Ngày 09-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:48 09/12/2019

6. Nhẫn nại là triều thiên của các nhân đức.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:57 09/12/2019
84. VÕ HẬU THÍCH NỊNH

Thời Võ Tắc Thiên, Hoắc Du Khả dù ở đâu cũng có thể đón được ý của nữ hoàng.

Một hôm, khi khiển trách xử phạt đại thần Địch Nhân Kiệt thì Hoắc Du Khả cùng Bùi Hành Kiệm bắt đầu quỳ chạm bậc ngọc, khấu lạy cộc vỡ cả đầu. Sự việc xong, Hoắc Du Khả bèn dùng vải quấn quanh lại, một mình ở lại cũng bày ra chỗ bị chảy máu, hy vọng từ đây Võ hậu thấy và hiểu lòng trung thành của ông ta.

Lại có quan trợ lý ở Ninh Lăng là Quách Hoằng Bá tự mình cất quân đánh Từ Kính Nghiệp, phát thề rằng:

- “Bắt sống Từ Kính Nghiệp, rút gân nó, ăn thịt nó, uống máu nó, ăn hết sạch tuỷ nó”.

Võ hậu nghe được thì rất là phấn khởi, bèn cho Quách Hoằng Bá làm ngự sứ, người ta gọi đó là “ngự sứ bốn nó”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 84:

Đón được ý cấp trên để chiều lòng họ là do khôn ngoan của thế gian mà ra, làm cấp trên mà thích người khác nịnh mình là dấu hiệu của sự chia rẽ và thoái hoá của cộng đoàn.

Có một vài cộng đoàn mà cấp trên cứ chọn lựa người của mình để làm phe cánh, thì cộng đoàn ấy đã chia rẽ và gây sự nghi ngờ với nhau; có những cộng đoàn mà có những thành viên làm “ăng ten” cho cấp trên để báo cáo hành vi lời nói của anh em chị em như là “chỉ điểm”, cộng đoàn ấy chắc chắn sẽ bệ rạc từ bên trong và chỉ là cái mả tô vôi mà thôi…

Để được cấp trên vui lòng mà tuyên bố nhốn nháo, hành vi nịnh hót, nói to nói nhỏ chỉ chọt anh em chị em, ấy là ma quỷ trá hình thiên thần và là tên chỉ điểm của sa tan.

Thật vô phúc cho cộng đoàn nào có bề trên thích nịnh hót và bề dưới thích tâng bốc lập công, bởi vì đó không phải là cộng đoàn yêu thương của Thiên Chúa, nhưng là một tổ hợp bát nháo của ma quỷ thống trị…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chu tòan sứ vụ làm tiền sứ cho Đức Kitô
Lm Đan Vinh
23:17 09/12/2019

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng A
Is 35,1-6a.10 ; Gc 5,7-10 ; Mt 11,2-11

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 11,2-11

(2) Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: (3) “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ? (4) Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: (5) Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. (6) Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. (7) Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? (8) Thế thì anh em xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. (9) Thế thì anh em ra làm gì ? Để xem một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó. Mà tôi nói cho anh em biết: Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. (10) Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con. Người sẽ dọn đường cho Con đến”. (11) Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng nhằm giới thiệu Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và đề cao Tân Ước trổi vượt hơn Cựu Ước. Khi Gio-an trong tù nghe biết hoạt động của Đức Giê-su, liền sai môn đệ đến gặp Người để tìm hiểu rõ hơn về sứ mệnh Thiên Sai của Người. Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời bằng các công việc Người đang thực hiện ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a về Đấng Thiên Sai. Người cũng khen ngợi các đức tính của Gio-an và xác nhận vai trò tiền sứ của ông.

3. CHÚ THÍCH:

- C 2-6: + Gio-an lúc ấy đang ngồi tù…: Gio-an đã bị vua Hê-rô-đê bắt giam về tội dám ngăn cản nhà vua lấy bà chị dâu là Hê-rô-đi-a-đê vợ của ông hoàng Phi-líp-phê làm vợ của mình (x. Mt 14,3). + Liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác ?: Gio-an rất vui khi nghe môn đồ thuật lại những việc Đức Giê-su làm (x. Ga 3,28-30). Ông đã được chứng kiến cuộc thần hiện cho thấy sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su khi ông làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan, đang khi các môn đệ của ông lại tỏ thái độ ganh tị khi thấy Đức Giê-su thành công hơn thày mình (x. Ga 3,26). Giờ đây Gio-an sai môn đệ đến gặp Đức Giê-su, để họ tin Người thực là Đấng Thiên Sai. Tuy nhiên, chính Gio-an cũng thắc mắc tại sao Đức Giê-su không hành xử công thẳng như Đấng Mê-si-a thẩm phán, mà ông đã rao giảng cho dân chúng trước đó (x. Mt 3,10.12). + Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Khi các môn đệ của Gio-an tới thì gặp lúc Đức Giê-su đang chữa nhiều bệnh hoạn tật nguyền trong dân, xua trừ ma quỷ (x. Lc 7,21). Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời cho Gio-an về sứ mệnh Thiên Sai của Người khi cho thấy các việc Người đang làm ứng nghiệm các sấm ngôn về Đấng Thiên Sai (x. Is 26,19). + Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi: Đức Giê-su cũng cảnh báo: Cần loại bỏ quan niệm về một Đấng Thiên Sai hành xử công thẳng và thiết lập một Nước Trời mang tính thế tục.
- C 7-9: + Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về Gio-an rằng: Đức Giê-su đã hết lời khen ngợi Gio-an để đánh tan hiểu lầm của dân chúng cho rằng ông đã bị thất bại và bị Thiên Chúa bỏ rơi khi để mặc ông cho vua Hê-rô-đê bắt bớ. + Anh em ra xem gì ở hoang địa…: Gio-an cao trọng vì đức tính can đảm bất khuất, không chịu luồn cúi trước bạo lực. + Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ?: Gio-an không sống giàu sang buông thả nhưng có nếp sống đơn giản khổ hạnh. + Để xem một vị Ngôn sứ chăng…: Gio-an chính là một Ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến.
- C 10-11: + Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”. Đây là lời tuyên sấm của Ngôn sứ Ma-la-khi về một vị tiền hô đi trước dọn đường cho Chúa ngự đến (x Ml 3,1) đã được ứng nghiệm nơi Gio-an là vị tiền hô có sứ mệnh đi trước để dọn đường cho Đức Giê-su. + Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông: Gio-an tuy là ngôn sứ cao trọng nhất trong thời Cựu Ước, nhưng ông vẫn không thể sánh được với Đức Giê-su trong thời Tân Ước.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Gio-an bị vua Hê-rô-đê bắt giam vào tù ?
2) Gio-an có tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai hay không ? Tại sao ?
3) Lý do nào khiến ông phải sai môn đệ đến hỏi Đức Giê-su về vai trò Thiên Sai của Người ?
4) Đức Giê-su đã làm gì để chứng tỏ Người là Đấng Thiên Sai ?
5) Đức Giê-su khen ngợi Gio-an về những điều gì ?
6) Sứ vụ của Gio-an đã được Ngôn sứ nào tiên báo ?
7) Tại sao nói Gio-an cao trọng nhất mà vẫn thua người nhỏ nhất trong Nước Trời?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con. Người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11,10).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LÀM TIỀN SỨ BẰNG GƯƠNG SÁNG TIN YÊU PHÓ THÁC:

Có một cô bé mới chỉ bốn tuổi mà đã có thể yêu cầu được ba của em làm dấu đọc kinh trước bữa ăn. Trưa hôm đó, khi đang chơi đồ hàng ngoài sân, thì cô chị ra kêu vào nhà ăn cơm. Ngồi vào bàn, em nhìn ba và khẽ nói:
- Ba à, Ma-sơ bảo phải đọc kinh trước khi ăn cơm.
Lúc đó người cha chỉ còn cách làm dấu và đọc kinh Lạy Cha, một thói quen mà ông đã bỏ từ lâu.

Câu chuyện thứ hai: Một bác sĩ giải phẫu đã được ơn trở lại tin yêu Chúa nhờ gương sáng của một bệnh nhân là một bé trai 5 tuổi. Em bị đau bụng dữ dội được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi siêu âm và chụp X quang ổ bụng, bác sĩ khẳng định em bị khối u trong dạ dày cần được phẫu thuật. Về sau bác sĩ giải phẫu đã kể lại câu chuyện mổ cho em như sau:
“Hôm đó, em bé được đưa vào phòng mổ và trước khi gây mê, tôi nói với em rằng:
- Bác sĩ sắp sửa giúp con khỏi bệnh. Nhưng trước hết con cần phải qua một giấc ngủ nhé”. Nghe nói sắp đi ngủ, em bé được mẹ dạy thói quen cầu nguyện trước khi đi ngủ đã nói:
- Vậy xin bác sĩ cho con cầu nguyện trước khi đi ngủ.

Nói đoạn em quỳ xuống bên cạnh bàn mổ, hai tay chắp lại, đôi mắt ngước lên cao, em khẽ đọc một kinh lạy cha. Nhìn thấy cảnh em cầu nguyện, vị bác sĩ và mấy y tá đều cảm động rưng rưng nước mắt. Vị bác sĩ kể tiếp: Sau đó, tôi tự nhiên cảm thấy lương tâm cắn rứt, nên đã đi xưng tội sau 20 năm, và từ đó mỗi buổi tối, tôi không bao giờ đi ngủ mà không cầu nguyện”.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng được trao sứ vụ làm tiền sứ của Đấng Thiên Sai như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con, để dọn đường cho Con” (Mc 1,2). Mỗi người chúng ta đều được mời gọi để làm tiền sứ cho Chúa, giúp tha nhân tin yêu Chúa bằng một lối sống tin yêu phó thác như em bé trong câu chuyện trên.

2) LÀM TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG YÊU THƯƠNG CHIA SẺ:

Một nhóm thương gia dự một cuộc họp. Người nào cũng báo trước với vợ con là sẽ về nhà đúng giờ ăn bữa tối với gia đình. Nhưng cuộc họp kéo dài hơn dự định. Tan buổi họp, ai nấy hối hả chạy ra xe buýt. Một người chẳng may xô phải quầy bán táo của một cậu bé, táo rơi tứ tung. Nhưng không ai dừng lại để lượm giúp cậu. Rồi mọi người vội lên ngồi trên xe buýt và thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng ít giây sau, một người trong nhóm cảm thấy bứt rứt về chuyện cậu bé bán táo. Ông xuống xe trở lại chỗ cũ và thấy cậu bé đang vất vả đi mò tìm từng trái táo lượm lại. Thì ra cậu bé bị mù! Tội nghiệp quá, ông giúp cậu lượm lại từng quả cho đến hết. Một số quả đã bị giập. Ông móc túi dúi vào tay cậu bé một món tiền, rồi ra đi. Cậu bé bán táo liền hỏi với theo "Ông có phải là Chúa Giê-su không ?"
Quả thật, theo một nghĩa nào đó, ông thương gia kia chính là Chúa Giê-su hiện thân. Ngày nay Hội Thánh cũng rất cần có những Chúa Giê-su như thế.

3) LÀM TIỀN SỨ BẰNG THÁI ĐỘ KHIÊM TỐN HÒA ĐỒNG VỚI THA NHÂN:

Vào một buổi chiều, sau ngày lên ngôi vị Giáo Chủ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an 23 ra khu vườn của điện Va-ti-can đi bách bộ để tìm thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Ngài thấy một người đang làm vườn, bên mình bác ta có đeo một chai rượu. Vị Giáo chủ khả ái tiến lại gần hỏi chuyện và không chút ngần ngại, ngài đã ngồi xuống đất uống rượu chung với bác ta. Vì chưa biết mặt vị tân Giáo chủ, nên trước vẻ xuề xòa của ngài, bác làm vườn nghĩ ngài cũng chỉ là một viên chức cao cấp trong giáo triều, nên bác hết lời ca ngợi vị tân Giáo chủ dựa theo dư luận mà bác đã nghe biết về ngài. Sau khi đã uống cạn bình rượu với bác làm vườn, trước khi từ giã, Đức Gio-an 23 mới hỏi rằng: “Này bác, bác chưa bao giờ thấy mặt vị Giáo chủ phải không ?” Bác ta trả lời: “Thưa chưa ạ”. Bấy giờ Đức Gio-an 23 mới ôn tồn nói: “Thế là hôm nay bác đã thấy rõ rồi nhé. Giáo chủ mới chính là người đã ngồi uống rượu với bác từ nãy đến giờ đó !”.
Thái độ khiêm tốn hòa đồng, sẵn sàng ngồi xuống đất nói chuyện và chia sẻ một ly rượu tầm thường với người giúp việc cho thấy: sự thánh thiện không hệ tại phải làm việc lớn lao, nhưng qua thái độ khiêm hạ đến với mọi người, sẵn sàng sống chan hòa yêu thương với những người đang sống bên cạnh mình.

4) LÀM TIỀN SỨ BẰNG MỘT ĐỜI SỐNG CÔNG MINH CHÍNH TRỰC:

Tể tướng lưng gù là một câu chuyện huyền thoại về một vị tể tướng có thể hình dị dạng với cái lưng bị gù, nhưng lại rất anh minh trong công việc trị nước.
Chuyện xảy ra vào đời nhà Thanh: Lưu Dung là con của một thầy giáo, sở học và thú đánh cờ đều giỏi như nhau. Tiểu thư Hà là con gái của vị tể tướng trong triều vừa xinh đẹp, vừa là cao thủ cờ tướng, được rất nhiều người yêu mến, trong đó có cả nhà vua. Tiểu thư lá ngọc cành vàng ấy tuyên bố chỉ lấy làm chồng người nào vô địch trong cuộc tỉ thí cờ do cô tổ chức. Đúng lúc Lưu Dung về kinh đi thi trạng nguyên và chàng đã lấy được người đẹp. Sau đó lại thi đỗ trạng nguyên rồi còn được làm tể tướng triều đình.
Tuy hình thù dị dạng nhưng tể tướng họ Lưu là một người coi trọng công bằng và chính nghĩa. Ông đã lật tẩy nhiều thói hư tật xấu của bọn tham quan, hương lý. Ông trở thành đại ân nhân của lớp dân đen bị quan lại hà hiếp đàn áp bóc lột. Tuy là tể tướng đầy quyền uy, nhưng ông lại chọn lối ứng xử khôn khéo mưu lược hơn là dùng vũ lực, nên rất được dân chúng tin yêu.

5) LÀM TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG SIÊU THOÁT TIỀN BẠC VẬT CHẤT:

Thánh Phan-xi-cô thành Át-si-si khi còn là một thanh niên đã đến viếng thăm thủ đô Rô-ma nước Ý, quì gối cầu nguyện trước mộ thánh Phê-rô. Để tỏ lòng biết ơn đối với thánh cả, Phan-xi-cô đã bỏ vài đồng tiền kẽm vào thùng công đức. Nhưng khi vừa bước ra tới đường lộ, Phan-xi-cô gặp một người ăn xin nghèo khó. Với tâm trạng hưng phấn, Phan-xi-cô đã yêu cầu người ăn xin đổi chiếc áo choàng cũ rách của anh ta lấy chiếc áo choàng đắt tiền quý giá của mình. Người ăn xin rất sung sướng, và còn sướng hơn nữa khi ông ta phát hiện ra những đồng tiền cắc còn sót lại trong túi áo mới đổi được. Rồi sau đó, Phan-xi-cô cũng tập làm nghề ăn xin: Anh ngồi ở góc đường, mở miệng xin những người qua lại bên đường giúp đỡ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nghèo khó ấy, Phan-xi-cô lại cảm nghiệm thấy trong lòng một niềm vui khôn tả. Chính nguồn vui ấy đã gợi hứng cho Phan-xi-cô sau này thiết lập một trong những dòng tu lớn nhất của Hội Thánh Công Giáo là dòng “Anh em hèn mọn”.
Mùa đông năm 1206, Phan-xi-cô Át-si-si, đã công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa Cha trên trời. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ. Hai năm tiếp đó, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Át-si-si.
Lối sống siêu thoát của Phan-xi-cô đã thu hút được nhiều người đi theo: trước tiên là 12 "người đền tội" và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định, sống theo Luật Dòng Anh em Hèn mọn. Phan-xi-cô đã cử các tu sĩ thừa sai đi khắp nơi để loan báo một Đức Ki-tô nghèo khó, khiêm hạ và chịu đóng đinh, hầu mang lại sự hòa giải và bình an cho mọi người như lời cầu trong “kinh Hòa Bình”. Căn tính của phong trào Phan sinh là sống siêu thoát noi gương Chúa Giê-su theo luật dòng được Hội Thánh chấp nhận, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.

