Ngày 06-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 7/12: Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư đi. Linh mục Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:19 06/12/2021

PHÚC ÂM: Mt 18, 12-14

“Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, thì quả thật, Thầy bảo các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con ở trên trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này phải hư đi”.

Ðó là lời Chúa.
 
Mẹ Vô Nhiễm 8/12
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:22 06/12/2021
Mẹ Vô Nhiễm 8/12

Có thể nói mầu nhiệm tội nguyên tổ được khai sinh với giáo huấn của thánh giáo phụ Âugustinô. Ngày nay người ta thẳng thắn nhìn nhận rằng giáo huấn của Thánh giáo phụ có đôi điều hạn chế và bất cập. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn khẳng định rằng có tội nguyên tổ. Ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều “Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, Bốn năm sau đó Mẹ Maria hiện ra với cô bé nhà quê Bernadette tại Lộ Đức và đã tỏ cho cô bé một danh của mình: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Thử hỏi với nhau tội nguyên tổ là gì? Là Kitô hữu trưởng thành, hy vọng ít có người còn ngây thơ trả lời đó là tội ông Ađam và bà Evà ăn trái cấm ngày xưa. Giáo lý Công Giáo cho ta hay đó là tội do nguyên tổ loài người lạm dụng tự do mà chống lại mệnh lệnh Thiên Chúa ban, làm ngược lại với điều Thiên Chúa truyền. Cụ thể tội ấy là tội gì? Vì sao cặp nguyên tổ loài người trong tình trạng cổ sơ với nhiều hạn chế về trí khôn và chắc hẳn rất khó có được sự tự do hoàn toàn, thế mà lại phạm một thứ tội gì ghê gớm đến độ di hại cho cả loài người cháu con muôn đời? Quả là những câu hỏi đầy hóc búa không dễ gì tìm được câu trả lời rõ ràng và rành mạch. Giáo Hội khẳng định niềm tin về sự hiện hữu của nguyên tội là căn cứ vào “công trình cứu độ của Chúa Kitô”. Chúa Kitô đến thế gian này để cứu độ loài người thì giả thiết loài người phải đang ở trong tình trạng tội lỗi. Thánh Kinh Cựu Ước nói về tình trạng tội lỗi của con người ngay từ trong dạ mẹ hay khi mới chào đời (x.Tv 50). Thánh Tông Đồ dân ngoại cảm nghiệm thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình nói riêng và của loài người nói chung khi “những điều tôi muốn thì tôi không làm, còn những điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19). Và mọi người đều bị tội lỗi thống trị (x.Rm 3,9-18).

Dù biết rằng nguyên tội mãi là mầu nhiệm với con người tại thế, nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn phải có bổn phận tìm hiểu và suy tư. Các Đức Giáo Hoàng gần đây như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI khuyến khích các nhà thần học nỗ lực nghiên cứu chủ đề này. Đức Bênêđictô XVI đã hé mở một cái nhìn về nguyên tội khi nói đến hai mầu nhiệm của ánh sáng và một mầu nhiệm của bóng tối. Hy vọng rằng chủ đề này sẽ được đào sâu. Nhân ngày lễ kính Mẹ Maria với tước hiệu “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, xin được góp một cái nhìn.

Chúng ta tin nhận rằng Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi vương hậu quả của nguyên tội ngay từ phút giây đầu tiên hoài thai trong dạ bà Anna. Ở đây xin xác nhận với nhau rằng ngoài nguyên tổ ra thì không một ai trong con cái loài người mắc phải tội nguyên tổ. Đã nói rằng tội nguyên tổ tức là tội do tổ tiên loài người phạm. Hậu duệ cháu con không phạm tội ấy thì không hề mắc tội ấy. Không phạm tội thì không chịu trách nhiệm là chuyện đương nhiên. Thế nhưng con cháu có thể vương mang hậu quả do tội của cha ông. Chẳng hạn cha ông phạm lỗi rồi bị khánh kiệt, phá sản và thế là cháu con không được hưởng gia tài thừa kế. Nhiều thần học gia ngày này nghiêng về chiều kích xã hội của tội nguyên tổ. So sánh thường mang tính khập khiễng nhưng cũng giúp soi sáng vấn đề. Tình trạng ô nhiễm môi sinh cũng là một so sánh. Hoàn cảnh dịch bệnh lây lan cũng là một so sánh. Tuy nhiên để hiểu tình trạng vô nhiễm nguyên tội là thế nào, thiết tưởng cần nhìn vào Đức Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Con Chiên thanh sạch, vẹn tuyền, không cần một lời tuyên tín nào mà đích thực là “vô nhiễm”.

1.Vô nhiễm không phải là để miễn chiến đấu: Giáo hội căn cứ vào lời của sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28) để khẳng định chân lý Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Như thế tình trạng vô nhiễm là tình trạng đầy ân sủng Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Tình yêu bản vị giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, là tình yêu hướng tha đầy năng động và sáng tạo. Chúa Kitô là Đấng đầy Thánh Thần cách đích thực. Thánh Phaolô đã không ngần ngại gọi Đức Kitô, “Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống”(1Cor 15,45). Vì đầy tràn Thánh Thần nên Chúa Kitô luôn hướng về Chúa Cha để yêu mến, tìm kiếm thánh ý chúa Cha để thực thi. Vì đầy tràn Thánh Thần nên Người luôn hướng về đoàn em nhân loại để tìm cách cứu độ và ban phúc ân.

Việc tìm kiếm thánh ý Chúa Cha để thực thi không miễn cho Chúa Kitô phải chiến đấu mà trái lại, chính Người đã phải chịu bao nỗi truân chuyên, bao đau khổ để học cho biết vâng phục. Chúng ta đừng quên để thốt lên lời thưa: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”, thì Chúa Kitô đã phải đổ mồ hôi pha lẫn máu (x. Lc 22,44). Việc cứu độ và ban phúc ân cho loài người cũng đòi hỏi Chúa Kitô phải trả giá. Đó là những đố kỵ, ganh tương của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ, đó là những hiểu lầm của cả nhiều người thân, đó là sự vô tâm, bạc tình của đám quần chúng đã từng hưởng nhận biết bao ơn lành của Người, đó là sự tham lam, hèn nhát, phản bội của những môn đệ thân tín, và cuối cùng đó là bản án thập giá bất công của quyền lực đế quốc Rôma đang đô hộ nước Do Thái bấy giờ.

Mẹ Maria cũng được ban đầy ân sủng Thánh Thần nên Mẹ đã bỏ ý riêng để đón nhận Ngôi Hai nhập thể, hoài thai trong dạ. Đầy ơn Thánh Thần nên Mẹ sống hết sức, hết tình với bà chị họ Isave, với đôi tân hôn tại Cana cũng như dòng tộc hai họ, với Người Con dấu yêu khi đứng dưới chân thập giá, với đoàn môn đệ của Con sau khi Người về trời. Mẹ Maria được đầy Thánh Thần nhưng vẫn chiến đấu. Mẹ đã can đảm đón nhận cái án có thể sẽ bị ném đá theo luật bấy giờ và có thể cả sự hoài nghi của thánh Giuse, khi mang thai Ngôi Lời nhập thể. Lời tiên tri của ông Ximêon về lưỡi gươm sẽ đâm thủng trái tim Mẹ phần nào nói lên những đau khổ Mẹ sẽ chịu khi một lòng theo ý Chúa và hết lòng yêu thương con người (x.Lc 2,35).

2.Cùng với ân ban chính là sứ mạng: Được Chúa ban tặng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội không phải là vì chính Mẹ, nhưng là để Mẹ xứng đáng đón nhận Ngôi Hai nhập thể, làm người và để Mẹ có khả năng hiệp công cứu chuộc cùng với Con của Mẹ. Ân ban càng cao cả thì sứ mạng càng trọng đại. Và sứ mạng càng trọng đại thì sự nỗ lực, gắng công càng nhiều và to lớn. Chúa Kitô đã từng nói: “Ai được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều” (x.Lc 12,48). Đây là quy luật của tình yêu.

Mừng kính mầu nhiệm Mẹ được tặng ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cám ơn Mẹ đã đón nhận ân ban cách đẹp lòng Chúa. Và nhờ thế mà nhân loại chúng ta được hưởng nhờ ân phúc cứu độ. Và xin đừng quên Kitô hữu chúng ta cũng đã lãnh nhận ân ban ấy qua dòng nước Thánh Tẩy, tức là đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Vấn đề đặt ra là chúng ta đã sống ân ban ấy như thế nào đây? Hãy xét xem lòng chúng ta có hướng về Chúa trong tình yêu mến, trong sự kiếm tìm thánh ý để thực thì chưa? Hãy xét xem lòng chúng ta có hướng đến hạnh phúc của tha nhân ra sao? Và cũng hãy xét xem chúng ta đã thực thi sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương giả như thế nào?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:29 06/12/2021

5. Vàng ròng càng nấu càng tinh thuần, đức ái chính là vàng ròng, dùng sự khắc khổ để tinh luyện dục tình sai lạc của mình, thì mới đạt tới mức độ thành toàn.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 06/12/2021
30. ANH NGỐC CHỐNG CƯỚP

Có một anh ngốc nghe biết tên trộm đi vào cổng thì vội vàng viết bốn chữ “đều có trong ngoài”, dán ở trong cửa nhà; lại nghe tên trộm đi vào chính giữa nhà, thì lại viết thêm bốn chữ “đường này không thông”, và dán trong cửa nhà; nhưng sau đó lại nghe tên trộm vẫn cứ đi vào, anh ta bèn nhảy vào trong nhà vệ sinh, tên trộm vội vàng chạy đến trước cửa nhà vệ sinh.

Anh ngốc bèn đóng cửa nhà vệ sinh lại, la to lên:

- “Có người ở đây”.

(Tiếu Đảo)

Suy tư 30:

Có một loại trộm khi đến thì không một ai trên thế gian này có thể cưỡng lại, kẻ trộm đó có tên là “giờ Chúa đến”, giờ Chúa đến thì bất thình lình như kẻ trộm và chỉ đến có một lần, cho nên nếu biết mà đề phòng thì còn tất cả, nếu không đề phòng thì mất cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục:

- Giờ Chúa đến khi chúng ta đang học hành.

- Giờ Chúa đến khi chúng ta đang nô đùa.

- Giờ Chúa đến khi chúng ta đang làm việc trong nhà máy, nơi đồng ruộng.

- Giờ Chúa đến khi chúng ta đang chén tạc chén thù với bè bạn...

- Giờ Chúa đến khi chúng ta đang dâng thánh lễ, đọc kinh, nguyện ngắm, và bất kỳ lúc nào, giờ Chúa cũng có thể đến với mỗi người trong chúng ta.


Không ai hoan nghênh kẻ trộm đến, nhưng người Ki-tô hữu phải luôn chuẩn bị tâm hồn và thân xác, để hân hoan đón “giờ của Chúa” đến trong an vui và hạnh phúc, bằng cách “dán” Lời Chúa trong tâm, “dán” Lời Chúa trước mặt, “dán” Lời Chúa ngay trong cuộc sống đời thường của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một cuộc Xuất Hành mới
Lm. Minh Anh
23:18 06/12/2021

MỘT CUỘC XUẤT HÀNH MỚI
“Ngài ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ”.

Trong cuốn “The Adversary”, “Kẻ Thù”, Mark Bubeck viết, “Xác thịt là một hỏng hóc cố hữu, khiến con người tự nhiên không thể phụng sự Thiên Chúa hoặc làm vui lòng Ngài. Xác thịt sở hữu một nội lực hấp dẫn ‘thừa hưởng’ từ sự sa ngã của con người, và tự nó, thể hiện một sự nổi loạn nói chung; và nói riêng, chống lại Thiên Chúa cùng sự công chính của Ngài. Xác thịt không bao giờ có thể được cải tạo hoặc cải thiện. Hy vọng duy nhất để thoát khỏi quy luật sa ngã của nó là thi hành và thay thế hoàn toàn bằng một cuộc sống mới, ‘một cuộc Xuất Hành mới’ trong Chúa Kitô!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay soi rọi ý tưởng của Mark Bubeck; nhất thiết cần có ‘một cuộc Xuất Hành mới’ trong Chúa Kitô! Isaia nói đến ‘một cuộc Xuất Hành mới’ khi “Thời nô lệ chấm dứt, tội lỗi được ân xá”, thời mà Thiên Chúa Mục Tử hồi hương dân Ngài; Chúa Giêsu nói đến ‘một cuộc Xuất Hành mới’ của con chiên lạc được chủ nó vác trên vai, đem về nhà.

Bài đọc thứ nhất mở đầu “Sách An Ủi” được cho là của Isaia Đệ Nhị, với những lời trấn an ngọt ngào nhất từ môi miệng của Thiên Chúa, “Hãy an ủi, an ủi dân Ta!”. Thời nô lệ và cuộc lưu đày được coi là hình phạt do tội lỗi và sự không chung thuỷ của Israel, nay đã mãn, và dân Chúa được hồi hương. Việc trở lại Giêrusalem của dân được coi là ‘một cuộc Xuất Hành mới’; trong đó, chính Thiên Chúa sẽ đích thân “Ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ”. Đây là cuộc xuất hành mà Israel sẽ vĩnh viễn rời bỏ đất lưu đày, một cuộc ra đi mà tất cả các chướng ngại phải được loại khỏi, “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu, bạt mọi núi đồi; đường cong queo, làm cho thẳng; đường gồ ghề, san cho bằng”. Vì lẽ, “Mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa!”. Niềm xác tín này, một lần nữa, được gặp thấy trong Thánh Vịnh đáp ca, “Thiên Chúa chúng ta sẽ đến trong uy quyền!”.

Nếu thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã phát động ‘một cuộc Xuất Hành mới’ để tái đoàn tụ dân, thì thời Tân Ước, qua Chúa Giêsu, Ngài cũng làm một điều tương tự trong chính Con Một Ngài. Với dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy, Ngài là mục tử đang đi tìm các tội nhân trong một nhân loại tổn thương, để cứu chuộc các tội nhân; và đưa nó về. Ngài sẽ cứu cả nhân loại đó bằng chính mạng sống Ngài; qua đó, Ngài phục hồi phẩm tính con cái Thiên Chúa cho nó. Và đó chính là lý do của lễ Giáng Sinh! Chúa Giêsu đã đến thế gian, để thế gian có thể thực hiện ‘một cuộc Xuất Hành mới’ mà hình ảnh con chiên lạc là biểu tượng cho cả nhân loại, cũng như cho từng người trong chúng ta. Ngài sẽ vác trên vai từng con chiên, nghĩa là vác từng tội nhân, rửa sạch, chữa lành nó, hầu nó có thể thực sự trải nghiệm ‘một cuộc Xuất Hành mới’.

Anh Chị em,

Mỗi ngày sống của chúng ta là một cuộc xuất hành, cho dẫu cuộc xuất hành nào cũng có cái để xót xa và tiếc nuối. Thế nhưng, không cuộc xuất hành nào hạnh phúc hơn cuộc xuất hành trong Chúa Giêsu Kitô. Đó là ‘một cuộc Xuất Hành mới’ mà Mark Bubeck muốn nói. Phải! Chính bản thân Chúa Giêsu, Ngài cũng đã thực hiện ‘một cuộc Xuất Hành mới’ này đến đổ máu mình ra bằng chết thập giá; từ đó, Ngài mở cho nhân loại một trang sử mới với sự phục sinh của Ngài. Cuộc xuất hành này không chỉ đã xảy ra cách đây hơn 2.000 năm, nhưng ngay hôm nay, Ngài vẫn đang thực hiện khi mải miết rong ruổi đi tìm từng người; trong đó, có chúng ta. Mùa Vọng, mùa chóng vánh bước theo Chúa Giêsu, mùa bỏ lại tất cả những gì vướng bận không cho phép chúng ta nhanh nhẹn ra đi. Tội lỗi là điều ngăn cách chúng ta khỏi Thiên Chúa, cột buộc chúng ta, không để chúng ta chóng vánh xuất hành. Hãy để Ngài vác chúng ta trên vai; Ngài sẽ đón chúng ta từ nơi chúng ta đã rơi vào, phục hồi chúng ta trở lại tình bạn trọn vẹn với Ngài. Hãy để cho Thiên Chúa có được niềm vui đoàn tụ, đặc biệt, khi cái giá phải trả duy nhất là thú nhận tội lỗi với Ngài và mời Ngài trở lại tâm hồn chúng ta, nơi thuộc về Ngài; để từ đó, chúng ta có thể ra đi, bắt đầu ‘một cuộc Xuất Hành mới’ cùng Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con đứng dậy sau mỗi lần gục ngã, vì biết rằng, Chúa đang chờ để nắm lấy tay con, hầu con có thể bắt đầu lại bằng ‘một cuộc Xuất Hành mới’ ngay hôm nay!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của Đức Phanxicô với người tỵ nạn, tại Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng ở Mytilene, Hy Lạp, Chúa nhật, ngày 5 tháng 12 năm 2021
Vũ Văn An
00:32 06/12/2021

Diễn từ của Đức Phanxicô với người tỵ nạn, tại "Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng" ở Mytilene, Hy Lạp, Chúa nhật, ngày 5 tháng 12 năm 2021


Anh chị em thân mến,

Cám ơn anh chị em vì những lời tốt đẹp của anh chị em. Tôi biết ơn bà, thưa bà Tổng thống, vì sự hiện diện và những lời nói của bà. Anh chị em thân mến, tôi lại ở đây một lần nữa, để gặp gỡ anh chị em và để bảo đảm với anh chị sự gần gũi của tôi. Tôi nói điều đó từ tận cõi lòng tôi. Tôi ở đây để nhìn thấy khuôn mặt của anh chị em và nhìn vào mắt anh chị em. Đôi mắt đầy sợ hãi và mong đợi, đôi mắt từng nhìn thấy bạo lực và nghèo đói, đôi mắt thành vệt bởi quá nhiều nước mắt. Năm năm trước trên hòn đảo này, Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew, người anh em thân yêu của tôi, đã nói một điều khiến tôi kinh ngạc: “Những người sợ hãi anh chị em sẽ không nhìn thẳng vào mắt anh chị em. Những người sợ hãi anh chị em sẽ không nhìn vào mặt anh chị em. Những người sợ hãi anh chị em sẽ không nhìn con cái anh chị em. Họ đã quên rằng phẩm giá và tự do vượt lên trên sự sợ hãi và chia rẽ. Họ quên rằng di dân không phải là vấn đề đối với Trung Đông và Bắc Phi, đối với châu Âu và Hy Lạp. Đó là vấn đề của thế giới ”(Diễn văn, ngày 16 tháng 4 năm 2016).



Đó là vấn đề của toàn thế giới: một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà tất cả mọi người đều quan tâm. Đại dịch đã có một tác động hoàn cầu; nó đã khiến chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền; nó đã khiến chúng ta trải nghiệm ý nghĩa của việc có những nỗi sợ hãi giống hệt nhau. Chúng ta đã tiến đến chỗ hiểu rằng các vấn đề lớn phải cùng nhau đối đầu, vì trong thế giới ngày nay, các giải pháp từng phần là không phù hợp. Tuy nhiên, trong khi chúng ta đang cố gắng chích ngừa cho mọi người trên toàn thế giới và, dù có nhiều sự chậm trễ và do dự, nhưng tiến bộ đang đạt được trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tất cả những điều này dường như khiếm diện khi nói đến vấn đề di dân. Tuy nhiên, cuộc sống của con người, những con người thực sự, đang bị đe dọa! Tương lai của tất cả chúng ta đang bị đe dọa, và tương lai đó sẽ chỉ bình yên khi nó được hòa nhập. Chỉ khi nó hòa giải được với những người dễ bị tổn thương nhất thì tương lai mới thịnh vượng. Khi chúng ta bác bỏ người nghèo, chúng ta bác bỏ hòa bình.

Lịch sử dạy chúng ta rằng tư lợi và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi dẫn đến những hậu quả tai hại. Thật vậy, như Công đồng Vatican II đã nhận xét, “một quyết tâm kiên quyết tôn trọng phẩm giá của các cá nhân và dân tộc khác cùng với việc cố ý thực hành tình yêu huynh đệ là điều tuyệt đối cần thiết để đạt được hòa bình” (Gaudium et Spes, 78). Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng chỉ giữ an toàn cho bản thân, bảo vệ bản thân khỏi những người có nhu cầu lớn hơn đang gõ cửa nhà chúng ta là đã đủ. Trong tương lai, chúng ta sẽ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với những người khác. Để biến nó thành điều tốt, điều cần thiết không phải là những hành động đơn phương mà là những chính sách có tầm rộng lớn. Tôi xin nhắc lại: lịch sử từng dạy ta bài học này, nhưng ta chưa học được nó. Chúng ta hãy ngừng việc làm ngơ thực tại, ngừng việc liên tục lẩn trốn trách nhiệm, ngừng việc chừa vấn đề di dân cho người khác, như thể nó không đáng kể với ai cả mà chỉ là một gánh nặng vô nghĩa cần ai đó khác phải gánh vác!

Thưa anh chị em, khuôn mặt và đôi mắt của anh chị em đang nài nỉ chúng tôi đừng nhìn theo hướng khác, đừng phủ nhận nhân tính chung của chúng ta, nhưng biến các trải nghiệm của anh chị em thành của riêng chúng tôi và lưu tâm đến hoàn cảnh bi đát của anh chị em. Elie Wiesel, một nhân chứng của thảm kịch lớn nhất thế kỷ trước, từng viết: “Chính vì tôi nhớ về sự khởi đầu chung của chúng tôi mà tôi xích lại gần hơn với đồng loại nhân bản của mình. Chính vì tôi không chịu quên rằng tương lai của họ cũng quan trọng như tương lai của chính tôi ”(From the Kingdom of Memory, Reminiscences [Từ Vương quốc Ký ức, Hồi tưởng], New York, 1990, 10). Chúa Nhật này, tôi cầu xin Thiên Chúa đánh thức chúng ta khỏi sự coi thường những người đang đau khổ, đánh thức chúng ta khỏi chủ nghĩa cá nhân chuyên loại trừ người khác, đánh thức các trái tim giả điếc trước nhu cầu của những người lân cận. Tôi yêu cầu mọi người nam nữ, tất cả chúng ta, hãy vượt qua sự tê liệt của sợ hãi, sự thờ ơ giết người, sự coi thường đầy nghi ngại chuyên hờ hững kết án tử hình những người đang ở ngoại vi! Chúng ta hãy chống lại tận gốc não trạng đương thịnh chỉ biết loay hoay với bản thân, tư lợi, của cả bản thân lẫn quốc gia, và trở thành thước đo và tiêu chuẩn của mọi sự.

Năm năm đã trôi qua kể từ khi tôi đến thăm nơi này cùng với những người anh em thân yêu của tôi là Đức Bartholomew và Đức Ieronymos. Sau những năm này, chúng ta thấy rất ít thay đổi đã diễn ra liên quan đến vấn đề di dân. Chắc chắn, nhiều người đã dấn thân vào công việc đón tiếp và hội nhập. Tôi muốn cảm ơn rất nhiều tình nguyện viên và tất cả những người ở mọi bình diện – định chế, xã hội, bác ái và chính trị - những người đã nỗ lực rất nhiều để chăm sóc cho các cá nhân và giải quyết vấn đề di dân. Tôi cũng thừa nhận các cố gắng đưa ra để tài trợ và xây dựng các cơ sở tiếp đón xứng đáng, và tôi chân thành cảm ơn người dân địa phương vì những điều tốt đẹp mà họ đã hoàn thành và vì nhiều hy sinh mà họ đã thực hiện. Tôi cũng cảm ơn chính quyền địa phương đã chào đón và chăm sóc những người đến với chúng ta. Cảm ơn anh chị em về những gì anh chị em đang thực hiện! Tuy nhiên, với sự hối tiếc sâu xa, chúng ta phải thừa nhận rằng đất nước này, cũng như những nước khác, vẫn tiếp tục cần được thúc đẩy mạnh mẽ, và ở châu Âu có những người vẫn cố chấp coi vấn đề này như một vấn đề không liên quan gì đến họ. Đây là bi kịch. Tôi nhớ lại những lời cuối cùng mà Tổng thống từng nói: “Châu Âu cũng có thể làm như vậy”.

Biết bao điều kiện vẫn không xứng đáng với con người! Biết bao điểm nóng nơi đó các di dân và người tị nạn sống trong điều kiện bấp bênh, mà không thấy thấp thoáng một giải pháp nào ở phía trước! Tuy nhiên, sự tôn trọng đối với các cá nhân và nhân quyền, nhất là ở lục địa này, nơi đang không ngừng cổ vũ chúng trên toàn thế giới, cần phải luôn được đề cao, và phẩm giá của mỗi người phải được đặt lên hàng đầu. Thật là buồn khi nghe các đề nghị như quỹ chung cần được sử dụng để xây những bức tường và dây thép gai như một giải pháp. Chúng ta đang ở trong thời đại của những bức tường và hàng rào thép gai. Chắc chắn, chúng ta thông cảm nỗi sợ hãi và bất an của người ta, những khó khăn và nguy hiểm liên hệ cũng như cảm giác mệt mỏi và thất vọng nói chung, bị các cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch làm cho trầm trọng hơn. Tuy nhiên, các vấn đề không được giải quyết và sự chung sống không được cải thiện bằng cách xây những bức tường cao hơn, mà bằng cách hợp lực để chăm sóc người khác theo khả năng cụ thể của mỗi người và tôn trọng luật pháp, luôn dành ưu tiên cho giá trị bất di bất dịch của cuộc sống mỗi con người. Vì, như Elie Wiesel cũng đã nói: “Khi tính mạng con người bị đe dọa, khi phẩm giá con người bị đe dọa, biên giới quốc gia trở nên vô nghĩa” (Bài diễn văn nhận giải Nobel, ngày 10 tháng 12 năm 1986).

Trong các xã hội khác nhau, an ninh và liên đới, các mối quan tâm địa phương và phổ quát, truyền thống và sự cởi mở đang được đặt tương phản với nhau một cách đầy ý thức hệ. Thay vì tranh cãi về các ý tưởng, tốt hơn nên bắt đầu với thực tại: dừng lại và mở rộng tầm nhìn của chúng ta để tiếp nhận các vấn đề của đa số nhân loại, của tất cả những người đang là nạn nhân của các trường hợp nhân đạo khẩn cấp không do họ tạo ra, nhưng phải chịu đựng như một chương mới nhất trong lịch sử bóc lột lâu đời. Gây xôn xao dư luận bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi cho người khác là điều dễ dàng. Tuy nhiên, tại sao chúng ta lại không nói một cách mãnh liệt về việc bóc lột người nghèo, về những cuộc chiến tranh ít khi được nhắc đến nhưng thường được tài trợ tốt, về những thỏa thuận kinh tế mà người dân phải trả giá, về những thỏa thuận bí mật đối với việc buôn bán vũ khí, ủng hộ việc gia tăng buôn bán vũ khí? Tại sao điều này không được nói đến? Những nguyên nhân xa nên bị tấn công, chứ không phải những người nghèo phải trả giá cho các hậu quả và thậm chí được sử dụng để tuyên truyền chính trị. Để loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ, cần nhiều điều hơn là chỉ vá víu các tình huống khẩn cấp. Các hành động phối hợp là điều cần thiết. Những thay đổi mang tính thời đại phải được tiếp cận với tầm nhìn rộng lớn. Không có câu trả lời dễ dàng cho các vấn đề phức tạp; thay vào đó, chúng ta cần đồng hành với các diễn trình từ bên trong, để vượt qua cảnh cô lập hóa và thúc đẩy sự hội nhập từ từ và cần thiết, để chấp nhận các nền văn hóa và truyền thống của người khác một cách huynh đệ và có trách nhiệm.

Trên hết, nếu chúng ta muốn bắt đầu lại, chúng ta phải nhìn vào khuôn mặt trẻ em. Mong rằng chúng ta có đủ can đảm để cảm thấy xấu hổ trước sự hiện diện của các em; trước sự ngây thơ của các em, các em là tương lai của chúng ta. Các em thách thức lương tâm chúng ta và chất vấn chúng ta: "Các ông các bà muốn cho chúng tôi thứ thế giới nào?" Chúng ta đừng vội quay mặt đối với những bức ảnh gây sốc về những thân hình nhỏ bé của các em nằm vô hồn trên bãi biển. Địa Trung Hải, nơi hàng thiên niên kỷ đã đem các dân tộc khác nhau và những vùng đất xa xôi lại gần nhau, giờ đây đang trở thành một nghĩa trang nghiệt ngã không bia mộ. Vùng nước vĩ đại này, cái nôi của rất nhiều nền văn minh, giờ đây trông như một tấm gương chết chóc. Chúng ta đừng để biển của chúng ta (mare nostrum) bị biến thành một biển chết hoang vắng (mare mortuum). Chúng ta đừng để nơi gặp gỡ này trở thành một sân khấu của xung đột. Chúng ta đừng để “biển ký ức” này biến thành “biển lãng quên”. Xin các anh chị em, chúng ta hãy ngăn chặn vụ đắm tàu của nền văn minh này!

Trên bờ biển này, Thiên Chúa đã trở thành người phàm. Tại đây lời của Chúa Giêsu vang lên, tuyên bố rằng Thiên Chúa là “Cha và là người hướng dẫn mọi người” (Thánh GREGORY thành NAZIANZUS, Điếu văn VII cho anh Caesarius của ngài, 24). Thiên Chúa yêu chúng ta như con cái của Người; Người muốn chúng ta là anh chị em. Thay vào đó, Người cảm thấy bị xúc phạm khi chúng ta coi thường những con người nam nữ được tạo ra theo hình ảnh của Người, bỏ mặc họ trong lòng thương xót của sóng biển, trong sự thờ ơ, đôi khi được biện minh thậm chí nhân danh các giá trị được cho là Kitô giáo. Trái lại, đức tin đòi hỏi lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Chúng ta đừng quên rằng đây là phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng. Đức tin thôi thúc chúng ta đến với lòng hiếu khách, đến với lòng philoxenia (yêu người xa lạ) vốn thấm nhuần nền văn hóa cổ điển, và sau này được Chúa Giêsu tìm ra cách diễn tả nó cách dứt khoát, đặc biệt trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,29-37) và những lời của Chương 25 Tin Mừng Mátthêu (xem câu 31-46). Khác xa với ý thức hệ tôn giáo, điều này liên quan đến nguồn gốc Kitô giáo cụ thể của chúng ta. Chúa Giêsu long trọng nói với chúng ta rằng Người hiện diện trong người khách lạ, người tị nạn, trong những người trần truồng và đói khát. Chương trình Kitô giáo là nơi Chúa Giêsu hiện diện, vì chương trình Kitô giáo, như Đức Bênêđíctô đã viết, “là một trái tim biết nhìn” (Deus Caritas Est, 31). Tôi không muốn kết thúc diễn từ này mà không cảm ơn người dân Hy Lạp vì tinh thần chào đón của họ. Nhiều khi điều này trở thành vấn đề vì những người đến nơi này khó đi nơi khác được. Xin cảm ơn các anh chị em đã rộng lượng!

Bây giờ chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, để Đức Mẹ mở mắt cho chúng ta nhìn thấy các đau khổ của anh chị em chúng ta. Mẹ Maria vội vàng lên đường đến thăm người chị em họ Elizabeth đang mang thai. Biết bao bà mẹ mang thai, lên đường vội vã, đã gặp cái chết, ngay cả khi đang mang trong dạ mình sự sống! Xin Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta có cái nhìn mẫu thân, coi mọi người đều là con cái Thiên Chúa, đều là anh chị em để được đón nhận, che chở, nâng đỡ và hòa nhập. Và được yêu thương một cách dịu dàng. Xin Mẹ rất thánh dạy chúng ta biết đặt thực tại của những người nam nữ lên trước các ý tưởng và ý thức hệ, và vội vàng ra đi gặp gỡ mọi người đang đau khổ.

Bây giờ tất cả chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ.
 
Linh mục Chính Thống Giáo Hy Lạp la ó phản đối Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
05:17 06/12/2021


Như chúng tôi đã tường trình, sáng thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển. Sau lễ nghi tiếp đón chính thức tại dinh tổng thống, lúc 4g chiều, Đức Thánh Cha đã thăm xã giao Đức Tổng Giám Mục Ieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo.

Khi ngài bước vào cổng Tòa Giám Mục, một linh mục Chính thống giáo Hy Lạp lớn tuổi đứng trong số những người tụ tập bên đường, đã hét lên, “Giáo hoàng, ngài là một kẻ dị giáo”. Ông ta la 3 lần như vậy trước khi bị cảnh sát bắt đi.

Đoạn video cho thấy người đàn ông mặc áo choàng đen, đội mũ đen và có bộ râu dài màu trắng, hét lên những lời phản đối bằng tiếng Hy Lạp bên ngoài tòa nhà trước khi bị hai nữ cảnh sát xốc nách kéo ra xa hơn. Ông ta đã cố ngã nhào xuống đất nhưng hai nữ cảnh sát vẫn quyết liệt lôi đi.

Đức Thánh Cha Phanxicô dường như không để ý, hay không hay biết về những gì đang xảy ra khi ngài bước vào Tòa Giám Mục để có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Chính thống giáo.

Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô đến Hy Lạp diễn ra 20 năm sau khi Thánh Gioan Phaolô II thực hiện chuyến thăm đầu tiên như vậy đến Hy Lạp kể từ thời Đại Ly Giáo vào năm 1054.

Vị Thánh Giáo Hoàng đã sử dụng dịp này để cầu xin sự tha thứ cho những tội lỗi mà một số người Công Giáo chống lại Chính thống giáo đã phạm phải trong nhiều thế kỷ. Đức Phanxicô đã lặp lại lời xin lỗi đó vào hôm thứ Bảy trước Đức Tổng Giám Mục Ieronymos và các giám mục Chính thống giáo khác.

Ngài nói rằng nhiều người Công Giáo “đã có những hành động và quyết định liên quan rất ít hoặc chẳng liên quan gì đến Chúa Giêsu và Tin Mừng, nhưng thay vào đó lại được đánh dấu bằng sự khao khát lợi thế và quyền lực, những quyết định như thế đã làm suy yếu nghiêm trọng sự hiệp thông của chúng ta”.

Trong cuộc gặp gỡ này Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo của Athens nói rằng “chuyến viếng thăm này của ngài đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám Mục Ieronymos đề cập đến đại dịch, môi trường và nhập cư, hoan nghênh sự nhạy cảm của Đức Giáo Hoàng đối với vấn đề này, nhưng cũng nói rằng làn sóng di dân nên dừng lại và đề cập đến việc vũ khí hóa người tị nạn của các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ.

Ieronymos cũng đề cập đến lễ kỷ niệm 200 năm Chiến tranh giành độc lập của Hy Lạp, và nói rằng các vị Giáo hoàng thời đó đã giữ khoảng cách với cuộc đấu tranh giành tự do của người Hy Lạp. Đức Tổng Giám Mục Ieronymos nói: “Tôi không muốn làm bạn khó xử, nhưng tôi tin rằng trong số những người muốn được gọi là anh chị em trong Chúa Kitô, ngôn ngữ tốt nhất là sự trung thực.”

Sau bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám Mục Ieronymos đã trao tặng Đức Phanxicô một bức ảnh của Thánh Phaolô làm bằng bạc.

Tuy có những khó khăn nhất định nhưng nhìn chung, thái độ khiêm nhường của Đức Thánh Cha Phanxicô đã chiếm trọn cảm tình của các vị Chính Thống Giáo tại Athens.
Source:Greek Reporter
 
Israel cho biết chích 3 liều vẫn nhiễm Omicron
Đặng Tự Do
05:17 06/12/2021


Tờ Jerusalem Post số ra hôm thứ Bẩy 4 tháng 12 cho biết đến nay Israel có 34 trường hợp nhiễm coronavirus bị nghi ngờ là có liên quan đến Omicron. 7 trường hợp đã được xác nhận một cách dứt khoát là liên quan đến Omicron. 27 trường hợp còn lại vẫn còn trong vòng điều tra.

Sáng thứ Sáu Bộ Y tế cho biết 7 trường hợp liên quan đến biến thể Omicron phần lớn là những người chưa được tiêm chủng.

