Ngày 12-12-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:48 12/12/2015
76. ĐI BÁN MẬN.
N2T

Vương Nhung Sinh tính rất keo kiệt, trong nhà có một cây mận rất tốt, lúc thu hoạch thì không dám ăn mà muốn bán đi để kiếm tiền, nhưng ông ta lại sợ người ta lấy được hạt giống của cây mận.
Do đó mà tất cả mận trước khi đem đi bán đều bị ông ta chọc thủng lấy hột.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 76:
Cây trường sinh “biết lành biết dữ” trong vườn địa đàng đã trở nên cớ vấp phạm cho nguyên tổ của chúng ta; cây mận không phải là loại cây hiếm có, nhưng nó đã trở nên cớ vấp phạm cho những người có bụng dạ keo kiệt, tham lam...
Người có lòng tham thì luôn không thoả mãn những gì mình có và luôn so sánh của cải mình với của cải của người khác; người có tính keo kiệt thì trở nên bủn xỉn với cả bản thân mình, vì sợ hao tiền tốn của mà không dám bồi bổ sức khoẻ cho mình. Người luôn bủn xỉn keo kiệt với bản thân, thì không thể nào có lòng bác ái yêu thương giúp đỡ người khác, đối với họ, câu nói “yêu thương anh em như chính mình” thì thật là xa lạ, và nơi họ không có khái niệm giúp đỡ, yêu thương người khác, cứu giúp.v.v...
Tôi là một người Công Giáo, có nghĩa là tôi đang mang trên mình một sứ mệnh phục vụ và một thông điệp yêu thương, nhưng nếu tâm hồn tôi vẫn cứ keo kiệt, tham lam, thì không một ai biết tôi là môn đệ của Đức Ki-tô.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 3 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:52 12/12/2015
Chúa Nhật 3 MÙA VỌNG
N2T

Tin Mừng : Lc 3, 10-18
“Chúng tôi phải làm gì ?”


Anh chị em thân mến,
Hôm nay Chúa Nhật thứ ba mùa vọng, theo truyền thống của Giáo Hội, Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật của hy vọng và của niềm vui, cho nên các linh mục được dùng áo lễ màu hồng khi cử hành thánh lễ, để niềm hy vọng ngày Chúa đến được hát vang trong tâm hồn người tín hữu.

Ánh sáng trong đêm tối là ánh sáng của hy vọng, dù ánh sáng ấy chỉ mù mờ lóe lên, như ông Gioan Tiền Hô xuất hiện mà người Do Thái thời ấy lầm tưởng là vị cứu tinh, nhưng ông không phải là vị cứu thế của nhân loại, ông chỉ đến để dọn đường cho Đấng sẽ đến sau ông nhưng quyền thế hơn ông.

Dọn đường cho Chúa đến cần có hai thái độ: một là phải biết kiểm thảo mình, hai là phải biết mình là ai.

1. Phải biết kiểm thảo mình- Như những người đến nghe lời rao giảng của ông Gioan Tiền Hô và đã hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì ?” – Ông Gioan Tiền Hô đã trả lời rất rõ ràng: ai có hai áo thì chia sẻ với người không có áo, ai có chức quyền thì đừng áp bức người cô thế, ai có của ăn của mặc thì hãy nhớ đến những người không có gì để ăn...

Câu trả lời rất rõ ràng và thực tế của ông đã làm cho chúng ta –những người Ki-tô hữu- hiểu rõ thêm về giới luật yêu thương của Đức Chúa Giê-su, ngài không bắt chúng ta phải từ khước những gì mình có, nhưng ngài mời gọi chúng ta hãy mở rộng tâm hồn ra để đón nhận Thiên Chúa nơi người anh em của mình. Đó chính là cách kiểm thảo hay nhất và hiệu quả nhất khi mỗi người trong chúng ta tự hỏi: tôi phải làm gì ?

2. Biết mình là ai ? - Ông Gioan Tiền Hô đã biết mình là ai, ông không phải là đấng cứu thế, cũng không phải là đấng phải đến, nhưng ông biết mình chỉ là kẻ dọn đường cho người đến sau nhưng cao trọng hơn, Đấng đó chính là Đức Chúa Giê-su.

Biết mình là ai, chính là thái độ đổi mới cách chân thành không ồn ào của người được ánh sáng Lời Chúa soi sáng:
- Họ biết mình là người có nhiều khuyết điểm hơn anh chị em nên họ không phê bình ai.
- Họ biết mình còn có rất nhiều những thói hư tật xấu cần phải sửa đổi nên họ luôn cầu xin sự thứ tha của Thiên Chúa.
- Họ biết mình là người không xứng đáng để trở nên linh mục, tu sĩ của Chúa, nên họ luôn khiêm tốn cầu xin cho được sống xứng đáng với ơn gọi của mình...


Anh chị em thân mến,
Ông Gioan Tiền Hô đã biết mình là người không xứng đáng cởi dây giày cho Đấng Mê-si-a, nên ngài đã trở nên người cao trọng hơn các tiên tri.

Nếu mỗi người trong chúng ta luôn biết mình là ai, thì chúng ta đã đem hy vọng đến cho người chung quanh, bởi vì hoa trái của hy vọng chỉ được đâm chồi nẩy lộc trên cây khiêm tốn mà thôi. Đó cũng là ý nghĩa của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:54 12/12/2015
N2T

8. Địa vị của tu sĩ là địa vị hoàn thành nên nhất định phải là lâu dài bất biến, nếu không tuyên khấn, không nghiêm giữ được lời khấn của mình thì khó mà lâu dài bất biến được.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:00 12/12/2015
138. KHÁC NHAU
Hai giáo dân ngồi bên góc nhà thờ nói chuyện to nhỏ với nhau.
Giáo dân A:
- “Cũng là linh mục, cũng là cha sở như nhau, mà tại sao ông cha sở ở xứ bên xứ kia thì hoạt bát vui vẻ, nhiệt thành với công việc mục vụ, tham gia các hội đoàn trong giáo xứ. Giáo dân càng ngày càng đông, giáo dân có chuyện gì muốn gặp cha lúc nào cũng được…”
Giáo dân B nói:
- “Không biết cha sở của mình bận việc gì mà thường không có ở nhà, giáo dân muốn gặp cha cũng khó, cha ít khi tiếp xúc với con chiên của mình, các đoàn thể thì ngài ít quan tâm tới….”
-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tình Yêu - Lòng Thương Xót
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:53 12/12/2015
TÌNH YÊU - LÒNG THƯƠNG XÓT

Yêu nhiều thì sẽ được tha nhiều. Lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô hạn. Thánh Luca đã kể câu truyện người đàn bà tội lỗi dùng thuốc thơm bạch ngọc để xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau, Chúa Giêsu đã kết luận: Vì thế, tôi nói cho ông hay: Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít (Lk 7, 47). Chúng ta có thể so sánh tình yêu của Thiên Chúa với tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ học được rất nhiều bài học về tình yêu nơi con cái của chúng ta. Sự yêu thương chăm sóc, tha thứ và chịu đựng của cha mẹ là bảo chứng của tình yêu. Đôi khi con cái có ngỗ nghịch, lỗi phạm và quay mặt bỏ đi, cha mẹ luôn ở đó để ngóng chờ và mong mỏi sự hối lỗi trở về.

Có rất nhiều khi con cái đã gây nên lỗi lầm và gây phiền hà cho cha mẹ, nhưng trong tâm tư của các em chưa chắc đó là sự sai phạm, mà là một sự biểu tỏ cá tính biệt lập. Vì thế, sự chỉ dậy và hướng dẫn con cái phải rất tế nhị và kiên nhẫn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ rằng: “Tất cả chúng ta bồn chồn khi có vài điều không thể hiện theo đúng dự tính; chúng ta càm ràm, to tiếng, quát tháo và chúng ta không kiên nhẫn. Tuy nhiên, Chúa khuyên chúng ta: Vâng, phải bình tĩnh, con đã làm sai nhưng đừng lo lắng sợ hãi. Cha sẽ tha thứ. Hãy dâng tội của con cho Cha. Đây là điều chúng ta suy gẫm, khi lập lại lời Chúa trong Thánh Vịnh: Thiên Chúa đầy lòng thương xót và vĩ đại trong tình yêu. Chúng ta thật nhỏ bé. Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi sự. Ngài chỉ đòi hỏi sự sầu khổ, sự nhỏ nhen và tội lỗi của chúng ta, để rồi ôm ấp và chữa lành cho chúng ta.”

Chúng ta hãy học biết về lòng thương xót của Chúa. Giáo Hội đã khởi sự Năm Thánh Lòng Thương Xót. Các Cửa Thánh nơi các Đền Thờ đã được mở. Nhiều nơi đã mở lễ, tổ chức rước sách với các nghi lễ rất long trọng và hoành tráng. Năm Thánh đã bắt đầu. Tất cả mọi thành phần dân Chúa đều có cơ hội nhận lãnh ân sủng của Chúa Kitô qua máng chuyển ơn của Giáo Hội. Lòng Thương Xót của Chúa thì vô bờ, nhưng ân sủng chỉ tuôn đổ vào những tâm hồn nào biết mở lòng chuẩn bị và đón nhận. Như những hạt mưa rơi trên ruộng đồng, nếu đất đai được cầy xới và phơi khô ải, đất sẽ đón nhận được nguồn nước đem lại sự phì nhiêu và cây cối sẽ sinh bông kết hạt thu hoặch tốt. Năm ân sủng đã mở, chúng ta cần chuẩn bị những gì? Chúng ta được mời gọi thi hành theo những sự hướng dẫn của Giáo Hội: Ăn năn sám hối, cải thiện đời sống; cầu nguyện, đọc kinh suy niệm để tăng thêm đức tin, đức cậy và đức mến; thăm viếng các đền thờ thánh tích ở những nơi đã được chỉ định, làm việc bác ái giúp đỡ những người cùng khổ và chu toàn các điều kiện để lãnh nhận các ơn đại xá và tiểu xá.

Điều kiện tiên quyết để lãnh nhận ân sủng của Chúa là lòng sám hối và cải đổi đời sống theo tinh thần phúc âm. Chúng ta có thể làm được nhiều điều như: Tổ chức các sinh hoạt, hành hương kính viếng, đọc kinh lòng thương xót và làm nhiều việc tốt lành khác, nhưng nếu không sám hối tội lỗi và cải đổi đời sống, thì các việc làm của chúng ta vẫn chỉ là những hình thức bên ngoài. Chúng ta cần phải bước vào nội tâm. Trở về với chính lòng mình. Đừng chỉ ngón tay vào người khác, mà hãy tự xét mình và xưng thú lỗi lầm. Cũng đừng tìm lá bắt sâu nơi lỗi lầm của người khác. Nếu chưa mổ xẻ và phát hiện những dị chứng trong người, chúng ta chưa thể nào bắt mạch chữa lành. Người ta thường nói: Nước đổ lá khoai. Bao nhiêu nước có đổ xuống mảnh đất chai lì, thì nước cũng bị tiêu tán đi hết. Hãy chuẩn bị tâm hồn bằng cách sửa đổi, cắt tỉa và cầy xới tâm tư, điều này có thể bị đau đớn và mất mát nhưng nó sẽ giúp đâm chồi nẩy lộc các nhân đức tốt.

Điều kiện để nhận lãnh ơn lành của Chúa là chúng ta cần biết tình trạng hiện tại của tâm hồn mình và bắt đầu hối lỗi sửa đổi. Cần xét mình xem chúng ta đang sống trong bậc thang nào của đời sống đạo. Chúng ta có thể tự thỏa mãn với một số những sinh hoạt đạo đức thường xuyên như tụ họp cầu nguyện, đọc kinh, ca hát và chia sẻ lời Chúa. Nhưng chúng ta cũng phải tự vấn rằng tất cả những việc đạo đức đang làm đó có ý hướng tốt lành hay chỉ để trình diễn. Những tâm tình của chúng ta có thật sự là hành đạo vì lòng mến Chúa hay không? Có khi nào chúng ta lại so sánh, tranh đua hơn kém và khoe khoang để tỏ thái độ. Làm sao để các việc đạo đức sinh ích cho đời sống nội tâm tinh thần và có thể kéo lôi chúng ta đến gần Chúa mỗi ngày một hơn.

Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội ngàn vàng để chúng ta trở về với Chúa và với tha nhân. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu Êphêsô đã nhắn nhủ: Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ (Eph 2, 4-5). Cho dù tình trạng tâm hồn có nguội lạnh, lạc xa và tội lỗi, chúng ta vẫn được mời gọi quay trở về với tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy có thái độ dứt khoát như người con trai hoang đàng: Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha (Lk 15, 18). Hầu như ai trong chúng ta cũng thích nghe câu truyện của người con hoang này, vì kết có hậu. Có một điều khó là chúng ta thường nghĩ mình hoàn toàn không giống người con hoang đàng và cũng không phải là người xấu xa tội lỗi gì. Nên thái độ của chúng ta trở thành dửng dưng. Nghĩ rằng, đó là câu truyện xưa dạy đời, chứ không liên can gì đến đời sống đạo của chúng ta. Đôi khi chúng ta vẫn ung dung tự tại nghĩ mình là người tốt lành và không cần phải sám hối chi cả.

Có thể đúng, chúng ta không làm điều gì quá xấu và cũng chẳng bỏ bê lề luật Chúa. Chúng ta chu toàn bổn phận người Kitô hữu: Dự lễ Chúa Nhật, giữ Mười Điều Răn, chăm lo chu toàn các điều răn của Hội Thánh và làm việc bác ái giúp đỡ tha nhân. Chúng ta đang đi trên con đường trọn lành. Tại sao Giáo Hội cứ phải nhắc nhở ăn năn sám hối tội lỗi và thay đổi đời sống? Có gì đâu để cần phải thay đổi chứ! Nghe cũng có lý! Nhưng tự xét lại mình, ai ai trong chúng ta cũng có chút sai lầm và lỗi phạm trong đời sống hằng ngày. Chuyện của thế gian mà, tội nào cũng phạm không nhiều thì ít. Chúng ta hãy dùng chút thời gian lắng đọng để xét mình về sự công bằng, bái ái, sự vu vạ cáo gian, giận hờn ghen ghét, nói hành nói xấu, thêm điều bịa chuyện, các tội thiếu sót trong việc bổn phận, các tội trong tư tưởng, lời nói và việc làm…

Nói tóm lại, chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta cần đến lòng từ bi, thương xót và nhân hậu của Chúa để giải cứu và tha thứ. Chúng ta cần được tẩy sạch các vết nhơ tội lỗi để được kết hợp với Thiên Chúa. Các ân huệ Người sẽ tuôn đổ và ban thêm cho. Xin Lòng Thương Xót của Chúa trở nên nguồn mạch sự bình an cho tâm hồn. Ước chi mỗi người chúng ta biết tìm ẩn náu nơi trái tim yêu dấu của Chúa. Yêu nhiều sẽ được tha nhiều.

