Ngày 03-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Rót Ánh Sáng
Lm. Minh Anh
01:53 03/12/2021
RÓT ÁNH SÁNG

Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng, “Coi chừng, đừng cho ai biết!”. Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn danh tiếng Ngài trong khắp miền ấy”.

Nhìn ra Paris, ‘Kinh Thành Ánh Sáng’, từ một nhà thờ trên đồi Montmartre; chiều ngày 15/8/1534, Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo vĩ đại hôm nay Giáo Hội mừng kính, đã quỳ gối cạnh thánh Ignatiô Loyola và 5 sinh viên khác. Họ tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời Giáo Hoàng. Đó là ngày sinh của Dòng Tên! Sáu năm sau, từ Lisbon, linh mục trẻ Phanxicô Xaviê xuống tàu đi Ấn Độ, một chuyến đi không bao giờ trở về. Cuộc hải trình suốt 13 tháng trên một tàu buôn thật tàn khốc, nhưng Phanxicô vẫn cứng cáp như vỏ cây. Phanxicô sẽ đem ánh sáng, không phải ánh sáng văn minh Âu Châu, nhưng là ánh sáng Chúa Kitô, cho Ấn Độ, Nhật Bản; nhưng trước hết, Phanxicô đã ‘rót ánh sáng’ này cho những đồng hương Kitô hữu của mình, những người buôn bán nô lệ. Một tay họ quất các nô lệ bằng roi, và tay kia, đếm những lằn roi bằng tràng chuỗi Mân Côi!

Kính thưa Anh Chị em,

Thật trùng hợp, phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến việc ‘rót ánh sáng’. Isaia tuyên sấm về một viễn cảnh của thời Thiên Sai; ngày ấy, “Người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối, mắt người mù sẽ được xem thấy”. Với Chúa Giêsu, lời sấm của Isaia trở thành hiện thực; Tin Mừng Matthêu tường thuật việc Ngài, vị Thiên Sai, đã mở mắt cho hai người mù! Và thật thú vị, Ngài nghiêm khắc bảo họ, “Coi chừng, đừng cho ai biết!”. Vậy tại sao Ngài căn dặn họ như thế?

Hẳn Chúa Giêsu biết rõ điều Ngài yêu cầu là một điều không thể! Mọi người đều biết những người đàn ông này trước kia bị mù, nay được Ngài mở mắt. Nhưng dẫu sao, thì Ngài cũng đã nói những lời ấy. Để hiểu tại sao, chúng ta phải tìm xem đâu là động cơ Ngài chữa lành họ. Việc Chúa Giêsu chữa lành những người mù chỉ vì một lý do duy nhất, đó là tình yêu Ngài dành cho họ. Họ kêu xin lòng thương xót, và Ngài tỏ lòng xót thương! Ngài tỏ lòng xót thương, đơn giản nhất có thể, cho họ thấy! Không vì lời khen ngợi và tán dương của công chúng; Ngài chỉ làm điều đó vì tình yêu!

Ngài cũng làm phép lạ này để dạy chúng ta rằng, Ngài không chỉ ‘rót ánh sáng’ cho hai người mù được nhìn thấy, nhưng còn có thể ‘rót ánh sáng’ vào chốn mù loà tăm tối trong tâm hồn mỗi người. Ngài muốn những người mù “tin Ngài”, “thấy Ngài”, để “biết Ngài là ai”; là Đấng Cứu Độ, Ánh Sáng Muôn Dân. Vì vậy, phép lạ này không chỉ để gia tăng lòng tin nơi dân chúng; nhưng cách nào đó, mang tính cá nhân nhiều hơn, sâu sắc hơn; nó được thực hiện để củng cố lòng tin của hai người đàn ông này. Chính Ngài đã nói với họ, “Các anh tin thế nào, thì hãy được như vậy!”.

Tuy nhiên, một chi tiết thú vị cần lưu ý ở đây là, những người mù không thể kìm được niềm vui khi nhận được quà tặng ánh sáng từ Chúa Giêsu. Họ đã khóc lên vì biết ơn; và không thể dồn nén được, họ phải chia sẻ câu chuyện của họ, “Vừa ra đi, họ liền đồn danh tiếng Ngài trong khắp miền ấy”. Và chúng ta có thể biết chắc, Chúa Giêsu không hề bị xúc phạm, cũng không phiền lòng về điều này; ngược lại là khác, Ngài xem đó như phản ứng cần thiết của đức tin. Hành động của Ngài can thiệp trong cuộc sống của họ khiến họ yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn; và tự mình, họ trải nghiệm lòng biết ơn sâu sắc đối với Ngài. Vì thế, bất chấp lời cảnh báo nghiêm nghị, những người mù này không thể giữ im lặng về việc Chúa Giêsu đã ‘rót Ánh Sáng’, chính bản thân Ngài cho họ.

Anh Chị em,

Phanxicô Xaviê đã ra đi để ‘rót ánh sáng’ Chúa Kitô tận các dân tộc Á Châu; hai người mù sáng mắt, vừa ra đi, ‘rót ánh sáng’ lòng thương xót của Ngài cho khắp miền. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thấy Chúa Giêsu đang tuôn đổ và bao phủ chúng ta bằng ánh sáng của Ngài trong cuộc sống, trong cộng đoàn, trong gia đình mình; để sau đó, đến lượt chúng ta, tìm cách lan toả niềm vui và tiếp tục ‘rót Ánh Sáng’ Giêsu cho những người khác? Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thường xuyên làm chứng cho hành động và sự chữa lành của Chúa Giêsu và tìm cách cho phép người khác nhìn thấy tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy ánh sáng tình yêu Chúa dành cho con; xin giúp con ra đi, ‘rót Ánh Sáng’ Giêsu cho anh chị em con, hầu mọi người có thể cất lên, “Chúa là nguồn ánh sáng và là ơn cứu độ của tôi” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, nhất là trong Mùa Hồng Phúc này”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Êlia - Xưa và Nay
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:03 03/12/2021
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C

ÊLIA - XƯA VÀ NAY

Từ chương 17 sách Các Vua quyển I nói đến ơn gọi của tiên tri Êlia, người suốt đời anh dũng chiến đấu bảo vệ đức tin. Lỗi tại vua Akhab, kẻ nhu nhược, đã để hoàng hậu Izabel, một người ngoại giáo độc ác thao túng hoàng triều.

Thay vì thờ Thiên Chúa, Izabel dựng bàn thờ Baan ngay tại thủ đô và đặt pháp sư trông đền thờ. Bà muốn biến Israel thành quốc gia thờ thần ngoại.

Trước nguy cơ đức tin của toàn dân bị đe dọa, tiên tri Êlia, vì lòng nhiệt thành, đứng lên tố cáo sự yếu hèn của Akhab và tội ác của Izabel.

Tiên tri phải liều thân chiến đấu với 450 tư tế của Baan. Nhờ quyền năng Thiên Chúa, thắng lợi thuộc về tiên tri. Izabel vốn thù ghét tiên tri Êlia, càng trở nên căm thù dữ dội. Bà quyết đặt mối thù không đội trời chung với tiên tri.

1. THÁNH GIOAN TẨY GIẢ - ÊLIA THỜI ĐẠI.

Trong Cựu Ước, tiên tri Êlia có công gìn giữ, bảo vệ đức tin. Ông chiến đấu đến cùng để Israel quay về với chân lý là chính Thiên Chúa. Ông đã dọn đường cho dân quay về và trung thành thờ phượng Chúa.

Tân Ước, hình ảnh đẹp về tiên tri Êlia được Chúa Giêsu gán cho thánh Gioan Tẩy giả: "Thật Êlia phải đến chấn hưng mọi sự. Thầy bảo các con, Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ… Bấy giờ, các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy giả" (Mt 17, 10-13).

Như tiên tri Êlia, thánh Gioan là người dọn đường tài ba để đưa Chúa đến trong lòng người và đưa con người về với Chúa. Thánh Gioan chấn hưng lòng người bằng kêu gọi ăn năn sám hối.

Với lối thuyết trình mang hình ảnh, thánh Gioan dạy cách ăn năn sám hối thật sống động và gợi nhớ: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa"

Suốt đời thánh Gioan thao thức và bảo vệ đức tin khỏi mọi ngẫu tượng là lối sống sa đọa, tội lỗi của vua chúa và của dân chúng. Ngài ngoan cường chiến đấu cho chân lý, đã gìn giữ đức tin đến đổ máu vì đức tin ấy.

Xưa Chúa dùng tiên tri Êlia để thanh tẩy đức tin của dân Israel trước sự suy đồi tôn giáo. Thời Chúa Giêsu, Thiên Chúa dùng thánh Gioan thanh tẩy đức tin của dân Chúa, để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến trong lòng người.

2. ĂN NĂN SÁM HỐI, CỤ THỂ LÀ THẾ NÀO?

Ta không chỉ ngồi đó và thưa với Chúa: "Lạy Chúa con có tội. Xin tha tội cho con", rồi lại tiếp tục ngồi chờ ơn tha thứ. Ta không chỉ thực hiện hành vi bên ngoài như đấm ngực, xé áo, vật vã vì đau khổ trước tội lỗi của mình.

Ta cũng không chỉ đọc lời kinh quen thuộc: "...Con đã cả lòng phản nghịch cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải..." hết năm này sang năm khác, mà vẫn chỉ là con người cũ, lại tiếp tục theo ta vào ngày mai, không có gì mới, không có gì sửa đổi.

Ăn năn sám hối là nhận ra cái sai và quyết tâm sửa đổi đi cùng với việc cầu nguyện xin ơn Chúa giúp mình tích cực sửa đổi và sửa đổi tận căng, sửa đổi toàn vẹn, sửa đổi quyết liệt, sửa đổi cấp tốc.

Trong ta luôn ẩn núp sự kiêu ngạo, muốn nâng mình lên, khoe khoang, tị hiềm, ganh ghét, khổ sở khi thua kém người khác. Tâm hồn dù mong muốn phụng thờ Chúa, vẫn có những tự ái, khó khăn, cố chấp trong tính hư của bản thân, từ đó không dễ gì nhận lỗi, không dễ gì tha thứ cho anh em...

Biết bao lần ta để cái tôi của thế gian trổi dậy qua tất cả những biểu hiện xấu: tham lam, ham muốn thật nhiều của cải, muốn chiếm đoạt hoặc muốn thu vén tất cả sao cho tư lợi ngày càng đầy lên, ngày càng rộng ra...

Bao nhiêu lần, lẽ ra phải là tác nhân tình yêu, nối kết, hiệp nhất, ta lại thành nguyên nhân giận hờn, ganh ghét, nghi kỵ. Do tà tâm, không ít lần ta trở thành nguyên nhân của hố sâu chia rẽ, bất hoà, thù hận, tính toán nhỏ nhen...

Chẳng những không tích cực loại trừ đam mê, ham muốn bất chính, có khi ta còn miệt mài đuổi theo danh lợi, dục vọng và biết bao nhiêu lạc thú...

Trong cõi riêng tư, lẽ ra phải để Chúa chiếm ngự, ta lại mang quanh co của dối trá, không thành thật với Chúa, với người, với chính mình...

Ta ươn lười đạo đức, thiếu tập nhân đức, thiếu nỗ lực để gần sự thánh thiện, trong khi đó lại trốn bổn phận, giả hình, thiếu duyệt xét lương tâm...

Tất cả những cái xấu ấy là đồi, hố sâu lồi lõm, con đường khúc khuỷu, gồ ghề mấp mô mà thánh Gioan đòi phả sử san lại, phải bạt, phải lấp sao cho lòng ta là con đường thẳng tắp, để thực sự đón Chúa ngự đến...

Nếu tiên tri Êlia và thánh Gioan đều quả cảm chống việc thờ ngẫu tượng, thì Kitô hữu cũng là tiên tri chống việc tôn thờ ngẫu tượng của thời đại.

Ngẫu tượng cám dỗ chúng ta luôn bao vây như: Kỷ nghệ, kỷ thuật, khoa học thực nghiệm, sự hưởng thụ, thực dụng, vô thần, quyền lực, vật chất, cá nhân chủ nghĩa, chủ trương tự do đến thác loạn, tự do luyến ái, tự do quan hệ ngoài hôn nhân bừa bãi, các giáo phái, nhiều lối tôn thờ ngẫu tượng khác…

Hãy theo lối mở của tiên tri Êlia xưa và thực hành lời thánh Gioan - Êlia thời đại, chúng ta thanh tẩy lòng mình, hoán đổi chính mình để ngày càng xứng đáng hơn trước Thiên Chúa.
 
Ngày 4/12: Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ. Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
04:43 03/12/2021

PHÚC ÂM: Mt 9,35 – 10,1.6-8

“Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: “Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Đó là lời Chúa.
 
Mở đường Thương yêu
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:18 03/12/2021

MỞ ĐƯỜNG THƯƠNG YÊU

Ngày nay người ta làm nhiều đường giao thông để đi lại. Hội thánh cũng đang đi theo lộ trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục hướng tới “Hội Thánh hiệp hành”. Đức Giáo Hoàng mong muốn toàn thể dân Chúa cùng nhau lên đường. Thế nên, thật tuyệt vời khi Lời Chúa tuần này cũng kêu gọi chúng ta sửa lối dọn đường Chúa cho thẳng. Đường Chúa là đường nào? Đường Chúa là đường yêu thương, là đường đến lòng dạ trái tim mỗi người vì Thiên Chúa là tình yêu.

1. Mở lối. Có câu ca dao rất giàu hình ảnh yêu thương: “Bây giờ mận mới hỏi đào: Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?” Ý muốn nói để đi vào trong đời nhau, người ta cần phải mở lối, mở lòng. Nếu không mở trái tim thì dù yêu đến mấy cũng chịu, chàng đành ôm một mối tình đơn phương. Mùa Vọng Chúa cũng mong đến trong cuộc đời mỗi chúng ta, nhưng Chúa cần chúng ta “mở lối” cho Ngài bước vào. Hãy dẹp đi những gì cản lối, hãy mở rộng tâm hồn đón Chúa, đừng để Chúa phải yêu đơn phương.

2. Lên đường. Cất bước hành trình thực thi sứ vụ sẽ gặp những khó khăn dọc đường. Khó khăn từ bên ngoài và nhất là khó khăn từ bên trong như một nhà văn đã nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Tại sao lại ngại núi e sông? Vì lòng người thiếu đam mê, thiếu nhiệt huyết, thiếu tình yêu. Còn khi đã yêu mãnh liệt thì người ta có thể vượt qua mọi trở ngại sông núi như lời ca dao: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”.

Thiên Chúa vì yêu thương đã vượt đường xa từ trời xuống thế. Chúa mong con người mở lòng đón Chúa. Chúa mong cả Hội thánh hiệp hành tham gia sứ vụ đem Chúa đến cho muôn dân. Khi ấy, lời kết của bài Phúc Âm “hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” sẽ trở thành hiện thực. Đường yêu thương trở thành đường cứu độ. Amen.
 
Đừng chặn đường Chúa đến
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
13:54 03/12/2021


Để chuẩn bị cho Chúa cứu thế đến với muôn dân, Gioan Tẩy giả được sai đi làm người dọn đường. “Ông đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi...” (Lc 13, 3-4).

Cũng như thánh Gioan tẩy giả, tất cả mọi thành phần trong Hội thánh đều được mời gọi để tiếp nối công cuộc dọn đường cho Chúa Cứu thế; nhưng tiếc thay Chúa Giê-su xuống thế đã 2.000 năm, vậy mà hiện nay còn rất nhiều người chưa nhận biết Ngài, xa lạ với Ngài và thậm chí còn thù nghịch với Ngài! Tại sao?

Có nhiều lý do, nhưng theo Đức Thánh Cha Bê-nê-đích-tô, tội lỗi do những người con trong Hội thánh gây ra là lý do tai hại nhất.

Ngày 11 tháng 5 năm 2010, trên đường tới Lisbon, Bồ-đào-nha, Đức Thánh Cha Bê-nê-đích-tô XVI ngỏ lời với các nhà báo rằng:

“Các vụ tấn công ngày nay chống lại Giáo hội không chỉ đến từ bên ngoài Giáo hội, mà cả từ bên trong, từ tội lỗi hiện nay trong Giáo hội.” Và Ngài cho rằng tội lỗi con cái Hội thánh gây ra là cuộc bách hại khủng khiếp nhất, tàn phá Hội thánh nặng nề nhất.

Cụ thể, khi người cha trong gia đình bê tha rượu chè, nói tục chửi thề; khi người mẹ đam mê bài bạc, phụ huynh thờ ơ trong việc đạo đức… thì đời sống đạo của gia đình sẽ sa sút, con cái sẽ dần dần xa Chúa, bỏ Chúa lúc nào không hay.

Khi giáo sĩ hay giáo dân gây ra nhiều tội lỗi và tai tiếng, họ sẽ làm ô danh Chúa và làm cho khuôn mặt Hội thánh hoen ố đi.

Như thế, tội lỗi do con cái Giáo hội gây ra là một cản trở rất lớn khiến nhiều người không muốn đến với Chúa Giê-su và Hội thánh Ngài.

Làm thế nào phá bỏ những cản trở nầy?

Qua bài đọc Tin mừng hôm nay, ngôn sứ I-sai-a kêu gọi thực hiện những việc sau đây:

- “Phải lấp đầy mọi thung lũng”: Những thiếu sót trong việc đạo đức và trong việc bổn phận hằng ngày là những thung lũng cần phải lấp cho đầy.

- “Phải bạt thấp mọi núi đồi”: Tính kiêu căng, tự cao tự đại là núi đồi cần phải bạt xuống.

- “Uốn cho ngay những khúc đường quanh co”: Tính gian dối lừa lọc là những khúc quanh co cần phải uốn lại cho ngay.

- “Phải san cho bằng những đoạn đường lồi lõm”: Những đam mê tội lỗi là những đoạn đường lồi lõm phải san cho bằng…

Khi chúng ta thực hiện những điều nầy, thì chân dung của Chúa Giê-su sẽ được tỏa sáng, khuôn mặt của Hội thánh sẽ khả ái hơn và lời loan báo “hết mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” của ngôn sứ I-sai-a sẽ được ứng nghiệm.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa tha thiết đến với nhân loại để cứu độ muôn người. Chúa mời gọi chúng con dọn đường cho Chúa đến. Thế mà, thay vì dọn đường, chúng con lại vô tình tạo ra nhiều cản trở khiến Chúa không thể đến được với bao người.

Ngay từ hôm nay, xin cho chúng con quyết tâm triệt hạ mọi thứ cản trở do tội lỗi gây ra, để Chúa có thể đến với mọi người. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Gioan Tẩy Giả, Ngôn sứ cao trọng nhất
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
22:03 03/12/2021
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

GIOAN TẨY GIẢ, NGÔN SỨ CAO TRỌNG NHẤT

Br 5,1-9; Pl 1,4-6,8-11; Lc 3,1-6

Tin Mừng Chúa Nhật này tập trung giới thiệu dung mạo của Gioan Tẩy Giả. Ngay từ giây phút sinh ra, Gioan Tẩy Giả được cha mình chào đón như một ngôn sứ: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76). Với tư cách là một người mở đường, Gioan Tẩy Giả đã làm gì để được coi là một ngôn sứ và là “một người cao cả nhất trong các ngôn sứ” (Lc 7,28)?

1- Gioan Tẩy Giả, người mở đường

Trước hết, kế tục con đường các ngôn sứ Ítraen, ông đã lớn tiếng chống lại những áp bức và bất công xã hội. Gioan Tẩy Giả xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa để thức tỉnh lương tâm con người. Trong Tin Mừng, chúng ta nghe ông nói với dân chúng: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng phải làm như vậy” (Lc 3,11).

Đối với những người thu thuế đã thường lạm quyền và tham nhũng tiền của người nghèo một cách bất công, họ cũng đến hỏi ngài rằng: “Chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc 3,11-14).

Ông đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu Phép Rửa, tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4-6).

