Ngày 01-12-2019
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTGM Salvatore J. Cordileone của San Francisco: Không có Hiệp Nhất nếu không có Thánh Giá
J.B. Đặng Minh An dịch
04:42 01/12/2019
Ngày 12 tháng 12, tại Vatican, Đức Thánh Cha sẽ cử hành lễ Đức Mẹ Guadalupe. Tại các nước Mỹ Châu lễ này có thể được mừng sớm hơn.

Tờ The First Things số ra ngày 28 tháng 11 vừa qua đã đăng bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone của tổng giáo phận San Francisco trong “thánh lễ các dân tộc Mỹ Châu” tại Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thủ đô Washington.

Nguyên bản tiếng Anh có nhan đề “No Unity without The Cross” – “Không có Hiệp Nhất nếu không có Thánh Giá”. Bản tiếng Anh xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Trong Nhà thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem, ngay tại vị trí nơi Thánh giá của Chúa chúng ta, có một bàn thờ nghi lễ Đông phương. Ngay bên cạnh là một bàn thờ nghi lễ Latinh, và ở giữa hai bàn thờ treo một bức ảnh Mẹ Thiên Chúa. Ngay tại địa điểm gặp gỡ này, nơi Mẹ đã đứng gần 2,000 năm trước dưới chân Thánh giá, giờ đây Mẹ đứng kết hiệp giữa Đông và Tây, giữa Đông phương và Latinh.

Mẹ là Mẹ của chúng ta, là người mà tất cả chúng ta tôn kính, và Mẹ muốn các môn đệ của Con mình nên một. Mẹ tiếp tục cầu bầu cho ý nguyện, là lời trăn trối của con Mẹ, có thể được hoàn thành: “xin cho tất cả họ nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17: 21).

Thánh lễ mà chúng ta kỷ niệm ngày hôm nay, “thánh lễ của các dân tộc Mỹ châu” nói lên quyền thế của Mẹ trong việc hiệp nhất tất cả chúng ta, những đứa con của Mẹ. Mẹ đứng đó giữa mọi thế hệ của Giáo Hội, cầu thay nguyện giúp cho con cái Mẹ và tích cực dẫn họ đến với Con Mẹ, để chúng có thể được hợp nhất nên một trong Ngài. Trong suốt lịch sử, Mẹ đã xuất hiện ở mọi nơi trên trái đất, đặc biệt là trong những thời khắc hỗn loạn và hoang mang, khiến Mẹ phải có mặt để khuyên nhủ và an ủi, để hô hào và mạc khải, để kêu gọi cầu nguyện và đền tội, để tất cả con cái Mẹ có thể được dẫn sâu hơn vào trái tim của Con Mẹ.

Ai trong chúng ta cũng đều biết câu chuyện về sự hiện ra của Mẹ Vô nhiễm của chúng ta trên lục địa này vào năm 1531 với một người đàn ông bản địa nghèo khổ, mù chữ và sùng đạo tên là Juan Diego, cũng như câu chuyện đông đảo dân chúng trở lại đạo, quay về với Con Mẹ sau khi Mẹ hiện ra tại Tepeyac. Mẹ hiện ra vào thời điểm có những xung đột lớn, hỗn loạn và đổ máu, để thành lập một dân Kitô mới cho Con Mẹ không phải bằng những thanh kiếm cũng không phải bởi sự hy sinh của con người, mà bởi tình yêu của một người mẹ tự đồng hóa với những con cái của mình. Người Aztec đã nhìn thấy nơi hình ảnh của người phụ nữ trên chiếc tilma của Juan Diego hình ảnh của chính họ: Mẹ mặc một chiếc áo choàng màu ngọc lam, là một vinh dự dành cho các vị thần Aztec và hoàng gia Aztec, và Mẹ được rước đi, như một dấu hiệu danh dự khác được trao cho gia đình hoàng tộc của đế chế Aztec.

Nhưng Mẹ còn hơn cả một nàng công chúa: Những ngôi sao trang trí áo choàng của Đức Mẹ Guadalupe, và Mẹ đứng trên mặt trăng lưỡi liềm. Đầu Mẹ cúi xuống và hai tay khoanh lại trong sự cầu xin khiêm nhường, mặc dù Mẹ vượt lên trên tất cả những người khác, Mẹ tôn sùng một Đấng uy thế hơn mình. Và Mẹ đeo một dải băng màu tối của sản phụ, chỉ ra rằng Mẹ đang mang một hài nhi. Chiếc trâm cài của Mẹ là một cây thánh giá. Người phụ nữ cao cả nhưng khiêm nhường này là Mẹ của Con Thiên Chúa, “là nữ tỳ của Chúa”, Đấng mọi loài ngợi khen là Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Người Tây Ban Nha cũng đã chấp nhận người phụ nữ hiện ra này là Mẹ của Thiên Chúa nhập thể của họ, bởi vì họ nhìn thấy nơi Mẹ một hình ảnh của Đấng Vô nhiễm Nguyên tội. Họ nhìn thấy trong hình ảnh này, người phụ nữ trong Sách Sáng thế đã nghiền nát đầu con rắn. Họ cũng nhìn thấy trong đó người phụ nữ trong Sách Khải Huyền, người phụ nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và trên đầu có vương miện mười hai ngôi sao và sắp hạ sinh một hài nhi (Kh 12: 1-2). Người Tây Ban Nha nhìn thấy trong hình ảnh này, Người phụ nữ mà họ tôn sùng là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội, một giáo điều mà các nhà thần học của họ đã tuyên xưng và các nghệ sĩ của họ đã miêu tả với vẻ đẹp sâu sắc trong nhiều thế kỷ trước khi Đức Giáo Hoàng Pius IX tuyên bố như thế vào năm 1854.

Sau Tepeyac, Mễ Tây Cơ trở thành quốc gia Công Giáo. Đức Mẹ Guadalupe hợp nhất Thế giới cũ và mới, và do đó, một dân Kitô mới được hình thành từ hai dân tộc nên một dân mestizo [Danh từ chỉ dân tộc pha trộn giữa Tây Ban Nha và bản địa. Tĩnh từ là mestiza - chú thích của người dịch]. Một nền văn minh Kitô giáo mới được sinh ra từ sự kết hợp này và Mẹ được tôn kính với cả hai danh hiệu La Morenita và La Inmaculada.

Tầm quan trọng của sự kiện lịch sử vô song này, đặc biệt là ở Mỹ châu, đã không bị quên lãng đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong Tông huấn Giáo Hội Mỹ Châu, ngài viết:

Việc Đức Maria hiện ra với Juan Diego, một người bản địa, trên ngọn đồi Tepeyac năm 1531 có ảnh hưởng quyết định đến việc truyền giáo. Ảnh hưởng của cuộc hiện ra này vượt qua rất nhiều ranh giới của Mễ Tây Cơ, lan rộng ra toàn lục địa. Mỹ Châu, nơi về mặt lịch sử mà nói đã là và vẫn là một nồi hòa nhập của các dân tộc, đã được công nhận nơi gương mặt mestiza của Đức Trinh Nữ Tepeyac, nơi Đức Maria Guadalupe như một ví dụ đầy ấn tượng về việc loan báo Tin Mừng một cách hội nhập văn hóa hoàn hảo.

Trong những thập kỷ gần đây, nhiều sự chú ý đã tập trung vào Đức Mẹ như một hình ảnh, hay một biểu tượng của Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh giáo huấn của Thánh Ambrose về chủ đề này. Công đồng nói trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội như sau:

Như thánh Ambrose đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là một gương mẫu của Giáo Hội về đức tin, đức ái và sự kết hợp hoàn toàn với Chúa Kitô.. . . Thực thế, Giáo Hội trở thành một người mẹ khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện của Mẹ, bắt chước đức ái của Mẹ và trung thành thực hiện thánh ý Chúa Cha, bằng cách đón nhận lời Chúa trong đức tin. Bằng lời rao giảng, Giáo Hội mang đến một cuộc sống mới và bất tử cho những người con được sinh ra cho Giáo Hội trong bí tích rửa tội, được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Thiên Chúa. Giáo Hội là một trinh nữ, giữ gìn đức tin được trao cho mình bởi vị Hôn Phu một cách trọn vẹn và toàn bộ. Bắt chước mẹ Thiên Chúa và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội giữ một đức tin thuần khiết trinh nguyên, một niềm hy vọng vững chắc và một đức ái chân thành.

Giáo Hội là mẹ của chúng ta: Một người mẹ chào đón, nuôi dưỡng, an ủi và hiệp nhất. Đâu là nơi những người mới đến một vùng đất xa lạ hướng về khi họ cảm thấy mất phương hướng, sợ hãi hoặc không được chăm sóc? Đó là Giáo Hội. Cách riêng, đối với người Công Giáo, Giáo Hội là mái nhà ở bất cứ nơi nào họ có mặt trên thế giới. Và những người nghèo khổ, đau khổ hoặc đang trong thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, ngay cả với những người hiếm khi bước chân tới cửa nhà thờ, khi đến lúc họ tìm kiếm sự giải thoát họ sẽ đến với Giáo Hội. Họ biết những người ở đó sẽ không quay đầu lại với họ mà bỏ đi, nhưng nâng đỡ họ trong các nhu cầu của họ.

Đối với một số người, có vẻ như đạo đức giả khi nói về việc chăm sóc người nghèo trong một ngôi nhà thờ trang hoàng lộng lẫy như thế này. Chúng ta phải nhớ câu chuyện về người phụ nữ với lọ dầu thơm, là người đã đổ thuốc thơm đắt tiền trên đầu của Chúa Giêsu. Đối với những người phản đối, những người phàn nàn rằng dầu thơm ấy có thể bán được tiền mà bố thí cho người nghèo, Chúa Giêsu đáp lại: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu” (Mt 26:11)

Là một người đến từ San Francisco, một ví dụ khác loé lên trong tâm trí tôi. Đầu những năm 1970, chỉ vài tháng sau khi nhà thờ chính tòa Đức Maria mới tinh được thánh hiến, không ai khác mà chính là sơ Dorothy Day đã đến đó để tham gia một cuộc họp được tổ chức tại trung tâm hội nghị bên dưới nhà thờ. Không có gì đáng ngạc nhiên, một người hay bắt bẻ đã lên tiếng phàn nàn rằng cuộc họp của họ nhằm thảo luận về nhu cầu của người nghèo lại đang diễn ra trong một tòa nhà xa hoa sang trọng. Nhiều người cổ vũ cho anh ta, nhưng sơ Dorothy Day không nằm trong số họ. Sơ ấy nói:

Giáo Hội có nghĩa vụ nuôi sống người nghèo và chúng ta không thể tiêu hết tiền vào các tòa nhà. Tuy nhiên, có nhiều loại đói. Có một sự đói khát của ăn, và chúng ta phải cung cấp cho mọi người thực phẩm. Nhưng cũng có một sự khao khát về cái đẹp và có rất ít nơi đẹp mà người nghèo có thể vào được. Đây là một nơi có vẻ đẹp siêu việt, và người vô gia cư ở Tenderloin cũng có thể vào được như ngài thị trưởng San Francisco.

Chúng ta phải làm nhiều việc để phục vụ người nghèo, và chắc chắn đáp ứng nhu cầu vật chất của họ là một trong số đó. Nhưng như sơ Dorothy Day chỉ ra, chúng ta cũng phải nuôi sống linh hồn của họ. Có lẽ điều mà người nghèo thiếu nhất trong cuộc sống của họ là vẻ đẹp: vẻ đẹp đó làm say mê và nâng cao tâm hồn, bảo đảm cho họ về phẩm giá của họ như những đứa con của Thiên Chúa mà Ngài tạo ra theo hình ảnh và chân dung của Người. Như thế, hoàn toàn không phải là cường điệu, khi nói rằng những gì chúng ta làm ngày hôm nay là một dịch vụ dành cho người nghèo. Như sơ Dorothy Day đã từng nói, người nghèo nhất trên đường phố thủ đô của đất nước chúng ta cũng có quyền bước vào ngôi nhà thờ tráng lệ này được xây dựng để tôn vinh Thiên Chúa, tiếp cận với âm nhạc tuyệt đẹp, tiếp cận với vẻ đẹp của các nghi lễ.

