đã làm cho dân mình trở nên nghèo nàn lạc hậu, rừng vàng biển bạc, khoe khoang nhiều quá làm cho ngoại bang thèm thuồng cho nên họ nhào dzô chiếm đoạt, dân thì vẫn đói khổ, mì tôm ăn không đủ no ! cảnh "quan sai" coi dân như nô lệ ở ngàn năm trước nay vẫn còn sao ông?
Hay là ông còn nghĩ:
Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung !

Cũng được, "thần "sẽ "tử " nếu Quân cho đàng hoàng, cho tử tế
Quan đừng tham ô, hối lộ, quân phải biết yêu dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, vì dân do dân, sống chết cho dân.
Chúng tôi nghĩ chắc họ sẽ "tử " vì ông đấy thưa ông !

Còn quan sai chiếm đoạt đất đai của dân trái phép mà còn đem dùi cui, bình xịt hơi cay, chó săn đánh đập hà hiếp bóc lột dân vào ban đêm...
Coi bộ "quan sai" hơi quá đáng rồi thưa ông Thảo ạ!
Cổ nhân có nói
Quan nhất thời, dân vạn đại.
Không lẽ "quan sai" muốn ngồi trên ngai vàng hưởng thụ, dùng uy quyền ra oai đuổi người này, đuổi người kia ra khỏi làng xóm cho đến khi tàn hơi…

Vây thì Đảng Cộng Sản Việt Nam, Luât pháp Viêt Nam có quy định "Cấm ăn, cấm nói, cấm ho.. cấm chê, cấm tất cả.. chỉ có KHEN mà thôi !" Có điều luật này không vậy, thưa ông Nguyễn Thế Thảo???
 
Tinh Thần Yêu Nước Và Chủ Nghĩa Dân Tộc
Lê Vi
17:04 16/12/2008
Tinh Thần Yêu Nước Và Chủ Nghĩa Dân Tộc

Ngày nay, đứng trước những biến chuyển của xã hội, khi phong trào đấu tranh dân chủ ngày càng lên cao, Trung Cộng đang hăm he xâm phạm hải đảo thì không ít người trong chúng ta vẫn còn đang tự hỏi: Tinh thần yêu nước là gì? Cần phải làm gì để thể hiện tinh thần yêu nước?

DÂN TỘC, QUỐC GIA VÀ CHÍNH PHỦ

Dân tộc là tập hợp một hay nhiều bộ lạc (hay cộng đồng các bộ lạc) có nhiều nét tương đồng với nhau về ngôn ngữ, lối sống và cách sinh hoạt, thường tập trung trong một phạm vi địa lý. .. Họ gắn bó với nhau trên mối quan hệ tương hỗ về quyền lợi. Các dân tộc trên cùng một lãnh thổ địa lý trong quá trình chung sống và làm việc với nhau đã chịu ảnh hưởng lẫn nhau về ngôn ngữ, phong tục tập quán và cách thức quản lý trật tự xã hội đã hình thành nên Quốc gia. Quốc gia (hay còn gọi là đất nước) được các dân tộc thúc đẩy hình thành với mong muốn có được một trật tự xã hội chung, cùng nhau xây dựng cuộc sống, cùng nhau đánh lại kẻ thù …

Cuộc sống tiếp diễn trong Quốc gia đó dần dần xuất hiện một số người nỗi trội trong một số lĩnh vực. Họ làm việc tốt, họ có khả năng quản lý trật tự xã hội, họ có khả năng gắn kết mọi người cùng thực hiện những mục tiêu chung của dân tộc, của quốc gia … Những người này được mọi người trong Quốc gia đó tin tưởng và giao cho trọng trách đại diện cho mọi người quản lý trật tự xã hội, hướng dẫn mọi người làm ăn … để đảo bảo tính nhất quán trong trật tự xã hội và công bằng cho tất cả mọi người. Dần dần, Chính phủ được hình thành.

TINH THẦN YÊU NƯỚC VÀ CHỦ NGHĨA DÂN TỘC

Chủ nghĩa dân tộc là một học thuyết đề cao các giá trị dân tộc như: phong tục tập quán, chuẩn mực xã hội, độc lập tự chủ… Chủ nghĩa dân tộc hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử xây dựng và bảo vệ dân tộc, quốc gia. Chính vì điều này, chủ nghĩa dân tộc coi dân tộc là đơn vị của đời sống xã hội. Tùy theo đặt tính xã hội của mỗi dân tộc mà chủ nghĩa dân tộc có những biểu hiện khác nhau.

Tinh thần yêu nước là một cụm từ được dùng thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của mỗi thần viên trong xã hội đó. Tùy vào tình hình thực tiển của đất nước mà cụm từ tinh thần yêu nước diễn tả những vấn đề khác nhau. Trong thời bình, tinh thần yêu nước được thể hiện qua nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, bảo vệ công bàng xã hội… Trong thời chiến, tinh thần yêu nước thể hiện sự hi sinh, đoàn kết gắn bó với nhau đánh đuổi kẻ thù…

SƠ LƯỢC VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Xã hội xã hội chủ nghĩa là một hình thái xã hội được Karl Mark nghiên cứu và xây dựng trên cơ sở phê phán hình thái xã hội tư bản chủ nghĩa kết hợp với học thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng. Xã hội chủ nghĩa được Lenine tiếp thu và phát triển trong thực tế đấu tranh và giải phóng nước Nga khỏi sự lãnh đạo của Sa Hoàng và sự tấn công của Phát xít Đức.

Những đặc điểm cơ bản nhất của học thuyết Chủ Nghĩa Xã hội là:

- Hệ thống tư tưởng và lý luận được xây dựng trên nền tảng triết học duy vật biện chứng do Marx và Angels xây dựng cùng với thực tiển đấu tranh của nước Nga do Lenine lãnh đạo nên thường gọi là triết học Marx-Lenine. Triết học Marx-Lenine được xây dựng trên hai mệnh đề cơ bản nhất là: Một là: Vật chất có trước, ý thức có sau; 2 là: Vật chất quyết định ý thức.

- Phương thức sản xuất được xây dựng trên cơ sở tư liệu sản xuất được tập trung thành tài sản chung (nên còn gọi là cộng sản chủ nghĩa), nhân dân làm chủ nhà nước quản lý. Mọi người làm theo năng lực hưởng theo lao động. Không chấp nhận tư hữu về tư liệu sản xuất.

- Chính quyền chuyên chính vô sản sẽ do duy nhất một đảng lãnh đạo là đảng cộng sản. Đảng cộng sản được Marx – Lenine định nghĩa là thành phần ưu tú nhất của giai cấp vô sản (giai cấp công nhân và giai cấp nông dân). Không chấp nhận đa nguyên đa đảng.

- Chủ Nghĩa Xã hội (hay Chủ Nghĩa Cộng Sản) hướng đến việc xây dựng một xã hội thống nhất (duy nhất) trên toàn thế giới và mọi người trên thế giới đều là anh em. Không có khái niệm về gia đình, về tổ quốc và không tồn tại bất kỳ một tính ngưỡng nào. Chính vì vậy, Chủ Nghĩa Cộng Sản còn được gọi là Chủ Nghĩa Tam Vô (Vô gia đình, vô tổ quốc và vô tín ngưỡng) hay chủ nghĩa thế giới đại đồng.

Việt Nam ngày nay, kể từ 30.04.1975, được lãnh đạo và dẫn dắt bởi Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chính quyền (chính phủ) được đảng Cộng sản Việt Nam thành lập được gọi là Chính quyền chuyên chính vô sản nhằm hướng dẫn và lãnh đạo nhân dân Việt Nam xây dựng xã hội theo mô hình Xã hội chủ nghĩa. Do phong trào cách mạng Việt Nam được Hồ Chí Minh dẫn dắt phát triển sau và nhận được sự hổ trợ từ Liên Xô và Trung Quốc. Vì vậy lý thuyết và thực tiển cách mạng Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hai quốc gia này.

Trong quá trình xây dựng đất nước theo mô hình Xã Hội Chủ Nghĩa đã lộ ra những bất cập mà với học thuyết Marx – Lenine không thể nào giải quyết được đã đưa Việt Nam tới một giai đoạn khủng hoảng chưa từng có từ trước đến nay. Đến năm 1986, do không thể duy trì lâu hơn nữa cái gọi là phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, Đảng cộng sản Việt Nam đã phải áp dụng một phần phương thức sản xuất Tư bản chủ nghĩa và gọi là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chấp nhận đa dạng hóa các thành phần kinh tế và tư hữu về tư liệu sản xuất. Tuy nhiên sự áp dụng nữa vời này đã sinh ra một nền kinh tế xã hội dị dạng như hiện nay.

TINH THẦN YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM NGÀY NAY

Sau hơn 30 năm thống nhất Nam Bắc và xây dựng đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa đã đem lại cho nhân dân ta sự nghèo nàn và lạc hậu, thua sút các nước trên thế giới và khu vực về mọi mặt. Nhân dân bị cấm đoán ngay cả những nhu cầu cơ bản được làm người, được học hỏi, được phát biểu chính kiến và cả việc thờ phượng theo nghi thức tôn giáo của mình.

Sau hơn 30 năm xây dựng đất nước, ngay cả giới lãnh đạo và tập đoàn cộng sản cũng đã nhận ra con đường xã hội chủ nghĩa đầy sai trái mà bản thân người khai tạo ra nó, Marx - Angels cũng đã thừa nhận vào cuối đời mình.

Sau hơn 30 năm xây dựng đất nước, do sự độc tôn về chính trị và lãnh đạo đất nước, đảng cộng sản đã vơ vét tài sản của nhân dân làm của riêng mình. Thậm chí ngay cả những khoảng giúp đỡ của thế giới giúp nhân dân Việt Nam cũng bị những thành viên đảng này biển thủ một cách trắng trợn mà điển hình là hàng loạt các vụ bê bối bị lộ tẩy gần đây như PMU18 và PCI gần đây.

Sau hơn 30 năm xây dựng đất nước, bao nhiêu tiền bạc của nhân dân đã được tập đoàn quan tham vơ vét đầy túi bất chấp môi trường sống của người dân như thế nào. Tiêu biểu là vụ Vedan, Công ty giấy Bãi Bằng … xả chất thải vô tư ra sông ngòi gây cho người dân sông ven sông căn bệnh ung thư nguy hiểm.

Sau 30 năm xây dựng đất nước, chính quyền cộng sản đã làm cho Hà Nội, thủ đô của một nước, lại không chịu nỗi một trận mưa khiến gần cả trăm người chết do ngập lụt và dịch bệnh kéo dài sau đó.

Sau 30 năm xây dựng đất nước, chính quyền cộng sản đã làm hủ lậu hóa nền giáo dục nước nhà. Học sinh và thầy cô bỗng biến thành những người chạy sô chuyên nghiệp mà chất lượng thì lại không có. Ngay cả những cử nhân tốt nghiệp đại học cũng không làm nỗi một văn bản hành chánh.

Sau hơn 30 năm xây dựng đất nước, với chính sách tuyên truyền mị dân, đảng cộng sản và chính quyền tay sai đã cho ra lò hàng lớp lớp những con người mất nhân tính, mất lý tưởng và không có khả năng phân biệt đúng sai.

Sau hơn 30 năm xây dựng đất nước, xã hội ngày càng rộ lên những vụ án những tưởng chỉ có ở thời tiền sử như: Chuyện bà cụ 90 tuổi bị con đánh đập hành hung, chuyện Cha Mẹ vứt con trong sọt rác, chuyện Cha Mẹ cắt gân chân của trẻ, chuyện trẻ em dưới tuổi vị thành niên phạm tội hiếp dâm, cướp của giết người … Đây là hệ quả của một nền giáo dục không mang tính nhân bản mà chạy theo hình thức và thành tích của ngành giáo dục cộng sản.

Sau hơn 30 năm xây dựng đất nước, người dân trông chờ sự thay đổi và trách nhiệm của những người lãnh đạo đảng cộng sản đối với đất nước. Nhưng không những tiến bộ mà sự tham nhũng, lũng đoạn và cường áp bức ngày càng gia tăng mà thể hiện rất rõ nét qua vụ Thái Hà.

