Ngày 11-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 11/11/2019

79. Người khiêm tốn bị nhục mạ thì trong lòng vẫn bình an, bởi vì họ không trông cậy người thế gian, nhưng chỉ trông cậy ở Thiên Chúa.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:16 11/11/2019
59. UY LỰC CỦA CÀNH GAI

Đời nhà Tùy lúc Yên Vinh làm đốc quân tổng quản tại U Châu, thì thường ngược đãi thuộc cấp.

Một hôm, ông ta đang đi tuần hành, nhìn thấy một bụi gai vừa dài vừa thô bèn ra lệnh cho người chặt nó, cầm trong tay khua khua vẫy vẫy và kêu một tên bộ thuộc sứ đến rồi dùng sức đánh nó để thử uy lực của cành gai.

Người ấy trình bày mình không có tội gì, Yên Vinh nói:

- “Vậy thì từ này về sau nếu mày có phạm tội lại thì được xá miễn, cùng nhau bù trừ ấy mà”.

Không lâu sau, con trai của người ấy phạm một sai lầm nhỏ, Yên Vinh lại muốn đánh nó, người ấy lại trình bày nói:

- “Lần trước tiểu nhân được đại nhân tự mình nói là có tội sẽ được xá miễn mà”.

Yên Vinh giận dữ nói:

- “Hồi trước mày không có phạm lỗi mà vẫn cứ bị trách phạt, huống chi bây giờ mày có phạm lỗi !”-

Thế là lại nhặt cành gai lên đánh rất ác.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 59:

Có nhiều nghệ nhân biến cành gai trở thành bình hoa đẹp và có tính nghệ thuật, bởi vì cành gai tự nó không có uy lực gì nếu con người ta không lợi dụng các cái gai của nó để làm điều thất đức hại người.

Cành cây có gai không nguy hiểm vì ai cũng thấy mà tránh, nhưng lòng người mà có gai thì đúng là đáng sợ, bởi vì không ai thấy được “cái gai nhọn” trong tâm hồn của người khác mà tránh.

Tâm hồn của người Ki-tô hữu nhất định là không có gai nhọn để đâm người khác hoặc để làm hại người khác, nhưng tâm hồn họ thường bị những cành gai của người khác châm đến rướm máu: cành gai ghen ghét của anh em chị em trong cộng đoàn, cành gai kiêu ngạo của cấp trên, cành gai nóng nảy và hờn giận của tha nhân, cành gai bất hợp tác của người đồng nghiệp…

Cành gai ở trong tay người kiêu ngạo và ghen ghét thì có uy lực hại người, nhưng cành gai nằm trong tay của người Ki-tô hữu thì trở thành vòng hoa yêu thương và vinh quang như vòng gai trên đầu của Đức Chúa Giê-su vậy.

Đạo lý này ai hiểu được ?

Thưa, chỉ có những người Ki-tô hữu khiêm tốn mới hiểu được trọn vẹn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo hội cần có tiếng nói trước đà tiến của kỹ thuật Trí Thông Minh Nhân Tạo
Vũ Văn An
23:04 11/11/2019
Ký giả Charles C. Camosy của tạp chí Crux, ngày 11 tháng 11 hôm qua, có phỏng vấn một chuyên viên về kỹ thuật Trí Thông Minh Nhân tạo. Đó là ông Brian Patrick Green, giám đốc đạo đức học kỹ thuật tại Trung tâm Đạo đức học Áp dụng Markkula. Công việc của ông tập chú vào đạo đức học kỹ thuật, bao gồm các chủ đề như Trí Thông Minh nhân tạo và đạo đức học, đạo đức học của việc khám phá và sử dụng không gian, đạo đức học về thao túng con người một phương diện kỹ thuật, đạo đức học về việc làm nhẹ và thích ứng các kỹ thuật nguy hiểm đang xuất hiện, và nhiều phương diện khác trong vấn đề tác dụng của kỹ thuật và công trình (engineering) đối với sự sống con người và xã hội, trong đó, có mối tương quan giữa kỹ thuật và tôn giáo, nhất là Giáo Hội Công Giáo.



Ông Green cho hay chính hai năm ông dạy học tại một trường trung học ở Quần đảo Marshall, dưới sự bảo trợ của Hội Thiện Nguyện Quốc Trế của Dòng Tên (Jesuit Volunteers International) và những năm dọn thi tiến sĩ của ông tại Liên Hiệp Thần Học Hậu Đại Học (Graduate Theological Union) ở Berkeley đã cho ông thấy con người đã dùng thế giới tự nhiên và biến nó thành một vũ khí ra sao, bất kể là hữu ý (vũ khí nguyên tử) hay vô tình (mực nước biển dâng cao do khí thải). Cả hai điều ấy diễn ra rõ ràng trên quần đảo Marshall, nơi các vụ thử hạch nhân của Mỹ và việc thay đổi khí hậu đã khiến mực nước biển dâng cao; gần 10% quần đảo này vẫn còn bị ô nhiễm vì phóng sạ trầm trọng và mực nước biển dâng cao đang từ từ dận chìm cả đất nước này.

Các kinh nghiệm trên khiến ông nghĩ rằng kỹ thuật hiện là một vấn đề triết học và thần học của thời nay. Do bản tính thích làm và sử dụng dụng cụ, điều con người thực hiện đang gây nguy cơ cho thế giới tự nhiên, nền văn minh, và thậm chí, chính bản tính chúng ta, qua kỹ thuật sinh học áp dụng vào chính chúng ta.

Chính vì thế ông đã gia nhập ngành đạo đức học về Trí Thông Minh Nhân tạo, một vấn đề, theo ông, là một trong những chủ đề quan trọng nhất của thế giới hiện nay.

Về Trí Thông Minh Nhân tạo, ông cho hay: cả hàng mấy thập niên, ngành này chỉ là một ngành phụ sống trong một “mùa đông”. Nhưng mấy năm gần đây nó bùng phát nhờ 3 xu hướng xã hội và kỹ thuật có tính hội tụ và khuếch đại. Ba xu hướng này là: 1) sự gia tăng khổng lồ về dữ kiện; 2) càng ngày người ta càng tiếp cận việc “vi tính” (compute) (tức sức mạnh vi tính giúp người ta chạy nhanh chóng các giải thuật [algorithms] trước đây chạy rất chậm), và 3) con số ngày càng lớn các giải thuật tinh vi và các cá nhân tài giỏi có thể viết các giải thuật này.

Xét riêng từng thứ, các khuynh hướng này ít lôi cuốn sự chú ý, nhưng kết hợp lại, chúng khiến Trí Thông Minh Nhân tạo lớn mạnh một cách phi thường. Một điều cũng đáng lưu ý là xét riêng từng thứ, các khuynh hướng này tập trung năng lực, nhưng kết hợp lại, chúng tập trung năng lực một cách hết sức cực kỳ. Thí dụ, hình thức Trí Thông Minh Nhân tạo được biết đến như là máy học hỏi đòi một bộ dữ kiện hết sức lớn và chỉ có một số ít tổ chức trên thế giới có khả năng kết hợp các dữ kiện này: các chính phủ và các đại công ty như Alibaba, Amazon, Apple, Baidu, Facebook, Google, và Tencent.

Làm vi tính cũng tương tự: năng lực làm vi tính khổng lồ đòi phải dùng hàng megawatts điện lực trên hàng ngàn con chip đắt tiền. Và các giải thuật, và đặc biệt các tài năng nhân bản có thể viết các giải thuật này (số ít các thảo chương viên tài giỏi nhất cũng giống như các nhà thể thao ưu tú hoặc minh tinh màn ảnh về phương diện được cần đến) rất hạn chế và do đó, chỉ làm việc cho một số ít tổ chức.

Nếu ai thắc mắc không biết Trí Thông Minh Nhân tạo sẽ đi về đâu, thì các khuynh hướng này chắc chắn sẽ tiếp diễn và chắc chắn sẽ gây ra một phản ứng dữ dội chống lại việc tập quyền của kỹ thuật và lạm dụng quyền hành. Hiện ta đã cảm nhận một số phản ứng này. Các đại công ty kỹ thuật cần phải cải tiến tác phong của họ và các chính phủ trên thế giới cần bước chân vào để qui định họ.

Kinh nghiệm làm việc với các công ty của ông Green khiến ông nghĩ rằng càng ngày các công nhân kỹ thuật càng thừa nhận đạo đức học kỹ thuật đang trở thành vấn đề chủ chốt, nhưng không phải công ty nào cũng nhận ra tính nghiêm trọng của tình thế. Một số ít các nhà lãnh đạo chủ chốt cho người ta hy vọng, nhưng một số công ty kỹ thuật, cũng như chính phủ, thiếu lãnh đạo về đạo đức học và đây là một vấn đề trầm trọng cần được giải quyết sớm.