Giáo Hội trong sự khôn ngoan của mình luôn hiểu rằng sự thật, vẻ đẹp và lòng tốt là tất cả những điều cần thiết để sửa chữa một xã hội tan vỡ và xây dựng một nền văn minh hưng thịnh. Đây thực sự là ba trụ cột mà Giáo Hội xây dựng trong nền văn minh phương Tây và đã cống hiến rất nhiều cho thế giới. Lòng tốt mà thôi thì không đi đến đâu, vì nếu không có sự thật nó sẽ chỉ làm dịu các triệu chứng đau khổ, nhưng không đi đến cùng tận nguyên nhân gốc rễ; sự thật mà thôi cũng không đủ, vì sự thật cần phải được chuyển thành hành động cụ thể và được thể hiện thông qua sức mạnh của cái đẹp.

Cả ba đều là cần thiết, bởi vì con người là một chỉnh thể: Lòng tốt nuôi sống thân xác, sự thật nuôi dưỡng tâm trí và vẻ đẹp nuôi sống tâm hồn. Có lẽ đó là vẻ đẹp thiếu nhất trên thế giới hiện nay, điều này giải thích cho sự bất ổn về tinh thần mà chính chúng ta có thể thấy. Chúng ta phải cống hiến hết mình cho vẻ đẹp, đòi lại sức mạnh của nó trong việc chữa lành và đoàn kết.

Hôm nay chúng ta đến với nhau để dâng một điều gì đó đẹp đẽ lên Thiên Chúa và bày tỏ tình yêu của chúng ta dành cho Mẹ của Con Ngài. Và ở đây, Đức Mẹ của chúng ta một lần nữa hợp nhất chúng ta: những người nghèo với những người thượng lưu giàu có và những người trung lưu, từ mọi quốc gia, chủng tộc, dân tộc và tiếng nói.

Cách đây rất lâu và xa xôi, Mẹ đứng dưới chân Thánh giá khi Con Mẹ hiến dâng cuộc đời mình để mang lại sự hòa giải lớn nhất cho tất cả: đó là hoà giải nhân loại tội lỗi với Đấng Tạo Hóa. Mẹ đã mô hình hóa những gì Con Mẹ đã dạy: đó là không có sự hiệp nhất nếu không có Thánh giá. Đối với những người có con mắt đức tin, vẻ đẹp trông rất khác biệt. Nó có dáng vẻ khiêm tốn, tự hy sinh, đặt trọng tâm nơi người khác và xả kỷ. Đức Mẹ rất đẹp bởi vì Mẹ phản ánh vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa, Con Mẹ. Mẹ là gương mẫu của sự khiêm nhu mà chúng ta cần ngõ hầu có thể thực hiện di nguyện của con Mẹ “xin cho tất cả họ nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17: 21).


Source:The First Things
 
Thượng Hội Đống Giám Mục Đức mở phiên họp thảo luận các vấn đề có thể dẫn tới việc ly giáo
Nguyễn Long Thao
12:55 01/12/2019
Theo tin của CNN, Giáo Hội Công Giáo Đức đã bắt đầu phiên họp thảo luận tìm ra nguyên do những vấn đề gây bê bối trong Giáo Hội Đức thời gian vừa qua

Đó là các chủ đề dỡ bỏ luật độc thân linh mục, để phụ nữ có vai trò lớn hơn trong đời sống Giáo Hội.

Vào ngày đầu mùa vọng 2019,Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức đã khai mạc phiên họp đầu tiên trong một quá trình kéo dài hai năm nghiên cứu và cải cách các vấn đề làm tổn hại đến đời sống Giáo Hội Công Giáo Đức.

Theo các chuyên gia các phiên họp sẽ thảo luận các vấn đề sau đây:

1: Tình trạng độc thân linh mục.

2. Vị trí của phụ nữ trong giáo hội.

3. Tính dục và đạo đức tính dục trong Giáo Hội Công Giáo.

4.Quyền lục và kiểm soát quyền lực trong Giáo Hội Công Giáo.

Kết quả của các phiên họp tại Đức sẽ không thay đổi học thuyết Công Giáo. Tuy nhiên, kế hoạch cải cách của Đức chắc chắn thu hút sự chú ý của Vatican. Nhiều giới quan sát lo ngại rằng cuối cùng hội nghị có thể phân tán giáo hội Đức thành nhiều mảnh, đưa tới sự ly giáo.

Việc Giáo Hội Đức mở các phiên họp thảo luận những vấn đề bê bối được thúc đầy bới một báo cáo về giáo sĩ lạm dụng tình dục được công bố vào năm ngoái, theo đó Giáo Hội Công Giáo Đức đã thừa nhận có tổng cộng 3.677 trường hợp các giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em từ năm 1946 đến 2014. Đây là báo cáo do chính Hội đồng Giám Đức thực hiện

Hơn một nửa số nạn nhân có độ tuổi từ 13 tuổi trở xuống. Phần lớn là con trai và trong hầu hết các trường hợp, việc lạm dụng diễn ra trong thời gian dài.

Bản báo cáo đã làm rung chuyển Giáo Hội Đức và Giáo Hội đã kêu gọi phải hành động ngay lập tức. Trong một cuộc họp vào mùa xuân năm nay, phần lớn các giám mục Đức đã bỏ phiếu bắt đầu một quá trình cải cách để đảm bảo không có điều gì như thế này xảy ra lần nữa.

Tình hình tại Giáo Hội Đức nghiêm trọng đến mức Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng một trong những công cụ mạnh nhất - và hiếm khi được sử dụng là viết một bức thư ngỏ cho người dân Đức, kêu gọi họ giữ gìn sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Hiện nay người Công Giáo Đức nhấn mạnh rằng bất kỳ quyết định nào được đưa ra trong Hội nghị phải có giá trị ràng buộc, không thể dùng diễn đàn chỉ để nói mà không có quyết định nào. Cuối cùng, sẽ phải có một cuộc bỏ phiếu và kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ được trao cho Tòa Thánh.

Được biết Thuợng Hội Đồng Giám Mục Đức cũng mời các Hội Đồng Giám Mục các nước lân cận cử đại diện tham dự các phiên họp của Thượng Hội Đồng

Nguyễn Long Thao
 
Tông thư dưới dạng tự sắc ADMIRABILE SIGNUM của Đức Thánh Cha Phanxicô về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cảnh Giáng Sinh
J.B. Đặng Minh An dịch
13:14 01/12/2019
Lúc 15g15 ngày Chúa Nhật 1 tháng 12, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ sân bay trực thăng của Vatican để bay đến Greccio cách Vatican 96km về phía Bắc. Đến nơi lúc 15g45, ngài được Đức Cha Domenico Pompili, Giám Mục giáo phận Rieti và Cha Francesco Rossi, bề trên dòng Phanxicô quản thủ đền thờ Giáng Sinh tại Greccio ra đón. Tại đền thờ này, Đức Thánh Cha đã ký Tông thư sau đây và truyền công bố trong toàn Giáo Hội đến tất cả các tín hữu Công Giáo.

Nguyên bản tiếng Ý, và các ngôn ngữ khác có thể đọc tại đây. Dưới đây là bản dịch sang tiếng Việt.

Tông thư dưới dạng tự sắc
ADMIRABILE SIGNUM – DẤU CHỈ TUYỆT VỜI
của Đức Thánh Cha Phanxicô
về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cảnh Giáng Sinh


Bản dịch sang Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An

1. Hình ảnh làm say mê của máng cỏ Giáng Sinh, rất thân thương đối với dân Kitô, không bao giờ ngừng khơi dậy sự kinh ngạc và suy tư trong lòng. Việc mô tả sự ra đời của Chúa Giêsu tự nó là một lời công bố đơn sơ và vui mừng về mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa. Cảnh Chúa Giáng Sinh giống như một Tin mừng sống động mọc lên từ các trang của Kinh thánh. Khi chúng ta suy ngẫm về câu chuyện Giáng Sinh, chúng ta được mời tham gia vào một cuộc hành trình tâm linh, kín múc từ sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành phàm nhân để gặp gỡ mọi người nam nữ. Chúng ta nhận ra rằng tình yêu của Ngài dành cho chúng ta quá lớn khi Người trở thành một trong số chúng ta, để đến lượt mình chúng ta nên một với Người.

Với Thư này, tôi muốn khuyến khích không chỉ truyền thống tốt đẹp của các gia đình chuẩn bị cảnh Giáng Sinh vào những ngày trước dịp lễ, mà cả phong tục bày trí cảnh Giáng Sinh ở nơi làm việc, trong trường học, bệnh viện, nhà tù và các quảng trường thị trấn. Trí tưởng tượng tuyệt vời và sự sáng tạo luôn được thể hiện trong việc sử dụng các vật liệu đa dạng nhất để tạo ra những kiệt tác nhỏ của thẩm mỹ. Khi còn nhỏ, chúng ta học hỏi từ cha mẹ và ông bà của mình để tiếp tục truyền thống hân hoan này, trong đó gói gọn rất nhiều lòng đạo đức bình dân. Tôi hy vọng rằng phong tục này sẽ không bao giờ bị mất và bất cứ nơi nào nó rơi vào tình trạng không được dùng đến, nó có thể được tái khám phá lại và hồi sinh.

2. Trên tất cả, nguồn gốc của máng cỏ Giáng Sinh được tìm thấy trong các chi tiết nhất định về việc Chúa Giêsu được sinh hạ tại Bêlem, như được tường trình trong Tin Mừng. Thánh Sử Luca nói đơn giản rằng Đức Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2: 7). Bởi vì Chúa Giêsu đã được đặt trong máng cỏ, cảnh Giáng Sinh được biết đến ở Ý như một presepe, từ chữ praesepium trong tiếng Latinh, có nghĩa là “máng cỏ”.

Đến với thế giới này, Con Thiên Chúa được đặt ở nơi các động vật được cho ăn. Cỏ trở thành chiếc giường đầu tiên của Đấng sẽ tự mạc khải mình là “bánh từ trời xuống” (Ga 6:41). Thánh Augustinô, và các Giáo Phụ khác, đã rất cảm kích trước hình ảnh biểu tượng này: “Được đặt trong máng cỏ, Người đã trở thành của ăn nuôi sống chúng ta” (Bài Giảng 189, 4). Thật vậy, cảnh Giáng Sinh gợi lên một số mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu và đưa các mầu nhiệm ấy gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Nhưng chúng ta hãy quay trở lại nguồn gốc của máng cỏ Giáng Sinh rất quen thuộc với chúng ta. Chúng ta cần tưởng tượng mình đang ở thị trấn nhỏ Greccio của Ý, gần thành Rieti. Thánh Phanxicô đã dừng lại ở đó, rất có thể trên đường trở về từ Rôma, vào ngày 29 tháng 11 năm 1223, sau khi Đức Giáo Hoàng Honorius III đã chuẩn y Luật Dòng của ngài. Trước đó, Thánh Phanxicô đã viếng thăm Thánh địa, cho nên các hang động ở Greccio khiến ngài nhớ về vùng quê Bêlem. Cũng có thể là “Người Nghèo của thành Assisi” đã bị đánh động trước các bức tranh khảm trong đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma mô tả sự ra đời của Chúa Giêsu, gần nơi, theo một truyền thống cổ kính, các tấm gỗ của máng cỏ được bảo tồn.

