Ngày 12-12-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đợi chờ và hy vọng
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
00:47 12/12/2017
Đời thường, ta vẫn cứ chờ đợi: chờ một cái hẹn được thực hiện, chờ một thiết bị đang sữa chữa, chờ một trận cầu. Người mẹ tần tảo nuôi con chờ một ngày con thành tài, thành nhân. Người chồng đi xa, chờ ngày hoàn thành công tác để được sum họp gia đình…

Trong đời sống đức tin, ta lại càng chờ đợi. Đó là sự chờ đợi những điều tốt đẹp mà đức tin mách bảo: niềm an ủi thiêng liêng khi gặp trắc trở, ơn Chúa để được thánh thiện, được hạnh phúc ngày sau trong cuộc đời bất diệt…

Một mùa Vọng nữa lại về. Mùa Vọng là mùa chờ đợi mang tính thiêng liêng: Một đàng ta tưởng nhớ Chúa đến lần thứ nhất trong lễ Giáng Sinh; Đàng khác, ta hướng đến tương lai để chờ đón Chúa đến lần thứ hai.

Để sống niềm hy vọng trong khi trông chờ Chúa đến, Hội Thánh dùng chính Lời Chúa Kittô để dạy ta “hãy tỉnh thức”.

Vậy, tôi thử gợi một vài việc đạo đức để chúng ta thực hành bài học tỉnh thức trong mùa Vọng nói riêng và trong sự chờ đợi niềm hy vọng vĩnh cửu suốt cuộc sống gian trần nói chung:

– Ta thành tâm nhìn nhận mình thật mong manh, yếu đuối, cuộc sống này chỉ là tạm bợ, đầy giới hạn. Từ đó ta khiêm tốn hơn, sống có nhân, có nghĩa hơn.

– Ta luôn sống trong tâm tình tạ ơn Chúa vì Người ban ơn để ta chiến thắng những cạm bẫy của tội lỗi.

– Ta tin vào tình yêu của Chúa, thực tâm nhìn nhận tội lỗi của mình, xin Chúa tha thứ. Đồng thời đừng để lương tâm rơi vào sự chai cứng, tàn nhẫn, gây đau khổ cho anh chị em quanh mình.

– Một ý thức cần phải có luôn luôn, đó là ý thức rằng ta có thể chết bất cứ lúc nào. Ý thức như thế, không phải để hoang mang, nhưng giúp ta bình tỉnh đón nhận thánh ý Chúa, đón nhận những hoàn cảnh lắm khi bất trắc, mà Chúa muốn ta phải đương đầu.

– Ta cũng không quên bổn phận san sẻ, đỡ nâng những anh chị em bất hạnh, túng cựa…

Một vài gợi ý nhỏ nhặt bên trên giúp chúng ta sống tâm tình mùa Vọng, mùa Vọng của năm 2017 và mùa Vọng của cuộc đời mình đang khi tiến về vĩnh cửu, chắc chưa phải là tất cả của một đời sống đạo đức. Nhưng đó cũng là những điểm cần thiết cho sự thức tỉnh của bản thân mình.
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 3 Mùa Vọng
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:28 12/12/2017
Chúa Nhật 3 MÙA VỌNG. B
(Ga 1, 6-8. 19-28)
KHIÊM NHƯỢNG


Chứng nhân sự sáng được sai,
Tiền hô mở lối, đóng vai mọn hèn.
Tiếng kêu hoang địa chong đèn,
Mở đường chiếu giãi, đêm đen vào đời.
Tiên tri cao trọng rạng ngời,
Ẩn thân khiêm nhượng, gọi mời dấn thân.
Vui mừng sứ vụ bình dân,
Dọn đường sửa lối, canh tân lòng người.
Không màng danh lợi ở đời,
Xả thân phục vụ, Chúa Trời Ngôi Hai,
Ngài là ánh sáng thiên thai,
Giê-su Chí Thánh, thiên sai từ trời.
Mở lòng đón nhận Vua Trời,
Thành tâm tôn kính, sống đời khiêm nhu.
Thực hành sống đạo luyện tu,
Nêu gương nhân đức, thiên thu sáng ngời.

Thánh Gioan Tẩy Giả là một nhân chứng khiêm nhường và can đảm. Ngài là vị tiền hô. Ngài xuất hiện để loan báo và dọn đường cho Chúa. Ngài không phải là sự sáng nhưng làm chứng cho sự sáng. Ngài nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Ngài đã hoàn tất sứ mệnh của người làm chứng cho Chân Lý qua cái chết của ngài.

Sống một đời ngắn ngủi nhưng từng bước chân đã ghi dấu niềm xác tín nơi Con Chúa. Qua cuộc sống khắc khổ nơi hoang địa, ngài chuẩn bị cho chính mình một tấm lòng đơn sơ và khiêm nhường. Ngài khơi dậy sự mong chờ và lòng khao khát ơn Cứu Độ. Ngài đã chuẩn bị lòng con người, kêu gọi sửa cho ngay đường Chúa đi. Ngài đã giới thiệu Chúa cho mọi người. Đã hiến mình làm chứng cho Sự Thật.

Chấp nhận thân phận người tiền hô, ngài không tìm vinh quang cho chính mình. Giống như Gioan, chúng ta được mời gọi chia xẻ sứ mệnh rao truyền chân lý của Chúa. Hãy học nơi thánh Gioan, tìm làm vinh danh Chúa. Dẫn dắt nhiều người về với Chúa. Trong sứ mệnh rao truyền Tin Mừng hôm nay, đôi khi vì sự háo thắng, chúng ta lại muốn rao truyền và tìm vinh danh cho chính mình. Muốn người ta biết về mình nhiều hơn. Thay vì giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta tìm giới thiệu chính mình và sự khôn ngoan thông thái của mình. Tìm giải thích Lời Chúa theo ý của mình và uốn nắn theo những sở thích của riêng mình.

Gioan đến làm chứng cho sự sáng. Chúa chính là ánh sáng soi dọi vào đêm tối. Chúng ta hãy truyền đạt ánh sáng mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội. Hãy để ánh sáng của Chúa chiếu tỏ qua cuộc sống của chúng ta. Cầu nguyện để mỗi người là chứng nhân trung thành. Chúng ta đã theo đạo, cần giữ đạo, sống đạo và thực hành đạo để xứng danh Kitô hữu.

Chúa Giêsu đã phán rằng: ‘Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’. Bước theo Chúa, chúng ta sẽ không lạc lối vì có Chúa là Đường. Mọi sự đều quy về Lời Chúa. Chính Chúa Giêsu là tâm điểm để mọi người xoay quanh. Càng đến gần tâm điểm là Chúa Giêsu, chúng ta càng được sưởi ấm trong tình yêu của Ngài.

THỨ HAI, TUẦN 3 VỌNG
(Ds 24, 2-7.15-17a; Mt 21, 23-27).
PHÉP RỬA


Thi hành phép rửa gọi mời,
Ăn năn sám hối, đổi đời thẳng ngay.
Gio-đan xuất hiện lạ thay,
Gio-an thanh tẩy, phúc nay bởi trời.
Thực hành sứ mệnh cao vời,
Mọi người tuôn đến, nghe lời thánh ân.
Giê-su giảng dạy ân cần,
Quyền năng thiên phú, không cần chứng minh.
Ơn trên nhận lãnh quang vinh,
Thực hành phép lạ, thiên linh rạng ngời.
Tin mừng cứu độ tuyệt vời,
Ngôi Con Cứu Chúa, làm người thế nhân.
Lữ hành cuộc sống gian trần,
Ngước lên thượng giới, dự phần phúc vinh.
Ân thiêng tuôn đổ chúng sinh,
Thành tâm đón nhận, thiên linh diệu vời.

THỨ BA, TUẦN 3 VỌNG
(Soph 3, 12.9-13; Mt 21, 28-32).
THỰC HÀNH


Hai con cùng ở một nhà,
Hoà chung gắn bó, cha già thương yêu.
Nghe lời cha dạy từng điều,
Cần lòng hiếu thảo, vâng chiều lòng cha.
Con ương cãi lại lời ba,
Dục tâm hối hận, con ra ngoài đồng.
Đứa ngoan tỏ dấu tương đồng,
Cứng lòng biếng nhác, ăn không ngồi rồi.
Ý cha chê chối thật tồi,
Tựa nương dựa dẫm, đền bồi được chi.
Thực hành lời dậy khắc ghi,
Chuyên tâm nhẫn nhục, thực thi công bình.
Cha con kết nối chân tình,
Tín trung hiếu nghĩa, thiên đình chúc an.
Thành tâm hối lỗi nài van,
Tin yêu phó thác, Chúa ban phúc lành.

NGÀY 17 THÁNG 12
(Stk 49, 2.8-10; Mt 1, 1-17)).
GIA PHẢ


A-bram tổ phụ niềm tin,
Lưu truyền dòng dõi, cả nghìn năm sau.
Đời con đời cháu bên nhau,
Trải qua gian khó, thương đau chẳng nề.
Trung trinh giữ vững lời thề,
Tôn thờ một Chúa, trọn bề tin yêu.
Đức tin dòng máu huyền siêu,
Cha ông tổ phụ, có nhiều đổi thay.
Vua quan quí chức dân này,
Nối dòng gia phả, tới ngày ân ban.
Giu-se diễm phúc muôn ngàn,
Cha nuôi Cứu Chúa, thiên nhan rạng ngời.
Chương trình cứu độ cao vời,
Thiên Sai xuống thế, làm người như ta.
Giu-se vinh dự làm cha,
Dưỡng nuôi chăm sóc, chung nhà thánh thiêng.

NGÀY 18 THÁNG 12
(Jer 23, 5-8; Mt 1, 18-24)
ĐÍNH HÔN


Thánh Thần quyền phép khôn lường,
Ma-ry Mẹ Chúa, tỏ tường phúc ân.
Xin vâng nhập thể xác thân,
Cung lòng trinh nữ, dự phần cứu sinh.
Giu-se công chính thương tình,
Định tâm kín đáo, tự mình rút lui.
Thiên thần soi tỏ tin vui,
Hạ sinh dấu lạ, tới lui bằng lòng.
Chương trình cứu độ hằng mong,
Mẹ sinh Con Chúa, tinh trong rạng ngời.
Ngôi Hai Chúa Cả cao vời,
Hạ sinh giáng thế, sống đời phàm nhân.
Yêu thương cứu độ gian trần,
Giu-se vâng ý, Chúa cần con theo.
Dù đời lắm nỗi cheo leo.
Hoàn toàn phó thác, vâng theo lời truyền.

NGÀY 19 THÁNG 12
(Judic 13, 2-7.24-25a; Lc 1, 5-25)
BÁO TIN


Lộc trời chiếu cố gia đình,
Hiếm con trễ muộn, bình sinh sống đời.
Thiên thần loan báo đôi lời,
Vợ chồng sớm có, một người con yêu.
Gia-ca tế lễ sớm chiều,
Tâm thần hoảng hốt, huyền siêu cõi trời.
Lặng câm không nói lên lời,
Ra về suy gẫm, hợp lời ngợi khen.
Thiên ân tràn đổ đài sen,
I-sa-ve mẹ, chúc khen danh Người.
Gio-an qúi tử vào đời,
Chu toàn thiên ý, rạng ngời mẹ cha.
Đoái thương bớt nhục tuổi già,
Chồi sinh nở nhụy, thật là qúi thay.
Ân thiêng chúc phúc tháng ngày,
Tạ ơn Thiên Chúa, ơn này khắc ghi.

