Ngày 09-12-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Công bố tài liệu đề cương Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ 14
LM. Trần Đức Anh OP
09:44 09/12/2014
ROMA. Hôm 9-12-2014, tài liệu đề cương (Lineamenta) của Thượng HĐGM thế giới khóa 14 đã được công bố.
Công nghị GM này sẽ tiến hành từ ngày 4 đến 25-10 năm 2015 về chủ đề ”Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Nội dung Tài liệu đề cương lần này là bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM khóa đặc biệt thứ 3, được các nghị phụ bỏ phiếu thông qua ngày 18-10-2014 sau 2 tuần nhóm họp tại Vatican.

Văn kiện gồm 3 phần, chia làm 62 đoạn: trước tiên là lắng nghe: nói về bối cảnh và những thách đố về gia đình ngày nay; phần II là cái nhìn về Chúa Kitô: trình bày Tin Mừng về gia đình; phần III là đối chiếu trình bày những viễn tượng mục vụ.

Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM giải thích rằng Thượng HĐGM năm tới là một sự tiếp nối công nghị GM ngoại thường đã tiến hành hồi tháng 10 năm nay. Khoảng thời gian giữa hai công nghị là thời gian suy tư và đào sâu. Với mục đích ấy, Văn phòng đã gửi đến các HĐGM, các Hội đồng công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản (sui juris), Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam, và các cơ quan trung ương Tòa Thánh một văn kiện để đào sâu các vấn đề đã được nêu bật trong bản Tường trình chung kết công nghị GM vừa qua, và thực tế đây là tài liệu đề cương, chuẩn bị cho Thượng HĐGM năm tới.

Kèm theo tài liệu đề cương là một bản 64 câu hỏi để tham khảo ý kiến các Giáo Hội địa phương, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và một số cơ quan khác. Những câu hỏi đó đề cập tới các khía cạnh của đời sống hôn nhân và gia đình và cả những người có xu hướng đồng tính luyến ái, vấn đề hôn nhân hỗn hợp và khác đạo, mục vụ bí tích đối với những người ly dị tái hôn dân sự, việc nhìn nhận những trường hợp hôn phối vô hiệu, giá trị của hôn phối bất khả phân lý, phân định đúng đắn về những cặp chỉ kết hôn dân sự, hoặc sống chung mà không kết hôn; nạn phá thai, đối thoại với các khoa học và kỹ thuật sinh học để sinh con, chính sách xã hội và kinh tế hỗ trợ gia đình, sự cộng tác với các tổ chức xã hội và chính trị, sự đa nguyên và thuyết duy tương đối văn hóa, sự tục hóa xã hội, hậu quả của nhữgn thay đổi về dân số, suy giảm số sinh, chiều kích tội lỗi và tha thứ, những giá trị chứa đựng trong giáo huấn Kinh Thánh, việc đào tạo linh mục, ngôn ngữ truyền thông mục vụ, giáo huấn của Giáo Hội, sứ mạng giáo dục của cha mẹ, thông truyền đức tin Kitô, v.v.

Các bản trả lời góp ý được yêu cầu gửi về Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới trước này 15-4 năm 2015, và dựa vào các câu trả lời, một tài liệu làm việc sẽ được soạn thảo và công bố trước mùa hè năm tới. (SD 9-12-2014)
 
Những cuốn phim Đức Thánh Cha Phanxicô ưa thích
Bùi Hữu Thư
19:11 09/12/2014
Những cuốn phim Đức Thánh Cha Phanxicô ưa thích

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cho hay ít ra cũng có ba cuốn phim đã giúp ngài uốn nắn đời sống tâm linh và luân lý của ngài: phim "Rome, Open City" (1945) của đạo diễn Roberto Rosellini về Thế Chiến thứ Hai; “La Strada" (1954) của đạo diễn Federico Fellini; và phim “Babette's Feast” (1988) của Đan Mạch.

Cả ba đều nằm trong danh sách 45 “phim hay” do Vatican lựa chọn vào năm 1995 nhân dịp kỷ niệm Đệ Bách Chu Niên ngành điện ảnh. Cả ba phim bằng cách riêng đều làm sáng tỏ một trong những chủ đề của giáo triều Phanxicô.
Như ngài đã viết trong Tông Huấn Evanglii Gaudium (Niềm vui Phúc Âm): "Mỗi khi chúng ta gặp gỡ một người nào đó bằng tình yêu, chúng ta được học hỏi thêm một điều mới lạ về Thiên Chúa.”

Trong phim Rome, Open City, Ado Fabrizi đóng vai một linh mục anh hùng tên Don Pierro. Cha đã bầy tỏ lòng cảm thương đối với người khác trong tác vụ của ngài giữa quân đội Nazi chiếm đóng, và quân kháng chiến.
Một chủ chăn “có mùi cừu” và không sợ hãi phải đi tới tận vòng đai, theo lời Đức Thánh Cha thường nói. Don Pierro tìm kiếm những ai bị xã hội khinh rẻ. Pina, một phụ nữ có Đức tin vững mạnh nhưng đời sống luân thường không đứng đắn, và hôn phu của bà là Franscesco, một người vô thần bị Đức Quốc Xã lùng bắt.

Đã có lúc một sĩ quan mật vụ Đức ép cha Don Pierro phải tố cáo một đồng đội kháng chiến của Franscesco, và giả dụ rằng tất cả những người vô thần đều là kẻ thù của Giáo Hội. Đáp ứng bằng Đức ái, ngài trả lời: "Tôi tin rằng bất cứ người nào tranh đấu cho hoà bình và tự do đều đang đi trên con đường của Thiên Chúa.”

La Strada chú trọng vào một khía cạnh khác của mối tương quan giữa người bạn đồng hành là lực sĩ Zampano do Anthony Quinn thủ vai và người con gái bình dị Gelsomina do Giulietta Masina đóng.
Zampano là một anh chàng vũ phu có những hành vi bạo lực và những ham muốn hạ tiện, nhưng anh ta đã thay đổi nhờ gặp gỡ người con gái khiêm nhu Gelsomina. Cô ta biểu tượng cho “người nghèo khổ” (người điên của Chúa), biệt hiệu này thường được gán cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Có lẽ không có cuốn phim nào trình bầy tốt đẹp hơn sức mạnh biến cải của một cuộc gặp gỡ cá nhân chân thành hơn là phim Babette’s Feast của Gabriel Axel, trong đó nhân vật chính Babette, một người Pháp tị nạn, trước đây là một đầu bếp nổi tiếng. Bà đã chuẩn bị một bữa tiệc cho một cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé tại một vùng hẻo lánh của Đan Mạch. Qua sự lo lắng chăm sóc cho thức ăn và tình bạn, Babette đã biến đổi bữa ăn thành một “câu chuyện tình yêu” trong đó “lòng thương xót và chân lý” gặp gỡ nhau.

Bữa tiệc với 12 thực khách có hình thức của bữa tiệc Thánh Thể, trong khi các chia rẽ xưa cũ được hàn gắn bởi thức ăn ngon miệng. Ngoài ý nghĩa về bí tích, cuốn phim còn chạm đến các chủ đề khác rất gần gũi với trái tim Đức Thánh Cha: lòng thương xót và cởi mở cho sự ngạc nhiên khi đón nhận niềm vui trong Chúa, tình cộng đồng, và một tình yêu tận hiến, được biểu lộ bởi sự hy sinh thời gian và cố gắng của Babette.

Ngoài ra, cả ba cuốn phim đều đề cập đến những nhân vật bị tổn thương và những người tội lỗi, chắc chắn cũng nêu cao sự hiểu biết của Đức Thánh Cha Phanxicô về Giáo Hội như một bệnh xá dã chiến sau một trận chiến.

Trong Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Ngài không bao giờ chán việc lập lại những lời của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI trong Tông Huấn thứ nhất Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu): “Là một Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn về đạo đức hay là một ý tưởng cao cả, mà là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, với một người, có thể đem đời sống tới một chân trời mới và một hướng đi quyết định.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “những lời này dẫn đưa chúng ta đế chính trọng tâm của Phúc Âm.”
Có một châm ngôn của Dòng Tên về “việc tìm gặp Thiên Chúa trong mọi sự”. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này có nghĩa là dùng tất cả mọi sự - kể cả phương tiện phim ảnh – để khuyến khích những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.
 
Đề cương của THĐ về Gia Đình năm 2015
Vũ Van An
19:30 09/12/2014
Để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng thường lệ về Gia Đình năm 2015, Văn Phòng Thượng Hội Đồng đã cho công bố bản đề cương (lineamenta) kèm theo 46 câu hỏi để các hội đồng giám mục thế giới tham khảo ý kiến tín hữu kể cả các định chế học thuật v.v…

Nhiều người cho rằng phương thức trên mới lạ, nhưng thực ra, nó đã có từ lâu nay. Còn nhớ khoảng giữa thập niên 1990, nhân THĐ về Đại Dương Châu, Tòa Thánh cũng đã gửi bản đề cương gồm một số câu hỏi để các hội đồng giám mục của Châu Lục này tham khảo ý kiến tín hữu. Từ những phản hồi này, Văn Phòng THĐ mới soạn ra Tài Liệu Làm Việc làm căn bản thảo luận tại THĐ.

Bản đề cương lần này cũng bao trùm các vấn đề quan yếu như bản đề cương của THĐ bất thường năm 2014, tuy nhiên, ngôn từ rõ ràng hơn đối với những điểm căn bản của tín lý Công Giáo.

Thí dụ, hạn từ “bất khả tiêu” (indissolubility) đã được dùng tới 4 lần, cố ý cho thấy tín lý truyền thống vốn dạy rằng hôn nhân có tính vĩnh viễn và do đó ly dị là điều “no, no” (không thể có). Nhiều chỗ nhắc tới “sự cao cả và vẻ đẹp” của “khuôn mẫu gia đình do một người đàn ông và một người đàn bà tạo lập… và mở cửa chào đón con cái”.

Việc Giáo Hội ngăn cấm kiểm soát sinh đẻ được đề cập rõ ràng hơn cũng như việc lên án “cơn dịch phá thai”. Việc cổ vũ “nền văn hóa sự sống” cách hữu hiệu cũng được nói đến cách rõ ràng.

Bản đề cương được công bố hôm thứ Ba là bản tiếng Ý. VP/THĐ sẽ phiên dịch qua nhiều ngôn ngữ khác để gửi tới các HĐGM thế giới và mong các HĐ này gửi phản hồi về Vatican cuối tháng 4 năm 2015.

