Ngày 11-12-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đường Vinh Quang
Lm Vũđình Tường
04:03 11/12/2013
Ngày mà chính trị gia tranh đấu cho nhân quyền bước chân vào tù thì cũng là ngày khai sanh vinh quang của cá nhân đó. Người đó tù càng lâu ngày ra khỏi tù vinh quang càng lớn, tên tuổi càng vang lừng và số người ủng hộ càng đông. Nếu trước đây thế giới còn mù mờ về người tù nhân đó thì bây giờ thế giới lại ngưỡng mộ về người tù nhân đó. Thế giới càng ngưỡng mộ người tù bao nhiêu thì cách hành xử của nhà cầm quyền càng bị chỉ trích, phê bình nhiều bấy nhiêu. Người tù nhân trong Chúa không cùng chung vinh quang xã hội. Ngày bị bắt bớ, bị cầm tù cũng là ngày các môn đệ bắt đầu bỏ chạy, tán loạn và từ từ bỏ đi. Họ bị bỏ rơi. Ngày bị bắt cũng là ngày lãnh bản án tử vì hầu hết những tù nhân trong Chúa đều chỉ có một ngày về duy nhất đó là ngày trở về trong Chúa. Số phận của họ đã được nhà cầm quyền ngấm ngầm định trước. Việc đem ra toà xử la việc làm qua loa, che mắt đời, còn bản án tử đã được định trước khi ra lệnh bắt.

Thánh Gioan Tẩy Giả hiện đang trong tù, ông nghe tin tức về Đấng Cứu Thế qua các môn đệ trung tín. Môn đệ lại nghe tin qua tiếng đồn. Gioan muốn biết chính xác và cũng giới thiệu môn đệ mình cho Đấng Cứu Thế nhưng hoàn cảnh của ông không cho phép. Gioan sai môn đệ tín cẩn đến gặp Đức Kitô hỏi chỉ một điều, đối với ông điều này rất là quan trọng, bởi vì nếu Đức Kitô đúng là Đấng Cứu Thế mà bấy lâu ông rao giảng đã đến, thì đó là bằng chứng cho thấy nhiệm vụ tiền hô, rao giảng mở đường cho nước Chúa sắp hoàn tất. Đoạn đường gập gềnh ông đang đi đến đoạn cuối. Ngọn đồi ông đang leo sắp tới đỉnh và ánh sáng sắp bùng lên khi qua khỏi thung lũng tối đen. Môn đệ Gioan hỏi Đức Kitô:

Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? c.3

Đức Kitô không xác định phải hay không phải Ngài là Đấng phải đến nhưng lại nhắc với môn đệ Gioan về những điều mà trước đó nhiều năm tiên tri Isaiah đã tiên đoán về Đấng Cứu Thế. Đức Kitô nói với các người được Gioan sai đến là hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông đã nghe, đã chứng kiến. Không còn phải mù mờ về tin đồn nữa. Hãy thuật cho Gioan biết người mù xem thấy, kẻ điếc nghe được, kẻ câm mở miệng và người què đi lại bình thường. Điều tiên tri Isaiah 35,4-6 tiên đoán không những đã ứng nghiệm mà Đức Kitô còn làm nhiều sự lạ hơn thế nữa.

Phái đoàn Gioan sai đi trở về thuật lại những điều trong tù Gioan nghe đồn là đúng sự thật. Trong khi đó Đức Kitô lại lên tiếng ca ngợi Gioan. Bất cứ người nào Đức Kitô lên tiếng khen ngợi người đó sẽ được hưởng đặc ân. Đặc ân của Gioan chính là triều thiên vinh hiển. Triều thiên vinh hiển thường đến sau những đau khổ, và triều thiên vinh quang nhất được thanh tẩy bằng máu đào đổ ra làm cho triều thiên sáng chói hơn. Con đường vinh quang của chính trị gia là ngày họ bước chân khỏi ngục tù; con đường vinh quang của chứng nhân Đức Kitô là ngày họ được đội triều thiên vinh hiển.

Một lí do khác khiến Gioan mong mỏi gặp Đấng Cứu Thế là Gioan muốn giới thiệu các môn đệ mình cho Đức Kitô để các ông đến nghe và học từ Đức Kitô. Quan trọng hơn là Gioan mong một số trong số những môn đệ của mình được Đức Kitô tiếp đón làm môn đệ của Ngài. Như thế Gioan Tẩy Giả không phải chỉ chuẩn bị con đường cho Đấng Cứu Thế mà Gioan còn chuẩn bị cả những tông đồ nhiệt thành của mình để Đấng Cứu Thế chọn lựa làm môn đệ riêng của Ngài. Chúng ta chuẩn bị để hy vọng làm môn đệ Đấng Cứu Thế.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Mẹ Maria và Thánh Giuse
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
12:04 11/12/2013
Chúa Nhật IV MÙA VỌNG
Mt 1, 18-24

MẸ MARIA VÀ THÁNH GIUSE

Chúa Nhật IV Mùa Vọng có thể nói dành riêng cho hai nhân vật rất quan trọng trong lịch sử cứu độ đến nỗi người ta có thể nói rằng không có Đức Mẹ, không có thánh cả Giuse, lịch sử cứu rỗi đã diễn ra khác…Nói thế, để chúng ta thấy được vai trò của Mẹ Maria và thánh cả Giuse có một chỗ đứng cao vời như thế trong chương trình của Thiên Chúa.Bởi vì, ngay ca nhập lễ Giáo Hội đã cất vang :” Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa Đấng Công Chính, đất rộng mở, cho xuất hiện Vị Cứu Tinh “ ( Is 45, 8).

Ca hiệp lễ hôm nay viết :” Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai, và sinh hạ con trai.Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en “ ( Is 7, 14 ). Như thế, chúng ta hiểu được rằng ngay từ ngàn xưa ngôn sứ Isaia đã loan báo cho nhân loại về Đấng Cứu Thế, và Đấng Cứu Tinh này sẽ được cưu mang trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Con trẻ được sinh ra sẽ là Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay viết rất rõ:” Đức Giêsu Kitô sinh ra thế này : Maria, mẹ Ngài đã đính hôn với Giuse; trước khi ông bà phối hợp cùng nhau, thì xảy ra là ông bà đã có thai do tự Thánh Thần .Giuse, chồng bà, vì là người công chính và không muốn tố giác bà, thì định âm thầm ly dị. Sau khi ông đã quyết tâm như vậy, thì này : Thiên thần Chúa hiện ra cho ông trong mộng bảo rằng :” Giuse, con của Đavít, chớ sợ lấy maria vợ ông ; thai sinh nơi bà là do tự Thánh Thần; bà sẽ sinh con, và ông sẽ đặt tên cho người con là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi “ ( Mt 1, 18-21 ). Thực tế, Giuse đã có tâm hồn thánh thiện, đạo đức tuyệt vời vì khi nghe lời giải thích của Thiên thần, Giuse đã âm thầm nói lời xin vâng theo ý của Thiên Chúa.Còn Maria theo thánh Luca, Mẹ đã nói lời xin vâng và tạ ơn. Lời xin vâng và tạ ơn chỉ vang lên một lần nhưng mãi mãi vọng vang trong đời Mẹ. Cả thánh Giuse và Mẹ Maria đã được hiến thánh cho Thiên Chúa và được Thiên Chúa cứu chuộc. Cuộc đời của Mẹ Maria và của thánh Giuse đã được Thiên Chúa bao bọc, đỡ nâng, phù trì. Do đó, chính cuộc đời của hai Đấng đã nói lên niềm vui, sự hạnh phúc vì Thiên Chúa đã cứu chuộc hai Đấng, thánh hiến hai Đấng để các Ngài trở nên cánh tay không thể thiếu trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì thế, lời nguyện nhập lễ Chúa Nhật IV Mùa Vọng đã viết :” Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Đức kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn con Chúa chịu khổ hình thập giá. Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh “. Thánh Giuse trong biến cố truyền tin của Đức Mẹ cũng được Thiên Chúa mời gọi sống mầu nhiệm, sống những điều hết sức bất ngờ, nên thánh nhân cảm thấy bối rối vì Ngài cảm thấy điều ấy vượt quả sức của Ngài. Tuy nhiên, chính Thiên Chúa đã can thiệp, cho Ngài một dấu chỉ và thánh nhân đã nhận ra dấu chỉ ấy của Thiên Chúa, Ngài là con người có lòng tin. Do đó, Ngài đã chấp nhận sự kiện này và chỉ biết vâng phục, tin tưởng nơi thánh ý Thiên Chúa. Thật lạ lùng và kỳ diệu. Thiên Chúa đã đưa mẹ Maria và thánh Giuse đi vào mầu nhiệm cứu chuộc của Ngài, làm cho hai Đấng tin nhận, tín thác và hoàn toàn vâng phục ý Thiên Chúa.

Càng gần lễ Giáng Sinh, chúng ta càng nhận ra ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Trong ý định phổ độ của Thiên Chúa, chính Ngài đã chọn hai Đấng tuyệt thánh, dành riêng cho hai Đấng những ân huệ cao vời mà không một ai trong nhân loại có thể nhận lãnh. Chính vì thế, hai Đấng đã làm cho lời Xin vâng của mình trở nên hiến lễ nhiệm mầu dâng lên Thiên Chúa. Ý định nhiệm mầu ấy là chọn Mẹ Maria và thánh Giuse cộng tác chặt chẽ vào kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa đến nỗi chúng ta không thể sai lầm khi nói:” Nếu không có Mẹ Maria và thánh Giuse “ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa sẽ diễn ra khác với bây giờ, dù rằng ý định cứu rỗi nhạn loại vẫn không ngừng được Thiên Chúa thi hành.

Hôm nay, mừng lễ Chúa Nhật IV Mùa vọng, chúng ta cảm tạ tri ân Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người khi con người phản nghịch lại tình thương của Thiên Chúa, nhưng qua Mẹ Maria và thánh Giuse, Ngài đã thực hiện ý định phổ độ của ngài qua Người Con Một Yêu Dấu là Đức Giêsu Kitô với sự cộng tác nhiệm mầu của hai Đấng.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con càng ngày càng yêu mến Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Nhật IV Mùa Vọng nói lên gì ?
2.Vai trò của Mẹ Maria và thánh Giuse trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa ?
3.Lời xin vâng của Mẹ nói lên điều gì ?
4.Ai đã thay đổi ý định của thánh Giuse lìa bỏ Mẹ Maria cách âm thầm ?
 
CN 3 Mùa Vọng: Khiêm tốn phục vụ với lòng mến yêu
LM. Đan Vinh
10:29 11/12/2013
HIỆP SỐNG TIN MỪNG Chúa Nhật 3 MÙA VỌNG A

Is 35,1-6a.10 ; Gc 5,7-10 ; Mt 11,2-11

KHIÊM TỐN PHỤC VỤ VỚI LÒNG YÊU MẾN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 11,2-11

(2) Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: (3) “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ? (4) Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: (5) Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. (6) Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. (7) Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? (8) Thế thì anh em xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. (9) Thế thì anh em ra làm gì ? Để xem một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó. Mà tôi nói cho anh em biết: Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. (10) Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con. Người sẽ dọn đường cho Con đến”. (11) Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng nhằm giới thiệu Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và đề cao Tân Ước trổi vượt hơn Cựu Ước. Khi Gio-an trong tù nghe biết hoạt động của Đức Giê-su, liền sai môn đệ đến gặp Người để tìm hiểu rõ hơn về sứ mạng Thiên Sai của Người. Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời cho Gio-an khi nêu ra các công việc Người đang thực hiện ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a về Đấng Thiên Sai. Người cũng khen ngợi các đức tính của Gio-an và xác nhận vai trò tiền sứ của ông.

3. CHÚ THÍCH:

- C 2-6: + Gio-an lúc ấy đang ngồi tù…: Gio-an đã bị vua Hê-rô-đê bắt giam về tội dám ngăn cản nhà vua lấy bà chị dâu là Hê-rô-đi-a-đê vợ của ông hoàng Phi-líp-phê làm vợ của mình (x. Mt 14,3). + Liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác ?: Gio-an rất vui khi nghe môn đồ thuật lại những việc Đức Giê-su làm (x. Ga 3,28-30). Ông đã được chứng kiến cuộc thần hiện cho thấy sứ mạng Thiên Sai của Đức Giê-su khi ông làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan. Đang khi các môn đệ của ông lại tỏ ra ganh tị khi thấy Đức Giê-su thành công hơn thày mình (x. Ga 3,26). Giờ đây Gio-an sai môn đệ đến gặp Đức Giê-su, để họ tin Người thực là Đấng Thiên Sai. Tuy nhiên, chính Gio-an cũng thắc mắc tại sao Đức Giê-su không hành xử công thẳng như Đấng Mê-si-a thẩm phán, mà ông đã loan báo cho dân chúng trước đó (x. Mt 3,10.12). + Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Khi các môn đệ của Gio-an tới thì gặp lúc Đức Giê-su đang chữa nhiều bệnh hoạn tật nguyền trong dân, xua trừ ma quỷ (x. Lc 7,21). Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời cho Gio-an về sứ mạng Thiên Sai của Người khi cho họ thấy các việc Người đang làm ứng nghiệm sấm ngôn của I-sai-a về Đấng Thiên Sai (x. Is 26,19). + Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi: Đức Giê-su cũng cảnh báo: Cần loại bỏ quan niệm về một Đấng Thiên Sai hành xử công thẳng và thiết lập một Nước Trời thế tục như dân Do thái đang mong.

- C 7-9: + Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về Gio-an rằng: Đức Giê-su đã hết lời khen ngợi Gio-an để đánh tan hiểu lầm của dân chúng cho rằng ông đã bị thất bại và bị Thiên Chúa bỏ rơi khi Chúa bỏ mặc ông cho vua Hê-rô-đê bắt bớ. + Anh em ra xem gì ở hoang địa…: Gio-an được đề cao vì đức tính can đảm bất khuất, không luồn cúi trước bạo lực. + Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ?: Gio-an không sống giàu sang buông thả nhưng có nếp sống đơn giản khổ hạnh. + Để xem một vị ngôn sứ chăng…: Gio-an chính là một ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến.

- C 10-11: + Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”. Đây là lời tuyên sấm của ngôn sứ Ma-la-khi về một vị tiền hô đi trước dọn đường cho Chúa ngự đến (x Ml 3,1) đã được ứng nghiệm nơi Gio-an là vị tiền hô có sứ mạng đi trước dọn đường cho Đức Giê-su. + Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông: Gio-an tuy là ngôn sứ cao trọng nhất trong thời Cựu Ước, nhưng ông vẫn không thể sánh được với Đức Giê-su trong thời Tân Ước.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Gio-an bị vua Hê-rô-đê bắt giam vào tù ? 2) Gio-an có tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai không ? Tại sao ? 3) Tại sao ông sai môn đệ đến hỏi Đức Giê-su về vai trò Thiên Sai của Người ? 4) Đức Giê-su đã làm gì để chứng tỏ Người thật là Đấng Thiên Sai ? 5) Đức Giê-su khen ngợi Gio-an về những gì ? 6) Sứ vụ của Gio-an đã được ngôn sứ nào nói tới? 7) Tại sao Gio-an vừa cao trọng lại vừa nhỏ bé nhất ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em ra xem gì trong hoang địa ?” (Mt 11,7).

2. CÂU CHUYỆN: VỀ GƯƠNG KHIÊM TỐN HÒA ĐỒNG CỦA ĐỨC GIO-AN XXIII.

Vào một buổi chiều, sau ngày lên ngôi vị giáo chủ, đức Gio-an 23 ra khu vườn của điện Va-ti-can đi bách bộ để tìm thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Ngài thấy một người đang làm vườn, bên mình bác ta có đeo một chai rượu. Vị giáo chủ khả ái tiến lại gần hỏi chuyện và không chút ngần ngại ngồi xuống đất uống rượu chung với bác ta. Vì chưa biết mặt vị tân giáo chủ, nên trước vẻ xuề xòa của ngài, bác làm vườn nghĩ ngài cũng chỉ là một viên chức cao cấp trong giáo triều, nên bác ta hết lời ca ngợi vị tân giáo chủ dựa theo dư luận mà bác đã nghe biết về ngài. Sau khi đã uống cạn bình rượu với bác làm vườn, trước khi từ giã, đức Gio-an 23 mới hỏi rằng: “Này bác, bác chưa bao giờ thấy mặt vị giáo chủ mới phải không ?” Bác ta trả lời: “Thưa chưa ạ”. Bấy giờ Đức Gio-an 23 mới ôn tồn nói: “Thế là hôm nay bác đã thấy rõ rồi nhé. Giáo chủ mới chính là người đã ngồi uống rượu với bác từ nãy đến giờ đó !”.

3. SUY NIỆM:

1) “Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”:

Dù bị Hê-rô-đê bắt giam vào tù, nhưng Gio-an vẫn được các môn đệ thông báo về các hoạt động của Đức Giê-su. Khi thấy Đức Giê-su không hành xử nghiêm khắc trừng phạt tội nhân như ông đã rao giảng (x. Mt 3,10-12), Gio-an trở nên hoang mang nghi hoặc, nên sai môn đệ đến gặp Đức Giê-su để nêu thắc mắc về sứ mạng cứu thế của Người: “Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”.

Đức Giê-su đã không trực tiếp trả lời vấn nạn của Gio-an. Người chỉ nêu ra những công việc Người đang làm. Qua đó, Đức Giê-su gián tiếp cho Gio-an biết Người thực là Đấng Thiên Sai, nhưng là một vị Thiên Sai mục tử, xót thương và làm các dấu lạ để cứu giúp những người bệnh tật bất hạnh phù hợp với sấm ngôn của I-sai-a về sứ mạng Đấng Thiên Sai: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Is 35,5-6a). Qua đó, Đức Giê-su muốn Gio-an thay đổi quan niệm về một Đấng Thiên Sai thế tục, giải phóng đất nước Do Thái bằng bằng chính trị và binh hùng tướng mạnh, để thiết lập một triều đai hiển hách như thời vua Đa-vít và Sa-lô-mon xưa. Vì nếu không thay đổi, Gio-an chắc sẽ khó tránh khỏi bị vấp ngã (x. Mt 11,6), như ông Phê-rô sau đó đã ngăn cản Đức Giê-su và đã bị Người nặng lời trách mắng như Tin Mừng Mát-thêu thuật lại: “Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,22-23).

2) “Anh em ra xem gì trong hoang địa ?”:

Sau khi môn đệ Gio-an về, Đức Giê-su đã khen ngợi Gio-an tẩy giả về ba phương diện: một là tính tình dũng cảm cương nghị chứ không hèn hạ luồn cúi như loài lau sậy phất phơ trước gió (c 7); Hai là có nếp sống đơn sơ khổ hạnh chứ không đua đòi ăn mặc gấm vóc lụa là như người trong đền vua chúa (c 8); Ba là có sứ mạng tiền hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai (c 10).

Sau khi làm phép rửa cho Đức Giê-su ở sông Gio-đan và được chứng kiến cuộc thần hiện xảy ra trên Người, Gio-an đã tin Người chính là Đấng Thiên Sai. Ông đã giới thiệu Người là “Con Chiên Thiên Chúa” với hai môn đệ và khuyến khích họ bỏ ông để theo làm môn đệ Người (x. Ga 1,36-37). Gio-an đã khiêm tốn thừa nhận vai trò thấp kém của mình “không đáng cởi quai dép cho Người” (x. Lc 3,16) và khẳng định sự lệ thuộc của mình: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”. Cuối cùng ông còn khiêm tốn tuyên bố như sau: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30).

3) “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”:

Gio-an đã được Đức Giê-su khen là người cao trọng nhất trong con cái loài người: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”. Vậy Đức Giê-su muốn dạy gì khi nói: “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” ?

Đức Giê-su đến thiết lập Nước Trời ban ơn cứu độ, mà Gioan có sứ mạng đi trước dọn đường cho Người. Nước Trời là một gia đình của Thiên Chúa, trong đó chỉ có một Thiên Chúa là Cha, chỉ có Đức Giê-su là Thầy và là người chỉ đạo, còn hết mọi người đều là anh em với nhau (x. Mt 23,8-10). Đây là một xã hội lý tưởng, trong đó mọi người có bổn phận yêu thương nhau và nhờ đó họ sẽ được sống trong niềm vui hạnh phúc. Hiện nay, trên thế giới vẫn có nhiều tiêu cực, đau khổ là do người ta thiếu tình thương với nhau. Đức Giêsu có sứ mạng đem đến cho thế giới một tinh thần mới, một lề luật mới xây dựng trên tình yêu thương. Từ nay tiêu chuẩn mới của sự công chính là tình yêu, khác với tiêu chuẩn cũ là lề luật như lời thánh Phao-lô: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28).