Về phía đạo đức học kỹ thuật, ông Green cho rằng một trong các lý do khiến chủ nghĩa tư bản trở thành hệ thống kinh tế năng động và hữu hiệu là nhờ nó biết vận dụng xu hướng ích kỷ rất tự nhiên của con người, nói cách khác là thói hư tham lam, và nhờ đó, nó tạo ra các hậu quả có lợi như sản phẩm rẻ hơn, cải tiến, kinh tế tăng trưởng v.v... Còn Trí Thông Minh Nhân tạo, nó cho phép đạt được những gia tăng khổng lồ về hiệu năng mà trước đây không thể đạt được. Các gia tăng về hiệu năng này có thể tốt lành như giúp người ta học hỏi về các sản phẩm họ cần, và tiết kiệm điện lực một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, các gia tăng này thường chỉ là những hiệu ứng phụ của lòng tham muốn có nhiều tiền hơn do bán được nhiều sản phẩm hơn hay giảm chi phí sản xuất.

Nếu sự thúc đẩy của lòng tham chịu lệ thuộc lợi ích xã hội, thì chắc chắn xã hội được lợi từ Trí Thông Minh Nhân tạo. Tuy nhiên, nhiều tổ chức không hoạt động cách đó, trái lại chỉ biết làm tiền bất kể các tác dụng xã hội tích cực như sử dụng Trí Thông Minh Nhân tạo cho các áp dụng ghiền quyền lực, một cái ghiền sẽ dẫn đến phân cực chính trị, sao lãng các liên hệ nhân bản, xúc cảm tiêu cực...

Theo ông, nếu các công ty không tự ý làm những điều phải làm thì ta phải bắt họ hành động đúng theo đạo đức học. Dĩ nhiên, nếu họ tự làm lấy thì hay quá nhưng phần đông các công ty chưa nắm được vấn đề và các công ty này dám phá nát viễn tượng tự quản của mọi công ty khác. Thời gian dường như không còn nhiều. Lòng tham cần được phi ưu tiên hóa và giá trị ích chung cần được đặt lên hàng đầu, nếu không, chúng ta còn gặp nhiều trục trặc xã hội và kỹ thuật tệ hại hơn cả bây giờ nữa.

Ông Green từng lên danh sách 10 vấn đề đạo đức học của Trí Thông Minh Nhân tạo; sau đó, ông đã mở rộng chúng thành 12 vấn đề trong một bài báo có tính học thuật. Hiện nay, trong giảng khóa Đạo đức học Trí Thông Minh Nhân tạo của chương trình hậu đại học về công trình (engineering), ông trình bầy 16 vấn đề: an toàn, tính có thể giải thích, việc sử dụng tốt, việc sử dụng xấu, các hiệu quả môi trường, thành kiến và tính hợp tình hợp lý, thất nghiệp, bất bình đẳng giầu nghèo, đạo đức học tự động hóa, phi kỹ năng luân lý (moral deskilling), ý thức về người máy và các quyền lợi, Trí Thông Minh Nhân tạo đại cương (artificial general intelligence) và siêu trí khôn, sự lệ thuộc, việc nghiện ngập, các hiệu quả tâm lý xã hội, và các hiệu quả tâm linh.

Trong số ấy, theo ông, vấn đề cấp thiết nhất cần thuốc chữa ngay bây giờ, là việc hạ giá tính liêm chính của hệ thống thông tin thế giới (liên hệ với các vấn đề “sử dụng xấu”, “thiên kiến và tính hợp tình hợp lý” và “các hiệu quả tâm lý xã hội”). Các phương tiện truyền thông xã hội và toàn bộ hệ sinh thái của các phương tiện truyền thông thế giới cần được thanh tẩy càng sớm càng tốt.

Bạo lực giết thân xác, nhưng dối trá giết tâm trí. Thông tin sai lầm và thông tin đánh lừa (disinformation) đang nở rộ trên liên mạng và đang hủy diệt khả năng con người lý luận một cách phù hợp với thực tại, lật ngược hàng thế kỷ tiến bộ vốn xuất hiện cùng với khoa học và việc truy tầm sự thật. Việc này, ngược lại, đang hủy diệt khả năng hợp tác và cùng nhau tìm ích chung. Nó đang đâm thẳng vào cốt lõi nhiều khía cạnh của nhân loại: khả năng suy nghĩ và hợp tác của ta. Nếu ta không chịu sửa chữa điều này, nền văn minh nhân bản nhất định sẽ sụp đổ.

Một nền thần học kỹ thuật

Về hội nghị gần đây tại Vatican về Trí Thông Minh Nhân tạo, ông Green cho rằng việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu tâm đến Trí Thông Minh Nhân tạo là một điều đáng lưu ý và có tính quan yếu sinh tử. Trong nhiều thế kỷ qua, Giáo Hội Công Giáo vẫn đã đứng ở tuyến đầu việc cải tiến kỹ thuật (không những xây dựng các nhà thờ chính tòa và các công trình vĩ đại khác, nhưng còn tiên phong trong việc luyện kim, hóa học, định thì giờ, các kỹ thuật nông nghiệp, bảo quản thực phẩm, phương pháp khoa học, và các kỹ thuật nòng cốt khác cho việc phát triển con người), thế nhưng, nó chưa bao giờ thực sự có một nền thần học về kỹ thuật.

Trong 3 phạm vi hoạt động tri thức của con người theo Aristốt, lý luận lý thuyết và lý luận thực hành luôn được Giáo Hội lưu ý, nhưng lý luận hướng tới việc sản xuất hàng hóa, nói cách khác, kỹ thuật, gần như bị lãng quên. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khởi sự điều chỉnh sai lầm này và thế giới rất biết ơn vì điều này. Sản xuất hợp lý là nhân tố quyết định của đời sống hiện đại và nếu chúng ta không xem xét nó một cách sâu sắc hơn, nó sẽ nuốt trửng chúng ta, hơn là chúng ta nuốt trửng (tiêu thụ) nó.

Ngoài ra, ông Green cho rằng, thế giới đang khao khát thẩm quyền luân lý. Tiếng tăm của Giáo Hội Công Giáo và đặc biệt của hàng giáo phẩm, đang bị xâm hại nặng về phương diện này do các tai tiếng. Tuy nhiên, bất chấp cái tai hại này, vì ngay lúc này, thế giới đang thiếu quyền lực về phương diện thế giá luân lý, nên Giáo Hội là một trong số ít định chế có khả năng nói lên một điều gì đó.

Và lịch sử suy nghĩ sâu sắc về đạo đức của Giáo hội là điều rất cần thiết. Các ý tưởng có vẻ đơn giản đối với một nhà đạo đức học có thể sẽ có tính cách mạng đối với người không chuyên môn. Bởi vì Giáo hội là một trong số ít định chế hoàn cầu từng coi trọng đạo đức học- dù không luôn sống theo các tiêu chuẩn của chính mình - nó cũng vẫn là một trong số ít các định chế hoàn cầu có khả năng cung cấp hướng dẫn đạo đức cần thiết để biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể thấy điều này trong cung cách các ý tưởng đạo đức Công Giáo, với thời gian, đã du nhập vào nền đạo đức học thế tục; những ý tưởng như sử dụng các hiệp ước để hạn chế vũ khí chiến tranh, sử dụng lý luận hiệu quả kép trong đạo đức học y khoa và xem xét lý thuyết chiến tranh chính nghĩa trong các liên hệ quốc tế.
Để có thể làm thế, Giáo hội cần đến hàng ngàn nhà thần học và triết gia để nghiên cứu các vấn đề về đạo đức học kỹ thuật và đặc biệt là đạo đức học về Trí Thông Minh Nhân tạo. Bất hạnh thay, Giáo hội thiếu các nguồn lực để làm điều đó. Nhưng điều Giáo Hội có là khả năng chỉ ra và nói “thưa mọi người, hãy nhìn điều này! Nó có đúng không? Chúng ta có thể làm cho nó tốt hơn không?” Và bằng cách này, hy vọng Giáo hội sẽ thúc đẩy người ta làm sự việc trở nên tốt hơn.

Liệu tác động có đủ không thì điều này còn phải chờ thời gian mới thấy được. Chỉ một mình thẩm quyền đạo đức không thể sửa chữa được thế giới. Điều cần là các hành động cụ thể quy mô lớn, và điều đó sẽ đòi hỏi sự phối hợp của hàng triệu người, hàng tỷ đô la và nhiều năm làm việc khó nhọc.

