Ngày 01-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư 2/12: Bàn tay của Chúa - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
05:38 01/12/2020
TIN MỪNG Mt 15:29-37

Đức Giêsu chữa khỏi nhiều người và hóa bánh ra nhiều.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Một hôm, Đức Giê-su đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.

Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường". Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?" Đức Giê-su hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ". Bấy giờ, Người truyền cho đám đông nằm ngả xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại bảy thúng đầy. Đó là lời Chúa.

 
Tâm hồn thơ bé
Lm. Minh Anh
05:51 01/12/2020
TÂM HỒN THƠ BÉ
“Nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phấn chấn trong Thánh Thần, Chúa Giêsu cất lên một lời xưng tụng khá bất ngờ, “Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu kín, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. ‘Người bé mọn’ có nhiều nghĩa; ở đây, chúng ta chỉ dừng lại với ý nghĩa trẻ thơ. Vậy, chúng ta thuộc hạng ‘thông thái’ hay ‘trẻ thơ’? Và sẽ rất thú vị khi trả lời câu hỏi này, bởi lẽ, với ‘tâm hồn thơ bé’, chúng ta sẽ đi vào Mùa Vọng một cách đúng đắn nhất.

Nếu không biết Chúa Giêsu đề cao phẩm chất trẻ thơ, hẳn nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng dễ coi mình là hạng khôn ngoan, học hỏi; tất nhiên, khôn ngoan, học hỏi chẳng có gì sai trái. Vấn đề ở đây là những phẩm tính này có ý nghĩa gì trong tâm trí Chúa Giêsu? Khi nói ‘khôn ngoan thông thái’, Chúa Giêsu ám chỉ những người tự đánh giá cao về mình, hơi vênh váo; những người tự cho mình là ‘biết tất cả’. Buồn thay, một người ‘biết tất cả’ sẽ không thực sự biết tất cả! Quả vậy, họ chỉ đánh lừa bản thân. Chúa Giêsu đề cao trẻ thơ vì trẻ thơ luôn luôn cởi mở để đón nhận mọi sự cách khiêm tốn; nhìn mọi sự với đôi mắt trẻ thơ, đón nhận tất cả với ‘tâm hồn thơ bé’, là những gì cho phép con người có khả năng lãnh hội lẽ khôn ngoan được ban xuống từ trên.

Chẳng hạn với những tiên báo của Isaia hôm nay, nếu không có đôi mắt trẻ thơ với một ‘tâm hồn thơ bé’, nào ai có thể hiểu được ý nghĩa của nó. Isaia nói đến một triều đại thiên sai, “Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi, và cũng từ gốc ấy, sẽ đơm lên một bông hoa”. Vậy mà qua đó, ý nghĩa mầu nhiệm Giáng Sinh đã toả sáng khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Người; rằng, Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người; Thiên Chúa hạ cố đến mức tước bỏ thần tính, phẩm vị Thiên Chúa bằng cách làm người, ở với con người, hầu cứu độ con người. Như vậy, Thiên Chúa đã tỏ lòng trung tín của Người khi khai mở một vương quốc mới, một triều đại mới, còn được gọi là triều đại thiên sai để ban ơn cứu độ vĩnh cửu cho con người. Thánh Vịnh đáp ca đã hân hoan khi nói đến triều đại này, “Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người”; triều đại này còn có tên là Nước Trời mà chính chồi lộc Giêsê là Chúa Giêsu sẽ thiết lập.

Mùa Vọng là thời gian chúng ta cần có niềm tin và sự cởi mở như trẻ thơ để có thể hiểu biết và thẩm thấu ý nghĩa sâu sắc của biến cố Nhập Thể; không có sự khiêm tốn này, chúng ta không bao giờ hiểu hết chiều kích ân sủng quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng Sinh. Nên như trẻ thơ, chúng ta được Chúa Giêsu gọi là có phúc như các môn đệ xưa, “Phúc cho những con mắt được xem thấy điều các con xem thấy”. Các môn đệ thấy Chúa Giêsu, thấy các việc Ngài làm; cũng thế, với ‘tâm hồn thơ bé’, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong vô vàn cách thức ngay hôm nay; qua các bí tích, qua các biến cố lớn nhỏ trong đời và qua cả những bí ẩn của Thiên Chúa trong đời sống ân sủng mà chúng ta đang ngụp lặn mỗi ngày.

Một cậu bé rất thích chơi trốn tìm. Ngày kia, ngoài những đứa trẻ thường chơi còn có một anh hàng xóm lớn tuổi tham gia. Đến lượt anh hàng xóm làm người đi tìm, cậu bé đã ẩn núp và chờ đợi như bao đứa trẻ khác. Cậu đợi rất lâu, lâu đến sốt ruột; cuối cùng, cậu phải rời khỏi nơi ẩn trốn để ra ngoài; như các bạn khác, tất cả cùng một tâm trạng hụt hẫng của những ‘tâm hồn thơ bé’. Lạ thay, anh hàng xóm kia đã bỏ đi đâu mất. Bấy giờ, lũ trẻ nhận ra rằng, anh ấy thậm chí không thèm tìm kiếm một đứa trẻ nào. Nước mắt lưng tròng, cậu bé chạy đến bên ông nội mình, kể lể. Sau đó, ông nội em cũng bắt đầu khóc, ôm em vào lòng và nói, “Đó cũng là cách thức Thiên Chúa hành động: Người trốn, nhưng không ai thèm đi tìm Người”.

Anh Chị em,

Thời Chúa Giêsu, mấy ai nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, mấy ai tin Ngài là Đấng Cứu Độ. Những kẻ tin, hầu hết là những người ít học, những ‘người bé mọn’. Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang ở giữa chúng ta, “Kìa, Ta đang đứng ngoài cửa, và gõ”. Chỉ những ai để cho cõi lòng mình lặng đủ, trong đủ, sạch đủ như những ‘tâm hồn thơ bé’ mới nghe được tiếng Ngài; họ sẽ gặp Ngài dễ dàng nơi những gì bình dị nhất. Đó là tâm tình của Mùa Vọng mà Giáo Hội đang chờ đợi nơi mỗi người chúng ta. Được như thế, chúng ta sẽ có một Mùa Vọng và một lễ Giáng Sinh tuyệt vời nhất.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong một thế giới mà xem ra Chúa phải ẩn núp và chẳng ai thèm tìm Chúa, xin ban cho con niềm tin đơn sơ của một trẻ thơ; vì với ‘tâm hồn thơ bé’, con sẽ dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Chúa trong muôn vàn cách thức, nhất là trong những ngày hồng phúc này”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lối sống đi đôi với lời loan báo
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
05:58 01/12/2020
CN 2 VỌNG B
Lối sống đi đôi với lời loan báo

Bài đọc 1 trích “Sách An Ủi” là phần thứ hai của Sách Isaia, mở đầu với câu: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta” (Is 40,1), loan báo việc Chúa sắp đưa dân Người từ nơi lưu đày Babilon trở về, câu thứ ba vang lên như một lời công bố tin mừng “Có tiếng người hô: trong hoang địa hãy dọn sẵn con đường”, ám chỉ tới hoang địa ngăn cách Babilon với đất Giuđa, để Chúa đưa dân lưu đày trở về. Cả bốn sách Tin Mừng đều áp dụng vào với việc ông Gioan khởi đầu sứ vụ rao giảng trong hoang địa xứ Giuđa.

Với Chúa Nhật II, chúng ta bước vào lịch sử: những loan báo trong Cựu Ước bắt đầu thực hiện và giấc mơ của nhân loại trở thành hiện thực. Người loan báo Tin Vui này là Gioan Tẩy Giả, một ngôn sứ đầy tràn ơn Thánh Linh. Gioan mời gọi: “Hãy hối cải vì nước trời đã cận kề”.

Gioan là sứ giả đi trước, làm tiếng hô trong hoang địa, kêu gọi người ta dọn đường cho Chúa bằng “Phép Rửa thống hối”, để lãnh ơn của Thiên Chúa đang đến ban ơn cứu độ, tức là ơn tha tội. Còn “Đấng quyền thế hơn”, đến sau ông, chính là Thiên Chúa đến ban ơn tha tội nhờ “Phép Rửa trong Thành Thần”.

1. Sứ giả đi trước

Sự xuất hiện của Gioan không phải là chuyện ngẫu nhiên, đột xuất, bất ngờ nhưng là kế hoạch của Thiên Chúa đã được loan báo trong Cựu ước.

Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa tuyên bố với dân của Giao ước: “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để gìn giữ ngươi khi đi đường và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn” (Xh 23,20).

Trong sách ngôn sứ Malakhi: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh điện của Người” (Ml 3,1).

Trong sách ngôn sứ Isaia: “Có tiếng hô, trong hoang địa, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,3-4).

Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa sai thiên sứ đi trước để gìn giữ và đưa dân vào Đất Hứa. Trong sách Isaia, Thiên Chúa gởi tiếng hô dọn đưởng để Thiên Chúa đưa dân lưu đày trở về. Trong sách Malakhi, Thiên Chúa sai sứ giả dọn đường trước mặt Thiên Chúa, để Ngài đến cứu độ. Ba lời này gom lại để diễn tả hai nhân vật: “Đúng theo lời đó, ông Gioan đã xuất hiện trong hoang địa…” Trước hết, sự xuất hện của ông Gioan Tẩy Giả trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Isaia nói về dọn một con đường trong hoang địa để Thiên Chúa đưa dân lưu đày trở về; Maccô di chuyển dấu phết để nói về ông Gioan xuất hiện trong hoang địa. Con đường ông dọn không phải là con đường trong hoang địa, nhưng là con đường trong lòng người, được uốn thẳng san bằng nhờ lòng sám hối, để được ơn cứu độ tức là ơn tha tội. Sách Malakhi nói về dọn đường trước mặt Ta, tức là Thiên Chúa. Maccô ghép với lời sách Xuất hành để nói sứ giả dọn đường trước mặt Con, tức là Đức Giêsu, như tiếng từ trời xác nhận sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa. (x.Tĩnh tâm với sách Tin Mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ).

Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ.Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước,vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau. Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.Nhưng Ngài cần Gioan để làm người tiền hô, dọn đường.

2. Dọn đường tâm hồn

Hình dáng và y phục của Gioan gợi nhớ ông Êlia (x.2V1,8), vị ngôn sứ đã một mình chống lại tất cả để bênh vực Thiên Chúa. Thức ăn của ông gợi nhớ thức ăn của “Emmanuel” (Is 7,15). Những nét phảng phất ấy gợi cho ta nhìn ở ông Gioan hình bóng một vị ngôn sứ giống như Êlia, đơn thân đứng lên kêu gọi mọi người quay về với Thiên Chúa, vào thời Đấng Emanuel xuất hiện. Lời rao giảng của ông cho biết con đường ông hô hào người ta dọn sẵn không phải là con đường cho cuộc hồi hương mà là con đường trong lòng mỗi người.Những chỗ ghập ghềnh quanh co phải san phẳng uốn ngay chính là tội lỗi trong lòng người.

Gioan đã chỉ cho thấy rằng, mỗi con người đều có ít nhiều đồi núi kiêu ngạo, thung lũng ích kỷ, ghồ ghề khúc khuỷu trong các mối quan hệ. Có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vằng ánh sáng tình yêu. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo, hãy san cho thẳng. Những gì gò cao cần phải bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.

Con đường Gioan mời gọi là đường vào cõi lòng. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thần dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua; như căn nhà cho Chúa ngự tới; Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nỗi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu. Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác. Và tâm hồn ấy bình an nên nghe rõ tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi. Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.

3. Hiệu quả lời rao giảng của Gioan

“Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm Phép Rửa cho họ trong sông Giođan”. Theo truyền thuyết thì nơi ông Gioan khởi sự rao giảng và làm Phép Rửa ở khúc sông Giođan gần thành Giêrikhô. Sách Tin mừng Gioan nói là “Bêtania bên kia sông Giođan” (Ga 1,28). Khoảng cách từ đây lên Giêrusalem là hai ngày đường, phù hợp với câu chuyện Chúa đi từ đây lên một làng cùng tên là Bêtania ở gần Giêrusalem để gọi Ladarô ra khỏi mồ (Ga 11,1-44). Khúc sông này mang nặng ý nghĩa, vì cũng là khúc sông Thiên Chúa rẽ nước cho dân Cựu Ước qua sông để vào Đất Hứa (x.Gs 2-2), và ông Êlia rẽ nước đi qua bên kia để được cất lên trời (x.2V 2,1-18). Vị trí này giúp hiểu tại sao dân từ khắp miền Giuđê và từ Giêrusalem dễ dàng nghe biết. Nhưng chuyện “Họ kéo đến với ông Gioan, họ thú tội và ông làm Phép Rửa cho họ trong sông Giođan”, lại không phải là chuyện đương nhiên. Họ đón nhận lời rao giảng của ông và đáp lại, đó ơn của Thiên Chúa. (sđd trang 25).

4. Gioan loan báo Đấng đến sau ông.

Người ta kéo đến với ông, thú tội và chịu Phép Rửa. Nhưng Gioan trung thành với sứ mạng của mình là sứ giả đi trước để dọn đường. “Ông rao giảng rằng: có Đấng quyền hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Sự khác biệt giữa ông và Đấng đến sau ông hiện rõ nơi Phép Rửa mà mỗi bên làm: “Tôi thì làm Phép Rửa cho anh em trong nước, con Người sẽ làm Phép Rửa cho anh em trong Thánh Thần”.

Phép rửa mà Gioan Tẩy Giả đề xướng không nhằm mục đích nào khác ngoài việc tỏ lòng sám hối. Thanh tẩy của thánh nhân là dấu hiệu thanh tẩy nội tâm, chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn tha thứ tội lỗi, nhưng tự nó chưa có quyền ban ơn tha thứ này. Phép rửa của Gioan không phải là phép rửa Kitô giáo có khả năng xóa tội (Cv 2,38; 22,16): “Đấng mạnh thế hơn … sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa”. Vai trò chính yếu của Gioan là “bảo cho dân Chúa biết rằng Chúa sẽ tha thứ mọi tội khiên”.

5. Lối sống đi đôi với lời loan báo

Thánh Gioan đã giúp người ta sám hối, thú tội và lãnh nhận phép rửa, sửa đường nội tâm. Nếp sống giản dị của Gioan mang tâm tình sám hối, sửa đường. Gioan kêu gọi mọi người dọn tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế, và chính Gioan đã sống như con đường thẳng. Gioan mời gọi người ta sám hối, và chính đời ngài đã mang nét sửa chữa bằng tâm tình sám hối chân thành.

Thánh Gioan đã sống tất cả những khó khăn thử thách của người dọn đường cho Chúa. Ông sống đời chay tịnh, cô độc trong hoang địa đất đá nắng nóng khô khan khắc nghiệt. Ông sống khó nghèo, áo bằng da lạc đà, thức ăn đạm bạc là châu chấu và mật ong rừng. Kêu gọi người khác dọn đường, chính Gioan đã là con đường đưa con người đến với Đức Giêsu. Mời gọi người khác sám hối, Gioan đã sống tâm tình sám hối ấy trước.

Mùa Vọng là mùa đợi chờ Đức Giêsu đến lần thứ hai. Gioan chính là người giúp chúng ta sống tâm tình chờ đợi tuyệt vời hơn cả, vì nơi ông, lối sống đi đôi với lời loan báo, hành động sánh vai với ý hướng. Đặc biệt hơn, ông không hướng người ta về với mình, nhưng chỉ dẫn họ đến với Chúa. Để là người giới thiệu Chúa cho người lân cận, chúng được mời gọi hãy sống như Gioan.
 
Kinh ngạc và say mê
Lm. Minh Anh
23:18 01/12/2020
KINH NGẠC VÀ SAY MÊ
“Tất cả đều ăn no”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến những bữa tiệc kỳ vĩ của Thiên Chúa, tiệc Cựu Ước, tiệc Tân Ước; qua đó, tấm lòng hào hiệp của Chúa Trời được tỏ lộ, đồng thời, báo trước bữa tiệc Thánh Thể khi Con Thiên Chúa tự hiến mình, khoản đãi liên lỉ những ai ‘kinh ngạc và say mê’ Ngài.

Lạ lùng thay, trước viễn cảnh lưu đày cách đây gần 2,800 năm, ngôn sứ Isaia vẫn tuyên sấm về một Thiên Chúa quyền năng và hào phóng, Đấng sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, cất bỏ sự tủi hổ của dân và sẽ chiêu đãi muôn dân một bữa no say, “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon”. Isaia nói như người đang say, chân cao chân thấp; đúng hơn, ông nói như người đang mơ, dẫu là mơ giữa ban ngày, vì lẽ lúc bấy giờ, Israel dân Chúa sắp phải trẩy đi lưu đày nơi đất khách quê người.

Gần 800 năm sau, một bữa tiệc tương tự cũng xảy ra trên một ngọn núi thấp hơn khi Con Thiên Chúa, với bảy chiếc bánh và mấy con cá quảng đại của ai đó, đã nhân lên cấp luỹ thừa để nuôi 4,000 đàn ông, không kể phái yếu và con trẻ, “Tất cả đều ăn no, và người ta thu lượm được bảy thúng đầy mảnh vụn còn lại”. Thật khó để đánh giá thấp tác động của phép lạ này đối với những con người thực sự có mặt ở đó. Có lẽ nhiều người thậm chí không biết thức ăn từ đâu đến; họ chỉ thấy các giỏ bánh được chuyền tay, họ lấy phần mình và chuyển phần còn lại cho người khác. Chúng ta đừng bỏ qua một chi tiết quan trọng, đám đông đã ở với Chúa Giêsu ròng rã ba ngày, không có gì ăn; họ ngạc nhiên với lời giảng dạy và quyền năng chữa bệnh của Ngài. Trên thực tế, họ ‘kinh ngạc và say mê’ đến mức không có dấu hiệu rời bỏ Ngài, mặc dầu họ đang đói. Đây là hình ảnh tuyệt vời về những gì chúng ta phải tìm kiếm cho bằng được trong đời sống thiêng liêng.

Đối với những người được ăn bánh, trong đó, sẽ có những môn đệ đầu tiên, thì chính việc khám phá Ngôi Vị của Chúa Giêsu đã có một tác dụng nhất định đối với họ, họ ‘kinh ngạc và say mê’ Ngài; say mê và kinh ngạc đến nỗi ‘quên cả dạ cồn cào, quên cả việc phải bỏ và quên cả giờ phải về’. Cũng thế, với đặc ân hưởng nhận bánh Thánh Thể Giêsu mỗi ngày, việc chúng ta khám phá và thấu hiểu những mầu nhiệm khôn ví ẩn tàng ‘phía bên kia’ Ngôi Vị Thiên Chúa nơi con người Giêsu như Lời quyền năng của Ngài, ân sủng Thánh Thần của Ngài, lòng thương xót của Ngài… thì lẽ ra chúng ta phải ‘kinh ngạc và say mê’ Ngài gấp mấy! Và như một tất yếu, chúng ta đã nên thánh từ lâu; vậy mà xem ra chúng ta còn ở rất xa sự thánh thiện, dẫu chúng ta may mắn hơn nhiều. Đó là một điều đáng cho chúng ta suy nghĩ trong những ngày Mùa Vọng này.

Nói đến việc tại sao các Kitô hữu chậm chạp trong việc nên thánh, kể cả những ai đã từng ‘kinh ngạc và say mê’ theo Chúa gần cả cuộc đời, những con người xem ra hiểu biết các mầu nhiệm đức tin nhất, thì một ẩn sĩ kia giải đáp với một minh hoạ hết sức kỳ thú. Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là một công trình kiến trúc khổng lồ tiêu tốn vô số tiền bạc, vô vàn nhân công; khi được hoàn thành, nó có vẻ như bất khả xâm phạm. Thế nhưng, kẻ thù đã chọc thủng nó; không phải bằng việc phá vỡ nó, vây hãm nó; họ đã làm điều đó bằng cách hối lộ những người gác cổng.

Anh Chị em,

Phải chăng cách nào đó, ma quỷ cũng đã hối lộ ở những cánh cửa linh hồn chúng ta; phải chăng chúng ta đã để cho mình ra mê muội bởi những ngẫu tượng phù phiếm mà thế gian và chủ nhân của nó chào mời? Mùa Vọng là thời điểm thuận tiện nhất để chúng ta ‘tát cạn đầm lầy’ linh hồn mình hầu có thể tiếp tục ‘kinh ngạc và say mê’ Chúa Giêsu, Đấng đã đến trong hang lừa máng cỏ, cũng là Đấng đã chết trên thập giá để cứu chuộc mọi người, và mỗi ngày, đang hiến mình khoản đãi chúng ta trên các bàn thờ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết choáng ngợp trước bao hồng ân của Chúa, cho con biết ‘kinh ngạc và say mê’ trước những chăm chút Chúa dành cho linh hồn con hôm nay, và mãi cho đến ngày, “Này con được ở đền Ngài, những ngày tháng, những năm dài triền miên” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca diễn tả vốn rất đỗi ngọt ngào!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bão lửa trên Twitter ở Tây Ban Nha sau các lời kêu gọi thiêu sống các linh mục
Đặng Tự Do
05:08 01/12/2020

Bất chấp những hạn chế liên quan đến các ngôn từ kích động thù địch trên mạng xã hội ở Tây Ban Nha, một hashtag đang rất thịnh hành đã đưa ra những lời kêu gọi thiêu sống các linh mục Công Giáo. Twittter đã quyết định không xóa các tweets này bất chấp chúng vi phạm các quy tắc liên quan đến việc đăng tải các lời kêu gọi bạo lực.

Bộ trưởng Bộ giáo dục Tây Ban Nha Isabel Celaa là một người tả khuynh có đầu óc bài Công Giáo. Bà ta đã đưa ra một dự luật được đặt theo tên của bà là “Dự luật Celaa”. Dự luật này nhằm cải cách hệ thống giáo dục của Tây Ban Nha theo đó nhà nước sẽ kiểm soát nghiêm nhặt việc giảng dạy môn tôn giáo trong các trường công lập và hạn chế tài trợ cho các trường Công Giáo.

