Ngày 06-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Từ mình sang Chúa
Lm. Minh Anh
00:00 06/12/2020
TỪ MÌNH SANG CHÚA

“Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trước một Thiên Chúa khiêm tốn, chúng ta được mời gọi khiêm nhu, đó cũng là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay. Chúng ta cùng quan chiêm sự khiêm nhượng vĩ đại của Gioan Tiền Hô, người đã chuyển ‘từ mình sang Chúa’ mọi ảnh hưởng, mọi tiếng tăm để Chúa được nhận biết, cũng là người đã nói, “Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.

Gioan được Chúa Giêsu coi là người vĩ đại nhất trong tất cả con cái người nữ sinh ra trên trần gian; vậy mà, Tin Mừng cho thấy, Gioan coi mình thậm chí không xứng đáng khom lưng nới lỏng quai dép cho một Đấng cũng được sinh ra từ lòng một người mẹ; thì ra, Gioan đã khiêm tốn nhưng Đấng Gioan tiền hô lại khiêm tốn hơn. Và đây là sự khiêm tốn ở mức độ cực đại!

Vậy thì điều gì đã khiến Gioan Tẩy Giả trở nên vĩ đại? Có phải vì lời rao giảng đầy thuyết phục hay vì tính cách năng động và hấp dẫn của một con người vốn có thể có một ngoại hình hoàn hảo như Gioan? Chắc chắn không một lý do nào trong các lý do trên khiến Gioan được coi là vĩ đại. Điều khiến Gioan thực sự vĩ đại chính là sự khiêm nhường mà với sự khiêm nhường đó, Gioan chỉ cho mọi người biết Chúa Giêsu, Gioan đã hướng cái nhìn của mọi người ‘từ mình sang Chúa’.

Gioan biết Chúa Giêsu là ai, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, Đấng sẽ rửa trong Thánh Thần; mọi người nghe Gioan, nhưng Gioan lại hướng ánh mắt của những ai theo Gioan ‘từ mình sang Chúa’. Và chính hành động hướng người khác đến với Chúa có ‘tác dụng kép’ là nâng Gioan lên tầm vĩ đại mà sự tự cao tự đại không bao giờ có thể đạt được.

Điều gì có thể tuyệt vời hơn hành động chỉ cho người khác Đấng Cứu Độ của thế giới? Điều gì có thể tuyệt vời hơn việc giúp người khác khám phá mục đích cuộc sống của họ bằng cách nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ? Điều gì có thể tuyệt vời hơn việc khuyến khích người khác sống một cuộc sống quên mình để tòng phục duy nhất một Thiên Chúa thương xót? Điều gì có thể tuyệt vời hơn việc nâng cao Đấng là Chân Lý vốn vượt trên những dối trá ích kỷ của bản chất hay sa ngã của con người?

Thiên Chúa đó cũng là một Thiên Chúa quyền phép vô song, khi với Người, “một ngày như thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” như thư Phêrô hôm nay nói; nhưng cũng là một Thiên Chúa đầy khiêm tốn, hạ mình xót thương dân Người, “Hãy an tâm, hãy an tâm”, vì “Người chăn dắt đoàn chiên như mục tử chăm sóc chiên mình; ẵm chiên con trên tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ” như ngôn sứ Isaia mô tả.



Một nhà tu đức nói, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế đến nỗi, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tự hào về sự khiêm tốn của mình, kết quả, chúng ta dành hết vinh quang của Chúa; thay vì Chúa lớn lên, Ngài phải nhỏ lại; thay vì bản thân nhỏ lại, chúng ta làm cho nó lớn lên; thay vì chuyển tất cả ‘từ mình sang Chúa’, chúng ta chuyển hết ‘từ Chúa sang mình’. Khi điều này xảy ra, điều tốt hoá thành xấu; những đức tính trở thành tệ nạn. Vậy mỗi khi làm được một điều gì, hãy làm như con sư tử dũng mãnh trong một đêm săn mồi thành công, nó biết nhìn lên để cám ơn ánh trăng”.

Anh Chị em,

Để cuộc sống có giá trị và ý nghĩa thực sự, hãy làm cho Chúa lớn lên đến mức cao nhất có thể, hãy chuyển tất cả ‘từ mình sang Chúa’; hãy hướng những người khác đến với Chúa, và làm cho Chúa Giêsu trở thành trọng tâm của cuộc đời mình cũng như cuộc đời những ai chúng ta gặp gỡ bằng cách hạ mình trước mặt Ngài. Chính trong hành động khiêm tốn này, sự vĩ đại thực sự của chúng ta sẽ được khám phá và chúng ta sẽ tìm thấy mục đích chính yếu của cuộc sống mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, khiêm nhượng sẽ giúp con bớt chất người, thêm chất Chúa; xin đừng để con giữ lại cho mình một điều gì, một hãy chuyển ‘từ mình sang Chúa’ tất cả những gì thế gian ban tặng; bởi lẽ, tất cả những gì con có, đều đến từ Chúa và nhất là, đều thuộc về Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Giờ Chầu Lòng Chúa Thương Xót Chúa Nhật 6/12/2020
Giáo Hội Năm Châu
01:57 06/12/2020
 
Thứ Hai 7/12: Vì ghen tức mà thành bất nhân. Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
03:32 06/12/2020


TIN MỪNG Lc 5:17-26

Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Và kià có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: "Này anh, tội anh được tha cho anh rồi".

Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: "Người đang nói phạm thượng là ai vậy? Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa ra?" Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Trong bụng các ông đang nghĩ gì vậy? Trong hai điều: một là bảo: "Anh đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - Đức Giê-su bảo người bại liệt: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!" Ngay lúc ấy, người bại liệt chỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.

Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: "Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!"

Đó là lời Chúa.
 
Trường Ca Con Đường Cái Quan Mùa Vọng
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:57 06/12/2020
Chúa Nhật II MV năm B 2020

Nghe sứ ngôn Isaia “tám” chuyện “dọn đường, sửa đường”, chợt nhớ những lời ca và giai điệu bất hủ trong Trường ca “CON ĐƯỜNG CÁI QUAN” của cố nhạc sĩ lừng danh Phạm Duy. Thật vậy, đây là một “tuyệt phẩm” âm nhạc của Miền Nam Việt nam trước thời 1975, một “trường ca” đúng nghĩa kể lại câu chuyện về con người và đất nước Việt Nam dọc theo “Con đường cái quan” từ “Ải Nam Quan” cho đến “Mũi Cà Mau”. Khúc trường ca nầy được nhạc sĩ tài danh Phạm Duy sáng tác trong suốt 7 năm (1954-1960) diễn tấu với 19 đoản khúc trên nền dân ca của ba miền Bắc, Trung, Nam.

Và trong đoản khúc mở đầu, tôi nhớ có hai câu:

Hỡi anh đi đường cái quan,

Dừng chân đứng lại cho em than đôi lời…

Trên “con đường cái quan phụng vụ” hôm nay, chúng ta cũng “dừng lại” để nghe Lời Chúa “than đôi lời” với chúng ta…

Đời sống Kitô hữu, dọc theo con đường phụng vụ của Hội Thánh, cũng là những kẻ “đi đường cái quan”; nhất là sứ điệp Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng nầy, chủ đề “con đường” gần như là một “leimotiv” của “trường ca phụng vụ Mùa Vọng”. Nên, chẳng lạ gì, trong các nhà thờ Công Giáo (Việt nam), trong những này nầy, người ta nghe vang vọng những câu ca như: “Có tiếng kêu từ nơi hoang vắng mau dọn đường cho Chúa…”, “dọn đường cho Chúa đi, dọn đường cho Chúa đi”… Vâng, chúng ta được mời gọi sống “mầu nhiệm con đường”, sống thời gian Phụng Vụ Mùa Vọng nầy bằng một thái độ đức tin đầy năng động tích cực: Tin tưởng vào con đường tình yêu của Thiên Chúa và chuẩn bị một con đường tâm linh xứng hợp để đón gặp Chúa đến.

Và Lời Chúa hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta những thái độ thích hợp để sống trọn vẹn ý nghĩa của Mùa Vọng, Mùa đợi chờ Chúa đến.

Trước hết, đó là chuyện “con đường” trong sứ điệp của ngôn sứ Isaia, những lời tiên tri về “con đường hồi hương” trở lại Giêrusalem của dân Israel sau những tháng năm lưu đày rệu rã nơi đất khách quê người ở Babylon: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán…”.

Sau cái “bản tin động trời” của nhà “tiên tri thi sĩ” đó, chuyện gì đã xảy ra?

Có đấy ! Lịch sử của dân tộc Israel đã ghi rằng: Khoảng năm 539 trước công nguyên, Vua Kyrô của Ba-Tư chiếm Ba-by-lon và đã ra sắc chỉ cho phép đoàn dân Do Thái lưu đày được hồi hương, Giê-ru-sa-lem được tái thiết. Hồi đó, một nỗi vui tràn trào dâng ngập lòng dân Israel. Nhiều con đường xuyên qua hoang mạc đã rộn ràng chân bước với nỗi vui ngút ngàn. Dân Israel cứ tưởng rằng, mọi con đường dẫn đến Thiên Chúa, dẫn về Giê-ru-sa-lem đã bế tắt, đã đóng lại, đã sụp đổ. Thế nhưng, Thiên Chúa, qua miệng các sứ ngôn, như với ngôn sứ Isaia trong trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố hôm nay, đã mở ra những nẻo đường hy vọng. Thiên Chúa vẫn mở ra những con đường của khoan dung và tha thứ, giải thoát và cứu độ.

Dân Israel đã cảm nhận tình thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho họ quá thực, quá rõ như Isaia minh họa: “Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ”. Và họ đã bỏ lại tất cả; bỏ lại nỗi buồn, niềm đau, thất vọng...; bỏ lại tâm thức ngoại giáo, duy vật, vô thần mà cuộc sống lưu đày đã hằn sâu bao năm tháng. Hành trang họ mang theo bây giờ chính là niềm tin yêu, trông cậy cùng với những “con tim hoán cải theo những lời giao ước” mà họ đã một thời lãng quên. Con đường về Giêrusalem hối thúc: “Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng…”.

Nhưng thật ra, lời tiên báo của Isaia hay câu chuyện hồi hương thời vua Kyrô trong Cựu ước chỉ là “tiên trưng”, báo trước cuộc “Thiên Chúa trở về” đích thực trong biến cố Đức Kitô.

Thật vậy, Nếu Isaia đã loan báo có những con đường trong hoang mạc để khơi lên niềm hy vọng về một Thiên Chúa đang trở về, thì sau đó 600 năm, vào thập niên 30 của thế kỷ thứ nhất, cũng tại vùng đất Palestina khô cằn sỏi đá, Gioan với biệt danh “Tẩy Giả”, trong vóc dáng của một “tiên tri lập dị”, đã lặp lại lời rao giảng của Isaia như lời kể của thánh sử Máccô để chuẩn bị đón chào một biến cố trọng đại: Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Đây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Gioan “Tẩy Giả” cũng loan báo một tin vui, tin “Thiên Chúa đang trở về”, “đang đến trong con người Giêsu làng Nadarét” mà ông đã trân trọng xác định nhân thân: “Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.

Và sau “bản tin động trời” đó đã xảy ra chuyện gì?

Những chuyện ngập tràn niềm vui: Vui như “Tiệc cưới ở Cana, nước lã hoá thành 600 lít rượu ngon”; vui như những kẻ què đi, mù thấy, câm nói được; những kẻ cùi phung được lành, những người bị quỷ ám được giải thoát, những phụ nữ bị loạn huyết lâu năm bình phục…; và cả chuyện vui động trời: con trai bà góa được mang đi chôn bỗng dưng hồi sinh; hay Ladarô, em trai của hai cô Matta và Maria, chôn được 4 ngày đã sống lại…

Rồi người ta lại còn nghe: ông trưởng tuy thuế vụ Giakê mang tiếng tham nhũng, xảo quyệt tham lam đã cải tà qui chánh; cô Maria “mang tiếng xấu cả thành” đã trở lại hoàn lương, anh chàng Lêvi đã bỏ bàn đếm tiền thu thuế đi làm sứ đồ; hay chuyện người thiếu phụ nhà quê tội nghiệp lỡ phạm tội ngoại tình được cứu thoát khỏi bị ném đá; chuyện 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé đã trở thành đại tiệc đãi phủ phê cả trên năm ngàn thực khách…

Và cứ như thế, trên khắp mọi nẻo đường Palestina đâu đâu cũng đuợc nghe một “TIN MỪNG”: “Tin mừng Nước Thiên Chúa” đã đến trong “Đấng được Thần Khí Chúa xức dầu tấn phong để loan Tin mừng cho người nghèo”; “Tin mừng Thiên Chúa là Cha yêu thương đón đợi đứa con hoang trở về”; “Tin Mừng về Người mục tử nhân lành đi tìm con chiên lạc”; “Tin mừng về một Bàn Tiệc Nước Trời luôn mở cửa”; “Tin mừng về một vườn nho có cả những người công nhân giờ thứ 11”; “Tin mừng về một cuộc tái sinh vào đời sống mới qua nước và Thánh Thần”; “Tin mừng về một cuộc sống phục sinh nhờ cùng ăn Tấm Bánh Thần Linh từ trời ban tặng”; “Tin mừng về một thế giới được qui tụ thành một gia đình con cái Thiên Chúa, mà luật pháp cốt yếu lại là tám con đường đi mang tên Tám Mối Phúc Thật”; “Tin mừng về một Đấng Mêsia đích thực là ‘Con Vua Đavit’ đã hiên ngang xác nhận: “Ta là Con Đường, Là Sự Thật và là Sự Sống”…

Và từ đó, “con đường Kitô”, con đường của Tin Mừng cứu độ qua “thập giá và phục sinh” đã mở ra trên mọi miền thế giới, đan chéo khắp năm châu bốn biển… Vâng, Đức Kitô chính là Con Đường đẹp nhất, đáng đi nhất, và chính Ngài đã thiết dựng những con đường đích thật để dẫn lối đưa đường cho mọi người về hạnh phúc vĩnh hằng… Mùa Vọng đang khơi dậy nơi tất cả mọi người Kitô hữu chúng ta niềm tin và hy vọng vào con đường yêu thương của Thiên Chúa, con đường dẫn tới Chúa Kitô, dẫn tới mầu nhiệm Nhập Thể- Giáng Sinh đang đến gần.