Một thực hành trong đời sống đạo, biết rằng ai trong chúng ta cũng có những lúc vui, lúc buồn, khi sướng khi khổ và việc tốt việc xấu trong cuộc sống. Chúng ta hãy hiệp dâng lên Chúa tất cả những lời cầu xin, những việc làm và những sự khó mà chúng ta đang đối diện, để đền bù tội lỗi và cầu nguyện theo những ý hướng và tâm nguyện tốt. Mọi hành vi chúng ta sẽ mang một ý nghĩa mới và sự ủi an lớn cho tâm hồn. Có ơn Chúa bồi dưỡng và bổ sức, các thánh giá hằng ngày mà chúng ta phải mang vác sẽ trở nên nhẹ nhàng.
 
Anh là kẻ có tội
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
11:00 12/12/2015
CN 3C-Vọng : “Anh là kẻ có tội”

Đời Chiến Quốc, nhà du thuyết Tô Tần sang nước Sở, phải đợi suốt ba ngày mới được vào ra mắt vua Sở.

Gặp vua Sở, nói xong câu chuyện, Tô Tần xin cáo biệt đi ngay. Vua Sở bảo: “Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quý như nghe tiếng một bậc danh nhân xưa. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao ?”

Tô Tần thưa: “Tôi xem ra thấy nước Sở này có đồ ăn đắt hơn ngọc, củi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nay nhà vua muốn bắt tôi ở lại để ăn ngọc, thổi quế, nhờ ma thấy trời hay sao?

Vua Sở khẩn khoản nói: “Xin mời tiên sinh cứ ở lại, quả nhân đã hiểu rõ quá rồi”.

Một đất nước mà vật giá đắt đỏ, “gạo châu củi quế”, vua quan xa cách dân chúng, thì nhân dân trong nước khổ sở biết bao. Cái đáng khen của vua Sở là sau khi nghe Tô Tần bình phẩm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước mình, thì ông liền nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa.

Mỗi lần mùa vọng đến, lại có một Tô Tần xuất hiện để vạch ra những lỗi lầm của chúng ta và nhắc chúng ta sám hối canh tân. Đó chính là Gioan Tẩy giả: “Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4)

Đám đông hỏi ông rằng : "Chúng tôi phải làm gì đây ?" Ông trả lời : "Ai có hai áo, thì chia cho người không có ; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông : "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì ?" Ông bảo họ : "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Binh lính cũng hỏi ông : "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì ?" Ông bảo họ : "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình."

Nếu Tô Tần là nhà du thuyết cho nước Sở, thì Gioan chính là ngôn sứ của dân tộc Do thái. Ông đã thấy các nhân vật đạo đời: Từ hoàng đế Tibêriô đến quan tổng trấn Philatô, từ vua Hêrôđê, Philip, Lyxaria cho đến các vị thượng tế Anna và Caipha; lòng người đầy những khúc quanh lồi lõm, thung lũng hố sâu, núi đồi hiểm trở.

Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Ông kêu gọi mọi người sửa sang đường sá. Nhưng con đường quan trọng chính là đường vào cõi lòng.

Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi.

Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, tính toán lệch lạc.

Phải san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn, tự kiêu.

Phải bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công, bất chính.

Nếu sám hối là dọn đường của lòng mình, thì chúng ta hãy dẹp bỏ những chướng ngại của tâm hồn, để Chúa có thể đến và ngự lại trong đó.

Bác sĩ Karl Menhinger, trưởng khoa tâm bệnh học của Mỹ đã làm nhiều người kinh ngạc với quyển sách của ông tựa đề: "Điều gì đang xảy đến cho tôi?". Ông bắt đầu bằng câu truyện trào lộng khiến mọi người suy nghĩ :

Năm 1972, vào một Chúa Nhật tháng 9, ở một góc phố đông người qua lại tại Chicago, xuất hiện một nhà giảng thuyết, đang khi các nhân viên vội vả đi ăn trưa. Ông chỉ vào người nầy nói: "Anh là kẻ có tội". Đoạn ông im lặng một lúc rồi chỉ người kia nói: "Cô là kẻ có tội!... "

Khách qua đường thấy thế thì lấy làm lạ, kinh sợ. Họ lấm lét nhìn ông rồi quay đi vội vả, rồi lại quay lại lén nhìn ông.

Chắc chắn Gioan Tẩy Giả ngày xưa cũng gây tác động như thế trên dân chúng khi ông xuất hiện ở sông Giođan, khiến mọi người nhận biết tội lỗi mình mà ăn năn thông hối, từ người thu thuế, đến binh lính, và dân thường, để đón nhận ơn cứu rỗi của Chúa Cứu Thê. Họ xúm lại nhờ ông chỉ dạy điều gì phải làm, việc chi phải lánh để được Chúa tha tội, để được hưởng nhờ ơn cứu dộ.

Tôi có tội không? Tôi cần ăn năn sám hối để chờ mong Chúa đến với tôi không ? Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một trả lời phỏng vấn, khi được hỏi đột ngột : “Ngài nghĩ gì về mình ? Ngài là ai ?” ĐGH hơi bối rối, nhưng buột ra được lời đáp mà ĐGH sau này tự khen là quá hay, quá đúng : “Tôi là người tội lỗi.” Nói về Năm Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha thường nhắc đi nhắc lại : tôi là một tội nhân.

Thánh Gioan Tông đồ nói với chúng ta: "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta... Tôi viết cho anh em những điều nầy, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: Đó là Đức Giêsu,” (1Ga.1,8-2,1) Đấng đang đến cứu độ chúng ta. (Theo Cha Mark Link).

Nếu Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu, thì chúng ta sẽ là sứ giả chuẩn bị cho Người đến từng ngày trong cuộc sống của anh em.

Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp con người trên những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn cứu độ của Người cũng chỉ ban cho những ai rộng tay đón nhận.

Lạy Chúa, thật là khó khi nhận mình lầm lỗi, và cũng không dễ dàng khi phải sửa chữa lỗi lầm.

Xin ban cho chúng con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để chúng con xứng đáng đón rước Chúa đến, mang nguồn vui ơn cứu độ. Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Chỉ có lòng thương xót Chúa mới cứu rỗi chúng ta
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
20:24 12/12/2015
Ngày 08/12/2015 vừa qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng khai mạc Năm Lòng Thương Xót bằng việc mở cửu Năm Thánh trong ngày đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đức Giáo Hoàng cũng truyền cho các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới cử hành và mở cửa Năm Thánh tại các nhà thờ Chính Tòa và các nhà thờ mẹ vào Chúa Nhật III Mùa Vọng, tức là vào ngày 13/12/2015.

Khi mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng trao cho chúng ta một cơ hội để chúng ta trở về với điều chính yếu của Kitô Giáo, đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Bởi lẽ, chỉ có Lòng Thương Xót Chúa mới cứu rỗi chúng ta.

1. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót

Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội quý báu để chúng ta suy ngắm và tái khám phá dụng mạo đích thực của Thiên Chúa. Dung mạo đó được chính Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết qua dòng lịch sử cứu độ. Một cách chính yếu dung mạo Thiên Chúa là dung mạo của vị Thiên Chúa xót thương, chứ không phải là một vị Thiên Chúa độc ác, độc tài và độc đoán như những tên bạo chúa ở trần gian. Thương xót trở thành bản tính của Thiên Chúa.

Quả thế, Cựu Ước đã nhiều lần ghi lại kinh nghiệm gặp gỡ với vị Thiên Chúa thương xót, trong đó đặc biệt là kinh nghiệm của Môisê gặp gỡ vị Thiên Chúa tại núi Sinai. Sách Xuất Hành kể lại cuộc đàm đạo giữa Môisê với vị Thiên Chúa mà ông chưa biết tên Người. Ông hỏi tên Người là gì? Thiên Chúa mạc khải cho ông biết tên Người là Giavê, là “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Apraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp” (x. Xh 3,1-15). Trong tiếng Do Thái, “Giavê” có nghĩa là “Ta đang ở đây với ngươi để cứu vớt ngươi”, một vị Thiên Chúa sống động đang và sẽ hiện diện ở đó với các ngươi để giải phóng các ngươi; Thiên Chúa của các tổ phụ là vị Thiên Chúa liên hệ và gắn bó với con người (numen personale) chứ không phải vị Thiên Chúa chỉ giới hạn ở một nơi chốn (numen locale). Đó là một vị Thiên Chúa hiện diện cận kề và sẵn sàng cứu với con người.

Vì thế, sau khi mạc khải danh của Người, Thiên Chúa mạc khải bản tính Người là “một Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Đây chính là những phẩm tính căn bản nhất của Thiên Chúa được diễn ta dưới nhiều hình thức và cách thế khác nhau qua từng trang từng chữ của Sách Thánh. Nếu những nơi khác Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa hay ghen (x. Xh 20,5), giận hờn và công bình thưởng phạt (x. St 3,16-23), thì đó là những hình thức bày tỏ lòng thương xót ở dạng tiêu cực.

Lịch sử của loài người là lịch sử bị sụp đỗ bởi sa ngã và tội lỗi; lịch sử đó được viết lại những trang mới nhờ Lòng Thương Xót Thiên Chúa. Tổ tông loài người đã phạm tội bất tuân phục Thiên Chúa, chạy theo sự lường gạt của Satan nên đã phải chịu kiếp trầm luân. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Người vẫn tiếp tục hiện diện, đồng hành để cứu vớt con người khỏi án phạt và đưa con người tới sự sống viên mãn.

Xuyên suốt lịch sử cứu độ, tính từ bi của Người được thể hiện cụ thể nơi nhiều hành động của Người trong đó lòng nhân từ trỗi vượt trên những hình phạt và hủy diệt. Các Thánh Vịnh trình bày cách đặc biệt sự hùng vĩ của hành động đầy lòng thương xót của Người: “Người tha thứ cho tất cả tội lỗi của bạn, Người chữa lành mọi bệnh tật của bạn, Người cứu chuộc bạn khỏi hố sâu, Người trao vương miện cho bạn với tình yêu kiên định và lòng thương xót” (Tv 103,3-4). Một Thánh Vịnh khác, thậm chí còn minh nhiên hơn nữa, khi minh chứng cho những dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót của Người: “Người xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146,7-9). Còn đây là một số diễn đạt khác của Vịnh Gia: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành... Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” (Tv 147,3,6) (x. Misericordiae vultus, số 6).

Tóm lại, lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Người mạc khải tình yêu của Người như của một người cha hay một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm của tình yêu dành cho con cái mình. Không cường điệu chút nào khi nói rằng đây là một tình yêu “nội tại”. Nó tuôn ra ra từ những sâu thẳm cách tự nhiên, đầy dịu dàng và từ bi, thứ tha và thương xót (x. Misericordiae vultus, số 6).

2. Đức Giêsu, hiện thân của vị Thiên Chúa xót thương

Với sự xuất hiện của Đức Giêsu, lòng thương xót của Thiên Chúa có một dung mạo cụ thể và rõ ràng, được thể hiện một cách viên mãn nơi Đức Kitô. Bởi thế, bắt đầu Tông Chiếu Misericordiae vultus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có những lời rất ý nghĩa: “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của đức tin Kitô. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Ðức Giêsu thành Nazareth, và đạt đến đỉnh cao nơi Người. Chúa Cha, “giàu lòng thương xót” (Eph 2,4) (Misericordiae vultus, số 1).

Quả thật, ngay trong mầu nhiệm Nhập Thể Con Chúa, Thiên Chúa đã mạc khải lòng thương xót Người. Như cảm nghiệm của thánh Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ (Ga 4,16-17). Khi giáng sinh, Đức Giêsu được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23). Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta là vị Thiên Chúa gần gũi, là nơi chúng ta nương ẩn, là sức mạnh, là tình yêu và là ơn cứu độ của chúng ta.

Trong suốt sứ vụ công khai, Đức Giêsu xuất hiện như một một sứ giả của Lòng Thương Xót Thiên Chúa Cha để xoa dị nỗi đau và cứu vớt con người. Khi nhìn thấy đám đông dâng chúng đã quá mệt mỏi và kiệt sức không người chăn dắt, Người chạnh lòng thương xót họ cách sâu xa (x. Mt 9,36). Khi thấy những những đau yếu bệnh hoạn tật nguyền, bị quỷ ám, Người thương xót họ và chữa lành cho họ (x. Mt 14,14 tt; Mc 5,19). Nhiều lần Đức Giêsu đã chủ động đến gặp gỡ những người tội lỗi và giúp họ hoán cải như trường hợp của Matthêu của Giakêu hay của Mađalêna v.v...

Ngoài ra, qua các dụ ngôn, Chúa Giêsu mạc khải bản tính Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Người đã tha thứ cho kẻ sai phạm và vượt qua sự khước từ với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là 3 dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (Lc 15: 1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Người tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ” (x. Misericordiae vultus, số 9).

Như thế, chúng ta có thể nói rằng: “Các dấu chỉ Người thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Người nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Người thiếu vắng lòng từ bi” (Misericordiae vultus, số 8).

Tuy nhiên, tất cả những nghĩa cử thương xót ấy chỉ có thể đạt tới sự tột đỉnh và viên mãn nơi biến cố Chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Tại đây, Con Thiên Chúa đã tự hạ mình cho đến cùng, trở thành người Tôi Tớ đau khổ, chịu chết trên thập giá, đổ máu đào để cứu độ loài người. Nơi thập giá, Người mặc khải lòng thương xót Thiên Chúa một cách tuyệt vời nhất: Thiên Chúa cùng chịu đau khổ với chúng ta; Thiên Chúa chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được sống dồi dào. Và sự phục sinh của Đức Kitô là chiến thắng của lòng thương xót Thiên Chúa trên tội lỗi và oán thù. Chỉ có lòng thương xót Thiên Chúa mới cứu độ con người.

3. Giáo Hội, chứng nhân của Lòng Thương Xót

Qua Đức Kitô, chúng ta được biết bản tính của Thiên Chúa là thương xót. Đường lối cứu độ của Thiên Chúa cũng là thương xót. Từ nền tảng lòng thương xót Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên trần gian như là chứng nhân của lòng thương xót: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng giàu lòng thương xót” (Lc 6,36).