4) Dọn lòng đón Chúa đến bằng lối sống khiêm tốn phục vụ với lòng yêu mến:

Mùa Vọng là thời gian các tín hữu chúng ta mong chờ Chúa đến. Trong khi người Do thái mong Đấng Thiên Sai đến trong uy quyền vinh quang thì Chúa lại chọn đến trong khiêm hạ khó nghèo và âm thầm không ai hay biết. Trong khi người đời mong Chúa đến ban ơn cứu độ bằng con đường rộng rãi, thì Chúa lại chọn đi con đường thánh giá chật hẹp leo dốc và ít người dám đi. Ngày nay để nhận được ơn cứu độ là được vào Nước Trời, đòi người tín hữu phải tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, lắng nghe Lời Người và thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Mt 7,21-23). Đức Giê-su cũng cho biết đến ngày phán xét, chỉ những ai phục vụ Người hiện thân trong những người nghèo đói bệnh tật và bị bỏ rơi mới được vào Thiên Đàng (x. Mt 25,34-36).

Ngoài ra, chúng ta cũng cần làm các việc đạo đức và bác ái chia sẻ với lòng mến Chúa. Muốn biết việc cầu nguyện dâng lễ của mình có đẹp lòng Chúa không, thì cần phải nhìn vào hiệu quả: Nếu việc cầu nguyện dâng lễ làm cho tâm hồn chúng ta được bình an, thêm niềm vui và phấn khởi hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân hơn… là dấu chúng ta đã làm các việc đạo đức theo thánh ý Thiên Chúa. Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Chúa cho thấy Ngài “chán ngán những buổi cầu nguyện, những nghi thức tôn giáo rỗng tuếch vì thiếu tình yêu” (x. Is 1,11-17). Ấy thế mà rất nhiều Ki-tô hữu hiện nay vẫn đang cầu nguyện dâng lễ theo luật nhưng lại thiếu lòng yêu mến như thế, hoặc đang làm các việc bác ái để tìm tiếng khen hay chỉ mong được thưởng công sau này (x. Mt 6,1-6). Vậy trong những ngày Mùa Vọng này, mỗi người chúng ta cần thực hành các việc đạo đức với tâm tình nào để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến?

4. THẢO LUẬN: Noi gương Đức Giê-su cứu thế bằng con đường vâng phục, yêu thương và khiêm tốn phục vụ (x. Mt 11,5), trong những ngày này bạn sẽ làm gì để nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su trước mặt anh em lương dân ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay chúng con rất khâm phục thánh Gio-an, vị tiền hô của Chúa khi ngài can đảm đứng ra nói lên sự thật, dù bị Hê-rô-đê thù ghét và sau đó ngài đã anh dũng chết để làm chứng cho sự thật ấy. Xin đừng để chúng con bao giờ hèn nhát, vào hùa với kẻ mạnh để hiếp đáp những kẻ thân cô thế cô, giống như loài lau sậy ngả nghiêng theo chiều gió. Gio-an đã sống khổ hạnh, đi ngược lại trào lưu đam mê ích kỷ trong đền vua chúa. Xin cho chúng con biết tiết giảm mua sắm các vật dụng quần áo, để dành tiền chia sẻ cho những anh chị em nghèo khổ bất hạnh chung quanh chúng con. Gio-an đã trung thành với sứ mạng công bố Lời Chúa để giúp những kẻ gian ác bỏ đường tội lỗi trở về với Chúa, xin cho chúng con cũng biết chu toàn sứ mạng ngôn sứ khi dám lên tiếng bênh vực công lý, bất chấp những sự đe dọa trả thù và làm mọi việc lành với lòng mến Chúa để xứng đáng được Chúa vui nhận.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Thảo Lần Thứ IV do Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu Tổ Chức Tại Thái Lan
Nt. Maria Đỗ Thị Yến
03:42 11/12/2013
HỘI THẢO LẦN THỨ IV
do Văn Phòng Truyền Giáo
thuộc LIÊN HIỆP HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU
tổ chức tại Redemptorist Resort, Pattaya, Thái Lan
5 – 7 tháng 12 năm 2013

VƯỢT QUA CÁC BIÊN CƯƠNG
TÔNG ĐỒ KINH THÁNH ĐƯỢC ĐỔI MỚI CHO VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA


Cảm hứng: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)

1. Thành phần tham dự

Đến tham dự có 115 thành viên thuộc 21 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á, bao gồm: 3 Tổng Giám Mục, 3 Giám Mục, 28 Linh Mục, 11 nam nữ Tu Sĩ, và nhiều giáo dân.

Từ Việt Nam có Linh Mục Đa-minh Ngô Quang Tuyên, Linh Mục Đa-minh Đinh Quang Vinh đại diện Ủy Ban Truyền Giáo; và Nữ Tu Ma-ri-a Đỗ Thị Yến đại diện Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ và cũng đại diện Uỷ Ban Kinh Thánh.

2. Sinh hoạt

Cuộc Hội Thảo sinh hoạt trong 3 ngày, mỗi ngày bắt đầu với việc thực hiện LECTIO DIVINA (45 phút), mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều có 2 bài thuyết trình, và buổi tối có Biblio-drama.

3. Đề tài các bài thuyết trình

- Bài thuyết trình I: “Tôi mắc nợ tất cả các Dân Tộc” (Rm 1,14) do Đức Tổng Giám Mục Thomas Menamparampil
- Bài thuyết trình II: Huấn Luyện Kinh Thánh cho Giáo Dân cho việc Tân Phúc Âm Hóa do Đức Tổng Giám Mục John Ha
- Bài thuyết trình III: Truyền Bá Tin Mừng Đức Ki-tô qua việc Học Hỏi Kinh Thánh theo chương trình của Trung Quốc do Linh Mục John Mi Shen
- Bài thuyết trình IV: Thánh Phao-lô, Việc Tân Phúc Âm Hóa và Mục Vụ Kinh Thánh do Linh Mục Thomas Manjaly
- Bài thuyết trình V: Kinh Thánh và Văn Hóa: Những Thách Đố đối với việc Tông Đồ Kinh Thánh do Giáo Sư Kirti Buncha
- Bài thuyết trình VI: Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô) do Đức Giám Mục David Pablo Virgilio
- Bài thuyết trình VII: Tông Đồ Kinh Thánh và việc Tân Phúc Âm Hóa, 50 năm sau Công Đồng Va-ti-can II do Linh Mục Ludger Feldkaemper
- Bài thuyết trình VIII: Làm Xanh hơn nữa Giáo Hội Công Giáo Hôm Nay. Tu Đức Kinh Thánh trong Thời Đại Tân Phúc Âm Hóa do Lysander P. Rivera
- Bài thuyết trình IX: Sử Dụng các Phương Tiện Truyền Thông vào Việc Trình Bày Kinh Thánh: Những Thách Đố và những Thuận Lợi do Manoj Sunny
- Bài thuyết trình X: Học Hỏi từ Chân Phước GABRIEL về việc Tông Đồ Kinh Thánh do Cô Cecilia Chui
- Trình bày những viễn tượng và kế hoạch cho tương lai do đại diện các Quốc Gia

4. Học hỏi thực hiện việc Tân Phúc Âm Hóa

Để việc tân Phúc Âm Hóa đạt kết quả, chúng ta cần theo gương Đức Giê-su, Đấng đã đồng hành với Hai Môn Đệ đang trở về Em-mau. Người đã thực hiện một cuộc tân loan báo Tin Mừng thật thành công cho hai môn đệ yêu mến đang thất vọng sau biến cố tử nạn của Thầy Giê-su, vị Ngôn Sứ đầy uy thế trong lời nói và việc làm (x. Lc 24,19).

Chúng ta chú ý đến diễn tiến của cuộc “tân loan báo Tin Mừng” đó: Đức Giê-su phục sinh, Đấng đến như một vị Mê-si-a chưa được biết đến, như một người xa lạ giữa những lữ khách. Trước tiên, Người tiến gần, rồi bước bên cạnh họ và đối thoại với họ và với sự đồng cảm, sau cùng Người kể lại cho họ cùng một câu chuyện mà họ đang thuật lại cho Người nhưng với một cách thức khác, đó là dưới ánh sáng của Kinh Thánh. Rồi Người trì hoãn hành trình của Người bằng cách ở lại với họ và bẻ bánh cùng họ. Làm như thế, Người đã dẫn họ vào một kinh nghiệm “mở mắt” giúp họ nhận ra Người. Cuối cùng, Người biến đi để Người có thể trở thành lửa trong họ, một ngọn lửa khiến họ lên đường trở lại Giê-ru-sa-lem, và sự sợ hãi thất vọng của họ biến thành sự can đảm và niềm vui.

Trình thuật Hai Môn Đệ làng Em-mau này dường như một văn bản ưa thích của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Người đã dùng bản văn này để khích lệ các Giám Mục Châu Mỹ La-tinh ở Bra-zin vào ngày 28-6-2013, trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Điều dường như đánh động Đức Thánh Cha nhất là bản văn cung cấp một mô hình cho việc Tân Phúc Âm Hóa. Người nhấn mạnh đặc điểm bí tích của công việc loan báo Tin Mừng, đó là nơi những người loan báo Tin Mừng phải có “Thiên Chúa, Đấng đến với...” (EG 136), một người loan báo Tin Mừng đến như một người xa lạ trên đường, cho phép quyền năng của Thiên Chúa được cảm nhận nơi những lữ khách đang mệt mỏi rã rời nhờ “những lời của con người”, những lời làm thắp lên ngọn lửa trong lòng họ. Đức Thánh Cha nói:

Ngày nay có nhiều người như hai môn đệ trên đường đi Em-mau... Đối diện với tình huống này, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta cần một Giáo Hội không sợ ra đi trong đêm tối. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng gặp gỡ họ trên hành trình của họ. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng đối thoại với những người môn đệ đó, những người đang rời Giê-ru-sa-lem lại phía sau, và đang bước đi một cách bâng quơ cô đơn, với sự thất vọng của họ, bị tỉnh ngộ bởi một Ki-tô giáo mà nay được coi là vô ích, một mảnh đất không sinh hoa kết quả...”

Nên chú ý rằng bản văn của Lu-ca nói: “Rồi Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh, bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ” (Lc 24,27). Không phải Đức Giê-su giải thích Sách Thánh , nhưng Người giải thích kinh nghiệm của họ trong Giê-ru-sa-lem về Đức Giê-su trong ánh sáng của Kinh Thánh. Đây là điều quan trọng mà chúng ta phải chú ý về cách thức chúng ta thực hiện việc loan báo Tin Mừng hôm nay. Chúng ta có khuynh hướng tập trung vào việc “giải thích Kinh Thánh”. Đó là điều tốt, có điều là chúng ta quá quan tâm đến việc phải đưa Kinh Thánh đến cho mọi người, và Kinh Thánh đó phải được giải thích bởi những chuyên viên hay những nhà thần học, những chuyên viên chú giải vì có một điều hiểu ngậm là sợ Kinh Thánh bị giải thích cách không chính xác. Cần chú ý rằng vị khách lạ trên đường Em-mau đã gợi hứng để hai môn đệ kể lại kinh nghiệm của họ về Đức Giê-su, nhờ đó vị khách lạ đó có thể nói cho họ tin mừng như một câu chuyện về ơn cứu độ “dưới ánh sáng Kinh Thánh”. Điều cần được giải thích không phải là Kinh Thánh, nhưng là chính những kinh nghiệm của họ. Và với những kinh nghiệm khác nhau trên toàn thế giới, làm sao để có thể có một sự giải thích cách đúng đắn?

Đối tượng chính yếu của việc tân Phúc Âm hóa là hiện diện ở đó với những lữ hành đang mệt mỏi và nản lòng, những người không thể tìm ra được ý nghĩa cho những kinh nghiệm sống thê thảm và vô lý của họ hầu có thể dạy họ kể lại câu chuyện đó của họ nhưng với một sự khác biệt. Mọi Ki-tô hữu đều có thể kể lại kinh nghiệm của họ. Sứ mạng của chúng ta là dạy cho họ tường thuật lại những câu chuyện về những kinh nghiệm thê lương trong cuộc sống của họ nhưng đưa những câu chuyện ấy thành những câu chuyện cứu độ bằng cách nhìn những kinh nghiệm của cuộc sống trong ánh sáng của câu chuyện về Đức Giê-su, câu chuyện của Thiên Chúa về ơn cứu độ.

Hy vọng là điều mà mọi người tìm kiếm giữa những cám dỗ đưa đến sự thất vọng. Hy vọng là điều cốt lõi của việc loan báo Tin Mừng, đó là Tin Mừng được loan báo. Đây không phải là một sự thái quá về việc làm sao cho đạt được thật nhiều người trở lại với một tôn giáo. Dường như Đức Giê-su rất ít quan tâm đến việc trao ban một tín điều tôn giáo. Điều Người hết sức quan tâm là mang đến một Tin Mừng, và giải gỡ những tâm thần đang rũ rượi, trao ban cho con người điều gì đó tốt đẹp để sống và chết cho điều đó. Nếu đó là trọng tâm của việc loan báo Tin Mừng, thì chúng ta thấy lời của I-sai-a thật chính xác: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7).

Tân Phúc Âm hóa là giúp con người sống kinh nghiệm của họ với một cảm hứng căn bản là: làm sao tôi có thể làm cho cuộc sống có ý nghĩa? Đâu là ý nghĩa của tất cả những kinh nghiệm đó? Thiên Chúa nói điều gì với tôi/chúng tôi? Tôi/chúng tôi được mời gọi đáp trả Người như thế nào?

Kinh Thánh là để giúp chúng ta lắng nghe tiếng Thiên Chúa nói với chúng ta qua những kinh nghiệm của kiếp người. Kinh Thánh như một sự trợ giúp để làm giảm đi những sự điếc lác đối với tiếng nói của Thiên Chúa, đối với những sứ điệp Người trao ban.

 
Đức Thánh Cha: Nạn đói trên thế giới ngày nay là tai tiếng trầm trọng nhất của nhân loại
Đặng Tự Do
05:19 11/12/2013
Trong buổi triều yết chung sáng thứ Tư 11 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng chống lại tai ương của nạn đói trên thế giới. Ngài nói rằng đó là “vụ tai tiếng” trầm trọng vì trước tình cảnh hàng triệu người bị đói, thế giới vẫn thờ ơ, và những hình thê thảm này không thúc đẩy được con người trên thế giới ra tay hành động, cụ thể từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, các tổ chức, các chính phủ, cần phải hành động để loại bỏ sự bất công này.

Đức Thánh Cha đã đề cập đến chiến dịch gần đây của Caritas Quốc tế với chủ đề "Một gia đình nhân loại, và thực phẩm cho mọi người", để chấm dứt nạn đói và việc phung phí thực phẩm.

Khi chiến dịch này được Caritas đề ra, Đức Thánh Cha đã ngay lập tức hỗ trợ chiến dịch với một video đã được Tòa Thánh đưa ra trong tuần này, trong đó ngài lưu ý rằng gần một tỷ người vẫn bị đói trên toàn thế giới ngày hôm nay, và nói: "Chúng ta không thể nhìn hướng khác và giả vờ như chuyện này không hề tồn tại.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nhấn mạnh rằng bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta con đường: đó là tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và chia sẻ lương thực hàng ngày của chúng ta đồng thời không lãng phí thực phẩm.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm ngài khích lệ Caritas thực hiện sáng kiến này, và mời mọi người tham gia trong “làn sóng liên đới” này.

Tiếp tục bài giáo lý hàng tuần về Kinh Tin Kính, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu hiện diện rằng chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về những điều mình đã làm và những điều mình lẽ ra phải làm nhưng đã không làm trong cuộc sống này.

Ngài nói thêm rằng Giáo Hội mời gọi chúng ta suy tư về phán quyết chung thẩm này với hy vọng vui tươi vì Chúa Giêsu sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta. Tuy nhiên, ngài lưu ý rằng "Phán xét của Thiên Chúa diễn ra trong cuộc sống của chúng tôi mỗi ngày, đối với cách thức chúng ta đáp lại những lời giảng dạy của Chúa Kitô và bắt chước ngài trong việc phục vụ anh chị em của chúng ta"
 
Huấn từ của Đức Thánh Cha ngày 11/12/2013
Bùi Hữu Thư
10:32 11/12/2013
Chúng ta sẽ không cô đơn vào ngày phán xét cuối cùng

Vatican, 11 December 2013 (VIS) – Đức Thánh Cha dành bài giáo lý cuối cùng về Đức Tin cho câu cuối cùng của Kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” và chú trọng đặc biệt về ngày phán xét cuối cùng.

“Khi chúng ta nghĩ về ngày Chúa Kitô trở lại và sự phán xét cuối cùng của Người, chúng ta sẽ thấy được bầy tỏ về hậu quả cuối cùng, của những việc lành mỗi người đã làm hay không làm trong cuộc đời trần thế; chúng ta sẽ ý thức rằng mình đang đứng trước một mầu nhiệm làm cho chúng ta phải kinh ngạc, vì chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Một mầu nhiệm gần như tự động gợi lên trong chúng ta một sự sợ hãi, và có lẽ còn hồi hộp nữa. Tuy nhiên, nếu chúng ta suy niệm kỹ càng hơn về sự kiện này, thì thấy là sẽ làm mở rộng trái tim của mỗi Kitô hữu và đem lại một lý do vững mạnh để an ủi và trông cậy”.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng “về phương diện này, chứng tá của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi rất thích thú, vì các phụng tự và kinh nguyện của họ thường được kèm theo lời hô 'Maranatha', một lời hô được kết tạo bởi hai chữ Aramaic có thể được hiểu hoặc là ‘Lạy Chúa, Xin hãy đến!”, hay một niềm tin vững mạnh được nuôi dưỡng bởi đức tin là: ‘Vâng, Chúa đang đến, Chúa đang đến gần’. Đây là lời hô trong đó tất cả sự mạc khải của Kitô hữu đạt tới cao điểm, vào phút cuối của cuộc chiêm niệm tuyệt vời được bầy tỏ trong hình ảnh của cuộc Cánh Chung của Thánh Gioan… trong đó Giáo Hội, là hiền thê, nhân danh toàn thể nhân loại, quay về với Chúa Kitô, là lang quân, trong niềm hy vọng được Người giang tay ôm lấy, với đầy sức sống và tình yêu. Nếu chúng ta nghĩ về cuộc phán xét theo cách này thì mọi hãi sợ và ngần ngại sẽ thay thế bằng sự hết lòng mong chờ và hân hoan. Sẽ là lúc chúng ta sẽ được phán xét như là lúc cuối cùng được khoác lấy sự vinh quang của Chúa Kitô”.

Một lý do thứ hai để trông cậy là “ý thức rằng vào lúc phán xét cuối cùng, chúng ta không bị bỏ rơi một mình … Thật vui sướng biết bao khi biết rằng, vào lúc đó, chúng ta có thể trông cậy nơi Chúa Kitô, đấng bảo trợ chúng ta trước Chúa Cha, và với sự cầu bầu và lòng hảo tâm của rất nhiều anh chị em đã đi trước chúng ta trên con đường đức tin… và đang tiếp tục yêu thương chúng ta vô cùng! Các thánh đang sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, trong sự vinh quang huy hoàng của Người, đang cầu nguyện cho chúng ta, cho những ai hãy còn sống trên trần thế”.

Một yếu tố thứ ba được thấy trong Phúc Âm Thánh Gioan, khi ngài viết là “Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ con của Người mà được cứu độ". “Điều này có nghĩa là, cuộc phán xét đã đang được thực hiện, trong suốt cuộc sống chúng ta. Phán xét này đã được tuyến bố trong mọi giờ phút trong cuộc đời chúng ta, như được phản ảnh trong sự chấp nhận của chúng ta vào niềm tin vào sự cứu chuộc, hiện tại và qua công trình của Chúa Kitô, hay là qua sự nghi ngờ và hậu quả là tính vị kỷ của chúng ta. Cứu chuộc có nghĩa là mở lòng cho Chúa Giêsu. Nếu chúng ta là kẻ tội lỗi, Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, nhưng chúng ta phải mở lòng cho tình yêu Chúa Giêsu, một tình yêu to tát hơn tất cả mọi sự; và mở lòng ra có nghĩa là phải thống hối”.

