Ngày 14-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 15/12: Thiên Chúa giàu lòng thương xót hơn là Đấng oai hùng hiển hách. Lm. Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:45 14/12/2021

PHÚC ÂM: Lc 7, 18b-23

“Hãy thuật lại với Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Gioan gọi hai người trong số môn đệ của mình, sai họ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Ngài là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Ðấng nào khác?” Khi những người này đến cùng Chúa Giêsu, họ thưa Ngài rằng: “Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Ngài: Ngài có phải là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?” Ngay lúc đó, Chúa chữa những người khỏi bệnh hoạn tật nguyền và quỷ ám, và cho nhiều người mù được thấy. Ngài đáp lại rằng: “Các ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng tin mừng; và phúc cho ai không vấp phạm vì Ta”.

Ðó là lời Chúa.
 
Xin Cho Được Lòng Yêu Người
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
02:57 14/12/2021

CN 4 VỌNG C
“Xin Cho Được Lòng Yêu Người”

Điều gì xảy ra trong lòng Đức Trinh Nữ Maria sau khi thiên sứ Gabriel từ giả? Để nói lên điều ấy, thánh Luca kể ngay việc Đức Trinh Nữ Maria vội vã lên đường đi viếng bà Êlidabet và sử dụng đoạn Cựu Ước kể chuyện Vua Đavit trước Hòm Bia Giao Ước về Giêrusalem (x.2Sm 6). Cuộc viếng thăm là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ diễm phúc, hai người con đang được cưu mang đồng thời là giữa hai giao ước cũ và mới trong niềm vui ơn cứu độ.

1. Hòm Bia Giao Ước và Đức Maria

Vua Đavit sai người đi rước Hòm Bia về trên một cỗ xe mới do bò kéo, theo sau một đoàn rước với đầy đủ mọi thứ nhạc cụ. Nhưng khi xe đi tới một sân lúa thì bò trượt chân, Hòm Bia bị nghiêng. Ông Útda vội đưa tay đỡ lấy Hòm Bia. Nhưng Útda không phải là tư tế nên lẽ ra không được chạm tới Hòm Bia thánh, vì thế nên bị phạt chết. Nghe tin đó, Đavit sợ không dám đem Hòm Bia về Giêrusalem nữa, mà phải gửi lại nhà ông Ôvết Êđom. Chúa đã giáng phúc cho ông này cùng cả nhà ông. Khi Đavit biết được điều này thì ông không sợ nữa và lại sai người rước Hòm Bia về Giêrusalem. Thời gian Hòm Bia ở lại nhà ông Ôvet Êđom là ba tháng (2 Sm 6,1-12).

Khi viết bài tường thuật việc Đức Maria đi thăm bà Êlidabet, thánh Luca muốn cho thấy những nét song song với câu chuyện trên.

- Cả Hòm Bia và Đức Maria đều đi theo hướng tiến về Giêrusalem.
- Hòm Bia đã lưu lại nhà ông Ôvet Êđom ba tháng, Đức Maria cũng lưu lại nhà bà Êlidabet ba tháng.
- Nhà ông Ôvet Êđom đã được Thiên Chúa giáng phúc, nhà bà Êlidabet cũng thế: chồng bà Êlidabet hết câm, đứa con trong bụng nhảy mừng lên và chính bản thân bà được đầy tràn Thánh Thần.
- Hòm Bia xưa giữ Lời Thiên Chúa khắc ghi trên hai bia đá; nay cung lòng Đức Maria cưu mang Lời Thiên Chúa đã làm người.
- Xưa Thiên Chúa xuống trên núi Sinai uy nghi trong khói và lửa, phán bằng tiếng sấm sét, rồi khắc Luật trên bia đá trao cho ông Môsê; nay Thiên Chúa xuống làm bào thai yếu đuối trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để lập Giao Ước Mới.

Thánh Luca muốn nói Đức Maria là Hòm Bia mang Chúa Giêsu đến với gia đình bà Êlidabet nên đã đem phúc đến cho mọi người trong nhà này.

Câu chuyện Đức Mẹ thăm viếng bà Êlidabet được Giáo Hội dùng làm đề tài suy gẫm khi lần chuỗi Mân Côi, chục thứ hai Mùa Vui: “Thứ hai, Đức Bà đi viếng bà thánh Ysave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người”. Nhưng “yêu người” là thế nào? Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta biết cụ thể: cách yêu người tốt nhất là mang Chúa đến cho người ấy, để Chúa giáng phúc cho người ấy. Mà muốn đem Chúa đến cho người ta thì chúng ta phải có Chúa trong mình. Mình đi đến đâu thì Chúa đi đến đó, mình thăm viếng ai thì Chúa thăm viếng và ban phúc cho người đó.

Từ trước tới nay, chúng ta vẫn ý thức rằng yêu người là giới luật quan trọng ngang hàng với giới luật mến Chúa.Từ ý thức đó, chúng ta cố gắng yêu người bằng nhiều cách như: giúp đỡ, chia sẻ, viếng thăm…Thế nhưng, có lẽ chúng ta làm tất cả những việc đó chỉ với một ý hướng hoàn toàn nhân bản và tự nhiên, như giữa người với người thôi. Chúng ta đem đến cho người ta những an ủi, khích lệ, giúp đỡ chỉ có giá trị hoàn toàn nhân loại. Muốn cho những việc yêu người của chúng ta đem đến những lợi ích siêu nhiên cao quý hơn nữa thì hãy noi gương Đức Mẹ: mang Chúa đến cho người ta, mà muốn thế chúng ta phải có Chúa trong mình để chính Chúa cùng đi với mình mang phúc lành đến cho những người mà mình gặp gỡ (Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái).

2. Niềm Vui của Hai Bà Mẹ

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Êlidabet vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Hài nhi Gioan vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung làm cho cuộc gặp gỡ trở thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Suối nguồn của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc.

Đây là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, hai người con đang được cưu mang cũng là giữa hai giao ước cũ và mới.

- Giữa hai người mẹ: Đức Maria thăm viếng đem niềm vui có Chúa cho gia đình người chị họ. Ở lại phục vụ người chị trong thời gian mang thai sinh con. Êlidabet được ơn Thánh Thần đã xưng tụng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và đã ca tụng đức tin của Đức Mẹ.
- Giữa hai người con: Nghe lời chào của người mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, con trẻ Gioan trong lòng mẹ nhảy mừng vui sướng.
- Giữa hai giao ước: Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ là cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước. Thời đại mới mở ra giao ước mới. Con Thiên Chúa làm người khai mở giao ước của thời đại ân sủng và tình yêu.

3. “Xin cho được lòng yêu người”

Khi đến thăm bà Êlidabet, Mẹ Maria đem Chúa đến cho người thân của mình. Nhờ Mẹ mang Chúa đến, nên không chỉ bà Êlidabet vui mừng mà hài nhi trong lòng bà cũng vui theo mà “nhảy lên” hân hoan. Nhảy mừng diễn tả niềm vui. Đây là niềm vui ơn cứu độ. Sự hiện diện của Đức Maria mang đến niềm vui và còn có sự biến đổi khiến hai mẹ con bà Êlidabet được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Mẹ. Gia đình Bà Êlidabet là gia đình đầu tiên được Chúa Cứu Thế viếng thăm. Đây là gia đình diễm phúc đón nhận niềm vui ơn cứu độ.

Đến thăm nhau không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần.

Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Đức Maria có nói gì về Chúa với Bà Êlidabet đâu! Chúa là tình thương, ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đến với nhau bằng tình thương, bằng niềm vui là sự gặp gỡ có Chúa hiện diện rồi. Khi người ta mang hận thù oán ghét, ý nghĩ đen tối đến với nhau thì nảy sinh bất hoà chiến tranh và đau khổ. Ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân khi ta đến với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là hiện thân của Chúa đối với mình.

Thiên Chúa yêu thương nhân loại nên đã ban tặng Con Yêu Dấu là Đức Giêsu. Người đến với con người trong lịch sử, cách đây hơn hai ngàn năm. Người đem ơn cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Khi còn tại thế, Đức Giêsu đã đến thăm nhiều người, nhiều gia đình. Người quan tâm chăm sóc chữa lành những bệnh nhân. Người giảng dạy và ân cần với những người nghèo. Ngưòi cải hóa nhiều tội nhân. Người biểu lộ tình yêu thương cho mọi người.Đức Giêsu muốn chúng ta tiếp nối công việc của Người.

Một trong những vấn đề mục vụ hàng đầu của linh mục là thăm viếng giáo dân. Khi đến một giáo xứ mới, công việc đầu tiên của linh mục là đi thăm tất cả các gia đình trong giáo xứ. Như mục tử với đoàn chiên, linh mục biết tình hình chung, biết hoàn cảnh mọi gia đình trong xứ. Từ đó có kế hoạch mục vụ để mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đoàn.
Các tu sĩ, các hội đoàn trong giáo xứ có những thời giờ thăm viếng mục vụ. Đến với các bệnh nhân, người già cả, người nghèo, gia đình rối, gia đình bất hoà luôn được coi là việc tông đồ. Đem Chúa đến với anh chị em của mình là niềm vui và là sứ mạng của người tín hữu.

Những tuần lễ Mùa Vọng, mỗi người trong xứ đạo tiết kiệm chi tiêu để làm việc bác ái. Những phần quà ân tình chia sẻ cho các gia đình nghèo trong Đêm Giáng Sinh thật ý nghĩa, diễn tả tình yêu và sự quan tâm đến người khác.

Đức Maria viếng thăm phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Êlidabet. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo. Dành thời giờ quý báu để thăm nhau. Chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho tha nhân luôn là sứ vụ của người tín hữu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh chúng con. Xin giúp chúng con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu để năng đến gặp gỡ, thăm viếng nhau, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của anh chị em. Xin giúp chúng con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để giúp đỡ những nhu cầu chính đáng của họ. Amen.





 
Đức Maria, Người mang Chúa đến
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:23 14/12/2021

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
ĐỨC MARIA, NGƯỜI MANG CHÚA ĐẾN
Mk 5,1-4; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45

Với Chúa Nhật IV Mùa Vọng, chúng ta đang tiến gần biến cố Con Chúa giáng trần. Không khí giáng sinh đã bắt đầu lan tỏa khắp mọi nơi trong các xứ đạo, từ miền quê đến thành thị. Mọi người đang háo hức chuẩn bị trang trí hang đá, cây thông, đèn điện… để mừng Chúa giáng sinh. Tuy nhiên, việc chuẩn bị giáng sinh không được dừng lại ở những hình thức bên ngoài hay “trần tục hóa” lễ Giáng Sinh, nghĩa là chỉ lo lắng mua sắm, tiệc tùng, quà cáp… nhưng chúng ta phải hướng về tâm điểm của lễ Giáng Sinh là tôn thờ Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Để giúp mừng lễ Giáng Sinh ý nghĩa, hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm câu chuyện Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét.

1- Đức Maria, người mang Chúa đến cho nhân loại

Thánh Luca cho biết sau biến cố Truyền Tin, Đức Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, tới một thành thuộc chị tộc Giuđa, để thăm bà Êlisabét, người chị họ mình. Đức Maria vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét. Khi bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy mừng, và bà được đầy Thánh Thần (x. Lc 1,39-44). Đây là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ và hai người con, là cuộc gặp gỡ giữa giao ước cũ và giao ước mới. Cuộc gặp gỡ này xảy ra rất âm thầm, bình thường và dường như ít người biết, nhưng lại chứa đựng những điều vĩ đại. Bởi lẽ, qua hai nhân vật người mẹ này, Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu cho lịch sử cứu độ của nhân loại.
Quả thế, hai người phụ nữ đang mang thai hai người con. Bà Êlisabét là biểu tượng cho dân Ítraen, dân riêng đang chờ Đấng Mêsia, còn Đức Maria là biểu tượng của dân Ítraen mới, người cưu mang Đấng Cứu Thế. Bà Êlisabét sinh hạ Gioan Tẩy Giả, còn Đức Maria sinh hạ Chúa Kitô. Người con của bà Êlisabét sẽ là người dọn đường cho Đấng Mêsia, còn Người Con của Đức Maria sẽ thực hiện những lời hứa cứu độ. Vì thế, trong cuộc gặp gỡ này hai người mẹ và hai người con tràn đầy niềm vui. Bởi vì, họ là những người được đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần.

Qua cuộc viếng thăm này, chúng ta nhìn thấy Đức Maria chính là “nhà tạm di động và sống động” của Con Thiên Chúa. Việc Mẹ viếng thăm và mang Chúa đến cho gia đình ông Dacaria, có nghĩa là Mẹ mang Chúa đến cho gia đình nhân loại. Mẹ là “nhà truyền giáo” đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo.

2- Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Để nói về Chúa Kitô, chúng ta phải tìm hiểu về Đức Maria. Cũng thế, hiểu biết Đức Maria sẽ giúp chúng ta hiểu biết về Chúa Kitô và ngược lại.

Quả vậy, khi đón tiếp Đức Maria, bà Êlisabét nhận ra rằng lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Maria và bà ca ngợi Đức Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,42-43).

Thành ngữ “Em được chúc phúc giữa mọi người phụ nữ” được dùng trong Cựu Ước thuộc thời Gioel (Tl 5,24) và sách Giuđitha (Gđt 13,18), để nói về hai người phụ nữ chiến binh đã cố gắng giải cứu Ítraen khỏi tay quân thù ngoại bang. Nhưng bây giờ, những lời này được áp dụng cho Đức Maria, một trinh nữ sẽ sinh Đấng Cứu Độ cho thế giới. Như thế, việc Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ vì niềm vui (x. Lc 1,44) làm chúng ta nhớ lại việc Đavít nhảy mừng trước cửa Hòm Bia Giao Ước tiến vào Giêrusalem (x. 1 V 15,29). Hòm Bia có để Lề Luật (Torah), Mana và cái gậy của Aaron (x. Dt 9,4). Gioan nhảy mừng trước Đức Maria, Hòm Bia giao ước mới.

Mẹ là người phụ nữ được chúc phúc bởi vì Mẹ được Thiên Chúa chọn làm người cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Độ. Mẹ Maria là người tinh tuyền, thánh thiện, toàn mỹ và toàn thánh, xứng đáng là “nhà tạm thánh thiện” cho Con Thiên Chúa ngự. Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, bà Êlisabét nhận ra Đức Maria là “Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm,” bởi vì Mẹ đang cưu mang trong lòng Con Đức Chúa Trời, và Mẹ sẽ sinh cho thế giới “nguồn ơn cứu độ.” Đây cũng là nền tảng cho niềm tin của Giáo Hội tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa - Theotokos, một tước vị cao cả, mà Giáo Hội định tín tại Công Đồng Êphêsô (431). Bởi đó, qua dòng lịch sử, Giáo Hội đã dành cho Đức Maria một sự biệt kính sau Ba Ngôi Thiên Chúa trong phụng vụ Kitô giáo.

