Ngày 09-12-2013
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng – III
Phaolô Phạm Xuân Khôi
13:44 09/12/2013

TÔNG HUẤN

EVANGELII GAUDIUM – NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG



CHƯƠNG BA

VIỆC CÔNG BỐ TIN MỪNG



110. Sau khi đã xét đến một số thách đố của thực tại hiện nay, giờ đây tôi muốn nhắc lại nhiệm vụ mà chúng ta phải gánh vác trong mọi lúc và ở mọi nơi, bởi vì “không thể có việc truyền giáo thật sự nếu không có việc công bố rõ ràng rằng Chúa Giêsu là Chúa”, và nếu không “dành ưu tiên cho việc rao giảng Đức Chúa Giêsu Kitô trong mọi hoạt động truyền giáo”. [77] Khi nhìn nhận những quan tâm của các Giám Mục Á châu, Đức Gioan Phaolô II đã xác quyết rằng, nếu Hội Thánh “có nhiệm vụ phải hoàn thành mục tiêu được quan phòng, thì việc rao giảng Tin Mừng, như việc giảng dạy hân hoan, kiên nhẫn và tiệm tiến về Cái Chết và sự Sống Lại cứu độ của Đức Chúa Giêsu Kitô phải là ưu tiên tuyệt đối của các hiền huynh.” [78] Điều này cũng áp dụng cho tất cả mọi người.

I. Toàn thể dân Thiên Chúa loan báo Tin Mừng

111. Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Hội Thánh. Nhưng chủ thể của việc loan báo Tin Mừng này còn hơn là một cơ cấu có hệ thống và phẩm trật, bởi vì trên hết nó là một dân đang đi trên một cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa. Dân này chắc chắn là một mầu nhiệm bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng có đặc tính lịch sử cụ thể của nó trong dân hành hương và truyền giáo, luôn luôn vượt trên bất kỳ cách diễn tả nào về cơ chế cho dù cần thiết. Tôi đề nghị ngừng lại một chút ở cách hiểu biết về Hội Thánh nảy, là điều có nền tảng tối hậu trong sáng kiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa.

Một dân cho tất cả mọi người

112. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là công trình của lòng thương xót của Ngài. Không có hành động nào của con người, dù có tốt thế nào đi nữa, có thể làm cho chúng ta xứng đáng với một hồng ân cả thể như vậy. Thiên Chúa, trong ân sủng thuần khiết, lôi kéo chúng ta đến kết hợp với Ngài. [79] Ngài gửi Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn chúng ta để làm cho chúng ta thành con cái Ngài, để biến đổi chúng ta và cho phép chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài bằng đời sống của mình. Hội Thánh được Đức Chúa Giêsu Kitô sai đi như một bí tích cứu độ được Thiên Chúa ban ban. [80] Qua các hoạt động truyền giáo của mình, Hội Thánh hợp tác như một công cụ của ân sủng ấy của Thiên Chúa, là ân sủng hoạt động không ngừng vượt qua bất sự giám sát nào. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI diễn tả nó cách hoàn hảo khi mở đầu những suy nghĩ của Thượng Hội Đồng Giám Mục: “Điều quan trọng là luôn luôn biết rằng Lời Đầu Tiên, sáng kiến thật, hoạt động thật, đến từ Thiên Chúa, và chỉ bằng cách tự tháp nhập vào sáng kiến này của Thiên Chúa, chỉ bằng cách cầu khẩn sáng kiến này của Thiên Chúa, mà chúng ta cũng sẽ trở thành - với Người và trong Người – những người rao giảng Tin Mừng”. [81] Nguyên tắc ưu việt của ân sủng phải là một ngọn hải đăng liên tục soi sáng những suy tư về truyền giáo của chúng ta.

113. Ơn cứu rỗi này, mà Thiên Chúa thực hiện và Hội Thánh hân hoan công bố có mục đích dành cho tất cả mọi người, [82] và Thiên Chúa đã làm cho phát sinh một cách thế để kết hợp chính Ngài với mỗi con người ở mọi thời đại. Ngài đã chọn triệu tập họ lại như một dân chứ không phải chỉ như những cá nhân cô lập. [83] Không ai có thể tự cứu mình cách cá nhân hay bằng sức riêng của mình. Thiên Chúa lôi kéo chúng ta bằng cách dùng mạng lưới liên hệ phức tạp giữa người với người có liên quan đến đời sống của một cộng đồng nhân loại. Dân này mà Thiên Chúa đã chọn và gọi là Hội Thánh. Chúa Giêsu đã không bảo các Tông Đồ tạo thành một nhóm riêng biệt, một nhóm ưu tú. Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ” (Mt 28:19). Thánh Phaolô quả quyết rằng dân Thiên Chúa trong Hội Thánh “Không còn là người Do Thái hay Hy Lạp… vì tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Gal 3:28). Tôi muốn nói với những người cảm thấy xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh, những người sợ hãi và thờ ơ rằng: Thiên Chúa cũng gọi anh chị em thành một phần tử của dân Ngài và Ngài làm điều ấy với sự tôn trọng và tình yêu cao cả!

114. Là Hội Thánh có nghĩa là dân Thiên Chúa, phù hợp với kế hoạch yêu thương cao cả của Chúa Cha. Điều ấy có nghĩa là làm men của Thiên Chúa giữa nhân loại. Điều ấy có nghĩa là loan báo và mang ơn cứu độ của Thiên Chúa vào thế giới của chúng ta, là thế giới thường bị lạc đường, cần những đáp trả khuyến khích, đem lại cho nó can đảm, cho nó hy vọng và sinh lực mới trong cuộc hành trình. Hội Thánh phải là nơi của lòng thương xót được ban cách nhưng không, ở đó mọi người có thể cảm thấy được đón tiếp, yêu thương, tha thứ và khuyến khích để sống một đời sống tốt đẹp của Tin Mừng.

Một dân có nhiều gương mặt

115. Dân Thiên Chúa này được nhập thể trong các dân tộc trên thế gian, mỗi phần tử của nó có một nền văn hóa riêng. Khái niệm về văn hóa là một công cụ có giá trị để hiểu những cách diễn tả khác nhau của đời sống Kitô hữu hiện diện trong Dân Thiên Chúa. Nó liên quan đến lối sống của một xã hội nhất định, bằng cách đặc biệt mà các thành viên của nó liên hệ với nhau, với các tạo vật khác và với Thiên Chúa. Hiểu theo cách này, văn hóa bao gồm toàn thể cuộc đời của một người. [84] Mỗi quốc gia, trong lịch sử phát triển của nó, phát triển nền văn hóa riêng của mình với quyền tự chủ hợp pháp. [85] Điều này quy chiếu về xã hội, nơi họ sống một cách cụ thể trong sự liên hệ của họ với thực tại. Con người luôn luôn được đặt trong một nền văn hóa: “bản tính và văn hóa liên kết hết sức chặt chẽ với nhau”. [87] Ân sủng đòi hỏi văn hóa, và hồng ân của Thiên Chúa được nhập thể trong văn hóa của những người lãnh nhận nó.

116. Trong hai ngàn năm qua của Kitô giáo, nhiều người đã nhận được ơn đức tin, họ đã làm cho đức tin này phát triển mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày của họ và truyền đạt nó theo những thể thức văn hóa riêng của họ. Khi một cộng đồng đón nhận lời công bố ơn cứu độ, Chúa Thánh Thần làm cho nền văn hóa của nó thêm phong phú bằng sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Do đó, như chúng ta có thể nhìn thấy trong lịch sử Hội Thánh, Kitô giáo không có một mô hình văn hóa duy nhất, nhưng trái lại, “vẫn hoàn toàn chân thật với chính mình, với lòng trung thành không lay chuyển trong việc công bố Tin Mừng và truyền thống của Hội Thánh, cũng mang lấy khuôn mặt của nhiều nền văn hóa và vô số dân tộc trong đó nó được đón và bén rễ”. [88] Trong các dân tộc khác nhau đã kinh nghiệm hồng ân của Thiên Chúa theo văn hóa của mình, Hội Thánh diễn tả Công Giáo tính đích thực của mình và cho thấy “vẻ đẹp của khuôn mặt đa dạng này”. [89] Trong những cách bày tỏ Kitô giáo của một dân đã được Phúc Âm hóa, Chúa Thánh Thần tô điểm Hội Thánh, để lộ ra những khía cạnh mới của Mặc Khải của nó và ban cho nó một gương mặt mới. Qua việc hội nhập văn hóa, Hội Thánh “giới thiệu các dân tộc, cùng với nền văn hóa của họ, vào cộng đồng của mình”, [90] bởi vì “các giá trị và các hình thức tích cực” mà mỗi nền văn hóa cung cấp “sẽ làm phong phú hơn nữa cách thức mà Tin Mừng được rao giảng, được hiểu và được sống”. [91] Bằng cách này, “Hội Thánh đón nhận những giá trị của các nền văn hóa khác nhau, và trở thành ‘sponsa ornata monilibus suis’, ‘nàng dâu trang điểm bằng đồ trang sức của mình’ (Is 61:10)”. [92]

117. Nếu hiểu rõ, sự đa dạng về văn hóa không đe dọa sự hiệp nhất của Hội Thánh. Chính Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Cha và Chúa Con sai đến, là Đấng biến đổi tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta có thể bước vào sự hiệp thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi mà tất cả tìm thấy sự hiệp nhất của mình. Ngài xây dựng sự hiệp thông và hòa hợp của Dân Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần là sự hòa hợp, chính Ngài mối dây liên kết yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con. [93] Chính Ngài là Đấng gây ra một sự phong phú đa dạng khác nhau của các hồng ân, đồng thời xây dựng một sự hiệp nhất không bao giờ đồng nhất nhưng hòa hợp đa dạng là điều có sức hấp dẫn. Việc loan báo Tin Mừng vui vẻ nhìn nhận nhiều sự phong phú mà Chúa Thánh Thần làm phát sinh trong Hội Thánh. Thật là bất công đối với luận lý của việc Nhập Thể khi nghĩ đến một Kitô giáo đơn văn hóa (chỉ có một nền văn hóa) và đơn điệu. Trong khi đúng là có một số nền văn hóa liên hệ chặt chẽ với việc rao giảng Tin Mừng và sự phát triển của tư tưởng Kitô giáo, nhưng sứ điệp được mặc khải không đồng hóa với bất kỳ nền văn hóa nào trong các nền văn hóa ấy và có một nội dung siêu văn hóa. Vì vậy, trong việc Phúc Âm hóa các nền văn hóa mới hoặc các nền văn hóa chưa chấp nhận lời rao giảng của Kitô giáo, chúng ta không cần phải áp đặt một hình thức văn hóa đặc thù, cho dù nó có đẹp đẽ và cổ kính thế nào đi nữa, cùng với đề nghị về Tin Mừng. Sứ điệp mà chúng ta công bố luôn luôn có một ít vỏ bọc văn hóa, nhưng đôi khi trong Hội Thánh, chúng ta rơi vào tình trạng thần thánh hóa nền văn hóa riêng của mình một cách vô ích, và với điều này chúng ta tỏ lộ lòng cuồng tín hơn là lòng nhiệt thành truyền giáo chân chính.

118. Các Giám Mục Châu Đại Dương đã yêu cầu Hội Thánh “khai triển một sự hiểu biết và trình bày chân lý của Đức Kitô khởi đầu từ truyền thống và văn hóa của vùng”, cùng kêu gọi “tất cả các nhà truyền giáo làm việc trong sự hòa hợp với các Kitô hữu bản xứ để đảm bảo rằng đức tin và đời sống của Hội Thánh được diễn tả bằng những hình thức hợp pháp phù hợp với từng nền văn hóa”. [94] Chúng ta không thể muốn mọi dân tộc của tất cả các châu lục, trong việc diễn tả đức tin Kitô giáo, phải bắt chước các thể thức được chấp nhận bởi các dân tộc Âu Châu ở một thời điểm trong lịch sử, bởi vì đức tin không thể bị đóng khung trong phạm vi hiểu biết và diễn tả của một nền văn hóa cụ thể. [95] Chúng ta không thể chối cãi được rằng một nền văn hóa không diễn tả hết nổi các mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Kitô.

Tất cả chúng ta là những môn đệ truyền giáo

119. Đối với tất cả những người đã được rửa tội, từ người đầu đến người cuối, tác động của quyền năng thánh hóa của Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ rao giảng Tin Mừng. Dân Thiên Chúa là thánh vì việc xức dầu này làm cho họ không thể sai lầm ““in credendo [trong đức tin]”. Điều này có nghĩa là khi toàn thể Dân Thiên Chúa tin là mình không sai, cho dù họ không tìm thấy ngôn từ để diễn tả đức tin của mình. Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trong chân lý và đưa họ đến ơn cứu độ. [96] Như một phần của mầu nhiệm yêu thương của Ngài dành cho nhân loại, Thiên Chúa phú cho các tín hữu như một tổng thể một cảm thức đức tin - sensus fidei - giúp họ phân biệt điều gì thực sự đến từ Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ban cho các Kitô hữu một sự đồng chúng (connaturalité) với thực tại của Thiên Chúa và một sự khôn ngoan cho phép họ hiểu được những gì trong trực giác, mặc dù không có cách thích hợp để thể diễn tả chúng một cách chính xác.

120. Nhờ bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, mỗi phần tử của Dân Thiên Chúa trở thành một môn đệ truyền giáo (x. Mt 28:19). Mọi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Hội Thánh và trình độ giáo dục đức tin của họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng, và thật là thiếu sót khi nghĩ về một chương trình truyền giáo được thực hiện bởi các chuyên viên có khả năng trong khi phần còn lại của các tín hữu chỉ là những người tiếp nhận thụ động. Việc Tân Phúc Âm hóa liên quan đến vai trò tiên phong mới của từng người đã được rửa tội. Xác tín này được biến đổi thành một lời kêu gọi trực tiếp dành cho mọi Kitô hữu, bởi vì không ai được phép chối bỏ cam kết rao giảng Tin Mừng, vì chưng nếu đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng cứu độ, thì người ta không cần nhiều thì giờ chuẩn bị để đi rao giảng, người ta không thể chờ đợi để học được nhiều bài giảng dạy, hoặc những hướng dẫn dài dòng. Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo theo mức mức độ mà người ấy đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói rằng chúng ta là “môn đệ” và “nhà truyền giáo”, nhưng chúng ta luôn luôn là “môn đệ - truyền giáo”. Nếu chúng ta không tin thì hãy nhìn vào các môn đệ đầu tiên, những vị ngay lập tức, sau khi đã nhận được cái nhìn của Chúa Giêsu, đã đầy vui mừng công bố, “Chúng tôi đã gặp Đấng Chịu Xức Dầu” (Ga 1:41). Người phụ nữ Samaria, sau khi vừa nói chuyện với Chúa Giêsu xong, lập tức trở thành một nhà truyền giáo, và nhiều người Samaria đã tin vào Chúa Giêsu “vì lời của người phụ nữ” (Ga 4:39). Thánh Phaolô cũng thế, sau khi gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô, ngài “lập tức rao giảng rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa” (Cv 9:20). Còn chúng ta, chúng ta chờ đợi gì?

121. Đương nhiên là tất cả chúng ta đều được mời gọi để lớn lên như những người rao giảng Tin Mừng. Đồng thời chúng ta cũng muốn được đào luyện tốt hơn để đào sâu hơn tình yêu của mình và biết rõ ràng hơn về việc làm nhân chứng cho Tin Mừng. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta phải để cho người khác liên tục Phúc Âm hóa mình, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải bỏ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng; nhưng tốt nhất là tìm cách truyền thông Chúa Giêsu ở bất cứ hoàn cảnh nào của mình. Trong mọi trường hợp, chúng ta được mời gọi để làm chứng cho những người khác một cách rõ ràng về tình yêu cứu độ của Chúa, là Đấng bất chấp sự bất toàn của chúng ta, đã ban cho chúng ta sự gần gũi của Người, Lời của Người, sức mạnh của Người, và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Con tim anh chị em biết rằng đời sống sẽ rất khác nếu không có Người, vì vậy những gì mà anh chị em khám phá ra, những gì giúp anh chị em sống và ban cho anh chị em hy vọng, chính là những điều mà anh chị em cần phải truyền thông cho những người khác. Sự bất toàn của chúng ta không phải là một lý do để thoái thác; trái lại, việc truyền giáo là một kích thích liên tục để không chìm vào tình trạng tầm thường và để tiếp tục lớn lên. Việc làm nhân chứng cho đức tin mà mỗi Kitô hữu được mời gọi để thực hiện, ám chỉ một lời khẳng định, như Thánh Phaolô nói: “Không phải như là tôi đã đạt được điều đó, hay đã nên hoàn thiện; nhưng tôi đang cố gắng theo đuổi, để đạt cho kỳ được mục tiêu” (Phil 3:12-13).

Sức mạnh rao giảng Tin Mừng của những việc đạo đức phổ thông

122. Tương tự, chúng ta có thể nghĩ rằng các dân tộc khác nhau, mà giữa họ Tin Mừng đã được hội nhập, là những chủ thể tập thể chủ động hoặc những tác nhân của việc Phúc Âm hóa. Điều này xảy ra bởi vì mỗi dân tộc là tác giả của nền văn hóa riêng của mình và là vai chính của lịch sử của nó. Văn hóa là một điều gì năng động mà một dân tộc tái tạo liên tục, và mỗi thế hệ truyền lại cho thế hệ sau một tổ hợp những thái độ và cách hành sử phức tạp liên quan đến những hoàn cảnh khác nhau, mà người ta phải tái công thức hóa để giải quyết những thách đố riêng của họ. Là con người có nghĩa là “vừa là con cái vừa là cha mẹ của nền văn hóa mà trong đó mình chìm vào”. [97] Khi một dân đã được Tin Mừng hội nhập, thì trong tiến trình truyền thụ văn hóa nó cũng truyền thụ đức tin theo những cách thức luôn luôn mới mẻ; vì lý do ấy tầm quan trọng của việc Phúc Âm hóa được hiểu như hội nhập văn hóa. Mỗi phần của Dân Chúa, qua việc biến hồng ân của Thiên Chúa thành chính đời sống của họ theo sự thiên khiếu riêng, làm chứng cho đức tin nhận được và phong phú hóa nó bằng những cách diễn tả mới và hùng hồn. Người ta có thể nói rằng “dân ấy liên tục Phúc Âm hóa chính mình”. [98] Ở đó tầm quan trọng đặc biệt là của những việc đạo đức phổ thông, sự diễn tả đích thực của hoạt động truyền giáo bộc phát của Dân Thiên Chúa. Nó bắt nguồn từ một thực tại đang phát triển thường trực, mà ở đó Chúa Thánh Thần là tác nhân chính. [99]

123. Trong việc đạo đức phổ thông người ta có thể hiểu được cách thức mà đức tin nhận được nhập thể trong một nền văn hóa và tiếp tục thông truyền thế nào. Có một thời bị nhìn với sự nghi ngờ, việc đạo đức phổ thông đã được lại đánh giá cao trong những thập niên sau Công Đồng. Chính Đức Phaolô VI trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của ngài đã cung cấp một động lực quyết định theo nghĩa này. Ngài giải thích rằng việc đạo đức phổ thông “tỏ lộ một sự khao khát Thiên Chúa mà chỉ những người đơn thành và nghèo khổ mới có thể biết” [100] và nó “làm cho con người có khả năng quảng đại và hy sinh thậm chí đến độ anh hùng, khi nói đến việc bày tỏ đức tin.” [101] Gần chúng ta hơn, Đức Bênêđictô XVI, khi nói về Châu Mỹ Latinh, đã vạch ra rằng đó là một “kho tàng quý báu của Hội Thánh Công Giáo” và rằng nó “là linh hồn của các dân tộc Mỹ Latinh”. [102]

124. Văn Kiện Aparecida mô tả sự phong phú mà Chúa Thánh Thần khai triển trong việc đạo đức phổ thông với sáng kiến tự do của Ngài. Ở lục địa thân yêu này, nơi mà nhiều Kitô hữu bày tỏ đức tin của mình qua việc đạo đức phổ thông, các Giám Mục cũng gọi nó là “linh đạo phổ thông” hay “Thuyết thần bí dân gian”. [103] Nó thật sự là “một linh đạo được nhập thể trong văn hóa của những người đơn thành.” [104] Nó không phải là không có nội dung, nhưng là phát hiện và diễn tả nội dung ấy qua các biểu tượng thay vì sử dụng công cụ lý luận, và trong một hành động đức tin nhấn mạnh hơn vào credere in Deum (tin vào Thiên Chúa) thay vì credere Deum (tin Thiên Chúa). [105] Đó là “một cách hợp pháp để sống đức tin, một cách để cảm thấy là phần tử của Hội Thánh, và là những nhà truyền giáo” [106] Nó mang theo nó ân sủng của việc là một nhà truyền giáo, đi ra khỏi mình và làm những người hành hương: “Cùng nhau bước đến đền thờ và tham gia vào các cách bày tỏ khác nhau của việc đạo đức phổ thông, trong khi cũng đem theo các con em hoặc mời những người khác, tự nó là một hành động loan báo Tin Mừng”. [107] Chúng ta đừng chế ngự cũng đừng tìm cách kiểm soát sức mạnh truyền giáo này!

125. Để hiểu thực tại này chúng cần phải tiếp cận nó với cái nhìn của Chúa Chiên Lành, là Đấng không tìm cách để phán xét, nhưng để yêu thương. Chỉ từ tình cảm tiên thiên được phát sinh từ tình yêu mà chúng ta có thể đánh giá cao đời sống thần học hiện diện trong việc đạo đức của các dân Kitô giáo, đặc biệt là những người nghèo. Tôi nghĩ đến đức tin vững vàng của những bà mẹ ở bên giường của một đứa con đang đau ốm trong tay nắm chặt một tràng hạt Mân Côi, mặc dù chỉ thuộc qua loa những câu Kinh Tin Kính; hay đến tất cả hy vọng trút xuống một ngọn nến được đốt trong một căn nhà khiêm tốn để cầu xin Đức Mẹ giúp đỡ, hoặc trong những cái nhìn yêu mến sâu thẳm hướng về Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Không có ai yêu dân thánh trung thành của Thiên Chúa mà nhìn những hành động này như đơn thuần chỉ là việc tìm kiếm Thiên Chúa của con người. Chúng là những biểu hiện của một cách sống thần học được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần là Đấng đã tuôn đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5:5).

126. Trong việc đạo đức phổ thông, vì là kết quả của Tin Mừng được hội nhập văn hóa, người ta tìm thấy một sức mạnh tích cực của việc Phúc Âm hóa mà chúng ta không thể được đánh giá thấp: làm như thế là không nhận ra công việc của Chúa Thánh Thần. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi để khuyến khích và củng cố nó ngõ hầu đào sâu tiến trình hội nhập văn hoá là một thực tại không bao giờ kết thúc. Những cách diễn tả của việc đạo đức phổ thông có nhiều điều để dạy cho chúng ta, và đối với những người có thể đọc chúng, chúng là một nguồn của thần học mà chúng ta phải chú ý đến, đặc biệt là khi chúng ta nghĩ về việc Tân Phúc Âm hóa.

Giữa người với người

127. Giờ đây khi Hội Thánh muốn sống một sự đổi mới sâu xa về truyền giáo, có một hình thức rao giảng thuộc về tất cả chúng ta như một bổn phận hàng ngày. Đó là mang Tin Mừng đến cho những người mà chúng ta gặp, dù là những người lân cận hoặc những người lạ. Đó là việc rao giảng không chính thức có thể được thực hiện trong một cuộc trò chuyện và đó cũng là việc mà một nhà truyền giáo làm khi đến thăm một gia đình. Là một môn đệ có nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng để mang tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác và điều này có thể xảy ra đột xuất, ở bất cứ đâu, trên đường phố, nơi quảng trường, trong lúc làm việc, trong một cuộc hành trình.

128. Trong việc giảng dạy này, là điều luôn luôn tôn trọng và lịch sự, giây phút đầu tiên hệ tại một cuộc đối thoại cá nhân, trong đó người kia diễn tả và chia sẻ niềm vui và hy vọng của họ với những quan tâm mà họ dành cho những người thân yêu của họ cùng rất nhiều điều mà người ấy mang nặng trong lòng. Chỉ sau cuộc đối thoại này, chúng ta mới có thể trình bày Lời Chúa cho họ, hoặc bằng cách đọc một đoạn Thánh Kinh hoặc dưới hình thức một tường thuật, nhưng luôn luôn nhắc lại sứ điệp căn bản: tình yêu của Thiên Chúa làm người, Đấng đã hiến mình cho chúng ta và hằng sống, ban cho chúng ta ơn cứu rỗi và tình bằng hữu của Người. Đây là lời công bố mà anh chị em chia sẻ với một thái độ khiêm tốn và như lời chứng của một người luôn biết học hỏi, với ý thức rằng sứ điệp này quá phong phú và quá thâm sâu đến nỗi nó luôn luôn vượt trên sự hiểu biết của mình. Đôi khi nó được diễn tả một cách trực tiếp hơn, đôi khi qua một chứng từ cá nhân, một câu chuyện, một cử chỉ, hay một hình thức mà Chúa Thánh Thần có thể linh hứng trong một hoàn cảnh cụ thể. Nếu thận trọng và đúng điều kiện, thì tốt nhất là cuộc gặp gỡ và truyền giáo huynh đệ này được kết thúc bằng một lời cầu nguyện ngắn, liên hệ đến những quan tâm mà người ấy đã nói ra. Như thế, người ấy sẽ cảm thấy rõ ràng hơn rằng mình được nghe và hiểu, rằng tình trạng của mình đã được đặt trong bàn tay Thiên Chúa, và nhận ra rằng Lời Chúa thực sự nói với cuộc đời của họ.

129. Đừng nghĩ rằng sứ điệp Tin Mừng phải luôn luôn được truyền bằng những công thức nhất định và những lời chính xác diễn tả một nội dung hoàn toàn không thay đổi. Nó được truyền lại dưới nhiều hình thức rất khác nhau đến nỗi không thể mô tả hoặc phân loại nổi, và trong đó dân Thiên Chúa, với nhiều cử chỉ và biểu hiệu của mình, là một chủ thể tập thể. Do đó, nếu Tin Mừng được nhập thể trong một nền văn hóa, nó không còn chỉ được truyền thụ qua việc loan báo từ người sang người khác. Điều này phải làm cho chúng ta nghĩ rằng, ở các nước mà Kitô giáo là thiểu số, cũng như để khuyến khích tất cả những người đã được rửa tội rao giảng Tin Mừng, các Hội Thánh địa phương cần tích cực thúc đẩy các hình thức hội nhập văn hóa, ít ra là lúc ban đầu. Cuối cùng, điều mà chúng ta phải nhắm đến là Tin Mừng, một khi được rao giảng bằng những loại rao giảng thích hợp với mỗi nền văn hóa, sẽ tạo ra một tổng hợp mới với nền văn hóa ấy. Mặc dù tiến trình này luôn chậm, đôi khi sợ hãi làm chúng ta quá tê liệt. Nếu chúng ta cho phép nghi ngờ và sợ hãi bóp nghẹt sự mạnh dạn của mình, thì điều có thể xảy ra là, thay vì sáng tạo, chúng ta chỉ đơn thuần nghỉ thoải mái mà không đạt được bất kỳ một tiến bộ nào, và nếu như thế, chúng ta sẽ không còn là những người tham gia vào tiến trình lịch sử với sự hợp tác của mình, nhưng chỉ đơn thuần là những khán giả của một tình trạng đình trệ cằn cỗi của Hội Thánh.