Thế nhưng, những con đường của Isaia, của Gioan Tẩy Giả, và rồi, những con đường Đức Kitô đã đi qua, đã gọi mời từ hai ngàn năm trước vẫn mãi là những “ước mơ”, là “mùa vọng” để vươn tới trong một thế giới mà đó đây vẫn còn những “đại lộ kinh hoàng của mùa hè đỏ lửa” (Phan Nhật Nam), những “con đường đi không đến” (Xuân Vũ) như “con đường mòn Hồ Chí Minh đầy máu xương và nước mắt của thời huynh đệ tương tàn”; vẫn còn những con đường đầy bom rơi đạn lạc ở Syria, ở A-phú-Hãn…; nhất là vẫn còn những con đường hận thù đố kỵ mang tên “ý thức hệ”, nhuốm màu “bất bao dung”, dán nhãn “hận thù dân tộc”, nhân danh “lợi ích kinh tế”, tự hào “chủ nghĩa cá nhân”…

Phải chăng vì thế mà Mùa Vọng của chúng ta sẽ mãi là “câu chuyện mới bắt đầu của hôm nay”, và việc “sửa dọn con đường” để “đón Chúa đến” vẫn mãi là “thời sự nóng hổi của lúc nầy”. Bởi chưng, như kinh nghiệm và giáo huấn của Thánh Tông đồ Phêrô, công cuộc dựng xây một “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” luôn đòi hỏi mỗi người chúng ta phải “cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”.

Nếu trong cuộc sống đời thường, người ta vẫn mơ ước những con đường đẹp như cách diễn tả của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ “đường về thôn em duyên dáng bên ven sông con thuyền xuôi mái”, “đường về thôn anh con sáo ru êm êm trên đồng xanh lúa…”, thì như gợi ý của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi phải “Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi, đường đến anh em đường đến bạn bè…”; thì trong nhịp sống đức tin, càng cần biết bao những “con đường lòng”, “ những con đường từ trái tim đến trái tim”, những con đường được “sửa dọn” bằng thực hành thiện lương, được “san lấp” bằng ăn năn hoán cải”; và như thế, “con đường cái quan của Mùa Vọng” sẽ là một “trường ca mang giai điệu tuyệt vời cho chính mình và cho nhân thế”. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Triệt để cần thiết
Lm. Minh Anh
22:07 06/12/2020
TRIỆT ĐỂ CẦN THIẾT

“Có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật

từ các làng mạc xứ Galilêa, Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một chi tiết đầu tiên trong Tin Mừng hôm nay đậm thắm ý nghĩa mà ít ai lưu ý, đó là, có rất đông các lãnh đạo tôn giáo từ “Galilêa, Giuđêa và Giêrusalem” đến nghe Chúa Giêsu; cho nên, đám đông nghe Ngài vốn đã đông lại càng đông hơn, đến nỗi một người bại liệt sẽ không tiếp cận được Ngài nếu các bạn của anh không có một động thái ‘triệt để cần thiết’ là mở toang mái nhà.

Thật lạ lùng, Chúa Giêsu nói với anh, “Tội anh được tha!”. Buồn thay, những lời ấy lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các lãnh đạo tôn giáo, “Người này là ai mà dám nói phạm thượng?”. Hành động đầu tiên của Ngài là tha tội cho người bại liệt vì lợi ích của anh; nhưng thâm trầm thay, việc chữa lành ‘bên trong’ cho người ‘liệt thật’ đó còn ‘triệt để cần thiết’ nhằm chữa trị ‘một bên trong khác’ vốn cũng bại liệt nơi những bậc vị vọng ‘không liệt’ đang vây quanh Ngài. Biết suy nghĩ của họ, Chúa Giêsu quyết định đi tới một hành động thứ hai hầu chứng tỏ “Con người có quyền tha tội dưới đất”, Ngài nói với người bất toại, “Hãy chỗi dậy vác chõng mà về”. Phép lạ đã xảy ra, Tin Mừng nói, “Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa”; ‘ai nấy’ có nghĩa là ‘mọi người’, dĩ nhiên, trong đó có cả các nhà lãnh đạo tôn giáo đang vây bủa để phán xét Ngài.

Vậy thì bài học nào được rút ra ở đây? Bài học ở đây, chính là bài học của lòng thương xót. Lòng thương xót Chúa Giêsu dành cho hàng lãnh đạo vẫn thật sâu sắc; Ngài yêu thương họ, dẫu họ luôn kiêu hãnh và luôn đố kỵ với Ngài. Vậy mà với bất cứ giá nào, Chúa Giêsu vẫn muốn thu phục họ, cứu độ họ, và đó vẫn luôn là một khát khao ‘triệt để cần thiết’ của thâm tâm Ngài; Ngài muốn họ hoán cải, hạ mình và thôi đừng cứng lòng nữa để hướng về Ngài. Sẽ khá dễ dàng để thể hiện xót thương trắc ẩn đối với một người bị liệt, bị xã hội từ chối và bị sỉ nhục; nhưng sẽ phải cần đến một lòng thương xót bao la hơn cả trùng khơi mới có thể quan tâm sâu sắc đến những kẻ hợm mình, cho mình là công chính và rồi đây, cũng là những kẻ sẽ giết chết Ngài.

Tin Mừng không nói đích danh ai trong số các lãnh đạo hôm ấy sẽ ăn năn trở lại; nhưng Tin Mừng cho biết, Chúa Giêsu vẫn yêu thương và dành nhiều thiện cảm cho những con người này. Cách riêng với Luca, giới biệt phái kinh sư cũng dành cho Ngài không ít tình cảm; bằng chứng, đã nhiều lần, Ngài đến nhà họ dùng bữa. Luca đặc biệt lưu ý mối tương quan này, bởi lẽ, với Chúa Giêsu, ơn cứu độ vẫn là một cái gì ‘triệt để cần thiết’ cho bất cứ ai, kể cả những biệt phái, rồi đây sẽ đóng đinh Ngài; hay với một biệt phái khác, rồi đây, sẽ là chứng nhân cho Ngài, Phaolô, đồ đệ thân tín của Luca, mà hầu chắc đã ảnh hưởng đến thầy mình. Một chi tiết độc đáo thâm thuý khác là trong cả bốn Phúc Âm, chỉ có Luca, ‘Tin Mừng của lòng thương xót’, có được lời nguyện đậm chất xót thương này, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Một linh hồn được cứu là một sa mạc được tưới tiêu, một tâm hồn hoán cải là một hoang địa hoa nở rộ; Isaia đã thấy trước điều đó trong bài đọc hôm nay, “Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng hoang hãy hoan hỷ và nở hoa!”; ơn cứu độ Đấng Thiên Sai mang đến vẫn ‘triệt để cần thiết’, tâm tình này bộc lộ qua Thánh Vịnh đáp ca, “Này đây Chúa chúng ta sẽ đến cứu độ chúng ta”.

Ngày kia, một nhà truyền giáo đang giảng thì có người xua tay phản đối, “Có hàng trăm tôn giáo và không ai có thể xác định, đâu là con đường đúng đắn!”. Nhà truyền giáo bình tĩnh trả lời, “Tôi chỉ biết hai tôn giáo, “Một”, tất cả những ai mong đợi sự cứu rỗi bằng ‘việc làm’; “Hai”, tất cả những ai đã được cứu bởi ‘một cái gì đó đã làm’. Vấn đề thật đơn giản, như những người bắn cung, không ai bắn vu vơ, nhưng nhắm ngay đích điểm để bắn; bạn có thể tự cứu mình, hay bạn phải ‘triệt để cần thiết’ được cứu bởi một Đấng nào khác?”.

Anh Chị em,

‘Đấng nào khác’ ấy là Giêsu Thiên Sai, muôn dân trông đợi; ‘Đấng nào khác’ ấy là Đấng đã liều chết để cứu cho bằng được cả thế giới; ‘Đấng nào khác’ ấy là Giêsu Xót Thương đang muốn cứu cả người ‘liệt thật’ và cả những ai cho mình ‘không liệt’; ‘Đấng nào khác’ ấy cũng là Đấng đang chờ đợi mỗi người chúng ta vốn cũng đang ‘triệt để cần thiết’ phải được cứu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa xót thương cả những người ‘không liệt’ muốn giết Chúa, Chúa xót thương cả những người ‘sắp liệt’ muốn yêu Chúa; xin cho con hiểu rằng, Chúa đang muốn cứu con, vì rất có thể, con cũng đang ‘triệt để cần thiết’ phải được cứu, vì con ‘liệt thật’, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thánh Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic
23:37 06/12/2020

BÀI ĐỌC I: St 3, 9-15. 20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”.

Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Đáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).

1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

3) Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca.

BÀI ĐỌC II: Ep 1, 3-6. 11-12

“Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Đức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Đức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Đức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Đức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.

Cũng trong Đức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Đấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Đức Kitô.

Đó là Lời Chúa.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

“Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Đó là Lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám mục Úc chuẩn bị cho Hội nghị Toàn thể theo nhiều dạng giống như các phiên họp đầu tiên của Hội đồng Toàn thể đã diễn ra trước đây!
Thanh Quảng sdb
02:27 06/12/2020
Các Giám mục Úc chuẩn bị cho Hội nghị Toàn thể theo nhiều dạng giống như các phiên họp đầu tiên của Hội đồng Toàn thể đã diễn ra trước đây!
(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Phiên họp của Hội đồng toàn thể Australia, đã bị hoãn lại cho đến tháng 10 năm 2021, vì đại dịch Covid-19, nên các phiên họp đã được diễn ra dưới nhiều hình thức, được kết hợp giữa trực tuyến với các cuộc họp mặt trực tiếp. Hội đồng Toàn thể này kéo dài một năm, là một cuộc qui tụ Công Giáo toàn quốc quan trọng nhất của Úc kể từ năm 1937, ban đầu dự định được nhóm họp vào tháng 10 năm ngoái tại Adelaide từ ngày 4 đến 11 tháng 10 và lần thứ hai tại Sydney, từ ngày 28/6 đến tháng 3/7 năm 2021.

Các cuộc họp đầu tiên được phối dưới nhiều hình thức hỗn hợp
Sau khi bị trì hoãn cả hai phiên họp, các Giám mục Úc đã đồng ý triệu tập cuộc họp đầu tiên theo một hình thức hỗn hợp, vì lúc đó vẫn không được đi lại và nhóm họp. Ngoài ra còn vì lý do như địa điểm Adelaide không đủ lớn để quy tụ được hơn 300 người do các yêu cầu về y tế giãn cách xã hội, như Đức Tổng Giám Mục Timothy John Costelloe SDB, chủ tịch Hội đồng Toàn thể giải thích. Theo thể thức hỗn hợp, các đại biểu sẽ gặp nhau theo các nhóm địa phương - giáo phận, liên giáo phận hoặc giáo tỉnh - và tham gia vào một số phiên họp của Tổng Hội Toàn thể. Các buổi họp khác sẽ diễn ra trong tâm tình trao đổi, cầu nguyện và biện phân với các nhóm khác trên toàn nước Úc.

Nhìn về tương lai
Hội đồng Toàn thể lần thứ năm do Giáo hội Úc triệu tập để nhìn về tương lai, vai trò và sự liên quan của Giáo Hội Công Giáo ở Úc, theo ý của Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo hội cần đối thoại với xã hội, dưới ánh sáng của những thay đổi quan trọng đã xảy ra ở nước Úc, trong những thập kỷ qua và qua những đề nghị của Ủy ban Hoàng gia về việc đề phòng trước vụ việc Lạm dụng Tình dục Trẻ vị thành niên trong Giáo hội.

Đối thoại và lắng nghe
Quá trình chuẩn bị Đại hội Toàn thể đã được bắt đầu vào năm 2018 với việc khởi động các cuộc họp, chia sẻ và lắng nghe được tổ chức tại tất cả các giáo phận, với sự tham gia của hơn 222.000 tín hữu, những người đã đệ trình hơn 17.000 các đóng góp, giải quyết các vấn đề như: việc quản trị Giáo hội, sự sống còn của Giáo hội, các vấn đề mục vụ giới trẻ, việc lạm dụng tình dục trong Giáo hội, vai trò của phụ nữ và giáo dân, v.v... Tất cả các vần đề đã giúp phát họa ra một bức tranh về thực trạng của Giáo hội ở Úc ngày nay, cũng như những hy vọng, thắc mắc và nguyện vọng của người Công Giáo Úc.