Tài liệu Phan sinh mô tả chi tiết những gì đã diễn ra sau đó ở Greccio. Mười lăm ngày trước lễ Giáng Sinh, Thánh Phanxicô hỏi một người đàn ông địa phương tên là Gioan giúp ngài hiện thực hóa mong muốn của mình là “mang đến trong cuộc sống những ký ức về hài nhi được sinh hạ ở Bêlem, để chứng kiến càng nhiều càng tốt với đôi mắt của chính thân thể riêng mình sự khó chịu của hài nhi sơ sinh, cách Ngài được đặt nằm trong máng cỏ, và cách Ngài được đặt trên một chiếc giường bằng cỏ, với một con bò và một con lừa đứng cạnh”. [1] Lúc đó, người bạn trung thành của Ngài đã đi ngay lập tức để chuẩn bị tất cả những gì thánh nhân yêu cầu. Vào ngày 25 tháng 12, các tu sĩ đã tuốn đến Greccio từ nhiều nơi khác nhau, cùng với những người từ các trang trại trong khu vực, là những người đã mang hoa và đuốc đến để thắp sáng đêm thánh đó. Khi Thánh Phanxicô đến, ngài thấy một máng cỏ đầy cỏ khô, một con bò và một con lừa. Tất cả những người có mặt đã trải nghiệm một niềm vui mới không thể diễn tả được trước sự hiện diện của cảnh Giáng Sinh. Sau đó, vị linh mục đã long trọng cử hành Bí tích Thánh Thể trên máng cỏ, cho thấy mối liên kết giữa việc Nhập thể của Con Thiên Chúa và Bí tích Thánh Thể. Tại Greccio không có các bức tượng; cảnh Giáng Sinh được diễn lại và trải nghiệm bởi tất cả những người có mặt. [2]

Đây là cách mà truyền thống của chúng ta đã bắt đầu: với tất cả mọi người tụ tập trong niềm vui xung quanh máng cỏ, không có khoảng cách nào giữa sự kiện ban đầu và những người chia sẻ trong mầu nhiệm ấy.

Thomas thành Celano, người viết tiểu sử đầu tiên của Thánh Phanxicô, lưu ý rằng cảnh Giáng Sinh đơn sơ và cảm động này được đi kèm với ân sủng là một thị kiến thật kỳ diệu: một trong những người có mặt đã nhìn thấy Hài nhi Giêsu đang nằm trong máng cỏ. Từ cảnh Giáng Sinh trong đêm Giáng Sinh năm 1223, “tất cả mọi người trở về nhà với niềm vui”. [3]

3. Với sự đơn sơ của dấu chỉ này, Thánh Phanxicô đã thực hiện một công cuộc truyền giáo vĩ đại. Giáo lý của ngài đã chạm đến con tim của các Kitô hữu và cho đến hôm nay vẫn tiếp tục đưa ra một phương tiện đơn sơ nhưng chân thực để mô tả vẻ đẹp của đức tin chúng ta. Thật vậy, nơi mà cảnh Giáng Sinh đầu tiên được diễn lại thể hiện và gợi lên những tình cảm này. Greccio đã trở thành nơi ẩn náu cho linh hồn, một ngọn núi bảo vệ được bao trùm trong im lặng.

Tại sao cảnh Giáng Sinh lại khơi dậy sự ngạc nhiên như thế và khiến chúng ta cảm động sâu sắc đến vậy? Đầu tiên, bởi vì nó cho thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa: Đấng tạo dựng vũ trụ đã tự hạ mình để mặc lấy sự yếu đuối của chúng ta. Hồng ân sự sống, trong tất cả mầu nhiệm của nó, trở nên kỳ diệu hơn khi chúng ta nhận ra rằng Con của Đức Maria là nguồn mạch và là sự nâng đỡ cho mọi sự sống. Trong Chúa Giêsu, Chúa Cha đã ban cho chúng ta một người anh em đến để tìm kiếm chúng ta bất cứ khi nào chúng ta bối rối hoặc lạc lối, một người bạn trung thành luôn ở bên chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta Con của Người, Đấng đã tha thứ cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.

Việc bài trí cảnh Giáng Sinh trong nhà giúp chúng ta làm sống lại lịch sử của những gì diễn ra ở Bêlem. Đương nhiên, các sách Phúc Âm vẫn là nguồn để chúng ta hiểu và suy ngẫm về sự kiện đó. Đồng thời, mô tả của sự kiện ấy nơi máng cỏ giúp chúng ta tưởng tượng ra khung cảnh này. Nó chạm đến trái tim của chúng ta và làm cho chúng ta đi vào lịch sử cứu độ như những người đương thời của một sự kiện đang sống động và rất thật trong một loạt các bối cảnh lịch sử và văn hóa.

Một cách đặc biệt, kể từ thời điểm nguyên thủy bắt đầu với các tu sĩ Phanxicô, cảnh Giáng Sinh đã mời gọi chúng ta “cảm nghiệm” và “động chạm đến” sự nghèo hèn mà Con Thiên Chúa mặc lấy trong mầu nhiệm Nhập Thể. Nó gián tiếp hiệu triệu chúng ta bước theo Ngài trên con đường khiêm hạ, nghèo đói và tự chối bỏ mình dẫn từ máng cỏ Bêlem đến thập giá. Nó kêu mời chúng ta gặp gỡ Ngài và phục vụ Ngài bằng cách tỏ lòng thương xót với những anh chị em của chúng ta đang quẫn bách nhất (x. Mt 25: 31-46).

4. Giờ đây, tôi muốn trình bày các suy tư về các yếu tố khác nhau của cảnh Giáng Sinh để chúng ta cảm nhận ý nghĩa sâu sắc hơn của chúng. Đầu tiên, là bối cảnh của một bầu trời đầy sao được bao bọc trong bóng tối và sự im lặng của màn đêm. Chúng ta trình bày điều này không chỉ vì lòng trung thành với các trình thuật Tin Mừng, mà còn vì giá trị biểu tượng của nó. Chúng ta có thể nghĩ về tất cả những khoảng thời gian trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta trải qua bóng tối của màn đêm. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, nhưng Ngài vẫn có ở đó để trả lời những câu hỏi quan trọng của chúng ta về ý nghĩa của cuộc sống. Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tại sao tôi được sinh ra vào thời điểm này trong lịch sử? Tại sao tôi yêu? Tại sao tôi đau khổ? Tại sao tôi sẽ chết? Chính là để trả lời những câu hỏi đó mà Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân. Sự gần gũi của Ngài mang lại ánh sáng nơi có bóng tối và chỉ đường cho những người sống trong bóng tối của khổ đau (x. Lc 1, 79).

Cũng đáng được nhắc đến là những cảnh quan, là một phần trong cảnh Giáng Sinh. Thường thì chúng bao gồm các tàn tích của những ngôi nhà cổ hoặc các tòa nhà, trong một số trường hợp thay thế hang Bêlem và trở thành một ngôi nhà cho Thánh gia. Những tàn tích này dường như được lấy cảm hứng từ Truyền thuyết Vàng của tu sĩ Dòng Đa Minh Jacobus de Varagine sống ở thế kỷ thứ mười ba, liên quan đến một niềm tin ngoại giáo rằng Đền thờ Hòa bình ở Rôma sẽ sụp đổ khi một Trinh nữ hạ sinh một hài nhi. Trên hết, những tàn tích là dấu hiệu hữu hình của loài người sa ngã, của tất cả mọi thứ chắc chắn sẽ rơi vào cảnh hoang tàn, suy tàn và thất vọng. Bối cảnh này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là sự mới mẻ giữa một thế giới già cỗi, rằng Ngài đã đến để chữa lành và xây dựng lại, để khôi phục thế giới và cuộc sống của chúng ta trở lại với vẻ huy hoàng ban đầu.

5. Thật đầy cảm xúc khi sắp xếp những ngọn núi, dòng suối, những con cừu và các mục đồng trong cảnh Giáng Sinh! Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta được nhắc nhở rằng, như các tiên tri đã báo trước, tất cả các loài thọ tạo đều vui mừng trước sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai. Các thiên thần và ngôi sao dẫn đường là một dấu hiệu cho thấy chúng ta cũng được kêu gọi lên đường đến hang đá và thờ phượng Chúa.

“Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” (Lc 2:15). Các mục đồng đã nói với nhau như thế sau lời loan báo của các thiên thần. Một bài học đẹp xuất hiện từ những từ đơn giản này. Không giống như nhiều người khác, bận rộn về nhiều thứ, các mục đồng trở thành người đầu tiên nhìn thấy điều thiết yếu nhất trong tất cả: đó là hồng ân cứu độ. Chính những người khiêm tốn và nghèo khổ là những người chào đón sự kiện Nhập thể. Các mục đồng đáp lại Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta qua Hài nhi Giêsu, bằng cách lên đường gặp Người với tình yêu, lòng biết ơn và sự tôn kính. Nhờ Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ này giữa Thiên Chúa và con cái Người đã sinh ra tôn giáo của chúng ta và giải thích cho vẻ đẹp độc đáo của nó, rất rõ ràng một cách tuyệt vời trong cảnh Giáng Sinh.

6. Thông thường chúng ta thêm vào cảnh Giáng Sinh của chúng ta nhiều nhân vật biểu tượng. Đầu tiên, là những người ăn xin và những người khác là những người chú trọng đến sự giàu có của tâm hồn. Họ cũng có mọi quyền để đến gần Chúa Giêsu Hài Đồng; không ai có thể đuổi họ đi hoặc bảo họ tránh xa một chiếc nôi quá tạm bợ đến nỗi người nghèo dường như thấy hoàn toàn quen thuộc như đang ở nhà mình. Thật vậy, người nghèo là một phần đặc quyền của mầu nhiệm này; thường thì họ là những người đầu tiên nhận ra sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta.

Sự hiện diện của người nghèo và người thấp hèn trong cảnh Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng Chúa hóa thành phàm nhân cho những ai cảm thấy cần tình yêu của Người nhất, và cho những ai cầu xin Ngài đến gần họ. Chúa Giêsu, “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29), được sinh ra trong cảnh nghèo đói và có một cuộc sống đơn giản để dạy chúng ta nhận ra những gì là cần thiết và hành động cho phù hợp. Cảnh Giáng Sinh dạy rõ ràng rằng chúng ta không thể để mình bị lừa dối bởi sự giàu có và những hứa hẹn hạnh phúc thoáng qua. Chúng ta thấy cung điện vua Hêrôđê ở phía sau, đóng cửa và điếc lác trước những tin tức đầy hân hoan. Khi được sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa đã phát động một cuộc cách mạng thực sự duy nhất có thể mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người bị khinh miệt và bị ruồng bỏ: đó là cuộc cách mạng của tình yêu, cuộc cách mạng của sự dịu dàng. Từ máng cỏ, Chúa Giêsu tuyên bố, một cách hiền lành nhưng mạnh mẽ, nhu cầu chia sẻ với người nghèo như là con đường hướng đến một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn, trong đó không ai bị loại trừ hay bị gạt ra ngoài lề.

Trẻ em - nhưng cả người lớn cũng thế! - thường thích thêm vào cảnh Giáng Sinh các nhân vật khác không có mối liên hệ rõ ràng với các trình thuật Tin Mừng. Tuy nhiên, cách này cách khác, những bổ sung tưởng tượng thêm này cho thấy rằng trong thế giới mới được khai mạc bởi Chúa Giêsu, có chỗ cho bất cứ điều gì thực sự là nhân bản và cho tất cả các tạo vật của Chúa. Từ người chăn cừu đến người thợ rèn, từ người thợ làm bánh đến nhạc sĩ, từ những người phụ nữ mang bình nước đến những trẻ em chơi đùa: tất cả những điều này nói lên sự thánh thiện hàng ngày, và niềm vui làm những việc bình thường một cách phi thường, được sinh ra mỗi khi Chúa Giêsu chia sẻ cuộc sống thánh thiêng của Người với chúng ta.

7. Dần dần, chúng ta đến hang đá, nơi chúng ta gặp gỡ hình ảnh của Đức Maria và Thánh Giuse. Đức Maria là một người mẹ đang chiêm ngưỡng con mình và cho mọi người khách được thấy hài nhi. Hình dáng của Đức Maria khiến chúng ta suy ngẫm về mầu nhiệm vĩ đại bao quanh người phụ nữ trẻ này khi Chúa gõ cửa trái tim vô nhiễm của Mẹ. Đức Maria đáp lại trong sự vâng phục hoàn toàn sứ điệp của thiên thần yêu cầu Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Những lời này của Mẹ, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” (Lc 1:38), chỉ cho tất cả chúng ta thấy làm thế nào để từ bỏ chính mình trong đức tin để tuân theo thánh ý Chúa. Do lời “xin vâng” của Mẹ, Đức Maria đã trở thành mẹ của Con Thiên Chúa, không mất đi, nhưng nhờ Người, thánh hiến sự trinh tiết của mình. Ở Mẹ, chúng ta thấy Mẹ Thiên Chúa không chỉ giữ Con Mẹ cho riêng mình, nhưng mời mọi người tuân theo lời Người và đưa lời Chúa vào thực hành (x. Ga 2: 5).