Căn cứ vào THĐ bất thường năm 2014, một số vấn đề sau đây được kể là “nóng bỏng” và chắc chắn sẽ khiến công luận chú ý:

* Giáo Hội Công Giáo nên cởi mở ra sao đối với những người đồng tính và những người đang sống trong các cuộc kết hợp đồng tính?
* Giáo Hội Công Giáo nên tích cực ra sao trong việc lượng giá của mình đối với các liên hệ “không hợp lệ”, như sống chung với nhau bên ngoài hôn nhân? Mặc dù các liên hệ này không đúng lý tưởng, nhưng liệu chúng có giá trị gì tích cực không?
* Những người Công Giáo ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo Hội có nên được phép rước lễ không?

Những vấn đề trên chưa được giải quyết trong THĐ bất thường, một THĐ chỉ có tính cách dọn đường cho THĐ thường lệ năm 2015.

Ly dị và tái hôn

Về vấn đề rước lễ của người CG ly dị và tái hôn dân sự, câu hỏi 38 viết như thế này: “việc chăm sóc mục vụ và bí tích cho người ly dị và tái hôn cần được nghiên cứu thêm, bằng cách lượng giá tập tục của GH Chính Thống và lưu ý tới 'sự phân biệt giữa trạng huống khách quan của tội và các hoàn cảnh giảm khinh'”. Câu hỏi là “Đâu là các viễn ảnh để có thể xê dịch? Đâu là những biện pháp khả hữu? Có gợi ý nào về việc loại bỏ các thứ ngăn trở không chính đáng (warranted) và không cần thiết không?”

“Tập tục của GH Chính Thống” vốn là điều luôn được những người ủng hộ việc cho người ly dị tái hôn được rước lễ nêu ra. Giáo Hội này chỉ thừa nhận một cuộc hôn nhân bí tích thôi, nhưng sẵn sàng chúc lành cho các cuộc kết hợp thứ hai hoặc thứ ba trong một số hoàn cảnh nếu cuộc hôn nhân khởi đầu thất bại.

Việc nêu lại vấn đề này cho thấy rất có thể có thay đổi tại THĐ thường lệ năm 2015. Nhưng trong cuộc phỏng vấn của tờ La Nacion, Á Căn Đình, vừa qua, Đức Phanxicô cho thấy việc rước lễ này không hẳn là một giải pháp đang tìm kiếm mà là sự hội nhập, làm sao để những người này không bị “tuyệt thông” trên thực tế, trong khi thực sự Giáo Hội không hề tuyệt thông họ.

Cũng về việc chăm sóc người ly dị và tái hôn, câu hỏi số 37 hỏi rằng làm cách nào để giúp tiến trình tuyên bố vô hiệu trở nên “dễ dàng, đơn giản, và có thể miễn phí?”

Tại THĐ bất thường năm 2014, hầu hết các nghị phụ đều nhìn ra nhu cầu phải cải tổ tiến trình tuyên bố vô hiệu. Và chính Đức Phanxicô cũng đã thiết lập một Ủy Ban riêng đặc trách việc này.

Đồng tính luyến ái

Về đồng tính luyến ái, câu hỏi 40 hỏi: “Cộng đồng Kitô Giáo hướng quan tâm mục vụ của mình ra sao vào các gia đình có người có khuynh hướng đồng tính?”. Câu hỏi này hỏi thêm: “Tránh bất cứ sự kỳ thị bất chính nào, phải chăm sóc ra sao những người sống trong các trạng huống này dưới ánh sáng của Tin Mừng? Các đòi hỏi của thánh ý Thiên Chúa nên được đề xướng ra sao trong trạng huống này?”

Câu hỏi trên được đưa ra sau lời nhận định cho rằng “việc chăm sóc mục vụ những người có khuynh hướng đồng tính ngày nay đặt ra nhiều thách thức mới, một phần do cung cách xã hội đương thời đang đề xuất các quyền lợi của họ”.

Về việc này, tưởng cũng nên nhắc lại nhận định của Đức Phanxicô, phát biểu trong cuộc phỏng vấn của tờ La Nacion, Á Căn Đình. Ngài cho biết: GH không bàn tới những cuộc “hôn nhân đồng tính” mà bàn tới các phương thức giúp các gia đình có người đồng tính xử sự với họ vừa hợp với nhân bản vừa hợp với tín lý Giáo Hội.

Các mối liên hệ “bất hợp lệ”

Về các mối liên hệ “bất hợp lệ”, câu 21 hỏi: những người trong các mối liên hệ này nên được biểu lộ ra sao “một thái độ chào đón và đồng hành đầy tin tưởng, mà không từ bỏ việc công bố các đòi hỏi của Tin Mừng?”

Câu 22 hỏi: “Về phần Giáo Hội, có thể làm gì để trong nhiều hình thức kết hợp khác nhau, trong đó có thể tìm thấy nhiều giá trị nhân bản, các người nam nữ nhận thấy mình được tôn trọng, tin tưởng và khích lệ để lớn lên trong điều thiện, và được giúp đỡ đạt tới sự viên mãn của hôn nhân Kitô Giáo?”

Tại THĐ bất thường năm 2014, nhiều nghị phụ tranh luận gay gắt về câu nói cho rằng có nhiều giá trị tích cực trong các mối liên hệ này. Thành thử, câu hỏi lần này cũng có thể tạo ra cuộc tranh luận gay gắt không kém. Tuy nhiên, câu hỏi lần này thận trọng hơn ở chỗ nói tới “các giá trị nhân bản” chứ không nói tới các giá trị nói chung.

Tuy nhiên, ba vấn đề trên không hẳn là trọng tâm của bản đề cương. Vì bản này phần lớn tập chú vào việc phải sử dụng các cột trụ truyền thống của đời sống Kitô hữu, như các bí tích, Thánh Kinh, việc huấn luyện linh mục tốt hơn ra sao để hỗ trợ các cặp vợ chồng và các gia đình.

Câu 23, chẳng hạn, hỏi rằng “Trong việc đào tạo các linh mục và các nhân viên mục vụ khác, phải vun sới chiều kích gia đình như thế nào? Các gia đình có thể can dự ra sao (vào việc đào tạo này)?”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Hội Nghiã GP Phú Cường xây dựng nhà thờ
Gx Hội Nghiã
09:46 09/12/2014
Sáng nay Chúa Nhật, ngày 07/12/2014 giáo xứ Hội Nghĩa như ngày hội vì niềm vui sau gần 40 năm biết bao nhiêu bà con giáo dân sau năm 1975 đi kinh tế mới vùng Tân Uyên có một nơi thờ phượng. Hôm nay lễ đặt viên đá đầu tiên do Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, giám mục Phú Cường chủ sự, ngoài ra còn có sự hiện diện của cha Tổng đại diện Phú Cường Micae Lê Văn Khâm, cha quản hạt Lạc An, các cha xa gần trong khu vực, đông đảo tu sỹ nam nữ và bà con giáo dân, ân nhân xa gần.

Xem Hình

Tối hôm trước cơn mưa cuối mùa như tẩy rửa đi những bụi trần khắc khoải, vì Hội Nghĩa đã được cưu mang từ năm 1992 khi đó Cha Giám Quản Micae Lê Văn Khâm mua miếng đất này để làm nơi sinh hoạt và làm Nhà thờ cho bà con giáo dân trong khu vực, nhưng tình hình chung lúc đó không thuận lợi, nay cái Nghĩa đã Hội lại nơi mảnh đất này sau 21 năm, với niềm tin tưởng phó thác cậy trông vào Thiên Chúa và nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, Mẹ giáo hội Việt Nam, nên nhà thờ cũng dâng kính cho Mẹ La Vang.

Cũng phải ghi nhận công lao to lớn mà Đức cha Phê rô Trần đình Tứ khả kính đã dày công vun đắp tiến hành những thủ tục để Hội Nghĩa được hình thành, và Đức cha Giuse khi bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Khắc Hoài về làm cha xứ cũng đã hoàn thiện những thủ tục cần thiết để hôm nay đặt viên đá đầu tiên.

Ước mong giáo xứ Hội Nghĩa có nơi thờ phượng khang trang, xứng tầm với nhu cầu của khu vực đang phát triển về nhiều mặt với những khu công nghiệp hứa hẹn một sự phát triển không ngừng về đời sống tinh thần và vật chất.
 
Tâm tình ngày Tĩnh Tâm tại Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerens Texas
Trần Trọng Long & Nguyễn Vàng
22:05 09/12/2014


Xem hình ảnh của phóng viên VietCatholic

Năm nay Đoàn Liên Minh Thánh Tâm thuộc Giáo xứ các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Arlington, Texas (LMTT GXCTTDVN) đã có một hoạt động bất thường so với những năm trước: Được phép của Cha Giám Đốc, đoàn đã tổ chức buổi tĩnh tâm hằng năm tại đan Viện Biển Đức Thiên Tâm thay vì tại giáo xứ nhà.

Đây cũng đồng thời trùng hợp với dịp đan viện tổ chức Ngày Tĩnh Tâm Mùa Vọng 2014 dành cho mọi thành phần giáo dân cuả vùng Dallas-Ft Worth. Kéo dài trọn ngày thứ Bảy, ngày 6 tháng 12 năm 2014, từ 10g sáng cho đến 8g tối.

Hưởng ứng lời kêu gọi của các đan sĩ và của đoàn LMTT, tôi cũng đã thu xếp mọi công việc ở nhà để được tham dự cùng với các anh em trong đoàn.

Từ ngày nhập đoàn cho đến nay là đã hơn 20 năm, mỗi năm đều có dự tĩnh tâm vào dịp lễ quan thầy, nhưng lần này đi xa, tôi cũng không khỏi cảm thấy nao nức, và thao thức qua đêm với những kỷ niệm ngày xưa, lúc được đi cắm trại Thiếu Nhi Thanh Thể (TNTT) tại quê nhà.

Ngay từ sáng sớm Thứ Bảy, anh em trong đoàn đã tập chung tại khuôn viên giáo xứ để cùng đi tới đan viện. Với con số khoảng 50 đoàn viên tham gia, có một số đông là các niên trưởng với tuổi thọ đã ngoài 80. Nhưng dù đã đến tuổi được goị là Cụ, các niên trưởng vẫn hăng hái không kém gì các đoàn viên trẻ hơn.

Còn các anh em trẻ, tuy rất bận rộn với công việc gia đình, nhưng nhiều người đã không quản ngại hy sinh thời giờ làm tài xế lái xe cho đoàn.