Lắng nghe và biện phân
Sau giai đoạn này được hoàn thành, giai đoạn thứ hai được bắt đầu vào tháng 6 năm 2019, đây là giai đoạn "lắng nghe và biện phân", nhằm xác định các vấn đề sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng. Những đề nghị trong các bài tổng kết, sau khi đã lắng nghe và trao đổi, được đúc kết thành sáu chủ đề có tính toàn quốc trước sự phân định; các chủ đề này đã giúp hướng đạo cho giai đoạn hai là: Truyền giáo và Truyền giảng; Hòa nhập, Tham gia và Hội nghị; Cầu nguyện và Thánh Thể; Khiêm tốn, Chữa lành và Nhân ái; Một cộng đồng tươi vui, tràn trề hy vọng và phục vụ, mở ra những cánh cửa của sự chuyển đổi, đổi mới và cải cách.
 
Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết: Đức Bênêđíctô XVI vẫn có thể nói được
Đặng Tự Do
03:22 06/12/2020
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đã bác bỏ thông tin trên báo chí rằng Đức Bênêđíctô 16 đã mất giọng.

Hãng thông tấn Công Giáo Áo Kathpress hôm 4/12 đưa tin, thư ký riêng của Đức Bênêđictô 16 đã xác nhận rằng vị giáo hoàng 93 tuổi vẫn có thể nói rõ ràng.

Các báo cáo đã lan truyền trên báo chí Ý và trên mạng xã hội cho thấy rằng nhà thần học người Đức, từng là Giáo Hoàng từ năm 2005 đến năm 2013, không còn khả năng nói chuyện.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, cho biết Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói với Kathpress rằng giọng của Đức Bênêđíctô trở nên “yếu và nhẹ” nhưng ngài vẫn có khả năng giao tiếp bằng giọng nói.

Các báo cáo xuất hiện sau khi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 gặp gỡ các tân Hồng Y tại Tu viện Mẹ Giáo Hội, nơi ngài cư trú tại Vatican, hôm 28 tháng 11. Đức Bênêđíctô đã chúc mừng và khích lệ các Hồng Y bằng cách sử dụng một microphone.

Vào tháng 8, các phương tiện truyền thông Đức đưa tin rằng ngài bị viêm quầng ở mặt, hay còn gọi là bệnh giời leo ở mặt, một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn gây ra ban đỏ, đau đớn.

Các báo cáo cho biết ngài đã bị tình trạng này sau chuyến thăm từ biệt bào huynh của mình, là Đức Ông Georg Ratzinger, ở Bavaria vào tháng Sáu vừa qua. Bào huynh của ngài đã mất ngày 1 tháng 7 ở tuổi 96.

Tuy nhiên, Tòa Thánh cho biết tình trạng của Đức Bênêđíctô 16 không nghiêm trọng, dù căn bệnh có thể gây khó chịu, thậm chí là đau đớn.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh dẫn lời Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói rằng “tình trạng sức khỏe của Đức Giáo Hoàng danh dự không có gì đáng lo ngại, ngoại trừ những bệnh tật của một cụ già 93 tuổi đang trải qua giai đoạn cấp tính nhất của một căn bệnh đau đớn, nhưng không nghiêm trọng..”


Source:Catholic News Agency
 
Mùa Vọng là một hành trình hoán cải – Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.
Đặng Tự Do
07:07 06/12/2020


Chúa Nhật 6 tháng 12 là Chúa Nhật thứ Hai của năm Phụng vụ. Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng với bài Tin Mừng sau theo Thánh Máccô:

Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.

Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.


Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Mc 1, 1-8) trình bày thân thế và công việc của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài chỉ ra cho những người đương thời của mình một hành trình đức tin tương tự như hành trình mà Mùa Vọng đề xuất cho chúng ta, là những người đang chuẩn bị đón Chúa đến vào Lễ Giáng Sinh. Hành trình đức tin này là một hành trình hoán cải. Từ “hoán cải” có nghĩa là gì? Trong Kinh thánh, trên hết, hoán cải có nghĩa là thay đổi hướng đi và định hướng; và do đó, cũng thay đổi cách suy nghĩ. Trong đời sống luân lý và tâm linh, hoán cải có nghĩa là chuyển từ xấu thành tốt, từ đắm chìm trong tội lỗi sang yêu mến Thiên Chúa. Và đây là điều mà Thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng. Ngài đã xuất hiện trong hoang địa Giuđêa, đã “rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội” (câu 4). Nhận phép rửa là một dấu chỉ bên ngoài và hữu hình cho thấy sự hoán cải của những ai lắng nghe lời giảng của ngài và quyết định thống hối. Phép rửa đó diễn ra với việc ngâm mình trong dòng sông Giođan, trong nước, nhưng có thể ra vô ích, nó chỉ là một dấu chỉ và sẽ là vô ích nếu ta không có lòng sám hối và thay đổi cuộc sống của mình.

Hoán cải liên quan đến tâm tình đau đớn vì những tội lỗi đã phạm, mong muốn giải thoát bản thân khỏi những tội lỗi ấy, quyết tâm loại trừ chúng mãi mãi khỏi cuộc sống của ta. Để loại trừ tội lỗi, chúng ta cũng phải từ chối những thứ liên quan đến tội lỗi, mọi điều liên quan đến tội lỗi, nghĩa là chúng ta phải khước từ tinh thần thế gian, lòng ao ước quá mức tiện nghi, quá coi trọng khoái lạc, hạnh phúc, và của cải. Mẫu gương về sự từ bỏ này một lần nữa đến với chúng ta từ bài Tin Mừng hôm nay qua hình ảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả: Ngài là một người đàn ông khắc kỷ, từ bỏ những gì không cần thiết và tìm kiếm những gì thiết yếu. Đây là khía cạnh đầu tiên của sự hoán cải: đó là tách biệt khỏi tội lỗi và tinh thần thế gian. Chúng ta hãy bắt đầu một con đường từ bỏ những điều này.

Khía cạnh thứ hai của sự hoán cải chính là đích điểm của cuộc hành trình, nói cách khác là cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và vương quốc của Ngài. Từ bỏ những thứ trần tục và tìm kiếm Chúa và vương quốc của Ngài. Việc từ bỏ những tiện nghi và tinh thần thế gian tự nó không phải là cùng đích, hoán cải không phải là một chủ nghĩa khổ hạnh chỉ nhằm mục đích đền tội: Kitô hữu không hành động như một “thầy tu khổ hạnh”. Đó là một điều khác.

Từ bỏ tự nó không phải là cùng đích, mà là nhằm đạt được điều gì đó vĩ đại hơn, đó là Nước Trời, tình hiệp thông với Chúa, và tình bạn với Ngài. Nhưng điều này không dễ dàng, bởi vì có rất nhiều mối ràng buộc khiến chúng ta gắn bó với tội lỗi, và nó không phải là dễ dàng... Các cơn cám dỗ luôn lôi kéo chúng ta xuống, kéo xuống, và vì thế có những ràng buộc níu kéo chúng ta trong tội lỗi: đó là thiếu quyết tâm, chán nản, ác ý, những môi trường độc hại, và các gương mù. Đôi khi sức đẩy mà chúng ta cảm thấy muốn hướng về Chúa quá yếu và dường như Chúa im lặng; Những lời hứa an ủi của Người dường như xa vời và viển vông đối với chúng ta, giống như hình ảnh người mục tử ân cần và chu đáo, vang lên hôm nay trong trích sách Tiên tri Isaia (x. Is 40,1.11). Và sau đó lại có cám dỗ để nói rằng không thể thực sự hoán cải được. Đã bao lần chúng ta cảm thấy chán nản như thế! “Không, tôi không thể. Tôi chỉ bắt đầu được một chút rồi quay lại”. Và điều này thật tệ. Nhưng hoán cải là điều có thể, hoàn toàn có thể. Khi anh chị em có ý nghĩ nản chí như thế, đừng dừng lại ở đó, bởi vì đây là cát, nó là cát lún: anh chị em sẽ lún sâu trong sự tồn tại tầm thường. Sự tầm thường là thế này: Còn có thể làm gì trong trường hợp khi một người muốn cất bước nhưng cảm thấy rằng mình không thể? Trước hết, hãy nhớ rằng hoán cải là một ân sủng: không ai có thể hoán cải bằng chính sức lực của mình. Đó là một ân sủng mà Chúa ban cho anh chị em, và do đó chúng ta phải cầu xin Chúa một cách mạnh mẽ, hãy cầu xin Chúa hoán cải chúng ta, để chúng ta thực sự hoán cải, đến mức chúng ta có thể mở lòng mình ra đón nhận vẻ đẹp, sự tốt lành, và sự dịu dàng của Chúa.

Thiên Chúa không phải là một người cha xấu, một người cha khó khăn, không phải. Ngài dịu dàng, ngài yêu chúng ta rất nhiều, như người chăn chiên lành, người tìm kiếm con cuối cùng trong đàn chiên của mình. Đó là tình yêu, và hoán cải là ân sủng từ Thiên Chúa. Anh chị em hãy tiến bước vì chính Ngài là Đấng thúc đẩy anh chị em bước đi, và anh chị em sẽ thấy Ngài đến như thế nào. Hãy cầu nguyện, hãy bước đi và anh chị em sẽ luôn tiến về phía trước.

Xin Đức Maria Rất Thánh, Đấng mà chúng ta sẽ mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày mốt, giúp chúng ta ngày càng tách mình ra khỏi tội lỗi và tinh thần thế gian, để mở lòng mình với Thiên Chúa, với lời Người, với tình yêu tái sinh và cứu độ của Người.


Source:Holy See Press Office
 
Đại dịch cũng không thể dập tắt ánh sáng Giáng sinh
Thanh Quảng sdb
15:35 06/12/2020
'Đại dịch cũng không thể dập tắt ánh sáng Giáng sinh'

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận ánh sáng Chúa Giáng sinh và mở lòng ra nâng đỡ những người đang cần giúp đỡ.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định, không có đại dịch nào hay không một khủng hoảng nào có thể dập tắt ánh sáng của Giáng sinh, khi ngài chào các tín hữu đang qui tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô và theo dõi qua các phương tiện truyền thông trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa nhật 6/12/2020.

ĐTC nhấn mạnh: cây Giáng sinh ở quảng trường Vatican đã được dựng lên và Khung cảnh Chúa giáng sinh sẽ sớm được thành hình, Đức Thánh Cha cho hay nhiều ngôi nhà “những biểu tượng Giáng sinh đang được dựng lên để tạo cho trẻ thơ và chúng ta” niềm vui của Giáng sinh.

ĐTC nói: “Chúng là những biểu tượng, những dấu hiệu của hy vọng, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này, và ngài mời gọi các Kitô hữu đừng dừng lại ở những biểu tượng trang trí bên ngoài, mà hãy đi xa hơn và hiểu đúng ý nghĩa của chúng là: “Chúa Giêsu, tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải cho chúng ta ơn lành đã được tuôn đổ xuống trên thế giới. "

Ngái đảm bảo với tất cả chúng ta rằng không một đại dịch hay khủng hoảng nào có thể “dập tắt ánh sáng đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy để nó đi vào trái tim ta và mở lòng ta ra với những người đang cần nhất.”

Vì vậy, ĐTC kết luận: "Một lần nữa Chúa sẽ sinh ra trong chúng ta và ở giữa chúng ta."
 
Khủng bố Hồi Giáo trả tự do cho một linh mục bị bắt cóc từ ngày 22 tháng 11
Đặng Tự Do
15:57 06/12/2020

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết về một trường hợp thật hi hữu. Khủng bố Hồi Giáo đã đơn phương trả tự do cho một linh mục bị bắt cóc từ ngày 22 tháng 11, sau khi chúng đã giết chết ít nhất 110 Kitô hữu, trong đó ít nhất 30 người bị chặt đầu.

“Chúng tôi cảm ơn Chúa vì người anh em của chúng tôi là Cha Matthew Dajo đã được trả tự do an toàn vào hôm nay thứ Tư ngày 2 tháng 12”. Đức Cha Ignatius Ayau Kaigama, Tổng Giám mục Abuja đã thông báo như trên cho thông tấn xã Fides.

“Chúng tôi cảm ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho ngài được bình an và được trả tự do.” Đức Cha Kaigama viết trong thông báo của ngài. “Chúng tôi cũng cảm ơn gia đình Cha Dajo và tất cả những người đã hợp tác để bảo đảm việc trả tự do cho ngài. Chúng tôi cầu xin cho tình hình an ninh của đất nước được cải thiện”.

Cha Matthew Dajo đã bị tấn công và bắt cóc bởi các tay súng vào hôm Chúa Nhật 22 tháng 11 tại nhà riêng ở giáo xứ Thánh Antôn, ở Yangoji, Abuja. Cảnh sát đã cố gắng khoanh vùng khu vực mà những kẻ bắt cóc đang trốn cùng con tin, nhưng ưu tiên cho việc chờ đợi để không ảnh hưởng đến tính mạng của vị linh mục.


Source:Fides
 
Khủng bố tông xe giết hại dân chúng ngay trước Tòa Giám Mục Thành Phố Trier
Đặng Tự Do
15:59 06/12/2020

Mọi người đã tập trung tại nhà thờ chính tòa của thành phố Trier vào tối ngày 1 tháng 12 để cầu nguyện cho các nạn nhân trong một vụ tấn công khủng bố. Một kẻ tấn công đơn độc đã đâm chiếc SUV của hắn ta vào những người mua sắm Giáng sinh, khiến 5 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương nặng.

Một em bé 9 tuần tuổi và cha của em nằm trong số những người thiệt mạng. Người mẹ và đứa con 18 tháng tuổi của một gia đình khác nằm trong số những người bị thương trong khu vực dành cho người đi bộ của thị trấn cổ kính nhất nước Đức.