Đặc sủng để phục vụ sự hiệp thông truyền giáo

130. Chúa Thánh Thần cũng phong phú hóa toàn thể Hội Thánh rao giảng Tin Mừng với những đặc sủng khác nhau. Những đặc sủng này là những hồng ân để canh tân và xây dựng Hội Thánh. [108] Chúng không phải là một tài sản bị khóa chặt và được trao cho một nhóm nhỏ để bảo vệ; trái lại, chúng là quà tặng của Chúa Thánh Thần được tháp nhập vào thân thể của Hội Thánh, được thu hút về trung tâm là Đức Kitô, từ đó chuyển thành động lực của việc Phúc Âm hóa. Một dấu chỉ rõ ràng về tính xác thực của một đặc sủng là bản chất Hội Thánh của nó, khả năng tháp nhập một cách nhịp nhàng vào đời sống dân thánh của Thiên Chúa vì lợi ích của mọi người. Một tính mới mẻ thật sự được tác động bởi Chúa Thánh Thần mà không cần che khuất các hình thức linh đạo và hồng ân khác để mình được chứng tỏ. Một đặc sủng càng hướng về trọng tâm của Tin Mừng thì việc thực thi nó sẽ càng có tính Hội Thánh. Chính trong sự hiệp thông, dù thật khó khăn, mà một đặc sủng được chứng tỏ là chân chính và sinh hoa quả nhiệm mầu. Nếu Hội Thánh sống thách đố này, nó có thể là một khuôn mẫu cho hòa bình trên thế giới.

131. Sự khác nhau giữa dân chúng và cộng đồng đôi khi có vẻ phiền toái, nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng tạo nên sự đa dạng này, có thể rút ra từ tất cả mọi sự một điều gì tốt và biến nó thành động năng truyền giáo có sức hấp dẫn. Sự đa dạng luôn luôn phải được điều hòa bởi sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần; chỉ có Ngài mới có thể gây ra sự đa dạng, đa số, vô số và đồng thời thực hiện được sự hiệp nhất. Ngược lại, khi chúng ta tìm sự đa dạng, chúng ta khóa mình trong chủ thuyết đặc thủ và chủ thuyết độc quyền của mình, cho nên chúng ta chỉ gây ra chia rẽ. Tương tự, khi chúng ta muốn xây dựng sự hiệp nhất với những kế hoạch nhân loại của mình, chúng ta chỉ áp đặt trên người khác tính thống nhất và sự phê chuẩn của mình. Điều này không giúp gì được việc truyền giáo của Hội Thánh.

Văn hóa, tư tưởng và giáo dục

132. Rao giảng cho nền văn hóa cũng có nghĩa là rao giảng cho những nghành văn hóa chuyên nghiệp, khoa học và học thuật. Đây là cuộc gặp gỡ giữa đức tin, lý trí và khoa học, nhằm mục đích phát triển những luận chứng mới về sự đáng tin cậy và hộ giáo ban đầu [109] giúp tạo ra các quy tắc cho một Tin Mừng được lắng nghe bởi tất cả mọi người. Khi một số loại lý lẽ và khoa học được chấp nhận trong việc công bố sứ điệp, các loại này cùng trở thành công cụ truyền giáo; như nước biến thành rượu. Bất cứ điều gì, một khi được xử dụng, không chỉ được cứu chuộc, mà còn trở thành một công cụ của Chúa Thánh Thần để soi sáng và đổi mới thế giới.

133. Việc người rao giảng Tin Mừng bận tâm đến việc gặp mọi người thì chưa đủ, ngay cả khi Tin Mừng được công bố cho các nền văn hóa như một tổng thể, thần học - không chỉ thần học mục vụ - trong cuộc đối thoại với các khoa học khác và kinh nghiệm của con người, rất quan trọng để suy nghĩ về việc làm thế nào để truyền đạt đề nghị của Tin Mừng cho những bối cảnh văn hóa và các nhóm người nhận khác nhau. [110] Hội Thánh, tham gia vào việc Phúc Âm hóa, đánh giá cao và khuyến khích đặc sủng của các nhà thần học và các nỗ lực của họ trong việc nghiên cứu thần học, cổ võ việc đối thoại với thế giới văn hóa và khoa học. Tôi kêu gọi các nhà thần học, thi hành tác vụ này như một phần của sứ mệnh cứu độ của Hội Thánh. Tuy nhiên, trong khi làm như thế, họ luôn phải nhớ rằng Hội Thánh và thần học hiện hữu để truyền giáo, chứ không chỉ hài lòng với một thần học bàn giấy.

134. Các trường đại học là một môi trường đặc biệt để suy nghĩ về phát triển về dấn thân này cho việc loan báo Tin Mừng bằng một cách tiếp cận liên ngành và dung hợp. Các trường Công Giáo, luôn luôn cố gắng kết hợp công tác giáo dục với việc công bố Tin Mừng cách rõ ràng, là một đóng góp rất có giá trị cho việc Phúc Âm hóa nền văn hóa, ngay cả trong các quốc gia và thành phố nơi mà một tình hình bất lợi thúc đẩy chúng ta sử dụng óc sáng tạo để tìm ra những cách thức phù hợp. [111]

II. Bài giảng

135. Giờ đây chúng ta hãy xét đến việc giảng dạy trong phụng vụ, là điều đòi hỏi các mục tử phải cẩn thận xem xét. Tôi sẽ đặc biệt chú ý, thậm chí một cách hơi tỉ mỉ, đến bài giảng và việc chuẩn bị nó, bởi vì có rất nhiều người than phiền vì tác vụ quan trọng này và chúng ta không thể bịt tai lại. Bài giảng là tiêu chuẩn để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của một mục tử với dân mình. Thực ra, chúng ta biết rằng các tín hữu rất coi trọng bài giảng; và họ cũng như chính những thừa tác viên có chức thánh, cả người nghe lẫn người giảng, thường bị thiệt thòi (vì những bài giảng thiếu chất lượng). Thật đáng buồn khi điều này xảy ra. Bài giảng có thể thực sự là một kinh nghiệm mãnh liệt và hạnh phúc về Chúa Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ an ủi với Lời Chúa, một nguồn mạch không ngừng của việc canh tân và tăng trưởng.

136. Chúng ta hãy phục hồi lòng tin tưởng của mình trong việc giảng dạy, dựa trên xác tín rằng Chính Thiên Chúa, Đấng muốn đi đến với con người qua các nhà thuyết giảng và rằng Ngài sẽ bày tỏ quyền năng của Ngài qua các lời của loài người. Thánh Phaolô nói một cách mạnh mẽ về sự cần thiết phải rao giảng, vì Chúa muốn đến với những người khác bằng lời của chúng ta (x. Rm 10:14-17). Với Lời Người, Chúa đã chinh phục được quả tim của dân chúng. Họ đã đến tù khắp nơi để nghe Người (x. Mc 1:45). Họ đã kinh ngạc “uống” giáo huấn của Người (x. Mc 6:2). Họ cảm thấy Người nói với uy quyền (x. Mc 1:27). Bằng lời của mình, các Tông Đồ, là những người mà Đức Kitô đã thiết lập “để ở với Người và được sai đi rao giảng” (Mc 3:14), đã kéo mọi dân tộc vào Hội Thánh (x. Mc 16:15,20).

Bối cảnh phụng vụ

137. Giờ đây chúng ta cần phải nhớ rằng “việc công bố Lời Chúa trong phụng vụ, đặc biệt là trong bối cảnh của cộng đồng Thánh Thể, phải như một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài hơn là một thời điểm để suy niệm và dạy giáo lý, một cuộc đối thoại mà trong đó những kỳ công cứu độ được công bố và những đòi hỏi của Giao Ước được liên tục lặp lại”. [112] Bài giảng có một giá trị đặc biệt vì phát sinh từ bối cảnh Thánh Thể, là điều làm cho nó vượt trên mọi hình thức dạy giáo lý bởi vì nó là một cuộc đối thoại tuyệt vời nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài, trước khi hiệp thông Bí Tích. Bài giảng một lần nữa tiếp tục cuộc đối thoại đã được mở ra giữa Chúa và dân Ngài. Nhà thuyết giảng phải biết trọng tâm của cộng đồng của mình để nhận ra lòng ao ước Thiên Chúa sống động và mãnh liệt ở đâu, và thậm chí một cuộc đối thoại thoại yêu thương như vậy đã bị bóp nghẹt hoặc không thể sinh hoa kết quả ở chỗ nào.

138. Bài giảng không thể là một hình thức giải trí, như được trình bày trên các phương tiện truyền thông, nhưng phải đem lại sự nhiệt thành và ý nghĩa cho buổi lễ. Nó là một loại đặc biệt, vì nó là giảng dạy trong khuôn khổ của một cuộc cử hành phụng vụ; do đó cần phải ngắn gọn và tránh làm cho nó có vẻ như một bài diễn văn hoặc một bài thuyết trình. Một nhà thuyết giảng có thể giữ được sự chú ý của quần chúng trong một giờ, như thế lời của ông trở nên quan trọng hơn việc cử hành đức tin. Nếu bài giảng kéo dài quá lâu, nó sẽ ảnh hưởng đến hai đặc tính của việc cử hành phụng vụ: sự hòa hợp giữa các phần của phụng vụ và nhịp điệu của phụng vụ. Khi giảng dạy được thực hiện trong bối cảnh phụng vụ, nó hợp thành một phần của Lễ Vật dâng lên Chúa Cha, và như trung gian của ân sủng mà Đức Kitô đổ ra trong buổi Cử Hành. Cùng bối cảnh này đòi hỏi bài giảng phải hướng dẫn cộng đồng, và ngay cả nhà thuyết giảng, đến sự hiệp thông với Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, là Đấng biến đổi cuộc sống. Điều này đòi hỏi lời của nhà thuyết giảng không được chiếm quá nhiều không gian, để Chúa có thể tỏa sáng nhiều hơn nhà thuyết giảng.

Một cuộc nói chuyện của một người mẹ

139. Chúng tôi đã nói rằng Dân Thiên Chúa, qua sự tác động liên tục của Chúa Thánh Thần ở trong họ, không ngừng Phúc Âm hóa chính mình. Xác tín này có ý nói gì với nhà thuyết giảng? Nó nhắc nhở chúng ta rằng Hội Thánh là mẹ và giảng cho dân như một người mẹ nói chuyện với con mình, biết rằng đứa con tin rằng tất cả những gì mẹ dạy là vì muốn điểu tốt cho mình vì nó biết rằng mẹ yêu thương mình. Hơn nữa, một người mẹ tốt có thể nhận ra tất cả những gì Thiên Chúa đã gieo trồng trong con mình, lắng nghe những quan tâm của nó và học hỏi từ nó. Tinh thần yêu thương ngự trị trong một gia đình hướng dẫn cả mẹ lẫn con trong cuộc đối thoại của họ, ở đó người ta dạy và học, sửa chữa và đề cao những điều tốt. Điều tương tự cũng xảy ra trong bài giảng. Cùng một Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng các sách Tin Mừng và hoạt động trong dân Thiên Chúa, cũng linh hứng chúng ta để lắng nghe đức tin của dân và giảng thế nào trong mỗi Thánh Thể. Do đó, bài giảng Kitô giáo tìm thấy ở trung tâm của nền văn hóa của dân chúng một nguồn nước hằng sống, là điều giúp cho nhà thuyết giảng biết phải nói gì và tìm cách thích hợp để nói. Cũng như tất cả chúng ta đều thích được người khác nói với mình bằng tiếng mẹ đẻ của mình, vì vậy trong đức tin, chúng ta cũng muốn người ta nói bằng thuật ngữ của “văn hóa của mẹ”, bằng thổ ngữ của mẹ (x. 2 Mac 7:21, 27), và quả tim chúng ta sẵn sàng lắng nghe hơn. Ngôn ngữ này là một âm điệu truyền lòng dũng cảm, sự hứng khởi, sức mạnh và sự thúc đẩy.

140. Lãnh vực mẹ và Hội Thánh này, trong đó cuộc đối thoại giữa Chúa với dân Ngài xảy ra, phải được khuyến khích và nuôi dưỡng bởi sự gần gũi của nhà thuyết giảng, sự ấm áp của giọng nói, sự dịu dàng của cách nói, niềm vui của những cử chỉ của ngài. Ngay cả trong những trường hợp bài giảng có vẻ một chút thiếu hấp dẫn, nếu người nghe cảm nhận được tinh thần mẫu tử và Hội Thánh này, thì vẫn luôn luôn có kết quả, như những lời khuyên nhàm chán của một bà mẹ mang lại kết quả với thời gian trong lòng con cái.

141. Người ta phải ngưỡng mộ những phương tiện mà Chúa sử dụng để đối thoại với dân chúng của Người, để mặc khải mầu nhiệm của Người cho mọi người, để thu hút những người đơn thành với những giáo huấn quá cao vời và quá đòi hỏi của Người. Tôi tin rằng bí mật được giấu trong cái nhìn của Chúa Giêsu đối với dân chúng, vượt trên những yếu đuối và sa ngã của họ: “Hỡi đàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con” (Lc 12:32); Chúa Giêsu đã rao giảng với tinh thần ấy. Tràn đầy niềm vui trong Chúa Thánh Thần, Người chúc tụng Chúa Cha là Đấng đã kéo những người bé nhỏ lại: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con chúc tụng Cha vì Cha đã giấu không cho các người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải chúng cho những người bé mọn” (Lc 10:21). Chúa thực sự vui lòng với cuộc đối thoại với dân của Người, và nhà thuyết giảng phải làm cho người ta cảm nhận được niềm vui này của Chúa.

Những lời đốt cháy lòng người

142. Một cuộc đối thoại còn nhiều hơn là chỉ thông truyền chân lý. Nó được thực hiện bởi sự hứng thú khi nói và vì lợi ích cụ thể được truyền thông giữa những người thích nhau qua lời nói. Đây là một điều tốt lành không hệ tại ở các sự vật, nhưng ở những người chia sẻ với nhau trong cuộc đối thoại. Một bài giảng thuần túy về luân lý hoặc về tín lý, cũng như một bài giảng trở thành một bài thuyêt trình về chú giải Thánh Kinh, làm giảm bớt sự truyền thông giữa các tâm hồn. Sự truyền thong này xảy ra trong bài giảng và có một tính cách hầu như bí tích: “Đức tin có được là nhờ nghe, mà nghe là nghe rao giảng lời Ðức Kitô” (Rm 10:17). Trong bài giảng, chân lý được đi kèm với sự thiện và mỹ. Đây không phải là chân lý trừu tượng hay suy diễn lạnh lùng, bởi vì nó cũng truyền đạt vẻ đẹp của hình ảnh mà Chúa sử dụng để khuyến khích người ta làm điều tốt. Ký ức của các tín hữu, giống như của Đức Mẹ Maria, phải tràn đầy những điều kỳ diệu của Thiên Chúa. Được mở ra cho niềm hy vọng về một thực hành hân hoan và khả năng yêu thương được rao giảng, tâm hồn họ cảm thấy rằng từng Lời trong Thánh Kinh trước hết là một hồng ân, trước khi là một đòi hỏi.

143. Thách đố của một bài giảng được hội nhập văn hóa hệ tại việc công bố một tổng hợp của sứ điệp Tin Mừng, chứ không phải những ý tưởng hoặc những giá trị rời rạc. Tổng hợp của chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó. Sự khác biệt giữa việc làm sáng tỏ một tổng hợp với việc làm sáng tỏ những ý tưởng rời rạc nhau cũng giống như giữa sự buồn tẻ và lòng nhiệt thành của tâm hồn. Nhà thuyết giảng có sứ vụ đẹp nhất và khó khăn nhất là kết hợp những trái tim thân yêu: đó là trái tim của Chúa và những trái tim của dân Người. Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Người làm cho Giao Ước giữa hai bên càng thêm vững chắc và củng cố mối dây bác ái. Trong lúc nghe giảng, trái tim của các tín hữu im lặng để nghe Chúa nói. Chúa và dân Người trực tiếp nói với nhau bằng hàng ngàn cách mà không cần trung gian. Tuy nhiên, trong bài giảng, họ muốn có một người khác phục vụ như một công cụ và diễn tả những cảm xúc của họ, để sau đó mỗi người có thể chọn cách tiếp tục cuộc nói chuyện. Lời Chúa tự bản chất là một trung gian và đòi hỏi không những chỉ có hai người đối thoại với nhau mà còn một nhà thuyết giảng đại diện, tôi tin rằng “chúng tôi không rao giảng chính mình, nhưng rao giảng Ðức Giêsu Kitô là Chúa; còn chúng tôi chỉ là đầy tớ của anh em vì Chúa Giêsu” (2 Cor 4:5).

144. Nói chuyện bằng trái tim không những chỉ có nghĩa là giữ cho nó rực cháy, nhưng còn cho nó được chiếu sáng bởi sự toàn vẹn của Mặc Khải và bởi con đường mà Lời Chúa đã hành trình trong lòng Hội Thánh và của dân trung thành của chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Căn tính Kitô giáo này, như cái ôm lúc rửa tội mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta khi còn nhỏ, làm cho chúng ta ao ước, như những đứa con phung phí - và những đứa con yêu của Đức Mẹ – một cái ôm khác, của Cha nhân từ là Đấng đang chờ đợi chúng ta trong vinh quang. Việc giúp cho dân của chúng ta cảm thấy rằng họ đang sống giữa hai cái ôm này là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đẹp đẽ của những người giảng Tin Mừng.

III. Việc soạn bài giảng

145. Việc chuẩn bị bài giảng là một nhiệm vụ rất quan trọng nên phải dành nhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suy niệm và sáng tạo mục vụ. Với lòng trìu mến, tôi muốn đề ra một cách soạn bài giảng. Có những dấu hiệu cho thấy một số điều có vẻ hiển nhiên, nhưng tôi yêu cầu các nhà thuyết giảng nhớ dành một thì giờ ưu tiên cho mục vụ cao quý này. Một số mục tử thường cho rằng việc chuẩn bị này không thể được vì họ có quá nhiều nhiệm vụ phải chu toàn. Tuy nhiên, tôi mạo muội yêu cầu quý cha mỗi tuần dành riêng một phần thì giờ cá nhân và cộng đồng đủ dài cho công tác này, thậm chí nếu cần thì phải bớt thì giờ cho nhưng công tác khác, mặc dù quan trọng. Lòng tín thác vào Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong bài giảng không chỉ đơn thuần thụ động, mà tích cực và và sáng tạo. Nó liên quan đến việc chúng ta hiến mình như một công cụ (x. Rm 12:1) với tất cả kỹ năng của mình để có thể được Thiên Chúa sử dụng. Một mục tử không chuẩn bị thì không “thuộc về tinh thần”; mục tử ấy bất hảo và vô trách nhiệm đối với những hồng ân mà mình đã nhận được.

Việc tôn sùng chân lý

146. Bước thứ nhất, sau khi đã cầu khẩn Chúa Thánh Thần, là hoàn toàn chú ý vào bản văn Thánh Kinh, điều này phải là nền tảng của việc giảng dạy. Khi một người tập trung để cố gắng hiểu sứ điệp của văn bản là gì, là người ấy thực hành “việc tôn sùng chân lý”. [113] Đó là sự khiêm tốn của tâm hồn, nhìn nhận rằng Lời Chúa luôn luôn siêu vượt chúng ta, rằng chúng ta không phải là “những vị thầy, cũng không phải là chủ nhân, nhưng là những người quản thủ, những người loan tin và những người phục vụ”. [114] Thái độ cung kính khiêm tốn và kinh ngạc về Lời Chúa được thể hiện trong việc bỏ thì giờ ra để nghiên cứu một cách cẩn thận và với một lòng kinh sợ thánh thiện để khỏi giải thích sai lạc. Để giải thích một bản văn Thánh Kinh, chúng ta cần phải kiên nhẫn, gạt hết mọi ưu tư ra ngoài, và dành thì giờ cho nó, thích thú và hiến thân cách nhưng không. Chúng ta cần phải đặt bất kỳ bận tâm nào ám ảnh mình sang một bên để tạo ra một bầu khí trầm lặng cho việc tập trung tư tưởng. Thật là vô ích để đọc một bản văn Thánh Kinh nếu chúng ta muốn có kết quả nhanh chóng, dễ dàng hoặc tức thì. Vì vậy, việc soạn bài giảng đòi hỏi phải có tình yêu. Người ta chỉ bỏ thì giờ không công và không vội vàng cho những sự việc hay những người mình yêu; và ở đây là tình yêu Thiên Chúa, Đấng muốn nói với chúng ta. Vì tình yêu này, cần bao nhiêu thì giờ thì chúng ta có thể bỏ ra bấy nhiêu, với thái độ của người môn đệ, “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sam 3:9).

147. Trước hết, chúng ta phải chắc chắn rằng mình hiểu đúng ý nghĩa của những lời mà mình đọc. Tôi muốn nhấn mạnh vào một điều có vẻ hiển nhiên nhưng không phải là chúng ta luôn luôn nhớ: bản văn Thánh Kinh mà chúng ta nghiên cứu đã có từ hai ngàn hay ba ngàn năm, ngôn ngữ của nó rất khác với ngôn ngữ chúng ta sử dụng ngày nay. Nhiều khi chúng ta dường như hiểu những từ ngữ được dịch sang ngôn ngữ của mình, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta hiểu đúng những gì các Thánh Ký có ý nói. Những phương tiện khác nhau được khoa phân tích văn học cung cấp thì ai cũng biết: chú ý đến các từ ngữ được lặp đi lặp lại hoặc nổi bật, nhận ra cấu trúc và động năng riêng của một văn bản, xem xét vai trò mà các nhân vật đóng, vv.... Nhưng mục tiêu không phải là để hiểu tất cả những chi tiết nhỏ của một văn bản, điều quan trọng nhất là tìm ra sứ điệp chính là gì, điều gì cho bản văn cấu trúc và sự thống nhất của nó. Nếu nhà giảng thuyết không thực hiện cố gắng này, thì có thể bài giảng sẽ thậm chí không có sự thống nhất và thứ tự; bài nói chuyện của người ấy sẽ chỉ là một tổng hợp của nhiều ý tưởng rời rạc mà không đánh động được ai. Sứ điệp chính là điều tác giả muốn truyền đạt trước hết, nó liên hệ không những chỉ đến việc nhận ra một ý tưởng, nhưng còn hiệu quả mà tác giả ấy muốn tạo ra. Nếu một bản văn được viết để an ủi, thì không được sử dụng nó để sửa lỗi; nếu nó được viết để khuyên nhủ, thì không được sử dụng nó để hướng dẫn; nếu nó được viết để dạy chúng ta một điều gì về Thiên Chúa, thì không được sử dụng nó để giải thích những tư tưởng thần học khác nhau; nếu nó được viết để biện minh cho những lời chúc tụng hoặc công việc truyền giáo, thì đừng sử dụng để nói về những tin tức thời sự.

148. Tất nhiên là để hiểu đầy đủ ý nghĩa của sứ điệp chính của một bản văn, thì cần phải đặt nó trong mối liên hệ với giáo huấn của toàn bộ Thánh Kinh như được truyền lại qua Hội Thánh. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong việc giải thích Thánh Kinh, vì nhận ra rằng Chúa Thánh Thần đã không linh hứng chỉ một phần, mà toàn bộ Thánh Kinh, và rằng trong một số vấn đề, dân chúng lớn lên trong sự hiểu biết của mình về Thánh Ý Thiên Chúa từ những kinh nghiệm sống. Bằng cách này chúng ta tránh giải thích sai hoặc không đầy đủ, là điều mâu thuẫn với các giáo huấn khác của Thánh Kinh. Nhưng điều này không có nghĩa là làm suy yếu điểm nổi bật thích hợp và đặc biệt của bản văn mà chúng ta phải giảng. Một trong những thiếu sót của một bài giảng tẻ nhạt và không hiệu quả là người giảng không có khả năng truyền thụ sức mạnh riêng của bản văn mà mình công bố.

Việc cá nhân hóa Lời Chúa

149. Nhà thuyết giảng “trước hết phải phát triển một sự quen thuộc rộng rãi với Lời Chúa. Kiến thức về bình diện ngữ học và chú giải, mặc dù cần thiết, nhưng chưa đủ. Họ cần phải tiếp cận Lời Chúa bằng một tâm hồn ngoan ngoãn và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm sâu vào những suy nghĩ và cảm xúc của họ cùng phát sinh nơi họ một não trạng mới”. [115] Tốt hơn cho chúng ta là lập lại mỗi ngày, mỗi Chúa Nhật, nhiệt tình của mình trong việc soạn bài giảng, và kiểm chứng lại xem tình yêu Lời Chúa mà chúng ta giảng có lớn lên trong chính mình chúng ta không. Chúng ta cũng đừng quên rằng “đặc biệt, sự thánh thiện nhiều hay ít của thừa tác viên có ảnh hưởng thực sự đến việc rao giảng Lời Chúa”. [116] Như Thánh Phaolô quả quyết: “chúng tôi rao giảng, không phải để đẹp lòng người ta, mà để đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử thách lòng chúng tôi” (1 Thes 2:4). Nếu chúng ta có một ao ước sống động là người đầu tiên nghe Lời Chúa mà chúng ta phải giảng, thì điều này sẽ chắc chắn được truyền cách này hay cách khác đến Dân Thiên Chúa: “Vì có đầy tràn trong lòng, thì miệng mới nói ra” (Mt 12:34). Các bài đọc Chúa Nhật sẽ vang vọng với tất cả vẻ huy hoàng của chúng trong tâm hồn dân chúng, nếu trước hết được vang vọng trong tâm hồn của Mục Tử.

