Ngày 08-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nguyễn Thị Ân Sủng
Lm Minh Anh
00:23 08/12/2020
‘NGUYỄN THỊ ÂN SỦNG’
“Kính chào Bà đầy ân sủng”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ngày 25-3-1858 tại Lộ Đức, một ‘Bà Đẹp’ đã hiện ra cho Bernadette, một em bé gần như mù chữ; khi em gặng hỏi tên Bà, Bà trả lời,“Que soy era immaculada Councepciou”. Không hiểu gì hết, Bernadette nhẩm đi nhẩm lại và chạy ù một mạch, về đọc thuộc lòng cho cha xứ; cha xứ nghe xong, ngài hết hồn. Bernadette đâu biết, bốn năm trước, Đức Piô IX đã long trọng công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội; sở dĩ, Đức Thánh Cha mạnh dạn tuyên tín như thế, vì lẽ, ngày truyền tin, Đức Maria đã được sứ thần trao tặng một tên mới, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’.

Bằng việc nâng giáo lý đức tin này lên cấp độ tín điều, Đức Piô đã công bố một lẽ thật được tìm thấy trong lời sứ thần Gabriel chào Mẹ ngày truyền tin, “Kính chào Bà đầy ân sủng!”; ‘đầy ân sủng’ chỉ có nghĩa là ‘đầy 100%’. Bà đầy ân sủng khác nào Bà ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’. Vì mặc dầu Mẹ chưa thụ thai Con Chúa, nhưng ân sủng mà Đức Kitô sẽ giành cho nhân loại bằng mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Ngài đã được coi như vượt thời gian để chữa lành cho Đức Mẹ ngay lúc thụ thai, giữ gìn Mẹ khỏi cả vết nhơ nguyên tội nhờ quà tặng của ân sủng từ chính lòng Mẹ.

Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ hôm nay kể lại hai cuộc đối thoại của hai người mẹ. Eva, người mẹ Cựu Ước với cuộc đối thoại mất mát và gãy đổ khi Thiên Chúa đi tìm con người vốn đang trần truồng, ẩn núp, sợ ánh sáng và thích bóng tối; đó là một cuộc đối thoại chạy tội, đầy sợ hãi; Adam đổ lỗi cho Eva, Eva đổ lỗi cho con rắn và kết quả là nguyên tổ bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Người mẹ thứ hai, Đức Maria, không trần truồng, chẳng ẩn núp, nhưng đang mặc lấy phẩm phục chói ngời của ân sủng; Maria, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’ không sợ hãi, không chạy trốn nhưng sẵn sàng mở cửa cho sứ thần Thiên Chúa bước vào; Mẹ đã đối thoại, và nhất là, đã xin vâng. Để từ đó, con người bị đuổi khỏi vườn xưa nay được mời gọi vào lại trong gia đình Thiên Chúa nhờ sự chết và phục sinh của Đấng mà Mẹ cưu mang; bởi lẽ, Thiên Chúa là tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của loài người. Chúng ta không quên một chi tiết rất giàu ý nghĩa trong câu chuyện Sáng Thế,ngay giữa những khoảnh khắc bẽ bàng của nguyên tổ, Thiên Chúa vẫn không tài nào giấu được cảm xúc và lòng thương xót của Người; Người đã nói với con rắn, “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người”. Đó là tiền Phúc Âm, đó là Tin Mừng đầu tiên còn được gọi là lời hứa. Và Người đã thực hiện những gì đã hứa, bắt đầu với Abraham, các tổ phụ cho đến thời viên mãn; và với quả phúc lòng mình, Maria, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’ đã sinh Đấng Cứu Độ thế giới.

Trong cuốn “Sống đời sống vĩnh cửu”, David Breese có một so sánh thật sâu sắc. Nếu Adam và Eva vẫn giữ được trạng thái ban đầu của họ, họ đã không bao giờ chết. Tiếc thay, nguyên tổ đã khuất phục trước con rắn và sự chết đã đến thế gian. Trước đó, họ ở trạng thái đẹp đẽ, nguyên sơ; tồn tại ở một mức độ cao hơn nhiều so với điều kiện hiện tại của loài người. Thật khó để hình dung con người lúc đó như thế nào so với con người hôm nay. Giờ đây, con người xem ra đang cố tái tạo lại phiên bản gốc của mình như tái tạo một chiếc máy bay từ đống đổ nát của nó. Và nếu chúng ta không biết gì về việc bay, chúng ta khó có thể ngờ rằng, nó đã từng bay bổng khỏi mặt đất. Vật liệu sẽ giống nhau; tuy nhiên, khả năng bay đã không còn.

Anh Chị em,

‘Khả năng bay không còn’ chính là hiện trạng của mỗi người chúng ta. ‘Khả năng bay không còn’ khi chúng ta dễ nghiêng chiều về sự dữ; ‘khả năng bay không còn’ khi con người mất ý thức về tội; ‘khả năng bay không còn’ khi chúng ta không ước ao nên thánh. Vì thế,kính mừngMẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta hướng lòngchiêm ngắm Mẹ mình, ‘Nguyễn Thị Ân Sủng’, tưởng nghĩ đến vẻ đẹp tâm hồn của Mẹ, đức tính hoàn hảo Mẹ được hưởng; tưởng nghĩ đến đức tin hoàn hảo, hy vọng hoàn hảo và lòng bác ái hoàn hảo của Mẹ; và gẫm suy lời Mẹ dạy…nhờ đó, với ân sủng của Thiên Chúa, như Mẹ, chúng ta cũng có thể bay lên mỗi ngày trong Thánh Thần.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ là Mẹ,và là Nữ Hoàng của con. Giữa trần đời tục luỵ, xin cho con biết chạy đến với Mẹ mỗi ngày; để nhờ Mẹ, con hiểu được rằng, nên thánh như Mẹ là sống một cuộc sống liên lỉ thưa “Có”, “Dạ” và “Xin vâng” mỗi ngày với Chúa Thánh Thần”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Tư 9/12: Hãy đến với Ta hỡi những ai đang gánh nặng - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
03:31 08/12/2020


PHÚC ÂM: Mt 11, 28-30

“Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Đó là lời Chúa.
 
Người Làm Chứng
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:11 08/12/2020
CN 3 VỌNG B
Người Làm Chứng

Làm chứng là một khái niệm và một chức năng quan trọng bậc nhất trong sách Tin mừng thứ tư, vì Tin mừng này muốn đưa chúng ta theo Chúa Giêsu Kitô vào trong lòng Thiên Chúa Cha, nơi Người vẫn ở tự đời đời, từ trước khi có trời đất, và Người đến làm người, cư ngụ giữa chúng ta trên mặt đất này, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, để khi “bỏ thế gian mà về cùng Cha” thì đưa chúng ta vào trong lòng Chúa Cha cùng với Người…

Có một người Thiên Chúa sai đến làm chứng về Chúa Giêsu để mọi người nhờ ông mà tin rằng Chúa Giêsu quả là Đấng Thiên Chúa sai đến, đó là ông Gioan Tẩy Giả. Ông đã làm chứng bằng chính mạng sống của mình…Thượng hội đồng Do thái nghe biết có ông Gioan Tẩy Giả rao giảng và làm phép rửa ven sông Giođan nên họ đã cử phái đoàn đi điều tra về ông và công việc ông làm. Đoàn đại biểu đến gặp ông với những câu hỏi đặt sẵn giống như các mẫu giấy tờ khai báo lý lịch hiện nay… Ông trả lời rằng, ông “không phải là Đức Kitô”, ông chỉ là “tiếng người hô trong hoang địa”, sứ vụ của Gioan là “đến để làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin”. (x. Tĩnh tâm với Tin mừng Gioan. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan SJ).

1. Chứng nhân trung thực

Khởi đầu Phúc Âm, Thánh Gioan viết: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6-7).Thánh Gioan là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của mình. Ngài là chứng nhân ánh sáng rất trung thực. Gioan cho biết mình chỉ là người hô dọn đường, làm phép rửa gằng nước, còn Đấng đến sau ông lại quyền thế hơn ông, ông không đáng làm tôi tớ để xách dép cho Người.

Chúa Giêsu nói về Gioan: “Ðây còn hơn cả ngôn sứ nữa” (Mt 11, 9). Và Chúa còn nói thêm : “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11). Nhưng so với Chúa Giêsu, Gioan nhận ra mình thật nhỏ bé. Thấp kém đến nỗi “không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người”. Gioan trung thực nói lên một sự thật. Đó là mình kém xa vì Gioan chỉ là một thụ tạo yếu đuối mỏng dòn.Trong khi đó, Đức Kitô là Thiên Chúa, là Chúa của Gioan và là chủ tể của mọi loài. So sánh với Chúa Giêsu, Gioan chỉ là một giọt nước giữa lòng biển cả mênh mông, chỉ là một cây nhỏ trong đại ngàn trùng điệp, chỉ là một hạt cát giữa sa mạc bao la.

Khi thấy Gioan xuất hiện, rao giảng phép rửa thống hối, dân chúng tự hỏi xem có phải ông là Ðấng Cứu Thế không? Gioan phủ nhận địa vị mà họ gán cho ông (Ga 1,20; Cv 13,25). Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao nhiêu người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.Gioan trung thực trong những lời nói về chính mình. Ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm ngài có. Gioan chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình mà thôi.

Trung thực với lòng mình, nên Gioan sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong sứ vụ nên Gioan chẳng nể vì kiêng cữ ai. Những luật sĩ thông thái phái Pharisiêu, những bậc vị vọng có nhiều ảnh hưởng lớn trong xã hội thuộc phái Sađucêô, những thầy cả tư tế đạo cao chức trọng, tất cả đều bị Gioan cảnh cáo nặng lời. Gioan gọi họ là loài “rắn độc” (Mt 3,7). Ngay cả vua Hêrôđê, Gioan cũng thẳng thắn cảnh cáo vì vua muốn chiếm vợ của anh mình (Mt 14, 3-12). Vua Hêrôđê vẫn nể sợ Gioan vì biết ông là người công chính, thánh thiện (Mc 6,20). Chính vì trung thực trong sứ mạng ngôn sứ mà Gioan phải trả giá bằng ngục tù và bị chém đầu. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Ánh sáng trung thực khiến cho lời chứng của Gioan càng có sức thuyết phục.

Thánh Gioan đã làm chứng nhân ánh sáng thật trung thực nên ngài đã sống một cuộc đời thật đẹp và đã chết hào hùng.

2. Thánh Gioan sống rất đẹp

Gioan sống đẹp vì dám từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi của gia đình và xã hội, rút vào trong sa mạc hoang vắng để sống gắn bó với Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện ý Ngài.

Gioan sống đẹp khi có được một số môn đệ theo mình, nhưng ngài cũng không ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa cho họ (Ga 1,36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu, một bậc Thầy cao cả hơn.

Gioan sống đẹp khi ngài thu phục được đám đông, được dân chúng ngưỡng mộ, họ xem ngài như một tiên tri cao cả, nhưng Gioan lại chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà ngài không đáng cởi quai dép cho Người (Ga 1,27) để cho dân chúng thôi ngưỡng mộ mình mà quay sang ngưỡng mộ Chúa Giêsu.

Gioan sống đẹp khi chủ trương rằng: “Chúa Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”(Ga 3,30)

3. Thánh Gioan chết hào hùng.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn, dân chúng lầm than. Gioan mang nặng những ưu tư, những trăn trở yêu nước thương dân.

Vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân. Lương tâm ngôn sứ thúc đẩy, Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế, Gioan đã bị vua chém đầu. Cái đầu vị ngôn sứ đổi bằng bữa tiệc và điệu múa vũ nữ. Hêrôđê tàn bạo, Hêrôđiađê lăng loàn và thủ đoạn. Cái chết của Gioan cao đẹp và hào hùng vô cùng.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ngài không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù. Ngôn sứ, chứng nhân của sự thật thời nào cũng phải trả giá. Điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Người theo Ðạo Hồi giáo Islam sùng kính Thánh Gioan Tiền Hô ở giáo đường bên Syria. Theo sự tin tưởng và tương truyền, trong ngôi đền thờ Hồi giáo Omajjden bên Syria có nấm mộ chôn đầu bị chém của Thánh Gioan Tiền Hô. Người Hồi giáo Syria gọi thánh nhân bằng tên Yaya Ben Zakariyah. Năm 2001, Thánh Gioan Phaolô II đã đến hành hương kính viếng cầu nguyện trước ngôi mộ Thánh nhân tại ngôi đền thờ này với mọi người Hồi giáo tại đó. Một vị Thánh sống tôn trọng và rao giảng sự trung thực, sự ăn năn sám hối. Từ đó cho tới nay, người Hồi giáo vẫn luôn luôn sùng kính mộ mến thủ cấp của vị ngôn sứ chứng nhân sự thật.

4. Theo gương Thánh Gioan, sống chứng nhân trung thực

Nói sự thật có thể bất lợi cho mình hoặc cho người khác. Gioan đã dám nói sự thật, dù phải chết. Gioan không sợ quyền lực, không hùa theo kẻ có quyền lực. Trước điều sai trái, ngài không im lặng để được an toàn bản thân, để được xã hội ưu đãi. Gioan lên tiếng làm chứng cho lẽ phải, ngài không thể nói ngược lại lương tâm mình. Không thể nói điều sai trái là đúng, hay nói điều đúng là sai trái.

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Trung Tín (1 Tx 5,24). Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngài đã tin tưởng và gọi chúng ta là môn đệ của Ngài (Mt 25,22), và trao cho chúng ta những trách nhiệm lớn (Mt 25,21; Mt 28,19). Vì thế, chúng ta phải là chứng nhân trung thực của sự thật và trung tín giữa một xã hội cón nhiều gian dối.

Thiết nghĩ, bài học về lòng trung thực phải là bài học đầu đời cho các bộ óc trẻ trung đang còn trong trắng tuổi học sinh.

Người làm chứng là người sống đúng như chứng từ của mình. Gioan “đến để làm chứng về ánh sáng”. Trung thực với chứng từ này, một mặt ông cố gắng chỉ cho người ta thấy Ánh Sáng là ai, mặt khác khi có người tưởng ông là Ánh Sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận. Rồi khi Ánh Sáng xuất hiện, ông âm thầm rút lui : “Ngài phải sáng lên, còn tôi phải mờ đi”.

Theo gương Thánh Gioan chứng nhân ánh sáng trung thực, với tư cách ngôn sứ, chúng ta cần sống chứng nhân cho chân lý và tình yêu. Sống chân chính ngay thẳng theo lương tâm Kitô giáo, chúng ta góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.

Ước gì khi nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng có thể nói như đã nói về Thánh Gioan Vianey “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người”.







 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 08/12/2020

16. Con người ta nếu sửa chữa được bước thứ nhất không tham vinh quang của thế gian, thì mới có thể hoàn toàn nếm được sự vui vẻ thần thiêng của Thiên Chúa, sau đó thì có thể sao cũng được.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:30 08/12/2020
3. MUA MŨ QUAN

Trương Nhị là một người lao động khổ cực, đã từng vận chuyển vải vóc của quan địa phương lên kinh thành cho quan bộ hộ.

Theo quan lệ, hể áp giải vận chuyển đều là dùng những người làm tạp dịch, Trương Nhị là người như thế, nhưng các quan viên của bộ hộ nhìn thấy anh ta đội mũ đen của tạp dịch thì chỉ trích:

- “Bản thân ông là quan áp tải, sao lại không đội mũ quan, mau đội mũ quan lại đây gặp, bằng không thì bị đánh đấy !”

Trương Nhị vội vàng đi mua cái mũ cánh chuồn, cười nói:

- “Bản thân mình trong lòng không cầu quan phú quý, sao lại đem phú quý đến bức người chứ?”

Có người nghe được thì cười mãi không thôi.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 3:

Có những người không thích lái xe hơi nhưng rồi vẫn có xe để lái đi làm việc; có những người không thích nhận nhiệm vụ lớn lao nhưng rồi lại được cấp trên giao cho trọng trách lớn; lại có những người sống xuề xòa sao cũng được thì lại có đầy đủ như người khác...