3- Chứng nhân nền văn hóa gặp gỡ

Cuối cùng, cảnh thăm viếng này cũng diễn tả vẽ đẹp của lòng hiếu khách và nền văn hóa gặp gỡ: Đây có sự đón tiếp lẫn nhau, lắng nghe nhau, dành chỗ cho nhau, chia sẻ với nhau niềm vui có Chúa, cũng như phục vụ lẫn nhau.

Sống trong một xã hội con người ngày hôm nay đang trở nên xa lạ với nhau, bởi vì con người đang sống cách vô cảm, loại trừ và thù địch nhau. Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi đó là hiện tượng “vô cảm toàn cầu hóa” trong đời sống con người. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi xây dựng nền văn hóa gặp gỡ và thăm viếng nhau. Bởi vì, điều quan trọng trong cuộc sống không phải chúng ta có cái gì mà là có Ai (ai) đó để sống với.

Khi có Chúa Kitô, Đức Maria đã vội vã tới thăm bà Êlisabét (Lc 1,39). Bắt chước Đức Maria, chúng ta cũng hãy vội vã lên đường để thăm viếng những người nghèo khổ, người bệnh tật, kẻ tù đày, người cô đơn trong mùa Giáng Sinh này, bởi lẽ, họ là “hiện thân” của Con Thiên Chúa giáng trần.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng chính Chúa là Người đến viếng thăm chúng con trước. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón Chúa đến. Đặc biệt, xin cho chúng con biết noi gương Đức Trinh Nữ Maria mang Chúa đến cho những người xung quang bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Người Dọn Đường
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:45 14/12/2021
Người Dọn Đường

(Thứ Năm sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – Lc 7,24-30)

Sau khi các môn đệ của Gioan Tẩy giả đã ra về thì Chúa Giêsu đã nói với đám đông dân chúng về ông, vị Tiền hô đang bị vua Hêrôđê giam trong ngục tối: “Thế anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chằng? Đúng thế đó: mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người mà Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Lc 7,25-27).

Khuôn mặt của vị Tiên Hô, người dọn đường cho Đấng Thiên Sai, khá nổi bật qua các bài đọc lời Chúa trong Mùa Vọng. Cùng với những công việc chuẩn bị bên trong bên ngoài tại các nhà thờ, dòng tu, xin có một cái nhìn về sứ vụ của người dọn đường, chuẩn bị cho một sự kiện hay đón tiếp một yếu nhân, một phái đoàn. Có nhiều công việc chuẩn bị, nhưng dường như không thể thiếu việc làm vệ sinh và công tác trang hoàng. Những ngày gần đại lễ Giáng Sinh chúng ta nhận ra hiện thực này. Lau rửa nhà thờ, quét màng nhện, làm sạch khuôn viên là những việc đương nhiên phải làm. Tiếp sau công tác vệ sinh thì đến chuyện treo cờ, giăng điện, làm máng cỏ, treo băng rôn…

Để đón chào Đấng Thiên Sai đến thực thi công trình cứu độ thì Gioan Tẩy Giả cũng làm những việc ấy. Ngài kêu gọi mọi thành phần dân Chúa thanh tẩy tâm hồn, ăn năn sám hối, chừa bỏ tội lỗi. Và rồi Ngài mời gọi tất cả dân Chúa hãy sinh hoa kết trái bằng những hành vi yêu thương liên đới cách thiết thực và cụ thể. Làm sạch và làm đẹp là hai chiều kích của công việc chuẩn bị, dọn đường. Càng gần đến lễ Noel, chúng ta thấy rõ hiện thực này. Từng đoàn người dân Chúa tấp nập đến thanh tẩy tâm hồn qua tòa cáo giải. Dù đang trong cơn dịch bệnh nhưng vẫn mong sao hình ảnh này vẫn tái diễn cách nào đó nhờ sáng kiến của các mục tử. Mạng thông tin truyền tải lời của các chủ chăn nhiều giáo phận kêu gọi đoàn tín hữu tích cực sống đức ái, liên đới với anh chị em nghèo hèn, kém phận, nhất là những ai đang lâm cảnh khốn khó vì nạn dịch. Đây chính là những chiếc đèn hoa muôn màu tô điểm cho con đường đón Chúa dịp kỷ niệm ngày Người giáng sinh.

Tuy nhiên điều chúng ta nên biết đó là người dọn đường cần ở đúng vị thế của mình sau khi chu toàn việc chuẩn bị. Hình ảnh của vị Tiền Hô trong ngục tối xem ra ứng nghiệm lời ông tuyên bố trước đó. “Người là Đấng Thiên Sai phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị, thì người dọn đường phải ẩn mình đi để cho Đấng phải đến dễ dàng gặp gỡ nhân trần. Trong những ngày gần cuối của Mùa Vọng, tín hữu Kitô từ Giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân đều tích cực làm công việc dọn đường theo khả năng và bậc sống của mình. Mong sao chúng ta ý thức đúng phận vụ trung gian của mình như ngài Gioan Tẩy Giả. Xin chớ để cái tôi của mình phình to che lấp Đấng phải đến. Xin chớ làm vật cản, ngáng đường Đấng Thiên Sai đến gặp gỡ dân Người.

Chị thánh Bernadette sau khi được Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức thì đã vào dòng tu. Lần kia có một chị em cùng dòng hỏi chị: “Chị được Đức Mẹ hiện ra, chị có thấy hãnh diện không? Sao chị lại vào dòng?” Chị thánh nhỏ nhẹ hỏi lại: “Chị có biết cái chổi không”. “Biết chứ”. “Sau khi quét nhà xong người ta để cái chổi ở đâu”. “Thì ở cái góc xó nhà”. “Em cũng thế, sau khi làm việc Đức Mẹ truyền thì em an bình ở chỗ em cần ở”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:42 14/12/2021

13. Chỉ cần một chút ham muốn vương vấn trong lòng chúng ta, thì cho dù các ước muốn khác đã bị khắc phục, thì linh hồn chúng ta vẫn cứ không được bằng an.

(Thánh Joseph Calasanctius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:45 14/12/2021
38. SUỐI NƯỚC LẠNH TIM LẠNH

Người nọ đi chơi ở chùa Linh Ẩn trở về nói với vợ:

- “Tim tôi lạnh rồi”.

Vợ vội vàng hỏi tại sao, ông ta trả lời:

- “Tôi vừa mới rửa tim trong đình suối nước lạnh trở về đây, nếu tim không lạnh thì suối cũng không lạnh”.

(Khán Sơn Các Nhàn bút)

Suy tư 38:

Những người đang yêu họ vẫn thấy nóng ấm dù thời tiết lạnh lẽo băng giá; những người thất tình, buồn bực trong lòng, họ vẫn luôn thấy tim lạnh lẽo dù cho thời tiết đang là mùa xuân. Thế mới biết, thời tiết lạnh hay nóng đều không ảnh hưởng đến trái tim, nhưng trái tim nóng hay lạnh thì đều rất có ảnh hưởng đến cuộc sống chung quanh.

Người có trái tim lạnh thì dửng dưng trước người bất hạnh, thờ ơ trước những bất công và xa lánh những anh em thất thế sa cơ, mà người có trái tim lạnh thì nhan nhãn trong xã hội hôm nay khi mà tình cảm được đo bằng tiền bạc, đạo đức được đo bằng chức quyền.

Người có trái tim nóng thì nhìn thấy nổi bất hạnh của tha nhân cũng là sự bất hạnh của mình, thấy đau khổ của anh em là nổi đau của mình, nên họ sẵn sàng chia cơm sẻ áo với tha nhân...

Người Ki-tô hữu thì có trái tim yêu thương của Đức Chúa Giê-su, cho nên khi làm bất cứ việc gì đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân, thì họ đều làm vì Đức Chúa Giê-su. Mà trái tim yêu thương của Đức Chúa Giê-su thì không nóng nhất thời, không nóng theo thời tiết, nhưng nóng theo sự thúc bách của Đức Chúa Thánh Thần.

Mà ân sủng đẹp nhất của Đức Chúa Thánh Thần chính là Đức Ái vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Cùng Mẹ thăm viếng để chia sẻ Niềm Vui Cứu độ
Lm. Đan Vinh
18:27 14/12/2021

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG C
Mk 5,2-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45
CÙNG MẸ THĂM VIẾNG ĐỂ CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ

I HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 1,39-45

(39) Hồi ấy, Bà Ma-ri-a lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. (40) Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. (41) Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. (43) Bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? (44) Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

2. Ý CHÍNH:

Sau khi được sứ thần cho biết bà chị họ là Ê-li-sa-bét đã có thai, Đức Ma-ri-a đã vội vã lên đường thăm viếng. Cuộc viếng thăm của Ma-ri-a vừa đem lại niềm vui cho gia đình Da-ca-ri-a, vừa nói lên đức bác ái cụ thể của Đức Ma-ri-a đối với bà chị họ, khi bà sắp tới ngày sinh con. Cuộc gặp gỡ cũng đem lại ơn cứu độ của Đấng Mê-si-a cho thai nhi Gio-an, thể hiện qua sự kiện thai nhi nhảy mừng trong lòng mẹ. Nhờ được Thánh Thần soi sáng, bà mẹ Ê-li-sa-bét đã nhận biết cô em họ Ma-ri-a chính là Mẹ của Đấng Thiên Sai nên đã ca tụng Ma-ri-a thật có phúc “vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 39-40: + Đức Ma-ri-a vội vã lên đường : Sự vội vã của Đức Ma-ri-a nhằm diễn tả lòng yêu mến, muốn đi thăm viếng để chúc mừng bà chị họ và cũng chia vui với bà được ơn Chúa ban làm mẹ, đang khi không còn hy vọng bà sẽ có con. Ngòai ra, Mẹ còn muốn giúp đỡ bà chị họ “đã có thai được sáu tháng” bằng cách “ở lại với bà độ ba tháng”. Ở lại để giúp đỡ bà cho đến khi đứa con của bà ra chào đời. + Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét: Người Do thái có nhiều cách chào: Thần dân chào vua chúa thì xuống ngựa và đến sấp mình trước mặt nhà vua (x. 1 Sm 20,41; 25,23); Nếu hai bên là thân thuộc nghĩa thiết hay quan hệ thầy trò thì sẽ chào bằng cách ôm hôn nhau (x. 1 V 19,20; Lc 22,47). Lời chào thông thường là “Sha-lom”, nghĩa là chúc “Bình an ở với anh” hay “Gia-vê ở cùng anh” (x.Ga 20,19). Trong Tin Mừng hôm nay sứ thần Gáp-ri-en đã chào Đức Ma-ri-a: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Do việc chào hỏi dài dòng mất nhiều thời gian, nên Đức Giê-su khi sai các môn đệ đi làm công tác truyền giáo đã chỉ thị cho các ông đừng chào hỏi ai dọc đường (x. Lc 10,4).
- C 41-42: + Đứa con trong bụng nhảy lên: Có lẽ thai nhi Gio-an chỉ co đạp liên hồi trong bụng khiến bà Ê-li-sa-bét tưởng như em đang nhảy mừng hân hoan khi gặp thai nhi Mê-si-a (x. Lc 1,14), như vua Đa-vít nhảy mừng trước Hòm Bia Giao ước (x 2 Sm 6,14). + Và Bà được đầy Thánh Thần: Nhờ được ơn Thánh Thần soi sáng, bà Ê-li-sa-bét đã nhận biết bào thai cô em họ đang cưu mang chính là Đấng Thiên Sai. + Em được chúc phúc: Bà Ê-li-sa-bét ca tụng Đức Ma-ri-a là người có phúc hơn mọi phụ nữ, vì đã cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người.
- C 43-45): + Thân mẫu Chúa tôi: Trong Thánh kinh, danh hiệu “Chúa tôi” thường dành riêng cho Đức Chúa, tuy nhiên cũng có lần danh hiệu này được gán cho Đấng Thiên Sai. Danh xưng “Thân Mẫu Chúa tôi” về sau trở thành nền tảng để Hội Thánh tôn vinh Đức Ma-ri-a là “Mẹ Thiên Chúa“ (The-o-to-kos), và hình thành phần thứ hai của Kinh Kính Mừng: “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…”. Về danh xưng này, khi hiện ra với các mục đồng ở Be-lem vào ngày Chúa Giáng Sinh, sứ thần đã nói như sau: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,11). Trong Tin mừng Lu-ca, danh xưng Đức Chúa của Đức Giê-su được nói đến 40 lần. + Em thật có phúc vì đã tin: Tin Mừng Lu-ca đã quy tụ hai ơn phúc của Đức Ma-ri-a vào trong lời chúc tụng của bà Ê-li-sa-bét: một là phúc được “làm Mẹ Đấng Cứu Thế” và hai là phúc “đã tin những lời Chúa phán” (x Lc 1,42-45). Về sau trong lúc Đức Giê-su giảng đạo, một phụ nữ cũng ca ngợi thân mẫu của Ngừơi: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” và Đức Giê-su liền bổ túc thêm: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Nơi Đức Ma-ri-a hai phúc này liên kết thành một: ngay khi tin mọi lời Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện, Đức Ma-ri-a lập tức trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế. Có thể khi nói câu này, bà Ê-li-sa-bét đã liên tưởng đến sự nghi ngờ cứng tin của ông Gia-ca-ri-a chồng bà trước đó (Lc 1,20.45).

4. CÂU HỎI:

1) Người Do thái có mấy cách chào và thường chào hỏi nhau thế nào?
2) Thai nhi Gio-an nhảy mừng trong lòng bà Ê-li-sa-bét vào lúc nào, nhảy mừng ra sao và để làm gì?
3) Lý do nào khiến bà Ê-li-sa-bét nhận biết Đức Ma-ri-a là Mẹ Đấng Ki-tô Đức Chúa?
4) Bà Ê-li-sa-bét ca tụng Đức Ma-ri-a có phúc vì lý do gì?

II SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

2. CÂU CHUYỆN:

1) THĂM VIẾNG CHIA SẺ NIỀM VUI GIÁNG SINH:

Một hôm vào buổi chiều áp lễ Giáng Sinh, một sinh viên trẻ cùng đi với vị giáo sư đến thăm các trẻ em bất hạnh trong viện mồ côi ngoại thành. Vị giáo sư này thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông. Trên đường đi, thầy trò đi ngang qua một nông trại, thấy một đôi giày cũ nằm bên vệ đường gần cổng một nông trại. Có lẽ đây là đôi giày của một bác nông dân nghèo làm việc tại đây. Anh sinh viên liền nói với vị giáo sư: "Bây giờ sắp đến giờ tan sở. Em sẽ giấu đôi giày của ông ta vào chỗ khuất rồi thày trò chúng ta sẽ núp quan sát xem thái độ của ông ta thế nào khi bị mất đôi giày. Chắc là sẽ vui lắm đây". Vị giáo sư liền khuyên can: "Này anh bạn trẻ. Chúng ta đừng bao giờ cười vui trên nỗi đau của người khác. Trái lại, theo thầy nghĩ: em được Chúa cho có dư tiền bạc. Chắc em sẽ tìm thấy một niềm vui lớn lao hơn nhiều qua việc chia sẻ với người nghèo này đấy. Vậy em hãy đặt vào đôi giày của ông ta hai đồng tiền và chờ xem phản ứng của ông ta khi bất ngờ nhận được món quà Giáng Sinh”. Anh sinh viên làm theo lời thầy dạy, rồi cả hai cùng đến núp sau một gốc cây gần đó.