Cụ thể, Bộ cho biết, 4 người hoàn toàn chưa được tiêm phòng lần nào và 3 người đã được tiêm phòng - 2 người đã tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer và 1 người đã tiêm 2 mũi AstraZeneca. Việc 2 người đã tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer mà vẫn nhiễm biến thể Omicron khiến Israel hết sức lo lắng.

Trong số 7 người được xác nhận nhiễm micron, tất cả đều từ nước ngoài trở về: 5 người từ Nam Phi, 1 người từ Anh và 1 người từ Malawi.

Ngoài những người được xác nhận nhiễm bệnh, có thêm 27 trường hợp rất đáng ngờ. Những người này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID nhưng mẫu PCR của họ vẫn đang được sàng lọc di truyền để xác định xem có phải là nhiễm Omicron hay không.

Trong số 27 trường hợp đáng ngờ, 22 người chưa hề được tiêm chủng hoặc đã qua thời gian 6 tháng phục hồi sau khi nhiễm coronavirus. Trong số 27 trường hợp, chỉ có tám trường hợp ở nước ngoài gần đây. 19 trường hợp còn lại đã nhiễm biến thể này ở Israel.

Những người này cảm thấy thế nào?

Trong số 34 bệnh nhân, 26 người chưa được tiêm chủng hoặc đã qua thời gian 6 tháng phục hồi. Trong số 26 người này, 10 người có triệu chứng và 16 người không có triệu chứng nào hết.

Trong số 8 người được tiêm chủng, một người có triệu chứng và bảy người không có bất cứ triệu chứng nào đáng kể.

Các chuyên gia y tế của Israel nói họ đang bắt đầu hiểu rõ hơn về Omicron và có vẻ như dựa trên dữ liệu ban đầu rằng biến thể này không gây ra bệnh nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó, mặc dù nó có vẻ lây lan nhanh hơn. Đồng thời, các vắc-xin tuy không bảo vệ hoàn toàn chúng ta khỏi nhiễm Omicron, nhưng nó đang ngăn chặn bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào.

Thủ tướng Naftali Bennett đã đăng trên trang Facebook của mình về biến thể Omicron vào hôm thứ Sáu, bảo vệ quyết định cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Israel trong hai tuần nữa cho đến khi có nhiều thông tin hơn về khả năng hoạt động của vắc-xin.

Bennett nói: “Khi có sự chắc chắn và kiến thức… chúng tôi sẽ hành động theo đó. Trong trường hợp của Omicron, khi không có câu trả lời rằng vắc-xin rất hiệu quả để chống lại nó, tôi không có ý định chấp nhận rủi ro”.

Với quyết định này của ông Bennett, mọi hy vọng về một lễ Giáng Sinh khởi sắc tại Bethlehem trong năm nay đã tan thành mây khói.
Source:Jerusalem Post
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit
Đặng Tự Do
05:18 06/12/2021


Văn phòng Báo chí Tòa Thánh công bố ngày 2 tháng 12 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris. Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier đã được bổ nhiệm làm Giám quản tông tòa của tổng giáo phận.

Vào ngày 25 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Paris đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng xác định xem ngài có nên từ chức hay không. Việc công bố vào ngày 22 tháng 11 một bài báo trên tờ Le Point hàng tuần đã đặt vấn đề về khả năng quản trị của ngài. Bài báo đã dùng những từ ngữ như sự “tàn bạo” trong quan hệ với người khác, và “chủ nghĩa độc đoán” trong cách quản lý của ngài.

Bài báo cũng cho rằng tổng giám mục đã có quan hệ tình cảm với một phụ nữ vào năm 2012.

Phản ứng về ấn phẩm này, Đức Tổng Giám Mục Aupetit, nói trên Đài Notre Dame rằng ngài đã bị sốc.

“Tôi tự hỏi phải chăng thực sự có quá nhiều người muốn tôi ra đi”. Tuy nhiên, ngài thừa nhận “đã xử lý một số tình huống nóng nảy với một vài người.”

Đức Tổng Giám Mục Paris đã trao quyết định về tương lai của ngài cho Đức Giáo Hoàng sau khi tham khảo ý kiến của Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục ở Rôma, và là Sứ thần Tòa thánh tại Paris: “Tôi đã làm điều đó để bảo tồn giáo phận, vì với tư cách là một giám mục. Tôi phải phục vụ sự hiệp nhất. Không phải vì những gì tôi nên làm hay không nên làm trong quá khứ - nếu không thì tôi đã bỏ đi từ lâu - mà là để tránh chia rẽ, nếu chính tôi là nguồn gốc của sự chia rẽ.”

Tình huống này với Đức Tổng Giám Mục Paris xảy ra sau báo cáo của Pháp về lạm dụng tình dục trong Giáo hội.

Việc chấp nhận đơn từ chức của ngài đã được công bố trong bản tin chính thức của Tòa thánh trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang bay đến Síp.

Đức Cha Aupetit đã phản ứng với quyết định này trong một tuyên bố. Ngài nói rằng ngài “vô cùng lo lắng vì các cuộc tấn công” chống lại ngài và nói rằng ngài đang cầu nguyện “cho những người có thể đã mong muốn hãm hại ngài.”

“Tôi cũng cầu xin sự tha thứ cho những người mà tôi có thể đã làm tổn thương”.

Trong bài phát biểu cách đây vài ngày với Đài Notre Dame, Đức Tổng Giám Mục phủ nhận có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ. Ngài thừa nhận rằng khi chưa là một Giám Mục, một người phụ nữ đã tiếp xúc “nhiều lần qua các cuộc thăm viếng, thư từ, v.v., đến mức đôi khi tôi phải thực hiện các bước để tạo khoảng cách giữa chúng tôi.” Ngài nói rằng “hành vi của ngài đối với cô ấy có thể không rõ ràng, do đó ngụ ý rằng giữa chúng tôi tồn tại một mối quan hệ thân mật và quan hệ tình dục, là điều mà tôi mạnh mẽ bác bỏ. Tôi quyết định không gặp lại cô ấy nữa và tôi đã thông báo cho cô ấy biết điều này”.

Về vấn đề quản trị của mình, ngài nói trong cuộc phỏng vấn ngắn rằng “Tất nhiên, việc đưa ra quyết định tạo ra sự thất vọng và cay đắng là điều bình thường, nhưng tôi không bao giờ thực hiện chúng một mình”. Đức Tổng Giám Mục cho biết các quyết định của ngài luôn có sự tham gia của nhiều hội đồng bao gồm cả giáo dân.

Ngày 7 tháng 12 năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Aupetit được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục thủ đô nước Pháp. Kể từ tháng 12 năm 2018, ngài cũng là thành viên của Bộ Giám mục và thường xuyên đến Rôma để tham gia vào quá trình tuyển chọn các giám mục tương lai. Ngài cũng được bổ nhiệm làm thành viên của Thánh bộ Giáo hội Phương Đông vào tháng 8 năm 2019.

Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier sẽ làm Giám Quản Tông Tòa sede vacante et ad nutum Sanctæ, nghĩa là tạm thời phụ trách chờ lệnh của Tòa Thánh, cho đến khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm một tổng giám mục mới của Paris.

Vị tổng giám mục 78 tuổi của Marseille cũng là cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp trong thời gian từ 2013 đến 2019 được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa của Avignon vào tháng Giêng năm 2021 để bảo đảm quá trình chuyển tiếp sau khi Đức Tổng Giám Mục Jean-Pierre Cattenoz từ chức.
Source:Aleteia
 
Đức Tổng Giám Mục Paris từ chức có thể báo hiệu sự thay đổi của Vatican
Đặng Tự Do
05:19 06/12/2021


Hôm thứ Năm, Vatican thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Paris, Michel Aupetit, sau khi truyền thông Pháp cáo buộc Đức Đức Tổng Giám Mục có quan hệ tình cảm với một phụ nữ hơn một thập kỷ trước.

Quyết định của Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Aupetit có thể báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong đường lối của Vatican đối với các cáo buộc về các hành vi sai trái của các giám mục, nhưng các tuyên bố của chính Đức Tổng Giám Mục cho thấy quyết định này có thể liên quan đến việc điều hành tổng giáo phận của ngài.

Bài báo xem ra đã khiến Đức Tổng Giám Mục Aupetit phải ra đi đã được xuất bản tuần trước bởi tạp chí Le Point của Pháp. Nó cáo buộc rằng linh mục Aupetit đã có một mối quan hệ “thân mật” với một phụ nữ vào năm 2012, khi ngài còn là linh mục và tổng đại diện của tổng giáo phận.

Le Point trích dẫn một số nguồn ẩn danh tuyên bố đã nhìn thấy một email năm 2012 của Cha Aupetit gửi cho người phụ nữ nhưng dường như được gửi nhầm cho thư ký của ngài.

Đức Tổng Giám Mục đã phủ nhận không có một email nào như thế cả và phủ nhận có quan hệ tình dục với người phụ nữ mà đến nay vẫn chưa ai biết tên là gì.

Đức Tổng Giám Mục cho biết vào tuần trước rằng mối quan hệ này “không rõ ràng” và có thể bị hiểu nhầm, và ngài đã không gặp người phụ nữ này nữa.

“Những người biết tôi vào thời điểm đó và những người chia sẻ cuộc sống hàng ngày của tôi chắc chắn sẽ nói rằng tôi không sống cuộc sống hai mặt, như bài báo gợi ý,” vị tổng giám mục nói với đài phát thanh Công Giáo Pháp Notre Dame.

Phát biểu ngay sau khi bài báo được xuất bản, Đức Cha Aupetit đã tố cáo bài báo là một cuộc tấn công “thâm độc” nhắm vào ngài. Đức Tổng Giám Mục xác nhận rằng ngài đã tham khảo ý kiến của Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục Vatican, về tình hình và đã để lại quyết định về tương lai của mình cho Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời nhấn mạnh rằng ngài đã không sử dụng từ ngữ “từ chức” trong thư viết cho Đức Giáo Hoàng.

Các phương tiện truyền thông đã đưa tin rộng rãi về quyết định của Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Aupetit đối với báo cáo về mối quan hệ nào đó với người phụ nữ giấu tên, mặc dù Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng điều đó chưa bao giờ xảy ra.

Nếu quyết định được đưa ra bởi Đức Thánh Cha Phanxicô là nhằm đáp lại mối quan hệ bị cáo buộc năm 2012, nó sẽ báo hiệu một sự thay đổi trong sự khoan dung của Đức Giáo Hoàng đối với các hành vi sai trái của các giám mục. Các giám mục ở Pháp, Đức và Hoa Kỳ đều đã bị Đức Giáo Hoàng ngưng chức trong những năm gần đây sau những vụ bê bối liên quan đến việc xử lý lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Quyết định của Đức Giáo Hoàng cũng có thể gợi ý rằng việc xác định sự không phù hợp của Đức Cha Aupetit đối với chức vụ dựa trên công luận, thay vì bất kỳ hành vi sai trái thực tế nào: Đức Tổng Giám Mục đã nói công khai rằng vào năm 2012, ngài đã thông báo cho người tiền nhiệm là Đức Hồng Y Andre Vingt-Trois, lúc đó là Tổng Giám Mục Paris, về mối quan hệ với người phụ nữ.

Đức Hồng Y Vingt-Trois đã yêu cầu Cha Aupetit tiếp tục đảm nhiệm cương vị tổng đại diện của tổng giáo phận và vào năm 2013, ngài được thăng chức lên làm Giám Mục Phụ Tá. Đức Cha Aupetit cuối cùng đã kế nhiệm Đức Hồng Y Vingt-Trois làm tổng giám mục vào năm 2018.

Thông lệ, Bộ Giám mục luôn xem xét kỹ lưỡng hồ sơ nhân sự của các ứng viên cho chức vụ Giám mục với sự tham khảo ý kiến của Sứ thần Tòa thánh và Giám mục địa phương.

Không thể có chuyện Đức Hồng Y Vingt-Trois cố tình không thông báo cho Rôma về tình hình này, vì cả Sứ thần Tòa Thánh và Tòa thánh đều đã biết về mối quan hệ của Auptit với người phụ nữ này ngay từ năm 2013, và dường như không coi đó là trở ngại cho việc thăng chức của ngài để lãnh đạo một trong những vị trí nổi bật nhất, và dễ nhìn thấy nhất ở Âu Châu.

Bản thân Đức Cha Aupetit cũng đã xác nhận sự kiện này, và cuối tuần qua ngài đã nói rằng ngài đã thông báo với cấp trên của Giáo hội về mối quan hệ vào thời điểm đó.

Vị tổng giám mục cũng cho biết lời đề nghị để Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định tương lai của mình không phải là một phản ứng trực tiếp đối với “những gì tôi đã làm hay không trong quá khứ - nếu không thì tôi đã ra đi từ lâu”.

Thay vào đó, Đức Cha Aupetit cho biết mối quan tâm của ngài là “tránh sự chia rẽ” trong tổng giáo phận. Quyết định chấp nhận đơn từ chức của ngài có thể liên quan đến những lời chỉ trích về khả năng lãnh đạo của ngài đối với tổng giáo phận.

Bài báo của Le Point cũng trích dẫn các nguồn ẩn danh chỉ trích cách điều hành giáo phận của Đức Tổng Giám Mục, cho rằng ngài là người chuyên quyền và độc tài. Các nguồn ẩn danh chỉ ra rằng Đức Tổng Giám Mục Aupetit đã loại bỏ nhiều linh mục khỏi các nhiệm vụ mục vụ khác nhau, và một số quan chức giáo quyền đã từ chức để phản đối ngài.

Đức Tổng Giám Mục cho biết vào cuối tuần qua rằng ngài đã nhận được tin nhắn ủng hộ từ các linh mục và giáo dân của tổng giáo phận sau bài báo của Le Point và trước quyết định của Đức Giáo Hoàng.

Trong một tuyên bố đáp lại thông báo của Vatican hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đã “rất bối rối trước những cuộc tấn công mà tôi phải chịu.”

“Chúa đã ban cho, Chúa đã lấy đi”, Đức Tổng Giám Mục nói trong một tuyên bố video, “Chúc tụng danh Chúa.”

“Tôi cầu xin sự tha thứ từ những người mà tôi có thể đã làm tổn thương và tôi bảo đảm với các bạn về tình bạn sâu sắc và lời cầu nguyện của tôi.”

Tòa thánh Vatican cũng thông báo rằng Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier, Tổng Giám Mục hiệu tòa của Tổng giáo phận Marseille, đã được bổ nhiệm tạm thời lãnh đạo tổng giáo phận thủ đô.
Source:Pillar Catholic
 
Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cùng Giáo triều Rôma - Bài thứ nhất của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
05:34 06/12/2021


Chúa đã sai Con Ngài đến để chúng ta có thể được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa

Trong loạt bài suy niệm cho chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng năm nay của Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên của Phủ Giáo Hoàng tập trung vào việc đưa ra ánh sáng “vẻ huy hoàng bên trong của Giáo Hội và của đời sống Kitô hữu”, mà không “nhắm mắt trước thực tế của các sự kiện”, để mỗi người có thể đối mặt với trách nhiệm của mình từ góc độ đúng đắn.

Đức Hồng Y Cantalamessa cho biết ngày nay có nguy cơ nhiều người đang sống “như thể Giáo hội không hơn gì” những vụ bê bối, tranh cãi, xung đột cá tính, buôn chuyện, hoặc cùng lắm chỉ hữu ích chút đỉnh về mặt xã hội. Nói tóm lại, Giáo Hội chỉ là chuyện của con người, giống như mọi thứ khác trong quá trình lịch sử”. Trong những suy tư Mùa Vọng, Đức Hồng Y đề nghị chúng ta “nhìn Giáo hội từ bên trong, theo nghĩa mạnh nhất của từ này, dưới ánh sáng của mầu nhiệm mà Giáo hội mang trong mình”, để chúng ta không mất phương hướng.

Năm nay, chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng gồm ba bài được trình bày vào ba thứ Sáu trước Lễ Giáng Sinh với chủ đề là “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến”, trích từ chương 4 Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát trong đó tóm tắt toàn bộ mầu nhiệm của Kitô Giáo.

Bài suy niệm Mùa Vọng đầu tiên được tổ chức tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục có tựa đề là “Chúa đã sai Con Ngài đến để chúng ta có thể được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa”

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Mùa Chay vừa qua tôi đã cố gắng làm sáng tỏ mối nguy hiểm của việc sống “etsi Christus non daretur,”, tức là “như thể Chúa Kitô chưa bao giờ tồn tại.” Tiếp tục dòng suy nghĩ này, trong các bài suy niệm Mùa Vọng năm nay, tôi muốn kêu gọi sự chú ý đến một mối nguy hiểm tương tự khác: đó là việc sống “như thể Giáo hội không hơn gì” những vụ bê bối, tranh cãi, xung đột cá tính, buôn chuyện, hoặc cùng lắm chỉ hữu ích chút đỉnh về mặt xã hội. Nói tóm lại, Giáo Hội chỉ là chuyện của con người, giống như mọi thứ khác trong quá trình lịch sử.

Tôi muốn làm sáng tỏ vẻ huy hoàng bên trong của Giáo hội và đời sống Kitô. Chúng ta không được nhắm mắt trước thực tế, cũng không được trốn tránh trách nhiệm của mình; đồng thời, chúng ta cần phải đối mặt với chúng từ một góc độ đúng đắn và không để bản thân mình bị chúng đè bẹp. Chúng ta không thể mong đợi các nhà báo và các phương tiện truyền thông tính đến quan điểm của chính Giáo hội, nhưng kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu như chúng ta, những người thuộc về Giáo hội và những thừa tác viên của Tin Mừng, cuối cùng lại đánh mất đi mầu nhiệm ẩn chứa trong Giáo hội và thối lui để hành xử như người khác và luôn ở thế phòng thủ.

Nói về việc loan báo Tin Mừng, Thánh Tông đồ Phaolô viết: “Chúng ta đựng kho tàng này trong những bình sành dễ vỡ” (2Cr 4, 7). Thật là ngu ngốc khi dành toàn bộ thời gian và sức lực của chúng ta để tập trung vào “những chiếc lọ đất sét dễ vỡ” trong khi quên mất “kho báu”. Thánh Tông đồ cho chúng ta một lý do để khẳng định điều tích cực tồn tại ngay cả trong những tình cảnh như hoàn cảnh của chúng ta ngày nay. Ngài nói rằng điều này là “để có thể thấy rõ rằng quyền năng phi thường này thuộc về Thiên Chúa và không đến từ chúng ta” (2 Cr 4, 7).

Giáo Hội giống như những ô cửa kính màu của một nhà thờ lớn. (Tôi đã trải nghiệm điều này khi đến thăm nhà thờ chính tòa thành Chartres.) Nếu anh chị em nhìn vào các cửa sổ từ bên ngoài, từ đường phố, tất cả những gì anh chị em thấy là những mảnh kính đen được giữ lại với nhau bằng những dải chì sẫm màu. Nhưng nếu anh chị em đi vào bên trong và nhìn vào chính những ô cửa sổ đó với ánh sáng tràn vào, thì thật là một mảng màu rực rỡ, những câu chuyện và ý nghĩa mở ra trước mắt anh chị em! Tôi đề nghị rằng chúng ta nên nhìn Giáo hội từ bên trong, theo nghĩa sâu xa nhất của từ này, để thấy Giáo Hội dưới ánh sáng của mầu nhiệm mà Giáo Hội thủ đắc.

Trong Mùa Chay, Định nghĩa của Công Đồng Chalcedon theo đó Chúa Kitô thực sự là con người và thực sự là thần thánh trong một hữu thể duy nhất đã hướng dẫn chúng ta suy niệm. Trong Mùa Vọng này, chúng ta sẽ dõi theo một trong những bản văn phụng vụ Mùa Vọng tiêu biểu hơn, đó là thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Galát chương 4, từ câu 4 đến câu 7, trong đó có đoạn:

Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Abba, Cha ơi!” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

Nói một cách ngắn gọn, phân đoạn này là sự tổng hợp của toàn bộ mầu nhiệm Kitô Giáo. Nó bao gồm Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Cha, Con của Người và Chúa Thánh Thần; mầu nhiệm nhập thể: “Thiên Chúa đã sai Con Ngài;” và tất cả những điều này, không phải là một kinh nghiệm trừu tượng, lạc hậu, mà là trong bối cảnh lịch sử cứu độ: “trong thời viên mãn”. Sự hiện diện của Đức Maria một cách kín đáo, nhưng không kém phần thiết yếu, là: “sinh ra bởi một người phụ nữ”. Và, cuối cùng, kết quả của tất cả những điều này là mọi người nam cũng như nữ được làm con cái của Thiên Chúa và là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Con cái của Chúa!

Trong bài suy niệm đầu tiên này, tôi muốn suy ngẫm về phần đầu của bản văn: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Tình phụ tử của Thiên Chúa là trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Ngay cả trong Kinh thánh tiếng Do Thái, Thiên Chúa được xem như một người cha. Điều mới lạ ở đây là giờ đây Thiên Chúa không được coi là “cha của dân tộc Israel” theo một nghĩa tập thể, có thể nói như vậy, mà là cha của mỗi con người theo một nghĩa cá nhân và cá vị, cha của cả người công chính lẫn người tội lỗi. Thiên Chúa quan tâm đến từng người như thể người đó là độc nhất vô nhị; Chúa biết nhu cầu, suy nghĩ và đếm số lượng sợi tóc trên đầu của mỗi người.

Sai lầm của Thần học Tự do, vào đầu thế kỷ 19 và 20 (đặc biệt là ở Adolf von Harnack, người đại diện nổi tiếng nhất của nó), là coi tình phụ tử của Thiên Chúa là yếu tính của Phúc âm, bỏ qua một bên thần tính của Chúa Kitô và Mầu nhiệm Vượt qua. Một sai lầm khác, bắt đầu từ lạc giáo Marcion vào thế kỷ thứ 2 và chưa từng bị xóa sổ hoàn toàn, là xem Thiên Chúa trong Kinh thánh tiếng Do Thái là Thiên Chúa công bình, thánh thiện, quyền năng và sấm sét, và Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa dịu dàng, là “hình bóng người cha” niềm nở và nhân từ.

Sự mới lạ do Chúa Kitô mang lại không bao gồm điều này. Thay vào đó, nó bao gồm thực tế là Thiên Chúa, Đấng vẫn như đã được mô tả trong Kinh Thánh tiếng Do Thái, cụ thể là, ba lần thánh, công bình và toàn năng, giờ đây đã được ban cho chúng ta làm cha của chúng ta! Đây là hình ảnh được Chúa Giêsu đặt ra trong lời mở đầu của Kinh Lạy Cha và diễn tả một cách ngắn gọn, tất cả những điều sau đây: “Cha chúng con, Đấng ngự trên trời”. Cha ngự trên trời, như thế Cha là Đấng Tối Cao, Đấng siêu việt, ở trên chúng ta như các tầng trời ở trên mặt đất, nhưng vẫn là “cha của chúng ta” - hay như nguyên tác đã viết: “Abba!” - hơi giống với cách nói bố của chúng ta, bố của con.

Đây cũng là hình ảnh của Thiên Chúa mà Giáo hội đặt ở đầu kinh Tin kính của mình. “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng”: là cha, nhưng vẫn là đấng toàn năng: toàn năng, nhưng vẫn là cha, Đây rốt cuộc là điều mà mọi đứa trẻ cần - cha mẹ luôn cúi xuống với con, dịu dàng, có thể chơi với con, nhưng đồng thời là người mạnh mẽ và con có thể dựa vào để được bảo vệ, là người truyền cho con lòng dũng cảm và tự do.

Trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về tính mới mẻ thực sự thay đổi mọi thứ. Thiên Chúa không chỉ là một người cha theo nghĩa ẩn dụ và đạo đức, theo nghĩa là Ngài đã tác tạo và chăm sóc cho dân tộc của mình. Thiên Chúa - trước hết - là một người cha thực sự của một người con thực sự được sinh ra “trước bình minh”, nghĩa là trước khi thời gian bắt đầu, và sẽ nhờ Người Con duy nhất này mà nhân loại cũng có thể trở thành con cái của Thiên Chúa theo nghĩa thực sự chứ không chỉ là một cách ẩn dụ. Sự mới lạ này tỏa sáng trong cách Chúa Giêsu tự xưng với Chúa Cha, gọi Người là Abba, và cũng qua lời Chúa Giêsu chúng ta biết rằng: “Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:27).

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng trong lời rao giảng của Chúa Giêsu trần thế, tính mới mẻ triệt để mà Ngài mang lại vẫn chưa hiển nhiên. Phạm vi của danh hiệu “cha” kéo dài theo nghĩa đạo đức, nghĩa là, nó mô tả cách Thiên Chúa hành động đối với nhân loại và cảm giác mà nhân loại nên nuôi dưỡng về Chúa. Mối quan hệ vẫn thuộc loại hiện sinh, chưa mang tính bản thể học và bản chất. Để điều này xảy ra, Mầu nhiệm Vượt qua về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là cần thiết.

Thánh Phaolô đã trình bày các suy tư liên quan đến giai đoạn đức tin sau Phục sinh này. Nhờ ơn cứu chuộc do Chúa Kitô mang lại và truyền cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội, chúng ta không còn là con cái Thiên Chúa theo nghĩa luân lý đơn thuần, mà còn theo nghĩa thực tế, bản thể học. Chúng ta đã trở thành “những người con trong Chúa Con,” và Chúa Kitô đã trở thành “trưởng tử của nhiều anh chị em” (Rôma 8:29).

Để diễn tả tất cả điều này, Thánh Tông đồ sử dụng ý niệm về việc nhận con nuôi: “… để chúng ta có thể nhận làm nghĩa tử như con cái Ngài” “Thiên Chúa đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1: 5). Nó chỉ là một phép tương tự, và như với bất kỳ phép tương tự nào, nó không thể diễn tả hết được mầu nhiệm này. Về bản chất, việc nhận làm con nuôi của con người chúng ta là một vấn đề luật pháp. Con nuôi có thể mang họ, quốc tịch và nơi cư trú của cha mẹ nuôi, nhưng chúng không có chung huyết thống hoặc DNA của bố mẹ. Việc thụ thai, mang nặng đẻ đau và sinh nở đều không liên quan. Đây không phải là trường hợp của chúng ta. Thiên Chúa không chỉ truyền cho chúng ta được gọi là con của Người, nhưng Người còn truyền cho chúng ta đời sống thân mật của Người, Thần Khí của Người, có thể nói được là truyền cho chúng ta DNA của Người. Nhờ Bí tích Rửa tội, chính sự sống của Thiên Chúa tuôn chảy trong chúng ta.

Về điểm này, Thánh Gioan táo bạo hơn Thánh Phaolô. Thánh Gioan không nói về việc nhận con nuôi, mà nói về sự sinh nở thực sự, Chúa đã sinh ra chúng ta. Những ai tin vào Đức Kitô “được Thiên Chúa sinh ra” (Ga 1,13); trong Phép Rửa, chúng ta được “sinh ra bởi Thánh Linh;” một người được “tái sinh từ trên cao” (xem Ga 3: 5-6).

Từ niềm tin đến sự ngạc nhiên

Cho đến nay, chúng ta đã chạm vào những chân lý đức tin của chúng ta. Tuy nhiên, tôi không muốn tập trung vào những điều này. Đây là những điều mà chúng ta đã biết và chúng ta có thể đọc trong bất kỳ sách hướng dẫn nào về thần học Kinh thánh, trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, và các sách về tâm linh. Vậy thì khía cạnh “khác biệt” mà chúng ta muốn tập trung vào trong bài suy niệm này là gì?

Điểm khởi đầu của tôi để khám phá là một câu được Đức Thánh Cha của chúng ta sử dụng trong bài giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát tại buổi tiếp kiến chung vào ngày 8 tháng 9. Sau khi trích dẫn văn bản chúng ta vừa nghe về việc nhận chúng ta làm nghĩa tử, ngài nói thêm: “Những người Kitô hữu chúng ta thường xem thực tại được làm con cái Thiên Chúa là chuyện đương nhiên. Chúng ta cần phải sống ân sủng tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được với một nhận thức sâu xa hơn, —và điều đó sẽ tốt cho chúng ta— nếu chúng ta luôn ghi nhớ khoảnh khắc của phép Rửa Tội khi chúng ta trở thành con cái Chúa”.

Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với một mối nguy hiểm chết người, đó là việc coi thường những chân lý cao siêu nhất về đức tin của chúng ta, bao gồm chân lý chúng ta là con cái của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Đấng Toàn Năng, Đấng Vĩnh Hằng, Đấng ban sự sống. Thánh Gioan Phaolô II, trong bức thư về Bí tích Thánh Thể, được viết không lâu trước khi ngài qua đời, đã nói về “sự kinh ngạc của Thánh Thể” mà các Kitô hữu phải tái khám phá. Điều tương tự cũng nên nói về việc chúng ta là con cái của Chúa: chúng ta phải chuyển từ niềm tin sang sự ngạc nhiên. Tôi sẽ đi xa hơn để nói từ niềm tin đến sự bất tín! Tôi nói về một kiểu không tin rất đặc biệt: đó là những người tin mà không thể nắm bắt được những gì mình tin bởi vì nó quá bao la và không thể tưởng tượng được.

Thật vậy, chúng ta ngại nói thành lời hậu quả của việc trở thành con cái của Thiên Chúa bởi vì điều đó chỉ đơn giản là làm lung lay tâm trí. Như vậy, khoảng cách bản thể học ngăn cách Thiên Chúa với con người ngắn hơn khoảng cách bản thể học ngăn cách chúng ta với phần còn lại của tạo vật, bởi vì nhờ ân sủng, chúng ta “được thông phần thiên tính” (2 Pt 1: 4).

Một ví dụ cụ thể có thể hữu ích cho chúng ta hơn là một loạt các lập luận để hiểu tại sao không nên xem việc được là con cái Thiên Chúa là chuyện đương nhiên. Sau khi cải đạo, Thánh Margaret thành Cortona đã trải qua một thời kỳ đau khổ khủng khiếp. Chúa dường như nổi giận với cô và đôi khi bắt cô phải nhớ lại từng tội lỗi mà cô đã phạm đến từng chi tiết nhỏ nhất, khiến cô muốn biến mất khỏi mặt đất này. Một ngày nọ, sau khi rước lễ, khá bất ngờ có một giọng nói bên trong cô ấy cất lên: “Con gái của Ta!” Cô đã chống lại việc xem xét lại tất cả lỗi lầm của mình, nhưng cô không thể cưỡng lại được sự dịu dàng của giọng nói này. Cô ấy rơi vào trạng thái ngây ngất và trong cơn ngây ngất ấy, những nhân chứng có mặt đã nghe thấy cô ấy điên cuồng lặp lại trong sự kinh ngạc:

Tôi là con gái của Người; chính Người đã nói như vậy. Ôi sự dịu dàng vô hạn của Chúa tôi! Đó là từ ngữ tôi đã khao khát! đã quyết liệt tìm kiếm! Lời Người có sự ngọt ngào vượt qua mọi sự ngọt ngào! Thật là một đại dương của niềm vui! Con gái Ta! Chúa tôi đã nói điều đó! Con gái Ta!

Trước Thánh Margaret từ lâu, Tông đồ Gioan đã đạt được nhận thức đáng kinh ngạc đó. Ngài viết: “Hãy chứng kiến tình yêu sâu đậm mà Thiên Chúa dành cho chúng ta đến mức chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa. Và đó là những gì chúng ta thực sự là!” (1 Ga 3: 1). Câu này rõ ràng là có ý được đọc với một dấu chấm than.

Cởi trói cho phép Rửa của ta

Tại sao việc đi xa hơn niềm tin để đi đến sự ngạc nhiên, hay từ những niềm tin (fides quae) sang tin (fides qua), lại quan trọng đến vậy? Chỉ tin thôi chưa đủ à? Chưa, và vì một lý do rất đơn giản: bởi vì điều đó - và chỉ điều đó - mới thực sự thay đổi cuộc sống của anh chị em!

Hãy cùng nhìn lại con đường dẫn đến cấp độ đức tin mới này. Như chúng ta đã nghe, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta trở lại với Bí tích Rửa tội của mình. Để hiểu làm thế nào mà một bí tích đã lãnh nhận nhiều năm trước - thường là khi bắt đầu cuộc đời chúng ta - có thể đột ngột sống lại và giải phóng năng lượng tâm linh mới, chúng ta cần ghi nhớ một số khía cạnh của thần học về bí tích.

Thần học Công Giáo thừa nhận ý tưởng về một bí tích vừa thành sự vừa hợp luật, nhưng “bị trói buộc” hoặc “bị đóng băng”. Phép Rửa Tội thường là một bí tích “bị trói buộc”. Một bí tích được cho là “bị trói buộc” nếu tác dụng của nó vẫn còn bị hạn chế và cản trở do thiếu một số điều kiện để phát huy hiệu quả của nó. Một ví dụ cực đoan là Bí tích Hôn phối hoặc Truyền Chức Thánh được lãnh nhận trong tình trạng đang mắc tội trọng. Trong hoàn cảnh đó, các bí tích đó không thể mang lại bất kỳ ân sủng nào cho các cá nhân lãnh nhận. Tuy nhiên, một khi chướng ngại của tội lỗi được loại bỏ, qua một lời xưng tội tốt, người ta nói rằng bí tích hồi sinh (reviscit) mà không cần lặp lại nghi thức bí tích, nhờ vào sự trung tín và không thể đảo ngược của hồng ân Thiên Chúa.

Như tôi đã đề cập, Bí Tích Hôn Phối và Truyền Chức Thánh là những ví dụ điển hình, nhưng có thể có những trường hợp khác, trong đó một bí tích, mặc dù không hoàn toàn bị trói buộc, cũng không hoàn toàn được giải phóng, nghĩa là được tự do phát huy tác dụng của nó. Trong trường hợp của Bí tích Rửa tội, điều gì có thể khiến các tác động của bí tích bị trói buộc? Các bí tích không phải là những nghi thức ma thuật hoạt động một cách máy móc mà chúng ta không biết hoặc không có sự hợp tác của chúng ta. Hiệu quả của chúng là kết quả của sức mạnh tổng hợp hoặc sự cộng tác giữa quyền năng toàn năng của Thiên Chúa, cụ thể là ân sủng của Chúa Kitô, của Chúa Thánh Thần, và sự tự do của con người.

Một bí tích mà mọi sự tùy thuộc vào ân sủng hoặc thánh ý của Chúa Kitô thì được gọi là “opus operatum”, “công việc viên mãn”; nghĩa là công việc đã hoàn thành, những hiệu quả khách quan và tất yếu của bí tích ấy phát huy tác dụng nếu bí tích ấy được thực hiện một cách hợp lệ. Trái lại, một bí tích mà mọi thứ phụ thuộc vào quyền tự do và sự định đoạt của người nhận thì được gọi là “opus operantis”, “công việc chưa được hoàn thành”, nghĩa là còn những điều phải tiến hành, với sự đóng góp của con người.

Những gì chúng ta nhận được từ Thiên Chúa – trong điều được gọi là “hồng ân Phép Rửa” - là nhiều mặt và rất phong phú. Nó bao gồm việc chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, được xóa bỏ tội lỗi, được Chúa Thánh Thần ngự trị, và được gieo mầm các nhân đức thần học như đức tin, đức cậy và đức mến vào tâm hồn chúng ta. Sự đóng góp của con người chủ yếu là niềm tin! “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,16). Khi ân sủng và tự do giao nhau trong một thể đồng bộ hoàn hảo, giống như hai cực, một cực dương và một cực âm, thì ánh sáng và sức mạnh được giải phóng.

Trong trường hợp Bí tích Rửa tội cho trẻ sơ sinh (và cả trong Bí tích Rửa tội dành cho người lớn khi thiếu niềm tin và thiếu sự tham gia sâu sắc), tính đồng bộ đó bị thiếu. Tôi không đề nghị chúng ta từ bỏ thực hành rửa tội cho trẻ sơ sinh. Giáo hội đã luôn luôn thực hành điều đó một cách đúng đắn và bảo vệ nó trên cơ sở rằng Bí tích Rửa tội là một hồng ân của Thiên Chúa ngay cả trước khi đó là kết quả của sự lựa chọn của con người. Thay vào đó, chúng ta cần thừa nhận những gì thực hành này có liên quan, trong hoàn cảnh lịch sử mới mà chúng ta đang sống.