Chuyến hành trình kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đọc kinh lần chuỗi, và trao đổi cho nhau nhiều kinh nghiệm sống đạo qúi báu.

Chúng tôi đến nhà dòng vào lúc 9: 30 sáng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một tượng Thánh Tâm Chuá Giêsu mới, cao 2 mét, đã được đặt ngay cửa ngõ vào hội trường. Chúng tôi có cảm tưởng là Thánh Tâm Chuá, nguồn mạch mọi yêu thương, đã đồng hành với đoàn trong buổi tĩnh tâm naỳ, để cổ động và duy trì tinh thần Kitô giáo trong gia đình và trong giáo xứ.



Bước chân vào hội trường, chúng tôi được các cha, các thầy tiếp đón nồng hậu. Đã có dọn sẵn những món ăn sáng do bàn tay phục vụ của quí cha, quí thầy, và một số giáo dân tình nguyện, và chúng tôi đã được hưởng dùng một bữa ăn thịnh soạn.

Như đã được anh đoàn trưởng báo trước, nhà dòng ưu ái sắp xếp 2 giờ tĩnh tâm dành riêng cho đoàn tại Chư Thánh Điện do Lm. Trần Văn Hào phụ trách, trong khi đó thì các giáo dân khác sẽ tham gia cuộc hội thảo chung tại hội trường. Cha giảng thuyết đã chia sẻ với chúng tôi về nhiều tiết mục liên quan tới mục đích cuả đoàn như: Vai trò của đoàn viên LMTT, người gia trưởng trong gia đình; lòng quảng đại thương yêu và thực hành đức bác ai; việc cầu nguyện và hoạt động, v. v.

Sau 2 giờ tĩnh tâm, chúng tôi trở về hội trường để tham gia hội thảo chung với cộng đoàn do LM. Trần Công Nghiệp giảng thuyết. Ngài đã chia sẻ về đề tài đời sống gia đình theo tinh thần cuả Thượng Hội đồng Các Giám Mục (mới họp tại Roma) với một lối hành văn thật ví von, tạo ra những tiếng cười và vỗ tay nồng nhiệt.

Một điều tôi ghi nhận là tuy nhà dòng Biển Đức Thiên Tâm có một nhân số các Cha, các Thầy ít ỏi, nhưng các Ngài không thiếu sự hiếu khách cũng như chuẩn bị chương trình tĩnh tâm rất chu đáo. Nhưng cũng thật đáng tiếc, số người tham dự Ngày Tĩnh Tâm Mùa Vọng năm nay thật là khiêm tốn? Làm cho tôi chợt tự an ủi bằng lời cuả Đức Benêdictô 16, Giáo Hội lớn lên nhờ những chứng tá đức tin chứ không phải nhờ vào số người.

Trong giờ nghỉ giải lao, tôi lặng lẽ một mình bước ra ngoài để hít thở làn không khí thiên nhiên cuả vùng đồng quê Kerens và bỗng nhận thấy một cảm giác lạ lùng, như thể lòng mình đang ước ao tìm được một cái gi đây? Trong khi tâm tư được lắng đọng trong cái tĩnh mịch của một chiều Thu gió mát, tôi chợt nhớ rằng năm nay là Năm Về Đời Sống Thánh Hiến, mới khai mạc tại Roma vào Chúa Nhật 30 tháng 11. Nhân dịp này Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hãy ý thức về hồng ân là sự hiện diện của các tu-sĩ, những người sống đời sống thánh hiến.

Sau buổi tĩnh tâm, anh em đoàn LMTT chúng tôi chia tay ra về với một niềm vui vì đã gặt hái được nhiều hoa quả tốt đẹp để chuẩn bị đón mừng Chúa giáng trần. Riêng cá nhân tôi, tôi mong đợi và hy vọng sẽ trở lại cùng gia đình để tham dự Ngày Đại Hội Thánh Thể sẽ được tổ chức vào tháng Sáu năm sau.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Có xông hương cho Vòng hoa Mùa Vọng không?
Nguyễn Trọng Đa
19:35 09/12/2014
Giải đáp phụng vụ: Có xông hương cho Vòng hoa Mùa Vọng không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Khi linh mục xông hương đầu Thánh lễ, liệu ngài có xông hương cho Vòng Hoa Mùa Vọng theo cung cách xông hương cho Nến Phục Sinh trong Mùa Phục Sinh không? Còn về Máng Cỏ Giáng Sinh (trong mùa Giáng Sinh) thì sao, có được xông hương không? - T. D., Leuven, Bỉ.


Đáp: Các quy định liên quan việc xông hương được tìm thấy chủ yếu trong Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma và Sách Lễ Nghi Giám mục. Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói:

"Việc xông hương

“276. Xông hương diễn tả lòng tôn kính và cầu nguyện, như Thánh Kinh đã nói (x. Tv 140,2; Kh 8,3).

“Ðược tuỳ ý xông hương trong bất cứ hình thức Thánh Lễ nào:

“a. Khi đi rước tiến vào;

“b. Ðầu lễ, xông hương thánh giá và bàn thờ;

“c. Khi rước và công bố Tin Mừng;

“d. Sau khi đặt bánh và chén rượu trên bàn thờ, xông hương lễ phẩm, thánh giá và bàn thờ, cũng như vị tư tế và giáo dân;

“e. Khi nâng bánh thánh và chén sau truyền phép.

“277. Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu thánh giá chúc lành mà không đọc gì.

“Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ.

“Phải xông hương ba lần: Thánh Thể, di tích Thánh Giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ, thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân.

“Xông hương hai lần các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ.

“Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây:

“a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông;

“b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái;

“Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông thánh giá khi đi ngang qua.

“Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình thánh giá trên các lễ phẩm" (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo Phận Nha Trang).

Mặc dầu có một nghi thức làm phép cho Vòng hoa Mùa Vọng trong Sách Các Phép ở Mỹ, Sách này không nói gì đền việc xông hương cho Vòng hoa ấy. Việc làm phép này là riêng cho Giáo Hội Mỹ, chứ không có trong Sách Các Phép ở các nước khác, chẳng hạn nước Ý.

Do đó, phải kết luận rằng Vòng hoa Mùa Vọng không được xông hương theo cung cách như xông hương cho Nến Phục sinh. Vòng hoa này không là một thánh tích, cũng không là một tượng ảnh, nó chỉ là một sự diễn tả lòng đạo đức bình dân hơn là một đồ vật phụng vụ tự thân.

Cây Nến Phục sinh nhận được sự tôn kính đặc biệt, bởi vì nó là một biểu tượng truyền thống và cổ xưa của Chúa Kitô phục sinh. Người ta có thể lập luận rằng, trong một cách thức nào đó Vòng hoa Mùa Vọng là một biểu tượng của Chúa Kitô đang đến, nhưng chúng ta thấy nó là một tập tục tương đối mới, và tập tục này là không hiện diện trong Giáo Hội phổ quát. Việc Vòng hoa này không được xông hương không làm giảm bớt trong bất kỳ cách nào tính hữu ích của Vòng hoa, trong việc nuôi dưỡng một tinh thần chuẩn bị cho đại lễ Giáng sinh.

Một Máng cỏ Giáng sinh, hoặc ít nhất một tượng của Chúa Giêsu Hài Đồng, đặt trong cung thánh có thể đưa vào loại “tượng ảnh của các thánh được trưng bày cho tôn kính công khai”, như được nói trong số 277, và do đó được xông hương.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng nhiều hướng dẫn của Giáo Hội khuyên không dựng Máng cỏ Giáng Sinh trong cung thánh, và trên hết, nó không bao giờ có thể nên là một trở ngại cho việc cử hành phụng vụ trang nghiêm. Thí dụ, Hội Đồng Giám Mục Mỹ nói trong tài liệu "Xây dựng các Viên Đá Sống động” (Built of Living Stones):

"§ 124 § Kế hoạch trang trí mùa lễ nên thực hiện ở các khu vực khác ngoài cung thánh. Các trang trí là nhằm lôi kéo tín hữu đến với bản chất đích thực của các mầu nhiệm được cử hành, hơn là trở thành mục đích trong chính chúng. Hoa tự nhiên, cây cỏ, vòng hoa và các dây treo, và các đồ vật theo mùa có thể được sắp xếp và trưng bày, để đẩy mạnh các điểm tập trung phụng vụ. Bàn thờ nên để trống rõ ràng và không trang hoàng gì, không chưng cụm hoa lớn hoặc Máng cỏ Giáng Sinh quanh bàn thờ, và các đường đi ở hiên vào nhà thờ, lối giữa nhà thờ và cung thánh cần được để trống".

Nếu Máng cỏ Giáng Sinh, như là phổ biến trong nhiều nhà thờ, được dựng ở ngoài khu vực cung thánh, linh mục không cần rời cung thánh để xông hương cho Máng cỏ. (Zenit.org 9-12-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thông Báo
Cáo Phó : Cha cố Giuse Nguyễn Ngọc Lưu, S.D.D. qua đời
Nhà Chúa
09:45 09/12/2014
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Giáng Sinh An Bình
Trà Lũ
11:03 09/12/2014
Lá thư Canada: GIÁNG SINH AN BÌNH

Canada đang nhộn nhịp bước vào mùa Giáng Sinh. Việc nhộn nhịp này là do các nhà kinh tế tạo ra, cốt để bán được nhiều hàng, cho thương mại đi lên. Và họ mời Ông Già Noel giúp. Ông được rước trọng thể vào thành phố, trống phách tưng bừng ầm ĩ. Đối với Toronto đây là cuộc rước thứ 101, có nghĩa rằng thành phố này đã rước ông hơn 100 năm nay. Mỗi năm mỗi vĩ đại hơn. Năm nay đoàn dài hơn 6 cây số, gồm 30 xe hoa và 21 ban nhạc. Ông già Noel ngồi cao ngất, có 6 chú hươu tuần lộc kéo xe. Ông đến đâu thì dân chúng vừa vỗ tay vừa hét lên đến đó. Ông quay bên phải quay bên trái, ông vẫy tay chào mọi người, luôn miệng nói Hô Hô Hô. Dân Canada có thói quen đi đón chào ông với cả gia đình. Các đấng nhi đồng thì sung sướng ra mặt. Trên tay bé nào cũng có lá cờ viết hàng chữ ‘ Hi Santa, I’ve been good this year’ / Kính chào Ông Già Noel, con ngoan cả năm nay. Câu này chắc do ba má em gà cho cốt để‎ vòi quà.

