Ngày 10-12-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gioan Tẩy Giả làm chứng
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
17:02 10/12/2017
Chúa Nhật III Mùa Vọng , năm B
Ga 16-8.19-28

Tiếng của Gioan Tẩy Giả vang vọng từ sa mạc hoang vu đến tận thế giới, đến với những con người thành tâm thiện chí. Tiếng của Ông nói lên niềm hy vọng bởi vì thống hối mà Ông rao giảng là trở về, là cải thiện, là làm mới cõi lòng để đón chờ Chúa đến. Tiếng hô của Ông làm cho mọi người phải suy nghĩ, thay đổi:” đồi núi phải bạt xuống cho bằng, hố sâu phải lấp cho đầy, quanh co phải uốn cho ngay thẳng “. Điều Gioan Tẩy Giả muốn nói là làm đẹp nội tâm, làm đẹp cõi lòng để Chúa ngự đến.

Vâng, Gioan Tẩy Giả chỉ là tiếng hô trong sa mạc, dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Tiếng của Ngài mang đến niềm hy vọng cho con người. Tuy nhiên, tiếng hô của Ông, niềm hy vọng Ông mang lại không phải là sự hy vọng đầu tiên.Bởi trước Ông, tiên tri Isaia đã loan truyền, công bố niềm hy vọng.Ông loan báo sự hy vọng cho con người khi được Thiên Chúa xức dầu sai Ông đi.Ông công bố sự an ủi, niềm cậy trông, băng bó những tâm hồn bị tan nát dày vò, phóng thích kẻ tù tội và giải oan cho những người bị áp bức. Ông loan truyền một Đức Chúa sẽ giải phóng mọi người khỏi ách nô lệ tội lỗi, đem lại ơn cứu độ cho con người vv…Trước Gioan Tẩy Giả, Mẹ Maria, Nữ tỳ của Thiên Chúa, được đắc sủng nơi Thiên Chúa.Mẹ đã nói lời xin vâng đem lại tràn đầy hy vọng và hạnh phúc cho loài người, cho muôn người.

Mẹ Maria, Gioan Tẩy Giả và ngôn sứ Isaia là những chứng nhân của niềm hy vọng, chứng nhân của chính Thiên Chúa. Các ngài loan báo một Đấng Cứu Thế sẽ được sinh ra bởi phép Chúa Thánh Thần. Đấng cứu độ sẽ đến giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Đấng cứu thế đến để mang lại hạnh phúc và niềm vui cho con người. Ngôi Lời sẽ làm người và cư ngụ giữa nhân loại, giữa chúng ta, Ngài là “ Emmanuen nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta “.

Gioan là người dọn đường, còn Chúa Giêsu là chủ. Gioan là đèn soi, còn Chúa Giêsu là ánh sáng. Gioan là tiếng kêu, Chúa Giêsu là Ngôi Lời vĩnh cửu, Lời hằng sống. Chúng ta mỗi người cũng là chứng nhân sống động của niềm hy vọng, của Lòng Thương Xót Chúa. Quả thật khi con người phải đối diện với những thử thách, những khó khăn, họ luôn tìm câu trả lời cho những câu hỏi được đặt ra.Tuy nhiên, tất cả những câu trả lời cho những vấn nạn của con người, không thể nào làm cho con người thỏa đáng. Chỉ có Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể làm người mới trả lời được cho những vấn nạn hốc búa của con người trong mọi thời đại.

Thực ra như Gioan Tẩy Giả, chúng ta đều là chứng nhân cho Chúa. Chúng ta làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của chúng ta.Mỗi lần chúng ta phục vụ anh em, giúp đỡ tha nhân với tất cả tấm lòng của mình. Chúng ta sống bác ái yêu thương, và tỏ lòng nhân từ với tha nhân, với người khác là chúng ta đang làm chứng cho Chúa. Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nói:” Người ngày nay không thích những chứng nhân nói, mà thích gương sống của các chứng nhân ấy “. Nói và làm phải đi đôi với nhau vì nếu chỉ nói suông, chỉ nói ngoài môi miệng mà lòng không phải thế thì con người đích thực không phải là chứng nhân chân thực. Sống chứng nhân như Mẹ Têrêsa Calcutta, như Têrêsa Hài Đồng Giêsu là làm cho các tâm hồn cuốn theo mình.

Gioan Tẩy Giả đã hoàn thành sứ mạng dọn đường cho Chúa :” Có tiếng hô trong sa mạc, hãy dọn đường cho Chúa “. Mỗi người chúng ta cũng phải trở nên chứng nhân đích thực cho Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn can đảm, hiên ngang và sẵn sàng làm chứng cho Chúa giữa muôn vàn nghịch cảnh. Xin cho chúng con luôn biết làm cho nhiều người nhận biết Chúa. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Gioan là ai ?
2.Tại sao lại gọi Gioan là chứng nhân ?
3.Mỗi người chúng ta phải trở nên chứng nhân như thế nào ?
4.Gioan Tẩy Giả có phải là chứng nhân đầu tiên loan báo Đức Giêsu Kitô hay không ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
78 phạm nhân tại các nhà tù ở Á Căn Đình được rửa tội.
Nguyễn Long Thao
11:13 10/12/2017
Tin từ Á Căn Đình cho biết 78 phạm nhân trong các nhà tù ở giáo phân San Isidro, nước Á Căn Đình, đã được chịp phép rửa tội, thêm sức và rước lễ lần đầu vào ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội 8 tháng 12 năm 2017.

Đức Giám Mục Oscar Ojea, ĐGM Martin Fassi, Nữ Tu María Cristina Albornoz và hơn 20 thiện nguyện viên của giáo phận Isidro đã tham gia chương trình mục vụ cho các tù nhân nam và nữ tại các nhà tù trong thành phố Buenos Aires. Chương trình này bắt đầu hoạt động từ năm 2010 cho đến nay.



Đức Cha Fassi, Giám Mục Phó giáo phận Isidro đã chủ sự thánh lễ rửa tội cho 68 phạm nhân nam và 10 phạm nhân nữ. Trong bài giảng Đức Cha Fassi đã khuyến khích các phạm nhân hãy sống theo con đường của Chúa, kết hợp đời sống mình với đời sống của Chúa. Ngài nói thêm:

Chúa Giêsu cũng bị người ta chối bỏ, nhưng Ngài đã trở lại, đến với chúng ta để thay đội tâm tư, mang lại cho chúng ta cách suy nghĩ mới.

Chương trình mục vụ dành cho các phạm nhân của giáo phận Isidro không những là dậy giáo lý, cử hành thánh lễ, ban các bí tích, mà còn huấn nghệ cho các phạm nhân để sau này khi trở về đời sống bình thường họ có một nghề nghiệp sinh sống.
 
Quanh việc Đức Phanxicô muốn sửa kinh Lạy Cha
Vũ Văn An
20:07 10/12/2017
Hầu như không một hãng thông tấn nào không đăng tin Đức Phanxicô muốn sửa một vài chữ trong Kinh Lạy Cha.

Thực vậy, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình ở Ý, Đức Phanxicô nhận định rằng lối dịch “xin đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ” như trong bản tiếng Ý hoặc bản tiếng Anh là lối dịch không đúng, vì Thiên Chúa không thể dẫn chúng ta vào cơn cám dỗ được, Người là người Cha thân yêu, không thể dẫn con cái vào chỗ nguy hiểm, chỉ có thằng Luxiphe mới dẫn chúng ta vào chỗ ấy mà thôi. Dĩ nhiên là Người cho phép Luxiphe làm thế. Vậy thì xin Người đừng để chúng con “sa chước cám dỗ” như cha ông ở Việt Nam của chúng ta đã thưa từ thuở nào cho đến nay.

Theo Cha Jonathan Morris, trên Fox News, thì ngoài nước Pháp vào tuần này ra, người Tây Ban Nha cũng xin Chúa “đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Thảo nào, cha ông trong đức tin của chúng ta ở Việt Nam, mà gốc Tây Ban Nha không hiếm, cũng đã hướng dẫn chúng ta đọc như thế không biết từ thuở nào.

Phương diện thần học

Về phương diện thần học, không còn gì có thể đúng hơn. Thiên Chúa không tạo ra cám dỗ cho chúng ta. Một Thiên Chúa như thế quá tàn nhẫn. Thiên Chúa luôn đứng với ta khi ta bị cám dỗ, nhưng Người không gửi cơn cám dỗ tới cho ta. Thư Giacôbê (1:13-14) nói rõ: “không ai, khi bị cám dỗ, có thể nói rằng ‘tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’; vì Thiên Chúa không thể bị sự ác cám dỗ và chính Người không hề cám dỗ ai. Nhưng người ta bị cám dỗ bởi chính lòng dục của mình, bị nó dỗ dành và rù quyến”.

Nhưng trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô cho biết không hẳn chỉ là vấn đề thần học, mà là lối dịch không đúng, ngài chưa cho biết trong nguyên ngữ thì câu ấy ra sao. Mà nguyên ngữ đệ nhất Aram hay nguyên ngữ đệ nhị Hy Lạp?

Bối cảnh học hỏi, tranh luận

Trước khi xem xét vấn đề trên, tưởng cũng nên biết bối cảnh nhận định của Đức Phanxicô. Theo New York Times, suy nghĩ của Đức Phanxicô là một phần trong cuộc chú giải gồm 9 tình tiết về Kinh Lạy Cha mà Đài TV2000 của Hội Đồng Giám Mục Ý cho trình chiếu mỗi tối thứ Tư từ hồi tháng Mười tới nay.

Mỗi chương trình đều bao gồm cuộc trao đổi giữa Đức Phanxicô và Cha Marco Pozza, một vị tuyên úy nhà tù ở Padua, có biệt danh là “Cha Spritz”, sau một chầu khai vị nổi tiếng của vùng Venice, vì ngài chuyên phúc âm hóa giới trẻ tại các quán bar và trên các đường phố.

Trong một cuốn sách xuất bản cùng với chương trình, Đức Phanxicô viết: “Sự ác không phải là một điều không thể sờ mó được, lan tỏa như sương mù Milan. Nó là một bản vị, (tên là) Satan”.

Ngài viết thêm, Satan là bậc thầy quyến rũ và cuối cùng “là ý nghĩa của câu kinh ‘xin đừng để chúng con sa vào sự ác’. Ta phải khôn khéo theo nghĩa tốt của lời nói, ta phải sắc sảo, phải có khả năng biện phân các dối trá của Satan, đứa, mà tôi tin chắc, không thể tiến hành bất cứ cuộc đối thoại nào được”.

Nhận định của Đức Phanxicô gặp nhiều phản ứng mạnh mẽ cả tích cực lẫn tiêu cực. Scott Gunn của Fox News, chẳng hạn, cho biết rõ, dù không phải là người Công Giáo, anh hoàn toàn ủng hộ nhận định của ngài. Anh viết: “tôi biết ơn về điều Đức Giáo Hoàng yêu cầu, dù tôi không phải là một người Công Giáo Rôma”. Anh cho rằng Kinh Lạy Cha bằng tiếng Anh hiện nay là do bản dịch Mt 6:13 của Wycliffe cuối thập niên 1300: “and leede us nat in to temptacioun”.

Scott viết thêm: “dù tôi không phải là một người Công Giáo Rôma, nhưng tôi yêu Đức Giáo Hoàng Phanxicô… Tôi sẵn lòng học lối cầu nguyện mới của Kinh Lạy Cha”.

