Ngày 14-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng 15/12/2019 dành cho
VietCatholic Network
01:44 14/12/2019
Bài Ðọc I: Is 35, 1-6a. 10

"Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ chúng tôi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan, và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nảy chồi non và hoan hỉ vui mừng, và khen ngợi rằng: Ðã ban cho Israel được vinh quang của xứ Liban, huy hoàng của Carmel và Saron. Chính chúng sẽ nhìn thấy vinh quang của Chúa, và huy hoàng của Thiên Chúa chúng ta.

Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay rời rã, và hãy làm cho tăng sức những đầu gối mỏi mòn. Phải nói cho những người nhát đảm rằng: Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Lạy Chúa, xin đến cứu độ chúng con (x. Is 35, 4).

Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. - Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục. Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.

Bài Ðọc II: Gc 5, 7-10

"Hãy vững lòng, vì Chúa gần đến".

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em hãy kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến. Kìa xem người nông phu trông đợi hoa màu quý báu của đồng ruộng, kiên nhẫn đợi chờ mưa xuân và mưa thu. Vậy anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi phải bị kết án. Này đây quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 12)

Alleluia, alleluia! - Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 2-11

"Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?" Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".

Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: "Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con". Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông".

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa nhật 3 mùa Vọng A : Vì Đâu Gioan Nghi Ngờ Giêsu ?
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:33 14/12/2019
Chúa Nhật 3 mùa Vọng A : Vì Đâu Gioan Nghi Ngờ Giêsu

Ở thành phố có nhiều vị quốc khách đến thăm, như Saigon chẳng hạn, chắc hẳn đã có người có lần thấy từng đoàn xe cảnh sát đi trước, thổi còi, dẹp đường… để xe của vị quốc khách chạy nhanh mà không cần dừng lại nơi đèn xanh đèn đỏ. Họ là những kẻ tiền hô, họ là kẻ dọn đường, họ là kẻ mở lối. Chắc hẳn họ phải biết họ mở lối, họ dọn đường, họ tiền hô cho ai. Chí ít, không biết tên thì cũng biết địa vị của người mà mình tiền hô, dọn đường.

Ấy vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay, kẻ dọn đường, kẻ tiền hô có tên là Gioan Tiền Hô lại hô lên rằng: không biết đấng mình dọn đường cho có đúng là đấng phải đến hay lại phải dọn đường, tiền hô cho một đấng khác với ông Giêsu. Câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay nói cho ta điều đó: “Đang ngồi trong tù, Gioan nghe biết những việc Đức Kitô làm, thì sai môn đệ đến hỏi Người rằng: ‘Thầy có thât là đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác’.”

Đã có những giải thích để bênh vực cho Gioan, rằng Gioan Tiền Hô quá biết Giêsu là Đấng phải đến, người mà Gioan cởi quai dép cho, cũng không xứng cơ mà ! (x. Ga 1, 29tt). Lại còn giới thiệu rõ ràng về Giêsu : đó là Đấng xoá bỏ tội trần gian nữa … Vậy những giải thích bênh vực này nói: Gioan sai môn đệ tới hỏi Đức Giêsu : Thầy có thât là đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác, là vì lợi ích cho các môn đệ của mình thôi, tức là những kẻ đến hỏi, cho họ tin hơn khi nghe được từ chính miệng Đức Giêsu nói ra.

Xem ra cách bênh vực cho Gioan như thế cũng hay, cũng có vẻ chính xác. Nhưng đâu có gì ngăn cản chúng ta không suy nghĩ khác. Suy nghĩ khác đó là: chính Gioan, kẻ tiền hô, nghi ngờ thật về đấng mà mình loan báo. Ngay cả Đức Giêsu khi được các đồ đệ của Gioan đặt câu hỏi như thế, thì, nếu Đức Giêsu biết là Gioan đã biết chắc rồi, sẽ không trả lời như thế này: Hãy về nói cho Gioan biết. Cần gì về nói cho Gioan biết nữa! Gioan biết chắc ai là đấng phải đến rồi mà! Chỉ cần trả lời thẳng cho các môn đồ của Gioan là được rồi: Các con không phải chờ một ai khác nữa đâu. Vậy chính bản thân Gioan Tẩy Giả nghi ngờ thật về sự thật, giả của Giêsu không biết ngài có thật là đấng phải đến, hay chỉ là đấng giả đến, nghi ngờ đó là có căn cơ. Ta thử tìm hiểu xem do căn cơ nào mà Gioan nghi ngờ như thế. Hôm nay, chỉ xin nêu lên hai.

1. Căn cơ thứ nhất: Đức Giêsu có hành vi cử chỉ khác với lời Gioan loan báo.

-Gioan Tiền hô đã loan báo một Đấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại. Trong Phúc Âm tuần trước, thánh nhân đã răn đe người Do Thái : Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. Gioan cũng nói rõ, "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (Lc 3:15-17)

Sứ điệp quả thật là dữ dội, bởi sứ điệp ấy đã gây xôn xao sợ hãi khiến dân hối cải ăn năn. Thế mà khi Đức Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn. Không oai phong, quyền lực, lại tỏ ra rất mực nhân từ : "Người không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói".

-Gioan Tiền hô loan báo sự trừng phạt: Những người biệt phái kéo đến với Gioan để “được” nghe những lời này: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các ngươi cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống.” Nhưng Đức Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ. Đức Giêsu nói : "Con người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa". "Chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc". Thật là trái ngược. Trách nào Gioan chẳng hoang mang, nghi ngờ.

Nhưng chính căn cơ thứ hai mới làm cho Gioan vốn chớm thấy nghi, thì ngờ thật sự, vì căn cơ này gắn chặt với chính con người Gioan Tẩy Giả.

2. Căn cơ thứ hai : Gioan đang bị giam trong tù.

Chắc chúng ta còn nhớ Gioan bị giam là do ông dám tố cáo tội loạn luân của vua Herode Antipas, vua này đã ngang nhiên lấy chị dâu là bà Herodia, vợ của Herođê Philip I, anh ruột của vua. Cưới vợ của anh ruột mình. Không phải lén lút, vụng trộm, mà là công khai, không coi ai ra gì (*).

Rõ ràng Gioan bị giam là do nàng Herodia là chính. Ta thấy rõ hơn điều đó nếu biết cái chết của Gioan là do bà quyết định (**).

Phạm tội buôn lậu, bán thuốc phiện, hay tham nhũng, làm điều ác, bị giam, là đích đáng. Gioan không phải vậy. Can gián, nên bị giam.

Bị giam do ý của vua, thì có oan cũng cứ vui lòng. Vì đó là thánh chỉ (như lời các bộ phim Trung Quốc hay trình chiếu: hãy quì xuống tiếp thánh chỉ). Gioan thì khác. Bị tù do thù oán của một mụ đàn bà mà ông cảnh cáo tội lỗi của y thị. Như thế chẳng những oan mà ức đến chết đi được. Bị tù oan, tù ức trong hoàn cảnh đó, làm sao Gioan không nghi ngờ về người mà ông tiền hô, rằng Đấng đó sẽ đến xét xử công bằng, sẽ giải thoát những ai bị tù tội. Tù vì tội còn được tha huống là tù bị oan và nhất là tù bị ức như Gioan, sao chẳng được thả.

Bị giam cầm, bị ngược đãi, bị hành hạ chắc Gioan dư sức chịu được. Nhưng nghi ngờ về người mà mình là kẻ tiền hô thì gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Đức Giêsu : "Ngài có phải là Đấng Cứu thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Đấng khác ?" Gioan đã hình dung một đấng Kitô Cứu Thế phải thế này: uy nghiêm, xét xử, trừng trị, giải thoát… điều mà Gioan không gặp thấy nơi ông em Giêsu của mình. Vậy đâu mới là dung mạo của Đấng Cứu Thế?

3. Dung mạo Đấng Cứu Thế (Đấng Phải Đến)

Trước câu hỏi ấy của người được Gioan phái đi hỏi, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp. Nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật cho Gioan những việc Ngài làm : "Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng". Với câu trả lời ấy, Đức Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của I-sa-i-a về Đấng Cứu Thế. Đồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Đấng Cứu Thế.

Chắc nhiều người đã từng câu chuyện người ăn xin mà thi hào Tagore đã kể. Kẻ ăn xin kia đang trên đường khất thực, nghe thây tiếng chuông kêu của xa giá nhà vua đi tới, liền mừng thầm là sẽ được vua giàu có cho gì đây. Quả xa giá có dừng lại, nhà vua có bước xuống, nhưng thay vì cho người ăn mày cái gì thì lại xin người ăn xin : ngươi có gì cho ta không? Người ăn xin buồn quá, mở bị gạo xin được từ sáng tới giờ, lấy đúng 1 hột cho nhà vua, rồi cất bước đi xin tiếp. Chiều về, dốc túi gạo ra, thấy lấp lánh 1 hạt vàng, chỉ 1 hạt thôi. Bấy giờ người ăn xin mới chợt hiểu và hối tiếc, phải chi ta trao cả túi gạo cho Người.

Ta đang chờ đón Chúa đến. Hãy cảnh giác. Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một ánh mắt cảm thông. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Chúa đến chỉ thoáng qua. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ nên dung mạo của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra dung mạo đích thực của Chúa, để con biết đón tiếp Chúa trong Mùa Giáng sinh năm nay. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(*) Cũng chẳng phải là chỉ mình Herode chủ động, mà chính nàng (bà) Herodia cũng muốn như thế, khi thấy chồng mình, tuy là con đầu của Herode Cả, mà chả được tí đất nào để cai trị, làm giàu, bèn muốn làm bà hoàng hậu, hơn là vợ hiền hậu.

(**) Con gái của bà là Salomê nhảy múa trong ngày mừng sinh nhật vua, vua vui quá hứa trong men rượu làm quà cho Salomê, con xin gì ta cũng cho, dẫu nửa nước, OK luôn. Herodia đâu cần cắt nửa nước, nàng muốn cắt lưỡi của Gioan kìa, để Gioan không còn thốt nên lời tố cáo tội loạn luân của bà nữa. Còn lưỡi đâu nữa mà tố với cáo. Thế là cái đầu của Gioan bị cắt đặt trên đĩa làm quà cho Salomê để Salomê đưa ngay vào cho mẹ là Herodia, người lấy em chồng làm chồng khi chồng còn sống. Kinh Thánh ghi, khi sai thị vệ đi lấy đầu Gioan, vua Herode buồn, buồn lắm. Nhưng ta đang ở chỗ phân tích Gioan bị giam chứ chưa bị giết.
 
Để Có Một Chúa Nhật Hồng Trong Cuộc Sống
LM. Giuse Trương Đình Hiền.
11:34 14/12/2019
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng năm A 2019

Kính thưa Cộng đoàn,

Chúng ta đang họp nhau cử hành phụng vụ Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng (chu kỳ năm A), cũng thường được gọi là “Chúa Nhật màu hồng” hay “Chúa Nhật của niềm vui”. Sở dĩ được gọi bằng danh xưng đặc biệt nầy, vì thay vì lễ phục tím, Chúa Nhật hôm nay chủ tế mặc áo hồng, và ca nhập lễ chính là lời hiệu triệu của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa”.

Nhưng “lễ phục hồng” hay “lời hiệu triệu hãy vui lên của Thánh Phaolô” cũng chỉ là những “dấu chỉ”, những “gợi ý bên ngoài” để chuyển tải một sứ điệp quan trọng của mùa Vọng cũng là của chính đời sống đức tin Kitô giáo, mà nếu có thể được tóm gọn bằng một từ thôi, thì đó chính là: VUI.

Thật vậy, Phụng vụ tuần 3 Mùa Vọng muốn khơi lên trong lòng mọi tín hữu, và qua tín hữu, trong tâm hồn mọi người, niềm vui ơn cứu độ của Đức Kitô và trong Đức Ki-Tô; đó là niềm vui khi nhận ra “sự hạ cố viếng thăm của Thiên Chúa qua chính Con Một, với một tình thương có sức mạnh tái tạo mọi sự trong một trật tự hoàn hảo, tốt lành và tràn đầy hy vọng.

Phải chăng, đây cũng chính là điều mà ngôn sứ Isaia, qua ơn linh hứng của Thánh Linh, đã dự cảm hơn sáu thế kỷ trước Chúa Kitô, ngay trong bối cảnh một đất nước Ít-ra-en hoang tàn của kiếp đời nô lệ lưu đầy:

“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò…”.

Trong cái viễn tượng huy hoàng của “Ngày Thiên Chúa viếng thăm và cứu độ”, vị sứ ngôn thi sĩ nầy đã đưa dân Ít-ra-en đi xa hơn nữa, tới một chân trời lý tưởng, bao la tuyệt vời:

“…Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng người câm sẽ reo hò…”

Và viễn cảnh đó đã hiện thực, đã được minh chứng cụ thể như lời của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Thánh Gioan Tiền Hô khi ông sai họ đến chất vấn: “Thầy có thật là Đấng phải đến hay không..”. Chúa Giêsu đã nói cùng họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những gì mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch…”

Và quả thật, tất cả những gì “mắt thấy tai nghe” trong những tháng ngày đó đều vang rộn tin vui, tin mừng.

Thật vậy,

- Làm sao không vui mừng nhảy cững lên được, khi những con người mang thương tật điếc, câm, què, mù...chỉ một cái nhìn trìu mến, một cử chỉ quyền năng đã phục hồi nguyên vẹn không chỉ thể lý mà là toàn vẹn nhân cách con người.

- Làm sao không vui mừng lên được, khi cuộc đời mang thấn phận cùi hủi vốn đã thân tàn ma dại bị ném vào hoang mạc để chết dần chết mòn theo năm tháng trong nỗi tuyệt vọng thảm thương, lại đột nhiên được chữa lành để ngẩng cao đầu mà hội nhập vào cuộc sống bình thường !

- Làm sao không vui mừng được khi những “sa mạc cuộc đời” hoang vu, rỗng tuếch vì vật chất bon chen, vì rẻ khinh loại trừ của những kẻ như Lêvi, Giakêu thu thuế lại được Thầy Giêsu ghé mắt viếng thăm và quyết chọn làm môn đệ.

- Làm sao không vui đến độ tràn trào nước mắt khi tấm thân nhơ nhớp của kiếp phận “gái làng chơi, bán trôn nuôi miệng” của cô Maria lại có ngày được chạm đến bàn chân của chính Vị Tôn Sư thánh thiện để vững tâm làm lại cuộc đời; hay trái tim tan nát, thất vọng của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đang bị bao vây bởi những con mắt rẽ khinh và những lời kết án cay nghiệt, lại được chính Thầy Giêsu phán những lời đầy khoan dung nhân ái: “Phần ta, ta không kết án chị đâu”.

- Làm sao người mẹ già thành Na-im không vui được khi đi bên quan tài đưa xác con lain gặp được một Đấng quyền uy phục sinh con mình từ trong cõi chết.

- Làm sao không vui được như tên trộm kia khi trước ngưỡng cửa của cái chết được nghe vang lên lời hy vọng ngút ngàn: “hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên dàng với ta”….

Còn nhiều lắm những niềm vui như thế, đến độ, những gì 4 vị thánh sử Matthêô, Mát-cô, Luca và Gioan thuật lại đều mang chung một “câu chuyện của niềm vui” mà thế giới hôm nay gọi là “TIN MƯNG”. Và rồi, từ “xuất phát điểm” của Tin Mừng, hay đúng hơn, từ Đấng là chính Tin Mừng đích thực và mang đến tin vui cho nhân loại, đã có một đoàn dân vĩ đại, “lữ hành” qua dọc dài năm tháng và xuyên qua muôn vạn nẻo đường của thế giới, vượt qua bao khổ ải đau thương, loại trừ, bách hại…sống và làm chứng cho một niềm vui trọn hảo, niềm vui ơn cứu độ, niềm vui được thuộc về Thiên Chúa và trở thành huynh đệ trong Đức Kitô. Vâng, một đoàn dân lạ lùng đến độ, Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã để lại một nhận xét tuyệt vời: “Trong tự điển của người Kitô hữu không có từ “buồn”.