Trong quá khứ, khi toàn bộ môi trường là Kitô Giáo và được thấm nhuần đức tin, đức tin này có thể nở rộ, mặc dù dần dần. Hành động đức tin tự do và cá vị được “Giáo hội cung cấp” và được thể hiện, như đã thường xảy ra là thông qua một bên thứ ba, cụ thể là cha mẹ và người đỡ đầu. Đây không còn là trường hợp của ngày hôm nay. Môi trường mà đứa trẻ lớn lên ngày nay ít thuận lợi hơn trong việc giúp đức tin nảy nở trong đứa trẻ. Môi trường gia đình cũng ít thuận lợi hơn xưa, hệ thống trường học còn ít thuận lợi hơn nữa, và tình hình còn thê thảm hơn trong toàn bộ xã hội và văn hóa của chúng ta.

Đây là lý do tại sao tôi đã nói về phép Rửa Tội như một bí tích “bị trói buộc”. Nó giống như một gói quà rất quý giá vẫn chưa được mở ra, giống như một món quà Giáng sinh, bị thất lạc ở đâu đó và bị lãng quên, ngay cả trước khi nó được mở ra. Bất cứ ai có nó đều có mọi thứ họ cần để thực hiện mọi hành vi cần thiết trong đời sống của một Kitô Hữu, và cũng trải nghiệm một số tác động của nó ít nhất là một phần, nhưng không tận hưởng được sự trọn vẹn của thực tại này. Theo ngôn ngữ của Thánh Augustinô, họ cảm nghiệm được bí tích (sacramentum), nhưng không cảm nghiệm được thực tại của bí tích (res sacramenti), hay chỉ cảm nghiệm được một phần.

Thực tế là chúng ta đang ở đây suy ngẫm về điều này có nghĩa là chúng ta đã tin, rằng đức tin đã được kết hợp với bí tích trong chúng ta. Vậy thì chúng ta vẫn còn thiếu điều gì? Chúng ta thiếu niềm tin như một sự kinh ngạc, thiếu một sự trầm trồ tròn xoe đôi mắt! thiếu sự ngạc nhiên và phấn khích mà anh chị em có được khi mở một món quà, mà đối với người tặng quà đó là quà tặng tuyệt vời nhất. Các Giáo phụ Hy Lạp gọi Bí tích Rửa tội là “sự khai sáng” (phoismos). Loại giác ngộ đó đã bao giờ xuất hiện trong chúng ta chưa?

Chúng ta tự hỏi: liệu có khả thi, và thậm chí có đúng không, khi chúng ta khao khát đạt đến một mức độ khác của đức tin, trong đó chúng ta không chỉ tin một chân lý mà còn trải nghiệm và nếm trải chân lý mà chúng ta tin? Linh đạo Kitô giáo thường đi kèm với một sự miễn cưỡng và thậm chí, như trong trường hợp của các nhà Cải cách Tin Lành, còn đi kèm với sự phủ nhận chiều kích kinh nghiệm và thần bí của đời sống Kitô như thể nó thấp kém hơn và đi ngược lại với đức tin thuần túy cách này cách khác. Nhưng bất chấp những lạm dụng cũng đã xảy ra, truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ hạ thấp truyền thống khôn ngoan cho rằng đỉnh cao của đức tin là ở chỗ “thưởng thức” chân lý của những gì chúng ta tin và “nếm” chân lý, bao gồm cả vị đắng của chân lý thập tự giá.

Theo ngôn ngữ Kinh thánh, biết không có nghĩa là có ý tưởng về một thứ gì đó vẫn tách biệt và xa rời tôi. Nó có nghĩa là bước vào một mối quan hệ và trải nghiệm nó. Thánh sử Gioan đã thốt lên: “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4:16), và một lần nữa: “Chúng ta đã tin và biết rằng Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6: 69). Tại sao lại nói “đã biết và đã tin?” “Đã biết” thêm gì vào “đã tin”? Thưa: Nó thêm một xác tín nội tâm xảy ra khi sự thật đối đầu với tinh thần và người ta buộc phải thốt lên từ thẳm sâu trong lòng: “Đúng, đó là sự thật, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là thế!” Sự thật được tin tưởng trở thành sự thật được sống. Thánh Thomas Aquinas đã nói như thế này: “Fides non terminatur ad enuntiabile sed ad rem”, nghĩa là “Đức tin không kết thúc bằng lời nói, nhưng bằng thực tế.” Chúng ta không ngừng tái khám phá những hệ quả thực tiễn của nguyên tắc này.

Vai trò của Lời Chúa

Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện bước nhảy vọt về chất này từ đức tin đến sự ngạc nhiên khi biết mình là con cái Thiên Chúa? Câu trả lời đầu tiên là Lời Chúa! Có một phương tiện thiết yếu không kém, đó là Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta sẽ để lại điều đó cho lần suy niệm tiếp theo. Thánh Grêgôriô Cả đã so sánh Lời Chúa với đá lửa, tức là, với viên đá từng được dùng để tạo ra tia lửa đốt cháy. Thánh nhân nói rằng cần phải làm với Lời Chúa những gì được thực hiện với đá lửa: nghĩa là đánh nó liên tục cho đến khi nó tạo ra tia lửa. Suy ngẫm về nó, lặp lại nó, thậm chí lớn tiếng.

Trong giờ cầu nguyện hoặc giờ thờ phượng của anh chị em, với cả tấm lòng và không chán nản, hãy lặp lại trong chính anh chị em: “Con của Thiên Chúa! Tôi là con của Thiên Chúa; Tôi là con cái của Chúa. Chúa là cha tôi!” Hoặc chỉ cần lặp đi lặp lại một lúc: “Lạy Cha chúng con ngự trên trời” mà không tiếp tục phần còn lại của Kinh Lạy Cha. Khi làm như vậy, điều cần thiết hơn bao giờ hết là phải nhớ lời của Chúa Giêsu: “Hãy gõ thì cửa sẽ mở cho anh em” (Mt 7: 7). Không sớm thì muộn, và có lẽ khi anh chị em ít ngờ tới nhất, điều đó sẽ xảy ra - thực tại của những lời nói đó, dù chỉ trong chốc lát, sẽ bùng nổ trong anh chị em và sẽ là đủ cho phần còn lại của cuộc đời anh chị em. Và ngay cả khi không có gì giật gân xảy ra, hãy yên tâm rằng anh chị em đã đạt được những gì cần thiết. Phần còn lại sẽ được trao cho anh chị em ở trên trời: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3: 2)

Chúng ta tất cả là anh chị em!

Một trong những tác động tức thì của tất cả những điều này là anh chị em sẽ nhận thức được phẩm giá của mình. Vào đêm Giáng sinh, Thánh Lêô Đại Đế sẽ khuyên nhủ chúng ta: “Hỡi người Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình. Một khi anh chị em đã chia sẻ trong thần tính Thiên Chúa, anh chị em có thực sự còn muốn quay trở lại những điều tồi tệ trong quá khứ của mình không?” Còn phẩm giá nào có thể cao hơn là được làm con của Thiên Chúa? Có một câu chuyện kể về một cô công chúa xấu tính, kiêu ngạo con của nhà vua nước Pháp, là người đã liên tục mắng mỏ một trong những người hầu gái của mình. Một ngày nọ, cô ấy hét vào mặt người tớ gái, “Mày không biết rằng tao là con gái vua của mày à?” Người hầu gái trả lời: “Thế cô không biết rằng tôi là con gái Chúa của cô à?”

Một sản phẩm phụ khác thậm chí còn quan trọng hơn là anh chị em trở nên ý thức hơn về phẩm giá của những người khác, những người cũng là con trai và con gái của Thiên Chúa. Đối với Kitô Hữu chúng ta, tình liên đới giữa con người với tư cách là anh chị em, tối hậu bắt nguồn từ sự thật rằng Thiên Chúa là cha của tất cả chúng ta, và vì tất cả chúng ta đều là con trai và con gái của Thiên Chúa, nên tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau. Không có mối ràng buộc nào bền chặt hơn điều này, và đối với các tín hữu Kitô chúng ta, không có lý do khác cấp thiết hơn để thúc đẩy tình huynh đệ phổ quát. Thánh Cyprianô viết: “Anh chị em không thể xưng Thiên Chúa là cha của mình mà không coi Giáo hội như mẹ của mình.” Chúng ta nên nói thêm: “Anh chị em không thể xưng Thiên Chúa là cha mình mà không coi người hàng xóm là anh chị em với mình.”

Có một điều chúng ta nên ngưng ngay đừng làm nữa. Chúng ta đừng nói với Thiên Chúa, là Cha chúng ta, dù chỉ là những lời xa xôi bóng gió rằng: “Hãy chọn giữa con và kẻ thù của con; hãy quyết định xem Chúa đứng về phía nào!” Không một bậc cha mẹ nào đáng bị đặt vào tình thế không thể nhìn nhận một trong những con cái của mình chỉ đơn giản là vì bọn trẻ không thể hòa hợp với nhau. Vì thế, chúng ta đừng cầu xin Chúa đứng về phía chúng ta chống lại người khác.

Khi chúng ta xung đột với người khác - anh chị em của chúng ta - ngay cả trước khi chúng ta gặp họ để thảo luận về quan điểm của chúng ta, là điều không chỉ là đúng đắn mà đôi khi còn là cần thiết nữa, chúng ta hãy nói với Chúa: “Cha ơi, xin hãy cứu con, cứu cả anh trai hoặc em gái của con; cứu cả hai chúng con. Con không giành phần phải về mình, và anh ấy hoặc cô ấy không nhất thiết phải là sai. Con muốn người đó đứng về sự thật, hoặc ít nhất là có thiện ý”. Lòng thương xót của người này đối với người kia là điều không thể thiếu để sống đời sống Thánh Linh và đời sống cộng đồng dưới mọi hình thức của nó. Nó không thể thiếu đối với gia đình và mọi cộng đồng con người và tôn giáo, kể cả Giáo triều Rôma. Như thánh Augustinô đã nói, tất cả chúng ta đều là những hũ đất sét dễ vỡ: Chúng ta rất dễ làm tổn thương chính mình.

Trước đó, chúng ta đã nhắc nhớ đến sự phấn khích của Thánh Margaret thành Cortona khi cô ấy cảm thấy Chúa đang gọi cô ấy là “con gái của Ta”. “Tôi là con gái của Người; Người đã nói như vậy… Thật là một đại dương của niềm vui! Con gái Ta! Chúa tôi đã nói điều đó! Con gái Ta!” Chúng ta có thể trải nghiệm điều gì đó rất giống nếu chúng ta lắng nghe chính giọng nói đó của Thiên Chúa, không vang vọng trong tâm trí của chúng ta, điều này có thể bị đánh lừa!, nhưng xuất hiện tỏ tường như được viết trên trang Kinh thánh mà chúng ta đang xem xét: “Anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa!” (Gal 4:7)

Nếu Chúa muốn, như chúng ta sẽ thấy lần sau Thánh Linh sẵn sàng giúp chúng ta trong công việc này.


1. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia - Giáo Hội từ Thánh Thể, 6.

2. Giunta Bevegnati, Vita e miracoli della Beata Margherita da Cortona, II, 6 (Italian version, Vicenza 1978, p. 19f).

3. Xem A. Michel, Reviviscence des sacrements, in DTC, XIII,2, Paris 1937, coll. 2618-2628.

4. Summa theologiæ, II-II, 1, 2, ad 2.

5. Thánh Grêgôriô Cả, Các bài giảng về tiên tri Ezechiel, I,2,1.

6. Thánh Lêo Cả, Diễn từ về Giáng Sinh, 3.

7. Cyprianô, De unitate Ecclesiæ, 6.

8. Thánh Augustinô, Các diễn từ, 69 (PL 38, 440) (lutea vasa sibi invicem angustias facientes).
Source:Cantalamessa
 
Băng thẩm vấn trong phiên tòa xét xử tài chính ở Vatican bị rò rỉ cho truyền thông
Đặng Tự Do
17:56 06/12/2021


Băng video về các cuộc thẩm vấn với một nhân chứng quan trọng trong phiên tòa tài chính Vatican đang diễn ra đã bị rò rỉ cho một tờ báo Ý.

Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, đã báo cáo trong một bài báo ngày 3 tháng 12 rằng các nhà báo của tờ báo Ý này đã được xem “độc quyền” đoạn băng video về các cuộc phỏng vấn giữa các công tố viên Vatican và Đức Ông Alberto Perlasca, một cựu quan chức tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng bị coi là nghi phạm trong các cuộc điều tra tài chính nhưng không bị buộc tội sau khi tình nguyện cung cấp thông tin cho các nhà điều tra trong các cuộc thẩm vấn sâu rộng trong năm 2020 và 2021.

Các đoạn băng thẩm vấn Đức Ông Perlasca đã trở thành tâm điểm tranh luận tại các phiên điều trần gần đây trong phiên tòa truy tố các tội danh lừa gạt Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến việc mua bất động sản đầu tư trị giá 350 triệu euro, tức là 404 triệu Mỹ Kim, ở London.

Các công tố viên cáo buộc rằng khoản đầu tư đã trở nên thua lỗ vì những người trong và xung quanh Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã âm mưu lừa đảo hàng trăm nghìn euro của Vatican.

Tờ báo đã đăng tải một số đoạn video lời khai của Đức Ông trên Web site của nó, trong đó có đoạn chỉ ra rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ủy quyền cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đàm phán với doanh nhân Gianluigi Torzi, là người đã môi giới giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận London và là một trong những bị cáo của phiên tòa.

Trong một clip, Đức Ông Perlasca có thể được nhìn thấy đang ngồi sau một chiếc bàn trước bức tường gắn đầy súng của hiến binh. Đức Ông tuyên bố rằng mình đã bị Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra “cho ra rìa” trong thỏa thuận với London bởi vì “mọi người đều nghi tôi sẽ báo cáo về những người đàn ông đó.” Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra là người thay thế cho Hồng Y Becciu trong chức vụ Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Trong phiên điều trần vào ngày 17 tháng 11, luật sư đại diện cho bị cáo Enrico Crasso cho rằng tòa án nên hủy bỏ một trong các cáo trạng chống lại thân chủ của ông ta vì thân chủ ông chỉ làm theo lệnh trên.

Chánh án Giuseppe Pignatone cho biết tại phiên điều trần ngày 17 tháng 11 rằng ông sẽ đưa ra phán quyết có nên tiếp tục phiên tòa này hay không tại phiên điều trần tiếp theo, tức là vào ngày 14 tháng 12 tới đây.
Source:National Catholic Register
 
Giám đốc của các nhà tù Síp, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến vào sáng thứ Sáu
Đặng Tự Do
17:56 06/12/2021


Bà Anna Aristotelous, Giám đốc các Nhà tù Síp, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp vào sáng thứ Sáu. Bà nói trong một tuyên bố từ Cục Điều Hành Các Nhà tù Síp “Thật vinh dự và vui mừng khi một giám đốc các nhà tù như tôi được hân hạnh gặp riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào sáng thứ Sáu. Chuyến viếng thăm Síp của ngài có tầm quan trọng lịch sử và chắc chắn vượt xa công việc do tôi đảm trách”.

Trong cuộc gặp riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô, Bà Anna Aristotelous đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với công việc của Đức Giáo Hoàng và sự nhạy cảm và hỗ trợ đặc biệt mà ngài luôn thể hiện đối với người nghèo. Đồng thời bà nhấn mạnh rằng: “Với tư cách là Giám đốc các trại giam, chúng tôi ủng hộ tất cả những người đang ở trong tù và đặc biệt là người nghèo, hy vọng rằng không có sự phân biệt đối xử nào khác đối với họ”. Cuối cùng, Giám đốc các Nhà tù bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha về việc Tòa thánh đã nhận 10 người nhập cư bất hợp pháp bị giam giữ trong các nhà tù của Síp”.

Bà Giám đốc đã tặng Đức Giáo Hoàng một cây vĩ cầm do các tù nhân chính tay làm ra.
Source:Sismografo
 
Nhà cầm quyền bất hợp pháp ở Bắc Síp chỉ trích Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
17:57 06/12/2021


Hôm thứ Năm, khi Đức Thánh Cha Phanxicô đang trên máy bay từ Rôma đến Larnaca, Tổng thống Ersin Tatar của cái gọi là Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ đã mời Đức Giáo Hoàng, sau chuyến tông du 5 ngày tới Síp và Hy Lạp, cũng đến thăm lãnh thổ Síp Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Tatar lên tiếng chỉ trích chính quyền Síp mà ông gọi là Síp Hy Lạp đang sử dụng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng cho các mục đích chính trị chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Bắc Síp.

“Đây là bằng chứng mới cho thấy chính quyền Síp ở Hy Lạp đang lạm dụng tín ngưỡng và tôn giáo, và điều đó là rất đáng tiếc”. Tatar nói thêm rằng việc Đức Giáo Hoàng chỉ đến thăm phía Hy Lạp là một điều đáng tiếc khác.

Ông nói: “Có hai dân tộc khác nhau ở Síp, và trên mảnh đất này không chỉ có những người Hy Lạp Kitô Giáo mà có cả những người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo. Đây là một trong những thực tế cơ bản của Síp”.

“Bất kể họ có tín ngưỡng tôn giáo nào, tất cả mọi người và các dân tộc phải được đối xử bình đẳng và không được loại trừ hoặc phân biệt đối xử. Người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ không nên bị loại trừ hoặc bị phân biệt đối xử vì họ tin vào Hồi giáo và theo đạo Hồi”, ông nói thêm, cho biết rằng ông hy vọng Giáo hoàng sẽ trả lời lời mời của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạ cánh xuống Sân bay Larnaca trên đảo Síp hôm thứ Năm sau chuyến bay kéo dài ba giờ.

Đối với người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, trọng tâm của chuyến đi tới vùng phía đông của Địa Trung Hải là cuộc khủng hoảng người tị nạn. Việc phân chia Síp cũng đã được thảo luận.

Trong khi Hy Lạp và chính quyền Síp Hy Lạp ủng hộ một liên bang trên đảo Síp, thì Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Bắc Síp nhấn mạnh vào một giải pháp hai nhà nước phản ánh thực tế trên hòn đảo này.

Đảo Síp đã bị sa lầy trong cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ giữa người Síp gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp một loạt các nỗ lực ngoại giao của Liên hợp quốc nhằm đạt được một giải pháp toàn diện. Năm thập kỷ của các cuộc đàm phán về Síp đã không đi đến đâu.

Năm 1974, một cuộc đảo chính của người Síp ở Hy Lạp nhằm sát nhập hòn đảo này vào Hy Lạp đã dẫn đến sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng Hòa Bắc Síp được thành lập vào năm 1983. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất công nhận Cộng Hòa Bắc Síp.

Chính quyền Síp của Hy Lạp, được sự hậu thuẫn của Hy Lạp, đã trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu vào năm 2004.

Tòa Thánh không công nhận Cộng Hòa Bắc Síp và cố nhiên Tòa Thánh không trả lời đề nghị của Ersin Tatar. Lời mời của ông ta chỉ là cái cớ để tấn công Kitô Giáo nói chung.
Source:Daily Sabah
 
Đức Phanxicô họp báo trên đường từ Athens trở lại Rôma, Thứ hai, ngày 6 tháng 12 năm 2021
Vũ Văn An
21:27 06/12/2021

Ngày 6 tháng 12, trên chuyến máy bay chở ngài về Rôma, Đức Phanxicô đã dành cho các nhà báo tháp tùng ngài một cuộc phỏng vấn rất đáng lưu ý. Ngài đề cập tới nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng như việc ngài xin lỗi Chính Thống Giáo, việc ngài sắp gặp người anh em Kirill, Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, tính đồng nghị trong Giáo Hội, việc ở Liên hiệp Âu Châu có đề nghị "lỗi thời" thay đổi lời chúc lễ Giáng sinh, việc "thoái lui" của nền dân chủ Âu Châu, các chính phủ dân túy, phúc trình lạm dụng tình dục ở Pháp, việc từ chức của Đức Tổng giam mục Aupetit, nhất là vấn đề di dân và vai trò của Liên Hiệp Châu Âu.

Chúng tôi dựa vào bản tiếng Ý để chuyển ngữ trọn cuộc phỏng vấn nói trên
.



Matteo Bruni

Con xin kính chào buổi sáng Đức Thánh Cha! Xin chào buổi sáng và cảm ơn các bạn đã hướng dẫn chúng tôi trong những ngày căng thẳng này, cũng như đụng vào điều mà các bạn gọi là "các vết thương". Và cũng cảm ơn vì không gian này, để chúng ta có thể cùng nói với nhau về nó. Xin cảm ơn.

Đức Phanxicô

Chào buổi sáng và cảm ơn các bạn! Tôi sợ rằng cuộc họp báo này sẽ không diễn ra vì sự chậm trễ, nhưng không, nó diễn ra. Cảm ơn các bạn rất nhiều và tôi lắng nghe câu hỏi của các bạn.

Matteo Bruni

Cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi đầu tiên đến từ Constandinos Tzindas của đài truyền hình Síp.

Constandinos Tzindas của truyền hình Síp (trong ING)

Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn Đức Thánh Cha đã cho chúng con cơ hội và cả chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến Síp và Hy Lạp nữa. Thưa Đức Thánh Cha, những nhận xét mạnh mẽ của ngài về đối thoại liên tôn giáo [đại kết] ở cả Síp lẫn Hy Lạp đã khơi dậy những kỳ vọng đầy kích thích ở bình diện quốc tế. Họ nói rằng xin lỗi là điều khó nhất. Nhưng Đức Thánh Cha đã làm điều đó một cách ngoạn mục. Nhưng trên thực tế, Vatican có kế hoạch nào đem người Công Giáo và Chính thống giáo lại với nhau? Một Thượng Hội đồng có được lên lịch trình không?

Tính đồng nghị là bản chất của Kitô giáo, bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi và là kết quả của tiếng nói chung của Giáo hội trên thế giới. Như bây giờ đã được chứng minh, chỉ một Giáo hội thống nhất trong một môi trường hoàn cầu hóa và phi nhân hóa mới thực sự có hiệu quả. Thánh Gioan Chrysostom, như Đức Thánh Cha nói, là một điển hình cho sự thẩm thấu giữa tư tưởng Hy Lạp và Công Giáo; ngài khẳng định rằng "về mặt con người, Giáo hội là giáo sĩ và giáo dân, trong khi đối với Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là đoàn chiên của Người".

Cùng với Thượng phụ Đại kết Bartholomew, Đức Thánh Cha đã kêu gọi tất cả các Kitô hữu cử hành vào năm 2025 mười bẩy thế kỷ kể từ Thượng hội đồng Đại kết đầu tiên ở Nixêa. Các bước tiếp theo trong diễn trình này là gì?

Và cuối cùng – con xin lỗi vì câu hỏi dài này, nhưng đó là tinh thần trong hành trình của Đức Thánh Cha - một viễn kiến đã được phát biểu gần đây ở Liên hiệp châu Âu: chúng tôi đã thay thế câu "Chúc Giáng sinh vui vẻ" bằng "chúc những ngày lễ nghỉ vui vẻ". Tại sao người ta không nhận ra rằng Kitô giáo không phải là một ý thức hệ mà là một kinh nghiệm sống nhằm mục đích đưa con người từ cõi phàm trần về cõi vĩnh hằng? Vì vậy, tôi hiện hữu bởi vì đối tác của tôi cũng hiện hữu. Đó là chúng tôi chứ không phải tôi. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều.

Đức Phanxicô

Vâng, làm ơn. Tôi đã xin lỗi, tôi xin lỗi trước mặt Đức Ieronymos, người anh em Ieronymos của tôi. Tôi xin lỗi vì tất cả những chia rẽ đang tồn tại giữa các Kitô hữu, nhưng trên hết là những chia rẽ mà những người Công Giáo chúng tôi đã gây ra. Tôi cũng muốn xin lỗi, khi nhìn vào cuộc chiến tranh giành độc lập. Đức Ieronymos đã dạy tôi một điều: rằng một bộ phận người Công Giáo đứng về phía các chính phủ châu Âu để ngăn cản nền độc lập của Hy Lạp; mặt khác, ở các đảo, người Công Giáo các đảo ủng hộ nền độc lập, ra trận, một số đã hy sinh vì quê hương đất nước. Nhưng tâm điểm - hãy nói theo cách này - vào thời điểm đó đã được triển khai ở châu Âu... Và cũng xin lỗi về vụ tai tiếng chia rẽ, ít nhất là vì những gì chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Tinh thần tự lấy mình làm đủ. Chúng ta ngậm miệng khi cảm thấy phải xin lỗi, nhưng với tôi, điều luôn luôn tốt là nghĩ rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ, không bao giờ. Chúng ta là những người mệt mỏi với việc xin tha thứ, và khi chúng ta không cầu xin Thiên Chúa tha thứ, chúng ta sẽ khó xin anh em mình tha thứ. Xin sự tha thứ từ một người anh em khó hơn là từ Thiên Chúa, bởi vì chúng ta biết rằng Người từng nói: "Rồi, con hãy đi, con hãy đi, con đã được tha thứ". Thay vào đó, với anh em, có sự xấu hổ và sỉ nhục... Nhưng trong thế giới ngày nay, chúng ta cần thái độ sỉ nhục và việc xin lỗi. Có quá nhiều điều đang xảy ra trên thế giới, quá nhiều người mất mạng, quá nhiều cuộc chiến tranh… Làm sao chúng ta có thể không xin lỗi?

Trở lại chuyện này, tôi muốn xin lỗi vì những chia rẽ, ít nhất là những chia rẽ chúng tôi đã gây ra. Đối với những định chế khác, chính các nhà quản lý phải làm điều đó, nhưng đối với định chế của chúng tôi, tôi xin lỗi. Và cũng đối với giai đoạn chiến tranh đó, trong đó một phần người Công Giáo đứng về phía chính phủ châu Âu, và những người trên các hòn đảo đã chiến đấu để bảo vệ... Tôi không biết liệu như vậy có đủ không...

Và cũng là một lời xin lỗi cuối cùng - điều này xuất phát từ trái tim tôi -: đối với vụ tai tiếng là thảm kịch di dân, đối với vụ tai tiếng của biết bao sinh mạng bị chết chìm trong biển cả.

Matteo Bruni

Câu hỏi thứ hai là về khía cạnh đồng nghị. Ông viết: "Giáo hội là việc tổng hợp, về mặt con người, Giáo hội là giáo sĩ và giáo dân trong khi đối với Thiên Chúa, chúng ta là một đoàn chiên".

Đức Phanxicô

Đúng, chúng ta là một đoàn chiên, đó là sự thật. Còn sự phân chia này - giáo sĩ và giáo dân - là một sự phân chia chức năng, vâng, về phẩm năng, nhưng có một sự thống nhất, một đoàn chiên duy nhất. Và năng động tính giữa những khác biệt trong Giáo hội là tính đồng nghị: nghĩa là, lắng nghe nhau và đồng hành với nhau. Synodos: dẫn đường cùng với nhau. Đây là ý nghĩa của tính đồng nghị, hiệp hành. Các Giáo hội Chính thống của ông, thậm chí của cả các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, họ cũng vẫn giữ điều này. Thay vào đó, Giáo hội Latinh đã quên Thượng hội đồng, và chính Thánh Phaolô VI là người đã tái lập cuộc hành trình Thượng hội đồng cách nay 54, 56 năm. Và chúng tôi đang thực hiện một cuộc hành trình để lặp lại thói quen đồng nghị, cùng bước đi với nhau.

Matteo Bruni

Mặt khác, câu hỏi cuối cùng là về Lễ Giáng sinh, trong đó ông nói: "Có thể nào chúng ta không hiểu rằng Kitô giáo không phải là một ý thức hệ, mà là một kinh nghiệm sống?" Họ lại muốn hủy...

Đức Phanxicô

À, bạn có ý nói đến tài liệu của Liên hiệp Châu Âu về lễ Giáng sinh... Đây là một điều lỗi thời. Trong suốt lịch sử, rất nhiều chế độ độc tài đã cố gắng làm như vậy. Hãy nghĩ tới Napoléon. Hãy nghĩ tới chế độ độc tài của Đức Quốc xã, chế độ Cộng sản… Đó là mốt thời thượng của một chủ nghĩa thế tục pha loãng, chắt lọc… Nhưng nó là thứ chủ nghĩa đã không có tác dụng trong suốt lịch sử. Điều này khiến tôi nghĩ đến một điều, liên quan tới Liên hiệp châu Âu, mà tôi tin là cần thiết: Liên hiệp châu Âu phải nắm lấy các lý tưởng của các Tổ phụ sáng lập, đó là các lý tưởng thống nhất, vĩ đại, và hãy ý tứ đừng dành chỗ cho các cuộc thực dân hóa ý thức hệ. Điều này có thể dẫn đến việc chia rẽ các quốc gia và khiến Liên hiệp châu Âu thất bại. Liên hiệp châu Âu phải tôn trọng từng quốc gia như nó được nên cấu trúc ở bên trong. Sự đa dạng của các quốc gia, chứ không phải ý muốn được tiêu chuẩn hóa. Tôi tin rằng nó sẽ không làm điều đó, đó không phải là chủ ý của nó, nhưng hãy cẩn thận, vì đôi khi có người sẽ đến và đưa ra những dự án như thế này và người ta không biết phải làm gì... Không, mỗi quốc gia có tính đặc thù riêng, nhưng mỗi quốc gia đều cởi mở đối với các quốc gia khác. Liên hiệp châu Âu: chủ quyền của nó, chủ quyền của những người anh em trong một thể thống nhất, phải tôn trọng tính độc đáo của mỗi quốc gia. Và hãy ý tứ đừng trở thành phương tiện của việc thực dân hóa ý thức hệ. Vì lý do này, việc can thiệp đó vào Lễ Giáng sinh là một sự lỗi thời.

Matteo Bruni

Cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi thứ hai - hoặc câu hỏi thứ ba, với những điều này - đến từ Iliana Magra, của Kathīmerinī: đó là một tờ báo tiếng Hy Lạp.

Iliana Magra, của Kathīmerinī ở ING

Con xin chào buổi sáng Đức Thánh Cha, xin cảm ơn Đức Thánh Cha đã đến thăm Hy Lạp. Trong bài phát biểu của Đức Thánh Cha tại Phủ Tổng thống ở Athens, Đức Thánh Cha đã nói về sự "rút lui" của nền dân chủ trên thế giới, và đặc biệt là ở châu Âu...

Matteo Bruni

[Phiên dịch cho Đức Giáo Hoàng...] Đức Thánh Cha đã nói về một nền dân chủ đang rút lui, một nền dân chủ đang nhường bước, đang nhường bước...

Iliana Magra

Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết đôi điều về việc này, và Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết Đức Thánh Cha đề cập đến những quốc gia nào không? Và Đức Thánh Cha muốn nói gì với các nhà lãnh đạo và cử tri cực hữu ở Châu Âu, những người tự xưng là những Kitô hữu sùng đạo, nhưng đồng thời cổ vũ các giá trị và chính sách phi dân chủ?

Đức Phanxicô

Đúng, dân chủ là một kho tàng, một kho tàng của nền văn minh, và nó phải được bảo vệ, nó phải được bảo vệ, và không chỉ được bảo vệ bởi một thực thể cao hơn, mà được bảo vệ giữa chính các quốc gia: bảo vệ nền dân chủ của người khác. Chống lại nền dân chủ ngày nay có lẽ tôi thấy có hai nguy cơ. Một là những người nổi tiếng, ở đây đó, và đang bắt đầu để lộ móng vuốt. Và tôi nghĩ về một chủ nghĩa dân túy vĩ đại của thế kỷ trước: Chủ nghĩa Quốc xã. Chủ nghĩa Quốc xã là một chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo vệ các giá trị quốc gia - do đó nó nói – phải tìm cách hủy diệt sinh hoạt dân chủ, thực sự, bằng cái chết của người dân, phải tận diệt, để trở thành một chế độ độc tài đẫm máu. Hôm nay tôi xin nói - bởi vì bạn đã hỏi về các chính phủ cánh hữu - hãy cẩn thận để các chính phủ - ý tôi không phải là các chính phủ cánh hữu và cánh tả, mà là một điều khác -: để các chính phủ không sa vào con đường của chủ nghĩa dân túy [populism], của điều gọi là "chủ nghĩa dân túy" chính trị. Điều này không liên quan gì đến các chủ nghĩa bình dân [popularisms], vốn là các phát biểu tự do của người dân: những người tự phát biểu qua bản sắc riêng của họ, qua văn hóa dân gian, qua các giá trị của họ, nghệ thuật của họ và duy trì chính mình. Chủ nghĩa dân túy là một chuyện, chủ nghĩa bình dân lại là chuyện khác hẳn. Mặt khác, nền dân chủ suy yếu, đi vào con đường suy thoái chậm chạp, khi các giá trị quốc gia bị hy sinh, chúng bị pha loãng bằng cách đi tới - xin nói một hạn từ xấu xí, tôi không muốn nói hạn từ này nhưng tôi không tìm được hạn từ khác. - hướng tới một "đế quốc", Một loại chính phủ siêu quốc gia. Và đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Cũng đừng sa vào các chủ nghĩa dân túy, nơi mà người ta kêu gọi nhân dân, nhưng không phải nhân dân, mà đó là chế độ độc tài đúng nghĩa đối với chúng ta và những người khác - hãy nghĩ tới chủ nghĩa Quốc xã -; cũng đừng sa vào việc pha loãng danh tính của họ trong một chính phủ quốc tế. Có một cuốn tiểu thuyết về điều này được viết vào năm 1903. Bạn sẽ nói rằng vị Giáo hoàng này đã lỗi thời về văn chương... Do Benson viết, một nhà văn người Anh. Ông Benson này đã viết một cuốn tiểu thuyết có tựa đề: "Chúa tể của Trái đất" hoặc "Chúa tể của thế giới" - ông nhận cả hai tựa đề -, người mơ về tương lai của một chính phủ quốc tế, nơi, bằng các biện pháp kinh tế, các biện pháp chính trị, quản trị mọi quốc gia khác. Và ông ta giải thích, khi bạn chấp nhận chính phủ này, kiểu chính phủ này, bạn mất tự do và cố gắng làm cho mọi người bình đẳng. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi có một siêu cường áp đặt các tác phong văn hóa, kinh tế và xã hội lên các quốc gia khác. Sự suy yếu của nền dân chủ, vâng, quả do sự nguy hiểm của các chủ nghĩa dân túy - vốn không phải là chủ nghĩa bình dân, một chủ nghĩa thật tuyệt - và sự nguy hiểm của việc nhắc đến các thẩm quyền quốc tế: kinh tế, văn hóa, bất kể nó là gì. Tôi không biết, nhưng đó là những gì tôi nghĩ đến, tôi không phải là một nhà khoa học chính trị, tôi nói vì những gì nó có vẻ đối với tôi.



Matteo Bruni

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi thứ ba đến từ Manuel Schwartz của Dpa (Deutsche Presse-Agentur), hãng thông tấn Đức:

Manuel Schwartz của hãng thông tấn Đức:

Thưa Đức Thánh Cha, trước hết xin cảm ơn Đức Thánh Cha đã cho chúng con đồng hành cùng Đức Thánh Cha trong cuộc hành trình quan trọng này. Di dân là chủ đề trọng tâm không những ở Địa Trung Hải, mà còn ở các khu vực khác của châu Âu, đặc biệt là ở Đông Âu, ngày nay, với rất nhiều sợi dây thép gai, như Đức Thánh Cha đã gọi, và cả với cuộc khủng hoảng ở Belarus. Đức Thánh Cha mong đợi điều gì từ các quốc gia trong khu vực này, chẳng hạn từ Ba Lan và cả Nga, và sau đó, Đức Thánh Cha mong đợi điều gì từ các quốc gia quan trọng khác ở châu Âu, ví dụ như Đức, nơi giờ đây sẽ có một chính phủ mới sau thời đại của Angela Merkel?

