Ngày 03-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Còn đó những nỗi đau!
Thanh Tâm
08:35 03/12/2010
Làm việc mệt, nghỉ tay chút để xem tin tức. Một mẫu tin hết sức dễ thương. Đọc xong cảm thấy lòng lại cảm thấy vui vui. Như một món quà nhỏ để tiếp tục hành trình của phận người.

Sáng sớm ngày 26/11, chị P.T.K (35 tuổi, trú tại huyện Quảng Điền) vào Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch khi mang thai ở tuần thứ 35 trong tình trạng bị sốt cao, suy tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, chèn ép tim cấp, nhồi máu cơ tim.

10 g30 phút, một cuộc hội chẩn nhanh giữa BS. Nguyễn Cửu Lợi, trưởng khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch với BS Bạch Ngõ (trưởng ca trực khoa Sản) với anh H.V.D. (chồng chị K.). Anh D. đã đồng ý với phương án nếu vợ lên cơn đau tim đột ngột trong lúc đẻ và tử vong thì các bác sĩ được mổ lấy thai nhi ngay lập tức.

11 g30 phút, chị K. rơi vào tình trạng rất nguy kịch, huyết áp tụt, mạch yếu dần. Sau khi tích cực hồi sức cấp cứu tim không thành, bệnh nhân đã từ trần. Tức tốc như bay di chuyển bệnh nhân trên băng ca, các BS tại khoa Cấp cứu - Can thiệp Tim mạch đã chuyển kịp người mẹ đã không còn sự sống sang Khoa Sản.

Bác Sĩ Ngõ, người cứu sống đứa bé nói: “Tôi chỉ thấy còn nước còn tát, lương tâm tôi không thể đứng nhìn cảnh mẹ chết rồi con chết theo. Từ lúc người mẹ từ trần, chúng tôi chỉ có đúng 15 phút để cứu bé và phải cứu càng nhanh càng tốt. Vì nếu cứu trễ có khả năng bé sẽ bị các biến chứng sau này. Nếu sản phụ chết, theo nguyên tắc không được cho vào phòng mổ mà chỉ xuống nhà xác. Đến lúc đó con sẽ chết. Tôi đã liều để cứu đứa bé. Sẽ rất đáng tiếc khi thấy mình có khả năng mà không giúp cháu”.

Một tiếng nói lương tâm lóe lên giữa một bầu u ám của nhiều lương tâm chai cứng trước sự sống của con người. Bác sĩ Ngọ đã cố gắng hết sức để cứu sống mầm sống le lói trong lòng của người mẹ đã khuất.

Nghĩ về bác sĩ Ngọ lại nhớ đến nhiều và nhiều người trẻ ngày hôm nay dường như không còn cảm thức với sự sống nữa.

Nhiều lần và nhiều lúc tôi cảm thấy nghẹn lời trước những người phá thai như cơm bữa. Có những cô gái còn trẻ quá mà phá đến 4 lần. Có cô chưa đến tuổi thành niên đã can đảm giết đứa bé 4 tuần tuổi đang thành hình trong dạ mình. Điều đáng tiếc thay cô ta vẫn sống tiếp tục sống trong môi trường dẫn đến hành động sát nhân mà cô đã từng làm.

Chắc có lẽ cũng chẳng cần phải dài lời để kêu gào người ta đừng phá thai nữa, đừng giết người nữa vì đã quá nhiều người lên tiếng. Chỉ biết đau mà thôi khi tỷ lệ phá thai ngày cứ tăng cao đến mức chóng mặt.

Nhìn tỷ lệ sát nhân ngày càng cao nhưng hình như những người có trách nhiệm cứ dửng dưng vì lẽ chẳng liên can gì đến mình thì phải hay là nếu mình lên tiếng hay đụng vào thì lại phải thiệt thân !

Mỗi lần đi ngang con đường nào đó có những nhà trọ hay khách sạn mọc lên bỗng dưng tôi cảm thấy nhói lòng. Không còn giấu diếm, không còn úp mở nữa mà họ đã công khai: “50 ngàn / 1 tiếng’ 70 ngàn / 2 tiếng …”. Chẳng có ai “rảnh” đến độ đi vào nhà nghỉ, nhà trọ lụp sụp mà nghỉ 1 tiếng, 2 tiếng hoặc 3 tiếng cả. Những người đi công tác ở tỉnh lên thì họ cũng ít là nghỉ qua đêm để lo công việc. Những ai vào đó để “nghỉ” 1 tiếng, 2 tiếng thì chỉ có họ biết mà thôi.

Đơn giản với con đường dẫn vào Bình Quới Thanh Đa, ai đi ngang qua con đường đó sẽ không khỏi ngạc nhiên. Với con đường non non vài cây số mà số nhà trò, nhà nghỉ mọc lên như nấm vậy. Phải chăng đó là bước khởi đầu cho việc đi đến các bệnh viện để giải quyết vấn đề.

Hơn một lần, một người nọ hỏi tôi về việc gia đình kinh doanh khách sạn mini. Không ngần ngại để trả lời cho họ rằng nếu được thì có thể chuyển ngành kinh doanh khác vì ngành khách sạn là ngành hết sức nhạy cảm. Nói có quá lời chăng là không có khách sạn nào không có cái mục kinh doanh “đặc biệt” ấy. Khách sạn lớn thì lúc nào cũng có sẵn để cung cấp nhu cầu. Khách sạn nhỏ lúc nào cũng mời gọi những đôi nhân tình chóng vánh.

Có lẽ người ta chỉ nghĩ đến chuyện lợi lộc ngay lập tức sau khi khách trả phòng nhưng người ta đâu nghĩ đến khi khách đến trọ nhiều nơi phòng của họ cũng là khi mà các bệnh viện phải mệt nhoài với đơn gửi phá thai. Có thể họ cũng nghĩ ra nhưng có lẽ những đồng tiền đã làm cho họ không đủ can đảm dẹp những dãy phòng trọ, những dãy nhà trọ ngắn hạn do họ dựng nên.

Vui khi hay tin cháu bé Cẩm Tiên do bác sĩ Bạch Ngõ cứu sống nhưng vẫn còn đau với quá nhiều bác sĩ, nhiều nhân tố ngày đêm góp công góp sức để giết người. Chẳng biết phải nói sao nữa khi chỉ vì sự ích kỷ, sự nhỏ nhen của mình mà họ cam tâm giết những sinh linh vô tội.
 
Khiêm nhường dọn mình đón Đấng cứu độ trần gian
Thanh Tâm
08:38 03/12/2010
Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, là một Thiên Chúa của Tình Yêu. Bằng chứng về lòng thương xót, bằng chứng về tình yêu cứ trải dài trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử nhân loại.

Con người, ngay tự thuở ban đầu đã quay lưng lại với Ngài nhưng Ngài thì ngược lại. Ngài không quay lưng lại nhưng Ngài bằng mọi cách cho bằng được để tiếp cận với con người, để bày tỏ tình cảm của Ngài với con người. Thật ra mà nói cũng có những lúc giận lắm khi lòng con người trở nên chai, trở nên cứng trước tình yêu ấy nhưng mà Ngài giận thì giận nhưng mà thương thì cũng càng thương.

Tình thương, lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ hiện rõ nét nơi cuộc đời của các ngôn sứ.

Lật lại những trang Thánh Kinh, phảng phát đâu đó hình ảnh của các ngôn sứ thật dễ thương.

Có thể ban đầu, chưa hiểu được tình yêu của Chúa nhưng nhận ra một tình thương bao la đại hải để rồi các ngôn sứ sau khi đã nhận tình yêu ấy đã can đảm, đã mạnh dạn lên đường loan báo Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Trong sấm ngôn của Hôsê, Giavê như muốn nhắc lại tình sử của Người dành cho Israel:

“Thuở Israel còn là trẻ bé, Ta đã mến thương,

và từ Aicập, Ta đã gọi con Ta.

Người ta (cũng) đã gọi chúng. Thế là chúng đã lìa Ta.

Phần chúng, chúng đã tế cho các Baal,

chúng đã huân yên kính ngẫu tượng.

Chính Ta, Ta đã tập đi cho Ephraim.

Ta bồng bế chúng trên cánh tay Ta.

Nhưng chúng nào có biết là chúng đã được Ta săn sóc.

Ta lôi kéo chúng, với dây tình người, với thừng chão yêu thương.

Với chúng, Ta ở như những người nhấc con đỏ lên tận má mình.

Và cúi xuống trên nó, Ta mớm cho nó ăn" (Hs 11, 1-4).

Trong tình sử ấy, bất chấp sự xấu xa bội phản của Israel, Giavê đã bước vào mối tình thâm sâu với Israel, đã đính hôn và kết hôn với Israel, để Israel mãi mãi thuộc về Giavê, và thuộc về một mình Người mà thôi:

"Cho nên, này Ta dụ dỗ nó, đem nó vào sa mạc,

và kề lòng Ta nói khó với nó" (Hs 2:16).

"Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi,

Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng công chính,

Công minh, nhân nghĩa, xót thương.

Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng đức trung tín,

Và ngươi sẽ biết Giavê" (Hs 2, 21-22).

Có thể nói được rằng ngôn sứ Hôsê là người đã trình bày tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại bằng ngôn ngữ của liên hệ phu phụ giữa Giavê với dân Israel một cách tha thiết đậm đà hơn cả. Hôsê khởi đầu sứ vụ ngôn sứ trong thời Vua Jeroboam II ở vương quốc phía Bắc (783-743 BC), tiếp tục hoạt động trong các triều kế tiếp và có lẽ kết thúc trước năm 721 BC. Ông đã cưới một người vợ tên là Gômer, và người vợ này đã bỏ ông. Ông vẫn yêu quí và đã nhận về sau khi đã thử luyện.

Kinh nghiệm đau thương này của Hôsê đã trở thành một hình ảnh cho cách cư xử của Giavê đối với dân Người. Hôsê là người đầu tiên đã diễn tả liên hệ giữa Giavê và Israel trong ngôn ngữ của một cuộc hôn nhân. Sứ điệp của ông gây ảnh hưởng sâu đậm trong Cựu Ước và trong lời kêu gọi của các ngôn sứ sau này về một tôn giáo của tấm lòng, của con tim.

Các ngôn sứ Jeremiah, Ezekiel và Isaia tiếp tục dùng ngôn ngữ của tình yêu phu phụ để diễn tả liên hệ giữa Giavê và Israel. Các tác giả Tân Ước cũng dùng ngôn ngữ ấy để diễn tả liên hệ giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Trong truyền thống tu đức và thần bí của Giáo Hội, liên hệ phu phụ cũng được dùng để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và mỗi linh hồn.

Ơn gọi của Giêrêmia cũng hết sức đặc biệt. Thiên Chúa thương Giêrêmia một cách lạ lùng.

Giêrêmia – một con người đã cảm nhận được Chúa đã mạnh tay với ông như thế nào. Thiên Chúa đã kêu gọi ông làm ngôn sứ và để rồi từ một con người nhút nhát, thích sống đơn sơ âm thầm bỗng chốc phải trở thành người nói Lời Chúa nhưng những lời ấy lại gây sự khó chịu cho dân vì toàn tiên báo những tai họa. Trong nỗi đau khổ vì bị mọi người lên án ông như muốn tố cáo lại Thiên Chúa, vì chính Chúa đã “quyến rũ” đã “mạnh hơn” và “đã thắng” để giờ đây ông phải nói những điều này dù trước đó ông đã từ chối làm ngôn sứ.

“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con,

và con đã để cho Ngài quyến rũ.

Ngài mạnh hơn và Ngài đã thắng.” (Gr 20, 7a)

Đứng trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, ông cảm thấy mình bị tổn thương, bị đau khổ khiến ông muốn từ bỏ, không muốn bước theo nữa. Nhưng vị ngôn sứ đầy đau khổ này vẫn không thể chối bỏ được Đấng mà ông yêu, vì thế dù ông có cảm thấy thế nào đi nữa ông vẫn không thể cưỡng lại được lời mời gọi của Đức Chúa:

“Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,

âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (20, 9b)

Lời Chúa có một sức mạnh đến lạ lùng khiến ông không nói không được, lời đó cứ như “ngọn lửa bừng cháy trong tim ông” (20, 9b), nó thấu cả vào trong “xương cốt”, vâng, một cảm giác “âm ỉ” diễn ra sự thúc giục mạnh mẽ đến mức làm ông phải cảm thấy ông phải nói.

Có thể nói Lời Chúa đối với ông giống như một sự sống, Lời Chúa đặt để vào miệng ông thật mạnh mẽ, làm dậy lên cả cuộc sống với ông, gắn bó như thể là ngày nào ông còn sống thì ông cần phải nói Lời Chúa. Cách dùng so sánh Lời Chúa của ông khiến chúng ta được quyền nghĩ như vậy. Nhưng một mặt khác ta cũng thấy, chính Lời Chúa đã khiến ông gặp nhiều đau khổ và bị người đời tránh xa. Trong sách Giêrêmia ta cũng thấy chỉ có một lần ông nhìn nhận Lời Chúa khiến ông vui sướng:

‘Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ,

làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh.’ (15,16)

Isaia cũng vậy, được chọn, được lựa trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Ngôn sứ Isaia đã loan báo cho dân Israel đang gặp thử thách ngày xưa và cho chúng ta ngày nay về dung mạo của Thiên Chúa Cứu Chuộc sắp đến là vị Thiên Chúa mà con người cần đến, với những lời được trích lại trong bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe: "Chúa lấy công minh mà xét xử người nghèo" (x. Is 11, 1-10).

Đó là những đường nét chính của một vị Thiên Chúa cứu rỗi mà con người mọi thời đại cần đến, một vị Thiên Chúa công bằng trong xét đoán và giàu tình yêu thương, vì Ngài đến để thiết lập cuộc sống hoà bình và hoà hợp cho con người. Cuộc sống ấy được tiên tri Isaia loan báo bằng hình ảnh môi sinh, trong đó sói sống chung với chiên, trẻ nhỏ dám tiếp xúc với các thú dữ. Đó là hồng ân cao cả Thiên Chúa ban cho con người được sống trong cảnh thái bình hoà hợp. Nhưng từ phía con người, họ không được sống ỷ lại để mặc Thiên Chúa muốn làm sao thì làm, nhưng họ phải biết thay đổi cuộc sống của mình mà trở về với Thiên Chúa, đón nhận hồng ân Ngài ban.

Nhắc đến tình yêu Thiên Chúa ban cho dân Người, nhắc đến những người được Chúa chọn để loan báo tình yêu ấy mà quên đi một ngôn sứ của buổi giao thời quả là một điều thiếu sót lớn. Vị ngôn sứ ấy được Isaia loan báo: “Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Ngài đi.Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40, 3-5; Mc 1, 3; Lc 3, 4-6; Mt 3, 3). Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.

Malakia tiên báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con,người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu” (Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27). Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.

Sứ Thần Truyền Tin xác nhận: Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria, đứng bên phải hương án, xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả “Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”(Lc1,17).

Thân phụ của Gioan: Dacaria, dưới tác động của Thánh Thần, Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng “Benedictus” về ơn gọi của người con trai mình “Hài Nhi hỡi, con sẽ đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết, Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76- 77).

Thiên Chúa đã chọn và đã đặt Gioan làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế, là loan báo Tin mừng cứu độ.

Hôm nay xuất hiện trong hoang địa miền Giu-đê và nói: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."

Gioan không phải là người nói suông nhưng là những lời chân thành, những lời đây là những lời xác tín. Cứ nhìn cách ăn mặc, cách sống và lời rao giảng của Gioan ta sẽ nhận ra điều này.

Cũng như Hôsê, như Giêrêmia, như Isaia và như bao ngôn sứ khác, Gioan đã mặc lấy trong mình tâm tình hết sức khiêm nhường để đón nhận Chúa vào trong cuộc đời. Đấng Cứu Độ trần đã đến thế gian. Điều lạ lùng, điều đặc biệt là Đấng Cứu Độ chỉ đến được với những tấm lòng rộng mở, những tấm lòng hết sức khiêm hạ.

“Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”. Một con người cao trọng như vậy, với ơn gọi đặc biệt như vậy nhưng Gioan hoàn toàn khiêm tốn trước “Chiên Thiên Chúa”. Không những thế, tại dòng sông Giođan khi làm phép rửa cho Chúa Giêsu Gioan còn nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. Một tâm tình hết sức khiêm hạ để Chúa lớn lên trong Gioan.

Hôm nay, đang sống trong mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta sống tâm tình chờ đón Chúa đến với tâm tình hết sức dễ thương của Gioan Tẩy Giả. Xin cho mỗi người chúng ta nhìn rõ, nhìn kỹ, nhìn sâu hơn nữa vào cuộc đời của Gioan để rồi chúng ta mặc lấy tâm tình khiêm hạ như Gioan để sẵng sàn đón Ơn Cứu Độ vào trong cuộc đời của mỗi người chúng ta..
 
Sống tỉnh thức
Lm. Thái Nguyên
09:40 03/12/2010
SỐNG TỈNH THỨC

“Nếu ngươi không tỉnh thức, thì Ta sẽ đến như kẻ trộm, ngươi chẳng biết giờ nào Ta sẽ đến bắt chợt ngươi.” (Kh 3, 3)

Từ ngữ Tỉnh Thức được lập lại 12 lần trong Tân Ước, mời gọi ta hãy cảnh giác mình trong từng giây phút sống. Đó là ý thức phản tỉnh trong từng tư tưởng, lời nói, việc làm, và trong mọi trạng huống của đời sống, để sống trong ánh sáng của chân lý và tình yêu. Tỉnh thức để nhận ra Chúa, Đấng luôn âm thầm lặng lẽ đến với ta trong mọi lúc. R. Tagore chia sẻ cảm nhận về Đấng Toàn Năng như sau:

“Bạn không nghe thấy bước chân Người thầm lặng đó sao? Người tới và luôn luôn thường tới.

Người tới và luôn luôn thường tới hằng giờ, hằng đêm, hằng ngày, hằng thời đại…

Người tới và luôn luôn thường tới qua lối đi nho nhỏ trong rừng, vào những ngày Xuân đượm nắng ngạt ngào.

Người tới và luôn luôn thường tới trên xe mây ầm ầm tiếng sấm, vào những đêm Thu mưa ướt tối mù.

Bước chân Người đã dẫm lên tim tôi đang ôm nặng những nỗi buồn dai dẳng. Khi niềm vui trong tôi ngời sáng, ấy là do chân Người vàng óng chạm vào”.

Mùa Vọng nhắc ta lần đến đầu tiên của Con Thiên Chúa, và nhắc ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Ngài. Giữa hai lần ấy có biết bao lần Ngài đến bất ngờ. Thiếu tỉnh thức ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội gặp gỡ Ngài. Điều đáng sợ hơn cả là mất đi cơ hội cuối cùng trong đời mình. Phải luôn tỉnh thức vì ta dễ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Trái tim ta dễ bị trì trệ nặng nề về những lo lắng trần gian. Cả những lo lắng chính đáng cũng có thể kéo ta đi xa, khiến ta mất khả năng dừng lại và quên đi lẽ sống đích thực. Thế giới hôm nay có nhiều thứ gây ngủ, gây mê. Vì thế, tỉnh thức là thái độ hiện sinh của người Kitô hữu để không rơi vào tối tăm, lầm lạc, nhưng luôn hân hoan đi trong ánh sáng của niềm hy vọng vào chính Chúa, Đấng cứu độ chúng ta.

1. Thế nào là tỉnh thức?

Tỉnh (醒): hết say sưa, không mê muội, thôi mơ tưởng.

Thức (識): nhận ra, nhận biết.

Người tỉnh thức là người không có ảo tưởng về bản thân và cuộc đời; không nhầm lẫn mộng tưởng với thức tại; không còn mê muội, mơ hồ, nhưng là người nhận biết mình đang biết: biết về thực trạng của bản thân mình; biết về thực chất của mọi việc trần thế; biết về thực tại của mọi biến chuyển xung quanh, để có thể sống thực tâm với Chúa, thực tình với mọi người, và thực tế trước mọi hoàn cảnh.

Người sống tỉnh thức là người sống có lý tưởng, có một định hướng siêu việt, nghĩa là luôn hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức.