Chẳng mấy chốc đã thấy một người từ trong nông trại đi chân không đến nơi để giày. Ông ta xỏ chân vào một chiếc giày và phát hiện ra có vật lạ. Ông dùng tay moi ra một đồng tiền năm đô-la. Với vẻ ngạc nhiên, ông chăm chú nhìn đồng tiền rồi lật qua lật lại như không tin vào mắt mình. Rồi ông nhìn chung quanh để tìm xem ai đã làm điều này, nhưng không thấy. Ông bỏ đồng tiền vào túi áo, và tiếp tục xỏ chân kia vào chiếc giày còn lại. Vẻ ngạc nhiên của ông tăng lên gấp đôi khi phát hiện một đồng tiền thứ hai nằm trong chiếc giày kia. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, ông liền quì gối ngước mặt lên trời dâng lời nguyện tạ ơn Thiên Chúa. Ông cám ơn bàn tay vô hình hào phóng nào đó đã mang lại món quà thiết thực ngay trước lễ Giáng Sinh, cứu gia đình ông qua cơn túng quẫn: vợ đang bị đau phải nằm liệt giường mấy ngày nay và ba đứa con nhỏ dại bụng đói đang chờ bố đi làm mang tiền về nhà.

Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động. Hai dòng lệ tự nhiên chảy xuống hai bên má khiến anh vội đưa tay gạt đi. Vị giáo sư liền lên tiếng nói: "Bây giờ em có thấy vui hơn nhiều nếu như em mang ông ta ra làm trò cười hay không?" Chàng thanh niên trả lời: "Đúng. Cám ơn giáo sư. Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà có lẽ em sẽ không bao giờ quên được. Bây giờ em mới hiểu ý nghĩa thực sự câu nói của Chúa Giê-su mà hồi nhỏ em đã đọc qua nhưng chưa hiểu: "Cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20, 35).

2) NHỮNG AI CẦN ĐƯỢC THĂM VIẾNG? :

Một hôm Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đi thăm một bệnh viện dành cho những người cao tuổi giàu có ở nước Anh mới được xây dựng. Bệnh viện có nhiều phòng ốc khang trang sạch đẹp, được trang bị bằng nhiều loại máy móc hiện đại, tương xứng với số tiền viện phí to lớn mà người nhà các bệnh nhân phải trả. Thái độ và cung cách phục vụ của các y bác sĩ và nhân viên phục vụ ở đây nói chung đều nhã nhặn lịch sự, nhưng mẹ thấy có điều kỳ lạ và mẹ đã lên tiếng hỏi vị bác sĩ hướng dẫn đoàn khách tham quan như sau:
- Thưa bác sĩ, tại sao tôi thấy khi đoàn mình đi ngang qua các phòng bệnh, thì đều thấy mọi bệnh nhân đang nằm trong phòng đều quay mặt ra ngoài cửa nhìn vậy?

Viên bác sĩ trả lời:
- Dạ thưa dì, là do các bệnh nhân trong bệnh viện này đều thuộc lớp người giàu có. Họ được con cái đưa vào nằm ở đây để nhờ chúng tôi chăm sóc sức khỏe. Họ không thiếu đồ ăn thức uống và thuốc men chữa bệnh. Nhưng cái họ thiếu nhất là tình thân ruột thịt. Họ luôn mong con cháu hay người thân đến thăm. Nhưng hầu như rất ít có người đến thăm, trừ khi họ chết.

Hội Thánh luôn khuyến khích các tín hữu đến thăm những người già cả neo đơn, bệnh tật, các tù nhân, những người nghèo khó để an ủi động viên họ và mang lại niềm vui cho họ. Vậy mỗi người chúng ta sẽ đi thăm viếng ai trong Mùa Giáng Sinh Năm nay?

3) MỘT MẪU GƯƠNG THĂM VIẾNG CỤ THỂ:

Một viên thống đốc thường đi thăm viếng những người lính bị thương đang nằm điều trị tại một bệnh viện quân y. Ông đi từ phòng này tới phòng khác, khích lệ và cảm thông với từng thương bệnh binh. Theo sự hướng dẫn của người y tá điều dưỡng, ông đến thăm một anh lính trẻ bị thương nặng sắp chết và hỏi:
- Này anh bạn, tôi có thể giúp gì được cho anh không?

Người lính trẻ đang nằm trên giường ngước mắt nhìn lên và nói ra điều anh muốn.
- Ngài sẽ giúp tôi viết lá thư cuối cùng cho mẹ tôi được chứ?

Ông thống đốc gật đầu và nói:
- Tôi sẽ giúp anh.

Sau đó ông yêu cầu y tá đưa đến giấy bút, rồi ngồi bên cạnh giường bệnh nhân, ông đã viết lá thư cuối cùng cho mẹ anh ra đúng theo những lời anh đọc cho ông viết.

Viết xong lá thư, ông quay lại nói với thương bệnh binh sắp chết:
- Tôi hứa sẽ gởi thư này ngay sau khi rời khỏi đây. Vậy anh còn muốn gì nữa không?

Anh ta ngước nhìn lên ông ngập ngừng, và cuối cùng buột miệng nói:
- Ngài có thể ở lại đây với tôi thêm một lát nữa không? Tôi muốn được ngài nắm chặt tay tôi.

Ông nắm chặt lấy tay của anh cho đến khi anh nhắm mắt lìa đời sau đó ít phút.

3. THẢO LUẬN:

Bạn sẽ tặng quà gì cụ thể cho người thân trong gia đình, nhân viên cộng tác với mình và những người nghèo khó bất hạnh trong mùa Giáng Sinh sắp tới.

4. SUY NIỆM: BÀI HỌC TỪ CUỘC THĂM VIẾNG CỦA ĐỨC MA-RI-A:

Tin Mừng thuật lại cuộc viếng thăm của Đức Ma-ri-a cho chúng ta nhiều bài học giúp chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh sắp đến:

1) Thăm viếng là một hành động chia sẻ tình thương:

- Tình yêu thực sự trong tâm hồn đòi phải được biểu lộ ra ngoài bằng hành động: Đức Ma-ri-a đã thể hiện đức bác ái cụ thể bằng việc đi bước trước đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét, khi vừa hay tin bà đã có thai trong lúc tuổi già và cái thai đến nay đã được sáu tháng.
- Trong thời gian này, mỗi người chúng ta cũng cần có những hành động yêu thương cụ thể: đi thăm và chia sẻ tiền bạc cho các bệnh nhân tại tư gia, thăm viếng tặng quà các cụ già neo đơn tại viện dưỡng lão, đến thăm một người lương trong xóm, thăm một đôi vợ chồng đang bất hoà có nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc… để chia sẻ tình thương và đáp ứng phần nào nhu cầu tinh thần và vật chất của họ.

2) Hãy quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh:

- Bác sĩ Tom Dolly, người đã hy sinh cả cuộc đời đến ở giữa chốn rừng thiêng nước độc bên Lào vào đầu thế kỷ này, đã phát biểu rằng: “Không ai nghèo đến độ không có một thứ gì đó để trao tặng tha nhân”. Thực vậy, một người ăn xin ư? Anh ta vẫn có thể cho chúng ta cơ hội để thể hiện sự chia sẻ quảng đại của chúng ta đối với anh. Một người tàn tật ốm đau cũng có thể mời gọi chúng ta bày tỏ cảm thông và nâng đỡ. Một kẻ thù cũng có thể cho chúng ta cơ hội để tập nhẫn nhịn chịu đựng sự xỉ nhục và thể hiện lòng bao dung tha thứ vô điều kiện... Phải, bất cứ ai cũng có thể đem lại cho chúng ta một điều gì đó. Vấn đề là chúng ta có nhận ra điều này và có sẵn sàng mở lòng đón nhận những món quà quý giá đó hay không.

- Có nhiều người do tự ái cao và thói sĩ diện hão nên chỉ muốn ban phát cho đi mà không muốn nhận lại. Tuy nhiên, chúng ta hãy ý thức rằng: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Chỉ khi chấp nhận nguyên tắc ứng xử: “Quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh” thì quan hệ đôi bên mới được bình đẳng và tình cảm hai người mới được bền lâu. Sự nhận lại ở đây không nhất thiết phải là quà tặng hay tiền bạc tương xứng như trong quan hệ bạn bè thân quen, mà có thể là tình cảm chân thành, lời nói biết ơn trong quan hệ vợ chồng hay giữa hai bạn trẻ đang yêu…

3) Thăm viếng dể đem Chúa đến cho tha nhân:

- Sau khi nghe sứ thần cho biết tin vui của bà chị Ê-li-sa-bét, Đức Ma-ri-a đã vội vã lên đường để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho gia đình bà. Ngôn sứ I-sai-a cũng đã tuyên sấm về cuộc hành trình thăm viếng này của Đức Ma-ri-a như sau: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an; Người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7a).

- Khi đi thăm viếng bà chị họ, Đức Ma-ri-a đã “đi bước trước” đến với bà mà không cần bà phải mời theo thường tình: “Ăn có mời, làm có khiến !”. Đối với Đức Ma-ri-a: Chính tình thương đã thôi thúc Mẹ vội vã lên đường đi thăm bà chị, khi vừa được nghe sứ thần báo tin vui của bà. Qua đó cho thấy Mẹ đã mau mắn thực hiện đức ái qua thái độ cảm thông chia sẻ như lời thánh Phao-lô: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Sự thăm viếng của Mẹ đã mang lại hiệu quả: thai nhi Gio-an đã đạp trong dạ mẹ như nhảy mừng vì được ơn cứu độ, và bà Ê-li-sa-bét được đầy Thánh Thần đã ca tụng cô em Ma-ri-a: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc… Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 2,42-44).

4) Thăm viếng chia sẻ là phương cách truyền giáo hữu hiệu hôm nay:

- Trong mùa Giáng Sinh này, mỗi người chúng ta hãy dành ra một số tiền để chia sẻ cho các trẻ em bụi đời, các người già cả neo đơn, các bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang chữa trị, các người mù què câm điếc bất hạnh… noi gương Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót (x. Tv 103,8).

- Chính hành động thăm viếng chia sẻ cụ thể và phục vụ “Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi” nơi những người bệnh tật nghèo hèn, sẽ giúp mọi người nhận biết và tôn vinh “Thiên Chúa là Tình Thương” (1 Ga 4,8), như lời Chúa phán dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong những ngày này, xin cho con biết mở rộng lòng để thăm viếng chia sẻ cho tha nhân những món quà vật chất và tinh thần. Xin cho con biết nghĩ tới những bệnh nhân liệt giường lâu ngày không tiền thuốc thang chữa trị, biết chia sẻ những món quà cụ thể cho những cụ già neo đơn, những trẻ em lang thang bụi đời, những người mù lòa khuyết tật... Xin cho con biết quảng đại chia sẻ tình thương và niềm vui ơn cứu độ của Chúa cho tha nhân.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON


 
Tình Và Lý
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
22:12 14/12/2021
Tình Và Lý

(Thứ Sáu sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – ngày 17/12 –St 49,2.8-10; Mt 1,1-17)

Theo niên lịch Phụng vụ, trong Mùa Vọng Giáo hội xếp một tuần trước đại lễ Giáng Sinh khởi từ ngày 17/12 giúp đoàn tín hữu chuẩn bị cách đặc biệt hơn để mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh cách hữu hiệu. Chính vì thế các bài đọc Thánh Kinh được tuyển chọn cách hữu ý hơn với những chủ đề thần học rõ nét liên quan đến mầu nhiệm nhập thế cứu độ của Đức Kitô.

Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế tường thuật lời mạc khải của Thiên Chúa về nguồn gốc của Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa làm người là thuộc hậu duệ của ông Giuđa, một trong mười hai người con của Giacóp. Bài Tin Mừng theo thánh sử Matthêu tường thuật gia phả của Đấng Cứu Thế với các chủ ý thần học qua các chi tiết lạ thường mà không ngẫu nhiên chút nào.

Khi trình bày thân thế của Chúa Giêsu bắt đầu từ tổ phụ Abraham qua ba phần cân đối mỗi phần gồm mười bốn đời thì hẳn nhiên Thánh sử muốn khẳng định rằng sự vào đời của Con Thiên Chúa đã được chuẩn bị cách kỷ lưỡng từ ngàn xa. Mười bốn là hai lần bảy và ba phần như thế, đó là các con số biểu tượng sự tròn đầy, hoàn hảo. Một sự chuẩn bị đủ đầy thế mà đọc danh sách gia phả của Chúa Cứu Thế chúng ta thấy nhiều sự nghịch lý theo quan niệm người đời. Danh sách tổ phụ số nam giới thì chằng có gì đáng trân trọng. Còn danh sách tổ mẫu của Chúa Giêsu thì thật đáng kinh ngạc. Ngoài người Mẹ tuyệt hảo là Maria thì bốn vị tổ mẫu được nêu tên quả là khó giải thích theo nghĩ suy phàm trần.

Khởi đầu là bà Tama. Bà tổ này đã loạn luân với bố chồng là ông Giuđa để có con nối dõi tông đường. Tiếp đến là bà tổ Rakhap vốn là một kỷ nữ dân ngoại đã bán rẽ dân tộc để cầu sinh. Rồi đến bà Rút là một người gốc lương dân cũng đã giả làm gái điếm để có con. Và cuối cùng là một bà tổ lương dân nữa, vợ ông Uria người Hếttê đã ngoại tình với vua Đavid và âm mưu với vua để giết chồng. Làm sao hiểu được câu nói “phúc đức tại mẫu” với bốn tên tuổi tổ mẫu như thế này!

Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta tin nhận việc Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi các tổ phụ, cách riêng các tổ mẫu nhuốm đầy vết nhơ là muốn tự nguyện liên đới với nhân loại tội lỗi chúng ta cho đến cùng. “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc. Ta không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi”(Mc 2,17). Ngay từ khi công khai rao giảng Tin Mừng khi xếp hàng đoàn người tội nhân đến để dìm mình trong dòng sông Giođan thì Chúa Kitô đã chọn con đường đi xuống theo nghĩa từ Giođan, đi xuống tận đáy sâu vũng bùn tội lỗi của nhân loại để đưa mọi người lên cùng Cha trên trời. Và sự chọn lựa này làm đẹp lòng Chúa Cha (x.Mc 1,11).