Ở bên cạnh Đức Maria, Thánh Giuse đứng đó cho thấy sự bảo vệ Hài Nhi và Mẹ Ngài. Thánh Giuse thường được mô tả với cây gậy trong tay, hoặc cầm một chiếc đèn. Thánh Giuse đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Maria. Ngài là người bảo vệ không mệt mỏi gia đình mình. Khi Chúa cảnh báo ngài về mối đe dọa của vua Hêrôđê, ngài đã không ngần ngại lên đường và chạy trốn đến Ai Cập (x. Mt 2: 13-15). Và một khi nguy hiểm đã qua, ngài đưa gia đình trở về Nagiarét, nơi ngài sẽ trở thành thầy dạy đầu tiên của Chúa Giêsu khi còn là một cậu bé và sau đó là một chàng trai trẻ. Thánh Giuse trân trọng trong lòng mình mầu nhiệm lớn lao xung quanh Chúa Giêsu và Đức Maria là người phối ngẫu của ngài; và với tư cách là một người đàn công chính, ngài luôn tin tưởng vào thánh ý Chúa và đem ra thực hành.

8. Trong ngày lễ Giáng Sinh, khi chúng ta đặt bức tượng Chúa Giêsu Hài Đồng vào máng cỏ, khung cảnh Giáng Sinh đột nhiên trở nên sống động. Thiên Chúa xuất hiện như một đứa trẻ, để chúng ta ôm trong vòng tay của mình. Bên dưới sự yếu đuối và mỏng dòn, Ngài che giấu sức mạnh có thể tạo ra và biến đổi tất cả mọi thứ. Điều đó dường như là không thể, nhưng đó là sự thật: trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa là một hài nhi, và qua đó, Người muốn tiết lộ sự vĩ đại trong tình yêu của Người: đó là bằng cách mỉm cười và mở rộng vòng tay với tất cả mọi người.

Sự ra đời của một đứa trẻ đánh thức niềm vui và sự ngạc nhiên; nó đặt ra trước mắt chúng ta mầu nhiệm lớn lao của cuộc sống. Nhìn thấy đôi mắt sáng của một cặp vợ chồng trẻ đang chăm chú nhìn đứa con mới sinh của mình, chúng ta có thể hiểu cảm giác của Đức Maria và Thánh Giuse, khi các ngài nhìn vào Hài nhi Giêsu, và cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của các ngài.

“Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày” (1 Ga 1: 2). Trong những lời này, Thánh Tông đồ Gioan tổng hợp mầu nhiệm Nhập thể. Máng cỏ cho phép chúng ta nhìn và chạm vào sự kiện độc đáo và vô song, đã thay đổi tiến trình lịch sử, đến mức thời gian sau đó sẽ được tính lại là trước hoặc sau khi Chúa giáng sinh.

Đường lối Chúa thật đáng kinh ngạc, vì [theo suy nghĩ của chúng ta] dường như không thể nào lại có chuyện Thiên Chúa từ bỏ vinh quang để trở thành một người như chúng ta. Trước sự ngạc nhiên của chúng ta, chúng ta thấy Chúa hành động chính xác như chúng ta: Ngài ngủ, bú sữa từ mẹ mình, khóc lóc và chơi đùa như mọi đứa trẻ khác! Như mọi khi, Chúa làm chúng ta phải lúng túng. Chúng ta không thể đoán trước được, vì Ngài liên tục thực hiện những gì chúng ta ít mong đợi nhất. Cảnh Giáng Sinh cho thấy Thiên Chúa khi Người bước vào thế giới của chúng ta, nhưng nó cũng khiến chúng ta suy ngẫm về cuộc sống của chúng ta như là một phần cuộc sống của chính Thiên Chúa. Nó mời gọi chúng ta trở thành môn đệ của Ngài nếu chúng ta muốn đạt đến ý nghĩa tối hậu trong cuộc sống.

9. Khi lễ Hiển linh đến gần, chúng ta đặt các bức tượng của ba vị đạo sĩ vào máng cỏ Giáng Sinh. Khi quan sát các ngôi sao, những người thông thái từ phương Đông đã lên đường đến Bêlem, để tìm Chúa Giêsu và dâng cho Ngài những món quà bằng vàng, nhũ hương và mộc dược. Những món quà đắt giá này có một ý nghĩa ngụ ngôn: vàng tôn vinh vương quyền của Chúa Giêsu, nhũ hương là thiên tính của Người, và mộc dược nói lên bản tính nhân loại thiêng liêng của Người sẽ trải nghiệm cái chết và sự chôn cất.

Khi chúng ta suy ngẫm về khía cạnh này của cảnh Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi suy ngẫm về trách nhiệm của mỗi Kitô hữu trong việc truyền bá Tin Mừng. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi mang tin mừng đó đến với tất cả mọi người, làm chứng bằng những việc làm thực tế đầy lòng thương xót của chúng ta đối với niềm vui được biết Chúa Giêsu và tình yêu của Người.

Các vị đạo sĩ dạy chúng ta rằng mọi người có thể đến với Chúa Kitô bằng một con đường rất dài. Những người giàu có, các bậc hiền triết từ phương xa, khao khát sự vô hạn, họ bắt đầu cuộc hành trình dài và đầy nguy hiểm sẽ đưa họ đến Bêlem (x. Mt 2: 1-12). Niềm vui lớn đến với họ trước sự hiện diện của Vua Hài Nhi. Họ không bị chi phối bởi môi trường nghèo nàn xung quanh, nhưng ngay lập tức quỳ xuống để tôn thờ Ngài. Quỳ xuống trước Ngài, họ hiểu rằng Thiên Chúa với thượng trí của Ngài đang hướng dẫn tiến trình của các vì sao, cũng hướng dẫn tiến trình của lịch sử, hạ bệ những kẻ quyèn thế và nâng cao những ai khiêm nhường. Khi trở về nhà, chắc chắn họ sẽ nói với những người khác về cuộc gặp gỡ tuyệt vời này với Đấng Thiên Sai, do đó khởi xướng việc truyền bá Tin Mừng giữa các quốc gia.

10. Đứng trước máng cỏ Giáng Sinh, chúng ta nhớ lại thời gian khi còn nhỏ, háo hức chờ đợi để được thiết trí nó. Những ký ức này làm cho tất cả chúng ta ý thức hơn về món quà quý giá nhận được từ những người truyền bá niềm tin cho chúng ta. Đồng thời, chúng nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ của chúng ta là phải chia sẻ kinh nghiệm tương tự này với con cháu chúng ta. Sắp xếp cảnh Giáng Sinh như thế nào không quan trọng: nó có thể giống nhau hoặc có thể thay đổi từ năm này sang năm khác. Điều quan trọng là nó nói lên cuộc sống của chúng ta. Dù ở bất cứ nơi đâu và dù ở bất kỳ hình thức nào, máng cỏ Giáng Sinh nói với chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một trẻ thơ để làm cho chúng ta biết Ngài gần gũi với mọi người nam nữ và trẻ em như thế nào, bất kể tình trạng của họ.

Anh chị em thân mến, máng cỏ Giáng Sinh là một phần của quá trình quý giá nhưng đầy thách đố trong việc truyền lại đức tin. Bắt đầu từ thời thơ ấu, và ở mỗi giai đoạn của cuộc đời chúng ta, máng cỏ dạy chúng ta biết chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, biết trải nghiệm tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, biết cảm nhận và tin rằng Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta ở cùng Người, cùng với con cái Người, là anh chị em với nhau, nhờ Hài Nhi là Con Thiên Chúa và Con của Đức Trinh Nữ Maria. Và để nhận ra rằng trong hiểu biết đó, chúng ta tìm thấy hạnh phúc thực sự. Như Thánh Phanxicô, chúng ta có thể mở lòng mình ra với ân sủng đơn sơ này, để từ sự ngạc nhiên của chúng ta, một lời cầu nguyện khiêm nhường có thể được nảy sinh: đó là một lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa, Đấng muốn chia sẻ với chúng ta tất cả, và vì thế không bao giờ để chúng ta cô đơn.

Công bố tại Greccio, nơi Đền thờ Chúa Giáng Sinh, vào ngày 1 tháng 12 năm 2019, năm thứ bảy trong triều Giáo hoàng của tôi.

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

[1] Thomas thành Celano, Cuộc sống đầu tiên, 84; Tài liệu Phan sinh, 469.
[2] Ibid., 85; Tài liệu Phan sinh, 469.
[3] Ibid., 86: Tài liệu Phan sinh, 470.


Source:Holy See Press Office
 
Chương trình Dream của Cộng đồng Thánh Egidio cho 11 quốc gia Châu Phi phòng chống AIDS.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
17:04 01/12/2019
Cứu lấy tương lai của châu Phi bằng cách chiến đấu với nguyên nhân chính gây tử vong ở thanh thiếu niên trên lục địa: vi khuẩn HIV. Đây là thách thức của chương trình DREAM – ƯỚC MƠ của Cộng đồng Thánh Êgidiô, nhân dịp Ngày Thế giới phòng chống AIDS, được tổ chức vào Chúa Nhật ngày 1 tháng 12, nhằm mục đích nhớ lại những gì đã làm và còn bao nhiêu việc phải làm cho những người trẻ tuổi. Một hoạt động mà DREAM đã theo đuổi trong 18 năm nay là cung cấp quyền truy cập chăm sóc miễn phí tại 11 quốc gia châu Phi, với 49 trung tâm y tế và 25 phòng thí nghiệm sinh học phân tử.

Trong năm 2016, 73 phần trăm các trường hợp nhiễm HIV mới trong thanh thiếu niên được định vị tại Châu Phi (nguồn: www.avert.org). Và ước tính đến năm 2030 sẽ có thêm 740.000 thanh niên sẽ nhiễm vi khuẩn HIV. Đến nay, một nửa số bé gái và bé trai nhiễm HIV tập trung ở sáu quốc gia. Năm trong số này thuộc cùng một lục địa: Nam Phi, Nigeria, Kenya, Mozambique và Tanzania.

Tình hình ở Đông Phi đặc biệt nghiêm trọng. Và chính từ đây, công việc của DREAM bắt đầu. Gần 6.000 thanh thiếu niên hiện đang được điều trị tại các trung tâm y tế của chương trình Cộng đồng Thánh Egidio. Một nửa trong số này là ở Mozambique, hơn 1.000 tại Malawi và hơn 800 tại Kenya. Trong ba quốc gia, DREAM có ba dự án, được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác và Phát triển Ý – Malawi. I Care, Mozambique PASS và cùng với Quỹ Toàn cầu để chấm dứt đại dịch HIV và bệnh lao ở Kenya, tập trung chủ yếu vào thanh thiếu niên.

Chống lại AIDS trong thanh thiếu niên thường có nghĩa là hành động trước khi chúng được sinh ra. Trên thực tế, hầu hết các bé trai và bé gái đều nhiễm vi khuẩn qua đường chu sinh, trong khi số còn lại bị nhiễm bệnh qua quan hệ tình dục không được bảo vệ. Từ năm 2002 đến nay, DREAM có nghĩa là 100.000 trẻ em của các bà mẹ nhiễm HIV được sinh ra mà không nhiễm HIV, cung cấp cho phụ nữ mang thai một dịch vụ miễn phí và chất lượng để ngăn chặn sự lây truyền vi khuẩn sang con của họ. Và cũng chính những phụ nữ trẻ này là một trong những nhóm dễ bị nhiễm HIV nhất. Những cô gái này thường sống trong nghèo đói hoặc bị bạo lực và không có cơ hội tự bảo vệ mình khỏi HIV.

