Ngày 15-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:49 15/12/2019

12. Một người mà lòng được như ý toại nguyện mới nhẫn nại, hoặc vui vẻ nhẫn nại chuyện này mà không nhẫn nại chuyện kia, thì đó không phải là nhẫn nại thật.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:53 15/12/2019
90. TÔ DỊCH MUA SẮM

Tô Dịch ở Thường Châu làm quan đến chức giám tư (1) , mặc dù gia đình giàu có nhưng rất hà tiện, mỗi lần mua sắm cho gia đình thì cũng đều vì một xu mà tranh chấp đến đỏ mặt mày.

Một lần nọ, khi muốn mua một ngôi biệt thự thì tranh chấp giá cả với người bán, mỗi thứ mỗi loại đều không chịu nhường. Đứa con trai đứng bên cạnh khuyên phụ thân, nói:

- “Thưa bố, bố nên trả giá cho ông ta nhiều nhiều một chút, đợi con sau này bán nhà đi thì có thể trả được giá như vậy”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 90:

Mua bán thì phải trả giá, đó là chuyện đương nhiên, nhưng trả giá không phù hợp với món hàng thì chắc chắn là…bị chửi cho rát mặt…

Đời sống của người Ki-tô hữu là một cuộc mua bán trả giá của ma quỷ với bản thân con người, cuộc mua bán trả giá này thường là có lợi cho ma quỷ và thiệt hại cho con người, bởi vì bản thân của mỗi con người đều đã được chính Đức Chúa Giê-su “chuộc” lại với giá rất đắt, đó là cái chết đau thương của Ngài trên thập giá, do đó sẽ rất không công bằng khi chúng ta bán linh hồn và thân xác cho ma quỷ…

Có những người Ki-tô hữu cũng biết giá trị linh hồn mình rất cao, nhưng ma quỷ trả giá bằng quyền uy danh vọng và tiền tài nên đã bán linh hồn mình cho ma quỷ; có những người đã dâng mình làm tôi tớ biết rất rõ như hai với hai là bốn rằng linh hồn mình giá trị đến nổi cả thế gian chức tước tiền bạc địa vị cũng không thể mua được, nhưng ma quỷ trả giá bằng tiền và tình nên đã bán cho nó.

Trả giá là phải kỳ kèo nhưng phải mua bán hợp lý, đó là chuyện của mua bán của con người với nhau; nhưng sẽ rất lỗ lã khi chúng ta đem bán linh hồn cho ma quỷ dù cho với giá là làm…tổng thống của cả thế gian.

(1) Trưởng quan giám sát ở địa phương.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sai lầm nghiêm trọng của ĐTGM Paglia khi cho rằng các linh mục nên hiện diện trong các vụ trợ tử
Đặng Tự Do
03:03 15/12/2019
Hôm 6 tháng 12, Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ đã công bố một tài liệu dầy 30 trang nhan đề “Pastoral behaviour with regard to the practice of assisted suicide”, nghĩa là “Hành vi mục vụ liên quan đến thực hành trợ giúp tự tử”, trong đó các ngài khuyên các linh mục không nên hiện diện trong lúc bệnh nhân kết liễu cuộc đời như thế.

Trong hội nghị chuyên đề liên tôn về chăm sóc giảm đau và sức khỏe tâm thần được tổ chức tại Trung tâm Đại hội Augustinianum ở Rôma từ ngày 11 đến 12 tháng 12 vừa qua, Đức Cha Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người khi cho rằng nên “dẹp bỏ hết tất cả các quy tắc”, các linh mục phải sẵn sàng có mặt trong thời điểm bệnh nhân tự sát, và nên nắm tay người đó vì “Chúa không bao giờ bỏ rơi bất cứ ai”. Ngài quả quyết rằng “đồng hành, nắm tay một người sắp chết là một nghĩa vụ lớn lao của mọi tín hữu.”

Trên tờ Catholic Herald, Chad Pecknold, giáo sư Thần Học Hệ Thống trường Đại Học Công Giáo Mỹ Châu tại Washington DC cho rằng có những sai lầm nghiêm trọng trong những lời này của Đức Cha Paglia.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn ý kiến của Giáo sư Chad Pecknold sang Việt Ngữ.


Archbishop Paglia’s grave error
Chad C Pecknold
Sai lầm nghiêm trọng của Đức Tổng Giám Mục Paglia


Đồng hành thực sự không phải là để thông đồng với tội lỗi, nhưng là để cứu chúng ta khỏi tội lỗi.

Đồng hành đã là một khẩu hiệu quen thuộc trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Accompaniment – đồng hành - là một từ thường có nghĩa là phần âm nhạc mang đến sự hỗ trợ hài hòa cho một giai điệu. Mặc dù đồng hành có thể đơn giản hoặc phức tạp, nhưng công việc chính của nó là hỗ trợ cho một chức năng trung tâm để nâng cao và hoàn thiện nó. Theo nghĩa này, đồng hành là một ẩn dụ tuyệt đẹp cho sự hiện diện mục vụ ở giữa cuộc sống của con người.

Tuy nhiên, thuật ngữ này có thể bị lạm dụng.

Thứ ba vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống đã được hỏi tại một hội nghị chuyên đề hai ngày về chăm sóc giảm đau rằng liệu một linh mục có thể hiện diện trong một vụ tự tử được bác sĩ hỗ trợ hay không. Đức Cha Paglia đã nhanh chóng trả lời rằng ngài sẽ sẵn sàng có mặt trong thời điểm bệnh nhân tự sát, và ngài sẽ nắm tay người đó vì “Chúa không bao giờ bỏ rơi bất cứ ai.”

Đức Tổng Giám Mục Paglia nhấn mạnh rằng sự hiện diện mục vụ này không bao hàm sự hỗ trợ cho thực hành này. Thay vì nghĩ về sự hiện diện mục vụ này như một mâu thuẫn, hay một thông điệp hỗn hợp, Đức Cha Paglia nói rằng, “đồng hành, nắm tay một người sắp chết là một nghĩa vụ lớn lao của mọi tín hữu.”

Câu hỏi về việc đồng hành như thế được đặt ra vì gần đây các giám mục Thụy Sĩ đã ban hành các chỉ thị nói hoàn toàn ngược lại với Đức Cha Paglia liên quan đến việc chăm sóc mục vụ trong các trường hợp trợ giúp tự tử. Các giám mục Thụy Sĩ tuyên bố rõ ràng rằng cho dù các linh mục chăm sóc mục vụ nên tích cực có mặt trong việc chăm sóc giảm đau, các ngài không nên có mặt trong một vụ tự tử được hỗ trợ vì điều này sẽ khiến người ta nghĩ rằng các ngài hỗ trợ ngầm cho một hành động thực sự là xấu xa.

Đức Cha Paglia đã bác bỏ lời khuyên trong các chỉ thị của các giám mục Thụy Sĩ “Hãy dẹp bỏ tất cả các quy tắc. Tôi tin rằng không ai đáng bị bỏ rơi.” Trong khi nói rằng chỉ có một xã hội tàn ác mới biện minh và hợp pháp hóa cái chết êm dịu, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống khăng khăng lặp đi lặp lại rằng “việc phản đối cái chết êm dịu không có nghĩa là chống lại việc đồng hành với những người tự tử.”

Tôi hoàn toàn hiểu được mong muốn đồng hành mục vụ cùng ai đó ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất của họ. Tuy nhiên, đồng hành phải giữ được ý nghĩa hài hòa của nó. Đồng hành phải tuân theo luận lý của lòng bác ái và sự thật - nếu không thì sẽ là thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng như Thánh Phaolô nói với các tín hữu Côrinhtô.

Đồng hành đích thực là sự hiện diện của đức ái chân thực. Nó không đứng yên trong khi ai đó tự giết chết chính người ấy trong cơn tuyệt vọng. Một linh mục có thể có mặt trong một vụ trợ giúp tự tử không? Không. Họ không thể nắm bàn tay họ không thể. Họ không được hợp tác một cách thể lý trong một hành động xấu xa nội tại - một linh mục không thể, không được đồng hành với bất cứ ai trong các hành vi tội lỗi nghiêm trọng.

Sự đồng hành của linh mục đúng cách phải hòa hợp với sự thật, chỉ khi đó, một linh mục mới có thể mang lại lòng bác ái thực sự cho một người đau khổ. Đây không phải là câu chuyện về ‘các quy tắc’ như Đức Tổng Giám Mục Paglia nghĩ. Đó là về sự phù hợp giữa lời nói và hành động. Một linh mục không thể đồng hành với bất cứ ai nếu những gì ngài làm trái ngược với những gì ngài nói, hoặc ngược lại. Không ai nghĩ rằng sự hiện diện của linh mục trong một vụ phá thai hoặc một đám cưới đồng giới là một “dấu chỉ phản đối” - chính vì mọi người coi sự hiện diện của linh mục vào những thời điểm đó là một chúc lành ngấm ngầm cho chính hành động đó. Điều tương tự cũng xảy ra đối với tự tử được bác sĩ hỗ trợ.

Cha Thomas Petri, O.P., Giáo sư Thần học luân lý tại Trung Tâm Nghiên Cứu của dòng Đa Minh tại Washington, D.C. đã đưa ra một câu trả lời tốt hơn nhiều cho câu hỏi liệu một linh mục có thể đồng hành cùng ai đó đã chọn tự hủy hoại như là hành động cuối cùng của họ.

“Tôi sẽ không nắm tay bạn hoặc đồng hành cùng bạn khi bạn treo cổ tự tử. Tôi sẽ không đứng trong khi bạn tự bắn mình. Ngược lại, tôi thề với Chúa toàn năng, tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn cản bạn tự tử ngay cả khi bạn làm như vậy là hợp pháp đi chăng nữa.”