Nước Đức đã phản ứng với sự kinh hoàng và sửng sốt. Trong khi đó, người dân Trier đã hướng đến đức tin Công Giáo của mình. Ngôi nhà thờ lớn có từ thế kỷ thứ tư đã trở thành trung tâm than khóc.

Đức Cha Stephan Ackermann, Giám Mục của Trier cho biết ngài “vô cùng kinh hoàng trước cuộc tấn công diễn ra gần như ngay trước cửa nhà chúng tôi”. Nhà thờ chính tòa và tòa giám mục chỉ cách con đường mà xe của hung thủ tông vào có vài thước.

Nhà thờ được mở cửa để cầu nguyện, trong khi một ngọn nến Phục sinh được đặt trước bàn thờ. Các tuyên úy khẩn cấp đã làm nhiệm vụ. Các nhà thờ khác xung quanh Trier tổ chức các buổi lễ cầu nguyện nhỏ hơn.

Vào lúc 8 giờ tối, tiếng chuông báo tử vang lên ở tất cả các giáo xứ. Tại nhà thờ chính tòa, quả chuông lớn nhất trong mười quả chuông, quả chuông “Chúa Kitô và Helena” nặng 8,79 tấn hay còn gọi là “chuông báo tử”, vang lên. Nó thường chỉ vang lên khi một thành viên trong ban tuyên úy nhà thờ, một giám mục hoặc một vị giáo hoàng qua đời.

Khoảng 100 người đã tham dự buổi lễ cầu nguyện đại kết, với các giãn cách xã hội cho các nạn nhân, thân nhân của họ và những người phản ứng đầu tiên.

“Một ngày tồi tệ đối với thành phố Trier của chúng ta đã kết thúc,” vị giám mục nói với những người thương tiếc.

Judith Rupp, phát ngôn viên báo chí của giáo phận, nói: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là mang lại cho mọi người cơ hội đến với nhau trong ngày khó khăn này”.

Cũng đúng vào dịp này, hồi năm 2016, một người Tunisia cảm tình viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, đã lái một chiếc xe tải tông vào khu chợ Giáng Sinh đông đúc ở Berlin giết chết 12 người và làm 49 người khác bị thương.


Source:Crux
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Bắc Hà Sàigòn: Mừng lễ bổn mạng ngày 05.12.2020
Văn Minh
10:46 06/12/2020
“Mỗi người chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho thật sốt sắng để đón mừng Chúa đến”. Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Giuse Nguyễn Năng – Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn – đã nhắn nhủ như trên trong dịp về thăm mục vụ và dâng Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - bổn mạng và kỷ niệm 10 năm cung hiến ngôi thánh đường giáo xứ Bắc Hà, giáo hạt Phú Thọ, diễn ra lúc 17g thứ Bảy ngày 05.12.2020.

Xem Hình

Đúng 17g00, đại diện HĐMVGX, các em Ban Lễ sinh, rước đoàn đồng tế từ dưới hội trường vào trong ngôi thánh đường trong niềm hân hoan chào đón của cộng đoàn Gx.

Thánh lễ trọng thể do ĐTGM Giuse chủ tế. Đồng tế với ngài có linh mục (Lm) Giuse Phạm Bá Lãm - hạt trưởng hạt Phú Thọ, Lm Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, chánh xứ Gx Bắc Hà, Lm Giuse Lê Hoàng Tuấn, phó xứ Bắc Hà và các Lm khách mời. Tham dự Thánh lễ, ngoài bà con giáo dân trong Gx Bắc Hà còn có sự hiện diện của quý soeur, ân nhân, các vị khách mời và đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ.

Đầu lễ, ĐTGM ngỏ lời chào mừng các Lm, quý soeur, cùng cộng đoàn dân Chúa đã cùng nhau quy tụ về ngôi thánh đường để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa hôm nay.

Sau bài Tin Mừng, ĐTGM chia sẻ: Thông thường vào mỗi dịp Noel đến thì người ta đi mua sắm đèn lồng, dây treo kim tuyến, hoa tuyết hay cây thông mang về trang trí cho ngôi nhà của mình làm sao cho đẹp và lung linh...Riêng đối với người Công Giáo đón mừng Noel là đón mừng Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng chúng ta. Vì vậy trong Mùa Vọng này, Giáo hội nhắc nhở mỗi người chúng ta phải chuẩn bị tâm cho thật sốt sắng để đón mừng Chúa đến. Hôm nay, Gx Bắc Hà mừng bổn mạng, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là Đấng bảo trợ Gx. Đức Mẹ được Vô Nhiễm Nguyên Tội, bởi vì, ngay từ khi còn nằm trong cung lòng của người mẹ thì Mẹ đã không mắc tội nguyên tổ. Vì Thiên Chúa đã chọn Mẹ là trung gian vào trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế, và cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ và tin vào Lời Chúa cộng tác với ơn Thánh để cùng nhau đón mừng ngày Đại lễ Giáng sinh trong niềm vui và tràn đầy ân sủng.

Sau phần hiệp lễ, ông Giuse Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch, thay mặt Gx Bắc Hà lên cảm ơn ĐTGM, các Lm, các soeur, cùng mọi thành phần dân Chúa đã hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Nhân đây, ông Chủ tịch cũng giới thiệu sơ qua về Gx lên ĐTGM và cộng đoàn:

Gx Bắc Hà hiện có 7 giáo họ, 5 hội đoàn, 6 ca đoàn, cùng với gần 6000 nhân khẩu. Đáp từ, ĐTGM Giuse bày tỏ niềm vui mừng lần đầu tiên về thăm mục vụ tại Gx Bắc Hà và ngài chúc mừng Gx luôn được bình an hiệp nhất. Nhân dịp Noel sắp đến, cầu chúc cho Lm chánh phó xứ và toàn thể cộng đoàn Gx được nhiều sức khỏe, bình an và tràn đầy ân sủng của Chúa Hài Đồng.

Thánh lễ khép lại lúc 18g 30, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an từ ĐTGM và cùng nhau hát vang bài “Xin dâng lên Mẹ”.
 
Văn Hóa
Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa, Chương Năm
Vũ Văn An
17:31 06/12/2020

Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





CHƯƠNG NĂM: Chúa Kitô Vũ trụ

Mọi sự được tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài, và muôn loài được duy trì trong Người.

Trong một loạt khóa giảng đầu tiên có tên là Khoa học và Thế giới Hiện đại, một trong các vị khôn ngoan nhất của thế kỷ 20, Alfred North Whitehead, tới nói về niềm tin khoa học và triết học rằng “mọi biến cố chi tiết đều có thể nối kết với biến cố trước nó một cách hoàn toàn xác định, điển hình hóa các nguyên lý tổng quát”. Ông nói tiếp “Không có niềm tin này, các công khó nhọc tuyệt diệu của các nhà khoa học sẽ vô vọng. Chính xác tín có tính bản năng này, hoàn toàn sống động trước óc tưởng tượng của ta, tức sức mạnh thúc đẩy mọi tìm tòi khảo cứu mà có một bí quyết, một bí quyết có thể được tiết lộ”. Rồi ông đặt câu hỏi nền tảng này: “Xác tín này đã được cấy trồng một cách hiển thị ra sao vào tâm trí Âu Châu?” Câu trả lời của ông như sau:

“Khi chúng ta so sánh âm sắc tư duy này với thái độ của các nền văn minh khác khi để chúng yên bề, dường như chỉ có một nguồn duy nhất cho gốc gác của nó. Nó phải phát xuất từ việc thời trung cổ nhấn mạnh tới tính hữu lý của Thiên Chúa, được quan niệm như có năng lực bản vị của Giêhôva và có tính hữu lý của một triết gia Hy Lạp” (1).

Hình ảnh thu nhỏ của điều nhấn mạnh ấy và của việc tổng hợp các niềm tin ấy – “năng lực bản vị của Giêhôva” cộng với “tính hợp lý của một triết gia Hy Lạp” – chính là học lý thời trung cổ và Kitô giáo về Chúa Giêsu Kitô như là Ngôi Lời Nhập thể.

Tới thế kỷ thứ tư, điều trở thành hiển nhiên là trong tất cả các “tước hiệu uy nghi khác nhau dành cho Chúa Kitô” được thích ứng và tiếp nhận trong các thế hệ đầu tiên sau Chúa Giêsu (2), không tước hiệu nào có hiệu quả to lớn hơn tước hiệu Logos (Ngôi Lời) đối với lịch sử tư tưởng, và tước hiệu Vua đối với lịch sử chính trị. Thực vậy, một triết gia Kitô giáo của thế kỷ đó có thể nói tới “các tước hiệu Logos, có rất nhiều, rất cao siêu, và rất vĩ đại” (3) đến nỗi đã gán tất cả các tước hiệu khác như là bổ nghĩa cho tước hiệu này. Cho tới tận nay, những người, như Ben Johnson nói về Shakespeare, có “ít tiếng Latinh, và càng ít tiếng Hy lạp” đôi khi có thể đọc những chữ đầu tiên của Tin Mừng Gioan, En archē ēn ho Logos; và gần ở đầu cuốn Faust của Goethe, triết gia già nua Faust ngồi trong phòng đọc sách ngẫm nghĩ chính bản văn ấy và cố gắng phiên dịch nó nhiều kiểu khác nhau “Im Anfang war das Wort/der Sinn/die Kraft’die Tat”: Từ nguyên thủy đã có lời/trí/quyền năng/công việc (4). Hạn từ Logos có thể có bất cứ và mọi ý nghĩa này, và nhiều ý nghĩa khác nữa, như “lý trí” hay “cơ cấu” hoặc “mục đích”.

Công trình chính của thế kỷ thứ tư xem xét Chúa Giêsu như Logos là tín điều Ba Ngôi, như đã được tôn vinh trong kinh Tin Kính Nixêa. Suốt hầu hết lịch sử Kitô giáo, tín điều Ba Ngôi vốn là đá tảng không bị nghi vấn, và không thể bị nghi vấn, của đức tin và giáo huấn thực sự chính thống. Nó vốn cung cấp đề cương cho các nền thần học hệ thống như Các Thể Chế (Institutes) của John Calvin, cho các sách giáo lý và các bài giảng. Việc thờ phượng và soạn thánh ca Kitô giáo, từ kinh Sáng Danh của phụng vụ Latin tới bài thánh ca thế kỷ 19 “Thánh, Thánh, Thánh” của Giám Mục Reginald Heber, thường mang lại một phát biểu tốt hơn cho đức tin vào Chúa Ba Ngôi hơn thần học nhiều; ngay Calvin cũng nghĩ rằng kinh Tin Kính Nixêa hát tốt hơn đọc. Việc khai triển tín điều Chúa Ba Ngôi là một trang sử quan trọng, người ta có thể an toàn nói nó là trang sử duy nhất quan trọng trong lịch sử khai triển tín lý Kitô Giáo, và nó phải chiếm một địa vị quan trọng trong bất cứ trình thuật nào về lịch sử ấy. Nhưng việc đồng nhất hóa Chúa Giêsu như Logos cũng đã tạo ra một lịch sử trí thức, triết học và khoa học. Vì khi áp dụng tước hiệu này cho Chúa Giêsu, các triết gia Kitô giáo của các thế kỷ thứ tư và thứ năm, những người cố gắng giải trình việc Người là ai và Người đã làm gì, đã có thể giải thích Người như là manh mối thần linh dẫn vào cơ cấu thực tại (siêu hình học) và, bên trong siêu hình học, dẫn tới bí ẩn của hữu thể (hữu thể học) – tắt một lời, như Chúa Kitô Vũ Trụ.

Có thể từ thế kỷ thứ tư, chúng ta có thứ công trình vĩ đại khác để giải thích Chúa Giêsu như Chúa Kitô Vũ Trụ. Một quan tài bằng đá của Kitô giáo thế kỷ ấy, hiện thuộc Viện Bảo Tàng Lateran ở Rôma, trình bầy một bức tranh rất nổi về quyền tối thượng của Người đối với vũ trụ. Giữa hai sách cuộn chạm trổ công phu ở giữa trụ ngạch (frieze) bằng đá hoa cương dọc bên quan tài là chân dung ở thế ngồi của Chúa Kitô đang ngự trên ngai, ngự cao hơn các khuôn mạo ở hai bên Người. Tay trái của Người cầm một sách cuộn, còn tay phải của Người giơ lên trong cử chỉ chúc lành và tỏ uy quyền. Dưới chân Người là hình nhân hóa vũ trụ. Thánh Tông đồ Phaolô tuyên bố “Người phải thống trị cho tới lúc Người đặt mọi kẻ thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng cần tiêu diệt là sự chết” (1Cr 15:25-26). Và một lần nữa, bằng những lời nghe như một thánh ca:

“Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1:15-19).

Trên một quan tài bằng đá thế kỷ thứ tư nhằm mục đích khẳng định chiến thắng của Người trên sự chết “như kẻ thù cuối cùng” qua Đấng “là trưởng tử trong số những người từ cõi chết”, chính chiều kích vũ trụ này của cả chiến thắng của Người lẫn tư cách chúa của Người đã mang hình dạng hiển thị y hệt như cũng chính chiều kích này nhận được hình dạng ý niệm cùng một lúc trong tín điều Ba Ngôi.