Người tỉnh thức cũng chính là người sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa là sống toàn tâm, toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối quan hệ với tâm hồn đầy yêu mến.

Tỉnh thức cũng là giác ngộ, vì giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chân lý, không còn để mình sống trong sự lầm lạc và tối tăm. Giống như mặt trời ló rạng sau một đêm: ánh sáng bừng lên xua tan bóng tối, khiến mọi vật lộ rõ bộ mặt thật của chúng. Tâm hồn của những người tỉnh thức cũng thế, nhờ Mặt Trời chân lý chiếu soi tự thâm tâm, họ nhìn thấy mọi cái đúng với bản sắc và thực chất của chúng, nên tâm hồn đầy bình an, thanh thản, và ung dung tự tại bước đi trong ánh sáng.

2. Điều kiện để sống tỉnh thức

Điều kiện quan trọng nhất của tỉnh thức là sống trọn vẹn trong giây phút này. Nếu ta cứ bám vào quá khứ hoặc mãi đợi chờ một tương lai, là ta đang đánh mất sự sống đích thực của chính mình (x. Mt 6, 34). Sống như vậy là để xác một nơi, hồn một nẻo, nên tâm không an, trí không sáng. Cứ mong cho mọi sự được xảy ra theo ý của mình, buồn lòng vì người này, khổ tâm vì người kia, chán nản vì điều nọ, là đặt mình trong tình trạng không tỉnh thức. Những tình trạng đó làm cho nguồn lực trong ta bị phát tán, năng lực bị phân tán. Những xáo trộn ngổn ngang sẽ kích hoạt tưởng tượng mạnh hơn, các sung năng sôi động hơn, tâm hệ bị lay chuyển nguy hại hơn. Mọi nỗ lực và giải pháp khác đều vô hiệu nếu không tỉnh thức.

Tỉnh thức ở đây là tập trung mọi năng lực của tâm, trí, hồn, xác, vào giây phút hiện tại, để thống nhất toàn thể con người mình cho một sự sống đang diễn ra trước mắt. Đừng luyến tiếc một điều gì đã qua, đừng quá ham muốn một điều gì sẽ đến, cũng đừng đòi hỏi nó phải khác đi. Hiện tại là như thế, không thể khác đi. Có thay đổi được gì thì cũng là do mình đã thay đổi cái nhìn và thái độ. Hiện tại không áp đặt lên ta điều gì, nó là một món quà được trao tặng (present = món quà; hiện tại). Nếu ta đón nhận toàn tâm, toàn ý, thì hiện tại mở ra cho ta những khả năng mới đang tiềm ẩn trong chính mình, để thích nghi và hòa hợp, để sáng tạo và làm cho cuộc sống thêm phong phú.

Thánh Phaolô đã lưu ý chúng ta: “Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2). Các thánh đã sống tuyệt hảo giây phút hiện tại theo gương Chúa, Đấng chỉ có hiện tại, không có quá khứ hay tương lai. Thiên Chúa phán cùng Ngôi Con: “Hôm nay Ta đã sinh ra con”. Hôm nay là của Chúa, giây phút hiện tại này là vĩnh cửu. Lúc hấp hối, T. Teresa đã nói: “Tôi chỉ thấy giây phút hiện tại, quên hết quá khứ và cảnh giác tương lai”. Biết rằng, trong các bí tích, Thiên Chúa tự hiến cho ta một cách đặc biệt hơn, nhưng mọi khoảnh khắc hiện tại đều trao ban Thiên Chúa cho ta. Nên hiện tại, một cách nào đó, cũng là bí tích thường hằng, là dấu chỉ sự hiện hữu tiềm mặc của Thiên Chúa, nên mọi lãng phí thời gian đều là phạm thánh.

Chỉ có hiện tại nằm trong vòng tay của chúng ta, sẵn sàng giúp ta dàn trải tư tưởng và hành động trong cuộc sống, hầu cảm nhận nét bút kỳ diệu của Thiên Chúa trên những đường cong trong cuộc đời mình. Khi mời gọi chúng ta sống tỉnh thức, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống triệt để giây phút hiện tại, nghĩa là tập trung toàn bộ năng lực cho sự phát khởi cao đẹp nhất của một tư tưởng, một hành vi, một thái độ, một tâm tình, một phản ứng với tất cả sự đáp ứng tích cực. Như vậy sống tỉnh thức là sống phẩm chất cao nhất với tất cả sự ý thức của tâm hồn mình trong từng công việc, từng con người, từng hoàn cảnh.

Kinh nghiệm bản thân cho ta thấy rằng, nhiều lúc ta hiện hữu nhưng không hiện diện, hiện diện nhưng không hiện thực toàn tâm toàn ý với tất cả tình yêu thương. Thiếu sự hiện diện này ta sẽ cảm thấy trơ trọi với chính mình, với những bước đi hụt hẩng, nặng nề trong từng ngày theo Chúa. Để đạt tới sự hiện diện đích thực đòi hỏi một quá trình tu tập bản thân lâu dài. Nó là kết quả của sự chìm sâu trong cầu nguyện mỗi ngày. Có kinh nghiệm về sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, ta mới biết sống đích thực sự hiện diện của mình. Bởi đó, việc ưu tiên trong chương trình sống của chúng ta hằng ngày phải là: đong đầy tình yêu thương trong từng giây phút hiện tại đi qua trong đời.

3. Hai dụ ngôn về tỉnh thức

- Năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan (Mt 25, 1-13).

Khờ dại trong tiếng Hy Lạp là Môros. Thánh Matthêu cũng dùng tĩnh từ này khi nói về người xây nhà trên cát, ngụ ý nói tới người nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành (7, 26-27). Một lần khác (23, 17) Mt cũng dùng tính từ này để nói tới những người biệt phái câu nệ lề luật một cách vụn vặt không còn nhận ra cái gì là chính yếu trong bậc thang giá trị.

Kết hợp lại những điều trên thì khờ dại không phải là không biết điều mình phải làm, nhưng biết mà đã không làm. Nó diễn tả một cuộc sống thiếu ý thức và chỉ tìm an vị thoải mái cho bản thân mình, đưa đến một thái độ tiêu cực, hờ hững, khô khan, nguội lạnh và quên xót trong nhiệm vụ của mình. Đến lúc nguy kịch thì lại nhờ vả vào kẻ khác. Nhưng rồi tới lúc người khác không thể làm gì hơn cho mình được, có van nài cũng vô ích: “Các chị nên ra hàng mua thì hơn”. Van nài Chúa cũng vậy thôi: “Ta bảo thật, ta không biết các ngươi là ai”.

Khi người ta không biết tự cứu mình, nghĩa là không biết chuẩn bị cho mình điều tối cần thì Chúa cũng bó tay, bởi vì điều đó thuộc quyền tự do con người. Theo nghĩa đó thì ngày Chúa đến cũng không phải là điều bất ngờ. Bất ngờ là vì mình đã không sống điều mình phải sống, không có điều mình phải có. Đang khi đó thì ta lại cứ hướng đến những điều phụ thuộc: lo làm những cái không cần làm, lo có những cái không cần có. Chúa cũng đã trách Matta “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá, chỉ có mộ điều cần mà thôi”. Cần có những điều phụ thuộc để phát triển toàn diện đời sống làm người, nhưng nó phải qui hướng và hổ trợ cho một điều chính yếu duy nhất là sự sống đời đời của mỗi người chúng ta.

Còn từ khôn ngoan trong tiếng Hy Lạp là Phronimos. Matthêu dùng để nói về người xây nhà trên đá, nghĩa là đem Lời Chúa ra thực hành (x. 7, 24), và nói về người môn đệ Chúa Giêsu phải Phronimoi như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu (x. 10, 16), cũng nói về người đầy tớ tín trung và phronimos mà chủ đã đặt lên… (x. 24, 25).

Như vậy, khôn ngoan là vừa biết nhận định chính xác về sự việc, vừa kiên quyết thi hành. Đây không phải chỉ là phán đoán của lý trí nhưng sâu xa hơn còn là sự yêu mến của con tim. Chính vì thiếu tình yêu nên người ta dễ dàng sống chểnh mảng, ươn lười, đánh mất ý thức về biến cố lớn nhất trong cuộc đời mình. Chỉ khi ở trong tình yêu người ta mới biết phải hành động như thế nào và sống ra sao. Tình yêu chính là sức mạnh để thắng vượt sự ươn lười chểnh mảng, và là động lực sáng tạo để biết hành động cách khôn ngoan. Với trái tim yêu thương nồng thắm, người ta mới biết luôn tỉnh thức để đón đợi người yêu của mình.

- Dụ ngôn những nén bạc (Mt 25, 14-30).

Ông chủ đã chọn mặt gởi vàng, khi giao các nén bạc cho các tôi tớ. Ðiều ông quan tâm nhất không phải là khả năng chuyên môn, nhưng là nhân đức của người tôi tớ. Chính nhân đức mới quyết định thành bại cuộc đời. Điều quan trọng là họ phải có cái nhìn sáng suốt và đặt tất cả niềm tin tưởng nơi ông chủ. Với niềm tin đó, hai người đầu tiên đã trung thành và tích cực làm việc ngay cả khi ông chủ vắng mặt. Và rồi họ đã vui mừng biết bao ngày ông chủ trở về với phần thưởng lớn lao dành cho họ. Niềm vui tràn trề ! Vượt quá niềm tin và hi vọng, vì ai đã làm ra có thì đều được cho thêm.

Tiếc thay người tôi tớ thứ ba phải lãnh án bất hạnh chung thân. Một hoàn cảnh, hai số phận. Lý do thất bại thảm thương của anh ta trước tiên là cái nhìn về ông chủ, một ông chủ hà khắc “gặt nơi không gieo, thu nơi không phát”. Anh ta đa không khôn ngoan sáng suốt đủ để thấy một ông chủ trung tín và nhân hậu, nên đã không tin tưởng, dù ông chủ đã tin tưởng nơi anh ta. Lý do thứ hai có lẽ nằm ngay trong tính khí của anh ta, là một người lười lĩnh, muốn sống an nhàn, mà không có chút chí khí để nỗ lực vươn lên. Cuối cùng, anh ta đã mất tất cả, mất ngay những gì mình đang có.

Thật ra, giá trị cuộc đời không đo bằng số lượng của cải hay tài năng, nhưng bằng sự nhiệt tình và lòng trung thành. Giả sử người đầy tớ nhận một nén hoàn toàn hài lòng và hành động theo chỉ thị ông chủ, chắc chắn anh dư khả năng để hoàn thành nhiệm vụ, và cũng tràn ngập niềm vui như hai người kia khi ông chủ trở về. Thế nhưng, cái nhìn lệch lạc và tính khí tiêu cực của anh ta đã tạo nên một định mệnh oan nghiệt cho mình. Hậu quả này cũng chính vì nguyên do không tỉnh thức trong tư tưởng và hành động của mình.

4. Đặt lại vấn đề cuộc sống

Chúng ta hay đặt thành nhiều vấn đề cho cuộc sống, nên phải cứ lo toan và đối đầu không ngừng. Cuộc sống tự nó không phải là một vấn đề, vì bản chất của nó là một ân ban (x. Mt 6, 27). Điều khó khăn cho chúng ta là ôm đồm và lo lắng quá nhiều, đang khi đó chỉ có “một điều cần nhất mà thôi” (Lc 10, 42). Sự kiện chỉ là sự kiện, và nó chỉ trở nên hữu ích khi ta chấp nhận nó đúng với thực chất. Nỗi khổ chỉ nảy sinh từ việc ta chống cự lại với những sự kiện thực tế, khiến cho tiến trình cuộc sống bị ngăn trở. Phản ứng thế nào khi đứng trước những hoàn cảnh và biến cố mới là vấn đề.

Ta tưởng rằng mình quan trọng mới làm thành vấn đề. Chính cái “Tôi” được lý tưởng hóa nơi bản thân ta mới tạo ra các vấn đề, và từ đó gây ra xung khắc với chính mình, xung đột với người khác. Cho dù theo lẽ tự nhiên, có những vấn đề được đặt ra trước mắt, nhưng chúng không gay gắt như ta tưởng. Chỉ có cái “Tôi” mới làm nặng thêm cho những vấn đề mà đáng lẽ không như vậy.

Cứ hãy bình tâm nhìn lại chính mình, lột trần cái tham vọng của mình, để thấy mình chẳng có gì quan trọng, chẳng có gì để đặt thành vấn đề như mình tưởng. Cho dù có những kế hoạch tầm cỡ và những thành công lớn lao, cũng là chuyện bình thường phải có theo khả năng và trách nhiệm mình đã được trao ban. Thật ra, có ta cũng vậy, không có ta cũng thế. Nói vậy không phải phủ nhận sự hiện diện độc nhất vô nhị của mỗi người, nhưng cần hiểu rằng, tất cả đang xuôi theo giòng chảy và nhịp điệu của sự sống; tất cả đang nằm trong định hướng của Thiên Chúa và kế đồ quan phòng siêu vượt của Ngài. Có quan trọng chăng là mỗi người phải trở nên chính mình trong chương trình đó với tất cả sự tỉnh thức.

Tỉnh thức là cứ phải luôn cẩn trọng, vì mọi thứ đều có màu sắc của mắt kính mình mang. Phải để cho mình được nhìn trực tiếp, không qua lăng kính nào khác khiến cho thực tế bị biến dạng. Nếu phải nhìn qua lăng kính nào khác thì phải là lăng kính của đức tin, của lòng mến. Hơn nữa, cần phải để cho mình được sinh lại từng ngày với đôi mắt tâm hồn trong sáng, với cái nhìn đã khơi trong gạn đục.

Sống tỉnh thức là cứ phải tách mình ra khỏi những quan niệm trần tục, để dám suy nghĩ và hành động theo lương tâm, dưới ánh sáng Lời Chúa, dưới sự soi dẫn của Thánh Linh. Chỉ ai để cho mình sống trong Chúa và để cho Chúa sống trong mình, thì người đó mới có thể sống tỉnh thức cách cao độ. Đó cũng là cao độ cũng đức tin, của lòng mến và sự cậy trông.

Tóm lại, tỉnh thức chờ đợi là thái độ sống của Mùa Vọng. Tỉnh thức là sẵn sàng đón Chúa với đèn sáng trong tay. Tỉnh thức là trung tín chu toàn những điều bé nhỏ trong hiện tại. Tỉnh thức là tích cực đầu tư những nén bạc Chúa trao. Dĩ nhiên điều quan trọng hơn hết của tỉnh thức là đi đôi với cầu nguyện.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:26 03/12/2010
CÓ MẮT MÀ KHÔNG THẤY THÁI SƠN

N2T


Lỗ Ban là một thợ mộc nổi tiếng thời Xuân Thu, ông ta đã có thu nhận một lớp đồ đệ, vả lại cứ cách mỗi khoảng thời gian ông ta đều đào thải một số đồ đệ học không thành tài. Trong số các đồ đệ ấy có một thanh niên tên là Thái Sơn, nhìn anh ta thật là ngớ ngẫn, tài nghệ cũng không giỏi, Lỗ Ban vì bảo vệ danh dự của mình nên cho Thái San thôi việc.

Qua mấy năm sau, một hôm Lỗ Ban rong chơi trên đường, thì thấy trên những cửa hàng tạp hóa bày rất nhiều hàng mây tre tinh xảo đẹp đẽ, Lỗ Ban rất muốn gặp cao thủ làm hàng mây tre ấy, thế là đi hỏi thăm người ấy là ai, mọi người nói với ông ta đó chính là Thái San đồ đệ của thầy Lỗ Ban, Lỗ Ban rất kinh ngạc, thở dài nói:

- “Ái dà, ta thật là có mắt mà không thấy thái sơn”.

(Truyện truyền thuyết)

Suy tư:

Nếu sư phụ chỉ vì danh dự của mình, thì chắc chắn sẽ không thấy cái hay của học trò.

Nếu sư phụ chỉ biết coi trọng tài nghệ của mình, thì chắc chắn sẽ không thấy sự nổ lực của học trò.

Nếu sư phụ chỉ cái ngu dốt của học trò, thì chắc chắn sẽ không nhìn thấy cái giỏi của học trò mình.

Nếu sư phụ chỉ dạy vì tiền học phí, thì chắc chắn học trò sẽ không tiến bộ.


Sư phụ Lỗ Ban đã đuổi một học trò xuất chúng chỉ vì ông ta chỉ thấy cái ngu bên ngoài của Thái Sơn, mà không nhìn thấy cái tâm cố gắng của anh ta; Lỗ Ban chỉ yêu danh dự của mình mà không thấy cái tâm yêu nghề của Thái Sơn, nên đã khai trừ anh ta khỏi trường học của mình.

Nếu cha sở chỉ biết mình, thì chắc chắn ngài sẽ không biết ai trong giáo xứ của mình, bởi vì ngài không biết chia sẻ với tha nhân.

Nếu người Ki-tô hữu chỉ biết mình, thì chắc chắc Phúc Âm của Chúa Giê-su sẽ không thể vượt ra khỏi nơi mình ở.

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:28 03/12/2010
CHỦ NHẬT 2 MÙA VỌNG

Tin mừng: Mt 3, 1-12

“Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”.


Anh chị em thân mến,

Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do Thái nên ngài đã trích dẫn câu nói của tiên tri I-sai-a để chứng minh cho sứ vụ của thánh Gioan Tiền Hô: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” . Và thánh Gioan Tiền Hô đã đến, đến một cách công khai, kêu gọi mọi người chuẩn bị đường sá sạch sẽ đẹp đẽ để chờ đón Chúa Giê-su đến.

1. Càng danh vọng càng sám hối ?

Tất cả mọi người đều phải sám hối vì trước mặt Thiên Chúa không ai là người công chính.

Người ta thường cho rằng, người cần sám hối là những người tội lỗi ngập đầu ngập cổ, điều này rất đúng, đó là chuyện đương nhiên, nhưng người cần sám hối và tỉnh thức trước hết là những người lãnh nhận quá nhiều ân sủng của Thiên Chúa, tức là những người được gọi là công chính, những người được hưởng những ơn lành cao quý của Thiên Chúa qua thiên chức linh mục và ơn gọi tu sĩ. Những người này cần phải tỉnh thức và đấm ngực sám hối luôn luôn, bởi vì nếu không sám hối, nếu không tỉnh thức, thì họ sẽ ngủ mê trong quyền cao chức trọng, ngủ mê trong những thỏa mãn của mình.

Thánh Gioan Tiền Hô đã nghiêm khắc cảnh cáo những người Pha-ri-siêu và Sa-đốc là những người quyền cao chức trọng thời bấy giờ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối...” ngài đã kêu gọi tất cả mọi người hãy sám hối, nhưng cách đặc biệt mời gọi và chỉ trích thái độ kiêu căng tự cho mình là thầy dạy thiên hạ mà không chịu sám hối của người Pha-ri-siêu và Sa-đốc. Sám hối để được tha tội, và sám hối để được trở nên những người mong chờ ngày Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang.

Thủ lãnh thế gian không cần và không muốn sám hối vì họ không muốn chờ đón ngày Chúa Giê-su đến, nhưng những thủ lãnh của cộng đoàn dân Thiên Chúa thì cần phải sám hối và chuẩn bị luôn, bởi vì một mục tử biết sám hối thì cả cộng đoàn dân Thiên Chúa được hưởng ơn tha thứ và ơn thánh của Thiên Chúa, đó chính là hoa quả của lòng sám hối vậy.

2. Sám hối là chuẩn bị con đường cho Thiên Chúa đến.

Con đường, tự nó là sự kết nối giữa điểm nầy với điểm khác, nó cũng là sự hy vọng cho những người ở khắp nơi trên thế giới xích lại gần với nhau.

Chuẩn bị con đường cho Thiên Chúa đến cũng là chuẩn bị cho mình một con đường đến với Thiên Chúa ngay tại trần gian này, đó là con đường của sự sám hối noi gương của Chúa Giê-su trong hoang địa: ăn chay, cầu nguyện và luôn kết hợp với Cha trên trời.

Sám hối là quyết tâm sửa đổi những tính hư tật xấu của mình để phù hợp với tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su dạy; sám hối là quét sạch những kiêu căng, ghen ghét, ích kỷ, giận hờn trong tâm hồn chúng ta, bởi vì đó chính là những rác rưởi dơ bẩn cản ngăn ân sủng của Thiên Chúa đến với chúng ta...