Ngoài viết lời chào ông già Noel trên lá cờ, các em bé còn viết thư cho ông qua đường bưu điện nữa. Trong thư em nào cũng xin quà, nói rõ tên từng món quà. Và bao thư gửi cho ông già Noel chỉ cần đề ‘ Santa Claus, North Pole, Canada’. Không cần gián tem. Bưu điện Canada có cả một cơ quan lớn gom các thư này, rồi chuyển tới cho ông tại Bắc Cực. Các cụ phương xa nhớ kỹ nha, ông già Noel của cả thế giới nhưng ông chọn miển bắc nước Canada làm nơi cư ngụ. Cứ lễ Giáng Sinh là ông ngồi xe do một bầy hươu kéo xuống. Phải dùng loại xe này mới đi được vì ở bắc cực đầy tuyết không thể dùng xe hơi. Ông xuống phát quà ở Canada trước rồi mới đi các nước khác.

Tôi gọi tên ông là Ông Già Noel để các cụ dễ nhận ra, chứ ở Canada này và bên Mỹ tên của ông là Santa Claus. Bưu điện Canada có cả một văn phòng lớn được ông ủy nhiệm trả lời tất cả thư mà các em nhi đồng gửi cho ông. Một trong các thư trả lời này đã được ghi vào lịch sử văn học. Rằng có một em bé kia viết cho ông như thế này: Ông ơi, cháu là đứa con độc nhất trong gia đình, cháu cô đơn lắm, xin ông cho cháu một đứa em. Ông già Noel đã trả lời ngay: Cháu ơi, ông rất sẵn lòng cho cháu một đứa em nếu cháu gửi mẹ cháu lên đây ngay với ông một đêm.

Dân làng An Lạc khi nghe tôi nhắc lại chuyện này, vì năm nào tôi cũng kể, thì bảo tôi: Bác nên làm việc phúc đức đăng báo, mách cho những bà nào mà hiếm muộn, hãy viết thư cầu cứu ông Santa Claus ở bắc cực phía trên Canada, cam doan sẽ được toại nguyện. Ông rất thích làm việc phúc đức này.

Ông già Noel vào thành phố xong thì tòa thị chínhToronto bắt đầu dựng cây thông Giáng Sinh. Đây là một truyền thống. Cây này cao 30 thước, gốc ở rừng thông nổi tiếng Bancroft ngoại ô. Tám nhân viên đã làm việc cật lực trong 7 ngày để trang trí cây thông cao vời vợi này. Nào đèn, nào hoa, nào các giây kim tuyến, nào các thiệp chức mừng, nào các gói quà, tổng cộng hơn 700 thứ được treo lên. Ngày 27 cuối tháng vừa qua mới trang trí xong, và tối 28 có nghi lễ khai mạc. Nào diễn văn, nào hát thánh ca. Khi mấy trăm ngọn đèn được đồng loạt bật sáng, mọi người vỗ tay râm ran ă mừng, rồi cùng ca hát và khiêu vũ suốt đêm. Âm vang bài thánh ca quốc tế ‘Silent Night’ như hòa vào gió và tỏa ra khắp thành phố.

Các cụ phương xa đã thấy dân Canada chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh trọng thể và vui vẻ chưa? À, nhân nói tới đèn treo ở cây thông Giáng Sinh, tôi thấy có điều đặc biệt này là dân Canada cũng như dân Hoa Kỳ chỉ treo đèn điện chứ không hề treo đèn ngôi sao phất giấy như ở VN. Chắc vì họ chậm tiến. Dân VN mình biết làm đèn bằng khung và phất bằng các loại giấy mầu. Các cụ cứ vào các nhà thờ VN mà coi. Đẹp và độc đáo lắm, Mà chưa hết. Đèn sao lối Bắc Kỳ khác với đèn sao Nam Kỳ, các cụ có thấy như tôi không?

Toronto vừa đón ông già Noel vào thành phố ngày hôm trước thì ngày hôm sau trời sa tuyết. Việc này thật bất ngờ, xưa nay chưa từng xày ra bao giờ. Tuyết đến sớm quá. Dân Canada thường mong có tuyết vào lễ nửa đêm cơ. Ở đây bạn đi lễ Giáng Sinh nửa đêm, lúc tan lễ mà trời có tuyết thì dân chúng thích lắm vì tin rằng sẽ hên cả năm. Bài ca nổi tiếng ‘White Christmas’ là do niềm vui này mà ra. Năm nay, mới trung tuần tháng Mười Một mà trời sa tuyết. May mà chỉ một lớp tuyết mỏng. Dân Canada còn đang ngơ ngác nhìn tuyết thì nghe tin bên Buffalo ở Hoa Kỳ, phía bên kia hồ Ontario, trời bão tuyết mịt mù. Buffalo đã chìm trong biển tuyết. Nhờ hồ nước lớn Onatrio ngăn cản mà Toronto thoát trận bão tuyết.

Làng An Lạc của tôi cũng bị lôi kéo vào không khí Giáng Sinh. Cụ Chánh lại đánh trống họp làng để bàn về lễ này. À, có một tin rất quan trọng đang sắp xảy ra trong làng tôi, các cụ ạ. Tôi mới nghe thôi, nhưng chắc sẽ là sự thực. Đó là Cụ Chánh tiên chỉ và Cụ B.95 đang học đạo với Cha Paolo và hai vị đại lão này sẽ nhập đạo Công Giáo vào Mùa Phục Sinh sắp tới. Thế nào rồi hai cụ cũng sẽ công khai báo tin này cho cả làng. Việc này khá tế nhị nên chúng tôi chưa dám hỏi thẳng. Cụ Chánh đã 90 tuổi vàng và Cụ B.95 đã 92 tuổi ngọc.

Dân làng tôi xưa nay qúy mến nhau, coi nhau như ruột thịt, nên thích gặp nhau lắm. Ai mời một tiếng là tới ngay. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, có tin gì thì cho nhau biết ngay, tin vui cũng nói, tin buồn cũng nói. Việc ăn uống là đương nhiên. Thật tạ ơn Trời, ở Canada này việc ăn uống sung sướng quá, món gì cũng có, muốn là được. Hôm nay Cụ Chánh mời đến để bàn xem lễ Giáng Sinh này có đi lễ nửa đêm nhà thờ Cha Paolo không, rồi lễ về sẽ ăn bữa reveillon như thế nào, và bàn việc đón ông Từ Hòe từ miền tây sẽ về ăn tết.

Cụ Chánh gốc Bắc Kỳ nên đãi cả làng mấy món rất Bắc Kỳ: canh rau đay nấu cua, dưa chua, tôm kho, và rau muống xào. Ăn xong còn được uống nước vối. Các cụ còn nhớ nước hạt vối Bắc Kỳ không?

Việc làng ăn uống và bàn chuyện đã thành cái lệ. Ăn xong rồi được nói thả giàn các thứ chuyện. Tôi thích nhất việc nói chuyện này vì thường ai cũng cười rũ rượi, tối về nhà ai cũng ngủ ngon như chết.

Và việc đầu tiên sau bữa ăn là Cụ B.95 xin anh John nói chuyện thời sự. Anh John kể ngay, bắt đầu bằng chuyện ông Nga và ông Tàu đang hù dọa thế giới, ông Iran Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm Hồi Giáo quá khích đang châm lò thuốc súng. Còn ông CSVN thì nội bộ đang chia rẽ về việc đi với Tàu hay với Mỹ. Đi với Mỹ thì mất đảng, còn đi với Tàu thì mất nước. Các đảng viên gộc đang chạy tài sản tham nhũng vơ vét được ra ngoại quốc, cho con sang Mỹ du học và mua nhà cửa. Bà cụ B.95 nghe đến đây thì nói rằng những tin nhức đầu này như vậy đủ rồi, xin cho nghe chuyện vui. Anh John cười hi hi rồi trả lời: Các tin thời sự vui thì phải nhờ tài anh H.O.

Anh H.O. gật đầu rồi kể ngay chuyện cô ca sỹ mập ù Susan Boyle gốc Tô Cách Lan. Các cụ biết cô này chứ. Cô sinh năm 1961, mãi năm 2009 cô mới vào đời ca hát qua cuộc thi Britain Got Talent, không ngờ cô thành công ngay và nổi tiếng khắp thế giới. Cô được mời đi nhiều nơi trình diễn. Tháng vừa qua cô đi diễn ở Mỹ. Lần đầu tiên được một người tình hôn, cô bủn rủn cả chân tay. Đó là một anh bác sĩ Hoa Kỳ, cùng ở một khách sạn với cô. Cô bảo chưa biết mối tình rồi sẽ ra sao nhưng lần đầu tiên lúc đã 53 tuổi mới được hôn nên cô thấy đê mê hết sức. Anh H.O. kể đến đây rồi bình luận: Chả lẽ cô 53 tuổi rồi mới biết mùi hôn sao? Thế cái khoản kia thì chắc cô chưa hề biết tới sao? Lạ qúa chứ.

Chuyện thời sự thứ hai đang còn nóng hổi là ông tài tử già Bill Cosby, một siêu sao trên TV, có triệu người ái mộ, đã 77 tuổi, hiện đang bị tố cáo là trong những năm qua ông đã tấn công tình dục rất nhiều người. Vì biết rằng đây là một vụ án lớn và số tiền đền bù sẽ rất cao, nên càng ngày càng có nhiều bà nhiều cô ra mặt tố cáo và xưng mình là nạn nhân. Cụ Bill Cosby đang xuất hiện ăn khách trên các màn hình, nay tự nhiên rơi xuống vực thẳm. Không biết rồi cụ Cosby sẽ ra sao.

Ông ODP lên tiếng bênh vực cụ Cosby ngay: Chúng ta không nên lẫn mặt siêu sao và mặt tình dục. Hai mặt này khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Cosby là thần tượng của bao nhiêu người, là một thiên tài trong các chương trình văn nghệ, một nhà văn, một nhà giáo dục, một nhà trí thức, ông có bằng tiến sĩ về giáo dục. Cosby cũng là người, cũng có bản năng tình dục chứ. Tại sao bắt Cosby là một vị thánh phải tiết dục? Tôi vẫn thích Cosby. Cosby cũng như Phạm Duy của VN. Tại sao bắt Phạm Duy phải là một ông thánh tu hành ? Tôi vẫn mê và vẫn yêu Phạm Duy. Cung nhạc và lời ca của Phạm Duy đẹp vô cùng, xưa nay chưa thấy ai tài ba như vậy.

Hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân không chịu điểm này, bèn giơ tay xin nói. Ông ODP gạt đi. Ông bảo ông biết lập luận của hai cô rồi. Đó là lập luận bất công của một số người đạo đức giả và to miệng. Ông bảo chuyện này dài chúng ta sẽ tranh luận với nhau vào dịp khác.

Và chuyện thời sự thứ ba cũng rất nóng hổi là một thần tượng về thể thao của Canada mới qua đời. Chắc các cụ biết môn thể thao quốc gia của Canada là môn hockey chứ, loại tranh tài bằng khúc cây dài để đánh con khăng trên sân băng ấy mà. Một siêu sao thần tượng của bao nhiêu thế hệ, Jean Béliveau, vừa qua đời, thọ 83 tuổi. Beliveau được mọi người ái mộ, không những về thiên tài thể thao mà còn về nhân cách và đức độ. Ông nổi tiếng ngay từ thập niên 1950 và 1960. Ông là thủ lãnh của đội ‘Montréal Canadiens’. Người ta đúc tượng ông ngay khi còn sống và tên của ông được đặt cho một cầu trường lớn ở Montreal. Thủ tướng Canada đã đề nghị tặng ông 2 chức vị lớn nhất ở Canada là làm Thượng Nghị Sĩ liên bang, và giữ chức Toàn Quyền Governor General, nhưng ông đã từ chối. Ông chỉ nhận một bảng danh dự ‘Order of Canada’ mà thôi. Ông nằm xuống vì bệnh già ngày đầu tháng Mười Hai này. Chính quyền liên bang đã quyết định tổ chức quốc táng. Đây là một việc đặc biệt, vì xưa nay Canada chỉ tổ chức lễ quốc táng cho các thủ tướng, các vị Toàn Quyền và những bộ trưởng chết trong khi đang làm nhiệm vụ. Trường hợp ngoại lệ thì phải được quốc hội đồng‎ ý‎. Thủ tướng Harper mang việc này ra quốc hội thì toàn thể quốc hội đồng ‎‎y‎ ngay ‎, và tất cả đã đứng lên tưởng niệm người hùng Beliveau ngay tại chỗ.Thế mới biết người Canada yêu quí và trọng kính thiên tài thể thao này như thế nào.

Anh H.O. đã kể xong 3 chuyện thời sự Canada, đã cạn hơi, bèn xin Ông ODP nói chuyện thời sự của cộng đồng thay cho ông.

Chuyện thứ nhất là chuyện cộng đồng VN ở Vancouver đã đón tiếp 28 đồng bào thuyền nhân tỵ nạn từ Thái Lan tới. Đây là công đầu của LS Trịnh Hội và Nhóm VOICE. LS Hội đã tranh đấu cho 105 đồng bào cuối cùng kẹt lại Thái lan từ năm 2006. Ông đã bền chí, đã đem hết tài năng và sức lực ra tranh đấu cho những thuyền nhân kém may mắn này. Ông đã gõ cửa khắp nơi. Các nước đã quay mặt, trừ Canada. Canada nhận nhưng trách nhiệm về tài chính thì Trịnh Hội và VOICE phải lo. Các nhà thiện chí và VOICE Canada đã cộng tác đắc lực với Trịnh Hội. Cuối cùng, nhóm đầu tiên 28 người đã đến bờ tự do Canada ngày 13 tháng Mười Một vừa qua. Một nửa số này đã đến định cư tại Toronto. 28 người tiên phong này đã được cộng đồng VN ở Vancouver và Toronto đón tiếp trọng thể. Tôi thấy ở sân bay, đồng bào vừa tới đất Canada đã ôm cờ Vàng và cờ Canada vừa hôn vừa khóc. Hy vọng đầu năm 2015 này những người còn lại trong số 105 sẽ tới bến bờ Canada hạnh phúc. Xin ghi ơn LS Trịnh Hội, các bạn VOICE và các cộng đồng VN.

Chuyện thời sự thứ hai, tuy nhỏ nhưng đáng nói. Đó là một buổi nhạc thính phòng rất trí thức đã được tổ chức thành công ở Toronto vào ngày 15 tháng vừa qua. Ca sĩ chính là cô Lệ Thu từ Hoa Kỳ sang cùng với 3 ca sĩ nổi tiếng địa phương là Trần Khánh Ly, Phạm Trí và Nhật Lâm. Khán giả chọn lọc. Chương trình mang tên ‘Say Thu’ hay tuyệt. Ngoài việc nghe nhạc, khán thính giả còn được mời ăn tối. Bữa ăn rất ngon. Người đứng ra tổ chức là Hoàng Mạnh Hùng, một bạn trẻ say mê âm nhạc và nghệ thuật. Anh đã từng tổ chức nhiều xuất hát như thế này trong mấy năm qua. Tuy không ồn ào nhưng xuất nào cũng thành công và được ca ngợi. Xin hoan hô bạn Hùng.

Ông ODP xin hết chuyện thời sự địa phương và xin trả diễn đàn lại cho anh John. Anh John còn đang phân vân không biết kể chuyện gì tiếp theo, thì Chị Ba Biên Hòa nhắc chồng nên kể những chuyện làm cho cả làng cười, chứ nãy giờ toàn chuyện nghiêm trang. Thấy dân làng vỗ tay hoan hô‎ y kiến này, anh được hứng bèn kể câu chuyện về chữ nghĩa. Rằng có một anh cán bộ VC kia, tên là Láo. Sở dĩ có tên Láo là vì sinh ra anh xong thì cha mẹ thấy anh đau ốm rề rề sợ anh chết nên cha mẹ anh đặt cho anh một cái tên rất xấu để ma quỷ chê không bắt. Lớn lên anh này bỏ học rồi nhập bọn du đãng. Sau 1975 anh làm công an VC, anh bắt nạt mọi người. Làng xóm ai cũng ghét. Rồi ngày kia anh ngã bệnh nặng. Biết mình sắp chết nên anh dặn vợ: Trên mộ bia của tôi đừng khắc tên tôi là Láo kẻo thiên hạ chê cười. Vợ anh mới hỏi: Thế phải khắc như thế nào? Anh ta bảo: Cứ khắc đơn sơ như thế này ‘ Đây là nơi an nghỉ của một người cộng sản chân thật’. Anh chết và vợ anh đã làm đúng như lời anh dặn. Sau đó ai đi qua, đọc mộ bia xong đều nói: Láo !

Dân làng vỗ tay khen hay và xin anh tiếp tục kể nữa. Cụ Chánh cổ võ thêm: Anh không cần phải tìm kiến đề tài gì khác, anh cứ lấy đề tài học tiếng VN của anh là đã đủ hay lắm rồi. Lâu nay trong việc học tiếng Việt, anh có thấy chuyện gì hay không?

Anh John đáp ngay. Có, cháu thấy nhiều chuyện trong tiếng Việt hay lắm. càng học càng thấy nhiều. Chẳng hạn trong tiếng Việt có nhiều chữ nếu nói theo lối bình thường thì không thấy gì tức cười, nhưng nếu nhìn theo con mắt tếu thì thấy nhiều cái rất buồn cười. Chẳng hạn chữ TỬ. Cháu đọc thấy trên máy điện toán có một bài tán rất hay về chữ Tử. Chữ TỬ có nhiều nghĩa lắm nhưng tác giả bài này bắt tất cả những chữ Tử của ông đều chỉ có một nghĩa là chết mà thôi:

- Đang mạnh khỏe mà chết là Mạnh Tử

- Chết già là Lão Tử

- Ngươi cao to lớn mà chết là Khổng Tử

- Chết vì lạnh gọi là Hàn Mặc Tử

- Cung nữ mà chết gọi là Tử cung

- Chết một cách lãng xẹt gọi là Lãng tử

- Bị điện giật mà chết là Điện tử

- Bị chí rận cắn mà chết là Chí tử

- Cha chết gọi là Phụ tử

- Mẹ chết gọi là Mẫu tử

- Em chết gọi là Đệ tử

- Học trò chết gọi là Sĩ tử

- Giáo sư chết gọi là Sư tử

- Quân lính chết gọi là Quân tử

- Chết khi đang đi đái gọi là Tiểu tử

Hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân cười rũ rượi. Vừa cười vừa bảo cái ông tác giả này đầu óc méo mó. Rồi Cô Tôn Nữ hỏi anh John: Tiếng Việt Nam nhiều nghĩa hay như vậy, thế trong Anh văn có tiếng nào hay tương đương như thế không? Vô tình Cô Huế này đã chạm vào đúng mạch điện của anh John. Anh văn là tiếng mẹ đẻ của anh mà. Anh đáp ngay. Có. Có rất nhiều, nhưng nếu dịch ra tiếng VN thì thấy nó không còn hay nữa. Tôi lấy ví dụ chữ TIỀN nha. Anh văn tiền là MONEY. Nhưng chữ Money lại mang rất nhiều tên khác nhau:

- Tiền bỏ vào nhà thờ thì tên là Donation

- Tiền bỏ vào nhà trường thì tên là Fee

- Tiền bỏ vào lễ cưới thì tên là dowry

- Tiền bỏ vào việc ly dị thì tên là alimony

- Tiền bạn vay ai tên là debt

- Tiền bạn nộp cho chính quyền thì tên là tax

- Tiền bạn nộp tại tòa án thì tên là fines

- Tiền bạn lãnh từ chủ cuối tháng tên là salary

- Tiền bạn lãnh khi về hưu tên là pension

- Tiền cho con nít tên là allowance

- Tiền bạn mượn của ngân hàng tên là loan

- Tiền nộp cho tên bắt cóc tên là ransom

- Tiền hối lộ tên là bribe

Nói một hơi dài xong rồi anh John diễn nghĩa thêm: Cái hay nằm ở chỗ các chữ trên đây đều chỉ tiền mà ta không thấy dóng dáng chữ Money đâu cả. Rồi anh John hết diễn văn. Ông ODP giơ tay xin tiếp sức.

- Tôi không bàn về chữ tiền và chữ tử mà xin bàn thêm về chuyện chữ LÁO

anh vừa kể trên đây. Anh lấy Chị Ba là người Nam nên hiểu chữ Láo theo nghĩa người Nam, láo có nghĩa là nói điêu, nói sai, nói dối, chứ người Bắc Kỳ hiểu láo là hỗn láo. Và cái nghĩa Láo của Miền Nam là điêu ngoa gian dối thì rất phổ cập, ai cũng hiểu như thế. Câu nói nổi tiếng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ‘ Đừng tin những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm’ nó bàng bạc cái nghĩa là VC luôn nói láo.