"Xung quanh các trung tâm DREAM – Paola Germano, giám đốc DREAM kết luận - có những phong trào của thanh thiếu niên đã vượt qua giai đoạn kỳ thị và cam kết nói về HIV với những người bạn cùng tuổi khỏe mạnh, ở trường và ở những nơi gặp gỡ. Đó là những phong trào thanh thiếu niên vì bệnh bị buộc phải trưởng thành sớm, những nhờ vào sự chăm sóc và bao gồm của nhóm, họ tìm lại tự tin và hy vọng. Đóng góp của họ trong việc chống lại kỳ thị HIV ở những người trẻ tuổi là vô giá. "

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Agenzia Fides (30/11/2019)
 
270 triệu di dân quốc tế gửi về nhà 689 tỷ Mỹ kim
Vũ Văn An
20:13 01/12/2019
Theo Vatican News, trong phúc trình hoàn cầu mới nhất, Tổ chức Di Dân Quốc tế (International Organization for Migration, tắt là IOM) ghi nhận rằng di dân quốc tế chỉ chiếm 3.5% tổng dân số 7.7 tỷ người của cả thế giới. Phần lớn di dân phát xuất từ Ấn Độ, Mễ Tây Cơ và Trung Hoa.



Cơ quan di dân Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư vừa qua cho biết: Con số di dân quốc tế năm 2019 nay được ước tính vào khỏang 270 triệu người và nơi đến hàng đầu vẫn là Hiệp Chúng Quốc, gần 51 triệu người, tiếp theo là Đức (13 triệu người) và Saudi Arabia (13 triệu người). Trong phúc trình hoàn cầu mới nhất, Tổ chức Di dân Quốc tế ghi nhận rằng con số tổng thể chỉ đại diện một phần rất nhỏ dân số thế giới, dù có sự gia tăng 0.1 phần trăm so với phúc trình năm ngoái.

Phúc trình viết “con số này vẫn là một phần trăm rất nhỏ của dân số thế giới (khoảng 3.5 phần trăm), có nghĩa là đại đa số người trên thế giới (96.5 phần trăm) được ước tính là cư ngụ tại xứ sở họ được sinh ra”.

Theo cơ quan di dân Liên Hiệp Quốc, hơn một nửa số di dân quốc tế (141 triệu người) sống tại Âu Châu và Bắc Mỹ. 52 phần trăm được ước lượng là nam giới và gần 2 phần 3 mọi di dân đều đang kiếm việc làm; tức khoảng 164 triệu người.

Phần lớn phát xuất từ Á Châu

Hơn 40 phần trăm di dân quốc tế sinh tại Á Châu (112 triệu người).

Ấn Độ tiếp tục là nước gốc lớn nhất của các di dân quốc tế với 17.5 triệu người sống ở ngoại quốc, tiếp theo là Mễ Tây Cơ (11.8 triệu người và Trung Hoa (10.7 triệu người).

Phúc trình của Tổ chức Di Dân Quốc tế cũng ghi nhận rằng tiền các di dân quốc tế gửi về nhà tăng lên tới 689 tỷ Mỹ Kim năm 2018, với nước thụ hưởng hàng đầu là Ấn Độ (78.6 tỷ), Trung Hoa (67.4 tỷ), Mễ Tây Cơ (35.7 tỷ) và Phi Luật Tân (34 tỷ).

Hiệp Chúng Quốc vẫn là nguồn chuyển tiền hàng đầu vào khoảng 68 tỷ Mỹ kim, tiếp theo là Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (44.4 tỷ Mỹ kim) và Saudi Arabia (36.1 tỷ Mỹ kim).

Di dân ngay trong vùng sinh ra

Mặc dù phần lớn di dân tới Hiệp Chúng Quốc, phúc trình xác nhận nhiều hành lang di dân quan trọng khác từ các nước nghèo tới các nước giầu hơn như Pháp, Nga, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Saudi Arabia.

Ở Châu Phi, Châu Á và Châu Âu, phần lớn các di dân quốc tế ở lại trong vùng họ sinh ra, nhưng phần lớn các di dân phát xuất từ Châu Mỹ Latinh, vùng Caribbean và Bắc Mỹ không làm như vậy.

Ba nước hàng đầu với số lượng di dân lớn nhất là Ai Cập, Marốc và Nam Sudan, trong khi Nam Phi là nước có số nhập cư lớn nhất.

Các dữ kiện ở Trung Đông cho thấy các nước Vùng Vịnh có số di dân lao động tạm thời lớn nhất trên thế giới, trong đó, có Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, nơi họ chiếm tới 90 phần trăm dân số.

Di cư nội bộ

Nhấn mạnh việc các xung đột và bạo động liên tiếp tại Cộng Hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Miến Điện, Nam Sudan, Syria và Yemen đã dẫn tới việc di cư nội bộ ồ ạt trong 2 năm qua như thế nào, Trung Tâm Theo dõi Việc Di cư Nội bộ của Tổ chức Di Dân Quốc tế nói rằng 41.3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ vào cuối năm 2018, một kỷ lục kể từ khi việc theo dõi bắt đầu vào năm 1998.

Sau gần 9 năm xung đột, Syria có số dân di cư nội bộ cao nhất, vào khoảng 6.1 triệu người, tiếp theo là Colombia (5.8 triệu) và Cộng hòa Dân chủ Congo (3.1 triệu).

Với hơn 6 triệu người tỵ nạn, Syria cũng là nguồn hàng đầu của người tỵ nạn, tiếp theo là Afghanistan, khoảng 2.5 triệu – trong tổng số dân gần 26 triệu.

Trong số các nhân tố thúc đẩy di dân ở lục địa Châu Phi là việc thay đổi khí hậu (Nguồn: UN News, IOM).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sinh hoạt tôn giáo tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne đầu Tháng 12/19
Trần Văn Minh
04:07 01/12/2019
Melbourne, Thánh lễ đồng tế cảm tạ đặc biệt, mừng bổn mạng của Giáo Khu Phanxico Xavier, thuộc Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, đã được cử hành lúc 3 giờ 30 chiều Thứ Bảy Ngày 30/11/2019 tại Nhà thờ Thánh Martin de Porres vùng Avondale Heights trong niềm hân hoan của mọi người trong giáo khu cũng như cộng đoàn về dâng lễ.
Thánh lễ mừng bổn mạng Giáo khu Phanxico Xavier

Xem hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế, cùng với Linh mục Đinh Văn Bổn và linh mục khách đồng tế. Ca đoàn Thánh Martino phụ trách thánh ca giúp cho buổi lễ thêm sốt sắng và long trọng.

Trước thánh lễ, ông Trần Hùng đại diên giáo khu đã lên đọc tiểu sử Thánh Phanxicô Xavier, vị thánh có công đi rao giảng và truyền giáo trong giáo hội, và cũng là vị Thánh mà Giáo Hội chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Mở đầu thánh lễ tạ ơn. Linh mục chủ tế đã dâng cách riêng mọi người trong giáo khu luôn được mọi sự bình an với nhiều ân sủng, chữa lành cả tâm hồn và thể xác cho quý cụ ông, cụ bà cùng mọi người, qua lời cầu bầu của Thánh Phanxico Xavier vị Thánh là bổn mạng của giáo khu. Cũng trong thánh lễ tạ ơn, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các linh hồn những người trong giáo khu đã qua đời để các ngài sớm về hưởng tôn nhan Chúa. Và cũng không quên cầu nguyện cho quý vị trong ban mục vụ giáo khu hiện nay và các vị cựu ban mục vụ, luôn được Chúa ban cho ơn bình an và sức khỏe, để làm việc phục vụ chu toàn như kỳ vọng của mọi người.

Trong bài chia sẻ, linh mục chủ tế đã nhắc lại tiểu sử của Thánh Phanxico Xavier, vị Thánh đã tuyền giáo tới mọi nơi, và truyền giáo đến hơi thở cuối cùng. Vị Thánh mà trước đó đã sống trong giầu sang, hạnh phúc theo tiêu chuẩn của người đời. Nhưng sau khi ngộ ra lời vị Thánh I Nha Xio luôn nhắc nhở câu: lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì. Và Thánh nhân đã bỏ tất cả cuộc sống vật chất đầy đủ để lên đường đi truyền giáo, và nhờ công của Ngài, đã đưa được biết bao linh hồn về với Chúa.

Sau lời cám ơn của ông Đặng Thắng, trưởng ban mục vụ giáo khu. Cám ơn đến quý cha, quý hội đoàn đoàn thể trong cộng đoàn, đã về dâng lễ tạ ơn cùng giáo khu. Ông cũng không quên đến mọi người trong giáo khu, những mạnh thường quân, mọi người đã góp công, góp sức để tổ chức lễ mừng bổn mạng tốt đẹp.

Một buổi tiệc mừng được tổ chức trong hội trường của giáo xứ, để mọi người trong giáo khu có dịp thăm hỏi chào nhau trong tình thân ái. Giáo khu Phanxico Xavier là một trong những giáo khu lớn của Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm và cũng là một trong những giáo khu được thành lập rất lâu tại cộng đoàn, trong một vùng địa lý rất rộng.

Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm với Nghi thức chúc bình an cho Đoàn Thiếu niên và tấn phong của Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, Melbourne

Melbourne, Thánh lễ dành cho Thiếu nhi Thánh Thể lúc 8 giờ 45 sáng Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng. Tại Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Xứ đoàn TNTT đã có nghi thức tấn phong cấp trưởng cho bốn trưởng và một nghi thức chúc lành cho 43 bạn trẻ tham dự hành hương Giới trẻ Công Giáo Úc châu.

Xem hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Trần Ngọc Tân Tuyên úy xứ đoàn chủ tế, cùng Linh mục Đinh Văn Bổn và linh mục khách đồng tế. Ca đoàn của đoàn thiếu niên trong đồng phục màu đen, phụ trách thánh ca song ngữ rất linh động và với phong cách trẻ trung.

Sau bài giảng cũng bằng song ngữ Anh Việt, Linh mục chủ tế đã chủ phong nghi thức tấn phong cho:

1- Các dự trưởng:
Phero Đỗ David
Giuse Ngô Nathan
Anton Dương Minh Nguyên
2- Trưởng:
Martino Nguyễn Minh Quân
Các nghi thức bao gồm: Huấn thị của Cha Tuyên úy chủ sự, lời hứa của huynh trưởng gắn cấp hiệu và lời nguyện cuối cùng. Các trưởng và dự trưởng đã đón nhận cấp hiệu thay khăn quàng và nhận chứng chỉ.

Sau Thánh lễ, Đoàn Thiếu niên đi dự Đại hội Giới trẻ Liên bang Úc, gồm 43 bạn trẻ trong đồng phục đã tiến ra trước bàn thờ nhận lời chúc lành của Cha quản nhiệm cộng đoàn, cùng nhận quà của cộng đoàn giúp các em có thêm tinh thần và tài chánh làm hành trang, để lên đường đón nhận thêm những lợi ích thiêng liêng trong cuộc hành hương của giới trẻ.

Đại diện cho các em thiếu niên đã chân thành cám ơn đến Cha quản nhiệm, quý phụ huynh, cộng đoàn đã giúp đỡ các em bằng cả tinh thần và vật chất với tất cả những yêu thương, để các em có điều kiện đi tham dự Đại hội giới trẻ Liên Bang Úc Châu Năm 2019.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phút Riêng Tư
Nguyễn Đức Cung
22:19 01/12/2019
PHÚT RIÊNG TƯ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Vội vàng tấp nập thị thành
Tìm nơi thanh vắng nhẹ nhàng thân tâm
(nđc)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 1/12/2019: Kinh truyền tin với ĐTC
VietCatholic Network
23:50 01/12/2019

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 1 tháng 12, 2019.

2- Vatican tặng lại mảnh gỗ máng cỏ của Chúa Giêsu cho Bêlem.

3- Đức Thánh Cha thăm trung tâm Caritas ở Roma.

4- Đức Thánh Cha: Giáo hội luôn chỉ tìm điều tốt cho các gia đình bị đau khổ.