Anh chị em thân mến,

Mỗi ngày chúng ta đều có sám hối và mỗi ngày chúng ta đều có phạm tội làm mất lòng Thiên Chúa, chính những tội lỗi ấy đã ngăn cản không cho người anh em chị em chúng ta đến với Thiên Chúa, và cũng làm cản trở bước chân của chúng ta đến với Ngài trong cuộc sống hôm nay.

Thánh Gioan Tiền Hô đã mời gọi chúng ta -tất cả mọi thành phần dân Thiên Chúa- phải sám hối không miễn trừ một ai, bởi vì chỉ có sám hối và quyết tâm hối cải, chúng ta mới đón nhận được ơn sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó chính là chuẩn bị con đường để Thiên Chúa đến vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:29 03/12/2010
THĂM QUÊ

Trước khi về thăm nhà, các linh mục quen biết, người thì gọi điện thoại đến, người thì trực tiếp gặp nói với cha:

- “Về Việt Nam tha hồ mà đi chơi, nhớ đi Hà nội, Phát Diệm chơi nhé, nhớ đi thăm cho hết các nơi ở Việt Nam nhé...”

Cha cười thầm trong bụng, bởi vì ngài về quê hương là để thăm anh chị em và các cháu, thăm người thân, để chia sẻ yêu thương tình cảm gia đình, chứ không phải về Việt Nam để đi chơi, đi du lịch...

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:31 03/12/2010
N2T


12. Cuộc sống của con người như cỏ dại, tất cả vinh quang của họ trong cuộc sống thì như hoa dại, nháy mắt liền rơi rụng.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Sứ điệp ''Dọn đường''
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
20:55 03/12/2010
Chúa Nhật Thứ II Mùa Vọng, Năm A

Hôm nay trong hoang địa, Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng kêu gọi mọi người cùng với ngài làm một việc cấp bách là hãy mở cho Đấng Cứu Thế một con đường thoáng đãng để Ngài đến với tâm hồn mình. Gioan đích thực là một MC đúng nghĩa của Đấng Cứu Thế. Không chỉ giới thiệu cho mọi người sứ điệp về Đấng Cứu Thế, Gioan còn sống và chết cho sứ điệp đó: sứ điệp dọn đường cho Chúa đến. Vậy dọn đường cho Chúa đến, cụ thể theo bài Tin mừng hôm nay, là làm những gì ?

1. Dọn đường cho Chúa đến trước hết là thực hành một lối sống tĩnh lặng:

Trước khi chuẩn bị cho dân chúng, Gioan đã chuẩn bị cho mình trước. Ngài đã chuẩn bị bằng cả cuộc đời của mình.

- Gioan chuẩn bị bằng những năm tháng dài sống trong hoang địa, trong sa mạc. Ngài được mệnh danh là con người của sa mạc, của cô tịch.

- Thời gian ở sa mạc là thời gian thanh luyện, thanh luyện con người của mình và cũng là thời gian học lắng nghe, lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe tiếng lòng.

Ngày hôm nay, trong bối cảnh của một xã hội đang chạy theo lối sống ồn ào náo nhiệt, chúng ta được mời gọi đi vào cô tịch tĩnh lặng để nhận ra những gì là quanh co ghồ ghề trong tâm hồn và nỗ lực uốn nắn sửa sang lại cho ngay. Trong bối cảnh của một thế giới đang quay cuồng tất bật với cuộc sống đời thường, chúng ta được gọi mời dành một góc nhỏ của cõi lòng để Chúa được hiện diện và làm bạn với chúng ta. Tôi có lắng nghe tiếng mời gọi vang vọng ấy của Gioan hay không ?

2. Dọn đường cho Chúa đến là thực hiện một thái độ sống khiêm tốn:

Gioan đã làm gương cho mọi người khi tự nguyện sống một cuộc đời rất từ tốn và khiêm hạ để cho Chúa được lớn lên.

- Khiêmỉ hạ trong cách ăn mặc: ăn châu chấu, uống mật ong, mặc áo da thú,… Toàn những thứ “hàng độc”, hàng không giống ai. Tóc tai râu ria cũng chẳng cắt chẳng cạo..… Chính vì thế mà ngài bị coi là con người rừng rú, con người hoang dã. Thậm chí ngài còn bị những người Biệt Phái cho là bị quỷ ám.

- Khiêm hạ trong tâm tình: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Gioan không bao giờ tự đề cao mình, nhưng đề cao Đấng Cứu Thế: “Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không xứng đáng xách dép cho Người” (Mt 3,11). Rõ ràng Gioan đã chấp nhận hòan toàn nhỏ lại để cho Chúa được lớn lên.

Gioan kêu gọi mọi người chúng ta hãy bạt mọi núi đồi cho bằng phẳng. Núi đồi của cái tôi kiêu căng, tự cao, tự mãn. Núi đồi của sự khoe khoang, thích đưa mình lên và hạ người khác xuống. Núi đồi của sự cậy chức cậy quyền, cậy thân cậy thế, v.v… Chỉ khi mọi núi đồi đó được san, được bạt cho phẳng thì Chúa mới có thể đến được trong tâm hồn mình. Tôi đã nổ lực để bạt, để san những đồi núi đó hay chưa ?

3. Dọn đường cho Chúa đến còn là thực thi một nếp sống khổ chế:

Gioan đã chấp nhận một nếp sống thanh bần, khổ hạnh và siêu thoát. Trong hoang địa, Gioan đã bằng lòng với cảnh thiếu thốn tư bề. Nếu nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay là không điện nước, không tivi, tủ lạnh; không máy điều hoà khi trời trưa nóng bức, không lò sưởi khi đêm về lạnh giá; không sách báo để đọc, không cà phê để nhâm nhi, không thuốc lá để phì phèo... Ngay cả cái tối thiểu là mùng mền gối chiếu để ngủ cũng không có. Ngài đã quen với cảnh màn trời chiếu đất. Sống với thiên nhiên, làm bạn với cỏ cây và muông thú…. Thanh thản và siêu thoát đến lạ thường ! Qua đó ngài học được thế nào là chết đi cho chính mình để chỉ sống cho Thiên Chúa và sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó.

Ngày nay, cuộc sống đã đổi thay nhiều. Chẳng ai lại muốn tự nguyện sống như Gioan, ngay cả những vị ẩn tu. Và có muốn đi nữa, chúng ta cũng không làm được như Gioan. Tuy nhiên tinh thần của Gioan vẫn còn rất thời sự: tinh thần sống thanh bần và siêu thoát, không quá lệ thuộc các tiện nghi vật chất.

Gioan kêu gọi chúng ta bồi lấp mọi vực thẳm, mọi hố sâu cho bằng: vực thẳm của lòng tham sân si, để biết nghĩ đến anh em; hố sâu của sự thụ hưởng, để Chúa có chổ đứng trong tâm hồn và trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta đang sống trong nếp sống nào ? Khổ hạnh, siêu thoát hay tham lam, ích kỷ và hưởng thụ ?

Lạy Chúa, giữa một dòng đời ồn ào náo động, xin cho con có những giây phút tỉnh lặng để được lòng kề lòng với Chúa. Giữa một dòng đời chỉ biết chạy theo danh vọng quyền lực, xin cho con biết trở nên khiêm nhường bé nhỏ, để cho Chúa được lớn lên và anh em được trân trọng. Giữa một dòng đời đang bị cuốn theo chủ nghĩa tiêu dùng và hưởng thụ, xin cho con biết sống thanh thoát để con biết san sẻ, biết cho đi cách quảng đại như Gioan Tiền Hô đã nêu gương. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Wikileaks sẽ tiết lộ những điện tín liên quan đến Vatican về an ninh quốc gia và tình báo
Phụng Nghi
07:56 03/12/2010
Washington D.C. (CNA/EWTN News).- Wikileaks dự định phổ biến hơn 800 điện văn ngoại giao của Hoa kỳ liên quan đến Tòa thánh Vatican.

Theo sự phân tích sơ khởi của thông tấn xã CNA về các dữ kiện thì nhiều điện văn này, trải dài trong khoảng thời gian 9 năm, từ 2001 đến 2010, liên quan đến các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo.

Tuy nhiên, có hơn 50 điện văn được cho là xuất xứ từ tòa đại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa thánh, liên quan đến các vấn đề tình báo, và 5 điện tín khác về các vấn đề an ninh quốc gia.

Những điện văn khác đề cập đến nội bộ Vatican và mối liên lạc của Tòa thánh với các quốc gia khác.

Thông tấn xã CNA đã liên lạc với sứ quán Mỹ cạnh Tòa thánh hôm 2 tháng 12 bằng điện thoại nhưng không được phúc đáp.

Tòa thánh chưa chính thức phản ứng về các thông tin bị rò rỉ này, nhưng nhật báo L’Osservatore Romano của Vatican nhấn mạnh rằng việc tiết lộ các bức điện tín đó không làm thay đổi những liên hệ ngoại giao giữa Mỹ và Tòa thánh.

Bradley Manning, chuyên viên tình báo của quân đội Mỹ, là một trong những người bị tình nghi đã tiết lộ các điện tín của Bộ Ngoại giao.

Tuy vậy, cựu cố vấn An ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski đã nói lên quan ngại là trong số những lời bình phẩm về các nhà lãnh đạo trên thế giới, một số các tiết lộ hình như nhằm để phục vụ cho những lợi ích riêng tư nào đó.

Ông phát biểu với chương trình News Hours của PBS hôm 29 tháng 11: “Nên đặt câu hỏi xem phải chăng Wikileaks có bị lợi dụng bởi những phe phái muốn làm cho mối liên hệ của chúng ta với các chính phủ khác thêm phức tạp hoặc muốn làm thiệt hại cho một số chính quyền nào đó. Bởi vì một số trong những vấn đề được nhấn mạnh, tỏ ra rất bén nhọn.

Không nghi ngờ rằng nhiều điện văn là do “các nguồn tin tương đối không quan trọng” cung cấp, nhưng ông tự hỏi xem có chăng việc các cơ quan tình báo cũng mớm tin cho Wikileaks để lợi dụng một “cơ hội hiếm có” nhằm thực hiện “những mục tiêu rất đặc biệt.”

Tuy trang mạng của Wikileaks chỉ mới công bố mấy trăm mật điện, nhưng tờ nhật báo The Guardian tại Luân đôn đã tiết lộ nơi phát xuất, ngày, giờ và chủ đề của tất cả các điện tín bị rò rỉ này, tổng cộng lên đến trên 250 ngàn.

Trong số hơn 800 điện văn liên quan đến Vatican, xếp thẻ “VT”, có 715 phát xuất từ sứ quán Mỹ tại Tòa thánh.

Thông tấn xã CNA đã nghiên cứu các dữ kiện về những điện văn này, thấy có hơn 400 nói về nhân quyền (mang thẻ “PHUM”, 245 về các vấn đề tự do tôn giáo (mang thẻ “KIRF”), hơn 20 về các vấn đề tị nạn, 16 về “nạn buôn người”, hàng chục điện văn về kỹ thuật sinh học, hàng chục khác liên quan đến khủng bố.

Có 62 điện văn mang thẻ “IZ”, có nghĩa là Iraq. Một số được gửi đi trong những tháng trước khi quân Mỹ đổ bộ lên Iraq năm 2003.

Ngày 20 tháng 3 năm 2001 có một điện văn từ tòa đại sứ tại Vatican được xếp thẻ “PROP”. Theo ngữ vựng do báo The Guardian cung cấp, chữ viết tắt này có nghĩa “Propaganda and Psychological Operations (Hoạt động Tuyên truyền và Tâm lý chiến).

Các điện văn từ các quốc gia khác gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ cũng được mang thẻ liên hệ tới Vatican. Đó là những điện tín từ các tòa đại sứ và lãnh sự Mỹ tại các nước như Trung quốc, Israel, Iraq, Venezuela và Việt nam. Những điện văn này thường được xếp loại liên quan đến các đề tài tự do tôn giáo và nhân quyền.

Hai điện văn gửi từ tòa Lãnh sự Mỹ ở Saigon được gửi ngày 31 tháng giêng và 1 tháng 2 năm 2008. Đây là thời gian có sự xung đột lớn giữa người Công giáo và chính phủ cộng sản Việt nam về những đất đai của giáo hội bị tịch thu. Một điện tín khác gửi đi từ tòa đại sứ Mỹ ở Hànội vào đầu tháng 10 năm 2007.

Ngoài ra còn những điện tín khác gửi cho Bộ Ngoại giáo Mỹ liên quan đến Vatican xuất xứ từ toà lãnh sự Hoa kỳ tại Hồng Kông và các sứ quán Mỹ tại Đức, Pháp, Ý, Phi luật tân, Lebanon và Colombia.

Ký giả James Ball hiện đang làm về dự án Wikileaks đã cho nhật báo The Telegraph tại Anh biết là một số điện tín liên quan đến Tòa thánh sẽ được tiết lộ “trong mấy tuần lễ sắp tới đây.”
 
Thằng đói vòi cơm
Linh Tiến Khải
15:43 03/12/2010
Ngày 23 tháng 11 vừa qua quân đội Bắc Hàn đã nã trọng pháo vào đảo Yeongpyeong của Nam Hàn, khiến cho 70 nhà của thường dân bị cháy, 2 binh sĩ Nam Hàn thiệt mạng, 16 người bị thương trong đó có 14 binh sĩ và có 3 người bị thương rất nặng. Dân chúng đã được di tản vào các hầm trú ẩn để tránh bom đạn. Binh sĩ Nam Hàn đã bắn trả và một phi đội không quân đã được phái tới để yểm trợ pháo binh. Vụ tấn công của Bắc Hàn đã xảy ra mươi hôm sau khi một khoa học gia Hoa Kỳ khám phá ra sự hiện diện của một trung tâm nguyên tử của Bắc Hàn tại Yongbyon.

Trong một cuộc họp khẩn cấp, tổng thống Lee Myung Bak của Nam Hàn đã tuyên bố rằng cần phải trả đũa để ngăn chặn các khiêu khích khác của chính quyền cộng sản Pyongyang. Ông đã ra lệnh cho quân lực Nam Hàn bỏ bom căn cứ hỏa tiễn của Bắc Hàn, nếu có các dấu hiệu khiêu khích mới.

Ông Ban Ki Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đã mạnh mẽ lên án cuộc tấn công nói trên và kêu gọi chính quyền hai miền Nam Bắc Hàn có thái độ hòa hoãn. Chính quyền Hoa Kỳ cũng mạnh mẽ lân án vụ tấn công và tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bầy tỏ phẫn nộ đối với vụ tấn công này. Ông tố cáo Bắc Hàn không tôn trọng các bổn phận đã cam kết đối với cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc là nước có liên hệ chặt chẽ với Bắc Hàn thì bầy tỏ ”lo ngại” đối với tình hình xảy ra giữa hai miền Bắc và Nam Hàn. Trong khi Thủ tướng Nhật Bản, ông Naoto Kan, đã ra lệnh cho các Bộ trưởng thu thập tin tức chính xác, và sẵn sàng đối phó với mọi bất ngờ có thể xảy ra.

Chính quyền Matscơva cũng đã cảnh cáo Nhà Nước Bằc Hàn đừng leo thang quân sự, vì tình trạng tồi tệ trong vùng là một nguy hiểm cần phải tránh né bằng mọi cách. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố: ”Điều đã xảy ra thật đáng trách, và ai đã khởi sự cuộc tấn công Nam Hàn phải lãnh các trách nhiệm nặng nề. Cần phải chặn đứng các tấn kích và khuyến khích tình hình lắng dịu”.

Với thái độ gian dối điêu ngoa cố hữu Nhà Nước cộng sản Bằc Hàn chối phắt, và ra thông cáo nói rằng đã chỉ bắn trả quân đội Nam Hàn. Từ hơn 50 năm qua chính quyền Pyongyang và chính quyền Seoul đều dành quyền kiểm soát hòn đảo này, và Bắc Hàn đã không bao giờ công nhận ranh giới được vạch ra sau khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc năm 1953. Trong các năm qua đã xảy ra ít nhất ba vụ đung độ giữa hải quân của hai bên, và lần cuối cùng là vào năm ngoái 2009.

Thật ra, các quan sát viên quốc tế cho rằng cuộc khiêu khích quân sự của Bằc Hàn là một thách đố nhắm tới Hoa Kỳ chứ không phải chỉ là việc khiêu khích Nam Hàn mà thôi. Đây là cuộc thánh thức nguyên tử đã kèo dài từ gần 20 năm qua và liên lụy tới ba tổng thống Mỹ Bill Clinton, George Bush và Barack Obama. Và đã không có vị nào thành công trong việc ngăn chặn nó qua các sáng kiến ngoại giao cũng như các cấm vận đối với Bằc Hàn. Thách đố do chính quyền cộng sản Bắc Hàn đưa ra giờ đây chỉ có tính cách quy ước: nã trọng pháo vào một hòn đảo nhỏ. Nhưng nó có thể bất chợt leo thang và vuột khỏi tầm kiểm soát của mọi phía. Nước cờ quân sự của Bắc Hàn là một hòn đá thăm dò, xem bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ đối với các đồng minh á châu có thật sự đáng tin cậy hay không. Việc Hoa Kỳ gửi chiến hạm tới vùng biển Nam Hàn là một câu trả lời biểu tượng, nhưng cũng là điều bắt buộc từ phía chính quyền Washington. Nó bắt buộc Nam Hàn phải nhanh chóng phản ứng, đồng thời nó cũng thử xem tương quan giữa chính quyền Bắc Kinh với chính quyền Hoa Kỳ chặt chẽ tới mức nào.

Á châu là vùng quan trọng đối với nền an ninh quốc tế, trong nghĩa nó bao gồm các yếu tố có thể gây ra các vụ đụng độ giữa các quốc gia. Phẩm trật cường quốc cũ đang gặp khủng hoảng. Nhật Bản đang suy yếu, trong khi Trung Quốc đang lên, và ảnh hưởng của Trung Quốc trải rộng trên nhiều lãnh vực quân sự cũng như kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh năng động kinh tế đó là sự giòn mỏng chính trị, vì khuynh hướng ái quốc gia tăng trong vùng. Các xung khắc bị đông lạnh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Nhưng vấn đề an ninh trong vùng Đông Á sẽ khó tìm ra giải pháp, nếu không có một thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, một thỏa hiệp mà cuộc khủng hoảng của Đại Hàn khiến trở thành khó khăn hơn sau khi xảy ra cuộc khủng hoàng kinh tế tài chánh vẫn còn đang kéo dài khắp nơi trên thế giới hiện nay. Trong thời điểm khó khăn này không nước nào muốn thấy cảnh chiến tranh hay leo thang quân sự.

Tuy nhiên, đối với nhiều chuyên viên theo dõi tình hình Bắc Hàn, vụ tấn công vừa qua của Nhà Nước cộng sản Pyongyang chẳng qua chỉ là kịch bản chiến thuật, mà cha con họ Kim đã đóng đi đóng lại nhuần nhuyễn trong hàng chục năm qua, để được nhận thêm viện trợ kinh tế. Thật thế, kể từ khi có nạn đói kéo dài 4 năm, từ 1994-1998, khiến cho 3 triệu dân Bắc Hàn phải chết, chính quyền cộng sản Pyongyang tiếp tục đốt hàng tỷ đô la, dốc đổ ngân qũy quốc gia vào việc chế tạo vũ khí hạt nhân và sống nhờ viện trợ của cộng đồng quốc tế và Nam Hàn, mà không biết xấu hổ. Và cứ mỗi khi cần thêm viện trợ kinh tế, là nhà nước cộng sản Bắc Hàn lại dở trò đem khí giới hạt nhân ra dọa dẫm cộng đồng quốc tế, dương đông kích tây và đóng kịch thằng đói vòi cơm. Được viện trợ rồi, thì lại im tiếng súng, nằm chờ cơn đói sắp tới. Thương thay cho người dân Bắc Hàn phải sống dưới ách thống trị của hàng lãnh đạo diên khùng như thế!
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà thần học
LM Trần Đức Anh OP
15:44 03/12/2010
VATICAN -. Hôm 3-12-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 30 thành viên của Ủy ban thần học quốc tế và ngài kêu gọi các nhà thần học luôn tăng cường quan hệ bản thân với chính Thiên Chúa.