Không một ai là ngoài vòng tay yêu thương của Đấng tự nguyện làm hậu duệ của một dòng dõi nhiều lỗi tội. Thoạt xem ra thì không mấy hữu lý với cái danh sách gia phả của Đấng Cứu Độ, nhưng Tình yêu Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương lại cắt nghĩa điều nghịch thường này. Và chính điều nghịch thường này lại là nền tảng của niềm hy vọng cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Với loài người có nhiều trường hợp thì dường như là không thể, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể vì Người là Cha Toàn Năng (x. Mt 19,26). Khi người cứu hộ đầy tài năng đã lặn sâu tận đáy sông thì tất cả những ai đang bị chìm giữa dòng đều có thể được cứu sống. Tình yêu luôn có cái lý riêng của nó mà nhiều khi trí khôn nhân loại đành phải chào thua.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giữa những nhiễu nhương, thổi phồng vu cáo Giáo hội, Giáo hội vẫn có những vị thánh nêu gương cho thời đại…
Thanh Quảng sdb
01:46 14/12/2021
Giữa những nhiễu nhương, thổi phồng vu cáo Giáo hội, Giáo hội vẫn có những vị thánh nêu gương cho thời đại…

Đức Thánh Cha Phanxicô đã châu phê 6 án phong thánh cho 6 ứng viên trên bước đường phong thánh, trong đó có một nữ tu người Pháp, người mà việc phong thánh sẽ được công bố vào một ngày gần đây.

(Tin Vatican)

Hôm thứ Hai 13/12/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Thánh Bộ Phong thánh, và châu phê 6 sắc lệnh liên quan đến 2 phép lạ và 4 nhân đức anh hùng.

Vị Thánh tương lai của Pháp: Sơ Marie Rivier

Một trong những phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Marie Rivier người Pháp, đã được châu phê để nâng sơ lên bậc hiển thánh.

Sơ Rivier sinh ngày 19 tháng 12 năm 1768 tại Montpezat-sous-Bauzon (Pháp). Khi được 16 tháng tuổi, bé bị té giường và gãy xương hông, dẫn đến việc bị bại liệt gần 10 năm, bé phải dùng tay để di chuyển. Dẫu bị thử thách, nhưng trong lòng bé vẫn dấy lên một ước muốn dâng mình cho Chúa. Vào năm 1774, khi cô có thể di chuyển bằng nạng, cô lại bị té, khiến cô lại bị giới hạn di chuyển hơn nữa… Nhưng sự quyết tâm và tin tưởng vào Chúa đã giúp cô hồi phục hoàn toàn vào năm 1777.

Lúc ấy cô ấy xin được vào Dòng Nữ tu Đức Bà Pradelles, nhưng cô bị từ chối vì tình trạng sức khỏe. Không nản lòng, Rivier, lúc đó 18 tuổi, được phép mở trường học vào năm 1786. Cô trở thành một hội viên Dòng Ba Đa Minh và Dòng Phanxicô tại thế. Sơ mở một phòng dậy nghề cho những phụ nữ trẻ thất nghiệp trong giáo xứ. Cô đi thăm các bệnh nhân và chăm sóc những người gặp khó khăn.

Khi Cách mạng Pháp bùng nổ vào năm 1789, mọi hoạt động tôn giáo như bị khựng lại. Cô di chuyển về Thueyts, nơi cô ấy tụ tập một số người trẻ... Bất chấp việc cách mạng đóng cửa các dòng tu, cô Rivier bắt đầu thành lập một cộng đoàn vào ngày 1 tháng 11 năm 1796. Năm năm sau, vào năm 1801, Đức Giám Mục Vienne đã chấp thuận tổ chức là Dòng Nữ tu Đức Mẹ. Chỉ trong vài năm, Dòng đã mở được 46 cơ sở. Sơ Rivier mất ngày 3 tháng 2 năm 1838 tại Bourg-Saint-Andéol. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho sơ vào ngày 23 tháng 5 năm 1982, và hiện nay Giáo hội đang chờ phong thánh cho sơ.

Phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của sơ là sự chữa lành một bé gái sơ sinh vào năm 2015 ở Philippines. Bé phải chịu đựng những gì mà các bác sĩ mô tả là "thai nhi bị hydrops tổng quát không miễn dịch sớm".

Phong chân phước

Một phép lạ khác được ĐTC công nhận là nhờ lời cầu bầu của Tôi tớ Chúa người Ý tên là Maria Carola Cecchin (tên khai sinh là Fiorina), một tu sĩ của Dòng Nữ tu Thánh Giuse Biển Đức ở Cottolengo.

Sơ sinh ngày 3 tháng 4 năm 1877 tại Cittadella (Ý) và chết trên một con tàu đang khi trở về Ý từ Kenya vào ngày 13 tháng 11 năm 1925. Sơ đã được phong Chân Phước.

Nhân Đức anh hùng

4 ứng cử viên khác được công nhận là có các nhân đức anh hùng, và được gọi là các đấng Đáng kính:

- Tôi tớ Chúa người Tây Ban Nha Andrea Garrido Perales, một linh mục Dòng Đức Trinh Nữ Maria của Lòng Thương Xót. Cha sinh ngày 29 tháng 11 năm 1663 tại Vallada (Tây Ban Nha) và mất ngày 23 tháng 2 năm 1728 tại Xátiva (Tây Ban Nha);

- Tôi tớ Chúa người Ý Carlo Maria da Abbiategrasso (tên khai sinh là Gaetano Antonio Vigevano), một linh mục của Dòng Phanxicô Khó khăn Capuchin (Friars Minor). Cha sinh ngày 30 tháng 8 năm 1825 tại Abbiategrasso (Ý) và mất ngày 21 tháng 2 năm 1859 tại Casalpusterlengo (Ý);

- Tôi tớ Chúa người Ý Bernardo Sartori, một linh mục của Hội Truyền giáo Trái tim Chúa Giêsu Comboni. Cha sinh ngày 20 tháng 5 năm 1897 tại Falzé di Trevignano (Ý) và mất ngày 3 tháng 4 năm 1983 tại Ombaci (Uganda);

- Tôi tớ Chúa người Ba Lan là sơ Ludovica Banaś, một nữ tu của Dòng Thánh Gia Nazareth. Sơ sinh ngày 10 tháng 4 năm 1896 tại Klecza Dolna (Ba Lan), sơ mất ngày 26 tháng 4 năm 1966 tại Nowogródek (nay là Belarus).
 
Tờ Jerusalem Post: Mưu toan ám sát Đức Giáo Hoàng đã bị Do Thái ngăn chặn
Đặng Tự Do
05:04 14/12/2021


Tờ Jerusalem Post số ra ngày 13 tháng 12 có bài nhan đề “Israeli tech removes drone threat from Pope mass – exclusive”, nghĩa là “Công nghệ Do Thái đã loại bỏ mối đe dọa từ máy bay không người lái trong thánh lễ của Đức Giáo Hoàng – báo cáo độc quyền”.

Công nghệ của một công ty chống máy bay không người lái của Do Thái đã loại bỏ một máy bay không người lái quỷ quyệt mưu toan làm gián đoạn một thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tổ chức với 60,000 tín hữu ở Slovakia, The Jerusalem Post có thể đưa tin một cách độc quyền.

Vụ việc rất nhạy cảm, do D-Fend quản lý và giải quyết, đã xảy ra vào ngày 15 tháng 9, nhưng lệnh cấm vận không cho tiết lộ tin này ra công chúng chỉ mới được dỡ bỏ.

Ngoài ra còn có 90 giám mục và 500 linh mục có mặt trong biến cố tại sự kiện khổng lồ này.

D-Fend cho biết họ đã làm việc với Bộ Nội vụ Slovakia để bảo vệ Đức Giáo Hoàng, đoàn tùy tùng của ngài và những người tham dự khỏi mối đe dọa từ các máy bay không người lái quỷ quyệt trong suốt nhiều sự kiện ở Slovakia từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9, đỉnh điểm là Thánh lễ ngoài trời ở Šaštín, nơi có đền thánh Đức Mẹ Quốc Gia.

Sản phẩm EnforceAir do D-Fend phát triển đã được triển khai cùng với bộ công cụ chiến thuật được điều hành dưới đất để cung cấp phạm vi bao quát 360 độ.

D-Fend cho biết: Ngoài số người tham dự quá đông, còn có một số thách thức an ninh đối với việc phòng chống máy bay không người lái như trong khu vực có quá nhiều ăng-ten và hệ thống liên lạc, trong một môi trường nhiễu tần số vô tuyến rất cao.

Tiếp theo, D-Fend cho biết một số máy bay không người lái đã được xác định gần sự kiện, nhưng cảnh sát địa phương ngay lập tức xác định chúng là được cho phép và là “phe ta”.

Công nghệ của EnforceAir nhận biết và cho phép các máy bay không người lái đã được cấp phép có thể hoạt động trong vùng trời, và tập trung khả năng phòng thủ của nó vào việc giảm thiểu các máy bay không người lái giả mạo.

Một máy bay không người lái tự chế chưa từng thấy trước đây đã được EnforceAir phát hiện trong thời gian diễn ra thánh lễ.

Ban đầu, khi cảnh sát quyết định giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng, họ đã tính đến việc sử dụng giải pháp dựa trên các thiết bị gây nhiễu.

Tuy nhiên, họ nhanh chóng thay đổi phương pháp, nhận ra rằng những thiết bị gây nhiễu như vậy có khả năng làm gián đoạn các hệ thống thông tin liên lạc đang hoạt động trong khu vực. Họ cũng lo ngại cách làm đó sẽ khiến các phương tiện truyền thông xung quanh không thể truyền đi bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ, cũng như làm gián đoạn các trạm cơ sở an ninh, điều này có thể tạo ra một nguy cơ an ninh khác.

“EnforceAir đã chống lại chiếc máy bay không người lái giả mạo, đưa nó trở lại vị trí cất cánh ban đầu, cách xa đám đông,” D-Fend nói.

Đại diện văn phòng chịu trách nhiệm bảo vệ giáo hoàng cho biết: “Bảo vệ một sự kiện nổi tiếng như vậy là điều quan trọng hàng đầu, vì vậy chúng tôi muốn sử dụng công nghệ chống máy bay không người lái phù hợp nhất cho các sự kiện đông người và các tình huống nhạy cảm” tại Slovakia. “Giải pháp sáng tạo của EnforceAir đã kiểm soát máy bay không người lái giả mạo đe dọa sự an toàn của Đức Giáo Hoàng, đám đông và các nhân vật quan trọng có mặt một cách nhanh chóng và dễ dàng”.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của D-Fend, Zohar Halachmi cho biết, “Thật vinh dự khi được tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện quan trọng như vậy; cũng như hỗ trợ việc thực thi pháp luật và an ninh trên quê hương của chúng ta. Các phương pháp hay nhất mà chúng tôi học được từ những khách hàng sử dụng công nghệ của chúng tôi để bảo vệ các yếu nhân tại các sự kiện lớn trên toàn thế giới đã được tích hợp vào EnforceAir, tạo điều kiện cho một sự phát triển liên tục khả năng chống các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.”

Công ty cho biết, “Vụ này phản ánh mối nguy hiểm ngày càng tăng do máy bay không người lái gây ra cho các quan chức trên toàn thế giới và các sự kiện lớn. Vụ việc đã kết thúc một cách an toàn nhờ công nghệ chống máy bay không người lái đã được D-Fend triển khai tại hiện trường. Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng đã tận dụng công nghệ của D-Fend để bảo vệ các nhà lãnh đạo thế giới vào mùa hè này”.

Theo D-Fend, “Máy bay không người lái đang đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia trên toàn thế giới - đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, dân thường và bây giờ là đối với các nhà lãnh đạo.”

Công ty chống máy bay không người lái ghi nhận những nỗ lực gần đây nhằm ám sát Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bằng cách sử dụng máy bay không người lái.
Source:Jerusalem Post
 
Người Công Giáo Pháp bị tấn công trong đoàn rước kiệu lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội
Đặng Tự Do
05:05 14/12/2021


Tuần trước, một nhóm người Công Giáo Pháp tham gia lễ rước Đức Mẹ hàng năm ở ngoại ô Paris đã bị những người biểu tình tấn công và đe dọa bằng lời nói.

Tờ Le Figaro đưa tin, khoảng 30 giáo dân và giáo sĩ đến từ Nanterre, Pháp, những người thực hiện cuộc rước đuốc hàng năm vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thứ Tư, ngày 8 tháng 12, đã phải chạm trán với một nhóm mười người.

Tờ báo mô tả đây là một “cuộc xung đột rất nóng”, trong đó 10 người Hồi Giáo đã lăng mạ những người Công Giáo rước đuốc, đe dọa tấn công họ, và gọi họ là “những kẻ ngoại đạo”. Tờ Le Figaro đưa tin rằng Jean-Marc Sertillange, một phó tế tham gia cuộc rước đuốc, đã công bố một bản tường trình về vụ tấn công:

“Cuộc rước của chúng tôi, diễn ra hàng năm vào ngày 8 tháng 12 nhân ngày lễ của giáo xứ, bắt đầu từ nhà thờ Thánh Giuse để đến nhà thờ Đức Bà, ở quận Pablo Picasso. Tuyến đường dài chưa đầy một km đã được Hội Đồng tỉnh cho phép sau khi tôi làm đơn”.

“Nhưng ngay sau 7 giờ tối, và khi chúng tôi chỉ mới tiến được vài trăm thước, một đám người lạ trên đường đã tấn công chúng tôi ngay tại điểm cầu nguyện đầu tiên.”

Theo vị phó tế này, những người biểu tình đã gọi người Công Giáo là “kouffars” (“những kẻ không tin”) và đe dọa rằng “Theo kinh Koran, chúng tôi sẽ cắt cổ các ngươi.”

“Sau đó, họ tạt nước vào chúng tôi, giật lấy một ngọn đuốc và ném về phía chúng tôi”

Chính phủ Pháp lên án vụ tấn công

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã lên án các cuộc tấn công trên Twitter, gọi chúng là sự vi phạm tự do tôn giáo.

“Những hành vi như thế là không thể chấp nhận được. Quyền tự do thờ phượng phải có thể được thực hiện trong tất cả sự thanh thản ở đất nước chúng tôi. Hãy hỗ trợ cho những người Công Giáo ở Pháp”.

Giáo phận mô tả các mối đe dọa bạo lực

Cuộc đối đầu diễn ra bên ngoài nhà thờ Thánh Giuse ở Fontenelles thuộc giáo phận Nanterre.

Giáo phận đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 11 tháng 12, được National Catholic Register công bố như sau:

“Một cuộc rước Đức Mẹ - đã trình báo với Quận Hauts-de-Seine - đã được tổ chức giữa các nhà thờ Thánh Giuse và nhà thờ Đức Bà tại Fontenelles thuộc giáo phận Nanterre vào ngày 8 tháng 12 năm 2021”.