Trái lại, theo New York Times, R. Albert Mohler Jr., chủ tịch Chủng Viện Thần Học Baptist Miền Nam, thì cực lực phản đối: “Tôi sửng sốt và ngỡ ngàng. Đây là Kinh của Chúa. Nó không phải và chưa bao giờ là kinh của giáo hoàng, và chúng ta có chính lời của Chúa Giêsu trong Tân Ước. Đó chính là những lời giáo hoàng đề nghị thay đổi. Không những đó có vấn đề sâu xa mà gần như còn làm người ta đứt hơi nữa”.

Cũng theo New York Times, người Công Giáo có khuynh hướng cực hữu như Phil Lawler, chủ bút Catholic World News, cũng không hào hứng trước nhận định của Đức Phanxicô. Ông này cho rằng nhận định của Đức Phanxicô tuy không vô lý, nhưng rất rối tung vì kinh này đã in sâu trong tâm hồn tín hữu Công Giáo từ lâu. Ông viết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thói quen nói những điều khiến người ta hoang mang bối rối, và đây là một trong những lời như thế. Nó làm bạn thắc mắc không biết ngài sẽ dừng ở đâu, phải nắm những gì. Quả càng ngày càng bất an”.

Tuy nhiên, bình tĩnh mà xét thì đây chưa phải là “huấn quyền” giáo hoàng cho bằng một nhận định của một vị giáo hoàng, nói ra trong khung cảnh thảo luận. Và cuộc thảo luận này không phải bây giờ mới có, chung quanh việc dịch câu kinh đó.

Phương diện Thánh Kinh

Như trên đã nói, câu kinh tiếng Anh là do bản dịch của Wycliffe. Nhưng theo William Barclay, trong The Plain Man Looks At The Lord’s Prayer (Fontana Books, 1964), thì đó còn là lối dịch của hầu hết các bản dịch Kinh Thánh trước đây: của Wycliffe, Tyndale, the Great Bible, the Bishop’s Bible, Rheims và Geneva Bibles, Moffat, Knox và Kingsley Williams, the Revised Version, Rieu, Weymouth, the New English Bible…

Barclay không cho biết các bản dịch trên dựa vào nguyên bản Aram hay nguyên bản Hy Lạp. Nhưng căn cứ vào phần bình luận của ông thì thấy đây là nguyên bản Hy Lạp và điều ông nhấn mạnh không hẳn ở động từ “dẫn” mà là ở danh từ “cám dỗ” mà ông cho là một với danh từ “thử thách” vì cả hai trong tiếng Hy Lạp đều là peirasmos.

Linh Mục Joseph A. Fitzmyer, S.J., tác giả The Gospel According to Luke, 2 cuốn, Doubleday, 1985, thì cho rằng dịch Kinh Lạy Cha như hiện nay trong bản tiếng Anh, nghĩa là “đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ” không sai với nguyên bản, kể cả nguyên bản đệ nhất Aram. Thực vậy, Cha trích nguyên văn câu này bằng tiếng Aram: wĕ’al ta‘ēlinnánā’ lĕnisyôn, tuy Cha chấp nhận cả hai ý nghĩa “cám dỗ” và “thử thách”, nhất là thử thách lòng trung thành (nguy cơ bội giáo).

Và Cha cho rằng trong Cựu Ước, Thiên Chúa vẫn thường được mô tả là đem dân Người vào chỗ thử thách (Xh 16:4; 20:20; Đnl 8:2, 16; 13:4; 33:8; Tl 2:22.

Bản dịch đúng, vì tâm thức Do Thái không phân biệt “cho phép” và “gây ra”

Thậm chí, theo Cha, “cũng như trong Cựu Ước, ở đây, có liên hệ tới một lối suy nghĩ tiền luận lý (protological) cho rằng các hữu thể nhân bản có thể rơi vào trạng thái bội giáo (apostasy) và Thiên Chúa phần nào là nguyên nhân của việc này. Gọi là tiền luận lý vì đây là một cố gắng để giải thích tình trạng bội giáo, nhưng không phải là một cố gắng hoàn toàn hợp luận lý. Theo lối suy nghĩ này, mọi điều tốt xấu xẩy đến cho con người đều được gán cho Thiên Chúa, nguyên nhân mọi sự. Trong lịch sử các ý niệm, lúc ấy chưa có sự phân biệt giữa ý chí tuyệt đối và ý chí cho phép của Thiên Chúa; thành thử mọi sự đều được gán cho Người. Khi ý niệm này xuất hiện (trong cuộc tranh luận về tiền định), người ta mới bảo Thiên Chúa cho phép người ta sa chước cám dỗ hay bội giáo, nhưng Người không muốn thế một cách tuyệt đối. Sự phân biệt này, thời Cựu Ước, chưa được biết đến và không được thực hành trong suy nghĩ của Chúa Giêsu khi Người đưa ra lời cầu xin này trong Kinh Lạy Cha. Lối suy nghĩ này tìm được ở nhiều nơi khác trong Tân Ước như Rm 9:18b trong đó, Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa ‘làm cho ai ra cứng cổ cũng tuỳ ý Người’. Phản ứng đối với lối suy nghĩ tiền luận lý này trong Kinh Lạy Cha bắt đầu xuất hiện trong Tân Ước, trong Gcb 1:13-15 đã trích dẫn trên đây. Các cố gắng để tránh lối dịch lời cầu xin này rất nổi tiếng trong ngôn ngữ Lãng Mạn: ‘Et ne nous laissez pas succumber à la tentation’ (và chớ để chúng con sa chước cám dỗ), ngược với lối dịch đại kết và của Bible de Jérusalem: ‘et ne nous soumets pas à la tentation’ (đừng để chúng con chịu cơn cám dỗ). Giá trị tích cực của peirasmos, ‘thử thách, cám dỗ’ được phát biểu tại các nơi khác của Tân Ước (xem Gcb 1:12; Kh 2:10; 1Pr 4:12-13); nhưng quan điểm này không được Luca chia sẻ. Xem S. Brown, Apostasy, 15-16. Với Luca, ‘cơn cám dỗ’ này không giới hạn vào việc thử thách cánh chung, và mở rộng ra nguy cơ bội giáo” (các tr.906-907).

Tóm lại với Linh Mục Fitzmyer, “xin đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ” không sai với nguyên bản dù nó có thể sai với cái hiểu thần học sau này khi người ta phân biệt giữa việc Thiên Chúa cho phép cám dỗ và việc Người là nguyên nhân của cám dỗ. Vì tâm thức người Do Thái vốn không có sự phân biệt này.

Đấy cũng là nhận định của William Barclay. Tác giả này cho rằng tâm thức Do Thái không gặp khó khăn nào trong câu này cả. Vì họ vốn có khuynh hướng coi “mọi sự, đúng là mọi sự, đều nằm trong tay Thiên Chúa và dưới sự kiểm soát của Người. Vì vậy, họ không thấy khó khăn gì trong việc tin rằng ngay cám dỗ cũng phần nào thích đáng trong kế hoạch và mục đích của Thiên Chúa. Nhìn trở lui cuộc đời ông, Giuse nói với các anh em ông rằng ‘các anh muốn điều ác cho tôi; nhưng Thiên Chúa đã muốn điều ác ấy thành điều tốt” (St 50:20). Người Do Thái sẽ không thấy bất cứ khó khăn nào trong việc tin rằng ngay điều rõ ràng xấu cũng được đan kết vào khuôn mẫu của Thiên Chúa, vì họ vốn khởi đi từ một niềm tin nền tảng này là không sự gì, đúng là không sự gì, có thể xẩy ra nếu không do ý muốn của Thiên Chúa”. Thành thử, trong vấn đề này, “luận lý thần học” phải “chiếm ưu thế”.

Raissa Maritain và “đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ”

Thiển nghĩ đó cũng là nhận định của Raissa Maritain, phu nhân của triết gia Công Giáo nổi tiếng Jacques Maritain.

Trong cuốn “Notes On The Lord’s Prayer”, Raissa, người vốn xuất thân từ bối cảnh sùng Do Thái Giáo, đầu thế kỷ 20, cùng chồng trở lại đạo Công Giáo và có người cho rằng cặp vợ chồng này đáng được phong thánh, nhận định như sau về lời cầu xin “đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ”:

Khi đọc Et ne nos inducas in tentationem (La Tinh), Kai eisenegkês hemas eis peirasmon (Hy Lạp), phải tránh hai sai lầm. Sai lầm thứ nhất: để thử sự đối kháng của ta, đôi khi Thiên Chúa cám dỗ ta hay xúi ta làm điều ác. Vì thực ra, “các lộn xộn nội tâm và các xâm lấn đen tối do sự lôi cuốn của kẻ ác bỗng nhiên hay qủy quyệt tạo ra trong linh hồn ta đều phát sinh từ sự yếu đuối và ‘dục vọng’ của chính ta (Gcb 1:14); chúng cũng phát xuất từ Thần Sa Ngã, kẻ kích thích dục vọng kia và là kẻ, tan quam leo rugiens, sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé (1Pr 5:8)”. Chính ma qủy cám dỗ ta, chứ không phải Thiên Chúa, như Gcb 1:13 đã trích trên đây (xem thêm Hc 15:11-12). Tertulianô cũng nhấn mạnh điều này (De Oratione, cap. 8, P.L., 1, 1164).

Sai lầm thứ hai: làm giảm hay làm yếu lời lẽ của Chúa Giêsu. Nghĩa là xin cho được miễn trừ khỏi tất cả những gì khiến ta phải bước qua lửa thử thách, một thử thách trong đó, ta có nguy cơ sa ngã hay phạm tội, những nguy cơ vốn có cơ diễn ra trong đại đa số tình huống của nhân sinh, và “đặc biệt hơn, trong mọi cám dỗ đúng nghĩa”. Vì đây là giá của “triều thiên sự sống” (Gcb 1:12), giá của phước hạnh (1Pr 4:15), là phận người (Origen, De Oratione, 29 P.G., 11, 532-3), phận Kitô hữu (2 Tim. 3:12).

Tóm lại, Raissa không loại bỏ khả thể bị Thiên Chúa dẫn vào cơn thử thách bị cám dỗ “đúng nghĩa” nghĩa là có cơ phạm tội.
Đã đành, như nhận định của Cha Lagrange (Evangile selon saint Luc, p. 324, n. 4): chữ peirasmos (cám dỗ) ở đây cũng có nghĩa là thử thách, một điều để chứng thực cho nhân đức, nhất là cho lòng trung thành và tình yêu của ta. Chính với nghĩa này, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: Vos autem estis, qui permansistis mecum in tentationibus meis (Nhưng các con là những người ở lại với Thầy trong các thử thách của Thầy) (Lc 22:28). Đây cũng là nghĩa trong Kn 3:5-7 (luyện vàng trong lửa), Tv 66:10-11 (luyện bạc trong lò), 1Mcb 2:52 (thử thách Ápraham).

Nhưng theo Raissa, chữ “thử thách” không hề loại trừ cám dỗ, ngược lại mới đúng: cám dỗ (xúi giục phạm tội) là một trong các hình thức đáng sợ nhất của thử thách. Nó không tha Joseph, con Giacóp, không tha Gióp trên đống phân và cả Chúa Giêsu nữa trong hoang địa và dĩ nhiên các thánh của Người.

Tuy nhiên, như trên đã nói, Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của cám dỗ, nhưng rõ ràng nếu không có phép của Người, cám dỗ không xẩy ra. Như Thánh Cyprian từng nói: “Kẻ thù không thể làm gì chống lại ta nếu không có phép trước của Thiên Chúa” (De Orat. Domin., n. 25, P.L., 4, 536).

Cũng như Cha Fitzmyer và Barclay, Raissa cho rằng tư tưởng Do Thái, vì chỉ quan tâm tới biến cố cụ thể, nên ít để ý tới sự phân biệt giữa cho phép và thực sự muốn. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi ta trong cám dỗ: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cor. 10:13).