Vâng, với những ai đã một lần gặp được Đức Kitô đều có thể sở hữu được một niềm vui ngút ngàn hay sâu lắng, niềm vui không phải hời hợt, chóng qua như kết quả vô địch của một trận bóng đá, của một vài tờ vé số độc đắc hay của một thành công trên thương trường hoặc chính trường. Đó là niềm vui cao khiết, thánh thiêng mà rất nhiều khi lại phải trả bằng máu và nước mắt, như niềm vui của Á Thánh Anrê Phú Yên khi hiên ngang ra pháp trường Thành Chiêm để chịu chết, hoặc như bao vị anh hùng tử đạo trên hý trường Coloseum, cho dù đang đối diện với mãnh thú chực chờ xé xác vẫn mĩm cười trong phó thác tin yêu, đến độ làm sững sờ con tim và trí óc của bạo chúa Nêrô và cư dân La Mã: “Tại sao họ lại hát ?”…

Mà đâu chỉ các thánh nhân mới có được niềm vui thánh thiện. Thật ra, ở giữa đời thường cuộc sống, cũng đang có bao nhiêu “chứng nhân của niềm vui” mà đôi khi chúng ta chưa kịp tỉnh táo để nhận ra hay chưa đủ khiêm nhường để học hỏi. Vâng đó là niềm vui của những người mà ai đó đã từng thấy và đã chỉ cho chúng ta qua những vần thơ:

Thấy chiếc áo vàng ai vừa qua phố nhỏ,

Chiếc bát trên tay và nụ cười trên môi.

Người ni cô thấy hạnh phúc tràn trào,

Khi mỗi bước chân là xa vòng sinh diệt.

Thấy ông thầy già cười thao thao bất tuyệt,

Giảng truyện Kiều mà hồn để nơi nao !

Một chút thanh liêm, một chút tự hào,

Nghèo danh vọng nhưng luôn giàu nhân cách…!

Tu viện âm vang khúc thánh ca trong vắt,

Người nữ tu về với Chúa chiều nay.

Cả một đời quên mình phục vụ hăng say,

Ra đi mà sao nhẹ như mây trời xanh ngát !

Vâng, ta đã thấy nụ cười trong nước mắt,

Thấy niềm vui giữa muôn vạn đắng cay.

Thấy bao mảnh đời vạ gió tai bay,

Nhưng thập giá đã phục sinh niềm hy vọng !

Như vậy, để có được một “Chúa Nhật hồng” trong cuộc đời hiện tại hôm nay với niềm vui thanh khiết, và nhất là, để có được một “Giáng Sinh vui vẻ (Merry Christmas) và an bình” trong những ngày sắp tới, hay xa hơn chút nữa, để có được một cuộc đời luôn tràn ngập tiếng cười của yên vui và hạnh phúc, thiết tưởng ngay từ hôm nay, nơi Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, chúng ta phải cùng nhau gặp gỡ Đức Kitô và hãy để cho Tin Mừng của Ngài đi vào mọi ngỏ ngách của cuộc sống, để cho sự hiện diện của Ngài phảng phất thường xuyên trong mối quan hệ ứng xử và hành động của chúng ta.

Thật vậy, một chút sẻ chia cho người đang đói, một bờ vai sát cánh để gánh bớt nỗi nhọc nhằn, một bàn tay nắm chặt để dìu ai đang kiệt sức, một ánh mắt thứ tha, một nụ cười thông cảm, một lời động viên chân tình...tất cả đều có thể mang lại những niềm vui sâu lắng và đầy ý nghĩa cho nhiều thân phận con người và cho chính chúng ta trong những ngày Mùa Vọng còn lại trên tuyến đường hướng về máng cỏ Bê Lem trong Đêm Thánh.

Và phải chăng, đó chính là cách cụ thể nhất biến những lời hiệu triệu của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Philipphê, mà Phụng vụ hôm nay một lần nữa nhắc lại, trở thành hiện thực giữa đời thường: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Tôi nhắc lại lần nữa, anh em hãy vui luôn trong Chúa”. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:58 14/12/2019

11. Người nghịch cảnh đến mà vẫn chấp nhận không đổ cho người khác, có thể nói là nhẫn nại; người không chấp nhận nhịch cảnh đến mà còn gán qua cho người khác, đó là không nhẫn nại.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:14 14/12/2019
89. TẠM KHÔNG ĂN THỊT

Thời Đường Hiến Tông, công bộ thượng thư là Quy Đăng, bủn xỉn đến nổi ngay cả người nhà cũng không được phép ăn nhiều một chút.

Một lần nọ, đã nấu chín một đùi dê, sau khi tự mình ăn hết chút ít thì làm một dấu hiệu trên món thịt, khi ông ta đi công việc trở về thì thấy dấu hiệu đã mất, té ra là bà vợ đã cắt ra ăn thử một chút ít.

Quy Đăng giận dữ cho rằng thiệt hại nghiêm trọng, trong bụng nghĩ:

- “Từ nay trở đi ta không ăn thịt nữa, thì mày cũng không thể ăn cắp”.

Bèn phát thệ từ này về sau không ăn thịt nữa.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 89:

Vì mất một miếng thịt mà thề từ nay về sau không ăn thịt nữa thì quả là giận quá mất khôn…

Nếu vì ăn thịt mà trở thành hưởng thụ tốn kém thì cũng nên thề hứa, nhưng vì mất một miếng thịt mà thề là không ăn nữa thì là người keo kiệt bủn xỉn…

Có người vì giận con chó nhà hàng xóm cứ sủa lên khi mình qua nhà họ chơi mà thề là sẽ không bao giờ đến nhà hàng xóm nữa, họ coi con chó giống như con người nên biết thù vặt; có người vì giận mấy ông trùm biện chỉ chỏ la lốii um tùm trong nhà thờ với mấy thanh niên và con nít, thế là thề từ nay không đến nhà thờ nữa, họ theo đạo không phải vì tin vào Thiên Chúa nhưng theo đạo vì mấy ông trùm ông biện họ; lại có người nặng nề hơn chỉ lên tượng đài Đức Mẹ mà thề là từ nay không thèm nghe ông cha sở giảng, vì ông cha đem chuyện buôn bán làm ăn của gia đình ông phê bình chỉ trích trên toà giảng, thế là bỏ đạo luôn…

Tất cả các loại thề hứa trên đây không được Chúa Thánh Thần soi sáng, nhưng do sự kiêu ngạo mà ra.

Người có Chúa Thánh Thần soi sáng là khi họ thấy người ta sống trong tội lỗi thì họ quyết tâm sống thánh thiện; khi thấy bạn bè sống trong ăn chơi truỵ lạc thì họ quyết tâm sống lành mạnh; khi thấy cha sở dùng toà giảng để phê bình đời tư của người này người nọ, thì họ cầu nguyện cho ngài và tìm cách góp ý thân tình với ngài…

Đừng vì mất miếng thịt mà thề là không ăn thịt nữa, nhưng khi có thịt thì mời mọi người cùng ăn cho vui, đó là tinh thần truyền giáo và bác ái của người Ki-tô hữu vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tĩnh tâm Mùa Vọng của giáo triều Rôma: Bài ca Magnificat của Đức Mẹ
J.B. Đặng Minh An dịch
16:55 14/12/2019
Lúc 9g sáng thứ Sáu 13 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm Tuần thứ Hai Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, và là giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.

Chủ đề của các bài thuyết giảng trong cuộc tĩnh tâm Mùa Vọng là một câu từ Phúc Âm theo Thánh Matthêu “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người.”

Trong phần thứ nhất, cha Raniero Cantalamessa giảng thuyết về bài ca Magnificat, khi Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabét. Phần thứ hai bàn về bài ca Magnificat trong ý hướng truyền giáo và hoán cải.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây: “My Soul Proclaims the Greatness of the Lord” – “Linh hồn tôi ngợi khen sự cao cả của Thiên Chúa”. Dưới đây là bản dịch toàn văn phần I sang Việt Ngữ.


Trong bài suy niệm này, chúng ta cùng đi với Đức Maria đến một “thành miền núi” và vào nhà bà Êlisabét. Đức Maria nói một cách thân tình với từng người chúng ta qua bài vinh tụng ca của Mẹ, bài Magnificat. Hôm nay, Giáo Hội Công Giáo cử hành Kim Khánh linh mục của người kế vị Thánh Phêrô và bài ca của Đức Maria là lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim một cách tự nhiên trong hoàn cảnh như thế này. Thiết tưởng, một bài suy niệm về bài ca này là một cách đơn sơ của chúng ta để kỷ niệm sự kiện đó.

Để hiểu được vị trí và ý nghĩa của bài thánh ca của Đức Maria, chúng ta cần nói ít điều về các bài ca vịnh nói chung. Trong các trình thuật Phúc Âm về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, các ca vịnh - Benedictus, Magnificat, Nunc dimittis - được dùng để giải thích những gì xảy ra một cách siêu nhiên, nghĩa là, để tăng cường ý nghĩa của các sự kiện Truyền tin, Thăm viếng, và Giáng sinh, làm cho các biến cố này trở thành một hình thức tuyên xưng đức tin và ngợi khen [tán tụng Chúa]. Các bài ca ấy nhấn mạnh đến ý nghĩa tiềm tàng của các sự kiện cần phải được đưa ra ánh sáng.

Như thế, các ca vịnh là một phần không thể thiếu trong trình thuật lịch sử và không chỉ là các đọan xen kẽ hay các đoạn riêng biệt, bởi vì mọi sự kiện lịch sử được tạo thành từ hai yếu tố: sự kiện và ý nghĩa của sự kiện. Có lời chép rằng “Phụng vụ Kitô giáo bắt đầu bằng những ca vịnh về thời thơ ấu [của Chúa Giêsu]”. (H. Schürmann). Nói cách khác, những ca vịnh này chứa đựng phụng vụ Giáng sinh trong một giai đoạn phôi thai. Chúng là sự hoàn thành các yếu tố thiết yếu của phụng vụ, vốn là một cử hành hân hoan của đức tin trong biến cố cứu độ.

Theo các học giả Kinh Thánh, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết về các ca vịnh này: chẳng hạn như những ai là các tác giả thực sự, những nguồn gốc, và cấu trúc. May mắn thay, chúng ta có thể để lại tất cả những vấn đề này cho các nhà phê bình tiếp tục nghiên cứu chúng. Chúng ta không cần phải chờ đợi những điểm tối nghĩa này được giải quyết mà vẫn có thể được soi sáng bởi những ca vịnh này. Điều này không phải vì những vấn đề này không quan trọng, nhưng vì có một xác tín khiến cho tất cả những điều không chắc chắn ấy trở nên ít quan trọng hơn. Thánh Sử Luca đã chấp nhận những ca vịnh này trong Phúc Âm của ngài và Giáo Hội đã chấp nhận Phúc Âm của Thánh Luca trong Giáo Luật của mình. Những ca vịnh này là “Lời Chúa” được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần.

Bài Magnificat là bài ca của Đức Maria vì Chúa Thánh Thần đề cập đến Mẹ và điều này làm cho ca vịnh này là “của Mẹ” còn mạnh mẽ hơn cả yếu tố là liệu Mẹ có thực sự tự viết ra ca vịnh này hay không! Trên thực tế, chúng ta không thực sự quan tâm đến việc liệu Đức Maria có sáng tác ra bài Magnificat hay không nhưng là liệu Mẹ có sáng tác ca vịnh ấy theo cảm hứng của Chúa Thánh Thần hay không. Cho dù chúng ta có chắc chắn rằng Đức Maria đã sáng tác ra bài này đi nữa, chúng ta sẽ không quan tâm đến điều đó cho bằng sự kiện là Chúa Thánh Thần nói với chúng ta qua bài ca này.

Ca vịnh của Đức Maria là một cách mới để nhìn Thiên Chúa và thế giới. Trong phần đầu tiên bao gồm các câu từ 46 đến 50, theo sau những gì đã xảy ra nơi Mẹ, ánh mắt Đức Maria hướng về phía Thiên Chúa; trong phần thứ hai bao gồm những câu thơ còn lại, ánh mắt của Mẹ hướng về thế giới và lịch sử.

Một cái nhìn mới về Thiên Chúa

Động thái đầu tiên trong Magnificat là hướng về Thiên Chúa; Thiên Chúa có tính ưu việt tuyệt đối so với mọi thứ khác. Đức Maria không chậm trễ trong việc đáp lại lời chào của bà Êlisabét, Mẹ cũng không tham gia vào cuộc thảo luận với con người, nhưng với Thiên Chúa. Mẹ hồi tưởng lại bản thân và đắm mình trong Thiên Chúa vô hạn. Một kinh nghiệm khôn sánh về Thiên Chúa đã được “chỉnh sửa” trong Magnificat cho mọi thời đại. Đó là ví dụ tuyệt vời nhất của cái gọi là ngôn ngữ siêu nhiên. Người ta thấy rằng khi một thực tại thiêng liêng được mạc khải cho một linh hồn, nó thường tạo ra hai tình cảm trái ngược nhau: sợ hãi và yêu mến, ngỡ ngàng và cuốn hút. Thiên Chúa mạc khải chính Ngài như một mầu nhiệm “uy nghi và hấp dẫn”, “uy nghi vì sự vĩ đại của Ngài”, “hấp dẫn vì lòng nhân hậu của Ngài”. Khi ánh sáng của Thiên Chúa lần đầu tiên chiếu vào ngài, Thánh Augustinô thú nhận: “Tôi run rẩy vì tình yêu và nỗi sợ” và thậm chí cả những tiếp xúc sau đó với Chúa cũng khiến ngài “vừa run rẩy vừa rực cháy”. [1]

Chúng ta tìm thấy một cái gì đó tương tự nơi bài ca của Đức Maria, được thể hiện bằng Kinh thánh, thông qua các tước hiệu được sử dụng. Thiên Chúa được gọi là Adonai [tiếng Hêbrơ, nghĩa là Đức Chúa – chú thích của người dịch] (có ý nghĩa hơn nhiều so với thuật ngữ “Lord” chúng ta dùng để dịch), hay “Đức Chúa”, hay Đấng Toàn Năng, và trên hết là Qadosh [tiếng Hêbrơ, nghĩa là Đấng Chí Tôn Chí Thánh – chú thích của người dịch], danh Người thật chí thánh chí tôn! Tuy nhiên, cùng lúc đó, Thiên Chúa thật linh thiêng và toàn năng được mọi người tin tưởng, được xem như là “Đấng Cứu Độ tôi”, là một Đấng nhân hậu và đáng yêu, một Thiên Chúa “của riêng ta”, một Thiên Chúa đối với mọi loài thụ tạo của Ngài. Trên hết, chính sự nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm sáng tỏ lòng nhân từ và sự gần gũi của Người với loài người chúng ta. Lòng thương xót của Chúa từ đời này đến đời khác: những từ này cho thấy ý tưởng về lòng thương xót của Chúa như một dòng sông hùng vĩ chảy suốt lịch sử loài người.

Kiến thức về Thiên Chúa gợi lên, như một phản ứng và một sự tương phản, một nhận thức và kiến thức vừa mới mẻ vừa chân thực về chính mình và bản ngã của riêng mình. Bản ngã chỉ được nhận ra trước Coram Deo, nghĩa là trước Nhan Thánh Chúa. Đây là những gì xảy ra trong Magnificat. Đức Maria cảm thấy được Chúa “nhìn đến”; Mẹ bước vào cái nhìn đó và thấy mình như Chúa thấy Mẹ. Và Mẹ nhìn thấy mình thế nào trong ánh sáng thánh thiêng này? Thưa, như là người nữ tì “hèn mọn” (ở đây, “sự khiêm nhường” có nghĩa là sự nhỏ bé và thấp hèn thật sự chứ không phải là nhân đức khiêm nhường!). Mẹ thấy mình là “một nữ tì” của Chúa. Mẹ thấy mình chẳng là gì để Chúa đoái thương nhìn đến. Đức Maria không cho rằng sự lựa chọn của Chúa là vì đức tính khiêm nhường của mình, nhưng vì ân sủng của Chúa. Nghĩ khác đi sẽ có nghĩa là tiêu diệt sự khiêm nhường của Đức Maria. Đức tính này có một cái gì đó rất đặc biệt: ta có đức tính này khi nghĩ rằng mình không có, và ta không có đức tính này khi nghĩ rằng mình có nó.

Từ nhận thức này về Thiên Chúa, về chính Mẹ và về chân lý, bùng lên niềm vui và niềm hân hoan: thần trí tôi hớn hở vui mừng... niềm vui của sự thật bùng nổ, niềm vui trước kỳ công Chúa, một niềm vui của lời tán tụng thuần khiết và nhưng không. Đức Maria tán dương Thiên Chúa vì chính Ngài, cho dù Mẹ ca ngợi Chúa vì những gì Ngài đã làm nơi Mẹ; Mẹ tán dương Thiên Chúa vì kinh nghiệm cá nhân của riêng mình, như tất cả những người thờ phượng nổi bật được nhắc đến trong Kinh thánh. Niềm hân hoan của Đức Maria là một sự hân hoan cánh chung cho hành động có tính quyết định của Thiên Chúa và đó là sự hân hoan của tạo vật vì được Đấng Tạo Hóa của mình yêu thương, đó là niềm vui được phục vụ Đấng Thánh, tình yêu, vẻ đẹp, sự vĩnh cửu. Đó là sự viên mãn của niềm vui.