Đức Thánh Cha kết luận “Chúa Giêsu tự hiến mình, và tiếp tục hiến mình cho chúng ta, để ban cho chúng ta tràn đầy ân sủng và lòng xót thương của Chúa Cha. Chúng ta có thể bằng cách nào đó trở nên chính quan tòa của chúng ta, kết án chúng ta không được hiệp thông với Thiên Chúa và anh chị em chúng ta… vì thế, chúng ta hãy không bao giờ nản lòng không canh chừng mọi tư tưởng và thái độ của chúng ta, để ngay bây giờ chúng ta có thể được nếm sự ấm áp và huy hoàng của gương mặt Thiên Chúa, mà trong đời sống vĩnh cửu chúng ta có thể chiêm ngắm hoàn toàn”.
 
Báo Time chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ''Người của Năm'' 2013
Nguyễn Long Thao
12:16 11/12/2013
ĐTC Phanxicô được chọn làm nhân vật năm 2013 của tuần báo Time

Time là tuần báo uy tính hàng đầu trên thế giới, trong ngày hôm nay, Thứ Tư 11 tháng 12, đã bình chọn Đức Thánh Cha Phanxicô là nhân vật năm 2013. Đây là truyền thống của báo Time có từ năm 1927 và mỗi năm họ chọn một nhân vật, hay một phong trào làm người của năm đó

Việc bình chọn nhân vật nào trong năm không dựa theo tiêu chuẩn vị đó là người tốt hay xấu, mà phải được báo chí thế giới nói nhiều đến trong năm

Một nhân vật nào đưọc Time tuyển chọn, ban biên tập sẽ dành một bài báo đặc biệt nói vị đó.

Trong bài viết về ĐTC Phanxicô trong tuần này, báo Time nhấn mạnh đến khía cạnh ĐTC đặc biệt chú ý đến người nghèo, sống đơn sơ khiêm tốn, và nhất là ảnh hưởng của ĐTC đã làm bừng lên sức sống của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ nhất là tại các nước Ây Mỹ.

Giới báo chí thế giới đã đặt cho ĐTC Phanxicô những danh hiệu như “ Giáo Hoàng Của Người Nghèo”;” Giáo Hoàng Của Quần Chúng”. Những tin tức Đức Thánh Cha tỏ lòng thương yêu người nghèo, bệnh tật, gần gũi với mọi người đều được các hãng thông tấn quốc tế loan truyền cách rộng rãi.

Nguyễn Long Thao
 
Tạp chí TIME bình chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm ''Nhân Vật của Năm''
Lm Paul Phạm Văn Tuấn
12:16 11/12/2013
Tạp chí TIME bình chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm "Nhân Vật của Năm"

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được tạp chí TIME của Mỹ bình chọn làm "Nhân Vật của Năm" - "Person of the Year" vào thứ tư. "Một người đầu tiên ngoài Âu Châu từ 1.200 năm nay làm Giáo Hoàng đang có sức mạnh để thay đổi thế giới," tạp chí này giải thích sự quyết định của mình.

Tạp chí TIME ca ngợi "Superstar - siêu sao vượt ra ngoài tuổi 70" là "Đức Giáo Hoàng của công chúng" và là người có quyền lực để cải cách Giáo Hội.

"Đức Giáo Hoàng lấy tên của một vị Thánh khiêm tốn là Phanxicô thành Assisi và muốn có một Giáo Hội cứu rỗi," tạp chí TIME cho biết vào thứ tư. Trong danh sách ngắn để chọn cho danh hiệu "Nhân Vật của Năm", ngoài Jorge Mario Bergoglio (tên của ĐGH) còn có nhân viên cũ của tình báo Mỹ đang đào tẩu Edward Snowden, nhà hoạt động 83 tuổi cho quyền đồng tính Edith Windsor, danh ca nhạc Pop của Mỹ Miley Cyrus…

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ mừng sinh nhật thứ 77 vào ngày 17.12.2013 là người đang có ảnh hưởng nhất toàn cầu về phương diện báo chí được tính từ thời gian 12 tháng qua. Cách sống của Ngài đang làm cho nhiều người trở về với Giáo Hội. Báo TIME nhận định: "Chỉ trong vài tháng ĐGH Phanxicô đã đưa sự phục vụ của Giáo Hội trên con đường thành công." Tất cả mọi nơi khi đi thăm người tỵ nạn, rửa chân cho tù nhân, đến tận khu ổ chuột, ôm người tật nguyền, đón nhận trẻ em… thì những ai đã gặp Ngài đều nhận ra được tình thương sâu thẳm từ trái tim nồng ấm của Giáo Hoàng. Qua truyền thông hàng triệu trái tim theo dõi và cảm nhận ra những cử chỉ nhân từ của người mục tử áo trắng này, kể cả người Công Giáo lẫn người khác tôn giáo.

Từ ngày 13.3.2013 - chỉ trong vòng 9 tháng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở thành các đề tài toàn cầu nóng bỏng về sự giàu có và nghèo đói, công lý và hòa bình, và từ bỏ sự cám dỗ của quyền lực…

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố Tông Thư "Niềm Vui Phúc Âm" (Evangelii Gaudium) vào cuối tháng 11 như là một chương trình hoạt động của mình cho Giáo Hội trong thế kỷ XXI và cùng lúc Ngài khởi công cải tổ lại giáo triều Vatican. Nhiều người hy vọng cho những cải cách quan trọng của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo.

Phát ngôn viên của Tòa Thánh Vatican, cha Federico Lombardi hoan nghênh quyết định của TIME và cũng bày tỏ sự hài lòng về sự chú ý lớn cho Đức Giáo Hoàng, nhưng không là điều ngạc nhiên đặc biệt. "Đây là một dấu hiệu tích cực vì đó là một trong những giải thưởng uy tín nhất về lĩnh vực báo chí quốc tế, bao gồm về các giá trị tâm linh, tôn giáo và đạo đức trên thế giới cũng như tạo hiệu quả cho hòa bình và công lý", cha Federico Lombardi nói thêm.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải là người muốn tự tìm kiếm sự nổi tiếng và thành công cho riêng mình nhưng là phục vụ "cho việc loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người," cha Lombardi nói. "Nếu điều này làm thu hút cả người nam lẫn nữ và tạo cho họ niềm hy vọng thì Đức Giáo Hoàng hài lòng. Nếu cuộc bình chọn Ngài làm "Nhân Vật của Năm" mà làm cho nhiều người hiểu được ý nghĩa nói trên thì Ngài chắc chắn vui mừng".

Từ năm 1927 Tạp chí TIME đã có truyền thống vào mỗi cuối năm tổ chức một cuộc bình chọn "Nhân Vật của Năm". Đây là dịp nói về những nhân vật đang có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong mười hai tháng qua. Như thế qua cuộc bình chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được trang trọng đăng trên trang bìa nhất của tạp chí TIME của số tới như trước đây họ đã đăng hình của Tống thống Mỹ Barack Obama.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ ba được tạp chí TIME của Mỹ bình chọn làm "Nhân Vật của Năm". Điều kỳ lạ trước đó đã có hai Giáo Hoàng được chọn đều đã được phong Chân Phước là ĐGH Gioan XXIII thành "Nhân Vật của Năm 1962" và ĐGH Gioan Phaolô II thành "Nhân Vật của Năm 1994". Đặc biệt được nhắc thêm, hai vị Chân Phước Giáo Hoàng này sẽ được phong Hiển Thánh vào ngày 27.4.2014 tới đây.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
 
Phản ứng trước việc Đức Thánh Cha Phanxicô là Nhân Vật Trong Năm cuả báo Time.
Trần Mạnh Trác
12:46 11/12/2013
Tạp chí Time vừa công bố Đức Giáo Hoàng Phanxicô là Người Của Năm 2013 và ca ngợi Ngài là một tiếng nói lương tâm mới cho toàn thể Thế Giới.

Bà Nancy Gibbs, chủ bút báo Time, công bố về sự bình chọn như sau:

" Dựa vào sự việc Ngài đã đưa chức vụ giáo hoàng ra khỏi chốn cung điện mà đi vào các đường phố, đã quyết tâm đưa một Giáo Hội lớn nhất thế giới đối diện với những nhu cầu sâu xa nhất cuả nhân loại và đã cân bằng giữa sự phán xét với lòng thương xót , Đức Thánh Cha Phanxicô là "Nhân Vật Trong Năm 2013 cuả báo Time."

Bà cho biết thật là rất hiếm khi có một nhân vật mới xuất hiện trên sân khấu thế giới mà đã có thể nhanh chóng nắm bắt rất nhiều sự chú ý như thế, từ những người " Trẻ và già , có lòng tin và cả những người hoài nghi "

"Ngài đã đặt mình vào ngay trung tâm của các vấn đề trọng yếu của thời đại : sự giàu có và nghèo đói , công bằng và công lý, tính minh bạch , sự hiện đại hoá, sự toàn cầu hóa , vai trò của phụ nữ , bản chất của hôn nhân , những cám dỗ của quyền lực ", bà Gibbs nói .

Phát ngôn viên Vatican là cha Federico Lombardi đã hoan nghênh sự bình chọn , không phải vì được thêm tiếng tăm nhưng bởi vì nó sẽ cung cấp cho người ta thêm hy vọng.

"Thật là một dấu hiệu tích cực khi mà một trong những cơ quan truyền thông có uy tín nhất quốc tế trao danh dự cho một người rao giảng các giá trị tinh thần, tôn giáo và đạo đức và đã lên tiếng một cách hiệu quả cho hòa bình và công lý nhiều hơn ", cha Lombardi nói .

"Nếu điều này thu hút người ta và đổ thêm hy vọng cho họ, thì Đức Thánh Cha cảm thấy hạnh phúc. "

Phản ứng về quyết định này, các tờ báo lớn ở Mỹ đã lập tức viết bình luận hoan nghênh:

-Nhiều tờ báo loan tin theo hãng thông tấn Reuters nhấn mạnh đến những chi tiết khác như đây là lần thứ 3 báo Time đã chọn một vị giáo hoàng làm nhân vật cuả năm, hai vị trước là Giáo Hoàng John XXIII (1963) vả Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (năm 1994). Họ cũng không quên nhấn mạnh đến phong cách giản dị cuả Ngài như không dùng xe sang trọng mà dùng một chiếc xe Renault 4 đã chạy được 300,000 km (186,000 miles).

Cũng nên nhắc lại rằng khi còn làm tổng giám mục ở Buenos Aires, Ngài đi xe búyt.

-Những tờ báo dựa theo tin AFP thì nhắc lại rằng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Công Giáo Mỹ hài lòng với vị giáo hoàng mới. Đây là một sự hài lòng cao nhất sau nhiều thập kỷ. ĐGH Phanxicô đang có điểm 'bình dân' cao bằng mức cao nhất cuả thời giáo hoàng Gioan Phaolô II.

92% có một cái nhìn tích cực với ĐGH Phanxicô và 95% hài lòng với Giaó Hội theo như kết quả thăm dò cuả Washington Post-ABC News poll.

-Tờ New York Daily News thì nhấn mạnh đến việc Ngài kết án sự "thần thánh hoá tiền bạc" và kêu gọi người Công Giáo có một cái nhìn thương xót hơn đến các vấn đề như phá thai, người đồng tính.

-Còn tờ Wall Street Journal thì nhắc lại đây là vị Giáo Hoàng thứ nhất từ châu Mỹ Latinh. Từ khi lên ngôi tới nay Ngài không ngừng kêu gọi Giáo Hội không nên quá câu nệ vào những "luật lệ nhỏ nhặt" mà nên chú trọng hơn đến lòng thương xót.
 
Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô: Phán Xét Chung
Phaolô Phạm Xuân Khôi
14:39 11/12/2013
“Phán Xét Chung đang xảy ra, nó bắt đầu ngay bây giờ trong giòng đời của chúng ta. Phán Xét này được công bố trong từng giây phút của cuộc sống, như được làm chứng bằng sự chấp nhận của chúng ta đối với đức tin cứu độ hiện diện và hoạt động trong Đức Kitô, hoặc sự cứng lòng tin của chúng ta, với hậu quả là việc đóng lại trong chính mình.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 11 tháng 12 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính nói về Phán Xét Chung.

* * *


Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay tôi sẽ bắt đầu loạt bài suy niêm cuối cùng về lời tuyên xưng đức tin chúng ta, bàn về xác quyết “Tôi tin sự sống đời sau.” Đặc biệt, tôi sẽ suy niệm về Phán Xét Chung. Nhưng chúng ta không cần phải sợ: chúng ta hãy nghe xem Lời Chúa nói gì. Chúng ta đọc trong Tin Mừng Thánh Matthêu: Khi ấy, Đức Kitô “sẽ đến trong vinh quang của Người, và tất cả các thiên sứ với Người,... Muôn dân sẽ tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách họ khỏi nhau, như mục tử tách chiên khỏi dê. Người sẽ cho chiên ở bên tay phải Người, còn dê ở bên tay trái... Và họ sẽ đi chịu án phạt đời đời, còn những người công chính thì vào hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25:31-33,46). Khi chúng ta nghĩ về ngày trở lại của Đức Kitô và cuộc Phán Xét Chung của Người, trong đó tỏ lộ ngay cả những hậu quả cuối cùng của các việc tốt mỗi người đã làm hoặc đã không làm trong cuộc đời dương thế của mình, chúng ta nhận thức rằng chúng ta đang phải đối diện với một mầu nhiệm quá sức cửa mình, mà chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng nổi. Một mầu nhiệm mà hầu như tự nhiên gợi lên trong chúng ta một cảm giác sợ hãi, và ngay cả lo âu. Tuy nhiên, nếu chúng ta suy nghĩ cẩn thận về thực tại này, nó chỉ có thể mở rộng trái tim của một Kitô hữu và là một động lực lớn lao cho sự an ủi và tin thác.

Về vấn đề này, chứng từ của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi vang lên rất xúc động. Thực ra, Họ thường kèm theo những buổi cử hành và những kinh nguyện của họ bằng lời tung hô Maranatha, một thành ngữ hợp bởi hai từ Aram, tùy theo cách chúng được phát âm, có thể được hiểu như một lời cầu xin: “Lạy Chúa, xin hãy đến”, hoặc là một sự chắc chắn nuôi dưỡng bởi đức tin: “Vâng, lạy Chúa, Chúa đã gần.” Đây là tiếng kêu ở tột đỉnh của toàn thể Mặc Khải Kitô giáo, ở cuối chiêm ngắm tuyệt vời được ban cho chúng ta trong sách Khải huyền của Thánh Gioan (x. Kh 22:20). Trong trường hợp ấy, chính Hội Thánh, là nàng dâu, thay mặt cho toàn thể nhân loại và như hoa quả đầu mùa của nó, quay về phía Đức Kitô, Phu Quân của nàng, không mong gì hơn là có được vòng tay ôm ấp của Người, vòng tay của Chúa Giêsu, Đấng là sự viên mãn của cuộc đời và sự viên mãn của tình yêu. Như thế, Chúa Giêsu cũng ôm ấp chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ về Phán Xét theo quan điểm này, thì mọi sợ hãi và ngần ngại sẽ tan biến cùng nhường chỗ cho hy vọng và một niềm vui sâu xa. Nó sẽ là thời điểm mà trong đó chúng ta sẽ cuối cùng được phán xét và sẵn sàng được mặc trong vinh quang của Đức Kitô, như áo cưới, và được dẫn vào bữa tiệc, một hình ảnh của sự hiệp thông trọn vẹn và dứt khoát với Thiên Chúa.

Lý do thứ hai cho sự tin tưởng được cung cấp bởi sự chắc chắn rằng trong lúc Phán Xét chúng ta sẽ không bị bỏ một mình. Trong Tin Mừng Matthêu, Chính Chúa Giêsu đã loan báo trước rằng đến ngày tận thế, những ai đã đi theo Người sẽ ngồi với Người trong vinh quang để cùng phán xét với Người (x. Mt 19:28). Sau đó, Thánh Tông Đồ Phaolô xac quyết khi viết cho cộng đồng Côrinthô,: “Anh em không biết rằng các thánh sẽ xét xử thế gian sao? Mà nếu thế gian sẽ bị xét xử bởi anh em, thì anh em lại lại không xứng đáng để xét xử những vụ tầm thường sao?” (1 Cor 6:2-3 ). Tốt biết bao khi biết rằng trong giờ quyết định ấy, ngoài Đức Kitô, Đấng bầu cử cho của chúng ta, Đấng Bầu Cử cùng Chúa Cha của chúng ta (x. 1 Ga 2:1), chúng ta còn có thể trông cậy vào sự cầu bầu và lòng tốt của rất nhiều anh chị em của chúng ta, là những người lớn hơn đã đi trước chúng ta trong cuộc hành trình đức tin, những người đã hiến cuộc đời của họ cho chúng ta và tiếp tục yêu chúng ta khôn xiết! Các thánh đang sống trước nhan Thiên Chúa, trong sự huy hoàng của vinh quang Ngài đang cầu bầu cho chúng ta là những người vẫn còn sống trên trần gian. Sự chắc chắn này an ủi tâm hồn chúng ta biết bao! Hội Thánh thực sự là một người Mẹ, và như một người Mẹ, Hội Thánh tìm kiếm sự tốt lành cho con mình, đặc biệt là những đứa con ở xa và khốn khổ nhất, ngõ hầu chúng tìm thấy sự viên mãn của chúng trong thân thể hiển vinh của Đức Kitô với tất cả các phần tử của nó.

Một đề nghị khác được cung cấp cho chúng ta trong Tin Mừng Thánh Gioan, trong đó khẳng định rằng “Thiên Chúa đã không sai Con của Ngài đến thế gian để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu độ. Ai tin vào Người thì không bị lên án, nhưng kẻ không tin thì đã bị lên án rồi, bởi đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:17-18 ). Như thế, điều này có nghĩa là Phán Xét Chung đang xảy ra, nó bắt đầu ngay bây giờ trong giòng đời của chúng ta. Phán Xét này được công bố trong từng giây phút của cuộc sống, như được làm chứng bằng sự chấp nhận của chúng ta đối với đức tin cứu độ hiện diện và hoạt động trong Đức Kitô, hoặc sự cứng lòng tin của chúng ta, với hậu quả là việc đóng lại trong chính mình. Nhưng nếu chúng ta đóng cửa lòng mình đối với tình yêu của Chúa Giêsu, thì chúng ta chính là kẻ tự lên án mình. Ơn cứu rỗi là mở lòng ra với Chúa Giêsu, và Người sẽ cứu chúng ta; nếu chúng ta là những tội nhân - và tất cả chúng ta là tội nhân - cầu xin Người tha thứ và nếu chúng ta đến với Người với ước muốn được trở nên tốt, Chúa tha thứ cho chúng ta. Nhưng để có được điều này chúng ta phải mở lòng mình ra cho tình yêu của Chúa Giêsu, là tình yêu mạnh hơn tất cả những điều khác. Tình yêu của Chúa Giêsu rất cao cả, tình yêu của Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, tình yêu của Chúa Giêsu tha thứ; nhưng chúng ta phải mở lòng ra và mở lòng nghĩa là phải ăn năn hoán cải, tự kết án mình vì những gì không tốt mình đã làm. Chúa Giêsu đã ban cho và tiếp tục ban chính Mình Người cho chúng ta, để đổ đầy chúng ta với tất cả lòng thương xót và ân sủng của Chúa Cha. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể trở thành những thẩm phán của chính mình, qua việc tự lên án cho mình bị khai trừ khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Cho nên, đừng mệt mỏi để canh chừng những suy nghĩ và thái độ của mình, để ngay cả bây giờ chúng ta có thể nếm trước sự ấm áp và vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa - và điều này sẽ rất xinh đẹp - là sẽ được chiêm ngưỡng Ngài trong tất cả sự viên mãn ở cuộc sống đời đời. Tiếp theo, hãy nhớ điều này là cuộc Phán Xét bắt đầu bây giờ, nó đã bắt đầu. Sau đó, phải chắc chắn rằng tâm hồn của mình mở ra cho Chúa Giêsu và ơn cứu độ của Người; hãy tiến về phía trước mà không sợ hãi, bởi vì tình yêu của Chúa Giêsu lớn nhất và nếu chúng ta cầu xin ơn tha thứ tội lỗi của mình, Người tha thứ cho chúng ta. Chúa Giêsu là như thế. Như vậy, hãy tiến bước với sự chắc chắn này, là điều sẽ đưa chúng ta đến vinh quang Thiên Đàng!

http://giaoly.org/vn
 
Con thuyền truyền giáo trên sông Amazon-Brazil
Lm. Lê Hồng Mạnh, SVD
22:10 11/12/2013
'Tính tính tính, tình tang tang tang, cuộc đời mình như chiếc thuyền nang, trôi nó trôi bồng bềnh,...trôi đến Tokyo, ..xách cái dù...mặc áo kimônô...."