Giống mọi trí thông minh, Trí Thông Minh Nhân tạo có thể được sử dụng cho cả thiện lẫn ác. Chúng ta cần phải hành động ngay để bảo đảm nắm chắc việc sử dụng nó cho điều thiện.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Nhạc Hội Dấu Chân Tình Yêu tại Sydney
Diệp Hải Dung
10:03 11/11/2019
Tối Chúa Nhật 10/11/2019 rất đông đủ mọi người đã đến The Theatre Bankstown Sport Club tham dự buổi Đại Nhạc Hội với chủ đề “ Dấu Chân Tình Yêu” với mục đích gây qũy cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney.

Xem Hình

Đặc biệt có sự góp mặt của Ca sĩ Đình Bảo và Ca sĩ Hồ Hoàng Yến đến từ Hoa Kỳ. Sau nghi thức trang trọng chào cờ Úc Việt khai mạc buổi Đại Nhạc Hội. Hai Mc Minh Châu và Trường Giang giới thiệu Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm lên ngỏ lời chào mừng quý quan khách và mọi người đã đến tham dự buổi Đại Nhạc Hội Dấu Chân Tình Yêu giúp gây qũy cho Cộng Đồng.

Phần văn nghệ được nối tiếp với hai ca sĩ Đình Bảo và Hồ Hoàng Yến trình diễn ngoài ra còn có sự phối hợp của 3 Liên Đoàn Trẻ, Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo và Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình TGP Sydney trình diễn với những tiết mục ca vũ, hoạt cảnh nói lên tình quê hương dân tộc rất ngoạn mục và đặc sắc.

Lồng trong phần văn nghệ có phần đấu giá những phần qùa của quý ân nhân trợ giúp cho Cộng Đồng.

Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney thay mặt Hội Đồng Mục Vụ ngỏ lời cám ơn sự hiện diện đông đủ của toàn thể quý vị đã đến tham dự Đại Nhạc Hội Dấu Chân Tình Yêu tối nay, đã nói lên tình yêu thương và tình bác ái mà qúy vị đã dành cho Cộng Đồng. Một lần nữa xin chân thành tri ân triệu triệu lần những nghĩa cử cao đẹp và lòng quảng đại của toàn thể quý vị, qúy ân nhân. Còn những gì thiếu sót chúng tôi xin Mẹ, Mẹ của Lòng Thương Xót bù đắp cho quý vị…

Đại Nhạc Hội Dấu Chân Tình Yêu kết thúc và thành công tốt đẹp.

Diệp Hải Dung
 
Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xuân Lộc mừng Lễ Bổn Mạng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
10:20 11/11/2019
Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xuân Lộc mừng Lễ Bổn Mạng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Sáng Chúa Nhật 10/11/2019, ngày mừng Lễ Bổn Mạng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xuân Lộc đã quy tụ được hơn 3000 các em Thiếu Nhi Thánh Thể, và 300 anh chị Giáo lý viên – Huynh Trưởng của các giáo xứ trở về Giáo xứ Thái Hòa, Hạt Hòa Thanh để sinh hoạt với chủ đề “Sống Thánh– là Sống Thật; Sống Sạch; Sống Đẹp’

Ngay từ giây phút đầu của việc đón tiếp các đơn vị xứ đoàn, cũng như sinh hoạt tập trung theo Ngànhđã lôi cuốn các thiếu nhi hòa nhập và hứng khởi ngay vào bầu khí hiện có.

Xem Hình

8g15, chương trình khai mạc có sự hiện diện của Cha Giuse Đỗ Đức Trí, Trưởng Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Cha Giuse Phạm Quốc Thuần, Phó Trưởng, quý cha tuyên úy, quý thầy và quý soeur, Ban Hành Giáo Giáo xứ Thái Hòa, cùng quý trưởng, và đặc biệt số lượng đông đảo thiếu nhi thuộc 4 ngành, cũng như các anh chị giáo lý viên- huynh trưởng. Với sự trang trọng của các nghi thức chào cờ, tưởng niệm các vị Tiền Nhân đã sống kiên trung đức tin được thể hiện qua giai điệu cũng như lời bài hát đề cao lòng trung nghĩa, các thiếu nhi như được truyền thêm lửa, cố gắngsống đức tin tốt hơ trong hoàn cảnh sống của mình. Liền kề sau đó, Cha Trưởng Giuse đã tuyên bố khai mạc ngày lễ mừng Bổn Mạng của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo phận.

Sau phần khai mạc, các khối ngành được phân chia để tham dự phần thảo luận chủ đề chung “Sống Thánh”. Thuyết trình viên là quý soeur Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, cùng với sự giúp sức, cộng tác của các Trưởng. Xen kẽ phần thảo luận, là những điệu múa, bài hát, và nhất là trò chơi chung sức “Sống Thánh: Sống Đẹp; Sống Sạch; Sống Thật” được thiết kế với hình thức và nội dung khá hấp dẫn.

Dù giữa những sinh hoạt thật nhộn nhịp, ban tổ chức vẫn dành 30’ trước giờ cơm trưa, để các em được lắng đọng bên Chúa, nghe và suy niệm Lời Chúa, khơi dậy nơi các em niềm khao khát rước lễ thiêng liêng, mong có Chúa ở cùng.

12g30, giờ cơm trưaquả thật ấn tượng với nhiều niềm vui và ý nghĩa. Với sự phục vụ trong yêu thương, có tổ chức, những phần ăn được các hội đoàn giáo xứ Thái Hòa chuẩn bị chu đáo, cho đến cách các Trưởng chăm sóc các em, cũng như cách các em ngồi ăn lịch sự, giữ sạch sẽ.. tạo nên những khung hình đẹp, và sắc nét. là kết quả của việc huấn luyện yêu thương, nhân bản Kitô giáo mà phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể đang làm được, cũng như áp dụng ngay việc thực hànhSống Thánh qua việc Sống đẹp trong suốt những hoạt động sinh hoạt của chương trình.Trong và sau giờ ăn trưa,sinh hoạt văn nghệ do các xứ đoàn của giáo xứ đảm nhận, tạo nên nhiều hiệu ứng vui tươi giữa các em trong và ngoài nhóm mình.

15g00,Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám Mục Phụ Tá Giáo phận đã cùng với Cha Trưởng, Cha Phó Liên Đoàn, cùng quý cha cử hành Thánh Lễ mừng Bổn Mạng của Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xuân Lộc.Như ý mời gọi của Đức Cha Gioan, Thánh Lễ được cử hành vừa để tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho Giáo Hội Việt Nam các vị thánh tử đạo, và cũng là để cầu xin Chúa giúp sức và ban ơn cho các giáo lý viên- huynh trưởng, thiếu nhi Giáo phận biết noi theo gương đức tin của tiền nhân để sống thánh, sống kiên trung đức tin trong hoàn cảnh của mình.

Với ý lễ này, một lần nữa, trong bài giảng dành cho các thiếu nhi và giáo lý viên- huynh trưởng, Đức Cha Gioan đã nhắc lại lời mời gọi tha thiết này. Sơ lược chặng đường lịch sử hạt giống đức tin đầu tiên gieo vãi xuống mảnh đất Việt, nhờ bởi các nhà thừa sai cách đây khoảng 400 năm, cho đến những lý do khiến các nhà thừa sai, các cha ông xưa bị bách hại, bị giết chết do bởi đức tin các ngài nhận lãnh…để rồi, trong hiện tại, Đức Cha khuyên nhủ “ Các con hãy noi gương các bậc tiền nhân để sống gắn bó với Chúa.” Và Đức Cha thêm rằng, vì cùng một Chúa Giêsu với các bậc tiền nhân, cùng một Chúa Giêsu trong Tin Mừng, trong vẻ đẹp và trong niềm hy vọng, và như vậy, giáo lý viên- huynh trưởng và các thiếu nhi của Giáo Phận được mời gọi sống kiên trung đức tin và sống THÁNH qua cách sống THẬT, sống SẠCH và sống ĐẸP.

Sau bài giảng, Đức Cha đã chủ sựnghi thức tuyên hứa và quyết định công nhận huấn luyện viên cấp I cho 4 Trưởng, tăng thêm nguồn nhân sự huấn luyện viên cho Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xuân Lộc.

Dù tham dự chương trình qua nhiều giờ đồng hồ, nhưng trong suốt Thánh Lễ, các thiếu nhi vẫn tham dự Thánh Lễ cách sốt sắng, và ngoan ngoãn.