2- Ngôn sứ ngày nay

Ngày hôm nay, chúng ta có thể diễn tả lại những lời đó như thế này: “Mọi sự khác biệt, bất công xã hội giữa người giàu (núi đồi) và người nghèo (thung lũng) phải được xóa bỏ hoặc ít ra phải được giảm bớt; những con đường cong queo của tham nhũng, dối trá và tội ác phá hoại môi trường, của công… phải đưa ra ánh sáng, được xét xử nghiêm minh và mọi sai trái, giả dối phải được uốn nắn cho ngay thẳng v.v…

Theo cái nhìn này, chúng ta dễ dàng để có sự hiểu biết đúng đắn về một ngôn sứ: đó là một người thúc đẩy sự thay đổi, người lên án những bất công của các hệ thống và tổ chức xã hội; là người chỉ ngón tay mình chống lại những lạm dụng của quyền lực trong mọi hình thức của nó như quyền lực tôn giáo, chính trị, kinh tế, quân sự và là người dám tuyên bố trước mặt bạo chúa rằng: “Ngài không được phép làm như thế” (x. Mt 14,4).

Khi phân định về ngôn sứ thật và ngôn sứ giả thời nay, Thomas Merton, một bậc thầy tu đức nổi tiếng ở Mỹ, cho rằng: “Ngôn sứ giả là người rao giảng về mình, kéo người khác đến với mình và chạy theo thị hiếu của đám đông. Ông làm ngôn sứ để được giàu có và nổi tiếng, thích đưa ra một câu trả lời hoặc một hướng đi dễ dàng. Còn ngôn sứ thật là người rao giảng sự thật và hướng người khác tới chân lý, chấp nhận chịu đau khổ vì ơn gọi ngôn sứ, ông nói cho chúng ta biết chúng ta là ai, và thách thức chúng ta hơn là làm cho chúng ta cảm thấy hài lòng với chính mình.” ( Morgan C. Atkinson – Jonathan Montaldo, Soul Searching. The Journey of Thomas Merton, Johngarrattpublishing, p. 91-92).

3- Bài học từ Gioan Tẩy Giả

Nhưng ở đây có điều gì đó hơn thế mà Gioan Tẩy Giả đã làm: ông nói cho dân chúng biết rằng: “Người (Chúa) sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,77). Chúng ta phải tự hỏi: đâu là tính chất ngôn sứ trong trường hợp này? Quả thế, các ngôn sứ đã loan báo ơn cứu độ trong tương lai; nhưng Gioan Tẩy Giả không loan báo ơn cứu độ trong tương lai; ông chỉ cho thấy ơn cứu độ lúc này và tại đây, trong hiện tại. Ông là người chỉ ngón tay mình về phía một Người và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29); Đây là Đấng được trông chờ từ bao thế kỷ, là Đấng Mêsia! Chúng ta hãy hình dung lời chứng này đã thật sự gây một sự chấn động khủng khiếp đối với những người nghe Gioan nói như thế!

Các ngôn sứ truyền thống đã giúp những người đương thời của họ biết “nhìn vượt lên” bức tường của thời gian để nhìn thấy tương lai, nhưng Gioan giúp dân chúng biết “nhìn xuyên qua” bức tường của dáng vẻ bên ngoài rất bình thường và trái ngược, để thấy Đấng Mêsia ẩn dấu bên trong dáng vẻ của một con người giống như mọi người. Như thế, theo cách này, Gioan Tẩy Giả đã khai mở một hình thức mới mẻ của ngôn sứ cho Kitô giáo, nó không cốt ở việc loan báo ơn cứu độ trong tương lai, trong “thời sau hết,” nhưng mạc khải sự hiện diện ẩn dấu của Đấng Kitô trong thế giới. Đây chính là điều làm nên sự vĩ đại của Gioan Tẩy Giả.

Tất cả những điều này muốn nói gì với chúng ta hôm nay? Trước hết, sứ vụ ngôn sứ của Gioan nhắc chúng ta nhớ lại sứ vụ ngôn sứ của mỗi người Kitô hữu mà hôm nay đang có nguy cơ bị lãng quên hoặc bị lệch đường. Chúng ta cũng phải giữ cả hai phương diện gắn liền nhau của sứ vụ ngôn sứ: một đàng, ngôn sứ là người vì công lý xã hội và đàng khác, ngôn sứ là người loan báo Tin Mừng. Nếu việc loan báo về Chúa Kitô mà không được gắn liền với một sự cố gắng hướng tới sự cải thiện con người có lẽ nó sẽ mang lại điều gì đó không thiết thực và thiếu sự khả tín.

Nếu chúng ta chỉ thi hành sứ vụ ngôn sứ vì công lý mà không loan báo Đức tin và không có sự gặp gỡ sống động với Lời Chúa, chúng ta sẽ sớm gặp những giới hạn của mình và kết thúc chỉ như những người chống đối.

Từ dung mạo Gioan Tẩy Giả, chúng ta cũng học biết rằng việc loan báo Tin Mừng và đấu tranh cho công lý cần phải gắn liền và liên kết với nhau. Sống trong xã hội mà gian dối và lừa lọc lên ngôi, thật đáng quý trọng nếu mỗi người chúng ta được Tin Mừng Chúa Giêsu thúc đẩy để đấu tranh cho sự tôn trọng nhân vị và phẩm giá của con người; lên tiếng chống lại những bất công xã hội. Nhờ sự tranh đấu này mà nhân quyền được tôn trọng, môi trường sống được an toàn và mỗi người trong xã hội có thể “nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”

Chúng ta cũng phải noi gương Gioan Tẩy Giả đã không rao giảng và chống lại những lạm dụng như một người gây rối xã hội nhưng như một sứ giả của Tin Mừng “để làm cho tâm tư người ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả, can đảm thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình như là một cách thế làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Điều Nào Khó Hơn?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
22:08 03/12/2021
Điều Nào Khó Hơn?

(Thứ Hai sau Chúa Nhật II Mùa Vọng – Is 35,1-10; Lc 5,17-26)

Sách ngôn sứ Isaia thường được xem như Tin mừng thứ năm. Sứ ngôn Isaia loan báo nhiều về thời Đấng Thiên sai với những hình ảnh an bình rất thân thương như cảnh sói dữ sống chung với chiên con, trẻ thơ vui đùa bên hang rắn độc, sa mạc sẽ nở hoa, các bệnh nhân được chữa lành, người mù được thấy, người điếc nghe được, người câm nói được, người què lại nhảy như nai… Chính vì thế trong Mùa Vọng Giáo hội cho đoàn tín hữu nghe trích đọc nhiều bản văn của sứ ngôn này.

Và Chúa Kitô đã làm ứng nghiệm cách rõ nét những lời tiên báo của các ngôn sứ xưa, cách riêng ngôn sứ Isaia. Tin Mừng Luca tường thuật đã có lần vào Hội đường, khi người ta trao cho Chúa Giêsu Sách thánh thì Người đã mở ra và đọc đúng đoạn sách ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn…” Và Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (x.Lc 4,16-22).

Bài Tin Mừng hôm nay ngày thứ Hai sau Chúa Nhật II Mùa Vọng tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị bại liệt được chỗi dậy ngay và vác chõng đi về. Nghe đoạn Tin Mừng này chúng ta thường mến cảm đến sững sờ trước lòng xót thương vô bờ của Chúa Cứu Thế. Chắc hẳn những người thân của anh bị bại liệt và chính bản thân anh ta chỉ muốn xin được chữa lành bệnh tật phần xác, thế mà Chúa Giêsu lại chữa cho anh ta luôn cả tật bệnh phần linh hồn là tha thứ tội lỗi cho anh. Xin một mà được hai. Một sự may mắn thật bất ngờ, khiến không chỉ những người có mặt hôm ấy mà cả chúng ta khi nghe tường thuật cũng phải kinh ngạc. Tình yêu đích thực luôn hướng đến tình trạng đủ đầy và hoàn hảo. Đôi chân mạnh khỏe nhảy cao hơn cả nai mà tâm hồn bại liệt thì chẳng hạnh phúc gì. Chúa Giêsu hiểu điều đó và Người đã ban cho người bệnh hạnh phúc đích thực đủ đầy.

Tuy nhiên điều chúng ta cần ngạc nhiên hơn, đó là khi một số kinh sư và người biệt phái hiện diện hôm ấy thầm nghĩ rằng Chúa Giêsu đã phạm thượng khi nói lời tha tội cho anh bại liệt, vì theo họ chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội, thì Chúa Giêsu đã nói với họ rằng: “Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi”; hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn?”. Chúng ta không thấy Tin Mừng tường thuật câu trả lời của các người biệt phái cũng như các vị tiến sĩ luật. Tuy nhiên với sự luận suy bình thường thì chúng ta có thể khẳng định rằng nói với người bại liệt là hãy chỗi dậy mà đi xem ra khó hơn vì người ta kiểm nghiệm hiệu quả lời nói được ngay tức khắc, cách nhãn tiền. Còn nói với người bại liệt là tội anh đã được tha thì hầu chắc không thể kiểm nghiệm bằng mắt trần được, do đó điều này xem ra có vẻ dễ hơn.

Hiểu được sự thật này, Chúa Giêsu đã làm điều mà họ cho là khó hơn. Người nói với người bất toại: “Tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!”. Lời truyền của Chúa Giêsu đã thành hiện thực ngay. Người bất toại chỗi dậy vác giường đi về nhà trước sự sửng sốt và thán phục của đám đông hôm ấy. Chúa Giêsu thường dùng ân ban “bên ngoài” làm dấu chỉ để chuyển thông phúc lộc “bên trong”. Khởi đầu sứ vụ rao giảng, Người làm cho sáu chum nước đầy hóa thành rượu ngon để chúc phúc cho tình yêu đôi lứa tại Cana. Kết thúc sứ vụ, Người cúi xuống rửa chân (làm công việc người đầy tớ) cho các môn đệ trao ban tình yêu tự hiến đến cùng cho các môn sinh và nhân loại.

Trao ban phúc lộc bên ngoài hay chuyển thông ân thánh bên trong, điều nào khó hơn? Thành thật trả lời rằng trao ban phúc lộc bên ngoài để làm dấu chỉ chuyển thông ân thánh bên trong xem ra không mấy dễ. Bỗng có ý tưởng ngồ ngộ. Giáng Sinh sắp về, trong hoàn cảnh dịch bệnh, để giúp đoàn tín hữu lướt thắng sự sợ hãi dịch bệnh Covid 19 và căn bệnh “lười”, một sáng kiến nhỏ đưa ra đó là dùng lộc ân bên ngoài để chuyển thông ơn hòa giải. Cụ thể là mỗi hối nhân đến tòa cáo giải, không dám xin vị thừa tác viên chữa lành bệnh này bệnh kia vì e rằng hơi quá khả năng các vị, chỉ xin được thưởng một ngày công khoảng 300 ngàn đồng. Nhiều mục tử sẽ la toáng lên rằng đừng làm cớ cho tin hữu giữ “đạo gạo, đạo bột bắp bột xép” của một thời đã qua. Nhưng thú thực rằng làm điều này quả không dễ.

Thế mà Chúa Giêsu vẫn muốn chúng ta từ Kitô hữu đến hàng mục tử hãy biết sống yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x.Ga 15,12). Dùng nghĩa cử bên ngoài để làm dấu chỉ chuyển trao tình yêu và sự hiệp thông liên đới quả thật đáng thực hiện biết bao. “Hữu ư trung, xuất hình ư ngoại”. Không nhất thiết phải là chữa lành bệnh tật hay chia sẻ cho tha nhân vài trăm ngàn hay vài triệu đồng, khi đã có tấm lòng thì luôn có đó những sáng kiến bày tỏ tình yêu hiệp thông, liên đới bằng nhiều việc, dù rất nhỏ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Phanxicô Chấp Nhận Đơn Từ Chức Của Đức TGM Paris Michel Aupetit
Lê Đình Thông
11:09 03/12/2021
Trước chuyến tông du Hy Lạp và đảo Chypre, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhập đơn từ chức đề ngày 25/11/2021 của Đức TGM Paris Michel Aupetit. Công báo Tòa thánh ngày 02/12/2021 đã xác nhận tin này.

Đức TGM Aupetit 70 tuổi nguyên là bác sĩ toàn khoa, được ĐHY Lustiger truyền chức linh mục vào năm 1995, lúc 44 tuổi. Năm 2013, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Paris, năm 2014 : giám mục Nanterre. Năm 2017, ngài kế vị ĐHY André Vingt-Trois trong chức vụ tổng giám mục Paris.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức TGM Georges Pontier, 78 tuổi, nguyên chủ tịch HĐGM Pháp từ 2013 đến 2019, làm giám quản tông tòa tổng giáo phận Paris. Ngài từng đảm nhiệm chức vụ tổng giám mục Marseille trong suốt 13 năm, đến năm 2019. Tháng 01/2021, ngài được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa trống ngôi (sede vacante) của giáo phận Avignon (Vaucluse).

Ngày 23/11/2021, một bài báo đăng trên tuần báo Le Point nói đến việc Đức TGM Aupetit quản trị một số hồ sơ và có quan hệ với một phụ nữ. Theo Famille Chrétienne, sự việc nói đến có mức độ quan trọng hơn điện thư gửi cho thư ký tòa TGM Paris vào năm 2012 đã khiến ĐTC Phanxicô mau chóng quyết định.

Theo lịch trình của tổng giáo phận Paris, Đức TGM Aupetit sẽ chủ lễ ngày 22/05/2022 mừng 75 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam Paris. Việc từ chức sẽ làm thay đổi lịch mục vụ này.

Lê Đình Thông
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại Sân vận động GSP ở Nicosia.
J.B. Đặng Minh An dịch
14:47 03/12/2021
Hôm thứ Sáu 3 tháng 12, sinh hoạt đầu tiên của Đức Thánh Cha là chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia vào lúc 8:30; và gặp gỡ Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo tại nhà thờ chính tòa của Chính Thống Giáo ở Nicosia.

Sinh hoạt tiếp theo của Đức Thánh Cha Phanxicô là Thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia.

Trong bài giảng thánh lễ trước một cộng đoàn lên đến hơn 10,000 người, Đức Thánh Cha nói:


Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù kêu lên trong đau khổ và hy vọng: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9:27). “Con vua Đavít” là một danh hiệu được gán cho Đấng Mêsia, Đấng mà các tiên tri đã tiên đoán sẽ đến từ dòng dõi Vua Đavít. Hai người trong bài Tin Mừng hôm nay bị mù, nhưng họ thấy được điều quan trọng nhất: họ nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia đã đến trong thế gian. Chúng ta hãy suy nghĩ về ba bước trong cuộc gặp gỡ này. Trong Mùa Vọng này, ba bước ấy có thể giúp chúng ta đón Chúa khi Người đến, khi Người đi ngang qua chúng ta.

Bước thứ nhất là họ đến gặp Chúa Giêsu để được chữa lành. Bản văn nói rằng hai người mù kêu cầu Chúa khi đi theo Người (xem câu 27). Họ không thể nhìn thấy Ngài, nhưng họ nghe thấy giọng nói của Ngài và đi theo bước chân của Ngài. Trong Chúa Kitô, họ đang tìm kiếm điều mà các tiên tri đã tiên báo: đó là những dấu hiệu về quyền năng chữa lành và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa hiện diện ở giữa dân Ngài. Tiên tri Isaia đã viết: “Khi ấy mắt người mù sẽ được mở ra” (35: 5). Và một lời tiên tri khác, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay, đã hứa rằng: “Trong sự u ám và tăm tối của họ, mắt người mù sẽ thấy” (29:18). Hai người đàn ông trong Tin Mừng đã tin cậy nơi Chúa Giêsu. Họ đi theo Ngài để tìm kiếm ánh sáng cho đôi mắt của họ.

Anh chị em thân mến, tại sao họ tin cậy nơi Chúa Giêsu? Bởi vì họ nhận ra rằng, trong bóng tối của lịch sử, Ngài là ánh sáng xua tan “bóng đêm” của trái tim và thế giới. Ánh sáng xua tan bóng tối và chiến thắng sự tối tăm. Chúng ta cũng có một loại “mù” trong tâm hồn. Giống như hai người mù ấy, chúng ta thường như những người đi đường, chìm đắm trong bóng tối của cuộc đời. Việc đầu tiên phải làm là đến với Chúa Giêsu, như Người đã nói với chúng ta: “Hỡi những ai lao nhọc, gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi” (Mt 11,28). Có ai trong chúng ta lại không đang mệt mỏi hoặc nặng trĩu cách này cách khác? Tất cả chúng ta đều như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cưỡng lại việc chạy đến với Chúa Giêsu. Thường thì chúng ta thà khép mình, cô đơn trong bóng tối, cảm thấy có lỗi với bản thân và bằng lòng khi có nỗi buồn làm bạn đồng hành với mình. Chúa Giêsu là vị lương y thần thánh: chỉ một mình Người là ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người (x. Ga 1: 9), là Đấng ban cho chúng ta muôn vàn ánh sáng, hơi ấm và tình yêu. Chỉ một mình Chúa Giêsu giải thoát con tim khỏi sự dữ. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi vẫn bị bao bọc trong bóng tối của sự thất vọng và bất hạnh, hay tôi đi đến với Chúa Giêsu và trao cuộc đời tôi cho Người? Tôi có đi theo Chúa Giêsu, nói ra những nhu cầu của mình và giao sự cay đắng của mình cho Ngài không? Chúng ta hãy làm điều đó! Chúng ta hãy cho Chúa Giêsu cơ hội chữa lành trái tim của chúng ta. Đó là bước đầu tiên; nhưng việc chữa lành nội tâm cần hai bước nữa.

Bước tiếp theo: Họ chia sẻ nỗi đau của mình. Tin Mừng không nói Chúa chữa lành cho hai người mù này như thế nào, như trong trường hợp của người mù Batimê (x. Mc 10, 46-52) là người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9: 1-41). Ở đây có hai người mù. Họ cùng nhau ở ven đường. Họ chia sẻ nỗi đau, nỗi bất hạnh khi bị mù, và mong muốn có được ánh sáng rực rỡ trong trái tim đầy “bóng tối” của họ. Phúc Âm đề cập đến họ ở dạng số nhiều, vì họ làm mọi việc cùng nhau: cả hai đều đi theo Chúa Giêsu, cả hai đều kêu cầu Người và xin chữa lành; không phải mỗi người cho riêng mình, mà cùng nhau, như một. Điều quan trọng là họ nói với Chúa Kitô: Xin thương xót chúng tôi. “chúng tôi” chứ không phải là “tôi”. Họ cùng nhau kêu cầu giúp đỡ. Đây là một dấu chỉ hùng hồn về đời sống Kitô Hữu và là đặc điểm riêng biệt của tinh thần Giáo hội: đó là suy nghĩ, nói và hành động như “chúng ta”, từ bỏ chủ nghĩa cá nhân và cảm giác tự mãn đã lây nhiễm trong lòng.

Trong sự chia sẻ đau khổ và tình bạn huynh đệ của họ, hai người đàn ông mù này có nhiều điều để dạy chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều mù lòa theo một cách nào đó do hậu quả của tội lỗi, là điều ngăn cản chúng ta “nhìn” Thiên Chúa như Cha của mình và nhìn nhau như anh chị em. Vì đó là những gì tội lỗi làm; nó bóp méo thực tế: nó khiến chúng ta coi Chúa như một hôn quân bạo tàn và coi nhau là những vấn đề. Đó là công việc của những kẻ cám dỗ, những kẻ bóp méo mọi thứ, đưa chúng ta đến những suy nghĩ tiêu cực, để khiến chúng ta rơi vào tuyệt vọng và cay đắng. Và sau đó chúng ta trở thành con mồi cho một nỗi buồn khủng khiếp, một điều nguy hiểm mà không đến từ Thiên Chúa. Chúng ta không được đối mặt với bóng tối một mình. Nếu chúng ta chịu đựng sự mù quáng bên trong nội tâm một mình, chúng ta có thể bị đè bẹp. Chúng ta cần sát cánh bên nhau, chia sẻ nỗi đau và cùng nhau đối mặt với con đường phía trước.