Cuộc đời; lênh đênh, mong manh trên con thuyền truyền giáo đã đưa tôi đến Nam Mỹ, vùng Sông Nước Amazon-Brazil- thành phố Humaitá.

Tháng Mười Hai, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, là cuối mùa hè, nắng gắt, bà con nông dân đang đón chào mùa mưa để gieo trồng. Hơn hai mươi năm ở Suối Nghệ-Bà Rịa, tưởng chừng đã quen với cái nắng, nóng mùa hè, nhưng cái nắng nhiệt đới Brazil, trên dòng sông thơ mộng Amazon sao mà khó ...thương qúa...làm tôi nhớ đến bài hát "Nắng chang chang đốt cháy da người..."

Trên chiếc canoe nhỏ bé, xa xa xuất hiện một vài căn nhà gỗ, nhà lá hiu quạnh giữa rừng. Rồi giữa dòng sông rộng lớn xuất hiện những người đánh cá, - một người cha, một người con chừng mười tuổi trên chiếc canoe đang thả lưới. Thả lưới để bắt cá, hay thả lưới để nuôi sống những con người, những gia đình đang tồn tại, sống xót giữa 'thiên đàng Amazon' ?- những người này đã sống bên dòng sông, giữa rừng rậm Amazon bao nhiêu năm rồi nhỉ ? 100 năm, 1000 năm hay trước khi Chúa Giêsu sinh ra ? "Nghe lời Thầy chúng con ra khơi, sóng bập bền chúng con tung lưới..." Bên biển hồ Galileia nắng gắt, Thánh Phêrô đã bỏ tất cả và theo Chúa Giêsu để đánh cá người (Mc1,18).

Rồi hơn một trăm năm về trước, các nhà đô hộ Bồ-đào-nha khám phá ra 'vàng nhựa' của cây cao xu. Bà con,đồng bào miền bắc, bỏ gia đình, làng xóm kéo nhau về miền 'đất hứa' Amazon.

'đi một ngày đàng, học một tràng khôn' nếu như trên đường có sự bảo vệ của chính quyền, có sự che chở của bà con, nhưng tiếc thay chính phủ chỉ biết làm lợi cho mình, phục vụ cho đảng nên phần lớn người dân chất phác phải bỏ mạng giữ rừng sâu, nước độc...Cho đến bây giờ, sau việc buôn bán vũ khí, thuốc phiện, buôn thân, bán người đứng hàng thứ ba trên thế giới.

Lời kêu mời của Chúa Giêsu ở Galileia vẫn như tiếng chuông vang vọng trên sông Amazon, trên toàn địa cầu và trên quê hương Việt-Nam yêu dấu-"đừng im tiếng mà hãy lên tiếng".

Ngôi Lời đã làm người và tiếp tục lên tiếng cho những ai không được lên tiếng.

Mừng Chúa Giáng Sinh đến tất cả mọi người.

 
Báo Time: Đức Phanxicô, Vị Giáo Hoàng của Dân
Vũ Văn An
23:35 11/12/2013
Khi chọn Đức Phanxicô làm người của năm 2013, Báo Time, qua hai ký giả Howard Chua-Eoan và Elizabeth Dias , đã vắn tắt mô tả ngài như sau: “Ngài lấy tên của một vị thánh khiêm nhường và rồi kêu gọi một Giáo Hội hàn gắn. Vị giáo hoàng không phải người Âu Châu đầu tiên trong 1,200 năm sẵn sàng biến đổi một nơi vốn đo lường thay đổi bằng hàng thế kỷ”.

Hành Lang C

Đây là tên một con phố lầy lội ở ngoại ô Buenos Aires dẫn tới một khu ổ chuột, nơi hoạt động thường xuyên của các băng đảng ma túy, với những chữ như asesino (sát nhân) nguệch ngoạc trên tường. Chó mèo lang thang kiếm ăn bên dưới những chiếc xe hơi vứt bỏ. Trẻ em nô dỡn không cần lưu ý tới lưu thông, vì chả có chiếc xe nào dám tăng tốc độ ở con đường lồi lõm lầy lội này. Chỉ có điều Hành Lang C vẫn có thể dẫn tới Rôma.

Bởi lúc còn là Hồng Y và tổng giám mục Buenos Aires, một thành phố với 13.5 triệu linh hồn, Jorge Mario Bergoglio hàng năm vẫn dành thì giờ hiếm hoi của mình tới thăm mục vụ khu này. Ngài thường cuốc bộ tới trạm xe lửa ngầm gần Nhà Thờ Chánh Tòa nhất, ngôi chánh tòa với những hàng cột và chiếc tháp vòm cân xứng với trung tâm quyền lực Á Căn Đình. Đi một mình, ngài thường đổi qua chiếc xe điện nguệch ngoạc hình vẽ để tới Mariano Acosta, tới một nơi xe lửa ngầm không thể tới. Ngài hoàn tất cuộc hành trình bằng chân, nặng nề lê bước trong đôi giầy đen chỉnh hình cồng kềnh dọc theo Hành Lang C. Vào những ngày khác, ngài tới thăm các khu ổ chuột khác khắp trong thành phố - biết bao khu vực thiếu thốn biết bao điều, nhưng chẳng có khu vực nào quá nghèo và quá dơ bẩn đối với một cuộc viếng thăm của ông hoàng lang thang này của Giáo Hội. Reza por mí, ngài xin mọi người ngài gặp như thế, xin cầu cho tôi.

Ngày 13 tháng Ba, khi Bergoglio thừa hưởng ngôi tòa Phêrô, người giữ chìa khóa nước trời, ngài cũng đã xin thế giới như vậy. Xin cầu cho tôi. Lá thư từ nhiệm của ngài, một đòi hỏi đối với mọi giám mục từ 75 tuổi trở lên, đã nằm sẵn tại Vatican, chờ được chấp thuận. Bạn bè ở Á Căn Đình đã thấy ngài có phần giảm tốc, như một người mất sức. Nhưng bỗng chốc, ngài trở thành một con người mới, tự gọi mình là Phanxicô, theo tên vị thánh khiêm nhường tại Assisi. Trong tư cách giáo hoàng, ngài bỗng trở thành nguyên thủ của Thị Quốc Vatican và đứng đầu một định chế quá đông đúc (đông không khác Trung Quốc), quá đóng khung trong trật tự, quá rối mù về hành chánh, quá bao la trong hoạt động bác ái, quá è cổ vì tai tiếng, quá nhiều phân cực (polarising) đối với những ai nghiên cứu giáo huấn của nó, quá mầu nhiệm đối với những người không mầu nhiệm, đến nỗi khoảng cách giữa ngài và các khốn cùng hàng ngày của người nghèo thế giới xem ra khó lòng có thể bắc cầu qua được. Cho tới lúc vị giáo hoàng thứ 266, trong đôi giầy cồng kềnh, bước vào trả tiền trọ khách sạn.

Biến ông già 70 thành siêu sao

Ngôi giáo hoàng là một điều mầu nhiệm và kỳ diệu: nó biến một ông già 70 thành một siêu sao trong khi hầu như không tiết lộ điều gì về chính con người của ngài. Nó còn gợi lên nhiều hy vọng ở mọi ngõ ngách trên thế giới, những niềm hy vọng chẳng bao giờ được nên trọn, đơn giản chỉ vì chúng quá trái ngược nhau. Những người duy truyền thống cao niên chỉ những mong một thánh lễ La Tinh. Người đàn bà trẻ tuổi đạo hạnh chỉ ước mong trở thành linh mục. Tất cả đều hy vọng. Ông đức ông đầy tham vọng ở Giáo Triều Rôma và ông phó tế truyền giảng Tin Mừng ở Phi Luật Tân xa xôi, tất cả đều hy vọng. Chẳng có ông giáo hoàng nào thoả mãn họ cùng một lúc được.

Nhưng điều biến vị giáo hoàng này thành quan trọng như thế chính là vận tốc trong việc ngài nắm bắt được óc tưởng tượng của hàng triệu người từng hết còn hy vọng chút nào nơi Giáo Hội nữa. Người ta mỏi mệt trước các thất bại vô tận của đạo đức tính dục, những tranh chấp nội bộ khôn nguôi giành quyền giành chức trong khi, nói theo kiểu Milton, “Đoàn chiên đói meo trông nhìn, mà không được một miếng”. Chỉ trong vòng vài tháng, Đức Phanxicô đã nâng sứ vụ hàn gắn của Giáo Hội, một Giáo Hội phục vụ và an ủi những con người bị thương tổn trong một thế giới quá khắc nghiệt, lên trên việc kiểm soát tín lý là việc được các vị tiền nhiệm gần đây coi trọng. Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI đều là các giáo sư thần học. Đức Phanxicô là một cựu coi nhà, một cựu an ninh hộp đêm, một cựu kỹ thuật viên hóa chất và một cựu thầy giáo văn chương.

Và phía đàng sau dáng dấp tự xóa bỏ mình, ngài là một người hành động khôn khéo. Ngài vận dụng một cách bậc thầy các khí cụ của thế kỷ 21 để thi hành chức vụ có từ thế kỷ thứ nhất của mình. Ngài được chụp hình đang rửa chân cho các nữ tù nhân, đứng tự chụp hình (selfies) với các du khách trẻ tới Vatican, ôm người dị hình trên khuôn mặt. Ngài được trích dẫn nói về các phụ nữ toan phá thai vì nghèo hay vì bị hiếp dâm: “Ai có thể không cảm động trước hoàn cảnh đau lòng như thế?” Nói về người đồng tính “nếu một người đồng tính có thiện chí và biết tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi là ai mà dám phê phán họ?” Với người Công Giáo ly dị và tái hôn, những người, theo luật, không được Rước Lễ, ngài nói rằng nghi thức chủ yếu này “không phải là phần thưởng cho những người hoàn thiện mà là món thuốc và của ăn mạnh mẽ cho những người yếu đuối”.

Qua việc cố ý và khéo léo nhắc lại các thời khắc trong thừa tác vụ của Chúa Giêu, như đã được kể trong các Tin Mừng, vị tân giáo hoàng này rất có thể đã tìm được lối thoát ra khỏi cuộc chiến tranh văn hóa của thế kỷ 20, từng làm cho Giáo Hội hấp hối tại phần lớn các nước Tây Âu và phải lui vào thế bào chữa suốt từ Dublin tới Los Angeles. Nhưng nghịch lý của ngôi giáo hoàng là: mỗi thành công của người mới đều bị đè nén bởi nhiều thành công rạng rỡ của các tiền nhiệm. Sức nặng của lịch sử, của tín lý và tín điều từng đan kết chặt chẽ với nhau hết thế kỷ này qua thế kỷ nọ, hết thiên tài này tới thiên tài khác, vừa là nguồn vừa là giới hạn đối với quyền lực giáo hoàng. Nó toả ra từ mọi bức tượng, mọi căn hầm và bản văn da thú vẽ tay ở Rôma, và ở các nhà thờ, các thư viện, các bệnh viện, các đại học và viện bảo tàng khắp thế giới. Một giáo hoàng chỉ có thể định được hướng đi của mình nếu hướng đi này phù hợp với những nẻo đường đã được lựa chọn.

Và do đó, Đức Phanxicô cho thấy dấu hiệu một thay đổi lớn lao trong khi vẫn đưa ra những câu trả lời tương tự như xưa cho các câu hỏi không thoải mái. Về vấn đề nữ linh mục: “Ta cần phải làm nhiều hơn nữa để khai triển một nền thần học sâu sắc về phụ nữ”. Điều này có nghĩa: không! Không đối với phá thai, vì sự sống cá thể bắt đầu từ lúc thụ thai. Không đối với hôn nhân đồng tính, vì mối liên kết nam nữ là do Thiên Chúa thiết lập. Ngài vốn nói: “giáo huấn của Giáo Hội… rất rõ, và tôi là con cái Giáo Hội, nhưng”, và tại đây, ngài thêm lời cầu nguyện cho chính ngài “không cần lúc nào cũng phải nói về các vấn đề này”.

Nếu lời cầu nguyện trên được đáp ứng, nếu cách nào đó, nhờ gương sáng sống động của mình, Đức Phanxicô có thể đem Giáo Hội vào mối tương quan mới với những người phê phán và bất đồng với Giáo Hội, nghĩa là chịu nhất trí bất đồng (agree to disagree) về các vấn đề đang chia rẽ nhưng sẵn sàng hợp tác trong sứ vụ khẩn cấp loan truyền lòng cảm thương, thì ngài đã đem lại một điều tốt chưa từng được ai nói tới. “Tranh luận ít đi, thực hiện nhiều hơn lên” rất có thể sẽ là khẩu hiệu hàn gắn của thời ta. Chúng ta có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Đức Phanxicô nói bằng gương sáng, Đừng cãi cọ nữa hãy xắn tay áo lên. Đừng để người hoàn hiện trở thành kẻ thù của người tốt, một điều quan trọng mà thế giới cần nghe, nhất là vì người nói câu này đang nắm giữ một chức vụ được coi là vô ngộ.

Một ngôi giáo hoàng đang thay đổi

Đức đương kim giáo hoàng là vị đầu tiên lấy tên Phanxicô, là tên vị thánh ở thế kỷ 13, từng rời bỏ gia đình giầu có đi sống với người nghèo. Phanxicô còn là vị thánh xây dựng hòa bình, vì ngài là nhà lãnh đạo Công Giáo đầu tiên qua tận Ai Cập để cố gắng chấm dứt các cuộc thập tự chinh. Vị thánh này đặt lòng thương xót làm nòng cốt cho đời mình.

Nguyên tên gọi cũng nói lên phần lớn nghị trình của Đức Phanxicô. Trong cuộc phỏng vấn của Cha Antonio Spadaro, chủ bút tờ Civiltà Cattolica, ngài thưa với cha rằng ngài coi “Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến”. Viễn kiến của ngài rõ ràng nặng về mục vụ, chứ không tín lý, chú trọng tới người nghèo, người tan nát và cô đơn về linh đạo. Ngài khai triển viễn kiến này hơn nữa trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Ngài viết: “tôi thích một Giáo Hội bị bầm tín, bị thương và lấm láp vì ở ngoài đường phố, chứ không phải một Giáo Hội không khỏe mạnh vì bị giam hãm và bám víu vào chính sự an toàn của mình”. Ngài nói rõ ngài không muốn nói xuông, ngài cần thay đổi thực sự.

Ngài hãm cái thói quen ban tước đức ông cho các linh mục như phương cách dẹp bỏ đầu óc ham hố nghề nghiệp, thay vào đó, kêu gọi họ đặt nặng mục vụ. Theo ngài, các ứng viên giám mục phải là “người hiền từ, nhẫn nại và thương người, được thúc đẩy bởi sự nghèo khó bên trong, bởi sự tự do của Chúa và bởi tính đơn sơ bề ngoài và cuộc sống khắc khổ”. Đối với Đức Phanxicô, nghèo khó không phải chỉ vì đức bác ái, mà còn vì đức công bằng nữa. Giáo Hội không nên phản ảnh Rôma, mà nên phản ảnh người nghèo.

Việc này giúp ta hiểu tại sao ngài đã biến chức Bố Thí (Almoner) của Vatican, trước đây vốn không ai biết tới, thành một cơ quan quan trọng và ủy thác cho một tổng giám mục là Konrad Krajewski, người Ba Lan, 50 tuổi, điều khiển với lời dặc dò “Đức Cha có thể bán bàn giấy đi, vì không cần tới nữa. Đức Cha cần ra ngoài Vatican. Đức Cha đừng chờ người ta tới bấm chuông. Đức Cha cần ra ngoài tìm kiếm người nghèo”. Đức TGM Krajewski đã phân phát nhiều món tiền nhỏ cho người túng thiếu trong đó có việc tặng 1,600 thẻ điện thoại để những người di dân bị chìm xuồng gọi về cho gia đình ở Eritrea. Hình thức giúp đỡ lặng lẽ này đã khiến có lời đồn chính đức Phanxicô cũng giả dạng linh mục thường để đích thân ra đường phố Rôma tìm kiếm giúp đỡ người nghèo. Việc này khiến Tòa Thánh đã phải đính chính.

Tờ Time, sau đó, đề cập tới cố gắng cải tổ Ngân Hàng Vatican của Đức Phanxicô qua việc thiết lập ủy ban điều tra nhưng sau đó, công việc được trao cho một công ty độc lập ở bên ngoài. Lần đầu tiên trong lịch sử 125, ngân hàng này vừa công bố phúc trình hàng năm của mình.

Tháng Tư, ngài thiết lập hội đồng 8 Hồng Y khắp thế giới. Hội đồng này sẽ họp nhiều lần mỗi năm để cùng ngài xem sét các vấn đề khó khăn trong Giáo Hội. Ngài cho biết “tôi không muốn các tham vấn cho có lệ, mà là các tham vấn thực sự”. Ngày 5 tháng 12 vừa qua, với đề nghị của hội đồng, một ủy ban đặc biệt về lạm dụng tình dục đã được thành lập, để nghiên cứu các phương cách tốt hơn nhằm bảo vệ trẻ em… Ủy ban sẽ không chú ý tới các thách thức về luật lệ mà chú trọng tới các vấn đề về tác phong hơn trong phạm vi lạm dụng tình dục này.

Phương cách Á Căn Đình

Trong bốn năm giữa lúc khám phá thấy mình có ơn gọi làm linh mục và lúc thực sự gia nhập chủng viện, Jorge Mario Bergoglio thú thực ngài “quan tâm tới chính trị nhưng chưa bao giờ đi quá việc tìm hiểu trí thức mà thôi”. Ngài nhận có và thích đọc các ấn phẩm của Đảng Cộng Sản nhưng cho biết chưa bao giờ là đảng viên cả. Nhiều nhà quan sát Á Căn Đình cho rằng quan tâm của ngài đối với người thiếu thốn phát sinh một phần từ kinh nghiệm của Á Căn Đình đối với chủ nghĩa Peron, một thứ pha trộn kỳ quặc giữa xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa từng diễn biến tại xứ sở này từ thập niên 1940 và được củng cố nhờ chính sách ve vãn giai cấp công nhân. Thứ ý thức hệ này tác động lên mọi chuyện ở Á Căn Đình, cả lúc đó lẫn bây giờ.

Các giới hạn đối với việc cải cách

Time cho rằng câu có thể định nghĩa được cả các hứa hẹn lẫn các giới hạn của triều đại Đức Phanxicô là câu “tôi là ai mà dám phê phán?”. Câu này là câu ngài trả lời hồi tháng Bẩy, khi được hỏi về người đồng tính luyến ái. Nhiều người cho rằng, với câu này, ngài đã thay đổi tín lý của Giáo Hội. Nhưng thực ra, ngài chỉ thay đổi cung giọng mà thôi, nhằm tìm ra con đường thực tiễn đưa tới việc gặp gỡ những người bị Giáo Hội hay đúng hơn bị sự nhấn mạnh thái quá của Giáo Hội đối với những điều được làm và những điều không được làm, bác bỏ. Qua kinh nghiệm mục vụ lâu năm với nhiều linh mục chánh xứ, ngài biết Giáo Hội hình như thoải mái trong các vấn đề hẹp hòi hơn là sự phức tạp của con người nhân bản và chính vì thế đã mất cả tín hữu lẫn khả tín tính của mình. Chính vì thế ngài khuyên mọi người suy nghĩ bao quát hơn: “Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai”.

Điều trên dường như không phải là một tiến bộ có ý nghĩa đối với Hoa Kỳ và các nước mở mang khác. Nhưng sự nhạy cảm của Đức Phanxicô đối với xu hướng đồng tính có một tác dụng khác nơi các quốc gia đang phát triển, vì tại đây việc kỳ thị đồng tính đã thành định chế hóa, khá phổ biến và bị ngăn cấm. Tương tự như thế, ngài cũng biết thế giới giầu có Tây Phương chú ý nhiều tới việc phong chức cho nữ giới. Nhưng theo ngài, tín lý Công Giáo không cho phép việc này. Tuy nhiên, trong tông huấn gần đây, ngài muốn giảm nhẹ tính trổi vượt của chức linh mục toàn nam giới, cho rằng việc họ độc quyền về bí tích không có nghĩa phái tính của họ là phái tính duy nhất được dành quyền trong Giáo Hội.