Một ngày mừng lễ bổn mạng của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xuân Lộc quả thật ý nghĩa, vui tươi với các em và các anh chị giáo lý viên- huynh trưởng. Khi được hỏi cảm nhận, nhiều em cười thật tươi và trả lời “Dạ, vui ạ!”Dù không thể phỏng vấn hết tham dự viên, nhưng nhìn khuôn mặt các em, các anh chị trong những thời khắc của ngày sinh hoạt và khi ra về, có thể thừa nhận rằng: Niềm vui của ngày mừng bổn mạng đã đến trong các em, và nhất là, đang có đó một niềm mong mỏi sống thánh từ bên trong tâm hồn nơi những thiếu nhi Xuân Lộc này.

Tin, ảnh : Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Buổi tiệc gây quỹ xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hóa tại giáo xứ VN Seattle.
Nguyễn An Quý
21:06 11/11/2019
Tukwila. Trời đã vào thu, một buổi chiều se lạnh nơi xứ cao nguyên tình xanh. Hôm nay, chiều thứ bảy ngày 9 tháng 11 năm 2019, từ 5 giờ chiều, con đường dẫn vào nhà thờ giáo xứ CTTĐVN xe cộ lại nối đưôi nhau di chuyển khá chậm chạp do quá nhiều xe cộ liên tục đổ dồn vào nhà thờ, tất cả đều đến tham dự buổi tiệc gây quỹ xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hoá tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc Tổng Giáo phận Seattle.

Trước khi đi vào phần tường trình Buổi Tiệc Gây Quỹ với câu hỏi tại sao giáo xứ chưa tập trung vào việc xây nhà thờ mà lại dốc toàn lực vào việc xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hóa.

Xem Hình

Trước hết xin giới thiệu vài nét về sự hình thành giáo xứ thể nhân mang tên giáo xứ CTTĐVN. Sau biến cố miền Nam Việt Nam bị lọt vào tay cộng sản trong biến cố 1975. Người Công Giáo Việt Nam bỏ nước ra đi như bao người Việt Quốc Gia khác, một số người Công Giáo VN đến định cư tại thành phố Seattle và các vùng phụ cận quanh vùng Tây Bắc Hoa Kỳ thuộc tiểu bang Washington, ngay từ thời gian đầu họ đã cùng nhau gầy dựng và hình thành một tập thể Công Giáo Việt Nam từ giữa thập niên 70. Khi hình thành được một tập thể giáo dân thì tòa giám mục Seattle đã bổ nhiệm linh mục Lê Quang Hiền làm tuyên uý để chăm lo việc mục vụ cho giáo dân Việt Nam. Giữa thập niên 80 Cộng Đồng đã mua được nhà nguyện của Tin Lành tại 1230 East Fir St thuộc trung tâm Seattle và đã cùng nhau tu sửa thành ngôi Thánh đường nhỏ bé được khánh thành trong thánh lễ tạ ơn vào năm 1984 do Đức TGM Hunthausen chủ sự. Ngôi Thánh đường này lại được thánh hiến vào ngày 10 tháng 7 năm 1988 mang tước hiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam với tên gọi khá dài: Cộng Đồng Công Giáo Các Thánh Tử Đạo Việt Nam còn gọi là Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam.

Qua nhiều năm tháng Cộng Đồng đã phát triển và qui tụ giáo dân sinh hoạt với nhau trong nhiều địa phương nên Cộng Đồng Công Giáo VN lúc bấy giờ đã có đến 11 Cộng Đoàn kéo dài dọc theo xa lộ I-5 từ phía Bắc gần Canada đến phía Nam giáp giới với Oregon. Trung Tâm là nơi thờ phụng chung của Cộng Đồng vào những dịp lễ trọng tại ngôi Thánh Đường nho nhỏ vừa đủ chỗ cho 400 giáo dân sinh hoạt phụng tự. Đến giai đoạn số giáo dân tăng lên khá đông đảo, vì thế những dịp lễ Giáng Sinh, lễ Tết, lễ Bổn Mạng đều phải thuê mướn các trường học để tổ những lễ hội quan trọng này. Một số linh mục Việt Nam đã được Toà Giám Mục bổ nhiệm làm Tuyên uý hay Quản Nhiệm Cộng Đồng để chăm lo mục vụ cho Cộng Đồng theo thời gian như Lm Lê Quang Hiền, Lm Phan Hữu Hậu, Lm Trần Đức Phương, Lm Vũ Hùng Tôn, LM Hoàng Phượng. Các linh mục đã qua đời như Lm Vũ Hùng Tôn, Lm Phan Hữu Hậu, Lm Trần Đức Phương. Trung tuần tháng 11 năm 2010, Đức Tổng Giám Mục Brunett (nay đã về hưu) đã ban hành Sắc Lệnh thành lập Giáo Xứ Thể Nhân: Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và đã bổ nhiệm Lm Đào Xuân Thành làm chánh xứ tiên khởi của Giáo Xứ. Thánh lễ tạ ơn và đón nhận Sắc Lệnh Thành Lập Giáo Xứ được cử hành trọng thể trong niềm vui tạ ơn của tập thể giáo dân Việt Nam vào Chúa Nhật ngày 21 tháng 11 năm 2010 tại ngôi nhà thờ nhỏ bé này do Đức TGM Brunett chủ sự. Ba Cộng Đoàn chính thức được sát nhập vào giáo xứ là Cộng Đoàn Fatima, Mân Côi và Mông Triệu. Các Cộng Đoàn còn lại được hội nhập vào các giáo xứ Mỹ tại các địa phương. Khi ban hành Sắc Lệnh thành lập Giáo Xứ Thể Nhân, Đức Tổng Giám Mục Brunett đã tìm cách nâng đỡ người Công Giáo Việt Nam tại các Cộng Đoàn trực thuộc giáo xứ Mỹ với quyết định : Cộng Đoàn Việt Nam tại các điạ phương thuộc giáo xứ Mỹ được các linh mục Việt Nam đến cử hành phụng vụ thánh lễ bằng tiếng Việt. Dài dòng một chút như thế để liên tưởng đến sự hình thành giáo xứ thể nhân này đã trải qua một đoạn đường khá dài với những khó khăn không ít và bao công sức dồn vào việc xây dựng Cộng Đoàn Đức Tin Việt Nam nơi đây của biết bao vị đã một thời xây dựng nay từ biệt cỏi đời. Chúng ta cùng tri ân các vị.

Khi được nâng lên hàng giáo xứ thể nhân, ngôi thánh đường quá bé nhỏ không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nhất là giới trẻ ngày càng tăng, song song vào đó với sự phát triển của thành phố Seattle, nên khu vực nhà thờ bị co cụm và không thể mở rộng được. Sau thơì gian nghiên cứu và nhận biết không thể phát triển tại nơi co cụm này, cha chánh xứ đã ra sức vận động giáo dân đóng góp và được Toà Giám Mục đồng ý cho tạo mãi cơ sở mới để xây dựng nhà thờ. Cao trào giáo dân hưởng ứng việc đóng góp tài chánh khá cao. Cuối năm 2012, giáo xứ đã mua được cơ sở mới thuộc thành phố Tukwila là nơi sinh hoạt hiện nay của giáo xứ.

Trong dịp đón Xuân Quý Tỵ, cha chánh xứ và đông đảo giáo dân đã cùng nhau cử hành nghi thức tiếp nhận Cơ Sở Mới vào Chúa Nhật ngày 10 tháng 2 năm 2013. Tập thể thiện nguyện viên đã dốc toàn lực tân trang lại vị trí mà trước đây nghe nói là nhà kho để làm nhà thờ tạm. Ngôi nhà thờ tạm này được hoàn thành sau gần một năm tân trang. Đầu năm 2014, toàn thể cộng đoàn giáo hữu trong giáo xứ đã hân hoan đón mừng Xuân Giáp Ngọ trong thánh lễ mừng xuân và khánh thành ngôi nhà thờ tạm do Đức Tổng Giám Mục Peter Sartain chủ sự. Kể từ đầu xuân Giáp Ngọ, nơi đây đã chính thức đi vào sinh hoạt mục vụ và đã chính thức trở thành nơi thờ phượng của giáo xứ CTTĐVN. Nhiều thiện nguyện viên lại bắt tay vào việc kiến tạo các phòng ốc để đưa vào việc sinh hoạt cho giới trẻ. Từ khi nhà thờ được di dời về Tukwila, giáo dân tăng nhanh nên năm 2015, cha chánh xứ đã thành lập thêm 2 Giáo Đoàn mới là Mẫu Tâm và La Vang, như vậy giáo xứ có 5 Giáo Đoàn bao quanh nhà thờ từ 4 hướng . Số giáo dân gia nhập giáo xứ tăng nhanh hiện có trên 2 ngàn gia đình gia nhập giáo xứ. Do mức độ giáo dân tăng nên giới trẻ cũng tăng nhanh. Việc sinh hoạt thiếu nhi gồm Ba Chương gồm Giáo Lý, Việt Ngữ Đắc Lộ và Thiếu Nhi Thánh Thể. Niên khoá năm nay 2019-2020, số thiếu nhi ghi danh vào các chương trình nêu trên đã lên đến con số trên 750 em. Nhiều em muốn ghi danh nhưng phòng ốc không còn nữa, nên đành giới hạn. Ba chương trình được sinh hoạt theo năm học vào suốt ngày thứ bảy hàng tuần bắt đầu vào mùa nhập học.