Ma quỷ là loài quỷ quyệt thường đem những cái mà con người ta hứa từ bỏ để cám dỗ họ, và con người thường rơi vào cạm bẩy của ma quỷ bởi những cái mà mình không thích, tức là những điều mà chúng ta hứa từ bỏ hoặc những cái mà chúng ta không thích.

Thông thường người ta hứa từ bỏ những gì thì ma quỷ lại dùng những điều ấy để cám dỗ họ, và có những người trong số họ đã ngã gục trước những điều mà mình đã hứa từ bỏ; những người Ki-tô hữu hứa từ bỏ ma quỷ và những cám dỗ của chúng nó, thì lại bị cám dỗ mất đức tin, sống hưởng thụ và từ từ chối bỏ Thiên Chúa trong cuộc sống của mình...

Khấn hứa từ bỏ thôi thì chưa đủ, nhưng cần phải có quyết tâm và chuyên cần cầu nguyện với chủ đích nhắm vào những lời mình đã khấn hứa, đó là sự khôn ngoan của Thánh Thần ban cho những người đã thề hứa từ bỏ những gì là của ma quỷ, nhưng mấy ai hiểu được chứ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Cất cánh bay cao
Lm. Minh Anh
23:50 08/12/2020
CẤT CÁNH BAY CAO
“Họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một phụ nữ dáng vẻ rất đau khổ đã nhận ra nhà truyền giáo F. B. Meyer trên tàu, cô mạo hiểm đến chia sẻ gánh nặng của mình. Trong nhiều năm, cô chăm sóc đứa con tàn tật, đứa bé là niềm vui lớn nhất của đời cô; thế nhưng, con gái mất, cô trở thành người mẹ đơn độc, tuyệt vọng. Giờ đây nhà không còn là ‘nhà’ nữa. F. B. Meyer đã cho cô một lời khuyên, “Khi về nhà, đặt chìa khoá vào cửa”, ông ấy nói, “Hãy nói to, ‘Chúa ơi, con biết Ngài đang ở đây!’”, và sẵn sàng chào Ngài khi mở cửa. Khi bật đèn, hãy nói với Ngài những gì đã xảy ra trong ngày; nếu ai đó tử tế, hãy nói với Ngài; nếu ai đó không tử tế, hãy nói với Ngài… như thể đang nói với con gái mình. Ban đêm, hãy đưa tay ra trong bóng tối và nói, “Chúa ơi, con biết, Ngài đang ở đây!”. Vài tháng sau, F. B. Meyer trở lại khu phố, gặp người phụ nữ, ông không nhận ra cô; vì lẽ, gương mặt cô giờ đây, rạng rỡ một niềm vui. “Tôi đã làm như ngài chỉ bảo”, cô thổ lộ, “Điều đó đã tạo nên một sự khác biệt trong tôi; giờ đây, tôi cảm nhận Ngài, tôi biết Ngài; Chúa đã cho tôi ‘cất cánh bay cao’”.

Ấy thế, “Ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới” cũng là ý lực chúng ta đọc thấy trong các bài đọc hôm nay: giữa cảnh lưu đày Cựu Ước của dân, Thiên Chúa đã quả quyết như thế; sang thời Tân Ước, còn hơn thế, Con Thiên Chúa bảo đảm, “Ta sẽ nâng đỡ bổ sức” cho ai đến với Ngài.

Thời Isaia, chốn đất khách quê người, dân Chúa tuyệt vọng; dẫu vậy, qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa vẫn trấn an dân, “Ai trông cậy Người, sẽ chạy mà không mệt, đi mà không mỏi, sẽ ‘cất cánh bay cao’ như phượng hoàng”. Với Chúa Giêsu, còn hơn bội phần, đích thực, Ngài là Đấng ủi an, khi chúng ta rã rời; chữa lành, khi chúng ta bầm dập; vỗ về, khi chúng ta chán nản và nhất là, ban sức mạnh để chúng ta bay vút lên… Đấng ấy không ở xa, không nín lặng, nhưng đang hô lớn, “Hãy đến với Tôi, tất cả hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.

Huyền nhiệm thay! Giêsu xót thương ấy có thể nhìn thấu những vực sâu thăm thẳm nhất của tâm hồn mỗi người, Ngài khám phá ra những gì đang ẩn giấu ở đó; Ngài nhận ra những gánh nặng con người đang trải qua bởi những đòi hỏi của cuộc sống, bị đè nặng bởi tội lỗi và sự không hoàn hảo của từng người; Ngài biết rõ những căng thẳng bởi các đam mê và ước muốn chưa được thoả mãn. Ngài là Đấng dám hứa điều chúng ta mong mỏi cho những ‘cung thánh bên trong’ lương tâm mình vốn chưa bao giờ cho phép chúng ta hy vọng. Ngài đã thốt ra một lời mời đơn giản, trìu mến và ngọt ngào đến thế; để hơn bao giờ hết, chúng ta có thể thấy mình xứng đáng và có thể ‘cất cánh bay cao’, hầu có thể ca khen như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay diễn tả, “Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa!”. Nào ai có thể tạo nên sự khác biệt đó, ngoài chính Ngài.

Vậy chúng ta còn chờ ai nữa nếu không phải là Chúa Giêsu, hiện thân của lòng thương xót Chúa! Ngài đang đến, đã đến và sẽ đến; Ngài là Đấng thật sự chúng ta cần. Chỉ có Ngài mới giải gỡ chúng ta khỏi những sợi dây vô hình ràng buộc linh hồn khiến chúng ta không thể ‘cất cánh bay cao’, bay xa. Ngài ban năng lực thần linh để chúng ta tung vút lên. Hãy làm theo nhà truyền giáo và nói như người mẹ kia, “Ngài đang ở đây”, tâm hồn chúng ta sẽ thật sự nghỉ ngơi, bồi dưỡng.

Anh Chị em,

Để có thể làm được điều đó, để có thể hướng về Ngài với tất cả gánh nặng ích kỷ và đam mê cuồng si không thể kiềm chế của mình; trước tiên, như các mục đồng, chúng ta hãy tiếp cận máng lừa ăn Bêlem, nơi Vua các vua đang nằm bất lực. ‘Đến với Bêlem’, chiêm ngắm bí ẩn, mầu nhiệm của sự khiêm tốn và tình yêu; ở đó, Đấng đang nói với chúng ta là một trẻ sơ sinh bơ vơ; Ngài không nói một lời nhưng đã cho chúng ta cảm nhận một bài học sống động với tất cả cường độ có thể, và để cho hậu quả tự nó phát sinh mà việc ‘cất cánh bay cao’ sẽ là điều tất yếu. Qua một trẻ thơ vất vơ, Chúa Trời Đất Nhập Thể bị thu hẹp trong một không gian chật chội, một sự thầm lặng và nghèo khó đến kinh ngạc; để từ đó, mọi tham vọng sân si viển vông đều phai nhạt, mọi giận dữ và đam mê đắng cay phải dịu đi, mọi mưu cầu thu quén vu vơ phải rời xa khỏi cõi lòng mỗi người. Cái ách đè nặng chúng ta là tội lỗi, những đam mê ngông cuồng phải bị đập tan; và nhất là, chính chúng sẽ được thay thế bằng cái ách nhẹ nhàng và êm ái của tình yêu, chính Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hôm nay, con tìm đến Chúa; xin kéo con vào trái tim đầy tràn ân sủng và thương xót của Ngài. Xin cho được nghỉ ngơi trong Chúa, được giải thoát khỏi các gánh nặng, hầu con có thể ‘cất cánh bay cao’ trong trời ân sủng của Thánh Thần Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ đêm Giáng Sinh sẽ được tổ chức tại Ý nhưng phải kết thúc trước giờ giới nghiêm 10 giờ tối
Đặng Tự Do
03:38 08/12/2020


Giữa các tin đồn và những lời phàn nàn sâu rộng trên báo chí và trên các phương tiện truyền thông xã hội, Ủy ban thường trực của Hội Đồng Giám Mục Ý đã gặp nhau để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Lễ Thánh lễ Nửa đêm Giáng Sinh khi chính phủ áp đặt một lệnh giới nghiêm từ 10:00 giờ tối như một phần trong các biện pháp làm chậm sự lây lan của coronavirus.

Kể từ cuối tháng 11, các giám mục, các nhà thần học và những người khác đã chỉ ra rằng thánh lễ mà chúng ta thường gọi là “Thánh lễ nửa đêm”, Phụng Vụ Công Giáo gọi là “Thánh lễ trong đêm” và việc cử hành lễ này trước vài giờ, sẽ không làm hỏng lễ Giáng sinh.

Nhưng cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục.

Hội đồng thường trực của các giám mục Ý đã họp trực tuyến vào ngày 1 tháng 12 để thảo luận về vấn đề này. Trong một tuyên bố vào ngày hôm sau, các ngài nhấn mạnh “sự cần thiết phải xác định thời điểm bắt đầu và độ dài của lễ kỷ niệm cho phù hợp với lệnh giới nghiêm”.

Cho đến ngày 2 tháng 12, Vatican vẫn chưa công bố thời gian cử hành Thánh lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 24 tháng 12, mặc dù có tin đồn rằng nó sẽ bắt đầu lúc 7:30 tối để những người được phép tham dự có thể về nhà trước 10 giờ tối. Vào tháng 10, Vatican đã thông báo rằng phụng vụ sẽ không mở cửa cho công chúng, nhưng sẽ được phát sóng và truyền trực tiếp.

Năm 2009, vì tình trạng sức khoẻ của ngài, Đức Bênêđíctô XVI đã chuyển lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican từ nửa đêm sang 10 giờ tối. Sau khi Đức Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013, thánh lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican được cử hành lúc 9:30 tối

Trong thời gian khóa cửa đợt một, từ ngày 9 tháng 3 đến ngày 18 tháng 5, Ý cấm mọi cử hành Thánh lễ có tín hữu tham dự nhưng cho phép các nhà thờ mở cửa để cầu nguyện riêng.

Kể từ tháng Năm, sử dụng các hướng dẫn do các giám mục và chính phủ cùng nhau phát triển, số lượng người được phép tham dự mỗi Thánh lễ đã được xác định theo sức chứa của từng nhà thờ. Mọi người phải đeo khẩu trang ở mọi thời điểm, sử dụng nước rửa tay khi bước vào nhà thờ và duy trì giãn cách xã hội. Rước lễ chỉ được phát trên tay và các ca đoàn chỉ được phép nếu các thành viên ở xa nhau và ở xa cộng đoàn.

Các giám mục Ý yêu cầu người Công Giáo tiếp tục tuân theo những hướng dẫn đó vào lễ Giáng sinh.

Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí “ La Civilta Cattolica”, đã viết trên một tờ báo của Ý vào ngày 1 tháng 12 rằng “sự kiện quan trọng mang tính biểu tượng cho lễ Đêm Giáng sinh không phải là giờ giấc chính xác - cho dù đó là nửa đêm hay thời điểm khác - nhưng điểm chính là thánh lễ được cử hành khi không có ánh sáng mặt trời, khi trời tối, chính là để làm hiển nhiên ý nghĩa biểu tượng của ngày lễ, đó là ánh sáng của Chúa Kitô đến trong thế gian.”

“Nếu hiểu được lý do đó, người ta cũng sẽ hiểu rằng nếu việc cử hành Thánh lễ đêm Giáng Sinh xảy ra vào lúc trời tối, dù cho là trước nửa đêm đi nữa, chắc chắn sẽ không làm mất ý nghĩa buổi lễ.”


Source:Catholic News Agency

 
Lễ nhậm chức Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Latinh tại Giêrusalem diễn ra trong thầm lặng
Đặng Tự Do
03:39 08/12/2020


Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, tân Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Latinh tại Giêrusalem đã nhậm chức trong một nghi lễ rất lặng lẽ vào hôm thứ Bẩy 5 tháng 12.

Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, Giám Mục Phụ Tá của Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem cho biết:

“Các giáo sĩ, các cộng đồng, các tín hữu muốn có mặt nhưng chúng tôi không đủ khả năng. Thánh Địa đã từng trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đại dịch này đã làm cho không có người hành hương nào dám léo hành đến Thánh Địa nên tình hình thật là khó khăn, cách trở. Chúng tôi hy vọng rằng sau Lễ Phục sinh, tình hình sẽ thay đổi”.

Các nhà chức trách đã ban hành một loạt chỉ thị cho các lễ kỷ niệm, để phù hợp với các hạn chế về sức khỏe. Đức Cha Phụ tá cho biết “Trong buổi lễ tiến vào Mộ Thánh, ở Giêrusalem, cảnh sát đã áp đặt số lượng tối đa là 50 người, bao gồm các quan chức của Tòa Thượng Phụ, các tu sĩ dòng Phanxicô. Ngay cả các giáo sĩ cũng không thể có mặt, mà chỉ có một đại diện thay mặt cho những cộng đồng quan trọng nhất”.

Để mở rộng sự tham gia, Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Latinh đã có sáng kiến tổ chức một buổi lễ Te Deum khác tại nhà thờ lớn của Tòa Thượng Phụ.


Source:Asia News
 
Tổng giáo phận Brisbane khởi động chiến dịch quảng cáo kêu gọi mọi người Công Giáo đến nhà thờ
Đặng Tự Do
03:40 08/12/2020


Cựu danh thủ môn bóng chày Matthew Hayden lại tiếp tục ra sân trở lại - lần này không phải để đánh bóng chày nhưng để khai mạc cho một chiến dịch quảng cáo lớn kêu gọi tất cả người Công Giáo đến nhà thờ.

Chiến dịch sẽ diễn ra trên khắp Đông Nam Queensland vào đầu năm tới và tập trung vào những người Công Giáo “đã rửa tội nhưng không thực hành đạo”.

Các số liệu điều tra dân số gần đây cho thấy chỉ có khoảng 8 đến 10% trong số hơn 700,000 người Công Giáo trên toàn tổng giáo phận Brisbane thực sự đến tham dự Thánh lễ.

Cựu danh thủ Matthew Hayden chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người trong số các đối tượng chính của chiến dịch – đó là các vị nam giới từ 35 đến 54 tuổi - khi Hayden chia sẻ hành trình trở lại đức tin của chính mình.

“Trong tư cách là Giáo hội ở Brisbane, chúng ta muốn làm mọi thứ có thể để tiếp cận những người không tham gia thờ phượng cùng chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục Brisbane Mark Coleridge đã viết trong một lá thư gửi đến tất cả các giáo xứ và cộng đồng Giáo Hội vào tuần trước.

“Để đạt được mục tiêu này, đầu năm 2021, tổng giáo phận sẽ phát động một chiến dịch quy mô lớn để mời tất cả những người Công Giáo đã được rửa tội tái khám phá ý nghĩa sâu xa hơn của phép rửa tội mà họ đã lãnh nhận.”

Chiến dịch sẽ bắt đầu với một quảng cáo trên tờ Brisbane Times, trên đài phát thanh nổi tiếng Triple M, ở các trung tâm mua sắm Westfield, và các phương tiện truyền thông xã hội và trực tuyến.

Matthew Hayden sẽ xuất hiện trên các bảng quảng cáo, video clip và các cuộc phỏng vấn.


Source:Catholic Leader
 
Dưới trời mưa tầm tã, Đức Thánh Cha lặng lẽ đến kính viếng Đức Mẹ tại quảng trường Tây Ban Nha
Đặng Tự Do
14:44 08/12/2020


Dưới cơn mưa tầm tã vào sáng sớm ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến trung tâm thành phố Rôma để lặng lẽ kính viếng Mẹ Maria Vô nhiễm. Ở đó, Đức Thánh Cha đã giao phó thành phố và thế giới cho sự chăm sóc và bảo vệ của Đức Maria.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như sau:

Vào lúc 7 giờ sáng nay, Lễ trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha đã đến quảng trường Tây Ban Nha, để thực hiện một hành động kính viếng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội trong lặng lẽ.