Điều trên không hẳn sẽ mang ngang quyền lại cho phụ nữ, nhưng tại những nơi số phận phụ nữ vẫn còn rất ảm đạm, thì viễn kiến này quả là một khích lệ lớn lao, vượt lên trên quan tâm phong chức cho phụ nữ. Khi một giám mục như Đức TGM Berhaneyesus Souraphiel của Addis Ababa nói tới phụ nữ trong Giáo Hội, ngài không nghĩ tới chuyện phong chức cho họ, mà nghĩ tới cuộc khủng hoảng tại các vùng hạ Sahara của Phi Châu, nơi họ vẫn còn phải chịu cảnh cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Cho nên ngài cố gắng vận động người Công Giáo mở một đại học dành cho phụ nữ để giải thoát họ khỏi cuộc khủng hoảng này. Ngài cho rằng lời tuyên bố của Đức Phanxicô là một tiến bộ lớn lao: “Lời ấy giúp ta nhiều lắm, vì ngài cho hay phụ nữ có một vai trò lớn lao trong Giáo Hội và trong xã hội”.

Time nhận định rằng tuy có đôi chút tiến bộ trong hai phạm vi đồng tính luyến ái và vai trò phụ nữ, nhưng phá thai thì tuyệt nhiên không. Đức Phanxicô nói rất rõ: “Đây không phải là việc để cải cách hay hiện đại hóa. Không phải là ‘chuyện tiến bộ’ khi cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách loại trừ sự sống nhân bản”. Dù thế đi nữa, giọng điệu thay đổi tín lý của Đức Phanxicô vẫn gây bất an cho những người bảo thủ trong Giáo Hội. Con số những người này khó có thể ước lượng nhưng không ai chối cãi sự hiện hữu của họ. Họ cho rằng ngài tiến quá nhanh ra khỏi phong cách truyền thống của Đức Bênêđíctô về phụng vụ, về việc cử nhiệm các giáo phẩm.

Nhiều người cũng lên tiếng phê phán việc ngài nhấn mạnh tới vai trò của giáo hoàng chỉ như một giám mục khác, dù là giám mục Rôma, chứ không phải Giáo Chủ Thượng Phẩm (Supreme Pontiff). Họ cho rằng điều này sẽ dẫn tới việc kết liễu ngôi vị giáo hoàng như thế giới đã biết đến cả hàng bao thế kỷ qua. Đầu tháng Mười vừa rồi, Mario Palmaro, một nhà đạo đức sinh học bảo thủ vốn làm việc cho Radio Maria dám đi xa đến nỗi là đồng tác giả một tiểu luận tựa là “Chúng Tôi Không Thích Vị Giáo Hoàng Này” (“We Do Not Like This Pope”). Tiểu luận này ngụ ý cho rằng Đức Phanxicô là một Ngụy Kitô vì ngài biết khôn khéo sử dụng truyền thông để phổ biến các tư tưởng không chính thống. Palmaro đặc biệt ngỡ ngàng trước cuộc phỏng vấn ngài dành cho chủ bút vô thần của nhật báo Ý La Republica, trong đó ngài được cho là đã nói “Tôi tin Thiên Chúa, không phải Thiên Chúa Công Giáo”. Đài phát thanh Maria đã sa thải Palmaro vì việc này. Nhưng qua tháng 11, khi Palmaro mắc chứng tê liệt, Đức Phanxicô đã điện thoại an ủi ông. Palmaro nói với các phóng viên “Tôi bị cú điện thoại gây xúc động đến nỗi chẳng nói năng được gì trong cuộc điện đàm. Ngài chỉ muốn cho tôi hay ngài cầu nguyện cho tôi”. Tuy nhiên, ông vẫn cho hay ông không thay đổi quan điểm của ông đối với chính sách của Đức Phanxicô.

Phần lớn các chỉ trích của giới bảo thủ cho rằng lời lẽ và cử chỉ của Đức Phanxicô không thể ăn nhập với di sản của các vị tiền nhiệm của ngài. Rõ ràng ý thức được điều này, nên Đức Phanxicô đã khôn khéo trích dẫn các trước tác của các vị tiền nhiệm để minh chứng sự liên tục. Là giáo hoàng đầu tiên được thụ phong linh mục sau Vatican II, ngài rất ca tụng các ý kiến của Đức Gioan XXIII, vị giáo hoàng đã triệu tập công đồng này. Nhưng quả là một trách vụ tế nhị khi Đức Phanxicô có một điều mà không vị giáo hoàng nào từ thế kỷ 15 có: đó là một vị tiền nhiệm còn sống. Dù sống hoàn toàn ẩn dật trong Vườn Vatican, Đức Bênêđíctô vẫn là điểm hội tụ có thể có cho tất cả những ai sợ rằng Đức Phanxicô quá nới lỏng sợi dây cương tín lý. Từ trước đến nay, hai Đức Phanxicô và Bênêđíctô khá ăn ý với nhau: cả hai vị ca tụng lẫn nhau và Đức Phanxicô đã hậu hĩnh trích dẫn vị tiền nhiệm trong tông huấn đầu tiên của mình. Dù gì, ngài cũng phải giữ Đức Bênêđíctô về phía mình, vì Đức Bênêđíctô là người cơ chế hóa các quan điểm bảo thủ của Đức Gioan Phaolô II, người được đa số người Công Giáo, nhất là phía hữu, coi là anh hùng.

Đức Phanxicô sẽ tiếp tục chính sách của cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Bênêđíctô về hoà dịu và liên hệ anh em với Do Thái Giáo. Ngài dự định qua thăm Israel vào tháng Năm tới. Nhưng với kinh nghiệm làm việc với người di dân Hồi Giáo tại Á Căn Đình, chắc chắn ngài sẽ mở rộng liên hệ tốt với Hồi Giáo hơn Đức Bênêđíctô, người có lần đã làm giới Hồi Giáo xôn xao vì bài diễn văn tại Regensburg. Ngài cũng tỏ ra mềm dẻo hơn với lòng đạo đức Thệ Phản, lòng đạo đức tin lành; ngài từng làm người Công Giáo ở Á Căn Đình ngỡ ngàng khi qùy gối nhận phép lành của các mục sư Thệ Phản tại một hội trường ở Buenos Aires.

Lúc còn ở quê nhà, vị giáo hoàng tương lai cũng đã nói rằng việc độc thân của giáo sĩ chỉ là một triển khai gần đây (khoảng năm 1000) và xem ra có thể thay đổi được. Và cũng tại Á Căn Đình, ngài từng tham dự đám tang của một cựu giám mục phản loạn, từng rời bỏ Giáo Hội để kết hôn. Trong đám tang này, ngài đã yên ủi quả phụ của giám mục phá giới. Ngài cũng có thiện cảm với những người tan vỡ hôn nhân: chính người em gái duy nhất còn sống sót tức María Elena Bergoglio cũng là một người ly dị. Ở Á Căn Đình, ngài làm việc gần gũi với những người Công Giáo ly dị và tái hôn, một số trong số này vẫn tiếp tục rước lễ. Là giáo hoàng, ngài đã cho triệu tập một Thượng Hội Đồng Đặc Biệt vào tháng 10 năm 2014 để thảo luận các thách thức mục vụ đối với các gia đình hiện đại, trong đó có vấn đề đạo đức tính dục, ly dị, sống chung và sinh sản.

Time có một dè dặt: Đức Phanxicô mới chỉ làm giáo hoàng chưa đầy một năm, nên ngôi vị giáo hoàng vẫn có thể thay đổi sau đó. Năm 1846, Đức Piô IX lên ngôi giáo hoàng với hy vọng lớn sẽ đem đạo Công Giáo tới chỗ tự do hơn, nhưng kết cục, đã trở thành quán quân của bảo thủ: tín điều vô ngộ và cực lực chống lại các thế lực thế tục.

Một ngày trong cuộc sống

Đức Phanxicô bắt đầu ngày sống của ngài bằng cầu nguyện. Ngài thức giấc lúc 5 giờ sáng và cầu nguyện cho tới 7 giờ trước khi cử hành Thánh Lễ buổi sáng tại nhà nguyện Nhà Thánh Marta. Sau Thánh Lễ, ngài cầu nguyện và cầu nguyện nữa trước khi ăn sáng. Rồi ngày làm việc bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Ngài đọc giấy tờ cho tới 10 giờ, rồi gặp các thư ký, các Hồng Y, giám mục, linh mục và giáo dân tới trưa, sau đó là ăn trưa và nửa giờ nghỉ trưa. Tiếp theo là 6 giờ làm việc, rồi ăn tối và cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngài thú nhận đôi khi ngủ gục vào lúc này, nhưng cho hay “ngủ gục trước nhan Chúa là điều tốt”. Ngài thường đi ngủ khoảng lúc 10 giờ.

Vào các Thứ Tư, ngài có buổi yết kiến chung khoảng giờ ăn trưa tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, với đông người tham dự. Vào một ngày tháng Mười Hai trời đẹp, đám đông đã lên tới 30,000 người. Đây là mùa của ánh sáng, nên ngài nói tới Phục Sinh. Hình như ngài bị cảm cúm; ngài cần tới chiếc khăn lau vẫn dấu trong tay áo. Nhưng tiếng ngài mạnh mẽ, dù có hơi cao hơn người ta mong chờ, và cũng có vẻ réo rắt (musical), giống giọng nói của người kể truyện, với hết ngữ cảnh và đặc điểm, khiến bạn lắng nghe.

Ngài có bản văn soạn sẵn trong tay, vì khi ngài kết thúc bài nói, các linh mục bèn nhắc lại bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Tuy nhiên, đôi khi bản văn rơi khỏi tay ngài, ngài cúi xuống, vừa nhìn đám đông vừa nói, hai tay trong không khí, giọng nói mạnh hơn bao giờ hết, thao thao “tự biên tự diễn”. Ngài bảo họ: Chúa Giêsu đã sống lại, và chúng ta một ngày kia cũng thế. Rồi sợ đám đông không nắm được hệ luận, ngài thúc giục họ: “tôi không nói láo đâu! Đúng như vậy đó! Anh chị em có tin Chúa Giêsu đang sống không?” Đám đông thưa lại “Có!”, và ngài hỏi lại “Há anh chị không tin sao?” Họ hô lên “Có”. Thế là ngài thuyết phục được họ. Họ trở thành một phần của sứ điệp. Ngài nói với họ rằng tình yêu của Chúa Kitô giống như người kia tìm được của qúy và chẳng còn muốn gì khác hơn là được chia sẻ nó. “Người đang chờ đợi chúng ta”. Đức Phanxicô nói thế. Và khi đến lúc sắp kết thúc bài nói chuyện, bản văn lại rơi mất lần nữa, ngài vẫn tiếp tục nói: “ý nghĩ này đem hy vọng lại cho ta! Ta đang trên đường tới Phục Sinh. Và đây là niềm vui của ta: một ngày kia được thấy Chúa Giêsu, được gặp Chúa Giêsu và mọi người với nhau, mọi người với nhau, không phải ở đây, ở công trường này, mà ở chỗ khác, nhưng rất hân hoan với Chúa Giêsu. Đó là cùng đích của chúng ta”.

Khi buổi yết kiến đã xong, ngài rời khỏi bục, tới chào các Hồng Y, rồi xuống gặp người bệnh và các khách qúy. Nhiều người tặng ngài đồ kỷ niệm hay một tặng phẩm nào đó: một tượng nhỏ Chúa Giêsu vui tươi trên một bàn thờ lụa vàng, một bức tranh về Chúa Kitô, một cuốn sách hình từ Áo. Một người đàn ông tự chụp hình với ngài; những người khác thì không nỡ rời tay ngài ra. Các nhân viên giữ trật tự và an ninh cố gắng giữ đường để ngài tiếp tục bước, nhưng ngài còn nhiều lời để nói, còn nhiều khách hành hương phải gặp và còn nhiều sứ vụ phải phát động trước khi ngày chấm dứt.


 
Top Stories
Inde: L’archevêque catholique de Delhi et des évêques chrétiens arrêtés par la police lors d’une manifestation en faveur des droits des dalits
Eglises d'Asie
10:42 11/12/2013
Mercredi 11 décembre, l’archevêque catholique de Delhi, plusieurs autres évêques chrétiens ainsi que des prêtres et des religieuses catholiques ont été arrêtés par la police tandis qu’ils prenaient part à une marche pacifique organisée à New Delhi en faveur de l’égalité des droits pour les dalits de religion chrétienne et musulmane. Relâchés après avoir été détenus plusieurs heures au poste de police de Parliament Street, les évêques ont vigoureusement protesté contre le traitement qui leur a été réservé.

Mgr Anil Couto, archevêque de Delhi, participait à une marche réunissant plusieurs milliers de dalits chrétiens et musulmans. Rassemblés à Jantar Mantar, un lieu traditionnellement utilisé dans la capitale indienne pour les grands rassemblements et manifestations, les manifestants demandaient l’abolition des dispositions constitutionnelles qui excluent les chrétiens et les musulmans des mesures de discrimination positive mises en place pour favoriser l’ascension sociale des basses castes et des dalits, les ex-intouchables ou hors castes (1). Lorsque les manifestants se sont dirigés vers le Parlement, la police est intervenue avec force, faisant usage de canons à eau et de cannes en rotin pour les disperser. Les évêques et les religieux, qui étaient aisément identifiables par les soutanes qu’ils portaient, ont été interpellés par la police, avant d’être relâchés quelques heures plus tard.

Lors de son interpellation, Mgr Couto a protesté en ces termes: « La loi [excluant les dalits chrétiens et musulmans de l’accès aux mesures de discrimination positive] est en elle-même inconstitutionnelle mais, gouvernement après gouvernement, [les dirigeants du pays] font mine de ne pas entendre la demande des chrétiens. Désormais, ils vont jusqu’à ne plus hésiter à s’en prendre à nos prêtres et à nos religieuses et ils nous arrêtent nous aussi. »

Outre Mgr Couto figuraient parmi les évêques arrêtés les évêques protestants Alwan Masih, de la CNI (Church of North India, anglican), Roger Gaikwad, presbytérien du Mizoram, et Vijayesh Lal, responsable de l’Evangelical Fellowship of India. Le catholique John Dayal, secrétaire général du Conseil chrétien pan indien, faisait aussi parti du lot. Les organisateurs de la manifestation ont décidé de porter plainte contre la police pour « usage abusif de la force publique ».

La manifestation de ce 11 décembre était co-organisée par la Conférence des évêques catholiques d’Inde (CBCI), le Conseil national des Eglises (chrétiennes) en Inde (NCCI), qui rassemble des Eglises orthodoxes et protestantes, et le Conseil national des dalits chrétiens (NCDC). Elle s’inscrit dans une revendication ancienne des Eglises chrétiennes ainsi que des musulmans indiens, et intervient alors que l’absence continue de réaction des autorités indiennes face aux demandes des dalits chrétiens et musulmans suscite chez ces derniers un mécontentement grandissant.

Les évêques et les manifestants demandaient à être reçus par le gouvernement et le Parlement pour exposer, une fois encore, leur revendication. Celle-ci porte sur l’égalité de traitement pour tous les dalits et autres personnes classées dans la catégorie des Scheduled Castes (2), quelle que soit leur appartenance religieuse.

Bien que la Constitution indienne promulguée en 1950 a interdit toute discrimination fondée sur la caste, le sexe, le lieu de naissance ou la religion, et qu’elle a aboli l’intouchabilité (le système des castes n’a en fait pas été officiellement supprimé mais seulement considéré comme ‘non-existant’), les dalits en Inde se heurtent toujours à une tradition tenace et à l’opposition farouche des tenants de l’hindutva, l’idéologie des nationalistes hindous. Pour ce qui concerne ceux des dalits qui ne sont pas de religion hindoue, une disposition spéciale, le « Presidential Order of 1950 », les a exclus de la politique de discrimination positive des Scheduled Castes (SC) par l’article 3 de la Constitution, au motif que le système des castes n’existait pas dans leurs religions respectives.

Soulignant le caractère anticonstitutionnel et contradictoire d’une loi autorisant l’exclusion d’une catégorie des dalits en fonction de leur religion tout en interdisant toute discrimination religieuse, les défenseurs de la cause des ex-intouchables n’ont eu de cesse d’obtenir la réintégration des dalits chrétiens et musulmans dans le système des Scheduled Castes. Depuis la reconnaissance du statut de SC aux bouddhistes en 1956 puis, plus récemment, aux sikhs en 1990, aucune raison objective ne s’oppose à l’intégration de l’ensemble des dalits, affirment-ils encore, et ce d’autant plus que ni le bouddhisme ni le sikhisme ne reconnaissent le système des castes.

Depuis des années, les responsables chrétiens multiplient les démarches pour voir remise en cause l’exclusion des chrétiens et des musulmans du système de discrimination positive. L’enjeu, pour les chrétiens, est de taille. On estime en effet à environ 70 % la proportion des dalits parmi les quelque 25 millions de chrétiens en Inde, un chiffre sous-évalué au regard du nombre de chrétiens dalits qui se déclarent officiellement hindous, craignant d’être persécutés ou de ne pas accéder au statut de Scheduled Castes (SC).

En 2010, une perspective s’est ouverte avec la publication de deux rapports. A la demande de la Cour suprême, la Commission nationale pour les minorités religieuses et linguistiques et la Commission nationale pour les Scheduled Castes ont en effet soumis au Parlement fédéral deux rapports demandant l’élargissement des mesures de discrimination positive aux dalits chrétiens et musulmans. C’était une première, mais les conclusions de ces rapports sont restées lettre morte.

Rares sont les responsables politiques à soutenir la revendication des dalits chrétiens et musulmans. Le Premier ministre de l’Etat du Tamil Nadu, Jayalalitha, le fait, estimant que « la question ne peut tolérer de nouveaux retards » et qu’elle doit « être portée devant le Parlement ». Mais ce sont principalement les responsables religieux qui élèvent la voix. En juillet 2011, alors qu’une grève de la faim avait été commencée par des dalits chrétiens et musulmans, Mgr Vincent Concessao, archevêque de Delhi – et prédécesseur de Mgr Couto – n’avait pas hésité à fustiger l’United Progressive Alliance (UPA), la coalition gouvernementale menée par le Parti du Congrès, l’accusant d’être l’obstacle principal à la finalisation du processus d’abolition définitive du système discriminatoire des castes. « Nous avons réalisé, déclarait-il aux jeûneurs, que seul le Parti du Congrès était responsable de ce blocage. Et l’Histoire a largement démontré que tous ceux qui refusaient de rendre justice, creusaient leur propre tombe. (...) Notre démarche est non violente, mais nous nous battrons jusqu’à ce que nous obtenions justice. » (eda/ra)

(1) Les dalits (littéralement « les écrasés ») sont exclus du système des castes en raison de l’impureté attachée traditionnellement à leur statut, faisant d’eux des ‘intouchables’. Malgré les différentes mesures prises en faveur d’une meilleure considération des dalits, ces derniers souffrent toujours d’une forte discrimination, sont souvent séparés dans les écoles, interdits d’entrée dans nombre de bâtiments publics, temples hindous et lieux d’incinération, et fréquemment interdits d’accès à l’eau potable.

(2) Les Scheduled Castes (SC) sont les catégories au sein desquelles les dalits peuvent bénéficier de certains avantages (quotas au sein de la fonction publique ou l’enseignement, possibilité de se présenter aux élections, etc.), dans le cadre d’une politique de discrimination positive. Selon le recensement de 2001, les SC représentent aujourd’hui plus de 166 millions personnes, soit 16 % de la population. La plupart d’entre eux (79 %) vivent en milieu rural.

(Source: Eglises d'Asie, le 11 décembre 2013)
 
Pope Francis is Time magazine 'Person of the Year'
Elizabeth Dilts / Reuters
11:49 11/12/2013
(Reuters) - Time magazine named Pope Francis its Person of the Year on Wednesday, crediting him with shifting the message of the Catholic Church while capturing the imagination of millions of people who had become disillusioned with the Vatican.

This is the third time the magazine has chosen a pope as its Person of the Year. Time gave that honor to Pope John Paul II in 1994 and to Pope John XXIII in 1963.

The Argentine pontiff - who, as archbishop of Buenos Aires was known as the slum cardinal for his visits to the poor and penchant for subway travel - beat former U.S. National Security Agency contractor Edward Snowden and gay rights activist Edith Windsor for the award.

Other finalists included Syrian President Bashar al-Assad and U.S. Senator Ted Cruz from Texas.