Trở lại việc gây quỹ. Khung cảnh ấm cúng của phòng tiệc khá rộng rãi với lối trang trí thanh lịch qua những chiếc bàn tròn khá đẹp. Gần 900 người hiện diện trong phòng tiệc gồm giáo dân trong và ngoài giáo xứ cùng nhiều đồng hương thuộc các tôn giáo bạn cũng tham dự .Ngươì Việt nơi đây khi biết giáo xứ Việt nam có cơ sở mới, nhất là đang hướng đến việc xây dựng ngôi thánh đướng mới thì nhiều người dù không phải Công Giáo họ vẫn cảm thấy vui với niềm vinh dự chung của người Việt, do vậy nhiều cơ thương mãi thuộc đủ mọi tôn giáo cũng đã ủng hộ tài chánh cho giáo xứ.

Đúng 6 giờ, đa số các bàn tiệc đã đầy kín người. Vị MC lên tiếng: Trân trọng kính mời Quý Ông Bà tham dự tiệc hôm nay xin mời vào các bàn tiệc để chương trình bữa tiệc được bắt đầu. Đúng 6 giờ 30, vị MC nói: trân trọng kính mời cha chánh xứ khai mạc bữa tiệc: cha chánh xứ Đào Xuân Thành tiến lên sân khấu ngỏ lơì cám ơn và nói lên ý nghĩa buổi gây quỹ với lời phát biểu ngắn gọn: Kính thưa quý Ông Bà Anh Chị Em, giáo xứ hân hoan chào đón quý Ông Bà Anh Chị Em trong và ngoài giáo xứ cùng nhiều đồng hương đáp ứng lời mời gọi của giáo xứ đã đến tham dự tiệc gây quỹ hôm nay của giáo xứ, cám ơn sự hiện diện khá đông đảo của quý vị. Buổi gây quỹ với mục đích giúp cho việc xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hóa là nơi sinh hoạt của Ba Chương Trình gồm Giáo lý, Việt ngữ Đắc Lộ và Thiếu Nhi Thánh Thể. Đây là nhu cầu cấp thiết mà toàn thể giáo xứ cần quan tấm để con em chúng ta có nơi sinh hoạt. Sau khi hoàn thành công tác xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hóa, chúng ta sẽ bắt đầu công việc xây dựng nhà thờ. Nếu chúng ta ưu tiên cho việc xây nhà thờ trước thì kết quả rất tội nghiệp cho con em của mình là không có nơi sinh hoạt. Buổi gây quỹ hôm nay có MC nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ngạn sẽ đảm nhận nhiệm vụ buổi gây quỹ và có sự hiện diện của ca sĩ Y Phương và ca sĩ Thiên Tôn giúp cho chúng ta trong chương trình văn nghệ. Kính chúc quý Ông Bà Anh Chị Em thưởng thức những món ăn trong bữa tiệc và những lời ca tiếng hát của 2 ca sĩ lừng danh này trong tinh thần hiệp nhất cùng nhau góp một bàn tay cho buổi gây quỹ. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta và xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau.( tiếng vỗ tay vang cả hội trường kéo dài khá lâu)

Chương trình được bắt đầu với những màn vũ do các em Thiếu Nhi Thánh Thể và trường Việt Ngữ Đắc Lộ trình diễn khá xuất sắc. Trong chốc lát, đội ngũ phục vụ bàn tiệc khá đông đảo gồm các cô duyên dáng trong y phục màu đen khá gọn gàng xuất hiện và cùng nhau mang từng món ăn đến khắp các bàn tiệc một cách nhanh chóng. Trên sân khấu MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã quấy động chương trình gây quỹ khá sinh động. Con số tổng kết tài chánh đóng góp hiện trên màn ảnh tăng nhanh từng giây phút. Người viết xin nêu lên đây vài nét đặc biệt của buổi gây quỹ. Trước hết là sự đóng góp của MC Nguyễn Ngọc Ngạn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn trong lời cổ động khá ý nghĩa với giọng nói hấp dẫn: nhân buổi gây quỹ này, tôi có xin với Trung Tâm Thúy Nga Paris 100 bộ CD với chủ đề : "Đức Mẹ hiện ra với thế gian"nhân dịp mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, giá ủng hộ 10 mỹ kim, có chữ ký của tôi, tất cả tiền thu được sẽ ủng hộ giáo xứ " chỉ trong chốc lát 100 bộ CD này đã tiêu thụ hết và số tiền thu được trên 1 ngàn hai trăm đồng. Điểm ghi nhận thứ hai: ban tổ chức công bố có một giáo dân ủng hộ 1 chiếc xe Mercedes đời 2020 trị giá $50,000.00, từ vốn ủng hộ này, ban tổ chức đã đưa ra cách tặng chiếc xe này qua việc bốc thăm cho những vị nào ủng hộ $5,000.00 sẽ có một phiếu để bốc thăm. Khi đưa ra quyết định này, ban tổ chức chỉ mong có được 40 vị ủng hộ, nhưng cuối cùng con số đã tăng vọt lên đến 61 vị ủng hộ. Lúc 9 giờ 10 phút, ban tổ chức công bố việc trao tặng chiếc xe này cho nhũng ai gặp vận may bằng cách xổ số. Những trái bóng nhỏ có ghi số từ 1 đến 61 được bỏ vào lồng xổ số. Người ủng hộ xe được mời lên quay số là anh Phan Hữu Hân thuộc giáo đoàn La Vang. Giờ phút căng thẳng khi chiếc lồng số được quay tròn và dừng lại sau mấy vòng quay. Một con số vận may đã lọt ra khỏi lồng cầu. MC Nguyễn Ngọc Ngạn công bố chậm rãi : đây là con số hên 4...2 (42) Một đôi bạn trẻ gồm 1 nam 1 nữ từ phía dưới bàn tiệc cầm vé tiến lên giữa tiếng hoan hô. Tôi nghe tên thoang thoảng là Đoàn và Vi. Hai anh chị đón nhận quả banh mang số 42 giữa tiếng reo mừng của phòng tiệc, không biết có ai tiếc hụt không? Điểm thứ ba khá hấp dẫn với chiếc nhẫn hột xoàn do chủ nhân tiệm vàng Nguyên Vũ ủng hộ. Bà chủ tiệm vàng Nguyên Vũ được mời lên sân khấu để giải thích minh bạch về chiếc nhẫn 1 carat diamond với giá chính thức $12, 500.00. Chiếc nhẫn này được đấu giá. Bà chủ tiệm sau khi bày tỏ tâm sự và nói một câu nghe thật cảm động: "Tôi rất muốn ủng hộ giáo xứ nhưng không có tiền, tôi chỉ có chiếc nhẫn hột xoàn này để ủng hộ giáo xứ". Lời kết thúc của bà chủ tiệm vàng Nguyên Vũ giữa tiếng hoan hô vang dội. Chiếc nhẫn hột xoàn nằm trong tay cha chánh xứ và cuộc đấu giá bắt đầu với sự phụ họa mời gọi của MC Nguyễn Ngọc Ngạn, cha chánh xứ đi quanh gần hết phòng tiệc mà chưa thấy ai đón nhận. Bổng chốc, ở góc cuối bên tay phải, lại cũng một đôi bạn trẻ đưa tay lên với sự đồng ý mười hai ngàn năm trăm, cha chánh xứ hô, có ai muốn trên số tiền này không ? Một, Hai chưa đến ba thì đàng kia, mười ba ngàn, mười ba ngàn, ai thêm nữa, cha chánh xứ lại bắt đầu đếm: một, hai : từ đôi bạn trẻ kia lại lên tiếng mười bốn ngàn một trăm, tiếng hoan hô vang dội, cha chánh xứ mang chiếc nhẫn trở lại đôi bạn trẻ và đếm một, hai, ba, sau giây phút im lặng không nghe ai tăng giá nên chiếc nhẫn hột xoàn đã được trao cho 2 anh chị nghe nói sắp làm đám cưới, thật hạnh phúc. Đôi bạn trẻ được mời lên sân khấu và bà chủ nhân bước lên trao chiếc nhẫn tận tay cho người đấu được giá. Điểm kế tiếp mà người viết khá cảm động là số tiền ủng hộ từ các anh chị giáo lý viên, thầy cô trường Việt Ngữ Đắc Lộ và các Huynh Trưởng của Thiếu Nhi Thánh Thể, đây là những thành phần nòng cốt của Ba Chương Trình Giáo Lý+ Việt Ngữ Đắc Lộ+ Thiếu Nhi Thánh Thể. Ban Giáo Viên của lớp giáo lý ủng hộ trên 19 ngàn, thầy cô trường Việt Ngữ Đắc Lộ ủng hộ 21 ngàn và nhóm Huynh trưởng Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ủng hộ 33 ngàn. Tất cả đều là các thành viên nòng cốt đã hy sinh thì giờ trong việc hướng dẫn các em thiếu nhi của giáo xứ từ giáo lý, Việt Ngữ Đắc Lộ và Thiếu Nhi Thánh Thể qua nhiều năm tháng dài. Tinh thần sống xây dựng tập thể được thể hệ nơi các anh chị giới trẻ này, trong việc đồng lòng cùng nhau đóng góp tài chánh với nhau để có được số tiền này giúp cho việc xây dựng thật vô cùng quý hoá.