“Trong cuộc rước kiệu này, hai điểm dừng đã được hoạch định. Trong chặng dừng thứ nhất, đoàn rước đã bị tấn công bởi một số người buông lời lăng mạ và đe dọa bạo lực thô bạo. Ngọn đuốc của một tín hữu đã bị giật đi và ném vào những người tham gia”.

“Cuộc rước bắt đầu lại và tiếp tục, với sự tham gia của cảnh sát, đến nhà thờ Đức Bà ở Fontenelles. Một đơn khiếu nại sắp được nộp”.

“Giáo phận đã liên hệ với các cơ quan công quyền để bảo đảm rằng sự an toàn của các tín hữu, những người phải được quan tâm một cách hợp pháp, được bảo đảm đầy đủ ngay bây giờ và trong tương lai,” tuyên bố viết.

Cảnh sát phản ứng với các cuộc tấn công

Hôm thứ Bảy, sở cảnh sát Haut-de-Sein đã đăng trên Twitter rằng họ “lên án mạnh mẽ những lời lăng mạ, đe dọa và bạo lực được thốt ra trong cuộc rước kiệu và bày tỏ tình đoàn kết với những người Công Giáo ở Nanterre. Những hành vi như thế này là không thể dung thứ được”.

Trong những năm gần đây, các hành vi phá hoại chống lại các nhà thờ ở Pháp đã gia tăng đáng kể. Một nghiên cứu gần đây của Đài quan sát về sự không khoan dung chống lại các tín hữu Kitô ở Âu Châu đã chỉ ra rằng Pháp là một trong 5 nước Âu Châu chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về bạo lực và phân biệt đối xử chống Kitô Giáo.

Nhiều người e ngại rằng: Nước Pháp, vốn được coi là Trưởng Nữ của Giáo Hội Công Giáo Toàn Cầu, giờ đây là mảnh đất vàng cho Hồi Giáo và những kẻ vô thần
Source:Aleteia
 
Đức TGM Salvatore Cordileone bị từ chối đến thăm một giáo xứ
Nguyễn long Thao
12:27 14/12/2021
Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone bị từ chối đến thăm một giáo xứ

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của tổng giáo phận San Francisco dự kiến đến thăm giáo xứ Thánh Agnes tại thành phố San Francisco vào ngày 19 tháng 12 năm 2021. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của Ngài đã bị huỷ bỏ vì giáo dân ở đây nêu lý do Đức Tông Giám Mục Cordileone đã không chích ngừa vaccine chống covid-19.

Linh mục George Williams, chính xứ giáo xứ thánh Agnes viết trên tờ thông tin giáo xứ: “Tôi đã gọi điện thoại cho Ngài và yêu cầu Ngài lên kế hoạch khác về chuyến viếng thăm giáo xứ chúng tôi vì nhiều người trong giáo xứ bày tỏ lo lắng vì Ngài không chích vaccine chống covid-19.”

Linh mục chính xứ viết thêm “Tôi cảm thấy điều quan trọng là mọi người đều được cảm thấy an toàn, và tất cả chúng tôi đều đã làm hết sức mình. ngăn chặn sự lây lan COVID-19, đặc biệt là bây giờ mọi người đang quan ngại với biến thể Omicron.Tôi cảm thấy chuyến thăm mục vụ của Ngài sẽ bị lu mờ vì những lo ngại đại dịch ",

Cha chính xứ Williams nói với hãng tin ABC7, "Chính sách của chúng tôi ở đây là tất cả các linh mục cử hành Thánh lễ phải đã được tiêm vaccince vì chúng tôi quan tâm đến giáo dân. Khi tôi giải thích điều này với Đức Tổng, Ngài rất hiểu. Chúng tôi mong Ngài sẽ đến thăm giáo xứ chúng tôi vào một dịp khác."

Một giáo dân của giáo xứ Agnes: bà Rita Clunies-Ross, cho biết: "Không phải vì chúng tôi không muốn tiếp đón Ngài, nhưng vì Đức TGM Cordileone không chịu tiêm phòng, trong khi đại đa số giáo dân chúng tôi đã chích ngừa nên tôi không thấy thoải mái khi thấy Ngài đến giáo xứ chúng tôi.”

Tổng giáo phận San Francisco có một lập trường dứt khoát về vắc-xin COVID, khuyến khích mọi người dân San Francisco tiêm vaccine. Vào tháng 8 Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi mọi người đi tiêm vaccine, gọi đó là một hành động yêu thương.

Nhưng tại sao Đức TGM Cordileone không chịu chích ngừa Vaccine chống Covid-19?

Trả lơì cuộc phỏng vấn với báo San Francisco Chronicle, Đức TGM Cordileone cho biết bác sĩ riêng của Ngài nói rằng, "có lẽ Ngài không cần phải tiêm phòng Covid 19" vì lý do "hệ thống miễn dịch của Ngài ấy rất mạnh."

Nguyễn Long Thao
 
Các giáo xứ ở Semeru thiệt hại nặng vì chính quyền địa phương không cảnh báo núi lửa phun trào
Đặng Tự Do
16:42 14/12/2021


Sau khi núi lửa Semeru, cao 3,676m, phun trào vào ngày 4 tháng 12, các nhà hoạt động xã hội dân sự và hàng giáo sĩ Công Giáo Indonesia đã tố cáo chính quyền không đưa ra cảnh báo: “Nếu báo động được nâng lên kịp thời, nhiều người có thể đã được cứu”.

Người đứng đầu Cục Địa chất Giảm nhẹ Thiên tai và Núi lửa Indonesia, gọi tắt là PVMBG, thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, cho biết chính quyền địa phương đã được cảnh báo: vào ngày 2 tháng 12, PVMBG đã đăng một thông điệp cảnh báo, cảnh báo rằng một số ngôi làng ở các huyện Lumajang và Malang có nguy cơ bị ảnh hưởng. Vấn đề là tại sao chính quyền địa phương không thông báo cho dân chúng trong vùng. Phải chăng vì khu vực này gần như toàn tòng Công Giáo?

Tro tàn từ miệng núi lửa đã nhấn chìm toàn bộ hai ngôi làng trên sườn núi, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng. Ngoài ra còn có ít nhất 20 người mất tích và hàng nghìn người phải di dời.

Indonesia là nơi có 127 ngọn núi lửa đang hoạt động, nhưng chỉ có 69 ngọn được PVMBG giám sát.

Cha Marco O.Carm, thuộc Caritas ở Giáo phận Malang, nói với AsiaNews rằng ngài đã có thể thiết lập một điểm phân phối thực phẩm cho những người phải di dời ở Pronojiwo, bất chấp cầu Gladag Perak, là huyết mạch giao thông trong vùng đã bị sập.

Cha Carmelite giải thích: “Vì cầu sập, chúng tôi phải chuyển hướng viện trợ nhân đạo qua Probolinggo để đến Pronojiwo mất thêm từ 3-4 giờ di chuyển”.

Hơn 2,000 người sống sót đã tìm thấy nơi trú ẩn tạm thời ở Pronojiwo, Candipuro và Pasirian. Cha Rudy, cha phụ tá của Cha Marco nói rằng việc thành lập các điểm phân phối thực phẩm và nước uống “là một vấn đề cấp bách”. Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia xác nhận rằng gần 3 nghìn ngôi nhà và ít nhất 38 trường học đã bị phá hủy.

Trong thư gửi tới Đức Tổng Giám Mục Piero Pioppo, Sứ thần Tòa thánh tại Indonesia, Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất buồn khi hay biết về những thiệt hại về người và vật chất do vụ núi lửa phun trào mới gây ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cầu nguyện “cho những người chết, những người bị thương và những người phải di dời cũng như cho các nhân viên cứu hộ và chính quyền dân sự tham gia vào các nỗ lực phục hồi” sau vụ phun trào của núi Semeru. Ngài bảo đảm khẩn cầu xin Chúa ban sức mạnh và bình an cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Source:Asia News
 
Hung hăng chống báng niềm tin Kitô, đột nhiên tuyên bố hoán cải xin gia nhập Công Giáo
Đặng Tự Do
16:43 14/12/2021


Hôm 2 tháng 12, nhà hoạt động xã hội và là một nhân vật truyền thông xã hội gây sôi nổi tại Hoa Kỳ là Kaitlin Bennett thông báo rằng cô đã từ bỏ chủ nghĩa vô thần để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Cô ấy đã ghi danh và đang theo học khóa ở Khai Tâm Kitô Giáo.

Tuyên bố của Kaitlin gây ngỡ ngàng cho nhiều người hâm mộ cô, nhưng là một tin quá tốt lành cho những người Công Giáo chúng ta trong hoàn cảnh có quá nhiều các tin không vui.

Trong một video dài 13 phút trên YouTube, nhà hoạt động 26 tuổi tiết lộ câu chuyện hoán cải đáng kinh ngạc của cô.

Đeo một sợi dây chuyền với một mề đay huyền nhiệm và đứng cạnh một bức tượng Đức Mẹ, cô ấy giải thích cuộc hành trình của mình đến với Giáo Hội Công Giáo bắt đầu như thế nào.

“Nhiều người trong số các bạn có thể bị sốc khi nghe điều này, nhưng trong ba năm qua, các bạn đã xem các video của tôi, tôi là một người vô thần. Nhưng tôi không còn như thế nữa, và tôi muốn mở lòng với các bạn về hành trình của tôi,” Bennet nói.

Sau đó, cô ấy giải thích rằng cô ấy đã yêu mến đức tin Công Giáo như thế nào. Cô ấy cũng tiết lộ sự trống rỗng trong lòng khi là một người vô thần và nó đã ảnh hưởng đến cô ấy như ra sao.

Bennett tiếp tục: “Là một người vô thần không phải là điều mà hầu hết mọi người không nên nghĩ đến - ít nhất đó không phải là điều dành cho tôi. Trở thành một người vô thần là một trong những điều đáng sợ nhất mà tôi từng trải qua. Và tôi lấy làm ân hận đã làm điều đó trong hơn một thập kỷ”.

“Bởi vì tôi quá ngu dốt và không có hiểu biết. Nỗi sợ hãi đáng nhớ nhất mà tôi từng có là chết đi sống lại. Ý nghĩ về cái chết của mình khiến tôi kinh hãi. Tôi sợ rằng việc xuống địa ngục sẽ có ý nghĩa như thế nào. Phải chăng tôi đã thực sự sống chỉ để được đặt trong lòng đất?”

“Phần tồi tệ nhất là suy nghĩ: gia đình tôi sẽ phải chịu đựng điều gì sau khi chết? Điều luôn chiếm trọn tâm trí tôi là câu hỏi: nếu tôi đã sai lầm khi chọn là người vô thần thì sao?”

Cô ấy giải thích rằng lập trường của cô ấy bây giờ là chống phá thai, bảo vệ sự thánh thiêng của cuộc sống con người. Cô cũng cho biết chính tình yêu và cách sống gương mẫu của người chồng Công Giáo đã cảm hóa cô và giúp đưa cô ấy đến với Giáo Hội.

“Thưa các bạn, sự thật là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã ghi khắc vào trái tim chúng ta nỗi khắc khoải tìm kiếm Ngài, và cuối cùng bạn sẽ tìm thấy sự thật quá rõ ràng nếu bạn thật tâm tìm kiếm.”

“Một trong những khoảnh khắc quyết định mà tôi nhận ra mình đã sai là học được rằng lòng kiêu hãnh là tội lỗi tồi tệ nhất trong bảy mối tội đầu. Đó là các tội lỗi chết người”.

Sau câu chuyện của cô, Bennett đưa ra lời khuyên “từ một người từng là người vô thần đó là các bạn hãy nuôi dạy con cái để đừng ra nông nỗi như tôi trước đây.”

Hãy cầu nguyện cho Kaitlin Bennett khi cô ấy tiếp tục hành trình đến với đức tin Công Giáo!
Source:Church POP
 
Các Hồng Y và Giám Mục Mễ Tây Cơ bị kết án vì dám tố cáo phá thai, và đường lối xã hội chủ nghĩa của chính phủ
Đặng Tự Do
16:44 14/12/2021


Hai Hồng Y Mễ Tây Cơ, một Giám Mục và ba linh mục đã bị kết tội vi phạm hiến pháp vì đã cảnh báo công chúng rằng đảng cầm quyền đang đưa ra các chính sách đối kháng với các giá trị của cuộc sống con người và gia đình, cũng như ủng hộ các chương trình nghị sự LGBT và thúc đẩy chủ nghĩa xã hội.

Các bản án đã gây ra cảnh báo ở Mễ Tây Cơ về tác động của chúng đối với tự do ngôn luận và quyền chỉ trích đảng cầm quyền xã hội chủ nghĩa “Morena”. Từ lâu đảng này đã bị cáo buộc phá hoại quyền tự do dân sự của Mễ Tây Cơ.

Trong một đoạn video tường thuật phiên tòa, một trong những thẩm phán của tòa án, là Villafuerte Coello, đã tố cáo các giáo sĩ tội khuyến khích người Công Giáo “cầu nguyện và xin Chúa soi sáng khi họ bỏ phiếu”.

Người đàn bà hung hăng này nói: “Tất nhiên điều đó không được phép”. “Phiếu bầu không phải là những thứ thuộc về trời cao hay tâm linh. Đây là việc quyết định lá phiếu bằng kiến thức, bằng thông tin, ngoài việc cân nhắc những thứ khác và đây là điều cần phải được tôn trọng, bởi vì cảm hứng từ trời cao sẽ không khiến những người giỏi nhất được bầu vào các vị trí được phổ thông đầu phiếu”.

“Những người đưa ra các thông điệp như thế đã vi phạm hiến pháp. Hiến pháp nghiêm cấm các thừa tác viên tôn giáo làm như vậy”, tòa án tuyên bố trong quyết định bằng văn bản. “Vì họ có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với những người tuyên xưng đức tin Công Giáo, họ bị cấm không được nêu rõ quan điểm đối với các cuộc bầu cử, cũng như không được xúi giục mọi người bỏ phiếu ủng hộ hoặc chống lại một tổ chức chính trị hoặc ứng cử viên liên quan đến cuộc bầu cử”.

Mục tiêu chính của cơn thịnh nộ của tòa án là Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez, người bị kết tội can thiệp vào cuộc bầu cử quốc gia cũng như vi phạm hiến pháp tách Giáo hội và nhà nước.

Theo tòa án, Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez đã vi phạm hiến pháp khi tuyên bố, trong một video YouTube vào ngày 2 tháng 6 năm nay, “Có rất nhiều nguy cơ trong các cuộc bầu cử này. Nếu những người nắm quyền giành chiến thắng, một chế độ độc tài sẽ đến, tức là, tự do sẽ mất đi, bởi vì chúng ta đang nói về một hệ thống cộng sản, xã hội chủ nghĩa, nô dịch. Anh chị em chỉ cần nhìn vào các quốc gia đã rơi vào thứ chủ nghĩa đó”. Ngài cũng cảnh báo rằng nền kinh tế Mễ Tây Cơ sẽ “bị tổn hại rất nhiều... chúng ta sẽ rất nghèo như Venezuela, như Cuba”.