NGÀY 20 THÁNG 12
(Is 7, 10-14; Lc 1, 26-38)
TRUYỀN TIN


Kính chào Trinh Nữ Ma-ry,
Tràn đầy ơn phúc, đại bi ơn trời.
Thánh Thần bao phủ cuộc đời,
Thụ thai Con Chúa, làm người cứu dân.
Giê-su cao cả bội phần,
Cung lòng êm ấm, hạ thân làm người.
Xin vâng tôi tớ gọi mời,
Trở thành thánh mẫu, Chúa Trời Ngôi Hai.
Uy quyền chí thánh thiên sai,
Muôn lời chúc tụng, thụ thai trong lòng.
Đất trời hòa hợp vô song,
Giao hòa thiên địa, ước mong bao đời.
Tình yêu Thiên Chúa cao vời,
Phú ban Con Một, rạng ngời phúc ân.
Tâm hồn chuẩn bị ân cần,
Mở lòng đón Chúa, chung phần vinh quang.
 
Anh em hãy vui lên
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:55 12/12/2017
Anh em hãy vui lên

Suy niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng - B

(Ga 1, 6-8. 19-28)

Hành trình Mùa Vọng, với đích điểm là lễ Giáng Sinh. Chúa Nhật thứ I, Lời Chúa mời gọi chúng ta : "Hãy tỉnh thức" (Mt 24, 44). Chúa Nhật thứ II, Gioan Tẩy Giả thôi thúc chúng ta : "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng" (Is 40, 3). Hai tuần trước như là tiền đường dẫn chúng ta tiếp bước với niềm vui của Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng.

"Gaudete - Hãy vui lên" là chủ đề của Chúa Nhật này. Màu sắc Phụng vụ đang màu tím chuyển sang hồng, nhằm đánh dấu một giai đoạn sám hối, nay nghỉ một chút để nhìn lại chặng đường đã qua với niềm vui vì những gì đã đạt được, và lấy thêm đà mới chuẩn bị mừng (Chúa Giáng Sinh), nên Giáo hội mời gọi con cái mình "Gaudete - Hãy vui lên", như Isaia:“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi" (Is 61, 10). Niềm vui thánh thiêng ấy được biểu lộ qua lời nguyện: "Lạy Chúa, xin đoái xem, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề" (Lời nguyện nhập lễ Cn III Mùa Vọng).

Với những lời trên làm tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên, dẫn chúng ta bước vào mầu nhiệm của niềm vui ơn cứu độ. Làm sao không thể không vui khi nghe những lời loan báo đầy niềm vui của Isaia: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa" (Is 61, 1-2). Và làm sao không thể không mừng "vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân" (Is 61, 10-11).

Nhưng đâu là lý do để con người vui mừng hân hoan? Thưa, Chúa chính là niềm vui của nhân loại. Tất cả chúng ta đều khao khát niềm vui, mỗi gia đình, mỗi dân tộc luôn cầu mong được hạnh phúc. Vui vì có Thiên Chúa ở cùng, vui vì ở gần bên Chúa, được sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi giáng trần, Chúa Giêsu đã mang đến cho con người mọi nơi, mọi thời niềm vui thiêng thánh. Nếu không có Chúa Giêsu, sẽ không có niềm vui, niệm vui ơn cứu độ.

Vào Chúa Nhật trung tâm của Mùa Vọng, chúng ta được mời gọi vui lên và sống hy vọng, đồng thời trở nên sứ giả của niềm vui : "Anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc hãy cảm tạ Chúa" (1Th 5,16-17). Nếu điều này trở thành lối sống của chúng ta, thì Tin Mừng có thể thấm nhập vào mọi nhà và giúp đỡ con người cũng như gia đình tái khám phá rằng thực sự có ơn cứu độ nơi Ðức Kitô. Trong Ngài, người ta có thể tìm thấy sự bình an nội tâm và trợ lực để đương đầu mỗi ngày với những trạng huống khác nhau trong cuộc sống.

Niềm vui là một đặc tính thiết yếu của đức tin. Cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương, viếng thăm và cứu độ là động lực làm cho chúng ta vui mừng; chúng ta biết Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế, tự hiến thân mình vì chúng ta là lý do chính để người tín hữu vui mừng. Người Kitô hữu buồn, bởi họ không nhìn thấy những điều Thiên Chúa đã làm cho họ, và vì thế, sẽ không có sự hiệp thông. Niềm vui của người Kitô hữu phát xuất từ tâm tình tạ ơn tạ ơn, nhất là vì tình yêu thương của Chúa thể hiện nơi chúng ta; mỗi Chúa Nhật chúng ta làm điều đó bằng việc cử hành Thánh Lễ.

Tin Mừng trình bày cho chúng nhân vật Gioan Baotixita, tiền hô Đấng Cứu Thế. Ông là người cao trọng sinh ra bởi người nữ; nhưng khi được hỏi : Ông là ai ? Ông khiêm tốn trả lời, "Tôi không phải là Đấng Kitô..." (Jn.121); "Tôi làm phép rửa bằng nước. Nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy sẽ đến sau tôi" (Ga 1,26-27). Chúa Giêsu là Đấng mà muôn dân trông đợi; Người là Ánh Sáng chiếu soi trần thế.

Tin Mừng không phải là một sứ điệp xa lạ, càng không phải là một mớ học thuyết giữa thế gian, nhưng là Tin Mừng nhằm thỏa mãn những khát vọng sống của con người, vì Tin Mừng nối kết Thiên Chúa với chúng ta bằng việc nhập thể làm người của Con Chúa. Tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô và làm chứng về đức tin đã lãnh nhận. Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được kêu gọi mang hồng ân ánh sáng, ngoài lời nói, gương lành, còn trở nên gương mẫu về đời sống đức tin.

Trong mùa vọng này, chúng ta hãy củng cố xác tín Chúa đã đến giữa chúng ta và chúng ta hãy tín thác nơi Chúa; như thánh Augustinô với kinh nghiệm của ngài đã quả quyết : "Chúa gần chúng ta hơn chúng ta gần chính mình" (Le Confessioni, III, 6,11).

Chúng ta hãy phó thác hành trình của chúng ta cho Ðức Maria, thần trí của Mẹ đã vui mừng trong Chúa là Ðấng Cứu Thế. Xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong sự vui mừng chờ đợi Chúa Giêsu đến, một sự chờ đợi đầy kinh nguyện và việc lành. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Chứng nhân trung thực
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:26 12/12/2017
Chúa Nhật 3 Vọng B

Gioan Tẩy Giả, có lẽ, là vị Thánh Công Giáo đi vào hội họa nhiều nhất. Có vô số tranh vẽ về ông với đề tài khá đa dạng, hướng đến những giá trị tư tưởng khác nhau. Gần như hầu hết các họa sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Công Giáo, từ Leonardo da Vinci, Titian, Caravaggio đến Rubens...đều tìm thấy trong cuộc đời của ông một chi tiết nào đó làm nguồn cảm hứng sáng tác cho mình. Riêng Caravaggio, đã vẽ đến hàng chục tác phẩm về Gioan Tẩy Giả…

Không chỉ nhiều, Gioan Tẩy Giả có lẽ cũng là vị Thánh đi vào hội họa sớm nhất. Icon thể hiện hình ảnh Thánh lâu đời nhất được tìm thấy, là icon về Gioan Tẩy Giả, được vẽ vào khoảng cuối thế kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI, có nguồn gốc Palestine.

Bức tranh đã bị hư hại nhiều, không thể nhận biết hai hàng chữ viết hai bên chuyển tải thông điệp gì. Ở trên cùng, dễ nhận biết, bên trái, là hình ảnh Chúa Giêsu, và bên phải, là hình ảnh Đức Mẹ Maria.

Giữa vô số tranh vẽ Thánh Gioan Tẩy Giả, chiếm số lượng nhiều nhất, và có nhiều tác phẩm xuất sắc nhất, là ở mảng chủ đề: "Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết".

Đây là icon thể hiện chủ đề "Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết" được cho là lâu đời nhất được vẽ vào khoảng đầu thế kỷ thứ VII, thuộc truyền thống Byzantium.

Đứng chính giữa, là Thánh Gioan Tẩy Giả. Ông đang nói: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".

Phía sau là dòng sông, nơi ông thực hiện phép Rửa cho Chúa Giêsu.

Bên trái, là đầu của ông, đã bị chặt lìa, nhưng vẫn như đang hướng nhìn về phía chúng ta.

Bên phải: ở dưới là con chiên tượng trưng cho dân Chúa như đang suy ngẫm về những gì Thánh Gioan Tẩy Giả nói trong sự tôn kính, và bên trên là cây tượng trưng cho sự sống.

Bức tranh như vậy, theo một số học giả, là sự khái quát trọn vẹn cuộc đời và sứ mệnh của Thánh Gioan Tẩy Giả: “là nhà tiên tri cuối cùng, là người dọn đường cho sự ra đời của Chúa”. (Nguyên Hưng).

1. Chứng nhân ánh sáng trung thực

Khởi đầu Phúc Âm, Thánh Gioan viết: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6-7).Thánh Gioan là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của mình. Ngài là chứng nhân ánh sáng của sự trung thực.

Chúa Giêsu nói về Gioan: “Ðây còn hơn cả ngôn sứ nữa” (Mt 11, 9). Và Chúa còn nói thêm : “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).

Nhưng so với Chúa Giêsu, Gioan nhận ra mình thật nhỏ bé. Thấp kém đến nỗi “không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người”. Gioan trung thực nói lên một sự thật. Đó là mình kém xa vì Gioan chỉ là một thụ tạo yếu đuối mỏng dòn.Trong khi đó, Đức Kitô là Thiên Chúa, là Chúa của Gioan và là chủ tể của mọi loài. So sánh với Chúa Giêsu, Gioan chỉ là một giọt nước giữa lòng biển cả mênh mông, chỉ là một cây nhỏ trong đại ngàn trùng điệp, chỉ là một hạt cát giữa sa mạc bao la.

Khi thấy Gioan xuất hiện, rao giảng phép rửa thống hối, dân chúng tự hỏi xem có phải ông là Ðấng Cứu Thế không? Gioan phủ nhận địa vị mà họ gán cho ông (Ga 1,20; Cv 13,25). Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao nhiêu người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần. Gioan trung thực trong những lời nói về chính mình. Ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm ngài có. Gioan chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình mà thôi.