Thánh Bônaventura, người đã trực tiếp trải nghiệm những tác động biến đổi đối với một linh hồn được Thiên Chúa viếng thăm, đã mô tả sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần trước Đức Maria tại thời điểm Truyền tin như một ngọn lửa bao trùm toàn bộ Đức Mẹ:

Ngài viết: “Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ như một ngọn lửa thần thánh thổi vào tâm trí Mẹ và thánh hóa thân xác Mẹ, ban cho Mẹ một sự thuần khiết hoàn hảo nhất.... Ồ, giá mà bạn có thể cảm nhận được ở một mức độ nào đó ngọn lửa từ trời rơi xuống uy nghi và tuyệt vời như thế nào, cũng như sự tươi mát mà lửa ấy mang lại. Giá mà bạn có thể nghe thấy bài thánh ca tưng bừng của Đức Trinh Nữ.” [2]

Ngay cả những nhà khoa học nghiêm khắc và chính xác nhất cũng nhận thức được rằng chúng ta đang đối diện với những từ không thể hiểu được thông qua các phương thức phân tích triết học thông thường, và thừa nhận rằng: “Bất cứ ai đọc những dòng này đều được mời gọi để chia sẻ trong hân hoan; chỉ có cộng đồng cử hành của những người tin vào Chúa Kitô và những ai trung tín với Người mới có thể hiểu được những văn bản này.” Nó được nói “trong Thần Khí” và không thể hiểu được nếu không ở trong Thần Khí.

Một cái nhìn mới về thế giới

Như tôi đã nói, Magnificat được tạo thành từ hai phần. Những gì thay đổi giữa phần thứ nhất và phần thứ hai không phải là ngôn ngữ được sử dụng, cũng chẳng phải là âm điệu. Từ quan điểm đó, bài ca này là một dòng chảy không bị gián đoạn, không có sự phá vỡ; các động từ tiếp tục ở thì quá khứ tường thuật lại những gì Chúa đã làm hay đúng hơn là những gì Ngài “đã bắt đầu làm”. Chỉ có bối cảnh hành động Thiên Chúa đã thay đổi; từ những gì Ngài đã thực hiện “nơi Mẹ”, chúng ta chuyển sang những gì Ngài đã làm cho thế giới và cho lịch sử. Nói cách khác, phần tiếp theo đề cập đến những tác động từ việc Chúa quyết định tỏ mình ra và điều đó ảnh hưởng thế nào đối với nhân loại và lịch sử.

Ở đây, chúng ta có một đặc điểm thứ hai của sự khôn ngoan được đề cập đến trong Kinh Thánh, trong đó kết hợp sự tỉnh táo trong cách nhìn thế giới với sự say sưa do sự tiếp xúc với Thiên Chúa mang đến, và cân bằng sự hân hoan và phó thác cho Thiên Chúa với chủ nghĩa hiện thực phê phán đối với lịch sử và con người. Trong phần thứ hai của Magnificat, sau khi vui mừng trong Chúa, Đức Maria hướng ánh mắt sâu sắc của mình vào những gì đang xảy ra trên thế giới.

Sử dụng một loạt các động từ mạnh mẽ ở thời bất định, từ câu 51 trở đi, Đức Maria mô tả một sự kéo xuống và đảo ngược triệt để các vị trí của con người: kẻ bị hạ bệ, người được nâng lên; người được ban của đầy dư, kẻ bị đuổi về tay trắng. Một bước ngoặt bất ngờ và không thể đảo ngược mọi thứ bởi vì đó là công việc của Thiên Chúa và Thiên Chúa không bao giờ thay đổi hoặc phản lại lời nói của chính mình như con người. Trong sự thay đổi này, hai nhóm khác nhau xuất hiện; một bên là những kẻ giàu có kiêu hãnh, và bên kia là những người đói khát khiêm nhường. Điều quan trọng là phải hiểu sự đảo ngược này và nó bắt đầu từ đâu nếu chúng ta muốn tránh những hiểu lầm về toàn bộ bài thánh ca này và cùng với nó là các mối phúc thật có thể được dự đoán ở đây trong gần như cùng những từ ngữ tương tự.

Chúng ta hãy nhìn vào lịch sử: những gì thực sự đã xảy ra khi biến cố được Đức Maria nêu lên trong bài ca bắt đầu được thực hiện? Phải chăng sẽ có một cuộc cách mạng xã hội bên ngoài qua đó người giàu đột nhiên bị bần cùng hóa và người nghèo đói được nhận lãnh đầy những điều tốt đẹp? Phải chăng sẽ có một sự phân phối công bằng hơn giữa các tầng lớp xã hội? Không. Không phải đâu. Phải chăng kẻ quyền thế thực sự bị kéo xuống khỏi ngai vàng và người khiêm nhường được nâng lên? Không. Hêrôđê tiếp tục được gọi là “Đức Vua” trong khi vì chính ông ta mà Đức Maria và Thánh Giuse phải chạy trốn sang Ai Cập.

Nếu những gì được mong đợi chỉ là một sự thay đổi xã hội ở bề ngoài, thì lịch sử đã dạy chúng ta rằng điều đó không đúng. Vậy thì, sự đảo ngược này đã diễn ra ở đâu (vì nó đã diễn ra)? Thưa, nó đã diễn ra trong đức tin! Vương quốc của Thiên Chúa đã thể hiện ra mang lại một cuộc cách mạng thầm lặng nhưng triệt để. Như thể có thứ gì đó đột nhiên được phát hiện gây ra sự đảo lộn giá trị bất ngờ. Người giàu giống như những người đã tích lũy được khối tài sản lớn nhưng khi thức dậy vào một buổi sáng, họ thấy mình nghèo khổ vì sự mất giá đến một trăm phần trăm đã diễn ra chỉ sau một đêm. Trái lại, người nghèo và người đói khát được hưởng lợi vì họ sẵn sàng chấp nhận tình huống mới này và không sợ sự thay đổi mà nó sẽ mang lại: trái tim của họ đã sẵn sàng.

Như tôi đã đề cập, sự đảo ngược được Đức Maria đề cập đến trong bài hát của Mẹ tương tự như những gì Chúa Giêsu công bố trong Các Mối Phúc Thật và trong dụ ngôn về người đàn ông giàu có. Đức Maria nói về sự giàu có và nghèo khó bắt đầu từ Thiên Chúa; một lần nữa Mẹ nói Coram Deo, trước Nhan Thánh Chúa; Thiên Chúa, chứ không phải con người, là thước đo của Mẹ. Mẹ thiết lập nguyên tắc cánh chung có tính chung cuộc. Do đó, khi nói rằng chúng ta đang đối diện với một sự đảo ngược “trong đức tin”, thì điều đó không có nghĩa là nó không thực tế và triệt để, hoặc không nghiêm chỉnh; nó nhiều hơn như thế rất nhiều. Đây không phải là một mô hình được tạo ra bởi những con sóng trên cát mà con sóng tiếp theo sẽ cuốn trôi đi. Đó là một sự giàu có vĩnh cửu và một sự nghèo đói cũng vĩnh cửu như thế.

[1] x. Thánh Augustinô, Tự Thú, VII, 16; XI, 9.

[2] Thánh Bonaventura, Lignum vitae - Rừng cùa cuộc sống, I, 3.


Source:RANIERO CANTALAMESSA
 
Tĩnh tâm Mùa Vọng của giáo triều Rôma: Bài ca Magnificat của Đức Mẹ là trường truyền giáo và hoán cải
J.B. Đặng Minh An dịch
22:48 14/12/2019
Lúc 9g sáng thứ Sáu 13 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm Tuần thứ Hai Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, và là giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.

Chủ đề của các bài thuyết giảng trong cuộc tĩnh tâm Mùa Vọng là một câu từ Phúc Âm theo Thánh Matthêu “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người.”

Trong phần thứ nhất, cha Raniero Cantalamessa giảng thuyết về bài ca Magnificat, khi Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabét. Phần thứ hai bàn về bài ca Magnificat trong ý hướng truyền giáo và hoán cải.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây: “My Soul Proclaims the Greatness of the Lord” – “Linh hồn tôi ngợi khen sự cao cả của Thiên Chúa”. Dưới đây là bản dịch toàn văn phần II sang Việt Ngữ.


Bài ca Magnificat, trường truyền giáo

Nhận xét về biến cố Truyền tin, Thánh Irênê (Irenaeus) nói rằng “Đức Maria, lòng đầy hân hoan, đã thốt lên một cách tiên tri nhân danh Hội Thánh: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa.” [3] Đức Maria giống như nghệ sĩ độc tấu bắt đầu một giai điệu mà dàn hợp xướng phải hát theo. Điều này giải thích diễn đạt “Đức Maria, mô hình của Giáo Hội” (typus Ecclesiae), được các Giáo Phụ sử dụng và được Công đồng Vatican II (LG 63) công nhận. Nói rằng “Đức Maria là mô hình của Giáo Hội”, có nghĩa là Mẹ là sự nhân cách hóa của Giáo Hội, là đại diện dễ nhận biết của một thực tại tâm linh; điều đó có nghĩa là Mẹ là mô hình gương mẫu của Giáo Hội theo nghĩa là ý tưởng về Giáo Hội được thực hiện hoàn hảo trước hết nơi Mẹ, đồng thời Mẹ là thành viên chính, là gốc rễ và trái tim của Giáo Hội.

Nhưng “Giáo Hội” có ý nghĩa gì ở đây và ở chỗ mà Thánh Irênê nói Đức Maria hát bài Magnificat nhân danh Hội Thánh? Không phải nhân danh Giáo Hội về mặt danh nghĩa, nhưng là nhân danh một Giáo Hội thực sự, nghĩa là không phải một Giáo Hội trừu tượng, nhưng là một Giáo Hội cụ thể, bao gồm những người và những linh hồn tạo nên Giáo Hội. Magnificat không chỉ được đọc mà còn được sống. Mỗi người trong chúng ta nên biến nó thành của riêng mình; thành bài thánh ca của chúng ta. Khi chúng ta nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”, thì chữ “tôi” ấy phải là một tham chiếu trực tiếp. Thánh Ambrôsiô đã viết: “Xin cho linh hồn Đức Maria ở trong anh chị em để anh chị em hân hoan trong Chúa.... Đúng là về phương diện thể lý Mẹ của Chúa Kitô chỉ có một, nhưng tất cả các linh hồn đều có Chúa Kitô trong đức tin bởi vì mỗi tín hữu đều đón nhận vào chính mình Lời của Thiên Chúa.” [4]

Dưới ánh sáng của những nguyên tắc này, bây giờ chúng ta hãy cố gắng áp dụng bài ca của Đức Maria cho chính chúng ta, cho Giáo Hội và các linh hồn, để học biết những gì chúng ta phải làm để có thể “nên giống như” Đức Maria không chỉ trong lời nói mà còn trong hành động.

Khi Đức Maria loan báo việc hạ bệ những người quyền thế và kiêu hãnh, bài Magnificat nhắc nhở Giáo Hội về thông điệp thiết yếu mà Giáo Hội phải công bố với thế giới. Bài ca ấy dạy Giáo Hội phải có tính “tiên tri”. Giáo Hội sống và thực hành bài thánh ca của Đức Trinh Nữ khi Giáo Hội lặp lại cùng với Đức Maria: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, người giàu có, lại đuổi về tay trắng!” Giáo Hội lặp lại điều này với đức tin, tạo ra sự khác biệt giữa điều này và tất cả các lời loan báo khác, Giáo Hội cũng có quyền kêu gọi sự chú ý đến công lý, hòa bình và trật tự xã hội vì Giáo Hội là thông dịch viên về luật tự nhiên được công nhận và là người bảo vệ các lệnh truyền của Chúa Kitô về tình huynh đệ.

Hai tầm nhìn [về Thiên Chúa và về thế giới] tuy khác biệt, nhưng chúng không tách biệt và có ảnh hưởng tương tác với nhau. Việc tuyên xưng đức tin về những gì Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ (tầm nhìn về Thiên Chúa trong Magnificat) trở thành dấu chỉ tốt nhất về những gì con người đến lượt mình phải làm trong lịch sử cá nhân của mình, và, đúng hơn là những gì bản thân Giáo Hội, về phương diện bác ái, phải làm đối với những người giàu có, liên quan đến ơn cứu rỗi của họ. Magnificat không phải là lời “kích động việc hạ bệ những kẻ quyền thế khỏi ngai vàng của họ nhằm nâng lên những người khiêm nhường”, nhưng đó là lời cảnh báo lành mạnh dành cho người giàu có và quyền thế về nguy cơ to lớn mà họ gặp phải như trong câu chuyện ngụ ngôn về ông phú hộ, được Chúa Giêsu đưa ra sau này.

Do đó, Magnificat không phải là cách duy nhất để đối mặt với vấn đề mà ngày nay có thể cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ là giàu có và nghèo đói, là đói khát và thừa mứa. Có những cách hợp pháp khác đến với chúng ta từ lịch sử, chứ không phải từ đức tin, mà các Kitô hữu hỗ trợ và Giáo Hội phân định. Nhưng cách thế được nêu trong Kinh thánh phải được Giáo Hội công bố luôn luôn cho tất cả mọi người như là một nhiệm vụ đặc thù của mình và qua đó Giáo Hội hỗ trợ những nỗ lực chung của tất cả những người thiện chí. Điều này luôn luôn có giá trị phổ quát và có liên quan. Nếu tình cờ có một lúc, một nơi nào đó không còn bất công hay bất bình đẳng xã hội giữa con người với nhau, mọi người đều giàu có và hài lòng, thì Giáo Hội vẫn phải tuyên bố, như Đức Maria đã làm, rằng người giàu có, Chúa đuổi về tay trắng. Trên thực tế, Giáo Hội còn phải công bố điều đó với một nhiệt tình thậm chí còn lớn hơn nữa. Magnificat có liên quan ở các nước giàu có cũng như ở các nước thuộc Thế giới thứ ba.

Có những kế hoạch và những khía cạnh của cuộc sống chỉ có thể nắm bắt được với sự trợ giúp của một ánh sáng đặc biệt, mắt trần thôi thì không đủ; chúng ta cần tia hồng ngoại hoặc tia cực tím. Hình ảnh mà ánh sáng đặc biệt này mang lại rất khác biệt và đáng ngạc nhiên đối với những người đã quen nhìn thấy những hiện tượng tương tự trong ánh sáng tự nhiên. Nhờ lời của Thiên Chúa, Giáo Hội có một hình ảnh khác về tình hình thế giới, là hình ảnh duy nhất lâu dài, bởi vì nó có được nhờ ánh sáng của Thiên Chúa và đó là hình ảnh mà chính Thiên Chúa có. Giáo Hội không thể cất giấu hình ảnh này. Nhưng Giáo Hội phải truyền bá nó một cách không mệt mỏi, làm cho nó được mọi người biết đến vì phần số đời đời của họ đang bị đe dọa. Đó là hình ảnh sẽ còn lại khi “khuôn mẫu của thế giới” này qua đi. Đôi khi Giáo Hội phải làm sáng tỏ điều này qua những từ đơn giản, trực tiếp và tiên tri, giống như những lời mà Đức Maria đã sử dụng; qua đó, chúng ta bày tỏ những điều mà chúng ta tin tưởng một cách mật thiết và thanh thản. Điều này phải được thực hiện ngay cả với giá phải trả là thế gian, theo ý kiến và quan điểm phổ biến của thời đại, xem chúng ta là những kẻ dại khờ và bị tách biệt khỏi thế giới này.

Sách Khải Huyền cho chúng ta một ví dụ về ngôn ngữ tiên tri trực tiếp và táo bạo này, trong đó sự thật thánh thiêng trái ngược lại với ý kiến của con người: “Ngươi nói: ‘Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi’; nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng.” (Kh 3:17).