Đức Phanxicô

Đối với những người ngăn cản di dân hoặc những người đóng cửa biên giới - bây giờ nó là một cái mốt, dựng tường, rào dây thép gai, thậm chí cả dây thép gai cuộn nữa, người Tây Ban Nha biết điều này có nghĩa là gì: bình thường phải làm những điều này để ngăn cản việc xâm nhập - điều đầu tiên tôi xin nói, nếu tôi có một người quản gia ở trước mặt tôi: "nhưng hãy nghĩ đến thời điểm khi bạn là một người di cư và họ không cho bạn vào, khi bạn muốn trốn khỏi vùng đất của mình, thế mà bây giờ bạn lại xây dựng những bức tường". Điều này tốt, bởi vì những người xây tường mất cảm thức về lịch sử, về lịch sử của chính họ, về lúc họ còn là nô lệ cho một quốc gia khác. Không phải ai cũng có kinh nghiệm này, nhưng ít nhất một phần lớn những người xây tường có kinh nghiệm này: từng là nô lệ. Bạn có thể nói với tôi rằng: “Nhưng các chính phủ có nhiệm vụ cai trị và nếu làn sóng di cư đến như vậy thì không thể cai trị được!”. Tôi xin nói điều này: mọi chính phủ phải nói rõ ràng: “Tôi có thể tiếp nhận nhiều người”, vì các nhà cai trị biết họ có khả năng tiếp nhận bao nhiêu: đó là quyền của họ, điều này đúng. Nhưng các di dân phải được chào đón, đồng hành, cổ vũ và hội nhập. Nếu một chính phủ không thể làm được điều này, thì họ phải đối thoại với những chính phủ khác và các chính phủ khác, mỗi chính phủ, phải chăm sóc. Và đây là lý do tại sao Liên hiệp châu Âu quan trọng, vì Liên hiệp châu Âu có khả năng tạo ra sự hài hòa giữa tất cả các chính phủ để phân phối người di cư. Tuy nhiên, bạn hãy nghĩ tới Síp, hãy nghĩ tới Hy Lạp, hãy nghĩ tới Lampedusa, hãy nghĩ tới Sicily: những người di cư đến và không có sự hòa hợp nào giữa tất cả các nước trong Liên hiệp Châu Âu để gửi những người này đến đây, đến đó, đến đó... sự hài hòa chung này.

Và sau đó, chữ cuối cùng tôi nói là hội nhập, đúng không? Họ phải được chào đón, đồng hành, cổ vũ và hội nhập. Hội nhập, tại sao? Bởi nếu bạn không hội nhập người di cư, người di cư này sẽ có quốc tịch khu ổ chuột. Ví dụ - tôi không biết đã nói trên máy bay một lần chưa – điển hình khiến tôi xúc động nhất là thảm kịch của Zaventem: những cậu bé thực hiện vụ thảm sát ở sân bay là người Bỉ, nhưng là con cái của những người di cư tị nạn ổ chuột, không được hội nhập. Nếu bạn không hội nhập người di cư – bằng giáo dục, việc làm, chăm sóc người di cư - bạn có nguy cơ có người du kích, một người làm những điều này cho bạn. Việc chào đón người di cư không dễ, việc giải quyết vấn đề người di cư cũng không dễ; nhưng nếu chúng ta không giải quyết vấn đề người di cư, chúng ta có nguy cơ hủy hoại nền văn minh. Ngày nay, ở châu Âu, như mọi điều đang diễn ra. Không những người di cư bị đắm tàu ở Địa Trung Hải, mà cả nền văn minh của chúng ta nữa. Vì lý do này, đại diện của các chính phủ châu Âu phải đi đến một thỏa thuận. Đối với tôi, trong thời của nó, mô hình hội nhập, chào đón và hội nhập, là Thụy Điển, nơi đã chào đón tất cả những người di cư Mỹ Latinh của các chế độ độc tài quân sự - Chile, Argentina, Uruguay, Brazil -, chào đón họ và hội nhập họ. Và hôm nay tôi đến một trường học, ở Athens, tôi nhìn và nói với người phiên dịch: “Nhưng xem này, ở đây - tôi dùng một hạn từ quen thuộc - có một “món rau trộn trái cây” gồm các nền văn hóa, tất cả chúng đều được trộn lẫn với nhau!". Và ông ta trả lời: "Đây là tương lai của Hy Lạp". Hội nhập. Lớn mạnh trong hội nhập. Điều này quan trọng.

Và rồi một thảm kịch khác, tôi muốn nhấn mạnh đền nó: khi những người di cư, trước khi đến, rơi vào tay những kẻ buôn người, những kẻ cướp đi tất cả số tiền họ có và đưa họ lên thuyền. Khi họ bị bác bỏ, những kẻ buôn người này lấy họ lại. Trong Thánh bộ lo Di dân [Thánh Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện – Phân bộ di dân và tị nạn] có các video về những gì xảy ra ở những nơi những người di cư buộc phải trở về. Họ không thể được chào đón và bị bỏ rơi, trong khi chúng ta phải đồng hành với họ, cổ vũ và hội nhập thế nào, thì khi tôi gửi một người di cư trở về, tôi cũng phải đồng hành với họ, cổ vũ họ và hội nhập họ vào đất nước của họ như vậy, chứ không thể để họ ở bờ biển Libya. Đó là sự tàn nhẫn. Nếu bạn muốn biết thêm về điều này, hãy hỏi Bộ Di Dân nơi có những video này. Và có cả một đoạn video - chắc các bạn cũng biết - về "Mở rộng vòng tay", hơi lãng mạn một chút nhưng vẫn cho thấy thực tại của những vụ chết đuối. Điều này thật đau đớn. Nhưng chúng ta hãy mạo hiểm vì nền văn minh, chúng ta hãy mạo hiểm vì nền văn minh!

Matteo Bruni

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Và bây giờ là một câu hỏi từ các nhà báo nói tiếng Pháp: có Tiến sĩ Cécile Chambraud của tờ Le Monde, người sẽ đặt câu hỏi tiếp theo.

Cécile Chambraud của tờ Le Monde (bằng tiếng Tây Ban Nha)

Thưa Đức Thánh Cha, con đặt câu hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha cho các đồng nghiệp. Vào thứ Năm, khi chúng con đến Nicosia, chúng con được biết rằng Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ chức của Tổng giám mục Paris, Đức Cha Aupetit. Ngài có giải thích cho chúng ta lý do tại sao, và tại sao lại vội vàng như vậy không? Câu hỏi thứ hai: thông qua hoạt động của một ủy ban độc lập về lạm dụng tình dục, Hội đồng Giám mục Pháp đã công nhận rằng Giáo hội có trách nhiệm định chế đối với sự đau khổ của hàng ngàn nạn nhân. Người ta cũng nói về một khía cạnh hệ thống của bạo lực này. Đức Thánh Cha nghĩ gì về tuyên bố này của các giám mục Pháp? Nó có ý nghĩa gì đối với Giáo hội hoàn vũ? Và, câu hỏi cuối cùng: Đức Thánh Cha có tiếp các thành viên của ủy ban độc lập này không?

Đức Phanxicô

Tôi bắt đầu với câu hỏi thứ hai, sau đó chúng ta quay lại câu hỏi thứ nhất. Khi thực hiện các nghiên cứu này, chúng ta phải cẩn thận trong việc giải thích, được đưa ra cho các lĩnh vực lúc ấy. Khi nó được thực hiện trong một khoảng thời gian dài như vậy, sẽ có nguy cơ nhầm lẫn giữa cách cảm nhận vấn đề của một thời đại, 70 năm trước đây. Tôi chỉ muốn nói điều này, như một nguyên tắc. Một hoàn cảnh lịch sử phải được giải thích bằng khoa thông diễn của thời đó, không phải bằng khoa thông diễn của chúng ta. Ví dụ, chế độ nô lệ: chúng ta nói "đó là sự tàn bạo". Những vụ lạm dụng của 100 năm trước hay 70 năm trước, chúng ta nói "đó là sự tàn bạo". Nhưng cách họ sống thời đó không giống như ngày nay: đã có một phép thông diễn khác. Ví dụ, trong trường hợp lạm dụng trong Giáo hội, bao che, đó là cách được sử dụng - không may - trong các gia đình, thậm chí cả ngày nay, trong một số lượng lớn các gia đình, trong các khu phố, để cố gắng che đậy, chúng ta nói "không, điều này không đúng, chúng ta phải tìm hiểu”. Nhưng luôn luôn phải diễn giải một thời đại bằng khoa thông diễn của thời đại đó chứ không phải bằng khoa thông diễn của chúng ta. Đó là điều đầu tiên. Ví dụ, xưởng phim Indianapolis nổi tiếng: nhưng nó đã thất bại vì thiếu cách giải thích đúng đắn. Có những chuyện thật, một số, một số thì không; các kỷ nguyên được trộn lẫn với nhau. Tại thời điểm này, việc phân biệt lãnh vực sẽ hữu ích cho ta.

Về [bản tường trình] thiếu thông tri: Tôi chưa đọc, tôi đã lắng nghe các nhận định của các Giám mục Pháp. Không, tôi thực sự không biết phải trả lời như thế nào. Các Giám mục Pháp sẽ đến thăm trong tháng này, và tôi sẽ yêu cầu họ giải thích điều đó cho tôi.

Và câu hỏi đầu tiên, về vụ Aupetit. Tôi tự hỏi: Aupetit đã làm gì mà nghiêm trọng đến mức phải từ chức? ngài đã làm gì? Ai đó trả lời tôi...

Cécile Chambraud

Con không biết. Con không biết.

Đức Phanxicô

Nếu chúng ta không biết lời tố cáo thì không thể lên án. Lời kết án ra sao? Ai biết? [không ai trả lời] Thật là xấu xí!

Cécile Chambraud

Một vấn đề của chính phủ [của giáo phận] hay một vấn đề khác, chúng ta không biết.

Đức Phanxicô

Trước khi trả lời tôi xin nói: hãy điều tra. Hãy làm cuộc thăm dò. Bởi vì có một sự nguy hiểm khi nói: "ngài đã bị kết án". Nhưng ai đã lên án ngài? "Công luận, bàn tán xôn xao...". Nhưng ngài đã làm gì? "Chúng tôi không biết. Điều gì đó...". Nếu bạn biết tại sao, hãy nói như vậy. Ngược lại, tôi không thể trả lời. Và bạn sẽ không biết tại sao, bởi vì thiếu ngài, thiếu điều chống lại điều răn thứ sáu, nhưng không phải là tất cả mà chỉ là những cái vuốt ve và xoa bóp nhỏ mà ngài đã làm: lời buộc tội chỉ có thế. Đây là một tội lỗi, nhưng nó không phải là một trong những tội nặng nề nhất, bởi vì tội xác thịt không phải là tội nặng nhất. Những tội nặng nhất là những tội có tính “thiên thần” nhiều hơn như: kiêu căng, thù hận… những tội này nặng hơn. Vì vậy, Aupetit là một tội nhân như tôi. Tôi không biết bạn có cảm thấy như vậy không, nhưng có lẽ… giống như Thánh Phêrô, vị giám mục mà Chúa Kitô đã thành lập Giáo hội. Tại sao cộng đồng thời đó lại chấp nhận một giám mục tội lỗi? Mà đó lại là những tội lỗi với nhiều "tính thiên thần", như bác bỏ Chúa Kitô, đúng không? Nhưng đó là một Giáo hội bình thường, một Giáo Hội quen với việc luôn cảm thấy mình tội lỗi, mọi người: đó là một Giáo hội khiêm tốn. Chúng ta thấy rằng Giáo hội của chúng ta không quen có một giám mục tội lỗi, và chúng ta cao ngạo nói " giám mục của tôi, ngài là một vị thánh". Không, đây là Cô bé quàng khăn đỏ. Tất cả chúng ta đều là người có tội. Nhưng khi việc bàn tán phồng lên và cứ thế phồng thêm đến lấy mất tiếng thơm của một người, thì người đó sẽ không thể cai trị, vì họ đã mất tiếng thơm, chứ không phải vì tội lỗi của họ - đó là tội lỗi, như của Thánh Phêrô, như của tôi, như của bạn: đó là một tội lỗi! -, nhưng sự bàn tán phải chịu trách nhiệm kể những điều ấy. Một người bị tước mất danh tiếng một cách công khai như vậy không thể cai trị được. Và đây là một sự bất công. Vì lý do này, tôi chấp nhận đơn từ chức của Aupetit không phải vì lý do sự thật, mà vì lý do đạo đức giả. Đó là ý của tôi. Cảm ơn.

Matteo Bruni

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Có lẽ chúng ta vẫn còn vài phút cho một câu hỏi cuối cùng? Của Vera Shcherbakova, thuộc thông tấn xã Tass.

Đức Phanxicô

À! Tốt! "Người kế vị" của Alexei Bulgakov... ông ấy thật tốt...



Vera Shcherbakova

Vâng, và con nhớ rất nhiều; con nhớ ông ấy rất nhiều, con luôn nói như vậy. Xin chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha về thái độ của ngài đối với Bulgakov của chúng con, người vốn là di sản của Nga và cơ quan của chúng con. Nhưng con muốn hỏi những điều sau: trong chuyến đi này, Đức Thánh Cha đã gặp các vị đứng đầu các Giáo hội Chính thống, Đức Thánh Cha đã nói những lời đẹp đẽ về sự hiệp thông và tái hợp nhất. Vậy cuộc gặp tiếp theo của Đức Thánh Cha với Thượng phụ Kirill sẽ là khi nào? Đâu là các dự án chung với Giáo Hội Nga? Và Đức Thánh Cha có lẽ sẽ gặp phải những khó khăn gì trong diễn trình xích lại gần nhau này? Cảm ơn.

Đức Phanxicô

Cảm ơn. Đó là một câu hỏi hay!

Cuộc gặp gỡ với Thượng phụ Kirill sẽ diễn ra trong một tương lai gần. Tôi nghĩ tuần tới Hilarion sẽ đến gặp tôi để sắp xếp một cuộc gặp có thể xảy ra, vì Thượng phụ phải đi công du - tôi không biết ngài đi đâu… ngài đi Phần Lan, nhưng tôi không chắc. Tôi luôn sẵn lòng, tôi cũng sẵn lòng đến Mạc Tư Khoa: nói chuyện với một người anh em đâu cần giao thức. Anh em là anh em, giao thức [đâu phải] trước hết. Và tôi với người anh em Chính thống giáo - người được gọi là Kirill, người được gọi là Chrysostomos, người được gọi là Ieronymos, đều là anh em - chúng tôi là anh em và chúng tôi nói nhiều điều với nhau. Chúng tôi không nhảy điệu minuet, không, chúng tôi nói nhiều điều thẳng vào mặt nhau. Nhưng với tư cách là anh em. Thật là vui khi thấy anh em tranh luận: đẹp, vì cùng thuộc một Mẹ, Mẹ Giáo Hội, nhưng họ hơi chia rẽ đôi chút, một phần vì do thừa hưởng, một phần vì lịch sử đã chia rẽ họ... Nhưng chúng ta phải đi với nhau và cố gắng làm việc và đi với nhau trong sự hợp nhất và vì sự hợp nhất. Tôi biết ơn Ieronymos, Chrysostomos, tất cả các Thượng phụ, những người có mong muốn được đi với nhau này. Sự hợp nhất... Nhà thần học Chính thống giáo vĩ đại Zizioulas đang nghiên cứu về cánh chung, và có lần tôi nói đùa rằng sự hợp nhất sẽ diễn ra trong cánh chung, sự hợp nhất sẽ ở đó. Nhưng đó là một cách nói. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải ngồi yên chờ các nhà thần học đi đến thỏa thuận, không. Đây là một cụm từ, một cách nói, nó là những gì họ cho là Athenagoras đã nói với Đức Phaolô VI: "Hãy đặt tất cả các nhà thần học trên một hòn đảo còn chúng ta cùng nhau đi nơi khác". Đó là một câ bông đùa. Nhưng các nhà thần học vẫn tiếp tục nghiên cứu, điều này tốt cho chúng ta và dẫn chúng ta tới chỗ hiểu rõ và tìm được sự hợp nhất. Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta cùng nhau tiến về phía trước. "Nhưng bằng cách nào?" Vâng, bằng cách cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau làm việc bác ái. Ví dụ, tôi đang nghĩ đến Thụy Điển, quốc gia có Caritas của cả Công Giáo lẫn giáo phái Luther. Làm việc với nhau, đúng chứ? Cùng nhau làm việc và cùng nhau cầu nguyện: chúng ta có thể làm được điều này. Phần còn lại, hãy để các nhà thần học làm, điều mà chúng ta không hiểu phải làm như thế nào. Nhưng hãy làm điều này: sự hợp nhất bắt đầu từ ngày hôm nay, dọc theo nẻo đường này.

Matteo Bruni

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho các câu hỏi của chúng ta. Tôi nghĩ rằng ít nhiều chúng ta cũng đã đến giờ ăn trưa.

Đức Phanxicô

Cảm ơn rất nhiều, và chúc một bữa ăn trưa tốt đẹp!

Matteo Bruni

Một số nhà báo muốn tặng Đức Thánh Cha bản sao Acropolis của Athens, của Parthenon, vì họ rất tiếc Đức Thánh Cha đã không thể chạm tay vào nó.

Đức Phanxicô

Vâng, có một mối nguy là tôi sẽ lên đường mà không nhìn thấy nó [Parthenon] và đêm qua tôi đã nói: "Không, tôi muốn xem nó!". Họ đưa tôi đến đó, tôi nhìn thấy nó từ xa, được chiếu sáng: ít nhất tôi đã thấy nó. Tôi không chạm vào nó, nhưng tôi nói: "cảm ơn vì lòng tốt này".
 
Top Stories
God sent His Son that we might be adopted as Gods children - First meditation for Advent 2021
Cardinal Raniero Cantalamessa
02:35 06/12/2021
Last Lent I tried to shed some light on the danger of living “etsi Christus non daretur,” that is, “as if Christ had never existed.” Continuing this line of thought, in this year’s Advent meditations I would like to call attention to another analogous danger: that of living “as if the Church were nothing more than” scandals, controversies, personality clashes, gossip, or at best, at least socially useful. In short, just human, like everything else in the course of history.

I would like to shed light on the inner splendor of the Church and the Christian life. We must not close our eyes to factual reality nor evade our responsibilities; at the same time, we need to face them from a correct perspective and not allow ourselves to be crushed by them. We cannot expect journalists and the media to take into account how the Church views itself, but the worst possible outcome would be if we, Church people and ministers of the Gospel, were likewise to end up losing sight of the mystery that dwells within the Church and resign ourselves to playing on someone else’s turf and always on the defensive.

Speaking about the proclamation of the Gospel, the Apostle wrote: “We carry this treasure in fragile clay jars” (2 Cor 4:7). It would be foolish to spend all of our time and energy focusing on the “fragile clay jars” while forgetting about “the treasure”. The Apostle gives us a reason to assert the positive that exists even in a situation like ours. He says that this is “so that it may be clear that this extraordinary power belongs to God and does not come from us” (2 Cor 4:7).

The Church is like the stained glass windows of a cathedral. (I experienced this while visiting Chartres Cathedral.) If you look at the windows from the outside, from the street, all you see are pieces of dark glass held together by dark strips of lead. But if you go inside and look at those same windows with the light pouring in, what a splendid array of colors, stories, and meanings unfolds before your eyes! I am suggesting that we look at the Church from the inside, in the deepest meaning of the word, to see it in light of the mystery that it bears.

During Lent, the Chalcedonian Definition that Christ is truly human and truly divine in a single person guided our meditations. This season we will take our lead from one of the more typical Advent liturgical texts, Galatians 4:4-7, which reads:

When the fullness of time had come, God sent his Son, born of a woman, born under the Law, to redeem those who were under the law, so that we might receive adoption as children. The proof that you are children is that God has sent into your hearts his Son’s Spirit which cries out: “Abba! Father!” Therefore you are no longer a slave but a child; and if a child, then also an heir, by God’s grace.

In its brevity, this passage is a synthesis of the entire Christian mystery. It encompasses the Trinity: God the Father, his Son, and the Holy Spirit; the incarnation: “God sent his Son;” and all of this, not as some abstract, out-of-time experience, but within the context of salvation history: “in the fullness of time.” Discretely, but no less essential, is the presence of Mary: “born of a woman.” And, finally, the upshot of all this: women and men are made children of God and temples of the Holy Spirit.

Children of God!

In this initial meditation, I would like to reflect on the first part of the text: “God sent his Son so that we might receive adoption as God’s children.” The fatherhood of God is at the heart of Jesus’ preaching. Even in the Hebrew Scriptures, God is seen as a father. The novelty here is that now God is seen not so much as the “father of his people Israel” in a collective sense, so to speak, but as the father of each human being in an individual and personal sense, of both the righteous and the sinner. God cares about each one as if that person were the only one; God knows the needs, the thoughts and counts the number of hairs on the head of each one.

The mistake of Liberal Theology, at the turn of the 19th and 20th centuries (especially in its most renowned representative, Adolf von Harnack), was to view the fatherhood of God as the essence of the Gospel, leaving aside Christ’s divinity and the Paschal Mystery. Another error (which began with the heresy of Marcion in the 2nd century and was never completely eradicated) was to view the God of the Hebrew Scriptures as a just, holy, powerful, and thundering God, and the God of Jesus Christ as a tender, affable and merciful “daddy-figure” God.

The novelty brought by Christ does not consist in this. Rather, it consists in the fact that God, who remains as he was described in the Hebrew Testament, namely, thrice holy, just, and all-powerful, is now given to us as our papa! This is the image set in place by Jesus in the opening words of the Our Father and which expresses, in a nutshell, all that follows: “Our Father who art in heaven.” You are in heaven, that is, you are the Most High, the transcendent One, as high above us as the heavens are above the earth, but still, “our father” – or as the original puts it: “Abba!” – somewhat akin to saying our papa, my dad.

This is also the image of God that the Church places at the head of its Creed. “I believe in one God, the Father almighty”: father, but still almighty: almighty, but still father, This is, after all, what every child needs – a parent who bends down to them, who is tender, with whom they can play, but who, at the same time, is strong and can be relied on for protection, who instills in them courage and freedom.

In Jesus’ preaching, we get a glimpse of the real novelty that changes everything. God is not just a father in a metaphorical and moral sense in so far as he created and cares for his people. God is – first of all – a real father of a real son begotten “before the dawn,” meaning before time began, and it will be thanks to this only Son that people will also be able to become God’s children in a real sense and not just metaphorically. This novelty shines in the way Jesus addresses himself to the Father calling him Abbà, and also through his words: “No one knows the Father but the Son, and anyone to whom the Son chooses to reveal him” (Mt 11:27).

It must be noted, however, that in the preaching of the earthly Jesus the radical novelty that he brought about is not yet apparent. The scope of the title “father” lingers in a moral sense, that is, it describes how God acts towards humanity and the feeling that humans should nurture regarding God. The relationship is still of an existential type, not yet ontological and essential. For this to happen, the Paschal Mystery of his death and resurrection was needed.

Paul is a reflection of this post-Easter stage of faith. Thanks to the redemption brought about by Christ and imparted to us in Baptism, we are no longer God’s children in a moral sense alone, but also in a real, ontological sense. We have become “sons in the Son,” and Christ has become the “firstborn of many brothers and sisters” (Rom 8:29).

To express all this the Apostle uses the notion of adoption: “…that we might receive adoption as children” “God destined us for adoption as his children” (Eph 1:5). It is only an analogy, and as with any analogy, it cannot express the fullness of the mystery. In itself, human adoption is a legal fact. Adopted children may assume the surname, citizenship, and residence of the adoptive parent, but they do not share their blood or DNA. Conception, birthing pangs, and delivery were not involved. This is not the case with us. God not only imparts to us being called his children, but he also imparts to us his intimate life, his Spirit which is, so to speak, his DNA. By Baptism, the very life of God flows within us.

On this point, John is more daring than Paul. He does not speak in terms of adoption, but of real birthing, God giving us birth. Those who believed in Christ “were begotten by God” (Jn 1:13); in Baptism, we are “born of the Spirit;” one is “born again from above” (see Jn 3:5-6).

From faith to amazement

Thus far we have touched on the truths of our faith. It is not, however, on these that I would like to focus. These are things that we already know and that we can read about in any manual of biblical theology, in the Catechism of the Catholic Church, and books on spirituality. What, then, is the “different” aspect that we want to focus on in this reflection?

My starting point for discovering it is a sentence used by our Holy Father in his catechesis on the Letter to the Galatians at the General Audience of last September 8. After quoting our text on the adoption as children, he added: “We Christians often take for granted this reality of being children of God. We might live the great gift we have received with more awareness,—and it would be good for us—, if we were always to keep in mind the moment of our Baptism when we became one.”

We all face a mortal danger, namely taking for granted the most sublime truths of our faith, including that of being children of God, the Creator of the universe, the Almighty One, the Eternal One, the giver of life. St. John Paul II, in his letter on the Eucharist, written shortly before his death, spoke about the “Eucharistic amazement” that Christians ought to rediscover. The same should be said about our being children of the divine: we must pass from faith to amazement. I would go so far as to say from faith to unbelief! I speak of a very special type of unbelief: that of those who believe without being able to grasp what they believe because it is so immense and unthinkable.

Indeed, we hesitate to put into words the consequence of being children of God because it simply boggles the mind. Being such, the ontological gap that separates God from humans is smaller than the ontological gap that separates us from the rest of creation, because by grace we “share in the divine nature” (2 Pt 1:4).

An example might serve better than a host of arguments to understand what it means not to take for granted being children of God. Following her conversion, St. Margaret of Cortona went through a period of terrible anguish. God seemed to be angry with her and at times made her recall, one by one, all the sins she had committed down to the smallest detail, making her want to vanish from the face of the earth. One day, after communion, quite unexpectedly a voice within her said: “My daughter!” She had resisted a review of all her faults, but she could not resist the tenderness of this voice. She fell into an ecstasy and, during the ecstasy, witnesses present heard her franticly repeat in amazement:

I am his daughter; he said so. O infinite tenderness of my God! The word I craved! So insistently sought! Word whose sweetness surpasses all sweetness! What an ocean of joy! My daughter! My God said it! My daughter!

Well before St. Margaret, the Apostle John came to that same shocking realization. He wrote: “Witness the depth of love God has for us that we should be called God’s children. And that is what we truly are!” (1 Jn 3:1). This sentence is clearly intended to be read with an exclamation point.

Unleashing one’s Baptism

Why is it so important to move beyond faith to amazement, from beliefs (fides quae) to believing (fides qua)? Isn’t it enough just to believe? No, and for a very simple reason: because this – and only this – really changes your life!

Let take a look at the path that leads to this new level of faith. As we heard, the Holy Father invited us to return to our Baptism. To understand how a sacrament received many years ago –often at the beginning of our lives – can suddenly come back to life and release new spiritual energy, we need to keep in mind certain facets of sacramental theology.

Catholic theology acknowledges the idea of a sacrament that is both valid and licit, but “tethered” or “frozen”. Baptism is often a “tethered” sacrament. A sacrament is said to be “tethered” if its effects remain inhibited and hindered due to the lack of certain conditions that impede its effectiveness. An extreme example would be the sacrament of Matrimony or Holy Orders received in a state of mortal sin. In those circumstances, such sacraments cannot confer any grace on the individuals. However, once the obstacle of sin is removed through a good confession, it is said that the sacrament revives (reviviscit) without needing to repeat the sacramental rite, thanks to the fidelity and irrevocability of God’s gift.

As I mentioned, Matrimony and Holy Orders are extreme examples, but there could be other cases in which a sacrament, although not completely tethered, is also not completely unleashed, that is, free to work its effects. In the case of Baptism, what is it that could cause the effects of the sacrament to remain frozen? Sacraments are not magical rites that work mechanically without our knowing it or without some cooperation on our part. Their effectiveness is the result of synergy or collaboration between divine omnipotence (specifically, the grace of Christ of the Holy Spirit) and human freedom.

In the sacrament, everything that depends on the grace or will of Christ is referred to as “the work accomplished” (opus operatum); that is, the finished work, the objective and inevitable effects of the sacrament when validly administered. On the other hand, everything that depends on the recipient’s freedom and disposition is called “the work yet to be accomplished” (opus operantis), that is, what remains to be carried out, the human contribution.

What we receive from God – the so-called “grace of Baptism” – is multifaceted and very rich. It includes our becoming children of God, the remission of sins, the indwelling of the Holy Spirit, and the planting of the seeds of the theological virtues of faith, hope, and charity into our souls. The human contribution consists essentially of faith! “Whoever believes and is baptized will be saved” (Mk 16:16). When grace and freedom touch in perfect synchronism, like two poles, one positive and one negative, light and power are unleashed.

In the case of infant Baptism (and also in adult Baptism when deep conviction and participation are lacking), that synchronism is missing. I’m not suggesting that we abandon the practice of infant Baptism. The Church has always rightly practiced it and defended it on the basis that Baptism is a gift of God even prior to being the result of a human choice. Rather, we need to acknowledge what this practice involves, given the new historical situation in which we live.

In times past, when the entire environment was Christian and impregnated with faith, this faith could blossom, albeit gradually. The free and personal act of faith was “supplied by the Church” and expressed, as it were, through a third party, namely the parents and godparents. This is no longer the case. The environment in which a child grows up today is less conducive to helping faith blossom in the child. Often neither is the family, and even less so the school system, and least of all our society and culture.

This is why I spoke about Baptism as a “tethered” sacrament. It is like a very precious gift package that remains unopened, like a Christmas gift, misplaced somewhere and forgotten about, even before it was opened. Whoever has it has everything they need to carry out all the acts required in the life of a Christian, and also experiences some of its effects at least partially, but does not enjoy the fullness of the reality. In the language of St. Augustine, they experience the sacrament (sacramentum), but not – at least not fully – the reality of the sacrament (the res sacramenti).

The fact that we are here meditating on this already means that we have believed, that faith has been joined to the sacrament in us. What, then, are we still lacking? We lack faith-as-amazement, the wide-eyed Wow! of wonder and excitement as that you get when you open a gift and which is, to the gift-giver, the best reward of all. The Greek Fathers referred to Baptism as “enlightenment” (photismos). Has that type of enlightenment ever occurred in us?

We ask ourselves: is it possible, and is it even right, for us to aspire to this different level of faith in which we not only believe a truth but also experience and taste the truth that we believe? Christian spirituality has often been accompanied by reluctance and even (as in the case of the Reformers) by a negation of the experiential and mystical dimension of the Christian life as if it were somehow inferior and contrary to pure faith. But despite the abuses that have also occurred, the Christian tradition has never downplayed the wisdom tradition which holds that the apex of faith is in “savoring” the truth of what we believe and in “tasting” the truth, including the bitter taste of the truth of the cross.

In biblical language, to know does not mean having an idea of something that remains distinct and apart from me. It means entering into a relationship and experiencing it. (The term is used even about knowing your wife and knowing the loss of children!). The evangelist John exclaims: “We have known and believed the love God has towards us” (1 Jn 4:16), and again: “We have believed and known that you are the Holy One of God” (Jn 6:69). Why say “known and believed?” What does “known” add to “believed”? It adds a certain inner conviction that occurs when truth confronts the spirit and one is compelled to exclaim from deep within: “Yes, it’s true, there is no doubt, that’s it!” The truth that is believed becomes a reality that is lived. St. Thomas Aquinas put it this way: “Fides non terminatur ad enuntiabile sed ad rem,” that is, “Faith does not end in an utterance, but with reality.” We never cease discovering the practical consequences of this principle.

The role of God’s word

How can we make this qualitative leap from faith to the amazement of knowing we are God’s children? The first answer is the word of God! (There is an equally essential means, namely the Holy Spirit, but we will leave that for our next meditation). St. Gregory the Great compared the Word of God to flint, that is, to the stone once used to produce a spark that ignited a fire. He said it is necessary to do with the Word of God what is done with the flint: to strike it repeatedly until it produces a spark. Ponder it, repeat it, even out loud.

During your prayer time or adoration, with your whole heart, and without becoming bored, repeat within yourself: “A child of God! I am a son of God; I am a daughter of God. God is my father!” Or simply repeat for some time: “Our Father who art in heaven” without continuing the rest of the prayer. As you do so, it is more necessary than ever to remember the words of Jesus: “Knock and it will be opened to you” (Mt 7:7). Sooner or later, and perhaps when you least expect it, it will happen – the reality of those words, if only for a moment, will explode within you and will be enough for the rest of your life. And even if nothing sensational should happen, be assured that you have achieved what is essential. The rest will be given to you in heaven: “Beloved, we are God’s children now; what we shall be has not yet been revealed. We do know that when it is revealed we shall be like him, for we shall see him as he is” (1 Jn 3:2)

We are All Brothers and Sisters!

One of the immediate effects of all this is that you will become aware of your dignity. On Christmas Eve, St. Leo the Great will exhort us: “Recognize, O Christian, your dignity. Once you have shared in the divine nature would you really want to return to the wretchedness of your past?” What dignity could be greater than being a child of God? The story is told of an arrogant mean daughter of the king of France who constantly scolded one of her maids. One day she shouted in her face, “Don’t you know that I’m the daughter of your king?” To which the maid replied, “And don’t you know that I am the daughter of your God?”

Another even more important by-product is that you become more aware of the dignity of other people who are also sons and daughters of God. For us Christians, human solidarity as brothers and sisters is ultimately rooted in the fact that God is the father of us all, and since we are all sons and daughters of God, we are all brothers and sisters to each other. There is no bond stronger than this, and for us Christians, there is no more urgent reason for promoting universal brother-/sisterhood. St. Cyprian wrote: “You cannot claim God as your father without owning the Church as your mother.” We should add: “You cannot claim God as your father without owning your neighbor as your brother or sister.”

There is one thing we should stop doing. Let us not say to God the Father, not even by implication: “Choose between me and my adversary; decide whose side you are on!” No parent should be put in the untenable position of having to choose between their children simply because the children can’t get along with each other. So let us not ask God to take our side against someone else.

When we have a conflict with someone else – our brother or sister –, even before we meet with them to discuss our point of view (which is not only right but also sometimes necessary), let us say to God: “Father, save that brother or sister of mine; save us both. I am not looking for me to be right and him or her to be wrong. I want that person to stand in the truth, or at least in good faith.” This mercy of one individual towards another is indispensable for living the life of the Spirit and community life in all of its forms. It is indispensable for the family and every human and religious community, including the Roman Curia. As St. Augustine said, we are all fragile clay jars: It doesn’t take much to hurt ourselves.

Earlier, we called to mind the excitement of St. Margaret of Cortona when she felt God interiorly calling her “my daughter”. “I am his daughter; he said so…What an ocean of joy! My daughter! My God said it! My daughter!” We could experience something very similar if we would listen to that same voice of God, not echoing in our minds (which can be fooled!), but appearing in black and white, written on the page of the Bible under our consideration: “You are no longer a slave, but a child. And if you are a child, you are an heir as well!”

As we’ll see the next time, God willing, the Holy Spirit is ready to help us in this undertaking.

_________________________

Translated into English by Br. Patrick McSherry, ofmcap

1.John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, 6.
2.Giunta Bevegnati, Vita e miracoli della Beata Margherita da Cortona, II, 6 (Italian version, Vicenza 1978, p. 19f).
3.See A. Michel, Reviviscence des sacrements, in DTC, XIII,2, Paris 1937, coll. 2618-2628.
4.Summa theologiæ, II-II, 1, 2, ad 2.
5.Gregory the Great, Homilies on Ezechiel, I,2,1.
6.Leo the Great, Discourse 1 on Christmas, 3.
7.Cyprian, De unitate Ecclesiæ, 6.
8.Augustine, Discourses, 69 (PL 38, 440) (lutea vasa sibi invicem angustias facientes).

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình lễ Cac Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Tổng Giáo Phân Melbourne
Ban Điều Hợp CĐCGVN TGP Melbourne
13:43 06/12/2021
Hình ảnh Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phân Melbourne
Xem hình
Do Ban Điều Hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Melbourne gửi.
 