Nói thế rồi, Raissa hỏi rằng “Lời lẽ nào phiên dịch chính xác bản văn Hy Lạp mà từ đó, lời cầu xin này đã đến với chúng ta?” và bà cho rằng “Đây là một câu hỏi không dễ. Xem xét mọi sự (và ít nhất theo ý kiến những vị có tư cách nhất để phán đoán) xem ra điều thích đáng nhất là nhường ưu tiên cho công thức của lối dịch Hípri: ‘và đừng dẫn chúng con vào bàn tay của thử thách’”.

William Barclay soi sáng điều Raissa vừa nói: ông cho rằng chữ “vào” (vào chước cám dỗ) tiếng Hy Lạp là eis tương đương với chữ Hípri lidhe, với nghĩa “vào tay của” hay “vào quyền lực của”. Thành thử câu này có nghĩa: con biết thế nào con cũng gặp cám dỗ,vì không cuộc sống nào lại không bị cám dỗ. Nhưng khi cám dỗ đến, như nó phải đến, thì đừng bỏ rơi con một mình với nó; đừng trao con bất lực vào quyền lực của nó; xin đứng bên con trong giờ khó khăn”.

Theo Barclay, thì đây cũng là điều được Thánh Augustinô (Bài Giảng Trên Núi 2.9) lưu ý khi ngài phân biệt giữa việc “bị cám dỗ” và việc “ bị dẫn vào cơn cám dỗ”. Mọi người đều bị cám dỗ, nhưng bị dẫn hay bị đưa vào cơn cám dỗ là bị đưa vào quyền lực và sự kiểm sót của cám dỗ; thành thử, ở đây, không phải là việc bị cám dỗ mà là đừng bị khuất phục bởi cám dỗ.

Barclay cũng cho hay, trong chiều hướng trên, bản Syriac của Tân Ước dịch thế này: “đừng khiến chúng con bước vào cơn cám dỗ”. Còn Thánh Augustinô thì quả quyết bản tiếng La Tinh ở thời ngài viết: Ne nos induci patiaris in temptationem (đừng cho phép chúng con bị dẫn vào cơn cám dỗ).

Nhưng theo Barclay, động từ Hípri trong trường hợp này là Hiph’il. Động từ này vừa có nghĩa cho phép vừa có nghĩa nguyên nhân. Thành thử, nếu Chúa Giêsu đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Hípri, hẳn nhiên câu này có nghĩa: “đừng cho phép chúng con bước vào cơn cám dỗ” hay “đừng để chúng con bị dẫn vào cơn cám dỗ”.

Còn theo Raissa, ý nghĩa của lời cầu xin này, dù sao, cũng khá rõ ràng. Ý nghĩa này, khi sửa đổi đôi chút và kết hợp với công thức của Thánh Ambrose “và chớ để chúng con bị dẫn vào cơn cám dỗ mà chúng con chịu không được” (De Sacram., lib. VI, n. 29, P.L., 16,454) và một công thức khác của Cha Lagrange, “Ơn Quan Phòng của Ngài, luôn sẵn sàng nghe lời chúng con cầu xin, không bao giờ bỏ rơi chúng con cho cái bẫy của những dịp tội lỗi hằng đe dọa chúng con trong sự yếu đuối của chúng con” (The Gospel of Jesus Christ, vol. II, p. 16), ta có thể phát biểu như sau: Chớ để chúng con phải chịu một thử thách hay một cám dỗ nào mà chúng con chịu đựng không nổi; xin ơn Quan Phòng của Chúa, luôn sẵn sàng nghe lời chúng con cầu nguyện, đừng để chúng con rơi vào những hoàn cảnh tội lỗi quá nguy hiểm đối với sự yếu đuối của chúng con”.

Chính nghĩa đại kết và cơ hội giảng dậy

Tóm lại, đúng như nhận định của Đức Phanxicô, công thức của cha ông Việt Nam, của Tây Ban Nha, và của Pháp hiện nay là công thức hay hơn, không hẳn vì lối đọc của người nói tiếng Ý và của người nói tiếng Anh phát xuất từ cách dịch sai mà là không phù hợp với những thông sáng thần học sau này khi người ta phân biệt giữa việc Thiên Chúa cho phép cám dỗ và trực tiếp gây ra cám dỗ.

Tuy nhiên, Đức Ông Charles Pope, thuộc Tổng Giáo Phận Washington D.C., Hoa Kỳ, một người mà các trước tác được phát tán rộng rãi trên liên mạng, vừa lên tiếng “Why I Oppose Changing the English Translation of the Our Father” (Tại sao tôi chống đối việc thay đổi lối dịch tiếng Anh Kinh Lạy Cha”.

Lý do: không ai đọc Kinh Lạy Cha mà nghĩ đến việc đổ lỗi cho Chúa cả, vì ai cũng biết, như Thánh Giacôbê: Thiên Chúa không phải là nguyên nhân trực tiếp của cám dỗ.

Thứ hai, dịch như hiện nay là hoàn toàn chính xác theo bản Hy Lạp: καὶ μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν (kai me eisenenkēs hemas eis peirasmon). Chỉ có thể dịch một là “đừng dẫn chúng con vào cám dỗ” hai là “đừng đem chúng con vào cám dỗ” như hầu hết các bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Anh từ trước đến nay và chính Bản Phổ Thông cũng dịch như thế: et ne nos inducas in tentationem. Eisenenkēs rõ ràng ở thể hành động (active voice): “đừng dẫn” là lối dịch duy nhất. “Đừng cho phép” không hề có trong nguyên bản Hy Lạp.

Ngoài ra, Kinh Lạy Cha bằng tiếng Anh hiện nay là một trong những kinh chung họa hiếm với các Kitô khác không phải là Công Giáo. Đơn phương thay đổi không lợi cho việc hợp nhất Kitô Giáo.

Hơn nữa, thay đổi như thế còn để mất cơ hội giảng dạy đúng lúc. “Đừng dẫn chúng con vào cám dỗ” có thể gây khó hiểu nơi một số người, nhưng nó là dịp bằng vàng để ta nhấn mạnh tới một giáo lý vô cùng khẩn thiết đối với con người duy nghiệm, duy khoa học thời nay: họ coi thường khía cạnh Thiên Chúa mới là nguyên nhân đệ nhất của mọi chuyển động của con người, của thế giới, của lịch sử. Thực ra, con người chỉ là nguyên nhân đệ nhị đẳng, chứ không phải nguyên nhân đệ nhất đẳng, vì nguyên nhân của họ chính là Thiên Chúa. Người là nguyên nhân mọi sự.

Kinh Lạy Cha trong bản tiếng Anh hiện nay nhấn mạnh khía cạnh ấy. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không cám dỗ ta theo nghĩa trực tiếp. Người không đánh bẫy ta hay làm ta bối rối đến độ khiến ta sa ngã. Tuy nhiên, vì Người là nguyên nhân đệ nhất của mọi hiện hữu, nên Người cũng là nguyên nhân của những điều cám dỗ ta. Do đó, khi xin Chúa “đừng dẫn ta vào cám dỗ”, ta xin Người, Đấng quan phòng gìn giữ ta và mọi sự trong hiện hữu, dẫn dắt ta tiến bước bằng ơn thánh ta cần để chống lại nó.

Nói rằng Thiên Chúa “dẫn” ta là nhìn nhận rằng Người là nguyên nhân thứ nhất mọi chuyển động của ta ở trong đời. Dù ta có ý chí tự do trong các quyết định của mình, nhưng Người nâng đỡ ta trong các quyết định này và do đó, “dẫn” ta như nguyên nhân đệ nhất mọi sự ta làm.

Nhận định của Đức Ông Pope dĩ nhiên là đúng, nhưng khi không đề cập đến việc “cho phép” và “trực tiếp gây ra” mà chỉ nhấn mạnh đến nguyên nhân đệ nhất thì sợ rằng tất cả các tai ương xẩy ra trên thế giới hiện nay đều do Chúa gây ra cả. Nếu đúng như thế thì Linh Mục Gerhard Wagner (Áo) đâu có mất chức giám mục chỉ vì cho rằng Bão Katrina là hình phạt Chúa gửi đến cho nước Mỹ?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Tân Phú – Mừng Kính Lễ Bổn Mạng Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
Phương Nga
09:39 10/12/2017
Giáo Xứ Tân Phú – Mừng Kính Lễ Bổn Mạng Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

“Kính chào Bà đầy ơn phúc Thiên Chúa ở cùng Bà(Lc 1,28)

“Mẹ tuyệt mỹ không hề vấn vương tội tình diễm lệ như ánh bình minh.Mẹ hoàn toàn trong sạch trinh khiết như muôn hoa tươi xinh..”

Đó là những lời ca tụng Mẹ Maria của ca đoàn và cộng đoàn giáo xứ Tân Phú đã cất lên trong buổi lễ trọng thể mừng kính lễ bổn mạng Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào lúc 17g30 ngày Thứ Sáu 08-12-2017.

Cùng với những ánh điện lung linh và quang cảnh hang đá Belem của lễ Giáng sinh,một lễ đài ngoài trời đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhiều ngày trước lễ và hôm nay trong vô số sắc màu của cộng đoàn cùng đồng phục của Ban điều hành xứ họ và các đoàn thể,các đội hoa đã làm tăng lên niềm hân hoan cho toàn giáo xứ.Để mừng kính lễ Mẹ cho trang trọng giáo xứ đã có một chương trình:

Xem Hình

TĨNH TÂM;

Vào lúc 17g15 các ngày từ 05-12 đến 07-12 thánh đường đã có những giờ chầu thánh thể và tĩnh tâm do các đoàn thể phụ trách.Sau khi Cha chủ sự đặt Mình Thánh Chúa,cộng đoàn cùng hiệp thông giờ kinh:Đọc Tin mừng,lần chuỗi Mân côi,kinh Lạy Nữ Vương,đọc suy niệm về Đức Maria,hát cầu cho Đức Giáo Hoàng và giờ Chầu Thánh Thể.Trong suốt 3 ngày tĩnh tâm,công đoàn đã tham dự rất sốt sắng và vào chiều Thứ Năm có các cháu Thiêu nhi Thánh Thể cùng tham dự.

RƯỚC KIỆU:

Khi tiếng trống của đội trống giáo xứ Tân Phú vang lên,là lúc cộng đoàn đã quy tụ khá đông đủ và đã ổn định.Đúng 17g30 ông Ký An để mời gọi cộng đoàn hướng về lễ đài và chuẩn bị nghi thức thánh hóa.Cha phó xứ Giuse Phạm Công Minh xướng kinh Cầu xin Chúa Thánh Thần,kinh Ăn năn tội và 3 kinh Kính mừng để mừng kính lễ bổn mạng.Công đoàn cùng sốt sắng hiệp thông.Nghi thức kết thúc mọi người xếp thành hàng 4 theo thứ tự:

Cờ ngũ sắc,đội trống giáo xứ,Thánh giá nến cao,thiếu nhi Thánh Thể,các đội hoa của giáo xứ,các đoàn thể Công Giáo tiến hành,Quý Sơ các Dòng,kiệu hoa của các bà mẹ CG,Quý chức xứ họ,kiệu hoa Thánh Giuse,kiệu hoa Mẹ Maria,ban Lễ sinh cùng Cha Giuse Phạm Công Minh chủ sự và đoàn đồng tế Cha G.B Nguyễn Chánh Thi (Bề trên Tu hội Giêsu) Cha Giuse Nguyễn Văn Lãnh(Phó xứ Hòa Hưng) Cha Giuse Vũ Minh Thùy (Phó xứ Hòa Hưng) Cha Phaolo Phạm Minh Tân,Cha Giuse Nguyễn Minh Thành,Cha Louis Nguyễn Xuân Vũ,Cha Giuse Maria Nguyễn Quốc Tuấn,Cha Giuse Kiều Hoàng An bước lên lễ đài.Ca đoàn hát bài “Ave Maria”.Cha chủ sự chia sẻ:

Hôm nay,cùng với giáo hội,giáo xứ chúng ta hân hoan mừng kính Mẹ Maria Vô nhiễm Nguyên tội và mới đây chúng ta đã long trọng cung nghinh hai vị thánh Bổn mạng là Thánh cả Giuse và Mẹ Maria vòng quanh thánh đường.Có 2 điều cần nhắc với cộng đoàn:

-Giáo xứ có thuê nhiều ghế nhựa đủ cho mọi người dự lễ.Xin đừng ai đứng hoặc ngồi quá xa với lễ đài.