“Dự luật Celaa” đã vượt qua được rào cản đầu tiên vào tuần trước và dự kiến sẽ trở thành luật mặc dù thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức giáo dục. Hàng ngàn trường Công Giáo sẽ phải đóng cửa.

Quan điểm của các linh mục Công Giáo là trường Công Giáo gánh vác trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ, như thế là đỡ đần công việc cho hệ thống giáo dục mà lẽ ra nhà nước phải gánh vác. Việc tài trợ cho các trường Công Giáo là một việc công bằng và thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với tất cả các công dân là những người bình đẳng về trách nhiệm và quyền hạn, bất kể họ có niềm tin tôn giáo hay không.

Tuy nhiên, các thành phần cực đoan không nghĩ như thế. Hashtag #FuegoAlClero, hoặc thiêu sống các giáo sĩ, lần đầu tiên được đưa ra bởi một số tài khoản ủng hộ chủ nghĩa Mác, ban đầu là dưới chiêu bài bảo vệ “Dự luật Celaa”. Tuy nhiên, ngay sau đó chúng để lộ bộ mặt bài Công Giáo với những lời kêu gọi đốt phá các nhà thờ và hàng giáo sĩ. Trong một tweet được re-tweet hàng trăm ngàn lần, những kẻ này cho rằng “nhà thờ duy nhất chiếu sáng là nhà thờ đang bị bốc cháy”, được tweet đầu tiên bởi một kẻ ký tên “những cô con gái phù thủy mà bạn không thể đốt cháy”.

Đến tối thứ Ba, Twitter đã không làm gì với các dòng tweets này, mặc dù hàng nghìn người phàn nàn rằng hashtag này đang kích động lòng thù hận và vi phạm trực tiếp các quy tắc của chính Twitter về “bạo lực, quấy rối và các loại hành vi tương tự khác”.

Đặc biệt, các quy định của Twitter nêu rõ rằng người dùng không được “đe dọa bạo lực đối với một cá nhân hoặc một nhóm người. Việc tôn vinh bạo lực cũng bị cấm, cũng như việc sử dụng mạng truyền thông xã hội này để thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan bạo lực, các hành vi quấy rối hoặc thù hận trên cơ sở tôn giáo.”

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.


Source:Crux
 
Đại dịch coronavirus đã làm gia tăng những bách hại chống lại các tín hữu Kitô
Đặng Tự Do
05:09 01/12/2020

Theo một báo cáo mới từ Aid to the Church in Need International, gọi tắt là ACN, tức là tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, đại dịch coronavirus đã làm trầm trọng thêm cuộc bách hại các tín hữu Kitô ở một số nơi.

Đứng trước tình trạng kinh hoàng này, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã mời gọi các dinh thự chính phủ, các đền đài, nhà thờ và các địa điểm du lịch chiếu sáng bằng ánh sáng đỏ trong suốt tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ để nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên thế giới.

Báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, một tổ chức bác ái của Tòa Thánh có mặt tại 23 quốc gia, được công bố vào ngày 25 tháng 11, cho biết:

“Tác động tàn khốc và chưa từng có của COVID-19 trên toàn thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến các xu hướng liên quan đến việc giam giữ bất công.”

Báo cáo đã tập trung vào hoàn cảnh của các tù nhân Kitô Giáo trên khắp thế giới. Với tiêu đề “Hãy giải phóng cho những người bị bắt cóc”, báo cáo nêu chi tiết về những vụ bắt cóc và giam giữ các tín hữu Kitô bởi các tổ chức nhà nước và các tổ chức phi nhà nước.

“Trên khắp thế giới, các chiến binh, và cả những người có thiện cảm với bọn khủng bố Hồi Giáo IS và những người có quan điểm rất khác với niềm tin Kitô, bao gồm những kẻ cực đoan từ các truyền thống tín ngưỡng khác, đã nhắm mục tiêu vào các nhóm Kitô thiểu số với mức độ thường xuyên đáng báo động,” báo cáo của ACN cho biết.

Ngoài ra, “có một xu hướng đáng lo ngại là các thành viên nhà nước đang ra sức bắt giữ bất công các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số”

Theo báo cáo của nhóm Open Doors, trung bình có 309 tín hữu Kitô bị “bỏ tù một cách vô cớ” mỗi tháng và hơn 1,000 người khác bị bắt cóc. Trong tù, họ phải đối mặt với những phiên tòa giả tạo, giam giữ tùy tiện, tra tấn và tình trạng quá tải của nhà tù.

Báo cáo cho biết, khi đại dịch COVID-19 lan nhanh trên toàn thế giới vào những tháng đầu năm 2020, các vụ bắt giữ các tín hữu Kitô đã giảm xuống do các quốc gia phải tập trung chống lại đại dịch và một số tù nhân đã được thả.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc đàn áp các tín hữu Kitô đã gia tăng với mức độ nghiêm trọng, cả khi đại dịch đang lây lan nhanh và đặc biệt là khi một số quốc gia mở cửa trở lại sau các biện pháp cách ly.

Sự lây lan của vi-rút có nghĩa là một số tòa án phải đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn, do đó, trì hoãn việc xét xử các tín hữu Kitô đang mòn mỏi trong tù vì những lời cáo gian xuất phát từ lòng thù hận đức tin.

Khi các nhà thờ ngừng các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự trong thời gian khóa cửa và tiến hành các cử hành trực tuyến, một số chính phủ đã tận dụng cơ hội để tăng cường giám sát các Kitô hữu. ACN bày tỏ quan ngại đặc biệt đối với một đoạn phim cho thấy cảnh sát ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc đột kích vào một buổi lễ của Giáo Hội thầm lặng vào tháng 5 và lôi kéo, đánh đập những người tham dự buổi cầu nguyện

Các quốc gia và các nhóm chiến binh đã sử dụng các biện pháp khoá cửa ở địa phương và tình trạng tập trung toàn cầu nhằm chống virus, để tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn nữa chống lại các tín hữu Kitô. Tại Nigeria, các chiến binh Fulani đã tăng cường tấn công các Kitô hữu ngay trong nhà của họ trong thời gian cách ly.

Về phần mình, Trung Quốc đã tăng cường đàn áp các tín hữu Công Giáo trong thời đại dịch trong khi phần còn lại của thế giới tập trung vào COVID.

Khi các cộng đồng bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian bị đóng cửa, một số chính phủ đã khôi phục việc theo dõi các cộng đồng Kitô hữu. Tại Iran, các nhân viên tình báo đã bắt giữ hàng chục Kitô hữu tại ba thành phố vào tháng Bảy.

Gần một phần ba số vụ bắt giữ các tín hữu Kitô mà không cần đưa ra xét xử đã xảy ra ở Trung Quốc trong một khoảng thời gian 12 tháng. Từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 10 năm 2019, Bắc Kinh đã bỏ tù hoặc giam giữ không xét xử hơn 1,100 Kitô hữu vì các lý do liên quan đến đức tin.

Các Kitô hữu phải đối mặt với nạn bắt cóc lan rộng bởi các tay súng thánh chiến ở Nigeria, với hơn 220 người bị bắt cóc mỗi năm. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cũng nhấn mạnh đến “sự gia tăng” trong các vụ bắt cóc các linh mục và nam nữ tu sĩ.

Tại các quốc gia như Pakistan và Ai Cập, các phụ nữ Công Giáo bị bắt cóc và bị cưỡng bức cải đạo và bị cưỡng bức kết hôn. Chỉ riêng tại một tỉnh của Pakistan, trong năm 2018 đã có 1,000 trường hợp cưỡng bức những phụ nữ Công Giáo và Ấn Giáo phải theo đạo Hồi.

Bắc Triều Tiên được biết đến là một trong những nơi đàn áp các Kitô hữu tồi tệ nhất, với hơn 50,000 Kitô hữu bị giam cầm trong các trại lao động khắc nghiệt.

Tại Eritrea, quốc gia được một số người gọi là “Bắc Triều Tiên của Châu Phi”, hơn 1,000 Kitô hữu được báo cáo đã bị giam giữ và chỉ trong vòng vài tháng của năm 2020, khoảng 300 Kitô hữu chưa ghi danh đã bị bắt.


Source:Catholic News Agency
 
Giám Mục Ấn lên tiếng xin lỗi sau khi giáo dân chỉ ra rằng ngài đã trúng kế của người Hồi Giáo
Đặng Tự Do
16:11 01/12/2020

Một vị Hồng Y người Ấn Độ đã thành lập một ủy ban để xem xét vấn đề hôn nhân khác đạo vì vấn đề này đã trở thành một điểm nóng chính trị ở nước này.

Đức Hồng Y George Alencherry, nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar, đã triệu tập một ủy ban sau khi một phụ nữ Công Giáo kết hôn với một người đàn ông Hồi giáo tại Nhà thờ Thánh Joseph ở trung tâm thành phố Kochi, thuộc bang Kerala, miền Nam nước này.

Các câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến vấn đề là liệu người phụ nữ Công Giáo trong cuộc hôn nhân này có hội đủ hay không tất cả các yêu cầu chính thức khi kết hôn với một người chưa rửa tội, đặc biệt trong bối cảnh người ấy sẽ quyết liệt từ chối phép rửa tội, và sẽ ngăn cản không cho con cái của ông được rửa tội. Thậm chí, ông ta có nhiều khả năng sẽ buộc người vợ mình phải theo đạo Hồi. Nhiều người cho rằng người phụ nữ Công Giáo này thuộc một giáo phận khác, đã không được phép thích hợp tại giáo phận gốc của mình.

Buổi lễ thu hút sự chú ý lớn hơn do sự hiện diện của Đức Cha Matthew Vaniakizhakel, giám mục đã nghỉ hưu của Satna.

Trong một bức thư, Đức Cha xin lỗi vì đã tham dự buổi lễ.

“Tôi đã tham dự hôn lễ hỗn hợp vì có mối quan hệ thân thiết với gia đình cô dâu. Tuy nhiên, tôi rất hối hận khi tham dự hôn lễ này”, Đức Cha Vaniakizhakel viết.

Kerala là trung tâm Kitô giáo của Ấn Độ. Mặc dù các tín hữu Kitô chỉ chiếm hơn 2% dân số trên toàn Ấn Độ, nhưng họ chiếm gần 20% dân số ở Kerala.

Bang Kerala cũng là trụ sở chính của Giáo Hội Syro-Malabar, một trong những Giáo Hội Công Giáo theo nghi thức phương Đông có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Cha Alex Onampally, thư ký của Ủy ban Truyền thông của Giáo Hội Syro-Malabar, nói với tờ Crux rằng Đức Hồng Y Alencherry sẽ ban hành hướng dẫn mới về hôn nhân khác đạo sau khi ủy ban công bố báo cáo của mình.

Giáo luật nghiêm cấm các cuộc hôn nhân khác đạo, nhưng các nhà chức trách Giáo hội có thể đưa ra một miễn trừ nếu người phối ngẫu Công Giáo hứa sẽ không từ bỏ đức tin của mình và nuôi dạy con cái theo đức tin Công Giáo. Nếu không hội đủ các điều kiện này, cuộc hôn nhân bị Giáo Hội Công Giáo coi là vô hiệu.

Mặc dù các miễn trừ như thế thường được chấp nhận ở phương Tây, nhưng chúng thường bị từ chối ở Ấn Độ do nhận thấy mối nguy hiểm đối với đức tin của người Công Giáo.

Một số nhà hoạt động Công Giáo đưa ra cáo buộc người Hồi Giáo đang tiến hành một cuộc “thánh chiến tình ái”. Họ cáo buộc rằng người Hồi giáo kết hôn với những người không theo đạo Hồi để chuyển họ sang đạo Hồi.

Các cuộc biểu tình chống trào lưu “thánh chiến tình ái” đã khiến bang Uttar Pradesh, ở miền bắc Ấn Độ, thông qua đạo luật gây trở ngại cho hôn nhân giữa các cặp vợ chồng khác đạo, bao gồm một thời gian chờ đợi nhất định và sự chấp thuận của các quan chức chính phủ. Luật áp dụng hình phạt lên đến 10 năm tù đối với những người vi phạm.


Source:Crux
 
Hàng chục bản án chung thân và các án tù khắc nghiệt dành cho các nhà lãnh đạo đảo chính
Đặng Tự Do
16:12 01/12/2020


Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra nhiều bản án chung thân đối với khoảng 500 người bị xét xử liên quan đến cuộc đảo chính quân sự bất thành năm 2016.

Nhiều người bị cáo buộc là tín đồ của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gülen, là người bị kết tội chủ mưu của âm mưu lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Phiên tòa tập trung vào các sự kiện tại căn cứ không quân Akinci, ở Ankara, nơi các thủ lĩnh cuộc đảo chính được cho là đã dẫn đầu cuộc tấn công của họ.

Hàng chục phi công và sĩ quan cao cấp tại căn cứ bị kết tội mưu toan lật đổ chính phủ hợp hiến và dự định giết chết Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Các bị cáo bị kết tội đã đánh bom một số điểm chiến lược ở thủ đô, bao gồm cả tòa nhà quốc hội.

Ít nhất 27 người bị tuyên nhiều bản án chung thân, mỗi người đều có những điều khoản khắc nghiệt hơn bản án chung thân bình thường. Vào năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra cái gọi là án tù chung thân với các tình tiết gia trọng để thay thế án tử hình.

Trong số 475 người hiện đang bị xét xử có 365 người đã phải ở trong tù trong nhiều năm qua. Tổng cộng có 337 người bị kết án, bao gồm Tư lệnh Không quân Akin Ozturk, cùng với 4 người cầm đầu khác được mệnh danh là nhóm “tứ nhân bang lừa đảo dân sự” vì có quan hệ với mạng lưới của Gülen.

Sau đêm âm mưu đảo chính vào giữa tháng 7 năm 2016, khiến 250 người chết và quyền lực của Erdoğan bị lung lay trong vài giờ, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc săn lùng phù thủy toàn diện.

Hàng chục nghìn người bị cáo buộc đã tham gia vào âm mưu đảo chính này, ở trong và ngoài nước – bao gồm các nhà trí thức, các nhà hoạt động chính trị, quân nhân, thẩm phán, giáo viên, người dân thường. Họ bị kết tội có liên hệ với Fethullah Gülen, giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang sống lưu vong ở Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Theo tổng thống Erdoğan, những người ủng hộ Gülen đã thâm nhập vào lực lượng cảnh sát, cơ quan tư pháp và các tổ chức quan trọng khác để tạo ra một “nhà nước trong nhà nước”.

Khoảng 292,000 người đã bị bắt giam và gần 100,000 người đang chờ xét xử.

Khoảng 150,000 công chức đã bị sa thải hoặc đình chỉ sau cuộc đảo chính, bao gồm khoảng 20,000 người bị trục xuất khỏi quân đội. Các tòa án đã tuyên hơn 2,500 bản án chung thân.


Source:Asia News
 
Top Stories
Province de Yen Bai: une nouvelle église consacrée dans le diocèse de Hung Hoa
Églises d'Asie
09:30 01/12/2020
Le 26 novembre dans la province montagneuse de Yen Bai, dans le nord du Vietnam, plus de 2 000 personnes ont célébré la consécration et l’inauguration de la nouvelle église et du nouveau presbytère de la paroisse de Mong Son. Selon la communauté catholique locale, ils en rêvaient depuis plus de 50 ans, quand ils ont dû abandonner leurs maisons et leurs fermes lors de la construction du barrage de hydroélectrique de Thac Ba, qui a inondé 30 paroisses et antennes paroissiales. Une chapelle en bois avait été érigée en 1970 lors de la fondation de la nouvelle paroisse de Mong Son.

Plus de 2 000 personnes de la province de Yen Bai, au nord du pays dans une région montagneuse, ont participé à la cérémonie de consécration de la nouvelle église de Mong Son, près d’un demi-siècle après avoir évacué leurs maisons et leurs fermes pour laisser place au plus grand barrage hydroélectrique de la région. La célébration était présidée par Mgr Jean-Marie Vu Tat, évêque de Hung Hoa. Ce dernier a également béni le nouveau presbytère de la paroisse de Mong Son, dans le district de Yen Binh, en présence d’une cinquantaine de prêtres et de plusieurs représentants des autorités locales. « Nous remercions Dieu et notre mère Marie, qui aiment cette petite communauté éloignée et qui nous ont donné cette belle église, dont nous avons rêvé pendant 50 ans », confie Pierre Ngo Van Chien, un catholique local, avec fierté. Pierre, un menuisier, explique qu’il a fallu sept ans pour achever la nouvelle église, qui est dédiée à Notre-Dame du Rosaire, parce que des problèmes financiers ont interrompu les travaux pendant deux ans.

Âgé de 45 ans et père de cinq enfants, il ajoute que sa famille a donné de l’argent et qu’ils se sont portés volontaires pour participer au chantier pendant plusieurs mois. Il précise que son père, aujourd’hui âgé de plus de 80 ans, a évacué sa maison et sa ferme en 1967. Il fait partie de quelque 50 000 habitants qui ont dû abandonner leurs propriétés dans les années 1960 et 1970 lors de la construction du barrage hydroélectrique de Thac Ba, qui a inondé 30 paroisses et antennes paroissiales. En 1970, la communauté catholique locale a fondé la paroisse de Mong Son en érigeant une nouvelle chapelle en bois. La communauté compte aujourd’hui près de 3 000 fidèles et un curé résident, le père Pierre Tran Van Huong. Le vicaire général du diocèse, le père Dominique Hoang Minh Tien, a salué les habitants et les bienfaiteurs pour les dons généreux et pour les volontaires qui se sont unis pour achever cette nouvelle église de style gothique.

Sept ans de construction

« Dorénavant, vous aurez un beau lieu pour vous rassembler et pour prier, pour célébrer la liturgie, apprendre le catéchisme et participer aux autres activités religieuses dans votre vie de foi », a ajouté le père Minh Tien. L’église, d’une superficie de 800 m², compte deux tours de 40 m de haut. Le site, situé sur un terrain de 10 000 m², bénéficie d’une vue panoramique sur le barrage de Thac Ba. Pour l’occasion, l’église et le presbytère ont été décorés avec des drapeaux multicolores. Le père Tien explique que la nouvelle église fera partie des sites de pèlerinage pour les catholiques de la région, à l’occasion du 125e anniversaire de la fondation du diocèse de Hung Hoa, qui sera célébré le mois prochain. Joseph Tran Van Lien, responsable du conseil paroissial, précise que la paroisse a dépensé 27 milliards de dongs (973 420 €) pour l’achat du terrain et pour les travaux. Joseph Lien ajoute que les catholiques de la paroisse sont reconnaissants envers le père Michael Nguyen Tien Quang, le premier curé de Mong Son, qui a servi leur communauté entre 2006 et 2016. Le père Quang a levé des fonds, acheté le terrain et demandé les permis de construction pour la nouvelle église et le nouveau presbytère.

Le père Joseph Nguyen Dinh Tuyen, a également servi la paroisse dans le passé, explique qu’il est difficile de rassembler des fonds pour construire une église dans la région, parce que les habitants ont des revenus modestes – sans compter les difficultés économiques liées à la pandémie. Le père Tuyen, curé de la paroisse de Yen Bai et responsable du doyenné de Yen Bai – qui couvre 24 paroisses et 100 antennes paroissiales pour 40 000 catholiques –, ajoute qu’il est urgent de construire de nouvelles églises afin de remplacer les chapelles construites à la hâte il y a plus de 50 ans. Il souligne que les catholiques ont besoin de lieux de cultes dignes de ce nom, notamment avec des besoins religieux croissants. Le prêtre, âgé de 52 ans, explique que les autorités locales ont relâché leur pression sur les constructions de nouveaux lieux de culte durant les 25 dernières années. Autrefois, ils n’auraient pas obtenu l’autorisation pour réparer ou construire une nouvelle église. Le père Tuyen ajoute que dans le doyenné, 10 églises sont en cours de construction actuellement, pour un coût moyen par édifice entre 2 et 12 milliards de dongs.

(Source: Églises d'Asie - le 01/12/2020, Avec Ucanews, Yen Bai)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tây Ninh: Thánh lễ tạ ơn và trao uy nhiệm thư cho các thành viên Hội đồng mục vụ
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
10:11 01/12/2020
Năm Phụng vụ cũ kết thúc, chào đón năm Phụng vụ mới, vào lúc 06 giờ sáng ngày 29/11/2020, tại nhà thờ Giáo xứ Tây Ninh đã diễn ra Thánh lễ Thứ nhất Mùa Vọng mở đầu năm phục vụ mới, Giáo xứ Tây Ninh hân hoan ra mắt thành viên Hội đồng Giáo xứ nhiệm kỳ 2020-2024. Trong Thánh lễ, Cha Chánh xứ Gioan Võ Hoàn Sinh cũng chính thức trao văn thư bổ nhiệm cho các thành viên trong Hội đồng Mục vụ của giáo xứ.

Tham dự Thánh lễ ngoài các Thành viên Tân Hội đồng Giáo xứ còn có đại diện quý tu sĩ và bà con giáo dân trong và ngoài Giáo xứ.

Xem Hình

Trong bài giảng, khởi đi từ ý nghĩa của việc bổ nhiệm, Cha Gioan đã tin tưởng kêu gọi mọi người tích cực dấn thân trong phận vụ của mình vì tinh thần liên đới và tình yêu thương dành cho giáo xứ, và cũng vì sự tiến triển của giáo xứ. Cha Giaon cũng nêu lên những khó khăn trong từng lĩnh vực, nhưng với niềm tin, với lòng cậy trông tín thác, cùng với sự cộng tác của mỗi người, Thiên Chúa sẽ chúc lành cho từng công việc. Nhưng tất cả cần phải được xây dựng trên nền tảng ơn Chúa, vì thế,Cha Gioan cũng kêu gọi mỗi người hãy “Tỉnh thức để luôn luôn sẳn sàng đón chờ Chúa đến”.