6) LÀM TIỀN SỨ BẰNG VIỆC GIỚI THIỆU CHÚA CHO THA NHÂN:

Vào một ngày đẹp trời, có một ông cụ ngồi trên ghế xích đu vẻ đăm chiêu, lòng mong đợi Chúa đến. Tình cờ một bé gái tung banh rơi vào sân nhà ông. Cô bé chạy lại nhặt trái banh và mở lời làm quen: “Thưa ông, ngày nào ông cũng ngồi trên ghế này, ông đang đợi ai vậy?” Ông nói: “Cháu còn quá nhỏ làm sao hiểu được điều ông mong đợi.” “Ông à, mẹ cháu nói rằng nếu có điều gì trong lòng, thì hãy nói ra mới hiểu rõ hơn.” Nghe cô bé nói thế, ông liền thổ lộ tâm tình: “Ông đang chờ đợi Chúa đến.” Cô bé kinh ngạc, ông già giải thích: “Trước khi nhắm mắt, ông muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa hiện hữu. Ông cần một dấu hiệu, cháu à.” Bấy giờ cô bé lên tiếng: “Ông chờ một dấu hiệu hả? Thưa ông, Chúa đã cho ông nhiều dấu hiệu rồi: Mỗi khi ông hít thở không khí, nghe tiếng chim hót, nhìn hạt mưa rơi… Chúa cho ông dấu hiệu trong nụ cười trẻ thơ và trong nước mắt người đau khổ. Ông ơi, Chúa ở trong ông. Chúa ở trong cháu. Chúa luôn hiện diện ở khắp mọi nơi và trong mọi người.”

3. SUY NIỆM:

1) THẦY CÓ ĐÚNG LÀ ĐẤNG PHẢI ĐẾN KHÔNG?

- Dù bị Hê-rô-đê bắt giam vào tù, nhưng Gio-an vẫn được các môn đệ cho biết về các hoạt động của Đức Giê-su. Khi thấy Người không hành xử cách công thẳng là trừng phạt tội nhân (x. Mt 3,10-12), ông bị hoang mang, nên sai môn đệ đến gặp Người và nêu thắc mắc về sứ mệnh Thiên Sai của Người. Đức Giê-su không trả lời trực tiếp, mà yêu cầu các môn đệ Gio-an trở về thuật những việc Người làm: “Cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi lành sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng”.
- Với câu trả lời ấy, Chúa Giê-su nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của I-sai-a về Đấng Cứu Thế, (Is 35,5-6a) và thanh luyện cái nhìn của ông về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: Người không phải là ông Vua oai phong từ trời ngự xuống, mà chỉ là một hài nhi bé nhỏ xuất hiện giữa loài người. Người không phải là vị Vua sống trong cung điện nguy nga, nhưng như một người lao động nghèo hèn. Người không phải là Quan tòa oai nghiêm trừng phạt tội nhân, mà là một lương y hiền hòa, đến để chữa lành những thương tích, an ủi những kẻ ưu sầu, nâng đỡ những người yếu đuối, tha thứ những tội nhân. Người không đến trong chiến thắng vinh quang, mà âm thầm như một người bạn thân thiết của mọi người. Người không đến như một người quý tộc cao xa, nhưng sẵn sàng sống hòa đồng với mọi kẻ khó nghèo, những người thu thuế và tội lỗi bị xã hội khinh thường loại bỏ...
- Ngoài ra, Đức Giê-su còn muốn Gio-an đổi mới cái nhìn về Đấng Thiên Sai, để tránh khỏi vấp ngã (x. Mt 11,6), như Phê-rô đã từng bị vấp ngã khi khuyên Đức Giê-su đừng đi theo con đường đau khổ thập giá như ý Chúa Cha (x. Mt 16,22-23).

2) “ANH EM RA XEM GÌ TRONG HOANG ĐỊA ?” :

Đức Giê-su ba lần đặt câu hỏi này với thính giả về vai trò của ông Gio-an Tẩy Giả.
- Ông được Người khen là một người dũng cảm cương nghị chứ không luồn cúi hèn hạ như lau sậy phất phơ trước gió (x. Mt 11,7).
- Ông sống đơn sơ khổ hạnh chứ không ham gấm vóc lụa là trong đền vua (x. Mt 11,8).
- Ông không những là một ngôn sứ, mà còn hơn thế nữa, vì có sứ mệnh làm tiền sứ, đi trước dọn đường giúp người đời đón Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Mt 11,10).
Sau khi làm phép rửa cho Đức Giê-su ở sông Gio-đan và được chứng kiến cuộc thần hiện xảy ra, Gio-an đã tin Người chính là Đấng Thiên Sai. Ông đã giới thiệu Người là “Con Chiên Thiên Chúa” với hai môn đệ và khuyến khích họ bỏ ông để theo làm môn đệ Người (x. Ga 1,36-37). Gio-an đã khiêm tốn thừa nhận vai trò thấp kém của mình “không đáng cởi quai dép cho Người” (x. Lc 3,16) và khẳng định sự lệ thuộc của mình: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”. Cuối cùng ông còn khiêm tốn tuyên bố như sau: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30).

3) “KẺ NHỎ NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI CÒN CAO TRỌNG HƠN ÔNG”:

Gio-an đã được Đức Giê-su khen là người cao trọng nhất trong con cái loài người: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”. Vậy Đức Giê-su muốn dạy gì khi nói: “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” ?
- Đức Giê-su đến thiết lập Nước Trời ban ơn cứu độ, mà Gioan có sứ mạng đi trước dọn đường cho Người. Nước Trời là một gia đình của Thiên Chúa, trong đó chỉ có một Thiên Chúa là Cha, chỉ có Đức Giê-su là Thầy và là người chỉ đạo, còn hết mọi người đều là anh em với nhau (x. Mt 23,8-10). Đây là một xã hội lý tưởng, trong đó mọi người có bổn phận yêu thương nhau và nhờ đó họ sẽ được sống trong niềm vui hạnh phúc. Hiện nay, trên thế giới vẫn có nhiều tiêu cực, đau khổ là do người ta thiếu tình thương với nhau. Đức Giê-su có sứ mạng đem đến cho thế giới một tinh thần mới, một lề luật mới xây dựng trên tình yêu thương. Từ nay tiêu chuẩn mới của sự công chính là tình yêu, khác với tiêu chuẩn cũ là lề luật như lời thánh Phao-lô: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28).
- Sống khiêm nhường như Gio-an: Sự khiêm nhường chính là điều cần thực hiện trong mùa Vọng này, bởi vì chỉ những người khiêm nhường mới gặp được Chúa như lời Người phán: “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng và nâng cao những người phận nhỏ”. Kinh nghiệm cho thấy: Một người yếu đức tin mà có lòng kiêu căng tự mãn sẽ khó quay về với Chúa, hơn một kẻ dù mê đắm xác thịt mà có lòng tin vào Chúa. Bởi vì người sa ngã nếu có đức tin sẽ sớm nhận ra thân phận yếu hèn của mình để quay về giao hòa với Chúa. Ngày kia, một du khách đang đứng chiêm ngắm bức tượng Chúa chịu nạn thời danh của THOR-WALD-SEN. Nhưng ông ta nhìn ngắm hồi lâu mà chẳng khám phá ra một vẻ đẹp nào như lời đồn đại. Bỗng ông ta nghe thấy có tiếng người thì thầm bên tai: “Phải quì xuống ông mới có thể nhìn thấy khuôn mặt từ ái của Chúa”. Ông ta làm theo và bấy giờ ông đã khám phá ra vẻ đẹp tuyệt vời của bức tượng. Về phần chúng ta trong những ngày này, nếu biết khiêm hạ quì xuống trước nhan Chúa, thì chúng ta mới có thể gặp được lòng thương xót của Người.

4) CHU TOÀN SỨ MỆNH TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG VUI TƯƠI, KHIÊM TỐN VÀ PHỤC VỤ:

- Mùa Vọng là thời gian các tín hữu chúng ta mong chờ Chúa đến. Trong khi người Do thái mong Đấng Thiên Sai đến trong uy quyền vinh quang thì Chúa lại chọn đến trong khiêm hạ khó nghèo và âm thầm không ai hay biết. Trong khi người đời mong Chúa đến ban ơn cứu độ bằng con đường rộng rãi, thì Chúa lại chọn đi con đường thánh giá chật hẹp leo dốc và ít người dám đi. Ngày nay để nhận được ơn cứu độ là được vào Nước Trời, đòi người tín hữu phải tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, lắng nghe Lời Người và thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Mt 7,21-23). Đức Giê-su cũng dạy: đến ngày phán xét, chỉ những ai phục vụ Người hiện thân trong những người nghèo đói bệnh tật và bị bỏ rơi mới được vào Thiên Đàng (x. Mt 25,34-36).
- Ngoài ra, chúng ta cũng cần làm các việc đạo đức và bác ái chia sẻ với lòng mến Chúa. Muốn biết việc cầu nguyện dâng lễ của mình có đẹp lòng Chúa không, thì cần phải nhìn vào hiệu quả: Nếu việc cầu nguyện dâng lễ làm cho tâm hồn chúng ta được bình an, thêm niềm vui và phấn khởi hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân hơn… là dấu chúng ta đã làm các việc đạo đức theo thánh ý Thiên Chúa. Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Chúa cho thấy Ngài “chán ngán những buổi cầu nguyện, những nghi thức tôn giáo rỗng tuếch vì thiếu tình yêu” (x. Is 1,11-17). Ấy thế mà rất nhiều Ki-tô hữu hiện nay vẫn đang cầu nguyện dâng lễ theo luật nhưng lại thiếu lòng yêu mến như thế, hoặc đang làm các việc bác ái để tìm tiếng khen hay chỉ mong được thưởng công sau này (x. Mt 6,1-6). Vậy trong những ngày Mùa Vọng này, mỗi người chúng ta cần thực hành các việc đạo đức với tâm tình nào để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến?
- Trong Mục Vụ Gia đình, các bậc làm cha mẹ được mời gọi sống vui tươi trong bổn phận vợ chồng với nhau và cha mẹ đối với con cái. Nhiều gia đình ngày nay đã trở nên buồn bã thiếu sinh lực. Để có thể tìm lại niềm vui cho gia đình, các bậc cha mẹ cần sống vui tươi, và làm cho niềm vui lan tỏa trong gia đình mình. Hãy vui vì chúng ta được làm con Thiên Chúa, hãy đem Chúa vào trong đời sống của gia đình mình nhờ các giờ kinh gia đình, cầu nguyện trước mỗi bữa ăn... Các bạn trẻ đừng tìm vui trong men rượu, đừng giải sầu trong bài bạc, trong các quán hát ka-ra-ô-kê hay những quán cà-phê đèn mờ để tìm hưởng lạc thú bất chính… vì những thứ đó chỉ đem đến bệnh tật, gia đình bất hòa và ly tán, chứ không mang lại niềm vui và bình an thực sự. Hãy tìm kiếm niềm vui thực sự nơi Đức Giê-su, bằng cách gặp Ngài qua việc học Lời Chúa và cầu nguyện để được Ngài lấp đầy sự trống rỗng của chúng ta.
- Nhưng quan trọng hơn cả: Chúng ta chỉ có thể vui mừng và được bình an khi tâm hồn chúng ta sạch tội, không bị đam mê dục vọng bủa vây, không bị lương tâm dày vò, nhờ sám hối và đến với bí tích giải tội, năng dự lễ để rước Chúa vào lòng. Dù bên ngoài chúng ta có gặp phải các điều trái ý cực lòng, nhưng chúng ta vẫn có được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Bấy giờ chúng ta mới có thể sống hòa thuận với tha nhân với lòng tin yêu Chúa, thay vì thái độ xung đột, giận hờn mang lại bất hạnh.

4. THẢO LUẬN:

Noi gương Đức Giê-su cứu thế bằng con đường khiêm tốn yêu thương và phục vụ (x. Mt 11,5), bạn sẽ làm gì để nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su trước mặt người lương ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xưa Chúa đã dùng hành động cứu nhân độ thế để làm chứng về sứ mệnh Thiên Sai. Xin cho chúng con hôm nay biết làm chứng cho Chúa bằng việc hăng say phục vụ những người bệnh tật đau khổ, đồng thời luôn xét đoán ý tốt, nói tốt và phục vụ tha nhân vô vụ lợi. Nhờ đó chúng con chu toàn được sứ mệnh làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người Công Giáo Cam Kết Cử Hành Thánh Lễ Để Ủng Hộ Việc Phong Chân Phước Cho Đức Hồng Y Sheen
Ngọc Dũng, SDB
02:03 09/12/2019
Washington, D.C. – Ngày mồng 3 tháng 12, Địa phận Peoria Illinois đã công bố rằng Vatican đã quyết định hoãn việc phong chân phước của Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen. Điều này đã dẫn đến một nổ lực từ những giáo dân để cử hành thánh lễ trên toàn thế giới hầu cầu nguyện cho việc phong chân phước của Đức Tổng Giám Mục được tiến hành.

Những người tổ chức của phong trào này hy vọng có ‘một triệu’ thánh lễ cử hành vào ngày mồng 9 tháng 12, nhân dịp 40 năm qua đời của Đức Tổng Giám Mục.

“Chúng tôi quyết định đáp lại bản tin đầy thất vọng của Vatican về việc dừng phong chân phước cho Đức Tổng Giám Mục Sheen bằng một cách thức tích cực nhất và với cầu nguyện, Lo Anne Mayer, một người Công Giáo ở New Jersey nói với Catholic News Service vào ngày mồng 5 tháng 12. “Các linh mục dâng những thánh lễ này và những giáo dân tham dự sẽ lay động thiên đàng để kết thúc tình trạng không may mắn này.”

Nghi thức phong chân phước cho Sheen đã được dự định vào ngày 21 tháng 12 ở Peoria tại Nhà Thờ Chánh Toà St. Mary. Địa phận Peoria đã công bố rằng địa phận đã được báo cho biết việc hoãn này từ ngày mồng 2 tháng 12.

Hàng triệu người biết và yêu mến Đức Tổng Giám Mục Sheen và nhớ đến lòng sùng kính của ngài dành cho Thiên Chúa và Đức Thánh Cha,” Mayer nói, là một trong những người biết và rất ngưỡng mộ Đức Tổng Giám Mục.

“Bất kỳ ai chứng kiến thánh lễ được Đức Tổng Giám Mục cử hành có thể nhìn thấy và cảm nhận một cách sâu xa lòng sùng kính ngài có với Bí Tích Thánh Thể,” bà ta thêm. “Có cách thức nào khác tốt hơn để cầu xin ơn lành của Thiên Chúa hơn là mời gọi mọi người cùng chúng ta tham dự thánh lễ với ý chỉ cho việc phong thánh của ngài?”