5- Đức Thánh Cha tiếp Ủy ban thần học quốc tế.

6- Hội nghị quốc tế về bách hại Kitô hữu.

7- Một nhà thờ di tích quốc gia ở Chilê nghi bị đốt cháy.

8- Hội đồng Giáo hội Thế giới kêu gọi cấm sử dụng Robot giết người.

9- Các Giám mục Anh và xứ Wales khẳng định tầm quan trọng của các trường Công Giáo.

10- Giám mục Philippines lên án việc sa thải Phó Tổng thống chống ma túy.

11- Các Giáo hội Kitô Hàn Quốc cử hành năm hòa bình và hòa hợp 2020.

Giới thiệu thánh ca: Chứng Nhân Tình Yêu.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Đức Thánh Cha sẽ gởi thư cho các tín hữu Công Giáo để giải thích ý nghĩa máng cỏ Giáng Sinh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:30 01/12/2019
Trong buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô, hôm Thứ Tư, 27 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng ngài sẽ gởi một lá thư cho các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới để giải thích ý nghĩa máng cỏ Giáng Sinh.

Trước hết, Đức Thánh Cha cho biết ngài sẽ đến Greccio vào ngày Chúa Nhật 1 tháng 12, nhân dịp Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng, chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.

Thị trấn Umbria, thuộc tỉnh Rieti, phía đông bắc Rôma, là nơi đầu tiên máng cỏ Giáng Sinh được thực hiện bởi thánh Phanxicô thành Assisi, vào năm 1223, tức là ba năm trước khi ngài qua đời.

“Tôi sẽ đến Greccio, để cầu nguyện nơi máng cỏ đầu tiên của Thánh Phanxicô thành Assisi,” Đức Thánh Cha nói.

Sau đó, Đức Thánh Cha công bố rằng một lá thư sẽ được gởi cho tất cả các tín hữu Công Giáo nhằm làm rõ ý nghĩa của máng cỏ Giáng Sinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Greccio vào tháng Giêng năm 2016. Ngài đã cầu nguyện trước bức bích họa mô tả máng cỏ Giáng Sinh đầu tiên được thực hiện tại Greccio bởi Thánh Phanxicô thành Assisi, là vị Thánh Quan Thầy của Greccio. Ngài cũng dành thời gian để trao đổi với cộng đồng các tu sĩ Phanxicô quản thủ Đền thờ.

Sau sáng kiến thực hiện máng cỏ Giáng Sinh của Thánh Phanxicô thành Assisi, đến nay, các nghệ nhân Italia đã đóng góp rất nhiều và đã tạo ra nhiều kiệt tác về mặt nghệ thuật. Máng Cỏ không chỉ diễn tả biến cố Giáng Sinh ở Bê Lem, mà còn cho thấy cuộc sống thường nhật của người dân, với trang phục, nhà cửa, công việc và niềm vui sống. Nhìn vào những Máng Cỏ của Italia, người ta đọc thấy lịch sử và văn hoá của nhiều khu vực qua nhiều thời đại. Italia có 40 tổng giáo phận và 187 giáo phận. Tờ Corriere Della Sera, nghĩa là Tin Chiều, cho biết năm ngoái, hơn một nửa trong số 227 tổng giáo phận và giáo phận có các hội thi làm máng cỏ Giáng Sinh.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có sáng kiến thiết lập cây thông Giáng Sinh và hang đá ở Quảng trường Thánh Phêrô vào năm 1982. Vị kế nhiệm ngài là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ủng hộ nồng nhiệt sáng kiến này và giải thích thêm rằng: “hang đá không chỉ là một yếu tố linh đạo, nhưng còn là một yếu tố văn hóa và nghệ thuật.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 27 tháng 11, Đức Thánh Cha đã dành một khoảng thời gian để nói về chuyến tông du hai nước Á Châu là Thái Lan và Nhật Bản của ngài.

Đức Thánh Cha nói:

Hôm qua tôi đã trở về sau chuyến viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản; tôi rất biết ơn Chúa về món quà đó. Tôi muốn một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Chính quyền và Giám mục của hai quốc gia này, những người đã mời tôi và chào đón tôi rất nồng nhiệt, và trên hết là cảm ơn người dân Thái Lan và người dân Nhật Bản. Chuyến thăm này đã gia tăng sự gần gũi và tình cảm của tôi đối với những dân tộc này: xin Chúa chúc lành và ban cho họ được thịnh vượng và hòa bình.

Thái Lan là một vương quốc cổ kính nhưng được hiện đại hóa mạnh mẽ. Khi gặp Quốc vương, Thủ tướng và các cấp chính quyền, tôi đã tôn vinh truyền thống văn hóa và tinh thần phong phú của người Thái, dân tộc của “nụ cười xinh đẹp”, dân tộc mỉm cười. Tôi đã khuyến khích họ dấn thân vì sự hòa hợp giữa các thành phần khác nhau của quốc gia, cũng như để sự phát triển kinh tế có thể mang lại lợi ích cho mọi người và xoa dịu những vết thương của sự bóc lột, đặc biệt là phụ nữ và trẻ vị thành niên. Phật giáo là một phần không thể thiếu trong lịch sử và cuộc sống của người dân nước này, vì vậy tôi đã đến thăm Đức Tăng Thống của các Phật tử, tiếp tục con đường tôn trọng lẫn nhau mà các vị tiền nhiệm của tôi đã khởi xướng, để lòng từ bi và tình huynh đệ có thể gia tăng trên thế giới. Theo nghĩa này, cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn, diễn ra tại trường đại học lớn nhất nước này, rất có ý nghĩa.

Chứng tá của Giáo hội tại Thái Lan cũng được tỏ ra qua các hoạt động phục vụ bệnh nhân và những người rốt cùng. Trong số này có Bệnh viện Saint Louis nổi tiếng mà tôi đã đến thăm và khuyến khích nhân viên y tế và gặp gỡ một số bệnh nhân. Sau đó, tôi dành những thời gian cho các linh mục và tu sĩ, cho các giám mục, và cả cho các tu sĩ dòng Tên. Ở Bangkok tôi đã cử hành thánh lễ với tất cả dân Chúa tại Sân vận động Quốc gia và sau đó là với giới trẻ tại nhà thờ chính tòa. Ở đó chúng tôi đã cảm nghiệm rằng trong gia đình mới được Chúa Giêsu thành lập cũng có những khuôn mặt và tiếng nói của người dân Thái.

Sau đó tôi đến Nhật Bản. Khi đến Tòa Sứ thần ở Tokyo, tôi đã được các giám mục của nước này chào đón và ngay sau đó tôi đã chia sẻ với các ngài thách đố của người mục tử của một Giáo hội rất nhỏ, nhưng là người mang nước hằng sống, Tin Mừng của Chúa Giêsu.

“Bảo vệ mọi sự sống” là khẩu hiệu chuyến viếng thăm Nhật Bản của tôi, một đất nước mang vết thương của vụ thả bom nguyên tử và là người phát ngôn cho toàn thế giới về quyền căn bản sống và hòa bình. Tại Nagasaki và Hiroshima tôi đã dừng lại cầu nguyện, đã găp một vài người sống sót sau thảm kịch và gia đình của các nạn nhân, và tôi đã lập lại lời lên án mạnh mẽ về vũ khí hạt nhân và sự giả hình khi nói về hòa bình mà lại chế tạo và bán bom đạn chiến tranh. Sau thảm kịch đó, Nhật Bản đã thể hiện một khả năng phi thường để chiến đấu cho sự sống; và mới đây, họ cũng đã làm như vậy, sau ba thảm họa vào năm 2011: động đất, sóng thần và tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân.

Để bảo vệ sự sống thì cần phải yêu quý nó, và ngày nay, mối đe dọa nghiêm trọng, ở các nước phát triển nhất, là sự đánh mất ý nghĩa sống. Các tài nguyên kinh tế thôi thì không đủ, công nghệ thôi không đủ, cần có tình yêu của Chúa Cha mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta và cho chúng ta. Tình yêu đã đem lại sức sống cho chứng tá của các vị tử đạo, như các vị tử đạo ở Nagasaki, thánh Phaolô Miki và 25 người bạn; tình yêu đã nâng đỡ chân phước Justo Takayama Ukon và nhiều người nam nữ vô danh, những người đã giữ vững niềm tin trong thời gian dài bị đàn áp.

Nạn nhân đầu tiên của sự trống rỗng, thiếu ý nghĩa sống là những người trẻ tuổi, vì vậy đã có một cuộc gặp gỡ ở Tokyo dành riêng cho họ. Tôi lắng nghe những câu hỏi và ước mơ của họ; tôi khuyến khích họ cùng nhau chống lại mọi hình thức bắt nạt, và vượt qua nỗi sợ hãi và đóng kín, bằng cách mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, trong cầu nguyện và phục vụ tha nhân. Tôi đã gặp những người trẻ tuổi khác tại Đại học “Sophia”, cùng với cộng đồng học thuật. Trường đại học này, giống như tất cả các trường Công Giáo, được đánh giá cao ở Nhật Bản.

Ở Tokyo, tôi có cơ hội đến thăm Nhật Hoàng Naruhito, tôi muốn tái bày tỏ lòng biết ơn của mình với nhà vua; và tôi đã gặp Chính quyền và ngoại giao đoàn. Tôi hy vọng về một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại, đặc trưng bởi sự khôn ngoan và chân trời mở rộng. Vẫn trung thành với các giá trị tôn giáo và đạo đức của mình, và mở lòng ra với thông điệp Tin Mừng, Nhật Bản có thể là một quốc gia hàng đầu vì một thế giới công bằng và hòa bình hơn và vì sự hòa hợp giữa con người và môi trường.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy phó thác Thái Lan và Nhật Bản cho sự tốt lành và quan phòng của Thiên Chúa.
 
Giáo Hội Năm Châu 2/12/2019: Đức Giáo Hoàng sẽ đưa việc không sử dụng vũ khí hạch nhân vào Sách Giáo Lý
Giáo Hội Năm Châu
19:27 01/12/2019
1. Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du Nhật Bản và đã trở về Roma

Sau khi thăm đại học Sophia, Đức Thánh Cha đi xe hơi ra phi trường Tokyo-Haneda cách đó 20 km. Tại phi trường đã diễn ra nghi thức từ giã Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha chào từ giã các giám mục Nhật và các phái đoàn. Lúc 11:43, chiếc máy bay của hãng All Nippon Airways chở Đức Thánh Cha trực chỉ phi trường Fiumicino của Roma cách Tokyo 10.516 km, với 13 giờ 30 phút bay. Trên máy bay, Đức Thánh Cha đã chụp hình với phi hành đoàn và có cuộc họp báo với các ký giả đi cùng.

Ngay khi máy bay cất cánh, Đức Thánh Cha đã gửi điện thư cho Nhật hoàng Naruhito với nội dung như sau: “Từ giã nước Nhật, một lần nữa tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Hoàng thượng, với các thành viên của gia đình hoàng gia và tất cả người dân Nhật Bản, vì sự chào đón nồng nhiệt và lòng hiếu khách nồng hậu. Tôi cầu nguyện cho quý vị và cầu xin phước lành của Chúa trên tất cả quý vị.”

Đức Thánh rất vui khi gặp những người thuộc mọi cảnh đời của xã hội Nhật Bản. Và người dân Nhật có thể cảm thấy sự nhiệt thành của ngài và họ cũng tỏ lòng nhiệt tình quý mến của họ. Từ Nhật hoàng Naruhito, đích thân tiễn Đức Thánh Cha ra xe, đến vị linh mục truyền giáo lớn tuổi, mắt ngấn lệ khi từ giã ngài tại đại học Sophia.

Người Nhật cám ơn Đức Thánh Cha đã mang niềm an ủi đến cho các nạn nhân của các thảm kịch và kêu gọi tình liên đới với nhau. Cám ơn Đức Thánh Cha đã đến củng cố đức tin của đoàn chiên, dù nhỏ bé, nhưng vẫn tỏ rõ căn tính Kitô hữu của mình: bảo vệ sự sống, giúp đỡ những người nghèo khổ yếu thế và đối thoại chung sống hòa bình với mọi người.