Sau hơn 30 năm xây dựng đất nước, quyền nói và bày tỏ chính kiến của mình bị chà đạp trắng trợn mà tiêu biểu là việc bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng, nhà thơ Trần Đức Thạch v.v.., bắt giữ các nhà báo Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến, đang bị dư luận trong nước và thế giới lên án kịch liệt.

Sau hơn 30 năm xây dựng đất nước, hệ thống chính trị của đảng cộng sản đã phải lệ thuộc vào Trung Cộng đến mức hèn nhát. Ngay cả việc Trung Cộng tuyên bố chiếm Hoàng Sa và Trường Sa mà cả bộ máy lãnh đạo chính phủ không dám bày tỏ sự phản đối.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao nước Việt Nam lại lâm vào tình trạng như ngày nay?

Có một câu trả lời duy nhất cho tất cả tình hình đất nước hiện nay: Đó chính là do đảng cộng sản Việt Nam và chủ nghĩa xã hội không tưởng.

Thật vậy, chúng ta điều biết, đảng cộng sản Việt Nam được thành lập từ những con người mà kiến thức chỉ ở mức tiểu học. Những Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẫn, Đỗ Mười, Lê Đức Anh… đều là những chân lấm tay bùn bởi phần lớn thời gian của họ không được học hành nhiều, hoặc phải nằm trong rừng cho cuộc nội chiến đẫm máu Bắc Nam. Họ giải phóng đất nước theo đường lối đấu tranh giai cấp. Mang trong lòng mối hận thù, do họ là thành phần nông dân nghèo, thất học, bị xã hội khinh bỉ, họ tiến hành những cuộc tàn sát đẫm máu chính đồng bào và dân tộc mình như một sự trả thù, một sự ẩn ức về tâm lý, cho những nỗi nhục nhã mà họ phải gánh chịu trong thời phong kiến.

Là những người thấp kém trong xã hội, họ hầu như không biết đến văn hóa dân tộc, nên sau khi lãnh đạo đất nước các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam hầu như bị bỏ quên và kết quả là tạo ra một thế hệ trẻ hôm nay không còn lý tưởng.

Do hấp thụ chủ nghĩa cộng sản, họ đã dần đánh mất lương tri và nhân tính. Bởi vì họ không tin vào bất kỳ một tôn giáo nào, họ không tin có thế giới siêu nhiên. Cuộc sống đối với họ: chết là hết. Thế nên họ không từ bất kỳ một thủ đoạn nào, cho dù là tàn nhẫn nhất như vụ cải cách ruộng đất đẫm máu, vụ tàn sát dã man tết mậu thân…, để đạt được mục đích của họ. Và thế hệ trẻ hôm nay, do chịu ảnh hưởng đường lối giáo dục nhối nhét và phi nhân tính, đã bị biến chất nghiêm trọng. Xã hội rộ lên những vụ án kinh khũng và dã man.

Giờ đây, trước hiện trạng đất nước, lịch sử một lần nữa lại đặt ra cho nhân dân Việt Nam những câu hỏi thời cuộc nóng bỏng: Chúng ta phải làm gì để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ? Chúng ta phải làm gì để thoát cảnh đói nghèo và lạc hậu? Nên hay không duy trì sự cai trị độc tài của đảng cộng sản bán nước hại dân?

Chúng ta, những người con nước Việt hôm nay, có yêu nước hay không? Chúng ta thể hiện tinh thần yêu nước như thế nào?

Có lẽ mỗi người chúng ta đều có câu trả lời cho chính mình. Tuy nhiên, nếu mỗi người chúng ta cứ giử ý riêng của mình thì không ai trong chúng ta có thể làm được gì cả. Bởi vì chế độ hôm nay có trong tay cả một hệ thống an ninh hùng mạnh được huấn luyện để đàn áp và cưỡng bức dân lành. Chính vì vây, chúng ta phải hòa chung tiếng nói của chúng ta cùng tiếng nói của tập thể, của xã hội để giải phóng chúng ta khỏi áp bức khỏi sự thống trị của tập đoàn mafia chính trị mang tên cộng sản.

Chủ nghĩa dân tộc dạy cho chúng ta biết giữ gìn bản sắc dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc dạy cho chúng ta biết tôn vinh vẽ đẹp của văn hóa Việt nam.
Chủ nghĩa dân tộc dạy cho chúng ta phải biết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.
Yêu nước hôm nay là đoàn kết chống lại ngoại xâm đang lăm le bờ cỏi.
Yêu nước hôm nay là giải phóng đất nước khỏi tập đoàn bán nước hại dân.
Yêu nước hôm nay là cùng nhau xây dựng một xã hội tự do dân chủ.
Yêu nước hôm nay là quyết tâm đấu tranh cho quyền được nói, được sống và được làm người.

Hỡi tất cả những người con đất Việt, hãy tự hỏi lòng mình: Tôi có Yêu nước hay không?

(Nguồn: www.ddcnd.org ngày 12 tháng 12 năm 2008 )
 
LS Lê Trần Luật nói gì sau phiên tòa Thái Hà (phần 2): Những trò bẩn thỉu nhắm vào luật sư Luật
Việt Long, phóng viên RFA
22:12 16/12/2008
LS Lê Trần Luật trình bày chương trình kháng án sắp tới. Phiên toà Hà Nội hôm Mùng 8 Tháng Mười Hai xét xử 8 giáo dân Thái Hà với hai tội danh nặng nề, nhưng đã chỉ tuyên phạt án treo.

Thái Thanh Hải và Luật Sư Lê Trần Luật
Trong một bài phỏng vấn trước, vị LS bào chữa cho các giáo dân đã nêu nhận định của ông về bản án nhẹ và không tương xứng với tội danh được tuyên bố, đồng thời trình bày những luận cứ của ông trước toà mà viện kiểm sát không tranh luận được. Sau đây là cuộc phỏng vấn tiếp với LS Lê Trần Luật, do Việt-Long thực hiện.

Chắc chắn sẽ kháng án

Việt Long: Thưa, trước khi tuyên án như vậy thì toà có cải tội danh cho 8 vị giáo dân ra toà đó không ạ?

LS Lê Trần Luật: Họ vẫn giữ tội danh như cũ tức là tội gây rối trật tự công cộng và tội huỷ hoại tài sản, mặc dù trong lập luận của bản án tôi không thấy một lập luận nào có thể thuyết phục được tôi rằng những người này phạm tội.

Việt Long: Tức là họ không cải tội danh cho nhẹ hơn để mà xứng hợp với những bản án treo, cho nên Luật Sư mới gọi đó là một việc làm sai pháp luật của toà án, phải không ạ? Thế trong cái tiến trình chuẩn bị hồ sơ để bào chữa cho 8 giáo dân trước toà thì Luật Sư có bị gây áp lực gì không?

LS Lê Trần Luật: Thực sự mà nói thì tôi bị áp lực rất nhiều, nhiều lắm. Tôi xin có một ví dụ nhỏ để cho anh chị thấy như thế này. Khi tôi ra đó (Hà Nội) thì các cha có mời tôi ở lại nhà dòng, nhưng tôi không có ở nhà dòng tại vì tôi thấy nó cũng không tiện.

Tôi ở khách sạn. Thì trong đêm hôm đó các lực lượng an ninh và công an rất đông đứng trước khách sạn và đề nghị với khách sạn là kiểm tra khách sạn, đến khuya họ có nói với tôi rằng "Khách sạn thì lúc nào cũng quý khách nhưng trường hợp của anh Luật thì rất mong anh chuyển đi chỗ khác ở, bởi vì anh ở đây và lực lượng an ninh - công an cứ đứng trước như thế này thì tôi không có làm ăn được."

Còn nhiều vấn đề khác nữa. Bởi vì mình làm luật sư cho những người khác, mình nói về những vấn đề khó khăn của mình thì mình cũng e rằng anh em sẽ quan ngại trong cuộc đấu tranh chung.

Kháng cáo kêu oan phủ nhận tin của báo chí và truyền thông

Việt Long: Thưa vâng. Thế trong thời gian săp tới đây thì Luật Sư có chương trình làm việc gì mà vẫn liên quan đến vụ án vừa xét xử hay không?

LS Lê Trần Luật: Tôi có 2 vấn đề là tôi đã chính thức trao đổi với các cha. Trước hết vấn đề chắc chắn đó là phải kháng cáo, và kháng cáo kêu oan cho 8 người này. Tôi đã chuẩn bị xong. Thứ Tư tôi sẽ đi Hà Nội để tôi chuyển những đơn kháng cáo này cho họ ký và tôi nộp ở toà thành phố. Đó là vấn đề thứ nhứt.

Vấn đề thứ hai là vấn đề báo chí của Việt Nam và các hãng truyền thông của Việt Nam. Tôi khẳng định rằng họ đưa tin sai sự thật. Trên VTV1 họ bảo là những giáo dân này cúi đầu nhận tội. Trên báo Tuổi Trẻ cũng bảo rằng những giáo dân này đã thừa nhận lỗi lầm của mình.

Đó là hai vấn đề tôi cho rằng họ đã xúc phạm danh dự những người này. Họ nói sai sự thật. Tôi đã chuẩn bị đơn cho những người này yêu cầu các hãng truyền thông của Việt Nam phải cải chính trong thời hạn nhất định, nếu không cải chính tôi sẽ chính thức khởi kiện họ ra toà vì đưa tin sai sự thật. Đó là kế hoạch sắp tới trong những ngày tới của tôi cho vụ Thái Hà này.

Việt Long: Thưa Luật Sư, cuối cùng thì Luật Sư có điều gì bày tỏ với quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do cũng như là với công luận, với tư cách là một luật sư biện hộ trong vụ này không ạ?

LS Lê Trần Luật: Trước hết tôi phải nói rằng tôi rất cảm ơn các phương tiện truyền thông của nước ngoài. Tôi cảm ơn rất nhiều. Công sức mà đẩy nhà cầm quyền vào tình trạng lúng túng, tôi nghĩ đó là công sức của giới truyền thông.

Tôi chỉ có một phần nhỏ. Bản thân các vị cũng biết rằng trong một chế độ độc tài thì hàng trăm luật sư như tôi, hàng ngàn bài bào chữa hùng hồn đi nữa thì họ vẫn không có xoay chuyển, nhưng chính áp lực của giới truyền thông, chính áp lực của dư luận buộc họ phải có một bước lùi.

Như vậy thì nhân đây tôi cũng xin chuyển lời cảm ơn đến tất cả giới truyền thông, tất cả công luận đã hỗ trợ cho chúng tôi nói chung. Tôi mong những ngày tới phương tiện truyền thông và công luận hỗ trợ cho chúng tôi trong một cuộc đi tìm công lý tiếp theo, đó là tìm công lý: kháng cáo toà.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giọng Huế - Giọng Quảng Trị
Trần Văn Mầu
05:57 16/12/2008
GIỌNG HUẾ -GIỌNG QUẢNG TRỊ

Phụ Âm Lỏng/Chặt – Nguyên Âm Thường/Ngắn

Tôi rất thích thú được đọc bài viết Thử xem qua một số từ vựng Quảng trị của Ông Nguyên Nguyên trên Khoahoc.net (12.07.2007) và nghe giảng giải về nguồn gốc tiếng nói của mình.

Người Huế chúng tôi cũng có những cách ăn nói gần y chang như người ở vùng quê của tác giả Trần Hữu Thuận (Tiếng Quảng trị, talawas.org ngày 13/6/07), là vì tổ tiên chúng tôi cùng Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lên bờ (1558) cũng tại vùng Ái tử Quảng trị hiện nay!