Trung thực với lòng mình, nên Gioan sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong sứ vụ nên Gioan chẳng nể vì kiêng cữ ai. Những luật sĩ thông thái phái Pharisiêu, những bậc vị vọng có nhiều ảnh hưởng lớn trong xã hội thuộc phái Sađucêô, những thầy cả tư tế đạo cao chức trọng, tất cả đều bị Gioan cảnh cáo nặng lời. Gioan gọi họ là loài “rắn độc” (Mt 3,7). Ngay cả vua Hêrôđê, Gioan cũng thẳng thắn cảnh cáo vì vua muốn chiếm vợ của anh mình (Mt 14, 3-12). Vua Hêrôđê vẫn nể sợ Gioan vì biết ông là người công chính, thánh thiện (Mc 6,20). Chính vì trung thực trong sứ mạng ngôn sứ mà Gioan phải trả giá bằng ngục tù và bị chém đầu. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Ánh sáng trung thực khiến cho lời chứng của Gioan càng có sức thuyết phục.

Thánh Gioan đã làm chứng nhân ánh sáng trung thực nên ngài đã sống một cuộc đời thật đẹp và đã chết hào hùng.

2. Thánh Gioan sống rất đẹp

Gioan sống đẹp vì dám từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi của gia đình và xã hội, rút vào trong sa mạc hoang vắng để sống gắn bó với Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện ý Ngài.

Gioan sống đẹp khi có được một số môn đệ theo mình, nhưng ngài cũng không ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa cho họ (Ga 1,36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu, một bậc Thầy cao cả hơn.

Gioan sống đẹp khi ngài thu phục được đám đông, được dân chúng ngưỡng mộ, họ xem ngài như một tiên tri cao cả, nhưng Gioan lại chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà ngài không đáng cởi quai dép cho Người (Ga 1,27) để cho dân chúng thôi ngưỡng mộ mình mà quay sang ngưỡng mộ Chúa Giêsu.

Gioan sống đẹp khi chủ trương rằng: “Chúa Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”(Ga 3,30)

3. Thánh Gioan chết cũng rất đẹp, rất hào hùng.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn, dân chúng lầm than. Gioan mang nặng những ưu tư, những trăn trở yêu nước thương dân.

Vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân. Lương tâm ngôn sứ thúc đẩy, Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế, Gioan đã bị vua chém đầu. Cái đầu vị ngôn sứ đổi bằng bữa tiệc và điệu múa vũ nữ. Hêrôđê tàn bạo, Hêrôđiađê lăng loàn và thủ đoạn. Cái chết của Gioan cao đẹp và hào hùng vô cùng.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ngài không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù. Ngôn sứ, chứng nhân của sự thật thời nào cũng phải trả giá. Điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Người theo Ðạo Hồi giáo Islam sùng kính Thánh Gioan Tiền Hô ở giáo đường bên Syria. Theo sự tin tưởng và tương truyền, trong ngôi đền thờ Hồi giáo Omajjden bên Syria có nấm mộ chôn đầu bị chém của Thánh Gioan Tiền Hô. Người Hồi giáo Syria gọi thánh nhân bằng tên Yaya Ben Zakariyah. Năm 2001, Thánh Gioan Phaolô II đã đến hành hương kính viếng cầu nguyện trước ngôi mộ Thánh nhân tại ngôi đền thờ này với mọi người Hồi giáo tại đó. Một vị Thánh sống tôn trọng và rao giảng sự trung thực, sự ăn năn sám hối. Từ đó cho tới nay, người Hồi giáo vẫn luôn luôn sùng kính mộ mến thủ cấp của vị ngôn sứ chứng nhân sự thật.

4. Theo gương Thánh Gioan, sống chứng nhân trung thực

Nói sự thật có thể bất lợi cho mình hoặc cho người khác. Gioan đã dám nói sự thật, dù phải chết. Gioan không sợ quyền lực, không hùa theo kẻ có quyền lực. Trước điều sai trái, ngài không im lặng để được an toàn bản thân, để được xã hội ưu đãi. Gioan lên tiếng làm chứng cho lẽ phải, ngài không thể nói ngược lại lương tâm mình. Không thể nói điều sai trái là đúng, hay nói điều đúng là sai trái.

Có lẽ chưa bao giờ người dân Việt Nam lại ngao ngán trước những tiêu cực, tệ nạn, bất công, gian dối đầy dẫy trong xã hội như ngày hôm nay. Người dân phải chấp nhận sống chung với gian dối, tiêu cực, tệ nạn như người miền Tây, miền Trung được khuyên tập sống chung với lũ vậy.Ông Trần Quốc Thuận, văn phòng Quốc Hội Việt Nam tuyên bố: “Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lập lại nhiều lần thành ‘đạo đức’, mà cái ‘đạo đức’ đó là mất đạo đức.”. Gian dối trở thành tập quán xã hội, một bản tính thứ hai, một nền “đạo đức” của con người, như vậy thì tương lai của dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu?

Giáo sư Hoàng Tụy nhận định: Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng, đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc... Trung thực thế nào được khi mà người ta hàng ngày phải sống trong một môi trường giả dối mà minh chứng rõ nhất là tiền lương công chức. Chẳng ai sống nổi bằng lương nhưng rồi ai cũng sống đàng hoàng, dư giả. (x.Báo Khuyến học & Dân trí, Thứ sáu, 28/11/2008).

Tác giả Đỗ Duy Ngọc viết bài: “Chúng ta đang ở thời đại nói láo toàn tập !”. Ông than thở: Không biết lịch sử ghi lại các triều đại phong kiến đúng sai như thế nào, cũng chẳng có cách nào để kiểm chứng. Thế nhưng, thời đại ta đang sống hoá ra toàn láo cả. Rồi lịch sử thời hiện đại sẽ viết sao đây?

Cuối bài, ông viết nghe thật buồn: Láo từ trung ương đến địa phương, láo từ tập đoàn cho đến công ty, láo từ một tổ chức cho đến cá nhân. Láo mọi ngành nghề, láo toàn xã hội. Tất cả đều bị đồng tiền sai khiến, bị danh lợi bám quanh.Hơn nữa vì sự thật bi đát quá, đành láo để khoả lấp, hi vọng sẽ an dân. Nhưng thời đại bùng nổ thông tin, dân biết hết nên chuyện láo trở thành trơ trẽn.Nghe láo quen, chúng ta lại tự láo với nhau và chuyện láo trở thành bình thường, láo để tồn tại, để phấn đấu, để thêm lợi thêm danh, và rồi láo đã trở thành một nếp sống.Trẻ con học người lớn nói láo rồi tiếp tục những thế hệ nói láo: Ở nhà trường nghe cô thày nói láo, ra đời nghe thiên hạ nói láo, về nhà lại được nghe nói láo từ cha mẹ, mở máy nghe, nhìn cũng rặt điều láo. Một nền văn hoá láo đã nẩy sinh và phát triển. Hỏi sao trẻ con không láo và tương lai lại tiếp tục láo. Nghĩ cũng buồn! Những ngày cuối tháng 10/2017 (x.baotiengdan.com).

Lm Nguyễn Hồng Giáo nhận định: Xã hội ta thì xưa nay đã quá quen với việc làm dối, nói dối, báo cáo láo đến nỗi dường như không còn coi đó là một điều xấu nữa. Chúng ta còn nhớ một khẩu hiệu được tung ra thời đầu đổi mới là "Nói thẳng, nói thật". Có chủ trương như thế là vì có tình trạng quanh co, gian dối. Một bài thơ châm biếm đăng trên Sài Gòn Giải phóng ngày 18. 5. 1990 có nhan đề đáng để ý.

Thôi xài chữ giả
Chữ nghĩa du di chả mấy hồi
Đói không nói đói, "thiếu ăn" thôi!
Học hành "hạn chế": y chang dốt
Báo cáo "tuy nhiên": ắt hẳn... tồi.
"Vượt mức chỉ tiêu"? Nên bớt nửa,
"Có phần sơ sót"? Hãy nhân đôi...
Mực đen gấy trắng đòi trung thực
Chữ giả xài lâu hỏng lắm rồi.
(Long Vân)

Các nhà nghiên cứu đã phân tích và nêu lên nhiều nguyên nhân của tình trạng thiếu trung thực tràn lan. Nhưng tôi thiển nghĩ rằng, ta còn có thể nghĩ tới một nguyên nhân sâu xa mà hình như chưa ai đề cập tới cách thẳng thắn. Đó là liệu tình trạng này có liên quan cách nào đó chăng tới nhân sinh quan chính thức của xã hội ta hay ít nhất là tới một cách làm, cách nghĩ lâu đời đã ăn quá sâu vào trong tâm thức của giới cầm quyền và nhân dân? Tôi không dám khẳng định mà chỉ nêu câu hỏi như một "giả thuyết làm việc", như người ta quen nói trong phạm vi nghiên cứu khoa học (hypothèse de travail)… Tôi thiển nghĩ, muốn cải tổ giáo dục theo chiều hướng trung thực, cần phải có một sự cải tổ sâu hơn về não trạng và về quan niệm đạo đức, tựu trung là về nhân sinh quan. (x. Giả dối lan tràn, tại sao? Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Trung Tín (1 Tx 5,24). Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngài đã tin tưởng và gọi chúng ta là môn đệ của Ngài (Mt 25,22), và trao cho chúng ta những trách nhiệm lớn (Mt 25,21; Mt 28,19). Vì thế, chúng ta phải là chứng nhân trung thực của sự thật và trung tín giữa một xã hội mà sự gian dối đã trở thành “đạo đức”.

Thiết nghĩ, bài học về lòng trung thực phải là bài học đầu đời cho các bộ óc trẻ trung đang còn trong trắng tuổi học sinh.

Theo gương Thánh Gioan chứng nhân ánh sáng trung thực, với tư cách ngôn sứ, chúng ta cần sống chứng nhân cho chân lý và tình yêu. Sống chân chính ngay thẳng theo lương tâm Kitô giáo, chúng ta góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.




 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đừng quên tình cảnh người Kitô hữu Palestine
Đặng Tự Do
07:02 12/12/2017
Ngày 6 tháng 12, tổng thống Donald Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tổng thống nói: “Đây là thủ đô của người dân Israel kể từ thời cổ đại. Đó là một sự thật không thể chối cãi.” Các Kitô hữu ở Bethlehem phản ứng trước diễn tiến này bằng cách đốt bức ảnh của Tổng thống Mỹ. Họ đưa ra những bích chương cho biết: “Jerusalem, là trái tim của Palestine, là điều không thể thương lượng.”

Điều này có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người ở phương Tây. Có lẽ chúng ta giả định rằng Kitô hữu Palestine thích người Do Thái dân chủ hơn những người dân Hồi giáo quá khích của họ. Đáng buồn, điều đó không đúng.

Năm 2003, Israel bắt đầu bao vây Bethlehem với những bức tường bê tông cao 7m. Mục đích của người Do Thái là để ngăn những kẻ đánh bom tự sát vượt qua bờ Tây và vào Israel trong thời kỳ Intifada. Nhưng ngay cả sau khi tình trạng bất ổn tồi tệ nhất đã qua đi, bức tường vẫn tiếp tục được phát triển. Và các Kitô hữu sống trong thị trấn Bethlehem, những người chưa bao giờ cầm súng chống lại Israel, đang lãnh đủ.