Năm 2017 Mayer là một trong số những người tổ chức một phong trào kêu gọi các nhà thờ Công Giáo chung quanh thế giới cử hành một thánh lễ đặc biệt vào ngày mồng 8 tháng 5 nhân dịp sinh nhật của Đức Tổng Giám Mục, là một người rao giảng trên Tivi đã được giải thưởng Emmy, là người đã rao giảng sứ điệp Tin Mừng rộng và xa như là người đứng đầu của Hiệp Hội Loan Báo Đức Tin từ năm 1950 đến 1966.

“Những ai trong chúng tôi đã làm việc nhiều năm cho án phong thánh của Đức Tổng Giám Mục Sheen biết rằng Đức Tổng Giám Mục sống một cuộc sống chìm trong cầu nguyện,” bà Mayer nói với CNS [Catholic News Service] ngày mồng 5 tháng 12. “Đời sống cầu nguyện của ngài được biết đến như việc rao giảng và giảng dạy của ngài và thường được đề cập đến trong 66 cuốn sách ngài viết. Ngài khuyến khích tất cả chúng tôi cầu nguyện để xin ơn lành của Thiên Chúa.”

“Có thể là một phước lành cho nhiều người trên thế giới nếu Đức Tổng Giám Mục được phong thánh, vì vậy, chúng tôi quyết định lay động thiên đàng với lời cầu nguyện từ nhiều người trên toàn thế giới, những người mà ngài đã truyền cảm hứng,” Mayer nói thêm.

Lý do của việc hoãn phong chân phước cho Sheen được đưa ra trong một bản văn từ Địa Phận Rochester, New York, vào ngày mồng 5 tháng 12, nơi Đức Tổng Giám Mục làm việc từ tháng 10 năm 1966 cho đến khi ngài nghỉ hưu vào tháng 10 năm 1969, khi ngài nhận danh hiệu tổng giám mục.

Địa phận đã nêu lên mối quan tâm về vai trò của Đức Tổng Giám Mục trong việc thuyên chuyển các linh mục và đưa các mối quan tâm đó lên cho Bộ Phong Thánh. Kết quả là các uỷ viên của Vatican nói họ muốn duyệt xét lại cách kỹ lưởng hơn về những văn thư này trước khi việc phong chân phước được tiến hành.

Trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, điều quan trọng cho người tín hữu là biết rằng đã chưa bao giờ, hoặc ngay bây giờ, có bất kỳ chứng cớ gì chống lại Đức Tổng Giám Mục Sheen liên quan đến việc lạm dụng trẻ em,” địa phận Peoria nói trong bản tuyên bố của mình.

Các diễn đàn truyền thông xã hội của Catholic Connect và những đài phát thanh Công Giáo truyền thông mạng bắt đầu loan truyền tin về nỗ lực dâng các thánh lễ cho án phong thánh của Sheen vào trưa ngày mồng 5 tháng 12 và chỉ trong vài giờ đã có đến 300,000 người hứa dâng thánh lễ trong các địa phận.

Chương trình Tivi Eternal Word Television Netword, National Catholic Register và nhiều chương trình truyền thông Công Giáo khác đã đăng tải điều này lên trang Facebook.

“Các linh mục có thể dâng thánh lễ, giáo dân có thể tham dự và những người đau ốm có thể lần chuỗi mân côi vào ngày mồng 9 tháng 12,” Mayer nói.

Fulton John Sheen, một người dân bản địa thuộc El Paso, Illinois, được truyền chức linh mục vào ngày 20 tháng 9 năm 1919 tại Nhà Thờ Chánh Toà St. Mary ở Peoria. Ngài tiếp tục dạy tại Đại Học Công Giáo Mỹ ở Washington và lãnh đạo Hiệp Hội Truyền Bá Đức Tin. Có lẽ, ngài được nhớ đến nhiều nhất với chương trình Tivi “Cuộc Sống thì Đáng Sống” nổi tiếng của ngài.

Đức Tổng Giám Mục qua đời năm 1979 thọ 84 tuổi. Án phong thánh của ngày được mở cách chính thức năm 2003. Giáo Hội đã tuyên bố những nhân đức anh hùng của ngài và ngài đã được ban cho tước hiệu “Bậc Đáng Kính” năm 2012 bởi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Vào tháng bảy, Đức Giám Mục của Peoria Daniel R. Jenky đã công bố Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn nhận phép lạ được quy cho sự chuyển cầu của Sheen, điều này đã mở đường đến việc công bố ngài sẽ được phong chân phước.


Source:Crux
 
Associated Press: Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, vị Giáo Hoàng trong tương lai gần
Đặng Tự Do
14:15 09/12/2019
Trong thông báo cực kỳ hiếm có vào một ngày Chúa Nhật - và trong một ngày lễ lớn – vào trưa ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, 62 tuổi, cho đến nay là người đứng đầu giáo phận lớn nhất Á châu tại Manila, trong chức vụ người đứng đầu Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, là thực thể hoạt động trong 400 năm qua để giám sát các công việc truyền giáo của Giáo Hội toàn cầu.

Động thái, diễn ra chỉ vài ngày trước khi Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ thường niên với các nhà lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh nhân dịp lễ Giáng Sinh, đã đặt Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle vào một vị trí quan yếu Giáo Hoàng có thể thúc đẩy cơ hội cho vị Hồng Y Á châu một ngày nào đó trở thành giáo hoàng.

Việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Tagle làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc làm nổi bật sự chú ý mà Đức Phanxicô dành cho Giáo hội ở các nước đang phát triển.

Các nhà quan sát về Vatican từ lâu đã thấy Đức Hồng Y Tagle có phẩm chất của một “papabile”, tức là một giáo sĩ được coi là có nhiều khả năng được bầu làm giáo hoàng một ngày nào đó bởi các vị Hồng Y khác.

Đức Hồng Y Tagle đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nâng lên hàng Hồng Y vào năm 2012. Phi Luật Tân là quốc gia có nhiều người Công Giáo nhất ở Á châu.

Việc hy sinh Đức Hồng Y Fernando Filoni, năm nay mới 73 tuổi, được đánh giá rộng rãi là vị tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc xuất sắc nhất trong vài chục năm trở lại đây, cho thấy rõ ý của Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đưa Đức Hồng Y Tagle vào tiêu điểm các chú ý trong các hoạt động của Tòa Thánh, và như thế, khả năng ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng được nhân lên gấp bội.


Source:Crux
 
Giới trẻ Công Giáo Úc quyết tâm xây dựng lại Giáo hội của Chúa Kitô
Thanh Quảng sdb
18:25 09/12/2019
Giới trẻ Công Giáo Úc quyết tâm xây dựng lại Giáo hội của Chúa Kitô

“Lắng nghe Chúa Thánh Thần dậy bảo” là chủ đề của Đại hội Giới trẻ Công Giáo Úc từ ngày 8-10 tháng 12 năm 2019 (ACYF19), tại Perth do Văn phòng Giới trẻ của Hội đồng Giám mục Úc châu triệu tập (ACBC).
Tin Vatican - Robin Gomes
Đại hội (ACYF) là cơ hội để Giáo hội Úc châu lắng nghe những thao thức của giới trẻ về mối thân tình của họ với Chúa và ước vọng trở thành môn sinh của Chúa cho xã hội ngày nay cũng như chung tay xây dựng Giáo hội tại Úc.
Khoảng 5,500 người trẻ từ khắp nước Úc đã tụ về Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Perth, để khai mạc Đại hội Giới trẻ Úc (ACYF) lần thứ 4 vào Chúa Nhật vừa qua trong bầu khí vang vọng tiếng đàn ca, hát xướng và cầu nguyện…

Xây dựng lại Giáo hội
Đức Tổng Giám Mục Salesian Timothy Costelloe của Tổng Giáo phận Perth đã chủ tọa, chào mừng các bạn trẻ hội tụ về đây mang theo những ước mơ hy vọng, đẩy lui đi những sầu lo hãi sợ...
"Thần Linh của Chúa Kitô hiện diện”, Giáo hội là người bạn đang đồng hành với các bạn trẻ, khát vọng được lắng nghe các bạn, mong được học hỏi nơi các bạn, và mong được đồng hành với các bạn trong vui buồn khắc khoải của cuộc đời… "Đức Tổng trong bài khai mạc, đã nhắc lại lệnh truyền của Chúa Kitô soi dẫn cho Thánh Phanxicô thành Assisi 800 năm trước đây “Hãy đi củng cố lại Giáo hội của Ta! Một Giáo hội đang bị soi mòn như lời chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2016 ở Ba Lan đã nói.
Đức Tổng Giám Mục Tim Costelloe mời gọi những người trẻ: Hãy ra khỏi cái nôi ấm, ra đi xây dựng lại Giáo hội Chúa. Vẽ ra các con đường mới dẫn tới Giáo hội, hầu kéo Giáo hội ra khỏi cảnh hoang vắng!
Cha Rob Galea, một linh mục đến từ Giáo phận Sandhurst và là một ca nhạc sĩ nổi tiếng, đã hát lên bài ca do chính Ngài sáng tác như tiếng Chúa gọi mời tất cả mọi người...

Lắng nghe tiếng thì thầm của Thần Linh Chúa
Khi chiều buông, các bạn trẻ tuổi đã lắng nghe những chia sẻ và những trải nghiệm ban phát Tình yêu Chúa của của hai chị em Therese Mills và Judy Bowe, những tài tử mới của chương trình “Cuộc Đua” (The Race) trên truyền hình.
Sơ Judy sánh ví các bạn nào muốn tham gia vào kế hoạch hay chương trình của Chúa thì hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Điều đó mở lòng các bạn trẻ ra với bạn bè, giống như những phi hành đoàn, mỗi người đảm trách những chức vụ khác nhau để phục vụ Chúa và dân của Ngài… Sơ đoan chắc với các bạn trẻ rằng: “Nếu họ biết lắng nghe Chúa Thánh Thần, với lòng can đảm họ có thể làm được mọi sự một cách tốt đẹp”.

Sống hiện tại là con của Chúa
Những người trẻ Sebastian Duhau và Holly Roberts, là những người từng đại diện cho những người Công Giáo trẻ của Úc tại Vatican, chia sẻ với các bạn trẻ rằng khát vọng của Đức Thánh Cha Phanxicô là các bạn trẻ phải đóng vai trò chính yếu là con Chúa, hầu làm thay đổi thế giới chúng ta đang sống...
Hai bạn ấy nhấn mạnh rằng Hội đồng chung của Giáo hội Úc châu vào năm 2020 cho phép mọi người, bất luận tuổi tác nói lên nguyện vọng góp ý của mình.
Ngày thứ nhất của Đại hội Giới trẻ Công Giáo Úc Châu đã kết thúc bằng một buổi cầu nguyện theo thể thức của cộng đồng đại kết Taizé của Pháp và được tiếp nối bằng buổi ca nhạc do dàn nhạc Gen Bryant từ Melbourne phụ trách. (Nguồn: Văn phòng ACBC)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họp mặt các Tín hữu Hội Đồng Liên Tôn để gắn kết tình thân
Văn Lan /Người Việt
11:04 09/12/2019
WESTMINSTER, California (NV) – Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam Hoa Kỳ (HĐLT) vừa có buổi họp liên kết các tôn giáo lúc 12 giờ ngày Thứ Bảy, 7 Tháng Mười Hai tại hội trường Châu Đạo Cao Đài Nam California, Westminster, với sự có mặt của đầy đủ 6 tôn giáo.

Sáu tôn giáo thuộc Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam Hoa Kỳ gồm Công Giáo, Chính Thống Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Phật Giáo, Tin Lành. Ngoài ra, phái đoàn tín đồ các tôn giáo cùng tề tựu về dự họp.

Buổi họp có sự hiện diện của các vị chức sắc trong HĐLT gồm: Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, chủ tịch HĐLT (Phật Giáo Hòa Hảo); Giáo Sĩ Mai Biên, phó chủ tịch Nội Vụ (Chính Thống Giáo); Linh Mục Trần Công Nghị, phó chủ tịch Ngoại Vụ (Công Giáo); Mục Sư Lê Minh, thủ quỹ (Tin Lành); Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng, tổng thư ký (Cao Đài), và đại diện Phật Giáo có Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, Hòa Thượng Thích Giác Sỹ, Hòa Thượng Thích Giác Hoa (Phật giáo) ; ngoài ra thành phần Ban Chỉ Đạo Hội Đồng Liên Tôn còn có Linh Mục Mai Khải Hoàn, đại diện giáo dân Công Giáo trong HĐLT; Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, giáo phận Orange; đại diện Tin Lành, MS Lê Minh, MS David Đoàn, MS Lê Hương và phái đoàn; Chánh Trị Sự Cao Đài Trần Quang Linh, Hiền Tài Ngô Thiện Đức, phụ tá tổng thư ký (Cao Đài).

Mở đầu buổi lễ, Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam-Hoa Kỳ, cho biết mục đích của buổi họp: “Qua hơn 20 năm sinh hoạt, HĐLT thường cầu nguyện trong các buổi lễ cộng đồng, trong khi tín hữu các tôn giáo chưa có dịp gặp nhau để liên kết tình thân, để thấy rõ mục đích của HĐLT được thành lập nhằm đáp ứng mục đích phục vụ hài hòa giữa các tôn giáo, gìn giữ những văn hóa cổ truyền, đem lại những lợi ích cho cộng đồng.”

“Do đó kể từ nay, hàng năm HĐLT sẽ tạo điều kiện để tín hữu các tôn giáo được gặp nhau hai lần gặp gỡ trong năm, một lần trong dịp Lễ Chiến Sĩ Trận Vong vào cuối Tháng Năm, và một sau mùa Lễ Tạ Ơn, để tạo tình thân ái, mọi người có thể yểm trợ các sinh hoạt tôn giáo cũng như những sinh hoạt của HĐLT,” Giáo Sư Giàu nói thêm.

Ông nhấn manh: “Sau biến cố lịch sử của dân tộc, người Việt sống tản mạn khắp nơi trên thế giới, trong thành kiến của sự khác biệt giữa các tôn giáo khi gặp gỡ, đôi lúc khiến trở nên bất đồng. Nên hôm nay 6 tôn giáo cùng ngồi lại đây, để thấy rằng các tôn giáo chỉ là một, dù đi đến đâu khắp nơi trên thế giới cũng vẫn cùng chung một Quốc Tổ, đều là con Hồng cháu Lạc. Và tu đạo nào cũng đều đi đến chân lý, sứ mạng nào cũng là để phục vụ cho mọi người, cho chúng sanh. Tôn giáo, giáo lý hoặc hình thức bên ngoài tuy có khác nhưng mục đích của mọi tôn giáo đều như nhau, đó là làm sao cho chúng sanh được nhiều phước lạc. Tu sĩ các tôn giáo đều cùng hài hòa với nhau, với lòng khoan dung tha thứ, một lòng phục vụ chúng sanh, tất cả đều đóng góp cho sự thịnh vượng chung của nhân loại.”

Tiếp theo mọi người theo tôn giáo của mình, cùng đứng lên cầu nguyện cho đất nước Hoa Kỳ luôn vững mạnh, phát triển bền vững, và nhất là không quên 95 triệu đồng bào Việt Nam tại quê nhà còn đang sống trong đau khổ.

Mở đầu phần văn nghệ, Ca Đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm thuộc phái đoàn Công Giáo đồng ca bài “Tán Tụng Hồng Ân.”

Phái đoàn Phật Giáo do Hòa Thượng Thích Minh Tuyên cùng các Phật tử cùng nhau hát vang bài “Việt Nam Minh Châu Trời Đông,” và “Thương Quá Việt Nam.”