Đức Hồng Y Sandoval cũng bày tỏ mối quan ngại của mình rằng “lợi ích của gia đình và của cuộc sống con người đang bị đe dọa, bởi vì chính phủ này đã áp dụng ý thức hệ giới tính, mang theo tất cả những sự man rợ phi tự nhiên, có thể cản trở và phá hủy gia đình”. Ngài cũng đề cập đến các vấn nạn như “phá thai, ly hôn tùy tiện, đồng tính luyến ái và hôn nhân đồng giới”. Vị Hồng Y cũng nói “tự do tôn giáo” cũng bị đe dọa bởi vì “hệ thống chủ nghĩa Mác-xít cộng sản yêu cầu phải triệt hạ tôn giáo.”

Để tránh những kết quả này, Đức Hồng Y Sandoval khuyến khích “người dân Mễ Tây Cơ tin vào Chúa và sự quan phòng của Ngài, cầu nguyện nhiều để Ngài soi sáng và giúp đỡ chúng ta,” cầu xin Đức Mẹ Guadalupe trợ giúp, và cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngài cũng khuyến khích người Mễ Tây Cơ “thực hiện nghĩa vụ công dân của họ” và bỏ phiếu, chứ không phải “để ruộng tự do cho những kẻ bất lương muốn cày kiểu nào thì cày”.

Đức Hồng Y Aguiar Retes nói với tòa rằng ngài không có ý định chỉ định bất kỳ đảng chính trị nào và lưu ý rằng ngài đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về cuộc bầu cử năm 2021. Tuy nhiên, ngài đã bị kết án vì những tuyên bố mà ngài đưa ra trong một thông điệp video vào năm 2018 và đã được đăng lại lại trên Twitter vào năm 2021.

Trong số những người bị kết án còn có Đức Cha Pedro Pablo Elizondo Cárdenas của giáo phận Cancún-Chetumal, và hai linh mục là các Cha Ángel Espinosa de los Monteros Gómez Haro và Cha Mario Ángel Flores Ramos. Cha Mario Ángel Flores Ramos nguyên là hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Mễ Tây Cơ.

Trường hợp của các ngài hiện đã được chuyển cho chính phủ để xác định loại hình phạt nào sẽ được áp dụng. Chính phủ có toàn quyền quyết định cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến 150,000 Mỹ Kim.

Hiến pháp của Mễ Tây Cơ đã có những điều khoản rõ ràng là nhằm chống lại hàng giáo sĩ kể từ năm 1917, khi các nhà cách mạng dưới quyền lãnh đạo Venustiano Carranza được Mỹ hậu thuẫn tìm cách củng cố chế độ thế tục và bài Công Giáo. Hiến pháp năm 1917 cấm các giáo sĩ mặc lễ phục nơi công cộng, không được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử, không được can thiệp vào chính trị và không được dạy giáo lý cho trẻ em trước tuổi vị thành niên.

Các điều khoản này đã được nới lỏng vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, hiến pháp vẫn tiếp tục cấm hàng giáo sĩ giữ các chức vụ công quyền và tham gia vào đời sống chính trị. Cho đến tận ngày nay, các tôn giáo chỉ có thể dựng nhà thờ sau khi được phép của chính phủ liên bang.
Source:Catholic World Report
 
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội phản đối các đe dọa đối với Kitô hữu tại Đất Thánh
Vũ Văn An
17:13 14/12/2021

Theo Independent Catholic News, ngày 14 tháng 12 vừa qua, các thượng phụ và Các Vị Đứng Đầu các Giáo Hội tại Giêrusalem đã công bố bản tuyên bố sau đây:

Nhà thờ Hóa Bánh Nhiều ở Tabgha bị phá hoại nặng nề


“Khắp Đất thánh, các Kitô hữu đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công thường xuyên và liên tục của các nhóm cực đoan ngoại vi. Kể từ năm 2012, đã có rất nhiều vụ tấn công bằng lời nói và thể lý nhắm vào các linh mục và các giáo sĩ khác, các cuộc tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo, với các thánh địa thường xuyên bị phá hoại và xúc phạm, và liên tục đe dọa các Kitô hữu địa phương, những người chỉ đơn giản tìm cách được tự do thờ phượng và sống cuộc sống hàng ngày của họ. Các chiến thuật này đang được sử dụng bởi những nhóm cực đoan như vậy trong một nỗ lực có hệ thống nhằm xua đuổi cộng đồng Kitô giáo ra khỏi Giêrusalem và các khu vực khác của Đất Thánh.

Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với cam kết đã tuyên bố của chính phủ Israel trong việc duy trì một nơi yên ổn và an ninh cho các Kitô hữu ở Đất Thánh và bảo tồn cộng đồng Kitô giáo như một phần không thể thiếu trong tấm thảm cộng đồng địa phương. Chúng tôi thấy bằng chứng của cam kết này ở việc chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc viếng thăm của hàng triệu tín đồ Kitô giáo đến các địa điểm linh thiêng của Đất Thánh. Do đó, quả là một vấn đề đáng lo ngại khi cam kết quốc gia này bị phản bội bởi sự thất bại của các chính trị gia, viên chức và cơ quan thực thi pháp luật địa phương trong việc kiềm chế hoạt động của các nhóm cực đoan, những người thường xuyên đe dọa các Kitô hữu địa phương, hành hung các linh mục và giáo sĩ, và xúc phạm Thánh địa và nhà thờ.

Nguyên tắc định rằng đặc điểm văn hóa và tâm linh của các khu lịch sử và khác biệt của Giêrusalem cần được bảo vệ đã được công nhận trong luật của Israel đối với Khu Do Thái. Tuy nhiên, các nhóm cực đoan vẫn tiếp tục sở đắc tài sản chiến lược trong Khu phố Kitô giáo, với mục đích làm giảm sự hiện diện của người Kitô giáo, bằng cách thường xuyên sử dụng các giao dịch ám muội và chiến thuật đe dọa để đuổi cư dân ra khỏi nhà của họ, làm giảm đáng kể sự hiện diện của người Kitô giáo, và tiếp tục làm gián đoạn các tuyến đường hành hương lịch sử giữa Bêlem và Giêrusalem.

Hành hương Kitô giáo, ngoài việc là quyền của tất cả những người Kitô giáo trên toàn thế giới, còn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế và xã hội của Israel. Trong một báo cáo gần đây của Đại học Birmingham, người ta nhấn mạnh rằng du lịch và hành hương của Kitô giáo đóng góp 3 tỷ đô la cho nền kinh tế Israel. Cộng đồng Kitô giáo địa phương, tuy nhỏ và đang giảm về số lượng, nhưng vẫn cung cấp một lượng rất đáng kể các dịch vụ giáo dục, y tế và nhân đạo trong các cộng đồng khắp Israel, Palestine và Jordan.

Phù hợp với cam kết đã được tuyên bố về việc bảo vệ tự do tôn giáo của các nhà chức trách chính trị địa phương của Israel, Palestine và Jordan, chúng tôi yêu cầu một cuộc đối thoại khẩn cấp với chúng tôi các Nhà lãnh đạo Giáo hội, để:

- Đối phó với những thách thức do các nhóm cực đoan ở Giêrusalem gây ra cho cả cộng đồng Kitô giáo lẫn nền pháp trị, để đảm bảo sẽ không có công dân hoặc tổ chức nào phải sống dưới nguy cơ bạo lực hoặc đe dọa.

- Bắt đầu đối thoại về việc thành lập một khu vực văn hóa và di sản Kitô giáo đặc biệt để bảo vệ sự toàn vẹn của Khu Kitô giáo ở Thành phố Cổ Giêrusalem và để bảo đảm rằng đặc điểm và di sản độc đáo của nó được bảo tồn vì phúc lợi của cộng đồng địa phương, của cuộc sống quốc gia của chúng ta, và thế giới rộng lớn hơn”.

Các Giáo Hội có trụ sở ở Hoa Kỳ vì Hòa bình Trung Đông (CMEP) đã đưa ra tuyên bố của riêng họ vào hôm nay ủng hộ các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Giêrusalem.

Họ nói: “Các Giáo Hội có trụ sở ở Hoa Kỳ vì Hòa bình Trung Đông (CMEP) luôn cam kết hỗ trợ tính bền vững của Kitô giáo ở Trung Đông nói chung, và đặc biệt là cổ vũ một Giêrusalem chung của người Palestine và người Israel.

CMEP ghi nhận và phản đối các mưu toan đang diễn ra nhằm giảm thiểu sự hiện diện của Kitô hữu ở Israel / Palestine. Các cộng đồng Kitô giáo là nguồn quan yếu của nền văn hóa của vùng đất này cũng như là những người quản lý các địa điểm được người Kitô giáo trên khắp thế giới gọi là thánh địa. Khi các Kitô hữu chuẩn bị cử hành lễ Giáng sinh, chúng tôi luôn nhớ đến anh chị em của mình ở Đất Thánh, những người tiếp tục duy trì các truyền thống tại nơi mà đức tin của chúng ta đã bắt đầu.

Do đó, CMEP đứng chung hàng ngũ với các Thượng phụ và Các Vị đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi một cuộc đối thoại khẩn cấp với các cơ quan chính quyền ở Israel, Palestine và Jordan. Chúng tôi cực lực phản đối sự chống đối của các nhóm cực đoan đối với các cộng đồng Kitô giáo, một sự chống đối hiện đang bộc lộ rõ ràng ở Giêrusalem. CMEP cổ vũ và vận động cho việc bảo tồn các di sản Kitô giáo, đặc biệt là trong Khu phố Kitô giáo ở Cổ Thành”.

Giám đốc Điều hành CMEP Mae Elise Cannon nhận xét: "Chúng tôi vô cùng đau buồn trước những cuộc đấu tranh đang diễn ra của các cộng đồng theo Chúa Kitô ở Đất Thánh. Sự hiện diện của họ đang bị đe dọa và chúng ta phải làm mọi chuyện có thể để bảo tồn sự hiện diện của Kitô hữu ở Giêrusalem, Israel, và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng".

CMEP mời các Kitô hữu Hoa Kỳ ủng hộ tuyên bố gần đây của các Thượng phụ và Các Vị đứng đầu các Giáo hội bằng cách chia sẻ nó trong cộng đồng của họ. CMEP luôn cam kết nêu tình hình mà các cộng đồng Kitô giáo ở Đất Thánh phải đối đầu với các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ khi chúng tôi vận động cho quyền tự do tôn giáo của tất cả mọi người trong khu vực.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Giảng phòng Giáng Sinh chật ních tại Gx ĐMHCG Garland TX
Trần Mạnh Trác
15:30 14/12/2021
Xem hình

Gx ĐMHCG Garland TX vừa khai mạc 3 ngày giảng phòng một cách bất thường, không phải vào dịp cuối tuần để cho giáo dân có thề dùng ngày nghỉ mà tham gia, nhưng vào ngày thứ Hai đầu tuần và 2 ngày tiếp theo, vốn thường được coi là ngày bận rộn và tẻ nhạt nhất cho những người còn phải đi làm.

Không rõ vì lý do Cha giảng phòng là một nhà thuyết giảng nổi tiếng, LM Giuse Nguyễn Thiết Thắng OSB, (Order of Saint Benedict, dòng Thánh Biển Đức), hay là vì các cha giải tội đã lấy việc nghe giảng làm việc đền tội, mà buổi khai mạc 3 ngày tĩnh tâm muà Vọng, vào tối thứ Hai, ngày 13 tháng 12 hôm qua, đã đông chật ních người.

Lần trước khi viết phóng sự về Lễ Tạ Ơn ở đây, chúng tôi mô tả số người tham gia là 'quá tải'...nhiều người cho rằng chữ đó không có trong tự điển trước năm 75! và đuà rằng tôi cũng nên mô tả buổi tĩnh tâm này là 'quá tải' một lần nữa!

Thực ra thì số người tham gia cũng 'gần quá tải' đấy! chỉ thiếu việc người ta chưa đứng tràn ra sân mà thôi!

Một lý do nữa về số người tham gia đông đảo cũng có thể là việc cha Chánh xứ, Lm Phaolô Nguyễn Tất Hải, DCCT, muốn chọn ngày thường (trong tuần) để cho phần đông giáo dân là những người sinh sống trong các lãnh vực dịch vụ có thể tham gia. Chúng ta biết rằng những người làm việc trong các lãnh vực dịch vụ như nhà hàng, tiệm buôn, du lịch, khách sạn, trang điểm và mỹ phẩm thì luôn phải làm việc cho đến khuya thứ Bảy-Chuá Nhật nhưng lại có thể chia phiên nhau nghỉ bù vào những ngày thứ Hai, Ba, Tư.

Chọn những ngày 'khác thường' ấy chính là cung cấp cơ hội tham gia cho các giới sinh sống dịch vụ vậy.

Gx ĐMHCG có phát hành các video bài giảng cuả ngài, những ai muốn theo dõi xin truy cập trang web cuả Gx sau đây (phần Thánh lễ ONLINE):
http://dmhcg.org/
 
Chứng nhân Đức tin – Nữ tu 105 tuổi Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
Nt. Maria Phạm Thị Thu Trang
19:46 14/12/2021
Chứng nhân Đức tin – Nữ tu 105 tuổi Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội

Vào hồi 17h15 thứ Bảy, ngày 11 tháng 12 năm 2021, khi hồi chuông giờ Kinh chiều I của ngày Chúa Nhật tuần III mùa Vọng, Chúa Nhật của niềm vui, vang lên cũng là lúc Nữ tu Mátta Nguyễn Thị Khiêm, vị chứng nhân lịch sử cuối cùng kể từ giai đoạn tiền bán thế kỷ XX, cây đại thụ của Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đã ngả bóng. Người nữ tu ấy dừng chân tạm nghỉ trong cuộc hành trình dài trên dương thế, an nghỉ lành thánh trong Chúa, hân hoan bước vào chặng đường mới với 105 tuổi đời– 88 năm Khấn Dòng, tại Cộng đoàn Mến Thánh Giá Kẻ Non thuộc giáo xứ Cẩm Sơn, Tổng Giáo phận Hà Nội.