Hãy nghĩ về câu chuyện nổi tiếng của Andersen, trong đó một số kẻ lừa đảo đã khiến một vị vua tin rằng có một chất liệu đẹp đẽ sẽ khiến những người mặc nó trở nên vô hình trước những kẻ ngu si và đần độn, và chỉ người khôn ngoan mới có thể nhìn thấy được. Trước hết, bản thân nhà vua không nhìn thấy điều đó nhưng ông ta sợ nói như vậy thì sẽ bị coi là một trong những kẻ ngu si đần độn và tất cả các văn võ bá quan cũng như thần dân của ông ta cũng cư xử theo cùng một cách như thế. Vì vậy, gần như hoàn toàn khỏa thân, nhà vua diễu hành qua đường phố và mọi người, để không tự phản bội chính mình, giả vờ chiêm ngưỡng chiếc áo choàng đẹp đẽ của ông ta cho đến khi vang lên tiếng trẻ con trong đám đông: “Nhưng nhà vua không mặc gì hết kia kìa!”, điều đó đã đặt một dấu chấm hết cho trò này, và mọi người cuối cùng cũng có can đảm thừa nhận rằng những chiếc áo choàng nổi tiếng không hề tồn tại.

Giáo Hội phải giống như giọng nói trẻ con đó. Đối với một thế giới mê đắm sự thịnh vượng của chính mình và với những ai cho thấy họ không tin vào mình, Giáo Hội lặp đi lặp lại những lời của sách Khải Huyền: “Ngươi không biết rằng ngươi là kẻ trần truồng!” Điều này cho thấy Đức Maria đã thực sự “thốt lên một cách tiên tri nhân danh Hội Thánh” trong bài ca Magnificat: bắt đầu từ Thiên Chúa, Mẹ là người đầu tiên vạch trần sự cơ bần cùng cực của những kẻ giàu có trong thế giới này. Chính bài ca Magnificat biện minh cho danh hiệu “Ánh sao truyền giáo”, mà Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục xưng tụng Đức Maria trong Tông huấn “Evangelii nuntiandi” – nghĩa là “Loan Báo Tin Mừng” – của ngài.

Bài ca Magnificat, trường học hoán cải

Tuy nhiên, giới hạn phần nói về kẻ kiêu hãnh và người khiêm nhường, kẻ giàu có và người nghèo đói của bài ca Magnificat trong phạm vi những gì Giáo Hội và các tín hữu phải thuyết giảng cho thế giới sẽ gây ra một sự hiểu nhầm hoàn toàn bài ca này. Chúng ta không chỉ đối diện với một cái gì đó phải được rao giảng nhưng trên hết, phải được thực hành. Đức Maria có thể công bố mối phúc cho người khiêm tốn và nghèo khổ vì bản thân Mẹ là người khiêm tốn và thanh bần. Sự đảo ngược được Mẹ đề cập đến phải diễn ra đặc biệt là trong trái tim của bất cứ ai nói về bài ca Magnificat và cầu nguyện qua bài ca này. Đức Maria nói: Chúa dẹp tan phường kiêu căng “trong lòng trí tâm hồn họ”.

Thật bất ngờ, chủ đề chuyển từ ngoài vào trong, từ các cuộc thảo luận thần học trong đó mọi người đều đúng sang những suy nghĩ của con tim mà mọi người đều sai. Những ai sống cho bản thân mình, coi mình là thần minh của chính mình, chứ không phải Chúa, thì những người ấy đang tự xây dựng ngai vàng cho mình ngồi lên ra lệnh cho người khác. Giờ đây, Đức Maria nói, Chúa đã hạ bệ những người ấy xuống khỏi ngai vàng của họ; Ngài đã vạch trần sự thiếu vắng chân lý và sự bất công của họ. Có một thế giới nội tâm được tạo thành từ những suy nghĩ, ý chí, mong muốn và đam mê, mà theo Thánh Giacôbê, luôn gây ra các cuộc chiến và xung đột, bất công và lạm dụng trong anh em (xem Gb 4: 1) và khi không ai cố gắng thay đổi tình trạng này từ gốc, sẽ không có gì thực sự thay đổi trên thế giới; và nếu có cái gì đó thay đổi đi chăng nữa thì chỉ sau một thời gian ngắn nó lại tái tạo một tình trạng tương tự như trước đây.

Như thế, chúng ta cảm động đến mức nào trước bài ca của Đức Maria, bài ca ấy xem xét kỹ lưỡng chúng ta như thế nào và “chặt đứt các cội rễ” triệt để biết bao. Tôi sẽ ngu ngốc và bất nhất đến mức nào nếu hàng ngày, trong các giờ Kinh Chiều, tôi lặp lại cùng với Đức Maria rằng “Chúa hạ bệ những ai quyền thế” trong khi đó tôi lại tiếp tục khao khát quyền lực, một vị trí cao hơn, thăng quan tiến chức, một sự nghiệp tốt hơn và đánh mất đi sự bình an nội tâm nếu tôi không thành công; và mỗi ngày tôi tuyên bố cùng với Đức Maria rằng người giàu có, Chúa đuổi về tay trắng, nhưng đồng thời tôi lại khao khát không mệt mỏi sự giàu có và của cải cùng những thứ càng lúc càng thượng hạng hơn; và rồi tôi cũng thích trắng tay trước mặt Chúa hơn là trắng tay trước mắt thế gian. Tôi sẽ ngu ngốc đến mức nào nếu tôi tiếp tục nói với Đức Maria rằng Chúa “nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”, Ngài gần gũi với họ, xa lánh phường kiêu căng và những kẻ giàu có, nhưng tôi lại làm điều ngược lại. Trong bài bình luận về bài ca Magnificat, Martin Luther viết,

Mỗi ngày chúng ta thấy rằng mọi người đều nhắm quá cao, vào các vị trí danh dự, quyền thế, sự giàu có, quyền thống trị, một cuộc sống thoải mái hơn, và vào bất cứ điều gì mang lại cho họ tầm quan trọng. Và tất cả chúng ta đều thích làm bạn với những người như vậy; chúng ta chạy theo họ, sẵn lòng phục vụ họ, chia sẻ sự vĩ đại của họ. Không ai muốn nhìn xuống những nơi thấp hơn, là những nơi đang ngự trị nghèo đói, ô nhục, túng quẫn, phiền não và thống khổ. Thay vào đó, chúng ta đảo mắt khỏi những điều như vậy. Chúng ta trốn tránh và tránh xa những người đang gặp rắc rối và để mặc họ ra sao thì ra. Không ai nghĩ đến việc giúp đỡ hoặc chìa ra một bàn tay cho họ hoặc làm bất cứ điều gì để giúp họ trở thành một cái gì đó; họ phải ở lại bậc thang thấp hèn và bị coi thường [5].

Đức Maria nói rằng Chúa làm điều ngược lại; Ngài xa lành phường kiêu căng và nâng dậy những ai khiêm nhường và không quan trọng; Ngài sẵn sàng gần gũi hơn với những người nghèo khổ và đói khát đang quấy rầy Ngài với những lời cầu xin và các thỉnh cầu hơn là với những người giàu có và hài lòng, những người không cần đến Ngài và không xin sự gì nơi Ngài. Vì thế, với sự dịu dàng từ mẫu, Đức Maria khuyên chúng ta bắt chước Chúa và biến lựa chọn của Ngài thành lựa chọn của chính chúng ta. Mẹ dạy chúng ta đường lối Chúa. Magnificat thực sự là một trường học tuyệt vời của sự khôn ngoan theo Kinh thánh, và là một trường hoán cải liên tục.

Thông qua sự hiệp thông của các thánh trong Nhiệm Thể, toàn bộ di sản to lớn này giờ đây gắn bó với bài ca Magnificat. Đây là cách bài ca này phải được hát, đó là đồng ca với tất cả các tín hữu trong Giáo Hội. Đây là cách làm cho Chúa vui thích. Để trở thành một phần của dàn đồng ca đã phát triển trong suốt nhiều thế kỷ, tất cả những gì chúng ta phải làm là dâng lên Thiên Chúa tình cảm và ý hướng muốn chuyển tải của Đức Maria, là người đầu tiên hát lên “nhân danh Giáo Hội”, nhân danh các học giả đã nhận xét về bài ca này, nhân danh những nhạc sĩ đã phổ nhạc ca vịnh ấy trong đức tin, nhân danh những người mộ đạo và nhân danh những người khiêm nhượng trong lòng đã sống bài ca ấy. Nhờ có bài thánh ca tuyệt vời này, Đức Maria tiếp tục tán dương Chúa cho tất cả các thế hệ. Tiếng hát của Mẹ, như tiếng hát của một người dẫn hát, hỗ trợ và mang theo cùng tiếng hát của Mẹ tiếng hát của Giáo Hội.

Vịnh gia mời tất cả chúng ta cùng tham gia: “Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,” (Tv 34: 4). Đức Maria lặp lại những lời tương tự với chúng ta, là con cái của Mẹ. Nếu tôi được phép diễn giải tâm trí của Đức Thánh Cha trong ngày Kim Khánh linh mục này của ngài, thì ngài cũng nói cùng chúng ta: “Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA!” Và chúng ta hứa sẽ làm điều đó.

[1] x. Thánh Augustinô, Tự Thú, VII, 16; XI, 9.
[2] Thánh Bonaventure, Lignum vitae – Rừng sự sống, I, 3.
[3] Thánh Irênê, Adv. Haer., III, 10, 2 (SCh 211, trang 118).
[4] x. Thánh Ambrôsiô, Luận về các trinh nữ, I, 31 (PL 16, 208).
[5] Weimar ed., 7, tr. 547.
 
Chuyên gia thượng thặng của Tòa Thánh: luật độc thân và đồng tính luyến ái không gây ra cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục
Vũ Văn An
23:25 14/12/2019
Nữ ký giả Inés San Martín của tạp chí Crux, ngày 14 tháng 12, có bài nói về một trong các chuyên gia chống lạm dụng tình dục của Tòa Thánh. Đó là Cha Jordi Bertomeu, người vốn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc điều tra lạm dụng tình dục ở Chile trước đây.

Tuy ít khi lên tiếng, nhưng mỗi lần ngài lên tiếng, lời lẽ của ngài được coi trọng. Đó là trường hợp tuần này, khi ngài cho công bố một tiểu luận dài 2,800 chữ trên tạp chí Tây Ban Nha Palabra, trong đó, ngài thảo luận các đề tài nóng bỏng như luật độc thân, việc Giáo Hội ngăn cấm phong chức cho phụ nữ, và đồng tính luyến ái có vai trò nào trong việc lạm dụng trẻ em.



Vắn tắt mà nói, không có vai trò nào cả. Cha cho rằng là người độc thân, là người đàn ông hay là người đồng tính không làm cho ngườì ta thành một kẻ lạm dụng tình dục.

Năm ngoái, Cha Bertomeu được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phái sang Chile cùng với Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, một thành viên khác của Bộ Giáo Lý Đức Tin, để cố gắng hiểu tình hình liên quan đến việc giáo sĩ lạm dụng tình dục tại nước này. Kết quả là một tài liệu dài cả ngàn trang dẫn đến việc từ chức của cả hàng Giám Mục Chile; cho đến nay, Đức Phanxicô mới chấp nhận đơn từ chức của 8 vị.

Luật Độc thân

Nói đến luật độc thân, Cha Bertomeu viết rằng “không có chứng cớ” nào cho thấy nó gây ra “bất cứ việc ghiền tình dục sai trái nào” hoặc có khi nào bị coi như một thông số có liên quan để xác định việc lạm dụng. Ngài viết “đúng hơn, đa số những người lạm dụng là những người đàn ông có vợ”.

Cha viết, “Một số người nghĩ rằng trong một xã hội buông lỏng về tình dục, bị nhục dục hóa đến rối loạn, với nhiều trường hợp ghiền đủ thứ văn hóa phẩm khiêu dâm và thác loạn tình dục, luật độc thân linh mục có thể bị coi như một cách sống nguy hại. Theo lý thuyết này, với việc luôn phải tự kiểm duyệt thèm muốn tình dục, kết cục vị linh mục chắc chắn sẽ khai triển ra nhiều nan đề tâm lý học liên quan đến tình trạng không trưởng thành, một tình trạng, trong nhiều trường hợp, dẫn tới các tác phong ấu dâm”.

Cha bác bỏ lý thuyết đó bằng các dữ kiện được các Giáo Hội Kitô giáo và không Kitô giáo khác cung cấp. Ngài trích dẫn Giáo Hội Hợp Nhất ở Úc, một Giáo Hội có khoảng 240,000 thành viên, không có hàng giáo phẩm và chỉ có hàng giáo sĩ nam nữ có gia đình”. Trong mấy tháng gần đây, Giáo Hội này được nhiều người chú ý vì 2,500 trường hợp lạm dụng trẻ em. Cha lý luận rằng “các dữ kiện như thế trái ngược với các dữ kiện của Giáo Hội Công Giáo, với 466,000 linh mục và 6,000 trường hợp được báo cáo cho Bộ Giáo Lý Đức Tin”.

Ngài cũng lập luận rằng luật độc thân bắt nguồn từ Tin Mừng, như đã được các nghiên cứu lịch sử chứng minh, chứ không phải là một điều xuất hiện vào thế kỷ thứ 12 để “kiểm soát tốt hơn nền kinh tế của các giáo phận”, khỏi rơi vào tình thế có “các gia đình giáo sĩ”.

Cha Bertomeu viết, “Điều 33 của Công đồng Elvira [thế kỷ IV], không phát minh ra 'luật độc thân', một việc vốn không hiện hữu đến tận thời điểm đó trong Giáo hội, nhưng là câu trả lời cho nhu cầu phải làm rõ một số tình huống vô tổ chức phát sinh sau thời gian bị đàn áp tử đạo từng liên tiếp diễn ra”.

Ngài nhấn mạnh, luật độc thân luôn luôn có tính phản văn hóa, và ngày nay cũng thế, bất kể cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng đang diễn ra.

Có những người cổ vũ việc chấm dứt tình trạng “độc thân nam giới” như một nhân tố chính trong cuộc chiến đấu chống việc lạm dụng trẻ em. Họ lý luận rằng, việc ‘cho là bình thường hóa’ này đối với đời sống của vị linh mục sẽ chấm dứt việc lạm dụng vì “vị này sẽ không còn cần phải sinh hoạt tình dục với các vị thành niên nữa”.

Ngài viết, “kết luận này không trình bầy bất cứ mối liên hệ hợp luận lý nào với vấn đề chúng ta đang bàn ở đây. Không có dữ kiện khoa học nào chứng minh rằng đời sống hôn nhân sẽ chấm dứt hành vi lệch lạc của một số ít linh mục mắc chứng rối loạn tình dục này”. Ngài viết thêm rằng không có dữ kiện khoa học nào chứng minh rằng các người đàn ông ấu dâm cư xử tốt hơn khi sống với các phụ nữ. Hơn nữa, theo ngài, một số nhà xã hội học nói tới 25 phần trăm các trường hợp trong đó, các phụ nữ cặp đôi với những kẻ ấu dâm cũng là những kẻ quấy rối trẻ em.

Đồng tính luyến ái

Về vấn đề xu hướng tình dục của một linh mục dẫn đến lạm dụng, ngài viết, “từ một đài quan sát ưu tuyển như đài quan sát của thánh bộ này, người ta có thể quả quyết rằng hiện tượng đồng tính luyến ái không cho thấy phong cách giáo sĩ, vì nó ảnh hưởng đến các linh mục ở cả nhóm 'truyền thống' lẫn nhóm cởi mở hơn hoặc 'tiến bộ' hơn (bất kể bản chất sai lầm của các tĩnh từ này)”.

Căn cứ vào số liệu thống kê từ văn phòng của ngài, cùng lắm chỉ có thể cho rằng “một số nền văn hóa phụ đồng tính điển hình của một số nhóm giáo sĩ và hiện diện ở mộg số chủng viện hoặc tập viện, với sự khoan dung đối với các hành vi đồng tính luyến ái tích cực, có thể dẫn đến ấu dâm”.

Ngài viết, “Đó là các tình huống đáng được các mục tử chú ý nhiều hơn, những vị có các phương tiện mục vụ và kỷ luật để mời gọi bằng gương sáng, lời nói và thậm chí bằng ép buộc một cuộc sống khiết tịnh không gây nguy hiểm hay tai tiếng cho chính linh mục và cho Giáo hội”.

Cha Bertomeu cũng nói rằng mặc dù Giáo hội nên xấu hổ vì số linh mục đã phạm tội lạm dụng, ngài lưu ý rằng đó chỉ là một phần trăm nhỏ các giáo sĩ, so sánh với số người lạm dụng trong xã hội nói chung.

Vị linh mục nói, “Họ không cho phép duy trì các quả quyết nhằm kích động sự hoảng loạn xã hội và làm mất uy tín của Giáo hội, bêu xấu một cách bất công tầng lớp giáo sĩ về phương diện xã hội”.