Tuy nhiên, nếu được phép, tôi xin có vài ý kiến về điều mà tác giả Nguyên Nguyên gọi là "sự lộn xộn ở [phụ] âm cuối" [n]~[ng= ¾], [t]~[c=k],... trong các tiếng như 'Ôông', Roọng',... 'Thoọc', Trôốc, v.v.. Đó là những phụ âm cuối mà người Huế-Quảng trị chúng tôi phát thanh như những phụ âm lỏng (consonnes lâches / lax consonants), trong khi cũng với những phụ âm cuối đó lại được phát thanh như những phụ âm chặt (consonnes serrées / tense consonants) tại những nơi khác.

**

Trước tiên tôi xin được giải thích sơ qua về khái niệm lỏng/chặt của các phụ âm cuối trong tiếng Việt.

a) Nếu ta quy ước đặt dấu mũ ^ phía trên và liền sau các phụ âm chặt và không để dấu gì trên các phụ âm lỏng thì sẽ có những cặp phụ âm lỏng và chặt như sau:

[m] » [m^], [n] » [n^], [ng=¾] » [ng^=nh=¾^],….

Ví dụ: nam » nam^ (nam / năm); an » an^ (an / ăn); ô¾ » =ô¾^ (ôông/ông: giọng Huế/giọng nói những nơi khác); e¾ » e¾^ (eng/anh = grand frère-elder brother: giọng Huế/ giọng Bắc )…

b) Cũng có những phụ âm tự bản thân là lỏng hoặc chặt, nên lại xuất hiện những cặp phụ âm lỏng/chặt như sau:

[b] » [p], [d] » [t], [g] » [k], và hai bán nguyên âm [o=w; u=w^] và [y]: [o=w]»[u=w^], [i]»[y]. (Không cần dấu mũ ^ để ký hiệu những âm chặt p, t, k, u, y)

Ví dụ: đab » đap (đáp=đáb/đắp); bad » bat (bát =bád/bắt); trốg » trốk (trôốc=trốg/ trốc: giọng Huế/giọng các nơi khác); saw » saw^ (sao/sau); mai » may….

c) Ta thấy gì với những ví dụ trên đây?

Trước tiên là cách viết chữ quốc ngữ hiện nay chưa diễn tả được âm thanh của tiếng nói, vì bỏ qua nhận thức về các phụ âm lỏng/chặt.

Thêm nữa, nếu để ý kỹ càng hơn, ta sẽ thấy rằng âm ă và âm â cũng chỉ là những âm a và ơ, nhưng bị hóa ngắn mà thôi, – sự kiện hóa ngắn này xảy ra khi một nguyên âm bất kỳ nào đứng trước một phụ âm cuối hóa chặt, như ta sẽ thấy dưới đây khi nói đến cách phát âm của người trong Nam –. Chẳng hạn, lấy lại trường hợp n và n^ trong an » an^, khi phát âm hai tiếng này, (an / ăn), ta sẽ dễ dàng nghe thấy ă trong tiếng ăn là một âm a ngắn (a bref/short a), và a trong an là âm a thường (a normal/normal a). Tương tựa như vậy, âm â trong các tiếng ân [=ơn^], câm [=cơm^] cũng chỉ là những âm ơ ngắn, so với âm ơ thường trong các tiếng ơn và cơm. (Thêm một nhận xét nữa là trên thực tế chữ viết, mỗi lần hai chữ ă và â xuất hiện trong một tiếng, ta biết phụ âm cuối theo sau là những phụ âm chặt). Vậy nên chăng bỏ đi hai chữ cái ă và â, – mà xưa rày được xem là hai nguyên âm riêng biệt –, để chỉ còn giữ lại 9 nguyên âm trong bộ chữ quốc ngữ (thay vì 11như hiện nay!). Và cũng phải thận trọng trong việc chủ trương thay thế i bằng y, là hai bán nguyên âm lỏng/chặt, rất khác nhau!

**

Khi nghe người miền Trung (Huế -Quảng trị) nói chuyện, một số nguyên âm, đứng trước phụ âm lỏng, hình như được kéo dài và người nghe có cảm giác các phụ âm cuối [¾], [k],… đã biến thành [n], [t],.... Nhưng sự thật không phải như vậy. Khi chúng tôi nói ôông thì phụ âm cuối không còn là [¾^] chặt nữa, nhưng đã hóa lỏng [¾], vẫn được phát trong cuống họng, – không phải là [n] phát phía đầu lưỡi – do đó ta không thể viết là ôn được. Cũng vậy, phụ âm cuối của trốc [c=k] được người Huế-Quảng trị hóa lỏng thành [g], cũng phát trong họng, – không phải là [t], một phụ âm chặt, phát ra đầu lưỡi –, nên không thể viết là trốt! Và cũng không thể viết eo óc thành eo ót được, như tác giả Đoàn Khách đã đề nghị viết trong cuốn Sảng đình Thi tập (Thanh Tịnh xb, California USA, 2001, trang 295).

Nói tóm lại là trong cách phát âm một số phụ âm cuối của người Huế-Quảng trị có sự chuyển hóa các âm phụ cuối từ chặt sang lỏng:

[¾^] » [¾]... Ví dụ: [ô¾^] » [ô¾] (ông => ôông); [tro¾^] » [tro¾] (trong => troong)…

[k] » [g]. Ví dụ: [thọk] » [thọg] (thọc => thoọc); [ók] » [óg] (óc => oóc). Phải viết “thọg” và “óg” mới diễn tả đúng âm thanh của phụ âm cuối lỏng trong các tiếng thoọc, oóc…!

**

Trong khi người Huế hóa lỏng một số phụ âm cuối, thì người Nam (kỳ) lại hóa chặt đa số các phụ âm cuối.

Hồi trước, khi mới vô Nam, nghe người ta nói chuyện, tôi cảm thấy rất lạ tai. Ví dụ họ nói:

- tin, với [n] lỏng, bị hóa chặt thành [n^], thì kết quả là nguyên âm [i] bị hóa ngắn – vì đứng trước một phụ âm cuối chặt –, và tin lại được nghe qua như là tinh. (Đây là nguyên do khiến xảy ra sự sai lầm đáng tiếc của nhóm tác giả (người Bắc) đã đồng hóa tin với tinh trong quyển Le Vietnamien sans Peine/Tiếng Việt không Khó nhọc, Nhà xb Assimil, Chennevières-sur-Marne, Pháp, 1994, tr. XVII).

- vịt, với [t] chặt, làm cho ta sai lầm đồng hóa với vịch ! Cũng cần nhắc lại rằng [t] là một phụ âm chặt nên chữ viết đúng của tiếng “vịt”, theo cách cách phát âm thông thường – với phụ âm cuối hóa lỏng – ở Trung và Bắc Việt nam, là “vịd”, vì [d] mới thật là phụ âm lỏng. Thành ra, nếu viết « vịt » với [t] thì người Nam (kỳ) lại phát âm đúng hơn những nơi khác !

Nhân tiện ta lại nhắc đến con số 9 (nguyên âm) trên đây. Nếu cho rằng ă và â là hai nguyên âm riêng biệt – thật ra chúng chỉ là những âm a ngắn và ơ ngắn mà thôi – thì cũng phải chấp nhận mỗi nguyên âm thường lại có một nguyên âm ngắn, theo cách phát âm của người Nam, và của cả người Trung nữa, cho đến ít nữa là vùng Nha trang: i/í; ư/ứ; u/ú; ê/ế; ơ/ớ=â; ô/ố; e/é; a/á=ă; o/ó. Và như thế là trong bộ chữ quốc ngữ sẽ có đến 18 nguyên âm!

**

Bàn về âm học có thể gây nhiều rắc rối nhưng lại bổ ích, nhất là đối với việc học và dạy tiếng nói – tôi xin lưu ý: học tiếng, chứ không phải học chữ, mới có ích thực sự cho việc giao tiếp –, tiếng người cũng như tiếng ta. Theo kinh nghiệm dạy tiếng Việt của tôi cho người ngoại quốc, khái niệm lỏng/chặt rất quan trọng để giúp họ phát âm chuẩn, (rõ ràng).

Trên đây là một vài nhận xét thô thiển của tôi dựa trên những khám phá về âm học (nguyên âm thường/ ngắn, phụ âm lỏng/chặt) trong tiếng ta, của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Bạt-Tuỵ, mong các bạn đọc cho ý kiến.

TRẦN VĂN MẦU

14, Hồ Tùng Mậu
Đà Lạt (Việt Nam)
Tel & Fax: +84 63 3835255
 
Giáo xứ Trì Chính 100 năm hồng ân (bài 3)
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
18:12 16/12/2008

Phần II: HỒNG ÂN NĂM THÁNH TRÌ CHÍNH



Công việc chuẩn bị Năm Thánh

Để tạ ơn Thiên Chúa vì muôn vàn hồng ân của Người đổ xuống cho Giáo xứ, để các thế hệ người Trì Chính muôn đời ghi ơn tổ tiên, theo thư thỉnh nguyện của Đức Cha Giám quản Giuse Nguyễn Chí Linh, ngày 15 tháng 3.năm 2008 Bộ Xá Giải Tòa Thánh đã ban phép cho Giáo xứ Trì Chính mở Năm Thánh nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo xứ. Năm Thánh Trì Chính sẽ được bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 4 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2008.

Ngày mồng 01.03.2004 Cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc về nhận xứ Phát Diệm, thì một tháng sau Cha đã lo dành lại cho giáo xứ Trì Chính có được khu đất với diện tích 1.380m2 do người dân lấn chiếm trong khu đất của Nhà thờ. Bốn năm sau, ngay khi nhận lại được khu đất, cha tiến hành công việc làm hồ và đường xung quanh hồ. Cha cũng đã cho xây lễ đài để chuẩn bị mừng lễ kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ vì chưa có điều kiện để xây dựng được ngôi nhà thờ mới. Công việc xây dựng hồ và lễ đài vẫn chưa thể hoàn tất trước ngày đại lễ khai mạc do kinh phí còn thiếu nhiều, nhưng các công trình xây dựng tại giáo xứ Trì Chính là bước đánh dấu sự tồn tại và phát triển của một giáo xứ mà trong đó là rất nhiều sự nỗ lực của các cha từng coi sóc giáo xứ và những cố gắng quyết tâm sống Đạo của giáo dân đã giữ vững đời sống Đạo từ suốt một trăm năm nay.

Hai tháng trước ngày lễ khai mạc Năm Thánh trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ Trì Chính lúc nào cũng đông người. Tuy đời sống vật chất còn khó khăn, nhưng giáo dân Trì Chính sẵn sàng hi sinh công việc làm ăn đến sửa sang nhà thờ, làm đường mới, sửa ao hồ. Có gia đình mỗi ngày có tới 5 hoặc 6 người làm việc cho giáo xứ. Họ thức khuya, dạy sớm, không quản ngại vất vả, nóng bức, miễn làm sao Trì Chính có được một khuôn viên sạch đẹp trong ngày lễ trọng đại của mình. Hàng tháng trời Cha Chính xứ Hồng Phúc cũng không quản ngại lăn lộn cùng giáo dân làm đường, làm ao, thương lượng với người dân khi có thắc mắc, tranh chấp xảy ra.

Việc sửa sang cơ sở vật chất để đón chào Năm Thánh là điều cần thiết, nhưng việc chuẩn bị tâm hồn để đón mừng Năm Thánh còn cần thiết và quan trọng hơn. Đó là việc lãnh nhận các bí tích, việc sống bác ái yêu thương trong gia đình, ngoài xã hội. Đó là những cách thức như những máng chuẩn bị sẵn để ơn Chúa chảy tràn trào xuống cho Trì Chính cũng như cho những ai đến cầu nguyện cùng Chúa tại nhà thờ Trì Chính trong Năm Thánh này.

HƯỚNG VỀ TRĂM NĂM TRÌ CHÍNH*

Hồng ân Thiên Chúa tràn trào
Tri ân, cảm tạ, dạt dào niềm vui.