Những lời mở đầu Tin Mừng Gioan “từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” rõ ràng có ý trở thành lời diễn giải cho các lời mở đầu của Sách Sáng Thế “từ khởi thủy, Thiên Chúa tạo nên trời và đất... và Thiên Chúa phán”. Dù sao, đó cũng là cách các Kitô hữu tiên khởi đọc hai bản văn này song hành với nhau (5). Vì chính việc nói của Thiên Chúa (một cách dịch chữ Logos) đã làm cho thế giới khả hữu. Cũng chính việc nói của Thiên Chúa đã làm cho thế giới khả niệm: Chúa Giêsu Kitô như Logos là Lời của Thiên Chúa mặc khải con đường và ý chí của Thiên Chúa cho thế giới. Như một phương tiện của Mặc khải Thiên Chúa, Người cũng là tác nhân của mặc khải này, nhất là mặc khải về vũ trụ và việc tạo dựng nên nó. Tính “khả tín” của Người là điều căn bản cho mọi hiểu biết của con người (6). Cho nên, khi, trong thế kỷ thứ tư, Thánh Basilêô thành Xêdarê khởi sự giải thích ý nghĩa của vũ trụ, ngài bắt đầu bằng câu truyện sáng thế trong 6 ngày như đã được ghi trong Sách Sáng Thế và từ đó trình bầy nó một cách chi tiết trong cuốn Hexaemeron của ngài, một tác phẩm pha trộn kỳ cục đủ cả thần học, triết học, khoa học lẫn mê tín, một tác phẩm chẳng bao lâu sau được Thánh Ambrôsiô thành Milan tiếp nhận và diễn giải bằng tiếng Latinh.

Như chúng ta đã thấy, nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo tiên khởi đã mang vào lối giải thích của họ về trình thuật sáng thế một cái hiểu về nguồn gốc của vũ trụ vốn được lên khuôn một cách sâu xa bởi cuốn Timaeus của Platông, một việc sử dụng vũ trụ luận của Platông vốn nhận được nhiều tăng cường có ý nghĩa với các Kitô hữu do niềm tin của họ cho rằng Platông có đọc Sách Sáng Thế và trong cuốn Timaeus, ông ta đã tri nhận, dù một cách mờ mờ, rằng cơ cấu vũ trụ có hình thập giá (7). Do đó, ngay từ đầu, quan điểm Kitô giáo về sáng thế, ngay cả sáng thế nhờ Logos, Đấng sẽ phải trở nên nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô, đã là điều mà các thế hệ về sau gọi là “một lý thuyết hỗn hợp”, nghĩa là, một lý thuyết mà cả mặc khải Thiên Chúa lẫn lý trí con người đều có điều để nói về. Sự tương tác giữa hai lối nhận thức, bất luận được coi như hòa hợp hay mâu thuẫn, đều giúp lên khuôn lịch sử không những của thần học mà còn của triết học và khoa học, cho tới tận 2 thế kỷ 19 và 20 (8). Đối với hầu hết các giáo phụ thế kỷ thứ Tư này, điều nối kết với nhau trong sáng thế luận vừa có tính tôn giáo vừa có tính thần học của Kinh Tin Kính Nixêa (“chúng tôi tin một Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”) và vũ trụ luận vừa có tính triết học vừa có tính khoa học của Platông và trường phái Platông (như đã được lên công thức trong Timaeus và các chú giải về nó, kể cả các nhà chú giải Kitô giáo) là một khẳng định nữa về nội dung của tín điều Logos (dù hạn từ Logos không xuất hiện trong Kinh Tin Kính Nixêa) khi nó tuyên xưng rằng “nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mà mọi vật được tạo thành”. Tuy nhiên lời khẳng định này cũng vẽ đường ranh nơi hai lối tri nhận thực tại vũ trụ tách xa nhau.

Trường hợp điển hình cho mối tương quan giữa chúng là định nghĩa về sáng tạo như “sáng tạo từ hư vô [creatio ex nihilo]” (9). Định nghĩa này được điều hướng chống lại ý tưởng cho rằng vật chất là vĩnh cửu, do đó, đồng hiện hữu với Đấng Tạo Hóa (10). Dù “các triết gia Hy Lạp đã khổ công rất nhiều trong việc giải thích thiên nhiên”, điều tốt nhất họ có thể làm, trong các công trình như Timaeus, là “một tưởng tượng nào đó, chứ không hề một hiểu thấu rõ ràng” của “lý thuyết dấu ẩn” của Sách Sáng Thế, một sách đã được Lời Thiên Chúa mặc khải cho và qua Môsê (11). Cho nên, xem xét vũ trụ dưới ánh sáng khôn ngoan Thiên Chúa hơn là khôn ngoan trần gian có nghĩa là nhìn nhận rằng “Lời Thiên Chúa thấm nhiễm cùng khắp sáng thế’ ngay từ buổi đầu và cho tới tận nay (12). Và Lời được Thiên Chúa nói, cũng như Đấng mà Thiên Chúa nói những lời này cho “chúng ta hãy tạo nên con người giống hình ảnh chúng ta” không là ai khác hơn “đấng Cộng tác với Người, Đấng qua Người [Thiên Chúa] tạo nên mọi trật tự hiện hữu, Đấng duy trì vũ trụ bằng lời quyền năng của Người”, Chúa Giêsu Kitô Logos được coi như “ngôi thứ hai” của Ba Ngôi và như Chúa Kitô Vũ Trụ (13).

Đặt điều trên vào công thức súc tích của một nhà giải thích Latinh đối với tư tưởng Kitô giáo Hy Lạp, thì “chính Chúa Cha là Đấng từ Người mọi hiện hữu phát sinh. Trong Chúa Kitô và qua Chúa Kitô, Người là nguồn mọi loài. Trái ngược với mọi loài, Người tự hữu” (14). Trong một định nghĩa như thế, điều cần thiết là phải làm sáng tỏ có phải Lời Thiên Chúa nói lúc sáng thế, tức Logos nay hiện diện trong Chúa Giêsu, có nói, theo lời Sách Châm Ngôn: “Chúa đã dựng nên tôi lúc khởi đầu công trình của Người” (15). Vì nếu như thế, Logos sẽ là tạo vật đầu tiên trong các tạo vật, tuy thế, vẫn chỉ là một tạo vật và là một phần của trật tự tạo dựng. Theo tín lý chính thống của Kitô giáo, chỉ có thể có hai khả thể hoặc là tạo vật hoặc là Đấng Tạo dựng. Đó là kết luận của nhiều cuộc tranh luận cay đắng về học lý Chúa Ba Ngôi trong thế kỷ thứ tư rằng Logos như Lời Thiên Chúa nói ra lúc sáng thế đã hiện diện với Thiên Chúa trước cả sáng thế, từ thuở đời đời và do đó, cùng đời đời “đồng bản thể [homoousios] với Đức Chúa Cha”. Trong bài trình bầy nổi tiếng của ngài về sáng thế trong sách 11 cuốn Tự Thú, Thánh Augustinô, khi hỏi “Lạy Chúa, Ngài dựng nên trời và đất ra sao?”, đã trả lời rằng chính bằng Lời Thiên Chúa nói từ thuở đời đời và qua đó mọi tạo vật được ngỏ lời từ thuở đời đời: “Lạy Chúa, trong Nguyên thủy này, Chúa đã tạo nên trời và đất – trong Lời của Ngài, trong Con của Ngài, trong Quyền Năng của Ngài, trong Khôn ngoan của Ngài, trong Sự Thật của Ngài, nói một cách kỳ diệu, tạo dựng một cách kỳ diệu” (16).

Nhưng “Logos của Thiên Chúa” khi áp dụng vào Chúa Giêsu Kitô có nghĩa hơn “Lời Thiên Chúa” rất nhiều, hơn cả mặc khải Thiên Chúa; có những hạn từ Hy Lạp khác có thể nói lên sự hơn này và một số đã được sử dụng trong Tân Ước và trong các trước tác Kitô giáo tiên khởi khác. Việc sử dụng chuyên biệt danh từ Logos hàm nghĩa thêm rằng điều xẩy ra nơi Chúa Giêsu Kitô cũng là Lý lẽ và Tâm thức của vũ trụ. Cũng trong tư duy cổ điển Hy Lạp, “không có Logos” (alogos) vốn có nghĩa không có lý lẽ hay trái với lý lẽ (17); các người lạc giáo thế kỷ thứ 2 từng chống đối việc sử dụng học lý Logos – và Tin Mừng Gioan vì có chứa học lý này – do đó đã được đặt tên là “Alogoi” và các nhà tư tưởng thế kỷ thứ tư bác bỏ tính vĩnh cửu của Logos đã bị tố cáo đã dạy rằng Thiên Chúa có lúc đã alogos là điên rồ (18). Tư duy chính thống luôn nhấn mạnh rằng “Không bao giờ có lúc nào Thiên Chúa hiện hữu mà lại không có Logos, hoặc Người không phải là Chúa Cha” (19). Cùng với việc các nhà tư tưởng này suy xét ý nghĩa sâu xa hơn của việc đồng nhất hóa Chúa Giêsu với Logos vĩnh cửu, tầm ý nghĩa vũ trụ học của Logos như Lý Lẽ trong khuôn khổ học lý sáng thế đã rở nên rõ ràng hơn.

Khi đưa ra câu hỏi bóng bẩy “vậy thì sự cao cả của con người hệ ở điều gì?”, một trong số họ đã trả lời rằng nó hệ “ở việc họ là hình ảnh của Đấng Tạo Dựng”. Rồi vị này phân tích các ý nghĩa của học lý đó về mối tương quan của Chúa Kitô với sáng thế (20):

“Nếu bạn khảo sát các điểm khác qua đó vẻ đẹp của Thiên Chúa được phát biểu, bạn sẽ thấy rằng cả trong chúng nữa, việc giống hình ảnh [Thiên Chúa] mà chúng ta trình bầy được hoàn toàn duy trì. Thiên tính vốn là trí (mind) và lời (word); vì ‘từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời’ và các người theo chân Thánh Phaolô vốn có ‘trí của Chúa Kitô nói’ trong họ. Nhân tính cũng không xa các điều này; vì bạn thấy trong chính bạn cả lời lẫn hiểu, những điều vốn lả bản sao chép Trí và Lời này [tức, Chúa Kitô như Logos]”.

Do đó, có một loại suy giữa Logos của Thiên Chúa, đã nhập thể nơi Chúa Giêsu, và logos của nhân loại, vốn nhập thể nơi mỗi con người và có thể được tri nhận với từng người từ bên trong. Nhưng vì Logos của Thiên Chúa, liên hệ với Chúa Cha như lời liên hệ với trí, là Hóa Công thần linh (divine Demiurge), qua Người, toàn bộ vũ trụ đã bước vào hiện hữu, hệ luận là “danh này [Logos] đã được ban cho Người vì Người hiện hữu trong mọi loài hiện hữu” (21).

Từ các mô tả trên về mối tương quan giữa vũ trụ như sáng thế của Thiên Chúa và Logos như Lý Lẽ của Thiên Chúa ta có hai hệ luận cho học lý về nhận thức. Một đàng, việc đồng nhất hóa Logos như Lý và Trí của vũ trụ hành động để vượt thắng khuynh hướng, vốn cố hữu đối với phong trào Kitô giáo từ khởi thủy, vốn say sưa trong nghịch lý đức tin vào Chúa Kitô đến nỗi đã vinh danh cả sự vô lý. Tetullianô không bao giờ nói (hay, chính xác hơn, không bao giờ hoàn toàn nói) điều vốn được gán cho ông, Credo quia absurdum, “tôi tin vì nó phi lý". Nhưng ông quả có nói “Con Thiên Chúa đã chết; đây là điều dù thế nào cũng phải tin, vì nó không có nghĩa gì cả [quia ineptum est]. Và Người đã được chôn cất và đã sống lại; sự kiện này là điều chắc chắn, vì nó bất khả” (22). Ông nói ở một chỗ khác rằng “Sau khi có được Chúa Giêsu Kitô, chúng ta không muốn có bất cứ cuộc tranh luận kỳ lạ nào nữa, không tìm hiểu sau khi đã được thưởng ngoạn Tin Mừng! Athens có chi ăn uống với Giêrusalem?” (23).

Xem xét chúng theo nghĩa đen và có thế giá, như đôi khi chúng được xem như thế trong lịch sử duy chiểu tự và phản trí thức của Kitô giáo ở mọi thế hệ, những tâm tư như thế có lẽ đã kết liễu mọi tư duy triết học và có thể còn hoài thai bất cứ cuộc tìm hiểu có tính khoa học, cả hai đều tùy thuộc giả thuyết cho rằng có một trật tự hữu lý trong vũ trụ này. Nhưng qua hậu bán thế kỷ thứ tư, những người vẫn còn chấp nhận nghịch lý của đức tin vào Chúa Kitô có thể quả quyết tính chính đáng của diễn trình hợp lý và có thể nại tới chứng cớ “của đôi mắt chúng ta và luật tự nhiên” (24). Vì sáng thế, được Chúa Cha thực hiện qua Con Logos đời đời của Người, không hề có tùy hứng hay tình cờ, cũng “không được quan niệm một cách may rủi hay vô lý”; nhưng nó “có một mục đích hữu dụng” (25). Hệ luận của khẳng định về tính hữu lý của vũ trụ này là việc bác bỏ hình thức duy tùy hứng và duy may rủi được đặc biệt đại diện bởi ngành xem tử vi (26). Có một sự khác biệt căn bản giữa nhân loại và các tạo vật khác là, vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và nhờ một hành động đặc biệt của Logos tạo dựng, ngay thân xác con người cũng phải là logikos, “có khả năng lời” hay “xứng với việc sử dụng lý lẽ” hay dù sao, cũng “phản chiếu thánh nhan Logos tạo dựng” (27).