-Chiều nay,Cha Giuse An có thay mặt các Cha phó,vào mời Cha xứ Giuse cùng dâng lễ,nhưng Cha xứ kiếu vì lý do sức khỏe còn yếu.Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho Cha xứ.

Bài đọc 1: Bài trích sách Sáng Thế(3,9-15.20) Ca viên ca đoàn giáo xứ đọc

Bài đọc 2:Bài trích thư Thánh Phaolo Tông đồ gửi Tín hữa Epheso(1,3-6,11-12) Sơ dòng con Đức Mẹ Vô nhiễm đọc.

Bài Tin mừng thánh Luca( 1,26-38)

Cha Giuse Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ:

Tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội đã được Đức Giáo Hoàng Pio IX tuyên tín vào ngày 08-12-1854 tại Quảng trường Thánh Phê rô trước 50 Hồng Y,130 Giám mục,và khoảng 50.000 linh mục,tu sĩ và giáo dân”Với uy quyền của Thiên Chúa chúng ta cùng hai Thánh Phê rô và Phaolo,Ta công bố Tín điều buộc mọi tín hữu phải tin và trung kiên: Đức Trinh nữ Maria được vô nhiễm ngay từ trong lòng mẹ”.Như vậy,Ngài muốn nhắc nhở chúng ta rằng Mẹ Maria được gìn giữ khỏi tội Nguyên tổ ngay từ cung lòng của Bà thánh Anna.

Khởi đi từ bài đọc 1”Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 đã nhắc đến bối cảnh lịch sử vười Địa đàng sau khi Adam và Eva phạm tội thì trốn trong bụi cây.Chúa trời đã lên tiếng hỏi”Ngươi đang ở đâu ?”ông thưa “Lạy Chúa ! tôi đang trần truồng và tôi không dám gặp Chúa..”Cũng từ lúc đó mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người dường như đã cắt đứt và cả mối tương quan giữa con người với nhau cũng rạn vỡ nặng nề.Adam đổ tội cho Eva xúi giục,còn Eva lại đổ tội cho con Rắn cám dỗ.Vì tội lỗi nặng nề mà Thiên Chúa cũng đã chúc dữ cho loài thụ tạo này.

Nhưng Ngài đã không nỡ bỏ rơi con người luôn mà Ngài sai xuống chính Con một của Ngài là Chúa Giê su đi vào cung lòng của Trinh nữ Maria một người đã được đầy ân sủng của Thiên Chúa, để Mẹ hàn gắn mối liên hệ của Thiên Chúa với con người.”Kính chào Bà đầy ơn phúc Thiên Chúa ở cùng Bà ‘(Lc 1,28)theo các nhà chú giải thì Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria ngay trong cung lòng của Mẹ Người.

Còn bài đọc 2 gửi tín hữu Êphêsô thì Thánh Phaolo viết” Trong Đức Giêsu Kitô muôn vật được tạo thành.”vậy chúng ta phải sống như thế nào?Chúng ta là những người đã được lãnh nhận đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội trong ngày chịu phép Rửa tội cũng là ngày chúng ta được tái tạo lại và được dìm vào lòng Đức Kitô.Chúng ta được hàn gắn lại thương tích và tạo lại mối tương quan nhờ chính Con một Thiên Chúa là Đức Kitô.Còn Đức Maria thì được gìn giữ tinh tuyền từ trong cung lòng mẹ Người để Chúa Con ngự trị và không bị ô nhễm.

Mẹ Maria như vậy còn chúng ta thì khácThời đại hôm nay chúng ta đang phải sống trong sự ô nhiễm trầm trọng từ mội trường đến thực phẩm và cả trong không khí chúng ta đang hít thở.Theo báo cáo mỗi ngày thành phố thải ra 70 tấn rác và chúng ta cũng đang hít thêm khói bụi nữa.Vì vậy mà bệnh nhân Ung thư có chiều hướng gia tăng.Nhưng đó mới chỉ là ô nhiễm về vật lý, nhẹ hơn cái ô nhiễm trong linh hồn chúng ta.

Sự ô nhiễm linh hồn đó đang đi vào từng gia đình và cả trong những cộng đoàn.Cách đây vài hôm trên báo đăng một đứa con trai đã chém chết cha đẻ của mình vì không được chia gia tài;như vậy tình mẫu tử và phụ tử đang bị ô nhiễm nặng và cả ngay các cặp vợ chồng mối tương quan cũng không được tốt là bao !

Cũng sự ô nhiễm này đã tạo ra sự thiếu lương tâm khi một tài xế ở Đồng Nai bị lật một xe chở bia;thay vì gom góp lại dùm anh ta,thì khá đông người đã đến hôi của và vơ vét bia về cho mình.Hãy tự hỏi xem lương tâm những con người đó đang ở đâu?Sự ô nhiễm như đã lan tỏa vào tận tâm hồn của họ rồi .

Chúa hỏi Adam”Ngươi đang ở đâu?” và Chúa cũng đang hỏi chúng ta”Mối tương quan của các ngươi đang ở đâu?”giữa vợ chồng cha mẹ con cái và anh em bạn bè ?

Hôm nay,Giáo hội và Giáo xứ chúng ta hân hoan mừng lễ Mẹ Maria Vô nhiễm chúng ta hãy cầu xin Mẹ bầu cử cho chúng ta đừng bị ô nhiễm nữa mà phải trở nên tinh tuyền như Chúa muốn.Chúng ta cũng cầu nguyện cho Cha xứ Giuse được hồn an xác mạnh,cho giáo xứ và cho tất cả cộng đoàn Khi chúng ta lên rước Chúa Giê su là chúng ta ôm ấp Chúa vào lòng.

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria Vô nhiễm tuôn đổ muôn ơn lành trên chúng ta để chúng ta giữ cho tốt những mối tương quan với Thiên Chúa,với Giáo hội ,với Giáo xứ và với gia đình chúng ta nữa Amen.

Trong khi cử hành dâng lễ Cha chủ sự cũng nêu ý nghĩa của thánh lễ hôm nay.Trong Giáo xứ có ca đoàn Hiệp hội Thánh Mẫu và Cộng đoàn dòng tu Con Đức Mẹ Vô nhiễm cũng mừng kính bổn mạng.

Sau truyền phép,Cha Giuse Maria cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Phaolo,hai Đức Cha phụ tá,Cha Tiên khởi và Quý Cha tiền nhiệm,Quý ân nhân đặc biệt là Cha xứ Giuse.

Trước khi ban phép lành.Cha chủ sự Giuse đại diện cho Cha xứ,Quý Cha phó dâng lời tri ân đến Quý Cha đồng tế đã đến cầu nguyện cho Giáo xứ.Cha cũng thay mặt cho Cha xứ cùng quý Cha Đồng tế cám ơn Hội đồng mục vụ xứ họ,Quý đoàn thể,ca đoàn giáo xứ,cùng tất cả cộng đoàn đã góp công sức cho buổi lễ hôm nay long trọng và hoàn tất;tuy rằng chưa phải là đủ nhân số trong giáo xứ nhưng cộng đoàn cũng đứng chật kín khuôn viên nhà xứ và nhà thờ.Chúc Quý Cha đồng tế cùng tất cả một mùa Giáng sinh an lành và hạnh phúc.Quý Cha cùng ban phép lành cho cộng đoàn.

Ca đoàn hát bài kết lễ và Quý chức cùng Quý đoàn thể tranh thủ chụp hình cùng Quý cha.Buổi lễ kết thúc lúc 19g30 cùng ngày trong niềm vui nhân đôi vì hôm nay mừng lễ Mẹ Vô nhiễm và Giáng sinh cũng đang về với mọi người.

Phương Nga
 
Thánh Lễ Tạ Ơn Kỷ Niêm 2 Năm Cung Hiến Mừng Bổn Mạng Giáo Xứ Sơn Lộc
Tôma Đỗ Lộc Sơn
09:50 10/12/2017
Thánh Lễ Tạ Ơn Kỷ Niêm 2 Năm Cung Hiến Mừng Bổn Mạng Giáo Xứ Sơn Lộc

Chiều ngày 8/12/2017, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước- Giám mục Giáo phận Phú Cường đã về Giáo xứ Sơn Lộc, Hạt Củ Chi, để dâng lễ Tạ ơn kỷ niệm 2 năm Cung hiến và mừng bổn mạng giáo xứ. Cùng hiệp dâng có cha Tổng Đại Diện Giáo phận cũng là cha xứ Sơn Lộc Simon Nguyễn Văn Thu và 2 cha thuộc Hội Thừa Sai VN cùng cha Bề trên dòng Viện tu Phanxico. Tham dự có quý tu sĩ các hội dòng, quý khách mời và bà con giáo dân trong xứ ước khoảng 2000 người.

Xem Hình

Mở đầu thánh lễ, Đức cha Giuse nói: “Tôi vui mừng vì có nhiều người tham dự thánh lễ. Hôm nay chỉ là ngày thường, ngày của công việc, giờ này là giờ của nghỉ ngơi sau một ngày vất vả, thế mà anh chị em đã vì niềm tin, tin vào Thiên Chúa là Đấng yêu thương, tin vào Mẹ Maria cầu thay nguyện giúp, đã đến đây để cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho giáo xứ những gì tốt đẹp nhất sau 2 năm Cung hiến và Xin Đức Mẹ Vô Nhiềm chúc lành cho giáo xứ khi nhận Mẹ làm bổn mạng.

Phụng vụ thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Cha Giuse đã chia sẻ về tội tổ tông và những hệ lụy của tội ấy. Đức Maria là người thật diễm phúc, vì được Thiên Chúa chọn gọi vào công trình cứu chuộc của Người. Vì thế, ngay khi được sinh ra, Đức Maria đã không nhiễm tội truyền. Từ ngày thành lập (1954) Giáo xứ Sơn Lộc đã đón nhận tước hiệu Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng để kỷ niệm 100 Đức Mẹ được tôn phong tước hiệu này, Nhờ niềm tin vào Thiên Chúa và lời bầu cử của Đức Mẹ, giáo xứ đã đứng vững trước bao khó khăn sóng gió để trở thành một giáo xứ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.

Thánh lễ đã diễn ra trong trang nghiêm sốt sáng, ca đoàn giáo xứ đã thể hiện những bài hát tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đầy tình thương yêu và Đức Maria là Mẹ bảo trợ cho hết thảy mọi người.

Cảm nhận sau 2 năm Cung Hiến:

Giáo xứ Sơn Lộc sau 2 năm Cung hiến đã có nhiều biến đổi. Khi niềm tin của mình có thể nhìn thấy được, lòng mình cảm xúc dâng trào.