Ủy ban thần học quốc tế vừa kết thúc khóa họp 5 ngày tại Vatican dưới quyền chủ tọa của ĐHY William Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, và cứu xét 3 đề tài quan trọng: trước tiên là vấn đề các nguyên tắc thần học, ý nghĩa và phương pháp; Thứ hai là vấn đề Thiên Chúa độc nhất trong tương quan với 3 tôn giáo độc thần; thứ ba là vấn đề hội nhập đạo lý xã hội của Hội Thánh trong khuôn khổ rộng lớn hơn của đạo lý Kitô.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc nhở rằng “Không có hệ thống thần học nào có thể tồn tại nếu không được thấm nhiễm bằng tình yêu đối với Đối Tượng thần linh của mình, nếu không được nuôi dưỡng bằng cuộc đối thoại,- tức là bằng sự tiếp nhận trong tâm trí của nhà thần học - với Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế. Ngoài ra, không có nền thần học nào xứng danh là thần học nếu không được hội nhập vào đời sống và suy tư của Giáo Hội qua không gian và thời gian”.

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC nói thêm rằng: ”Thần học luôn sống trong sự nối tiếp và đối thoại với các tín hữu và thần học gia đi trước chúng ta.. vì thế nhà thần học không bao giờ bắt đầu bằng số không, nhưng coi các Giáo Phụ và thần học của toàn thể truyền thống Kitô giáo như những bậc thầy của mình. Được ăn rễ nơi Thánh Kinh, được học với các Giáo Phụ và Tiến Sĩ, thần học có thể là một trường dạy sự thánh thiện, như chân phước Gioan Henry Newman đã chứng tỏ.”

Và ĐTC kết luận rằng ”Không thể có thần học gia trong sự biệt lập: các nhà thần học cần sứ vụ của các vị Mục Tử của Giáo Hội, cũng như Huấn Quyền của hội Thánh cần các nhà thần học chu toàn công tác của mình, với tất cả sự khổ chế đi kèm”. (SD 3-12-2010)
 
Đức Thánh Cha gọi người phụ tá là một “trinh nữ khôn ngoan và thận trọng”
Bùi Hữu Thư
15:57 03/12/2010
Ngài dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho linh hồn Manuela Camagni

VATICAN, ngày 2 tháng 12, 2010 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI gọi Manuela Camagni, một trong những phụ tá của ngài đã thiệt mạng tuần này vì bị đụng xe, là “một trinh nữ khôn ngoan và thận trọng,” là người luôn mang trên mình bình dầu cuả đức tin.

Đức Thánh Cha nói như vậy hôm nay trong một Thánh Lễ ngài dâng hôm nay tại Vatican để cầu nguyện cho sự an nghỉ của linh hồn bà Camagni, 56 tuổi, là một thành viên của Memores Domini và là một người trong toán phụ nữ chăm sóc các căn phòng của Đức Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha trình bầy là bà Camagni đang chuẩn bị ăn mừng ngày kỷ niệm 30 năm gia nhập cộng đoàn Memores Domini, nhưng việc ăn mừng này bị gián đoạn. Thay vào đó, Đức Thánh Cha nói, “chúng tôi đưa tiễn chị ấy đến nghĩa trang, chúng tôi hát mừng để xin cho các thiên thần tiễn đưa chị vào Thiên Đàng, chúng tôi hướng dẫn chị tới bữa tiệc tối hậu, bữa yến tiệc của Thiên Chúa, tới hôn lễ của Chiên Thiên Chúa.”

Ngài gọi bà Capmagni là "một trinh nữ khôn ngoan và thận trọng,” luôn mang đầy dầu trong ngọn đèn của mình, dầu cuả đức tin, một đức tin sống động, một đức tin được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, bằng việc đối thoại với Chúa, bằng việc suy ngẫm Lời Chúa, và bằng việc hiệp thông trong tình bạn hữu với Chúa Kitô.”

Ngài tiếp, "Đức tin của chị là đức ái, là tận hiến cho tha nhân, và sống trong việc phục vụ Thiên Chúa cho mọi người.”

Đức Thánh Cha tiếp, "Chúng tôi biết chị Manuel là một con người luôn được thấm nhuần bằng một niềm vui, niềm vui đến từ ký ức về Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI than phiền rằng con người “được tạo dựng cho niềm vui, nhưng chúng ta không còn biết là hoan lạc ở đâu nữa, và chúng ta phải tìm kiếm ở nhiều nơi khác nhau. Ngày nay chúng ta thấy việc tìm kiếm niềm vui ngày càng đi xa nguồn gốc đích thực, niềm vui chân chính. Lãng quên Thiên Chúa, là lãng quên ký ức chân thực cuả chúng ta.”

Đức Thánh Cha tiếp, "Tuy nhiên Manuela không phải là người đã đánh mất ký ức, chị sống trong ký ức sống động của Đấng Tạo Hóa. Trong niềm vui của mối tương quan này, được thấy sự trong suốt của Thiên Chúa trong mọi tạo vật, ngay cả trong những biến cố hàng ngày của đời sống chúng ta, chị hiểu được rằng niềm vui chỉ có thể đến được từ ký ức này."
 
Đức Thánh Cha kêu gọi chính phủ Costa Rica bài trừ tệ đoan xã hội
LM Trần Đức Anh OP
16:45 03/12/2010
VATICAN. Sáng ngày 3-12-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến tân đại sứ nước Costa Rica cạnh Tòa thánh, Ông Fernado Sanchez Campos, đến trình quốc thư. Ngài khích lệ nước này tiếp tục bài trừ các tệ đoan xã hội, nhất là nạn buôn bán ma túy và người trẻ phạm pháp.

Tân đại sứ Sanchez Campos năm nay 36 tuổi (1974), nguyên là một đại biểu quốc hội và là chủ tịch Ủy ban lập pháp của Costa Rica.

Trong diễn văn chào mừng ông tân đại sứ, ĐTC ca ngợi Costa Rica vốn được coi như một điểm tham chiếu hòa bình trước mặt cộng đồng quốc tế và ngài nói: ”Vì thế, điều quan trọng là những vị nắm giữ vận mạng quốc gia cần kiên trì trong quyết tâm bài trừ tệ nạn phạm pháp mà không bị trừng phạt, nạn pháp pháp của người trẻ, nạn trẻ em lao động, bất công, nạn buôn bán ma túy, đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh ở thành thị, cung cấp một nền giáo dục thích hợp cho trẻ em và người trẻ, quan tâm thích đáng tới các tù nhân và thực hiện kế hoạch săn sóc sức khỏe hữu hiệu cho mọi người dân, đặc biệt những người nghèo và người già”.

Theo ĐTC, ”Điều quan trọng là các thế hệ trẻ xác tín rằng các cuộc xung đột không thể chỉ giải quyết bằng võ lực, nhưng bằng cách hoán cải tâm hồn về sự thiệt và sự thật, chấm dứt tình trạng lầm than và nạn mù chữ, tăng cường chế độ pháp trị và củng cố sự độc lập cũng như hiệu năng của các tòa án”.

Costa Rica hiện có 4,3 triệu dân trong đó một nửa sống tại thủ đô San José. Quốc gia này vốn nổi tiếng về nền dân chủ bền vững, có truyền thống trung lập và thường làm trung gian giải quyết các cuộc xung đột ở Mỹ châu la tinh.

Costa Rica có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh từ năm 1850 và vị Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt (SD 3-12-2010)
 
Cập nhật hóa: Đức Thánh Cha mong đợi chiếc xe Giáo Hoàng chạy điện.
Bùi Hữu Thư
23:17 03/12/2010
VATICAN (CNS) – Một giới chức cao cấp của Vatican cho hay Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ vui mừng tiếp nhận một chiếc xe chạy điện popemobile như một dấu chỉ của sự cam kết cuả ngài đối với việc bảo vệ các nguyên liệu thiên nhiên và bảo toàn trái đất.

Đức Hồng Y Giovanni Lajolo, chủ tịch ủy ban điều hành quốc giáo và đô thị Vatican, nói nếu có người bảo trợ tặng cho Đức Thánh Cha một chiếc xe điện “còn chạy tốt, hữu hiệu và thích nghi, thì tại sao lại không nhận? Đó là dấu chỉ cuả ưu tư của ngài đối với môi trường thiên nhiên."

Đức Hồng Y và một số người khác trình bầy trong một buổi họp báo ngày 1 tháng 12 về một cuốn sách mới, “Năng Lượng Mặt Trời tại Vatican,” giải thích dự án dùng năng lượng mặt trời của Vatican.

Nhờ lòng quảng đại của công ty SolarWorld có văn phòng trung ương tại Bonn, Đức, Vatican thiết trí 2.400 tấm bảng thu năng lượng mặt trời trên nóc của sảnh đường Phaolô VI vào năm 2008, và năm 2009, Vatican thiết trí nhiều bộ thâu nhận ánh sáng mặt trời tối tân để giúp sưởi nóng và làm lạnh các tòa nhà của Tòa Thánh.

Một bản tin của văn phòng báo chí Vatican được phổ biến ngày 1 tháng 12 cho hay đã tránh được việc làm phát sinh khoảng 305 tấn hơi thán khí CO2 trong không khí.

Ông Pier Carlo Cuscianna, giám đốc các dịch vụ kỹ thuật cho đô thị Vatican, nói với các phóng viên báo chí là sẽ cung cấp cho Vatican một loạt xe chạy điện ở trạng thái “khá tối tân.”

Milan Nitzscke, Giám đốc truyền thông của SolarWorld, nói với các phóng viên là có thể biến xe popemobile thành xe chạy điện – và còn có thể dùng các bảng thâu năng lượng mặt trời nữa.

Ông nói: vì xe popemobile có trang bị các tấm thép chống đạn, xe sẽ nặng hơn đa số các xe chạy điện khác, “nhưng vẫn có thể làm được và đây sẽ là một biểu tượng rất tốt” để cổ võ cho ý thức và các ưu tư về môi sinh.”

Ông nói: Một chiếc xe popemobile chạy điện chỉ là một sáng kiến mới cho đến nay, và “chúng tôi phải thảo luận với Ban An Ninh của Vatican” để bảo đảm rằng xe sẽ được an toàn, đảm bảo và chạy nhanh.

Ông nói tiếp: Nhân viên an ninh cũng cần cho xe phải có khả năng “gia tăng tốc độ nhanh,” một chiếc xe chạy điện có thể từ 0 lên tới 62 dặm một giờ trong 3 giây rưỡi.

Ông Mauro Villarini, một kỹ sư của Vatican chịu trách nhiệm về dự án nói: Một dự án biomass dùng các rác rưởi vô cơ của vườn tược và các chất hữu cơ để tạo thành điện lực hay hơi nóng, tuy nhiên, vẫn còn ở trong giai đoạn nghiên cứu.

Vatican cho hay có dự tính sẽ sử dụng năng lượng tái sinh cho khoảng 20 % cuả nhu cầu Toà Thánh trước năm 2020, đó là mục tiêu về thời điểm do Thị Trường Chung Âu Châu ấn định cho các thành viên.
 
Top Stories
Corée du Sud: Alors que la tension s’intensifie entre les deux Corées, les chrétiens sud-coréens appellent à la conciliation
Eglises d'Asie
09:50 03/12/2010
Avec l’attaque le 23 novembre dernier par Pyongyang de l’île sud-coréenne de Yeonpyeong par des tirs d’obus dont 90 ont touché leur cible, tuant au moins 4 personnes, blessant une vingtaine d’habitants et détruisant de nombreux bâtiments, les deux Corées semblent vivre la période la plus critique de leur histoire depuis la signature de l’armistice de 1953.

Sur cette petite île située à quelque 13 km du territoire nord-coréen, dans un zone frontière maritime qui est l’objet de contestations entre les deux pays, les catholiques représentent un tiers des habitants (450 sur une population de 1 700 résidents). Lors des bombardements, ces derniers ont réussi à fuir par la mer avec leur curé le P. Kim Tae-heon et à gagner le port d’Incheon sur le continent. Si le prêtre se réjouit qu’« aucun de ses paroissiens n’ait été blessé », l’église de Yunpyong, unique lieu de culte catholique de l’île, a été totalement détruite. Interviewé le 30 novembre dernier par la radio de l’archidiocèse de Séoul, le P. Kim Tae-heon a raconté être revenu à Yeonpyeong, désertée depuis l’attaque, afin d’évaluer les dégâts. Il rapporte qu’à côté de l’église éventrée par deux obus et du presbytère également touché, la statue de la Vierge Marie a été étonnamment épargnée.

Mais selon le prêtre catholique, ses paroissiens ne sont pas près de revenir dans leur île, le climat de tension et les menaces réciproques entre les deux pays faisant craindre d’autres agressions. Un avis partagé par les experts de la péninsule coréenne, qui considèrent que cette dernière attaque de Pyongyang a fait franchir une étape décisive au régime stalinien dans l’escalade des provocations. Qu’il s’agisse d’obtenir, comme par le passé, des secours alimentaires pour une population minée par la famine (1) ou encore comme le pensent certains, de réaffermir un pouvoir vacillant, affaibli par la succession de Kim Jong-il, l’équilibre de cette région du monde paraît plus fragile que jamais.

Alors que la Corée du Nord vient de prévenir la communauté internationale qu’elle détient des moyens nucléaires importants, les Etats-Unis et la Corée du Sud qui ont mené d’impressionnants exercices militaires en mer Jaune du 28 novembre au 1er décembre, ont décidé de poursuivre leur démonstration de force « dissuasive». Selon le quotidien sud-coréen Chosun Ilbo, « les armées sud-coréennes et américaines seraient en train de préparer de nouvelles manoeuvres pour fin décembre afin de prévenir les provocations futures de la Corée du Nord ».

Les relations diplomatiques se sont également tendues avec la Chine qui a été mise à l’écart du sommet sur la crise coréenne qui se tiendra lundi 6 décembre prochain à Washington, où ne se rencontreront que les Etats-Unis et ses deux alliés sud-coréens et japonais. La Chine, l’un des rares soutiens du régime de Kim jong-il, et le seul Etat de la communauté internationale à n’avoir pas condamné le bombardement de Yeonpyeong, a fortement réagi en déclarant « avoir été critiquée injustement » après avoir « appelé au dialogue » (2).

A chacune des crises qui ont jalonné les relations intercoréennes de ces derniers mois, du torpillage de la corvette Cheonan (3) en mars à l’attaque du 23 novembre, la communauté chrétienne, catholique comme protestante, a réaffirmé sa volonté de privilégier le dialogue plutôt que la réponse militaire, mais surtout son intention de poursuivre les programmes d’aide et d’assistance à la population de Corée du Nord. Tout récemment encore, fin octobre, le comité des évêques (sud-)coréens pour la Réconciliation du peuple de Corée avait livré 50 tonnes de riz en Corée du Nord et Corea Peace 3000, une ONG interreligieuse, avait distribué 100 tonnes de farine. Pyongyang était pourtant sous le coup des sanctions prises par le gouvernement de Séoul ainsi que par la communauté internationale, à la suite de l’incident du Cheonan, sanctions qui comportaient entre autres, la suspension d’une grande partie des aides humanitaires dont le régime stalinien est aujourd’hui totalement dépendant (4). De précédentes sanctions économiques et financières avaient déjà été prises par le gouvernement de Lee Myung-bak qui, depuis son arrivée au pouvoir en 2008, s’est toujours montré partisan d’une politique de fermeté envers Pyongyang. A plusieurs reprises, il a rencontré sur ce sujet l’opposition de l’Eglise catholique et de divers mouvements religieux et humanitaires dénonçant le fait que les populations civiles risqueraient d’être les principales victimes du conflit politique.Après l’attaque de Yeonpyeong, l’Eglise et le gouvernement sud-coréen ont affiché les mêmes positions divergentes. « Les relations entre le Nord et le Sud se sont fortement dégradées sous notre actuel gouvernement... Le gouvernement de Corée du Sud devrait introduire le dialogue et faire un pas vers le Nord », a déclaré le 23 novembre, jour du bombardement, le P. John Kim Yong-hwan, chancelier du diocèse d’Incheon dont dépend l’île de Yeonpyeong. Quant au P. John Baptist Kim Hun-il, secrétaire exécutif du comité épiscopal sud-coréen pour la réconciliation, s’il a condamné « l’acte inhumain qui consiste à viser des civils et leurs habitations », il a également enjoint le gouvernement sud-coréen à stopper les tirs de représailles et à persuader par le dialogue la Corée du Nord de ne plus commettre de telles attaques.Mais cette vision conciliatrice ne semble pas faire l’unanimité au sein de la population sud-coréenne qui a multiplié depuis l’attaque, les manifestations de protestation ontre l’insuffisance de la réponse militaire du gouvernement de Lee Myung-Bak jusqu’à provoquer la démission du ministre de la défense Kim Tae-oung la semaine dernière.

« Les gens sont plus effrayés aujourd’hui car la menace nord-coréenne est devenue tangible dans leur esprit », a expliqué au quotidien La Croix, Howard Young, directeur de Radio for North Korea à Séoul, soulignant que la majorité de la population est née après la guerre et « redécouvre la réalité du danger[nord-coréen]» (5).
(1) Voir EDA 534
(2) Jeudi 2 décembre, les Etats-Unis ont exhorté Pékin à « exercer davantage de pression sur la Corée du Nord », précisant que la Chine s’était exclue de la table des négociations en opposant son veto à la condamnation de Pyongyang par le Conseil de sécurité de l’ONU, suite aux bombardements de Yeonpyeong et aux dernières révélations sur les activités nucléaires de la Corée du Nord. (3) La Chine avait proposé des « consultations d’urgence » avec les représentants des six pays impliqués dans le désarmement nucléaire de la Corée du Nord (les deux Corées, les Etats-Unis, le Japon, La Russie, la Chine), une initiative jugée « insuffisante » par les autres Etats et favorisant selon eux, le régime de Pyongyang.
(4) Le 26 mars 2010 un tir de missile a coulé une corvette militaire sud-coréenne, faisant 46 morts. Un torpillage dont la responsabilité a été imputée à Pyongyang, par une enquête internationale publiée en mai. La Corée du Nord, niant toute implication dans l’affaire, avait menacé de riposter militairement en réponse à ces « accusations mensongères ».
(5) Voir EDA 539. (6) La Croix, 28 novembre 2010; BBC News, 1er decembre 2010; Courrier International, 2 décembre 2010; Ucanews, 23 novembre, 1er décembre 2010.

(Source: Eglises d'Asie, 3 décembre 2010)
 
Bac Ninh, Vietnam: des centaines de paroissiens campent devant le siège des autorités provinciales de Thai Nguyên pour obtenir la restitution d’un terrain confisqué
Eglises d'Asie
09:51 03/12/2010
Depuis le 29 novembre, des centaines de paroissiens de la ville de Thai Nguyên, dans la province du même nom (nord-est du Vietnam), campent jour et nuit devant le siège du Comité populaire provincial. Des nattes sont étendues à même le sol pour la nuit et les repas sont préparés sur place. Le premier jour, la foule est venue avec des fleurs pour souhaiter la bienvenue au nouveau responsable communiste provincial, Pham Xuân Duong,. ..

... mais aussi – et c’est sans doute le motif principal – pour régler définitivement un problème de propriété et demander la restitution d’un terrain paroissial réquisitionné par l’Etat il y a plus de 24 ans. Aux dernières nouvelles, les catholiques de Thai Nguyên n’avaient toujours pas été reçus par le responsable provincial et ils attendaient toujours, bouquets de fleurs en main.

Le prêtre responsable de la paroisse, le P. Nguyên Duc Dai, dans un entretien avec un reporter de Radio Free Asia, a donné un certain nombre d’explications sur cette affaire. Le rendez-vous avec le secrétaire de la section communiste de la province avait été sollicité quinze jours auparavant par courrier. Lors de leur arrivée au siège du Comité populaire provincial, les paroissiens avaient exprimé le désir de rencontrer le nouveau responsable pour le féliciter de sa nomination et, par la même occasion, l’entretenir du problème existant entre la paroisse et les autorités provinciales.