Buổi gây quỹ thật sinh động do MC Nguyễn Ngọc Ngạn cộng với những ca khúc truyền cảm do ca sĩ Y Phương và Thiên Tôn trình bày đã làm phong phú hóa chương trình gây quỹ. Kết quả buổi gây quỹ đã đạt được con số khá khả quan với tổng kết sơ khởi thu được trên dưới 7 trăm ba chục ngàn đồng. Buổi tiệc kết thúc vào khoảng gần 12 giờ đêm. Mọi ngươì chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Văn Hóa
Câu chuyện truyền giáo Hòa Lan – Khi Chúa Thuơng Gọi Con Về
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
17:43 11/11/2019
Một bài hát khá nổi tiếng của linh mục nhạc sư Kim Long thường được hát vào lễ an táng, lễ giỗ hay tháng các linh hồn là nhạc phẩm “Ngày Về” với lời điệp khúc trực tiếp: Khi Chúa thương gọi con về, hồn con hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng con nức vui tiếng cười, lưỡi con vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô: con thật vinh phúc. Bài hát này hầu như ai cũng thuộc vì diễn tả được tình yêu của Chúa với con cái Ngài.

Tuy nhiên, trong dịp lễ 50 năm linh mục của nhạc sư Kim Long thì nguời ta mới khám phá nguyên nhân ra ra đời của nhạc phẩm bất hủ này chính là lúc người nhạc sĩ tài hoa đang giúp xứ thì được giám mục gọi về tĩnh tâm để chuẩn bị lãnh chức thánh, và vì quá vui mừng nên xuất khẩu thành… nhạc để ca tụng Thiên Chúa vì những hồng ân bao la mà Ngài đã thuơng ban. Nhưng bài hát từ niềm vui đón nhận chức thánh thì biến thành niềm hân hoan về … nhà Cha trên trời. Và từ đó bài hát trở nên bất hủ trong các dịp lễ an táng và cầu hồn, và linh mục nhạc sư vui tính của chúng ta cũng không muốn đính chính, cứ để hồn bài hát bay xa, vang xa mãi vì trọn đời linh mục của ngài đã cống hiến cho nền thánh nhạc Việt Nam nên những gì ngài viết ra cũng thuộc về giáo hội, thuộc về Chúa .

Với người Công Giáo, chết là trở về nhà Cha trên trời, nơi mà không còn đau khổ, không còn tham-sân-si, nơi mà con người nhận được hạnh phúc viên mãn. Tuy nhiên, không ai muốn đón nhận đau khổ, nhất là sự chết vì cái chết là một điều gì đó rất đau thương, thảm khốc, nhất là những nguời chết trẻ và chết đột ngột, chứ không giống như linh mục nhạc sư hài hước kia trong lời trần tình bài hát của mình là thật vinh phúc khi được Chúa gọi. Có lẽ ai cũng có người thân qua đời và đều cảm nhận được sự mất mát lớn nếu những người thân yêu đó ra đi bất thình lình.

Nhiều truyền thống văn hóa hay tôn giáo rất tối kỵ khi nói về sự chết. Tuy nhiên, nguời Công Giáo chúng ta không ngần ngại nói về điều tối kỵ ấy, và chính Đức Giêsu cũng đã bày tỏ cho các môn đệ của Ngài trên đường đi Giêrusalem là Ngài sẽ chịu bắt bớ, chịu đóng đinh và chịu chết nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Người Phật giáo thường nói có sinh thì ắt có tử và họ chỉ dừng ở đó. Tuy nhiên, nguời Công Giáo chúng ta lại tiến xa hơn là Sinh-Tử-Phục Sinh, nghĩa là ai cũng được sinh ra, ai cũng phải chết nhưng sẽ có ngày sống lại và đó chính là sự sống vĩnh cửu mà con người hằng mơ ước.

Cố nhạc sỹ Phạm Duy đã từng tâm sự trong nhạc phẩm “Những Gì Đem Theo Về Cõi Chết”: Rồi mai đây tôi sẽ chết, trên đường về nơi cõi hết, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây? Rồi mai đây tôi hóa kiếp, trong lòng còn bao luyến tiếc, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?... Ngày chúng ta ra đi sẽ không mang theo được gì ngoài bộ đồ mặc trên người và được bỏ vào trong quan tài trước khi đi hoả táng hoặc mai táng. Trong tư cách là linh mục, chúng tôi đã chứng kiến biết bao cuộc ra đi của người thân hay những nguời mình quen biết hoặc những giáo dân của mình. Thành thật mà nói cuộc ra đi nào cũng thấm đẫm nước mắt dù người ta biết rằng những nguời ra đi sẽ được hạnh phúc vì không còn phải khổ đau với bệnh tật hay lo lắng chuyện đời.

Theo truyền thống của người Công Giáo thì tháng 11 là tháng nhớ đến các linh hồn, nhớ những nguời đã khuất, và nguời Công Giáo ở Việt Nam thường viếng thăm và dọn dẹp mồ mả của những người đã qua đời như là một sự biết ơn, luyến tiếc. Nguời ta cũng tổ chức cầu nguyện vào những dịp lễ giỗ và xin lễ cầu hồn để nhớ đến nguời quá cố. Rời Việt Nam đã lâu và mỗi dịp về thăm quê hương cũng thỉnh thoảng dâng lễ an táng cho những nguời qua đời trong giáo xứ và sống lại những ký ức tốt đẹp của người Việt mình. Hơn hai năm ở Hoà Lan nơi có nhiều người Việt tỵ nạn sinh sống và họ vẫn còn giữ đậm bản sắc tốt đẹp của người Việt nên chúng tôi cũng được mời dâng các thánh lễ giỗ, lễ cầu hồn hay lễ an táng theo nghi thức Việt Nam cũng giúp chúng tôi hiểu và ý thức hơn về nguồn cội Việt của mình để sống đúng với vai trò của một nguời con đất Việt là kính mến Chúa và thảo hiếu với các bậc tổ tiên mình.

Người Hòa Lan bản địa và các sắc dân khác sinh sống ở Hòa Lan cũng nhiều, nhưng họ rất khác với người Việt về vấn đề kính nhớ tổ tiên và những người đã khuất. Chúng tôi đã tham dự những nghi lễ an táng của họ và cảm thấy bi quan về những ngày cuối đời của mình. Một người Việt qua đời thì nghèo cách mấy cũng được đọc kinh, cầu lễ và mọi người tham dự sốt sắng nên ấm cúng làm sao. Còn bên này sau khi một nguời qua đời, họ đóng trong quan tài và gởi vào phòng lạnh, rồi chỉ cho phép thăm vào những giờ qui định cho đến ngày hoả táng hay mai táng mới đem ra nhà thờ và chỉ có những nguời quen biết hay được mời tới tham dự rồi xong. Ngay cả các linh mục cùng Dòng từng làm việc truyền giáo nhiều năm ở nước ngoài, nay về Hoà Lan nghỉ hưu và khi ra đi cũng chỉ được một thánh lễ với 3 linh mục đồng tế và số người tham dự chỉ vài chục người, sau đó đem ra nghĩa trang mai táng, rồi thôi. Nếu xét về phương diện con người thì buồn thật.