Anh chị em thân mến, khi đối mặt với bóng tối nội tâm của chính chúng ta và những thử thách trước mặt chúng ta trong Giáo hội và trong xã hội, chúng ta được mời gọi đổi mới ý thức về tình huynh đệ của mình. Nếu chúng ta vẫn chia rẽ, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến mình hoặc cho mình hoặc cho nhóm của mình, nếu chúng ta không chịu gắn bó với nhau, nếu chúng ta không đối thoại và bước đi cùng nhau, chúng ta sẽ không bao giờ được chữa lành hoàn toàn khỏi sự mù quáng của mình. Sự chữa lành diễn ra khi chúng ta mang nỗi đau của mình cùng nhau, khi chúng ta đối mặt với vấn đề của mình cùng nhau, khi chúng ta lắng nghe và nói chuyện với nhau. Đó là ân sủng của việc sống trong cộng đồng, nhận ra tầm quan trọng của việc ở cùng nhau, và trở thành cộng đồng. Đây là điều tôi yêu cầu nơi anh chị em: đó là anh chị em phải luôn ở bên nhau, luôn đoàn kết; anh chị em phải cùng nhau tiến về phía trước với niềm vui như những anh chị em tín hữu Kitô, con cái của cùng một Cha. Và tôi cũng yêu cầu điều đó cho chính mình.

Và bây giờ, bước thứ ba: Họ hân hoan loan báo Tin Mừng. Sau khi Chúa Giêsu chữa lành cho họ, hai người đàn ông trong Tin Mừng, mà chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính chúng ta, bắt đầu loan tin mừng cho toàn vùng, bàn tán về nó khắp nơi. Có một chút trớ trêu trong việc này. Chúa Giêsu đã bảo họ đừng nói cho ai biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng họ lại làm ngược lại (x. Mt 9: 30-31). Từ những gì chúng ta được cho biết, rõ ràng là ý định của họ không phải là không vâng lời Chúa; họ chỉ đơn giản là không thể kiềm chế niềm phấn khích của họ trước ơn chữa lành và niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đây là một dấu chỉ đặc biệt khác của Kitô Hữu: niềm vui sướng khôn tả của Phúc âm, “tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 1); niềm vui của Tin Mừng đương nhiên dẫn đến việc làm chứng và giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ của một đức tin riêng tư, âu sầu và cáu kỉnh.

Anh chị em thân mến, thật vui khi thấy anh chị em sống với niềm vui sứ điệp giải phóng của Tin Mừng. Tôi cảm ơn anh chị em vì điều này. Đó không phải là việc chiêu dụ tín đồ - làm ơn, đừng bao giờ tham gia vào việc chiêu dụ tín đồ! - nhưng hãy làm chứng; không phải là một chủ nghĩa luân lý phán xét mà là một lòng thương xót bao trùm; không phải là sự sùng đạo hời hợt mà là tình yêu được sống hết mình. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục tiến bộ trên con đường này. Giống như hai người mù trong Tin Mừng, chúng ta hãy một lần nữa gặp gỡ Chúa Giêsu, và trở thành nhân chứng không sợ hãi về Chúa Giêsu cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ! Chúng ta hãy đi ra ngoài, mang theo ánh sáng mà chúng ta đã nhận được. Chúng ta hãy đi ra ngoài để soi sáng màn đêm thường bao quanh chúng ta! Chúng ta cần những Kitô Hữu được soi sáng, nhưng trên hết là những người tràn đầy ánh sáng, những người có thể chạm vào sự mù quáng của anh chị em chúng ta bằng tình yêu dịu dàng và bằng những cử chỉ và lời an ủi thắp lên ánh sáng hy vọng giữa bóng tối. Hãy là những Kitô hữu có thể gieo hạt giống Tin Mừng trên những cánh đồng khô cằn của cuộc sống hàng ngày, và mang lại hơi ấm cho những vùng đất hoang vu đau khổ và nghèo đói.

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu cũng đang đi qua các đường phố của Síp, các đường phố của chúng ta, nghe thấy tiếng kêu của những người mù chúng ta. Ngài muốn chạm vào mắt chúng ta, chạm vào trái tim chúng ta, và dẫn chúng ta đến ánh sáng, cho chúng ta sự tái sinh tâm linh và sức mạnh mới. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn làm. Người hỏi chúng ta câu hỏi tương tự như câu hỏi mà Người đã hỏi hai người mù: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” (Mt 9:28). Chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu có thể làm được điều này không? Chúng ta hãy làm mới niềm tin của chúng ta nơi Người. Chúng ta hãy thưa với Người: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng ánh sáng của Chúa lớn hơn bóng tối của chúng con; chúng con tin rằng Chúa có thể chữa lành cho chúng con, chúng con tin Chúa có thể tái tạo mối hiệp nhất của chúng con, Chúa có thể làm tăng niềm vui của chúng con. Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! [Tất cả lặp lại: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!]

Lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô khi kết thúc Thánh lễ tại Sân vận động GSP

Anh chị em thân mến,

Tôi mới là người phải gửi lời cảm ơn đến tất cả anh chị em! Sáng mai, trước khi lên đường, tôi sẽ có dịp từ biệt Tổng thống Cộng hòa, đang có mặt tại đây, nhưng ngay bây giờ tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến mọi người về sự chào đón và tình cảm mà anh chị em đã dành cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

Ở đây ở Síp này, tôi cảm thấy một chút gì đó trong bầu không khí đặc trưng của Vùng đất Thánh, nơi sự cổ kính và sự đa dạng của các truyền thống Kitô Giáo làm phong phú thêm cho mỗi người hành hương. Điều này là tốt cho tôi và cũng rất đáng khích lệ khi gặp gỡ các cộng đồng tín hữu đang sống trong hiện tại với hy vọng và cởi mở với tương lai, và những người chia sẻ tầm nhìn lớn hơn này với những người cần nhất. Tôi nghĩ đặc biệt đến những người di cư đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng với những người anh chị em của tôi từ nhiều hệ phái Kitô khác nhau, mà tôi sẽ có cuộc gặp gỡ cuối cùng trên hòn đảo này.

Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã giúp tổ chức chuyến thăm này! Xin hãy cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ che chở anh chị em. Efcharistó! [Cảm ơn bạn!]
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Phép lạ nhãn tiền: Quốc vương Hồi Giáo tặng đất xây nhà thờ kính Đức Mẹ ở Bahrain
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:14 03/12/2021


Vào ngày 10 tháng 12 tới đây, một sự kiện Công Giáo đáng kinh ngạc và đáng vui mừng sẽ diễn ra tại Bahrain, một quốc đảo chủ yếu là người Hồi giáo trong vùng Vịnh Ba Tư.

Ở các nước gần như toàn tòng Hồi Giáo, họ để yên cho mình thờ phượng Chúa đã là cực kỳ may mắn lắm rồi. Chuyện tặng đất cho mình xây nhà thờ là chuyện nằm mơ cũng không thấy nổi. Tuy nhiên, điều đó đã xảy ra tại Bahrain.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, sẽ thánh hiến Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập, một cấu trúc có hình hòm bia giao ước, đủ chỗ ngồi cho 2,300 người.

ACI Stampa cho biết đây sẽ là sự kết thúc của cuộc hành trình bắt đầu vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, khi quyết định xây dựng nhà thờ được đưa ra.

Đất là một món quà của Hamad bin Isa Al Khalifa, quốc vương Bahrain vào năm 2002. Quốc vương sẽ khánh thành nhà thờ vào 09 tháng 12, một ngày trước lễ thánh hiến.

Đặc phái viên của nhà vua, Sheikh Khalid bin Ahmed Al Khalifa, đã có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 25 tháng 11. Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đặc phái viên này đã thay mặt nhà vua mời Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước.

Nhà vua đã đích thân tặng Đức Giáo Hoàng một mô hình nhà thờ vào năm 2014.

Nhà thờ là một phần của khu phức hợp rộng khoảng 95,000 feet vuông, tức là 8825 m2 ở Awali, một đô thị ở trung tâm của đất nước, có dân số 1.7 triệu người và nằm ở phía đông của Ả Rập Saudi và phía tây của Qatar.

Trang web của nhà thờ chính tòa Bahrain cho biết ngay sau khi Đức Cha Camillo Ballin, Đại diện Tông Tòa của Bắc Ả Rập, nghe tin nhà vua đã ban đất cho một nhà thờ, “phản ứng ngay lập tức của ngài khi nghe tin mừng này là cảm ơn Đức Mẹ của chúng ta vì đã làm phép lạ, ngài quyết định rằng nhà thờ mới sẽ được dành riêng cho Đức Mẹ Ả Rập”.

Một tâm điểm của nhà thờ sẽ là một bức tượng nhiều màu của Đức Mẹ Ả Rập.

Danh hiệu Đức Mẹ Ả Rập, tiếng Anh là Our Lady of Arabia, được chấp thuận vào năm 1948. Một nhà nguyện nhỏ ở Ahmadi, Kuwait, đã được cung hiến để vinh danh Mẹ vào ngày 8 tháng 12 năm đó.

Năm 1957, Đức Piô XII ban hành sắc lệnh công bố Đức Mẹ Ả Rập là vị thánh bảo trợ chính của lãnh thổ và của Vị Đại diện Tông Tòa của Kuwait.

Năm 2011, Vatican đã chính thức tuyên bố Đức Mẹ Ả Rập là vị thánh bổn mạng của giáo phận Kuwait và Saudi.

Cuối năm đó, Tòa thánh tổ chức lại Hạt Đại diện Kuwait, đặt tên mới là Hạt Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập, và bao gồm các lãnh thổ Qatar, Bahrain và Ả Rập Xê Út.

Tòa giám mục của Ballin đã chuyển từ Kuwait đến Bahrain, nơi có sự hiện diện của người Công Giáo đáng kể, ước tính chiếm khoảng 15% dân số.

Ước tính có khoảng 80,000 người Công Giáo ở Bahrain, nhiều người trong số họ là những người di cư từ Á Châu, đặc biệt là Phi Luật Tân và Ấn Độ.

Trong buổi thánh hiến, sẽ thiếu vắng một nhân vật đáng chú ý: Đức Giám Mục Ballin. Ngài đã qua đời vào ngày 12 tháng 4 năm ngoái, 2020, ở tuổi 75, trước khi ngài có thể thấy ước mơ của mình về một nhà thờ dành riêng cho Đức Mẹ Ả Rập ở Bahrain.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vị giám mục Ý đã yêu cầu mọi người ủng hộ “cầu nguyện cho chúng tôi và đời sống tinh thần của chúng tôi và xin Đức Trinh Nữ Maria sẽ gửi các nhà hảo tâm đến tài trợ cho việc xây dựng nhà thờ”.

Trang web của nhà thờ Bahrain bao gồm một lời cầu nguyện với Đức Mẹ Ả Rập trong thời gian chuẩn bị được thánh hiến:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Đức Mẹ Ả Rập và Bổn Mạng của chúng tôi! Chúng con dâng lên Mẹ những lời cầu nguyện của chúng con cho các nhu cầu của Giáo Hội ở đây và trên toàn thế giới.

Xin giúp chúng con luôn nên một với Con Mẹ là Chúa Giêsu và hiệp nhất với nhau, để chúng con có thể trở thành nhân chứng đích thực cho Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống hàng ngày của chúng con và xin tuôn đổ các phước lành bình an và hòa thuận của Chúa trong gia đình và cộng đồng của chúng con.

Tin cậy vào sự chuyển cầu của Đức Mẹ, chúng con cầu xin Mẹ đoái thương nghe những lời cầu nguyện khiêm nhường của chúng con và ban cho chúng con những ân sủng mà chúng con tìm kiếm để chúng con có thể làm sáng dang Chúa mãi mãi.

Đức Mẹ Ả Rập, xin cầu cho chúng con! Amen.
Source:Catholic News Agency
 
Diễn biến mới nhất trong phiên tòa về vụ bê bối tài chính ở Vatican
Đặng Tự Do
18:15 03/12/2021


Hai doanh nhân ở trung tâm của vụ bê bối tài chính Vatican đã chứng kiến các thẩm phán Anh từ chối các nỗ lực pháp lý của họ nhằm chống lại các cáo buộc hình sự của Ý và Vatican.

Trước đây, các công tố viên của Vatican đã phải chịu một loạt thất bại và chỉ trích vì các cáo buộc đối với Gianluigi Torzi và Raffaele Mincione, cả hai đều cư trú tại Vương quốc Anh và đã nỗ lực dùng hệ thống tư pháp Anh để chống lại Vatican và Italia. Các phán quyết do hai tòa án khác nhau vừa đưa ra, dường như sẽ chấm dứt hy vọng sử dụng các tòa án Anh để chống lại các cáo buộc của Ý và Vatican mà họ đang phải đối mặt.

Raffaele Mincione là nhà quản lý đầu tư đã bán cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh một tòa nhà ở London vào năm 2018. Gianluigi Torzi là người môi giới đã hoàn tất việc mua tòa nhà cho Vatican. Cả hai đều đã yêu cầu các tòa án ở London can thiệp vào các khía cạnh trong các cáo buộc của chính phủ Ý và Tòa Thánh chống lại họ.

Mincione đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao của Anh và xứ Wales vào tháng 6 năm 2020 để tuyên bố giảm nhẹ trách nhiệm đối với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, yêu cầu các thẩm phán phán quyết rằng anh ta “hành động có thiện chí” trong các giao dịch của mình với Vatican.

Tòa thánh đã phải trả cho Mincione số tiền tổng cộng 350 triệu euro để mua tòa nhà ở số 60 Sloane Ave. Dự kiến Tòa Thánh sẽ bán lại với mức lỗ hơn 100 triệu.

Một thẩm phán đã ra phán quyết vào thứ Sáu rằng vụ kiện của doanh nhân chống lại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh của Vatican sẽ bị đình chỉ vô thời hạn vì các thủ tục pháp lý đang diễn ra ở Vatican. Điều này mở đường cho việc dẫn độ Mincione về Rôma theo yêu cầu của Ý và Vatican.

Về vấn đề Torzi, một thẩm phán đã bác bỏ lập luận vào ngày 24 tháng 11 cho rằng các bằng chứng do các công tố viên Vatican thu thập không đủ để Torzi bị dẫn độ sang Ý, nơi anh ta đang bị truy nã với cáo buộc tội phạm tài chính ở Ý liên quan đến vai trò trong vụ bê bối tài chính ở Vatican.
Source:Pillar Catholic
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Síp
J.B. Đặng Minh An dịch
04:38 03/12/2021


Sáng thứ Sáu 3 tháng 12, sinh hoạt đầu tiên của Đức Giáo Hoàng là chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia vào lúc 8:30. Sau đó, phái đoàn Tòa Thánh đã có cuộc gặp gỡ Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo tại nhà thờ chính tòa của Chính Thống Giáo ở Nicosia.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Kính thưa Đức Tổng Giám Mục,

Kính thưa các Giám mục của Thánh Công Đồng,


Tôi rất vui khi được đồng hành cùng anh em và tôi biết ơn sự chào đón thân tình của anh em. Cảm ơn Hiền Huynh thân yêu vì những lời tốt đẹp của huynh, vì sự cởi mở tâm hồn và cam kết thúc đẩy đối thoại giữa chúng ta. Tôi muốn gửi lời chào tới các linh mục và phó tế, cũng như các tín hữu của Giáo Hội Chính thống Síp, với một ý nghĩ đặc biệt dành cho các nam nữ tu sĩ, những người mà lời cầu nguyện của họ giúp thanh lọc và nâng cao đức tin của tất cả mọi người.

Ân sủng được ở đây nhắc nhở tôi rằng chúng ta có một nguồn gốc tông đồ chung: Thánh Phaolô đi qua Síp và tiếp tục đến Rôma. Vì vậy, chúng ta là những người thừa kế cùng một lòng nhiệt thành tông đồ, và có cùng một con đường duy nhất nối liền chúng ta, đó là Tin Mừng. Tôi muốn thấy chúng ta tiến trên cùng một con đường, tìm kiếm tình huynh đệ tuyệt vời hơn bao giờ hết và sự hiệp nhất trọn vẹn. Trong phần Đất Thánh Thiêng này, nơi lan tỏa ân sủng của những nơi linh thiêng trên khắp Địa Trung Hải, chúng ta tự nhiên nghĩ lại nhiều trang và nhiều nhân vật trong Kinh thánh. Trong số tất cả những người đó, tôi muốn đề cập một lần nữa đến Thánh Bácnaba, và muốn suy ngẫm về một số khía cạnh trong cuộc sống của ngài, là những điều có thể hướng dẫn chúng ta trên hành trình của mình.

“Các tông đồ đã đặt tên cho ông Giuse là Bácnaba” (Công vụ 4:36). Đây là những gì sách Tông Đồ Công Vụ nói với chúng ta. Chúng ta biết và tôn kính Bácnaba qua danh xưng này của ngài, một danh xưng mô tả thật khéo léo tính cách của ngài. Tên “Bácnaba” vừa có nghĩa là “con trai của sự an ủi” vừa là “con trai của sự khuyên bảo”. Thật phù hợp khi ngài kết hợp cả hai đặc điểm này, vốn là những đặc điểm không thể thiếu cho việc loan báo Tin Mừng. Sự an ủi đích thực không thể giữ riêng tư, nhưng phải được bày tỏ trong sự khuyến khích và hướng dẫn tự do hướng tới điều thiện. Đồng thời, tất cả những lời khích lệ trong đức tin nhất thiết phải được đặt trên nền tảng là sự hiện diện an ủi của Thiên Chúa, đi kèm với tình bác ái huynh đệ.

Bằng cách này, Bácnaba, con trai của niềm an ủi, khuyến khích chúng ta, những người anh em của ngài, hãy thực hiện cùng một sứ mệnh là đem Tin Mừng đến cho nhân loại; ngài yêu cầu chúng ta nhận ra rằng thông điệp không thể chỉ dựa trên những lời khuyến khích chung chung, hay việc khắc sâu các giới luật và quy tắc phải tuân theo, như thường lệ. Đúng hơn, nó phải đi theo con đường gặp gỡ cá nhân, chú ý đến các câu hỏi của mọi người, đến các nhu cầu hiện sinh của họ. Nếu chúng ta là người con của niềm an ủi, thì trước khi chúng ta nói một lời, chúng ta cần phải lắng nghe, phải để bản thân mình bị chất vấn, ngõ hầu khám phá những người khác, để chia sẻ. Bởi vì Tin Mừng không được truyền lại bằng cách truyền thông, nhưng bằng sự hiệp thông. Đó là điều mà những người Công Giáo chúng tôi muốn trải nghiệm trong vài năm tới, khi chúng tôi khám phá lại chiều kích đồng nghị cần thiết để trở thành Giáo hội. Trong điều này, chúng tôi cảm thấy cần phải sát cánh cùng anh em hơn nữa, những người anh em thân mến, kinh nghiệm của anh em về tính đồng nghị, có thể thực sự giúp chúng tôi. Cảm ơn sự hợp tác huynh đệ của anh em, thể hiện sâu xa hơn nữa trong việc tham gia tích cực vào Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo hội Chính thống.

Tôi chân thành hy vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ hơn, để hiểu nhau hơn, để loại bỏ những định kiến và để lắng nghe một cách ngoan ngoãn những kinh nghiệm đức tin của chúng ta. Điều này sẽ là một lời khuyến khích và động cơ để làm tốt hơn, và mang lại một hoa trái an ủi tinh thần. Tông đồ Phaolô, người mà chúng ta là dòng dõi, thường nói về sự an ủi, và thật vui khi nghĩ rằng Bácnaba, con trai của sự an ủi, là nguồn cảm hứng cho một số lời của ngài. Thật vậy, ở đầu Thư thứ hai gửi tín hữu Côrinhtô, thánh Phaolô thúc giục chúng ta an ủi nhau bằng chính niềm an ủi mà chúng ta đã được Thiên Chúa ủi an (x. 2Cr 1: 3-5). Theo ý nghĩa này, các anh em thân mến, tôi muốn bảo đảm với các anh em về lời cầu nguyện và sự gần gũi của chính tôi và của Giáo Hội Công Giáo, trong những vấn đề rắc rối nhất đang vây bủa anh em, và trong những hy vọng tốt nhất và táo bạo nhất đang thúc đẩy anh em. Nỗi buồn của anh em và niềm vui của anh em cũng là của chúng tôi; chúng tôi cảm nhận những điều ấy như của chính chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi cảm thấy rất cần những lời cầu nguyện của anh em.