Theo Cha Bertomeu, trong hai thập niên qua, “nhất là ở một số vùng của thế giới Công Giáo”, đã có “việc đối xử bất xứng, không đúng mực, không ân cần và thậm chí gây phiền phức cho các linh mục chỉ bởi các ngài là linh mục”.

Ngài cho rằng, “Một số cơ quan truyền thông đã đối xử vô trách nhiệm với hiện tượng vi phạm hình sự các vị thành niên, đến mức đã cổ vũ “cuộc bách hại bừa bãi tầng lớp xã hội giáo sĩ hoặc không tin tưởng bất cứ linh mục nào chỉ vì sự kiện ngài là một linh mục”.

Ngài nói, “một người trưởng thành và có trách nhiệm” phải bác bỏ việc bị thao túng và có khả năng phân biệt trường hợp đặc thù với trường hợp tổng quát. Ngài nói thêm rằng “sự hiện hữu của một giáo sĩ ấu dâm không nhất thiết ngụ ý rằng các linh mục và phó tế của giáo xứ tôi, Trung tâm Caritas trong thành phố của tôi hoặc của các trường học của con tôi, đều không trung thành với những lời thề hứa của chức linh mục của họ, đặc biệt là lời thề hứa độc thân, sống độc thân hoàn toàn”.

Ngài cũng nói rằng nếu 73% các vụ lạm dụng tình dục trẻ em được thực hiện trong các gia hộ, thì ta vẫn không thể nói rằng, “làm cha hoặc làm mẹ có xu hướng lạm dụng”.

Ngài thừa nhận, các trường hợp liên quan đến các linh mục có xu hướng thu hút sự chú ý của truyền thông bởi vì các ngài tự trình bầy mình như thành phần có nhiệm vụ dạy luân lý cho xã hội. Vì lý do này, trước hết là công lý cho các nạn nhân, nhưng chúng cũng gây ra tai tiếng.

Cha Bertomeu viết, “Giáo hội có trách nhiệm nặng nề phải quản lý đúng đắn cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện nay, áp dụng nghiêm túc các quy tắc do Đấng Lập pháp Tối cao ban bố về phương diện này”.

Tuy nhiên, Cha viết, công lý mà thôi chưa đủ: Các tội ác này cần phải được ngăn chặn, vì những con số “lạnh người” đã được Trung tâm Quốc tế về Trẻ em Mất tích & Bị Bóc lột đưa ra; Trung tâm này nói rằng một trong mười trẻ em bị lạm dụng tình dục.

Cha Bertomeu viết, “Giáo hội có nhiệm vụ bảo vệ những người yếu đuối nhất, và như vậy, là một không gian hoàn toàn an toàn cho tuổi thơ và tuổi trẻ”.

Cha Bertomeu lập luận rằng, bất kể sự kiện trẻ em bị lạm dụng trong mọi tầng lớp xã hội, nghề nghiệp, sắc tộc và tôn giáo, các linh mục Công Giáo bị coi và thậm chí bị đối xử thường xuyên như “các nghi phạm”của “tội ác kinh hoàng này’.

Ngài viết, “Một linh mục nói với tôi rằng rất khó để cuốc bộ mà không bị nhận diện như một giáo sĩ tại một số khu phố của thành phố của ngài. Cũng một điều y như thế xảy ra với tôi khi tôi đến một sân bay nào đó, trong một sứ vụ chính thức. Tôi kinh ngạc nhận thấy rằng sử dụng bộ đồ giáo sĩ có nghĩa là bị nhận diện thuộc về một nhóm xã hội nguy hiểm. Cùng với người bạn đồng hành của tôi, một tổng giám mục, chúng tôi không những bị tra vấn một cách kỹ càng hơn bất cứ khách du lịch nào khác ở đó, trái lại, chúng tôi còn bị kiểm soát bằng máy rò kỹ lưỡng hơn, trong trường hợp chúng tôi có tiền án”.

Ngài nói rằng giữa việc chối bỏ và báo động, điều cần là toàn bộ dân Chúa phải coi tội phạm lạm dụng tình dục của giáo sĩ như một ưu tiên - cũng như việc ngăn ngừa nó - không sợ đặt câu hỏi.

Cha viết, “Tôi nghĩ điều thích đáng là thảo luận vấn đề độc thân một cách không gay gắt hay có các quan điểm ý thức hệ, nhưng một cách cân bằng và quyết tâm khi nhắc đến việc lạm dụng tình dục do các giáo sĩ vi phạm”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tàpao - Giấc Mơ Đẹp
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
18:49 14/12/2019

Đức tân Giám mục GP Phan Thiết - Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã diễn tả: “Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao là một giấc mơ đẹp mà Mẹ Maria muốn trao tặng cho chúng ta” - Theo tiếng của dân tộc K’Ho, Tàpao có nghĩa là “một giấc mơ đẹp” (Tà : đẹp theo nghĩa linh thiêng, “Pao”: giấc mơ). Nhưng nếu được viết hoặc phát âm là “Tàmpao” thì có nghĩa là “Suối mơ”.(x. Bài giảng trong Thánh lễ Bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 60 năm khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Tàpao).

60 năm là thời gian đẹp trong lịch sử đời người, là thời gian quý trong lịch sử một tổ chức. Đến tuổi 60, người ta mừng thọ. 60 năm hình thành và phát triển của một tổ chức, người ta mừng lễ ngọc.

60 năm, dấu ấn thời gian in đậm sự hiện diện chan chứa tình thương của Mẹ Maria đối với đoàn con trong Giáo Phận Phan Thiết, là quãng thời gian để hoàn thành một giấc mơ đẹp. Đức Mẹ Tàpao từ nơi vùng núi rừng hẻo lánh, nay đã trở thành một Trung Tâm Hành Hương thu hút rất nhiều người khắp mọi miền đến với Mẹ.

Núi rừng Tàpao, hoang vu “khỉ ho cò gáy”, dân cư thưa thớt ít người qua lại. Nhưng Chúa đã chọn nơi này làm linh địa. Miền đất Đồng kho xưa kia chẳng có giá trị gì mấy, nay rất quý giá. Qua hành trình 60 năm, Tàpao trở nên Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu, nơi đây như là một kho tàng vô giá là chính Đức Trinh Nữ Maria hiện diện ban ơn cho muôn người đến hành hương.

Về mặt tâm linh, Tàpao vùng đất xa xôi nay trở thành kho tàng vô giá. Về mặt thổ nhưỡng, Đồng kho, miền đất núi rừng xa xôi cách trở, nay lên giá và người dân nơi đây gọi là “đất vàng”.

Ngày 13.08.2006, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Giáo Phận Phan Thiết đã chủ tế thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng công trình Đức Mẹ TaPao. Có 50 linh mục đồng tế và khoảng 50.000 người tham dự.

Trong bài giảng, Đức cha Phaolô nói rằng: Núi rừng Tàpao là nơi Chúa chọn, đây là địa chỉ tình thương, nơi Đức Mẹ gặp gỡ và ban muôn vàn ơn lành hồn xác, tăng thêm đức tin cho đoàn con cái muôn phương đến với Mẹ.

Từ ý tưởng này, Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung đã viết trong kinh Đức Mẹ Tàpao: Chúng con tạ ơn Chúa, đã thương nhận núi rừng Tàpao này làm linh địa, để Mẹ gặp gỡ chúng con và qua Mẹ chúng con gặp gỡ được chính Thiên Chúa nơi tận sâu thẳm lòng mình.

Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao là một công trình nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chính Chúa chọn nơi này làm linh địa chứ không phải do con người lập nên. Thiên Chúa hoàn toàn tự do khi tuyển chọn con người cũng như nơi chốn. Đó là ân huệ nhưng không của Ngài. Không có gì tuỳ thuộc vào ý chí hay hành động nhân loại, nhưng tất cả đều tuỳ thuộc vào lòng từ ái Thiên Chúa.

Các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ nổi tiếng trên thế giới như Lộ Đức - Fatima hay La Vang đều do Thiên Chúa chọn. Đó là những địa điểm mà lúc khởi đầu thường là hẻo lánh xa xôi khó đi lại, dân chúng nghèo khổ. Những linh địa ấy, qua Mẹ Maria, Thiên Chúa thi thố lòng xót thương cho đoàn con cái đến nguyện cầu.

Thánh tượng Đức Mẹ Tàpao là một trong năm thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ Miền Trung vào Miền Nam và cao nguyên Trung phần vào năm 1959.

Ngày 8.12.1959, Đức Cha Marcello Piquet, Giám mục Giáo phận Nha trang đã cử hành lễ Cung hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao, với sự hiện diện của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha trang, Ban mê thuột, đồng bằng sông Cửu long…Có thể nói Lễ Cung hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao là một Đại lễ tôn giáo có tầm cỡ quốc gia. Từ đó Tàpao đã là một trung tâm hành hương kính Đức Mẹ.

Từ năm 1964 đến năm 1975, vì lý do chiến sự, hầu hết bà con giáo dân sơ tán về vùng Nam sông La Ngà và những nơi khác, nên Tượng đài Đức Mẹ Tàpao không ai chăm sóc và dường như bị lãng quên…

Khoảng tháng 10 năm 1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm đã tiến hành việc kiếm tìm lại Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao. Mùa Phục Sinh năm 1989, một số giáo dân xứ Nghị Đức và Huy Khiêm âm thầm thăm viếng Tượng Đài Mẹ và phát hiện đầu, tay, chân Thánh Tượng bị bể nát. Vào cuối tháng 6 năm 1991, nhận dịp lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những anh em này được sự cho phép và cổ vũ của Đức Giám Mục Phan Thiết bấy giờ là Đức Cha Nicolas Huỳnh văn Nghi, sự khích lệ của linh mục FX Đinh Tân Thời quản xứ Duy Cần (tức Gia an hiện nay) đã đến nhờ điêu khắc gia Lê Phát (hiện đang ở giáo xứ Ngũ Phúc, Xuân Lộc) đắp vá và sửa sang lại Thánh Tượng Mẹ. Công trình hoàn tất ngày 30.7.1991. Kể từ ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao lại sừng sững trên ngọn núi Tà Pao, thuộc Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận, để ai ai cũng có thể chiêm ngắm và được Mẹ ban phúc lành.

Sự việc bắt đầu bằng câu chuyện ba em học sinh Phương Lâm thấy Đức Mẹ hiện ra và bay về phía bên kia núi. Ngày 29.9.1999, lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, một nhóm giáo dân vùng Phương Lâm và phụ cận, rồi sau đó các vùng Dốc mơ, Gia kiệm, Hố nai, rồi Sàigòn… tuôn đổ về vùng giáp ranh giữa Phương lâm và Tánh linh với ước mơ được nhìn thấy Mẹ.

Vào đầu năm 2000, sau thời gian tìm kiếm và được biết ở Tàpao thuộc huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận có tượng đài Đức Mẹ trên núi Tàpao, đoàn người đổ về Đức Mẹ Tàpao để chiêm ngắm, cầu nguyện và xin ơn…Và rồi từ đó, biết bao câu chuyện lạ và ơn lạ được tường thuật lại như những chứng từ ân sủng Thiên Chúa ban qua trung gian cầu bầu của Đức Mẹ Tàpao. Ơn lạ cụ thể đó là : nhờ lòng kính mến và thành tâm khẩn nguyện cùng Mẹ Tàpao mà bao linh hồn được ơn sám hối ăn năn, đổi mới cuộc đời quay về nẻo chính đường ngay, bao gia đình tan vỡ được hàn gắn hoà thuận, bao kẻ âu lo thất vọng được an ủi và lấy lại niềm tin yêu cho cuộc sống…

Điều lạ lùng hơn cả phải chăng đó là : từ một địa danh trước đây hầu như không mấy ai biết tới, nay Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao, nay đã trở thành một trong những Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.

Vả lại, chẳng đáng ngạc nhiên lắm sao : khi sau bao năm tháng hầu như bị lãng quên, ngày nay Đức Mẹ Tàpao trở thành nơi hội tụ của những người Con Dân Việt khắp Ba miền, trong cũng như ngoài nước; trở thành điểm quy chiếu để mỗi người có thể trở về lại với chính mình và nhận ra được con người đích thực của mình và chính nhờ đó mới có thể khám phá ra được dung mạo đích thực của Thiên Chúa Tình yêu qua dung nhan dịu hiền yêu thương của Đức Maria trong đời thường của mỗi người.

Một trung tâm hành hương là nơi Chúa đã chọn để gặp gỡ con cái của Ngài cách đặc biệt. Chính nơi đây, tình thương Chúa được tỏ bày qua bàn tay dịu hiền của Mẹ Maria. Nơi đây, Đức Mẹ tiếp tục sứ vụ của Con Mẹ là “Loan báo Tin mừng cho người nghèo” (Lc 4,18), Đức Mẹ tiếp nối thông điệp tình thương “ Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Tàpao không phải là địa điểm do con người tạo ra. Tàpao là nơi Chúa chọn để mọi người từ muôn phương đến được Mẹ bồi dưỡng bằng ơn lành hồn xác. Một khi đã đón nhận những ân ban, người ta được Mẹ mời gọi cải thiện đời sống, sống theo Tin mừng.

Đến với Mẹ Tàpao, hãy tin tưởng và noi gương Mẹ, sống bác ái yêu thương.Đến với Mẹ Tàpao, hãy siêng năng lần hạt như Mẹ dạy. Đến với Mẹ Tàpao, sau khi đã thực hiện lời Mẹ dạy, sẽ không về không.

Thiên Chúa dựng nên con người có xác có hồn theo hình ảnh của Ngài. Dọc dài lịch sử con người sống trong không gian và thời gian, con người vừa có đời sống tinh thần và đời sống vật chất. Theo Kinh Thánh, từ tạo thiên lập địa và xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã mạc khải chính Ngài và công trình cứu độ, qua những con người,với thời gian và không gian cụ thể, để giúp con người dễ cảm nếm và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và ơn cứu độ Ngài ban.

Ngày xưa, Lộ đức, Fatima, La vang là một khu vực hoang vu, là một thôn nghèo. Nét hoang vu và nghèo nàn ngày xưa đó như còn phảng phất nơi những hoa cỏ nội đồng, những bụi lau, cây sậy… Tuy nhiên, bên cạnh chút hương đồng gió nội của thời xa xưa ấy là những khách sạn, những nhà dòng, những nhà nghỉ, những nhà tĩnh tâm dành cho khách hành hương… và vô vàn của hiệu bán các tranh, ảnh tượng thánh và đồ lưu niệm. Trung tâm Lộ đức, Fatima, La vang chính là Vương Cung Thánh Đường kính dâng Mẹ với quảng trường rộng mênh mông.

Đức Mẹ trên núi Tàpao, nơi Chúa chọn cách đây 60 năm tại đại ngàn xa xôi hẻo lánh. Nay đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu. Đức Mẹ vốn có nhiều danh hiệu, ngoài những danh hiệu Thần học như Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ hồn xác lên trời…lại có những danh hiệu liên hệ với những địa danh Mẹ muốn dùng làm nơi gặp gỡ đặc biệt các con cái Mẹ. Như Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ La Vang… Giáo phận Phan thiết được vinh dự đón nhận một tôn danh mới của Mẹ là Mẹ Tàpao.Vương miện 12 ngôi sao dâng kính Mẹ dựa vào sách Khải huyền của thánh Gioan, kể về "một người nữ khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao" (Kh 12,1). Vì thế phần chính các buổi dâng hoa thường phải có năm sắc và bảy hoa. Năm sắc hoa là trắng, xanh, đỏ, tím, vàng; còn bảy hoa là Quỳ, Sen, Lê, Cúc, Mai, Lan và Mẫu Đơn. Tổng hợp các lời ngợi ca kết thành triều thiên 12 nhân đức cuộc đời Đức Maria. Xuyên suốt 12 tháng trong Năm Thánh, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Phận Phan Thiết đã dâng lên Mẹ Tàpao muôn hoa lòng tôn kính mến yêu.

Ngày đại lễ Bế mạc Năm Thánh, sự hiện diện tôn quý của Đức TGM Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Hồng Y Phêrô, 3 Đức TGM ba miền Bắc Trung Nam, các Giám mục các Giáo phận, hàng trăm linh mục đến đồng tế thánh lễ và đông đảo tu sĩ nam nữ cùng hàng chục ngàn khách hành hương cùng hiệp thông tạ ơn.

Tàpao - Giấc Mơ Đẹp, nay đã thành hiện thực, thật đẹp trong tình thương và phúc lành Thiên Chúa ban cho con người qua bàn tay từ ái của Mẹ Maria.