Tiếp nối là tiếng đàn violin của em Vincent Đoàn và Mục Sư David Đoàn, và tiếng hát của Ánh Tuyết (Chính Thống Giáo) trong bài “Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi.”

Đặc biệt phái đoàn Chính Thống Giáo thật đông do Giáo Sĩ Mai Biên hướng dẫn, từ San Diego về dự, và phái đoàn các tôn giáo khác đều cùng nhau lên sân khấu, hát vang nhiều bài hát ca ngợi tình yêu thương quê hương dân tộc.

Bà Hồng Lan, cựu giáo sư Trung Học Pleiku, Việt Nam, sáng lập viên dự án xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ hải ngoại, cho biết: “Tôi rất xúc động khi nghe phần phát biểu vị chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn-Hoa Kỳ. Các vị tu sĩ dù thuộc nhiều tôn giáo nhưng vẫn hòa cùng nhau trong tình thương yêu, không phân biệt.”

“Tôi có một cảm niệm rất lớn rằng chỉ có Hội Đồng Liên Tôn mới có thể làm được việc chung cho cộng đồng Việt ở hải ngoại ngày càng vững mạnh hơn, nhất là hôm nay được nghe Giáo Sư Giàu nhắc lại rằng người Việt ở năm châu bốn biển đều chung một Quốc Tổ, làm tôi lại càng quyết tâm rằng bằng mọi giá phải có một đền thờ Quốc Tổ ở hải ngoại, để mọi con dân Việt cùng nhau dựng xây đất nước được yên vui, hùng mạnh như thuở xưa con Hồng cháu Lạc,” bà Hồng Lan chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, bày tỏ: “Lần đầu tiên tôi thấy tín đồ của 6 tôn giáo tại hải ngoại cùng có mặt đông như thế này, cùng nhau nắm tay thân tình đoàn kết, cùng ủng hộ và góp sức với HĐLT trong tình liên đới tôn giáo, vì mỗi người con Việt đều chung một nhà Việt Nam. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tín hữu các tôn giáo có hai cuộc gặp nhau hàng năm do HĐLT đề ra.”

(Nguồn: Bài và hình ảnh: Văn Lan /Người Việt)
 
Đại Hội Thánh Nhạc Giáo Phận Phú Cường, 08/12/2019
LM. Nguyễn Thanh Yên
17:21 09/12/2019
Đại Hội Thánh Nhạc Giáo Phận Phú Cường, 08/12/2019

Theo chương trình mục vụ của Giáo phận Phú Cường: Chúa Nhật, 08/12/2019, tại Giáo xứ Bà Trà đã diễn ra ngày Đại hội Thánh nhạc Giáo phận Phú Cường, với sự tham dự của gần 1.300 ca viên, gồm các cộng đoàn tu sĩ và các ca đoàn giáo xứ trong giáo phận Phú Cường.

Chủ đề đại hội: "Thắp Lửa Hiệp Thông" (được chọn lọc từ chủ đề năm mục vụ Giáo phận Phú Cường 2020: "Hiệp Thông Loan Báo Tin Mừng").

Xem Hình

Giờ khai mạc bắt đầu, cha Matthêu Nguyễn Thanh Yên, MF - Trưởng Ban Thánh nhạc Giáo phận Phú Cường - giúp quý ca viên có những phút hồi tâm Mùa Vọng; đồng thời, thông tin việc cập nhật nội dung hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc của Giáo phận Phú Cường.

Sau đó, Ban Thánh nhạc tặng mỗi ca viên quyển tuyển tập thánh ca "Thắp Lửa Hiệp Thông", gồm 29 ca khúc thánh ca do các nhạc sĩ thuộc nhóm "Sáng tác Thánh ca Phú Cường" sáng tác và đã được Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Giáo phận Phú Cường phê chuẩn 01/12/2019.

Kế đến, là phần thuyết trình các chuyên đề:

1. Tâm thức phục vụ ca đoàn trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, do nhạc sĩ Giuse Hải Nguyễn trình bày.

2. Kỹ thuật thanh nhạc trong thánh ca, do thạc sĩ giảng viên thanh nhạc Phêrô Hoàng Thiên trình bày.



Tiếp theo, tổ chức lãnh nhận bí tích Hòa Giải cho những ca viên có nhu cầu.

Tiếp đến, toàn thể ca viên tham dự thánh lễ Chúa Nhật II Mùa Vọng, do cha Micae Hoàng Đô Đốc, MF - Chánh xứ Bà Trà, nguyên Giám tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam - chủ tế cùng vời quý cha đồng tế.

Sau cùng, chương trình liên hoan văn nghệ sân khấu ngoài trời, với 15 tiết mục chọn lọc, được trình diễn bởi ca đoàn các giáo xứ và đặc biệt, có sự tham gia của các ca sĩ Công Giáo: Kim Cúc, Tuyết Mai Ly, Thanh Sử và Tuyết Mai.

Và ngày đại hội bế mạc bằng ca khúc "Thắp Lửa Hiệp Thông" cùng với hàng trăm cánh tay nối kết bàn tay đưa lên cao vẫy chào tạm biệt, biểu lộ sự thiệp thông và cùng nhau loan báo Tin Mừng bằng chứng tá đời sống giữa lòng đời.

Ban Thánh nhạc Giáo phận Phú Cường chân thành tri ân quý cha, quý tu sĩ, quý ca viên - ca sĩ và cùng toàn thể anh chị em đã bằng nhiều cách, cùng nhau góp phần làm nên sự thành công cho ngày đại hội này.

Nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

BAN TRUYỀN THÔNG

THÁNH NHẠC PHÚ CƯỜNG
 
Curia Phú Thọ 3: Tổng hội Thường niên 2019
Văn Minh
23:31 09/12/2019
Curia Phú Thọ 3: Tổng hội Thường niên 2019

“Mỗi hội viên Lêgiô Mariae, cần phải ra đi thăm hỏi, và đưa các linh hồn khô khan nguội lạnh về với Chúa” - đólà lời nhắc nhở của linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán – Linh giám Hội Curia Phú Thọ 3 – trong Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cho Tổng hội Thường niên Lêgiô Mariae Curia Phú Thọ III được ngài cử hành vào lúc 12g thứ Bảy ngày 07.12.2019, tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ.

Đến tham dự Thánh lễ có gần 200 quý hội viên Lêgiô Mariae đến từ các giáo xứ: Phú Hòa, Bình Thới, Tân Phú Hòa và Vĩnh Hòa.

Xem Hìnha>

Khởi đầu chương trình lúc 11g00, các hội viên qui tụ trong nhà thờ, cùng nhau dâng lên Chúa và Mẹ Maria giờ kinh nguyện theo thủ bản của Hội Lêgiô. Tiếp sau đó là lời chào mừng của Lm Gioakim đến với toàn thể hội viên hiện diện trong ngày họp mặt. Sau đó, anh Trưởng Curia Giuse Trần Văn Việt lên báo cáo những công việc tông đồ của Hội Curia đã thực hiện được trong năm vừa qua gồm: thăm viếng 1198 gia đình, hợp thức hóa hôn phối cho 2 đôi vợ chồng, đưa Lm đi sức dầu cho 41 bệnh nhân, đưa 7 người bỏ xưng tội lâu năm đến lãnh nhận bí tích Hòa Giải, giúp phó linh hồn cho 14 người, mời gọi được 5 hội viên hoạt động và 5 hội viên tán trợ, giúp 14 người Tân tòng gia nhập đạo.

Trên đây là một số công tác tiêu biểu trong nhiều công tác của Hội đã làm được. Bên cạnh đó, các hội viênkhác cũng lên kể lại những chuyện vui buồn trong những lần đi công tác của mình, và chia sẻcho nhau nghe những kinh nghiệm khi đi làm tông đồ.

Sau phần công bố Tin Mừng, Lm Gioakim đã chia sẻ cho cộng đoàn về vai trò của Đức Maria trong việc thực hiện công trình yêu thương của Thiên Chúa đối với loài người. Khởi nguồn từ tội nguyên tổ (St 3,9-15.20) con người đã bất trung, bất tín với Thiên Chúa, nhân loại đã để mình rơi vào thảm họa vực thẳm của tội lỗi, chính từ đó, lời phán của Đức Chúa: “Này đây dòng giống người nữ sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Lời phán đó đã trở thành Giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người, là Phúc Âm khởi nguyên nói lên tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Đối với Lêgio Mariæ, Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội chính là Nữ Tướng uy hùng, là Đấng trung gian ơn thánh cho đoàn chiến sỹ con Mẹ, vượt qua mọi gian nan thử thách, chiến đấu với mọi ác thần nhằm giúp đưa nhiều linh hồn về với Mẹ qua việc sống cầu nguyện, kết hiệp với các nhân đức của Mẹ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta đi làm tông đồ cũng đem lại kết quả tốt đẹp như mình mong muốn đâu. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta phải biết bỏ đi cái tôi của mình, siêng năng đi thăm viếng và lấy lời lành mà khuyên người, yên ủi kẻ âu lo, khuyên răn kẻ có tội, vì họ đang cần đến lòng thương xót của Chúa.

Để kết thúc bài chia sẻ, một lần nữa ngài ước mong:“Mỗi hội viên Lêgiô Mariae, cần phải ra đi thăm hỏi, và đưa các linh hồn khô khan nguội lạnh về với Chúa”.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Giuse Trần Văn Việt, trưởng Curia, đã thay mặt hội viên nói lên lời cảm tạ tri ân Lm Gioakim, cùng mọi thành phần dân Chúa nơi giáo xứ Vĩnh Hòa, đã thương yêu hướng dẫn và tạo mọi điều kiện, để Curia được tổ chức ngày hội được tốt đẹp và Thánh lễ được cử hành long trọng, trang nghiêm. Đồng thời, vị đại diện dâng lên ngài bó hoa thiêng liêng mà hội viên đã hy sinh thực hiện được: 494 lần tham dự Thánh lễ, 475 lần rước lễ, 83 lần Chầu Thánh Thể, 830 lần đọc kinh Mân Côi, và 194 lần làm việc bác ái.

Thánh lễ được khép lại lúc 13g, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an từ Lm chủ tế và cùng nhau hát vang bài “Lời cầu cho xứ đạo”.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Câu chuyện bên lề chính sách Ospolitik của Vatican: Đức Phaolô VI và chính trường Việt Nam
Vũ Văn An
21:50 09/12/2019
Thời Đức Phaolô VI, Vatican áp dụng triệt để chính sách hòa dịu với khối Cộng sản Đông Âu (Ospolitik) và Tòa Thánh cũng áp dụng cùng một chính sách ấy vào chính trường Đông Dương, đặc biệt là chính trường Việt Nam. Việc áp dụng này là một trong những nhân tố khiến nhiều người, cho tới tận nay, vẫn nghĩ Vatican “không hiểu gì về Việt Nam”. Và nhân cơ hội, bộ máy ngoại giao của Vatican đang áp dụng triệt để cùng một chính sách trong việc bắt tay với Trung Quốc gây ngỡ ngàng cho nhiều người Công Giáo Trung Hoa, chúng tôi mở lại phần nào một số yếu tố trong câu truyện này, một phần cũng là vì đọc được một bài viết mới đây của Ông Trần Vinh.

Thực vậy, trên tập Kỷ Yếu phát hành trực tuyến hồi tháng Sáu năm 2017 của Các Cựu Sinh Viên Công Giáo các Đại Học Nam Việt Nam trước năm 1975, Ông Trần Vinh có bài “Tòa Thánh Chỉ là Tòa Thánh”, trong đó, ông nhận định: Việt Nam là “một nước nhỏ, nên không được Vatican đếm xỉa…”. Theo ông Trần Vinh, việc không hiểu gì về Việt Nam đã khiến Vatican vô tình góp phần vào việc kết liễu nền đệ nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ít nhất, theo ông, “Vatican là một trong những thế lực đầu tiên trách cứ Tổng Thống Ngô Đình Diệm”.

Vì sự kiện trách cứ trên không diễn ra thời Đức Phaolô VI, nên chúng tôi không lạm bàn ở đây. Chỉ xin nói đến các can thiệp của Đức Phaolô VI từ năm 1965, lúc người Mỹ trực tiếp can thiệp vào Việt Nam và cường độ chiến tranh bắt đầu gia tăng thảm khốc khiến 1 vị giáo hoàng như Đức Phaolô VI không thể nào đứng ngoài cuộc. Chỉ có điều, ngài đã mang trọn phương thức Ospolitik áp dụng vào Việt Nam.

Theo Ông Trần Vinh, năm 1965, lúc người Mỷ ồ ạt đổ quân vào Nam Việt Nam cũng là lúc “nhóm chủ bại tại Hoa Kỳ dần dần thắng thế” khiến Ông Johnson “bắt đầu đi tìm giải pháp chính trị”. Tháng 10-1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tới đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc và kêu gọi “… không bao giờ để xẩy ra chiến tranh nữa và thế giới nồng nhiệt đón nhận thiện chí yêu chuộng hoà bình của ngài. Ông Johnson mau lẹ nắm bắt lấy cơ hội, bèn yêu cầu ngài làm trung gian bắc nhịp cầu tiếp xúc với Cộng Sản Bắc Việt. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhận lời.

Từ 1965 tới 1968, hai vị đã trực tiếp gặp nhau 2 lần: lần đầu tại New York (1965), lần sau, tại Vatican (1967). Ngoài ra, Ông Johnson còn gửi cho ngài 3 lá thư và phái Đại sứ Cabot Lodge (1966) và Phó Tổng Thống Humphrey (năm 1967) qua gặp Đức Phaolô VI.

Trong thư gửi cho các giám mục Việt Nam năm 1966, Đức Phaolô VI chính thức loan báo vai trò trung gian nói trên của ngài và đoan hứa “Ta sẵn sàng hợp tác vô giới hạn”. Cùng năm, ngài phái Tổng Giám Mục Sergio Pignedoli tới Sài Gòn để truyền đạt quan niệm Ospolitik và đường lối tìm kiếm hoà bình cho Việt Nam của ngài: “ Nhân danh Thiên Chúa, xin hãy dừng lại! Hãy gặp nhau, hãy đi đến bàn hội nghị, hãy thành thật thương thuyết. Chính ngay bây giờ hãy giải quyết các mối bất hoà tranh chấp, dầu phải chịu chút ít thiệt thòi, vì thế nào rồi cũng phải hoà giải, nhưng có lẽ với nhiều tai hại tàn khốc khủng khiếp mà hiện nay không ai lường được”.

Ông Trần Vinh cho hay: “Trong thực tế, người ta bảo rằng, khi ‘làm việc’ với các giám mục Việt Nam, vị đặc sứ Vatican đã khuyến cáo các vị giám mục Miền Nam phải thích nghi với tình hình, phải tìm cách tách ra khỏi con đường bế tắc của… chế độ Sài Gòn.Vị đặc sứ nói Vatican không đồng tình với những cuộc xuống đường mang màu sắc đối kháng tôn giáo và biểu thị liên hệ gắn bó với nền Đệ Nhất Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đồng thời, ngài lưu ý Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải theo tinh thần yêu chuộng hoà bình của Công Đồng Vatican II và ủng hộ công cuộc vận động hoà bình cho Việt Nam của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thay vì tiếp tục hận thù và đeo đuổi chiến tranh”.

Việc làm trung gian của Đức Phaolô VI, theo Cha Pablo (Pope Paul VI and President Lyndon Johnson during the Vietnam War, July 8, 2010) đã đem Hà Nội tới bàn thương thuyết. Thực vậy, theo vị linh mục này: 4 tháng sau khi Ông Johnson tới Vatican, “năm 1968, Vatican chứng tỏ có ảnh hưởng trong việc đem Hà Nội tới Paris để bắt đầu thương thuyết hòa bình”.