Sau kinh Tin Kính, Cha Gioan đã trao 37 ủy nhiệm thư cho 33 thành viên trong Hội đồng Giáo xứ nhiệm kỳ mới.

Cũng trong dịp này ngoài việc truy ân các Vị Thành viên Hội đồng Giáo xứ nhiệm kỳ đã qua, Cha Giao cũng đã chính thức thay đổi tên gọi của 03 Giáo khu là: Giáo khu Truyền Giáo đổi tên thành Giáo khu Mân Côi với ngày lễ Bổn mạng của Giáo khu là ngày 07/10; Giáo khu Thánh Gia thành Giáo khu Mẹ Vô nhiễm với ngày lễ Bổn mạng là ngày 08/12 và Giáo khu Bê Lem thành Giáo khu Mẹ Thiên Chúa với ngày lễ Bổn mạng là ngày 01/01.

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ (Bổn mạng của Gáo xứ), qua việc Chúa là Vua của muôn loài; cũng là Vua của chúng con, xin ban cho các anh chị em vừa lãnh nhận nhiệm vụ mới được tràn đầy ơn Chúa, dồi dào sức khỏe, để các ngài chu toàn mọi công việc vừa được trao phó.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Ban Truyền thông Giáo phận Phú Cường
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lược sử các giáo phận Công Giáo Việt Nam : Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Lạng Sơn
22:25 01/12/2020
I. Lược sử hình thành

Buổi đầu trước khi Tin Mừng đến Miền Bắc, dân cư miền núi Cao Bằng Lạng Sơn chưa hề biết tới đạo Công Giáo. Người giáo dân đầu tiên tới đây là ông phó Nhậm (Phó Lý trưởng), con của Thánh Tử đạo Antôn Nguyễn Ðích. Ông phó Nhậm bị phát lưu lên Cao Bằng vào năm 1858, thời vua Tự Ðức. Cũng khoảng năm này, một đại chủng sinh bị phát lưu lên Lạng Sơn tên là Trần Triêm, tức Cụ Sáu Trần Lục, từ Giáo phận Phát Diệm ngày nay.

Các giáo sĩ thuộc Dòng Đaminh Lyon từ Giáo phận Đông Đàng Ngoài tìm đến vùng đất mới này. Đến năm 1876, tại Lạng Sơn-Cao Bằng đã có chừng 300 giáo hữu, phần lớn là những người Công Giáo bị triều đình Huế phát vãng lên đây.

Nhận thấy công việc truyền giáo có kết quả, ngày 30 tháng 12 năm 1913, Tòa Thánh thiết lập Phủ doãn Tông tòa Lạng Sơn-Cao Bằng, tách ra từ Giáo phận Bắc Ninh, gồm tỉnh Lạng Sơn-Cao Bằng và các huyện phía Đông sông Lô của tỉnh Hà Giang. Phủ doãn được trao cho các Cha dòng Đaminh Lyon coi sóc và Đức ông Bertrand Cothoney O.P. (Cố Chiểu) thuộc Dòng Đaminh được đặt làm Phủ doãn Tông tòa đầu tiên. Lúc bấy giờ, như lời nguyện chúc của Thánh Bộ Truyền giáo dành cho các thừa sai “Hãy làm sa mạc nở hoa”, so với các Giáo phận miền xuôi màu mỡ, đời sống đức tin ở Lạng Sơn-Cao Bằng như một vùng đất sa mạc khô khan. Đức ông Cothoney chọn khu Văn Miếu ở Lạng Sơn làm trụ sở. Năm 1925, Đức Ông Dominique Maillet O.P. (Cố Bính) thay thế Đức Ông Cothoney làm Phủ doãn Tông Tòa cho đến năm 1929.

Ngày 11/07/1929, Phủ doãn Tông tòa Lạng Sơn-Cao Bằng được nâng lên thành Ðại diện Tông tòa Lạng Sơn-Cao Bằng và Đức cha Felix Maurice Hedde O.P. (Đức Cha Minh) làm Giám mục Đại diện Tông tòa tiên khởi cho đến năm 1939. Kế nhiệm Ngài là Đức cha André Reginal Jaques O.P. (Đức Cha Mỹ). Năm 1960, ngài bị trục xuất về Pháp. Thế chiến thứ I và chiến tranh Việt Pháp bùng nổ trong thời gian này, với kết thúc là cuộc di cư năm 1954, đã tác hại sâu rộng đến công cuộc truyền giáo buổi đầu còn manh nha. Mọi sự hầu như phải gây dựng lại từ đầu.

Ngày 24/11/1960, Đại diện Tông Tòa Lạng Sơn-Cao Bằng được Tòa Thánh nâng lên Giáo phận Chính tòa Lạng Sơn-Cao Bằng, thuộc Giáo tỉnh Hà Nội. Đức Giám Mục Chính tòa tiên khởi là Đức cha Vinh Sơn Phaolô Phạm Văn Dụ. Ngài bị Chính quyền Cộng sản giam lỏng tại Giáo xứ Thất Khê, cách Tòa Giám mục 70km. Mãi đến năm 1979, theo dòng người trốn chạy chiến tranh biên giới với Trung quốc, Đức cha Vinh Sơn Phaolô mới đến được Tòa Giám mục Bắc Ninh và được Giám mục Bắc Ninh là Đức cha Phaolô Maria Phạm Đình Tụng tấn phong Giám mục trong một căn phòng nhỏ. Giáo phận tiếp tục trải qua những chặng đường thăng trầm, nhiều khó khăn thách đố, nhưng với ơn Chúa và tấm lòng của các vị mục tử liên tiếp được sai đến với số những người giáo dân còn lại đầy nhiệt thành, Giáo phận nhỏ bé đã được hồi sinh và lớn lên từng ngày cho đến hôm nay.

II. Địa lý và dân số

1. Địa lý

Diện tích của Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng rộng khoảng 18.359.10 km2, nằm trong 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và các huyện phía Đông sông Lô thuộc tỉnh Hà Giang. Vùng đất này có hơn 3/4 diện tích là núi rừng hiểm trở, giao thông đa số còn sơ sài. Giáo phận trải dài theo biên giới Việt-Trung ở hướng bắc với tổng cộng trên 800km. Toàn địa phận có 3 thành phố với 27 huyện, chia thành 505 xã phường và thị trấn. Cực Bắc là cao nguyên đá Đồng Văn với cột cờ Lũng Cú là địa đầu Tổ Quốc. Đây là vùng đất hiểm trở với nhiều thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như Thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Đỉnh Mẫu Sơn băng giá phủ tuyết vào mùa đông thuộc tỉnh Lạng Sơn.

2. Dân số trên địa bàn

Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng là địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó hai dân tộc Nùng và Tày chiếm 85% dân cư, còn lại 15% thuộc các dân tộc Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mông... Tổng số dân trên địa bàn, theo thống kê năm 2017, là 1.769.385 người. Đại đa số dân chúng sống nghề trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán và làm các nghề thủ công, rất ít cơ sở công nghiệp. Du lịch chưa phát triển.

3. Dân số Công Giáo

Hiện nay Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng có 6.001 giáo dân, chiếm tỷ lệ gần 0,33% dân số trong khu vực. Đa số giáo dân là người Kinh, thuộc các Giáo phận miền xuôi như Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh lên làm ăn qua các thời kỳ. Các dân tộc khác theo đạo Công Giáo thuộc vài giáo xứ còn hiếm hoi. Trên địa bàn Giáo phận cũng có một số tôn giáo khác như Phật giáo, Cao đài, Thờ cúng Tổ tiên và một số tín ngưỡng địa phương như Mo, Then…

4. Giáo hạt và giáo xứ

Hiện nay, Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng được chia làm 3 Giáo hạt, tương ứng với ba tỉnh nằm trong địa bàn của Giáo phận:

- Giáo hạt Lạng Sơn: gồm tỉnh Lạng Sơn và huyện Thạch An của tỉnh Cao Bằng với các giáo xứ: Chính Tòa, Ngạn Sơn, Mỹ Sơn, Lộc Bình, Bản Lìm, Đồng Đăng, Thất Khê, Vũ Lễ và một số giáo điểm như Đình Lập, Bản Quấn, Đồng Mỏ, Đông Khê, Hạ Lũng, Na Sầm, Tân Thanh…

- Giáo hạt Cao Bằng: gồm tỉnh Cao Bằng (trừ huyện Thạch An) với các giáo xứ: Thanh Sơn, Bó Tờ, Tà Lùng, Nà Cáp, Cao Bình và nhiều giáo điểm như Quảng Uyên, Nà Rị…

- Giáo hạt Hà Giang (2017): gồm thành phố Hà Giang và các huyện phía Đông Sông Lô, với các Giáo xứ Thánh Tâm và một số giáo điểm như: Bắc Mê, Linh Hồ, Yên Minh, Quản Bạ…

5. Dòng Tu

Cộng tác vào đời sống mục vụ của cánh đồng truyền giáo rộng lớn Lạng Sơn-Cao Bằng hiện nay có cộng đoàn của 8 Hội dòng nam và nữ:

- Dòng Nam:

Don Bosco (đặc trách Giáo xứ Mỹ Sơn và huyện Chi Lăng – Lạng Sơn);

Dòng Chúa Cứu Thế (đặc trách Giáo xứ Cao Bình và các huyện Hòa An, Bảo Lâm, Bảo Lạc thuộc tỉnh Cao Bằng)

Dòng Đaminh (đặc trách Giáo xứ Lộc Bình và các huyện Cao Lộc, Đình Lập, thuộc tỉnh Lạng Sơn)

Dòng Phanxicô (đặc trách Giáo xứ Vũ Lễ và các huyện Bắc Sơn, Bình Gia thuộc tỉnh Lạng Sơn)

Tu hội Thừa Sai Bác ái Thánh Vinh Sơn (phục vụ tại Giáo xứ Thánh Tâm, thuộc tỉnh Hà Giang)

- Dòng Nữ:

Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tỉnh dòng Hà Nội (phục vụ tại Giáo xứ Mỹ Sơn, Thanh Sơn và Bản Lìm)

Dòng Nữ Đaminh Đức Mẹ Mân Côi gốc Lạng Sơn (phục vụ Tòa Giám mục, Giáo xứ Chính Tòa, Đồng Đăng, Thất Khê và Bó Tờ)

Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (phục vụ tại Giáo xứ Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng)

6. Đôi nét chính yếu về đời sống giáo dân

Đa phần nhà thờ các xứ đạo của Giáo phận được đặt tại các thị trấn và tỉnh lỵ, nhưng giáo dân lại sống rải rác, rất khó qui tụ. Vì thế, các giáo điểm là phương thức giúp cho việc chăm sóc mục vụ người dân được chu đáo hơn.

Một phần không nhỏ giáo dân từ vùng Xuôi lên làm ăn nhưng không tính đến chuyện lập nghiệp lâu dài, cho nên sinh hoạt các cộng đoàn cũng không ổn định và mang tính thời vụ.

Đại đa số giáo dân đến từ miền Xuôi, nên nếp sinh hoạt đạo cũng chịu ảnh hưởng từ các giáo phận miền Xuôi, nơi giáo dân quy tụ đông đúc. Do vậy, nếp sống đạo cần thích nghi cho hợp với vùng đất mới, để tiếp cận dễ dàng với người địa phương, một yếu tố cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng.

Có những năm tháng dài các cộng đoàn thiếu bóng mục tử, sinh hoạt đạo đức có nhiều hạn chế, khó khăn nên nền tảng giáo lý còn non yếu xuyên thế hệ. Một phần không nhỏ các gia đình sống đạo không đồng nhất, tình trạng hôn nhân trái luật, bị ảnh hưởng của tín ngưỡng và tập tục địa phương rất phổ biến như Mo, Then, thờ ma Gà, ma Xó… Do đó, việc dạy và học giáo lý cần được chú trọng để củng cố đức tin, củng cố phụng vụ Chúa Nhật, thiết lập các đoàn thể, phong trào, hội đoàn.

III. Nhân sự

Ơn Gọi tại chỗ rất hiếm hoi nên tuyệt đại đa số linh mục tu sĩ từ các giáo phận khác đến phục vụ. Từ mùa hè năm 2017, Giáo phận đã kêu gọi và tổ chức tuyển chọn các ứng sinh cho hàng giáo sĩ giáo phận tương lai từ các giáo phận anh em trong cả nước.

1. Giám mục Chính Tòa

a. Giám mục đương nhiệm: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri. Ngài sinh ngày 12.9.1956 tại Quảng Nam, chịu chức linh mục ngày 21/11/1989 tại Đà Nẵng, được tấn phong và bổ nhiệm làm Giám mục Đà Nẵng ngày 13/5/2006, và được bổ nhiệm làm Giám mục Lạng Sơn- Cao Bằng ngày 12/03/2016.

b. Các Giám mục tiền nhiệm: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân (2007-2016); Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt (1999-2007); Đức Hồng Y Giám quản Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1998-1999), Đức cha Vinh Sơn Phaolô Phạm Văn Dụ (1960-1998).

2. Linh mục, chủng sinh và tu sĩ

Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng hiện có 31 linh mục đang phục vụ, trong đó có 10 linh mục Dòng và 19 linh mục Triều. Giáo phận có 3 Đại Chủng sinh đã mãn trường, 19 Đại chủng sinh đang theo học tại Đại Chủng viện Hà Nội, Bùi Chu, Xuân Lộc, Huế, Seoul và 19 ứng sinh đang theo học tại Tiền Chủng viện Giáo phận. Hiện có 8 hội dòng nam, nữ đang cộng tác phục vụ, gồm 4 tu sĩ linh mục thuộc các Dòng Salesian (Don Bosco), Chúa Cứu Thế, Đaminh, Phanxicô, Tu hội Thừa Sai Bác ái Thánh Vinh sơn và 40 nữ tu thuộc các Dòng Đaminh Lạng Sơn, Phaolô Thành Chartres và Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

IV. Cơ cấu tổ chức trong Giáo phận

Cộng tác điều hành với Đức Giám Mục Giáo phận có Giáo phủ, bao gồm Cha Tổng Đại diện, Cha Đại diện Giám mục, Cha Văn phòng, Cha Quản lý. Tại các Giáo hạt có quý Cha Hạt trưởng và vài Cha niên trưởng họp thành Ban Tư vấn cộng tác với Đức Giám Mục. Một số Ban Mục vụ cũng đã được thiết lập. Giáo phận cần thiết lập Hội đồng Linh mục, Hội đồng Mục vụ, Hội đồng kinh tế cũng như Tòa án Hôn phối Giáo phận.

V. Cơ sở Giáo phận

1. Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn: (tọa lạc tại số 02 Văn Miếu –Thành phố Lạng Sơn) được khởi công xây dựng vào ngày 01 tháng 1 năm 2001 và được Khánh thành – Cung hiến ngày 02 tháng 10 năm 2004 dưới thời Đức Giám Mục Chính tòa Giuse Ngô Quang Kiệt.

2. Tòa Giám mục Lạng Sơn: được xây dựng từ thời Đức Giám Mục Chính tòa Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ, và được hoàn thiện như hiện nay bởi các vị Giám mục kế nhiệm. Địa chỉ: số 04 Văn Miếu – Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

3. Nhà Truyền thống Giáo phận: Một ngôi nhà ngói 6 gian trong sân Tòa Giám mục, vốn dùng làm Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận sau khi Nhà thờ Chính tòa bị bom đạn phá hủy vào năm 1968 cho đến năm 2004, với quả chuông được treo trên một cây nhãn làm tháp chuông lúc bấy giờ.

4. Tiền Chủng viện Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu: được thiết lập trong khuôn viên Tòa Giám mục Lạng Sơn từ năm 2007 và hoàn thiện như hiện nay vào năm học 2016-2017 với Ban Giám đốc, Ban Giảng huấn. Tiền Chủng viện hiện nay có 3 lớp với 19 ứng sinh, sinh hoạt chung với Tòa Giám mục.

VI. Hoạt động mục vụ, loan báo Tin Mừng và bác ái xã hội

1. Mục vụ: Hoạt động mục vụ tuy khó khăn, nhưng vẫn luôn được quan tâm và ngày càng phong phú đa dạng. Các nhà thờ Giáo xứ đều có Thánh lễ hằng ngày. Tại các Giáo điểm cũng thường có Thánh lễ vào ngày Chúa nhật. Đời sống Bí tích của dân Chúa cũng được chăm lo chu đáo. Vì có ít giáo dân nên các mục tử cũng sống rất gần gũi và năng thăm viếng giáo dân. Về phía giáo dân, ngoài Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, hiện có 6 đoàn thể đang sinh hoạt trong Giáo phận: Legio Mariae, Caritas, Gia Trưởng, Hiền Mẫu, Đồng Tâm và Linh hoạt viên. Ban Phụng vụ tại các giáo xứ gồm Lễ sinh, Ca đoàn, đội Kim nhạc, trống phách. Giáo lý viên có 20 em.

2. Loan báo Tin Mừng: Đại hội Truyền giáo tháng 10/2017 đã phân chia lại ranh giới các giáo xứ, bao trùm hết lãnh thổ Giáo phận, để nơi nào cũng có mục tử chăm sóc. Hy vọng việc này sẽ thúc đẩy các thành phần dân Chúa, nhất là các mục tử, có động lực ra đi đến với muôn dân.

3. Bác ái Xã hội: Caritas Giáo phận hoạt động khá phong phú, đặc biệt quan tâm đến những gia đình nghèo, trẻ em khuyết tật và nhiểm HIV. Giáo phận đang bắt đầu chương trình làm nhà cho dân nghèo, cung cấp thiết bị nước sạch, tổ chức sân chơi cho các giới… Tuy nhiên, hoạt động bác ái vẫn còn nhiều hạn chế vì thiếu điều kiện và cơ chế xã hội chưa đủ thông thoáng.

VII. Nhận định chung

Lạng Sơn-Cao Bằng hiện nay, xét về con số giáo dân, là Giáo phận “tí hon” so với các chị em mình trong Giáo hội Việt Nam, nhưng với tiềm năng loan báo Tin Mừng rất lớn, không phải chỉ trong lãnh thổ Giáo phận, nhưng còn có thể liên đới sứ vụ với các giáo phận thuộc Giáo hội Trung Hoa láng giềng. Vì thế, tầm nhìn sứ vụ tại Lạng Sơn Cao Bằng phải rất riêng và độc đáo, cùng với lòng nhiệt thành trổi vượt của các nhà truyền giáo mới nơi đây.

Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng là một vùng đất vừa nghèo đức tin, nghèo nhân sự và nghèo cả về kinh tế. Giáo phận rất cần sự quan tâm hỗ trợ nhân vật lực của Tòa Thánh, của các Giáo phận chị em tại Việt Nam và những người thành tâm thiện chí khắp nơi, giúp cho sinh hoạt mục vụ và bác ái được củng cố và phát triển.

VIII. Địa chỉ liên lạc

Văn phòng Tòa Giám mục Lạng Sơn

Địa chỉ: Số 04 Văn Miếu, Phường Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn, Tỉnh Lạng Sơn

Điện thoại & Fax: 02053.810.367; 0188.539.3410 (Cha Chánh Văn phòng).

Email: tgmlangsonvn@gmail.com

Website: http://giaophanlangson.org

Văn phòng TGM Lạng Sơn-Cao Bằng

Cập nhật ngày 31/12/2017
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Thông Điệp Giáng Sinh
Trà Lũ
10:25 01/12/2020
Năm nay Canada bước vào mùa đông rất sớm. Ngay giữa tháng 11, trời đã đổ tuyết, tuy những làn tuyết còn mong manh nhưng cũng là những tín hiệu mùa băng giá đang tới. Máy sưởi đã mở, ai ai cũng ở trong nhà. Mở đài thì vẫn những thông tin nhức đầu, nào dịch Côvít 19 lan tràn, nào xã hội bên Mỹ chia rẽ về việc bầu cử, nào lụt lội Miền Trung nặng nề, trông cảnh đồng bào phải chui lên mái nhà thoát thân thấy tội nghiệp quá.

Giữa những tin buồn này thì làng An Lạc chúng tôi có tin vui rất lớn : Ông hội viên viễn cư Từ Hòe đã dọn về Toronto vĩnh viễn. Các cụ còn nhớ ông này chứ. Đầu thập niên 1980, ông từ trại tỵ nan sang Canada cùng nhóm với Cụ Chánh, cùng được nhà thờ Cha Paolo bảo trợ. Ông là mấy người tiên phong lập ra làng An Lạc. Làng mới lập xong thì ông bỏ làng sang miền tây Canada sống chung với một người em kết nghĩa. Ông phải ra đi vì đã hứa với người em kết nghĩa này là sống chết có nhau. Nay ông trở về làng và tuyên bố đã sống với chú em này 40 năm, đã đầy đủ bổn phận, đã trọn lời thề. Nay cuối đời nên ông về lại làng để sống với những người mà ông coi như ruột thịt. Chuyện ông và chú em kết nghĩa này dài và cảm động lắm, ngày xưa tôi đã kể hầu các cụ rồi, các cụ còn nhớ không?

Dân làng nghe tin Ông Từ Hòe trở về vĩnh viễn thì vui sướng quá sức, nhất là phe các bà. Chị Ba Biên Hòa và mấy cô Huế mê ông Từ Hòe như điếu đổ, như mê Ông ODP vậy. Chị Ba bảo sự trở về làng của Ông là một món quà Giáng Sinh quý hóa hết sức. Dân số làng từ nay có thêm một bồ chữ và một nhà quân tử. Ông ở với Cụ Chánh tiên chỉ làng. Xưa thì mỗi dịp tết ông mới về làng hai tuần, nay thì về ở luôn. Nghe tin ông Từ Hòe dọn về, cả làng đã kéo đến ăn mừng, ôi vui ôi mừng biết là chừng nào. Ngày xưa mỗi lần họp mặt thì dân làng chỉ được nghe có bồ chữ ODP kể chuyện mà đã thấy hay qúa sức, nay thì làng có thêm một bồ chữ thứ hai nữa, các cụ đã thấy dân làng An Lạc của tôi hạnh phúc chưa.