Huế: Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh Chủ Sự Nghi Thức Lên Đường Của Thiện Nguyện Viên Phục Vụ Bệnh Nhân Covid
Minh Phương
22:31 06/12/2021
Đại dịch Covid đang bùng phát trên khắp thế giới, gây xáo trộn đời sống của người dân, tác hại đến nền kinh tế xã hội của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam cũng không tránh khỏi cơn đại dịch này. Nghiêm trọng nhất là trong suốt gần một năm qua, hầu như trên cả nước phải gánh chịu một hậu quả hết sức nặng nề. Riêng tại Huế chỉ trong vòng một tháng qua, số ca nhiễm đã gia tăng chóng mặt, ngay cả Dòng Kín Carmel dịch bệnh cũng đã xâm nhập và lây nhiễm.

Xem Hình

Đức Tổng Giám Mục Giáo phận hết sức trăn trở không chỉ vì các sinh hoạt tại các nhà thờ đều phải tạm dừng để tránh lây nhiễm, mà còn lo ngại dịch bệnh kéo dài gây khó khăn cho đời sống của người dân tại 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị thuộc Tổng Giáo phận Huế.

Sáng ngày 7 tháng 12 năm 2021, tại Phòng khám Kim Long Huế thuộc Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm. Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế đã chủ sự Nghi thức Lên Đường cho Đoàn Thiện nguyện phục vụ các bệnh nhân Covid.

Phòng khám Kim Long thuộc Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm được thành lập từ năm 1992, trong suốt 30 năm phục vụ cho người nghèo khó. Tuy nhiên theo ý nguyện ban đầu khi thành lập của Đức Nguyên Tổng Giám mục Tephano Nguyễn Như Thể, Phòng khám Kim Long là nơi hội tụ phục vụ của tất cả các Hội Dòng trong Giáo phận Huế. Tuy nhiên do điều kiện nhỏ hẹp chưa thể thực hiện được ý tưởng của Ngài.

Sau khi Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh nhậm chức Tổng Giám mục Huế, ngài đã nhận ra tầm quan trọng của Phòng khám, ngài đã đề nghị Chính quyền cấp một thửa đất khá rộng rải tại Kim Long để Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm xây dựng một Phòng khám khang trang và đầy đủ tiện nghi.

Dịp lễ Đức Mẹ Vô nhiễm bổn mạng Hội Dòng năm 2019 cũng là ngày ngài cử hành Nghi thức Đặt viên đá xây dựng. Và hai năm sau, hôm nay cũng vào dịp lễ Đức Mẹ Vô nhiễm, cũng là một hình thức ra mắt Phòng khám này, Ngài đã chủ sự Nghi thức Lên đường cho các Thiện nguyện viên phục vụ các bệnh nhân điều trị Covid tại Huế.

Phòng khám Kim Long hiện nay cũng là dịp ngài thực hiện ý tưởng của Đức nguyên Tổng Giám mục Tephano Nguyễn Như Thể: các Hội Dòng đang mục vụ trên địa bàn Tổng Giáo phận đều góp sức vào để phục vụ bệnh nhân.

Được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, Phòng khám được chọn làm nơi thu dung các bệnh nhân Covid để điều trị.

Sáng hôm nay, 17 Thiện nguyện viên gồm 2 thầy Đại Chủng sinh và 15 nữ tu thuộc các Hội Dòng. Ngoài ra còn có quý Linh mục và quý Tu sĩ Dòng Thánh Tâm Huế túc trực lo việc thu dung các bệnh nhân và mang các mẫu xét nghiệm đến Bệnh viện Trung ương Huế để sàng lọc.

Đức Tổng Giám Mục đã làm phép đồ bảo hộ và trao cho các Thiện nguyện viên, đồng thời cũng là trao sứ vụ Lên đường phục vụ với tôn chỉ: “Tình yêu Chúa thúc bách tôi”. Những Thiện nguyện viên là niềm vinh dự của Giáo phận, là những người thân bên cạnh các bệnh nhân, và là những người sớm hôm chăm sóc các bệnh nhân.

Minh Phương
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giuse: Người Cha Chiêm Niệm - LM. Phan Quang Trí
Lm Giuse Phan Quang Trí, O. Carm
10:26 06/12/2021
Giuse: Người Cha Chiêm Niệm

Khi năm biệt kính Thánh Cả Giuse khép lại thì cũng là lúc Giáo Hội Hoàn Vũ đang chìm lắng trong bầu khí tĩnh lặng sốt sáng của Mùa Trông Đợi. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ thời Cựu Ước sang thời Tân Ước, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giuse là một trong những nhân vật đầu tiên được đón nhận tin mừng về thời khắc Con Thiên Chúa hạ sinh làm người. Như dân Israel, các ngài cũng mặc lấy tâm tình chờ đợi Đấng Thiên Sai. Về phần mình, Thánh Giuse đã mau mắn gác lại mọi toan tính riêng tư và vui vẻ đón nhận kế hoạch mà Thiên Chúa dành riêng cho ngài. Kế hoạch của Thiên Chúa thì cao siêu diệu vợi vượt xa trí hiểu biết thông thường của con người (x. Isaia 55, 8-9). Con đường mà thánh Giuse vâng lời dấn thân vào chắc chắn không phải là một hành trình dễ dàng.

Đứng trước màn đêm huyền nhiệm của ơn Chúa kêu gọi, Đấng Công Chính thuộc dòng dõi Vua Đavit đã can đảm bước tới nhờ ánh sáng của ngọn đuốc đức tin và ngài “lao mình về phía trước” với hành trang là một con tim hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Thánh Nữ Têrêsa Giêsu (hay còn gọi là Têrêsa Avila) định nghĩa chiêm niệm là khao khát Thiên Chúa và giải thích rằng trong chiêm niệm, chúng ta trao hiến toàn bộ con tim của chúng ta cho Chúa để Ngài lấp đầy mọi khoảng không sâu thẳm của tâm hồn chúng ta. Khi xưa, thánh Giuse đã bám chặt vào Chúa và để cho Chúa hoàn toàn chiếm lĩnh con người của ngài. Thánh Giuse đã nhìn nhận mọi sự bằng ánh mắt của Chúa, đã cảm nghiệm mọi tình huống bằng con tin của Chúa, và đã làm mọi thứ bằng đôi tay của Chúa. Nhờ đó mà ngài đã đủ sức kiên nhẫn để chờ đợi, đầy phấn khởi hân hoan để đón chào, và đủ tận tụy kiên quyết để chăm sóc giữ gìn Chúa Cứu Thế theo đúng như từng kế hoạch mà Thiên Chúa đã lập nên. Ngày nay, đang khi cất lên lời kinh thống thiết “Maranatha, lạy Chúa xin hãy đến!” (x. Kh 22, 20), Hội Thánh lữ hành khẩn khoản ngước nhìn lên mẫu gương chiêm niệm của Thánh Bổn Mạng Giuse và học nơi ngài bí quyết giữ vững “niềm hy vọng hồng phúc” trong khi “trông chờ ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta”.

Chiêm Niệm: Nhận Thức của Đức Tin

Trong khi trình bày những suy tư của mình về hình thức cầu nguyện chiêm niệm, linh mục Thomas Merton, một thần học gia nổi tiếng trong lĩnh vực thần học linh đạo của thế kỷ thứ Hai Mươi đã định nghĩa chiêm niệm chính là “nhận thức thiêng liêng”. Chiêm niệm không hẳn là “thị kiến” mà là “đỉnh cao đức tin” hay là chiều sâu thăm thẳm của lòng tin. Trong chiêm niệm, tâm hồn con người ta không cần phải được thấy các “thị kiến” mà vẫn nhận biết được những thực tại siêu nhiên. Chiêm niệm chính là cảm nghiệm được “sự đụng chạm” của Thiên Chúa. Một khi được Thiên Chúa chiếm trọn tâm hồn thì con người ta tức khắc sẽ tỏa ra sự thánh hiện của Chúa, sẽ phản chiếu ánh sáng thông tuệ của Ngài. Chính vì thế mà trong đời sống trí tuệ và tâm linh của con người, theo cha Thomas Merton, thì chiêm niệm là biệu hiện cao nhất của sự khôn ngoan và sự thánh thiện. Chẳng vì thế mà chúng ta nhận ra nơi con người của thánh Giuse cả một nếp sống nội tâm sâu sắc. Thái độ trung tín và hành vi phục tùng của ngài chứng tỏ rằng thánh Giuse được Chúa ban cho khả năng nhận thức siêu việt. Nhận thức ấy là hoa trái của một đời sống kết hiệp mật thiết sâu xa với Chúa trong chiêm niệm nội tâm. Cha Nuôi Chúa Giêsu có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và bộc lộ một sự tự do chín chắn trong mọi lựa chọn của ngài là vì ngài đã vâng nghe theo thần khí (x. Ga 14, 26).

Trong thời đại mà con người ta đánh giá lẫn nhau chủ yếu dựa trên hiệu năng công việc và cơn lốc cạnh tranh khốc liệt do cơ chế thị trường gây ra thì khí chất khiêm hạ và bản tính nhẫn nại của thánh Giuse quả là những đặc điểm khó có thể được con người thời nay chấp nhận. Làm cách nào mà thánh Giuse có thể phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa một cách trung thành tận tụy đến thế? Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày cho chúng ta một câu trả lời xác đáng trong Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế) của ngài.

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng bao trùm lấy tất cả mọi câu chuyện Thánh Kinh liên quan đến thánh Giuse là một bầu khí thinh lặng nhiệm mầu. “Chính sự thinh lặng ấy bộc lộ một cách đặc biệt chân dung nội tâm” của thánh Giuse. Ẩn chứa trong từng “hành động” của ngài là cả “một bầu khí chiêm niệm sâu xa”. “Sự hy sinh hoàn toàn, mà qua đó thánh Giuse hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho những yêu cầu của [kế hoạch cứu rỗi nhân loại] chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng đời sống nội tâm sâu xa của ngài mà thôi. Chính đời sống nội tâm này […] mang lại cho ngài những suy luận và sức mạnh mà chỉ những tâm hồn đơn sơ và trong sáng mới có được mà thôi. [Đời sống nội tâm ấy cũng] giúp cho ngài có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng – như quyết định ngay lập tức đặt tự do của mình trước sự quan phòng của Thiên Chúa, cũng như trao phó vào tay Thiên Chúa ơn gọi nhân bản chính đáng và hạnh phúc hôn nhân cá nhân của mình, để chấp nhận các điều kiện, trách nhiệm và gánh nặng của một gia đình, và từ khước tình yêu đôi lứa tự nhiên vốn là nền tảng nuôi dưỡng gia đình để chọn một tình yêu trinh khiết không thể sánh ví.”

Chiêm Niệm: Khao Khát Thiên Chúa

Linh đạo Cát Minh, nhất là các chia sẻ thần bí của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá, nhấn mạnh rằng chiêm niệm là tặng phẩm đến từ Thiên Chúa (x. Giêrêmia 31, 33). Nhưng để đạt đến trạng thái ân sủng đó thì con người trước tiên cần phải mở lòng mình ra. Con người phải biết kiếm tìm và khát khao Thiên Chúa. Thái độ cởi mởi được bộc lộ qua nhiều cách thế khác nhau, chẳng hạn như việc chúng ta “lắng tai” nghe tiếng Chúa thì thầm trong khi cầu nguyện, hoặc qua việc chúng ta chăm chú để ý đến sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cõi thâm sâu của tâm hồn chúng ta. Trong khi chiêm niệm, người tín hữu chiêm ngắm và tín thác toàn bộ sự hiện hữu của bản thân cho Chúa. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và người ấy lúc bấy giờ trở nên khắng khít thân mật hơn cả tình cha con ruột thịt. Trong khi mở lòng ra với Chúa, Thần Khí của Ngài sẽ khơi lên trong chúng ta ý định tuyệt đối trung thành và cảm giác bình an khiến chúng ta mạnh dạn “buông mình” vào vòng tay từ ái của Chúa quan phòng.

Nơi thánh Giuse chiêm niệm, cả ba nhân đức tin tưởng, phó thác và mến yêu như hòa quyện với nhau. Trong khi hành động vì đức tin, thánh nhân khiêm tốn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh và hoàn toàn vâng phục mọi ý định do Chúa Cha truyền dạy. Chúng ta xác quyết rằng nơi mẫu gương Giuse chiêm niệm, khiêm tốn và vâng phục, những người khát khao nên giống Chúa Kitô dễ dàng tìm ra bí quyết để biến ước mơ này thành hiện thực. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16: 9). Thánh nữ Têrêsa Giêsu đã từng quả quyết rằng khiêm nhường là nền tảng của mọi đức tính tốt lành khác. Một tâm hồn muốn thăng tiến các nhân đức khác thì nhất định phải rèn luyện cho được nhân đức khiêm nhường. Vì thánh Cả Giuse là mẫu gương khiêm hạ và vâng phục nên người cũng là bậc thầy của nhiều nhân đức cao trọng khác nữa. Cũng từ kinh nghiệm thiêng liêng, thánh Têrêsa nhận ra rằng thánh Giuse không chỉ là Đấng Bảo Trợ mà còn là thầy dạy của những ai năng thực hành cầu nguyện. Cha Nuôi Chúa Giêsu vì vậy mà trở nên rất gần gũi với tất cả chúng ta, mọi thành phần của một Hội Thánh lữ hành, một Hội Thánh cầu nguyện, một Hội Thánh đang mong mỏi ngày kết hiệp viên mãn cùng với Đấng Lang Quân là Chúa Giêsu Kitô khi Ngài lại đến trong vinh quang của Ngài.

Chiêm Niệm: Tìm Vui trong Thi Hành Thánh Ý

Có một điểm đặc biệt là trong kho tàng tu đức của Hội Thánh Công Giáo, thánh Giuse hầu như chưa bao giờ được nhắc đến như một môn đệ của Đấng Cứu Thế trong khi đó Đức Maria thì hay được ca tụng như “môn đệ đầu tiên” và “môn đệ chân chính” của Đức Kitô. Có lẽ là vì không như Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giuse đã lui vào trong bóng tối của sự thinh lặng một cách bí nhiệm kể từ khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng công khai. Trong khi đó, Đức Maria là người đã dõi theo sát bước đường sứ vụ của Con Chí Ái Mẹ kể từ dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana cho đến khi Người Con ấy trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Tuy vậy, thánh Giuse giống với vị hôn thê của ngài ít là ở điểm này: suốt đời thánh nhân, ngài đã hết lòng tận tụy trung thành gánh vác sứ mạng Thiên Chúa giao phó. Tuy Giáo Hội thường nhắc đến thánh Giuse bằng những danh xưng khác nhau như “Cha Nuôi”, “Đấng Bảo Vệ” chứ chưa bao giờ chính thức nói về ngài như một “môn đệ” của Chúa Kitô, chúng ta vẫn nhận thấy nơi người hình ảnh của người môn đệ được Chúa ưu ái chúc phúc: “Phúc thay ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Mc 3:35; Lc 11:27). Chiều sâu chiêm niệm thể hiện qua thái độ chuyên chăm cầu nguyện và một đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa khiến cho thánh Giuse hiểu được thế nào là bước đi trên “đường thánh ý”. Không phải nhờ danh xưng nhưng nhờ chứng tá, thánh Giuse xứng đáng được tuyên dương là bậc thầy mẫu mực có đủ khả năng truyền đạt bí quyết trung thành cho những ai muốn dõi bước đi theo Chúa Giêsu Kitô.

Năm thánh Giuse kết thúc nhưng chắc chắn mẫu gương nhân đức của ngài sẽ tiếp tục khơi lên niềm hứng khởi và thôi thúc chúng ta trở nên những “Giuse mới” cho thế giới hôm nay. Như Cha Nuôi Đấng Cứu Thế, chúng ta được mời gọi tìm kiếm “hạnh phúc không chỉ ở sự hy sinh bản thân mà ở sự tự hiến”. Học nơi thánh Giuse, chúng ta trở nên chứng nhân sống của niềm hy vọng Kitô Giáo, mọi người sẽ “chẳng bao giờ thấy nỗi thất vọng mà chỉ toàn thấy niềm tin tưởng cậy trông” nơi con người chúng ta. “Sự thinh lặng kiên nhẫn của Đấng Công Chính” sẽ luôn là mục tiêu để chúng ta vươn tới trong ứng xử hàng ngày của chúng ta. Học theo gương Thánh Giuse chiêm niệm, chúng ta liên lỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong nguyện cầu và yêu mến Chúa trong anh chị em tha nhân.

Lạy thánh Giuse diễm phúc, xin hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời. Xin ban cho chúng con ân sủng, lòng thương xót và ơn can đảm. Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.
 
Thất Đạo Hiệp Hành : Bảy con đường hiệp hành trong áp dụng mục vụ - LM Trương Đình Hiền
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:41 06/12/2021
Thất Đạo Hiệp Hành : Bảy “con đường hiệp hành” trong áp dụng mục vụ

Dẫn nhập:

Ngày 10.10.2021, tại Giáo đô Rôma, Giáo Hội hoàn vũ đã long trọng khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ XVI mà chủ đề được chọn làm tâm điểm để nghị trình trong suốt tiến trình Thượng Hội Đồng (tháng 10/2021 – tháng 10/2023) đó là: HƯỚNG TỚI MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG, THAM GIA VÀ SỨ VỤ[1].

Trước hết, khái niệm “hiệp hành” (synodality, synodalité) không phải là mới trong kho tàng tư tưởng và ngôn ngữ của Hội Thánh. Riêng tại Việt Nam, để dịch nghĩa từ “Synodality” (Anh ngữ), “Synodalité” (Pháp ngữ) sang tiếng Việt thì có một số người với một số từ được chọn dịch như:

- Dịch giả Vũ Văn An: dùng từ “Đồng Nghị”[2] hoặc “Đồng Bộ”[3].

- Dịch giả Lê Công Đức: dùng từ “Liên Hợp”[4].

- Một dịch giả ẩn danh: dùng từ “Hội Đồng”[5].

Riêng từ “Hiệp Hành” được HĐGMVN sử dụng lần đầu tiên trong bản dịch Việt ngữ tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống) với bản dịch của Đức Giám Mục Luy Nguyễn Anh Tuấn và nhóm hiệu đính HĐGMVN: Một mục vụ mang tính hiệp hành (synodalité): Mục vụ giới trẻ phải mang tính “hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong “một hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. […] (CKTĐS 206). Và hôm nay, từ “Hiệp Hành” được sử dụng cách chính thức và thường xuyên trong các văn bản liên quan đến Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI: “Hướng đến một Giáo Hội hiệp hành”.

Thế nhưng, bài viết nầy không nhằm dừng lại ở “khái niệm” hay “từ ngữ”; bởi vì cái thói “sính chữ nghĩa, bắt bẻ ngôn từ, chẻ sợi tóc ra làm tư…” có thể khiến chúng ta, Giáo Hội chúng ta… “chết lâm sàng trên cái mớ mỹ từ” đó mà không có được một hành động cụ thể hay một kết quả mục vụ thực tiển nào ! Và đây chính là điều được Thượng Hội Đồng lưu ý ngay từ đầu: “Hãy nhớ rằng mục đích của Thượng Hội Đồng, và do đó của cuộc thỉnh ý này, không nhằm tạo ra các tài liệu, mà là “để gieo mầm ước mơ, rút ra các lời tiên tri và thị kiến, cho phép hy vọng nảy nở, khơi dậy niềm tin, băng bó các vết thương, cùng nhau đan kết các mối tương quan, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và mang lại một khả năng sáng tạo giúp khai mở trí tuệ, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay” (TLCB 32).

Và sau đây là một số đề nghị như những “con đường hiệp hành”, những giải pháp mục vụ mang chiều kích “hiệp hành” để áp dụng cụ thể vào nhịp sống dân Chúa hôm nay:

1. Hiệp hành kiểu “Giang Nam thất quái”[6] trong “Anh hùng xạ điêu” của Kim Dung: Hiệp hành trong mục vụ giáo dục – đào tạo.

Ai đã từng đọc truyện kiếm hiệp của tác giả Kim Dung, đặc biệt, cuốn trường thiên tiểu thuyết “Anh hùng xạ điêu”, đều không quên nhóm hành hiệp giang hồ xuất hiện ngay chương đầu của câu chuyện: Giang Nam thất quái hay Giang Nam thất hiệp. Đó là nhóm bảy vị hiệp lữ giang hồ ở Giang Nam gồm: Đại hiệp Phi thiên biển đức Kha Trấn Ác bị mù, nhị hiệp Diệu thủ thư sinh Chu Thông, tam hiệp Mã vương thần Hàn Bảo Câu, tứ hiệp Nam sơn tiểu tử Nam Hi Nhân, ngũ hiệp Tiểu di đà Trương A Sinh, lục hiệp Náo thị hiệp ẩn Toàn Kim Phát, thất (nữ) hiệp Việt nữ kiếm Hàn Tiểu Oanh.

Bảy nhân vật nầy đã chơi thân với nhau từ thời niên thiếu; và khi trưởng thành đã kết nghĩa thâm giao bạn hữu, sống chết có nhau cùng hành hiệp trượng nghĩa. Do một cuộc “ân oán giang hồ”, nhóm Giang Nam thất quái cùng với đạo sĩ Khưu Xứ Cơ thuộc phái Toàn Chân, giao kết với nhau: mỗi bên sẽ tìm cho được hai bà mẹ đang mang thai thất lạc: Lý Bình vợ của Quách Thiếu Thiên và Bao Tích Nhược vợ của Dương Thiết Tâm, cả hai mất tích sau vụ cả hai nhà bị kiếp nạn, hai phu quân, một chết một bị thương nặng và cũng mất tích. Giang Nam thất quái tìm Lý Bình để bảo bọc dạy dỗ cho Quách Tỉnh (con của Quách Thiếu Thiên) và Khưu Xứ Cơ tìm Bao Tích Nhược và dạy dỗ cho Dương Khang (con của Dương Thiết Tâm).

Cuối cùng, Giang Nam thất hiệp đã tìm được mẹ con Quách Tỉnh tận miền Mông Cổ xa xôi và đã dày công suốt 18 năm trường để đào tạo cho Quách Tỉnh, không những võ công mà còn dạy chữ “Lễ”, tức cách ứng xử “làm người”, người quân tử, người trượng nghĩa. Chính nhờ “Bảy Vị Sư phụ” đạo đức, tận tâm, hết tình hết nghĩa nầy, Quách Tỉnh sau 18 năm, đã trở nên một thanh niên trưởng thành với đầy đủ nhân cách, phẩm hạnh cùng với bản lãnh võ công cao cường…

Trong khi đó, đạo sĩ Khưu Xứ Cơ, cũng tìm gặp được mẹ con Dương Khang, nhưng trớ trêu lại ở nơi cung đình xa hoa phú quý của người Kim, đang là nước địch thù của dân Tống. Và vì chỉ có thể dạy võ công mà không có cơ hội để “dạy làm người” dạy “Lễ”, nên sau nầy Dương Khang đã trở nên một con người bại hoại và đã bị chết thảm do chính những hành vi thương luân bại lý của mình.

Ngẫm chuyện: với 7 vị sư phụ, đồng tâm hiệp lực, để suốt 18 năm dạy chỉ 1 người cả văn lẫn võ, cả “ngón nghề để phòng thân” và “nghệ thuật để làm người”: đó không là một bài học đắt giá cho “mục vụ giáo dục-đào tạo” của chúng ta hôm nay sao ! Liệu các ban Giám Đốc các chủng viện, các ban Đào tạo của các Dòng tu có trở thành một khối “huynh đệ cốt tử”, đồng tâm hiệp lực, đồng chí tận cùng như “Giang Nam thất hiệp” để kiên trì dài lâu đào tạo ra những con người tốt đẹp, trượng nghĩa, như Quách Tĩnh ! Trong chương trình “mục vụ hiệp hành” của Hội Thánh hôm nay, thiết tưởng phải tập chú ngày đến chiều kích hiệp hành trong công tác giáo dục. Chúng ta không thể có những mục tử, những linh mục, tu sĩ có phẩm chất “hiệp hành” nếu họ được đào tạo bởi những nhóm người chia rẽ, cá nhân, thiếu hiệp nhất… Đó là chưa kể, khi họ phải chứng kiến chính những nhà đào tạo gây gương mù gương xấu về sự hiệp nhất và đức bác ái yêu thương của Tin Mừng ! Dĩ nhiên, khi nói đến “mục vụ giáo dục – đào tạo”, không chỉ dừng lại ở môi trường chủng viện hay Dòng tu, mà liên quan đến mọi công cuộc giáo dục và đào tạo nhân sự của toàn thể dân Chúa, của Giáo phận, giáo xứ…

Đây phải chăng cũng chính là nội dung ý nghĩa của “câu hỏi thứ 10” trong “Thập Vấn” mà tài liệu Vademecum đã gợi ý: “Cộng đồng Giáo Hội chúng ta đào tạo những con người ngày càng có khả năng “cùng nhau cất bước hành trình”, lắng nghe nhau, dấn thân vào sứ vụ và tham gia đối thoại như thế nào? Chúng ta đào tạo thế nào để thúc đẩy sự phân định và thực thi quyền bính theo phương cách hiệp hành?” (VADEMECUM 5.3/10).

2. Hiệp hành kiểu “Bóng đá tổng lực” hay “Cơn lốc màu da cam” của Hà Lan[7]: Hiệp hành trong Mục vụ chỉ huy và điều phối nhân sự:

Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất trong lịch sử các kỳ “thế vận bóng đá” (world cup), đó là hình ảnh “Cơn lốc màu da cam” và cuộc trình diễn ngoạn mục và đầy thuyết phục của chiến thuật “bóng đá tổng lực” được đội bóng của huấn luyện viên Rinus Michels, đội Hà Lan, thể hiện trên sân vận động Munchen Tây Đức trong trận chung kết mùa World cup 1974.

Gần như cho tới trước năm 1974, chiến thuật của hầu hết các đội bóng trên thế giới đều áp dụng, đó là “phân chia đội hình với các trách nhiệm cụ thể”: tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ, thủ môn… ai lo phận nấy. Công việc ghi bàn để đem về chiến thắng quyết định hầu hết là dành cho các tiền đạo giỏi; và vì thế, những vận động viên nầy thường “tả xung hữu đột” gần như đơn độc trước hàng phòng ngự của đối phương…

Nhưng trong trận chung kết World cup 1974 thì khán giả thế giới đã mãn nhãn đến sững sờ, khi trên “thảm cỏ xanh của sân vận động thế vận Munchen (Olympiastation, Munchen)” bị tràn ngập, bao phủ bởi một “khối vàng cam” khi lên, khi xuống, khi tản ra, khi xúm lại, như một “cơn lốc” hoà quyện; đến độ, không ai có thể đoán được cầu thủ nào là tiền đạo, tiền vệ, trung quân, hậu vệ ! Bởi vì, trừ thủ môn, cả 10 cầu thủ trên sân đều liên tục hoán chuyển cho nhau ở bất cứ vị trí nào, nhiệm vụ nào. Và đó chính là “bóng đá tổng lực” (Total Football), nghĩa là một chiến thuật đá bóng dựa trên lý thuyết căn bản: mọi cầu thủ đều tham gia như nhau, hết mình ở bất cứ vị trí nào, công cũng như thủ, được liên tục hoán chuyển, để làm nên một “sức mạnh tổng hợp”, toàn đội, chứ không chú trọng hoặc ỷ lại vào một ít “siêu sao”[8].

Đó không là một cách diễn tả rõ ràng và cụ thể cho ý nghĩa “Hiệp Hành” đó sao ! Trong Giáo Hội chúng ta hôm nay, việc phối trí trách nhiệm, phân chia công tác… rất nhiều khi vẫn còn dựa trên “chiến thuật cũ”: mánh mung, đơn lẽ; kẻ làm chết xác, người nghỉ tà tà; đôi khi, linh mục không tín nhiệm đủ giáo dân, chuyện gì cũng “bao cân”, hoặc quanh quẩn chỉ tin cẩn một số người thân tín, đến độ làm giáo dân nãn lòng, hết muốn cọng tác…; và thế là, cả cộng đoàn đi xuống, mệt mỏi, bệ rạc, phân rẽ…

Nhưng cuối cùng, điều quan trọng mà chúng ta không được quên về “Cơn lốc mà da cam”, đó là vai trò của huấn luyện viên Rinus Michels[9]. Vâng, người huấn luyện, người điều phối, người thổi hơi, người quy tụ, gợi hứng… để tất cả các vận động viên đều “hiệp hành” thi đấu và dành chiến thắng cuối cùng, người đó thật là quan trọng.

Chúng ta đang là những ai và áp dụng “chiến thuật” nào trên các “vận động trường mục vụ” của Hội Thánh? Và đây cũng chính là “câu hỏi thứ 8” trong “Thập Vấn” mà tài liệu VADEMECUM gợi ý: “Làm thế nào để cộng đoàn Giáo hội chúng ta nhận ra các mục tiêu phải theo đuổi, con đường để đạt tới và những bước đi phải thực hiện? Cách hành sử uy quyền hay cai quản trong Giáo hội địa phương của chúng ta thế nào? Việc thực hiện cách làm việc theo nhóm và tinh thần đồng trách nhiệm thì thế nào? Việc đánh giá được chỉ đạo thế nào và ai chỉ đạo? Các thừa tác vụ và trách nhiệm của giáo dân được khích lệ/xúc tiến ra sao? Chúng ta đã có những kinh nghiệm hiệp hành sinh hoa kết quả/hiệu quả ở cấp địa phương hay chưa? Các đội ngũ hiệp hành hoạt động ra sao ở cấp Giáo hội địa phương (các hội đồng mục vụ giáo xứ, hội đồng linh mục, v.v…)? Chúng ta có thể đẩy mạnh sự tiếp cận mang tính hiệp hành nhiều hơn trong sự tham gia và lãnh đạo của chúng ta thế nào?” (VADEMECUM 5.3/8).

3. Hiệp hành kiểu “Tiếng trống Drum Tao” của người Nhật, hay Ban nhạc SIERVAS của các nữ tu Dòng Servants tại Peru[10]: Hiệp hành trong mục vụ văn hóa – nghệ thuật:

Tại các sân khấu và tụ điểm âm nhạc, người trẻ luôn chiếm đa số về lượng khán giả cũng như thành phần nghệ sĩ biểu diễn. Nhiều ban nhạc, ca sĩ trẻ rất thành công và thành danh. Trong số đó, có một “đội trống” mang tên “Drum Tao” của Nhật Bản đã khiến cả thế giới ngã nón thán phục mỗi khi chiêm ngưỡng họ trình diễn.

Ngoài tính nghệ thuật biểu diễn trống độc đáo, đầy sáng tạo, nghệ thuật, linh động, mang “dáng đứng” mạnh mẽ, oai hùng, xuất thần… theo phong cách “Samurai” của xứ sở “Mặt trời”, điều đáng nói chính là “môi trường sống và huấn luyện” của ban trống nầy.

Thật vậy, ban trống này, từ khi được thành lập năm 1993, đã chọn một ngôi làng gần vườn quốc gia Aso-Kuju trên đảo Kyushu và đặt tên cho nơi đây là “Grandioso” (Một từ ngữ âm nhạc có nghĩa hùng tráng), để toàn bộ hàng trăm thành viên cùng sống chung, tập luyện, sáng tác, dựng bài… theo một kỷ luật khe khắt, chẳng khác nào một “tu viện”[11].

Sống chung, đam mê chung, tập luyện chung và với một kỷ luật chung… phải chăng nhờ cái tính “chung” đặc biệt đó mà đội trống Drum Tao đã tồn tại gần 2 thập kỷ và vẫn còn là một đội trống có sức hấp dẫn nhất trên thế giới hôm nay.

Nhân tiện nói đến đội trống “Drum Tao” của Nhật Bản, chúng ta đừng quên một Ban nhạc đặc biệt đã gây ấn tượng lớn trong cuộc Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 34 tại Panama: Đó là ban nhạc Rock and Roll mang tên SIERVAS (Tiếng Tây ban Nha có nghĩa là các tôi tớ) của các nữ tu Dòng Servants of the Plan of God, được thành lập năm 2014 tại Lima, bao gồm 11 nữ tu tại Peru và các nữ tu khác đến từ 5 quốc gia: Nhật Bản, Ecuador, Trung Quốc, Costa Rica và Chí Lợi. Ban nhạc “nữ tu quốc tế” nầy đã đi trình diễn tại 11 quốc gia và luôn trung thành với tôn chỉ: dùng âm nhạc để rao giảng Tin mừng[12].

Trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, có lẽ mảng “âm nhạc” luôn là môi trường hấp dẫn và quy tụ nhiều người. Giới nghệ sĩ Công Giáo đang dấn thân trong môi trường nầy cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, tại Việt Nam chúng ta, hầu hết những đối tượng nầy đều hoạt động riêng lẽ, cá nhân, tự phát tự diệt…; và nhất là thiếu một năng lực “làm chứng”, có khi lại là “phản chứng”. Cần phải có kế hoạch “hiệp hành” để quy tụ, hướng dẫn, đầu tư… hầu tạo điều kiện để họ được nâng đỡ, hiểu biết sứ mệnh và có được môi trường thuận lợi để trở thành những khí cụ hữu hiệu trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Đó là chưa kể các loại hình văn hóa khác: văn học, văn chương, kịch nghệ, điện ảnh, hội họa, kiến trúc, điêu khắc…, trong đó có những bộ môn mà đã có thời Hội Thánh từng là kẻ “cầm chịch”, đi đầu; nhưng hôm nay, gần như Giáo Hội đang chào thua, tụt hậu… Việc thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng chỉ có thể thành công khi chúng ta vận dụng thành công các loại hình văn hóa nghệ thuật đi vào đời sống đức tin. Trong “nghệ thuật đồng hành của Giáo Hội” không một “bộ môn nào”, một “đối tượng nào”, một ‘lãnh vực nào” bị bỏ lại bên lề. Đó là điều được Thượng Hội Đồng nêu lên nơi “câu hỏi thứ nhất” trong “Thập Vấn” của VADEMECUM: “Trong Giáo Hội địa phương của chúng ta, ai là những người “cùng nhau cất bước hành trình”? Ai là những người đường như xa hơn? Là những người đồng hành, chúng ta được kêu gọi để thăng tiến như thế nào? Các nhóm và cá nhân nào vẫn còn ở bên lề?” (VADEMECUM 5.3/1).

4. Hiệp hành kiểu “lắng nghe tiếng khóc” hay “em ngã chị nâng” của Thế vận hội khuyết tật Seattle 2018: Hiệp hành khi biết lắng nghe và dìu nhau tiến bước[13].

Trong lịch sử thi đấu của các đại hội Olympic thế giới cũng như khu vực, đặc biệt, thế vận hội dành cho những người khuyết tật (Paralympic Games)[14], có một kỳ “thế vận hội đặc biệt” được tổ chức tại Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ năm 2018, đã để lại trong lòng khán giả thế giới một ấn tượng sâu sắc, cảm động và đầy tính nhân văn. Và đây là câu chuyện cảm động đó:

“Tại Thế Vận Hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có 9 vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc thi chạy đua 100m. Khi cờ hiệu phất lên, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục ngay sát vạch xuất phát. Đầu gối của cậu đập mạnh xuống đường, da của cậu bị trầy xước, rớm máu. Và cậu bật khóc. Khi tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi, họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé: “Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn”. Cả 7 người còn lại cùng ngồi xuống quanh cậu bé, ánh mắt lộ rõ sự lo lắng. Một lúc, cô gái cất tiếng hỏi tiếp: “Em đã thấy đỡ hơn chưa?”. Cậu bé đưa tay lau nước mắt, mỉm cười gật đầu. Cả chín người cùng đứng dậy, họ khoác tay nhau cùng sánh bước về vạch đích.”[15].

Vâng, biết “lắng nghe” và không để ai bị bỏ lại đằng sau, tất cả cùng dìu nhau để cùng về đích, đó lại không phải là thể hiện sự “hiệp hành” đúng nghĩa sao ! Có lẽ đây là điều mà Thượng Hội Đồng đang ưu tiên lưu ý qua những diễn ngữ: “Chúng ta là dấu chỉ cho một Hội Thánh lắng nghe và lữ hành”, “Vượt khỏi tai họa giáo sĩ trị”, “Chữa trị virus tự mãn”, (VADEMECUM 2.3), “Cám dỗ chỉ lắng nghe những thành phần hoạt động trong Giáo Hội” (VADEMECUM 2.4/9)….