 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sứ Mệnh Truyền Giáo
Trần Xuân Thời
06:44 14/12/2019
Nói đến sứ mệnh là nói đến trách nhiệm thiêng liêng mà Thiên Chúa đã mật truyền cho mỗi giáo hữu khi được thánh tẩy bằng nước và ơn Thánh Linh. Về thể chất, phép bí tích Rửa Tội cho phép chúng ta trở thành công dân nước Chúa; về tinh thần, tâm hồn của chúng ta nghiễm nhiên trở thành đền thờ nơi Chúa ngự.

Được nhập tịch vào nước Chúa là một ƠN HUỆ mà mỗi giáo hữu, dù ý thức được hay không, được hưởng suốt cuộc đời vì như Chúa đã nói “Thầy sẽ ở với chúng con cho đến ngày tận thế”

(Mt 28:20). Thánh Thomas Aquino (AD 1225-1274) trong tác phẩm “Tổng Luận về Thần học- Summa Theologica”) đã viết “Đấng Tạo hóa toàn năng là đệ nhất nguyên nhân/ tác nhân, (First Cause/ agent) tạo nên muôn loài và vũ trụ. “Đấng Thượng Đế nội tại (immanent) ở trong vạn vật và trong nội tâm hay lương tri của mỗi người nên trên bình diện tự nhiên Thiên Chúa đã đương nhiên hiện hữu trong tâm trí của con người rồi.” Triêt học cổ của Trung hoa cũng đồng quan điểm: “Nhất nhân chi tâm tức thiên địa chi tâm”. Tâm linh cuả nhân thế cũng là tâm linh của Trời đất.

Vì thế, những tín hữu có lòng cao thượng trong các giáo hội trên trần thế là những tín hữu không những yêu chuộng những người đồng tín ngưởng của mình mà còn yêu chuộng cả những người không cùng tín ngưởng nhưng có lòng thành. Quan niệm nầy được Công đồng Vatican II (1962-1965) minh xác qua Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes. 4): “The Church’s Pastors… speaking with love and mercy not only to believers but to all people of good will” vì ơn Cứu Độ của Thiên Chúa được ban cho mọi người. “Salvation is open to all”.

Khi nhận lãnh ân sủng Rửa tội, chúng ta được giao phó một NGHĨA VỤ quan trọng “Chúng con phải đi khắp thế gian rao để giảng tin mừng cứu chuộc cho mọi loài tho tạo”. (Mk l6:15)

Chúa đã tuyển chọn chúng ta làm công dân nước Chúa và mời gọi chúng ta vào làm vườn nho cho Ngài. Vườn nho đây là nhân loại mà chúng ta là những thợ làm vườn. Nghĩa là chúng ta có sứ mệnh mang ánh sáng phúc âm đến cho muôn dân thiên hạ hiểu biết và thờ phượng Chúa. Làm như vậy, chúng ta đem “đạo vào đời” nhằm mục đích thi hành sứ mệnh truyền giáo, tiếp nối công trình cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã thực hiện bằng cách tự hiến tế lễ mình trên cây Thánh Giá để chuộc tội cho nhân loại.

Tiếp nối công trình cứu chuộc của Chúa là nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả của mỗi giáo hữu. Có lẽ trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người chưa am hiểu sứ mệnh cao trọng này và cứ đinh ninh rằng biết Chúa, kinh nguyện khuya sớm, xưng tội, rước lễ là đã làm tròn nhiệm vụ cao quý của một giáo hữu.

Thật ra, biết đạo và giữ đạo như vậy, chúng ta đã làm bổn phận căn bản và sơ khởi của người giáo hữu. Giữ đạo có khi vì tự ý, có khi vì luật buộc, sợ phạm tội vì không tuân luật Hội Thánh. Nếu giữ đạo vì luật buộc thì giữ đạo có tính cách thụ động, ngoài ra không biết gì đến công tác tông đồ giáo dân. Phương cách giữ đạo này chưa thoát ra khỏi tình trạng mà Thánh Phaolô gọi là giữ đạo “như trẻ em”, nghĩa là tưởng rằng sứ mệnh truyền giáo, sứ mệnh tông đồ, là sứ mệnh của các Giáo sĩ và Tu sĩ nam, nữ.

Vì thế, biết đạo và giữ đạo chỉ là thực hiện nhiệm vụ căn bản của một giáo hữu. Muốn trở thành người Công Giáo toàn diện, chúng ta cần phải học đạo. Học đạo là phương thế duy nhất để am hiểu Thánh ý Chúa, mặc dù thời gian và phương tiện thì có hạn mà sự học thì vô cùng. Có học rồi mới biết kiến thức mình chưa đủ, càng học hỏi chúng ta càng thấy mình thiếu thốn. Lý do là càng nghiên cứu học hỏi, chúng ta càng nhận thấy ý nghĩa của các lớp giáo lý căn bản, các giới luật, điều răn và kinh nghĩa là những viên đá căn bản, có tính cách cô động như những tín lý bất di, bất dịch. Giáo hội là Thầy và Mẹ thường thể hiện đầy đủ sự biến chuyển trong chủ trương đường lối của Giảo Hội trong sứ mệnh truyền thông thánh ý của Chúa. Vì vậy cứ 50 năm hay 100 năm Hội Thánh tổ chức Công Đồng để bổ túc và canh tân hướng tiến của Giáo hội vì Giáo Hội Công Giáo ở thế trần là Giáo Hội lữ hành.

Nhiều người vẫn chủ quan cho rằng mình đã biết hết giáo lý căn bản và không cần học hỏi thêm khiến cho tâm hồn và trí tuệ tiếu linh động, uyển chuyển theo dấu chỉ của thời đại (Signs of the Times), bị phong toả, hay bị tẩm liệm vào cách thế hành đạo theo phương thức cổ truyền. Họ chỉ biết các bổn phận căn bản mà thiếu sự cập nhật hoá kiến thức về “Sứ mệnh rao truyền Phúc Âm, thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm Công Giáo đích thực (Catholic Conscience formation) để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần mọi người và mọi sinh hoạt của đời sống” (Apostolican Actuosiatem).

Vả lại, con cái của thế gian khôn manh hơn con cái của thiên đàng, không nghiên cứu, học đạo thì làm sao có đủ kiến thức dùng làm hành trang thực hiện công tác hành đạo mà Chúa đã uỷ nhiệm cho chúng ta: “Chúng con hãy đi rao giảng Phúc Âm cho muôn dân thiên hạ”.

“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1Cor 9:16) vì nhân thế thì đông mà người rao giảng thì ít “Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt.” Rao Giảng không phải chỉ là nhiệm vụ các vị thừa sai mà còn là nhiệm vụ của mỗi giáo hữu. Nếu mỗi giáo hữu trong cuộc đời mình, thánh hoá được một người để họ nhận biết ơn cứu độ và tôn thờ Thiên Chúa thì chẳng bao lâu thế giới sẽ được thánh tẩy. Đừng để Chúa phải nhắc nhở chúng ta “Tại sao các con đứng đây suốt ngày mà chẳng làm gì hết?” Hiện nay có trên 200 tổ chức của Giáo Hội, mỗi đoàn thể được Giáo Hội uỷ nhiệm môt công tác đặc biệt. Các tổ chức Công Giáo Tiến Hành thường chú trong đến công tác mục vụ (pastoral obligations) để giúp duy trì hiện trạng (status quo/ existing condition) của Giáo Xứ, Giáo phận. Phong trào Cursillo là đoàn thể được Giáo Hội đặc biệt biệt uỷ nhiệm sứ mênh truyền giáo (evangelization through conversion) nhằm gia tăng số tân tòng hằng năm. Đó là mục tiêu, là ơn gọi chính yếu (primary apostolate) mà Phong traò Cursillo cần tập trung nổ lực sinh hoạt để hoàn thành sứ mệnh được giao phó.

Vai trò của mỗi giáo dân trong công tác rao giảng Phúc Âm đã được Chúa minh định là bao gồm ba chức năng chính: Tư tế,(priest) Rao giảng (prophet) và Vuơng giả.( King) Khi được rửa tội, chúng ta đã được rửa trong Chúa Kitô và được mặc lấy chính Đức Kitô, và lắng nghe tiếng Chúa còn như văng vẳng bên tai “Con là con yêu dấu rất đẹp lòng ta” (Lk 3:22).

Chúng ta đã được lột xác và trở thành con người mới, trở thành “Đền thờ thiêng liêng nơi Chúa ngự”, và đồng thời Chúa “sai chúng ta đem tin mừng cho kẻ nghèo khổ, loan tin giải phóng cho kẻ bị cầm tù, đem sự sáng cho kẻ đui mù, đem tự do cho kẻ bị áp bức...”

Chúng ta đã được tham gia vào chức vụ Tư Tế vì ngày trước chỉ có Vua và Tư Tế mới được xức dầu. Khi được xức dầu chúng ta đã được tham gia vào chức vụ Tư Tế. Tư Tế là trách vụ mà Chúa Giêsu đã dùng để tự hiến tế chính mình trên cây thánh giá và còn tiếp tục hiến tế trong nghi lễ Thánh Thể hằng ngaỳ để vinh danh Đức Chúa Cha và tiếp tục công trình cứu rổi nhân loại.

Là giáo dân, chúng ta thi hành trách vụ Tư Tế bằng cách hiến dâng cách riêng những điều chúng ta nghĩ, những việc chúng ta làm, cách sống đạo, hành đạo hằng ngày. Tất cả những việc chúng ta làm trở thành của lễ thiêng liêng làm đẹp lòng Chúa. “Như thế người giáo dân thanh hiến cho Thiên Chúa chính cả trần gian này. Nhờ lòng phụng thờ Chúa khắp mọi nơi bằng một đời sống thánh thiện.”

Trách vụ Rao giảng đã uỷ nhiệm cho chúng ta năng cách làm chứng nhân của Chúa trên thế gian này. Chúng ta hành động như men dậy từ bên trong, thánh hoá thế giới bằng cách “đem ánh sáng Phúc Âm đến cho mọi người, bằng chứng tá của một đời sống sáng chói Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.”

Để thi hành, chức vụ rao giảng, chúng ta không những ôn lại hết kinh nghĩa căn bản mà còn học hỏi (study) để quán triệt chủ trương đường lối hay triết lý hành động của Giáo Hội. Chủ trương của Giáo Hội uyễn chuyển, không có tính cách tĩnh như các giới răn, mà có tính cách linh động, biến chuyển theo dấu chỉ của thời đại, theo đà tiến hoá của nhân loại về mọi khía cạnh sinh hoạt như văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị… dựa trên những giá trị bất di bất dịch của Kinh Thánh là mến Chúa và yêu người.

Chủ trương và đường lối thường được thể hiện trong các văn kiện, các Hiến Chế hay Tông Huấn mà chúng ta có nhiệm vụ phải học hỏi, nghiên cứu để trở thành những “viên đá sống động” xây dựng Giáo Hội.

Chúng ta có thể giữ đạo một cách tiêu cực, nghĩa là giữ các giới răn Đức Chúa Trời và các luật điều Hội Thảnh ... các giáo lý căn bản nghĩa là đủ để gọi là “giữ đạo”. Nhưng giữ đạo như thế được Cộng Đồng Vatican II coi như là giữ đạo một cách thụ động, chỉ biết lo cho bản thân mình được cứu rỗi mà lơ là nhiệm vụ tông đồ giáo dân nhằm thánh hoá muôn dân, hoặc thiếu sự “hăng say” vào làm Vườn nho cho Chúa.

Người giáo dân toàn diện phải đi từ thái độ Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc đến sứ mệnh Bình Thiên Hạ.

Tu Thân là giai đoạn tiên khởi, hành xử nghĩa vụ công dân Chúa, biết đạo và giữ đạo. Tuân giữ các giáo lý căn bản trong cuộc sống thường nhật, có thể được gọi là “mộ đạo” nhưng vẫn còn nằm trong tinh trạng trì trệ “dậm chân tại chổ”. Tu thân để trở thành cá nhân sáng suốt, sống giữa trần thế, chuẩn bị dấn thân vào mọi nghĩa vụ và công tác của trần thế. Liên hệ gia đình là nguồn gốc phát sinh những liên hệ xã hội. Trong được ấm, ngoài chắc phải được êm.

Trong diễn tiến thánh hoá cá nhân hay tu thân, chúng ta phải tề gia để biến gia đình trở nên gia đình Thánh Thiện. Chúng ta có nhiệm vụ giáo huấn con cái để chuẩn bị cho chúng trở thành những giáo dân gương mẫu cho gia đình, Cộng Đồng và Giáo Hội.

Sau giai đoạn tu thân và tề gia. Chúng ta phải tiến đến giai đoạn thánh hoá cá nhân bằng cách nghiên cứu học hỏi các chủ trương đường lối của Giáo Hội, các Hiến Chế, Tông Đồ Mục Vụ của Giáo Hội đế mở mang trí tuệ hầu có đủ khả năng “mở miệng dạy kẻ mê muội” hoặc dấn thân vào “việc truyền giảng giáo lý, trao đổi khả năng sư phạm trong việc đào tạo người Kitô hữu.”

Mỗi giáo dân có một vị thế thần học ở trần thế. Cuộc sống của mỗi giáo hữu không chỉ là một chuỗi những biến cố nhân sinh xã hội, mà còn phản ảnh một “thực tại chuyên biệt thần học” giữa thế trần. Thần học ở đây bao hàm ý nghĩa là mỗi giáọ hữu hiện diện giữa thế trần với một sức sống thần bí đầy ơn gọi thiêng liêng, và sứ mệnh cao cả mà Chúa đã ban cho mỗi giáo dân khi chịu phép rửa tội. Ơn gọi thiêng liêng và thần bí này mỗi giáo dân tự chính mình có thể cảm nghiệm được nhân cách thiêng liêng và cao trọng mà Chúa đã mặc khải, với sự giúp sức của Chúa Thánh Thần mà người ngoại đạo không linh cảm được. Tính cách thần học về vị thế mỗi giáo hữu trong trần thế thôi thúc chúng ta: “Phải nên thánh trong mọi tác phong của mình.”

Những lời chúng ta nói, những việc chúng ta làm đều phải thực hiện với danh nghĩa Đức Giêsu Kitô. ” Whatever you do, do to the glory of God”. Vị thế nghĩa vụ cá nhân thiêng liêng đến nổi “không được để công việc gia đình và trần thế lấn át đời sống thiêng liêng của mình.”

Chúng ta thường nghe câu chuyện một vị Thánh đi tìm hiểu mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi, gặp một em bé đang cố công múc nước biển đổ vào cát, vị Thánh bảo cậu bé không nên làm việc vô ích vì nước sẽ thấm qua cát và lại chảy ra biển. Cậu bé trả lời đổ nước vào cát vẫn có ích hơn là việc đi tìm hiểu Đức Chúa Trời Ba Ngôi vì mầu nhiệm này vượt ra ngoài trí tuệ của con người.

Do đó, tu thân bằng cách học hỏi, cần phải được bồi dưỡng trí tuệ bằng lối cầu nguyện, vì có những vấn đề vượt ra ngoài khả năng lãnh hội của trí tuệ con người nếu không được Thánh Linh giúp sức hầu chúng ta có thể vững tâm “ tin trước, hiểu sau” và được vũ trang tinh thần đầy đủ đế tiếp nối công trình của Chúa cửu thế nhằm: “Cứu rỗi con người và canh tân trật tự thế giới.”

Sau khi tu luyện tinh thần, người “Quân Tử vụ bản” để tu thân và tề gia. Trị Quốc là giai đoạn kế tiếp nhằm phát triển vai trò của người giáo hữu, vượt ra ngoài bản thân và gia đình để phụng sự Cộng Đồng dân Chúa. Cộng Đồng dân Chúa được thể hiện qua các Giáo Hội địa phương: Giáo Xứ và Giáo phận.

Giáo xứ là tiểu vũ trụ và Giáo Hội thế giới là đại vũ trụ. Về phương diện vật lý, các tiểu vũ trụ kết hợp thành đại vũ trụ, nhưng trên bình diện tinh thần, Giáo Hội thế giới không phải là tổng số các Giáo xứ địa phương hợp lại, mà chính Giáo Hội hoàn vũ thế hiện và hiện hữu trong các giáo xứ địa phương và "Giáo hội địa phương được hình thành theo hình ảnh của Giáo hội hoàn vũ”. Trong quan niệm này, chúng ta có thể nói mỗi giáo hữu là một giáo hội.