Vì dân số làng tôi mới tròm trèm 10 vĩ nhân nên không bị luật giãn cách xiết chặt, bởi vậy nhớ nhau thì ới một cái là có nhau liền. May là nhà cụ Chánh rộng, có phòng riêng cho ông Từ Hòe, và phòng ăn phòng bếp dư sức cho cả làng tung hoành.

Bà cụ B.95 tỏ ra sung sướng nhất vì từ nay bà sẽ có dịp nói chuyện với ông Từ Hòe dài hơn và lâu hơn. Bà biết ông gốc Bắc Kỳ 54, nên hỏi ngay : bác có biết hút thuốc lào không? Ông lắc đầu không biết. bà cụ tỏ ra ngạc nhiên : Lạ nhỉ, ngoài Bắc ai cũng thuộc câu mà Đảng dạy : Thuốc lá ho lao, thuốc lào bổ phổi’ mà. Ông Từ Hòe cười hề hề : Cụ đọc sai rồi. Tôi nhớ mãi chuyện này từ trại cải tạo. Bữa đó khi anh quản giáo thấy chúng tôi trố mắt nhìn anh rít thuốc lào say sưa thì anh ta bảo : thuốc ná ho nao, thuốc nào bổ phổi. Chúng tôi phá ra cười thì anh lên cơn giận, anh chửi bọn tù chúng tôi : Tụi bay đúng nà đồ ngụy, nàm việc thì nơ nà, ăn nói thì nếu náo, ný nuận thì nệch nạc, vợ đến thăm nuôi thì bú mồm nia nịa, nia nịa. Tại sao hôm nay tụi bay dám cười tao hút thuốc nào?

Ông ODP nghe đến việc phát âm N/L này liền kể ngay chuyện cô giáo luyện giọng. Rằng hồi 1975, đa số cán bộ từ Bắc vào Nam đều có gốc rừng rú, đầu nón cối chân dép râu, ai cũng nói ngọng, nên ban trung ương mới mở ra những lớp đêm bắt cán bộ gốc rừng này đi học thêm, để sửa cách phát âm chữ L. Học được ít lâu thì cô giáo khen : Các anh đã tiến bộ nhiều, không còn nói lẫn N với L nữa. Anh cán bộ trưởng lớp cám ơn cô giáo đã khen, anh nói : ‘Nhưng nâu nâu chúng tôi vẫn còn nẫn…

Rồi nhân việc này ông bàn sang chuyện chủ thuyết cộng sản đã làm cho con người biến dạng, từ tốt lành ra xấu xa. Trước 1945, Việt Nam ta có nhà phê bình văn học rất nổi tiếng Hoài Thanh. Với tác phẩm ‘Thi Nhân Việt Nam’ xuất bản 1941, Hoài Thanh được nhiều lời ca ngợi về công phu sưu tầm ngiên cứu và đánh giá các thi nhân của ông. Nhưng sau 1945 Hoài Thanh đi theo CS nên Hoài Thanh trở thành 1 cán bộ tuyên huấn, chỉ còn biết ca tụng cấp trên và đảng. Trong cuốn ‘ Tuyển Tập Hoài Thanh’, tính chất nịnh bề trên thấy rất rõ : Sách có 19 bài thì 6 bài ca tụng Hồ Chí Minh, 6 bài ca tụng Tố Hữu, 1 bài ca tụng Sóng Hồng tức Trường Chinh, 1 bài ca ngợi Xuân Thủy. Tất cả 14 bài này mang đầy tính chất xum xoe nịnh hót khúm núm. Vì theo CS mà Hoài thanh đã đánh mất hết tài năng thiên phú của mình. Thật đang tiếc.

Nhân nói tới cái chất CS nó làm thui chột con người, tôi chợt nhớ tới Xuân Diệu. Trước 1945, trước khi theo đảng CS, thì Xuân Diệu là một nhà thơ sáng chói, thế nhưng sau 1945 khi Xuân Diệu đã cùng Hoài Thanh theo CS thì cái chất thơ thiên phú đã biến mất, XD trở thành bồi bút, một người hèn. Bài thơ ‘Thương tiếc Đại Nguyên Soái’ khi Stalin chết, bài này chẳng khác gì bài thơ Tố Hữu khóc Stalin, giọng hèn hạ hiện ra rõ ràng ai cũng thấy. Riêng bài ca tụng Mao Trạch Đông thì ít người biết. Xuân Diệu được cử đi tham quan tỉnh Hồ Nam là sinh quán Mao Trạch Đông. Xuân Diệu đã múa bút ca tụng rằng ở đây vì có Bác Mao nên cái gì cũng tốt hết sức, thậm chí ngay cả cây lúa mọc lên dày đặc và tốt đến độ mùa lúa chin có đoàn xiếc đến trình diễn màn tháp người cao 8 tầng ở ngay trên mặt lúa mà lúa không hề đổ rạp. Ngay cây lúa cũng đã vĩ đại rồi. Kinh sợ quá,

Ông ODP vừa nói đến đây thì ông Từ Hòe lên tiếng : Thôi, không bàn chuyện mấy anh bồi bút CS nữa. Xin được bàn về việc dạy tiếng Tàu ở VN hiện nay. Ngoài việc học viết và hiểu nghĩa, chả biết VC có bắt học sinh nói tiếng Tàu nữa không. Nếu nói thì nói theo giọng nào. Tôi nghe có chuyện là VC bắt học sinh phải thuộc câu nói của HCM; ‘ Đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công ‘ Câu này toàn chữ Hán, nếu đọc theo giọng Quảng Đông thì nghe buồn cười lắm : xùn kít xùn kít tài xùn kít, Xình cống xình cống, tài xình cống. Tiếng gì mà toàn cứt đái và cống rãnh thế không biết, hôi quá !

Cả làng phá ra cười. Ông Từ Hòe bảo chưa hết. Chuyện này mới hay : Tên mấy người đẹp, đọc giọng VN thì nghe dễ thương quá, thế nhưng đọc theo giọng Tàu thì vừa chói tai vừa sượng sùng, ví dụ :

tên Cô Diệp Bản Minh, Tàu đọc là Dịp Pún Mằn

tên Cô Phan Hành Giai. Tàu đọc là Phún Nàng Cái

tên Cô Lâm sĩ Liên, Tàu đọc là Lầm Xì Lần

Nghe đến đây thì làng lại cười òa. Ô lạ nhỉ và kỳ ha. Bà cụ B.95 liền chắp tay vái hai bồ chữ Từ Hòe, ODP và cả làng : Xin đừng nói về CS nữa vì tôi ngấy lắm rồi. Xin nói về mùa Giáng Sinh hay mùa Tết đang tới. Xin bác Từ Hòe giảng cho làng một bài đi, lâu lắm rồi không được nghe bác giảng. Ông Từ Hòe rất đạo đức và hiểu đạo. Như đã có sẵn ý trong bụng, ông liền giảng :

…Nhân mùa Giáng Sinh, tôi xin bàn về tình yêu là ý nghĩa chính của đại lễ này. Theo Kinh Thánh thì Thiên Chúa tạo dựng ra con người theo hình ảnh của Ngài. Cả xác cả hồn con người chúng ta đều thông phần với bản tính Thiên Chúa. Vì Chúa cho con người một món quà quý vô giá là sự tự do. Cầm thú và cỏ cây không có món quà này nên chúng sống theo bản năng, cứ đói thì ăn, khát thì uống, đến mùa thì sinh nở, cỏ cây đâm bông kết trái. Chúng là một thứ máy đã được thảo chương từ sẵn. Con người thì hơn chúng hoàn toàn vì có tự do để lựa chọn. Và con người đã chọn sự dữ nhiều hơn sự lành. Càng ngày con người càng đắm chìm vào sự dữ, càng ngày càng chém giết nhau. Thiên Chúa thấy tác phẩm qúy giá của mình mỗi ngày một đắm chìm xuống bùn nhơ Ngài không thể cầm lòng được nên đã sai con một của Ngài xuống thế để cứu vớt loài người. Đó là Chúa Giêsu nhập thế và nhập thể. Ngài công bố tin mừng; Mọi người là con cái Thiên Chúa và là anh em ruột với nhau, đúng như ý nghĩa chữ ‘đồng bào’, nên phải yêu thương nhau.Thông điệp lễ Giáng sinh là thông điệp tình yêu, chữ Tình Yêu viết hoa…

Nghe đến đây thì cả làng vỗ tay và thưa Amen. Cụ Chánh thốt lên : bài nói của bác hay hơn nhiều bài giảng ở nhà thờ !

Anh John liền góp thêm ý : Khi yêu nhau thì tình yêu biến đổi chúng ta. Các triết gia bảo rằng khi yêu nhau thì tình yêu làm cho chúng ta tốt hơn lên. Canada có một chuyện để chứng minh việc này. Chuyện nàng công chúa Sheila Geira sinh quán Ái Nhĩ lan. Nàng bị một tên tướng cướp bắt cóc. Khi tên này nhìn mặt Sheila thì thấy nàng đẹp quá nên thay vì hãm hại thì nó quay ra yêu nàng. Nàng Sheila cũng vậy, cũng thấy mình bị tiếng sét ái tình. Thế là tên tướng cướp và Sheila yêu nhau rồi quyết định lấy nhau ngay. Chàng bỏ nghề tướng cướp và đưa vợ sang sống ở miền Carbonear thuộc tỉnh bang Newfoundland, miền đông Canada. Cả hai đã sống một đời gương mẫu, trọn đời có nhau và yêu nhau. Công Chúa Sheila mất năn 1753, thọ 105 tuổi. Nơi này còn giữ được tấm bia đá ghi tên cặp vợ chồng gương mẫu này

Chị Ba Biên Hòa thấy chồng dài dòng bèn xin chồng dứt chuyện Canada để nghe bác Từ Hòe giảng tiếp. Ông Từ Hòe còn đang hứng thú khi nói về tình yêu, nên ông tiếp ngay : Tình yêu là món qùa hiếm quý mà ai cũng ra sức tìm. Thế nhưng nhiều người dù ra sức mà vẫn không tìm ra. Tôi nhớ ở phương tây có 3 chuyện người phụ nữ đẹp và tài giỏi nổi tiếng thế mà không tìm được tình yêu đích thực :

Đó là ca sĩ Dalida, người Pháp gốc Ý, nàng nhan sắc vẹn toàn và tiếng hát làm say đắm cả thiên hạ. Ở Việt Nam mình thời thập niên 1960, ai mà không mê Daalida. Cô ngồi trên đỉnh danh vọng và tiền bạc, nhưng cô đã quyên sinh vì không có tình yêu. Ai đến với tôi cũng chỉ vì tình dục và tiền bạc. Cô viết lời tạ từ thế giới trước khi uống thuốc tự tử : Pardonnez-moi, la vie m’est insupportable ! Xin tha lỗi cho tôi, tôi hết chịu nổi cuộc đời này. Nàng mất ở Paris, năm 1987, thọ 54.

Đó là tài tử Marilyn Monroe, nữ thần điện ảnh bốc lửa của Hoa Kỳ. Nàng cũng ngồi trên đỉnh danh vọng và tiền bạc như Dalida, nhưng nàng không tìm thấy hạnh phúc vì không gặp được tình yêu, lòng vẫn trống trải. Thập niên 1950 và 1960 ở Saigon, phim nào có Marilyn thì rạp hát đông nghẹt. Thế nhưng nàng tiên tóc vàng này đã quyên sinh vì không có tình yêu đích thực, khi vừa 36 tuổi, năm 1962 ! Ngay cả báo chí Tòa Thánh Roma cũng thương tiếc nàng.

Đó là nàng Ava Gardner đẹp lộng lẫy và kiêu sa trong 60 bộ phim lớn. Báo chí thời đó mô tả nàng có bộ mặt thiên thần và thân xác vệ nữ. Nhưng nàng suốt đời tìm tình yêu mà không thấy, nàng đã tìm cái chết khi 67 tuổi, 1990.

Rồi bác Từ Hoè kết bài giảng thế này : Trên đây là chuyện 3 nữ thần danh tiếng thế giới nhưng bất hạnh vì không tìm được tình yêu đích thực, Còn đây là chuyện một ông vua đã bỏ ngai vàng vì tìm được tình yêu. Đó là vua Edward VIII bên Anh. Lúc vua lên ngôi thì nước Anh là một đế quốc rộng lớn và giàu mạnh nhất thế giới. Và tân vương vẫn còn độc thân. Vua đi tìm tình yêu và vua đã thấy : Đó là nàng Bessie Simpson. Nàng đã có chồng nhưng đã ly dị và nàng là người Mỹ. Hai người gặp nhau và đã yêu nhau ngay thực sự. Nhưng Vua không thể ngồi trên ngai mà lại có vợ là người Mỹ và đã một đời chồng. Vua phải chọn hoặc ngai vàng hoặc vợ Bessie. Cuối cùng, năm 1936, vua đã chọn người yêu Bessie và nhường ngai vàng cho người em, người em lên ngôi mang tên hoàng đế George VI, cha dẻ của Nữ Hoàng Elizabeth hiện nay.

Rồi ông Từ Hòe chấm dứt bài giảng với câu : Tình yêu đắt giá như vây, xin kính chúc cả làng có được tình yêu đích thực và trân quý tình yêu trọn đời. Amen.

Cả làng tôi lại vỗ tay râm ran, ai cũng bảo ông này là một bồ chữ quả không sai. Cụ Chánh bảo cụ sẽ vận động với Cha Paolo để ông Từ Hòe được phong chức Tháy Sáu ở nhà thờ. Các cụ có biết chức Thày Sáu là gì không cơ? Thưa là chức Deacon, tức là chức Phó tế trong Giáo Hội Công Giáo., là chức phụ giúp cho Giám Mục và Linh Mục trong các việc mục vụ. Với chức này, trong thánh lễ Thày Sáu Từ Hòe mà đọc sách Phúc m rồi giảng thì thật tuyệt vời. Chớ gì việc này thành sự thực mai sau. Riêng lão khi nhìn thấy bác Từ Hòe xách vali vào nhà thì lão nhớ tới lời Đức Thánh Cha John Paul II khi tới dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới họp tại Toronto vào tháng Bảy năm 2003. Khi ấy sức khỏe của Ngài đã mong manh, đi đứng đã khó khăn. Thế nhưng khi gặp giới trẻ thì mặt ngài hồng hào hẳn lên. Ngài nói với giới trẻ một câu lịch sử mà báo chí khắp nơi đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngài bảo ngài nhiều tuổi nhưng trái tim vẫn còn trẻ “ I am full in years but young at heart “. Cụ Chánh bảo sức khỏe của bác Từ Hòe giống y như vậy.

Ông bồ chữ ODP bắt ngay lấy câu tiếng Anh này rồi xin mọi người dịch ra tiếng Việt làm sao cho hay. Dân làng ai cũng giỏi tiếng Anh nên nhiều người giơ tay xin dịch.

- Cụ Chánh dịch ngay : Thân lão tâm bất lão. Cái thân già nhưng cái tâm không già. Quả là hay, vừa đúng ý vừa ngắn gọn,

- Ông Từ Hòe dịch :

Soi gương thì thấy mình già,

Soi lòng thì thấy mình là thanh niên.

Quả là hay, các cụ đã thấy tài thi sĩ Từ Hòe chưa?

-Chị Ba Biên Hòa đại diện phe các bà cũng góp lời, như sau :

Già thì già tóc già tai

Già răng già lợi, chí trai không già !

Hay quá chứ. Các cụ phương xa đã nể văn tài của làng tôi chưa !

Xin nói tiếp về Đức Thánh Cha John Paul II. Ngài tham dự hầu như mọi sinh hoạt chính của đại hội. Ngài tỏ ra yêu giới trẻ vô cùng. Khi nói với giới trẻ, người ta thấy tay ngài hết rung vì bệnh Parkinson. Giới trẻ bắt đầu buổi chào mừng ở khu tháp CNE và hát bài ca của đại hội với lời ca trích trong Thánh Kinh : Các con là muối đất, các con là ánh sáng, là men cho đời, Đức Thánh Cha tỏ ra vui mừng lạ lùng, ngài vỗ tay nhè nhẹ theo nhịp bài ca…

Xin ngưng chuyện Thánh Giáo Hoàng John Paul II. Vì nếu kể thì nó dài lắm. Cụ nào muốn biết thêm xin vào mạng. Mạng còn giữ đầy đủ.

Xin dược chúc mừng các cụ về đại lễ Giáng Sinh đang tới. Tên ngắn của lễ Giáng Sinh là XMAS. Làng tôi xưa nay vẫn bảo đây là chữ viết tắt của 4 chữ tiếng Việt : Xin Mừng Ánh Sáng, Xin Mưa n Sủng. Xin Chúa là Tình Yêu ban ánh sáng, ân phúc và bằng an cho mọi người thoát qua cơn đại dịch Vũ Hán của Tàu Cộng này.

Trân trọng,

TRÀ LŨ
 
Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa, Chương Ba
Vũ Văn An
19:06 01/12/2020

Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





CHƯƠNG BA: Ánh sáng lương dân

Người không để mình không có nhân chứng

Reinhold Niebuhr có lần viết: “Không có gì tuyệt diệu bằng câu trả lời cho một câu hỏi không được nêu lên” (1). Ông đã dùng câu này làm căn bản phân chia các nền văn hóa nhân bản thành văn hóa “chờ mong Chúa Kitô” và văn hóa “không chờ mong Chúa Kitô”. Nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu, khi giải thích ý nghĩa sứ điệp và công trình của Người cho thế giới trong 3, 4 thế kỷ đầu, đã cho rằng: không một nền văn hóa nào lại không chờ mong Chúa Kitô. Thành thử, trong con người và giáo huấn của Người cũng như trong cuộc sống và cái chết của Người, Chúa Giêsu đã nói lên câu trả lời cho một câu hỏi thực sự đã được khắp nơi nêu ra, tức việc Thiên Chúa đã thoả mãn hoàn toàn một khát vọng phổ quát, điều mà một trong các môn đệ đầu hết đã gọi là “cơ sở để hy vọng rằng toàn thể nhân loại sẽ trở lại và nhận ra đường về với Thiên Chúa” nhờ Chúa Giêsu Kitô “tên chung và mối hy vọng chung của chúng ta” (2).

Khi trình bày sứ điệp hy vọng chung trên cho thế giới lương dân, họ tìm cách khám phá ra các câu hỏi trong nền văn hóa La Hy có thể được tên chung Giêsu Kitô trả lời cho; như đã được tiên tri về buổi thiếu thời của mình (3), Người là “sự cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân, là ánh sáng soi đường cho lương dân, là vinh quang của Ít-ra-en, Dân Ngài”.

Song song với các kỹ thuật tỏ ra khá thành công lúc ấy tức việc sử dụng Thánh Kinh Híp-ri để giải thích Chúa Giêsu như vinh quang của It-ra-en, người ta cũng tìm ra một số kỹ thuật khác để giải thích việc Người là ánh sáng mạc khải cho lương dân. Có thể xếp các kỹ thuật này thành 3 loại: các lời tiên tri không phải của Do Thái nói về Đấng Kitô; các bước đi trước của lý thuyết lương dân về Chúa Giêsu; và các tiên báo hình loại học về ơn cứu chuộc do cái chết của Người mang lại.

Dù niềm hy vọng xức dầu và lời tiên tri xức dầu vốn là những nét đặc trưng của lịch sử Do Thái, chúng không phải là sở hữu độc quyền của It-ra-en. Thánh Augustinô từng viết: “Ngay trong các dân tộc khác, cũng có những người được mạc khải mầu nhiệm này và họ cũng được thúc đẩy công bố nó ra” (4). Gióp, Giê-thrô, cha vợ Môsê, và cả tiên tri Balaam nữa chính là 3 “ông thánh lương dân” được nói tới trong Thánh Kinh Hípri mà sự hiện hữu của họ được cả các thầy rabbis lẫn các giáo phụ công nhận (5). Được trang bị bằng sự bảo đảm ấy trong Thánh Kinh, các nhà hộ giáo của Kitô Giáo đã tìm thấy trong các trước tác lương dân nhiều bằng chứng khác về lời tiên tri xức dầu dẫn tới Chúa Giêsu.

Có lẽ lời tiên tri cảm kích nhất và gần như quen thuộc nhất chính là lời tiên tri của thi hào La Mã Virgil trong cuốn thứ tư bộ Eclogues (6) của ông. Ông tiên đoán việc xuất hiện “một trật tự mới cho các thời đại”; vì “nay vị trinh nữ đã trở về” và “một nhân loại mới đang xuất hiện từ chốn trời cao”. Yếu tố của đổi thay này chính là “việc hạ sinh một con trẻ, mà với em, thời đại sắt của con người sẽ chấm dứt và thời đại vàng son sẽ bắt đầu”. Việc hạ sinh em sẽ đem lại một biến đổi cho bản chất con người; vì “Dưới sự hướng dẫn của em, mọi vết tích còn lại của yếu đuối xưa, một khi bị xua tan, sẽ giải thoát trái đất khỏi mọi sợ hãi kinh niên”.

Ngay trong thiên nhiên, cũng sẽ có thay đổi: “Hỡi em bé, vì em, trái đất, không cần canh tác, cũng sẽ tự ý tuôn trào hồng phúc. …. Nôi em nằm sẽ trổ sinh muôn vàn hoa lá xum xuê. Rắn cũng sẽ phải chết”.

Và do đó, “Em hãy mặc lấy muôn vàn vinh dự, vì thời đã tới tầm tay, hỡi người con thân yêu của các thần, quí tử vĩ đại của Đấng Jove! Hãy nhìn xem nó đang nhẩy nhót xiết bao, vòm trời hùng vĩ của thế giới, trái đất cùng đại dương, tầng trời thăm thẳm, tất cả, vâng hãy nhìn xem, tất cả đang hân hoan nhẩy mừng trước thời đang tới!”