Thực vậy, Đức Phaolô VI sử dụng 1 phái đoàn của Cộng Sản Ý tới Việt Nam để tiếp xúc với Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 11 năm 1966. Ngài đề nghị với Ông Hồ lấy Vatican làm địa điểm đàm phán hòa bình với Hoa Kỳ. Phản ứng của Ông Hồ khởi đầu tích cực, nhưng sau đó bác bỏ khả thể đàm phán khi, ngày 13 tháng 12, Hoa Kỳ ném bom Hà Nội “cách không phân biệt”. Không nản, ngài tiếp tục cuộc đối thoại dù bất lợi ở điểm không có liên hệ ngoại giao với cả hai bên!

Trong cuộc gặp gỡ với Humphrey tháng Tư năm 1967, ngài cho hay: việc ném bom Hà Nội xâm hại tư thế tinh thần của Hoa Kỳ và tỏ ra vô hiệu vì Hà Nội khước từ đàm phán. Ngài cũng cho Humphrey hay: đa số các nước Âu Châu coi Hoa Kỳ là kẻ gây hấn dù ngài không cho là như thế. Ngài cũng nói thế với Johnson khi ông này tới Vatican vào tháng Mười Hai cùng năm, nhất là Hoa Kỳ cần chấm dứt việc ném bom Bắc Việt Nam. Ngài cũng khuyên Ông nên biến chiến tranh thành một cuộc chiến phòng thủ hơn là một cuộc chiến tấn công.

Năm 1968, Đức Phaolô gửi lời mời ngoại giao tới Hoa Kỳ và Hà Nội để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Thư này đã thúc đẩy Hà Nội chọn Paris làm nơi đàm phán vào ngày 10 tháng Năm hay một vài ngày sau đó.

Trong một bài thuyết trình tựa là “A Century of Papal Representation in the United States”, tại Đại Học Seton Hall năm 1992, người sau này là Đức Hồng Y Timothy M. Dolan, cho biết thêm chi tiết sau đây: Đức Cha Paul Marcinkus, người sau này giữ vai trò quan trọng trong việc quản trị tài chánh của Tòa Thánh, đã đích thân mang tới cho Ông Johnson lá thư của Đức Phaolô yêu cầu ngưng bắn và ngưng ném bom như một điều kiện để ngài thuyết phục Hà Nội chịu đàm phán.

Joseph McAuley, trong bài “Pope and President, Paul VI and Lyndon B. Johnson: Christmas on the Tiber, Texas Style” đăng trên tạp chí America tháng Chín, 2015, thuật lại chuyến viếng thăm Đức Phaolô VI tại Vatican.

Theo tác giả trên, quyết định tới Vatican của Johnson được giữ hoàn toàn bí mật: không ai được biết, ngay cả đoàn báo chí của Tòa Bạch Ốc. Johnson nói với viên phụ tá: “không được nói cho bất cứ ai”.

Về phần Đức Phaolô VI, lúc đó, vừa mổ tuyến tiền liệt và đang dưỡng sức, nên đâu có hứng chi tiếp khách, nhất là sắp tới Lễ Giáng Sinh (chỉ còn 2 ngày nữa). Máy bay chở Johnson đáp xuống phi trường Rôma, từ đó, Ông Johnson đáp trực thăng trực chỉ Vatican, dù trước đó, viên phi công không biết Vườn Vatican nằm ở chỗ nào!

Mãi sau này, mới có tường trình cho hay cuộc hội ngộ khá căng thẳng. Ký giả Wilton Wynne của Time thuật lại trong hồi ký về Vatican của ông rằng Đức Giáo Hoàng bị khích động, “đã đập bàn” và “la hét” Ông Johnson về Việt Nam.

Cứ xem như trên, thì rõ ràng Tòa Thánh lúc ấy coi trọng Hà Nội hơn Sài Gòn. Hà Nội được ngài vận động ngồi vào bàn đàm phán với bảo đảm sẽ thông tri cho Hoa Kỳ các đòi hỏi tiên quyết (ngưng ném bom) của họ. Sài Gòn thì không thấy nói tới tiếp xúc nào với nhà cầm quyền, mà chỉ là vận động để tín hữu của ngài đừng theo quan điểm của nhà cầm quyền và bằng lòng chịu chút thiệt thòi, nếu có, miễn là chấm dứt chiến tranh.

Ông Trần Vinh thì cung cấp thêm một số chi tiết cho thấy thái độ trên của Đức Phaolô VI:

“Trung tuần tháng 9, 1970, khi đi thăm Á châu, Đức Giáo Hoàng không tới thăm Đài Loan và Nam Việt Nam là 2 nước chống Cộng, mặc dù Việt Nam có số tín hữu đông thứ nhì ở Á châu. Và khi bay qua lãnh thổ Việt Nam ngài đã chọn ngay tại vĩ tuyến 17 là lằn ranh phân chia Bắc Nam để gửi thông điệp cho cả Sài Gòn lẫn Hà Nội. Ngày 14-02-1973, Đức Giáo Hoàng chính thức tiếp Xuân Thủy là trưởng phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt tại Hoà Đàm Paris và Ngài gọi đó là ‘ngày đáng ghi nhớ’. Rồi 3 tháng sau, ngày 12-5-1973, Ngài lại tiếp Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hiếu của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Trước đó, vào tháng 2 năm 1971, Nguyễn Thị Bình, bộ trưởng ngoại giao của Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam kiêm trưởng phái đoàn của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam tại Hoà Đàm Paris, đã tới Vatican và được giới chức cao cấp Vatican tiếp đón. Đầu tháng 4-1973, trong chuyến công du sau khi Hiệp Định Paris ra đời (đi Hoa Kỳ, Anh, Tây Đức, Ý, Vatican, Đại Hàn và Đài Loan), Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tiếp kiến lâu 1 giờ. Nhân dịp, tổng thống trình lên ngài danh sách 37 ngàn tù binh Cộng Sản để chứng minh Việt Nam Cộng Hòa không hề giam giữ tới ‘300 ngàn tù chính trị’ theo luận điệu dối trá của Cộng Sản và các phần tử thân Cộng (như nhóm báo CHỌN của Linh Mục Trương Bá Cần và ĐỨNG DẬY của Linh Mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan…). Mới đây, qua điện thoại, nhà báo Vũ Ánh (trước 30-4-1975, là chánh sở thời sự Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia; hiện làm cho Viet Herald, Nam California) kể lại cho tôi nghe chuyện ông được tháp tùng chuyến đi này của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tuy không được tới gần, nhưng ông đã tận mắt nhìn thấy tổng thống bắt tay, hôn nhẫn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và được ngài mời ngồi xuống để đàm đạo, và khi ra về ‘dáng mặt tổng thống có vẻ đăm chiêu, buồn bã’. Không ai biết hết lí do tại sao Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu buồn, nhưng chắc là có chuyện tổng thống phải thanh minh với Đức Giáo Hoàng về vụ 300 ngàn tù chính trị ‘ma’ do các kí giả thân Cộng Âu Mĩ vào hùa với Cộng Sản Bắc Việt cùng bọn tay sai bịa đặt ra”.

Theo ông Trần Vinh, “quân dân Miền Nam chiến đấu vừa để chống hoạ Cộng Sản vừa để bảo vệ bờ cõi đất nước. Thế mà Đức Phaolô VI, vì quan điểm hoà bình vô điều kiện của mình, đã không nhắc tới chính nghĩa chiến đấu tự vệ của Việt Nam Cộng Hòa. Thay vì phải tích cực cổ vũ, vận động thế nào để Cộng Sản Bắc Việt phải từ bỏ tham vọng, từ bỏ âm mưu xâm lấn Miền Nam tự do thì ngài lại kêu gọi mỗi bên phải nhường nhịn, “dầu phải chịu chút ít thiệt thòi”. Đức Giáo Hoàng và đa số các nhà đạo đức Âu Mĩ chưa đủ kinh nghiệm để nhận ra điểm chết người này: đối với bọn Cộng Sản quỷ quyệt, nhường nhịn có nghĩa là sẽ mất trắng! Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có thiện chí tìm kiếm hoà bình. Nhưng vì không nắm rõ nguyên nhân chính yếu của cuộc chiến; không hiểu đúng mức bản chất độc ác, xảo quyệt của Cộng Sản Bắc Việt; không nắm được ý đồ muốn tháo chạy của người Mĩ và không có viễn kiến về hậu quả tai hại thế nào cho dân tộc Việt Nam khi Cộng Sản Bắc Việt thôn tính toàn cõi Việt Nam cho nên vị giáo hoàng đạo đức, tốt lành đã bị lợi dụng cho một trò chơi chính trị lật lọng, dối trá, bẩn thỉu. Những cuộc tiếp đón các viên chức cao cấp của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam tại Vatican, cho thấy Vatican cũng đã bị Cộng Sản Bắc Việt ‘bịp’ như họ đã ‘bịp’ được dư luận và nhiều chính phủ các nước Âu Mĩ lúc đó”.

Ông Trần Minh nhận định: “Vatican vô tình khởi đầu tiến trình dẫn dắt cho Hoa Kỳ và Cộng Sản Bắc Việt tiếp xúc, gặp gỡ để rồi Hoa Kỳ âm mưu bán đứng Miền Nam cho Cộng Sản Bắc Việt. Cái Hiệp Định Paris 1973 nói là để chấm dứt chiến tranh, thực chất chỉ là để cho “đồng minh (Mĩ) tháo chạy”, đồng thời nó trói tay Việt Nam Cộng Hòa lại để cho Cộng Sản Bắc Việt dễ dàng thâu tóm toàn cõi đất nước... Trong sứ mạng tôn giáo, Vatican luôn luôn cổ vũ và tìm kiếm hoà bình cho nhân loại. Song thiện ý là một chuyện, phương cách thi hành và hiệu quả đạt được lại là một vấn đề khác. Đức Giáo Hoàng ở trên cao quá, việc thế sự nằm trong tay vị quốc vụ khanh và bộ ngoại giao Vatican. Dù nói thế nào, các vị này cũng vẫn chỉ là những con người đang sống ở thế gian này. Riêng trường hợp Việt Nam, dường như các viên chức cao cấp của Vatican, trong tư thế của những chính khách mặc áo dòng, đã từng ảnh hưởng vào chính tình phức tạp ở Miền Nam Việt Nam và nhất là đã nhúng tay vào việc tìm kiếm một thứ hoà bình bánh vẽ không có cái nhân công lí cho Việt Nam”.

Dĩ nhiên, việc Miền Nam mất vào tay Cộng Sản có nhiều nguyên nhân phức tạp. Nhưng nhiều người Công Giáo hồi đó và cả bây giờ không khỏi có cùng những cảm nghĩ như Ông Trần Vinh, khi nói đến sự đóng góp của triều giáo hoàng Phaolô VI. Người viết bài này hồi ấy cũng có cùng một tâm trạng nên đã có một bài viết khá dài phân tích thái độ của Đức Phaolô VI đối với Việt Nam Cộng Hòa nói chung và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói riêng, nhân chuyến Tổng Thống tới yết kiến ngài tại Vatican. Bài báo ấy đã không được đăng trên Nguyệt San Cao Đẳng Quốc Phòng. Chủ Nhiệm Nguyệt San là Đại Tá Quang và chủ bút Tập San là Đại Úy Tâm (tức nhà văn kiêm thi sĩ Thanh Tâm Tuyền) gọi điện thoại cho người viết lúc ấy đang phục vụ tại Phủ Thủ Tướng, nói rằng phải sửa lại thế nào để tránh việc Tổng Thống bị Đức Phaolô VI cư sử lạnh nhạt. Sửa như thế là bôi bỏ hết ý hướng chính của bài báo. Nên đôi bên đồng ý không đăng tải bài viết. Rất tiếc bài viết khá dài ấy nay đã bị thất lạc sau gần 46 năm.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Linh mục Tu sĩ Nam Nữ Miền TÂy Bắc Hoa Kỳ họp mặt
LM Phạm Hữu Tâm
10:29 09/12/2019
LIÊN ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
THE FEDERATION OF VIETNAMESE CATHOLICS IN THE USA

P.O. Box 142545, Fayetteville, GA 30214
Phone: (404) 819-8434 ● Email:ldcgvnhk@yahoo.com
Website:liendoanconggiao.net


December 8, 2019

Liên Đoàn chúng con vừa nhận được Tin Vui từ cha Tuấn, chủ tịch Miền Tây Bắc:

Trong dịp Lễ Thanksgiving vừa rồi, quí Cha, Thầy Sáu, Nữ Tu miền Tây Bắc đã có dịp Họp Mặt hàng năm để cùng Tạ Ơn Chúa và chia sẻ vui buồn của cuộc đời Dâng Hiến. Giáo xứ Đức Mẹ La Vang tại Portland và cha chánh xứ Ansgar PhạmTỉnh đã đón tiếp mọi người chu đáo, ấm cúng, với thức ăn thật thịnh soạn. Xin chung vui cùng các Đấng miền Tây Bắc.

Hình ảnh

Cũng trong dịp Họp Mặt Miền này, cha Tuấn xin thôi trách nhiệm chủ tịch vì quá bận công việc của 3 giáo xứ. Sau đó, anh chị em miền Tây Bắc đã tín nhiệm bầu cha Giuse Đào Xuân Thành kế nhiệm. Cha Thành đã vui vẻ nhận lời trong sự yêu mến của anh chị em hứa sẽ hỗ trợ Ngài hết lòng.

Thay mặt Liên Đoàn, cha Nguyễn Thanh Châu, chủ tịch LĐ, cảm ơn cha Dominicô Nguyễn Anh Tuấn đã hết lòng sinh hoạt, phục vụ và nối kết tình thân của Tu Sĩ miền Tây Bắc và hỗ trợ việc chung của Liên Đoàn.

Cũng xin chúc mừng cha tân chủ tịch miền Tây Bắc, Giuse Đào Xuân Thành, và sẽ hết lòng làm việc với cha trong thời gian tới.

Kính chúc quí Cha, Thầy Sáu, Sơ miền Tây Bắc nhiều bình an, sức khỏe và niềm vui trong mùa Vọng và Giáng Sinh..

Xin trân trọng thông báo để cùng chung vui và cầu nguyện cho anh chị em miền Tây Bắc.

Tình thân trong Chúa,

Liên đoàn CGVNHK
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Mẹ Loreto
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:27 09/12/2019
Loreto là một thành phố nhỏ ở bên Italia với diện tích khoảng 17 cây số vuông cùng hơn 12 ngàn dân số nằm ở miền trung nước Ý bên phía Đông sát gần bờ biển Địa trung Hải, cách Roma khoảng 280 cây số.

Thành phố Loreto là thánh địa hành hương nổi tiếng bên nước Ý sau đền thờ thánh Phero ở Roma. Vì nơi đây có căn nhà Đức Mẹ Maria.

Theo sách do Flavius Lucius Dexter viết khoảng năm 400 thuật lại, vào năm 42 sau Chúa giáng sinh, Thánh tông đồ Jacobus đã khánh thành làm phép ngôi nhà thánh ở Nazareth, nơi Thiên Thần hiện đến truyền tin cho Đức Mẹ Maria: Chúa Giêsu con Thiên Chúa xuống trần gian làm người trong cung lòng Maria.

Năm 336 Thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantino đã đến thăm viếng Nazareth, và đã cho xây một thành đường bao phủ ngôi nhà Đức Mẹ Maria. Thánh Hieronimus cũng đã nói đến địa điểm này khi ông đến thăm viếng năm 384:“ Nazareth là một địa điểm nhỏ vùng Galilea và có một ngôi thánh đường ngay nơi ngày xưa Thiên Thần hiện đến với Đức Mẹ Maria báo tin Chúa Giêsu con Thiên Chúa xuống thế làm người trong cung lòng trái tim Maria.