Trong thời kỳ cách mạng Nga bùng nổ một số thánh đường bị phá hủy và giáo hội địa phương bị giải tán. Một hôm, có một em bé sáng sớm hăm hở đi đến thánh đường. Trên đường đi, em bé gặp một anh lính tuần canh hỏi em đi đâu mà sớm thế, em bảo đi đến nhà thờ. Người lính tuần canh trố mắt nhìn em mà bảo nhà thờ đã bị phá hủy và giáo hội đã bị giải tán. Em bé lắc đầu, nói với người lính tuần canh “Ông lầm rồi giáo hội không thể bị giải tán, vì tôi là Giáo Hội”. Trong lúc người lính tuần canh còn ngẩn ngơ vì câu trả lời có tính cách xác quyết, em bé vẫn xăm xăm tiến đến vị trí ngôi thánh đường đổ nát!

Mổi Giáo xứ là “một gia đình của Chúa, một cộng đoàn đầy tỉnh huynh đệ, chỉ có một linh hồn” (Lumen Gentium). Hay nói khác đi, Giáo xứ là một Cộng Đồng Thánh Thể, có năng cách cử hành Bí Tích Thánh Thể, một Cộng Đồng Đức Tin. Đức Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ Lục đã tuyên bố với hàng giáo sĩ Rôma: “Ta tin tưởng là cơ cấu cổ kính của giáo xứ có một sứ mệnh khẩn thiết rất hợp thời. Chính giáo xứ là cộng đồng tiên khởi của dân Chúa. Chính giáo xứ đã khai trương đời sống phụng vụ và tập hợp dân Chúa . . . Giáo xứ có bổn phận phải bảo tồn và nung nấu đức tin. Giáo xứ còn là trường dạy dỗ giáo lý cứu rỗi của Chúa Kitô. Giáo xứ là nơi tích cực thực thi cảc công tác bác ái huynh đệ”.

Giáo xứ là một hình thức cộng đồng kiểu mẫu, mà mỗi giáo hữu có nhiệm vụ cùng nhau góp ý kién để cứu xét và giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo xứ. Giáo xứ là căn nhà mở rộng đón tiếp mỗi giáo hữu và phục vụ mỗi giáo hữu, như là “giếng nước của thôn xóm” đế mọi người đến giải khát.

Giáo dân là nguồn mạch làm cho giáo xứ ngày càng thêm phong phú. Vì mỗi giáo dân là một “hữu thể cá biệt không thay thế được”. Mỗi giáo dân có sở trường và sở đoản, có những khả năng về nhiếu khía cạnh khác nhau: Người thì có lợi khẩu, người thì có óc quản trị; am hiểu tinh tường chủ trương đường lối của Hội Thánh, người thì chuyên cần bếp núc, giữ sạch sẽ thánh đường, người thì giỏi về thánh nhạc, báo chí... mỗi cá nhân chứa đựng nhiều kho tàng phong phú.

Tuy nhiên phải hiểu rằng mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ, do đó, đôi khi có sự dị biệt về tư tưởng và hành động. Là người giáo hữu chân chính, chúng ta cần phải truyền thông cho nhau sự dị biệt trong tình yêu thương và tương trợ. Giáo hữu phải tạo nên thói quen, trình bày cho hiệp hội phong trào, cho cộng đoàn, giáo xứ quan điểm riêng của mình về cách thế quản trị và phát triển cộng đoàn, để cùng nhau nghiên cứu và tìm ra phương thức hoà đồng trong tình yêu Thiên Chúa và thăng tiến sinh hoat dưa trên kinh nghiệm thu nhân được trong đời sống hằng ngày, theo phương pháp suy luận quy nạp ( intuitive method of reasoning) .

Với tinh thần xây dựng và cởi mở chúng ta có thể giải quyết thoả đáng mọi nhu cầu chính đáng của giáo dân và của giáo xứ. Chỉ có cách này chúng ta mới có thể được gọi là “một phần thân thể” của giáo xứ, hay là “phần thân thể” của Nhiệm thể Chúa Kitô, vì người là thân cây nho mà chúng ta là cành. Không sống trọn lành theo Thánh ý Chúa, chẳng khác nào như cành nho khô “sẽ bị cắt bỏ, ném vào lửa và đốt đi”.

Trong giáo xứ, mỗi người có nhiệm vụ nâng đỡ những người khác để tương trợ và sự rao giảng đức tin ngày càng thêm trọn vẹn. Người giáo dân phải tôn trọng, trong tình nghĩa phụ tử, đối với vị chủ chăn, vị chủ chăn “là nguyên lý hiển hiện và là nền móng của sự hợp nhất. Sự kết hợp là yếu tố căn bản để thực thi trọn vẹn ân sủng của Chúa. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-Lồ Đệ nhị đã nói: “Để xây dựng chắc chắn ngôi nhà chung, chúng ta phải khước từ óc chia rẽ, bè phái; ngược lại chúng ta phải tôn trọng và sẵn sàng cộng tác với nhau bằng một tâm hồn nhẫn nại, sáng suốt và sẵn sàng hy sinh”.

Tinh thần kết hợp chỉ có thể phát triển được trong những tâm hồn lành mạnh, có ý chí sáng suốt và quyết tâm làm lành, lánh dữ, mới thắng lướt được những sự cám dỗ.

(1) Cám dỗ thứ nhứt làm băng hoại tình đoàn kết là óc tự kiêu căng và chủ quan, nghĩ mình luôn luôn tài giỏi và luôn luôn đúng mà đóng cửa tâm hồn, không hề nghe, hoặc học hỏi được ý kiến của người khác, khiến cho công tác phát triển bị trì trệ.

(2) Cám dỗ thứ hai là ý chí lười biếng, không cầu tiến và không phấn đấu để thắng sự chia rẻ, không chịu suy tư và lắng nghe nguyên nhân của các đề nghị hay có tinh thần chống đối lại các sáng kiến, nghĩa là “thiếu ánh sáng của sự thông hiệp”.

Thánh Phao-Lồ cũng đã than “Ta nghe mỗỉ người trong anh em nói: Tôi thuộc về Apôllô, còn tôi thuộc về Cepha, và tôi thuộc về Chúa Kitô, thế thì Chúa Kitô bị chia năm sẻ bảy hay sao?” (Cor 1: 12-13). Hay nói khác đi nhiệm thể của Chúa bị xâu xé. Thánh Phao-Lồ trong bức thư gửi tín hữu thành Corintô đã nhắn nhủ “Nhân danh Thiên Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin toàn thể anh em hãy nhất tâm đừng chia rẽ, nhưng hãy hợp nhất và đoàn kết với nhau trong tinh thần và trong tư tưởng”.

Sau khi đã tu thân, tề gia, trị quốc, chúng ta phải tiến đến công tác bình thiên hạ, nghĩa là nỗ lực “làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan rộng tới tất cả mọi người, ở mọi nơi và mọi thời đại” (Lumen Gentium).

Hai nhiệm vụ chính mà người tín hữu giáo dân phải thực hiện đối với nhân thế là:

1) Rao truyền Phúc Âm để Thánh hoá nhân loại, và đào tạo con người một lương tâm Công Giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần mọi cộng đồng cũng như mọi lãnh vực của đời sống.

2) Canh tân những trật tự thế giới.

Hai nhiệm vụ này đòi hỏi người giáo hữu tinh thần tích cực, sáng suốt, làm sáng tỏ cái chí nhân, chí thiện của mình, trao đổi kiến thức rộng rãi trong sứ mệnh truyền bá Phúc Âm theo tinh thần mới vì: “Giáo hội không thể tránh né sứ mệnh thường trực của mình là đem Phúc Âm đến cho từng triệu người cả nam lẫn nữ chưa nhận biết Chúa, đấng cứu rỗi con người” vì chúng ta có sứ mệnh phải đi khắp thế giới để rao giảng tin mừng, người giáo hữu cũng mang nặng sứ mệnh như những chiến sĩ ở tiền tuyến.

Chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng, chiến đấu với tội ác, võ trang tinh thần với đức tin và triết lý hành động của Giáo hội, như các vị thiền sư đắc đạo phải thụ huấn võ công thâm hậu trước khi xuống núi. Chúng ta phải dự trữ dầu cho ngọn đuốc soi đường cho nhân thế “như những cô gái khôn ngoan mang theo dầu dự trữ để đón chàng rễ quý”.

Chúng ta hoạt động khắp nơi giữa những người theo các tín ngưởng khác nhau. Thực trạng nầy đòi hỏi chúng ta sự hiểu biết tín điều của các tôn giáo khác và tinh thần tế nhị, tương kính, mới có thể khơi mồi cho sự đối thoại, từ đó mới có thể thông cảm và tạo cơ hội cải hoá được tha nhân.

Muốn vậy, chúng ta phải “nên thánh trong mọi tác phong của mình” và học hỏi thêm Tông Huấn “Veritatis Splendor” của Thánh GH Gioan Phao Lổ II, ban hành vào tháng 8/1993, minh thị quan niệm của Giáo hội về thân phận của những người ngoại giáo (pagans).

Cơ hội được cứu rỗi của Chúa dành cho mọi người kể cả dân ngoại. Những người không phải vì lỗi của họ, không được biết Thiên Chúa hay Giáo hội của Chuá, cũng có thể được cứu rỗi nếu họ thật lòng tìm kiếm Thiên Chúa và thực thi Thiên mệnh được linh ứng qua biểu hiện của lương tâm chính trực. “Those who without any fault do not know anything about Christ or his Church, yet who search for God with a sincere heart and under the influence of grace, try to put into effect the will of God as known to them through the dictate of conscience… can obtain eternal salvation”(Veritatis Splendor 3).

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II vào đầu tháng 11 năm 1999, trong cuộc viếng thăm Ấn Độ, đã công bố Tông Huấn: Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia ) đã phát biểu:

“ Giáo hội tỏ lòng cung kính và ngưởng mộ tất cả truyền thống tinh thần của các Tôn Giáo Á Châu và muốn dấn thân trong cuộc đối thoại chân thành với các tín hữu của các tôn giáo. Những giá trị tôn giáo mà các đạo giáo dân gian giảng dạy đang chờ đón sự viên mãn trong Đức Giêsu Kitô”. “Asia is also the cradle of the world's major religions—Judaism, Christianity, Islam and Hinduism. It is the birthplace of many other spiritual traditions such as Buddhism, Taoism, Confucianism, Zoroastrianism, Jainism, Sikhism and Shintoism. Millions also espouse traditional or tribal religions, with varying degrees of structured ritual and formal religious teaching. The Church has the deepest respect for these traditions and seeks to engage in sincere dialogue with their followers. The religious values they teach await their fulfilment in Jesus Christ.

Tông huấn Veritatis Splendor và Tông thư Ecclesia in Asia giúp chúng am hiểu thêm các phương cách cứu rỗi tiềm ẩn trong tín lý “Ngoài Giáo hội, không có sự cứu rỗi- Extra Ecclesia, nulla salus” và “ No one can enter the Kingdom of God unless he is first born of water and Spirit. (Jn 3:5).

Từ thuở tạo thiên lâp địa, từ Đông chí Tây, từ Nam chí Bắc, nhân thế đã tin vào một Đấng Tạo Hóa toàn năng, là đệ nhất tác nhân, (First agent) tạo nên muôn loài và vũ trụ. (St. Thomas Aquino, Tổng Luận về Thần học- Summa Theologia). Chúa nội tại (immanent) ở trong vạn vật và trong nội tâm hay lương tri của mỗi người nên trên bình diện tự nhiên. Chúa đã hiện hữu trong tâm trí của mọi nhân thế họ rồi. Kinh dich Trung Hoa cũng đã thể hiện ý niện nấy qua nhân định “Nhất nhân chi tâm tứcThiên điạ chi tâm” Tâm của mỗi ngưòi là tâm của Thiện điạ.

Với “Tình nhân loại hổ tương và bác aí cộng đồng cố hữu của Công Giáo được nới rộng, đặc tính nầy đã gây ảnh hưởng lớn lao khiến cho dân chúng của các dân tộc dị giáo và công dân La Mã, kể cả Hoàng Đế La Mã Constantine (306-337 AD) đã trở lại đạo, khiến cho Thiên Chúa Giáo trở thành quốc giáo của Đế Quốc La Mã vào thề kỷ thử 4 sau Công nguyên. “It was the Christian spirit of mutual love and communal charity that astonished and impressed the pagans and the Romans”.

Sự hiện hữu của các giáo dân trong các tổ chức văn hoá, kinh tế, xã hội, chính trị…là bước khởi đầu cho công cuộc thánh hoá.

Sự tham gia vào các tổ chức phải đặt trên căn bản thánh thiện, nhằm mục đích phục vụ phúc lợi chung, tránh vấn đề ủng hộ hay phản đối mù quáng. Không nên sinh hoạt vì phe phái mà quên rằng thiên hạ đang nhìn mình như là một chi thể của giáo hội, xử thế không đúng cách sẽ bị cọi như “cành nho héo, sẽ bị thiên hạ bỏ vào lửa mà đốt đi”. (Jn. 6:16)

Để hỗ trợ mọi giáo dân chu toàn trách vụ truyền bá Phúc Âm, Cộng Đồng Vatican II “đã khuyến khích người Kitô hữu nên chu toàn công tác trần thế một cách nhiệt tình, trung tín và vâng theo tinh thần Phúc Âm”. Nhiệm vụ cải tiến trật tự xã hội bao gồm trong triết lý xã hội của Giáo Hội Công Giáo, nhằm quảng bá công bình bác ái cho nhân thế và phát triển, canh tân mọi hoạt động về văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị quốc gia và thế giới.

Do đó, không thể nói Công Giáo lơ là với lập trường chính trị, mà Công Giáo là đạo nhập thế, hiện hữu trong mọi sinh hoạt của thế trần để mưu cầu phúc lợi chung cho nhân loại.

Tóm lại, người tín hữu giáo dân phải thể hiện đức hạnh trong đời sống cá nhân, đời sống gia đình, và trong công tác phụng sự Giáo Xứ, Giáo Hội. Chúng ta có nhiệm vụ nêu cao tinh thần kết hợp, phát triển tình huynh đệ đại đồng, xây dựng thế giới ngày càng hưng thịnh trong tự do, thanh bình và no ấm.

Chúng ta thực thi sứ mệnh cao cả mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho chúng ta là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người, ở mọi nơi và mọi thời đại.

 
Thông Báo
Phân Ưu: Linh mục GB Trần Văn Tân qua đời tại Des Moines, Iowa, USA
VietCatholic Network
11:01 14/12/2019
PHÂN ƯU:
Trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh
xin trân trọng báo tin

Linh mục Gioan Baotixita Trần Văn Tân
sinh ngày 18/4/1957 tại Hố Nai, Biên Hòa, Việt Nam
lãnh chức Linh mục ngày 12/6/1992 tại TGP Des Moines, USA
đã an nghỉ trong Chúa ngày 10/12/2019 tại Des Moines, USA
Hưởng thọ 62 tuổi.

Chương trình Tang Lễ tại Des Moines:
Sunday, Dec. 15,2019: A visitation 1 to 4 p.m., with Rosary in Vietnamese at 3:30 p.m.
and prayer service at 4 p.m. at St. Ambrose Cathedral in Des Moines.
Monday, Dec. 16,2019: A Mass of Christian Burial will be celebrated at 10:30 a.m. on at St Ambrose Cathedral.
Thursday, Dec. 19, 2019: A Memorial Mass will be celebrated at 7 p.m. on . at St. Peter Church in Council Bluffs..
Interment will be at Good Shepherd Cemetery in Huntington Beach, California.

Chương trình Tang Lễ tại Holy Spirit Church, 17270 Ward St. Fountain Valley, California:
Thứ Sáu 20.12.2019: 12:00pm - 5:30pm: Thăm viếng và Cầu nguyện
5:45pm - 7:00pm: Thánh lễ tại Holy Spirit Church
Thứ Bảy 21.12.2019: Thánh lễ An táng 6:30am -8:30am tại Holy Spirit Church.
Ngay sau Thánh lễ, linh cữu Cha Gioan Baotixita sẽ được an nghỉ tại Nghĩa trang Chúa Chiên Lành
Good Shepherd Cemetery, 8301 Talbert Ave. Hungtington Beach, CA 92646.

Cha GB Tân là cộng tác viên VietCatholic và em gái Kim Phượng là Xướng ngôn viên VietCatholic
Nhân dịp này Gia đình VietCatholic xin thành kính phân ưu đến Bà Cố Nguyễn Thị Lịch, các anh chị em
đại gia đình của Bà Cố. Xin Chúa là Cha nhân từ đón linh hồn Thầy Cả Gioan Baotixita vào Thiên Quốc
và an nghỉ ngàn thu. RIP.