Khuôn viên sạch đẹp, nhà thờ thoáng mát, cảnh quan thiên nhiên rợp bóng cây xanh, thảm cỏ dịu mát trên những cánh hoa dại, đã làm tan chảy những tâm hồn chai đá. Tiếng chuông vang xa trong sáng sớm, chiều tà như thôi thúc lòng người còn bao nỗi vấn vương; Hãy đến và hãy đến. Người người đi lễ sáng sáng chiều chiều, trang phục nghiêm trang, tác phong đứng đắn, cùng những tiếng nói, tiếng cười chia sẻ niềm vui …xóa tan ngăn cách.

Đến với Chúa, đến với anh em trong những dịp rèn luyện thể thao. Trong khuôn viên nhà thờ, các anh em trong đội bóng đá, bóng chuyền của các đội đã tổ chứ thi đấu giao hữu để anh em có dịp gặp gỡ, gây tình thân trong giáo xứ. Các cuộc tập luyện đã cuốn hút nhiều người tham gia, không chỉ rèn luyện thể lực, rèn luyện tình đoàn kết và cả rèn luyện niềm tin cho nhau nữa.

Một điều lạ lùng là: các con đường trong xứ trước kia lầy lội khi mưa, gồ ghề lởm chởm khi nắng, đã gây khó khăn trong việc đi lại. Nay phần lớn đã được nâng cao và mở rộng (rộng 3,5m, hai bên có cống thoát nước) và cáng bê-tông bằng phẳng sạch đẹp, để việc đi lại nhất là đi lễ nhà thờ được dễ dàng thuận tiện. (Các con đường được làm mới nhưng người dân không tốn bất kỳ một chi phí nào.)

Lạy Chúa, mọi sự việc đang xảy ra trước mắt chúng con, chúng con ngỡ là trong mơ. Ngôi nhà thờ mới khang trang sạch đẹp, các con đường đi đến nhà thờ bằng phẳng cao ráo, điều này trước kia chúng con không bao giờ dám mơ ước. Vậy mà giờ đây chúng con đang sở hữu chúng. Chúng con hết lòng cảm tạ Chúa, đã ban cho chúng con cách này cách khác để chúng con có được. Chúng con cảm ơn Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã đồng hành với chúng con và xin đồng hành với chúng con mãi mãi. Amen.

Toma Đỗ Lộc Sơn
 
Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam Liên Bang Úc Châu tại Sydney
Diệp Hải Dung
16:48 10/12/2017
Sáng Chúa Nhật 10/12/2017 sau khi tham dự Đại Hội Giới Trẻ Úc Châu tại Sydney, các bạn trẻ Việt Nam thuộc các tiểu bang Tây Úc (Perth) Nam Úc (Adelaide) Victoria (Melbourne) Queenlands (Brisbane) và Sydney đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney cùng nhau họp mặt và tham dự Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam Liên Bang Úc Châu do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney tổ chức với chủ đề Thắp Sáng Tin Yêu.

Xem Hình

Sau khi ghi danh và dùng điểm tâm sáng, các bạn trẻ tập trung trong hội trường trung tâm. Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Tuyên úy Đặc trách Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo và Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình TGP Sydney ngỏ lời chào mừng tất cả các bạn trẻ ở khắp nơi đã tụ tập về đây họp mặt và tham dự Đại Hội. Cha cũng long trọng tuyên bố khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Liên Bang Úc Châu 2017 đồng thời Cha giới thiệu Cha Phêrô Hoàng Kim Huy từ Melbourne giảng thuyết với đề tài: Hôn Nhân Đồng Tính giúp cho các bạn trẻ ý thức thế nào về quan niệm của Giáo Hội đối với Luật Hôn Nhân Đồng Tính. Sơ Bernadette Đoàn Thị Phục Trợ uý Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình TGP Sydney giảng thuyết về đề tài: Tôn Trọng Sự Sồng và Sơ cũng chia sẻ đôi chút về cuộc đời và ơn gọi của Sơ.

Sau giờ giải lao các bạn trẻ cùng sinh hoạt ngoài trời với những trò chơi lành mạnh và dùng cơm trưa trong nhà ăn trung tâm do quý Ban Thường Vụ Cộng Đồng khoản đãi và tham dự Thánh lễ gồm quý Cha FX Nguyễn văn Tuyết, Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm, Cha Paul Văn Chi, Cha Canut Nguyễn Thái Hoạch, Cha Giuse Vũ Minh Nguyên từ Brisbane, Cha Hoàng Kim Huy từ Melbourne Cha Cha GB. Lê Hồng Mạnh từ Melbourne và Cha Giuse Đinh Thế Hoài từ Việt Nam cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Thánh lễ Cha FX Nguyễn Văn Tuyết nói về Mùa Vọng chính là thời gian của sự kiên nhẫn, kiên nhẫn chờ đợi trong vui mừng và hy vọng về việc ngự đến của Đấng Thiên Sai. Đấng sẽ đến vào những lúc chúng ta không ngờ và vào giờ chúng ta không biết. Kiên nhẫn là lắng nghe Lời Chúa để hiểu xem đâu là Thánh ý cùa Chúa…

Trườc khi kết thúc Thánh lễ. Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney ngỏ lời chúc mừng các bạn trẻ từ khắp nơi đã về đây họp mặt và tham dự Đại Hội và anh chúc các bạn trẻ luôn hăng hay và tìm một hướng đi tốt đẹp trong tương lai. Sau cùng Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm cũng ngỏ lời chúc mừng các bạn trẻ.

Thánh lễ kết thúc, các bạn trẻ cùng nhau chia nhóm và hội thảo về đề tài Hôn Nhân Đồng Tính và sau đó các bạn trẻ chia sẻ và phát biểu đưa ra những kết luận rất hữu ích và sau cùng kết thúc bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam Liên bang Úc Châu.

Diệp Hải Dung
 
Thánh Lễ Tạ Ơn Của Cha Phêrô Nguyễn Thanh Tâm - Linh Mục Thứ 46 Của Giáo Xứ Búng
Maria Phượng
17:01 10/12/2017
Thánh Lễ Tạ Ơn Của Cha Phêrô Nguyễn Thanh Tâm - Linh Mục Thứ 46 Của Giáo Xứ Búng

"Đường đi lên nhà Chúa, Chúa ơi. Cung thánh Ngài ngợi bao huyền diệu. Ngất ngây trong cõi lòng, lạy Chúa con mơ ước ngày đêm. Có Chúa là gia nghiệp… Đời con nguồn hạnh phúc con trông cậy Ngài".

Vào lúc 9g30 ngày 09-10-2017, một ngày hân hoan vui mừng của giáo xứ Búng, bà con giáo dân trong bộ trang phục đẹp nhất, với nụ cười tươi nhất đón mừng linh mục thứ 46 của xứ đạo về đây dâng lễ tạ ơn.

Dẫu xã hội bên ngoài nhiều thay đổi, hơn thế kỷ trôi qua, ngôi thánh đường cổ kính có hàng sao già soi bóng vẫn lưu dấu bao kỷ niệm, nơi đây từng chứng kiến 46 linh mục - những người con của giáo xứ tiến đến bàn thánh là linh mục của Chúa, theo phẩm hàm Melkichêđê. Thánh lễ hôm nay cho lòng người những náo nức, cảm động khi tiếng chuông, tiếng kèn, tiếng trống, bừng tươi trong ánh nắng vàng rực rỡ theo đoàn rước của các ban ngành đoàn thể, nam nữ tu sĩ, quý cha đồng hương, quý cha đồng tế - đã từng giúp xứ Búng - cùng về đây trong lễ mở tay của cha Phêrô Nguyễn Thanh Tâm. Đoàn rước tiến đến lễ đài thánh Phêrô Đoàn Công Quí thắp hương và tiến vào cung thánh. Thánh lễ bắt đầu.

Cha sở Micae Lê Văn Khâm giới thiệu cha Phêrô Nguyễn Thanh Tâm đã được Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục giáo phận Phú Cường - phong chức linh mục cùng với 5 tiến chức khác vào ngày 02-12-2017; và giờ đây về quê “vinh quy bái tổ”, cùng với cha Anphongsô Nguyễn Quang Hiển (giáo xứ Rạch Kiến), quý cha, quý tu sĩ trong tràng pháo tay vui mừng của cộng đoàn. Cha Micae mời tất cả cùng an tọa.

Lịch sử của họ đạo Búng từ thời kỳ khai phá, thời kỳ cấm đạo (cha Phêrô Đoàn Công Quí), những giai đoạn chuyển tiếp, hình thành họ đạo từ năm 1875 do cha Antôn Nguyễn Văn Võ, phát triển cho đến nay là một xứ đạo trù phú, có truyền thống đạo đức, có nhiều ơn thiên triệu và là cánh tay nối dài của giáo phận Phú Cường. Đúng 9g50, kinh Vinh Danh được xướng lên trong niềm xúc động trào dâng, mọi người cùng cất cao lời ca ngợi Chúa. Trong đó có những giọt nước mắt, mồ hôi của người mẹ đổ xuống cánh đồng, chắt chiu mọi thứ cho con ăn học và mơ ước một ngày kia con là thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo; xen lẫn với niềm tự hào mang trong mình dòng máu tử đạo, cậu học trò giúp lễ, là huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể ngày nào đã trở thành linh mục. Vốn sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, nhưng sự cố gắng, sự nhiệt thành cùng với lời cầu nguyện của mẹ, của anh em, của thân nhân, ân nhân, bạn hữu và cộng đoàn hiệp dâng lên Thiên Chúa toàn năng người con ưu tú và giờ đây cha Phêrô bước vào sứ vụ mới của đời linh mục.

Ôi linh mục tối cao đời đời! cha Gioan Lê Quang Tuyến đã nhấn mạnh trong bài giảng: Linh mục - một Kitô khác ở trần gian - sánh ví như thế vì người linh mục được Chúa tuyển chọn và thánh hiến, là một tư tế đích thực, loan báo và thực thi công trình cứu độ của Thiên Chúa; uốn nắn đời sống trong mầu nhiệm Thiên Chúa, chuyên cần cầu nguyện; là người trung gian, giao hòa giữa Thiên Chúa và trần gian.

Bí tích Truyền Chức Thánh ghi ấn tích không phai mờ và ban ơn Chúa Thánh Thần để trở thành thừa tác viên của Chúa Kitô là Thượng Tế, Thầy Dạy và Mục Tử. Nhưng Thiên Chúa lại trao ban cho con người hạn hẹp. Biết yêu mọi người mà không giữ lại riêng ai, không được thố lộ, khả năng cảm thông, biết lôi kéo mọi người về cùng Thiên Chúa, biết nâng đỡ những ai yếu kém, v.v.

Vì vậy xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho các tân linh mục, sống trọn vẹn sứ vụ, luôn tín thác vào Chúa, cùng với ơn Chúa, như câu phương châm mà cha Phêrô đã chọn: "Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12, 9).

Phần dâng lễ diễn ra trong bầu không khí sốt mến, một niềm vui hồng ân thánh chức linh mục từ trên bàn thờ lan tỏa nơi tâm hồn mọi người, yêu mến đời sống thánh hiến và say yêu Chúa nhiều hơn. Sau phần hiệp lễ, cha sở Micae trao phép lành Tòa Thánh cho cha Phêrô và thân mẫu của cha. Trong thánh lễ hôm nay mọi người cùng cầu nguyện cho những ân nhân, thân nhân đã qua đời mau sớm hưởng phúc thiên đàng.