Giáo Hội hãy có lòng thương xót, bởi lẽ chính Giáo Hội là đối tượng của lòng thương xót Thiên Chúa, Giáo Hội bao gồm những tội nhân được Chúa Kitô thanh tẩy và cứu chuộc.

Giáo Hội hãy có lòng thương xót, bởi lẽ đó là con đường làm cho Giáo Hội nên giống Chúa Kitô, Hiền Phu của mình, khi Giáo Hội có trong mình những tâm tư, suy nghĩ, chọn lựa và hành động của Chúa Kitô.

Giáo Hội hãy có lòng thương xót, bởi lẽ đó là con đường hiệu quả nhất để Giáo Hội đưa con người về với Thiên Chúa.

Theo cái nhìn đó, Công Đồng Vatican II đã định nghĩa Giáo Hội như là bí tích và là dụng cụ ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Nếu Giáo Hội cũng là bí tích của tình yêu Thiên Chúa, thì Giáo Hội cũng là bí tích của lòng Thiên Chúa thương xót. Khi đề cập đến sứ vụ này, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có những lời thật [1] nghĩa: “Giáo Hội sống một cuộc sống đích thực khi Giáo Hội tuyên xưng và rao truyền lòng thương xót - là các thuộc tính kỳ diệu nhất của Tạo Hoá và của Ðấng Cứu Chuộc - cũng như khi Giáo Hội đem mọi người đến gần với suối nguồn lòng thương xót của Ðấng Cứu Thế, mà Giáo Hội là người được ủy thác và phân phát”. [2]

Nếu một Giáo Hội không có đức ái và lòng thương xót thì không là Giáo Hội của Chúa Kitô nữa. Nếu Giáo Hội quá khắt khe và thiếu lòng thương xót thì đó là lý do khiến nhiều người đã trách móc tại sao Giáo Hội không sống lời mình rao giảng? Tại sao Giáo Hội lại không có lòng thương xót như Thiên Chúa?

Do đó, sứ điệp thương xót phải là trung tâm điểm, là linh hồn của sứ vụ Giáo Hội. Sứ điệp đó phải được thể hiện trong toàn bộ đời sống của Giáo Hội, nhất là trong giáo huấn, sứ vụ và chương trình mục vụ. Đó là lý do tại sao khi khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nói rằng trước hết Giáo Hội phải dùng tới thuốc thương xót. Giáo Hội làm chứng cho lòng thương xót qua ba phương thức, đó là công bố lòng thương xót, cung cấp cho mọi người lòng thương xót qua các bí tích và cuối cùng là để cho lòng thương xót hiện diện và thể hiện trong toàn bộ đời sống Giáo Hội.

Có cùng cảm thức đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả quyết: “Ngày nay, khi Giáo Hội đang gánh vác trọng nhiệm Tân Phúc Âm Hóa, chủ đề của lòng thương xót cần được tái đề xuất hết lần này đến lần khác với lòng nhiệt thành mới và các hoạt động mục vụ được canh tân. Tuyệt đối cần thiết cho Giáo Hội và cho sự khả tín của thông điệp Giáo Hội đưa ra là Giáo Hội phải sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa để tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha” (Misericordiae vultus, số 12).

Thay lời kết

Hơn lúc nào hết, chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự vô cảm đang lan tràn khắp thế giới. Có biết bao nhiêu những hoàn cảnh khốn khổ vì nghèo đói, thất nghiệp và chiến tranh, những tình huống bấp bênh và đau khổ vì bệnh tật chết chóc xảy ra trên thế giới. Lòng con người như băng giá vì sự oán ghét, huận thù và chia rẽ. Bởi lẽ, con người người đang thiếu vắng lòng thương xót và cần đến lòng thương xót. Chỉ có lòng thương xót mới thực sự là ngọn lửa thắp lên để sưởi ấm lòng người. Chỉ có lòng thương xót mới có thể quy tụ con người lại với nhau bên bếp lửa hồng đó. Và chỉ có lòng thương xót mới có thể vực con người đứng dậy về với Thiên Chúa sau những vấp ngã, thất vọng, đỗ vỡ của cuộc đời này.

Trong bối cảnh đó, Năm Thánh Lòng Thương Xót mở ra như là cơ hội để chúng ta cảm nghiệm, sống và thực thi lòng thương xót đối với mọi người. Lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở nên cấp thiết đối với mọi thành phần Giáo Hội hôm nay hơn bao giờ hết: “Hãy trở thành khí cụ của lòng thương xót vì chính chúng ta là những người đầu tiên nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy rộng lượng với người khác với hiểu biết rằng Thiên Chúa tuôn đổ sự tốt lành của Người trên chúng ta với lòng quảng đại bao la” (Misericordiae vultus, số 14).

[1] Cf. Vatican II, Ad gentes 2.
[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Ðiệp Dives in Misericordia (Giàu Lòng Thương Xót), 13.

Tài liệu tham khảo
1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Chiếu Misericordiae vultus, 11/4/2015
2. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Ðiệp Dives in Misericordia, 30/9/1980.
3. Công Ðồng Vatican II Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới hiện đại Gaudium et Spes.
 
Sám Hối: Công Bình Bác Ái
Lm. Vinh Sơn SCJ
21:25 12/12/2015
Chúa Nhật III Mùa Vọng C

Sám Hối: Công Bình Bác Ái

Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18

Một người bán gỗ cho xưởng mộc. Anh thường thủ lợi bằng cách đo gỗ thiếu. Ngày kia, có tin đồn đến xưởng là anh ta nhập đạo. Nghe thấy thế, mọi người bán tín bán nghi rồi bàn thảo mỗi người mỗi ý. Có một người lặng lẽ ra kho gỗ, một lúc sau trở vào dõng dạc tuyên bố:

- Đúng, anh ta nhập đạo thật.

- Sao anh biết ?

- Tôi vừa xem lại số gỗ anh ta chở tới hôm qua. Tôi thấy là đúng với qui cách ta đặt, không thiếu nữa.

Người nào tiếp nhận đức Kitô cũng phải thay đổi cuộc đời và sống ngay chính...

Gioan – vị sứ giả niềm vui và hy vọng khi loan báo Đấng Cứu Thế sắp đến, hãy chuẩn bị con đường tâm linh bằng sự sửa chữa tâm hồn, khi nhấn mạnh sự thống hối Gioan giải thích cho dân chúng biết rằng sự hoán cải cần được cụ thể hóa bằng những hoa trái xứng đáng; công bình bác ái (x. Lc 3,7-9), đó là việc đón Đấng đang đến một cách thiết thực nhất. Ông giới thiệu nguyện vọng duy nhất của ông là chuẩn bị cho dân đón nhận ơn cứu độ, ơn này đang hiện diện nơi Đức Giêsu Kitô.Thật thế, bác ái và đức công bình, đó là những hoa trái biểu lộ lòng sám hối đích thực trong lúc chờ đợi Đấng Cứu Thế. Giáo huấn của Gioan vì thế có tính cách chuẩn bị cho những đòi hỏi quyết liệt hơn của Đức Giêsu. (x. Lc 6,29.32-36; Mt 5,39-48).

Khi ngỏ lời với dân chúng về sự thống hối thay đổi đời sống, Gioan không mời họ thực hành một việc đạo đức hình thức hay tham dự một nghi lễ sám hối nào; ông yêu cầu họ làm một việc cụ thể và triệt để: sống trong công bình bác ái liên hệ đến cách xử sự với người đồng loại. Sự hoán cải, nghĩa là việc quay về với Thiên Chúa, phải được diển tả ra thực sự qua cách thức xử sự với anh chị em mình. Sự hoán cải đòi hỏi sự chia sẻ huynh đệ và từ khước mọi thứ bất công. “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11), lời yêu cầu này được đề nghị không những cho tất cả những ai đang sống trong sự sung túc, để họ sớt bớt phần dư thừa, nhưng còn được gửi đến tất cả những ai có thứ gì hơn mức thực sự cần thiết. Ngay người chỉ có hai áo cũng phải cho một cái và bằng lòng chỉ còn một cái, nếu người thân cận không có cái nào. Đứng trước nhu cầu của người khác, người ta chỉ được giữ lại điều gì mình cần thiết mà thôi.

Ngay cả những Người thu thuế và lính tráng cũng đến với Gioan. Đây là hai hạng người bị khinh bỉ và căm ghét bị coi là tội lỗi nhất, người thu thuế thường lợi dụng địa vị mà thủ lợi như đòi mức thuế cao hơn mức đã quy định để làm giàu. Còn người lính thì lợi dụng quyền thế của Đế Quốc Roma đang cai trị mà ức hiếp đồng bào hay dùng vũ lực để ép người khác làm theo ý mình. Gioan không buộc họ bỏ nghề, nhưng nhưng chỉ cần có cung cách sống mới khi loại trừ những hình thức xử sự bất công khi làm nhiệm vụ của mình: Tôn trọng công lý, không lạm dụng sức mạnh mình có trong tay, bằng lòng với những gì mà quyền lợi và luật pháp đã quy định. Tất cả những lời khuyên trên đây thuộc lãnh vực nghề nghiệp.

Dân chúng ấn tượng về cách sống và lời giảng dạy của Gioan, họ tung hô ông là Đấng Cứu Thế - Đấng Mêsia. Trước những lời xưng tụng, ông đánh giá đúng đắn vị trí của ông trong tương quan với Đấng Cứu Thế: Ông được Thiên Chúa sai đến dọn đường, và hướng mọi người đến Đấng Cứu Thế, sẽ đến sau ông. Ngài cao cả hơn ông, và ông không thể sánh ví được với Ngài. Ông nhấn mạnh mối tương quan giữa ông và Đấng ấy không thể mô tả cách nào cho xứng hợp, cho dù là bằng hình ảnh “nô lệ-chủ nhân”: “Tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài”. Gioan khẳng định ông không xứng đáng làm một việc phục vụ thấp hèn nhất cho Đấng đang đến. Bằng hình ảnh khiêm tốn của vị Tẩy giả, vị ngôn sứ cao cả này cho chúng ta một ý tưởng về sự cao trọng của Đức Giêsu – Đấng Cứu Thế, mà ông có sứ vụ tiền hô, chuẩn bị cho Ngài. Cho nên, Thánh Augustino đã giảng về ông trong tương quan với Đấng Cứu Thế:

“Gioan cao trọng đến nỗi người ta đã có thể coi ông là Đức Kitô. Chẳng cần ông phải nói ra; người ta đã nghĩ như thế rồi… Nhưng người bạn khiêm tốn ấy của chàng rể, nhiệt thành phục vụ danh dự của chàng rể, không muốn chiếm lấy chỗ của chàng rể, như một chuyện ngoại tình. Ông làm chứng cho bạn mình, ông đưa chàng rể đích thực đến với cô dâu, ông kinh tởm chuyện mình được yêu thương thay thế Người bởi vì ông chỉ muốn được yêu thương trong Người mà thôi…

Người môn đệ nghe tiếng thầy; người ấy đúng bởi vì đang lắng nghe thầy, bởi vì nếu người ấy từ chối nghe thầy, chắc chắn người ấy sẽ té ngã. Điều làm nổi bật sự cao trọng của Gioan trước mắt chúng ta, đó là ông đã có thể được coi là Đấng Kitô, tuy thế, ông đã chọn làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, công bố sự cao cả của Người và hạ mình xuống, chứ không coi mình là Đấng Mêsia và tự lừa dối mình khi lừa dối kẻ khác. Do đó, Đức Giêsu có lý khi nói về ông rằng ông còn hơn là một ngôn sứ… Gioan đã tự hạ trước sự cao cả của Chúa, để sự khiêm nhường của ông đáng được sự cao cả ấy nâng lên” (Bài Giảng thứ hai lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, số 288, 2; PL 38-39, 1302-1304).

Gioan rao giảng hướng tâm hồn về Đấng Cứu Thế, còn “Nước Thiên Chúa”, chính Đức Giêsu mới rao giảng trực tiếp.

Giữa hoang địa của cuộc đời hôm nay, đang chờ đợi biến cố Giáng sinh – mùa Noel hằng năm, chúng ta nghe lời kêu gọi của Đấng Tiền hô: Hãy sám hối, ai trong chúng ta cũng đều có tội và có nhu cầu sám hối vì như thánh Gioan Tông đồ đã khẳng định: “Nếu chúng ta chối tội là chúng ta tự lừa dối, và không chịu nhìn nhận sự thật. Nếu chúng ta bảo mình vô tội là cho Chúa nói dối” (1Ga 1,8.10). Trong tâm tình sám hối, chúng ta khẩn nguyện và đợi trông trong suốt Mùa Vọng: Thiên Chúa sẽ trở lại với chúng ta; tội lụy của chúng ta sẽ được rửa sạch; tinh thần chuẩn bị và những thực hành đạo đức không ngừng sẽ mang lại một đời sống mới.

Sự hoán cải sám hối chân thật không bao giờ chỉ dừng lại với những lời nói, những tâm tình tốt đẹp lưu lại ở trong trái tim, nhưng phải được thúc đẩy bằng diễn tả qua một cuộc sống tương hợp cụ thể với giáo huấn của Đức Kitô: Một sự hối cải sinh hoa trái công bình và bác ái.

Chính trong tâm tình sám hối sinh hoa trái, chúng ta sống lại tâm tình của thánh Phaolô dù đang sống trong những ngày tăm tối của tù ngục, Ngài bày tỏ niềm vui Chúa đang đến trong thư gửi giáo đoàn Philíphê:

“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em! Chúa đã gần kề!”(Pl 4,4)

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 12/12/2015
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
GP. Banmêthuột: Đại lễ tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Thác Mơ
Vũ Đình Bình
10:22 12/12/2015
Vào lúc 8g30 ngày 8/12/2015, tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Thác Mơ, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli -Đại diện không thường trú của Toà Thánh Vatican tại Việt Nam- đã long trọng chủ sự Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, nhân chuyến thăm mục vụ Giáo phận Banmêthuột lần thứ 3 từ ngày 5/12 đến ngày 9/12/2015.

Xem Hình

Đồng tế với Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli có Đức Giám Mục Giáo phận Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Cha TĐD, Cha Chưởng Ấn, Quý Cha TGM, Quý Cha Quản Hạt, Quý Cha trong và ngoài Giáo phận. Tham dự Thánh lễ, có rất đông Tu sĩ nam nữ, Quý vị đại diện chính quyền các cấp tỉnh Bình Phước, Cộng đoàn giáo dân 2 Giáo hạt Phước Long, Đồng Xoài, và đông đảo khách hành hương,… Người ta ước lượng có đến khoảng 35 ngàn người tham dự. Ban tổ chức đã phải lắp đặt 2 màn hình led rất lớn phía sau lễ đài để mọi người có thể thông công, theo dõi.