Và đây là khía cạnh thứ hai: Sách Tông Đồ Công Vụ cũng trình bày Thánh Bácnaba là “người Lêvi, người gốc Síp” (4:32). Bản văn không thêm chi tiết nào khác, về ngoại hình hay con người của ngài, nhưng ngay lập tức cho chúng ta thấy Bácnaba là người như thế nào qua một trong những hành động của ngài: “ông bán một cánh đồng thuộc về ông, sau đó mang tiền và đặt nó ở chân các Tông đồ” (câu 37). Cử chỉ tuyệt vời này gợi ý rằng, để được hồi sinh trong sự hiệp thông và sứ mệnh, chúng ta cũng cần phải có can đảm từ bỏ tất cả những gì thuộc về trần thế, dù quý giá đến đâu, để ủng hộ sự viên mãn của sự hiệp nhất. Một cách thẳng thắn, tôi không có ý nói về điều gì là thiêng liêng và giúp chúng ta gặp gỡ Chúa, nhưng tôi muốn đề cập đến nguy cơ tuyệt đối hóa một số phong tục và thói quen thật ra không đòi hỏi phải có sự thống nhất và đồng ý của tất cả mọi người. Chúng ta đừng trở nên tê liệt vì sợ hãi trước sự cởi mở hoặc những cử chỉ táo bạo, hoặc nhượng bộ khi nói về “sự khác biệt không thể hòa giải” mà thực tế không liên quan gì đến Tin Mừng! Chúng ta đừng cho phép “truyền thống”, ở dạng số nhiều và với một chữ “t” viết thường, lại có thể chiếm ưu thế hơn so với “Truyền thống”, ở dạng số ít với một chữ “T” viết hoa. Truyền thống đó đánh cược chúng ta hãy dám bắt chước Bácnaba và bỏ lại đằng sau mọi thứ, dù tốt đến đâu, nhưng có thể làm tổn hại đến sự hiệp thông trọn vẹn, đến tính ưu việt của lòng bác ái và nhu cầu hiệp nhất.

Đặt tất cả những gì mình có dưới chân các Tông đồ, Bácnaba đi vào lòng họ. Chúa cũng yêu cầu chúng ta nhận ra rằng chúng ta là chi thể của cùng một thân thể và phải cúi mình, ngay cả dưới chân của anh em chúng ta. Chắc chắn, ở những nơi liên quan đến mối quan hệ của chúng ta, lịch sử đã khoét sâu những khoảng cách giữa chúng ta, nhưng Chúa Thánh Thần mong muốn rằng với sự khiêm nhường và tôn trọng, chúng ta một lần nữa đến gần nhau hơn. Ngài mời gọi chúng ta đừng cam chịu trước những chia rẽ trong quá khứ và hãy cùng nhau vun vén cánh đồng vương quốc bằng sự kiên nhẫn, kiên trì và những cử chỉ cụ thể. Vì nếu chúng ta gạt bỏ những khái niệm trừu tượng để quay sang hợp tác với nhau, chẳng hạn trong các công việc bác ái, giáo dục và thăng tiến phẩm giá con người, chúng ta sẽ khám phá lại tình huynh đệ của chúng ta, và sự hiệp thông sẽ tự trưởng thành trước sự ngợi khen của Thiên Chúa. Mỗi người sẽ duy trì phong tục và bản sắc riêng của mình, nhưng theo thời gian, những nỗ lực chung của chúng ta sẽ gia tăng sự hòa hợp và đơm hoa kết trái. Cũng như những vùng đất Địa Trung Hải xinh đẹp này được tô điểm bởi sức lao động kiên nhẫn và đáng kính trọng của con người, thì với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và sự kiên trì khiêm tốn, chúng ta cũng có thể vun trồng sự hiệp thông tông đồ của mình!

Một kết quả tốt, chẳng hạn, là tất cả những gì đã diễn ra ở đây ở Síp tại Nhà thờ Panaghia Chryssopolitissa, “Đức Mẹ của Thành phố Vàng”, ngày nay là nơi thờ phượng của các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, được nhiều người yêu mến và thường xuyên được chọn làm nơi cử hành bí tích hôn phối. Vì thế, đó là dấu chỉ của sự hiệp thông trong đức tin và sự sống dưới cái nhìn của Thánh Mẫu Thiên Chúa, Đấng quy tụ con cái của mình lại với nhau. Trong khu phức hợp đó cũng có một cột đá, nơi theo truyền thống, Thánh Phaolô đã phải nhận ba mươi roi vì đã tuyên bố đức tin ở Paphos. Truyền giáo, giống như sự hiệp thông, luôn luôn phải trải qua những hy sinh và thử thách.

Và đây là khía cạnh thứ ba mà tôi sẽ rút ra từ hình ảnh của Thánh Bácnaba: Chính một thử thách như vậy đã gắn liền với sự truyền bá Phúc Âm ban đầu ở vùng đất này. Khi trở về Síp cùng với Phaolô và Máccô, Bácnaba thấy Elymas, “một nhà ảo thuật và tiên tri giả” (Công vụ 13: 6), người đã chống lại các ngài một cách đầy ác ý, đang tìm cách làm cho con đường thẳng của Chúa bị ngoằn ngoèo (xem câu 8, 10). Ngày nay cũng vậy, không thiếu sự giả dối và lừa lọc mà quá khứ có thể đặt ra trước mắt để cản trở hành trình của chúng ta. Nhiều thế kỷ chia rẽ và xa cách đã khiến chúng ta, dù không tự nguyện, đã xem nhau là thù địch và đầy thành kiến với nhau, với những định kiến thường dựa trên thông tin khan hiếm và xuyên tạc, và được lan truyền bởi một nền văn học hung hăng và luận chiến. Điều này cũng bẻ cong con đường của Thiên Chúa, vốn thẳng tắp và hướng đến sự hòa hợp và hợp nhất. Anh em thân mến, sự thánh khiết của Bácnaba cũng là một điều hùng hồn cho chúng ta! Đã bao nhiêu lần trong lịch sử, Kitô Hữu chúng ta quan tâm đến việc chống lại người khác hơn là chấp nhận con đường của Thiên Chúa một cách hòa hợp, dẫn đến việc giải quyết những bất đồng trong đức ái! Đã bao lần chúng ta phóng đại và gieo rắc những thành kiến về người khác hơn là làm theo lời khuyên nhủ của Chúa, là điều thường được nhắc lại trong Tin Mừng theo Thánh Máccô, là người đã đồng hành với Bácnaba trên đảo này, đó là hãy để mình nhỏ bé và phục vụ nhau (x. Mc 9: 35; 10: 43-44).

Thưa Đức Tổng Giám Mục, hôm nay, trong cuộc đối thoại của chúng ta, tôi đã xúc động khi hiền huynh nói về Giáo hội với tư cách là Mẹ. Giáo hội của chúng ta là một người mẹ, và một người mẹ luôn quy tụ con cái mình bằng tình yêu thương dịu dàng. Chúng ta đặt niềm tin vào Hội Thánh Mẹ này, nơi quy tụ tất cả chúng ta, và với lòng kiên nhẫn, tình yêu dịu dàng và lòng can đảm, chúng ta tiến bước trên con đường của Chúa. Tuy nhiên, để cảm nhận được tình mẫu tử của Giáo hội, tất cả chúng ta phải đến đó, nơi Giáo hội là một người mẹ. Tất cả chúng ta, với sự khác biệt của mình, nhưng tất cả đều là những người con của Giáo hội Mẹ. Cảm ơn hiền huynh về những suy tư mà hiền huynh đã chia sẻ với tôi ngày hôm nay.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan và can đảm để đi theo đường lối của Ngài, chứ không phải của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin điều này qua sự chuyển cầu của các thánh Tông đồ. Ông Leontios Machairas, một nhà biên niên sử thế kỷ 15, đã định nghĩa Síp là một “Đảo Thánh” vì có rất nhiều các vị tử đạo và các thánh hiển tu mà những vùng đất này đã chứng kiến qua nhiều thế kỷ. Ngoài những người được biết đến và tôn kính, như Bácnaba, Phaolô và Máccô, Epiphanius, Barbara và Spyridon, còn có rất nhiều người khác: vô số các bậc thánh, những người hợp nhất trong một Giáo hội trên trời - Giáo hội Mẹ - thúc giục chúng ta cùng ra khơi hướng tới bến cảng mà tất cả chúng ta đều khao khát. Síp, vốn đã là một cầu nối giữa Đông và Tây, từ trên cao, các ngài khuyến khích chúng ta hãy làm từ Síp này, một cầu nối giữa trời và đất. Cầu xin cho được như thế, để ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, vì lợi ích của chúng ta và lợi ích của tất cả mọi người. Cảm ơn anh em.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Giám Mục nói phong chức linh mục cho phụ nữ là con đường sai lầm
Đặng Tự Do
04:48 03/12/2021


Mặc dù Đại hội đồng Giáo hội Mỹ Châu Latinh kéo dài một tuần đã đưa ra một chuỗi các đề xuất táo bạo, nhưng đề xuất tấn phong phụ nữ làm phó tế hoặc linh mục hiếm khi được đưa ra. Và trong lần duy nhất vấn đề này được đề cập đến, một vị Hồng Y hàng đầu của Vatican đã thẳng thừng bác bỏ.

“Chúng tôi vẫn cần nhiều tính đồng nghị,” Đức Hồng Y Marc Ouellet người Canada, tổng trưởng Bộ Giám mục và chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh, cho biết trong một cuộc họp báo diễn ra hôm thứ Sáu, khi cuộc họp từ ngày 21 đến 28 tháng 11 kết thúc.

Khi được hỏi ý kiến về việc liệu tình trạng thiếu ơn gọi linh mục có thể dẫn đến việc thụ phong linh mục cho phụ nữ hay không, ngay cả khi chỉ giới hạn ở chức phó tế, vị giám mục nói rằng từ “quan điểm giáo lý”, “không có kết luận nào mở ra cánh cửa này”.

Ngài nói, vấn đề đã được nghiên cứu bởi một ủy ban do Bộ Giáo lý Đức tin thành lập, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, để xem xét tính cách lịch sử của các nữ phó tế. Ủy ban đã được thành lập vào năm 2016. Đức Giáo Hoàng đã nói với các phóng viên vào tháng 5 năm 2019 rằng nhóm 12 thành viên đã không thể đưa ra “phản ứng dứt điểm” cho vấn đề này, do thiếu sự đồng thuận về vai trò của các nữ phó tế trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội.

“Cá nhân tôi tin rằng chúng ta phải phát huy những đặc điểm riêng mà phụ nữ có,” Đức Hồng Y Ouellet nói trong cuộc họp báo. “Con đường không hoàn toàn là đánh đồng nam nữ ở cấp thừa tác viên, bởi vì có một tầm quan trọng biểu tượng trong các vai trò bí tích.”

Ngài nói bằng tiếng Tây Ban Nha: “Điều quan trọng cần nhớ là Chúa đã lập một liên minh với nhân loại và biểu tượng hôn nhân là biểu tượng đặc quyền trong Giáo hội và trong Kinh thánh. Để bày tỏ mối quan hệ của Thiên Chúa với dân Ngài, của Chúa Kitô với Giáo hội. Chúa Kitô là nam, Giáo hội là nữ. Linh mục đại diện cho Chúa Kitô phải có sự thống nhất về mặt ngữ nghĩa, và đây là lý do tại sao việc trình bày Chúa Kitô với tư cách là một người chồng được dành riêng cho nam giới”.

“Điều đó là hiển nhiên”

Theo Đức Hồng Y Ouellet, những gì Giáo hội cần làm là phát triển hơn nữa các đặc sủng mà phụ nữ có, cho họ nhiều chỗ hơn, lắng nghe họ nhiều hơn và trao cho họ nhiều trách nhiệm hơn.

Ngài nói: “Người phụ nữ là một giáo lý viên xuất sắc. Cô ấy có thể là chưởng khố của một giáo phận, một luật sư giáo luật, làm việc trong lĩnh vực truyền thông và quản trị, có những vai trò rất quan trọng ở cả giáo phận và giáo xứ.”

Vị giám mục Canada nhấn mạnh vào việc nêu bật đặc sủng của phụ nữ. Ngài nói rằng họ phải được công nhận cụ thể, không cần giả vờ rằng, chỉ cần được thụ phong, phụ nữ sẽ được phép tiếp cận tất cả các không gian của Giáo hội. Đó là một con đường sai lầm, một con đường không tôn trọng đặc thù của người phụ nữ.”

Đức Hồng Y Ouellet nói, điều cần thiết là một cuộc cải cách đồng nghị sâu sắc hơn nhiều, điều đó là “cơ bản hơn việc áp đặt các vai trò giống nhau cho phụ nữ và nam giới. Sự thay đổi mà Giáo hội cần lớn hơn nhiều so với việc cho phụ nữ tiếp cận với chức vụ được truyền chức. Cuộc cách mạng phải sâu sắc hơn”.
Source:Crux
 
Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định một nhà ngoại giao Vatican, làm đặc phái viên tiếp theo của ngài tại Medjugorje
Đặng Tự Do
04:49 03/12/2021


Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao lâu năm của Vatican làm đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Medjugorje, sau cái chết của Đức Tổng Giám Mục Ba Lan Henryk Hoser vào tháng Tám vừa qua.

Kể từ năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Hoser đã giám sát tình hình mục vụ ở Medjugorje, địa điểm được cho là Đức Mẹ hiện ra ở Bosnia và Herzegovina. Ngài đã qua đời ở Warsaw ở tuổi 78 sau một thời gian dài bị bệnh.

Hôm thứ Bẩy, 27 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Aldo Cavalli, 75 tuổi, làm đặc sứ của ngài tại cộng đồng giáo xứ Medjugorje trong một thời gian không xác định.

Đức Cha Cavalli là Sứ thần Tòa Thánh tại Hà Lan từ năm 2015. Ngài xuất thân từ giáo phận Bergamo, miền bắc nước Ý và gia nhập ngành ngoại giao của Vatican vào năm 1996.

Ngài cũng đã từng là Sứ Thần Tòa thánh tại Angola, São Tomé và Príncipe, Chí Lợi, Colombia, Malta và Libya.

Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên bổ nhiệm một đặc sứ của Giáo hoàng đến Medjugorje vào năm 2017, với chỉ thị giám sát các nhu cầu mục vụ tại địa điểm được cho là Đức Mẹ hiện ra.

Tại Hà Lan, Cavalli đã giúp giải quyết các vấn đề xung quanh câu chuyện Đức Mẹ đã hiện ra với tước hiệu của “Đức Mẹ của Dân nước”.

Sự hiện ra được cho là đã xảy ra 56 lần với Ida Peerdeman ở Amsterdam từ năm 1945 đến năm 1959. Năm 1956, giám mục địa phương đã ra phán quyết rằng không có bằng chứng về nguồn gốc siêu nhiên của những lần hiện ra và các mặc khải. Bộ Giáo lý Đức tin đã xác nhận quan điểm này vào năm 1957, và vào các năm 1972 và 1974.

Năm 2002, Đức Cha Jozef Marianus Punt đã bác bỏ quyết định của người tiền nhiệm và tuyên bố các cuộc hiện ra có nguồn gốc siêu nhiên, làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc liệu ngài có thẩm quyền lật ngược quyết định đã được Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định hay không.

Năm 2020, Vatican tái khẳng định phán quyết năm 1974 liên quan đến các lần hiện ra, và vào tháng Giêng, Bộ Giáo Lý Đức Tin kêu gọi người Công Giáo không quảng bá “các cuộc hiện ra và các mặc khải” gắn với tước hiệu “Đức Mẹ Của Các Dân Nước”.

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”. Đến nay đã có hơn 40 triệu người đến hành hương tại đây mặc dù giáo quyền địa phương đã điều tra và không nhìn nhận tính chất siêu nhiên của sự kiện.

Tháng Ba năm 2010, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Vatican đã thiết lập một ủy ban do Đức Hồng Y Ruini lãnh đạo để điều tra về các cuộc cho là Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje. Cuộc điều tra đã chấm dứt vào ngày 18 tháng Giêng 2014.

Hôm 16 tháng 5, 2017, tờ Vatican Insider, một tờ báo được coi là thạo các tin nội bộ của Tòa Thánh đã gây sửng sốt cho nhiều người khi tường thuật rằng Ủy ban do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina, đã bỏ phiếu đồng thuận rằng bẩy cuộc hiện ra của Đức Mẹ trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1981 là chân thật.

Tuy nhiên, các thành viên trong ủy ban điều tra tỏ ra nghi ngờ về hàng ngàn những thị kiến được cho là đã xảy ra kể từ sau ngày 4 tháng 7 năm 1981, và được cho là vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Hai trong số 17 thành viên của ủy ban cho rằng những thị kiến được cho là đã xảy ra sau ngày 4 tháng 7 năm 1981 không phải là siêu nhiên, trong khi 15 thành viên khác nói rằng họ không thể đưa ra các phán quyết.

Sau các báo cáo của Đức Cha Hoser, ngày 12 tháng 5, 2019 Đức Thánh Cha đã chính thức cho phép tổ chức các phái đoàn hành hương về Medjugorje.
Source:Catholic News Agency
 
Tổng giáo phận Paris trình bày kế hoạch cho nội thất Nhà thờ Đức Bà trong bối cảnh có những phản đối kịch liệt
Đặng Tự Do
04:49 03/12/2021


Tổng giáo phận Công Giáo Paris sẽ trình bày kế hoạch trùng tu nội thất Nhà thờ Đức Bà vào tuần tới sau khi bác bỏ những lời chỉ trích rằng đề xuất của họ sẽ biến địa điểm này thành “một loại công viên giải trí”.

Các quan chức sẽ đệ trình đề xuất của họ lên Ủy ban Di sản và Kiến trúc Quốc gia của Pháp vào ngày 9 tháng 12 trong bối cảnh đang xảy ra một làn sóng phản đối mới về việc trùng tu nhà thờ bị hư hại nặng do hỏa hoạn vào năm 2019.

Theo AFP, tổng giáo phận phủ nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông nước ngoài rằng nhà thờ Gothic nổi tiếng của Pháp, được xây dựng từ năm 1163 đến năm 1345, có nguy cơ bị biến thành một công viên giải trí hoặc tràn ngập các tác phẩm nghệ thuật đương đại chói tai gai mắt.

Tờ Daily Telegraph, một tờ báo của Anh, đưa tin vào ngày 26 tháng 11 rằng các nhà phê bình lo ngại những thay đổi này sẽ biến tòa nhà thành một “Disneyland phù hợp với các xu thế chính trị”.

Tờ này nói rằng “tòa giải tội, bàn thờ và các tác phẩm điêu khắc cổ điển sẽ được thay thế bằng các bức tranh tường nghệ thuật hiện đại, và các hiệu ứng âm thanh và ánh sáng mới để tạo ra ‘không gian cảm xúc’”.

Tờ báo nói thêm: “Sẽ có các nhà nguyện theo chủ đề trên 'con đường khám phá', tập trung vào Phi Châu và Á Châu, trong khi các trích dẫn từ Kinh thánh sẽ được chiếu lên các bức tường của nhà nguyện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Quan Thoại”.

Maurice Culot, một kiến trúc sư đã xem các kế hoạch, nói với tờ báo: “Cứ như thể Disney đang bước vào Nhà thờ Đức Bà vậy”.

Kiến trúc sư này cho rằng: “Những gì họ đề xuất làm với Notre-Dame sẽ không bao giờ được thực hiện với Tu viện Westminster hoặc Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma. Đó là một hình thức công viên, rất trẻ con và tầm thường so với sự hùng vĩ của nơi này”.

Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, Cha Gilles Drouin, linh mục giám sát việc trùng tu nội thất, xác nhận có các đề xuất như thế nhưng lập luận rằng chúng không đủ để thay đổi về căn bản ngôi thánh đường.

Ngài giải thích rằng việc trùng tu nhằm mục đích bảo tồn nhà thờ như một nơi thờ phượng, nhưng cũng để chào đón và giáo dục du khách “không phải lúc nào cũng đến từ nền văn hóa Kitô.”