Hanan Nasrallah, một nhân viên Palestine thuộc Cơ quan Cứu trợ Công Giáo, nói: “những bức tường ngăn cách cắt đứt những thành viên trong các gia đình. Mọi người bị làm nhục tại các trạm kiểm soát. Con người không có nhiều cơ hội để cải thiện mức sống của họ. Do đó, những Kitô hữu có khả năng, đang cố gắng để ra đi khỏi đất nước này. “

Không phải chỉ những gia đình đang bị chia cắt. Bức tường cũng chạy qua ngôi làng Beit Jala, nơi 80 phần trăm là Kitô hữu. Sau khi hoàn thành, nó sẽ cắt ngang một tu viện Salesian và cộng đoàn Kitô Giáo địa phương. Hoàn cảnh của các Kitô hữu ở Beit Jala đã khiến Đức Hồng Y Vincent Nichols phải viết một lá thư cho ngọai trưởng Anh William Hague vào năm 2012, yêu cầu ông ta trực tiếp can thiệp với Tel Aviv.

Và điều này thậm chí cũng không giúp gì được cho những Kitô hữu Palestine, là những người phải rời khỏi các ngôi nhà lịch sử của họ bị các khu định cư Do Thái lấn chiếm, và bị khủng bố bởi các thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Do Thái. Chính phủ Israel làm ngơ không hành động gì, mặc dù đó là trách nhiệm của chính phủ - cả về mặt đạo đức lẫn công pháp quốc tế - phải tôn trọng quyền của người Palestine, bất kể tôn giáo của họ.
 
Chỉ sáu tháng sau khi chấp nhận “hôn nhân đồng tính”, Bermuda quay lại với hôn nhân truyền thống
Đặng Tự Do
07:17 12/12/2017
Bermuda, một lãnh thổ hải ngoại của Anh đã trở thành vùng đất đầu tiên của thế giới khôi phục lại định nghĩa hôn nhân truyền thống chỉ sáu tháng sau khi tòa án tối cao của hòn đảo này ra phán quyết ủng hộ các kết hiệp đồng tính.

Hôm thứ Sáu 8 tháng 12, các dân biểu Hạ viện Bermuda đã thông qua một đạo luật, trong đó tái khẳng định rằng hôn nhân chỉ có thể diễn ra giữa một người nam và một người nữ. Tuy không công nhận về mặt pháp lý các kết hiệp đồng tính, đạo luật này vẫn tạo ra nhiều quyền hợp pháp cho các cặp đồng giới và không làm mất hiệu lực các cuộc “hôn nhân đồng phái” đã xảy ra kể từ khi có phán quyết của tòa án vào tháng Sáu năm nay.

Người dân Bermuda đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo chống lại “hôn nhân đồng giới” trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm ngoái. Tuy nhiên, một thẩm phán sau đó đã phán quyết rằng hòn đảo này không thể từ chối đơn xin kết hôn của những người cùng giới tính. Ông nói rằng định nghĩa truyền thống về hôn nhân là “không phù hợp với các điều khoản của đạo luật Nhân quyền vì chúng hình thành một sự phân biệt có chủ ý dựa trên định hướng giới tính”.
 
Thân thế đáng ngạc nhiên của Đức Tân Tổng Giám Mục Paris
Đặng Tự Do
07:45 12/12/2017
"Không ai trong gia đình tôi thực hành đạo, ngoại trừ mẹ tôi, là người đến nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật. Tôi không phải là chú giúp lễ cũng không phải là một hướng đạo sinh, và tôi chưa từng theo học tại một trường học Công Giáo. Cha tôi không bao giờ đến nhà thờ. Nhưng mẹ tôi đã dạy tôi và hai anh em tôi cầu nguyện", Đức Cha Michel Aupetit tiết lộ như trên vào năm 2015 với tờ Paris Match, là tờ báo thường xuất bản các bài viết về lối sống của các nhân vật nổi tiếng.

"Ước mơ của tôi bây giờ là trở thành một linh mục ở vùng quê", ngài nói thêm. Hai năm sau, vào ngày 7 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Paris.

Đức Cha Michel Aupetit sinh ngày 23 tháng 3 năm 1951 tại Versailles - năm nay 66 tuổi. Ngài đã mong muốn giảm bớt đau khổ của người khác và quyết định trở thành bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp trung học tại trường công lập Lycée Hoche ở Versailles, ngài theo học tại Trường Y khoa Bichat (Đại học Paris VII) và năm 1976 ngài lấy bằng tiến sĩ y khoa. Sau đó, ngài làm chuyên gia y tế ở Colombes, một thị trấn nhỏ ở vùng ngoại ô Paris, trong mười hai năm. Ngài chuyên về đạo đức sinh học và đã dạy môn này trong Bệnh viện Henri Mondor ở Créteil.

Khi trở thành bác sĩ, ngài thường nói với bạn bè của mình: Tôi sẽ làm việc 10 năm, và sau đó tôi sẽ suy nghĩ tiếp. Năm 1990 - ở tuổi 39, ngài quyết định vào chủng viện Paris để trở thành một linh mục.

"Thiên Chúa đã gọi tôi trở thành linh mục như đã từng gọi tôi làm bác sĩ, trong ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria", ngài nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền hình Công Giáo nói tiếng Pháp KTO. "Tôi đã phải chiến đấu, bởi vì tôi đang nghĩ đến việc phục vụ người khác như một bác sĩ và có một gia đình. Nhưng Chúa có những dự phóng khác dành cho tôi” Năm năm sau, vào tháng Sáu năm 1995, ngài được phong chức linh mục cho Tổng Giáo phận Paris.

Phần còn lại của cuộc đời ngài được đánh dấu bằng những trách nhiệm trong Giáo Hội và trong lĩnh vực y sinh học. Ngài coi xứ từ 2001 đến 2006, rồi là Cha Tổng Đại Diện của tổng giáo phận Paris và là thành viên của hội đồng giám mục (2006-2013), ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Paris vào tháng 2 năm 2013 và chỉ một năm sau đó vào năm 2014, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Nanterre - một giáo phận nơi ngài đã từng làm bác sĩ. Trong thời gian đó, ngài đã viết nhiều cuốn sách về những câu hỏi nóng bỏng như "Ngừa Thai: câu trả lời của Giáo hội" (Pierre Téqui, 1999), "Tế bào gốc: vấn đề là gì?" (Salvator, 2008), "Cái chết, và sau đó?" (Salvator, 2009). Vài tháng trước, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng "Gia đình và Xã hội" trong Hội Đồng Giám Mục Pháp.

Sự lựa chọn Đức Cha Michel Aupetit là một tin tốt cho người dân Paris. Ngài rất năng động, đơn giản, có tính hài hước, rất tốt cho một giáo phận lớn như Paris với 106 giáo xứ. Các quan điểm rõ ràng của ngài về đạo đức sinh học và nhân chủng học sẽ rất quan trọng trong những năm tới, đặc biệt là khi Quốc Hội Pháp sửa đổi luật về đạo đức sinh học, cũng như các nỗ lực hợp thức hóa an tử, và phá thai. Với tuổi tác và lịch sử cá nhân của mình, Đức Tân Tổng Giám Mục có lẽ sẽ tạo ra một động lực mới về tinh thần cho đức tin Kitô giáo trong giáo phận.

Lễ nhậm chức của Đức Tân Tổng Giám Mục của Paris sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng năm 2018 vào lúc 6 giờ 30 chiều tại nhà thờ Notre-Dame.
 
Hội nghị tại Vatican nhấn mạnh tới vai trò giáo dân trước những thách đố của thời đại
Thanh Quảng sdb
17:43 12/12/2017
Hội nghị tại Vatican nhấn mạnh tới vai trò giáo dân trước những thách đố của thời đại
Vai trò người Giáo dân trước những thách đố của Thời đại

Vatican ngày 11 tháng 12 năm 2017, Đức Thánh Cha thúc đẩy những chuyên gia đang qui tụ tại Vatican triển khai vai trò người giáo dân trong việc loan truyền Phúc Âm cho một thế giới thần tục ngày nay.
Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher nói với Thông tấn xã EWT ngày 11/12: "Ngay cả trước Công Đồng Vatican II, Giáo Hội luôn xác quyết tầm quan trọng không thể thiếu của người giáo dân dấn thân trong những lãnh vực quan yếu của cuộc sống, đặc biệt trong lãnh vực chính trị và xã hội.
ĐTGM cho hay: Tầm quan trọng của người giáo dân "ngày nay càng rõ nét, nếu không có những hoạt động và vận động chính trị cũng như xã hội của người giáo dân thì Giáo hội sẽ mất đi tiếng nói của mình. Cho nên việc tham dự của người giáo dân vào các công việc của Giáo hội đối với xã hội mà chúng ta đang sống thật là quan yếu… Người giáo dân cần được chuẩn bị để thực hiện vai trò này, họ đòi hỏi lòng can đảm hành động, và khát vọng đem Tin mừng của Đức Kitô vào lĩnh vực chính trị và xã hội, ở cấp địa phương, quốc gia lẫn quốc tế".
ĐTGM Gallagher, Thư ký Tòa Thánh Vatican về Đối tác với các Quốc gia, đã phát biểu như trên trước khi cử hành Thánh Lễ vào tối khai mạc của Đại hội kéo dài từ ngày 11-13/12 được tổ chức bởi các tổ chức phi chính phủ Thiên chúa giáo, với chủ đề "Cổ súy Nhân bản trước một Thế giới đang biến đổi".
Các tổ chức phi chính phủ trên thế giới, bao gồm cả những người không Công Giáo, tham gia vào các tổ chức Kitô giáo nhằm bảo vệ các giá trị cốt lõi như tự do tôn giáo, gia đình hầu đảm bảo rằng sự phát triển con người được thăng tiến vững mạnh trong bối cảnh xã hội toàn cầu đang thay đổi quá nhanh chóng như hiện nay.
Trong bài phát biểu của Ngài tại hội nghị, ĐTGM Gallagher cho hay Tòa Thánh và các tổ chức phi chính phủ có nguồn gốc Thiên chúa giáo có thể cùng nhau làm việc để đạt tới "lý tưởng huynh đệ của con người và đề ra một phương án tốt để thực hiện nó."
Ngài nhấn mạnh rằng Tòa Thánh không "kiểm soát" diễn đàn, nhưng các thành viên và các vị lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ là những nhân vật chính đề ra các phương án và đường hướng hành động, vì họ thực sự có "kinh nghiệm thực tế và chuyên môn" cho các chương trình này.
Trong số những "nhân vật quan yếu" chúng ta thấy có bà Helen Alvare, giáo sư chuyên về luật gia đình, tôn giáo, và tài sản tại Phân khoa Luật Antonin Scalia thuộc Đại học George Mason. Bà cũng là người đồng sáng lập tổ chức Tiếng Nói Phụ Nữ "Women Speak for Themselves", chủ tịch của nhóm truyền thông phi lợi nhuận "Reconnect Media" và là cố vấn của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã EWTN, bà Alvare nhấn mạnh tới tầm quan trọng vai trò của người giáo dân, đặc biệt là phụ nữ và người nghèo, trong việc vận động các vấn đề chính trong Giáo hội, đặc biệt trong lãnh vực gia đình.
Thông qua các tổ chức mà bà tham gia, bà Alvare tập trung vào việc cổ súy dân chúng thuộc giới bình dân cần gióng lên tiếng nói cho tự do tôn giáo và bảo vệ những giá trị gia đình đang bị mai một trước trào lưu tự do luyến ái. Cầu mong cho vấn nạn luyến ái "được thảo luận chung với vấn đề phúc lợi kinh tế, đói nghèo và hạnh phúc của con người".
Bà Alvare cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ cho nữ giới và những người nghèo. Tuy nhiên bà hy vọng dù Đức Thánh Cha đã đưa ra "gợi ý tuyệt vời" trước những vấn đề này, nhưng đây là "một dấu chỉ của thời đại, nó không đến từ lệnh của người đứng đầu Giáo Hội".
"Cũng như chính Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã góp ý làm thăng tiến quyền lợi phụ nữ và người nghèo, khi Ngài đề cập tới các chủ đề giới tính, hôn nhân và nuôi dạy con cái".