Và một đại diên Hội đồng Mục vụ giáo xứ chung chia niềm vui với tân linh mục bằng bài cảm ơn ngắn gọn, và dâng lên cha Phêrô cùng cha Anphongsô lẵng hoa tươi thắm chúc mừng. Cha Phêrô cảm ơn chân thành đến quý Đức cha, quý cha Bề trên, quý cha giáo, cha linh hướng, cha nghĩa phụ, dì Magarita Nguyễn Thị Tùng (đã qua đời), và rất xúc động khi cảm ơn mẹ và người cha mất sớm của mình, thân tộc nội ngoại, các anh em, bằng hữu, các ân nhân đã dìu đưa cha đến bàn thánh hôm nay. Cha rất cám ơn cha sở Micae, cha phó Giuse, ca đoàn Thánh Quí, và các hội đoàn giáo xứ Búng đã tạo mọi điều kiện để buổi lễ hôm nay hoàn thành tốt đẹp. Lúc11g00, thánh lễ kết thúc trong bài hát cảm tạ, quý cha và quý thân nhân chụp hình lưu niệm với cha mới và mọi người cùng dự tiệc mừng, tham gia chương trình văn nghệ đặc sắc.

Xin chúc mừng cha Phêrô Nguyễn Thanh Tâm - linh mục thứ 46 của giáo xứ Búng.

Maria Phượng
 
Đoàn Hành Hương Kiệm Tân – Xuân Lộc Mang Quà Giáng Sinh Đến Cho Người Nghèo
Trương Trí
18:37 10/12/2017

Từ 3 giờ sáng ngày 9, Đoàn Hành hương Kiệm Tân-Xuân Lộc xuất phát tại Gia Kiệm, Gia Tân, Dốc Mơ gồm 2 chiếc xe khách chở 65 người gồm những cụ già 70-80 tuổi đến những thanh niên thiếu nữ có tấm lòng nhân ái mang theo những món quà đầy yêu thương mừng Chúa Giáng sinh, đến với đồng bào nghèo và những trẻ em mồ côi bất hạnh, cũng như những bệnh nhân phong cùi. Cùng đi với đoàn có Hiệp sĩ Đại Thánh giá G.B. Lê Đức Thịnh, đây là nguồn động viên lớn lao cho những nhà hảo tâm để họ nhiệt thành hơn trong những chuyến tiếp theo sau này.

Xem Hình

Điểm đến đầu tiên là giáo xứ Minh Hưng thuộc tỉnh Bình Phước, Giáo phận Ban Mê Thuột. Đoàn đã trao 100 phần quà cho những người nghèo khổ không phân biệt lương giáo.

Sau khi ăn trưa, đoàn tiếp tục lên đường đi Kon Tum. Sáng ngày 10, tham dự Thánh lễ cùng với các Yă tại Nhà Nguyện của Hội Dòng Ảnh Phép lạ. Sau Thánh lễ, Cô Hồng là thành viên thường xuyên của Đoàn đã chuyển số tiền 1.000 USD nhân dịp Hội Dòng mừng kỷ niệm 70 năm thành lập, để Hội Dòng lo cho đời sống Đức Tin của đồng bào dân tộc như Tôn chỉ của Hội Dòng.

Đoàn tiếp tục tiến về Đức Mẹ Măng Đen, trên đường đi, đoàn đã tặng quà cho các Nhà Vinh Sơn 3, 4, và 6. Những nơi này hiện đang nuôi dưỡng hơn gần 400 em mồ côi từ độ tuổi sơ sinh đến cấp 3. Tại nhà Vinh Sơn 4, cô Hồng cũng đã trao số tiền 800 USD và số bánh kẹo cho các cháu trị giá 700 USD. Đây là số tiền do linh mục Giuse Trần Đình Thắng và quí ân nhân thuộc giáo xứ Giuse và Hội Huynh trưởng Thiếu nhi Thánh thể Việt Nam tại Lousiana do anh Dương Quốc Long đại diện chuyển về.

Tổng số quà của Đoàn Hành hương Kiệm Tân Xuân Lộc trao tặng trong chuyến đi này gồm: 4,5 tấn gạo; 1,1 tấn mì gói (tương đương 17.600 gói); 300 lít dầu ăn cao cấp; 300 kg bột ngọt Miwon; 100 kg thịt heo và 30 bao quần áo. Ngoài ra còn có một số thực phẩm tươi sống khác. Tại đây, anh Vũ Đình Châu cũng thay mặt anh em thân hữu thuộc Công ty Việt Thắng trao tặng số tiền 5 triệu đồng cho Nhà Vinh Sơn 3.

Đoàn tiếp hành hương kính viếng Đức Mẹ Măng Đen. Công trình xây dựng Nhà thờ Măng Đen kính Đức Mẹ Sầu bi đang tiến hành thi công. Những thành viên trong Đoàn đã dâng lời khấn lên Mẹ với những tấm lòng thiện tâm. Kèm theo những lời khấn là một món tiền dâng cúng để xây dựng Đền Thánh kính Mẹ. Đoàn đã về thăm Tòa Giám mục Kon Tum và trao số tiền này cho Đức Giám Mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị. Ngoài ra, bà cố Hoàng cũng dâng cúng 10 chỉ vàng để góp phần xay dựng. Đức Cha thay mặt Giáo phận nói lời cảm ơn Hiệp Sĩ Đại Thánh giá và Đoàn Hành hương. Ngài đã ban Phép lành cho mọi người và chụp hình lưu niệm.

Tại Tòa Giám mục, Đoàn đã trao tặng chiếc xe lăn và bình Oxy cho Cha Tổng Đại diện Phero Nguyễn Vân Đông để giúp cho bệnh nhân.

Đoàn tiếp tục đến thăm và tặng 150 phần quà cho những người phong cùi và nghèo khổ tại giáo xứ Gia Tô cách thành phố Pleiku trên 30 km.

Đoàn Hành hương Kiệm Tân Xuân Lộc do Thầy Cô Anton Nguyễn Văn Kiểm dẫn đầu. Nhờ vào sự nhiệt thành đầy tình yêu thương và uy tín của thầy cô, cùng với sự hỗ trợ của Hiệp sĩ Đại Thánh giá G.B. Lê Đức Thịnh mà số thành viên ngày càng đông. Cho đến nay, với gần 1 ngàn thành viên là những tấm lòng nhân ái, từ già đến trẻ thường xuyên góp phần để Đoàn đều đặn có những chuyến hàng cho đồng bào nghèo và những những em mồ côi.

Trương Trí.

 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 11/12/2017: Tổng kết chuyến tông du Miến Điện và Bangladesh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:59 10/12/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


1. Năm tiêu điểm mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắm tới trong chuyến viếng thăm đất nước Burma và Bangladesh

Thứ Hai ngày 27/11/2017 Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp máy bay tới Thủ đô Yangon trong chuyến tông du sáu ngày tại Miến Điện và Bangladesh với một hoài bão nối kết chính trị và tôn giáo cho hai nước đang đối kháng nhau đã gây nên một cuộc khủng hoảng tị nạn thật bi thảm!

Đức Thánh Cha Phanxicô đang thăm viếng Miến Điện và Bangladesh trong những ngày 27/11 này cho tới 2/12 trong chuyến Tông du thứ ba của mình tại châu Á kể từ khi Ngài đăng quang Giáo hoàng vào năm 2013. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài đến Miến Điện, Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với đất nước này hồi đầu năm nay.

Tuy nhiên chuyến thăm viếng Bangladesh là lần thứ hai của Đức Giáo Hoàng viếng thăm, lần đầu tiên Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm viếng vào năm 1986; còn Đấng Đáng kính, Á thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã dừng chân tại đất nước này vào năm 1970, lúc đó còn được gọi là Đông Pakistan.

Trong suốt chuyến viếng thăm sáu ngày của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc tổng cộng 11 bài phát biểu: năm bài tại Miến Điện, gồm ba bài phát biểu và hai bài giảng, và sáu bài diễn văn ở Bangladesh gồm 5 bài phát biểu và một bài giảng.

Trên máy bay đi Miến Điện hôm qua Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các ký giả rằng Ngài hy vọng đây là một chuyến đi mang nhiều kỳ vọng. Sau đây là một số tiêu điểm quan trọng trong chuyến tông du này.

2. Các cuộc họp của Đức Thánh Cha với các quan chức dân sự và quân đội Miến Điện

Chuyến đi này là một trong những chuyến tông du quốc tế phức tạp nhất về ngoại giao mà Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện, đến mức người phát ngôn Vatican là Đức ông Greg Burke đã mô tả là chuyến đi đầy mạo hiểm “ngoại giao thú vị” trong cuộc họp báo tuần trước.

Ngoài số dân Công Giáo rất ít tại mỗi quốc gia, tình hình chính trị ở Miến Điện thật bấp bênh trong nhiều năm, vì họ đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ chánh phủ quân sự sang dân sự.

Nước này còn được gọi là Myanmar, và Vatican thường sử dụng danh từ này trong các văn thư ngoại giao chính thức của Tòa Thánh, “Myanmar” được chính phủ Hoa Kỳ và nhiều nhà hoạt động dân chủ cho là cái tên đã bị áp đặt bất hợp pháp cho đất nước này do chế độ độc tài quân phiệt!

Miến Điện đã trải qua một chế độ độc tài quân phiệt trong suốt hơn 50 năm qua, cho đến khi các cuộc cải cách dân chủ bắt đầu vào năm 2011. Tháng 11/2015, bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà là Liên đoàn Dân chủ Toàn quốc, thắng cử bởi đa số phiếu, chấm dứt chế độ độc tài quân phiệt sau nhiều năm cầm quyền.

Bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà cũng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 1990, nhưng kết quả không được chính phủ quân phiệt công nhận và bắt bà tù lỏng “quản thúc tại gia”. Dù bà đắc cử thành công vào năm 2015, bà vẫn bị cấm không được chính thức trở thành Tổng thống, và bà chỉ được giữ chức “Cố vấn Quốc Gia” và chức Bộ trưởng Ngoại giao, cộng tác chặt chẽ với Tổng thống.

Như chúng ta đã nói mặc dù có nhiều dấu hiệu nổi bật trong việc cải cách dân chủ ở Miến Điện, nhưng quân đội vẫn nắm giữ quyền lực chính trị chính, bao gồm việc bổ nhiệm các bộ trưởng và một phần tư cơ quan lập pháp của quốc gia.

Một phần quan trọng của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô lần này là thảo luận những thỏa thuận trong các cuộc gặp chính thức giữa Đức Thánh Cha với bà Aung San Suu Kyi và ông Min Aung Hlaing, chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang của Miến Điện vào ngày 28/11 hôm nay.

Buổi gặp gỡ với ông Min Aung Hlaing không có trong lịch trình nguyên thủy của Đức Thánh Cha; vì trong một chuyến viếng thăm gần đây của Đức Hồng Y Charles Maung Bo tại Roma, Ngài đã đề nghị nên có cuộc họp với vị thủ lãnh quân đội.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghe lời khuyên của Đức Hồng Y và lên kế hoạch cho cuộc họp này vào ngày 30/11 tại Tòa Tổng giám mục ở Yangon, khi Ngài đang ở Miến Điện. Nhưng cuộc gặp gỡ đã được cấp bách nhóm họp, và đã diễn ra vào ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô ngay sau khi máy bay hạ cánh.

Theo Đức ông Burke nhà phát ngôn viên chính thức của Vatican thì cả hai đã bàn về “trọng trách lớn lao của các nhà chức trách trong thời điểm chuyển tiếp này.”

Ông Min Aung Hlaing nói trên Twitter của ông rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “không có sự phân biệt tôn giáo.”

3. Đức Thánh Cha được chào đón và tình thương của Đức Thánh Cha dành cho nhân dân Myanmar

Với bối cảnh chính trị, một điều khác cần lưu ý là liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có sử dụng danh xưng Rohingya để mô tả nhóm sắc dân Hồi giáo chủ yếu sống ở bang Rakhine của Burma hay không?