Đó là sự đồng hành thực sự - hòa hợp với sự thật và tình yêu. Đó là một linh mục đại diện cho phẩm giá con người. Thay vì rụt rè từ chối một nền văn hóa của cái chết bằng cách nhẹ nhàng nắm tay nó, thì sự đồng hành thực sự đã rao giảng về Chúa Kitô bị đóng đinh.

Đức Tổng Giám Mục Paglia nói: “Chúa không bao giờ bỏ rơi bất cứ ai trong cuộc sống hiện tại này”. Đúng là như thế. Chúa Giêsu Kitô thực sự là Thiên Chúa ở cùng chúng ta! Chúa hóa thành nhục thể! Chúa hiện diện trong thời gian. Nhưng sự hiện diện của Chúa không phải là sự chấp nhận thương cảm đối với tội lỗi của chúng ta. Thiên Chúa không hóa thành nhục thể để nuông chiều chúng ta, mà là để chúng ta phải đối mặt với thực tại vĩnh cửu là điều duy nhất có thể chữa lành.

Flannery O’Connor đã từng quan sát thấy rằng trong một thời đại thiếu vắng đức tin, “sự dịu dàng”, bị đoạn tuyệt khỏi con người của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là nguồn gốc của mọi sự dịu dàng. Cô viết rằng “khi sự dịu dàng được tách ra khỏi nguồn gốc của sự dịu dàng, kết quả hợp lý của nó là khủng bố. Nó kết thúc trong các trại lao động cưỡng bức và trong những làn khói của những phòng hơi ngạt”. Quan điểm của cô không phải là sự dịu dàng dẫn đến những phòng hơi ngạt. Quan điểm của O’Connoror giống như quan điểm của cha Petri. Sự đồng hành đích thực sự duy nhất, sự dịu dàng chân thực duy nhất, đi cùng với việc không hợp tác trong tội lỗi của chúng ta, nhưng là để cứu chúng ta khỏi tội lỗi.


Source:Catholic Herald
 
Các Giám Mục Đức xét lại sách giáo lý Công Giáo, coi đồng tính là bình thường
Đặng Tự Do
05:40 15/12/2019
Hôm 12 tháng 12, thông tấn xã CNA có bài tường thuật về “Tiến trình Công nghị” ở Đức với nhan đề “German bishops commit to 'newly assessing' Catholic doctrine on homosexuality and sexual morality” – “Các Giám Mục Đức cam kết ‘đánh giá lại một cách mới mẻ’ các giáo huấn Công Giáo về đồng tính và luân lý tính dục”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hội Đồng Giám Mục Đức vừa cam kết sẽ “đánh giá lại một cách mới mẻ” giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ về đồng tính luyến ái, và đạo đức tình dục nói chung, cũng như các bí tích truyền chức thánh và hôn nhân. Cam kết này được đưa ra khi “Tiến trình Công nghị” gây tranh cãi của hàng giáo phẩm Đức được bắt đầu và sẽ kéo dài trong hai năm.

Sau các cuộc tham khảo ý kiến tại Berlin hồi tuần trước, chủ tịch Ủy ban Hôn nhân và Gia đình của Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết các giám mục đồng ý rằng đồng tính luyến ái là một “hình thái bình thường” của căn tính tình dục con người.

“Sở thích tình dục của con người thể hiện ra ở tuổi dậy thì và chấp nhận một khuynh hướng dị tính hoặc đồng tính luyến ái,” Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch của Berlin đã khẳng định như trên trong một tuyên bố được Hội Đồng Giám Mục nước này công bố.

“Cả hai đều thuộc về các dạng thức bình thường trong khuynh hướng tình dục, không thể và không nên thay đổi với sự trợ giúp của một hình thái xã hội hóa cụ thể”.

[Tuyên bố của Đức Cha Koch đối kháng triệt để với sách giáo lý Công Giáo. Sách giáo lý Công Giáo số 2357 cho biết:

Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng, truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’. Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên.
]

Sau đó, Đức Cha Koch nói tiếp rằng “những phát triển” này có được là nhờ Tông huấn Amoris Laetitia, là Tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về hôn nhân và gia đình. Giáo hội phải xem xét những hiểu biết khoa học và thần học mới nhất về tình dục của con người.

Trước đó, hôm 5 tháng 12, tại thủ đô của Đức, bốn giám mục giáo phận đã có cuộc gặp gỡ để tham khảo ý kiến chính thức về chủ đề “Tính dục của con người - Ta nên thảo luận điều này về mặt khoa học và thần học và đánh giá nó về mặt giáo hội học như thế nào?”.

Hiện diện trong cuộc gặp gỡ này có Đức Tổng Giám Mục Koch, cùng với các giám mục Franz-Josef Bode của giáo phận Osnabrück, Wolfgang Ipolt của Görlitz, Peter Kohlgraf của Mainz, cũng như một vài Giám Mục Phụ Tá từ ủy ban Đức tin và Gia đình của Hội Đồng Giám Mục Đức, cùng các chuyên gia, các nhà thần học và các luật sư về giáo luật.

Kêu gọi một “cuộc thảo luận vững chắc được hỗ trợ bởi khoa học và thần học về con người”, Tổng Giám Mục Koch và Giám Mục Bode nói rằng Tông huấn Amoris Laetitia đã cung cấp những “phát triển” đáng chú ý về cả giáo lý và thực hành của Giáo hội, và nói thêm rằng quan hệ tình dục của các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn sau Tông huấn Amoris Laetitia “không còn luôn bị đánh giá là tội lỗi nghiêm trọng”, và việc loại trừ “khỏi việc tiếp nhận Bí tích Thánh Thể” đối với những cặp vợ chồng như thế không còn có thể biện minh được.

Tổng Giám Mục Koch nói rằng “Tiến trình Công nghị” phải bắt đầu từ một quan điểm “không thiên vị” về giáo huấn của Hội Thánh và không có quan điểm nào có thể được xem là bất di bất dịch, trái lại phải cởi mở để có thể tính đến “những hiểu biết khoa học mới nhất”

Theo lời của Tổng Giám Mục Koch tất cả những người tham gia đều đồng ý rằng tình dục của con người, bao gồm tất cả các chiều kích của sự ham muốn, sinh sản và các mối quan hệ. Và vì xu hướng tình dục được coi là không thể thay đổi, “nên bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái” cần phải bị lên án, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rõ ràng trong Tông huấn Amoris Laetitia.

Theo thông cáo báo chí do các giám mục công bố, cũng có cuộc thảo luận về việc liệu lệnh cấm các hành vi tình dục đồng giới của huấn quyền Hội Thánh ngày nay còn “có giá trị” hay không - và liệu Giáo Hội có nên kết án việc tránh thai nhân tạo hay không ở các cặp vợ chồng kết hôn và chưa kết hôn.

Kết quả của buổi “tư vấn từ các chuyên gia” tại Berlin sẽ được đưa vào “Tiến trình Công nghị” thông qua diễn đàn hội nghị về “Cuộc sống trong các mối quan hệ thành công - Tình yêu sống động trong tình dục và quan hệ đối tác”, bắt đầu vào tháng 2 năm 2020.

Cùng với việc mở ra “Tiến trình Công nghị”, một số hiệp hội Công Giáo ở cấp giáo phận và quốc gia được tài trợ từ nguồn thu thuế của Giáo hội Đức, được gọi là Kirchensteuer, đã đưa ra những yêu cầu công khai về những thay đổi đối với giáo huấn và thực hành của Giáo hội đối với các vấn đề tương tự.

Các lời kêu gọi “cải cách” bao gồm việc chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính, việc phong chức linh mục cho phụ nữ, và, trong ít nhất một trường hợp một hiệp hội cấp giáo phận, đã yêu cầu Giáo Hội phải chấp thuận phá thai khi “người phụ nữ hoặc cả hai vợ chồng quyết định bỏ cái thai đi”.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố bởi cổng thông tin chính thức được tài trợ bởi các giám mục Đức, Agnes Wuckelt, phó chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Công Giáo Đức, thường được gọi tắt là KFD, yêu cầu Giáo Hội phải phong chức linh mục cho phụ nữ, và khẳng định rằng việc phong chức phó tế cho phụ nữ là đáng hoan nghinh và sẽ là bước đầu tiến theo hướng đó.


Source:Catholic News Agency
 
Đừng để lòng trí chúng ta bị phân tâm về nhiều chuyện mà lãng quên niềm vui của Chúa Giêsu
Thanh Quảng sdb
18:23 15/12/2019
Đừng để lòng trí chúng ta bị phân tâm về nhiều chuyện mà lãng quên niềm vui của Chúa Giêsu

Trong buổi triều yết trưa Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu đừng bị phân tâm bởi nhiều thứ bên ngoài, mà quên đi niềm vui của Chúa giáng sinh.
(Tin Vatican)
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết phụng vụ Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng mời gọi chúng ta hướng về niềm vui dẫu biết rằng chúng ta đang sống giữa những khoảnh khắc nghi nan! Niềm vui và nỗi nghi nan luôn là hai trải nghiệm lẫn lộn trong cuộc sống chúng ta...

Hoán cải và trở về
Suy tư từ các bài đọc phụng vụ hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu lên rằng giống như Tiên tri Ê-sai, chúng ta được kêu gọi để siêu vượt lên trên những ngờ vực và nản lòng vì ơn Cứu độ của Chúa bao bọc chúng ta và tái sinh chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng chúng ta được kêu gọi hoán cải, đó là nền tảng của việc rao giảng mà thánh Gioan tiền hô và Chúa giêsu kêu mời... "Giống như thánh Gioan, Đức Thánh Cha nhấn mạnh chúng ta được mời gọi khám phá ra diện mạo mà Thiên Chúa đã chọn để mặc khải lòng khiêm hạ và nhân ái của Chúa trong con người của Đức Giêsu Kitô.

Mùa Vọng, thời gian ân sủng
Đức Thánh Cha chia sẻ: Mùa Vọng là thời gian của ân sủng, vì chúng ta chưa vững tin vào Chúa, nên chúng ta cần phải thanh tẩy đức tin của chúng ta mỗi ngày. Đức Thánh Cha cho hay tiếp vấn đề chuẩn bị tinh thần để mừng kính không phải một nhân vật huyền thoại, mà là Thiên Chúa, Đấng đang gọi mời chúng ta, Ngài đợi chờ chúng ta chứ không áp đặt chúng ta. Trích dẫn thư của thánh Phaolô Tông đồ đề cập tới một trẻ thơ giáng sinh, nằm trong máng cỏ, nói lên những khuôn mặt nghèo khổ của anh chị em chúng ta, họ là những người nghèo khổ nhưng được may mắn là những người đầu tiên nhận ra sự hiện diện của một Vì Thiên Chúa đang hiện thân giữa chúng ta.
Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta càng gần đến lễ Giáng sinh, Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ta để không bị phân tâm bởi nhiều thứ bên ngoài, nhưng biết tập trung vào Đấng đã giáng thế, Ngài đến để chữa lành tật nguyền của chúng ta và ban tặng cho chúng ta một niềm vui ân thánh...
 
Sứ điệp ngày Hòa bình Thế giới 1/1/2020 của Đức Thánh Cha Phanxicô
J.B. Đặng Minh An dịch
21:53 15/12/2019




Ngày 4 tháng 10 năm 1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Phaolô VI đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn, nhưng là sứ mệnh cao quý nhất của Liên hiệp quốc: đó là “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”.

Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Kể từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế giới”. Hằng năm theo thông lệ, vào ngày 01 tháng Giêng, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.

Trong triều đại của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã có những sứ điệp hòa bình như sau: Chỉ trong sự thật mới có hòa bình; Nhân vị, trọng tâm của hòa bình; Gia đình nhân loại: cộng đồng hòa bình; Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình; Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên; Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình; Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình; Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình

Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có các sứ điệp hòa bình sau: Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn đến hòa bình; Không còn là nô lệ nhưng là anh chị em với nhau; Vượt thắng thờ ơ và giành lấy hòa bình; Bất bạo động: Một hình thái chính trị vì hòa bình; Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình; Chính trị tốt phục vụ hòa bình.

Chủ đề Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 53 được cử hành ngày 1 tháng Giêng 2020 là:

“Hòa bình như một cuộc hành trình của Hy Vọng: Đối Thoại, Hòa Giải và Hoán Cải về Sinh Thái”.

Sứ điệp này được Đức Thánh Cha ký vào ngày 8 tháng 12 và được Tòa Thánh công bố vào ngày 12 tháng 12 vừa qua.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


1. Hòa bình, một hành trình của hy vọng khi đối mặt với những trở ngại và thử thách

Hòa bình là một giá trị to lớn và quý giá, là đối tượng của niềm hy vọng của chúng ta và là khát vọng của cả gia đình nhân loại. Hy vọng hòa bình của chúng ta, như một thái độ nhân bản, được đánh dấu bằng một áp lực có tính chất sống còn, đó là một áp lực khiến cho hy vọng hòa bình của chúng ta là khả thi, bất kể các khó khăn của nó. Hy vọng ấy phải được “sống và chấp nhận nếu nó hướng dẫn tới một mục tiêu, nếu chúng ta có thể chắc chắn về mục tiêu này, và nếu mục tiêu này là đủ lớn để biện minh cho những nỗ lực của cuộc hành trình”. [1] Vì thế, hy vọng là đức tính truyền cảm hứng cho chúng ta và giúp chúng ta tiến lên phía trước, ngay cả khi những trở ngại dường như không thể vượt qua.

Cộng đồng nhân loại của chúng ta mang, trong ký ức và xác thịt của mình, những vết sẹo của những cuộc chiến và xung đột tàn khốc hơn bao giờ hết, ảnh hưởng đến người nghèo và người yếu thế. Toàn bộ các quốc gia cảm thấy khó khăn để thoát khỏi chuỗi khai thác và tham nhũng nhen nhóm lên thù hận và bạo lực. Ngay cả ngày nay, một số đông đảo những người nam nữ, già trẻ vẫn bị khước từ nhân phẩm, sự toàn vẹn về thể lý, tự do, bao gồm cả tự do tôn giáo, tình liên đới cộng đồng và một tương lai có chút hy vọng. Nhiều người là nạn nhân vô tội của những sỉ nhục và loại trừ đau đớn, những buồn sầu và bất công, chưa kể đến các chấn thương sinh ra từ các cuộc tấn công có hệ thống vào người dân và những người thân yêu của họ.

Các thử thách khủng khiếp của các cuộc xung đột nội bộ và quốc tế, thường trở nên trầm trọng hơn bởi các hành động bạo lực tàn nhẫn, có ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể và tâm hồn của nhân loại. Mỗi cuộc chiến đều là một hình thức huynh đệ tương tàn phá hủy ơn gọi bẩm sinh về tình huynh đệ của gia đình nhân loại.

Chiến tranh, như chúng ta biết, thường bắt đầu bằng việc không thể chấp nhận sự đa dạng của những người khác, để rồi thúc đẩy những thái độ bực bội và thống trị nảy sinh ra từ sự ích kỷ và tự hào, hận thù và mong muốn chế giễu, loại trừ và thậm chí phá hủy người khác. Chiến tranh được thúc đẩy bởi sự suy đồi các mối quan hệ, bởi tham vọng bá quyền, lạm dụng quyền lực, sợ người khác và xem sự đa dạng là một trở ngại. Và những điều này, đến lượt nó, trở nên trầm trọng hơn bởi kinh nghiệm chiến tranh.

Như tôi đã quan sát thấy trong chuyến Tông du gần đây của tôi sang Nhật Bản, thế giới chúng ta được ghi dấu một cách nghịch lý bởi “một sự ngụy biện gian trá trong đó người ta cố gắng bảo vệ và bảo đảm sự ổn định và hòa bình thông qua cảm giác an toàn giả tạo được nuôi dưỡng bởi một tâm lý sợ hãi và ngờ vực, mà chung cuộc là tạo ra các mối quan hệ độc hại giữa các dân tộc và cản trở bất kỳ mọi hình thức đối thoại nào. Hòa bình và ổn định quốc tế không phù hợp với các nỗ lực được xây dựng trên nỗi sợ hủy diệt lẫn nhau hoặc mối đe dọa hủy diệt hoàn toàn. Hòa bình và ổn định chỉ có thể đạt được trên cơ sở một nền luân lý liên đới và hợp tác toàn cầu để phục vụ cho một tương lai được định hình bởi sự phụ thuộc lẫn nhau và chia sẻ trách nhiệm trong toàn thể gia đình nhân loại hôm nay và ngày mai.” [2]

Mọi tình huống đe dọa đều nuôi dưỡng sự ngờ vực và khiến mọi người rút lui vào vùng an toàn của riêng mình. Sự ngờ vực và sợ hãi làm suy yếu các mối quan hệ và làm gia tăng nguy cơ bạo lực, tạo ra một vòng luẩn quẩn không bao giờ có thể dẫn đến một mối quan hệ hòa bình. Ngay cả răn đe hạt nhân cũng chỉ có thể tạo ra ảo tưởng về an ninh.

Chúng ta không thể tuyên bố duy trì sự ổn định trên thế giới thông qua nỗi sợ bị hủy diệt, trong một tình huống bất ổn, treo lơ lửng trên bờ vực thẳm hạt nhân và vây quanh sau những bức tường thờ ơ. Kết quả là, các quyết định kinh tế và xã hội, đang được đưa ra, dẫn đến những tình huống bi thảm, nơi con người và cả thiên nhiên đều bị loại bỏ thay vì được bảo vệ và bảo tồn. [3] Như thế, làm sao chúng ta thực hiện được một hành trình hòa bình và tôn trọng lẫn nhau? Làm sao chúng ta phá vỡ tâm lý không lành mạnh của các mối đe dọa và sợ hãi? Làm sao chúng ta phá vỡ sự năng động hiện tại của sự mất tin tưởng?

Chúng ta cần theo đuổi tình huynh đệ chân chính dựa trên nguồn gốc chung từ Thiên Chúa được thực hiện qua đối thoại và với sự tin tưởng lẫn nhau. Mong muốn hòa bình nằm sâu trong trái tim con người, và chúng ta không nên cam chịu để rồi xoay qua tìm kiếm những gì ít hơn điều này.

2. Hòa bình, một hành trình lắng nghe dựa trên ký ức, tình liên đới và tình huynh đệ

Những Hibakusha [被爆者 - người bị ảnh hưởng bởi bom], nghĩa là những người sống sót sau khi những quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, nằm trong số những người hiện đang giữ cho sống động ngọn lửa lương tâm tập thể, làm chứng cho những thế hệ tiếp theo về nỗi kinh hoàng xảy ra vào tháng 8 năm 1945 và những đau khổ không thể kể xiết tiếp tục kéo dài cho đến nay. Lời chứng của họ làm sống lại và lưu giữ ký ức của các nạn nhân, để lương tâm của nhân loại có thể đứng dậy trước mọi khát khao thống trị và hủy diệt. “Chúng ta không thể để các thế hệ hiện tại và tương lai mất đi ký ức về những gì đã xảy ra ở đây. Đó là một ký ức bảo đảm và khuyến khích việc xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn”[4]

Giống như những Hibakusha, nhiều người trong thế giới ngày nay đang nỗ lực để bảo đảm rằng các thế hệ tương lai sẽ lưu giữ ký ức về các sự kiện trong quá khứ, không chỉ để ngăn ngừa các sai lầm hay các ảo tưởng tương tự tái diễn mà còn biến ký ức, như là thành quả của kinh nghiệm, thành cơ sở và nguồn cảm hứng cho các quyết định hiện tại và tương lai trong việc thúc đẩy hòa bình.

Hơn thế nữa, ký ức là chân trời của hy vọng. Nhiều lần, trong bóng tối của chiến tranh và xung đột, việc nhớ đến dù chỉ một cử chỉ liên đới nhỏ bé nhận được vẫn có thể dẫn đến những quyết định dũng cảm và thậm chí là anh hùng. Nó có thể mở ra những năng lượng mới và hy vọng mới trong cá nhân và cộng đồng.

Cất bước trên một hành trình hòa bình là một thách thức khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn bởi vì lợi ích bị đe dọa trong mối quan hệ giữa con người, cộng đồng và quốc gia, là rất nhiều và mâu thuẫn với nhau. Trước tiên chúng ta phải kêu gọi lương tâm đạo đức của mọi người kể cả ý chí cá nhân và chính trị. Hòa bình xuất hiện từ sâu thẳm trái tim con người và ý chí chính trị phải luôn được canh tân, để có thể tìm ra những cách thức mới ngõ hầu có thể hòa giải và đoàn kết các cá nhân và cộng đồng.

Thế giới không cần những lời nói sáo rỗng mà cần những chứng tá thuyết phục, những người kiến tạo hòa bình, cởi mở với một cuộc đối thoại bác bỏ sự loại trừ hoặc thao túng. Trên thực tế, chúng ta không thể thực sự đạt được hòa bình nếu không có một cuộc đối thoại thuyết phục giữa những người nam nữ tìm kiếm sự thật vượt lên trên các ý thức hệ và các ý kiến khác biệt với nhau. Hòa bình “phải được kiến tạo không ngừng”; [5] nó là một cuộc hành trình thực hiện cùng nhau trong việc theo đuổi liên tục thiện ích chung, sự trung thực và sự tôn trọng pháp luật. Lắng nghe nhau có thể dẫn đến sự hiểu biết và quý trọng lẫn nhau, và thậm chí có thể nhìn thấy nơi kẻ thù khuôn mặt của một người anh, người chị, người em.

Tiến trình hòa bình do đó đòi hỏi sự cam kết lâu dài. Đó là một nỗ lực kiên nhẫn để tìm kiếm sự thật và công lý, tôn vinh ký ức của các nạn nhân và từng bước mở đường, đến một hy vọng chung mạnh hơn mong muốn báo thù. Trong một nhà nước dựa trên luật pháp, dân chủ có thể là một mô hình quan trọng trong tiến trình này, miễn là nó dựa trên công lý và cam kết bảo vệ quyền của mỗi người, đặc biệt là những người yếu đuối và bị thiệt thòi, trong một cuộc tìm kiếm sự thật liên tục. [6] Đây là một công việc xã hội, một công việc đang diễn ra trong đó mỗi cá nhân đóng góp có trách nhiệm, ở mọi cấp độ của cộng đồng địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Như Thánh Phaolô Đệ Lục đã chỉ ra “hai nguyện vọng muốn được bình đẳng và muốn được dự phần tìm cách thúc đẩy một xã hội dân chủ.. . Điều này đòi hỏi một nền giáo dục về cuộc sống xã hội, liên quan đến không chỉ là kiến thức về quyền của mỗi người, mà còn là những đối ứng cần thiết như sự nhìn nhận nghĩa vụ của mình đối với người khác. Ý nghĩa và việc thực hành nghĩa vụ tự chúng bị chi phối bởi khả năng tự làm chủ mình và việc chấp nhận trách nhiệm cũng như các giới hạn được áp đặt trên tự do của các cá nhân hoặc các nhóm”. [7]

Sự chia rẽ trong một xã hội, sự gia tăng bất bình đẳng xã hội và việc từ chối sử dụng các phương tiện để bảo đảm sự phát triển toàn diện của con người gây nguy hiểm cho việc theo đuổi thiện ích chung. Tuy nhiên, những nỗ lực kiên nhẫn dựa trên sức mạnh của lời nói và sự thật có thể giúp thúc đẩy một khả năng lớn hơn cho lòng trắc ẩn và tình liên đới sáng tạo.

Theo kinh nghiệm Kitô giáo của chúng ta, chúng ta liên tục nhớ đến Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình để hòa giải chúng ta với nhau (x. Rm 5: 6-11). Giáo Hội chia sẻ đầy đủ trách nhiệm tìm kiếm một trật tự xã hội; Giáo Hội tiếp tục phục vụ lợi ích chung và nuôi dưỡng hy vọng hòa bình bằng cách truyền tải các giá trị Kitô giáo và các giáo huấn luân lý, và bằng các công việc xã hội và giáo dục của mình.

3. Hòa bình, một hành trình hòa giải trong tình hiệp thông huynh đệ

Kinh thánh, đặc biệt là lời của các Tiên tri, nhắc nhở các cá nhân và các dân tộc về giao ước của Thiên Chúa với nhân loại, giao ước ấy đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ ước muốn thống trị của mình và học cách xem nhau như những con người, như con cái của Thiên Chúa, và anh chị em với nhau. Chúng ta không bao giờ nên gói gọn người khác trong những gì họ có thể đã nói hoặc làm, nhưng nên đánh giá cao họ dựa trên lời hứa mà họ thể hiện. Chỉ bằng cách chọn con đường tôn trọng, chúng ta mới có thể phá vỡ vòng xoáy báo thù và cất bước trên hành trình hy vọng.

Chúng ta được hướng dẫn bởi các đoạn Tin Mừng kể về cuộc trò chuyện sau đây giữa Thánh Phêrô và Chúa Giêsu: “‘Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?’ Đức Giêsu đáp: ‘Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.’” (Mt 18: 21-22). Con đường hòa giải này là một lời triệu tập để khám phá trong sâu thẳm trái tim chúng ta sức mạnh của sự tha thứ và khả năng thừa nhận lẫn nhau như anh chị em. Khi chúng ta học cách sống trong sự tha thứ, chúng ta phát triển khả năng trở thành những người nam nữ của hòa bình.

Điều gì đúng với hòa bình trong bối cảnh xã hội cũng đúng trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế, vì hòa bình thấm vào mọi chiều kích của cuộc sống chung. Không thể có hòa bình thực sự trừ khi chúng ta chứng tỏ được khả năng phát triển một hệ thống kinh tế công bằng hơn. Như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cho biết cách đây mười năm trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái Trong Chân Lý), “Để chiến thắng tình trạng chậm phát triển, đòi hỏi phải có các hành động không những nhằm cải thiện những giao dịch dựa trên việc trao đổi qua lại và thiết lập những cơ cấu phục vụ phúc lợi chung, nhưng nhất là phải từ từ mở ra ở tầm vóc toàn cầu những hình thức hoạt động kinh tế được đánh dấu bằng tính nhưng không và hiệp thông” (số 39).

4. Hòa bình, một hành trình chuyển đổi sinh thái

“Nếu việc hiểu sai những nguyên tắc của chính chúng ta, đôi khi đưa chúng ta đến việc biện minh cho những đối xử tàn tệ với tự nhiên, hay hành xử như chủ nhân ông trên sáng tạo, hay gây chiến tranh, bất công và những hành vi bạo lực; thì người tín hữu chúng ta cần nhận ra rằng khi làm như thế chúng ta đã bất trung với kho tàng khôn ngoan mà chúng ta được kêu gọi bảo vệ và bảo tồn.” [8]

Đối mặt với hậu quả của sự thù địch của chúng ta đối với người khác, sự thiếu tôn trọng đối với ngôi nhà chung của chúng ta hay việc khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên - coi đó đơn thuần là một nguồn lợi trước mắt, bất kể cộng đồng địa phương, thiện ích chung và tự nhiên - chúng ta cần một sự hoán cải về sinh thái. Thượng Hội Đồng gần đây về Vùng Amazon thúc đẩy chúng ta thực hiện một cuộc đổi mới cấp bách về mối quan hệ hòa bình giữa các cộng đồng và đất đai, giữa hiện tại và quá khứ, giữa kinh nghiệm và hy vọng.

Hành trình hòa giải này cũng kêu gọi lắng nghe và suy ngẫm về thế giới mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như một ân sủng để làm thành ngôi nhà chung của chúng ta. Thật vậy, tài nguyên thiên nhiên, các hình thức đa dạng của cuộc sống và cả trái đất đã được giao phó cho chúng ta “cày cấy và canh giữ” (St 2:15), cho cả các thế hệ tương lai, thông qua sự tham gia có trách nhiệm và tích cực của tất cả mọi người. Chúng ta cần thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và nhìn nhận mọi thứ, và trở nên cởi mở hơn để gặp gỡ người khác và chấp nhận hồng ân của tạo hóa, phản ánh vẻ đẹp và thượng trí của Đấng Tạo Dựng nên nó.

Tất cả điều này mang lại cho chúng ta động lực sâu sắc hơn và một cách thế mới để sống trong ngôi nhà chung của chúng ta, để chấp nhận sự khác biệt giữa chúng ta, để tôn trọng và tôn vinh cuộc sống mà chúng ta đã nhận lãnh và chia sẻ, và để tìm kiếm các điều kiện sống và những mô hình của xã hội ủng hộ sự thăng hoa không ngừng trong cuộc sống và sự phát triển thiện ích chung của cả gia đình nhân loại.

Sự chuyển đổi sinh thái mà chúng ta được mời gọi sẽ đưa chúng ta đến một cách nhìn mới về cuộc sống, khi chúng ta xem xét sự quảng đại của Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta trái đất và kêu gọi chúng ta chia sẻ nó trong niềm vui và sự điều độ. Sự chuyển đổi này phải được hiểu một cách tích hợp, như một sự chuyển hóa cách thức chúng ta liên hệ với các anh chị em của chúng ta, với những sinh vật khác, với thiên nhiên trong tất cả sự đa dạng phong phú của nó và với Đấng Tạo Hóa là nguồn gốc và nguồn mạch của mọi sự sống. Đối với Kitô hữu, nó đòi hỏi rằng “những ảnh hưởng của cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Giêsu Kitô trở nên tỏ tường trong mối quan hệ của họ với thế giới xung quanh”. [9]

5. “Chúng ta có được tất cả những gì chúng ta hy vọng” [10]

Hành trình hòa giải kêu gọi sự kiên nhẫn và tin tưởng. Hòa bình sẽ không có được trừ khi nó được hy vọng.

Trước hết, điều này có nghĩa là tin vào khả năng có hòa bình, tin rằng những người khác cũng cần đến hòa bình như chúng ta. Ở đây chúng ta có thể tìm thấy cảm hứng trong tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta: một tình yêu giải thoát, vô hạn, nhưng không và không mệt mỏi.

Sợ hãi thường là một nguồn gốc gây ra xung đột. Vì vậy, điều quan trọng là phải vượt qua nỗi sợ hãi của con người và thừa nhận rằng chúng ta là những đứa trẻ túng quẫn trong mắt của Đấng yêu thương chúng ta và chờ đợi chúng ta, như người cha của đứa con hoang đàng (x. Lc 15: 11-24). Văn hóa gặp gỡ huynh đệ phá vỡ văn hóa xung đột. Nó làm cho mọi cuộc gặp gỡ trở thành một khả năng và một ân sủng từ tình yêu quảng đại của Chúa. Nó dẫn chúng ta vượt ra khỏi giới hạn của những chân trời hẹp hòi và không ngừng khuyến khích chúng ta sống trong tình huynh đệ phổ quát, như con của cùng một Cha trên trời.

Đối với những người theo Chúa Kitô, cuộc hành trình này cũng được nâng đỡ nhờ bí tích Hòa giải, được Chúa ban cho để xá giải tội lỗi của những người đã chịu phép Rửa. Bí tích này của Giáo Hội, là bí tích canh tân cá nhân và cộng đồng, thôi thúc chúng ta dán chặt cái nhìn của mình vào Chúa Giêsu, Đấng hòa giải “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Col 1:20). Nó đòi hỏi chúng ta phải gác lại mọi hành vi bạo lực trong suy nghĩ, lời nói và hành động, cho dù là chống lại người lân cận của chúng ta hay chống lại kỳ công sáng tạo của Chúa.

Ân sủng của Thiên Chúa, là Cha chúng ta, được ban tặng như một tình yêu vô điều kiện. Nhận được sự tha thứ trong Chúa Kitô, chúng ta tiến ra để trao bình an đó cho những người nam nữ trong thời đại chúng ta. Ngày qua ngày, Chúa Thánh Thần thôi thúc trong chúng ta những cách suy nghĩ và nói năng có thể khiến chúng ta trở thành những nghệ nhân của công lý và hòa bình.

Xin Thiên Chúa của hòa bình ban phép lành cho chúng ta và đến phù trợ chúng ta.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của Hoàng tử Hòa bình và Mẹ của tất cả các dân tộc trên trái đất, đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong mỗi bước trên hành trình hòa giải.

Và cầu xin cho tất cả những người nam nữ đến trong thế gian này có thể trải nghiệm một cuộc sống hòa bình và phát triển đầy đủ lời hứa cuộc sống và tình yêu trong trái tim họ.

Từ Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2019

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

[1] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Thông điệp Spe Salvi – Được cứu rỗi trong Hy Vọng (30 tháng 11 năm 2007), 1.

[2] Diễn từ tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử tại công viên HypoCenter, Nagasaki, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[3] x. Bài giảng tại Lampedusa, ngày 8 tháng 7 năm 2013.

[4] Diễn từ về Hòa bình tại Đài tưởng niệm Hiroshima, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[5] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes – Vui Mừng và Hy Vọng, 78.

[6] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Diễn từ trước các Hiệp hội Công nhân Kitô Ý, 27 tháng 1 năm 2006.

[7] Tông Thư Bát Thập Niên (Octogesima Adveniens) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI 14-05-1971, 24.

[8] Thông điệp Laudato Si '(24 tháng 5 năm 2015).

[9] Thượng dẫn., 217.

[10] x.Thánh Gioan Thánh Giá, Noche obscura, II, 21,8.


Source:Holy See Press Office
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ấm Áp Những Ngôi Nhà Nghĩa Tình Tại Giáo Phận Vinh-Nghệ An Dịp Lễ Giáng Sinh 2020
Trương Trí
21:25 15/12/2019
Nghệ An là một tỉnh chịu nhiều thiên tai bảo lũ, nhiều người dân còn khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, từ khi Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long về nhậm chức Giám mục Giáo phận Vinh gần một năm nay, Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh đã trao đổi với Ngài để đề xuất Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Việt Phú An đầu tư xây cất 32 ngôi nhà tình nghĩa cho bà con lương giáo tại Giáo phận Vinh-Nghệ An. Công ty Việt Phú An đã phối hợp với các Nữ tu Dòng Mến Thánh giá Vinh và Ban Bác ái Xã hội tìm hiểu chọn lọc một số gia đình khó khăn nhất để trao tặng. Trị giá mỗi căn nhà từ 140 đến 180 triệu đồng. tương đối đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho một hộ gia đình.

Xem Hình

Như lời phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam: Chúng ta mừng Đại lễ Chúa Giáng sinh, chúng ta phải nghĩ đến những người nghèo khổ chung quanh chúng ta. Hưởng ứng tinh thần đó, Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh cùng với Công ty Việt Phú An đã thúc đẩy tiến độ để kịp hoàn thành 32 ngôi nhà tình nghĩa.

Sáng ngày 15 tháng 12, với sự hiện diện của bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vân Trung ương; ông Nguyễn Đăc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cùng nhiều quan chức chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Công ty Việt Phú An đã trao tặng cho bà con nghèo 32 ngôi nhà, theo đánh giá của người dân thì khang trang và tiện nghi.

Trong buổi gặp mặt tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, qua trình chiếu những đoạn Video về những thiên tai bảo lũ mà Công ty Việt Phú An đã tìm hiểu, để từ đó phát động sẽ xây những ngôi nhà tình nghĩa cho con. Ông Dương Công Thuyên, Tổng Giám đốc Công ty Việt Phú An dự kiến trong thời gian tới sẽ xây dựng đủ 100 ngôi nhà.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đức Giám Mục Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh xúc động trước tình cảm sâu sắc mà Hiệp sĩ Đại Thánh giá và Công ty Việt An dành cho những mãnh đời nghèo khổ bất hạnh tại Nghệ An này, Tòa Giám mục Vinh cũng sẽ cố gắng cộng tác với chính quyền các cấp và những nhà mạnh thường quân để làm vơi đi những khó khăn của người dân, dịp lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán sắp đến bà con sẽ được ấm áp, tình yêu thương của quý vị đã dành cho họ có những mái nhà. Ngài xin được phép nói lời tuyên dương chính quyền các cấp, cách riêng Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và Công ty Việt Phú An đã tạo điều kiện cho người dân nghèo khổ có những mái nhà ước mơ. Xin Chúa phù hộ cho tất cả quý vị được hồn an xác mạnh, một mùa Giáng sinh an lành, một năm mới sắp đến hạnh phúc.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh chia sẻ tâm tình: Anh em chúng tôi đến Nghệ An này với một tấm lòng yêu thương, chúng ta tuy khác nhau về tôn giáo, khác nhau về ý thức hệ, khác nhau về nhiệm vụ nhưng chắc chắn chúng ta giống nhau về tổ quốc và dân tộc. Tại nơi vùng đất mà nắng nóng cháy da người, rét lạnh thấu xương, chúng tôi xin cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện cho chúng tôi để làm cho lòng người ấm lại. Với tất cả tấm chân tình của người Công Giáo, chúng tôi thực hiện lời Chúa dạy: “Phải yêu thương nhau.” Là người công dân, bắt buộc chúng tôi phải có trách nhiệm với quê hương dân tộc mình.

Ông Dương Công Thuyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Phú An nói lời cảm ơn chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho công ty thực hiện những ước mơ của những con người nghèo khổ. Khi xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa này, chúng tôi coi trọng chất lượng và tiện nghi như những ngôi nhà của chính mình.

Thay mặt lãnh đạo chính quyền Trung ương và địa phương, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương thay mặt những gia đình khó khăn cảm ơn tấm lòng của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và ông Dương Công Thuyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị và anh chị em Công ty Việt Phú An đã vì yêu thương mà giúp đỡ họ có một mái ấm trong những ngày sắp mừng lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán sắp tới. Chúng tôi biết rằng: các anh chưa phải là những “Đại gia”, lợi nhuận mà các anh thu được một phần còn phải nuôi sống gia đình, còn lại dành để làm từ thiện. Các anh giúp bà con có được ngôi nhà, ngoài kinh phí thì các anh còn bỏ công sức để giám sát công trình để cho bà con có được ngôi nhà vững chắc. Không như một số đại gia chỉ bỏ tiền ra giúp chứ không cần biết ngôi nhà mình giúp ngang dọc thế nào.

Cũng trong buổi gặp mặt này, thay mặt Lãnh đạo công ty Việt Phú An, ông Dương Công Thuyên Tổng Giám đốc đã trao tặng 500 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo của tỉnh Nghệ An; ông Đặng Văn Thanh Phó Tổng Giám đốc trao tặng 200 triệu đồng cho Quỹ Bác ái Xã hội của Giáo phận Vinh.

Trương Trí
 
Văn Hóa
Giáng Sinh Gia Đình
Lê Đình Thông
10:06 15/12/2019
Trong đêm vắng chợt nghe sáo trúc
Từ trời cao thúc dục Thiếu Nhi
Khăn quàng Thánh Thế xuân thì *
Rủ nhau kính viếng hài nhi chào đời.

Kìa Thánh Cả rạng ngời khăn đống
Maria sống động áo dài
Thiên thần vừa đến chắp tay
Liếp tranh che bớt lá cây rụng đầy.

Nghe gió cuốn trời mây lồng lộng
Khúc đàn tranh như sóng triều dâng
Thì ra lưu thủy hành vân
Lũy tre phụ họa cung đàn trầm ngâm.

Thiên thần đến thanh âm như lụa :
Cùng vinh danh Thiên Chúa cao sang
Bình an trên khắp thế trần
Tâm hồn thánh thiện kính dâng lạy qùy.

Chúa vừa thấy Thiếu Nhi đến viếng
Nhoẻn nụ cười thánh thiện vô song
Khăn quàng Thánh Thể ấm lòng
Đắp lên mình Chúa mùa đông gió lùa.

Vừa lúc đó chiên lừa lũ lượt
Cùng đàn trâu sương ướt tả tơi
Nghe như có tiếng à ơi
Thì ra Đức Mẹ cất lời ru con.

Tiếng Đức Mẹ vuông tròn mật ngọt
Ngoài ruộng đồng chua sót đầy vơi
Khắp nơi rách nát tả tơi
Rách từ manh áo, rã rời hồn hoang.

Nghe con trẻ xóm làng ca xướng
Trong đêm đông Chúa xuống quang vinh
Gia đình mừng Chúa Giáng sinh
Cây thông thắp sáng hữu tình làng thôn.

Lê Đình Thông

* Thiếu Nhi Thánh Thể.






 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lá Thu Đầy Đường
Đặng Đức Cương
23:09 15/12/2019
LÁ THU ĐẦY ĐƯỜNG
Ảnh của Đặng Đức Cương

Thu về lá rụng đầy đường
Khiến lòng lãng khách vấn vương chuyện tình
(bt)
 
VietCatholic TV
Tĩnh tâm Mùa Vọng với giáo triều Rôma: Hãy noi gương Đức Maria
Giáo Hội Năm Châu
16:15 15/12/2019

Sáng thứ Sáu 6 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.

Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây.

Dưới đây là bản dịch toàn văn phần 2 sang Việt Ngữ.


Bài tĩnh tâm thứ nhất Mùa Vọng của cha Raniero Cantalamessa, OFMCap
Em thật có phúc, vì đã tin!


Noi gương Đức Maria

Dấu vết còn lại trên mặt nước của một con tàu đáng yêu dần dần lan rộng cho đến khi nó biến mất hoàn toàn và hòa nhập với đường chân trời, nhưng nó bắt đầu từ chính con tàu. Điều tương tự cũng đúng với dấu vết của các tín hữu tạo nên Giáo Hội. Nó bắt đầu tại một thời điểm nhất định, và điểm này là đức tin của Đức Maria, là lời fiat của Mẹ. Đức tin, cùng với người em của mình, là đức cậy, là điều duy nhất không bắt đầu với Chúa Kitô nhưng bắt đầu với Giáo Hội, và do đó với Đức Maria, là thành viên đầu tiên theo thứ tự thời gian và tầm quan trọng. Chúa Giêsu không thể là chủ thể của đức tin Kitô giáo vì Ngài là đối tượng của đức tin ấy. Thư gửi tín hữu Do Thái cho chúng ta một danh sách những người có đức tin: “Nhờ đức tin, ông Aben. ... Nhờ đức tin Ápraham. . . . Nhờ đức tin, ông Môise” (Dt 11:. 4 ff). Chúa Giêsu không được bao gồm trong danh sách này! Chúa Giêsu được gọi là “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12: 2), là Đấng đức tin chúng ta dựa vào từ khởi thủy đến cùng tận, nhưng không phải một trong những tín hữu, cho dù là người đầu tiên đi chăng nữa.

Do đó, từ thực tại của niềm tin chúng ta thấy mình đang noi gương Đức Maria, và bây giờ chúng ta muốn nhìn sâu hơn vào ý nghĩa của việc noi gương Đức Mẹ. Từ việc đọc những gì liên quan đến Đức Maria trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy rằng Giáo Hội, ngay từ thời các Giáo Phụ, đã theo một tiêu chuẩn có thể được thể hiện như sau: Maria, vel Ecclesia, vel anima: nghĩa là “Đức Maria, hay đúng hơn là Giáo Hội, hay đúng hơn là Linh hồn”. Ý nghĩa của câu này là những gì được nói cách riêng về Mẹ Maria trong Kinh Thánh cũng muốn nói một cách phổ quát cho Giáo Hội, và những gì được nói một cách phổ quát cho Giáo Hội thì cũng muốn nói một cách cá vị cho mỗi tín hữu.

Theo nguyên tắc này, bây giờ chúng ta hãy xem đức tin của Đức Maria nói gì trước hết đối với Giáo Hội nói chung và sau đó với mỗi người chúng ta, nói riêng. Như chúng ta đã từng làm với ân sủng, trước tiên chúng ta hãy nhấn mạnh ý nghĩa giáo hội học hoặc thần học của đức tin của Đức Maria, và sau đó là những hệ quả có tính cách cá nhân hay khổ hạnh của đức tin ấy. Như thế, cuộc sống của Đức Mẹ không chỉ hữu ích trong việc phát triển lòng đạo đức riêng của chúng ta mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn về Lời Chúa và các vấn đề của Giáo Hội.

Trước hết, Đức Maria nói với chúng ta về tầm quan trọng của đức tin. Không thể có âm thanh hay âm nhạc nếu không có tai để nghe, cho dù có bao nhiêu giai điệu hay hợp âm cao siêu tràn ngập không khí đi chăng nữa. Chẳng có ân sủng, hoặc có đi nữa thì ân sủng cũng không thể hoạt động được, nếu không có đức tin để chấp nhận nó. Giống như mưa không thể nảy mầm bất cứ thứ gì trừ khi nó rơi xuống mảnh đất có thể hấp thụ nó, cũng thế, ân sủng đòi phải có đức tin. Chính nhờ đức tin mà chúng ta nhạy cảm với ân sủng. Niềm tin là nền tảng cho mọi thứ; nó là cái trước hết và tốt nhất trong số các việc lành phúc đức. Chúa Giêsu nói việc Thiên Chúa muốn chúng ta làm, là hãy tin (xem Ga 6:29). Đức tin rất quan trọng bởi vì một mình nó duy trì sự nhưng không của ân sủng. Nó không cố gắng đảo ngược trật tự, biến Thiên Chúa thành con nợ và con người trở thành chủ nợ. Đó là lý do tại sao đức tin rất thân thiết với Chúa, Đấng làm cho hầu hết mọi sự phụ thuộc vào niềm tin trong mối quan hệ của Ngài với con người.

Ân sủng và đức tin: đây là cách thế hai trụ cột của ơn cứu rỗi được đặt để. Đó là hai chân con người được ban cho để bước đi hoặc hai cánh để bay. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề về hai điều song song với nhau, như thể ân sủng đến từ Thiên Chúa và đức tin từ chúng ta, và ơn cứu rỗi qua đó phụ thuộc một cách đồng đều vào Thiên Chúa và chúng ta, vào ân sủng và sự tự do. Xin Chúa giúp những ai nghĩ rằng ân sủng tùy thuộc vào Chúa nhưng đức tin phụ thuộc vào tôi; và cùng với nhau, Chúa và tôi mang đến ơn cứu rỗi! Nghĩ như thế là một lần nữa chúng ta lại biến Thiên Chúa thành con nợ, bằng cách nào đó tùy thuộc vào chúng ta và Ngài phải chia sẻ công đức và vinh quang với chúng ta. Thánh Phaolô xua tan tất cả mọi hồ nghi khi ngài nói, “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây [có nghĩa là, đức tin, hoặc tổng quát hơn, là việc được cứu độ do ân sủng nhờ đức tin, cũng tương tự thôi] không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Eph 2: 8 ff). Cũng cần nói thêm, hành động đức tin của Đức Maria đã được thúc đẩy bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Điều khiến chúng ta quan tâm bây giờ là đưa ra ánh sáng một số khía cạnh trong đức tin của Đức Maria có thể đưa Giáo Hội ngày nay đến với niềm tin lớn hơn. Hành động đức tin của Đức Maria rất cá nhân, độc đáo và không bao giờ có thể lặp lại. Đó là niềm tin vào Chúa và sự phó thác hoàn toàn bản thân cho Chúa. Đó là một mối quan hệ cá vị giữa hai người với nhau. Đây được gọi là đức tin chủ quan. Sự nhấn mạnh là tin vào nhau hơn là tin những gì. Nhưng đức tin của Đức Maria cũng rất khách quan. Mẹ không tin vào một vị thần chủ quan và cá vị, tách rời khỏi mọi thứ, và chỉ tiết lộ mình cho riêng Mẹ trong bí mật. Thay vào đó, Mẹ tin vào Chúa Cha, là Chúa của dân tộc mình. Mẹ nhìn thấy nơi Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra với Mẹ, Thiên Chúa của những lời hứa, Thiên Chúa của Ápraham và con cháu ông. Mẹ khiêm tốn cảm thấy mình là một phần của đoàn lũ đông đảo các tín hữu và trở thành tín hữu đầu tiên của giao ước mới, giống như Ápraham là tín hữu đầu tiên của giao ước cũ. Kinh Magnificat chứa đầy đức tin này dựa trên Kinh Thánh, và đầy các tham chiếu đến lịch sử của dân tộc Mẹ. Thiên Chúa của Đức Maria là một Thiên Chúa với các tính cách Kinh Thánh sắc sảo: Ngài là Chúa, là Đấng Toàn năng, Thánh Thiện, và là Đấng Cứu độ. Đức Maria sẽ không tin thiên thần nếu thiên thần tiết lộ với Mẹ về một Thiên Chúa khác, mà Mẹ không thể nhận ra là Thiên Chúa của dân tộc mình. Cũng trong cuộc sống bên ngoài, Đức Maria tuân theo đức tin này. Mẹ đã tùng phục tất cả những gì mà Luật quy định: Mẹ đã cắt bì cho con, Mẹ đã dâng hài nhi vào Đền thờ, Mẹ đã trải qua các nghi thức thanh tẩy, và Mẹ đã lên Giêrusalem để mừng lễ vượt qua.