Tuy nhiên, niềm tin tưởng của các triết gia Kitô giáo thế kỷ thứ tư rằng Lý Lẽ thần linh biểu lộ nơi Chúa Kitô đã phú ban cho lý trí con người khả năng hiểu thấu các việc làm của bản chất thụ tạo, bị giới hạn trong việc giả thiết bằng cực kia của biện chứng: họ hiểu rõ, cũng dựa trên mặc khải nơi Chúa Kitô, nhiều giới hạn đã được đặt lên khả năng của con người trong việc hiểu thực tại tối hậu. Như thường xẩy ra, chính một người lạc giáo Kitô hữu đã phục vụ như chất xúc tác cho một cách hiểu thông sáng có tính nền tảng: đó là Eunomius, một trong các triết gia Kitô giáo có khả năng nhất của thế kỷ thứ tư, đã được khá nhiều địch thủ chính thống trưng dẫn như người đã chủ trương rằng ông ta có khả năng biết yếu tính của Thiên Chúa cũng như chính Thiên Chúa tự biết Người vậy. Chúng ta không nhất thiết phải chấp nhận sự chính xác lịch sử của các trưng dẫn như thế để, ngược lại, nhìn nhận rằng có rất nhiều điều về Thiên Chúa mà họ không hề biết. Đối với việc tìm hiểu các tạo vật, chỉ cần biết “tên” của chúng là hiểu được “yếu tính” của chúng, nhưng “chỉ một mình bản tính không tạo dựng [của Thiên Chúa], mà chúng ta thừa nhận nơi Chúa Cha và nơi Chúa Con cùng nơi Chúa Thánh Thần, là vượt quá mọi ý nghĩa của tên” (28). Vì “thần tính không thể được phát biểu bằng lời”; “chúng ta phác tả nó bằng các thuộc tính của nó” và nhờ thế, ‘nhận được một ý tưởng mờ mờ, yếu ớt và phiếm diện nào đó về nó” đến nỗi “nhà thần học giỏi nhất của chúng ta” là người nói về Thiên Chúa dựa trên các mẩu kiến thức có thể có này” (29). Kết quả là điều có thể gọi là “chủ nghĩa thực nghiệm Kinh Thánh” (biblical positivism) như đã được phát biểu trong khẩu hiệu của Hilary Poitiers “Thiên Chúa phải được tin bao lâu Người nói về chính Người [ipsi de Deo credendum est]” (30). Và Thiên Chúa đã dứt khoát lên tiếng trong Logos, nhập thể trong xương thịt lịch sử của Chúa Giêsu Kitô. Như thế, vũ trụ có thể nhận thức được một cách đáng tin cậy mà đồng thời vẫn là một mầu nhiệm, cả hai vì Logos là Trí và Lý của Thiên Chúa.

Logos nhập thể nơi Chúa Giêsu là Lý của Thiên Chúa, nên ta cũng có thể coi Logos như cính Cơ Cấu của vũ trụ. Theo khuôn mẫu, nay đã trở nên quen thuộc, của việc kết hợp trình thuật sáng thế trong sách Sáng Thế với lý thuyết của Platông về việc hiện hữu trước (preexistence) của các Mô Thức (Forms), Thánh Basilêô thành Xêdarê đã đưa ra một mô tả gợi hình sau đây về cơ cấu này:
“Trước khi mọi hữu thể đang được chúng ta lưu ý hiện hữu, Thiên Chúa, sau khi suy nghĩ trong trí và quyết định đem vào hiện hữu điều không hề hiện hữu, đã tưởng nghĩ như nó phải được là, và đã tạo nên chất thể hòa hợp với mô thức mà Người muốn ban cho nó... Người nối kết các phần khác nhau của vũ trụ bằng những sợi dây gắn bó không thể tách rời nhau và thiết lập ra giữa chúng một hiệp thông hoà hợp hoàn hảo đến nỗi những vật xa xôi nhất, bất kể khoảng cách của chúng, vẫn kết hợp trong một mối thiện cảm phổ quát” (31).

Sư hòa hợp ấy, nối kết nguyên tử và thiên hà lại với nhau, đã được phát biểu trong một systēma vũ trụ, tất cả được làm cho hiện hữu bởi “sự nguy nga của Logos-Hóa Công” (32). Ý niệm hòa hợp trong vũ trụ được phát biểu trong hạn từ Hy Lạp systēma cũng thoáng hiện trên một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất của Tân Ước mà chúng ta đã trich dẫn về Chúa Kitô Vũ Trụ, như Đấng, qua Người, theo kiểu nói của Thánh Basilêô, “mọi loài có sự tiếp nối và cơ cấu”, Đấng “có quyền tối thượng trên mọi thụ tạo”, trong Người, “mọi sự trên trời dưới đất được tạo dựng” và, hơn nữa, trong Người “mọi sự được duy trì cố kết với nhau [hay: được tạo thành một hệ thống vũ trụ, synestēken]” (33).

Việc đồng nhất hóa Logos-Hóa Công nơi Chúa Giêsu như nền tảng của chính cơ cấu vũ trụ và niềm tin rằng “Logos của Thiên Chúa ở trong toàn bộ vũ trụ” có căn bản của nó trong việc đồng nhất hóa nền tảng hơn nữa Logos như Tác nhân của việc tạo dựng từ hư vô, hay nói theo kiểu nói quen thuộc của Kinh Thánh và triết học, từ không hiện hữu [nonbeing] (34). Đấng Hóa Công có thể được mô tả như “Đấng hiện hữu [ho ōn]”, trong khi các tạo vật có hữu thể của chúng nhờ dẫn khởi từ Đấng Tạo Hóa và dự phần vào Đấng Tạo Hóa, chứ tự chúng “không thể tự hiện hữu được” (35). Do đó, theo nghĩa đầy đủ nhất, chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có thể được nói là “hiện hữu” mà thôi. Vì cùng một lý do, dùng tên Cha chỉ Thiên Chúa không phải là một kiểu nói bóng bẩy (figure of speech). Chỉ bởi Thiên Chúa là Cha của Logos-Hóa Công mà hạn từ cha cũng có thể áp dụng cho người làm cha phàm nhân, và khi dùng như thế thì đó là một kiểu nói bóng bẩy. Theo Tân Ước, Là Cha của Logos-Hóa Công, Thiên Chúa là “Cha, mà từ Người, mọi gia đình trên trời và dưới đất được đặt tên” và trong các gia đình phàm nhân, cả cha mẹ và con cái đều là một “mô phỏng” của các nguyên mẫu thần thánh này của họ (36). Đây cũng là lý do tại sao Logos không thể là một tạo vật, kể cả là tạo vật đệ nhất đẳng; vì mọi tạo vật đều được đem vào hiện hữu từ chỗ không hiện hữu, và như tác nhân đã đem chúng ra khỏi chỗ không hiện hữu, Logos-Hóa Công hẳn phải “có hiện hữu” theo nghĩa trọn vẹn và không hề có tính phúng dụ của từ ngữ (37).

Do đó, chính Logos hiểu như Lý Lẽ của vũ trụ “đã cơ cấu hóa để nó trở thành một vũ trụ có trật tự” (38). Được tạo dựng từ không hiện hữu qua Logos cơ cấu hóa này, vũ trụ biểu lộ trong “trật tự và sự quan phòng” của nó sự hiện diện lên trật tự của “Logos Thiên Chúa Đấng cao hơn hết mọi loài và cai quản mọi loài” )39). Vũ trụ không “phi lý” hay “tách biệt khỏi Logos [alogos]”, nhưng nó có nghĩa nhờ Logos. Tuy nhiên, ngược lại, việc nó bám lấy thực tại được dẫn khởi từ việc nó bám lấy Logos; nếu không có Logos, nó sẽ tuột trở về không hiện hữu mà từ đó, Logos từ nguyên ủy, đã đem nó vào sáng thế.
Tóm lại:

“Đấng vốn tốt lành không thể ác cảm với bất cứ điều gì. Cho nên, Thiên Chúa không ác cảm cả với hiện hữu, nhưng muốn mọi sự hiện hữu, để biểu lộ tình yêu bền vững. Thiên Chúa thấy rằng mọi bản chất tạo vật, để mặc nó với các nguyên lý riêng của nó, sẽ trôi dạt bồng bềnh và nhất định sẽ bị tan rã. Để ngăn việc này và để gìn giữ vũ trụ khỏi tan rã trở về với không hiện hữu, Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự bằng Logos đời đời của chính Người và phú ban cho sáng thế chính hiện hữu... Thiên Chúa hướng dẫn [vũ trụ] bằng Logos, để nhờ sự hướng dẫn, quan phòng, và trật tự hóa của Logos, sáng thế có thể được soi sáng và có thể hiện tồn một cách luôn an toàn”.

Vì tội lỗi là việc quay mắt khỏi Thiên Chúa và khỏi Logos, nên những người tội lỗi bị đe dọa rơi trở lại hố thẳm không hiện hữu mà từ đó hành động tạo dựng của Logos đã kéo họ ra.

Để giải quyết và vượt qua sự đe dọa trên, Logos, như Cứu Chúa của vũ trụ, đã nhập thể nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đau khổ và chết trên thập giá và sống lại từ cõi chết, chiến thắng tội lỗi, sự chết và hỏa ngục. Điều ấy cần thiết vì thế giới được Logos lên hình tượng nay đã trở thành thế giới sa đọa. Một đặc điểm của các triết gia Kitô giáo Hy Lạp các thế kỷ thứ tư và thứ năm là họ luôn coi nhân loại và vũ trụ gần gũi cận kề với nhau, tương phản với chủ nghĩa cá nhân Kitô giáo sau này, đặc biệt hiện rõ trong tư tưởng Tây phương. Vì đây là cách ta hiểu sáng thế qua Logos, thì ta cũng phải hiểu như thế trong việc chẩn đoán tình huống khó khăn của con người và phương thuốc cứu chữa của Thiên Chúa qua cùng một Logos, nay nhập thể trong Chúa Kitô. Do đó, không những “mọi sự được duy trì với nhau” trong Chúa Kitô Logos như là Cơ Cấu của vũ trụ, nhưng cũng trong Logos như Cứu Chúa mà “chính vũ trụ cần được giải thoát khỏi xiềng xích của sự hữu tử để bước vào sự tự do và sự huy hoàng của con cái Thiên Chúa” (41).

Phải tìm lý do khiến có sự nhấn mạnh tới Chúa Kitô Vũ Trụ trong tư tưởng Đông Phương Hy Lạp nhiều hơn trong tư tưởng Tây Phương La Tinh trong các ý niệm về hữu thể và sáng thế qua Logos mà ta vừa duyệt qua trong các trước tác của Thánh Anathasiô và các tư tưởng gia Đông Phương thế kỷ thứ tư. Vì có thể rút tỉa được sự phân biệt giữa các nền thần triết học giải thích sự chết như là hậu quả của tội lỗi, và các nền thần triết học có xu hướng coi sự chết như hậu quả của tính thoáng qua (transiency) và vô thường (impermanence); không nhấn mạnh nào hoàn toàn hiện hữu mà không có tiếng vọng của nhấn mạnh kia, nhưng sự phân biệt khá rõ ràng. Nếu tội lỗi được định nghĩa như rơi trở lại không hiện hữu mà từ đó Logos Hóa Công đã đem nhân loại ra, thì quả là thích đáng khi mô tả số phận của linh hồn con người như “sự ác lên hình ảnh cho chính mình” và do đó như giả thiết rằng “nó làm điều gì đó” khi, bằng cách phạm tội vốn là không hiện hữu, “thực sự nó đang không làm gì cả” (42). Một linh hồn như thế bị lừa vào việc tin rằng cái không hiện hữu này là “thực tại duy nhất” và “thực tại Thiên Chúa là “không hiện hữu”. Lối đảo ngược hoàn toàn này của tính đa cực siêu hình tạo vật (created metaphysical polarity) giữa hiện hữu và không hiện hữu chính là ý nghĩa của việc sa ngã. Vì, trong công thức của Thánh Anathasiô, “do bản tính, nhân loại lệ thuộc sự thoáng qua [phthartos] vì họ được tạo dựng từ không hiện hữu” (43). Tĩnh từ thoáng qua với những điều liên hệ với nó có một tầm quan trọng có tính quyết định. Vì nó đặt cái hiểu về tội lỗi vào một bối cảnh thoáng qua và hư nát mà không những bản chất con người mà cả vũ trụ đều lệ thuộc, do sự kiện được tạo dựng từ không hiện hữu. Việc sa ngã của cả nhân loại lẫn thế giới đều để mất việc duy trì hiện hữu đích thực nhưng mong manh và do đó rơi vào hố thẳm. Đối với nhân loại, việc ấy càng bi thảm hơn vì chỉ có Ađam và Evà, chứ không có tạo vật nào khác trên mặt đất, đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là, theo hình ảnh Logos thần thánh (44). Bất chấp tuyên bố ngược lại nào, quan điểm về thân phận con người này đã tập trung vào sự chết như là tính hư thối và thoáng qua hơn là vào sự chết như tội lệ và “lương bổng của tội lỗi” (Rm 6:23).