Phát biểu về quan hệ đối tác Tòa Thánh có thể có với các tổ chức phi chính phủ và những người điều hành, ĐTGM Gallagher nhấn mạnh tới một số lĩnh vực hợp tác quan trọng, là mục tiêu chính yếu để thể hiện các chương trình phát triển bền vững tiến tới năm 2030, mà Đức Thánh Cha gọi đây là "một dấu hiệu chính của sự hy vọng " lớn nhằm xóa bỏ sự túng nghèo, bảo vệ môi trường, và thăng tiến giáo dục.
Ngài cũng nêu ra các vấn nạn các làn sóng cưỡng bức di dân và di cư dẫn đến nạn "thay đổi dân số như chưa từng thấy”, mà con số thống kê của các tổ chúc toàn cầu của Liên Hiệp Quốc về di dân và người tị nạn cho hay.

Ngài cũng nói tới các lĩnh vực quan trọng khác như là biến đổi khí hậu và sinh thái; tự do tư tưởng, tôn trọng quyền tự do phát biểu và tôn giáo, bao gồm những mối lo trước vấn đề phân biệt tôn giáo và chính sách khủng bố; tự do ngôn luận, cũng như tự do chuyển đổi.

ĐTGM Gallagher hy vọng những nỗ lực dù to nhỏ đều nhằm "phát triển và nhằm lợi ích chung của tất cả mọi người". "

Trong một cuộc trao đổi ngắn gọn, ĐTGM Gallagher khuyến khích các thành viên của các tổ chức phi chính phủ hãy hoạt động và tham gia vào các cuộc thảo luận về các vấn đề có liên quan tới thẩm quyền của họ, trong đó có các đại diện của Tòa Thánh trong các vòng đàm phán hầu lấy những ý kiến của Tòa Thánh khi cần thiết.

Trả lời câu hỏi của về các bác sỹ Công Giáo và nhân viên y tế làm việc với các tổ chức y tế có truyền thống Công Giáo, ĐTGM Gallagher cho biết những đặc điểm quan trọng nhất cần thiết cho ngày hôm nay là "lòng can đảm và sự hy sinh to lớn".

Một phần của lòng dũng cảm này có nghĩa là thực hiện quyền theo lương tâm của chính mình ĐTGM nói, "Chúng tôi xác quyết lại quyền tối thượng của lương tâm của quí vị và của các đồng nghiệp của quí vị dễ bị tổn thương", Ngài nói thêm rằng vai trò của lương tâm của những người làm việc trong lĩnh vực y khoa hiện nay "là một quyền căn bản chính yếu”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Curia Tân Sơn Nhì Giáo Xứ Tân Phú Mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm –Tổng Hội Thường Niên Năm 2017
Phương Nga
09:45 12/12/2017

“ Này tôi là tôi tá Chúa,tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền “( 1,37)

Theo tinh thần Thủ Bản mỗi năm Legio Mariae có 2 buổi lễ trong đại,đó là Sinh nhật Đức Mẹ và Lễ Mẹ Maria Vô nhiễm Nguyên tội và trước thánh lễ là Tổng hội Thường niên.

Vào lúc 14g30 ngày 06-12-2017 đến Curia Tân Sơn Nhì đã tổ chức Tổng hội Thường niên cho toàn thể hội viên tại phòng Giáo lý Lầu 1 giáo xứ Tân Phú.

Xem Hình

CẦU NGUYỆN:

Sau khi các hội viên đã tề tựu quanh tượng Mẹ Maria,anh Trưởng Phêrô Nguyễn Văn Kiến tuyên bố khai mạc buổi sinh hoạt,chương trình gồm các phần sau:Kinh Chúa Thánh Thần,Kinh Tessera,lần hạt 50 mùa Vui ,kinh Lạy Nữ Vương,đọc Thủ Bản Chương 33,trang 254,số lề 338-342 đề tài”Mối liên hệ giữa hội viên”

Đúng 15g,Cha Giuse Linh giám đến tham dự,mọi người đứng lên vỗ tay mừng Cha và mừng nhau,Cha cũng xin lỗi vì bận mục vụ nên đến hơi muộn,kế tiếp Cha chia sẻ:Đề tài hôm nay nghe rất dễ,nhưng không nghĩa là thực hiện suông sẻ.Các hội viên Legio tương quan với nhau trên công việc,trên tình cảm và trong đời sống hàng ngày.Gia nhập vào Legio chúng ta cùng nhau làm việc cho Chúa qua sự đồng hành của Mẹ Maria.Chúa Giê su nói”Tội ganh tị thuộc về Ma quỷ và những người Ganh tị cũng thuộc về Ma quỷ..”Ganh tị vì thấy chúng ta thua kém người khác,thấy bạn bè hơn mình thì tỏ ra bực bội.

Khi Cha đi thường huấn,Đức Cha Giuse giảng rằng”các linh mục đừng bao giờ coi giáo dân là đối thủ của mình,đó là sự cám dỗ của Ma quỷ.Việc đó sẽ làm cho được việc mà mất người.Lời dạy đó không chỉ dành cho các linh mục mà còn cho cả chúng ta nữa!Trong Legio gọi nhau là anh em và chị em;nhưng đôi khi chỉ ở trước mặt,còn sau lưng là nói xấu,oán hận và trách móc nhau…

Có một số anh chị điều hành khi được góp ý thường hay tiêu cực bằng hai từ”Thưa Cha,con nghỉ”Tham dự hội đoàn không phải thích thì làm,không thích thì nghỉ !Chúng ta là người lớn,phải sống sao cho có trách nhiệm và tính khả tín.Trẻ con thì dễ hơn,và hãy nhớ mục đích của việc tham gia hội đoàn là để:

- Thánh hóa bản thân mình bằng các công tác tùy theo đoàn thể phân công.

- Để vượt qua thử thách, cám dỗ và tính trẻ con.

- Để dẹp bỏ tính ích kỷ và kiêu ngạo sẵn có trong ta.

Kết thúc phần chia sẻ Cha chúc Ban điều hành và các Hội viên có ngày sinh hoạt vui tươi và nhiều ơn lành của Chúa và Mẹ Maria.Trước khi ra về Cha ban phép lành cho cộng đoàn.Mọi người cùng tiễn Cha …

SINH HOẠT:

Như những lần trước,chị Maria Hoa(Nguyên phó ban Quản trị) làm quản trò bằng những bài hát sinh hoạt cộng đồng như:Bốn phương trời ta về đây sống vui .Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình vv…Các hội viên cũng lên góp vui với bài hát,chuyện kể và đồng ca”Bóng mát che đầu.Mẹ như bóng mát che đầu ..”thật vui nhộn của các anh em đội Mẹ Chúa Ngôi Ba.Chị Têrêsa Dung cũng mời các Ủy viên lên múa hoạt cảnh bài “Ngày xứa Adam-Eva ..” đó cũng là tiết mục cuối cùng của phần sinh hoạt.

CHIA SẺ KINH NGHIỆM CÔNG TÁC:

Đội Mẹ Chúa Ngôi ba có một người vừa ở Legio vừa ở Dòng Ba Đaminh.Cách đây 1 thời gian anh để ý thấy 1 người đàn ông ngày nào cũng ngồi ở Đài Đức Mẹ và lâm râm cầu nguyện.Một hôm anh mạnh dạn làm quen và hỏi chuyện mới biết tên anh ta là Phan Văn Tư sinh trưởng trong một gia đình Phật giáo tuyền thống,rồi tự anh theo đạo Tin Lành đã 30 năm,nhưng vì làm nhà thờ nên ngày nào giờ nghỉ trưa anh cũng ra Đài Đức Mẹ cầu nguyện.Sau khi trao đổi,hội viên Legio đã mời anh Tư vào nhà thờ đọc kinh với Dòng Ba và đến nay anh Tư đang tìm hiểu để xin theo đạo Công Giáo,Anh Trưởng mới anh Tư lên cho mọi người nhận diện.

Đội Mẹ Thiên Chúa thì lại có trường hợp.Một phụ nữ Công Giáo 42 tuổi có 4 con và đã bỏ chồng 10 năm;trong lúc bán hàng rong chị quen một thanh niên Công Giáo thua 10 tuổi,lúc đầu là chị em nhưng dần dà sống chung và chị này có thai.Khi tìm đến hội viên Legio là có ý hỏi xem cô phá thai được không ? Nhưng chị được khuyên giữ lại cháu Bé và hội viên này xin với Đội cầu nguyện để giữ lại cháu bé.Kết quả mới đây cháu bé gái đã chào đời khỏe mạnh.Gia đình cậu thanh niên đã đem cháu bé về nuôi và lo cho cháu Rửa tội ;mặc dù không thể nhận người phụ nữ đó làm con dâu,do bị rối.

Và còn rất nhiều công tác rất đặc biệt và thú vị khác mà các hội viên Legio đã thực hiện trong một năm qua…

Chị Maria Mẫn Nhi là Phó Curia đương nhiệm chia sẻ về công tác Junior.Chị kể các bé rất ngây thơ hồn nhiên, nhưng đều yêu Chúa.Tuy vậy,một số còn nhỏ lười đọc kinh Mân côi nên chị đã dùng một câu chuyện minh họa là“Cà phê Dán tường”.

Ở bên Pháp có những quán cà phê,có khi 2 người vào uống mà kêu 3 ly,thì 1 ly chỉ là tờ giấy Dán tường.Khi có người nào đó nghèo vào uống kêu 1 ly cà phê Dán tường thì nhân viên lấy 1 tờ giấy xuống không tính tiền cũng như sự phục vụ không khác nhau;chị nói với các bé cứ lần chuỗi Mân côi không chỉ cho mình mà còn Dán tường cho các linh hồn hoặc ông bà tổ tiên của mình nữa;không có gì uổng phí cả.Các em nghe câu chuyện đó rất thích thú và từ đó đã thay đổi cách sống và cầu nguyện.