Vào lúc có chút ánh sáng đầu tiên của bình minh, dưới cơn mưa, ngài đã đặt một bó hoa hồng trắng ở chân cột đài Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha, sau đó, cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ chăm sóc Rôma và các cư dân của thành này, giao phó cho Mẹ tất cả những người trong thành phố và trên thế giới đang đau khổ vì bệnh tật và chán nản.

Rời quảng trường Tây Ban Nha vài phút trước 7:15 sáng, Đức Thánh Cha đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả, nơi ngài cầu nguyện trước bức ảnh của Đức Mẹ Là Phần Rỗi Của Dân Rôma và cử hành thánh lễ trong Nhà nguyện Chúa Giáng Sinh bên trong Đền Thờ Đức Bà Cả nơi gìn giữ di tích thiêng liêng từ máng cỏ nơi Chúa Giêsu sinh ra.



Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở về Vatican.

Việc tôn kính trong lặng lẽ này tại cột đài Đức Mẹ ở quảng trường Tây Ban Nha đã diễn ra thay cho buổi lễ của Đức Thánh Cha với các tín hữu của Rôma tại tượng Đức Mẹ Vô nhiễm ở quảng trường các bậc thềm Tây Ban Nha, để tránh việc tụ tập đông đảo khi thế giới vật lộn với đại dịch COVID19.


Source:Vatican News
 
Đức Phanxicô: Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội là một trong những câu chuyện tuyệt vời về ơn cứu độ
Đặng Tự Do
15:54 08/12/2020


Ngày Lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội là một ngày nghỉ lễ tại Ý và theo truyền thống, vào lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ngày lễ phụng vụ hôm nay kỷ niệm một trong những điều kỳ diệu của câu chuyện về ơn cứu rỗi: đó là sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria. Cả Mẹ cũng đã được cứu độ bởi Chúa Kitô, nhưng theo một cách thật ngoại thường, bởi vì Thiên Chúa muốn rằng mẹ của Con Ngài không bị vấy bẩn bởi sự khốn cùng của tội lỗi ngay từ khi được thụ thai. Và như vậy, trong suốt cuộc đời trần thế, Đức Maria không bị vết nhơ tội lỗi nào, Mẹ là Đấng “đầy ân sủng” (Lc 1, 28), như lời sứ thần đã gọi Mẹ. Mẹ đã được ưu ái bởi một hành động duy nhất của Chúa Thánh Thần để luôn luôn ở trong mối quan hệ hoàn hảo với Con Mẹ là Chúa Giêsu. Đúng hơn, Mẹ là môn đệ của Chúa Giêsu: Mẹ và môn đệ của Ngài. Nhưng Mẹ không vướng mắc tội lỗi nào.

Trong bài thánh ca tuyệt vời mở đầu Thư gửi tín hữu Ê-phê-sô (xem 1: 3-6, 11-12), Thánh Phaolô làm cho chúng ta hiểu rằng mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa tạo dựng cho sự thánh thiện trọn vẹn, cho vẻ đẹp mà Đức Mẹ đã được mặc lấy ngay từ đầu. Mục tiêu mà chúng ta được mời gọi cũng là một ân sủng của Thiên Chúa dành cho chúng ta, vì thế, Tông đồ Phaolô nói với chúng ta rằng Chúa “đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện” (câu 4); “Ngài đã tiền định cho chúng ta” (xem câu 5), để trong Chúa Kitô một ngày nào đó chúng ta được hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi. Và đây là ân sủng, đó là ân sủng nhưng không, đó là một hồng ân của Thiên Chúa.

Và những gì Đức Maria đã có ngay từ đầu, cuối cùng chúng ta có lẽ sẽ có, sau khi chúng ta đã trải qua “bồn tắm” thanh tẩy là ân sủng của Thiên Chúa. Điều mở ra cánh cổng thiên đường cho chúng ta là ân sủng của Thiên Chúa, khi chúng ta trung thành đón nhận. Tuy nhiên, ngay cả những người vô tội nhất cũng bị ghi dấu bởi tội nguyên tổ và phải chiến đấu với tất cả sức mạnh của mình để chống lại những hậu quả của nó. Họ đã đi qua “cửa hẹp” dẫn đến sự sống (xem Lc 13:24). Và anh chị em có biết ai là người đầu tiên mà chúng ta có thể chắc chắn là người ấy đã bước vào thiên đường không? Anh chị em có biết đó là ai không? Thưa: đó là một “kẻ lưu manh”: một trong hai người đã bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Anh ta đã quay sang Chúa Giêsu và nói với Người: “Ông Giêsu ơi, khi vào nước Thiên Đàng, xin nhớ đến tôi nhé”. Và Người đã đáp lại: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng,” (Lc 23,42-43). Thưa anh chị em, ân sủng của Thiên Chúa được ban cho mọi người; và nhiều người thấp hèn nhất dưới đất này sẽ là những người đầu tiên trên Thiên Đàng (x. Mc 10:31).

Nhưng hãy cẩn thận. Anh chị em không khôn ngoan chút nào nếu cứ liên tục trì hoãn việc đánh giá nghiêm túc cuộc sống của mình, và lợi dụng sự kiên nhẫn của Người. Chúa kiên nhẫn. Chúa chờ đợi chúng ta, Chúa luôn sẵn sàng ban ơn cho chúng ta. Chúng ta có thể lừa được mọi người, nhưng không thể lừa được Chúa; Ngài hiểu trái tim của chúng ta hơn chính chúng ta. Chúng ta phải tận dụng thời điểm hiện tại! Vâng, đó chính là ý thức nắm bắt phút hiện tại của Kitô hữu. Đừng tận hưởng cuộc sống trong từng khoảnh khắc trôi qua - không, đó là ý nghĩ thế gian. Nhưng chúng ta phải nắm bắt phút hiện tại, nói “không” với điều ác và nói tiếng “xin vâng” với Chúa, và mở lòng mình ra đón nhận ân sủng của Ngài, để một lần và mãi mãi thôi nghĩ về bản thân, thôi đắm mình trong thói đạo đức giả và đối mặt với thực tế của chính chúng ta - đây là con người của chúng ta - để rồi nhận biết rằng chúng ta đã không yêu Chúa và người lân cận như chúng ta lẽ ra phải làm. Và khi chúng ta thú nhận điều đó, thì đây là sự khởi đầu của hành trình hoán cải. Trước hết, chúng ta xin Chúa tha thứ trong Bí tích Hoà giải, sau đó chúng ta sửa chữa những tổn hại đã gây ra cho người khác. Nhưng luôn luôn mở rộng lòng mình ra để đón nhận ân sủng: Chúa gõ cửa chúng ta, Ngài gõ cửa lòng chúng ta để đi vào tình bạn với chúng ta, trong tình hiệp thông, để ban ơn cứu độ cho chúng ta.

Và điều này, đối với chúng ta, là con đường để trở nên “thánh thiện và vô nhiễm”. Vẻ đẹp không chút tì vết của Mẹ chúng ta là khôn sánh, nhưng đồng thời vẻ đẹp ấy cũng thu hút chúng ta. Chúng ta hãy giao phó bản thân cho Đức Mẹ và nói “không” với tội lỗi và nói tiếng “xin vâng” với ân sủng Chúa một lần và mãi mãi.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Cần có sự châu phê của Tòa thánh đối với các Dòng Tu mới trong các Giáo hội Phương Đông
Thanh Quảng sdb
18:01 08/12/2020
Cần có sự châu phê của Tòa thánh đối với các Dòng Tu mới trong các Giáo hội Phương Đông

Trong một Tông thư được ban hành dưới dạng Tự sắc - 'motu proprio', Đức Thánh Cha Phanxicô sửa đổi điều luật trong giáo luật nói về sự phê chuẩn của Tòa thánh đối với các dòng tu trong các Giáo hội Phương Đông, cần phải có sự chấp thuận của Tòa Thánh về việc nhìn nhận cách hợp pháp các Hội Dòng và Tu Hội mới theo pháp luật của các Thượng phụ của các Giáo hội Đông Phương.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô, với Tông thư ban hành Tự sắc "Ab Initio", đã sửa đổi các điều luật 435 §1 và 506 §1 liên quan đến việc Giáo Hội châu phê các Hội dòng hoặc các Tu đoàn mới theo luật của các Thượng phụ cai quản các Giáo hội Phương Đông.

Những sửa đổi mới về Giáo luật là các Giám mục Thượng phụ phải nhận được văn bản châu phê của Tòa Thánh như là một phán quyết cuối cùng, trong việc thành lập một Hội Dòng hay một Tu đoàn theo luật của các Thượng phụ cai quản các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

Tông thư được công bố sau Tự sắc “Authenticum charismatis” được ban hành vào ngày 4 tháng 11 năm 2020, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉnh sửa lại phần giáo luật của Giáo hội Lamã, đòi hỏi phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Tòa thánh trong việc thành lập các Dòng Tu.

Các chỉnh sửa này được ban hành trên tờ L’Osservatore Romano và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 8 tháng 12. Sau đó, những luật mới này được xuất bản chính thức trong một Văn thư của Tòa Thánh.

Mở rộng các Gia đình Hội Dòng

Tông thư ghi nhận rằng ngay từ những ngày đầu của Giáo hội, một số tín hữu đã được kêu gọi “dâng hiến cuộc đời mình cách đặc biệt cho Thiên Chúa và phục vụ anh chị em mình, các chứng nhân này đã rời bỏ cuộc sống xã hội ồn ào mà sống nếp sống đan tu, sau này trở thành các tu sĩ sống theo những lời khuyên Phúc âm, với lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.” Như Tông thư diễn tả tất cả được bắt đầu bằng những kinh nghiệm cá nhân trong các giáo hội phương Đông, và sau đó được lan tỏa ra ở phương Tây bằng đời sống chung được qui định bằng những Hiến luật và Quy chế và sự tuân phục bề trên.

Vì thế như cây được trồng trong cánh đồng của Chúa, “nhiều hình thức Tu đoàn và đời sống cộng đồng, như các gia đình tu sĩ đã được nẩy sinh một cách kỳ diệu và đa dạng, đáp ứng những nhu cầu của các thành viên trong các gia đình cộng đoàn khác nhau nhằm giúp thăng tiến và mưu ích cho toàn thể Giáo hội Chúa Kitô ”(Hiến chế Tín lý Vui mừng và Hy vọng “Lumen Gentium’’ §43).

Tòa thánh và các Hội Dòng mới

Tông thư nhấn mạnh thêm rằng Giáo hội chào đón các hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến như là một “biểu hiện của sự phong phú các hồng ân của Chúa Thánh Thần”. Tuy nhiên, thẩm quyền của Giáo hội - đặc biệt là các vị chủ chăn của các Giáo hội địa phương cần giải thích cho các Tu Đoàn chấn chỉnh các cách sống của họ và từ đó, kiến tạo thành các hình thức sống ổn định, tránh được tình trạng đáng tiếc như “sự chào đời các Tu đoàn không có lợi hoặc không có một đoàn sủng thực sự!” (Quy chế về Đời sống Thánh Hiến - Perfectae caritatis số §19).

Về vấn đề này, Tòa Thánh có trách nhiệm đồng hành với các vị mục tử trong quá trình phân định, dẫn đến việc Giáo hội châu phê một Tu đoàn mới hoặc một Tu hội mới theo luật của các Thượng phụ Đông Phương. Tòa Thánh cũng là người thẩm định cuối cùng để kiểm tra tính xác thực của ơn đoàn sủng của vị sáng lập.

Tiến trình luật pháp tương tự như trên cũng được áp dụng cho toàn thể Giáo hội.

Trong một cuộc phỏng vấn của đài Vatican, ký giả Gabriella Ceraso phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Giorgio Demetrio Gallaro, Thư ký của Thánh Bộ đặc trách về Giáo hội Đông phương, ngài thích rằng qua Tông thư ngày 4 tháng 11 về “Ơn Đoàn Sủng Chân chính”, “Authenticum Charistmatis” và những chỉnh sửa mới, Đức Thánh Cha Phanxicô đang đặt ra một luật pháp tương tự cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo, cả phương Đông lẫn phương Tây.

Đức Tổng Giám Mục cho hay thêm rằng kể từ Công đồng Vatican II, đã phát sinh nhiều hình thức mới cho đời sống thánh hiến và các Hội Dòng, đôi khi có những sự trùng lắp giống nhau…

Để tránh những trường hợp trùng lắp như vậy, cần phải có văn bản cho phép của Tòa Thánh đối với các Tu Đoàn trong Giáo hội Latinh và Phương Đông về các Tu Đoàn và Tu hội cho Đời sống Thánh hiến tu trì và các Tu Hội Đời cho các việc Tông đồ, cũng như cho các Tu đoàn tương tự trong các Giáo hội Phương Đông.
 
Trung Quốc hành động không theo các quy tắc ngoại giao đã được quốc tế thống nhất
Đặng Tự Do
18:22 08/12/2020


Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Menzies Nick Cater cho biết Thủ tướng Scott Morrison và ngoại trưởng Marise Payne đang làm những gì tốt nhất có thể để đối phó với Trung Quốc, là quốc gia đang hành động “không theo các quy tắc quốc tế đã được thỏa thuận” về ngoại giao.

Ông Cater bác bỏ ý kiến cho rằng Úc bằng cách nào đó đã kích động Trung Quốc phá vỡ quan hệ giữa hai nước.

Ông nói với Sky News : “Trung Quốc đã thay đổi trong vài năm qua dưới thời Tập Cận Bình, họ trở nên hiếu chiến hơn nhiều, và hành xử hung hăng với rất nhiều nước láng giềng “.

“Bất kỳ đề xuất nào rằng chính phủ Úc có thể làm khác với những gì họ đang làm, tôi nghĩ là không thực tế”.

Trong một diễn biến sống sượng đến mức trên thế giới này chỉ có Trung Quốc mới làm được, một họa sĩ chuyên vẽ các bức tranh tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, có biệt danh là “Ngũ Hà Kỳ Lân” (Wuheqilin, 五河麒麟), hay còn được biết đến với một tên khác là “nghệ sĩ chiến binh sói” đã dùng Photoshop để tung ra một bức ảnh hư cấu rất kinh khủng mô tả một người lính Úc tại Afghanistan đang cầm một con dao đẫm máu cứa vào cổ một đứa bé.

Vài ngày sau đó, cụ thể là hôm 29 tháng 11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian- 赵丽坚) đã dùng bức ảnh hư cấu này để lên án Úc Đại Lợi và cho biết ông ta “bị sốc trước việc binh lính Úc Đại Lợi sát hại dân thường Afghanistan và các tù nhân”.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, tên “Ngũ Hà Kỳ Lân” xác nhận với tờ Hoàn Cầu Thời Báo (环球时报 - Global Times) rằng đó là một bức ảnh hư cấu.

Trong một đoạn video, hắn ta nói với Thủ tướng Scott Morrison rằng Úc hãy tập trung vào việc làm cho Lực lượng Phòng vệ Úc có “kỷ luật” hơn thay vì chỉ trích bức hình hư cấu của anh ta.

Đã tung ra fake news, tên này lớn tiếng dạy đời rằng:

“Tôi vẫn khuyên ông Morrison nên đối mặt với thực tế và nỗ lực vào các vấn đề đối nội như bảo đảm rằng quân đội của ông ấy trở nên kỷ luật hơn để những thảm kịch kiểu này không bao giờ xảy ra. Đó sẽ là một đóng góp thực sự cho nhân loại. Ông ấy nên giảm bớt công sức chỉ trích một nghệ sĩ bình thường như tôi.”

Bất chấp tính chất bạo lực, gây ấn ượng mạnh và sai trái của hình ảnh này, Twitter đã quyết định không xóa cái tweet đã được chia sẻ hơn 10,400 lần và “like” hơn 35,000 lần.

Những lời bình luận của tên “nghệ sĩ chiến binh sói” này đã được đưa ra sau khi Thủ tướng Morrison và Lãnh đạo đối lập của đảng Lao động Anthony Albanese đồng loạt lên án bức ảnh hư cấu này và yêu cầu Bắc Kinh phải xin lỗi.

Tuyên bố của tên “nghệ sĩ chiến binh sói” đã được đăng tải bởi cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản. Trong khi đó, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời Báo (环球时报 - Global Times) là Hồ Hi Kim (Hu Xijin-胡希金) mô tả bức ảnh chỉ đơn thuần là một “bức ảnh châm biếm”, chẳng có gì phải ầm ĩ.


Source:Sky News Australia
 
Ngôi nhà thờ lịch sử ở California bị đốt cháy có mái che tạm thời
Đặng Tự Do
18:23 08/12/2020


Một nhà thờ 249 tuổi ở Nam California bị hư hại nặng trong trận hỏa hoạn vừa có một mái che tạm thời để bảo vệ tòa nhà lịch sử trong khi đang chờ được trùng tu trong một kế hoạch kéo dài hàng năm.

Gỗ và vải chống thấm đang bao phủ cứ điểm truyền giáo San Gabriel ở phía đông Los Angeles.

“Với mùa mưa đang ập đến, điều quan trọng là phải bảo vệ cứ điểm truyền giáo,” Adrian Marquez Alarcon, một phát ngôn viên của Tổng Giáo Phận Los Angeles, nói với tờ Los Angeles Times.

Nhà thờ, được thành lập vào năm 1771, là nhà thờ thứ tư trong chuỗi các cơ sở truyền giáo Công Giáo được thành lập trên khắp California bởi Thánh Junipero Serra trong thời kỳ thuộc địa của Tây Ban Nha. Nhà thờ bị bốc cháy vào ngày 11 tháng 7 khi nhà thờ đang trong quá trình trùng tu để đánh dấu lễ kỷ niệm 250 năm thành lập.

Ngọn lửa thiêu rụi mái nhà bằng gỗ, làm cong vênh các dầm thép được lắp đặt trong một trận động đất vào những năm 1990 và gây hư hại nội thất, mặc dù bàn thờ không bị hề hấn.

Nguyên nhân của vụ cháy vẫn đang được điều tra.

Công ty xây dựng đang đảm trách việc thi công cho biết việc khôi phục sẽ hoàn thành vào tháng 11 năm tới 2021. Chi phí trùng tu chưa được xác dịnh nhưng khoảng 400,000 đô la đã được huy động.

“Bạn sẽ biết chúng tôi đã hoàn thành tốt công việc và mọi thứ diễn ra tốt đẹp nếu chúng tôi có thể làm cho cứ điểm truyền giáo San Gabriel giống hệt như trước khi hỏa hoạn - giống như không có gì xảy ra,” Reuben Lombardo nói với Times. Ông là nhà ước tính cao cấp tại Công ty Spectra có trụ sở tại Pomona, sẽ làm việc với công ty kiến trúc Melvyn Green and Associates.


Source:Crux
 
Nữ tu lọt được vào vòng chung kết cuộc thi MasterChef của Brazil tuyên bố Chúa giúp chị chiến thắng
Đặng Tự Do
18:24 08/12/2020


Một nữ tu người Brazil, đã lọt vào vòng chung kết của một chương trình nấu ăn trên truyền hình, cho biết chị đã nhận được “sự giúp đỡ của Chúa” và luôn cầu nguyện trong suốt thời gian nấu ăn.

Chị nhận định rằng “sự giúp đỡ của Chúa”, đã giúp chị nhận thấy rằng con tôm mà chị được yêu cầu nấu chưa được lột sạch mọi thứ.

“Nếu tôi đã để y nguyên như khi họ đưa cho tôi, tôi đã không giành được chiến thắng,” nữ tu Lorayne Caroline Tinti, một thành viên của Dòng Các Nữ Tu của Chúa Phục sinh nói. Chị đã nấu món tôm và bánh tiramisu trong cuộc thi MasterChef Brazil. Nữ tu Tinti sẽ có mặt trong cuộc thi cuối cùng của chương trình năm 2020 vào cuối tháng 12.

Cuộc thi MasterChef Brazil là một cuộc thi quan trọng và cam go tại Brazil. Thí sinh thường là các đầu bếp trứ danh của các nhà hàng sang trọng tại Brazil. Cuộc thi được coi là dịp thuận tiện để quảng cáo cho nhà hàng và cho cá nhân các đầu bếp.

“Nhiều người đã đề cập đến việc tôi bình tĩnh như thế nào trong suốt cuộc thi, và tôi nói với họ rằng đó là vì tôi đang cầu nguyện xin Chúa chúng ta giúp tôi vượt qua những thử thách. Điều đó đã giúp tôi tự tin,” chị Tinti nói với Catholic New Service.

Chị Tinti cho biết chị đã học nấu ăn từ sớm, với các thành viên trong gia đình.

“Mẹ, dì và bà của tôi luôn nấu ăn nên tôi học hỏi từ họ. Cha tôi cũng quan tâm đến việc chuẩn bị thức ăn,” chị nói với CNS.

Chị lưu ý rằng kỹ năng nấu nướng của mình đã được cải thiện khi sống trong nhà truyền giáo của nhà Dòng ở bang Minas Gerais.

“Chúng tôi có một tiệm bánh mì do hai chị em điều hành, vì vậy tôi đã học về cách làm bánh ngọt và bánh mì,” chị nói thêm.

Trong khi xem TV, Tinti tình cờ nghe được lời kêu gọi tham gia cuộc thi MasterChef Brazil và quyết định ghi danh.

“Tôi cần sự cho phép và ban đầu, mẹ bề trên không muốn tôi rời tu viện để đi thi, nhưng các chị ở đây đã thuyết phục được bà”.


Source:Crux
 
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Thánh Giuse được bắt đầu ngay tức khắc
Đặng Tự Do
19:38 08/12/2020
Hôm thứ Ba 8 tháng 12, Lễ Trọng Kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Năm Thánh Giuse nhân kỷ niệm 150 năm ngày thánh nhân được tuyên phong là quan thầy của Giáo hội Hoàn vũ.

Năm Thánh sẽ bắt đầu ngay từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 và kết thúc vào ngày 8 tháng 12 năm 2021, theo một sắc lệnh đã được Đức Thánh Cha ủy quyền cho Tòa Ân Giải Tối Cao công bố.

Sắc lệnh cho biết Đức Phanxicô đã thiết lập Năm Thánh Giuse để “mọi thành phần tín hữu, theo gương thánh nhân, có thể củng cố đời sống đức tin của họ hàng ngày trong việc hoàn thành thánh ý Thiên Chúa”.

Sắc lệnh nói thêm rằng Đức Thánh Cha đã ban các ân xá đặc biệt để đánh dấu Năm Thánh này.

Sắc lệnh ngày 8 tháng 12 được ban hành bởi Tòa Ân Giải Tối Cao, là cơ quan của Giáo triều Rôma giám sát việc ban phát các ân xá, và được ký bởi Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa, và Đức Ông Krzysztof Nykiel, là Nhiếp chính.

Ngoài sắc lệnh này, Đức Phanxicô cũng đã công bố một tông thư dành riêng để trình bày các suy tư của ngài về Thánh Giuse, dưỡng phụ của Chúa Giêsu.

Trong Tông Thư có tựa đề Patris Corde, nghĩa là “Trái tim của một người cha”, Đức Thánh Cha giải thích rằng ngài muốn chia sẻ một số “suy tư cá nhân” về người phối ngẫu của Đức Trinh Nữ Maria.

Ngài nói: “Mong muốn thực hiện điều này của tôi tăng lên trong những tháng đại dịch” và lưu ý rằng nhiều người đã lặng lẽ hy sinh trong cuộc khủng hoảng coronavirus để bảo vệ người khác.

“Mỗi người chúng ta có thể khám phá trong Thánh Giuse - người đàn ông âm thầm, lặng lẽ trong đời sống hàng ngày - một sự cầu thay, hỗ trợ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn”

“Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng những người lặng lẽ hay âm thầm trong bóng tối có thể đóng một vai trò không thể sánh được trong lịch sử cứu độ”.

Đức Giáo Hoàng Pius IX đã tuyên bố Thánh Giuse là người bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ vào ngày 8 tháng 12 năm 1870, trong sắc lệnh Quemadmodum Deus (cũng như Thiên Chúa).

Trong sắc lệnh công bố hôm thứ Ba, Tòa Ân Giải Tối Cao cho biết, “để tái khẳng định Thánh Giuse là quan thầy toàn thể Giáo hội”, Tòa Ân Giải Tối Cao sẽ ban ơn toàn xá cho những người Công Giáo đọc bất kỳ lời cầu nguyện nào đã được phê chuẩn hoặc bất kỳ hành động đạo đức nào nhằm tôn vinh Thánh Giuse, đặc biệt là vào ngày 19 tháng 3 lễ kính thánh nhân, và ngày 1 tháng 5 Lễ Thánh Giuse Thợ.

Những ngày đáng chú ý khác để lãnh nhận ơn Toàn xá là Lễ Thánh Gia vào ngày 29 tháng 12 và Chúa Nhật Thánh Giuse theo truyền thống Byzantine, cũng như ngày 19 hàng tháng và mỗi thứ Tư, là ngày dành riêng cho vị thánh theo truyền thống Latinh.

Nghị định cho biết: “Trong bối cảnh sức khỏe khẩn cấp như hiện nay, việc ban ơn toàn xá đặc biệt được mở rộng cho người già, người bệnh, người hấp hối và tất cả những người vì những lý do chính đáng không thể ra khỏi nhà, miễn là họ có lòng từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi và có ý định hoàn thành, càng sớm càng tốt, ba điều kiện thông thường, trong nhà riêng của họ hoặc nơi họ buộc phải cư trú, khi họ đọc kinh hay làm một hành động xuất phát từ lòng đạo đức để tôn kính Thánh Giuse, là vị thánh an ủi người bệnh và bảo trợ cho ơn chết lành, đồng thời dâng hiến với lòng tín thác nơi Chúa những đau đớn và khó chịu trong cuộc sống của họ”.

Ba điều kiện để nhận ơn toàn xá là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha.

Trong tông thư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những đức tính hiền phụ của Thánh Giuse, mô tả ngài là người được yêu mến, dịu dàng và yêu thương, vâng lời, chấp nhận và “can đảm một cách sáng tạo”. Ngài cũng nhấn mạnh rằng thánh nhân là một người cha lao động.

Đức Thánh Cha gọi Thánh Giuse là “một người cha trong bóng tối”, khi trích dẫn cuốn tiểu thuyết “The Shadow of the Father”, nghĩa là “Cái bóng của Người Cha”, do tác giả người Ba Lan Jan Dobraczyński xuất bản năm 1977.

Ngài nói rằng Dobraczyński, người được viện Yad Vashem của Israel tuyên bố là Người Công Chính Giữa Các Dân Nước vào năm 1993 vì đã bảo vệ trẻ em Do Thái ở Warsaw trong Thế chiến thứ hai, “đã sử dụng hình ảnh gợi lên từ một cái bóng để định nghĩa Thánh Giuse”.

“Trong mối quan hệ của thánh nhân với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần thế của Cha trên trời: Ngài trông nom và bảo vệ Chúa Giêsu, không bao giờ bỏ Ngài bơ vơ để đi theo con đường riêng của mình,” Đức Thánh Cha viết.

Đức Phanxicô nói rằng thế giới đương đại cần những tấm gương về tình phụ tử thực sự.

“Thế giới của chúng ta ngày nay cần những người cha. Những bạo chúa, hành xử độc đoán trên người khác như một phương tiện để bù đắp cho nhu cầu của chính họ, đều là vô dụng”.

“Tình phụ tử thực sự bác bỏ những nhầm lẫn giữa quyền hành và chủ nghĩa độc đoán, và loại bỏ những ngộ nhận giữa phục vụ và nô lệ, giữa thảo luận và áp bức, giữa bác ái và tâm lý thủ lợi, giữa quyền lực và sự hủy diệt”.

“Mọi ơn gọi đích thực đều được phát sinh ra từ việc trao ban chính mình, đó là kết quả của sự hy sinh trưởng thành. Tương tự, chức linh mục và đời sống thánh hiến đòi hỏi phải có sự trưởng thành như vậy. Dù ơn gọi của chúng ta là gì, cho dù là kết hôn, độc thân hay trinh tiết, việc trao ban bản thân sẽ không thành hiện thực nếu nó chỉ dừng lại ở sự hy sinh; trong trường hợp đó, thay vì trở thành một dấu chỉ của vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu, việc trao ban chính mình sẽ có nguy cơ trở thành một biểu hiện của bất hạnh, buồn bã và thất vọng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cổ vũ lòng sùng kính đối với Thánh Giuse trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài.

Ngài bắt đầu sứ vụ mục tử toàn thể Hội Thánh vào ngày 19 tháng 3 năm 2013, Lễ Trọng kính Thánh Giuse, và dành bài giảng trong Thánh lễ nhậm chức để nói về thánh nhân.

Trong huy hiệu Giáo Hoàng của ngài có một cây cam tùng, được liên kết với Thánh Giuse trong truyền thống biểu tượng của người Tây Ban Nha.

Vào ngày 1 tháng 5 năm 2013, Đức Thánh Cha đã ban hành một sắc lệnh hướng dẫn rằng tên Thánh Giuse được đưa vào các Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV.

Đức Thánh Cha kết thúc tông thư mới của mình bằng cách thúc giục người Công Giáo cầu nguyện với Thánh Giuse.

“Kính Thánh Giuse, đấng bảo vệ Chúa Cứu thế, Người phối ngẫu của Đức Trinh nữ Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời đã giao phó Con Một của Ngài cho Thánh Giuse; Đức Maria đã đặt niềm tin của mình nơi Thánh Giuse; và cùng với Thánh Giuse Chúa Kitô đã khôn lớn. Xin Thánh Giuse cũng tỏ lòng hiền phụ với chúng con và hướng dẫn chúng con trên đường đời. Xin ban cho chúng con ân sủng, lòng thương xót và lòng can đảm, và xin bảo vệ chúng ta khỏi mọi điều ác. Amen.”


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Thánh Giuse.
Thanh Quảng sdb
20:26 08/12/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Thánh Giuse.

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Phụng Vụ mới này, bắt đầu từ ngày 8 tháng 12, nhân dịp kỷ niệm 150 năm, Thánh Giáo hoàng Piô IX công bố Thánh Giuse là người Quan Thầy của Giáo hội nhân ngày Lễ Trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng công bố sắc lệnh năm nay là năm kính thánh Giuse “mọi tín hữu hãy noi gương thánh Giuse củng cố đời sống đức tin trong việc thực hiện thánh ý Thiên Chúa hàng ngày."

Sắc lệnh nêu rõ: “Vì vậy, các tín hữu hãy dấn thân, cầu nguyện và thể hiện những việc làm tốt, để nhận được sự chở che, nâng đỡ của Thánh Giuse, người đứng đầu Gia đình thánh gia Nazareth, hầu được an ủi, được xoa dịu khỏi những khổ đau trầm trọng của con người và xã hội trong thế giới đương đại ngày nay gây nên”.

Sắc lệnh được công bố, sau khi linh mục Donald Calloway, xin Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập một Năm kính Thánh Giuse, nhân dịp ngài phát hành tác phẩm về “Sự Dâng hiến cho Thánh Giuse”. Cha Calloway cho hay không biết đây có phải là một phản ứng trực tiếp hay không, nhưng “chắc chắn là Đức Thánh Cha đã nhận và đọc lá thư của tôi”.

Dưới đây là 8 cách để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Giuse:

1) Nguyện gẫm 30 phút về Thánh cả
2) Tham dự một ngày tĩnh tâm có bài suy niệm về Thánh Giuse
“Thánh Cả Giuse, một con người đức tin đích thực, mời gọi chúng ta khám phá lại mối quan hệ hiếu thảo với Thiên Chúa Cha, xác quyết lại lòng trung thành qua lời cầu nguyện, lắng nghe và đáp trả lại cách sâu sắc đối với thánh của Thiên Chúa.”