Có một bài học tuyệt vời cho chúng ta nơi tất cả những điều này. Đức tin, giống như ân sủng, trong suốt nhiều thế kỷ đã trải qua hiện tượng phân tích và phân chia, khiến chúng ta có vô số các dạng thức chính và phụ của đức tin. Chẳng hạn, anh em Tin Lành của chúng ta, coi trọng khía cạnh đầu tiên hơn, tức là khía cạnh chủ quan và cá vị, của đức tin. Luther đã viết, “Đức tin là một sự tin tưởng sống động và táo bạo vào ân sủng của Thiên Chúa”; nó là một “niềm tin vững chắc.” Trong một số xu hướng Tin Lành, chẳng hạn nơi những người theo phái Mộ Đạo (Pietism), xu hướng này được thực hiện đến cực độ, trong khi tín lý và những điều được gọi là chân lý đức tin có rất ít tầm quan trọng. Một thái độ nội tâm cá vị đối với Thiên Chúa chiếm ưu thế gần như tuyệt đối.

Trái lại, theo truyền thống Công Giáo và Chính thống, vấn đề đức tin đúng đắn và chính thống luôn có tầm quan trọng rất lớn ngay từ thời xa xưa. Vấn đề những gì phải tin nhanh chóng chiếm ưu thế trên các khía cạnh chủ quan và cá nhân của niềm tin, nghĩa là chiếm ưu thế trên hành động đức tin. Các luận thuyết của các Giáo phụ được gọi là “Về Đức Tin” (De fide) thậm chí không đề cập đến đức tin như một hành động chủ quan hoặc như sự phó thác và phó dâng, nhưng chúng liên quan đến việc xác định các chân lý phải tin trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội nhằm chống lại các dị giáo.

Sau cuộc Cải cách và như một phản ứng đối với sự nhấn mạnh đơn phương vào đức tin-đức cậy, xu hướng này trở nên được nhấn mạnh hơn trong Giáo Hội Công Giáo. “Tin” về cơ bản có nghĩa là gắn bó với niềm tin của Giáo Hội. Thánh Phaolô nói rằng con người tin bằng con tim và tuyên xưng bằng đôi môi của mình (xem Rm 10:10), nhưng lời tuyên xưng một đức tin đúng đắn thường chiếm ưu thế hơn là tin bằng con tim.

Trong trường hợp này cũng vậy, Đức Maria thúc đẩy chúng ta tìm lại “tổng thể,” phong phú hơn và đẹp hơn nhiều so với từng bộ phận riêng lẻ. Một đức tin chủ quan đơn sơ, một đức tin phó mình cho Thiên Chúa theo lương tâm bên trong của một người, là không đủ. Thật dễ dàng để hạ giảm Chúa theo ý riêng của mình theo cách này. Điều này xảy ra khi chúng ta hình thành ý tưởng của riêng mình về Thiên Chúa, dựa trên sự giải thích cá nhân của chúng ta về Kinh Thánh hoặc dựa trên sự diễn dịch trong vòng một ít người của chính chúng ta, và sau đó tuân thủ điều này với tất cả sức mạnh của chúng ta, thậm chí đến mức cuồng tín, mà không nhận ra rằng chúng ta đang tin vào chính bản thân chúng ta hơn là tin vào Thiên Chúa; và không nhận ra rằng niềm tin không thể lay chuyển của chúng ta vào Thiên Chúa thực ra không gì khác hơn là một niềm tin không thể lay chuyển vào chính con người chúng ta.

Tuy nhiên, một đức tin khách quan và dựa theo tín lý thôi cũng không đủ, nếu nó không dẫn đến một liên hệ cá vị thân mật như Con và Cha với Thiên Chúa. Nó có thể dễ dàng trở thành niềm tin chết, một niềm tin thông qua một người hoặc một tổ chức thứ ba, thất bại ngay khi có khủng hoảng giữa đức tin của một người và mối quan hệ cá nhân của người ấy với tổ chức của Giáo Hội, bất kể vì lý do gì. Như thế, một Kitô hữu có thể dễ dàng đi đến tận cùng của cuộc đời mình mà không bao giờ làm được một hành động đức tin nào một cách tự do và cá vị, là điều duy nhất biện minh cho danh xưng “tín hữu”.

Do đó, cần phải tin một cách cá vị, nhưng trong tình hiệp thông với Giáo Hội; chúng ta phải tin trong tình hiệp thông với Giáo Hội, nhưng một cách cá vị. Đức tin tín lý của Giáo Hội không lấy đi đức tin cá nhân hoặc sự tự phát trong niềm tin, thay vào đó, nó bảo tồn và cho phép chúng ta nhận biết và đón nhận một Thiên Chúa vĩ đại hơn Thiên Chúa từ kinh nghiệm hạn chế của chúng ta. Trên thực tế, không có ai có thể đón nhận qua hành động đức tin của chính mình tất cả những gì có thể được biết về Thiên Chúa. Đức tin của Giáo Hội giống như một ống kính với góc nhìn thật rộng, mà trong một bức tranh toàn cảnh cụ thể, cho phép chúng ta nhìn và chụp ảnh được một góc nhìn rộng hơn nhiều so với các ống kính đơn sơ. Khi kết hợp bản thân với đức tin của Giáo Hội, tôi làm cho đức tin của tất cả những người đi trước tôi trở thành đức tin của tôi: đó là đức tin của các tông đồ, các vị tử đạo và các Tiến sĩ Hội Thánh. Các thánh, không thể mang đức tin của các ngài lên thiên đàng, nơi họ không còn cần đến nữa, đã để lại thế gian này, di truyền cho Giáo Hội.

Những lời “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng” chứa sức mạnh đáng kinh ngạc. Cái “tôi” nhỏ bé của tôi được kết hiệp và nhập đoàn vào cái “Ta” vĩ đại của toàn nhiệm thể Chúa Kitô, và lúc này đây, tạo ra một âm thanh mạnh mẽ hơn so với tiếng gầm của biển cả và làm cho chính các nền tảng thống trị của bóng tối phải run rẩy.

Cả chúng ta cũng hãy tin!

Giờ đây chúng ta hãy xem xét các hệ quả cá nhân và khổ hạnh xuất phát từ đức tin của Đức Maria. Sau khi khẳng định ở trên rằng “Đức Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Chúa với niềm tin mà Mẹ đã cưu mang trong lòng”, Thánh Augustinô giải thích những gì ngài muốn nói: “Đức Maria đã tin và những gì Mẹ tin đã được ứng nghiệm nơi Mẹ. Chúng ta cũng vậy, hãy tin rằng những gì đã hoàn thành nơi Mẹ cũng có thể là lợi thế của chúng ta.”

Cả chúng ta cũng hãy tin! Chiêm ngắm đức tin của Đức Maria thúc giục chúng ta đổi mới, trên hết, là hành động đức tin cá vị và phó thác của chúng ta cho Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao rất quan trọng để nói với Thiên Chúa, một lần trong đời, xin cứ làm cho tôi, fiat, như Đức Maria đã làm. Đây là một hành động được bao bọc trong mầu nhiệm bởi vì nó liên quan đến ân sủng và tự do cùng một lúc; đó là một hình thái của nhận thức. Linh hồn không thể làm điều đó một mình; do đó, Thiên Chúa giúp đỡ, mà không lấy đi tự do.

Chúng ta nên làm gì tiếp theo? Câu trả lời rất đơn giản: sau khi cầu nguyện, sao cho lời cầu nguyện của chúng ta không còn hời hợt, chúng ta hãy nói với Chúa, bằng chính những lời mà Đức Maria đã dùng: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Chúa phán! Tôi đang nói amen, vâng, lạy Chúa, trước toàn bộ kế hoạch của Chúa. Con phó thác chính con trong tay Chúa!

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng Đức Maria phát âm từ fiat của mình một cách tự nguyện và hân hoan. Bao lần chúng ta lặp lại từ này với một thái độ cam chịu được che đậy một cách sơ sài, và môi mím lại, thì thầm, “Nếu nó không thể tránh được, thì thôi, đành chiều theo ý Chúa vậy!” Đức Maria dạy chúng ta nói từ ấy một cách khác. Biết rằng thánh ý Chúa là vô cùng đẹp hơn, phong phú hơn, và đầy hứa hẹn hơn bất kỳ kế hoạch nào của chúng ta, và biết rằng Thiên Chúa là tình yêu vô hạn và nuôi dưỡng “các kế hoạch cho phúc lợi chứ không phải cho những sự dữ đối với chúng ta” (xem Gr 29:11), chúng ta hãy nói, đầy khát khao và gần như thiếu kiên nhẫn, như Đức Maria đã làm: Lạy Chúa, xin thánh ý yêu thương và hòa bình của Chúa được thực hiện trong con!

Như thế, ý nghĩa của cuộc sống con người và phẩm giá cao trọng nhất của nó được viên mãn. Nói xin vâng, amen, với Thiên Chúa không làm giảm phẩm giá của con người, như con người hiện đại thường nghĩ; nhưng thay vào đó, điều này làm nổi bật nó. Và có gì thay thế được cho từ amen này khi thưa với Thiên Chúa? Chính triết học hiện đại, đặc biệt là trào lưu hiện sinh, đã thể hiện rõ ràng nhu cầu nói tiếng amen của con người, và nếu từ ấy không được nói với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, thì từ ấy phải được nói với một điều khác chắc chắn là lạnh lùng và tê liệt: đó là nói với định mệnh hay số phận.

“Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống”

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy bắt chước đức tin của Đức Maria, nhưng đặc biệt là các mục tử và những người cách này cách khác được mời gọi để truyền bá đức tin và Lời Chúa cho người khác. Thiên Chúa nói người công chính nhờ đức tin sẽ được sống (xem Dt 2: 4; Rm 1:17), và điều này đúng một cách đặc biệt với các mục tử. Chúa nói tư tế của Ta, nhờ đức tin sẽ được sống. Linh mục là người của đức tin. “Trọng lượng cụ thể” của một linh mục phụ thuộc vào đức tin của ngài. Ảnh hưởng của ngài đối với người khác sẽ được xác định bởi đức tin của ngài. Sứ vụ của một linh mục, hoặc một mục tử, trong dân của ngài không chỉ đơn thuần là phân phát các bí tích và phục vụ, nhưng còn là thắp sáng niềm tin và làm chứng cho niềm tin đó. Ngài sẽ thực sự là người hướng dẫn và dẫn dắt các linh hồn đến với Chúa đến mức mà ngài tin tưởng và trao phó tự do của mình cho Chúa, như Đức Maria đã làm.

Điều cốt yếu mà các tín hữu ngay lập tức nhận ra nơi một linh mục hay một mục tử là liệu ngài có tin hay không, liệu ngài có tin vào những gì ngài đang nói và vào những gì ngài đang cử hành hay không. Bất cứ ai đang tìm kiếm Thiên Chúa thông qua một linh mục sẽ nhận ra điều này ngay lập tức. Những ai không tìm kiếm Thiên Chúa qua ngài đều có thể dễ dàng bị lừa dối và đến lượt mình có thể lừa dối chính người linh mục ấy, khiến ngài cảm thấy mình quan trọng, thông minh nhưng trong thực tế, đôi khi, ngài cũng có thể trống rỗng, giống như người đàn ông không có ân sủng mà chúng ta đã đề cập trong đoạn cuối. Ngay cả một người chưa tin khi tiếp cận một linh mục với một tinh thần tìm kiếm cũng ngay lập tức hiểu được sự khác biệt. Nói chung, những gì có thể khiêu khích ngài và khiến ngài truy vấn tích cực lối sống của mình thường không phải là những cuộc thảo luận đòi hỏi những năng khiếu nhất định về đức tin, nhưng chính là đức tin đơn sơ. Niềm tin là truyền nhiễm. Sự lây nhiễm không xảy ra khi chỉ đơn giản là đề cập đến hay nghiên cứu về một loại vi khuẩn, nhưng phải qua tiếp xúc với nó, đức tin cũng thế.

Sức mạnh của người tôi tớ Chúa tương xứng với sức mạnh đức tin của người ấy. Đôi khi chúng ta đau khổ hoặc có thể phàn nàn với Chúa khi cầu nguyện vì mọi người từ bỏ Giáo Hội, họ cứ tiếp tục phạm tội và chúng ta cứ nói mãi mà không có kết quả. Một ngày nọ, các tông đồ đã cố gắng đuổi một con quỷ khỏi một cậu bé mà không thành công. Sau khi Chúa Giêsu đã đuổi quỉ ấy đi, các môn đệ đến với Chúa Giêsu và hỏi riêng Ngài “Tại sao chúng con không thể trừ nổi quỉ ấy?” Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bởi vì anh em kém tin” (Mt 17: 19-20).

Như chúng ta đã nói, thế giới, giống như biển, bị xáo trộn bởi làn nước gây ra bởi một con tàu đẹp, đó là sự trỗi dậy của đức tin, bắt đầu với Đức Maria. Chúng ta hãy là một phần của sự thức tỉnh này. Chúng ta cũng hãy tin, để những gì đã ứng nghiệm nơi Mẹ sẽ được hoàn thành nơi chúng ta. Chúng ta hãy cầu khẩn Đức Mẹ với danh hiệu ngọt ngào Virgo fidelis: Đức Nữ trung tín thật thà, cầu cho chúng con!


Source:Vatican News


 
Thảm họa: Tổng Giám Mục Berlin đòi xét lại sách giáo lý Công Giáo để xem đồng tính là bình thường
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:39 15/12/2019
Hôm 12 tháng 12, thông tấn xã CNA có bài tường thuật về “Tiến trình Công nghị” ở Đức với nhan đề “German bishops commit to 'newly assessing' Catholic doctrine on homosexuality and sexual morality” – “Các Giám Mục Đức cam kết ‘đánh giá lại một cách mới mẻ’ các giáo huấn Công Giáo về đồng tính và luân lý tính dục”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hội Đồng Giám Mục Đức vừa cam kết sẽ “đánh giá lại một cách mới mẻ” giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ về đồng tính luyến ái, và đạo đức tình dục nói chung, cũng như các bí tích truyền chức thánh và hôn nhân. Cam kết này được đưa ra khi “Tiến trình Công nghị” gây tranh cãi của hàng giáo phẩm Đức được bắt đầu và sẽ kéo dài trong hai năm.

Sau các cuộc tham khảo ý kiến tại Berlin hồi tuần trước, chủ tịch Ủy ban Hôn nhân và Gia đình của Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết các giám mục đồng ý rằng đồng tính luyến ái là một “hình thái bình thường” của căn tính tình dục con người.

“Sở thích tình dục của con người thể hiện ra ở tuổi dậy thì và chấp nhận một khuynh hướng dị tính hoặc đồng tính luyến ái,” Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch của Berlin đã khẳng định như trên trong một tuyên bố được Hội Đồng Giám Mục nước này công bố.

“Cả hai đều thuộc về các dạng thức bình thường trong khuynh hướng tình dục, không thể và không nên thay đổi với sự trợ giúp của một hình thái xã hội hóa cụ thể”.

[Tuyên bố của Đức Cha Koch đối kháng triệt để với sách giáo lý Công Giáo. Sách giáo lý Công Giáo số 2357 cho biết:

Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng, truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’. Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên.
]

Sau đó, Đức Cha Koch nói tiếp rằng “những phát triển” này có được là nhờ Tông huấn Amoris Laetitia, là Tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về hôn nhân và gia đình. Giáo hội phải xem xét những hiểu biết khoa học và thần học mới nhất về tình dục của con người.

Trước đó, hôm 5 tháng 12, tại thủ đô của Đức, bốn giám mục giáo phận đã có cuộc gặp gỡ để tham khảo ý kiến chính thức về chủ đề “Tính dục của con người - Ta nên thảo luận điều này về mặt khoa học và thần học và đánh giá nó về mặt giáo hội học như thế nào?”.

Hiện diện trong cuộc gặp gỡ này có Đức Tổng Giám Mục Koch, cùng với các giám mục Franz-Josef Bode của giáo phận Osnabrück, Wolfgang Ipolt của Görlitz, Peter Kohlgraf của Mainz, cũng như một vài Giám Mục Phụ Tá từ ủy ban Đức tin và Gia đình của Hội Đồng Giám Mục Đức, cùng các chuyên gia, các nhà thần học và các luật sư về giáo luật.

Kêu gọi một “cuộc thảo luận vững chắc được hỗ trợ bởi khoa học và thần học về con người”, Tổng Giám Mục Koch và Giám Mục Bode nói rằng Tông huấn Amoris Laetitia đã cung cấp những “phát triển” đáng chú ý về cả giáo lý và thực hành của Giáo hội, và nói thêm rằng quan hệ tình dục của các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn sau Tông huấn Amoris Laetitia “không còn luôn bị đánh giá là tội lỗi nghiêm trọng”, và việc loại trừ “khỏi việc tiếp nhận Bí tích Thánh Thể” đối với những cặp vợ chồng như thế không còn có thể biện minh được.

Tổng Giám Mục Koch nói rằng “Tiến trình Công nghị” phải bắt đầu từ một quan điểm “không thiên vị” về giáo huấn của Hội Thánh và không có quan điểm nào có thể được xem là bất di bất dịch, trái lại phải cởi mở để có thể tính đến “những hiểu biết khoa học mới nhất”

Theo lời của Tổng Giám Mục Koch tất cả những người tham gia đều đồng ý rằng tình dục của con người, bao gồm tất cả các chiều kích của sự ham muốn, sinh sản và các mối quan hệ. Và vì xu hướng tình dục được coi là không thể thay đổi, “nên bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái” cần phải bị lên án, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rõ ràng trong Tông huấn Amoris Laetitia.

Theo thông cáo báo chí do các giám mục công bố, cũng có cuộc thảo luận về việc liệu lệnh cấm các hành vi tình dục đồng giới của huấn quyền Hội Thánh ngày nay còn “có giá trị” hay không - và liệu Giáo Hội có nên kết án việc tránh thai nhân tạo hay không ở các cặp vợ chồng kết hôn và chưa kết hôn.

Kết quả của buổi “tư vấn từ các chuyên gia” tại Berlin sẽ được đưa vào “Tiến trình Công nghị” thông qua diễn đàn hội nghị về “Cuộc sống trong các mối quan hệ thành công - Tình yêu sống động trong tình dục và quan hệ đối tác”, bắt đầu vào tháng 2 năm 2020.

Cùng với việc mở ra “Tiến trình Công nghị”, một số hiệp hội Công Giáo ở cấp giáo phận và quốc gia được tài trợ từ nguồn thu thuế của Giáo hội Đức, được gọi là Kirchensteuer, đã đưa ra những yêu cầu công khai về những thay đổi đối với giáo huấn và thực hành của Giáo hội đối với các vấn đề tương tự.

Các lời kêu gọi “cải cách” bao gồm việc chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính, việc phong chức linh mục cho phụ nữ, và, trong ít nhất một trường hợp một hiệp hội cấp giáo phận, đã yêu cầu Giáo Hội phải chấp thuận phá thai khi “người phụ nữ hoặc cả hai vợ chồng quyết định bỏ cái thai đi”.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố bởi cổng thông tin chính thức được tài trợ bởi các giám mục Đức, Agnes Wuckelt, phó chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Công Giáo Đức, thường được gọi tắt là KFD, yêu cầu Giáo Hội phải phong chức linh mục cho phụ nữ, và khẳng định rằng việc phong chức phó tế cho phụ nữ là đáng hoan nghinh và sẽ là bước đầu tiến theo hướng đó.


Source:Catholic News Agency