Những lời trên được dịch ở đây bằng một ngôn từ hết sức trung lập, không một chút Kinh Thánh, nhưng người ta không ngạc nhiên gì nếu các Kitô hữu tiên khởi nắm lấy chúng làm bằng chứng cho một niềm hy vọng xức dầu ở bên ngoài lãnh thổ It-ra-en. Chúng hết sức gần gũi với các lời tiên tri trong Sách Isaia, nhưng cũng vang dội các âm sắc khác của Kinh Thánh: chúng dự ứng trước “một trời mới và một đất mới”; chúng hướng về một nhân loại mới, một nhân loại gồm những công dân nước trời, chứ không phải nước thế gian; chúng tiên đoán việc loại bỏ thân phận yếu hèn cổ xưa và di truyền vốn bám lấy bản tính con người từ ngày sa ngã; chúng còn mô tả cả việc đạp dập đầu con rắn, vốn là kẻ thù muôn thuở của nhân loại, như lời an ủi hứa ban cho Ađam và Evà trong Vườn Địa Đàng. Tất cả những điều này đều được xẩy đến nhờ sự xuất hiện của vị Trinh Nữ diệu kỳ và việc hạ sinh Con Trẻ thần thiêng, con đẻ của chính Đấng Tối Cao (7).

Trong một bài tựa là Oration to the Saints (Cầu cùng Các Thánh), có lẽ vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 313, chính Hoàng Đế Constantinô đã coi mấy vần thơ trên, được viết ra để ca ngợi Hoàng Đế Augustô, như là lời tiên tri về Chúa Giêsu. Ông trích dẫn Virgil bằng bản dịch Hy Lạp và đưa ra lời bình luận cuốn Eclogues từng dòng (8). Dù Thánh Giêrôm không chấp nhận lối giải thích Virgil theo nghĩa xức dầu, nhưng cũng như Constantinô, Thánh Augustinô cho rằng “Nhà thơ nổi danh nhất này nói về Chúa Kitô” (9).

Một bản nhạc phổ Thánh Lễ Kính Thánh Phaolô, được hát tại Mantua đến tận cuối thời Trung Cổ, có chứa một dã sử như sau: Thánh Tông Đồ có tới viếng mộ Virgil tại Naples và đã khóc vì không tới sớm hơn để gặp ông lúc còn sống (10). Tuy nhiên, không chỗ nào áp dụng cuốn thứ tư bộ Eclogues vào việc xuất hiện của Chúa Kitô rõ hơn bằng đoản khúc thứ 22 của phần Purgatorio (Luyện Ngục) (11) trong đó Dante trích dẫn các vần thơ của Virgil bằng bản dịch tiếng Ý: “Secol si rinova; torna giustizia e primo tempo umano, e progenie scende da ciel nova” (Thời đại tự đổi mới, công lý trở lại, và thời đầu hết của con người cũng như một dòng dõi mới từ trời giáng thế) rồi thêm lời chào Virgil như sau: “Per te poeta fui, per te cristiano” (nhờ ngài, tôi trở thành thi sĩ, nhờ ngài, tôi trở thành người có Chúa Kitô).

Cách giải thích trên còn được củng cố hơn nữa qua việc Virgil nhắc tới thẩm quyền của nữ tiên tri La Hy của Cuma, tức Sibyl. Ông cũng nói đến bà này trong Aeneid rằng bà “hát những lời khó hiểu thật kinh hãi” [horrendas canit ambages] (12). Có khá nhiều sưu tập ghi lại các thị kiến và lời sấm của Sibyl, mà bộ quan trọng nhất bị hoả hoạn tiêu hủy năm 83 trước công nguyên, tại Capitol. Điều này đem lại cơ may khó cưỡng cho nhiều nhóm khác nhau trong các thế kỷ về sau, cả ngoại giáo, Do Thái Giáo lẫn Kitô Giáo, trong việc tự ý sửa đổi nhiều sưu tập mới và nhân cơ hội ấy lồng vào nhiều câu nói từ các sách của mình.

Một trong các nhà phê phán Kitô giáo quan trọng nhất buổi đầu từng viết rằng “tốt hơn nên dành vinh dự ấy cho Sybil”. Nhưng các Kitô hữu từng sử dụng các sách của Sibyl để hỗ trợ cho việc mình coi Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và đã trích dẫn các Sấm Ngôn của Sibyl dù với nhiều thay đổi đáng kể (13). Họ trích dẫn chúng như những lời tiên tri có thẩm quyền như được Chúa Thánh Thần linh hứng, ít nhất ngang hàng với Kinh Thánh Hípri (14). Sách Sibyl “vừa có tính tiên tri vừa có tính thi ca” (15). Trong “Cầu cùng Các Thánh”, Hoàng Đế Constantinô có nại tới Sibyl và cho rằng mình tìm thấy trong đó một bài thơ mà các chữ đầu tạo thành câu nói “Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Rỗi, Thập giá ” (16). Những chữ này vốn là thơ chữ đầu (acrostic) gồm các chữ ichthys, có nghĩa là cá trong tiếng Hy Lạp, một biểu tượng về Chúa Kitô (17). Họ cho rằng tất cả những điều trên đã được vị nữ tiên tri ngoại giáo Rôma tiên đoán (dù, thực sự được tạo ra bởi 1 Kitô hữu nặc danh).

Ngoài việc cung cấp lời tiên tri được coi là của cổ La Mã nói về việc Chúa Giêsu đến, và thậm chí cả tên của Người, truyền thống Sibyl được đặc biệt sử dụng như nguồn chứng thực việc Chúa Kitô sẽ tới phán xét vào ngày tận thế. Ngay trong hình thức chưa bị sửa đổi, các lời sấm của Sibyl vốn đã chứa nhiều lời đe dọa và cảnh cáo trước hình phạt của thần minh trong tương lai. Khi xâm nhập Do Thái Giáo và Kitô Giáo, các đe dọa này càng trở nên mạnh mẽ hơn và minh nhiên hơn. Để chứng minh cho việc Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai để phán xét, các nhà hộ giáo bênh vực cho Kinh Tin Kính đã trích dẫn lời tiên tri của Sibyl nói rằng mọi sự dễ thay đổi và hư mất sẽ bị Thiên Chúa hủy diệt vào ngày Phán Xét Sau Cùng. Họ cũng trích dẫn sách này như bằng chứng cho thấy Thiên Chúa là nguồn gây ra đói kém, dịch bệnh, và mọi hình phạt khủng khiếp (18). Một cách đặc biệt, trong chức năng làm tiên tri báo trước việc Chúa Kitô tái lâm để phán xét kẻ sống và kẻ chết, các sấm ngôn của Sibyl rất được ưa thích trong thần học, trong các dân ca thời Trung Cổ, cả trong nghệ thuật thời này nữa, nhất là nghệ thuật Ý thời Trung Cổ và Phục Hưng (19).

Khuynh hướng trên đạt tới tột đỉnh nghệ thuật khi tại Nhà Nguyện Sistine, Michelangelo vẽ lên trần 5 hình ảnh Sibyl lần lượt với 5 vị tiên tri Cựu Ước. Dù có những dị biệt về nhấn mạnh như Charles de Tolnay phân tích, “sự tương liên giữa các tiên tri và Sibyl vẫn đã trở về với truyền thống văn chương và nghệ thuật xưa, trong đó, Sibyl luôn được mô tả như người tiên đoán việc Chúa Kitô giáng thế và chịu khổ nạn” (20). Dù Tolnay cho rằng “Michelangelo quan niệm các Sibyl như là tương phản với các tiên tri” nhưng cả kích thước lẫn chỗ đặt các nhân vật này của Michelangelo chỉ có nghĩa là Ông nhất trí với truyền thống khi mô tả cả Sibyl tại Delphi lẫn tiên tri Isaia như đều là các chứng tá tiên báo lần đến đầu tiên và lần đến thứ hai của Chúa Kitô. Và với lời tiên báo ấy, các câu sấm của Sibyl đã vĩnh viễn được lồng vào lời Kinh “Dies irae” (ngày thịnh nộ) của Thánh Tôma thành Celano, được hát tới hát lui trong muôn vàn Thánh Lễ Cầu Hồn, ít nhất cũng cho tới thời Công Đồng Vatican II:

Dies irae, dies illa, solvet saeculum in favilla, teste David cum Sibylla: Ngày thịnh nộ, ngày kinh hãi, Trời và đất tan thành tro bụi, Như lời Đavít và Sibylla phán.

Phương pháp thứ hai nhằm mô tả Chúa Giêsu như ánh sáng muôn dân là tìm trong tư tưởng ngoại giáo các dự ứng (anticipations) về học lý Kitô Giáo nói về Người. Người nổi nhất dùng phương pháp này là Thánh Clêmentê Thành Alexandria vào cuối thế kỷ thứ hai. Ngài đọc nhiều và khá thông thạo nền văn chương cổ điển Hy Lạp, nhất là Homer và Platon, nhưng ngài nhất quán coi mình là học trò trung thành của Chúa Giêsu, Thầy Dạy Tối Cao, như đã mô tả trong cuốn Paidagos của ngài: “Thầy Dạy của chúng ta giống như Thiên Chúa, Cha của Người, mà Người là Con, không có tội, không tì vết, với một linh hồn không đam mê; Thiên Chúa dưới hình thức con người, không vết nhơ, thừa tác viên thi hành ý muốn của Cha Người, Ngôi Lời vốn là Thiên Chúa, Đấng ở trong Chúa Cha, Đấng ngự bên hữu Chúa Cha, và là Thiên Chúa dưới hình thức Thiên Chúa. Người là hình ảnh không vết nhơ đối với ta; ta cố gắng hết sức để đồng hóa linh hồn ta với Người” (21).

Đây là một tuyên xưng minh nhiên và đầy đủ điều sẽ được coi là đức tin chính thống về Chúa Giêsu trong tương quan với Thiên Chúa mà ta có thể tìm thấy trong bất cứ nhà tư tưởng nào hồi ấy. Ngài viết thêm: “Việc Người từ đâu tới và Người là ai được Người chứng tỏ bằng điều Người dạy bảo và bằng chứng tá đời sống của Người. Người chứng tỏ rằng Người là Đấng loan báo, là Đấng hòa giải, là Đấng Cứu Rỗi chúng ta, là Ngôi Lời, là suối nguồn sự sống và bình an tràn lan khắp mặt địa cầu. Nói tóm lại, nhờ Người, cả vũ trụ trở nên đại dương ân phúc” (22).

Hay, như Eric Osborn từng diễn giải đoạn cuối trên đây: “Bất chấp sự khiêm nhường của Người, Chúa chúng ta vẫn là Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa thật đã được mạc khải, ngang hàng với Chúa Tể muôn loài. Người mặc lấy xác phàm và thực hiện công trình cứu rỗi con người” (23).

Nhưng đồng thời, như Osborn chỉ rõ, “sự hứng khởi cao độ và sôi nổi này [về con người của Chúa Giêsu] vẫn đã được tổng hợp với chủ thuyết Platon trong đó, Chúa Con là sự trổi vượt cao cả nhất, hoàn hảo, thánh thiện, uy quyền, vương đế và nhân hậu nhất” (24). Vị thánh cổ vũ con người của Chúa Giêsu này cũng là người cổ vũ nền triết lý Platon, một nền triết lý mà ngài từng trao cho một sứ mệnh cao cả và thánh thiện. Ngài cho rằng: “Trước khi Chúa Giêsu đến, triết lý là điều cần thiết cho sự chính trực của người Hy Lạp”. Sở dĩ nó đóng được vai trò đó, là vì cũng một “Thiên Chúa là nguyên nhân mọi sự tốt lành”, không những của mạc khải về Chúa Giêsu trong Cựu Ước và trong Tân Ước, là điều vốn tất nhiên, mà còn của những kiến giải chói lọi mà người Hy Lạp vốn nhận được trong nền triết lý của họ. Theo ngài, “Có lẽ triết lý đã được [Thiên Chúa] ban cho người Hy Lạp một cách trực tiếp và trước nhất”, dù không vĩnh viễn, nhưng “cho đến ngày Chúa kêu gọi người Hy Lạp”. Trong thư gửi tín hữu Galát, Thánh Tông Đồ Phaolô cho rằng luật Môsê là một thứ dạy kèm hay “người canh giữ cho tới khi Chúa Kitô đến”. Cũng phần nào tương tự như thế, Thánh Clêmentê chủ trương rằng “triết lý là một chuẩn bị, dọn đường cho [học lý] sẽ được hoàn hảo trong Chúa Kitô”, nói tóm, “một người dạy kèm đem tâm trí Hy Lạp đến cho Chúa Kitô” (25). Nói chung, như Henry Chadwick từng nói, đối với Thánh Clêmentê, “cả Cựu Ước lẫn triết lý Hy Lạp đều là những người dạy kèm (tutors) đem chúng ta tới Chúa Kitô và đều là những phụ lưu của con sông cả là Kitô Giáo” (26).

Về các phát biểu trên của Thánh Clêmentê, phần lớn các nhà bác học, khi chú giải về nó, bất kể là khen hay chê, đều tập trung vào điều ngài nói về triết lý, nhưng đôi khi không cẩn trọng như nhau trong việc nhận định rằng theo Thánh Clêmentê, triết lý có mục đích “đem tâm trí Hy Lạp đến cho Chúa Kitô”: “Triết học thực sự", như người Hy Lạp khám phá ra, quả đã dẫn tới “thần học thực sự” như Chúa Kitô tỏ lộ (27). Trong số nhiều dự ứng triết lý cho học lý Kitô Giáo về Chúa Kitô mà Thánh Clêmentê và nhiều triết gia Kitô Giáo tiên khởi cho là có, dự ứng quan trọng nhất có lẽ là cuốn Timaeus của Platon, trong đó tác giả mô tả việc sáng tạo ra thế giới đã được thực hiện như thế nào. Đối với Thánh Clêmentê, những phát biểu của Timaeus về đấng tạo dựng như là “người cha” và về ba bình diện của thực tại thần linh quả là bằng chứng của “không điều gì khác hơn là Thiên Chúa Ba Ngôi” (28). Cuốn đối thoại này cùng với cuốn Pháp Luật là hai tác phẩm lớn ông viết về cuối đời và trong nhiều thế kỷ, Timaeus vốn được coi là cuốn được biết đến nhiều nhất trong các cuốn đối thoại của Platon thời Trung Cổ La Tinh (29). Trong cuốn này, Platon tuyên bố rằng: “người tạo dựng và là cha vũ trụ này quả là khó mà tìm ra ngài, mà có tìm ra ngài thì cũng không thể nào công bố ngài cho toàn thể nhân loại”. Nhưng ông quả quyết rằng câu hỏi căn bản nhất “mà người ta đồng ý cần phải hỏi ngay từ đầu cuộc tìm hiểu bất cứ điều nào” cũng là: “liệu điều này có luôn luôn hiện hữu mà không cần một nguồn gốc để nó trở thành hay không; hay nó đã bước vào hiện hữu, bắt đầu từ một khởi nguyên nào đó?”. Đối với câu hỏi này, Platon trả lời như sau: “Vũ trụ đã bước vào hiện hữu; vì nó có thể được nhìn thấy, rờ thấy và có một cơ thể; tất cả những điều này đều khả giác”. Phần chính của cuốn đối thoại mô tả sự xuất hiện của trật tự từ hỗn mang và cho việc này là kết quả của hành vi tạo dựng. Người tạo dựng “không hề có chút ghen tương… muốn rằng mọi sự hãy tiến đến chỗ càng giống ngài bao nhiêu càng hay bấy nhiêu”. Ông còn viết thêm: “Đó chính là nguyên lý hết sức giá trị cho việc hữu thành (becoming) và cho trật tự của thế giới” (30). Việc “hữu thành” này diễn ra nhờ hành vi của một tác nhân sáng tạo trung gian, thấp hơn Thiên Chúa tối cao nhưng cao hơn các thụ tạo, tức Demiurge (hóa công?), người kéo trật tự và lý tính ra khỏi hỗn mang ban sơ và do đó tạo ra “mô thể” (form) và “chất thể” (matter).

Thánh Clêmentê trích dẫn rộng dài từ Timaeus của Platon, trong đó có các đoạn vừa dẫn, để chứng minh rằng: “Các triết gia, sau khi nghe như thế từ Môsê, đã dạy rằng thế giới đã được tạo dựng nên” (31). Vì chắc mẩm là Platon học được điều đó từ Môsê, nên Thánh Clêmentê thấy mình có quyền giải thích Timaeus trên căn bản các chương đầu Sách Sáng Thế, điều này, đồng thời, cũng có nghĩa là giải thích Sách Sáng Thế dựa vào Platon. Chìa khóa của lối giải thích này là: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa; vì Platon từng viết trong Timaeus rằng ta chỉ có thể hiểu Thiên Chúa dựa vào “dòng dõi” của Người. Còn Chúa Giêsu thì nói rất rõ: “Không ai biết Cha ngoại trừ Con và những ai Con chọn để mạc khải về Người” (32). Do đó, đấng hóa công (demiurge) của Timaeus chính là Ngôi Lời Thiên Chúa của câu truyện trong Sách Sáng Thế hay trong tự ngôn của Tin Mừng theo Thánh Gioan, theo đó, mọi sự bước vào hiện hữu đều do Ngôi Lời Thiên Chúa. Trong tư cách Hóa Công hay Ngôi Lời và là Lý Trí Thiên Chúa tiền hữu, Chúa Giêsu đã kéo trật tự và lý tính ra khỏi hỗn mang ban sơ, và theo cả Timaeus lẫn Sách Sáng Thế, con người với lý tính của họ đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa; theo giải thích của Thánh Clêmentê, vì Chúa Giêsu là “Hình Ảnh Thiên Chúa trong tư cách Ngôi Lời thần linh và vương giả, thì con người đâu có thua, vì hình ảnh của Hình Ảnh Thiên Chúa chính là trí khôn con người”; lý trí con người được đúc khuôn theo Lý Trí Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu (33).

Phương pháp thứ ba để nhận diện Chúa Giêsu như ánh sáng lương dân là đi tìm trong lịch sử và văn chương cổ điển các con người và biến cố có tính hình loại học loan báo về Chúa Giêsu và việc cứu chuộc của Người.

Theo định nghĩa của Origen thành Alexandria thế kỷ thứ ba, “loại hình (type) là một khuôn mạo xuất hiện trước chúng ta nơi các tổ phụ [Cựu Ước] nhưng được nên trọn nơi chúng ta”. Thí dụ khi Giôsuê chiếm được Giêricô, thì công trình của Giôsuê thứ nhất, con trai của Nun này, loan báo trước cuộc cứu chuộc do Giôsuê thứ hai, là Chúa Giêsu, con trai bà Maria, thực hiện; vì trong tiếng Aram và tiếng Hy Lạp, hai tên này y hệt như nhau (34). Cũng thế “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (35).

Trong phần trình bày các luận điểm của mình về Chúa Giêsu cho một giáo sĩ Do Thái tên Trypho (rất có thể là giáo sĩ Tarphon nổi tiếng trong Sách Mishnah), Thánh Giustinô Tử Đạo chủ trương rằng bất cứ chỗ nào trong Cựu Ước có nhắc tới gỗ hay cây, thì đó chính là loại hình hay dung mạo thập giá. Nhưng khi ngài trình bày luận điểm về Chúa Giêsu cho hoàng đế Rôma là Antoninus Pius, thì ngài lại dựa vào các nguồn và thí dụ không phải của Do Thái Giáo để bênh vực chủ trương coi thập giá là “biểu tượng lớn lao nhất của quyền lực và sự thống trị” của Chúa Giêsu (36). Trong Timaeus, khi nhắc đến điều Iris Murdoch gọi là một trong “các hình ảnh đáng ghi nhớ nhất trong triết học Âu Châu” (37), Platon dạy rằng khi dựng nên vũ trụ, đấng hóa công (demiurge) đã “chẻ [linh hồn] thành hai và làm hai phần này bắt chéo nhau ở giữa thành hình chữ Ki [X] “ (38). Nhắc lại các quan điểm đã thành tiêu chuẩn của các nhà hộ giáo Do Thái Giáo và Kitô Giáo coi Platon vay mượn Kinh Thánh Hípri, Thánh Giustinô nhấn mạnh rằng Platon đã hiểu sai Môsê “và không nắm được đó chính là dung mạo thập giá ”, tuy nhiên vẫn đã nói rằng Ngôi Lời, “quyền năng chỉ đứng sau Thiên Chúa đệ nhất, đã được đặt vắt ngang vũ trụ” (39).

Trong số các thí dụ về thập giá được Thánh Giustinô liệt kê, thí dụ đáng lưu ý nhất được ngài coi như biểu tượng cho thập giá là cây cột buồm, mà không có nó, người ta không thể vượt trùng dương. Vì biểu tượng này, một biểu tượng vốn được các thủy thủ suốt trong lịch sử Kitô Giáo luôn nhắc nhớ, đã cung cấp cho các nhà giải thích con người của Chúa Giêsu với các lương dân cơ hội khám phá ra ngay ở ngọn nguồn văn chương cổ điển một loại hình thập giá để tương hợp câu truyện Odysseus ở cột buồm (40) với cây sào trên đó Môsê treo con rắn đồng. Câu truyện đó được thuật trong cuốn 12 truyện Odyssey của Homer (41), trong đó, Odysseus nói với các bạn đồng hành để truyền lại các huấn lệnh của thần Circe rằng: “Trước hết, nữ thần truyền cho ta phải lánh xa các thủy nhân ngư ma quái và giọng hát cũng như bãi sình lầy đầy hoa thơm của họ, nhưng chỉ có tôi, nữ thần bảo thế, là được lắng nghe họ, nhưng các anh phải trói tôi thật chặt bằng dây cứng gây đau để giữ cho tôi cứng đơ ở thế đứng thẳng, lưng tựa cột buồm, rồi lấy khúc dây còn lại quấn chung quanh tôi; nhưng nếu tôi khẩn nài các anh thả tôi ra, thì các anh càng phải cột chặt tôi hơn nữa bằng nhiều dây khác”.