Linh mục Hồng Phúc


Kể từ sau ngày lễ Chầu lượt giáo xứ Trì Chính hôm Chúa nhật XXX Thường niên năm C, ngày 28.10.2007 năm vừa rồi, cho tới nay, em có về Giáo phận Phát Diệm nhiều lần nhưng chưa có dịp trở lại thăm giáo xứ Trì Chính. Trong ngày lễ Chúa Chiên Lành năm nay, em về Phát Diệm vào chiều thứ Bảy để hôm sau tham dự lễ Chầu lượt xứ Tôn Đạo. Và được sự cho phép của Cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, chính xứ Nhà thờ Chính Toà Phát Diệm kiêm phụ trách hai xứ Trì Chính và xứ Phát Vinh, em đã tới tham dự lễ sáng Chúa nhật lễ Chúa Chiên Lành tại giáo xứ Trì Chính nhân dịp giáo xứ đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ, năm 1908 – 2008.

Trời hôm nay chuyển gió và có lất phất mưa trong cái rét của tháng Ba âm lịch. Thánh lễ lúc 5 giờ sáng Chúa nhật lễ Chúa Chiên Lành do Cha Hồng Phúc dâng lễ. Còn 15 phút nữa mới đến giờ lễ nhưng giáo dân trong xứ đang tấp nập đến Nhà thờ mỗi lúc một đông hơn. Trong Nhà thờ thì các dãy ghế chật kín người ngồi, phía ngoài sân và cuối Nhà thờ giáo dân xếp ghế nhựa để ngồi, khi số ghế nhựa cũng hết thì một số người phải đứng để tham dự thánh lễ. Các em thiếu nhi được ưu tiên ngồi ở ba dãy ghế của hai bên và ngồi ở chiếu trải phía thềm gần Cung Thánh. Em bước vào Nhà thờ và thấy có một bác chỉ chỗ cho ngồi ở hàng ghế thứ tư tính từ Cung Thánh xuống. Trong Nhà thờ thật ấm và càng ấm hơn trong tình người của giáo dân xứ Trì Chính, em nghe thấy mấy tiếng thì thầm của các bà hỏi thăm nhau nhưng tiếng đọc Kinh ngày Chúa nhật và Kinh Năm Thánh vẫn âm vang, trầm bổng.

Thánh lễ được bắt đầu trong tiếng hát cất lên của ca đoàn giáo xứ với bài Thánh ca “Chúa chăn nuôi tôi”. Niềm vui hân hoan của ngày lễ Chúa Chiên Lành có trong từng lời cầu nguyện của giáo dân đang hướng về kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ Trì Chính, và đặc biệt là bài giảng lễ của Cha Hồng Phúc, Cha quảng diễn Tình Yêu của Đức Giêsu Kitô, Ngài là Chúa Chiên Lành, là Mục tử nhân hậu của đàn chiên:

“Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Chiên Lành vì Đức Giêsu tự xưng mình là Mục tử tốt lành “Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”. Không phải Chúa tự xưng thì chúng ta mới biết, nhưng là Chúa đã tự hạ và dẫn dắt chúng ta. Có một điều, một mối tương quan trong tình yêu không chỉ là đơn phương, tình yêu đáp đền bằng tình yêu. Chúa không tuyên xưng, tuyên bố thì mình cũng thấy Chúa là Mục tử tốt lành. Nhưng điều quan trọng là: Mục tử tốt lành thì chiên phải biết người Mục tử.

Đối với người Do Thái thì mối tương quan giữa chủ chiên với đàn chiên không chỉ là một mối tương quan trong tình giữa chủ và đàn vật nhưng là cả một sự sống, cả một gia tài liên đới với người chủ chiên. Người Do Thái coi con chiên là tình bạn, là gia tài, thậm chí là cả một phần sự sống của họ. Như chúng ta vẫn nói, sự sống của người Do Thái là dân du mục, phụ thuộc vào đàn chiên.

Người Việt Nam chúng ta có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông”, và vì thế người ta nói với trâu như nói với bạn:

“Trâu ơi! Ta bảo trâu này: trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta.”

Người Do Thái còn nói với đàn chiên thân thiết hơn nhiều. Bởi lẽ, đối với con chiên của người Do Thái thì người chăn chiên với con chiên; người chăn trâu với con trâu. Người chăn trâu Việt Nam cầm cái roi đi sau con trâu còn người chăn chiên cầm cái gậy đi trước đàn chiên. Lý do, người chăn trâu cầm roi để đánh trâu, trâu đau thì trâu mới đi. Còn ngược lại, người chăn chiên cầm gậy đi trước không bao giờ để đánh chiên mà để đánh chó sói, bảo vệ cho đàn chiên. Tại sao người Việt Nam không làm như thế? Vì con trâu không dễ nghe như con chiên; người chăn chiên đi đâu thì chiên theo đó, vì chiên hiền lành đến nỗi tiên tri Isaia đã sánh ví rằng: “Như con chiên bị đem đi xén lông làm thịt, Người không la lối, không thoá mạ” ám chỉ về Đấng Messia, Đấng xưng mình là Chiên Thiên Chúa.

Và như vậy, thì việc đàn chiên đi theo Chúa chiên tới đồng cỏ xanh tươi là những hình ảnh đẹp tuyệt vời đối với người Do Thái. Chúng ta nghe Thánh vịnh và chúng ta thấy điều đó:

“Chúa chăn nuôi tôi
Tôi chẳng thiếu thốn chi.
Trên đồng cỏ xanh rì
Người thả cho tôi nằm nghỉ.
Đến nguồn nước chỗ nghỉ ngơi
Người hướng dẫn tôi,
Tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính
sở dĩ vì uy danh Người,
Dù bước đi trong thung lũng tối
Tôi không lo mắc nạn vì Chúa ở cùng tôi.” (Tv 22)

Cây roi và cái gậy của Người đó là điều an ủi lòng tôi. Không bao giờ cây roi và cái gậy là điều sợ hãi mà đó là điều an ủi lòng tôi, vì cây roi và cái gậy ấy đánh chó sói bảo vệ cho đàn chiên. Không những thế, trong cách diễn tả của người Do Thái, có một niềm tự hào thật đáng yêu:

“Người dọn cho tôi mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương;
đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm;
chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.” (Tv 22).

Một dân Do Thái xưa cảm nghiệm rất rõ bàn tay của Thiên Chúa, mặc dầu khi đó Thiên Chúa đến với họ qua lời các tiên tri. Còn một dân Do Thái hiện đại thì không cảm thấy tấm lòng, bàn tay của Thiên Chúa đang hiện diện với họ qua Đức Giêsu Kitô. Thành thử, Đức Giêsu tuyên bố “Ta biết chiên của Ta và chiên Ta phải biết Ta” đấy mới là điều quan trọng. Ông Pascan nói rằng: “Đức Chúa Trời phải được cảm nghiệm bằng trái tim.””

Bài giảng lễ của Cha Hồng Phúc kết thúc trong câu chuyện kể về đoàn từ thiện của Mỹ mới đến Phát Diệm vào chiều thứ Bảy ngày 12.4.2008 gồm ba người, hai người thì mới đến lần đầu tiên, nhưng một người thì đến lần thứ hai, và ông nói chuyện với Cha: “Lần trước tôi đến đây dự lễ ở Nhà thờ Chính toà Phát Diệm này, người đông đến nỗi người ta ngồi đầy trong Nhà thờ, người ta còn ngồi ra cả ngoài hè. Thành thử, tôi có cảm nhận rằng chính những người ngồi ngoài hè làm cho Nhà thờ rộng ra.” Tấm lòng của những người ngồi ngoài hè làm cho lòng Nhà thờ rộng thêm gấp bao nhiêu lần. Cha ân cần và trìu mến nói với cộng đoàn: “Hôm nay, chúng ta cũng phải nói như vậy với Trì Chính rằng Nhà thờ chúng ta bé nhưng tấm lòng của những người Kitô hữu chúng ta cũng có thể làm cho Nhà thờ của chúng ta rộng lên gấp nhiều lần. Và Chúa đang chờ đợi những tấm lòng rộng rãi đó của đàn chiên đối với Chúa Chiên. Chúng ta hãy bày tỏ, lòng kính mến của chúng ta trong lời Kinh Tin Kính mà giờ đây tôi mời gọi tất cả chúng ta cùng tuyên xưng.”

Lời Kinh Tin Kính đã được Cha Hồng Phúc cất xướng, giọng Cha khiêm tốn, mạch lạc, bình tĩnh và rất mạnh mẽ đã hướng cộng đoàn vào niềm tin và phó thác trong tâm tình yêu mến Chúa, thể hiện đức tin đích thực trong lời tuyên xưng của Hội Thánh trước Chúa, trước cộng đoàn và chính mình. Những hình ảnh và công việc rao giảng Tin Mừng của các Thánh Tông Đồ được ghi lại trong Kinh Thánh, những công việc truyền giáo của các vị thánh nam nữ, đời sống Đức Tin của các thánh Tử Đạo Việt Nam trong đó biết bao nhiêu vị Thừa Sai cùng các Đấng là người Việt Nam, của những người Kitô hữu Việt Nam, của những tín hữu thuộc Giáo phận Phát Diệm và đặc biệt là nơi Giáo xứ Trì Chính dần hiện lên trong tâm trí em. Em được nghe kể về Đức Cha Gioan Maria Phan Đình Phùng ( 24.12.1891 – 28.4.1944) là Giám Mục phó Giáo phận Phát Diệm (1940–1944), quê ở họ Kiến Thái, giáo xứ Trì Chính. Ngôi mộ của Đức Cha Phùng được đặt trong Cung Thánh của Nhà thờ Chính Toà Phát Diệm, ngôi mộ thứ hai tính từ trái sang. Người thứ hai em được biết là Mẹ Bề Trên Tổng Quyền Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đương nhiệm Maria Phan thị Mai, quê tại họ Trị Sở, giáo xứ Trì Chính. Các ngài cùng với các đấng đã và đang coi sóc giáo xứ Trì Chính luôn sẵn sàng giúp cho giáo dân trong giáo xứ sống trung thành với Đức Tin tuyên xưng vào Thiên Chúa, theo thời gian, theo năm tháng, các ngài là gương nhân đức tuyệt vời cho biết bao người cùng tin theo, cùng sống, cùng cảm nghiệm, cùng chia sẻ…

Cuối Thánh lễ, sau khi Cha Hồng Phúc chúc lành xong, Cha đọc danh sách “Nhịp Cầu Thân Yêu”, đó là các gia đình ở Trì Chính có những người thân ở các xứ xa, con cái đã trưởng thành nhớ về quê hương và cùng hướng về trăm năm Trì Chính. Em nghe thấy có nhiều giáo dân ở các giáo xứ trong miền Nam như: Giáo xứ Phú Nhuận, Quảng Tân, Bình Minh, Bắc Hà, Bình Triệu, Định Quán, Dốc Mơ, Phú Lâm, Túc Trưng… em cũng cảm thấy trong lòng vui tươi cùng với giáo dân giáo xứ Trì Chính.

Điều mong mỏi từ nhiều năm nay của Cha xứ và giáo dân xứ Trì Chính là mong xây dựng được ngôi Nhà thờ mới, đủ rộng để giáo dân trong đến thờ phượng Chúa, không để ai phải ngồi ngoài trời trong những ngày đông giá rét nữa; không để ai phải ngồi ngoài trời trong những ngày mưa phùn gió bấc khí hậu khắc nghiệt nữa; không để ai phải ngồi ngoài trời trong những ngày trời năng chang chang như đổ lửa nữa. Và những cuộc Rước sẽ rất trọng thể khi có con đường bằng phẳng, không gồ ghề, không còn bức tường ngăn giữa Nhà thờ với con đường của Chúa; con đường mà hai bên có cỏ và hoa thiên nhiên; con đường mà từng bước chân đặt lên đó là những bước chân loan báo Tin Mừng về Thiên Chúa là Tình Yêu; con đường đó dẫn ta đến gần Chúa, dẫn ta vào Nhà Chúa. Và điều quan trọng chính là làm sao để tất cả đều cùng được quây quần bên Bàn Tiệc Thánh, chia sẻ yêu thương và quan tâm tới nhau qua lời cầu nguyện tâm tình hiệp thông với Chúa, tạ ơn Chúa.