LM Gioan Trần Công Nghị
& VietCatholic Network


 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha gây kinh ngạc khi thẳng thừng bác bỏ tước hiệu Đức Mẹ đồng công cứu chuộc
Đặng Tự Do
02:17 14/12/2019
Từ thời Trung Cổ cho đến nay, nhiều thần học gia, muốn thêm tước hiệu “đồng công cứu chuộc” vào danh sách các tước hiệu của Đức Trinh Nữ Maria. Tuy nhiên, trong bài giảng thánh lễ Đức Mẹ Guadalupe hôm 12 tháng 12 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô nói việc gán cho Đức Mẹ tước hiệu “đồng công cứu chuộc” và trình bày điều này như một tín lý là “chuyện ngớ ngẩn”.

Inés San Martín của tạp chí Crux có bài tường thuật sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Thụy Khanh.

Đức Phanxicô đã thẳng thừng bác bỏ các đề nghị của một số thần học gia muốn thêm tước hiệu “đồng công cứu chuộc” vào danh sách các tước hiệu của Trinh Nữ Maria. Ngài nói rằng Mẹ Chúa Kitô không bao giờ lấy bất cứ điều gì vốn thuộc Con của ngài, và gọi việc sáng chế ra các tước hiệu và tín điều mới như thế là “chuyện ngớ ngẩn”.

Đức Phanxicô nói, “Đức Mẹ không bao giờ muốn giành cho mình điều vốn thuộc Con của Mẹ”. Đức Giáo Hoàng cho hay “Ngài không bao giờ tự giới thiệu mình là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc cả. Không, là môn đệ thôi”, nghĩa là Đức Maria chỉ coi mình như là môn đệ của Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Đức Maria không bao giờ đánh cắp cho mình bất cứ điều gì vốn là của Con mình”, thay vào đó là Mẹ “phục vụ Người. Vì Mẹ là một bà mẹ. Ngài chỉ biết cho đi sự sống”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh “Khi họ đến với chúng ta với câu chuyện muốn tuyên bố tước hiệu đó cho Đức Mẹ và yêu cầu công bố điều đó như một tín điều, chúng ta đừng sa vào sự ngớ ngẩn đó”.

Đức Phanxicô đã đưa ra lập trường trên, bằng tiếng Tây Ban Nha, khi cử hành Thánh lễ tối thứ Năm tại Rôma nhân Lễ Đức Mẹ Guadalupe.

Tước hiệu của Đức Maria như là “Đấng Đồng Công Cứu Chuộc” đã có từ thời Trung cổ, và ý tưởng tuyên bố điều đó như một tín điều của Giáo Hội đã được thảo luận tại Công đồng Vatican II, nhưng không được chấp thuận. Vào những năm 1990, nhà thần học Công Giáo người Mỹ Mark Miravalle đã đưa ra một bản kiến nghị yêu cầu Đức Giáo Hoàng thực hiện một tuyên bố như thế, và ngày nay, lòng tôn sùng “Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc” có xu hướng mạnh nhất nơi các người Công Giáo bảo thủ.

Thật ra điều Đức Phanxicô nói hôm thứ Năm không phải là mới. Lập trường này nhất quán với quan điểm của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, là người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican trong hầu hết triều giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II, và bây giờ là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI.

Nói chuyện với Peter Seewald trong cuộc phỏng vấn dài được ấn hành thành một cuốn sách với nhan đề “Thiên Chúa và Thế giới: Một Cuộc Đàm Thoại”, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã nói rằng: “Công thức ‘co-redemptrix’, nghĩa là đồng công cứu chuộc, đi quá xa khỏi ngôn ngữ Kinh thánh và các Giáo phụ, và do đó làm nảy sinh nhiều hiểu lầm”.

Đức Hồng Y Ratzinger nhấn mạnh “Như Thư gửi tín hữu Êphêsô và nhất là Thư gửi tín hữu Côlôxê cho chúng ta biết, mọi sự đều xuất phát từ Chúa Kitô; Đức Maria, cũng vậy, mọi sự Đức Mẹ là đều thông qua Người”. Từ ngữ ‘co-redemptrix’, sẽ che khuất nguồn gốc này. Đó là một ý định đúng đắn nhưng được phát biểu một cách sai lầm”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng bài Tin Mừng được đọc trong thánh lễ và bức ảnh La Morenita đứng cao trước mặt và ở bên cạnh bàn thờ khiến ngài nghĩ đến ba tĩnh từ dành cho Đức Maria: người đàn bà – Đức Bà – bà mẹ và mestiza.

Đức Giáo Hoàng nói, “Đức Maria tự giới thiệu Mẹ là một người đàn bà. Và Mẹ tự giới thiệu mình với thông điệp của một người khác. Điều này nghĩa là Mẹ là người đàn bà và Mẹ là một môn đệ”.

Đức Phanxicô nói, “Lòng đạo đức bình dân Kitô giáo, trong suốt các thời đại, luôn tìm cách ca ngợi ngài bằng các tước hiệu mới. Tất cả đều là những tước hiệu hiếu thảo” nhằm nói lên “tình yêu của dân Thiên Chúa, nhưng không hề thay đổi tư cách của Mẹ như người phụ nữ môn đệ”.

Đức Phanxicô nói, Thánh Inhaxiô thích gọi Đức Trinh Nữ là “Đức Bà”. Theo vị giáo hoàng người Á Căn Đình, “Đơn giản là như thế. Mẹ không mong đợi bất cứ điều gì khác. Mẹ là người phụ nữ môn đệ”.

Đức Giáo Hoàng cũng dẫn lời Thánh Bernard nói rằng không có lời khen ngợi nào đủ để nói về Đức Maria, nhưng cuối cùng, không có gì tiêu biểu cho “tư cách môn đệ khiêm nhường” của Mẹ hơn là việc “trung thành với thầy của Mẹ, cũng là con trai của Mẹ, là Đấng Cứu Chuộc duy nhất”.

Đức Mẹ Guadalupe được xem là quan thầy của Mỹ Châu và Phi Luật Tân. Thánh lễ này là một truyền thống mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu trong năm đầu tiên triều đại giáo hoàng của ngài.

Sau đó, vị giáo hoàng chuyển sang tĩnh từ tiếp theo, đó là “bà mẹ”. Đức Maria là mẹ của mọi dân tộc, “là Mẹ của mọi người chúng ta”, “của trái tim chúng ta, của linh hồn chúng ta”, và cũng là mẹ của Giáo Hội. Và ngài cũng là “một hình ảnh trong Giáo Hội”.

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể nghĩ đến Giáo Hội mà không có nguyên tắc Thánh Mẫu học này. Khi chúng ta tìm kiếm vai trò của người đàn bà trong Giáo Hội, chúng ta có thể tìm hiểu qua những chức năng, bởi vì người đàn bà quả có những chức năng để hoàn thành trong Giáo Hội, nhưng điều đó chỉ giúp chúng ta nửa chừng”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh, “Đức Maria phụ nữ, Đức Maria bà mẹ, không có bất cứ tước hiệu thiết yếu nào khác”. Ngay trong các Kinh Cầu, được đọc vào cuối chuỗi Mân côi, sau khi các tước hiệu đa dạng được dâng lên Mẹ bởi những đứa con yêu mến Mẹ và hát cho Mẹ của họ nghe, nhưng cuối cùng, họ không thay đổi “yếu tính” theo đó “Đức Maria là người phụ nữ và là bà mẹ”.

Đức Giáo Hoàng nói, tĩnh từ thứ ba, có nghĩa Đức Maria trở thành “Mestiza”, nghĩa là người lai, để là mẹ của mọi người. “Ngài trở thành mestiza với nhân loại. Bởi vì ngài đã làm cho Thiên Chúa trở thành mestizo. Và đây là mầu nhiệm cao cả: Đức Maria làm cho Thiên Chúa trở thành một mestizo, Thiên Chúa thực sự nhưng cũng là con người thực sự”.

“Đức Maria là phụ nữ, là Đức Bà của chúng ta; Đức Maria là mẹ của Con ngài và là mẹ của Giáo Hội phẩm trật thánh thiện, người phụ nữ của các dân tộc chúng ta nhưng là người đã biến Thiên Chúa thành một mestizo”.


Source:Crux
 
Sau những tranh cãi, Bề trên tổng quyền Dòng Tên tin Satan là có thật, và nó muốn chúng ta khước từ Thiên Chúa
Giáo Hội Năm Châu
17:16 14/12/2019
Bề trên tổng quyền Dòng Tên đã nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng ma quỷ là có thật, sau khi ngài đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người khi phát biểu hồi tháng 8 năm nay rằng “Satan tồn tại như một thực tại mang tính biểu tượng, không phải như một thực tại ngôi vị”

Lần này, Cha Bề trên tổng quyền nói Satan “là kẻ đứng giữa kế hoạch của Thiên Chúa và kỳ công cứu rỗi của Người đã được hoàn thành nơi Chúa Kitô, bởi vì nó đã đưa ra quyết định không thể đảo ngược và tự do này; và nó muốn lôi kéo những người khác vào việc khước từ Thiên Chúa nhân từ, Đấng muốn trao ban sự sống hơn là ra án phạt.”

Tờ Vida Nueva, nghĩa là Cuộc Sống Mới, cho biết cha Arturo Sosa đã nói như trên trong cuộc họp báo ngày 2 tháng 12 với các nhà báo

Cha Sosa nói thêm rằng “sức mạnh của ma quỷ ...hiển nhiên vẫn tồn tại như một thế lực cố gắng hủy hoại các nỗ lực của chúng ta.”

Những bình luận của cha Sosa được đưa ra trong bối cảnh những lời nhận xét về vụ sáu tu sĩ Dòng Tên và hai nhân viên bị quân đội Salvador giết vào tháng 11 năm 1989 tại Đại Học Trung Mỹ ở ngay thủ đô San Salvador.

Tranh luận đã bùng nổ vào tháng 8 vừa qua trong cuộc gặp gỡ Rimini thường niên do phong trào Hiệp thông và Giải phóng của Italia tổ chức, trong đó Cha Sosa đã được mời để nói chuyện về chủ đề “Học cách nhìn thế giới với con mắt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Ma quỷ “tồn tại như một sự nhân cách hóa cái ác trong các cấu trúc khác nhau, nhưng không phải là các ngôi vị [persons], bởi vì không phải là ngôi vị chính là một cách để nó làm điều ác. Ma quỷ không phải là một ngôi vị như nhân vị. Đó là một cách xấu xa để chúng hiện diện trong cuộc sống của con người,” Cha Arturo Sosa, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên nói hôm 21 tháng Tám.

“Thiện và ác giao chiến với nhau trong một cuộc chiến vĩnh viễn nơi lương tâm con người và chúng ta có cách để chỉ ra chúng. Chúng ta nhìn nhận Chúa là thiện, toàn thiện. Các biểu tượng là một phần của hiện thực, và ma quỷ tồn tại như một thực tại mang tính biểu tượng, không phải như một thực tại ngôi vị [personal reality]”, ngài nói thêm.

Phát biểu của cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên gây nên một làn sóng chỉ trích rất mạnh trong giới Công Giáo. Chỉ một ngày sau đó, Hiệp hội Trừ quỷ Quốc tế nói trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm 22 tháng Tám rằng:

“Sự tồn tại thực sự của ma quỷ, với tư cách là một chủ thể cá vị biết suy nghĩ và hành động và đã chọn nổi loạn chống lại Thiên Chúa, là một chân lý đức tin và luôn là một phần của tín lý Kitô giáo.”

Trích dẫn một lịch sử lâu dài các giáo huấn của Giáo hội về bản chất của Satan, bao gồm cả một số trích dẫn từ Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị tiền nhiệm gần đây của ngài, tổ chức trừ quỷ nói rằng người Công Giáo buộc phải xác tín rằng Satan là một thực thể cá vị, một thiên thần sa ngã.

“Giáo hội, được xây dựng trên Kinh Thánh và Tông Truyền chính thức dạy rằng ma quỷ là một loài thụ tạo và là một thực tại cá vị, và Giáo hội cảnh báo những người, như Cha Sosa, chỉ coi ma quỷ là một biểu tượng.”

Đây không phải là lần đầu tiên Cha Sosa gây xôn xao với những bình luận về ma quỷ. Sau khi được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên vào năm 2016, năm 2017, ngài nói với tờ El Mundo rằng, “chúng ta đã chế tác ra những hình ảnh biểu tượng như Quỷ dữ để thể hiện sự xấu xa.”

Sau nhận xét gây tranh cãi của cha Sosa vào năm 2017, một phát ngôn viên của Cha Sosa đã nói với tờ Catholic Herald rằng, “giống như tất cả những người Công Giáo khác, Cha Sosa tuyên xưng và dạy bảo những gì Giáo hội tuyên xưng và dạy bảo. Ngài không giữ một tập hợp những niềm tin tách biệt với những gì có trong tín lý của Giáo Hội Công Giáo.” Tuy nhiên, các phát biểu được lặp đi lặp lại của ngài khiến cho nhiều người tỏ ra rất nghi ngại.

Trong các bài giảng thánh lễ ban sáng tại nhà nguyện Santa Marta, và trong nhiều phát biểu khác của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô thường lên tiếng cảnh báo Satan là một thực thể và thúc bách các tín hữu chống lại những cám dỗ của nó.

Từ năm 2005, Đại học Giáo Hoàng Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ ở Rôma đã mở một khóa đào tạo về trừ tà không chỉ cho các linh mục Công Giáo mà cả những vị thuộc các hệ phái Kitô khác.

Cha Erich Junger, một nhà trừ quỷ Anh giáo, cũng đã tham gia vào hàng dài những người lên tiếng quan ngại trước những lời bình luận gần đây của Cha Arturo Sosa, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, theo đó Satan không phải là một thực thể, mà chỉ là một biểu tượng.

Phát biểu với Crux, Cha Junger, một thành viên của Giáo hội Anh giáo Bắc Mỹ, gọi tắt là ACNA, nói rằng ngài không phát biểu với tư cách là một phát ngôn viên của Giáo Hội Anh Giáo, nhưng như một linh mục và một nhà trừ quỷ. Ngài cho biết đã “bị kinh hoàng và thật ngỡ ngàng” khi thấy một nhân vật quan trọng như vậy trong Dòng Tên lại xem ma quỷ chỉ là “một thực tại có tính biểu tượng, chứ không phải là một thực tại cá vị”.

Theo Cha Junger, quan điểm Kitô giáo nói chung về ma quỷ là rất rõ ràng: “Satan là một thực thể cá vị, là một thiên thần sa ngã, nổi loạn chống lại Thiên Chúa và như thế đã biến thái vì sự kiêu ngạo và lòng căm thù của mình.”

Trích dẫn đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 4,1-11) kể về sự kiện Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa, Cha Junger nhận xét rằng “Nếu Satan chỉ là một biểu tượng, thì trong trình thuật này Chúa nói chuyện với ai? Ai đã đưa ra những hứa hẹn, thử thách, và cám dỗ? Biểu tượng và ẩn dụ không thể làm những thứ như thế.”

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Chúa Giêsu nói về Satan theo nghĩa đen và trực tiếp, chứ không phải là một phép ẩn dụ hay câu chuyện ngụ ngôn.”

Cha Junger giải thích thêm rằng trong khi có một số giáo phái muốn làm giảm nhẹ hình ảnh về ma quỷ, chạy theo một thứ thần học “vui vẻ cả làng”, đại đa số các hệ phái Kitô có thế giá như Công Giáo, Chính Thống, Anh giáo, Lutheran và Baptist, và những hệ phái khác – đều “rất rõ ràng trong tin tưởng cho rằng Satan là có thật và là một mối đe dọa rất nguy hiểm.”

Dựa trên kinh nghiệm của mình như một chuyên gia trừ quỷ, Cha Junger cảnh báo về sự nguy hiểm khi đánh giá thấp sức mạnh của ma quỷ. Đưa ra một khái niệm sai lầm về Satan thì có “khác gì là đánh giá thấp bất kỳ kẻ thù nào, phàm nhân hay siêu nhiên. Nó sẽ dẫn mọi người đến chỗ đánh giá thấp đáng kể sức mạnh của kẻ thù, và đánh giá quá cao sức mạnh của mình, đặc biệt là nếu họ tự ru ngủ mình rằng kẻ thù chưa thực sự bắt đầu tấn công.”

Ngài kết luận rằng: “Bỏ qua hoặc giảm thiểu mối đe dọa của kẻ thù này rõ ràng sẽ là một ý tưởng tệ hại với những hậu quả thảm khốc.”


Source:Catholic News Agency