Ngài nói rằng các nhà nguyện dọc theo hai bên sẽ có “những bức chân dung từ thế kỷ 16 và 18 đối thoại với các đối tượng nghệ thuật hiện đại.”

“Nhà thờ luôn rộng mở cho nghệ thuật đương đại, ngay cả cây thánh giá lớn bằng vàng của nhà điêu khắc Marc Couturier đã do chính Đức Hồng Y Lustiger, lúc bấy giờ là tổng giám mục Paris, lắp đặt vào năm 1994”.

Chính phủ Pháp đang giám sát việc trùng tu và bảo tồn cấu trúc của nhà thờ, nhưng các viên chức của Giáo Hội chịu trách nhiệm về việc đổi mới nội thất của ngôi thánh đường.

Các kế hoạch cuối cùng phải được Bộ Văn hóa Pháp phê duyệt. Bộ trưởng Văn hóa Roselyne Bachelot trước đây đã gợi ý rằng nhà thờ phải được trùng tu “giống hệt” với trước khi hỏa hoạn.

Đây không phải là lần đầu tiên kế hoạch trùng tu gây ra tranh cãi. Các nhà phê bình tố cáo một đề xuất bị rò rỉ vào tháng 12 năm 2020 nhằm thay thế các cửa sổ kính màu lịch sử của kiến trúc sư Viollet-le-Duc bằng các thiết kế đương đại đầy màu sắc trong các nhà nguyện xung quanh gian giữa.

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận nói với National Catholic Register vào thời điểm đó rằng “có lẽ không cần phải nhắc lại rằng Đức Tổng Giám Mục chưa bao giờ có ý định biến nhà thờ thành sân bay hay bãi đậu xe.”

Nhà thờ sẽ mở cửa trở lại để thờ phượng với Kinh Chiều Tạ Ơn Te Deum vào ngày 16 tháng 4 năm 2024, 5 năm sau vụ cháy. Cuối năm đó, Paris sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa hè.
Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục Puerto Rico bày tỏ tình đoàn kết với khát vọng tự do của các giám mục Cuba
Đặng Tự Do
18:15 03/12/2021


Hội đồng Giám mục Puerto Rico bày tỏ tình đoàn kết với những mong muốn của các giám mục Cuba “được lắng nghe, vì hòa bình, tự do, đối thoại chân thành và tự do ngôn luận để giải quyết các vấn đề lớn” mà quốc đảo này đang đương đầu.

“Từ Puerto Rico chúng tôi tham gia với hy vọng của các Giám Mục cho một Cuba trong hòa bình và tình huynh đệ, nhằm đạt được những thay đổi mong muốn cho một cuộc sống tươm tất hơn và hạnh phúc”, các giám mục Puerto Rico đã viết trong một tuyên bố được công bố hồi đầu tháng này.

Thông điệp của các giám mục Puerto Rico được công bố nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các Giám Mục Cuba anh em của các ngài. Ba ngày trước khi diễn ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc Cuba vào ngày 15 tháng 11 vừa qua, các Giám Mục đã ủng hộ quyền của người dân được công khai bày tỏ “sự bất bình của họ trước sự suy thoái của tình hình kinh tế và xã hội” trên hòn đảo.

Trong thông điệp của các ngài vào ngày 12 tháng 11, các giám mục Cuba cũng chỉ ra rằng các giải pháp sẽ không thể đạt được với “sự áp đặt, cũng không phải bằng các phương thế đối đầu.”

Các giám mục Cuba van nài “rằng con đường của sự hiểu biết, hòa giải và hòa bình phải được mở ra để các kiến nghị khác nhau về hiện tại và tương lai số phận của Cuba được lắng nghe trong tư duy hợp lý, khoan dung, tình huynh đệ và hòa hợp; và một cuộc đối thoại hài hòa và văn minh được thành lập, ngõ hầu có thể tìm được giải pháp tốt nhất cho một Cuba đang gặp hoạn nạn lớn”.

Gần đây, các nhà hoạt động và các linh mục ở những nơi khác nhau ở Cuba đã lên án cuộc đàn áp, sách nhiễu, và việc thiết lập các đồn bót quân sự trong những con đường để ngăn chặn các cuộc tuần hành ôn hòa cho tự do ở Cuba.
Source:Catholic News Agency
 
Bài Nói Chuyện Của Đức Thánh Cha Trong Buổi Cầu Nguyện Đại Kết Với Di Dân Tại Síp
Vũ Văn An
22:03 03/12/2021
BÀI NÓI CHUYỆN CỦA Đức Thánh Cha TRONG BUỔI CẦU NGUYỆN ĐẠI KẾT VỚI DI DÂN

Tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh giá ở Nicosia, Thứ sáu, ngày 3 tháng 12 năm 2021



Anh chị em thân mến,

Thật là một niềm vui lớn được có mặt ở đây với anh chị em và kết thúc chuyến thăm của tôi đến Síp với buổi nhóm họp cầu nguyện này. Tôi cảm ơn các Thượng phụ Pizzaballa và Béchara Raï, và Bà Elisabeth của Caritas. Tôi chào đón với sự trìu mến và biết ơn những người đại diện của các tín phái Kitô giáo khác có mặt tại Síp.

Từ tận trái tim tôi, tôi muốn nói lời “cảm ơn” thật lớn đến anh chị em, những người di cư trẻ tuổi đã cung cấp những lời chứng của anh chị em. Tôi đã nhận trước các bản sao của chúng, khoảng một tháng trước. Chúng đã tạo ấn tượng lớn với tôi lúc đó, và hôm nay tôi lại được nghe lại chúng. Không chỉ là xúc động, tôi có cảm giác mạnh mẽ phát xuất từ việc bắt gặp được vẻ đẹp của sự thật. Chúa Giêsu đã xúc động như thế khi kêu lên: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con cảm tạ Cha, vì Cha đã giấu không cho người khôn ngoan, thông minh biết những điều này và đã tiết lộ cho trẻ thơ” (Mt 11:25). Tôi cũng xin ngợi khen Cha trên trời vì điều này đang xảy ra ngày nay, ở đây và trên khắp thế giới. Thiên Chúa đang mạc khải Vương quốc của Người, Vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình, cho những người nhỏ bé.

Sau khi nghe anh chị em, chúng ta hiểu rõ hơn tất cả quyền năng tiên tri của lời Chúa, Đấng, qua Thánh Tông đồ Phaolô, nói với chúng ta: “Anh em không còn là người xa lạ, nhưng là đồng bào với các thánh và cũng là thành viên của gia hộ Thiên Chúa ”(Ep 2,19). Những lời này đã được gửi đến các Kitô hữu ở Êphêsô, cách đây không xa, nhiều thế kỷ trước, nhưng những lời đó vẫn hợp thời như bao giờ, như thể chúng được viết cho chúng ta ngày nay: “Các bạn không còn là người xa lạ nữa, mà là đồng bào”. Đây là lời tiên tri của Giáo hội: một cộng đồng, bất chấp mọi giới hạn của con người, luôn nhập thể giấc mơ của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa cũng có những giấc mơ, giống như con, Mariamie ạ, con đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, người đã tự mô tả mình là “đầy những giấc mơ”. Giống như con, Thiên Chúa mơ ước về một thế giới hòa bình, trong đó tất cả con cái của Người sống như anh chị em. Thiên Chúa muốn điều này, Thiên Chúa mơ ước điều này. Chúng ta mới là những người không muốn điều đó.

Sự hiện diện của anh chị em, thưa các anh chị em di dân, có ý nghĩa rất lớn đối với buổi cử hành này. Những lời chứng của anh chị em giống như một “tấm gương” soi cho chúng ta, cho các cộng đồng Kitô giáo của chúng ta. Khi con, Thamara ạ, con đến từ Sri Lanka, con nói với chúng ta rằng mọi người thường hỏi, “Bạn là ai?”: Trải nghiệm tàn khốc của việc di dân khiến chính bản sắc của chúng ta bị nghi ngờ. “Đây có phải là tôi không? Tôi không biết… Đâu là nguồn gốc của tôi? Tôi là ai?" Khi con hỏi những câu hỏi này, con nhắc nhở chúng ta rằng đôi khi chúng ta cũng được hỏi cùng một câu hỏi: "Bạn là ai?" Và đáng buồn thay, điều thực sự được hỏi thường là: "Bạn đứng về phía ai?", "Bạn thuộc nhóm nào?" Tuy nhiên, như con đã nói, chúng ta không phải là những con số, những cái tên trên một danh sách; chúng ta là “anh chị em”, là “bạn bè”, là “tín hữu”, là “hàng xóm” của nhau. Tuy nhiên, khi tư lợi nhóm hoặc tư lợi chính trị, kể cả tư lợi của các quốc gia, bắt đầu thúc ép, nhiều người trong chúng ta cuối cùng bị gạt sang một bên và dù không muốn, trở thành nô lệ. Vì tư lợi luôn nô lệ hóa, luôn tạo ra nô lệ. Tình yêu, vốn có tính mở mang và ngược với thù hận, làm chúng ta được tự do.

Khi con, Maccolins ạ, con đến từ Cameroon, nói với chúng ta rằng trong suốt đời con, con đã bị “tổn thương bởi sự căm ghét”, con đã nói về điều này, về những vết thương do tư lợi gây ra: và con nhắc nhở chúng ta rằng sự căm ghét cũng đã đầu độc các mối liên hệ giữa chúng ta, những Kitô hữu. Và điều này như con nói, đã thay đổi chúng ta; nó để lại dấu ấn sâu xa và lâu dài. Nó là một chất độc. Đúng, con đã khiến chúng ta cảm nhận được điều này bởi niềm đam mê con dùng để lên tiếng. Thù hận là một liều thuốc độc khó loại bỏ, một não trạng quanh co, một não trạng, thay vì để chúng ta coi mình như anh chị em, lại khiến chúng ta coi nhau như kẻ thù, như đối thủ, hoặc thậm chí như đối tượng để mua bán hoặc lợi dụng.

Khi con, Rozh ạ, con đến từ Iraq, nói rằng con là người “đang lữ hành”, con nhắc nhở chúng ta rằng bản thân chúng ta là một cộng đồng đang lữ hành; chúng ta đang lữ hành từ xung đột đến hiệp thông. Trên con đường dài và có nhiều thăng trầm này, chúng ta đừng nên sợ các khác biệt của mình, nhưng nên sợ đầu óc khép kín và định kiến luôn ngăn cản chúng ta thực sự gặp gỡ nhau và cùng nhau lữ hành. Sự khép kín và thành kiến đã dựng lại bức tường chia rẽ, sự thù nghịch giữa chúng ta, mà Chúa Kitô đã phá bỏ (x. Ep 2:14). Cuộc lữ hành hướng tới sự hợp nhất trọn vẹn của chúng ta chỉ có thể tiến triển theo mức chúng ta cùng nhau chăm chăm nhìn vào Chúa Giêsu, vào Người, Đấng là “sự bình an của chúng ta” (sđd), là “đá góc” (c. 20). Chính Người, Chúa Giêsu, là Đấng chúng ta gặp trong khuôn mặt của các anh chị em bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị gạt bỏ của chúng ta. Trong khuôn mặt của người di cư bị khinh thường, bị bác bỏ, bị nhốt trong lồng, bị bóc lột... Nhưng đồng thời, như con nói, khuôn mặt của người di cư đang lữ hành tiến tới một mục tiêu, một hy vọng, tới tình đồng hành lớn hơn của con người...

Trong tất cả những con đường trên, Thiên Chúa nói với chúng ta qua những giấc mơ của anh chị em. Nguy hiểm là nhiều khi chúng ta không để các giấc mơ của chúng ta xuất hiện, thay vào đó, chúng ta chỉ ngủ chứ không nằm mơ. Rất dễ dàng nhìn theo hướng khác. Và trong thế giới này, chúng ta đã quá quen với nền văn hóa thờ ơ, một nền văn hóa nhìn theo hướng khác và do đó ngủ yên. Tuy nhiên, cách đó không thể mơ ước. Thiên Chúa nói qua giấc mơ của anh chị em. Thiên Chúa không nói qua những người không mơ mộng, vì họ có tất cả hay vì trái tim họ chai đá. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đừng bằng lòng với một thế giới bị chia rẽ, bằng lòng với các cộng đồng Kitô hữu bị chia rẽ, nhưng lữ hành xuyên suốt lịch sử được lôi kéo bởi chính giấc mơ của Người: giấc mơ về một nhân loại thoát khỏi bức tường chia rẽ, thoát khỏi thù nghịch, nơi không còn những người xa lạ, nhưng chỉ là những người đồng bào, như chúng ta đã nghe Thánh Phaolô nói trong đoạn tôi vừa đề cập. Những đồng bào đa dạng, nhưng tự hào về tính đa dạng và cá tính đó, vốn là các ơn phúc của Thiên Chúa. Đa dạng, tự hào về tính đa dạng, nhưng luôn hòa giải, luôn là anh chị em.

Cầu mong cho hòn đảo này, được đánh dấu bởi sự chia rẽ đau đớn, từ đây tôi có thể nhìn thấy bức tường đó, nhờ ân sủng Thiên Chúa trở thành một nơi tập huấn tình huynh đệ. Tôi cảm ơn tất cả những người đang làm việc để làm cho điều đó diễn ra. Chúng ta phải nhìn nhận rằng hòn đảo này rất quảng đại, nhưng nó không thể làm được mọi sự, vì số lượng người đến nhiều hơn khả năng tiếp nhận, hội nhập, đồng hành và cổ vũ của nó. Sự gần gũi về địa lý của nó có thể làm cho điều đó dễ dàng hơn... nhưng nó không hề dễ dàng. Chúng ta phải hiểu các giới hạn mà các nhà lãnh đạo của hòn đảo bị trói buộc vào. Nhưng trên hòn đảo này, và tôi đã thấy điều này ở những nhà lãnh đạo mà tôi đươc gặp, có một cam kết, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, trở thành nơi tập huấn tự do. Và nó sẽ trở thành như thế, nếu hai điều này có thể xảy ra. Thứ nhất, công nhận hữu hiệu phẩm giá của mỗi con người (xem Fratelli Tutti, 8). Phẩm giá của chúng ta không phải để bán; không thể đem cho thuê; nó không được phung phí. Anh chị em hãy ngẩng cao đầu lên và nói: Tôi là con của Thiên Chúa; Tôi có phẩm giá của tôi. Công nhận hữu hiệu phẩm giá này là nền tảng của đạo đức, một nền tảng phổ quát, nó cũng là cốt lõi của học thuyết xã hội Kitô giáo. Thứ hai, cởi mở tin cậy vào Thiên Chúa, Cha của tất cả mọi người; đây là “men” mà chúng ta, với tư cách tín hữu, được kêu gọi để dâng hiến (xem sđd, 272).

Nếu hai điều trên có thể diễn ra, thì giấc mơ có thể diễn dịch thành một cuộc lữ hành hàng ngày, tạo thành bởi các bước cụ thể từ xung đột đến hiệp thông, từ thù hận đến yêu thương, từ trốn tránh đến gặp gỡ. Một cuộc lữ hành kiên nhẫn, từng ngày dẫn chúng ta đến vùng đất mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. Vùng đất mà khi mọi người hỏi “Bạn là ai?”, anh chị em có thể dễ dàng trả lời, “Hãy nhìn xem, tôi là anh trai, em gái của bạn. Bạn không nhận ra tôi sao? " Và rồi, đi theo con đường của anh chị em trong hòa bình.

Khi tôi lắng nghe anh chị em nói và nhìn thấy khuôn mặt của anh chị em, tôi được nhắc nhở một điều khác: sự đau khổ của anh chị em. Anh chị em đã đến đây, nhưng có bao nhiêu anh chị em của anh chị em vẫn đang tiếp tục cuộc lữ hành? Bao nhiêu người liều mạng lên đường trong những điều kiện khó khăn, bấp bênh nhưng không đến nơi? Chúng ta có thể nghĩ về vùng biển này, nơi đã trở thành một nghĩa trang lớn. Nhìn vào anh chị em, tôi thấy những đau khổ do hành trình của anh chị em gây ra; Tôi thấy tất cả những người đã bị bắt cóc, bị bán, bị bóc lột… và những người vẫn đang trên đường lữ hành, chúng ta không biết đến đâu. Chúng ta đang nói về chế độ nô lệ, nô dịch phổ quát. Chúng ta thấy những gì đang xảy ra, và điều tồi tệ nhất là chúng ta trở nên quen với nó. “Ồ đúng, hôm nay một chiếc thuyền khác bị lật… rất nhiều sinh mạng đã mất….” Việc "trở thành quen thuộc" với mọi thứ này là một căn bệnh nghiêm trọng, một căn bệnh rất nghiêm trọng, và không có thuốc kháng sinh chữa nó! Chúng ta phải chống lại việc làm quen với việc đọc những thảm kịch này trên báo chí hoặc nghe chúng trên các phương tiện truyền thông khác.

Nhìn anh chị em, tôi cũng nghĩ đến tất cả những người đã bị quay lưng vì họ bị từ chối và kết thúc trong các trại tập trung, các trại tập trung thực sự, nơi phụ nữ bị bán, và đàn ông bị tra tấn và làm nô lệ… Chúng ta kinh hoàng khi đọc những câu chuyện về các trại tập trung của thế kỷ trước, các trại của Đức Quốc xã hay của Stalin, và chúng ta nói: "Làm sao điều này có thể xảy ra được?" Thưa các anh chị em, nó đang xảy ra ngày hôm nay, trên các bờ biển gần đây! Các nơi nô dịch. Tôi đã xem một số lời khai được quay phim về điều này: những nơi tra tấn và buôn người. Tôi nói tất cả những điều này bởi vì trách nhiệm của tôi là giúp mọi người mở mắt thấy thực tại này. Di dân cưỡng bức không phải là một loại “du lịch”! Và tội lỗi của chúng ta khiến chúng ta nghĩ: “Những người tội nghiệp đó, những người tội nghiệp đó!”, Và với những hạn từ này, “những người tội nghiệp đó”, chúng ta đã tẩy xóa mọi sự. Đây là cuộc chiến của ngày nay: nỗi đau khổ của anh chị em chúng ta, mà chúng ta không thể lướt qua trong im lặng. Những anh chị em đã bỏ lại tất cả để lên thuyền, trong đêm tối, và sau đó… mà không biết liệu có bao giờ tới nơi không. Và tất cả những người đã bị bác bỏ và kết thúc trong các trại tập trung, nơi thực sự diễn ra sự tra tấn và nô dịch.

Đó là câu chuyện của nền văn minh phát triển mà chúng ta gọi là phương Tây này. Và rồi, xin thứ lỗi cho tôi, nhưng ở đây tôi muốn nói những gì chất chứa trong trái tim tôi, ít nhất là để chúng ta có thể cầu nguyện cho nhau và làm một điều gì đó, và rồi, có hàng rào thép gai. Chúng ta thấy nó ở đây: nó là một phần của cuộc chiến hận thù chia rẽ một đất nước. Tuy nhiên, ở những nơi khác, hàng rào thép gai được dựng lên để ngăn chặn các người tị nạn bước vào, những người đến để tìm kiếm tự do, thức ăn, sự trợ giúp, tình huynh đệ, niềm vui, những người chạy trốn khỏi hận thù nhưng sau đó lại thấy mình phải đối diện với một hình thức hận thù có tên là dây thép gai. Xin Chúa đánh thức lương tâm của tất cả chúng ta trước những thực tại này.

Xin lỗi nếu tôi nói tới những điều như thực sự chúng là, nhưng chúng ta không thể im lặng và nhìn theo hướng khác giữa nền văn hóa thờ ơ này.

Cầu xin Chúa ban phước lành cho tất cả anh chị em! Cảm ơn anh chị em.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ Thánh Phanxicô Xaviê ngày 3.12.2021
Văn Minh
22:17 03/12/2021
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị huynh trưởng giáo lý viên được nhiều sức khỏe và lòng hăng say loan báo Tin Mừng đến cho muôn người”.

Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán - Chánh xứ Vĩnh Hòa - đã nhắn nhủ như trên khi ngài chủ sự dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê - Bổn mạng Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT) Phanxicô Xaviê và Ban Trợ tá xứ đoàn Vĩnh Hòa – diễn ra lúc 17g30 thứ Sáu ngày 03.12.2021.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, anh huynh trưởng đại diện đọc hạnh Thánh Phanxicô Xaviê và mời gọi các em thiếu nhi suy gẫm về nhân đức của ngài, hướng cho các em chuẩn bị tâm hồn hiệp dâng Thánh lễ sốt sắng.

Trong phần giảng lễ, Lm Gioakim đã tóm tắt bài Tin Mừng (Mc 16, 15-20) và diễn tả nét cao đẹp nơi Thánh Phanxicô Xaviê: “ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

Mùa đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta cũng cảm nhận được sự hy sinh của các anh chị huynh trưởng GLV đã không quản ngại những khó khăn vất vả mang đến từng nhà cho các em thiếu nhi những hộp bánh, hộp sữa, cùng những lời thăm hỏi và động viên các em.

Vì vậy, mừng lễ Thánh Phanxicô Xaviê hôm nay: Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị huynh trưởng GLV được nhiều sức khỏe và lòng hăng say loan báo Tin Mừng đến cho muôn người. Đặc biệt, là cho những người còn chưa biết Chúa nơi môi trường sống xung quanh của mình.

Thánh lễ tiếp nối với lời nguyện tín hữu và dâng của lễ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, anh Vincente Nguyễn Sỹ Huy - Đoàn trưởng - thay mặt lên cảm ơn Lm Chánh xứ Gioakim, quý vị trong Ban Thường vụ, quý vị ân nhân, quý vị phụ huynh, cách riêng, đối với Ban Trợ tá, đã giúp cho Đoàn TNTT trong thời gian qua, cũng như trong Thánh lễ hôm nay được tốt đẹp. Tiếp nối lời cảm ơn của anh Đoàn trưởng, Lm Gioakim thay mặt cộng đoàn chúc mừng bổn mạng Ban Giáo lý và ngỏ lời cảm ơn các vị phụ huynh cũng như những ai đã giúp đỡ cho các anh chị huynh trưởng GLV, để các anh chị có thời gian đem kiến thức giáo lý của mình truyền dạy cho các em.

Thánh lễ kết thúc 18g30, các em thiếu nhi cùng cộng đoàn lãnh nhận ơn bình an từ Lm chủ tế ra đi làm chứng nhân cho Tin Mừng.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh phép rửa của Gioan
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:17 03/12/2021
Hình ảnh phép rửa của Gioan

Một trong những điểm đặc thù của Thánh Gioan, người anh em họ hàng với Chúa Giêsu Kitô, là Phép Rửa do ông thực hiện. Và vì thế Ông có danh hiệu “tẩy gỉa”.

Vậy đâu là hình ảnh phép rửa của Gioan tẩy gỉa?

Phép “Rửa” Theo nguyên ngữ tiếng hylạp “Baptizo”: người cử hành phép rửa ấn nhận chìm toàn thân người chịu phép rửa xuống dòng nước. Như thế nghi thức ấn nhận chìm xuống nước là hình ảnh biểu tượng diễn tả một phận vụ nội dung ẩn chứa trong đó. Việc này còn diễn tả không chỉ là một cuộc thanh tẩy cho hết sự bụi bặm dơ bẩn, mà còn nói lên sự tẩy rửa trọn vẹn thân xác và linh hồn con người nữa.

Thời xa xưa việc tẩy rửa trong tôn giáo bằng nước là điều hiển nhiên, và vẫn còn sống động cho tới ngày hôm nay ở Do Thái giáo hay Ấn Độ giáo.

Thế giới thời cổ xa xưa cho rằng sự thanh sạch để đến gặp gỡ Thần Thánh là điều cần thiết. Trong văn hóa Hylạp và Roma việc thanh tẩy đóng vai trò quan trọng. Vì thế có những luật lệ về bể nước dùng vào việc thanh tẩy trước khi bước vào các đền thờ. Làm như thế để có thể để tầy rửa xóa bỏ những sự không thanh sạch, nhất là về khía cạnh tình dục.

Phép rửa của Thánh Gioan tẩy gỉa có truyền thồng từ thời cựu ước trong phụng vụ tôn giáo của người Do Thái.

Sự thanh sạch và không thanh sạch có gía trị như những phẩm chất trong nền văn hóa Do Thái thời cổ xưa và trong Do Tháo giáo. Phẩm chất này là yếu tố quyết định về khả năng cho công việc dâng lễ tế tự phượng thờ, như trong cách sách lề luật cựu ước viết truyền lại (Levi 14-15, Levi 16,24, Xuất hành 30,18-21).

Sự tắm rửa đóng vai trò sự thanh sạch về mặt tế tự phượng thờ, đem lại tình trạng nguyên tuyền cho con người. Người đang trong tình
trạng không thanh sạch bước xuống vào bể nước tắm rửa, khi bước lên khỏi nơi đó sẽ được thanh sạch trở lại.

Những người đạo đức theo truyền thống cổ xưa phái nhóm Qumran, bên Do Thái, trước thời Chúa Giêsu, tương truyền cả Ông Giaon tẩy gỉa cũng thuộc nhóm này nữa, cũng có nghi thức thực hành tẩy rửa dìm mình trong Bể nước thanh tẩy, đề cho trở nên sạch sẽ.

Thánh Gioan tẩy gỉa, như phúc âm thuật lại “ đi khắp miền sông Jordan rao giảng làm phép rửa sám hối cầu xin ơn tha tội” ( Lc 3, 3).

Ông Giaon cử hành nghi thức phép rửa theo công thức luật truyền, nhưng mang chiều kích đậm nét ngày cánh chung, ngày phán xét. Con người không tự mình dìm mình xuống bể nước thanh tẩy, nhưng chỉ Gioan được làm công việc nhận dìm họ xuống dòng nước sông Jordan, vì Ông là vị Tiên tri được Thiên Chúa sai đến làm công việc này.

Phép Rửa này tẩy rửa xóa bỏ tội lỗi con người đã vấp phạm, trước khi họ đến diện kiến gặp gỡ với Thiên Chúa vào ngày phán xét.

Phép Rửa của Thánh Gioan mang tính cách ăn năn thống hối tẩy rửa cho sạch tội trong ngày phán xét sau cùng, nẩy sinh chắc chắn một sự căng thẳng nào đó với nghi thức dâng lễ vật đền tội trong đền thờ Jerusalem, mà các Thầy cả thượng phẩm đại diện dân chúng vào cử hành theo luật Mose truyền lại. Nhưng Gioan không phủ nhận của lễ hiến tế trong đền thờ. Chính cha ông là Thầy cả Zacharia hằng vào đền thờ thi hành việc dâng lễ vật đền tội hiến dâng lên Thiên Chúa Giave.

Sư tẩy rửa qua Phép rửa mà Gioan thực hiện nơi sông Jordan mang hình ảnh ý nghĩa sự cứu độ về ngày phán xét sau cùng trước mặt Thiên Chúa.

Phép rửa của Thánh Gioan còn diễn tả hình ảnh của một vai trò sáng tạo nữa. Người đã chịu phép rửa bước vào một giai đoạn đời sống mới. Giai đoạn mới này đồng thời cũng là mối tương quan giao hoảo với Thiên Chúa từ nguyên thủy được khôi phục trả lại.
Phép rửa Thánh Gioan loan truyền sự ăn năn thống hối: “ Anh em hãy sinh những hoa qủa xứng đáng với lòng sám hối” ( Lc 3,8).

Phúc âm không nói nhiều về Phép rửa của Thánh Gioan. Nhưng tin rằng, được Gioan nhận chìm trong lòng sông nước sông Jordan là biến cố một lần duy nhất, khác biệt với những lần tẩy rửa cho thanh sạch phải làm đi làm lại trong thời xa xưa của Do Thái gíao.

Ai đã một lần được chịu phép rửa, không cần phải chịu lần nữa.

Ngày xưa Thánh Gioan làm phép rửa ở bờ sông Jordan bên nước Do Thái. Địa điểm này các nhà khảo cổ, nghiên cứu Kinh Thánh đã phát hiện tìm ra có tên Qasr el Yahuh bên sờ sông Jordan. Địa điểm lịch sử này trở thành nơi hành hương tôn giáo hấp dẫn cho mọi người đến đây thăm viếng nghiên cứu tìm hiểu, nhất là với những tín hữu Kitô giáo khắp nơi trên thế giới.

Thánh Gioan tẩy giả là nhân vật Kinh Thánh, như Phúc âm viết thuật. Nhưng Ông không là một nhân vật thần thoại của truyện kể. Trái lại là một người sống trong dòng lịch sử thời gian xã hội đất nước bên Do Thái. Kinh Thánh viết thuật về khung cảnh thời điểm lịch sử của Ông:

“Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.” ( Luca 3,2).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Gay go: Kế hoạch tái thiết nội thất Notre Dame de Paris gây tranh cãi. Biến chuyển mới tại Medjugorje
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:47 03/12/2021


1. Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Giám Mục nói phong chức linh mục cho phụ nữ là 'con đường sai lầm'

Mặc dù Đại hội đồng Giáo hội Mỹ Châu Latinh kéo dài một tuần đã đưa ra một chuỗi các đề xuất táo bạo, nhưng đề xuất tấn phong phụ nữ làm phó tế hoặc linh mục hiếm khi được đưa ra. Và trong lần duy nhất vấn đề này được đề cập đến, một vị Hồng Y hàng đầu của Vatican đã thẳng thừng bác bỏ.

“Chúng tôi vẫn cần nhiều tính đồng nghị,” Đức Hồng Y Marc Ouellet người Canada, tổng trưởng Bộ Giám mục và chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh, cho biết trong một cuộc họp báo diễn ra hôm thứ Sáu, khi cuộc họp từ ngày 21 đến 28 tháng 11 kết thúc.

Khi được hỏi ý kiến về việc liệu tình trạng thiếu ơn gọi linh mục có thể dẫn đến việc thụ phong linh mục cho phụ nữ hay không, ngay cả khi chỉ giới hạn ở chức phó tế, vị giám mục nói rằng từ “quan điểm giáo lý”, “không có kết luận nào mở ra cánh cửa này”.

Ngài nói, vấn đề đã được nghiên cứu bởi một ủy ban do Bộ Giáo lý Đức tin thành lập, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, để xem xét tính cách lịch sử của các nữ phó tế. Ủy ban đã được thành lập vào năm 2016. Đức Giáo Hoàng đã nói với các phóng viên vào tháng 5 năm 2019 rằng nhóm 12 thành viên đã không thể đưa ra “phản ứng dứt điểm” cho vấn đề này, do thiếu sự đồng thuận về vai trò của các nữ phó tế trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội.

“Cá nhân tôi tin rằng chúng ta phải phát huy những đặc điểm riêng mà phụ nữ có,” Đức Hồng Y Ouellet nói trong cuộc họp báo. “Con đường không hoàn toàn là đánh đồng nam nữ ở cấp thừa tác viên, bởi vì có một tầm quan trọng biểu tượng trong các vai trò bí tích.”

Ngài nói bằng tiếng Tây Ban Nha: “Điều quan trọng cần nhớ là Chúa đã lập một liên minh với nhân loại và biểu tượng hôn nhân là biểu tượng đặc quyền trong Giáo hội và trong Kinh thánh. Để bày tỏ mối quan hệ của Thiên Chúa với dân Ngài, của Chúa Kitô với Giáo hội. Chúa Kitô là nam, Giáo hội là nữ. Linh mục đại diện cho Chúa Kitô phải có sự thống nhất về mặt ngữ nghĩa, và đây là lý do tại sao việc trình bày Chúa Kitô với tư cách là một người chồng được dành riêng cho nam giới”.

“Điều đó là hiển nhiên”

Theo Đức Hồng Y Ouellet, những gì Giáo hội cần làm là phát triển hơn nữa các đặc sủng mà phụ nữ có, cho họ nhiều chỗ hơn, lắng nghe họ nhiều hơn và trao cho họ nhiều trách nhiệm hơn.

Ngài nói: “Người phụ nữ là một giáo lý viên xuất sắc. Cô ấy có thể là chưởng khố của một giáo phận, một luật sư giáo luật, làm việc trong lĩnh vực truyền thông và quản trị, có những vai trò rất quan trọng ở cả giáo phận và giáo xứ.”

Vị giám mục Canada nhấn mạnh vào việc nêu bật đặc sủng của phụ nữ. Ngài nói rằng họ phải được công nhận cụ thể, không cần giả vờ rằng, chỉ cần được thụ phong, phụ nữ sẽ được phép tiếp cận tất cả các không gian của Giáo hội. Đó là một con đường sai lầm, một con đường không tôn trọng đặc thù của người phụ nữ.”

Đức Hồng Y Ouellet nói, điều cần thiết là một cuộc cải cách đồng nghị sâu sắc hơn nhiều, điều đó là “cơ bản hơn việc áp đặt các vai trò giống nhau cho phụ nữ và nam giới. Sự thay đổi mà Giáo hội cần lớn hơn nhiều so với việc cho phụ nữ tiếp cận với chức vụ được truyền chức. Cuộc cách mạng phải sâu sắc hơn”.
Source:Crux

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định một nhà ngoại giao Vatican, làm đặc phái viên tiếp theo của ngài tại Medjugorje

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao lâu năm của Vatican làm đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Medjugorje, sau cái chết của Đức Tổng Giám Mục Ba Lan Henryk Hoser vào tháng Tám vừa qua.

Kể từ năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Hoser đã giám sát tình hình mục vụ ở Medjugorje, địa điểm được cho là Đức Mẹ hiện ra ở Bosnia và Herzegovina. Ngài đã qua đời ở Warsaw ở tuổi 78 sau một thời gian dài bị bệnh.

Hôm thứ Bẩy, 27 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Aldo Cavalli, 75 tuổi, làm đặc sứ của ngài tại cộng đồng giáo xứ Medjugorje trong một thời gian không xác định.

Đức Cha Cavalli là Sứ thần Tòa Thánh tại Hà Lan từ năm 2015. Ngài xuất thân từ giáo phận Bergamo, miền bắc nước Ý và gia nhập ngành ngoại giao của Vatican vào năm 1996.

Ngài cũng đã từng là Sứ Thần Tòa thánh tại Angola, São Tomé và Príncipe, Chí Lợi, Colombia, Malta và Libya.

Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên bổ nhiệm một đặc sứ của Giáo hoàng đến Medjugorje vào năm 2017, với chỉ thị giám sát các nhu cầu mục vụ tại địa điểm được cho là Đức Mẹ hiện ra.

Tại Hà Lan, Cavalli đã giúp giải quyết các vấn đề xung quanh câu chuyện Đức Mẹ đã hiện ra với tước hiệu của “Đức Mẹ của Dân nước”.

Sự hiện ra được cho là đã xảy ra 56 lần với Ida Peerdeman ở Amsterdam từ năm 1945 đến năm 1959. Năm 1956, giám mục địa phương đã ra phán quyết rằng không có bằng chứng về nguồn gốc siêu nhiên của những lần hiện ra và các mặc khải. Bộ Giáo lý Đức tin đã xác nhận quan điểm này vào năm 1957, và vào các năm 1972 và 1974.

Năm 2002, Đức Cha Jozef Marianus Punt đã bác bỏ quyết định của người tiền nhiệm và tuyên bố các cuộc hiện ra có nguồn gốc siêu nhiên, làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc liệu ngài có thẩm quyền lật ngược quyết định đã được Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định hay không.

Năm 2020, Vatican tái khẳng định phán quyết năm 1974 liên quan đến các lần hiện ra, và vào tháng Giêng, Bộ Giáo Lý Đức Tin kêu gọi người Công Giáo không quảng bá “các cuộc hiện ra và các mặc khải” gắn với tước hiệu “Đức Mẹ Của Các Dân Nước”.

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”. Đến nay đã có hơn 40 triệu người đến hành hương tại đây mặc dù giáo quyền địa phương đã điều tra và không nhìn nhận tính chất siêu nhiên của sự kiện.

Tháng Ba năm 2010, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Vatican đã thiết lập một ủy ban do Đức Hồng Y Ruini lãnh đạo để điều tra về các cuộc cho là Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje. Cuộc điều tra đã chấm dứt vào ngày 18 tháng Giêng 2014.

Hôm 16 tháng 5, 2017, tờ Vatican Insider, một tờ báo được coi là thạo các tin nội bộ của Tòa Thánh đã gây sửng sốt cho nhiều người khi tường thuật rằng Ủy ban do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina, đã bỏ phiếu đồng thuận rằng bẩy cuộc hiện ra của Đức Mẹ trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1981 là chân thật.

Tuy nhiên, các thành viên trong ủy ban điều tra tỏ ra nghi ngờ về hàng ngàn những thị kiến được cho là đã xảy ra kể từ sau ngày 4 tháng 7 năm 1981, và được cho là vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Hai trong số 17 thành viên của ủy ban cho rằng những thị kiến được cho là đã xảy ra sau ngày 4 tháng 7 năm 1981 không phải là siêu nhiên, trong khi 15 thành viên khác nói rằng họ không thể đưa ra các phán quyết.

Sau các báo cáo của Đức Cha Hoser, ngày 12 tháng 5, 2019 Đức Thánh Cha đã chính thức cho phép tổ chức các phái đoàn hành hương về Medjugorje.
Source:Catholic News Agency

3. Tổng giáo phận Paris trình bày kế hoạch cho nội thất Nhà thờ Đức Bà trong bối cảnh có những phản đối kịch liệt

Tổng giáo phận Công Giáo Paris sẽ trình bày kế hoạch trùng tu nội thất Nhà thờ Đức Bà vào tuần tới sau khi bác bỏ những lời chỉ trích rằng đề xuất của họ sẽ biến địa điểm này thành “một loại công viên giải trí”.

Các quan chức sẽ đệ trình đề xuất của họ lên Ủy ban Di sản và Kiến trúc Quốc gia của Pháp vào ngày 9 tháng 12 trong bối cảnh đang xảy ra một làn sóng phản đối mới về việc trùng tu nhà thờ bị hư hại nặng do hỏa hoạn vào năm 2019.

Theo AFP, tổng giáo phận phủ nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông nước ngoài rằng nhà thờ Gothic nổi tiếng của Pháp, được xây dựng từ năm 1163 đến năm 1345, có nguy cơ bị biến thành một công viên giải trí hoặc tràn ngập các tác phẩm nghệ thuật đương đại chói tai gai mắt.

Tờ Daily Telegraph, một tờ báo của Anh, đưa tin vào ngày 26 tháng 11 rằng các nhà phê bình lo ngại những thay đổi này sẽ biến tòa nhà thành một “Disneyland phù hợp với các xu thế chính trị”.

Tờ này nói rằng “tòa giải tội, bàn thờ và các tác phẩm điêu khắc cổ điển sẽ được thay thế bằng các bức tranh tường nghệ thuật hiện đại, và các hiệu ứng âm thanh và ánh sáng mới để tạo ra ‘không gian cảm xúc’”.

Tờ báo nói thêm: “Sẽ có các nhà nguyện theo chủ đề trên 'con đường khám phá', tập trung vào Phi Châu và Á Châu, trong khi các trích dẫn từ Kinh thánh sẽ được chiếu lên các bức tường của nhà nguyện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Quan Thoại”.

Maurice Culot, một kiến trúc sư đã xem các kế hoạch, nói với tờ báo: “Cứ như thể Disney đang bước vào Nhà thờ Đức Bà vậy”.

Kiến trúc sư này cho rằng: “Những gì họ đề xuất làm với Notre-Dame sẽ không bao giờ được thực hiện với Tu viện Westminster hoặc Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma. Đó là một hình thức công viên, rất trẻ con và tầm thường so với sự hùng vĩ của nơi này”.

Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, Cha Gilles Drouin, linh mục giám sát việc trùng tu nội thất, xác nhận có các đề xuất như thế nhưng lập luận rằng chúng không đủ để thay đổi về căn bản ngôi thánh đường.