Chuyến viếng thăm của Ngài diễn ra trong bối cảnh bạo lực chống lại người Rohingya, mà trong những tháng gần đây đã đạt cao điểm khiến Liên Hợp Quốc phải tuyên bố đây là một cuộc “diệt chủng!”

Với sự gia tăng đàn áp ngay trên chính quê hương của họ, nhiều người Rohingya đã phải chạy sang Bangladesh, hàng triệu người cắm trại dọc theo biên giới như những người tị nạn bần cùng! Hơn một trăm ngàn người Rohingya đã bỏ chạy khỏi Miến Điện qua Bangladesh trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, bất chấp việc sử dụng rộng rãi danh xưng Rohingya trong cộng đồng quốc tế, danh xưng này đang gây nhiều tranh cãi tại Miến Điện.

Chính phủ Miến Điện từ chối sử dụng danh xưng này và coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Họ đã bị từ chối quốc tịch kể từ khi Miến Điện giành độc lập vào năm 1948.

Vì tính chất gây bất đồng của danh xưng, Đức Hồng Y Bo cũng đã đề nghị với Đức Thánh Cha Phanxicô không nên sử dụng từ ngữ này vì những lập luận của các phần tử cực đoan trong khu vực đang cố kích động dân chúng bằng cách sử dụng danh xưng để gây chia rẽ và tạo nên những nguy cơ xung đột tôn giáo bạo loạn như bao giờ có, trong đó bao gồm cả các Kitô hữu...

Theo Đức Hồng Y, thuật ngữ chính xác cần xử dụng là “Hồi giáo của Nhà nước Rakhine.” Ngài cũng nhấn mạnh rằng các dân tộc thiểu số khác ở lãnh thổ Miến Điện đang phải đối mặt với khủng bố và xua đuổi bao gồm những thiểu số người Kachin, Kahn và Shahn, nhưng những hoàn cảnh này không được báo cáo.

Đức ông Burke nói tình hình tồi tệ của nhân dân tại Miến Điện ngày càng trở nên trầm trọng là một tiêu điểm trọng yếu cho chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đến “vào thời điểm then chốt” theo ý nghĩa này.

Tuy nhiên, trong khi tình hình những người Rohingya leo thang trong những tháng qua, Đức ông Burke cho rằng đó không phải là lý do chính cho chuyến thăm Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chính Đức ông phát ngôn viên Tòa Thánh đã sử dụng danh xưng “Rohingya” để miêu tả người thiểu số Hồi giáo đang bị bức hại, khi ngài nói “danh xưng này không phải là một từ ngữ cấm” ở Vatican, và chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng nó trước đây. Nhưng Đức Hồng Y Bo đã đưa ra một gợi ý với Đức Thánh Cha Phanxicô là đã “bàn thảo việc các ngài xem xét có nên sử dụng danh xưng này hay không trong chuyến thăm này”.

4. Cuộc gặp gỡ liên tôn

Trong suốt chuyến thăm Đức Thánh Cha Phanxicô Ngài đã tham dự nhiều buổi họp mặt liên tôn, vì thực tế Miến Điện là một quốc gia Phật giáo chiếm đa số, còn Hồi giáo chiếm đa số tại Bangladesh, nên những cuộc hội họp liên tôn đã được đặc biệt quan tâm tới.

Cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo liên tôn đầu tiên được diễn ra vào ngày 28/11 tại Tòa Tổng Giám Mục ở Yangon, cuộc họp này không có trong chương trình nguyên thủy của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng được thêm vào theo đề nghị của Đức Hồng Y Bo.

Mặc dù danh sách những người tham dự cuộc gặp mặt này không được công bố, nhưng Đức Hồng Y Bo cho hay có khoảng 15 nhà lãnh đạo các tôn giáo bao gồm Công Giáo, Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, và một thành viên của cộng đồng người Rohingya tham dự.

Trong cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các thành viên của “Tăng đoàn”, Hội đồng Tối cao của Giáo hội Phật giáo trong nước. Người Công Giáo ở Miến Điện là một thiểu số nhỏ, chỉ chiếm 1,3% trong tổng dân số 52 triệu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ những người Hồi giáo Rohingya trong cuộc gặp gỡ liên tôn ở Bangladesh vào ngày 1/12, nơi dự kiến đã có những tuyên cáo của các cộng đồng Người Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo và Kitô hữu trong cuộc họp này.

Tại Bangladesh, 86 phần trăm dân chúng theo đạo Hồi. 375,000 người Công Giáo đại diện cho khoảng 0.2 trên tổng dân số.

5. Lời hiệu triệu dành cho Cộng đồng Công Giáo

Chúng ta được biết Đức Thánh Cha Phanxicô có một mối quan hệ đặc biệt với Giáo hội địa phương của hai quốc gia này. Cả Miến Điện và Băng-la-đét đều là những Giáo hội nghèo về kinh tế. Bangladesh là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, với gần 30% dân số sống dưới mức bần cùng.

Các Đức Thánh Cha đã hỗ trợ các Giáo hội tại các quốc gia này bằng cách nâng một vị lên hàng Hồng Y vào năm 1980 và nâng Đức TGM Patrick D'Rozario của Dhaka lên Hồng Y vào năm 2016.

Các Kitô hữu là một thiểu số nhỏ ở Miến Điện và Bangladesh, nên các cuộc thăm viếng mục vụ của Đức Thánh Cha được coi là một động lực cho Giáo hội địa phương nhỏ bé tại các quốc gia này và Đức Thánh Cha qua các chuyến thăm viếng này muốn nói lên một nghĩa cử gần gũi và đầy yêu thương chăm sóc của Ngài cho họ.

6. Thành quả đầu tiên của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chính phủ Myanmar công bố triệu tập một Đại hội các Dân tộc Thiểu số”

Chính phủ Miến Điện đã công bố triệu tập một Đại hội trong đó nghị trình thứ ba của Đại hội bàn về việc cuộc sống hài hòa giữa các dân tộc thiểu số, được gọi là “Hội nghị Panglong”, đã được nhóm họp vào tuần cuối cùng của tháng Giêng năm tới: sáng kiến trên nhằm tiếp nối những cuộc hòa đàm mà chính phủ đã có với các nhóm dân tộc vũ trang mà quân đội Miến Điện đã cố gắng tiêu trừ trong suốt hơn 60 năm qua.

Sau khi đến Miến Điện, Đức Thánh Cha Phanxicô Phanxicô đã gặp vị chỉ huy trưởng của quân đội Myanma, Đại tướng Min Aung Hlaing tại Tòa Tổng giám mục ở Yangon. Nhà lãnh đạo quân đội nói với Đức Thánh Cha rằng “đã không có sự phân biệt tôn giáo và sắc tộc trong đất nước này”.

Chính phủ Miến Điện đã ký hiệp định ngưng bắn với tám tổ chức vũ trang, đại diện các nhóm sắc tộc, nhờ sự cam kết của bà Aung San Suu Kyi, người đã khởi xướng Hội nghị Hòa bình với các dân tộc thiểu số.

Các chủ đề đã được thảo luận trong cuộc họp tháng Một năm tới bao gồm: khía cạnh và bước tiến của cuộc đối thoại chính trị trên bình diện quốc gia với các nhóm thiểu số, bao gồm các nhóm Shan, và các nhóm Hồi giáo ở bang Rakhine. Đảng Giải phóng Arakan cũng ngỏ ý muốn đối thoại với chính phủ để có một đại diện của người Rohingya trong cuộc hòa đàm. Trong vài tuần qua, LHQ đã cáo buộc quân đội “muốn tiêu diệt các sắc tộc” qua chiến dịch chống lại người Rohingya. Mục đích của Hội nghị là tìm ra một thỏa hiệp chung cho tất cả các dân tộc có vũ trang hầu có thể tạo lập được một nền hòa bình ổn định cho đất nước.

Tin về Hội nghị được chào đón nồng nhiệt trong dân chúng và trong cộng đoàn Công Giáo thiểu số tại Miến Điện. Tổ chức “Huynh Đệ Kitô Hữu Quốc Tế Thế Giới” (Christian Solidarity Worldwide) tuyên bố trong một thông cáo gửi cho Thông tấn xã Fides: “Chúng tôi xin chính phủ Myanmar cho phép các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế được cứu trợ dân chúng tại Rakhine và hãy chấm dứt các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở các bang Kachin và Shan; Chúng tôi cực lực phản đối trào lưu chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, không dung nhương nhưng gây hận thù đang được thành hình khắp nơi trong đất nước”

7. Đức Thánh Cha nhắn gửi các Linh mục Tu sĩ: Anh chị em đừng làm ra mặt “lạnh lùng” và bộ điệu ‘chanh chua”!

Theo Thông tấn xã EWTN và CNA ngày 2/12 cho hay trong bài thường huấn dành cho các linh mục tu sĩ ở Dhaka, Bangladesh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói “thật là buồn khi thấy những người tận hiến không hạnh phúc! Cha thích nhìn vào mắt các tu sĩ lớn tuổi, những người đã suốt đời phục vụ trong niềm vui, để khám phá ra những cốt lõi của ơn gọi thánh hiến.

Đức Thánh Cha nói “Dù mắt của họ là không thể diễn tả trọn vẹn niềm vui và an bình ắp đầy trong tâm lòng họ,” Thiên Chúa vẫn dõi theo những ánh mắt của những người tu sĩ thiếu trong sáng vì họ không sống lý tưởng tu trì, họ không thể có được niềm vui.”

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng tinh thần của niềm vui hạnh phúc thật cần thiết cho đời sống tận hiến, và “chúng con không thể phục vụ Chúa” mà không có nó.

“Cha có thể đảm bảo với chúng con là thật đau buồn khi gặp những linh mục, những tu sĩ, những Giám mục, không có niềm vui, thì gương mặt họ lúc nào cũng ủ dũ buồn phiền”, Đức Thánh Cha còn nói thêm “bất cứ lúc nào Ngài gặp một ai đó như thế, Ngài thường hỏi ngay: “Hôm nay con đã làm gì? Con có uống dấm chua không vậy?”

Những ai có “khuôn mặt chanh chua lạnh như tiền” chắc là họ đang “có tâm trạng lo lắng và trái tim se thắt sầu khổ” nên họ không thể sống chứng tá và loan truyền Tin mừng Chúa được!”.

Trong cả hai cuộc tông du tại Miến Điện và Banglades, Đức Thánh Cha đều nói chuyện với cộng đoàn tu sĩ. Trong cuộc gặp gỡ với các tu sĩ, được tổ chức tại Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Bangladesh, Đức Thánh Cha đã lắng nghe nhiều chứng từ của Linh mục Abel Rozario, một linh mục thuộc Tổng Giáo phận Dhaka; Thầy Lawrence; Linh mục Franco; Sơ Mary Chandra; và Marcellius một chủng sinh. Sau khi lắng nghe những mẫu chuyện cuộc đời họ, Đức Thánh Cha cho biết Ngài đã chuẩn bị một bài chia sẻ dài 8 trang, nhưng trước những chia sẻ của các con, cha vui sướng nhận thấy “chúng con đến đây để lắng nghe Cha, và muốn nghe hoài mà không chán!”

Như một câu ngạn ngữ tiếng Tây Ban Nha qua Đức ông Mark Miles dịch sang tiếng Anh, Đức Thánh Cha nói theo bài đọc thứ ba của sách Tiên tri Isaiah đã viết “từ gốc cây của Jesse nẩy ra một chồi non”. Hình ảnh phát triển của một cây cỏ như thế nào thì trong tinh thần trí tuệ và lòng mộ đạo, cũng như trong một đời sống đức tin và phục vụ của một người tận hiến cũng tương tự như việc tăng triển của một hạt giống.