Kết thúc buổi sinh hoạt,anh Trưởng Phêrô ban huấn từ:

Đức Thánh Cha Phanxico nói”Tôi đoan chắc rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong mỗi con người chúng ta và cho dù người đó có là thảm hại thế nào?thì trong trái tim họ vẫn còn một khoảng trống là niềm hy vọng.Khi chúng ta đến với Chúa tức là chúng ta cũng đến với tha nhân nên chúng ta phải nhớ là Chúa ở trong họ,và cùng với Mẹ Maria chúng ta làm Tông đồ cho Chúa (Trích tài liệu tháng 12 của Legio)

THÁNH LỄ:

Vào lúc 17g15 ngày 07-12-2017,Curia Tân Sơn Nhì đã phụ trách giờ Chầu và Tĩnh tâm (ngày thứ 3) của giáo xứ.Sau khi Cha Phó Giuse Maria Nguyễn Quốc Tuấn đặt Mình Thánh Chúa,cộng đoàn cùng hiệp thông theo chương trình: Đọc Tin Mừng,lần chuỗi Mân côi,kinh Lạy Nữ Vương,đọc suy niệm về Đức Maria,hát cầu cho Đức Giáo Hoàng và giờ Chầu Thánh Thể.

Trong thánh lễ chung ý xin của Hiệp hội Thánh Mẫu,Cha Giuse Kiều Hoàng An linh giám đã chia sẻ Tin Mừng theo Thánh (Luca 1,26-38)

Hôm nay chúng ta mừng trước lễ Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội cũng là ngày Dọn lòng của giáo xứ để mừng lể bổn mạng.Điều này Giáo hội đã tuyên tín,những ai không tin thì tự tách mình ra khỏi Giáo hội.Vậy tín điều Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội là gì ?và có liên quan gì đến chúng ta?

Khi tuyên tín mộtvề điều này, thì không phải vì yêu mến Đức Maria quá độ mà để nhắc cho Kitô hữu nhớ về :

-Về tội Nguyên tổ của ông Adam và bà Eva

-Về vai trò của Mẹ Mari cộng tác với Chúa.

-Về những ân sủng của Chúa ban cho loài người qua sự chuyển cầu của Mẹ.

Khi mô tả cảnh vườn Địa đàng mà ông Adam và bà Eva ăn trái cấm bởi họ đã lạm dụng tự do.Nếu đọc bài trình thuật ta thấy :

Cám dỗ : Bà Eva nhìn thấy trái cấm ngon và đã ăn trái cấm rồi còn cho Bạn mình ăn.Khi Chúa dựng nên Eva,ông Adam đã vui mừng la lên” Ô! Đây là xương tôi và đây là thịt tôi”(St)

Khước từ:Nhưng khi ăn xong rồi bị Chúa quở trách thì ông lại nói” Người đàn bà này đã xúi giục tôi ăn để tôi phạm tội “(St)

Như vậy,chúng ta đã khước từ Thiên Chúa và khước từ nhau như một Triết gia từng nói “Thiên Chúa là gánh nặng phải loại trừ” hay “ Tha nhân là cái gì đó mà tôi chỉ muốn ói ra chứ không muốn nuốt vào !“ Chúa đã chọn Đức Maria không tì vết để Mẹ cộng tác trong công trình cứu độ của loài người vì “Không có điều gì mà Thiên Chúa không làm được”(Lc1,37)

Nếu tội Nguyên tổ tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa thì Đức Maria đã hàn gắn lại mối liên hệ này.

Mừng lễ Mẹ Maria Vô nhiễm là bổn mạng của giáo xứ,chúng ta hãy nhớ lại lời nhắc nhở của Đức Ông Phanxico Borgia Nguyễn Văn Khả :

- Phải gắn bó đời sống đức Tin trong tương quan cộng đồng giáo xứ.

- Phải thể hiện cộng đồng đức Tin của mình với giáo xứ,vì Cha về đây 2 năm và nhìn thấy ân sủng mà Chúa ban cho giáo xứ Tân Phú rất dồi dào,nếu ai không tin cứ đi ra ngoài sẽ có sự minh chứng ngay.

Và trong việc giáo dục con cái ,chúng ta xem lại mình có dạy các cháu những suy nghĩ :

-Đóng góp cho giáo xứ là một hạnh phúc

-Cùng là sự thể hiện tình yêu với Thiên Chúa hay chưa?

Có người nói với Cha “Cha chỉ là Cha phó,thì Cha chỉ ở đây một thời gian rồi Cha đi”

Vâng ! Nếu Cha sống ở đây có 2 năm mà đã yêu giáo xứ như vậy thì Quý cộng đoàn đã xây dựng cơ nghiệp hàng chục năm rồi hoặc hơn nữa,phải biết yêu giáo xứ nhiều hơn.Bởi vì những gì Chúa ban cho chúng ta mà chúng ta không biết quý trọng thì Chúa sẽ lấy lại.Amen.

Thánh lễ kết thúc lúc 19 giờ cùng ngày trong niềm vui vì ngày mai là lễ bổn mạng của giáo xứ và của mọi người .

Phương Nga

Truyền Thông Tổng giáo phận Sài Gòn

Giáo xứ Tân Phú

 
Hình ảnh phóng sự Tĩnh Tâm Muà Vọng tại Gx ĐMHCG Garland TX
Trần Mạnh Trác
17:21 12/12/2017
Xem hình ảnh

Tiếp tục truyền thống mỗi năm, vào tối thứ hai vừa qua, Gx ĐMHCG - Garland TX đã bắt đầu ba ngày Tĩnh Tâm Mùạ Vọng với một vị linh mục thuyết giảng còn rất trẻ là Lm. Nguyễn Bá Quốc Linh, CSsR.

Số người tham dự các buổi tĩnh tâm ở Gx ĐMHCG thì thường rất đông, nhưng lần này là bất thường vì ngồi gần chật nhà thờ, kể ra là gần ngàn chỗ. Đó là nhờ sáng kiến cuả cha xứ đã cho phép giáo dân dùng 1 ngày thuyết giảng thay cho việc đền tội.



Đây có lẽ là một sáng kiến độc đáo để thúc đẩy sự tham gia các sinh hoạt buổi tối trong những muà đông giá cuả vùng Bắc Mỹ này.

Trở lại vị linh mục thuyết giảng: Cha Quốc Linh gia nhập dòng DCCT từ bên Việt Nam, khi được học bổng đi du học Hoa Kỳ đã được tỉnh dòng Hoa Kỳ yêu cầu ở lại. Ngài hiện phục vụ taị ‘Thành Phố Huynh Đệ’ Philadelphia, coi xóc đền thánh John Neumann.

Thánh John Neumann là vị thánh thứ 4 cuả DCCT, di cư từ xứ Bohemia (Đức) qua Hoa Kỳ năm 1836, làm LM truyền giáo, trở thành giám mục Philadelphia, và đã chết vì kiệt sức trên đường phố trong một muà đông giá lạnh lúc mới có 49 tuổi. Ngài được phong thánh năm 1977. Xác cuả Ngài không hư rữa, đang lưu giữ trong lồng kiếng để khách hành hương có thể thăm viếng. Ngài nổi tiếng là một vị thánh ban nhiều phép lạ.

Chủ đề thuyết giảng là: “Emmanuel - Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta”, là một chủ đề rất quen thuộc trong muà Giáng Sinh và do đó là rất khó “ăn khách”, tuy nhiên với những hình ảnh gần gũi như cuả một đàn kiến hay cuả một cặp vợ chồng già, cha Quốc Linh đã dẫn đưa cử toạ thấu xuốt thế nào là hai chữ ‘Ở Cùng’.

Bằng một văn phong không ‘văn hoa chữ nghiã’, cũng không ‘cường điệu’ hay ‘biểu diễn’, mà là bằng những lời lẽ ngọt ngào đầy chân tình, ngài đã giúp cho mọi người ‘cảm thức’ được thế nào là sự vĩ đại cuả một biến cố ‘giáng trần’ và thế nào là thái độ cần phải có khi có Chuá ‘Ở Cùng’ trong cuộc sống, và theo lời cuả cha giảng thuyết, thì đây là việc ‘Ở Cùng… mọi ngày, mọi ngày, mọi ngày…cho đến tận thế.”

Sau một vài ngày có tiết đông lạnh giá, thời tiết ở Garland đã trở nên khá hơn, man mát như tiết muà Thu, làm cho bà con hứng thú đua nhau đi tham dự giảng phòng và coi đèn Noel.

…Như là muà thu ư? Phải đấy, vẫn còn là muà Thu. Còn 9 ngày nữa thì mới tới ngày Đông Chí (21 tháng 12.)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Các vị đồng tế Rước lễ bằng cách chấm được không?
Nguyễn Trọng Đa
09:50 12/12/2017
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong một băng hình mới đây về Thánh lễ ở Quảng trường Thánh Phêrô với Đức Thánh Cha chủ sự, con rất ngạc nhiên khi thấy tất cả giáo sĩ, kể cả các Hồng Y đã tham gia đọc trong phần Kinh nguyện Thánh Thể, chỉ Rước lễ bằng cách chấm. Thưa cha, điều này có phải là mới không? Chúng con có thể sử dụng việc Rước lễ bằng cách chấm như là một lựa chọn thường xuyên trong giáo xứ không? - D. W., Toledo, Ohio, Hoa Kỳ.


Đáp: Việc Rước lễ như thế là không mới, nhưng là một khả năng đã được dự kiến trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM). Tuy nhiên, tùy chọn này hiếm khi được sử dụng ở Hoa Kỳ.

Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma trình bày một số hình thức Rước lễ của các vị đồng tế trong các số 237-249. Quy chế nói như sau về việc Rước lễ bằng cách chấm:

“249. Nếu các vị đồng tế rước bằng cách chấm, thì chủ tế rước Mình và Máu Thánh Chúa như thường lệ, tuy nhiên chú ý để lại trong chén đủ Máu Thánh cho các vị đồng tế rước. Sau đó, thầy phó tế, hay một vị đồng tế, đặt chén thành ở giữa bàn thờ hay bên cạnh bàn thờ trên một khăn thánh khác, cùng với đĩa đựng Mình Thánh.

Các vị đồng tế, từng người một, tiến đến bàn thờ, quì gối, cầm lầy Mình Thánh, nhúng một phần vào chén, rồi cầm đĩa hứng dưới miệng, rước lấy Mình Thánh đã nhúng đó, sau đó trở về chỗ ngồi lúc đầu lễ.

Phó tế cũng rước bằng cách chấm. Một vị đồng tế nói khi trao: Mình và Máu Chúa Kitô, phó tế đáp: Amen. Phó tế rước hết tại bàn thờ Máu Thánh còn lại, có thể nhờ vài vị đồng tế giúp, nếu cần, rồi đem chén thánh đến bàn phụ, và chính thầy hay một thầy có chức giúp lễ tráng, lau và xếp đặt chén thánh’’ (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Ngày 13-6-2014, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích đã ban hành một văn kiện có tiêu đề "Hướng Dẫn cho Các Buổi Lễ Đông Ngưới" - đó là kịch bản thông thường để lựa chọn tùy chọn Rước lễ bằng cách chấm. Cho đến nay văn kiện được xuất bản chỉ bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý trên trang web của Tòa thánh Vatican. Tôi không thể tìm thấy một bản dịch chính thức bằng tiếng Anh . Về việc Rước lễ của các vị đồng tế, văn kiện nói:

"29. Điều quan trọng là phải tiên liệu tốt việc Rước lễ của các vị đồng tế, vốn đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn thận và chú ý. "Việc các linh mục đồng tế rước lễ phải diễn tiến theo các quy tắc được các sách phụng vụ ấn định, bằng cách luôn luôn sử dụng những bánh lễ được truyền phép trong chính cử hành Thánh Lễ]; vả lại, tất cả các vị đồng tế phải luôn luôn rước lễ dưới hai hình” (Huấn thị Redemptionis Sacramentum, Bí tích Cứu Độ, 98, Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). Các vị đồng tế Rước lễ trước khi cho tín hữu Rước lễ.

"Nếu một số lượng lớn các vị đồng tế cản trở việc các vị đi đến bàn thờ, các vị nên đến những nơi chuẩn bị đặc biệt, để có thể Rước lễ trong sự yên bình và đạo đức. Trong một nhà thờ lớn, các địa điểm như thế có thể là các bàn thờ cạnh, trong khi ở ngoài trời, nên thiết lập các điểm có thể nhìn thấy được, để cho các vị đồng tế nhận thấy rõ ràng. Ở các nơi như vậy, phải có một bàn rộng và vững chắc. Trên bàn, có một hoặc nhiều khăn thánh, và trên khăn thánh có một hay nhiều chén thánh và đĩa thánh đựng bánh thánh. Nếu điều này là quá khó khăn, các vị đồng tế vẫn ở yên tại chỗ và Rước Mình và Máu Thánh Chúa, do các phó tế hoặc một số vị đồng tế chuyển cho. Phải cẩn thận tối đa để tránh Bánh thánh hay Máu thánh rơi xuống đất.

"Khi các vị đồng tế đã Rước lễ xong, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng Máu thánh còn lại phải được rước hết, và số Bánh thánh còn lại được đưa đến nơi lưu giữ Mình thánh”.

Do đó, lý do tại sao bạn đọc của chúng ta có thể thấy sự tùy chọn chấm bánh, được sử dụng tại Vatican, là do số lượng các vị đồng tế quá nhiều, vốn đôi khi có thể là vài trăm và thậm chí vượt quá một ngàn vị nữa.

Sự thực hành này là không phổ biến ở Hoa Kỳ, bởi vì hầu hết các Giám mục thường khuyến khích việc Rước lễ riêng dưới hai hình, như là phương pháp ưa thích, ngay cả đối với việc Rước lễ của tín hữu. Mặc dù việc rước bằng cách chấm được cho phép, nhưng hiếm khi được cổ vũ và thỉnh thoảng bị ngăn cản nữa.

Do đó, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã ban hành "Các quy chế về việc cho Rước lễ và Rước lễ dưới hai hình trong các Giáo phận Hoa Kỳ, Norms for the Distribution and Reception of Holy Communion Under Both Kinds in the Dioceses of the United States of America”. Mời đọc:

"42. Trong số các cách thức rước Máu Chúa như được quy định trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, việc Rước Lễ từ Chén Thánh nói chung là hình thức ưa thích hơn trong Hội Thánh Latinh, với điều kiện nó có thể được thực hiện đúng theo các quy chế, và không có nguy cơ không tôn kính rõ ràng đối với Máu Chúa Kitô.

"43. Chén thánh được chuyển cho người rước lễ với lời "Máu Chúa Kitô", và người rước lễ đáp 'Amen'.

"44. Chén thánh không bao giờ có thể được đặt trên bàn thờ hoặc nơi khác, để cho người rước lễ tự cầm lấy mà Rước lễ (trừ trường hợp các Giám mục và các linh mục đồng tế), và cũng không thể được chuyển từ người này sang người khác. Phải luôn có một thừa tác viên cầm chén thánh.

"45. Sau khi mỗi người rước lễ đã rước Máu Thánh, thừa tác viên cẩn thận lau cả hai bờ của chén thánh bằng khăn lau chén. Hành động này là một vấn đề tôn kính và vệ sinh. Cũng vì lý do đó, thừa tác viên nên xoay nhẹ chiều của chén thánh, sau khi mỗi người rước lễ đã rước Máu Thánh.

"46. Chính người rước lễ, chứ không phải thừa tác viên, chọn rước lễ tử chén thánh.

"47. Trẻ em được khuyến khích Rước Lễ dưới hai hình, với điều kiện là chúng được dạy giáo lý đúng cách và rằng chúng đã đủ lớn để có thể rước Máu thánh.

"Các Hình thức khác của việc cho Rước Máu thánh

"48. Việc rước Máu thánh bằng một cái thìa hoặc thông qua một ống hút không phải là thông lệ trong các giáo phận Latinh của Hoa Kỳ.

"49. Việc Rước lễ bằng cách chấm được diễn ra như sau: Mỗi người rước lễ, trong khi giữ một đĩa rước lễ dưới miệng mình, đến gần vị linh mục đang cầm một bình thánh có Bánh thánh, với một thừa tác viên đứng bên cạnh và cầm chén thánh. Linh mục lấy một Bánh thánh, chấm một phần vào chén thánh, đưa lên và đọc “Mình và Máu Chúa Kitô". Người rước lễ trả lời "Amen", tiếp nhận Mình và Máu Chúa vào trong miệng từ tay linh mục, và đi về chỗ".

"50. Người rước lễ, kể cả thừa tác viên ngoại thường, không bao giờ được phép tự rước lễ, thậm chí bằng cách chấm. Việc rước lễ dưới hình bánh hoặc hình rượu phải luôn luôn được ban cho bởi một thừa tác viên thông thường hay ngoại thường cho Rước Lễ".

Đây là các quy chế chung tại Hoa Kỳ. Hầu hết các giáo phận tự giới hạn mình bẳng cách lặp lại các điều trên trong hướng dẫn của giáo phận. Thỉnh thoảng, một nhận xét ngắn được đưa thêm vào để nhấn mạnh việc ưa thích rước lễ hai hình riêng biệt. Chẳng hạn, các quy chế của một tổng giáo phận lớn nói:

"Nếu giáo xứ chọn sử dụng việc Rước lễ bằng cách chấm, như là phương pháp cho Rước lễ, thì cả cộng đoàn và các thừa tác viên ngoại thường đều phải được hướng dẫn đầy đủ về cách áp dụng cho phù hợp với luật phụng vụ. Cần lưu ý rằng việc cho rước lễ bằng cách này không phải là phương pháp được ưa thích trong các giáo phận của Hoa Kỳ".

Bởi vì sự ưa thích về việc cho rước lễ riêng biệt là đúng cho việc cho rước lễ dưới hai hình cho các tín hữu, có thể dễ dàng hiểu rằng nó thật là ngoại lệ đối với các vị linh mục đồng tế. Do đó bạn đọc của chúng ta mới tin đó là một việc mới.

Việc sử dụng việc chấm bánh như là một phương cách cho Rước Lễ dưới hai hình là phổ biến hơn ở một số nước khác. Do đó, trong khi hầu hết các linh mục ở các nước này thường rước trực tiếp từ chén thánh, họ cảm thấy thoải mái với việc rước lễ bằng cách chấm. (Zenit.org 12-12-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Dẫn nhập vào Ngũ Kinh
Vũ Văn An
18:54 12/12/2017
I. Từ ngữ và nội dung

Chữ Ngũ Kinh, Pentateuch, là do nguyên ngữ Hy Lạp pentateuchos, “năm chỗ chứa”, tức các cuốn sách bằng da hay bằng sậy chứa trong những thùng đựng. Trong trường hợp của chúng ta ở đây, chính là 5 cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh, tức Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số và Đệ Nhị Luật. Năm cuốn này tạo thành Sách Luật (tôrâ, nguyên nghĩa là lời dạy).Truyền thống phân chia Sách Thánh Do Thái thành Lề Luật, Tiên Tri, và Trước Tác (Tenak) cho thấy họ hiểu 5 cuốn trên như một đơn vị thống nhất.

Vì một số học giả làm việc với ít hay nhiều hơn bộ Ngũ Kinh, nên đã phát sinh ra một số từ ngữ như tứ thư (tetrateuch) gồm 4 cuốn từ Sáng Thế tới Dân Số, hay lục thư (hexateuch) gồm 6 cuốn từ Sáng Thế tới Giosuê. Những từ ngữ này nói lên quan điểm về cách lập thành và mối tương quan giữa các sách liên hệ.

Một tổng lược lịch sử đã được trình bày trong bộ Ngũ Kinh này, từ lúc sáng tạo ra thế giới và nhân loại tới những bài diễn văn của Mô-sê trong cánh đồng Môáp (cái chết và việc chôn cất ông được ghi tại Đnl 34). Nội dung trên có thể tóm tắt như sau: lịch sử khởi nguyên (St 1-11); thời các tổ phụ (St 12-36); truyện Giuse (St 37-50); giải phóng khỏi Ai Cập và hành trình tới Xi-nai (Xh 1-18); ban hành lề luật tại Xi-nai (Xh19-Ds10); hành trình từ Xi-nai tới Môáp (Ds 10-36); ba bài diễn văn của Mô-sê tại cánh đồng Môáp, và phụ lục (Đnl 1-34). Đáng để ý là phần rất lớn ở giữa từ Xh 19 tới Ds 10, ghi lại phần lớn luật lệ ban hành tại Xi-nai.

Dĩ nhiên, người ta có thể tóm tắt nội dung của Ngũ Thư nhiều cách khác nhau. Năm chủ đề chính được M. Noth nhấn mạnh (ông vốn làm việc với tứ thư) cũng khá hữu ích: các lời hứa cho các tổ phụ, hướng dẫn ra khỏi Ai Cập, hướng dẫn trong sa mạc, Mạc Khải Xi-nai, và hướng dẫn tại vùng đất canh tác được. Hay người ta cũng có thể theo cách phân chia dựa trên việc sử dụng chữ tôlědôt (đời), một kiểu đã được dùng để cấu trúc sách Sáng Thế (truyền thống P). Nếu “lời hứa” được coi như một ý niệm nổi bật (nó nổi bật thật trong các trình thuật tổ phụ), thì người ta rất có khuynh hướng bao gồm cả Sách Giosuê là sách đề cập tới việc nên trọn việc hứa ban đất đai, do đó có lục thư. Tuy nhiên, truyền thống Do Thái vốn tách Luật ra khỏi các Tiên Tri (Ban Đầu). Giải thích hay nhất cho điều này là của J. Sanders trong cuốn Torah and Canon [Phil, 1972] 44-53. Việc đặt Đnl vào Ngũ Kinh là hành động cố ý đi theo chiều kể truyện về lời hứa và nên trọn, một câu truyện lấy Mô-sê làm người ban hành Tôrâ, nhà lãnh đạo thật sự của cộng đồng hậu lưu đày (Ml 3:23; Er 8:1).

II. Tác giả

Gần hai ngàn năm qua, cả hai truyền thống Do Thái và Kitô Giáo đều coi Mô-sê là tác giả của Ngũ Kinh. Mặc dù, trong thời kỳ dài đằng đẵng ấy, thỉnh thoảng vẫn có những nghi vấn được nêu ra về vấn đề tác giả, nhưng phải đợi tới thế kỷ 18, vấn đề ấy mới được nghiêm chỉnh đề cập tới. Ngày nay phần lớn đều cho ông không phải là tác giả. Tuy thế, việc hình thành ra bộ này vẫn còn rất mù mờ.

Một vài sự kiện hiển nhiên cho thấy việc gán quyền tác giả cho Mô-sê là điều không thích hợp. Cái chết của Mô-sê được ghi trong Đnl 34. Tuy nhiên, một số công thức lại cho thấy thời điểm sau Mô-sê, như “cho đến ngày hôm nay” (Đnl 34:6); “thời bấy giờ, người Ca-na-an đang ở trong miền ấy” (St 13:6); chỉ lãnh thổ phía đông sông Giođan là “phía bên kia” theo quan điểm của cư dân Palestine, là miền Mô-sê chưa bao giờ đặt chân tới (St 50:10); và còn nhiều các từ sai niên đại khác như việc nhắc đến người Philitinh (St 26:14-18). Một trong những điều nổi bật nhất khiến người ta phải điều tra về bộ Ngũ Kinh là việc thay đổi thánh danh Gia-vê bằng một danh từ tổng quát chỉ thần tính tức Êlôhim. Điều này không thể giải thích cách hời hợt mà phải được giải thích bằng những yếu tố nhất quán hơn. Người ta cho rằng khi liên hệ thánh danh thần thánh với một ngữ vựng, một lối kể truyện và một nội dung đặc thù, thì các dòng văn Gia-vê (J) và dòng văn Êlôhim (E) đã xuất hiện như là các nguồn khác nhau cho bản văn (và do đó, do nhiều tác giả đóng góp). Một luận chứng khác nữa là việc có những chỗ trùng lắp (doublets), tức một biến cố được nhắc tới hai lần như lời gọi Mô-sê (Xh 3, 6) hay nguy cơ xẩy tới cho tổ mẫu (St 12:9-13:1; 20:1-18; 26:1-17). Sự phức tạp của Ngũ Kinh vì thế đòi phải có nhiều dòng văn trong nó.

Đây không phải là chỗ để ôn lại lịch sử phức tạp của ngành phê bình Thánh Kinh hiện đại, tuy ngành này đã nên sắc cạnh nhờ phân tích Ngũ Kinh. Các dị biệt về tên và ngữ vựng, về văn phong và nội dung đã được ghi nhận trong Ngũ Kinh và chúng cần được giải thích thỏa đáng. Phải chăng các dị biệt ấy là do các tài liệu khác nhau hay là tại do nhiều “mảnh” khác nhau sau cùng đã được gom lại một mối? Hay một khả thể khác: phải chăng trước đó có một trình thuật căn bản rồi sau đó trình thuật này đã được bổ túc (giả thuyết bổ túc)? Cuối cùng, Julius Wellhausen (1844-1918) đã đưa ra một tổng hợp cho các cố gắng trên đây và tổng hợp của ông vẫn nổi bật trong lãnh vực này từ đó, dù có nhiều thay đổi. Giả thuyết ông đưa ra được gọi là “giả thuyết tài liệu” cho hay có tất cả bốn tài liệu theo thứ tự sau đây: J (Giavê, thế kỷ thứ 9), E (Êlôhim, thế kỷ thứ 8), D (Đệ Nhị Luật, thế kỷ thứ 7) và P (tư tế, sau lưu đày). Bốn nguồn văn viết chính này sau cùng đã được kết hợp trong thời hậu lưu đày dưới sự điều khiển của truyền thống P và có lẽ do một ban soạn thảo R (R, tắt cho redactor). Đàng sau mỗi dòng văn hay tài liệu JEDP này, có lẽ là một cá nhân, nhưng phần chắc là một trường phái soạn thảo. Giả thuyết này sau đó đã chịu nhiều thay đổi nhỏ. Trước nhất, hiện đang có khuynh hướng định niên biểu J và E sớm hơn, tức vào thế kỷ thứ 10 hay thứ 9. Thứ hai, có sự thừa nhận rằng nên coi các “tài liệu” này như các “truyền thống” nhằm tổng hợp các truyền thống truyền khẩu cũng như thành văn trước đây. Dù một số học giả sau này có khuynh hướng muốn chẻ J thành nhiều nguồn khác nhau (J1, J2 v.v…), nhưng khuynh hướng chung hiện nay vẫn duy trì 4 dòng văn nói trên và nhìn nhận có sự hiện hữu của những truyền thống trước đó du nhập vào 4 dòng này.

Dường như muốn nhắc mọi người nhớ cho rằng đấy chỉ là một giả thuyết, dù rất sáng giá, nên các học giả gần đây đã nêu ra nhiều nghi vấn chống đối. Các nghi vấn của họ được tóm tắt trong The Hebrew Bible and Its Modern Interpreters [HBMI] 263-96 của D. Knight and G. Tucker, và Journal for the Study of the Old Testament [JSOT] 3(1977) 2-60. Rolf Rendtorff chẳng hạn cho rằng J không phải là một trình thuật trọn vẹn được dệt vào suốt Ngũ Kinh mà ta có thể gán cho một hay nhiều “thần học gia”. Đúng hơn nó là công trình biên tập lại nhiều đoạn văn cá thể (như P chẳng hạn). Việc soạn thảo thực sự của Ngũ Kinh là do một biên tập viên thời viết ra Đệ Nhị Luật. Trước hết, có những câu truyện riêng rẽ (như từng tổ phụ riêng rẽ một) được phối hợp thành một tổng hợp phức tạp dựa trên các chủ đề thống nhất (như các lời hứa chẳng hạn). Việc tích nhập tất cả các tổng hợp phức tạp trên vào hình thức sau cùng là công trình soạn thảo có tính thần học dưới ảnh hưởng của thời kỳ viết Đệ Nhị Luật (xem Rolf Rendtorff, The Old Testament [Phl, 1986] 157-74).

Tuy sự nhất trí liên quan đến việc hình thành ra Ngũ Kinh đã bị thương tổn, nhưng không bị thay thế. Nhiều người vẫn coi nó là một giả thuyết có thể chấp nhận được. Phần đông vẫn nhất trí rằng Xh25 – Ds10 thuộc truyền thống P hậu lưu đày, dù có những chi tiết xưa hơn trong đó. Sách Đnl có đặc tính độc đáo, do đó rất thích hợp được gọi là D, và có lẽ đã được thành hình trong các thế kỷ từ 8 tới 6. Nhưng việc phân biệt giữa J và E luôn luôn bị tranh cãi, ngay từ lâu trước. Khuynh hướng hiện nay nhìn nhận có sự mở rộng J, do một nhà soạn thảo R.

Điều hữu ích là chú ý tới việc lên đặc điểm cho 4 dòng văn trên, tuy nhiên, không được coi việc lên đặc điểm này là tuyệt đối. J nổi tiếng có những phỏng nhân hình (anthropomorphisms) sống động, nghệ thuật kể truyện linh động, và tầm nhìn thần học đầy sáng tạo (năng động tính của lời hứa và việc nên trọn). J rất lưu loát về các truyền thống xưa, có lẽ nhờ thừa hưởng thời kỳ văn hóa sáng chói của Salômôn. Truyền thống Êlôhim không rõ ràng lắm. Người ta vẫn coi nó chỉ là những truyền thống độc lập được chêm vào hay là một biên tập J chưa bao giờ tự mình hiện hữu. Nó được liên kết với các truyền thống của vương quốc phía bắc và được cho là nhấn mạnh tới luân lý và phản ảnh đáp ứng thích hợp của Israel, tức đức tin và lòng kính sợ Thiên Chúa. D trái lại là một truyền thống rất rõ ràng, nhưng sự hiện diện của nó trong Ngũ Kinh bên ngoài chính Đệ Nhị Luật thì không rõ ràng lắm. Nó nhấn mạnh tới lòng kính sợ/yêu mến Thiên Chúa theo nghĩa vâng theo các lệnh truyền của Người vì sợ bị phạt. Lối văn khuyên dạy và ngôn từ của nó mang lại cho nó một đặc điểm khá độc đáo, đến nỗi người ta nhận ra nó dù nó xuất hiện cả ở bên ngoài Ngũ Kinh như trong các câu Gs 1:1-9; 23:3-16. P cũng là một dòng văn rõ ràng độc đáo. Nó quan tâm tới các vấn đề phụng tự và lễ nghi (Lêvi), tới gia phả (Sáng Thế) và tương phản với thần học về “Tên” trong Đệ Nhị Luật (Đnl 12:5, 11, 21), nói về sự hiện diện của Thiên Chúa theo nghĩa vinh quang và dựng lều (Xh 16:10; 40:34-38). Theo F.M Cross (Canaanite Myth and Hebrew Epic, Cambridge MA 1973), truyền thống P chưa bao giờ hiện hữu như một tài liệu kể truyện độc lập. Đúng hơn, nó rút tỉa các nguồn của chính mình để lên khuôn và hệ thống hóa hai truyền thống JE và tạo ra tứ thư (St-Ds) vào thời lưu đày. Các đặc điểm của nó là: dùng các ngôn từ làm cho ra cổ, như dùng chữ El Shaddai để chỉ Gia-vê, một từ có nguồn gốc Lưỡng Hà; hệ thống hóa Sách Sáng Thế bằng việc sử dụng công thức tôlĕdôt (gia phả), và phân thời kỳ lịch sử bằng các mốc giao ước: giao ước với Nôe (St 9:7), giao ước với Áp-ra-ham (St 17:6) và giao ước với Mô-sê (Lv 26:9). Chủ đề xóa tội cũng như lòng thống hối và việc tái lập thời đại Mô-sê cùng với việc phụng tự và lề luật của nó cũng là đặc trưng của truyền thống P.

Việc phân tích sự hình thành của Ngũ Kinh mang lại nhiều hệ lụy cho các phần còn lại của Cựu Ước. Đa số đều tin rằng trước thời lưu đày, St-Đnl chưa bao giờ được coi là một tôrâ hoàn tất cả. Trước thời đó, nhiều truyền thống, cả truyền khẩu lẫn thành văn, có lẽ đã cung cấp cho dân nhiều hướng dẫn. Quê hương của truyền thống J thường được coi là Giuđa, trong khi truyền thống E được gán cho Ít-ra-en. Cao điểm của phong trào Đệ Nhị Luật trong cuộc canh cải của Giô-si-gia (641-609) đại biểu cho truyền thống D, vốn phát nguyên trước nhất ở phía bắc và sau đó trở thành quan trọng ở Giuđa. Một số bộ luật (luật Giao Ước trong Xh 20:22-23:19; luật Thánh Thiện trong Lv 17-26; Đệ Nhị Luật trong Đnl 12-26) có khá nhiều thực hành chung nhưng cũng cho thấy các phát triển và các đặc điểm đặc thù từng xẩy ra trong nhiều thế kỷ. Về việc tập trung hóa sự thờ phượng, vốn được Đnl và truyền thống Đệ Nhị Luật nhấn mạnh, ta nên nhớ rằng đây là một khai triển chậm chạp; nếu hiểu nó đã thành hình ngay từ thời Êlia (thế kỷ thứ 9) là điều sai lầm về thời gian.

Kỳ sau: III. Hình thức văn chương của Ngũ Kinh