Hệ luận của quan điểm này về cuộc sa ngã của con người trong bối cảnh cuộc sa ngã của vũ trụ là cái hiểu về hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu Logos áp dụng không những vào việc chuộc tội lệ gây ra bởi tội lỗi chống lại lề luật và thánh ý Thiên Chúa mà còn áp dụng vào việc sửa chữa sự đổ vỡ gây ra bởi việc ra xa lạ với Thiên Chúa, Đấng vốn được định nghĩa “như Đấng hằng hữu”, do đó không những vào tội lệ mà còn vào cả hữu thể học (45). Nhờ nhập thể nơi Chúa Giêsu, Logos đã giúp con người khả năng tự vượt quá mình và, như câu nói đầy ý nghĩa của Tân Ước, “ được thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1:4). Các giáo phụ Hy Lạp đã lần lượt viết rằng “Logos Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân, để từ một phàm nhân anh em học biết phàm nhân có thể trở thành thần thánh ra sao” (46). Việc sáng tạo nguyên thủy theo hình ảnh Thiên Chúa, mà sự cao cả của con người hệ ở (47), đã được thực hiện qua Logos; việc sáng tạo này nay không những chỉ có thể được khôi phục, mà còn được hoàn tất và hoàn hảo qua cùng một Logos: việc nhập thể của Người hoàn tất việc thần hóa (deification) chúng ta. Và toan bộ vũ trụ đều dự phần vào việc hoàn tất này; vì “việc thành lập Giáo Hội là một việc tái tạo dựng thế giới” trong đó “Logos đã tạo dựng muôn vì tinh tú”, một trời mới và một đất mới (48).

Từ sự kiện gán việc sáng tạo ra vũ trụ cho Chúa Giêsu Logos, hệ luận, bởi một suy diễn nhất thiết, là Logos không những là đầu hết mà còn là cuối hết, mục tiêu của vũ trụ (49). Người là Anpha và Ômêga. Khi chuyển vị thành chìa khóa của nền triết học Kitô giáo, giáo huấn này là điều đã trở thành lòng mong đợi của Kitô giáo tiên khởi về một tận cùng sắp đến của thế giới và việc Chúa Kitô đến ngay sau đó để phán xét. Việc nhận xét rằng thời gian chuyển dịch nối tiếp nhau (in sequence) đã dẫn tới việc thừa nhận rằng thời gian cũng có một tận cùng, giống như nó đã có một khởi đầu. Do đó, “như ta giả thiết quyền năng của thánh ý Thiên Chúa là nguyên nhân đầy đủ cho các vật hiện hữu, cho việc chúng bước vào hiện hữu từ hư vô thế nào, ta cũng sẽ không dựa niềm tin của ta như thế vào tính bất cái nhiên khi nói đến việc tái hình thành thế giới trở lại cùng một sức mạnh” (50).

Bên dưới viễn kiến này về Logos như telos (cùng đích) của vũ trụ là phác thảo bi kịch lịch sử thế giới và lịch sử vũ trụ được trích dẫn trên đây từ chương 15 của thư 1 gửi tín hữu Côrintô. Chúa Giêsu đến như một con người thực sự để trở thành Ađam Thứ Hai; “vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại”. Người làm điều này như “hoa trái đầu mùa” và sau Người, sự sống sẽ đến cho “những kẻ thuộc Đức Kitô”. Và “Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha... Vì Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết... để Thiên Chúa là tất cả trong tất cả” (1Cr 15:20-28). Nhưng có thế nào một Thiên Chúa, Đấng đã đến trong Chúa Kitô, có thể thực sự là “tất cả trong tất cả” nếu vẫn còn đâu đó trong vũ trụ bất cứ tật bệnh nào mà tình yêu chữa lành của Người không với tới được? Theo Tin Mừng Gioan (Ga 1:9), nếu Logos là “ánh sáng thật chiếu soi mọi người”, có thế nào lại có bất cứ hố thẳm nào đen tối đến nỗi ánh sáng nay đã đến trần gian và đang chói sáng trong Logos lại không xuyên thấu? Là Lời Thiên Chúa, Logos đã nói trong sáng thế, và đã nói trong các tiên tri của Israel, và đã nói lần nữa, lần này dứt khoát, trong đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu. Là Lý Lẽ của Thiên Chúa, Logos tạo ý nghĩa từ cơn điên loạn của thế giới và từ quyền lực sự ác. Là Cơ Cấu Vũ Trụ, Logos giữ trọn lời hứa rằng sẽ có một “hệ thống” và việc kết nối giữa các yếu tố rời rạc của vũ trụ như nó được cảm nhận. Là Cứu Chúa của vũ trụ, Logos không giật mất sự tốt lành của trật tự tạo dựng khỏi nhân loại, nhưng biến đổi trật tự ấy thành một khung cảnh thích đáng cho một nhân loại đã được biến đổi. Và như Mục đích của vũ trụ, Logos đại diện cho niềm hy vọng rằng ngay ma qủy cuối cùng cũng được phục hồi trọn vẹn trong “việc tái lập mọi sự [apokatastasis tōn pantōn] và với việc tái hình thành thế giới, nhân loại cũng sẽ được thay đổi từ trạng thái thoáng qua và trần thế sang trạng thái không thể hư nát và vĩnh cửu” (51).

Tuy nhiên kẻo chúng ta quên, và đôi khi dường như họ đã quên, dù thường là họ nhớ, tất cả các ý niệm siêu hình này của các triết gia Kitô giáo thế kỷ thứ tư về Lời Logos hiện hữu từ trước, đều được giả thiết phải tìm tập chú tôn giáo và luân lý của chúng, và thậm chí cả biện minh trí thức nữa, trong nhân vật lịch sử là Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng, trong “lời khiêm nhường [sermo humilis]” và trong “vinh quang việc khổ nạn của Người” trên thập giá (53). “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời”: điều này có thể được nói, và thực sự đã được nói bởi nhiều tư tưởng gia chưa hề nghe nói về Chúa Giêsu thành Nadarét. Nhưng điều làm cho chân dung Logos hiểu như Chúa Kitô Vũ Trụ trở nên đặc biệt là việc tuyên bố rằng Ngôi Lời đã trở thành xác phàm nơi Chúa Giêsu và nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể đã chịu đau khổ và chết trên thập giá (54). Ấy thế nhưng, nếu tuyên bố này đúng sự thật, thì nhiên hậu không hề có cách nào tránh được việc tuyên bố rằng không điều gì kém hơn vũ trụ là đối tượng của tình yêu đã đến qua Người. Vì Tin Mừng Gioan, một tin mừng khai mào bằng học lý Logos, tiếp tục quả quyết, trong một câu tuyệt diệu của nó: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Chữ “bất cứ ai” quả được hiểu là mỗi cá nhân, từng người một lúc; như chữ Hy lạp “thế gian” trong câu này vẫn là (vũ trụ).
_________________________________________________________________________________________

Ghi Chú

(1) Alfred North Whitehead, Science and the Modern World (1925; New Yrok: Mentor Books, 1952) tr. 13
(2) Ferdinand Hahn, Christlogische Hoheitstitel: Ihre Geschichte im frühen Christentum (Göttingen: Vandenhoeck und Ruprecht, 1963)
(3) Thánh Gregory thành Nazianzus, Orations 36.11
(4) Goethe, Faust 1224-37
(5) Gregory T. Armstrong, Die Genesisin der alten Kirche (Tübingen: J.C.B. Mohr, 1962)
(6) Thánh Gregory thành Nyssa, On the Making of Man 25.2
(7) Xem các tr. 40-42 ở trên
(8) Jaroslav Pelikan, “Creation and Causality in the History of Christian Thought” trong Issues in Evolution , chủ biên Sol Tax và Charles Callender (Chicago: University of Chicago Press, 1960) tr. 329-40.
(9) Pelikan, Christian Tradition 1:35-37; 3:290-91.
(10) Thánh Gregory thành Nyssa, On the Making of Man 24.
(11) Thánh Basil thành Caesarea, Hexaemeron, 1.2;3.8. Thánh Gregory thành Nyssa, On the Making of Man 8.4.
(12) Thánh Basil thành Caesarea, Hexaemeron 6.1; 9.2
(13) Thánh Basil thành Caesarea, Hexaemeron 9.6; St 1:26; Dt 1:2-3.
(14) Hilary thành Poitiers, On the Trinity 2.6
(15) Châm ngôn 8:22; Thánh Anathasius, Discourses Against the Arians 2.18-82.
(16) Thánh Augustine, Tự thú 11.3.5-11.9.11
(17) Trong Thaetetus của Platông 203, chữ này xuất hiện 2 lần, 1 lần trong mỗi nghĩa này.
(18) Epiphanius thành Salamis, Against All Heresies 51.3; Thánh Gregory thành Nyssa, the Great Catechism 1
(19) Thánh Gregory thành Nazianzus, Theological Orations 3.17
(20) Thánh Gregory thành Nyssa, On the Making of Man 16.2;5.2 (Ga 1:1; 1Cr 2:16;2Cr 13.3)
(21) Thánh Gregory thành Nazianzus, Theological Orations 4.20
(22) Tertullian, On the Flesh of Christ 5
(23) Tertullian, On the Prescription Against Heretics 7
(24) Thánh Gregory thành Nazianzus, Theological Orations 2.6
(25) Thánh Basil thành Caesarea, Hexaemeron 1.6
(26) Thánh Basil thành Caesarea, Hexaemeron 6.5-7.
(27) Thánh Gregory thành Nyssa, On the Making of Man 8.8
(28) Thánh Gregory thành Nyssa, Against Eunomius 2.3
(29) Thánh Gregory thành Nazianzus, Theological Orations 4.17
(30) Jaroslav Pelikan, Development of Christian Doctrine: Some Historical Prolegomena (new Haven:Yale University Press, 1969) tr.129-31; Hilary, On the Trinity 4.14
(31) Thánh Basil thành Caesarea, Hexaemeron 2.2
(32) Thánh Gregory thành Nazianzus, Orations 38.10-11
(33) Thánh Basil thành Caesarea, On the Holy Spirit 7; Cl 1:15-17
(34) Rm 4:17; Thánh Anathasius, The Incarnation of the Word 42
(35) Thánh Anathasius, Discourses Against the Arians 3.63; Defense of the Nicene Definition 3.11
(36) Thánh Anathasius, Discourses Against the Arians 1.23; 3.19-20 (Eph 3:14-15)
(37) Thánh Anathasius, Discourses Against the Arians 1.25
(38) Thánh Anathasius, Against the Heathen 45
(39) Thánh Anathasius, To the Bishops of Egypt 15
(40) Thánh Anathasius, Against the Heathen 41
(41) Thánh Anathasius, Discourses Against the Arians 2.63 (Cl 1:17; Rm 8:21)
(42) Thánh Anathasius, Against the Heathen 7-8
(43) Thánh Anathasius, The Incarnation of the Word 5
(44) Thánh Gregory thành Nyssa, On the Making of Man 5.2; 30.34
(45) Xem Pelikan, Christian Tradition 1.344-45; 2:10-16
(46) Thánh Clement thành Alexandria, Exhortation to the Greeks 1.8.4; Thánh Anathasius, The Incarnation of the Word 54.3
(47) Thánh Gregory thành Nyssa, On the Making of Man 6.2
(48) Thánh Gregory thành Nyssa, Sermons on the Song of Songs 13
(49) Thánh Basil thành Caesarea, Hexaemeron 1.3; 3.6
(50) Thánh Gregory thành Nyssa, On the Making of Man 23.1’ 5
(51) Thánh Gregory thành Nyssa, On the Making of Man 22.5
(52) Thánh Gregory thành Nazianzus, Orations 39.13; 45.26
(53) Erich Auerbach, “‘Sermo Humilis’ and ‘Gloria Passionis’ trong Literary Language and its Public in Latin Antiquity and in the Middle Ages, bản dịch của Ralph Manheim (New Ork: Pantheon 1965) tr. 27-81
(54) Thánh Augustine, Tự Thú 7.18. 24-25.
 
VietCatholic TV
Nỗi buồn của Đức Thánh Cha trước cảnh hàng trăm Kitô hữu Nigeria bị giết hại, 30 người bị chặt đầu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:56 06/12/2020

1. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân bị Hồi giáo tại Nigeria giết hại, hàng trăm người bị giết trong đó 30 người bị chặt đầu

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đang cầu nguyện cho Nigeria sau vụ thảm sát ít nhất 110 nông dân Kitô Giáo, trong đó các tay súng Hồi giáo chặt đầu khoảng 30 người.

“Tôi muốn bảo đảm những lời cầu nguyện của mình cho Nigeria, nơi không may máu đã đổ thêm một lần nữa trong một vụ thảm sát khủng bố kinh hoàng”, Đức Thánh Cha cho biết như trên vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm 2 tháng 12.

“Thứ Bảy tuần trước, ở phía đông bắc của đất nước, hơn 100 nông dân đã bị giết một cách dã man. Xin Chúa đón nhận họ vào bình an của Ngài và an ủi gia đình họ, cũng như hoán cải trái tim của những người phạm vào tội ác xúc phạm nghiêm trọng thánh danh Ngài”.

Theo Edward Kallon, Điều phối viên Thường trú và Nhân đạo của Liên hợp quốc tại Nigeria, vụ tấn công ngày 28/11 là vụ tấn công trực tiếp bạo lực nhất nhằm vào dân thường ở Nigeria trong năm nay.

Reuters cho biết trong số 110 người thiệt mạng, khoảng 30 người đã bị phiến quân chặt đầu. Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đã thông báo rằng 10 phụ nữ mất tích sau vụ tấn công.

Không có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng lực lượng dân quân chống thánh chiến địa phương nói với AFP rằng Boko Haram hoạt động trong khu vực và thường xuyên tấn công nông dân. Tỉnh Tây Phi của Nhà nước Hồi giáo (ISWAP) cũng được nêu tên là thủ phạm có thể gây ra vụ thảm sát.

Theo báo cáo năm 2020 của tổ chức nhân quyền Nigeria có tên là Hiệp hội Quốc tế về Quyền tự do dân sự và Nhà nước pháp quyền, hơn 12,000 Kitô hữu ở Nigeria đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của lực lượng Hồi giáo kể từ tháng 6 năm 2015.

Âu lo của nhiều người là mức độ thường xuyên của các cuộc tấn công ngày càng tăng dần cùng với mức độ kinh hoàng của bạo lực.


Source:Catholic News Agency

2. Khủng bố Hồi Giáo trả tự do cho một linh mục bị bắt cóc từ ngày 22 tháng 11

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết về một trường hợp thật hi hữu. Khủng bố Hồi Giáo đã đơn phương trả tự do cho một linh mục bị bắt cóc từ ngày 22 tháng 11, sau khi chúng đã giết chết ít nhất 110 Kitô hữu, trong đó ít nhất 30 người bị chặt đầu.

“Chúng tôi cảm ơn Chúa vì người anh em của chúng tôi là Cha Matthew Dajo đã được trả tự do an toàn vào hôm nay thứ Tư ngày 2 tháng 12”. Đức Cha Ignatius Ayau Kaigama, Tổng Giám mục Abuja đã thông báo như trên cho thông tấn xã Fides.

“Chúng tôi cảm ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho ngài được bình an và được trả tự do.” Đức Cha Kaigama viết trong thông báo của ngài. “Chúng tôi cũng cảm ơn gia đình Cha Dajo và tất cả những người đã hợp tác để bảo đảm việc trả tự do cho ngài. Chúng tôi cầu xin cho tình hình an ninh của đất nước được cải thiện”.

Cha Matthew Dajo đã bị tấn công và bắt cóc bởi các tay súng vào hôm Chúa Nhật 22 tháng 11 tại nhà riêng ở giáo xứ Thánh Antôn, ở Yangoji, Abuja. Cảnh sát đã cố gắng khoanh vùng khu vực mà những kẻ bắt cóc đang trốn cùng con tin, nhưng ưu tiên cho việc chờ đợi để không ảnh hưởng đến tính mạng của vị linh mục.


Source:Fides

3. Nhà thờ chính tòa của Trier trở thành tâm điểm than khóc cho những người bị thảm sát sau cuộc tấn công của một chiếc SUV

Mọi người đã tập trung tại nhà thờ chính tòa của thành phố Trier vào tối ngày 1 tháng 12 để cầu nguyện cho các nạn nhân trong một vụ tấn công khủng bố. Một kẻ tấn công đơn độc đã đâm chiếc SUV của hắn ta vào những người mua sắm Giáng sinh, khiến 5 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương nặng.

Một em bé 9 tuần tuổi và cha của em nằm trong số những người thiệt mạng. Người mẹ và đứa con 18 tháng tuổi của một gia đình khác nằm trong số những người bị thương trong khu vực dành cho người đi bộ của thị trấn cổ kính nhất nước Đức.

Nước Đức đã phản ứng với sự kinh hoàng và sửng sốt. Trong khi đó, người dân Trier đã hướng đến đức tin Công Giáo của mình. Ngôi nhà thờ lớn có từ thế kỷ thứ tư đã trở thành trung tâm than khóc.

Đức Cha Stephan Ackermann, Giám Mục của Trier cho biết ngài “vô cùng kinh hoàng trước cuộc tấn công diễn ra gần như ngay trước cửa nhà chúng tôi”. Nhà thờ chính tòa và tòa giám mục chỉ cách con đường mà xe của hung thủ tông vào có vài thước.

Nhà thờ được mở cửa để cầu nguyện, trong khi một ngọn nến Phục sinh được đặt trước bàn thờ. Các tuyên úy khẩn cấp đã làm nhiệm vụ. Các nhà thờ khác xung quanh Trier tổ chức các buổi lễ cầu nguyện nhỏ hơn.

Vào lúc 8 giờ tối, tiếng chuông báo tử vang lên ở tất cả các giáo xứ. Tại nhà thờ chính tòa, quả chuông lớn nhất trong mười quả chuông, quả chuông “Chúa Kitô và Helena” nặng 8,79 tấn hay còn gọi là “chuông báo tử”, vang lên. Nó thường chỉ vang lên khi một thành viên trong ban tuyên úy nhà thờ, một giám mục hoặc một vị giáo hoàng qua đời.

Khoảng 100 người đã tham dự buổi lễ cầu nguyện đại kết, với các giãn cách xã hội cho các nạn nhân, thân nhân của họ và những người phản ứng đầu tiên.

“Một ngày tồi tệ đối với thành phố Trier của chúng ta đã kết thúc,” vị giám mục nói với những người thương tiếc.

Judith Rupp, phát ngôn viên báo chí của giáo phận, nói: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là mang lại cho mọi người cơ hội đến với nhau trong ngày khó khăn này”.

Cũng đúng vào dịp này, hồi năm 2016, một người Tunisia cảm tình viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, đã lái một chiếc xe tải tông vào khu chợ Giáng Sinh đông đúc ở Berlin giết chết 12 người và làm 49 người khác bị thương.


Source:Crux

4. Các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự lại bị đình chỉ ở Hương Cảng.

Do sự bùng phát trở lại của đại dịch coronavirus, các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự và các hoạt động mục vụ khác ở Hương Cảng đã bị đình chỉ sau khi chỉ mới được mở trở lại hôm 4 tháng 10. Quyết định mới này có hiệu lực từ thứ Tư 2 tháng 12.

Trong thư mục vụ gởi cho anh chị em giáo dân nhân Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng, giáo phận Hương Cảng cho biết thành phố đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 mới và chính quyền địa phương đã quyết định áp dụng lại các quy định hạn chế các cuộc tụ tập, bao gồm cả các sự kiện tôn giáo. Do đó, bắt đầu từ thứ Tư 02 tháng 12, giáo phận quyết định đình chỉ các cử hành phụng vụ trong tất cả các giáo xứ và nhà nguyện của địa phận, và sẽ chỉ mở cửa cho việc cầu nguyện cá nhân.

Tất cả các hoạt động khác cũng bị đình chỉ, ngoại trừ đám tang và đám cưới, với giới hạn cho phép là tối đa 20 người và không được có tiệc chiêu đãi sau các cử hành.

Trong đợt lây nhiễm thứ nhất, các Thánh lễ với sự tham dự của giáo dân và các hoạt động mục vụ khác đã được tái tục trở lại vào ngày 4 tháng 10, sau khi các biện pháp hạn chế do chính quyền đưa ra đối với các cuộc tụ tập được nới lỏng. Tuy nhiên, các nhà thờ vẫn phải tuân thủ các quy tắc an toàn được liệt kê trong bản hướng dẫn được công bố trên trang web của giáo phận. Một trong các quy định phải tuân giữ là sự hiện diện trong nhà thờ bị giới hạn ở mức 50% sức chứa tối đa.

Sau hai tháng tương đối ổn định, các ca nhiễm lại tiếp tục tăng theo cấp số nhân bắt đầu giữa tháng 11 năm 2020. Ðây cũng là kết quả của việc mở lại các vũ trường, trở thành tụ điểm lây lan chính, nâng tổng số ca nhiễm trong lãnh thổ lên 6,397 ca với 82 người chết.


Source:Herald Malaysia
 
Hai bí quyết để gặp gỡ Chúa trong Mùa Vọng này – Lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:43 06/12/2020


Chúa Nhật 6 tháng 12 là Chúa Nhật thứ Hai của năm Phụng vụ. Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng với bài Tin Mừng sau theo Thánh Máccô:

Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.

Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.


Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Mc 1, 1-8) trình bày thân thế và công việc của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài chỉ ra cho những người đương thời của mình một hành trình đức tin tương tự như hành trình mà Mùa Vọng đề xuất cho chúng ta, là những người đang chuẩn bị đón Chúa đến vào Lễ Giáng Sinh. Hành trình đức tin này là một hành trình hoán cải. Từ “hoán cải” có nghĩa là gì? Trong Kinh thánh, trên hết, hoán cải có nghĩa là thay đổi hướng đi và định hướng; và do đó, cũng thay đổi cách suy nghĩ. Trong đời sống luân lý và tâm linh, hoán cải có nghĩa là chuyển từ xấu thành tốt, từ đắm chìm trong tội lỗi sang yêu mến Thiên Chúa. Và đây là điều mà Thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng. Ngài đã xuất hiện trong hoang địa Giuđêa, đã “rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội” (câu 4). Nhận phép rửa là một dấu chỉ bên ngoài và hữu hình cho thấy sự hoán cải của những ai lắng nghe lời giảng của ngài và quyết định thống hối. Phép rửa đó diễn ra với việc ngâm mình trong dòng sông Giođan, trong nước, nhưng có thể ra vô ích, nó chỉ là một dấu chỉ và sẽ là vô ích nếu ta không có lòng sám hối và thay đổi cuộc sống của mình.

Hoán cải liên quan đến tâm tình đau đớn vì những tội lỗi đã phạm, mong muốn giải thoát bản thân khỏi những tội lỗi ấy, quyết tâm loại trừ chúng mãi mãi khỏi cuộc sống của ta. Để loại trừ tội lỗi, chúng ta cũng phải từ chối những thứ liên quan đến tội lỗi, mọi điều liên quan đến tội lỗi, nghĩa là chúng ta phải khước từ tinh thần thế gian, lòng ao ước quá mức tiện nghi, quá coi trọng khoái lạc, hạnh phúc, và của cải. Mẫu gương về sự từ bỏ này một lần nữa đến với chúng ta từ bài Tin Mừng hôm nay qua hình ảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả: Ngài là một người đàn ông khắc kỷ, từ bỏ những gì không cần thiết và tìm kiếm những gì thiết yếu. Đây là khía cạnh đầu tiên của sự hoán cải: đó là tách biệt khỏi tội lỗi và tinh thần thế gian. Chúng ta hãy bắt đầu một con đường từ bỏ những điều này.

Khía cạnh thứ hai của sự hoán cải chính là đích điểm của cuộc hành trình, nói cách khác là cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và vương quốc của Ngài. Từ bỏ những thứ trần tục và tìm kiếm Chúa và vương quốc của Ngài. Việc từ bỏ những tiện nghi và tinh thần thế gian tự nó không phải là cùng đích, hoán cải không phải là một chủ nghĩa khổ hạnh chỉ nhằm mục đích đền tội: Kitô hữu không hành động như một “thầy tu khổ hạnh”. Đó là một điều khác.

Từ bỏ tự nó không phải là cùng đích, mà là nhằm đạt được điều gì đó vĩ đại hơn, đó là Nước Trời, tình hiệp thông với Chúa, và tình bạn với Ngài. Nhưng điều này không dễ dàng, bởi vì có rất nhiều mối ràng buộc khiến chúng ta gắn bó với tội lỗi, và nó không phải là dễ dàng... Các cơn cám dỗ luôn lôi kéo chúng ta xuống, kéo xuống, và vì thế có những ràng buộc níu kéo chúng ta trong tội lỗi: đó là thiếu quyết tâm, chán nản, ác ý, những môi trường độc hại, và các gương mù. Đôi khi sức đẩy mà chúng ta cảm thấy muốn hướng về Chúa quá yếu và dường như Chúa im lặng; Những lời hứa an ủi của Người dường như xa vời và viển vông đối với chúng ta, giống như hình ảnh người mục tử ân cần và chu đáo, vang lên hôm nay trong trích sách Tiên tri Isaia (x. Is 40,1.11). Và sau đó lại có cám dỗ để nói rằng không thể thực sự hoán cải được. Đã bao lần chúng ta cảm thấy chán nản như thế! “Không, tôi không thể. Tôi chỉ bắt đầu được một chút rồi quay lại”. Và điều này thật tệ. Nhưng hoán cải là điều có thể, hoàn toàn có thể. Khi anh chị em có ý nghĩ nản chí như thế, đừng dừng lại ở đó, bởi vì đây là cát, nó là cát lún: anh chị em sẽ lún sâu trong sự tồn tại tầm thường. Sự tầm thường là thế này: Còn có thể làm gì trong trường hợp khi một người muốn cất bước nhưng cảm thấy rằng mình không thể? Trước hết, hãy nhớ rằng hoán cải là một ân sủng: không ai có thể hoán cải bằng chính sức lực của mình. Đó là một ân sủng mà Chúa ban cho anh chị em, và do đó chúng ta phải cầu xin Chúa một cách mạnh mẽ, hãy cầu xin Chúa hoán cải chúng ta, để chúng ta thực sự hoán cải, đến mức chúng ta có thể mở lòng mình ra đón nhận vẻ đẹp, sự tốt lành, và sự dịu dàng của Chúa.

Thiên Chúa không phải là một người cha xấu, một người cha khó khăn, không phải. Ngài dịu dàng, ngài yêu chúng ta rất nhiều, như người chăn chiên lành, người tìm kiếm con cuối cùng trong đàn chiên của mình. Đó là tình yêu, và hoán cải là ân sủng từ Thiên Chúa. Anh chị em hãy tiến bước vì chính Ngài là Đấng thúc đẩy anh chị em bước đi, và anh chị em sẽ thấy Ngài đến như thế nào. Hãy cầu nguyện, hãy bước đi và anh chị em sẽ luôn tiến về phía trước.

Xin Đức Maria Rất Thánh, Đấng mà chúng ta sẽ mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày mốt, giúp chúng ta ngày càng tách mình ra khỏi tội lỗi và tinh thần thế gian, để mở lòng mình với Thiên Chúa, với lời Người, với tình yêu tái sinh và cứu độ của Người.


Source:Holy See Press Office
 
Thánh Ca
Mẹ Maria Vô Nhiễm Tội Truyền – Trình bày: Đình Trinh
Giáo Hội Năm Châu
15:13 06/12/2020