Đầu lễ, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản giới thiệu về Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli. Ngài đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô về thăm Giáo phận Banmêthuột để đem tình yêu, phép lành và lời chào bình an của Đức Thánh Cha đến tất cả mọi người trong giáo phận. Sự hiện diện của ngài trong Thánh lễ hôm nay làm cho chúng ta hiểu được tấm lòng của Đức Thánh Cha rất yêu thương, gần gũi và quan tâm đến chúng ta. (Mời nghe Bài dẫn lễ)

Trong bài giảng lễ, Đức TGM Leopoldo Girelli trình bày về mối tương quan giữa Mẹ Maria và Thiên Chúa. Nơi Đức Maria, Mẹ đã gặp được Ngôi Lời trong nắng lên, trong đón nhận và trong đáp trả. Thiên Chúa đã gặp gỡ nơi Mẹ tiếng Xin Vâng, khiến người có thể mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta… Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội, xin cho Lòng Chúa Thương Xót đến với mọi người trong nước Việt Nam này. Amen. (Mời nghe Bài giảng).

Trước khi kết lễ, các em thiếu niên Phước Long, Đồng Xoài, trong màu áo của các dân tộc, dâng lên Đức Trinh nữ Maria vũ khúc tôn vinh, ngợi khen, tán tụng, tạ ơn Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, xin Mẹ ban hòa bình và ân thiêng xuống cho đất nước Việt Nam.

Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Thác Mơ là 1 trong những điểm hành hương thuộc Giáo phận Banmêthuột do Đức Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đặt tượng và khánh thành ngày 8.12.1960. Từ đó đến nay, trải qua 56 năm thăng trầm, Mẹ vẫn luôn đồng hành với Giáo phận.

Ngày 1.9.2006, Văn phòng Tòa Giám mục Giáo phận Banmêthuột đã ra văn thư số 12/06/VT về việc nâng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Thác Mơ trở thành Trung tâm Hành hương cấp Giáo phận và trao quyền Phụ trách Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Thác Mơ cho Linh mục Quản xứ giáo xứ Phước Long.

Từ đầu năm 2008 đến nay, cứ vào ngày 13 hàng tháng, các giáo xứ trong Giáo hạt Phước Long luân phiên phụ trách Thánh lễ đồng tế cho các phái đoàn hành hương từ các nơi xa gần về đây tôn kính Mẹ. Từ năm 1991, vào ngày lễ mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Giám Mục Giáo phận đều về chủ sự Thánh lễ.

Ngày 25.5.1995, Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ, Quản Hạt Phước Long tổ chức trùng tu, trồng thêm cây xanh, tân trang lối đi, sân vườn… Năm 2004, Cha quản xứ giáo xứ Phước Long, Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc đã xây dựng lễ đài, tường rào và cổng chính. Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Thác Mơ cách Trung tâm thị xã Phước Long khoảng 3 km về hướng Đông, được bao quanh bởi ngọn Bà Rá hùng vĩ và dòng sông Đăk R’lấp thơ mộng, là nơi khách hành hương ước ao có dịp tìm về với Mẹ để được Mẹ ủi an, nâng đỡ và cũng là nơi dừng chân lý tưởng của khách du lịch gần xa.

Kính mừng Nữ Vương,

Nữ Vương Hòa Bình,

Nữ Vương Hòa Bình.

Đây bao tâm hồn thao thức,

Dân con đất Việt thao thức,

Cất tiếng ca mừng vui (cất tiếng ca)

Kính chào Nữ Vương Hòa Bình.

Tung hô Mẹ Maria!

Tung hô Mẹ đầy ơn phúc!

Mẹ là sáng khắp đất nước bao la!

Tung hô Mẹ Maria!

Tung hô Mẹ đầy ơn phúc!

Đem nguồn sống an vui chan hòa… (Ns. Hải Linh-1960)
 
Lễ Khai Mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Sydney
Diệp Hải Dung
21:31 12/12/2015
Lễ Khai Mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Sydney

Chiều thứ Bảy 12/12/2015 rất đông đủ giáo dân trong Cộng Đồng đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham sự tĩnh tâm và Thánh lễ Khai mạc năm Thánh Lòng Thương Xót 2015 – 2016.

Xem Hình

Tất cả mọi người tập trung nơi tượng đài Đức Mẹ. Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Linh hướng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney hướng dẫn giờ đền tạ Đức Mẹ và sau đó kiệu cung nghinh Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót về hội trường Trung Tâm. Cuộc kiệu rất long trọng và trang nghiêm, mọi người cùng dâng lên Đức Mẹ chuỗi Mân Côi mùa Vui, nguyện xin Mẹ chúc lành cho Gia đình và Cộng Đồng.

Kiệu Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót về đến hội trường Trung Tâm, an vị trên bàn thờ..Cha FX Nguyễn Văn Tuyết thay mặt Ban Tuyên Úy ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đã đến Trung Tâm tham dự Lễ Khai mạc năm Thánh Lòng Thương Xót và Cha tuyên bố khai mạc năm Thánh Lòng Thương Xót, đồng thời tất cả mọi người cùng sốt sắng dâng giờ kinh nguyện kính Lòng Chúa Thương Xót. Sau đó Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết thuyết giảng tĩnh tâm với chủ đế về Năm Thánh Lòng Thương Xót:

Vào năm 1470 Đức Giáo Hòang Phalô II ban hành sắc lệnh năm Thánh phải được cử hành mỗi 25 năm một lần, điều này đã trở thành truyền thống của Giáo Hội kể từ đó..và mục đích Năm Thánh Lòng Thương Xót là tái đưa Bí tích Hòa giải về lại trung tâm cuộc sống mục vụ của Giáo Hội. Tông thư giải thích Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha nói như sau: “ Điều quan trọng là thời điểm này, trước hết và trên hết, cần phải liên hệ với Bí tích Hòa giải, cũng như việc cử hành Thánh Thể kèm theo việc suy niệm tình thương. Thương xót là một biểu lộ rõ ràng về tình yêu của Chúa trong thế giới, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh, can đảm và lòng thương xót để trở thành dụng cụ của lòng thương xót cho người khác..

Sau khi kết thúc thuyết giảng tĩnh tâm. Cha FX Nguyễn Văn Tuyết Chủ tế dâng Thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót và Thánh lễ kết thúc trong tình đoàn kết thân thương trong tình yêu của Chúa Giêsu KiTô.

Diệp Hải Dung.
 
GP Lạng Sơn – Cao Bằng: Thánh lễ khai mạc Năm Thánh và truyền chức Phó tế
BTT
21:38 12/12/2015
GP Lạng Sơn – Cao Bằng: Thánh lễ khai mạc Năm Thánh và truyền chức Phó tế

Sáng ngày 12 tháng 12 năm 2015, hòa chung vào bầu khí vui mừng của Giáo Hội bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng long trọng tổ chức thánh lễ khai mạc Năm Thánh và truyền chức phó tế cho ba thầy.

Xem Hình

Giữa những ngày đông mưa lạnh gió rét, hôm nay Chúa ban cho một ngày tương đối ấm áp và mây nhẹ như dấu chỉ về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã và đang tuôn đổ trên miền truyền giáo Lạng Sơn - Cao Bằng này. Đúng 9h30’, tại nhà truyền thống giáo phận (nhà thờ Chính Toà cũ), Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân đã chủ sự nghi thức khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Sau nghi thức khai mạc, đoàn nhập lễ tiến về nhà thờ Chính Toà trong tiếng trống nhạc vang lừng. Khi tiến tới của chính thánh đường Chính Tòa, đoàn nhập lễ dừng lại, Đức Cha Giuse trong vai trò vị chủ chăn giáo phận đã mở mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót để mỗi tín hữu bước qua và chạy đến múc lấy nhiều ơn lành từ Lòng Thương Xót Chúa.

Đến 10h00’ thánh lễ được bắt đầu. Cùng hiện diện với Đức Cha Giuse trong thánh lễ hôm nay có cha Tổng Đại Diện, cha Đại Diện, quý cha trong và ngoài giáo phận, quý Dì, quý chủng sinh, ứng sinh, quý ông bà cố,…cùng hàng ngàn giáo dân trong và ngoài giáo phận.

Với ý nghĩa trọng đại của thánh lễ, nên trong những diễn từ đầu tiên, Đức Giám Mục giáo phận đã nêu lên tầm quan trọng của một Năm Thánh, đồng thời ngài không ngừng cầu xin ơn Thánh Thần xuống trên tất cả mọi người cách đặc biệt là cho ba tân Phó tế trong thánh lễ hôm nay.

Sau bài Tin Mừng là nghi thức tuyển chọn ứng sinh. Cha Tổng Đại Diện thay mặt cho con cái giáo phận thỉnh cầu lên Đức Cha về ý định truyền chức Phó tế cho ba thầy:

1. Thầy Giuse Vũ Anh Tuấn

2. Thầy Giuse Nguyễn Văn Tiệc

3. Thầy Tôma Aquinô Nguyễn Huy Sản

Đức Cha Giuse chấp nhận lời thỉnh cầu và truyền chức phó tế cho ba thầy trong niềm vui sướng tràn đầy của Giáo Hội nói chung và cách riêng với giáo phận truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng. Như thế, trong ngày đầu tiên của Năm Thánh, giáo phận đã gặt hái được hồng ân đặc biệt từ cạnh sườn bị đâm thấu của Chúa Giê-su. Với ý nghĩa cao cả như thế nên trong những huấn từ của mình, Đức Cha Giuse đã đề cập tới hai chiều kích của thánh lễ hôm nay.

Thứ nhất, huấn từ về vấn đề khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài nêu lên những điểm chính yếu:

Ngày 13 tháng 3 năm 2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh Ngoại Thường” gọi là “Năm Thánh Lòng Thương xót”. Năm Thánh bắt đầu với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08/12/2015, Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào ngày 20/11/2016, Đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót với nghi thức Mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày lễ Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội vừa qua, ngày 8 tháng Mười Hai 2015.

Cũng trong những huấn từ về Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Cha Giuse đã giúp cộng đoàn hiểu rõ thêm về từ “Cửa Thánh” đã được sử dụng nhiều trong những văn kiện về Năm Thánh Lòng Thương Xót. Bốn Đại Vương cung thánh đường ở Rôma đều có Cửa Thánh, đó là các Vương cung thánh đường: Thánh Phêrô, Thánh Gioan Latêranô, Thánh Phaolô Ngoại thành và Đức Bà Cả. Nghi thức mở Cửa Thánh muốn nói lên rằng trong Năm Thánh, các tín hữu được ban cho một “con đường đặc biệt” để hưởng Ơn cứu rỗi.

Với “Năm Thánh Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đặt trọng tâm nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mời gọi các tín hữu trở về với Người. Gặp gỡ Chúa sẽ giúp chúng ta biết thực thi lòng thương xót.

Thứ hai, huấn từ về việc truyền chức Phó tế. Ngài nhấn mạnh: việc các thầy được lãnh nhận hồng ân phó tế trong một ngày đặc biệt như hôm nay chứng tỏ Thiên Chúa đang và sẽ tuôn đổ dồi dào ơn phúc của Ngài xuống trên mảnh đất truyền giáo này. Riêng đối với các tiến chức, Đức Cha mời gọi quý thầy khi lãnh nhận chức phó tế cũng biết nhìn vào gương các tiền nhân, để tha thiết với sứ vụ và liên kết với tình yêu Đức Kitô. Khi chấp nhận cuộc sống độc thân, các tiến chức diễn tả một tình yêu không chia sẻ dành cho Đức Kitô; khi đọc kinh phụng vụ, các tiến chức liên kết với Chúa Kitô từng giây phút; và khi rao giảng Lời Chúa, các thầy thi hành nhiệm vụ với đức tin, ý thức, lòng mến vì có Chúa là Đường là Sự thật và là Sự Sống. Đức Cha ước mong ngày lễ này các thầy luôn ghi nhớ để sống từng giây phút thật tốt trong đời hiến dâng.

Sau bài giảng, là phần chính yếu của nghi thức phong chức phó tế. Đức Giám Mục thẩm vấn từng tiến chức về: thi hành tác vụ của Hội thánh, cử hành nghi thức phụng vụ, gìn giữ mầu nhiệm đức tin bằng lời nói và việc làm, đời sống độc thân, gia tăng tinh thần cầu nguyện, trung thành với giờ kinh phụng vụ, sống theo mẫu gương Chúa Giêsu, và sự vâng phục đối với Đức Giám Mục Giáo phận cũng như những vị kế nhiệm ngài. Tiếp đến, cộng đoàn khẩn nài Thiên Chúa cho các tiến chức qua lời bầu cử của các thánh. Các tiến chức phủ phục trước cung thánh trong khi cộng đoàn quỳ hát Kinh Cầu Các Thánh. Tiếp đó, các tiến chức tiến lên và quỳ trước Đức Giám Mục để ngài đặt tay lên đầu và đọc lời nguyện phong chức. Các tiến chức giờ đây trở thành phó tế. Đức Giám Mục mặc phẩm phục cho các tiến chức, trao sách Phúc Âm và hôn bình an như dấu chỉ ngài nhận quý thầy vào hàng giáo sĩ của Giáo phận. Từ nay, các tiến chức sẽ lãnh nhận sứ mạng phục vụ Lời Chúa và bàn thánh trong chức phó tế.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể. Các tân chức phục vụ bàn thánh, trao Mình Chúa và chúc bình an cuối lễ.

Cuối thánh lễ, cha Tổng Đại Diện thay lời cho toàn thể Giáo phận, cách riêng các tân chức và gia đình các tân chức, dâng lời tri ân Đức Cha Giuse, Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, cha Đại Diện, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ban ngành, ca đoàn, nhạc đoàn, quý hội đoàn, quý ân nhân, thân nhân…cùng toàn thể cộng đoàn đã tới cùng hiệp dâng thánh lễ và cầu nguyện cách đặc biệt cho các tân chức hôm nay. Đặc biệt, cha Tổng Đại Diện cũng không quên gửi lời cám ơn tới quý ông bà cố và những người thân của quý thầy, đã góp phần rất lớn trong hành trình ơn gọi của các thầy, để hôm nay Giáo phận có thêm những thợ gặt mới.

Đáp lời, Đức Cha Giuse cảm ơn mọi thành phần dân Chúa đã về dự lễ khai mạc năm thánh Lòng Thương Xót như lời mời gọi của ngài. Đức Cha cũng chúc mừng tới các tân chức và gia đình các tân chức. Sau cùng, ngài nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Năm Thánh Lòng Thương Xót và không ngừng kêu gọi công đoàn: “mỗi người chúng ta trong Năm Thánh này hãy trở nên men, muối và ánh sáng để ướp mặn và tỏa sáng Lòng Thương Xót của Chúa giữa trần gian”.

Thánh lễ kết thúc trong lời tạ ơn dâng lên Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Mọi người cùng chia sẻ niềm vui với các tân phó tế tại hội trường nhà thờ chính tòa.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chỉ có lòng thương xót Chúa mới cứu rỗi chúng ta
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
11:12 12/12/2015
Chỉ có lòng thương xót Chúa mới cứu rỗi chúng ta

Ngày 08/12/2015 vừa qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng khai mạc Năm Lòng Thương Xót bằng việc mở cửu Năm Thánh trong ngày đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đức Giáo Hoàng cũng truyền cho các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới cử hành và mở cửa Năm Thánh tại các nhà thờ Chính Tòa và các nhà thờ mẹ vào Chúa Nhật III Mùa Vọng, tức là vào ngày 13/12/2015.

Khi mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng trao cho chúng ta một cơ hội để chúng ta trở về với điều chính yếu của Kitô Giáo, đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Bởi lẽ, chỉ có Lòng Thương Xót Chúa mới cứu rỗi chúng ta.

1. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót

Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội quý báu để chúng ta suy ngắm và tái khám phá dụng mạo đích thực của Thiên Chúa. Dung mạo đó được chính Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết qua dòng lịch sử cứu độ. Một cách chính yếu dung mạo Thiên Chúa là dung mạo của vị Thiên Chúa xót thương, chứ không phải là một vị Thiên Chúa độc ác, độc tài và độc đoán như những tên bạo chúa ở trần gian. Thương xót trở thành bản tính của Thiên Chúa.

Quả thế, Cựu Ước đã nhiều lần ghi lại kinh nghiệm gặp gỡ với vị Thiên Chúa thương xót, trong đó đặc biệt là kinh nghiệm của Môisê gặp gỡ vị Thiên Chúa tại núi Sinai. Sách Xuất Hành kể lại cuộc đàm đạo giữa Môisê với vị Thiên Chúa mà ông chưa biết tên Người. Ông hỏi tên Người là gì? Thiên Chúa mạc khải cho ông biết tên Người là Giavê, là “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Apraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp” (x. Xh 3,1-15). Trong tiếng Do Thái, “Giavê” có nghĩa là “Ta đang ở đây với ngươi để cứu vớt ngươi”, một vị Thiên Chúa sống động đang và sẽ hiện diện ở đó với các ngươi để giải phóng các ngươi; Thiên Chúa của các tổ phụ là vị Thiên Chúa liên hệ và gắn bó với con người (numen personale) chứ không phải vị Thiên Chúa chỉ giới hạn ở một nơi chốn (numen locale). Đó là một vị Thiên Chúa hiện diện cận kề và sẵn sàng cứu với con người.

Vì thế, sau khi mạc khải danh của Người, Thiên Chúa mạc khải bản tính Người là “một Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Đây chính là những phẩm tính căn bản nhất của Thiên Chúa được diễn ta dưới nhiều hình thức và cách thế khác nhau qua từng trang từng chữ của Sách Thánh. Nếu những nơi khác Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa hay ghen (x. Xh 20,5), giận hờn và công bình thưởng phạt (x. St 3,16-23), thì đó là những hình thức bày tỏ lòng thương xót ở dạng tiêu cực.

Lịch sử của loài người là lịch sử bị sụp đỗ bởi sa ngã và tội lỗi; lịch sử đó được viết lại những trang mới nhờ Lòng Thương Xót Thiên Chúa. Tổ tông loài người đã phạm tội bất tuân phục Thiên Chúa, chạy theo sự lường gạt của Satan nên đã phải chịu kiếp trầm luân. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Người vẫn tiếp tục hiện diện, đồng hành để cứu vớt con người khỏi án phạt và đưa con người tới sự sống viên mãn.

Xuyên suốt lịch sử cứu độ, tính từ bi của Người được thể hiện cụ thể nơi nhiều hành động của Người trong đó lòng nhân từ trỗi vượt trên những hình phạt và hủy diệt. Các Thánh Vịnh trình bày cách đặc biệt sự hùng vĩ của hành động đầy lòng thương xót của Người: “Người tha thứ cho tất cả tội lỗi của bạn, Người chữa lành mọi bệnh tật của bạn, Người cứu chuộc bạn khỏi hố sâu, Người trao vương miện cho bạn với tình yêu kiên định và lòng thương xót” (Tv 103,3-4). Một Thánh Vịnh khác, thậm chí còn minh nhiên hơn nữa, khi minh chứng cho những dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót của Người: “Người xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146,7-9). Còn đây là một số diễn đạt khác của Vịnh Gia: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành... Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” (Tv 147,3,6) (x. Misericordiae vultus, số 6).

Tóm lại, lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Người mạc khải tình yêu của Người như của một người cha hay một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm của tình yêu dành cho con cái mình. Không cường điệu chút nào khi nói rằng đây là một tình yêu “nội tại”. Nó tuôn ra ra từ những sâu thẳm cách tự nhiên, đầy dịu dàng và từ bi, thứ tha và thương xót (x. Misericordiae vultus, số 6).

2. Đức Giêsu, hiện thân của vị Thiên Chúa xót thương

Với sự xuất hiện của Đức Giêsu, lòng thương xót của Thiên Chúa có một dung mạo cụ thể và rõ ràng, được thể hiện một cách viên mãn nơi Đức Kitô. Bởi thế, bắt đầu Tông Chiếu Misericordiae vultus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có những lời rất ý nghĩa: “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của đức tin Kitô. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Ðức Giêsu thành Nazareth, và đạt đến đỉnh cao nơi Người. Chúa Cha, “giàu lòng thương xót” (Eph 2,4) (Misericordiae vultus, số 1).

Quả thật, ngay trong mầu nhiệm Nhập Thể Con Chúa, Thiên Chúa đã mạc khải lòng thương xót Người. Như cảm nghiệm của thánh Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ (Ga 4,16-17). Khi giáng sinh, Đức Giêsu được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23). Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta là vị Thiên Chúa gần gũi, là nơi chúng ta nương ẩn, là sức mạnh, là tình yêu và là ơn cứu độ của chúng ta.

Trong suốt sứ vụ công khai, Đức Giêsu xuất hiện như một một sứ giả của Lòng Thương Xót Thiên Chúa Cha để xoa dị nỗi đau và cứu vớt con người. Khi nhìn thấy đám đông dâng chúng đã quá mệt mỏi và kiệt sức không người chăn dắt, Người chạnh lòng thương xót họ cách sâu xa (x. Mt 9,36). Khi thấy những những đau yếu bệnh hoạn tật nguyền, bị quỷ ám, Người thương xót họ và chữa lành cho họ (x. Mt 14,14 tt; Mc 5,19). Nhiều lần Đức Giêsu đã chủ động đến gặp gỡ những người tội lỗi và giúp họ hoán cải như trường hợp của Matthêu của Giakêu hay của Mađalêna v.v...

Ngoài ra, qua các dụ ngôn, Chúa Giêsu mạc khải bản tính Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Người đã tha thứ cho kẻ sai phạm và vượt qua sự khước từ với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là 3 dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (Lc 15: 1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Người tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ” (x. Misericordiae vultus, số 9).

Như thế, chúng ta có thể nói rằng: “Các dấu chỉ Người thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Người nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Người thiếu vắng lòng từ bi” (Misericordiae vultus, số 8).

Tuy nhiên, tất cả những nghĩa cử thương xót ấy chỉ có thể đạt tới sự tột đỉnh và viên mãn nơi biến cố Chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Tại đây, Con Thiên Chúa đã tự hạ mình cho đến cùng, trở thành người Tôi Tớ đau khổ, chịu chết trên thập giá, đổ máu đào để cứu độ loài người. Nơi thập giá, Người mặc khải lòng thương xót Thiên Chúa một cách tuyệt vời nhất: Thiên Chúa cùng chịu đau khổ với chúng ta; Thiên Chúa chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được sống dồi dào. Và sự phục sinh của Đức Kitô là chiến thắng của lòng thương xót Thiên Chúa trên tội lỗi và oán thù. Chỉ có lòng thương xót Thiên Chúa mới cứu độ con người.

3. Giáo Hội, chứng nhân của Lòng Thương Xót

Qua Đức Kitô, chúng ta được biết bản tính của Thiên Chúa là thương xót. Đường lối cứu độ của Thiên Chúa cũng là thương xót. Từ nền tảng lòng thương xót Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên trần gian như là chứng nhân của lòng thương xót: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng giàu lòng thương xót” (Lc 6,36).

Giáo Hội hãy có lòng thương xót, bởi lẽ chính Giáo Hội là đối tượng của lòng thương xót Thiên Chúa, Giáo Hội bao gồm những tội nhân được Chúa Kitô thanh tẩy và cứu chuộc.

Giáo Hội hãy có lòng thương xót, bởi lẽ đó là con đường làm cho Giáo Hội nên giống Chúa Kitô, Hiền Phu của mình, khi Giáo Hội có trong mình những tâm tư, suy nghĩ, chọn lựa và hành động của Chúa Kitô.

Giáo Hội hãy có lòng thương xót, bởi lẽ đó là con đường hiệu quả nhất để Giáo Hội đưa con người về với Thiên Chúa.

Theo cái nhìn đó, Công Đồng Vatican II đã định nghĩa Giáo Hội như là bí tích và là dụng cụ ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Nếu Giáo Hội cũng là bí tích của tình yêu Thiên Chúa, thì Giáo Hội cũng là bí tích của lòng Thiên Chúa thương xót. Khi đề cập đến sứ vụ này, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có những lời thật ý nghĩa: “Giáo Hội sống một cuộc sống đích thực khi Giáo Hội tuyên xưng và rao truyền lòng thương xót - là các thuộc tính kỳ diệu nhất của Tạo Hoá và của Ðấng Cứu Chuộc - cũng như khi Giáo Hội đem mọi người đến gần với suối nguồn lòng thương xót của Ðấng Cứu Thế, mà Giáo Hội là người được ủy thác và phân phát”.

Nếu một Giáo Hội không có đức ái và lòng thương xót thì không là Giáo Hội của Chúa Kitô nữa. Nếu Giáo Hội quá khắt khe và thiếu lòng thương xót thì đó là lý do khiến nhiều người đã trách móc tại sao Giáo Hội không sống lời mình rao giảng? Tại sao Giáo Hội lại không có lòng thương xót như Thiên Chúa?

Do đó, sứ điệp thương xót phải là trung tâm điểm, là linh hồn của sứ vụ Giáo Hội. Sứ điệp đó phải được thể hiện trong toàn bộ đời sống của Giáo Hội, nhất là trong giáo huấn, sứ vụ và chương trình mục vụ. Đó là lý do tại sao khi khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nói rằng trước hết Giáo Hội phải dùng tới thuốc thương xót. Giáo Hội làm chứng cho lòng thương xót qua ba phương thức, đó là công bố lòng thương xót, cung cấp cho mọi người lòng thương xót qua các bí tích và cuối cùng là để cho lòng thương xót hiện diện và thể hiện trong toàn bộ đời sống Giáo Hội.

Có cùng cảm thức đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả quyết: “Ngày nay, khi Giáo Hội đang gánh vác trọng nhiệm Tân Phúc Âm Hóa, chủ đề của lòng thương xót cần được tái đề xuất hết lần này đến lần khác với lòng nhiệt thành mới và các hoạt động mục vụ được canh tân. Tuyệt đối cần thiết cho Giáo Hội và cho sự khả tín của thông điệp Giáo Hội đưa ra là Giáo Hội phải sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa để tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha” (Misericordiae vultus, số 12).

Thay lời kết

Hơn lúc nào hết, chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự vô cảm đang lan tràn khắp thế giới. Có biết bao nhiêu những hoàn cảnh khốn khổ vì nghèo đói, thất nghiệp và chiến tranh, những tình huống bấp bênh và đau khổ vì bệnh tật chết chóc xảy ra trên thế giới. Lòng con người như băng giá vì sự oán ghét, huận thù và chia rẽ. Bởi lẽ, con người người đang thiếu vắng lòng thương xót và cần đến lòng thương xót. Chỉ có lòng thương xót mới thực sự là ngọn lửa thắp lên để sưởi ấm lòng người. Chỉ có lòng thương xót mới có thể quy tụ con người lại với nhau bên bếp lửa hồng đó. Và chỉ có lòng thương xót mới có thể vực con người đứng dậy về với Thiên Chúa sau những vấp ngã, thất vọng, đỗ vỡ của cuộc đời này.

Trong bối cảnh đó, Năm Thánh Lòng Thương Xót mở ra như là cơ hội để chúng ta cảm nghiệm, sống và thực thi lòng thương xót đối với mọi người. Lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở nên cấp thiết đối với mọi thành phần Giáo Hội hôm nay hơn bao giờ hết: “Hãy trở thành khí cụ của lòng thương xót vì chính chúng ta là những người đầu tiên nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy rộng lượng với người khác với hiểu biết rằng Thiên Chúa tuôn đổ sự tốt lành của Người trên chúng ta với lòng quảng đại bao la” (Misericordiae vultus, số 14).

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Tài liệu tham khảo

1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Chiếu Misericordiae vultus, 11/4/2015

2. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Ðiệp Dives in Misericordia, 30/9/1980.

3. Công Ðồng Vatican II Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới hiện đại Gaudium et Spes.
 
Tình yêu lòng thương xót
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
11:04 12/12/2015
Tình yêu lòng thương xót

Yêu nhiều thì sẽ được tha nhiều. Lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô hạn. Thánh Luca đã kể câu truyện người đàn bà tội lỗi dùng thuốc thơm bạch ngọc để xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau, Chúa Giêsu đã kết luận: Vì thế, tôi nói cho ông hay: Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít (Lk 7, 47). Chúng ta có thể so sánh tình yêu của Thiên Chúa với tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ học được rất nhiều bài học về tình yêu nơi con cái của chúng ta. Sự yêu thương chăm sóc, tha thứ và chịu đựng của cha mẹ là bảo chứng của tình yêu. Đôi khi con cái có ngỗ nghịch, lỗi phạm và quay mặt bỏ đi, cha mẹ luôn ở đó để ngóng chờ và mong mỏi sự hối lỗi trở về.

Có rất nhiều khi con cái đã gây nên lỗi lầm và gây phiền hà cho cha mẹ, nhưng trong tâm tư của các em chưa chắc đó là sự sai phạm, mà là một sự biểu tỏ cá tính biệt lập. Vì thế, sự chỉ dậy và hướng dẫn con cái phải rất tế nhị và kiên nhẫn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ rằng: “Tất cả chúng ta bồn chồn khi có vài điều không thể hiện theo đúng dự tính; chúng ta càm ràm, to tiếng, quát tháo và chúng ta không kiên nhẫn. Tuy nhiên, Chúa khuyên chúng ta: Vâng, phải bình tĩnh, con đã làm sai nhưng đừng lo lắng sợ hãi. Cha sẽ tha thứ. Hãy dâng tội của con cho Cha. Đây là điều chúng ta suy gẫm, khi lập lại lời Chúa trong Thánh Vịnh: Thiên Chúa đầy lòng thương xót và vĩ đại trong tình yêu. Chúng ta thật nhỏ bé. Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi sự. Ngài chỉ đòi hỏi sự sầu khổ, sự nhỏ nhen và tội lỗi của chúng ta, để rồi ôm ấp và chữa lành cho chúng ta.”

Chúng ta hãy học biết về lòng thương xót của Chúa. Giáo Hội đã khởi sự Năm Thánh Lòng Thương Xót. Các Cửa Thánh nơi các Đền Thờ đã được mở. Nhiều nơi đã mở lễ, tổ chức rước sách với các nghi lễ rất long trọng và hoành tráng. Năm Thánh đã bắt đầu. Tất cả mọi thành phần dân Chúa đều có cơ hội nhận lãnh ân sủng của Chúa Kitô qua máng chuyển ơn của Giáo Hội. Lòng Thương Xót của Chúa thì vô bờ, nhưng ân sủng chỉ tuôn đổ vào những tâm hồn nào biết mở lòng chuẩn bị và đón nhận. Như những hạt mưa rơi trên ruộng đồng, nếu đất đai được cầy xới và phơi khô ải, đất sẽ đón nhận được nguồn nước đem lại sự phì nhiêu và cây cối sẽ sinh bông kết hạt thu hoặch tốt. Năm ân sủng đã mở, chúng ta cần chuẩn bị những gì? Chúng ta được mời gọi thi hành theo những sự hướng dẫn của Giáo Hội: Ăn năn sám hối, cải thiện đời sống; cầu nguyện, đọc kinh suy niệm để tăng thêm đức tin, đức cậy và đức mến; thăm viếng các đền thờ thánh tích ở những nơi đã được chỉ định, làm việc bác ái giúp đỡ những người cùng khổ và chu toàn các điều kiện để lãnh nhận các ơn đại xá và tiểu xá.

Điều kiện tiên quyết để lãnh nhận ân sủng của Chúa là lòng sám hối và cải đổi đời sống theo tinh thần phúc âm. Chúng ta có thể làm được nhiều điều như: Tổ chức các sinh hoạt, hành hương kính viếng, đọc kinh lòng thương xót và làm nhiều việc tốt lành khác, nhưng nếu không sám hối tội lỗi và cải đổi đời sống, thì các việc làm của chúng ta vẫn chỉ là những hình thức bên ngoài. Chúng ta cần phải bước vào nội tâm. Trở về với chính lòng mình. Đừng chỉ ngón tay vào người khác, mà hãy tự xét mình và xưng thú lỗi lầm. Cũng đừng tìm lá bắt sâu nơi lỗi lầm của người khác. Nếu chưa mổ xẻ và phát hiện những dị chứng trong người, chúng ta chưa thể nào bắt mạch chữa lành. Người ta thường nói: Nước đổ lá khoai. Bao nhiêu nước có đổ xuống mảnh đất chai lì, thì nước cũng bị tiêu tán đi hết. Hãy chuẩn bị tâm hồn bằng cách sửa đổi, cắt tỉa và cầy xới tâm tư, điều này có thể bị đau đớn và mất mát nhưng nó sẽ giúp đâm chồi nẩy lộc các nhân đức tốt.

Điều kiện để nhận lãnh ơn lành của Chúa là chúng ta cần biết tình trạng hiện tại của tâm hồn mình và bắt đầu hối lỗi sửa đổi. Cần xét mình xem chúng ta đang sống trong bậc thang nào của đời sống đạo. Chúng ta có thể tự thỏa mãn với một số những sinh hoạt đạo đức thường xuyên như tụ họp cầu nguyện, đọc kinh, ca hát và chia sẻ lời Chúa. Nhưng chúng ta cũng phải tự vấn rằng tất cả những việc đạo đức đang làm đó có ý hướng tốt lành hay chỉ để trình diễn. Những tâm tình của chúng ta có thật sự là hành đạo vì lòng mến Chúa hay không? Có khi nào chúng ta lại so sánh, tranh đua hơn kém và khoe khoang để tỏ thái độ. Làm sao để các việc đạo đức sinh ích cho đời sống nội tâm tinh thần và có thể kéo lôi chúng ta đến gần Chúa mỗi ngày một hơn.

Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội ngàn vàng để chúng ta trở về với Chúa và với tha nhân. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu Êphêsô đã nhắn nhủ: Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ (Eph 2, 4-5). Cho dù tình trạng tâm hồn có nguội lạnh, lạc xa và tội lỗi, chúng ta vẫn được mời gọi quay trở về với tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy có thái độ dứt khoát như người con trai hoang đàng: Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha (Lk 15, 18). Hầu như ai trong chúng ta cũng thích nghe câu truyện của người con hoang này, vì kết có hậu. Có một điều khó là chúng ta thường nghĩ mình hoàn toàn không giống người con hoang đàng và cũng không phải là người xấu xa tội lỗi gì. Nên thái độ của chúng ta trở thành dửng dưng. Nghĩ rằng, đó là câu truyện xưa dạy đời, chứ không liên can gì đến đời sống đạo của chúng ta. Đôi khi chúng ta vẫn ung dung tự tại nghĩ mình là người tốt lành và không cần phải sám hối chi cả.

Có thể đúng, chúng ta không làm điều gì quá xấu và cũng chẳng bỏ bê lề luật Chúa. Chúng ta chu toàn bổn phận người Kitô hữu: Dự lễ Chúa Nhật, giữ Mười Điều Răn, chăm lo chu toàn các điều răn của Hội Thánh và làm việc bác ái giúp đỡ tha nhân. Chúng ta đang đi trên con đường trọn lành. Tại sao Giáo Hội cứ phải nhắc nhở ăn năn sám hối tội lỗi và thay đổi đời sống? Có gì đâu để cần phải thay đổi chứ! Nghe cũng có lý! Nhưng tự xét lại mình, ai ai trong chúng ta cũng có chút sai lầm và lỗi phạm trong đời sống hằng ngày. Chuyện của thế gian mà, tội nào cũng phạm không nhiều thì ít. Chúng ta hãy dùng chút thời gian lắng đọng để xét mình về sự công bằng, bái ái, sự vu vạ cáo gian, giận hờn ghen ghét, nói hành nói xấu, thêm điều bịa chuyện, các tội thiếu sót trong việc bổn phận, các tội trong tư tưởng, lời nói và việc làm…

Nói tóm lại, chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta cần đến lòng từ bi, thương xót và nhân hậu của Chúa để giải cứu và tha thứ. Chúng ta cần được tẩy sạch các vết nhơ tội lỗi để được kết hợp với Thiên Chúa. Các ân huệ Người sẽ tuôn đổ và ban thêm cho. Xin Lòng Thương Xót của Chúa trở nên nguồn mạch sự bình an cho tâm hồn. Ước chi mỗi người chúng ta biết tìm ẩn náu nơi trái tim yêu dấu của Chúa. Yêu nhiều sẽ được tha nhiều.

Một thực hành trong đời sống đạo, biết rằng ai trong chúng ta cũng có những lúc vui, lúc buồn, khi sướng khi khổ và việc tốt việc xấu trong cuộc sống. Chúng ta hãy hiệp dâng lên Chúa tất cả những lời cầu xin, những việc làm và những sự khó mà chúng ta đang đối diện, để đền bù tội lỗi và cầu nguyện theo những ý hướng và tâm nguyện tốt. Mọi hành vi chúng ta sẽ mang một ý nghĩa mới và sự ủi an lớn cho tâm hồn. Có ơn Chúa bồi dưỡng và bổ sức, các thánh giá hằng ngày mà chúng ta phải mang vác sẽ trở nên nhẹ nhàng.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York
 
Văn Hóa
Kỷ niệm Mùa Đông
Trầm Thiên Thu
09:55 12/12/2015
Chút se lạnh Tháng Mười Hai
Cho lòng se sắt những ngày chờ mong
Đất trời vừa mới lập Đông
Mây giăng u ám, bềnh bồng mờ sương
Tiết trời như cũng vấn vương
Khát khao Lòng Chúa Xót Thương nồng nàn
Ngôi Hai giáng thế nghèo nàn
Đêm Đông giá lạnh mà tràn yêu thương
Lời ru vang giữa đêm trường
Vọng ra từ phía xa hang chiên, lừa
Êm đềm Đức Mẹ ầu ơ
Lòng đời chợt ấm áp nhờ Hồng ân
Mùa Đông kỷ niệm tuyệt trần
Chúa Con giáng thế hóa thân làm người
Chúng nhân cảm tạ Chúa Trời
Cùng muôn thiên sứ dệt bài hòa âm
Cung thương xót, điệu bình an
Khắc ghi Dấu Thánh giữa đêm Đông trường.
 
Truyện Ngắn: Quán Trọ Cây Thầu Dầu
Nguyễn Trung Tây
18:03 12/12/2015
□ Nguyễn Trung Tây
Truyện Ngắn: Quán Trọ Cây Thầu Dầu


Vào Truyện:
Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem, xứ Judea của Do Thái. Vào những năm thứ nhất Công Nguyên, Do Thái thuộc về quyền bảo hộ của đế quốc La Mã… Thời đó hoàng đế Caesar Augustus vừa mới ban hành lệnh kiểm tra dân số trong toàn đế quốc. Theo như sắc lệnh, mọi người phải quay về ghi danh tại nguyên quán…


Hơn một tháng rồi, thôn Bethlehem của xứ Judea bình thường hoang vắng tựa bãi tha ma giờ này bỗng dưng rộn ràng khua vang tiếng bước chân của nhiều người khách lạ mặt.

Dân làng bên nhìn vào Bethlehem ngạc nhiên hỏi,

— Ủa! Họ từ đâu tới vậy?

Người Bethlehem cộ mắt, ăn nói cấm cẳng tựa chó cắn ma,

— Thì còn ở đâu mà chui ra! Người làng ta đấy…

— Ủa! Sao lại người làng ta? Nhìn đâu giống người quê mình…

Người Bethlehem xụ mặt xuống, bỏ đi thẳng một nước,

— Ông tới thủ đô Roma mà hỏi hoàng đế Caesar Augustus!

Đúng như lời than phiền của Bethlehem, khách lạ mặt, nguyên gốc "người làng ta", nhưng nói tiếng Do Thái giọng mũi pha âm hưởng tiếng Hy Lạp, có người giọng cổ vướng nghẹt tiếng Ba Tư, nhiều người không đọc được bảng tên đường ngoại trừ ngọng nghịu câu chào hỏi của vùng đất sa mạc: Shalom. Sáng đặt chân tới thị trấn, chiều hoàng hôn gió mát, khách dẫn nhau ra nghĩa trang mộ đá xì xụp cúng vái tổ tiên ông bà đang yên ngủ giấc ngàn thu. Hương trầm thơm tho thế là được dịp bốc cao bát ngát cả một khoảng không gian. Chiều hôm đó, một góc trời thị trấn Bethlehem bỗng dưng đỏ rực than hồng lò nướng bánh mì; chẳng biết tại anh linh hiển phách hay tại dưới cõi tuyền đài Sheol, tổ tiên nhăn mặt nổi giận nhìn đàn con cháu tha phương mặt ưng ửng đỏ rượu vang và mở miệng là mở mồm chửi tục ròn tan!

Ngày nào cũng thế, mặc cho tiếng tù và sáng sáng thúc hối mời gọi của Hội Đường Isaiah, khách nhắm chặt mắt nằm ngủ thẳng cẳng tới mười hai giờ trưa. Chui ra khỏi giường, khách vốc nước xúc miệng ùng ục cổ họng. Xong xuôi, khách lại bước thẳng một mạch tới quán rượu. Rượu xong, khách không về nhà trọ, nhưng dẫn nhau đi ra giếng nước đầu làng. Trên đường đi, khách nhổ xoèn xoẹt nước miếng hôi rình trộn lẫn đờm xanh tanh tưởi! Có khách say quá, xiêu vẹo té ngay bên lề như cây rỗng ruột đổ gục. Nằm chòi chòi trên mặt đường, khách mở to miệng nôn thốc nôn tháo bầy nhầy thịt dê nướng và bánh mì của bữa ăn tối qua, mùi ói tanh lờm lợm quyến rũ từng đàn ruồi xanh sa mạc kéo tới bám đen đặc một khoảng đường! Có khách chân dăm đá chân chiêu, vừa đi vừa cất giọng hát, những bài hát lẳng lơ, lời ca dâm tục. Âm thanh phát ra từ cuống họng nồng nặc mùi rượu vang. Bethlehem thông thường thiếu nữ rộn ràng cười đùa trên những nẻo đường. Chiều về, phụ nữ trong thôn hát vang vang rủ nhau đi ra giếng nước đầu làng lấy nước về nhà cho bữa cơm tối. Từ khi khách lạ kéo tới, đường làng bỗng dưng vắng hoe bóng người, giếng nước đầu làng tự nhiên vắng tanh những người phụ nữ.

Thôn Bethlehem đang thanh bình, trên có thầy Rabbi Daniel, Hội đồng Hương Chức, và đoàn Thanh Niên Tự Vệ, dưới là dân làng hiền lành như lúa mì chín vàng thơm ngát ngoài đồng; người người một lòng, cả ngàn năm nay, Bethlehem vẫn sống như thế, như một chuyện bình thường, như một ước lệ. Nhưng bởi những người khách lạ, bầu trời thanh bình Bethlehem chỉ trong thoáng chốc bốc hơi y như sương sớm trên sân vườn khi mặt trời mùa hè ghé tới. Bởi những người khách lạ, Bethlehem tự động tách ra hai phe, phe cổ võ và phe chống đối.