Chỉ năm ngày nữa thôi là Giáo xứ Trì Chính mừng lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ, một ngày trọng đại của cả trăm năm mới có, là của giáo xứ Trì Chính, là của giáo phận Phát Diệm và biết bao tín hữu đang ở trong nước cũng như ngoài nước cùng hướng về. em lắng nghe lời mời của Cha Hồng Phúc và ông Chánh trương, em thấy hồi hộp lạ lùng sao ấy! Những hình dung về ngày lễ trọng đại của Giáo xứ Trì Chính…Và cùng với quý Cha, quý khách em cũng đang hướng về Trì Chính.

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2008

Teresa Avila Thuỳ Chi

Tường thuật

Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Trì Chính

Chiều nay hồi 15g ngày 23 tháng 4 năm 2008, tại giáo xứ Trì Chính, giáo phận Phát Diệm, Đức Cha Giám quản Giuse Nguyễn Chí Linh cùng linh mục đoàn Phát Diệm, quý cha đến từ các giáo phận Hà Nội, Hải phòng, Thanh Hóa, Bùi Chu, Thái Bình, đã dâng Thánh lễ trọng thể khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ Trì Chính (1908-2008).

Từ cổng vào nhà thờ Trì Chính, chúng tôi đọc được băng rôn « Hồng Ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người » và trên lễ đài là một câu trong Thánh vịnh 99 « Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương ». Trong thánh lễ, cả hai bài đọc (Sir 50, 24-26; 1 Cor 1,3-9) và bài Tin Mừng (Lc 19,11-17) đều nói lên tâm tình tri ân Thiên Chúa.

Thật vậy, Năm Thánh là dịp để giáo xứ Trì Chính cảm tạ muôn vàn hồng ân Thiên Chúa đổ xuống trên giáo xứ, trên mỗi người và cũng là dịp để các thế hệ người Trì Chính tri ân tổ tiên, các Đấng các bậc đã hy sinh, nhiệt tình gieo và vun trồng đức tin cho họ trong suốt một trăm năm qua.

Điểm lại những trang sử của Trì Chính, trong bài giảng, Đức Cha Giám quản Giuse đã nói rằng « đã có lúc tưởng chừng cái tên giáo xứ Trì Chính bị xóa sổ » vì những biến cố đau thương, vì những thương tích chiến tranh. Nhưng hôm nay, nhìn vào một giáo xứ sầm uất với những sinh hoạt phong phú của nhiều hội đoàn, một cộng đoàn hiệp nhất sống đạo sốt sắng, Đức Cha đã liên tưởng đến cuộc đời thánh Phaolô Tông đồ, đến gương của thánh Alphongsô trạng sư, để làm nổi bật một chân lý: cho dù lịch sử có thế nào, Thiên Chúa vẫn yêu thương, quan phòng. Thiên Chúa có thể biến những sự dữ thành sự lành, và theo thánh Phaolô « mọi sự đều có ích lợi cho những ai có lòng yêu mến » (Rm 8,28). Như vậy, dưới con mắt đức tin, tất cả đều là hồng ân của Chúa. Cuối bài giảng, Đức Cha Giám quản lấy hình ảnh một em bé nép vào lòng mẹ vì em hoàn toàn tin tưởng vào mẹ mình để nói lên đời sống đức tin, tâm tình phó thác, tri ân như sức mạnh, như nền tảng để xây dựng một giáo xứ hiệp nhất và yêu thương.

Thánh lễ kết thúc khi chiều đã tắt nắng. Các xe ôtô biển số 29D, 16N vội vã lên đường. Trong dòng người từ thánh đường tỏa ra các lối, tôi đọc được niềm vui trên khuôn mặt của họ, nhất là của cha quản nhiệm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, người đã trực tiếp cùng giáo dân Trì Chính cả tháng trời miệt mài làm đường, trồng cây, sửa sang khuôn viên nhà thờ để đón chào sự kiện trọng đại này. Tôi cũng thấy những nụ cười rạng rỡ của những người ngoài Công giáo, hàng xóm của nhà thờ, như ông Như, bà Lan và rất nhiều người khác nữa. Cả một tháng qua, họ đã xóa tan những mặc cảm, họ hiểu hơn những tranh chấp nhỏ nhoi về đất của giáo xứ, họ hòa mình cùng giáo dân Trì Chính xây dựng khuôn viên thánh đường cho khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Cha Hồng Phúc nói nhỏ với tôi: « Đó là dấu hiệu đầu tiên của ơn Chúa xuống cho giáo xứ đấy ! ».

Vũ Văn Được thực hiện

Bài Giảng của Đức Cha Giám quản Giuse Nguyễn Chí Linh
trong Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 23-04-2008

Anh chị em thân mến,

Trước mặt chúng ta là ngôi Nhà thờ Trì Chính đã được xây dựng cách đây 118 năm. Giáo xứ Trì Chính đã được thành lập cách đây 100 năm. Đó là một quãng thời gian rất dài. Khi nghĩ tới những con số đó, cũng như tôi hình dung tất cả những ai đã đến đây xây dựng giáo phận Phát Diệm, xây dựng giáo xứ Trì Chính và trong số những người mà chúng ta mường tượng ngày hôm nay, có các cha Thừa sai Paris.

Tôi đã có dịp đi học và ở trong trụ sở của Hội Thừa Sai Paris và tôi đã nhận ra điều này: các Linh mục Thừa sai, họ đi rất nhiều nước, nhưng chỉ có ở Việt Nam là xem ra các ngài gắn bó với giáo dân Việt Nam nhất. Đi Nhật Bản, đi Trung Quốc, đi Hàn Quốc, đi Miến Điện… nhưng có lẽ mối quan hệ giữa các Thừa sai và giáo dân, nồng nàn nhất là ở Việt Nam. Một hôm tôi tò mò hỏi xem, vì sao các cha Thừa sai lại tha thiết với Việt Nam như thế. Thì các ngài cho biết là, giáo dân Việt Nam có lòng tri ân rất đặc biệt đối với các cha Thừa sai. Phải chăng, đó là một giá trị phù hợp với Phúc âm.

Cả ba bài đọc hôm nay đều nói về lòng tri ân. Chúa Giêsu than phiền về thái độ vô ơn của những người vừa được Người chữa lành, sách Huấn ca – bài đọc thứ nhất – cũng kêu gọi mọi người trong dân Israel hãy biết ơn Thiên Chúa và thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay, thư Ngài gửi cho tín hữu Corinto cũng kêu gọi người tín hữu hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa. Chúng ta cũng biết cuộc đời của Thánh Phaolô, cuộc hành trình truyền giáo của ngài, cuộc hành trình đầy dẫy gian truân. Có thể nói, theo ngôn từ Việt Nam đó là một cuộc đời “tứ ngụ nam thanh”. Thế nhưng ngài vẫn luôn thấy tâm hồn của ngài tràn trào tâm tình cảm tạ Thiên Chúa. Chúng ta biết chắc rằng, nhờ ngài luôn luôn tri ân Thiên Chúa cho nên ngài có đủ sức mạnh để ngài tiếp tục cuộc hành trình của ngài cho đến khi đổ máu đào, hiến mạng sống mình vì cuộc hành trình Cứu Độ của Đức Giêsu Kitô.

Một trăm năm lịch sử của Trì Chính có lẽ cũng thế. Nhìn lại, chúng ta không khỏi bàng hoàng khi biết rằng, có những giai đoạn Tôn giáo cũng như Trì Chính của chúng ta cơ hồ bị xóa tên. Bao nhiêu là biến cố thăng trầm, đã mấy lần giáo dân đã phải di dời đi chỗ khác vào miền Nam, thậm chí ra ngoại quốc. Chúng ta ngỡ rằng, giáo xứ Trì Chính có nguy cơ bị xóa tên, thời thế lịch sử, bao nhiêu là biến cố đã diễn ra, đã giày xéo quê hương này. Nhưng chúng ta vẫn còn ngồi đây, đứng trước ngôi nhà thờ sừng sững của Trì Chính. Phải chăng đó là những biểu tượng hồng ân Thiên Chúa vẫn tuôn đổ ồ ạt xuống trên giáo xứ của chúng ta. Cho dù lịch sử thế nào Chúa vẫn luôn luôn là Đấng yêu thương.

Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai chúng ta đã nghe, phải kêu lên rằng: “Anh chị em không còn thiếu ơn nào nữa”. Cuộc sống của người Công giáo bề ngoài mà xét cũng giống như cuộc đời những người lương dân, cũng làm ăn, cũng đi đây đi đó, mọi sự y như nhau. Nhưng, cái điều khác biệt giữa chúng ta với những người không tin Chúa là chúng ta cảm thấy mình được Thiên Chúa nâng đỡ, phù trì. Và tất cả những gì diễn ra trong đời chúng ta những gì không vừa ý chúng ta thì đó vẫn là ơn Chúa. Thánh Alfonso là một trạng sư và đó là một trạng sư giỏi, cho nên ngài cứ nghĩ rằng luôn luôn ngài thắng kiện. Nhưng Chúa đã có kế hoạch của ngài, con người lỗi lạc Alfonso một hôm đã bị đánh bại, dù rất lỗi lạc trong việc trạng sư, Alfonso đã thua kiện. Và đó là cái cơ hội Chúa đã thu phục nhân tâm – Alfonso. Một điều mà mọi người cho là rủi ro là xui xẻo nhưng lại trở thành một ơn cho Alfonso. Tất cả những gì tối tăm lịch sử của chúng ta, của giáo xứ Trì Chính nói riêng cũng có vai trò của nó, không gì là vô ích đối với Thiên Chúa. Bởi vì, như thánh Phaolô đã nói: “Mọi sự đều là hồng ân”.

Ngày hôm nay, chúng ta đối diện với lịch sử, chúng ta hãy chữa lại một tâm tình duy nhất là tạ ơn Thiên Chúa, cho dù trước đây, có những lúc cơ hồ chúng ta thất vọng. Nhưng lịch sử qua đi rồi, dòng thời gian trôi vào quá khứ. Bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy, như Thánh Phaolô đã nói: “Tất cả đều là hồng ân”. Chúng ta hãy để chúng ta tâm hồn chúng ta dạt dào cảm xúc được Thiên Chúa nâng đỡ. Và đó là tâm tình chúng ta phải luôn luôn mang trong lòng chúng ta để cuộc sống chúng ta bằng yên và như bởi vì chúng ta không bao giờ thất vọng; và như bởi vì chúng ta luôn thấy Thiên Chúa đang nâng đỡ giáo xứ và cuộc đời chúng ta. Bằng yên, bởi vì ngày mai còn nhiều mưa gió. Chúng ta cần một nơi tin tưởng về tinh thần là Thiên Chúa.

Thiên Chúa không cần chúng ta tỏ lòng biết ơn. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng giàu sang, Ngài không cần đến chúng ta. Sở dĩ, Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay đã kêu gọi những người đã mang ơn Ngài tri ân Thiên Chúa và đừng bạc bẽo với những gì Thiên Chúa đã làm, là vì Ngài muốn cho lòng tri ân nuôi dưỡng chúng ta. Sở dĩ những em bé luôn luôn nép mình bên mẹ, là vì các em, trong sự đơn sơ, trong sự trong trắng của mình. Luôn luôn nghĩ rằng mẹ là người bảo vệ các em. Đó là người các em đặt hết tin tưởng, cho nên cuộc sống hạnh phúc của các em là những mẫu gương để cho chúng ta tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, ngoan ngoãn trong sự quan phòng của Thiên Chúa như một em bé thơ ngây ngoan ngoãn nép mình trong lòng mẹ. Thế cho nên, lòng biết ơn tạo sức mạnh cho chúng ta vào ngày mai. Lịch sử của giáo xứ Trì Chính không khép lại ở đây.

Hôm nay chúng ta cử hành khai mạc Năm thánh, có khi vừa ý chúng ta, có khi cũng có mưa gió dập vùi nhưng chúng ta tin rằng chúng ta luôn luôn được Thiên Chúa hỗ trợ. Và trong niềm tin ấy, giới trẻ hậu sinh của chúng ta sẽ tiếp tục con đường của các vị ân nhân. Giới trẻ hậu sinh của chúng ta, sẽ nối gót chúng ta, sẽ tiếp tục công trình chúng ta khởi đầu và có khi bỏ dở.