"What makes this Pope so important is the speed with which he has captured the imaginations of millions who had given up on hoping for the church at all," Time said in its cover story.

"In a matter of months, Francis has elevated the healing mission of the church — the church as servant and comforter of hurting people in an often harsh world — above the doctrinal police work so important to his recent predecessors."

Time said the final selection was made by its editors, who had considered suggestions from the magazine's more than 2 million Twitter followers.

Vatican spokesman Father Federico Lombardi said Pope Francis, the first non-European pope in 1,300 years, the first from Latin America and the first Jesuit, was not seeking fame.

"It is a positive sign that one of the most prestigious recognitions by the international media has been given to a person who proclaims to the world spiritual, religious and moral values and speaks out forcefully in favor of peace and greater justice," Lombardi said in a statement.

"If this attracts men and women and gives them hope, the Pope is happy. If this choice of 'Person of the Year' means that many have understood this message, even implicitly, he is certainly glad."

In September, Francis gave a groundbreaking and frank interview, in which he said the Vatican must shake off an obsession with teachings on abortion, contraception and homosexuality, and become more merciful.

And in July, Francis told reporters he was not in a position to judge homosexuals who are of good will and in search of God, marking a break from his predecessor, Benedict, who said homosexuality was an intrinsic disorder.

Francis replaced Benedict in March after he abdicated.

The new pope's style is characterized by frugality. He shunned the spacious papal apartment in the Vatican's Apostolic Palace to live in a small suite in a Vatican guest house, and he prefers a Ford Focus to the traditional pope's Mercedes.

A champion of the downtrodden, he visited the island of Lampedusa in southern Italy in July to pay tribute to hundreds of migrants who had died crossing the sea from North Africa.

With the Catholic Church marred in recent years by sex abuse scandals, Francis formed a team of experts Thursday to consider ways to improve the screening of priests, to protect minors to help victims.

Still, Barbara Blaine, president of the Survivors Network of those Abused by Priests (SNAP), a victim advocacy group, said in a statement Wednesday that more action was needed.

"After nine months of essentially ignoring the church's most severe crisis, (Pope Francis) hastily announced last week that he'll appoint an abuse study panel," Blaine said. "He has not, however, made a single child safer."

(Source: http://news.yahoo.com/pope-francis-named-time-39-person-132543199--finance.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sinh viên Công Giáo vùng Thủ Đức tĩnh tâm mùa Vọng
Anh Phương, S.J.
10:35 11/12/2013
Sinh viên Công Giáo vùng Thủ Đức tĩnh tâm mùa Vọng

Mỗi khi cái lạnh bắt đầu tràn về và đây đó vang lên những bài thánh ca Giáng Sinh, lòng người lại rộn rã niềm vui mong chờ Đấng Cứu Thế. Chúa đã đến với con người từ 2000 năm trước và hôm nay Ngài vẫn còn tiếp tục đến với họ. Nhưng giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, giữa những vất vả học tập của đời sinh viên; đường nào để Chúa đến? Lối nào để Ngài đi? Bởi thế, chủ đề “Để Chúa Đến” đã là thao thức và tâm tình chung mà mỗi bạn sinh viên ấp ủ, thao thức khi đến với kỳ tĩnh tâm mùa vọng năm nay.

Xem hình

Ngay từ sớm, khuôn viên Học Viện Thánh Giuse Dòng Tên đã rộn ràng tiếng nói cười và dập dìu những màu áo sinh viên đến từ nhiều nhóm khác nhau. Các bạn hăng say chuẩn bị, đón tiếp, sắp xếp mọi thứ từ bề trong đến bề ngoài với ước mong một ngày tĩnh tâm thật sâu lắng và có nhiều ích lợi thiêng liêng.

Sau phần tập trung khởi động, cha Đaminh Nguyễn Đức Hạnh, S.J. gợi điểm giúp các bạn cầu nguyện, sám hối và xưng tội. Ngài mời gọi suy nghĩ về ba mẫu gương vâng phục nơi Gia Đình Thánh Gia để từ đó chính mỗi người có thể thưa với Chúa tiếng xin vâng rất riêng tư và cá vị của mình.

Việc xưng tội và chia sẻ nhóm để lại nhiều an ủi và tâm tình thiêng liêng nơi các bạn trẻ. Qua những hoạt động ấy, các bạn được giao hòa với Chúa và với nhau.

Chương trình tĩnh tâm buổi chiều bắt đầu với những chia sẻ rất vui tươi, dí dỏm nhưng cũng hết sức sâu sắc của Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Từ việc Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống và dọn đường để Chúa đến trong thời đại của ông, cha đã dẫn các bạn đến câu hỏi rất nền tảng: làm sao để Chúa có thể đến với mỗi người trong thế giới có đầy những nhiễu nhương như ngày hôm nay? Trong bối cảnh đó, cha đã giúp các bạn suy tư về năm chữ “T” rất dễ thương: “Tươi Tắn – Tận Tụy – Trung Thực – Trong Sạch – Tâm Linh”. Và đấy cũng chính là điều mà cha cầu chúc cho các bạn trong mùa Vọng và mùa Giáng Sinh này. Buổi chia sẻ kết thúc bằng việc hỏi-đáp xuất phát từ những thắc mắc rất thực tế nơi chính cuộc sống của các bạn sinh viên.

Những chia sẻ và thao thức của các bạn lại được nối dài và trào dâng trong thánh lễ.

Không khí hội trường như muốn vỡ tung với những màn biểu diễn văn nghệ thật vui và hấp dẫn của mỗi nhóm. Đúng là các bạn đã có một ngày sống với Chúa hết tình và cũng sống với nhau hết sức!

Thành viên của các nhóm trao cho nhau những tấm thiệp Giáng Sinh nho nhỏ xinh xinh. Mặc dù vẫn còn quá sớm để nói những câu “Merry Christmas” nhưng qua từng ánh mắt và nụ cười, ai cũng muốn chúc nhau một mùa Giáng Sinh thật ấm áp và bình an. Ngày tĩnh tẫm kết thúc với nghi thức rước Chúa Hài Đồng. Bầu không khí linh thiêng cùng những ngọn nến lung linh như chìm đắm và xoáy sâu mãi vào trái tim mỗi người hình ảnh một Vị Thiên Chúa đơn sơ, dễ thương và hết sức khiêm hạ.

Xin tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn sinh viên mến yêu. Cầu chúc các bạn một mùa Vọng luôn tràn đầy những ước vọng; một mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức!

Ngày 8 tháng 12 năm 2013

Anh Phương, S.J.
 
Dòng Tên Việt Nam: Giao lưu ơn gọi “Bước theo Giêsu” 2013
Chỉnh Trần, S.J.
19:36 11/12/2013
Nhà Ứng sinh Dòng Tên Việt Nam: Giao lưu ơn gọi “Bước theo Giêsu” 2013

Ngày 07.12.2013, hàng trăm bạn trẻ đã nô nức tiến về nhà thờ giáo xứ Thiên Thần, giáo hạt Thủ Thiêm, TGP Sài Gòn để tham dự chương trình giao lưu ơn gọi với chủ đề “Bước theo Giêsu” do nhà Ứng sinh Dòng Tên Việt Nam và một số hội dòng phối hợp tổ chức.

Xem Hình

Đây là một chương trình thường niên của nhà Ứng sinh Dòng Tên Việt Nam nhằm mục đích giới thiệu linh đạo, đặc sủng và sứ vụ của Dòng Tên và một số hội dòng khác, cũng như giúp các bạn trẻ bước đầu tìm hiểu tiếng Chúa mời gọi sống đời sống dâng hiến trong các hội dòng nam nữ.

Sau phần sinh hoạt mở màn, những nét bỡ ngỡ, lạ lẫm ban đầu trên khuôn mặt của nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng được xua tan bằng những bài hát, điệu vũ đầy vui nhộn và hào hứng. Dường như tất cả mọi người đều có cảm giác thân quen, gần gũi như người một nhà!

17 giờ 45 phút, tất cả các bạn trẻ đã cùng hiệp thông tham dự Thánh lễ đồng tế do cha Antôn Nguyễn Cao Thắng, S.J., giám đốc nhà Ứng sinh Dòng Tên Việt Nam chủ tế. Trong bài giảng lễ, cha giám đốc đã nồng nhiệt chào mừng các bạn trẻ đến tham dự ngày hội ơn gọi của nhà Ứng sinh. Ngài cũng không quên mời gọi các bạn trẻ lắng nghe và quảng đại đáp lại lời mời gọi trở nên môn đệ của Chúa Giêsu trong đời sống dâng hiến, để được Ngài sai đến với những cánh đồng chín vàng đang chờ người thợ gặt.

Sau Thánh lễ, các bạn trẻ đã cùng chia sẻ với nhau bữa ăn đơn sơ nhưng chan chứa niềm vui và tình huynh đệ.

Đúng 19 giờ, bầu không khí tại nhà thờ Thiên Thần bỗng trở nên rộn ràng và náo nhiệt hơn bởi những điệu vũ chào mừng của các bạn ứng sinh Dòng Tên “chủ nhà”, báo hiệu chương trình giao lưu ơn gọi chính thức mở màn.

Các chú ứng sinh chỉ biết cặm cụi học hành và được tiếng “hiền như cục bột” ngày nào nay bỗng “lột xác” trở thành những nghệ sĩ múa, ca sĩ, MC “chuyên nghiệp”. Chỉ có điều khác là họ múa những bài thánh vũ và xướng lên những bài thánh ca về tình yêu Chúa, về lý tưởng sống đời dâng hiến.

Tâm điểm của buổi giao lưu ơn gọi chính là chương trình gặp gỡ, chia sẻ của đại diện các dòng tu: Dòng Tên, Dòng Đaminh Phú Cường, Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập, Dòng Thánh Mẫu Maria (ODN), Dòng nữ Claret.

Quý thầy năm triết I, Học viện thánh Giuse Dòng Tên đã “trình làng” về ơn gọi Dòng Tên bằng những video clips sinh động đi kèm với lời giới thiệu đầy dí dỏm. Dù thời gian trình bày chỉ có 10 phút nhưng các thầy đã giúp cho các bạn trẻ biết được những nét chính trong linh đạo, đặc sủng và sứ mạng của Dòng Tên, tiến trình huấn luyện trong Dòng Tên và điều kiện nhận tìm hiểu ơn gọi. Kế đến là những vũ khúc và trình bày của quý sơ Dòng Đaminh Phú Cường, Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập, Dòng Thánh Mẫu Maria (ODN), Dòng nữ Claret.

Sau phần giới thiệu của các hội dòng là phần trao đổi, thắc mắc về ơn gọi. Nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn nêu lên những thắc mắc của mình về đời sống tu trì cũng như về những điều kiện để được nhận tìm hiểu trong các hội dòng.

Có một bạn nữ hỏi rằng: “khi con đi tu con có được đeo bông tai không?” Đáp lại, một nữ tu sau khi đã chia sẻ về ý nghĩa của đời sống tu trì đã dí dỏm thêm rằng: “làm nữ tu rồi, đội lúp… đeo bông tai cũng chẳng ai thấy.”

Hay có bạn thắc mắc: “con nghe nói đi tu Dòng Tên khó lắm phải không ạ?”

“Dòng Tên không bắt bạn phải có bằng tiến sĩ này hay thạc sĩ nọ thì mới nhận nhưng trên hết và trước hết Dòng cần bạn có một lòng yêu mến Chúa Giêsu cách thâm sâu và khao khát bước theo Ngài để phục vụ các linh hồn. Vấn đề là liệu chúng ta có dám can đảm, quảng đại bước theo lời mời gọi của Chúa Giêsu hay không. Thế nên, đi tu Dòng Tên vừa dễ, vừa khó,” một thầy học viện Dòng Tên hài hước trả lời.

Một bạn khác nêu 2 thắc mắc: “Tại sao gần đây Giáo Hội quy định các chủng viện và học viện phải đào tạo 3 năm triết, sao Dòng Tên chỉ có 2? Dòng Tên có giới hạn độ tuổi nhận vào tìm hiểu hay không?”

“Thực ra, cách chung chương trình huấn luyện của nhà dòng gồm 3 năm triết học và 4 năm thần học (chương trình này đã có từ thời thánh I-nhã chứ không phải theo quy định mới đây của Giáo Hội). Tuy nhiên, trong Dòng Tên, năm triết học đầu tiên thường được gọi là Năm Dự bị (Juniorate). Đây là năm các thầy được trau dồi các môn nhân văn và ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh để chuẩn bị bước vào giai đoạn học triết 2 năm sau đó. Cũng trong Năm Dự bị này, các thầy học viên sẽ được từ từ làm quen với triết học qua các môn: dẫn nhập triết học, triết học Thượng Cổ… Về phần tuổi tác, cha Giám Tỉnh Dòng Tên đã cho biết Dòng không quy định độ tuổi tối đa để nhận vào tìm hiểu Dòng Tên, thế nên, các bạn đừng sợ mình đã ‘quá tuổi, quá già’ nhưng nếu bạn cảm thấy được Chúa mời gọi sống ơn gọi Dòng Tên bạn hãy mạnh dạn đến liên hệ với cha giám đốc nhà Ứng sinh Antôn Nguyễn Cao Thắng, S.J.,” một thầy trong Dòng cho biết.

Xen kẽ chương trình giao lưu với các hội dòng, ban tổ chức đã khéo léo thiết kế những tiết mục văn nghệ đặc sắc và những trò chơi vừa cá nhân lẫn đồng đội đầy thú vị. Thế nên, người trực tiếp tham gia các trò chơi thì nhận được những phần quà hấp dẫn, kẻ đứng ngoài cổ vũ thì được những trận cười ngả nghiêng như muốn “vỡ cả bụng”.

Phỏng lại điệu múa của các nữ tu trong bộ phim nổi tiếng “Khi các sơ hành động”, các bạn ứng sinh Dòng Tên đã không ngần ngại “biến thành các sơ” để mang đến cho khán giả những lời ca đầy ý nghĩa và những điệu vũ đầy sôi động. Các bạn ứng sinh đã mặc tu phục của nhiều dòng tu nam nữ khác nhau nhằm diễn tả ơn gọi phong phú mà Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam; đồng thời, muốn nói lên ao ước “Bước theo Chúa Giêsu” để được Ngài sai đi phục vụ giữa lòng thế giới hôm nay.

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, chương trình giao lưu ơn gọi khép lại với 1 vở kịch của các bạn ứng sinh Dòng Tên về câu chuyện thời trọ học của 3 người bạn đồng sáng lập Dòng Tên là: thánh I-nhã, thánh Phanxicô Xaviê và Chân phước Phêrô Favre theo phong cách thời hiện đại. Trong tiểu phẩm này, các bạn ứng sinh đã phác họa nên chân dung của một I-nhã luôn khao khát phụng sự và làm vinh danh Chúa; một Phêrô Favre hay bối rối về định hướng tương lai của chính mình và đặc biệt một Phanxicô Xavie đầy tham vọng và đắm mình trong những giá trị trần thế. Điều lạ lùng là 3 con người với 3 tính cách và lối sống khác nhau ấy đã dần dần được Thiên Chúa quy tụ và nối kết để trở thành những người bạn, người anh em trong Chúa. Đặc biệt, các bạn ứng sinh đã không chỉ thể hiện khá thành công cá tính ngang bướng, kiêu hãnh của Phanxicô Xaviê mà còn cả những giằng co, những trăn trở khôn nguôi nơi nội tâm của Phanxicô. Cao điểm của vở kịch chính là những biến đổi nội tâm của Phanxicô Xaviê khi anh cùng với I-nhã và Favre cùng làm Phút hồi tâm.

Hòa với tâm tình của các nhân vật, mọi người tham dự cùng thắp lên những ngọn nến và thinh lặng làm Phút hồi tâm cuối ngày trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn huệ Ngài đã thương ban.

Buổi giao lưu ơn gọi chính thức khép lại với bài hát “Thắp sáng lên”. Thế nhưng, có lẽ đây lại là bước khởi đầu cho hành trình “bước theo Chúa Giêsu” của những tâm hồn ao ước phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Chỉnh Trần, S.J.
 
Khánh thành nhà thờ thánh Giuse giáo họ Ứng Hòa, giáo xứ Lam Điền
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
10:53 11/12/2013
HÀ NỘI - Ngày 10/12/2013, Cha Vinsentê Nguyễn Đăng Xuyên – Quản xứ Đại Ơn, phụ trách giáo xứ Lam Điền chủ tế Thánh lễ Tạ Ơn - khánh thành nhà thờ thánh Giuse giáo họ Ứng Hòa, giáo xứ Lam Điền, Tổng Giáo phận Hà Nội, thuộc thôn Ứng Hòa, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Cùng đồng tế có 15 linh mục thuộc 2 Giáo phận Hà Nội và Hưng Hóa. Tham dự Thánh lễ còn có quí Thầy, quí Dì và khoảng 600 người, trong đó có nhiều người không cùng tôn giáo được mời.

Hình ảnh

Đúng 10g00, đoàn đồng tế được rước từ nhà giáo lý trong tiếng kèn vang. Mọi người hân hoan đón chào sự có mặt của đông đảo quí cha và quí khách. Bước vào Thánh lễ, với giọng nói truyền cảm, cha Gioan Baotixita Mai Xuân Lự - phó xứ Đại Ơn, đã giới thiệu thành phần tham dự Thánh lễ. Những tràng pháo tay liên tiếp được vang lên. Ai cũng phấn khởi mừng vui. Ngay sau đó, Thánh lễ được bắt đầu. Cha xứ Vinsentê đã đọc lời nguyện thánh hiến. Từ nay, Nhà thờ này được dành riêng cho việc đọc kinh, cầu nguyện và tế lễ cho Thiên Chúa.

Giảng trong Thánh lễ, cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý đã chia sẻ về vai trò của nhà thờ trong đời sống Kitô giáo, nhất là đời sống tâm linh. Nếu chúng ta xây dựng đền thờ bằng vật chất thì chúng ta cũng cần xây dựng đền thờ tâm hồn. Nhà thờ không chỉ là nơi thờ tự mà còn là trung tâm đời sống văn hóa nữa. Vì thế, giáo dân giáo họ Ứng Hòa đã xây nhà thờ trong vui mừng và hi vọng.

Nhà thờ có chiều dài 23,5m, chiều rộng 7,5 m, tháp cao 22m và được xây dựng từ năm 2004. Đến năm 2006, nhà thờ đã được hoàn thành nhưng chưa có điều kiện để khánh thành vì số giáo dân quá ít, chưa đầy 100 nhân danh. So với các giáo xứ khác thì nhà thờ này quá nhỏ bé nhưng đối với giáo họ Ứng Hòa nó lại quá lớn. Sự hiện diện của ngôi nhà thờ đã đem đến cho mọi người từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Nhưng dù sao, sự nỗ lực của giáo dân giáo họ Ứng Hòa là rất đáng khen ngợi!

Được biết, giáo xứ Lam Điền là một giáo xứ nhỏ nằm bên bờ sông Đáy và cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km. Với số giáo dân chưa đây 700 nhân danh, giáo xứ Lam Điền được chia làm 7 giáo họ: Chúc Đồng, Tân An, Lam Điền, Bến Cát, Ứng Hòa Duyên Ứng và Lương Xá. Mỗi họ cách xa nhau từ 2 – 5km. Nhưng điều đặc biệt là trước mỗi nhà thờ trong giáo xứ đều có một ngôi Chùa. Lí do là đạo Công Giáo từ xưa đến nay tại vùng này chỉ là thiểu số và chịu nhiều thiệt thòi. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của người Công Giáo trong giáo xứ là phải làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống để cảm hóa những ai không đồng tôn giáo với mình.

Sau Thánh lễ, ông Trùm đại diện cho giáo họ cám ơn các đấng các bậc, quí khách gần xa và mọi người lương - giáo đã đến tham dự. Lễ khánh thành nhà thờ thánh Giuse giáo họ Ứng Hòa được kết thúc bằng bữa tiệc thân mật tại khuôn viên giáo họ. Người Công Giáo thì vui mừng. Người lương dân thì tấm tắc khen buổi lễ trang trọng và ý nghĩa.
 
Hội đồng Curia Gia Định II: Tổng hội thường niên 2013
BTT. HĐ/Senatus Việt Nam
19:53 11/12/2013
Hội đồng Curia Gia Định II: Tổng hội thường niên 2013

Mỗi Hội đồng Curia có nhiệm vụ hội họp đúng kỳ hạn những thành viên thuộc địa hạt của mình, để họ quen biết nhau và thắt chặt tinh thần đoàn kết” (TB 30, 287).