Phe cổ võ bao gồm chủ quán rượu, quán ăn, và quán trọ. Gặp khách, chủ nào cũng tự nhiên hớn hở, miệng cười toe toét như gái giang hồ sơn son quét phấn mở cửa mời khách bước vào cung phòng. Mà cũng khó trách, ngoài trừ vương triều Davis xuất xứ từ thôn và bánh mì nướng vàng tươi nổi tiếng, Bethlehem nhỏ bé về dân số và diện tích. Cho nên chẳng lạ chi, quán trọ Bethlehem bình thường vắng hoe ngoại trừ ruồi xanh sa mạc bay lăng quăng đợi chờ cơ hội! Thế đấy, không ai ngờ, chỉ bởi lệnh kiểm tra dân số, giờ này Bethlehem không còn phòng trống. Quán trọ nào cũng treo cao bảng chữ hớn hở bay bay trong gió: “Hết Phòng!” Đặc biệt nhất là quán rượu, ngày cũng như đêm quán nào cũng nồng nặc mùi người và mùi rượu. Chủ quán Bethlehem, nguyên cả tháng rồi, chục người là đủ cả chục, chủ nào cũng hớn hớn vui tươi! Đương nhiên, thì cũng bởi vì những đồng tiền!

Chuyện! Thì người đời đã chẳng hay nói,
Tiền nở nụ cười.
Tiền tươi con mắt.
Tiền cất vào kho.
Tiền no bao tử!


Mà đây không phải là tiền kẽm tiền xu đâu nhé. Cái thứ tiền đó giờ có cho không, chủ nào cũng bĩu môi, giơ tay ném thẳng xó nhà. Bây giờ người ta chỉ còn nói đến tiền bạc tiền vàng; bởi không hiểu sao, những người khách quay về Bethlehem theo lệnh kiểm tra dân số ai cũng giàu. Tiền đếm mỏi tay! Có người còn xách theo trong mình nguyên bọc tiền bạc khắc hình đại Hoàng đế Alexander và nhiều đồng tiền vàng Caesar Augustus. Một ngôi nhà xập xệ trong thôn trị giá 100 đồng bạc Alex. Hội Đường Isaiah nằm cuối thôn trị giá 1000 đồng tiền vàng Caesar. Thế mà khi bước vào quán rượu, khách thản nhiên quẳng ra bàn cả nắm tiền vàng. Tiền vàng rớt xuống đất kêu coong coong nghe vui tai, âm vàng ngân vang rung động lòng người. Nếu ưng ý được lòng khách, bồi bàn còn nhận được nguyên một đồng bạc Alex tiền thưởng! Cứ thế! Làm chi bồi bàn không cất công phục vụ cúc cung. Muốn gì được nấy. Muốn rượu hả! Có rượu! Muốn gái hả! Có ngay! Chủ quán chưa mở miệng năn nỉ, bồi bàn đã nhanh nhanh chạy đi kiếm chủ; gặp chủ, bồi bàn gãi gáy cầu tài, xin làm giờ phụ trội.

Phe chống đối thì chẳng ai xa lạ. Chưa kịp mở miệng nhắc tới tên, thiên hạ đã biết mặt. Mà cũng khó trách thầy Rabbi Daniel và Hội đồng Hương Chức, bởi thiếu nữ Bethlehem công dung ngôn hạnh. Cho nên không lạ chi từ bao lâu nay, người làng chưa bao giờ phải cúi nhặt những cục đá sần sùi ném chết những người con gái một phút nhẹ dạ. Cổng làng đất vẫn đen thơm mùi đất lành, đá vẫn sạch không tanh mùi máu.

Thế đó, không ai ngờ, mới chỉ mắt trước mắt sau, ngay khi bóng dáng khách lạ vừa đổ xuống nườm nượp cổng, những con kên kên phục vụ lính tuần La Mã làng bên đã nhấp nhổm ngóng đầu quay về Bethlehem theo dõi tình thế. Ba tuần trước, mặc cho những lời cảnh cáo xa gần, cô gái giang hồ khét tiếng trong vùng thản nhiên gõ cửa căn nhà treo bảng cho thuê trong thôn Bethlehem.

Cô gái vừa dọn vào, một tiếng sau khách lạ cửa trước cửa sau tấp nập.

Trong thôn, không ai nói chi. Nhưng, được đúng hai ngày, nhà thổ vừa mới tưng bừng khai trương bừng bừng phát hỏa!

Nửa đêm về sáng, lửa bốc cháy từ phòng khách, lửa liếm lem lẻm vách gỗ mặt tiền, lửa theo đà gió bừng sáng bốc ngọn bay vút lên cao. Nhờ sự can thiệp của đoàn Thanh Niên Tự Vệ, căn nhà trọ còn đứng vững, mặc dù mặt tiền cháy đen nham nhở. Lửa vừa tàn, mật thám kéo tới lập biên bản, đặt nghi vấn có người đốt nhà!

Sau vụ hỏa hoạn, cô gái buôn hương không chịu thua. Cô nhờ người sơn phết qua loa mặt tiền rồi lại tỉnh bơ hành nghề. Thế là lại bình thường! Khách khứa lại tấp nập. Tiếng cười lại vang vang một góc phố từ xế chiều cho tới nửa đêm về sáng. Người ra người vô, nhà thổ rộn ràng, vui!

Được khoảng một tuần.

Vào một buổi sáng tinh mơ, ông Bõ chăm sóc Hội Đường Isaiah hét to như bị ma cà rồng rượt khi đi ngang qua nhà thổ. Người trong thôn chạy tới chỉ để nhìn thấy cánh cửa căn nhà thổ mở tung để lộ nguyên hình hai xác người treo lủng lẳng từ thanh xà ngang: một của cô gái buôn hương, một của người khách.

Bởi hai thây ma, Sở Mật Vụ La Mã lại tấp nập kéo tới. Thầy Rabbi Daniel, Hội đồng Hương Chức, và cả Bõ già lần lượt bị gọi lên thẩm vấn. Nhưng cũng như lần trước, nhân viên mật vụ vẫn không kiếm ra thủ phạm. Rốt cuộc, Sở Mật Vụ đóng hồ sơ.

Nhưng bắt đầu từ ngày hôm đó, khoảng nửa đêm về sáng căn nhà trọ bỗng dưng chập chờn bóng ma. Tối tối có người thấy hai xác người, một nam một nữ hiện ra treo tòng teng lơ lửng. Có người nửa đêm về sáng nghe rõ tiếng hú lanh lảnh từ căn nhà loang lổ vết cháy. Vào đêm sáng trăng, có người còn thấy 7 hạt máu đỏ từ thanh xà ngang nhỏ xuống nền gạch viết ra chữ Nhân rõ từng nét trong tiếng Hy Lạp.

Người làng xì xào hỏi nhau, “Ủa, tại sao lại không là 3, hay là 4, nhưng là 7? Mà tại sao 7 hạt máu đỏ hòa lại, viết thành chữ Nhân? Mà tại sao là chữ Nhân? Mà tại sao không viết chữ Nhân trong tiếng Do Thái nhưng lại là chữ Hy Lạp?” Nghe lời càm ràm của dân làng, có người quay lại kín đáo nhắc nhở, “Bộ quên rồi à? Ông bà mình có câu, ‘Giết 7 bò mới đủ bộ lễ’. Mà nè, cũng đừng có quên ả này đâu phải người mình, ả gốc Syria mà. Ả nói tiếng Hy Lạp, đâu có biết tiếng Do Thái”.

Thằng Judas mục đồng trong làng, mới mười năm tuổi nhưng phá phách ma chê quỷ hờn. Sểnh ra là ăn cắp. Lơ đãng một chút là mất đồ. Cuối tuần nó tếch sang thôn bên cạnh, đứng đường dẫn mối cho kên kên rỉa thịt. Chủ bầy chiên có lần mắng nó cái tật ăn cắp vặt. Nó nổi máu du côn, ban đêm gọi bạn bè tới túp lều giữa cánh đồng Bethlehem, cắt cổ con chiên đực to nhất bầy nướng ăn. Thế mà nửa đêm, không biết để làm chi, dám mò tới căn nhà ma. Sáng hôm sau, lại một lần nữa, đi ngang qua, Bõ già thấy nó oặt ẹo nằm trên nền đất hoang ngôi nhà ma; mặt bầm tím, tay chân như không còn xương. Mang nó về nhà, người ta đổ cháo nóng vào miệng, giật tóc mai hú gọi ba hồn chín vía. Sáng hôm sau thằng Judas mới dần dần hồi tỉnh, nhưng tay chân quặt quẹo mềm oặt. Hỏi chi, nó cũng không nói, mặt tái xanh ngoen ngoét. Thế là người trong thôn ồn ào hẳn lên. Họ kháo với nhau, “Chết rồi! Vậy là ứng nghiệm lời nguyền 7 giọt máu viết ra 1 chữ Nhân. Thằng Judas nạn nhân đầu tiên. Trong làng mình, ai sẽ là người thứ hai đây?”.



oOo

Đêm nay 24 tháng 12. Đã gần mười một giờ đêm, chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa thôi, bầu trời Bethlehem chuyển mình bước vào nửa đêm.

Trời khuya! Tiếng tù và từ tháp canh của Hội Đường Isaiah thổi vang vang báo chuẩn bị sang canh nửa đêm! Tiếng cú khóc than ai oán từ căn nhà thổ bỏ hoang! Tiếng lọc cọc cô đơn trên đường của những vó ngựa! Tiếng la hét cười đùa vang dội từ những quán rượu. Vẫn như mọi đêm khuya, tiếng nhạc, tiếng đàn, tiếng hát, lẫn tiếng thở nồng nặc mùi rượu lại vẫn ồn ào len lỏi qua những khung cửa sổ tò vò của những quán rượu giờ này vẫn nườm nượp khách đi ra đi vào.

Nhìn bầu trời đen kịt cuối năm, chủ nhân Quán trọ Cây Thầu Dầu hai tay che miệng ngáp dài. Mấy tuần lễ liên tục rồi, Joshua phải lắc đầu lia lịa từ chối từng người, bởi mọi phân vuông quán trọ đều đã được tận dụng tối đa. Bàn ghế phòng khách của quán trọ được rời đi lấy chỗ cho hơn ba mươi người. Riêng căn phòng chứa đồ tối tăm đã được dọn dẹp cho mười người khách nằm xếp lớp cá hộp.

Thấy quán trọ sơn phết nổi bật hàng chữ “Cây Thầu Dầu”, người khách đến từ Athens thắc mắc,

— Lạ lùng hén! Đất này đâu phải đất thầu dầu. Sao lại cắc cớ đặt tên quán trọ Cây Thầu Dầu?

Ông khách đến từ quận Tarsus đứng sát ngay bên gật đầu góp ý,

— Ừ, đúng đó! Sao không đặt tên Quán trọ Nhà Bánh Mì?…

Người khách Athens trợn mắt nhìn,

— Ủa! Sao lại Quán trọ Nhà Bánh Mì?

Ông khách Tarsus nói ngay,

— Ơ hay! Thì Bethlehem có nghĩa là nhà bánh mì. Ủa! Ông không biết hay sao?

Nhìn hai ông khách, Joshua chép miệng,

— Cái vụ này…tình thiệt tui cũng hổng có rành.

Hai người khách cùng dừng lại, hỏi chủ quán,

— Ông chủ nói vụ này là vụ nào?

Joshua nhìn ra cửa quán, hạ giọng nói nhỏ,

— Thì tui muốn nói tới cái tên quán trọ. Ông vừa mới hỏi sao quán lại có tên Cây Thầu Dầu. Ta nói làng này có thời bị sư tử sa mạc kéo về từng đàn cắn xé.

Joshua lắc lắc đầu, thở dài,

— Thôi thì… mười người chết bẩy còn ba! Dân làng hồi đó cực chẳng đã phải bỏ đi tha phương cầu thực. Cho nên Bethlehem có thời hoang vắng tựa bãi tha ma. Về sau, không hiểu từ đâu lòi ra câu vè, “Thầu dầu mọc giữa tháng Ba, Là điềm ấu chúa sinh ra thái bình”. Đám trẻ mục đồng chiều chiều tụm năm tụm bẩy đầu ngõ đua nhau đọc vang câu vè. Cụ tiên chỉ chặn một thằng bé lại hỏi gốc tích câu vè. Thằng nhỏ nói có cụ ông tóc trắng như cước, tay chống gậy gỗ sồi hiện ra giữa trời dạy câu vè, dặn phải học thuộc. Hỏi tên tuổi ông cụ, thằng bé gãi gãi đầu, "Cụ chỉ nói, 'Có thời ta là hoàng tử Ai Cập'”.

Joshua lại kín đáo nhìn ra cửa nhà trọ,

— Mấy trăm năm đã trôi qua, tháng Ba năm ngoái cổng làng tự nhiên nứt ra cây thầu dầu. Cây mọc nhanh lắm, chỉ thoáng một cái, cành lá xum xuê che mát cả một góc trời. Cả làng hồi hộp nhìn nhau, chờ đợi giây phút ấu chúa ra đời. Năm ngoái lúc ông thân sinh nằm xuống, cụ để lại cho tui quán trọ, tui đặt luôn tên quán Cây Thầu Dầu…

Ông chủ quán trọ tự dưng thở dài,

— Nhưng hơn một năm rồi, ấu chúa ở đâu? Chẳng ai thấy! Nhưng ai cũng thấy cả tháng nay, con cháu thôn làng hồi đó bỏ đi, nay quay về! Tưởng để làm vương làm tướng chi, hóa ra cũng chỉ quanh quẩn ngày quán rượu đêm nhà thổ. Thiệt tình!…

Người khách Athens thắc mắc,

— Ủa! Tưởng là từ sau vụ cháy nhà, rồi hai xác ma xà ngang, làng mình đã yên ổn rồi chứ...

Chủ quán Cây Thầu Dầu chép miệng,

— Thì đúng là như vậy. Ta nói làng mình yên, nhưng những làng chung quanh đâu có yên. Kên kên không qua. Nhưng xác ma bên đây lại rầm rập kéo sang bên đó để kên kên rỉa thịt!

Ông khách Tarsus có vẻ hiểu biết,

— Sách Ngôn sứ Micah viết ấu chúa sẽ sinh ra ở thôn Bethlehem đấy. Ông chủ có biết chuyện hay không?

Chủ quán Cây Thầy Dầu nhỏ giọng lại,

— Có, tui có nghe qua…

Chủ quán kín đáo nhìn ngó chung quanh,
— Thầy Daniel ổng còn nói khi ấu chúa sanh ra đời, sao chổi xuất hiện giữa trời, què cụt đứng dậy chạy nhảy như hươu...

Chủ quán che miệng nói thì thào, giọng nhỏ rưng rức,

— Mà nói cái này chỉ mấy người mình biết với nhau thôi đó nghen! Đừng có xì xào lôi thôi, tới tai lính kín mã tà thì khổ cả đám. Nghe nói ấu chúa, ổng sẽ đánh đuổi đám giặc La Mã chạy té tát cho coi!

Người khách Athens như không mặn mà với chuyện thời sự, ông đổi đề tài,

— Tôi nghe nói có thằng bé mục đồng nửa đêm về sáng chui vào trong ngôi nhà ma ăn cắp đồ, rồi bị Thanh Niên Tự Vệ đập gãy tay chân. Có đúng không ông chủ?

Trời Bethlehem chuyển mình gần nửa đêm. Xa xa tiếng chó sói nghe như từ ngôi nhà thổ bỏ hoang tiếp tục ngẩng cao cổ hú vang từng hồi, thoáng nghe cứ tưởng hồn ma trăm ngày khóc than bởi không ai mở cửa mả! Chủ nhà trọ Cây Thầu Dầu giơ tay che miệng ngáp dài. Nhìn ra khung cửa, Joshua quyết định vặn chìa khóa hòm tiền, bởi chợt nhớ tới thằng con vừa trở chứng đau nặng. Joshua thở dài! Khổ! Gần một tuần rồi, thằng nhỏ trở mình sốt nặng, người nóng hầm hập như lò nướng bánh mì. Hai hôm trước, thằng nhỏ lên cơn động kinh, tay chân giật cong lại, miệng méo xếch. Joshua hốt hoảng lôi dầu thầu dầu thượng hảo hạng cạo lưng thằng bé. Mấy phút sau, thằng Benjamin mắt thôi trợn trắng, hơi thở trở lại điều hòa.

Tối hôm đó, Joshua bàn với vợ sẽ mang thằng con lên kinh đô Jerusalem chữa bệnh. Ở đó, chú anh biết nhiều thầy lang học được toa thuốc gia truyền chỉnh xương của người Ba Tư. Người gặp nạn gãy chân què cẳng, mang tới, thầy bốc cho mấy đơn thuốc vừa uống vừa xoa. Ngày hôm sau, bệnh nhân ngồi dậy mạnh sân sẩn.

Nghĩ tới ngày mai phải lên đường, Joshua đứng dậy, hai tay nhè nhẹ đóng kín lại cánh cửa gỗ quán trọ. Nhưng Joshua bỗng nhận ra tiếng con LuLu sủa vang vang ngoài sân. Joshua nghĩ tới thầy Rabbi Daniel và đoàn Thanh Niên Tự Vệ. Có thể đang đi tuần ban đêm, thấy quán trọ còn mở cửa, họ ghé ngang. Nhưng tiếng chó sủa trở nên gắt gỏng nhát gừng. Joshua nhíu mày... Nếu là thầy Rabbi Daniel và đoàn Thanh Niên Tự Vệ, con LuLu đã không sủa, bởi con LuLu thì còn lạ chi thầy Rabbi. Joshua khựng lại, nghĩ tới câu chuyện ấu chúa mới bàn hồi chiều với hai ông khách. Joshua thoáng lo ngại, tự trách mình hớ miệng, dễ tin người! Joshua rùng mình, nghĩ tới mật thám lính kín. Tự dưng Joshua ớn lạnh xương sống, nhớ tới đồi Calvê bên ngoài thành Jerusalem, nơi xác tù chính trị bị đóng đanh treo lềnh khềnh trên cây thập giá!

Nhưng thật bất ngờ, tiếng chó sủa chợt ngưng bặt. Đêm khuya đông lạnh nghe rõ tiếng gõ chầm chậm của vó lừa trên con đường đá sỏi. Joshua nhíu mày nhìn lên... Ủa! Sao lại vó lừa?

Trước mặt Joshua mờ mờ xuất hiện hai bóng hình. Người đàn ông khoảng hai mươi tuổi, khuôn mặt khắc khổ, vành râu quai nón rậm rạp. Người kia là phụ nữ, ngồi trên lưng lừa, mặt che kín mít bằng miếng khăn xanh che đầu. Người đàn ông ngón tay thô tháp khô cứng cầm dây cương lừa, tiến lại quầy, cất tiếng nói giọng Bắc Galilee,

— Chào ông chủ quán! Không dám dấu chi quan bác, hai vợ chồng nhà em từ ngoài Bắc lặn lội đường xa tới đây theo lệnh kiểm tra dân số. Nhờ quan bác thương tình, kiếm cho hai vợ chồng nhà em một căn phòng… Dạ, em đội ơn quan bác.

Nhìn người đàn ông, chủ quán Cây Thầu Dầu chép miệng, nói ngay,

— Tui biết hai vợ chồng ông anh lặn lội đường xa, giờ đã mệt mỏi lắm rồi. Nhưng thiệt tình là quán trọ không còn phòng trống nữa...

Nhưng người đàn ông không bỏ cuộc, anh xuống giọng năn nỉ, tay gãi gãi trán, tay chỉ người vợ vẫn ngồi yên lặng trên lưng lừa,

— Em nói thiệt là không phải, nhưng giờ trời đã quá khuya, nửa đêm về sáng. Xin quan bác thương!

Chỉ ra ngõ vắng dài sâu hun hút thăm thẳm bóng đêm chập chùng, người chồng như muốn bật tung tiếng khóc,

— Nguyên cả canh giờ rồi, em gõ không biết bao nhiêu cửa quán trọ. Nhưng chết mất bác ơi! Ai cũng lắc đầu quầy quậy. Chúng em đất khách quê người, mà vợ em lại bụng mang dạ chửa, giờ em cũng không biết đi đâu nữa. Chết thiệt…

Ông chủ quán nhìn ra. Ánh sáng từ quán rượu gần bên nhập nhoè chiếu đổ dài bóng hình cô đơn của người thiếu phụ. Joshua nhìn thấy cái bụng to kềnh càng của thiếu phụ ngồi trên lưng lừa. Chủ quán lúng túng, khó chịu bởi nhận ra tình trạng khó xử! Thà là không biết. Chủ quán chép miệng! Bây giờ bỏ thì thương mà vương thì tội. Joshua nhíu cặp chân mày, nghĩ tới căn phòng chứa đồ với mười mạng đàn ông chen chúc. Nhưng sao được, bởi hai người khách là một cặp vợ chồng. Đẩy anh chồng vào cũng được, nhưng còn cô vợ bụng chửa vượt mặt như thế kia thì nhét vào chỗ nào trong cái hộp cá mòi xếp lớp đó?

Nhìn ông chủ quán trọ bất động như tượng muối, người chồng như cá chết cạn cố gắng chòi chòi thân mình đập qua đập lại trên mặt cát khô,

— Hay là quan bác biết chỗ nào còn trống! Bác chỉ cho em biết, em xin phép đi ngay... Vâng, em sẽ đi ngay, không dám làm phiền bác nữa…

Joshua nhớ lại thời mới lấy vợ. Hai vợ chồng son sao mà nghèo, nghèo đến nỗi bánh mì đen hạng bèo giá một xu cũng không có mà ăn. Vợ khi đó bụng mang dạ chửa con so, Joshua vẫn phải cắn răng để vợ ngày ngày còng lưng mót nhặt những cọng lúa mì mang về nhà làm bánh mì nướng. Cũng bởi lao tâm lao lực, thằng Benjamin hồi đó sinh sớm hai tháng. Nhìn thằng con quặt què đau yếu từ thuả mới chui ra khỏi bụng mẹ, Joshua vẫn ít nhiều ngậm ngùi cay đắng... Ai biểu hồi đó mình nghèo!

Nhìn ánh sao băng sáng ngời bay vút ngang trên nền trời, chủ quán Cây Thầu Dầu quyết định,

— Thôi! Thì như thế này. Tui biết có túp lều của đám mục đồng nằm giữa cánh đồng. Ban đêm túp lều bỏ không! Giờ tui đề nghị như thế này, tui sẽ dẫn hai vợ chồng ông anh tới đó ngủ tạm qua đêm, đêm nay mà thôi. Ngày mai vợ chồng tui có việc phải lên kinh đô, căn phòng bỏ không. Trưa ngày mai, mời vợ chồng ông anh quay lại quán, ở tạm...

Trước lời đề nghị tử tế của ông chủ quán trọ Cây Thầu Dầu, đôi chân mày rậm và vầng trán rộng của người đàn ông dãn mềm từng thớ thịt căng căng. Thở dài nhẹ nhõm, người chồng tươi nét mặt, nói ngay,

— Vâng, vâng! Thế thì nhất. Quan bác tốt quá. Trời cao phù hộ vợ chồng quan bác. Giờ quan bác dậy sao, em xin nghe theo làm vậy. Vâng, vâng! Em nhờ quan bác chỉ đường. Vợ chồng em xin phép đi theo ngay!

Ông chủ quán đứng dậy,

— Nếu vậy thì ta lên đường. Trời khuya lắm rồi!

Ông chủ quán nhấc cao ngọn đèn dầu, bước tới. Ánh lửa hắt hiu soi bóng ba người và chú lừa khẳng khiu đổ dài trên con đường đất dẫn ra đường ruộng lúa mì.

Trời cuối năm, đêm 24, Bethlehem không một ánh trăng. Đêm nay trời lạnh thổi gió rét buốt căm căm. Joshua nhìn lên nền trời tối đen. Một vài tiếng chó sói hú gọi đàn xa xa từ sau rặng núi lay động những đốm sáng đom đóm lập lòe. Một vài cánh dơi xào xạc khua động đêm đen. Tiếng cú nhà thổ tiếp tục vang dội ngân xa. Joshua nhớ tới căn nhà ma. Anh thắc mắc không hiểu thằng Judas rắn mặt bị ma hớp hồn hay nó bị thầy Rabbi sai thanh niên Tự Vệ đánh què tay gãy chân như lời đồn thổi. Nhớ tới thằng bé mục đồng rắn mặt, ông chủ quán Cây Dầu lại nhớ tới thằng Benjamin. Ngày mai, vợ chồng anh cũng sẽ lọc cọc dẫn theo thằng bé què quặt ngồi trên lưng ngựa. Đường lên kinh thành Jerusalem có nhanh lắm cũng phải mất hai ngày. Nhớ tới kinh thành Jerusalem giờ này ngập bóng binh sĩ La Mã, ông chủ quán lắc đầu. Nhìn lên trời cao, chủ quán trọ Cây Thầu Dầu lẩm bẩm câu đồng dao,

— Thầu dầu mọc giữa tháng Ba, Là điềm ấu chúa sinh ra thái bình.

Joshua chép miệng, “Thầu Dầu đã mọc giữa tháng Ba hơn một năm rồi. Ấu chúa ở đâu mà sao vẫn chưa ai thấy?”. Joshua thở dài… Tiếng thở dài bay lên cao chầm chậm tan biến vào thinh không.



oOo

Ba ngày rồi, Bõ già đau nặng. Cháo loãng đổ vào miệng không trôi lọt qua hàm răng ngậm chặt cứng, nhưng sui sủi hóa ra bọt bong bóng đóng hai bên mép. Mắt Bõ mở lớn trắng đùng đục, ruồi nhằng đậu đen bám chi chít. Bõ ho sù sụ, mùi hôi thối bay nồng nặc một khoảng không gian căn phòng người bệnh... Thầy Rabbi nói nhỏ với Hội đồng Hương Chức chuẩn bị chuyện hậu sự cho Bõ.

Thế mà sáng nay, trời vừa hừng sáng, Bõ tự nhiên ngồi bật dậy, lưng thẳng như cây thước. Bõ mở mắt nhìn qua khung cửa, bước chầm chậm mấy bước, rồi thật bất ngờ phóng chạy trên con đường làng như bị ma nhập. Tới Hội Đường Isaiah, Bõ dừng lại, hai cánh tay khẳng khiu đẩy tung cửa sắt nặng nề. Chạy sầm sập vào khu chánh điện khói hương nghi ngút giờ kinh sáng, Bõ dừng lại, nhìn thầy Rabbi, nhìn mọi người, tay chỉ ra hướng sân Hội Đường, tay chỉ lên trời, miệng ú ớ phát không ra được một âm.

Dừng ngang lời kinh, dân làng Bethlehem trợn tròn mắt nhìn Bõ già tưởng như nhìn thấy người chết hiện hồn. Thầy Daniel khoát tay ra hiệu chấm dứt giờ kinh sáng. Dân làng đứng dậy, ùn ùn kéo nhau đi theo Bõ già ra sân. Tới sân gạch đỏ ối, không ai bảo ai, người người đưa mặt ngẩng lên nhìn trời. Thầy Rabbi cũng nhìn theo để rồi ngỡ ngàng nhận ra bầu trời xám xịt mây đen mùa đông đang vặn mình chuyển đổi sang màu đỏ tươi. Trên cao, ngôi sao chổi sáng rực rỡ đang xoay tròn tít đều những vòng quay. Dân làng Bethlehem kinh hãi rú lên! Có người quỳ xuống đấm ngực, có người nước mắt lăn dài trên khuôn mặt, có người sụt sùi câu kinh.

Còn đang ngơ ngác dõi nhìn hiện tượng thiên nhiên lạ kỳ, dân làng giật mình nhận ra, một lần nữa, tiếng bước chân chạy sầm sập trên con đường làng. Tưởng ai, hóa ra đó chính là ông khách Athens. Dừng lại tại sân Hội Đường, ông khách tay ôm ngực thở dốc, tay kia chỉ về hướng quán trọ Cây Thầu Dầu,

— Thằng Judas! Cả thằng Benjamin nữa… Chạy tới quán trọ Cây Thầu Dầu mà coi! Hai đứa nó đang rượt nhau chạy rần rần ở ngoài sân kia kìa! Nhanh! Nhanh lên! Chạy tới mà coi…

Bethlehem ngơ ngác nhìn nhau. Đoàn Thanh Niên Tự Vệ thì thào nói tối hôm qua, trong khi đi tuần, họ nghe thấy tiếng hát thánh thót từ trời cao vọng xuống vang vang cả một cánh đồng Bethlehem vào đúng lúc nửa đêm...

Người làng Bethlehem của xứ Judea vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra ngoại trừ đôi vợ chồng quê mùa đến từ làng Nazareth của xứ Galilee.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News