Ước gì Năm Thánh này sẽ tạo nên sức mạnh cho chúng ta. Tạo thêm tình hiệp nhất, tạo thêm tình hiệp thông nhất trí xây dựng Giáo Hội, xây dựng Giáo phận và tất nhiên là xây dựng Giáo xứ Trì Chính. Tôi thay mặt cho các linh mục, quan khách đến từ xa cầu chúc Cha quản xứ Phêrô Nguyễn Hồng Phúc và giáo dân của giáo xứ Trì Chính một Năm Thánh tốt đẹp và nhiều hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa. Amen.

Một Trăm Năm Hồng Ân
Đây Trì chính trăm năm lịch sử
Như dòng sông tràn ứ phù sa
Phù sa ơn thánh chan hoà
Tràn trên giáo xứ, nhà nhà thấm sâu.
Xứ Trì Chính khởi đầu lịch sử
Khai sinh từ giáo xứ Chính toà
Trăm năm tuần tự trải qua
Ngọt bùi, cay đắng, bao là nguồn ơn.
Trên mảnh đất thân thương Trì Chính
Toạ lạc xưa dòng kín Các-men (Carmel)
Rồi thành cơ sở nhà in
Bao nhiêu tác phẩm, thông tin ấn hành.
Cũng trên đất tốt lành giáo xứ
Giáo phận xây Trường Thử chủng sinh
Ngày nay cũng vẫn công trình
Thâu hồi, phát triển, Thánh Linh dẫn đường.
Vẫn dòng sông quê hương êm ả
Chứng kiến bao ơn lạ đầy dư
Những năm biến cố di cư
Người đi, kẻ ở, cảnh như hoang tàn.
Khi Dòng Kín nhẹ nhàng về Pháp
Rồi nhà in đổ nát tan hoang,
Chiến tranh cày nát ngổn ngang
Vẫn ơn Chúa xuống vững vàng kiên tâm.
Một trăm năm thăng trầm nhìn lại
Mảnh đất thêm thấm mãi ơn trời
Đức tin, lòng mến sáng ngời
Tăng dần hoà nhịp với thời gian trôi.
Họ Kiến Thái là nôi ơn phúc
Đức cha Phùng, giám mục quê hương
Bình an trên mọi nẻo đường
Trăm năm dấu ấn tình thương Chúa Trời.
Họ Thuỷ Cơ ra khơi đánh cá
Như Phêrô thánh cả Quan thầy
Trần gian sóng gió vơi đầy
Vững tin Chúa ngự nơi đây lái thuyền !
Họ Trị sở bên triền sông Vạc
Những cậy trông, khao khát tin yêu
Thuỷ triều dâng mỗi sáng chiều
Đất nhuần ơn thánh, bao nhiêu nghĩa tình.
Một thế kỷ hành trình « Đất Hứa »
Đầy yêu thương chen giữa đau thương
Bình thường hàm ẩn phi thường
Đất phù sa đã nên hương nguyện cầu.
Cảm tạ Chúa nhiệm mầu muôn thuở
Đường lối Người chan chứa yêu thương
Vẽ cong thành thẳng lạ thường
Dọc ngang Thánh Giá thành ơn phép lành.
Một trăm năm hình thành Trì Chính
Một trăm năm khẳng định ơn trời
Trăm năm quy ước đời người
Có sinh, có tử đến thời phục sinh.
Chúc Trì Chính vươn mình tiến tới
Vươn hội đoàn cùng với cộng đoàn
Nhà thờ mới, đẹp, khang trang
Trăm năm tiếp mãi, Chúa đang đồng hành./.

Linh mục Phêrô Hồng Phúc



Tổng Kết: Trăm Năm Hồng Ân Trì Chính

Trọng kính Đức Cha Giuse, Giám mục giáo phận Hải Phòng, Kính thưa cha chính Đại diện, cha phó Đại diện giáo phận Phát Diệm,

Kính thưa quý Cha giáo phận Thanh Hoá, quý cha giáo phận Hà nội, quý Cha giáo phận Hải Phòng, quý Cha giáo phận Phát Diệm, quý cha Dòng Châu Sơn - Nho quan - Ninh Bình.

Kính thưa quý thầy, chị tổng phụ trách Hội Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm, quý Tu sĩ nam nữ, quý chức, quý ân nhân, quý cộng đoàn.

Trong tâm tình tạ ơn hồng ân Thiên Chúa đã quan phòng, yêu thương dẫn dắt giáo xứ Trì Chính suốt một trăm năm qua. Với lòng biết ơn sâu sắc Bộ Xá giải Tông toà đã ban sắc lệnh ơn toàn xá cho giáo xứ Trì Chính nhân kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ. Chúng con xin phép được tổng kết năm thánh hồng ân

Trước hết chúng con xin cám ơn Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hoá, giám quản giáo phận Phát Diệm, đã long trọng cử hành thánh lễ khai mạc ngày 23/04/2008 cùng với 50 Linh mục đoàn Phát Diệm, quý cha đến từ Hải Phòng, Bùi Chu, Thanh Hoá, quý cha Đan viện Châu Sơn, với sự tham dự của quý tu sĩ nam nữ và 3000 dân Chúa đến từ quý xứ anh em.

Đức Cha đã lưu bút sổ vàng năm thánh Trì Chính bằng một lời chúc ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa: « Xin Chúa Chúc Lành cho Trì Chính Mãi Mãi »

Từ đó đến nay, trong 6 tháng hồng ân năm thánh, chúng con đã được vui mừng và vinh dự đón tiếp 40 đoàn hành hương với nhiều linh mục, tu sĩ và 28.394 lượt người hành hương. Tất cả các đoàn hành hương đều có những lưu bút rất chân thành và ý nghĩa

Đầu tháng 05/2008, bốn mươi anh chị em ca đoàn Thiện Mỹ giáo xứ Ninh Bình đã khởi đầu cho các đoàn hành hương về hiệp thông cùng giáo xứ Trì Chính:

Trong tháng 5 gồm có 10 đoàn hành hương quan trọng:

Bốn mươi tiền chủng sinh, 30 nữ tu do Cha Đại diện Giuse Phạm Ngọc Khuê trưởng đoàn cùng dâng thánh lễ đồng tế với cha giáo Albertô Trần Phúc Nhân và cha Phêrô Nguyễn Văn Hiện. Cha trưởng đoàn lưu bút: “Đoàn hành hương các chú Tiểu Chủng viện Phát Diệm, đến giáo xứ Trì Chính nhân kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ. Xin Chúa chúc lành cho Trì Chính và ban nhiều thợ gặt lành nghề cho Trì Chính và cho giáo phận Phát Diệm ”

Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm 200 nữ tu do chị phó tổng phụ trách trưởng đoàn, Cha đặc trách Antôn Phan Văn Tự chủ tế thánh lễ hành hương.Chị phó tổng phụ trách viết: “ Rất hân hoan vui mừng cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho giáo xứ Trì Chính đã trải qua bao nhiêu thăng trầm để mừng 100 năm ”

Ba giáo xứ Điền Hộ, Phước Nam, Tân Hải 2000 giáo dân do ba cha xứ tổ chức, Cha Giuse Trần Xuân Mạnh trưởng đoàn, ngài viết cảm tưởng với niềm vui mừng lớn lao vì được lĩnh ơn toàn xá.

Hai giáo xứ Chính toà Phát Diệm và Phát Vinh gồm 2000 người hành hương, đủ các hội đoàn, trong đó có 8 hội hoa về dâng hoa cộng đồng. Rất đông người trong đoàn hành hương đi bộ từ Phát Diệm lên Trì Chính. Sổ vàng lưu bút còn ghi những cảm xúc của đoàn: «Đoàn hành hương cảm nhận ơn Chúa tràn trào trên mảnh đất linh thiêng đã từng là quê hương của Đức cha Gioan M. Phan Đình Phùng, là cơ sở giáo phận hoạt động như Dòng Kín, Trường thử, nhà in. Trải suốt 100 năm lịch sử, dấu ấn đức tin, truyền thống đạo đức còn thắm đượm trên mảnh đất linh thiêng này. Xin hiệp lời ca tụng tình thương bao la của Thiên Chúa và tình hiệp thông với giáo xứ Trì Chính thân yêu”.

Đoàn hành hương gia trưởng thuộc 3 giáo xứ Phát Diệm, Phát Vinh, Trì Chính gồm 700 thành viên. Ông Phaolô Nguyễn Đức Cơ, chánh hội gia trưởng xứ chính toà Phát Diệm đã viết: “ Cầu Chúc giáo xứ Trì Chính đạt nhiều thành quả tốt đẹp qua dịp kỷ niệm 100 năm lịch sử đầy ơn thánh”

Đoàn hành hương Ban truyền giáo và 300 bạn trẻ 3 giáo xứ Phát Diệm, Phát Vinh và Trì Chính đi bộ từ Nhà xứ Phát Diệm lên Trì Chính

Giáo xứ Phúc Nhạc, Bình Hoà 1500 giáo dân do cha Toma Aq. Phạm Bá Khuê trưởng đoàn, trước thánh lễ có 6 hội hoa của hai xứ hành hương dâng hoa cộng đồng. Cha trưởng đoàn hành hương lưu bút: “Chúng con tin rằng với điều kiện hành hương: thiên thời, địa lợi, nhân hoà, với ơn Chúa Thánh Thần, đoàn hành hương sẽ biến đổi đời sống về đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Hy vọng chúng con sẽ đến hành hương bằng nhiều đoàn tập thể cũng như cá nhân để lãnh ơn Chúa.”

Hai giáo xứ Lãng Vân và Uy Đức gồm 600 giáo dân, đầy đủ các hội đoàn, trong đó có 11 hội hoa do cha Phaolô Nguyễn Văn Định trưởng đoàn. Đoàn dâng hoa cộng đồng cách rất đặc biệt vì có tới ba thế hệ cùng dâng hoa kính Đức Mẹ.

Hai giáo xứ Hướng Đạo, Ứng Luật 1500 giáo dân, đầy đủ các hội đoàn, trong đó có 7 hội hoa về dâng hoa cộng đồng.

Cha Antôn Đoàn Minh Hải, trưởng đoàn hành hương hai giáo xứ Cồn Thoi, Hợp thành, đầy đủ các hội đoàn, trong đó có 11 hội hoa về dâng hoa cộng đồng kết thúc tháng hoa Đức Mẹ. Cha trưởng đoàn viết: “ Hai giáo xứ chúng con rất vui mừng và kính chúc giáo xứ Trì Chính một mùa hồng ân và một tương lai sán lạn, chóng có nhà thờ mới ”

Trong tháng 6 / 2008 có sáu đoàn hành hương:

Cha Fr. X. Nguyễn Văn Hoàng trưởng đoàn hành hương giới trẻ 150 bạn đến từ giáo xứ Tân Mỹ, trước đó trong dịp tháng 5/2008, cha trưởng đoàn đã hành hương với 70 quý chức của giáo xứ Tân Mỹ.

Đoàn hành hương các thầy, các chú gồm 3 thầy Đại chủng viện và 55 chú viếng Nhà thờ lĩnh ơn toàn xá.

Đoàn hành hương các gia đình Song nguyền 4 giáo xứ Phát Diệm, Tôn Đạo, Trì Chính, Phát Vinh gồm 130 thành viên hiệp dâng thánh lễ hành hương.

Đoàn hành hương 2000 người gồm 6 giáo xứ: Tôn Đạo, Khiết kỷ, Dục Đức, Phương Thượng, Bình Hải do các cha xứ tổ chức, Cha Antôn Nguyễn Tâm Tư trưởng đoàn Một dòng thơ ngẫu hứng của cụ Phanxicô X. Đinh Văn Nhân ghi lại:

“ Năm xứ hành khất về đây

Hồng ân Thiên Chúa tràn đầy Vạc giang. “

Đoàn hành hương giáo xứ Kim Trung do Cha Phêrô Trần Văn Tĩnh trưởng đoàn, 1000 người, đủ các hội đoàn, trong đó đặc biệt có 6 hội hoa dâng hoa kính Trái Tim Chúa Giêsu.