Chắc chắn, khi đề cập đến những “tiêu cực” đó, Giáo Hội đã cảm nhận từ những kinh nghiệm đau thương của chính mình, của những cộng đoàn Kitô hữu trong Hội Thánh. Thật vậy, chúng ta không chối cải, ở giữa lòng Giáo Hội vẫn còn nhiều cộng đoàn, Hội Dòng… mà ở đó thói “cha chú, cửa quyền, độc tài, thiên vị, kiêu căng…” nơi những người lãnh đạo (cha xứ, Bề trên Dòng, Tu sĩ phụ trách cộng đoàn…) vẫn đang hiện hữu và trở thành những cái “ách” nặng nề đè nặng trên đôi vai của nhiều anh chị em tín hữu, các tu sĩ…

Chính vì thế, “Lắng nghe” chính là một trong những “từ khóa” của Thượng Hội Đồng; và có thể nói được, nội dung ý nghĩa đó được tập họp nơi “câu hỏi thứ hai” trong “THẬP VẤN” của VADEMECUM: “Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta qua những tiếng nói mà đôi khi chúng ta không nhận ra như thế nào? Giáo dân, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ, được lắng nghe ra sao? Điều gì làm chúng ta dễ lắng nghe hoặc ngăn cản chúng ta lắng nghe? Chúng ta lắng nghe những người ở vùng ngoại biên như thế nào? Những đóng góp của các nam nữ tu sĩ được đón nhận thế nào? Khả năng lắng nghe của chúng ta có những hạn chế nào, đặc biệt là lắng nghe những người có quan điểm khác với chúng ta? Nơi chốn nào dành cho tiếng nói của những người thiểu số, đặc biệt những người trải qua cảnh đói nghèo, ở bên lề hay bị xã hội loại trừ?” (VADEMECUM 5.3/2).

5. Hiệp hành kiểu “Mùa Xuân Á Rập” hay “Phong trào Dù vàng”: Hiệp hành trong mục vụ truyền thông[16]:

Có một “sân chơi” có thể làm nên lịch sử của một dân tộc, khai sinh một hệ thống chính trị mới, và phần nào tương đồng như một cuộc cách mạng. Danh từ chuyên môn mà các nhà “chấp pháp” và bình luận xã hội thời nay đặt tên cho loại “sân chơi” này đó là “bất tuân dân sự” (civil disobedience)[17] phi bạo động, mà thể hiện cụ thể đó là biểu tình, xuống đường, tập họp mít-ting…

Vâng, cuộc “bất tuân dân sự” khởi đầu ngày 17.12.2010 với cuộc tự thiêu của chàng thanh niên da màu Tunisia Mohamed Bouazizi, kéo theo hàng triệu bạn trẻ xuống đường thông qua các mạng xã hội Facebook, Twitter… đã làm nên cuộc “cách mạng hoa lài” (Revolution of Jasmine)[18], lần lượt cuốn phăng các chế độ độc tài chỉ trong vòng 1 năm (2011): Tunisia vào ngày 14 tháng 1, Ai Cập vào ngày 11 tháng 2 và Libya vào ngày 20 tháng 10. Và đó chỉ là ba biến động chính trị lớn nhất của thế giới Ả Rập, chưa kể những cuộc “bất tuân dân sự” rầm rộ khác cũng tại các nước Ả Rập như Yemen, Jordan, Algérie, Mauritanie, Ả Rập Xê út, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Maroc…, đến đổi thế giới đã dùng chung một cụm từ để chỉ sự kiện đáng lưu ý nầy vào thời điểm đó: “Mùa Xuân Ả Rập” (Arab Spring)[19].

Từ “Mùa Xuân Á Rập” đầy biến động, những người trẻ Á Châu tiếp nối các bạn trẻ Ả Rập đã làm dậy lên một cuộc “bất tuân dân sự” khác để đòi quyền tự chủ ở “trung tâm tài chánh” của thế giới là thành phố Hồng Kông, một cựu thuộc địa của người Anh, vừa được trao lại cho Trung Quốc lục địa với hiệp ước “Nhất Quốc lưỡng chế” (Một quốc gia hai chế độ) vào ngày 1.7.1997.

Cũng thông qua mạng xã hội, những người trẻ Hồng Kông đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi thể hiện cuộc “bất tuân dân sự” với số tham gia đông chưa từng thấy nhưng diễn ra trong hoà bình, trật tự, sạch sẽ, văn minh…mà hầu như chưa tìm thấy nơi đâu trên thế giới.

Vâng, “phong trào Dù vàng” (Yellow umbrella movement) của người trẻ Hồng Kông năm 20[20] hay cuộc xuống đường của gần 2 triệu người “mặc áo thun đen” trong ngày 16.06.2019 để phản đối “Luật Dẫn Độ”[21], thực ra, không được điều hành, chỉ đạo trực tiếp và cụ thể bởi một lãnh tụ nào, đảng phái nào… mà gần như, các bạn trẻ đã cùng sẻ chia, liên lạc, phối kết hành động và tự nguyện phục vụ thông qua phương tiện kỷ thuật truyền thông, mạng xã hội, một “phương tiện” mà các chế độ độc tài hoảng sợ, nếu không nói là căm thù. (Xem thêm hai bài viết: 1) “Mạng xã hội: nhận diện và định hướng quản lý”[22] của PGS,TS NGUYỄN THẾ KỶ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; 2) “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”[23] của VÕ VĂN THƯỞNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Sở dĩ nhắc đến “sân chơi” đặc biệt của giới trẻ: “Bất tuân dân sự” và ảnh hưởng của “quyền lực thứ 5” (Kỷ thuật truyền thông - Mạng xã hội) là muốn nhắm đến chiều kích hiệp hành thông qua phương tiện truyền thông hiện đại. Vâng, nếu không có smartphone, iphone, ipad, internet, facebook, twitter, youtube, Google… thì làm sao các bạn trẻ làm nỗi cuộc “cách mạng hoa lài” ở Ả Rập hay phong trào “Dù vàng”, “áo đen” trong trật tự, sạch sẽ… ở Hồng Kông? Ngày nay, quả thật, nói tới chiến lược hiệp hành trong sinh hoạt mục vụ, đặc biệt, mục vụ giới trẻ, mà không “đá đến” “thế giới kỷ thuật số, mạng xã hội”… thì e rằng, chúng ta đã quá tụt hậu nếu không nói là “lạc dòng”, chẳng giống ai ! Dĩ nhiên cần phải “gạn đục khơi trong” và định hướng sử dụng; nhưng không phải vì thế mà coi “mạng xã hội là kẻ thù nguy hiểm” để cấm ngăn (như cái nhìn của Ban Tuyên Giáo Cọng sản)[24], hoặc chỉ nhìn khía cạnh tiêu cực để bài bác (giới trẻ lên mạng chỉ là để câu “like”, câu “view”, sống ảo…)[25] thì cũng không là giải pháp tối ưu.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Christus Vivit đã dành nguyên 5 số (86-90) với chuyên mục “Thế giới kỷ thuật số” để nhắc lại các điểm nhấn của chuyên đề nầy trong “Văn kiện kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục XV”[26]. Và đây cũng là điều có liên quan đến “câu hỏi thứ 3” trong “THẬP VẤN” mà tài liệu VADEMECUM đã khơi gợi trong tiến trình Hiệp hành của Thượng Hội Đồng: “Trong Giáo Hội địa phương và trong xã hội chúng ta, điều gì tạo điều kiện hay điều gì cản trở việc nói ra cách can đảm, thẳng thắn và có trách nhiệm? Khi nào và cách nào để chúng ta nói lên được những gì quan trọng đối với chúng ta? Mối tương quan với hệ thống truyền thông địa phương (không chỉ với truyền thông Công Giáo) thì thế nào? Ai nói thay cho cộng đồng Kitô hữu và họ được chọn thế nào?” (VADEMECUM 5.3/3).

6. Hiệp hành kiểu “Dân Làng Hồ” của các thừa sai truyền giáo cho anh em dân tộc Tây nguyên: Hiệp hành trong mục vụ truyền giáo:

Trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, có một khúc quanh quan trọng không thể bỏ qua hay xem thường đó là “công cuộc mở đạo lên Tây Nguyên thời Đức Cha Stêphanô Cuénot Thể (1802-1861). Sách “Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian” đã tóm tắt công cuộc truyền giáo đầy gian nan khốn khó của các thừa sai bằng những dòng sau: “Các thừa sai sống giữa các anh em dân tộc, giảng dạy và chia sẻ cuộc sống thiếu thốn khổ cực của họ”[27]. Tuy nhiên, để hiểu hết sự khó khăn, tăm tối, thử thách, khổ đau, nguy hiểm…cùng những phương cách loan báo Tin Mừng đầy hiệu quả, mà các vị thừa sai tiên khởi đã kinh qua thì chúng ta phải đọc quyển nhật ký truyền giáo “Dân Làng Hồ” của thừa sai Dourisboure. Ở đây, chỉ xin đơn cử một trích đoạn ngắn: “Giữa muôn ngàn thử thách ấy, chúng tôi vẫn sung sướng khi nghĩ rằng chúng tôi có mặt ở nơi đây là do Thánh ý của Chúa nhân lành. Điều đó nâng đỡ lòng can đảm nơi chúng tôi và chúng tôi tìm thấy niềm an ủi khi so sánh hoàn cảnh của mình với hoàn cảnh của Chúa Giêsu trong chuồng bò hôi hám. Mỗi người chúng tôi thường nằm xoài người trên chiếc chiếu manh trải ở bốn góc xung quanh bếp lửa giữa lều. Những ai lên cơn sốt thì cố mà chống chọi với nó, những ai vừa nguôi cơn sốt thì cầu nguyện, cười đùa, hát thánh vịnh, trò chuyện, hoặc hút thuốc. Ban ngày, ai được cơn sốt cho tạm nghỉ thì vào rừng kiếm măng, hái rau, bứt lá cây, rễ cỏ, bất cứ thứ gì miễn là ăn được, đem về nấu trong nồi đất để ăn với cơm, vốn là thực phẩm duy nhất của chúng tôi. Có một hôm trúng mánh lớn: một thanh niên người Kinh trong đoàn bắt được một con cá to bằng con cá trích ở suối, đây quả là một sự kiện. Cha Combes, với tư cách là Bề trên, chia con cá thành bốn phần bằng nhau và mỗi người trịnh trọng đặt khúc cá trên tô cơm của mình. Trái lại, cũng có đôi lần chúng tôi phải ăn chay hoàn toàn vì mọi người đều đau một lượt, không có ai còn sức để thổi cơm…”[28].

Chúng ta biết, nội hàm của khái niệm “Hiệp Hành” như Giáo Hội cắt nghĩa, bao gồm ba tác động: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Cách đây gần 200 năm, khi các thừa sai đi mở đạo cho những người anh em dân tộc, chắc chắn các ngài chưa có được trong tay “tài liệu chuẩn bị” hay cẩm nang “Vademecum” để được hướng dẫn những “nguyên tắc hiệp hành” như chúng ta hôm nay. Nhưng trong cách ứng xử mục vụ và nỗ lực truyền giáo, quả thật, các ngài đã thực thi nguyên tắc nầy cách trọn hảo: đồng hành với dân, sống với dân, đồng cam cọng khổ với dân, để dân chung chia trách nhiệm, cọng tác… Đó không là cách thực thi “câu hỏi thứ 5” trong “THẬP VẤN” của VADEMECUM đó sao: “Vì tất cả chúng ta đều là các môn đệ truyền giáo, mọi người đã được rửa tội được mời gọi tham gia vào sứ vụ này của Hội thánh thế nào? Điều gì cản trở những người đã được rửa tội không tích cực tham gia sứ vụ này? Những lãnh vực nào của sứ vụ mà chúng ta đang bỏ mặc? Cộng đoàn hỗ trợ ra sao cho những thành viên của mình tham gia phục vụ xã hội theo những cách thức khác nhau (công tác xã hội và hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học, giáo dục, cổ võ công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, chăm sóc môi trường, v.v…)? Hội thánh đã giúp những thành viên này thế nào để họ phục vụ xã hội theo cách thức truyền giáo? Sự phân định những chọn lựa truyền giáo được thực hiện thế nào và bởi ai?” (VADEMECUM 5.3/5).

7. Hiệp hành kiểu “dâng Thánh lễ ở chùa” như linh mục Pio Ngô Phúc Hậu hay “chung tay làm thiện nguyện mùa Covid” như nữ tu Hồng Quế: Hiệp hành trong mục vụ Đại kết:

Có thể liên quan đến “hiệp hành” qua hai câu chuyện sau:

- Chuyện thứ 1: Trong “Nhật Ký Truyền giáo” của linh mục Pio Ngô Phúc Hậu có câu chuyện nầy: “Núi Sam, … 1969

Mình cùng với lớp đệ tứ lên cắm trại ở Núi Sam. Núi Sam vừa hùng vĩ vừa huyền bí. Thầy trò leo trèo thỏa thích. Chụp hình lia lịa, và viếng Chùa. Ni sư thì hiền như cây cỏ, học trò mình thì nghịch như ma. Chùa chiền đang yên tĩnh bỗng rộn lên như hội chợ. Các ni sư không giận hờn, không xua đuổi. Dường như các ngài thương mến học trò của mình hơn cả chính mình. Các ngài mỉm cười độ lượng trước những trò chơi quỷ quái của chúng. Chùa chiền là thế : thiên nhiên yên tĩnh; tâm hồn yên tĩnh. Đăng sơn chán thì hạ sơn. Hạ sơn để dâng thánh lễ. Dâng thánh lễ ở đâu? Mình vô chính điện.

– Thưa Đại đức, trong chùa có chỗ nào thuận tiện, Đại đức cho tôi mượn chừng nửa giờ để tôi dâng thánh lễ được không?

– Ở đây thì không tiện. Ở ngoài cổng có một phòng khách rộng lắm, linh mục có thể ở đó và dâng lễ tự nhiên. Chùa cho mượn bàn để làm bàn thờ. Đèn của chùa, hoa của chùa, chuông của chùa, chỉ có mình là của Chúa.

Lần đầu tiên trong đời, mình dâng thánh lễ trong khuôn viên nhà chùa. Chúa ngự ở đây và chắc chắn Chúa yêu thương nơi này. Từ phòng khách mình giang tay cầu nguyện, mắt nhìn lên cao như­ng vẫn lo ra nhìn về chính điện. Ở đó tượng Phật to lớn ngồi thiền giữa rừng hương nhang, yên tĩnh, thân thương”[29].

- Chuyện thứ 2: Trong cái thời đại dịch mà gần như ai cũng hoang mang, lo sợ; thậm chí có nhiều người hoảng loạn, thất vọng và nguyền rủa…, thì đâu đó vẫn sáng lên những hình ảnh đẹp của sự chia sẻ yêu thương, của tinh thần liên đới phục vụ đầy quả cảm, hy sinh, vị tha, quảng đại; cả trên bình diện thế giới giữa nhiều quốc gia, lẫn trong những mối tương quan bà con xa gần trong nước, thành phố, hay nơi chòm xóm láng giềng….

Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” của cách ly dịch bệnh tại Sài Gòn, hình ảnh của nữ tu Công Giáo Maria Hồng Quế, bên cạnh những Phật tử như cô Đào, Đại đức Thích Lệ Ngôn hay mục sư Tin Lành Phạm Đình Nhẫn cùng sát cánh bên nhau mang lương thực sẻ chia đến những căn hộ đói khổ, nghèo nàn, đã rực sáng lên như những “viền bạc” của tình liên đới giữa đám mây đen tối của cách ly. Quả thật, như câu ngạn ngữ của người Tây phương: “Every dark cloud has a silver lining” (Mỗi đám mây đen đều có một viền bạc). Chính trong cái nhìn tích cực và đầy hy vọng đó mà có nhiều người đã cho rằng: Con virus Covid đã mang con người lại gần nhau hơn, liên đới hơn, quý trọng mạng sống hơn, khiêm tốn hơn trước những giới hạn và bất lực của phận người…

Qua “hai câu chuyện”, đúng hơn, hai sự kiện vừa nêu, chúng ta có thể nói, dấu chỉ của “hiệp hành” vẫn sáng lên, vẫn sống động giữa lòng Hội Thánh qua bao nhiêu cách ứng xử mục vụ của các linh mục, nữ tu và bao nhiêu tín hữu âm thầm khác, đặc biệt trong lãnh vực “Đại Kết”. Dẫu biết rằng, đó đây vẫn còn có những Kitô hữu, những linh mục… mang tâm trạng hẹp hòi đố kỵ đối với những người anh em khác tôn giáo cùng với tín ngưỡng của họ. Chính thái độ đó đã gây ra nhiều bức xúc, tự ái cho nhiều người lương, người Phật tử; đồng thời, tạo nên những bức tường ngăn cách, đố kỵ. Thực thi hiệp hành chính là cùng nhau nỗ lực thực hiện sứ mệnh “Đại Kết”, một chiều kích không thể thiếu trong đời sống đức tin của dân Chúa. Đây cũng chính là “câu hỏi thứ 7” trong “THẬP VẤN” mà Vademecum đã nêu bật: “Cộng đoàn Giáo hội chúng ta có những mối tương quan nào với các thành viên của các truyền thống và tông phái Kitô giáo khác? Chúng ta chia sẻ điều gì và cùng đi với nhau như thế nào? Chúng ta rút ra được những hoa trái nào từ việc cùng nhau bước đi? Đâu là những khó khăn? Làm thế nào để chúng ta có thể cùng nhau đi bước tiếp theo tiến về phía trước?” (VADEMECUM 5.3/7).

Kết luận:

“Hiệp Hành” là câu chuyện dài và rộng để toàn dân Chúa kể cho nhau nghe và cùng nhau thể hiện trong những ngày này cũng như trong tương lai. Có người cho rằng, với ý nghĩa và mục tiêu trọng đại đã được gợi hứng từ Công Đồng Vatican II, hy vọng “tiến trình Hiệp Hành” của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI nầy sẽ như là một “Vatican III” để một lần nữa canh tân và củng cố Giáo Hội. Đây không là “câu chuyện thời sự” vụt đến rồi vụt đi như một “biến cố mục vụ” bình thường hay bất thường, mà là một “tiến trình thiêng liêng” dành cho toàn dân Chúa để sống và thể hiện niềm tin, để canh tân và hoán cải, để xây dựng và lên đường…, như cách kiến giải của Vademecum: “Trước hết và trên hết, tiến trình hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng. Đây không phải là chuyện cứ máy móc thu thập dữ liệu hay tổ chức hàng loạt những cuộc hội họp và thảo luận. Mục đích của việc lắng nghe mang tính chất hiệp hành là biện phân, vì thế đòi hỏi chúng ta phải học biết và sử dụng nghệ thuật biện phân cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe những dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả hai mục đích tương thuộc của tiến trình lắng nghe là: “Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của dân Ngài; lắng nghe dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó” (VADEMECUM 2.2).

Ước mong “Thất đạo Hiệp hành” sẽ là một que củi nhỏ để “bếp lửa hiệp hành” cháy lên.

Trương Đình Hiền (6.12.2021)

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tiếng Anh: For a Synodal Church: Communion, Participation, and Mission; tiếng Pháp: Pour une Église synodale: Communion, Participation et Mission

[2] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), Vũ Văn An dịch, Tính Đồng Nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo Hội (Synodality in the Life and Mission of the Church), website http://ghhv.quetroi.net/60VUVANAN/TinhDongNghiTrongDoiSongVaSuMenhCuaGiaoHoi.pdf, đăng tháng 11.2019.

[3] TÀI LIỆU LÀM VIỆC (INSTRUMENTUM LABORIS) của THĐGM XV, Vũ Văn An dịch, website http://www.giaoly.org/vn/tai-lie%cc%a3u-lam-vie%cc%a3c-thuo%cc%a3ng-ho%cc%a3i-dong-ve-gioi-tre%cc%89/, đăng ngày 02.01.2019, Số 140: “Hành trình đồng bộ, vốn là một “con đường chúng ta cùng đi với nhau”, bao gồm một lời mời khẩn cấp để tái khám phá sự phong phú trong căn tính “dân Chúa”, vốn là thuật ngữ để định nghĩa Giáo Hội như dấu chỉ có tính tiên tri về sự hiệp thông trong một thế giới thường bị chia rẽ và bất hòa xé nát”.

[4] ĐGH PHANXICÔ, Đức Kitô Hằng Sống (Christus Vivit), Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng, Bản dịch của lm. Lê Công Đức, pss, nxb Đồng Nai 2019, tr. 136.

[5] BRUNO LEPEU, Un Moment Mep, Để tỏ lòng tri ân, ôn lại kỷ niệm, hướng về tương lai. Sài Gòn, 25-26.6.2019, Tính Hội Đồng trong truyền giáo: một phong cách truyền giáo tại Châu Á, tr. 92.

[6] WIKIPEDIA, Giang Nam thất quái, website Giang Nam thất quái – Wikipedia tiếng Việt.

[7] X. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIÊN, Mẹ tôi là thế đấy, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2019, tr. 403-405.

[8] Xem thêm một số bài viết về “Bóng đá tổng lực” (hoặc “tổng hợp”) của các tác giả với các đường link sau:

- TRẦN LONG, Top 5 lối chơi đã trở thành di sản của bóng đá thế giới wesite https://babil.info/top-5-loi-choi-da-tro-thanh-di-san-cua-bong-da-the-gioi/

- KINH THI, World Cup 1974: "Cơn lốc màu da cam" làm say đắm lòng người, website http://bongdaplus.vn/tin-bai/65/81840/world-cup-1974-con-loc-mau-da-cam-lam-say-dam-long-nguoi.bdplus

- MINH TÀI, Bóng đá tổng lực: Lịch sử ra đời và cách vận hành, website https://spiderum.com/bai-dang/GOC-CHIEN-THUAT-BONG-DA-TONG-LUC-LICH-SU-RA-DOI-VA-CACH-VAN-HANH-fc8

[9] WIKIPEDIA, “Marinus ("Rinus") Jacobus Hendricus Michels (9 tháng 2 năm 1928 – 3 tháng 3 năm 2005) là một cầu thủ và huấn luyện viên người Hà Lan. Ông cống hiến cả sự nghiệp của mình ở câu lạc bộ Ajax Amsterdam, và sau đó là huấn luyện viên của câu lạc bộ này. Ông cũng là thành viên của Hà Lan. Ông cũng từng có thời gian làm huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia. Ông nổi tiếng với thành tích huấn luyện của mình, cùng Ajax Amsterdam và giành cúp vô địch Tây Ban Nha với FC Barcelona. Ông cùng đội tuyển Hà Lan đạt Á quân World Cup 1974 và vô địch Euro 1988. Ông được coi là người phát minh ra lối chơi bóng đá tổng lực vào thập niên 1970 chính điều đó đã khiến FIFA bầu ông là huấn luyện viên xuất sắc nhất thế kỉ 20 vào năm 1999 và tờ France Football năm 2019 bầu chọn là Huấn luyện viên xuất sắc nhất lịch sử”, website https://vi.wikipedia.org/wiki/Rinus_Michels

[10] GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Mẹ tôi là thế đấy, sđd, tr. 407-408.

[11] NGỌC HÀ, Trí thức trẻ, website http://cafebiz.vn/co-gi-o-ngoi-lang-nhat-ban-noi-ti-le-choi-con-kho-nhan-hon-ca-dh-harvard-ren-luyen-khac-kho-nhu-samurai-tat-ca-de-giu-hon-cho-tieng-trong-thieng-lieng-nay-20190322082636054.chn

[12] VŨ NHUẬN, website

http://vietcatholicsydney.net/vietcatho/newsdetail/Tin-Giao-Hoi11/Ban-nhac-Rock-and-Roll-cua-cac-nu-tu-se-trinh-dien-cho-DTC-tai-WYD-Panama-1564/

[13] X. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Mẹ tôi là thế đấy, sđd, tr. 405-407.

[14] WIKIPEDIA, Thế vận hội dành cho người khuyết tật, website

https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%BF_v%E1%BA%ADn_h%E1%BB%99i_d%C3%A0nh_cho_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_khuy%E1%BA%BFt_t%E1%BA%ADt

[15] THU PHẠM, Hãy cùng nhau chiến thắng, website https://aba.edu.vn/hay-cung-nhau-chien-thang.html

[16] X. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Mẹ tôi là thế đấy, sđd, tr.408-412.

[17] WIKIPEDIA, Bất tuân dân sự, website

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A5t_tu%C3%A2n_d%C3%A2n_s%E1%BB%B1_(Henry_David_Thoreau)

[18] LÝ THÁI HÙNG, Lòng dân và cuộc cách mạng hoa lài ở Tunisia, website https://viettan.org/long-dan-va-cuoc-cach-mang-hoa-lai-tai-tunisia/

[19] WIKIPEDIA, Mùa xuân Á rập, website

https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%B9a_xu%C3%A2n_%E1%BA%A2_R%E1%BA%ADp

[20] WIKIPEDIA, Biểu tình tại Hồng Kông 2014, website

https://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83u_t%C3%ACnh_t%E1%BA%A1i_H%E1%BB%93ng_K%C3%B4ng_2014

[21] THIÊN AN, “Nhìn lại những cuộc biểu tình 'chao đảo' Hong Kong hai thập kỷ qua” website

https://baomoi.com/nhin-lai-nhung-cuoc-bieu-tinh-chao-dao-hong-kong-hai-thap-ky-qua/c/31159295.epi

[22] PGS,TS NGUYỄN THẾ KỶ, Mạng xã hội: nhận diện và định hướng quản lý: “…Với bản chất “không biên giới”, bên cạnh lợi thế gần như vô biên, thì những mặt trái, mặt tiêu cực của Internet cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý. Một số quốc gia đã dựng lên các “biên giới ảo” trên nền Internet để kiểm soát “lãnh thổ của mình”. Chính sách quản lý internet của Trung Quốc - nơi có trên 460 triệu người sử dụng, có thể là một sự tham khảo cần thiết. Nước này phát triển Internet, mạng xã hội, báo chí điện tử nội địa nhằm nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh của người dân, chiếm lĩnh thị trường trong nước, tiến mạnh ra và cạnh tranh với bên ngoài. Họ chủ trương lập những “tường lửa”, thậm chí ngăn chặn toàn bộ các mạng xã hội bên ngoài nếu xét thấy nguy hại cho công chúng trong nước. Đài RFA (ngày 2/2/2011) viết: “Dù cấm cửa thế nào chăng nữa thì Trung Quốc sẽ không bao giờ đủ khả năng bịt miệng Facebook và Twitter cũng như các trang mạng xã hội khác. Trí thức Trung Quốc một lúc nào đó sẽ tập hợp lại với nhau qua đường kết nối đầy sức mạnh này”, website https://baoquocte.vn/mang-xa-hoi-nhan-dien-va-dinh-huong-quan-ly-74029.html

[23] VÕ VĂN THƯỞNG, Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam: “Nhìn lại các cuộc “cách mạng màu” hay các cuộc biểu tình bạo động mang hơi hướng của “cách mạng màu” được hiện đại hóa trong mấy thập niên gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, chính truyền thông xã hội đã châm ngòi, thổi bùng bằng kích động, tổ chức và thông tin, khiến ban đầu là các phong trào đường phố, đi đến bạo động và hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ như ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh (1). Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn”. Báo chí phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những “đám đông” kích động, đó là: châm ngòi xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để kích động và liên kết trong, ngoài.” (…), website

https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/truyen-thong-xa-hoi-doi-voi-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-viet-nam-541998.html

[24] X. Ghi chú 19,20 bên trên.

[25] Huấn từ của Chủ chăn giáo phận trong cuộc gặp mặt Giới trẻ Phát Diệm lần thứ IV, 10/7/2019. Nguồn:

https://www.facebook.com/groups/382375888496253/permalink/2484263468307474/?comment_id=2487925004607987&comment_tracking=%7B%22tn%22%3A%22R%22%7D

[26] ĐGH PHANXICÔ, Christus Vivit, sđd, 86-90, tr. 52-56.

[27] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2017, tr. 208-210.

[28] P. DOURISBOURE, nguyên tác “Les sauvages Bahnars”, Paris 1929, Dân Làng Hồ, bản dịch Tòa Giám Mục Kontum, nxb Đà Nẵng 2008, tr. 52-53.

[29] LM. PIO NGÔ PHÚC HÂU, Nhật ký truyền giáo, Website https://gpcantho.com/nhat-ky-truyen-giao-lm-pio-ngo-phuc-hau/#_Toc214885920
 
VietCatholic TV
Ngoạn mục: Thánh Lễ Đại Trào Công Giáo lớn nhất trong lịch sử cận đại của Hy Lạp
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:09 06/12/2021


Sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng đã đến Đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở thị trấn Mytilene. Sau đó, ngài đã quay trở lại Athens vào buổi chiều để cử hành thánh lễ lúc 16:45 tại “Phòng hòa nhạc Megaron”.

Danh xưng phòng hòa nhạc có thể tạo ra ấn tượng của một không gian nhỏ hẹp. Tuy nhiên, như quý vị và anh chị em có thể thấy trong video này, cơ sở này rất lớn. Tại đây, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ hai của Mùa Vọng này giới thiệu cho chúng ta nhân vật Thánh Gioan Tẩy Giả. Tin Mừng nhấn mạnh hai khía cạnh của nhân vật này: thứ nhất là nơi nhân vật này hiện diện, tức sa mạc, và thứ hai nội dung sứ điệp của nhân vật này, tức việc hoán cải. Sa mạc và hoán cải: Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh về những điều này và việc nhấn mạnh này giúp chúng ta hiểu rằng những lời này liên quan trực tiếp đến chúng ta. Chúng ta hãy chào đón cả hai.

Sa mạc. Thánh sử Luca giới thiệu địa danh này một cách đặc biệt. Thực vậy, ngài nói đến những hoàn cảnh long trọng và những nhân vật vĩ đại của thời đó: ngài đề cập đến năm thứ mười lăm triều Hoàng đế Tibêriô Xêda, thống đốc Phongxiô Philatô, vua Hêrôđê và các “nhà lãnh đạo chính trị” khác của thời đó; rồi ngài nhắc đến các nhà lãnh đạo tôn giáo như Anna và Caipha, những người ở gần Đền thờ Giêrusalem (x. Lc 3: 1-2). Đến đây, ngài tuyên bố: “có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa” (Lc 3: 2). Nhưng Thiên Chúa phán như thế nào? Chúng ta thường nghĩ rằng Lời Thiên Chúa ngỏ với một trong những con người vĩ đại vừa được liệt kê. Nhưng không. Một sự nghịch lý tinh tế xuất hiện trong các dòng chữ của Tin Mừng: từ những thượng tầng nơi những người nắm giữ quyền lực sinh sống, người ta đột nhiên bước vào sa mạc, gặp một người đàn ông vô danh và cô đơn. Thiên Chúa làm ta ngạc nhiên, sự lựa chọn của Người làm người ta ngạc nhiên: chúng không nằm trong dự đoán của con người, chúng không tuân theo quyền năng và sự vĩ đại mà con người thường liên kết với. Chúa thích sự nhỏ bé và khiêm nhường. Ơn cứu chuộc không bắt đầu ở Giêrusalem, Athens hay Rôma, nhưng trong sa mạc. Chiến lược nghịch lý này mang đến cho chúng ta một thông điệp rất đẹp: có thế lực, có văn hóa và tiếng tăm không phải là một bảo đảm sẽ làm vui lòng Chúa; trái lại, nó có thể dẫn đến kiêu căng và bác bỏ việc này. Thay vào đó, cần phải nghèo khó bên trong, nghèo như sa mạc.

Chúng ta hãy tiếp tục đào sâu thêm nghịch lý sa mạc. Vị Tiền Hô chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Kitô đến một nơi khó tiếp cận và không hiếu khách, đầy nguy hiểm này. Bây giờ, nếu ai muốn có một thông báo quan trọng, họ thường đến những nơi đẹp đẽ, nơi có nhiều người, nơi ai cũng thấy. Ngược lại, Thánh Gioan lại rao giảng trong sa mạc. Chính ở nơi đó, nơi khô cằn, nơi không gian trống trải dài hút tầm mắt và là nơi hầu như không có sự sống, ở đó vinh quang của Chúa được tỏ bày, vinh quang mà - như lời Thánh Kinh đã tiên báo (x. Is 40: 3 -4) - biến sa mạc thành hồ ao, đất khô cằn thành suối nước (x. Is 41:18). Đây là một thông điệp đáng khích lệ khác: Thiên Chúa, bây giờ cũng như hồi ấy, hướng ánh mắt của Người tới những nơi nỗi buồn và sự cô đơn ngự trị. Chúng ta có thể trải nghiệm điều đó trong cuộc sống: Thiên Chúa thường không đến với chúng ta khi chúng ta đang ở giữa những tiếng vỗ tay và chỉ nghĩ đến bản thân mình; Người đến với chúng ta, trước hết, trong những giờ phút thử thách. Người đến thăm chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn, trong những khoảng trống mà chúng ta dành chỗ cho Người, trong những sa mạc hiện sinh của chúng ta. Ở đó, Chúa đến thăm chúng ta.

Anh chị em thân mến, trong cuộc đời của con người không thể thiếu những giây phút mà người ta có ấn tượng như đang ở trong sa mạc. Và đây chính là nơi mà Chúa làm cho Người hiện diện, Đấng thường không được chào đón bởi những người cảm thấy mình thành công, mà bởi những người cảm thấy họ không thể thành công. Và Người đến với những lời gần gũi, từ bi và dịu dàng: «Đừng sợ, vì ta ở cùng ngươi; đừng mất phương hướng, bởi vì ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta làm cho ngươi trở nên mạnh mẽ và giúp đỡ ngươi “(câu 10). Rao giảng trong sa mạc, Thánh Gioan bảo đảm với chúng ta rằng Chúa đến để giải thoát chúng ta và đem lại sự sống cho chúng ta trong những tình huống tưởng như không thể cứu vãn, không có lối thoát: Người đến đó. Do đó, không có nơi nào mà Thiên Chúa không muốn đến thăm. Và hôm nay chúng ta chỉ có thể cảm thấy vui mừng khi thấy Người chọn sa mạc, để đến với chúng ta trong sự nhỏ bé của chúng ta, sự nhỏ bé mà Người yêu thương và trong sự khô cằn của chúng ta, sự khô cằn mà Người muốn làm dịu cơn khát của chúng ta! Vì vậy, anh chị em thân mến, anh chị em đừng sợ sự nhỏ bé, vì vấn đề không phải là nhỏ bé và ít oi, nhưng là mở lòng ra với Thiên Chúa và với tha nhân, và đừng sợ sự khô khan, vì Thiên Chúa không sợ những điều này, Ngài là Đấng đến đó để thăm viếng chúng ta!

Chúng ta hãy chuyển sang khía cạnh thứ hai, khía cạnh hoán cải. Thánh Tẩy Giả đã rao giảng điều đó không ngừng và với giọng điệu mãnh liệt (x. Lc 3: 7). Đây cũng là một vấn đề “không thoải mái”. Nếu như Sa mạc không phải là nơi đầu tiên chúng ta muốn đến, thì lời mời hoán cải chắc chắn cũng không phải là lời đề nghị đầu tiên được chúng ta muốn nghe. Nói về sự hoán cải có thể khơi dậy nỗi buồn; nó dường như khó hòa hợp với Tin Mừng của niềm vui. Nhưng điều này xảy ra khi việc hóan cải bị giản lược vào nỗ lực luân lý, như thể đó chỉ là kết quả của việc chúng ta cam kết. Vấn đề nằm chính ở đây, nằm chính ở chỗ chúng ta chỉ dựa mọi sự vào sức mạnh của chúng ta. Điều này là sai! Ở đây nỗi buồn và sự thất vọng về tinh thần đang rình rập: chúng ta muốn hoán cải, muốn trở nên tốt hơn, khắc phục các khiếm khuyết của mình, thay đổi, nhưng chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng và mặc dù có thiện chí, chúng ta luôn thụt lùi. Chúng ta có cùng kinh nghiệm như Thánh Phaolô, người từ chính những vùng đất này, đã viết: “Tôi muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:18 -19). Vì vậy, nếu tự mình, chúng ta không có khả năng làm điều tốt mà chúng ta muốn, thì việc chúng ta phải hoán cải có nghĩa gì?