Mặc dù một số các nhà văn Kitô Giáo tiên khởi, trong đó có Thánh Giustinô và Tertulianô cho rằng Platon phê phán Homer kịch liệt (42), ngay Tertulianô cũng buộc phải thừa nhận Homer là “ông hoàng của các thi nhân, là chính sóng cuộn và đại dương thi ca” (43). Tuy nhiên, lại một lần nữa, chính Thánh Clêmentê thành Alexandria là người biết sử dụng một cách hữu hiệu và sâu sắc nhất hình ảnh Odysseus tại cột buồm như một loại hình nói về Chúa Giêsu. Huấn lệnh của Circe gồm có 2 điều: tránh sự rù quyến ma quái của loài nhân ngư bằng cách bịt tai lại, và trói Odysseus vào cột buồm để chỉ một mình anh ta nghe tiếng gọi của nhân ngư nhưng sẽ thắng vượt được nó. Cả hai điều này đều áp dụng được vào các tín hữu Kitô. Họ cần xa lánh tội lỗi và lầm lạc như “xa lánh mỏm đất nguy hiểm, hay con quái vật Charybdis đầy đe dọa, hay những con nhân ngư huyền thoại”; như Odysseus nói với các thủy thủ (44): “Các anh phải lái nó xa khỏi nơi có khói và sóng lớn, và cố gắng để biển bớt lay động, kẻo lúc không hay biết, nó sẽ dạt theo lối ấy, và các anh sẽ đưa tất cả chúng ta vào thảm họa”.

Nhưng họ chỉ có thể làm thế nhờ Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, Odysseus Kitô Giáo: “Anh chị em hãy lái tầu ra khỏi âm nhạc của chúng và để âm nhạc đó lại phía sau, vì nó sẽ mang chết chóc lại cho anh chị em. Nhưng, nếu anh chị em muốn, anh chị em có thể là người chiến thắng đối với quyền lực của hủy diệt. Cột mình vào cây Thập giá, anh em sẽ hết bị hủy diệt. Ngôi Lời Thiên Chúa sẽ là thuyền trưởng của anh chị em, và Chúa Thánh Thần sẽ đem anh chị em tới chỗ thả neo tại vịnh nước trời” (45).

Suốt thời Byzantinô, nhiều sách chú giải Kitô Giáo về cả Iliad lẫn Odyssey đều khai triển hình ảnh này và nhờ thế, đã góp phần bảo vệ các áng văn cổ điển xưa khỏi sự tàn phá của đầu óc kỳ thị tôn giáo quá khích (46). Một cỗ quan tài (sarcophagus) Kitô Giáo thế kỷ thứ tư, làm bằng đá và hiện được bảo quản tại Museo delle Terme ở Rôma, trình bày hình Odysseus ở cột buồm hợp với trục căng đỡ buồm thành cây Thập giá (47). Một bài giảng cuối thời Byzantinô có đoạn như sau: “Ôi con người, đừng sợ sóng biển gào thét giữa đại dương cuộc đời. Vì Thập giá là khuôn mẫu sức mạnh không thể bẻ gẫy để ngươi đóng đinh xác thịt ngươi vào sự sùng kính vô giới hạn đối với Đấng Chịu Đóng Đinh và như thế qua đau khổ lớn lao, ngươi sẽ tới bến lành an nghỉ” (48). Câu truyện Odysseus ở cột buồm đã trở thành yếu tố vĩnh viễn của loại hình Chúa Kitô nơi lương dân.

Khi dùng Kinh Thánh Hípri và truyền thống Do Thái để giải thích ý nghĩa về Chúa Giêsu, các Kitô hữu đã áp dụng cả ba phương pháp trên vào việc giải thích Môsê. Việc ông mô tả đặc tính trói buộc và hy lễ Ixaác đã trở thành một trong những hình ảnh bàng bạc nhất của ơn cứu chuộc: Thiên Chúa, và cả Abraham, đều đã sẵn sàng dâng con trai duy nhất của mình làm hy lễ (49). Trình thuật của Môsê về việc tạo dựng thế giới bằng lời Thiên Chúa chính là căn bản cho việc Kitô Giáo đồng nhất hóa Chúa Giêsu với Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng luôn hiện hữu với Thiên Chúa mãi mãi và là Đấng giải thích ý muốn của Người cho thế giới tạo vật (50). Và lời tiên tri của ông cho rằng một tiên tri khác, tức Giôsuê-Giêsu, sẽ xuất hiện làm người thừa kế hợp pháp của ông đã đem lại cho các Kitô hữu một căn bản để họ tuyên bố rằng “Xét về mặt tiên tri, khi dành địa vị thày dạy hoàn hảo cho Logos, Môsê đã tiên báo cả tên lẫn chức vụ của thày dạy này” (51).

Mặt khác, khi họ trình bày sứ điệp của Chúa Giêsu cho lương dân, thì Sôcrát là người giữ một chức năng giống như Môsê (52). Chính ông vốn đã là một loại hình và là người chạy phía trước của Chúa Kitô. Lời Thiên Chúa, từng xuất hiện nơi Chúa Giêsu, vốn cũng đã hoạt động nơi Sôcrát trong việc tố cáo chủ nghĩa đa thần và việc thờ ma quỉ của người Hy Lạp. Trong tư cách “một người sống hợp lý nghĩa là sống phù hợp với Logos [meta Logou]”, Sôcrát quả là “một Kitô hữu trước Chúa Kitô”, và cũng như Chúa Kitô, ông từng bị xử tử bởi các kẻ thù của lý lẽ và Logos. Thánh Giustinô nói: “Sôcrát bị tố giác cùng các tội như chúng ta” và như chính Chúa Giêsu (53). Về mặt học thuyết, các tác giả Kitô Giáo cũng cho rằng Sôcrát dự ứng học thuyết của tôn giáo mình, đặc biệt là học thuyết về sự sống đời đời. Vì, dù Tân Ước quả quyết rằng Chúa Giêsu “đã hủy bỏ sự chết và đem ra ánh sáng sự sống và sự bất tử trong Tin Mừng”, nhưng phần lớn các giáo phụ tiên khởi (ngoại trừ Tatian người Syria) đều cho rằng không vì thế mà chối cãi là trước Chúa Kitô, người ta đã ý thức được sự bất tử rồi (54). Chính vì thế, dựa vào Sách Thánh Vịnh và cuốn “Cộng Hòa” của Platon, Thánh Clêmentê từng đưa ra kết luận này: “Căn cứ vào đó, ta thấy linh hồn là bất tử”. Rõ ràng Kinh Thánh và triết học gặp nhau (55).

Nhưng Sôcrát và Platon còn được coi là những người giải thích Chúa Kitô như là nguồn tiên tri về Chúa Giêsu, không những về việc sinh ra đời của Người mà còn về cả cái chết trên Thập giá của Người nữa. Khi liệt kê các lời tiên tri khác nhau của lương dân nói về việc tạo dựng, về ngày Sabát và về nhiều chủ đề Kinh Thánh khác, Thánh Clêmentê gặp được một lời tiên tri trong đó “Platon đã tiên đoán lịch sử cứu rỗi”. Đó là đoạn đối thoại giữa Sôcrát và Glaucon trong cuốn thứ hai của Sách “Cộng Hòa” (56). Theo Glaucon, thay vì những người vừa công chính vừa bất chính như phần lớn chúng ta, sẽ xuất hiện một người bất chính hoàn toàn bất chính, và một người công chính hoàn toàn công chính. Hãy để “người công chính cao thượng và chân chất này, người, theo lời Aeschylus, muốn là người tốt chứ không phải chỉ có vẻ tốt” bị tố cáo là người tệ hại nhất. Hơn nữa, hãy để ông “cứ như thế cho tới giờ chết nghĩa là bề ngoải bất chính mà thực sự là công chính”. Kết cuộc sẽ ra sao? Câu trả lời của Glaucon, sau khi đã tạ lỗi với Sôcrát, không là gì khác mà, theo bản dịch của Gilbert Murray, là: “Người đó sẽ bị đánh đòn, hành hạ, trói ghì, mắt quầng thâm, và cuối cùng, sau khi chịu đủ mọi hành khổ, sẽ bị xâu (impaled) hay đóng đinh” (57).

Giống như Thánh Phaolô, vị Tông Đồ của lương dân, từng nói với người Hy Lạp về vị “Thiên Chúa mà các ông không biết”, thì các người kế vị ngài cũng sẽ nói với họ và nói chung với lương dân về “Đấng Giêsu mà các ông không biết”: “Do đó, Đấng các ông thờ mà không biết, tôi xin công bố Đấng ấy cho các ông” (58).
_________________________________________________________________________________________

Ghi chú

(1) Reinhold Niebuhr, The Nature and Destiny of Man, 2 vols. (New York: Charles Scribner’s Sons, 1941-43) 2:6.
(2) Thánh Ignatius, Thư Êphêsô 10.1; 1.2
(3) Lc 2:32; Prosper of Aquitaine, the Call of All Nations 2.18.
(4) Thánh Augustine, Kinh Thành Thiên Chúa 18.47.
(5) Judith Baskin, Pharaoh’s Counsellors: Job, Jethro, and Balaam in Rabbinic and Patristic Tradition (Chico, Calif.: Scholars Press, 1983)
(6) Virgil, Eclogues 4.5-52
(7) Hãy so sánh Is 61:17 (Kh 21:1); Pl 3:20; Is 53:5; St 3:15; Is 7:14; Is 9:6.
(8) Constantine, Oration to the Saints 19-21.
(9) Thánh Jerome, Các Thư 53.7; Thánh Augustine, Kinh Thành Thiên Chúa 10.27; Thánh Augustine, Các Thư 137.2.12.
(10) Domenico Comparetti, Virgil in the Middle Ages, E.F.M. Benecke dịch (London: George Allen and Unwin Ltd. 1966) tr. 98, n.6.
(11) Dante, Purgatorio 22.70-73.
(12) Virgil, Aeneid 6.99.
(13) Origen, Against Celsus 7.56; 7.53.
(14) Theophilus, To Autolycus 2.9; Lactantius, Divine Institutes 1.6.
(15) Thánh Clement thành Alexandria, Khuyên Bảo Người Hy Lạp 2.
(16) Constantine, Oration to the Saints 18.
(17) Thánh Augustine, Kinh Thành Thiên Chúa 18.23.
(18) Thánh Justin Tử Đạo, Hộ Giáo (I) 20; ) Thánh Clement thành Alexandria, Khuyên Bảo Người Hy Lạp 8.27.4.
(19) A. Rossi, “Le Sibille nelle arti figurative italiane”, L’Arte 18 (1915): 272-85.
(20) Charles de Tolnay, The Sistine Ceiling, vol. 2 trong cuốn Michelangelo của ông (Princeton: Princeton University Press, 1945) pp.46, 57.
(21) Thánh Clement thành Alexandria, Tutor 1.2.
(22) Thánh Clement thành Alexandria, Khuyên Bảo 10.110.
(23) Eric Osborn, The Beginning of Christian Philosophy (Cambridge: Cambridge University Press, 1981) tr.219.
(24) Osborn, Ibid.
(25) Thánh Clement thành Alexandria, Stromata 1.5; Gl 3:24.
(26) Henry Chadwick, Early Christian Thought and Classicl Tradition (New York and Oxford: Oxfrod University Press, 1966) tr.40.
(27) Thánh Clement thành Alexandria, Stromata 5.9.
(28) Thánh Clement thành Alexandria, Ibid. 5.14.
(29) Raymond Klibansky, The Continuity of the Platanic Tradition during the Middle Ages, 2d ed. (Milwood, N.J. :Kraus International Publications, 1982).
(30) Plato, Timaeus 28-29, bản dịch tiếng Anh trong cuốn Plato’s Cosmology của Francis Macdonald Cornford (London: Routledge and Kegan Paul, 1937).
(31) Thánh Clement thành Alexandria, Stromata 5.14.
(32) Thánh Clement thành Alexandria,Stromata 5.13.84, có trích Timaeus 40 và Luca 10:22.
(33) Thánh Clement thành Alexandria, Ibid. 5.14.
(34) Hãy so sánh Henri de Lubac, Histoire et esprit. L’intélligence de l’Écriture d’après Origène (Paris: Aubier, 1950) tr.144-145.
(35) Ga 3:14-15; Thánh Augustine, Khảo Luận Về Phúc Âm Thánh Gioan 12.11.
(36) Thánh Justin Tử Đạo, Hộ Giáo (I) 55; Đối Thoại với Trypho 86.
(37) Iris Murdoch, The Fire and the Sun: Why Plato Banished the Artists (Oxford:Clarendon Press, 1977) tr. 87.
(38) Plato, Timaeus 36B.
(39) Thánh Justin Tử Đạo, Hộ giáo (I) 60.
(40) Hugo Rahner, “Odysseus am Mastbaum”, bản tóm lược tiếng Anh trong Greek Myths and Christain Mystery của ông, được Brian Battershaw dịch (New York: Harper and Row, 1963) tr. 371-86.
(41) Homer, Odyssey 12.158-64, Richmond Lattimore dịch sang tiếng Anh (New York: Harper and Row, 1967).
(42) Thánh Justin Tử Đạo, Hộ Giáo (II) 10; Tertullianô, Hộ Giáo 4.
(43) Tertullianô,To the Nations, 1.10.
(44) Homer, Odyssey.219-21.
(45) Thánh Clement thành Alexandria, Khuyên Bảo 12.118.4.
(46) Karl Krumbacher, Geschichte der byzantinischen Literatur, 2d ed. (Munich: C.H. Beck, 1897) tr. 529-30, 538.
(47) Josef Wilpert, I sarcofagi cristiani antichi, 2 vols. (Rome: Pontificio instituto de archeologia cristiana, 1919) vol1, pl. 24.
(48) Trích trong Rahner, Greek Myths and Christian Mystery p.381.
(49) David Lerch, Isaaks Opferung christlich gedeutet: Eine auslegungsgeschichtliche Untersuchung (Tubingen: J.C.B. Mohr, 1950).
(50) George Leonard Prestige, God in Patristic Thought (London:SPCK, 1956) tr. 117-24.
(51) Đnl 18:15-22; Thánh Clement thành Alexandria, Tutor 1.7.
(52) Adlf von Harnack, “Sokrates und die alte Kirche” Reden und Aufsatze, 2 vols. (Giesen: Alfred Topelmann, 1906), 1:27-48; Geddes McGregor, The Helmlock and the Cross: Humanism, Socrates and Christ (Philadelphia: Lippincott, 1963).
(53) Thánh Justin Tử Đạo, Hộ Giáo (I) 5,46; Hộ Giáo (II) 10.
(54) 2Tm 1:10; Jaroslav Pelikan, The Shape of Death: Life, Death, and Immortality in the Early Fathers (New York: Abingdon Press, 1961).
(55) Thánh Clement thành Alexandria, Stromata 5.14.
(56) Platông, Cộng Hòa 2.360-61.
(57) Gilbert Murray, Five Stages of Greek Religion (Boston: Beacon Press, 1951) tr.157.
(58) Cv 17:23; Thánh Clement thành Alexandria, Stromata 5.12.
 
VietCatholic TV
Tin vui: Giáo Hội sắp có đến 134 vị Chân Phước mới
Giáo Hội Năm Châu
04:44 01/12/2020

1. Học thuyết xã hội của Giáo hội mời gọi chúng ta trở thành những tác nhân của niềm hy vọng

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết sự tưởng niệm, phép rửa và hy vọng, trong thông điệp của ngài gửi tới các tham dự viên của Đại hội hàng năm lần thứ 10 về Học thuyết Xã hội của Giáo hội.

(Tin Vatican)

Hôm thứ Năm (26/11/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video tới những người tham dự viên Đại hội lần thứ mười về Học thuyết Xã hội của Giáo hội, diễn ra tại Verona, Ý từ ngày 26 - 29/11.

Gửi lời chào thân ái tới những tham dự viên hiện diện thể lý cũng như trực tuyến, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới phương pháp luận sáng tạo của Đại hội, nhằm thúc đẩy các cuộc gặp gỡ giữa "những người khác nhau về nhạy bén và hoạt động của họ, nhưng tất cả qui về việc xây dựng công ích."

Một lễ hội đặc biệt

Đức Thánh Cha đã qui sự chú ý đến các hoàn cảnh cụ thể của lễ hội kỷ niệm năm nay, nêu bật cuộc khủng hoảng về sức khỏe vẫn còn đang tiếp diễn gây nên "những vết thương nghiêm trọng cho cá nhân và xã hội."

ĐTC cũng nhắc lại sự vắng mặt đặc biệt của cha Adriano Vincenzi, người điều hợp chín Đại hội trước đây, đã qua đời vào tháng 2 năm 2020.

Nhắc lại sự phục vụ dấn thân của cha Vincenzi, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi đặc điểm đặc biệt của ngài là bắt đầu các qui trình mà “người khác sẽ gặt hái thành quả” với niềm hy vọng được được gieo vào mầu nhiệm của những điều thiện hảo được gieo trồng.

Ký ức và tương lai

Đức Thánh Cha cho biết chủ đề của năm nay là - "Hồi nhớ về tương lai" - mời gọi mọi người hăng say đi vào lãnh vực sáng tạo hầu phép chúng ta "thăng tiến về tương lai."

Đối với các Kitô hữu, Đức Thánh Cha lưu ý, “tương lai có một danh xưng và danh xưng ấy là hy vọng”.

Hy vọng: nhân đức của trái tim

Đức Thánh Cha giải thích, hy vọng là “đức tính của một trái tim không chịu khuất mình trong bóng tối”. Một trái tim không bị sa lầy trong quá khứ, không chỉ sống trong hiện tại, nhưng biết “nhìn về ngày mai”.

ĐTC nói, ngày mai đối với các Kitô hữu là một “đời sống được cứu chuộc” - niềm vui của ân ban là được gặp gỡ trong tình yêu Ba Ngôi.

Theo ý nghĩa này, là Giáo hội có nghĩa là có một triển vọng sáng tạo và hướng về cánh chung, không bị cám dỗ ở lại trong ký ức, điều mà Đức Thánh Cha mô tả là “một tâm bệnh thiêng liêng”.

Hoài cổ

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Để rõ thêm cái niềm xác tín động lực của Kitô giáo không phải là hoài niệm quá khứ, mà là kín múc cái hồi nhớ vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha mà sống một “đời Bác ái yêu thương”.

ĐTC giải giải thêm: Theo nhà tư tưởng của một văn háo Nga tên là Ivanovic Ivanov thì bản năng của những gì hồi nhớ về Chúa chính là sự Ngài hiện hữu.

Do đó, ký ức được liên kết với bản chất tình yêu và cảm nghiệm trở thành một trong những chiều kích thâm sâu nhất của con người - chứ không phải nỗi nhớ “làm bóp ngẹt khả năng sáng tạo biến chúng ta thành những con người gỗ đá và độc đoán” - trong các lĩnh vực xã hội, chính trị và giáo hội.

Bí tích Thanh Tẩy, sự sống và kỷ niệm

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống Bí tích Thanh Tẩy.

Đức Thánh Cha nói: Chúng ta đã “nhận được một món quà là sự sống hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với các loài thụ tạo.” Cuộc sống của chúng ta chính “là sự sống của Chúa Kitô”, vì vậy chúng ta không thể sống là những kẻ tin vào Chúa nếu chúng ta biểu lộ chính sự sống của Ngài trong chính cuộc qua sống của chúng ta!

Vì vậy, được sát nhập vào đời sống tình yêu của Ba Ngôi, chúng ta có khả năng – hồi nhớ về Thiên Chúa. Như vậy, chỉ có tình yêu mới không làm chúng ta lơ là, vì chính tình yêu tìm được căn nguyên của nó được phát sinh trong tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha giảng giải: Nhìn theo cách thức này, thì một cách nào đó, toàn bộ cuộc sống của chúng ta phải là “một phụng vụ, một sự hồi nhớ lại, một kỷ niệm vĩnh cửu về sự Phục sinh quang vinh của Chúa Kitô.”

Sống như những người tin

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng sống hồi nhớ về tương lai là cam kết với chính mình trong việc làm của Giáo hội là “trở thành sự khởi đầu và là hạt giống cho vương quốc của Thiên Chúa trong vũ hoàn”.

Điều này có nghĩa là sống như những người tín hữu hòa mình vào xã hội, đồng thời “biểu tỏ sự sống của Thiên Chúa mà ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa, để ngay từ bây giờ chúng ta có thể biểu tỏ sự sống mai hậu, một cuộc sống hiệp thông với Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần.” Bằng cách này, chúng ta có thể thắng vượt được cơn cám dỗ không tưởng làm giảm việc loan báo Tin Mừng, giảm thiểu chúng vào những giới hạn xã hội học, lý thuyết kinh tế hoặc cục bộ chính trị.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta cần dấn thân vào thế giới, với sức mạnh và sự sáng tạo của sự sống của Thiên Chúa trong nội tâm chúng ta, để thu hút con tim mọi người và hướng dẫn họ về Tin Mừng của Chúa Giêsu. Bằng cách này, chúng ta có thể trở nên những hạt giống trổ sinh một nền kinh tế mới toàn diện và một thể chế chính trị có khả năng yêu thương”.

Kết luận, Đức Thánh Cha đề cập đến các tác nhân khác nhau của xã hội tại Đại hội Học thuyết Xã hội của Giáo hội này, và kêu gọi họ tiếp nối con đường mà cha Adriano Vincenzi đã vẽ vạch ra cho họ thông qua các kiến thức của cha về chủ đề này - một con đường mà Đức Thánh Cha xác tín sẽ đưa dẫn họ thành những con người xây dựng các nhịp cầu nối kết...

2. Tình yêu là một huyền nhiệm cội căn của đời sống người tin theo Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về lời cầu nguyện của Giáo hội sơ khai trong buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư (25/11/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn lại đời sống cầu nguyện của Giáo hội sơ khai, trước khi ngài tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói: “Những bước tiến đầu tiên của Giáo hội trên trần thế này luôn được kiện cường bằng lời cầu nguyện”. Các tác phẩm của Tân Ước, và đặc biệt là Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy “hình ảnh của một Giáo Hội đang hoạt động, đang vươn lên, nhưng luôn được tập chú cô đọng lại trong lời cầu nguyện như là nền tảng và động lực cho mọi công cuộc hoạt động truyền giáo.”