Đoàn hành hương 300 người thuộc ba giáo xứ Trung Đồng, Sào Lâm và Mỹ Châu do cha Giuse Lê Văn Hưởng trưởng đoàn.

Trong tháng 7/2008 có bốn đoàn hành hương:

Đoàn giáo lý viên, ca trưởng giáo xứ Phúc Địa, giáo phận Thanh Hoá gồm 80 thành viên do Cha Phêrô Trần Văn Nam chính xứ Phúc Địa trưởng đoàn. Ngài viết: “ Là những môn đệ của Chúa Kitô, chúng con được cử hành thánh lễ, chúng con rất cảm kích và vui mừng ”

Đoàn hành hương 120 thành viên lớp giáo lý hôn nhân và 2 hội hoa giáo xứ Xích thổ do Cha Giuse Đinh Tuấn Anh trưởng đoàn.Đoàn hành hương giới trẻ Sào Lâm do do thầy Gioan B. Nguyễn Văn Dưỡng trưởng đoàn đã viết: “Nguyện xin Thiên Chúa đã lấy nơi đây là dấu chỉ để chúng con lãnh nhận ơn Chúa, thì xin giúp chúng con sống xứng đáng là người con Chúa.”

3. Đoàn hành hương giáo xứ Tân Khẩn 800 giáo dân, đủ các hội đoàn do Cha Phêrô Vũ Ánh Hồng trưởng đoàn. Ngài thể hiện tâm tình: « Chúng con cảm nhận được ơn Chúa đã xuống cho chúng con rất nhiều. Chúng con cũng nhận được nơi cha và cộng đoàn giáo dân giáo xứ Trì Chính những bài học thiết thực cho đời sống đức tin. Chúng con cũng cảm nhận được sự sống đức tin của các bậc tiền nhân Trì Chính”

Trong tháng 8/2008 có 5 đoàn hành hương:

Cha Giuse Nguyễn Văn Hào trưởng đoàn hành hương hai giáo xứ Như Sơn, Tín Thuận, giáo dân 1000 người, gồm đủ hội đoàn.

Ba giáo xứ Bình Sa, Hoài Lai, Hảo Nho 1500 người, đủ các hội đoàn, do Cha Phaolô Trần Lưu Huynh trưởng đoàn

Đoàn hành hương 34 tân tòng thuộc hai giáo xứ Sào Lâm, Mỹ Châu do Cha Giuse Lê Văn Hưởng trưởng đoàn.

Đoàn hành hương Tu hội Thánh Tâm và Giáo lý viên giáo hạt Phát Diệm gồm 100 thành viên hiệp dâng Thánh lễ hành hương.

Đoàn hành hương dòng Xitô Thánh gia Bà Rịa - Vũng Tàu gồm 5 cha, 100 tu sĩ nam nữ hiệp dâng thánh lễ hành hương. Cha trưởng đoàn ghi cảm xúc: “Rất cảm động. Vì Trì Chính đầy đức tin sống động. Quá vui mừng vì tình thân mà Trì Chính dành cho đoàn hành hương Xitô Thánh Gia.Vô cùng sung sướng, vì đã lãnh nhận “ơn thánh Chúa” trong dịp hành hương về Trì Chính nhân dịp bách chu niên thành lập.Và bao niềm hạnh phúc khác, dù chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi lưu lại tại Trì Chính.”

Trong tháng 9/2008 có 9 đoàn hành hương:

Đoàn hành hương hai giáo xứ Như Tân, Tùng Thiện do Cha Antôn Trần Ngọc Bách trưởng đoàn.

Đoàn hành hương giới trẻ Ninh Bình 70 bạn do thầy Giuse Nguyễn Cao Hoàn trưởng đoàn, viếng Nhà thờ lĩnh ơn toàn xá. Trưởng đoàn viết cảm tưởng: “ Về với giáo xứ Trì Chính, chúng con được hun đúc thêm lòng mến Chúa yêu người, vì chúng con thấy ở đây sự yêu thương, huynh đệ và lòng mến Chúa yêu người.”

Đoàn hành hương thiếu niên, nhi đồng 500 em thuộc giáo xứ Phát Diệm, Trì Chính nhân dịp Trung Thu, hiệp dâng Thánh lễ hành hương và cắm trại mừng Trung Thu.

Anh em gia đình “Cùng theo Chúa Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh” do anh Tin Vui trưởng đoàn. Anh đã ghi lại cảm tưởng: “Chúng tôi vui mừng tạ ơn Chúa với giáo xứ vì niềm vui và hy vọng trong lòng khi có mặt với mọi anh chị em hôm nay. Cầu xin Chúa Thánh Thần ngày càng ban thêm ánh sáng và sức mạnh trên mọi người, để biến đổi mọi gia đình Trì Chính trở thành TỔ ẤM YÊU THƯƠNG và HOÀ BÌNH, gieo Tin Mừng cho khắp nơi”.

Đoàn hành hương giáo xứ Ninh Bình 200 người hiệp dâng thánh lễ hành hương.

Đoàn hành hương Con Đức Mẹ thuộc 3 giáo xứ Phát Diệm, Trì Chính, Phát Vinh 400 hội viên hiệp dâng Thánh lễ hành hương.

Cha Phêrô Vũ Đức Phượng, trưởng đoàn hành hương hai giáo xứ Hoà Lạc, Phú Hậu, 2000 người, gồm đủ các hội đoàn hiệp dâng lế hành hương.

Đoàn hành hương các hội đoàn trong giáo xứ Trì Chính 300 thành viên gồm gia trưởng, hội thánh Giuse, ca đoàn giáo xứ hiệp dâng thánh lê hành hương.

Đoàn hành hương giáo xứ Văn Hải 1500 người, đủ các hội đoàn, do Cha Phaolô Nguyễn Tất Ứng trưởng đoàn. Cha nhận xét: “Qua buổi hành hương hôm nay, chúng con cảm nhận được hồng ân Thiên Chúa đã ban tràn đầy xuống trên cha xứ, cha phó và toàn thể cộng đoàn Trì Chính, do đó chúng con cũng được diễm phúc chia sẻ hồng ân cao cả đó ”

Trong tháng 10/2008 đoàn hành hương giáo họ Thiện Mỹ, giáo xứ Ninh Bình mở đầu hành hương. Các giáo xứ còn lại để tập trung về dự lêx bế mạc hôm nay.

Sự hiện diện và những tâm tình lưu bút của các đoàn hành hương đã đem đến cho chúng con tinh thần hiệp thông sâu sắc và phấn khích giáo xứ Trì Chính chúng con suốt Năm thánh hồng ân. Một bất ngờ nữa là tâm tình của một quý chức giáo xứ Phương thượng:

Chúng con nay được hành hương

Về xứ Trì Chính tình thương dạt dào

Chúng con luôn những ước ao

Ngoài ngày năm thánh, năm nào cũng lên

Micael Nguyễn Đình Lục

Xin Thiên Chúa trả ơn, chúc phúc cho các đoàn hành hương.

BÀI GIẢNG LỄ TẠ ƠN VÀ BẾ MẠC NĂM THÁNH

Nhà thờ Trì Chính, Giáo phận Phát Diệm Chúa nhật 26-10-2008

Kính thưa Cộng đoàn,

Là những thế hệ hậu sinh, chúng ta vinh dự được đặt chân trên mảnh đất thiêng liêng của Giáo phận Phát Diệm, đó là Giáo xứ Trì Chính. Gọi là linh thiêng, vì Giáo xứ này, từ 100 năm nay, đã và đang là nơi Thiên Chúa thi ân giáng phúc, là nơi Ngài giáo huấn chúng ta trong đức tin.

1-Giáo xứ Trì Chính là nơi có vị thế quan trọng của Giáo phận. Nơi đây đã sinh ra một Giám mục, nhiều Linh mục, Tu sĩ và biết bao người thành đạt trong nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc sống. Những người con của Quê Hương đã và đang không ngừng đem lại niềm tự hào cho miền Đất Mẹ, tại nhiều nơi trong toàn cõi Việt Nam cũng như Hải ngoại. Nơi đây đã có những cơ sở quan trọng của Giáo phận như Trường thử, Dòng kín, xưởng in. Những sinh hoạt này cho thấy Giáo xứ đã trưởng thành từ rất sớm. Những cơ sở và sinh hoạt đó cũng cho thấy sự ưu ái và niềm tin của Bề Trên Giáo phận nơi Giáo xứ này.

2-Giáo xứ của chúng ta còn là nhân chứng trung kiên của đời sống đức tin. Nhìn lại lịch sử 100 năm, chúng ta thấy đó là một hành trình dài, được đan quyện vào nhau giữa những vui mừng và đau khổ, được xen kẽ liền kề những thành công và thất bại, được hòa lẫn với nhau giữa nước mắt và nụ cười. Nhưng trên tất cả và vượt thắng tất cả, đó là sức mạnh đức tin. Hạt giống đức tin được gieo trồng tại Giáo xứ đã không ngừng phát triển và đứng vững trước phong ba bão tố của thời gian. Người tín hữu của vùng đất này đã kiên cường trước những thách đố thời cuộc và mưu mô của con người. Đức tin không mai một trước những thử thách, trái lại càng được tôi luyện để trở nên vững vàng hơn.

3-Giáo xứ của chúng ta còn là nhân chứng của tình thương Thiên Chúa và sự Quan phòng kỳ diệu của Ngài. Nhìn lại những trang sử bi thương nhưng ngời sáng của Giáo xứ, chúng ta thấy lời hứa của Đức Giêsu đã thực hiện: “Này đây, Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. và hôm nay, mặc dù còn nhiều khó khăn và thử thách, lời của Chúa luôn vang lên nâng đỡ chúng ta: “Đừng sợ, Thày đã thắng thế gian”. Giữa những thăng trầm của thời cuộc, Thiên Chúa luôn chúc phúc và đồng hành với cộng đoàn Giáo xứ.

4-Bằng chứng hữu hình của Thiên Chúa là Cha yêu thương được thể hiện cụ thể qua ngôi thánh đường của Giáo xứ. Ngôi nhà thờ này chính là một người Mẹ. Mặc dù Mẹ đã 118 tuổi mà vẫn còn trẻ trung, vẫn giang rộng vòng tay để đón nhận những người con từ nhiều phương trời khác nhau trở về. Biết bao người đã được sinh ra trong ngôi Thánh đường này, biết bao người đã lớn lên qua các bí tích. Rồi cũng từ ngôi Thánh đường này, 118 năm qua, biết bao người đã lìa xa cộng đoàn trong lời kinh tạm biệt, khi họ nằm xuống trong hy vọng nơi Đấng Phục Sinh. Đã 118 năm nay, tiếng chuông nhà thờ vẫn thôi thúc, vẫn mời gọi con người hướng thượng, vượt lên khỏi vũng lầy của tăm tối tội lỗi để trở nên thanh thoát, vươn lên trời cao.

5-Ngày hôm nay, khi nhìn lại những kỳ công Chúa đã thực hiện, chúng ta được mời gọi cùng viết tiếp lịch sử của Giáo xứ. Cuốn sử của Giáo xứ không khép lại với ngày Bế mạc Năm Thánh, nhưng luôn mở rộng để mỗi người chúng ta có thể cùng nhau viết lên những trang mới, trong vui tươi, thánh thiện và yêu thương. Từ ngôi thánh đường này, chúng ta lên đường để kể cho anh chị em, cùng tôn giáo cũng như không cùng tôn giáo, những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện. Hãy nói với họ về Đức Giêsu và giáo huấn của Người. Nhìn lại quá khứ, chúng ta cũng hướng về tương lai. Tự hào về một truyền thống tốt đẹp, chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các bậc Tiền nhân. Các ngài đã chấp nhận nhiều thương đau để đức tin của chúng ta được trường tồn. Noi bước những chứng nhân trung kiên của Giáo xứ, chúng ta hãy sống xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu. Hãy sống xứng đáng là những người con của một Giáo xứ luôn kiên trung và nhiệt thành.