2. Đức Thánh Cha tạ ơn Đức Maria sau chuyến tông du Thái Lan và Nhật Bản

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp chuyến bay All Nippon Airways (ANA) từ Tokyo về lại Rome, máy bay hạ cánh vào tối thứ ba 26/11/19 xuống sân bay Leonardo da Vinci Thành phố Rome.

Khi hoàn tất các thủ tục tại sân bay, Đức Thánh Cha đã đến thẳng Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả để tạ ơn Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha dâng cho Mẹ một bó hoa, để tạ ơn Mẹ và ngài quỳ lặng trong giây phút để tạ ơn và cầu nguyện.

Sau đó, Đức Thánh Cha về Vatican. Đức Thánh Cha có một lòng sùng kính đặc biệt với Đức Mẹ, ngay từ khi lên ngôi Giáo hoàng, Đức Thánh Cha đã đến Vương cung thánh đường Đức bà Cả với tư cách là Đức Thánh Cha ngày 14 tháng 3 năm 2013 để phó thác triều đại của Ngài cho Đức Mẹ chỉ một ngày sau khi đắc cử.

3. Đức Giáo Hoàng họp báo trên không: sẽ đưa việc không sử dụng vũ khí hạch nhân vào Sách Giáo Lý

Theo Vatican News, trong cuộc họp báo trên không trên đường từ Tokyo về Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi của các ký giả về nhiều vấn đề khác nhau, từ việc sử dụng và sở hữu vô luân các vũ khí hạch nhân đến cuộc điều tra về tài chánh tại Vatican.

Đầu tiên, Đức Giáo Hoàng ngỏ lời với các ký giả: “Tôi cám ơn các bạn vì việc làm của các bạn, vì cuộc hành trình cao độ với sự thay đổi bắt buộc: Thái Lan là một chuyện mà Nhật Bản lại là một chuyện khác. Các bạn không thể đánh giá hai nơi này bằng cùng các phạm trù như nhau. Các thực tại phải được lượng giá trong cùng một phạm trù. Nhật Bản và Thái Lan là hai thực tại hoàn toàn khác nhau. Đó là lý do công việc trở thành gấp đôi, và tôi cám ơn các bạn về điều đó, ngay trong những ngày bận suốt buổi, tôi vẫn cảm thấy gần gũi các bạn trong công việc này.

Dưới đây là các câu hỏi và câu trả lời của Đức Thánh Cha.

4. Cảm tưởng của Đức Thánh Cha về Nagasaki và Hiroshima

Cha Makoto Yamamoto, Công Giáo Shimbum hỏi Đức Thánh Cha: Cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều vì đã đến Nhật Bản từ rất xa. Con là một linh mục giáo phận. Con sống gần Nagasaki. Đức Thánh Cha đã thấy Nagasaki và Hiroshima. Đức Thánh Cha cảm thấy thế nào? Giáo hội và xã hội ở phương Tây có gì để học hỏi từ Giáo hội và xã hội ở phương Đông không?

Đức Thánh Cha nói: Tôi sẽ bắt đầu với câu hỏi cuối cùng. Câu nói “lux ex Oriente, ex Occidente luxus” đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Ánh sáng đến từ phương Đông, sự sa sỉ, chủ nghĩa tiêu dùng, đến từ phương Tây. Đó là loại khôn ngoan phương Đông, loại khôn ngoan không những về hiểu biết, nhưng còn về thời gian, về chiêm niệm. Sẽ rất hữu ích cho xã hội phương Tây của chúng ta, vốn luôn luôn hết sức vội vàng, để học cách chiêm niệm, hành vi biết dừng lại và nhìn sự vật một cách thi vị. Đây chỉ là ý kiến bản thân thôi, nhưng tôi nghĩ phương Tây nên làm nhiều thơ hơn một chút. Có một số điều đẹp đẽ về thi ca, nhưng phương Đông vượt xa. Phương Đông có khả năng nhìn sự vật bằng con mắt vượt lên trên. Tôi không muốn sử dụng hạn từ “siêu việt” vì một số tôn giáo phương Đông không đề cập đến siêu việt, nhưng có một viễn kiến vượt quá giới hạn của nội tại tính, nhưng họ không nói đến tính siêu việt. Đó là lý do tại sao tôi dùng các kiểu nói như thi ca, dư tràn [gratuità],tìm sự hoàn thiện qua ăn chay, đền tội, học đức khôn ngoan của các nhà hiền triết phương Đông. Tôi tin rằng người phương Tây nên dừng lại một chút và dành thì giờ cho đức khôn ngoan.

Cả Nagasaki lẫn Hiroshima đều phải đau khổ [do hậu quả của] bom nguyên tử, và điều này khiến họ xem ra tương tự nhau. Nhưng có một sự khác biệt: Nagasaki không chỉ trải nghiệm bom mà còn có các Kitô hữu. Nagasaki có nguồn gốc Kitô giáo. Kitô giáo có lâu trước đó. Có một cuộc đàn áp Kitô hữu trên khắp Nhật Bản, nhưng nó rất mạnh ở Nagasaki. Thư ký của Tòa Sứ Thần đã đưa cho tôi một bản chép bằng gỗ có hàng chữ “Tầm Nã” thời đó in trên đó: Tầm nã các Kitô hữu! Nếu bạn tìm thấy một tên, hãy nạp tên đó và bạn sẽ nhận được một phần thưởng. Nếu bạn tìm thấy một linh mục hãy nạp ông ta, và bạn sẽ nhận được một phần thưởng lớn. Điều gây ấn tượng là: đã có nhiều thế kỷ bách hại như thế. Đây là một hiện tượng Kitô giáo phần nào đã “tương đối hóa” bom nguyên tử, theo nghĩa tốt của hạn từ này. Ngược lại, đến Hiroshima chỉ để tưởng niệm vụ đánh bom nguyên tử, vì đây không phải là một thành phố Kitô giáo như Nagasaki. Đó là lý do tại sao tôi muốn đi đến cả hai nơi. Có thảm họa nguyên tử ở cả hai nơi.

Hiroshima là một bài giáo lý thực sự của con người về sự tàn ác. Tôi không thể đến thăm viện bảo tàng Hiroshima vì thời gian không cho phép, vì đó là một ngày thời tiết khó khăn. Nhưng họ nói nó thật kinh khủng. Có những lá thư của các Nguyên thủ quốc gia, các tướng lãnh giải thích một thảm họa lớn hơn có thể được tạo ra như thế nào. Trải nghiệm này cảm động hơn nhiều đối với tôi. Và ở đó tôi đã nhắc lại rằng việc sử dụng vũ khí hạch nhân là vô luân, đó là lý do tại sao nó phải được thêm vào Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Không những việc sử dụng chúng, mà còn cả việc sở hữu chúng nữa: vì một tai nạn hoặc sự điên rồ của một số nhà lãnh đạo chính phủ, một sự điên cuồng của một người có thể hủy diệt cả loài người. Những lời của Einstein hiện lên trong tâm trí: “Thế Chiến thứ tư sẽ được chiến đấu bằng gậy và đá”.

5. Các nhà máy điện hạch nhân có nên ngừng hoạt động không?

Shinichi Kawarada của tờ Asahi Shimbum hỏi Đức Thánh Cha: Như ngài đã chỉ ra một cách đúng đắn, hòa bình lâu dài không thể đạt được nếu không giải giáp. Nhật Bản là một quốc gia được hưởng sự bảo vệ hạch nhân của Hoa Kỳ, và cũng là nước sản xuất năng lượng hạch nhân, có thể gây ra rủi ro lớn, như đã xảy ra tại Fukushima. Nhật Bản có thể đóng góp cho hòa bình thế giới như thế nào? Các nhà máy điện hạch nhân có nên ngừng hoạt động không?

Đức Thánh Cha nói: Quay trở lại việc sở hữu các nhà máy điện hạch nhân: tai nạn luôn có thể xảy ra. Bạn đã trải qua thảm họa ba mặt [1]. Năng lượng hạch nhân có giới hạn (hãy tạm gác vũ khí hạch nhân vì chúng phá hoại). Việc sử dụng năng lượng hạch nhân có giới hạn vì chúng ta chưa đạt được sự an toàn tuyệt đối. Bạn có thể nói với tôi rằng ngay cả điện cũng có thể gây ra thảm họa vì thiếu an toàn, nhưng đó sẽ chỉ là một thảm họa rất nhỏ. Một thảm họa do nhà máy điện hạch nhân sẽ là một thảm họa rất lớn. Các hệ thống an toàn chưa có đầy đủ. Đó là ý kiến cá nhân của tôi, nhưng tôi sẽ không sử dụng năng lượng hạch nhân cho đến khi việc sử dụng nó hoàn toàn an toàn. Một số người nói rằng đó là một rủi ro cho việc chăm sóc sáng thế và việc sử dụng năng lượng hạch nhân phải được ngăn chặn. Tôi xin dừng lại ở chuyện an toàn. Không có chi bảo đảm rằng thảm họa sẽ không xảy ra. Vâng, cứ mười năm một lần trên thế giới. Rồi, còn sáng thế nữa. Thảm họa nhà máy năng lượng hạch nhân gây ra cho sáng thế, cho con người. Đã có thảm họa ở Ukraine [2]. Chúng ta phải tiến hành cuộc nghiên cứu về an toàn, cả để tránh thảm họa và vì hậu quả môi trường. Tôi tin rằng chúng ta đã vi phạm giới hạn liên quan đến môi trường - với thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, với việc nuôi gà mà các bác sĩ khuyên các bà mẹ không nên cho con ăn vì chúng được cung cấp hormone và có hại cho sức khỏe của bạn. Ngày nay có rất nhiều bệnh hiếm gặp do sử dụng môi trường không đúng cách. Một là chăm sóc môi trường phải diễn ra ngày hôm nay, hai là nó sẽ không bao giờ diễn ra. Nhưng xin trở về với năng lượng hạch nhân: xây dựng, an toàn và chăm sóc sáng thế.

6. Vấn đề án tử hình tại Nhật Bản

Elisabetta Zunica, của tờ Kyoto News hỏi Đức Thánh Cha: Akamada Iwao là một người Nhật Bản bị kết án tử hình và đang chờ xem xét lại bản án. Ông có mặt trong Thánh lễ tại Tokyo Dome, nhưng không có cơ hội nói chuyện với ngài. Liệu có một cuộc họp ngắn ngủi với ngài đã được dự hoạch? Ở Nhật Bản, vấn đề án tử hình đang được thảo luận rất nhiều. Mười ba bản án tử hình đã được thực hiện ngay trước khi sửa đổi Sách Giáo lý về vấn đề này. Trong bài phát biểu của ngài, không thấy nhắc đến việc đó. Liệu Ngài đã có cơ hội hay không để thảo luận điều này với Thủ tướng Shinto Abe?

Đức Thánh Cha cho biết: Tôi đã nghe về trường hợp đó liên quan đến án tử hình sau này. Tôi không biết về người đó. Tôi đã nói về nhiều vấn đề với Thủ tướng: các phiên tòa, các bản án không bao giờ kết thúc, dù có hay không có tử hình. Tôi đã nói về những vấn đề tổng quát hiện cũng đang có ở các quốc gia khác: các nhà tù quá đông, nhiều người cứ phải chờ trong khi bị giam cầm phòng ngừa mà không có sự suy đoán vô tội. Mười lăm ngày trước đây, tôi đã có một bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về Luật Hình và tôi đã nói nghiêm túc về vấn đề này. Án tử hình không được thi hành, nó vô luân. Điều này phải được liên kết với sự phát triển ý thức. Ví dụ, một số quốc gia không thể bãi bỏ nó vì các vấn đề chính trị, nhưng họ đình chỉ nó, đó là một cách kết án ai đó bị tù chung thân mà không tuyên bố như vậy. Nhưng bất cứ bản án nào cũng phải luôn luôn cho phép tái hội nhập, một bản án không có một tia hy vọng là vô nhân đạo. Ngay cả khi bị kết án tù chung thân, người ta phải nghĩ làm thế nào người thi hành bản án chung thân có thể được tái hội nhập, bên trong hoặc bên ngoài. Bạn sẽ bảo tôi: nhưng có những người bị kết án vì những vấn đề như điên khùng, bệnh tật, bất trị về di truyền ... Trong trường hợp đó, phải tìm cho ra một cách làm cho họ cảm thấy họ là người. Các nhà tù quá đông ở nhiều nơi trên thế giới; chúng là những nhà kho của nhân loại. Thay vì trở nên tốt hơn, nhiều khi họ thành hư hỏng. Chúng ta phải từ từ chiến đấu chống án tử hình. Có những trường hợp khiến tôi hạnh phúc vì một số quốc gia nói: chúng tôi sẽ dừng lại. Năm ngoái, trước khi rời nhiệm sở, một Thống đốc Tiểu bang đã đình chỉ gần như dứt khoát, đây là những bước được thực hiện bởi lương tâm con người. Nhưng một số quốc gia vẫn chưa thành công trong việc hội nhập mình vào lối suy nghĩ nhân đạo này”.

7. Vấn đề tự vệ hợp pháp

Jean-Marie Guénois của tờ Le Figaro hỏi Đức Thánh Cha: Thưa Đức Thánh Cha, xin chúc Đức Thánh Cha một ngày tốt đẹp. Đức Thánh Cha nói rằng hòa bình đích thực chỉ có thể tồn tại nếu là một nền hòa bình “được giải giáp”. Nhưng còn việc tự vệ hợp pháp thì sao, khi một quốc gia bị tấn công bởi một quốc gia khác? Trong trường hợp đó, khả thể “chiến tranh chính đáng” có còn tồn tại không? Một câu hỏi nhỏ... người ta đang nói tới một thông điệp về bất bạo dộng. Đức Thánh Cha vẫn đặt kế hoạch cho một thông điệp về bất bạo động? Hai câu hỏi ... Cảm ơn, Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha cho biết: Vâng, kế hoạch có đó, nhưng vị Giáo hoàng tiếp theo sẽ thực hiện... Có những dự án khác đang leo lét. Một trong số đó là hòa bình. Nó đang chín muồi. Tôi cảm thấy tôi sẽ thực hiện nó khi đến lúc. Ví dụ, vấn đề bắt nạt là một vấn đề bạo lực. Tôi đặc biệt nói về vấn đề này với giới trẻ Nhật Bản. Đây là vấn đề chúng tôi đang cố gắng giải quyết bằng nhiều chương trình giáo dục. Đây là một vấn đề bạo lực. Tôi chưa cảm thấy sẵn sàng để viết thông điệp về bất bạo động, tôi phải cầu nguyện rất nhiều và tìm cách.

Có câu nói của người La Mã, “Si vis pacem para bellum” [Nếu bạn muốn hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh]. Chúng tôi chưa đạt được tiến bộ ở đó: các tổ chức quốc tế không thành công, Liên hiệp quốc không thành công. Họ làm trung gian thường xuyên và tốt đẹp: các quốc gia như Na Uy luôn sẵn sàng làm trung gian. Tôi thích điều đó, nhưng nó không đủ, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Hãy lấy điển hình Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: nếu có vấn đề với việc trang bị vũ khí và mọi người đồng ý giải quyết vấn đề này để tránh xung đột, mọi người đều bỏ phiếu “Đồng ý”. Một quốc gia có quyền phủ quyết bỏ phiếu “không đồng ý”, và thế là mọi sự đều dừng lại. Tôi không thể phán xử liệu việc đó có phải là một ý tưởng tốt hay không, nhưng tôi đã nghe nói rằng có lẽ Liên Hiệp Quốc nên tiến một bước nữa và loại bỏ quyền phủ quyết của một số quốc gia trong Hội đồng Bảo an. Tôi nghe nói đây là một khả thể. Có những vấn đề liên quan đến trạng thái cân bằng quốc tế mà tôi không thể phân xử ngay bây giờ. Nhưng mọi điều có thể làm để ngừng sản xuất vũ khí, ngăn chặn chiến tranh, khuyến khích đàm phán, với sự giúp đỡ của các trung gian, phải luôn luôn được thực hiện, và tạo ra kết quả. Ví dụ, trường hợp của Ukraine và Nga không phải là về vũ khí, nhưng về việc đàm phán trao đổi tù nhân, và điều này là tích cực. Ở Donbass, họ đang nghĩ về việc lên kế hoạch cho một chế độ cai trị khác. Các cuộc thảo luận đang được tiến hành. Đây là một bước tích cực.

Sự giả hình xấu xa của việc buôn bán vũ khí. Các nước Kitô giáo, các nước châu Âu nói về hòa bình nhưng lại sống nhờ vũ khí. Đây là đạo đức giả, một hạn từ trong các sách Tin mừng: Chúa Giêsu đã nói điều đó trong Mátthêu, Chương 23. Chúng ta phải ngăn chặn sự giả hình này. Cần phải có can đảm để nói: “Tôi không thể nói về hòa bình, bởi vì nền kinh tế của tôi kiếm được rất nhiều qua việc bán vũ khí”. Đây là tất cả những điều chúng ta cần nói, mà không xúc phạm và phỉ báng bất cứ quốc gia nào, nhưng nói như anh chị em, Vì lợi ích của tình huynh đệ của con người: chúng ta phải dừng lại vì đây là một điều khủng khiếp. Một con tàu đến cảng từ một quốc gia, được cho là sẽ giao vũ khí cho một con tàu khác sẽ đến Yemen, và các nhân viên ở hải cảng nói “không”. Họ đã làm một điều tốt và con tàu trở về nhà. Đó là một trường hợp, nhưng nó cho chúng ta thấy chúng ta cần đi theo hướng nào. Hôm nay, hòa bình rất yếu nhưng chúng ta không được nản lòng. Ý tưởng phòng vệ chính đáng luôn có giá trị; ngay nền thần học luân lý cũng cho phép nó, nhưng như phương sách cuối cùng. Việc sử dụng vũ khí là phương sách cuối cùng. Việc Phòng thủ hợp pháp phải thông qua ngoại giao, trung gian. Việc phòng thủ hợp pháp bằng vũ khí là phương sách cuối cùng. Tôi nhấn mạnh: phương sách cuối cùng! Chúng ta đã thực hiện được tiến bộ đạo đức mà tôi chấp thuận, tra vấn tất cả những điều này. Điều tuyệt vời về việc này là nó khẳng định loài người đang hướng tới điều tốt, không hướng về điều ác.

8. Vụ mua tài sản với giá hàng trăm triệu euro ở trung tâm Luân Đôn

Cristiana Caricato của TV2000 đặt câu hỏi: Người ta đang đọc trên các tờ báo rằng Tòa Thánh đã mua tài sản với giá hàng trăm triệu euro ở trung tâm Luân Đôn. Mọi người hơi bối rối trước việc Vatican sử dụng tài chính, nhất là khi có liên quan tới Đồng Xu Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha có biết về các hoạt động tài chính này không, và trên hết, theo ý kiến của Đức Thánh Cha, việc sử dụng Đồng Xuu Thánh Phêrô có đúng không? Đức Thánh Cha thường nói rằng tiền không nên được tạo ra bằng tiền, Đức Thánh Cha đã tố cáo việc sử dụng tài chính cách bất cẩn, nhưng rồi chúng ta thấy rằng Tòa Thánh liên hệ đến các hoạt động này, và chúng ta bị sốc. Đức Thánh Cha coi toàn bộ sự việc này ra sao?

Đức Thánh Cha giải thích như sau: Cảm ơn cô. Trước hết, quản trị tốt: khi tiền từ Đồng Xu Thánh Phêrô xung vào qũy, tôi phải làm gì, cất nó vào ngăn kéo? Không, đó là lối quản trị tồi. Tôi cố gắng đầu tư nó, và khi tôi muốn cho đi, khi có nhu cầu, trong một năm, tôi lấy nó ra, và vốn đã không mất giá, nó vẫn giữ nguyên, hoặc tăng lên một chút. Đó là quản trị tốt. ‘Bỏ tiền vào ngăn kéo’ là quản trị tồi. Điều chúng ta cần là quản trị tốt, đầu tư tốt. Rõ ràng chứ? Ngay cả điều, ở Argentina, chúng tôi gọi là “đầu tư theo kiểu bà góa”: cách các góa phụ để hai quả trứng ở đây, ba quả ở đây, năm quả ở kia. Nếu một quả vỡ, thì còn quả khác và không có gì bị hủy hoại cả. Nó luôn luôn an toàn và luôn luôn hợp luân lý. Nếu cô đầu tư Đồng Xu Thánh Phêrô vào một nhà máy vũ khí, thì đó không phải là nơi mà Đồng Xu Thánh Phêrô nên ở. Nếu cô thực hiện đầu tư và không đụng đến vốn trong nhiều năm, thì đó là điều không đúng. Đồng Xu Thánh Phêrô phải được chi tiêu trong vòng một năm, hoặc một năm rưỡi, cho đến khi lần quyên tiếp theo được thực hiện trên toàn thế giới. Đó là quản trị tốt, một lối quản trị an toàn. Và đúng, cô có thể mua một tài sản, thuê nó và sau đó bán nó, nhưng luôn phải an toàn, thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết cho thiện ích của người ta và của Đồng Xu Thánh Phêrô. Lúc ấy, chuyện gì xảy ra, đã xảy ra. Một tai tiếng. Họ đã làm những điều dường như không được sạch sẽ. Nhưng lời buộc tội không phát xuất từ bên ngoài. Cuộc cải tổ kinh tế, được dẫn nhập bởi Đức Bênêđíctô XVI, đã được thực hiện, và chính Thanh lý viên nội bộ đã nói: một điều gì đó tồi tệ đang diễn ra ở đây, một cái gì đó không đúng. Ông đến gặp tôi và tôi hỏi ông ta: Ông có chắc không? Ông trả lời “Chắc” và ông ta cho tôi xem các số liệu. Ông hỏi “con phải làm gì? Tôi nói với ông rằng có hệ thống tư pháp của Vatican và ông nên đi báo cáo điều này với Cổ động Viên Tư Pháp (Promoter of Justice). Tôi hài lòng về điều này vì nó cho thấy hệ thống quản trị của Vatican hiện có các nguồn lực để làm sáng tỏ những điều tồi tệ xảy ra trong nội bộ, như trong trường hợp này. Và nếu đó không phải là trường hợp của vụ mua tài sản Luân Đôn - vì điều này vẫn chưa rõ ràng – thì dù sao cũng có thối nát. Cổ động viên Tư pháp đã nghiên cứu nó, tiến hành tham khảo và thấy có vấn đề trên bảng cân đối kế toán. Sau đó ông xin phép tôi để tiến hành cuộc lục soát. Giả định thối nát có đó và ông nói với tôi những gì ông sẽ phải làm tại văn phòng này, văn phòng nọ. Tôi đã ký giấy cho phép. Năm văn phòng đã bị lục soát. Hiện nay, mặc dù có sự suy đoán vô tội, đã có những nguồn vốn không được quản lý tốt, thậm chí là tham nhũng. Tôi tin rằng trong một tháng, các việc giáng chức sẽ bắt đầu với năm người, vốn đã bị ngưng chức vì có bằng chứng. Cô có thể hỏi tôi: “Nhưng năm người này có tham nhũng không?” Không. Giả định vô tội là một bảo đảm, một nhân quyền. Nhưng có tham nhũng. Chúng ta có thể thấy nó. Kết quả cuộc lục soát sẽ cho thấy liệu họ có tội hay không. Điều đó thật tệ, thật không tốt khi những điều này xảy ra bên trong Vatican. Nhưng chúng đang được giải quyết bởi các cơ chế nội bộ mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã dẫn khởi, và điều đó đang bắt đầu hoạt động. Tôi cảm ơn Chúa vì điều này. Tôi không cảm ơn Người vì sự tham nhũng, nhưng vì hệ thống kiểm soát Vatican hoạt động tốt.