Tuy nhiên, cuộc sống của chúng ta giống như một sân khấu, có khởi đầu, có kết thúc, có mở màn và có lúc hạ màn. Đôi lúc có thể chúng ta diễn không hay lúc ban đầu vì chưa thuộc kịch bản hay vì lý do nào đó khiến chúng ta không làm tốt vai diễn của mình. Rồi một khi đã quen với sàn diễn do kinh nghiệm sống nên chúng ta phải tiếp tục diễn để vỡ kịch cuộc đời ngày một hay hơn. Và chắc chắn ai cũng muốn được vỗ tay khen ngợi khi màn ảnh của sân khấu cuộc đời ta khép lại, đó là lúc chúng ta phải trở về với cát bụi và ngày đó người đạo diễn tài tình là chính Thiên Chúa sẽ không hỏi chúng ta là đóng vai chính hay vai phụ nhưng sẽ hỏi chúng ta là chúng ta có làm tốt vai diễn cuộc đời của chúng ta không. Chúa có thể viết thẳng dễ dàng trên các đường cong vì Người là Thiên Chúa nhưng Nguời muốn chúng ta phải cộng tác với Người để cho thế giới này ngày một tốt hơn vì Người tôn trọng sự tự do của chúng ta.

Khi Chúa thuơng gọi con về. Lời mở đầu bài hát cho ngày lãnh chức thánh lại trở thành bài hát nói về sự chết, và nói như lời chia sẻ của thánh nữ Têrêsa Avila trên đường đi lập đan viện Burgos, thánh nữ gặp phải nhiều đau khổ nên đã thốt ra những lời sau đây: “Ôi lạy Chúa, phần thưởng của Chúa dành cho kẻ phục vụ toàn là những thử thách gay go”. Thánh nữ liền được nghe tiếng Chúa nói: “Đó là cách Ta đối xử với các bạn thân của Ta!” Têrêsa đáp lại: “Đúng rồi, có gì lạ đâu, chính vì thế mà Chúa có ít bạn tâm phúc!”. Và người Việt chúng ta thường có câu: Thuơng cho roi, cho vọt. Nhưng có lẽ nhiều người chúng ta rất sợ Chúa “thương” nên khi những đau khổ hay sự chết ập đến chúng ta thường than trách Chúa. Hãy để Chúa thuơng chúng ta theo cách của Nguời và chúng ta cũng sẵn sàng đáp lại như cậu bé Samuel ngày xưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sm 3,9).

Giá trị cuộc đời con người không hệ trọng ở việc sống thọ, sống lâu, nhưng hệ tại ở chỗ là mình sống như thế nào. Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Chiều cao của đời tôi là gì? Là trung thành với Thiên Chúa, với Hội thánh, với Tổ tiên, với Tổ quốc. Chiều rộng của đòi tôi là gì? Là trưởng thành đối với gia đình, cộng đoàn và xã hội. Chiều dài của đời tôi là gì? Là Tín thành với bằng hữu, với mọi người” (trích Thập Đại Thành Công).

Thực tế đã cho chúng ta thấy, cũng là con người nhưng có những cái chết cô đơn, ít người thương tiếc. Trái lại có những cái chết ý nghĩa, được mọi người luyến tiếc, nhớ mãi. Có những người chết trẻ mà “tiếng thơm” lan rộng, nhưng có những người chết già mà lại toàn thiếng xấu. Đó là phần nào kết quả của những gì mình đã nói, đã làm, đã nghĩ và đã sống ở trần gian. Vậy phải sống sao cho xứng, sao cho “thơm” trên dòng đời nhiều trôi nổi, lắm đổi thay với nhiều xu thế xấu tốt luôn rình rập. Đáp lại điều đó, chính Đức Kitô đã mời gọi mỗi chúng ta: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua cả thế giới bàng hoàng khi nguời ta phát hiện ra một chiếc xe container đông lạnh chở 39 người trái phép vào nuớc Anh đều bị chết vì cóng, và những người di dân xấu số ấy đều là người Việt ở các tỉnh phía Bắc. Vì mưu cầu hạnh phúc, vì cơm áo gạo tiền, vì đời sống bất an nên người ta đã tìm đủ mọi cách để vượt biên tìm kiếm bền bờ tự do và cuộc sống ấm no nơi xứ người nhưng không may lại gặp phải những hoàn cảnh éo le và những cái chết tức tưởi ấy. Hơn 40 năm về trước, hàng triệu người Việt cũng đã bỏ nước ra đi để tìm kiếm bến bờ tự do nhưng cuộc ra đi ấy đã cướp đi bao nhiêu mạng sống làm mồi cho biển cả hay trở thành nạn nhân của những vụ cướp biển kinh hoàng. Chỉ có một số ít may mắn hiện giờ đang sống ở các nước văn minh nhưng trong lòng vẫn còn nhiều điều bất an vì nhiều người vẫn còn cảm giác sợ hãi khi nhắc lại những cuộc vượt biên khủng khiếp ấy. Có nhiều điều không thể nói ra vì nhạy cảm nhưng cũng phải thành thật nhận định rằng người ta bỏ nước ra đi cũng chỉ vì cuộc sống bấp bênh về kinh tế, chính trị hay ý thức hệ và người ta chỉ trở về khi quốc gia họ đảm bảo về nhân quyền, tự do và cuộc sống ấm no hạnh phúc. Hàng năm tháng 11, tháng các linh hồn, họ cũng thắp lên những nén hương lòng để cầu cho những người xấu số trên đường vượt biển và những người bị coi là mất tích mà đến nay vẫn chưa biết sống chết thế nào.

Tuần đầu tiên của tháng 11 chúng tôi tham dự kỳ tĩnh tâm năm tại Nhà Mẹ ở Steyl, Hòa Lan giáp biên giới Đức. Kỳ tĩnh tâm thinh lặng hoàn toàn này chúng tôi có dịp sư nghĩ về đời tu của mình và chuẩn bị cho một sứ vụ mới mà chưa biết sẽ đi về đâu. Trong những ngày tĩnh tâm này chúng tôi được sống với các vị bề trên tổng quyền và những vị giáo sư danh tiếng một thời của Dòng nay đã về hưu nhưng sống rất đơn sơ và khiêm nhường. Ở đây cũng hội tụ các Tu Huynh không linh mục mà đa số là người Đức là những bậc thầy về hội hoạ, nhiếp ảnh, kiến trúc… đã cống hiến cả đời mình cho Hội Dòng qua tài năng của mình. Người Việt Nam thường nghĩ là những người đi tu làm linh mục không được thì mới làm Tu Huynh nhưng đừng lầm tưởng như thế vì có những người dư khả năng để trở thành linh mục nhưng họ vẫn muốn trở thành những Tu Huynh để vừa phục vụ Chúa, vừa có thể dâng hiến cả đời mình cho nghệ thuật hay cho lý tưởng như các Tu Huynh của Dòng Ngôi Lời, Dòng La Salle, Dòng Trợ Thế Gioan Thiên Chúa… Có những giờ riêng để gặp gỡ nói chuyện và chia sẻ về đời sống nội tâm với các ngài để được các ngài linh hướng mới thấy được sự thánh thiện và thông thái của các ngài. Vị cựu bề trên tổng quyền người Đức cách đây gần 25 năm chúng tôi đã từng gặp nhau ở Việt Nam, nay ngài đã chống gậy nhưng vẫn minh mẫn và vẫn còn nhớ người vô danh tiểu tốt như chúng tôi mới thấy được các vị có một trí nhớ tuyệt vời và đầu óc sáng suốt dù tuổi đời đã gần 90. Những chuyện chúng tôi chia sẻ về đời sống cộng đoàn hay đời sống mục vụ mà đối với mình thì rất khó khăn nhưng với các ngài những chuyện ấy đều đã trải qua và các ngài giúp chúng tôi cách nhẹ nhàng để đối phó trước mọi nghịch cảnh. Cũng may ngôn ngữ mình cũng tạm đủ để nói những gì mình cần nói nên lòng cảm thấy nhẹ nhõm khi trút được những bầu tâm sự trước khi đưa ra quyết định. Chúng tôi cũng thăm viếng nghĩa trang của Dòng nơi chôn cất các thế hệ cha anh từng xây dựng Hội Dòng và có dịp khám phá những nơi thánh của Dòng mà trước đây chỉ học qua sách vở hay chỉ thăm thoáng qua. Nhìn trên bia mộ ghi danh tên tuổi cũng như ngày sinh và ngày tử của các bậc tiền bối vang bóng một thời nhưng nay nằm sâu trong lòng đất mới thấy cuộc sống con người thật mỏng manh. Nhớ lời Thánh Vịnh 48 nói về của đời phù vân, có viết: “… Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn. Thật nó chẳng khác chi, con vật ngày kia cũng phải chết”. Qua những cuộc tĩnh tâm mới làm cho lòng mình lắng đọng mà biết suy nghĩ về chuyện đời, chuyện người. Và cũng chính nhờ những cuộc tĩnh tâm giúp chúng tôi khám phá ra con người thật của mình cũng như những việc mình làm có đúng theo ý Chúa hay chỉ làm theo ý mình.

Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi như lời Kinh Thánh đã nói nhưng khi ai đó lìa khỏi cõi đời này, nhất là những người thân yêu của chúng ta thì thường làm chúng ta rơi lệ. Dẫu biết cuộc sống là vô thường nhưng ai cũng muốn sống lâu, sống thọ nhưng rồi một lúc nào đó chúng ta phải dừng cuộc chơi ở cõi tạm này. Tin Mừng Chúa Nhật 32 thường niên C vừa qua là câu trả lời rõ ràng nhất về cuộc sống mai hậu nơi mà con người sống như những thần linh và không còn phải lo cơm áo gạo tiền, chết chóc hay cưới xin nữa vì Thiên Chúa là tất cả, Người là Thiên Chúa của những người sau khi hoàn tất cõi tạm này đáng được hưởng vinh quang với Người trên thiên quốc. Người là Thiên Chúa của người sống chứ không phải của người chết.

Hôm nay là lễ giỗ người Mẹ thân yêu chúng tôi qua đời cách đây 7 năm khi tôi còn đang làm việc ở Paraguay. Sự ra đi đột ngột của nguời Mẹ hiền là một cú sốc rất lớn với tôi dù chúng tôi biết rằng sớm muộn gì thì ai cũng phải chết. Bảy năm trôi qua nhưng trong lòng chúng tôi ngày nào cũng nhớ đến người Mẹ hiền và nhiều lúc trong mơ cũng nhớ về Mẹ với những ngày tháng được Mẹ quan tâm, chăm sóc, nhất là ngày Mẹ lo lắng đến lã nguời khi chúng tôi bị nhiễm trùng máu lúc được giải phẫu ở bệnh viện cách đây gần 30 năm. Chỉ có Mẹ là nguời luôn yêu thương, tha thứ và cho đi tất cả dù Mẹ chẳng có gì. Bởi thế, những ai còn có mẹ hãy biết yêu thương, quan tâm đến mẹ mình nhiều hơn vì mẹ chính là viên ngọc quí, là thiên thần hộ mệnh của những người con dù khi tuổi của các mẹ ở xế chiều đôi lúc có làm phiền lòng con cái. Đời sống tu sĩ truyền giáo lắm lúc cũng gặp những khó khăn, cạm bẫy và những lúc ấy rất cần đến mẹ để giãi bày tâm sự cho vơi đi vì mẹ chính là người đáng tin nhất nhưng tiếc thay mẹ không còn trên cõi đời này nữa. May thay chúng tôi còn có nguời Mẹ Hiền trên thiên quốc và chính nguời Mẹ này luôn từng bước dìu đắt chúng tôi và nâng đỡ tôi những lúc tôi vấp ngã. Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với con trong suốt hành trình nơi duơng thế này. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

. Hòa Lan, 11 tháng 11 năm 2019- Giỗ 7 năm của người Mẹ thân yêu

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
VietCatholic TV
Huân chương dành cho nữ tu tháp tùng Nguyễn thị Tường Vân và 17 tử tù đến giá treo cổ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:10 11/11/2019
Trong chương trình này, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em câu chuyện một nữ tu đồng hành cùng các tử tù đến đoạn đầu đài trong suốt 40 năm qua.

Trong bản tin đánh đi từ Singapore, hôm 6 tháng 11, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết sơ Gerarda Fernandez, 81 tuổi, đã được chính phủ nước này trao tặng huân chương sau 40 năm đồng hành cùng các tử tù đến đoạn đầu đài. Đài BBC cũng công bố sơ là một người nữ trong số 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Các nhân viên cảnh sát Singapore là những người có lòng mộ mến sơ một cách đặc biệt. Đưa một tù nhân lên đoạn đầu đài không phải là một điều dễ dàng. Nhiều người giẫy giụa, phản kháng, khiến cho các nhân viên cảnh sát phải dùng đến bạo lực. Nhưng bạo lực đối với một người sắp chết để lại các vết thương sâu xa trong lòng họ. Nhờ có sơ Fernandez, công việc của họ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và đặc biệt các tử tù không mất hết các hy vọng vào cuộc sống mai hậu.

Thật thế, năm 2005, sơ tháp tùng cho đến phút cuối cùng của một phụ nữ Việt Nam tên Nguyễn Tường Vân. Vân bị bắt về tội chuyển vận ma tuý khi quá cảnh tại phi trường Changi của Singpore. Sau các cuộc chuyện trò với sơ Fernandez, Vân đã theo đạo Công Giáo. Trên đường từ phòng giam đến pháp trường, Vân cười thật tươi và cùng hát với sơ Fernandez bài Amazing Grace. Câu chuyện về tình bạn giữa sơ Fernandez và Nguyễn Tường Vân được dựng thành phim gây xúc động cho nhiều người.

Sơ Fernandez đã bắt đầu việc tháp tùng các tử tù từ năm 1981 khi Catherine Tan Mui Choo, một phụ nữ trẻ được sơ nuôi từ nhỏ trong một cô nhi viện, bị tuyên án tử hình.

Adrian Lim là một người đàn ông quỷ quyệt và bất chấp thủ đoạn. Y tổ chức một mạng lưới mê tín dị đoan chấn động Singpore trong nhiều năm trời. Y thu phục hơn 40 người phụ nữ làm vợ và làm tay sai cho y trong các trò lừa đảo. Tan Mui Choo là một trong 40 người phụ nữ ấy. Tòa tuyên án tử hình Adrian Lim, Tan Mui Choo và Hoe Kah Hong, cũng là một trong số các bà vợ của Lim vì can dự vào việc giết chết 2 trẻ em.

Sơ Fernandez đã xin được vào thăm Tan Mui Choo và tháp tùng người phụ nữ này cho đến nơi bị treo cổ. Từ đó, sơ thấy ơn gọi của mình là cứu vớt linh hồn các tử tù tại Singapore.

Sơ Gerarda, sinh năm 1938, nói với thông tấn xã Fides rằng: “Tôi được sinh ra và lớn lên từ một gia đình coi trọng đức tin và âm nhạc. Chúng tôi đã ca hát và chơi nhiều nhạc cụ khác nhau. Trong các cuộc hội họp và phụng vụ Chúa Nhật, chúng tôi được mời gọi dành trọn tâm trí cho việc cầu nguyện bằng âm nhạc. Ba chị em chúng tôi đều là những nữ tu sống đời thánh hiến”.

Trong 40 năm qua sơ tập trung vào việc thăm viếng các tù nhân, những khoảnh khắc mà sơ cho là “đặc biệt”, vì được gần gũi với các tử tù trong trại Changi ở Singapore, chỉ cách phi trường quốc tế này một đỗi bằng 2 phút lái xe.

“Tình yêu của Chúa thôi thúc chúng ta vượt xa mọi sự hiểu biết bình thường: đây là một thông điệp mà sơ để lại cho các tử tù”.

Nói về công việc của mình, sơ lưu ý: “Hầu hết tất cả những người đối diện với án tử, thường có tâm lý phản kháng. Nhưng nhờ lòng thương xót của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã hiện diện và làm thay đổi những giây phút cuối cùng của cuộc đời họ. Đây thực sự là một phép lạ sống động của ơn hoán cải và biến đổi trái tim. Thiên Chúa, vị Mục tử tốt lành đã tìm thấy con chiên của mình. Tôi vui vì có đặc ân được ở bên họ trong những giây phút cuối cùng của cuộc lữ hành trần thế của họ”.

“Lời kêu xin Chúa đồng hành với những tử tù dễ bị tổn thương này nhắc nhở tôi hàng ngày rằng Chúa yêu thương chúng ta trước” và Ngài trao ban cho chúng ta “ơn chữa lành và tha thứ qua tình yêu của Ngài”. Một kẻ đã từng giết người, trước khi bị hành quyết, đã nói với sơ: “Sơ đừng lo cho con vì con biết Chúa yêu con! Sáng mai con sẽ gặp Chúa mặt đối mặt”.