Ngài giải thích rằng việc trùng tu nhằm mục đích bảo tồn nhà thờ như một nơi thờ phượng, nhưng cũng để chào đón và giáo dục du khách “không phải lúc nào cũng đến từ nền văn hóa Kitô.”

Ngài nói rằng các nhà nguyện dọc theo hai bên sẽ có “những bức chân dung từ thế kỷ 16 và 18 đối thoại với các đối tượng nghệ thuật hiện đại.”

“Nhà thờ luôn rộng mở cho nghệ thuật đương đại, ngay cả cây thánh giá lớn bằng vàng của nhà điêu khắc Marc Couturier đã do chính Đức Hồng Y Lustiger, lúc bấy giờ là tổng giám mục Paris, lắp đặt vào năm 1994”.

Chính phủ Pháp đang giám sát việc trùng tu và bảo tồn cấu trúc của nhà thờ, nhưng các viên chức của Giáo Hội chịu trách nhiệm về việc đổi mới nội thất của ngôi thánh đường.

Các kế hoạch cuối cùng phải được Bộ Văn hóa Pháp phê duyệt. Bộ trưởng Văn hóa Roselyne Bachelot trước đây đã gợi ý rằng nhà thờ phải được trùng tu “giống hệt” với trước khi hỏa hoạn.

Đây không phải là lần đầu tiên kế hoạch trùng tu gây ra tranh cãi. Các nhà phê bình tố cáo một đề xuất bị rò rỉ vào tháng 12 năm 2020 nhằm thay thế các cửa sổ kính màu lịch sử của kiến trúc sư Viollet-le-Duc bằng các thiết kế đương đại đầy màu sắc trong các nhà nguyện xung quanh gian giữa.

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận nói với National Catholic Register vào thời điểm đó rằng “có lẽ không cần phải nhắc lại rằng Đức Tổng Giám Mục chưa bao giờ có ý định biến nhà thờ thành sân bay hay bãi đậu xe.”

Nhà thờ sẽ mở cửa trở lại để thờ phượng với Kinh Chiều Tạ Ơn Te Deum vào ngày 16 tháng 4 năm 2024, 5 năm sau vụ cháy. Cuối năm đó, Paris sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa hè.
Source:Catholic News Agency
 
Quá đẹp: Chính Thống Giáo Síp tặng ĐTC hai món quà quý. Diễn từ xuất sắc của ngài về đại kết
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:47 03/12/2021

Sáng thứ Sáu 3 tháng 12, sinh hoạt đầu tiên của Đức Giáo Hoàng là chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia vào lúc 8:30. Sau đó, phái đoàn Tòa Thánh đã có cuộc gặp gỡ Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo tại nhà thờ chính tòa của Chính Thống Giáo ở Nicosia.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Kính thưa Đức Tổng Giám Mục,

Kính thưa các Giám mục của Thánh Công Đồng,


Tôi rất vui khi được đồng hành cùng anh em và tôi biết ơn sự chào đón thân tình của anh em. Cảm ơn Hiền Huynh thân yêu vì những lời tốt đẹp của huynh, vì sự cởi mở tâm hồn và cam kết thúc đẩy đối thoại giữa chúng ta. Tôi muốn gửi lời chào tới các linh mục và phó tế, cũng như các tín hữu của Giáo Hội Chính thống Síp, với một ý nghĩ đặc biệt dành cho các nam nữ tu sĩ, những người mà lời cầu nguyện của họ giúp thanh lọc và nâng cao đức tin của tất cả mọi người.

Ân sủng được ở đây nhắc nhở tôi rằng chúng ta có một nguồn gốc tông đồ chung: Thánh Phaolô đi qua Síp và tiếp tục đến Rôma. Vì vậy, chúng ta là những người thừa kế cùng một lòng nhiệt thành tông đồ, và có cùng một con đường duy nhất nối liền chúng ta, đó là Tin Mừng. Tôi muốn thấy chúng ta tiến trên cùng một con đường, tìm kiếm tình huynh đệ tuyệt vời hơn bao giờ hết và sự hiệp nhất trọn vẹn. Trong phần Đất Thánh Thiêng này, nơi lan tỏa ân sủng của những nơi linh thiêng trên khắp Địa Trung Hải, chúng ta tự nhiên nghĩ lại nhiều trang và nhiều nhân vật trong Kinh thánh. Trong số tất cả những người đó, tôi muốn đề cập một lần nữa đến Thánh Bácnaba, và muốn suy ngẫm về một số khía cạnh trong cuộc sống của ngài, là những điều có thể hướng dẫn chúng ta trên hành trình của mình.

“Các tông đồ đã đặt tên cho ông Giuse là Bácnaba” (Công vụ 4:36). Đây là những gì sách Tông Đồ Công Vụ nói với chúng ta. Chúng ta biết và tôn kính Bácnaba qua danh xưng này của ngài, một danh xưng mô tả thật khéo léo tính cách của ngài. Tên “Bácnaba” vừa có nghĩa là “con trai của sự an ủi” vừa là “con trai của sự khuyên bảo”. Thật phù hợp khi ngài kết hợp cả hai đặc điểm này, vốn là những đặc điểm không thể thiếu cho việc loan báo Tin Mừng. Sự an ủi đích thực không thể giữ riêng tư, nhưng phải được bày tỏ trong sự khuyến khích và hướng dẫn tự do hướng tới điều thiện. Đồng thời, tất cả những lời khích lệ trong đức tin nhất thiết phải được đặt trên nền tảng là sự hiện diện an ủi của Thiên Chúa, đi kèm với tình bác ái huynh đệ.

Bằng cách này, Bácnaba, con trai của niềm an ủi, khuyến khích chúng ta, những người anh em của ngài, hãy thực hiện cùng một sứ mệnh là đem Tin Mừng đến cho nhân loại; ngài yêu cầu chúng ta nhận ra rằng thông điệp không thể chỉ dựa trên những lời khuyến khích chung chung, hay việc khắc sâu các giới luật và quy tắc phải tuân theo, như thường lệ. Đúng hơn, nó phải đi theo con đường gặp gỡ cá nhân, chú ý đến các câu hỏi của mọi người, đến các nhu cầu hiện sinh của họ. Nếu chúng ta là người con của niềm an ủi, thì trước khi chúng ta nói một lời, chúng ta cần phải lắng nghe, phải để bản thân mình bị chất vấn, ngõ hầu khám phá những người khác, để chia sẻ. Bởi vì Tin Mừng không được truyền lại bằng cách truyền thông, nhưng bằng sự hiệp thông. Đó là điều mà những người Công Giáo chúng tôi muốn trải nghiệm trong vài năm tới, khi chúng tôi khám phá lại chiều kích đồng nghị cần thiết để trở thành Giáo hội. Trong điều này, chúng tôi cảm thấy cần phải sát cánh cùng anh em hơn nữa, những người anh em thân mến, kinh nghiệm của anh em về tính đồng nghị, có thể thực sự giúp chúng tôi. Cảm ơn sự hợp tác huynh đệ của anh em, thể hiện sâu xa hơn nữa trong việc tham gia tích cực vào Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo hội Chính thống.

Tôi chân thành hy vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ hơn, để hiểu nhau hơn, để loại bỏ những định kiến và để lắng nghe một cách ngoan ngoãn những kinh nghiệm đức tin của chúng ta. Điều này sẽ là một lời khuyến khích và động cơ để làm tốt hơn, và mang lại một hoa trái an ủi tinh thần. Tông đồ Phaolô, người mà chúng ta là dòng dõi, thường nói về sự an ủi, và thật vui khi nghĩ rằng Bácnaba, con trai của sự an ủi, là nguồn cảm hứng cho một số lời của ngài. Thật vậy, ở đầu Thư thứ hai gửi tín hữu Côrinhtô, thánh Phaolô thúc giục chúng ta an ủi nhau bằng chính niềm an ủi mà chúng ta đã được Thiên Chúa ủi an (x. 2Cr 1: 3-5). Theo ý nghĩa này, các anh em thân mến, tôi muốn bảo đảm với các anh em về lời cầu nguyện và sự gần gũi của chính tôi và của Giáo Hội Công Giáo, trong những vấn đề rắc rối nhất đang vây bủa anh em, và trong những hy vọng tốt nhất và táo bạo nhất đang thúc đẩy anh em. Nỗi buồn của anh em và niềm vui của anh em cũng là của chúng tôi; chúng tôi cảm nhận những điều ấy như của chính chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi cảm thấy rất cần những lời cầu nguyện của anh em.

Và đây là khía cạnh thứ hai: Sách Tông Đồ Công Vụ cũng trình bày Thánh Bácnaba là “người Lêvi, người gốc Síp” (4:32). Bản văn không thêm chi tiết nào khác, về ngoại hình hay con người của ngài, nhưng ngay lập tức cho chúng ta thấy Bácnaba là người như thế nào qua một trong những hành động của ngài: “ông bán một cánh đồng thuộc về ông, sau đó mang tiền và đặt nó ở chân các Tông đồ” (câu 37). Cử chỉ tuyệt vời này gợi ý rằng, để được hồi sinh trong sự hiệp thông và sứ mệnh, chúng ta cũng cần phải có can đảm từ bỏ tất cả những gì thuộc về trần thế, dù quý giá đến đâu, để ủng hộ sự viên mãn của sự hiệp nhất. Một cách thẳng thắn, tôi không có ý nói về điều gì là thiêng liêng và giúp chúng ta gặp gỡ Chúa, nhưng tôi muốn đề cập đến nguy cơ tuyệt đối hóa một số phong tục và thói quen thật ra không đòi hỏi phải có sự thống nhất và đồng ý của tất cả mọi người. Chúng ta đừng trở nên tê liệt vì sợ hãi trước sự cởi mở hoặc những cử chỉ táo bạo, hoặc nhượng bộ khi nói về “sự khác biệt không thể hòa giải” mà thực tế không liên quan gì đến Tin Mừng! Chúng ta đừng cho phép “truyền thống”, ở dạng số nhiều và với một chữ “t” viết thường, lại có thể chiếm ưu thế hơn so với “Truyền thống”, ở dạng số ít với một chữ “T” viết hoa. Truyền thống đó đánh cược chúng ta hãy dám bắt chước Bácnaba và bỏ lại đằng sau mọi thứ, dù tốt đến đâu, nhưng có thể làm tổn hại đến sự hiệp thông trọn vẹn, đến tính ưu việt của lòng bác ái và nhu cầu hiệp nhất.

Đặt tất cả những gì mình có dưới chân các Tông đồ, Bácnaba đi vào lòng họ. Chúa cũng yêu cầu chúng ta nhận ra rằng chúng ta là chi thể của cùng một thân thể và phải cúi mình, ngay cả dưới chân của anh em chúng ta. Chắc chắn, ở những nơi liên quan đến mối quan hệ của chúng ta, lịch sử đã khoét sâu những khoảng cách giữa chúng ta, nhưng Chúa Thánh Thần mong muốn rằng với sự khiêm nhường và tôn trọng, chúng ta một lần nữa đến gần nhau hơn. Ngài mời gọi chúng ta đừng cam chịu trước những chia rẽ trong quá khứ và hãy cùng nhau vun vén cánh đồng vương quốc bằng sự kiên nhẫn, kiên trì và những cử chỉ cụ thể. Vì nếu chúng ta gạt bỏ những khái niệm trừu tượng để quay sang hợp tác với nhau, chẳng hạn trong các công việc bác ái, giáo dục và thăng tiến phẩm giá con người, chúng ta sẽ khám phá lại tình huynh đệ của chúng ta, và sự hiệp thông sẽ tự trưởng thành trước sự ngợi khen của Thiên Chúa. Mỗi người sẽ duy trì phong tục và bản sắc riêng của mình, nhưng theo thời gian, những nỗ lực chung của chúng ta sẽ gia tăng sự hòa hợp và đơm hoa kết trái. Cũng như những vùng đất Địa Trung Hải xinh đẹp này được tô điểm bởi sức lao động kiên nhẫn và đáng kính trọng của con người, thì với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và sự kiên trì khiêm tốn, chúng ta cũng có thể vun trồng sự hiệp thông tông đồ của mình!

Một kết quả tốt, chẳng hạn, là tất cả những gì đã diễn ra ở đây ở Síp tại Nhà thờ Panaghia Chryssopolitissa, “Đức Mẹ của Thành phố Vàng”, ngày nay là nơi thờ phượng của các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, được nhiều người yêu mến và thường xuyên được chọn làm nơi cử hành bí tích hôn phối. Vì thế, đó là dấu chỉ của sự hiệp thông trong đức tin và sự sống dưới cái nhìn của Thánh Mẫu Thiên Chúa, Đấng quy tụ con cái của mình lại với nhau. Trong khu phức hợp đó cũng có một cột đá, nơi theo truyền thống, Thánh Phaolô đã phải nhận ba mươi roi vì đã tuyên bố đức tin ở Paphos. Truyền giáo, giống như sự hiệp thông, luôn luôn phải trải qua những hy sinh và thử thách.

Và đây là khía cạnh thứ ba mà tôi sẽ rút ra từ hình ảnh của Thánh Bácnaba: Chính một thử thách như vậy đã gắn liền với sự truyền bá Phúc Âm ban đầu ở vùng đất này. Khi trở về Síp cùng với Phaolô và Máccô, Bácnaba thấy Elymas, “một nhà ảo thuật và tiên tri giả” (Công vụ 13: 6), người đã chống lại các ngài một cách đầy ác ý, đang tìm cách làm cho con đường thẳng của Chúa bị ngoằn ngoèo (xem câu 8, 10). Ngày nay cũng vậy, không thiếu sự giả dối và lừa lọc mà quá khứ có thể đặt ra trước mắt để cản trở hành trình của chúng ta. Nhiều thế kỷ chia rẽ và xa cách đã khiến chúng ta, dù không tự nguyện, đã xem nhau là thù địch và đầy thành kiến với nhau, với những định kiến thường dựa trên thông tin khan hiếm và xuyên tạc, và được lan truyền bởi một nền văn học hung hăng và luận chiến. Điều này cũng bẻ cong con đường của Thiên Chúa, vốn thẳng tắp và hướng đến sự hòa hợp và hợp nhất. Anh em thân mến, sự thánh khiết của Bácnaba cũng là một điều hùng hồn cho chúng ta! Đã bao nhiêu lần trong lịch sử, Kitô Hữu chúng ta quan tâm đến việc chống lại người khác hơn là chấp nhận con đường của Thiên Chúa một cách hòa hợp, dẫn đến việc giải quyết những bất đồng trong đức ái! Đã bao lần chúng ta phóng đại và gieo rắc những thành kiến về người khác hơn là làm theo lời khuyên nhủ của Chúa, là điều thường được nhắc lại trong Tin Mừng theo Thánh Máccô, là người đã đồng hành với Bácnaba trên đảo này, đó là hãy để mình nhỏ bé và phục vụ nhau (x. Mc 9: 35; 10: 43-44).

Thưa Đức Tổng Giám Mục, hôm nay, trong cuộc đối thoại của chúng ta, tôi đã xúc động khi hiền huynh nói về Giáo hội với tư cách là Mẹ. Giáo hội của chúng ta là một người mẹ, và một người mẹ luôn quy tụ con cái mình bằng tình yêu thương dịu dàng. Chúng ta đặt niềm tin vào Hội Thánh Mẹ này, nơi quy tụ tất cả chúng ta, và với lòng kiên nhẫn, tình yêu dịu dàng và lòng can đảm, chúng ta tiến bước trên con đường của Chúa. Tuy nhiên, để cảm nhận được tình mẫu tử của Giáo hội, tất cả chúng ta phải đến đó, nơi Giáo hội là một người mẹ. Tất cả chúng ta, với sự khác biệt của mình, nhưng tất cả đều là những người con của Giáo hội Mẹ. Cảm ơn hiền huynh về những suy tư mà hiền huynh đã chia sẻ với tôi ngày hôm nay.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan và can đảm để đi theo đường lối của Ngài, chứ không phải của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin điều này qua sự chuyển cầu của các thánh Tông đồ. Ông Leontios Machairas, một nhà biên niên sử thế kỷ 15, đã định nghĩa Síp là một “Đảo Thánh” vì có rất nhiều các vị tử đạo và các thánh hiển tu mà những vùng đất này đã chứng kiến qua nhiều thế kỷ. Ngoài những người được biết đến và tôn kính, như Bácnaba, Phaolô và Máccô, Epiphanius, Barbara và Spyridon, còn có rất nhiều người khác: vô số các bậc thánh, những người hợp nhất trong một Giáo hội trên trời - Giáo hội Mẹ - thúc giục chúng ta cùng ra khơi hướng tới bến cảng mà tất cả chúng ta đều khao khát. Síp, vốn đã là một cầu nối giữa Đông và Tây, từ trên cao, các ngài khuyến khích chúng ta hãy làm từ Síp này, một cầu nối giữa trời và đất. Cầu xin cho được như thế, để ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, vì lợi ích của chúng ta và lợi ích của tất cả mọi người. Cảm ơn anh em.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Thánh lễ đại trào của Công Giáo lớn nhất trong lịch sử của Quốc Đảo Síp
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:52 03/12/2021

Hôm thứ Sáu 3 tháng 12, sinh hoạt đầu tiên của Đức Thánh Cha là chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia vào lúc 8:30; và gặp gỡ Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo tại nhà thờ chính tòa của Chính Thống Giáo ở Nicosia.

Sinh hoạt tiếp theo của Đức Thánh Cha Phanxicô là Thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia.

Trong bài giảng thánh lễ trước một cộng đoàn lên đến hơn 10,000 người, Đức Thánh Cha nói:


Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù kêu lên trong đau khổ và hy vọng: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9:27). “Con vua Đavít” là một danh hiệu được gán cho Đấng Mêsia, Đấng mà các tiên tri đã tiên đoán sẽ đến từ dòng dõi Vua Đavít. Hai người trong bài Tin Mừng hôm nay bị mù, nhưng họ thấy được điều quan trọng nhất: họ nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia đã đến trong thế gian. Chúng ta hãy suy nghĩ về ba bước trong cuộc gặp gỡ này. Trong Mùa Vọng này, ba bước ấy có thể giúp chúng ta đón Chúa khi Người đến, khi Người đi ngang qua chúng ta.

Bước thứ nhất là họ đến gặp Chúa Giêsu để được chữa lành. Bản văn nói rằng hai người mù kêu cầu Chúa khi đi theo Người (xem câu 27). Họ không thể nhìn thấy Ngài, nhưng họ nghe thấy giọng nói của Ngài và đi theo bước chân của Ngài. Trong Chúa Kitô, họ đang tìm kiếm điều mà các tiên tri đã tiên báo: đó là những dấu hiệu về quyền năng chữa lành và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa hiện diện ở giữa dân Ngài. Tiên tri Isaia đã viết: “Khi ấy mắt người mù sẽ được mở ra” (35: 5). Và một lời tiên tri khác, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay, đã hứa rằng: “Trong sự u ám và tăm tối của họ, mắt người mù sẽ thấy” (29:18). Hai người đàn ông trong Tin Mừng đã tin cậy nơi Chúa Giêsu. Họ đi theo Ngài để tìm kiếm ánh sáng cho đôi mắt của họ.

Anh chị em thân mến, tại sao họ tin cậy nơi Chúa Giêsu? Bởi vì họ nhận ra rằng, trong bóng tối của lịch sử, Ngài là ánh sáng xua tan “bóng đêm” của trái tim và thế giới. Ánh sáng xua tan bóng tối và chiến thắng sự tối tăm. Chúng ta cũng có một loại “mù” trong tâm hồn. Giống như hai người mù ấy, chúng ta thường như những người đi đường, chìm đắm trong bóng tối của cuộc đời. Việc đầu tiên phải làm là đến với Chúa Giêsu, như Người đã nói với chúng ta: “Hỡi những ai lao nhọc, gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi” (Mt 11,28). Có ai trong chúng ta lại không đang mệt mỏi hoặc nặng trĩu cách này cách khác? Tất cả chúng ta đều như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cưỡng lại việc chạy đến với Chúa Giêsu. Thường thì chúng ta thà khép mình, cô đơn trong bóng tối, cảm thấy có lỗi với bản thân và bằng lòng khi có nỗi buồn làm bạn đồng hành với mình. Chúa Giêsu là vị lương y thần thánh: chỉ một mình Người là ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người (x. Ga 1: 9), là Đấng ban cho chúng ta muôn vàn ánh sáng, hơi ấm và tình yêu. Chỉ một mình Chúa Giêsu giải thoát con tim khỏi sự dữ. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi vẫn bị bao bọc trong bóng tối của sự thất vọng và bất hạnh, hay tôi đi đến với Chúa Giêsu và trao cuộc đời tôi cho Người? Tôi có đi theo Chúa Giêsu, nói ra những nhu cầu của mình và giao sự cay đắng của mình cho Ngài không? Chúng ta hãy làm điều đó! Chúng ta hãy cho Chúa Giêsu cơ hội chữa lành trái tim của chúng ta. Đó là bước đầu tiên; nhưng việc chữa lành nội tâm cần hai bước nữa.

Bước tiếp theo: Họ chia sẻ nỗi đau của mình. Tin Mừng không nói Chúa chữa lành cho hai người mù này như thế nào, như trong trường hợp của người mù Batimê (x. Mc 10, 46-52) là người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9: 1-41). Ở đây có hai người mù. Họ cùng nhau ở ven đường. Họ chia sẻ nỗi đau, nỗi bất hạnh khi bị mù, và mong muốn có được ánh sáng rực rỡ trong trái tim đầy “bóng tối” của họ. Phúc Âm đề cập đến họ ở dạng số nhiều, vì họ làm mọi việc cùng nhau: cả hai đều đi theo Chúa Giêsu, cả hai đều kêu cầu Người và xin chữa lành; không phải mỗi người cho riêng mình, mà cùng nhau, như một. Điều quan trọng là họ nói với Chúa Kitô: Xin thương xót chúng tôi. “chúng tôi” chứ không phải là “tôi”. Họ cùng nhau kêu cầu giúp đỡ. Đây là một dấu chỉ hùng hồn về đời sống Kitô Hữu và là đặc điểm riêng biệt của tinh thần Giáo hội: đó là suy nghĩ, nói và hành động như “chúng ta”, từ bỏ chủ nghĩa cá nhân và cảm giác tự mãn đã lây nhiễm trong lòng.

Trong sự chia sẻ đau khổ và tình bạn huynh đệ của họ, hai người đàn ông mù này có nhiều điều để dạy chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều mù lòa theo một cách nào đó do hậu quả của tội lỗi, là điều ngăn cản chúng ta “nhìn” Thiên Chúa như Cha của mình và nhìn nhau như anh chị em. Vì đó là những gì tội lỗi làm; nó bóp méo thực tế: nó khiến chúng ta coi Chúa như một hôn quân bạo tàn và coi nhau là những vấn đề. Đó là công việc của những kẻ cám dỗ, những kẻ bóp méo mọi thứ, đưa chúng ta đến những suy nghĩ tiêu cực, để khiến chúng ta rơi vào tuyệt vọng và cay đắng. Và sau đó chúng ta trở thành con mồi cho một nỗi buồn khủng khiếp, một điều nguy hiểm mà không đến từ Thiên Chúa. Chúng ta không được đối mặt với bóng tối một mình. Nếu chúng ta chịu đựng sự mù quáng bên trong nội tâm một mình, chúng ta có thể bị đè bẹp. Chúng ta cần sát cánh bên nhau, chia sẻ nỗi đau và cùng nhau đối mặt với con đường phía trước.

Anh chị em thân mến, khi đối mặt với bóng tối nội tâm của chính chúng ta và những thử thách trước mặt chúng ta trong Giáo hội và trong xã hội, chúng ta được mời gọi đổi mới ý thức về tình huynh đệ của mình. Nếu chúng ta vẫn chia rẽ, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến mình hoặc cho mình hoặc cho nhóm của mình, nếu chúng ta không chịu gắn bó với nhau, nếu chúng ta không đối thoại và bước đi cùng nhau, chúng ta sẽ không bao giờ được chữa lành hoàn toàn khỏi sự mù quáng của mình. Sự chữa lành diễn ra khi chúng ta mang nỗi đau của mình cùng nhau, khi chúng ta đối mặt với vấn đề của mình cùng nhau, khi chúng ta lắng nghe và nói chuyện với nhau. Đó là ân sủng của việc sống trong cộng đồng, nhận ra tầm quan trọng của việc ở cùng nhau, và trở thành cộng đồng. Đây là điều tôi yêu cầu nơi anh chị em: đó là anh chị em phải luôn ở bên nhau, luôn đoàn kết; anh chị em phải cùng nhau tiến về phía trước với niềm vui như những anh chị em tín hữu Kitô, con cái của cùng một Cha. Và tôi cũng yêu cầu điều đó cho chính mình.

Và bây giờ, bước thứ ba: Họ hân hoan loan báo Tin Mừng. Sau khi Chúa Giêsu chữa lành cho họ, hai người đàn ông trong Tin Mừng, mà chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính chúng ta, bắt đầu loan tin mừng cho toàn vùng, bàn tán về nó khắp nơi. Có một chút trớ trêu trong việc này. Chúa Giêsu đã bảo họ đừng nói cho ai biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng họ lại làm ngược lại (x. Mt 9: 30-31). Từ những gì chúng ta được cho biết, rõ ràng là ý định của họ không phải là không vâng lời Chúa; họ chỉ đơn giản là không thể kiềm chế niềm phấn khích của họ trước ơn chữa lành và niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đây là một dấu chỉ đặc biệt khác của Kitô Hữu: niềm vui sướng khôn tả của Phúc âm, “tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 1); niềm vui của Tin Mừng đương nhiên dẫn đến việc làm chứng và giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ của một đức tin riêng tư, âu sầu và cáu kỉnh.

Anh chị em thân mến, thật vui khi thấy anh chị em sống với niềm vui sứ điệp giải phóng của Tin Mừng. Tôi cảm ơn anh chị em vì điều này. Đó không phải là việc chiêu dụ tín đồ - làm ơn, đừng bao giờ tham gia vào việc chiêu dụ tín đồ! - nhưng hãy làm chứng; không phải là một chủ nghĩa luân lý phán xét mà là một lòng thương xót bao trùm; không phải là sự sùng đạo hời hợt mà là tình yêu được sống hết mình. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục tiến bộ trên con đường này. Giống như hai người mù trong Tin Mừng, chúng ta hãy một lần nữa gặp gỡ Chúa Giêsu, và trở thành nhân chứng không sợ hãi về Chúa Giêsu cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ! Chúng ta hãy đi ra ngoài, mang theo ánh sáng mà chúng ta đã nhận được. Chúng ta hãy đi ra ngoài để soi sáng màn đêm thường bao quanh chúng ta! Chúng ta cần những Kitô Hữu được soi sáng, nhưng trên hết là những người tràn đầy ánh sáng, những người có thể chạm vào sự mù quáng của anh chị em chúng ta bằng tình yêu dịu dàng và bằng những cử chỉ và lời an ủi thắp lên ánh sáng hy vọng giữa bóng tối. Hãy là những Kitô hữu có thể gieo hạt giống Tin Mừng trên những cánh đồng khô cằn của cuộc sống hàng ngày, và mang lại hơi ấm cho những vùng đất hoang vu đau khổ và nghèo đói.

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu cũng đang đi qua các đường phố của Síp, các đường phố của chúng ta, nghe thấy tiếng kêu của những người mù chúng ta. Ngài muốn chạm vào mắt chúng ta, chạm vào trái tim chúng ta, và dẫn chúng ta đến ánh sáng, cho chúng ta sự tái sinh tâm linh và sức mạnh mới. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn làm. Người hỏi chúng ta câu hỏi tương tự như câu hỏi mà Người đã hỏi hai người mù: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” (Mt 9:28). Chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu có thể làm được điều này không? Chúng ta hãy làm mới niềm tin của chúng ta nơi Người. Chúng ta hãy thưa với Người: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng ánh sáng của Chúa lớn hơn bóng tối của chúng con; chúng con tin rằng Chúa có thể chữa lành cho chúng con, chúng con tin Chúa có thể tái tạo mối hiệp nhất của chúng con, Chúa có thể làm tăng niềm vui của chúng con. Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! [Tất cả lặp lại: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!]

Lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô khi kết thúc Thánh lễ tại Sân vận động GSP

Anh chị em thân mến,

Tôi mới là người phải gửi lời cảm ơn đến tất cả anh chị em! Sáng mai, trước khi lên đường, tôi sẽ có dịp từ biệt Tổng thống Cộng hòa, đang có mặt tại đây, nhưng ngay bây giờ tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến mọi người về sự chào đón và tình cảm mà anh chị em đã dành cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

Ở đây ở Síp này, tôi cảm thấy một chút gì đó trong bầu không khí đặc trưng của Vùng đất Thánh, nơi sự cổ kính và sự đa dạng của các truyền thống Kitô Giáo làm phong phú thêm cho mỗi người hành hương. Điều này là tốt cho tôi và cũng rất đáng khích lệ khi gặp gỡ các cộng đồng tín hữu đang sống trong hiện tại với hy vọng và cởi mở với tương lai, và những người chia sẻ tầm nhìn lớn hơn này với những người cần nhất. Tôi nghĩ đặc biệt đến những người di cư đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng với những người anh chị em của tôi từ nhiều hệ phái Kitô khác nhau, mà tôi sẽ có cuộc gặp gỡ cuối cùng trên hòn đảo này.

Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã giúp tổ chức chuyến thăm này! Xin hãy cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ che chở anh chị em. Efcharistó! [Cảm ơn bạn!]
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Phép lạ nhãn tiền Đức Mẹ Ả Rập: Quốc vương Hồi Giáo tặng đất xây nhà thờ kính Đức Mẹ ở Bahrain
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:11 03/12/2021


1. Phép lạ nhãn tiền: Quốc vương Hồi Giáo tặng đất xây nhà thờ kính Đức Mẹ ở Bahrain

Vào ngày 10 tháng 12 tới đây, một sự kiện Công Giáo đáng kinh ngạc và đáng vui mừng sẽ diễn ra tại Bahrain, một quốc đảo chủ yếu là người Hồi giáo trong vùng Vịnh Ba Tư.

Ở các nước gần như toàn tòng Hồi Giáo, họ để yên cho mình thờ phượng Chúa đã là cực kỳ may mắn lắm rồi. Chuyện tặng đất cho mình xây nhà thờ là chuyện nằm mơ cũng không thấy nổi. Tuy nhiên, điều đó đã xảy ra tại Bahrain.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, sẽ thánh hiến Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập, một cấu trúc có hình hòm bia giao ước, đủ chỗ ngồi cho 2,300 người.

ACI Stampa cho biết đây sẽ là sự kết thúc của cuộc hành trình bắt đầu vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, khi quyết định xây dựng nhà thờ được đưa ra.

Đất là một món quà của Hamad bin Isa Al Khalifa, quốc vương Bahrain vào năm 2002. Quốc vương sẽ khánh thành nhà thờ vào 09 tháng 12, một ngày trước lễ thánh hiến.

Đặc phái viên của nhà vua, Sheikh Khalid bin Ahmed Al Khalifa, đã có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 25 tháng 11. Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đặc phái viên này đã thay mặt nhà vua mời Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước.

Nhà vua đã đích thân tặng Đức Giáo Hoàng một mô hình nhà thờ vào năm 2014.

Nhà thờ là một phần của khu phức hợp rộng khoảng 95,000 feet vuông, tức là 8825 m2 ở Awali, một đô thị ở trung tâm của đất nước, có dân số 1.7 triệu người và nằm ở phía đông của Ả Rập Saudi và phía tây của Qatar.

Trang web của nhà thờ chính tòa Bahrain cho biết ngay sau khi Đức Cha Camillo Ballin, Đại diện Tông Tòa của Bắc Ả Rập, nghe tin nhà vua đã ban đất cho một nhà thờ, “phản ứng ngay lập tức của ngài khi nghe tin mừng này là cảm ơn Đức Mẹ của chúng ta vì đã làm phép lạ, ngài quyết định rằng nhà thờ mới sẽ được dành riêng cho Đức Mẹ Ả Rập”.

Một tâm điểm của nhà thờ sẽ là một bức tượng nhiều màu của Đức Mẹ Ả Rập.

Danh hiệu Đức Mẹ Ả Rập, tiếng Anh là Our Lady of Arabia, được chấp thuận vào năm 1948. Một nhà nguyện nhỏ ở Ahmadi, Kuwait, đã được cung hiến để vinh danh Mẹ vào ngày 8 tháng 12 năm đó.

Năm 1957, Đức Piô XII ban hành sắc lệnh công bố Đức Mẹ Ả Rập là vị thánh bảo trợ chính của lãnh thổ và của Vị Đại diện Tông Tòa của Kuwait.

Năm 2011, Vatican đã chính thức tuyên bố Đức Mẹ Ả Rập là vị thánh bổn mạng của giáo phận Kuwait và Saudi.

Cuối năm đó, Tòa thánh tổ chức lại Hạt Đại diện Kuwait, đặt tên mới là Hạt Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập, và bao gồm các lãnh thổ Qatar, Bahrain và Ả Rập Xê Út.

Tòa giám mục của Ballin đã chuyển từ Kuwait đến Bahrain, nơi có sự hiện diện của người Công Giáo đáng kể, ước tính chiếm khoảng 15% dân số.

Ước tính có khoảng 80,000 người Công Giáo ở Bahrain, nhiều người trong số họ là những người di cư từ Á Châu, đặc biệt là Phi Luật Tân và Ấn Độ.

Trong buổi thánh hiến, sẽ thiếu vắng một nhân vật đáng chú ý: Đức Giám Mục Ballin. Ngài đã qua đời vào ngày 12 tháng 4 năm ngoái, 2020, ở tuổi 75, trước khi ngài có thể thấy ước mơ của mình về một nhà thờ dành riêng cho Đức Mẹ Ả Rập ở Bahrain.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vị giám mục Ý đã yêu cầu mọi người ủng hộ “cầu nguyện cho chúng tôi và đời sống tinh thần của chúng tôi và xin Đức Trinh Nữ Maria sẽ gửi các nhà hảo tâm đến tài trợ cho việc xây dựng nhà thờ”.

Trang web của nhà thờ Bahrain bao gồm một lời cầu nguyện với Đức Mẹ Ả Rập trong thời gian chuẩn bị được thánh hiến:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Đức Mẹ Ả Rập và Bổn Mạng của chúng tôi! Chúng con dâng lên Mẹ những lời cầu nguyện của chúng con cho các nhu cầu của Giáo Hội ở đây và trên toàn thế giới.

Xin giúp chúng con luôn nên một với Con Mẹ là Chúa Giêsu và hiệp nhất với nhau, để chúng con có thể trở thành nhân chứng đích thực cho Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống hàng ngày của chúng con và xin tuôn đổ các phước lành bình an và hòa thuận của Chúa trong gia đình và cộng đồng của chúng con.

Tin cậy vào sự chuyển cầu của Đức Mẹ, chúng con cầu xin Mẹ đoái thương nghe những lời cầu nguyện khiêm nhường của chúng con và ban cho chúng con những ân sủng mà chúng con tìm kiếm để chúng con có thể làm sáng dang Chúa mãi mãi.

Đức Mẹ Ả Rập, xin cầu cho chúng con! Amen.
Source:Catholic News Agency

2. Diễn biến mới nhất trong phiên tòa về vụ bê bối tài chính ở Vatican

Hai doanh nhân ở trung tâm của vụ bê bối tài chính Vatican đã chứng kiến các thẩm phán Anh từ chối các nỗ lực pháp lý của họ nhằm chống lại các cáo buộc hình sự của Ý và Vatican.

Trước đây, các công tố viên của Vatican đã phải chịu một loạt thất bại và chỉ trích vì các cáo buộc đối với Gianluigi Torzi và Raffaele Mincione, cả hai đều cư trú tại Vương quốc Anh và đã nỗ lực dùng hệ thống tư pháp Anh để chống lại Vatican và Italia. Các phán quyết do hai tòa án khác nhau vừa đưa ra, dường như sẽ chấm dứt hy vọng sử dụng các tòa án Anh để chống lại các cáo buộc của Ý và Vatican mà họ đang phải đối mặt.

Raffaele Mincione là nhà quản lý đầu tư đã bán cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh một tòa nhà ở London vào năm 2018. Gianluigi Torzi là người môi giới đã hoàn tất việc mua tòa nhà cho Vatican. Cả hai đều đã yêu cầu các tòa án ở London can thiệp vào các khía cạnh trong các cáo buộc của chính phủ Ý và Tòa Thánh chống lại họ.

Mincione đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao của Anh và xứ Wales vào tháng 6 năm 2020 để tuyên bố giảm nhẹ trách nhiệm đối với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, yêu cầu các thẩm phán phán quyết rằng anh ta “hành động có thiện chí” trong các giao dịch của mình với Vatican.

Tòa thánh đã phải trả cho Mincione số tiền tổng cộng 350 triệu euro để mua tòa nhà ở số 60 Sloane Ave. Dự kiến Tòa Thánh sẽ bán lại với mức lỗ hơn 100 triệu.

Một thẩm phán đã ra phán quyết vào thứ Sáu rằng vụ kiện của doanh nhân chống lại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh của Vatican sẽ bị đình chỉ vô thời hạn vì các thủ tục pháp lý đang diễn ra ở Vatican. Điều này mở đường cho việc dẫn độ Mincione về Rôma theo yêu cầu của Ý và Vatican.

Về vấn đề Torzi, một thẩm phán đã bác bỏ lập luận vào ngày 24 tháng 11 cho rằng các bằng chứng do các công tố viên Vatican thu thập không đủ để Torzi bị dẫn độ sang Ý, nơi anh ta đang bị truy nã với cáo buộc tội phạm tài chính ở Ý liên quan đến vai trò trong vụ bê bối tài chính ở Vatican.
Source:Pillar Catholic

3. Các giám mục Puerto Rico bày tỏ tình đoàn kết với 'khát vọng tự do' của các giám mục Cuba

Hội đồng Giám mục Puerto Rico bày tỏ tình đoàn kết với những mong muốn của các giám mục Cuba “được lắng nghe, vì hòa bình, tự do, đối thoại chân thành và tự do ngôn luận để giải quyết các vấn đề lớn” mà quốc đảo này đang đương đầu.

“Từ Puerto Rico chúng tôi tham gia với hy vọng của các Giám Mục cho một Cuba trong hòa bình và tình huynh đệ, nhằm đạt được những thay đổi mong muốn cho một cuộc sống tươm tất hơn và hạnh phúc”, các giám mục Puerto Rico đã viết trong một tuyên bố được công bố hồi đầu tháng này.

Thông điệp của các giám mục Puerto Rico được công bố nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các Giám Mục Cuba anh em của các ngài. Ba ngày trước khi diễn ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc Cuba vào ngày 15 tháng 11 vừa qua, các Giám Mục đã ủng hộ quyền của người dân được công khai bày tỏ “sự bất bình của họ trước sự suy thoái của tình hình kinh tế và xã hội” trên hòn đảo.

Trong thông điệp của các ngài vào ngày 12 tháng 11, các giám mục Cuba cũng chỉ ra rằng các giải pháp sẽ không thể đạt được với “sự áp đặt, cũng không phải bằng các phương thế đối đầu.”

Các giám mục Cuba van nài “rằng con đường của sự hiểu biết, hòa giải và hòa bình phải được mở ra để các kiến nghị khác nhau về hiện tại và tương lai số phận của Cuba được lắng nghe trong tư duy hợp lý, khoan dung, tình huynh đệ và hòa hợp; và một cuộc đối thoại hài hòa và văn minh được thành lập, ngõ hầu có thể tìm được giải pháp tốt nhất cho một Cuba đang gặp hoạn nạn lớn”.

Gần đây, các nhà hoạt động và các linh mục ở những nơi khác nhau ở Cuba đã lên án cuộc đàn áp, sách nhiễu, và việc thiết lập các đồn bót quân sự trong những con đường để ngăn chặn các cuộc tuần hành ôn hòa cho tự do ở Cuba.
Source:Catholic News Agency