150. Chúa Giêsu đã tức giận trước với những người tự nhận là thầy, là những kẻ khó khăn với những người khác khi dạy Lời Chúa, nhưng không để cho chính mình được soi sáng bởi Lời ấy: “họ bó những gánh nặng nề, khó mà vác nổi, và chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại chẳng động một ngón tay nào vào”(Mt 23:04). Thánh Tông Đồ Giacôbê kêu gọi: “Thưa anh em, đừng có nhiều người muốn làm thầy, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn” (Gb 3:1). Bất cứ ai muốn giảng, trước hết phải sẵn sàng để được đánh động bởi Lời Chúa và làm cho Lời ấy nhập thể trong cuộc sống cụ thể của mình. Bằng cách này, việc giảng dạy sẽ hệ tại hoạt động ấy, rất mãnh liệt và hiệu quả, đó là “truyền đạt cho những người khác điều mà mình đã chiêm niệm”. [117] Vì tất cả những điều này, trước khi chuẩn bị một cách cụ thể những gì chúng ta sẽ nói trong việc giảng dạy, chúng ta phải chấp nhận bị thương trước hết bởi Lời ấy, là Lời sẽ làm cho những người khác bị thương, vì đó là một Lời hằng sống và linh nghiệm, như một lưỡi gươm “xuyên qua giữa linh hồn và thần trí; gân và tủy, và có thể phân biệt các toan tính và suy tư của lòng người” (Dt 4:12). Điều này rất quan trọng trong mục vụ. Ngay cả trong thời đại này, người ta thích nghe các nhân chứng: họ “khao khát sự xác thực [...] đòi các nhà truyền giáo phải nói về một Thiên Chúa mà chính mình biết và quen thuộc với, như thể họ thấy Đấng vô hình”. [118]

151. Không ai đòi buộc chúng ta phải hoàn toàn thanh khiết, nhưng đúng hơn là chúng ta phải luôn luôn lớn lên, sống ước muốn thâm sâu để tiến triển trên con đường Tin Mừng, và không cho phép mình sa ngã. Điều quan trọng là nhà thuyết giảng phải chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu thương mình, rằng Đức Chúa Giêsu Kitô đã cứu mình, rằng tình yêu của Người luôn luôn là tiếng nói quyết định. Trước vẻ đẹp như thế, chúng ta thường cảm thấy rằng cuộc sống của mình đã không làm vinh danh Người cách trọn vẹn và muốn chân thành đáp lại cách tốt hơn một tình yêu cao cả như vậy. Nhưng nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Lời Chúa với tấm lòng cởi mở chân thành, nếu chúng ta không để cho Lời ấy chạm vào cuộc sống của mình, chất vấn mình, khuyên nhủ mình, lay chuyển mình, nếu chúng ta không dành thời giờ để cầu nguyện bằng Lời Chúa, thì chúng ta sẽ là những tiên tri giả, những kẻ lừa đảo hoặc giả mạo trống rỗng. Trong mọi trường hợp, bắt đầu với việc công nhận sự nghèo nàn của mình và ước muốn dấn thân nhiều hơn nữa, chúng ta có thể luôn luôn ban tặng Đức Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Phêrô nói: “Tôi không có bạc hay vàng; nhưng điều tôi có thì tôi cho anh” (Cv 3:6). Chúa muốn sử dụng chúng ta như những tạo vật sống động, tự do và có óc sáng tạo, những người tự để cho mình được xuyên qua bằng Lời của Người trước khi truyền thông nó; sứ điệp của Người phải thực sự đi qua các nhà thuyết giảng, nhưng không chỉ qua lý trí, mà qua việc sở hữu toàn thể con người. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng Lời Chúa, chính là Đấng “Ngày nay, giống như thủa ban đầu của Hội Thánh, hoạt động trong mọi nhà truyền giáo là những người để cho mình được Ngài sở hữu và dẫn đường, cùng đặt trong miệng họ những ngôn từ mà chỉ Ngài mới có thể tìm thấy được”. [119]

Việc đọc sách thiêng liêng

152. Có một cách cụ thể để lắng nghe điều Chúa muốn nói với chúng ta trong Lời của Người và được biến Thánh Thần của Người đổi. Và đó là điều mà chúng ta gọi là “lectio divina”. Nó bao gồm việc đọc Lời Chúa để nội tâm hóa trong lúc cầu nguyện để cho Lời ấy soi sáng và đổi mới chúng ta. Việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện này không phải là điều tách rời khỏi việc học hỏi các nhà giảng thuyết, được thực hiện để xác định sứ điệp chính của bản văn; trái lại, phải bắt đầu từ đó, để cố gắng khám phá điều mà chính sứ điệp nói với đời sống của mình. Việc đọc sách thiêng liêng của một văn bản phải bắt đầu từ nghĩa đen của nó. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng làm cho văn bản nói những gì chúng ta nghĩ là thuận tiện, những gì xác nhận những quyết định có trước của mình, thích nghi với tư duy của mình. Điều này, cuối cùng, sẽ như sử dụng một sự gì thánh để tìm tư lợi và chuyển sự mơ hồ như thế sang dân Thiên Chúa. Đừng bao giờ quên rằng đôi khi “ngay cả Satan cũng cải trang thành một thiên thần ánh sáng” (2 Cor 11:14).

153. Trong sự hiện diện của Thiên Chúa, khi bình tĩnh đọc bản văn, thật tốt để chúng ta hỏi, chẳng hạn như: “Lạy Chúa, bản văn này nói gì với con? Chúa muốn con thay đổi điều gì trong đời con với sứ điệp này? Điều gì làm tôi khó chịu trong văn bản này? Tại sao tôi không quan tâm đến điều này?” Hoặc, “Tôi thích gì, điều gì thúc đẩy tôi trong Lời này? Điều gì thu hút tôi? Tại sao nó thu hút tôi?” Khi cố gắng để lắng nghe Chúa, chúng ta thường có những cám dỗ. Một trong chúng chỉ đơn thuần là khó chịu hoặc cảm thấy bị áp bức, và tự khép kín trong chính mình; một cám dỗ rất phổ thông là bắt đầu suy nghĩ về những gì văn bản nói đến người khác, để tránh áp dụng nó vào cuộc sống của mình. Điều cũng xảy ra là người ta bắt đầu tìm lý do để cho phép họ nhận chìm sứ điệp cụ thể của một văn bản. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa đòi chúng ta một quyết định quá lớn, mà chúng ta chưa có điều kiện để thực hiện. Điều này dẫn đến việc nhiều người mất niềm vui của việc gặp gỡ Lời Chúa, nhưng điều ấy có nghĩa là quên rằng không ai là kiên nhẫn hơn Thiên Chúa Cha, rằng không ai hiểu và biết cách chờ đợi hơn Ngài. Ngài luôn luôn mời gọi chúng ta bước lên một bước về phía trước, nhưng không đòi hỏi một câu trả lời đầy đủ nếu chúng ta chưa bước đi trên con đường làm cho nó khả thi. Ngài chỉ đơn thuần muốn chúng ta nhìn một cách trung thực vào cuộc sống hiện tại của mình và trình diện chính mình mà không không giả tạo trong đôi mắt của Ngài, rằng chúng ta sẵn sàng tiếp tục lớn lên, và cầu xin Ngài những gì chúng ta vẫn chưa nhận được.

Lắng nghe dân chúng

154. Nhà thuyết giảng cũng phải lắng nghe dân chúng, để tìm ra những gì mà các tín hữu cần nghe. Một mục tử phải chiêm niệm Lời Chúa và cũng phải chiêm ngắm dân mình. Bằng cách này, ngài khám phá ra “những nguyện vọng, những sự phong phú và những giới hạn, những cách để cầu nguyện, để yêu thương, để xem xét cuộc sống và thế giới, là điều phân biệt cuộc tụ họp này hoặc cuộc tụ họp khác của con người,” trong khi chú ý đến “những con người cụ thể mà ngài nói với, để sử dụng ngôn ngữ của họ, những dấu hiệu và biểu tượng của họ, để trả lời những câu hỏi của hỏi.” [120] Đó là kết nối sứ điệp của bản văn Thánh Kinh với một hoàn cảnh của con người, với những gì mà họ sống, với một kinh nghiệm cần ánh sáng của Lời Chúa. Mối quan tâm này không đáp ứng với thái độ của một người theo cơ hội chủ nghĩa hay một nhà ngoại giao, nhưng có tính cách tôn giáo và mục vụ sâu xa. Căn bản, nó là “ một sự nhạy cảm tinh thần thực sự đối với việc đọc sứ điệp của Thiên Chúa trong các biến cố” [121] và điều này còn nhiều hơn tìm kiếm một điều gì thú vị để nói. Điều mà chúng ta đang tìm kiếm để khám phá ra là “Chúa muốn nói gì trong dịp này”. [122] Như vậy, việc soạn bài giảng trở thành một thực tập trong việc phân biệt theo Tin Mừng, trong đó chúng ta cố gắng để nhận ra - trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần – “một lời mời gọi mà Thiên Chúa đã làm vang lên trong chính hoàn cảnh lịch sử, mà cũng qua qua đó, Thiên Chúa mời gọi các tín hữu”. [123]

155. Trong việc nghiên cứu này có thể chỉ cần sử dụng một số kinh nghiệm thông thường của con người, chẳng hạn như niềm vui của một cuộc gặp gỡ mới, sự thất vọng, sợ hãi cô đơn, lòng trắc ẩn trước sự những đau khổ của người khác, sự bất ổn về tương lai, những quan tâm cho người thân, vv.... Tuy nhiên chúng ta cần phải có một sự nhạy cảm lớn lao để nhận ra những gì thực sự ảnh hưởng đến đời sống của họ. Cần phải nhớ rằng chúng ta không bao giờ nên trả lời những câu hỏi mà không ai đặt ra, cũng không phải là lúc thích hợp để nói về những tin tức thời sự với mục đích kéo sự chú ý của người nghe: đã có chương trình truyền hình cho những tin tức này rồi. Tuy nhiên, chúng ta có thể mở đầu bằng một vài sự kiện hay câu chuyện để Lời Chúa có thể vang dội cách mãnh liệt trong lời kêu gọi hoán cải, thờ phượng và những thái độ cụ thể của tình huynh đệ và phục vụ, vv…. Bởi vì đôi khi có một số người thích nghe trong bài giảng những bình luận về thời sự, trong khi không để cho cá nhân mình bị thách đố.

Những công cụ sư phạm

156. Một số người tin rằng họ có thể giảng thuyết tốt vì họ biết những gì họ sẽ nói, tuy nhiên họ không chú ý đến cách phải nói thế nào, là cách cụ thể để khai triển một bài giảng. Họ khó chịu khi những người khác không nghe họ hoặc không đánh giá cao họ, nhưng có lẽ họ không mấy bận tâm đến việc tìm cách thích hợp để trình bày sứ điệp. Chúng ta hãy nhớ rằng “tầm quan trọng hiển nhiên của nội dung truyền giáo không thể che khuất tầm quan trọng của những cách thức và phương tiện”. [124] Quan tâm đến cách giảng cũng là một thái độ hết sức tâm linh. Thái độ này có nghĩa là đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa, hiến mình với tất cả khả năng và óc sáng tạo của mính để phục vụ sứ mệnh được trao phó. Nhưng nó cũng là một thực tập của tình yêu tinh tế dành cho những ngưởi lân cận, vì chúng ta không muốn cung cấp cho người khác những gì kém chất lượng. Trong Thánh Kinh, chẳng hạn, chúng ta tìm thấy những đề nghị để soạn bài giảng hầu đảm bảo một biện pháp thích hợp, “hãy tóm lược các lời nói của con. Nhiều lời trong vài chữ” (Sir 32,8).

157. Tôi chỉ đơn thuần đưa ra một vài thí dụ, chúng ta hãy nhớ lại một số công cụ thực tế có thể phong phú hóa bài giảng và làm cho nó hấp dẫn hơn. Một trong những cố gắng rất cần thiết là học cách sử dụng hình ảnh trong bài giảng, nghĩa là nói bằng những hình ảnh. Đôi khi chúng ta dùng những thí dụ để làm cho điều mình muốn giải thích đươc dễ hiểu, nhưng những thí dụ thường chỉ nại vào trí óc; ngược lại, hình ảnh giúp người nghe thưởng thức và dễ chấp nhận sứ điệp chúng ta muốn truyền đạt hơn. Một hình ảnh hấp dẫn làm cho sứ điệp có vẻ nghe quen thuộc, gần gũi, thực tế và liên hệ với đời sống hằng ngày. Một hình ảnh thành công có thể giúp người ta thưởng thức sứ điệp mà chúng ta muốn truyền đạt, và làm thức tỉnh một ước muốn và chuyển ý chí về phía Tin Mừng. Như một vị thầy cũ đã nói với tôi, một bài giảng hay phải có “một tư tưởng, một cảm giác và một hình ảnh.”

158. Đức Phaolô VI đã nói rằng các tín hữu “kỳ vọng nhiều ở bài giảng, và nó sẽ có lợi cho rất nhiều người nếu nó rất đơn giản, rõ ràng, trực tiếp và phù hợp”. [125] Đơn giản liên hệ đến ngôn ngữ được sử dụng. Nó phải là ngôn ngữ mà người nghe có thể hiểu nếu không chúng ta nói vô ích. Thường thì nhà thuyết giảng dùng những từ ngữ mà họ đã học được trong tiến trình nghiên cứu và trong môi trường chuyên môn của họ, nhưng không phải là một phần của ngôn ngữ chung của thính giả của họ. Có những từ ngữ thần học hay tín lý, mà phần lớn các Kitô hữu không hiểu được ý nghĩa của chúng. Nguy cơ lớn nhất đối với một nhà giảng thuyết là quá quen thuộc với ngôn ngữ riêng của họ và nghĩ rằng tất cả những người khác đều dùng và hiểu chúng một cách tự nhiên. Nếu chúng ta muốn thích nghi với ngôn ngữ của những người khác để họ tiếp xúc được với Lời Chúa, chúng ta phải lắng nghe rất nhiều, chúng phải chia sẻ cuộc sống của dân chúng và chú ý nhiều đến họ. Sự đơn giản và rõ ràng là hai việc khác nhau. Ngôn ngữ có thể rất đơn giản, nhưng các bài giảng có thể không rõ ràng. Nó có thể trở nên khó hiểu vì thiếu trật tự, thiếu luận lý, vì đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau cùng một lúc. Do đó một nhiệm vụ cần thiết là phải đảm bảo rằng bài giảng có sự thống nhất theo chủ đề, trình tự và kết nối rõ ràng giữa các câu, để mọi người có thể dễ dàng theo dõi và hiểu được luận lý của những gì nhà thuyết giảng nói.

159. Một đặc tính khác là ngôn ngữ tích cực. Đừng nói nhiều đến những gì người ta không nên làm, nhưng tốt hơn là đề nghị những gì chúng ta có thể làm tốt hơn. Trong mọi trường hợp, nếu có một điều gì tiêu cực, thì hãy luôn cố gắng vạch ra một giá trị tích cực có sức thu hút, đừng dừng lại ở việc than phiền, than thở, chỉ trích hay hối hận. Ngoài ra, một bài giảng tích cực luôn đem lại hy vọng, hướng về tương lai, không biến chúng ta thành tù nhân của những điều tiêu cực. Thật là một điều tốt khi các linh mục, phó tế và giáo dân đến với nhau theo định kỳ để cùng nhau tìm ra những công cụ giúp làm cho bài giảng thêm hấp dẫn!

IV. Phúc Âm hoá để đào sâu lời rao giảng ban đầu (kerygma)

160. Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa bao gồm lời mời gọi lớn lên trong đức tin khi Người nói: “dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28:20). Vì vậy, rõ ràng là lời rao giảng ban đầu cũng làm phát sinh một tiến trình hình thành và trưởng thành. Truyền giáo cũng nhằm việc tăng trưởng, đòi hỏi phải rất coi trọng mọi người và kế họach mà Chúa đã dự định cho họ. Mỗi người đều cần phải lớn lên hơn trong Đức Kitô, và việc loan báo Tin Mừng không được để cho một ai chỉ hài lòng với một chút, nhưng người ấy có thể nói là no đủ: “Không còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).

161. Thật sai lầm khi coi lời mời gọi lớn lên này chỉ độc quyền hoặc chủ yếu là một việc đào luyện về tín lý. Nó là “tuân giữ” những gì Chúa đã truyền cho chúng ta, như một sự đáp trả lại tình yêu của Người, nổi bật nhất trong những điều ấy, cùng với tất cả các nhân đức, là Điều Răn Mới, điều răn đứng đầu và trọng nhất, điều răn tốt nhất để xác nhận chúng ta là môn đệ: “Đây là điều răn của Thầy, là các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu các con” (Ga 15:12). Rõ ràng là khi các tác giả Tân Ước muốn tóm sứ điệp luân lý của Kitô giáo lại thành một tổng hợp cuối cùng và quan trọng nhất, các ngài trình bày cho chúng ta đòi hỏi không thể tránh được là yêu tha nhân: “Ai yêu tha nhân là làm trọn Lề Luật...như thế sự viên mãn của Lề Luật là đức ái” (Rm 13:8,10). “Nếu anh em làm tròn luật cao trọng nhất theo Kinh Thánh, “Ngươi phải thương yêu người lân cận như chính mình,” thì anh em làm điều tốt” (Gb 2:8). “Vì toàn thể Lề Luật được làm tròn trong một lời là, “Ngươi hãy yêu người lân cận như chính mình” (Gal 5:14). Thánh Phaolô đề nghị với cộng đoàn của ngài một cách để lớn lên trong tình yêu: “Nguyện xin Chúa làm cho tình yêu thương của anh em đối với nhau và với mọi người được thêm nảy nở và chan chứa” (1 Thes 3:12).

162. Mặt khác, cuộc hành trình đáp trả và lớn lên này luôn bắt đầu bằng hồng ân, bởi vì hồng ân đi trước một đòi hỏi khác của Chúa: “rửa tội cho họ nhân danh...” (Mt 28:19). Việc nhận làm nghĩa tử mà Chúa Cha ban cho chúng ta một cách nhưng không và khởi đầu của ân sủng của Ngài (x. Ep 2:8-9, 1 Cor 4:7) là điều kiện khả thi của việc thánh hóa thường xuyên là điều làm vui lòng Thiên Chúa và làm cho Ngài được vinh danh. Nó sẽ cho phép chúng ta được biến đổi trong Đức Kitô bằng một cuộc sống tăng trưởng không ngừng “theo Thần Khí” (Rm 8:5).

Việc dạy giáo lý cách công bố ban đầu và và hiệp nhiệm

163. Giáo dục và dạy giáo lý là để phục vụ việc tăng trưởng này. Chúng ta đã có sẵn một số văn kiện Huấn Quyền và tài liệu về việc dạy giáo lý được cung cấp bởi Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục khác nhau. Tôi nhớ Tông Huấn Dạy Giáo Lý trong Thời Đại Chúng ta - Catechesi tradendae (1979), Hướng Dẫn Chung về việc Dạy Giáo Lý (1997) và các văn kiện khác mà nội dung của chúng không cần phải nhắc lại ở đây. Tôi muốn tập trung vào chỉ một vài suy tư mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần lưu ý.

164. Chúng ta cũng tái khám phá ra rằng trong việc dạy giáo lý có một vai trò cơ bản của lời công bố ban đầu hay “kerygma”, là điều phải ở trung tâm của việc Phúc Âm hóa và mọi ý định canh tân Hội Thánh. Kerygma có đặc tính Ba Ngôi. Nó là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần được ban trong hình thức các ngôn ngữ và làm cho chúng ta tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng qua cái chết và Sống Lại của Người mặc khải cho chúng ta lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha. Trên miệng của giáo lý viên phải luôn luôn vang đi vọng lại lời loan báo ban đầu: “Đức Chúa Giêsu Kitô yêu thương chúng ta, Người đã ban mạng sống của Người để cứu chúng ta, và giờ đây Người đang ở bên chúng ta mỗi ngày, để soi sáng, củng cố và giải thoát chúng ta.” Khi chúng ta nói rằng lời loan báo này là “ban đầu”, điều này không có nghĩa là nó xuất hiện lúc ban đầu và sau đó có thể quên đi hoặc thay thế bằng những nội dung khác hay hơn nó. Nó đứng đầu theo nghĩa chất lượng, bởi vì nó là lời loan báo chính, là lời mà chúng ta phải luôn luôn nghe đi nghe lại bằng những cách khác nhau và chúng ta phải luôn luôn tái công bố trong các bài giáo lý dưới dạng này hay dạng khác, trong tất cả các giai đoạn của nó và những thời điểm của nó. [126] Vì lý do tương tự, “linh mục, cũng như Hội Thánh, càng ngày càng phải lớn lên trong ý thức rằng chính mình cần phải được thường trực Phúc Âm hóa”. [127]

165. Chúng ta không được nghĩ rằng trong việc dạy giáo lý phải bỏ kerygma để chọn một cách đào luyện có vẻ “chắc chắn” hơn. Không có gì chắc chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và đầy khôn ngoan hơn lời loan báo ban đầu ấy. Toàn thể việc đào luyện Kitô hữu trước hết cần đào sâu kerygma, là điều mỗi ngày một nhập thể hơn và không bao giờ ngừng soi sáng việc dạy giáo lý, cho phép chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của bất cứ chủ đề nào được khai triển trong việc dạy giáo lý. Đây là lời loan báo đáp ứng khát vọng về sự vô cùng trong mỗi tâm hồn con người. Tính trung tâm của kerygma đòi hỏi một số đặc tính thiết yếu của lời công bố mà hiện nay cần có ở khắp mọi nơi là: diễn tả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trước các nhiệm vụ luân lý và tôn giáo, không áp đặt chân lý nhưng thu hút qua sự tự do, có thể có một số dấu hiệu của niềm vui, sự khích lệ, sức sống và sự trọn vẹn hòa hợp mà không thu hẹp việc giảng dạy vào một số học thuyết đôi khi có tính triết lý hơn rao giảng Tin Mừng. Điều này đòi hỏi người rao giảng Tin Mừng một vài thái độ để làm cho việc đón nhận lời loan báo được dễ dàng hơn: gần gũi, cởi mở để đối thoại, kiên nhẫn, chào đón thân mật mà không lên án.

166. Một đặc tính khác của việc dạy giáo lý, được phát triển trong vài thập niên vừa qua là khai tâm hiệp nhiệm (l’initiation mystagogique), [128] mà ý nghĩa chủ yếu là hai điều: sự tiến triển cần thiết của kinh nghiệm đào luyện, trong đó liên quan đến toàn thể cộng đồng và tái đề cao những dấu chỉ phụng vụ của việc khai tâm Kitô giáo. Nhiều thủ bản và nhiều chương trình chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu canh tân hiệp nhiệm này, có thể có những hình thức rất khác nhau để phù hợp với sự phân định của mỗi cộng đồng giáo dục. Lớp học giáo lý là một lần rao giảng Lời Chúa và tập trung vào Lời Chúa, nhưng luôn cần có một môi trường thích hợp và một động lực hấp dẫn, sử dụng các biểu tượng hùng hồn, lồng vào một tiến trình tăng trưởng và hội nhập rộng lớn hơn trong tất cả các chiều kích của con người trong một cuộc hành trình lắng nghe và đáp lời cộng đồng.

167. Tốt nhất là tất cả việc dạy giáo lý đặc biệt chú ý đến “con đường thẩm mỹ” (via pulchritudinis). [129] Loan báo Đức Kitô có nghĩa là tin vào Người và theo Người không những chỉ như một điều gì thực tế và đúng, mà còn như một điều gì đẹp đẽ, có khả năng đổ đầy đời sống bằng một sự huy hoàng mới và một niềm vui sâu thẳm, ngay cả giữa những thử thách. Theo quan điểm này, tất cả các cách diễn tả về thẩm mỹ thực sự có thể được công nhận là một con đường giúp người ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Điều này không có nghĩa là cổ võ cho một thuyết tương đối về thẩm mỹ, [130] là điều có thể che khuất mối dây liên kết bất khả phân ly giữa chân, thiện, mỹ, nhưng để khôi phục lại lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp để có thể chạm đến quả tim con người và để sáng tỏa trong ấy chân lý và sự tốt lành của Đấng Phục Sinh. Như Thánh Augustinô nói, nếu chúng ta chỉ có thể yêu những gì đẹp, [131] thì Chúa Con làm người, mặc khải của sự mỹ miều vô hạn, vô cùng đáng yêu, và Người lôi kéo chúng ta về với Mình bằng những liên hệ yêu thương. Do đó, điều cần thiết là việc đào luyện trong via pulchritudinis phải được tháp nhập vào việc thông truyền đức tin. Hy vọng rằng mỗi Hội Thánh địa phương thúc đẩy việc sử dụng nghệ thuật trong việc truyền giáo của mình, trong sự liên tục với sự phong phú của quá khứ, tuy nhiên cũng trong sự rộng lớn của nhiều hình thức diễn tả hiện nay của nó, để truyền thụ đức tin bằng một “ngôn ngữ dụ ngôn” mới. [132] Chúng ta phải có can đảm tìm ra những dấu hiệu mới, biểu tượng mới, thịt mới cho việc thông truyền Lời Chúa, các hình thức thẩm mỹ khác nhau được bày tỏ trong những bối cảnh văn hóa khác nhau, và bao gồm cả những thể thức không theo quy ước của thẩm mỹ, là điều có thể chẳng có ý nghĩa gì với những nhà truyền giáo, nhưng lại trở nên đặc biệt hấp dẫn với những người khác.

168. Về đề nghị luân lý của việc dạy giáo lý, là điều mời gọi chúng ta lớn lên trong sự trung thành với cách sống theo Tin Mừng, chúng ta phải luôn luôn nhắc đến điều tốt lành đáng mong ước, đề nghị về sự sống, về sự trưởng thành, về thành quả, khả năng sinh hoa quả, trong ánh sáng của điều tốt lành này mà người ta có thể hiểu tại sao chúng ta lại tố cáo những điều xấu có thể che khuất nó. Thay vì coi chúng ta như những chuyên viên tiên đoán những chuyện khủng khiếp hay những quan tòa khắc nghiệt thỏa mãn khi phát hiện ra bất kỳ sự nguy hiểm hoặc sai lạc nào, thì họ nhìn chúng ta như những sứ giả hân hoan của các đề nghị từ trên cao, những người canh giữ sự tốt lành và thẩm mỹ là những điều tỏa sáng trong một đời sống trung thành với Tin Mừng.

Việc đồng hành cách cá nhân trong những tiến trình tăng trưởng

169. Trong một nền văn minh bị tổn thương cách nghịch lý bởi tình trạng nặc danh, và đồng thời, quá bận tâm với những chi tiết về đời sống của những người khác, và phải chịu đựng sự tò mò trơ trẽn bệnh hoạn, Hội Thánh cần một cái nhìn gần gũi để xem xét, cảm thông và ngừng lại trước những người khác mỗi khi cần thiết. Trong thế giới này, các thừa tác viên có chức thánh và những người làm mục vụ khác có thể làm cho hương thơm của sự hiện diện gần gũi của Chúa Giêsu và cái nhìn cá nhân của Người hiện diện. Hội Thánh sẽ phải hội nhập các thành viên của mình – các linh mục, tu sĩ và giáo dân – vào “nghệ thuật đồng hành” này, để tât cả mọi người học cách luôn luôn biết cởi giày của mình ở trước đất thánh của người khác (x. Xh 3:5). Chúng ta phải giữ trong cuộc hành trình của mình một khoảng cách lành mạnh, với một cái nhìn tôn trọng và đầy trắc ẩn nhưng đồng thời khuyến khích sự khỏe mạnh, tự do và trưởng thành trong đời sống Kitô hữu.

170. Mặc dù có vẻ tỏ tưởng là việc đồng hành tinh thần phải dẫn đưa người ta càng ngày càng đến gần Thiên Chúa hơn, trong Ngài chúng ta có thể đạt được sự tự do thật. Một số người tin rằng họ được tự do khi bước đi ngoài Chúa, mà không nhận ra rằng mình hiện sinh vẫn là kẻ mồ côi, không nơi nương tựa, không nhà để cư ngụ hay để trở về. Họ không còn là những người hành hương mà trở thành những kẻ lang thang, luôn luôn xoay xở mà không đi đến đâu. Đồng hành với họ sẽ phản tác dụng nếu nó trở thành một loại điêu trị củng cố việc đóng cửa lòng của những con người tận nội tâm của họ và đó không còn là một cuộc hành hương với Đức Kitô về cùng Chúa Cha nữa.

171. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những người nam nữ, là những người từ kinh nghiệm đồng hành của họ, quen thuộc với tiến trình, trong đó đòi hỏi sự thận trọng, khả năng hiểu biết, nghệ thuật chờ đợi, ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần, để tất cả cùng nhau bảo vệ đàn chiên đang trông cậy vào chúng ta, để khỏi bị những chó sói đang tìm cách làm cho nó bị tan tác. Chúng ta cần phải thực hành nghệ thuật lắng nghe, mà lắng nghe khác với nghe. Trong việc giao tiếp với người khác, điều đầu tiên là khả năng của con tim có thể tạo ra sự gần gũi, mà nếu không có nó thì không có cuộc gặp gỡ tinh thần thực sự. Việc lắng nghe giúp chúng ta tìm được những cử chỉ và lời nói thích hợp để kích hoạt tình trạng im lìm của khán giả. Chỉ qua việc lắng nghe cách tôn trọng này và khả năng thông cảm, chúng ta mời có thể tìm thấy những con đường tăng trưởng thật, chúng ta mới có thể đánh thức những ao ước về lý tưởng Kitô giáo, sự nóng lòng đáp trả trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa và ao ước phát triển cách tốt nhất những gì mà Thiên Chúa đã gieo trong cuộc đời họ. Nhưng luôn luôn với sự kiên nhẫn của những người biết điều mà Thánh Tôma dạy: ai cũng có thể có ân sủng và đức ái, nhưng không thi hành tốt các nhân đức “vì những xu hướng ngược lại” [133] vẫn còn tồn tại. Nói cách khác, bản chất hữu cơ của các nhân đức luôn luôn và nhất thiết phải “in habitu” [ở trong thói quen], cho dù các điều kiện có thể cản trở những hoạt động của những thói quen đạo đức này. Vì vậy cần phải có “một phương pháp sư phạm đưa ra cho người ta từng bước một để chiếm hữu toàn thể mầu nhiệm”. [134] Để đạt được một mức trưởng thành, nghĩa là để cho người ta có khả năng quyết định thật sự tự do và có trách nhiệm, thì điều cần thiết là phải có thời gian, và rất kiên nhẫn. Theo lời Chân Phước Phêrô Fabro: “Thời gian là sứ giả của Thiên Chúa.”

172. Những người bạn đồng hành phải ý thức rằng tình trạng của mỗi người trước mặt Thiên Chúa và đởi sống ân sủng của họ là một mầu nhiệm mà không ai có thể hoàn toàn biết được từ bên ngoài. Tin Mừng đề nghị chúng ta sửa chữa và giúp họ tăng trưởng dựa vào việc nhận ra những sự dữ khách quan của những hành động của họ (x. Mt 18:15), mà không phán đoán về trách nhiệm và tội trạng của họ (x. Mt 7:1; Lc 6:37). Trong mọi trường hợp, một người bạn đồng hành tốt không tuân theo thuyết định mệnh hay sự rụt rè. Người ấy luôn mời gọi người khác để cho mình được chữa lành, tự đứng dậy, ôm lấy thập giá, từ bỏ mọi sự, để luôn đi ra một lần nữa để rao giảng Tin Mừng. Kinh nghiệm cá nhân của chúng ta trong việc để cho người khác đồng hành và chăm sóc, trong việc trình bày với tất cả lòng chân thành cuộc đởi của chúng ta trước những người đồng hành với mình, sẽ dạy chúng ta kiên nhẫn và hiểu biết những người khác và cho phép chúng ta tìm cách để đánh thức trong họ sự tin tưởng, mở lòng và sẵn sàng để lớn lên.

173. Việc đồng hành tinh thần đích thực luôn luôn bắt đầu và tiến triển trong lãnh vực phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sự liên hệ giữa Thánh Phaolô với Timôthê và Titô là một thí dụ của việc đồng hành này và việc đào tạo trong tiến trình hoạt động tông đồ. Trong khi ủy thác cho hai ông sứ vụ ngừng lại ở mỗi thành phố để “xắp đặt theo thứ tự những gì còn lại phải được thực hiện” (x. Tit 1:5;. x. 1 Tim 1:3-5), ngài cung cấp cho các ông những tiêu chuẩn cho đời sống cá nhân và cho các hoạt động mục vụ. Tất cả điều này rõ ràng khác biệt với bất cứ loại đồng hành tư tình hoặc tự mãn tự cô lập nào. Các môn đệ truyền giáo đồng hành với các môn đệ truyền giáo.

Về Lời Chúa

174. Không chỉ có bài giảng phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Tất cả việc Phúc Âm hóa được thiết lập dựa trên sự lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa. Thánh Kinh là nguồn mạch của việc Phúc Âm hóa. Vì vậy, chúng ta phải liên tục được đào luyện trong việc lắng nghe Lời Chúa. Hội Thánh không rao giảng Tin Mừng nếu không liên tục để cho mình được Phúc Âm hóa. Điều quan trọng là Lời Chúa “càng ngày càng trở nên trung tâm của mọi hoạt động của Hội Thánh”. [135] Lời Chúa được ghe và được cử hành, đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể nuôi dưỡng và củng cố nội tâm các Kitô hữu và làm cho họ có khả năng làm nhân chứng đích thực cho Tin Mừng trong cuộc sống hàng ngày của họ. Chúng ta giờ đây đã vượt qua sự đối chọi xưa kia giữa Lời Chúa và Bí Tích. Lời Chúa được công bố, linh nghiệm và hiệu quả, chuẩn bị cho việc tiếp nhận các Bí Tích, và trong Bí Tích Lời này đạt hiệu quả tối đa của nó.

175. Việc học hỏi Thánh Kinh phải là một cánh cửa mở ra cho tất cả các tín hữu. [136] Điều thiết yếu là Lời được mặc khải phải phong phú hóa cách triệt để việc dạy giáo lý của chúng ta và tất cả những nỗ lực để truyền thụ đức tin. [137] Việc Phúc Âm hóa đòi hỏi chúng ta phải làm quen với Lời Chúa, và điều này đòi buộc các giáo phận, các giáo xứ và các nhóm Công Giáo đề ra một chương trình học hỏi Thánh Kinh nghiêm túc và kiên trì, cũng như thúc đẩy việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đồng. [138] Chúng ta không còn phải tìm kiếm bằng cách mò mẫm trong bóng tối, chúng ta cũng không còn phải chờ đợi Thiên Chúa nói với mình trước, bởi vì thực sự “Thiên Chúa đã nói, và không còn gì chúng ta cần phải biết mà chưa được mặc khải cho chúng ta”. [139] Chúng ta hãy đón nhận kho báu cao siêu của Lời được mặc khải.

(còn tiếp)

http://giaoly.org/vn/
---------------------------------

Notes:

[77] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia (6 November 1999), 19: AAS 92 (2000), 478.

[78] Ibid, 2: AAS 92 (2000), 451.

[79] Cf. Propositio 4.

[80] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 1.

[81] Meditation during the First General Congregation of the XIII Ordinary General Assembly of the Synod of Bishops (8 October 2012): AAS 104 (2012), 897.

[82] Cf. Propositio 6; SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 22.

[83] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 9.

[84] Cf. THIRD GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Puebla Document, 23 March 1979, Nos. 386-387.

[85] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 36.

[86] Ibid, 25.

[87] Ibid, 53.

[88] JOHN PAUL II, Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 40: AAS 93 (2001), 295.

[89] Ibid.

[90] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Redemptoris Missio (7 December 1990), 52: AAS 83 (1991), 300; cf. Apostolic Exhortation Catechesi Tradendae (16 October 1979) 53: AAS 71 (1979), 1321.

[91] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Oceania (22 November 2001), 16: AAS 94 (2002), 383.

[92] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Africa (14 September 1995), 61: AAS 88 (1996), 39.

[93] SAINT THOMAS AQUINAS, S. Th. I, q. 39, a. 8 cons. 2: “Without the Holy Spirit who is the bond of both, one cannot understand the connecting unity between the Father and the Son”; cf. I, q. 37, a. 1, ad 3.

[94] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Oceania (22 November 2001), 17: AAS 94 (2002), 385.

[95] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia (6 November 1999), 20: AAS 92 (2000), 478-482.

[96] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 12.

[97] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Fides et Ratio (14 September 1998), 71: AAS 91 (1999), 60.

[98] THIRD GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Puebla Document, 23 March 1979, 450; cf. FIFTH GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 264.

[99] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia (6 November 1999), 21: AAS 92 (2000), 482-484.

[100] No. 48: AAS 68 (1976), 38.

[101] Ibid.

[102] Opening Address of the Fifth General Conference of the Latin American and Caribbean Bishops (13 May 2007), 1: AAS 90 (2007), 446.

[103] FIFTH GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 262.

[104] Ibid., 263

[105] Cf. SAINT THOMAS AQUINAS, S. Th., II-II, q. 2, a. 2.

[106] FIFTH GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 264.

[107] Ibid.

[108] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 12.

[109] Cf. Propositio 17.

[110] Cf. Propositio 30.

[111] Cf. Propositio 27.

[112] JOHN PAUL II, Apostolic Letter Dies Domini (31 May 1998), 41: AAS 90 (1998), 738-739.

[113] PAUL VI, Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 78: AAS 68 (1976), 71.

[114] Ibid.

[115] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 26: AAS 84 (1992), 698.

[116] Ibid., 25: AAS 84 (1992), 696.

[117] SAINT THOMAS AQUINAS, S. Th. II-II, q. 188, a. 6.

[118] PAUL VI, Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 76: AAS 68 (1976), 68.

[119] Ibid., 75: AAS 68 (1976), 65.

[120] Ibid., 63: AAS 68 (1976), 53

[121] Ibid., 43: AAS 68 (1976), 33

[122] Ibid.

[123] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 10: AAS 84 (1992), 672.

[124] PAUL VI, Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 40: AAS 68 (1976), 31.

[125] Ibid., 43: AAS 68 (1976), 33.

[126] Cf. Propositio 9.

[127] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 26: AAS 84 (1992), 698.

[128] Cf. Propositio 38.

[129] Cf. Propositio 20.

[130] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIl, Decree on the Means of Social Communication Inter Mirifica, 6.

[131] Cf. De Musica, VI, 13, 38: PL 32, 1183-1184; Confessiones, IV, 13.20: PL 32, 701.

[132] BENEDICT XVI, Address for the Screening of the Documentary “Art and Faith” – Via Pulchritudinis (25 October 2012): L’Osservatore Romano (27 October 2012), 7.

[133] S. Th., I-II, q. 65, a. 3, ad 2: “propter aliquas dispositiones contrarias”.

[134] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia (6 November 1999), 20: AAS 92 (2000), 481.

[135] BENEDICT XVI , Post-Synodal Apostolic Exhortation Verbum Domini (30 September 2010), 1: AAS 102 (2010), 682.

[136] Cf. Propositio 11.

[137] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 21-22.

[138] Cf. BENEDICT XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Verbum Domini (30 September 2010), 86-87: AAS 102 (2010), 757-760.

[139] BENEDICT XVI, Address during the First General Congregation of the Synod of Bishops (8 October 2012): AAS 104 (2012), 896.
 
Hàng trăm ngàn Kitô hữu chạy trốn cuộc thanh trừng tôn giáo tại Trung Phi. Đức Giáo Hoàng gặp tổng thống Congo.
Đặng Tự Do
14:49 09/12/2013
Cộng Hoà Trung Phi
Quân Hồi Giáo Séléka
Quân Hồi Giáo Séléka trên đường phố Bangui
Quân Pháp tăng viện tại phi trường Bangui
Quân Pháp được tăng viện
Sáng thứ Hai 9 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Cộng hòa Congo là ông Denis Sassou Nguesso tại Điện Tông Tòa của Vatican. Cuộc gặp gỡ này có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt xét vì những gì đang diễn ra tại nước lân bang là Cộng hòa Trung Phi.

Tháng Ba vừa qua phong trào Hồi Giáo cực đoan Séléka cướp chính quyền tại Cộng hòa Trung Phi sau cuộc đảo chính lật đổ tổng thống hợp hiến là ông François Bozizé. Phong trào này lập tức tăng tốc một cuộc thanh trừng tôn giáo trên quy mô toàn quốc nhằm Hồi Giáo hóa toàn đất nước.

Trong bản tin đánh đi hôm Chúa Nhật 8 tháng 12, thông tấn xã AP ghi nhận 40,000 Kitô hữu đang trốn trong Trung Tâm Truyền Giáo Bossangoa của Giáo Hội Công Giáo dưới sự bảo vệ của 400 quân nhân của quân đội Pháp. Bossangoa là một thành phố nhỏ ở phía Tây nước này nơi bình thường chỉ có 35,000 dân sinh sống.

Tổng thống Pháp hứa tăng quân Pháp trong vùng lên 1,600. Trong khi đó, 2,500 quân nhân thuộc Liên Hiệp Phi Châu cũng đang được điều tới thủ đô Bangui nơi một linh mục nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc là có 5,000 người đang trốn trong nhà thờ của ngài và các thành viên Séléka sẵn sàng bắn chết bất cứ Kitô hữu nào chúng bắt được trên đường phố.

Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga của tổng giáo phận thủ đô Bangui ước lượng phải có đến hàng trăm ngàn các Kitô hữu đang phải tản cư.

Đức Thánh Cha đã có cuộc hội kiến riêng với tổng thống Denis Sassou Nguesso trong thư viện Giáo Hoàng về những gì đang diễn ra trong khu vực. Hai vị cũng đã đề cập đến mối quan hệ giữa hai nước, cũng như vai trò của Giáo Hội ở Congo, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.

Sau cuộc tiếp kiến riêng, tổng thống Congo đã giới thiệu với Đức Thánh Cha phái đoàn của mình, trong đó có các vị Bộ trưởng và Đại sứ Congo cạnh Tòa Thánh.

Tổng thống đã tặng Đức Giáo Hoàng đã hai tạp chí về địa lý chính trị Phi Châu, trong đó có những bài ông viết về một phương thế phát triển bền vững và an ninh ở châu Phi. Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đã cho tặng tổng thống một huy chương triều đại giáo hoàng của Ngài.
 
Cuốn sách đầu tiên viết về Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đặng Tự Do
23:57 09/12/2013
Theo truyền thống, các vị Giáo Hoàng thường không chấp nhận các cuộc phỏng vấn. Nhưng linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro đã phá vỡ ước lệ ấy thành công trong cuộc phỏng vấn được Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho tạp chí "American Magazine", một ấn phẩm của Dòng Tên tại Hoa Kỳ.

Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp nhận. Cuộc phỏng vấn đã phác thảo ra những ưu tiên hàng đầu của Đức Tân Giáo Hoàng trong việc loan báo Tin Mừng và cải cách hệ thống quản trị của Giáo Hội.

Cha Antonio Spadaro, là Giám Đốc Civilttà Cattolica, cho biết như sau:

"Đức Giáo Hoàng nhẹ nhàng từ tốn, nhưng ngài cũng giống như một ngọn núi lửa. Khi nói, ngài không theo một cuộc trò chuyện thẳng thừng, thay vào đó khi lên khi xuống. Đầu tiên ngài tung ra một cái gì đó để thách đố bạn, sau đó, ngài lại tiếp tục tung ra những thách đố khác. Thành ra, để sản phẩm cuối cùng có ý nghĩa bạn phải xâu tất cả lại với nhau và trình bày lại toàn bộ cuộc đối thoại. Phỏng vấn ngài không thể thực hiện theo dạng thức những câu hỏi và trả lời đơn giản."

Nội dung cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha giờ đây được viết thành sách với nhan đề “My Door is Always Open” – Cánh cửa của tôi lúc nào cũng rộng mở.

Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga, một trong 8 vị Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha cho biết như sau:

"Tựa đề của cuốn sách đã nói rất nhiều về thái độ của Đức Giáo Hoàng. Với Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, cụm từ chính của ngài là : ‘Đừng sợ’. Đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 là ‘Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô’ và bây giờ với Đức Thánh Cha Phanxicô đó là ‘Cánh cửa của tôi lúc nào cũng rộng mở’"

Cha Antonio Spadaro nói thêm:

"Khi viết và xuất bản cuộc phỏng vấn này, tôi nhận thấy rằng vẫn còn rất nhiều việc phải nói. Tôi thấy cần chia sẻ những điều tôi đã do dự chưa muốn xuất bản, vì rất khó để giải thích."

Cuộc phỏng vấn đã được thực hiện trong ba buổi chiều hồi vào tháng Tám. Đó là khoảng thời gian khi Đức Giáo Hoàng đang chuẩn bị cho tông huấn đầu tiên của Ngài.

Vì đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên của Đức Giáo Hoàng, cho nên trong buổi ra mắt cuốn sách người ta thấy đông đủ rất nhiều vị như cha Fabian Padacchio, người Á Căn Đình, là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng và Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
 
Top Stories
Pope venerates Immaculate Conception statue
Vatican Radio
12:25 09/12/2013
2013-12-08 Vatican - Following a tradition laid out by his predecessors, Pope Francis celebrated the Feast of the Immaculate Conception by travelling to Piazza di Spagna where he venerated the statue named for the Marian Feast.

The celebration began with a reading from the book of Revelation in which Mary is described as a “woman, clothed with the sun, with the moon beneath her feet, and around her head a crown of twelve stars” (Rev. 12:1). The Holy Father then recited a prayer to the Immaculate Conception, in which he asked Our Lady to “awaken in us a renewed desire for holiness,” and to “make present all of the Gospel’s beauty” in our lives. He went on to ask Mary’s intercession in helping us remain attentive to the Lord’s voice, and to never be indifferent to the cry of the poor, the sick, the elderly, of children, and every human life. Before taking leave of the Piazza, the Holy Father greeted the sick and disabled who had gathered in the Square for the celebrations.After the celebrations, Pope Francis paid a visit to the Basilica of Saint Mary Major where he said a private prayer before the image of Our Lady Salus Populi Romani.

The statue of the Immaculate Conception, venerated by the Holy Father this Sunday, was consecrated on December 8, 1857 several years after the dogma which states that Mary was conceived without the stain of original sin was adopted by the Church. It has since become a tradition for the Pope to venerate the statue each year on December 8 as part of the celebrations for the Marian feast.
 
The path of peace in the Middle East
L’Osservatore Romano
12:26 09/12/2013
2013-12-10 - On Monday, 9 December, the Holy Father celebrated Mass with the Patriarch of Alexandria for the Copts, Ibrahim Isaac Sidrak, on the occasion of the public manifestation of the Ecclesiastica Communio between the Patriarch and the Successor of Peter.Following his acceptance of canonical election, the Patriarch asked and obtained from Benedict XVI Ecclesiastica Communio with the Bishop and the Church of Rome.

This morning at Holy Mass, through the simple yet evocative Exchange of the Sacred Species between the Pope and the Patriarch, the public signification of their communion was fulfilled. The act affirmed that the bond of communion between all of the Churches and the Successor of Peter is rooted in the Holy Eucharist. In his homily, the Pope expressed his joy in the occasion, and he wished to emphasize the importance of their making the journey which leads to an encounter with the Lord together, of their “finding and creating paths of encounter, paths of brotherhood, paths of peace” that bring division and enmity to an end, for a future of peace in the Holy Land and in the entire Middle East.

The Pontiff also turned his thoughts to the “beloved land Egyptian” whose people are experiencing insecurity and violence, sometimes on account of their Christian faith, and he made an appeal that “the religious liberty” of all people be guaranteed, in order that Christians might live peacefully in the land where they were born.
 
Thailande: Violences et espoirs d’apaisement dans les provinces du Sud
P. Aristide Camio, MEP / Eglises d'Asie
16:13 09/12/2013
Loin des tensions politiques qui agitent Bangkok depuis plusieurs semaines, la situation dans le Sud thaïlandais est passée au second plan de l’actualité thaïlandaise. En février dernier, un accord a pourtant été conclu, sous l’égide du gouvernement malaisien, entre Bangkok et une organisation du Sud thaïlandais. Cet accord, concernant une région en proie à une guerre larvée depuis 2004, ouvre la voie à des pourparlers de paix. S’il est fragile et n’augure pas d’une paix immédiate entre insurgés malais musulmans et forces gouvernementales thaïlandaises, ce document laisse cependant entrevoir une issue au conflit.

Retour sur les racines profondes d’un conflit très meurtrier et pourtant peu visible hors des trois provinces du Sud de la Thaïlande où il se déroule.

Un cliché connu de tous : la Thaïlande est « le Pays du Sourire »... et il est vrai que les étrangers sont frappés par cette gentillesse et cette amabilité dont font preuve les Thaïlandais à leur égard. Cependant, il est une minuscule partie du pays où ce sourire est plutôt crispé, voire remplacé par des pleurs, causés par une violence quasi quotidienne : ce sont les trois provinces du sud, frontalières avec la Malaisie (1). Là-bas, loin de Bangkok, statistiquement, on compte environ trois incidents graves par jour, avec son cortège de morts, 5 235 depuis 2004, et de blessés 9 704 (Deep South Watch, 1er sept. 2013).

Il s’y trame, dans ce qui a été le sultanat de Pattani (Patani), entre le pouvoir central et une minorité musulmane, une lutte sourde pour la reconnaissance de la différence au sein de ce qui fut jusqu’en 1939 le Siam et qui a pris par la suite le nom de Thaïlande. L’enjeu de ce conflit concerne la reconnaissance par le pouvoir à Bangkok de l’existence d’une communauté qui résiste à l’assimilation pure et simple au milieu dominant vu comme thaï et bouddhiste. Cette minorité revendique le droit de parler une langue différente, un dialecte malais, d’avoir une religion différente, musulmane, d’avoir une vie régie par la loi musulmane, d’être enracinée dans une culture autre, d’origine malaise.

Des révoltes, il y en a toujours eu dans cette région depuis que, dès le XVème siècle, elle est tombée dans l’orbite de ce qui deviendra la Thaïlande. S’il est marqué par la violence quotidienne, le conflit actuel possède deux caractéristiques remarquables :
- Il est strictement localisé dans les trois provinces du sud. Ce mouvement n’a jamais perpétré d’attentats ou d’attaques contre l’armée ni contre les représentants du pouvoir central dans d’autres régions ou dans des sites touristiques internationalement connus comme Phuket, Krabi ou Ko Samui, par exemple, pourtant situés, eux aussi, dans la partie sud du pays, et fréquentés par les 22 millions de touristes qui visitent annuellement le pays. De ce fait, il ne semble pas qu’il s’agisse d’un conflit visant à détruire l’Etat thaïlandais mais bien plutôt d’une réaction de défense violente contre ce qui est perçu comme une assimilation indue et imposée.
- Autre trait que les observateurs, et même des membres importants du Conseil de sécurité nationale aiment à souligner, ce mouvement n’est lié à aucun djihad islamiste international, comme c’est le cas dans d’autres pays d’Afrique ou du Moyen-Orient par exemple (Joshua Kurlantzick, in The National, 12 décembre 2012)

De quoi s’agit-il donc ? On pourrait considérer ce mouvement comme celui d’une minorité qui, dans le contexte d’une société thaïe hégémonique, cherche à préserver son identité culturelle, linguistique, religieuse et coutumière, probablement non dans le cadre d’une sécession pure et simple, mais plutôt dans celui d’une structure politique, encore à définir, qui lui garantirait sa différence. Quant au caractère violent de ce conflit, il proviendrait de la réaction des musulmans de ces trois provinces, exaspérés par ce qu’ils considèrent comme une agression contre leur identité et par l’approche militaro-policière dont ce mouvement de contestation fait l’objet au quotidien (2).

Si la situation semblait se dégrader et paraissait même bloquée ces dernières années, il est à noter que le gouvernement thaïlandais actuel tente de sortir de l’impasse que représente l’approche qui privilégie l’aspect sécuritaire et répressif. Celui-ci a, en effet, en 2013, ouvert des pourparlers avec un parti qui représente historiquement le mouvement de revendication des provinces du sud : le Barisan Revolusi Nasional (BRN, Front national révolutionnaire). Ces pourparlers se déroulent en Malaisie, le gouvernement de ce pays ayant accepté de jouer le rôle de « facilitateur ». Ils ont pour but, évidemment, d’instaurer, à terme, la paix dans ces trois provinces.

L’ouverture de ces pourparlers marque assurément un changement d’attitude du pouvoir de Bangkok vis-à-vis de ces provinces rétives. Elle marque aussi, si le processus se déroule comme prévu, l’entrée des parties concernées dans un long processus de démilitarisation progressive, au profit d’une approche plus politique du contentieux existant. Le fait de s’asseoir à une même table implique en effet la reconnaissance de la partie adverse comme interlocuteur et donne ainsi une chance à la paix, même si la conclusion de celle-ci reste encore bien imprécise.

Il faut être bien conscient que rien n’est encore joué. Certains groupes musulmans du Sud non représentés à ces pourparlers, mais impliqués dans les violences, ont fait savoir que le gouvernement thaïlandais s’adressait à des interlocuteurs non représentatifs de la réalité et ont promis d’augmenter les violences (Bangkok Post, 24 juin 2013). Du côté thaïlandais, l’armée acceptera-t-elle de rester en quelque sorte en retrait et de passer la main aux politiques ? Quant aux nationalistes, représentés ces dernières années par les « Chemises Jaunes », très sourcilleux sur les questions de souveraineté (voir le contentieux frontalier avec le Cambodge), sauront-ils faire preuve d’ouverture au profit de la paix ? Finalement, tout dépendra de la volonté politique de trouver un compromis acceptable pour les parties impliquées dans ce qui a pris, depuis 2004, le caractère d’un conflit sanglant.

Les quelques éléments suivants permettront de mieux comprendre comment cette résistance des musulmans du Sud est intriquée dans l’histoire et l’évolution de l’ancien Siam vers la Thaïlande moderne.

Le Sultanat de Pattani

Le commerce avec la Chine, il y a de cela des siècles, empruntait la route dite « de la soie », voie terrestre d’échanges commerciaux entre l’Europe et surtout le Moyen-Orient et ce pays. Mais il existait une autre route connue des arabes depuis l’Antiquité : la route maritime qui passait par le détroit de Malacca entre la péninsule malaise et les îles qui formeront au XXème siècle l’Indonésie. Cette route ne fut utilisée par les Européens qu’à partir du début du XVIème siècle (3).

En 1511, les Portugais s’emparent de Malacca, déjà sous le contrôle des Siamois depuis 1459, tout comme des autres principautés de la péninsule malaise, mais à l’exception de Johore, à l’extrême sud. En 1516, le Portugal signe un traité avec le royaume de Siam. Ce dernier reconnaît la souveraineté du Portugal sur Malacca et permet l’installation de commerçants portugais dans les principautés malaises, dont Pattani, qui se trouvent alors dans la zone d’influence d’Ayutthaya, capitale du Siam.

Deux faits vont marquer durablement les relations entre Pattani et le royaume du Siam. Pattani devient musulman en 1457 et, quelques années plus tard, doit faire allégeance à Ayutthaya. D’une part, c’est la première fois que le monde bouddhiste thaï et le monde musulman malais se rencontrent. D’autre part, selon Michel Gilquin, la compréhension et le fonctionnement du système d’allégeance est à l’origine d’un malentendu qui perdure jusqu’à présent : pour les musulmans, « c’est bien d’une vassalité toute formelle dont il s’agit, qui, en échange d’un tribut (des fleurs en or) leur ouvrira des possibilités de négoce. Il s’agit d’acheter les bonnes grâces du roi du Siam pour protéger leurs cités mais non de reconnaître son autorité, temporelle bien sûr, et encore moins spirituelle » (Les Musulmans de Thaïlande, de Michel Gilquin, L’Harmattan - Irasec, p. 20). Ce système d’allégeance permettait, en effet, aux élites locales, en échange de leur loyauté à la personne du souverain du Siam, de continuer à diriger leur principauté (Thaïland’s Political History, de B.J. Terwiel ; éd. River Books, Bangkok, p. 44). Pattani avait, par ailleurs, fait aussi allégeance à l’empereur de Chine…

Cette situation perdure jusqu’à 1767, année où Ayutthaya, capitale du royaume de Siam, est prise et détruite par les Birmans. Les sultanats malais en profitent pour s’émanciper, mais en 1786, Pattani retombe sous la tutelle des Siamois. En 1816 et en 1832, Pattani se révolte, mais ces mouvements sont réprimés. Finalement, son territoire sera divisé en provinces dirigées par des gouverneurs nommés par Bangkok, nouvelle capitale du royaume. Le processus d’intégration est en route.

Le Siam dans la tourmente de l’expansion coloniale du XIXème siècle

Ce siècle voit l’irruption des puissances coloniales, essentiellement anglaise et française, sur la scène du Sud-Est Asiatique. Le Siam en fera les frais, mais parviendra à sauvegarder son indépendance. La France occupe tous les territoires siamois situés sur la rive gauche du Mékong et au-delà, sur la rive droite, à l’ouest de Luang Prabang et au sud vers la frontière du Siam-Cambodge. Ces territoires formeront le Laos. Le Cambodge se met sous le protectorat de la France pour échapper à la domination du Siam qui y perd deux provinces disputées dont celle de Siemréap où se trouve le site d’Angkor. La Grande-Bretagne, déjà présente en Birmanie, s’approprie les sultanats de la péninsule malaise. Au total, si les Anglais amputent le royaume siamois de 51 200 km², les Français s’en adjugent 467 500 km² (Gilquin, p. 95, note).

Que deviendra Pattani situé à la frontière des mondes malais et siamois ? Par l’accord anglo-siamois de 1909, Pattani reste siamois, mais en contrepartie, le Siam renonce à creuser un canal dans l’isthme de Kra, large de 42 kilomètres, canal qui aurait relié l’océan Indien à la mer de Chine. En clair, les Anglais font cadeau de Pattani au royaume du Siam pour garder le contrôle des routes commerciales qui passent par le détroit de Malacca, grande voie maritime reliant l’Extrême-Orient à l’Occident.

L’habileté des souverains siamois Rama IV (1851-1868) et Rama V (1868-1910) à jouer des rivalités franco-anglaises leur permet de sauvegarder l’indépendance du Siam, avec d’ailleurs, il faut le remarquer, la connivence des puissances coloniales : l’accord franco-anglais de 1896 fait du Siam un Etat tampon, ce qui évitera aux puissances coloniales de s’affronter directement. Quant au royaume de Siam, il existe dorénavant dans des frontières reconnues par les deux grandes puissances de l’époque, la France et la Grande-Bretagne. Le problème de Pattani devient de ce fait un problème de politique intérieure : la région est insérée dans l’ensemble hégémonique thaï mais est-elle pour autant intégrée ?

La clairvoyance des souverains leur a aussi fait prendre conscience que pour résister aux puissances coloniales en expansion, il leur fallait changer le système de gouvernement.

Changer pour subsister

Commencée sous Rama IV, la réforme du système de gouvernement sera menée à bien sous Rama V avec l’aide d’experts étrangers de diverses origines. Parallèlement des jeunes seront envoyés se former à l’étranger, spécialement en Europe où ils découvriront un autre monde. Le système d’allégeance personnelle au roi et le gouvernement par les élites locales des régions dépendantes du royaume sont abandonnés au profit d’une administration centralisée. Un corps de fonctionnaires et une armée de métier sont créés. Des routes et un réseau de chemin de fer voient le jour qui faciliteront l’intégration progressive des diverses provinces au royaume. Plus important peut-être, le dialecte thaï parlé dans la plaine centrale devient la langue de l’administration et est enseignée par un réseau d’écoles officielles au détriment des autres dialectes thaïs ou autres utilisés ailleurs dans le royaume. En résumé, une transformation en profondeur du Siam est en route pour répondre aux nouveaux défis imposés par l’irruption de la France et de la Grande-Bretagne dans la région.

Le Siam à la recherche d’une identité

Dans la recherche et l’imposition d’une identité à l’ensemble du pays, la langue et l’école vont jouer un rôle de première importance. Les pagodes, dans les milieux bouddhistes, et les « pondoks » (écoles musulmanes), dans les régions du Sud, étaient traditionnellement des centres de transmission de la religion, de la culture, d’une vision du monde, de valeurs et de l’écriture. L’apparition d’un réseau d’écoles dépendant du gouvernement central leur fait perdre cette fonction fondamentale d’enseignement de l’écriture. Qui plus est, ces écoles vont jouer un rôle de premier plan pour l’imposition d’une langue commune et de nouvelles valeurs qui peu à peu vont modeler l’identité du pays : la personne du roi, la religion bouddhiste et la nation, « thaïe » évidemment. La « thaïcisation » de la société est en cours.

A ce point, il est nécessaire de se demander si les habitants du royaume du Siam appartenaient tous à l’aire culturelle et linguistique « t’ai » qui déborde largement les frontières du pays – il existe en effet des populations « t’ai » au Nord-Vietnam, au Laos, au sud de la Chine, en Birmanie et jusqu’en Assam. Il serait illusoire de penser que lorsque les Thaïs, au XIIIème siècle, ont commencé à s’infiltrer à partir du sud de la Chine, par les vallées des grands fleuves, le territoire de ce qui deviendra la Thaïlande, était inhabité. Il s’y trouvait des populations autochtones peu nombreuses et éparpillées. Plus tard, au gré des guerres et selon l’habitude à l’époque, des populations de vaincus originaires de Birmanie, du Cambodge ou du Laos seront transférées pour renforcer la main-d’œuvre et la population du pays. Au XIXème siècle, les tribus montagnardes du Laos, appartenant au groupe linguistique austro-asiatique, feront l’objet de razzias et les prisonniers transférés dans le Nord-Est (Thaïland’s Political History, de B. J Terwiel, River Books, Bangkok). Ces populations, hétérogènes et non organisées, parfois bouddhistes mais souvent animistes, devront accepter la « thaïcisation » progressive de la société : l’école, l’administration, la presse, la radio puis la télévision, qui utilisent tous la langue thaïe de la plaine centrale, les migrations internes de paysans à la recherche d’un travail dans les grandes villes en seront les principaux vecteurs. Les différences culturelles régionales, au fil du temps, se voient rangées au rayon folklore... touristiquement exploitable.

Il n’en est pas de même des populations musulmanes autochtones des provinces du Sud qui résistent à l’assimilation. Celles-ci, possédaient une histoire, une religion, une langue, une écriture et appartiennent à une aire culturelle différente. Sous Rama VI (1910-1925) la fermeture des écoles traditionnelles (pondoks) pour promouvoir la langue thaïe, l’imposition d’un comportement thaï et surtout la promulgation d’une loi obligeant tous les citoyens à porter des noms de famille thaïs déclenchent en 1921 une rébellion généralisée dans les provinces du Sud. « Les musulmans ressentent cette obligation comme une dépossession de leur culture. Leur nom se réfère traditionnellement au prophète ou à l’un des 99 attributs d’Allah. En changer, prend alors la signification d’une sorte d’apostasie imposée » (Gilquin, p. 101) En 1923, pour apaiser les esprits et gagner la loyauté des musulmans, se met en place une législation particulière. Les pondoks sont rouverts.

Du Siam à la Thaïlande : la dérive nationaliste (1938-1944)

En 1938, le maréchal Phibunsongkram accède au poste de Premier ministre. Il va théoriser et promouvoir le nationalisme thaï et même glorifier la « race » thaïe, concept à la mode à l’époque. En 1939, Phibun change de nom du pays. De Siam, il devient la Thaïlande, « le pays des Thaïs », auquel sont invitées à se joindre les populations de l’aire culturelle et linguistique « t’ai » des pays environnants... mais aussi des populations khmères, anciennement sous contrôle siamois. Le noyau central de cette idéologie, à savoir la « thaïcisation » du pays, sera plus tard repris par les gouvernements militaires qui se succéderont jusqu’au début des années 2000.

Dans le sud, à l’époque, cela s’est traduit par de nouvelles pressions : « usage obligatoire de la langue thaïe, manifestation de signes extérieurs de glorification de la nation (salut au drapeau, hymne national etc.) Porter des vêtements malais (sarongs), parler la langue locale, le Yawi, dialecte malais, sont interdits. Et certaines célébrations musulmanes en public ne sont plus autorisées » (Gilquin, p. 104).

Allié des japonais, mais non officiellement en guerre avec les Etats-Unis – l’ambassadeur thaïlandais à Washington refusa de remettre la déclaration de guerre ! –, la Thaïlande, de connivence avec l’occupant japonais, administre brièvement à nouveau plusieurs sultanats du nord de la Malaisie. Des maquis antijaponais apparaissent dans le sud. A cause de ces maquis, les populations locales se mettent à rêver d’indépendance ou de rattachement à la Fédération de Malaisie. Espoir déçu. Contre, semble-t-il, l’avis des Britanniques, les Etats-Unis, grands vainqueurs de la guerre, en décident autrement. L’ancien sultanat de Pattani continue à faire partie de la Thaïlande : l’accord anglo-thaï de 1946 officialisera cette décision. Les musulmans se replient sur leurs valeurs traditionnelles et la religion.

1947 - Une occasion manquée : les sept demandes formulées par Haji Sulong

A la fin de la guerre, le Premier ministre Phibunsongkhram est remplacé par Pridi Banomyong, un des mentors du coup d’Etat de1932 qui mit fin à la monarchie absolue. Il fut régent entre 1942 et 1946 et antijaponais. Il était préoccupé par la possibilité de voir les provinces du Sud être de nouveau réunies à la Malaisie. Quant à Haji Sulong, respecté dirigeant musulman du Sud, il entretenait de bonnes relations avec Pridi.

En résumé, celui-ci, en échange de la loyauté des musulmans du Sud envers la nation et l’Etat thaïlandais, aurait été prêt à envisager la création d’une région autonome dans les provinces frontalières. Une pétition fut présentée par Haji Sulong en 1947. Selon Thanet Aphornsuwan, « les demandes étaient le résultat de négociations entre les deux parties : le représentant du gouvernement thaïlandais et les leaders musulmans de Pattani. Le document, par conséquent, était fondé sur un accord préliminaire et remis au gouvernement central pour examen » (Policies of the Thaï State towards the Malay Muslim South, de Arnaud Dubus et Sor Rattanamanee Polkla, Irasec, Bangkok, p. 17)

Bien qu’ancien, et sans doute, par certains aspects, à revoir, ce document est intéressant car il formule des demandes que les négociations actuellement en cours ne sauraient ignorer :
- la nomination d’un gouverneur, natif de la région, avec pleins pouvoirs sur les fonctionnaires de ces provinces ;
- que 80 % des fonctionnaires soient des musulmans ;
- que la langue yawi, dialecte malais local, soit reconnue comme langue officielle à côté du thaïlandais.
- que l’enseignement du primaire soit donné en malais ;
- que la loi musulmane soit reconnue et appliquée par des tribunaux islamiques distincts des tribunaux civils thaïs où un juge musulman siège en tant qu’assistant ;
- que les impôts collectés dans ces provinces soient utilisés sur place ;
- l’établissement d’un Bureau des Affaires musulmanes, avec pleins pouvoirs, sous l’autorité du gouverneur élu. (Dubus, p. 16)

L’éviction de Pridi et le retour de Phibun au pouvoir fait échouer le plan que ce dernier considère comme sécessionniste et attentatoire à l’intégrité de la nation. Après l’insurrection dite de Duson Nyor en 1948 (de 100 à 400 villageois et 30 policiers tués dans la province de Narathiwat), Haji Sulong fut emprisonné. Il fut arrêté de nouveau en 1954 et disparaîtra, sans doute éliminé. Sous la pression internationale, la liberté de culte est rétablie et garantie, et l’enseignement de la langue malaise introduite dans les écoles primaires.

Après l’échec de cette tentative d’accord et les événements de Duson Nyor, « le ressentiment accumulé, l’expérience que presque tous les postes de direction dans l’administration provinciale étaient occupés par des officiels thaïs bouddhistes en vertu des règles en vigueur dans l’administration, a donné naissance à une nouvelle manière, pour les musulmans malais, d’affirmer leur identité : l’essor de mouvements de guérilla à partir de 1959 » (Dubus, p. 23).

Vers un apaisement des tensions ?

Pendant la guerre du Vietnam, la guérilla des musulmans du Sud n’était pas la seule à exister sur le sol thaïlandais. D’autres, communistes celles-là, fleurirent sur les autres frontières du pays. Après la répression sanglante de leur mouvement à Bangkok en octobre1973, beaucoup d’étudiants y trouvèrent d’ailleurs refuge. Une politique d’amnistie qui visait « à persuader les terroristes à se rendre et à conjuguer leurs efforts pour développer la Nation thaïlandaise » (Dubus, p. 48), fut initiée en 1975 sous le gouvernement de Kukrit Pramoj. Elle sera surtout mise en œuvre avec succès par le Premier ministre Prem Tinsulanonda dans les années 1980. Les guérillas communistes abandonnent la lutte armée. C’est donc dans ce contexte plus large de réconciliation nationale qu’il faut comprendre l’affaiblissement progressif de la guérilla dans les provinces musulmanes du Sud : « En 1982 et 1983, 450 guérilleros se rendent à l’armée thaïlandaise » (Gilquin, p. 118).

Cette politique sera complétée par la création par le même général Prem du « Southern Border Provincial Administrative Center » : le SBPAC. Cette agence gouvernementale, localisée à Yala dans le sud, et donc facilement accessible à tous, avait pour mission, entre autres, de superviser les activités des fonctionnaires et de réduire les griefs des musulmans envers ces mêmes fonctionnaires, la police et l’armée et de développer la région. Un climat plus serein s’instaure petit à petit entre les autorités et la population locale. « A partir des années de la mi-80, les groupes d’insurgés n’étaient plus capables de lancer de grandes attaques contre les autorités et se tournèrent vers le banditisme » (Dubus, p. 49). Il est porté au crédit des diverses activités de cette agence, « la relative tranquillité existant dans la région entre la mi-80 et le commencement des années 2000 » (Dubus, p. 33).

2004 - Nouvelle explosion de la violence

Le document sur la Politique de sécurité nationale pour la période 1999-2003, concernant les provinces du Sud, apporte des nouveautés. On y note la nécessité de considérer et de prendre en compte les différences culturelles. Alors qu’auparavant les différences culturelles étaient vues comme des facteurs potentiels de sécession, le document appelle « tous à prendre conscience de la valeur de la diversité culturelle, comme une source de pouvoir et de sagesse qui aide à promouvoir la sécurité, la paix et un développement soutenu » (Dubus, p. 53). Il y est aussi écrit : « Tous ceux qui vivent dans cette région devraient être capables, en tant que musulmans, de vivre en paix et dans l’unité au sein de la société thaïe. » En fait, le Conseil de sécurité nationale avait mis sur pied un groupe de réflexion formé d’universitaires pour changer l’approche des problèmes du Sud. La nouveauté est ainsi formulée par Mark Tamthai : « Que ce qui fasse que la population se sente en sécurité soit le point de départ de la politique, et non ce qui rend l’Etat plus fort dans le Sud » (Dubus, p. 52)

Si la position officielle évolue, les éléments les plus attachés à la spécificité religieuse et culturelle du sud ne sont pas en reste. Personne, semble-t-il, ne s’est rendu compte que des leaders religieux recrutaient patiemment dans les collèges privés musulmans une nouvelle génération de militants par le biais de l’enseignement, de la discussion sur la culture malaise et l’histoire de la résistance séculaire de la population de Pattani. Certains éléments, les plus révoltés par l’oppression des malais musulmans par les thaïs bouddhistes, étaient invités à s’engager eux-mêmes « pour la libération de la terre musulmane » de la présence des bouddhistes. Qui plus est, ceux-ci furent invités à créer des cellules dans leur milieu de vie. Ces cellules fonctionneraient de façon autonome, sans stricte coordination avec les chefs de la résistance basés dans le Nord de la Malaisie (Dubus, p. 57).

Deux incidents, en 2004, vont mettre le feu aux poudres. Le premier dit de « la mosquée de Krue Se » verra 107 militants et cinq membres des forces de l’ordre y laisser la vie. En octobre de la même année, à l’occasion d’une manifestation de villageois à l’extérieur du poste de police de Tak Bai, les militaires tirent sur la foule et tuent sept manifestants. Des centaines d’autres sont arrêtés et empilés couchés dans des camions. A leur arrivée dans un camp militaire, 78 étaient morts étouffés. Thaksin, ancien colonel de la police, alors Premier ministre, comme dans le cas de la lutte contre la drogue (3 000 morts), opte pour l’approche répressive. Il décrète l’état d’urgence en 2005.

Pour les musulmans du Sud, ces massacres furent interprétés comme un signe de la cruauté de l’Etat envers eux ; et ce, d’autant plus qu’une disposition du décret instaurant l’état d’urgence garantissait l’immunité à tous ceux chargés de le mettre en œuvre pour tout acte commis dans l’exercice de leur mission : la spirale de la violence était enclenchée...

En sont victimes les bouddhistes comme les musulmans dans les attentats aveugles à la moto ou à la voiture piégée dans les grandes villes des trois provinces du sud ; les militaires, représentants de l’ordre et de la répression de l’Etat, sont l’objet d’embuscades ou sont la cible d’engins explosifs improvisés actionnés au passage des véhicules ; de nombreuses écoles gouvernementales, symboles par excellence de la pénétration de la langue, des valeurs et de la culture thaïes, ont été brûlées et doivent fonctionner sous la protection des forces armées – plus de 162 instituteurs de villages y laisseront leur vie. Autres victimes : les chefs de villages et de canton, élus par la population mais aussi interface avec une administration qui souvent ne parle pas la langue locale, sont dans une situation délicate et se transforment aisément en cibles privilégiées. On a même vu dans les journaux des photos de bonzes quêtant leur nourriture quotidienne sous la protection de militaires... en poste dans des pagodes (4).

2013 - Vers une solution négociée ?

Aujourd’hui, il est clair que l’approche sécuritaire a montré ses limites : plus de 60 000 militaires et policiers n’ont pu contrôler une population de quelque deux millions de personnes ni éradiquer les militants. Cela montre bien que la cause qu’ils défendent – cela va du droit à la différence au droit à l’indépendance, selon les tendances – est en résonance avec le désir profond de la majorité de la population : désir, pour le moins, de décentralisation voire d’autonomie, d’une nouvelle politique linguistique à l’école, d’une plus grande participation politique, de l’élaboration d’un modus vivendi entre la loi musulmane et les lois en vigueur en Thaïlande, etc.

D’autres éléments ont pu faire évoluer les mentalités, comme, par exemple, la constitution de l’ASEAN (Association des Nations de l’Asie du Sud-Est) qui rassemble dix pays de langues, de cultures et de traditions religieuses différentes, bouddhiste pour la Birmanie, le Laos, le Cambodge, le Vietnam et la Thaïlande, musulmane pour l’Indonésie, la Malaisie et Brunei, chinoise pour Singapour et même chrétienne pour les Philippines, mais aussi des systèmes politiques très diversifiés : de la monarchie à la démocratie en passant par des systèmes autoritaires, voire communistes. Dans ce contexte élargi, l’existence d’une population en Thaïlande, parlant un dialecte malais, et proche culturellement de la Malaisie et de l’Indonésie, pourrait être vu comme un facteur positif et faciliter les relations avec ces pays. Encore faudrait-il lui donner un statut pleinement reconnu au sein de l’ensemble dominant thaï, ce qui n’est pas le cas aujourd’hui.

De plus en plus de musulmans des provinces du sud savent bien que l’ascension sociale passe par la maîtrise de la langue thaïe... le temps et l’histoire ont fait leur œuvre.

Le gouvernement d’Abhisit Vejjajiva (décembre 2008-juillet 2011) avait montré de l’intérêt pour « une forme spécifique de l’administration » dans les provinces du Sud, mais il dut se résigner à accepter le point de vue des militaires et de beaucoup de Thaïlandais qui y voient une atteinte au caractère unitaire du pays.

Au pouvoir depuis 2011, Yingluck, sœur de Thaksin, détient une majorité absolue au Parlement. Son administration serait partisane d’une nouvelle approche de la question, au point que « quelques politiciens thaïlandais de premier plan et un Vice-Premier ministre ont avancé l’idée d’accorder aux provinces du Sud leur propre gouverneur élu et une autonomie significative » (Joshua Kurlantzick in The National, 20 octobre 2012). On peut douter que l’inspiration vienne de Hongkong et de la Chine (« Un pays, deux systèmes »), formule bien trop radicale. Sans doute, ces politiciens faisaient-ils allusion au statut de « Région administrative spéciale » dont jouissent déjà Bangkok et Pattaya.

Un accord de pourparlers a été signé entre le gouvernement thaïlandais et le BRN (Front national révolutionnaire) en Malaisie au début de 2013 et les rencontres se poursuivent régulièrement depuis. Mais le BRN, fondé en 1960 et rassemblant sous sa bannière à l’occasion des pourparlers neuf mouvements, représente-t-il et contrôle-t-il vraiment tous les insurgés ? La question se pose car il n’est pas le seul à mener la lutte sur le terrain : « On pense qu’il y aurait quelque vingt groupes d’insurgés derrière les attaques, mais aucun n’en revendique la responsabilité » (Al Jazeera, en anglais, 28 mars 2013). On a en fait à faire à une nébuleuse de groupuscules plus ou moins autonomes, ce qui fait dire à Susan Pasuk de Human Rights Watch que « les dirigeants, qui se trouvent en Malaisie, ont créé des monstres qui ne les écoutent plus » (Dubus, p. 57). Sans doute fait-il allusion au RKK (Runda Kumpalan Kecil) que l’on pourrait traduire par « Petites Unités de combat ».

Selon le Bangkok Post (24 juin 2013) ceux qui s’opposent actuellement à la paix se divisent en trois groupes : un premier groupe utiliserait la violence pour se faire reconnaître et imposer leur présence aux pourparlers de paix ; le second comprendrait les tenants d’une position radicale de violence et rejetterait toute forme de pourparlers : le BRN-Coordinate dont dépendraient les RKK. A noter qu’à l’ouverture du ramadan, sont apparues dans le Sud des banderoles peintes portant ces mots dans la langue yawi locale : « Cruels + destructeurs + usurpateurs + diffamateurs = Siamois colonialistes » (Bangkok Post, 10 juillet 2013). Enfin, le troisième comprendrait ceux qui sont impliqués dans le trafic de drogues, la contrebande de carburant ou autres, des hommes en uniforme et ceux qui par calcul politique désirent que la violence continue pour préserver leurs propres intérêts.

2013 - Trêve du ramadan

Cette année, à l’occasion du ramadan, les deux parties se sont mises d’accord sur une trêve des hostilités. Le BRN s’est cependant retiré de cette trêve début août, accusant la partie thaïe de la violer. Les violences ont donc recommencé. Il est néanmoins à noter que le ramadan de cette année est le moins violent depuis la reprise des hostilités en 2004. On a enregistré 86 incidents violents qui ont fait 29 morts et 105 blessés (Deep South Watch, 9 septembre 2013).

Dans un document remis aux autorités thaïlandaises le 4 septembre 2013, le BRN annonce la participation de deux organisations dissidentes supplémentaires aux pourparlers. A en croire le journal The Nation, il y définit clairement ses positions :
- que les membres du BRN soit reconnus comme « libérateurs » et non comme « séparatistes » ;
- que la Malaisie passe du statut de facilitateur à celui de médiateur ;
- que des observateurs de l’ASEAN, de l’Organisation de la Conférence islamique et des ONG soient présents aux pourparlers ;
- qu’un type d’administration spéciale « under the Thai Constitution » soit mise en place ;
- que les suspects détenus et les insurgés emprisonnés soient libérés inconditionnellement (The Nation, 17 septembre 2013).

La partie thaïe étudie ces demandes.

Quant à l’Institut pour les droits de l’homme de l’université Mahidol, il demande à la partie thaïe de montrer plus de flexibilité pour explorer les options de gouvernement possibles, telle l’autonomie, et à la partie adverse, de privilégier l’approche politique à l’approche militaire...

Un processus a été enclenché, ira-t-il au bout ? De toute façon, la route sera longue avant que la paix soit revenue dans la région : affaire à suivre...

* Le P. Aristide Camio est prêtre de la Société des Missions Etrangères de Paris. Le présent article a été initialement publié dans la Revue MEP (n° 489, décembre 2013).

(1) Les provinces rétives du Sud :
Historiquement, elles correspondent en gros au territoire de l’ancien sultanat de Pattani.
Population autochtone appartenant à l’ensemble culturel et linguistique malais.
Dans le découpage administratif actuel, il s’agit des trois provinces de Pattani, Yala et Narathiwat.
Superficie : 10 916 km², soit 2 % du territoire.
Habitants : 1 904 000 en 2011, soit environ 3 % de la population de la Thaïlande.
Musulmans : environ 80%.
Langue, le yawi, langue malaise qui utilise l’alphabet arabe.

(2) Les musulmans en Thaïlande forment de 8 à 9 % de la population, soit environ 5-6 millions de personnes. Hormis ceux des provinces du Sud, les musulmans sont bien intégrés dans la société thaïlandaise. Il y a environ 2 900 mosquées dans le pays dont 1 354 dans les trois provinces du Sud.
Origine :
Au XVème siècle, le sultanat musulman de Pattani tombe sous la domination du Siam.
Fin du XVIème siècle, apparition d’un quartier persan à Ayutthaya (plus de 2 000 habitants). Un persan est nommé ministre du commerce extérieur.
1758 : Des Cham musulmans, originaires du Cambodge actuel, s’enrôlent dans les armées du roi de Siam et font souche au Siam.
1860 : Arrivée de nombreux commerçants Bengalis à Chieng Mai et à Bangkok.
1874 : Ecrasement d’une rébellion musulmane au Yunnan. Beaucoup se réfugient au Siam.
1949 : Victoire de Mao en Chine, des troupes musulmanes du Guomindang fuient en Thaïlande.
Statut :
Selon la tradition et la constitution, le roi est le « protecteur de toutes les religions ». Son conseiller pour les affaires musulmanes est le « Chularajmontri ». Nommé à vie sur présentation du Conseil national des Affaires islamiques (29 membres mais seulement 4 des trois provinces du Sud). Il ne peut être démis que par le roi.
Le « Chularajmontri » représente officiellement les musulmans de Thaïlande et préside le Conseil national des Affaires islamiques.

(3) A l’époque de la navigation à voile, les ports de la péninsule malaise et du golfe du Siam revêtaient une importance particulière. Cela est dû au phénomène météorologique dit du « retournement de la mousson ». A une époque donnée de l’année, le vent change de direction, interdisant ou rendant difficile la continuation du voyage à la voile vers la Chine et le Japon. De ce fait, les ports de la région, Pattani et Ayutthaya, entre autres, deviennent des ports-entrepôts, des comptoirs commerciaux entre l’Extrême-Orient et l’Europe : des sampans les marchandises y passaient sur les boutres arabes ou sur les caravelles européennes. C’est ainsi que déjà en 1538, plus de 300 Portugais vivaient à Pattani. Quant à Ayutthaya, dès le début du XVIIème siècle, elle comprenait des quartiers persans, chinois, japonais, vietnamiens, hollandais et, plus tard, français... Il est surprenant d’apprendre que cette ville, à l’époque, était plus importante que Londres ou Paris !

(4) La violence en chiffres depuis 2004 :
Militaires : 60 000 soldats, policiers et rangers des frontières.
Insurgés identifiés : 9 822 dont 2 262 commandos RKK (Petites Unités de combat)
Incidents causés par les insurgés : plus de 9 500
Morts : plus de 5 235 dont au moins 650 militaires et assimilés, 162 instituteurs et 270 insurgés.
Blessés: 9 704.
Coût pour le pays : ± 455 millions d’euros/an, en moyenne sur dix ans
(The Nation 4 janvier 2013 et Deep South Watch, 1er septembre 2013)


(Source: Eglises d'Asie, le 9 décembre 2013)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Giáo Lý Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney
Diệp Hải Dung
09:56 09/12/2013
Sáng Chúa Nhật 08/12/2013 Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney đã tổ chức ngày Đại Hội Giáo Lý Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly Sydney

Hình ảnh

Đúng 9 giờ tất cả 8 Xứ đoàn Cabramatta, Georges Hall, Granville, Lakemba, Marrickville, Miller, Mt. Pritchard và Plumpton tập trung trong hội trường Trung Tâm để chuẩn bị Đại Hội Giáo Lý. Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Tuyên úy Đặc trách Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney ngỏ lời chào mừng tất cả các em và chúc các em thành công gặt hái nhiều kết qủa. Kế tiếp đó Sơ Bernadette Đoàn Thị Phục Trợ úy Liên đoàn tuyên đọc Nội Quy của ngày Đại Hội và chương trình thể thức cuộc dự thi.

Chương trình thi Giáo Lý bắt đầu, gồm các ngành Tuổi Thơ, Ấu Nhi, Thiếu Nhi và Nghĩa Sĩ của từng Xứ đoàn lên dự thi Cuộc thi rất là hào hứng và vui tươi, với những câu hỏi về Kinh Thánh, Giáo Hội và Phụng Vụ. Các em tỏ ra rất xuất sắc trả lời rất chính xác qua những câu hỏi do Ban Giám Khảo nêu ra. Có những em rất nhạy bén thông minh, đã bấm chuông trước khi câu hỏi nêu ra chưa hết và trả lời rất đúng. Các bậc phụ huynh tán thưởng nồng nhiệt và ngạc nhiên về sự học hiểu của các con em mình. Có một vài phụ huynh cho biết cảm tưởng là rất vui mừng khi con em của mình còn nói tiếng Việt đuợc và biết về Tin Mừng của Chúa Giêsu là tốt lắm rồi.



Đặc biệt các bậc phụ huynh hôm nay cũng lên dự thi để giúp vui và khuyến khích tinh thần các em

Sau giờ nghỉ dùng cơm trưa, các em lai tiếp tục cuộc thi và Cha Nguyễn Văn Tuyết dâng Thánh lễ tạ ơn. Trong Thánh lễ Trưởng Giuse Vũ La Cường, Liên đoàn phó Nghiêm huấn đã thỉnh đạt thăng cấp cho 11 Dự Trưởng và 7 Huynh Trưởng cấp 1. Các Dự Trưởng và Huynh Trưởng lên quỳ tuyên thệ trước bàn thờ và lãnh nhận Khăn Quàng và Còi lãnh đạo.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Đại Hội Giáo Lý của Phong Trào đồng thời anh cũng thay mặt Hội Đồng Mục Vụ trao tặng món qùa cho Liên Đoàn để sinh hoạt. Kế tiếp chị Anna Ngô Thụy Thúy Hằng Liên Đoàn Trưởng ngỏ lời cám ơn Cha Tuyên úy Đặc trách Liên Đoàn, quý Sơ, quý Giảng Viên Giáo Lý, quý ân nhân, quý Phụ Huynh và quý Huynh Trưởng đã dành nhiều thời gian quý báu đến tham dự ngày Đại Hội Giáo Lý do Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney tổ chức đúc kết cuối năm, chị cũng cám ơn quý vị ân nhân đã trợ giúp cho các em phương tiện di chuyển và giúp nấu ẩm thực.

Sau cùng là phần phát Bằng Khen cho các em dự thi và qùa cho các Xứ đoàn. Xứ Đoàn Thánh Tử Đạo Micae Nguyễn Huy Mỹ đoạt giải về Giáo Lý và đặc biệt nhất năm nay Xứ Đoàn Đoàn Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa Giáo Đoàn Georges Hall đoạt 2 giải về Phong Trào và giải thưởng xuất sắc nhất Cup Danh Dự Liên Đoàn.

Sau đó kết thúc bế mạc Đại Hội Giáo Lý với nghi thức hạ cờ..

Được biết ngày Thứ Sáu 06/12 và Thứ Bảy 07/12 Liên Đoàn cũng đã tổ chức 2 ngày trại Hừng Đông với chủ đề Chờ đợi. Xin Vâng và Nhập Thể, để chuẩn bị tâm hồn cho các em đón nhận hồng ân Giáng Sinh.
 
Giáo xứ Bắc Hải mừng Mẹ Vô Nhiễm quan thầy
Giuse Khổng Hữu Nguồn
19:01 09/12/2013
HỐ NAI - Theo lịch Giáo Hội hoàn vũ, ngày 8/12/2013 là Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng, nên lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm được dời sang ngày thứ hai mồng 9 tháng 12. Chiều hôm nay, Giáo xứ Bắc Hải, hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc hân hoan mừng trọng thể lễ Mẹ Vô Nhiễm Bổn Mạng Giáo Xứ.

Hình ảnh

Trước thánh lễ là kiệu rước Đức Mẹ một vòng chung quanh nhà thờ, sau mỗi bài suy niệm về Đức Mẹ là một bài trống ngắn, đoàn rước trình tự tiến bước theo giới theo đoàn hội, nghiêm trang trật tự, đẹp mắt.

Trong tuần qua, trước và sau thánh lễ sáng chiều, hai cha chánh phó xứ ngồi tòa giải tội giúp cộng đoàn dọn tâm hồn mừng lễ, và giờ tĩnh tâm, chầu Thánh Thể.

Mở đầu thánh lễ, cha Đaminh Bùi Văn Án, chánh xứ ngỏ lời chào mừng cha phó, qúy dì, qúy cộng đoàn hiện diện rất đông đảo, ngài nói: “Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Chúa Giêsu và là mẹ nhân loại, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ và cho Mẹ những hồng ân cao quí nhất mà không một ai trên trần thế được như Mẹ. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ bốn đặc ân vô cùng quí giá, ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn khiết trinh, ơn khỏi tội và ơn hồn xác lên trời.

Hôm nay giáo xứ mừng Mẹ Vô Nhiễm Bổn Mạng giữa Mùa Vọng, cộng đoàn được nhắc nhở sửa dọn tâm hồn xứng đáng để đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, để từng ngày Lời Chúa luôn kết trái đơm hoa, như mảnh đất tâm hồn trong trắng của Đức Maria. Xin Mẹ giúp chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh với tâm tình yêu mến như Mẹ, xin Mẹ ban cho mỗi người, mỗi gia đình trong xứ đạo luôn biết sống noi gương Mẹ Maria, luôn tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, như xưa Mẹ đã kiên vững và trung kiên dưới chân Thánh giá Chúa Kitô.

Trong ngày mừng bổn mạng, giáo xứ chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện cho qúy cha cố, qúy tu sĩ nam nữ, qúy chức ban hành giáo, qúy ân nhân, qúy cụ ông bà anh chị em, các gia đình trong giáo xứ còn sống cũng như đã qua đời, cho tất cả mọi người đã có công hình thành xây dựng và phát triển giáo xứ hơn 60 năm qua”

Trong bài giảng lễ, bằng chất giọng Huế nhẹ nhàng truyền cảm, cha phó Đaminh Đoàn Giang Sơn chia sẻ với cộng đoàn:

“Chị Egan là người cùng làm việc với Mẹ Têrêsa Calcuta. Trong một bài viết, chị kể lại: Những lần đi công tác xã hội với nhau, chị hay nói với Mẹ Têrêsa về những việc phải làm và luôn bắt đầu bằng: vấn đề này, vấn đề kia... thế rồi có lần Mẹ Têrêsa bảo: Tại sao chị lại không dùng một ngôn từ khác, mà cứ thích hai chữ vấn đề này, vấn đề kia. Chị ngạc nhiên hỏi lại: Ngôn từ nào? Mẹ Têrêsa trả lời: Quà tặng...

Quà tặng - vâng, kính thưa ông bà anh chị em, một ngôn từ đơn sơ nhưng gói ghém cả lối sống của con người từng lãnh giải Nobel Hòa Bình, cũng phải là lối sống của người Ki tô hữu chúng ta. Bởi vì nói đến quà tặng là nói đến tình thương. Quà tặng là ngôn ngữ của tình thương. Người Kitô hữu chúng ta phải nhìn đời mình khởi đi từ tình thương Thiên Chúa, nghĩa là như một món quà được trao ban. Chân lý này đã được bài đọc một khắc hoạ lại với chúng ta. Sau khi tổ tông phản bội quay lưng lại với Thiên Chúa, để rồi phải lãnh lấy hậu quả đau khổ, bất hạnh và cái chết, Thiên Chúa đã hứa cứu độ con người: “ Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ. Giữa dòng giống mi và dòng giống người nữ. Dòng giống người nữ sẽ đạp đầu mi”.

Người nữ mà sách Sáng Thế nhắc đến chính là Đức Trinh Nữ Maria và dòng giống người chính là Đức Kitô - Đấng Cứu Thế. Để chuẩn bị cho sứ mạng cao cả lớn lao này, Thiên Chúa đã tiền định để cho Mẹ được cứu chuộc một cách đặc biệt nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ. Hơn nữa, thật chẳng xứng đáng tí nào, nếu như Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện vẹn tuyền lại sinh bởi một người Mẹ, đã từng bị đặt dưới quyền của ma quỉ do tội lỗi. Vì thế, khi đến truyền tin cho Đức Maria, sứ thần đã kính cẩn chào rằng: Kính chào bà đầy ơn phúc...

Đây thật là một vinh dự lớn lao, một quà tặng vô giá cho Mẹ và cũng là cho từng người chúng ta. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu thành Ephêsô trong bài đọc 2 đã giúp chúng ta cảm nhận điều này khi nói: “ Thiên Chúa đã tuyển chọn chúng ta trong Đức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được tinh tuyền và thánh thiện trước mặt Người”.

Nhìn ra được những hồng ân to lớn mà Thiên Chúa đã làm. Mẹ đã cất lên những lời ngợi ca bất tận: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng, trong Thiên Cháu Đấng cứu độ tôi… lòng thương xót Chúa trải qua muôn thế hệ…vân vân. Để lời ngợi khen không vô vị và trống rỗng, Mẹ còn đem hết lòng cộng tác vào chương trình cứu độ của Cháu Giêsu, để tâm hồn Mẹ luôn xứng đáng là ngai toà cho Con Thiên Chúa ngự vào: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền.

Không chỉ bằng lòng với những việc làm này, Mẹ cố gắng để biến đời mình trở thành máng chuyển cầu ân thiêng thành quà tặng cho mọi người, nhất là cho con cái của Mẹ. Mẹ đem Chúa đến cho gia đình Giacaria, Mẹ tìm giới thiệu Chúa cho các mục đồng, Mẹ chỉ Chúa cho đôi bạn tại tiệc cưới Cana...

Tắt một lời, cả cuộc đời Mẹ là những tháng ngày giữ gìn tâm hồn trong sạch thánh thiện, hầu xứng đáng trở thành cộng tác viên của Con Mẹ trong quĩ đạo cứu độ, và không ngừng làm cho Chúa được nhận biết, đón nhận nơi mọi tâm hồn như một món quà lớn lao của Thiên Chúa.

Mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng giáo xứ, chúng ta được mời gọi nhìn ra cuộc đời mình như một quà tặng Thiên Chúa ban. Chính trong ý định Thiên Chúa, và nơi Đức Giêsu, qua trung gian Mẹ Maria Vô Nhiễm, mà chúng ta đã được hồng phúc đức tin, được giải thoát khỏi mọi xiềng xích của tội lỗi, của sự chết. Kể từ ngày đó, cả một chuỗi dài hồng ân nối tiếp được tuôn đổ xuống trên đời ta: Hồng ân phần xác, hồng ân phần hồn, hồng ân cho cá nhân, hồng ân cho gia đình, hồng ân cho cộng đoàn, hồng ân cho xứ đạo. Biến cố nào, sự kiện nào cũng nhắc nhở chúng ta đến tình thương của Thiên Chúa, đều ghi lại dấu ấn về lòng quảng đại của Ngài.

Cảm nhận được ân huệ lớn lao ấy, nhất là ân huệ của đức tin, để chúng ta cùng Mẹ, không ngừng cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa. Như dòng chảy tự nhiên, như quy luật tất yếu, khi nhận ra đời mình là một món quà lớn Chúa ban tặng, thì chúng ta noi gương Mẹ, biến đời mình như một món quà cho anh em: Khi sẵn sàng hiến dâng đời mình như một người tôi tớ khiêm tốn và vâng phục, khi biết nỗ lực cộng tác xây dựng và mở mang nước Chúa, giữa môi trường chúng ta đang sống

Đặc biệt, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm được mừng kính ngay trong những ngày của mùa vọng. Giáo Hội luôn nhìn vào Mẹ như là một mẫu gương của một tâm hồn chuẩn bị đón chờ Chúa đến.

Xin cho chúng ta biết hoạ lại đời sống của chính Mẹ, tích cực đẩy lui bóng đếm tội lỗi, nỗ lực cầu nguyện và làm các việc lành, việc thiện, để tâm hồn chúng ta thực sự biến thành một máng cỏ, một đền thờ cho Con Thiên Chúa ngự đến. Và qua ta, Ngài tiếp tục là những món quà được đem đến với mọi người.

Nếu như những con người nghèo khổ, bất hạnh ở Calcuta, Ấn Độ đã cảm thấy được an ủi nâng đỡ bởi Mẹ Therese, thì giáo xứ chúng ta lại càng cảm thấy hạnh phúc và sung sướng bội phần, khi biết rằng chúng ta có một người Mẹ đầy quyền thế cao sang, một người Mẹ Vô Nhiễm vẹn toàn, đầy ơn phúc và hằng có Thiên Chúa ở cùng làm Đấng Quan Thầy. Xin Mẹ chiếu dãi ánh sáng thánh thiện và lấy áo choàng tình thương mà bao phủ, chở che cuộc đời chúng ta. Chớ gì nhờ luôn biết noi gương Mẹ, cộng tác với ơn Chúa, gìn giữ tâm hồn trong sạch, chúng ta không chỉ được Mẹ yêu thương đón nhận, mà còn được Mẹ che chở, dìu dắt, dẫn đưa, để trong cuộc sống này được mẹ phù trì ủi an, ngày sau còn được mẹ đón nhận và dẫn đưa vào quê hương thiên đàng nữa. Amen”.

Nhìn lại hơn 60 năm qua, với tâm tình tạ ơn Chúa - tri ân tình người, giáo xứ Bắc Hải luôn đón nhận những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho qua Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội Quan Thầy.

Các vị mục tử khả kính luôn có lòng sùng kính Đức Mẹ, nhờ đó cộng đoàn Dân Chúa luôn yêu mến Mẹ đêm ngày tín thác trông cậy Mẹ.

Nhớ lại cách đây 5 năm trước, Chiều thứ hai mồng 8/12/2008. Lễ Mẹ Vô Nhiễm Bổn Mạng. Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Cha xứ Đaminh Bùi Văn Án loan tin đến cộng đoàn việc nhà Nước đã cấp giấy phép chấp thuận cho giáo xứ được đại tu Thánh Đường. Đồng thời ngài cũng chia sẻ những ưu tư lo lắng với cộng đoàn “Ba bốn chục năm trước đây, ngôi Thánh Đường giáo xứ Bắc Hải có thể nói đẹp nhất nhì trong vùng Hố Nai, nhưng bây giờ thì không được, mà là xấu nhất từ dưới đếm lên, và hôm nay công việc đại tu Thánh Đường của chúng ta gồm có mấy hạng mục, Tháp chuông, mở rộng gian cung thánh, làm lại trần nhà thờ, thay toàn bộ cửa bằng gỗ cho bền chắc, nền nhà thờ, nhà nguyện Thánh Thể “.

Gần một năm sau, sáng Chúa Nhật 11/10/2009, giáo xứ Bắc Hải tổ chức lễ cầu bình an công trình đại tu Thánh Đường và cầu nguyện cho cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan, lễ giỗ 100 ngày.

Trong thời gian thi công xây dựng thánh đường, bên cạnh việc lo chu toàn sứ vụ của người mục tử chăn dắt đoàn chiên. Cha xứ Đaminh Bùi Văn Án, người có lòng sùng kính Đức Mẹ, ngài hòa đồng gần gũi thân thiện với mọi người, ngài không quản ngại bất cứ việc gì lên tận rừng núi tây nguyên chọn mua gỗ tốt về làm ghế nhà thờ cho cộng đoàn. Ngài lưu tâm đến từng chi tiết nhỏ mỹ thuật, kỹ thuật trong xây dựng, các kế hoạch tổ chức, vận động…song song với việc đại tu thánh đường giáo xứ, ngài còn tổ chức mở mang nơi các giáo họ trong xứ như:

Sáng ngày 21/2/2011, khởi công xây dựng cầu giáo họ Du Sinh thay cho chiếc cầu làm bằng ghi sắt tạm bợ nhiều năm, chiếc cầu này có chiều dài là 9 mét, mặt cầu rộng 3 mét, nguyên liệu chính là xi măng cốt thép, với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng.

Sáng ngày 07/9/2011, Cha Đaminh Trần Xuân Thảo, quản hạt Hố Nai, đại diện Đức Cha giáo phận Xuân Lộc chủ sự lễ cắt băng khánh thành, làm phép nhà nguyện, và tượng ảnh nhà nguyện giáo họ Du Sinh.

Sau gần ba năm xây dựng, sáng ngày 10/5/2012, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo Phận đã về chủ sự Lễ Cung Hiến Thánh Đường và Bàn Thờ Giáo Xứ Bắc Hải.

Ngày 10/6/2012 Đức Cha Thomas Vũ Đình Hiệu, Phụ tá giám mục giáo phận về kinh lý mục vụ và ban Bí Tích Thêm Sức cho 441 em trong giáo xứ. Trước lễ thêm sức, Đức Cha gặp gỡ Ban hành giáo, Ban trị sự các giới các đoàn hội trong giáo xứ để nghe báo cáo sinh hoạt mục vụ trong 03 năm qua.

Buổi chiều cùng ngày, sau khi được phép của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh giám mục Giáo Phận. Cha Đaminh Bùi Văn Án, chánh xứ Bắc Hải dâng thánh lễ khai mạc đặt Mình Thánh Chúa tại Nhà Nguyện để cộng đoàn chầu Chúa hàng ngày.

Sáng ngày 03/2/2013, (23 Tết âm lịch) giáo xứ Bắc Hải hân hoan tổ chức nghi thức Làm Phép Xứ Đường (Nhà Xứ) Bắc Hải.

Sáng ngày 16/5/2013, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận đã về chủ sự lễ khánh thành và làm phép Đền Thánh và bàn thờ giáo họ Vinh Sơn.

Cũng trong niềm vui, dịp thường huấn linh mục tại Tòa Giám mục Xuân Lộc ngày 25 tháng 11 vừa qua, Đức Cha Đaminh Giáo phận đã bổ nhiệm Cha Đaminh Bùi Văn Án, chánh xứ Bắc Hải làm Quản Hạt Hố Nai, kế nhiệm Cha Đaminh Trần Xuân Thảo nguyên quản hạt.

Trong ngày hồng phúc hôm nay, trước hết giáo xứ Bắc Hải xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, Mẹ Maria Vô Nhiễm Quan Thầy, Thánh Cả Giuse đã yêu thương, quan phòng cho giáo xứ chúng con có được những thành quả ngày hôm nay, người đầu tiên chúng con xin được nhắc đến không ai khác ngoài Cha Đaminh chánh xứ, cùng với quý cha phó, và khó có thể kể hết sự lo lắng, nỗi vất vả của cha xứ, Cha đã làm tất cả mọi sự vì giáo xứ chúng con, để ngôi nhà thờ và ngôi nhà xứ mới không chỉ mang giá trị vật chất, mà còn mang một dấu ấn tinh thần cao quý, một phong cách kiến trúc tân thời.

Chúng con hiểu rằng đây là món quà Ngài muốn dành tặng cho cộng đoàn giáo xứ Bắc Hải và có lẽ nguyện ước lớn lao nhất của cộng đoàn là xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành xuống trên Cha, chúc lành cho Cha và Cha sẽ định cư lâu dài trên mảnh đất Bắc Hải thân yêu.
 
55 Năm thành lập gia đình con Đức Mẹ tại giáo xứ Tân Việt Sàigòn
Vinh Sơn Trần văn Đẩu.
21:30 09/12/2013
55 năm thành lập gia đình con Đức Mẹ tại giáo xứ Tân Việt

Năm 1958, Cha già cố Đaminh Vũ Đức Triêm đã quy tụ những thiếu nữ Công Giáo trong giáo xứ mong muốn được học hỏi và huấn luyện, để trở thành những người con ngoan của Chúa, và đặc biệt hơn, được làm con của Mẹ Maria. Cố gắng để trở thành những thiếu nữ nết na đạo hạnh, lấy gương mẫu Đức Maria làm chuẩn mực. Từ đó Gia đình Con Đức Mẹ được hình thành cho đến nay. Ngày 08-12- 2013 kỷ niệm 55 năm thành lập.

Xem Hình

Thời gian trôi qua, Gia đình con Đức Mẹ Giáo xứ Tân việt ngày càng phát triển theo nhu cầu của cuộc sống. Được liên kết với Con Đức Mẹ Việt Nam và theo Nội quy chung, Gia đình Con Đức Mẹ Tân Việt mở rộng và nhận thêm nhiều thành viên, không phân biệt tuổi tác và giới tính, để trở thành một đoàn thể với các thành phần cả nam lẫn nữ, cả lớn và bé như hiện nay.

Với ý nguyện được sống khiêm nhường, vâng lời, phó thác và bác ái yêu thương theo gương Đức Trinh nữ Maria. Đồng thời trở nên một người sẵn sàng phục vụ và quảng đại dấn thân vào việc rao giảng Lời Chúa. Gia đình Con Đức Mẹ là một “sân chơi” lành mạnh cho những người muốn tim hiểu và học hỏi. Những chương trình sinh hoạt thật phong phú với đủ mọi hình thức. Học Giáo lý không chỉ là những bài học khô khan nhưng được lồng trong những Gameshow vui tươi thú vị, khiến dễ nhập tâm và khó quên.

Những chuyến công tác bác ái mang lại niềm vui và tình yêu thương. Những buổi họp, buổi tĩnh tâm giúp sự hiểu biết ngày càng phong phú, lòng kính mến Chúa và yêu mến Mẹ Maria càng sâu đậm.

Những giờ tập hát và Thánh lễ chiều thứ bảy làm mọi người càng được gần Chúa và gần nhau hơn. Mọi sinh hoạt đều để lại cho người tham dự những ấn tượng tốt đẹp.

Cả những ngày mừng Bổn mạng, kỷ niệm 25, 30, 40, 50, 55 năm thành lập, là dịp các anh chị em từ khắp nơi quy tụ về họp mặt bên Chúa, bên Mẹ và bên nhau trong ngôi Thánh đường của Giáo xứ thân yêu, tham dự Thánh lễ thật sốt sắng. Những màn văn nghệ sinh động dí dỏm làm tăng thêm bầu khí vui tươi của gia đình trong buổi họp mặt.

55 năm thành lập, một quá trình khá dài, Gia đình Con Đức Mẹ vẫn được duy trì cho đến nay. Như lời tâm sự của một thành viên “Ước mong sao tình thân thương của gia đình chúng tôi mãi tồn tại và phát triển, cho chúng tôi có nơi để học hỏi, để chia sẻ, để tạo thêm niềm vui cho cuộc sống, cho những người chung quanh. Khi chúng tôi được sống trong tình yêu của Thiên Chúa và sự chở che của Mẹ Maria, chúng tôi cảm thấy hãnh diện vì chúng tôi là những người Con Đức Mẹ”. Cầu mong những ước nguyện tốt đẹp được Chúa thương nhận.

VinhSơn Trần văn Đẩu.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tiếc gì?
lykhách
09:45 09/12/2013
Ông tiếc gì chuyện lầm mấy mươi năm theo đảng
Có kẻ sống đến răng long tóc bạc hãy còn phụ nhau
Lỗi lầm mẹ cha thường chỉ làm cho một gia đình ly tán
Nhưng đảng ông theo đã làm cho cả dân tộc trong đày đọa khổ đau!

Bỏ đảng với ông là một cú sốc lớn?
Nhưng những dân tộc bị họa tai cộng sản thường sốc khốn nạn hơn
Lãnh đạo cộng sản là hình ảnh của những con lợn
Như sách “Nông Trại Súc Vật” diễn tả không thể chính xác hơn!

Bởi lãnh đạo cấp cao quá nhiều đứa quy mô cướp giật
Lãnh đạo cấp thấp quen thói nhũng nhiễu tham lam
“Thượng bất chính - Hạ tắc loạn” cầm chắc
Đừng trách bần dân sao xu thời sống dối ăn gian!

Ai còn thành thật tin cộng sản chính kẻ ngu nhất thời đại
Hầu hết lũ còn theo vì miếng ăn nuốt nhục thở dài
Tệ hơn nữa là bọn vì lợi quyền riêng dẫm lên lẽ phải
Bán nước buôn dân theo ngoại bang làm tay sai!

Bản chất cộng sản là nói dối làm gian
Những thằng ngu cao, ác độc nhất được chuyên chính làm quan
Một đám cướp thường đề cao tên chúa đảng
Sống được thần tượng, chết thường được ướp xác hoặc bắt cả nước để tang

Bỏ đảng đối với ông là cú xốc lớn ư?
Ừ, xốc thật, khi gần cuối đời mới rõ biết mình ngu
Cái ngu vĩ đại cũng thường là cái ngu …chính chủ
Cứ tưởng mình vì dân tộc, nhưng là chọn một chủ nghĩa gieo rắc hận thù

Nhưng “Ai chiến thắng không hề chiến bại?
Ai nên khôn mà chẳng dại nhiều lần?”
Ngày vất đảng xuống đất và đứng thẳng đôi chân
Bước tới - Dẫm lên tư lợi bởi con tim sống cần lẽ phải

Hãy nhìn xuống những cảnh bần dân sống nhục nhằn oan trái
Hãy nhìn quanh nhân loại để nhận biết ta là ai
Hãy tự trả lời tại sao dân tộc ta còn nghèo hèn, dân ta cứ tiếp nối khổ đau mãi
Kẻ biết chấp nhận quá khứ, dám sống thật hiện tại, mới có quyền khát vọng ngày mai

Tiếc nuối gì chuyện mấy mươi năm theo đảng?
Giờ tỉnh ra, hãy xem như một ác mộng rã đàn
Ai cũng lỗi lầm, nhưng cái lầm theo cộng sản
Là nợ với nhân dân lẽ thật, phải trả bằng dấn thân - dẫu muộn màng!
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giới trẻ sống lương tâm ngày nay
Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, MF
10:33 09/12/2013
GIỚI TRẺ SỐNG LƯƠNG TÂM NGÀY NAY

Chúng ta đã và đang sống trong bối cảnh thế giới tục hóa, khi con người ở khắp nơi không chỉ hăng say đi tìm của cải vật chất, hư danh trần thế mà còn tôn thờ chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa tiền bạc, chủ nghĩa khoái lạc và coi nhẹ hay xem thường những đòi hỏi của lương tâm, như: luân lý, đạo đức, công bằng và bác ái…Từ đó, kéo theo rất nhiều hệ quả nghiêm trọng cho bản thân và xã hội. Đặc biệt đối với giới trẻ, lương tâm lại là điều gì xa lạ đối với họ. Lạ hơn nữa, có lẽ tôi quá bi quan chăng khi đưa ra một nhận định về giới trẻ hiện nay quan niệm về lương tâm…, giới trẻ ngày nay ít muốn nghe tiếng nói của lương tâm chân chính, họ quả quyết điều mình làm là đúng: “Mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14,12)

1. Lương tâm là gì?

Theo Linh mục Nguyễn Đức Thông, CSsR. “Lương tâm là khả năng luân lý của con người, là cõi thẳm sâu và cung thánh của họ, trong cung thánh ấy, con người biết được mình nhờ được đối diện với Thiên Chúa và đồng loại mình”[1].

Linh mục Phan Tấn Thành, O.P. thì cho rằng : “Con người cần phải dựa theo một tiêu chuẩn để phân biệt điều gì là tốt, điều gì là xấu. Người ta thường đặt tên cho tiêu chuẩn đó là “lương tâm”[2].

Sách Giáo lý Công Giáo cũng đã xác định một cách rõ rệt: “Lương tâm hiện diện trong lòng người và ra lệnh đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu. Lương tâm chứng nhận thế giá của chân lý bằng cách quy chiếu về Thiên Chúa là sự thiện tối thượng, Đấng thu hút và ban mệnh lệnh cho con người. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình.”[3]

Về bản chất của lương tâm Thánh công đồng Vaticanô II trong Hiến chế về mục vụ trong Giáo Hội ngày nay viết: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa, anh em và được biểu lộ cách kỳ diệu”[4].

Vì thế, lương tâm là nơi sâu thẳm nhất của con người, nhờ đó con người nhận biết điều lành điều dữ. Đồng thời lương tâm không chỉ giúp cho con người hành động để chu toàn bổn phận làm người của mình mà còn giúp mỗi người tuân theo chỉ thị của lương tâm vì đó là tiếng nói cuối cùng mà con người có thể nghe được Lời của Thiên Chúa.

2. Thực trạng lương tâm của giới trẻ ngày nay

“Giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và nhân loại”. Đó là câu khẳng định nhiều người đã biết. Nhưng đối diện với thực tế thì ai cũng thấy lo lắng cho tương lai ấy của họ. Bởi vì một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay họ không còn cảm nhận được sự thôi thúc làm điều lành tránh điều dữ, họ hành động một cách xem thường luân lý, đạo đức, đôi lúc mất hết lương tâm, họ đã và đang đánh mất cảm thức về tội, về lương tâm, hay nói đúng hơn lương tâm không còn “đủ răng” để cắn rứt. Bên cạnh đó, giới trẻ đang rơi tự do trong tình cảnh nền luân lý và đạo đức xuống dốc trầm trọng. Vì vậy, họ chẳng còn biết bám víu vào đâu để nhận biết chuẩn mực cho hành động của mình. Điều này đang diễn ra hàng ngày và làm cho nhiều người phải suy nghĩ, nhất là những người có trách nhiệm!

Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng lương tâm đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Bằng chứng là các phương tiện truyền thông đã liên tiếp đăng tải các bài viết phản ánh về thực trạng này. Chúng lôi kéo bè cánh để đánh nhau (cả trai lẫn gái), hiếp dâm, thậm trí hành hung cả thầy cô giáo, rồi con giết cha, anh giết em; trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng. Chẳng hạn Lê Văn Luyện, xông vào tiệm vàng Ngọc Bích tại tỉnh Bắc Giang, dùng hung khí giết chết cả gia đình, vơ vét vàng bạc tẩu thoát. Phi tang hiện vật, phủi tay coi như không vấy máu. Khi bị bắt, Văn Luyện có thái độ thản nhiên, vô sự, không một chút tỏ ra ăn năn hối lỗi. Những hành vi tàn bạo này được đăng trên mặt báo chỉ là tảng băng nổi, thực tế còn nhiều hơn nữa.

Đáng báo động hơn nữa, hiện tượng sinh viên, học sinh đánh giáo viên cũng gia tăng. “Chỉ vì bị điểm thấp, kết quả học tập kém, thầy giáo nhắc nhở. Vậy mà học trò không ngần ngại rút dao đâm chết thầy tang thương”[5].

Hơn nữa, hiện tượng sống thử, phá thai của giới trẻ đang mức báo động cao. Nhiều bạn trẻ không vượt qua được những kỵ nghị của những người xung quanh và một phần vì giữ uy tín, thanh danh của bản thân, của dòng tộc, của sự nghiệp mà cha mẹ lầm lỡ đã giết chết thai nhi ngay trong dạ mẹ, thậm chí có bạn trẻ sinh con ra rồi vứt vào thùng rác. “Vào ngày 9 tháng 8 vừa qua một nhân viên vệ sinh đường phố ở Hà Nội đã phát hiện xác thai nhi trong thùng rác”[6]. Người ta ước tính trên thế giới, cứ 6 giây lại có một thai nhi bị giết. Cách đây không lâu dư luận hết sức bất bình vụ án “Sát hại bồ nhí khi biết có con. Cặp bồ với cô gái 21 tuổi khi vợ con đã đề huề, Tuấn hoảng loạn trước tin bồ nhí có thai. Sợ bại lộ, kẻ thủ ác dùng búa đập đầu người tình đến chết”[7]. Chúng ta sống trong một xã hội được cho là văn minh tân tiến nhất của các thời đại, nhưng tội ác, phá thai, giết người được xem như là chuyện bình thường! Thực trạng này làm cho “con người là lang sói của nhau” như triết học định nghĩa. Đức Cha Bùi Tuần, trong tác phẩm “nói với chính mình” đã cảm thán: ngày nay, nhiều khi con người vô ơn hơn cả chó, nói cách khác chó đôi khi còn biết ơn hơn người. Khi lương tâm, luân lý không được tôn trọng, nhân phẩm, giá trị con người bị xem nhẹ… thì người này trở thành “miếng mồi béo bở” của người khác.

Đứng trước thực trạng trên là con đường dễ dàng đưa giới trẻ vào những sai phạm, nhúng sâu vào vũng lầy tội lỗi. Đây là một hồi chuông báo động cho chúng ta về lương tâm, đạo đức của giới trẻ ngày nay.

3. Nguyên nhân lương tâm bị trai lỳ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lương tâm bị trai lỳ của giới trẻ. Với phạm vi giới hạn của bài viết này, chỉ xin ghi lại vài nguyên nhân nổi bật.

3.1 Nguyên nhân bản thân

Do lối sống thiếu ý thức, sống buông thả, đua đòi; đặc biệt là các bạn giới trẻ lạm dụng tự do để làm những chuyện lương tâm không cho phép. Đồng thời do các bạn trẻ không chỉ muốn khẳng định mình, đua đòi chạy theo thời đại mà còn do lối sống phóng túng, ngộ nhận, không quan tâm đến hậu quả việc mình làm, thậm chí biết đó là trái với lương tâm nhưng vẫn cố tình làm: “con người thiếu quan tâm đến việc tìm kiếm chân lý và sự thiện, hoặc khi lương tâm dần dần trở nên mù quáng do thói quen phạm tội”[8]. Mặt khác, do người trẻ mất cảm thức về tội nên lương tâm của họ cũng chẳng còn biết đâu là đúng, đâu là sai. Tệ hại hơn nữa, có nhiều bạn trẻ ỷ nại vào quyền tự do lương tâm để làm những gì mình cho là đúng. Thánh Anphong viết: “Lương tâm được gọi là ngay thẳng khi nó tuyên bố sự thật”[9]. Nghe theo tiếng lương tâm là thực hiện lý tưởng cao đẹp nhất của đời người. Không chân thành với chính mình, cũng là lúc con người đánh mất phẩm giá chính mình.[10] “Anh em đừng có rập theo đời này; nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”(Rm. 12,2).

3.2 Nguyên nhân từ phía gia đình

Gia đình là thể chế xã hội đầu tiên góp phần quyết định vào sự hình thành nhân cách con người, hay nói đúng hơn, vào sự hình thành cấu trúc nhân cách. Các nhà tâm lý học lớn của thế kỷ này (Piaget, Mead, Freud,…) đã chứng minh khá vững chắc điều đó. Ở phương Đông các nhà hiền triết cũng đặc biệt nhấn mạnh tới sự hình thành nhân cách từ thuở ấu thơ, thậm chí từ khi còn nằm trong bào thai. Thế mà nhiều gia đình ngày nay, việc cha mẹ dạy dỗ con cái sống theo đúng lương tâm, đạo đức là điều hiếm. Các bậc làm cha, làm mẹ ngày nay rất ít quan tâm đến việc giáo dục con cái, họ thường phó mặc con cái cho nhà trường, cho xã hội. Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Gia đình còn quá lỏng lẻo trong việc giáo dục tính cách cho các em, nhất là lúc các em đang hình thành nhân cách, các em muốn có người đồng hành để chia sẻ”; “Nếu như cha mẹ cứ chạy theo đồng tiền, danh lợi mà quên mất những đứa con của họ, cứ nghĩ có tiền là có thể làm được tất cả, thì họ sẽ có những đứa con tật nguyền về tinh thần. Thế hệ @ đang bị chấn thương về đạo đức về lương tâm, căn bệnh nguy hiểm này cần được trị liệu bằng một môi trường giáo dục lành mạnh từ gia đình”[11].

3.3 Nguyên nhân nhà trường

Nhà trường cũng không khác gia đình mấy, bởi nhà trường hiện nay cũng chỉ đề cao việc nhồi nhét kiến thức, đề cao việc “đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế”. Việc giáo dục lương tâm, đạo đức, giáo dục công dân cho người học gần như bị lãng quên hoặc bị xem là thứ yếu. Trong khi đó, vai trò của trường học đâu chỉ bó hẹp trong việc dạy nghề mà còn phải truyền tải cho người học những giá trị, chuẩn mực của xã hội để họ trở thành những con người toàn diện, biết sống và biết tôn trọng người khác. Vì thực tế, nhà trường đang đề cao thành tích...mà bỏ qua đạo đức, một số thầy cô giáo còn làm học sinh trở thành kẻ lừa đảo chính mình. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phố thông năm 2013, tôi có hỏi một em: “Em thi làm bài tốt không?” Em trả lời: “thời buổi này phải hỏi thi chép bài có hết không”. Em nói tiếp: “cô giáo gác thi thay vì gác không cho tụi em quay cóp bài, nhưng ngược lại cô gác cho tụi em quay không để giám thị hành lang bắt được thì cả cô và trò bẽ mặt” Câu trả lời của em làm tôi cảm thấy buồn. Luigi Giussani nói rằng: “nguy hiểm nghiêm trọng nhất trong giáo dục là dối trá”[12]. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Những lệch lạc trong suy nghĩ hay hành động chỉ là hậu quả của một chương trình giáo dục.

3.4 Nguyên nhân xã hội

Chúng ta đang sống trong xã hội tục hóa khi con người chỉ đặt đồng tiền lên trên tất cả: “Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng.”[13]. Người ta không quan tâm đến vấn đề lương tâm, đạo đức, đôi khi tìm mọi cách để chỉ vì no cái bụng, ấm cái thân mà quên đi công lý, tình thương. “Họ sẵn sàng buôn gian bán lậu; chà đạp người khác để mình sống; tham nhũng, bóc lột, nói chung, bất chấp tất cả miễn sao có tiền. Vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường và nhân viên trong tiệm thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người, ném xác xuống sông để phi tang là một điển hình cho những người chỉ vì tiền mà không hề có lương tâm... nhiều”[14]. Có người nói vui: “Lương tâm không bằng lương tháng” hay “Việt Nam mỗi lúc một đông Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều”.

Hơn nữa, chúng ta phải chứng kiến lương tâm con người đang bị hạ sát từng ngày một, dần dần từng chút một. Ở những bản xét nghiệm dối trá nhân bản cho hàng ngàn người, ở những thực phẩm tẩm đầy hóa chất, ở những kết quả thi giả của ngành giáo dục...và mới đây dư luận xôn xao vụ hôi của. Gặp thấy người bị nạn, thay vì giúp đỡ, nhiều người lại nhào vào hôi của: “Vụ việc, một chiếc xe tải khi chạy qua KP.1, P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai chở 1.500 thùng bia bị đổ xuống đường, hàng trăm người lao vào hôi của, trong đó cả người mang xe ba gác ra chở bia về nhà mặc cho tài xế đứng ra van xin, lại một lần nữa gây chấn động dư luận bởi cách hành xử của nhiều người khi thấy người khác gặp nạn”[15]. Trả lời một cuộc phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội thẳng thắn nói: "Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối đã trở thành thói quen hằng ngày của xã hội Việt Nam. Thói quen đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành “đạo đức”, mà cái “đạo đức” đó là rất mất đạo đức. Đó là một cái nguy nhưng tôi thấy ít người quan tâm."[16]. Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: “Một đất nước không có lương tâm là một đất nước không có linh hồn, mà đất nước không có linh hồn thì không thể tồn tại”.

Bên cạnh đó, xã hội mà các bạn trẻ đang sống là một xã hội của sự văn minh, nếu người trẻ không có lương tâm hoặc tiếng nói lương tâm bị lu mờ thì tác hại khủng khiếp biết là chừng nào. Khi đó, xã hội sẽ sống trong một nền văn minh thiếu tình thương, và rướm mùi chết chóc. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tội lớn nhất hiện nay của nhân loại là con người đang đánh mất dần cảm thức về tội lỗi và để tiếng nói lương tâm bị đè bẹp”. Như thế xã hội làm sao yên ổn, gia đình làm sao hạnh phúc.

Chỉ người sống trong chân lý, mới luôn có sự bình an nơi trong tâm hồn, qua những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nói trong lương tâm. Nếu chiều theo dục vọng, con người sẽ trở nên xào xáo, bất an. Đời không bình an tìm đâu ra hạnh phúc. Cuối cùng cuộc đời ấy dẫn đến vong thân và mất Ơn Thánh mãi mãi, bởi họ đã không để cho chân lý là tiếng nói Lương Tâm biến đổi mình.

4. Giáo Dục Lương Tâm Cho Giới Trẻ

Việc giáo dục lương tâm cho giới trẻ cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là trong xã hội hôm nay, để từ chính lương tâm trong sáng, giới trẻ mới có thể làm người theo đúng nghĩa và trọn vẹn một con người có tự do, có trách nhiệm có nhân vị và phẩm giá… “Lương tâm phải được huấn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được huấn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Lương tâm này sẽ đưa ra những phán quyết theo lý trí, phù hợp với điều kiện đích thực như Đấng Sáng tạo đầy khôn ngoan muốn. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức.”[17]

4.1 Bản thân

Mỗi bạn trẻ chúng ta hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức, lương tâm của con người, trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái với những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình. Đồng thời, các bạn trẻ thực sự trưởng thành, phải tự giáo dục lương tâm mình bằng cách kiểm nghiệm và tự vấn lương tâm của mình qua mười điều răn và bài giảng trên núi của Chúa. Qua việc kiểm điểm lương tâm một cách thường xuyên, lương tâm của các bạn sẽ trở nên ngay thẳng và thành thật hơn. Đồng thời, để có một lương tâm tốt, các bạn trẻ cũng phải biết đào tạo và vun trồng lương tâm mình, đó là một tâm hồn cởi mở, khiêm tốn nhận ra giới hạn của chính mình. Vì nếu lương tâm không được chăm sóc, phán quyết của lương tâm có thể do hấp tấp, do chểnh mảng không được chăm sóc đào tạo đủ, nên dẫn đến sai lạc: đó là một tai họa, vì khả năng đó yếu nhược dần, mất minh mẫn tinh tế, trở nên mù tối.[18]

Ngoài ra, cần phải học hỏi những tấm gương trong xã hội hiện tại như vợ chồng anh Nguyễn Tiến Bắc nhặt được 10 cây vàng, nhưng anh chị đã trả lại người đánh mất mặc dù anh chị rất nghèo. Chị Oanh chủ của 10 cây vàng kể lại: “tôi còn nhớ như in câu nói của vợ chồng người ân nhân nghèo rằng: “Trả lại vàng thế này anh chị mừng một chúng em mừng hai vì đã tìm được đúng chủ. Chúng em tuy nghèo thật nhưng của cải do chính bàn tay mình làm nên mới quý chứ của người ngoài thì không bao giờ màng”[19]. Hay học sinh Nguyễn Văn Nam đã xả thân cứu người. “Nguyễn Văn Nam, một sinh lớp 12 Trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An) hy sinh khi dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát chết đuối trên dòng sông Lam vào chiều 30 tháng 4. Cái chết của Nam như một tấm gương sáng, là biểu tượng đẹp cho cách sống dám xả thân, hy sinh vì mọi người.”[20] Em đã coi sự sống của bạn là của mình, nên bất chấp nguy hiểm để hy sinh thay cho bạn của mình được sống. Không cần biết em Nam có phải là người Công Giáo hay không? Cũng chẳng cần biết em có bà con họ hàng gì với những em gặp nạn hôm đó không? Chỉ biết rằng em có trái tim rất đẹp và tình yêu thương vô vị lợi.

Bên cạnh đó, mời các bạn trẻ chiêm ngắm cô thiếu nữ Maria Goretti, sau khi bị kẻ cuồng dâm 20 tuổi Alessandro đâm nhiều nhát dao vào người vì chống trả, đã nói: “Vì tình yêu Chúa Giêsu, tôi tha thứ cho anh ấy và muốn anh ấy sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi.” Mời các bạn trẻ nhìn vào con người linh mục Maximilian Kolbe đã tình nguyện chịu chết thay cho một người tù không hề quen biết trong trại tập trung Đức Quốc Xã năm 1941. Cuối cùng, mời các bạn trẻ chứng kiến hình ảnh Chân Phước Gioan Phaolô II, đích thân xin nhà cầm quyền Ý tha cho người đã ám sát mình là Mehmet Ali Agca và vào tù thăm anh ta để nói với anh rằng: “Tôi tha thứ cho bạn.”

4.2 Gia đình

Đối với các kitô hữu, gia đình không chỉ là trường học đầu tiên định hình nhân cách, là nơi dạy các đức tính nhân bản và xã hội cần thiết nhất để làm người, mà còn là nơi con cái “nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội”[21].

Theo các nhà tâm lý, từ khi đứa bé biết nhận thức đến lúc trưởng thành thường nó sẽ phải trải qua hai giai đoạn chính: giai đoạn các mệnh lệnh do tiếng nói lương tâm phải làm và giai đoạn các mệnh lệnh do tiếng nói lương tâm nên làm”[22]. Đứa trẻ trong giai đoạn này, ba mẹ là chuẩn mực cho mọi hành vi của con trẻ. Cha mẹ phải sống đúng theo những mệnh lệnh và lời khuyên mà họ đã dạy cho đứa bé, nếu đứa trẻ phải nghĩ rằng có hai loại lề luật tùy theo người lớn hay đứa nhỏ, thì lương tâm của nó đang lâm nguy. Khi đứa trẻ đã lớn lên và tới tuổi trưởng thành “lương tâm phải làm” dần nhường chỗ cho “lương tâm nên làm.” “Với con mình đã chịu phép rửa, bậc cha mẹ Công Giáo phải dạy cho nó biết rằng nghe theo tiếng lương tâm, tức là trung thành với Chúa Kitô, đã chết trên thập tự giá để cứu chuộc ta, để làm cho ta chết cho tội lỗi mà sống trong ơn nghĩa. Giáo Hội qua lời thánh giáo hoàng Piô X, đã nhắc lại rằng các trẻ em cần phải có được sức mạnh các bí tích khi các em bắt đầu hiểu biết và rằng các em có quyền múc lấy sức mạnh đó…….chính các bậc cha mẹ là những người đầu tiên chịu trách nhiệm phải hướng dẫn và chuẩn bị cho các em lãnh nhận bí tích Rước lễ lần đầu và bí tích giải tội…”[23].

Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo đã nhận định vai trò và trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể. Nhưng đặc biệt trong gia đình Kitô giáo, vì đã nhận ân sủng cũng như bổn phận của bí tích hôn phối, nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Chính tại nơi đây, con trẻ có kinh nghiệm đầu tiên về xã hội lành mạnh của nhân loại và về Giáo Hội.”[24]

4.3 Nhà Trường

Môi trường giáo dục nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà còn phải quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho các bạn trẻ. Một khi nhà trường biết quan tâm đúng mức về giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì kết quả sẽ khả quan hơn. Vấn đề này thấy rõ trong các trường Công Giáo và các cơ sở nội trú của các nhà Dòng. Các học sinh, sinh viên khi được giáo dục ở đó, họ không chỉ biết sống lễ phép với mọi người mà còn sống gương mẫu, ngoan ngoãn, biết quan tâm yêu thương mọi người. Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Đại học Sư phạm TPHCM. cho rằng: “Nhà trường không nên chú tâm vào việc dạy kiến thức mà quên đi việc dạy các em nên người. Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo”.

4.4 Giáo Xứ

Giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và huấn luyện lương tâm cho giới trẻ. Nhiều bạn trẻ mong muốn giáo xứ nên quan tâm không chỉ việc giáo dục đức tin mà còn giáo dục nhân bản, và nâng đỡ, hướng dẫn các bạn trẻ nhiều hơn. Đồng thời, giáo xứ nên tổ chức các lớp giáo lý cho các bạn trẻ. Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1992 có nói: “Ngoài ra, cần có những lớp giáo lý cho người trẻ để họ phát triển đời sống đức tin phù hợp với đà tiến của họ trong cuộc sống, và những khóa dự bị hôn nhân để giúp họ xây dựng những gia đình Công Giáo gương mẫu. Phải đặc biệt chú ý đến những người học lên bậc đại học, để giúp họ phát triển sự hiểu biết và đời sống đức tin cho phù hợp với trình độ trí thức của họ”.

Hơn nữa, giáo xứ nên có những buổi học hỏi, hội thảo, thuyết trình về đời sống đức tin và luân lý hoặc những cuộc thi tìm hiểu về giáo lý. Thiết nghĩ qua những buổi này, các bạn sẽ có cơ hội không những huấn luyện lương tâm, luân lý của mình mà còn là cơ hội cho các bạn học hỏi giao lưu với nhau.

Mặt khác, tòa cáo giải sẽ là nơi các vị chủ chăn huấn luyện lương tâm của người trẻ qua việc khuyên nhủ. Nơi ấy, linh mục với cương vị là chứng nhân và đại diện của Hội thánh , các ngài sẽ hướng dẫn hối nhân, đặc biệt là giới trẻ cảm nhận được sự yếu đuối và những phán đoán sai lầm của lương tâm. Các linh mục không những cho họ nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa mà còn cho họ nhận ra tình yêu của Ngài lớn hơn tội lỗi.

Bên cạnh đó, giáo xứ giúp cho giới trẻ năng đọc và suy niệm Lời Chúa, vì Lời Chúa là khuôn vàng thước ngọc, là ánh sáng chỉ đường để rèn luyện lương tâm: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Chúng ta phải lãnh hội Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện và đem ra thực hành; phải kiểm điểm lương tâm dưới ánh sáng Thập Giá Ðức Kitô; nhờ ơn Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12). Ðức ái Kitô giáo luôn luôn đòi chúng ta tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. "Phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm của họ... là phạm đến Ðức Kitô" (1Cr 8,12). "Tốt nhất là tránh những gì gây cớ cho anh em mình vấp ngã" (Rm 14,21).

4.5. Về phía Giáo Hội

Giáo Hội nên tạo mọi điều kiện cho giới trẻ có môi trường sinh hoạt. Hơn nữa, để có một cộng đồng nhân loại như lòng mong ước, sự quan tâm giáo dục cho thế hệ tương lai phải đứng hàng đầu; giới trẻ là tương lai của của Giáo Hội. Đồng thời, giới trẻ cũng là chủ nhân tương lai của nhân loại, “Vì thế mà cả xã hội cũng như Giáo Hội đều phải quan tâm đến giới trẻ, để giúp họ đảm nhận lấy vai trò hôm nay và ngày mai của họ trong xã hội và Giáo Hội” (x.Thư Chung 1992).

Bên cạnh đó, muốn đạt được một giáo dục mục vụ giới trẻ tốt, chúng ta cần hiểu biết người trẻ; nhất là muốn lãnh đạo người trẻ, chúng ta cần đi sâu vào đời sống người trẻ hơn, vì “vô tri bất mộ”. Và như thánh Gioan Don Bosco nói: “Hãy làm bạn trẻ hiểu rằng chúng ta yêu mến họ, rồi họ sẽ thực hành điều chúng ta muốn”. Hơn nữa, chúng ta vui mừng và hy vọng vào một lớp trẻ, lớp tuổi teen năng động, nhiệt thành, có thiện chí và yêu mến Giêsu, thần tượng của giới trẻ mọi thời. Trong niềm vui và hy vọng ấy, chúng ta cần thêm sáng kiến để có cơ hội giới thiệu gương mặt Đức Kitô – hiền hậu, khiêm nhường, yêu thương, đặc biệt một Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho giới trẻ .

Kinh nghiệm rõ các vấn đề trên, các giám mục đã khuyến khích giới trẻ chăm lo trau dồi kiến thức, đạo đức và luân lý, như một điều kiện cần thiết để bước vào tương lai với những đóng góp hữu hiệu cho xã hội và Giáo Hội: “Giới trẻ hôm nay thế nào thì Đất nước và Giáo Hội Việt Nam ngày mai sẽ như vậy... Để xây dựng tương lai cho Đất nước và Giáo Hội, các bạn cần trau dồi luân lý, đạo đức và trí thức hầu tích cực phục vụ hơn. Các bạn nên nhớ rằng khi cầu tiến trong lãnh vực học thức, thì cũng phải cầu toàn trong lãnh vực nghề nghiệp để có thể phục vụ với tinh thần khiêm tốn vô vị lợi. Thời nào cũng cần đến những con người tài đức và trung hiếu, luôn biết coi trọng chữ tín” (x. Thư Chung 1998).

Bên cạnh đó, Giáo Hội, nên hướng dẫn người trẻ đến với nguồn suối ân sủng là các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Hòa giải. Qua Bí tích Hòa giải người trẻ sẽ xem xét lại lương tâm của mình để nhìn nhận những thiếu xót, lỡ lầm. Không những hướng dẫn cho người trẻ đến với Bí tích Hòa giải khi mắc tội trọng mà nên khuyến khích họ năng đến với tòa cáo giải để xưng thú các tội nhẹ. Khi các bạn trẻ năng đi xưng tội, kể cả những lúc chỉ mắc tội nhẹ thì cũng giúp cho việc xét đoán của lương tâm được bén nhạy, chống lại những xu hướng thấp kém xấu xa, và tiến bộ trong đời sống tinh thần.

Tạm kết

Để lương tâm của người trẻ nhận định đúng sai, thiện ác, cần cung cấp cho họ một hệ thống đạo lý và những tiêu chuẩn hành động luân lý. Dựa trên những cơ sở đó, lương tâm của người trẻ sẽ đưa ra phán đoán về các giá trị luân lý mà họ sẽ làm. Đồng thời, cũng nên hướng dẫn họ trông cậy vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua Bí tích Hòa giải, cho dẫu họ đang phải đối mặt với những cam go của cuộc sống. Như một Phêrô trối Chúa, một Phaolô bách hại đạo Chúa, một Đavít ngoại tình, hung thủ giết người bịt đầu mối, một tên gian phi, một thu thuế Matthêu, một phụ nữ tội lỗi, những cô gái điếm… tất cả đều có chỗ đứng trong trái tim yêu thương của Chúa.

Người xưa đã nói “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” con người sinh ra không ai là hoàn hảo cả, ai cũng có những yếu duối lỗi lầm. Lm. Phan Tấn Thành có nói: “Ai đã chẳng hơn một lần “nói dối lương tâm”, “lường gạt lương tâm”, đó là chưa kể những lần “bóp nghẹt lương tâm”, “bịt miệng lương tâm”[25]. Điều quan trọng chúng ta có nhận ra những lỗi lầm mà lương tâm mách bảo để kịp thời sửa đổi hay không, điều đó mới là quan trọng.

Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, MF

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Nguyễn Đức Thông, CSsR. Thần Học Luân Lý Căn Bản. tr. 119.
[2] Phan Tấn Thành, OP. Đời sống tâm linh, tập 8, tr. 150.
[3]Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, NXB, Tôn Giáo, 2004, số 1777.
[4] Xc. Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Hiến chế về mục vụ trong Giáo Hội ngày nay, số 16.
[5] Xc. Thu Trang, Giáo dục, Trò giết thầy vì bị điểm thấp
[6] www//htt//.baomoi.com/tin tức/Phát hiện thi thể trong thùng rác, cập nhật ngày 15/10/2013.
[7] www//htt//vnexpress.net/tin-tuc/Sát hại bồ nhí khi biết có con,cập nhật ngày 15/10/2013 .
[8] Xc. Thomas P.Rausch, S.J Dẫn Vào Thần Học, tr 198-199.
[9] Trích lại trong: Lương tâm theo tư tưởng của Thánh Anphong De Liguori, tr 134.
[10] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Đạo Đức Học, Trung tâm học vấn Đa Minh, 2007, tr. 145.
[11] www//http://.thanhlinh.nen//Trung Dung//Thức Tỉnh Lương Tâm, Cập nhật ngày 15/11/2013.
[12] Xc. Giussani,Il Rischio educativo, SEI, Torino 1995, 145.Là vị sáng lập Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng ở Ý, cựu giáo sư Nhập môn Thần học tại Đại học Công Giáo Sacro Cuore tại Milanô.
[13] Xc. Thư mục năm 2006 của hội Đồng Giám mục Việt Nam, Sống đạo hôm nay, số 5.
[14] Xc. Jos. Vinc. Ngọc Biển, Cầu nguyện và khiêm nhường, trên: www//http://.thanhlinh.nen, truy cập ngày:9/10/2013
[15] www//htt/.tienphong.vn/xã hội, cập nhật ngày 6/12/2013
[16] www// http://vietbao.vn/ Cơ chế nảy sinh ra nói dối hàng ngày, cập nhật ngày 15/10/2013
[17] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, NXB, Tôn Giáo, 2004, số 1783.
[18] Lm. Ap. Phạm Gia Thụy, luân lý khai khoa, tr 33.
[19] Xc. www//http://news.zing.vn/ cập nhật ngày 17/10/2013.
[20] Xc. Báo Thanh Niên, ra ngày 1/5/2013.
[21] Xc. CĐ Vaticanô II, Tuyên Ngôn Gravissimum Educationis (GE), số 3; Gioan-Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (FC), số 37.
[22] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Đạo Đức Học, Trung tâm học vấn Đa Minh, 2007, tr. 145.
[23] G.Ponteville- A. Van cut sen – J. Rimaud, Giáo dục gia đình Kitô giáo, Ủy ban đoàn kết Công Giáo, Tp. HCM, tr 88.
[24] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 3.
[25] Xc. Phan Tấn Thành, O.P, Đời sống tâm linh, tập 8, Roma 2009, tr. 158.
 
Tin Đáng Chú Ý
Phép lạ muà Giáng Sinh? thoát chết dưới lòng biển nhờ ở lời cầu nguyện.
Têrêsa Thu Lan
00:33 09/12/2013


Cứ cho đó không phải là một phép lạ vì những nhà khoa học vẫn tìm ra được những lý lẽ để giải thích và cứ cho đó không phải là cuả muà Giáng Sinh vì câu chuyện đã xảy ra từ hồi tháng 5.

Tuy nhiên người ta cần viện dẫn nhiều lý lẽ phi thường để giải thích một chuyện may mắn bất bình thường, và sự việc đã không được phơi bày rộng rãi nếu không phải vì clip video cuả hãng AP trình làng đúng vào dịp Giáng Sinh.

Điều quan trọng là những người ở trong cuộc, cách riêng nhân vật chính, vẫn cho rằng đây là một phép lạ nhờ ở lời cầu nguyện.

Anh Harrison Okene 29 tuổi người ở tỉnh Warri xứ Nigeria đã bị mắc kẹt trong một con tàu bị đắm,đã bị giam dưới lòng biển sâu 100 feet (30m) trong 3 ngày trời, và đã được cứu thoát, không thương tích, không mất trí. Một kỷ lục chưa hề có trong lịch sử hàng hải.

Trong suốt cuộc 'thương khó', anh luôn luôn lẩm bẩm trong miệng câu thánh vịnh duy nhất mà anh nhớ được: " Chuá ơi, con kêu lên danh Chuá...Xin Chuá cứu sống con." (thánh vịnh 54..92)

Anh không phải là người ngoan đạo nhưng chị vợ thì rất rành rọt thánh kinh, chị đã gửi cho anh bài thánh vịnh này qua điện thoại vào đêm hôm trước để an ủi anh trong lúc biển động.



Anh Harrison Okene lúc đó làm đầu bếp trên một con tàu kéo có tên là AHT Jascon Nigeria 4. Đây là một loại tàu rất mạnh và hoạt động trong mọi thời tiết, nghiã là những nhân viên trên tàu, 12 người tất cả, đều là những nhân vật hảo hớn không nề hà về những cảnh chao đao biển động.

Lúc đó tầu Jascon Nigeria 4 đang cùng với 2 chiếc tầu kéo khác 'kéo' một chiếc tầu dầu cuả hãng Chevron để vượt qua một cơn bão ở ngoài khơi Nigeria.

Một làn sóng khổng lồ đánh vào hông tàu đã lật úp chiếc Jascon Nigeria 4, cắt đứt giây cáp, và nhanh chóng nhận chìm con tầu xuống đáy biển Đại Tây Dưong, cách bờ biển Nigeria 32 km vào khoảng 4:30 sáng ngày 26 tháng 5.

Tất cả thuỷ thủ đoàn đã thiệt mạng trừ anh Okene.

Anh kể lại lúc con tầu gặp nạn thì anh đang ở trong nhà cầu (những người đầu bếp thường thức giậy sớm để sửa sọan), bỗng nhiên anh cảm thấy con tầu nghiêng về một bên và có nước chảy vào.

Anh tung cửa chạy ra.

"Khi tôi ra khỏi nhà vệ sinh thì mọi sự đều đen ngòm vì vậy tôi phải lần mò theo trí nhớ để tìm lối thoát, " anh nói.

"Lúc đó cũng có 3 thuỷ thủ khác đang ở trước mặt tôi và đột nhiên thì nước ào vào. Tôi thấy anh thứ nhất, rồi anh thứ hai và anh thứ ba bị nước cuốn đi. Tôi biết rằng họ phải chết."

Okene bò ngược lại phiá lối cụt mà anh đã cố chạy khỏi, anh bị nước cuốn đi, đẩy anh vào một nhà vệ sinh khác cạnh căn phòng cuả thuyền trưởng. Nước dâng lên đến ngực thì anh cảm thấy con tầu bị lật hẳn và rơi vào đáy đại dương lạnh lẽo. Nước vẫn từ từ dâng lên nữa và anh nghĩ rằng anh sẽ chết như một con chuột, nhưng ngạc nhiên thay, nước dừng lại khi còn 4 ft (1.2m) ở bên trên và anh vẫn thở được.

Đầu tiên, anh lấy tay đu vào chiếc cầu tiêu (bây giờ ở trên đầu cuả anh) để khỏi bị chìm. Nhưng anh chỉ mặc có một chiếc quần xà loỏng mà nhiệt độ cuả nước thì bắt đầu lạnh xuống.

"Tôi bắt đầu kêu lên tên của Chúa", Okene nói. "Tôi bắt đầu hồi tưởng về những câu kinh tôi đọc trước khi đi ngủ. Tôi đọc bài Thánh Vịnh mà vợ tôi gửi (text) cho tôi trước khi tôi đi ngủ. "

Bài thánh vịnh cuả chị vợ gửi cho anh đêm hôm trước, thường được gọi là bài Kinh Cầu Giải Thoát. Anh đọc không ngừng nghỉ những gì anh nhớ được:" Chuá ơi, con kêu lên danh Chuá...Xin Chuá cứu sống con."

Hồi lâu sau thì anh lấy lại được sự bình tĩnh, anh tìm cách bơi ra ngoài chiếc cầu tiêu và lặn vào phòng cuả thuyền trưởng. Anh cảm thấy anh không ở một mình...hình như có xác cuả các đồng bạn nằm quanh... và anh nghe thấy tiếng động cuả cá đang rỉ riã tranh ăn...tuy nhiên anh tìm ra được một cái áo phao, 2 đèn bấm và một cái nệm mousse. Anh mang theo, ngồi lên trên chiếc nệm và bắt đầu chờ đợi. Trong khi đó nước cứ lạnh dần, lạnh dần.

Trong đầu anh diễn ra một cuốn phim cuả đời anh, nhớ tới mẹ, bạn bè và cách riêng chị vợ hiền 5 năm qua nhưng vẫn còn son sẻ.

Anh lo cho vị thuyền trưởng, một người Ukrainian và 10 người bạn đồng hương, trong đó có 4 sinh viên sĩ quan tập sự từ trường Hải Quân. Mọi người đều khoá cửa khi đi ngủ vì đó là lệnh để chống lại những bọn cướp biển trong vùng. Có lẽ vì thế mà họ thiệt mạng tất cả.

Thỉnh thoảng anh rùng mình lo lắng vì có tiếng vật lộn mạnh mẽ ở gần bên, có thể là do những con cá mập đang tranh nhau ăn một con mồi lớn.

Nhờ có một chai Coca Cola, anh nhấm nháp cho đỡ khát.

...



Hai người thợ lặn Nam Phi, đã tìm đến phòng cuả anh. Các tay thợ lặn đều nghĩ rằng mọi người đã chết và đây là một công tác vớt xác. Họ hốt hoảng khi đụng vào chiếc bàn tay 'nắm bắt' cuả anh, người thợ lặn đã kêu lên: "có người sống, có người sống".

Cảnh video chụp từ mũ cuả những người thợ lặn mô tả giây phút bàng hoàng cuả gương mặt cuả anh Okene khi biết rằng mình đã được sống. Nhưng anh chưa được giải thoát ngay. Với 3 ngày sống trong lòng biển, áp lực sẽ làm cho máu cuả anh sôi thành bọt trên đất liền, vì vậy người ta phải đưa nước nóng xuống giúp cho thân nhiệt cuả anh ấm lên, móc ống dưỡng khí cho anh thở và đưa anh vào một buồng giải sức nén trong 2 ngày trước khi cho anh ra ngoài.

Lúc anh ra ngoài thì trời đã hoàng hôn, không có ý thức về số thời gian bị giam hãm trong bóng tối, anh Okene đã hỏi: "Quí vị phải mất tới một ngày trời mới tìm thấy tôi hả?"

Sự thực anh đã nằm dưới lòng biển đúng 60 giờ, gần 3 ngày trời.

...

Ngày hôm nay, sau 6 tháng sống trên đất liền anh Okene vẫn chưa hết rùng rợn. "Đôi khi tôi vẫn còn nhảy ra khỏi giường mà la hoảng, " anh cho biết, và nói rằng không biết đến khi nào thì anh mới có can đảm trở lại biển.

Nhưng có một điều anh biết chắc chắn, đó là "Tôi không thể biết tại sao mà nước đã không tràn ngập vào căn cầu tiêu đó. Tôi chỉ biết kêu cứu lên Chúa liên tục mà thôi. Ngài đã cứu tôi. Đó là một phép lạ".

Xem video cảnh cứu thoát anh Okene dưới đây:

 
Văn Hóa
Paraguay: Mùa Vọng với mẹ Maria
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
10:58 09/12/2013
PARAGUAY : MÙA VỌNG VỚI MẸ MARIA

Năm Phụng Vụ mới bắt đầu với Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng trùng vào ngày thế giới Phòng chống SIDA (1/12), một căn bệnh thế kỷ đã khiến biết bao nhiêu người chết và nhiều người đang sống với căn bệnh này cũng gặp biết bao khó khăn, mặc cảm dù xã hội dần dần thay đổi cái nhìn khinh miệt và kỳ thị. Chính trong viễn cảnh này, Giáo Hội của Chúa Kitô bắt đầu một mùa Vọng với những khắc khoải, lo âu trước những thảm họa thiên nhiên vừa mới xảy ra.

Trong khi tiết trời các xứ Bắc Mỹ và châu Á năm nay do biến đổi khí hậu nên lạnh te tua thì ở Nam Bán Cầu, cụ thể là Paraguay nơi chúng tôi đang sống, thời tiết lại nóng kinh khủng và thỉnh thoảng lại có những cơn giông tố khiến cây côi ngã đổ, nhà cửa tốc mái và làm thiệt hại người và tài sản. Trời nóng bức nhưng nhiều nơi lại bị cúp điện khiến hoàn cảnh bi đát hơn.

Cũng chính trong những ngày mùa Vọng này người dân Paraguay bắt đầu cho những ngày lễ để tôn vinh Mẹ mà cao điểm là ngày 8/12, lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé mà người ta hay gọi gọi là Đức Mẹ Caacupé giống như Việt Nam chúng ta quen gọi là Mẹ La Vang, Mẹ Trà Kiệu hay là Mẹ Tà Pao…

Lễ Đức Mẹ Caacupé ngày 8/12 hàng năm là Quốc Lễ của người Paraguay và người ta đã xem Linh Địa Caacupé là thủ đô tinh thần của quốc gia này.

Khác với người Công Giáo Việt Nam, Lễ Đức Mẹ La Vang dịp 15/8 thường diễn ra trọng thể trong 3 ngày áp lễ nhưng người Paraguay thì họ làm Tuần Cửu Nhật trọng thể và mỗi ngày trong Tuần Cửu Nhật có 2 thánh lễ chính được cử hành trước tiền đình Vương Cung Thánh Đường Caacupe với hàng ngàn người tham dự, và cứ mỗi giờ thì có thánh lễ bên trong Vương Cung Thánh Đường hay Nhà Thờ hầm cho các tín hữu hành hương tham dự. Tất cả các thánh lễ trong Tuần Cửu Nhật đều được lên lịch mời từ rất lâu để các giám mục và các linh mục sắp xếp và chuẩn bị thánh lễ chu đáo vì các Thánh Lễ trong Tuần Cửu Nhật được trực tiếp truyền thanh và truyền hình cho người dân trên cả nước để họ lắng nghe các sứ điệp và các bài chia sẻ của những vị mục tử.

Năm nay chúng tôi được mời chủ tế và giảng lễ vào đúng ngày đầu đầu Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng trong Vương Cung Thánh Đường vào lúc 9h sáng. Chúng tôi những tưởng là sau thánh lễ lúc 7h sáng trước tiền đình Vương Cung Thánh Đường do một Giám Mục người Đức chủ sự với hàng ngàn người hành hương thì thánh lễ lúc 9h sáng của chúng tôi sẽ không mấy người tham dự. Tuy nhiên, khi ca đoàn vừa hát ca nhập lễ, chúng tôi vừa bước ra bái chào Cung Thánh thì hơi khớp vì lượng người tham dự thánh lễ lúc 9h cũng không thua kém gì thánh lễ vừa mới kết thúc. Định thần lại một chút trước khi chào giáo dân, chúng tôi mới cảm nhận rằng có lẽ lâu nay mình hiểu chưa đúng về người dân mà mình đang phục vụ vì cứ nghĩ rằng họ thờ ơ với đạo nghĩa nhưng thật sự trong sâu thẳm họ rất quí mến Mẹ vì qua Mẹ họ có thể dễ dàng đến với Chúa.

Đây là là thứ hai chúng tôi được diễm phúc chủ tế và chia sẻ thánh lễ với hàng người tham dự tại Thủ Đô Tinh Thần của người dân Paraguay vào những ngày quan trọng nhất của Tuần Cửu Nhật kính nhớ Đức Mẹ trong Mùa Vọng. Thật là một niềm vui và hãnh diện vì chúng tôi nghĩ đây là một món quà quí mà Đức Mẹ tặng cho những người con linh mục luôn biết phó thác và nhận Mẹ là người hướng dẫn đời sống tâm linh của mình.

Chúng tôi không phải là người cuồng tín hay nói quá về vai trò của Mẹ Maria rồi quên đi điều chính yếu mà nhiệm vụ của các linh mục phải rao giảng là Lời Chúa. Tuy nhiên, chúng tôi phải thành thực nói rằng nếu các linh mục chỉ nói về Chúa mà quên đi người Mẹ Hiền của Ngài thì cũng là một thiếu sót lớn. Chính vì lẽ đó, chúng tôi luôn cố gắng tìm mọi cách để giúp mọi người vừa có thể yêu mến Mẹ cách xứng hợp, vừa có thể quay về với Chúa trong tâm tình của một người con lạc đường.

Có thể nói, không nhiều thì ít, không một người Công Giáo nào dù Phi châu hay Mỹ Châu, Á châu hay Úc châu lại không biết đến Mẹ và bằng chứng là hầu như các nước trên thế giới đâu đâu người ta cũng nói đến những lần hiện ra của Đức Mẹ để an ủi và cứu giúp đàn con trong cơn nguy khốn. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo cũng rất dè dặt và khôn ngoan khi công bố đâu là những phép lạ thật và đâu là những điều bịa đặt để các tín hữu không bị rơi vào hiện tượng mê tín để rồi dẫn đến những hậu quả không mấy tốt đẹp về sau.

Quay lại ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé ở Paraguay trong Tuần Cửu Nhật, chúng tôi hiểu thêm nhiều vấn đề mà quốc gia có số phần trăm người Công Giáo rất đông này rất hãnh diện về người Mẹ tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Linh Địa Caacupé chỉ cách Thủ Đô hành chính Asunción của Paraguay khoảng 60km về hướng Đông, và chính điều đó cũng rất thuận tiện cho việc đi lại cho khách hành hương từ khắp nơi đổ về. Chúng ta thử tưởng tượng xem với tháng 12 là tháng Hè của Paraguay và nhiệt độ có khi lên đến 40 độ C và thỉnh thoảng trời lại mưa xen lẫn sấm chớp nhưng không làm khách hành hương nhụt chí. Họ đến từ khắp các nẻo đường bằng nhiều phương tiện khác nhau : Đi bộ, xe đạp, xe máy, xe ngựa và xe hơi… để được tham dự thánh lễ và được tận tay sờ vào linh tượng của Mẹ. Từng đoàn người rồng rắn kéo nhau nói cười vui vẻ trong suốt cuộc hành trình dài để đến với Mẹ. Chỉ thấy như thế cũng đủ nói lên là Đức Mẹ đang làm phép lạ để qui tụ đàn con về một mối trong tình hiệp nhất dù trong quá khứ họ là những người tội lỗi.

Những ngày này chúng tôi tận mắt quan sát cách tổ chức và sắp xếp của người Paraguay trong dịp lễ đại trào. Thật tình mà nói nếu so với người Việt Nam mình thì họ thua xa về hình thức và cách bố trí. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì người dân xứ này có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và giáo quyền vào những dịp trọng thể. Theo nguồn tin đáng tin cậy của tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, một người từng là giáo dân trong giáo xứ của chúng tôi cho biết là dịp lễ này chính quyền đã huy động hơn 2.500 cảnh sát để bảo vệ an ninh trật tự và hướng dẫn đoàn người hành hương và chính những viên cảnh sát này cũng là những người chống bạo động. Chính quyền cũng đã ra lệnh giảm giá xe buýt cho khách hành hương, hàng quán bán ven đường và quanh khu vực Linh Địa phải được kiểm nghiệm an toàn, dịch vụ y tế và chữa cháy túc trực 100% trong những ngày đại lễ và không hề có chuyện xảy ra nạn trộm cắp, lừa bịp trong những ngày này. Các vị giảng thuyết trong những ngày này thường đề cập đến công bình xã hội, về các giáo huấn xã hội của Giáo Hội nhằm thăng tiến thiện ích chung. Báo chí và truyền hình cũng lợi dụng những dịp này để trích dẫn những câu nói, những bài giảng hay của những vị giảng thuyết nhằm đánh động lương tri của những nhà cầm quyền. Các giới chức trong chính quyền hay giáo quyền không hề né tránh hay đỗ lỗi cho người này hay người khác nhưng sẵn sàng trả lời phỏng vấn cách trực diện để làm sáng tỏ vấn đề. Không ai lợi dụng diễn đàn này để trục lợi cá nhân nhưng chỉ để giúp giải quyết các vấn đề tiêu cực mỗi ngày được tốt hơn lên. Chính nhờ những ngày lễ mang tính quốc gia này mà những nhà cầm quyền đã biết lắng nghe và làm cho đất nước mỗi ngày một thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Hôm nay ngày Chúa Nhật ngày 8/12, theo lịch phụng vụ là ngày Chúa Nhật Thứ II Mùa Vọng năm A. Tuy nhiên, với phép đặc biệt của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bích Tích của Tòa Thánh, Giáo Hội Paraguay được mừng Đại Lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé. Thánh lễ chính được diễn ra lúc 6h sáng trước tiền đình của Vương Cung Thánh Đường với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu từ khắp nơi tràn về. Về phía chính quyền có vị Tổng Thống, Phó Tổng Thống, các vị Bộ Trưởng và các phái đoàn ngoại giao của các nước. Vị chủ tế thánh lễ là Đức Giám Mục Giáo Phận Caacupé nơi có Linh Địa Caacupé đồng thời là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Paraguay. Cùng đồng tế có vị Sứ Thần Tòa Thánh, các Giám Mục của các Giáo Phận khác và hàng trăm linh mục, phó tế trong nước. Điều này cũng nói lên tầm quan trọng của Thánh Lễ này. Dù đài dự báo thời tiết mấy ngày trước nói rằng ngày 8/12 sẽ là ngày mưa lớn nhưng sáng nay trời lại quang đãng và khí hậu khá dễ chịu trong suốt Thánh Lễ. Chính Mẹ Maria đã làm Phép Lạ mà nhiều khi chúng ta không nhận ra.

Trong bài giảng khoảng hơn 10 phút trước cử tọa hàng ngàn người, với sự hiện diện của vị Tổng Thống và các nhà cầm quyền dân sự, vị Giám Mục giảng thuyết với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục đã dùng Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội để cảnh báo những trào lưu tục hóa đang len lỏi vào Giáo Hội và nhắc nhở giới trẻ không để thế giới tiêu thụ, ích kỷ, nền văn minh sự chết lôi kéo. Ngài cũng kêu gọi các nhà cầm quyền và các đảng phái chính trị không nên vị lợi ích nhóm mà quên đi nhiệm vụ chính là làm cho đời sống người dân được bình an, hạnh Phúc. Giáo Hội không làm chính trị nhưng Giáo Hội nói lên những bất công và bênh vực những người nghèo khổ, áp bức để những nhà cầm quyền dân sự bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm của họ. Các vị mục tử trong Giáo Hội là những tiếng nói của Chúa, là những dụng cụ của Mẹ trước những bất công đó. Nếu những nhà cầm quyền dân sự quên đi nhiệm vụ chính yếu của mình hay nuốt lời khi vận động tranh cử thì Mẹ sẽ ra tay cứu giúp qua những vị mục tử và do đó, những nhà chính trị đừng cho là Giáo Hội đã tham gia vào chính trị khi chính họ không làm tròn bổn phận cai trị của mình.

Chúng tôi nhận thấy vị Tổng Thống và Phó Tổng Thống cùng các vị Bộ Trưởng lắng nghe rất chăm chú bài giảng của vị giảng thuyết và có những giây phút trầm tư. Đối với người Paraguay, dù là quốc gia Công Giáo nhưng chính quyền và giáo quyền là hai thực thể hoàn toàn độc lập với nhau nhưng bổ khuyết cho nhau. Người dân rất cảm mến những nhà cầm quyền nào có tinh thần đạo đức được thể hiện trong những dịp tham dự các thánh lễ như Lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé hôm nay.

Người dân Paraguay hôm nay vui như Tết vì có Mẹ chở che, đồng hành. Người ta cùng nhau đốt pháo ăn mừng vì là ngày Quốc Lễ và cũng là ngày mà các học sinh bắt đầu bước vào những ngày Hè sau những tháng học hành vất vả. Xin Mẹ Maria luôn đồng hành và ban ơn cho dân tộc nhỏ bé này và cũng ban ơn cho nước Việt thân yêu của chúng con được tự do, hạnh phúc thật sự.

Paraguay, 8/12/2013 – Lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cầu Thang - Staircase
Richard Drysdale
22:23 09/12/2013
CẦU THANG – Staircase
Ảnh của Richard Drysdale
Khởi đi bằng những bước nhỏ
rồi bạn sẽ tới đích.
Take small steps every day
and you will get there one day.
(Zen)