Ngôn ngữ của anh chị em, tiếng Hy Lạp, đẹp đẽ lắm, nó có thể giúp chúng ta với từ nguyên của động từ “hóan cải”, metanoéin trong Tin Mừng. Nó bao gồm giới từ metá, ở đây có nghĩa là vượt ra ngoài, và động từ noéin, có nghĩa là suy nghĩ. Như thế, hoán cải là suy nghĩ xa hơn, nghĩa là vượt ra khỏi cách suy nghĩ thông thường, vượt ra ngoài các kế hoạch tinh thần thông thường của chúng ta. Tôi đang nghĩ tới chính các kế hoạch giản lược mọi sự vào bản thân của chúng ta, vào việc chúng ta đòi được tự cung tự cấp. Hoặc vào các kế sách khép kín bởi sự cứng ngắc và nỗi sợ hãi làm tê liệt, bởi cơn cám dỗ cho rằng “sự việc luôn được làm cách này, tại sao lại thay đổi?”, bởi ý nghĩ cho rằng sa mạc của cuộc sống là nơi chết chóc và không có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Bằng cách khuyến khích chúng ta hoán cải, Thánh Gioan mời gọi chúng ta đi xa hơn và không dừng lại ở đây; vượt xa những gì bản năng mách bảo và suy nghĩ của chúng ta ghi nhận, bởi vì thực tại luôn vĩ đại hơn: nó lớn hơn bản năng của chúng ta, và những suy nghĩ của chúng ta. Thực tại là Thiên Chúa vĩ đại hơn. Vì vậy, hoán cải có nghĩa là không lắng nghe những điều phá hoại hy vọng, không lắng nghe những người lặp đi lặp lại rằng không có gì thay đổi trong cuộc sống – quả là thời nào cũng có những kẻ bi quan. Hoán cải từ chối tin rằng chúng ta bị tiền định phải chìm vào bãi cát lún của sự tầm thường. Hoán cải không đầu hàng trước những bóng ma bên trong, những bóng ma xuất hiện trước hết trong những khoảnh khắc thử thách để làm chúng ta nản lòng và nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ không vượt qua được, rằng mọi thứ đều sai và việc nên thánh không dành cho chúng ta. Điều này không phải vậy, bởi vì có Thiên Chúa. Chúng ta phải tin tưởng nơi Người, bởi vì Người là sức mạnh để vượt qua mọi thứ, Chúa là sức mạnh của chúng ta. Mọi sự sẽ thay đổi nếu chúng ta dành cho Người vị trí thứ nhất. Đây là sự hoán cải: cánh cửa của chúng ta rộng mở đủ để Chúa bước vào và làm những điều kỳ diệu, giống như sa mạc và những lời của Thánh Gioan đủ để Người đến thế gian. Người không yêu cầu nhiều hơn.

Chúng ta hãy xin ơn biết tin rằng với Chúa, mọi sự sẽ thay đổi, Người sẽ chữa lành nỗi sợ hãi của chúng ta, chữa lành vết thương của chúng ta, biến những nơi khô cằn thành suối nước. Chúng ta hãy xin ơn biết hy vọng. Vì chính hy vọng vực dậy niềm tin và nhen nhóm lòng bác ái. Bởi vì hy vọng chính là điều các sa mạc của thế giới đang khao khát ngày nay. Và trong khi cuộc gặp gỡ này của chúng ta đổi mới chúng ta trong niềm hy vọng và niềm vui của Chúa Giêsu, tôi vui mừng được ở với anh chị em, chúng ta hãy xin Mẹ của chúng ta, Đấng rất thánh, giúp chúng ta, giống như Mẹ, trở thành nhân chứng của hy vọng, gieo niềm vui xung quanh chúng ta – niềm hy vọng, thưa anh chị em, không bao giờ làm thất vọng, không bao giờ làm thất vọng. Không những khi chúng ta hạnh phúc và ở bên nhau, mà hàng ngày, trên những sa mạc chúng ta đang cư ngụ. Bởi vì chính ở đó, với ân sủng Thiên Chúa, cuộc sống của chúng ta được mời gọi để hoán cải. Ở đó, trong nhiều sa mạc bên trong của chúng ta hoặc của môi trường, sự sống được kêu gọi để đơm bông. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng và lòng can đảm để đón nhận sự thật này.

Sau khi kết thúc thánh lễ, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Vào cuối buổi cử hành này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn về sự chào đón mà tôi đã nhận được giữa anh chị em. Cảm ơn anh chi em bằng cả tấm lòng của tôi! Efcharistó! [Cảm ơn!].

Do ngôn ngữ Hy Lạp mà có hạn từ này để tổng hợp hồng ân Chúa Kitô dành cho toàn thể Giáo hội: Lễ Tạ Ơn [Eucharist]. Và do đó, đối với những người Kitô hữu chúng ta, lời tạ ơn được ghi khắc ở tâm điểm của đức tin và cuộc sống. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi toàn thể con người và hành động của chúng ta thành một Lễ Tạ Ơn, một lời tạ ơn dâng lên Thiên Chúa và một món quà tình yêu dành cho anh chị em của chúng ta.

Trong bối cảnh này, tôi xin nhắc lại lòng biết ơn chân thành của tôi đối với các nhà chức trách dân sự, tới Bà Tổng thống Cộng hòa, đang hiện diện ở đây, và các Giám mục anh em, cũng như tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau đã cộng tác trong việc chuẩn bị và tổ chức chuyến thăm này. Cảm ơn tất cả anh chị em! Và cảm ơn ca đoàn đã giúp chúng ta cầu nguyện thật tốt.

Ngày mai tôi sẽ rời Hy Lạp, nhưng tôi sẽ không rời xa anh chị em! Tôi sẽ mang anh chị em theo với tôi, để nhớ đến và cầu nguyện. Và anh chị em cũng vậy, xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
 
Chuyện không vui: LM Chính Thống la ó phản đối ĐTC. Israel báo động chích 3 liều vẫn nhiễm Omicron
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:15 06/12/2021


1. Linh mục Chính Thống Giáo Hy Lạp la ó phản đối Đức Thánh Cha

Như chúng tôi đã tường trình, sáng thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển. Sau lễ nghi tiếp đón chính thức tại dinh tổng thống, lúc 4g chiều, Đức Thánh Cha đã thăm xã giao Đức Tổng Giám Mục Ieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo.

Khi ngài bước vào cổng Tòa Giám Mục, một linh mục Chính thống giáo Hy Lạp lớn tuổi đứng trong số những người tụ tập bên đường, đã hét lên, “Giáo hoàng, ngài là một kẻ dị giáo”. Ông ta la 3 lần như vậy trước khi bị cảnh sát bắt đi.

Đoạn video cho thấy người đàn ông mặc áo choàng đen, đội mũ đen và có bộ râu dài màu trắng, hét lên những lời phản đối bằng tiếng Hy Lạp bên ngoài tòa nhà trước khi bị hai nữ cảnh sát xốc nách kéo ra xa hơn. Ông ta đã cố ngã nhào xuống đất nhưng hai nữ cảnh sát vẫn quyết liệt lôi đi.

Đức Thánh Cha Phanxicô dường như không để ý, hay không hay biết về những gì đang xảy ra khi ngài bước vào Tòa Giám Mục để có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Chính thống giáo.

Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô đến Hy Lạp diễn ra 20 năm sau khi Thánh Gioan Phaolô II thực hiện chuyến thăm đầu tiên như vậy đến Hy Lạp kể từ thời Đại Ly Giáo vào năm 1054.

Vị Thánh Giáo Hoàng đã sử dụng dịp này để cầu xin sự tha thứ cho những tội lỗi mà một số người Công Giáo chống lại Chính thống giáo đã phạm phải trong nhiều thế kỷ. Đức Phanxicô đã lặp lại lời xin lỗi đó vào hôm thứ Bảy trước Đức Tổng Giám Mục Ieronymos và các giám mục Chính thống giáo khác.

Ngài nói rằng nhiều người Công Giáo “đã có những hành động và quyết định liên quan rất ít hoặc chẳng liên quan gì đến Chúa Giêsu và Tin Mừng, nhưng thay vào đó lại được đánh dấu bằng sự khao khát lợi thế và quyền lực, những quyết định như thế đã làm suy yếu nghiêm trọng sự hiệp thông của chúng ta”.

Trong cuộc gặp gỡ này Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo của Athens nói rằng “chuyến viếng thăm này của ngài đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám Mục Ieronymos đề cập đến đại dịch, môi trường và nhập cư, hoan nghênh sự nhạy cảm của Đức Giáo Hoàng đối với vấn đề này, nhưng cũng nói rằng làn sóng di dân nên dừng lại và đề cập đến việc vũ khí hóa người tị nạn của các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ.

Ieronymos cũng đề cập đến lễ kỷ niệm 200 năm Chiến tranh giành độc lập của Hy Lạp, và nói rằng các vị Giáo hoàng thời đó đã giữ khoảng cách với cuộc đấu tranh giành tự do của người Hy Lạp. Đức Tổng Giám Mục Ieronymos nói: “Tôi không muốn làm bạn khó xử, nhưng tôi tin rằng trong số những người muốn được gọi là anh chị em trong Chúa Kitô, ngôn ngữ tốt nhất là sự trung thực.”

Sau bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám Mục Ieronymos đã trao tặng Đức Phanxicô một bức ảnh của Thánh Phaolô làm bằng bạc.

Tuy có những khó khăn nhất định nhưng nhìn chung, thái độ khiêm nhường của Đức Thánh Cha Phanxicô đã chiếm trọn cảm tình của các vị Chính Thống Giáo tại Athens.
Source:Greek Reporter

2. Israel cho biết chích 3 liều vẫn nhiễm Omicron

Tờ Jerusalem Post số ra hôm thứ Bẩy 4 tháng 12 cho biết đến nay Israel có 34 trường hợp nhiễm coronavirus bị nghi ngờ là có liên quan đến Omicron. 7 trường hợp đã được xác nhận một cách dứt khoát là liên quan đến Omicron. 27 trường hợp còn lại vẫn còn trong vòng điều tra.

Sáng thứ Sáu Bộ Y tế cho biết 7 trường hợp liên quan đến biến thể Omicron phần lớn là những người chưa được tiêm chủng.

Cụ thể, Bộ cho biết, 4 người hoàn toàn chưa được tiêm phòng lần nào và 3 người đã được tiêm phòng - 2 người đã tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer và 1 người đã tiêm 2 mũi AstraZeneca. Việc 2 người đã tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer mà vẫn nhiễm biến thể Omicron khiến Israel hết sức lo lắng.

Trong số 7 người được xác nhận nhiễm micron, tất cả đều từ nước ngoài trở về: 5 người từ Nam Phi, 1 người từ Anh và 1 người từ Malawi.

Ngoài những người được xác nhận nhiễm bệnh, có thêm 27 trường hợp rất đáng ngờ. Những người này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID nhưng mẫu PCR của họ vẫn đang được sàng lọc di truyền để xác định xem có phải là nhiễm Omicron hay không.

Trong số 27 trường hợp đáng ngờ, 22 người chưa hề được tiêm chủng hoặc đã qua thời gian 6 tháng phục hồi sau khi nhiễm coronavirus. Trong số 27 trường hợp, chỉ có tám trường hợp ở nước ngoài gần đây. 19 trường hợp còn lại đã nhiễm biến thể này ở Israel.

Những người này cảm thấy thế nào?

Trong số 34 bệnh nhân, 26 người chưa được tiêm chủng hoặc đã qua thời gian 6 tháng phục hồi. Trong số 26 người này, 10 người có triệu chứng và 16 người không có triệu chứng nào hết.

Trong số 8 người được tiêm chủng, một người có triệu chứng và bảy người không có bất cứ triệu chứng nào đáng kể.

Các chuyên gia y tế của Israel nói họ đang bắt đầu hiểu rõ hơn về Omicron và có vẻ như dựa trên dữ liệu ban đầu rằng biến thể này không gây ra bệnh nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó, mặc dù nó có vẻ lây lan nhanh hơn. Đồng thời, các vắc-xin tuy không bảo vệ hoàn toàn chúng ta khỏi nhiễm Omicron, nhưng nó đang ngăn chặn bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào.

Thủ tướng Naftali Bennett đã đăng trên trang Facebook của mình về biến thể Omicron vào hôm thứ Sáu, bảo vệ quyết định cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Israel trong hai tuần nữa cho đến khi có nhiều thông tin hơn về khả năng hoạt động của vắc-xin.

Bennett nói: “Khi có sự chắc chắn và kiến thức… chúng tôi sẽ hành động theo đó. Trong trường hợp của Omicron, khi không có câu trả lời rằng vắc-xin rất hiệu quả để chống lại nó, tôi không có ý định chấp nhận rủi ro”.

Với quyết định này của ông Bennett, mọi hy vọng về một lễ Giáng Sinh khởi sắc tại Bethlehem trong năm nay đã tan thành mây khói.
Source:Jerusalem Post

3. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh công bố ngày 2 tháng 12 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris. Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier đã được bổ nhiệm làm Giám quản tông tòa của tổng giáo phận.

Vào ngày 25 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Paris đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng xác định xem ngài có nên từ chức hay không. Việc công bố vào ngày 22 tháng 11 một bài báo trên tờ Le Point hàng tuần đã đặt vấn đề về khả năng quản trị của ngài. Bài báo đã dùng những từ ngữ như sự “tàn bạo” trong quan hệ với người khác, và “chủ nghĩa độc đoán” trong cách quản lý của ngài.

Bài báo cũng cho rằng tổng giám mục đã có quan hệ tình cảm với một phụ nữ vào năm 2012.

Phản ứng về ấn phẩm này, Đức Tổng Giám Mục Aupetit, nói trên Đài Notre Dame rằng ngài đã bị sốc.

“Tôi tự hỏi phải chăng thực sự có quá nhiều người muốn tôi ra đi”. Tuy nhiên, ngài thừa nhận “đã xử lý một số tình huống nóng nảy với một vài người.”

Đức Tổng Giám Mục Paris đã trao quyết định về tương lai của ngài cho Đức Giáo Hoàng sau khi tham khảo ý kiến của Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục ở Rôma, và là Sứ thần Tòa thánh tại Paris: “Tôi đã làm điều đó để bảo tồn giáo phận, vì với tư cách là một giám mục. Tôi phải phục vụ sự hiệp nhất. Không phải vì những gì tôi nên làm hay không nên làm trong quá khứ - nếu không thì tôi đã bỏ đi từ lâu - mà là để tránh chia rẽ, nếu chính tôi là nguồn gốc của sự chia rẽ.”

Tình huống này với Đức Tổng Giám Mục Paris xảy ra sau báo cáo của Pháp về lạm dụng tình dục trong Giáo hội.

Việc chấp nhận đơn từ chức của ngài đã được công bố trong bản tin chính thức của Tòa thánh trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang bay đến Síp.

Đức Cha Aupetit đã phản ứng với quyết định này trong một tuyên bố. Ngài nói rằng ngài “vô cùng lo lắng vì các cuộc tấn công” chống lại ngài và nói rằng ngài đang cầu nguyện “cho những người có thể đã mong muốn hãm hại ngài.”

“Tôi cũng cầu xin sự tha thứ cho những người mà tôi có thể đã làm tổn thương”.

Trong bài phát biểu cách đây vài ngày với Đài Notre Dame, Đức Tổng Giám Mục phủ nhận có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ. Ngài thừa nhận rằng khi chưa là một Giám Mục, một người phụ nữ đã tiếp xúc “nhiều lần qua các cuộc thăm viếng, thư từ, v.v., đến mức đôi khi tôi phải thực hiện các bước để tạo khoảng cách giữa chúng tôi.” Ngài nói rằng “hành vi của ngài đối với cô ấy có thể không rõ ràng, do đó ngụ ý rằng giữa chúng tôi tồn tại một mối quan hệ thân mật và quan hệ tình dục, là điều mà tôi mạnh mẽ bác bỏ. Tôi quyết định không gặp lại cô ấy nữa và tôi đã thông báo cho cô ấy biết điều này”.

Về vấn đề quản trị của mình, ngài nói trong cuộc phỏng vấn ngắn rằng “Tất nhiên, việc đưa ra quyết định tạo ra sự thất vọng và cay đắng là điều bình thường, nhưng tôi không bao giờ thực hiện chúng một mình”. Đức Tổng Giám Mục cho biết các quyết định của ngài luôn có sự tham gia của nhiều hội đồng bao gồm cả giáo dân.

Ngày 7 tháng 12 năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Aupetit được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục thủ đô nước Pháp. Kể từ tháng 12 năm 2018, ngài cũng là thành viên của Bộ Giám mục và thường xuyên đến Rôma để tham gia vào quá trình tuyển chọn các giám mục tương lai. Ngài cũng được bổ nhiệm làm thành viên của Thánh bộ Giáo hội Phương Đông vào tháng 8 năm 2019.

Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier sẽ làm Giám Quản Tông Tòa sede vacante et ad nutum Sanctæ, nghĩa là tạm thời phụ trách chờ lệnh của Tòa Thánh, cho đến khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm một tổng giám mục mới của Paris.

Vị tổng giám mục 78 tuổi của Marseille cũng là cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp trong thời gian từ 2013 đến 2019 được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa của Avignon vào tháng Giêng năm 2021 để bảo đảm quá trình chuyển tiếp sau khi Đức Tổng Giám Mục Jean-Pierre Cattenoz từ chức.
Source:Aleteia

4. Đức Tổng Giám Mục Paris từ chức có thể báo hiệu sự thay đổi của Vatican

Hôm thứ Năm, Vatican thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Paris, Michel Aupetit, sau khi truyền thông Pháp cáo buộc Đức Đức Tổng Giám Mục có quan hệ tình cảm với một phụ nữ hơn một thập kỷ trước.

Quyết định của Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Aupetit có thể báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong đường lối của Vatican đối với các cáo buộc về các hành vi sai trái của các giám mục, nhưng các tuyên bố của chính Đức Tổng Giám Mục cho thấy quyết định này có thể liên quan đến việc điều hành tổng giáo phận của ngài.

Bài báo xem ra đã khiến Đức Tổng Giám Mục Aupetit phải ra đi đã được xuất bản tuần trước bởi tạp chí Le Point của Pháp. Nó cáo buộc rằng linh mục Aupetit đã có một mối quan hệ “thân mật” với một phụ nữ vào năm 2012, khi ngài còn là linh mục và tổng đại diện của tổng giáo phận.

Le Point trích dẫn một số nguồn ẩn danh tuyên bố đã nhìn thấy một email năm 2012 của Cha Aupetit gửi cho người phụ nữ nhưng dường như được gửi nhầm cho thư ký của ngài.

Đức Tổng Giám Mục đã phủ nhận không có một email nào như thế cả và phủ nhận có quan hệ tình dục với người phụ nữ mà đến nay vẫn chưa ai biết tên là gì.

Đức Tổng Giám Mục cho biết vào tuần trước rằng mối quan hệ này “không rõ ràng” và có thể bị hiểu nhầm, và ngài đã không gặp người phụ nữ này nữa.

“Những người biết tôi vào thời điểm đó và những người chia sẻ cuộc sống hàng ngày của tôi chắc chắn sẽ nói rằng tôi không sống cuộc sống hai mặt, như bài báo gợi ý,” vị tổng giám mục nói với đài phát thanh Công Giáo Pháp Notre Dame.

Phát biểu ngay sau khi bài báo được xuất bản, Đức Cha Aupetit đã tố cáo bài báo là một cuộc tấn công “thâm độc” nhắm vào ngài. Đức Tổng Giám Mục xác nhận rằng ngài đã tham khảo ý kiến của Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục Vatican, về tình hình và đã để lại quyết định về tương lai của mình cho Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời nhấn mạnh rằng ngài đã không sử dụng từ ngữ “từ chức” trong thư viết cho Đức Giáo Hoàng.

Các phương tiện truyền thông đã đưa tin rộng rãi về quyết định của Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Aupetit đối với báo cáo về mối quan hệ nào đó với người phụ nữ giấu tên, mặc dù Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng điều đó chưa bao giờ xảy ra.

Nếu quyết định được đưa ra bởi Đức Thánh Cha Phanxicô là nhằm đáp lại mối quan hệ bị cáo buộc năm 2012, nó sẽ báo hiệu một sự thay đổi trong sự khoan dung của Đức Giáo Hoàng đối với các hành vi sai trái của các giám mục. Các giám mục ở Pháp, Đức và Hoa Kỳ đều đã bị Đức Giáo Hoàng ngưng chức trong những năm gần đây sau những vụ bê bối liên quan đến việc xử lý lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Quyết định của Đức Giáo Hoàng cũng có thể gợi ý rằng việc xác định sự không phù hợp của Đức Cha Aupetit đối với chức vụ dựa trên công luận, thay vì bất kỳ hành vi sai trái thực tế nào: Đức Tổng Giám Mục đã nói công khai rằng vào năm 2012, ngài đã thông báo cho người tiền nhiệm là Đức Hồng Y Andre Vingt-Trois, lúc đó là Tổng Giám Mục Paris, về mối quan hệ với người phụ nữ.

Đức Hồng Y Vingt-Trois đã yêu cầu Cha Aupetit tiếp tục đảm nhiệm cương vị tổng đại diện của tổng giáo phận và vào năm 2013, ngài được thăng chức lên làm Giám Mục Phụ Tá. Đức Cha Aupetit cuối cùng đã kế nhiệm Đức Hồng Y Vingt-Trois làm tổng giám mục vào năm 2018.

Thông lệ, Bộ Giám mục luôn xem xét kỹ lưỡng hồ sơ nhân sự của các ứng viên cho chức vụ Giám mục với sự tham khảo ý kiến của Sứ thần Tòa thánh và Giám mục địa phương.

Không thể có chuyện Đức Hồng Y Vingt-Trois cố tình không thông báo cho Rôma về tình hình này, vì cả Sứ thần Tòa Thánh và Tòa thánh đều đã biết về mối quan hệ của Auptit với người phụ nữ này ngay từ năm 2013, và dường như không coi đó là trở ngại cho việc thăng chức của ngài để lãnh đạo một trong những vị trí nổi bật nhất, và dễ nhìn thấy nhất ở Âu Châu.

Bản thân Đức Cha Aupetit cũng đã xác nhận sự kiện này, và cuối tuần qua ngài đã nói rằng ngài đã thông báo với cấp trên của Giáo hội về mối quan hệ vào thời điểm đó.

Vị tổng giám mục cũng cho biết lời đề nghị để Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định tương lai của mình không phải là một phản ứng trực tiếp đối với “những gì tôi đã làm hay không trong quá khứ - nếu không thì tôi đã ra đi từ lâu”.

Thay vào đó, Đức Cha Aupetit cho biết mối quan tâm của ngài là “tránh sự chia rẽ” trong tổng giáo phận. Quyết định chấp nhận đơn từ chức của ngài có thể liên quan đến những lời chỉ trích về khả năng lãnh đạo của ngài đối với tổng giáo phận.

Bài báo của Le Point cũng trích dẫn các nguồn ẩn danh chỉ trích cách điều hành giáo phận của Đức Tổng Giám Mục, cho rằng ngài là người chuyên quyền và độc tài. Các nguồn ẩn danh chỉ ra rằng Đức Tổng Giám Mục Aupetit đã loại bỏ nhiều linh mục khỏi các nhiệm vụ mục vụ khác nhau, và một số quan chức giáo quyền đã từ chức để phản đối ngài.

Đức Tổng Giám Mục cho biết vào cuối tuần qua rằng ngài đã nhận được tin nhắn ủng hộ từ các linh mục và giáo dân của tổng giáo phận sau bài báo của Le Point và trước quyết định của Đức Giáo Hoàng.

Trong một tuyên bố đáp lại thông báo của Vatican hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đã “rất bối rối trước những cuộc tấn công mà tôi phải chịu.”

“Chúa đã ban cho, Chúa đã lấy đi”, Đức Tổng Giám Mục nói trong một tuyên bố video, “Chúc tụng danh Chúa.”

“Tôi cầu xin sự tha thứ từ những người mà tôi có thể đã làm tổn thương và tôi bảo đảm với các bạn về tình bạn sâu sắc và lời cầu nguyện của tôi.”

Tòa thánh Vatican cũng thông báo rằng Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier, Tổng Giám Mục hiệu tòa của Tổng giáo phận Marseille, đã được bổ nhiệm tạm thời lãnh đạo tổng giáo phận thủ đô.
Source:Pillar Catholic
 
Khoảng khắc Đức Thánh Cha bị vấp té khi lên máy bay trở về Rôma
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:21 06/12/2021


Sáng thứ Hai, 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens. Sau đó, ngài đã có cuộc gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius do các Nữ tu Dòng Ursula ở Maroussi, Athens điều hành.

Sau cuộc gặp gỡ này, lúc 11:15, Đức Thánh Cha đã đến sân bay quốc tế Athens, người địa phương gọi là phi trường Eleftherios Venizelos, để đáp máy bay về Rôma. Tại đây có lễ nghi tiễn biệt rất đơn sơ. Ra tiễn Đức Thánh Cha có Thủ tướng Hy Lạp là ông Kyriakos Mitsotakis. Ông cũng chính là người đã đón Đức Thánh Cha khi ngài đến Hy Lạp vào trưa thứ Bẩy.

Khi gần lên đến cửa máy bay, Đức Thánh Cha Phanxicô bị mất thăng bằng, ngã chúi xuống, trên các bậc thềm.

Theo các nguồn tin địa phương, phi trường này rất gần bờ biển nên đôi khi gió giật từng cơn rất mạnh. Có lẽ gió thổi mạnh khiến ngài ngã chúi xuống hơn là sức khoẻ ngài có vấn đề.

Một phụ tá vội vã leo lên các bậc thang để giúp ngài lên máy bay. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã gượng dậy được trước khi vị này lên đến nơi. Có vẻ như Đức Thánh Cha không bị thương tích gì, và ngài vẫn mỉm cười chào từ biệt lần cuối những người ra tiễn ngài.

Trước đó, Giáo hoàng đã gặp các học sinh tại một trường Công Giáo ở Athens trong sự kiện cuối cùng của chuyến thăm 5 ngày tới Síp và Hy Lạp với ước muốn cải thiện quan hệ với Chính Thống Giáo và nêu bật tình cảnh của những người di cư tìm cách nhập cảnh vào Âu Châu.

Đức Giáo Hoàng nói: “Khi sự cám dỗ khép mình vào bản thân, hãy tìm kiếm những người khác”.

Sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha đã có cuộc hội đàm ngắn với Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp, Konstantinos Tassoulas, và với lãnh đạo của đảng đối lập chính, Alexis Tsipras, là người đã cảm ơn ngài vì “sự bảo vệ kiên định của ngài đối với nhân quyền và công bằng xã hội”.

Alexis Tsipras là một người vô thần thuộc Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp. Ông đã từng giữ chức Thủ tướng Hy Lạp từ ngày 21 tháng 9 năm 2015. Khi mới lên cầm quyền, ông ta đã lập tức tung ra các chính sách chống lại các giá trị truyền thống của Kitô Giáo.

Ngày 23 tháng 7, 2018, một trận hỏa hoạn kinh hoàng đã diễn ra tại các khu vực quanh thủ đô Athens làm hơn 60 người bị thiệt mạng. Nơi bị thiệt hại nặng nhất là Mati, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hy Lạp. Người ta tìm thấy ít nhất 26 thi thể gồm đa số là phụ nữ và trẻ em. Dường như họ đã cố chạy ra biển nhưng ngọn lửa kinh hoàng đã chụp xuống họ. Thi thể của 26 người này trong tư thế như ôm cứng lấy nhau trước khi chết.

Tính chất bất ngờ và kinh hoàng của trận hỏa hoạn đã khiến nhiều nhà bình luận liên hệ biến cố này với thảm họa được mô tả trong Kinh Thánh. Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của các đường lối bài Kitô Giáo của Alexis Tsipras. Nhờ đó, chỉ vài tháng sau, Đảng Tân Dân Chủ đã chiến thắng vẻ vang.

Trong chuyến tông du này, Đức Thánh Cha đã gặp nhà lãnh đạo Chính thống giáo Hy Lạp và đến thăm trại tị nạn trên Lesbos, nơi ngài gọi họ là “con tàu bị chìm đắm của nền văn minh”.

Trong bài phát biểu của mình, ngài cảnh báo rằng Địa Trung Hải “đang trở thành một nghĩa trang nghiệt ngã không bia mộ” và “sau ngần ấy thời gian, chúng ta thấy rằng trên thế giới đã có rất ít thay đổi liên quan đến vấn đề di cư”.

Ngài nói thêm: “Cần phải đối mặt với các nguyên nhân gốc rễ - chứ không phải là đối phó với những người nghèo là những người đã phải gánh chịu những hậu quả và thậm chí còn bị sử dụng để tuyên truyền chính trị”.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, chỉ trong năm 2021 này đã có 1,559 người đã chết hoặc mất tích khi cố gắng vượt Địa Trung Hải đầy hiểm nguy.

Cảnh sát đã tăng cường 2,000 nhân viên để giữ an ninh cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha vì e ngại có những cuộc biểu tình phản đối của các thành phần cực đoan trong Chính Thống Giáo. Tuy nhiên, ngoài biến cố một linh mục cao niên la ó phản đối Đức Thánh Cha, không có rắc rối nào khác được ghi nhận.

Mức độ đưa tin của các phương tiện truyền thông mà chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng nhận được trong những ngày này — những ngày ngài ở đây — thật đáng kinh ngạc. Tất cả các kênh truyền hình đều chiếu gần hết mọi thứ, mọi hoạt động của ngài đều được phát trực tiếp trên truyền hình. Điều này chưa từng xảy ra với chuyến thăm của bất kỳ ai khác.

Không có nhiều tin tức trong những ngày trước khi Giáo hoàng đến Hy Lạp. Nhưng điều này đã thay đổi trong vài ngày qua.

Các bài phát biểu của Đức Thánh Cha, toàn bộ thái độ của ngài, cách ngài xem xét các vấn đề khác nhau, cách ngài phân tích các vấn đề khác nhau, rất lớn và phức tạp đối với người dân, đã gây ấn tượng với mọi người và khiến mọi người suy nghĩ và nói về Đức Thánh Cha. những lời rất đẹp.

Trong một diễn biến rất đáng khích lệ, Thị trưởng Thành phố Athens, là Kostas Bakoyannis, đã trao tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô một huy chương vàng của thành phố tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh trước sự chứng kiến của Đức Tổng Giám Mục Saviô Hàn Đại Huy.

Huy chương vàng của Thành phố Athens là danh hiệu cao quý nhất của thủ đô Hy Lạp, được trao để ghi nhận công lao, đóng góp xã hội và sự nhạy cảm sâu sắc của Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Thị trưởng thành phố Athens đã chuyển tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô sự kính trọng sâu sắc của ông, cũng như của các đại diện của Hội đồng thành phố, và cảm ơn ngài vì những đóng góp của ngài cho nhân loại, là điều mà ngài luôn đặt làm trọng tâm trong các bài phát biểu và hành động của mình.

Có mặt tại buổi lễ, trong số những người khác, có Bộ trưởng Phát triển và Đầu tư, Adonis Georgiadis, Bộ trưởng Giáo dục và Tôn giáo, Niki Kerameos, và Bộ trưởng Văn hóa và Thể thao, Lina Mendoni.
Source:The National News
 
Tai họa: Băng thẩm vấn trong phiên tòa xét xử tài chính ở Vatican bị rò rỉ cho truyền thông
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:55 06/12/2021


1. Băng thẩm vấn trong phiên tòa xét xử tài chính ở Vatican bị rò rỉ cho truyền thông

Băng video về các cuộc thẩm vấn với một nhân chứng quan trọng trong phiên tòa tài chính Vatican đang diễn ra đã bị rò rỉ cho một tờ báo Ý.

Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, đã báo cáo trong một bài báo ngày 3 tháng 12 rằng các nhà báo của tờ báo Ý này đã được xem “độc quyền” đoạn băng video về các cuộc phỏng vấn giữa các công tố viên Vatican và Đức Ông Alberto Perlasca, một cựu quan chức tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng bị coi là nghi phạm trong các cuộc điều tra tài chính nhưng không bị buộc tội sau khi tình nguyện cung cấp thông tin cho các nhà điều tra trong các cuộc thẩm vấn sâu rộng trong năm 2020 và 2021.

Các đoạn băng thẩm vấn Đức Ông Perlasca đã trở thành tâm điểm tranh luận tại các phiên điều trần gần đây trong phiên tòa truy tố các tội danh lừa gạt Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến việc mua bất động sản đầu tư trị giá 350 triệu euro, tức là 404 triệu Mỹ Kim, ở London.

Các công tố viên cáo buộc rằng khoản đầu tư đã trở nên thua lỗ vì những người trong và xung quanh Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã âm mưu lừa đảo hàng trăm nghìn euro của Vatican.

Tờ báo đã đăng tải một số đoạn video lời khai của Đức Ông trên Web site của nó, trong đó có đoạn chỉ ra rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ủy quyền cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đàm phán với doanh nhân Gianluigi Torzi, là người đã môi giới giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận London và là một trong những bị cáo của phiên tòa.

Trong một clip, Đức Ông Perlasca có thể được nhìn thấy đang ngồi sau một chiếc bàn trước bức tường gắn đầy súng của hiến binh. Đức Ông tuyên bố rằng mình đã bị Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra “cho ra rìa” trong thỏa thuận với London bởi vì “mọi người đều nghi tôi sẽ báo cáo về những người đàn ông đó.” Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra là người thay thế cho Hồng Y Becciu trong chức vụ Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Trong phiên điều trần vào ngày 17 tháng 11, luật sư đại diện cho bị cáo Enrico Crasso cho rằng tòa án nên hủy bỏ một trong các cáo trạng chống lại thân chủ của ông ta vì thân chủ ông chỉ làm theo lệnh trên.

Chánh án Giuseppe Pignatone cho biết tại phiên điều trần ngày 17 tháng 11 rằng ông sẽ đưa ra phán quyết có nên tiếp tục phiên tòa này hay không tại phiên điều trần tiếp theo, tức là vào ngày 14 tháng 12 tới đây.
Source:National Catholic Register

2. Giám đốc của các nhà tù Síp, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến vào sáng thứ Sáu

Bà Anna Aristotelous, Giám đốc các Nhà tù Síp, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp vào sáng thứ Sáu. Bà nói trong một tuyên bố từ Cục Điều Hành Các Nhà tù Síp “Thật vinh dự và vui mừng khi một giám đốc các nhà tù như tôi được hân hạnh gặp riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào sáng thứ Sáu. Chuyến viếng thăm Síp của ngài có tầm quan trọng lịch sử và chắc chắn vượt xa công việc do tôi đảm trách”.

Trong cuộc gặp riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô, Bà Anna Aristotelous đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với công việc của Đức Giáo Hoàng và sự nhạy cảm và hỗ trợ đặc biệt mà ngài luôn thể hiện đối với người nghèo. Đồng thời bà nhấn mạnh rằng: “Với tư cách là Giám đốc các trại giam, chúng tôi ủng hộ tất cả những người đang ở trong tù và đặc biệt là người nghèo, hy vọng rằng không có sự phân biệt đối xử nào khác đối với họ”. Cuối cùng, Giám đốc các Nhà tù bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha về việc Tòa thánh đã nhận 10 người nhập cư bất hợp pháp bị giam giữ trong các nhà tù của Síp”.

Bà Giám đốc đã tặng Đức Giáo Hoàng một cây vĩ cầm do các tù nhân chính tay làm ra.
Source:Sismografo

3. Nhà cầm quyền bất hợp pháp ở Bắc Síp chỉ trích Đức Thánh Cha

Hôm thứ Năm, khi Đức Thánh Cha Phanxicô đang trên máy bay từ Rôma đến Larnaca, Tổng thống Ersin Tatar của cái gọi là Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ đã mời Đức Giáo Hoàng, sau chuyến tông du 5 ngày tới Síp và Hy Lạp, cũng đến thăm lãnh thổ Síp Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Tatar lên tiếng chỉ trích chính quyền Síp mà ông gọi là Síp Hy Lạp đang sử dụng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng cho các mục đích chính trị chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Bắc Síp.