Từ 6 tháng nay, tức là thời gian Tòa Thánh cho phép chúng ta được mở Năm Thánh, có biết bao người đã đến nơi đây để được lĩnh ơn Toàn Xá. Ơn của Chúa như mưa được đổ xuống nơi này để tiếp tục sinh hoa kết trái, làm vẻ vang Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam. Hơn nữa, như được đề cập trong thư thỉnh nguyện gửi Tòa Thánh của Đức Cha Giám quản Giáo phận Phát Diệm, Năm Thánh cũng còn là thời gian tổ chức các khóa học hỏi Giáo lý và Thánh Kinh, các buổi hội thảo, cầu nguyện, tĩnh tâm. Những sinh hoạt đạo đức này đã và đang góp phẩn củng cố và phát triển đức tin vốn đã chắn chắn và kiên trung của cộng đoàn chúng ta.

Trong dịp vui mừng hồng phúc này, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài ban. Qua lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria Nữ Vương Mân Côi, của Thánh Phê-rô Bổn Mạng, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cộng đoàn chúng ta trong sự hiệp nhất yêu thương và nhiệt thành tông đồ. Chúng ta cũng tưởng nhớ và cầu nguyện cho các Đấng Bậc đã chăm lo hướng dẫn mục vụ trong Giáo xứ qua mọi giai đoạn khác nhau. Hãy cầu nguyện cho Quý vị ân nhân, thân nhân của Giáo xứ, còn sống cũng như đã qua đời. Xin Chúa thưởng công cho Quý Vị. Xin Ngài chúc lành cho Giáo xứ, hôm nay và mãi mãi. Amen

Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục

LỜI TẠ ƠN BẾ MẠC NĂM THÁNH TRÌ CHÍNH (26/10/2008)

Trọng kính Đức Cha Giuse giáo phận Hải Phòng,

Kính thưa Cha chánh Đại diện, cha phó Đại diện Giáo phận Phát Diệm,

Kính thưa quý Cha Giáo phận Thanh Hoá, quý Cha Giáo phận Hà Nội, quý Cha giáo phận Hải Phòng, quý Cha giáo phận Phát Diệm, quý cha Dòng Châu Sơn - Nho quan - Ninh Bình.

Kính thưa quý thầy, chị tổng phụ trách Hội dòng Mến Thánh giá Phát Diệm, cộng đoàn Mến Thánh Giá Vĩnh Trị, giáo phận Hà Nội, quý Tu sĩ nam nữ, quý chức, quý ân nhân, quý cộng đoàn.

Trong tâm tình tạ ơn hồng ân Năm thánh giáo xứ Trì Chính, ghi ơn Bộ Xá giải Tông toà đã ban sắc lệnh ơn toàn xá cho Giáo xứ Trì Chính trong năm kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ. Xin cho phép con được thay mặt giáo xứ Trì Chính, hết lòng tạ ơn Đức Cha đã vì tình thương từ Hải Phòng xa xôi về chủ sự thánh lễ trọng thể bế mạc năm thánh Trì Chính hôm nay. Chúng con được vinh dự này cũng là nhờ người con ưu tú của giáo xứ Trì Chính là cha Laurensô Phạm Hân Quynh nguyên tổng đại diện giáo phận Hải Phòng, sự gắn kết giữa hai giáo phận của cha quê hương đã thúc đẩy lòng quảng đại của Đức Cha vui nhận lời về Trì Chính hôm nay. Nguyện xin Chúa luôn ban ơn Đức Cha an khang, tràng thọ và đầy sức mạnh Chúa Thánh Thần để coi sóc giáo phận Hải Phòng đồng thời lo lắng cho giới trẻ hôm nay trong cương vị của Đức Cha là chủ tịch Uỷ Ban Mục giới trẻ của HĐGMVN.

Chúng con xin cám ơn quý Cha giáo phận Thanh Hoá trong tình huynh đệ Linh mục đoàn cùng một Bề trên Giáo phận, trong năm thánh hồng ân vừa qua, quý Cha các giáo xứ gần như Điền hộ, Phước Nam, Tân Hải, Phúc Địa đã về hành hương Trì Chính, để lại cho chúng con nhiều niềm vui cảm xúc. Cám ơn Cha chính xứ Vĩnh Trị thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội vốn có truyền thống liên đới gần gũi với Phát Diệm về không gian cũng như trong thời gian. Cám ơn quý Cha Hải Phòng qua tình liên đới với cha già cố Laurensô Phạm Hân Quynh quê hương Trì Chính mà chúng con có vinh dự được liên đới với quý Cha. Chúng con xin cám ơn hai Cha chánh phó Đại diện, quý Cha giáo phận nhà, trong tinh thần Linh mục đoàn Phát Diệm và cộng đồng trách nhiệm xung quanh Đức Cha Giám quản trên cánh đồng truyền giáo của giáo phận, xin Chúa chúc lành cho mọi công việc mục vụ vốn luôn vất vả và đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh của quý cha. Cám ơn quý Cha Dòng Châu Sơn đã luôn gần gũi, gắn kết và hiệp thông với giáo phận mà Đan Viện đang hiện diện. Xin Chúa chúc phúc cho đời sống chiêm niệm của quý Cha, quý Thầy ngày càng trở nên sâu sắc, phong phú để qua đời sống thực hành nhân đức, Đan viện trở nên chứng nhân Tin Mừng mỗi ngày một hơn.

Suốt một thế kỷ qua, mảnh đất Trì Chính chúng con đã thấm nhuần biết bao ơn huệ, ơn từ trời và ơn của giáo phận. Ơn huệ và tình thương ấy đã giúp giáo xứ vượt qua những thăng trầm của lịch sử 100 năm không thiếu những đau thương và thử thách. Sự hiện diện của quý Đức Cha, quý Cha trong các thánh lễ trọng thể khai mạc, bế mạc và các thánh lễ hành hương là những hoa trái cụ thể của tình hiệp thông trong yêu thương đối với giáo xứ nhỏ bé chúng con, giáo xứ Trì Chính chúng con thấy mình được diễm phúc và vì thế chúng con càng cần phải hoán cải, canh tân, cần trở nên sức sống mới để đáp đền ơn Chúa và sự ưu ái mà quý Đức Cha, quý Cha đã dành cho.

Giáo xứ Trì Chính xin cám chị tổng chị phó và Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, đã tận tình giúp đỡ suốt Năm Thánh và cầu nguyện cho Trì Chính với tinh thần hiệp thông cao nhất. Cám ơn Cộng đoàn Mến Thánh giá Vĩnh Trị thuộc Tổng giáo phận Hà Nội đã tham dự ngày lễ trọng thể để chung chia niềm vui ơn thánh và tâm tình tạ ơn với giáo xứ Trì Chính hôm nay. Cám ơn quý thầy, quý tu sĩ nam nữ đã cầu nguyện, hành hương và phấn khích cho giáo xứ Trì Chính rất nhiều trong năm hồng ân này. Xin Chúa trả ơn và chúc phúc cho đời thánh hiến cao quý của quý thầy, quý tu sĩ nam nữ.

Xin cám ơn quý ân nhân xa gần. Khởi đi từ ân nhân trong Giáo xứ, với “Nhịp cầu thân yêu” là các gia đình con cái trưởng thành tại các giáo xứ anh em, tới quý ân nhân miền Nam và xa hơn là gia đình quý ân nhân hải ngoại... Xin Chúa trả ơn vô cùng và chúc phúc cho quý ân nhân.

Chúng tôi cũng xin cám ơn chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã Kim Chính, thị trấn Phát Diệm và dân phố Trì chính đã tới tặng hoa và chúc mừng những lời tốt đẹp nhất dành cho giáo xứ Trì Chính nhân kỷ niệm 100 năm thành lập. Cám ơn huyện Công an Kim Sơn, Đồn Công an Thị trấn Phát Diệm, đã giúp an ninh trật tự bảo đảm an toàn cho ngày lễ bế mạc Năm thánh Trì chính hôm nay thành công tốt đẹp.

Xin cám ơn quý xứ, quý cộng đoàn xa gần đã về hành hương và hiệp thông thánh lễ, tạo nên một năm hồng ân trong bầu khí trang trọng, sốt sắng, qua đó giáo xứ Trì Chính học hỏi được bao bài học về tinh thần hy sinh, về đức tin và lòng mến, về tính hiệp thông trong giáo phận và Giáo hội, đồng thời thúc đẩy Dân Chúa Trì Chính sống xứng đáng hơn với hồng ân được lãnh nhận và làm sống động một năm đầy ơn thánh, đầy ý nghĩa về đời sống tâm linh và hành hương.

Xin cám ơn các ban trật tự, khánh tiết, tăng âm, ẩm thực đã cộng đồng trách nhiệm và hoàn thành tốt công việc của mình.

Chúng con biết còn nhiều thiếu sót trong việc tổ chức một Thánh lễ trọng thể do Đức Cha chủ sự hôm nay, nhưng tình thương chan hoà lấp đầy mọi thiếu sót, kính xin Đức Cha, quý Cha, quý cộng đoàn miễn thứ cho chúng con.

Trong tính trang nghiêm, thánh thiện của ngày lễ, trong tâm tình cảm tạ và cũng đầy cảm xúc của ngày lễ bế mạc Năm thánh, chúng con kính xin Đức Cha ban phép lành cho toàn thể chúng con được lãnh ơn Toàn xá giờ này.

Giáo xứ Trì Chính chúng con xin đồng bái tạ.

BAN BIÊN TẬP
 
Thông Báo
Giới thiệu CD Nhạc Thánh Ca: Tình Yêu Giáng Sinh
LM Thái Nguyên
18:29 16/12/2008


Tình Yêu đã giáng sinh
Thiên Chúa đã làm người.
Thật kỳ diệu biết bao
Cuộc hội ngộ giữa Trời và Đất,
Cuộc giao duyên giữa Thiên Chúa và Con Người.
Một kỷ nguyên mới đã khai mở,
cả nhân loại đi vào Mùa Hồng Ân Cứu Độ
Mùa Tình Yêu Muôn Thuở.


Xin Trân Trọng giới thiệu đến quí cha, quí sơ cùng quí anh chị em, bạn hữu xa gần.

CD Nhạc Thánh Ca: TÌNH YÊU GIÁNG SINH của Lm. Thái Nguyên.

Gồm 11 ca khúc thật ý nghĩa, tâm tình. Một món quà thật giá trị,
ước mong gởi đến mọi nhà mọi người để cùng thưởng thức,
cảm nghiệm Tình Yêu Chúa giáng sinh ở cùng chúng ta.

1. Lời vọng … Khắc Dũng
2. Lời giới thiệu … Mỹ Hạnh
3. Chúa xuống đời …Quang Linh
4. Dâng Chúa hài nhi…Thùy Dương
5. Tình khúc đêm đông… Hoài Nam-Kim Cúc
6. Đêm tình yêu…Ca đoàn Tân Châu
7. Chúa đã giáng sinh…Quang Linh
8. Chúa đã đến…Kim Cúc
9. Một chuyện tình…Khắc Dũng
10. Đêm đông dâng Chúa…Bích Phượng
11. Đêm hồng ân…Ca đoàn Tân Châu
12. Chuyện một tình thương…Hoài Nam.


Xin liên lạc:
maidelienbv@yahoo.com
Bích Vân & Bích Trâm
12971 Flintwood Way
San Diego, CA 92130

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đôi
Dominic Đức Nguyễn
06:08 16/12/2008

ĐÔI



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Ở lại đây hỡi loài chim quí

Hót chiều nay và hót cả sáng mai

Ai sẽ nhớ tiếng ngâm Kiều lánh lót

Câu hò mùi vang vọng khúc Nam Ai..

(Trích thơ Lý Thừa Nghiệp)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền