Ngày 12-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tỉnh thức
Vũ Văn An
03:41 12/12/2009
Từ điển tiếng Việt của các ông Minh Tân, Thanh Nghị và Xuân Lãm không có chữ tỉnh thức, mà chỉ có chữ tỉnh, tỉnh ngủ, tỉnh táo. Theo các soạn giả này, chữ tỉnh có ba nghĩa: sáng suốt, hết say và hết ngủ; tỉnh ngủ được các ông bảo là tỉnh táo, không còn buồn ngủ nữa hay dễ dàng tỉnh dậy giữa giấc ngủ khi có những gì bất thường; tỉnh táo là ở trong trạng thái không buồn ngủ hay ở trạng thái vẫn minh mẫn, không để cho tình hình rắc rối, phức tạp tác động đến tư tưởng tình cảm. Như thế, tỉnh ngủ hay tỉnh táo đều được bao hàm trong chữ tỉnh với hai nghĩa rõ ràng một nghĩa vật lý một nghĩa tinh thần. Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh cũng định nghĩa chữ tỉnh như vậy.

Thế còn chữ thức? Ngoài nghĩa là thứ như thức ăn thức uống, và kiểu cách lề lối như thể thức, phương thức, ba soạn giả kia cho nghĩa thứ ba là biết, như thức giả. Đây có lẽ là nghĩa ta thêm vào cho chữ tỉnh để làm nổi bật nó, bởi lẽ hết ngủ nhưng vẫn còn lơ mơ chưa nhận ra mình và cảnh vật khác nhau, thì chưa thể gọi được là tỉnh thức. Và hẳn đó là nghĩa Chúa Giêsu muốn ta hiểu khi Người dạy ta phải tỉnh thức và cầu nguyện. Ta thử tìm hiểu xem Phúc Âm đã nhấn mạnh tới chủ đề tỉnh thức và cầu nguyện ra sao và bầu khí văn hóa hiện đại có thái độ gì với tỉnh thức và cầu nguyện.

I. Tỉnh thức và cầu nguyện trong Phúc Âm:

Chủ đề tỉnh thức hay canh thức rất được các phúc âm gia quan tâm ghi lại và chủ đề này thường được lồng vào một trình thuật hay một dụ ngôn, một câu truyện đời thực để làm nổi bật tính cấp thiết của nó. Các trình thuật, dụ ngôn và câu truyện đời thực này càng đánh động vào tâm thức người nghe hơn, khi chúng được lồng vào giai đoạn cuối cuộc đời Chúa Giêsu, một giai đoạn chưa chắc các tông đồ nhìn ra lúc ấy, nhưng đối với chúng ta ngày nay, những người từ bây giờ nhìn trở lại hai mươi thế kỷ trước, hẳn phải cảm động mủi lòng vì giai đoạn ấy đánh dấu tình yêu cao cả của Người dành cho ta.

Thực vậy, chỉ có thánh sử Luca đã đề cập tới chủ đề canh thức ở ngay chương 12, tức ở giữa phúc âm của ngài, lúc ngài lồng chủ đề ấy trong một loạt bài giảng của Chúa Giêsu trong đó nhân nói đến dụ ngôn gia nhân đợi chủ đi ăn cưới trở về, thánh nhân cho hay: Chúa Giêsu đã dạy: “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy thì thật là phúc cho họ” (câu 38), bởi “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (câu 37). Cũng một chủ đề này đã được Thánh Mátthêu lồng vào chương 24, tức gần cuối phúc âm của ngài, và trình bày dưới một câu truyện lịch sử và một dụ ngôn. Truyện lịch sử chính là truyện Nô-ê tỉnh táo vào tầu và được cứu thoát trong khi mọi người u-mê khác chết thảm dưới biển nước Hồng Thủy. Dụ ngôn thì hơi khác một chút đề cập tới việc nếu ông chủ biết trước giờ nào trộm tới chắc chắn sẽ không để bị mất trộm. Lời dạy qua truyện lịch sử và dụ ngôn này cũng là “anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (câu 44). Thánh Luca (17:26-30) cũng thuật lại câu truyện Nô-ê vào tầu và còn thêm cả câu truyện ông Lót tỉnh táo được cứu thoát trong khi những người u-mê khác của Sôđôma bị chết thảm trong biển lửa diêm sinh, nhưng ngài để độc giả tự rút ra bài học, chứ không thuật lại lời dạy của Chúa. Thánh Máccô (13:33-37) không thuật lại truyện Nôê cũng như truyện Lót, thay vào đó, ngài kể lại dụ ngôn người kia trẩy đi phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ, chỉ định cho mỗi người một việc và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Chữ canh thức này được thánh Máccô nhắc thêm tới ba lần nữa qua chính lời Chúa Giêsu nói liền sau đó: “vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thẩy mọi người là: phải canh thức”.

Chủ đề canh thức trên còn được Thánh Mátthêu nhắc thêm một lần nữa tại chương 25, các câu từ 1 tới 13, nhân kể lại dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan lo đủ đầu đèn, chờ đợi tham dự tiệc cưới mà vì lý do nào đó chưa thể diễn ra như chương trình đã định, rất có thể vì nhà gái kỳ kèo bớt một thêm hai trước khi chịu để người ta mang con cháu mình đi. Lời Chúa Giêsu khuyên trong dịp này là: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (câu 13).

Như thế, hiển nhiên chủ đề tỉnh thức hay canh thức này rất quan trọng đối với Chúa Giêsu và được cộng đồng Kitô Giáo ban đầu mau mắn ghi nhận. Nhưng, tỉnh thức hay canh thức chỉ là một mặt của câu truyện, nó có tính cách tiêu cực nghĩa là không ngủ, đừng có ngủ, đừng có u mê. Đã đành đừng ngủ không phải là việc dễ. Trước khi dẫn các môn đệ vào vườn Diệt Si Ma Ni, Chúa Giêsu từng đã trao cho các môn đệ, nhất là Phêrô, thuốc chống ngủ mà nếu các ông “chịu thuốc” ấy hẳn mắt các ông đã mở thao láo suốt đêm rồi. Vì thuốc ấy mạnh lắm, đó chính là lời tiên báo các ông sẽ phản thầy, ngay đêm đó, người thầy vốn được các ông yêu thương cùng ăn cùng ở suốt ba năm trường. Cả ba phúc âm nhất lãm (Lc 22:31-37; Mt 26:30-35; Mc:26-31) đều thuật lại tình tiết trao thuốc chống ngủ này và cả ba (Mt 26:36-56; Mc 14:32-50; Lc 22:39-53) đều cho hay “thuốc chống ngủ” ấy không hiệu nghiệm. Các ông rơi vào một giấc ngủ còn say sưa hơn cả giấc ngủ của Adong lúc Thiên Chúa cho ông ta ngủ mê ngủ mệt để rút một sương sườn của ông ta mà tạo ra Evà. Chính trong khung cảnh này, Chúa đề cập tới mặt tích cực của câu truyện hay đúng hơn cả hai mặt của cùng một câu truyện đó là tỉnh thức và cầu nguyện.

Thánh Matthêu kể lại: sau lần cầu nguyện thứ hai, trở lại nơi các tông đồ đang ngủ, Chúa nói với Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (26:40-41). Có thể nói trình thuật về tình tiết này trong phúc âm Máccô cũng giống hệt. Riêng phúc âm Luca có hơi khác một chút: phúc âm này không đề cập tới ba lần cầu nguyện, mà chỉ nói rằng: sau khi cầu nguyện, thấy các môn đệ ngủ cả, Chúa Giêsu nói với các ông: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ”. Chỉ nhắc đến một vế cầu nguyện. Tuy nhiên, trước đó (chương 21:34-36), phúc âm Luca cho hay: sau khi thuật lại dụ ngôn cây vả, Chúa dạy các môn đệ: “vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”.

II. Tỉnh thức và cầu nguyện trong bầu khí văn hóa hiện đại,

Văn hóa hiện đại nhấn mạnh tới tỉnh thức mà bỏ qua cầu nguyện. Chính vì vậy, họ đổ xô tìm về Đông Phương, với Ấn Độ giáo, với thiền với Phật, với cả Khổng Tử và Lão Tử. Thậm chí những người như Thích Nhất Hạnh và cả Vô Thượng Sư Thanh Hải nữa cũng được rất nhiều đồ đệ tây phương tin theo, trở thành những bậc thầy ưu hạng. Vì những nguồn này đang cung cấp cho họ đủ thứ tỉnh thức, đủ thứ giác ngộ, đủ thứ hiểu biết về ta bà thế giới và chỉ có thế chứ không đi vào cõi mầu nhiệm, bởi vì mầu nhiệm là siêu việt, là phải vươn lên, là phải ra khỏi con người mình để kết hợp, để tương giao. Nói cho ngay, họ dừng lại ở linh đạo, không vượt qua nó mà vươn tới tôn giáo. Linh đạo không trói buộc, tôn giáo trói buộc, vì các học giả hiện nay như Tom Harpur và Joseph Campbell, vốn dựa vào thánh Augustine, mà cho rằng tôn giáo, religion, là thoát thai từ động từ latinh re-ligare có nghĩa là cột buộc, nối kết, tái nối kết, nối kết lại. Tất nhiên là nối kết con người nhân bản trên thì với trời, ngang thì với người và dưới thì với vạn vật. Tôn giáo là gặp gỡ, là cầu nguyện. Vì cầu nguyện quả là gặp gỡ.

Theo David Ranson (1), một linh mục thuộc giáo phận Broken Bay (tổng giáo phận Sydney), giảng viên tại Học Viện Công Giáo Sydney, về môn linh đạo và thần học mục vụ, thì hiện đang có sự phân ly lớn giữa linh đạo và tôn giáo. Nhiều người tự cho mình theo linh đạo, hay đang dấn thân vào hành trình linh đạo, nhưng lại không chịu nhận mình là người theo một tôn giáo nào. Họ từ khước tôn giáo, vì, theo tâm lý gia Kenneth Pargament, “tôn giáo ngày nay được coi như tổ chức, nghi lễ, ý thức hệ trong khi linh đạo được liên kết với bản thân, với cảm thức, với cảm nghiệm, và với tư duy”. Nhiều người cười nhạo ông Hồ khi với tư cách người vô thần, ông dám viết trong chúc thư là sắp sửa đi gặp Mác Lê. Cười thì cười vậy, chứ thực ra, người vô thần tuy không phải là người tôn giáo, nhưng họ vẫn có thể là người linh đạo, tin một thực tại linh thiêng vượt lên trên thực tại trông thấy, giống như ông François Mitterrand, nguyên tổng thống nước Pháp, một người theo thuyết bất khả tri. Trong lời đề tựa cho cuốn La Mort Intime (2) của nữ sĩ Marie de Hennezel, vị nguyên tổng thống này nhận định: “Có lẽ mối liên hệ của ta với cái chết chưa bao giờ lại nghèo nàn như hiện nay trong cái sa mạc linh đạo hiện đại, trong đó, sự hối hả bám lấy cõi hiện sinh đơn thuần đã khiến ta bỏ qua mọi cảm thức mầu nhiệm”. Ngắm nhìn những người giáp mặt với cái chết một cách thanh thản, ông tự hỏi “đâu là nguồn cội của thứ bình an ấy trong mắt họ? Mỗi khuôn mặt của họ hằn in vào ký ức tôi bộ mặt của chính vĩnh hằng. Danièle chẳng hạn dù chỉ còn nói được bằng ánh mắt nhưng bất chấp tình thế vô phương cứu chữa ấy, cô vẫn đầy sự sống, đầy óc tò mò về phía bên kia, phía mà cô sắp bước vào mà không cần niềm tin tôn giáo”. Người vô tôn giáo như François Mitterand nhận định tiếp: “Từ cảnh bại liệt trên giường bệnh viện, Danièle gửi ta sứ điệp sau cùng này: tôi không tin một Thiên Chúa công bình, hay một Thiên Chúa yêu thương… nhưng tôi cũng không tin chúng ta lại bị giản lược vào một đống nguyên tử nào đó. Bất cứ điều gì bảo ta rằng có một cái gì đó bên ngoài vật chất, bạn mặc tình gọi nó là linh hồn, hay là tinh thần, hay là ý thức tùy thích, nhưng tôi tin vào tính bất tử của cái đó”.

Không nói đâu xa, ngay những người tự xưng là tôn giáo cũng từng phân ly linh đạo ra khỏi tôn giáo như ông Hồ, ông Mitterrand. Trong bài nói truyện với Ủy Ban Thần Học Quốc Tế tuần qua tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nhận diện những người tôn giáo này nơi các luật sĩ tại Giêrusalem xưa. Họ sẵn sàng chỉ đường cho Ba Vua tới Bê-lem, nhưng chính họ thì vẫn tiếp tục nằm ở Giêrusalem, không cùng lên đường tìm gặp sự thật. Đức Giáo Hoàng bảo rằng ngày nay cũng đang xẩy ra một điều giống như thế: “Trong 200 năm nay, có những con người hết sức tài năng, những nhà chuyên môn vĩ đại, các thần học gia và thầy dạy đức tin chói sáng từng dạy chúng ta nhiều điều. Họ lục lọi mọi chi tiết của Sách Thánh và lịch sử cứu rỗi, nhưng họ lại không thể nhìn ra chính mầu nhiệm, chính cái tâm điểm chân thực: rằng Chúa Giêsu thực là Con Thiên Chúa. Người ta dễ dàng nhắc tới nhiều tên tuổi vĩ đại trong lịch sử thần học của 200 năm vừa qua, những con người dạy dỗ chúng ta nhiều điều nhưng không chịu mở lòng mình cho mầu nhiệm”. Đức Giáo Hoàng nói rằng: Với họ, Chúa Giêsu mãi mãi là một Chúa Giêsu lịch sử, một nhân vật thảm hại, một bóng ma không thịt không xương, một ai đó vẫn còn nằm trong mồ, đang rữa nát, chết thật rồi”, chứ không phải là Con Thiên Chúa hằng sống, người đang mời gọi ta đi vào liên hệ. Linh đạo chứ không tôn giáo. Họ đã dừng lại ở tỉnh thức, ở hiểu biết chứ không chịu dấn thân cầu nguyện. Họ không lên đường. Như Ba Vua. Những người hết sức tỉnh thức, lúc nào cũng dõi mắt lục lọi không gian để tìm ra ngôi sao dẫn đường. Họ là người hiểu biết, là bác học, là khoa học gia. Nhưng biết rồi, họ đã lên đường, họ đã đi tìm gặp gỡ, họ đã cầu nguyện, họ đã không như những người luật sĩ Giêrusalem biết chỉ đường cho họ mà không biết cùng đi với họ, cùng đi gặp gỡ, cùng đi vào mầu nhiệm.

Không thiếu người Công Giáo ngày nay cũng tự bằng lòng với tỉnh thức, với hiểu biết, với linh đạo và nhất định không chịu dấn thân vào mầu nhiệm, vào cầu nguyện. Họ không giống các mục đồng Bê-lem, những người hẳn phải tỉnh thức mới nghe được giọng ca và sứ điệp thiên thần và biết được rồi, biết được mầu nhiệm rồi, họ đã hân hoan rủ nhau cùng tới Bê-lem. Bức tranh trên tường nhà nguyện chăn chiên ở Cánh Đồng Chiên tại Bê-lem ngày nay diễn tả cái hân hoan ấy sống động đến độ khiến du khách tưởng mình như lùi lại hơn 2 ngàn năm trước để cùng họ tận hưởng cái vui của Noel đầu tiên.

Nói thì dễ, lên đường như họ chẳng phải chuyện dễ. Trước nhất đòi ta phải đừng mê ngủ. Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt (3) nói rằng đời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê: bóng đêm danh vọng, bóng đêm xác thịt, bóng đêm ích kỷ, bóng đêm tiền tài v.v… Thứ hai, đòi ta phải tỉnh táo phân định, bởi theo Đức Tổng Giám Mục, Chúa đến rất âm thầm lặng lẽ, trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ, trong y phục dân dã, trong hình dạng những con người bé nhỏ quanh ta, những con người bần cùng khốn khổ, những khuôn mặt xanh xao hốc hác, những tấm thân gầy guộc, Người lẫn vào giữa đám đông vô danh, những kẻ đang bị loại ra ngoài xã hội. Đức Tổng Giám Mục cũng cho rằng tỉnh thức không phải là ngồi đó để mà chờ đợi, kiểu há miệng chờ sung. Giống như ông chủ đi vắng, trao nhiệm vụ cho từng gia nhân, bảo họ thay ông quản lý mọi việc. Người trao cho ta trách nhiệm trông coi gia đình, cộng đoàn, địa phương, đất nước. Ta phải làm cho các thực tại ấy tốt hơn. Ta phải cầu nguyện, bởi làm việc chính là cầu nguyện laborare est orare. Tỉnh thức cũng là nhìn thấy nhu cầu của anh em và đáp ứng các nhu cầu ấy. Đáp ứng nhu cầu chính là làm việc, là cầu nguyện. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong các trào lưu thời đại, điều mà Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII gọi là dấu chỉ thời gian để cùng với mọi người thiện chí thực hiện ý ấy để biến thế giới thành một nơi tốt hơn.

Tỉnh thức như thế là tỉnh thức tốt, tỉnh thức thật. Nhưng không thiếu những thứ tỉnh thức mà vẫn rất u mê, rất mê ngủ. Đó là cái tỉnh thức của tông đồ Phêrô. Sau một giấc ngủ mê mệt, một giấc ngủ mà Thầy Chí Thánh hai lần tới đánh thức, ông vẫn không nhúc nhích, Phêrô chỉ tỉnh thức khi nghe tiếng loảng xoảng của vũ khí va vào nhau, những tiếng la ó đinh tai nhức óc của binh lính đến bắt Thầy. Nhưng bước tiếp theo của ông không phải là cầu nguyện, mà là rút gươm ra chém đứt tai tên đầy tớ của thầy cả thượng phẩm. Khỏi nhắc thì qúy vị thính giả cũng đủ thấy là ông bị Thầy quở. Chúa bảo ông tỉnh thức và cầu nguyện, có đâu tỉnh thức và đấm đá. Không thiếu các đồ đệ của Chúa ngày nay cũng đang tỉnh thức và đấm đá, thay vì tỉnh thức và cầu nguyện.

___________________________________________________________________________________

(1) Across The Great Divide, Bridging Spirituality and Religion Today

(2) Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật Năm B

(3) Éditions Robert Laffont, Paris 1995
 
Niềm Vui Mùa Vọng
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
06:00 12/12/2009
Đời Sống Tâm Linh # 17

NIỀM VUI MÙA VỌNG

Mùa Vọng là Mùa Vui Mừng, Hy Vọng, Đợi Chờ Chúa: “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem hãy nức lòng phấn khởi. (Xô-phô-ni-a 3, 14)

Vì thế, tôi cảm thấy Chúa đang hiện diện: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi. Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ.” (Xp 3, 17)

Trong thư gởi Phi-lip-phê, thánh Phaolô còn vui mừng phấn khởi kêu lên: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: “Vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã đến gần. “ (Pl 4, 4-5)

* Chuyện kể: Trong cuốn Pollyanna viết về một cô gái lạc quan, luôn thấy cô có chuyện để vui mừng, ngay cả lúc điều không tốt xảy như sau: Gần đây tôi nhớ một nhân vật văn chương này, khi cô bạn thật của tôi ngoài đời bị té gẫy tay trong lúc chạy xe đạp. Marianna kể với tôi rằng cô rất vui mừng cảm tạ Chúa, vì vẫn có thể chạy xe về nhà và thật biết ơn Chúa là cô không cần phải phẫu thuật. Cô nói: tay trái bị gẫy(cô thuận tay phải) nên vẫn có thể làm việc được. Và chẳng tuyệt sao, cô lấy làm lạ xương mình thật tốt, nên tay gẫy chóng lành! Và chẳng may mắn sao, vết thương không có gì tồi tệ.!

* Suy tư: Marianna đúng là mẫu người biết vui mừng trong hoạn nạn. Chị tin rằng Chúa sẽ chăm sóc mình—dù có chuyện gì xảy ra.

Cuối cùng thì ai cũng được chịu khổ, và khi gặp khó khăn phản ứng đầu tiên của chúng ta là không vui mừng cảm tạ. Nhưng tôi nghĩ rằng Chúa sẽ vui khi thấy khi thấy bạn tìm ra lý do để biết ơn Ngài: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh…(x. 1Thê-sa-lo-ni-ca 5,16-18).

Hãy vui lên vì bạn đã bỏ lối sống cũ! Hãy mừng lên vì Chúa đang đến với bạn! Hãy reo vui vì mọi người thấy bạn hiền hoà, rộng rãi!

* Chính khi bạn tin cậy vào sự tốt đẹp của Chúa mà bạn tìm được niềm vui và bình an, vì lòng tin sẽ nhìn thấy Chúa trong mọi hoàn cảnh: “Bình an của Thiên Chúa là bình an vượt trên mọi hiểu biết sẽ giữ lòng trí anh em được hết hợp với Đức Kitô Giêsu. (Pl 4, 7)

* Lời hay ý đẹp: Niềm vui mừng là nhìn thấy Chúa đến trong mọi lúc.

Phó tế: Gioan B. Maria Định Nguyễn * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:20 12/12/2009
TRONG CỬA NGOÀI CỬA (2)

N2T


Nghe nói, có một vị thánh mỗi lần vì để thực hành nghĩa vụ tôn giáo mà phải rời khỏi nhà để đi ra bên ngoài, thì cũng đều nói như thế này:

- “Lạy Chúa, bây giờ thì tạm thời tạm biệt, con phải đi nhà thờ.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Thánh Vincent de Paul mỗi khi đọc kinh cầu nguyện mà có người muốn gặp ngài, thì ngài lập tức ngưng việc đọc kinh cầu nguyện để đi gặp họ, thái độ này cũng giống như là ngài nói với Chúa là: Lạy Chúa, con tạm rời Chúa để đi tiếp khách đang cần con cái đã.

Ngài đã nhìn thấy Chúa Giê-su ở ngoài cửa nhà thờ hoặc ngoài cửa nhà dòng, tức là ngài nhìn thấy Chúa Giê-su ở trong tha nhân.

Chăm chú cầu nguyện lâu giờ trong nhà thờ hay lui cui viết sách viết báo trong nhà dòng, mà không thèm để ý hay quan tâm đến những anh chị em đang đợi mình “dài cả cổ” bên ngài cửa nhà thờ, hay bên ngoài cỗng nhà dòng thì là một thiếu sót và lầm lỗi to lớn, bởi vì đức ái không phải chỉ là bố thí càng nhiều càng tốt, mà là –hơn thế nữa- nhanh nhẹn mau mắn khi người khác muốn gặp mình...

Không nhìn thấy được Chúa Giê-su ở bên ngoài cửa nhà thờ, thì cũng sẽ không nhìn thấy được Ngài trong nhà thờ.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:21 12/12/2009
N2T


37. Nhẫn nại làm cho người giàu có bị đè nén, nhưng lại khiến người nghèo được khôn ngoan.

(Thánh Cyprianus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:23 12/12/2009
N2T


314. Nhẫn nại và ôn hòa chính là sức mạnh.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Benedict XVI: Thiên Chúa quan trọng
Bùi Hữu Thư
05:51 12/12/2009
Hội nghị duyệt xét việc mọi sự thay đổi nếu có Chúa hay không có Chúa

VATICAN, ngày 11 tháng 12, 2009 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói ngài hy vọng hội nghị đang diễn tiến tại Rôma với chủ đề “Thiên Chúa hôm nay: có Chúa hay không có Chúa, mọi sự thay đổi.” sẽ thành công.

Trong một lá thư gửi cho Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, tổng giám mục Genoa và chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, là người bảo trợ hội nghị ba ngày, Đức Thánh Cha bầy tỏ “lòng biết ơn về sáng kiến quan trọng này, vì đề cập đến một trong các đề tài đã luôn luôn làm cho trí tuệ con người bị mê hoặc và thắc mắc.”

Đức Thánh Cha đề nghị là “vần đề về Thiên Chúa” cũng thiết yếu cho thời đại chúng ta, vì “cởi mở cho sự siêu nghiệm” thường bị coi là không thích hợp.

Ngài nói, thực vậy, một mối tương quan với Thiên Chúa “cần thiết cho hành trình của nhân loại.”

Hội nghị quốc tế sẽ duyệt xét "vấn đề về Thiên Chúa” từ phối cảnh của nhiều bộ môn và chủ đề: triết học, âm nhạc, nghệ thuật, phim ảnh, khoa học, vấn đề sáng tạo và tiến hóa, và vấn đề bí ẩn cuả bạo lực.

Đức Thánh Cha đề nghị: một chương trình phong phú như vậy “sẽ thúc đẩy việc suy niệm sâu xa về vị trí của Thiên Chúa trong văn hóa và đời sống của thời đại chúng ta.”

Đức Thánh Cha ghi nhận nỗ lực “trình bầy các phương thức khác nhau này sẽ đưa đến việc khẳng định chân lý về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng nhân loại một cách nào đó đã luôn luôn nhận biết.”

Ngài nói "Người là Con Thiên Chúa, Đấng hằng sống đã đi vào đời sống và lịch sử của con người để soi sáng nhân loại bằng ân sủng và sự hiện diện của Người.”

Đức Thánh Cha cũng nói đến mục đích của hội nghị “là làm sáng tỏ sự quan trọng thiết yếu Chúa dành cho chúng ta, cho đời sống của mỗi cá nhân và xã hội, cho sự hiểu biết chính mình và thế giới, cho niềm hy vọng soi lối chúng ta, cho sự cứu rỗi đang chờ đợi chúng ta sau cái chết.”

Tranh tối tranh sáng

Đức Thánh Cha Benedict XVI bầy tỏ niềm hy vọng là hội nghị “ít ra cũng đóng góp cho việc xóa tan bức màn tranh tối tranh sáng đang làm cho sự cởi mở với Thiên Chúa khó khăn và dễ sợ đối với con người trong thời đại chúng ta, dầu Người không bao giờ ngưng gõ cửa tâm hồn chúng ta.”

Đức Thánh Cha nói: “sự cởi mở này quan trọng, vì theo kinh nghiệm của một qúa khứ không xa chúng ta lắm, đã dậy cho chúng ta rằng khi Thiên Chúa biến mất nơi chân trời của con người, thì nhân loại mất hướng đi và lâm nguy vì tiến bước về sự tự tiêu diệt."

Đức Thánh Cha khẳng định: “mặt khác, đức tin vào Thiên Chúa mở ra cho con người một chân trời có một niềm hy vọng nào đó, không làm cho chúng ta phải thất vọng."

Ngài tiếp: Điều này giúp cho có “một nền tảng vững chắc trên đó chúng ta có thể vững lòng xây dựng đời sống, và mời gọi chúng ta “từ bỏ mình với niềm cậy tin trong bàn tay của Tình Yêu đang nuôi dưỡng thế gian.”
 
Tình trạng trộn lộn tạp nham các tôn giáo của dân Mỹ
Phụng Nghi
10:37 12/12/2009
Bài nhận định dưới đây là của Stephen Prothero, giáo sư tôn giáo trường Đại học Boston đăng trên báo Wall Street Journal ngày 11 thàng 12 năm 2009.

Một chút cái này, một nhúm cái kia

Thật nhiều chuyện để Đức Chúa phải ghen tương. Một cuộc thăm dò được tổ chức Pew Forum on Religion & Public Life công bố hồi đầu năm nay cho thấy Hoa kỳ là một “quốc gia của những người hay chuyển đổi tôn giáo.” Nếu trong lãnh vực tình yêu, người Mỹ nghiêng về chế độ đơn thê hàng loạt (serial monogamy - chuyển từ hôn nhân sang ly dị để rồi tái hôn, và cứ như vậy), thì tương tự như thế, chúng ta di chuyển từ tôn giáo này sang tôn giáo khác, cam kết trung thành, chẳng hạn như, ở đạo Methodist lúc còn niên thiếu, chuyển sang đạo Công giáo lúc trung niên, và vào đạo Episcopal ở lúc lẩm cẩm tuổi già.

Một nghiên cứu mới của Pew, vừa được công bố tuần qua, cho thấy người Mỹ cũng là những kẻ đong đưa như họ đã từng là những người chuyển đổi, họ tuy không chính thức đổi đạo nhưng lại ve vãn các niềm tin và thực hành tôn giáo, khác với những gì quy định trong đạo họ theo. Các nhà lãnh đạo Công giáo đã từ lâu lên án những người gọi là “Công giáo kiểu quán cà phê ("Cafeteria Catholics")” sắp hàng tự chọn những niềm tin và những thực hành Công giáo nào họ muốn tuân giữ. Theo cuộc nghiên cứu mới nói trên, người Mỹ nay được coi như một nhóm người đang vào ăn ở chỗ mà, mỗi khi đề cập tới, một đồng nghiệp của tôi ở trường Đại học Boston lại gọi là ”quán ăn bán đồ thần thánh”.

Không kể lúc đi đây đi đó hoặc một biến cố đặc biệt như đám cưới hoặc ma chay, có tới hơn 1 phần ba tổng số người Mỹ tham dự các lễ nghi phụng tự không chỉ ở một nơi thờ phượng mà thôi, và gần 1 phần tư đến dự lễ nghi do tôn giáo khác tổ chức. Hầu hết những chuyện không chung thủy về tôn giáo này xảy ra trong gia đình, hoặc trong phạm vi gia đình mở rộng: người theo đạo Lutheran tới dự lễ của người Baptist, hay người Baptist đến nhà thờ Công giáo xem lễ Misa. Trong số người da đen theo đạo Tin lành có 8% đến dự lễ tại nguyện đường Do thái, 5% đến các đền thờ Hồi giáo. Trong khi đó thì có một số lớn người Mỹ theo Kitô giáo lại khẳng định niềm tin vào những điều các nhà thần học của họ từ lâu quy kết là dị giáo: 23% tin vào tử vi lý số, 22% tin vào thuyết luân hồi, 21% coi yoga là một nghi thức tâm linh.

Xét theo nhiều khía cạnh thì cảnh hỗn tạp chung chạ về tôn giáo như thế chẳng có gì mới mẻ. Nhiều người theo Thiên Chúa giáo thời sơ khai cũng là những tín hữu Do thái giáo thuần thành. Còn ở Trung quốc, tam giáo Khổng, Lão và Phật đã chung sống hàng bao thế kỷ, nhiều tín đồ lấy Khổng giáo lúc giao tế, quay qua Lão giáo để được tự do, qua Phật giáo để được giác ngộ. Thế nhưng các tôn giáo độc thần ở phương Tây nhấn mạnh rằng chỉ có một con đường dẫn tới hạnh phúc đời sau. Vậy thì điều gì đã xảy đến với thứ lòng trung thành đó? Rõ ràng lòng thành tín đó còn sống sót trong số những người theo đạo Do thái Chính thống, các Kitô hữu đạo Evangelical và những người theo Hồi giáo truyền thống. Nhưng đối với số người còn lại trong chúng ta, niềm sợ hãi đối với một vị Thiên Chúa hay ghen tuông đòi hỏi phải trung thành, dường như chỉ còn là một ký ức xa vời.

Các dữ kiện trong cuộc thăm dò Pew còn đưa ra một bằng chứng khác nữa về cái chết của chủ nghĩa phân chia giáo phái trong cuộc sống Mỹ và sức mạnh bền bỉ của lý tưởng bao dung tôn giáo. Đã có một thời, người theo đạo Baptist, người theo đạo Lutheran và giáo phái Môn đồ Đấng Christ tranh chấp gay go với nhau về những vấn đề như khi nào thì nên làm phép rửa tội cho người nhập đạo hay Chúa Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể như thế nào. Nhưng đó là chuyện của thế kỷ trước. Nay thì ngay sự phân biệt giữa người Do thái giáo và Phật giáo, hoặc giữa người theo Ấn giáo và Kitô giáo, đang bắt đầu lu mờ dần, đặc biệt là vì hầu hết người Mỹ gần như chẳng biết gì về các truyền thống đó có ý nghĩa như thế nào.

Các tôn giáo lớn đã từ lâu đeo đuổi các mục tiêu khác nhau bằng những phương tiện khác nhau: người Kitô giáo đi tìm ơn cứu độ bằng đức tin hay việc làm (hoặc kết hợp cả hai), người Phật tử tìm kiếm niết bàn bằng thiền hay tụng niệm. Vì thế, một thế kỷ trước đây, nhảy từ một thánh lễ Công giáo sang một buổi nghi thức canh tân bên đạo Evangelical, hay vào một buổi an cư kiết hạ của Phật giáo, người ta có cảm tưởng như nhẩy qua một hố ngăn cách rộng lớn.

Nhưng người Mỹ hiện thời gần như chẳng biết gì về những truyền thống tôn giáo của chính họ, và càng không biết gì hơn về truyền thống của các tôn giáo khác. Hầu hết người Mỹ chẳng kể tên được cuốn nào trong bốn sách Tin Mừng, và một đa số áp đảo thú nhận hoàn toàn không biết gì về Hồi giáo. Vì thế mà chúng ta lê bước từ bên này sang bên kia mà ít biết được những gì đã bị mất mát (hay thu thập được) trong tiến trình như thế.

Là một học giả về tôn giáo, nhiệm vụ của tôi chỉ là quan sát tất cả những sự việc đó mà không đưa ra lời kết án nào cả, nhưng tôi không thể không cảm thấy rằng có điều gì quý giá ở đây đã bị mất đi, có lẽ điều nào đó cũng thiết yếu như là một ý thức về sự thánh thiêng. Nhà triết học trường đại học Havard George Santayana đã có lần nhận xét rằng “nếp sống ở Hoa kỳ là một dung môi mạnh” có khả năng làm trung hòa các tư tưởng mới lạ, biến thành những khuôn sáo nhàm chán (banal clichés). Tôi lo ngại rằng dung môi này nay đang làm tan chảy những cạnh sắc bén của các tôn giáo trên thế giới, uốn cong xuống những mục tiêu khác hơn là chính mục tiêu của các tôn giáo này.

Dĩ nhiên, có thể là khi chúng ta nhảy từ nơi thờ tự này sang nơi khác, thì trong lúc đó chúng ta cũng đang học hỏi đấy. Nhưng những gì chúng ta đang thực sự làm đây coi có vẻ giống như thương mại hơn là học vấn. Những người điều hành cửa tiệm trong thương trường tâm linh này coi bộ hơi quá sốt sắng muốn bán cho chúng ta bất cứ thứ gì họ tưởng tượng ra rằng chúng ta muốn mua.

Ở điểm tốt đẹp nhất, Do thái giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn giáo và Phật giáo kêu gọi chúng ta tái suy tưởng về thế giới và rồi thách thức chúng ta tái tạo thế giới – và tái tạo chính chúng ta. Nhưng những chân lý của một tôn giáo thường va chạm với những chân lý của các tôn giáo khác, hoặc hoàn toàn tương phản với nhau. Ngay cả đạo Tin lành cũng đã mang trong các chi phái khác nhau của nó những viễn kiến rất khác biệt nhau về một cuộc sống tốt lành, cả nơi trần thế này lẫn mai hậu. Thiếu vắng một dây nối của hoài niệm buộc chặt chúng ta với những chân lý cổ xưa của các tôn giáo này, thì các viễn kiến đó bị mất mát đi, và chúng ta còn trơ lại những phương tiện riêng của mình, đi kiếm tìm Thiên Chúa với nhiều nhầm lẫn chẳng khác gì như trong tình yêu, khi chúng ta đi tìm kiếm một cái mới mẻ kế tiếp.

Nguồn: Stephen Prothero/The Wall Street Journal
 
Thủ đoạn chính trị: Những nhóm Công Giáo giả tung hoả mù trong cuộc tranh luận Cải Tổ Y Tế
Trần Mạnh Trác
15:53 12/12/2009
Washington, DC (LifeNews.com) – Những nhóm này đã làm cho cử tri Công Giáo lẫn lộn ‘gần chết’ là ứng cử viên Obama có một ‘lý lịch phò sự sống’. Bây giờ các nhóm Công Giáo giả này, tự xưng là phò sự sống nhưng thực sự để thúc đẩy chương trình phá thai, lại tái xuất giang hồ, đúng vào thời điểm nhậy cảm cuả cuộc tranh luận quốc gia về chăm sóc sức khỏe và về kinh phí phá thai.

Hai nhóm Catholics United (Công Giáo Đoàn Kết) và Catholics in Alliance for the Common Good (Liên Minh Công Giáo cho Lợi Ích Chung) đã chứng minh rằng chỉ cần đặt thêm chữ "Công giáo" vào tên của tổ chức là có thể nhận được sự chú ý của những phương tiện truyền thông, trong đó có một truyền thông Công Giáo.

Hai nhóm còn đi xa đến mức họ tổ chức phân phát truyền đơn trước các nhà thờ.

Tờ báo Christian Science Monitor (CSM) đã dành cho họ một cuộc phỏng vấn và họ hy vọng sẽ giải toả giới Công giáo khỏi những lo ngại về việc mở rộng quyền phá thai trong dư luật sức khỏe.

Một cách sai lạc, tờ báo CSM đã dành cho các nhóm này một diễn đàn để quảng bá quan điểm cuả họ, một quan điểm có khả năng gây bối rối cho người Công giáo. Tờ báo CSM mở đầu bài phỏng vấn như sau:

"Trong nhiều tháng qua tuy các giám mục đã công bố một hướng dẫn rất đơn giản: Nếu dự luật cuối cùng làm suy yếu lệnh cấm tài trợ công cộng cho phá thai, thì người Công giáo phải phản đối nó. Nhưng trong hậu trường các giám mục đều hiểu rằng các tín đồ chống phá thai cuả họ sẵn sàng chấp nhận điều mà họ xem như là một giải pháp tốt hơn. – đó là cải thiện việc tiếp cận chăm sóc y tế - ngay cả khi việc này chống lại thế đứng của Giáo hội là chống phá thai".

Chris Korzen, giám đốc điều hành của Catholics United, mà tờ báo CSM cho rằng số hội viên là 50.000, đã phát biểu là người Công giáo cần phải có "một tư duy thoáng hơn" về việc buộc tất cả người Mỹ phải tài trợ các quỹ phá thai.

"Điều sai trái là bám chặt vào một quan điểm về tài trợ phá thai và không sẵn sàng đi đến thỏa hiệp," Chris nói.

Còn Victoria Kovari, quyền chủ tịch của Catholics in Alliance for the Common Good, mà CSM tuyên bố có 45.000 thành viên, thì tuyên bố rằng nhóm của bà chia sẻ tất cả các 'quan ngại’ cuả các giám mục, nhưng:

"Sự khác biệt là chúng tôi cảm thấy rằng nếu chúng ta bỏ toàn bộ cải cách y tế thì chúng ta sẽ là cẩu thả về mặt đạo đức. Chúng ta phải nghiêm túc tuân theo tiếng gọi để làm điều tốt cho tất cả gia đình con người ", bà nói.

Sự thực thì các giám mục đã tranh đấu cho phần của cái ‘gia đình con người’ mà bà Kovari đã cố tình bỏ quên – đó là những trẻ em mà không có mấy ai ủng hộ cho quyền làm người cuả chúng tại Quốc hội, một minh chứng hiển nhiên là trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, Thượng viện đã đổ tài trợ ồ ạt vào việc phá thai.

Đức Hồng Y Francis George đã tuyên bố rõ ràng khi đề cập đến thất bại của tu chánh án Nelson-Hatch:

"Không loại trừ kinh phí phá thai sẽ biến đồng minh thành đối thủ và đòi hỏi chúng tôi và những người khác phải phản đối dự luật này vì nó vi phạm cả nguyên tắc lẫn tiền lệ", ngài nói.

Để làm sáng tỏ vấn đề, bình luận gia bảo thủ Deal Hudson đã không tiếc lời minh định như sau:

"Việc tài trợ cho phá thai không chỉ là điều sai duy nhất với dự luật chăm sóc sức khỏe, nhưng còn là điều tồi tệ nhất, và tôi ngưỡng mộ Đức Hồng Y George đã thẳng thắn cảnh báo Quốc hội," ông viết.

Ông kêu gọi các giám mục Công giáo hãy sử dụng đầy đủ sức mạnh chính trị của họ " bằng cách " công bố tất cả các điểm chống trong thư luân lưu tại các giáo xứ" để giáo dục cử tri Công giáo về vấn đề phá thai.

"Hầu hết người Công giáo rất tự hào về việc các giám mục đã vững vàng và không nhân nhượng trong việc giảng dạy bảo vệ cuộc sống vô tội," ông viết.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Mẹ Măng Đen ở Kon Plông, Kontum
Người Lữ Hành
10:39 12/12/2009
KÝ SỰ TÂY NGUYÊN

GIALAI - KONTUM - Thưa quý độc giả, tôi là một nhà báo chuyên viết phóng sự để kiếm cơm qua ngày, nhân tiện chuyến đi viết phóng sự Tây Nguyên về rừng. Tôi thấy nhiều điều còn uất ức, nên tạm giấu tên vì “nồi cơm manh áo” để viết Ký Sự Tây Nguyên hầu quý độc giả.

Ngày 1: Bắt đầu sang Đông, trời lành lạnh khi tôi bước chân xuống sân bay Pleiku vào lúc 15h55’ trên chuyến bay VN342. Ra khỏi phòng nhận hành lý, bạn tôi đã đợi ở cửa, hai bạn bè lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng, thay vì đến khách sạn ở theo diện đi công tác, tôi đến nhà bạn tôi nghỉ đêm. Sau khi cất đồ đặc và tắm rửa, chúng tôi đi ăn tối và đến uống trà ở quán Trà Cung Đình. Đi dạo thành phố Pleiku thật thơ mộng, cái rét nhẹ của Mùa Đông ở xứ sương mù này thật thú vị.

Sau khi dạo một vòng Phố núi, chúng tôi về nhà, bạn tôi bảo tôi đưa giấy chứng minh nhân dân để đi báo với công an phường, cho hợp với luật lưu trú. Tôi bảo bạn gọi điện thoại cho công an là được rồi, bạn tôi cự lại, phải đi báo chứ, làm sao mà báo qua điện thoại được; tôi nói với bạn tôi: “Ông chưa cập nhật luật đó thôi, cứ gọi là được”. Bạn tôi nói lại: “Ông à, phiền lắm, lần nào có ai nghỉ nhà tôi đều đích thân cầm giấy CMND ra công an hết”. Tôi bảo: “Ông cứ gọi đi, công an có hỏi thì bảo giùm là: Luật cư trú, Chủ tịch quốc hội đã ký ngày 29-11-2006, áp dụng ngày 1-7-2007, điều 31, khoản 2, báo trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại”. Và y như rằng, bạn tôi đã bị công an phường mắng cho, ông phải đưa CMND ra đây. Bạn tôi giở luật ra ngay, công an viên này đà đuối lý “ừhm ừhm, àh àh” gì đó với bạn tôi. Tôi nghĩ trong đầu “Công an phường của Thành phố mà sao làm việc còn thiếu hiểu biết thế nhỉ, hay là…”.

Ngày 2: Ngày hôm sau, tôi đi viết phóng sự về rừng ở tỉnh Gialai, nhiều khu rừng bị chặt phá, bình địa, có nơi đến cả hàng ngàn héc-ta, để trồng cao su, làm cà phê, hỏi ra mới biết đó là của những ông chủ tu bản đỏ… nhưng đi đâu cũng bị công an theo giỏi, hỏi thăm, khi thấy đưa thẻ nhà báo, họ mới cho đi.

Ngày 3: Ngày thứ ba trong hành trình viết phóng sự này, tôi lên tỉnh Kontum… những hình ảnh về rừng đầu nguồn bị tàn phá, làm tôi đau xót… nghĩ về trận lũ lịch sử cơn bão 9 và 11, tôi thấy không sai với phán đoán của tôi: Rừng phá, lũ về, là hợp với lẽ tự nhiên.

Ngày 4: Nghe một người bạn ở Kontum nói hôm nay có lễ do Đức Cha Micae chủ sự mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Măng Đen, huyện Kon Plông, tôi thắc mắc: “Làm sao ngày này 12.12 mà là lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được, phải mừng 8.12 chứ?” Bạn tôi trả lời: “Theo truyền thống Giáo phận Kontum, ngày 8.12 là mừng lễ tại Giáo xứ của mình, ngày 9.12 theo Lịch Giáo phận là mừng lễ tại Đức Mẹ Măng Đen; nhưng hôm 9.12 bà con đi dự lễ, thì cầu phao bị chính quyền tháo gở vào ngay sáng hôm đó, nên Đức Cha quyết định dời lại ngày 12.12”. Tôi buột miệng: “À, thì ra vậy!”

Vì là một người Công Giáo nòi, tôi dành ra ngày hôm nay để đi lễ. Bạn tôi bảo: “Ông nhà báo, nên cũng xem, xét mà viết bài đăng về lễ này cho bà con ở xa biết!”.

Thánh lễ tuy không được thông báo rộng rãi trong các Giáo xứ, nhưng cũng khá đông xe ô tô, xe máy nượm nượp kéo về, ước tính khoảng trên 2000 người. Đông đảo linh mục, tu sĩ cùng tham dự.

Quan sát tổng thể phải nói đây là một thánh lễ đông đảo ở miền rừng núi hoang dã này, không bóng nhà xung quanh, chỉ thấy khu bãi đậu xe thu phí và mấy căn nhà của Công ty Sài Gòn – Măng Đen dựng nên, khi họ thấy có khách hành hương hằng ngày rãi rác về viếng mẹ, đây là cơ hội làm ăn, nên họ đã mua Nhà Nước mấy chục héc-ta nơi này.

Tôi hỏi bạn tôi, tại sao Giáo phận không mua hay xin đất Nhà Nước cấp cho mà làm trung tâm hành hương như ở Bãi Dâu – Vũng Tàu, như Đức Mẹ Tà Pao hay Đức Mẹ La Vang. Bạn tôi đã cho biết cách đây 3 năm (2006) Đức Giám mục đã xin nhà nước 4 héc-ta để làm trung tâm hành hương, nhưng họ không trả lời, sau đó họ đã bán cho công ty du lịch Sài Gòn – Măng Đen này. Thật là buồn. Nếu Nhà Nước có cái đầu nhìn xa trông rộng, mà để cho Giáo Hội quản lý thì chắc chắn tiềm năng phát triển du lịch nơi huyện Kon Plông này sẽ rất lớn.

Khi tôi đến khu tượng đài Đức Mẹ, tôi quan sát thấy khuôn mặt của Mẹ không giống ai “rất xấu”, hỏi ra mới biết khuôn mặt nguyên thuỷ của Mẹ bị ai đó bắn phá rồi, khuôn mặt hiện nay là do một người thợ hồ nắn lại, không chuyên nghiệp, nên chẳng giống ai. Đôi đàn tay thì không còn. Đức Mẹ ở đây phải nói là có một không hai, Đức mẹ cụt tay. Nhưng người ta bảo Đức Mẹ linh lắm, nhiều người được ơn lắm. Vợ con cán bộ đi khấn vái Mẹ vào ban đêm cũng được nhiều ơn. Gần giờ lễ, khoảng 8g30, tôi thấy một số giáo dân đang dựng khung sắt và chuẩn bị phủ bạt để bớt nắng cho đoàn đồng tế, vì thánh lễ gần trưa, nên che bạt cho mát thì thật tốt cho Đức Cha và giáo dân dự lễ, nhưng sau đó tôi thấy tháo dở ra hết, hỏi ra mới biết: Chính Quyền địa phương yêu cầu tháo dở. “Thật hết biết!”. Nhưng mẹ thương, quang cảnh hôm nay mây che thật mát. Mẹ ban ơn rõ ràng.

Đến giờ lễ, Đức Giám Micae Hoàng Đức Oanh chủ sự, tôi thấy thật xúc động và ấn tượng. Nhìn chung quanh, bà con giáo dân thành kính dự lễ trang nghiêm. Một số công an mặc sắc phục đứng vòng ngoài “bảo vệ”, vòng trong mặc đồ thường dân theo dõi. Nhìn bản mặt các anh, các chị đứng trơ trơ, không biết làm dấu, không biết đọc kinh và hát thánh ca là biết ngay.

Trong bài giảng, tôi chăm chú nghe Đức Cha Micae giảng, thật thú vị và bổ ích cho tôi, nhất là cho “mọi người”.

Bài giảng hôm nay Đức Cha nêu 2 điểm chính:

- Tại sao chúng ta đến đây? Đức tin dẫn chúng ta đến.
- Đến rồi, được gì? Được rồi, làm gì? Đến với anh chị em, không trừ một ai.

Phần thứ nhất, ngài nói về đức tin. Con người thì phải có lòng tin, lòng tin đó giúp con người hướng về trời cao, nơi đó con người tin nhận Ông Trời, Thượng Đế, Thần Linh của mình, nơi đó con người sẽ đến, đó là cõi vĩnh hằng. Vì thế con người khao khát sống niềm tin đó. Người ta có thể bỏ tất cả mọi sự, ngay cả mạng sống vì niềm tin; để mong có được niềm tin mà mình tin nhận. Ngài kể một câu chuyện xưa: Có một vị thiền sư nổi tiếng là đức hạnh và khôn ngoan. Ông có nhiều đệ tử theo học. Trong số các đệ tử có một đệ tử, hơn một lần cậu đệ tử này đã thắc mắc với ông về “Hạnh phúc là gì?” Ông chẳng trả lời. Một hôm ông rủ chú đệ tử này đi dạo trong rừng, hai thầy trò vừa đi dạo, vừa ngắm cảnh… đến gần trưa mồ hôi nhễ nhải, thầy trò cùng xuống suối tắm. Tắm một lúc, vị thiền sư nắm đầu đệ tử dìm xuống nước, thiếu không khí thở, cậu ta ngoi lên; lần thứ hai bị dìm xuống, cậu ta cũng cố gắng ngoi lên mặt nước; lần thứ ba bị dìm, cậu ta thở không được nữa, bèn tức quá đạp thầy mình để ngoi lên mà thở. Và vị thiền sư đã dạy cho đệ tử mình biết: hạnh phúc là thế! là tìm tự do sống! Và Đức Cha kết luận, đức tin cũng thế, ai cản đức tin mình lắm lúc mình cũng phải đạp thế để có đức tin, đức tin đó được ví như không khí để cậu đệ tử thở mà sống, để có đức tin mà sống cho thoải mái tự do. Ngài cũng nói thêm, đây là câu chuyện nhiều lần Ngài đã có dịp kể cho cán bộ trung ương nhà nước nghe. Khi mà đức tin bị o ép, bị đàn áp, thì họ vùng lên đòi quyền sống đức tin đó, quý vị đừng “chụp cho cái mũ” là “phản động” chống lại chính quyền, mà tội cho họ. Vậy, là tín hữu khi có đức tin, lòng tin vào Chúa là cái phúc, cái phúc được biết Chúa là Cha là anh em với nhau, thì hãy sống vui, sống hạnh phúc với ơn mà mình đã có; và loan tin mừng cho mọi người về lòng tin nầy, cho dù phải khó khăn thử thách hay cái chết.

Phần thứ hai, Ngài khuyên nhủ giáo dân hãy học gương mẹ mà sống. Mẹ đã đón nhận ý Thiên Chúa và làm mẹ Thiên Chúa qua lời thưa “xin vâng”, Mẹ đã thực hành lời Chúa mỗi ngày sống… Là con cái Mẹ, hãy bắt chước mẹ suy niệm Lời Chúa hằng ngày, vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, ánh sáng chỉ đường con đi”. Khi có được hạnh phúc làm Con Thiên Chúa, có tin vui, Tin Mừng đó rồi thì đem đến với mọi người như Mẹ đã từng đem tin vui đó đến với chị họ Elisabeth. Đến với mọi người bằng cách phục vụ, hy sinh, yêu thương. Với mọi người nghĩa là không trừ một ai, là anh em đồng đạo, khác đạo, và ngay kẻ thù, kẻ luôn rình rập bắt bớ hành hạ chúng ta. Hiểu theo nghĩa nào đó thì Đức Cha đã nói về hoàn cảnh sống đạo của chúng ta trên đất nước này, cho dù bị kỳ thị, phân biệt đối với tôn giáo; nhưng hãy minh chứng cho họ thấy, mình luôn yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là phục vụ “họ”.

Thật là một bài giảng thấm thía cho hoàn cảnh sống của Giáo Hội Công Giáo nói chung và giáo phận Kontum nói riêng hôm nay.
Sau lễ, chúng tôi ra về theo lời dặn dò của Đức Cha là tuân hành luật giao thông và giữ gìn vệ sinh môi trường ngay nơi cử hành thánh lễ, cho dù đó không phải là đất của Giáo Hội.
Đêm nay là đêm ngon giấc để chuẩn bị cho hành trình ngày mai đi về Đăk Lắk, Đăk Nông và Lâm Đồng.
 
Đức Giám mục Đà Nẵng ban phép Thanh Tẩy và Thêm sức cho 51 anh chị em dự tòng
Paul Maria
15:32 12/12/2009
ĐÀ NẴNG - Chiều nay, Thứ Bảy 12/12/2009, tại Nhà thờ Giáo xứ Thanh Đức Gp Đà Nẵng, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Gp Đà Nẵng, đã chủ tế Thánh lễ ban Bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức cho 51 Anh Chị Em Khóa Giáo Lý Dự Tòng 2 năm 2009 do Giáo Hạt Đà Nẵng tổ chức khai giảng ngày 19/5/2009 tại Giáo xứ Thanh Đức.

Xin xem Hình ảnh

Tham gia Đoàn đồng tế với Đức Giám Mục có Cha Hạt Trưởng Đà Nẵng Giuse Cao Văn Cường, Cha Chánh Văn phòng TGM Phêrô Hoàng Gia Thành, Cha Đặc trách Giáo lý Dự Tòng Phêrô Nguyễn Hùng, Cha Quản xứ Thanh Đức Bônaventura Mai Thái, Cha Quản xứ Chính Trạch Đaminh Trần Công Danh.

Đông đảo Giáo dân Thanh Đức và các Xứ lân cận, đặc biệt là sự hiện diện của rất nhiều bà con bạn hữu không cùng Công giáo của các anh chị em dự tòng, về tham dự Thánh lễ. Tổ chức bên trong Nhà thờ nên không khí buổi lễ rất trang nghiêm, ấm áp và đầy tình thân ái.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức Giám Mục nói:

" Không có hạnh phúc và niềm vui nào lớn lao cho bằng được sống trong tình yêu Thiên Chúa, đựơc sự chở che nâng đỡ của Người. Hôm nay, 51 anh chị em, đa số là các bạn trẻ, sẽ nhận được Bí tích Thanh Tẩy để trở nên con của Cha Trên Trời. Niềm vui chắc không ở nơi Thánh lễ trọng thể, đông đúc, trang trọng. .. cho bằng niềm vui được làm con của Chúa, được là thành viên của Đại gia đình Hội Thánh là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô...

Sau hơn 6 tháng với những nỗ lực, những hy sinh, những vất vả, nay anh chị em nhận được niềm hạnh phúc lớn lao của những người con Chúa.

Cha nhớ lúc Cha còn làm Cha sở tại Giáo xứ Hà Lam, Cha đã được đọc những dòng tâm sự của một cô bé Tân tòng 19 tuổi, đại ý Cô ấy viết như sau: Ban đầu tôi theo học Giáo lý để lấy được chồng. Nhưng sau khi học xong, nhận bí tích Rửa Tội, tôi thấy thật hạnh phúc vì nhờ chồng, tôi đã trở nên con cái Thiên Chúa và hãnh diện là người có Đức tin...

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan Tiền Hô, người được sai đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Tinh, khi mọi người hỏi Ông cách nào để được rửa tội, Ông trả lời: " Ai có hai áo hãy cho người không có, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy..., chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình..." (x Lc.3. 10 -18 ). Đấy, chỉ có những người có Đức tin, là con cái Thiên Chúa, mới có tấm lòng và những hành động cao cả, xứng đáng với phẩm hạnh của một con người, bởi vì chúng ta không chỉ được rửa với nước, mà còn được rửa trong lửa của Thánh Thần...

Một hạnh phúc nữa là chúng ta được đồng hành, được tham dự vào công cuộc Cứu Độ của Chúa khi mang lấy Thánh Thần trong tim. Bởi vậy, Cha mong anh chị em biết sống xứng đáng là người có Đạo thật tốt trong đời sông thường ngày, để qua đó mang Chúa đến cho mọi người trong gia đình, nơi làng xóm mình sinh hoạt, để họ cũng được đón nhận hạnh phúc và niềm vui được làm con Thiên Chúa...

Trước khi Đức Giám Mục ban Phép lành với Ơn Toàn xá, đại diện anh chị em Tân Tòng dâng lên ĐGM, Quý Cha và Cac Giảng viên lời cám ơn chân thành vì bao công sức của tất cả mọi người bỏ ra để dạy dỗ, nâng đỡ, cầu nguyện cho anh chị em và nhận anh chị em vào đại gia đình Giáo hội. Các anh chị tặng ĐGM và Quý Cha những bó hoa tươi đẹp để tỏ lòng biết ơn.

Một Thánh lễ thật sốt sắng và cảm động. Chắc chắn để lại trong lòng anh chị em Tân tòng hôm nay những kỷ niệm, những niềm vui và hạnh phúc lớn lao làm hành trang trên bước đường mới sắp đến.
 
Kỉ niệm 25 năm Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh GP Xuân Lộc
Fx. Trần Kim Ngọc, OP
15:36 12/12/2009
XUÂN LỘC - Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân giảng thuyết của Huynh đoàn Giáo dân Giáo phận Xuân Lộc với 25 năm hiện diện phục vụ Giáo Hội và quê hương, hơn 23 ngàn thành viên đang sốt sắng hướng về Thánh Lễ Tạ Ơn vào ngày 13.12.2009.

Hình ảnh ngày lễ kỷ niệm

25 năm không phải là một thời gian dài nhưng lại là một chặng đường đánh dấu nhiều ý nghĩa và cột mốc: 1/ Ý nghĩa: Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh của Giáo phận đã được xây dựng trong những gian khổ của nhiều con người mới có thành quả như ngày hôm nay; với chừng ấy thời gian đầy thử thách mà có nhiều thành quả khả quan cũng nói lên được mức trưởng thành như thế nào của Huynh đoàn. 2/ Cột mộc: 25 năm đánh dấu một cột mốc mới để chuyển sang một giai đoạn khác, giai đoạn đó hôm nay Huynh đoàn dừng chân lại để chiêm ngắm những công lao mà nhiều thế hệ cha anh đã vun trồng, đồng thời để định hướng cho những bước đi sắp tới.

Nhìn vào hoa quả đã gặt hái được trong mùa hồng ân 25 năm, mỗi một người trong Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Giáo phận Xuân Lộc có quyền tự hào; nhưng cũng là dịp để cho mỗi người trong Huynh đoàn tự hỏi là mình đã làm gì cho Huynh đoàn chưa, mỗi người đoàn viên đã đón nhận nhiều từ các bậc cha anh, thế thì thử xét xem là mình đóng góp được cho Huynh đoàn gì chưa, hay đã sẵn sàng để làm cho hoa quả đã đạt được không những tồn tại mà còn sinh sản nhiều hoa thơm trái tốt chưa.

Dừng chân chiêm ngắm để thấy được cái ưu và cái khuyết, cái được và cái mất, cái vinh quang và cái gian khổ; dù được hay mất, dù đẹp hay xấu, tất cả được như ngày hôm nay đều là hồng ân. Hồng ân 25 năm đó được hơn 23 đoàn viên chung khút tạ ơn bằng những vũ khúc, những lời hát, những điệu hò, những ước nguyện, những cuộc triển lãm, vào buổi chiều và tối ngày 12.12 (xin xem hình ảnh toàn cảnh về các sinh hoạt mừng 25 năm thành lập Huynh đoàn Gp Xuân Lộc chiều và tối; xin xem video clip về các sinh hoạt mừng 25 năm thành lập Huynh đoàn Gp Xuân Lộc) Có lẽ mỗi đoàn viên và mỗi huynh đoàn đã nỗ lực làm nhiều việc trong những ngày tháng qua để hồng ân ấy trở thành một lời tạ ơn vang lên tới Thiên Chúa trong thánh lễ cao điểm vào sáng ngày Chúa Nhật 13.12.2009.

Định hướng cho 5, 10 hay 25 năm tới là điều cần làm trong dịp kỷ niệm 25 năm hình thành Huynh đoàn Giáo phận Xuân Lộc để cho tương lai sáng hơn, tươi hơn và vui hơn. Nhưng quan trọng là định hướng như thế nào? Mỗi một đoàn viên, mỗi một huynh đoàn, mỗi một liên huynh và toàn Huynh đoàn Giáo phận cùng nghĩ, cùng bàn rồi cùng làm trong tinh thần huynh đệ, lý tưởng và sứ vụ Đa Minh thì ắt con đường phía trước sẽ bằng phẳng, mùa gặt tương lai sẽ bội thu, hồng ân sắp tới sẽ dạt dào hơn gấp nhiều lần.

Ước mong Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Giáo phận Xuân Lộc, nhân dịp mừng 25 năm mùa hồng ân, dừng lại để suy chiêm rồi định hướng, nhưng không chỉ là dừng lại ở đây, mà dừng lại để đi tiếp, đi xa hơn; dừng lại không phải là để hài lòng và tâm đắc với thành quả đã đạt được, nhưng là để can đảm và hăng say để lên đường cho một hành trình mới trong tin yêu và hy vọng.
 
Khai mạc Tuần Chầu tại giáo xứ Vân Am, Thái Bình
Trường Giang
15:41 12/12/2009
THÁI BÌNH -Hôm nay, thứ Bảy 12/12/2009, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình viếng thăm đoàn chiên Vân Am nhân ngày ngày chầu lượt thay mặt giáo phận.

Giáo xứ Vân Am tọa lạc trên vùng đất xa xôi, hẻo lánh, thuộc xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cách Tòa Giám mục khoảng 40 km về phía đông, giáp ranh giới giáo phận Hải Phòng. Vân Am được tách ra từ xứ mẹ Ninh Cù và nhận sắc thành lập giáo xứ năm 1907. Vân Am hiện vẫn chưa có cha ở trực tiếp coi sóc, cha Giuse Phạm Văn Thiện, chánh xứ Vạn Đồn quản nhiệm. Giáo xứ Vân Am có hai họ lẻ là họ Nhà Xứ và họ Thọ Cách, với số giáo dân 624 người, chiếm khoảng 8,8% dân số toàn xã Thụy Quỳnh, đây quả là con số quá khiêm tốn.

Biến cố 1954, số giáo dân di cư gần hết, để lại một ngôi thánh đường gỗ lim đẹp đẽ, bàn tòa sơn son thếp vàng lộng lẫy, thêm vào đó giáo xứ không có cha xứ trực tiếp coi sóc, làm cho đời sống Đức tin của bà con nơi đây có phần “điêu đứng”. Nhưng nhờ sự an bài của Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của các chứng nhân anh dũng Đức tin (17 chứng nhân) tại quê hương Vân Am, đã làm cho Đức tin của người giáo dân bám trụ nơi đất mẹ thêm kiên cường và hiên ngang hơn. Điều đó đã được chứng minh qua những hoa trái mà giáo xứ đã và đang có 9 linh mục, 32 nữ tu và khoảng 10 thày chủng sinh hiện đang học tại các Đại chủng viện trong Nam lẫn ngoài Bắc.

Dù giáo dân ít ỏi, địa lý có phần hẻo lánh, nhưng giáo xứ Vân Am vẫn duy trì và thăng tiến mạnh mẽ trong đời sống đạo hằng ngày nơi các hội đoàn trong giáo xứ, nhất là sự đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái với từng cá nhân, từng đoàn thể trong xứ cũng như liên giáo xứ. Khi có dịp lễ lớn hay lễ chầu thì các họ trong liên xứ cùng cộng tác với nhau để lo việc cho Chúa, cho giáo xứ thật chu đáo và tươm tất, cha Giuse Thiện quản nhiệm cho biết.

Hôm nay trong thánh lễ khai mạc tuần chầu lượt của giáo xứ, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, chủ chăn giáo phận lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất hẻo lánh này. Sau khi viếng Thánh Thể, cộng đoàn giáo dân liên xứ chúc mừng, tặng hoa và các bạn trẻ chúc mừng Đức cha một cử điệu tuy chưa được nhuần nhuyễn, nhưng nói lên tấm lòng chân thành và đơn sơ của các em nơi quê mùa xa giáo phận. Ngỏ lời với cộng đoàn, Đức cha cảm động nói ngài thật bất ngờ khi thấy nơi đây ít giáo dân mà tổ chức tuần chầu Thánh Thể rất sốt sáng và long trọng. Đồng thời Đức cha khen ngợi và cảm kích tinh thần giữ đạo và ý thức gìn giữ bảo vệ tài sản Giáo Hội của giáo dân nơi đây. Một ngôi nhà thờ gỗ lim quý giá vẫn hiên ngang đứng vững, như muốn nói lên sức sống Đức tin và tinh thần đoàn kết gắn bó của đoàn chiên Chúa đang từng ngày vươn lên, xứng đáng với những báu vật cha ông để lại, không chỉ là những gương chứng nhân mà cả một kho tàng đồ sộ đang vươn mình trước thử thách và sóng gió nơi dải đất vùng ven biển.

Từng người, từng gia đình trong giáo xứ Vân Am đêm ngày cầu mong sao cho giáo phận có thêm nhiều thợ gặt, để giáo xứ Vân Am ngày gần đây được một “đặc ân” là có cha xứ về ở trực tiếp trông coi phần linh hồn cho giáo dân, nhất là nững người cao tuổi. Chẳng vậy mà trước khi nhận phép lành cuối thánh lễ, cha Giuse Thiện đại diện cho cộng đoàn giáo xứ cám ơn Đức cha và lại một lần nữa xin Đức cha sai một cha về để dẫn dắt đoàn chiên Vân Am cho họ thỏa nỗi mong chờ.

Sau thánh lễ, cha quản nhiệm và cộng đoàn liên xứ cùng suy tôn Chúa Giêsu Thánh Thể qua các nhà tạm được trang trí rất đẹp ở hai bên sân cuối nhà thờ. Sau đó các hội đoàn trong xứ luân phiên chầu Thánh Thể đến 21h00.
 
Giáo xứ Nghi Lộc kỷ niệm 125 năm thành lập Làng và 80 năm thành lập xứ
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
15:47 12/12/2009
VINH - Từ sáng tinh mơ ngày 9 – 12 – 2009, tiếng ca vui từ ngôi thánh đường vừa mới tân trang của giáo xứ Nghi Lộc đã vọng vang: “Sau luỹ tre xanh, ngọn tháp vút cao, thánh đường quê em đẹp xinh in bóng khung trời…Khi đời đau thương và khi sướng vui, em vào nơi đây cùng Chúa sớt chia nỗi lòng…” (Như Trịnh). Đây là ngày đại hạnh của người dân Làng Nghi tại quê nhà và ở khắp muôn phương hào hởi trong niềm vui chung: mừng cung hiến thánh đường Giáo xứ, kỷ niệm 125 năm thành lập Làng và 80 năm thành lập Xứ.

Những hình ảnh đáng ghi nhớ

Trong niềm vui của ngày lễ cung hiến Thánh đường, với sự hiệp thông sâu sắc của Đức Giáo Mục Giáo phận Phaolô Maria Cao Đình Thuyên và đông đảo quý Cha, quý khách về tham dự, cộng đoàn Nghi Lộc đã bày tỏ niềm hạnh phúc, tự hào về những trang kỷ yếu thấm đượm bao đau thương, mất mát, nhưng cũng chứa đựng nhiều hy sinh tâm huyết của các thế hệ tiền nhân Làng Nghi.

1. Làng Nghi Ngày Ấy…

Lật lại trang sử 125 năm về trước, Làng Nghi lúc bây giờ chỉ là một xóm nhỏ nghèo nàn, heo hút, ẩn khuất sau các lùm tre pheo lau lách; gồm một số người chạy nạn từ các vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh tìm về đây. Nhóm người đầu tiên tìm đến với mảnh đất này tuy không cùng huyết thống nhưng có chung niềm tin, cùng một tôn giáo. Họ đã sớm bắt tay nhau, thắt chặt tình đoàn kết yêu thương, cùng nhau vượt thắng nhiều phen sóng gió do bách hại. Nhờ lòng cần cù kiên nhẫn, can đảm, các bậc tiền nhân đã biến nơi đây thành quê hương yêu dấu của đời mình, biến xóm đạo nhỏ bé cô lập thành một làng ngang hàng quyền lợi với 6 thôn làng khác của xã Đào Viên. Trong 36 mộc triện của Tổng Lý Trai lúc ấy, người ta thấy đã có một mộc triện mang tên Nghi Lộc. Tổ tiên Nghi Lộc đã khéo vận dụng danh nho: “Khánh Vô Bất Nghi, Thọ Thiên Bách Lộc” (Thụ hưởng muôn ơn Trời – Mừng vui vì làm việc gì cũng nên). Hai tiếng “Nghi Lộc” xuất phát từ đây.

Để được thành lập Làng, tiền nhân Nghi Lộc đã phải trải qua nhiều bước truân chuyên mới đi đến thành công, thì tiến trình được phân xứ với họ cũng gặp nhiều trắc trở không kém do những tác động bên trong và bên ngoài. Trong thời gian từ năm 1860 đến năm 1880, Nghi Lộc là một giáo họ thuộc xứ mẹ Hội Yên. Từ năm 1881 – 1929, họ đạo Nghi Lộc được sáp nhập về giáo xứ Phi Lộc. Sau gần 50 năm là một họ đạo của xứ mẹ Phi Lộc, ngày 10 – 7 – 1929, Đức Cha Giuse Anrê Bắc (Eloy), hiểu rõ lòng nhiệt thành và đạo hạnh của người Làng Nghi, đã ký quyết định cho Nghi Lộc được chính thức thành lập xứ. Cảm tưởng ngày được phân xứ, tác giả Đình Quang (một người con của quê hương Nghi Lộc) đã viết trong kỷ yếu “Quê Hương Yêu Dấu”: “Niềm vui thật lớn lao ! Đó là sự kiện Làng Nghi được phân xứ. Một họ đạo thôn quê lẻ loi nhỏ bé, từ những tháng ngày xa xưa, âm thầm len lỏi, trốn tránh trong lương dân, trong rừng chồi lau lách của thời kỳ bách hại. Giờ đây với ơn Chúa, đã lớn lên, đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái, làm cây đại thụ cho chim trời đến làm tổ, vui sống, ngụ cư…”.

Niềm vui được phân xứ đã khích lệ, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho người dân Nghi Lộc trong những ngày đầu mới lập xứ. Với ý chí không ngừng vươn lên và tầm nhìn xa về tương lai xứ nhà, một công trình lớn đã được người dân Nghi Lộc thời đó thai nghén từ năm 1932. Năm 1943, thánh đường Làng Nghi đã được khởi công xây dựng. Đây là công trình nghệ thuật có đường nét hài hoà, phối kết giữa kiến trúc cổ Rô-măng và kiến trúc hiện đại, do linh mục quản xứ Nghi Lộc khi đó là cha Phêrô Bùi Nhật Nghiệm thiết kế bản vẽ. Ngày nay công trình vẫn bền vững và có nhiều nét độc đáo về nghệ thuật. Tuy nhiên do điều kiện hiện nay số giáo dân Nghi Lộc đã tăng lên nhiều; yêu cầu cấp bách là phải có một ngôi thánh đường đủ rộng để mọi người được tham dự các thánh lễ trong nhà thờ. Cha xứ Giuse Nguyễn Đình Linh, HĐMV và bà con trong giáo xứ đã nhiều năm trăn trở mà chưa có một giải pháp thoả đáng. Cuối cùng, linh mục chủ chăn và cộng đoàn giáo xứ đã quyết định phải giữ lại ngôi thánh đường này, chỉ tôn tạo và nâng cấp bằng cách nới rộng và làm thêm hai cánh để có được diện tích gấp đôi là 600 m2 sử dụng. Về cơ bản, kiến trúc với các đường nét hoa văn của ngôi thánh đường cũ vẫn được giữ nguyên.

2. Làng Nghi Bây Giờ

Trong tiếng chuông gọi mời thanh trong, bình thản, thiết tha thuở nào, có khác chăng là cái cảm giác rộn vui hơn của người Làng Nghi hôm nay, một bầu khí tươi mới đang khoác lên không gian và tâm hồn của người dân xứ đạo nơi đây. Ngôi thánh đường vừa được thánh hiến như biểu tượng giao duyên giữa hiện tại và quá khứ Làng Nghi. Nhiều người con của quê hương Nghi Lộc đã xa quê lâu năm, phải tha hương muôn phương, ngày trở về quê chung chia niềm vui, đã cảm nhận lại được nét gần gũi, thân quen của ngôi thánh đường mà họ đã từng gắn bó trong tiếng hát, lời kinh ngày thơ trẻ. Và họ cũng ý thức hơn về sự trưởng thành trong đời sống đạo, trong tầm nhìn về xã hội của con người Làng Nghi từ nét rộng mới của ngôi thánh đường. Như lời Đức Giám Mục Phaolô đã chia sẻ trong thánh lễ cung hiến thánh đường Nghi Lộc: “…Nhà thờ chúng ta từ nay cũng được Chúa thánh hoá, ở đó mọi người nhìn một nhà thờ đẹp đẽ khang trang…Nét đẹp đó là sự hiệp nhất đoàn kết…Nhà thờ giáo xứ không chỉ là bộ mặt mà còn là quả tim giáo xứ…”.

Kỷ niệm 125 năm thành lập Làng và 80 năm thành lập Xứ, là dịp tốt để người dân Nghi Lộc khắp Bắc – Trung – Nam và hải ngoại quy tụ về bên nhau trong mối đồng cảm “ôn cố tri tân”:

“Hôm nay…chúng ta có dịp đào bới lớp bụi thời gian đã xoá mờ dĩ vãng để tìm lại dấu tích người xưa. Chúng ta không khỏi đem lòng ngưỡng mộ, kính phục, mến yêu ông bà ta đã dày công vun xới cho mảnh đất này. Trước những công ơn trời bể ấy, trước những tấm gương ngời sáng về đức tin và tình người ấy, chúng ta phải làm gì, phải sống thế nào cho xứng với các bậc tiền nhân ? Có lẽ điều làm cho ông bà ta vui nhất, thoả lòng nhất là chúng ta biết sống nhân nghĩa bác ái, biết yêu thương đùm bọc giúp đỡ nhau và luôn nhớ về cội nguồn. Về đây, trên mảnh đất tổ tiên, dưới mái nhà thờ thân yêu này, để cùng nhau dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, và để mừng những kỷ niệm lớn của quê hương là ước mong chung của những người mang dòng máu Nghi Lộc. Và đây là lần đầu tiên, chúng ta thực hiện ước mơ đó…” (phát biểu của BTC lễ mừng).

Ước mong tâm nguyện của người Làng Nghi hôm nay như những giọt mực hồng tươi viết thêm nhiều trang thơm tho, đẹp đẽ trong trường sử của cha ông họ.

Tài liệu tham khảo:
1. Đình Quang, Quê Hương Yêu Dấu
2. Nghi Lộc 1999, Kỷ Yếu, Lưu hành nội bộ
3. Đình Quang, Quê Hương Nghi Lộc, 1962
4. Phát biểu của BTC đại lễ mừng 125 năm lập Làng, 80 năm lập xứ và cung hiến Thánh đường xứ Nghi Lộc.
 
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Saigòn mừng Đại lễ
Gioan Vinh
15:53 12/12/2009
DÒNG CON ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM MIỀN SÀIGÒN MỪNG ĐẠI LỄ

“Chín mươi năm Ơn Trời cao vời vợi,
Ân nghĩa, tín thành luôn gợi mối tình sâu,
Chín mươi năm, Thương yêu mãi nhiệm mầu,
Khai sinh, nuôi dưỡng, nhịp cầu luôn mở lối”.

Với tâm tình được diễn đạt trong “Lời Ngỏ”, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm miền Sàigòn đã tưng bừng mừng đại lễ mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Dòng, mừng Bổn Mạng nhà Dòng và đồng thời tạ ơn nhân dịp năm thánh đặc biệt của Dòng.

Sáng thứ 7 ngày 12/12/2009, Đức Cha Phụ tá Phêrô đã dâng thánh lễ long trọng tại nguyện đường Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Thủ Đức. Cùng đồng tế với ngài, có cha Bảo Lộc và các cha dòng vùng Thủ đức, với các nữ tu trong Dòng và hơn bốn trăm khách mời tham dự Thánh Lễ.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha đã nhắc lại châm ngôn của Hội Dòng là chính lời của Đức Maria Vô Nhiễm trong ngày truyền tin “Này tôi là Nữ tỳ Chúa”. Chị em đã chọn lời của Mẹ nghĩa là chị em chọn đời sống thánh hiến khiêm nhu như chính Mẹ đã sống từ ngày truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu.

Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm được Đức Cha Eugène Marie Joseph ALLYS thuộc Hội Thừa Sai Paris cùng với Cha Alexandre Paul Marie Chabanon (sau này làm giám mục năm 1930) thàng lập năm 1920 tại Huế. Nhà Dòng ra đời từ nỗi ưu tư của hai đấng sáng lập về lớp trẻ đang cần được giáo dục về Đức tin và văn hoá. Chín mươi năm với bao thăng trầm của lịch sử, Hội Dòng đã ngày càng thực hiện sứ mạng của mình “để tôn vinh Thiên Chúa hơn và cứu rỗi các linh hồn, trong sức mạnh Chúa Thánh Linh, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm tự nguyện bước theo Chúa Giêsu vác Thánh Giá và yêu mến Mẹ Maria Vô Nhiễm với hết tình con thảo”. Đây chính là linh đạo của Hội Dòng.

Được thôi thúc bởi tình yêu Đức Kytô và Mẹ Vô Nhiễm, các chị em đã âm thầm ra đi gieo hạt giống Tin Mừng, và nhà Dòng ngày càng mở rộng, đến nay các chị đã có mặt khắp đất nước. Miền Sàigòn hiện nay có 11 cộng đoàn, và cộng đoàn Bêtania (ở Thủ đức, do nữ tu Agnès Đoàn thị Thật phụ trách) là nhà Chính của miền Sàigòn do nữ tu Marie Beatrice Anne Trần thị Hưởng phụ trách toàn miền. Các chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm hiệp thông với các vị chủ chăn ở Giáo Hội địa phương để chăm lo phát triển đời sống dân Chúa, thăm viếng các gia đình, phục vụ các phòng khám từ thiện, chăm sóc bệnh nhân, người nghèo và giáo dục thiếu nhi.

Thánh Lễ hôm nay là dịp để các chị và cộng đoàn cùng với vị mục tử dâng lời tạ ơn Chúa, khởi đầu giai đoạn “mừng Năm Thánh, sống giao ước tình yêu trong tâm tình tạ ơn, sám hối, canh tân” mà các chị đã quyết tâm thực hiện.

Sau Thánh Lễ là phần liên hoan tạ ơn Chúa. Trong tiệc mừng, các chị đã trình diễn những bài hát, những điệu múa đơn sơ nhưng vui tươi hào hứng. Bất ngờ và độc đáo là màn trình diễn bản “Và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy do ca sĩ là chính Đức Cha Phêrô. Nhiều người cũng cảm động khi thấy có sự hiện diện của các nữ tu và anh chị em người dân tộc thiểu số trong Thánh Lễ và trong buổi liên hoan.

Ngày vui khép lại, rồi các chị trở về với công việc phục vụ âm thầm. Nhưng niềm vui, tình liên đới và tình yêu của ngày đại lễ chắc chắn sẽ tiếp tục ra đi và lớn lên cùng với các chị và cả những người khách thân yêu hôm nay. Nguyện xin Chúa Kytô và Mẹ Vô Nhiễm chúc lành cho các chị, để dịp mừng 90 năm sinh hoa kết trái dồi dào nơi Hội Dòng và cho Giáo Hội Việt Nam hôm nay.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News