Nói đến đây rồi ông OPD cười hà hà. Tôi cũng vừa đọc trên mạng điện tử một câu hay hết sức. Câu này lấy hứng từ câu của Tổng thống Thiệu. Phần đầu là lời Ông Thiệu, phần sau là ‎ y mới của tác giả:

Đừng tin những gì CS nói

Mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm

Đừng sợ những gì CS đang làm

Mà hãy làm những gì CS đang sợ

Cả làng vỗ tay vì câu này hay quá.

Nghe đến đây thì Cô Tôn Nữ hỏi ngay: Bác ơi, thế CS đang sợ những gì? Ông ODP đáp:

- CSVN đang sợ bị phanh phui ra rằng xưa nay họ toàn gian dối và tàn ác. Họ

sợ toàn dân biết hết cái dã tâm của họ. Ba nhân vật chống CSVN gây xôn xao nhất hiện nay là Trần Đĩnh của Đèn Cù, Đặng Chí Hùng và Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, ba người này đang cố lột mặt nạ CSVN, đang cố chứng minh CSVN gian dối, tàn bạo và có dã tâm bán nước.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà tranh đấu hiện nay là phải làm sao cho cả nước biết CS gian dối. Hiện nay nhiều bà con ở các vùng xa vùng cao vẫn còn bị CS bịt mắt nên vẫn tin như chết rằng Bác Hồ là một đại thánh, và Mỹ Ngụy ở Miền Nam là lũ quỷ gian ác.

Ông ODP cho biết biết hiện có một nhóm trí thức VN, nhờ thông thạo nhiều ngoại ngữ, giỏi về sử, và nhờ những tài liệu vừa được giải mật, họ đang miệt mài hoàn thành một cuốn sách lớn viết về 5 nhà đại văn hóa VN đã bị CSVN giết hại ngay thời sơ khởi, đó là Dương Quảng Hàm, Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, và Thiều Chửu.

Nghe đến đây thì Cụ Chánh lên tiếng ngay: Năm vị này thì đã nổi tiếng, cắp sách đi học là phải nghe đến tên 5 vị này rồi. Riêng lão vì ngày xưa có học chữ Hán và tra tự điển chữ Hán. Ngày xưa tự điển Hán Việt thì chỉ có 2 cuốn, một của Đào Duy Anh, một của Thiều Chửu. Hồi đó lão cứ nghĩ Thiều Chửu là người Tàu vì cái tên này rất Tàu, té ra không phải. Ông là người Việt trăm phần trăm. Thiều Chửu là bút hiệu. Tên thực của ông là Nguyễn Hữu Kha. Thiều Chửu nghĩa là ‘ cái chổi quét bụi’. Ông là một cư sĩ Phật giáo, tinh thông Phật học. Ông dịch rất nhiều Kinh Phật, viết rất nhiều sách về Phật. Ông nguyện xin làm cái chổi để quét sạch các lớp bụi làm mờ và hoen ố đạo Phật.

Lão thích ông này lắm. Lão tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Thiều Chửu thì thấy ông này quả là một thiên tài, một bác học, một đạo sĩ. Ông sinh năm 1902 ở làng Trung Tự, huyện Hoàn Long nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Gia đình nghèo nhưng có gốc nho học lớn. Bố ông là Cụ Cử Nguyễn Hữu Cầu thuộc nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp bắt tù ở Côn Đảo. Vì tư chất thông minh lại thuộc dòng họ có nho học nên ông rất giỏi về Hán văn. Ông lại được người anh dạy thêm tiếng Anh tiếng Pháp và tiếng Nhật. Ông được tiếp xúc và học hỏi về đạo Phật với nhiều danh tăng, nên cái vốn kiến thức về văn hóa và về Phật Giáo của ông rất lớn. Ông miệt mài học hỏi và nghiên cứu. Ông đã dịch 14 bộ kinh căn bản của đạo Phật như Kinh Di Đà, Kinh Địa Tạng, Kim Cương Bát Nhã… Ngoài ra ông còn dịch nhiều cuốn khác như ‘ Vì Sao Tôi Tin Đức Phật, Phật Học Cương Yếu… Ông đã biên soạn tự điển để phục vụ người học chữ Hán, nhất là giới tăng ni. Cuốn tự điển Hán Việt được phát hành năm 1942 đã được tái bản rất nhiều lần và có gía trị vươt thời gian. Khi Hội Phật Giáo Bắc Kỳ thành lập năm 1934 và ra báo Đuốc Tuệ, ông nhận làm quản nhiệm và biên tập. Năm 1941 khi trường Phật học Phổ Quang được mở, ông nhận việc giảng dạy chữ Hán, giảng kinh và chủ trì các khóa lễ. Năm 1945, Hồ Chí Minh mời ông ra làm bộ trưởng Cứu Tế Xã Hội, ông từ chối. Ông tiếp tục dạy học cho các lớp Phật giáo và cùng các tăng ni cứu giúp các trẻ em mồ côi. Ông bỏ vùng của Pháp mà về vùng quê. Khi đội Cải Cách Ruộng Đất về tới vùng của ông, chúng thấy ảnh hưởng của ông lớn quá nên đã vu cáo ông tội địa chủ và tội dùng Phật giáo mê hoặc dân chúng. Biết được thâm ‎y của chúng, và biết không thể thoát khỏi vòng đấu tố và tử hình, ông đã quyết định từ trầm ở Sông Cầu, xã Vạn Thắng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trước khi chết ông có gửi cho Hồ Chí Minh một bức thư ‘tự bạch’, trách họ Hồ có dã tâm.

Cụ Chánh kết luận: Lão nghĩ rằng phó bản bức thư tự bạch này vẫn còn lưu trữ đâu dó, nơi các tăng lữ và những học trò chung quanh. Cầu mong các nhà khảo cứu sưu tầm chóng tìm ra. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem những dấu vết lịch sử của Thiều Chửu, một cư sĩ Phật Giáo nổi tiếng, một thiên tài đắc đạo, một nhà văn hóa lớn.

Trong khi chờ đợi, kính chúc các cụ Mùa Giáng Sinh hạnh phúc, ai cũng được hưởng hòa bình, như lời các thiên thần hát mừng Chúa Giáng Sinh năm xưa‘ Bằng an dưới thế cho người lòng ngay’.

TRÀ LŨ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bềnh Bồng
Tấn Đạt
22:37 09/12/2014
BỀNH BỒNG
Ảnh của Tấn Đạt
Say mê một giấc mộng hồng
Xem ra rồi cũng bềnh bồng nhẹ tênh.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 04/12-10/12/2014 - Câu chuyện Thiên Thần truyền tin cho Ðức Maria
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:37 09/12/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha: Hãy có một con tim khiêm tốn để biết Chúa, và hãy quỳ gối để suy tư thần học

Những ai muốn học biết những mầu nhiệm nơi Thiên Chúa thì cần phải biết quỳ gối, vì Thiên Chúa mạc khải nhiều hơn cho những tâm hồn khiêm nhường. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ sáng Thứ Ba 02 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đôi mắt người nghèo dễ nhìn ra Chúa Kitô nhất và qua Ngài, họ nhìn thấy thiên nhan Chúa. Còn những người khác muốn thấu hiểu mầu nhiệm này bằng tư duy con người thì cần phải “quỳ gối”, trong một thái độ khiêm nhường, nếu không “họ sẽ không hiểu được gì cả.”

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã dựa trên đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca được đọc trong ngày nói về mối liên hệ của Chúa Kitô với Chúa Cha, cả trong tán tụng và tri ân Ngài.

Chúa Giêsu cho chúng ta biết về Chúa Cha, mạc khải cho chúng ta biết cuộc sống nội tâm của Ngài. Và những ai sẽ được Chúa Cha mạc khải cho? “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con tán tụng Cha, vì Cha đã giấu kín không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”. Chỉ có những ai có tâm hồn như trẻ thơ mới có khả năng đón nhận được mạc khải này. Đó là những tâm hồn khiêm nhường trong lòng, hiền lành, những người cảm thấy cần phải cầu nguyện, để mở lòng ra với Thiên Chúa, những người muốn trở nên nghèo hèn trước mặt Chúa; chỉ những ai muốn sống các mối phúc thật với một tinh thần nghèo khó”.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Do đó, nghèo chính là ân sủng mở ra cánh cửa đến với mầu nhiệm Thiên Chúa. Ân sủng này đôi khi vắng bóng nơi những nhà thần học dành trọn cuộc đời để nghiên cứu.

“Nhiều người có khả năng hiểu biết khoa học, thần học rất tốt, con số đó đông lắm. Nhưng nếu họ không thực hành thần học này trên đầu gối của mình, nghĩa là với một thái độ khiêm nhường như trẻ thơ, họ sẽ không hiểu bất cứ điều gì. Việc nghiên cứu sẽ cho họ biết nhiều điều, nhưng họ sẽ không hiểu bất cứ điều gì. Chỉ những ai có tinh thần nghèo khó thì mới có khả năng đón nhận mạc khải của Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không như một viên thuyền trưởng, một tư lệnh quân đội, một kẻ cai trị quyền lực. Không! Ngài giống như một chồi lộc. Như chúng ta nghe trong bài đọc thứ Nhất: “Một chồi non sẽ trổ sinh từ gốc Jesse”. Ngài là một chồi non khiêm tốn, nhẹ nhàng, và hiền lành, đến với ai hiền lành và khiêm nhường để mang lại ơn cứu độ cho người bệnh tật, kẻ nghèo hèn, và người bị áp bức.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu là mầu nhiệm khiêm nhường. Đó là mầu nhiệm mang đến “ơn cứu độ cho những người nghèo, mang lại sự an ủi vui mừng cho người đau yếu, kẻ tội lỗi và những ai hoạn nạn.”

Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy nài xin Chúa đem chúng ta đến gần hơn với mầu nhiệm của Ngài và để làm được điều đó chúng ta hãy sống con đường khiêm tốn, hiền lành, khó nghèo, với cảm thức mình là kẻ tội lỗi để Chúa đến và cứu chúng ta, giải thoát chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.

2. Sự thánh thiện ẩn tàng nơi những vị thánh của đời thường

Có rất nhiều vị thánh ẩn danh, đó là những người nam nữ, những người cha, người mẹ trong gia đình, các bệnh nhân, những linh mục, những người hằng ngày thực hành tình yêu mến của Chúa Giêsu đối với tha nhân. Chính điều này đem lại cho chúng ta niềm hy vọng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta hôm thứ Năm 4 tháng 12.

Giải thích về dụ ngôn xây nhà xây trên đá hay trên cát được đề cập đến trong bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, “Kitô hữu chân chính phải mang Lời Chúa ra thực hành. Nói suông là anh chị em có đức tin thì chưa đủ đâu. Chúng ta không nên là những ‘Kitô hữu bề ngoài,’ loại ‘Kitô hữu chỉ để trang điểm’, vì khi mưa đến thì mọi thứ trang điểm trên mặt sẽ phôi phai.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Thuộc về một gia đình rất Công Giáo, tham gia một hội đoàn, hay có là một mạnh thường quân cũng chưa đủ nếu chúng ta không theo thánh ý Chúa. Có quá nhiều Kitô hữu bề ngoài dễ dàng sụp đổ ngay cơn cám dỗ đầu tiên vì ‘không có nền tảng chắc chắn nào’ ở đó, họ chỉ xây đời mình trên cát. Mặt khác, có rất nhiều vị thánh trong dân Chúa – họ là những ‘thánh nhân không nhất thiết phải được phong thánh, nhưng họ là thánh’ – là những người ‘đem tình yêu mến Chúa ra thực hành trong những hành động cụ thể.’ Họ chính là những người xây nhà trên đá tảng là Đức Kitô.”

“Chúng ta hãy nhìn đến những người bé nhỏ nhất, những bệnh nhân đang dâng những đau khổ của họ để cầu cho Giáo Hội. Chúng ta hãy nhìn đến những người già cả cô đơn, họ cầu nguyện và dâng những cô đơn của họ cho Chúa. Hãy nhìn đến các bà mẹ và những người cha trong gia đình, những người bỏ ra rất nhiều nỗ lực để nuôi dạy con cái, làm việc hằng ngày với bao nhiêu vấn đề nhưng luôn luôn có niềm hy vọng vào Chúa Giêsu, những người không vênh vang khoe mẽ nhưng làm tất cả những gì có thể được.”

“Họ chính là ‘những vị thánh của đời thường’. Chúng ta cũng hãy nhìn đến rất nhiều linh mục, những người không được người đời chú ý nhưng lặng lẽ làm việc trong các giáo xứ với tất cả tình yêu của các ngài như: dạy giáo lý cho trẻ em, dạy giáo lý hôn nhân, chăm sóc người già, người bệnh, và công việc cứ thế lặp đi lặp lại hằng ngày. Họ không cảm thấy nhàm chán vì nền tảng của họ là đá tảng. Đó chính là Chúa Giêsu, điều này đã đem đến sự thánh thiện cho Giáo Hội, điều này đã đem lại niềm hy vọng!”

“Chúng ta nên suy nghĩ về sự thánh thiện có rất nhiều trong Giáo Hội. Những Kitô hữu ở lại trong Chúa Giêsu. Kể cả những kẻ tội lỗi, phải không nào? Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Và có khi một trong những người Kitô hữu này còn phạm tội trọng nữa, nhưng họ biết ăn năn, biết đến với ơn tha thứ, hòa giải. Điều này rất tốt: khả năng để tìm kiếm ơn tha thứ, để không nhầm lẫn giữa tội lỗi với ân sủng, để biết đâu là ân sủng đâu là tội lỗi. Đó là những người xây trên nền đá là Chúa Kitô. Họ đi theo con đường của Chúa Kitô, họ theo Ngài.”

“Những kẻ kiêu ngạo, phường vênh vang khoe mẽ sẽ bị sụp đổ. Ngược lại những ai nghèo hèn sẽ là những người chiến thắng, nghèo khó tinh thần, những người sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, tự nhận mình không có gì, khiêm tốn, tìm kiếm ơn cứu độ và đem Lời Chúa ra thực hành. Thánh Bernard đã nói: ‘Hôm nay chúng ta đang sống, ngày mai chúng ta sẽ chết. Đó là phận người của tất cả chúng ta. Hỡi con người, hãy suy nghĩ đi chúng ta sẽ trở nên mồi ngon cho giun dế. Giun dế sẽ ăn tất cả chúng ta. Nếu chúng ta không có tảng đá này, chúng ta sẽ kết thúc đời mình như thế’.

“Trong thời điểm đón chờ Chúa Giáng sinh này, chúng ta hãy xin Chúa cho ta biết xây đời mình vững chắc trên đá tảng là chính Ngài. Chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, chúng ta có những khuyết điểm, nhưng nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Ngài, chúng ta có thể tiến bước. Và đây là niềm vui của người Kitô hữu: đó là biết rằng nơi Ngài có niềm hy vọng, có sự tha thứ, có bình an, có niềm vui. Và đừng đặt niềm hy vọng nơi những thứ phù du trong cõi đời này.”

3. Lãng quên Thiên Chúa đẩy đưa con người tới bạo lực

Chính việc lãng quên Thiên Chúa chứ không phải việc vinh danh Người làm nảy sinh ra bạo lực. Vì thế các tín hữu kitô và hồi giáo cần cùng nhau dấn thân cho tình liên đới, hòa bình và công lý, và mọi chính quyền phải bảo đảm cho các công dân và cộng đồng tôn giáo quyền tự do phụng tự đích thực.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 3 tháng 12 tại quảng trường thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha nói: Hôm nay chúng ta hãy duyệt lại các chặng hành hương mà tôi đã đi từ thứ Sáu cho tới Chúa Nhật vừa qua. Như tôi đã xin anh chị em chuẩn bị và đồng hành với nó bằng lời cầu nguyện, giờ đây tôi xin anh chị em cùng tôi cảm tạ Thiên Chúa vì việc thực hiện nó, và để cho nó sinh hoa trái trong cuộc đối thoại với các anh em chính thống và với các anh em hồi giáo, cũng như cho con đường hòa bình giữa các dân tộc.

Đức Thánh Cha đã cám ơn Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng tôn giáo cũng như các giới chức chính quyền khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp đón ngài với lòng kính trọng và bảo đảm cho chuyến viếng thăm diễn ra trong trật tự. Ngài cũng cám ơn các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ vì sự dấn thân của các vị, cũng như Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô vì sự tiếp đón thân tình. Chân phước Phaolô Đệ Lục và Thánh Gioan Phaolô II đã viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ và Thánh Gioan XXIII, từng là Khâm Sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ, từ Thiên Đàng đã che chở chuyến hành hương của tôi, diễn ra tám năm sau chuyến viếng thăm của vị tiền nhiệm của tôi là Đức Biển Đức XVI. Vùng đất này thân thương đối với mọi kitô hữu, đặc biệt vì đã là nơi tông đồ Phaolô chào đời, và là nơi triệu tập bẩy Công Đồng và vì sự hiện diện của “Nhà Đức Maria” gần thành Êphêxô.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã kể lại diễn tiễn các ngày viếng thăm, Trong ngày đầu tiên ngài đã thăm lăng của ông Ataturk và gặp gỡ chính quyền Thổ. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, nhưng Hiến pháp khẳng định tính chất đời của Nhà nước. Ám chỉ tình trạng bạo lực do các lực lượng hồi cực đoan gây ra đó đây trên thế giới, Đức Thánh Cha khẳng định:

Chính sự lãng quên Thiên Chúa chứ không phải việc vinh danh Người làm nảy sinh ra bạo lực. Vì thế tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng các tín hữu kitô và hồi giáo phải cùng nhau dấn thân cho tình liên đới, hòa bình và công lý, và khẳng định rằng mọi chính quyền phải bảo đảm cho các công dân sự tự do tôn giáo thực sự.

Trong ngày thứ hai tôi đã viếng thăm vài nơi biểu tượng của các tôn giáo khác nhau hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỹ. Tôi đã làm điều đó và cảm nhận trong tim lời khẩn cầu Chúa, là Thiên Chúa trời đất, là Cha thương xót của toàn nhân loại. Trọng tâm ngày viếng thăm là buổi cử hành Thánh Thể trong nhà thờ chính tòa với sự tham dự của các Chủ Chăn và tín hữu của nhiều nghi lễ Công Giáo hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tham dự cũng đã có Đức Thượng Phụ Đại Kết, Đại diện Đức Thượng Phụ Apostolico, Tổng Giám Mục chính thống Siro và các giới chức Tin Lành. Chúng tôi đã cùng nhau khẩn nài Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự hiệp nhất cho Giáo Hội: hiệp nhất trong đức tin, đức mến và hiệp nhất trong sự kết hợp chặt chẽ nội tâm. Trong sự phong phú của các truyền thống và cơ cấu của mình Dân Chúa được mời gọi để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong thái độ liên lỉ cởi mở, ngoan ngoãn và vâng phục.

Tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm Đức Thánh Cha nói: Ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm lễ thánh Anrê Tông Đồ đã cống hiến bối cảnh lý tưởng cho việc củng cố các liên hệ huynh đệ giữa Giám Mục Roma, Người Kế Vị thánh Phêrô và Đức Thượng Phụ Đại Kết Costantinopoli, theo truyền thống là Giáo Hội do thánh Anrê, em của Simon Phêrô thành lập. Đức Thánh Cha cho biết như sau:

Tôi đã cùng với Đức Thượng Phụ canh tân dấn thân theo đuổi con đường tiến tới việc thiết lập sự hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu Công Giáo và chính thống. Chúng tôi đã cùng nhau ký một Tuyên ngôn chung là chặng cuối của con đường này. Đặc biệt ý nghĩa là hành động này đã được làm vào cuối buổi cử hành trọng thể Phụng vụ lễ thánh Anrê, mà tôi đã tham dự với niềm vui lớn, và nó đã được theo sau bởi phép lành của Đức Thượng Phụ Costantinopoli và Giám Mục Roma. Thật thế, lời cầu nguyện là nền tảng cho mọi cuộc đối thoại đại kết phong phú dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng là với nhóm các bạn trẻ tỵ nạn, được các tu sĩ Salesien tiếp đón.

Thật là điều rất quan trọng đối với tôi việc gặp gỡ vài người tỵ nạn Trung Đông, để bầy tỏ sự gần gũi của tôi và của Giáo Hội cũng như để nhấn mạnh giá trị của sự tiếp đón, mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất dấn thân. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các người di cư và tỵ nạn và để xóa bỏ các lý do gây ra thảm cảnh đau đớn này.

Anh chị em thân mến, Xin Thiên Chúa toàn năng và thương xót tiếp tục che chở dân nước và giới chức lãnh đạo chính trị và tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Ước chi họ có thể cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, để Thổ Nhĩ Kỳ có thể diễn tả một nơi của sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau. Ngoài ra chúng ta cũng hãy cầu nguyện để qua sư bầu cừ của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Thánh Thần khiến cho chuyến công du này được phong phú và tạo thuận tiện cho lòng hăng say truyền giáo, để trong sư tôn trọng và đối thoại huynh đệ, loan báo cho tất cả mọi dân tộc rằng Chúa Giêsu là sự thật, hòa bình và tình yêu.

4. Câu chuyện truyền tin cho Ðức Maria

Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"

Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

Bấy giờ bà Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

[Phần này thu hình]

Ngày kia, một hoàng đế nọ tập trung lại tất cả các nghệ sĩ trong mọi lãnh thổ của đế quốc, để tổ chức một cuộc thi đua. Ðề tài của cuộc thi đua là: mô tả dung mạo của hoàng đế...

Các nghệ sĩ Ấn Ðộ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa cương qúy giá. Các nghệ sĩ người Armêni mang đến một thứ đất sét mà chỉ có họ mới biết được giá trị của nó. Những người Ai Cập thì mang đến đủ thứ dụng cụ và một khối cẩm thạch qúy giá.

Sau cùng, người ta thấy xuất hiện một phái đoàn Hy Lạp. Mọi người đều ngạc nhiên, bởi vì họ chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng...

Người ta giam các nghệ sĩ vào trong các khu nội cấm trong cung điện. Khi thời hạn ấn định đã đến, hoàng đế cho trưng bày tất cả các tác phẩm của các nghệ sĩ. Ông trầm trồ ca ngợi bức chân dung của chính mình do các họa sĩ Ấn Ðộ vẽ. Sang đến các pho tượng của người Ai Cập và các mô hình của người Armêni, ông càng tỏ ra thán phục hơn.

Sau cùng, khi đến gian hàng của người Hy Lạp, ông chỉ thấy vỏn vẹn bức tường bằng cẩm thạch của phòng khách, nhưng mặt tường được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy nguyên khuôn mặt của mình hiện ra từng nét...

Và dĩ nhiên, phái đoàn đã đoạt giải chính là những người Hy Lạp, bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được chính khuôn mặt của mình.

Họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô: đó là mục đích của Giáo Hội. Và nói như danh họa kiêm điêu khắc gia Michelangelo: "Ðể tạc một bức tượng, điều quan trọng chính là những gì phải được gọt bỏ".

Muốn họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, Giáo Hội phải đánh bóng bức tường khuôn mặt của mình bằng cách gọt bỏ, đục đẽo tất cả những gì còn sần sùi, thừa thãi...

Mùa Vọng là mùa của mong đợi... Hai chữ mong đợi trong ngôn ngữ Việt Nam thường được đi kèm với hai chữ khác: mòn mỏi. Mong đợi nào cũng làm cho con người ta mòn mỏi. Nhưng chính sự hao mòn đó càng làm cho giây phút gặp nhau thêm đậm đà, thắm thiết hơn.

Mùa Vọng là trường dạy chúng ta mong đợi. Ðức Kitô đến với chúng ta qua từng biến cố, từng phút giây trong cuộc sống. Ngài chỉ đựơc nhận diện, Ngài chỉ được họa lên nguyên hình nếu chúng ta chấp nhận đánh bóng bức tường thành rong rêu hoặc sần sùi của con người chúng ta. Càng mòn mỏi, càng được gọt đẽo, chúng ta càng thấy được Ðức Kitô và càng họa lại được Ðức Kitô cho người khác...

Thật ra, không phải chúng ta là người họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, mà chính Ngài đến với chúng ta với những đường nét mà chỉ có Ngài mới biết đích thực là của Ngài. Bổn phận của người Kitô chính là noi gương Mẹ Maria nói tiếng “Xin Vâng” chấp nhận cho Ðức Kitô dùng con người của mình để nhìn thấy khuôn mặt của Ngài. Phiến đá cẩm thạch của con người chúng ta càng bóng láng, khuôn mặt của Ðức Kitô càng hiện rõ...

5. Mùa Vọng là thời điểm của hy vọng

Hôm nay qua miệng của ngôn sứ Isaia Chúa mời gọi chúng ta trở thành các sứ giả sự ủi an của Thiên Chúa, và các chứng nhân lòng thương xót và hiền dịu của Người, đối với những ai bị khổ đau, bất công áp bức, đối với những ai làm nô lệ cho tiền bạc, quyền bính, thành công và ăn chơi trần tục.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng 7 tháng 12.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nhấn mạnh Chúa Nhật hôm nay ghi dấu chặng thứ hai của Mùa Vọng, là thời gian tuyệt vời thức tỉnh trong chúng ta sự chờ đợi Chúa Kitô trở lại và việc tưởng niệm lần đến lịch cử của Người.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Phụng vụ hôm nay giới thiệu với chúng ta một sứ điệp tràn đầy hy vọng. Đó là lời Chúa mời gọi qua miệng ngôn sứ Isaia: “Hãy an ủi hãy an ủi dân Ta, Thiên Chúa các ngươi phán” (Is 40,1). Cuốn sách của sự ủi an bắt đầu với các lời này, trong đó ngôn sứ hướng tới dân bị đi đầy lời loan báo tươi vui của sự giải phóng. Thời gian khốn khó đã hết; dân Israel có thể tin tưởng nhìn về tương lai: việc hồi hương đang chờ đón họ.

Ngôn sứ Isaia hướng tới nhũng người đang trải qua một giai đoạn đen tối, vì đã chịu một thử thách cam go; nhưng giờ đây đã tới thời an ủi. Nỗi buồn sầu và sự sợ hãi có thể nhường chỗ cho niềm vui, bởi vì chính Chúa sẽ hưóng dẫn dân Người trên con đường giải thoát và cứu rỗi. Người sẽ làm điều đó như thế nào? Với sự lo lắng và lòng hiền dịu của một mục tử chăm sóc đàn chiên của mình, Thậv thế, Người sẽ ban cho đàn chiên sự hiệp nhất và an ninh, Người sẽ chăn dắt nó, sẽ tụ tập các con chiên lạc trong ràn chiên của Người, Người sẽ đặc biệt chú ý tới các con chiên mỏng giòn và yếu đuối. Đó là thái độ Thiên Chúa có đối với các thụ tạo của Người. Vì thế ngôn sứ mời gọi những ai lắng nghe ông – kể cả chúng ta ngày nay nữa – phổ biến sứ điệp hy vọng này giữa dân chúng.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Nhưng chúng ta không thể là các sứ giả sự ủi an của Thiên Chúa, nếu chúng ta không là những người đầu tiên sống kinh nghiệm niệm vui được Người an ủi và yêu thương. Điều này đặc biệt xảy ra, khi chúng ta lắng nghe lời Chúa, lắng nghe Tin Mừng, mà chúng ta phải mang theo trong túi: anh chị em đừng quên điều đó, mang sách Tin Mừng trong túi hay trong xách tay, để đọc liên tục. Và điều này trao ban cho chúng ta niềm an ủi: khi chúng ta thinh lặng cầu nguyện trước sự hiện diện của Chúa, khi chúng ta gặp Người trong bí tích Thánh Thể hay trong bí tích Hòa Giải. Tất cả những điều đó an ủi chúng ta.

Vì thế chúng ta hãy để vang vọng lên trong con tim chúng ta trong Mùa Vọng này lời ngôn sứ Isaia mời gọi: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta”! Ngày nay cần có những người là chứng nhân lòng thương xót và sư diụ hiền của Thiên Chúa, để lay động những người chịu trận, tái linh hoạt những người mất tin tưởng, thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng. Thiên Chúa thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng, chứ không phải chúng ta.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Có biết bao nhiêu tình trạng xin chứng tá an ủi của chúng ta. Là những người sống tươi vui, được an ủi. Tôi nghĩ tới những ai bị khổ đau, bất công, áp bức, những ai làm nô lệ cho tiền bạc, quyền bính, thành công và ăn chơi trần tục. Những người thật đáng thương! Họ có các ủi an giả tạo, chứ không phải sư an ủi thật của Chúa. Chúng ta tất cả đều được mời gọi an ủi các anh chị em của chúng ta bằng cách làm chứng rằng chỉ có Chúa mới có thể loại bỏ các nguyên do của các thảm cảnh hiện sinh và tinh thần. Ngài có thể làm điều ấy! Ngài quyền năng!

Sứ điệp của ngôn sứ Isaia vang vọng lên trong ngày Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng là một dầu thơm xức trên các vết thương của chúng ta, và là một kích thích dấn thân chuẩn bị đuờng của Chúa. Thật thế, hôm nay ngôn sứ ngỏ lời với con tim của chúng ta để nói rằngThiên Chúa quên đi các tội lỗi của chúng ta và an ủi chúng ta. Nếu chúng ta tín thác nơi Người với con tim khiêm tốn và sám hối, Người sẽ triệt hạ các bức tường của sự dữ, sẽ làm đầy các lỗ thiếu sót của chúng ta, sẽ san bằng các gò nổng của kiêu căng và khoe khoang và sẽ mở ra con đường gặp gỡ với Người.

Thật là lạ, nhưng biết bao lần chúng ta sợ hãi sự an ủi, sợ hãi được ủi an. Trái lại, chúng ta cảm thấy an ninh hơn trong sự buồn sầu và trong cảnh não nề. Anh chị em biết tại sao không? Bởi vì trong sự buồn sầu chúng ta cảm thấy mình như là các tác nhân. Trái lại trong niềm an ủi chính Chúa Thánh Thần là tác nhân! Chính Người an ủi chúng ta, chính Người trao ban cho chúng ta lòng can đảm ra khỏi chính mình. Chính Người đưa chúng ta tới suối nguồn của mọi ủi an, nghĩa là tới Thiên Chúa Cha. Và đó là sự hoán cải. Vậy xin anh chị em hãy để cho mình được Chúa an ủi! Hãy để Chúa an ủi anh chị em!

Đức Trinh Nữ Maria là “con đường” mà chính Thiên Chúa đã chuẩn bị dể đến trong thế gian. Chúng ta hãy tín thác nơi Mẹ việc mong chờ ơn cứu độ và hòa bình của tất cả mọi người trong thời đại chúng ta.