Trong niềm hân hoan mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng là ngày Tổng Hội thường niên của Legio Mariæ. Chiều thứ Tư 11/12/2013, Hội đồng Curia Gia Định II đã tổ chức ngày Tổng hội cho anh chị Legio hoạt động và tán trợ tại nhà thờ giáo xứ Hàng Sanh, giáo hạt Gia Định, TGP. Sài Gòn.

Đến với ngày Tổng hội hôm nay có cha Giu-se Phạm An Ninh, Linh Giám Hội đồng Curia Gia Định II; cha Phê-rô Giu-se M. Hà Thiên Trúc, phụ tá giáo xứ Hàng Sanh kiêm Linh Giám các Præsidia của giáo xứ; Soeur Lịch dòng MTG Vinh và anh Đa-minh Vũ Duy Khang, Thomas Aq. Đỗ minh Sơn - Thông Tín Viên đại diện Hội đồng Senatus Việt Nam. Ngoài ra, còn có các Præsidia: Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế, Đức Mẹ đi viếng bà I-sa-ve, Đức Mẹ hồn xác lên trời, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ bàu chữa kẻ có tội, Đức Mẹ dự tiệc cưới Ca-na, Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần, Nữ Vương Thừa Sai, Nữ Vương Hòa Bình, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam..

Đúng 7g00’ toàn thể quý anh chị Legio tiến vào Thánh đường Giáo xứ Hàng Sanh khai mạc ngày Tổng hội Thường niên sốt sắng, trang nghiêm, đạo đức với kinh khai mạc, lần hạt mùa Mừng. Tiếp theo là giờ Chầu Mình Thánh Chúa do cha Phê-rô Giu-se Ma-ri-a chủ sự. Giờ chầu thật lắng đọng và linh thiêng của ngày Tổng hội. Các hội viên dâng lên Chúa những lời cầu nguyện đơn sơ, chân thành cùng với những quyết tâm sống theo gương Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội. Sau giờ Chầu Thánh Thể, các hội viên trở ra hội trường để giao lưu, sinh hoạt.

Sách Thủ Bản định nghĩa rằng: “Chớ nên nặng hình thức khi có nhiều hội viên Legio họp lại, phải làm sao cho tất cả mọi người có dịp làm quen nhau. Phải sắp xếp chương trình thuận tiện cho việc đi lại trò chuyện với nhau. Ban tổ chức phải liệu cách nào để hội viên đừng tụ tập từng nhóm riêng rẽ, vì như thế làm hỏng mục đích chính của buổi lễ, có hại cho tinh thần hiệp nhất và thương yêu trong gia đình Legio” (TB 30, 292).

Chương trình ngày Tổng Hội:

* Giúp vui văn nghệ và câu chuyện công tác Legio

* Huấn từ Cha Linh Giám

* Các hội viên Legio trao cho nhau những phần quà may mắn..

Mở đầu là tiết mục hoạt cảnh: “Tình yêu nhân loại” – Præsidium Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế. Qua đó, nói lên ý nghĩa ‘”tình yêu” của Thiên Chúa đối với con người, và con người đáp trả tình yêu ấy cho Thiên Chúa qua tha nhân. Tiếp theo là ca khúc: “Theo Chúa” do chị Mai Hoa - Præsidium Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế thể hiện. Dù đã đã 68 tuổi đời, thế nhưng được giao lưu, chị hóa nên “trẻ thơ” và thật năng động! Chị Xuân Hảo, Præsidium Đức Mẹ Thiên Chúa; em Anh Duy, Præsidium Junior giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang tiếp lên hát ca vọng cổ chút tình Dạ Cổ Hoài Lang rất đặc sắc, làm sống dậy một tuổi trẻ năng động, hào hứng mà nay vẫn chưa tắt…

Bài huấn từ của Cha Linh Giám Hội đồng Curia Gia Định II về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội thật ngắn gọn và xúc tích đầy đủ ý nghĩa, ngài đặt vấn đề “Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội là gì, và ơn này có ý nghĩa gì với Legio?” Ngài nói:

“Hôm nay, chúng ta mừng ngày Tổng hội Thường niên vào dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây là một trong bốn lễ hội chính thức của Legio Mariæ. Do tội nguyên tổ mà A-đam và E-và đã truyền lại cho con cháu muôn đời. Riêng Mẹ Ma-ri-a vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng cứu Thế, Thiên Chúa đã dành cho Người đặc ân vô cùng quí giá ngay khi Người còn đang trong cung lòng bà thánh An-na, vì công nghiệp của Chúa Giê-su Con Mẹ sẽ sinh ra sau này, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Ma-ri-a nguyên tuyền, trinh trắng, không hề mang tì vết: đó là đặc ân vô nhiễm nguyên tội Thiên Chúa dành riêng cho mình Mẹ mà thôi (x. Lc 1, 38). Chính vì thế, không một phút, một giây nào trong đời sống, Đức Mẹ đã phải khuất phục ma quỉ, đã ở trong tình trạng tội lỗi. Dù khi thụ thai, dù lúc sinh con, Mẹ Ma-ri-a luôn thuộc trọn về Chúa, nghĩa là lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân sủng của Chúa Thánh Thần, lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân phúc (Lc 1, 28). Mẹ không hề mắc tội dù tội riêng mình làm vì Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, Mẹ phải là Đấng hoàn toàn nhất để xứng đáng làm Mẹ Ngôi Hai làm người. Mẹ là “E-và mới” như Giáo Hội đã ca tụng Mẹ.

Thiên Chúa đã dọn cho con Ngài một chỗ ở xứng đáng nhờ đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Trinh Nữ. “Mẹ được giữ sạch không vương chút tội lỗi nhờ vào ân sủng do cuộc tử nạn của Chúa Giê-su”. Đức Pi-ô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Mẹ vô nhiễm nguyên tội ngày 08 tháng 12 năm 1854, và chỉ bốn năm sau đó chính Đức Mẹ đã hiện ra với chị Bernadetta tại Lộ Đức ngày 25 tháng 03 năm 1858 đã xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Đối với Legio, sùng kính Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội phải coi là bổn phận chính yếu, trước tất cả các bổn phận khác (x. TB 6, 32). Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội là ơn đầu tiên trong bốn đặc ân (Vô nhiễm Nguyên tội; Mẹ Thiên Chúa; Đồng trinh trọn đời và Hồn Xác lên trời). Legio tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là đương nhiên, vì Legio chọn Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội là Nữ Tướng của mình để chỉ huy tất cả các đội quân Legio trên toàn thế giới xua trừ ma quỷ ra khỏi các linh hồn, và đưa Chúa trở lại làm Vua thống trị trong các linh hồn, phần chúng ta là chiến sĩ của Mẹ hãy chiến đấu để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ ma quỷ. Đấy là lý do mà ngài Frank Duff, Đấng sáng lập Legio đã chọn Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng đặc biệt số một để hướng dẫn Legio chúng ta. Thế nên, anh chị Legio hãy đoan hứa trung thành tuyệt đối với Nữ Tướng là Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, và cố gắng noi gương Mẹ chiến đấu để lập lại Nước Thiên Chúa trong tâm hồn con người là hạnh phúc vĩnh cửu thiên đàng.”

Chương trình được tiếp diễn bằng các tiết múc ca múa, tiểu phẩm do các Præsidia thực hiện đã được diễn ra hết sức thành công, sôi nổi, vui nhộn và không kém phần hoành tráng!

Dù đã hơn 21g30’ rồi, vậy mà các anh chị Legio không thấy ai mỏi lưng mỏi cổ… Ôi thật vui, thật lành thánh, thật bổ ích… Ai ai cũng muốn có những dịp gần gũi Chúa, gần gũi nhau như thế này để hâm nóng tình yêu vào Chúa, vào Mẹ và yêu thương, gắn bó nhau hơn.. Nhìn vào đồng hồ đã gần 22g00 khuya, anh Giu-se Trần Văn Luyện, Trưởng Hội đồng Curia đành phải kết thúc với kinh bế mạc để các hội viên về lại tổ ấm yếu thương. Sau đó, mọi người đón nhận phép lành từ tay Cha Linh Giám và hẹn gặp nhau lần tới!

Tổng Hội thường niên đã đem đến cho quý anh chị Legio “một làn gió mới”, một “sức sống mới” trong tinh thần hăng say, đoàn kết và sát cánh cùng nhau để chu toàn bổn phận “chiến sĩ” của Mẹ Ma-ri-a, Nữ Tướng Legio làm tông đồ theo Linh đạo mình đã chọn: “Per Mariam Ad Jesum”. Hẹn gặp lại nhau trong ngày Tổng Hội năm đến 2014 năm tới với nhiều hứa hẹn sôi nổi, hấp dẫn.

Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã ban cho các thành viên một buổi lễ dư tràn hồng ân hồn xác. Xin tạ ơn Chúa muôn đời. Amen.

BTT. HĐ/Senatus Việt Nam
 
Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Trung Mỹ Tây, Hóc Môn thực thi bác ái mùa Vọng
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
21:32 11/12/2013
Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Trung Mỹ Tây, Hóc Môn thực thi bác ái mùa Vọng

Thực hiện cuộc vận động bác ái của Ban Chấp hành Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (BCH GĐPTTTCG) TGP. Tp. HCM với chủ đề “Quà giáng sinh cho người nghèo bất hạnh, trẻ em mồ côi, khuyết tật tại các nhà mở, mái ấm tình thương trong Tổng Giáo Phận“ và phương châm công tác tháng 12/2013 của BCH giáo hạt Hóc Môn “Giúp đỡ trẻ đói nghèo bất hạnh trong mùa Giáng sinh”. Sáng ngày 10/12/2013, GĐPTTTCG Trung Mỹ Tây đã đến thăm và tặng quà cho trẻ em mồ côi, khuyết tật tại Cộng đoàn Mái ấm Thánh Tâm Sài gòn do các Soeur Hội dòng Thừa sai Bác ái Giáo phận Vinh phụ trách tại số 57/3 tổ 11 ấp Trung Mỹ Tây, Xã Trung Chánh, Huyện Hóc Môn.

Thay mặt đoàn, ông Vincentê Đặng Văn Đáp – xứ đoàn trưởng đã nêu vắn tắt mục đích của việc viếng thăm: chia sẻ tình yêu thương ấm áp của Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm chúa Giêsu đến với cộng đoàn Mái ấm cũng mang tên Thánh Tâm nhân dịp mùa Vọng – Giáng Sinh 2013. Số tặng phẩm gồm hiện vật và hiện kim tuy không nhiều nhưng là tấm lòng đóng góp của nhiệt tình của các ân nhân và đoàn viên GĐPTTTCG Trung Mỹ Tây với Mái ấm trong địa bàn Giáo xứ.

Soeur phụ trách Maria Têrêsa Nguyễn Thị Tiền (Thu Hà) đã tiếp đón đoàn và cho biết Mái ấm đã và đang thực hiện linh đạo của Hội Dòng: theo gương Chúa Giêsu là Đấng đã đến thế gian này để thực thi thánh ý Thiên Chúa và cứu độ con người, nhất là những người nghèo khó, đau khổ. Hội Dòng đón nhận sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong mọi công việc, nhất là công việc từ thiện bác ái, miễn sao công việc đó làm cho “Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc”.

Hiện nay Mái ấm Thánh Tâm đang nuôi dưỡng, cưu mang miễn phí gần 50 trẻ tật nguyền, trẻ mồ côi không nơi nương tựa ở khắp mọi miền từ lứa tuổi mẫu giáo nhà trẻ cho đến lứa tuổi trưởng thành không phân biệt lương, giáo. Có những em bị bỏ rơi, có những em bị khuyết tật tưởng chừng như không qua khỏi nếu không có sự giúp đỡ, có những em gia đình quá khó khăn không thể nuôi dưỡng … và đặc biệt là bảo vệ sự sống đang hình thành trong một số em nữ để các em có thể tin tưởng làm lại cuộc đời.

Rời trụ sở chính, soeur phụ trách hướng dẫn đoàn đến thăm nhà mở tại số 36/4F tổ 17 ấp Mỹ Hòa 1, Xã Trung Chánh, Huyện Hóc Môn dành cho những em có hoàn cảnh đặc biệt. Tại đây đoàn đã thăm hỏi và trò chuyện cùng những em có hoàn cảnh đặc biệt: có em năm nay đã 30 tuổi nhưng bị trầm cảm từ mấy chục năm nay sau khi học hết lớp 5, có em bị dị tật bẩm sinh không đi lại cũng như không nhận thức được những thực tại đang diễn ra chung quanh … Bên cạnh đó là nhà giữ trẻ để nuôi dạy những trẻ tuy còn gia đình nhưng cha mẹ có cuộc sống quá khó khăn không thể cho con tới trường lớp như bao trẻ em bình thường khác được.

Chia tay ra về với cái nắng ấm áp của mùa Vọng - Giáng Sinh phương Nam, đoàn vẫn như còn nghe thấy âm vang trong lòng tiếng hát ngọng nghịu của các em: Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn êm ái dịu dàng. Xin hãy ban xuống lòng con, ngọn lửa say yêu một Chúa. Thánh Tâm Chúa Giêsu, tràn lan niềm thương xót. Xin thương những người đã trót vô tình vấp phạm đến Chúa nhân từ.

Tin & hình: Jos. Hoàng Mạnh Hùng
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Công cuộc Phúc - Âm - Hóa khởi đi từ đời sống gia đình
Tạ Ân Phúc
22:41 11/12/2013
Công cuộc Phúc - Âm - Hóa khởi đi từ đời sống gia đình

Ngày nay, chuyện các cặp vợ chồng kéo nhau ra tòa ly dị không còn là chuyện hiếm hoi nữa; thậm chí, người ta còn đề xuất, trong tương lai, việc ly hôn không cần đến tòa án, chỉ cần ra phường xã là có thể “đường ai nấy đi”. Trước thực trạng xã hội này, người Công Giáo với hôn nhân “bất khả phân ly” có thực sự sống đời hạnh phúc, sống thánh thiện trong ơn gọi của mình hay không? Bên cạnh đó, bao lâu nay, số người Công Giáo Việt Nam vẫn chưa đạt đến 10% dân số, liệu rằng ưu tư truyền giáo có còn nằm trong suy nghĩ của những người con Chúa, cả những người sống đời tu và đời thường?

Trước thực trạng đó, “để hâm nóng” lại nhiệt huyết truyền giáo cũng như mời gọi các gia đình củng cố lại đời sống hôn nhân Kitô giáo, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra định hướng mục vụ nhằm nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, cụ thể “Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng”.

Trong chiều hướng đồng hành cùng Giáo Hội tại Việt Nam, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục thuộc Ban Mục vụ Gia đình Tổng Giáo phận Sài Gòn đã triển khai Chuyên đề Khóa 28 mang tên Kỹ Năng Sống Đời Hôn Nhân. Đề tài đầu tiên với tên gọi “Phúc - Âm - Hóa đời sống gia đình”, do chính Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP, Đặc trách Chuyên đề, trình bày vào chiều thứ Bảy 07/12/2013, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận.

Mỗi người chúng ta đều có một ơn gọi, người sống đời tu, người sống đời thường, người trở thành tu sĩ, có người được phong chức linh mục, giám mục nhưng đa phần còn lại sống ơn gọi giáo dân, nhất là sống ơn gọi hôn nhân gia đình. Sr. Maria Hồng Quế đã nêu bật đời sống gia đình khi nói rằng Chúa Giêsu và Hội Thánh không lấy mẫu cộng đoàn tu sĩ để diễn tả tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với con người nhưng đã dùng hình ảnh tình yêu của đôi vợ chồng và tình yêu của gia đình để diễn tả tình yêu dâng hiến của Chúa Giêsu cũng như tình yêu của Hội Thánh đối với con người. Chính trong đời sống gia đình, có sự hy sinh, có sự dâng hiến cho nhau và có khi chết đi cho nhau.

Nhưng trước thực tế xã hội và thực tế truyền giáo, chúng ta cần nhìn lại thời gian qua, công việc mục vụ có đạt kết quả hay không; và để tốt hơn, chúng ta cần phải làm gì để giới thiệu Chúa Giêsu cho con người trong thời đại ngày nay? nhất là, cho chính đồng bào mình trên quê hương Việt Nam? Chúng ta phải làm gì khác hơn trong năm tới? có sáng kiến gì giúp Giáo Hội tại Việt Nam trong công việc củng cố gia đình?

Tân Phúc-Âm-Hóa là gì?

Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa ngày 10/10/2013 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhắc đến công cuộc Tân Phúc-Âm-Hóa, từ ngữ này nghĩa là gì? Xuất phát từ đâu, phải chăng chúng ta cần rao giảng một Phúc Âm mới?

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là người đầu tiên dùng từ “Tân Phúc - Âm - hóa” vào năm 1979 khi ngài về thăm quê hương Ba Lan. Năm 1983, trong cuộc nói chuyện với Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Châu Latinh, ngài xác định ý nghĩa của từ ngữ “mới”: không phải là một Phúc Âm mới, nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả” vì “Đức Giê-su Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).

Trong bài giảng Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục vào ngày 07/10/2012, ĐTC Bênêđictô XVI, một lần nữa, khẳng định rằng Tân Phúc - Âm - hóa “chủ yếu hướng tới những người, tuy đã được rửa tội, nhưng đang xa lìa Giáo Hội, và sống mà không hề tham chiếu về luân lý Kitô giáo (...), để giúp họ tái gặp gỡ Chúa, là Đấng duy nhất làm cho cuộc sống chúng ta có được ý nghĩa sâu xa và an bình; để giúp tái khám phá đức tin, là nguồn mạch ân sủng mang lại vui mừng và hy vọng trong đời sống bản thân, gia đình và xã hội”.

Một số người trong chúng ta, những người mang danh Kitô hữu, chịu phép Rửa Tội, nhưng lắm khi chỉ có danh mà không có thực, chỉ đi lễ ngày Chúa Nhật, giữ đạo trong nhà thờ nhưng ra khỏi nhà thờ thì chúng ta không sống đạo. Đường hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam giải thích rõ: “Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi hỏi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ” (HĐGMVN, Thư Chung ngày 10/10/2013, số 4). Nghĩa là đặt ra vấn đề cho các giám mục, linh mục, tu sĩ và cả giáo dân phải làm sao để Kitô hữu đi sâu vào đời sống đức tin hơn, giúp họ tái gặp gỡ Chúa.

Tân Phúc - Âm - hóa trước hết, là đổi mới nhiệt huyết loan báo Tin Mừng trong sự kết hợp cá vị nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu ngày một hơn, để từ đó, xuất hiện những cách thế mới, sáng kiến mới, phương pháp mới trong các chương trình mục vụ của Hội Thánh.

- Mới về lòng nhiệt thành: Làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta.

- Mới trong phương pháp: Biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật.

- Mới trong cách diễn tả: Cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.

Trong quyển sách Đường Hy Vọng, Đức Hồng Y Phanxixô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhắc nhở chúng ta rằng: “Canh tân là trở về nguồn. Công thức canh tân: Làm cho người Công Giáo trở lại đạo Công Giáo. Làm cho người Kitô hữu trở lại với Chúa Kitô. Mới nghe, con ngạc nhiên, nhưng ngẫm nghĩ lại, con sẽ thấy đúng như vậy. Một câu nói của thánh Gandhi nhiều lần khiến ta suy nghĩ: ‘Tôi mến Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô’”. Là người Công Giáo đi theo Chúa, nhưng chúng ta đã gặp gỡ Chúa chưa, có chiếu tỏa ánh sáng của Chúa không? Chúng ta đã có cùng nhịp đập trái tim của Chúa để cùng thao thức với người nghèo, để nhìn ra những bất công của Giáo Hội và xã hội chưa? Tôi là người Công Giáo, tôi phải làm gì trước những vấn nạn của xã hội hôm nay?

Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình

Trước khi trình bày về Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình, Sr. Maria Hồng Quế đã giới thiệu gợi ý mục vụ cho 12 tháng của năm tới để các gia đình, trong các cộng đoàn giáo xứ, cùng nhau suy tư, cử hành và sống lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Theo gợi ý của Ủy ban Mục vụ Gia Đình, mỗi tháng, các gia đình học hỏi và thực hành một đề tài về tình yêu-hôn nhân-gia đình với câu Lời Chúa, những điểm giáo lý của Hội Thánh, tài liệu huấn quyền và bài ca ý lực được đề nghị. (Xin xem thêm Tân-Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin. Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình).

Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể, mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá”: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”.

Để thực hiện việc Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng gia đình thành: Một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.

Gia đình: Cộng đoàn cầu nguyện

Đã từ lâu, Hội Thánh nhắc nhở các gia đình hãy sống đời sống cầu nguyện để nuôi dưỡng và thông truyền đức tin. Mới đây, vào chiều thứ Bảy 26/10/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ 150.000 tín hữu tham gia cuộc hành hương của các gia đình tại Roma nhân dịp Năm Đức Tin, ngài đã nhắc gia đình cần phải sống đời sống cầu nguyện: “Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên, đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình Công Giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này”.

Gia đình Kitô hữu là trường học đầu tiên giúp cho con cái học cầu nguyện, các cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái biết cầu nguyện, biết thờ kính Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.

Kinh nguyện gia đình là giờ “ngồi bên nhau” và “cùng nhau ngồi bên Chúa” là giờ của chân lý, là một khám phá kỳ diệu, là một liều thuốc thần tiên xây dựng gia đình hạnh phúc. Các thành viên càng cầu nguyện chung với nhau, thì càng hiệp nhất bền chặt vì cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu. Chất lượng kinh nguyện của từng gia đình sẽ tỷ lệ thuận với đời sống hạnh phúc. Sr. Maria đã giới thiệu một cách cầu nguyện của gia đình thời hiện đại bằng cách thực hiện Phút Hồi Tâm (Xin xem bài viết Canh tân kinh nguyện gia đình qua Phút Hồi Tâm)

Gia đình: Cộng đoàn yêu thương

Gia đình là trường học đầu tiên để ta học cách sống thương yêu và phát triển nhân tính. Gia đình mãi mãi là chốn bình yên và thân thương, là chốn cho ta trở về sau một ngày làm việc mệt nhọc, sau thời gian xa cách vì công tác. Hôn nhân gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội vì nó là khối kiến trúc cơ bản cho một xã hội lành mạnh.

Mục đích của hôn nhân Công Giáo là hợp nhất thường xuyên trong tình yêu giữa vợ chồng và sinh sản con cái, hai yếu tố này gắn liền với nhau không thể tách biệt. Để đạt được mục đích này, giữa hai vợ chồng cần có một Tình yêu thực sự: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa Hội Thánh... Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình” (Ep 5,25; 5,28), và ngược lại.

Theo niềm tin Kitô giáo, hôn nhân gia đình hướng tới một tình yêu thương chân thật để sinh sản và dưỡng dục con cái theo niềm tin Kitô giáo nhằm xây dựng nên một cộng đoàn yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Qua việc dấn thân cho nhau, cho giáo xứ, và làm những công tác xã hội, gia đình trở nên nhân chứng của sự hiệp nhất và yêu thương của Thiên Chúa cho con người.

Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn vợ cHồng Yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Ai cũng chỉ có một đời để sống, chẳng ai muốn cuộc đời mình bất hạnh và vô nghĩa. Đó là ước nguyện chân thành và chính đáng biết bao! Nhưng không phải bất cứ ai cũng thành công khi biến ước mơ đó thành sự thật. Vì vậy, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).

Được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống, vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người trưởng thành và nên con cái thánh thiện của Chúa và Hội Thánh. Mỗi người cha, người mẹ có trách nhiệm phải làm cho thế giới này nên dễ sống hơn cho con cái, và phải cho chúng thấy rằng cuộc sống là tốt đẹp và đáng sống để gia đình trở thành cộng đoàn phục vụ và yêu thương.

Gia đình tham gia vào sứ vụ Phúc-Âm-Hóa

Bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể, chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình Công Giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng.

Các gia đình Kitô hữu còn góp phần vun trồng ơn gọi nơi con cái mình, “dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu biết nhận ra tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người”. Cha mẹ là sứ giả đầu tiên thông truyền đức tin cho con cái nhằm giúp con cái tin vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nhờ ân sủng của bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc ân loan báo Tin Mừng cho con cái: “Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ làm nhân chứng bằng một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng” (GLCG 2226).

Tin Mừng hóa gia đình là môi trường để Tin Mừng được truyền đạt và lan tỏa, Tin Mừng hóa được thể hiện nơi gia đình qua đời sống làm chứng dấn thân cụ thể. Tin Mừng hóa gia đình bắt đầu từ việc dạy giáo lý trong gia đình: “Ở những nơi tôn giáo bị cấm cách, tín ngưỡng hỗn độn và thế tục thì gia đình là môi trường tốt nhất cũng như độc nhất truyền thụ giáo lý chân chính cho trẻ em và thanh niên” (FC 52).

Tin Mừng hóa giúp gia đình trở thành môi trường, là cái nôi cho con cái trưởng thành trong đức tin: “Việc rao giảng Tin Mừng, giáo lý trong gia đình chính là việc phục vụ có tính cách Hội Thánh. Các bậc cha mẹ phải luôn kết hiệp mật thiết và hòa nhập một cách có ý thức với cộng đồng Hội Thánh địa phương, tức là giáo xứ và giáo phận” (FC 52).

Qua bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức và bí tích Hôn Phối, gia đình trở thành chứng nhân của Đức Kitô “cho đến tận cùng trái đất”, thành những vị “thừa sai” đích thực của tình yêu và sự sống: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.

Khi đã thấm nhuần tinh thần Tin Mừng, gia đình tham gia sứ mạng Phúc - Âm - hóa bằng cách kết nghĩa, làm bạn với anh chị em lương dân, yêu thương giúp đỡ họ và nói cho họ về Chúa.

Sr. Maria Hồng Quế đã trình bày khái quát những đặc tính tiêu biểu cần thiết để xây dựng gia đình Kitô giáo, nhưng để “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng” thì vẫn còn đó nhiều việc phải làm, và rất cần sự cộng tác của từng gia đình, từng giáo xứ để cụ thể hóa đường hướng mục vụ của Giáo Hội. Sr. Maria cũng cho hay trong năm tới sẽ mở những chuyên đề chuyên sâu, cụ thể hóa hơn nữa những việc phải làm để giúp các gia đình trở thành ánh sáng loan truyền Tin Mừng. Mong lắm thay sự hưởng ứng của các thành phần Dân Chúa để năm “Phúc - Âm - Hóa đời sống gia đình” thực sự gặt được những thành quả như lòng mong muốn của các vị chủ chăn cũng như để đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Người.

Tạ Ân Phúc
 
Văn Hóa
Một vài suy tư khi mừng lễ Giáng Sinh
Jos. Vinc. Ngọc Biển
22:03 11/12/2013
MỘT VÀI SUY TƯ KHI MỪNG LỄ GIÁNG SINH

Trong những ngày này, không khí vui mừng đón chờ lễ Giáng Sinh đang tràn ngập trên thế giới. Nhất là những đất nước có người tin theo Đức Giêsu Kitô. Nơi các nhà thờ của người Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo hay Chính Thống, rộ lên những đèn sao lấp lánh, những hang đá nhỏ to.

Còn tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Sài Gòn hay Hà Nội cũng nhộn nhịp không kém. Bầu không khí đón mừng đại lễ Giáng Sinh còn được biểu hiện nơi các công ty, xí nghiệp, nhà hàng, quán ăn...đâu đâu cũng thấy không khí của của lễ hội. Không khí ấy lại nóng dần lên khi người người đi mua sắm, nhà nhà háo hức đợi mong. Dù là người nghèo hay giàu, nam, phụ hay lão, ấu, người tin theo Đức Giêsu hay không tin, Giáng Sinh vẫn cứ là một ngày hội. Ngày hội tâm linh. Ngày hội của toàn xã hội...

Đứng trước thực trạng ấy, là người Công Giáo, chúng ta nghĩ gì và có thái độ nào về việc mừng lễ Con Thiên Chúa Giáng trần?

1. Giáng Sinh dưới cái nhìn xã hội

Chỉ cần quan sát một chút, chúng ta cũng thấy rất rõ tinh thần mừng lễ của người dân Việt Nam hiện nay:

Hang đá được mọc lên ngay vệ đường lộ; nơi các góc phố; tại các ngả đường; nơi ngã ba; ngoài ngã bẩy...; trong các gia đình thì nào là hang đá trên lầu; trong phòng khách; ngoài sân; trước cổng... Nói chung hang đá được người dân dựng lên nhiều như nấm. Điều lạ kỳ là: người Công Giáo cũng làm, người Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi Giáo... họ cũng làm hang đá. Nếu ai có dịp đến đường Phạm Thế Hiển, quận 8, thành phố Sài Gòn (thường gọi là Xóm Đạo) thì thấy điều tôi nói quả là không ngoa. Còn hơn thế nữa, hang đá cũng xuất hiện tại các trung tâm mua sắm; các khu vui chơi giải trí; ngay cả những chốn ăn chơi trác táng như: quán Bar; quán “Cafe đèn mờ...”

Cũng nhân dịp này, từ người làm lớn cho đến phó thường dân; từ người thu nhập cao lẫn người thu nhập thấp; người trí thức đến ít học... họ thi đua mời nhau đi nhậu. Nay tôi, mai anh. Nay nhóm này, mai nhóm khác... nhậu tơi bời, nhậu hả hê, nhậu quên ăn, quên làm, thậm chí nhậu quên luôn cả lễ lạy cầu kinh... ôi thôi, một sự lạm dụng đến xót xa!

Như vậy, lễ Giáng Sinh theo cái nhìn hiện sinh của con người và xã hội thuần túy thì: đây là thời điểm “hót” là cơ hội “Very Good” để giao lưu, tạo thêm tình thân; đây cũng là cơ hội để làm ăn buôn bán, dịp thuận tiện để mua sắm. Nói chung điểm tích cực trong xã hội về việc mừng lễ Giáng Sinh thì ít mà thực chất là dịp để những nhà kinh doanh dùng như là những “chiêu lạ” nhằm moi tiền của những người thích ăn chơi, ham lạ mà thôi. Đây là một “thực trạng thật” của một số người dân hiện nay khi Mùa Giáng Sinh về.

2. Tinh Thần của Mùa Vọng – Mùa Đợi Trông

Với người Công Giáo, việc mừng Con Thiên Chúa Giáng Sinh không chỉ dừng lại ở những việc bên ngoài, dẫu vẫn biết rằng cần phải biểu lộ tinh thần ấy ra trước nhãn quan của mọi người. Tuy nhiên, điều mà Giáo Hội mong muốn con cái của mình khi mừng Lễ Giáng Sinh không chỉ bề ngoài, mà còn là chuẩn bị tinh thần bên trong. Đây mới là điều quan trọng cần lưu tâm.

Thật vậy, thời điểm trước lễ Giáng Sinh, trong suốt Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta chuẩn bị để đón chờ Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người. Lời của thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi những người cùng thời với ngài, cũng là lời mời gọi mà Giáo Hội muốn mỗi chúng ta cùng nhau hồi tâm suy nghĩ trong suốt Mùa Vọng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho bằng” (Lc 3, 4-5).

- Nếu trước kia, ta đi sai đường trật bước, thì nay trở về nẻo chính đường ngay.

- Nếu trước kia ta sa lầy vào lũng bùn tội lỗi ở chốn ăn chơi, thì nay ta phải lấp đầy bằng những nhân đức và tránh xa những dịp tội, xưng tội và đón nhận Chúa vào trong tâm hồn của mình cách cung kính và mến yêu.

- Nếu trước kia, ta coi mình như là “cái rốn của vũ trụ”, là “ếch ngồi đáy giếng”, thì giờ đây hãy khiêm tốn mà nhìn nhận rằng những gì ta biết chỉ là hạt cát giữa đại dương là hạt "Notrino" trong vũ trụ mà thôi.

- Nếu trước kia ta sống không trung thực hay sống với một nửa sự thật, thì nay ta phải sống công chính và đón nhận sự thật toàn vẹn.

Lược qua tinh thần của Mùa Vọng như thế, để thấy được đích điểm mà Giáo Hội muốn nhắm tới trong Mùa Vọng là gì và, nội dung chính yếu của việc mừng lễ Chúa Giáng Sinh hệ tại đâu!

3. Giáng Sinh trong tâm thức và cái nhìn hướng thiện của người Công Giáo

Trước tiên, đón mừng lễ Giáng Sinh, không chỉ chuẩn bị những thứ bên ngoài, điều đó cần nhưng chưa đủ và không phải là việc quan trọng nhất. Việc quan trọng nhất là mỗi khi mừng lễ, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người Do thái khi nghe Gioan Tẩy Giả kêu mời là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, hãy dọn sạch con đường tâm hồn để Chúa ngự đến; đồng thời mỗi khi mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta cũng hãy hướng đến ngày Cánh Chung của thế giới và của mỗi người như một cuộc chất vấn lương tâm về những hành vi tốt - xấu của mình, hầu chuẩn bị cho xứng đáng đón Chúa ngự đến trong tâm hồn.

Năm 2012, khi chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, đã mời gọi mọi tín hữu kitô, mỗi khi mừng sinh nhật Con Thiên Chúa là mỗi lần: "...thách thức chúng ta hãy kiểm điểm lại những ưu tiên, giá trị và chính lối sống của chúng ta. Trong khi Lễ Giáng Sinh chắc chắn là một thời điểm đầy vui mừng, nhưng đây cũng là cơ hội để suy tư sâu xa, và xét mình” .

Thứ đến, mỗi dịp Giáng Sinh về, Giáo Hội lại một lần nữa mời gọi con cái mình hãy chiêm ngắm sự khiêm nhường của gia đình Thánh Gia, một gia đình hết sức khiêm tốn, đơn sơ, chất phác: Mẹ Maria thì suy đi nghĩ lại trong lòng, không khoe khoang, không lên mặt với ai, dẫu biết rằng trong nhà mình có Hài Nhi Giêsu là Chúa các chúa, Vua các vua. Ngài là Chúa Tể trời đất; với thánh Giuse, người là đấng Công Chính, luôn âm thầm và sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời; còn Chúa Giêsu, Ngài đã tự hạ, trở nên Ngôi Lời, tức Thiên Chúa - người, để ở với và sống cùng chúng ta. Nói về tinh thần khiêm nhường này trong thời đại của chúng ta, Đức Thánh Cha đương kim Phanxicô nói: “Chúng ta phải khiêm nhường, nhưng với sự khiêm nhường thật sự, từ đầu đến ngón chân” .

Cuối cùng, mỗi khi mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy nghĩ đến cảnh nghèo khó của Con Thiên Chúa. Một vị Thiên Chúa mà lại sinh ra trong cảnh màn trời chiếu đất, nơi hang bò lừa, chốn hoang vu lạnh giá. Ngài sinh ra như thế, để biểu lộ tình yêu tột cùng và sự liên đới với cái nghèo của nhân loại cách sâu xa. Khi diễn tả về sự tự hủy này, thánh Phaolô đã nói: Đức Giêsu “...vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…” (Pl 2,6-7).

Thật vậy, một vị Vua cả trời đất, nhưng lại xuất hiện một cách âm thầm lặng lẽ; một vị Thiên Chúa giàu sang phú quý, quyền năng mà lại chấp nhận bị người đời xua đuổi chỉ vì không có tiền thuê cho mình một phòng trọ bình dân; một biến cố vĩ đại đã được tiên báo từ ngàn xưa, nay lại được diễn ra ở tận cùng của sự thiếu thốn là máng cỏ bò lừa, nơi dùng để làm chỗ chứa thức ăn cho loài vật...

Khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Nhập Thể - Giáng Sinh - làm người của Con Thiên Chúa dưới con mắt đức tin, và nếu chúng ta để cho lương tâm lên tiếng, thì đâu còn cảnh ăn uống nhậu nhẹt, chơi bời đàn đúm; đâu còn ai dám lợi dụng lễ Giáng Sinh như là mục đích tốt và rồi tìm mọi cách biện minh bằng những phương tiện xấu để làm ăn bất chính? Đâu còn bình chân như vại khi thấy được nỗi khổ của người anh chị em chúng ta trong cảnh mồ côi, túng thiếu, khổ đau... Đâu còn dám vô cảm khi bên cạnh chúng ta có những người chỉ cần một gói mì để sống qua ngày; cũng đâu còn vui sướng khi anh chị em của chúng ta phải đói khát, rét mướt chống chọi với thiên tai, nhất là siêu bão Haiyan gây nên ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc hồi đầu tháng 11 năm 2013 vừa qua?

Tạm kết:

Tắt một lời: mỗi khi đón mừng lễ Giáng Sinh, từng người chúng ta hãy tiếp tục sống tinh thần Mùa Vọng là hoán cải, sửa sang tâm hồn bên trong hơn là bề ngoài. Đến với Chúa bằng tấm lòng đơn sơ khiêm nhường. Chiêm ngắm gia đình Thánh Gia bằng con mắt đức tin. Và, sống mầu nhiệm Giáng Sinh bằng tinh thần tự hủy, liên đới trong yêu thương.

Qua những gì vừa chia sẻ, hẳn mỗi chúng ta hãy làm mới lại tất cả những cung cách, tinh thần mỗi khi cử hành phụng vụ, để trong những cử hành thánh đó, chúng ta đụng chạm được thực sự đến Thiên Chúa, không những như một hài nhi trong máng cỏ, mà còn như một Đấng qua đó chúng ta nhận ra Thiên Chúa làm Người . Ưu tư này cũng được Đức Hồng Y Oswald Gracias, Chủ tịch FABC gợi ý: “Giáo Hội tại Việt Nam cần tập trung vào việc huấn luyện đức tin, mọi người cần hiểu biết về Tin Mừng nhiều hơn, tham dự Phụng vụ cách sống động hơn. Cần phải tập trung để đưa Thiên Chúa trở về với cuộc sống, để đương đầu với những thách đố đến từ bên ngoài” .

Thiết nghĩ, khi suy tư về việc mừng lễ Giáng Sinh, người viết không có ý phê phán việc trang trí lộng lẫy bên ngoài cho bằng đưa ra một câu hỏi: liệu có nên chăng khi chỉ lo bề ngoài, nhất là ăn chơi rong ruổi mà bên trong tâm hồn thì khô cằn trống rỗng! Phải chăng cần một sự dung hòa giữa chiều sâu đức tin và hình thức bên ngoài? Có lẽ một mặt cần phải diễn tả rõ nét vinh quang của Thiên Chúa, Ngài là Ánh Sáng thật đã đến trần gian, Ngài là Hoàng Tử Hòa Bình, là Chúa Tể trời đất qua việc giăng đèn kết hoa, nhưng mặt khác cũng cần phải làm toát lên một vị Thiên Chúa vì yêu con người, nhất là những người cô thế, cô thân, những người không có tiếng nói, những người khổ đau bệnh tật, nên đã chấp nhận hủy mình ra không để sinh ra trong cảnh nghèo, và chết đau thương trên thập giá chỉ vì “yêu và yêu đến tận cùng”. Vì thế, mỗi khi mừng lễ Giáng Sinh, hẳn mỗi người chúng ta cần xem lại đời sống nội tâm, đức tin của chúng ta tới đâu? Và mỗi khi lễ Giáng Sinh qua đi, thì còn đọng lại nơi tâm hồn chúng ta cái gì?

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ thứ Hai tuần I Mùa Vọng tại nhà nguyện trong Nhà khách Santa Marta đáng để cho mỗi chúng ta suy niệm trong dịp này, ngài nói: “Chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh là đi vào cuộc hành trình của đức tin và cầu nguyện để gặp gỡ Chúa”; “Bởi vì Giáng sinh không chỉ là ngày lễ hội hằng năm hay kỷ niệm một biến cố đẹp. Giáng sinh là điều gì đó hơn thế. Giáng sinh là một cuộc lên đường đi gặp Chúa. Giáng sinh là một cuộc gặp gỡ. Chúng ta đến gặp Chúa với con tim rộng mở, với cuộc sống của chúng ta.Gặp gỡ Đấng hằng sống, gặp gỡ Người với đức tin của chúng ta” .

Mong thay, mỗi dịp Giáng Sinh về, lời thiên sứ loan tin cho các mục đồng khi xưa lại vang vọng và đọng lại trong tâm khảm mỗi chúng ta, lời đó là lời “vui mừng - bình an – yêu thương”.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Văn Miếu
Nguyễn Hùng
22:26 11/12/2013
VĂN MIẾU
Ảnh của Nguyễn Hùng
Một thưở sân Trình cửa Khổng
Uy nghiêm nghi lễ nơi này
Giờ đây hàng cây lặng đứng
Mái ngói vương giả nghiêng cong.
(Pleiksor nth)