Thời kỳ đầu tiên của Thập tự quân đã đến chiếm đóng Nazareth và năm 1219 Thánh Phanxiico thành Assisi đã đến Nazareth thăm viếng ngôi nhà, nơi Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người.

Tháng Tư năm 1263 đất thánh bị rơi vào tay Hồi giáo quân của Bajbar thành Cairo và ngôi thánh đường này bị tàn phá. Nhưng ngôi nhà thánh của Đức Mẹ không bị hư hại, vì nằm ở tầng hầm bên dưới thánh đường.

Lịch sử lưu truyền thuật lại, năm 1291 khi dân chúng vùng Palestina bỏ đức tin đạo Công Giáo sang bên đạo Hồi giáo, các Thiên Thần đã mang ngôi nhà thánh đó khỏi Nazareth tới một điạ điểm ở giữa Fiume và Tersato vùng Dalmatien bên nước Croate.

Rồi vào đêm 10.12.1294 ngôi nhà thánh nhỏ này bỗng dưng biến mất. Các người mục đồng đã nhìn thấy ngôi nhà này ở một nơi cao gần thành phố Recanati: một luồng ánh sáng bao phủ căn nhà trong một khu rừng.

Những thương gia thành phố Tersato đã nhận ra ngôi nhà ngày xưa đã biến mất khỏi Dalmatien.

Năm 1296 một vài người ở vùng này đã đo kích thước ngôi nhà và trẩy sang Nazareth, họ đã tìm thấy những căn bản của ngôi nhà Đức Mẹ bên Nazareth đúng như kích thích ngôi nhà ở Loreto. Từ đó ngôi nhà ờ Loreto trở thành đền thánh với danh hiệu Ngôi nhà Loreto.

Ngày nay, bên trong Vương cung thánh đường Loreto có căn nhà thánh với ba bức từng bằng gạch nhà Đức Mẹ ở Nazareth bên Do Thái với kích thước 9,25 mét chiều cao, 4,1 mét chiều ngang và 5 mét chiều dài, tượng Đức Mẹ Maria mầu đen tay bồng Chúa Giêsu.

Hình ảnh Đức Mẹ mầu đen hoặc do mầu vẽ, hoặc do chất liệu gỗ đá thiên nhiên mầu đen. Nhiều tín hữu sùng kính Đức Mẹ mầu đen, vì tin tưởng rằng Đức Mẹ như thế hay làm phép lạ ban ơn.

Và ở bên nước Do Thái, thành phố Nazareth vùng Galileo bên dưới tầng hầm Vương cung thánh đường Truyền tin phía bên phải bàn thờ chính, có cân nhà nhỏ nguyên thủy của Đức Mẹ Maria ngày xưa, nơi Thiên Thần Gabriel đã hiện đến truyền tin cho Maria: Giêsu con Thiên Chúa xuống thế làm người trong cung lòng Maria.

Kinh Thánh nói đến mầu đen chỉ về phụ nữ:

„ Này các thiếu nữ Giê-ru-sa-lem,

da tôi đen, nhưng nhan sắc mặn mà

như lều Kê-đa, tựa trướng Xan-ma.“ ( Diễm tình ca 1,5)

Khoa chú giải kinh thánh Kitô giáo đã suy tư về đoạn này chỉ về trái tim tâm hồn như người phu thê của Thiên Chúa, trong đó có Đức Mẹ Maria.

Đức Mẹ đen Loreto rất được sùng kính. Và ở nhiều vùng đất nước bên Âu châu như có bức ảnh Đức Mẹ đen như bên thánh địa Częstochowa nước Balan, tượng Đức Mẹ đen ở thánh địa Altöttingen bên nước Đức.

Hằng năm ngày lễ kính Đức Mẹ Loreto vào ngày 10. Tháng Mười hai.

Khi hành hương thăm viếng ngôi nhà Đức Mẹ Loreto để công bố thông điệp về giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có tâm tình suy tư: „ Nhà của Đức Maria cũng là nhà của gia đình. Trong tình hình tế nhị của thế giới ngày nay, gia đình dựa trên cuộc hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đảm nhận một tầm quan trọng và một nhiệm vụ thiết yếu. Cần phải tái khám phá kế hoạch do Thiên Chúa vạch ra cho gia đình, nhắc lại sự vĩ đại và không thể thay thế của gia đình trong việc phục vụ cuộc sống và xã hội. Trong ngôi nhà Nagiarét, Đức Maria sống những mối quan hệ đa dạng trong gia đình trong tư cách là con gái, người hứa hôn, rồi người vợ và người mẹ. Vì lý do này, mỗi gia đình, trong từng thành viên khác nhau, có thể tìm thấy ở đây sự chấp nhận và cảm hứng để sống bản sắc riêng của mình.

Kinh nghiệm trong gia đình của Đức Trinh Nữ chỉ ra rằng gia đình và những người trẻ không thể là hai lĩnh vực chăm sóc mục vụ tách biệt của các cộng đồng chúng ta, nhưng cả hai phải sóng bước bên nhau, bởi vì những người trẻ thường là những gì một gia đình được trao ban trong thời kỳ tăng trưởng. Viễn tượng này tái cấu trúc một mục vụ ơn gọi quan tâm biểu lộ khuôn mặt của Chúa Giêsu qua nhiều khía cạnh khác nhau như vị thượng tế, hôn phu, và mục tử trong một thể thống nhất.

Nhà của Đức Maria là nhà của người bệnh. Ở đây, những người đau khổ trong thể xác và tinh thần có thể được chào đón, và Mẹ mang tất cả đến với lòng thương xót Chúa từ đời này sang đời khác. Bệnh tật làm tổn thương gia đình, và người bệnh phải được chấp nhận trong gia đình. Xin vui lòng, đừng rơi vào nền văn hóa vứt bỏ được đề xuất bởi những thứ thực dân ý thức hệ đang tấn công chúng ta ngày nay. Ngôi nhà và gia đình là phương thuốc đầu tiên cho người bệnh, trong việc yêu thương họ, hỗ trợ họ, khuyến khích họ và chăm sóc họ. Đây là lý do tại sao Đền thờ Nhà Thánh là biểu tượng của mọi ngôi nhà chào đón và là đền thờ của người bệnh.“ ( Đức Giáo Hoàng Phanxico, đền thánh Đức Mẹ Loreto ngày 25.03.2019)

Tại Thánh địa Loreto do các cha Dòng Phanxico phụ trách. Và nơi đó có dầu Oliu - trong lọ nhỏ bằng ngón tay út.- do các Tu sĩ Dòng Phanxico làm ra để giúp chữa bệnh xoa dịu cơn đau đớn bệnh tật phần xác cùng bình an cho tâm hồn nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Loreto với lòng tin tưởng cầu xin khấn nguyện.

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
 
Văn Hóa
Cây Noel
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:38 09/12/2019

Từ 38 năm nay, các miền khác nhau của nước Italia và của Âu Châu đã thay phiên nhau dâng tặng cây Noel cho Đức Thánh Cha.

Lúc 12 giờ 30, thứ Năm 5/12/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp khoảng 600 khách hành hương đến từ các tỉnh Trento, Vicenza và Treviso, là những nhà tài trợ cho Hang đá và cây Giáng Sinh năm nay tại quảng trường thánh Phêrô.

Cây linh sam đỏ được dùng làm cây Noel, đến từ rừng Rotzo-Pedescala và San Pietro ở tỉnh Vicenza, phía Bắc nước Ý, nơi bị thiệt hại nặng nề do cơn bão vào tháng 10 năm 2018, cây có chiều cao khoảng 26 mét, đường kính 70 cm.

Nghi thức thắp sáng cây Noel cũng làm nổi bật Hang đá Giáng sinh có kích thước lớn như thật, được chạm khắc bằng gỗ của thân cây mang đến từ Vicenza, cũng là để nhớ về cơn bão tại đây.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Các thân cây bằng gỗ đến từ các khu vực bị bão tấn công, tạo thành phông nền cho cảnh quan để gợi lên tình hình bấp bênh của gia đình Thánh Gia vào đêm đó ở Bêlem".

Đức Hồng Y Giuseppe Bertello và Đức cha Fernando Vérgez Alzaga đã chủ trì lễ thắp sáng Giáng sinh của Vatican.

Đức Thánh Cha đã bắt đầu Mùa Vọng bằng một chuyến đi đến thị trấn Greccio nước Ý nơi Thánh Phanxicô Assisi đã tạo ra hang đá Giáng sinh đầu tiên vào năm 1223. Tại Greccio, Đức Thánh Cha đã ký Tông thư Admirabile Signum nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hang đá Giáng Sinh.

Ngài đã viết trong tông thư - mô tả hang đá Giáng sinh đầu tiên của Thánh Phanxicô rằng: “Tất cả những người có mặt khi ấy đều đã trải nghiệm một niềm vui mới mẻ khó tả trước hang đá Giáng sinh. Rồi vị linh mục đã long trọng cử hành Thánh lễ nơi máng cỏ, cho thấy mối liên hệ giữa việc Nhập thể của Con Thiên Chúa và Bí tích Thánh Thể" (Nguồn: CNA).

Hang đá Giáng sinh và cây thông Noel sẽ được trưng bày tại quảng trường Thánh Phêrô cho đến ngày 12-1-2020, lễ Chúa chịu phép rửa. Đây là nét văn hóa tôn giáo đẹp đẽ đã có từ năm 1982, thời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thực ra truyền thống này đã khởi nguồn từ rất xa xưa khi thánh Phanxicô Assisi vào năm 1223 đã làm để diễn tả Mầu Nhiệm Belem. Sau dịp Giáng Sinh, cây Noel sẽ được hạ xuống. Phần gỗ sẽ được trao cho các nghệ nhân để chế tác thành những sản phẩm văn hóa và nghệ thuật. Các sản phẩm này sẽ được bán và số tiền thu được Tòa Thánh sẽ đem giúp đỡ những người nghèo.(VietCatholic News).

Theo truyền thuyết, ngay từ 2.000 đến 1.200 trước Công nguyên, đã có tục lệ trưng bày cây thông épicéa vào ngày 24 tháng 12, bởi vì người ta xem như ngày này là ngày tái sinh của Mặt trời. Trước đây, người Đông Âu (Celtes) dùng lịch theo chu kì Mặt trăng. Mỗi tháng của năm đều liên kết với một loại cây. Ngày 24 tháng 12 nhắm tiết Đông chí được đặt tên là tùng bách (épicéa). Để làm lễ cho ngày Đông chí, một cây xanh tượng trưng cho sự sống được trang trí bởi trái, hoa và lúa mì.

Năm 354, Giáo Hội Công Giáo định lễ Giáng Sinh được cử hành ngày 25 tháng 12. Theo dòng thời thời gian, cây Noel có một lịch sử hình thành và đến nay nó đã trở thành thân quen mỗi dịp Giáng Sinh về.

Người ta kể lại rằng: thánh đan sĩ Boniface (sinh năm 680) đã phá tục thờ cây cối. Ngài thuyết phục các đạo sĩ người Đức ở vùng Geismar là cây sồi không phải là cây thiêng. Ngài cho hạ một cây sồi. Khi đốn, cây sồi lăn xuống triệt hạ các cây mọc trên triền dốc, chỉ trừ cây thông.Thánh Boniface coi đó là điềm lạ, nên đã thuyết giảng rằng :‘‘Kể từ nay, ta đặt tên cho cây thông là cây Chúa Hài Đồng’’. Từ đó, người ta trồng cây thông trên khắp nước Đức để mừng lễ Giáng Sinh.

Đến thế kỷ thứ XI, cây Noel được trang hoàng bằng những trái pom đỏ, tượng trưng cho cây thiên đàng. Trên đó, người ta treo trái pomme của bà Eva.

Từ thế kỷ thứ XII, cây sapin được xuất hiện tại Âu Châu, vùng Alsace. Người ta gọi “Cây Noel” lần đầu tiên tại Alsace vào năm 1521.

Thế kỷ thứ XIV, người ta trang trí cây thông bằng những trái pomme của bà Eva, kẹo và bánh. Cũng vào thời kì đó, một ngôi sao trên đỉnh cây tượng trưng cho ngôi sao Bethleem, bắt đầu được phổ biến. Năm 1560, những người theo đạo Tin Lành phát trển truyền thống cây Noel.

Thế kỷ XII và XIII, các cây sapin chiếu sáng đầu tiên xuất hiện. Người ta dùng những vỏ trái hồ đào (noix) đựng đầy dầu, trên mặt để tim đèn, hay đèn sáp mềm, cột quanh cây thông.

Năm 1738, Marie Leszcynska, vợ vua Louis XV nước Pháp, đã trang hoàng một cây Noel trong lâu đài Versailles.

Tại Alsace-Lorraine, người ta thấy càng ngày càng nhiều cây sapin, nơi đầu tiên có truyền thống này.

Các nước Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy thường trang hoàng nhà cửa cây xanh nhân dịp năm mới để xua đuổi ma quỷ. Họ còn dựng cây cho chim trú ngụ trong mùa Giáng Sinh.

Năm 1837, bà công tước Orléans, Hélène de Mecklembourg, gốc người Đức, cho người trang hoàng một cây sapin tại điện Tuileries.

Làm lễ Giáng Sinh quanh một cái cây, biểu tượng cho cây trên Thiên Đàng và đủ loại kẹo đã trở thành một truyền thống nhanh chóng bên Đức. Phải chờ đến gần một thế kỷ để truyền thống đó đến mọi gia đình người Pháp, nhất là sau chiến tranh 1870, có hàng ngàn gia đình người Alsace-Lorraine di cư qua Pháp. Chính nhờ thời kì đó mà cả nước Pháp thu nhập truyền thống này.

Đầu thế kỷ thứ 19, Cây Noel được nhập vào nước Anh từ từ và rất được tán thưởng, nhờ ông hoàng Albert, chồng của Nữ hoàng Victoria. Vào thời đó, người ta gọi cây Noel là cây Victorian Tree. Cây Victorian Tree được trang trí bằng đèn sáp, kẹo cùng các thứ bánh treo ở cành cây bằng dây giấy đủ màu.

Cây Noel được thịnh hành nhất vào thế kỉ thứ 19. Cây Noel cũng được những nước Áo, Thuỵ Sỹ, Phần Lan, Hoà Lan tán thưởng trong thời kì này. Hiện nay, khắp nơi trên thế giới đều tổ chức lễ Giáng Sinh và chưng cây Noel.

Tương truyền về thánh Boniface kể rằng, một hôm trên đường hành hương, Ngài tình cờ bắt gặp một nhóm những kẻ ngoại đạo sùng bái đang tập trung xunh quanh một cây sồi lớn, dùng một đứa trẻ để tế thần. Để dừng buổi tế thần và cứu đứa trẻ, thánh nhân hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả một quả đấm! Tại nơi đó, đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ ngoại đạo rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa Cứu Thế.

Tương truyền, một lần Martin Luther, người sáng lập Đạo Tin Lành, dạo bước qua những cánh rừng vào một đêm Noel khoảng năm 1500. Trời quang và lạnh. Hàng triệu vì sao lấp lánh qua kẻ lá.Ông thực sự ngỡ ngàng trước một loài cây nhỏ, trên cành cây tuyết trắng phủ đầy, lung linh dưới ánh trăng. Cảnh vật hôm đó đã làm Luther thực sự rung động. Vì thế, khi trở về, ông đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và kể lại câu chuyện này với lũ trẻ. Để tái tạo ánh lấp lánh của muôn ngàn ánh sao, ông đã treo nến trên cành cây thông và thắp sáng những ngọn nến ấy với lòng tôn kính ngày Chúa Giáng Sinh.