Thật đúng như tên gọi của mình, Nữ tu Mátta cả một cuộc đời luôn sống khiêm hạ. Dù ở cương vị nào thì người nữ tu ấy vẫn luôn là người dễ gần, dễ mến, nhỏ bé, đơn sơ nhưng kiên trung trước mọi nghịch cảnh, với nụ cười luôn tươi nở trên môi. Bởi thế mà nhiều Đấng Bậc, chị em toàn dòng và bà con giáo dân dành cho Nữ tu ấy một tình cảm thật đặc biệt, một cách gọi gần gũi thật trìu mến, thân thương “Mẹ Khiêm” hay “Mẹ Mátta”

Mẹ Khiêm sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Đạo Truyền, Bình Lục, Hà Nam, trong một gia đình đạo đức có bốn anh chị em. Mẹ Mátta ước ao dâng mình cho Chúa ngay từ khi còn rất nhỏ. Sau nhiều năm tìm hiểu, lui tới với nhà dòng, mặc dù lúc đó rất khó khăn, tới năm 15 tuổi Mẹ được chính thức gia nhập Dòng Mến Thánh Giá Cộng đoàn Kẻ Non và được Tuyên khấn lần đầu với lời khấn tư vào năm 1932.

Năm 1954, xảy ra cuộc di cư lớn, dòng người từ miền Bắc vào miền Nam, hầu hết các dòng tu trong Địa phận Hà Nội thời đó đã di cư hay buộc phải rời khỏi Việt Nam. Nhiều cơ sở tôn giáo cũng như các Tu viện vườn không nhà trống không người hiện diện. Mẹ Mátta là một trong số ít những nữ tu Mến Thánh Giá đáp lại lời kêu gọi của Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê: không di cư nhưng ở lại song hành cùng Địa Phận Hà Nội trong giai đoạn đầy gian nan, khó khăn và thử thách này.

Số các chị em Mến Thánh Giá còn sót lại ấy được Đức Cha Giuse Maria sai đi tản ra trong các tu viện Mến Thánh Giá hoặc các cơ sở của Giáo hội không còn người ở như Nhà Kín 72 Nguyễn Thái Học Hà Nội, trường Thánh Mẫu 29-31 Nhà Chung để giữ đất, giữ nhà. Khó khăn do hoàn cảnh của thời cuộc chất chồng, nhiều hoạt động tông đồ của chị em Mến Thánh Giá thời đó chỉ là âm thầm hiện diện như men trong đấu bột giữa những xứ đạo cùng bà con giáo dân. Sự thiếu hụt linh mục trầm trọng, đi lại khó khăn, các chị phụ trách việc Rửa tội cho trẻ nhỏ, trao Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt và các Đấng Bậc bị quản thúc hay cầm tù, chép sách kinh bổn để gìn giữ Đức tin, đồng hành và hiện diện cùng bà con giáo dân trong

mọi biến cố vui buồn của cuộc sống.

Mẹ Mátta được Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê tin tưởng trao phó những chức vụ như Phụ trách Tu viện Kẻ Non kiêm phụ trách Tập Viện giai đoạn 1955 – 1961. Mẹ cũng là một trong bảy chị đầu tiên của Ban Điều Hành Dòng được khấn công khai theo giáo luật dưới thời Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Bà Mẹ nhì khóa I và II toàn dòng (1983 – 1991). Cùng với Bà Mẹ nhất Mátta Nguyễn Thị Nhục, Mẹ đã trở thành hai trụ cột vững chắc của Hội dòng, nâng đỡ và duy trì ơn gọi trẻ trong giai đoạn “Chính sách ngầm” đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của miền Bắc lúc bấy giờ với mục đích “Xóa sổ các cơ sở Tôn giáo và Tu viện.” Nhiều ơn gọi trẻ đến xin gia nhập Dòng muốn xin tạm trú hay nhập hộ khẩu đều không được, nên chị em đành phải chịu cảnh “tu chui”. Ban ngày các Chị phục vụ trong tư cách người giúp việc Nhà dòng, nhiều đêm phải chạy trốn vì bị kiểm tra hộ khẩu bất thường do cư trú bất hợp pháp theo luật bấy giờ.

Nữ tu Matta Nguyễn Thị Khiêm đón tiếp Đức Cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận tại cộng đoàn Kẻ Non

Có những chị em khổ quá định bỏ tu về lại gia đình, được Mẹ kịp thời an ủi động viên nâng đỡ để tiếp tục ơn gọi. Những chị em mới gia nhập Tu viện, chập chững những bước đi đầu tiên trong ơn gọi đầy bỡ ngỡ, được Mẹ dạy bảo ân cần, tập sống khó nghèo và các nhân đức để thánh hóa từng giây phút hiện tại trong ngày sống. Không chỉ chị em trong Dòng, nhưng cả bà con giáo dân cũng tìm đến với Mẹ khi gia đình có những biến cố vui buồn, để được Mẹ chuyển cầu trong lời kinh nguyện hoặc là nhận lấy những lời khuyên dạy chân thành, nâng đỡ nhằm giúp các gia đình vượt qua thử thách.

Thế rồi những giai đoạn khó khăn gian khổ đầy nước mắt và đau thương đó qua đi cũng là lúc Mẹ Mátta được nghỉ ngơi và hưu dưỡng tại Cộng đoàn Kẻ Non kể từ năm 1991 cho đến nay.

“Tôi đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững Đức tin” giờ đây Mẹ Mátta trở về cùng Thiên Chúa là Cha yêu thương, sau khi đã hoàn tất hành trình dương thế, trung kiên sống Đức tin trong giai đoạn khó khăn gian khổ nhất của thời cuộc, trung thành gìn giữ bảo vệ tinh thần và gia sản của Hội dòng… Để hôm nay đây chúng tôi, thế hệ cháu con được thừa hưởng thành quả mà Mẹ và các bậc tiền nhân để lại… sẽ tiếp nối tâm nguyện của Mẹ để song hành với mọi biến cố vui buồn của Tổng Giáo phận, cùng ghi tiếp những trang sử thiêng của Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, với khát vọng giới thiệu cho muôn người về Tình yêu và Lòng thương xót của Đấng-Chịu-Đóng-Đinh, Đấng đã yêu cho đến cùng, Đấng đã chết vì yêu, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Nt. Maria Phạm Thị Thu Trang

Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
 
VietCatholic TV
Mưu toan ám sát ĐGH đã được Do Thái ngăn chặn kịp – Diễn biến nội vụ theo Jerusalem Post
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:02 14/12/2021

1. Tờ Jerusalem Post: Mưu toan ám sát Đức Giáo Hoàng đã bị Do Thái ngăn chặn

Tờ Jerusalem Post số ra ngày 13 tháng 12 có bài nhan đề “Israeli tech removes drone threat from Pope mass – exclusive”, nghĩa là “Công nghệ Do Thái đã loại bỏ mối đe dọa từ máy bay không người lái trong thánh lễ của Đức Giáo Hoàng – báo cáo độc quyền”.

Công nghệ của một công ty chống máy bay không người lái của Do Thái đã loại bỏ một máy bay không người lái quỷ quyệt mưu toan làm gián đoạn một thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tổ chức với 60,000 tín hữu ở Slovakia, The Jerusalem Post có thể đưa tin một cách độc quyền.

Vụ việc rất nhạy cảm, do D-Fend quản lý và giải quyết, đã xảy ra vào ngày 15 tháng 9, nhưng lệnh cấm vận không cho tiết lộ tin này ra công chúng chỉ mới được dỡ bỏ.

Ngoài ra còn có 90 giám mục và 500 linh mục có mặt trong biến cố tại sự kiện khổng lồ này.

D-Fend cho biết họ đã làm việc với Bộ Nội vụ Slovakia để bảo vệ Đức Giáo Hoàng, đoàn tùy tùng của ngài và những người tham dự khỏi mối đe dọa từ các máy bay không người lái quỷ quyệt trong suốt nhiều sự kiện ở Slovakia từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9, đỉnh điểm là Thánh lễ ngoài trời ở Šaštín, nơi có đền thánh Đức Mẹ Quốc Gia.

Sản phẩm EnforceAir do D-Fend phát triển đã được triển khai cùng với bộ công cụ chiến thuật được điều hành dưới đất để cung cấp phạm vi bao quát 360 độ.

D-Fend cho biết: Ngoài số người tham dự quá đông, còn có một số thách thức an ninh đối với việc phòng chống máy bay không người lái như trong khu vực có quá nhiều ăng-ten và hệ thống liên lạc, trong một môi trường nhiễu tần số vô tuyến rất cao.

Tiếp theo, D-Fend cho biết một số máy bay không người lái đã được xác định gần sự kiện, nhưng cảnh sát địa phương ngay lập tức xác định chúng là được cho phép và là “phe ta”.

Công nghệ của EnforceAir nhận biết và cho phép các máy bay không người lái đã được cấp phép có thể hoạt động trong vùng trời, và tập trung khả năng phòng thủ của nó vào việc giảm thiểu các máy bay không người lái giả mạo.

Một máy bay không người lái tự chế chưa từng thấy trước đây đã được EnforceAir phát hiện trong thời gian diễn ra thánh lễ.

Ban đầu, khi cảnh sát quyết định giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng, họ đã tính đến việc sử dụng giải pháp dựa trên các thiết bị gây nhiễu.

Tuy nhiên, họ nhanh chóng thay đổi phương pháp, nhận ra rằng những thiết bị gây nhiễu như vậy có khả năng làm gián đoạn các hệ thống thông tin liên lạc đang hoạt động trong khu vực. Họ cũng lo ngại cách làm đó sẽ khiến các phương tiện truyền thông xung quanh không thể truyền đi bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ, cũng như làm gián đoạn các trạm cơ sở an ninh, điều này có thể tạo ra một nguy cơ an ninh khác.

“EnforceAir đã chống lại chiếc máy bay không người lái giả mạo, đưa nó trở lại vị trí cất cánh ban đầu, cách xa đám đông,” D-Fend nói.

Đại diện văn phòng chịu trách nhiệm bảo vệ giáo hoàng cho biết: “Bảo vệ một sự kiện nổi tiếng như vậy là điều quan trọng hàng đầu, vì vậy chúng tôi muốn sử dụng công nghệ chống máy bay không người lái phù hợp nhất cho các sự kiện đông người và các tình huống nhạy cảm” tại Slovakia. “Giải pháp sáng tạo của EnforceAir đã kiểm soát máy bay không người lái giả mạo đe dọa sự an toàn của Đức Giáo Hoàng, đám đông và các nhân vật quan trọng có mặt một cách nhanh chóng và dễ dàng”.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của D-Fend, Zohar Halachmi cho biết, “Thật vinh dự khi được tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện quan trọng như vậy; cũng như hỗ trợ việc thực thi pháp luật và an ninh trên quê hương của chúng ta. Các phương pháp hay nhất mà chúng tôi học được từ những khách hàng sử dụng công nghệ của chúng tôi để bảo vệ các yếu nhân tại các sự kiện lớn trên toàn thế giới đã được tích hợp vào EnforceAir, tạo điều kiện cho một sự phát triển liên tục khả năng chống các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.”

Công ty cho biết, “Vụ này phản ánh mối nguy hiểm ngày càng tăng do máy bay không người lái gây ra cho các quan chức trên toàn thế giới và các sự kiện lớn. Vụ việc đã kết thúc một cách an toàn nhờ công nghệ chống máy bay không người lái đã được D-Fend triển khai tại hiện trường. Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng đã tận dụng công nghệ của D-Fend để bảo vệ các nhà lãnh đạo thế giới vào mùa hè này”.

Theo D-Fend, “Máy bay không người lái đang đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia trên toàn thế giới - đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, dân thường và bây giờ là đối với các nhà lãnh đạo.”

Công ty chống máy bay không người lái ghi nhận những nỗ lực gần đây nhằm ám sát Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bằng cách sử dụng máy bay không người lái.
Source:Jerusalem Post

2. Người Công Giáo Pháp bị tấn công trong đoàn rước kiệu lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

Tuần trước, một nhóm người Công Giáo Pháp tham gia lễ rước Đức Mẹ hàng năm ở ngoại ô Paris đã bị những người biểu tình tấn công và đe dọa bằng lời nói.

Tờ Le Figaro đưa tin, khoảng 30 giáo dân và giáo sĩ đến từ Nanterre, Pháp, những người thực hiện cuộc rước đuốc hàng năm vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thứ Tư, ngày 8 tháng 12, đã phải chạm trán với một nhóm mười người.

Tờ báo mô tả đây là một “cuộc xung đột rất nóng”, trong đó 10 người Hồi Giáo đã lăng mạ những người Công Giáo rước đuốc, đe dọa tấn công họ, và gọi họ là “những kẻ ngoại đạo”. Tờ Le Figaro đưa tin rằng Jean-Marc Sertillange, một phó tế tham gia cuộc rước đuốc, đã công bố một bản tường trình về vụ tấn công:

“Cuộc rước của chúng tôi, diễn ra hàng năm vào ngày 8 tháng 12 nhân ngày lễ của giáo xứ, bắt đầu từ nhà thờ Thánh Giuse để đến nhà thờ Đức Bà, ở quận Pablo Picasso. Tuyến đường dài chưa đầy một km đã được Hội Đồng tỉnh cho phép sau khi tôi làm đơn”.

“Nhưng ngay sau 7 giờ tối, và khi chúng tôi chỉ mới tiến được vài trăm thước, một đám người lạ trên đường đã tấn công chúng tôi ngay tại điểm cầu nguyện đầu tiên.”

Theo vị phó tế này, những người biểu tình đã gọi người Công Giáo là “kouffars” (“những kẻ không tin”) và đe dọa rằng “Theo kinh Koran, chúng tôi sẽ cắt cổ các ngươi.”

“Sau đó, họ tạt nước vào chúng tôi, giật lấy một ngọn đuốc và ném về phía chúng tôi”

Chính phủ Pháp lên án vụ tấn công

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã lên án các cuộc tấn công trên Twitter, gọi chúng là sự vi phạm tự do tôn giáo.

“Những hành vi như thế là không thể chấp nhận được. Quyền tự do thờ phượng phải có thể được thực hiện trong tất cả sự thanh thản ở đất nước chúng tôi. Hãy hỗ trợ cho những người Công Giáo ở Pháp”.

Giáo phận mô tả các mối đe dọa bạo lực

Cuộc đối đầu diễn ra bên ngoài nhà thờ Thánh Giuse ở Fontenelles thuộc giáo phận Nanterre.

Giáo phận đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 11 tháng 12, được National Catholic Register công bố như sau:

“Một cuộc rước Đức Mẹ - đã trình báo với Quận Hauts-de-Seine - đã được tổ chức giữa các nhà thờ Thánh Giuse và nhà thờ Đức Bà tại Fontenelles thuộc giáo phận Nanterre vào ngày 8 tháng 12 năm 2021”.

“Trong cuộc rước kiệu này, hai điểm dừng đã được hoạch định. Trong chặng dừng thứ nhất, đoàn rước đã bị tấn công bởi một số người buông lời lăng mạ và đe dọa bạo lực thô bạo. Ngọn đuốc của một tín hữu đã bị giật đi và ném vào những người tham gia”.

“Cuộc rước bắt đầu lại và tiếp tục, với sự tham gia của cảnh sát, đến nhà thờ Đức Bà ở Fontenelles. Một đơn khiếu nại sắp được nộp”.