“Hạt giống không thuộc về các con hay về Cha, vì Thiên Chúa Đấng gieo hạt giống, sẽ làm cho chúng tăng trưởng”, Đức Thánh Cha giải thích dù Thiên Chúa là người chủ động, nhưng chúng ta phải là người vun tưới thì hạt giống mới phát triển được.

Để vun tưới cho hạt giống ơn gọi mà chúng ta đã được ban tặng cho, chúng ta phải “chăm sóc nó” như chúng ta chăm sóc cho em bé hay người đau bệnh hoặc người lớn tuổi… bằng chính sự dịu dàng.

“Ơn gọi phải được vun trồng bằng chính những tình cảm tinh tế của mọi người trong cộng đoàn, từ các linh mục cũng như mọi thành phần giáo dân”, Đức Thánh Cha nói thêm rằng “nếu không có sự dịu dàng chăm sóc, thì chồi non nhỏ bé không thể phát triển được, ngược lại nó sẽ bị khô héo đi!”

“Hãy chăm sóc mầm non ơn gọi bằng sự dịu dàng, bởi vì mỗi người chúng con trong cương vị là linh mục, giám mục, hay một thành viên trong cộng đồng, các con là những hạt giống của Chúa. Và Thiên Chúa săn sóc tất cả bằng tình yêu dịu dàng của một người cha. “

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảnh tỉnh rằng dù có nhiều nỗ lực cố gắng, ban đêm kẻ thù đã đến và gieo cỏ lùng vào chung với những hạt giống tốt mà Thiên Chúa đã gieo.

Cỏ lùng cùng chung với lúa “có nhiều lúc chúng bóp nghẹt không cho lúa triển nở. Thật “hãi sợ” và “đau buồn” khi thấy những cỏ lùng này đang phát triển nơi các giáo xứ hay trong hàng ngũ các Giám mục.

Để ngăn chặn sự phát triển của cỏ lùng, chúng ta cần phải biết cách nói với nhau về những hạt giống tốt, giải thích cho nhau nghe những quá trình chúng qua những giai đoạn “phân định”.

“Để chăm sóc các phương tiện cho sự phân định”, Đức Thánh Cha cắt nghĩa và kêu gọi mọi người cần chú ý đến những định hướng cho ơn gọi được thăng tiến và cổ súy những hỗ trợ từ - một tình bạn hay cộng đoàn, từ một thành viên trong gia đình hay cộng đoàn để khử trừ đi những đe dọa cho mầm non được tăng trưởng.

Việc cầu nguyện là một yếu tố then chốt của quá trình phân định này, Đức Thánh Cha nói thêm “để chăm sóc cũng có nghĩa là cầu nguyện, và khẩn cầu người trồng hạt giống làm thế nào để có nước cho hạt giống nẩy mầm và tăng trưởng.”

“Nếu một người gặp khủng hoảng và buông xuôi, thì tất cả chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa cứu giúp họ. Cầu nguyện để kéo ơn Chúa xuống cho chúng ta, qua chính sự dịu dàng săn sóc mà chúng ta nhận được qua tha nhân”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nêu lên những thách đố xảy ra trong các giáo xứ, trong các chủng viện, các Hội đồng các Giám mục, cũng như các viện tu, những thách đố này lúc nào cũng luôn có vì mỗi người chúng ta có những khiếm khuyết và những hạn chế đang làm rạn nứt sự bình an và hài hòa trong cuộc sống cộng đoàn.

Đức Thánh Cha nêu lên điểm son của đất nước Bangladesh được biết đến như là thành tựu của cuộc sống và thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo, Đức Thánh Cha nói những nỗ lực tương tự như thế phải được thực hiện trong các cộng đồng tín hữu, làm cho đất nước Bangladesh “trở nên một đất nước nổi bật về sự hòa hợp.”

Đức Thánh Cha đề cập tới một điểm mà Ngài thường hay nhắc tới, đặc biệt khi nói về tôn giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi nó là “kẻ thù” của sự hòa hợp trong đời sống tôn giáo, đó là chuyện phiếm, chuyện nói hành nói tỏi!

“Miệng lưỡi có thể phá hủy một cộng đoàn bằng cách nói xấu người khác”, Đức Thánh Cha lưu ý rằng “đây không phải là ý tưởng của cha mà 2.000 năm trước, Thánh Giacôbê đã đề cập đến trong lá thư của Ngài.”

Đức Thánh Cha nói, việc nói hành nói tỏi về khiếm khuyết của người khác thay vì đối diện trực tiếp với người đó, là chúng ta tạo ra một môi trường thiếu tin tưởng, ghen tỵ và chia rẽ! một lần nữa cha có thể nói chuyện đồn thổi là một hình thức “khủng bố”.

Nó là khủng bố, bởi vì “khi các con nói xấu kẻ khác, các con không nói công khai, và kẻ khủng bố cũng không bao giờ hành động công khai!” Ta có thể là một kẻ khủng bố. “ Một kẻ khủng bố âm mưu âm thầm tư riêng, nhưng sau đó hành vi bạo lực đó qua việc đặt bom công cộng!”

Điều này đang xảy ra trong các cộng đồng, vì thường kẻ nói xấu tha nhân không bao giờ nói ra cách công cộng, thì kẻ khủng bố cũng vậy họ âm thầm âm mưu cá nhân nhưng rồi họ cho bom nổ nơi công cộng để giết hại càng nhiều người càng tốt! Nên trong đạo thường khuyên chúng ta hãy “giữ miệng lưỡi của bạn” đừng để bị cám dỗ nói hành nói xấu người khác. Có một câu ngạn ngữ nói: “Có lẽ lưỡi bạn sẽ bị đau nếu bạn cắn phải; thế còn hơn là dùng lưỡi bạn làm tổn thương danh dự người khác.”

Nếu cần phải sửa đổi nhau, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, trước tiên hãy gặp mặt nhau với lòng bác ái, và nếu cần, hãy nhờ tới cộng đoàn. Có biết bao nhiêu cộng đoàn đã bị phân hóa và tan rã chỉ vì những tin đồn! Đức Thánh Cha năn nỉ: “Cha xin các con hãy giữ miệng lưỡi các con, hãy tắc lưỡi, hãy uốn lưỡi các con ba lần trước khi nói.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng những câu hỏi:

- Tôi có săn sóc cho cây mần non của tôi và tưới bón cho nó không?

- Tôi có nhờ tới sự nâng đỡ của người khác không?

- Tôi có sợ trở thành kẻ khủng bố không? Nếu vậy đừng bao giờ nói xấu kẻ khác!

- Và cuối cùng tôi có món quà niềm vui không?

Sau đó Đức Thánh Cha bầy tỏ hy vọng “hạt giống” ơn gọi của tất cả các con không ngừng triển nở để “mắt các con luôn chan hòa niềm vui của Thần Linh Chúa”. Xin các con cũng cầu nguyện cho Cha.

8. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tại sao ngài không dùng từ “Rohingya” ở Miến Điện

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài biết rõ nhiều người thất vọng khi ngài không sử dụng từ “Rohingya” ở Miến Điện, nhưng mối quan tâm chính của ngài là làm sao chuyển đạt được những mối quan tâm đến những người có trách nhiệm tại Miến Điện về tình hình vi phạm nhân quyền tồi tệ này, và ngài đã làm được như vậy.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên trên chuyến bay từ Dhaka, Bangladesh, trở về Rôma rằng: “Nếu tôi dùng từ này, các cánh cửa sẽ đóng lại”.

Ngài đã dành gần một giờ để trả lời các câu hỏi của các phóng viên sau chuyến đi 6 ngày tới Miến Điện và Bangladesh, nhưng yêu cầu rằng các câu hỏi nên tập trung về chuyến đi hơn là các chủ đề khác.

Trong các bài diễn văn ở Miến Điện, Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại nhiều lần nghĩa vụ bảo vệ sự sống và nhân quyền của tất cả mọi người. Nhưng ngài không đề cập cụ thể đến Rohingya, một nhóm Hồi giáo thiểu số tại bang Rakhine mà Liên Hiệp Quốc báo động là đang bị thanh lọc sắc tộc một cách có hệ thống. Quân đội Miến Điện, tuyên bố rằng họ đang tấn công vào các chiến binh thánh chiến, nhưng Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền trên thế giới đều cả quyết họ đã và đang phạm vào tội ác thanh lọc sắc tộc.

Chỉ từ tháng Tám đến nay, hơn 620,000 người Rohingya đã chạy trốn qua biên giới Bangladesh và sống chen chúc cùng hàng trăm ngàn người khác đã sống trong các trại tị nạn ở đó.

Đối với chính phủ Miến Điện, người Rohingya không tồn tại; thay vào đó họ được coi là các di dân không có giấy tờ.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên:

“Tôi biết rằng nếu, trong một bài phát biểu chính thức, tôi sử dụng từ này, thì họ sẽ đóng sầm các cánh cửa lại trước mặt tôi”. Tuy nhiên, “tôi công khai mô tả tình hình và tôi đã có thể đi xa hơn nữa trong các cuộc họp riêng” với các quan chức chính phủ.

“Tôi rất, rất hài lòng với các cuộc họp,” Đức Giáo Hoàng nói. “Tôi đã nói được tất cả những gì tôi muốn nói.”

Đức Thánh Cha nói tiếp: Đúng là, “Tôi không có được hứng thú” khi có thể đưa ra “một lời tố cáo công khai, nhưng tôi hài lòng về các cuộc đối thoại, cho phép người kia nói và, theo cách đó, thông điệp đã được chuyển tải”.

Cuối cùng việc có thể gặp được một số người tị nạn Rohingya ở Bangladesh là một khoảnh khắc cảm xúc đối với Đức Thánh Cha.

Chính quyền Bangladesh đã sắp xếp cho 16 người tị nạn đến Dhaka từ tỉnh Cox's Bazar, nơi có các trại tị nạn lớn, để họ có thể tham gia với các nhà lãnh đạo tôn giáo trong một cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha nhằm củng cố hòa bình.

Những người tị nạn đã phải di chuyển rất xa và đã trải qua quá nhiều những bi kịch trong đời nên Đức Thánh Cha nói ngài không thể chỉ bắt tay họ và thầm thì mấy câu an ủi như một số nhà tổ chức sự kiện này đã hoạch định.

Đức Thánh Cha đã có một vài phút với mỗi người, lắng nghe câu chuyện của họ với sự giúp đỡ của một thông dịch viên, nắm tay họ và nhìn vào mắt họ.

“Tôi đã khóc, nhưng cố giấu nó,” Đức Giáo Hoàng nói với các phóng viên. “Họ cũng khóc.”

Thật là cảm động khi lắng nghe họ và “Tôi không thể để họ bỏ đi mà không nói gì cả” với họ. Vì vậy, ngài yêu cầu người ta trao cho ngài một micrô và ngài nói về phẩm giá của Thiên Chúa ban cho họ và nghĩa vụ của các tín hữu của tất cả các tôn giáo phải đứng lên bênh vực cho họ như những người anh chị em. Ngài cũng xin lỗi vì tất cả những gì họ đã chịu đựng.

Đức Giáo Hoàng đã từ chối cung cấp cho các phóng viên những chi tiết về những cuộc gặp riêng tư của ngài với các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo quân sự ở Miến Điện, nhưng nhấn mạnh rằng các cuộc gặp gỡ đã được đánh dấu bởi những “cuộc đối thoại văn minh” và ngài đã có thể đưa ra những điểm được xem là quan trọng đối với mình.