Le prêtre a exposé succinctement l’affaire en question. En 1986, les autorités provinciales avaient réquisitionné un terrain de la paroisse. Il y a environ un an, une décision (QD1O9) du Comité populaire provincial avait orienté la solution de cette affaire vers la restitution à l’Eglise du terrain confisqué. Mais depuis lors et jusqu’à présent, cette décision, qui n’a pas été mise en bonne et due forme, ne peut donc être appliquée. Entre la paroisse et les autorités provinciales, il y a eu de nombreuses rencontres qui ont abouti à un accord. Le 27 août dernier, le Comité populaire de la ville a promis à un groupe de paroissiens de régler le problème avant le 30 août. Mais ensuite rien n’a été fait. De nombreux prétextes ont été avancés pour retarder la solution, comme par exemple la tenue d’un congrès du Parti communiste. C’est pour demander les raisons de ces atermoiements que les paroissiens attendent aujourd’hui de rencontrer le secrétaire du Parti communiste, qui détient les pouvoirs réels dans la province.

Quelque temps avant ce dernier épisode de l’affaire, une quinzaine de paroissiens, dont l’ensemble du conseil paroissial, avaient été reçus au Comité provincial pour y discuter du règlement de ce problème de terrain. Mais il ne fut répondu à aucune des demandes des catholiques. Le Comité provincial s’était contenté de publier un communiqué extrêmement vague et insatisfaisant.

Les paroissiens ont décidé de continuer leur manifestation jusqu’à l’obtention d’une réponse concrète. Ils exigent qu’il soit répondu à deux questions précises: « Comment va-t-on régler le problème ? », « Quand sera-t-il réglé ? ».

(1) Voir Radio Free Asia, 2 décembre 2010. http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hundreds-of-thai-nguyen-parishioners-to-gather-for-claiming-the-land-of-church-ml-12022010143704.html

(Source: Eglises d'Asie, 3 décembre 2010)
 
Vietnam: A propos du procès de béatification du cardinal F.-X. Nguyên Van Thuân
Eglises d'Asie
10:36 03/12/2010
Le 22 octobre 2010, le diocèse de Rome a ouvert officiellement le procès de béatification du cardinal vietnamien. François-Xavier Nguyên Van Thuân. Cette session d’ouverture était présidée par le cardinal Agostino Vallini, vicaire général du Souverain pontife pour le diocèse de Rome. Décédé à Rome le 16 septembre 2002 alors qu’il était en charge du Conseil pontifical ‘Justice et Paix’, le cardinal Thuân est, avec Mère Teresa et le pape Jean XXIII,. ..

... l’une des rares personnalités dont la cause de béatification ait été ouverte si peu de temps après sa mort. Cinq ans auront suffi. Au cinquième anniversaire de sa mort, au mois de septembre 2007, le pape Benoît XVI avait déclaré: « J’accueille avec une joie intime la nouvelle de l’ouverture de la cause de béatification de ce prophète incomparable de l’espérance chrétienne... » (voir EDA 470). Quelque temps plus tard, dans son encyclique Spe Salvi, parue le 30 novembre 2007, il avait évoqué assez longuement la figure de « l’inoubliable cardinal Nguyên Van Thuân » et l’avait cité (voir EDA 475).

Lors des cérémonies du 22 octobre dernier, le cardinal Agostino Vallini a prononcé un discours qu’il a bien voulu nous autoriser à faire paraître dans sa version française. Il retrace avec beaucoup de fidélité et de précision les grandes étapes de la vie du cardinal vietnamien. Les treize années de détention de Mgr Thuân sont, en particulier, décrits avec une particulière minutie, en s’appuyant sur les propres confidences de l’intéressé et sur les nombreux témoignages qui ont paru à ce sujet. Ce discours permettra au lecteur de suivre le parcours peu banal du cardinal et de faire connaissance avec cette personnalité qui a vécu sa foi chrétienne avec une intensité hors du commun dans l’histoire tourmentée du Vietnam au XXème siècle.

Messieurs les Cardinaux, chers frères dans l’épiscopat, éminentes autorités, mes chers frères et chères sœurs,

1. Dans l’Evangile selon saint Jean (12,24), on trouve: « En vérité, en vérité, je vous le dis, si le grain de blé qui est tombé en terre ne meurt, il reste seul; mais, s’il meurt, il porte beaucoup de fruit. » Jésus parle de lui, du mystère de douleur, de solitude, d’abandon, de la mort proche désormais. Il sait qu’en se remettant lui-même, anéanti et humilié, entre les mains de son Père, la mort devient source de vie, justement comme le grain qui se décompose dans la terre pour que la plante puisse germer.

Mais, en parlant du grain de blé, Jésus voulait rappeler aussi à ses disciples ce qu’il leur avait plusieurs fois annoncé: c’est-à-dire qu’imiter le Maître exige de se renier soi-même, de prendre sa croix chaque jour et de le suivre. C’est ainsi qu’il faut sauver sa propre vie (cf. Mc 8,35-36) dans la perspective évangélique du commandement nouveau: « Il n’y a pas de plus grand amour que de donner sa vie pour ses amis. » (Jn 15,13).

Cette référence évangélique me paraît être la clef d’interprétation de la vie du Serviteur de Dieu, le cardinal Nguyên Van Thuân, dont nous ouvrons aujourd’hui la cause de béatification et de canonisation dans cette session publique.

2. François-Xavier Nguyên Van Thuân est né le 17 avril 1928 à Huê, capitale du Vietnam impérial. Il descendait d’une famille de martyrs. Ses ancêtres furent victimes de nombreuses persécutions, de 1644 à 1888. Son arrière grand-père paternel lui racontait que, lorsqu’il avait 15 ans, il parcourait à pied chaque jour une trentaine de kilomètres pour apporter un peu de riz et de sel à son père, emprisonné parce que chrétien. Sa grand-mère, qui ne savait ni lire ni écrire, récitait chaque jour avec la famille le chapelet à l’intention des prêtres. Sa maman, Elisabeth, l’éleva chrétiennement, lui enseignant les histoires de la Bible, lui racontant les mémoires des martyrs de la famille et lui instillant en même temps l’amour de la patrie. François-Xavier n’oublia jamais combien sa famille avait souffert pour sa foi, et ce précieux héritage le fortifia, le préparant à affronter son « calvaire » futur comme un héritage inestimable. Formé à une vie spirituelle solide, il commença à voir la main de la Providence de Dieu en toute chose et à confier docilement sa vie à l’action de l’Esprit Saint. Le Serviteur de Dieu ressentit très tôt l’appel au sacerdoce, grâce à l’éducation familiale et à l’encouragement de son oncle prêtre, Ngo Dinh Thuc, devenu par la suite l’un des premiers évêques du Vietnam.

En août 1941, il entra au Petit Séminaire d’An Ninh où, avec joie et engagement, il vécut les premières étapes de sa formation au sacerdoce. Il connut des éducateurs pieux et bons, qui renforcèrent sa décision. Parmi eux, se détachent le recteur, le P. Jean-Baptiste Urrutia, de la Société des Missions Etrangères de Paris, futur vicaire apostolique de Huê, auquel le jeune Thuân resta toujours très lié, et le P. Jean-Marie Cressonnier, qui le renforça dans sa dévotion à la Vierge – à travers la spiritualité de Columba Marmion, bénédictin irlandais – et lui apporta le témoignage de la beauté d’une vie pauvre, en le préparant aux privations de son emprisonnement futur.

Dès lors, il choisit pour modèle de vie trois saints: sainte Thérèse de Lisieux, que sa maman lui avait déjà fait connaître lorsqu’il était enfant et dont il avait appris le « chemin de l’enfance spirituelle » et à avoir confiance dans la prière; saint Jean-Marie Vianney, qui lui avait enseigné les vertus d’humilité, de patience et la valeur de l’effort soutenu; et saint François Xavier, le grand apôtre de l’Asie, dont il apprit l’indifférence face au succès ou à l’échec.

Les années passées au Petit Séminaire (1941-1947) furent celles de la deuxième guerre mondiale, de l’avènement du communisme au Vietnam, de la fuite de la famille de la ville de Huê, de l’assassinat –par les communistes – de son oncle Khoi et de son cousin Huan accusés de trahison. Le jeune Thuân souffrit énormément, plein de colère face à l’injustice que subissait sa famille qui, au contraire, avait toujours servi fidèlement la patrie. Toutefois, il comprit qu’il ne pouvait suivre le Christ que s’il réussissait à pardonner à ses ennemis. Dans cette lutte intérieure tourmentée, il fut aidé par le témoignage courageux d’un prêtre jésuite mexicain, dont il avait lu la vie, le P. Miguel Agustín Pro (1891-1927), arrêté par la police mexicaine et qui, avait-il dit, « ne craignait rien car il avait remis sa vie entre les mains de Dieu une fois pour toutes ». Thuân comprit qu’il devait faire la même chose, de sorte que, lentement, il affronta les difficultés et reprit courage en s’efforçant d’adoucir l’intense douleur.

De 1947 à 1953, il étudia au Grand Séminaire de Phu Xuan. Pendant ces années, il considéra aussi l’hypothèse de devenir religieux; fasciné par la figure de saint François-Xavier, son patron, et du P. Pro, il pensa entrer chez les jésuites; attiré par la vie contemplative, il prit aussi en considération la possibilité de devenir bénédictin, mais en fin de compte il opta pour le sacerdoce diocésain, auquel il se prépara avec beaucoup de zèle et de sérieux.

3. Il fut ordonné prêtre le 11 juin 1953 par Mgr Urrutia, son ancien recteur. La joie qu’il ressentit en célébrant sa première messe fut telle qu’il ne put retenir ses larmes. Sa première destination pastorale fut la paroisse de Quang Binh, à 160 km environ de Huê où, toutefois, il ne put rester que quelques semaines à cause d’une forme grave de tuberculose. Il connut alors une période de vicissitudes, passant d’un hôpital à l’autre, dans l’attente d’une intervention chirurgicale au poumon droit. Lorsque fut venu le moment d’être opéré, il passa une dernière radiographie sur laquelle la maladie déclarée avait disparu: ses poumons étaient intacts, au point que le docteur de l’hôpital militaire Grall lui dit: « C’est incroyable ! Impossible de trouver une trace quelconque de tuberculose dans aucun des deux poumons... Vous êtes en bonne santé maintenant, et je ne trouve pas d’explication à ça ! » Don Thuân remercia Dieu et la Vierge de ce qui avait été accompli dans son corps et se proposa de toujours faire la volonté de Dieu.

Après une convalescence et une brève période pendant laquelle il assura divers petits ministères, il fut invité à Rome par Mgr Urrutia afin de perfectionner ses études. Il suivit les cours de l’Université Urbanienne, où il obtint un doctorat en droit canonique en 1959, avec une thèse sur l’organisation des aumôniers militaires dans le monde. De cette période, il se souvint toujours de son amour pour la Rome chrétienne et ses merveilleuses œuvres d’art, mais aussi des pèlerinages aux sanctuaires marials de Lourdes et de Fatima, où il put intérioriser encore davantage le message des apparitions de la Vierge. Les paroles que Marie avait adressées à Bernadette, à Lourdes, la troisième fois, le 18 février 1858: « Je ne te promets pas le bonheur dans ce monde, mais dans l’autre » résonnèrent dans son âme, et le jeune prêtre les garda dans son cœur, se préparant à accepter les tribulations et les souffrances que le Seigneur lui aurait envoyées. De retour au Vietnam, il enseigna en tant que professeur, puis fut nommé recteur du Petit Séminaire de Huê, à un moment très difficile pour son pays et sa famille, au plan social et politique. En effet, la famille du Serviteur de Dieu avait une place importante dans la politique du Vietnam. Son oncle Ngo Dinh Diem fut président du pays jusqu’au coup d’Etat militaire du 1er novembre 1963, à la suite duquel il fut tué. Thuân éprouva une douleur indicible et affronta cette nouvelle épreuve grâce à sa foi et surtout aux paroles de sa mère: « Ton oncle a consacré toute sa vie à son pays et il n’y a rien d’extraordinaire à ce qu’il soit mort pour lui. En tant que moine (il était oblat bénédictin et avait prononcé ses vœux en 1954 dans le monastère de Saint-André de Bruges, en Belgique), il a consacré toute sa vie à Dieu, et il n’y a rien d’étrange à ce qu’il soit mort lorsque Dieu l’a appelé. »

Entre temps, l’archidiocèse de Huê était resté sans pasteur; et le Conseil presbytéral appela don François-Xavier à assurer le poste de vicaire capitulaire.

4. Quatre ans plus tard, le 13 avril 1967, alors qu’il avait 39 ans, Mgr François-Xavier fut nommé évêque de Nha Trang. En apprenant la nouvelle, sa mère déclara: « Un prêtre est un prêtre. L’Eglise t’a honoré en te confiant une mission plus importante, mais tu es toujours la même personne. Tu es encore un prêtre, c’est ce qui est important et dont tu dois te souvenir. » Il fut consacré évêque le 24 juin suivant. A Nha Trang, il assura un intense ministère pastoral, approfondissant la pastorale des vocations et la formation des futurs prêtres. En huit ans, de 42 les séminaristes du Grand Séminaire passèrent à 147, et ceux du Petit Séminaire de 200 à 500. Il se consacra aussi largement à la formation des laïcs.

Moins d’un an après son élection à l’épiscopat, les communistes déclenchèrent une offensive pour conquérir plusieurs villes du Sud-Vietnam, parmi lesquelles Nha Trang. Cependant, l’apostolat du jeune évêque se poursuivait sans interruption; et même, il s’engagea avec générosité au niveau régional et universel également. En effet, il faisait partie de la commission chargée de former la Fédération des Conférences épiscopales d’Asie et, en 1971, il fut nommé consulteur du dicastère du Saint-Siège qui allait devenir plus tard le Conseil pontifical pour les laïcs. En outre, dans son pays, il fut nommé président du COREV, l’organisme chargé de la reconstruction du Vietnam, une émanation du Conseil pontifical Cor Unum ayant pour tâche d’aider les quelque quatre millions de réfugiés que la guerre avait entraînés.

5. Huit ans plus tard, alors que le Sud-Vietnam était entièrement envahi par les troupes communistes, en avril 1975 le pape Paul VI le nomma archevêque coadjuteur de Saigon (Thàn-Phô Chi Minh, Hô Chi Minh-Ville) avec le droit de succéder à Mgr Nguyên Van Binh. Une nomination qui allait avoir de terribles conséquences.

Quelques semaines seulement s’étaient écoulées depuis le début de son service pastoral à Saigon lorsqu’il fut arrêté, faussement accusé de « complot » pour le compte du Vatican et des impérialistes. C’était l’après-midi du 15 août 1975, fête de l’Assomption. L’archevêque n’avait sur lui que sa soutane et son chapelet. C’est à la lumière de la foi qu’il interpréta cette terrible épreuve, en s’efforçant de remplir d’amour sa vie de prisonnier.

Sa première prison fut à Nha Trang, son diocèse précédent, aux arrêts domiciliaires dans la paroisse de Cay Vong. Si le lieu lui était familier et lui permettait de garder un assez bon moral, il l’invitait aussi à entreprendre un voyage spirituel de purification intérieure et de dépouillement total de soi, qui allait durer pendant treize bonnes années, dont neuf passées en isolement complet.

Il ne demeura pas inactif dans cette nouvelle situation. Dès le mois d’octobre suivant, il commença à écrire une série de messages à la communauté chrétienne. Quang, un garçonnet de sept ans, lui procurait en cachette des petits bouts de papier pris dans de vieux calendriers, qu’il emportait ensuite chez lui afin que ses frères et ses sœurs puissent recopier les messages de l’évêque et les diffuser. Ces messages ont été rassemblés ensuite dans un livre intitulé Le chemin de l’espérance.

6. Il vécut sept mois dans la prison de Nha Trang, avant d’être transféré dans le camp de Phu Khanh et enfermé dans une cellule étroite et sans fenêtre. Il y resta neuf mois, sous la garde de geôliers cruels qui le maltraitaient à la moindre occasion. Ils n’avaient aucun respect pour lui et semblaient prendre plaisir à l’humilier. Mais ce n’est pas tout: bientôt, il connut la prison de haute sécurité, à l’isolement complet, sans aucun contact, pas même avec les gardiens. Un de ses biographes écrit: « Tout ce qu’il voyait, jour et nuit, c’était les quatre murs sales de sa cellule humide... Une ampoule pendait du plafond au bout d’un fil électrique usé, diffusant une sorte de vague lueur jaunâtre sur le local sordide où se tenait l’archevêque. Thuân dormait sur une surface rigide recouverte d’une natte en paille..., mais à cause de l’humidité extrême, celle-ci était recouverte de moisissures... Petit à petit, l’isolement commença à réaliser l’objectif visé par les geôliers. Le vide et le silence qui entouraient Thuân pendant des jours et des jours installaient la terreur dans son esprit. Privé de tout signe de présence humaine dans le voisinage, il aspirait ardemment à entendre des bruits, quels qu’ils soient... Ses gardiens faisaient aussi usage de l’obscurité pour le tourmenter. Sans aucun préavis ni aucune raison, la faible lueur de l’ampoule de la cellule était éteinte, parfois pendant plusieurs jours de suite, et Thuân ne savait plus si c’était le jour ou bien la nuit... Il avait l’impression de ne plus faire partie du monde des vivants... Le geôlier chargé de lui apporter sa nourriture ne parlait même plus: seule une main passait sous la porte pour retirer le plateau vide du repas et le remplacer par un autre » (cf. A. Nguyên Van Chau, Le miracle de l’espérance, Ed. Saint-Paul, 2004, pp. 226-227). Dans de telles conditions, on peut facilement imaginer les graves souffrances physiques liées aux conséquences des besoins naturels. Et le biographe de poursuivre: « La cellule était une véritable fournaise et, à cause de la proximité des latrines, une puanteur nauséabonde y régnait dans la chaleur estivale. Suffoquant à cause de l’humidité et du manque d’air, Thuân s’étendait sur le sol pour essayer de respirer un peu mieux... Il était presqu’impossible de bouger dans la minuscule cellule, mais Thuân avait conscience que s’il ne se forçait pas à bouger, il ne pourrait pas survivre. Aussi, commença-t-il à marcher en avant et en arrière, au point que, la chaleur suffocante de l’été le faisant transpirer abondamment, ses vêtements lui collaient à la peau. Après quelques minutes seulement, il devait s’étendre sur le sol et mettre son visage tout près de l’ouverture sous la porte pour tenter de respirer » (p. 228). Jusqu’à sa grande mémoire qui commençait à vaciller, de sorte qu’il ne parvenait même plus à se rappeler ses prières. Il était sur le bord de la folie. « Il n’avait plus ni faim ni sommeil. Il vomissait souvent et avait en permanence des vertiges et des douleurs dans tout le corps... Son esprit était vide pendant des périodes toujours plus longues » (p. 228).

Des fonctionnaires communistes lui rendaient régulièrement visite pour l’interroger et lui extorquer sa signature sur une déclaration où il admettait d’avoir comploté avec le Vatican et les impérialistes contre la révolution communiste. Face à son refus constant, ils le dénigraient jusqu’à l’obsession. Dans ces terribles conditions, le Serviteur de Dieu comprit qu’il pouvait offrir toutes ses douleurs et ses souffrances à Dieu en gage de son amour. Alors, sa cellule se transforma peu à peu en un endroit habitable, la douleur céda le pas à la joie et la souffrance devint source d’espérance.

Le 29 novembre 1976, le lundi après le premier dimanche de l’Avent, avec d’autres prisonniers il fut emmené, enchaîné, à 15 km de Saigon et, deux jours plus tard, embarqué sur un bateau avec 1 500 prisonniers pour lesquels il devint vite un bon samaritain, les réconfortant dans leur désespoir. Après dix jours de navigation, ils arrivèrent au camp d’emprisonnement de Vinh Quang, sur les monts de Vinh Dao, dans le Vietnam du Nord. Il fut assigné aux travaux agricoles et, les jours de pluie, il travaillait comme apprenti menuisier. Le milieu carcéral était moins cruel que le précédent, de sorte qu’il parvint à se faire envoyer du vin dans un flacon portant l’étiquette « Remède contre les maux d’estomac ». Il put ainsi commencer à célébrer la messe. L’Eucharistie devint le moment central de ses journées, où il pouvait puiser l’énergie nécessaire à renforcer sa foi et se laisser combler par la joie. Il célébrait la messe dans la paume de sa main, avec trois gouttes de vin et une goutte d’eau. A l’époque, profitant d’une certaine tolérance de la part de ses gardiens, il osa même se fabriquer une petite croix, qu’il conserva toujours jalousement.