“Giáo phận đã liên hệ với các cơ quan công quyền để bảo đảm rằng sự an toàn của các tín hữu, những người phải được quan tâm một cách hợp pháp, được bảo đảm đầy đủ ngay bây giờ và trong tương lai,” tuyên bố viết.

Cảnh sát phản ứng với các cuộc tấn công

Hôm thứ Bảy, sở cảnh sát Haut-de-Sein đã đăng trên Twitter rằng họ “lên án mạnh mẽ những lời lăng mạ, đe dọa và bạo lực được thốt ra trong cuộc rước kiệu và bày tỏ tình đoàn kết với những người Công Giáo ở Nanterre. Những hành vi như thế này là không thể dung thứ được”.

Trong những năm gần đây, các hành vi phá hoại chống lại các nhà thờ ở Pháp đã gia tăng đáng kể. Một nghiên cứu gần đây của Đài quan sát về sự không khoan dung chống lại các tín hữu Kitô ở Âu Châu đã chỉ ra rằng Pháp là một trong 5 nước Âu Châu chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về bạo lực và phân biệt đối xử chống Kitô Giáo.

Nhiều người e ngại rằng: Nước Pháp, vốn được coi là Trưởng Nữ của Giáo Hội Công Giáo Toàn Cầu, giờ đây là mảnh đất vàng cho Hồi Giáo và những kẻ vô thần
Source:Aleteia
 
Bản án bất công đối với Hai HY, một Giám Mục và ba linh mục. Ơn lạ: Đang hung hăng chống báng, lại xin theo đạo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:40 14/12/2021


1. Các giáo xứ ở Semeru thiệt hại nặng vì chính quyền địa phương không cảnh báo núi lửa phun trào

Sau khi núi lửa Semeru, cao 3,676m, phun trào vào ngày 4 tháng 12, các nhà hoạt động xã hội dân sự và hàng giáo sĩ Công Giáo Indonesia đã tố cáo chính quyền không đưa ra cảnh báo: “Nếu báo động được nâng lên kịp thời, nhiều người có thể đã được cứu”.

Người đứng đầu Cục Địa chất Giảm nhẹ Thiên tai và Núi lửa Indonesia, gọi tắt là PVMBG, thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, cho biết chính quyền địa phương đã được cảnh báo: vào ngày 2 tháng 12, PVMBG đã đăng một thông điệp cảnh báo, cảnh báo rằng một số ngôi làng ở các huyện Lumajang và Malang có nguy cơ bị ảnh hưởng. Vấn đề là tại sao chính quyền địa phương không thông báo cho dân chúng trong vùng. Phải chăng vì khu vực này gần như toàn tòng Công Giáo?

Tro tàn từ miệng núi lửa đã nhấn chìm toàn bộ hai ngôi làng trên sườn núi, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng. Ngoài ra còn có ít nhất 20 người mất tích và hàng nghìn người phải di dời.

Indonesia là nơi có 127 ngọn núi lửa đang hoạt động, nhưng chỉ có 69 ngọn được PVMBG giám sát.

Cha Marco O.Carm, thuộc Caritas ở Giáo phận Malang, nói với AsiaNews rằng ngài đã có thể thiết lập một điểm phân phối thực phẩm cho những người phải di dời ở Pronojiwo, bất chấp cầu Gladag Perak, là huyết mạch giao thông trong vùng đã bị sập.

Cha Carmelite giải thích: “Vì cầu sập, chúng tôi phải chuyển hướng viện trợ nhân đạo qua Probolinggo để đến Pronojiwo mất thêm từ 3-4 giờ di chuyển”.

Hơn 2,000 người sống sót đã tìm thấy nơi trú ẩn tạm thời ở Pronojiwo, Candipuro và Pasirian. Cha Rudy, cha phụ tá của Cha Marco nói rằng việc thành lập các điểm phân phối thực phẩm và nước uống “là một vấn đề cấp bách”. Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia xác nhận rằng gần 3 nghìn ngôi nhà và ít nhất 38 trường học đã bị phá hủy.

Trong thư gửi tới Đức Tổng Giám Mục Piero Pioppo, Sứ thần Tòa thánh tại Indonesia, Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất buồn khi hay biết về những thiệt hại về người và vật chất do vụ núi lửa phun trào mới gây ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cầu nguyện “cho những người chết, những người bị thương và những người phải di dời cũng như cho các nhân viên cứu hộ và chính quyền dân sự tham gia vào các nỗ lực phục hồi” sau vụ phun trào của núi Semeru. Ngài bảo đảm khẩn cầu xin Chúa ban sức mạnh và bình an cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Source:Asia News

2. Hung hăng chống báng niềm tin Kitô, đột nhiên tuyên bố hoán cải xin gia nhập Công Giáo

Hôm 2 tháng 12, nhà hoạt động xã hội và là một nhân vật truyền thông xã hội gây sôi nổi tại Hoa Kỳ là Kaitlin Bennett thông báo rằng cô đã từ bỏ chủ nghĩa vô thần để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Cô ấy đã ghi danh và đang theo học khóa ở Khai Tâm Kitô Giáo.

Tuyên bố của Kaitlin gây ngỡ ngàng cho nhiều người hâm mộ cô, nhưng là một tin quá tốt lành cho những người Công Giáo chúng ta trong hoàn cảnh có quá nhiều các tin không vui.

Trong một video dài 13 phút trên YouTube, nhà hoạt động 26 tuổi tiết lộ câu chuyện hoán cải đáng kinh ngạc của cô.

Đeo một sợi dây chuyền với một mề đay huyền nhiệm và đứng cạnh một bức tượng Đức Mẹ, cô ấy giải thích cuộc hành trình của mình đến với Giáo Hội Công Giáo bắt đầu như thế nào.

“Nhiều người trong số các bạn có thể bị sốc khi nghe điều này, nhưng trong ba năm qua, các bạn đã xem các video của tôi, tôi là một người vô thần. Nhưng tôi không còn như thế nữa, và tôi muốn mở lòng với các bạn về hành trình của tôi,” Bennet nói.

Sau đó, cô ấy giải thích rằng cô ấy đã yêu mến đức tin Công Giáo như thế nào. Cô ấy cũng tiết lộ sự trống rỗng trong lòng khi là một người vô thần và nó đã ảnh hưởng đến cô ấy như ra sao.

Bennett tiếp tục: “Là một người vô thần không phải là điều mà hầu hết mọi người không nên nghĩ đến - ít nhất đó không phải là điều dành cho tôi. Trở thành một người vô thần là một trong những điều đáng sợ nhất mà tôi từng trải qua. Và tôi lấy làm ân hận đã làm điều đó trong hơn một thập kỷ”.

“Bởi vì tôi quá ngu dốt và không có hiểu biết. Nỗi sợ hãi đáng nhớ nhất mà tôi từng có là chết đi sống lại. Ý nghĩ về cái chết của mình khiến tôi kinh hãi. Tôi sợ rằng việc xuống địa ngục sẽ có ý nghĩa như thế nào. Phải chăng tôi đã thực sự sống chỉ để được đặt trong lòng đất?”

“Phần tồi tệ nhất là suy nghĩ: gia đình tôi sẽ phải chịu đựng điều gì sau khi chết? Điều luôn chiếm trọn tâm trí tôi là câu hỏi: nếu tôi đã sai lầm khi chọn là người vô thần thì sao?”

Cô ấy giải thích rằng lập trường của cô ấy bây giờ là chống phá thai, bảo vệ sự thánh thiêng của cuộc sống con người. Cô cũng cho biết chính tình yêu và cách sống gương mẫu của người chồng Công Giáo đã cảm hóa cô và giúp đưa cô ấy đến với Giáo Hội.

“Thưa các bạn, sự thật là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã ghi khắc vào trái tim chúng ta nỗi khắc khoải tìm kiếm Ngài, và cuối cùng bạn sẽ tìm thấy sự thật quá rõ ràng nếu bạn thật tâm tìm kiếm.”

“Một trong những khoảnh khắc quyết định mà tôi nhận ra mình đã sai là học được rằng lòng kiêu hãnh là tội lỗi tồi tệ nhất trong bảy mối tội đầu. Đó là các tội lỗi chết người”.

Sau câu chuyện của cô, Bennett đưa ra lời khuyên “từ một người từng là người vô thần đó là các bạn hãy nuôi dạy con cái để đừng ra nông nỗi như tôi trước đây.”

Hãy cầu nguyện cho Kaitlin Bennett khi cô ấy tiếp tục hành trình đến với đức tin Công Giáo!
Source:Church POP

3. Các Hồng Y và Giám Mục Mễ Tây Cơ bị kết án vì dám tố cáo phá thai, và đường lối xã hội chủ nghĩa của chính phủ

Hai Hồng Y Mễ Tây Cơ, một Giám Mục và ba linh mục đã bị kết tội vi phạm hiến pháp vì đã cảnh báo công chúng rằng đảng cầm quyền đang đưa ra các chính sách đối kháng với các giá trị của cuộc sống con người và gia đình, cũng như ủng hộ các chương trình nghị sự LGBT và thúc đẩy chủ nghĩa xã hội.

Các bản án đã gây ra cảnh báo ở Mễ Tây Cơ về tác động của chúng đối với tự do ngôn luận và quyền chỉ trích đảng cầm quyền xã hội chủ nghĩa “Morena”. Từ lâu đảng này đã bị cáo buộc phá hoại quyền tự do dân sự của Mễ Tây Cơ.

Trong một đoạn video tường thuật phiên tòa, một trong những thẩm phán của tòa án, là Villafuerte Coello, đã tố cáo các giáo sĩ tội khuyến khích người Công Giáo “cầu nguyện và xin Chúa soi sáng khi họ bỏ phiếu”.

Người đàn bà hung hăng này nói: “Tất nhiên điều đó không được phép”. “Phiếu bầu không phải là những thứ thuộc về trời cao hay tâm linh. Đây là việc quyết định lá phiếu bằng kiến thức, bằng thông tin, ngoài việc cân nhắc những thứ khác và đây là điều cần phải được tôn trọng, bởi vì cảm hứng từ trời cao sẽ không khiến những người giỏi nhất được bầu vào các vị trí được phổ thông đầu phiếu”.

“Những người đưa ra các thông điệp như thế đã vi phạm hiến pháp. Hiến pháp nghiêm cấm các thừa tác viên tôn giáo làm như vậy”, tòa án tuyên bố trong quyết định bằng văn bản. “Vì họ có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với những người tuyên xưng đức tin Công Giáo, họ bị cấm không được nêu rõ quan điểm đối với các cuộc bầu cử, cũng như không được xúi giục mọi người bỏ phiếu ủng hộ hoặc chống lại một tổ chức chính trị hoặc ứng cử viên liên quan đến cuộc bầu cử”.

Mục tiêu chính của cơn thịnh nộ của tòa án là Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez, người bị kết tội can thiệp vào cuộc bầu cử quốc gia cũng như vi phạm hiến pháp tách Giáo hội và nhà nước.

Theo tòa án, Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez đã vi phạm hiến pháp khi tuyên bố, trong một video YouTube vào ngày 2 tháng 6 năm nay, “Có rất nhiều nguy cơ trong các cuộc bầu cử này. Nếu những người nắm quyền giành chiến thắng, một chế độ độc tài sẽ đến, tức là, tự do sẽ mất đi, bởi vì chúng ta đang nói về một hệ thống cộng sản, xã hội chủ nghĩa, nô dịch. Anh chị em chỉ cần nhìn vào các quốc gia đã rơi vào thứ chủ nghĩa đó”. Ngài cũng cảnh báo rằng nền kinh tế Mễ Tây Cơ sẽ “bị tổn hại rất nhiều... chúng ta sẽ rất nghèo như Venezuela, như Cuba”.

Đức Hồng Y Sandoval cũng bày tỏ mối quan ngại của mình rằng “lợi ích của gia đình và của cuộc sống con người đang bị đe dọa, bởi vì chính phủ này đã áp dụng ý thức hệ giới tính, mang theo tất cả những sự man rợ phi tự nhiên, có thể cản trở và phá hủy gia đình”. Ngài cũng đề cập đến các vấn nạn như “phá thai, ly hôn tùy tiện, đồng tính luyến ái và hôn nhân đồng giới”. Vị Hồng Y cũng nói “tự do tôn giáo” cũng bị đe dọa bởi vì “hệ thống chủ nghĩa Mác-xít cộng sản yêu cầu phải triệt hạ tôn giáo.”

Để tránh những kết quả này, Đức Hồng Y Sandoval khuyến khích “người dân Mễ Tây Cơ tin vào Chúa và sự quan phòng của Ngài, cầu nguyện nhiều để Ngài soi sáng và giúp đỡ chúng ta,” cầu xin Đức Mẹ Guadalupe trợ giúp, và cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngài cũng khuyến khích người Mễ Tây Cơ “thực hiện nghĩa vụ công dân của họ” và bỏ phiếu, chứ không phải “để ruộng tự do cho những kẻ bất lương muốn cày kiểu nào thì cày”.

Đức Hồng Y Aguiar Retes nói với tòa rằng ngài không có ý định chỉ định bất kỳ đảng chính trị nào và lưu ý rằng ngài đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về cuộc bầu cử năm 2021. Tuy nhiên, ngài đã bị kết án vì những tuyên bố mà ngài đưa ra trong một thông điệp video vào năm 2018 và đã được đăng lại lại trên Twitter vào năm 2021.

Trong số những người bị kết án còn có Đức Cha Pedro Pablo Elizondo Cárdenas của giáo phận Cancún-Chetumal, và hai linh mục là các Cha Ángel Espinosa de los Monteros Gómez Haro và Cha Mario Ángel Flores Ramos. Cha Mario Ángel Flores Ramos nguyên là hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Mễ Tây Cơ.

Trường hợp của các ngài hiện đã được chuyển cho chính phủ để xác định loại hình phạt nào sẽ được áp dụng. Chính phủ có toàn quyền quyết định cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến 150,000 Mỹ Kim.

Hiến pháp của Mễ Tây Cơ đã có những điều khoản rõ ràng là nhằm chống lại hàng giáo sĩ kể từ năm 1917, khi các nhà cách mạng dưới quyền lãnh đạo Venustiano Carranza được Mỹ hậu thuẫn tìm cách củng cố chế độ thế tục và bài Công Giáo. Hiến pháp năm 1917 cấm các giáo sĩ mặc lễ phục nơi công cộng, không được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử, không được can thiệp vào chính trị và không được dạy giáo lý cho trẻ em trước tuổi vị thành niên.

Các điều khoản này đã được nới lỏng vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, hiến pháp vẫn tiếp tục cấm hàng giáo sĩ giữ các chức vụ công quyền và tham gia vào đời sống chính trị. Cho đến tận ngày nay, các tôn giáo chỉ có thể dựng nhà thờ sau khi được phép của chính phủ liên bang.
Source:Catholic World Report