3) Hy sinh hãm mình hay làm việc bác ái yêu thương.
“Đức tính công bình được Giuse được bày tỏ qua các mẫu gương như là tuân thủ hoàn toàn luật pháp của thiên Chúa, đó là luật của lòng thương xót,‘ bởi vì chính lòng thương xót của Chúa đã mang lại sự hoàn thành cho công lý thật sự’.
“Vì vậy, những ai, theo gương Thánh Giuse, thực hiện việc thương giúp thể lý hoặc thiêng liêng, cũng sẽ có thể nhận được ân toàn xá của lòng khoan dung.”

4) Đọc kinh Mân Côi trong gia đình.
“Khía cạnh chính của ơn gọi của thánh Giuse là trở thành người cai quản của gia đình Thánh Gia Nazareth, là chồng của Đức Trinh Nữ Maria và là cha hợp pháp của Chúa Giêsu. Xin thánh nhân phù giúp các gia đình Kitô hữu được sốt sắng để tái tạo một bầu khí hiệp nhất mật thiết, yêu thương và cầu nguyện như Gia đình thánh Gia xưa.”

5) Phó dâng ngày và công ăn việc làm cho Thánh Giuse, xin Ngài bảo vệ và cầu bầu cho bạn.
“Ơn Toàn xá được ban cho người phó thác các hoạt động hàng ngày của mình cho sự bảo vệ chở che của Thánh Giuse và tín hữu nào cầu xin thánh cả cầu bầu cho thì cũng nhận được Ơn toàn xá, nhờ đó những người chưa có công ăn việc làm có thể tìm được việc làm xứng hợp với nhân phẩm con người.”

6) Cầu xin Thánh Giuse cho các Kitô hữu bị bách hại
“Ơn toàn xá thể được ban cho những tín hữu sẽ đọc kinh cầu Thánh Giuse (đối với truyền thống Latinh), hoặc đọc kinh Akathistos cầu xin Thánh Giuse, đối với các tín hữu thuộc Giáo hội Đông phương, hoặc những kinh cầu nguyện khác về Thánh Giuse, xin Ngài phù giúp các Giáo hội đang bị bắt hại và dấn thân trong công cuộc bác ái nâng đỡ các Kitô hữu đang bị bắt hại."

7) “Đọc bất cứ một kinh nguyện hợp pháp nào được chuẩn nhận (imprimatur) hoặc làm các việc đạo đức để tôn vinh Thánh Giuse”.
“Ơn Toàn xá có thể rộng ban cho các tín hữu đọc bất kỳ kinh nguyện hoặc thực hành việc đạo đức để tôn vinh Thánh Giuse, chẳng hạn kêu cầu 'Lạy Thánh Cả Giuse' đặc biệt trong các ngày 19 tháng Ba và 1 tháng Năm, Lễ Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, hoặc theo truyền thống Byzantine các ngày 19 hàng tháng; hoạc theo truyền thống Giáo hội Latinh dành các ngày thứ Tư hàng tuần, để nhớ tới Thánh.

8) Đối với những người già yếu, bệnh tật và hấp hối thì biết chạy đến kêu cầu Thánh Giuse, phó thác cuộc đời và những đau đớn bệnh tật cho Thánh Giuse.
“Trong những lúc nguy cấp như cơn đại dịch hiện nay, ân xá toàn thể đặc biệt có thể được trao ban cho những người già cả, bệnh tật hoặc đang hấp hối và tất cả những người vì lý do chính đáng không thể ra khỏi nhà, tất cả phải có ý định cử hành bí tích hòa giải khi có dịp, và thực hành ba điều kiện thông thường đọc kinh kính thánh Giuse, an ủi bệnh nhân và dâng hiến phó thác mọi, cậy trông vào Thiên Chúa."

Lạy Thánh Giuse, Quan thầy của Giáo hội, Xin cầu cho chúng con!
Nguồn: https://www.churchpop.com/2020/12/08/pope-francis-declares-year-of-st-joseph-8-ways-to-gain-a-plenary-indulgence-over-the-next-year/
 
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Thánh Giuse & 8 cách để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Giuse
Thanh Quảng sdb
20:28 08/12/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Thánh Giuse & 8 cách để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Giuse

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Phụng Vụ mới này, bắt đầu từ ngày 8 tháng 12, nhân dịp kỷ niệm 150 năm, Thánh Giáo hoàng Piô IX công bố Thánh Giuse là người Quan Thầy của Giáo hội nhân ngày Lễ Trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng công bố sắc lệnh năm nay là năm kính thánh Giuse “mọi tín hữu hãy noi gương thánh Giuse củng cố đời sống đức tin trong việc thực hiện thánh ý Thiên Chúa hàng ngày."

Sắc lệnh nêu rõ: “Vì vậy, các tín hữu hãy dấn thân, cầu nguyện và thể hiện những việc làm tốt, để nhận được sự chở che, nâng đỡ của Thánh Giuse, người đứng đầu Gia đình thánh gia Nazareth, hầu được an ủi, được xoa dịu khỏi những khổ đau trầm trọng của con người và xã hội trong thế giới đương đại ngày nay gây nên”.

Sắc lệnh được công bố, sau khi linh mục Donald Calloway, xin Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập một Năm kính Thánh Giuse, nhân dịp ngài phát hành tác phẩm về “Sự Dâng hiến cho Thánh Giuse”. Cha Calloway cho hay không biết đây có phải là một phản ứng trực tiếp hay không, nhưng “chắc chắn là Đức Thánh Cha đã nhận và đọc lá thư của tôi”.

Dưới đây là 8 cách để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Giuse:

1) Nguyện gẫm 30 phút về Thánh cả
2) Tham dự một ngày tĩnh tâm có bài suy niệm về Thánh Giuse
“Thánh Cả Giuse, một con người đức tin đích thực, mời gọi chúng ta khám phá lại mối quan hệ hiếu thảo với Thiên Chúa Cha, xác quyết lại lòng trung thành qua lời cầu nguyện, lắng nghe và đáp trả lại cách sâu sắc đối với thánh của Thiên Chúa.”

3) Hy sinh hãm mình hay làm việc bác ái yêu thương.
“Đức tính công bình được Giuse được bày tỏ qua các mẫu gương như là tuân thủ hoàn toàn luật pháp của thiên Chúa, đó là luật của lòng thương xót,‘ bởi vì chính lòng thương xót của Chúa đã mang lại sự hoàn thành cho công lý thật sự’.
“Vì vậy, những ai, theo gương Thánh Giuse, thực hiện việc thương giúp thể lý hoặc thiêng liêng, cũng sẽ có thể nhận được ân toàn xá của lòng khoan dung.”

4) Đọc kinh Mân Côi trong gia đình.
“Khía cạnh chính của ơn gọi của thánh Giuse là trở thành người cai quản của gia đình Thánh Gia Nazareth, là chồng của Đức Trinh Nữ Maria và là cha hợp pháp của Chúa Giêsu. Xin thánh nhân phù giúp các gia đình Kitô hữu được sốt sắng để tái tạo một bầu khí hiệp nhất mật thiết, yêu thương và cầu nguyện như Gia đình thánh Gia xưa.”

5) Phó dâng ngày và công ăn việc làm cho Thánh Giuse, xin Ngài bảo vệ và cầu bầu cho bạn.
“Ơn Toàn xá được ban cho người phó thác các hoạt động hàng ngày của mình cho sự bảo vệ chở che của Thánh Giuse và tín hữu nào cầu xin thánh cả cầu bầu cho thì cũng nhận được Ơn toàn xá, nhờ đó những người chưa có công ăn việc làm có thể tìm được việc làm xứng hợp với nhân phẩm con người.”

6) Cầu xin Thánh Giuse cho các Kitô hữu bị bách hại
“Ơn toàn xá thể được ban cho những tín hữu sẽ đọc kinh cầu Thánh Giuse (đối với truyền thống Latinh), hoặc đọc kinh Akathistos cầu xin Thánh Giuse, đối với các tín hữu thuộc Giáo hội Đông phương, hoặc những kinh cầu nguyện khác về Thánh Giuse, xin Ngài phù giúp các Giáo hội đang bị bắt hại và dấn thân trong công cuộc bác ái nâng đỡ các Kitô hữu đang bị bắt hại."

7) “Đọc bất cứ một kinh nguyện hợp pháp nào được chuẩn nhận (imprimatur) hoặc làm các việc đạo đức để tôn vinh Thánh Giuse”.
“Ơn Toàn xá có thể rộng ban cho các tín hữu đọc bất kỳ kinh nguyện hoặc thực hành việc đạo đức để tôn vinh Thánh Giuse, chẳng hạn kêu cầu 'Lạy Thánh Cả Giuse' đặc biệt trong các ngày 19 tháng Ba và 1 tháng Năm, Lễ Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, hoặc theo truyền thống Byzantine các ngày 19 hàng tháng; hoạc theo truyền thống Giáo hội Latinh dành các ngày thứ Tư hàng tuần, để nhớ tới Thánh.

8) Đối với những người già yếu, bệnh tật và hấp hối thì biết chạy đến kêu cầu Thánh Giuse, phó thác cuộc đời và những đau đớn bệnh tật cho Thánh Giuse.
“Trong những lúc nguy cấp như cơn đại dịch hiện nay, ân xá toàn thể đặc biệt có thể được trao ban cho những người già cả, bệnh tật hoặc đang hấp hối và tất cả những người vì lý do chính đáng không thể ra khỏi nhà, tất cả phải có ý định cử hành bí tích hòa giải khi có dịp, và thực hành ba điều kiện thông thường đọc kinh kính thánh Giuse, an ủi bệnh nhân và dâng hiến phó thác mọi, cậy trông vào Thiên Chúa."

Lạy Thánh Giuse, Quan thầy của Giáo hội, Xin cầu cho chúng con!
Nguồn: https://www.churchpop.com/2020/12/08/pope-francis-declares-year-of-st-joseph-8-ways-to-gain-a-plenary-indulgence-over-the-next-year/
 
Toàn văn sắc lệnh về các ơn xá trong Năm Thánh Giuse của Tòa Ân Giải Tối Cao
J.B. Đặng Minh An dịch
23:13 08/12/2020
Hôm thứ Ba 8 tháng 12, Lễ Trọng Kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Năm Thánh Giuse nhân kỷ niệm 150 năm ngày thánh nhân được tuyên phong là quan thầy của Giáo hội Hoàn vũ. Năm Thánh sẽ bắt đầu ngay từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 và kết thúc vào ngày 8 tháng 12 năm 2021, theo một sắc lệnh đã được Đức Thánh Cha ủy quyền cho Tòa Ân Giải Tối Cao công bố.

Sắc lệnh cho biết Đức Phanxicô đã thiết lập Năm Thánh Giuse để “mọi thành phần tín hữu, theo gương thánh nhân, có thể củng cố đời sống đức tin của họ hàng ngày trong việc hoàn thành thánh ý Thiên Chúa”.

Sắc lệnh nói thêm rằng Đức Thánh Cha đã ban các ân xá đặc biệt để đánh dấu Năm Thánh này.

Nguyên bản tiếng Ý và tiếng Latinh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


SẮC LỆNH

Các ơn xá đặc biệt được ban nhân dịp Năm Thánh Giuse, do Đức Thánh Cha Phanxicô công bố nhân kỷ niệm 150 năm tuyên bố Thánh Giuse là Bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ.

Hôm nay đánh dấu kỷ niệm 150 năm Sắc lệnh Quemadmodum Deus (cũng như Thiên Chúa), trong đó Chân phước Piô IX, khi xúc động trước những hoàn cảnh nghiêm trọng và thê lương trong đó Giáo hội bị bao vây bởi sự thù địch thế gian, đã công bố Thánh Giuse là Quan Thầy Bảo Trợ cho Giáo Hội Công Giáo.

Để duy trì sự giao phó toàn thể Giáo hội dưới sự bảo trợ quyền năng của Dưỡng Phụ Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập rằng, một Năm đặc biệt về Thánh Giuse sẽ được cử hành kể từ ngày hôm nay, là ngày kỷ niệm việc công bố Sắc lệnh Quemadmodum Deus cũng là ngày Lễ Trọng Kính Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội và là Hiền Thê của Thánh Giuse cực thanh cực tịnh; và sẽ kéo dài cho đến ngày 8 tháng 12 năm 2021. Trong năm này, mỗi tín hữu theo gương ngài có thể hàng ngày củng cố đời sống đức tin của mình ngõ hầu thực hiện trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa.

Vì thế, tất cả các tín hữu sẽ có cơ hội tham dự qua những lời cầu nguyện và những việc lành phúc đức, để nhận được sự hộ phù của Thánh Giuse, là vị đứng đầu Gia đình Nazareth trên trời, cũng như được an ủi và xoa dịu khỏi những khổ não con người và xã hội đang đè nặng lên thế giới đương đại.

Lòng tôn sùng đối với Dưỡng Phụ Chúa Cứu Thế đã phát triển rộng rãi trong quá trình lịch sử của Giáo hội. Lòng sùng kính ấy dành cho ngài không chỉ là những hình thái thờ kính cao nhất chỉ sau Mẹ Thiên Chúa, và là Hiền Thê ngài; mà còn là lòng cậy trông xin ngài bảo trợ trong nhiều khía cạnh.

Huấn quyền của Giáo hội tiếp tục khám phá ra những chiều kích cũ và mới trong kho tàng Thánh Cả Giuse, như người chủ nhà trong Tin Mừng thánh Matthêu là người “lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52).

Các ơn xá được Tòa Ân Giải Tối Cao ban, thông qua Sắc lệnh này, được ban hành theo ý Đức Thánh Cha Phanxicô, và được ưu ái ban tặng trong Năm Thánh Giuse, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc đạt được cách hoàn hảo mục đích đã định.

Ơn Toàn Xá được ban trong các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha) cho các tín hữu từ bỏ mọi quyến luyến với tội lỗi, miễn là họ tham gia Năm Thánh Giuse vào các dịp và theo cách thức được chỉ định bởi Tòa Ân Giải Tối Cao này.

a. Thánh Cả Giuse, một con người đích thực của đức tin, mời gọi chúng ta khám phá lại mối quan hệ hiếu thảo với Chúa Cha, làm mới lại lòng trung thành với lời cầu nguyện, lắng nghe và đáp lại bằng sự phân định sâu xa với thánh ý Thiên Chúa. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai suy niệm trong ít nhất 30 phút Kinh Lạy Cha, hoặc tham gia vào một Khóa Tĩnh tâm tối thiểu một ngày bao gồm một bài suy niệm về Thánh Giuse.

b. Tin Mừng gán cho Thánh Giuse biệt danh “Người Công Chính” (x Mt 1:19): ngài, là người giám hộ “những kín nhiệm thân mật nằm sâu trong trái tim và tâm hồn” [1], giữ gìn những bí ẩn của Thiên Chúa, và do đó là người bảo trợ lý tưởng của gia đình, thúc giục chúng ta tái khám phá giá trị của sự im lặng, thận trọng và trung thành trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhân đức công chính được thánh Giuse thực hành một cách gương mẫu là sự gắn bó hoàn toàn với lề luật Chúa, là luật của lòng xót thương, “bởi vì chính lòng thương xót của Thiên Chúa đã đưa công lý đích thực đến chỗ viên mãn” [2]. Vì vậy, những ai theo gương Thánh Cả Giuse, thực hiện một việc thương xót thể xác hoặc thiêng liêng, đều nhận được một ơn toàn xá.

c. Khía cạnh chính trong ơn gọi của Thánh Giuse là làm người giám hộ của Thánh Gia Nazareth, phu quân của Đức Trinh Nữ Maria và là thân phụ hợp pháp của Chúa Giêsu. Để tất cả các gia đình Kitô được kích thích tái tạo cùng một bầu không khí hiệp thông mật thiết, tình yêu và cầu nguyện là những điều đã được sống trong Thánh Gia, Ơn Toàn Xá được ban cho những ai đọc kinh Mân Côi trong các gia đình và giữa các cặp đính hôn.

d. Vào ngày 1 tháng 5 năm 1955, Tôi tớ Chúa Piô XII, đã thiết lập lễ Thánh Giuse Thợ, “với ước muốn rằng mọi người đều công nhận phẩm giá của công việc, và điều này sẽ truyền cảm hứng cho đời sống xã hội và luật lệ, dựa trên sự chia sẻ hợp lý giữa quyền lợi và nghĩa vụ” [3]. Vì vậy, Ơn Toàn Xá được ban cho bất cứ ai hàng ngày phó thác các hoạt động của mình cho sự bảo vệ của Thánh Giuse; và cho bất kỳ tín hữu nào cầu xin sự chuyển cầu của Người Thợ Thủ Công thành Nazareth xưa, để những người đang tìm công ăn việc làm có thể tìm được việc và công việc của mọi người được xứng đáng hơn.

e. Cuộc lánh nạn của Thánh Gia đến Ai Cập “cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa hiện diện ở những nơi con người gặp nguy hiểm, nơi con người đau khổ, nơi con người phải chạy trốn, nơi con người phải trải qua sự từ khước và ruồng bỏ” [4]. Ơn Toàn Xá được ban cho những tín hữu nào đọc Kinh Cầu Thánh Giuse (đối với truyền thống Latinh), hoặc hát Thánh Ca kính Thánh Giuse, toàn bộ hoặc ít nhất một phần (đối với truyền thống Byzantine), hoặc đọc một số kinh nguyện với Thánh Giuse khác, phù hợp với truyền thống phụng vụ của mình, cầu xin cho Giáo hội đang bị bách hại cả bên trong và ngoài thế giới, và cầu xin cho tất cả các Kitô hữu đang chịu mọi hình thức bách hại.

Thánh Têrêxa Avila đã công nhận nơi Thánh Giuse là quan thầy bảo vệ chúng ta cho mọi hoàn cảnh của cuộc sống: “Dường như Thiên Chúa đã ban cho chúng ta các vị Thánh này Thánh khác để giúp đỡ chúng ta trong các nhu cầu khác nhau, nhưng tôi đã kinh nghiệm rằng Thánh Giuse vinh quang mở rộng sự bảo trợ của ngài trong tất cả các trường hợp” [ 5]. Gần đây hơn, Thánh Gioan Phaolô II nhắc lại rằng hình tượng Thánh Giuse có “một sự liên quan mới đối với Giáo hội trong thời đại chúng ta, và đối với thiên niên kỷ Kitô mới” [6].

Để tái khẳng định tính phổ quát của sự bảo trợ của Thánh Giuse đối với Giáo hội, ngoài những dịp đã nói ở trên, Tòa Ân Giải Tối Cao ban Ơn Toàn Xá cho các tín hữu đọc bất cứ kinh nguyện nào đã được phê chuẩn, hoặc thực hiện một việc đạo đức để tôn vinh Thánh Giuse, chẳng hạn đọc kinh “Ad te Beate Ioseph” [tiếng Việt gọi là Kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử][7], đặc biệt là vào các ngày 19 tháng Ba và 1 tháng Năm, vào Lễ Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, vào Chúa Nhật của Thánh Giuse (theo truyền thống Byzantine), vào ngày 19 mỗi tháng và mỗi thứ Tư, là ngày dành riêng để kính Thánh Giuse theo truyền thống Latinh.

Trong bối cảnh sức khỏe khẩn cấp như hiện nay, việc ban ơn toàn xá đặc biệt được mở rộng cho người già, người bệnh, người hấp hối và tất cả những người vì những lý do chính đáng không thể ra khỏi nhà, miễn là họ có lòng từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi và có ý định hoàn thành, càng sớm càng tốt, ba điều kiện thông thường, trong nhà riêng của họ hoặc nơi họ buộc phải cư trú, khi họ đọc kinh hay làm một hành động xuất phát từ lòng đạo đức để tôn kính Thánh Giuse, là vị thánh an ủi người bệnh và bảo trợ cho ơn chết lành, đồng thời dâng hiến với lòng tín thác nơi Chúa những đau đớn và khó khăn trong cuộc sống của họ.

Để giúp anh chị em giáo dân đạt được ơn thánh nhờ những điều kiện thuận lợi về mặt mục vụ, Tòa Ân Giải Tối Cao này tha thiết cầu xin rằng tất cả các linh mục được phú cho những năng quyền thích hợp, hãy trao ban chính mình với một tinh thần sẵn sàng và quảng đại cử hành Bí tích Thống hối cũng như trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân.

Sắc lệnh này có hiệu lực trong Năm Thánh Giuse, bất chấp tất cả quy định ngược lại.

Ban hành tại Rôma, từ trụ sở của Tòa Ân Giải Tối Cao, vào ngày 8 tháng 12 năm 2020.

+ Đức Hồng Y Mauro Piacenza

Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao

Đức Ông Krzysztof Nykiel

Nhiếp chính

[1] Pio XI, Discorso in occasione della proclamazione dell’eroicità delle virtù della Serva di Dio Emilia de Vialar, in “L’Osservatore Romano”, anno LXXV, n. 67, 20-21 marzo 1935, 1.

[2] Francesco, Udienza generale (3 febbraio 2016).

[3] Pio XII, Discorso in occasione della Solennità di San Giuseppe artigiano (1° maggio 1955), in Discorsi e Radiomessaggi di Sua Santità Pio XII, XVII, 71-76.

[4] Francesco, Angelus (29 dicembre 2013).

[5] Teresa d’Ávila, Vita, VI, 6 (trad. it. In Ead., Tutte le opere, a cura di M. Bettetini, Milano 2018, 67).

[6] Giovanni Paolo II, Esortazione apostolica Redemptoris Custos sulla figura e la missione di San Giuseppe nella vita di Cristo e della Chiesa (15 agosto 1989), 32.

Phụ Lục

Kinh Ad te Beate Ioseph tiếng Latinh

AD te beate Ioseph, in tribulatione nostra confugimus, atque, implorato Sponsae tuae sanctissimae auxilio, patrocinium quoque tuum fidenter exposcimus. Per eam, quaesumus quae te cum immaculata Virgine Dei Genetrice coniunxit, caritatem, perque paternum, quo Puerum Iesum amplexus es, amorem, supplices deprecamur, ut ad hereditatem, quam Iesus Christus acquisivit Sanguine suo, benignus respicias, ac necessitatibus nostris tua virtute et ope succurras.

Tuere, o Custos providentissime divinae Familiae, Iesu Christi subolem electam; prohibe a nobis, amantissime Pater, omnem errorum ac corruptelarum luem; propitius nobis, sospitator noster fortissime, in hoc cum potestate tenebrarum certamine e caelo adesto; et sicut olim Puerum Iesum e summo eripuisti vitae discrimine, ita nunc Ecclesiam sanctam Dei ab hostilibus insidiis atque ab omni adversitate defende: nosque singulos perpetuo tege patrocinio, ut ad tui exemplar et ope tua suffulti, sancte vivere, pie emori, sempiternamque in caelis beatitudinem assequi possimus. Amen.

Tiếng Anh: To thee, O blessed Joseph

To you, O Blessed Joseph, we have recourse in our affliction, and having implored the help of your most holy Spouse, we seek with confidence thy patronage also. By that affection wherewith you were united to the Immaculate Virgin, Mother of God; by the fatherly love with which you did embrace the Child Jesus, we humbly beseech you to look down with gracious eye upon that inheritance which Jesus Christ purchased for us by His Blood, and to help us in our need by your powerful intercession.

Defend, O you most watchful guardian of the Holy Family, the chosen offspring of Jesus Christ. Keep from us, O most loving father, all blight of error and corruption. Aid us from on high, O you our most valiant defender, in this conflict with the powers of darkness. And even as of old you did rescue the Child Jesus from the peril of His life, so now defend God’s Holy Church from the snares of the enemy and from all adversity. Shield us ever under thy patronage, so that imitating thy example and strengthened by your help, we may live a holy life, die a happy death, and attain to everlasting bliss in heaven. Amen.

Tiếng Việt: Kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử

Lạy ơn Ông Thánh Giuse. Chúng con chạy đến cùng Người, trong cơn gian nan chúng con mắc phải. Chúng con đã kêu van cùng Rất Thánh Đức Bà là Đấng đã làm Bạn cùng Người, phù hộ gìn giữ chúng con, thì chúng con cũng lấy lòng trông cậy cho vững vàng, mà xin Ông Thánh Giuse bầu cử cho chúng con như vậy.

Chúng con xin vì nhân đức kính mến, mà Người làm Bạn cùng Rất Thánh Đồng Trinh là Mẹ Chúa Trời, và là Đấng chẳng mắc phải tội tổ tông truyền, cùng vì lòng thương Người đã ẵm lấy Đức Chúa Giêsu, thì chúng con xin Ông Thánh Giuse ghé mặt lại mà thương đến Hội Thánh, là phần sản nghiệp Đức Chúa Giêsu đã lấy Máu Thánh mình mà chuộc. Lại xin Người dùng sức mạnh thiêng liêng và quyền phép Người, mà giúp đỡ những sự chúng con còn thiếu thốn.

Lạy Đấng đã coi sóc Đức Chúa Giêsu cùng Đức Bà cho cẩn thận, thì chúng con xin Người bênh vực con cái Đức Chúa Giêsu đã chọn. Lạy Cha rất thương yêu! Chúng con xin Người cất mọi sự dối trá cùng mọi tội lỗi, cho chúng con khỏi mắc phải những sự ấy. Lạy Đấng rất mạnh đang ở trên trời hay gìn giữ chúng con, xin Người dủ lòng thương mà che chở chúng con đang khi chiến trận cùng kẻ thù tối tăm là các ma quỉ. Như xưa Người đã gìn giữ Đức Chúa Giêsu cho khỏi cơn hiểm nghèo thế nào, thì rầy chúng con cũng xin Người cứu chữa lấy Hội Thánh, cho khỏi các mưu kế giặc thù, và các sự gian nan khốn khó như vậy, cùng xin Người hằng bầu cử cho chúng con được bắt chước Người, và trông cậy vì quyền thế Người, cho được giữ đạo cho trọn, cùng được chết lành, và được hưởng phúc vô cùng trên thiên đàng. Amen.


Source:Holy See Press Office
 
Thông Báo
Hội nghị bàn tròn giữa văn phòng Thống đốc tiểu bang và đại diện các cộng đồng người gốc Á Châu
Vietnamese Social Service in Minnesota
17:08 08/12/2020
Tổng kết những câu hỏi và trả lời trong Hội nghị bàn tròn giữa văn phòng Thống đốc tiểu bang và đại diện các cộng đồng người gốc Á Châu ngày 19 tháng 11 năm 2020

1. Các chủ tiệm nhỏ do phụ nữ và người thiểu số làm chủ đang vất vả kiếm cách để sống còn về tài chính và không ngừng tìm kiếm các nguồn lực để giúp họ trong thời đại dịch, với những hạn chế và sự chuyển dịch nhanh chóng sang thế giới kỹ thuật số. Các cửa tiệm nhỏ trong vùng chính là những nguồn giúp đỡ và hỗ trợ tức thời cho các cộng đồng địa phương của chúng ta hơn ai hết- như những gì chúng ta vẫn thấy, các khu xóm trong vùng đã cùng nhau tạo ra các địa điểm tiếp ứng cho nhau trong cộng đồng. Chuyện gì sẽ xảy ra với cộng đồng của chúng ta nếu những cửa tiệm nhỏ này biến mất?

Trả lời: Các cửa tiệm nhỏ là nguồn sống của cộng đồng của chúng ta và điều tối quan trọng là chúng ta phải làm mọi thứ có thể để hỗ trợ họ vượt qua thời gian đầy thử thách này. Chúng tôi biết chính phủ liên bang cần đẩy mạnh và hỗ trợ thật sự cho các cửa tiệm nhỏ này về lâu về dài, và chúng tôi đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo liên bang đi đến một thỏa thuận. Thống đốc cũng đã làm việc với cơ quan lập pháp để cung cấp 62.5 triệu đô la cho các cửa tiệm nhỏ vào đầu năm nay với các khoản hỗ trợ cho những cửa tiệm do người thiểu số và phụ nữ làm chủ. Ông hiện đang làm việc với cơ quan lập pháp về một khoản cứu trợ bổ sung.

2. Phụ nữ nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi phải cố gắng làm việc và chăm sóc con cái - đồng thời phải học các kỹ năng mới để đối phó với tình hình kinh tế hiện nay. Liệu quý văn phòng có xem xét việc hồi sinh Văn phòng Giải quyết Tình trạng Kinh tế của Phụ nữ Thiểu số ở Minnesota hay soạn ra một kế hoạch kinh tế toàn diện gồm cả Văn phòng Hoà nhập Người Thiểu số và Phụ nữ để giúp quý vị giám sát và duy trì liên kết với các cộng đồng của chúng ta là những nhóm luôn vô hình?

Trả lời: Việc bảo đảm bảo rằng sự phục hồi kinh tế của chúng ta sẽ bao gồm cả phụ nữ và các cộng đồng BIPOC (BLACK, INDIGENOUS AND PEOPLE OF COLOR- người da đen, người bản địa và người da màu) là điều cực kỳ quan trọng trong lúc chúng ta phục hồi sau đại dịch. Trên phương diện tiểu bang, điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục tài trợ để tạo cơ hội cho phụ nữ trong công ăn việc làm phi truyền thống, và chúng ta cần mở rộng các chính sách hỗ trợ việc nghỉ phép nhằm cho phép cả nam và nữ giới được nghỉ phép có lương để chăm sóc bản thân và các thành viên trong gia đình họ. Chúng tôi vẫn đang soạn thảo các đề nghị về ngân sách (sẽ được đệ trình) trong phiên họp tới, nhưng chúng tôi có thể xem xét việc khôi phục Văn phòng Giải quyết Tình trạng Kinh tế của Phụ nữ trong phiên họp lập pháp kế tiếp.

3. Trong lúc các cửa tiệm nhỏ đang phải đối mặt với tỷ lệ đóng cửa cao hơn, và số tiền thu về giảm mạnh hơn so với các cửa tiệm nhỏ của người ngoài thiểu số làm chủ, có mục tiêu nào được đưa ra cho việc hỗ trợ các cửa tiệm nhỏ về lâu về dài?

Trả lời: Điều tối quan trọng là các cửa tiệm nhỏ do người thiểu số làm chủ phải có các nguồn lực và sự hỗ trợ mà họ cần để sống còn dài hạn. Điều này đồng nghĩa với quyền tiếp cận với tín dụng và các hình thức hỗ trợ kinh doanh khác. Chúng ta cần bảo đảm việc hỗ trợ các tổ chức nào vẫn cung cấp chính các hình thức hỗ trợ này, và tập trung vào việc hỗ trợ các cửa tiệm do người thiểu số làm chủ.

4. Có cơ hội nào cho việc cam kết tài chính với các phòng thương mại sắc tộc trong vùng và các tổ chức CDFI (COMMUNITY DEVELOPMENT FINANCIAL INSTITUTIONS- PHÁT TRIỂN TÀI CHÁNH CỘNG ĐỒNG) để giúp các tổ chức đó xây dựng năng lực và cung cấp thêm nguồn lực và hỗ trợ để giúp các cửa tiệm nhỏ này không?

Trả lời: Thỏa thuận ngân sách nhị niên lần trước bao gồm các khoản đầu tư vào các phòng thương mại sắc tộc trong vùng và một số CDFI. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm cách hỗ trợ các tổ chức này khi chúng ta có phiên họp kế tiếp.

5. Nếu thuốc chủng ngừa COVID-19 sẽ được ưu tiên dựa trên dữ liệu chủng tộc, thì người Mỹ gốc Á sẽ không được ưu tiên vì dữ liệu cho các trường hợp COVID-19 dường như đại diện cho cộng đồng - bởi vì TẤT CẢ người Mỹ gốc Á đều bị gom chung lại thành một nhóm. Nhưng nếu quý vị tách rời nhóm người Mỹ gốc Á thành các nhóm sắc tộc, chẳng hạn như ở quận Ramsey có đa số người Mỹ gốc Hmong và Karen có các trường hợp nhiễmCOVID-19 với tỷ lệ cao nhất trong dân số. Với ý nghĩ này, liệu các nhóm sắc tộc tị nạn Đông Nam Á có cần được ưu tiên chích ngừa càng sớm càng tốt hay không?

Trả lời: Dựa trên các kế hoạch liên bang tạm thời ở thời điểm hiện tại, Chỉ số Thành phần Xã hội Dễ bị tổn thương (SVI) của CDC sẽ được xem như một yếu tố trong giai đoạn 2 của việc phân phối thuốc chích ngừa. Với SVI, việc xem xét yếu tố chủng tộc và sắc tộc rất bao quát để tránh gánh nặng cụ thể trên người Mỹ gốc Á đang cần sự phân chia. SVI xem xét tỷ lệ phần trăm số người đang sống trong quận hạt hoặc khu vực điều tra dân số nào tự nhận mình là người da trắng, không phải gốc Tây Ban Nha theo ước tính của Bản Điều tra Dân số Cộng đồng Người Mỹ của Hoa Kỳ. Các yếu tố được xem xét trong Chỉ số SVI (danh từ họ liệt kê) là tình trạng kinh tế xã hội, thành phần gia đình & tình trạng khuyết tật, tình trạng ngôn ngữ & thiểu số, loại gia cư & phương tiện đi lại.

Nguồn: https://mail.google.com/mail/u/0/?tab=rm&ogbl#inbox/FMfcgxwKjnXZCXCLLcZBqHcKcfbpVjNr?projector=1&messagePartId=0.1

(Văn phòng Thống Đốc Governor Tim Walz và Phó Thống Đốc Governor Peggy Flanagan gởi ra)
 
VietCatholic TV
Chiến thắng tại Tối Cao Pháp Viện của các giáo phận ở California. Thánh lễ Đêm Giáng Sinh tại Ý
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:35 08/12/2020


1. Thánh lễ đêm Giáng Sinh sẽ được tổ chức tại Ý nhưng phải kết thúc trước giờ giới nghiêm 10 giờ tối

Giữa các tin đồn và những lời phàn nàn sâu rộng trên báo chí và trên các phương tiện truyền thông xã hội, Ủy ban thường trực của Hội Đồng Giám Mục Ý đã gặp nhau để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Lễ Thánh lễ Nửa đêm Giáng Sinh khi chính phủ áp đặt một lệnh giới nghiêm từ 10:00 giờ tối như một phần trong các biện pháp làm chậm sự lây lan của coronavirus.

Kể từ cuối tháng 11, các giám mục, các nhà thần học và những người khác đã chỉ ra rằng thánh lễ mà chúng ta thường gọi là “Thánh lễ nửa đêm”, Phụng Vụ Công Giáo gọi là “Thánh lễ trong đêm” và việc cử hành lễ này trước vài giờ, sẽ không làm hỏng lễ Giáng sinh.

Nhưng cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục.

Hội đồng thường trực của các giám mục Ý đã họp trực tuyến vào ngày 1 tháng 12 để thảo luận về vấn đề này. Trong một tuyên bố vào ngày hôm sau, các ngài nhấn mạnh “sự cần thiết phải xác định thời điểm bắt đầu và độ dài của lễ kỷ niệm cho phù hợp với lệnh giới nghiêm”.

Cho đến ngày 2 tháng 12, Vatican vẫn chưa công bố thời gian cử hành Thánh lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 24 tháng 12, mặc dù có tin đồn rằng nó sẽ bắt đầu lúc 7:30 tối để những người được phép tham dự có thể về nhà trước 10 giờ tối. Vào tháng 10, Vatican đã thông báo rằng phụng vụ sẽ không mở cửa cho công chúng, nhưng sẽ được phát sóng và truyền trực tiếp.

Năm 2009, vì tình trạng sức khoẻ của ngài, Đức Bênêđíctô XVI đã chuyển lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican từ nửa đêm sang 10 giờ tối. Sau khi Đức Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013, thánh lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican được cử hành lúc 9:30 tối

Trong thời gian khóa cửa đợt một, từ ngày 9 tháng 3 đến ngày 18 tháng 5, Ý cấm mọi cử hành Thánh lễ có tín hữu tham dự nhưng cho phép các nhà thờ mở cửa để cầu nguyện riêng.

Kể từ tháng Năm, sử dụng các hướng dẫn do các giám mục và chính phủ cùng nhau phát triển, số lượng người được phép tham dự mỗi Thánh lễ đã được xác định theo sức chứa của từng nhà thờ. Mọi người phải đeo khẩu trang ở mọi thời điểm, sử dụng nước rửa tay khi bước vào nhà thờ và duy trì giãn cách xã hội. Rước lễ chỉ được phát trên tay và các ca đoàn chỉ được phép nếu các thành viên ở xa nhau và ở xa cộng đoàn.

Các giám mục Ý yêu cầu người Công Giáo tiếp tục tuân theo những hướng dẫn đó vào lễ Giáng sinh.

Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí “ La Civilta Cattolica”, đã viết trên một tờ báo của Ý vào ngày 1 tháng 12 rằng “sự kiện quan trọng mang tính biểu tượng cho lễ Đêm Giáng sinh không phải là giờ giấc chính xác - cho dù đó là nửa đêm hay thời điểm khác - nhưng điểm chính là thánh lễ được cử hành khi không có ánh sáng mặt trời, khi trời tối, chính là để làm hiển nhiên ý nghĩa biểu tượng của ngày lễ, đó là ánh sáng của Chúa Kitô đến trong thế gian.”

“Nếu hiểu được lý do đó, người ta cũng sẽ hiểu rằng nếu việc cử hành Thánh lễ đêm Giáng Sinh xảy ra vào lúc trời tối, dù cho là trước nửa đêm đi nữa, chắc chắn sẽ không làm mất ý nghĩa buổi lễ.”


Source:Catholic News Agency

2. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ bác bỏ phán quyết về việc đóng cửa các nhà thờ ở California

Trong một chiến thắng rõ ràng cho tự do tôn giáo chống lại các nỗ lực của tiểu bang nhằm áp đặt các hạn chế liên quan đến COVID, Tối Cao Pháp Viện hôm thứ Năm đã bác bỏ phán quyết của Tòa án thứ chín đối với các nhà thờ ở California.

Tuần trước, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết 5-4 ủng hộ Giáo phận Brooklyn và các giáo đường Do Thái trong vụ kiện chống lại các hạn chế COVID của tiểu bang. Vào sáng thứ Năm, Tối Cao Pháp Viện đã chấp nhận kháng cáo của các nhà thờ California chống lại các hạn chế của tiểu bang và bỏ qua quyết định của Tòa án thứ chín, gửi vụ việc trở lại các tòa án cấp dưới để xem xét lại theo quan điểm của họ về vụ án của Giáo phận Brooklyn.

Tháng 8 vừa qua Thống đốc đảng Dân Chủ Gavin Newsom đã ban hành “Kế hoạch chi tiết cho nền kinh tế an toàn hơn”, nhằm hạn chế hoạt động của một số doanh nghiệp và tổ chức. Các áp đặt này tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự lây lan coronavirus trong một khu vực cụ thể. Tuy nhiên, các chỉ thị này tỏ ra rất hà khắc đối với các nhà thờ.

Hôm 25 tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi một lá thư cho Thị trưởng London Breed, cảnh báo rằng quy tắc của thành phố chỉ cho phép “một người cầu nguyện” trong các thánh đường ở mọi thời điểm bất kể nhà thờ lớn đến mức nào - trong khi cho phép nhiều người hiện diện bên trong các cơ sở khác - là “quá hà khắc” và “trái với Hiến pháp và truyền thống tự do tôn giáo tốt nhất của quốc gia.”

Các hạn chế của San Francisco đối với việc thờ phượng công cộng vẫn là một trong những hạn chế nghiêm ngặt nhất trong cả nước. Cho đến ngày 14 tháng 9, việc thờ phượng công cộng trong thành phố bị giới hạn ở 12 người tham gia ở ngoài trời, và các cử hành phụng vụ trong nhà bị cấm.

Kể từ ngày 14 tháng 9, các nhà thờ phượng được phép có 50 người tham gia các buổi lễ tôn giáo ngoài trời, và các cử hành phụng vụ trong nhà chỉ được duy nhất một người cho đến ít nhất là ngày 1 tháng 10.

Lệnh của San Francisco từ ngày 14 tháng 9 quy định rằng “chỉ một cá nhân có thể vào nhà thờ tại mọi thời điểm,” mà không nêu được lý do tại sao.

Bức thư của Bộ Tư pháp kêu gọi thị trưởng London Breed đối xử bình đẳng với các nơi thờ phượng so với các địa điểm khác, nơi mọi người chia sẻ không gian bên trong nhà, chẳng hạn như phòng tập thể dục, tiệm xăm, tiệm làm tóc, tiệm mát-xa và nhà trẻ.

Tại các cơ sở đó, chính quyền thành phố San Francisco đã cho phép công suất từ 10 đến 50 phần trăm, tùy thuộc vào loại thương nghiệp và với điều kiện phải tuân theo các biện pháp vệ sinh và cách xa nhau 6 feet.


Source:Catholic News Agency

3. Lễ nhậm chức Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Latinh tại Giêrusalem diễn ra trong thầm lặng

Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, tân Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Latinh tại Giêrusalem đã nhậm chức trong một nghi lễ rất lặng lẽ vào hôm thứ Bẩy 5 tháng 12.

Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, Giám Mục Phụ Tá của Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem cho biết:

“Các giáo sĩ, các cộng đồng, các tín hữu muốn có mặt nhưng chúng tôi không đủ khả năng. Thánh Địa đã từng trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đại dịch này đã làm cho không có người hành hương nào dám léo hành đến Thánh Địa nên tình hình thật là khó khăn, cách trở. Chúng tôi hy vọng rằng sau Lễ Phục sinh, tình hình sẽ thay đổi”.

Các nhà chức trách đã ban hành một loạt chỉ thị cho các lễ kỷ niệm, để phù hợp với các hạn chế về sức khỏe. Đức Cha Phụ tá cho biết “Trong buổi lễ tiến vào Mộ Thánh, ở Giêrusalem, cảnh sát đã áp đặt số lượng tối đa là 50 người, bao gồm các quan chức của Tòa Thượng Phụ, các tu sĩ dòng Phanxicô. Ngay cả các giáo sĩ cũng không thể có mặt, mà chỉ có một đại diện thay mặt cho những cộng đồng quan trọng nhất”.

Để mở rộng sự tham gia, Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Latinh đã có sáng kiến tổ chức một buổi lễ Te Deum khác tại nhà thờ lớn của Tòa Thượng Phụ.


Source:Asia News

4. Tổng giáo phận Brisbane khởi động chiến dịch quảng cáo kêu gọi mọi người Công Giáo đến nhà thờ

Cựu danh thủ môn bóng chày Matthew Hayden lại tiếp tục ra sân trở lại - lần này không phải để đánh bóng chày nhưng để khai mạc cho một chiến dịch quảng cáo lớn kêu gọi tất cả người Công Giáo đến nhà thờ.

Chiến dịch sẽ diễn ra trên khắp Đông Nam Queensland vào đầu năm tới và tập trung vào những người Công Giáo “đã rửa tội nhưng không thực hành đạo”.

Các số liệu điều tra dân số gần đây cho thấy chỉ có khoảng 8 đến 10% trong số hơn 700,000 người Công Giáo trên toàn tổng giáo phận Brisbane thực sự đến tham dự Thánh lễ.

Cựu danh thủ Matthew Hayden chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người trong số các đối tượng chính của chiến dịch – đó là các vị nam giới từ 35 đến 54 tuổi - khi Hayden chia sẻ hành trình trở lại đức tin của chính mình.

“Trong tư cách là Giáo hội ở Brisbane, chúng ta muốn làm mọi thứ có thể để tiếp cận những người không tham gia thờ phượng cùng chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục Brisbane Mark Coleridge đã viết trong một lá thư gửi đến tất cả các giáo xứ và cộng đồng Giáo Hội vào tuần trước.

“Để đạt được mục tiêu này, đầu năm 2021, tổng giáo phận sẽ phát động một chiến dịch quy mô lớn để mời tất cả những người Công Giáo đã được rửa tội tái khám phá ý nghĩa sâu xa hơn của phép rửa tội mà họ đã lãnh nhận.”

Chiến dịch sẽ bắt đầu với một quảng cáo trên tờ Brisbane Times, trên đài phát thanh nổi tiếng Triple M, ở các trung tâm mua sắm Westfield, và các phương tiện truyền thông xã hội và trực tuyến.

Matthew Hayden sẽ xuất hiện trên các bảng quảng cáo, video clip và các cuộc phỏng vấn.


Source:Catholic Leader
 
Bất ngờ: Dưới trời mưa tầm tã, Đức Phanxicô lặng lẽ đến viếng Đức Mẹ tại quảng trường Tây Ban Nha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:35 08/12/2020


Dưới cơn mưa tầm tã vào sáng sớm ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến trung tâm thành phố Rôma để lặng lẽ kính viếng Mẹ Maria Vô nhiễm. Ở đó, Đức Thánh Cha đã giao phó thành phố và thế giới cho sự chăm sóc và bảo vệ của Đức Maria.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như sau:

Vào lúc 7 giờ sáng nay, Lễ trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha đã đến quảng trường Tây Ban Nha, để thực hiện một hành động kính viếng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội trong lặng lẽ.

Vào lúc có chút ánh sáng đầu tiên của bình minh, dưới cơn mưa, ngài đã đặt một bó hoa hồng trắng ở chân cột đài Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha, sau đó, cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ chăm sóc Rôma và các cư dân của thành này, giao phó cho Mẹ tất cả những người trong thành phố và trên thế giới đang đau khổ vì bệnh tật và chán nản.

Rời quảng trường Tây Ban Nha vài phút trước 7:15 sáng, Đức Thánh Cha đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả, nơi ngài cầu nguyện trước bức ảnh của Đức Mẹ Là Phần Rỗi Của Dân Rôma và cử hành thánh lễ trong Nhà nguyện Chúa Giáng Sinh bên trong Đền Thờ Đức Bà Cả nơi gìn giữ di tích thiêng liêng từ máng cỏ nơi Chúa Giêsu sinh ra.

Trên bàn thờ của Nhà nguyện này, trong Máng Cỏ Giáng Sinh bên dưới bàn thờ chính của nhà thờ, đấng sáng lập Dòng Tên, Thánh Y Nhã thành Loyola, đã cử hành thánh lễ đầu tiên với tư cách là linh mục vào ngày 25 tháng 12 năm 1538.

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó trở về Vatican.

Việc tôn kính trong lặng lẽ này tại cột đài Đức Mẹ ở quảng trường Tây Ban Nha đã diễn ra thay cho buổi lễ của Đức Thánh Cha với các tín hữu của Rôma tại tượng Đức Mẹ Vô nhiễm ở quảng trường các bậc thềm Tây Ban Nha, để tránh việc tụ tập đông đảo khi thế giới vật lộn với đại dịch COVID19.

Buổi đọc kinh Truyền Tin Lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội

Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội là một trong những câu chuyện tuyệt vời về ơn cứu độ

Ngày Lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội là một ngày nghỉ lễ tại Ý và theo truyền thống, vào lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ngày lễ phụng vụ hôm nay kỷ niệm một trong những điều kỳ diệu của câu chuyện về ơn cứu rỗi: đó là sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria. Cả Mẹ cũng đã được cứu độ bởi Chúa Kitô, nhưng theo một cách thật ngoại thường, bởi vì Thiên Chúa muốn rằng mẹ của Con Ngài không bị vấy bẩn bởi sự khốn cùng của tội lỗi ngay từ khi được thụ thai. Và như vậy, trong suốt cuộc đời trần thế, Đức Maria không bị vết nhơ tội lỗi nào, Mẹ là Đấng “đầy ân sủng” (Lc 1, 28), như lời sứ thần đã gọi Mẹ. Mẹ đã được ưu ái bởi một hành động duy nhất của Chúa Thánh Thần để luôn luôn ở trong mối quan hệ hoàn hảo với Con Mẹ là Chúa Giêsu. Đúng hơn, Mẹ là môn đệ của Chúa Giêsu: Mẹ và môn đệ của Ngài. Nhưng Mẹ không vướng mắc tội lỗi nào.

Trong bài thánh ca tuyệt vời mở đầu Thư gửi tín hữu Ê-phê-sô (xem 1: 3-6, 11-12), Thánh Phaolô làm cho chúng ta hiểu rằng mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa tạo dựng cho sự thánh thiện trọn vẹn, cho vẻ đẹp mà Đức Mẹ đã được mặc lấy ngay từ đầu. Mục tiêu mà chúng ta được mời gọi cũng là một ân sủng của Thiên Chúa dành cho chúng ta, vì thế, Tông đồ Phaolô nói với chúng ta rằng Chúa “đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện” (câu 4); “Ngài đã tiền định cho chúng ta” (xem câu 5), để trong Chúa Kitô một ngày nào đó chúng ta được hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi. Và đây là ân sủng, đó là ân sủng nhưng không, đó là một hồng ân của Thiên Chúa.

Và những gì Đức Maria đã có ngay từ đầu, cuối cùng chúng ta có lẽ sẽ có, sau khi chúng ta đã trải qua “bồn tắm” thanh tẩy là ân sủng của Thiên Chúa. Điều mở ra cánh cổng thiên đường cho chúng ta là ân sủng của Thiên Chúa, khi chúng ta trung thành đón nhận. Tuy nhiên, ngay cả những người vô tội nhất cũng bị ghi dấu bởi tội nguyên tổ và phải chiến đấu với tất cả sức mạnh của mình để chống lại những hậu quả của nó. Họ đã đi qua “cửa hẹp” dẫn đến sự sống (xem Lc 13:24). Và anh chị em có biết ai là người đầu tiên mà chúng ta có thể chắc chắn là người ấy đã bước vào thiên đường không? Anh chị em có biết đó là ai không? Thưa: đó là một “kẻ lưu manh”: một trong hai người đã bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Anh ta đã quay sang Chúa Giêsu và nói với Người: “Ông Giêsu ơi, khi vào nước Thiên Đàng, xin nhớ đến tôi nhé”. Và Người đã đáp lại: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng,” (Lc 23,42-43). Thưa anh chị em, ân sủng của Thiên Chúa được ban cho mọi người; và nhiều người thấp hèn nhất dưới đất này sẽ là những người đầu tiên trên Thiên Đàng (x. Mc 10:31).

Nhưng hãy cẩn thận. Anh chị em không khôn ngoan chút nào nếu cứ liên tục trì hoãn việc đánh giá nghiêm túc cuộc sống của mình, và lợi dụng sự kiên nhẫn của Người. Chúa kiên nhẫn. Chúa chờ đợi chúng ta, Chúa luôn sẵn sàng ban ơn cho chúng ta. Chúng ta có thể lừa được mọi người, nhưng không thể lừa được Chúa; Ngài hiểu trái tim của chúng ta hơn chính chúng ta. Chúng ta phải tận dụng thời điểm hiện tại! Vâng, đó chính là ý thức nắm bắt phút hiện tại của Kitô hữu. Đừng tận hưởng cuộc sống trong từng khoảnh khắc trôi qua - không, đó là ý nghĩ thế gian. Nhưng chúng ta phải nắm bắt phút hiện tại, nói “không” với điều ác và nói tiếng “xin vâng” với Chúa, và mở lòng mình ra đón nhận ân sủng của Ngài, để một lần và mãi mãi thôi nghĩ về bản thân, thôi đắm mình trong thói đạo đức giả và đối mặt với thực tế của chính chúng ta - đây là con người của chúng ta - để rồi nhận biết rằng chúng ta đã không yêu Chúa và người lân cận như chúng ta lẽ ra phải làm. Và khi chúng ta thú nhận điều đó, thì đây là sự khởi đầu của hành trình hoán cải. Trước hết, chúng ta xin Chúa tha thứ trong Bí tích Hoà giải, sau đó chúng ta sửa chữa những tổn hại đã gây ra cho người khác. Nhưng luôn luôn mở rộng lòng mình ra để đón nhận ân sủng: Chúa gõ cửa chúng ta, Ngài gõ cửa lòng chúng ta để đi vào tình bạn với chúng ta, trong tình hiệp thông, để ban ơn cứu độ cho chúng ta.

Và điều này, đối với chúng ta, là con đường để trở nên “thánh thiện và vô nhiễm”. Vẻ đẹp không chút tì vết của Mẹ chúng ta là khôn sánh, nhưng đồng thời vẻ đẹp ấy cũng thu hút chúng ta. Chúng ta hãy giao phó bản thân cho Đức Mẹ và nói “không” với tội lỗi và nói tiếng “xin vâng” với ân sủng Chúa một lần và mãi mãi.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tình trạng của Đức Bênêđíctô XVI. Nữ tu Brazil bất ngờ chiến thắng trong cuộc thi vô địch đầu bếp
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:19 08/12/2020

1. Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết: Đức Bênêđíctô XVI vẫn có thể nói được

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đã bác bỏ thông tin trên báo chí rằng Đức Bênêđíctô 16 đã mất giọng.

Hãng thông tấn Công Giáo Áo Kathpress hôm 4/12 đưa tin, thư ký riêng của Đức Bênêđictô 16 đã xác nhận rằng vị giáo hoàng 93 tuổi vẫn có thể nói rõ ràng.

Các báo cáo đã lan truyền trên báo chí Ý và trên mạng xã hội cho thấy rằng nhà thần học người Đức, từng là Giáo Hoàng từ năm 2005 đến năm 2013, không còn khả năng nói chuyện.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, cho biết Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói với Kathpress rằng giọng của Đức Bênêđíctô trở nên “yếu và nhẹ” nhưng ngài vẫn có khả năng giao tiếp bằng giọng nói.

Các báo cáo xuất hiện sau khi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 gặp gỡ các tân Hồng Y tại Tu viện Mẹ Giáo Hội, nơi ngài cư trú tại Vatican, hôm 28 tháng 11. Đức Bênêđíctô đã chúc mừng và khích lệ các Hồng Y bằng cách sử dụng một microphone.

Vào tháng 8, các phương tiện truyền thông Đức đưa tin rằng ngài bị viêm quầng ở mặt, hay còn gọi là bệnh giời leo ở mặt, một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn gây ra ban đỏ, đau đớn.

Các báo cáo cho biết ngài đã bị tình trạng này sau chuyến thăm từ biệt bào huynh của mình, là Đức Ông Georg Ratzinger, ở Bavaria vào tháng Sáu vừa qua. Bào huynh của ngài đã mất ngày 1 tháng 7 ở tuổi 96.

Tuy nhiên, Tòa Thánh cho biết tình trạng của Đức Bênêđíctô 16 không nghiêm trọng, dù căn bệnh có thể gây khó chịu, thậm chí là đau đớn.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh dẫn lời Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói rằng “tình trạng sức khỏe của Đức Giáo Hoàng danh dự không có gì đáng lo ngại, ngoại trừ những bệnh tật của một cụ già 93 tuổi đang trải qua giai đoạn cấp tính nhất của một căn bệnh đau đớn, nhưng không nghiêm trọng..”


Source:Catholic News Agency

2. Trung Quốc hành động không theo các quy tắc ngoại giao đã được quốc tế thống nhất

Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Menzies Nick Cater cho biết Thủ tướng Scott Morrison và ngoại trưởng Marise Payne đang làm những gì tốt nhất có thể để đối phó với Trung Quốc, là quốc gia đang hành động “không theo các quy tắc quốc tế đã được thỏa thuận” về ngoại giao.

Ông Cater bác bỏ ý kiến cho rằng Úc bằng cách nào đó đã kích động Trung Quốc phá vỡ quan hệ giữa hai nước.

Ông nói với Sky News : “Trung Quốc đã thay đổi trong vài năm qua dưới thời Tập Cận Bình, họ trở nên hiếu chiến hơn nhiều, và hành xử hung hăng với rất nhiều nước láng giềng “.

“Bất kỳ đề xuất nào rằng chính phủ Úc có thể làm khác với những gì họ đang làm, tôi nghĩ là không thực tế”.

Trong một diễn biến sống sượng đến mức trên thế giới này chỉ có Trung Quốc mới làm được, một họa sĩ chuyên vẽ các bức tranh tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, có biệt danh là “Ngũ Hà Kỳ Lân” (Wuheqilin, 五河麒麟), hay còn được biết đến với một tên khác là “nghệ sĩ chiến binh sói” đã dùng Photoshop để tung ra một bức ảnh hư cấu rất kinh khủng mô tả một người lính Úc tại Afghanistan đang cầm một con dao đẫm máu cứa vào cổ một đứa bé.

Vài ngày sau đó, cụ thể là hôm 29 tháng 11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian- 赵丽坚) đã dùng bức ảnh hư cấu này để lên án Úc Đại Lợi và cho biết ông ta “bị sốc trước việc binh lính Úc Đại Lợi sát hại dân thường Afghanistan và các tù nhân”.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, tên “Ngũ Hà Kỳ Lân” xác nhận với tờ Hoàn Cầu Thời Báo (环球时报 - Global Times) rằng đó là một bức ảnh hư cấu.

Trong một đoạn video, hắn ta nói với Thủ tướng Scott Morrison rằng Úc hãy tập trung vào việc làm cho Lực lượng Phòng vệ Úc có “kỷ luật” hơn thay vì chỉ trích bức hình hư cấu của anh ta.

Đã tung ra fake news, tên này lớn tiếng dạy đời rằng:

“Tôi vẫn khuyên ông Morrison nên đối mặt với thực tế và nỗ lực vào các vấn đề đối nội như bảo đảm rằng quân đội của ông ấy trở nên kỷ luật hơn để những thảm kịch kiểu này không bao giờ xảy ra. Đó sẽ là một đóng góp thực sự cho nhân loại. Ông ấy nên giảm bớt công sức chỉ trích một nghệ sĩ bình thường như tôi.”

Bất chấp tính chất bạo lực, gây ấn ượng mạnh và sai trái của hình ảnh này, Twitter đã quyết định không xóa cái tweet đã được chia sẻ hơn 10,400 lần và “like” hơn 35,000 lần.

Những lời bình luận của tên “nghệ sĩ chiến binh sói” này đã được đưa ra sau khi Thủ tướng Morrison và Lãnh đạo đối lập của đảng Lao động Anthony Albanese đồng loạt lên án bức ảnh hư cấu này và yêu cầu Bắc Kinh phải xin lỗi.

Tuyên bố của tên “nghệ sĩ chiến binh sói” đã được đăng tải bởi cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản. Trong khi đó, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời Báo (环球时报 - Global Times) là Hồ Hi Kim (Hu Xijin-胡希金) mô tả bức ảnh chỉ đơn thuần là một “bức ảnh châm biếm”, chẳng có gì phải ầm ĩ.


Source:Sky News Australia

3. Ngôi nhà thờ lịch sử ở California bị đốt cháy có mái che tạm thời

Một nhà thờ 249 tuổi ở Nam California bị hư hại nặng trong trận hỏa hoạn vừa có một mái che tạm thời để bảo vệ tòa nhà lịch sử trong khi đang chờ được trùng tu trong một kế hoạch kéo dài hàng năm.

Gỗ và vải chống thấm đang bao phủ cứ điểm truyền giáo San Gabriel ở phía đông Los Angeles.

“Với mùa mưa đang ập đến, điều quan trọng là phải bảo vệ cứ điểm truyền giáo,” Adrian Marquez Alarcon, một phát ngôn viên của Tổng Giáo Phận Los Angeles, nói với tờ Los Angeles Times.

Nhà thờ, được thành lập vào năm 1771, là nhà thờ thứ tư trong chuỗi các cơ sở truyền giáo Công Giáo được thành lập trên khắp California bởi Thánh Junipero Serra trong thời kỳ thuộc địa của Tây Ban Nha. Nhà thờ bị bốc cháy vào ngày 11 tháng 7 khi nhà thờ đang trong quá trình trùng tu để đánh dấu lễ kỷ niệm 250 năm thành lập.

Ngọn lửa thiêu rụi mái nhà bằng gỗ, làm cong vênh các dầm thép được lắp đặt trong một trận động đất vào những năm 1990 và gây hư hại nội thất, mặc dù bàn thờ không bị hề hấn.

Nguyên nhân của vụ cháy vẫn đang được điều tra.

Công ty xây dựng đang đảm trách việc thi công cho biết việc khôi phục sẽ hoàn thành vào tháng 11 năm tới 2021. Chi phí trùng tu chưa được xác dịnh nhưng khoảng 400,000 đô la đã được huy động.

“Bạn sẽ biết chúng tôi đã hoàn thành tốt công việc và mọi thứ diễn ra tốt đẹp nếu chúng tôi có thể làm cho cứ điểm truyền giáo San Gabriel giống hệt như trước khi hỏa hoạn - giống như không có gì xảy ra,” Reuben Lombardo nói với Times. Ông là nhà ước tính cao cấp tại Công ty Spectra có trụ sở tại Pomona, sẽ làm việc với công ty kiến trúc Melvyn Green and Associates.


Source:Crux

4. Nữ tu lọt được vào vòng chung kết cuộc thi MasterChef của Brazil tuyên bố Chúa giúp chị chiến thắng

Một nữ tu người Brazil, đã lọt vào vòng chung kết của một chương trình nấu ăn trên truyền hình, cho biết chị đã nhận được “sự giúp đỡ của Chúa” và luôn cầu nguyện trong suốt thời gian nấu ăn.

Chị nhận định rằng “sự giúp đỡ của Chúa”, đã giúp chị nhận thấy rằng con tôm mà chị được yêu cầu nấu chưa được lột sạch mọi thứ.

“Nếu tôi đã để y nguyên như khi họ đưa cho tôi, tôi đã không giành được chiến thắng,” nữ tu Lorayne Caroline Tinti, một thành viên của Dòng Các Nữ Tu của Chúa Phục sinh nói. Chị đã nấu món tôm và bánh tiramisu trong cuộc thi MasterChef Brazil. Nữ tu Tinti sẽ có mặt trong cuộc thi cuối cùng của chương trình năm 2020 vào cuối tháng 12.

Cuộc thi MasterChef Brazil là một cuộc thi quan trọng và cam go tại Brazil. Thí sinh thường là các đầu bếp trứ danh của các nhà hàng sang trọng tại Brazil. Cuộc thi được coi là dịp thuận tiện để quảng cáo cho nhà hàng và cho cá nhân các đầu bếp.

“Nhiều người đã đề cập đến việc tôi bình tĩnh như thế nào trong suốt cuộc thi, và tôi nói với họ rằng đó là vì tôi đang cầu nguyện xin Chúa chúng ta giúp tôi vượt qua những thử thách. Điều đó đã giúp tôi tự tin,” chị Tinti nói với Catholic New Service.

Chị Tinti cho biết chị đã học nấu ăn từ sớm, với các thành viên trong gia đình.

“Mẹ, dì và bà của tôi luôn nấu ăn nên tôi học hỏi từ họ. Cha tôi cũng quan tâm đến việc chuẩn bị thức ăn,” chị nói với CNS.

Chị lưu ý rằng kỹ năng nấu nướng của mình đã được cải thiện khi sống trong nhà truyền giáo của nhà Dòng ở bang Minas Gerais.

“Chúng tôi có một tiệm bánh mì do hai chị em điều hành, vì vậy tôi đã học về cách làm bánh ngọt và bánh mì,” chị nói thêm.

Trong khi xem TV, Tinti tình cờ nghe được lời kêu gọi tham gia cuộc thi MasterChef Brazil và quyết định ghi danh.

“Tôi cần sự cho phép và ban đầu, mẹ bề trên không muốn tôi rời tu viện để đi thi, nhưng các chị ở đây đã thuyết phục được bà”.


Source:Crux