“Đây là bằng chứng mới cho thấy chính quyền Síp ở Hy Lạp đang lạm dụng tín ngưỡng và tôn giáo, và điều đó là rất đáng tiếc”. Tatar nói thêm rằng việc Đức Giáo Hoàng chỉ đến thăm phía Hy Lạp là một điều đáng tiếc khác.

Ông nói: “Có hai dân tộc khác nhau ở Síp, và trên mảnh đất này không chỉ có những người Hy Lạp Kitô Giáo mà có cả những người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo. Đây là một trong những thực tế cơ bản của Síp”.

“Bất kể họ có tín ngưỡng tôn giáo nào, tất cả mọi người và các dân tộc phải được đối xử bình đẳng và không được loại trừ hoặc phân biệt đối xử. Người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ không nên bị loại trừ hoặc bị phân biệt đối xử vì họ tin vào Hồi giáo và theo đạo Hồi”, ông nói thêm, cho biết rằng ông hy vọng Giáo hoàng sẽ trả lời lời mời của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạ cánh xuống Sân bay Larnaca trên đảo Síp hôm thứ Năm sau chuyến bay kéo dài ba giờ.

Đối với người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, trọng tâm của chuyến đi tới vùng phía đông của Địa Trung Hải là cuộc khủng hoảng người tị nạn. Việc phân chia Síp cũng đã được thảo luận.

Trong khi Hy Lạp và chính quyền Síp Hy Lạp ủng hộ một liên bang trên đảo Síp, thì Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Bắc Síp nhấn mạnh vào một giải pháp hai nhà nước phản ánh thực tế trên hòn đảo này.

Đảo Síp đã bị sa lầy trong cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ giữa người Síp gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp một loạt các nỗ lực ngoại giao của Liên hợp quốc nhằm đạt được một giải pháp toàn diện. Năm thập kỷ của các cuộc đàm phán về Síp đã không đi đến đâu.

Năm 1974, một cuộc đảo chính của người Síp ở Hy Lạp nhằm sát nhập hòn đảo này vào Hy Lạp đã dẫn đến sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng Hòa Bắc Síp được thành lập vào năm 1983. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất công nhận Cộng Hòa Bắc Síp.

Chính quyền Síp của Hy Lạp, được sự hậu thuẫn của Hy Lạp, đã trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu vào năm 2004.

Tòa Thánh không công nhận Cộng Hòa Bắc Síp và cố nhiên Tòa Thánh không trả lời đề nghị của Ersin Tatar. Lời mời của ông ta chỉ là cái cớ để tấn công Kitô Giáo nói chung.
Source:Daily Sabah
 
Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cùng Giáo triều Rôma – Bài thuyết giảng thứ nhất của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:56 06/12/2021


Chúa đã sai Con Ngài đến để chúng ta có thể được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa

Trong loạt bài suy niệm cho chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng năm nay của Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên của Phủ Giáo Hoàng tập trung vào việc đưa ra ánh sáng “vẻ huy hoàng bên trong của Giáo Hội và của đời sống Kitô hữu”, mà không “nhắm mắt trước thực tế của các sự kiện”, để mỗi người có thể đối mặt với trách nhiệm của mình từ góc độ đúng đắn.

Đức Hồng Y Cantalamessa cho biết ngày nay có nguy cơ nhiều người đang sống “như thể Giáo hội không hơn gì” những vụ bê bối, tranh cãi, xung đột cá tính, buôn chuyện, hoặc cùng lắm chỉ hữu ích chút đỉnh về mặt xã hội. Nói tóm lại, Giáo Hội chỉ là chuyện của con người, giống như mọi thứ khác trong quá trình lịch sử”. Trong những suy tư Mùa Vọng, Đức Hồng Y đề nghị chúng ta “nhìn Giáo hội từ bên trong, theo nghĩa mạnh nhất của từ này, dưới ánh sáng của mầu nhiệm mà Giáo hội mang trong mình”, để chúng ta không mất phương hướng.

Năm nay, chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng gồm ba bài được trình bày vào ba thứ Sáu trước Lễ Giáng Sinh với chủ đề là “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến”, trích từ chương 4 Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát trong đó tóm tắt toàn bộ mầu nhiệm của Kitô Giáo.

Bài suy niệm Mùa Vọng đầu tiên được tổ chức tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục có tựa đề là “Chúa đã sai Con Ngài đến để chúng ta có thể được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa”

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Mùa Chay vừa qua tôi đã cố gắng làm sáng tỏ mối nguy hiểm của việc sống “etsi Christus non daretur,”, tức là “như thể Chúa Kitô chưa bao giờ tồn tại.” Tiếp tục dòng suy nghĩ này, trong các bài suy niệm Mùa Vọng năm nay, tôi muốn kêu gọi sự chú ý đến một mối nguy hiểm tương tự khác: đó là việc sống “như thể Giáo hội không hơn gì” những vụ bê bối, tranh cãi, xung đột cá tính, buôn chuyện, hoặc cùng lắm chỉ hữu ích chút đỉnh về mặt xã hội. Nói tóm lại, Giáo Hội chỉ là chuyện của con người, giống như mọi thứ khác trong quá trình lịch sử.

Tôi muốn làm sáng tỏ vẻ huy hoàng bên trong của Giáo hội và đời sống Kitô. Chúng ta không được nhắm mắt trước thực tế, cũng không được trốn tránh trách nhiệm của mình; đồng thời, chúng ta cần phải đối mặt với chúng từ một góc độ đúng đắn và không để bản thân mình bị chúng đè bẹp. Chúng ta không thể mong đợi các nhà báo và các phương tiện truyền thông tính đến quan điểm của chính Giáo hội, nhưng kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu như chúng ta, những người thuộc về Giáo hội và những thừa tác viên của Tin Mừng, cuối cùng lại đánh mất đi mầu nhiệm ẩn chứa trong Giáo hội và thối lui để hành xử như người khác và luôn ở thế phòng thủ.

Nói về việc loan báo Tin Mừng, Thánh Tông đồ Phaolô viết: “Chúng ta đựng kho tàng này trong những bình sành dễ vỡ” (2Cr 4, 7). Thật là ngu ngốc khi dành toàn bộ thời gian và sức lực của chúng ta để tập trung vào “những chiếc lọ đất sét dễ vỡ” trong khi quên mất “kho báu”. Thánh Tông đồ cho chúng ta một lý do để khẳng định điều tích cực tồn tại ngay cả trong những tình cảnh như hoàn cảnh của chúng ta ngày nay. Ngài nói rằng điều này là “để có thể thấy rõ rằng quyền năng phi thường này thuộc về Thiên Chúa và không đến từ chúng ta” (2 Cr 4, 7).

Giáo Hội giống như những ô cửa kính màu của một nhà thờ lớn. (Tôi đã trải nghiệm điều này khi đến thăm nhà thờ chính tòa thành Chartres.) Nếu anh chị em nhìn vào các cửa sổ từ bên ngoài, từ đường phố, tất cả những gì anh chị em thấy là những mảnh kính đen được giữ lại với nhau bằng những dải chì sẫm màu. Nhưng nếu anh chị em đi vào bên trong và nhìn vào chính những ô cửa sổ đó với ánh sáng tràn vào, thì thật là một mảng màu rực rỡ, những câu chuyện và ý nghĩa mở ra trước mắt anh chị em! Tôi đề nghị rằng chúng ta nên nhìn Giáo hội từ bên trong, theo nghĩa sâu xa nhất của từ này, để thấy Giáo Hội dưới ánh sáng của mầu nhiệm mà Giáo Hội thủ đắc.

Trong Mùa Chay, Định nghĩa của Công Đồng Chalcedon theo đó Chúa Kitô thực sự là con người và thực sự là thần thánh trong một hữu thể duy nhất đã hướng dẫn chúng ta suy niệm. Trong Mùa Vọng này, chúng ta sẽ dõi theo một trong những bản văn phụng vụ Mùa Vọng tiêu biểu hơn, đó là thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Galát chương 4, từ câu 4 đến câu 7, trong đó có đoạn:

Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Abba, Cha ơi!” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

Nói một cách ngắn gọn, phân đoạn này là sự tổng hợp của toàn bộ mầu nhiệm Kitô Giáo. Nó bao gồm Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Cha, Con của Người và Chúa Thánh Thần; mầu nhiệm nhập thể: “Thiên Chúa đã sai Con Ngài;” và tất cả những điều này, không phải là một kinh nghiệm trừu tượng, lạc hậu, mà là trong bối cảnh lịch sử cứu độ: “trong thời viên mãn”. Sự hiện diện của Đức Maria một cách kín đáo, nhưng không kém phần thiết yếu, là: “sinh ra bởi một người phụ nữ”. Và, cuối cùng, kết quả của tất cả những điều này là mọi người nam cũng như nữ được làm con cái của Thiên Chúa và là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Con cái của Chúa!

Trong bài suy niệm đầu tiên này, tôi muốn suy ngẫm về phần đầu của bản văn: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Tình phụ tử của Thiên Chúa là trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Ngay cả trong Kinh thánh tiếng Do Thái, Thiên Chúa được xem như một người cha. Điều mới lạ ở đây là giờ đây Thiên Chúa không được coi là “cha của dân tộc Israel” theo một nghĩa tập thể, có thể nói như vậy, mà là cha của mỗi con người theo một nghĩa cá nhân và cá vị, cha của cả người công chính lẫn người tội lỗi. Thiên Chúa quan tâm đến từng người như thể người đó là độc nhất vô nhị; Chúa biết nhu cầu, suy nghĩ và đếm số lượng sợi tóc trên đầu của mỗi người.

Sai lầm của Thần học Tự do, vào đầu thế kỷ 19 và 20 (đặc biệt là ở Adolf von Harnack, người đại diện nổi tiếng nhất của nó), là coi tình phụ tử của Thiên Chúa là yếu tính của Phúc âm, bỏ qua một bên thần tính của Chúa Kitô và Mầu nhiệm Vượt qua. Một sai lầm khác, bắt đầu từ lạc giáo Marcion vào thế kỷ thứ 2 và chưa từng bị xóa sổ hoàn toàn, là xem Thiên Chúa trong Kinh thánh tiếng Do Thái là Thiên Chúa công bình, thánh thiện, quyền năng và sấm sét, và Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa dịu dàng, là “hình bóng người cha” niềm nở và nhân từ.

Sự mới lạ do Chúa Kitô mang lại không bao gồm điều này. Thay vào đó, nó bao gồm thực tế là Thiên Chúa, Đấng vẫn như đã được mô tả trong Kinh Thánh tiếng Do Thái, cụ thể là, ba lần thánh, công bình và toàn năng, giờ đây đã được ban cho chúng ta làm cha của chúng ta! Đây là hình ảnh được Chúa Giêsu đặt ra trong lời mở đầu của Kinh Lạy Cha và diễn tả một cách ngắn gọn, tất cả những điều sau đây: “Cha chúng con, Đấng ngự trên trời”. Cha ngự trên trời, như thế Cha là Đấng Tối Cao, Đấng siêu việt, ở trên chúng ta như các tầng trời ở trên mặt đất, nhưng vẫn là “cha của chúng ta” - hay như nguyên tác đã viết: “Abba!” - hơi giống với cách nói bố của chúng ta, bố của con.

Đây cũng là hình ảnh của Thiên Chúa mà Giáo hội đặt ở đầu kinh Tin kính của mình. “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng”: là cha, nhưng vẫn là đấng toàn năng: toàn năng, nhưng vẫn là cha, Đây rốt cuộc là điều mà mọi đứa trẻ cần - cha mẹ luôn cúi xuống với con, dịu dàng, có thể chơi với con, nhưng đồng thời là người mạnh mẽ và con có thể dựa vào để được bảo vệ, là người truyền cho con lòng dũng cảm và tự do.

Trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về tính mới mẻ thực sự thay đổi mọi thứ. Thiên Chúa không chỉ là một người cha theo nghĩa ẩn dụ và đạo đức, theo nghĩa là Ngài đã tác tạo và chăm sóc cho dân tộc của mình. Thiên Chúa - trước hết - là một người cha thực sự của một người con thực sự được sinh ra “trước bình minh”, nghĩa là trước khi thời gian bắt đầu, và sẽ nhờ Người Con duy nhất này mà nhân loại cũng có thể trở thành con cái của Thiên Chúa theo nghĩa thực sự chứ không chỉ là một cách ẩn dụ. Sự mới lạ này tỏa sáng trong cách Chúa Giêsu tự xưng với Chúa Cha, gọi Người là Abba, và cũng qua lời Chúa Giêsu chúng ta biết rằng: “Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:27).

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng trong lời rao giảng của Chúa Giêsu trần thế, tính mới mẻ triệt để mà Ngài mang lại vẫn chưa hiển nhiên. Phạm vi của danh hiệu “cha” kéo dài theo nghĩa đạo đức, nghĩa là, nó mô tả cách Thiên Chúa hành động đối với nhân loại và cảm giác mà nhân loại nên nuôi dưỡng về Chúa. Mối quan hệ vẫn thuộc loại hiện sinh, chưa mang tính bản thể học và bản chất. Để điều này xảy ra, Mầu nhiệm Vượt qua về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là cần thiết.

Thánh Phaolô đã trình bày các suy tư liên quan đến giai đoạn đức tin sau Phục sinh này. Nhờ ơn cứu chuộc do Chúa Kitô mang lại và truyền cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội, chúng ta không còn là con cái Thiên Chúa theo nghĩa luân lý đơn thuần, mà còn theo nghĩa thực tế, bản thể học. Chúng ta đã trở thành “những người con trong Chúa Con,” và Chúa Kitô đã trở thành “trưởng tử của nhiều anh chị em” (Rôma 8:29).

Để diễn tả tất cả điều này, Thánh Tông đồ sử dụng ý niệm về việc nhận con nuôi: “… để chúng ta có thể nhận làm nghĩa tử như con cái Ngài” “Thiên Chúa đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1: 5). Nó chỉ là một phép tương tự, và như với bất kỳ phép tương tự nào, nó không thể diễn tả hết được mầu nhiệm này. Về bản chất, việc nhận làm con nuôi của con người chúng ta là một vấn đề luật pháp. Con nuôi có thể mang họ, quốc tịch và nơi cư trú của cha mẹ nuôi, nhưng chúng không có chung huyết thống hoặc DNA của bố mẹ. Việc thụ thai, mang nặng đẻ đau và sinh nở đều không liên quan. Đây không phải là trường hợp của chúng ta. Thiên Chúa không chỉ truyền cho chúng ta được gọi là con của Người, nhưng Người còn truyền cho chúng ta đời sống thân mật của Người, Thần Khí của Người, có thể nói được là truyền cho chúng ta DNA của Người. Nhờ Bí tích Rửa tội, chính sự sống của Thiên Chúa tuôn chảy trong chúng ta.

Về điểm này, Thánh Gioan táo bạo hơn Thánh Phaolô. Thánh Gioan không nói về việc nhận con nuôi, mà nói về sự sinh nở thực sự, Chúa đã sinh ra chúng ta. Những ai tin vào Đức Kitô “được Thiên Chúa sinh ra” (Ga 1,13); trong Phép Rửa, chúng ta được “sinh ra bởi Thánh Linh;” một người được “tái sinh từ trên cao” (xem Ga 3: 5-6).

Từ niềm tin đến sự ngạc nhiên

Cho đến nay, chúng ta đã chạm vào những chân lý đức tin của chúng ta. Tuy nhiên, tôi không muốn tập trung vào những điều này. Đây là những điều mà chúng ta đã biết và chúng ta có thể đọc trong bất kỳ sách hướng dẫn nào về thần học Kinh thánh, trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, và các sách về tâm linh. Vậy thì khía cạnh “khác biệt” mà chúng ta muốn tập trung vào trong bài suy niệm này là gì?

Điểm khởi đầu của tôi để khám phá là một câu được Đức Thánh Cha của chúng ta sử dụng trong bài giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát tại buổi tiếp kiến chung vào ngày 8 tháng 9. Sau khi trích dẫn văn bản chúng ta vừa nghe về việc nhận chúng ta làm nghĩa tử, ngài nói thêm: “Những người Kitô hữu chúng ta thường xem thực tại được làm con cái Thiên Chúa là chuyện đương nhiên. Chúng ta cần phải sống ân sủng tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được với một nhận thức sâu xa hơn, —và điều đó sẽ tốt cho chúng ta— nếu chúng ta luôn ghi nhớ khoảnh khắc của phép Rửa Tội khi chúng ta trở thành con cái Chúa”.

Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với một mối nguy hiểm chết người, đó là việc coi thường những chân lý cao siêu nhất về đức tin của chúng ta, bao gồm chân lý chúng ta là con cái của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Đấng Toàn Năng, Đấng Vĩnh Hằng, Đấng ban sự sống. Thánh Gioan Phaolô II, trong bức thư về Bí tích Thánh Thể, được viết không lâu trước khi ngài qua đời, đã nói về “sự kinh ngạc của Thánh Thể” mà các Kitô hữu phải tái khám phá. Điều tương tự cũng nên nói về việc chúng ta là con cái của Chúa: chúng ta phải chuyển từ niềm tin sang sự ngạc nhiên. Tôi sẽ đi xa hơn để nói từ niềm tin đến sự bất tín! Tôi nói về một kiểu không tin rất đặc biệt: đó là những người tin mà không thể nắm bắt được những gì mình tin bởi vì nó quá bao la và không thể tưởng tượng được.

Thật vậy, chúng ta ngại nói thành lời hậu quả của việc trở thành con cái của Thiên Chúa bởi vì điều đó chỉ đơn giản là làm lung lay tâm trí. Như vậy, khoảng cách bản thể học ngăn cách Thiên Chúa với con người ngắn hơn khoảng cách bản thể học ngăn cách chúng ta với phần còn lại của tạo vật, bởi vì nhờ ân sủng, chúng ta “được thông phần thiên tính” (2 Pt 1: 4).

Một ví dụ cụ thể có thể hữu ích cho chúng ta hơn là một loạt các lập luận để hiểu tại sao không nên xem việc được là con cái Thiên Chúa là chuyện đương nhiên. Sau khi cải đạo, Thánh Margaret thành Cortona đã trải qua một thời kỳ đau khổ khủng khiếp. Chúa dường như nổi giận với cô và đôi khi bắt cô phải nhớ lại từng tội lỗi mà cô đã phạm đến từng chi tiết nhỏ nhất, khiến cô muốn biến mất khỏi mặt đất này. Một ngày nọ, sau khi rước lễ, khá bất ngờ có một giọng nói bên trong cô ấy cất lên: “Con gái của Ta!” Cô đã chống lại việc xem xét lại tất cả lỗi lầm của mình, nhưng cô không thể cưỡng lại được sự dịu dàng của giọng nói này. Cô ấy rơi vào trạng thái ngây ngất và trong cơn ngây ngất ấy, những nhân chứng có mặt đã nghe thấy cô ấy điên cuồng lặp lại trong sự kinh ngạc:

Tôi là con gái của Người; chính Người đã nói như vậy. Ôi sự dịu dàng vô hạn của Chúa tôi! Đó là từ ngữ tôi đã khao khát! đã quyết liệt tìm kiếm! Lời Người có sự ngọt ngào vượt qua mọi sự ngọt ngào! Thật là một đại dương của niềm vui! Con gái Ta! Chúa tôi đã nói điều đó! Con gái Ta!

Trước Thánh Margaret từ lâu, Tông đồ Gioan đã đạt được nhận thức đáng kinh ngạc đó. Ngài viết: “Hãy chứng kiến tình yêu sâu đậm mà Thiên Chúa dành cho chúng ta đến mức chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa. Và đó là những gì chúng ta thực sự là!” (1 Ga 3: 1). Câu này rõ ràng là có ý được đọc với một dấu chấm than.

Cởi trói cho phép Rửa của ta

Tại sao việc đi xa hơn niềm tin để đi đến sự ngạc nhiên, hay từ những niềm tin (fides quae) sang tin (fides qua), lại quan trọng đến vậy? Chỉ tin thôi chưa đủ à? Chưa, và vì một lý do rất đơn giản: bởi vì điều đó - và chỉ điều đó - mới thực sự thay đổi cuộc sống của anh chị em!

Hãy cùng nhìn lại con đường dẫn đến cấp độ đức tin mới này. Như chúng ta đã nghe, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta trở lại với Bí tích Rửa tội của mình. Để hiểu làm thế nào mà một bí tích đã lãnh nhận nhiều năm trước - thường là khi bắt đầu cuộc đời chúng ta - có thể đột ngột sống lại và giải phóng năng lượng tâm linh mới, chúng ta cần ghi nhớ một số khía cạnh của thần học về bí tích.

Thần học Công Giáo thừa nhận ý tưởng về một bí tích vừa thành sự vừa hợp luật, nhưng “bị trói buộc” hoặc “bị đóng băng”. Phép Rửa Tội thường là một bí tích “bị trói buộc”. Một bí tích được cho là “bị trói buộc” nếu tác dụng của nó vẫn còn bị hạn chế và cản trở do thiếu một số điều kiện để phát huy hiệu quả của nó. Một ví dụ cực đoan là Bí tích Hôn phối hoặc Truyền Chức Thánh được lãnh nhận trong tình trạng đang mắc tội trọng. Trong hoàn cảnh đó, các bí tích đó không thể mang lại bất kỳ ân sủng nào cho các cá nhân lãnh nhận. Tuy nhiên, một khi chướng ngại của tội lỗi được loại bỏ, qua một lời xưng tội tốt, người ta nói rằng bí tích hồi sinh (reviscit) mà không cần lặp lại nghi thức bí tích, nhờ vào sự trung tín và không thể đảo ngược của hồng ân Thiên Chúa.

Như tôi đã đề cập, Bí Tích Hôn Phối và Truyền Chức Thánh là những ví dụ điển hình, nhưng có thể có những trường hợp khác, trong đó một bí tích, mặc dù không hoàn toàn bị trói buộc, cũng không hoàn toàn được giải phóng, nghĩa là được tự do phát huy tác dụng của nó. Trong trường hợp của Bí tích Rửa tội, điều gì có thể khiến các tác động của bí tích bị trói buộc? Các bí tích không phải là những nghi thức ma thuật hoạt động một cách máy móc mà chúng ta không biết hoặc không có sự hợp tác của chúng ta. Hiệu quả của chúng là kết quả của sức mạnh tổng hợp hoặc sự cộng tác giữa quyền năng toàn năng của Thiên Chúa, cụ thể là ân sủng của Chúa Kitô, của Chúa Thánh Thần, và sự tự do của con người.

Một bí tích mà mọi sự tùy thuộc vào ân sủng hoặc thánh ý của Chúa Kitô thì được gọi là “opus operatum”, “công việc viên mãn”; nghĩa là công việc đã hoàn thành, những hiệu quả khách quan và tất yếu của bí tích ấy phát huy tác dụng nếu bí tích ấy được thực hiện một cách hợp lệ. Trái lại, một bí tích mà mọi thứ phụ thuộc vào quyền tự do và sự định đoạt của người nhận thì được gọi là “opus operantis”, “công việc chưa được hoàn thành”, nghĩa là còn những điều phải tiến hành, với sự đóng góp của con người.

Những gì chúng ta nhận được từ Thiên Chúa – trong điều được gọi là “hồng ân Phép Rửa” - là nhiều mặt và rất phong phú. Nó bao gồm việc chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, được xóa bỏ tội lỗi, được Chúa Thánh Thần ngự trị, và được gieo mầm các nhân đức thần học như đức tin, đức cậy và đức mến vào tâm hồn chúng ta. Sự đóng góp của con người chủ yếu là niềm tin! “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,16). Khi ân sủng và tự do giao nhau trong một thể đồng bộ hoàn hảo, giống như hai cực, một cực dương và một cực âm, thì ánh sáng và sức mạnh được giải phóng.

Trong trường hợp Bí tích Rửa tội cho trẻ sơ sinh (và cả trong Bí tích Rửa tội dành cho người lớn khi thiếu niềm tin và thiếu sự tham gia sâu sắc), tính đồng bộ đó bị thiếu. Tôi không đề nghị chúng ta từ bỏ thực hành rửa tội cho trẻ sơ sinh. Giáo hội đã luôn luôn thực hành điều đó một cách đúng đắn và bảo vệ nó trên cơ sở rằng Bí tích Rửa tội là một hồng ân của Thiên Chúa ngay cả trước khi đó là kết quả của sự lựa chọn của con người. Thay vào đó, chúng ta cần thừa nhận những gì thực hành này có liên quan, trong hoàn cảnh lịch sử mới mà chúng ta đang sống.

Trong quá khứ, khi toàn bộ môi trường là Kitô Giáo và được thấm nhuần đức tin, đức tin này có thể nở rộ, mặc dù dần dần. Hành động đức tin tự do và cá vị được “Giáo hội cung cấp” và được thể hiện, như đã thường xảy ra là thông qua một bên thứ ba, cụ thể là cha mẹ và người đỡ đầu. Đây không còn là trường hợp của ngày hôm nay. Môi trường mà đứa trẻ lớn lên ngày nay ít thuận lợi hơn trong việc giúp đức tin nảy nở trong đứa trẻ. Môi trường gia đình cũng ít thuận lợi hơn xưa, hệ thống trường học còn ít thuận lợi hơn nữa, và tình hình còn thê thảm hơn trong toàn bộ xã hội và văn hóa của chúng ta.

Đây là lý do tại sao tôi đã nói về phép Rửa Tội như một bí tích “bị trói buộc”. Nó giống như một gói quà rất quý giá vẫn chưa được mở ra, giống như một món quà Giáng sinh, bị thất lạc ở đâu đó và bị lãng quên, ngay cả trước khi nó được mở ra. Bất cứ ai có nó đều có mọi thứ họ cần để thực hiện mọi hành vi cần thiết trong đời sống của một Kitô Hữu, và cũng trải nghiệm một số tác động của nó ít nhất là một phần, nhưng không tận hưởng được sự trọn vẹn của thực tại này. Theo ngôn ngữ của Thánh Augustinô, họ cảm nghiệm được bí tích (sacramentum), nhưng không cảm nghiệm được thực tại của bí tích (res sacramenti), hay chỉ cảm nghiệm được một phần.

Thực tế là chúng ta đang ở đây suy ngẫm về điều này có nghĩa là chúng ta đã tin, rằng đức tin đã được kết hợp với bí tích trong chúng ta. Vậy thì chúng ta vẫn còn thiếu điều gì? Chúng ta thiếu niềm tin như một sự kinh ngạc, thiếu một sự trầm trồ tròn xoe đôi mắt! thiếu sự ngạc nhiên và phấn khích mà anh chị em có được khi mở một món quà, mà đối với người tặng quà đó là quà tặng tuyệt vời nhất. Các Giáo phụ Hy Lạp gọi Bí tích Rửa tội là “sự khai sáng” (phoismos). Loại giác ngộ đó đã bao giờ xuất hiện trong chúng ta chưa?

Chúng ta tự hỏi: liệu có khả thi, và thậm chí có đúng không, khi chúng ta khao khát đạt đến một mức độ khác của đức tin, trong đó chúng ta không chỉ tin một chân lý mà còn trải nghiệm và nếm trải chân lý mà chúng ta tin? Linh đạo Kitô giáo thường đi kèm với một sự miễn cưỡng và thậm chí, như trong trường hợp của các nhà Cải cách Tin Lành, còn đi kèm với sự phủ nhận chiều kích kinh nghiệm và thần bí của đời sống Kitô như thể nó thấp kém hơn và đi ngược lại với đức tin thuần túy cách này cách khác. Nhưng bất chấp những lạm dụng cũng đã xảy ra, truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ hạ thấp truyền thống khôn ngoan cho rằng đỉnh cao của đức tin là ở chỗ “thưởng thức” chân lý của những gì chúng ta tin và “nếm” chân lý, bao gồm cả vị đắng của chân lý thập tự giá.

Theo ngôn ngữ Kinh thánh, biết không có nghĩa là có ý tưởng về một thứ gì đó vẫn tách biệt và xa rời tôi. Nó có nghĩa là bước vào một mối quan hệ và trải nghiệm nó. Thánh sử Gioan đã thốt lên: “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4:16), và một lần nữa: “Chúng ta đã tin và biết rằng Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6: 69). Tại sao lại nói “đã biết và đã tin?” “Đã biết” thêm gì vào “đã tin”? Thưa: Nó thêm một xác tín nội tâm xảy ra khi sự thật đối đầu với tinh thần và người ta buộc phải thốt lên từ thẳm sâu trong lòng: “Đúng, đó là sự thật, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là thế!” Sự thật được tin tưởng trở thành sự thật được sống. Thánh Thomas Aquinas đã nói như thế này: “Fides non terminatur ad enuntiabile sed ad rem”, nghĩa là “Đức tin không kết thúc bằng lời nói, nhưng bằng thực tế.” Chúng ta không ngừng tái khám phá những hệ quả thực tiễn của nguyên tắc này.

Vai trò của Lời Chúa

Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện bước nhảy vọt về chất này từ đức tin đến sự ngạc nhiên khi biết mình là con cái Thiên Chúa? Câu trả lời đầu tiên là Lời Chúa! Có một phương tiện thiết yếu không kém, đó là Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta sẽ để lại điều đó cho lần suy niệm tiếp theo. Thánh Grêgôriô Cả đã so sánh Lời Chúa với đá lửa, tức là, với viên đá từng được dùng để tạo ra tia lửa đốt cháy. Thánh nhân nói rằng cần phải làm với Lời Chúa những gì được thực hiện với đá lửa: nghĩa là đánh nó liên tục cho đến khi nó tạo ra tia lửa. Suy ngẫm về nó, lặp lại nó, thậm chí lớn tiếng.

Trong giờ cầu nguyện hoặc giờ thờ phượng của anh chị em, với cả tấm lòng và không chán nản, hãy lặp lại trong chính anh chị em: “Con của Thiên Chúa! Tôi là con của Thiên Chúa; Tôi là con cái của Chúa. Chúa là cha tôi!” Hoặc chỉ cần lặp đi lặp lại một lúc: “Lạy Cha chúng con ngự trên trời” mà không tiếp tục phần còn lại của Kinh Lạy Cha. Khi làm như vậy, điều cần thiết hơn bao giờ hết là phải nhớ lời của Chúa Giêsu: “Hãy gõ thì cửa sẽ mở cho anh em” (Mt 7: 7). Không sớm thì muộn, và có lẽ khi anh chị em ít ngờ tới nhất, điều đó sẽ xảy ra - thực tại của những lời nói đó, dù chỉ trong chốc lát, sẽ bùng nổ trong anh chị em và sẽ là đủ cho phần còn lại của cuộc đời anh chị em. Và ngay cả khi không có gì giật gân xảy ra, hãy yên tâm rằng anh chị em đã đạt được những gì cần thiết. Phần còn lại sẽ được trao cho anh chị em ở trên trời: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3: 2)

Chúng ta tất cả là anh chị em!

Một trong những tác động tức thì của tất cả những điều này là anh chị em sẽ nhận thức được phẩm giá của mình. Vào đêm Giáng sinh, Thánh Lêô Đại Đế sẽ khuyên nhủ chúng ta: “Hỡi người Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình. Một khi anh chị em đã chia sẻ trong thần tính Thiên Chúa, anh chị em có thực sự còn muốn quay trở lại những điều tồi tệ trong quá khứ của mình không?” Còn phẩm giá nào có thể cao hơn là được làm con của Thiên Chúa? Có một câu chuyện kể về một cô công chúa xấu tính, kiêu ngạo con của nhà vua nước Pháp, là người đã liên tục mắng mỏ một trong những người hầu gái của mình. Một ngày nọ, cô ấy hét vào mặt người tớ gái, “Mày không biết rằng tao là con gái vua của mày à?” Người hầu gái trả lời: “Thế cô không biết rằng tôi là con gái Chúa của cô à?”

Một sản phẩm phụ khác thậm chí còn quan trọng hơn là anh chị em trở nên ý thức hơn về phẩm giá của những người khác, những người cũng là con trai và con gái của Thiên Chúa. Đối với Kitô Hữu chúng ta, tình liên đới giữa con người với tư cách là anh chị em, tối hậu bắt nguồn từ sự thật rằng Thiên Chúa là cha của tất cả chúng ta, và vì tất cả chúng ta đều là con trai và con gái của Thiên Chúa, nên tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau. Không có mối ràng buộc nào bền chặt hơn điều này, và đối với các tín hữu Kitô chúng ta, không có lý do khác cấp thiết hơn để thúc đẩy tình huynh đệ phổ quát. Thánh Cyprianô viết: “Anh chị em không thể xưng Thiên Chúa là cha của mình mà không coi Giáo hội như mẹ của mình.” Chúng ta nên nói thêm: “Anh chị em không thể xưng Thiên Chúa là cha mình mà không coi người hàng xóm là anh chị em với mình.”

Có một điều chúng ta nên ngưng ngay đừng làm nữa. Chúng ta đừng nói với Thiên Chúa, là Cha chúng ta, dù chỉ là những lời xa xôi bóng gió rằng: “Hãy chọn giữa con và kẻ thù của con; hãy quyết định xem Chúa đứng về phía nào!” Không một bậc cha mẹ nào đáng bị đặt vào tình thế không thể nhìn nhận một trong những con cái của mình chỉ đơn giản là vì bọn trẻ không thể hòa hợp với nhau. Vì thế, chúng ta đừng cầu xin Chúa đứng về phía chúng ta chống lại người khác.

Khi chúng ta xung đột với người khác - anh chị em của chúng ta - ngay cả trước khi chúng ta gặp họ để thảo luận về quan điểm của chúng ta, là điều không chỉ là đúng đắn mà đôi khi còn là cần thiết nữa, chúng ta hãy nói với Chúa: “Cha ơi, xin hãy cứu con, cứu cả anh trai hoặc em gái của con; cứu cả hai chúng con. Con không giành phần phải về mình, và anh ấy hoặc cô ấy không nhất thiết phải là sai. Con muốn người đó đứng về sự thật, hoặc ít nhất là có thiện ý”. Lòng thương xót của người này đối với người kia là điều không thể thiếu để sống đời sống Thánh Linh và đời sống cộng đồng dưới mọi hình thức của nó. Nó không thể thiếu đối với gia đình và mọi cộng đồng con người và tôn giáo, kể cả Giáo triều Rôma. Như thánh Augustinô đã nói, tất cả chúng ta đều là những hũ đất sét dễ vỡ: Chúng ta rất dễ làm tổn thương chính mình.

Trước đó, chúng ta đã nhắc nhớ đến sự phấn khích của Thánh Margaret thành Cortona khi cô ấy cảm thấy Chúa đang gọi cô ấy là “con gái của Ta”. “Tôi là con gái của Người; Người đã nói như vậy… Thật là một đại dương của niềm vui! Con gái Ta! Chúa tôi đã nói điều đó! Con gái Ta!” Chúng ta có thể trải nghiệm điều gì đó rất giống nếu chúng ta lắng nghe chính giọng nói đó của Thiên Chúa, không vang vọng trong tâm trí của chúng ta, điều này có thể bị đánh lừa!, nhưng xuất hiện tỏ tường như được viết trên trang Kinh thánh mà chúng ta đang xem xét: “Anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa!” (Gal 4:7)

Nếu Chúa muốn, như chúng ta sẽ thấy lần sau Thánh Linh sẵn sàng giúp chúng ta trong công việc này.


1. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia - Giáo Hội từ Thánh Thể, 6.

2. Giunta Bevegnati, Vita e miracoli della Beata Margherita da Cortona, II, 6 (Italian version, Vicenza 1978, p. 19f).

3. Xem A. Michel, Reviviscence des sacrements, in DTC, XIII,2, Paris 1937, coll. 2618-2628.

4. Summa theologiæ, II-II, 1, 2, ad 2.

5. Thánh Grêgôriô Cả, Các bài giảng về tiên tri Ezechiel, I,2,1.

6. Thánh Lêo Cả, Diễn từ về Giáng Sinh, 3.

7. Cyprianô, De unitate Ecclesiæ, 6.

8. Thánh Augustinô, Các diễn từ, 69 (PL 38, 440) (lutea vasa sibi invicem angustias facientes).
Source:Cantalamessa