Deux mois plus tard, il fut à nouveau transféré dans un autre camp à la périphérie de Hanoi, où il dut partager sa cellule avec un colonel du Front de Libération du Vietnam du Sud. Celui-ci était un espion chargé de rapporter tout ce que Thuân faisait et disait. Mais, lentement, ce compagnon de cellule devint son ami au point de lui conseiller une grande prudence. Les gardiens aussi eurent à son égard une attitude plus bienveillante. Ainsi, sur sa demande et après s’être assuré qu’il ne voulait pas se suicider, l’un d’eux lui procura un fil d’acier et une petite tenaille afin qu’il puisse façonner une chaîne pour sa croix pectorale.

Après quinze mois passés dans ce camp et grâce aux pressions internationales en sa faveur, le 13 mai 1978 il fut conduit dans un village à 20 km de Hanoi, Giang Xa, mis aux arrêts domiciliaires au presbytère de la paroisse, surveillé nuit et jour par un gardien et avec l’autorisation de bouger et de se promener, à condition de ne communiquer avec aucune des personnes vivant aux alentours qui, par ailleurs, avaient été opportunément avisées de se garder de lui. Lentement, Mgr Thuân se fit plus audacieux et entreprit quelque activité pastorale. Le gardien, qui était de son côté, permettait aux fidèles de venir le voir, parfois même en petits groupes. Mais tous ces mouvements éveillèrent les soupçons des autorités qui décidèrent de le placer à nouveau en isolement. De sorte que très tôt, le 5 novembre 1982, un fourgon du gouvernement vint le chercher pour le conduire dans une zone militaire, dans un appartement où il allait habiter avec un officier de police, sous la garde de deux geôliers. Pendant six ans, il vécut toujours en isolement dans une pièce, qui changeait souvent, d’une structure à l’autre. Mais Mgr Thuân ne craignait plus l’isolement: il s’était désormais abandonné totalement à Dieu. La messe qu’il célébrait chaque jour, à trois heures de l’après-midi, était suivie d’une heure de prière pour méditer l’agonie et la mort de Jésus sur la croix. Chaque fois, sa bonté faisait la conquête de ses gardiens, ce qui irritait les autorités supérieures. Il fut à nouveau transféré dans une prison de haute sécurité, dans une cellule en isolement total. L’aube de sa libération se leva le 21 novembre 1988, fête de la Présentation de la bienheureuse Vierge Marie. Treize années s’étaient écoulées.

7. Une fois libéré, les nouvelles les plus significatives de la vie de Mgr Thuân peuvent être résumées comme suit. En 1992, il fut nommé membre de la Commission catholique internationale pour les migrations, à Genève; en novembre 1994, il fut appeler à la vice-présidence du Conseil pontifical ‘Justice et Paix’, dont quatre ans plus tard, le 24 juin 1998, il devint président.

Comme on le sait, pendant le Carême de l’Année sainte 2000, il prêcha les exercices spirituels au Saint-Père Jean-Paul II et à la Curie romaine (1). A la fin de ces exercices, le pape déclara: « Je remercie le très cher Mgr François-Xavier Nguyên Van Thuân, qui, avec simplicité et inspiré par l’Esprit, nous a guidés pour approfondir notre vocation de témoins de l’espérance évangélique au début du troisième millénaire. Lui-même témoin de la croix pendant ses longues années d’emprisonnement au Vietnam, il nous a rapporté des faits et des épisodes de sa dure prison, en nous renforçant ainsi dans la certitude consolante que lorsque tout s’écroule autour de nous, et peut-être aussi au fond de nous, le Christ reste notre indéfectible soutien. »

Un an après avoir été nommé cardinal, il s’éteignit sereinement le 16 septembre 2002.

8. Le rappel, bien que sommaire, de la vie de ce grand témoin de la foi suscite beaucoup d’admiration. Je me suis demandé: quel a été le secret qui a permis au cardinal Nguyên Van Thuân d’affronter des épreuves aussi terribles ? Où donc a-t-il puisé la force intérieure pour surmonter les privations et les humiliations ? Et quelles sont ses caractéristiques les plus évidentes en tant que pasteur ?

En lisant sa biographie, j’ai été convaincu qu’une partie importante de son itinéraire spirituel doit être attribuée à l’éducation et au témoignage qu’il a reçus au sein de sa famille, en particulier de sa maman. Dans les moments sombres de sa prison, le Serviteur de Dieu se rapportait constamment aux enseignements qu’il avait eus, et à l’exemple des membres de sa famille qui n’avaient jamais reculé devant les menaces et les souffrances, affrontées avec une force toute chrétienne.

En outre, je suis enclin à penser qu’il a réussi à surmonter l’accablement et l’angoisse qui, maintes fois, ont failli le précipiter dans l’abîme du désespoir, parce qu’il s’accrochait de toutes ses forces à la Parole de Dieu et à l’Eucharistie, à l’école de laquelle il a calqué sa vie chaque jour.

Il n’avait pas pu emporter de bible dans sa prison. Aussi s’est-il ingénié à ramasser tous les petits bouts de papier qu’il trouvait pour en faire une sorte de petit agenda sur lequel il recopia plus de 300 phrases de l’Evangile. Ce singulier texte spirituel fut son vademecum quotidien, auquel il puisait lumière et force. Quant à l’Eucharistie, nous savons que, pour conserver le Très Saint Sacrement, il utilisait jusqu’au papier des paquets de cigarettes.

Un grand réconfort aussi lui a été apporté par son attachement au siège de Pierre et à la communion épiscopale auxquels il resta longtemps attaché. A Hanoi, pendant la prison de haute sécurité, une gardienne lui apporta un petit poisson qu’il aurait dû cuisiner, et qui était enveloppé dans deux pages de L’Osservatore Romano. Mgr Van Thuân prit le journal entre ses mains comme une relique. Sans se faire remarquer, il le lava, le fit sécher au soleil et le conserva jalousement. Dans le terrible isolement de sa prison, ces deux pages du quotidien du Saint-Siège constituaient le signe tangible exprimant son lien fidèle au Saint-Père.

9. Le Serviteur de Dieu était d’une intelligence hors du commun et possédait une grande facilité de parole et d’écriture. Cependant, il n’a été, à proprement parler, ni un intellectuel ni un écrivain. Sa vocation était celle d’un pasteur d’âmes. Son inactivité forcée – comme je l’ai dit plus haut – l’a contraint à écrire pour pouvoir continuer à paître son troupeau. Bien que ne pouvant exercer son ministère, son ardeur apostolique le poussait à essayer toutes les initiatives possibles pour annoncer l’Evangile. C’est ainsi que lorsqu’il était emprisonné, il réussit à fonder des petites communautés chrétiennes qui se retrouvaient pour prier ensemble, et surtout pour célébrer l’Eucharistie et, la nuit, lorsque c’était possible, il organisait des équipes d’adoration devant le Très Saint Sacrement. Après avoir été libéré, son activité pastorale intense – en compatibilité avec le travail du Conseil pontifical ‘Justice et Paix’ – le conduisit à poursuivre ses publications à caractère principalement spirituel.

10. A propos de la personnalité du cardinal Van Thuân, je ne peux pas ne pas parler d’un autre aspect des plus évidents: son amour pour les personnes, qui jaillissait de son cœur de pasteur.

Ceux qui l’approchaient restaient émerveillés par sa bonté, à commencer par ses geôliers, au point qu’une certaine fois, un chef de la police lui demanda d’enseigner aux agents les langues qu’il connaissait, de sorte que ses gardiens devinrent ses élèves.

Ce style d’amabilité a caractérisé sa vie tout entière. Un de ses biographes écrit: « Doux et souriant, le cardinal François-Xavier Nguyên Van Thuân accueillait toujours ses visiteurs en s’avançant vers eux, les bras tendus en signe de bienvenue... Il avait toujours une expression cordiale et rassurante. Avec lui, les personnes se sentaient à leur aise, tranquilles... Il parlait lentement, en choisissant ses mots avec une grande précision. Sa voix était douce, et sa façon de parler simple et éloquente. Il était évident que ses idées simples venaient d’une grande profondeur intérieure et, pour ceux qui l’écoutaient, ses mots constituaient une invitation à réfléchir, à faire un examen de conscience... Il savait donner très vite un sens nouveau à des événements d’apparence banale et normale et à ce qui est habituellement donné pour escompté, de manière à solliciter l’imagination et à encourager la contemplation » (André Nguyên Van Chau, Le miracle de l’espérance, Ed. Saint-Paul, 2004, p. 7).

11. Mais le cardinal Van Thuân a surtout été un témoin de l’espérance. Il a cru contre toute espérance, justement à cause des épreuves que le Seigneur a permis qu’elles lui arrivent. En parlant d’Abraham, dans son livre Les pèlerins sur le chemin de l’espérance, lui-même a écrit: « Toute sa vie (celle d’Abraham) a été une succession de difficultés. Et il a accompli aveuglement les commandements, soutenu par son espérance en Dieu, disposé à suivre Sa voix à tout moment et en tous lieux. « Espérant contre toute espérance, il crut » (Rm 4,18), comme le « père de tous ceux qui croiraient » (Rm 4,11) ». Il n’y a donc rien d’exagéré à dire que notre cardinal a été un digne disciple d’Abraham, non seulement en en imitant la solide espérance, mais aussi en transmettant et en consolidant cette vertu chez nombre de personnes, par son exemple, sa prédication et ses écrits. Il a pratiqué les vertus de l’espérance fortement enracinée dans la grâce et non les espérances terrestres caduques, en regardant au-delà du temps, sans se laisser abattre par les défaites apparentes de cette vie, avec le désir d’améliorer les réalités du monde ici-bas.

12. Dans sa mission d’apporter l’espérance, il faut enfin rappeler l’engagement du Serviteur de Dieu pour diffuser la doctrine sociale de l’Eglise et ses activités au sein du Conseil pontifical ‘Justice et Paix’. Il avait la conviction que l’une des tâches les plus urgentes et nécessaires de la société contemporaine était d’instiller en elle des graines de confiance, afin d’évaluer les phénomènes sociaux, y compris ceux négatifs, en tant qu’épreuves pour croître au plan humain et à celui surnaturel. C’est dans cette perspective que, pendant son mandat comme président du Conseil pontifical ‘Justice et Paix’, en 1999 le cardinal a promu la rédaction d’une synthèse éminente de l’enseignement de l’Eglise dans le domaine social, le Compendium de la doctrine sociale de l’Eglise, afin de mettre en relief le lien entre la doctrine sociale et la nouvelle évangélisation, si fortement désirée par le Souverain Pontife Jean-Paul II.

Il a écrit, dans Le chemin de l’espérance (n° 623): « La vraie révolution, celle qui pourra tout transformer, depuis le cœur insondable de l’homme jusqu’aux structures politiques, économiques et sociales, ne pourra pas se faire sans l’homme, ni sans Dieu. Elle se réalisera ‘pour l’homme, dans le Christ et avec Lui’.»

13. Je reste personnellement convaincu du caractère extraordinaire de la personnalité du cardinal François-Xavier Nguyên Van Thuân, chez qui la puissance de la grâce transformante a trouvé une nature humaine particulièrement douée et docile à être modelée et changée par l’action de l’Esprit Saint.

Je crois que ceux qui ont eu le bonheur de le connaître et de le fréquenter sont d’accord pour dire que le Serviteur de Dieu a été un véritable disciple de Jésus, qui a fait de l’imitation du Christ son unique raison de vie, qui a rapporté toute chose à Dieu, en sachant reconnaître dans chaque expérience la main providentielle du Seigneur. Dans la terrible désolation des années d’emprisonnement, il s’est ouvert au souffle léger et vivifiant de l’Esprit Saint. Dieu se manifestait à lui comme le Tout, et cela lui suffisait pour donner une nouvelle dimension au poids et à la souffrance de la privation de liberté et de sa dignité personnelle elle-même. Son extraordinaire expérience spirituelle reste pour nous un patrimoine des plus précieux.

Le grain de blé, mort en terre, a porté du fruit (…).

Agostino Card. Vallini
Vicaire général de Sa Sainteté pour le diocèse de Rome

(1) Le 15 décembre 1999, le recevant en audience, Jean-Paul II déclara: « La première année du troisième millénaire, les Exercices spirituels à la Curie romaine seront prêchés par un Vietnamien. » Et, le regardant intensément, le Saint-Père lui demanda: « Vous avez déjà un thème à l’esprit ? » Mgr Thuân répondit: « Saint-Père, laissez-moi vous dire ma surprise; je tombe des nues. Je pourrais peut-être parler de l’espérance. » Et le pape: « Apportez-nous votre témoignage! » Les Exercices spirituels commencèrent le 12 mars dans la chapelle Redemptoris Mater, au Vatican, et se terminèrent le 18 mars suivant.

(Source: Eglises d'Asie 3 décembre 2010
 
Papal Homily at Mass for Manuela Camagni
+Pope Benedict XVI
10:51 03/12/2010
"She Entered the Lord's Celebration as a Prudent and Wise Virgin"

VATICAN CITY, DEC. 2, 2010 (Zenit.org).- Here is a translation of the homily Benedict XVI delivered today in the Vatican's Pauline Chapel during a Mass for the repose of the soul of Manuela Camagni, 56, a member of the association of Memores Domini who formed part of a team of women who look after the papal apartments. She was killed last week in Rome when she was struck by a car.

Dear Brothers and Sisters,

In the last days of her life, our dear Manuela spoke of the fact that on Nov. 29 she would have belonged to the Memores Domini community for 30 years. And she said it with great joy, preparing herself -- that was the impression -- for an interior celebration of this 30-year journey toward the Lord, in communion with the friends of the Lord. The celebration, however, was other than the one foreseen: In fact, on Nov. 29 we took her to the cemetery, we sang that the angels might accompany her to paradise, we guided her to the definitive celebration, to the great celebration of God, to the marriage of the Lamb.

Thirty years journeying toward the Lord, entering the celebration of the Lord. Manuela was a "wise, prudent virgin," she carried oil in her lamp, the oil of faith, a lived faith, a faith nourished by prayer, by conversation with the Lord, by meditation on the Word of God, by communion in friendship with Christ. And this faith was hope, wisdom, and the certainty that faith opens the true future. And her faith was charity, giving herself to others, living in the service of the Lord for others. I personally must be grateful for her willingness to put forth her effort to work in my house, with this spirit of charity, of hope that comes from faith.

She entered the Lord's celebration as prudent and wise virgin, because she lived not in the superficiality of those who forget the grandeur of our vocation, but in the great vision of eternal life, and thus she was prepared for the Lord's arrival.

Thirty years Memores Domini. St. Bonaventure says the memory of the Creator is inscribed in the depths of our being. And precisely because this memory is inscribed in our being, we can recognize the Creator in his creation, we can remember him, see his traces in this cosmos created by him. St. Bonaventure says, moreover, that this memory of the Creator is not only a memory of the past because the source is present, it is also a memory of the presence of the Lord; it's also a memory of the future, because it is certain that we come from the goodness of God and are called to strive for the goodness of God. So an element of joy is present in this memory, the joy that our origin is in God and our call to strive for the great joy. And we know that Manuel was a person deeply penetrated with joy, that joy that comes from the memory of God.

But St. Bonaventure adds also that our memory, as all our existence, is wounded by sin: hence our memory is obscured, covered by other superficial memories, and we can no longer go beyond these other superficial memories, to get to the bottom, to the true memory that sustains our being. Hence, because of this forgetfulness of God, this forgetfulness of the essential memory, our joy is also covered, darkened. Yes, we know that we are created for joy, but we no longer know where joy is, and we seek it in different places. Today we see this desperate search for joy that increasingly moves away from its true source, the true joy. Forgetfulness of God, forgetfulness of our true memory: Manuela was not one who lost her memory, she lived in the living memory of the Creator. In the joy of his relationship, seeing the transparency of God in all creation, even in the daily events of our lives, she understood that joy comes from this memory.

Memores Domini. The Memores Domini know that Christ, on the eve of his Passion, renewed, and more than that, he elevated our memory. "Do this in memory of me," he said, and he thus gave us the memory of his presence, the memory of the gift of himself, of the gift of his Body and his Blood, and in this gift of his Body and Blood, in this gift of his infinite love, we come into contact once again with our memory of the stronger presence of God, his gift of himself. As a Memor Domini, Manuela experienced this living memory, which the Lord gives with his body, and thus renews our knowledge of God.

In the controversy with the Sadducees about the resurrection, the Lord says to those, who do not believe in it: but God calls himself "God of Abraham, of Isaac, of Jacob." The three are part of God's name, they are inscribed in God's name, they are in God's name, in God's memory, and so the Lord says: God is not a God of the dead, He is a God of the living and those who are part of the name of God, who live in memory of God are alive, unfortunately, we humans can retain only a shadow of people we loved in our memory. But the memory of God not only preserves the shadows, it is the origin of life: here the dead live, in His life and with His life they have entered the memory of God who is life. This is what the Lord says to us today: You are inscribed in God's name, you live in God with the true life, you live from the true source of life.

So, in this moment of sadness, we are consoled. And the liturgy renewed after the Council dares to teach us to sing "Alleluia" even in the Mass for the Dead. This is audacious! We feel above all the pain of the loss, we feel above all the absence, the past, but the liturgy knows that we are in the Body itself of Christ and that we live from the memory of God, which is our memory. In this intertwining of his memory and of our memory we are together, we are living. We pray to the Lord that we may feel increasingly this communion of memory, that our memory of God in Christ may become ever more alive, and thus be able to feel that our true life is in him and in him we all rest united. In this sense, we sing "Alleluia," certain that the Lord is life and his love is never ending. Amen.

[Source: Permalink: http://www.zenit.org/article-31144?l=english, Translation by ZENIT]
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cà chua ngăn ngừa loãng xương
Trầm Thiên Thu
21:03 03/12/2010
Sữa có thể có lợi cho cơ thể, giúp ngăn ngừa loãng xương – chứng bệnh mà các phụ nữ hậu mãn kinh hay bị. Bạn có thể chọn nước ép cà chua để dùng.

Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Toronto đã phát hiện chất lycopene (có trong cà chua, dưa hấu và đu đủ) có khả năng bảo vệ xương. Với 30 mg lycopene – tương đương 2 ly nước ép cà chua mỗi ngày – có thể làm tăng chất chống ô-xít hóa giúp bảo vệ tế bào.

Loãng xương thường gây nứt xương sống, cổ tay hoặc hông. Ở phụ nữ, khi mức estrogen giảm trong thời gian mãn kinh, xương yếu nhiều. Thuốc uống, liệu pháp thay thế hormone và liệu pháp physical đã được dùng để làm chậm quá trình yếu xương.

Leticia Rao, trưởng phòng nghiên cứu Calcium, cùng với Erin Mackinnon, đã nghiên cứu các phụ nữ mãn kinh tuổi từ 50–60. Các phụ nữ này mới đầu hạn chế dùng lycopene trong 1 tháng, họ có khuynh hướng yếu xương mau. Rồi họ được chia thành 4 nhóm. Một số người dùng nước ép, một số dùng dạng bổ sung. Dù dùng dạng nào thì xương cũng được bảo vệ.

TS Rao nói: “Chúng tôi chú ý đến cà chua vì nó chứa lycopene, chất đã được phát hiện là có thể ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt, tim mạch và ung thư vú”. Vì quá trình ôxít hóa liên quan lão hóa, có thể chất chống ôxít hóa, như lycopene, có thể giúp ngăn ngừa loãng xương.

Bà Rao nói thêm: “Chúng tôi đã nghiên cứu các viên lycopene, nước ép cà chua và nước ép chứa gấp đôi lượng lycopene, chúng tôi thấy rằng dùng dạng nào cũng được, không thành vấn đề, đều có khả năng ngăn ngừa loãng xương.