Cầu nguyện, động lực của việc truyền giáo

Đức Thánh Cha nêu ra bốn đặc điểm thiết yếu của đời sống giáo hội, được rút ra từ lời tường thuật của Thánh Luca trong sách Công vụ Tông đồ là:

- Việc “lắng nghe sự dạy dỗ của các tông đồ” bao gồm việc rao giảng và truyền dậy giáo lý;

- Sự vun trồng liên nỉ cho tình hiệp thông huynh đệ;

- Việc “bẻ bánh”, tức là việc cử hành Thánh Thể, là Bí tích Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta;

- Và cuối cùng là cầu nguyện, "là những giây phút tâm giao kêu cầu với Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần."

Đức Thánh Cha cảnh báo, bất cứ điều gì phát sinh ngoài "4 đặc điểm trọng yếu đó" đều bị coi là lạc hướng... không có chiều kích Giáo hội." Tuy nhiên, khi có bốn đặc tính này, thì Giáo hội xác tín là có ơn đảm bảo của Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi đọc sách Công vụ Tông đồ, “trong đó chúng ta khám phá ra những động lực mạnh mẽ cho việc truyền bá phúc âm là nhờ các cộng đoàn hợp nhau cầu nguyện, xin Chúa soi sáng xem phải làm gì.” ĐTC giải thích khi cầu nguyện, chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta“ và được Chúa Thánh Linh tác động.”

Làm cho Chúa Giêsu hiện diện

Đức Thánh Cha trích dẫn Sách Giáo Lý: “Chúa Thánh Thần... linh hoạt làm cho cuộc thương khó, chết và phục sinh của Chúa Kitô luôn được sống động trong lòng Giáo Hội, những lúc cầu nguyện, hướng dẫn Giáo Hội đến sự viên mãn của chân lý và giúp mở ra những viễn cảnh mới diễn tả mầu nhiệm khôn lường cao siêu của Chúa Kitô đang linh hoạt trong đời sống Giáo Hội của Ngài, qua việc cử hành các bí tích và các công cuộc truyền giáo. " ĐTC Phanxicô cho các tác động này “là công việc của Chúa Thánh Linh hoạt động trong lòng Giáo hội: làm cho chúng ta tưởng nhớ đến Chúa Giêsu.”

Tuy nhiên, ĐTC nhấn mạnh đây không chỉ đơn thuần là một hành động của một sự nhớ một biến cố. Vì đối với “Các Kitô hữu, việc dấn thân truyền giáo, theo ý của Chúa Giêsu là họ có trọng trách làm cho Chúa hiện diện thực sự; và nhờ Chúa Kitô, trong Thánh Thần, họ được ‘thúc đẩy’ để ra đi rao giảng và phục vụ.”

Tình yêu, cội căn của sự huyền nhiệm

Đức Thánh Cha nói: Cầu nguyện là đưa các Kitô hữu “đắm chìm” vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người và cung cấp động lực truyền giáo, để họ ra đi rao giảng Tin Mừng cho người khác. “Thiên Chúa là Thiên Chúa của và cho tất cả mọi người,” Đức Thánh Cha xác quyết, “và trong Chúa Giêsu, mọi bức tường ngăn cách được rỡ bỏ!”

Việc trao đổi tình yêu

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu mà Ngài mong muốn chúng ta đáp trả - là “cội căn huyền nhiệm trong cuộc đời con Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Và, đối với các Tín hữu tiên khởi cũng như ngày nay, lời cầu nguyện cho phép chúng ta đi vào các cảm nghiệm đó. Qua lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha cho hay, mỗi Kitô hữu có thể tự mình nói nên những tâm tình như Thánh Phaolô đã viết: “Dù bây giờ tôi vẫn còn sống trong thân xác, nhưng nhờ đức tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu và hiến thân cho tôi.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói “chỉ trong sự thinh lặng của việc tôn thờ”, “chúng ta mới cảm nghiệm được sự thật đầy đủ của những lời này… Và lời cầu nguyện này là ngọn lửa sống động của Thánh thần trao ban cho ta sức mạnh để làm chứng và loan truyền Tin mừng Chúa.”

3. Đức Thánh Cha phê chuẩn 8 sắc lệnh liên quan đến các ứng viên trong tiến trình phong thánh

Với 8 sắc lệnh này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn 134 ứng viên trên đà tiến gần đến tiến trình phong thánh.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã châu phê 8 sắc lệnh phong thánh do Thánh Bộ Phong thánh đệ trình, trong đó có sắc lệnh phê chuẩn việc 127 vị tử đạo người Tây Ban Nha.

Giám mục Marcello Semeraro, Tổng trưởng thánh bộ Phong thánh, hôm thứ Hai (23/11/2020) đã đệ trình lên Đức Thánh Cha, xin ĐTC phê chuẩn.

Phép lạ

Trong số các sắc lệnh, có sắc lệnh công nhận một phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của Đấng Đáng Kính người Ý Mario Ciceri, một linh mục của Tổng giáo phận Milan. Cha Mario sinh ngày 8 tháng 9 năm 1900 tại Veduggio (Ý) và mất ngày 4 tháng 4 năm 1945 tại Brentana Sulbiate (Ý). Với việc phê chuẩn phép lạ này Đấng Đáng kính sẽ nâng lên hàng Chân phước.

127 vị tử đạo người Tây Ban Nha

Một sắc lệnh khác công nhận việc tử đạo của 127 vị tử đạo. Cha Juan Elia Medina, một linh mục giáo phận và 126 người đồng bạn của ngài, gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo phận Cordoba, Tây Ban Nha. Các ngài đã bị giết vì “lòng hận thù Đức tin” trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha vào các năm 1936 đến năm 1939. Các vị tử đạo này sẽ được phong lên hàng Chân phước.

6 sắc lệnh thừa nhận các nhân đức anh hùng

Các Sắc lệnh thừa nhận các đức tính anh hùng của các tôi tớ Chúa sau đây và tuyên dương các ngài lên bậc Đáng kính gồm:

- Tôi tớ Chúa Fortunato Maria Farina người Ý, giám mục thành Troia và Foggia. Đức cha sinh ngày 8 tháng 3 năm 1881 tại Baronissi (Ý) và mất ngày 20 tháng 2 năm 1954 tại Foggia (Ý).

- Tôi tớ Chúa Andres Manjón y Manjón, một linh mục người Tây Ban Nha thuộc Tổng Giáo phận Granada và là người sáng lập Tu hội Ave Maria. Ngài sinh ngày 30 tháng 11 năm 1846 tại Sargentes de Lora (Tây Ban Nha) và mất ngày 10 tháng 7 năm 1923, tại Granada.

- Tôi tớ Chúa Alfonso Ugolini, một linh mục người Ý thuộc Giáo phận Reggio Emilia-Guastalla. Sinh ngày 22 tháng 8 năm 1908 tại Thionville (Pháp), ngài mất tại Sassuolo (Ý) vào ngày 25 tháng 10 năm 1999.

- Tôi tớ Chúa Maria Francesca Ticchi (tên khai sinh là Clemenza Adelaide Cesira), là một nữ tu người Ý thuộc Dòng Phan sinh thánh Clara nghèo khó. Sơ sinh ngày 23 tháng 4 năm 1887 tại Belforte all'Isauro (Ý) và mất ngày 20 tháng 6 năm 1922 tại Mercatello sul Metauro (Ý).

- Tôi tớ Chúa Maria Carola Cecchin (tên khai sinh là Fiorina), một tu sĩ người Ý thuộc Dòng Nữ Thánh Giuse Benedetto thành Cottolengo. Sơ sinh ngày 3 tháng 4 năm 1877 tại Cittadella (Ý) và chết trên một chuyến tàu từ Kenya trở về Ý, ngày 1 tháng 11 năm 1925.

- Tôi tớ Chúa Maria Francesca Giannetto (tên khai sinh là Carmela), một tu sĩ người Ý thuộc Dòng Nữ Tử Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Sơ sinh ngày 30 tháng 4 năm 1902 tại Camaro Superiore (Ý) và mất tại đó vào ngày 16 tháng 2 năm 1930.

Đức Thánh Cha Phanxicô tâm sự: Ba khoảng khắc cô đơn trong đời ngài

Trước khi phát hành cuốn sách mới của Đức Phanxicô cùng viết với Austen Ivereigh, tờ báo “La Repubblica” của Ý đã trích một ít ý tưởng từ tác phẩm “Chúng ta hãy ước mơ: Một con đường tương lai tốt đẹp hơn”, trong đó ĐTC đã diễn tả ba thời điểm đen tối như những khoảng khắc “Covid” cá nhân của ngài.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

“Tôi đã trải qua ba lần bị nhiễm ‘Covids’ trong đời mình: bệnh tật, Đức quốc và Córdoba.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã triển khai những khoảnh khắc cô đơn của chính ngài trong một đoạn văn được trích từ cuốn “Chúng ta hãy ước mơ: một con đường đưa dẫn tới một tương lai tốt đẹp hơn”, được phát hành hôm thứ Hai, một tác phẩm mới mà ngài cùng viết chung với Austen Ivereigh, một tác giả và cũng là một ký giả người Anh.

Một tuổi trẻ bệnh hoạn

Một thời khắc từ tuổi thơ cho tới 21 tuổi, giống như bị nhiễm Covid, ngài bị lâm bệnh tưởng chết vì chứng nhiễm trùng phổi, đang khi theo học năm thứ hai tại chủng viện ở Buenos Aires. Ngài nói rằng trải nghiệm này đã thay đổi cách ngài nhìn nhận cuộc sống và cho ngài một ý niệm hay về cách những người mắc bệnh Covid-19 cảm thấy như thế nào khi họ phải vật lộn để hít thở, nhờ vào máy trợ thở. “Tôi nhớ mình đã ôm lấy mẹ mà nói: "Mẹ hãy nói đi, có phải con sắp chết sao!"

Đức Thánh Cha cho hay hai cô y tá đã giúp ngài rất nhiều trong thời gian điều trị tại bệnh viện là: cô Cornelia Caraglio, đã cứu sống ngài, vì cô đã tăng liều thuốc cho ngài mà bác sĩ không hay biết. Một người khác, cô Micaela, đã tận tình chăm xóc cho ngài, đã cho ngài thuốc giảm đau những lúc cơn đau vật vã ngài! "Họ đã cùng chiến đấu với ngài cho đến cùng, cho đến khi ngài được bình phục!"

Đức Thánh Cha chia sẻ từ trải nghiệm cận kề cái chết đó, ngài đã học được bài học quan yếu của việc tránh xa những cái an ủi rẻ tiền. Nhiều người đã đưa ra những lời hứa suông về việc mau chóng được phục hồi, mặc dù họ có nói với một ý tốt.

Nhưng một nữ tu đã dạy ngài lúc ngài còn nhỏ là Sơ María Dolores Tortolo, vừa gặp sơ, sơ cầm lấy tay bé, hôn bé và im lặng nhìn bé. Cuối cùng sơ nói, "con giống Chúa Giêsu quá." Lời nói và sự hiện diện của sơ đã dạy ngài khi đi thăm các bệnh nhân, hãy nói càng ít càng tốt!

Cô đơn của sự thiếu hội nhập

Nhớ lại thời gian ở Đức vào năm 1986, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài cảm thấy mất quân bình trong một lối sống cô đơn vì thiếu hòa nhập.

Ngài đã dành nhiều thời gian để nhìn máy bay lên xuống từ một vị trí thuận lợi là nghĩa trang Frankfurt, mà nhớ về quê hương của mình. Khi Argentina đoạt được giải vô địch của Túc cầu Thế giới (World Cup), trong thời gian đó, ngài cảm thấy một nỗi buồn cô đơn trước một chiến thắng vẻ vang mà ngài không thể chia sẻ với ai khác được...

Tự nhốt mình

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục mô tả trải nghiệm Covid thứ ba của ngài trước sự cô độc xảy ra từ năm 1990 đến năm 1992, trong thời gian ngài ở Córdoba, Argentina. Ngài nói sự xa cách này là một sự chữa lành trước một sự thay đổi hoàn toàn, vì công việc và vai trò lãnh đạo của ngài.

Đức Thánh Cha đã dành một năm, mười tháng và mười ba ngày trong nhà dòng của Dòng Tên ở đó, cử hành thánh lễ, giúp giải tội và giúp linh hướng...

Ngài hầu như không ra khỏi nhà dòng, được cho là một kiểu tự giam mình, điều này đã là một lợi ích cho ngài. Ngài đã dùng thời gian này để viết và cầu nguyện rất nhiều, và khai triển các ý tưởng của ngài.

ĐTC nói, ba điều này đã xảy ra cho ngài, kể từ thời điểm đó đã ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của ngài: Đầu tiên là khả năng cầu nguyện, thứ hai là những cám dỗ mà ngài phải trải qua. Thứ ba, ngài cảm thấy Chúa đã truyền cảm hứng cho ngài để đọc tất cả 37 bộ sách của Ludwig viết về Lịch sử của các triều Thánh Cha. ĐTC chia sẻ những tài liệu đó đã giúp ngài rất nhiều trong vai trò là Vị Cha Chung, bởi vì với những hiểu biết về lịch sử của các triều Thánh Cha, giúp ngài làm quen với những gì xảy ra ở Vatican và Giáo triều Roma mà không quá ngỡ ngàng.

Đau khổ và thanh luyện

Đức Thánh Cha nói: Thời gian ở Córdoba thực sự là một thời gian thanh luyện. Thời gian đó dậy cho ngài lòng bao dung rộng lớn hơn, khả năng tha thứ, sự hiểu biết, cảm thông hơn với những người bất lực, và đặc biệt là sự kiên nhẫn.

Bài học cuối cùng này - sự kiên nhẫn - đã dạy ngài hay sự thay đổi là một động cơ và nó xảy ra trong những giới hạn nhất định, mặc dù chúng ta phải luôn để mắt đến chân trời xa như Chúa Giêsu đã làm.

Đức Thánh Cha nói thêm, ngài đã học được tầm quan trọng của việc nhận ra cái vĩ đại trong những việc nhỏ mọn, và chú ý đến cái nhỏ mọn trong những việc lớn lao. ĐTC nói, thời gian ở Córdoba là một thời gian phát triển, điều đó đã xảy ra sau một thời gian tôi luyện khắc khổ...

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ba loại Covids cá nhân này đã dạy ngài xác tín rằng sự đau khổ lớn lao có sức mạnh tôi luyện và biến đổi con người nên tốt đẹp hơn, nếu bạn cho phép chúng tôi luyện bạn.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 22/11/2020, Đức Thánh Cha chia sẻ: 'Chúng ta được vào Vương quốc của Thiên Chúa qua cánh cửa của sự phục vụ khiêm nhường'

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Chúa Kitô Vua cách trọng thể và nhắc nhở cho các tín hữu biết họ sẽ bị phán xét về tình yêu, về việc làm, về lòng trắc ẩn dành cho cận nhân và sự nâng đỡ tương kính.

(Tin Vatican)

Đánh dấu lễ mừng Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về dụ ngôn mà ngài cho là đã hé mở mầu nhiệm về Chúa Kitô.

Phát biểu trước các tín hữu đang qui tụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói “Đức Kitô là Alpha và Omega, khởi đầu và kết thúc của lịch sử” và ngài giải thích rằng phụng vụ hôm nay tập trung vào cùng tận “Omega”, cũng là mục tiêu cuối cùng.

“Ý nghĩa của lịch sử được hiểu bằng cách giữ cho đỉnh cao của nó luôn trước mắt chúng ta: mục tiêu cũng là kết thúc,” ĐTC nói.

Lấy ý từ Phúc Âm Thánh Mathêu (25: 31-46) nói về diễn từ của Chúa Giêsu về cuộc phán xét chung trong ngày thế mạc, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Đức Kitô, kẻ mà người đời kết án, nhưng trong thực tế, Đấng đó chính là vị thẩm phán tối cao. ”

Vua của vũ trụ, dịu hiền và nhân hậu

ĐTC chia sẻ: “Qua cái chết và sự phục sinh của Chúa, Chúa Giêsu biểu lộ chính Ngài là Chúa của Lịch sử, Vua của Vũ trụ, Đấng phán xét muôn loài. Cái nghịch lý Kitô giáo là vị Thẩm phán ấy không mặc xiêm y oai hùng như một vị vua trần thế, ngược lại Ngài là một mục tử hiền lành và nhân ái”.

Đức Thánh Cha giải thích trong dụ ngôn về sự phán xét chung, Chúa Giêsu xử dụng hình ảnh người chăn chiên, nhắc lại lời tiên tri của Êzêkiên, đã nói về sự bào chữa trước Thiên Chúa Cha cho dân Ngài, chống lại các đầu mục xấu xa của dân Israel. ĐTC nói, họ là những kẻ bóc lột tàn ác, thích tìm kiếm tư lợi hơn là lo cho đàn chiên.

Vì vậy, ĐTC tiếp: "Chính Thiên Chúa hứa sẽ đích thân chăm sóc cho đàn chiên của Ngài, bảo vệ chúng khỏi sự bất công và lạm dụng."

Đức Thánh Cha nói rằng lời hứa này của Thiên Chúa đã được thực hiện trọn vẹn nơi con người của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã phán: “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10,11,14).

ĐTC nói: “Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác định Ngài không chỉ là người chăn chiên, mà còn đền tìm những con chiên lạc, nghĩa là tìm kiếm những anh chị em còn xa cách Ngài.

Chúng ta sẽ được xét xử theo tình yêu 'cho đi hay từ chối'

"Do đó, ĐTC nêu ra tiêu chuẩn cho sự phán xét là mọi người sẽ được xét xử trên cơ sở tình yêu cụ thể “đã cho đi hoặc khước từ bác ái yêu thương!”, vì chính Chúa, vị thẩm phán, được đồng hóa, hiện diện nơi mỗi người giữa họ."

Trích dẫn bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha nhắc lại lời Chúa Giêsu phán: “những gì các ngươi không làm cho một trong những người bé nhỏ nhất này, thì các ngươi đã không làm cho Ta.”

ĐTC nói: “Chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên tình yêu, chứ không trên cảm tính, chính hành động làm cho lòng trắc ẩn trở nên gần gũi với tha nhân và tận tình giúp đỡ tha nhân.

Trong ngày tận thế, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích, “Chúa sẽ kiểm tra đàn chiên của Ngài, và Ngài sẽ phân chia rõ rệt những chiên nào thuộc về Ngài.”

Chúa sẽ hỏi chúng ta: "Các ngươi có bắt chiếc Ta trở nên người chăn chiên như chính Ta không?"

ĐTC nhấn mạnh đây là một câu hỏi mà Tin Mừng nêu ra cho chúng ta hôm nay như là tiêu chuẩn cho cuộc phán xét: “Lúc Ta gặp khó khăn, ngươi có dành một chút thời gian để giúp đỡ Ta không? Với sự trợ giúp của Ta, ngươi có nhận ra người đang cần giúp đỡ không? Trái tim ngươi có rung cảm trước nỗi đau, sự cô đơn, đau khổ của Ta không?”

Đây sẽ là tiêu chuẩn mà Chúa Kitô, Vua Vũ trụ, người đã biến mình thành con chiên cứu chuộc chúng ta, sẽ phân xử và phán xét chúng ta!

ĐTC kết thúc bài chia sẻ bằng kêu mời các tín hữu hãy khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ dạy chúng ta cách phục vụ:

“Chúng ta hãy học nơi Mẹ để được vào Vương quốc của Chúa ngay tự bây giờ qua cánh cửa của sự phục vụ khiêm nhường và quảng đại.”

Đức Thánh Cha mời gọi những người trẻ: từ cuộc sống của các con hãy kêu lên “Chúa Kitô đang sống và hiển trị!”

Bắt đầu từ năm 2021, kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới tại các giáo hội địa phương sẽ diễn ra vào Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua. Ngày Giới trẻ cấp Giáo phận được tổ chức vào những năm xen kẽ của Đại hội Giới trẻ thế giới sẽ được tổ chức.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Khi kết thúc Thánh lễ trọng mừng Chúa Kitô Vua hôm nay (22/11/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo rằng ngài đã quyết định chuyển việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) cấp giáo phận từ Chúa nhật Lễ Lá sang Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua.

Chúa Kitô là trung tâm

Khi thông báo về sự thay đổi này, Đức Thánh Cha nói: “Trung tâm của Đại hội Giới trẻ là Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc Nhân loại, như Thánh Gioan Phaolô II, người đã khởi xướng và bảo trợ các Đại hội Giớ trẻ Thế giới (WYD) luôn luôn nhấn mạnh đến”.

Các giáo phận kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới vào những năm xen kẽ giữa các sự kiện lớn, liên lục địa, diễn ra 2-3 năm một lần tại một địa điểm do Đức Thánh Cha chọn. Ngày Giới trẻ thế giới (WYD) sau cùng được tổ chức tại Thành phố Panama vào năm 2019, và Ngày Giới trẻ Thế giới kế tiếp sẽ được tổ chức tại Lisbon, dự kiến diễn ra vào năm 2022. Tuy nhiên Ngày Giới trẻ thế giới (WYD) Lisbon đã được dời đến năm 2023, vì đại dịch coronavirus.

Hãy kêu lên Chúa Kitô trị vì

Thông báo về thay đổi Ngày giới Trẻ được đề ra trước nghi lễ trao Thánh giá của Đại hội Giới trẻ thế giới (WYD) và biểu tượng Đức Mẹ Phù hộ Toàn dân thành Roma (Salus Populi Romani), một biểu tượng của Ngày Giới trẻ Thế giới. Vào ngày Chủ nhật kết thúc Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Panama, một đoàn những người trẻ của thành phố Panama đã trao Thánh giá và biểu tượng Đức Mẹ cho những người trẻ của thành hố Lisbon, một nghi thức mà Đức Thánh Cha Phanxicô cho là “một nghi lễ rất quan trọng”.

Trong lời phát biểu của mình trước khi trao Thánh giá và biểu tượng Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Các bạn trẻ thân mến, hãy kêu lớn tiếng lên từ cuộc đời của chúng con rằng Chúa Kitô đang sống và hiển trị” đồng thời ĐTC nhắc lại những lời của Chúa Kitô trong Tin Mừng: “Nếu chúng con lặng thinh, thì những viên đá này sẽ la lên!”
 
Twitter dung túng những lời kêu gọi thiêu sống các linh mục Tây Ban Nha và đốt các nhà thờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:07 01/12/2020

1. Hội đồng Giám mục Ðức dành ngày 26 tháng 12 là ngày cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị áp bức tại Syria và Iraq.

Hội đồng Giám mục Ðức sẽ dành ngày 26 tháng 12 năm 2020, lễ thánh Stephano, vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội, làm ngày cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị áp bức tại Syria và Iraq.

Trong thông cáo đăng trên mạng của Hội đồng Giám mục Ðức ngày 24 tháng 11 năm 2020, Ðức Cha Ludwig Schick, Tổng giám mục giáo phận Bamberg, Chủ tịch Ủy ban giám mục Ðức về Giáo hội hoàn vũ, tuyên bố rằng: “Tình trạng các tín hữu Kitô vẫn ở mức độ đáng lo âu, tại Syria cũng như tại Iraq. Thực vậy, kể cả sau khi nhà nước Hồi giáo ISIS bị đánh bại về mặt quân sự, các tín hữu Kitô tại nước này vẫn còn phải chịu nhiều nguy hiểm và bách hại. Kinh hoàng do Nhà nước Hồi giáo đã làm cho miền này bị xáo trộn một cách bi thảm và lâu dài. Bạo lực tàn ác của những người Hồi giáo cực đoan đã khiến cho nhiều Kitô hữu phải trốn chạy, và có một thiểu số Kitô hữu tiếp tục ở lại. Giữa những căng thẳng về bộ tộc, tôn giáo và chính trị, Kitô hữu còn phải đương đầu với thách đố lớn là tìm được một chỗ đứng trong một nước Syria bị nội chiến tàn phá và tại Iraq tiếp tục bị bất an.”

Ðức Tổng giám mục Ludwig Schick mới đây đã viếng thăm hai nước Syria và Iraq. Ngài có ấn tượng mạnh vì lòng can đảm và tinh thần kháng cự của Giáo hội địa phương và của các tín hữu. Theo ngài, một điều thuộc về yếu tính của Kitô giáo là không co cụm vào mình, nhưng giúp tất cả mọi người đang gặp khó khăn về vật chất và tinh thần, đồng thời phổ biến hy vọng và tin tưởng. “Cả khi đứng trước những hành động tàn ác cho những người Hồi giáo cực đoan ấy ra, gây chấn thương và đảo lộn nhiều Kitô hữu, Giáo hội tại Syria và Iraq vẫn xác tín về tầm quan trọng sự hiện hữu của họ tại Trung Ðông. Họ ý thức về ơn gọi trợ giúp mọi người, không phân biệt tôn giáo, phục vụ theo tinh thần bác ái Kitô”.

2. Bão lửa trên Twitter ở Tây Ban Nha sau các lời kêu gọi thiêu sống các linh mục

Bất chấp những hạn chế liên quan đến các ngôn từ kích động thù địch trên mạng xã hội ở Tây Ban Nha, một hashtag đang rất thịnh hành đã đưa ra những lời kêu gọi thiêu sống các linh mục Công Giáo. Twittter đã quyết định không xóa các tweets này bất chấp chúng vi phạm các quy tắc liên quan đến việc đăng tải các lời kêu gọi bạo lực.

Bộ trưởng Bộ giáo dục Tây Ban Nha Isabel Celaa là một người tả khuynh có đầu óc bài Công Giáo. Bà ta đã đưa ra một dự luật được đặt theo tên của bà là “Dự luật Celaa”. Dự luật này nhằm cải cách hệ thống giáo dục của Tây Ban Nha theo đó nhà nước sẽ kiểm soát nghiêm nhặt việc giảng dạy môn tôn giáo trong các trường công lập và hạn chế tài trợ cho các trường Công Giáo.

“Dự luật Celaa” đã vượt qua được rào cản đầu tiên vào tuần trước và dự kiến sẽ trở thành luật mặc dù thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức giáo dục. Hàng ngàn trường Công Giáo sẽ phải đóng cửa.

Quan điểm của các linh mục Công Giáo là trường Công Giáo gánh vác trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ, như thế là đỡ đần công việc cho hệ thống giáo dục mà lẽ ra nhà nước phải gánh vác. Việc tài trợ cho các trường Công Giáo là một việc công bằng và thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với tất cả các công dân là những người bình đẳng về trách nhiệm và quyền hạn, bất kể họ có niềm tin tôn giáo hay không.

Tuy nhiên, các thành phần cực đoan không nghĩ như thế. Hashtag #FuegoAlClero, hoặc thiêu sống các giáo sĩ, lần đầu tiên được đưa ra bởi một số tài khoản ủng hộ chủ nghĩa Mác, ban đầu là dưới chiêu bài bảo vệ “Dự luật Celaa”. Tuy nhiên, ngay sau đó chúng để lộ bộ mặt bài Công Giáo với những lời kêu gọi đốt phá các nhà thờ và hàng giáo sĩ. Trong một tweet được re-tweet hàng trăm ngàn lần, những kẻ này cho rằng “nhà thờ duy nhất chiếu sáng là nhà thờ đang bị bốc cháy”, được tweet đầu tiên bởi một kẻ ký tên “những cô con gái phù thủy mà bạn không thể đốt cháy”.

Đến tối thứ Ba, Twitter đã không làm gì với các dòng tweets này, mặc dù hàng nghìn người phàn nàn rằng hashtag này đang kích động lòng thù hận và vi phạm trực tiếp các quy tắc của chính Twitter về “bạo lực, quấy rối và các loại hành vi tương tự khác”.

Đặc biệt, các quy định của Twitter nêu rõ rằng người dùng không được “đe dọa bạo lực đối với một cá nhân hoặc một nhóm người. Việc tôn vinh bạo lực cũng bị cấm, cũng như việc sử dụng mạng truyền thông xã hội này để thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan bạo lực, các hành vi quấy rối hoặc thù hận trên cơ sở tôn giáo.”

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.


Source:Crux

3. Đại dịch coronavirus đã làm gia tăng những bách hại chống lại các tín hữu Kitô

Theo một báo cáo mới từ Aid to the Church in Need International, gọi tắt là ACN, tức là tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, đại dịch coronavirus đã làm trầm trọng thêm cuộc bách hại các tín hữu Kitô ở một số nơi.

Đứng trước tình trạng kinh hoàng này, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã mời gọi các dinh thự chính phủ, các đền đài, nhà thờ và các địa điểm du lịch chiếu sáng bằng ánh sáng đỏ trong suốt tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ để nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên thế giới.

Báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, một tổ chức bác ái của Tòa Thánh có mặt tại 23 quốc gia, được công bố vào ngày 25 tháng 11, cho biết:

“Tác động tàn khốc và chưa từng có của COVID-19 trên toàn thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến các xu hướng liên quan đến việc giam giữ bất công.”

Báo cáo đã tập trung vào hoàn cảnh của các tù nhân Kitô Giáo trên khắp thế giới. Với tiêu đề “Hãy giải phóng cho những người bị bắt cóc”, báo cáo nêu chi tiết về những vụ bắt cóc và giam giữ các tín hữu Kitô bởi các tổ chức nhà nước và các tổ chức phi nhà nước.

“Trên khắp thế giới, các chiến binh, và cả những người có thiện cảm với bọn khủng bố Hồi Giáo IS và những người có quan điểm rất khác với niềm tin Kitô, bao gồm những kẻ cực đoan từ các truyền thống tín ngưỡng khác, đã nhắm mục tiêu vào các nhóm Kitô thiểu số với mức độ thường xuyên đáng báo động,” báo cáo của ACN cho biết.

Ngoài ra, “có một xu hướng đáng lo ngại là các thành viên nhà nước đang ra sức bắt giữ bất công các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số”

Theo báo cáo của nhóm Open Doors, trung bình có 309 tín hữu Kitô bị “bỏ tù một cách vô cớ” mỗi tháng và hơn 1,000 người khác bị bắt cóc. Trong tù, họ phải đối mặt với những phiên tòa giả tạo, giam giữ tùy tiện, tra tấn và tình trạng quá tải của nhà tù.

Báo cáo cho biết, khi đại dịch COVID-19 lan nhanh trên toàn thế giới vào những tháng đầu năm 2020, các vụ bắt giữ các tín hữu Kitô đã giảm xuống do các quốc gia phải tập trung chống lại đại dịch và một số tù nhân đã được thả.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc đàn áp các tín hữu Kitô đã gia tăng với mức độ nghiêm trọng, cả khi đại dịch đang lây lan nhanh và đặc biệt là khi một số quốc gia mở cửa trở lại sau các biện pháp cách ly.

Sự lây lan của vi-rút có nghĩa là một số tòa án phải đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn, do đó, trì hoãn việc xét xử các tín hữu Kitô đang mòn mỏi trong tù vì những lời cáo gian xuất phát từ lòng thù hận đức tin.

Khi các nhà thờ ngừng các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự trong thời gian khóa cửa và tiến hành các cử hành trực tuyến, một số chính phủ đã tận dụng cơ hội để tăng cường giám sát các Kitô hữu. ACN bày tỏ quan ngại đặc biệt đối với một đoạn phim cho thấy cảnh sát ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc đột kích vào một buổi lễ của Giáo Hội thầm lặng vào tháng 5 và lôi kéo, đánh đập những người tham dự buổi cầu nguyện

Các quốc gia và các nhóm chiến binh đã sử dụng các biện pháp khoá cửa ở địa phương và tình trạng tập trung toàn cầu nhằm chống virus, để tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn nữa chống lại các tín hữu Kitô. Tại Nigeria, các chiến binh Fulani đã tăng cường tấn công các Kitô hữu ngay trong nhà của họ trong thời gian cách ly.

Về phần mình, Trung Quốc đã tăng cường đàn áp các tín hữu Công Giáo trong thời đại dịch trong khi phần còn lại của thế giới tập trung vào COVID.

Khi các cộng đồng bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian bị đóng cửa, một số chính phủ đã khôi phục việc theo dõi các cộng đồng Kitô hữu. Tại Iran, các nhân viên tình báo đã bắt giữ hàng chục Kitô hữu tại ba thành phố vào tháng Bảy.

Gần một phần ba số vụ bắt giữ các tín hữu Kitô mà không cần đưa ra xét xử đã xảy ra ở Trung Quốc trong một khoảng thời gian 12 tháng. Từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 10 năm 2019, Bắc Kinh đã bỏ tù hoặc giam giữ không xét xử hơn 1,100 Kitô hữu vì các lý do liên quan đến đức tin.

Các Kitô hữu phải đối mặt với nạn bắt cóc lan rộng bởi các tay súng thánh chiến ở Nigeria, với hơn 220 người bị bắt cóc mỗi năm. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cũng nhấn mạnh đến “sự gia tăng” trong các vụ bắt cóc các linh mục và nam nữ tu sĩ.

Tại các quốc gia như Pakistan và Ai Cập, các phụ nữ Công Giáo bị bắt cóc và bị cưỡng bức cải đạo và bị cưỡng bức kết hôn. Chỉ riêng tại một tỉnh của Pakistan, trong năm 2018 đã có 1,000 trường hợp cưỡng bức những phụ nữ Công Giáo và Ấn Giáo phải theo đạo Hồi.

Bắc Triều Tiên được biết đến là một trong những nơi đàn áp các Kitô hữu tồi tệ nhất, với hơn 50,000 Kitô hữu bị giam cầm trong các trại lao động khắc nghiệt.

Tại Eritrea, quốc gia được một số người gọi là “Bắc Triều Tiên của Châu Phi”, hơn 1,000 Kitô hữu được báo cáo đã bị giam giữ và chỉ trong vòng vài tháng của năm 2020, khoảng 300 Kitô hữu chưa ghi danh đã bị bắt.


Source:Catholic News Agency
 
Sau khi chứng hôn, Giám Mục Ấn lên tiếng xin lỗi vì nhận ra trúng nhằm kế độc: Thánh chiến tình ái
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:10 01/12/2020

1. Đã đề ra luật phá thai, tổng thống Á Căn Đình còn xách mé Đức Thánh Cha

Tổng thống Alberto Fernandez đã trình lên Quốc hội một dự luật, kêu gọi làm cho việc phá thai “được hợp pháp, an toàn và tự do” trên cả nước.

Nếu được chấp thuận, luật này sẽ cho phép cả những thiếu nữ dưới 13 tuổi phá thai mà không cần sự đồng thuận của cha mẹ, việc phá thai theo yêu cầu được hợp pháp hóa cho tới tuần thứ 14 của thai kỳ, và cho phép phá thai vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ nếu nó được xác định là gây nguy hiểm đến tính mạng, thể chất hoặc tâm lý của người mẹ hoặc nếu đó là kết quả của lạm dụng tình dục.

Tổng thống Fernandez lý luận rằng hợp pháp hóa phá thai sẽ là giải pháp cho các phụ nữ nghèo không đủ khả năng trả chi phí phá thai tại các phòng khám tư, và giảm bớt số phụ nữ chết vì phá thai bất hợp pháp. Ông nói rằng dù là người Công Giáo, ông xem phá thai là vấn đề sức khỏe cộng đồng và hy vọng Ðức Giáo Hoàng không nổi giận với ông vì ông thúc đẩy hợp pháp hóa phá thai. Nhiều người cho rằng, khi nói những câu này Fernandez thực ra chỉ có ý xách mé Đức Thánh Cha hơn là tìm cách làm cho ngài đừng nổi giận.

Đáp lại, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn và khích lệ các phụ nữ ở quê nhà Á Căn Đình của ngài, những người đã xin ngài giúp nói lên sự phản đối của họ đối với dự luật hợp pháp hóa việc phá thai được tổng thống Á Căn Đình đưa ra.

Ngày 18 tháng 11 năm 2020, 8 phụ nữ sống trong những khu ổ chuột lớn nhất trong tổng giáo phận Buenos Aires trước đây của Ðức Thánh Cha đã viết thư cho ngài bày tỏ lo ngại rằng dự luật phá thai nhắm đến các phụ nữ nghèo và xin ngài giúp cho tiếng nói của họ được lắng nghe.

Trong thư hồi âm đề ngày 22 tháng 11 năm 2020 gửi các phụ nữ Á Căn Đình, Ðức Thánh Cha nói rằng vấn đề phá thai “chủ yếu không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề đạo đức con người, là điều đi trước bất kỳ hệ phái tôn giáo nào”.

Ðức Thánh Cha đặt ra hai câu hỏi: “Có công bằng không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề? Có công bằng không nếu thuê một kẻ giết thuê để giải quyết một vấn đề?” Ðây là lần đầu tiên ngài trực tiếp nói về chiến dịch ủng hộ phá thai tại quê nhà của ngài.

Ðức Thánh Cha khen ngợi các phụ nữ chống phá thai “thật sự là những phụ nữ hiểu sự sống này là gì” và ngài “ngưỡng mộ công việc và chứng tá của họ”. Ngài cám ơn những gì họ làm và thực hiện. Ngài nói tiếp: “Quê nhà hãnh diện có những phụ nữ như họ.”


Source:Catholic News Agency

2. Giám Mục Ấn lên tiếng xin lỗi sau khi giáo dân chỉ ra rằng ngài đã trúng kế của người Hồi Giáo

Một vị Hồng Y người Ấn Độ đã thành lập một ủy ban để xem xét vấn đề hôn nhân khác đạo vì vấn đề này đã trở thành một điểm nóng chính trị ở nước này.

Đức Hồng Y George Alencherry, nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar, đã triệu tập một ủy ban sau khi một phụ nữ Công Giáo kết hôn với một người đàn ông Hồi giáo tại Nhà thờ Thánh Joseph ở trung tâm thành phố Kochi, thuộc bang Kerala, miền Nam nước này.

Các câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến vấn đề là liệu người phụ nữ Công Giáo trong cuộc hôn nhân này có hội đủ hay không tất cả các yêu cầu chính thức khi kết hôn với một người chưa rửa tội, đặc biệt trong bối cảnh người ấy sẽ quyết liệt từ chối phép rửa tội, và sẽ ngăn cản không cho con cái của ông được rửa tội. Thậm chí, ông ta có nhiều khả năng sẽ buộc người vợ mình phải theo đạo Hồi. Nhiều người cho rằng người phụ nữ Công Giáo này thuộc một giáo phận khác, đã không được phép thích hợp tại giáo phận gốc của mình.

Buổi lễ thu hút sự chú ý lớn hơn do sự hiện diện của Đức Cha Matthew Vaniakizhakel, giám mục đã nghỉ hưu của Satna.

Trong một bức thư, Đức Cha xin lỗi vì đã tham dự buổi lễ.

“Tôi đã tham dự hôn lễ hỗn hợp vì có mối quan hệ thân thiết với gia đình cô dâu. Tuy nhiên, tôi rất hối hận khi tham dự hôn lễ này”, Đức Cha Vaniakizhakel viết.

Kerala là trung tâm Kitô giáo của Ấn Độ. Mặc dù các tín hữu Kitô chỉ chiếm hơn 2% dân số trên toàn Ấn Độ, nhưng họ chiếm gần 20% dân số ở Kerala.

Bang Kerala cũng là trụ sở chính của Giáo Hội Syro-Malabar, một trong những Giáo Hội Công Giáo theo nghi thức phương Đông có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Cha Alex Onampally, thư ký của Ủy ban Truyền thông của Giáo Hội Syro-Malabar, nói với tờ Crux rằng Đức Hồng Y Alencherry sẽ ban hành hướng dẫn mới về hôn nhân khác đạo sau khi ủy ban công bố báo cáo của mình.

Giáo luật nghiêm cấm các cuộc hôn nhân khác đạo, nhưng các nhà chức trách Giáo hội có thể đưa ra một miễn trừ nếu người phối ngẫu Công Giáo hứa sẽ không từ bỏ đức tin của mình và nuôi dạy con cái theo đức tin Công Giáo. Nếu không hội đủ các điều kiện này, cuộc hôn nhân bị Giáo Hội Công Giáo coi là vô hiệu.

Mặc dù các miễn trừ như thế thường được chấp nhận ở phương Tây, nhưng chúng thường bị từ chối ở Ấn Độ do nhận thấy mối nguy hiểm đối với đức tin của người Công Giáo.

Một số nhà hoạt động Công Giáo đưa ra cáo buộc người Hồi Giáo đang tiến hành một cuộc “thánh chiến tình ái”. Họ cáo buộc rằng người Hồi giáo kết hôn với những người không theo đạo Hồi để chuyển họ sang đạo Hồi.

Các cuộc biểu tình chống trào lưu “thánh chiến tình ái” đã khiến bang Uttar Pradesh, ở miền bắc Ấn Độ, thông qua đạo luật gây trở ngại cho hôn nhân giữa các cặp vợ chồng khác đạo, bao gồm một thời gian chờ đợi nhất định và sự chấp thuận của các quan chức chính phủ. Luật áp dụng hình phạt lên đến 10 năm tù đối với những người vi phạm.


Source:Crux

3. Hàng chục bản án chung thân và các án tù khắc nghiệt dành cho “các nhà lãnh đạo đảo chính”

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra nhiều bản án chung thân đối với khoảng 500 người bị xét xử liên quan đến cuộc đảo chính quân sự bất thành năm 2016.

Nhiều người bị cáo buộc là tín đồ của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gülen, là người bị kết tội chủ mưu của âm mưu lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Phiên tòa tập trung vào các sự kiện tại căn cứ không quân Akinci, ở Ankara, nơi các thủ lĩnh cuộc đảo chính được cho là đã dẫn đầu cuộc tấn công của họ.

Hàng chục phi công và sĩ quan cao cấp tại căn cứ bị kết tội mưu toan lật đổ chính phủ hợp hiến và dự định giết chết Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Các bị cáo bị kết tội đã đánh bom một số điểm chiến lược ở thủ đô, bao gồm cả tòa nhà quốc hội.

Ít nhất 27 người bị tuyên nhiều bản án chung thân, mỗi người đều có những điều khoản khắc nghiệt hơn bản án chung thân bình thường. Vào năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra cái gọi là án tù chung thân với các tình tiết gia trọng để thay thế án tử hình.

Trong số 475 người hiện đang bị xét xử có 365 người đã phải ở trong tù trong nhiều năm qua. Tổng cộng có 337 người bị kết án, bao gồm Tư lệnh Không quân Akin Ozturk, cùng với 4 người cầm đầu khác được mệnh danh là nhóm “tứ nhân bang lừa đảo dân sự” vì có quan hệ với mạng lưới của Gülen.

Sau đêm âm mưu đảo chính vào giữa tháng 7 năm 2016, khiến 250 người chết và quyền lực của Erdoğan bị lung lay trong vài giờ, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc săn lùng phù thủy toàn diện.

Hàng chục nghìn người bị cáo buộc đã tham gia vào âm mưu đảo chính này, ở trong và ngoài nước – bao gồm các nhà trí thức, các nhà hoạt động chính trị, quân nhân, thẩm phán, giáo viên, người dân thường. Họ bị kết tội có liên hệ với Fethullah Gülen, giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang sống lưu vong ở Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Theo tổng thống Erdoğan, những người ủng hộ Gülen đã thâm nhập vào lực lượng cảnh sát, cơ quan tư pháp và các tổ chức quan trọng khác để tạo ra một “nhà nước trong nhà nước”.

Khoảng 292,000 người đã bị bắt giam và gần 100,000 người đang chờ xét xử.

Khoảng 150,000 công chức đã bị sa thải hoặc đình chỉ sau cuộc đảo chính, bao gồm khoảng 20,000 người bị trục xuất khỏi quân đội. Các tòa án đã tuyên hơn 2,500 bản án chung thân.


Source:Asia News