Một truyền thuyết khác lại kể rằng vào một đêm Noel đã rất lâu rồi, có một người tiều phu đang trên đường trở về nhà thì gặp một đứa trẻ bị lạc và lả đi. Mặc dù nghèo khó nhưng người tiều phu đã dành lại cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi của mình và che chở cho nó yên giấc qua đêm. Buổi sáng khi thức dậy, ông nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Hóa ra đứa trẻ đói khát tối hôm trước, chính là Chúa cải trang. Chúa đã tạo ra cây để thưởng cho lòng nhân đức của người tiều phu tốt bụng.

Nguồn gốc thực của cây Noel có thể gắn liền với những vở kịch thiên đường.

Vào thời thượng cổ, những vở kịch đạo đức được biểu diễn khắp Châu Âu, thông qua các vở kịch ấy, người ta có thể truyền bá các bài Kinh Thánh. Những vở kịch nói về nguồn gốc của loài người và sự dại dột của Adam và Eva tại vườn Eden, thường được diễn vào ngày 24 tháng 12 hằng năm. Cây táo là một đạo cụ trong vở kịch, nhưng vì các vở kịch được diễn vào mùa đông, các loài cây đều chưa kết trái nên các diễn viên phải treo các quả táo giả lên cành cây.

Phong tục cây Noel trở nên phổ biến ở Đức vào thế kỉ XVI. Người theo Kitô giáo mang cây xanh vào trong nhà và trang hoàng cho chúng trong dịp lễ Giáng Sinh.

Ở những vùng vắng bóng cây xanh, mọi người tạo ra các đồ vật hình chóp từ gỗ và trang trí cho nó các cành cây xanh và nến. Chẳng bao lâu sau, phong tục cây Noel trở nên phổ biến ở các nước Châu Âu.

Theo một truyền thống của nước Mỹ, một cuộc vui tổ chức xung quanh cây Giáng Sinh vào một đêm lạnh lẽo ở Trenton, New Jersey trong thời gian nội chiến, đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Những người lính phe liên bang quá nhớ nhà, nhớ những ngọn nến được thắp sáng treo trên các cành cây Thông Giáng Sinh, đã bỏ nơi gác để ăn uống vui vẻ. Washington đã tấn công và đánh bại họ trong đêm đó.

Vào giữa thế kỷ XIX, hoàng tử Albert, chồng tương lai của nữ hoàng Victoria ra đời. Chính ông đã phổ biến rộng rãi cây Giáng Sinh vào nước Anh. Năm 1841, đôi vợ chồng hoàng gia này đã trang hoàng cây Giáng Sinh đầu tiên của nước Anh tại lâu đài Windon bằng nến cùng với rất nhiều loại kẹo, hoa quả và bánh mì gừng. Khi cây Giáng Sinh trở thành thời thượng ở Anh thì những gia đình giàu có đã dùng tất cả những đồ vật quý giá để trang trí cho nó. Vào những năm 1850, theo sự mô tả của đại văn hào Charles Dickens thì cây Giáng Sinh ở Anh được trang hoàng bằng búp bê, những vật dụng nhỏ bé, các thiết bị âm nhạc, đồ trang sức, súng và gươm đồ chơi, hoa quả và bánh kẹo. Sau khi đã tồn tại ở Anh thì phong tục cây Noel cũng trở nên phổ biến trên khắp các vùng thuộc địa của đế chế Anh, tới cả những vùng đất mới như Canada.

Cây Noel đầu tiên được dân chúng ở Mỹ biết đến là vào những năm 1830. Khi hầu hết người dân Mỹ coi cây Giáng Sinh là một điều kì cục thì những người Đức nhập cư ở Pennsylvania thường mang cây Giáng Sinh vào các buổi biểu diễn nhằm tăng thêm tiền quyên góp cho nhà thờ. Năm 1851, một mục sư người Đức đặt một cây Giáng Sinh trước cửa nhà thờ của ông làm cho những người dân xứ đạo ở đó, đã bị xúc phạm và buộc ông phải hạ nó xuống. Họ cảm thấy đó là một phong tục ngoại đạo.

Tuy nhiên, vào những năm 1890, nhiều đồ trang trí bắt đầu được nhập từ Đức vào và từ đó tục lệ về cây Giáng Sinh trở nên phổ biến ở Canada và Mỹ. Có một sự khác biệt lớn giữa cây Giáng Sinh của Châu Âu và Bắc Mỹ. Cây của Châu Âu nhỏ, hiếm khi cao hơn 1,5 mét chỉ khoảng 4 -5 feet trong khi cây của Bắc Mỹ cao tới trần nhà.

Năm 1900, cứ 5 gia đình ở Bắc Mỹ thì có một gia đình có cây Giáng Sinh, và hai mươi năm sau, phong tục này trở nên khá phổ biến. Vào những năm đầu thế kỉ XX, người dân Bắc Mỹ thường trang trí cây thông bằng đồ trang trí do chính tay họ làm ra. Đồ trang trí truyền thống của người Canada và người Mỹ gốc Đức gồm có quả hạnh nhân, quả hạch, bánh hạnh nhân với nhiều hình dạng thú vị khác nhau. Những hạt bắp chiên nhiều màu sắc, được trang trí cùng những quả phúc bồn tử và các chuỗi hạt. Cũng vào thời gian này bắt đầu xuất hiện những dây đèn trang trí trên cây Giáng Sinh, nhờ nó cây thông rực rỡ hơn nhiều lần. Ánh sáng trang trí bằng đèn điện kéo dài hơn và an toàn hơn rất nhiều so với ánh sáng toả ra từ những ngọn nến.

Mỗi năm, khi ngày Giáng Sinh tới, một cây Noel lộng lẫy được đặt tại quảng trường trung tâm Bentall thành phố Vancouver, phía nam British Columbia. Và dân chúng tập trung xung quanh cây Noel đầu tiên vừa được dựng lên và chưa được trang hoàng lộng lẫy kia. Rồi ở cuối thành phố, cây thông sáng bỗng bừng lên với muôn vàn ánh đèn đầy màu sắc, cùng lúc đó, đội hợp xướng nhà thờ ca vang bài hát mừng lễ Giáng Sinh. Tại ngọn đồi Parliament ở Ottawa, một cây Noel rực rỡ ánh đèn màu được đặt cạnh ngọn đuốc thế kỷ của Cananda cùng với âm vị ngọt ngào của giai điệu Giáng Sinh tuyệt vời từ tháp hoà bình Carillon vang đến (theo Thánh Nhạc Ngày Nay, số 52).

Trong giờ đọc kinh truyền tin Chúa Nhật 19.12.2004, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã diễn giải ý nghĩa cây Noel:

- ‘‘Ta thường trưng bày bên cạnh máng cỏ một cây thông Giáng sinh, vốn là truyền thống tốt đẹp lâu đời nhằm ngợi ca cuộc sống. Vào mùa đông rét mướt, cây thông vẫn xanh tươi để nói rằng cuộc sống không bao giờ bị hủy diệt. Các quà tặng Giáng sinh được bày dưới gốc cây. Biểu tượng này muốn nói rằng cây Giáng sinh là cây nhân sinh mang hình ảnh Đức Kitô. Đây chính là món quà Thiên Chúa ban cho nhân trần. Thông điệp về cây thông Giáng sinh còn mang ý nghĩa cuộc sống xanh tươi như tặng vật của tình bạn và lòng yêu thương, là sự tương trợ huynh đệ và sự tha thứ, là sự chia sẻ và lắng nghe tha nhân”.

Trong Tông thư ‘Dấu chỉ lạ lùng” về Hang Đá Máng Cỏ, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Qua thư này tôi muốn hỗ trợ truyền thống đẹp đẽ của các gia đình chúng ta, trong những ngày trước lễ Giáng Sinh, chuẩn bị hang đá máng cỏ, cũng như thói quen dựng hang đá tại những nơi làm việc, trong các trường học, nhà thương, nhà tù và các quảng trường… Đây thực là một việc thực hành trí sáng tạo, dùng những vật liệu khác biệt nhất để tạo nên những kiệt tác nhỏ bé đẹp đẽ. Nhiều người học thói quen này từ nhỏ, khi cha mẹ cùng với các ông bà nội ngoại thông truyền tập quán vui tươi này, gói ghém một linh đạo bình dân phong phú. Tôi cầu mong thói quen này không bao giờ bị mai một, trái lại, tôi hy vọng tại nơi nào người ta bỏ qua, tập quán tốt đẹp này có thể được tái khám phá và hồi sinh”.

Giáng Sinh đã trở thành một đại lễ của nhân loại. Dù tin hay không tin vào Chúa Giêsu, mọi người đều hân hoan đón đợi và vui tươi mừng lễ.
Giáng Sinh có lẽ là ngày hội lớn duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Từ núi cao, trong rừng sâu, xuống đồng bằng, vào thị tứ giầu sang….Qua đủ mọi hình thức: Hang đá máng cỏ, cây Noel, nhóm vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn vùng quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn mầu rực rỡ chốn đô hội văn minh tráng lệ, khắp nơi đón mừng và cùng hát lên tâm tình:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương’’ (Lc 2,14).

Giáng sinh đang về trên khắp mọi nơi trần thế.

Hang Đá Máng Cỏ, Cây Noel đã trở nên một nét đẹp của “lễ hội văn hóa Giáng Sinh”.

Bình an và niềm vui là quà tặng của Giáng sinh.

Cây Noel lộng lẫy ánh đèn nhấp nháy sáng lên tia hy vọng như mời gọi chúng ta hãy tỏa sáng tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

 
VietCatholic TV
Con ma nhà họ Hứa Andrés López khiến giáo phận Cuernavaca phải hủy bỏ các thánh lễ tối, kể cả Đêm Giáng Sinh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:59 09/12/2019
Trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, Andrés López hứa hẹn sẽ có các phương án vãn hồi trật tự tại Mễ Tây Cơ. Ông thắng cử dễ dàng vì người dân Mễ Tây Cơ âu lo trước tình trạng an ninh trật tự dưới thời tổng thống Enrique Nieto. Tuy nhiên, một năm sau ngày ông Andrés López cầm quyền, tình trạng xem ra càng thê thảm hơn. Ông thực ra chẳng có đối sách gì cả và ngày càng lúng túng trong việc điều hành đất nước.

Trong một diễn biến hết sức bi đát, giáo phận Cuernavaca đã đình chỉ tất các Thánh lễ buổi tối vì tình trạng bất an trong thành phố và bang Morelos. Ngay cả lễ Đêm Giáng Sinh cũng bị hủy bỏ.

Điều này cho thấy tình trạng bạo lực đang hoành hành trắng trợn tại Mễ Tây Cơ và tác động của tình trạng này đối với Giáo Hội Công Giáo.

Cuernavaca ở ngay sát bên thủ đô Mexico City và vẫn thường là nơi du lịch của người dân thủ đô.

Đức Cha Ramon Fidel Castro, Giám mục Cuernavaca, cho biết các buổi lễ sẽ không được tổ chức sau khi trời tối vì người dân ở khu vực phía nam thành phố Mễ Tây Cơ không muốn mạo hiểm ra khỏi nhà sau khi trời tối.

“Đây là những tình huống mà mọi người đang sợ hãi. Đó là một nỗi sợ hãi làm tê liệt họ,” Đức Cha Fidel nói với truyền thông địa phương hôm 4 tháng 12.

“Có rất nhiều người mà tôi biết không liên quan gì đến bọn tội phạm có tổ chức, nhưng thấy mình bị ảnh hưởng bởi bạo lực này và đã thay đổi lối sống của họ.”

Đức Cha cho biết ngài đã phải đi đến quyết định này sau khi bốn trường hợp tống tiền các nữ tu trong giáo phận đã xảy ra.

Mễ Tây Cơ đã có tỷ lệ bạo lực và giết người cao nhất trong 13 năm qua khi nước này tiến hành một cuộc hành quân triệt hạ các băng đảng ma túy và bọn tội phạm có tổ chức.

Tỷ lệ giết người đã đạt đến mức kỷ lục vào năm 2018 và tỷ lệ này dự kiến sẽ vượt qua kỷ lục trước đó. Trong năm 2019, có thể có đến 36,000 vụ giết người. Đất nước này ghi nhận ngày đẫm máu nhất là ngày 1 tháng 12 vừa qua, với 128 vụ giết người. Số người thiệt mạng bao gồm 21 người ở bang Coahuila, miền bắc, gần biên giới Texas, nơi hàng chục tay súng tấn công tòa thị chính.

Đức Cha Fidel là một tiếng nói bất khuất khi lên án chính quyền tiểu bang và địa phương tham nhũng và tổ chức một cuộc tuần hành hòa bình hàng năm ở Cuernavaca.
 
Đức Hồng Y Tagle: Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng
Giáo Hội Năm Châu
07:11 09/12/2019
Đức Hồng Y Tagle được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng vào Chúa Nhật 8/12; còn Đức Hồng Y Filoni đương nhiệm Chủ tịch của Thánh bộ Truyền giảng Tin mừng được thuyên chuyển về làm Bề trên Tổng quyền các hiệp sĩ tại Thánh Điạ thay thế Đức Hồng Y Edwin Frederick O'Brien, đã về hưu vào tháng 4 năm 2019, khi ngài tròn 80 tuổi.

Với việc đề đạt ĐHY Tagle, một Hồng Y châu Á sẽ tái nhận lại chức vụ chủ tịch của Thánh Bộ Truyền Gảng Tin Mừng này (Propaganda Fide). Một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng của Thánh bộ này là đề cử giám mục cho các xứ truyền giáo, chức vụ này trước đây đã được Đức Hồng Y người Ấn, tên là Ivan Dias đảm trách từ năm 2006 đến 2011.

ĐHY Luis Antonio Gokim Tagle, sinh ngày 21 tháng 6 năm 1957 tại Manila trong một gia đình Công Giáo - cha của ngài thuộc nhóm dân tộc thiểu số Tagalog và mẹ gốc Hoa – Ngài đã được thụ phong linh mục vào năm 1982. Ngài du học tại Hoa Kỳ và tốt nghiệp với học vị tiến sĩ thần học. Ngài đã nghiên cứu về sự phát triển của Giám mục đoàn trong Giáo hội sau Công đồng Vatican II. Ngài cũng sống ở Rome bảy năm để đào sâu về khía cạnh này, năm 1997 ngài trở thành thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế.

Sau một thời gian làm linh mục trưởng ấn của nhà thờ chính tòa Imus, ngài được Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận vào tháng 10 năm 2001, lúc mới 44 tuổi. Ngài đặc biệt chú tâm vào việc mục vụ cho giới trẻ và tổ chức những đại hội cho những người trẻ Á châu tại giáo phận Imus.

Vào ngày 13 tháng 10 năm 2011, ngài được Đức Benedictô XVI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận thủ đô Manila và mười ba tháng sau tức tháng 11 năm 2012, trong nghi lễ tấn phong Hồng Y cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Ratzinger, ngài đã được trao mũ của Hồng Y. Ngoài việc lãnh đạo giáo phận thủ đô Phi, ĐHY Tagle còn là chủ tịch của Quỹ Bác ái Quốc tế và Hiệp hội Thánh Kinh Công Giáo.

Với sự lựa chọn được công bố vài ngày sau chuyến tông du Thái Lan và Nhật Bản, Đức Phanxicô muốn cho thế giới thấy tầm quan trọng của sự lớn mạnh của các Giáo hội tại lục địa Á châu. Cùng với sự bổ nhiệm ĐHY Tagle, trước đây vài tuần Đức Thánh Cha mới bổ nhiệm một linh mục Dòng Tên người Tây Ban Nha là linh mục Juan Antonio Guerrero Alves vào chức vụ Tổng Thư ký Tài chánh… Hai nhân vật mới nắm giữ những chức vụ lãnh đạo quan trọng trong Giáo triều vào đầu năm 2020 tới đây.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thuyên chuyển Đức Hồng Y Fernando Filoni 73 tuổi, hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch của Thánh Bộ Truyền giảng Tin mừng từ năm 2011 cho đến nay, làm Bề trên Tổng quyền các Hiệp sĩ Thánh địa.

ĐHY Filoni trước đây đã từng giữ chức sứ thần Tòa thánh ở Iraq từ năm 2001 đến 2006 và sống ở Baghdad trong cuộc chiến năm 2003. Sau đó, ngài là khâm sứ Tòa thánh tại Phi trước khi được đề cử vào chức vụ Chủ tịch của Thánh Bộ Truyền giảng Tin mừng vào năm 2011. Kinh nghiệm của ngài về vùng Trung Đông sẽ giúp ngài rất nhiều trong trách vụ mới này, Hiệp sĩ Thánh địa đóng một vai trò quan trọng đặc biệt trong các dự án của các cộng đồng Kitô giáo tại Trung Đông.

Trong một tuyên cáo, Đức Hồng Y O'Brien nói đây là một quyết định khôn ngoan của Đức Thánh Cha và ngài đặc biệt vui mừng khi biết được Đức Hồng Y Filoni sẽ là người kế vị ngài, ĐHY Filoni là một người giầu kinh nghiệm về các vấn đề của thế giới và về Giáo hội hoàn vũ.
 
Tĩnh tâm Mùa Vọng cùng giáo triều Rôma: Đức Maria trong biến cố truyền tin
Giáo Hội Năm Châu
15:51 09/12/2019
Sáng thứ Sáu 6 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.
Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây.
Dưới đây là bản dịch toàn văn phần 1 sang Việt Ngữ.


Bài tĩnh tâm thứ nhất Mùa Vọng của cha Raniero Cantalamessa, OFMCap
Em thật có phúc, vì đã tin!


Mỗi năm phụng vụ dẫn chúng ta đến lễ Giáng sinh với ba người hướng dẫn: tiên tri Isaia, Thánh Gioan Tiền Hô và Đức Maria, như thế, chúng ta có một tiên tri, một người loan báo, và một người mẹ. Vị đầu tiên tuyên bố Đấng Cứu Thế từ xa, vị thứ hai chỉ cho chúng ta thấy Người có mặt trên thế giới, và vị thứ ba mang Người trong cung lòng mình. Mùa Vọng này tôi nghĩ chúng ta sẽ giao phó hoàn toàn cho Mẹ của Chúa Giêsu. Không ai tốt hơn Mẹ có thể chuẩn bị cho chúng ta chào đón sự ra đời của Đấng Cứu Chuộc chúng ta.

Mẹ không cử hành Mùa Vọng, Mẹ sống Mùa Vọng trong xương trong thịt mình. Giống như mọi bà mẹ sinh con, Mẹ biết ý nghĩa của việc chờ đợi ai đó và có thể giúp chúng ta tiến đến lễ Giáng Sinh với một đức tin trông mong. Chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Mẹ Thiên Chúa trong ba thời điểm mà Kinh Thánh trình bày Mẹ ở trung tâm của các sự kiện: Truyền tin, Thăm viếng và Giáng sinh.

“Nầy, tôi là nữ tỳ của Chúa”

Chúng ta bắt đầu với biến cố Truyền tin. Khi Đức Maria đến thăm bà Êlisabét, người chị họ này chào đón Đức Maria với niềm vui dạt dào và khen ngợi Mẹ vì đức tin của Mẹ “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45). Điều kỳ diệu đã xảy ra ở Nagiarét sau lời chào của thiên thần là Đức Maria đã “tin” và vì thế Mẹ đã trở thành “Mẹ của Chúa.” Chúng ta không có chút nghi ngờ rằng từ ‘tin’ ở đây đề cập đến câu trả lời của Đức Maria với thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” (Lc 1:38).

Trong vài từ đơn giản này, hành động đức tin lớn nhất và quyết định nhất trong lịch sử đã diễn ra. Câu trả lời của Đức Maria tiêu biểu cho “đỉnh cao của tất cả các hành vi tôn giáo trước mặt Thiên Chúa, bởi vì nó thể hiện, đến mức cao nhất, cả thái độ sẵn sàng thụ động lẫn thái độ sẵn sàng chủ động, khoảng trống sâu nhất đi kèm với sự sung mãn nhất.” [1] Origen nói rằng như thể Đức Maria đã nói với Thiên Chúa, ‘Này tôi là tấm bảng để được viết trên đó: Xin Người Viết cứ viết bất cứ điều gì Ngài muốn, xin Thiên Chúa mọi loài làm cứ làm cho tôi như Ngài mong muốn’ [ 2]. Ông đã so sánh Đức Maria với một tấm bảng bằng sáp được dùng trong thời của ông. Ngày nay, chúng ta có thể nói rằng Đức Maria dâng mình cho Chúa như một tờ giấy trắng mà Chúa có thể viết bất cứ điều gì Ngài muốn.

Trong một khoảnh khắc, sẽ tồn tại trong mọi thời và còn mãi cho đến muôn đời, lời của Đức Maria là lời của loài người và tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ là tiếng Amen của mọi tạo vật để trả lời ‘xin vâng’ với Thiên Chúa (K. Rahner). Như thể Chúa một lần nữa thách thức sự tự do của tạo vật thông qua Mẹ, cho nó cơ hội được cứu chuộc. Đây là ý nghĩa sâu sắc của sự đối ứng Evà - Maria, rất có ý nghĩa đối với các Giáo phụ của Giáo hội và tất cả các truyền thống. “Điều mà bà Evà đã trói buộc vì sự không tin của mình, thì Đức Maria đã cởi trói qua đức tin của mình.” [3]

Từ lời nói của bà Êlisabét “Em thật có phúc, vì đã tin” chúng ta lưu ý rằng trước đó Phúc Âm nói rằng việc Đức Mẹ mang thai Chúa không chỉ có ý nghĩa vật lý nhưng, hơn thế nữa, điều này còn có một ý nghĩa thiêng liêng, dựa trên đức tin. Đây là những gì Thánh Augustinô đã dựa vào khi ngài nói: “Đức Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Chúa với niềm tin mà Mẹ đã cưu mang trong lòng.... Khi được thiên thần truyền tin, Mẹ, tràn đầy niềm tin (fide plena), đã thụ thai Chúa Kitô trong tâm hồn mình trước khi Mẹ thụ thai Chúa trong cung lòng Mẹ, vì thế, Mẹ đáp lại: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.’ Sự viên mãn trong đức tin về phía Đức Maria tương ứng với sự viên mãn của ân sủng về phía Thiên Chúa, fide plena tương ứng với gratia plena.

Cô độc với Chúa

Thoạt nhìn, hành động đức tin của Đức Maria có vẻ rất dễ dàng và thậm chí có thể được coi là điều đương nhiên. Mẹ sắp trở thành mẹ của một vị vua sẽ trị vì mãi mãi trong nhà của Giacóp, Mẹ của Đấng Thiên Sai! Chẳng lẽ đó không phải là giấc mơ của mọi cô gái Do Thái sao? Nhưng đây là một cách suy luận khá nhân văn và trần tục. Đức tin thực sự không bao giờ là một đặc quyền hay vinh dự; nó có nghĩa là chết đi một chút, và điều này đặc biệt đúng với đức tin của Đức Maria tại thời điểm đó.

Trước hết, Thiên Chúa không bao giờ lừa dối và không bao giờ lặng lẽ bó buộc sự đồng ý của con cái mình bằng cách che giấu những hậu quả không cho họ biết những gì sẽ xảy đến. Chúng ta có thể thấy điều này trong mọi lời kêu gọi về phía Thiên Chúa. Ngài cảnh báo tiên tri Giêrêmia: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi” (Jer 1:19), và để cho ông Anania nói với Saolô rằng: “Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta.” (Cv 9:16). Liệu Người có hành động khác đi với riêng một mình Đức Maria trước một sứ vụ như sứ vụ của Mẹ không? Trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần đi kèm với tiếng gọi của Chúa, Mẹ chắc chắn cảm nhận được rằng con đường Mẹ sẽ không có gì khác biệt so với tất cả “những người được chọn” khác. Trong thực tế, không lâu sau đó, ông Simêon sẽ diễn tả linh tính này thành lời, khi ông nói với Mẹ rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ.

Nhưng ngay cả trên bình diện người ta thường tình, Đức Maria cũng thấy mình hoàn toàn cô độc. Mẹ giải thích làm sao về những gì đã xảy ra với Mẹ? Ai có thể tin Mẹ khi Mẹ nói rằng hài nhi mà Mẹ mang trong bụng là công việc của Chúa Thánh Thần? Đây là điều chưa từng diễn ra trước đây và sẽ không bao giờ diễn ra lần nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Maria đã nhận thức rõ luật pháp sẽ được áp dụng thế nào nếu các dấu chỉ trinh tiết không được tìm thấy nơi một phụ nữ trẻ khi kết hôn: Mẹ sẽ bị đưa đến cửa nhà cha mình và bị những người đàn ông trong thành phố ném đá đến chết (xem Đnl 22:20 f.).

Ngày nay chúng ta nhanh chóng nói về rủi ro của đức tin, và chúng ta thường muốn nói đến các rủi ro về mặt tri thức, nhưng Đức Maria phải đối mặt với những rủi ro thực sự! Trong cuốn sách về Đức Mẹ, Carlo Carretto đã nói với chúng ta về cách ông hiểu đức tin của Đức Maria [4]. Khi ông sống ở sa mạc, ông đã nghe một số bạn bè người Tuareg nói rằng có một cô gái trẻ ở trong trại đã được hứa hôn với một chàng trai trẻ nhưng cô ta đã không đến sống với anh này vì cô ta còn nhỏ quá. Carretto đã liên kết thực tế này với những gì Thánh Sử Luca nói về Đức Maria. Vì thế, hai năm sau đó, khi trở lại trại này, ông hỏi thăm về cô gái. Carretto nhận thấy có một sự ngượng ngùng nhất định nơi những người đang trò chuyện với mình, và sau đó, một người trong số họ, bí mật gặp ông, ra dấu cho ông thế này: anh ta dùng tay nắm cổ họng của mình trong cử chỉ đặc trưng của người Ả Rập khi họ muốn nói “Cổ họng của cô ta bị siết lại” Người ta đã phát hiện ra rằng cô ấy đã có con trước khi kết hôn, và cái chết của cô là điều cần thiết vì danh dự của gia đình. Rồi ông nghĩ đến Đức Maria, về ánh mắt tàn nhẫn của người dân Nagiarét, về những cái nháy mắt ra hiệu, và ông hiểu sự cô độc của Đức Maria, và ngay tối hôm đó, ông đã chọn Mẹ làm người bạn đồng hành và là vị bảo trợ đức tin.

Đức Maria là người duy nhất đã tin tưởng vào một “tình huống tức thời”, nghĩa là, Mẹ tin trong khi sự kiện đang được diễn ra và trước khi có bất kỳ xác nhận nào bởi sự kiện này hay bởi lịch sử. Mẹ tin trong một trạng huống hoàn toàn đơn lẻ. Chúa Giêsu nói với Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Đức Maria là người đầu tiên không thấy mà tin.

Trong một tình huống có thể nói là một chiến thắng và một sự ngạc nhiên tương tự, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tổ phụ Abraham, người đã được hứa sẽ có một con trai mặc dù ông đã lớn tuổi, “Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính”. (Stk 15: 6). Và giờ đây chúng ta có thể nói chiến thắng của Đức Maria còn vinh quang đến mức nào! Đức Maria có niềm tin vào Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa xem Mẹ là người công chính – đó là hành vi công chính vĩ đại nhất được thực hiện trên trái đất bởi một con người, kế đó là hành vi công chính của Chúa Giêsu, tuy nhiên, Ngài cũng là Thiên Chúa.

Thánh Phaolô nói rằng “ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cor 9: 7), và Đức Maria thốt lên tiếng ‘xin vâng’ đầy hân hoan. Động từ Đức Maria sử dụng để thể hiện sự đồng ý của Mẹ được dịch ra từ văn bản gốc là fiat, hay “xin cứ làm như vậy”, là nói với một tâm trạng mong mỏi (genoito). Nó không thể hiện một sự chấp nhận cam chịu nhưng là một khát vọng sống động. Như thể Mẹ đang nói, tôi cũng vậy, tôi cũng mong muốn với tất cả lòng trí mình những gì Chúa muốn; hãy để ước muốn của Người nhanh chóng được thực hiện. Thật vậy, như thánh Augustinô đã nói, trước khi thụ thai Chúa Kitô trong thân xác mình, Mẹ đã hoài thai trong lòng mình.

Đức Maria đã không sử dụng từ fiat trong tiếng Latinh; Mẹ cũng không sử dụng từ genoito trong tiếng Hy Lạp. Như thế Mẹ đã nói thế nào? Từ nào hoặc thành ngữ nào? Một người Do Thái sẽ nói gì khi muốn nói “xin vâng như thế”? Người ấy sẽ nói “Amen!” Nếu chúng ta cung kính cố gắng quay trở lại cái ipsissima vox, có nghĩa là, chính xác từ ngữ Đức Maria sử dụng - hoặc ít nhất là từ ngữ đã tồn tại ở điểm này trong nguồn Hêbrơ mà Thánh Sử Luca sử dụng - nó thực sự phải là từ “amen”. “Amen” - một từ Hêbrơ mà gốc gác của nó có nghĩa là sự kiên vững, sự tốt lành - được sử dụng trong phụng vụ như một câu trả lời trong đức tin đối với Lời Chúa. Mỗi lần trong bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh, bản phổ thông Vulgate, nơi có từ fiat, thường xuất hiện ở cuối các thánh vịnh nhất định (trong phiên bản Septuagint, genoito, genoito), thì bên tiếng Do Thái gốc, mà Đức Maria biết, là từ amen, amen!

Từ “amen” được dùng để nhìn nhận những gì được nói như là vững chắc, ổn định, hợp lệ, và ràng buộc. Cách dịch chính xác của từ này trong ngữ cảnh một câu trả lời đối với Lời Chúa là: “Chính thế, xin cho được như thế.” Nó chỉ ra cả đức tin lẫn sự vâng phục; nó công nhận rằng những gì Chúa nói là đúng và ta phục tùng điều đó. Đó là nói tiếng xin vâng với Chúa. Đây là cách Chúa Giêsu sử dụng từ ấy: “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11:26). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu là tiếng Amen được nhân cách hóa (xem Kh 3:14), và đó là lý do tại sao chúng ta nhờ Người mà thốt lên tiếng amen để tôn vinh Thiên Chúa (xem 2 Cor 1:20). Như tiếng fiat của Đức Maria đi trước tiếng fiat của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani thế nào, thì tiếng amen của Mẹ cũng đi trước Chúa Con. Đức Maria cũng là một tiếng amen với Chúa được nhân cách hóa.

[1] H. Schurmann, Das Lukasevangelium – Diễn giải Phúc Âm Luca, Freiburg ở Br., 1982, ad loc.
[2] Origen, Commentary on the Gospel of Luke - Bình luận về Tin mừng Luca, Đoạn 18 (GCS 49, trang 227).
[3] Thánh Irenaeus, Against the Heresies - Chống lại các dị giáo, III, 22, 4 (SCh 211, tr. 442).
[4] Xem C. Carretto, Blessed Are You Who Believed - Phúc cho bạn là người tin, London, Burns & Oates, 1982, tr. 3 f.


Source:Vatican News
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News