Lycopene có vẻ ngăn ngừa quá trình lãong xương, nhưng có thể sửa lại phần xương bị tổn thương? Chúng tôi đã nghiên cứu riêng về các tế bào tạo xương. Chúng tôi cho các tế bào này tiếp xúc với việc ôxít hóa ở dạng hydrogen peroxide rồi thêm lycopene vô. Quá trình tổn thương được đảo ngược. Chúng tôi cũng thấy rằng lycopene hoạt động như chất bảo vệ khi được dùng lần đầu.

TS Rao và các cộng sự hy vọng rằng cuộc nghiên cứu của họ sẽ thuyết phục các phụ nữ bổ sung cần thiết để ngăn ngừa loãng xương. Bà hy vọng các phụ nữ loãng xương nào không dùng thuốc thì sẽ dùng lycopene ở dạng tự nhiên. Viên lycopene rất tốt cho các phụ nữ dị ứng với cà chua. Tuy nhiên, không vì vậy mà bỏ qua calcium và vitamin D.

TS Rao nói: “Các phụ nữ cần calcium và vitamin D. Calcium không thể được hấp thu nếu bạn thiếu vitamin D”.

TS Rao cảnh báo: “Loãng xương là căn bệnh thầm lặng. Nhiều phụ nữ không biết mình bị bệnh cho đến lúc bị nứt xương, lúc đó thì muộn rồi”.

(chuyển ngữ từ Aolhealth.com)
 
Tin Đáng Chú Ý
Lọai ớt hiểm bậc nhất thế giới ''làm tróc cả sơn''
Brett Michael Dykes
20:17 03/12/2010
Các cao thủ chuyên tranh tài ăn thực phẩm cay nóng hơn người hiện đang phải chẩn bị tinh thần cho một cuộc trắc nghiệm hoàn toàn mới lạ về sự bạo dạn trong căn uống của mình với một loại ớt hiểm vào bậc nhất trên thế giới,.

Đúng vậy, Viper Naga chính là tên của loại ớt vừa được tôn vinh với danh hiệu là loại ớt hiểm bậc nhất trên thế giới, bỏ xa loại ớt hiểm tiền nhiệm của nó là Bhut Jolokia, còn gọi là "ớt ma" tới hơn 300,000 ( ba trăm ngàn) điểm trên thang bậc Scoville nổi tiếng về độ cay phỏng lưỡi của các loại ớt hiểm. Các chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Warwick đả thử nghiệm loại ớt Viper Naga và thấy rằng nó nằm ở bậc điểm 1,359,000 ( một triệu ba trăm năm mươi chín ngàn) trên thang điểm Scoville chuyên lượng giá độ nóng bằng cách theo dõi sự hiện diện của một hợp chất hóa học. Đem so sánh thì thấy hầu hết các loại ớt jalapeño(vẫn được coi là cay nóng nhất) chỉ nằm trong khoảng 2,500 đến 5,000(2 đến 5 ngàn)- - nhẹ hơn gấp 270 lần so với ớt Viper Naga.

Rất có thể quý độc giả nghĩ rằng ớt Viper Naga được chào đời từ những địa danh vốn có nhu cầu về thực phẩm cay nóng cao độ như ở Mễ Tây Cơ hay Ấn Độ, nhưng thật ra loại ớt mới này là tác phẩm của ông Gerald Fowler, một nông dân chuyên trồng ớt hiểm và là chủ quán rượu người Anh, người đã cho lai giống ba loại ớt cay nóng nhất mà con người từng biết đến- gồm cả ớt Bhut Jolokia - để tạo ra ớt quái vật Frankenstein-của mình.

"Ăn ớt này vào thấy đau đớn lắm," ông Fowler nói với tờ báo Daily Mail như vậy. "Nó nóng đến nỗi có thể tróc cả lớp sơn mà." Thật vậy, tờ Daily Mail tường thuật rằng các chuyên gia nghiên cứu quốc phòng đã điều tra xem có thể sử dụng tiềm năng của ớt này như là một thứ vũ khí.

Nhưng ông Fowler - người cho khách hàng ký tên vào bản xác nhận về tình trạng lành mạnh về trí tuệ lẫn thể xác trước khi muốn ăn thử món cà ri ớt Naga Viper - đã khẳng định rằng việc tiêu thụ loại ớt hiểm này tốt cho cơ thể.

"Nó sẽ làm cho lưỡi quý vị tê dại, sau đó là thấy nóng ran xuống tuốt bên dưới" ông cảnh giác nhà báo. "Cảm giác này có thể kéo dài hàng giờ, và quý vị chằng còn muốn nói chuyện với bất cứ ai hoặc làm bất cứ điều gì. Nhưng đó lại là một luồng endorphin kỳ diệu.. Nó làm cho bạn cảm thấy thật tuyệt vời."
 
Văn Hóa
Nên một
Trầm Thiên Thu
21:05 03/12/2010
Chỉ có một Thiên Chúa

Chỉ có một Đức Tin

Chỉ có một Phép Rửa

Một Tấm Bánh cùng ăn

.

Đó là tình hiệp nhất

Như Cha, Con, Thánh Thần

Tình yêu không phân biệt

Cao, thấp hay sang, hèn

.

Nếu Thiên Chúa chấp tội

Ai được cứu độ đâu

Con người ai cũng xấu

Sao hoài chấp lách nhau?

.

Giáo hội là duy nhất

Mẹ thánh thiện, nhân hiền

Tình mệnh danh công giáo

Trước sau vẫn tông truyền

.

Xin Chúa giúp nên một

Hết tất cả chúng nhân

Dạy chúng con tha thứ

Như Lời Chúa dạy khuyên
 
Chuyện Phiếm Đạo Đời
Trần Ngọc Mười Hai
23:43 03/12/2010
Chuyện Phiếm Đạo Đời

“Chiều nay sao dâng nhanh mầu tím

Và mây, bay theo nhau về bến.

Thuyền cắm tay sào từ cuối thu,

ngoài kia sông nước đón chờ…”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh - Chuyển Bến)

(Lc 20: 32)

Cũng một chiều, sao rất “dâng nhanh mầu tím”, bần đạo vội bước lên xe, để “theo nhau bay về bến”. Nhưng, bến ở đây là bến bờ của nhà thờ xứ đạo nhỏ, dự Tiệc Thánh. Điều cần nói, là: bần đạo có thói tật cứ mỗi lần dự Tiệc Thánh là hay lanh chanh/xục xạo tìm bài chú giải kinh thánh của ngày lễ, mà niệm suy. Nhờ xục xạo, bần đạo gặp được mảnh vụn niệm suy do đấng bậc nào đó, bỏ lại.

Tuy gọi là mảnh vụn những suy và niệm, nhưng chừng như đấng bậc dẫn giải kinh thánh hôm ấy đã có đoạn nhập mục làm nức lòng người suy, như sau:

“Nhà tỷ phú nọ, có một lần bị lên cơn nhồi máu cơ tim, tưởng đã chết. Khi tỉnh lại, ông được đài truyền hình địa phương mời xuất hiện trong chương trình gọi là “Chuyện Trò Cùng Chúng Dân” để nghe ông kể nỗi niềm của một người vừa trở về từ cõi chết. Có một lúc, phóng viên hỏi: “Ông có kinh nghiệm gì về nỗi chết sau khi lại được sống không, thưa ông?” Nghe hỏi, nhà tỷ phú trên bèn đứng dậy làm động tác đi đi lại lại, rồi nói nhỏ: Theo y học hiện đại, tôi như người đã chết, từng ra đi về phía bên kia cuộc sống, nay trở về phía bên này cuộc đời, để nói với quý vị ở đây một điều, là: ở bên đó, sau cuộc sống, chẳng có gì! Chết, là hết. Hết sống. Hết tương lai. Mai ngày. Chẳng có gì đáng để ta gọi là sự sống mới. Chẳng có gì là sự sống lại, hết!”

Điều mà nhà tỷ phủ nói, thoạt nghe tưởng như có cái gì đó rất mới lạ. Nghe cho đỡ sầu buồn. Nhưng kỳ thực, ông cũng chỉ lập lại câu nói của ai đó. Chừng như, của phi hành gia Sô Viết Yuri Gagarine hôm trước, cũng phân bua: “Ở trên đó, chốn trời cao, tôi nào thấy có Thiên đường!”

Thật ra, làm sao các vị ở trên lại có thể thấy thiên đường hay tiên cảnh tương lai của sự sống, rất mai ngày hay chốn trời cao xanh ấy nếu chẳng có chút gì gọi là có niềm tin vững chãi vào Đấng là Sự Thật, là Đường và là Sự Sống.

Bởi, nếu đã tin, hẳn các ngài sẽ còn nhớ rất rõ Lời Chúa từng xác quyết là: sự sống vẫn kéo dài, cả khi con người nằm xuống. Lời Ngài rõ như ban ngày:

“Quả thật,

Con người không thể chết nữa,

vì được ngang hàng với các thiên thần.

Họ là con cái Thi ên Chúa,

vì là con cái sự sống lại.”

(Lc 20: 32)

Cũng trong tờ “Bản Tin Giáo Xứ” hôm ấy, bần đạo còn được đọc một mẩu tin hiếm có thấy xuất hiện trên hệ thống truyền thông ở ngoài đời, như sau: “Văn phòng Phụ trách Hôn nhân và Đời sống thuộc Tổng Giáo Phận Sydney vừa cho xuất bản tập sách mỏng có tựa đề “Sống Ngày Của Chúa”. Sách này vừa đến với giáo xứ ta, tuần rồi. Xin bà con đọc kỹ tập sách này rồi tiếp xúc với dân biểu thuộc khu vực bầu cử của mình để phản chống Đảng Xanh vẫn cứ muốn thông qua luật An Tử, ở thượng viện.”

Về an tử, trợ tử hay quyền tự chọn cho mình cái chết bình thản có sự trợ giúp của y khoa, vẫn là những trăn trở của những người có nếp sống văn minh phương Tây, về sự sống. Những người ấy vẫn mê say cuộc sống rất xô bồ. Ồ ạt. Vô nghĩa.

Nói như lời của nhà thơ và người đặt nhạc ở trên, hẳn ta sẽ hát:

“Thuyền ơi! Sao mê say nhiều quá?

Đường mê, không ai ngăn cản lối.

Một sớm, thu về chuyển bến xuối,

Về nơi đâu nữa Trời, bến nao?”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Thuyền và bến, với nhà thơ và người đặt nhạc, thì như thế. Những là bến bờ của đời người. Chí ít, là những người tật nguyền, bệnh tật, rất nan y. Tức, những người đang lo âu. Âu sầu. Khắc khoải. Âu sầu và khắc khoải, rồi tự hỏi: đâu là hành xử đúng với đạo đức/chức năng của con người? Hỏi rồi, lại tự nhắn mình/nhắn người bằng câu hát:

“Còn đêm nay nữa, ta ngồi với nhau.

Ngước mắt trông Trời

Ngày mai anh đã đi xa rồi,

Tình tan vỡ.

Chìm trong lãng quên.”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Đời người, tuy dài mà lại vắn. Rồi cũng đến lúc ta sẽ lại “ngước mắt trông Trời”. Cũng đến lúc, tình rồi vỡ tan. Chìm trong lãng quên. Duy có tình người. Và tình Chúa thương yêu, sẽ mãi mãi sống dài, đến vô tận. Thế nhưng, người tật nguyền/bệnh tật rất nan y, có được lòng tự quyết định cuộc đời mình vẫn cứ là vấn đề dù không biết rằng mai ngày người anh/người chị ấy sẽ đi vào chốn lãng quên. Triền miên. Không thao thức. Lãng quên. Để rồi, vẫn níu kéo người ở lại là bọn tôi, hát thêm câu:

“Thuyền anh, mai ra đi rời bến.

Mình anh, ra đi nơi Trời Sáng.

Tìm hướng cho long tìm bến mơ,

Từ nay xa cách rồi. Bến Xưa.”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Bến cũ. Bến xưa. Hay nay vừa chuyển bến, thì đời mình và đời người vẫn như thế. Vẫn có bến có bờ để ra đi. Và hôm nay, có những tình huống trong đó người anh/người chị của ta có thể là chưa thấy được bến bờ mình sẽ đến, nhưng vẫn ra đi. Ra đi, có sự trợ giúp của xã hội. Luật pháp của người đời. Ra đi, mà lòng rất buồn. Buồn tê tái. Cứ là nghĩ mãi về một bến bờ, rất mơ. Nay cách biệt.

Bến mơ hay bến xưa, nay là đề tài để những người ở lại như bọn tôi, và bọn mình, cứ thế mà bàn bạc. Tranh cãi. Cãi và bàn xong còn đem nhau ra trước nghị viện, để đấu tranh. Bầu bán. Dù, việc ấy chỉ liên quan đến toà án, rất lương tâm. Mà thôi.

Về lương tâm, khi định đoạt việc gì cũng đòi bọn tôi với bọn mình, phải suy đi nghĩ lại, cho chín muồi. Vậy thì, đề tài “An tử” hay “Trợ tử”, nay chuẩn chưa? Hay chưa chắc đã hợp lòng Trời. Lòng người?

Để trả lời, có lẽ cũng chẳng nên tìm đến những bến bờ có cãi tranh. Ngụy biện. Của, các đảng phái chính trị nào đó. Bởi, bến bờ Sự Sống đời này, người ta (tức người và ta) đâu cần cãi vã. Ganh Đua. Cứ, tranh giành xem ai phải, ai trái. Đảng nào thắng, đảng nào thua.

Hãy tìm đến với tình tự của những người từng được dặn dò bảo ban. Hãy an nhàn tự tại mà tìm hiểu. Hỏi han. Nhận thức. Như, nhận thức của tổng biên tập tờ Disability and Health Journal, bà Suzanne McDermott, giáo sư Đại học Y Khoa Bang South Carolina, đã từng viết.

Ban đầu, giáo sư McDermott tin rằng các tự sát có trợ giúp như thế, chỉ là vấn đề cá nhân, riêng lẻ. Nhưng cuối cùng, bà nhận định rằng sự việc như thế nằm ngay tâm can của phong trào đòi quyền lợi cho người tật nguyền.

Có lần, bà nói: “Hầu như mọi người khi đạt đến giai đoạn cuối của cuộc đời, đều được liệt kê vào danh sách ‘tật nguyền’. Xem thế thì, thực hiện tự sát có trợ giúp bằng cách nào đó, đã đem lại cái chết cho các vị bị tật nguyền.”

Sở dĩ tác giả đề cập vấn đề này là để đáp ứng quyết định từng gây tranh cãi năm 2008 do việc Hiệp Hội Y Tế Công Cộng Hoa Kỳ (gọi tắt là APHA) hỗ trợ cho đề tài mà họ gọi “Giúp Cho Chết Dần Chết Mòn” (tức: tự sát có giúp đỡ/tiếp tay). Đề tài này đã đi vào hệ thống bắt sóng của truyền thông đại chúng. Nhưng, điều đó có nghĩa rằng: theo chính sách của các cơ quan “kỳ cựu, to lớn, có tầm hoạt động rộng nhất thế giới về y tế công cộng, và có số thành viên đến 30,000 người, thì an tử là hỗ trợ tự sát có giúp đỡ, rất trọn vẹn. Dân chúng ở bang Oregon gọi đây là “cái chết truyền cho bệnh nhân” hoặc “chết có bác sĩ giúp”.

Thay vì cứ lẩn quẩn mãi với từ ngữ do Bộ Y tế của Barack Obama lấy từ tập sách cải tổ y tế viết, bệnh nhân cao niên và các gia đình cũng nên lo ngại về động thái của hơn 30,000 thành viên Hiệp Hội. Họ là những người ngồi đó mà phán xét về “bảng chỉ đường đưa đến cái chết”. Điều, mà giáo sư này quan tâm hơn cả, có thể tóm gọn vào các điểm, sau đây:

Thứ nhất, sự hiện hữu của cái gọi là “tự sát có giúp đỡ” dẫn đến sự việc là: các vị cao niên, tật nguyền, ốm yếu vẫn phải kéo dài cơn sóng gió cuộc đời nay giải quyết sớm hơn một chút để nhẹ nỗi ưu tư đối với người chăm sóc.

Mối lo của các vị lâu nay vẫn bị người bảo trợ/chăm sóc vẫn riễu cợt. Những người này chủ trương rằng điều họ muốn chỉ là chọn lựa, cuối cuộc đời. Điều đó, còn có nghĩa: kinh nghiệm cả một đời người lấn cấn vì tật nguyền, sẽ khác với kinh nghiệm đớn đau khi thấy sự sống của ai đó tắt ngúm dần. Các vị vẫn nghĩ rằng người biện hộ cho bệnh nhân/tật nguyền chỉ muốn biến các nhóm hội đoàn thể chuyên tranh đấu cho an tử thành thứ người không ra người, quỷ ma không ra quỷ ma.

Diane Coleman, một thành viên trong nhóm vận động cho an tử có tên là “Vẫn chưa chết” gọi đó là chuyện vô nghĩa. Vô tích sự. Cô từng lên tiếng cảnh báo: lòng thương hại có khi còn nguy hiểm hơn mấy ông y sĩ khùng điên ở viện dưỡng lão. Có lần Diane Coleman nói: “Cũng có lúc ta bị các bác sĩ làm cho mình hoảng sợ. Bởi, bác sĩ là người có ở đó là để giúp đỡ ta, những người coi cuộc đời như một gánh nặng. Thật ra, ta biết rất ít về chọn lựa nào khả dĩ khiến cuộc sống của người bệnh nan y/tật nguyền, giữ được giá trị của nó.”

Vấn đề tác giả nói trên đặt ra, là: tại sao nguồn tài nguyên giá trị như thế lại bị bỏ phí?

Có lần Diane Coleman viết:“Hàng tuần, tôi vẫn nghe các cụ bị nan y/tật nguyền cứ phải đấu tranh với bác sĩ, y tá hoặc nhân viên bệnh viện tức những người cứ lập đi lập lại mãi một luận điệu, bảo rằng: cuộc sống mắc nan y/tật nguyền luôn là gánh nặng, mà thôi. Sống, mà tùy thuộc vào đôi tay mệt mỏi của ai đó cho rằng sự sống của con ngưòi chỉ là nỗi bất hạnh, thì còn gì vui thú để sống. Có người còn cho rằng sống như thế, thật bất công. Là, sống đời thảm hại. Đáng chán.”

Thứ hai, các nhân vật chủ trương bênh vực tự sát có giúp đỡ, mà người ta gọi bằng cụm từ rất đẹp như “an tử”, vẫn cứ tảng lờ kinh nghiệm sống của người bệnh.

Họ làm thế, vì nghĩ rằng: cụ già 80 đang chết dần chết mòn, thì tình trạng của cụ gì khác một người suốt đời ngồi xe lăn đâu? Diane Coleman từng thách thức: “Hãy cho tôi bằng chứng nói là có khác biệt giữa hai tình trạng tật/bệnh, để xem có đúng thực là như thế, không.”

Theo Diane Coleman, bất cứ một ai, ở bất cứ giai đoạn nào trong đời, đều có thể học hỏi cách thức đối đầu/chịu đựng tật nguyền hoặc tật bệnh, mình mắc phải. Diane Coleman lại nói:“Có vị chủ trương bỏ những cố gắng đối đầu/chịu đựng và coi đó là chuyện vô bổ, chẳng ích lợi, chỉ với lý do duy nhất là: những người gần kề cõi chết không có kinh nghiệm bản thân nào như thế. Và, có người bệnh đưa ra vấn nạn hỏi rằng: làm sao các vị hỗ trợ cho động thái tự sát có giúp đỡ như thế lại cổ võ người bệnh để họ dám có thái độ tự định đoạt đời mình, được?”

Ý Diane Coleman muốn nói, là: lời lẽ tuyên truyền của truyền thông/báo chí lâu nay chỉ chuyên chở mỗi lập trường của người cổ võ “tự sát có giúp đỡ” mà thôi. Làm thế, đơn giản chỉ vì họ chẳng cần biết đến các tai hại cùng loại, họ đem đến. Điều họ đem đến, là vận động cho việc “chết trong nhân cách”, sẽ tác hại đến người lâu nay từng chịu cảnh sống tật nguyền vẫn mang suốt đời.

Và, Diane Coleman cũng mạnh dạn tuyên bố: “Người cổ xuý cho việc “tự sát có luật pháp giúp đỡ” chỉ muốn sự sống của người khác kết thúc bằng những xúc phạm/lạm dụng coi đó như những “mất mát dễ chấp nhận” mỗi khi cân nhắc xem làm thế nào để kết thúc vụ việc ổn thoả cho xong. Nói cách khác, làm thế là để nói lên rằng: mình chẳng muốn chấp nhận tật nguyền, hoặc lãnh trách nhiệm gì khi tự sát.”

Thứ ba, nguy hiểm ở đây là: người bệnh nan y/tật nguyền dễ dàng đầu hàng chấp nhận cái chết tốt hơn là chịu đựng mãi tật nguyền, khó chữa.

Bác sĩ Carol J. Gill, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tật nguyền ở Chicago có nói: “Nếu luật pháp được thông qua cho phép người ta được tự sát có sự giúp đỡ/tiếp tay của người khác, thì tôi nghĩ: rồi ra, giới chức ở đây hay ở đó sẽ không còn thấy xấu xa/tội lỗi khi họ hối hả làm cho nhiều người chết sớm. Nghĩa là, họ chỉ việc đứng đó nhìn. Chẳng buồn nhúng tay để chấm dứt tình trạng ấy và còn ủng hộ chính sách cùng thể chế nào khả dĩ xúc tiến những việc như thế. Làm thế, họ cũng không nghĩ họ là quân gian ác và cũng không coi đó là chuyện gian ác, dữ tợn xuất hiện trong nền văn minh/văn hoá của ta nữa. Không chừng họ còn coi việc giúp cho người khác chết, lại là lề thói rất độ lượng, và một lòng tôn kính, nữa cũng nên.”

Thứ Tư, nhiều tác giả hăng say biện luận rằng Đạo luật “Chết Trong Nhân Cách” của bang Oregon, tức tiểu bang tiên phong cho phép được tự sát có giúp đỡ ở Hoa Kỳ, đang gặp nhiều rạn nứt sâu sắc. Không đầy 15 năm sau khi thực thi luật này, đã có nhiều vấn đề trông thấy. Nhiều vị cho biết đã thấy nhiều vấn đề nảy ra, như: khó kiểm soát được bệnh nhân, thống kê này/khác khó hoàn tất, việc giám sát bị bỏ bê, biện pháp phòng ngừa/chữa trị nay bị lung lạc, các bác sĩ từng làm ăn cẩu thả/tắc trách chẳng bị khiển trách, phạt tù gì hết.

Lại có lời đồn đoán cho rằng tại bang Oregon và Washington, tức các bang tiên phong cho phép tự sát có giúp đỡ/tiếp tay, người ta phát giác ra nhiều trường hợp bệnh nhân chết rất lạ, nhưng được đổ lỗi là do an tử. Có trường hợp, tiểu bang Washington yêu cầu các bác sĩ phải khai man giấy chứng tử bằng cách liệt kê danh sách bệnh nhân chết vì bệnh nan y khó chữa, thay vì đã chích quá nhiều liều lượng thuốc an thần, trợ tử.

Hầu như mỗi lần đề cập đến an tử hay “tự sát có giúp đỡ”, người ta thường hay tập trung vào người bệnh nan y/tật nguyền vẫn muốn tự chọn cho mình cái chết. Tại sao không hỏi xem những người từng có vấn đề tật nguyền xem có ai là người chọn lựa để được sống? Chính họ, mới là yếu tố quan trọng trong các vụ cá cược lớn trong đời. (x. Michael Cook, MercatorNet 25.10.2010)

Đọc tới đây, hẳn bạn và tôi, ta đều thấy như đi vào cánh rừng nhiều bóng tối. Nếu không có được niềm tin vững mạnh vào Đấng Tối Cao, Chúa Tể của Sự Sống và Sống lại, chắc cũng khó mà chống đối lại cả một thể chế, rất xã hội. Thể chế có nền y khoa hiện đại. Lại có cả luật pháp rất nhiều kinh nghiệm từng trải, về đời sống xã hội. Thế nhưng, như ai đó có lần từng nhắc nhở, thế giới ngày nay đang đi vào đường hầm tăm tối không thấy có sự hiện diện của toà án lương tâm.

Vâng. Đúng thế. Lương tâm, có thể không còn là toà án với những phán quyết khác thường, người mình sống. Nhưng, lương tâm sẽ là và vẫn là “tấm bảng chỉ đường rất đáng tin cậy, để người người sống xứng đáng. Sống, trong tinh thần tôn trọng phẩm cách con người.

Và khi đã theo luật pháp của toà án lương tâm về những gì có liên quan đến chính đời mình, có lẽ cũng chẳng nên sợ gì luật pháp ở đời, dù luật ấy có cổ võ việc “tự sát có giúp đỡ” hay không. Để phần nào làm nhẹ vấn đề mà bạn và tôi, ta đang bàn, cũng nên kể cho nhau nghe một đôi truyện kể thực tế. Hiện thực. Và, gần gủi với cuộc đời của mình, và của người, như sau:

“Truyện rằng:

-Ăn rau không chú ơi?

Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một cụ bà già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.

- Ăn hộ tôi mớ rau…!

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa sáng sớm. Bần thần một lát, gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không mua đâu bà!

Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. “Mình thương người thì ai thương mình” – cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.

- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.

- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!

Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ. Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:

- Rau này bà bán bao nhiêu?

- Hai nghìn một mớ – Bà cụ mừng rỡ.

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

-Sao chú mua nhiều thế?

-Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!

Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.

Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ…

-Nghỉ thế đủ rồi đấy!

Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ. Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ. Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế. Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện. Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:

-Bà bán rau chết rồi

-Bà cụ hay đi qua đây hả chị? – chị bán nước khẽ hỏi.

-Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.

-Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh. Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi. Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ…!”

Truyện kể ở trên có thể chỉ là truyện hư cấu. Không thật. Cũng có thể là tuyện thật trăm phần trăm, đối với người kể. Nhưng thật hay không, vẫn là chuyện đời của các cụ cao niên, mắc chứng nan y/tật nguyền, nhưng vẫn sống. Vẫn muốn sống đời trung tín với lời hẹn của gã trên, dù đã quên.

Nhìn lại cuộc đời, hẳn bạn và tôi cùng mọi người khi còn trẻ đều bảo mình không sợ chết. và, sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào, không luyến tiếc. Nhưng vào tuổi già, mấy ai không những sợ chết mà còn ‘ham’ sống nữa, là khác. Vẫn muốn sống, dù đớn đau. Cực nhọc.

Cuối cùng thì, dù gì đi nữa, hãy nhớ lời dặn dò của thánh nhân khi trước có nói:

“Vấn đề là

được biết chính Đức Ki-tô,

nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh,

cùng được thông phần những đau khổ của Người,

nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,

với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.”

(Phillíp 3: 10-12)

Và, khi đã thông phần vào với sự chết và sống lại của Chúa, ta đâu còn sợ nan y/tật nguyền để phải dựa vào luật pháp ở đời, mà “tự sát có giúp đỡ”. Cho dù được luật pháp giúp đỡ, phải chăng đó là hạnh phúc. Ở đời này. Đời sau?

Trần Ngọc Mười Hai

Chỉ dám hỏi

chứ chưa tìm ra câu trả lời,

từ cuộc đời.

Suy Niệm Chúa Nhật thứ Nhất mùa Vọng Năm A 28/11/2010

“Dưới thềm mưa đợi hồi chuông”

Cổng im nhốt chủ nhật buồn mênh mông”

(dẫn từ thơ Trương Đình Tuấn)

Mt 24: 37-44

Ngày Chúa về, cũng có chuyện tình “đợi hồi chuông” để kể lể. Chuyện, là chuyện về những tháng ngày đợi chờ của giòng họ ông Nôê, thời buổi trước. Trước ngày xảy đến lũ lụt ghê gớm ấy, dân con giòng họ của ông vẫn ăn và vẫn uống. Vẫn lấy vợ gả chồng, cho đến ngày cùng ông lên thuyền, để ra đi. Đi đến chốn miền mà giòng nước lũ đã tẩy xoá chốn không gian.

Cũng hệt như thế. Con Chúa làm người, cũng sẽ đến cùng một tình trạng, rất tương tự. Tình trạng, là những tâm trạng có tình có tiết khi hai người ở ngoài đồng, một được bốc đi. Còn, người kia bị bỏ sót lại. Bởi vậy nên, người người cần cảnh giác. Bởi vậy, không làm sao ta có thể biết trước tháng ngày nào Chúa đến lại. Người chủ nhà cũng thế, ông cũng không thể biết trước ngày giờ kẻ trộm đến viếng, mà canh chừng. Và cũng thế, Con Người sẽ lại đến, rất bất ngờ.

Mùa Vọng đến với những đợi chờ. Vọng buồn, còn là mùa của lễ hội đầy ngóng trông.

Con Thiên Chúa đã chết đi từ thập niên 30, hồi đầu thế kỷ. Rồi sau đó, tháng ngày dài cứ chạy mãi đến thiên niên. Và, dân con Đạo Chúa vẫn cứ nghĩ: Ngài sẽ đến lại, rất sớm. Để còn phân định chuyện trăng sao vũ trụ. Ngài sẽ đến, để dứt đoạn lịch sử với con người. Thế nên, họ cứ nghĩ: Ngài sẽ đến lại, với nguyên trọn hình hài những xương thịt, như buổi trước.

Thực ra, thì Ngài đang hiện diện với con dân/mọi người, đã từ lâu. Hiện diện, Ngài vẫn hiện tỏ nơi mây trời, từng áng mây lịch sử. Ngài vẫn hiên diện, với dân con Đạo Chúa thuở đầu đời, vẫn ngóng trông. Ngóng và trông, sự kiện lịch sử có một không hai, nay xảy đến. Thành thử, thuở đầu đời, người người vẫn trông ngóng từng thế kỷ ngày Chúa đến lại. Trông và ngóng, đến độ chẳng ai buồn nghĩ chuyện dựng xây đền thờ. Trông và ngóng, đến độ chẳng ai lo hoạch định việc hành chánh lẫn Phụng vụ, để lưu lại cho dân chúng, về sau. Ai cũng chỉ nghĩ: lịch sử hội thánh, sẽ chẳng tồn tại được bao lâu nữa. Tất cả đều trông ngóng ngày Chúa đến lại, rồi mới tính sau.

Thật ra, điều này kể cũng không đúng. Chúa có bao giờ đến lại theo kiểu cách ấy. Lịch sử loài người cũng đâu bao giờ chấm dứt, một sớm một chiều, như mọi người tưởng nghĩ. Cuối cùng, người người phải tỉnh giấc. Đúng vậy, nếu ta nhìn việc Chúa đến lại, theo góc độ nào đó, thì hẳn rằng Do thái dân con mọi người đều có lý ngay từ đầu sao? Nhưng, Chúa sẽ không đến lại theo cung cách người Do thái nghĩ, là bởi: dưới góc độ đạo đức, Chúa có bao giờ bỏ rời ai đâu để đến nỗi con dân Ngài hiểu là Ngài sẽ đến lại? Sự thật, Ngài vẫn luôn có đó, và rất gần. Gần, mọi người. Gần, không theo nghĩa thời gian và không gian. Bởi, thời gian và không gian nào có nghĩa gì, đối với Ngài. Ngài vẫn ở đó, ngay sát cạnh ta. Và, luôn ở với ta. Vậy thì, làm gì có chuyện những đi và đến?

Thật sự, thì thời gian cũng đâu là chuyện quan trọng. Quan trọng, chỉ là chuyện ta có biết sử dụng nó không thôi. Ta có biết sống với nó theo cung cách nào đó, mà thôi. Sử dụng và sống với thời gian, theo nghĩa cảm nghiệm Ngài đang hiện hữu với mọi người. Và, hiện hữu ấy vẫn còn tiếp diễn, đến muôn đời. Đó là động thái nội tâm. Đó là ý hướng sống. Thế nên, Mùa Vọng phải là mùa của một “động thái”, chứ không phải của lễ hội “đợi chờ”. Bởi thế nên, ta cũng nên nghĩ đến việc cần thiết phải sắp xếp thứ tự ưu tiên để xử thế. Để hành động. Cần tỉnh giấc điệp để luôn mãi gần cận Chúa.

Trình thuật hôm nay, mở ra niên lịch mới với phụng vụ. Vào lúc thánh Mát-thêu viết đoạn Tin Mừng này, thì thành đô La Mã đã bị bạo chúa Nêrô ra lệnh đốt cháy. Chính ông đã phóng hoả cả thành đô, để vui say chè chén đổ đốn, rồi đổ cho người của Hội thánh làm. Hai đá tảng làm cột trụ cho Giáo hội là thánh Phêrô và Phaolô lúc ấy cũng quá vãng. Và, đền thờ Giêrusalem đã bị phá hủy. Dân con Do thái bị bách hại. Nhiều vị còn bị đưa đẩy vào vòng lao lý. Thậm chí, có vị phải làm thân nô lệ người ngoại bang, nữa. Từ lúc ấy, tín hữu Chúa vẫn cứ hỏi: phải chăng lịch sử loài người nay đi vào ngõ cụt? Phải chăng lời tiên tri hôm trước nay đà ứng nghiệm?

Tin Mừng ta nghe hôm nay, còn là thời điểm mà thánh Mát-thêu đưa câu trả lời hầu trấn an những vị lúc ấy đang ưu tư, lo lắng. Đưa ra một giải đáp, thánh Mát-thêu muốn giúp dân con đi Đạo tạo cho mình động thái đúng đắn mỗi khi rơi vào tình huống, tựa hồ như thế. Giải đáp mà thánh sử Mát-thêu đưa ra hôm nay, gồm tóm một lời khuyên: hãy “sẵn sàng” mà “tỉnh thức”. Cứ mở to con mắt ra mà thấy. Mà nhìn. Mở rộng cả vòng tay ôm, như ông Nôê thuở trước thấy trước cơn lụt sắp xảy đến, nên đã “sẵn sàng” “thức tỉnh”. Trong đám dân gian người ngoài, có kẻ lại cho đó là hành động của ông Nôê sửa soạn đóng thuyền, là khùng điên. Lẩn thẩn. Bởi, đất miền Do thái lúc ấy đang gặp thời hạn hán, sao lại sợ lụt?

Quay về nhìn lại chính mình để tự kiểm, nhiều lúc ta cũng thấy mình không khác thế, là bao. Nói vậy, thử hỏi: ta rút tỉa bài học gì ở nơi đây?

Bài học, nay cho thấy Mùa Vọng không là bề dầy thời gian những bốn tuần. Hoặc, là dịp để ta tìm đọc lại những bài sách thánh khác mọi bài trong cả năm phụng vụ. Đây, cũng không là lễ hội mùa Chay kiêng rất ngắn ngày, để sám hối. Cũng chẳng là lễ hội nguyện cầu theo kiểu Hồi giáo, rất Ramadan. Mùa Vọng, chính là lễ hội nói lên cung cách hiểu và biết những gì xảy đến với cuộc sống mỗi ngày. Cung cách, giúp ta nhìn về phía trước, xa hơn đầu mũi, mà mắt thịt của ta không tài nào đạt tới. Cung cách nhìn sự vật tận chốn chân trời có bề dầy lịch sử. Nhìn, để biết rằng bên kia đầu mút mọi sự vật luôn có điều gì đó, đang trờ tới. Đó, chính là Niềm Tin.

Sự thật, thì cuộc bách hại dân con Hội thánh buổi đầu đời, cũng đã kết thúc vào thế kỷ thứ tư, dương lịch. Và sự thật, thì đã là người Công giáo, tức trở thành người trổi trang, mọi người đều biết đến. Hơn nữa, chẳng vì Hội thánh được dựng xây trên đá tảng, nên mới tồn tại được lâu dài. Mà là dân con Đạo Chúa đã đạt đến từ lâu. Là dân con Đạo Chúa, là ta đã đạt điểm son về lợi ích chính trị. Nên, không cần phải chờ đợi thêm nữa, để được thế. Thời của tín hữu Đức Kitô đã là thời tuyệt hảo. Mọi dự án của dân con Chúa đã thành đạt. Thế nên, Mùa Vọng không còn được mọi người coi như thời gian đợi chờ chuyện ấy đến. Vì, “thời ấy” đã đến rồi.

Ở đây, phụng vụ, muốn dân con Hội thánh không còn nhìn thời hiện tại như những gì ta hoàn tất, rất từ lâu. Mà là, còn đường trước mặt vẫn còn đó để ta đi tới. Và Chúa vẫn đồng hành với ta, như khi xưa Ngài làm với đồ đệ trên đường đi Emmaus. Thực tế, thì ta vẫn chưa đạt tới Emmaus Thiên Quốc. Bởi thế nên, như con trẻ ngồi sau xe ta, vẫn cứ hỏi bố hỏi mẹ: mình tới chưa, thưa bố. Thưa mẹ? Và, câu trả lời từ người bố/người mẹ, vẫn cứ là: chưa đâu con! Rồi, thì ta cũng tới, thôi!

Tư nay đến ngày mọi người đạt Emmaus Thiên Quốc Nước Trời, vẫn còn đó những câu hỏi:

Ta còn chờ gì nữa? Chờ Chúa. Trong tinh thần đổi tầm nhìn cho mới, chờ và đợi, để nhớ rằng Ngài đang hiện diện trong ta. Giáng Sinh, không nhất thiết là cung cách của một lễ hội qua đó Hội thánh Chúa quyết thực hành phụng vụ tốt hơn, mà là cơ hội để ta mang trong mình, một tinh thần đổi mới. Tinh thần và thái độ, đã hài hoà được với nỗi chết, với thái độ coi cái chết như cuộc Vượt Qua dẫn đến niềm vui Thiên Quốc. Nước Trời.

Ai đang chờ, đang đợi? Chính là ta. Toàn cả Hội thánh thời đã qua. Mọi người đời, thời nay.

Đợi chờ, như thế nào? Bằng hy vọng đã chúc phúc. Bằng niềm tin không ngao ngán. Rất vui.

Chờ và đợi có nghĩa gì? Nghĩa là NIỀM VUI vì được biết đến tinh thần đổi mới tận thâm căn.

Chờ đợi ai? Chờ Chúa, Đấng đang về tới theo cung cách không thể đoán trước.. .

Chờ và đợi, để rồi sẽ quyết định thôi không tranh chấp/đố kỵ nhau nữa. Nhưng đã bắt đầu biết nghĩ tới những người đói khát, đang chờ ta, trên thế giới! Chờ và đợi, để ta không trao họ vào tay các nhà chính trị, chỉ tranh cãi. Chờ và đợi, để đi tới quyết định: dứt khoát phải làm việc gì, cho ra nhẽ. Việc gì tạo đổi thay. Đổi và thay, động thái quan tâm thực hiện những điều tốt đẹp, cho mọi người.

Có lẽ nên kết thúc giòng suy niệm này bằng lời lẽ thánh Bernađô viết khi trước, rằng:

“Trước nhất, Ngài đến bằng xương thịt, kẻ yếu kém. Kế đến, Ngài lại đến bằng tinh thần và quyền uy tối thượng. Cuối cùng, Ngài sẽ đến lại trong vinh quang, bề thế. Rất oai phong. Thời gian Ngài đến lại, lúc giao thời, là cung cách ta trải qua từ lần đến đầu tiên tới lần đến cuối. Đến lần đầu, Chúa đến để cứu chuộc chúng ta. Đến vào lần cuối, Ngài sẽ đến bằng chính cuộc đời ta đang sống. Đến vào lần ở giữa chừng, Ngài lại là sự ngơi nghỉ, ủi an. Ta tĩnh dưỡng.” (Thánh Bernađô, Bài Giảng Các Ngày lễ trong Mùa Vọng)

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

MaiTá lược dịch.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Những Cánh Chim Chiều
Đặng Đức Cương
22:36 03/12/2010
NHỮNG CÁNH CHIM CHIỀU

Ảnh của Đặng Đức Cương

Nối gót trần gian ngàn dặm lữ

Trăm năm một thoáng bóng chim chiều.

(Trích thơ của Hồng Vinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền